“Về nhà” là cuốn sách quan trọng nhất, “là lý do để viết bộ sách này”. Không còn loay hoay với những câu hỏi như trong đời, đâu là việc chính, đâu là việc phụ, hay sống để làm gì, cuốn sách kể lại những nhân duyên đầu tiên – kỳ quặc, lạ lùng, đáng sợ hay vui vẻ – đã đưa chị trở lại căn nhà đích thực của mình – ngôi nhà bên trong thân và tâm, “nơi tất cả các ham muốn ghi nhận, ghi nhớ, ghi chép, suy luận, tư duy, kết nối, so sánh đều dừng bặt”.
Cũng giống như hai cuốn trước, “Về nhà” được viết từ những ghi chép tỉ mỉ của tác giả về mọi việc xảy đến trong cuộc sống, và được chị tự biên tập cắt đi chỉ còn một nửa.
***
Bộ sách gồm có Bất Hạnh Là Một Tài Sản:
Bắt đầu lại từ đâu? Đây là câu hỏi thường trực của mùa hè 2010 sau khi tôi từ Chicago chuyển tới California. Ly hôn là một cánh cửa mà ngay sau ly hôn, như người loanh quanh trên ngưỡng cửa, bạn không chắc bạn vừa bước ra hay vừa bước vào. Bạn thậm chí không chắc bạn bước ra khỏi cái gì và bước vào cái gì.
Nhưng ngã ở đâu, bạn phải đứng lên ở đó. Một tuần sau khi tới San Jose, trong tình trạng tỉnh táo mà mê muội đặc thù của thời hậu ly hôn, tôi thuê nhà, nhận phòng làm việc, gặp đồng nghiệp mới, đăng ký ô tô, đổi bằng lái, mở tài khoản ngân hàng, làm tất cả giấy tờ để ổn định cuộc sống, rồi tất bật về Hà Nội giảng một khóa học ngắn về công tác xã hội với trẻ em và gia đình. Lớp học có gần trăm học viên, phần lớn là giảng viên các trường đại học hoặc cán bộ các bộ, sở, tổ chức phi chính phủ – đa phần hiểu biết hơn tôi về chính sách đối với trẻ em tại Việt Nam. Buổi đầu tiên lên lớp, tôi nhận thấy trong 98 học viên của lớp có một thành viên đặc biệt: một nhà sư mà các học viên gọi là “thầy Đạo.”
Học viên trong lớp nói rằng thầy trụ trì một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội.
“Chùa ở trong làng cổ, đẹp lắm cô ạ. Hôm nào cô vào chơi.”
Một buổi chiều, sau khi tan lớp, học viên rủ tôi đến thăm chùa. Từ trường, chúng tôi đi xe máy ra ngoại thành rồi men theo bờ sông qua một cây cầu xuống con đường đất nhỏ. Xe chạy trên đường đất hẹp dọc sông rất lâu, băng qua các làng cổ để tới một cổng sắt nhỏ dẫn vào ngôi chùa sát bờ sông. Bước qua cổng là khoảng sân rộng lát gạch đỏ có rất nhiều cây nhãn rợp bóng. Đập vào mắt tôi là hàng chục bức tượng Phật lớn bằng xi măng, mỗi tượng cao hơn hai mét, sắp hai hàng song song, chạy từ cổng về phía sau chùa. Khuôn mặt, trang phục, cách ngồi, và dáng tay của các tượng Phật này không hề giống các tượng tôi từng nhìn thấy. Phật ngồi trên tòa sen, đội mũ năm cánh, tóc dài dưới vành mũ, mắt dài nhìn hướng xuống dưới, bàn tay phải thì nắm lấy ngón trỏ của bàn tay trái ở phía trước ngực. Hàng tượng chạy ra sau chùa, ở đó là cánh đồng lớn xanh mướt và những bụi tre. Mặt trời lúc này bắt đầu xuống, hắt ánh nắng rạng rỡ lên hàng tượng Phật.
Từ bé, tôi đã luôn cảm mến cảnh chùa nhưng gia đình tôi không theo tôn giáo nào nên một năm tôi chủ yếu đi chùa vào dịp Tết chứ chưa từng tham gia lễ bái, không biết các phong tục, nghi lễ, cũng chưa từng đọc kinh. Với tôi, đạo Phật chỉ lờ mờ trong các khái niệm phổ thông như Phật Bà Quán Âm, A Di Đà Phật, Tây phương cực lạc, Phật tổ Như Lai, nhân quả, hòa thượng, Niết Bàn mà tôi chủ yếu học từ… Tây du ký. Tôi đinh ninh rằng Phật (mà ở Việt Nam còn gọi là Bụt) cũng giống Chúa hay Allah – tức một đấng quyền năng mà người ta kêu cứu khi cùng đường. Tôi thậm chí đinh ninh “A Di Đà Phật” không phải tên một vị Phật mà là câu chào thông thường của người tu hành vì trong phim Tây du ký, rõ ràng Đường Tăng gặp ai cũng chắp tay cúi đầu “A mi thò phò!.”
Lần đến chùa này là lần đầu tôi đến một ngôi chùa làng và cũng là lần đầu tôi nói chuyện trực tiếp với một nhà sư. Học viên lớp tôi đều gọi thầy Đạo là “thầy”, “sư phụ”, “cụ” hoặc “cụ chùa”, xưng con; thầy Đạo thì gọi mọi người là cô, chú, và xưng “thầy” hoặc “tôi”. Tôi không biết phải xưng thế nào nên cứ theo phép lịch sự và… dân chủ.
“Thầy Đạo cho tôi hỏi, các tượng Phật kia là thế nào ạ?”
“À, là Phật Tỳ Lô Giá Na cô giáo ạ.”
Lần đầu tiên tôi nghe thấy tên Phật này. Tôi thấy nó vừa thú vị vừa quê quê với lối phiên âm tiếng Việt.
“Thế sao tay của Phật lại thế kia ạ?”
“À, đó là ấn trí quyền.” – thầy cười.
Lại một từ nữa tôi không hiểu.
Học viên trong lớp đã lấy ghế tập trung quanh tầng trệt của một nhà sàn gỗ hai tầng nằm giữa sân chùa. Nhiều học viên từng làm cán bộ đoàn lâu năm, thường xuyên phải hoạt động phong trào nên truyện cười, thơ văn, hát hò rất giỏi. Họ kể truyện cười, đọc thơ, vè, ứng khẩu tiếu lâm khiến tôi cười nghiêng ngả. Rồi chúng tôi nói chuyện gia đình, cuộc sống. Từ đầu khóa học đến giờ, tôi chỉ nói chuyện công việc với các học viên nhưng hôm nay, tôi cảm thấy có thể nói chuyện cuộc sống riêng của tôi với họ theo kiểu “người lớn với nhau.”
“Chắc các bạn ở đây không biết chứ tôi…” – tôi mở đầu, định nói với họ rằng tôi đã từng kết hôn và bây giờ đã ly hôn.
“Ôi cô ơi, mọi người biết hết rồi” – các học viên cười, cắt lời tôi – “Lý lịch của cô thế nào, chúng nó lên mạng điều tra hết rồi cô ạ.”
“Thật à? Thế mà tôi cứ tưởng…” – tôi cố vớt vát chữa ngượng.
“Cô cứ thoải mái đi, chúng em biết hết rồi.”
Chúng tôi bắt đầu nói về tình yêu và hôn nhân. Các học viên hỏi tôi cảm thấy thế nào sau ly hôn. Tôi nói cũng tùy hôm; có hôm thì tôi thấy mình tự do, cuộc đời rộng mở trước mặt; có hôm thì tôi thấy cuộc đời tôi chỉ còn là một chuỗi ngày cầm cự với sự tuyệt vọng không đáy để chờ chết trong cô đơn.
“Nhưng mà thực sự tôi không hề trách móc hay oán hận chồng cũ” – tôi nói.
“Nếu thế thì có thể là cô chưa bao giờ yêu chồng cô” – một học viên nói – “Yêu thì nhất định phải đi kèm một ít ghen tuông, oán hận chứ ạ.”
Tôi nói tôi không thấy thế. Thực sự không cảm thấy thế. Ly hôn chẳng liên quan gì đến tình yêu hay hận thù cả.
Câu nói này của tôi lập tức làm nổ ra một cuộc tranh luận giữa các học viên về yêu – ghen – và hận. Nếu yêu mà không ghen thì có phải là yêu không? Yêu mà khi chia tay không hận đối phương một tí nào thì có phải là yêu không? Vô lý. Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng. Thế rồi, được, cứ cho là yêu có thể không ghen, thế chồng hay vợ nó đi ngoại tình thì sao? Có ghen không? Nếu nó say nắng, có tình cảm thật với đứa nào thì sao? Rồi nó ngu, nó không biết giữ gìn, nó có con với đứa khác, thì lúc đấy chia tay có hận không? Không bên nào chịu bên nào. Bên nào cũng có lý và có bằng chứng từ bản thân, từ “con bạn em”, từ “chị cùng cơ quan em”, từ “dì tớ”…
Một học viên quay sang thầy Đạo:
“Nhức đầu cụ nhỉ, như cụ sướng nhất, khỏi lắm chuyện phức tạp.”
Thầy Đạo cười.
“Có gì phức tạp đâu. Ở đời, người ta gặp nhau không ngoài chuyện ân oán; có ân thì báo ân, có oán thì báo oán. Vợ chồng cha mẹ anh em là duyên nợ, có duyên thì tụ, hết duyên thì tán. Cô giáo đã trả hết nợ hết duyên thì chia tay không thấy vướng mắc là bình thường mà.”
Ha! Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi với Sơn lấy nhau vì duyên số. Ừ thì người ta vẫn nói “Vợ chồng là duyên số” nhưng tôi luôn nghĩ đó là một câu dĩ hòa vi quý khi người ta không dùng điều gì khoa học hơn để giải thích được. Và thường chỉ áp dụng cho những người lười nghĩ, mê tín dị đoan, chứ không phải cho người như tôi. Duyên số thì, xin lỗi chứ, bố ai mà chứng minh được. Tôi như thế, Sơn như thế, gặp nhau như thế, tính cách như thế, vậy là chúng tôi lấy nhau. Đơn giản vậy thôi.
Vậy mà sống với nhau thì không đơn giản chút nào.
À nhưng không đơn giản cũng là vì tôi như thế… Sơn như thế… và chúng tôi là như thế, như thế… về mặt tính cách, xuất thân, hoàn cảnh, hành vi. Nghĩa là dĩ nhiên có thể giải thích được bằng các mô hình tâm-sinh-lý xã hội chứ không phải một thứ duyên số định sẵn nào tồn tại trước cả khi chúng tôi biết nhau.
Nhưng mà biết đâu có duyên số thật nhỉ? Lẽ nào những đau khổ tôi phải trải qua là do tôi đã nợ gì Sơn và bây giờ phải trả? Tôi đã làm gì sai? Trong đời này, tôi có thể không hổ thẹn mà nói rằng tuy tôi không hoàn hảo gì nhưng quả thực là tôi ít làm điều ác, cũng ít nghĩ điều ác hay nói điều ác – điều ấy thì tôi tự biết. Với Sơn cũng như với những người quanh mình, tôi có thể đếm chưa hết một bàn tay những lần mà tôi nổi giận.
Thế thì có kiếp trước chăng? Tôi đã nợ gì Sơn từ kiếp trước chăng? Từ bé đến giờ, không ít lần những người gặp tôi lần đầu (như ở sân bay) cứ tự động “phán” rằng tôi có “quý nhân phù trợ”, có “năng lực tâm linh đặc biệt”, có “nhiều phước báu”, có “tiên cốt” với “đạo cốt”, còn tôi thì luôn nghĩ các “thánh phán” này muốn phỉnh tôi lấy tiền hoặc bị tẩu hỏa nhập ma do đọc quá nhiều sách huyền thuật.
Nếu quả có kiếp trước tức là sống và chết và tất cả những gì chúng ta làm giữa hai mốc đó đều phải được xem xét lại. Cũng tức là có cái lớn hơn thế giới vật chất mà ta thấy bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, này chăng? Cũng tức là chùa chiền, Phật, Chúa thánh thần không phải chuyện mê tín dị đoan, thậm chí không phải một liệu pháp an tâm, một thứ tín ngưỡng hay tập tục văn hóa mà ẩn chứa một sự thật tôi chưa từng biết đến? Có thể nào những hủ tục, tín điều, lễ nhạc ma mị mà người ta phủ lên đạo Phật đã làm người ta hiểu nhầm một hệ thống giải thích thế giới rốt ráo và triệt để? Ít nhất thì, ngay cả khi không hiểu gì về đạo Phật, tôi vẫn thấy khái niệm nhân quả có lý hơn việc cho rằng có một đấng Chúa Trời nặn ta ra từ đất sét và định đoạt cuộc đời ta. Rút cục là thế nào đây?
“Trông cô giáo cứ ngơ ngơ ngác ngác buồn cười quá” – thầy Đạo cười – “Thôi ăn cơm đi các cô các chú.”
Chúng tôi ăn cơm chay. Đây cũng là lần đầu tiên tôi ăn cơm chay chùa. Tôi không ăn hết được cả đĩa lớn mà học viên lấy nên bỏ lại gần nửa.
“Cô chưa ăn cơm chay bao giờ phải không cô?” – một học viên thì thầm với tôi sau khi bữa cơm được dọn đi.
“Chưa.”
“Ăn cơm chay ở chùa không được bỏ thừa đâu cô ạ” – học viên cười – “một hạt cơm chùa là 72 công đức đấy.”
“Thế à? Chết, tôi không biết.”
Quá nhiều thứ ở Việt Nam, thuộc về văn hóa bình dân của người Việt Nam mà tôi không hề biết. Lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ mình là người Việt, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam mà chẳng hiểu gì về lịch sử, văn hóa, tâm lý đích thực của dân tộc mình, về hành vi của những người gọi là “đồng bào mình”. Tức là hiểu họ như họ đang-là chứ không phải như tôi nghĩ hoặc muốn họ là. Tôi thực sự đã lớn lên, đã tuần tự đi học đến hết đại học, rồi ở Mỹ suốt mười năm qua; chủ yếu chỉ có hiểu biết giáo khoa, bó hẹp trong thế giới gồm toàn trí thức đô thị, trong khi đến hơn bảy mươi phần trăm người Việt Nam vẫn ở nông thôn và vận hành một cách có ý thức hoặc vô thức trên các nền tảng văn hóa nông thôn này.
Sau bữa ăn, chúng tôi uống trà rồi đi dạo tản mát quanh chùa. Mặt trời đã xuống, gió thổi nhẹ, không gian vẳng tiếng chim và tiếng gà lên chuồng. Rồi trời bắt đầu tối. Thầy Đạo bảo một chú tiểu mở cửa “Tổ Đường” cho chúng tôi vào ngắm “xá lợi”. Lại một từ nữa lần đầu tiên tôi được nghe.
“Xá lợi là gì ạ?”
“À, khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn thì kim thân của Ngài được các đệ tử hỏa thiêu; sau khi thiêu thì còn lại các hạt xá lợi này. Mỗi bộ phận trên nhục thân của Phật sẽ để lại các loại xá lợi khác nhau; có xá lợi răng, xá lợi tóc, xá lợi xương… mỗi thứ một màu. Rồi còn có xá lợi của các Bồ Tát, thánh tăng, các tổ. Nếu mình tu tập tinh tiến, giữ gìn giới luật nghiêm cẩn, thì xá lợi sẽ tự sinh sôi…”
“Cái gì ạ?”
“Cô giáo không tin phải không?” – thầy Đạo cười – “người nào thờ xá lợi, kể cả tu sĩ hay cư sĩ tại gia, mà nghiêm trì giới luật, tinh tiến tu hành thì xá lợi từ một viên sẽ nhân hai, nhân bốn, nở đầy ra. Còn nếu không tu hành thì xá lợi sẽ tiêu dần, tiêu dần, rồi biến mất… vi diệu không?”
Vâng, “vi diệu” ạ – tôi nghĩ. Nhưng nhất định phải có một cách giải thích khoa học nào đó. Có thể các nhà sư quen ăn một số thực phẩm nhiều canxi hay chất gì đó nên hóa chất đọng lại trong cơ thể thành “xá lợi” giống như sỏi thận. Hoặc Đức Phật là người ở Ấn Độ, xứ đó nóng, thực phẩm dễ hỏng, mà ngày xưa không có tủ lạnh nên người ta quen bảo quản thực phẩm bằng cách tẩm ướp trong các loại gia vị nóng, cay thì có thể lâu dần các vi chất đọng lại và nóng chảy trong quá trình hỏa thiêu. Khi các viên “xá lợi” này gặp xúc tác trong môi trường bình thường thì giãn nở hoặc co lại. Chứ một thứ vô tri vô giác làm sao có thể tự sinh sôi nảy nở?
“Chà, không có khoa học thì người ta dễ mê tín thật” – tôi thầm nghĩ – “Thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn tin rằng sấm chớp mây mưa là do thần sấm thần sét tạo ra; giàu nghèo, sướng khổ do ai đó ban ơn cho mình. Vậy nên Việt Nam cứ nghèo mãi.”
Chúng tôi ở lại uống trà, nói chuyện với thầy Đạo đến khuya mới về. Buổi tối, chùa lộng gió, ếch nhái, côn trùng râm ran. Khung cảnh làng quê thanh bình này đã hàng chục năm rồi tôi không thấy.
Từ chùa về, tôi ghi trong nhật ký của mình: “Đây có thể là một trong những ngày quan trọng nhất của đời tôi”. Một cách lờ mờ, tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn mất gốc, tôi không hiểu gì về văn hóa Việt Nam, nhất là cái gốc văn hóa nông thôn, văn hóa tâm linh ăn sâu vào người Việt. Tôi lại cũng nghĩ giờ tôi đã hoàn thành việc học hành của đời mình, nếu tôi muốn trở lại Việt Nam làm công tác xã hội, thì không có cách nào khác là tôi phải hiểu rõ cái làm nên tâm lý, hành vi các cá thể cũng như tâm lý tập thể của người Việt Nam.
Nhưng hóa ra tâm thức của chúng ta thường biết những điều mà lý trí có thể phải mất một thời gian dài mới theo kịp. Không lâu sau buổi đến chùa này, tôi trở lại San Jose và mọi việc trôi dần trong những lo toan hằng ngày, cho đến khi một việc xảy ra với tôi: tôi gặp ma.
Mời các bạn đón đọc Về Nhà của tác giả Phan Việt.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn