Oriana Fallaci đặc biệt nổi tiếng với vai trò nhà báo, và được nhà viết tiểu sử Jill M. Duquaine tôn vinh là “nhà báo chính luận xuất sắc nhất thời hiện đại.”
Bà mất ngày 15 tháng 9 năm 2006 tại thành phố quê hương.
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra được xuất bản lần đầu tiên năm 1975, được coi là “một trong những trang viết đẹp đẽ nhất của phụ nữ về mang thai, nạo phá thai và những dằn vặt nội tâm.”
Con biết không, mẹ ta đã không muốn có ta. Ta được hình thành bởi lầm lỗi, từ giây phút bất cẩn của những kẻ khác. Với hy vọng ta sẽ không sinh ra, hằng đêm, bà pha thuốc vào ly nước. Rồi vừa khóc, bà vừa uống hết ly nước. Bà uống thuốc đều đặn cho đến cái đêm ta cựa quậy trong bụng bà, và đá cho bà một cái để bảo đừng có vứt ta đi. Đang đưa ly nước lên môi, bà liền đẩy ra xa rồi hất hết chỗ nước đó đi. Vài tháng sau, ta lăn ra rạng rỡ dưới ánh mặt trời. Ta không biết điều đó là tốt hay dở; khi hạnh phúc ta nghĩ điều đó là tốt, khi bất hạnh ta nghĩ điều đó là dở. Nhưng thậm chí, ngay cả khi cảm thấy khổ sở, ta cũng không hối hận vì đã được sinh ra, bởi không gì tệ hơn việc chẳng-là-gì-cả. Để ta nhắc lại lần nữa: ta không sợ đau. Con người được sinh ra với sự đau đớn; nỗi đau lớn lên cùng ta, và ta quen với nó cũng như quen với việc có hai chân, hai tay. Thực sự ta thậm chí cũng chẳng sợ chết, chết có nghĩa là ít nhất cũng là đã từng được sinh ra, từng được thoát thai từ hư không. Điều ta thực sự sợ hãi, ấy là chẳng-là-gì-cả, không là gì, chưa từng tồn tại, dù là tình cờ, hoặc lầm lỗi, hoặc do sự bất cẩn của những kẻ khác. Rất nhiều phụ nữ tự hỏi tại sao họ phải mang thai đứa trẻ đến thế giới này? Để rồi nó sẽ bị đói khát, để rồi nó sẽ bị giá rét, để rồi nó sẽ bị phản bội và nhục mạ, để rồi nó sẽ bị chết trong chiến tranh hay do bệnh tật? Họ chối bỏ hy vọng rằng sự đói khát của nó sẽ được bù đắp, giá lạnh sẽ được sưởi ấm, rằng lòng trung thành và kính trọng sẽ đồng hành cùng nó trong suốt cuộc đời, rằng nó sẽ cống hiến cuộc đời cho nỗ lực xóa bỏ chiến tranh và bệnh tật. Có thể họ đúng. Nhưng chẳng lẽ phải lựa chọn không-là-gì-cả còn hơn là chịu đau khổ? Thậm chí, ngay cả khi gạt nước mắt vì những thất bại, vỡ mộng, dằn vặt, ta vẫn chắc chắn rằng khổ đau vẫn còn hơn không-là-gì-cả. Và nếu ta áp dụng điều này với sự sống, với nan đề có sinh ra hay không, từng tế bào thần kinh trên cơ thể ta gào lên rằng được sinh ra còn hơn là không được sinh ra. Nhưng liệu ta có thể áp đặt cách biện luận này với con? Chẳng phải điều đó có nghĩa là ta đang đem con đến với thế giới này chỉ vì bản thân ta và không vì ai khác? Ta không quan tâm đến việc đem con đến thế giới này chỉ vì bản thân ta và không vì ai khác. Ta chẳng cần gì con cả.
— 2 —
Con chẳng gửi cho ta hồi đáp nào, con chẳng tỏ dấu hiệu nào. Mà sao con có thể làm được điều đó kia chứ? Mới chỉ quá ít thời gian: nếu ta có hỏi bác sĩ về sự tồn tại của con, ông ta sẽ chỉ mỉm cười. Nhưng ta đã quyết định thay con: con sẽ được sinh ra. Ta quyết định như thế sau khi nhìn thấy con trong bức ảnh. Đó không phải là ảnh con, đương nhiên rồi, mà là hình ảnh phôi thai được ba tuần tuổi, in trên một tạp chí trong bài viết về quá trình hình thành sự sống. Khi nhìn bức ảnh, nỗi sợ trong ta tan biến cũng nhanh như khi nó đến. Con trông như một bông hoa huyền bí, một bông hoa lan trong suốt. Phía trên có thể nhìn thấy một thứ như cái đầu với hai khối tròn rồi sẽ phát triển thành bộ não. Phía dưới đó là một cái hốc sẽ phát triển thành khoang miệng. Lúc con ba tuần tuổi, gần như không thể nhận thấy con – chú thích ghi như thế. Hai mi li mét rưỡi. Tuy vậy, trong con đang lớn dần thứ sẽ thành đôi mắt, một thứ gì đó trông tựa như cột sống, hệ thần kinh, dạ dày, gan, ruột, phổi. Tim con đã hiện hữu và khá to: tính theo tỷ lệ thì lớn hơn tim ta chín lần. Nó bơm máy và đập đều đặn kể từ ngày tuổi thứ mười tám: làm sao ta có thể vứt bỏ con? Với ta, con hình thành do tình cờ hay do sai lầm thì cũng không quan trọng, chẳng phải thế giới chúng ta đang sống cũng khởi đầu do tình cờ, hay có lẽ là từ một sai lầm nào đó sao? Nhiều người bảo rằng ban đầu chẳng có gì cả, tất cả chỉ là một sự bình lặng khủng khiếp, một sự tĩnh lặng vô cùng; thế rồi có ánh lóe sáng, một sự chia tách, và cái chưa từng tồn tại giờ xuất hiện. Sự chia tách ngay sau đó được nối tiếp bằng những chia tách khác: càng lúc càng khó dự đoán, càng lúc càng điên rồ, bất chấp hệ quả… Và trong số những hệ quả đó xuất hiện một tế bào, cũng là vì tình cờ hoặc có lẽ do nhầm lẫn, mà ngay lập tức nó được nhân lên hàng triệu, hàng tỉ lần cho đến khi cây cối, cá, và con người được sinh ra. Con nghĩ có ai cân nhắc nan đề này trước khi có cái lóe sáng kia không? Con nghĩ có ai băn khoăn chuyện tế bào đó có thích hay không? Con nghĩ có ai bận tâm đến sự đói khát, lạnh lẽo, bất hạnh của tế bào đó không? Ta không nghĩ là có. Kể cả nếu có ai đó – ví như một vị Chúa sánh với sự khởi thủy của thuở hồng hoang ban đầu, vượt khỏi không gian và thời gian – thì ông ta cũng sẽ không bận tâm tới cái tốt và cái xấu. Mọi thứ đã xảy ra vì nó có thể xảy ra, cho nên nó đã phải xảy ra, theo một đòi hỏi là sự đòi hỏi duy nhất về tính chính đáng. Và mọi việc diễn ra với con cũng như thế. Ta chịu trách nhiệm về lựa chọn đó.
Ta làm thế không phải vì ích kỷ, con ạ: ta thề là việc đưa con đến thế giới này không hề khiến ta thích thú. Ta không thấy cảnh mình đi trên phố với cái bụng căng phồng, ta không thấy cảnh mình cho con bú, tắm cho con, dạy con tập nói. Ta là một phụ nữ đang đi làm và ta có nhiều ràng buộc khác, nhiều mối quan tâm khác: ta đã nói rồi, ta không cần con. Dẫu vậy, ta vẫn sẽ đồng hành cùng con, dù con có thích hay không. Ta sẽ áp đặt lên con chính những đòi hỏi đã áp đặt lên ta, lên mẹ của ta, bà của ta, cụ của ta, cứ thế cho đến tận sinh linh đầu tiên được một con người sinh ra, dù sinh linh đó có thích hay không. Có lẽ nếu sinh linh đó được phép lựa chọn, nó sẽ kinh hãi mà rằng: không, tôi không muốn được sinh ra. Nhưng chẳng ai hỏi ý kiến nó, thế nên nó được sinh ra, sống rồi chết đi sau khi đã sinh ra một sinh linh khác cũng không được hỏi để lựa chọn, và rồi hết sinh linh này tới sinh linh khác cứ lặp lại y hệt, cứ thế suốt hàng triệu triệu năm cho tới thời đại chúng ta. Và mỗi lần đều có một sự áp đặt mà thiếu nó, chúng ta không thể tồn tại. Hãy dũng cảm lên con! Con nghĩ hạt cây không cần dũng cảm để xuyên thủng mặt đất và đâm chồi ư? Chỉ cần một con gió cũng đủ quật gãy chồi cây, chỉ cần bàn chân của một con chuột nhắt là đủ nghiền nát nó. Nhưng nó vẫn đâm chồi và đứng vững, rồi trưởng thành để phát tán những hạt khác. Và trở thành một phần của cánh rừng. Nếu một ngày nào đó con hét lên: “Tại sao mẹ lại đem con đến thế giới này, tại sao?” Ta sẽ trả lời: “Ta đã làm điều mà những cái cây đã và đang làm, từ hàng triệu triệu năm nay. Ta đã nghĩ đó là điều đúng, nên làm.”