Cuốn sách là công trình biên khảo bằng tiếng Pháp của Marcel Gaultier được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn vào năm 1933.
Marcel Gaultier (1900-1960) là nhà văn đồng thời là biên tập viên cho Ban Dân sự của Đông Dương. Ông để lại cho đời hơn mười tác phẩm, trong đó có ba tiểu thuyết, còn lại là hồi ký và những nghiên cứu sử học về các vị vua triều Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng và Hàm Nghi. Trong số đó, Gia-Long (Vua Gia Long, 1933) là tác phẩm đầu tay về nghiên cứu sử học với đề tựa của Pierre Pasquier, Toàn quyền Đông Dương.
Đây là công trình viết về Gia Long – Nguyễn Ánh, vị vua đầu tiên cũng là người mở ra vương triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, cũng đồng thời là một nhân vật tạo nên nhiều tranh luận, đánh giá.
Trong tác phẩm nghiên cứu đầu tay Gia-Long, Marcel Gaultier mong muốn trình bày toàn cảnh lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc mãi cho đến năm 1802 – thời điểm Việt Nam được thống nhất sau bao nhiêu năm chia rẽ, chiến tranh, sau đó là giai đoạn xây dựng và hàn gắn đất nước trong truyền thống Á châu, khép lại với những quan hệ phương Tây vốn đã hình thành từ nhiều năm trước đó.
Tác phẩm cho chúng ta những thông tin về những sự kiện lịch sử trong nước và nhất là ngoài nước vào những thế kỷ XVII, XVIII hoặc XIX. Độc giả trong nước hiểu được cái nhìn từ bên ngoài về tình hình Việt Nam, những nỗ lực tiếp cận và những nhận định không hẳn chính xác nhưng đã góp phần làm nền tảng tư tưởng cho những cuộc can thiệp về sau của phương Tây trên nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
+TRÍCH ĐOẠN HAY:
“Vào năm 1802, sau khi giành lại Huế, mở ra triều đại Gia Long, vị vua họ Nguyễn này mới có thể đo đếm đoạn đường đã qua, kể từ lúc cuộc nổi dậy của Tây Sơn khiến ông trở thành một ông hoàng đào tị lang thang đây đó sau những trận chiến trong vùng châu thổ Nam bộ. Hai mươi lăm năm thử thách đã trui rèn nên tâm hồn quả cảm. Tuổi trẻ sớm chín muồi trong bất hạnh, đã nếm qua mọi gian truân, đã từng biết mọi thứ ruồng rẫy. Giờ đây dòng họ, đã được khôi phục trên ngai vàng, được củng cố trong toàn bộ quyền hạn lịch sử, và rồi chỉ sau một trận chiến chóng vánh ở Bắc kỳ, cả ba kỳ cùng nói tiếng An Nam được thống nhất dưới cùng một pháp chế. Nhưng còn cần phải xây dựng lại. Là chiến binh, Gia Long đã từng biết chiến thắng; là hoàng đế, ông còn biết xây dựng. Nhiệm vụ thì bao la, nhưng không hề quá nặng với đôi vai mình, và ông sẽ tự chứng tỏ sự vĩ đại trong những công trình của thời bình như đã từng chứng tỏ trong thời chiến tranh.”
– Lời tựa (Pierre Pasquier)
“…Gia Long, vị vua châu Á đã hành xử như một vị vua châu Á. Khi thì uyển chuyển, khi thì khiêm tốn, thoắt ẩn thoắt hiện, tuyệt vời và tàn độc, nhà vua mang dấu ấn của thời đại mình và những thử thách hoang đường của cuộc sống phi thường. Lên ngai vàng sau nhiều năm chiến đấu, thất vọng và đau đớn thể xác, nhà vua trả thù không thương xót những kẻ địch đã buộc mình phải trải qua một tuổi trẻ bi thảm trên những hòn đảo hoang. Đã sống như một chiến sĩ, ông nắm lấy vương quyền và trừng phạt bằng tư cách của một chiến sĩ. Dân chúng tin rằng ông giữ mối khinh bỉ sâu xa đối với những thủ lĩnh từng hống hách thống trị đám dân thường thụ động.
Tâm lý của nhà vua vượt qua hiểu biết của những người châu u chung quanh mình bởi lẽ họ tìm đến phục vụ nhà vua vì quyền lợi cá nhân hoặc tôn giáo. Tất cả bọn họ đều quy những vấn đề thời đại thành những câu hỏi về con người hay dòng họ.”
– Chương IV
“…Những người kế nghiệp vua Gia Long, trong cuộc kháng cự ngạo nghễ đối với mọi hoạt động quốc tế, tưởng rằng được an toàn trước những âm mưu của các cường quốc phương Tây nhờ vẻ ngoài hoa mỹ tráng lệ nhưng chao đảo của một tổ chức xưa cũ của họ. Họ không hiểu được rằng, sự bền vững của quyền lãnh đạo quốc gia trước hết đòi hỏi phải có sự hòa hợp của những nguyên tắc với sự vận động bất khả kháng của cuộc tiến hóa toàn cầu và chẳng bao lâu những thể thức lỗi thời trong đường lối ngoại giao của họ sẽ trở nên bất lực để giữ gìn ở An Nam bản sắc dân tộc và sự toàn vẹn bề mặt mà vì thế họ đã chiến đấu trong suốt nhiều thế kỷ qua.”
Chữ “duyên” với công trình biên khảo lịch sử Vua Gia Long của Marcel Gaultier
Công trình biên khảo Gia-Long (Vua Gia Long) viết bằng tiếng Pháp của Marcel Gaultier xuất bản tại Saigon vào năm 1933, đến nay cũng đã 86 năm trời, nó vẫn hiện diện đâu đó trong lớp bụi thời gian, rồi tình cờ đến với thầy giáo dạy Pháp văn Đỗ Hữu Thạnh, người từng tu nghiệp dạy tiếng Pháp ở Pháp quốc. Ông đọc và cảm thấy hứng thú về một nhân vật lịch sử nổi tiếng mở đầu cho triều Nguyễn, nên bỏ công ròng rã mấy tháng trời chú tâm dịch, mong nó có cơ hội ra mắt bạn đọc vào dịp 200 năm ngày mất của vua Gia Long.
Dịch giả đã cẩn trọng, tỉ mỉ, tận tâm, và nỗ lực lớn trong việc chuyển ngữ một công trình nghiên cứu lịch sử Việt vốn khó dưới
(thiếu trang 15 trong bản sách in???)
Riêng về công trình sử học, ông tìm thấy hứng thú về các nhân vật lịch sử đứng đầu triều Nguyễn. Hai công trình đặc biệt ông dành viết về hai vị vua mở đầu triều Nguyễn là Vua Gia Long (1933) và Vua Minh Mạng (1935). Riêng cuốn sau được giải thưởng Therouanne của Viện Hàn lâm Pháp trao cho công trình sử học hay vào năm 1937. Hai công trình biên khảo cuối ông dành cho nhà vua yêu nước Hàm Nghi, xuất bản vào năm 1940 và 1959.
Vua Gia Long được ông viết năm 32 tuổi, sau hơn mười năm đến Việt Nam làm viên chức biên tập ở Nha Dân sự vụ, dành tặng Toàn quyền Pierre Pasquier. Lời đề tặng này như một ngụ ý bóng gió về việc vua Bảo Đại hồi loan sau mười năm học tại Trường Khoa học Chính trị ở Paris, đang muốn canh tân nội các theo mô hình phương Tây trong sự hợp tác cùng vị Toàn quyền Đông Dương Pasquier vốn có quan hệ thân tình với vua Khải Định.
Công trình Vua Gia Long có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, Gaultier viết về nhân vật lịch sử Việt, dưới nhãn quan người Pháp/phương Tây với cái nhìn kẻ khác, cái nhìn bên ngoài, so với cái nhìn bên trong của sử Việt do người Việt trong nước viết, với hệ thống tư liệu bằng tiếng Pháp, phần đông do người Pháp viết, đặc biệt là kho tư liệu với các thư từ, hồi ký, tường thuật của các giáo sĩ Hội Thừa sai Hải ngoại Paris do linh mục Cadière tập hợp, sưu tuyển. Lối biên khảo sử của ông chịu ảnh hưởng từ lối biên khảo sử của Pháp, một mặt chú ý tính khách quan, xác thực, với sự tôn trọng các sự kiện, nhân vật lịch sử, và các nguồn dẫn liệu khá xác đáng; mặt khác, bên cạnh tính độc đáo là góc nhìn khá chủ quan của tác giả trong chọn lựa sử liệu, các vấn đề luận bàn, trong các khái quát, suy diễn, đánh giá. Ông thường nhìn sử Việt trong mối quan hệ rộng lớn của bình diện quốc tế với những ván cờ tranh đoạt của thế lực thương mãi và thực dân của các nước Âu châu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan giành thị trường buôn bán và giành thuộc địa đối với các nước Á châu và đặc biệt với mối quan hệ của các sự kiện, nhân vật lịch sử Pháp.
Thứ hai, công trình biên khảo về vua Gia Long chịu ít nhiều tư duy của lối viết sử thuộc địa đề cao vai trò của người Pháp, nhất là vai trò cố vấn của Giám mục Bá Đa Lộc cũng như ảnh hưởng quyết định của nhóm sĩ quan, binh lính Pháp giúp vua Gia Long tổ chức quân đội và khí tài theo kiểu phương Tây chống Tây Sơn và xem đó như là nhân tố quyết định thắng lợi. Mặt khác, qua sự hợp tác có hiệu quả giữa giám mục này và vua Gia Long, hình như Gaultier đề cao tư tưởng “Pháp – Việt đề huề”, hợp tác cùng tiến bộ, chủ yếu dưới sự bảo trợ, cố vấn của Pháp trong thời kỳ thuộc địa. Gaultier cũng đánh giá tính hai mặt của vua Gia Long trong việc hợp tác, sử dụng người Pháp; một mặt rất thân tình biết ơn, trọng dụng; mặt khác, luôn cảnh giác, nghi ngại những mưu đồ của họ.
Thứ ba, do có một nhân vật chính người Pháp là giám mục Thiên Chúa giáo với ý đồ và tham vọng truyền đạo, hơn thế nữa, các tư liệu đa phần là của các giáo sĩ nên nhãn quan Thiên Chúa giáo chi phối ít nhiều trong lăng kính sử gia này, dù có khi ông rất sáng suốt trong vấn đề đối thoại tôn giáo giữa phương Tây và phương Đông, nhất là vấn đề thờ cúng tổ tiên và các đạo giáo truyền thống.
Thứ tư, những mảng lịch sử thu gọn của đất nước Champa và Cao Miên được khảm rất khéo trong mối quan hệ của cuộc Nam tiến nhà Nguyễn được tác giả viết ở Chương I và Chương IV.
Thứ năm, cái nhìn so sánh và đối chiếu giữa hai mô hình quản lý đất nước theo kiểu phương Tây và mô hình quản lý theo kiểu truyền thống phương Đông, điển hình theo kiểu Trung Quốc, luôn chi phối ít nhiều trong việc đánh giá các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử, nhất là việc vua Gia Long chọn mô hình nào, và chọn người kế vị là Hoàng tử Đởm (hay Đảm) mà không chọn hậu duệ của Đông cung thế tử Cảnh. Sự so sánh này cũng ngấm ngầm trong lúc miêu tả, phân tích luật Gia Long của tác giả.
Thứ sáu, trong diễn ngôn lịch sử và tự sự lịch sử, Marcel Gaultier sử dụng chính là người tường thuật hàm ẩn khách quan ngôi thứ ba, nhưng kết hợp rải rác với người tường thuật nhân chứng ở các thư từ xưng “chúng tôi”, hoặc “tôi” với sự đa dạng các điểm nhìn tường thuật, khi thì thông qua lăng kính của Giám mục Bá Đa Lộc, khi thì thông qua các lăng kính của giới chính trị và quân sự Pháp, khi thì thông qua lăng kính chứng nhân của các vị linh mục, các thông ngôn, và đặc biệt thông qua lăng kính Nguyễn vương và lăng kính dư luận của các văn thân và võ quan Việt. Các lăng kính này như đối thoại lẫn nhau, tạo ra tính đa thanh nhiều chiều cho công trình sử học Vua Gia Long. Bên cạnh đó, những bình luận khá sắc sảo của tác giả về Giám mục Bá Đa Lộc, về Hoàng tử Cảnh, về vua Gia Long, và vua Minh Mạng sau này tạo thêm một nét nhấn khá đặc sắc cho tập biên khảo lịch sử này.
Thứ bảy, về cấu trúc, cuốn biên khảo được tổ chức thành bốn chương. Chương I là chương khái quát về một lịch sử Việt Nam thu gọn trong mối quan hệ với Trung Quốc, Champa, các thương gia và giáo sĩ phương Tây, sự truyền giáo và sự bách hại họ ở cả xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài vì xung đột tôn giáo và xung đột văn hóa, và các xung đột chính trị bên trong, Trịnh – Nguyễn, cuộc nổi dậy của Tây Sơn… là chương viết thú vị thể hiện rõ cái nhìn viết sử bên ngoài. Chương II và Chương III, tác giả tường thuật song song vai trò và truyện kể hai nhân vật Bá Đa Lộc và Nguyễn vương trong sự vận động của cuộc chiến với Tây Sơn và chính trường Pháp (nhất là ở Chương II). Chương IV là việc lên ngôi của vua Gia Long, âm hưởng cuối của cuộc chiến và việc cai trị, tổ chức bộ máy hành chính, luật pháp, đối ngoại, lòng dân và tiên tri về sự thất bại của mô hình quản lý đất nước theo kiểu truyền thống và bế quan tỏa cảng trước làn sóng tìm kiếm thuộc địa và thương mãi, cũng như truyền đạo Thiên Chúa của phương Tây.
Tóm lại, tôi nhận thấy đây là một công trình biên khảo về vua Gia Long và lịch sử Việt triều Nguyễn có những thành tựu đáng kể trong thời điểm bấy giờ, bên cạnh đó cũng có những hạn chế nhất định. Hạn chế này có lẽ do quan điểm, lối viết sử thuộc địa. Nhưng trong chừng mực tương đối, công trình biên khảo này khá hữu ích với cái nhìn về một chiều kích về vua Gia Long và triều Nguyễn, mà hiện nay đang cần được đánh giá lại, xem xét đa chiều, mang tính đối thoại giữa các lối viết sử khác nhau có nhãn quan và quan điểm khác nhau.
Tôi cho rằng Vua Gia Long là một công trình khá hấp dẫn để tham khảo, vì nhà viết biên khảo sử đồng thời cũng là nhà văn, và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cả nước.
Tôi cũng hân hạnh cám ơn dịch giả và Omega+ đã dành cho tôi niềm vinh dự được viết lời giới thiệu có phần chủ quan này.
Huế. Mùa đông. Ngày 14 tháng 12 năm 2019
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngữ văn Bửu Nam
Chân dung vĩ đại của hoàng đế Gia Long ngự trị từ trên cao, trong toàn bộ lịch sử đất nước An Nam1 và cho đến ngày nay2, không gì có thể làm mờ nhạt đi những đường nét hay làm giảm sút vẻ nổi bật của khuôn mặt ấy. Thời gian, vẫn thường phủ lớp màn quên lãng lên những tiếng tăm lừng lẫy, đã giữ lại mọi hào quang cho danh tiếng của người lập nên triều đại này.
Vào năm 1802, sau khi giành lại Huế3, mở ra triều đại Gia Long, vị vua họ Nguyễn này mới có thể đo đếm đoạn đường đã qua, kể từ lúc cuộc nổi dậy của Tây Sơn khiến ông trở thành một ông hoàng đào tị lang thang đây đó sau những trận chiến trong vùng châu thổ Nam bộ. Hai mươi lăm năm thử thách đã trui rèn nên tâm hồn quả cảm. Tuổi trẻ sớm chín muồi trong bất hạnh, đã nếm qua mọi gian truân, đã từng biết mọi thứ ruồng rẫy. Giờ đây dòng họ, đã được khôi phục trên ngai vàng, được củng cố trong toàn bộ quyền hạn lịch sử, và rồi chỉ sau một trận chiến chóng vánh ở Bắc kỳ, cả ba kỳ cùng nói tiếng An Nam được thống nhất dưới cùng một pháp chế. Nhưng còn cần phải xây dựng lại. Là chiến binh, Gia Long đã từng biết chiến thắng; là hoàng đế, ông còn biết xây dựng. Nhiệm vụ thì bao la, nhưng không hề quá nặng với đôi vai mình, và ông sẽ tự chứng tỏ sự vĩ đại trong những công trình của thời bình như đã từng chứng tỏ trong thời chiến tranh.
Lúc hãy còn rất trẻ, khi phải trốn chạy trước những kẻ nổi loạn, là ông hoàng không ngôi, vị tướng không quân đội, số phận may mắn đã khiến ông trên đường gặp được Giám mục Adran3. Cuộc gặp gỡ này đã quyết định những số phận long đong của đất nước. Quả vậy, dẫu quá gắn bó với đạo lý của truyền thống Trung Hoa xưa cũ, An Nam không thể lâu dài đứng bên ngoài những trào lưu lớn của nền văn minh Âu châu đã mang lại cho đất nước này, với tư tưởng phương Tây, một sức mạnh mới. Rằng một thủ lĩnh Á Đông, từ thời buổi ấy, đã ý thức được tính định mệnh của lịch sử, ắt không phải là một tài năng tầm thường. Ngoài ra, một khuynh hướng hỗ tương đã thu hút người này đến với người kia, nhà vua tương lai và Pigneau de Béhaine. Những mối dây bằng hữu chẳng bao lâu đã nối kết hai con người lại với nhau và chính khi đó, sự hợp tác hiệu quả trước kia giữa Pháp – An Nam đã gặp phải thử thách đầu tiên.
Ai lại không bị thu hút bởi vẻ huy hoàng của triều đại hoành tráng ấy? Ông Marcel Gaultier là một trong số những người đã bị chinh phục bởi sức cuốn hút mạnh mẽ đó. Miệt mài trên những trang biên niên sử của vương quốc, ông ấy cũng muốn mang lại sự đóng góp cá nhân vào lịch sử của triều đại. Đây quả là một ý định mang tính táo bạo sau những nghiên cứu lớn lao được coi là những tác phẩm hoàn chỉnh về hoàng đế Gia Long. Chỉ còn biết ngợi khen tác giả hơn nữa khi đã dám làm và đã thành công. Quả tình, công trình này không có ý định mang lại một tia sáng mới mẻ về một thời kỳ mà những giai đoạn khác nhau đều đã được phân tích với tất cả sự nghiêm túc của nền khoa học hiện đại, nhưng ở đây ta có thể theo dõi trong một sự trình bày rất rõ ràng và rất độc đáo diễn tiến của những sự kiện tiếp nối nhau ở đất An Nam từ năm 1775 đến năm 1820.
Nhân vì Marcel Gaultier muốn mến tặng tôi tác phẩm của ông, tôi xin được phép, để kết thúc, trình bày một lời chúc. Với tất cả tấm lòng, tôi mong rằng độc giả An Nam sẽ xem cuốn sách này như một món quà thành kính của tình thân hữu Pháp quốc dâng lên trước bia mộ của Đại Hoàng đế.
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1932
Pierre Pasquier
Toàn quyền Đông Dương
Mời các bạn đón đọc Vua Gia Long của tác giả Marcel Gaultier.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn