“Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ” – Asai Ryo (tên tiếng Nhật: Nanimono) đã oanh tạc Nhật Bản như thế nào???
– Được tái bản nhiều lần, có hàng loạt các phiên bản khác nhau (như hình đấy các bạn, mà đó vẫn chưa phải là hết đâu :)))
– Phim điện ảnh của cuốn sách cũng càn quét khắp các cụm rạp, gây xúc động mạnh tại xứ sở Phù Tang!!!
Ai trong chúng ta rồi cũng đều phải bước qua những năm tháng vô tư, hồn nhiên để đến với cánh cửa mới mang tên “trưởng thành”. Đó là chặng đường mà mỗi người đều nếm trải sự chênh vênh ở cái ngưỡng không còn trẻ mà cũng chẳng trưởng thành, không lạc lối nhưng cũng chẳng thể tìm cho mình một ngã rẽ riêng.
Tôi đến với những trang sách của Asai Ryo vào một ngày Hà Nội mới chớm vào thu và khi chính bản thân mình cũng đang ở cái ngưỡng của sự trưởng thành. Đối với tôi, “ Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ ” là một điều gì đó hết sức đặc biệt. Cuốn sách ấy vừa giống như một lời thủ thỉ, tâm tình lại vừa như bức thông điệp truyền cho con người ta những bài học đầy ý nghĩa.
“Tuổi trẻ của chúng ta luôn có một giai đoạn, mà lúc đó, chúng ta hoài nghi về chính bản thân mình. Không biết làm gì, không biết đi đâu, càng không biết mình là ai”. Đó chính là tuổi trẻ của những nhân vật mà nhà văn Asai Ryo đã xây dựng trong cuốn sách của mình. Đầu tiên có lẽ phải nhắc đến Takuto – cậu thanh niên ít nói, rụt rè, ngay đến cả lời tỏ tình với người con gái mình yêu cũng không dám nói. Bỏ qua những cơ hội bày tỏ để rồi đến cuối cùng anh và cô gái mình yêu lại trở nên xa cách mãi mãi.
Mizuki thì luôn khiến người ta cảm thấy cô nàng đang tự thu mình vào một thế giới riêng mà khó ai có thể bước vào được. Tự ti vì gia cảnh, nghĩ rằng mình không thể nào sánh được với bạn bè, Mizuki tự xa lánh, tách biệt với thế giới xung quanh. Mizuki vui tươi, yêu đời bỗng trở thành một cô nàng chi li, tính toán trong các mối quan hệ. Tận sâu trong trái tim, cô không mong có ai đó sẽ mang đến hạnh phúc cho mình vì chẳng ai muốn dành trọn tình cảm cho một người chỉ biết nghĩ đến bản thân.
Còn với Takayoshi – cậu quý tử luôn sống ỷ lại vào cha mẹ, cậu không muốn phải bỏ công sức để làm bất cứ điều gì. Được lớn lên trong căn nhà ấm áp, được chăm sóc tỉ mỉ trong từng bữa ăn,… tất cả khiến cậu thanh niên này trở nên lười biếng và phụ thuộc vào cái lồng yêu thương do cha mẹ tạo ra.
Cuối cùng nhân vật mà có lẽ được nhiều người thích nhất là Kotoro – chàng trai với cá tính âm nhạc khác biệt mà mỗi lần lên sân khấu luôn nhận về “những ánh đèn flash của máy chụp hình chớp nhoáng sáng lòa sân khấu”. Đam mê là vậy, nhưng rồi đến khi hồi chuông cuối cùng của thời học sinh vang lên cũng là lúc Kotoro chia tay ban nhạc. Anh bạn phải vụt chạy đi tìm kiếm công việc làm ổn định thay vì cứ mải mê khao khát với ước mơ “rẻ tiền” ấy.
Bốn con người với bốn câu chuyện riêng đã được ngòi bút của nhà văn Asai Ryo khéo léo sắp xếp để họ cùng gặp nhau ở một điểm hẹn mới trong cuộc đời. Công cuộc tìm kiếm việc làm của bốn cô cậu sinh viên được miêu tả sống động, chân thực theo đúng với tính cách, tâm lý của mỗi người. Để rồi, khi lướt qua câu chuyện của các nhân vật, có đôi lúc chúng ta lại tìm thấy hình ảnh của chính mình trong đó.
Từng trang viết của nhà văn đều phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội, trong đó có cả những chông chênh của tuổi trẻ trong hành trình tìm kiếm bản thân. Thu mình trong lớp vỏ tự ti như Mizuki hay sống mãi với nỗi ân hận muộn màng như Takuto? Chọn lựa một hướng đi mới như Kotoro hay cứ mãi để cuộc đời phụ thuộc vào cha mẹ như Takayoshi? Câu hỏi đặt ra cho các nhân vật nhưng dường như bất cứ độc giả nào khi cầm trên tay cuốn sách cũng đang tự đi tìm câu trả lời cho chính bản thân mình.
Khi còn bé ai cũng nhìn cuộc sống qua những lăng kính ngây thơ và hồn nhiên nhất. Cứ nghĩ rằng khi lớn lên rồi tự bản thân mình sẽ làm nên điều tuyệt diệu. Thế nhưng như Asai Ryo đã viết: “Cuộc sống chẳng khi nào là dễ dàng cả. Nếu đang cảm thấy dễ dàng, thì chắc chắn có người đang thay ta gánh chịu phần không dễ dàng ấy rồi”. Ai rồi cũng sẽ trưởng thành và sự trưởng thành đó chưa bao giờ là dễ dàng. Cạm bẫy, lừa lọc, vô cảm và thực dụng, tất cả khiến con người ta dường như trở nên yếu đuối hơn thế nhưng tuổi trẻ của ai chẳng cô đơn, mệt mỏi, thậm chí là bế tắc. Tất cả rồi sẽ bước qua như thế nào?
Ngòi bút của Asai Ryo quả thực tài năng khi từng hơi thở, từng con chữ, từng mảnh ghép số phận trong cuộc hành trình tìm kiếm bản thân của những người trẻ đang lạc lối ấy đều được nhà văn góp nhặt và đưa vào câu chuyện của mình. Và có lẽ điều làm tôi thích nhất ở “ Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ ” chính là ở cảm xúc tự nhiên, chân thành mà tác giả mang đến. Không cần phải phê phán, chê bai, cuốn sách vẫn chạm đến trái tim người đọc bởi những điều đơn thuần nhất.
“Khi nỗ lực, người ta không để ý họ làm vì ai, làm vì điều gì. Nỗ lực không phải là lăn lóc trên Internet hay mạng xã hội. Mà nó đang ở ngay đây, trong chuyến tàu sắp sửa vào ga với máy sưởi chạy quá đà, giữa một ngày tháng Hai rét buốt”. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc về những bài học đường đời đầu tiên giành cho tuổi trẻ, tác phẩm của Asai Ryo đã đoạt giải thưởng văn học danh giá nhất Nhật Bản – Naoki lần thứ 148 và chuyển thể thành bộ phim ăn khách Namimono. Cuốn sách đến từ xứ sở hoa anh đào đã trở thành hành trang quý giá trên mỗi chặng đường cho những ai đang và sẽ đi qua những năm tháng thanh xuân rực rỡ.
Cảm ơn tác giả, cảm ơn vì những giá trị chân thành mà nhà văn mang đến cho các thế hệ bạn đọc!
***
Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ của Asai Ryo là một cuốn tiểu thuyết gây được tiếng vang lớn ở xứ sở hoa anh đào. Tác phẩm đoạt giải Naoki và đã được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh ăn khách Nanimono (Tiếng Anh: Somebody – Ai đó) đang “oanh tạc” thị trường phim Nhật Bản. Ở Việt Nam, bản Việt ngữ cuốn sách được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2018.
Có nhiều điều gợi lên cho chúng ta từ cuốn sách. Trong kí ức hay hiện tại, với một người đọc đã mang trong mình ít nhiều trải nghiệm, chúng ta thấy hiện về một hành trình đã đi qua, với những thăng trầm, buồn vui của tuổi trẻ, của thanh xuân say mê, sôi nổi đầy hi vọng, chán chường, tuyệt vọng cùng những lựa chọn chủ động và bị động. Có thể, ngay lúc này, chúng ta chợt nhớ đến một Đứa con đi hoang nay đã trở về của Andre Gide, Rừng Nauy của Murakami Haruki, Ở quán cà phê tuổi trẻ lạc lối của Patrick Mondiano… Cũng có thể, chúng ta nhớ đến những ngày trí thức tuổi trẻ với đầy hoài bão, khát vọng trong những truyện ngắn ám ảnh của Nam Cao, Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng hay những câu thơ giục giã đam mê của Xuân Diệu. Cũng có thể, chúng ta nhớ về Lưu Quang Vũ với những câu thơ của tuổi trẻ trong một thành phố chật chội, u buồn. Gần hơn nữa, chúng ta nhớ đến Những thiếu thời lơ lửng của Hạnh Nguyên, Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạccủa Lương Đình Khoa, Mộ phần tuổi trẻ của Hoàng Trọng Khang, Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới của Nguyễn Hải Nhật Huy, những ám ảnh buồn bã trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Đinh Phương… Kí ức đan dệt trong nỗi hoài niệm về tháng ngày thanh xuân đã đi qua khiến cho cuốn sách Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ của Asai Ryo vừa giống như một trải nghiệm trực tiếp, vừa như một nguyên cớ, một vẫy gọi trở về.
Chúng ta sẽ nói gì về cuốn sách này khi ngay ở đó, dường như thấp thoáng hình bóng của mình những ngày chưa xa? Tuổi trẻ, những lựa chọn để trưởng thành, cái ngưỡng mà bất cứ ai cũng phải đối mặt chính là ý niệm xuyên suốt của cuốn tiểu thuyết. Qua các nhân vật Takuto, Kotaro, Mizuki, Rika, Sawa, Takayosi,… một thế giới của người trẻ được tái hiện, chân thực và ám ảnh. Họ, những sinh viên đại học và nỗi băn khoăn trước những lựa chọn để dấn thân vào đời. Sự chua chát khởi đầu cuốn tiểu thuyết một cách lạnh lùng bằng những gặp gỡ, những chia rời, ngăn cách, sự bị động của con người trước xã hội, sự dối trá mà họ bắt buộc phải chấp nhận để bước vào cánh cửa trưởng thành. Tìm việc, đó là câu chuyện trung tâm, nhưng từ đó, mọi vận động nông sâu, rõ rệt hay mơ hồ của đời sống những người trẻ tuổi được hé lộ. Bản ES (Một dạng hồ sơ tuyển dụng) đã chứng thực cho những điều gian dối, khi các cô cậu sinh viên cố gắng trả lời một cách không trung thực về khả năng, điểm mạnh, điểm yếu của mình. Chuẩn bị những dối trá, nghĩ, nói và làm những điều dối trá đến một lúc nào đó người ta không còn xem đó là dối trá nữa. Cái xã hội mà những người trẻ sắp dấn thân vào đã dung dưỡng cho thái độ, lựa chọn ấy. Và, trưởng thành là gì nếu không phải là một trạng thái bị hoài nghi trước bao điều dối trá.
Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ quả thực đã gợi lên cho chúng ta những ưu tư không hề nông nổi. Tuổi trẻ, học tập, tình yêu, việc làm, sự trưởng thành, những mất mát, nhân cách, cách sống, sự thích nghi, năng lực, kinh nghiệm, lời nói và hiện hữu, sự trống rỗng, mất niềm tin, nỗ lực khẳng định bản thân, sự lựa chọn, sự từ bỏ, hoài nghi và xác tín, bám giữ hay buông xuôi,… chừng ấy có phải là quá nhiều luận đề cho một cuốn tiểu thuyết? Không, đây không phải tiểu thuyết luận đề, mà là một mô tả thật gần, thật trung thực những diễn biến của đời sống giới trẻ, trong trạng thái nguyên bản nhất. Chỉ có đối thoại và những suy tư, rất ít những trường đoạn trữ tình, miêu tả – vốn là đặc sản của tiểu thuyết lãng mạn. Bên cạnh đó, cuốn sách này, thông qua những suy tư và do dự, thông qua những lựa chọn của tuổi trẻ, chúng ta nhận ra đời sống đang hiện diện thế nào. Cuộc sống của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết chất vấn lại lối sống của thế hệ, của những bao trùm giăng mắc mà họ đang vướng phải. Họ nghi ngờ rằng, có thể, với những gì đang diễn ra, họ thiếu đi phần con người, chỉ rập khuôn như máy móc. Thời đại công nghệ đẩy tuổi trẻ vào những lựa chọn bị động. Việc tham gia vào các mạng xã hội như Facebook, Twiter hay đắm chìm trong Internet đã lấy hết thời gian sống của tuổi trẻ. Họ buộc phải diễn tả mình thật ngắn gọn, bằng những từ khóa, bằng những kí tự giới hạn, họ phải đánh bóng mình bằng những status “chất lừ” trong khi có thể sự thực họ nhạt nhẽo, rỗng tuếch và vô cảm. Một khi, phải lựa chọn những ngôn từ ít ỏi để diễn đạt mình, tuổi trẻ thời công nghệ buộc phải loại bỏ đi nhiều từ ngữ khác. Mà, những từ ngữ bị loại bỏ, xem ra mới là những từ quan trọng làm nên sự hiện diện đích thực của con người. Thế có nghĩa là gì? Những ngôn từ quan trọng thực chất đã bị chôn vùi, đồng nghĩa với một bản thể, một thế hệ có thể đã bị đánh mất, bị lãng quên mặc dù vẫn hiện diện hàng ngày trong đời sống.
Trạm dừng chân nơi nhà ga tuổi trẻ xác thực một thảm trạng về tính không trùng khít, không vừa vặn của những mảnh ghép tuổi trẻ. Những mảnh ghép không khít cứ bị ấn bừa vào nhau để rồi bung vỡ ở chính trung tâm của nó. Internet, facebook, Twiter… giống như những liều thuốc an thần, là chiếc đệm lười, là vỏ ốc để tuổi trẻ trú ngụ, ấn náu và trốn tránh. Họ – những người trẻ tuổi sẽ trở thành – trưởng thành như thế nào trong một thế giới đầy bị động như vậy? Cuốn tiểu thuyết của Asai Ryo đã mang đến cho người đọc, nhất là giới trẻ những suy tư thực chất, gần gũi với chính họ. Nhưng, không hề khuyên bảo hay dạy dỗ, cuốn sách như một người bạn, một “lời thủ thỉ, tâm tình” mà chạm đến những giật mình sâu kín của thế hệ. Và, sau tất thảy những điều bị động, bất ổn cuốn ta đi, một xác tín được thức tỉnh chính là: Ta chỉ có thể trở thành chính mình. Đó là một thông điệp quan trọng từ cuốn sách rất cần cho tuổi trẻ này.
NGUYỄN THANH TÂM
Mời các bạn mượn đọc sách Trạm Dừng Chân Nơi Nhà Ga Tuổi Trẻ của tác giả Asai Ryo.