Vài lời thưa trước Trong Hồi kí (Nxb Văn học – 1993, cụ Nguyễn Hiến Lê nói về cuốn Một quan niệm về Sống Đẹp như sau: “Lâm Ngữ Đường viết cuốn Sống đẹp bằng tiếng Anh, nhan đề là The Importance of living từ 1937. Khoảng 1957 tôi được đọc bản dịch ra tiếng Pháp L’Importance de vivre của nhà Corrêa, thấy tác phẩm rất hay mà bản dịch kém. Mấy năm sau tôi thấy ở nhà xuất bản Á Châu một bản Việt dịch hình như của Vũ Bằng cũng tầm thường mà lại cắt bỏ nhiều quá, chỉ còn độ một phần ba, như vậy ý nghĩa của tác phẩm không còn gì cả. Từ đó tôi có ý dịch lại, muốn vậy phải có nguyên bản tiếng Anh và phải tra được những nhân danh, địa danh bằng chữ Hán. Năm 1964 tôi viết thư hỏi thẳng tác giả ở Mĩ. Ông hồi âm liền từ Thuỵ Sĩ, nơi ông đang du lịch, vui vẻ cho phép tôi dịch, và cho biết nguyên bản tiếng Anh không còn, nhưng có bản Hoa dịch nhan đề là Sinh hoạt đích nghệ thuật. May sao ông Giản Chi có bản này (do Việt Duệ dịch – nhà Thế giới Văn hoá xuất bản – 1940và cho tôi mượn. Bản đó đầy đủ, chép hết những cổ văn, cổ thi Trung Hoa mà Lâm Ngữ Đường dẫn trong tác phẩm và nhiều khi chép thêm bản dịch những bài đó của Lâm nữa. Thế là tôi có được hai bản của Hoa và Pháp. Tôi so sánh rồi khởi công dịch liền, cuối năm 1964 xong. Trong khi dịch, luôn ba hay bốn tháng, tôi thấy vui gần như hồi trước dịch cuốn Quẳng gánh lo đi, vì nhân sinh quan nhà tản của Lâm – mà chính là của Trung Hoa – vì tinh thần nghệ sĩ và hài hước của ông, vì giọng tự nhiên, thân mật, đôi khi như cười cợt, đùa bỡn nữa, không khác một cuộc đàm thoại chung quanh một bình rượu hay một ấm trà giữa những người bạn đồng điệu. Nhờ có những văn thơ bằng chữ Hán, khỏi phải dịch theo bản tiếng Anh hay Pháp, nên tôi biết chắc rằng bản dịch của tôi sẽ được hoan nghênh, độc giả sẽ thích hơn là đọc nguyên tác của Lâm. Cuốn Sống đẹp bán chạy. Nhà Tao Đàn in hai ba lần mỗi lần ít nhất 3.000 bản, lần đầu vào tháng 3 năm 1965. Nhiều độc giả khen là dịch khéo, trong số đó có Đông Hồ. Một độc giả tôi chưa hề quen, bác sĩ Trần Văn Bảng (học trường Bưởi trước tôi vài nămthích quá, làm một bài thơ nhan đề là Sống đẹp gởi tặng tôi. Bài gồm 5 đoạn, tôi chép lại đây đoạn giữa: — Đây tư tưởng chín tầng mây siêu việt Sang sảng nghe tiếng nói của thánh hiền Ngọc chuốt, châu gieo, lời vàng, ý thép Khiến tâm linh hoan lạc cõi vô biên — Từ đó chúng tôi thành bạn thân”. (Hồi kí, trang 466-467. Ngô Văn Long, trong bài giới thiệu cuốn Sống đẹp viết như sau: “Đọc quyển này rồi thì có thể sau đó các bạn sẽ nghĩ khác đi, thậm chí sẽ sống hơi khác đi một chút. Lâm Ngữ Đường là học giả Trung Hoa từng học ở Harvard, Leipzig, sống cùng thời với những tên tuổi như Hồ Thích, Lỗ Tấn, sau qua sống ở Mỹ, viết nhiều sách bằng tiếng Anh giới thiệu Trung Hoa với phương tây. Một trong mấy cuốn đó rất nổi tiếng là The Importance of Living, bàn về cách sống, triết lý sống, tác giả thường so sánh hai nếp sống Mỹ và Trung quốc, tôi nghĩ các bạn, đặc biệt các bạn sống ở nước ngoài, có dịp nên đọc thử (…. Nguyễn Hiến Lê dịch cuốn này năm 1964, còn Lâm tiên sinh thì viết từ 1937, ở New York lận. Nguyễn Hiến Lê không có bản tiếng Anh, ông dịch theo bản tiếng Hoa và bản tiếng Pháp. Nhưng nhờ vậy bản tiếng Việt rất hay vì văn phong cổ kính theo kiểu phương Đông, không có “tây” quá, đặc biệt các nhân danh địa danh đều là từ ngữ Hán Việt quen thuộc, không có mấy ông Confucius, Laot’su, hay Pekin với Beijin mà chỉ có Khổng tử, Lão tử, Bắc Kinh thôi”. Về các nhân danh, địa danh, có lẽ ông Ngô Văn Long muốn nói rằng trong Sống đẹp không có những tên bị “Tây hoá” như ngày nay ta vẫn thỉnh thoảng thấy trên báo chí tiếng Việt vì tôi tin rằng ông Long cũng biết rõ cụ Nguyễn Hiến Lê đâu có chịu giữ nguyên các tên Confucius, Laot’su, Peking, Beijing trong nguyên tác mà không chuyển ra “từ ngữ Hán Việt quen thuộc”. Hơn nữa, nếu như trong Đắc nhâm tâm, cụ Nguyễn Hiến Lê cho bà Druckenbroad và ông Webb như người Việt, một người nuôi gà tàu, một người nuôi gà ta; thì trong Sống đẹp, cụ cho ta cái cảm tưởng rằng Lâm Ngữ Đường là người Việt, trong nhà cũng thích mặc bộ đồ “bà ba” như cụ vậy. Tôi cho rằng lời cụ tự nhận định về hai cuốn Đắc nhâm tâm và Quảng gánh lo đi cũng đúng với cuốn Sống đẹp này: “Chủ trương của tôi là dịch loại sách “Học làm người” như hai cuốn đó thì chỉ nên dịch thoát, có thể cắt bớt, tóm tắt, sửa đổi một chút cho thích hợp với người mình miễn là không phản ý tác giả; nhờ vậy mà bản dịch của chúng tôi rất lưu loát, không có “dấu vết dịch”, độc giả rất thích” (Hồi kí, trang 303. Tuy nhiên, vì cuốn Sống đẹp được cụ dịch từ năm 1964, và vì dịch theo cách hiểu của Lâm Ngữ Đường nên có vài chỗ ta thấy lời của Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử hoặc những truyện liên quan đến các triết gia đó không giống hẳn với những lời và những truyện mà của cụ Nguyễn Hiến Lê chép trong các cuốn Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử. Ngô Văn Long còn cho biết: “Tôi rất… ghiền quyển Sống đẹp của Lâm, sau 75 một lần ra chợ sách cũ, lúc đó còn dễ dãi, cho bán búa xua, tình cờ thấy quyển The Importance of Living, bản tiếng Anh đàng hoàng (ngay Nguyễn Hiến Lê cũng không cóbày dưới hè đường, cầm lên đặt xuống, thèm… chảy nước miếng mà không có tiền mua (lúc đó còn đem sách nhà đi bán lấy tiền xài, tiền đâu mà mua vô”.
Nguồn: https://thuviensach.vn