Tuyển Tập Truyện Ngắn Doris Lessing

Tuyển Tập Truyện Ngắn Doris Lessing

Tác giả:
Thể Loại: Tiểu Thuyết Phương Tây
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Hai giải Nobel văn chương 2006 và 2007 vinh danh hai khuôn mặt rất khác nhau của làng văn thế giới. Người đoạt giải năm ngoái, ông Orhan Pamuk, người Thổ Nhĩ Kỳ tương đối trẻ, năm nay mới chỉ 55, và cũng mới chỉ viết non một chục tác phẩm. Giải năm nay về tay nhà văn Anh lão thành Doris Lessing, như món quà sinh nhật đến 11 hôm trước ngày bà đúng 88 tuổi, biến bà thành người cao niên nhất trong số 104 nhà văn đã đoạt giải Nobel từ năm 1901 cho đến nay. Doris Lessing bắt đầu làm thơ, viết văn từ khi mười mấy tuổi và sau tác phẩm đầu tiên được in năm 1950, lúc Orhan Pamuk chưa ra đời, viết đủ mọi thể loại, tổng cộng hiện nay trên 60 truyện dài, truyện ngắn, tiểu luận, kịch bản, thơ, và hồi ký, không kể các bài báo. Và bà vẫn tiếp tục sáng tác. Doris Lessing được xem như một trong những nhà văn lớn của thế giới, không chỉ vì đã ngự trị trên văn đàn hơn nửa thế kỷ với con số tác phẩm đáng nể ấy, mà còn vì nhiều sáng tác ấy đã gây chấn động, mở ra nhiều tranh cãi và tác động sâu xa khiến không ít người tuyên bố sách của bà đã thay đổi tâm hồn thậm chí cả cuộc đời của họ. Có người ái mộ đến mức sùng bái, có người bị dội lại vì lời văn đôi khi lạnh lùng khô khan, vì những luận điểm nhiều lúc khiêu khích, nhưng ít ai thờ ơ khi đến với thế giới của bà. Một thế giới phong phú với đủ mọi đề tài, xem xét từ đủ mọi khía cạnh, với một giọng văn rất riêng biệt, thể hiện một cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi. Câu ngắn ngủi trong bản thông cáo của Uỷ Ban Nobel tháng 10 năm nay loan tin trao giải cho Doris Lessing “người đã viết lên thiên trường ca về những trải nghiệm của người đàn bà, và với cái nhìn hoài nghi, rực lửa và tiên tri, đã soi rọi một nền văn minh bị phân hoá”[i] chỉ nhắc đến một trong nhiều khuôn mặt gán cho bà: nhà văn nữ quyền, nhà văn Phi châu, nhà văn cộng sản, nhà văn của nội tâm, nhà văn theo thần bí, và nhà văn viết khoa học giả tưởng. Đúng là Lessing đã khai thác những mảng đề tài này trong các tác phẩm nổi tiếng, nhưng đấy cũng là những chiếc mũ chụp lên đầu bà, làm bà khó chịu, những “nhãn hiệu các nhà phê bình dán lên tác giả rồi chờ đợi tác giả ăn nói đúng theo cái khuôn mẫu ấy do họ đặt ra”. Lessing chối từ mọi nhãn hiệu, không tự ép mình vào một khuôn mẫu nào như từ thuở nhỏ đã không để ai hoặc tình huống nào giam mình trong một vai trò, một hoàn cảnh mình không muốn. Cả cuộc đời bà là sự vẫy vùng ra khỏi những mẫu mực, khuôn sáo, ảo ảnh, tất cả những gì giam hãm tâm hồn và tư duy, để truy tìm thực chất đằng sau sự kiện và tìm đến con người thật ở ngay chính mình, để sống thật với con người ấy. *** Tuyển Tập Truyện Ngắn – Tản Văn Doris Lessing gồm có: *** Chúng tôi chẳng thể ngờ rằng việc kiếm một con chó thứ hai để nuôi lại phức tạp đến thế, mà lỗi của cái sự phức tạp ấy lại là những điểm khá đặc biệt trong quan hệ giữa các thành viên ở gia đình tôi. Ban đầu quả là chẳng có gì đơn giản hơn – cái việc kiếm thêm một chú chó ấy – khi mà cả nhà đã quyết rồi: “Joke chẳng có bạn chơi, rất cần có thêm một cún con nữa, không thì Joke hoặc là sẽ mất tăm tích ở chỗ mấy anh nhọ (người da đenở làng hoặc là sẽ lông nhông cùng lũ chó ghẻ của họ”. Tất thảy những người hàng xóm quanh chỗ chúng tôi ở đều nuôi chó trong trang trại nên có thể xin một chú cún con thuần chủng được. Mỗi một người làm da đen thường có một vật nuôi gày nhom ốm đói mà họ vẫn hay đem chúng đi săn hòng đôi khi kiếm cho mình được chút thịt còm. Thảng hoặc, những chú cún của những con người tội nghiệp này rơi vào khu điền trang của các ông chủ, mà ở đó thì người ta không thể khoái các chú được. Biết tin chúng tôi muốn kiếm thêm một con chó mới, bác thợ mộc Jakob dẫn đến cho một cậu chàng, cậu ta vui vẻ nhảy cẫng lên bên thềm, cổ vẫn bị buộc dây. Song bố mẹ tôi lịch sự từ chối, mẹ bảo cái ổ rận di động ấy không thể cùng hội cùng thuyền với chú cún Joke của chúng tôi được, mặc dù lũ trẻ chúng tôi thì lại rất khoái cậu chàng nọ. Joke cũng là giống lai giữa chó béc-giê với giống chó săn Rhodesia và hình như với cả giống terrier nữa thì phải. Nó được thừa hưởng của mấy loài tiên tổ ấy cái lườn và mảng lưng sẫm màu, cái mõm dài buồn bã và đôi tai bé trông rất lấc cấc. Nói gì thì nói, về cái khoản thuần chủng thì Joke cũng chẳng thể tự hào được. Nhưng ưu điểm của nó là rất cao quý, mà quả là đặc điểm này có trong nó như một bản chất cố hữu. Nhưng điểm tốt này lại còn được mẹ tôi phóng đại lên nữa. Bà trút trọn tình yêu của mình lên chú chó này khi anh tôi đi học xa. Về lý thuyết thì anh ấy là chủ của Joke. Có điều không hiểu có ý nghĩa gì nhỉ cái việc tặng một cậu trai một chú chó khi chỉ sau đó vài ngày cậu trai ấy sẽ lên tỉnh học và sống ở trên ấy cả mùa Thu, cả mùa Đông lẫn cả mùa Xuân? À… ra là để lấp chỗ trống, cái khoảng trống chắc chắn sẽ hiện ra sau khi anh chàng đã đi rồi. Khổ thân mẹ tôi, bọn trẻ luôn luôn xa dần bà – bởi lũ trẻ con nhà nông không tránh khỏi việc phải lên tỉnh khi đến tuổi tới trường.