Steve Jobs cứ như một con người không có thật đối với tôi. Dĩ nhiên, nhà đồng sáng lập và tổng giám đốc điều hành của Apple là gương mặt quen thuộc nhất và cái tên nổi bật nhất trong ngành công nghệ, lĩnh vực mà tôi đã đưa tin suốt bảy năm qua. Thế nhưng lúc nào ông cũng ở “ngoài vùng phủ sóng,” hầu như chẳng bao giờ muốn tham dự bất kỳ một cuộc phỏng vấn chính thức nào với các phóng viên hoặc tham dự các hội nghị mà những doanh nhân khác thường có mặt.
Ngay cả trong đời sống, và có lẽ còn rõ nét hơn nữa trong cái chết, Steve luôn là một nhân vật huyền bí. Nhiều người trong ngành công nghệ này khi nhắc đến ông đều dùng tên riêng một cách thân mật, và ngày nay người ta vẫn có thói quen đó – chỉ gọi tên riêng của ông, mặc dù chưa bao giờ gặp con người này. Các nhà kinh doanh Internet trẻ tuổi nối đuôi nhau đi theo cách của Steve, mặc dù nhiều người trong số họ chưa bao giờ được gặp trực tiếp danh nhân này. Những người ủng hộ ông thì tán tụng, còn đối thủ thì công kích ông trong những cuộc trò chuyện công khai hoặc riêng tư. Apple đã phát triển thành một công ty hùng mạnh trên thế giới, nhưng ít có công ty nào lại được định hình và chi phối bởi một thủ lĩnh đơn thương độc mã như vậy.
Điều bí ẩn này chính là động lực khiến mọi người tìm mọi cách liên lạc với ông, và người ta đã nghĩ đến hộp thư của ông. Nếu nỗ lực tìm kiếm trên web, ta có thể tìm thấy địa chỉ email và số điện thoại của một số người, nhưng thông tin của Steve thì luôn được lưu hành rộng rãi vì ông là một người nổi tiếng và, đáng ngạc nhiên hơn nữa, đôi khi ông quả thật có viết thư trả lời. Nói một cách khác, chính ông là người đã khơi mào câu chuyện.
Sau khi chứng kiến hiện tượng này và đọc cả báo cáo về nó, tôi đã quyết định gửi một bức thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Bởi vì bộ sậu của ông Steve chưa bao giờ cho phép tôi phỏng vấn ông trực tiếp nên tôi xem đây như một cách đi vòng, nhưng rốt cuộc cũng không hiệu quả.
Là phóng viên cho báo Los Angeles Times và sau đó là CNN, tôi đã phỏng vấn hàng trăm nhà kinh doanh, các nhân vật nổi tiếng và các nhà lãnh đạo về văn hóa, nhưng chưa bao giờ phỏng vấn được Steve Jobs. Cơ hội lớn nhất của tôi là lần đứng trong nhóm phóng viên để trích lời Steve sau một cuộc họp báo tổ chức tại văn phòng của Apple tại Cupertino, California nhằm công bố một chuỗi sản phẩm laptop mới.
Cũng như vài chục nhà báo năng nổ khác, tôi đã từng nhiều lần chứng kiến Steve trình diễn trong các sự kiện quan trọng của Apple. Những sự kiện với iPad, iPod, iPhone và iCloud. Có lẽ dịp đáng thất vọng nhất mà tôi chứng kiến là khi Steve Jobs đi nghỉ phép để trị bệnh, và người thay thế ông trên sân khấu là Phil Schiller – nhân vật đứng đầu về marketing của Apple. Lần đó Apple giới thiệu máy iPhone 3GS vào mùa hè 2009. Còn lần mà cử tọa tung hô nhiệt liệt nhất có lẽ là sự kiện công nghệ diễn ra hai năm sau đó cũng tại chính sân khấu cũ, vào dịp Steve công bố phần mềm mới sau khi đi trị bệnh trở về và vẫn còn hốc hác.
Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người ta vỗ tay nhiệt liệt ở Đài Loan trong trường hợp Steve đến để nói chuyện về những sản phẩm mà ông yêu mến. Tôi biết Apple có nhiều người hâm mộ tại Việt Nam, và tôi muốn cám ơn những độc giả đang đọc cuốn sách này. Mặc dù sống cách trụ sở của Steve đến mười ngàn dặm, bạn đọc tại Việt Nam vẫn sẽ tìm được những bài học đầy giá trị về sự thông minh và bền bỉ qua các trang sách, từ những lá thư Steve gửi cho những người hâm mộ.
Tôi sống cách ba mươi lăm dặm về phía bắc Palo Alto, California, nơi Steve sống cùng gia đình, và cũng là nơi hàng trăm người đã tụ tập để tưởng niệm sau khi ông qua đời. Lúc sinh thời của Steve, tôi nghe nói ông thường đi loanh quanh trên đường phố Silicon Valley, nơi tôi đã từng lui tới gặp gỡ các nguồn tin. Tôi nghe nói ông thường đến San Francisco, nơi tôi sống, để ăn tại các quán Ấn Độ và các quán pizza mà tôi lui tới. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau trên đường đời. Lúc nào ông cũng là một diễn giả trên sân khấu, còn tôi thì ngồi trong số khán giả.
Danh tiếng của Steve đã trỗi dậy như cồn trong những năm tôi đưa tin về công nghệ, trong những năm cuối đời đầy ấn tượng của ông – quãng thời gian mà ông gầy dựng lại Apple và đưa công ty này lao vút lên bầu trời. Khi ngôi sao chiếu mệnh của ông vụt tắt vào ngày 5/10/2011, ngày mà ông từ giã cõi đời sau những năm dài chiến đấu với bệnh ung thư, tôi đang hoàn tất cuốn sách này. Từ dữ liệu công việc của tôi, tôi đã hiểu được rất nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của Steve, những thất bại và vô số thành công của ông, những triết lý và niềm tin của ông.
Steve Jobs thường không phải là một người hiền hòa, mà là một người hành xử đúng đắn. Ông tranh đấu, thuyết phục và gào thét để đạt được mục đích, và sản phẩm của ông đã nhiều lần làm thay đổi thế giới. Những cuộc phỏng vấn với đồng nghiệp của Steve không cho ta thấy rõ lắm tất cả những điều này. Tôi cũng không tin rằng một cuộc phỏng vấn với chính Steve lại có thể giúp tôi hiểu hết những điều tôi hiểu được sau khi phân tích hơn một trăm bức email của ông.
Những bức thư này là những mảnh nhỏ của một trò chơi ráp hình, mà tất cả đều được khắc họa khéo léo bởi một người bị ám ảnh bởi sự tỉ mỉ. Một số bức thư rõ ràng có dụng ý quảng bá sản phẩm của Apple, một số nhằm góp phần lan truyền tin đồn và đánh lạc hướng đối thủ cạnh tranh. Có những mảnh thông tin thuộc về cuộc đời riêng của Steve mà có lẽ ông chẳng bao giờ muốn hé lộ, hoặc, ở độ tuổi chín chắn của ông, ông thật sự chẳng mấy quan tâm người ta sẽ làm gì. Tôi hy vọng tất cả những mảnh thông tin này, khi ráp lại với nhau, sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về một sản phẩm của Steve Jobs đã bị dừng quá sớm: chính con người thật của ông.
Những bức thư ấy thường được gửi từ những người hâm mộ Steve hoặc từ những khách hàng cuồng nhiệt của Apple, những người chẳng ngại thú nhận trong thư rằng họ cũng hâm mộ ông. Trong các thư này những người viết thường hoài nghi không biết Steve có thật sự đọc email hay không, hoặc thậm chí họ còn hoài nghi ghê gớm hơn nữa về việc liệu ông có đích thân hồi đáp một kẻ vu vơ nào đó hay không. (Một nhân vật khác thường nhận được rất nhiềuthư hâm mộ – Ông già Noel, là người có tỉ lệ người hâm mộ nam và nữ khá cân bằng, nhưng đối với Steve thì những người hâm mộ ông lúc nào cũng là nam giới.) Điều khá bất ngờ đối với những người hâm mộ là Steve thường phúc đáp họ. Thư hồi đáp của ông đặc trưng ở chỗ thường cô đọng: “Vâng,” “Không,” “Tôi cũng nghĩ vậy.” Nhưng sự xác nhận, từ chối hoặc hoài nghi một cách gọn gàng đó cũng đủ để người nhận thư thỏa lòng. Đối với một số người, giây phút mở hộp thư và nhận được thư từ Steve Jobs quả là một khoảnh khắc xúc động. Một khi đã trấn tĩnh, người nhận thư đầy may mắn ấy thường bấm nút “chuyển tiếp” để báo cho hàng loạt người biết câu chuyện may mắn của mình.
Tiếp theo, người nhận thư phải đắn đo để quyết định có công bố bức thư hay không. Lựa chọn hàng đầu của họ là đăng tải trên trang blog Mac Rumors (Tin đồn Mac) bởi vì trang này và diễn đàn tại đó thuộc hàng nổi tiếng trong giới hâm mộ Apple.
Apple là một công ty được nhiều người ngưỡng mộ. Các cửa hiệu Apple giống như các thánh đường nơi người tiêu dùng tụ tập đông đảo như thánh địa.Trong một cuộc phỏng vấn của BBC, các nhà nghiên cứu sử dụng máy quét sóng não MRI đã thấy thái độ của những người hâm mộ Apple đối với sản phẩm của hãng này chẳng khác gì những tín đồ tôn giáo tôn sùng thần thánh của họ. Những người dùng máy tính Mac đã tự gọi họ là “dân Mac.” Một chiếc điện thoại di động thì cũng chỉ là điện thoại di động không hơn không kém, trừ phi là một chiếc iPhone. (Khẩu hiệu tiếp thị của Apple năm 2011 là “Nếu bạn không có một chiếc iPhone thì bạn sẽ không có iPhone.”) iPad, chiếc máy tính bảng chính thống đầu tiên, đã được xem như một vật “thần kỳ.” Steve Jobs nói rằng ông đã nghĩ ra từ ngữ đó. Trong hằng hà sa số các bức thư mỗi ngày, người gửi thư nào cũng khát khao muốn được Steve để mắt đến, đến nỗi một số tạp chí đã từng đăng những bài báo mách nước những thủ thuật để được hồi đáp. Tờ Business Insider (Nhà kinh doanh trong cuộc) còn đăng bài hướng dẫn dưới dạng slideshow về đề tài này, mặc dù tác giả chẳng hề nhận được một hồi đáp nào khi gửi thư thí nghiệm. Nhại theo tạp chí trào phúng Onion , một trang web hài hước khác chuyên đăng tin bịa về Apple mang tên Scoopertino (nhại theo địa danh nơi Apple đóng đô – Cupertino, thuộc California) đã từng bịa tít lớn giật gân “WikiLeak công bố 140.000 email của Steve Jobs.” Thực tế thì trong các bức điện gửi về từ sứ quán Mỹ tại Trung Quốc được WikiLeak công bố trong năm 2011, người ta chỉ thấy trích dẫn lời nhân viên của Apple hoặc nhắc đến Steve Jobs chứ khó mà tìm thấy thông điệp nào gửi thẳng từ văn phòng của Steve Jobs.
Tuy nhiên, ngoài Mac Rumors (Tin đồn Mac), một số trang web khác đã từng đăng tải những bức thư thật của Steve. Trang AppleInsider (Người trong Apple) đã từng viết bài về những từ nhát gừng “vâng” hoặc “không” trong email của Steve. Trang Cult of Mac (Giáo phái Mac) , một trang web có cái tên khéo đặt giữa một đại dương các trang web tôn thờ Apple, cũng đã từng đăng bài về đề tài này. Một trang blog khác, 9to5Mac , cũng từng xoay sở có được email độc quyền. Ngoài ra, các tạp chí chính thống, bao gồm Fortune , Gizmodo và Wired , cũng đã từng cố moi cho được email từ Steve. Thậm chí có một trang blog còn tập trung vào đề tài những bức email của Steve, hệt như cuốn sách này. Trang này mang tên Những bức email của Steve Jobs (Emails from Steve Jobs) và đã từng qua mặt các trang web khác để đăng một số email của ông.
Tôi cũng đã từng nhận được vài bức email của Steve. Một số email dường như không đáng để đăng hoặc không thể xác nhận một cách triệt để và độc lập cho nên tôi không đề cập đến. Cuốn sách này nêu những bức email của Steve Jobs chưa từng được đăng tải, một số nằm trong thư viện lưu trữ của tôi và một số được tìm ra sau nhiều tháng nghiên cứu. Trong các bức thư mà tôi có được, có cả bức thông điệp duy nhất từ Apple nói về sự kiện gây xôn xao và dường như bị gán ghép một cách sai lệch về việc Apple tham gia một âm mưu tẩy chay chương trình Glenn Beck của kênh truyền hình Fox News.
Các biên tập viên của các trang blog nêu trên cho biết họ đã dày công kiểm chứng tính xác thực của các email này. Họ dẫn chứng phần tiêu đề kỹ thuật của email có chứa thông số điện tử cho biết bức thư xuất phát từ đâu. Một chuyên gia phân tích tin học có thể so sánh các tiêu đề này với các bức email đã được biết rõ do Steve Jobs gửi đi, mặc dù thật ra ai biết sử dụng Google đều có thể dễ dàng lấy được thông số này và ngụy tạo. Brian X. Chen, cộng tác viên của tờ Wired , đã áp dụng một kỹ thuật là yêu cầu nguồn tin cho biết thông số kỹ thuật của trương mục thư điện tử và đăng nhập vào để xem thông tin ở dạng nguyên gốc tự nhiên. Đối với cách này sẽ khó ngụy tạo hơn, nhưng cũng không phải là bất khả.
Trong thực tế, không có cách nào hoàn toàn chắc chắn để kiểm chứng các email này. Đối với nhiều bức được trích dẫn trong sách này, tôi đã kiểm chứng với các phóng viên và những người được cho rằng đã nhận email từ Steve. Các bức đáng ngờ đều bị loại. Còn lại thì đôi khi ta đành phải tin, cũng giống như đối với ông già Noel hoặc những phép lạ.
Mời các bạn đón đọc Thư Gửi Steve Jobs của tác giả Mark Milian.