Lịch sử hiện lên trong các công trình nghiên cứu, khảo cứu, luận văn khoa học hay sách thông sử, địa chí, sử ký chắc chắn phải là chính thống và chính xác, đọc sử như thế phải có thời gian, thậm chí phải công phu nghiền ngẫm chứ chẳng dễ. Vậy nên vẫn thấy cần có dòng tản văn để lịch sử cùng với văn học, rộng hơn là văn hóa được thung thăng đến với mọi người không kén chọn thời gian và góc đứng.
Tản mạn văn chương hay tản mạn lịch sử thì cũng vậy thôi, đều là tản mạn mà vẫn cùng về một miền nhớ – ký ức – thương yêu… Chẳng hạn như “Sài Gòn mê” có tới hàng chục nơi tản mạn vẫn tụ về Sài Gòn, có đi “Từ những chặng đường lịch sử…” và “… đến những mảnh ghép văn hóa”, “Và khúc tâm tình của người phố thị”, thì vẫn cùng ngã kềnh giữa một Sài Gòn xưa và nay. Thế mới biết lịch sử và văn hóa tuy hai mà một, tuy một mà hai, quyện vào nhau để diễn tả đầy hơn, đủ hơn, thật hơn những gì muốn nhớ.
Đọc “Tản mạn về địa danh ở Sài Gòn” lại nhớ “Tản mạn Tết Sài Gòn”; giật mình với “Luật sư Sài Gòn trước năm 1975” lại ngỡ ngàng với “Người Quảng ở Sài Gòn”; ai cũng có lần tim “Hẻm Sài Gòn” nhưng không phải ai cũng biết “Sài Gòn bệt”; chắc rất lạ với “Người viết thư thuê cuối cùng”, nhưng không khó hiểu “Nhà vuông – Tín ngưỡng dân gian ở đô thị Sài Gòn”… Sống với Sài Gòn mới thấy “Sài Gòn đất lành”; ở lâu mới biết “Chợ quê Hoàng Hoa Thám”; buồn mới cảm nhận được “Sài Gòn mùa mưa kéo dài”; vui mới nhận thấy “Dấu ấn từ những công trình”; lang thang mới đến “Những chiều sách Sài Gòn” và mới hay “Sài Sào có… phố Kumon”; hay đọc thì phát hiện “Thành phố Hồ Chí Minh và những mùa hoa xuân” và hay ăn sẽ nhận ra “Thức ăn Việt Nam – nét đặc trưng tạo nên bản sắc”… Thật muôn hình vạn kiểu của “Sài Gòn”, bất cứ người đã sống ở Sài Gòn lâu hay mau đều “mê”, đều có thể muốn “Lang thang quán cóc Sài Gòn”; những ai đến tuổi nghiêm túc và cẩn trọng cũng thích xem “Sài Gòn – những thước phim quay chậm” và chiêm nghiệm về “Lịch sử thành lập và phát triển Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh”.
Sài Gòn mê lấy tên một tản văn, nhưng hàng chục tản văn khác cũng chung đường link đến lòng người đã từng, hoặc đang sống ở Thành phố lớn phương Nam của Tổ quốc. Đúng là “mỗi người mỗi vẻ” nhưng không phải để “mười phân vẹn mười”; nhà khoa học hay nhà văn, nữ sĩ hay ký giả, anh thanh niên hay ông cụ… mỗi tác giả góp một tản mạn để chung vui, viết ngắn mà ý dài, lời nhẹ nhàng mà thắm thiết. Cứ hình dung bên vỉa hè sớm mai, ngồi một mình cũng tốt, với bạn càng hay, nhâm nhi ly cà phê cóc, cầm cuốn sách mong mỏng – trang chữ to to dễ đọc như Sài Gòn mê này, nhìn phố đông người qua… mới thấy cuộc sống thanh bình đáng yêu thế.
Và không quên cảm ơn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách này, như chăm lo chút thư giãn thật thư thái cho mọi người vậy.
PGS. TS. HÀ MINH HỒNG
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh