Trước 1995, những khi thắc mắc về những từ gốc Trung Hoa, gốc Khơ-me hay những địa danh, tôi thường đến nhà chú Vương – đó là cách tôi xưng hô với Cụ do sự cách biệt về tuổi tác và lòng kính trọng. Nay ngồi đọc lại từng trang quyển ” Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam”, tôi có cảm tưởng như đang nghe chú Vương nói về các từ gốc Triều Châu: lì xì, thèo lèo, mửng…; các từ gốc Quảng Đông: hẩu, xá xíu, xiếu mại…; các từ gốc Khơ-me: bưng, nóp, bò hóc, bò ót…; và gốc Pháp: xà ích, dinh tê. Về từ “dinh tê” chẳng hạn, Cụ Vương kể rằng đó là từ nói trại động từ “rentrer” của Pháp theo lối phát âm của đồng bào miền Bắc, chỉ việc những người tản cư khi Pháp tái chiếm các đô thị sau 1945, sau thời gian sống trong vùng tự do, vì nhớ tiếc đời sống thị thành đã trở về sống ở vùng Pháp ngụy. Rồi nhân đó, Cụ sẽ kể từ “tụt tạt” là một từ nảy sinh trong thời kháng chiến, cũng ở miền Bắc, chỉ việc mấy người theo kháng chiến nhát gan, khi đối diện với binh lực đối phương thường tìm cách “tụt” xuống phía sau hay “tạt” sang bên này bên kia để tránh địch. Cách trình bày do sự liên tưởng trong lúc hứng thú khiến đôi khi Cụ không giữ đúng lối sắp xếp các mục từ thông thường trong từ điển. Sau khi kể các tư liệu về lịch sử, địa lý, dân cư… của tỉnh Bà Rịa chẳng hạn, Cụ kể luôn tất cả các tỉnh Nam Bộ, từ Bạc Liêu đến Vĩnh Long theo thứ tự a,b,c, cũng với đầy đủ các chi tiết về mỗi tỉnh. Các địa danh về cù lao, cửa, núi, sông, giồng, gò… cũng được trình bày theo cách ấy. Tuy có hơi mất thời giờ trong sự tra cứu, nhưng người đọc sách nhờ giọng nói hóm hỉnh của tác giả thấy hứng thú hơn sự tiếp thu các kiến thức sâu rộng của Cụ. Và từ chỗ cảm thấy mình gần gũi với tác giả hơn, ta sẽ dễ dàng chia sẻ với Cụ những gian nan vất vả của nhà nghiên cứu đi sâu vào nhiều ngành chuyên môn (địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, dân tộc học, phong tục học.với một sự tận tụy không mệt mỏi vì tinh thần tôn thờ sự chính xác. Sau khi giảng giải từ “dỏ” trong địa danh “Dỏ Sa” chẳng hạn, Cụ đặt vấn đề: có phải “dỏ” đã do sự phát âm sai biến đổi thành “vỏ” trong các địa danh Vỏ Đắc, Vỏ Đắt, Vỏ Đất? Tác giả cũng đã chia sẻ cùng người đọc nhiều nỗi băn khoăn trong việc giảng giải địa danh “Giu Gia”, tên nôm của huyện Phong Thạnh ngày trước nay thuộc tỉnh Sóc Trăng, chẳng hạn. Đọc “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển, chúng ta sẽ vừa tìm được nhiều chỉ dẫn quí báu về địa danh, về tiếng nói Nam Bộ xưa và nay, vừa được thưởng thức cách kể chuyện rất duyên dáng của một cụ già vừa có hiểu biết sâu rộng về nhiều ngành chuyên môn, vừa rất từng trải trong cuộc sống.
Nguồn: https://thuviensach.vn