Trong thực tế sản xuất và đời sống, vật liệu là vấn đề quan trọng mà loài người rất quan tâm. Từ xưa con người đã biết sử dụng vật liệu tự nhiên và dần dần sử dụng vật liệu nhân tạo để chế tạo công cụ sản xuất phục vụ cho đời sống con người. Ngày nay nghiên cứu, sản xuất vật liệu đã trở nên vô cùng cấp thiết và hàng năm hàng trăm vật liệu mới ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống con người.
Như chúng ta đã biết có mối quan hệ mật thiết giữa cấu trúc ↔ tính chất ↔ sử dụng.
Do yêu cầu sử dụng vật liệu nên phải thay đổi tính chất (cơ, hóa, lý học) cho phù hợp với sử dụng. Muốn thay đổi tính chất, thông thường cần thay đổi cấu trúc sự biến tinh vật liệu. Do vậy môn học này đề cập đến vấn đề cơ bản về cấu trúc, sự quan hệ giữa cấu trúc và tinh chất phổ biến của vật liệu. Vấn đề vật liệu là vấn đề có tính chất rộng lớn, môn học nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về vật liệu hay “Đại cương về vật liệu” bao gồm ba nội dung cơ bản: Cấu trúc, tinh chất và ứng dụng. Các loại vật liệu như kim loại và hợp kim, vật liệu vô cơ – Silicat, vật liệu hữu cơ là những minh họa cho cấu trúc và tinh chất chung của vật liệu.
Môn học này gồm 3 phần trong đó có 9 chương.
Phần 1: Cấu trúc vật liệu phân thành 3 chương: Đại cương về tinh thể học; cấu trúc vật liệu vô cơ – silicat; cấu trúc vật liệu hữu cơ.
Phần 2: Tính chất vật liệu phân thành 4 chương: Tính chất điện và điện môi; tính chất từ và quang; tính chất nhiệt, tinh chất cơ học.
Phần 3: Sử dụng vật liệu phân thành 2 chương: Vật liệu và môi trường; ứng dụng vật liệu.
Vật liệu học là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực nên không thể nào đề cập hết trong quyển sách này. Quyển sách đã cố gắng tập hợp nhiều nguồn tài liệu, nguồn thông tin khác nhau được phát hành từ năm 1980 đến nay, có chú trọng thông tin mới được công bố từ sách và tạp chí từ năm 2000 đến nay, cũng như sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực vật liệu trong và ngoài nước.
Để tiện sử dụng, sau mỗi chương đều có tóm tắt nội dung và bài tập áp dụng đã giải sẵn và chưa giải để sinh viên tham khảo.
Dù hết sức nỗ lực song cũng còn nhiều hạn chế, xin bạn đọc góp ý kiến để quyển sách ngày càng hoàn thiện hơn.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Bộ môn Công nghệ Hóa lý Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10. ĐT: 08.7150268
Tác giả: Nguyễn Đình Phổ