Cuốn từ điển về phương ngữ Huế của tác giả Bùi Minh Đức, một công trình khoa học mang tính phổ quát, khách quan, đượm màu lý trí lại được khởi thảo trong một khung cảnh hoàn toàn cá biệt, chủ quan, nặng về tình cảm riêng tư. Tác giả tâm sự liền ngay sau khi thân mẫu ông tạ thế : “Với sự xúc cảm tột độ và để vơi bớt những khổ đau mất mẹ, chúng tôi đã ghi lại những chữ mà mẹ chúng tôi thường dùng”.
Ngọn lửa tâm linh đó nâng đỡ quyết tâm và lòng kiên trì trong biên khảo, đi đôi với phương pháp khoa học mà ông đã thụ hưởng được từ trường Y- khoa, nên ta không ngạc nhiên là cuối cùng, sau mười năm cần cù, ông đã đi tới đích.
Với tinh thần đó cộng thêm lòng say mê kiến thức quảng bác, ông cũng như một số rất ít đồng nghiệp của ông đã ra khỏi tháp ngà, ra khỏi chuyên môn y khoa để đến với các khoa học nhân văn và xã hội hầu tìm hiểu con người, tìm hiểu bệnh nhân như một tổng thể tâm sinh lý. Cộng thêm vào đó là lòng yêu vùng đất Thuận Hóa, sông biển đồi núi nhịp nhàng, quê hương nhỏ của ông, nằm trong lòng yêu quê hương lớn Việt Nam mà biểu tượng là tiếng nói, tiếng nói không ai chiếm đoạt được của chúng ta, dù trong hoàn cảnh lưu vong, góc biển chân trời. Phương ngữ phía Nam của hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm, từ sông Mỹ Chánh tới đèo Hải Vân, nơi tác giả sống gần suốt nửa thế kỷ, bám chặt lấy dòng Hương thủy, lấy bãi cát Thuận An, nơi kẻ viết mấy dòng này cũng từng kinh qua cả tuổi thanh xuân, gần một thập niên đăng hỏa, lắng nghe thánh thót từng cung bậc đàn tranh hay thẩm thấu, sao tẩm từng câu thơ tiền chiến. Cho nên niềm cảm thông giữa tác giả từ điển và người viết tựa cũng là một kinh nghiệm sống khó quên.
Theo thiển ý, cuốn từ điển này, kết quả của nhiều năm nghiên cứu tìm tòi, có thể coi như bản thống kê, gom góp tiếng Huế, tương đối đầy đủ nhất từ trước tới nay. Tác giả quả đã rút được kinh nghiệm quý báu của các vị tiền bối ngành từ và tự điển học như Alexandre De Rhodes, Genibrel, Huỳnh Tịnh Của, và tham khảo thêm nhiều tác giả hiện đại ngành ngữ học cũng như văn hóa nói chung.