Một lần nữa thiên tài “thám tử Galileo” Yukawa Manabu nhập cuộc. Anh đã tìm ra đáp án, nhưng là một “đáp án ảo”, chỉ “có thể suy nghĩ về mặt lý thuyết nhưng không thể tồn tại trong hiện thực”. Từng bước lật lại các tình tiết, tác giả đại tài Keigo đã chìa ra cho chúng ta chân tướng đáng kinh ngạc của một sự thật vô cùng chua xót…
Lại thêm một tác phẩm xuất sắc nữa của tác giả Higashino, không có gì để chê trách, nội dung tuyệt vời, những bí ẩn dần được khám phá.
Có vẻ cái tên Higashino Keigo không ít fan ở Việt Nam đâu nhỉ.
Trả lời câu hỏi Sự cứu rỗi của thánh nữ có hay hay không? Câu trả lời là có hay. Có vẻ Nhã Nam vẫn là nhà chọn sách tốt trong rất nhiều các tác phẩm của Keigo.
Sẽ chỉ nói về Thánh nữ chứ không so sánh nó với tác phẩm nào của Keigo.
Cà phê, lại là cà phê. Mình nhớ trong Sự thật về Bebe Donge của Simenon thì người vợ cũng đã đầu độc chồng trong ly cà phê. Sự cứu rỗi của thánh nữ cũng liên quan đến cà phê. Thế nên các quý ông quý bà thích uống cà phê cẩn thận nha, có thể bị độc chết bất cứ lúc nào.
Mashiba Yoshiaka, người chồng bị độc chết trên sàn nhà, thạch tín còn sót lại trong cốc cà phê lênh láng bên cạnh. Mọi nghi vấn được tập trung vào hai đối tượng: người vợ Ayane và cô người tình bí mật Hiromi. Vấn đề là cả hai người đều có chứng cớ ngoại phạm vững chắc. Bài toán đặt ra là làm thế nào để hạ độc Yoshitaka và đầu độc bằng cách nào? Vì trong thời điểm xảy ra vụ án không ai có khả năng tiếp cận nạn nhân.
Thật ra, trong Sự cứu rỗi của thánh nữ, hung thủ có thể thấy ngay từ đầu. Vấn đề là nguyên nhân và cách thức gây án. Một bài toán vô cùng khó và có những cái không thể ngờ tới.
Vẫn là những người phụ nữ. Nếu bạn nào ít nhiều đọc Keigo chắc hẳn sẽ rất ấn tượng với những người phụ nữ trong tác phẩm của ông. Họ thường đẹp và rất nguy hiểm. Sự cứu rỗi của thánh nữ cũng không ngoại lệ. Cô ấy đẹp, thu hút nhưng luôn treo cái chết trên đầu bạn. Thật sự rất nể người phụ nữ này luôn. Làm sao cô ấy có thể kiên trì sống và chịu đựng, chấp nhận cuộc sống với tình yêu và sự thù hận, treo cái chết lơ lửng từng ngày như vậy.
Sự cứu rỗi của thánh nữ nằm trong series “Thám tử Galileo” Yukawa. Đọc đến nửa thì vị thám tử này mới nhập cuộc nhưng vô cùng thú vị. Có lẽ bài toán càng hóc búa thì càng thu hút vị thám tử này. Mặc dù khó tin, có thể là “đáp án ảo” chỉ “có thể chỉ xảy ra về mặt lý thuyết nhưng không hề tồn tại trong hiện thực” nhưng chứng minh đáp án đó là ảo lại cho ra một kết quả hết sức kinh ngạc của một sự thật chua xót. Và tất nhiên tác giả cũng có lồng ghép một số kiến thức rất thú vị vào trong vụ án vì thám tử Galileo là giáo sư dạy vật lý ở trường đại học mà.
Cứ tưởng đâu đây là vụ án “hoàn hảo”, biết mười mươi mà không đủ bằng chứng để buộc tội gây “ức chế”, nhưng may quá, vẫn còn ánh sáng cuối đường hầm mặc dù sự thật là đau xót.
Có một câu hỏi: Đàn ông quan niệm như nào về lập gia đình? Phải chăng họ lập gia đình chỉ vì cần người sinh con? Họ không cần tình yêu? Nếu không sinh được con thì người phụ nữ chẳng qua chỉ là vật trang trí trong ngôi nhà không hơn không kém?
Tác phẩm:
***
Các truyện về Thám tử Galileo:
- Tiểu thuyết
- Yōgisha X no Kenshin (容疑者Xの献身?), 2005 (Phía sau nghi can X, Nhã Nam, 2009)
- Seijo no Kyūsai (聖女の救済?), 2008 (Sự cứu rỗi của thánh nữ, Nhã Nam, 2019)
- Manatsu no Hōteishiki (真夏の方程式?), 2011 (Phương trình hạ chí, Nhã Nam, 2018)
- Kindan no Majutsu (禁断の魔術?), 2015 (Ma Thuật Bị Cấm)
- Tập truyện ngắn
- Tantei Galileo (探偵ガリレオ?), 1998
- Yochimu (予知夢?), 2000
- Galileo no Kunō (ガリレオの苦悩?), 2008
- Kyozō no Dōkeshi (虚像の道化師?), 2012