Cuốn sách dường như nằm trong khoảng chín muồi trên con đường viết lách của An Ni Bảo Bối. Càng đọc, người ta càng thấy một nỗi day dứt không yên trong lòng tác giả.Đọc sách cũng như soi lại mình, mỗi người đều phải gánh lấy gánh nặng riêng. Một phụ nữ tha hương đang hoài niệm trong thế giới thực. Một cô gái trẻ hình thành trong tưởng tượng hư ảo. Hai người xa lạ, sinh sống ở những không gian thời gian tách biệt, không hề hay biết đến sự tồn tại của nhau, đã luân phiên bước qua cuốn sách này, để đến cuối cùng, tương phùng tương ngộ nhờ ngòi bút của một người đàn bà viết. Sau lưng họ là tiếng mưa chạm xuống biển khơi. Là cây cầu cổ xưa đã tiêu tan cùng phong hoa thời đại cũ. Là cả những người đàn ông không nên yêu nhưng đã án ngữ ở một chỗ vĩnh hằng trong tâm hồn họ. Họ đẩy lại hết, băng mình vào những chuyến đi xa. Mỗi điểm đến mới là một cánh cửa dẫn họ lại gần với nội tâm, với sự nhận biết bản thân, với nguồn cội khai sinh… Đi và soi lại mình trong thế giới, cũng soi cả thế giới bằng tâm hồn mình. Những chuyến di chuyển vật chất của họ, bởi vậy cũng chính là cuộc du hành của tâm tưởng. Những năm gần đây An Ni Bảo Bối sáng tác đã thưa đi, nhưng tinh thần về viết và đi của cô vẫn quán xuyến như nhất trong từng tác phẩm. Vẫn những mối tình và trắc trở của cuộc sống thành đô. Những đàn ông đàn bà cô đơn và khao khát. Những dục vọng phải đánh đổi và trả giá. Những linh hồn vừa tỉnh táo vừa đa cảm. Cùng những bất an không nơi xoa dịu. Đi để tìm kiếm. Viết để chiêm nghiệm. Trang sách để sẻ chia, không kêu gọi, nổi loạn, nhưng vẫn thẳm sâu, nhẹ nhàng, đằm thắm… Xuân yến. Có lẽ, sau những hành trình tìm kiếm và lãng quên, một bữa tiệc mùa xuân là cần thiết, hầu thanh tẩy những bụi bặm tổn thương, đặt tình yêu vào tay con người trong hình dáng tinh khôi và nguyên sơ nhất.*** Ngòi bút của An Ni bên ngoài thì mềm mại như nước chảy nhưng không hề khoan nhượng, không bỏ qua bất cứ ngóc ngách sâu kín nào của tâm tư, từng chút từng chút bóc trần chân tướng, lạnh lùng phơi bày sự tồn tại chân thực của con người, đời sống và các mối quan hệ. An Ni chưa bao giờ tỏ ra khoan nhượng hay chùn tay dù những phân tích, bóc tách, lột trần của cô ẩn sâu dưới những lời văn mượt mà thẳm sâu, không hề phô trương, lặng lẽ chảy trôi mà có sức thẩm thấu, gột rửa bền bỉ, đồng thời cũng trong trẻo, sắc lạnh và đau đớn vì nhìn thấu, giống như ý nghĩa chữ “Lẫm” mà nhân vật Tín Đức xăm trên gáy. An Ni cũng không ngại ngần phơi bày những khía cạnh khuất lấp đằng sau sự ra đời của một tác phẩm, quá trình sáng tác đầy đau đớn song cũng đầy khoái cảm của nhà văn. Tác giả quyết liệt phủ nhận những danh xưng hào nhoáng mà người đời gán cho nghề viết và cách nhìn nhận mang tính bề nổi về nó. Với cô, viết là một hành vi đầy tính cá nhân, đồng thời cũng là một hành vi mang tính nhận thức của bản thân người viết “về mối quan hệ giữa con người với bản thân và với ngoại giới trên cơ sở thể nghiệm tình cảm và hành động.” Với ý nghĩa này, bản thân độc giả và chính nhân vật chẳng phải cũng là tác giả của chính cuộc đời mình hay sao?! An Ni Bảo Bối sáng tác đã mười năm. Xuân yến dường như nằm trong khoảng chín muồi trên con đường viết lách của cô, vì thế càng đọc càng thấy một nỗi day dứt không yên trỗi dậy trong lòng, càng đọc càng thấy như một mạch nước ngầm âm ỉ rỉ mãi thấm mãi… *** Nhận định “Cuối cùng thì vẫn ở lại. Chẳng đi đâu cả. Không thể dễ dàng vứt bỏ mọi thứ. Bởi không đảm đương nổi những hệ lụy, không đủ dũng cảm và sự trơ lỳ cảm xúc để thực hiện. Tiểu thuyết cũng chỉ là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không thể là đời thường. Và đọc An Ni Bảo Bối, có chăng để thỏa những chuyến đi mộng tưởng, những cuộc tình hư ảo đau thương? Nếu ai từng nuôi trong lòng một thú đau thương, một khoái cảm thường trực với sự cô độc và lìa bỏ, sẽ dễ dàng đồng cảm với những trang viết này.”(Lê Ngọc Phương