Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại

Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại

Tác giả:
Thể Loại: Kinh Tế - Quản Lý
Nguồn: https://nhasachmienphi.com
MOBIPDFĐỌC ONLINE

VIỆT NAM là một trong những thành công về kinh tế trong 30 năm qua. Mặc dù hiện nay, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.400 đôla theo sức mua tương đương, tuy chưa phải là một nước giàu, song Việt Nam đã đạt được những thành tích giảm nghèo nổi bật: chỉ trong vòng ba thập kỷ, biến một quốc gia trong đó tình trạng nghèo là phổ biến trở thành một quốc gia với tỷ lệ nghèo chỉ còn khoảng 10% theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Bản thân thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này.

Tại sao vào thời điểm năm 1980, Việt Nam lại nghèo như vậy? Tại sao sau đó Việt Nam lại phát triển nhanh chóng? Các nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau cho những sự kiện kiểu này. Một số người cho rằng sự thành công kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực được xác định bởi vị trí địa lý hay điều kiện sinh thái của nó. Các học giả này đặc biệt quan tâm đến việc một quốc gia có nằm trong khu vực nhiệt đới hay không. Theo họ, vì Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới giữa hạ chí tuyến và xích đạo nên tiềm năng kinh tế nội tại của nó chỉ có giới hạn. Nhưng sự thay đổi sâu sắc trong quỹ đạo kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua không hề liên quan tới sự thay đổi vị trí địa lý. Một số người khác sẽ lập luận rằng văn hóa của một dân tộc, các chuẩn mực xã hội, các giá trị, hay đạo đức làm việc sẽ quyết định sự thành công hay thất bại về kinh tế. Nhưng một lần nữa, văn hóa Việt Nam đã không thay đổi kể từ thập niên 1980 trở lại đây. Cuối củng, nếu bạn tham dự các lớp kinh tế phát triển ở các khoa kinh tế học hàng đầu thế giới, bạn sẽ được học là chúng ta đơn giản không biết tại sao Việt Nam đã nghèo trong gần suốt lịch sử của mình nhưng gần đây lại tăng trưởng nhanh chóng. Có lẽ là do cuối cùng Việt Nam cũng có được những nhà kinh tế học tài ba, hoặc nhờ đổi mới tư duy, hoặc đơn giản chỉ là do may mắn.

Có thể bạn thích sách  Hỏi – Đáp Về Quản Lý Ngân Sách Và Tài Chính Xã

Cuốn sách này cung cấp các công cụ thích hợp để hiểu tại sao Việt Nam đã từng rất nghèo và tại sao tình trạng nghèo này bắt đầu thay đổi từ thập niên 1980. Nó cũng giúp chúng ta hiểu được liệu những thay đổi diễn ra ở Việt Nam trong ba thập niên vừa qua có bền vững hay không. Lịch sử trì trệ và sự tăng trưởng gần đây ở Việt Nam không xuất phát từ các nguyên nhân địa lý hay văn hóa mà xuất phát từ những quy tắc – hay thể chế – mà bản thân xã hội Việt Nam đã tạo ra. Để thành công về kinh tế, xã hội cần phải tạo ra được một tập hợp các thể chế kinh tế có thể thúc đẩy tài năng, kỹ năng, sự sáng tạo và năng lượng của người dân, và những năng lực này được phân phối một cách rộng rãi trong toàn xã hội, nhờ đó tạo thành một đặc tính quan trọng – tính dung hợp – của tập hợp thể chế kinh tế có khả năng tạo ra sự thịnh vượng. Tính dung hợp của tập hợp thể chế này tạo ra các cơ hội bình đẳng về kinh tế cho tất cả mọi người, đem lại cho họ quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận với thị trường, cơ hội giáo dục, và bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn như lịch sử nghèo đói của Việt Nam trong thời phong kiến hoặc dưới thời Pháp thuộc có thể được giải thích bằng thực tế là các thể chế kinh tế trong những thời kỳ này không có tính dung hợp mà có tính tước đoạt: những thể chế được thiết kế để hạn chế cơ hội, để tạo ra ẩn sủng và độc quyền cho một vài nhóm thiểu số và bắt đa số còn lại phải trả giá. Họ dập tắt cơ hội của nhiều người, trao đặc quyền cho một số thiểu số trong giới quyền thế bản địa hay cho thực dân Pháp.

Nhưng tại sao trong lịch sử Việt Nam, giống như phần lớn thế giới, lại tồn tại các thể chế kinh tế có tính chiếm đoạt? Có thể thấy điều này rõ nhất khi xem xét trường hợp của thực dân Pháp. Với công nghệ quân sự ưu việt và sự thống trị chính trị, người Pháp đã có thể áp đặt một tập hợp các quy tắc tạo đặc quyền cho chính họ và tay sai. Vì vậy, chìa khóa để nhận biết một thể chế kinh tế có tính dung hợp hay chiếm đoạt nằm ở bản chất của chính trị và quyền lực chính trị. Trong nhà nước thuộc địa Pháp, quyền lực chính trị đã được phân phối trong phạm vi hẹp, và nhà nước được sử dụng để ủng hộ các lợi ích đặc biệt – do vậy thể chế chính trị có tính chiếm đoạt. Người Việt Nam, mặc dù chiếm đa số, nhưng đã bị trục xuất ra khỏi địa hạt quyền lực chính trị và bị tước đoạt cơ hội kinh tế. Điều này trên thực tế cũng đã từng tồn tại, ngay cả trước khi thực dân Pháp xuất hiện, chỉ khác là quyền lực được trao cho giới quyền thế trong nước chứ không phải nước ngoài.

Có thể bạn thích sách  Tại sao khách hàng không làm những gì bạn muốn họ làm

Trong cuốn sách này, chúng tôi chứng minh rằng trong hầu hết mọi trường hợp, một nước sở dĩ nghèo là do họ có các thể chế kinh tế chiếm đoạt, bắt nguồn từ các thể chế chính trị chiếm đoạt. Còn các nước giàu sở dĩ giàu là bởi vì họ có các thể chế chính trị dung hợp, với nhà nước mạnh và có trách nhiệm giải trình, và quyền lực chính trị được phân phối một cách rộng rãi, và nhờ đó tạo ra các thể chế kinh tế dung hợp.

Để trở nên giàu có, một nước nghèo phải chuyển đổi từ các thể chế chiếm đoạt sang dung hợp. Trong địa hạt kinh tế, đây chính là căn nguyên tạo ra tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gần đây. Sau khi đánh đổ chế độ thực dân và thống nhất đất nước, Việt Nam đã tạo ra một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong đó nhà nước sở hữu toàn bộ đất đai và hầu hết các ngành công nghiệp. Tuy nhiên các thử nghiệm với nền kinh tế chỉ huy trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đã cho thấy những hạn chế kinh tế nghiêm trọng của mô hình này. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình cho thấy rằng sự ra đời của các tổ chức kinh tế dung hợp hơn đã tạo ra tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn giữ được quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Chính sách Đổi mới của Chính phủ Việt Nam từ năm 1986 được đưa ra nhằm chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính sách kinh tế Đổi mới đã đem lại những khuyến khích có tính thị trường, giải tán nông nghiệp tập thể, loại bỏ kiểm soát giá cả hàng nông sản, và cho phép nông dân tiêu thụ hàng hóa của họ trên thị trường. Giống như Trung Quốc, phong trào chuyển sang các thể chế dung hợp này đã thành công và bắt đầu phát huy những tài năng tiềm ẩn to lớn nhưng chưa được giải phóng của ngưởi dân. Những cải cách này cùng với những cải cách sau đó đã khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Như vậy, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ thập niên 1980 đã được thúc đẩy bởi phong trào chuyển sang các thể chế kinh tế dung hợp hơn, mặc dù quá trình chuyển đổi này vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Việt Nam sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách một cách toàn diện nếu muốn duy trì được đà tăng trưởng hiện nay và gia nhập hàng ngũ những quốc gia giàu mạnh nhất thế giới.