Vĩnh Long xưa và nay – Huỳnh Minh
Vào thuở quân Pháp chưa chiếm 3 tỉnh miền tây, chợ Vĩnh Long nhóm họp nơi voi đất thuộc địa phận khóm 1 Phường 5, những cư dân buôn bán, mặc toàn bà ba vải ú, bao gồm gánh gióng, thúng, mê, mẹt, ngồi rải rác chứ không hàng lối như hiện nay. Thuở đó bên Phường một hiện nay là cơ sở hành chánh cùng quân sự, dưới quyền cai quản cụ Phan Thanh Giản, giao thông chánh là xuồng ghe. Theo lời kể lại, voi đất nơi họp chợ, cách bờ sông tiền hiện tại cả trăm thước có hơn, những khi nước lớn nơi ngã ba sông Tiền và sông Long Hồ sóng rất to và chảy xiết, do vậy những ghe xuồng từ sông cái vào sông Long Hồ không cẩn thận lèo lái thường bị chìm..
Sau khi Pháp chiếm luôn 3 tỉnh miền tây, thời gian sau chợ vĩnh Long được chính quyền thuộc địa dời qua phường 1, phố phường được xây dựng từ từ chung quanh chợ cùng với hệ thống quân sự hành chánh, kể cả nơi vui chơi giải trí của người Pháp như Bungalownơi đầu ngã ba sông
Cũng từ xa xưa lắm, lưu thông từ phường 5 sang chợ phường 1 nhờ vào con đò đầu vàm, con đò với ván dầy khoảng 3 phân, dài trên 5 thước, hai bên phía trên đóng ván bản rộng dành cho khách sang sông ngồi khi xuống trước, ai xuống sau phải đứng khi nơi ngồi kín khách, bánh lái sau được cố định bằng dây chằng hai bên, một tay chèo phía trước. Vào năm 1960, người chèo là ông già câm, dáng thấp ốm, ở trần suốt, mặc độc chiếc quần sọt ka ki vàng, loại của quân đội Pháp mặc khi xưa, quá dài quá rộng với khổ người, nên một sợi dây nịch da phần đuôi dây cong queo theo quần đến nữa lưng, thời gian này tuổi ông có hơn 60 vì tóc hói bạc, da nhăn nheo cũng nhiều. Ông chèo đò bằng cách móc ngược, lưng hướng về trước, mặt nhìn lòng đò, bàn chân chịu vào chân cột chèo, cứ vậy móc ngược cho đến bên kia sông. Thuở đó công chức, quân nhân, học sinh sang sông khỏi trả tiền, đò qua lại mỗi ngày không kể tết hay lể lộc. Thời gian sau ông Câm mất, vợ chồng anh Phú và chị Muối tiếp tay chèo, rồi hai vợ chồng này cũng chán, anh Lu cũng dân địa phương tiếp tay chèo, được một thời gian, đò nhỏ cá nhân thi nhau phát triển rất đông, đò lớn ngày xưa đành kéo lên bến từ từ mục rã.
Dưới chân cầu Bạch Đằng, bên phần đất thuộc phường 5, có tên Bến Đá với nhiều bia đá chất chồng, lớp nằm sát mé nước, lớp nằm trên bờ, ông thợ già chuyên đục chử cùng hoa văn trên bia cho thân nhân người quá cố, mình trần, cặp kính lão mà một tròng bị răn nứt vết tích do đá va đập, với cọng thun giữ kiếng cố định sau đầu, thuở những năm 1960 tóc ông đã bạc trắng rồi, ngồi đục đá suốt cạnh trại áo quan. Xích ra ngoài khoảng hơn thước, ông thợ cưa gổ súc, xẻ từng tấm theo nhu cầu áo quan của thợ đang đóng phía trong trại, ông thợ đục bia mộ vẫn trường kỳ theo năm tháng, nhưng thợ xả gổ súc đã thay rất nhiều người, có lẽ đây là công viêc tổn hao công sức nhất, ngày trước có tên riêng là thợ cưa.
Cuối dốc cầu, bên phải là đường Nguyễn chí Thanh, ngày xưa đường mang tên nhà giáo Lê minh Thiệp, nếu không đi sang phải mà đi thẳng, ngày xưa là Cầu Dài, dân cư ngụ khu vực này thành danh Xóm Cầu Dài. Cầu không do chánh quyền làm mà dân tự đóng lấy, ngang nhà ai người đó lấp ghép, cầu bằng ván ghép dọc, dài ngắn, dầy mỏng bên nhau, cao hơn mặt đất khoảng 5 tấc, nằm trên hai cọc cây, mặt cầu khoảng 6 tấc, nhà dân cư hai bên với nền nhà cao khoảng 2 đến 3 tấc thôi, do vậy thấp hơn cầu đôi ba tấc. Cầu theo nhà cư dân nên dài khoảng 600 thước có hơn, những năm 1950 cầu dù không lắc lẻo vẫn có tay gượng nằm bên trái cầu. Đất dọc theo mé sông mỗi năm lở sâu vào, nhà sát mé sông khúc còn khúc mất và chiếc cầu dài năm xưa theo đó mà đứt từng đoạn. Để bảo toàn tính mạng, tài sản và ổn định dân cư sát bờ sông tiền thuộc khóm 1 phường 5, chính quyền tỉnh cho di dời dân sống ổn định nơi khu đất làng sâu vào bên trong khoảng 200 thước. Bờ kè bê tông dài 700 thước được khởi công năm 2005, đến cuối tháng 10 năm 2007 hoàn thành, và công viên Phường Năm mở ra cho dân địa phương ngồi hóng mát cùng thể dục sáng sớm và buổi chiều chạng vạng tối..