Năm 2012, tôi biết đến cuốn Hoa Lục trong Mười Chữ của nhà văn Dư Hoa (Yu Hua) qua giới thiệu của bạn Hải Hà trên website gio-o.com.
Đọc một phần tác phẩm, thấy ” Thủ giống thủ, xôi giống xôi” thật là tâm đắc.
Sau đó, qua bác Vũ Nho giới thiệu tôi tìm đọc trên trang nhà bác Vũ Công Hoan phần Nhân Dân và Lãnh Tụ. Sau này quen biết nhà văn Triệu Xuân, một người cùng tuổi lại đồng hương nên hàng ngày vào website của bác đọc say mê (một website thật đồ sộ và phong phú). Tìm mục ‘Dư Hoa’ và đọc được đầy đủ tác phẩm này. Hiềm nổi, một trang web văn học đứng đắn vậy mà nhà mạng VNPT luôn chặn. Hôm nay, đọc qua mạng FPT, xin phép chủ trang chép về nhà để mọi người cùng đọc.
Trong gio-0 dịch là Hoa Lục trong Mười Chữ, nhà văn Vũ Công Hoan dịch là Trung Quốc trong 10 từ vựng.
Quyển sách “China in Ten Words (Hoa Lục Trong Mười Chữ)” của Dư Hoa được xuất bản ở Đài Loan và bằng tiếng Anh ở Hoa Kỳ năm 2011.
Được viết theo thể loại tiểu luận pha hồi ký, quyển sách có mười chương; mỗi chương dùng một chữ làm tiểu đề, bao gồm People (Nhân Dân), Leader (Lãnh Tụ), Reading (Đọc Sách), Writing (Viết Văn), Lu Xun (Lỗ Tấn), Revolution (Cách Mạng), Disparity (Chênh Lệch), Grassroots (Dân Quèn[1]), Copycat (Bắt Chước), và Bamboozle (Lường Gạt). Dư Hoa bảo rằng để nói cho tận tường mọi khía cạnh về đất nước của ông, có lẽ quyển sách sẽ dài như quyển Một Ngàn Lẻ Một Đêm. Ông chọn mười chữ như mười đôi mắt đặt ở những vị trí thuận lợi giúp ông quan sát và phân tích nhiều khía cạnh, tích cực lẫn tiêu cực của xã hội, lịch sử, chính trị, văn hóa, và kinh tế của Hoa Lục. Với sự nhạy cảm của một nhà văn, Dư Hoa đau cùng với cái đau của Trung quốc. Nói đến nỗi đau của Hoa Lục, thoạt tiên nghe chừng như nghịch lý, vì Hoa Lục hiện nay là một quốc gia siêu cường đứng hàng nhất nhì trên thế giới; nhưng theo Dư Hoa, xã hội Hoa Lục chứa nhiều ung thối, bệnh hoạn đến mức đang ở bên bờ vực tự hủy hoại.
Trong blogspot của tôi có 13 bài, có 2 cặp bài lăp, các bạn có thể đọc 11 bài sau. Các mục từ theo bản của nhà văn Vũ Công Hoan.
Dư Hoa sinh năm 1960 ở Triết Giang, Trung Quốc. Khi 18 tuổi, sau một thời gian được huấn luyện làm nha công, họ Dư hành nghề khoảng 5 năm rồi bỏ nghề; phần vì làm nha công không những suốt ngày cứ phải “nhìn vào mồm thiên hạ” mà còn kiếm được ít tiền nên khi thấy những cán bộ nhà nước làm cho Trung Tâm Văn Hóa cả ngày chỉ lang thang rong chơi mà lương bổng lại khấm khá, Dư Hoa xoay được một chân trong một trung tâm văn hóa và bắt đầu viết lách. Tên tuổi của Dư Hoa nổi như cồn khi tiểu thuyết Sống được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu đưa lên màn bạc. Cuốn phim này được trình chiếu và được trao giải ở Đại Hội Điện Ảnh Cannes năm 1995. Dư Hoa cũng được trao giải văn chương Mao Thuẫn.
Tuy không được đào tạo chính qui về văn chương nhưng Dư Hoa là một người viết chịu khó đọc để học hỏi các nhà văn nổi tiếng thế giới như Fyodor Dostoievsky, William Faulkner, Toni Morrison… (dĩ nhiên chỉ đọc được những nhà văn này qua các bản dịch Trung văn.) Với những tác phẩm viết trước năm 1992 Dư Hoa được coi là nhà văn tiền phong, hiện đại trong văn phong cũng như đề tài. Nhưng từ sau quyển Huynh Đệ, Dư Hoa ngả sang lối viết hiện thực phê phán xã hội, châm biếm theo kiểu Lỗ Tấn trước đây. Tuy không có được căn bản học thuật như Lỗ Tấn nhưng bù lại Dư Hoa lại có sự can đảm cất lên tiếng nói phản biện, thẳng thắn trình bày sự thực.
“Trung Quốc trong 10 Chữ” được Allan H. Barr dịch sang Anh ngữ (China in Ten Words) và được độc giả Mỹ đón nhận khá nồng nhiệt phần vì quyển sách ra mắt đúng thời vụ vào lúc người Mỹ cũng như dân chúng nhiều nước trên thế giới đang chú ý tới Trung Quốc vì nước này có thái độ hung hăng trong vụ tranh chấp Biển Đông mới đây và chính sách trở lại Á Châu của chính quyền Obama. Chúng tôi muốn giới thiệu “Trung Quốc trong Mười Chữ” của Dư Hoa vì thấy có khá nhiều sự việc xảy ra ở Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại rất giống những điều Dư Hoa viết về Trung Quốc. Hơn nữa, cái nhìn hiện thực phê phán của Dư Hoa cũng đáng xem xét để có một bức tranh về những xã hội còn do Đảng Cọng Sản độc quyền cai trị.
Mười chữ Dư Hoa dùng để tóm thực tại xã hội Trung Quốc là: Nhân Dân, Nhà Lãnh Đạo, Đọc, Viết, Lỗ Tấn, Cách Mạng, Cách Biệt Giàu Nghèo, Cùng Đinh, Bắt Chước Rởm, và Bịp. Chúng tôi xin tóm lược những chương quan trọng để đối chiếu với thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay.
Trong chương mở đầu “Nhân Dân” Dư Hoa tự thú cho đến hôm nay khi viết hai chữ này xuống anh vẫn còn cảm thấy nghi ngờ không hiểu mình viết có đúng không vì chữ này đối với anh vừa xa lạ vừa thân quen, và chữ này có lẽ cũng còn là một chữ kỳ quái nhất trong tiếng Hoa: nó hiện diện khắp nơi nhưng hóa ra lại vô hình. Chữ này luôn xuất hiện trên môi các quan chức còn dân chúng lại ít khi dùng tới. Dư Hoa mỉa mai:
“Chúng ta phải ghi công những quan chức này vì nhờ họ mà chúng ta còn chứng tỏ được chữ này vẫn được dùng tới.” Trong quá khứ chữ này rất nặng ký vì tên nước cũng được đặt là Công Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Mao chủ tịch bảo chúng ta phải “phục vụ nhân dân”, tờ báo quan trọng nhất của Đảng cũng có tên gọi là Nhân Dân Nhật Báo. Và từ năm 1949 chúng ta được dạy rằng “nhân dân là chủ nhân” đất nước. Hai chữ nhân dân cũng tuyệt với như ba chữ “Mao Chủ Tịch” vậy. Thế rồi thời thế đổi thay. Khi xảy ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa (CMVH) nếu bạn nói hai chữ nhân dân ra thì nguời khác nhìn bạn với thái độ nghi ngờ vì có lẽ bạn nói trật tuy chẳng có ai phản đối bạn. Trong giai đoạn này người dân hết sức giữ mồm giữ miệng, sơ xảy là bị vu cáo là “phản cách mạng” và bị cho vào tù ngay.
Thời trẻ Dư Hoa còn được dạy rằng “Mao Chủ Tịch sống mãi trong lòng chúng ta” cho nên khi đi diễn hành trong cuộc CMVH, Dư Hoa phấn khởi đưa ra khám phá của mình rằng cái sống trong lòng Mao Chủ tịch dĩ nhiên là nhân dân rồi cho nên thật đúng logic khi nói “Nhân dân là Mao chủ tịch, Mao Chủ tịch là Nhân dân!” Cha mẹ anh cũng như nhiều người khác nghe anh nói vậy ban đầu còn có thái độ nghi ngờ nhưng dần dà mọi người gật đầu cho là chí lý, nhưng dặn anh chớ có nói như thế nữa!
Nhưng khi anh tuyên bố nhận mình là kẻ sáng chế ra câu nói thì không ai chịu nhìn nhận điều này. Và việc khi có quá nhiều người dùng câu nói này lại khiến anh cảm thấy bị đe dọa vì đã chót nhận mình là kẻ sáng chế. Khiếp sợ vì vào giai đoạn này không ai có quyền nhận mình là kẻ đầu tiên sáng chế ra bất cứ điều gì.
Biến cố Thiên An Môn năm 1989 là một khúc quanh mới của lịch sử Trung Quốc: Cái chết của ông Hồ Diệu Bang người có tinh thần đổi mới đưa tới việc sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn đòi dân chủ, tự do, và tố cáo tham nhũng. Nhưng vì sự cứng rắn từ chối đối thoại của chính quyền nên hàng trăm ngàn sinh viên biểu tình tuyệt thực. Người dân Bắc Kinh (nhân dân) thời đó chẳng màng gì tới tự do dân chủ nhưng lại ủng hộ việc tố cáo tham nhũng nên rất đông người ào ạt gia nhập biểu tình với sinh viên.
Vào giai đoạn này chính sách Đổi Mới của Đặng Tiểu Bình đã được 11 năm, dân chúng/nhân dân đã thoát cảnh nghèo đói nhưng Đổi Mới lại tạo nên những mâu thuẫn trầm trọng trong xã hội: quan lại đảng viên tham nhũng, bất công cửa quyền, giai cấp giàu có mới xuất hiện…Và dân chúng/nhân dân bất lực chỉ còn biết ngấm ngầm than thở. Nhưng so với hiện tại thì sự tham những thời đó thật không đáng kể.
Tinh thần dân chủ tự do của Thiên An Môn ngày nay được thay thế bằng sự đam mê làm giàu. Kho từ vựng cũng thay đổi: ngày nay người ta nói tới nào là đầu tư, chứng khoán, giới hâm mộ những kẻ nổi danh, công nhân thất nghiệp, nông dân di cư…Thế nên nội dung chữ nhân dân cũng đã biến nghĩa: Giờ đây chữ này, trong nhiều lãnh vực, được dùng để chỉ những sản phẩm trên thị trường, và hình ảnh cũng như tư tưởng của Mao Chủ tịch nay cũng đã được tái chế biến để phục vụ chính sách tuyên truyền của Đảng. Họ Dư kết luận về “nhân dân”:
Nay nhân dân Trung Quốc lao vào vòng cạnh tranh cắt cổ nhau chỉ để tồn tại, kẻ mạnh rình rập ăn thịt kẻ yếu, mọi người làm giàu bằng bạo lực hay lừa đảo, và kẻ yếu kém và an phận đau khổ trong khi kẻ liều lĩnh và vô luơng được mùa nở rộ.”
Nhưng dù thất vọng với “nhân dân hôm nay” lao đầu theo tiền bạc Dư Hoa vẫn đặt niềm tin vào ý nghĩa của chữ “nhân dân” vì kỷ niệm khắc xâu trong tâm khảm anh là hình ảnh hàng chục ngàn người đã kiên trì quy tụ lại trong đêm tối thắp đuốc sáng rực trong đêm lạnh giá tại một ngã tư bên một cây cầu kế cận quảng trường Thiên An Môn miệng hát quốc ca với mục đích ngăn đoàn thiết giáp của quân đội do chính quyền điều tới để cán nát những người biểu tình. Dư Hoa viết:
“Tôi vẫn cho rằng ánh sáng truyền đi xa hơn tiếng nói con người, và tiếng nói con người truyền đi xa hơn hơi ấm thân thể con người. Nhưng đêm hôm đó tôi mới nhận ra rằng không phải vậy, vì khi mọi người đứng lên thành một khối thì tiếng nói của họ truyền đi xa hơn cả ánh sáng, và hơi ấm thân thể họ còn truyền đi xa hơn thế nữa. Và đó là điều tôi đã khám phá ra “nhân dân” có nghĩa là gì.”
Đọc những nhận xét của Dư Hoa ở trên ta sẽ hiểu rõ hơn câu chuyên mới đây xảy ra ở Việt Nam: Cư dân mạng “lề trái” tranh luận phản bác ồn ào về phát ngôn của đôi ba quan chức của Đảng đã hiểu nội dung chữ “nhân dân” thật quái đản. Thật ra sự quái đản này nói lên nghịch lý tiềm ẩn của thực tại xã hội ở Việt Nam y chang như ở Trung Quốc.
Cũng như chữ “nhân dân” chữ “lãnh đạo” ngày nay cũng mất hẳn cái nghĩa ba chục năm trước đây. Dư Hoa để nhiều trang sách để viết về Mao Trạch Đông và thủ đoạn chính trị biến dân chúng thành những kẻ sung bái mình, cũng như làm khiếp sợ hay loại bỏ nhưng người lãnh đạo trước đây từng là đồng chí thân tín. Mao Chủ tịch là kẻ luôn gây ngạc nhiên trong hành xử đối với đồng chí và quần chúng. Theo Dư Hoa, họ Mao là vị “hoàng đế” duy nhất trong lịch sử Trung Quốc không dùng ngôn từ thiên tử mà lại dùng một thứ ngôn từ rất gần với ngôn từ của quần chúng. Ngoài ra Mao Chủ tịch lại còn có tài mê hoặc quần chúng, chẳng hạn như sự kiên ngày 16 tháng 7 năm 1966 – khi đó họ Mao đã 72 tuổi – họ Mao thình lình xuất hiện bên bờ sông Dương Tử ở Vũ Hán giữa đám đông hàng ngàn tay bơi đang cuồng nhiệt hát quốc ca, giương cao biểu ngữ “Đông Phương Hồng”: Họ Mao liền vẫy tay đi xuống bờ sông và cùng bơi với mọi người trong tiếng hoan hô vang dội “Mao Chủ tịch Muôn Năm”! Lập tức ngày hôm sau Nhân Dân Nhật Báo chạy bài tường thuật sự kiện này cùng với câu ngợi ca “Đó thật là một niềm vui vĩ đại của nhân dân Trung Quốc vì Chủ tịch kính yêu của chúng ta có sức khỏe thật tuyệt vời.” Không chỉ có thế, những ngày tiếp theo triệu triệu tấm hình khổ lớn (poster) cảnh Mao Chủ tịch mặc đồ bơi được phát đi để dán tường khắp ngang cùng ngõ hẻm trên cả nước.
Khi họ Mao còn sống người dân không ai dám nói nguyên họ tên Mao Trạch Đông như thể sợ phạm húy. Hiện nay Mao vẫn được tôn sùng. Ngay như Đặng Tiểu Bình, trong những năm cuối đời, đã nhận ra được những mâu thuận sâu sắc của chính sách Đổi Mới mình chủ trương, và có ý nghĩ cảm phục họ Mao vì trong thời Mao trị vì không làm gì có những nghịch lý như vậy. Cũng chính vì lý do này Mao được “tái sinh”. Dư Hoa thuật lại:
“Không lâu trước đây người ta làm một cuộc thăm dò ý kiến trên Internet để biết thái độ dân chúng trước câu hỏi “Nếu như họ Mao sống dậy hôm nay” thì sao. Kết quả có 10% ý kiến cho rằng đó là điều tệ hại, 5% cho rằng việc này chẳng quan hệ gì đối với Trung Quốc cũng như toàn thế giới, trong khi có 85% ý kiến lại cho rằng đó là một điều tốt.”
Dư Hoa cho rằng vì đây là cuộc thăm dò ý kiến trên Internet nên rất có thể ý kiến đa số 85% này phần đông là của giới trẻ. Vì giới trẻ hôm nay chẳng biết gì nhiều về lịch sử quá khứ cũng như về họ Mao nên ta có thể suy ra rằng đó là một thái độ bất mãn với giới lãnh đạo hiện tại. Ngoài ra Dư Hoa còn đưa ra nhận xét: Dù tốt hay xấu, những việc họ Mao đã làm ở Trung Quốc nay không còn quan trọng nữa, nhưng ảnh hưởng của tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn cứ như những hạt giống vẫn nảy mầm tươi tốt, không hề sút giảm cả ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới. Nhận xét này của Dư Hoa xem ra không có cơ sở.
Sang đến chương “Đọc” họ Dư kể lại việc đọc sách của mình thời niên thiếu và thời tuổi trẻ. Trong thời niên thiếu vào năm 1973, sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa hầu như toàn bộ sách vở bị vệ binh đỏ thiêu rụi và vì là học sinh ở một vùng xa xôi hẻo lánh, sách đọc không có, nên cuốn Tuyển tập Mao Trạch Đông và cuốn Trích dẫn lời Chủ tịch Mao là những cuốn sách duy nhất đối với một đứa trẻ ham đọc sách tưởng chừng sẽ trở thành hấp dẫn đối với cậu học sinh tiểu học họ Dư, nhưng dù có đọc cậu bé cũng hoàn toàn không nhập tâm được gì. Ngược lại, chỉ có những chú giải trong Tuyển tập là gây được chút thích thú vì nhưng chú giải này cho cậu biết được tóm lược những sự kiện và nhân vật lịch sử.
Lên trung học Dư Hoa bắt đầu say mê đọc những quyển sách được cho là độc hại. Những quyển sách này may mắn chưa bị vệ binh đỏ thiêu rụi, còn được lén lút truyền tay qua nhiều người cho nên phần lớn thiếu trang, thiếu đầu thiếu đuôi, thiếu cả bìa sách nên cũng chẳng biết tác giả là ai. Dư Hoa kể lại chuyện anh và mấy đứa bạn học vớ được bản dịch lậu một cuốn tiểu thuyết tình lãng mạn của Pháp và cả bọn quyết định thức thâu đêm chia nhau chép tay từng phần quyển sách sau đó nhập lại thành cả quyển để mỗi đứa tha hồ có thể đọc đi đọc lại. Nhưng chuyện tức cười xảy ra là sáng hôm sau khi xem lại thì không đứa nào đọc được chữ viết của đứa kia. Chính vì những cuốn tiểu thuyết mất đầu thiếu đuôi – nhất là thiếu phần kết truyện này đã khiến Dư Hoa, nhiều đêm trằn trọc cố tưởng tượng ra cái kết thúc truyện. Kinh nghiệm này có ảnh hưởng lớn việc đi vào con đường viết lách của Dư Hoa.
Chương viết về “Lỗ Tấn” (mất năm 1936) khá thú vị vì Dư Hoa kể lại mình từ chỗ coi thường văn hào này thời còn trẻ trung ấu trĩ cho đến khi trưởng thành đọc lại Lỗ Tấn mới thấy ngưỡng mộ nhà văn này. Sinh thời Mao Chủ tịch rất hâm mộ Lỗ Tấn, biến tên tuổi nhà văn này thành biểu tượng của sự đúng đắn và cách mạng thường trực. Nhưng bọn trẻ như Dư Hoa lại thấy tác phẩm của Lỗ Tấn mang nặng một ý nghĩa quá tầm văn chương và tự truyện. Và cậu học trò họ Dư ưa chế riễu đã lợi dụng cơ hội gán những ý kiến của mình cho là của Lỗ Tấn để chiến thắng trong những cuộc tranh luận với bè bạn. Nhưng rất lâu sau này khi một đạo diễn điện ảnh muốn Dư Hoa đọc hết những truyện ngắn của Lỗ Tấn để chuyển thể thành kịch bản phim họ Dư mới kinh ngạc khám phá ra Lỗ Tấn quả thực là một nhà văn có tầm vóc lớn lao. Dư Hoa đưa ra kết luận: “Đối với một người đọc, để thực sự gặp gỡ được một nhà văn nhiều khi tùy thuộc vào việc tìm được đúng lúc để đọc.”
Bàn về “Giầu nghèo cách biệt” giọng văn Dư Hoa chua chát hơn. Lịch sử Trung Quốc trải qua từ thời xảy ra Cách mạng Văn hóa đến nay, bạo động biến dạng từ nổi sang chìm: ngày nay có rất nhiều kẻ giàu sang sống vô cảm trước cảnh nghèo túng của những kẻ cùng đinh là những người “không còn gì để mất mát vì họ đã bắt đầu từ con số không” cho nên họ bất chấp đạo lý, luật pháp cản đường kiếm lợi.
Và ngay những kẻ giàu sang xa hoa hành xử cũng chẳng khác gì bọn cùng đinh. Phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện” trở thành phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội. Theo chân Lỗ Tấn, Dư Hoa ở những chương sách cuối hướng sự phê phán xã hội triệt để hơn. Như trong chương “Bịp” tác giả vạch trần hiện tượng con người tìm lợi nhuận bằng cách lợi dụng danh tiếng người khác và hiện tượng này nay đã được coi là hợp pháp ở Trung Quốc. Lấy ngay kinh nghiệm bản thân: tuy được chính quyền chỉ định như một nha sĩ nhưng thực ra họ Dư chỉ qua huấn luyện bằng cách quan sát qua loa một nha sĩ đã nghỉ hưu tác nghiệp. Việc không có căn bản học vấn hay huấn luyện nghề nha chẳng phải là điều quan trọng vì đã có chức danh do nhà nước công nhận, có dụng cụ hành nghề, và có cả một văn phòng nằm trong một bệnh viện do nhà nước quản lý. Nhớ lại chuyện cũ Dư Hoa nay biết mình đúng là một nha sĩ “bịp.” Bịp bợm cũng còn là chuyện bình thường trong các cơ sở sản xuất hay bán đồ “nhái”.
Tệ nạn “Bắt chước rởm” cũng là một đặc điểm khác của xã hội Trung Quốc hiện nay: chẳng hạn một tờ nhật báo khủng nọ đăng tải một bài viết về chuyện Bill Gates đã thuê một một khu chung cư tồi tàn với một giá cao ngất trời để không bao lâu sau biến khu chung cư này thành một khu chung cư nổi tiếng khắp nước. Thế nhưng, chẳng có ai quan tâm tới sự dối trá của bài báo bởi “Ở Trung Quốc dân chúng chỉ nhún vai coi đó là trò bịp bợm.”
Trong khi nông dân nghèo vượt bao dặm đường từ quê ra tỉnh để bán máu đổi lấy miếng ăn thì những đại gia xây cất những lâu đài nguy nga rập khuôn kiểu Tòa Bạch ốc. “Ban ngày thì vị tổng giám đốc công ty ngồi ở bàn giấy thiết kế nhái theo Văn phòng Hình Bầu dục,” nhưng “Buổi tối ông ta cầm tay cô thư ký xinh đẹp và dắt cô ta vào căn phòng ngủ nhái kiểu Phòng ngủ của Lincohn.”
Qua 10 chương sách Dư Hoa cho mọi người thấy rõ tác giả tin rằng phép màu Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng nhất thời. Tác giả khẳng định: “Kiểu mẫu tăng trưởng của Trung Quốc là chi ra 100 tệ để kiếm lời 10 tệ trong tăng trưởng GDP.” Giống như Bước Nhảy Vọt trước đây, cái kiểu mẫu tăng trưởng kinh tế được theo đuổi một cách mù quáng như thế chỉ tổ đưa đến hậu quả thảm khốc mà thôi.
Trong buổi giới thiệu quyển “Trung Quốc trong 10 Chữ” với sinh viên ban Nghiên Cứu Văn Hóa Trung Quốc ở đại học Berkeley vào ngày 2 tháng 11, 2011 Dư Hoa còn nói đến nhiều tệ trạng khác trong xã hội Trung Quốc hiện nay như giới quan chức địa phương bất chấp chính sách của chính quyền trung ương, mặc sức tham nhũng vơ vét, người có tội chỉ cần có một luật sư và một tay trung gian chạy án và chịu chi tiền thì bản án sẽ được giảm nhẹ tối đa một cách dễ dàng vv…
Câu hỏi đặt ra là: Liệu các nhà văn “hiện thực phê phán” của Việt Nam có đủ can đảm như Dư Hoa để viết về xã hội nước ta hiện nay không? Nếu như quyển “Trung Quốc trong 10 Chữ” được sang tiếng Việt (như quyển Huynh Đệ) thì có được xuất bản và lưu hành không?
Mời các bạn đón đọc Trung Quốc Trong 10 Từ Vựng của tác giả Dư Hoa.