Thế nào là “co”, thế nào là “duỗi”? Thế nào gọi là biết co, biết duỗi? Xin mời xem ba nhân vật phong lưu trong lịch sử là “Tam Lưu”: Lưu Bang, Lưu Bị, Lưu Bá Ôn. Sử sách gọi Lưu Bang là Hán Cao Tổ, vốn là một đình trưởng nhỏ bé ở Tứ Thuỷ, bị người đời mắng là một nho sinh “vô lại”. Nhưng ông mượn thao lược “co duỗi” của Trương Lương, sau khi vào quan ải trước Hạng Vũ một bước lại không tham lam hưởng lạc nhất thời trong cung nhà Tần mà lưu khỏi Hàm Dương, rút quân về Bá Thượng, đồng thời đích thân đến Hồng Môn tạ tội với Hạng Vũ, nhẫn nhục chịu trách phạt, xưng là bề tôi, lừa lấy được sự tín nhiệm của Hạng Vũ. Tiếp đó lại theo mưu kế của Hàn Tín đốt cháy ở đạo, nín nhịn Hạng Vũ nhưng thực tế lại tích cực chuẩn bị, ngầm vượt Trần Thương, cuối cùng thu phục được Trung Nguyên. Khi Hàn Tín có công đòi sắc phong, ông kìm nén giận dữ phong cho Hàn Tín là Tề Vương, cuối cùng Lưu Bang thắng được Sở Bá Vương Hạng Vũ “có sức bạt núi có tài cái thế”, gây dựng được đế nghiệp Tây Hán. Lưu Bang có được “đại duỗi” trong lúc “đại co”, còn Hạng Vũ “vô địch thiên hạ” khi cùng quẫn phải tự chặt đầu ở Ô Giang.
Lưu Bị thuở nhỏ gia đình nghèo khó, từng phải dệt chiếu nuôi thân. Ban đầu, quân của ông thế cô lực mỏng đành dựa vào khe hở chiến tranh loạn lạc mà sống sót. Ông trước sau dựa vào Công Tôn Toản, Đào Khiêm, Tào Tháo, Viên Thiệu, Lưu Biểu, dùng cách ẩn thân. Văn dựa vào Khổng Minh, võ nhờ ở Quan Trường mà chiến thắng ở Xích Bích, rồi lại nhờ thời cơ đoạt lấy Kinh Châu, tiến thêm bước nữa chiếm cứ Tứ Xuyên, khai sáng hai đại nghiệp Thục – Hán. Nhưng sau khi Quan Vũ bị hại chết lại đi ngược nguyên tắc ban đầu, tìm duỗi trong co, vì báo tình thân thiết mà chết ở thành Bạch Đế cuối cùng khiến cho đại nghiệp Thục – Hán bị huỷ hoại bởi tay con trai kế nghiệp là Lưu Thiện. Lưu Bị bỏ “co” mà huỷ hoại bởi “duỗi”.
Lưu Bá Ôn, còn gọi là Lưu Cơ, vốn là công thần hàng đầu khai sáng nhà Minh, là quân sư nổi tiếng trong lịch sử. Sau khi giúp Chu Nguyên Chương đoạt được ngôi vua, nhận ra những trò tranh đấu, gạt bỏ lẫn nhau trong chốn quan trường, không màng đến công danh lợi lộc, thành công rồi thì rút lui, cáo lão về quê, tránh được họa sát thân trên “lầu mừng công”. Sau khi về quê, ông sáng tác ra “Xa đạm ca” (Ca tán gẫu) thuật lại những sự tích lịch sử về sự hưng, vong, thay, phế xưa nay dạy cho học trò diễn xướng, mượn đó để nói lên nỗi lòng than thở đối với nhân thế tranh giành. Lưu Bá Ôn là tấm gương lịch sử về việc “co” để cầu sinh “duỗi”.
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
Thế nào là “co”, thế nào là “duỗi”? Thế nào gọi là biết cho biết duỗi, giỏi co giỏi duỗi, đại co, đại duỗi? Xin hãy xem các khái niệm trình bày trong sách này.
Co là một kiểu hồ đồ rất khó làm được, một kiểu khiêm nhường, cung kính dạng “nước chảy chỗ trũng”. Co là “nín nhịn” cầu mong sống còn trong cảnh khốn đốn, là “nhẫn nhịn” đấu tranh trong lúc chịu nhục, là “tha thứ” trong khi tranh giành danh lợi, là “hài hoà” trong khi thế gian không có chiến tranh.
Duỗi là mưu lược lấy lui để tiến, là nội công lấy mềm khắc cứng, là khí khái lấy yếu thắng mạnh. Duỗi là hai dòng tư duy “không thể mà không phải không thể”, là “có cũng không nhiều, hết cũng không ít” theo ý mình mong muốn, là binh pháp cao siêu “không đánh mà thắng”
Người co và người duỗi buồn vui cay đắng cùng tồn tại, phúc họa như nhau, thành bại tương sinh. Tục ngữ xưa nói rằng: “Đại trượng phu có lúc vùng dậy, có khi nằm phục, biết co biết duỗi. Có khi không co duỗi, có khi co duỗi ít, có khi co duỗi nhiều”.
Người đại co là thể hiện của mười đức tốt: công, thành, chí, hiếu, tín, trí, nhân, nghĩa, dũng, hoà. Người đại duỗi là biểu hiện của mười điều vĩ đại: công, nghiệp, thành, lập, khởi, hưng, đức, chính, kế, lược. Người giỏi co duỗi:
Có tầm nhìn xa rộng, tấm lòng trong sạch.
Có khí phách rộng lớn vô song, nghị lực siêu quần tuyệt đỉnh.
Có trí tuệ uyên bác tinh thâm, tiếp bước người trước, mở lối cho người sau, có ý chí kiên cường nỗ lực đấu tranh, vì đạo nghĩa mà không chùn bước.
Có tính cách chuyên tâm vững vàng, quán triệt trước sau, là chính khí đội trời đạp đất, còn mãi muôn đời, có tài hoa định liệu cơ mật, đạt đến độ chí thiện.
Việc sâu thì co sâu, việc nông thì co nông, việc xa thì co xa, việc gần thì co gần, việc lớn thì co lớn, việc nhỏ thì co nhỏ, đó chính là sách lược biết co biết duỗi, giỏi co mà ôm ấp ý duỗi.
Xử thế trong lúc co, lập chí trong lúc duỗi, làm người trong lúc co, lập đức trong lúc duỗi, làm việc trong lúc co, lập nghiệp trong lúc duỗi. Đó là tấm gương quý báu mà các thánh nhân hiền triết truyền lại cho đời sau.
Tranh giành những được mất trước mắt, ham muốn vật chất riêng tư, giành giật ưu thế nhất thời là loại vô tri không biết trời cao đất dày là gì chứ không phải là “duỗi”.
Khom lưng uốn gối là cách “co” của bọn phản bội.
Đưa đón nịnh hót là cách “co” của bọn đầy tớ.
Hận trời thù người, buồn chán số phận là cách “co” của kẻ lười nhác.
Đã sai cho sai một thể, không biết đường sửa chữa là cách “co” của đồ bỏ đi.
rong “Các truyện Chu Dịch – quyển 6”, nhà tư tưởng lớn cuối Minh đầu Thanh là Vương Phu viết rằng: “Thị cố hữu vãng lai là nhi vô tử sinh. Vãng giả khuất giã, lai giả thân giã, tắc hữu khuất thân vô tăng giảm. Khuất giả cố hữu kì khuất dĩ lai thân, khải tiêu diệt nhi tất vô chi vị tai!”.
Ý tứ là vật chất vận động thay đổi có đi có đến nhưng lại không có chết hay sinh ra, tức là vạn vật chưa từng được ai sinh ra và cũng chưa từng bị ai tiêu diệt. Đến tức là co, đi tức là duỗi, vật chất có sự co duỗi thay đổi thế chỗ cho nhau nhưng kỳ thực tổng lượng lại không hề có tăng hay giảm.
Vương Phu lấy nước làm ví dụ rằng: “Như nước, lạnh thì là băng, nóng thì là hơi. Dựa vào sự khác nhau giữa băng và hơi đủ để biết thể thường của nước”.
Lão Tử nói: “Gặp giá lạnh thì lấy hình thức cố định – kết thành băng nên tồn tại. Gặp phải nhiệt độ cao thì lấy thể khí – biến thành hơi để tồn tại”.
Từ đó có thể thấy, môn “co duỗi học” của các triết gia xưa dạy người ta xử thế, an thân, lập mệnh vốn là tổng kết kinh nghiệm của hiệu pháp tự nhiên và mô phỏng vạn vật. Nhất co nhất duỗi nguyên là bản năng của con người và vạn vật, đồng thời cũng là trí năng xử thế để sinh tồn. Bản năng là sức mạnh tiềm tàng bẩm sinh, trí năng là công lao của sau này.
Hãy phát huy bản năng của các bạn đi! Giữ gìn sự cân bằng về tâm lý, lúc nào cũng có tâm trạng tốt!
Khai thác trí tuệ của các bạn, nắm chắc vận mệnh của các bạn trong tay, trước sau tất sẽ đứng vững ở vị trí không thể thất bại.
TÁC GIẢ
Sướng Xuân Viên
(Bắc Kinh tháng 10 năm 1998)
—-
PHẦN I: TRÍ TUỆ
1. ĐẦU BÔNG LÚA MẨY RỦ XUỐNG DƯỚI, ĐẦU BÔNG LÚA LÉP HƯỚNG LÊN TRỜI
Người có trí biết tự hạ mình, kẻ ngu muội hay giơ đầu chịu báng.
Đứng ở nơi thấp trước thì sau đó mới biết được nỗi nguy hiểm khi leo bám lên cao. Đứng ở chỗ tối trước thì sau đó mới biết người ở chỗ sáng rõ tất sẽ bị ánh sáng chói mắt. Giữ tâm tình tĩnh lặng yên ổn trước thì sau đó mới biết những người ưa hoạt động thật là vất vả. Giữ tâm tính trầm mặc trước thì sau đó mới biết nói nhiều quả thật là phiền toái.
Đời người có cả nỗi khổ lẫn niềm vui, nhưng chỉ có không ngừng tôi rèn trong gian lao thì mới có được hạnh phúc dài lâu. Vừa có lòng tin lại vừa phải có tinh thần biết co biết duỗi, an mà không quên nguy, còn mà không quên mất, trị mà không quên loạn. Nghĩ đến nguy thì mới cầu được an, biết co thì mới thấy được duỗi, nghĩ đến lùi thì mới có thể tiến, e loạn thì mới giữ được trị, tránh mất thì mới giữ được còn.
Khi trả lời học trò làm gì mới giúp được đất nước tránh khỏi tai hoạ, Mạnh Tử nói rằng trước tiên phải thực hiện chính trị nhân đạo, không chỉ có vậy mà còn phải gắng sức đề phòng hoạn nạn ngay từ trong trứng nước. Khi đất nước không có mối lo bên trong, mối họa bên ngoài thì nhân cơ hội đó mà sửa sang chính trị, luật pháp. Như vậy đất nước sẽ tự nhiên cường thịnh. Thương Thang Vương chính là hiểu rất rõ quy luật này, bởi thế trước hết khiêm nhường cúi tấm thân vàng ngọc của một quốc vương mà bái Y Doãn, một kẻ đầu bếp nhỏ nhoi làm thầy, sau đó lại phong làm tướng quốc, cuối cùng đã gây dựng được nền móng cho nhà Ân Thương tồn tại trong suốt 639 năm.
Bên bờ sông Y Thuỷ nước Thương có một nhà nông dân trồng dâu nuôi tằm. Trong nhà này có một người gọi là Y Doãn, rất giỏi nghề làm ruộng cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, đồng thời còn nghiên cứu đạo thi hành chính sự của các vị vua anh minh thời Tam hoàng Ngũ đế và Đại Vũ,… là một bậc hiền tài trị nước thời ấy.
Y Doãn nghe nói Thương Thang Vương là một vị vua hiền đức, rất muốn đề xuất chủ trương trị nước, nhưng vẫn khổ tâm vì chưa có cơ hội. Thế là ông liền giả làm nô lệ của Cách Thị, phi tử của Thương Thang Vương, lấy thân phận của một đầu bếp đến gặp và thuật về đạo thi hành chính sự. Sau đó không lâu, Y Doãn liền tránh đi ẩn cư ở thôn quê, Thang Vương hiểu rõ Y Doãn đích thực là một hiền sĩ trị quốc nên quyết định đi mời ông.
Thương Thang Vương phái sứ giả đem lễ vật đi mời Y Doãn, nhưng đây là một người an phận thủ thường, không dễ gì vào triều để làm quan. Ông nói với sứ giả: “Ta là một người sống tự tại quen rồi, tự mình trồng cây, tự mình ăn uống, không hiểu chuyện đại sự quốc gia, đa tạ Thang Vương đã quan tâm, quý trọng”, khéo léo tạ tuyệt lời mời của Thương Thang Vương.
Thương Thang Vương thành tâm thật ý muốn mời Y Doãn nên lại sai người mang nhiều lễ vật hơn tới. Y Doãn thực sự hoảng hốt, vô cùng phân vân nói rằng: “Tôi là kẻ nông dân thôn dã bình thường, không có chút công lao nào, làm sao có thể nhận xằng lễ vật của Thang Vương, đâu dám nhận trách nhiệm ấy được?” và thoái thác không đi.
Lúc ấy, một lãnh chúa đất phong có quyền sát sinh đối với dân chúng thuộc quyền của mình, nhưng Thương Thang Vương không giận vì Y Doãn thoái thác. Ông nghĩ, mời một người thực sự có bản lĩnh không thể dễ dàng như việc gọi đầy tớ, vừa hô đã đến ngay được. Lần thứ ba lại sai sứ giả đem những lễ phẩm cực kỳ quý báu, cưỡi ngựa thay y phục mới đi mời Y Doãn. Y Doãn thấy Thương Thang Vương thành tâm thành ý đến mời liền vui mừng tuân lệnh.
Thương Thang Vương đích thân dẫn dân chúng ra ngoài thành nghênh đón, lại dùng nghi lễ cho khách để đối đãi. Hai người cùng nhau nói chuyện suốt cả ngày, tâm đầu ý hợp. Thương Thang Vương viết một phong thư khen Y Doãn là một kì tài mà tiến cử với Kiệt Vương.
Kiệt Vương gặp Y Doãn, hỏi qua mấy câu liền không để ý gì đến, nói là không thể trọng dụng được. Y Doãn thấy Kiệt Vương chính sách tàn ngược, hoang dâm vô đạo, dự đoán nhà Hạ nhất định diệt vong. Trong thời gian ở kinh đô nước Hạ, ông khảo sát tỉ mỉ tình hình chính trị để chuẩn bị cho việc thảo phạt Hạ Kiệt về sau. Thương Thang Vương thấy Kiệt Vương không trọng dụng Y Doãn liền mời đến kinh đô nước Thương và phong làm tướng quốc, giao cho việc chính sự. Y Doãn giúp Thương Thang Vương, nỗ lực phát triển nông nghiệp, chế tạo binh khí, huấn luyện quân đội, làm cho nước Thương ngày càng vững mạnh.
Kiệt Vương nghe nói nước Thương lớn mạnh liền triệu Thương Thang Vương về kinh đô nhà Hạ. Lúc ấy, Kiệt Vương ngày ngày đắm chìm trong tửu sắc, thân với bọn tiểu nhân, tàn hại đại thần hiền tài, có một đại thần là Quang Long Phùng thẳng thắn can gián, Kiệt Vương vô cùng tức giận đem giết chết. Các đại thần sợ đến nỗi tim đập chân run, mặt mày thất sắc. Thương Thang Vương không nén được tình cảm của mình bất giác bật khóc to, đau lòng vì mất đi hiền tài. Kiệt Vương liền mượn cớ này liền hạ lệnh giam Thương Thang Vương vào một nơi gọi là hạ đài. Vua Thương bị cầm tù, quần thần nước Thương ngơ ngác hoảng hốt, Y Doãn lại càng lo lắng bội phần, cuối cùng nghĩ ra một kế hay để cứu Thương Thang Vương. Ông sai người đi tìm kiếm tuyệt mỹ sắc nữ, sưu tầm đủ loại trân châu bảo ngọc đem dâng vua Kiệt, đồng thời biếu riêng một phần cho cận thần thân tín của Kiệt Vương là Triệu Lương. Kiệt Vương trông thấy mỹ nữ, châu báu nước Thương đem đến thì mặt mày rạng rỡ, Triệu Lương thì thừa cơ nói hay nói đẹp. Kiệt Vương dương dương đắc ý liền thả Thương Thang Vương về. Thương Thang Vương tận mắt thấy nỗi khổ cực bởi chính sách bạo ngược của Kiệt Vương, sau khi trở về kinh đô nhà Thương, dưới sự giúp đỡ của Y Doãn liền gấp rút thao luyện binh mã, tích trữ lương thực, lần lượt chinh phục các nước chư hầu nhà Hạ như Hàn, Cố, Côn, Ngô,… thế lực mở rộng rất nhanh. Năm 1711 trước Công Nguyên, Thương Thang Vương liên kết với các chư hầu khởi binh thảo phạt Hạ Kiệt, trước khi lên đường ban một bài hịch kể tội của Kiệt Vương – “Thương thể”. Thương Thang Vương dẫn các lộ đại quân, dưới sự giúp đỡ của Y Doãn, nhanh chóng áp sát kinh đô nhà Hạ. Kiệt Vương đốc thúc quân đội ra ứng chiến, quân sĩ sớm đã hận Kiệt Vương đến xương tuỷ, lâm trận liền tan vỡ, quay giáo đánh lại, Kiệt Vương đại bại, bị bắt sống làm tù binh. Các chư hầu tiến cử Thương Thang Vương làm thiên tử, xây dựng nhà Thương, Y Doãn giúp đỡ Thương Thang Vương, rất nhanh đã ổn định được thiên hạ. Sau khi Thương Thang Vương chết, Y Doãn lại lần lượt giúp đỡ ba người con cháu của ông là Ngoại Bính, Trung Vương, Thái Giáp làm thiên tử. Thái Giáp kế vị ba năm thì không giữ pháp lệnh do Thương Thang Vương lập ra, Y Doãn nhiều lần khuyên can nhưng vẫn không hối cải nên đem nhốt vào Đồng Quán, lệnh cho không được quay lại, đích thân Y Doãn nhiếp chính. Thái Giáp ở trong Đồng Quán ba năm thì bắt đầu hối cải, sửa mình, đổi ác thành thiện. Y Doãn lại sai người đến đón về, giao lại chính quyền. Thái Giáp nhận giáo huấn, cần cù chính sự, tu nhân tích đức, các chư hầu đều rất khâm phục, không dám nổi loạn, trăm họ được hưởng cuộc sống yên bình. Y Doãn viết ba thiên “Thái Giáp huấn” ca ngợi chính sách của Thái Giáp là đức chính (chính sách có đức). Y Doãn sống hơn một trăm tuổi, hơn hai mươi năm làm tướng quốc, đặt nền móng chính trị vững chắc cho vương triều nhà Thương thống trị kéo dài trong suốt sáu trăm năm, trở thành hiện tượng nổi tiếng số một trong lịch sử Trung Quốc.
—
2. KHƯƠNG THÁI CÔNG CÂU CÁ, AI MUỐN THÌ ĐẾN MẮC CÂU. NHẤT NHẤT CẦU “DUỖI” TRONG “CÂU”
Rất nhiều người có tài thường khiêm nhường ẩn cư dưới tay của những kẻ đần độn bởi lẽ trong tay của người hiền không có quyền lực, mà lũ bất tài sở dĩ có thể điều khiển được người hiền cũng chỉ là bởi vì chúng tạm thời chiếm được ngôi cao. Ngay cả bậc thánh quân Đường Nghiêm trong truyền thuyết cũng như vậy. Khi còn là một người dân hết sức bình thường, ông muốn nhờ người hàng xóm giúp đỡ nhưng cho dù hét đến vỡ cổ họng cũng không có ai đáp lại. Cho đến sau này khi ông xưng vương thì liền có thể nhất hô bách ứng, ban bố cấm lệnh không ai dám không theo.
Lã Thượng nghèo khổ, lúc tuổi già sống ẩn cư, buông câu ở bờ sông Vị. Khi đi săn, Chu Văn Vương gặp ông, hai bên nói chuyện hết sức tâm đầu ý hợp, liền bái làm thầy. Sau Lã Thượng giúp Vũ Vương đánh bại nhà Ân, lập nên nhà Chu, để lại tiếng thơm muôn đời. Bất kể là sớm hay muộn thì cơ hội để một con người thể hiện tài năng của mình vẫn luôn luôn có. Khi cơ hội hiển hiện ra trước mắt mình thì phải lập tức nắm ngay lấy, nắm thật chặt, chớ để tuột vào tay người khác.
Có một lần Tây Bá hầu Cơ Xương muốn đem tuỳ tùng đi săn, trước lúc xuất phát bảo Thái sư bói một quẻ, Thái sư nói rằng: “Hôm nay đi săn rất tốt” rồi lại nói rằng: “Hôm nay đi săn, vật săn được không phải rồng cũng không phải lân, không phải hổ cũng không phải gấu, mà là được tài năng giúp đỡ cho nhà vua”. Cơ Xương vô cùng mừng rỡ liền dắt theo tuỳ tùng, men theo bờ bắc Vị Thuỷ mà đi. Hai bên bờ Vị Thuỷ cây cỏ um tùm rậm rạp, họ vừa đuổi theo dã thú, vừa đi về phía trước. Đột nhiên từ dưới bờ sông vẳng lại khúc hát rất lạ của một người đánh cá. Đi tìm hiểu ra hoá là đây là khúc hát do một ông già câu cá ở bên bờ Hàn Khê làm. Người này họ Khương, tên là Thượng, tự là Tử Nha. Tổ tiên của ông được phong ở đất Vận, lại gọi là Lã Thượng. Thời trẻ Khương Thượng ở kinh đô nhà Thương lấy việc giết bò làm nghiệp, sau đó mở một quán cơm nhỏ ở Vu Tân, bây giờ tuổi đã cao, nghèo khổ, lấy nghề câu cá làm kế sinh nhai.
Cơ Xương dẫn người tùy tùng theo hướng người đánh cá chỉ đến bên bờ Hàn Khê. Nơi đây rất tĩnh lặng, dưới gốc cây liễu cao lớn bên bờ khe có một hòn đá lớn phẳng tựa như một cái bàn, trên đó chỉ thấy cần câu mà không thấy người đi câu đâu cả. Cơ Xương cầm cần câu than: “Vương triều nhà Thương bại hoại, thiên hạ hoang mang hoảng loạn, quân tử hiền tài lại ẩn cư không ra, Cơ Xương sao có thể quỳ gối mà cầu được!”. Rồi liền thành tâm chờ đợi, cho mãi đến khi mặt trời khuất sau núi, màn đêm dần buông vẫn không thấy bóng Khương Thượng đâu.
Các đại thần không kiên nhẫn được nữa, lần lượt nói: “Đại vương không nên nhẹ dạ cả tin lời của kẻ tiểu dân, lão già này chưa chắc đã là người đại hiền, để ngày mai thần đưa hắn đến gặp là được rồi”. Cơ Xương bảo với họ rằng: “Cầu người hiền, chọn hào kiệt lẽ ra phải long trọng, hôm nay đến không thành tâm nên mới trốn xa, ta phải học theo cách cầu hiền của người xưa, trở về đợi đến ngày tốt sẽ đi đón thì mới là lễ lớn kính hiền”.
Qua mấy ngày, Cơ Xương mặc áo mới, đem theo đại đội người ngựa, tinh kỳ phấp phới, đội lễ đến đón Khương Tử Nha, còn cách Bàn Khê rất xa đã xuống xe, đi bộ vào trong rừng núi. Đến bên khe, từ xa đã trông thấy một ông già ngồi trên bàn đá, đang câu cá, Cơ Xương liền đến bên cạnh, thân thiết trò chuyện, không lâu sau đã phát hiện ngay ra người này học rộng, uyên bác, đúng là bậc đại hiền mình từng mơ ước. Thế là liền cung kính nói với Lã Thượng: “Người như tiên sinh đúng là kỳ tài trong thiên hạ! Lão Thái Công nhà tôi khi còn sống từng nói với tôi rằng về sau tất sẽ có một người đại tài giúp đỡ cai trị đất nước. Lúc ấy nước Chu của chúng ta sẽ thịnh vượng. Thái Công nhà tôi trông mong tiên sinh đã lâu lắm rồi. Hôm nay tôi mang chén rượu nhạt đến mời mong tiên sinh giúp đỡ cho nhà Chu”. Khương Tử Nha nói: “Tôi đã già rồi, văn không thể an bang, võ không thể định quốc, e rằng phải phụ lòng mong của bệ hạ, khiến bệ hạ phải đi không mấy bận”.
Cơ Xương nói: “Tiên sinh có đạo đức, hà tất phải giấu kế lạ trong lòng, nhẫn tâm để trăm họ phải thê thảm, chịu cảnh lầm than mà vất vả ngồi câu ở đây”. Nói rồi hạ lệnh cho tùy tùng bày lễ vật ra.
Khương Tử Nha sớm đã biết Tây Bá Hầu Cơ Xương đãi người thành thật, rất có khí chất của vị vua, sáng lập đại nghiệp, liền nhận lời mời làm Thần tử của nhà Chu. Theo truyền thuyết lúc bấy giờ Khương Tử Nha đã 70 tuổi (cũng có người nói ông là lãnh tụ bộ lạc trẻ tuổi).
Cơ Xương có được Khương Tử Nha đúng là như hổ thêm cánh. Về sau ông kết đồng minh với hai nước Ngu, Nhuế, thế lực lại càng lớn mạnh. Lúc này, Cơ Xương tự xưng là Tiếp Nhận “Vương Mệnh”, hơn 40 nước chư hầu ở xung quanh đều đến chúc mừng, tôn làm Chu Văn Vương. Từ đó Tây Bá Hầu đổi sang gọi là Chu Văn Vương, thay thế chân mệnh thiên tử của Thương Vương.
Chu Văn Vương “thụ mệnh” được 2 năm, Khương Tử Nha đem quân đi đánh tộc Đại Nhung ở phía Tây giành thắng lợi, tiếp đó lại yêu cầu Văn Vương đi đánh nước Mật Tu ở Tây Bắc.
Con thứ ba của Chu Văn Vương tên là Tiên phản đối rằng: “Vua nước Mật Tu anh minh, tài giỏi, đánh ông ta trước không hay đâu”.
Khương Tử Nha nói: “Muốn lập uy thì phải đánh nước mạnh, không phục tùng trước”.
Chu Văn Vương rất tán thành chủ trương của Khương Tử Nha, liền xuất quân đánh nước Mật Tu, chiếm được toàn bộ lãnh thổ.
Khương Tử Nha liền liên tiếp đánh thắng hai trận, thừa thắng đánh vào nước Lê ở rất gần kinh đô nhà Thương, nước Lê lập tức đầu hàng. Năm sau nhà Chu lại sai quân đi đánh chiếm được nước Hàn ở phía Nam nước Lê, là nơi Thương Trụ Vương thường đến săn bắn. Như vậy, thế lực nhà Chu đã thâm nhập vào tận khu vực trung tâm của vương triều nhà Thương.
Đến những năm cuối đời của Chu Văn Vương, Khương Tử Nha lại đem quân chiếm nước Sùng. Nhà Chu dời đô đến kinh đô trước đây của nước Sùng, gây dựng nền móng lật đổ vương triều nhà Thương.
Sau khi Chu Văn Vương ốm chết, con thứ hai là Phát kế vị, tức là Chu Vũ Vương. Được sự giúp đỡ của tướng phụ Lã Thượng, lật đổ được vương triều nhà Thương, bạo chúa Trụ Vương tự thiêu, gây dựng vương triều nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Do lập nên kỳ công trong quá trình gây dựng nhà Chu, Khương Tử Nha được phong ở nước Tề, trở thành ông Tổ của nước Tề.
Bền lòng và nghị lực là mặt quan trọng của việc biết co biết duỗi, bởi vì giấc mộng sự nghiệp của con người thường bị vây hãm trong khoảng cách nhỏ hẹp của hoàn cảnh, được thần thời gian bảo hộ, đòi hỏi phải dùng toàn bộ sức sống để tranh đấu với nó, lấy tư cách của người chiến thắng mà đoạt lấy, khiến cho nó trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày cho tới những giờ khắc cuối cùng của cuộc đời.
Nếu chúng ta có quan niệm tư tưởng như kiểu sớm Tần chiều Sở (thất thường) đối với sự nghiệp, hay là có trạng thái lúc nóng lúc lạnh như thể bị sốt rét thì đó là căn bệnh chết người không sao cứu chữa được. Bởi vậy Mạnh Tử nói rằng “Phơi nắng một ngày rồi chịu lạnh mười ngày thì không thể phát triển được” và: “Đào giếng sâu mấy trượng vẫn không thấy mạch nước coi như là cái giếng bỏ đi”.
Ở một mặt khác lại càng không thể cầu gấp, mong đạt ngay được. Cổ ngữ nói: “Cầu để được ngay thì không thể đạt được mục đích”. Lại nói: “Tiến độ nhanh thì co rút cũng nhanh”. Trong sách “Mạnh Tử” có một câu chuyện ngụ ngôn là: “Nước Tống có một người cho rằng lúa mạ nhà mình lớn quá chậm liền nhổ từng gốc cho cao lên và tự cho rằng làm như vậy là giúp cho nó lớn nhanh hơn. Sau đó về nhà với vẻ đắc ý, nói với con: Hôm nay cha mệt quá chừng, cha đã giúp lúa nhà mình lớn cao lên rồi. Con ông ta chạy ra đồng xem thì thấy lúa đã chết cả”.
Bởi vậy nói rằng nếu ta muốn rèn luyện được một tấm lòng bền bỉ thì trước hết phải rèn luyện cho mình một lòng yêu thích công việc, sau đó lại bồi dưỡng một trạng thái tâm lý không cầu để được ngay, làm việc chắc chắn, từ từ mà tiến.
Muốn mau chóng đạt được thì khó lòng đáp ứng được tâm trạng cấp thiết của ảo tưởng, khó lòng thiết thực lập nên sự nghiệp. Không đạt được yêu cầu về tâm lý thì rất dễ hỏng cả tâm khí. Tâm khí hỏng thì sẽ mù tịt, dễ dàng từ bỏ hay thay đổi sự nghiệp, cũng khó có thể bền lòng. Không bền lòng thì sự nghiệp khó thành, muốn đạt nhanh cũng không thể được. Bởi vậy mới nói rằng: “Thời gian muốn nó nhanh mà công lực không muốn nhanh, công lực muốn nhanh mà hiệu quả không muốn nhanh, sớm chín thì là tài nhỏ, đại khí tất phải thành muộn, tích luỹ dày thì thành công lớn. Ngày tháng tích lũy, kiên trì không nghỉ thì ngày ngày tăng tiến, điều này phải dựa vào lòng bền bỉ của quân vương”.
Bởi vậy Khổng Tử nói: “Người giỏi ta chưa từng gặp, chỉ gặp được người bền lòng. Như vậy là được rồi. Không có coi là có, thiếu coi là đủ, đại khái cho là hết mức, thì khó mà bền lòng”. Và: “Bền lòng thì không có chỗ sai, lợi ích kiên định, đồng thời lợi cũng có được”. Có người nói: “Phàm là sự nghiệp thành công đều là vì bền lòng, những gì thất bại đều là do thiếu kiên nhẫn, bởi vậy người ta lập nghiệp quý là ở chỗ giữ được lòng kiên nhẫn để chờ đợi thành công, giữ đến cuối cùng thì tất đạt được”.
Trong bài thơ “ở chỗ buông câu Bàn Khê” Lã Ẩn viết: “Năm ấy Lã Vọng dựng miếu hoang. Tung móc câu nước ai biết được”. Khương Tử Nha sớm tối tu dưỡng bên bờ Vị Thuỷ, tìm cái thần trong lúc câu. Phàm là người có chí hướng lớn, có tài năng vượt bậc thì quyết không cam lòng ôm ấp không thể hiện được, quyết không cam lòng để cho tài trí của mình lặng lẽ mất đi, chẳng qua là chờ đợi một vị vua hiền minh và một thời cơ nhất định mà thôi.
—-
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Văn Hoá Giao Tiếp Ứng Xử: Biết Co Biết Duỗi của hai tác giả ĐINH VIỄN TRÍ – ĐÔNG PHƯƠNG TRI