Sách Kỷ Luật Không Nước Mắt PDF EPUB

Sách Kỷ Luật Không Nước Mắt PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUBMOBIPDFAZW3ĐỌC ONLINE

Cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” của TS. Tâm lý học trẻ em Peter L. Stavinoha và nhà báo chuyên viết về trẻ em và sức khoẻ Sara Au, khám phá một quan điểm mới về kỷ luật trong việc nuôi dạy con cái. Thay vì coi kỷ luật là việc áp đặt hình phạt, cuốn sách này nhấn mạnh vào việc hiểu rõ nguyên nhân và tác động đằng sau hành vi của trẻ, từ đó áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp.

Cốt lõi của phương pháp giáo dục này là sự thấu hiểu trẻ em và quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Thay vì dùng hình phạt, phụ huynh được khuyến khích tìm cách giáo dục con cái bằng việc làm mẫu hành vi tốt và hướng dẫn con theo cách thích hợp. Đối với hành vi không mong muốn, phụ huynh có thể thể hiện sự tin tưởng vào khả năng của con và hướng dẫn con đi đúng hướng.

Cuốn sách cũng đề cập đến những bước phụ huynh có thể thực hiện để phát triển tính cách tích cực ở con cái, giúp họ trở thành những người trưởng thành hạnh phúc, thành công và có ích trong xã hội. Bên cạnh đó, sách cũng tập trung vào việc nhận biết và giải quyết các trạng thái tiêu cực có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Với 288 trang và in khổ 14,5 x 20,5cm, cuốn sách này sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho những người cha mẹ đang tìm kiếm cách nuôi dạy con cái một cách hiệu quả và yêu thương. Đồng thời, nó cũng sẽ giúp các bậc phụ huynh xử lý những thách thức trong việc nuôi dạy con cái một cách thông minh và đầy yêu thương. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Sách Kỷ Luật Không Nước Mắt của tác giả Peter L. Stavinoha

LỜI GIỚI THIỆU
Những cơn cáu giận của trẻ! Bài tập về nhà! Giờ ăn! Giờ ngủ! Và rồi con bắt đầu hình thành thái độ…

Trong quá trình nuôi dạy con cái, chúng ta rất dễ bị căng thẳng và sự căng thẳng đó sẽ ở mức độ đáng ngại nhất khi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến hành vi. Mặt khác, trẻ em ngày nay cũng đang chịu nhiều căng thẳng hơn trước kia. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các va chạm, bất đồng giữa cha mẹ và con cái xảy ra thường xuyên, trong khi sự đồng thuận dường như lại rất hiếm hoi. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là không thể tránh khỏi. Bạn có thể áp dụng khuôn phép kỷ luật để nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với con và giảm bớt các vấn đề về hành vi của trẻ.

Hãy bắt đầu bằng cách dành một chút thời gian để suy nghĩ xem theo bạn thì kỷ luật nghĩa là gì. Bạn sẽ giống như đa số phụ huynh khác nếu chỉ hiểu kỷ luật đồng nghĩa với việc áp dụng những hình phạt khi con phạm lỗi. Tuy nhiên, trong quyển sách này, chúng tôi sẽ diễn giải rộng hơn so với cách hiểu đó.

Kỷ luật là bao gồm cả việc tư vấn, động viên, bỏ qua, huấn luyện, thực hành, khen ngợi con trẻ và đôi khi cũng cần có hình phạt cho chúng, tùy thuộc vào hệ thống các giá trị của gia đình bạn. Kỷ luật tốt là khoản đầu tư chắc chắn cho tương lai của con chứ không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh hành vi của trẻ trước mặt bạn tại thời điểm nào đó. Kỷ luật cũng sẽ định hình thái độ của con theo hướng mà bạn mong muốn. Trên hết, kỷ luật chính là giáo dục.

Bạn cần phải hiểu rằng kỷ luật không hẳn là hình phạt, hình phạt chỉ là một phương tiện của kỷ luật. Quyển sách này sẽ cung cấp cho bạn một kho tàng các chiến lược hiệu quả tương đương với hình phạt, bao gồm việc khuyến khích động viên, nêu gương làm mẫu và sửa sai. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách học hỏi từ mỗi kinh nghiệm xử lý tình huống hành vi của con và cách tự điều chỉnh phương pháp của mình. Ngoài ra, bạn cần phải kiểm lại các đặc thù trong đời sống cá nhân của mình (như mức độ bận rộn, thời gian và nguồn lực của bản thân), cũng như các mối quan hệ của bạn với mọi người xung quanh, cách bạn tự chăm sóc bản thân để xem chúng liên quan thế nào đến hành vi của con.

Yêu thương phải đi đôi với kỷ luật.

Trẻ em cần cảm nhận được tình yêu thương từ những người nuôi dạy chúng và biết giá trị của chúng đối với thế giới này. Nhưng yêu thương không đồng nghĩa với việc nuông chiều trẻ mọi lúc. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con còn có nghĩa là dám nói “Không” với con ngay cả trong lúc trẻ đang được quan tâm, yêu quý nhất. Yêu thương phải đi đôi với kỷ luật. Bởi vì cùng với nhau, kỷ luật và yêu thương sẽ tạo nên nền tảng vững chắc nhất cho cuộc đời của một đứa trẻ.

Bạn hãy hình dung mình là một người làm vườn và bắt đầu lên ý tưởng thiết kế, trồng trọt trên mảnh vườn màu mỡ sau nhà. Trước tiên, bạn phải lên kế hoạch sẽ trồng cây gì và trồng vào chỗ nào trong vườn. Sau đó, bạn phải bắt đầu dọn cỏ, phát quang và nên cẩn thận xác định trong đám cây dại ấy có gì hay ho cần giữ lại không, trước khi đưa ra quyết định chặt bỏ. Sau đó, bạn cần làm đất, bón phân và cuối cùng mới gieo hạt. Tuy vậy, việc trồng cây mới chỉ là bước khởi đầu. Bạn còn phải phun tưới, chăm sóc, nuôi dưỡng để cây được phát triển xanh tốt. Và, tất nhiên, bạn cũng cần tiếp tục bón phân, tưới nước và theo dõi cả mảnh vườn theo một lịch trình hợp lý.

Chúng tôi sẽ cùng bạn làm tất cả những điều đó thông qua việc hướng dẫn bạn chăm sóc gia đình mình như chính mảnh vườn kia. Giống như mỗi cái cây khác nhau thì cần được chăm sóc trong điều kiện đất và ánh sáng khác nhau, mỗi đứa con của bạn cũng cần kiểu kỷ luật phù hợp với riêng bé.

Hiểu được động cơ của con sẽ giúp bạn loại bỏ một số “cây” hành vi xấu trong mảnh vườn của mình và gieo vào đó những hạt giống mới tốt lành. Sự chuyên tâm vào việc nuôi dạy con cũng đem lại hiệu quả giống như việc áp dụng lịch phun tưới hợp lý cho cây: nó nuôi dưỡng con trẻ. Không lâu sau khi gieo hạt, mầm non sẽ lớn lên thành cây con, vươn những phiến lá non lên bầu trời xanh đón nắng và bộ rễ sẽ bám chặt vào lòng đất để thu nhận dinh dưỡng. Với tình yêu thương và kỷ luật đã khắc sâu trong mình, con sẽ vươn lên mạnh mẽ và không bị khuất phục trước những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc sống sau này. Các phương pháp kỷ luật tốt sẽ giúp con phát triển thành một công dân có sức khỏe tốt, nghị lực và thành đạt.

Biến con từ một em bé ngây ngô hôm nay thành một người lớn trưởng thành là tất cả những gì các bậc làm cha làm mẹ phải thực hiện. Do đó, trước khi tiếp cận những lời khuyên, các Chiến lược Toàn diện, hay các phân tích sâu về tâm lý thì hãy bắt đầu bằng việc khẳng định rằng:

Bạn đang đảm đương một công việc vĩ đại!

Chúng tôi, các tác giả của quyển sách này, cũng là những người làm cha làm mẹ; do đó, chúng tôi biết rằng không dễ gì giữ được suy nghĩ tích cực như thế này khi đang trong tình huống khó khăn. Nếu không có khả năng tiên tri được tương lai thì thật khó mà biết được liệu những gì mình đang làm có đúng hay không, nhất là dường như mỗi ngày mới đến lại mang theo một vấn đề rắc rối nào đó. Đây là lý do mấu chốt tại sao chúng tôi muốn viết quyển sách này. Chúng tôi muốn lý giải tại sao trẻ em cư xử như vậy và giúp bạn kết nối bối cảnh của những lý do tại sao đó với phản ứng của bạn trước hành vi của trẻ. Một khi bạn đã hiểu được tại sao thì bạn sẽ có thể tìm ra cách thực hiện một số thay đổi.

Có thể bạn thích sách  Những Điều Cần Biết Khi Sống Chung Với Điện

Biết cư xử tốt là kỹ năng mà tất cả trẻ em cần phải học và làm được, cũng giống như việc tập đi bô, ngồi xích đu hay học bảng chữ cái vậy. Bẩm sinh, trẻ không thể biết tất cả các quy tắc, ranh giới và thái độ hành xử tốt. Chúng không biết làm sao để giảng hòa cho các cuộc xung đột với anh chị em trong nhà, không biết cách tự đi ngủ hoặc ngôn từ của các bé còn rất giới hạn so với người lớn chúng ta. Những điều này phải được chỉ dạy cụ thể cho bé như cách chúng ta gieo trồng và nuôi dưỡng những hạt giống quý.

Quyển sách này bắt đầu bằng cách giải thích những hành vi mang tính truyền thông điệp của trẻ.

Phần 1 là những giải thích về hành vi theo mô hình ABC, cho phép bạn giải mã những gì con đang cố gắng nói với bạn khi chúng hành xử như vậy. Cho dù bạn sắp khởi hành hay đang tìm cách làm cho hành trình nuôi dạy con trở nên suôn sẻ hơn, hoặc thậm chí khi bạn đã đến gần cuối đường và tự hỏi liệu mình có sai lầm không, thì 16 Chiến lược Toàn diện mà chúng tôi đưa ra sẽ giúp bạn tránh khỏi hoặc giảm nhiệt cho các tình huống khó khăn, dừng các hành vi xấu của con trẻ lại và hướng trẻ về phía trước theo hướng tích cực.

Phần 2 cung cấp cho độc giả cái nhìn sâu sắc về một số tình huống thông thường nhất mà khi đó, trẻ có thể phải vượt qua những thử thách về hành vi như: những cơn cáu giận, lúc làm bài tập về nhà, giờ ăn, giờ ngủ và thái độ ứng xử. Được trình bày hoàn chỉnh với các ví dụ cụ thể và thậm chí là các bảng mẫu để bạn có thể áp dụng trực tiếp với trường hợp của con mình, phần này cung cấp các chiến lược hồi đáp phù hợp với những nguyên lý cơ bản trong sự phát triển của trẻ, giúp bạn xử lý mọi vấn đề nảy sinh một cách bình tĩnh, không căng thẳng và đầy tự tin.

Phần 3 là những bước chủ động mà bạn có thể thực hiện để phát triển những nét tính cách tích cực ở con, giúp con trở thành một người trưởng thành hạnh phúc, sống hữu ích và thành công. Từ những điều cốt yếu để xây dựng được mạng lưới các mối quan hệ xã hội lành mạnh, cho đến việc thấm nhuần ý nghĩa của sự kiên cường và bền bỉ, tất cả đều là những kiến thức đem lại lợi ích cho cả gia đình bạn.

Cuối cùng, trong Phần 4, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn các loại “báo động đỏ” báo hiệu rằng trẻ đang bị căng thẳng và bạn cần cân nhắc việc tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có chuyên môn. Không có một nhịp độ hoặc lý giải nào về cách mỗi cá nhân sẽ đáp ứng lại một tình huống căng thẳng đặc biệt nào đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phân tích một số tình huống phổ biến và hướng dẫn bạn cách ra quyết định trong từng trường hợp ấy.

Bằng cách đầu tư đáng kể thời gian và có những chiến lược hiệu quả ngay từ bây giờ, bạn có thể giúp con có được những thói quen và hành vi tích cực được biểu hiện một cách tự nhiên khi bé lớn lên. Giữ kỷ luật là một quá trình dài hạn: nó chưa bao giờ là chuyện dễ dàng thực hiện và nó có thể khiến chúng ta rất mệt mỏi khi phải tuân thủ nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, nó chính là cái giá bạn phải trả để nhìn thấy con người tuyệt vời mà con đang dần trở thành dưới sự dìu dắt của bạn. Giữ vững lập trường là chìa khóa để loại bỏ những căng thẳng có thể gặp phải trong quá trình nuôi dạy con. Hiểu được lý do ẩn sau hành vi của con và có phản ứng thích hợp sẽ giúp bạn bớt căng thẳng. Đây là triết lý của kỷ luật không nước mắt.
—-
Chương 1
Giải mã hành vi của trẻ
Làm cha mẹ là công việc không bao giờ dễ dàng! Khuôn phép kỷ luật có vẻ như là thử thách không thể chinh phục. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đọc quyển sách này hòng tìm cách phản ứng hợp lý trước những hành vi xấu liên tục diễn ra ở con – điều vốn đẩy bạn và người bạn đời của mình đến giới hạn chịu đựng. Tuy nhiên, kể từ bây giờ, chúng tôi muốn bạn hãy loại bỏ ngay vướng mắc này ra khỏi tâm trí. Chúng ta đều biết chẳng dễ gì làm được như vậy, nhưng thực sự là bạn sắp có một khởi đầu mới toanh và một triển vọng tươi sáng.

Giờ thì bạn có thể nói ngay: “Được rồi, vậy chính xác chúng ta sẽ làm gì đây, Tiến sĩ Pete và Tiến sĩ Sara?”.

Đầu tiên, bạn phải hiểu được rằng việc nuôi dạy con cái không chỉ có trắng và đen, đúng và sai. Không có luật lệ nào quy định tất cả chúng ta phải làm mọi việc theo cùng một cách. Bạn có thể thấy mình phạm sai lầm (ai cũng có lúc vậy thôi) nhưng đừng để điều đó khiến bạn đờ người ra, cảm thấy tội lỗi hay không xứng đáng. Bởi lẽ, nuôi dạy con là một quá trình có lên xuống như đường cong đồ thị và cả bạn lẫn con đều sẽ hồi phục nhanh hơn là bạn nghĩ. Thứ hai, chúng tôi muốn bạn biết hai sự thật cốt lõi trong hành vi của trẻ, gồm:

1. Hầu hết những hành vi bạn thấy ở trẻ đều hoàn toàn là bình thường.

2. Có lúc bạn thấy như trẻ đang cố tình làm bạn cáu điên lên, nhưng thực sự thì con không hề cố ý làm như vậy.

Đôi khi, việc làm bạn tức điên lên như thế chỉ là sản phẩm phụ trong quá trình học hỏi của trẻ. Vì vậy, hãy hít một hơi thật sâu… và bỏ ra ngoài.

Tri thức luôn là nhân tố vô cùng hiệu quả giúp chúng ta tránh khỏi căng thẳng.

Tri thức luôn là nhân tố vô cùng hiệu quả giúp chúng ta tránh khỏi căng thẳng, nó ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta phản ứng và ra quyết định. Tuy nhiên, đó lại là thứ khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy hoang mang vì lo sợ mình thiếu hiểu biết. Điều này đặc biệt đúng trong việc nuôi dạy con trẻ. Vì vậy, chúng ta cần biết diễn tiến của vấn đề để có thể sửa chữa ngay khi nó phát sinh, cũng như để ngăn ngừa nó xảy ra.

Hiểu được cách thức hoạt động bình thường của tâm trí trẻ em sẽ giúp chúng ta nhận biết được khi có điều gì đó thực sự bất ổn, chứ không phải chỉ nhìn nhận chúng là những thách thức điển hình khi nuôi dạy con. Hành vi của trẻ bao gồm vô số lần thử và sai. Vậy nên, bạn chưa cần khủng hoảng nếu có điều gì đó mới chỉ xảy ra vài lần. Đó chỉ đơn giản là con đang kiểm tra các ranh giới của mình và đang trên hành trình cố gắng hành xử cho đúng trong một thế giới mà mọi thứ không phải lúc nào cũng có thể đoán trước.

Trong chương này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn lần lượt các hành vi được xem là bình thường vào thời thơ ấu của trẻ. Chúng tôi sẽ giúp bạn gia tăng nhận thức về các loại ảnh hưởng tác động lên trẻ, dẫn đến cả hành vi tốt và xấu ở trẻ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ giải thích cho bạn cách hiểu được động cơ của con và xem các hành vi của trẻ như là một phương thức giao tiếp. Bạn sẽ học được cách giải mã hành vi của trẻ để biết cách định hình hành vi đó.

Có thể bạn thích sách  Khổng Tử Tinh Hoa

HẦU HẾT CÁC HÀNH VI BỊ XEM LÀ “CÓ VẤN ĐỀ” Ở TRẺ THÌ ĐỀU LÀ BÌNH THƯỜNG

Hầu hết những hành vi mà chúng ta đánh giá là không phù hợp ở con trẻ chỉ đơn giản là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ.

Chính xác thì hành vi bình thường của trẻ là gì? Thật ra, bình thường là khái niệm rất rộng khi áp dụng vào việc nhận định hành vi ở trẻ. Bởi vì, xét theo đúng định nghĩa khoa học, thì hầu hết trẻ em đều bình thường và như vậy có nghĩa là hầu hết hành vi của trẻ cũng bình thường, hoặc ít nhất là có thể giải thích được (dù cha mẹ không ưa nổi chúng). Chúng ta đã công nhận kỷ luật chính là sự giáo dục con trẻ, vì vậy quyển sách này sẽ giúp bạn nhìn nhận những hành vi (không được mong chờ) của con là bình thường và bạn sẽ định hình lại chúng theo hướng mà mình muốn khuyến khích.

Hầu hết những hành vi mà chúng ta đánh giá là không phù hợp ở con trẻ chỉ đơn giản là một phần trong sự phát triển bình thường của trẻ – ví dụ như những cơn tức giận, ăn vạ. Trẻ nhỏ đôi khi sẽ đau bụng nếu bị thất vọng; trẻ sẽ đánh, đá lung tung như một nỗ lực để đạt được ý muốn hay để nói ra những điều làm chúng tức giận và đau khổ. Đây là những hành vi phát triển thích hợp với lứa tuổi của trẻ và là một phần của sự trưởng thành. Trẻ chưa biết hết mọi quy tắc và các bé cũng chưa hiểu được hành vi của mình ảnh hưởng thế nào đến người khác. Do vậy, chúng sẽ kiểm tra các ranh giới (cũng như sự kiên nhẫn của cha mẹ) như một phần tự nhiên trong quá trình phát triển. Qua đó, trẻ sẽ biết được đâu là giới hạn và rất nhiều phản ứng mà chúng có thể kích hoạt; đồng thời, chúng cố gắng thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của bản thân và học cách thể hiện cảm xúc một cách hợp lý, chấp nhận được.

Bạn có thể tác động lên hành vi của trẻ nhờ vào việc kiểm soát các tiền đề và vận dụng các hệ quả theo nhiều cách khác nhau.

Nói như vậy không có nghĩa là bạn cho phép con được đánh, đá hay phát ngôn bừa bãi, nhưng ngay cả khi một số các hành vi này cứ lặp đi lặp lại thì xin bạn cũng hãy yên tâm rằng chúng vẫn là những hành vi bình thường. Không hành vi nào trong số đó phản ánh bản tính bẩm sinh vốn tốt lành của con, cũng như khả năng làm cha mẹ của bạn. Nếu có thể giữ vững quan điểm này thì bạn không còn sợ bị căng thẳng nữa! (Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về hành vi của trẻ, những hành vi mà bạn tin chắc là vượt quá mức bình thường và vượt quá khả năng hiểu hay xử lý của bạn thì trong Chương 11, chúng ta sẽ thảo luận về lý do khiến bạn phải quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn).

Để định hình được hành vi cho con, trước hết, bạn cần phải hiểu về hành vi nói chung. Khi các nhà tâm lý học phân tích hành vi, họ sẽ suy luận theo mô hình ABC trong quản lý hành vi: Tiền đề (Antecedent), Hành vi (Behavior), Hệ quả (Consequence). Mặc dù bạn có thể thấy phân tích như vậy là hơi máy móc, nhưng hãy hợp tác cùng chúng tôi, vì qua quyển sách này, bạn có thể tác động lên hành vi của trẻ nhờ vào việc kiểm soát các tiền đề và vận dụng các hệ quả theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần phải xem xét thông qua các thuật ngữ và từ vựng thông dụng sẽ được dùng trong sách.

Theo đó, tiền đề cho hành vi của trẻ là tập hợp các sự kiện, các yếu tố góp phần và đôi khi là yếu tố kích hoạt dẫn đến hành vi của trẻ. Hành vi là phản ứng mà đứa trẻ đáp trả với tiền đề. Hệ quả là những gì xảy ra sau khi hành vi được thực hiện và nó khiến cho hành vi có khả năng lặp lại ít hoặc nhiều hơn. Phản ứng của cha mẹ đối với con sau khi trẻ thực hiện hành vi có thể là một hệ quả nặng nề nhằm thể hiện uy quyền của cha mẹ, chẳng hạn như các hình phạt. Tuy nhiên, có rất nhiều hệ quả tiềm ẩn khác (trong hoặc ngoài dự tính của cha mẹ) có thể ảnh hưởng đến việc liệu trẻ có lặp lại hành vi đó hay không.

Tất cả các hành vi, dù tốt hay xấu, đều tuân theo trình tự ABC. Đặc trưng của mỗi bước trong trình tự này có thể thay đổi ít nhiều, tùy thuộc vào mỗi người và mỗi hoàn cảnh. Trẻ em phải liên tục học mới biết được những điều cơ bản nhất để có phản ứng thích hợp với thế giới xung quanh. Vì vậy, trẻ hầu như luôn phải học bằng cách quan sát phản ứng của bạn hoặc bằng cách thử và sai.

1

Đầu mối để nắm bắt động cơ thực hiện hành vi của trẻ, và quan trọng hơn cả là những hành động khôn ngoan mà bạn có thể áp dụng, đều nằm trong nội dung của mô hình này. Đây là chìa khóa để mở được cánh cửa cho kế hoạch thực hiện kỷ luật không nước mắt của gia đình bạn.

Theo cách đơn giản nhất, cha mẹ nên xem xét hành vi của con theo mô hình ABC bằng cách trả lời hai câu hỏi cho bối cảnh của một tình huống cụ thể:

1. Các sự kiện xảy ra trước khi con thực hiện hành vi có làm tăng hay giảm khả năng con sẽ cư xử theo cách mà bạn không mong muốn? (Tiền đề)

2. Điều xảy ra sau khi con thực hiện hành vi có làm tăng hay giảm khả năng con sẽ lặp lại hành vi đó trong tương lai không? (Hệ quả)

Đầu tiên, việc tự hỏi những câu hỏi này có thể khiến bạn thấy khác thường hoặc khó áp dụng trong lúc đang “bốc hỏa”. Tuy vậy, sau đó thì nhiều khả năng là bạn sẽ bắt đầu nhìn ra được các hình thái hành vi của con. Và do đó, bạn có thể giúp con định hình hành vi một cách hiệu quả hơn. Lâu ngày, việc tự hỏi này sẽ trở thành bản năng thứ phát của bạn, nhưng cũng có thể bạn sẽ ít phải gặp những khoảnh khắc gây căng thẳng như vậy hơn.

Dưới đây là ví dụ về mô hình ABC xét theo ba kịch bản đơn giản, với cùng một điểm khởi đầu giống nhau.

Kịch bản thứ nhất: Mya đang chơi với bạn trong phòng. Hai cô bé đã chơi chung vui vẻ cả giờ liền cho đến khi Mya đột ngột giật lấy đồ chơi của bạn mình. Bạn của Mya hét lên phẫn nộ và mẹ Mya buộc phải can thiệp, bắt Mya trả lại đồ chơi cho bạn.

Tiền đề: Có hai bé gái chơi chung trong khoảng một giờ đồng hồ và có một món đồ chơi đặc biệt mà cả hai đều yêu thích.

Hành vi: Mya giật lấy đồ chơi.

Hệ quả: Mẹ can thiệp và Mya phải trả đồ chơi lại cho bạn. Mya biết rằng bé sẽ phải trả lại nếu cố tình giật lấy đồ chơi, điều này làm cho bé ít có khả năng lặp lại hành vi này.

Có thể bạn thích sách  Cẩm Nang Tư Duy Lịch Sử - Meg Gorzycki & Linda Elder & Richard Paul full prc pdf epub azw3 [Tư Duy]

Kịch bản thứ hai: Chúng ta hãy cùng xem lại tình huống với một chút thay đổi. Sau khi Mya lấy đồ chơi, nếu như đứa bé kia chỉ thút thít mà không phản ứng làm to chuyện, và người lớn không thấy các bé có xích mích thì sao?

Tiền đề: Vẫn như cũ.

Hành vi: Vẫn như vậy.

Hệ quả: Mya biết được rằng bằng cách giành giật thì bé sẽ có được những gì mình muốn. Điều này củng cố hành vi của bé và làm tăng khả năng bé sẽ lặp lại hành vi đó.

Kịch bản thứ ba: Một diễn biến khác là các bé đang chơi và mẹ của Mya nói: “Mya, cho bạn chơi chung đồ chơi là điều rất tốt đó con yêu. Mình đập tay cái nào!”.

Tiền đề: Vẫn như cũ.

Hành vi: Đồ chơi được chia sẻ để chơi chung! Bé không bao giờ giành giật đồ chơi vì mẹ đã xây dựng và củng cố ý tưởng biết chia sẻ là tốt trong tâm trí Mya.

Hệ quả: Mya học được rằng bé sẽ được mẹ khen ngợi khi bé biết chia sẻ. Điều này làm tăng khả năng bé sẽ biết chia sẻ đồ chơi với bạn khi chơi chung lần sau.

Như đã nói, trên đây chỉ là những kịch bản rất đơn giản và đương nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng chỉ khen ngợi con một lần thì chưa thể dạy con biết chia sẻ được. Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra ba ví dụ này nhằm giúp bạn thấy rõ mô hình ABC. Từ đó, bạn có thể xác định các mốc trong chu trình hình thành hành vi của trẻ để biết mình nên bắt đầu định hình hành vi từ khâu nào. Có rất nhiều chiến lược định hình hành vi cho trẻ và chúng tôi sẽ giới thiệu chúng với bạn thông qua những tình huống gây stress phổ biến nhất trong các chương tiếp theo.

Bởi vì ở một mức độ nào đó, cha mẹ có thể kiểm soát các điều kiện tiền đề và hệ quả, vì vậy đó là phương pháp cơ bản để xử lý hành vi của trẻ. Có rất nhiều việc mà cha mẹ có thể làm để tác động B (Hành vi) thông qua việc kiểm soát tốt A (Tiền đề) và C (Hệ quả).

Hầu hết chúng ta đều hiểu rằng nếu cho con thấy hệ quả việc con làm thì chúng ta có thể quản lý hành vi của con. Và theo đó chúng ta xử phạt để ngăn chặn hành vi xấu của trẻ (Nhưng bạn biết đấy, việc dùng hình phạt không phải luôn đạt hiệu quả, và nếu có thì chúng cũng chỉ có hiệu quả ngắn hạn; vì vậy, sẽ còn nhiều chuyện cần bàn thêm về điều này trong phần Áp dụng Chiến lược Toàn diện ở Chương 2). Chúng ta đã nhiều lần dùng những lời lẽ tồi tệ để nói với trẻ như là một hệ quả khi trẻ phạm lỗi, những lời mà có lẽ khi bình tĩnh thì chính chúng ta còn thấy chướng tai:

“Liệu hồn đấy! Không thì con sẽ biết tay!”

“Nghe cho rõ đây! Không thì biết tay!”

Tuy nhiên, xét cho cùng thì hệ quả của một hành vi không đơn giản chỉ là các hình phạt. Khen ngợi cũng là một loại hệ quả. Trên thực tế, bất kỳ điều gì xảy ra sau khi hành vi được thực hiện mà có ảnh hưởng (tăng hay giảm) đến khả năng lặp lại hành vi đó cũng được xem là một hệ quả.

Dưới đây là một ví dụ:

Tiền đề: Jake và ba đi xem bóng chày cả ngày. Đây là việc ngoài dự kiến vì họ được một đồng nghiệp của ba Jake cho hai vé do không đi được. Thật ra, hai cha con Jake đã định đi xem từ đầu mùa giải nhưng mãi tới hôm nay mới có cơ hội để đi.

Hành vi: Sau khi đi xem bóng chày về, ba Jake làm vài việc lặt vặt trong nhà. Khi ông kéo thùng rác ra thì thấy Jake đến và Jake bắt đầu giúp ông phân loại rác tái chế, rồi đem rác đi bỏ theo đúng cách ông thường làm.

Hệ quả: Ba cảm ơn Jake vì đã giúp đỡ ba và rồi sau đó, ba lại vào bếp khoe với mẹ rằng Jake ngoan và có trách nhiệm như thế nào. Jake thích cảm giác mình là người có trách nhiệm và tự hào khi nghe ba nói với mẹ những điều tốt đẹp về mình. Điều này làm tăng khả năng Jake sẽ có thêm nhiều hành vi hữu ích trong tương lai. Cha mẹ Jake nhận ra rằng dành nhiều thời gian riêng tư bên con có khả năng thúc đẩy hành vi tích cực và rằng lời khen ngợi, cảm ơn chân thành sẽ khuyến khích con có thêm nhiều hành vi tốt đẹp tương tự.

Qua quyển sách này, chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về khái niệm xử phạt hành vi xấu và khen ngợi hành vi tốt. Những hệ quả có thể tạo hiệu ứng tốt, và đó là điều mà hầu hết chúng ta đang sử dụng; chúng ta sẽ đi sâu vào khái niệm này một cách chi tiết hơn trong Chương 2. Thường thì những bậc làm cha mẹ như chúng ta sẽ lại vướng vào bẫy dùng các hệ quả tiêu cực khi gặp phải tình huống mới lạ hay trò ma lanh của con trẻ. Tuy vậy, điều đó không sao cả. Đôi khi đó lại là cách thích hợp nhất, vì nó nhanh chóng làm trẻ phải chú ý.

NHẬN DIỆN HÀNH VI THEO MÔ HÌNH ABC

Hãy nhớ lại hành vi có vấn đề gần đây nhất trong gia đình bạn. Bạn có thể xác định được tiền đề, hành vi và hệ quả trong đó không?

Tiền đề:_________________

Hành vi:_________________

Hệ quả:_________________

Bạn làm thế nào để khiến tình huống này tạo được ảnh hưởng tích cực đến hành vi của con? Bạn có thể tránh được một số tiền đề là các yếu tố góp phần hoặc trực tiếp kích hoạt hành vi không? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chọn một hệ quả khác? Liệu nó có khiến tăng hay giảm khả năng hành vi được lặp lại không? Hãy thử áp dụng những thay đổi này khi tình trạng đó tái diễn.

Kết hợp thưởng phạt hợp lý tạo nên công cụ hữu hiệu, mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, việc áp dụng một hệ quả tiêu cực (hình phạt) chỉ là bước khởi đầu và đó không phải là công cụ duy nhất của bạn. Về lâu dài, nếu bạn vẫn cứ dùng nó thì nó có thể là nguyên nhân khiến bạn phải nhận lấy thất vọng trong việc nuôi dạy con. Việc tránh các tác nhân kích hoạt vấn đề, làm gián đoạn các yếu tố cấu thành hành vi và sử dụng những lời khen ngợi hợp lý có khả năng định hình hành vi của con hiệu quả như việc áp dụng một hệ quả tiêu cực. Do đó, nếu các yếu tố khích lệ (khen, thưởng) và hệ quả tiêu cực (xử phạt) được kết hợp với nhau một cách hợp lý, chúng sẽ là công cụ hữu hiệu cho cha mẹ.

Bạn cần biết điều này: Trong một tình huống nào đó, trẻ thực hiện hành vi xấu vì các bé chưa biết lựa chọn cách nào khác. Người lớn chúng ta biết suy nghĩ để lựa chọn hành động phù hợp nhưng trẻ em thì chưa đạt đến mức độ phát triển mà mỗi hành vi đều là một chọn lựa có ý thức. Thông thường, trẻ chỉ hành động một cách bốc đồng, và một số trẻ sẽ có biểu hiện mạnh hơn những trẻ khác.