🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ziky Boys - Những cậu bé kẽm Ebooks Nhóm Zalo ZINKY BOYS - NHỮNG CẬU BÉ KẼM Tác giả: Svetlana Alexievich Người dịch: Phan Xuân Loan Phát hành: Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam 06/2020 —★— ebook©vctvegroup LỜI GIỚI THIỆU “Văn chương đang ngạt thở trong những biên giới của mình”. Với tâm tình đó, nữ nhà văn Svetlana Alexievich đã quyết định chọn hình thức “truyện vừa tư liệu” cho cuốn sách Những cậu bé kẽm, được in lần đầu tiên năm 1989. Hai mươi sáu năm sau, cuốn sách đã góp phần đưa bà đến giải Nobel văn học năm 2015, cùng với bốn quyển sách khác trong loạt sách Những giọng nói không tưởng: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (1983), Những nhân chứng cuối cùng (1985), Lời nguyện cầu từ Chernobyl (1997) và Thời second hand (2013). Nhưng cũng chính thể loại truyện vừa tư liệu của Những cậu bé kẽm đã khiến bà phải ra tòa (phần cuối quyển sách đã giới thiệu tiến trình tố tụng này). Phiên tòa mà, từ một phía bà bị cáo buộc là “xúc phạm danh dự và phẩm giá” của những người lính đã chết trong cuộc chiến tranh Afghanistan, của những người mẹ vẫn còn đang ngồi bên mộ chí con mình. Còn từ phía những người ủng hộ nữ nhà văn, đó là phiên tòa “xử án văn chương”, “xử án một quyển sách”, “xử án sự thật”. Cuộc tranh cãi đó, cuối cùng được cố gắng ngã ngũ ở việc thế nào là thể loại truyện vừa tư liệu; vẫn chưa giải đáp được câu hỏi “sự thật là sự thật nào”, khi chính nữ nhà văn cũng hoài nghi như Pilatus đặt câu hỏi về sự thật trong phiên tòa xử Chúa. Phiên tòa đã khép lại đầu những năm 1990. Nhưng cuộc tranh cãi về sự nghiệp của nữ nhà văn Belarus viết bằng tiếng Nga một lần nữa được nhắc lại nhân Nobel 2015. Nếu bà được ngợi khen trên báo chí phương Tây như một “bậc thầy xuất sắc trong lĩnh vực văn xuôi nghệ thuật tư liệu” (Frankfurter Allgemeine), thì nhà phê bình Nga Olga Tukhanitsa, lại nhận xét vào tháng 12-2015: “Một mặt, Alexievich khăng khăng biện hộ mình không phải là nhà văn nhưng lại chứng minh những gì bà đang làm trong thế giới hiện đại là văn học chân chính; mặt khác, bà - như một nữ sinh, đoàn viên Komsomol, cố nhồi vào thông điệp của mình tất cả những khuôn mẫu định kiến về nước Nga…” Dẫu sao, chúng ta sẽ không thể tranh luận với cả hai ý kiến trên nếu chưa đọc hết Những cậu bé kẽm. Bản dịch tiếng Việt dựa trên nguyên bản tiếng Nga đã được tác giả hiệu đính và NXB Vremya (Moskva) phát hành năm 2017. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả, và thành thật cảm ơn bà Marina Vladimirovna Sharoiko (Giảng viên Bộ môn Lý luận Văn học Nga, Đại học Tổng hợp Kuban) và bà Irina Letiagina (cựu biên tập viên NXB Cầu vồng, và NXB Tiến bộ - Liên Xô cũ) đã giúp chúng tôi hoàn thành bản dịch này. Phan Xuân Loan 10-2017 Ngày 20 tháng Một năm 1801, quân Cozak của đầu lĩnh Vasili Orlov được lệnh tiến vào Ấn Độ. Họ được giao một tháng để tới Orenburg, và từ đó họ có ba tháng để “băng qua Bukharia và Khiva đến sông Indus”. Chẳng bao lâu 30.000 người Cozak đã vượt sông Volga và tiến sâu vào các thảo nguyên Kazakhstan… Cuộc chiến giành chính quyền. Các trang sử chính trị Nga thế kỷ XVII. M.: Mysl, 1988, tr. 475 LỜI MỞ ĐẦU Tôi đi một mình. Giờ đây tôi sẽ phải đi một mình. Nó giết người. Con trai tôi. Bằng cái rìu nhà bếp tôi dùng xẻ thịt. Nó quay về từ trận chiến và giờ thì giết người. Buổi sáng nó mang cái rìu đặt về chỗ cũ, trong tủ bếp, nơi tôi cất chén dĩa. Hình như ngày hôm đó tôi còn làm cho nó món sườn hầm. Một lúc sau ti vi và báo buổi chiều đưa tin các ngư dân vớt được một thi thể từ dưới hồ. Từng mảnh. Bạn tôi gọi điện: - Chị đọc báo chưa? Một vụ giết người chuyên nghiệp. Kiểu Afghanistan. Con trai tôi đang ở nhà, nằm đọc sách trên xô pha. Tôi không biết và cũng chẳng đoán ra gì, nhưng chẳng hiểu sao sau những lời ấy tôi lại nhìn nó. Trái tim người mẹ. Cô có nghe tiếng chó sủa không? Không à? Còn tôi thì nghe đấy, vừa bắt đầu kể chuyện này là tôi đã nghe tiếng chó sủa. Lũ chó đang chạy. Ở đó, nơi con trai tôi đang ngồi tù có những con bẹc giê lớn. Và mọi người mặc toàn đen, rặt một màu đen. Tôi trở về Minsk, đi ngang qua cửa hàng bánh mì, qua vườn trẻ, tay cầm ổ bánh mì với sữa và nghe thấy tiếng sủa. Tiếng sủa chói tai. Nó làm tôi như đui mù. Có lần tôi suýt lọt vào gầm xe. Tôi sẵn sàng ở rịt bên mộ con mình, sẵn sàng nằm cạnh nó. Nhưng tôi không biết… không biết sẽ sống thế nào với chuyện này. Đôi khi tôi sợ xuống bếp, sợ nhìn thấy cái tủ bếp đó, nơi cất cái rìu. Cô không nghe thấy gì hết à? Không à? Giờ đây tôi không biết nó sẽ ra sao, con trai tôi. Tôi sẽ đón nó về thế nào sau mười lăm năm nữa. Nó bị tuyên mười lăm năm khổ sai. Tôi đã nuôi dạy nó thế nào? Nó mê khiêu vũ. Tôi và nó đã đến bảo tàng Hermitage ở Leningrad. Chúng tôi đã đọc sách cùng nhau. (Khóc.) Chính Afghanistan đã cướp mất con trai tôi. …Tôi nhận được điện tín từ Tashkent: “Hãy đón chuyến bay số…” Tôi lao ra ban công, gào to hết sức: - Còn sống! Con tôi còn sống! Cuộc chiến khủng khiếp này kết thúc với tôi rồi. Rồi tôi ngất đi. Dĩ nhiên chúng tôi đã ra sân bay trễ, chuyến bay đã hạ cánh từ lâu, tôi tìm thấy con trai mình trong vườn hoa. Nó nằm trên đất và níu lấy cọng cỏ, ngạc nhiên sao cỏ xanh đến thế. Nó không tin mình có thể trở về. Nhưng gương mặt nó không có niềm vui. Buổi tối những người láng giềng kéo sang nhà chúng tôi, họ có một cô con gái nhỏ, bé thắt một cái nơ xanh trên tóc. Nó đặt con bé ngồi lên gối, ôm vào lòng và khóc, nước mắt cứ thế lã chã tuôn rơi. Bởi ở đó chúng đã giết người, cả nó. Mãi sau này tôi mới hiểu ra. Ở biên giới, hải quan đã “tỉa” quần lót của nó. Hàng Mỹ. Không được phép. Vì thế nó về nhà mà không có đồ lót. Nó mang về cho tôi cái áo choàng, cái áo cũng bị tịch thu. Nó mang cho bà ngoại cái khăn trùm đầu, họ cũng lấy mất. Nó đành về với những bông hoa lay ơn. Nhưng gương mặt nó không có niềm vui. Buổi sáng thức dậy nó còn bình thường: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Đến chiều mặt nó tối dần, khóe mắt nặng trĩu. Tôi không thể tả nổi điều đó. Lúc đầu nó chẳng uống giọt nào. Nó ngồi quay vào tường rồi bật dậy khỏi xô pha, với lấy cái áo khoác. Tôi đứng ngay cửa: - Con đi đâu, Valyushka? Nó nhìn tôi như nhìn vào thinh không. Rồi bỏ đi. Tối muộn tôi đi làm về, nhà máy ở xa, lại làm ca hai, tôi gọi cửa nhưng nó không mở. Nó không nhận ra giọng tôi. Chuyện đó thật kỳ quặc, ừ thì giọng bạn bè có thể không nhận ra, nhưng đây là giọng mẹ nó! Hơn nữa, lại là “Valyushka” - chỉ có tôi mới gọi nó như thế. Dường như lúc nào nó cũng đang đợi ai đó, sợ sệt. Tôi mua cho nó cái sơ mi mới, ướm thử và thấy trên tay nó có những vết cắt. - Cái gì đây? - Chuyện nhỏ mà mẹ. Sau đó tôi mới biết. Sau phiên tòa. Trong thời gian huấn luyện nó đã cắt cổ tay. Trong một giờ diễn tập, nó là nhân viên điện đài, nhưng không kịp ném điện đài xách tay lên cây đúng lúc, không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định nên thượng sĩ phạt nó múc 50 thùng chất thải từ nhà vệ sinh diễu qua đội hình. Nó đã xách và ngất xỉu. Bệnh viện chẩn đoán: chấn động tâm thần nhẹ. Đêm đó nó đã cắt ven tay. Lần thứ hai là ở Afghanistan. Trước cuộc bố ráp, họ kiểm tra và điện đài không hoạt động. Thiếu một số phụ kiện khan hiếm khi đó. “Kẻ nào đã lấy trộm chúng. Ai?” Chỉ huy cáo buộc nó hèn nhát giấu các chi tiết đó đi để không phải hành quân cùng mọi người. Mà ở đó trộm cắp như rươi, thậm chí các bộ phận ô tô cũng bị tháo rời đem bán cho các dukan*. Để mua ma túy, thuốc lá, thức ăn. Họ lúc nào cũng đói. Trên truyền hình đang có chương trình về Edith Piaf*, chúng tôi luôn xem cùng nhau. - Mẹ, - nó hỏi, - mẹ có biết ma túy là gì không? - Không. - Tôi nói dối, còn chính mình bắt đầu dõi theo nó: nhỡ nó hút thì sao? Tôi không phát hiện ra dấu vết nào. Nhưng ở đó họ sử dụng ma túy - tôi biết điều này. - Ở Afghanistan thế nào hở con? - Có lần tôi hỏi. - Thôi mà mẹ! Khi nó đi khỏi nhà, tôi đọc lại hết những bức thư từ Afghanistan của nó, tôi muốn đào xới, tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với nó. Tôi không tìm thấy gì đặc biệt, nó viết buồn nhớ cỏ xanh, bảo bà ngoại chụp hình trên nền tuyết rồi gởi cho nó. Nhưng tôi đã nhận ra, cảm thấy đã có gì đó xảy ra với nó. Họ đã trả về cho tôi một con người khác. Đó không phải là con tôi. Mà chính tôi đã đưa con vào quân ngũ, nó vốn được hoãn nghĩa vụ. Tôi muốn nó thành người dũng cảm. Tôi thuyết phục con và chính mình rằng quân đội sẽ trui rèn nó tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi tiễn nó đi Afghanistan với tiếng ghi-ta cùng một bữa tiệc ngọt chia tay. Nó mời bạn bè và các cô gái… Tôi nhớ đã mua tới mười cái bánh kem. Chỉ có một lần nó nói về Afghanistan. Vào một buổi tối. Nó ghé vào bếp, lúc tôi đang làm thịt thỏ. Cái bát đầy máu. Nó nhúng các ngón tay vào máu rồi nhìn cái bát. Nhìn chằm chằm. Rồi nói với chính mình: - Họ chở cậu ấy về với cái bụng bị thủng. Cậu ấy đề nghị mình bắn. Và mình đã bắn. Những ngón tay đầy máu thỏ. Với những ngón tay dính máu đó nó vớ lấy điếu thuốc rồi bỏ ra ban công. Tối hôm đó nó không nói thêm với tôi một lời nào. Tôi tìm tới các bác sĩ. “Hãy trả lại con trai cho tôi! Xin cứu giúp!” Tôi kể lại tất cả… Họ kiểm tra nó, thăm khám, nhưng ngoài chứng đau thần kinh tọa, họ chẳng phát hiện gì. Một lần nọ về nhà, tôi thấy bốn cậu trai lạ ngồi sau bàn. - Mẹ, họ từ Afghanistan về. Con gặp họ ở nhà ga. Họ chẳng có chỗ nào để qua đêm cả. - Tôi sẽ nướng một cái bánh ngọt cho các cậu. Nhanh lắm. - Chẳng hiểu sao tôi lại mừng rỡ. Chúng sống ở nhà tôi một tuần lễ. Tôi không đếm, nhưng tôi nghĩ chúng uống cỡ bốn thùng vodka. Mỗi tối tôi lại gặp ở nhà năm người lạ, người thứ năm là con tôi. Tôi không muốn nghe những câu chuyện của chúng, tôi sợ lắm. Nhưng vì ở chung một nhà nên tôi tình cờ nghe thấy. Chúng kể suốt hai tuần mai phục, chúng được phát thuốc kích thích để bạo gan hơn. Nhưng tất cả những chuyện đó được giữ kín. Vũ khí nào giết người hiệu quả hơn. Từ khoảng cách nào… Sau này tôi mới nhớ lại những câu chuyện đó, khi sự việc đã xảy ra. Chỉ sau đó tôi mới nghĩ ra, hoảng hốt nhớ lại. Còn trước đó chỉ có nỗi sợ: “Ôi,” tôi nói thầm, “chúng điên làm sao. Tất cả đều dở người”. Ban đêm. Trước cái ngày nó giết người. Tôi nằm mơ thấy mình đang đợi con nhưng mãi vẫn không thấy nó. Thế rồi người ta đưa nó về. Bốn “người Afghan” đó đưa về. Và họ ném nó xuống sàn xi măng dơ dáy. Cô hiểu không, sàn xi măng trong gian bếp chúng tôi ấy…* Cái sàn như sàn nhà tù. Lúc đó nó đã vào học khoa dự bị trường Đại học Kỹ thuật Phát thanh. Nó viết tốt bài luận. Nó hạnh phúc và mọi việc đều ổn. Tôi đã nghĩ nó đang nguôi ngoai. Sẽ đi học. Rồi cưới vợ. Nhưng cứ tối đến, tôi sợ những buổi tối, nó ngồi và nhìn chằm chằm vào vách rồi thiếp ngủ trên ghế bành. Tôi muốn nhào tới, lấy thân mình che chở và không thả cho nó đi đâu nữa hết. Bây giờ tôi nằm mơ thấy nó còn nhỏ và đòi ăn. Lúc nào nó cũng đói. Nó chìa hai tay. Trong mơ lúc nào tôi cũng thấy nó nhỏ bé và bị hạ nhục. Còn trong đời thật? Mỗi tháng hai cuộc gặp. Bốn tiếng chuyện trò qua lớp kính. Mỗi năm hai lần thăm nuôi, đó là khi tôi được mang gì đó cho nó ăn. Và tiếng chó sủa. Tôi nằm mơ thấy tiếng chó sủa. Chúng đuổi theo tôi khắp chốn. Có một người đàn ông tán tỉnh tôi. Tặng cả hoa. Khi ông ta mang hoa tới, “Ông tránh xa khỏi tôi,” tôi bắt đầu hét, “tôi là mẹ của tên giết người”. Thời gian đầu tôi sợ gặp những người quen, tôi trốn trong nhà tắm và chờ những bức tường đổ sập xuống người. Tôi ngỡ như người ngoài đường đều nhận ra tôi, chỉ trỏ nhau xem rồi xầm xì: “Nhớ vụ ghê rợn đó không? Chính con trai bà ta giết người đấy. Chặt làm tư. Kiểu Afghanistan”. Tôi chỉ ra đường vào buổi tối, tìm hiểu hết những loài chim đêm. Tôi nhận biết chúng qua tiếng hót. Vụ án được điều tra. Vài tháng trôi qua. Nó im lặng. Tôi đến quân y viện Burdenko ở Moskva. Ở đó tôi tìm được vài cậu trai từng phục vụ trong đội đặc nhiệm như nó. Tôi bộc bạch cùng họ. - Các cháu này, vì cái gì mà con trai bác giết người? - Hẳn là có chuyện gì đó. Tôi phải thuyết phục mình rằng con tôi có thể đã làm điều đó. Giết người. Tôi gặng hỏi họ rất lâu để hiểu ra rằng: nó có thể! Tôi hỏi họ về cái chết. Không, không phải về cái chết, mà về việc giết chóc. Nhưng cuộc trò chuyện đó không gợi được ở họ những cảm xúc đặc biệt nào, những cảm xúc mà bất kỳ việc giết chóc nào cũng đều có thể gợi lên ở một con người bình thường chưa từng thấy máu. Họ nói về chiến tranh như nói về một công việc, một công việc cần phải giết người. Sau đó tôi đến gặp những cậu trai cũng từng ở Afghanistan, và khi Armenia động đất họ đã tới đó cùng những đội cứu hộ. Tôi muốn biết, tôi bị ám ảnh vì chuyện đó: họ có sợ không? Họ cảm giác thế nào khi chứng kiến cái chết? Không, họ chẳng thấy sợ gì cả, thậm chí lòng thương hại ở họ cũng đã cùn mằn. Những hộp sọ vỡ tung, bẹp dí, những khúc xương người… Nhiều trường học bị vùi trong lòng đất. Những lớp học. Bọn trẻ ngồi học và cứ thế mà đi vào lòng đất. Còn họ thì nhớ và kể lại những chuyện khác, nào là họ đã đào được những kho rượu vang béo bở ra sao, họ đã uống những loại vang nào, loại cô nhắc nào. Họ đùa cợt: phải chi có thêm động đất ở đâu đó. Nhưng phải ở chỗ nào ấm áp cơ, nơi nho có thể mọc và làm được vang ngon. Họ sao thế? Tâm lý họ có bình thường không vậy? “Con căm thù cái đứa bị giết đó.” Nó viết cho tôi như thế cách đây không lâu. Sau năm năm. Chuyện gì đã xảy ra ở đó? Nó câm nín. Tôi chỉ biết, cậu trai đó tên Yura, khoác lác rằng đã kiếm chác được nhiều chi phiếu ở Afghanistan. Nhưng sau đó hóa ra cậu ta phục vụ ở Ethiopia, là chuẩn úy. Cậu ta đã nói dối về Afghanistan. Tại phiên tòa, chỉ một mình luật sư biện hộ nói rằng chúng ta đang xử án một người bệnh. Trên ghế bị can không phải là tội nhân, mà là bệnh nhân. Anh ta cần được điều trị. Nhưng đó là bảy năm về trước, khi sự thật về Afghanistan chưa được hé lộ. Và chúng ta đã gọi tất cả là anh hùng. Những chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế. Còn con trai tôi là kẻ giết người. Bởi nó làm cái việc mà họ từng làm ở đó. Vì việc đó mà họ được trao mề đay và huân chương. Nhưng tại sao họ lại buộc tội mình con tôi? Tại sao không buộc tội những kẻ đẩy nó vào nơi đó? Dạy nó giết người! Tôi đâu có dạy con mình việc đó. (Bùng nổ và gào thét.) Nó giết người bằng cái rìu bếp của tôi. Rồi buổi sáng nó mang đặt cái rìu lại vào tủ bếp. Như một cái muỗng hay một cái nĩa bình thường. Tôi ganh tị với những bà mẹ có con trở về cụt cả hai chân. Cứ để nó căm thù mẹ mình sau khi đã nốc say. Căm thù cả thế giới. Cứ để nó lao vào bà ta, như lao tới kẻ thù. Bà ta sẽ trả tiền cho gái mại dâm, để nó không phát rồ. Bản thân bà ta từng một lần trở thành tình nhân cho nó, bởi nó đã trườn ra ban công và muốn lao xuống từ tầng mười. Tôi chấp nhận tất cả. Tôi ganh tị với tất cả những bà mẹ, kể cả những ai có con đã nằm trong huyệt mộ. Tôi sẽ ngồi bên mộ chí của con và hạnh phúc. Tôi sẽ mang hoa tới. Cô có nghe tiếng chó sủa không? Nó đuổi theo tôi. Tôi nghe thấy chúng. Một bà mẹ Từ NHỮNG QUYỂN SỔ GHI CHÉP [Trong chiến tranh] THÁNG SÁU 1986 Tôi không muốn viết về chiến tranh lần nữa. Một lần nữa sống trong “triết lý của sự biến mất” thay cho “triết lý của sự sống”. Hay thu thập trải nghiệm bất tận của hư vô. Khi hoàn tất cuốn Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, rất lâu tôi không thể nhìn một đứa trẻ chảy máu mũi chỉ vì một va chạm bình thường, đi nghỉ nhưng tôi bỏ chạy khỏi các ngư dân khi họ vui vẻ ném lên bờ những con cá bắt được từ tầng sâu xa thẳm, tôi buồn nôn bởi đôi mắt lồi chết cứng của nó. Mỗi người có một nguồn dự lực của mình để tự vệ khỏi cơn đau thực thể hay tâm lý, và nguồn dự trữ của tôi đã cạn kiệt tận cùng. Tôi muốn phát điên bởi tiếng rú của con mèo bị ô tô chẹt, tôi quay mặt khỏi một con giun đất bị nghiền nát. Một con ếch chết khô trên đường. Không chỉ một lần, tôi nghĩ loài vật, những con chim, con cá cũng có quyền kể câu chuyện khổ đau của mình. Khi nào đó người ta sẽ viết về điều ấy. Rồi bỗng nhiên! Nếu có thể gọi điều đó là “bỗng nhiên”. Cuộc chiến đã bước sang năm thứ bảy. Nhưng chúng ta chẳng biết gì về nó, ngoài những thiên phóng sự truyền hình anh hùng. Đôi khi chúng ta giật mình bởi những chiếc quan tài kẽm đưa từ xa về không lọt qua kích cỡ lắp ghép của những ngôi nhà “Khrushchev”*. Những phát súng chào thê lương đã im bặt, một lần nữa lại là sự tĩnh lặng. Tâm thế thần thoại của chúng ta bất biến, rằng chúng ta công bằng và vĩ đại. Chúng ta luôn đúng. Cháy và lụi tàn rồi những lóe sáng cuối cùng của lý tưởng cách mạng thế giới. Không ai nhận ra đám cháy đã ở trong nhà mình. Ngôi nhà của chúng ta đã cháy. Bắt đầu từ cuộc cải tổ của Gorbachev. Chúng ta lao tới đón chào cuộc sống mới. Điều gì đang đợi chính chúng ta ở phía trước? Chúng ta có khả năng gì sau từng ấy năm mắc chứng ngủ lịm giả tạo? Còn những cậu bé của chúng ta ở đâu đó xa xôi thì không biết chết vì lý do gì… Xung quanh tôi người ta nói gì? Viết gì? Về nghĩa vụ quốc tế và địa chính trị, về những lợi ích cường quốc của chúng ta và biên giới phía nam. Mọi người tin vào điều đó. Họ tin! Những bà mẹ - cách đây không lâu hẵng còn tuyệt vọng đập tay những chiếc quan tài đui mù mà người ta trả con trai họ về trong đó - đã phát biểu tại các trường học và bảo tàng quân đội, kêu gọi những cậu bé khác “hoàn thành nghĩa vụ của mình trước Tổ quốc”. Kiểm duyệt cẩn thận để trong hồi ký quân đội không nhắc gì về cái chết của binh lính, người ta quả quyết với chúng ta rằng binh đoàn giới hạn* của quân đội Xô viết đang giúp nhân dân anh em xây cầu đường, trường học, vận chuyển phân bón và bột mì về các làng, và bác sĩ Liên Xô còn đỡ đẻ cho các phụ nữ Afghanistan. Những người lính trở về mang ghi-ta đến các trường để hát về những gì lẽ ra phải thét gào. Tôi có trò chuyện khá lâu với một người. Tôi muốn nghe sự dằn vặt của lựa chọn này - bắn hay không bắn? Thế nhưng với anh ta dường như chẳng có bi kịch nào. Cái gì là tốt? Cái gì là xấu? […] Đối với những cậu bé này, ranh giới đạo đức được vạch kẻ bằng mệnh lệnh quân sự. Dù thật tình họ nói về cái chết thận trọng hơn chúng tôi. Ở đây, ngay lập tức bộc lộ khoảng cách giữa chúng tôi. Làm thế nào để cùng lúc trải nghiệm lịch sử và viết về nó? Cũng không thể đưa một mảnh bất kỳ nào của cuộc sống, hay tóm cổ toàn bộ cái “bẩn thỉu” hiện sinh để lôi vào sách vở. Vào lịch sử. Bạn phải “đục thủng thời gian” và “bắt được tinh thần”. “Nỗi buồn hiện hữu có trăm phản chiếu”. - (W.Shakespeare, Richard III). …Trong gian đợi còn trống một nửa ở trạm xe buýt, một sĩ quan đang ngồi với chiếc va li đi đường, cạnh ông là cậu bé gầy gò, tóc húi ngắn kiểu lính, đang đào gì đó bằng cái nĩa trong chậu cây si đã héo khô. Vài người đàn bà quê mùa thật thà ngồi xuống cạnh họ hỏi dò: họ là ai, đi đâu, làm gì? Viên sĩ quan đưa người lính mất trí về nhà: “Từ Kabul cậu ta bắt đầu đào, bất cứ thứ gì rơi vào tay là cậu ta đào: xẻng, nĩa, gậy, bút”. Cậu bé ngẩng đầu lên: “Mọi người nấp đi. Tôi sẽ đào hầm. Tôi làm nhanh lắm. Chúng tôi gọi đó là những nấm mộ vô danh. Tôi sẽ đào một cái hầm chung cho tất cả các người”. Lần đầu tiên tôi bắt gặp những con ngươi to bằng con mắt. Tôi đứng ở nghĩa trang thành phố. Xung quanh là hàng trăm người. Ngay chính giữa có chín cái quan tài phủ vải đỏ. Những người lính phát biểu. Vị tướng cất lời. Những người đàn bà mặc đồ đen khóc. Mọi người im lặng. Chỉ có một cô bé nhỏ tóc thắt bím nghẹn ngào trên quan tài: “Bố! B-ố ơi! Bố đâu rồi? Bố hứa mang búp bê về cho con. Một con búp bê đẹp! Con đã vẽ cho bố cả album những ngôi nhà nhỏ và những bông hoa. Con đợi bố kia mà”. Một sĩ quan trẻ chụp tay em và đưa em đi đến chiếc Volga đen. Nhưng chúng tôi vẫn còn nghe được rất lâu: “Bố! B-ố ơi! B-ố thân yêu ơi…” Viên tướng phát biểu. Những người đàn bà vận đồ đen khóc. Chúng tôi im lặng. Tại sao chúng tôi im lặng? Tôi không muốn im lặng. Và không thể viết thêm nữa về chiến tranh. THÁNG CHÍN 1988 Ngày 5 tháng Chín Tashkent. Sân bay ngột ngạt, sực mùi dưa gang. Không phải phi trường mà là ruộng dưa. Hai giờ sáng. Chẳng chút sợ hãi, những con mèo mập không hẳn là hoang ngụp lặn dưới những chiếc tắc xi, người ta bảo đó là mèo Afghanistan. Giữa đám đông đi nghỉ về rám nắng, giữa đám thùng giỏ trái cây, những người lính trẻ (các cậu bé) nhảy lò cò trên những chiếc nạng. Chẳng ai buồn chú ý tới họ, người ta đã quen rồi. Họ ngủ và ăn ngay trên sàn, trên những tờ báo và tạp chí cũ, hàng tuần rồi mà vẫn chưa thể mua vé về Saratov, Kazan, Novosibirsk, Kiev… Họ bị thương ở đâu? Họ bảo vệ gì ở đó? Chẳng ai quan tâm. Chỉ một cậu bé nhỏ không thể rời đôi mắt to của mình khỏi họ, và một bà ăn xin ngà say tiến lại gần người lính nhỏ thó: - Làm ơn bố thí. Xin rủ lòng thương… Cậu ta xua bà đi bằng cái nạng. Nhưng bà ta chẳng buồn tức giận, còn nói thêm gì đó rầu rĩ. Ngồi cạnh tôi là các sĩ quan. Họ nói về việc các chi giả ở ta làm tệ ra sao. Về sốt thương hàn, dịch tả, sốt rét và viêm gan. Về việc những năm đầu chiến tranh không có giếng nước, nhà bếp, nhà tắm, thậm chí chẳng có gì để rửa chén dĩa. Và còn về việc ai mang được cái gì về: ai đó cái đầu video, ai đó máy ghi âm, Sharp hay Sony. Họ đã mắt tròn mắt dẹt thế nào khi ngắm những phụ nữ đẹp đi nghỉ về trong bộ váy mát mẻ. Chúng tôi phải chờ máy bay quân sự đi Kabul khá lâu. Họ bảo đầu tiên phải tải các thiết bị lên, sau đó mới cho người vào. Khoảng một trăm người. Tất cả đều là quân nhân. Bất ngờ là có khá đông phụ nữ. Trích đoạn từ những cuộc chuyện trò: - Tôi mất thính lực. Đầu tiên tôi không nghe được giọng hót cao của chim. Hậu quả của chấn thương đầu. Chẳng hạn tiếng hót chim ri đá tôi hoàn toàn không nghe thấy. Tôi thu chúng vào máy ghi âm rồi mở hết công suất… - Đầu tiên cậu phải bắn, rồi sau đó mới tìm hiểu đó là ai, phụ nữ hay trẻ em? Mỗi người đều có cơn ác mộng của mình. - Lúc bắn nhau lũ lừa nằm im, hết bắn chúng bật dậy. - Chúng tôi là ai ở Liên Xô? Gái mại dâm à? Chúng tôi biết họ nghĩ thế. Thà làm cho hợp tác xã kiếm tiền còn hơn. Còn bọn đàn ông? Bọn đàn ông thì sao? Tất cả họ đều nốc xỉn. - Viên tướng nói về nghĩa vụ quốc tế, về việc bảo vệ đường biên giới phía nam. Thậm chí còn mủi lòng: “Hãy mang kẹo caramen cho chúng. Chúng là trẻ con mà. Quà tặng tốt nhất cho trẻ con là kẹo”. - Người sĩ quan còn trẻ. Khi biết một chân mình bị cưa đã khóc. Mặt anh như con gái vậy - da trắng, má hồng. Ban đầu tôi sợ người chết, đặc biệt là thi thể không tay không chân. Nhưng dần rồi cũng quen… - Chúng bắt tù binh. Cắt các chi rồi ga rô lại để họ không chết vì mất máu. Rồi bỏ họ lại như thế. Người của ta thu thập những người cụt đó. Họ muốn chết, nhưng bị ép điều trị. Và sau khi điều trị, họ không muốn về nhà. - Hải quan thấy cái túi xách của tôi trống rỗng, hỏi: “Mang gì về?” “Chẳng có gì.” “Chẳng có gì à?” Họ không tin. Họ buộc tôi cởi tới đồ lót. Ai cũng mang về hai ba va li. Trên máy bay, tôi ngồi cạnh một chiếc xe bọc thép được chằng buộc bằng dây xích. Thật may là viên thiếu tá ngồi cạnh tôi tỉnh táo, vì những người xung quanh đều say. Cách đó không xa […] người ta chuyển vận không chỉ vũ khí, mà trọn bộ tất cả những gì cần thiết cho các nghi thức Xô viết. Những lá cờ đỏ, băng rôn đỏ cũng nằm đó. Tiếng còi hụ. - Dậy đi. Không thì các người lỡ mất nước thiêng đấy. Chúng ta đang ở trên Kabul rồi. Chúng tôi hạ cánh. …Tiếng gầm của pháo. Những người lính tuần tra mang súng máy và mặc áo chống đạn đòi xem giấy tờ. Tôi không muốn viết gì nữa về chiến tranh. Nhưng rồi tôi đang ở trong một cuộc chiến tranh thật sự. Khắp nơi là những con người của chiến tranh, vật dụng chiến tranh. Thời chiến. Ngày 12 tháng Chín Có gì đó thật vô đạo đức trong việc soi mói lòng can đảm và rủi ro của người khác. Hôm qua chúng tôi đi ăn sáng ở nhà ăn, chào hỏi người lính gác. Nửa tiếng sau cậu ta đã bị giết bởi một mảnh mìn bay lạc vào doanh trại, cả ngày tôi cố nhớ lại gương mặt cậu bé đó. Nhà báo ở đây được gọi là những người kể chuyện cổ tích. Nhà văn cũng vậy. Nhóm chúng tôi chỉ toàn đàn ông. Họ lao tới những tiền đồn xa, muốn đi vào trận chiến. Tôi hỏi một người: - Để làm gì? - Tôi thích vậy. Nói cho cô nghe nhé: tôi đã ở Salang*. Tôi đã bắn. Tôi không thể thôi cảm nhận rằng chiến tranh được sinh ra từ căn tính đàn ông, điều với tôi thật không sao hiểu được. Nhưng đời thường của chiến tranh lại quá lớn lao. Và Apollinaire thì: “Ôi, chiến tranh đẹp làm sao”. Trong cuộc chiến mọi thứ lại khác: cả ta, cả thiên nhiên và suy nghĩ của ta. Ở đây tôi hiểu ra, suy nghĩ của con người có thể vô cùng nghiệt ngã. Tôi hỏi và lắng nghe khắp nơi: trong trại lính, trong nhà ăn, trên sân bóng, ở các cuộc nhảy nhót buổi tối - và bắt gặp những thuộc tính bất ngờ của cuộc sống hòa bình. - Tôi bắn trực diện và thấy sọ người văng tung tóe. Tôi nghĩ: “Người thứ nhất”. Sau cuộc giao tranh là những người bị thương, những người chết. Tất cả đều im lặng. Ở đây tôi hay mơ thấy tàu điện. Mơ thấy tôi đi tàu điện về nhà. Hồi tưởng mà tôi thích nhất: mẹ nướng bánh. Trong nhà mùi bột tỏa ra ngọt ngào. - Anh chơi với một cậu trai tốt. Sau đó anh thấy ruột cậu ta treo trên đá. Anh bắt đầu trả thù. - Chúng tôi đợi một đoàn xe. Mai phục hai, ba ngày. Chúng tôi nằm trong cát nóng, đi vệ sinh ngay dưới người mình. Đến cuối ngày thứ ba thì bắt đầu nổi khùng. Với sự căm thù đó tôi xổ ra loạt súng đầu tiên. Sau khi mọi thứ kết thúc, chúng tôi phát hiện: đoàn xe chở chuối và mứt. Chúng tôi tọng đồ ngọt đủ cho cả đời. - Chúng tôi bắt bọn dukh* làm tù binh. Chúng tôi gặng hỏi: “Kho vũ khí ở đâu?” Chúng im lặng. Chúng tôi đưa hai tên lên trực thăng. “Ở đâu, chỉ đi.” Im lặng. Chúng tôi ném một tên xuống đá. - Làm tình trước và sau chiến tranh không giống nhau. Trong chiến tranh mọi thứ như lần đầu tiên… - Tên lửa Grad bắn. Mìn bay. Trên tất cả những thứ đó, cần phải: Sống! Sống! Sống! Bạn đâu biết gì và không muốn biết gì về những khổ đau của phía bên kia. Sống - đó là tất cả. Phải sống! Viết (hay kể) toàn bộ sự thật về chính mình, theo nhận xét của Pushkin, là bất khả về thực thể. Trong chiến tranh, con người được cứu nhờ ý thức bị phân tán, xao nhãng. Nhưng cái chết xung quanh thì vô lý, tình cờ. Không có chủ đích cao cả nào. …Trên một chiếc xe tăng có hàng chữ đỏ: “Báo thù cho Malkin”. Giữa đường phố, một phụ nữ Afghanistan quỳ gối trước một đứa bé bị giết và gào thét. Thét gào như thế có lẽ chỉ ở những con thú bị thương. Xe chúng tôi chạy ngang những kishlak* bị tàn phá giống như cánh đồng vừa được cày đảo lại. Màu đất sét ở những ngôi nhà mới đây còn có người ở còn đáng sợ hơn bóng tối mà từ đó họ có thể bắn ra. Trong bệnh viện, tôi đặt một chú gấu bông lên giường một bé trai Afghanistan. Bé giữ con gấu bằng răng và cứ thế chơi, mỉm cười, vì bé không có hai tay. “Người Nga của cô đã bắn,” người ta dịch cho tôi lời mẹ cậu bé. “Cô có con không? Trai hay gái?” Tôi không hiểu điều gì nhiều hơn trong lời của bà - nỗi kinh hoàng hay sự thứ tha? Người ta kể về sự dã man mà những tay súng trừng trị tù binh Nga. Giống thời trung cổ. Ở đây quả thực là một thời đại khác, những tờ lịch chỉ ra thế kỷ mười bốn. Trong Anh hùng thời đại chúng ta của Lermontov, nhân vật Maksimych khi đánh giá hành động của người sơn cước đâm chết cha của Bella, đã nói: “Dĩ nhiên, theo cách của họ thì ông ta hoàn toàn đúng”, mặc dù từ quan điểm của người Nga hành động đó là dã thú. Nhà văn đã nắm bắt được nét Nga đáng ngạc nhiên đó - biết đứng trên quan điểm của dân tộc khác, nhìn mọi việc theo “cách của họ”. Còn bây giờ… Từ ngày này sang ngày khác tôi thấy con người trượt dốc ra sao. Và ít khi nào họ đi lên trở lại. Ngày 17 tháng Chín Ivan Karamazov của Dostoyevski nhận xét: “Dã thú không bao giờ có thể độc ác như con người, độc ác một cách sắc sảo như thế, nghệ thuật như thế”. Vâng, tôi nghi ngờ: chúng ta không muốn nghe chuyện đó, chúng ta không muốn biết điều đó. Nhưng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, cho dù do ai khởi phát và nhân danh điều gì - Julius Caesar hay Joseph Stalin - người ta cũng giết hại nhau. Đó là giết người, nhưng ở đất nước chúng ta không ai được phép nghĩ về điều đó, thậm chí vì sao đó mà ở các trường học, chúng ta không nói về việc giáo dục lòng yêu nước thời bình, mà lại nói về lòng yêu nước thời chiến. Mà tại sao tôi lại ngạc nhiên chứ? Mọi thứ đều dễ hiểu - đất nước thời chiến, tư duy thời chiến. Không nên thử thách con người như thế. Con người không chịu đựng được những thử thách này. Trong y học điều đó gọi là “thí nghiệm cấp tính”. Thí nghiệm trên cơ thể sống. Buổi tối trong khu nhà lính đối diện bệnh viện người ta mở máy thu băng. Tôi cũng lắng nghe những bài hát Afghanistan. Những giọng trẻ con vẫn còn chưa tròn tiếng khàn khàn hát theo Vysotsky*: “Mặt trời rơi xuống căn nhà, như quả bom to”, “Không cần vinh quang. Chúng tôi cần được sống - đó là tất cả huy chương cho chúng tôi”, “Tại sao chúng ta giết và tại sao chúng ta bị giết?”, “Và đây, cả những mặt người tôi cũng bắt đầu quên”, “Afghanistan - người lớn hơn nghĩa vụ của chúng tôi, người là vũ trụ của chúng tôi”, “Người cụt chân như những con chim lớn, nhảy lò cò trên biển”, “Anh ta không thuộc về ai giờ anh đã chết. Hận thù không còn trên mặt anh”. Ban đêm tôi mơ thấy những người lính của chúng ta lên đường về Liên Xô, và tôi ở trong số những người đưa tiễn. Tôi đến gần một cậu bé không còn lưỡi, cậu câm sau khi bị bắt làm tù binh. Từ dưới chiếc áo lính cổ đứng của cậu thò ra gấu áo pyjama bệnh viện. Tôi hỏi cậu ta, còn cậu chỉ viết tên mình: “Vanechka, Vanechka”. Tôi thấy rõ ràng tên cậu: Vanechka. Còn mặt cậu thì giống chàng trai mà ban ngày tôi trò chuyện, người luôn lặp đi lặp lại: “Mẹ chờ em ở nhà”. Chúng tôi chạy xe ngang qua những con phố vắng ngắt của Kabul, qua những áp phích quen thuộc ở trung tâm thành phố: […] “Kabul - thành phố hòa bình”, “Dân và Đảng thống nhất”. Những khẩu hiệu của chúng tôi được in trong các nhà in của chúng tôi. Lenin của chúng tôi đứng đây với một cánh tay giơ lên. Tôi làm quen với những tay quay phim từ Moskva. Họ quay cảnh tải hàng lên chiếc “Uất Kim hương Đen”* không ngước mắt lên, họ kể người ta mặc cho người chết quân phục cũ những năm 40, thời còn quần ống chẽn, có khi họ cứ để thế - trần truồng không quần áo, vì ngay cả quân phục đó cũng không đủ. Ván cũ, đinh gỉ… “Họ đưa những người mới chết về trong tủ lạnh. Nó bốc mùi lợn rừng ôi.” Ai tin tôi, nếu tôi viết những điều này? Ngày 20 tháng Chín Tôi đã chứng kiến một trận đánh. Ba người lính tử trận. Lúc ăn tối, không ai nhắc đến trận đánh lẫn người chết, mặc dù các thi thể nằm đâu gần đó. Không thể giết quyền con người. Không được học giết người. Nó không được ghi trong bất cứ hiến pháp nào. Chiến tranh - hòa bình, chứ không phải một sự kiện. Mọi thứ ở đây đều khác: cả phong cảnh, cả con người lẫn lời nói. Phần sân khấu của chiến tranh được ghi nhớ: xe tăng nổ tung, những mệnh lệnh vang lên, những đường đạn lóe sáng trong đêm. Nghĩ về cái chết như nghĩ về tương lai. Có điều gì đó đang xảy ra với thời gian khi bạn nghĩ về cái chết và trông thấy nó. Bên cạnh nỗi sợ cái chết là sự hấp dẫn của cái chết. Không cần nghĩ thêm gì nữa. Trích đoạn của những quyển sách vĩ đại có khắp nơi. Ở mỗi nơi. Trong các câu chuyện kể (không phải hiếm!) sự ngây thơ hung hãn ở các cậu bé của chúng ta gây kinh ngạc, những học sinh lớp Mười Xô viết, mới đây thôi. Tôi muốn có từ họ cuộc đối thoại giữa con người với con người trong chính mình. Thế nhưng? Bằng ngôn ngữ nào chúng ta nói chuyện với mình, với những người khác? Tôi thích ngôn ngữ hội thoại, nó không bị câu thúc, tuôn chảy tự do. Tất cả như dạo chơi và hội hè, từ cú pháp tới ngữ điệu, trọng âm; nó khôi phục chính xác cảm giác. Tôi dõi theo cảm giác chứ không theo sự kiện. Dõi theo việc những cảm xúc chúng ta phát triển thế nào, chứ không theo biến cố. Có thể những gì tôi làm giống như công việc của một sử gia, nhưng tôi là sử gia của những gì không dấu vết. Chuyện gì xảy ra với những sự kiện lớn? Chúng du cư vào lịch sử. Tuy nhiên những thứ nhỏ bé, nhưng lại là chủ yếu đối với những con người nhỏ bé, lại biến mất không dấu vết. Hôm nay một cậu bé (vì sự mong manh và vẻ ngoài đau bệnh mà cậu ít giống một người lính) đã kể: thật lạ lùng đồng thời thật hấp dẫn khi cùng nhau giết người. Và sợ hãi làm sao khi nã súng. Chẳng lẽ điều đó sẽ còn lại trong lịch sử? Với nỗi tuyệt vọng tôi chỉ làm đúng một việc (từ quyển sách này sang quyển sách khác) - giảm thiểu lịch sử xuống còn một con người. Tôi đã nghĩ về việc không thể viết trong thời chiến một quyển sách về chiến tranh. Lòng thương hại, sự căm thù, nỗi đau thực thể, tình bạn sẽ cản trở. Và lá thư từ quê nhà mà sau đó người ta vô cùng muốn sống. Họ kể rằng khi bắn giết, họ cố không nhìn vào mắt thậm chí là của con lạc đà. Ở đây không có những kẻ vô thần. Tất cả đều mê tín. Tôi bị chỉ trích (đặc biệt là các sĩ quan, những người lính thì hiếm hơn) rằng chính tôi chưa bao giờ bắn và bị ngắm vào đầu ruồi, làm sao tôi có thể viết về chiến tranh? Mà có thể như thế sẽ tốt hơn, việc tôi không bắn? Con người ấy đâu rồi, kẻ mà bản thân ý nghĩ về chiến tranh mang đến cho anh ta đau khổ? Tôi không tìm ra người đó. Nhưng hôm qua bên cạnh bộ tham mưu có xác một con chim lạ. Thật kỳ lạ. Những người lính tiến tới chỗ nó, thử đoán xem nó là chim gì? Và mủi lòng thương. Có một nguồn cảm hứng nào đó trên những gương mặt tử thi. Tôi không cách nào quen được với sự điên rồ của những thứ bình thường trong chiến tranh, cho dù là nước, thuốc lá, bánh mì… Đặc biệt là khi chúng tôi rời khỏi doanh trại và lên núi. Ở đó con người một mình đối mặt với thiên nhiên và tai họa. Đạn sẽ bay trượt qua hay không? Ai là người bắn đầu tiên - bạn hay anh ta? Ở đó bạn sẽ thấy con người trong thiên nhiên, không phải trong xã hội. Còn ở Liên Xô, trên truyền hình người ta chiếu cảnh quân ta trồng cây trên những con đường hữu nghị, những con đường mà ở đây chúng tôi không gặp và cũng không trồng. Dostoyevski viết trong Lũ người quỷ ám: “Tín niệm và con người, tưởng như là hai thứ rất khác nhau trong nhiều khía cạnh. Mọi người đều có lỗi nếu bị thuyết phục bởi điều này”. Ông còn có ý tưởng thế này, rằng nhân loại biết về chính mình nhiều hơn hẳn so với những gì họ kịp được ghi nhận trong văn chương, khoa học. Ông nói đây không phải là suy nghĩ của ông, mà là của Vladimir Solovyov*. Nếu chưa đọc Dostoyevsky, có lẽ tôi sẽ vô cùng tuyệt vọng. Ngày 21 tháng Chín Ở xa đâu đó, bệ phóng tên lửa Grad đang hoạt động. Nó ghê rợn thậm chí ở khoảng cách xa như thế. Sau những cuộc chiến tranh vĩ đại của thế kỷ XX và những cái chết hàng loạt, để viết về những cuộc chiến tranh hiện đại (nhỏ) như cuộc chiến Afghanistan, cần có những quan điểm đạo đức và siêu hình khác. Cần những gì nhỏ bé, cá thể, riêng lẻ. Một người. Người duy nhất đối với ai đó. Không phải như cách mà quốc gia đối với anh ta, mà là anh ta đối với mẹ, với vợ, với đứa con mình. Làm thế nào để chúng ta trả lại cho mình cách nhìn bình thường đó? Tôi cũng quan tâm cả về cơ thể, cơ thể con người, như mối liên hệ giữa thiên nhiên với lịch sử, giữa con vật và lời nói. Tất cả những tiểu tiết thực thể đều quan trọng: như máu biến đổi thế nào dưới mặt trời, con người trước lúc rời khỏi cuộc đời. Cuộc sống bản thân nó đã đẹp đến khó tin, và dù nghe thật tàn nhẫn, nỗi đau khổ của con người cũng đặc biệt mang tính nghệ thuật. Phía tối của nghệ thuật. Đấy, ngày hôm qua tôi thấy mọi người thu nhặt mảnh thi thể của những cậu bé bị nổ tan xác do mìn chống tăng. Tôi có thể không cần đến xem, nhưng tôi đã đi, để viết. Và bây giờ tôi viết. Thế nhưng có cần phải tới đó hay không? Tôi nghe các sĩ quan cười nhạo sau lưng mình: cô ta sợ, ôi, quý cô. Tôi đi và không có chút dũng khí nào, bởi ở đó tôi đã ngất xỉu. Có thể là vì nóng, cũng có thể vì sốc. Tôi chỉ muốn mình trung thực. Ngày 23 tháng Chín Tôi ngồi trên trực thăng. Từ trên cao tôi thấy hằng trăm quan tài kẽm dự trữ, đẹp và lấp lánh đáng sợ dưới ánh mặt trời. Bạn va vào một thứ gì đó tương tự và ngay lập tức xuất hiện ý nghĩ: văn chương đang ngạt thở trong những biên giới của mình. Bằng việc sao chép và ghi nhận sự kiện, chỉ có thể mô tả những gì thấy bằng mắt, mà ai cần bản báo cáo tỉ mỉ những chuyện xảy ra? Họ cần một thứ gì đó khác. Những khoảnh khắc được lột tả, được bứng ra từ cuộc sống. Ngày 25 tháng Chín Từ đây tôi trở về thành người tự do. Tôi đã không là người tự do cho đến khi thấy được những gì chúng ta làm ở đây. Tôi đã sợ hãi và cô đơn. Tôi trở về và sẽ không bao giờ đến một bảo tàng chiến tranh nào nữa. Tôi không nêu tên thật trong sách. Một số yêu cầu tôi giữ kín điều họ thổ lộ, những người khác lại muốn quên hết tất cả. Muốn quên điều mà Tolstoy đã viết rằng “con người lưu chuyển”. Trong họ có tất cả. Còn trong nhật ký tôi giữ lại những cái họ. Có thể một lúc nào đó các nhân vật của tôi muốn mọi người biết đến: Sergey Amirkhanyan, đại úy; Vladimir Agapov, thượng úy, khẩu đội trưởng; Tachyana Belozerskikh, nữ nhân viên; Viktoria Vladimirovna Bartashevich, mẹ binh nhì tử trận Yuri Bartashevich; Dmitry Babkin, binh nhì, xạ thủ ngắm bắn; Saya Yemelyanovna Babuk, mẹ của nữ y tá tử trận Svetlana Babuk; Maria Terentievna Bobkova, mẹ binh nhì tử trận Leonid Bobkov; Olympiada Romanova Baukova, mẹ binh nhì tử trận Aleksander Baukova; Taisiya Nikolayevna Bogush, mẹ binh nhì tử trận Viktor Bogush; Viktoria Semyonovna Valovich, mẹ thượng úy tử trận Valery Valovich; Tatyana Gaisenko, y tá; Vadim Glushkov, thượng úy, phiên dịch; Gennady Gubanov, đại úy, phi công; Inna Sergeyevna Galovneva, mẹ thượng úy tử trận Yuri Galovnev; Anatoly Devetyarov, thiếu tá, tuyên truyền viên trung đoàn pháo binh; Dennis L. binh nhì, lính súng phóng lựu; Tamara Dovnar, vợ thượng úy tử trận Pyotr Dovnar; Yekaterina Nikitichna Platitsyna, mẹ thiếu tá tử trận Aleksandr Platitsyn; Vladimir Yerokhovets, binh nhì, lính súng phóng lựu; Sofya Grigoryevna Zhuravleva, mẹ binh nhì tử trận Aleksandr Zhuravlev; Natalia Zhestovskaya, y tá; Maria Onufriyevna Zilfigarova, mẹ binh nhì tử trận Oleg Zilfigarov; Vadim Ivanov, thượng úy, trung đội trưởng công binh; Galina Fyodorovna Ilchenko, mẹ binh nhì tử trận Aleksandr Ilchenko; Yevgeny Krasnik, binh nhì, xạ thủ súng máy; Konstantin M., cố vấn quân sự; Yevgeny Kotelnikov, trung sĩ, nhân viên quân y đại đội trinh sát; Aleksandr Kostakov, binh nhì, liên lạc viên; Aleksandr Kuvshinnikov, thượng úy, chỉ huy trung đội súng cối; Nadezhda Sergeyevna Kozlova, mẹ binh nhì tử trận Andrey Kozlov; Marina Kiseleva, nữ nhân viên; Taras Ketsmur, binh nhì; Pyotr Kurbanov, thiếu tá, chỉ huy đại đội binh sơn cước; Vasily Kubik, chuẩn úy; Oleg Lelyushenko, binh nhì, lính súng phóng lựu; Aleksandr Leletko, binh nhì; Sergey Loskutov, bác sĩ phẫu thuật quân y; Valery Lisichenok, trung sĩ thông tin; Aleksandr Lavrov, binh nhì; Vera Lysenko, nữ nhân viên; Artur Metlitski, binh nhì, lính trinh sát; Yevgeny Stepanovich Mukhortov, thiếu tá, chỉ huy tiểu đoàn, và con trai Andrey Mukhortov, thiếu úy; Lydia Yefimovna Mankevich, mẹ trung sĩ tử trận Dmitry Mankevich; Galina Mlyavaya, vợ của đại úy tử trận Stepan Mlyavyi; Vladimir Mikholap, binh nhì, xạ thủ súng cối; Maksim Medvedev, binh nhì, kiểm soát viên không lưu; Aleksandr Nikolayenko, đại úy, chỉ huy đội máy bay trực thăng; Oleg L., phi công trực thăng; Natalia Orlova, nữ nhân viên; Galina Pavlova, nữ y tá; Vladimir Pankratov, binh nhì, trinh sát; Vitaly Ruzhentsev, binh nhì, lái xe; Sergey Rusak, binh nhì, lính tăng; Mikhail Sirotin, thượng úy, phi công; Aleksandr Sukhorukov, thượng úy, chỉ huy trung đội xạ kích miền núi; Timofey Smirnov, trung sĩ pháo thủ; Valentina Kirillovna Sanko, mẹ binh nhì tử trận Valentin Sanko; Nina Ivanovna Sidyelnikova, mẹ; Vladimir Simanin, trung tá; Tomas M., trung sĩ, chỉ huy trung đội bộ binh; Leonid Ivanovich Tatarchenko, cha binh nhì tử trận Igor Tatarchenko; Vadim Trubin, trung sĩ đặc nhiệm; Vladimir Ulanov, đại úy; Tamara Fadeyevna, bác sĩ - nhà vi khuẩn học; Lyudmila Kharitonchik, vợ thượng úy tử trận Yuri Kharitonchik; Anna Khakas, nữ nhân viên; Valery Khudyakov, thiếu tá; Valentina Yakovleva, chuẩn úy, trưởng đơn vị mật… Ngày thứ nhất “VÌ NHIỀU KẺ ĐẾN NHÂN DANH TA” Buổi sáng, hồi chuông dài như loạt súng tiểu liên vang lên: - Nghe này, - anh ta nói, không buồn tự giới thiệu, - tôi đã đọc tản văn nhục mạ của cô, nếu cô còn in thêm một dòng… - Anh là ai? - Một trong những người mà cô viết. Chúng tôi sẽ còn được điều động, vũ khí sẽ còn được trao vào tay để chúng tôi vãn hồi trật tự. Các người phải trả lời cho tất cả. Cố mà in nhiều thêm những cái họ của mình và không buồn giấu dưới bút danh đi. Tôi căm thù những kẻ theo chủ nghĩa hòa bình! Cô có bao giờ leo núi với đầy trang bị hành quân, ngồi trong xe bọc thép năm mươi độ chưa? Cô có bao giờ ngửi hằng đêm mùi hôi thối kinh tởm của cây gai? Không à? Vậy thì, đừng động vào! Đó là việc của chúng tôi! Cô dính vào làm gì? Cô là đàn bà, lo mà sinh con đi! - Tại sao anh không xưng danh? - Đừng động vào! Bạn tôi, người tôi xem như anh em, đã được đưa từ cuộc đột kích về trong túi nhựa. Đầu riêng, tay riêng, chân riêng. Da bị lột, như lợn rừng. Một tảng thịt xẻ. Mà cậu ta vốn chơi đàn violin, làm thơ… Đấy, lẽ ra cậu ta mới là người viết, chứ chẳng phải cô. Mẹ cậu ta hai ngày sau đám tang đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Bà ngủ ngoài nghĩa trang, bên mộ con trai. Mùa đông mà bà nằm trên tuyết. Cô! Cô chớ có dây vào! Chúng tôi là lính, chúng tôi được điều tới đó. Chúng tôi thi hành chỉ thị. Tôi đã đọc lời thề quân đội. Đã quỳ hôn ngọn cờ. - “Hãy giữ mình để không ai cám dỗ ngươi; vì nhiều kẻ đến nhân danh Ta.” Tân Ước. Sách Phúc Âm Mathew. - Thông thái đấy! Sau mười năm tất cả đều biến thành những kẻ thông thái. Các người muốn giữ mình thanh cao à? Vậy thì chúng tôi là những kẻ nhơ nhuốc. Cô thậm chí còn chưa biết đạn bay làm sao. Tay chưa từng cầm khẩu súng máy. Tôi cóc cần Tân Ước của các người! Tôi mang toàn bộ sự thật trong cái túi nhựa của mình. Đầu riêng, những cánh tay riêng. Không có sự thật nào khác. - Và tiếng tút trong ống nghe giống tiếng nổ từ xa. Dẫu sao tôi cũng tiếc là đã không nói hết câu chuyện với anh ta. Có thể, đây sẽ là nhân vật chính của tôi. Tác giả Chỉ có những giọng nói xuyên qua tôi. Tôi có ráng cách mấy thì đó cũng chỉ là những giọng nói không gương mặt. Lúc thì chúng rời đi, lúc thì chúng quay lại. Dường như lúc đó tôi đã kịp nghĩ: ‘Mình sắp chết’. Và tôi mở mắt ra. Tôi tỉnh lại ở Tashkent vào ngày thứ 16 sau vụ nổ. Khi bắt đầu có ý thức, tôi thấy tởm lợm, thà không sống còn tốt hơn. Đã không cách nào quay lại. Không thì đã thoải mái hơn. Sương mù và buồn nôn, thậm chí không phải buồn nôn, mà như mắc nghẹn, như trong phổi đầy nước. Phải rất lâu tôi mới thoát ra khỏi tình trạng đó. Sương mù và buồn nôn. Đầu tôi đau vì tiếng thì thầm của riêng mình, tôi không thể nói to hơn những tiếng thì thầm đó. Bệnh viện Kabul đã ở phía sau. Ở Kabul người ta đã mở hộp sọ tôi - trong đó là một đống cháo đặc, người ta lấy ra những mẩu xương nhỏ, gắn lại cánh tay trái bằng đinh vít mà không có khớp. Cảm giác đầu tiên là sự tiếc nuối vì sẽ không có gì quay trở lại như xưa, tôi sẽ không gặp lại bạn bè, nhưng buồn bực nhất là không thể đu được xà đơn. Tôi lăn lóc trong bệnh viện thiếu 15 ngày là đủ hai năm. Mười tám cuộc phẫu thuật, trong đó có bốn cuộc phải gây mê toàn thân. Sinh viên viết khóa luận về tôi, rằng trong tôi có gì và không có gì. Tôi không thể tự cạo râu, đám con trai phải cạo giúp. Lần đầu tiên, chúng đổ lên người tôi một chai eau de cologne, tôi đã la lên: “Cho chai khác đi!”. Không có mùi. Tôi không ngửi được mùi của nó. Thế là họ lôi hết từ tủ ra: xúc xích, dưa leo, mật ong, kẹo - không gì có mùi! Màu sắc thì có, khẩu vị thì có, chỉ mùi thì không. Tôi gần phát điên! Mùa xuân đến, cây cối nở hoa, tôi thấy tất cả, nhưng không ngửi được. Người ta đã rút khỏi đầu tôi 1,5 xăng-ti mét khối não, và có lẽ họ đã lấy ra phần trung tâm nào đó gắn với mùi hương. Nên đến bây giờ, đã năm năm trôi qua, tôi vẫn không nghe được mùi hoa nở, mùi khói thuốc, hương nước hoa phụ nữ. Mùi eau de cologne tôi có thể ngửi được nếu nó mạnh và gắt, phải dí lọ vào sát mũi. Có thể thấy, phần còn lại của não bộ đã nhận khả năng bị mất đó về mình. Tôi nghĩ thế. Trong bệnh viện tôi nhận được thư bạn. Từ bạn mình tôi biết chiếc xe bọc thép của chúng tôi nổ vì mìn Ý. Và anh ta thấy cùng với chiếc xe có một thân người bay lên. Đó là tôi. Tôi được xuất viện, họ trợ cấp cho tôi 300 rúp. Chấn thương nhẹ được 150 rúp, còn nặng thì 300. Sau đó thì cứ sống như ý muốn. Lương hưu bèo bọt. Tôi chuyển sang sống bám cha mẹ. Cha tôi lâm vào chiến tranh dù không có chiến tranh. Tóc ông ngả bạc, ông bị cao huyết áp. Trong chiến tranh tôi chưa sáng tỏ, chỉ sau chiến tranh tôi mới hiểu nhiều điều. Và tất cả đã quay ngược lại. Tôi bị động viên năm 81. Chiến tranh đã diễn ra hai năm, nhưng ở mức “dân sự”, người ta ít biết và ít nói về nó. Gia đình tôi cho rằng một khi chính quyền gởi quân tới đó, có nghĩa là cần phải thế. Cha tôi và những người hàng xóm đã bàn luận như vậy. Tôi không nhớ có ai đó có ý kiến gì khác. Thậm chí cánh phụ nữ cũng chẳng khóc lóc, tất cả vẫn xa xăm và không đáng sợ. Chiến tranh và không chiến tranh, nếu chiến tranh thì là cuộc chiến kỳ lạ nào đó, không có người chết và tù binh. Cũng chưa ai thấy những quan tài kẽm. Chỉ sau đó chúng tôi mới biết người ta đã đưa về thành phố những cỗ quan tài, nhưng họ bí mật chôn cất, vào ban đêm, và trên các mộ bia họ viết là “chết” chứ không phải “tử trận”. Không ai đặt câu hỏi: vì sao bỗng nhiên những thanh niên 19 tuổi của nước ta lại chết trong quân đội? Vì vodka hay vì cúm? Hay họ bội thực cam? Thân nhân của họ khóc, những người còn lại vẫn sống như đã sống nếu không liên quan gì tới mình. Trên báo viết rằng binh lính chúng ta xây cầu, trồng cây trên những con đường hữu nghị, còn các bác sĩ chúng ta điều trị cho phụ nữ và trẻ em Afghanistan. Trong khóa huấn luyện ở Vitebsk chẳng phải bí mật gì việc người ta chuẩn bị đưa chúng tôi đến Afghanistan. Nhiều người cố gắng chuồn bằng mọi giá. Một người thú nhận rằng anh ta sợ, vì nghe nói ở đó chúng bắn giết hết tất cả. Tôi khinh thường anh ta. Rồi ngay trước lúc đi, thêm một người thoái thác. Đầu tiên hắn ta nói dối rằng mất thẻ đoàn viên, nhưng sau khi tìm ra, hắn ta lại nghĩ ra cái cớ rằng bạn gái của hắn sắp sinh con. Tôi cho rằng hắn ta không bình thường. Chúng tôi đi làm cách mạng kia mà! Người ta nói với chúng tôi như thế. Và chúng tôi đã tin. Tưởng tượng ra điều gì đó lãng mạn ở phía trước. Đạn va phải người, bạn nghe thấy - bạn không quên được nó, không thể nhầm lẫn nó với bất cứ thứ gì - một cú va ướt át tiêu biểu. Gã trai bên cạnh ngã úp mặt xuống lớp bụi hăng như tro bếp. Bạn lật anh ta lại; môi anh ta vẫn còn ngậm điếu thuốc mình vừa cho. Nó vẫn còn bốc khói. Tôi vẫn chưa sẵn sàng để bắn người, tôi là người sống thời bình. Từ hòa bình. Lần đầu tiên bạn hành xử như trong mơ: chạy, kéo, bắn, nhưng bạn chẳng nhớ gì. Sau trận đánh bạn chẳng thể kể lại được gì. Tất cả dường như diễn ra sau một lớp kính. Sau bức tường mưa. Như bạn thấy một cơn mơ dữ. Bạn sợ hãi tỉnh giấc rồi không thể nhớ lại gì. Hóa ra để vượt qua nỗi sợ, bạn cần phải nhớ nó, phải quen với nó. Sau hai, ba tuần, không còn lại gì của bạn ngày xưa, chỉ còn lại cái tên. Bạn đã không còn là bạn, mà là một con người khác. Tôi nghĩ thế đấy. Mà rõ ràng là thế đấy. Và con người khác đó. Con người khi thấy người khác bị giết đã không sợ hãi, mà thản nhiên hoặc tức tối nghĩ tới việc làm cách nào để lôi hắn ta khỏi vách đá hay kéo hắn đi vài cây số trong nắng nóng về chỗ mình. Con người đó không tưởng tượng. Hắn ta đã biết khúc ruột bị lộn ra ngoài bốc mùi thế nào cũng như mùi phân và máu người không thể gột sạch được. Trí tưởng tượng ư? Trí tưởng tượng im bặt. Bạn thấy: trong vũng bùn bẩn của kim loại nóng chảy nhăn nhở cười những sọ người cháy - tưởng như mới vài giờ trước đây họ không la thét, mà vừa cười vừa chết. Tất cả bỗng nhiên thật bình thường. Đơn giản. Rồi một cơn phấn khích xuất hiện khi thấy tử thi đó không phải là mình! Mọi thứ diễn ra chớp nhoáng. Sự biến hóa như thế. Rất nhanh. Nó xảy ra với tất cả. Đối với những con người chiến trận, trong cái chết không có bí mật. Giết người đơn giản là bóp cò. Chúng tôi được dạy: ai bắn đầu tiên, người đó sống sót. Đó là quy luật của chiến tranh. “Ở đây các cậu chỉ cần hai thứ: đi nhanh và bắn chuẩn. Còn người suy nghĩ sẽ là tôi,” chỉ huy nói. Chúng tôi bắn vào nơi người ta chỉ thị. Tôi được dạy bắn khi nào người ta ra lệnh. Bắn không thương xót một ai. Có thể giết cả trẻ em. Bởi tất cả họ đang chống chúng tôi: những người đàn ông, đàn bà, già lão, trẻ nhỏ. Một đoàn binh xa đi qua kishlak. Chiếc xe đầu tiên bị tắt động cơ. Tài xế xuống khỏi buồng lái, nâng mui xe. Một đứa bé chừng 10 tuổi thọc dao vào lưng anh ta. Ngay chỗ trái tim. Người lính gục bên động cơ xe. Họ bắn thằng nhỏ lỗ chỗ như cái sàng. Lúc đó mà được lệnh, chúng tôi đã biến kishlak đó thành tro bụi. Xóa sổ. Mỗi người đều cố sống sót, chẳng thời gian đâu mà suy nghĩ. Chúng tôi chỉ mới chừng 18-20 tuổi thôi mà. Quen với cái chết của kẻ khác, nhưng tôi lại sợ cái chết của mình. Tôi đã thấy một con người sau một giây chẳng còn lại gì, tuồng như anh ta chưa từng tồn tại. Và trong chiếc quan tài rỗng người ta gởi về nước bộ lễ phục. Đổ thêm đất lạ vào, để có được trọng lượng cần thiết. Chúng tôi muốn sống. Chưa bao giờ chúng tôi muốn sống như ở đó. Trở về từ trận giao tranh, chúng tôi cười. Chưa bao giờ tôi cười như ở đó. Những chuyện tiếu lâm cũ rích được kể đi kể lại như chuyện mới cáu. Chẳng hạn như chuyện này. Một tay buôn lậu ngoại tệ đi đánh nhau. Việc đầu tiên hắn tìm hiểu là hỏi giá một tay tù binh dukh là bao nhiêu tờ. Tám tờ chi phiếu. Hai ngày sau một đám bụi xuất hiện cạnh doanh trại: hắn giải về hai trăm tù binh. Bạn hắn hỏi: “Bán tao một thằng, tao đưa mày bảy tờ” - “Mày có ấm đầu không. Tao phải mua mỗi thằng chín tờ đấy”. Cả trăm lần ai đó kể - chúng tôi cười đủ trăm lần. Cười đến đau cả bụng vì bất kỳ chuyện nhảm nhí nào. Một tay bắn tỉa nằm cạnh quyển từ điển. Hắn thấy ba ngôi sao nhỏ - thượng úy. Lật từ điển: ba ngôi sao giá 50 ngàn afghani*. Tạch. Một ngôi sao lớn - thiếu tá: 200 ngàn afghani. Tạch! Hai ngôi sao nhỏ - chuẩn úy. Tạch! Tối đến trưởng nhóm ngồi tính: thượng úy à - trả afghani, thiếu tá à - trả afghani. Cho cái gì? Chuẩn úy à?! Mày đã giết người nuôi chúng ta rồi. Ai sẽ bán sữa đặc và đồ hộp, ai sẽ bán chăn cho chúng ta? Treo cổ nó lên! Chúng tôi nói nhiều về tiền bạc. Nhiều hơn cả chuyện tử vong. Tôi chẳng mang gì về. Một mẩu đạn mà người ta lấy ra từ người tôi - đó là tất cả. Còn người khác mang về đồ sứ Trung Quốc, đá quý, trang sức, thảm… Đó là trên chiến trường khi chúng tôi đi vào các làng. Ai đó mua, đổi. Một băng đạn lấy một bộ mỹ phẩm: mascara, phấn mắt cho cô gái yêu thương. Chúng tôi bán đạn nấu. Đạn nấu không thể bay, chúng chỉ khạc ra khỏi nòng nên không thể giết người. Chúng tôi đặt một cái xô hay chậu, ném đạn vào đó, để nó sôi trong hai giờ. Xong! Buổi tối chúng tôi mang đi bán. Chuyện làm ăn này được thực hiện bởi cả chỉ huy và binh lính, người hùng và kẻ hèn. Trong nhà ăn biến mất dao, bát, muỗng, nĩa. Trong doanh trại kiểm thấy thiếu cốc uống nước, ghế đẩu, búa tạ. Biến mất cả những chiếc lưỡi lê của súng trường, kính ô tô, phụ tùng… cả những phần thưởng. Trong các dukan họ thu mua tất cả, thậm chí cả rác cũng được chở ra từ thị trấn đồn trú: hộp thiếc, báo cũ, đinh gỉ, những mẩu gỗ dát, túi nylon… Rác bán hàng xe. Đô-la và nước luôn tìm được đường đi cho mình. Ở khắp nơi. Người lính mơ ba điều. Ba mơ ước lính: mua khăn vuông cho mẹ, mỹ phẩm cho bạn gái và quần lót cho mình, hồi đó ở Liên Xô không có quần lót. Đấy, chiến tranh là thế đấy. Chúng tôi được gọi là những tay “Afghan”. Một cái tên lạ. Như một nhãn hiệu, một sự đánh dấu. Chúng tôi không giống mọi người. Chúng tôi khác. Khác như thế nào? Tôi không biết tôi là ai, anh hùng hay thằng ngốc, những kẻ mà mọi người hay chỉ trỏ? Mà có thể, là tên tội phạm? Người ta đã nói đấy là một sai lầm chính trị. Hôm nay người ta nói thầm thôi, nhưng ngày mai người ta sẽ nói to hơn. Mà tôi đã đổ máu ở đó. Máu của mình. Và máu người lạ. Chúng tôi được trao huân chương nhưng không đeo. Chúng tôi sẽ trả chúng lại. Những tấm huân chương được nhận một cách trung thực trong một cuộc chiến tranh không trung thực, chúng tôi được mời phát biểu ở các trường trung học. Kể gì đây? Về những hoạt động chiến sự. Về người đầu tiên bị giết. Về việc đến nay tôi vẫn còn sợ bóng tối như thế nào, nếu có thứ gì đó bất ngờ rơi, tôi luôn giật mình. Về việc chúng tôi bắt giữ tù binh, nhưng không giải về tới trung đoàn. Không phải lúc nào cũng vậy. (Im lặng.) Sau một năm rưỡi chiến tranh tôi không thấy một dushman* sống nào, mà chỉ thấy người chết. Về những bộ sưu tập tai người phơi khô như chiến lợi phẩm mà họ dùng để khoác lác. Về những ngôi làng sau khi bị đạn pháo quần thảo đã không còn giống nơi sinh sống mà như một cánh đồng bị xới tung? Phải chăng đó là những điều mà người ta muốn nghe trong trường học? Không, ở đó cần những anh hùng. Còn tôi nhớ, chúng tôi đã phá hủy, giết người cùng lúc với việc xây dựng, phát quà. Tất cả những điều đó hiện hữu sát cạnh nhau đến độ tới nay chúng tôi vẫn không thể phân biệt chúng. Tôi sợ những hồi ức đó. Tôi trốn khỏi chúng. Tôi gạt phăng đi. Tôi không biết một ai trở về từ đó mà không uống, không hút. Những điếu thuốc nhẹ không cứu được tôi, tôi đi tìm loại thuốc Okhotnichi mà chúng tôi hút ở đó. Nhưng bác sĩ cấm hút thuốc. Một nửa đầu tôi bằng sắt. Tôi cũng không thể uống. Cô đừng viết về tình huynh đệ Afghanistan của chúng tôi. Chẳng có đâu. Tôi không tin điều đó. Trong chiến tranh chúng tôi gắn kết bởi một điều: tất cả đều bị dối lừa như nhau, tất cả đều muốn sống như nhau và đều muốn về nhà như nhau. Còn ở đây chúng tôi gắn kết bởi chúng tôi chẳng có gì, phúc lợi thì được phân chia theo quan hệ và đặc quyền. Mà người ta nợ máu chúng tôi. Chúng tôi có cùng những vấn đề: hưu bổng, căn hộ, thuốc men, đồ gỗ… Giải quyết chúng xong, câu lạc bộ của chúng tôi sẽ rã đám. Đấy, tôi đã giành được, xô đẩy, gặm đục cho mình căn hộ, đồ gỗ, tủ lạnh, máy giặt, máy thu băng Nhật - và hết! Ngay lập tức thấy rõ rằng trong câu lạc bộ này tôi chẳng còn việc gì để làm. Giới trẻ không tìm tới chúng tôi. Họ không hiểu chúng tôi. Kiểu như người ta đặt chúng tôi ngang hàng với những người tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhưng những người đó bảo vệ Tổ quốc, còn chúng tôi? Chúng tôi trong vai trò người Đức - như một cậu nọ bảo tôi như thế. Tôi nghĩ vậy đó. Họ nhìn chúng tôi như thế đó. Và chúng tôi tức giận. Họ ở đây nghe nhạc, nhảy nhót với các cô gái, đọc sách, trong khi chúng tôi ở đó ăn cháo loãng và giẫm phải mìn. Ai không ở đó cùng tôi, không thấy, không sống, không trải nghiệm - người đó chẳng là gì với tôi. Mười năm sau, khi hậu quả viêm gan, chấn thương, sốt rét bắt đầu thòi ra, người ta sẽ tìm cách để thoát khỏi chúng tôi. Ở chỗ làm, tại nhà. Người ta không còn để chúng tôi ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Chúng tôi sẽ biến thành gánh nặng cho tất cả. Cuốn sách của cô để làm gì? Cho ai? Chúng tôi, những người từ đó trở về, dẫu thế nào người ta cũng chẳng thích đâu. Chẳng lẽ cô sẽ kể mọi thứ như nó vốn thế? Rằng những con lạc đà và những con người bị giết cùng nằm trong vũng máu, máu của tất cả hòa lẫn vào nhau. Ai cần chuyện đó? Ở nhà, chúng tôi là người lạ với tất cả. Tất cả những gì tôi còn lại, đó là ngôi nhà tôi, vợ tôi, đứa con mà nàng sắp sanh. Vài bạn bè ở đó. Ngoài ra tôi không tin ai cả. Và sẽ không tin. Binh nhì, lính súng phóng lựu Mười năm qua tôi đã lặng im. Lặng im về tất cả. Trên báo viết: trung đoàn thực hiện cuộc diễu binh thao lược. Tiến hành bắn tập. Chúng tôi đọc và bực bội. Trung đội chúng tôi hộ tống các đoàn xe. Xe có thể bị xiên thủng bởi tua vít, với đạn thì nó là tấm bia. Mỗi ngày họ bắn vào chúng tôi, giết chúng tôi. Giết gã trai tôi quen ngay bên cạnh. Người đầu tiên trước mắt tôi. Chúng tôi chưa biết nhiều về nhau. Chúng bắn pháo cối. Cậu ta hấp hối lâu, người đầy mảnh đạn. Cậu nhận ra chúng tôi. Nhưng lại gọi tên những người chúng tôi không quen biết. Trước khi đi Kabul tôi suýt choảng nhau với một tay nọ, nhưng bạn hắn đã lôi hắn khỏi tôi. - Cậu cãi vã với hắn làm gì, ngày mai hắn bay đi Afghanistan rồi! Ở đó mỗi người chúng tôi chẳng bao giờ có được cái cà mèn của mình, cái muỗng của mình. Một cái cà mèn - đổ hết tất cả vào, cho tám người. Nhưng Afghanistan không phải là chuyện trinh thám, không phải là cuộc phiêu lưu. Một nông dân nằm chết, người gầy gò và đôi tay to kệch. Trong lúc pháo kích bạn khấn cầu (khấn cầu ai, tôi không biết, chắc là cầu xin Chúa): hãy để mặt đất toác ra và giấu tôi vào đó. Hãy để đá toác ra. Những con chó kêu ăng ẳng. Những con chó dò mìn rên ư ử tội nghiệp. Chúng cũng bị giết, cũng bị thương. Những con chó bẹc giê và những con người bị giết. Những con chó và những con người được băng bó. Người cụt chi, chó mất chân. Không phân biệt được trên tuyết nơi nào là máu chó, nơi nào là máu người. Ném chung vào một đống những chiến lợi phẩm vũ khí: của Trung Quốc, Mỹ, Pakistan, Liên Xô, Anh - nó đẹp làm sao, tôi ngạc nhiên, nhưng chúng là để giết chết bạn. Khủng khiếp! Tôi xấu hổ vì nỗi sợ hãi đó. Nỗi sợ có nhân tính hơn lòng can đảm. Tôi hiểu điều đó. Bạn sợ và thương hại dẫu là thương hại chính mình. Bạn ngoái nhìn xung quanh, nhận ra cuộc sống. Mọi người đều sống, mà bạn biến mất. Bạn không muốn nghĩ mình sẽ nằm xuống xấu xí và nhỏ bé, ở nơi xa nhà hàng nghìn cây số. Con người đã bay vào vũ trụ, nhưng hàng nghìn năm trước họ giết nhau thế nào, giờ họ cũng giết nhau thế ấy. Bằng đạn, bằng dao, bằng đá… Ở các kishlak người ta đâm binh lính chúng tôi bằng những đinh ba gỗ. Tôi về nước năm 81. Tất cả đều hoan hô! Chúng tôi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế! Nghĩa vụ thiêng liêng! Ôi, những anh hùng! Tôi đi tàu lửa về đến Moskva vào buổi sáng, sớm tinh mơ. Đến tối mới có chuyến xe buýt về nhà, mà tôi không thể đợi. Tôi bèn đi chuyền: đến Mozhaisk tôi đi bằng tàu điện, tới Gagarin tôi đi bằng xe buýt chuyến, sau đó đến Smolensk bằng những loại xe khác nhau. Từ Smolensk về Vitebsk tôi đi bằng ô tô tải. Tổng cộng sáu trăm cây số. Không ai lấy tiền khi biết tôi từ Afghanistan về. Tôi nhớ mãi điều đó. Hai cây số cuối cùng tôi đi bộ. Chạy. Tôi cứ thế chạy về nhà. Mà ở nhà là mùi chi dương, là xe điện kêu leng keng và một cô bé đang ăn kem. Những cây chi thơm ngát! Còn thiên nhiên ở đó - vùng xanh, gọi là “vùng xanh” nhưng họ bắn ra từ đó. Tôi muốn thấy lại rừng bạch dương và chim sẻ ngô của chúng tôi. Tôi sợ các góc phố. Vừa thấy cái góc phía trước nhà, ruột gan bên trong thắt lại - ai trong góc đó? Một năm sau tôi còn sợ ra đường: không có áo chống đạn, không có mũ sắt, không có súng - tôi như người trần trụi. Còn ban đêm là những giấc mơ: ai đó nhắm vào trán với cái nòng súng to đến độ tôi bay mất nửa đầu. Tôi lao vào tường. Điện thoại rơi vỡ, trán toát mồ hôi - chúng bắn. Từ đâu thế? Mắt tôi bắt đầu sục sạo quanh các hướng. Chạm vào kệ sách. À-à-á! Tôi đang ở nhà. Trên báo vẫn viết máy bay trực thăng X thực hiện chuyến bay huấn luyện. Được thưởng huân chương Sao đỏ. Ở Kabul diễn ra buổi hòa nhạc kỷ niệm ngày 1-5 với sự tham gia của binh lính Xô viết. Afghanistan đã giải phóng tôi. Đã chữa cho tôi khỏi niềm tin rằng tất cả mọi việc ở chúng ta đều đúng và báo chí chỉ viết sự thật, ti vi chỉ nói sự thật. “Mình nên làm gì?”, “Mình nên làm gì?”, tôi hỏi chính mình. Tôi muốn làm gì đó, muốn đi đâu đó. Nhưng đi đâu? Mẹ tôi can gián, và không ai trong số bạn bè tôi ủng hộ, họ bảo tất cả đều im lặng. Cần phải thế. Đấy, tôi đã kể cho bà. Lần đầu tôi thử nói ra những gì tôi nghĩ. Thật ngỡ ngàng. Binh nhì, xạ thủ súng máy Tôi sợ bắt đầu kể lại. Một lần nữa những cái bóng ấy lại ào ra. Mỗi ngày. Mỗi ngày ở đó tôi đều nói với mình: “Con ngu, mày là con ngu. Tại sao mày làm thế”. Đặc biệt là ban đêm, khi không làm việc, những suy nghĩ ấy thường xuất hiện. Nhưng ban ngày là những ý nghĩ khác: làm sao giúp hết mọi người? Những vết thương khủng khiếp ấy. Tôi bị sốc: những viên đạn để làm gì? Ai nghĩ ra chúng? Chẳng lẽ con người đã nghĩ ra? Cái lỗ thì nhỏ, nhưng bên trong thì ruột, gan, mật, tất cả đều bị cắt rách, bị xé toạc. Giết chết hoặc làm bị thương còn ít, cần phải đớn đau như thế. Họ luôn hét lên: “Mẹ ơi!” khi đau. Tôi chẳng nghe những lời nào khác. Mà tôi đã muốn đi khỏi Leningrad, dù chỉ khoảng một hai năm, nhưng là phải rời khỏi đó. Con chết, rồi sau chồng chết, chẳng còn gì níu giữ tôi ở thành phố này, ngược lại, mọi thứ đều nhắc nhở, xua đuổi tôi. Ở đó chúng tôi đã gặp nhau. Ở đây chúng tôi hôn nhau lần đầu. Trong viện bảo sanh này tôi đã sinh con… Bác sĩ trưởng gọi tôi lên: - Chị đi Afghanistan chứ? - Đi. Tôi cần thấy những người còn khổ sở hơn tôi. Và tôi đã thấy. Cuộc chiến, như người ta nói, là chính nghĩa, rằng chúng tôi giúp nhân dân Afghanistan anh em xóa sổ chế độ phong kiến và xây dựng xã hội chủ nghĩa tươi sáng. Còn việc các cậu trai của chúng ta chết, bằng cách nào đó mà họ lơ đi, chúng tôi lại hiểu rằng do ở đó nhiều bệnh lây nhiễm: sốt rét, thương hàn, viêm gan… Năm 80. Lúc khởi đầu. Khi chúng tôi bay tới Kabul, họ giao cho chúng tôi những chuồng ngựa từ thời người Anh để làm bệnh viện. Không có gì cả. Một ống tiêm sử dụng chung cho tất cả. Các sĩ quan đã nốc hết cồn y tế, chúng tôi đành xử lý vết thương bằng xăng. Những vết thương lành chậm. Nhưng mặt trời đã giúp. Ánh nắng rực rỡ đã giết chết vi trùng. Những thương binh đầu tiên tôi gặp chỉ mặc quần đùi và mang ủng. Không có pyjama bệnh viện. Dép cũng thế. Và chăn. Một cậu bé, tôi nhớ cậu bé đó: cơ thể cậu ta uốn cong theo khắp hướng, như không có xương, chân bị cột bằng dây. Người ta đã lấy khỏi cơ thể cậu hàng chục mảnh đạn. Cả tháng Ba ở đó, cạnh các lều trại, la liệt những chân, tay bị cưa. Các xác chết, chúng nằm ở một lều riêng. Nửa trần truồng, với những đôi mắt bị chọc, và có một lần, với một ngôi sao bị khoét trên bụng. Trước đây tôi đã thấy cảnh đó trong phim về chiến tranh Vệ quốc. Lúc đó chưa có quan tài kẽm, người ta vẫn chưa chuẩn bị. Chẳng bao lâu tôi bắt đầu có đôi chút ngẫm ngợi: chúng tôi là ai? Các lãnh đạo không thích nghi ngờ của chúng tôi. Dép, pyjama vẫn chưa có, nhưng đã kịp treo lên những khẩu hiệu, các áp phích kêu gọi được đưa tới. Trên nền các khẩu hiệu là những gương mặt buồn thảm, gầy gò của những cậu bé của chúng ta. Họ mãi mãi ở lại trong ký ức tôi như thế. Hai lần mỗi tuần học chính trị. Lúc nào chúng tôi cũng được dạy dỗ: nghĩa vụ thiêng liêng, biên giới phải được khóa kín. Điều khó chịu nhất trong quân đội là chuyện tố giác, yêu cầu tố giác. Với mỗi chuyện nhỏ. Với mỗi bệnh binh, thương binh. Quân đội phải lành mạnh. Chúng tôi được đề nghị phải “gõ” hết mọi người. Không nên thương hại ai. Nhưng chúng tôi đã thương hại, và mọi việc ở đó đã được trụ đỡ bằng lòng thương hại. Chúng tôi đi cứu vớt, giúp đỡ, yêu thương. Vì những điều đó mà chúng tôi đi. Sau một thời gian, tôi bắt được ý nghĩ của mình: căm thù. Tôi căm thù lớp cát nhẹ và nóng đó, có thể đốt phỏng như lửa. Tôi căm thù những ngọn núi đó. Tôi căm thù những kishlak thấp lè tè mà bất cứ lúc nào cũng có thể bắn ra đạn. Tôi căm thù người Afghanistan mang giỏ dưa gang gặp tình cờ hay đơn giản chỉ là đứng cạnh nhà ông ta. Vì vẫn chưa rõ tối đó ông ta sẽ ở đâu và làm gì. Họ đã giết một sĩ quan tôi quen biết mới được điều trị trong bệnh viện cách đó không lâu, chém giết hai lều lính. Ở nơi khác họ hạ độc nguồn nước. Ai đó vừa giơ cái bật lửa lên, nó nổ ngay trên tay. Và tất cả binh lính chúng tôi đã chết. Những cậu bé của chúng tôi. Phải hiểu điều đó. Cô chưa thấy người bị thiêu ư? Chưa thấy. Không có gương mặt, không có mắt, không có thân thể. Chỉ là cái gì đó nhăn nheo, được phủ một lớp vỏ màu vàng. Không phải tiếng thét, mà là tiếng gầm gừ từ dưới lớp vỏ này. Ở đó chúng tôi đã sống bằng lòng thù hận, đã tồn tại bằng hận thù. Còn cảm giác tội lỗi ư? Nó không đến đó, mà ở đây, khi tôi từ xa nhìn về nó. Ở đó tôi cứ tưởng mọi thứ đều công bằng, ở đây tôi mới hoảng hốt khi nhớ lại một cô bé nhỏ, nằm trong bụi bặm, không tay, không chân. Như một con búp bê bị bẻ gãy sau trận bom của chúng ta. Và chúng tôi vẫn ngạc nhiên sao họ không yêu quý chúng tôi. Họ điều trị trong bệnh viện của chúng tôi kia mà. Bạn cấp thuốc cho một phụ nữ, nhưng bà ta chẳng buồn giương mắt lên nhìn bạn, bà ta không bao giờ cười với bạn. Điều đó thậm chí làm bạn phật ý. Ở đó tôi tức giận, còn ở đây thì không. Ở đây bạn đã là người bình thường, tất cả những cảm xúc đã trở về với bạn. Nghề của tôi khá tốt đẹp - cứu người, và nó đã cứu chính tôi. Tôi có thể tự biện hộ rằng người ta cần chúng tôi ở đó. Chúng tôi không cứu được tất cả, mà chỉ cứu được ai có thể - đó là điều đáng sợ nhất. Tôi đã có thể cứu nhưng lại không có thứ thuốc tôi cần. Tôi đã có thể cứu - nhưng họ được đưa tới quá trễ (có ai trong đại đội y tế? - những người lính được đào tạo sơ sài, chỉ biết mỗi chuyện băng bó). Tôi đã có thể cứu, nhưng không thể đánh thức được tay bác sĩ phẫu thuật say xỉn. Tôi đã có thể cứu. Chúng tôi thậm chí không thể viết lý do thật vào các giấy báo tử. Họ chết vì dẫm mìn. Từ mỗi người, thường chỉ còn lại nửa xô thịt… Vậy mà chúng tôi viết: chết vì tai nạn ô tô, ngã xuống vực, ngộ độc thực phẩm. Khi họ đã lên tới hàng nghìn, lúc đó người ta mới cho phép chúng tôi nói thật với thân nhân. Tôi đã quen với những thây người. Nhưng với việc tất cả họ trẻ như thế, ruột thịt như thế và bé bỏng như thế, tôi không sao dung nạp được. Người ta mang đến một thương binh. Đúng ca tôi trực. Cậu mở mắt nhìn tôi: - Vậy là xong. - Rồi cậu tắt thở. Người ta tìm cậu suốt ba ngày trong núi. Khi tìm thấy, họ đưa cậu tới đây. Cậu mê sảng: “Bác sĩ ơi, bác sĩ ơi”. Cậu thấy áo choàng trắng, nghĩ rằng đã được cứu! Nhưng vết thương không tương dung được với cuộc đời. Chỉ ở đó tôi mới biết thế nào là bị thương ở hộp sọ. Trong ký ức của tôi có một nghĩa trang dành cho mình, có một phòng trưng bày chân dung của mình. Viền khung đen. Kể cả trong cái chết họ cũng không bình đẳng. Tại sao những ai chết trong chiến trận lại được thương tiếc nhiều hơn. Còn những người chết trong bệnh viện được tiếc thương ít hơn. Đôi khi họ vừa thét gào, vừa chết. Họ gào la như thế! Tôi nhớ cái chết của một thiếu tá trong phòng hồi sức. Ông là cố vấn quân sự. Khi bà vợ ông đến thăm, ông chết ngay trước mắt bà. Và bà bắt đầu gào thét. Như hoang thú. Tôi những muốn đóng hết tất cả các cửa lại để không ai nghe thấy. Bởi cạnh đó là những người lính hấp hối khác. Những cậu bé. Và chẳng có ai khóc thương họ cả. Họ chết một mình. Bà ta là người thừa giữa chúng tôi. - Mẹ ơi! Mẹ ơi! - Mẹ đây, con trai, - tôi nói dối. Chúng tôi trở thành mẹ họ, chị họ. Và luôn muốn xứng đáng với niềm tin đó. Họ chở tới một người lính bị thương. Họ giao thương binh xong nhưng chưa chịu quay về. - Các cô này, chúng tôi chẳng cần gì đâu. Có thể cho chúng tôi ngồi lại một chút ở đây không? Khi về nhà, họ đã có mẹ có chị và vợ của họ. Chúng tôi không cần cho họ. Còn ở đó họ ký thác cho chúng tôi, tâm sự với chúng tôi những điều mà trong suốt cuộc đời này họ sẽ không kể cho ai. Như chuyện ăn cắp kẹo của đồng đội. Ở đây là chuyện vớ vẩn. Nhưng ở đó là một nỗi thất vọng kinh khủng về mình. Những hoàn cảnh ở đó đã rọi sáng con người. Nếu đó là kẻ hèn nhát, chẳng bao lâu sẽ lộ ra kẻ hèn nhát, nếu đó là kẻ tố giác, sẽ lòi ra tên tố giác. Nếu là kẻ lăng nhăng thì ai cũng nhận ra kẻ lăng nhăng. Tôi không biết ở đây có ai thừa nhận điều này không, nhưng còn ở đó tôi đã nghe được không chỉ từ một người: có thể thích giết người, giết người là một sự thỏa mãn. Đó là cảm giác mạnh. Một chuẩn úy tôi quen khi trở về Liên Xô cũng không che giấu: “Tôi sẽ sống ở đây ra sao, khi tôi đã thích giết người?”. Có lẽ, đó cũng là đam mê: họ nói chuyện đó một cách bình thản. Những cậu bé - với nỗi hân hoan! - đã đốt kishlak, xéo nát mọi thứ. Họ đâu có điên? Bao nhiêu người như thế trong số họ đã trở về. Với họ giết người chẳng là gì. Có lần một sĩ quan đến thăm chúng tôi, ông ta từ Kandahar tới. Buổi tối hôm chia tay, ông ta khóa trái cửa phòng và tự sát bằng súng. Người ta nói ông ấy say, nhưng tôi không biết. Nặng nề lắm. Nặng nề khi phải sống qua một ngày. Một cậu bé tự sát tại chốt gác. Sau ba giờ phơi nắng. Cậu bé vốn quen với tiện nghi, đã không chịu nổi. Có nhiều người cuồng trí. Lúc đầu họ nằm ở những lều bệnh chung, sau người ta chia họ ra những nơi riêng biệt. Họ bắt đầu chạy trốn. Họ sợ chấn song. Ở chung với mọi người họ dễ chịu hơn. Tôi nhớ mãi một bệnh nhân: - Ngồi xuống đi. Em hát cho chị nghe bài ca giải ngũ. - Cậu ta hát, hát, rồi thiếp đi. Rồi sực tỉnh: - Về nhà, về nhà! Về với mẹ. Ở đây nóng quá… Lúc nào cậu cũng đòi về nhà. Nhiều người hút thuốc phiện. Anasha, marijuana*. Tùy thứ gì kiếm được. Họ giải thích chúng giúp họ trở nên mạnh mẽ, thoát khỏi mọi thứ. Đầu tiên là thoát khỏi cơ thể mình, giống như bạn đang đi trên mây, nghe được sự bay bổng từ mỗi tế bào, cảm nhận được từng cơ bắp. Muốn bay lên. Và dường như bạn đang bay lên. Một niềm vui không sao kiềm chế. Mọi người đều thích thú, đều cười vui trước bất cứ chuyện vớ vẩn nào đó. Bạn thính tai hơn, thấy rõ hơn. Phân biệt được nhiều mùi hương hơn, nhiều âm thanh hơn. Trong tình trạng đó giết người cũng dễ dàng hơn - bạn đã phê. Chẳng còn lòng thương hại. Cũng dễ chết hơn vì nỗi sợ đã biến mất. Có cảm giác bạn đang mặc áo giáp, bạn được che chắn. Có hai lần. Chính tôi cũng hút. Đó là hai lần mà cả tâm lý lẫn thể chất tôi đều không chịu đựng nổi. Tôi làm việc ở bộ phận truyền nhiễm. Chỉ có ba mươi giường bệnh nhưng tới ba trăm bệnh nhân nằm. Thương hàn, sốt rét. Họ được phát ga trải giường và chăn, nhưng họ lót áo choàng của mình nằm trên đất trần trụi. Độc cái quần đùi. Đầu cạo trọc, từ đó chấy rận rơi vãi. Rận. Chấy. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều chấy rận đến thế. Còn ở làng bên, dân Afghanistan mặc pyjama bệnh viện chúng tôi, trên đầu họ là khăn trải giường của chúng tôi thay cho khăn xếp. Vâng, các cậu bé của chúng ta bán hết. Tôi cũng chẳng trách gì họ. Không. Thường tôi chẳng phê phán. Họ chết vì ba rúp mỗi tháng - binh lính chúng ta chỉ nhận được tám chi phiếu mỗi tháng. Ba rúp. Họ được nuôi bằng thịt nhiễm sán, cá ươn. Tất cả chúng tôi đều thiếu vitamin C. Tôi bị rụng hết răng cửa. Còn họ bán chăn để mua anasha. Gì đó ngọt. Đồ trang trí lặt vặt. Ở đó có những quầy hàng rực rỡ với nhiều thứ hấp dẫn. Ở Liên Xô không có những thứ đó, họ chưa từng được thấy. Họ bán vũ khí, đạn dược để sau đó chính những khẩu tiểu liên và đạn dược ấy giết chết họ. Họ lấy tiền đó mua sô cô-la, bánh ngọt. Sau tất cả những chuyện đó tôi đã nhìn đất nước mình bằng đôi mắt khác. Con ngươi cũng khác, nó giãn to hơn. Thật đáng sợ khi quay trở về đây. Có gì đó thật kỳ lạ. Tuồng như bạn bị lột hết da. Lúc nào tôi cũng khóc. Tôi không thể nhìn ai, ngoại trừ những người đã từng ở đó. Tôi sẵn sàng ở cạnh họ ngày đêm. Bởi cuộc chuyện trò với những người khác có vẻ nhăng nhít, vô lý thế nào đó. Cứ như thế suốt nửa năm. Còn giờ đây tôi cũng