Vỡ Tổ

Vỡ Tổ

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Cuốn tiểu thuyết ngắn Vỡ tổ (tựa tiếng Anh là The Broken Nest hay Nashtanir theo tiếng Bengalcủa Rabindranath Tagore ra mắt lần đầu năm 1901 và được đăng nhiều kì trên tờ tạp chí Bharāti [1]. Năm 1909, ông đưa truyện này vào một tập truyện ngắn chọn lọc, và năm 1926, lần đầu tiên Vỡ tổ có mặt trong tuyển tập chính thức các tiểu thuyết ngắn của ông. Bản này là bản dịch tiếng Anh đầu tiên của tác phẩm. Việc The Broken Nest chậm đến với bạn đọc phương Tây như vậy vừa lạ lùng vừa đáng tiếc, vì đây là một trong những tác phẩm hư cấu hay nhất của Tagore. Cuốn truyện lại càng nổi bật hơn nữa vì lần đầu tiên nó xuất hiện bằng tiếng Bengal tại một thời điểm mà truyện ngắn hiện đại như một hình thức văn học đặt ra những câu hỏi sâu xa mà không nhất thiết đưa ra câu trả lời, một thể loại tương đối mới cả ở Ấn Độ lẫn phương Tây. Trong lúc đó, tiếng Bengal đang có nguy cơ thất bại trong cuộc đấu tranh để được thừa nhận như một phương tiện ngữ ngôn văn học nghệ thuật nghiêm túc. Giải thích lí do cho cuộc đấu tranh này và vai trò của Tagore trong đó sẽ cho thấy rõ ý nghĩa văn học và lịch sử của The Broken Nest. Vào đầu thế kỉ 19, văn xuôi Bengal thực ra không tồn tại. Tiếng Bengal chắc chắn là ngôn ngữ nói hằng ngày ở Bengal, nhưng nó không được xem trọng cả trong đời sống lẫn văn học. Người Thổ Nhĩ Kì xâm lược Ấn Độ vào cuối thế kỉ 12 đã mang theo họ tiếng Ba Tư, mà người Ấn thấy dễ học hơn tiếng Ả Rập. Cho đến năm 1834, khi tiếng Anh chính thức thay thế, tiếng Ba Tư vẫn là ngôn ngữ chính của chính phủ và bộ máy hành chính. Thực ra sau năm 1800, Sankrit, tổ tiên của tất cả các ngôn ngữ Ấn Âu, không có đối thủ nào đáng kể ở Bengal, trở thành một phương tiện có uy tín để biểu đạt văn học, triết học và tôn giáo. Tuy nhiên năm 1801, một nhà truyền giáo người Anh tên là William Carey đã đề xuất một chương trình ngôn ngữ tại trường Cao đẳng Fort ở Calcutta, một trung tâm đào tạo nhân viên cho công ty Đông Ấn Độ, nhà cai trị trên thực tế ở Ấn Độ. Chương trình của Carey ban đầu không có ý định dạy tiếng Anh cho người Bengal, mà dạy tiếng Bengal cho những người Anh được bổ nhiệm điều hành công việc tại các công ty ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Vì lợi ích của các học sinh này – những thường dân được huy động từ London và Edinburgh, các thành phố công nghiệp ở miền Trung và các làng mạc miền Nam nước Anh, Carey và những cộng sự người Bengal của ông đã sử dụng trong một quá trình thử và sai thô sơ nhưng hiệu quả những công cụ này cho một thứ văn xuôi-viết tiếng Bengal đã được chuẩn hóa: những cuốn sách ngữ pháp, tự điển, những qui tắc cú pháp và một hệ thống chấm câu thống nhất. Việc giáo dục văn học Anh không phải là một phần dự tính trước của chương trình này. Các tác phẩm mà Carey và các cộng sự của ông chọn ban đầu để dịch sang tiếng Bengal vì nội dung đạo đức và mô phạm hơn là những giá trị cổ điển của chúng về văn chương. Nhưng những thanh niên Bengal này, và nhiều người khác giống như họ, đang theo học ở những trường như Cao đẳng Hindu ở Calcutta, đã bắt đầu cảm thấy họ bị cách biệt quá lâu khỏi phần còn lại của thế giới. Vì vậy, họ thôi thúc các đồng sự người Anh nói về văn học Anh, dạy họ về lịch sử của nền văn học này, bày cho họ cách viết những bài xon-nê và những tiểu thuyết lịch sử. Đối thủ chính đầu tiên của Sankrit đã xuất hiện. Cuộc cạnh tranh này có những khía cạnh tâm lí và văn chương. Năm 1835, Thomas Babington Macaulay xoay được một quyết định của chính phủ, chấp thuận việc dùng tiếng Anh để giảng dạy trong các trường học ở Ấn Độ. Sau năm 1844, chính phủ qui định Anh ngữ là điều kiện cần thiết trong việc tuyển dụng người Bengal. Nhiều người trong số những người Bengal này kết luận rằng việc tinh thông ngôn ngữ và cung cách của người Anh là những nấc thang đến thành công, và họ bắt đầu vứt bỏ một cách hệ thống tất cả những gì của Bengal, kể cả tiếng mẹ đẻ của họ. Kết quả thường là đau xót hơn khích lệ, và những kẻ thực nghiệm chỉ khiến bản thân họ trở thành lố bịch trước mắt những người mà họ khao khát gây ấn tượng nhất. Những người Bengal khác, trong đó có Tagore của Calcutta, không chấp nhận kiểu thích nghi mù quáng với lối sống phương Tây. Trái lại, họ đi tìm những cách có tính xây dựng, thoả mãn để kết hợp cái mới và cái cũ. Họ hiểu biết tường tận văn học cổ điển Sankrit, nhưng họ cũng say sưa với sự huy hoàng và sôi động của văn học cổ điển Anh. Họ thống nhất hai truyền thống đó trong câu trả lời cho sự thôi thúc ngày càng mạnh khi tiến lên thế kỷ phía trước, sự thôi thúc củng cố một bản sắc văn học “không Sankrit” cũng “không Anh”, hiện đại nhưng không giả Anh, một bản sắc độc đáo, nhấn mạnh tinh thần Bengal. Còn có gì gắn bó mật thiết với ý thức về bản sắc cá nhân hơn là tiếng mẹ đẻ? Các nhà văn bị lay động bởi sự thôi thúc mới này bắt đầu dùng tiếng Bengal trong những thí nghiệm của họ với các hình thức văn học mới du nhập từ phương Tây: Tiểu thuyết, truyện ngắn hoạt kê, tiểu luận theo sự kiện, bình luận báo chí. Lúc này, cuộc đua tranh không phải giữa tiếng Sankrit và tiếng Anh, mà giữa tiếng Anh và tiếng Bengal, và nó hoàn toàn chưa ngã ngũ khi Tagore bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên của ông, có thể gọi là thật sự hiện đại, vào đầu những năm 1890. Đó là thành quả của những năm ông sống ở miền Đông Bengal, cai quản điền trang của gia đình. Tại đó, lần đầu tiên ông quan sát những chotoloc, những người ‘dân quê nhỏ bé’ của Bengal. Những câu chuyện của ông thời kỳ này tràn ngập cảm giác cay đắng về bi kịch của những con người bị lãng quên, thấp cổ bé miệng, vô danh, dưới sự thống trị của những thế lực kinh tế và chính trị cực kì xa cách, khó hiểu. Lấy những tiêu chuẩn ngày nay về phê bình tiểu thuyết để đánh giá thì nhiều truyện ngắn trong số này bị coi là yếu về kết cấu. Cái “tác động duy nhất” mà Edgar Poe nêu lên làm tiêu chuẩn cho một truyện ngắn hay thì thường bị hỏng vì những đoạn lạc đề, những kết thúc lỏng lẻo, và nhiều chỗ tác giả nhảy vào để thuyết giáo. Nhưng nói cho công bằng, những truyện hay nhất của Tagore trong những năm 1890 là một thành tựu tuyệt vời, chúng chứng tỏ rằng tiếng bản xứ Bengal và những sự kiện hằng ngày trong cuộc sống của những người dân vô nghĩa có thể kết hợp để tạo ra những tác phẩm văn chương mang tính nghệ thuật cao. Những người đàn ông, đàn bà và trẻ con tầm thường vô nghĩa, không phải những nhân vật anh hùng ca, là động lực chính trong các truyện hay nhất của Tagore. Trong tất cả những yếu tố của tiểu thuyết như nhân vật, bố cục, cốt truyện, chủ đề, Tagore nhấn mạnh vào nhân vật. Bằng những gì họ nói và làm, hay những gì họ không nói và không làm, bản thân các nhân vật không chỉ tạo nên những sự kiện bên ngoài, trong những thời gian và địa điểm đã định, mà còn ghi lại những diễn biến không nhìn thấy và thường không ngờ tới, trong trí óc và tâm hồn họ. Sự chú ý này đến các chi tiết tâm lí làm cho The Broken Nest thành một tiểu thuyết ngắn hiện đại. Đó là câu chuyện về mối quan hệ phức tạp của ba nhân vật: Bhupati – một người Bengal tuổi trung niên, Charulata – vợ anh, và Amal – em họ anh. Họ là những cư dân giàu có, nhàn rỗi của Calcutta, thành viên của Bhadralok, “những người có văn hóa” của Bengal, bắt kịp theo dòng ảnh hưởng của phương Tây; bắt kịp, nhưng theo sự phân tích cuối cùng là kém hiểu biết. Sự kém hiểu biết của họ là nguyên nhân chính của thế lưỡng nan về lịch sử, và cảm xúc của ba nhân vật này cũng là của toàn Ấn Độ trong bước ngoặt thế kỉ 19. Tagore đã cho chúng ta một bức tranh có tính giai đoạn nhưng đồng thời là phi thời gian, vì câu chuyện của Bhupati, Charu và Amal là câu chuyện về phản ứng của con người trước những biến động xã hội và trước sự khám phá đột ngột những thế giới mới của tưởng tượng. Bối cảnh của The Broken Nest là một ngôi nhà chung của nhiều gia đình, tương tự với ngôi nhà mà ở đó Tagore đã lớn lên. Ông biết tất cả những cái hay cái dở của kiểu nhà như thế, bao gồm nhiều nhánh của một gia tộc sống dưới một mái nhà, dưới quyền hành và sự bảo trợ của người cha hoặc người anh cả. Hệ thống này có vẻ cổ lỗ và tỏ ra khó đứng vững trong một thời đại thành thị hóa nhanh chóng, nhưng trong thế kỉ 19, nó giúp củng cố cơ cấu xã hội và thường cách xa điểm tan vỡ khi thực dân phương Tây đổ vào Ấn Độ qua ngả Bengal. Các gia đình duy trì những kiểu nhà như thế nhằm tìm kiếm một sự an toàn thật sự, cả về tài chính và tâm lí. The Broken Nest là một bi kịch gia đình, nhưng hiện thực chính trị bao trùm lên toàn bộ câu chuyện. Ngay ở câu thứ hai, Tagore đã ám chỉ một cách hóm hỉnh thực tế này khi ông nhận xét rằng Bhupati không phải làm việc để kiếm sống vì anh có nhiều tiền và vì anh sống ở một xứ nóng. Có lẽ những người sống ở xứ nóng sống được vì dễ dàng nhặt quả chín từ những cái cây gần nhất, nhưng phía sau đó mỉa mai, nhắc nhở đến việc hành nghề báo chí của Bhupati có tham dự vào chính trị, cho thấy bầu không khí chính trị của Ấn Độ cũng nóng như khí hậu vậy. Đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ được tổ chức năm 1885, và các lãnh đạo của Đảng đại diện cho các tầng lớp trung lưu mới, hướng theo những tư tưởng phóng khoáng của Anh. Vào thời gian Đại hội lần thứ ba họp năm 1887, thấy rõ tinh thần phục hưng đạo Hindu đang lớn dần lên chống lại ảnh hưởng của Anh. Các nhà cai trị quen nghĩ về Ấn Độ như một đất nước bị đúc khuôn bởi nền văn hóa Mughal [2] và về đạo Hindu như một tôn giáo tiêu cực nếu không phải là lỗi thời, sẽ giật mình khi thấy họ đứng trước một con phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn chưa bao giờ nguội lạnh. Cả những người ôn hoà trong Đảng Quốc Đại lẫn những nhà cai trị người Anh đều hoảng hồn vì những tổ chức khủng bố bí mật nổi lên ở Bengal và nhiều nơi khác tại Ấn Độ. Các quan chức vội vàng áp dụng những biện pháp hạn chế, nhưng đó chỉ là những vận động thử cho mưu đồ của phó vương Lord Curzon, nhằm chia tách Bengal vào năm 1905. Thực ra, việc chia tách đã là một vấn đề nóng bỏng trong vài năm trước thời điểm 1901, vì tỉnh này quá rộng để cai trị một cách hiệu quả. Vấn đề của chia tách là chính sách biên giới đang “nổi lên dữ dội” mà Bhupati, nhân vật chính của Tagore phải lo lắng trong phần đầu của câu chuyện. Khi Nashtanir được xuất bản năm 1909, sự phản đối chống lại sắc lệnh năm 1905 của Curzon không hề giảm xuống, và tính thời sự của câu chuyện vẫn còn nóng hổi. Có lẽ Lord Curzon chắc chắn đã hi vọng đóng vai Hercules và phá hoại tinh thần dân tộc bằng cách chia tách. Ông ta đã không thành công như Hercules, vì dùng chia tách để kiềm chế sự bất bình của những người Bengal khác nào dùng những lời chửi bới thô tục để chinh phục Hydra [3], và có một thời gian phe Ôn hòa và phe Quá khích đã đoàn kết về vấn đề này. Một dòng thác lũ ngôn từ, thật đúng vậy, đã giúp cho Bengal trở thành chướng ngại và phiền hà hơn với người Anh. Những người dân tộc chủ nghĩa Bengal và Ấn Độ đã nhanh chóng nhận ra rằng việc Macaulay năm 1835 ủng hộ giảng dạy tiếng Anh ở Ấn Độ đã tặng cho họ một phương tiện lý tưởng để vượt qua các hàng rào ngôn ngữ trong nước. Từ Cape Comorin đến Himalaya, người Ấn Độ nỗ lực sử dụng tiếng Anh trong các cuộc mít-tinh, trong phát biểu ý kiến và trong ấn phẩm báo chí. Trong The Broken Nest, sự nghiệp báo chí của Bhupati phần nào biểu lộ thứ tình cảm dân tộc mới này. Nhưng tính khí và học vấn của anh chàng Bhupati ngây thơ, tốt bụng ít thích hợp hơn ai hết để đối phó với thực tế của báo chí chính trị. Tờ báo của anh là một thứ đồ chơi của anh. Tagore nhân từ đã không để độc giả thưởng thức những mẫu văn xuôi làm báo của Bhupati, nhưng có thể suy đoán mà không sợ sai rằng Chính phủ Ấn Độ chẳng hề thấy trong đó có mối đe dọa nào cho Đế quốc. Việc Bhupati dính với tiếng Anh gắn liền với một khía cạnh khác của mối quan hệ văn hóa giữa Ấn Độ và Anh quốc: Đó chính là sự hồ hởi thật sự và cảm giác tự do đến từ cái nhìn lướt qua thế giới mới của một ngoại ngữ. T.S Eliot đã nói về nhân cách bổ sung mà chúng ta có được nhờ học một ngôn ngữ khác, thậm chí chỉ cần nắm được kết cấu và ngữ điệu của nó là đủ, và những xúc cảm mà thơ ca của nó chuyên chở [4]. Nhiều người Ấn Độ đã học để đọc được, tuy chưa hoàn thiện. Shakespeare và Shelley, Byron và Browning, đã say mê với tinh thần Tây phương mà trước đó họ chưa có trải nghiệm gì. “Nó đã đánh thức chúng tôi,” – Tagore nhớ lại, “và làm cho chúng tôi sống động hơn.”

Nguồn: https://thuviensach.vn