Triết học tổng quát là một danh từ mới để chỉ siêu hình học, môn học ngày càng bị nhiều người nghi ngờ nhất là những nhà tư tưởng muốn đoạn tuyệt với một quá khứ trong đó đệ nhất triết học thường gắn liền với tôn giáo. Nhưng dưới tên gọi này hay tên gọi cũ thì siêu hình học vẫn là sự bàn cãi các vấn đề tối hậu về sự Sống và sự Chết, Hữu thể và Hư vô, vật chất và tinh thần, đời sống của thế giới và của con người. Những vấn đề ấy luôn luôn được đặt ra và thách đố con người. Siêu hình học vì thế đáp ứng một yêu sách nền tảng của trí tuệ con người, yêu sách hiểu biết ý nghĩa sau cùng của các sự vật, của ý thức hay của lịch sử. Một triết học là một siêu hình học trong mức độ mà một chủ đề duy nhất được chuyển dịch vào mọi hình thức của kinh nghiệm; mọi triết học đều là một hệ thống. Phát biểu như thế có thể làm ngạc nhiên. Thật vậy có những triết gia muốn tránh xa hệ thống và tinh thần hệ thống đến nỗi họ cố ý từ khước việc trình bày có hệ thống triết học của họ. Từ Pascal đến Kierkegaard và Gabriel Marcel, các nhà triết học “lãng mạn” đã chống lại thuyết duy trí mà họ nghi ngờ là giả tạo trong lý luận. Nhưng những triết học ấy dù không được hệ thống hóa cũng đưa ra một số chủ đề. Có một ý tưởng, một tình cảm hay một thái độ xuyên suốt qua diễn tiến của tư tưởng. Và tuy không có hệ thống trong cách trình bày nhưng có sự tổ chức trong tư tưởng. Mặt khác nói rằng không thể có một hệ thống cũng là xây dựng một hệ thống, cũng như khi nói “không có một nguyên lý tuyệt đối” là đặt phát biểu ấy thành nguyên lý tuyệt đối, hoặc khi nói rằng “tất cả đều phi lý, không có gì là khả tri” là đưa ra một mệnh đề diễn dịch hay quy nạp từ những kinh nghiệm đề xuất và điều đó được đề nghị như một kết luận hợp lý. Cũng trong quan điểm đó khi một người có những ý tưởng về đời sống, vật chất, Thượng đế, xã hội hay về lịch sử, bản tính con người, sự tiến bộ đạo đức mà không trình bày mối dây liên kết hợp lý giữa các ý tưởng ấy thì chưa đủ để khẳng định người đó là một triết gia.