Truyện khoa học viễn tưởng chọn lọc là tập truyện bao gồm 10 truyện ngắn của 6 tác giả của Châu Âu và châu Mỹ. Đó là những truyện ngắn của các nhà văn tiêu biểu ở thể loại khoa học viễn tưởng như Ray Bradbury (Mỹ, Robert Sheckley (Mỹ, Manuel Garcia-Vieo (Tây Ban Nha, H.Hargreaves (Canađa, Liubendilov (Bungari, MaX Raynold (Mỹ, Henri Troyat (Pháp. Những câu chuyện khoa học viễn tưởng về cuộc sống của con người trong tương lai với những phát minh đột phá như chất hóa học, công cụ, công nghệ nghe nhìn, rô bốt, máy thời gian… làm thay đổi thế giới tốt đẹp hơn nhưng đôi khi quá phụ thuộc vào khoa học kỹ thuật thì hậu quả cũng thật nặng nề. Tất nhiên, có những điều viết trong truyện ngày nay đã không còn là viễn tưởng nữa… Tập truyện bao gồm các truyện ngắn đặc sắc sau:• Hoang mạc Châu Phi • Chất làm rỉ • Tiếng rền • Lệnh giết người • Mối tình ngoài thời gian • Nếu người ta bảo rằng anh đã chết • Rô bốt • Tội ác giả tưởng • Vật thí nghiệm • Về những cuộc phiêu lãng vĩnh cửu và trái đất *** VĂN HỌC KHOA HỌC VIỄN TƯỞNG – khúc tụng ca và lời cảnh báo tương lai Trong bài kí “Con người năm một triệu” đăng tải năm 1893, văn hào Anh Herbert George Wells – một trong những nhà văn tiên phong mở đầu cho thể loại văn học khoa học viễn tưởng – đã có một quan điểm độc đáo tham gia vào những cuộc tranh luận nảy lửa thời đó về việc liệu sự tiến hóa của con người đã chấm dứt hay chưa. Wells cho rằng quá trình ấy vẫn sẽ tiếp tục. Theo luận đề này ông mô tả “Con người năm một triệu” của mình. Con người ấy khác chúng ta ngày nay ở mức độ còn nhiều hơn chúng ta khác loài khỉ bây giờ. Sự tiến hóa sẽ ảnh hưởng khác nhau tới những bộ phận khác nhau của cơ thể. Tay sẽ phát triển vì nó là “ông thầy của não bộ”. Tay sẽ mạnh hơn và uyển chuyển, linh hoạt hơn do thích ứng được những công việc tinh xảo. Ngược lại, những cơ bắp còn lại sẽ yếu đi và sẽ hầu như teo tóp. Thế nhưng đầu sẽ tăng trưởng lạ thường vì đây là nơi bao chứa não bùng nổ phát triển. Đồng thời, đầu sẽ không còn giữ những tỉ lệ như xưa nữa. Mọi nét trên mặt sẽ trở nên phẳng, hai tai, mũi, vòng cung lông mày sẽ không còn nhô ra như trước, cằm và miệng trở nên bé xíu. Hóa học sẽ đem lại cho con người những hợp chất dễ hấp thụ ở dạng hoàn hảo nhất. Cũng do thế mà nhu cầu tiêu hóa thức ăn sẽ mất đi và cơ quan tiêu hóa sẽ tiêu biến đi nơi cơ thể người, bởi lẽ con người sẽ học được cách tiếp nhận thức ăn, dinh dưỡng trực tiếp từ môi trường xung quanh. Những “nhà ăn”, “phạn điếm” năm một triệu sẽ là những bể bơi lớn được hòa tan dung dịch dinh dưỡng, và con người (cho tới thời đó dáng vẻ con người có lẽ giống như loài bạch tuộcsẽ chỉ cần ngâm mình bơi trong đó một chốc và thế là “công chuyện ăn uống” nhiêu khê của quá khứ được thực thi chóng vánh theo lối năm một triệu. Con người sẽ tách biệt xa hơn vương quốc động vật so với ngày nay, những tình cảm nơi con người sẽ lụi tàn và gia tăng khả năng tư duy lôgíc phi cảm tính. Kịch bản tương lai và những biến hình của thế giới tương lai có thể được tìm thấy nhiều hơn nữa trong các tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng không chỉ của H. G. Wells mà còn của nhiều nhà văn khác. Văn học khoa học viễn tưởng đã thấp thoáng trong sáng tác của nhiều nhà văn từ thời Trung cổ và Phục Hưng, song chỉ đến thế kỉ XIX, văn học khoa học viễn tưởng mới bộc lộ rõ nét như một thể loại văn học độc lập. Có thể thấy rõ sự vận động mạnh mẽ đó trong Frankenstein của Mary Shelley, trong những tác phẩm của Edgar Allan Poe và Nathaniel Hawthorne. Cái duy lí của phương Tây in đậm trong nét sáng tác của các nhà văn viễn tưởng. Bức màn che phủ, chia cắt hiện tại và tương lai không thể bị chọc thủng bởi sự cầu xin, lễ cúng để nom thấy hình bóng của thời gian chưa đến. Các nhà văn viễn tưởng xuất hiện, và đường nét tương lai đã được diễn tả rõ ràng. Văn học khoa học viễn tưởng thực sự trưởng thành vào cuối thế kỉ XIX với tên tuổi của Jules Verne và H.G. Wells – hai cha đẻ của “Science Fiction” (viễn tưởng khoa họchay “Speculative Fiction” (truyện suy đoánthế kỉ hai mươi. Nếu Jules Verne là nhà văn diễn tả những đột phá triển vọng tới những tầm cao mới của tri thức khoa học và những khả năng vô bờ bến của con người trong chinh phục tự nhiên, thì Herbert George Wells lại đưa trí tưởng tượng của mình tung hoành trong những chiều kích của thời gian và khảo cứu những hệ quả xã hội, tâm lí nảy sinh từ các phát minh, sáng chế của con người. Jules Verne là bậc trưởng lão của một chi phái khoa học viễn tưởng về phát minh, đi trước thời đại tới những loại khí cụ bay trên không, bơi ngầm dưới biển và nhiều loại thiết bị tân kì khác mà chỉ hàng chục năm sau khi đọc sách người ta mới có thể nhìn thấy. Chính ông là người khơi gợi ý tưởng cho nhiều nhà khoa học. Các công trình sư chế tạo khinh khí cầu, tàu ngầm ở Mỹ, Pháp, Italia đều tỏ ý ngưỡng mộ và hàm ơn Jules Verne với tư cách người thắp sáng ý tưởng sáng chế cho họ qua những cốt truyện về tương lai. Với H.G. Wells, những cốt truyện viễn tưởng nhằm diễn tả thế giới với đủ mọi đức tính hiện đại. Có nhà văn từng say mê Wells và tiếp nhận tiểu thuyết “Chiến tranh giữa các thế giới” như một tác phẩm văn chương lịch sử và ông ta đã so sánh cuốn này với tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của L.Tolstoi. Quả vậy, sáng tác của Wells đạt tới tầm sử thi. Ông mô tả dòng các sự kiện và số phận cô đơn của con người trong dòng sự kiện ấy. Wells đã nhìn thấy những vấn đề xã hội loài người tương lai. Ông đã tỏ ra gay gắt hơn những người khác trong việc đánh giá quá khứ, ông lại hi vọng hơn hết thảy khi chiêm nghiệm tương lai, song ông không hề che giấu những tiên liệu đau đớn về tương lai. Trong “Cỗ máy thời gian”, ông mô tả sự thoái hóa của loài người. Những tác phẩm khác của ông cũng dự liệu nhiều tấn bi kịch trong lịch sử tương lai. Jules Verne và H.G. Wells đã khai sinh ra văn học khoa học viễn tưởng. Thể loại văn học này đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Có thể nói rằng những trung tâm phát triển nhất của văn học khoa học viễn tưởng là Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Italia, Nhật Bản, bán đảo Scandinavie. Ở Mỹ người ta thừa nhận Hugo Gernsback là cha đẻ của khoa học viễn tưởng Mỹ. Để ghi nhận công lao của ông, Hội nghị văn học khoa học viễn tưởng thế giới đã đặt giải thưởng hàng năm mang tên ông và bắt đầu trao từ năm 1953. Sức mạnh cảm hứng viễn tưởng thực mạnh và sâu sắc qua sự cố văn chương hồi năm 1944. Các nhân viên FBI (Cục điều tra liên bang Mỹđến tạp chí “Astounding Science Fiction” (Khoa học viễn tưởng kì thúdo ngài John W. Campbell Jr. chủ bút, để điều tra xem nhà văn C. Cartmael có tiềm nhập vào bí mật quân sự không. Nhà văn này đã viết và cho đăng một truyện mô tả những bí mật ghê gớm nhất mà ngay cả những bộ óc khoa học siêu việt ở Los-Alamos cũng không thể biết tận ngọn ngành. Ông đã miêu tả loại vũ khí hủy diệt bằng sóng xung kích, nhiệt và bức xạ, tức là có đầy đủ những yếu tố của một vụ nổ nguyên tử. Ngài chủ bút đã phải ra sức chứng minh về sự không giới hạn của thời gian và thói quen vượt trước thời gian của các nhà văn viễn tưởng. Song cả ông ta lẫn các nhân viên điều tra đều chẳng ngờ gì việc những điều mà Cartmael viết tới kia sẽ xảy ra chỉ sau đó vài tháng. Hóa ra, Cartmael chẳng dính líu gì tới kế hoạch tuyệt mật do tiến sĩ Oppenheimer và tướng Groves chỉ huy. Trong những dự báo của mình, nhà văn chỉ sử dụng những thông báo khoa học công khai của thời trước chiến tranh mà thôi. Và ngài Campbell cũng đưa cho các thám tử xem các tác phẩm viết về chiến tranh nguyên tử của Heinlein (viết năm 1941và của H.G. Wells (in năm 1914. Ngày nay, độc giả trên thế giới rất say mê các tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng của Robert Sheckley, Ray Bradbury, Isaac Asimov, Ursula Le Guin v.v… Ở Nga, những nhà văn cự phách viết viễn tưởng là A. Tolstoi, A.Beliaev đã nổi tiếng từ hồi đầu thế kỉ XX. Khi đó, A.Tolstoi đã tiên đoán ra loại vũ khí laser và những chiến cụ dùng các thứ tia khác trong cuốn “Chiếc máy Hyperboloid của kĩ sư Garin”… Còn A.Beliaev đã dự liệu được thành tựu khoa học tương lai: nuôi sống não bộ người sau khi đầu đã lìa khỏi thân để tiếp tục tranh thủ những ý tưởng khoa học trong “Đầu giáo sư Dowell”. Ông cũng lường đoán được khả năng sinh học tạo ra người cá trong nhân vật Ikhtiandr của tác phẩm “Người cá”, chàng Ikhtiandr là con người đầu tiên sống giữa loài cá và chú cá đầu tiên sống với con người. Chính A.Beliaev được coi là “Jules Verne Xô Viết”… Kế tục họ là những nhà văn viễn tưởng nổi tiếng thế giới như A. Kazantsev, I. Efremov, A và B. Strugatski,v.v… Những kiến giải tương lai của các nhà văn viễn tưởng bao gồm hai yếu tố: tri thức khoa học và trí tưởng tượng vô cùng phóng túng. Tư chất nhà khoa học nơi họ mạnh và sâu, tài năng văn chương nhuần nhuyễn cộng thêm linh cảm tiên tri nhạy bén đã hun đúc nên tư chất nhà văn viễn tưởng. Không phải vô cớ mà ở Nga có hàng chục trường dạy phát minh sáng chế có sử dụng các tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng trong các khóa học. Ở các cơ quan tình báo Mỹ đều có những bộ phận chuyên trách chắt lọc và phân tích các ý tưởng khoa học và công nghệ rút ra từ các tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng khắp thế giới. Tiểu thuyết hay truyện ngắn khoa học viễn tưởng là những tác phẩm có cốt truyện xảy ra trong tương lai hay hiện tại được thăng hoa bởi những ý tưởng, những phát minh khoa học và có sự trợ giúp của những thiết bị khoa học kì ảo, có thể có những truyện thuần túy khoa học, có nhiều tác phẩm phát triển viễn ảnh xã hội loài người liên lạc hay đụng độ với những nền văn minh khác ở ngoài vũ trụ. Các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng có tư duy khoa học, có lẽ nếu họ không phải là nhà văn thì sứ mạng của họ sẽ là phục vụ cho khoa học hay kĩ thuật. Trên thực tế, nhiều nhà văn từng là nhà khoa học, hoặc sau khi viết văn đã làm khoa học rất nghiêm túc và có thành tựu như A.Asimov, một nhà khoa học danh tiếng ở Mỹ. Ngoài tư duy khoa học sâu sắc, các nhà văn khoa học viễn tưởng còn có linh cảm của nhà tiên tri. Nhiều phát minh khoa học mang tính đột phá đã xuất hiện trên các trang tác phẩm viễn tưởng từ rất lâu trước khi các khoa học gia hay kĩ sư đi tới các phát minh này. Nhà văn người Sec Karel Căpek (1890-1938đã gọi những người máy trong vở kịch Khoa học viễn tưởng của mình “R.U.R = Rossumõs Universal Robots” (1921là Robot. Ngày nay loài người đã có được thuật ngữ “Robot” nhờ sáng tạo của nhà văn Sec, không những thế, người máy trong thế giới văn chương đã trở thành hiện thực sau đó vài thập niên. Còn nhà văn Balan Stanislaw Lem đã tiên đoán rồi sẽ đến lúc loài người nhận biết được linh hồn của thế giới tưởng chừng là vô sinh như đại dương, đá, cây cối v.v… Ngày nay, các nhà văn viễn tưởng không còn dựa vào những triển vọng gần gũi và thực tế của khoa học như một nguồn cung cấp ý tưởng cho họ như trước đây nữa. Các nhà văn tự tạo ra một nền “khoa học viễn tưởng” như nhiều nhà nghiên cứu đã gọi, ấy là thành quả của trí tưởng tượng tự do, phóng túng. Những tư tưởng khoa học ngày càng thâm nhập sâu vào viễn tưởng, các ý tưởng ấy chưa hề được tạo lập rõ ràng, minh xác, mà chỉ có những khái niệm khái quát nhất về các kết quả thực tiễn của chúng. Chẳng hạn, những quan điểm về bản chất của thời gian và không gian, về vật chất và năng lượng, về một loạt vấn đề của hóa học, sinh học, điều khiển học, tin học. Nhiều khi các nhà văn dường như bổ sung cho khoa học, đưa vào đó những khái niệm hư cấu mà có vẻ như sẽ được phát hiện ra trong tương lai. Song những khuôn khổ của tưởng tượng không phải là vô hạn. Tưởng tượng không thể trái với những quy luật căn bản của tự nhiên, vì vậy khoa học viễn tưởng khác hẳn sự suy đoán tùy tiện. Văn học khoa học viễn tưởng cố gắng chỉ ra nhiều khía cạnh của tương lai vẫn còn đang ẩn khuất sau tấm màn thời gian. Không phải vô cớ mà các nhà tương lai học, các nhà bác học chuyên dự báo tương lai, luôn luôn theo sát các tác phẩm viễn tưởng, vì họ cho rằng nhà văn khoa học viễn tưởng có thể “mô hình hóa” tương lai. * * * Loài người hi vọng về một tương lai hòa bình, hạnh phúc, một tương lai không có chiến tranh, không có tội ác. Muốn vậy, người ta phải nghĩ ra một thiết bị nào đó có thể làm vô hiệu hóa các loại vũ khí bằng cách biến chúng trở thành gỉ sắt trong nháy mắt. Khi ấy, loài người sẽ có được một vũ khí hòa bình hiệu nghiệm chống lại được mọi thứ vũ khí chiến tranh. (“Chất làm gỉ”. Xã hội tương lai bảo đảm quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo đảm an ninh cho mọi người. Khái niệm giết chóc không còn tồn tại nơi tâm thức con người nữa. Những mệnh lệnh tội ác của quá khứ, của những xã hội dã man trở nên kì quặc, không ai hiểu nổi trong thế giới an bình tương lai. Truyện “Lệnh giết người” ca ngợi một bối cảnh xã hội như vậy. Viễn tưởng khoa học đưa con người vượt thời gian tới tương lai, song nhiều điều bất ngờ sẽ chờ đón họ. Một trong những điều bất ngờ ấy là cuộc tình với người chưa ra đời trong truyện “Mối tình ngoài thời gian”. Tấn bi kịch lãng mạn ấy xảy ra bởi sự gián đoạn hai thời đại. Sự có lí nằm trong nghịch lí, vả lại, nghịch lí cũng tiềm tàng trong sự có lí. Tình yêu ngoài thời gian, thật đau khổ và khắc khoải. Thành tựu khoa học đưa con người vào tương lai hóa ra lại gây một nỗi đau khôn nguôi cho con người. Truyện “Vật thí nghiệm” cũng lí giải một nhẽ khác tương tự, song lần này là phát minh làm thay đổi tính cách. Những cuộc đổi thay tính cách liên tục làm cho con người mệt mỏi. Quả thật khó quen được với tình huống hôm nay điềm đạm, chín chắn, ngày mai lại là người nóng tính, quân phiệt, để rồi tuần sau làm người đa cảm, âu sầu… Hai con người làm vật thí nghiệm tưởng chừng có thể thoát được cảnh ấy, song họ đâu có hiểu được rằng thứ hóa chất tiêm vào cơ thể làm đổi tính cách ấy đã trở thành “cơ địa” mới khiến họ bị cám dỗ trở lại nơi mà họ tưởng chừng là địa ngục. Những thành tựu của khoa học đều có hai mặt. Chiếc huy chương nào chẳng có mặt trái. Tương lai chờ đón loài người với những phát minh, thành tựu kì diệu. Song các nhà văn viễn tưởng cũng cảnh báo con người về các mặt trái của tiến bộ khoa học kĩ thuật. Khi tiện nghi trở nên tuyệt mĩ, khi phương tiện nghe nhìn đạt thấu mức thay thế được những cuộc du lịch thực địa đầy không khí và ấn tượng, (hơn cả Internet bây giờthì sẽ sinh ra những hội chứng kì lạ của tâm lí như trong “Hoang mạc châu Phi”… Máy tính, người máy sẽ tiếp tục có những bước tiến mới trong tương lai. Song nó cũng đem lại cơ hội cho những kẻ thất nhân tâm sử dụng chúng vào những mục đích xấu xa, chẳng hạn như dùng thẻ điện tử để làm nghề đạo chích (trong “Tội ác giả tưởng”. Thế giới máy tính hóa nhiều khi dễ dàng xâm phạm tới nhân phẩm, tới sinh mạng con người. Con người trở nên thừa trong thế giới được chương trình hóa triệt để và tuyệt đối. Truyện “Nếu người ta bảo rằng anh đã chết” kể về số phận khốn khổ của một con người trong thời đại như vậy chỉ vì một sai lệch rất nhỏ trong hệ thống máy tính quản lí. Con người bất lực không thể cưỡng lại sự chỉ huy và mù quáng tuân lệnh của máy móc. Truyện “Rô-bốt” diễn tả thế hệ người máy mới có thể thay thế những công việc thường ngày nơi các văn phòng như làm thư kí. Nhiều tình huống kì lạ sẽ xảy ra khiến con người không thể ngờ tới được. Do khuôn khổ tuyển tập này có hạn nên không thể đăng tải những truyện viễn tưởng khác đề cập đến nhiều khía cạnh xã hội tương lai khác. Song ở đây đã quy tụ được một số tên tuổi tiêu biểu của văn học khoa học viễn tưởng Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Canada, Bungary v.v… Mỗi nhà văn một đề tài, một phong cách, nhưng họ đều thống nhất ở tài năng, ở cái nhìn tỉnh táo vào tương lai. Họ đều muốn con người ngày nay hiểu rằng khi kiến thiết xã hội tương lai cần đưa con người vào tâm điểm của chăm lo hạnh phúc, hạnh phúc vật chất, và quan trọng hơn là hạnh phúc tinh thần. Thiếu quan điểm vì con người, mọi thành tựu khoa học kĩ thuật sẽ quay trở lại chống con người. Văn học khoa học viễn tưởng đã bước sang thiên niên kỉ mới. Thế kỉ XX đã đánh dấu một chặng đường kì vĩ trong sự phát triển của nó. Hi vọng sẽ có dịp được cùng bạn đọc trở lại với thể loại văn học đầy hứng thú này. Nguyễn Chiến