Bạn đọc thân mến!
Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc.
Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước.
Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật – dù gây tranh cãi – tạo nên lịch sử đó.
Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay… và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội.
Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” – đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước.
Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản.
Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một trong những sản phẩm đầu tiên của dự án này.
Xin trân trọng giới thiệu.
Công ty CP Sách Alpha
Người ta gọi “giai thoại” là việc tốt, chuyện hay thường truyền tụng ở dân gian. Sách làm ngày xưa cũng có một quyển đề là “Tùy Đường giai thoại”, chép những chuyện hay trong đời Tùy Đường. Theo nghĩa chữ Pháp thì “giai thoại” (anecdote) là chuyện vặt, chuyện dật sử, có cái không đáng tin.
Nhưng quyển này thì đáng tin, tác giả thuật theo chuyện cổ nước nhà, độc giả không tốn công mà thích đọc, lại biết được nhiều chuyện hay. Đoạn thì dẫn sách ta, đoạn thì dẫn sách Tàu, sách Tây, đủ cả, y như một bài khảo cứu. Lời văn lại lưu loát, câu văn có thú vị, không đến nỗi khô khan như văn khảo cứu.
Xưa nay tôi vẫn ước ao rằng, những nhà lưu tâm đến sử học, mà có tài văn chương nên đến những chuyện hay trong sử nước ta, viết thành sách như quyển giai thoại này. Ở bên Pháp, nhờ có loại sách như thế mà có người nhân đấy xem rộng, rồi cũng làm sách, nổi tiếng sử học, hỏi ra cũng vì lúc đầu xem một quyển giai thoại, rồi sinh ra ham sử học.
Biết đâu quyển giai thoại này lại chẳng thế, rồi cũng có người xem đến, nhân đó cũng thành ra một nhà sử học văn chương.
Ngay trang đầu tập này thấy chép chuyện Huyền Trân công chúa, tác giả đề vào mục “mở mang cõi đất miền Nam buổi đầu”: lời văn giản dị, khác hẳn với lối văn chép sử, là lối văn đã nhạt nhẽo, lại rườm rà, phải chú thích xuất xứ nhiều chỗ.
Tôi theo ba quyển sử chữ nho, thuật sau đây để độc giả so sánh thì biết rằng tác giả đã tốn công phu mới viết được như thế.
Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), hiệu Hưng Long thứ 9, đời vua Trần Anh Tôn. Khi ấy đức thượng hoàng (là Trần Nhân Tôn) đã truyền ngôi cho con, ra tu ở núi Yên Tử, thường muốn lịch lãm khắp sông núi trong thiên hạ nên mới du phương, rồi sang Chiêm Thành (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, tờ 38b).
Trong khi ở Chiêm, hẹn gả Công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân (Jaya Simhavarman III). Chế Mân mới sai bầy tôi là Chế Bồ Đài (Khâm định Việt sử, quyển 8, tờ 43b) và bộ đảng hơn một trăm người (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển sau, tờ 20a) dâng biểu tiến vàng bạc, hương quý vật lạ làm lễ cầu hôn. Triều thần nước ta đều nói là không nên, duy một mình Văn túc Vương là Đạo Tái chủ trương việc gả ấy. Trần Khắc Chung thì tán thành.
Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), hiệu Hưng Long thứ 14, vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng châu Ô và châu Lý làm sính lễ. Vua Anh Tôn bèn quyết định gả em gái là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Lúc bấy giờ văn nhân trong nước phần nhiều mượn chuyện Chiêu Quân cống Hồ đặt làm thơ nôm để chế giễu.
Khi Chế Mân đã dâng hai châu cho nước ta, thì có những dân ở thôn La Thủy, Tác Hồng và Đã Bồng không phục, cho nên đến tháng giêng năm Đinh Mùi (1307) vua Anh Tôn đổi tên hai châu là Thuận và Hóa, sai quan hành khiển là Đoàn Nhữ Hài đến hiểu dụ ân đức, chọn người giỏi trong mấy thôn ấy cho làm quan, cấp cho ruộng đất cày cấy, tha thuế ba năm (Khâm định Việt sử, quyển 8, tờ 43, 44b).
Đến mùa hạ tháng 5 năm ấy (1307) vua Chiêm Thành là Chế Mân mất (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, tờ 242b).
Tháng 9 năm ấy, thái tử Chiêm Thành là Chế Đa Da (Harijitâtmaja) sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và cáo về việc tang (Khâm định Việt sử, quyển 8, tờ 45a).
Tục nước Chiêm, vua mất thì chúa hậu (Việt Nam phong sử chép là cung phi) phải vào hỏa đàn để tuẫn táng. Vua Trần Anh Tôn biết thế, sợ công chúa bị hại, mới sai quan nhập nội hành khiển Thượng thư tả bộc sạ là Trần Khắc Chung và an phủ sứ là Đặng Văn sang Chiêm Thành nói thác là điếu tang (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 6, tờ 22b).
Vua lại dặn bày mưu kế để đem công chúa về. Trần Khắc Chung sang đến nơi, nói với thế tử Chiêm Thành rằng: “Bản triều (tức Trần triều) sở dĩ kết hiếu với Vương quốc (tức Chiêm Thành) vì vua trước là Hoàn vương, người ở Tượng Lâm, thành Điển Xung, là đất Việt Thường: hai bên cõi đất liền nhau thì nên yên phận, để cùng hưởng hạnh phúc thái bình, cho nên gả Công chúa cho Quốc vương. Gả như thế là vì thương dân, chứ không phải mượn má phấn để giữ trường thành đâu. Nay hai nước đã kết hiếu thì nên tập lấy phong tục tốt. Quốc vương đây mất, nếu đem Công chúa tuẫn táng ngay, thì việc tu trai không người chủ trương. Chi bằng theo lễ tục bản quốc (nước Nam) trước hẵng ra bãi bể chiêu hồn ở bên giời, đón linh hồn cùng về, rồi mới vào hỏa đàn”.
Lúc bấy giờ các cung nữ của Huyền Trân biết rằng Công chúa sẽ bị hỏa táng, nhưng không biết làm thế nào, nhân thấy sứ nhà Trần là Khắc Chung tới, mới hát một câu rằng:
“Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi”.
Thang tức là hỏa đàn, có ý nói cho sứ ta biết (Việt Nam phong sử, tờ 42a, 42b).
Người Chiêm Thành nghe theo như lời Trần Khắc Chung… Khi thuyền công chúa ra đến giữa bể, Trần Khắc Chung đem một chiếc thuyền nhẹ cướp công chúa đem về, rồi cùng công chúa tư thông, quanh quất trên bể đi hơn một năm mới về đến kinh sư. Hưng Nhượng vương là Quốc Tảng rất ghét về chuyện ấy, hễ trông thấy Khắc Chung thì mắng rằng: “Họ tên người này không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì người này chăng!” cho nên Khắc Chung, hễ trông thấy Quốc Tảng đâu thì tránh mặt (Khâm định Việt sử, quyển 8, tờ 45b).
Vì Huyền Trân công chúa trước gả cho Chế Mân là việc bất đắc dĩ, nay lại bị Khắc Chung tư thông nên dân bấy giờ có câu ca dao rằng:
“Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm”.
Gạo trắng ví vào công chúa, nước đục ví Chế Mân, lửa rơm ví Khắc Chung (Việt Nam phong sử, tờ 43a).
Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố
Mời các bạn đón đọc Việt Sử Giai Thoại của tác giả Đào Trinh Nhất.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn