🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Zaizie trong tàu điện ngầm Ebooks Nhóm Zalo LỜI GIỚI THIỆU Mẹ gửi Zazie lên Paris cho cậu Gabriel trông. Zazie không quan tâm đến những cung điện tráng lệ, những di tích văn hoá và lịch sử mà chỉ thích đi tàu điện ngầm. Bạn đang cầm trong tay mình cuộc phiêu lưu của cô bé mới có mười ba tuổi nhưng đã đủ tinh ranh để mọi người xung quanh, trong đó có vũ công Gabriel, hồng hộc chạy theo cả tuần. Đây còn là cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ. Ngôn ngữ hàng ngày được Raymond Queneau nhào nặn thành những tổ hợp cũng ngộ nghĩnh, tinh ranh không khác gì Zazie. Khi tiếng lóng bị buộc vào những cấu trúc trừu tượng của ngữ pháp, nó làm chúng ta bật cười, một nụ cười hồn nhiên, vô tư, không hề gợn mỉa mai, chua chát. Cả tôi và bạn đều cần cái nụ cười ấy lắm, để còn có sức khoẻ mà sống với cuộc sống xung quanh, một cuộc sống nhiều khi chỉ toàn một màu xám xịt. Ngô Bảo Châu & Phan Việt THAY LỜI TỰA “Hoidaumahoithe” như một tiếng sấm mở đầu cho Zazie trong tàu điện ngầm. Raymond Queneau trở nên danh tiếng và được tán thưởng, đặc biệt trong giới trẻ đang khao khát nổi dậy. Bởi vì, chúng ta phải nhớ tới nước Pháp của năm 1959, năm mà tác phẩm ra đời, là một đất nước đang bị gò bó như thế nào trong những quan điểm xã hội hết sức cứng nhắc và hẹp hòi về phương diện giáo dục và tình dục… Phải nhớ lại cái nước Pháp xám xịt như màu áo đồng phục học trò của các trường tiểu học và trung học phổ thông thời ấy để hiểu được sự đón nhận hào hứng mà bạn đọc đã dành cho tác phẩm. Zazie, với vốn ngôn ngữ sống sượng của mình (như thói quen thường xuyên chêm ba chữ "cái đít tôi" khi bộc bạch chẳng hạn), đã trở thành mẫu mực cho lớp trẻ nổi loạn và ngạo mạn, đang đấu tranh để phá rối những quy chế, luật lệ, và làm phát triển những tư tưởng “từ thiện”, “phải đạo”. Lớp trẻ ấy, mười năm sau, vào năm 1968 đã xuống đường để thay đổi bộ mặt của xã hội. Và Zazie hẳn là đã có mặt trong đoàn người ấy! Nhưng thành công văn học này không chỉ là kết quả ngẫu nhiên của hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: ở thời điểm này, Raymond Queneau đã là một tác giả có tầm cỡ trên văn đàn. Rất trẻ, khi mới ở tuổi 20, ông đã đứng vào hàng ngũ, hay nói đúng hơn là đã đi theo xu hướng của chủ nghĩa siêu thực. Rời khỏi xu hướng này vào năm 30, ngược lại với André Breton, “giáo hoàng” của trường phái siêu thực, ông coi tiểu thuyết như một phương tiện diễn đạt, biểu cảm hiện đại. Chỉ ba năm sau, với cuốn Le chiendent (tạm dịch là Cỏ hoang), Queneau đã nhận được giải thưởng đầu tiên của ông và cũng khánh thành giải thưởng văn học này, Les Deux Magots, tên một quán rượu nổi tiếng ở Saint Germain des Prés. Hơn thế nữa, đấy chính là đại bản doanh của Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, nơi được coi như một ngôi đền của chủ nghĩa hiện sinh và của trí tuệ Pháp. Cũng như vậy, Raymond Queneau trở nên danh tiếng và được công nhận là một trong số những người có vai trò quan trọng trong nền văn hóa Pháp giai đoạn sau chiến tranh. Ngay thời kỳ đó, ông đã bắt tay vào một công trình có tính chất nền tảng: khai thác và sử dụng một chất liệu ngôn ngữ đã hoàn toàn trút bỏ những gì thuộc về kinh điển. Loại ngôn ngữ mà ông coi là tiếng Pháp tân hiện đại. Theo ông, cần phải có một loại cú pháp và từ vựng gần gũi với tiếng nói, một chất liệu và phong cách ngôn ngữ mà văn học không nên xa vời. Và nếu cần thiết, ông sẽ áp dụng một cách thích thú, rất lâu trước khi SMS xuất hiện, lối viết theo phiên âm. Lối viết này được ông khai thác rất rộng rãi để sáng tác Zazie trong tàu điện ngầm, điển hình là những “câu” và những từ như: “doukipudonktan” (D'où qu'ils puent donc tant / Từ đâu mà họ hôi đến vậy), “essmefie” (Elle se méfie / Con bé cảnh giác), “gzactement” (exactement / chính xác)… Được viết theo ý tưởng trên, Zazie trong tàu điện ngầm là một cuốn tiểu thuyết để đọc thành tiếng… Ông không ngần ngại Pháp hóa những từ tiếng Anh, biến những “blue jeans” thành “bloudjinnze” (quần jean xanh), “glass” thành “glasse” (ly cốc) và sáng tạo ra những từ như “factidiversialité”, một từ mới “nghe” qua có vẻ thông thái nhưng lại là một từ không có thật, có thể hiểu là “những sự việc vụn vặt”. Loại ngôn ngữ này chỉ tồn tại trên đường phố, được sử dụng nơi chợ búa, sinh sôi nẩy nở trong những quán rượu. Ngôn ngữ “vỉa hè” chứ không phải ngôn ngữ “thính phòng”. Một ngôn ngữ không giống như bất cứ một loại ngôn ngữ nào. Dịch Queneau, đặc biệt là dịch Zazie, như thể khai phá một vùng đất lạ, nơi mà chiếc địa bàn chỉ định được một hướng Bắc rất mơ hồ. Bản dịch cần tìm lại không chỉ nội dung mà cả nhạc điệu của từ ngữ trong tác phẩm nguyên bản. Và về khía cạnh tinh thần: một cú đá đít thật mạnh vào những thể chế và quy định già cỗi! Và thế là Raymond Queneau, với “ngôn ngữ hiện đại mới của Pháp”, đã trở thành đồ đệ của Victor Hugo vĩ đại, người đã tuyên bố trong bài thơ Trầm tưởng của mình: Trên trận chiến của những vần thơ alexandrine khuôn sáo Tôi làm bùng dậy ngọn gió cách tân táo bạo và chụp chiếc mũ đỏ tươi lên cuốn từ điển cũ kỹ cỗi cằn… Tác giả vốn hết sức tò mò này quan tâm đến mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực toán học (ông đã gia nhập Hội Các Nhà Toán Học năm 1948) và áp dụng môn khoa học này vào văn học. Và dựa trên ý tưởng đó, ông sáng lập một nhóm văn học quan trọng, nhóm Oulipo. Tập hợp quanh ông là những nhà văn như Italo Calvino, như Goerges Perec (người đã viết cuốn tiểu thuyết La Disparition, tạm dịch là Biến mất, mà không hề sử dụng một chữ “e” nào), những nhà thơ như Jacques Roubaut và những nhà toán học danh tiếng. Theo những người có nhiệt huyết không muốn nền sáng tạo nghệ thuật đi theo lối mòn, thì các nghệ sĩ phải luôn luôn đưa ra cho mình những khó khăn, thử thách và tìm tòi mới. Chỉ có như thế thì sự tự do sáng tạo nghệ thuật mới có thể phát triển và người ta mới có thể hình dung ra những hình thức biểu cảm mới. Họ tóm tắt ý tưởng này như sau: “Những con chuột xây cho mình con đường xoáy trôn ốc mà chính chúng đặt ra nhiệm vụ là phải tự thoát ra được.” Raymond Queneau, khi cho ra đời Zazie, đã nắm vững được tất cả các thể loại văn học. Trong một tác phẩm ngay trước đó, với tựa đề hết sức minh bạch là Exercices de style (tạm dịch là Thử nghiệm phong cách) đã chứng minh cho chúng ta điều đó. Ông đã thích thú kể lại bằng 99 kiểu khác nhau một câu chuyện nhỏ rất đỗi bình thường về cuộc gặp gỡ trên một chuyến xe buýt. 99 phong cách văn học khác nhau: ly kỳ hay mạo hiểm, lãng mạn hay thô thiển trắng trợn, hiện đại hay cổ điển như thể loại alexandrine, v.v. Không nghi ngờ gì nữa: Zazie trong tàu điện ngầm là một tác phẩm văn học rất kỳ công. Dưới một hình thức cấu trúc có vẻ hơi lộn xộn là một câu chuyện được xây dựng hết sức chặt chẽ với các tình huống khác nhau, trong đó nhân vật chính phải vượt qua nhiều thử thách. Câu “Con già đi!” kết thúc truyện như tiếng còi báo hiệu thời thơ ấu của cô bé Zazie đã đi qua. Đây cũng là một hình thức “road movie” (phim hành trình). Trong cuộc chạy đua ấy, bằng những lời lẽ rất “phóng khoáng” và cái nhìn trong sáng của mình, Zazie đã đương đầu với thế giới người lớn, với những lời dối trá, những bộ mặt giả tạo của họ. Zazie trong tàu điện ngầm lẽ ra có thể được viết như một bi kịch: Queneau kể lại câu chuyện của một bé gái khoảng 10 – 13 tuổi được mẹ gửi cho người cậu (có thể là đồng tính luyến ái) để đi với người tình. Còn bản thân cô bé cũng từng là con mồi nhục dục của chính cha mình, rồi người yêu của mẹ mình… Nhưng bằng nghệ thuật và tài năng của Queneau, qua thứ tiếng Pháp tân hiện đại, loại ngôn ngữ đường phố ấy, đã biến hóa câu chuyện bi đát buồn thảm này thành một chuyện khôi hài lấp lánh ánh sáng vui tươi. Ông đã không ngần ngại vượt qua những điều cấm cản của xã hội Pháp vào giai đoạn ấy: xuyên suốt tác phẩm, bằng một giọng văn hài hước, tác giả đã khéo léo đề cập đến những vấn đề động chạm đến tình dục dưới những bộ mặt khác nhau. “Đồng tình luyến ái là gì?”, Zazie chất vấn cậu Gabriel, ông cậu mà người vợ là chị Marceline dịu dàng, kín đáo bỗng trở thành anh chàng Marcel khi câu chuyện kết thúc! Một mối "bòng bong" vui nhộn làm chối tai, chướng mắt những cơ cấu thể chế và nhà thờ vào giai đoạn mà đồng tính luyến ái bị coi như một tội ác và bị luật pháp trừng phạt như một tội ác. Queneau, qua Zazie trong tàu điện ngầm, đã cho chúng ta thấy bộ mặt thật của một xã hội người lớn hết sức dung tục với những bộ máy han gỉ, với những lời lẽ không bàn cãi được và sự hèn hạ hiển nhiên. Và một xã hội mà ta ngầm hiểu là phải thay đổi ấy. Đôi dòng về tác giả Raymond Queneau: Raymond Queneau (1903 -1976) là một nhà toán học, nhà văn và nhà thơ. Ông là tác giả của 14 cuốn tiểu thuyết, 1400 bài thơ, và lời thoại của hai bộ phim truyện La Mort en ce jardin (tạm dịch là Cái chết trong khu vườn, Luis Buñuel) và Monsieur Ripois (tạm dịch là Ông Ripois, René Clément). Ông cũng viết lời cho một số bài hát rất nổi tiếng của nhóm Anh Em Nhà Jacques và nữ ca sĩ Juliette Gréco như ca khúc “Ơi cô bé, nếu em hình dung, ơi cô bé…” (đã được Gabriel sử dụng để đối thoại với Zazie). Ông giữ một vị trí chủ chốt trong nền văn học Pháp như Giám đốc Thư viện La Pléiade, một tủ sách quý giá của nhà xuất bản Gallimard, và thành viên Ban Giám khảo Giải thưởng Goncourt. • Michel STRULOVICI Nhà văn, nhà báo, phóng viên thường trực Nhật báo Humanité tại Việt Nam từ năm 1975 đến năm 1978, cựu Trưởng ban Ban Biên tập Văn hóa Nghệ thuật Đài truyền hình France 2. (Cẩm Thơ dịch) 1 ◄○► Hoidaumahoithe, Gabriel bực tức tự hỏi. Quá đáng, mấy người này chắc chẳng rửa ráy bao giờ. Trên báo người ta nói chưa tới mười một phần trăm số căn hộ ở Paris là có phòng tắm, mình cũng chẳng ngạc nhiên tí nào, nhưng không có phòng tắm thì vẫn cứ tắm rửa được chứ sao. Tất cả những người đang đứng quanh mình đây, chỉ vì chẳng chịu khó một tí đấy thôi. Nhưng mặt khác, không đời nào mà những người bẩn thỉu nhất Paris lại được chọn ra đây cả. Làm gì có chuyện! Sự tình cờ đã tập trung họ lại mà thôi. Không ai có thể cho rằng những người đang đứng đợi trên sân ga Austerlitz lại hôi hám hơn những người đứng đợi trên sân ga Lyon. Thật đấy chứ, làm gì có chuyện. Mùi đâu lại có cái mùi… Gabriel lôi từ trong tay áo ra một vuông lụa màu tím và chấm chấm mũi. — Cái gì mà hôi thế? - Một mụ lớn tiếng nói. Mụ ta nói câu đó ra mà không nghĩ đến mình, mụ ta có vị kỷ đâu, mụ muốn nói đến cái mùi nước hoa bốc ra từ quý ông này này. — Cái ấy, má trẻ ạ, - Gabriel trả lời, anh luôn rất nhanh nhẹn khi đối đáp - là nước hoa Râu Ria hiệu Fior[1]. — Đáng lý không được phép tra tấn thiên hạ như thế mới phải! - Con mụ bọ chó kia tiếp tục, chắc mẩm đấy là quyền của mụ. — Nếu tôi không nhầm thì, thưa má trẻ, có lẽ má trẻ cho rằng hương thơm tự nhiên của nàng có thể trọi được những đóa hoa hồng chăng? Thế thì, má trẻ nhầm rồi, má trẻ ạ, má trẻ nhầm rồi. — Anh có nghe thấy không? - Mụ nói với một gã thấp bé đứng bên cạnh, hẳn gã là người được quyền leo mụ ta một cách hợp pháp - Anh có thấy cái thằng lợn ù này nó thiếu tôn trọng tôi thế nào không? Gã thấp bé xem xét thân hình lực lưỡng của Gabriel và tự nhủ, đây quả là một chàng lực sĩ, mà mấy chàng lực sĩ thì bao giờ cũng tốt tính, không khi nào họ lợi dụng sức mạnh của họ, vì như vậy thì hèn quá. Rất vênh váo, gã la lên: — Này, vượn[2], mày hôi lắm. Gabrie thở dài. Lại phải zở[3] bạo lực ra rồi. Tình huống ép buộc ấy làm anh ngán ngẩm. Từ khi xuất hiện giống người, chưa bao zờ hết cái nạn này. Thôi thì, việc gì phải làm thì cứ làm thôi. Có phải lỗi tại anh, tại Gabriel này đâu, nếu suốt đời, cứ những kẻ yếu đuối lại là những kẻ hay đi phá bĩnh thiên hạ… Nhưng dù sao, anh cũng muốn cho con dĩn kia một lối thoát thân: — Nhắc lại một tí xem! - Gabriel bảo. Hơi ngạc nhiên vì chàng đô con đối đáp lại, gã thấp bé phải mất một lúc để trau chuốt một câu trả lời, ấy là: — “Nhắc lại một tí” cái gì? Anh ta khá hài lòng về cách trả lời của mình, cái gã thấp bé kia. Chỉ mỗi tội, cái tủ gụ nọ lại không để gã yên: nó nghiêng mình xuống và tuôn ra một chuỗi những từ không dấu, không trọng âm này: — Nhungzimayvuanoi… Gã thấp bé bắt đầu sợ. Đó là thời gian dành cho anh ta, là khoảnh khắc để rèn lấy một tấm lá chắn bằng ngôn từ. Và mấy lời lẽ đầu tiên mà anh ta nghĩ ra là một câu thơ alexandrine[4]: — Trước tiên tôi không cho phép anh được mày tao với tôi. — Quá kém! - Gabriel đáp lại một cách đơn giản. Rồi anh giơ tay lên như định táng cho kẻ đang đối thoại với anh một cái. Chưa gì, gã nọ đã tự lăn đùng xuống đất, nằm giữa đám cẳng chân người ta. Gã thèm được khóc chết đi được. Nhưng thật may mắn, đây zồi, tàu đã vào ga làm quang cảnh khác hẳn đi. Đám đông “thơm tho” hướng muôn cái nhìn của mình về phía những người xuống tàu đang bắt đầu diễu qua. Đi trước, bước chân vội vã, trên tay chỉ có mỗi chiếc cặp đựng tài liệu làm hành lý là những người đàn ông giới kinh doanh với cái vẻ ta đây biết rõ chuyện tàu bè đi lại hơn thiên hạ. Gabriel nhìn về phía xa; mấy nường ấy, mấy cô gái ấy, hẳn là đang còn rề rà đâu đây, phụ nữ thì bao giờ cũng rề rà! Nhưng không, một cô nhóc con bỗng trồi ra, nó hỏi anh: — Cháu là Zazie, cá zằng chú là cậu Gabriel của cháu? — Đúng, cậu đây - Gabriel trả lời, anh chỉnh cho giọng mình lịch lãm hơn - Cậu là cậu của cháu. Con bé toét miệng cười. Gabriel cũng mỉm cười lịch sự bế con bé lên, nhấc nó tới ngang tầm môi của mình, anh hôn nó, nó hôn anh, anh thả nó xuống. — Cậu mùi rất thơm quá. — Nước hoa Râu Ria của Fior đấy - Anh chàng đô con zải thíc. — Cậu nhớ bôi cho cháu một tí đằng sau tai nhé? — Nhưng đây là nước hoa đàn ông. — Thế là cậu được thấy cái thứ ấy rồi nhé! - Jeanne Lalochère cuối cùng cũng xuất hiện - Cậu muốn được trông nom nó, thì đấy, nó đấy. — Tốt thôi! - Gabriel nói. — Chị có thể tin cậu được không đây? Cậu hiểu chứ, chị không muốn nó bị cả nhà đè ra hiếp đâu đấy. — Nhưng mẹ ơi, mẹ biết quá là lần trước, mẹ đã đến rất đúng lúc đấy thây! — Dù sao thì, - Jeanne Lalochère tiếp - chị cũng không muốn lại xảy ra chuyện ấy nữa đâu. — Chị có thể an tâm mà! - Gabriel nói. — Thế nhé. Ngày kia, chị sẽ gặp lại hai cậu cháu tại đây, chuyến sáu giờ sáu mươi đấy nhé. — Bên khu tàu đi? - Gabriel nhắc. — Natürlich![5]- Đã từng bị Đức “chiếm đóng”, Jeanne Lalochère đáp - Tiện đây, vợ cậu thế nào? — Em cám ơn chị. Chị không ghé thăm chúng em à? — Chị chẳng có thời gian. — Mẹ chuyên thế, mỗi lần có chàng nào, - Zazie chêm vào - thì gia đình chẳng là cái gì với mẹ cả! — Tạm biệt con yêu quý. Tạm biệt Gaby. Chị tít mất. Zazie bình luận sự kiện như sau: — Mẹ ăn phải bùa zồi. Gabriel nhún vai. Không một lời, anh nhấc cái va-li của Zazie lên. Bấy giờ anh mới nói cái gì đó, đại loại: — Lên đường! - Anh bảo. Rồi anh cắm đầu bước, hất sang trái hất sang phải tất cả những gì có trên lối đi của mình. Zazie phi theo sau. — Cậu ơi! - Nó la lên - Mình đi tàu điện ngầm chứ? — Không. — Không là thế nào? Nó khựng lại. Gabriel cũng stop[6]luôn, anh quay lại, đặt cái va-li xuống và bắt đầu zải thíc. — Chính thế: không! Hôm nay hết cách. Có đình công. — Đình công á? — Chính thế: đình công. Tàu điện ngầm, loại phương tiện giao thông tuyệt vời của Paris ấy, đang ngủ khì dưới lòng đất, vì các nhân viên và ba cái kìm rập lỗ của họ đã đình chỉ mọi công việc. — A, quân khốn nạn! - Zazie hét lên - A, lũ bò cái. Lại làm thế với mình à! — Có phải mỗi mình cháu đâu bị họ làm thế đâu! - Gabriel nói một cách hoàn toàn khách quan. — Cháu cóc cần biết. Chẳng gì thì nó lại rơi đúng vào cháu! Cháu, kẻ đang rất sung sướng, rất hài lòng và rất rất đủ thứ, vì nhẽ ra cháu sẽ được đi tàu điện ngầm. Thiên địa, cái đếch gì! — Cháu phải chấp nhận thôi - Gabriel nói. Lời lẽ của anh đôi khi nhuốm tư tưởng Thomas đã hơi ngả theo Kant. Và, đứng trên góc độ đồng-chủ-quan, anh nói thêm: — Và phải xăm sắn lên: Charles đang đợi. — Ôi zời, câu này cháu biết zồi! - Zazie la lên, tức tối - Cháu đọc được trong Những hồi ức của tướng Vermot[7]. — Không phải thế, - Gabriel nói - không phải thế đâu! Charles là một anh bạn, anh ta có một chiếc tắc[8]. Cậu đặt cho hai cậu cháu chiếc tắc của anh ta, vì cuộc đình công này. Hiểu chưa? Đi nào. Anh xách cái va-li lên bằng một tay, tay kia lôi Zazie theo. Charles đang đợi thật, anh tranh thủ đọc một tờ báo tuần, chuyên mục Những trái tim rỉ máu. Anh tìm kiếm, đã hàng năm trời anh vẫn tìm kiếm một tảng thịt tươi, để anh có thể dâng hiến cả bốn mươi lăm trái đào xuân của mình cho nó. Nhưng các cô nàng mà đã thở than như vậy trên tờ báo này, thì anh cho những cô đó một là quá gà tồ, hai là quá cám thiu. Xảo trá hoặc giả tạo. Chỉ một chút gian dối như cây kim dưới đáy đại dương nước mắt hay con bò ác nấp sau một con búp bê đáng thương nhất thì anh cũng phát hiện được. — Xin chào cô bé - Anh nói với Zazie mà không nhìn nó vì còn đang cẩn thận cất trang báo của mình xuống dưới mông. — Cái thùng bốn bánh của lão này rất xấu thậm tệ - Zazie nhận xét. — Leo lên đi, - Gabriel bảo - và đừng có ra vẻ ta đây. — Ra vẻ cái đít cháu! - Zazie nói. — Con bé cháu cậu nhộn nhỉ - Charles nói và lên ga, nổ máy. Bằng một tay, nhẹ nhàng nhưng rất khỏe, Gabriel đẩy Zazie vào tận trong góc của chiếc tắc, rồi anh lên ngồi cạnh con bé. Zazie phản đối. — Cậu đè bẹp cháu rồi! - Nó cáu điên, gào lên. — Nhiều hứa hẹn đấy… - Charles nhận xét ngắn gọn, giọng hiền lành. Anh cho xe chạy. Xe lăn bánh được một chút, Gabriel giơ tay chỉ cảnh vật bằng một động tác tuyệt đẹp. — Ôi, Paris! - Anh thốt lên, giọng khích lệ - Thành phố xinh đẹp làm sao. Hãy nhìn cho cậu xem có tuyệt không nào! — Cháu cần đếch gì - Zazie nói - Cháu í, cháu chỉ muốn có mỗi một điều là được đi tàu điện ngầm! — Tàu điện ngầm! - Gabriel kêu rống lên - Tàu điện ngầm!! Nhưng nó ở đây này!!! Anh đưa ngón tay chỉ một thứ gì đó trên không. Zazie chau mày. Nó nghi lắm. — Tàu điện ngầm á? - Con bé lặp lại - Tàu điện ngầm, phải chạy dưới đất thì mới là tàu điện ngầm. Rõ thật. Nó nói thêm, giọng khinh khỉnh. — Nhưng cái thằng này, - Gabriel nói - là thằng chạy trên cao. — Thế thì không phải là tàu điện ngầm. — Nghe cậu zải thíc cho cháu đây này, - Gabriel bảo - lâu lâu hắn chòi lên khỏi mặt đất rồi hắn lại chui vào. — Chuyện không đâu! Gabriel cảm thấy bất lực (động tác), rồi, rất muốn nói sang chuyện khác, anh chỉ vào một thứ ven đường. — Đây nữa! - Anh gào lên - Nhìn này! Panthéon đấy!! — Còn thiếu cái gì mà không phải nghe nữa! - Charles nói, không ngoái lại. Anh lái xe chầm chậm để cô bé nhìn được những điều thú vị, đáng quan tâm, và nếu vượt chỉ tiêu, biết đâu, nó lại còn học hỏi được thêm vài kiến thức. — Đấy có lẽ không phải là Panthéon chắc? - Gabriel hỏi. Có cái vẻ trêu ghẹo ranh mãnh gì đó trong câu nói của anh. — Không! - Charles đáp một cách cương quyết - Không, không và không! Đấy không phải là Panthéon. — Thế theo ông thì nó là cái gì nào? Vẻ trêu ghẹo trong giọng nói gần như trở thành vẻ tấn công, và đối tượng là kẻ đối thoại, mà thực ra, anh này lại đang chuẩn bị thú nhận sự thất bại của mình. — Tớ cũng chẳng biết nữa - Charles nói. — Đấy, ông thấy chưa! — Nhưng đó không phải là Panthéon. Nói gì thì nói, anh ta quả là một tay ương ngạnh, cái chàng Charles này. — Hay ta hỏi một người đi đường? - Gabriel gợi ý. — Người đi đường? - Charles đốp lại - Toàn bọn dở hơi. — Chính xác! - Zazie nói, tỉnh khô. Gabriel chẳng đôi co. Anh vừa phát hiện ra một chủ đề mới rất hứng thú. — Còn đây, - Anh reo lên - đây là… Nhưng anh bị ngắt lời bởi một siêu luận thuyết của ông anh vợ. — Tớ nghĩ ra rồi! - Anh này gào tướng lên - Cái mà ta vừa nhìn thấy chắc chắn không phải là Panthéon, mà là ga Lyon. — Có thể, - Gabriel nói, giọng ngạo mạn phớt đời - nhưng bây giờ đấy đã là chuyện quá khứ rồi, không nói đến nữa. Nhưng kìa, bé con, hãy nhìn cái kia cho cậu, kiến trúc ấy có hay không nào, Invalides đấy… — Cậu đúng là bị chập - Charles nói - Chỗ này chẳng dính líu gì với Invalides cả. — Vậy, - Gabriel nói - nếu đấy không phải là Invalides, thì hãy cho chúng tôi biết đấy cái zì nào. — Tớ không rõ lắm, - Charles đáp - nhưng nó bao quanh doanh trại Reuilly. — Mấy người này, - Zazie nói, giọng độ lượng - toàn là những tên rất buồn cười. — Zazie, - Gabriel tuyên bố với một giọng điệu oai nghiêm mà chẳng nhọc nhằn gì, anh có thể tìm thấy trong danh sách những tiết mục biểu diễn của mình - nếu cháu thíc một cách thực sự là được nhìn thấy Invalides và ngôi mộ thật của ông Napoléon thật, cậu sẽ đưa cháu đi. — Napoléon cái đít cháu! - Zazie đốp lại luôn - Lão ta chẳng có gì là hấp dẫn đối với cháu cả, cái lão vênh váo với cái mũ dở hơi của lão ấy. — Thế cháu thíc cái gì nào? Zazie không trả lời. — Phải đấy - Charles nói với vẻ dễ thương bất ngờ - Vậy cháu thíc gì? — Tàu điện ngầm. Gabriel nói: A. Charles chẳng bảo gì. Rồi Gabriel tiếp tục bài diễn thuyết của mình và lại nói: A. — Thế-bao-giờ-thì-mới-hết, cái-cuộc-đình-công-chết-tiệt-này? - Zazie hỏi, nó cố thổi phồng sự giận dữ vào trong mỗi từ. — Cậu thì cậu làm sao mà biết được - Gabriel nói - Cậu có làm chính chị đâu. — Đấy không phải là chính chị, - Charles nói - đấy là vì mẩu bánh mì. — Còn ông - Zazie hỏi anh ta - thỉnh thoảng ông có tham gia đình công không? — Ừ thì, thưa bà, cũng phải tham gia để đòi tăng cước xe chứ. — Người ta phải giảm cước xe của ông mới đúng, chiếc xe thồ như xe của ông, không đâu có cái kinh dị hơn. Chẳng may, ông có ra bờ sông Marne[9] nhặt nó về không đấy? — Xắp đến nơi zồi - Gabriel nói, giọng hòa giải - Đấy, tiệm thuốc lá khu cậu đấy. — Khu nào? - Charles hỏi một cách ziễu cợt. — Khu vực có phố nhà tôi, nơi tôi đang ở ấy - Gabriel trả lời, rất ngây thơ. — Vậy thì, - Charles nói - không phải tiệm này. — Sao cơ? - Gabriel vặn lại - Ông dám chắc là không phải tiệm này? — Thôi đi - Zazie kêu lên - Hai người đừng có làm lại cái màn lúc nẫy nữa đấy! — Không, không phải tiệm này! - Charles trả lời Gabriel. — Hóa ra không phải thật! - Gabriel nói trong khi xe chạy ngang qua tiệm thuốc lá - Mình chưa bao giờ đến đây cả. — Ơ hay, cậu này… - Zazie thắc mắc - Khi cậu bị chập mạch như thế này, là cố ý hay vô tình đấy? — Để chọc cho cháu cười thôi, cháu yêu ạ - Gabriel trả lời. — Cháu cứ an tâm - Charles bảo Zazie - Cậu ấy không cố tình đâu. — Thế là không ma lanh - Zazie nói. — Sự thực là, - Charles nói - lúc thì cậu ấy cố tình, lúc thì không. — Sự thực! - Gabriel la lên (động tác) - Cứ như ông biết cái đấy là cái gì ấy. Cứ như trên thế giới này cũng có người biết cái đấy là cái gì ấy. Tất cả những thứ này (động tác) chỉ là chuyện không đâu: Panthéon, Invalides, doanh trại Reuilly, tiệm thuốc lá của khu phố, tất tật, chỉ là chuyện không đâu. Anh nói thêm, vẻ thất vọng: — Ô là la, thật thảm hại! — Cậu muốn dừng xe ghé uống khai vị không? - Charles hỏi. — Đấy cũng là một ý. — Đến tiệm La Cave nhé? — Ở Saint-Germain-des-Prés ấy ạ? - Zazie hỏi, bắt đầu ngọ nguậy. — Chết thôi, bé con ơi - Gabriel nói - cháu hình dung ra cái gì vậy? Không đâu lại lỗi thời hơn chỗ đấy đâu. — Nếu cậu ngụ ý là cháu chậm sang trang, - Zazie nói - thì cháu có thể nói zằng cậu chỉ là một lão già dở hơi. — Ông có nghe thấy nó nói gì không? - Gabriel hỏi. — Làm thế nào được, - Charles đáp - thế hệ mới nó thế. — Thế hệ mới ấy à, - Zazie nói - nó đ… — Thôi thôi, đủ rồi! - Gabriel ngắt - Hiểu rồi. Hay ta ghé vào tiệm thuốc lá khu tôi nhé? — Cái khu đích thực ấy - Charles bảo. — Ừ - Gabriel nói - Xong thì ông ở lại ăn tối với bọn tôi. — Không hẹn thế rồi sao? — Có chứ. — Vậy còn sao nữa? — Thì tôi khẳng định lại. — Chẳng phải khẳng định, vì đã hẹn nhau rồi. — Thì cứ coi như tôi chỉ nhắc thế thôi, thỉnh thoảng ông có thể quên. — Tớ chẳng quên. — Vậy là ông ở lại ăn tối. — Thế nào, cái cứt gì! - Zazie nói - Có đi uống khai vị không đây? Gabriel ra khỏi chiếc tắc một cách khéo léo và mềm dẻo. Cả ba tới ngồi quanh một cái bàn đặt trên vỉa hè. Cô phục vụ xuất hiện một cách hững hờ. Zazie bộc lộ ngay lập tức điều mà nó mong muốn: — Một ca-cô-ca-lô - Nó yêu cầu. — Không có - Người ta trả lời. — Lại thế nữa! - Zazie kêu tướng - Thật tày trời! Nó phẫn nộ. — Tôi thì, - Charles nói - cho tôi một cốc beaujolais. Gabriel bảo: — Cho tôi một cốc sữa pha xi-rô - Anh hỏi Zazie - Còn cháu? — Cháu nói rồi: một ca-cô-ca-lô. — Cô ấy đã bảo là không có. — Nhưng cháu muốn mỗi ca-cô-ca-lô thôi. — Cháu có muốn mấy cũng chẳng được - Gabriel nói, hết sức bình tĩnh - Cháu biết rõ là không có rồi còn gì. — Tại mà làm sao ở đây lại không có? - Zazie hỏi cô phục vụ. — Tại vì (động tác). — Một cốc panaché vậy? - Gabriel gợi ý - Zazie, cháu thấy thế nào? — Một ca-cô-ca-lô, cháu không muốn gì khác. Tất cả mọi người đâm ra nghĩ ngợi. Cô phục vụ gãi gãi một bên đùi. — Ngay cạnh đây thì có - Cuối cùng thì cô ta cũng nói ra - Bên cửa hàng của ông người Ý. — Thế nào, - Charles hỏi - cốc beaujolais của tôi đã đến chưa? Cô ta vào lấy. Gabriel đứng dậy, không bình luận gì. Anh vụt biến đi một thoáng rồi trở lại với một cái chai có hai ống hút thò ra trên miệng. Anh đặt nó trước mặt Zazie. — Đây nhé, bé con nhé - Anh nói bằng một giọng rất hào phóng. Không một lời nào, Zazie cầm lấy cái chai và bắt đầu chơi luôn điệu “tu, tù, tù”. — Đấy, ông thấy không, - Gabriel nói với bạn - có khó gì đâu. Đối với trẻ con, chỉ cần hiểu chúng là xong ngay. 2 ◄○► —Đến rồi đây… - Gabriel nói. Zazie xem xét ngôi nhà. Con bé không bày tỏ ấn tượng của mình. — Thế nào? - Gabriel hỏi - Có được không? Zazie ra hiệu như tỏ ý là không bộc lộ quan điểm. — Tớ, - Charles nói - tớ ghé gặp Turandot. Tớ có mấy việc cần nói với lão ấy. — Hiểu rồi - Gabriel đáp. — Có cái gì để mà hiểu vậy? - Zazie hỏi. Charles bước xuống năm bậc dẫn từ vỉa hè tới quán cà phê kiêm tiệm ăn La Cave, đẩy cửa và đi tới tận cái quầy kẽm đóng bằng gỗ từ thời tạm chiếm[10]. — Chào ông Charles - Mado Bàn-chân-nhỏ nói, cô đang phục vụ một người khách. — Chào Mado - Charles nói mà không nhìn cô. — Con bé đấy à? - Turandot hỏi. — Chính xác - Charles trả lời. — Nó lớn con hơn tôi nghĩ. — Thì sao? — Tôi không hài lòng. Tôi đã nói với Gaby rồi, không để có chuyện trong nhà tôi. — Nào, cho tôi một cốc beaujolais. Turandot lẳng lặng rót, vẻ trầm ngâm. Charles nuốt ực cốc rượu, chùi ria mép bằng mu bàn tay, rồi nhìn ra bên ngoài một cách lơ đãng. Muốn nhìn được bên ngoài, phải ngửa cổ lên, nhưng thế thì cũng chỉ nhìn thấy gọi là vài bàn chân, cổ chân, khúc dưới của ống quần, và thi thoảng, may ra thì thấy được đầy đủ một con chó, một con basset thôi. Gần ô cửa sổ có treo một cái lồng đựng một con vẹt buồn thiu. Turandot rót rượu vào cốc của Charles và tự rót cho mình một tị, Mado Bàn-chân-nhỏ tới đứng bên cạch sếp, sau quầy rượu, và phá tan sự im lặng. — Ông Charles ạ, - Cô nói - ông là một người rất hay bâng khuâng. — Bâng khuâng cái đít tôi - Charles độp lại liền. — Quả thật, - Mado Bàn-chân-nhỏ kêu lên - hôm nay ông không được lịch sự mấy. — Đến chết cười… - Charles nói, vẻ thảm hại - Con bé con, nó nói năng kiểu ấy đấy. — Tôi không hiểu? - Turandot nói, vẻ không thoải mái tí nào. — Rất đơn giản, - Charles đáp - Con nhóc này, nó không thể nói một chữ mà lại không đệm “cái đít tôi” vào được. — Thế nó có kết hợp động tác với lời nói không? - Turandot hỏi. — Chưa đâu, - Charles trả lời giọng nghiêm trọng - nhưng sẽ đến lúc thôi. — Ồi không, - Turandot rên rỉ - cái đấy thì không! Ông ta lấy hai tay ôm đầu, giả vờ như muốn bứt nó ra, một cử chỉ chẳng có nghĩa lý gì. Rồi lại tiếp tục bài diễn thuyết của mình với những lời lẽ sau: — Cứt ơi là cứt, tôi không muốn chứa một con ranh mất dạy toàn nói những điều bẩn thỉu như thế trong nhà tôi. Tôi đã thấy ngay từ bây giờ là nó sẽ làm sa đọa cả cái khu phố này. Chỉ tám ngày nữa thôi… — Nó ở có hai ba ngày thôi - Charles bảo. — Thế là đã quá lắm rồi! - Turandot kêu lên - Chỉ cần hai ba ngày là nó đủ thời gian để thò tay vào sau khóa quần của tất cả các lão già lẩm cẩm, những khách hàng vẫn cho tôi cái vinh hạnh được phục vụ ấy. Tôi không muốn có chuyện, cậu nghe không, tôi không muốn có chuyện! Con vẹt đang nhấm nhấm một cái móng, nhìn xuống, thôi không trau chuốt nữa, tham gia vào cuộc trò chuyện. — Anh ba hoa, - Con Xanh-lá-cây nói - anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa. — Nó có lý đấy - Charles bảo - Dù sao, tôi cũng không phải là người để ông đem chuyện của mình ra mà kể lể. — Kệ mẹ ông ấy - Gabriel nói một cách trìu mến - Nhưng tôi tự hỏi là tại sao ông lại vào đây để nhắc lại những lời tục tĩu của con nhỏ với lão ấy. — Tớ là tớ rất thẳng tính - Charles nói - Với lại, việc cô cháu gái của cậu rất chi là mất dạy thì cậu sẽ chẳng giấu được đâu. Trả lời tớ xem, lúc còn là nhóc con, cậu có nói năng như thế không? — Không - Gabriel trả lời - Nhưng tôi đâu có phải là một đứa con gái. — Lại ăn thôi! Marceline, tay bưng thẫu súp ra, dịu dàng nói. — Zazie ơi, - Chị gọi một cách dịu dàng - lại ăn đi cháu. Chị bắt đầu lấy muôi nhẹ nhàng múc ra từng đĩa. — Ái chà, - Gabriel nói với vẻ hài lòng - nước thịt hầm! — Có gì đâu mà - Marceline nói dịu dàng. Cuối cùng thì Zazie cũng lại với họ. Con bé ngồi xuống, cái nhìn trống rỗng, thất vọng tự thừa nhận là mình đang đói. Sau món nước thịt hầm, có dồi đen và món khoai tây với pho mát bỏ lò vùng Savoie, rồi đến món gan ngỗng béo, mà Gabriel đem từ rạp ca-ba-rê về, anh không từ được cái tật ấy, tuy bên phải đã có nhưng bên trái anh vẫn cứ thó. Sau nữa là món tráng miệng ngọt nhất trong các món ngọt. Cuối cùng là cà phê chia ra từng tách. Cà phê, bi-cô-zơ[11] Charles và Gabriel cả hai đều làm việc ban đêm. Charles đi làm ngay sau cốc xi-rô pha rượu xơ-ri, một thứ bất ngờ rất được chờ đợi, còn Gabriel chỉ bắt đầu sau mười một giờ. Anh duỗi dài hai chân ra dưới gầm bàn, thò cả sang phía bên kia nữa là đằng khác và mỉm cười với Zazie đang ngồi ngay đuỗn trên ghế. — Thế nào, bé con - Anh nói như vậy - Thế người ta xắp lên zường chứ? — Người ta là ai? - Con bé hỏi. — Thì dĩ nhiên là cháu rồi - Gabriel trả lời và rơi ngay vào bẫy - Ở đằng ấy mấy giờ thì cháu đi ngủ? — Đằng ấy và đằng này là hai đằng, cháu hy vọng thế đấy nhé. — Đúng thế - Gabriel nói, vẻ cảm thông. — Chính vì vậy mà người ta để cháu ở đằng này, để không phải làm như đằng ấy. Đúng không? — Đúng. — Cậu nói đúng là để nói thế thôi, hay cậu nghĩ như vậy thật? Gabriel quay lại phía Marceline đang tủm tỉm cười: — Em thấy nó lý luận giỏi thế nào chưa, một cô nhóc mới ở tuổi này? Đấy, ta cứ tự hỏi vì sao lại bõ công cho chúng nó đến trường. — Cháu, - Zazie tuyên bố - cháu muốn đi học đến tận sáu mươi lăm tuổi. — Đến tận sáu mươi lăm tuổi? - Gabriel nhắc lại, với chút ngạc nhiên. — Vâng - Zazie nói - Cháu muốn làm cô giáo. — Nghề ấy không dở đâu - Marceline nói dịu dàng - Có cả lương hưu. Chị thêm câu ấy một cách tự nhiên vì chị giỏi môn tiếng Pháp. — Lương hưu cái đít cháu - Zazie nói - Cháu thì cháu không phải vì lương hưu mà muốn làm cô giáo. — Tất nhiên rồi - Gabriel bảo - Cậu mợ cũng đoán thế chứ. — Thế thì vì lý do gì nào? - Zazie hỏi. — Thì cháu sẽ zải thíc cho cậu mợ thôi. — Cậu không tự đoán ra được chứ gì? — Dù sao chúng cũng giỏi khiếp, lớp trẻ ngày nay - Gabriel nói với Marceline. Rồi với Zazie: — Thế nào? Tại sao cháu lại muốn làm cô giáo nào? — Để phá lũ nhóc con cho sướng! - Zazie trả lời - Những đứa bằng tuổi cháu của mười năm, hai mười năm, năm mươi năm, một trăm năm hay nghìn năm nữa thì vẫn là một lũ trẻ để quậy cho biết tay. — Ái dà - Gabriel nói. — Cháu sẽ phù thủy hết cỡ với chúng nó. Cháu sẽ bắt chúng liếm sàn gỗ. Cháu sẽ cho chúng ăn giẻ lau bảng. Cháu sẽ cắm cái com-pa vào đít chúng. Cháu sẽ đá đít chúng. Vì vào mùa đông, cháu sẽ mang giày bốt, ống cao đến tận đây này (động tác). Có gắn đinh thúc ngựa thật dài để làm rách mông chúng nó ra. — Cháu biết không, - Gabriel bình tĩnh nói - theo báo chí thì đấy hoàn toàn không phải là chiều hướng mà nền giáo dục hiện đại sẽ tiến tới đâu. Ngược lại, người ta hướng về sự nhẹ nhàng, sự thông cảm và tấm lòng. Có phải thế không Marceline, trong báo chí người ta nói thế? — Đúng thế - Marceline trả lời dịu dàng - Nhưng cháu, Zazie, ở trường người ta có hành hạ cháu không? — Họ cứ thử động vào cháu xem. — Hơn nữa, - Gabriel nói - hai mươi năm tới thì sẽ chẳng còn cô giáo nữa: các cô ấy sẽ được thay bằng phim ảnh, tê-vê[12], điện tử, những thứ đại loại thế. Hôm nọ trong báo cũng viết vậy đấy, phải không Marceline? — Đúng thế - Marceline dịu dàng trả lời. Zazie suy tính về cái tương lai ấy một tí. — Vậy thì, - Con bé tuyên bố - cháu sẽ làm nhà du hành vũ trụ. — Thế chứ - Gabriel nói vẻ tán thưởng - Có thế chứ, phải sống theo thời đại của mình. — Vâng, - Zazie tiếp - cháu sẽ làm nhà du hành vũ trụ để lên trên ấy phá lũ người sao Hỏa. Rất phấn khởi, Gabriel vỗ đùi: — Nó có nhiều ý tưởng đấy, cô bé con này. Anh hài lòng lắm. — Dù sao thì cháu nó phải đi nằm thôi - Marceline nói một cách dịu dàng - Cháu không mệt sao? — Không ạ - Zazie vừa nói vừa ngáp. — Con bé mệt rồi - Marceline dịu dàng nhắc lại ý chị với Gabriel - Nó phải đi nằm thôi. — Em nói đúng đấy - Gabriel trả lời và bắt đầu soạn thảo một câu ra lệnh, và, nếu có thể, thì là một câu không thể đối đáp lại được. Nhưng anh chưa kịp đặt xong thì Zazie đã hỏi anh có tê-vê không. — Không - Gabriel nói. Anh nói thêm, không thực lòng lắm: — Cậu thíc xem phim màn ảnh rộng hơn. — Vậy là cậu có thể đãi cháu một buổi xem phim màn ảnh rộng. — Muộn lắm rồi - Gabriel bảo - Với lại, cậu không có thời gian, mười một giờ cậu phải đi làm. — Có ai cần đến cậu đâu - Zazie nói - Mợ với cháu sẽ đi một mình. — Cậu không thíc thế - Gabriel chậm rãi nói, vẻ dữ tợn. Anh nhìn chằm chằm vào mắt Zazie và nói thêm một cách độc ác: — Mợ Marceline không bao giờ ra khỏi nhà nếu không có cậu. Anh tiếp tục: — Điều đó, cậu sẽ không zải thíc cho cháu, nhóc ạ, thật quá dài dòng. Zazie nhìn đi chỗ khác và ngáp. — Cháu mệt rồi - Nó nói - Cháu đi nằm đây. Con bé đứng lên. Gabriel giơ má cho nó. Nó hôn anh. — Da cậu rất mềm mại - Nó nhận xét. Marceline đưa con bé vào buồng và Gabriel đi lấy một cái bao nhỏ xinh xắn bằng da lợn có ghi tắt tên anh. Anh lại ngồi, tự rót cho mình một cốc to xi-rô pha loãng với một ít nước và bắt đầu làm tay cho mình; anh rất mê việc này, và xoay xỏa tốt, anh là người thợ làm móng mà anh thíc hơn cả. Anh cất tiếng hát khe khẽ một điệp khúc dâm dục, rồi, khi đã kết thúc bài Kỳ công của ba ông thợ kim hoàn, anh huýt sáo, nho nhỏ thôi để đừng đánh thức cô bé con, mấy điệu nhạc hiệu thời trước như kèn báo giờ đi ngủ, nhạc chào cờ, điệu “Chàng hạ sĩ tưng tưng tưng”, vân vân… Marceline trở ra. — Chỉ một tí là con bé đã ngủ ngay - Chị nói dịu dàng. Rồi đến ngồi và rót cho mình một ly rượu xơ-ri. — Một thiên thần bé con - Gabriel bình luận bằng một giọng trung lập. Anh ngắm nghía khâm phục cái móng tay mà anh vừa làm xong, đấy là ngón út. — Mình có thể làm cái gì với con nhóc cho hết ngày? - Marceline dịu dàng hỏi. — Chuyện ấy không phải là một vấn đề to tát - Gabriel nói - Trước tiên, anh sẽ dẫn nó đi tháp Eiffel vào chiều mai. — Thế sáng mai? - Marceline hỏi một cách dịu dàng. Mặt Gabriel nhợt đi. — Tuyệt đối, - Anh bảo - tuyệt đối là nó không được đánh thức anh dậy. — Anh thấy không - Marceline nói, giọng dịu dàng - Một vấn đề đấy. Gabriel có vẻ mỗi lúc một lo lắng hơn. — Tụi nhóc con là chuyên môn dậy sớm vào buổi sáng. Con bé sẽ không để cho anh ngủ yên… lấy lại sức… Em biết anh rồi đấy. Anh là anh phải lấy lại sức. Giấc ngủ mười tiếng của anh là tối quan trọng. Cho sức khỏe của anh. Anh nhìn Marceline. — Em không nghĩ đến điều đó à? Marceline nhìn xuống. — Em không muốn cản trở anh làm nhiệm vụ của mình - Chị dịu dàng nói. — Anh cảm ơn em - Gabriel nói giọng nghiêm trọng - Nhưng làm thế quái nào để anh đừng có phải nghe thấy tiếng nó sáng mai đây? Họ bắt đầu suy nghĩ. — Mình có thể, - Gabriel nói - cho nó uống một viên thuốc ngủ, để nó ngủ ít ra cũng phải đến mười hai giờ trưa, mà nếu đến tận bữa phụ lúc bốn giờ chiều của nó thì còn hay hơn nữa. Nghe nói có những loại thuốc đạn rất hiệu nghiệm. — Pằng, pằng pằng! - Turandot làm một cách kín đáo đằng sau cánh cửa gỗ. — Vào đi - Gabriel bảo. Turandot có con Xanh-lá-cây tháp tùng bước vào. Ông ta ngồi xuống, không đợi mời mọc gì, và đặt chiếc lồng chim lên bàn. Xanh-lá-cây nhìn chai xi-rô với vẻ thèm thuồng khó mà quên được. Marceline đổ một ít vào cái máng nước của nó. Turandot thì từ chối lời mời (động tác). Gabriel đã làm xong ngón giữa, bắt đầu tấn công sang ngón trỏ. Người ta còn ngần ấy việc phải lo, nên chưa nói năng gì. Xanh-lá-cây uống ực chỗ xi-rô của của mình. Nó quệt mỏ vào cái xích đu, rồi cất tiếng với những lời lẽ như sau: — Anh ba hoa, - Con Xanh-lá-cây nói - anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa. — Tôi ba hoa cái đít tôi - Turandot tự ái đốp lại. Gabriel dừng công việc của mình lại và nhìn khách một cách dữ tợn. — Nhắc lại tí xem ông vừa nói những gì thế? - Anh nói. - Tôi bảo, - Turandot đáp - tôi bảo, tôi ba hoa cái đít tôi. — Ông muốn ngụ ý gì trong đó? Nếu tôi được mạn phép hỏi ông. — Tôi muốn ngụ ý rằng việc con bé con nó ở đây, là tôi không thíc. — Cái chuyện ông thíc hay ông không thíc, ông nghe chưa? Tôi cóc cần biết. — Xin lỗi. Tôi cho cậu thuê nhà này không có trẻ con, bây giờ cậu có một đứa mà không được sự đồng ý của tôi. — Sự đồng ý của ông, ông có biết là tôi sẽ nhét nó vào đâu không? — Tôi biết, tôi biết, từ đây đến lúc cậu làm tôi mất cả danh dự vì cô cháu của cậu, sẽ chẳng mấy đâu. — Không thể nào lại vô thông minh như ông được, ông có hiểu vô thông minh nghĩa là thế nào không, hả đồ ngu? — Đấy đấy, - Turandot bảo - bắt đầu rồi đấy. — Anh ba hoa, - Xanh-lá-cây nói - anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa. — Bắt đầu cái gì? - Gabriel hỏi, đe dọa ra mặt. — Cậu bắt đầu nói năng diễn đạt với cái lối rất chướng tai. — Hắn bắt đầu chọc tức anh đấy - Gabriel bảo với Marceline. — Anh đừng cáu - Marceline nói một cách dịu dàng. — Tôi không muốn có một con nhóc con khốn nạn trong nhà tôi - Turandot nói bằng một ngữ điệu thống thiết. — Tôi mặc mẹ ông! - Gabriel gào lên - Ông nghe thấy không, tôi mặc mẹ ông. Anh nện nắm đấm xuống bàn, nó toạc ra đúng chỗ mà lệ thường bàn nào cũng hay bị. Cái lồng chim rơi xuống thảm, theo sau là chai xi-rô, bình rượu xơ-ri, mấy cái ly nhỏ và đống đồ làm móng lủng củng. Xanh-lá-cây kêu than tru tréo, nước xi-rô chảy vào cái bao bằng da, Gabriel thét lên một tiếng thét vô vọng và nhào xuống để nhặt món đồ bị ô nhiễm. Vì làm thế mà anh xô đổ cả cái ghế anh đang ngồi xuống đất. Một cánh cửa mở ra. — Cái cứt gì thế! Không để người ta ngủ yên nữa sao? Zazie mặc một bộ pyjama. Con bé ngáp rồi nhìn Xanh-lá-cây với vẻ thù địch. — Đây đúng là một của hàng bán thú - Con bé tuyên bố. — Anh ba hoa, - Con Xanh-lá-cây nói - anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa. Hơi bị trộ, con bé lơ con vật đi, quay sang để ý đến Turandot, nó hỏi cậu nó về nhân vật này. — Thế người này là ai đây? Gabriel đang lau cái bao bằng một góc khăn trải bàn. — Cứt thật, - Anh lẩm bẩm - toi đời rồi. — Em sẽ tặng anh một cái bao khác - Marceline nói dịu dàng. — Thế thì dễ thương quá - Gabriel bảo - Nhưng nếu như vậy, đừng lấy loại bằng da lợn thì anh sẽ thíc hơn. — Thế anh thíc loại gì hơn nào? Da bê nhé? Gabriel bĩu môi. — Da cá nhám? Bĩu môi. — Da của Nga? Bĩu môi. — Thế da cá sấu? — Sẽ đắt đấy. — Nhưng sẽ bền và sang. — Đúng thế, chính anh sẽ tự mình đi mua. Gabriel cười banh miệng, quay lại phía Zazie: — Cháu thấy không, mợ cháu chính là hiện thân của lòng tốt. — Cậu vẫn chưa nói cho cháu biết người này là ai? — Đây là ông chủ nhà - Gabriel trả lời - Một ông chủ đặc biệt, một người anh em, và chủ của quán rượu dưới kia. - Của quán rượu La Cave á? — Chính xác - Turandot nói. — Người ta có nhẩy đầm dưới tầng hầm[13] của ông không? — Cái đó thì không - Turandot nói. — Quá kém! - Zazie nói. — Cháu chẳng phải lo cho hắn - Gabriel nói - Hắn thu nhập tốt đấy. — Ở Xanh-giéc-manh-đề-prế[14], - Zazie nói - họ kiếm tiền cứ ngon như không ấy, tất cả các báo đều nói thế. — Cháu tốt bụng nhỉ, lại lo đến công việc làm ăn của tôi! - Turandot nói với vẻ trịch thượng. — Tốt bụng cái đít tôi! - Zazie quặc lại. Turandot bật ra một tiếng như tiếng mèo kêu, đầy vẻ chiến thắng. — Á à! - Ông ta nói với Gabriel - Cậu không thể cãi ngược với tôi được nữa, tôi đã nghe thấy cái đít tôi của nó rồi nhé. — Ê, không nói những thứ bẩn thỉu như thế chứ! - Gabriel bảo. — Nhưng có phải tôi nói đâu, - Turandot nói - con bé đấy chứ. — Ông này mách lẻo nhỉ - Zazie nói - Rõ xấu tính! — Với lại thế là đủ rồi - Gabriel bảo - Đến lúc tôi phải biến đây. — Làm nghề gác đêm chắc hay lắm - Zazie nói. — Không một nghề nào là nghề hay lắm cả! - Gabriel nói - Thôi, cháu đi ngủ đi. Turandot nhặt cái lồng chim lên và bảo: — Ta sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện. Rồi ông ta thêm với vẻ tinh tế: — Cuộc trò chuyện cái đít tôi. — Ông có ngốc không đấy? - Marceline dịu dàng hỏi. — Vẽ cũng chẳng ra ai ngốc bằng - Gabriel bảo. — Vậy thôi nhé, chúc một đêm tốt lành! - Turandot nói, vẫn tử tế - Tôi đã qua một buổi tối dễ chịu, không phí thời gian chút nào. — Anh ba hoa, - Con Xanh-lá-cây nói - anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa. — Nó dễ thương nhỉ - Zazie nhìn con vật và nói. — Thôi cháu đi ngủ đi! - Gabriel bảo. Zazie ra bằng một cửa, những vị khách mời buổi tối ra bằng một cửa khác. Gabriel chờ cho tất cả trở lại yên tĩnh rồi mới đi. Anh xuống cầu thang không một tiếng động, như một người thuê nhà đúng mực. Nhưng Marceline thấy có một vật nằm vương trên mặt tủ, chị cầm lấy, chạy ra mở cửa, cúi nghiêng người xuống và dịu dàng gọi trong cầu thang: — Gabriel, Gabriel. — Gì thế? Có chuyện gì thế? — Anh bỏ quên thỏi son của anh. 3 ◄○► Trong góc buồng, Marceline đã xắp đặt một chỗ na ná kiểu như phòng vệ sinh: bàn, chậu nhỏ, bình nước, đủ cả… cứ làm như đây đang ở giữa một xó xỉnh nhà quê vậy. Làm thế là để Zazie khỏi có cảm giác lạ nước lạ cái. Nhưng Zazie lạ nước lạ cái: hàng ngày, nó vẫn sử dụng cái bệ vệ sinh phụ nữ bắt vít vào sàn gỗ. Do là đã dùng chán đi rồi, nó còn biết được vô số điều tuyệt vời của nghệ thuật công trình phụ nữa là đằng khác. Phát kinh vì lối trang bị nguyên thủy này, nó chỉ quệt quệt chỗ này, chấm chấm chỗ kia qua loa một tí với ít nước, rồi thêm một nhát lược, một nhát chứ không hơn, lên tóc. Nó nhìn xuống sân sau: không có động tĩnh gì. Trong căn hộ cũng vậy, có vẻ như không có gì xảy ra cả. Tai dán vào cửa, Zazie chẳng phát hiện ra một tiếng động nào. Nó lặng lẽ ra khỏi buồng. Gian phòng-khách-kiêm-phòng-ăn tối u và câm lặng. Nó bước đi, bàn chân nọ đặt trước mũi bàn chân kia như kiểu “đứa nào đến trước, đứa ấy được bắt đầu chơi trước”, tay lần mò bờ tường và đồ vật, nhắm mắt lại còn thú vị hơn nữa. Con bé đến được một cánh cửa khác, nó mở ra, thận trọng một cách đáng kể. Căn phòng khác này cũng tối u và câm lặng, ai đó đang ngủ một cách yên lành. Zazie đóng cánh cửa ấy lại, đi giật lùi trở ra, đi thế cũng rất thíc. Sau một khoảng thời gian lâu ghê gớm, con bé đến được một cánh cửa khác nữa, là cánh thứ ba. Nó mở ra, thận trọng không kém gì lần trước. Bây giờ, con bé thấy mình đang đứng trước chỗ ra vào được chiếu sáng một cách êm ả bởi một khoang cửa sổ, trang trí bằng những mảnh kính màu đỏ và xanh da trời. Còn phải mở thêm một cánh cửa nữa là Zazie phát hiện ra mục đích chuyến du ngoạn của nó: phòng vê xê.[15] Vì cái vê-xê này làm theo kiểu Anh, Zazie được trở lại với thế giới văn minh, vậy là con bé ngồi trong đó những hơn mười lăm phút. Nó thấy rằng nơi đó không những hữu dụng mà còn rất thú vị. Hết sức sạch sẽ, sơn quét trơn tru. Giấy vệ sinh mềm như lụa, vui vẻ nhàu đi trên những ngón tay. Vào thời điểm này trong ngày, lại có cả một tia nắng: một làn hơi sáng mỏng chiếu xuống từ ô cửa sổ nhỏ. Zazie suy nghĩ một lúc lâu, nó tự hỏi có nên giật nước xả hay không. Nếu giật thì sẽ gây rối loạn là cái chắc. Nó phân vân, nó quyết định, nó giật nước, khối nước ục xuống, Zazie chờ đợi, nghe ngóng, nhưng dường như không một thứ gì động đậy cả, cứ như đây là ngôi nhà của người đẹp ngủ trong rừng. Zazie lại ngồi xuống tự kể cho mình nghe câu chuyện cổ tích và xen vào đó những cận cảnh có các diễn viên nổi tiếng. Nó nhầm lẫn một chút trong câu chuyện, nhưng cuối cùng, lấy lại được ý chí phê phán của mình, con bé đi đến việc tự tuyên bố là những chuyện cổ tích rất dở hơi và quyết định ra khỏi đấy. Lại đến trước chỗ ra vào của căn hộ, phát hiện thêm một cánh cửa nữa, rất có khả năng là mở ra phía cầu thang, Zazie vặn chiếc chìa khóa vẫn được cắm trong ổ bởi cái tính thận trọng rất hão huyền. Đúng thế thật: bây giờ Zazie đang đứng trước bậu cửa dẫn ra cầu thang. Nó đóng cửa lại sau lưng mình thật khẽ khàng, rồi cũng thật khẽ khàng, nó đi xuống. Đến tầng hai, nó dừng lại: không động tĩnh gì cả. Bây giờ nó có mặt ở tầng một, và đây là hành lang, cửa dẫn ra đường rộng mở… Một khoang chữ nhật đầy ánh sáng. Đây rồi, Zazie ra được đây rồi, nó ra đến ngoài đường rồi. Đấy là một con phố yên ắng. Xe cộ ít đến nỗi người ta có thể chơi nhẩy lò cò dưới lòng đường. Chỉ có vài cửa hiệu có sắc vẻ tỉnh nhỏ bán đồ tiêu dùng hàng ngày. Những người qua lại bước đi một cách chừng mực. Khi sang đường, trước tiên họ nhìn sang trái, rồi sang phải, kết hợp ý thức công dân với sự thận trọng quá đáng. Zazie không đến nỗi thất vọng lắm, nó biết là nó đang thực sự ở giữa Paris, rằng Paris là một thành phố lớn và cả Paris không phải nơi nào cũng giống như con phố này. Nhưng để hiểu và để hoàn toàn tin chắc vào điều đó, thì phải đi xa hơn nữa. Đấy là việc mà nó bắt đầu làm ngay, ung dung như không. Nhưng Turandot đột nhiên từ trong tiệm cà phê của ông ta chui ra, đứng dưới chân mấy bậc lên xuống, ông gọi to: — Ê, bé con, cháu đi đâu thế? Zazie không trả lời, nó chỉ xoải thêm bước chân ra mà thôi. Turandot leo lên mấy bậc thang. — Ê, bé con! - Ông ta nghiêm giọng hơn và tiếp tục hét lên. Thế là Zazie chuyển sang nhịp độ thể dục. Đến khúc ngoặt, nó đâm chéo sang cho nhanh. Phố sau rõ ràng là tấp nập hơn nhiều. Bây giờ Zazie chạy thật nhanh. Chẳng ai có thời gian và cũng chẳng có ai lo lắng để mắt đến nó làm gì. Nhưng Turandot cũng lại phóng nước đại. Lao theo nữa là đằng khác. Ông ta đuổi kịp được con bé, túm lấy cánh tay nó, không một lời, bằng nắm tay chắc nịch, ông bắt cho con bé đi ngược trở lại. Zazie không ngần ngại gì. Nó hét tướng lên: — Cứu tôi với! Cứu tôi với! Tiếng kêu đã thu hút ngay được sự chú ý của các bà nội trợ và những công dân quanh đấy. Họ liền dẹp sang một bên những bận rộn hoặc những không bận rộn riêng tư của mình để quan tâm đến sự cố. Sau kết quả đầu tiên tương đối khả quan, Zazie lại tiếp tục: — Cháu không muốn đi mới ông này, cháu không quen ông í. Cháu không muốn đi mới ông í. Vân vân. Turandot, tin chắc vào mục đích cao quý của mình, để ngoài tai những tiếng kêu la ấy. Nhưng ông ta hiểu ngay rằng ông ta đã lầm khi nhận ra mình đang bị bao vây giữa một vòng những người theo chủ nghĩa đạo đức rất nghiêm khắc. Trước đám quần chúng rất có giá này, Zazie chuyển từ những nguyên do tổng quát sang những lời buộc tội đặc thù, cụ thể và tình tiết. — Ông này, - Con bé nói - ông í nói với cháu những điều bẩn thỉu. — Ông ấy nói những gì với cháu? - Một bà hỏi, vẻ dụ dỗ. — Bà ơi, - Turandot kêu lên - con bé này bỏ trốn khỏi nhà. Tôi đem nó về cho gia đình nó. Cái vòng người cười khẩy trong mối nghi hoặc đã ăn vào sâu đậm rồi. Bà kia vẫn gặng hỏi. Bà ta cúi xuống Zazie. — Nào, cô bé, đừng sợ, kể cho tôi nghe những gì ông ta đã nói với cháu, cái thằng cha xấu tính này. — Nhưng bẩn thỉu lắm! - Zazie thì thào. — Ông ấy bảo cháu làm những điều…? — Đúng thế, thưa bà. Zazie hạ giọng, rỏ vào tai bà ta một vài tình tiết. Bà này thẳng người lên và nhổ phẹt vào mặt Turandot. — Kinh tởm! - Bà tạt thêm cho ông câu ấy. Và bà lại nhổ toẹt một lần nữa trúng giữa “quả lê”[16] của ông ta. Một ông quan tâm lo lắng: — Hắn ta đã bảo con bé làm gì cho hắn? Bà kia rỏ vào tai ông này những tình tiết kiểu Zazie. — Ồ! - Ông này thốt lên - Không bao giờ tôi lại nghĩ đến những thứ đó. Rồi ông ta lại làm tiếp một câu, vẻ nghĩ ngợi hơn: — Không, không bao giờ! Rồi ông quay lại một vị công dân khác: — Thật không thể… Nghe tôi này (tình tiết)… Không thể tin được. — Sao lại có những tên khốn nạn hoàn hảo như thế nhỉ! - Vị công dân khác nói. Trong khi đó, các tình tiết được lan truyền khắp đám đông. Một chị nói: — Không hiểu. Một ông zải thíc cho chị. Ông này lấy từ túi mình ra tờ giấy và bằng một chiếc bút bi, vẽ vẽ cho chị ta. — Vậy thì… - Chị này nói một cách mơ mộng. Rồi thêm: — Thế có tiện lợi không? - Chị hỏi về cái bút bi. Hai người ưa chuộng tranh luận với nhau: — Tôi ấy mà, - Một anh tuyên bố - tôi nghe nói là (tình tiết)… — Cách khác thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên! - Anh kia tiếp lời - Người ta khẳng định rõ với tôi rằng (tình tiết)… Bị tính tò mò kéo ra khỏi cái cửa hiệu tạp pí lù của mình, một chị bán hàng thổ lộ những chuyện kín đáo của chị: — Chính tôi đây này, ông nhà tôi, có hôm, tự dưng giở chứng lại muốn (tình tiết)… Không biết ông í lôi đâu ra cái đam mê í, tôi thử hỏi các vị. — Có thể là ông ấy đã đọc được một cuốn sách bậy bạ - Ai đó có ý kiến. — Rất có thể. Nhưng tôi ấy à, tôi xin nói với các vị là tôi đã hỏi nhà tôi là: “Anh muốn rằng…?” (tình tiết). “Đừng có mà…”, tôi trả lời ông ấy, “nếu anh muốn thế thì đi mà đú với mấy thằng đực Rệp ấy[17]. Đừng có nhiễu tôi với cái trò bậy bạ ấy của anh!” Đấy, tôi đã trả lời ông chồng tôi thế, khi ông ấy muốn là tôi (tình tiết)… Quanh chị ta, mọi người đều đồng tình. Turandot không nghe chuyện của chị này. Ông ta không ảo tưởng gì. Tranh thủ mối “quan tâm kỹ thuật” vừa phát sinh sau lời buộc tội của Zazie, ông ta lẳng lặng rút lui. Qua hết góc phố bằng cách men men theo bờ tường và mau chóng tìm lại cái tiệm rượu của mình, luồn ra sau cái quầy kẽm bằng gỗ từ ngày tạm chiếm, ông ta tự rót rượu beaujolais cho mình vào một chiếc cốc quả bóng[18]to tướng, ực một lèo, rồi làm thêm một lần nữa. Đoạn ông ta chấm chấm trán bằng cái thứ mà ông vẫn dùng làm khăn mùi xoa. Mado Bàn-chân-nhỏ đang gọt khoai tây, hỏi: — Ông làm sao thế? — Thôi, nhắc đến làm gì. Cả đời tôi, chưa bao giờ lại có cái sợ nào như thế. Họ cho tôi là một tên cuồng dâm, cái đám dở hơi ấy. Tôi mà ở lại đấy, thì họ nghiền tôi ra mất. — Sau thì đừng có mà làm chó terre-neuve nữa! - Mado Bàn-chân-nhỏ nói. Turandot không trả lời. Ông vặn cái tê-vê dưới hộp sọ của mình lên để xem bản tin thời sự cá nhân với cảnh ông vừa phải trải qua, mà vì nó, xuýt nữa thì ông nếu không được đưa vào lịch sử thì ít ra cũng được đưa vào mục Chuyện vặt mỗi ngày. Ông ta run lên khi nghĩ đến số phận rủi ro có thể dành cho mình. Mồ hôi lại vã ra, ròng ròng trên mặt. — Giờ… giờ… giời ơi! - Ông ta lắp bắp. — Anh ba hoa, - Con Xanh-lá-cây nói - anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa. Turandot, lau mồ hôi và tự rót cho mình cốc beaujolais thứ ba. — Giờ… giời ơi! - Ông ta nhắc lại. Ông cho rằng đây có lẽ là từ cảm thán thích hợp nhất với cảm xúc hiện đang làm ông rối rắm này. — Mà thôi, - Mado Bàn-chân-nhỏ nói - ông đã chết đâu. — Cô thử như tôi, khắc biết. — Thử như tôi khắc biết không có ý nghĩa gì cả: ông là ông, tôi là tôi. — Thôi, đừng bàn cãi nữa, tôi chả còn bụng dạ nào. — Ông không nghĩ là phải báo cho mấy người kia à? Ôi đúng thật, chết mẹ, ông không nghĩ ra. Ông bỏ cốc rượu thứ ba vẫn còn đầy ở đấy, vọt đi. — Ơ kìa - Marceline nói dịu dàng, tay cầm một chiếc áo len. — Con bé con, - Turandot thở hồng hộc, nói - con bé con ấy, như thế là, nó giăng buồm mất rồi. Marceline không đáp lại, đi thẳng vào buồng. Chính xác. Conbedazangbuomzoi. — Tôi thấy nó, - Turandot nói - tôi thử giữ nó lại. Vùù-ụt (động tác)! Marceline lại phòng Gabriel, lay anh, anh nặng lắm, khó mà xoay trở, đánh thức anh còn khó hơn. Ngủ, anh khoái việc này lắm. Anh thở phì phì và vùng vẫy, anh đã ngủ là ngủ, không có lôi anh dậy cái kiểu ấy được. — Gì, gì thế? - Rồi anh cũng kêu lên. — Zazie biến đi mất rồi! - Marceline dịu dàng. Anh nhìn chị. Anh không bình luận gì. Anh hiểu rất nhanh, Gabriel ấy. Anh không đần. Anh đứng lên. Anh vào đảo một vòng trong phòng Zazie. Anh thíc tự chính mình nhận định mọi tình huống. Gabriel ấy. — Có khi con bé bị kẹt trong nhà vê-xê? - Anh nói, giọng lạc quan. — Không đâu - Marceline trả lời nhỏ nhẹ - Turandot nhìn thấy nó đang trốn đi. — Cụ thể, ông nhìn thấy gì những gì nào? - Anh hỏi Turandot. — Tôi nhìn thấy nó bỏ trốn, thế là tôi tóm lấy, định mang nó về cho cậu. — Thế là tốt! - Gabriel nói - Ông đúng là một ông bạn. — Nhưng mà con bé đã dấy động mọi người, nó gào lên thế này này, rằng tôi đã bảo nó làm những trò gì đó. — Thế có đúng vậy không? - Gabriel hỏi. — Tất nhiên là không rồi. — Ai biết đâu được. — Đúng, ai biết đâu được. — Ông thấy đấy. — Để ông ấy kể tiếp đi - Marceline dịu dàng nhắc. — Thế là, tất cả những người xúm lại quanh tôi đều sẵn sàng đánh vỡ mặt tôi ra. Họ làm như tôi là một thằng cuồng dâm, cái đám dở hơi ấy! — Ông hãi lắm à? — Chứ còn gì. Cả đời tôi, chưa bao giờ lại có cái sợ nào như thế. Ngay cả khi máy bay thả bom. — Tôi thì, - Gabriel nói - tôi chưa bao giờ sợ khi máy bay bỏ bom. Chừng nào mà là máy bay của Anh, thì tôi, tôi nghĩ rằng bom của họ không dành cho tôi mà cho bọn Fridolin[19], vì tôi là tôi chờ đón người Anh, cánh tay dang rộng. — Đấy là một lý do dại dột… - Turandot nhận xét. — Chả gì thì tôi cũng chưa bao giờ sợ và lại còn chưa hề bị xứt mẻ gì, dù chỉ một tị cái móng tay cũng không, ông thấy đấy, ngay cả những trận ghê gớm nhất. Tụi Đức thì hãi kinh, cứ là phóng tọt vào hầm trú ẩn, cái tụi sợ rụt cổ vào ấy, tôi thì tôi cười chết luôn. Tôi đứng ngoài để xem pháo hoa, đoàng, trúng giữa tâm, một kho vũ khí nổ tung, nhà ga tan tành, nhà máy thành đống vụn, thành phố cháy rực, một cảnh tượng thật hào hùng. Gabriel kết luận và thở dài: — Nói cho cùng, chúng ta đã có một cuộc sống không đến nỗi tệ lắm. — Còn tôi, - Turandot nói - chiến tranh, tôi chả có gì để tự hào cả. Với cái trò chợ đỏ chợ đen, tôi xoay xỏa như một thằng dở hơi. Không biết tôi bị làm sao, mà không một thứ tiền phạt nào là tôi lại không được nếm. Họ xỉa của tôi đủ thứ… Nhà nước, thuế vụ, thanh tra, họ đóng cả cửa tiệm của tôi. Năm 44, tính ra nếu còn thì tôi chỉ còn mỗi một ít vàng vẫn cất để đấy, may quá, vì đúng lúc đó, một quả bom rơi vào, trụi sạch. Rủi thế. May là tôi được thừa kế cái nhà này, không thì… — Thực ra thì ông cũng chẳng phải kêu ca gì, - Gabriel nói - Ông ung dung quá rồi, nghề của ông là cái nghề lười nhác. — Cậu thử như tôi, khắc biết. Rất mệt mỏi cái nghề của tôi, mệt mỏi, và hơn nữa lại không lành mạnh. — Thế ông nói gì nếu ông phải làm đêm như tôi. Và phải ngủ ngày. Ngủ ngày là mệt vô cùng tuy chẳng có vẻ gì lắm đâu. Đấy là tôi chưa nói đến việc bị dựng dậy vào cái giờ không giống ai như hôm nay… Tôi hy vọng là không phải sáng nào cũng như thế này. — Có lẽ phải khóa trái cửa, nhốt con bé này lại - Turandot nói. — Tôi tự hỏi tại sao nó lại trốn đi? - Gabriel thì thầm, vẻ trầm ngâm. — Con bé không muốn gây tiếng động - Marceline dịu dàng - để khỏi làm anh thức dậy, nó đi dạo thôi. — Nhưng anh không muốn nó đi dạo một mình - Gabriel nói - Đường phố có khác nào trường học chuyên dạy những trò bậy bạ, ai cũng biết thế mà. — Rất có thể là nó làm cái mà báo chí vẫn gọi là “bỏ nhà ra đi” - Turandot nói. — Nếu thế thì không phải chuyện đùa đâu - Gabriel nói - Có lẽ phải đi báo cho tụi cá thôi, đành vậy… Thế thì mặt mũi tôi còn ra thế nào nữa? — Anh không nghĩ là… - Marceline nói dịu dàng - Anh cứ thử đi tìm nó đã hay sao? — Anh á, - Gabriel nói - anh vào đi ngủ lại đây. Anh đi về phía cái giường. — Đi tìm con bé thì chẳng qua cũng chỉ là đi làm nhiệm vụ của cậu - Turandot nói. Gabriel cười khẩy. Anh làm duyên và bắt chước giọng của Zazie: — Nhiệm vụ cái đít tôi! - Anh tuyên bố. Rồi thêm: — Nó khắc tự trở về một mình. — Giả dụ, - Marceline nhỏ nhẹ - giả dụ con bé rơi vào tay một tên dâm đãng? — Giống Turandot á? - Gabriel nói một cách vui vẻ. — Tôi chẳng thấy buồn cười tí nào - Turandot nói. — Gabriel, - Marceline dịu dàng nói - anh nên cố gắng một chút để tìm nó về. — Em đi đi. — Em còn một thùng quần áo trên bếp[20]. — Hai người nên đem đồ ra cái thứ tự động gì đó của Mỹ mà giặt - Turandot nói với Marceline - Để bớt việc đi. — Này, - Gabriel nói ý nhị - Nếu cô ấy thíc tự giặt lấy quần áo thì sao? Hả? Dính dáng gì đến ông nào? Ông ba hoa, ông ba hoa, ông chỉ biết ba hoa thôi. Cái thứ đồ Mỹ của ông ấy, tôi để nó vào đây này. Và anh vỗ vào mông mình. — Ồ! - Turandot ziễu cợt - Tôi cứ tưởng là cậu chuộng Mỹ lắm. — Chuộng Mỹ! - Gabriel kêu lên - Ông thíc sử dụng những từ mà ông không hiểu ý nghĩa, nhỉ. Chuộng Mỹ! Cứ như là việc ấy ngăn được người ta mang đồ dơ của mình ra giặt trước mặt cả nhà hay sao ấy. Marceline và tôi, chẳng những là những người chuộng Mỹ, mà ngoài ra, đồ đầu đất ạ, đồng thời, ông đã nghe rõ chưa, đầu đất ạ, ĐỒNG-THỜI, chúng tôi cũng là những người chuộng giặt đồ nữa. Rõ chưa? Nói gì được nữa không, hả, đầu đất? Turandot không tìm ra tí gì để trả lời. Ông ta trở lại vấn đề cụ thể và thực tại, vấn đề “cái áo sơ mi trắng”, cái áo không dễ gì giặt sạch. — Cậu nên chạy đi tìm con bé con - Ông ta khuyên Gabriel. — Để lại gặp chuyện như ông lúc nãy ấy à? Để bị cái ông Chúng văn Dân kia đánh cho tan xương ra à? Turandot nhún vai. — Cậu cũng thế, - ông ta nói với giọng khinh thị - cậu ba hoa, cậu ba hoa, cậu chỉ biết ba hoa. — Đi đi anh! - Marceline dịu dàng nói với Gabriel. — Cả hai người làm phiền tôi quá! - Gabriel cấm cảu. Anh quay vào phòng mình, mặc quần áo đâu vào đấy, buồn bã sờ cằm vì anh chưa kịp nhổ râu, thở dài rồi lại xuất hiện. Turandot và Marceline, không, Marceline và Turandot thì đúng hơn đang bàn cãi về “cái gì hay, cái gì không hay” của máy giặt. Gabriel hôn lên trán Marceline. — Vĩnh biệt em, - Anh nói với chị giọng nghiêm trọng - anh đi làm nghĩa vụ của anh đây. Anh bắt thật chặt tay Turandot; xúc động đến nghẹt thở, anh không sao phát âm được những từ có tính chất lịch sử ngoài “anh đi làm nghĩa vụ của anh đây”, nhưng cái nhìn của anh thì đã phảng phất vẻ bâng khuâng trầm tư của những người mà định mệnh lớn lao đang đón đợi họ. Hai người kia thì suy ngẫm. Anh bước ra. Anh đã ra đến bên ngoài. Ngoài đường, anh hít hít mấy hơi gió, và chỉ ngửi thấy những mùi vị thường ngày và đặc biệt là mùi của La Cave tỏa ra. Anh không biết là phải đi về phía bắc hay phía mười hai giờ vì con phố hướng về phía ấy[21]. Nhưng một tiếng gọi cắt ngang sự phân vân của anh. Đấy là Gridoux, người thợ giày, từ cửa hàng của ông ta, đang ra hiệu cho anh. Gabriel tiến lại gần. — Tôi cá là anh đang tìm cô bé con. — Vâng - Gabriel lầu bầu không một chút hào hứng nào. — Tôi biết con bé đi đâu rồi. — Ông bao giờ cũng biết tất cả mọi việc - Gabiel nói với một tâm trạng không được vui. Cái lão này, anh tự nhủ thầm, mỗi lần nói chuyện với lão, là lão lại làm cho cái tính tự ti của mình tăng thêm. — Ông không quan tâm đến điều đó à? - Gridoux hỏi. — Tôi buộc là phải quan tâm. — Vậy thì tôi kể nhé? — Đến chết cười với mấy ông thợ giày này, - Gabriel trả lời - họ không ngơi tay bao giờ. Người ta có thể nghĩ rằng họ thíc thế, và để chứng minh là họ không ngơi tay bao giờ, họ ra đứng sau những cái tủ kính để làm việc cho người ta chiêm ngưỡng. Chẳng khác gì mấy bà thợ mạng tất ấy. — Còn anh, - Gridoux đối lại - anh đứng vào đâu để người ta chiêm ngưỡng anh? Gabiel gãi gãi đầu. — Chẳng đâu cả - Anh uể oải nói - Tôi thì tôi là nghệ sĩ. Tôi chẳng làm gì xấu. Với lại, đây không phải lúc để mà nói chuyện này. Việc con nhỏ mới cấp tốc kia. — Tôi trò chuyện vì tôi rất vui khi được trò chuyện - Gridoux trả lời từ tốn. Ông ta nghếch mũi ra khỏi công việc của mình. — Thế nào, - Ông ta hỏi - cái anh chàng ba hoa chết tiệt kia, anh có muốn biết điều zì hay không nào? — Thì tôi đã nói với ông là khẩn cấp mà lại. Gridoux tủm tỉm. — Turandot đã kể cho anh nghe khúc đầu rồi? — Ông ấy kể những gì ông ấy muốn kể. — Sao đi nữa thì những điều anh quan tâm, là những gì xảy ra sau đó. — Đúng - Gabriel nói - Chuyện gì đã xảy ra sau đó? — Sau đó? Thế khúc đầu anh không quan tâm sao? Con bé đang làm cái việc là bỏ nhà trốn đi đấy. Trốn nhà! — Rõ là vui vẻ! - Gabriel lẩm bẩm. — Anh chỉ còn nước đi báo công an. — Tôi chưa thấy cần thiết lắm - Gabriel nói, giọng yếu hẳn đi. — Nó chẳng tự về đâu. — Ai biết đâu đấy. Gridoux nhún vai. — Xét cho cùng, tôi nghĩ sao ư? Là tôi mặc kệ. — Tôi cũng thế! - Gabriel bảo - Thực tâm mà nói. — Anh, anh cũng có cái tâm à? Đến lượt Gabriel nhún vai. Nếu cả cái lão này lại cũng trở nên xấc xược thì… Không một lời, anh quay về nhà lên giường đi ngủ. 4 ◄○► Vì các công dân và các bà nhiều chuyện vẫn tiếp tục bàn tán về vụ đó, Zazie lặn mất. Nó rẽ sang con phố đầu tiên phía bên phải, rồi rẽ trái, cứ đi như thế đến tận dãy phố dẫn ra một trong mấy cửa ô của thành phố. Những nhà cao ốc tuyệt vời chừng bốn năm tầng nằm dọc trên một đại lộ lộng lẫy, còn vỉa hè thì chen chúc những sạp hàng tồi tàn. Một dòng người dầy đặc và xám xịt tràn ra mọi lối. Một chị bán bóng bay Lamoricière, một bản nhạc phát ra từ vòng quay ngựa gỗ đóng chặt âm điệu khiêm tốn của mình vào những tiếng rao hàng hung hăng. Mê mẩn mất một lúc Zazie mới nhận ra rằng, cách nó không xa, một tác phẩm rất cầu kỳ bằng sắt đứng lừng lững trên vỉa hè, có thêm hàng chữ: “Tàu điện ngầm”. Quên ngay lập tức cảnh tượng của phố phường, Zazie lại gần cái miệng tàu điện ngầm, còn miệng nó thì khô đi vì cảm xúc. Con bé đi rón rén một vòng quanh dãy lan can và tìm thấy chỗ ra vào. Nhưng những song sắt của cánh cửa lại đóng chặt. Một cái bảng treo có hàng chữ viết bằng phấn, mà chẳng khó nhọc gì Zazie vẫn đọc ra. Cuộc đình công vẫn tiếp tục. Mùi bụi khô nồng hơi sắt, bốc lên nhè nhẹ từ chốn vực sâu nghiêm cấm. Thất vọng, Zazie bật khóc. Cảm giác khoái chí vì được khóc của con bé mạnh đến nỗi, nó phải ra một cái ghế băng để ngồi mà tuôn trào nước mắt cho thoải mái hơn. Nhưng cũng chỉ được một lát, nỗi đau buồn của con bé đã bị chi phối: nó nhận ra sự có mặt của ai đó ngay cạnh mình. Con bé tò mò chờ xem sẽ phát sinh ra “cái gì”. “Cái” phát sinh ra là những từ ngữ bằng tiếng đàn ông giọng kim, những từ ngữ này hợp thành một câu nghi vấn như sau: — Thế nào, bé con của tôi, người ta có một nỗi buồn lớn lắm phải không? Trước sự giả dối ngốc nghếch của câu hỏi này, Zazie tăng thể tích nước mắt của nó lên gấp đôi. Dường như những tiếng nức nở trong lồng ngực của con bé quá dồn dập, đến nỗi nó có vẻ như không kịp kìm chúng lại. — Ghê gớm vậy cơ à? - Người ta hỏi. — Vơ-âng, thư… thưa ông. Nhưng mà thôi, đã đến lúc phải xem xem cái mõm của tên dâm đãng này nó thế nào. Zazie vuốt mặt, bàn tay nó đã biến dòng nước mắt cuồn cuộn kia thành những con suối nhỏ đầy bùn đất. Nó quay lại phía gã nọ. Con bé không thể tin vào mắt mình: gã thật kệch cỡm với hàng ria mép rậm đen xì, chiếc mũ quả dưa, cái ô đen và một đôi giày to kệch. Không thể thế được, Zazie tự nhủ thầm trong bụng, không thể thế được, đây là một diễn viên lang thang mà chỉ ngày xửa ngày xưa mới có. Nó quên cả cười. Còn gã, gã nhăn mặt, nhăn nhó cái kiểu thân thiện í, và giơ ra cho đứa trẻ một chiếc mùi xoa sạch đến ngạc nhiên. Zazie cầm lấy ngay, tặng vào đấy một phần các vết bẩn ướt át trên má nó và còn thêm một đống nhớt mũi to tướng. — Thôi nào… - Gã nọ nói, giọng đầy khích lệ - Có chuyện gì vậy? Bố mẹ cháu đánh đập cháu à? Cháu đánh mất cái gì đó rồi sợ bị mắng phải không? Gã đưa ra những giả thuyết. Zazie trả lại gã chiếc mùi xoa nhớp nháp. Gã nọ không hề bộc lộ một chút gì là kinh tởm khi cất cái thứ rác rưởi ấy vào túi mình. Gã tiếp tục: - Phải kể hết cho tôi. Đừng sợ. Cháu có thể tin vào tôi. — Tại sao? - Zazie lắp bắp và vờ vịt hỏi. — Tại sao? - Gã này nhắc lại, chưng hửng. Gã bắt đầu cào cào mặt đường trải nhựa với cây ô. — Vâng - Zazie nói - Tại sao tôi lại có thể tin vào ông được? — Tại vì, - Gã này trả lời, thôi không cào cào mặt đường nữa - Tại vì tôi rất quý trẻ em. Những cô bé. Và những cậu bé. — Vì ông là một lão khốn nạn thì có. — Hoàn toàn không phải thế! - Gã tuyên bố với giọng cả quyết làm Zazie phải ngạc nhiên. Lợi dụng thuận lợi này, “ngài” mời luôn con bé một ly ca-cô-ca-lô, ngay đấy, ở tiệm rượu nào cũng được, như vậy để hiểu là: đường đường chính chính giữa ban ngày, trước mặt tất cả mọi người, một lời mời ngay thật chứ gì nữa. Không muốn để lộ ra sự hào hứng của mình vì xắp được uống một chầu ca-cô-ca-lô, Zazie làm ra vẻ hết sức quan tâm đến đám người đối diện phía bên kia đường, đang dồn về giữa hai dãy sạp hàng. — Những người kia, họ đang làm trò gì thế? - Con bé hỏi. — Họ đi tới chợ zời, - Gã kia đáp - hay nói là chợ zời đang tới với họ thì đúng hơn, vì chợ đang bắt đầu rồi đấy. — A, chợ zời! - Zazie nói với giọng của người không muốn bị ai trộ - Chỗ mà người ta có thể kiếm được mấy bức tranh giá rẻ, rồi bán lại cho tụi Mẽo, thế là không bị phí một ngày chứ gì. — Không chỉ có tranh giá rẻ đâu, - Gã kia nói - mà có cả miếng lót giày, có hoa oải hương, đinh và cả áo vét chưa mặc bao giờ nữa. — Thế có đồ thừa của Mỹ bỏ lại không? — Tất nhiên rồi. Cả hàng bán khoai tây chiên nữa. Loại ngon ấy. Mới rán ngay sáng nay thôi. — Thíc thế, có đồ thừa của Mỹ… — Nếu người ta muốn, lại còn có cả trùng trục xào nữa. Loại ngon ấy. Không gây ngộ độc ấy. — Trong đồ thừa của Mỹ í, có quần blu-zin-zơ[22] không? — Có là cái chắc chứ. Và cả những cái địa bàn dùng được trong bóng tối nữa. — Tôi cần đếch gì địa bàn! - Zazie nói - Nhưng quần blu-zin-zơ thì… — Ta có thể vào đấy mà xem - Gã kia bảo. — Thế xong rồi thì sao? - Zazie nói - Tôi không có một xu nào để tặng cho mình một cái. Chỉ có cuỗm thì may ra. — Thì cứ vào xem đã - Gã lại bảo. Zazie uống nốt chỗ ca-cô-ca-lô. Nó nhìn gã kia và nói: — Tôi biết tỏng ông muốn đi tới đâu với đôi pataugas[23] của ông rồi. Nó thêm: — Đi thôi chứ? Gã kia trả tiền rồi họ hòa vào đám đông. Zazie luồn lỏi, bỏ qua những ông khắc biển xe đạp, những người thổi thủy tinh, những ông mời chào cà-vạt, những gã Ả-rập gọi mua đồng hồ, mấy mụ Di-gan bán gì cũng có. Gã kia chạy bén gót con bé, gã cũng tinh ma như nó. Lúc này, nó chưa muốn bỏ rơi gã, nhưng đã tính đến chuyện đó khi mà gã trở thành mối trở ngại đối với nó. Không nghi ngờ gì nữa, hắn là một tên chuyên gia. Con bé dừng lại ngay trước mặt một ông bán hàng đang mời chào đồ thừa. Thế là, khongnhucnhich nữa. Rồi khongnhucnhichtinao nữa. Gã kia cũng phanh lại, ngay đằng sau con nhỏ. Ông bán hàng bắt chuyện. — Các vị muốn cái địa bàn phải không? - Ông ta hỏi thẳng thừng - Hay cái đèn pin? Cái xuồng cao su? Zazie run lên vì thèm muốn và lo âu, vì thực ra con bé không hề chắc chắn là gã nọ có những ý định xấu. Nó không dám nói ra cái từ đã bội-đa-âm lại còn bằng tiếng Anh kia nữa. Cái từ nói lên được điều mà nó rất muốn nói. Nhưng kẻ phát âm từ đó lại là gã kia: — Ông có cái quần blu-zin-zơ cho con bé không? - Gã hỏi ông bán hàng. Bé thíc thứ đó à? — Ôi vâng! - Con bé lí nhí. — Có chứ, tôi có chứ, quần blu-zin-zơ phải không? - Ông chợ zời nói - Tôi muốn là tôi có chứ. Tôi có cả loại thực sự là không cũ đi bao giờ. — Vầng - Gã kia trả lời - Nhưng ông biết rõ là con bé sẽ còn cao lên. Năm tới, lúc nó chẳng mặc vừa cái của này nữa, thì để làm gì nào? — Để cho em trai hay em gái của cô bé. — Nó không có em. — Từ giờ sang năm, có thể sẽ có (cười)… — Đừng đùa với chuyện ấy - Gã kia nói với vẻ bi thảm - Mẹ nó chết rồi. — Ôi, xin lỗi. Zazie nhìn gã dâm đãng nọ một thoáng, với sự tò mò, và có lẽ cả sự quan tâm nữa, nhưng đấy là những điều ngoài lề, có thể tìm hiểu sâu hơn vào lúc khác. Con bé giậm giựt trong bụng, chẳng chịu được nữa, nó hỏi: — Ông có cỡ tôi không? — Tất nhiên rồi, cô bé ạ - Ông chợ phiên giày-đế-đỏ[24]trả lời. — Thế giá bao nhiêu? Zazie lại là người hỏi câu này. Một cách tự động. Vì nó tiết kiệm nhưng không keo kiệt. Ông kia nói giá cho nó. Gã nọ đung đưa cái đầu, tỏ vẻ cho là không đắt lắm. Ít ra thì đấy cũng là kết luận của Zazie qua thái độ của gã. — Tôi mặc thử có được không? - Con bé yêu cầu. Ông hàng tạp hóa thở dài: nó làm cứ như ở cửa hàng của Fior không bằng, cái con ôn này. Ông ta nhe hàm răng cười tươi tắn để nói rằng: — Chẳng cần đâu. Cứ nhìn cho tôi chiếc này mà xem. Ông ta giở cái quần ra và treo nó lên trước mặt con bé. Zazie phụng phịu. Nó rất muốn thử. — Không quá dài sao? - Nó lại hỏi. — Nhìn đây này! Nó sẽ không dài quá bắp chân cô đâu, nhìn đây nữa, xem nó có bó quá không nào? Chỉ vừa vặn để xỏ chân vào thôi, cô bé ạ, vả lại, cô rất mảnh dẻ. Thật, chứ tôi nói thế để làm gì. Zazie se cả họng. Một cái quần blu-zin-zơ. Như thế này này. Cho cuộc dạo chơi đầu tiên ở Paris. Thật hay biết mấy. Gã kia tự nhiên có vẻ mơ mộng. Cứ như thể lúc này hắn chẳng còn nghĩ gì đến tất cả những điều đang xảy ra quanh hắn. Ông bán hàng lại thêm: — Các vị sẽ chẳng ân hận đâu, a-lê! - Ông ta nằn nì - Đồ không bao giờ cũ được, thực sự là không-cũ-đi-bao-giờ. — Tôi đã nói với ông rồi mà, tôi đếch quan tâm đến cái chuyện nó không cũ đi bao giờ! - Gã kia trả lời một cách lơ đãng. — Thực tình, độ bền không phải là chuyện nhỏ đâu - Ông bán hàng vẫn cố. — Nhưng này, - Gã nọ đột nhiên nói - tôi nghĩ, nếu tôi hiểu không sai, thì cái quần blu-zin-zơ này là từ đồ thừa của Mỹ? — Natürlich - Ông chợ phiên nói. — Thế thì ông có thể zải thíc cho tôi điều này không: trong quân đội của họ, của tụi Mẽo ấy, có cả mấy cô nhóc à? — Gì cũng có - Ông chợ phiên trả lời không hề dao động. Gã nọ có vẻ không tin lắm. — Chứ sao nữa - Ông bán hàng lại nói, không muốn bị trượt mất một cú vì câu chuyện mang tính chất toàn cầu kia - Cần phải có đủ mọi thứ mới làm nên một cuộc chiến tranh! — Thế cái này? - Gã nọ hỏi - Cái này giá bao nhiêu? Đấy là mấy cặp kính chống nắng. Hắn đeo vào. — Đây là quà tặng cho những người mua quần blu-zin-zơ - Ông bán hàng rong thấy cá xắp cắn mồi, nói. Zazie thì chưa tin chắc lắm. Nào, hắn có quyết định hay không nào? Hắn chờ gì nữa? Hắn tưởng cái gì? Hắn muốn gì nào? Đây chắc chắn là một tên đểu, không phải một gã kinh tởm không có khả năng tự vệ, mà đúng là một tên đểu. Phải cảnh zác, cảnh zác, cảnh zác. Nhưng còn cái quần blu-zin-zơ… Rồi, xuôi rồi. Gã kia trả tiền. Món hàng được gói lại, gã cặp cái bọc vào nách, vào nách của gã. Zazie, trong bụng, bắt đầu than trời. Như vậy là vẫn chưa hết chuyện? — Bây giờ, - Gã kia bảo - ta đi nhấm nháp tí. Gã đi trước, rất tự tin. Zazie theo sau, mắt chằm chằm vào cái bọc. Gã dẫn con bé như thế đến tận một quán cà phê kiêm nhà hàng. Cả hai ngồi vào bàn. Cái bọc được đặt trên một cái ghế, xa tầm tay của Zazie. — Bé muốn ăn gì? - Gã kia hỏi - Khoai tây rán hay trùng trục xào? — Cả hai - Zazie trả lời, nó cảm thấy điên lên vì tức giận. — Cứ mang trùng trục ra cho con bé đã - Gã kia bình tĩnh nói với cô phục vụ - Còn tôi thì một ly rượu muscadet với hai miếng đường. Trong khi chờ, không ai nói năng gì. Gã kia bình thản hút thuốc. Món trùng trục được dọn ra, Zazie lăn xả vào ăn, lặn ngụp trong nước sốt, bì bõm trong nước trùng trục, bôi bác lên khắp mặt. Con nào còn cưỡng lại không chịu mở ra trên bếp đều bị rứt ra khỏi vỏ với tính hung bạo triều đại Merovingian. Chỉ còn thiếu mỗi nước là con bé nhai cả vỏ. Khi đã giải quyết sạch chỗ trùng trục, nó cũng không từ chối món khoai tây. Được thôi, gã kia nói. Còn hắn, hắn nhâm nhi cái thứ lộn xộn của hắn từng tí một, cứ như đó là rượu chartreuse nóng không bằng. Người ta mang khoai tây rán ra. Nóng rẫy chưa từng thấy. Zazie, háu ăn, bỏng cả tay, may không bỏng mặt. Khi đã hết sạch, con bé cạn một mạch vại panaché, buông ra ba tiếng ợ nhỏ và thả mình trên ghế, mệt phờ. Gương mặt nó đã từng phảng phất cái bóng man rợ gần giống với sắc khí của kẻ ăn thịt người, giờ đây sáng lên. Con bé hài lòng nghĩ rằng được chừng đó cũng là tốt rồi. Và nó tự hỏi phải chăng đã đến lúc phải nói vài điều gì đó dễ chịu với gã nọ, nhưng nói gì đây? Phải cố gắng lắm nó mới tìm ra câu này: — Mãi ông mới hết được cái chung rượu của ông. Bố í, với từng í thời gian, thì bố đã chẳng cạn được mười chung như thế. — Bố bé uống rượu ghê lắm à? — Phải nói bố đã từng uống thì đúng hơn. Bố chết rồi. — Lúc bố chết, chắc bé buồn lắm? — Đâu có (động tác). Tôi đâu có thời gian vì bao nhiêu chuyện đã xảy ra (im lặng). — Chuyện gì đã xảy ra nào? — Giá tôi được một vại nữa thì tốt nhỉ? Nhưng không phải panaché, mà là một vại bia thật kìa! Gã nọ gọi bia cho con bé và hỏi mượn một cái thìa. Gã muốn vét nốt tí đường còn lại dưới đáy chung. Trong khi gã bắt tay vào thao tác này, Zazie mút tí bọt trong vại bia của nó, rồi trả lời: — Ông có đọc báo không? — Thỉnh thoảng. — Ông còn nhớ bà thợ may ở Saint-Montron, người đã bửa sọ của chồng mình ra bằng rìu không? Đấy là mẹ. Còn người chồng, dĩ nhiên là bố. — À! - Gã kia nói. — Ông không nhớ à? Lão có vẻ không chắc lắm. Zazie phẫn nộ. — Đếch gì, người ta đã chẳng làm ồn lên mãi là gì! Mẹ có một ông luật sư từ Paris xuống, đấy là cố tình đấy, rất nổi tiếng, không nói năng như ông với tôi đâu, một lão dở hơi í mà. Nhưng dù vậy thì lão cũng làm cho mẹ được trắng án, thế này này (động tác), như chơi ấy. Người ta lại còn vỗ tay hoan hô mẹ, chỉ thiếu mỗi nước là nâng mẹ lên để mừng thắng lợi thôi. Hôm ấy được quậy một bữa sướng luôn! Chỉ có một chuyện làm mẹ buồn, là chuyện cái lão người Paris, lão luật sư ấy, lão có chịu nhận thù lao bằng những khoanh xúc xích đâu. Lão háu đói lắm, lão quỷ ấy. May quá, lần ấy có Georges. — Georges này là ai vậy? — Người bán thực phẩm làm từ thịt lợn. Một ông mặt đỏ. Bô của mẹ. Chính ông ấy đã đưa cho mẹ cái rìu (im lặng) để mẹ “chặt gỗ” (cười nhẹ). Con bé nhấp một hớp bia, một cách tao nhã, chỉ thiếu mỗi ngón tay út cong lên thôi. — Chưa hết đâu - Nó thêm - Tôi, người mà ông đang thấy trước mặt ông đây, tôi đã ra làm chứng trước phiên tòa xử kín nữa kia đấy. Gã kia không phản ứng gì. — Ông không tin tôi à? — Tất nhiên không rồi. Một đứa trẻ làm chứng chống lại cha mẹ là sai pháp luật. — Trước tiên, nếu nói đến cha mẹ thì chỉ còn có mẹ, đấy là điều thứ nhất, sau nữa, ông chẳng biết cái gì cả. Ông cứ thử xuống chỗ chúng tôi ở Saint Montron thì biết, tôi sẽ cho ông xem cuốn vở tôi dán tất cả những bài báo người ta viết về tôi. Ngay Georges, khi mẹ ở trong tù, đến Nô-en, ông ấy còn đặt dài hạn tạp chí Argus de la Presse[25] để tặng tôi. Ông có biết Argus de la Presse không? — Không - Gã kia nói. — Thật tệ hại. Thế mà cái của ấy lại muốn tranh luận với mình! — Tại sao bé lại làm chứng trong phiên tòa xử kín? — Điều ấy làm ông quan tâm, nhởi? — Cũng chẳng quan tâm một cách đặc biệt đâu. — Sao mà ông khéo vờ vịt thế. Con bé uống một hớp bia, một cách tao nhã, chỉ thiếu mỗi ngón tay út cong lên thôi. Gã kia không hé một lời (im lặng). — Thôi nào, - Cuối cùng Zazie nói - chả nên giận dỗi thế làm gì. Tôi sẽ kể cho ông nghe câu chuyện của tôi. - Tôi nghe đây. — Thế này nhé. Phải nói là mẹ không muốn yêu bố, thế là bố, vì buồn nên bố bắt đầu uống rượu. Bố đã uống không biết bao nhiêu cái chai bảy lăm í. Vậy là, lúc bố uống nhiều như thế, thì phải tránh xa bố ra nhé, vì ngay cả con mèo cũng không thoát được. Như trong bài hát ấy. Ông có biết bài đấy không? — Biết - Gã kia nói. — Tốt. Vậy tôi tiếp tục: hôm ấy, chủ nhật, tôi về nhà để xem một trận bóng đá, có đội của Sân Sanctimontronais đấu với đội Sao Đỏ của Neuflize, là đơn vị danh dự, không tồi tí nào. Ông, ông có quan tâm đến thể thao không? — Có. Đến môn catch. Nhìn thân hình tàng tàng của lão, Zazie cười khẩy. — Vào hạng khán giả thì có! - Nó nói. — Đấy là một mánh khôn của khối người! - Gã kia độp lại, lạnh tanh. Tức điên, Zazie cạn vại bia, không hở miệng nữa. — Thôi nào, - Gã nói - đừng dỗi thế. Kể tiếp chuyện của bé đi. — Nó có hấp dẫn ông không, chuyện của tôi í? — Có. — Vậy thì lúc nãy ông đã nói dối? — Thôi, kể tiếp đi. — Ông đừng có cáu lên. Như thế ông mới bình tĩnh để thưởng thức câu chuyện của tôi được. 5 ◄○► Gã nọ im re và Zazie trở lại bài diễn thuyết của mình bằng những lời lẽ sau đây: — Bố ấy, như vậy là bố ở nhà có mỗi một mình, một mình và chờ đợi, chẳng chờ đợi gì đặc biệt đâu, nhưng vẫn cứ chờ. Thế là mỗi mình bố ở nhà, đúng hơn là bố tưởng rằng bố có mỗi một mình… Hãy chờ tí, ông sẽ hiểu ngay giờ. Thế, tôi đi vào nhà, phải nói là bố đã xỉn, mặt xám đen như trâu đất ấy, bố hôn tôi, thế là bình thường, vì đấy là bố tôi mà, nhưng rồi bố bắt đầu cù-kỳ-kỳ-cục tôi, thế là tôi bảo, à không, vì tôi hiểu là thằng cha ấy muốn đi tới đâu rồi, thằng cha khốn nạn ấy, nhưng khi tôi nói, à không, cái đó thì không bao giờ, lão liền nhẩy bổ ra cửa, khóa lại, cất chìa vào túi rồi trợn mắt lên và làm “a a a” giống hệt như xi-nê-ma, khủng khiếp luôn. Mày sẽ vào xoong thôi con ạ, lão la lên thế, mày sẽ vào xoong, lão còn chảy cả nước dãi khi tuôn ra những tiếng hăm dọa kinh tởm ấy, cuối cùng lão nhẩy xổ vào tôi. Tôi tránh được, chẳng khó gì mấy. Vì đã say đừ ra rồi, lão ngã dập mặt xuống đất. Rồi lão đứng dậy. Lão lại bắt đầu đuổi theo tôi, nói tóm lại là, giống y như trận đấu bò tót í. Thế rồi lão cũng tóm được tôi. Thế là cái trò cù-kỳ-kỳ-cục lại bắt đầu. Nhưng đúng lúc đó, cánh cửa từ từ mở ra, vì phải nói với ông là trước đó mẹ đã nói với bố thế này, tôi đi ra mua mì spaghetti với ít thịt lườn, nhưng có phải đâu, nói thế để lừa lão thôi, mẹ chỉ vào núp trong phòng ủi đồ, chỗ mà mẹ giấu cái rìu, xong mẹ lẳng lặng đi vào, tất nhiên là với xâu chìa khóa của mẹ. Không ngốc cái con cóc tí nào, nhỉ? — Đúng thế - Gã kia nói. — Vậy là mẹ lẳng lặng mở cửa đi vào, bình tĩnh như không, bố còn đang mải nghĩ tới chuyện khác, cái lão khốn khổ ấy chẳng để ý gì, vì thế mà lão bị bửa sọ ra. Phải nói là mẹ canh rất đúng. Nhìn không đẹp tí nào. Kinh khủng là đằng khác. Đủ để cho tôi phải áy náy. Thế rồi mẹ được trắng án. Chính Georges đưa rìu cho mẹ, tôi nói cách mấy cũng chẳng làm được gì. Họ nói, khi người chồng là một tên khốn nạn cỡ ấy, chỉ còn mỗi việc là làm cho tan xương ra thôi. Tôi đã nói với ông hồi nãy, họ còn hoan nghênh mẹ nữa chứ. Quá đáng, ông có thấy thế không? — Con người ta thì… - Gã kia nói (động tác). — Sau này, mẹ trách tôi, bà ấy bảo con cà chớn, cần gì mà phải kể cái chuyện cây rìu ấy ra? Thì sao, tôi trả lời, thế đấy không phải là sự thật à? Con cà chớn, bà ấy nhắc lại và còn muốn “cạo” tôi một trận giữa niềm hân hoan chung nữa chứ. Nhưng Georges làm mẹ bình tĩnh lại, và vì mẹ đang rất hãnh diện khi được những người mà mẹ không quen biết hoan nghênh, nên mẹ chẳng nghĩ tới chuyện gì khác. Dù sào thì cũng được thế một ít lâu. — Thế rồi sao? - Gã hỏi. — Thế rồi đến lượt Georges bắt đầu lượn lờ quanh tôi. Vậy là mẹ nói thế này, mẹ nói chả lẽ mẹ lại giết hết cả lũ ấy, sẽ thành ra chuyện kỳ cục mất, và mẹ đuổi ông ấy ra khỏi cửa, vì tôi mà mẹ mất anh bồ. Thế chẳng tốt đẹp sao? Đấy chẳng phải một người mẹ hiền sao? — Có chứ - Gã nói vẻ làm lành. — Nhưng mà, cách đây ít lâu, mẹ lại tìm được một anh chàng khác, chính anh ta đưa mẹ lên Paris, mẹ chạy theo hắn. Còn tôi, để tôi không phải ở nhà một mình làm mồi cho tất cả những tên dâm đãng, mà những tên dâm đãng thì đầy, mẹ đã gửi tôi cho cậu Gabriel. Nghe nói rằng với cậu ấy, chẳng có gì phải lo lắng cả. — Tại sao lại thế? — Tôi chẳng biết. Tôi vừa đến nhà cậu hôm qua và chưa có thời gian để nhận định. — Anh ta làm nghề gì, cậu Gabriel của bé ấy? — Cậu ấy làm nghề gác đêm, cậu không bao giờ dậy trước mười hai giờ, một giờ trưa. — Thế là bé chuồn đi khi cậu còn đang ngủ khì khì? — Đúng thế. — Thế bé ở đâu? — Đằng này (động tác). — Tại sao lúc nãy bé lại ngồi khóc trên ghế băng? Zazie không trả lời. Lão bắt đầu làm phiền mình, cái lão này. — Bé bị lạc chứ gì? Zazie nhún vai. Đây đúng là một tên ghê tởm. — Bé có nói cho tôi địa chỉ của cậu Gabriel được không? Zazie làm một bài diễn thuyết rất dài với tiếng nói nho nhỏ của nó trong đầu: “Ơ này, việc gì đến lão cơ chứ, lão tưởng tượng cái gì không biết, thật đáng kiếp vì những gì mà lão sắp phải chịu bây giờ đây.” Đột ngột, con bé bật dậy, vớ lấy cái bọc và chạy mất. Nó lao vào trong đám đông, luồn lách giữa những đoàn người và những sạp hàng, cứ nhắm đằng trước mà zic zac chạy. Rồi nó ngoặt gấp, lúc qua phải lúc qua trái, khi vòng qua khi vòng lại, lúc chạy lúc đi, khi vội vã khi thư thả, rồi lại túc tắc phi… Khi con bé sắp sửa cười nhạo cái gã ngớ ngẩn kia, và cười cái mặt không biết nó ra thế nào của gã, thì nó hiểu là nó đã tự khen mình quá sớm. Ai đó bước đi bên cạnh con bé. Không cần phải ngước mắt lên thì cũng biết đấy chính là hắn, nhưng con bé cứ nhìn lên, biết đâu được, có khi lại là người khác, vậy mà không, vẫn chính là gã, gã chẳng hề tỏ vẻ là có điều gì không bình thường đang xảy ra cả. Gã bước đi thế này này, bình thản như không. Zazie chẳng nói gì. Mắt nhìn xuống, nó len lén quan xát xung quanh. Ta đã ra khỏi đám đông ồn ào, bây giờ ta đang đi trên một con phố rộng vừa phải, qua lại là những người lương thiện với bộ mặt đần độn, những người cha của gia đình, những vị hưu trí, những mụ đàn bà đưa con đi dạo, đám khản giả bằng vàng chứ còn gì nữa! Vậy là ngon lành rồi, Zazie tự nhủ. Nó hít một hơi và ngoác miệng định gào lên tiếng thét xung trận: “Bớ người ta đồ dâm đãng!” Nhưng gã kia không phải là một tay mới chân ướt chân ráo. Gã hung dữ giật lấy cái bọc, túm lấy con bé lắc lấy lắc để và hết sức la lên những lời lẽ sau: — Mày không biết xấu hổ à? Đồ nhãi ranh ăn cắp! Người ta chỉ vừa quay đi… Gã kêu gọi đám đông đang tụ lại: — Đây! Hỡi các vị công dân, hãy nhìn xem nó muốn chôm cái gì của tôi này. Và gã zơ cái bọc lên cao quá đầu, vung qua vung lại. — Một cái quần blu-zin-zơ! - Gã gào to - Nó xuýt cuốm cùa tôi cái quần blu-zin-zơ, cái con ranh này! — Thế có khổ không cơ chứ! - Một bà nội trợ bình phẩm. — Giống đâu lại có giống như thế! - Một bà khác nói. — Đồ xấu xa! - Bà thứ ba thêm - Không ai dạy cho nó biết rằng quyền sở hữu là vô cùng thiêng liêng hay sao? Gã kia vẫn tiếp tục mắng mỏ con bé: — Thế, nếu tao đưa mày ra đồn, hả? Ra đồn công an ấy! Mày sẽ bị bỏ tù. Bỏ tù! Mày sẽ phải ra trước tòa án dành cho trẻ vị thành niên. Rồi cuối cùng thì vào nhà cải tạo. Vì mày sẽ bị kết án. Án tối đa. Một bà thuộc tầng lớp thượng lưu, đang đi về khu bán các loại đồ trang trí quý hiếm, tình cờ qua đấy, rủ lòng đứng lại. Bà ta điều tra đám quần chúng về lý do của vụ om xòm. Và, khi đã hiểu ra (không phải là không chật vật ít nhiều!!!), bà muốn kêu gọi lòng nhân đạo, biết đâu còn tồn tại trong con người cái gã kỳ dị này, mà cái mũ hình quả dưa, bộ ria đen và cặp kính màu chẳng có vẻ làm cho dân chúng ngạc nhiên chút nào. — Ông ạ, - Bà ta nói với gã - hãy thương hại cháu bé này. Nó có lỗi gì trong lối giáo dục xấu mà, có thể là, nó đã nhận được đâu. Chắc là sự đói khát đã buộc con bé phải làm hành động xấu này. Không nên quá, tôi nói là không-nên-quá oán giận nó. Ông có bao giờ bị đói không (im lặng), thưa ông? — Tôi ư, thưa bà? - Gã kia trả lời vẻ cay đắng (ngay cả điện ảnh cũng không làm được hơn thế, Zazie tự nhủ) - Tôi ư, bị đói ư? Tôi là đứa con của Cứu tế Xã hội, thưa bà… Đám đông xôn xao những tiếng rì rầm cảm thông. Lợi dụng hiệu quả ấy, gã rẽ đám đông, lôi Zazie đi, và tuyên bố với một giọng bi ai: “Để xem xem gia đình cô nói năng thế nào đây!” Rồi gã tịt ngòi khi đã đi khỏi đấy được một đoạn. Họ cứ lặng lẽ đi như thế một lúc, chợt gã kia nói: — Ơ, mình bỏ quên cái ô ở quán rượu. Gã chỉ tự nói với mình bằng giọng vừa phải thôi, nhưng Zazie, chẳng cần lâu la gì, đã rút ra được một kết luận về câu nhận xét ấy: đây không phải là một tên dâm đãng thật đóng vai một công an giả, mà là một công an thật đóng làm tên dâm đãng giả muốn có bộ dạng của một công an thật. Chứng cớ là hắn đã bỏ quên cái ô đen của hắn. Theo con bé, lập luận này là không thể tranh cãi được. Zazie tự bảo, có lẽ đây là một mánh hay để làm cho cậu nó được đối mặt với một tay công an, một tay công an thật! Và thế là, khi gã nọ tuyên bố là hoàn toàn không có chuyện ấy, và hỏi nó đang ngụ tại đâu, con bé chẳng chần chừ, nói ngay cho gã địa chỉ. Mánh của con bé quả là hay thật: sau khi Gabriel mở cửa ra và reo tướng lên “Zazie!”, nó liền vui vẻ giới thiệu, “cậu ơi, một lão cớm muốn nói chuyện với cậu này”, anh xanh hết cả mặt, tựa lưng vào tường. Thật ra có lẽ đấy chỉ là do anh bị chói sáng, vì chỗ ra vào quả là tối om, nhưng gã kia tỏ vẻ như không nhận ra điều gì, Gabriel chỉ vẻn vẹn “mời vào” bằng một giọng chuệch choạc. Thế là họ đi vào phòng ăn và Marceline nhẩy bổ vào Zazie tỏ vẻ vui mừng khôn xiết vì đã tìm thấy đứa trẻ. Gabriel bảo chị: mời ông đây uống một chút gì đi em, nhưng gã kia ra hiệu rằng gã chẳng muốn nuốt thứ gì cả, không như Gabriel, anh yêu cầu mang lại cho anh chai xi-rô một lít. Gã kia tự động ngồi xuống, trong khi Gabriel rót cho mình một dung lượng xi-rô khá lớn mà anh pha thêm với một chút nước mát. — Ông không muốn uống tí gì thật à? — (động tác) Gabriel nốc cạn cái chỗ xi-rô để trấn tĩnh lại, đặt chiếc cốc xuống bàn và đợi, không chớp mắt, nhưng gã kia tỏ vẻ không muốn nói năng gì. Zazie và Marceline, đứng đó, quan sát hai người. Tình trạng ấy chắc còn kéo dài nữa. Nhưng rồi, Gabriel đã tìm ra một ý gì đó để mở đầu cuộc trò chuyện. — Vậy… - Gabriel nói - Thế ra ông là cớm à? — Chưa bao giờ! - Gã kia kêu lên với giọng đầy thân tình - Tôi chỉ là một anh bán chợ phiên quèn thôi. — Đừng tin lão - Zazie nói - Một công an quèn thì có. — Phải thống nhất với nhau đi - Gabriel uể oải nói. — Con bé nói đùa đấy - Gã nọ nói vẻ nhất mực hiền lành - Mọi người vẫn gọi tôi là Pédro Đồ-thừa, ông cứ đến chợ zời vào thứ bảy, chủ nhật và thứ hai hàng tuần, là sẽ thấy tôi phân phát cho dân chúng những đồ vật nho nhỏ, thứ mà quân đội Mẽo bỏ vương vất đằng sau họ khi giải phóng địa bàn. — Ông phát không à? - Gabriel hỏi với vẻ hơi quan tâm. — Anh cứ nói vui thế chứ - Gã nói - Tôi đổi chúng với những đồng xu nho nhỏ (im lặng). Loại trừ trường hợp này. — Ông muốn nói gì vậy? - Gabriel hỏi. — Tôi muốn nói một cách đơn giản là con bé (động tác) đã cuỗm cái quần blu-zin-zơ của tôi. — Nếu chỉ có vậy, - Gabriel bảo - thì nó sẽ trả lại ông. — Lão khốn nạn, - Zazie nói - lão ấy đã lấy lại rồi. — Vậy thì, - Gabriel nói với gã kia - ông còn kêu ca cái gì nữa? — Thì tôi kêu ca, thế thôi. — Cái quần blu-zin-zơ là của cháu - Zazie nói - Chính lão đã cuỗm của cháu. Thật mà. Hơn nữa, đấy là một tên cớm. Cẩn thận đấy, cậu Gabriel ạ. Gabriel, không an tâm chút nào, lại rót cho mình một cốc xi-rô nữa. — Tất cả những chuyện này chẳng đâu vào đâu cả - Anh nói - Nếu ông là công an thì tôi không hiểu tại sao ông lại kêu ca, và, nếu không phải công an, thì không có lý do gì mà ông lại đi chất vấn tôi. — Xin lỗi anh, - Gã bảo - có phải tôi là người đã đặt câu hỏi đâu, chính anh đấy chứ. — Đúng thế - Gabriel thừa nhận một cách khách quan. — Thế là toi rồi! - Zazie nói - Cậu lại xắp để cho hắn muốn làm gì thì làm đấy! — Có lẽ bây giờ đến lượt tôi đặt câu hỏi chứ! - Gã kia nói. — Chỉ trả lời khi có mặt luật sư thôi cậu ạ - Zazie nói. — Để mặc cậu! - Gabriel nói - Cậu biết là phải làm gì rồi. — Lão sẽ làm cậu phải nói ra tất cả những gì lão muốn. — Con bé làm như tôi là một thằng ngốc ấy - Gabriel nhã nhặn nói với gã kia - Tụi trẻ con bây giờ chúng nó thế đấy. — Không còn sự kính trọng đối với người đi trước nữa - Gã bảo. — Thật là phát tởm khi phải nghe những điều tầm bậy tầm bạ như thế! - Zazie tuyên bố. Nó đã có ý đồ của nó - Cháu thíc đi ra chỗ khác cho xong. — Đúng đấy - Gã kia nói - Giá những người thuộc giới tính thứ hai có thể ra khỏi đây nhỉ? — Càng hay - Zazie cười khẩy, nói. Khi đi ra khỏi căn phòng, nó kín đáo lấy lại cái gói mà gã nọ bỏ quên trên một chiếc ghế. — Các vị ngồi lại nhé - Marceline dịu dàng nói rồi cũng đi ra. Chị khe khẽ đóng cửa lại sau mình. — Thế nào? - Gã kia nói (im lặng) - Vậy ra anh sống bằng tiền làm mãi dâm của mấy bé gái à? Gabriel giả vờ ưỡn thẳng người lên để làm một cử chỉ phản đối rất kịch, nhưng anh co lại ngay. — Ông nói tôi ư? - Anh thều thào. — Đúng! - Gã nọ đốp luôn - Đúng, chính anh. Anh không nói ngược lại với tôi được đâu. — Có chứ! — Anh thật bạo gan. Chứng cớ rành rành. Con bé này đã mời khách giữa chợ zời. Tôi hy vọng là ít ra anh đã không bán nó cho tụi Ả-rập. — Không bao giờ. — Cho tụi Ba-lan? — Cũng không luôn. — Chỉ bán cho người Pháp và những khách du lịch giầu có? — Chẳng “chỉ bán” cho ai sất. Chỗ xi-rô bắt đầu có tác dụng. Gabriel đã lấy lại sức. — Thế nào, anh không nhận tội à? — Chứ sao nữa! Gã mỉm cười một cách quỷ quái, như trong điện ảnh. — Thế thì hãy nói cho tôi biết, chàng lực lưỡng của tôi ạ, - Gã thì thầm - nghề của anh là nghề gì hoặc ngành gì mà đằng sau cái nghề hay cái ngành ấy anh giấu giếm được những hoạt động phạm pháp của mình? — Tôi nhắc lại với ông rằng tôi không có bất cứ một hoạt động phạm pháp nào. — Đừng nhiều chuyện! Nghề gì? — Nghệ sĩ. — Anh, một nghệ sĩ? Con bé nói với tôi anh làm nghề gác đêm. — Con bé mà biết gì. Với lại không phải lúc nào người ta cũng nói đúng sự thật với trẻ con. Đúng thế không? — Với tôi, người ta bao giờ cũng nói thật. — Nhưng ông đâu có phải một đứa trẻ con (mỉm cười nhã nhặn). Một cốc xi-rô nhé? — (động tác) Gabriel rót cho mình một cốc xi-rô nữa. — Vậy thì, - Gã lại hỏi - nghệ sĩ loại gì? Gabriel nhìn xuống một cách khiêm tốn. — Vũ nữ gợi cảm - Anh trả lời. 6 ◄○► Họ đang nói với nhau cái gì thế? - Zazie xỏ xắp xong cái quần blu-zin zơ, hỏi. — Họ nói bé quá, - Marceline dịu dàng nói, tai áp sát vào cánh cửa buồng - mợ không hiểu được. Chị nói dối một cách dịu dàng, cái chị Marceline ấy, vì thực ra chị nghe thấy rất rõ gã kia nói thế này, à hóa ra vậy, vì anh là một gã pê-đan nên người mẹ mới gửi con bé cho anh chứ gì? Và Gabriel trả lời, nhưng tôi đã bảo ông là tôi không thế. Đồng ý là tôi mặc trang phục đàn bà để biểu diễn tiết mục của tôi trong một rạp hát dành cho mấy “dì” mấy “mợ”, nhưng việc đó không có ý nghĩa gì cả. Chẳng qua chỉ để pha trò cho thiên hạ thôi. Ông hiểu chứ, vì thân hình cao lớn của tôi mà họ cười rách miệng ra. Nhưng tôi, cá nhân tôi mà nói, tôi có thế đâu. Bằng chứng là tôi có vợ. Zazie vừa ngắm mình trong gương, vừa chảy cả nước dãi vì hâm mộ. Nói là hợp thì quả là cái quần blu-zin-zơ hợp với nó thật. Vuốt tay lên cặp mông nhỏ tròn lẳn hoàn hảo mà ai cũng mong có được, con bé thở phào rõ mạnh, vô cùng mỹ mãn. — Mợ không nghe thấy gì thật à? - Nó hỏi - Một tí cũng không à? — Không - Marceline nhỏ nhẹ trả lời, vẫn dối trá như thế vì gã kia đang nói, không nghĩa lý gì, dù sao thì anh cũng đừng có chối là mẹ con bé coi anh như một người dì của nó nên mới gửi con bé cho anh. Và Gabriel chắc phải công nhận điều đó. Cũng có thể, cũng có thể, anh nhượng bộ. — Mợ thấy cháu thế nào? - Zazie hỏi - Được quá đi chứ? Marceline, không nghe ngóng nữa, công nhận con bé có lý. — Bây giờ, lũ con gái đều mặc như thế - Chị dịu dàng nói. — Mợ không thíc à? — Có chứ. Mà này, cháu có chắc là cái lão kia sẽ không bảo gì vì cháu lấy cái gói của lão ấy không? — Nhưng cháu nhắc lại với mợ đây là của cháu. Lão ấy sẽ trố mắt ra khi nhìn thấy cháu mặc cái quần này cho mà xem. — Vì cháu có ý định mặc ra đấy trước khi lão đi khỏi à? — Cháu muốn thế - Zazie nói - Cháu chẳng ở trong này để mà lên mốc lên meo đâu. Con bé đi dọc căn phòng, đến dán một bên tai vào cánh cửa. Nó nghe thấy gã kia nói, ơ, không biết tôi để cái gói của tôi đâu nhỉ? — Mợ Marceline này thì… - Zazie nói - Mợ qua mặt cháu hay mợ điếc đặc đấy? Nghe thấy rất rõ những gì họ đang kể lể đấy chứ. — Thế thì họ đang kể lể những gì nào? Tạm thời cho qua việc phải đi sâu vào vấn đề mợ nó có khả năng bị điếc hay không, Zazie lại dính chặt cái “vỏ sò” của nó vào tấm cửa gỗ. Gã nọ đang nói thế này, ơ kìa, phải xem xem, tôi hy vọng là con bé không cuỗm cái gói của tôi. Và Gabriel gợi ý, có khi ông không mang đến đây. Có chứ, gã kia nói, nếu con nhóc mà lấy thì sẽ to chuyện đấy. — Sao mà lão ca cẩm lắm thế! - Zazie nói. — Lão ấy chưa đi à? - Marceline dịu dàng hỏi. — Không - Zazie đáp - Và bây giờ lão ấy lại đang công kích cậu về mợ đấy. Nói cho cùng, gã kia nói, biết đâu chính chị nhà anh đã cuỗm cái gói của tôi cũng nên. Có khi chị ấy cũng muốn bận quần blu-zin-zơ, chị vợ nhà anh ấy. Cái ấy thì không, Gabriel bảo, dứt khoát là không. Làm sao anh biết được? Gã đốp lại. Chị ấy nảy ra cái ý đấy vì lấy phải một anh chồng có kiểu cách của người đồng tình luyến ái[26]. — Người đồng tình luyến ái là gì hả mợ? - Zazie hỏi. — Là một người đàn ông mặc quần blu-zin-zơ - Marceline dịu dàng nói. — Mợ chỉ nói đùa - Zazie bảo. — Gabriel nên cho lão ra khỏi cửa - Marceline nói một cách dịu dàng. — Đấy là một ý kiến rất phong phú! - Zazie nói với chị. Rồi, với vẻ cảnh giác: — Cậu dám chơi không? — Cháu cứ chờ xem. — Đợi tí, để cháu ra trước. Con bé mở cửa, với một giọng to và trong, nó phát âm những từ ngữ sau: — Nào cậu Gabriel, cậu thấy cái quần blu-zin-zơ của cháu thế nào? — Cháu có cởi nó ra mau mau không! - Gabriel kinh hoàng la lên - Và trả lại cho ông đây ngay lập tức. — Trả lại cái đít cháu! - Zazie tuyên bố - Không có lý do gì. Nó là của cháu. — Cậu không chắc tí nào - Gabriel bực bội nói. — Đúng rồi - Gã kia nói - Cởi ra, mau lên! — Tống lão ra khỏi cửa đi - Zazie nói với Gabriel. — Cháu nhiều ý hay nhỉ - Gabriel nói - Cháu thông báo cho cậu đây là một lão cớm, rồi cháu muốn là cậu đập hắn. — Không phải vì đây là một lão cớm mà phải sợ - Zazie nói một cách hùng hồn - Đây là một lão tởm lợm đã nói với cháu những điều bẩn thỉu, mình sẽ ra trước tòa, dù lão có là công an gì gì đi nữa. Mà các quan tòa thì cháu biết rồi, họ yêu những cô bé gái, còn tên cớm dơ dáy này, hắn sẽ bị kết án tử hình và bị chém đầu. Thế là cháu, cháu sẽ đến nhặt cái đầu hắn trong cái sọt cám[27], cháu sẽ nhổ vào cái mặt đáng ghét của hắn, hê hê. Gabriel rên rỉ và nhắm mắt lại vì liên tưởng tới những cảnh tượng tàn bạo kia. Anh quay lại phía gã nọ: — Ông có nghe thấy không? - Anh bảo gã - Ông đã suy nghĩ kỹ chưa, tụi trẻ con, ông biết rồi đấy. — Cậu Gabriel, - Zazie kêu lên - cháu thề với cậu, nó là của cháu, chiếc quần blu-zin-zơ này. Cậu phải bênh vực cháu, cậu Gabriel. Phải bênh vực cháu. Mẹ sẽ bảo sao nếu mẹ biết được là cậu để cháu bị lăng nhục bởi một tên vô lại, một tên vô tích sự, có khi còn là một tên lái xe ngày chủ nhật nữa[28]. “Cái cứt gì!” Con bé tự nhận xét về nó bằng một giọng nho nhỏ trong đầu. “Mình cũng ngon lành như Michèle Morgan trong phim Người đàn bà với cây sơn trà đấy chứ.” Thật sự xúc động bởi nỗi thống thiết của lời cầu khẩn kia, Gabriel bộc lộ sự bối rối của anh bằng những ngôn từ đã được cân nhắc mà anh tuyên bố một cách mê-za vốt-chê[29] nhỏ đến nỗi gần như là in petto[30] như sau: — Đấu lưng với mấy chú ngựa bất kham này rõ rầy rà! Gã kia cười đểu. — Làm sao mà ông lại có cái ý tưởng xiên xẹo đến như vậy![31]- Gabriel đỏ mặt nói. — Thực tình, anh không thấy tội của anh nó rành rành ra đấy à? - Gã kia nói với cái vẻ càng ngày càng quỷ quái — Ma cô, lừa đảo, loạn zâm, mạo zanh, đồng tình luyến ái, zái thụt vào trong, với tất cả những thứ ấy, cũng phải mười năm lao động khổ sai. Rồi hắn quay lại Marceline: — Còn chị nhà anh? Tôi cũng muốn có một vài thông tin về chị đấy. — Những thông tin gì ạ? - Marceline dịu dàng hỏi. — Mợ chỉ nên nói khi có mặt luật sư của mợ thôi - Zazie bảo - Cậu không nghe cháu, mợ thấy bây giờ cậu bị rầy rà chưa! — Mày có im đi không nào! Gã kia nói với Zazie. — Nào, - Gã trở lại - chị có thể nói cho tôi biết chị đang làm nghề gì không? — Nội trợ - Gabriel trả lời giọng dữ tợn. — Cụ thể là việc gì? - Gã hỏi một cách ziễu cợt. Gabriel quay về phía Zazie và nháy mắt với nó để con bé chuẩn bị mà tận hưởng những gì xắp diễn ra. — Cụ thể những việc gì à? - Anh luyến láy - Đi vứt rác chẳng hạn. Rồi, anh túm lấy cổ áo vét-tông của gã, lôi về phía cầu thang và quẳng gã xuống vùng dưới. Việc ấy gây ra một tiếng động, một âm thanh đùng đục. Cái mũ cũng chịu cùng một số phận. Nhưng ít gây ồn ào hơn, dù đó là một “quả dưa”. — Tuyệt! - Zazie reo lên một cách phấn khởi, trong khi ở tầng dưới, gã kia lọ mọ đứng lên và chỉnh lại bộ ria với cặp kính đen. — Uống gì đây? - Turandot hỏi gã. — Một thứ làm tôi lại người được - Gã kia trả lời không chút đắn đo. — Nhưng có cả một mớ nhãn hiệu. — Cái gì cũng xong. Gã lẩn vào ngồi tận cuối phòng. — Biết cho hắn uống cái gì đây? - Turandot ngẫm nghĩ - Một fernet branca? — Thứ ấy nuốt không vào - Charles nói. — Cậu chắc chưa nếm bao giờ. Không đến nỗi đâu, mà đối với dạ dầy thì hết ý. Cậu nên thử xem. — Cho nếm tí, vừa đáy ly thôi - Charles nói vẻ làm lành. Turandot rót cho anh một cách rộng rãi. Charles nhấp môi một tị, phát ra một tiếng chóp chép mà anh đã cố nén xuống, làm như vậy lần nữa, nhấm nháp một cách suy tư, chép chép môi, nuốt ngụm ấy rồi lại một ngụm khác. — Thế nào? - Turandot hỏi. — Không tởm lắm. — Làm thêm tí? Turandot lại rót tiếp vào ly rồi cất chai rượu lên kệ. Ông ta lục lọi và tìm thấy một thứ khác. — Có cả nước hỏa mai[32] đây này! - Ông ta bảo. — Hết mốt rồi. Thời nay, cần phải có rượu nguyên tử chứ! Sự liên tưởng lịch sử này làm tất cả bật cười. — Thế nào, - Gabriel reo to và chạy ào vào tiệm - Các vị vui vẻ quá nhỉ, chả bù cho tôi. Chuyện gì đâu không. Rót cho tôi một cốc xi-rô thật đầy vào, ít nước dùng thôi, tôi đang cần một thứ làm cho lại người đây. — Cậu để lát nữa hẵng kể - Turandot nói, hơi bối rối. — Ơ, ông đấy à! - Gabriel nói với Charles - Ông ở lại ăn trưa với bọn tôi chứ? — Không hẹn thế rồi sao? — Thì tôi chỉ nhắc ông thế thôi. — Chẳng phải nhắc. Tớ có quên đâu. — Vậy cứ coi như tôi khẳng định lại lời mời. — Chẳng phải khẳng định, vì đã thống nhất với nhau rồi. — Vậy là ông ở lại ăn trưa với chúng tớ - Gabriel kết luận vì muốn mình là người nắm quyền quyết định cuối cùng. — Anh ba hoa, anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa - Con Xanh-lá-cây nói. — Thôi, uống đi - Turandot bảo Gabriel. Gabriel làm theo lời khuyên. — (thở dài) Chuyện gì đâu không! Các vị có thấy lúc Zazie về có một gã đi tháp tùng không? — C… o… có… - Turandot và Mado Bàn-chân-nhỏ thì thào một cách kín đáo. — Lúc sau tớ mới đến - Charles nói. — Mà này, - Gabriel hỏi - các ông có thấy gã ấy hắn đi ngang đây không? — Cậu biết đấy, - Turandot đáp - tôi chẳng có thời gian để nhìn rõ mặt hắn, nên chắc sẽ không nhận ra được, nhưng rất có thể là hắn ngồi phía sau cậu, ở cuối phòng kia kìa. Gabriel quay lại. Gã kia đang ngồi trên một chiếc ghế, kiên nhẫn chờ đợi cái thứ “uống cho lại người” của gã. — Chết cha, - Turandot nói - thật là… Xin lỗi, tôi quên béng mất. — Không sao - Gã trả lời một cách lịch sự. — Một ly rượu chát fernet-branca, ông thấy thế nào? — Nếu ông khuyên tôi uống thứ ấy… Lúc này, Gabriel, mặt xám ngắt, từ từ tụt người xuống sàn gỗ. — Bây giờ là phải hai ly fernet-branca - Charles nói và tiện thể vực cậu bạn lên. — Hai fernet-branca, hai! - Turandot kêu lên một cách máy móc. Mất cả bình tĩnh vì những sự kiện vừa xảy ra, tay run lẩy bẩy, ông ta không rót rượu vào ly được, mà làm đổ cả ra ngoài. Mớ chất lỏng màu nâu như đám vi sinh vật chân giả loang ra dần dần làm nhem nhuốc cả cái quầy kẽm bằng gỗ từ ngày chiếm đóng. — Đưa nó đây cho tôi! - Mado Bàn-chân-nhỏ nói và giật lấy cái chai từ tay ông chủ đang xúc động. Turandot lau trán. Gã nọ nhâm nhi một cách bình thản cái thứ “uống cho lại người” ấy, mà cuối cùng người ta cũng đã đem ra cho gã. Bóp mũi Gabriel lại, Charles đổ ly chất lỏng kia vào giữa hai hàm răng của anh, làm chảy ra một ít hai bên khóe mép. Gabriel khịt khịt mũi. — Rõ là đồ ăn mày! - Charles nói với anh một cách trìu mến. — Sinh vật nhỏ nhoi! - Cái gã kia vừa lại hồn, nhận xét. — Không nên nói thế - Turandot bảo - Cậu ấy đã từng chứng minh khả năng của mình. Trong chiến tranh ấy. — Anh ta đã làm gì? - Gã nọ hờ hững hỏi. — Ét-tê-ô[33]! - Ông chủ quán trả lời, tiếp thêm đô rượu chát nữa cho cả một lượt. — À! - Gã kia buông một cách hững hờ. — Ông, có khi ông không nhớ… - Turandot nói - Thật là… Cái thứ dễ quên này… Nghĩa vụ lao động bắt buộc. Bên Đức. Ông không nhớ sao? — Đã chắc gì việc đó có thể chứng minh rằng anh ta là người mạnh mẽ can đảm - Gã nọ nhận xét. — Thế bom - Turandot vặn - Ông quên những trái bom à? — Cái anh chàng to con của ông ấy, anh ta làm gì với những trái bom? Anh ta lấy tay hứng bom để nó không nổ à? — Câu đùa của ông chẳng làm ai cười nổi - Charles xắp cáu, nói. — Mấy người đừng cãi vã nữa - Gabriel lào thào. Anh đã trở lại với cảnh vật quanh mình. Với những bước chân quá đỗi ngập ngừng nên hóa ra lại chẳng thật tí nào, anh đến buông vật mình xuống cạnh một cái bàn, lại chính là cái bàn có gã kia đang ngồi. Gabriel lấy từ túi ra một mảnh khăn màu tím, chấm chấm mặt, làm bốc ra mùi nước hoa “hổ phách vàng và xạ hương bạc” trong khắp cả gian hàng. Gã kia đánh một câu: “Ơi zời ơi! Khăn với lụa gì mà nồng kinh thế!” — Ông lại định chọc tức tôi nữa phải không? - Gabriel hỏi với vẻ đau đớn. Nước hoa của Fior chứ có phải ít đâu. — Phải hiểu cho người ta - Charles nói với anh - Có những kẻ cục mịch không biết thưởng thức những gì tinh tế đâu. — Tinh tế! Anh làm tôi phì cười - Gã kia nói - Người ta tinh lọc cái thứ này trong một nhà máy tinh chế phân thì có. — Ôi đúng thế, ông không tin đâu nhỉ! - Gabriel reo lên vui vẻ - Nghe nói ở những hãng lớn nhất, trong tất cả sản phẩm đều có một giọt này đấy. — Ngay cả trong nước hoa á? - Turandot hỏi và zụt zè sáp lại gần nhóm người đặc biệt này. — Sao mà ông khó tiêu thế! - Charles nói - Ông không thấy là Gabriel hay lặp lại những điều vớ vẩn, chỉ cần nghe thoáng qua một lần ở đâu đó mà chẳng hiểu tí gì hay sao? - Thì cũng phải nghe thấy rồi mới nhắc lại được chứ - Gabriel vặn - Ông đã bao giờ tự nghĩ ra một thứ bậy bạ nào đó để nói chưa? — Đừng nên quá đáng thế! - Gã kia chêm vào. — Quá đáng cái gì? - Charles hỏi. Gã kia, vẫn không hề cáu. — Anh không bao giờ nói những điều bậy bạ sao? - Gã hỏi một cách thâm hiểm. — Anh ta chỉ giữ những thứ đó cho mình thôi - Charles nói với hai người kia - Đây là một kẻ rất tự phụ. — Tất cả những chuyện này, - Turandot nói - chẳng sáng tỏ gì cả. — Ta đang nói đến chuyện gì ấy nhỉ? - Gabriel hỏi. — Tớ đang bảo là cậu không có khả năng tự nghĩ ra những gì bậy bạ mà cậu vẫn cho ra - Charles trả lời. — Tôi cho ra những thứ bậy bạ gì nào? — Tớ chẳng biết nữa. Cậu chả tuôn ra hàng đống. — Thế thì ông có thể dễ dàng đưa ra đây cho tôi ít nhất một ví dụ, đúng không? — Thôi, - Đã ra khỏi cuộc, Turandot nói - tôi để các vị tranh luận với nhau. Người ta kéo lại rồi kia kìa. Đám khách mười hai giờ đã đến, chẳng ai cặp lồng cặp liếc gì cả. Có tiếng con Xanh-lá-cây chao chát cái thứ “anh ba hoa, anh ba hoa, anh chỉ biết ba hoa” của nó. — Đúng đấy, - Gabriel nói, vẻ suy ngẫm - mình đang buôn chuyện gì ấy nhỉ? — Chẳng chuyện gì cả - Gã nọ trả lời - Chẳng gì cả. Gabriel nhìn gã, vẻ kinh tởm. — Thế thì… - Anh nói - Tôi đang làm cái trò khỉ gì ở đây? — Cậu xuống tìm tớ - Charles bảo - Cậu nhớ chứ? Mình ăn trưa chỗ cậu rồi sau đó ta đưa con bé đến tháp Eiffel. — Thế thì đi. Gabriel đứng dậy, tiếp đến là Charles, lỉnh ra, không chào gã nọ. Gã này gọi (động tác) Mado Bàn-chân-nhỏ. — Đã thế này, - Gã nói - tôi ăn trưa luôn. Trong cầu thang, Gabriel dừng lại để hỏi anh bạn Charles: — Ông có nghĩ là nên mời hắn cho lịch sự không? 7 ◄○► Gridoux ăn trưa tại chỗ, để khỏi bị trượt mất một khách hàng, biết đâu lại hiện ra thì sao… Thực ra thì vào giờ này chẳng ai đến bao giờ. Như vậy, ăn trưa tại chỗ hóa ra lại có hai cái hay, bởi vì khách hàng thì làm gì có ma nào vào giờ này, và thế là Gridoux được đàng hoàng mà đánh chén. “Đánh chén” này thường có một đĩa khoai tây nghiền, trộn với thịt bò xay, mới ra khỏi lò còn nóng bốc hơi do Mado Bàn-chân-nhỏ mang sang, lúc giờ cao điểm đã vãn, quãng một giờ gì đó. — Tôi tưởng hôm nay có món lòng - Gridoux nói, rúc đầu vào lấy ra chai rượu đỏ một lít mà ông ta zấu tít trong góc. Mado Bàn-chân-nhỏ nhún vai. Món lòng? Chuyện hoang đường! Chính Gridoux cũng thừa biết. — Còn gã kia? - Gridoux hỏi - Hắn đang làm trò gì? — Hắn ăn xắp xong, chẳng nói chẳng rằng gì cả. — Hắn không hỏi han gì sao? — Không. — Thế Turandot, cậu ấy không nói chuyện với hắn à? — Ông ấy không dám. — Cậu ấy không phải là người tò mò. — Không phải vì ông ấy không tò mò, mà là không dám. — Ôi zào. Gridoux bắt đầu tấn công cái món hổ lốn mà nhiệt độ đã giảm xuống tới mức hợp lý. — Món tiếp theo? - Mado Bàn-chân-nhỏ hỏi - Là món gì? Brie? Camembert? — Trông ngon mắt chứ, cái anh Brie ấy? — Nó chảy còn chưa được nhanh chân đâu[34]. - Thế thì lấy cái anh kia vậy. Mado Bàn-chân-nhỏ đi ra, Gridoux hỏi cô: — Thế hắn, hắn đã đớp những món gì? — Như ông. Đúng y. Hiệu sửa giày chỉ cách tiệm rượu La Cave có mười mét, nhưng cô vẫn chạy. “Cô ta đã trả lời kha khá hơn lúc nãy”. Gridoux nhận định rằng những điều ông được biết là rất không đầy đủ, nhưng ông ta có vẻ vẫn nuôi dưỡng mối trầm tư của mình bằng những điều đó, cho đến khi cô phục vụ trở lại giới thiệu với ông một miếng pho-mát diện mạo rất ủ ê. — Sao? - Gridoux hỏi - Gã kia…? — Hắn xong ly cà phê rồi. — Hắn có nói năng gì không? — Vẫn không. — Hắn ăn tốt chứ? Ngon miệng chứ? — Tốt. Hắn không khó khăn đối với thức ăn. — Hắn bắt đầu bằng món gì? Một con cá mòi xinh xắn hay cà chua trộn dầu dấm? — Như ông, tôi đã nói rồi, giống y như ông. Đầu bữa, hắn chẳng gọi gì cả. — Thế đồ uống? — Vang đỏ. — Chai phần tư? Chai nửa lít? — Nửa lít. Hắn dốc cạn. — À, à! - Gridoux làm thế, vẻ rất quan tâm. Trước khi tấn công miếng pho-mát, bằng một động tác thành thục, vẻ suy tư, ông ta dùng lưỡi rít mạnh, dứt bật những sợi thịt bò ra khỏi mấy cái kẽ răng của ông. — Thế còn vấn đề vê-xê? - Ông ta lại hỏi - Hắn không đi vê-xê à? — Không. — Ngay cả đi đái? — Không. — Ngay cả đi rửa tay? — Không. — Thế bây giờ hắn đang làm cái mặt kiểu gì? — Chẳng gì cả. Gridoux ăn đến lát bánh mì khổng lồ phết pho-mát mà ông ta đã chuẩn bị rất có quy cách: gạt phần cùi pho-mát ra tít ngoài rìa, để dành phần ngon nhất ăn sau. Mado Bàn-chân-nhỏ nhìn ông ta làm với vẻ lơ đãng, không còn vội vã như lúc nãy, mặc dù chưa hết giờ phục vụ, có thể sẽ còn mấy người khách đòi tính tiền, như gã nọ chẳng hạn. Cô dựa vào quầy hàng và tận dụng lúc Gridoux phải ăn, không diễn thuyết được, để đề cập đến vấn đề riêng tư của mình. — Anh ấy là một tay đàng hoàng - Cô nói - Một người đàn ông có nghề nghiệp. Một nghề tốt, vì lái tắc-xi là một nghề tốt, đúng không? — (động tác) — Không quá già. Không quá trẻ. Khỏe mạnh. Đô con. Có tiền chôn chân giường là cái chắc. Anh ấy đủ tất cả các mặt, anh Charles í. Phải mỗi một điều: anh ấy quá rô-măng-tíc. — À, cái đó thì… - Gridoux công nhận giữa hai tiếng “ực”. — Tôi khó chịu chết được khi nhìn anh ấy xăm xoi một lá thư tâm tình hay một bài trả lời độc giả của một tờ báo đàn bà. Làm sao anh lại có thể, tôi bảo anh ấy, làm sao anh lại có thể tin là sẽ tìm thấy con chim mà anh vẫn mơ ước trong ấy? Nếu con chim ấy mà tốt đẹp đến vậy, thì chẳng cần gì, nó đã biết cách làm thế nào để được đem ra khỏi tổ rồi, đúng không? — (động tác) Gridoux nuốt miếng cuối cùng. Ông ta ăn xong lát bánh mì phết pho-mát, thong thả uống cạn cốc rượu vang, và cất lại cái chai. — Thế Charles? - Ông ta hỏi, cậu ấy trả lời thế nào? — Anh ấy trả lời chẳng đâu vào với đâu kiểu, còn con chim của cô, tự nó có được ra khỏi tổ thường xuyên không? Nói đùa ấy mà (thở dài). Anh ấy không muốn hiểu tôi. — Cô phải tự tỏ tình thôi. — Tôi cũng đã nghĩ đến, nhưng không xuôi lắm. Thí dụ, lâu lâu tôi gặp anh ấy trong cầu thang chẳng hạn. “Làm” nhau một cú, ngay trên bậc thang của “cung điện”. Nhưng lúc ấy thì làm sao mà tôi có thể nói với anh ấy đàng hoàng được, chẳng còn đầu óc nào… (im lặng) để mà nói với anh ấy một cách đàng hoàng (im lặng). Chắc phải mời anh ấy ăn tối một bữa. Ông nghĩ rằng anh ấy có nhận lời không? — Cậu ấy mà từ chối thì cậu ấy chẳng tử tế. — Quả thật, không phải lúc nào anh ấy cũng dễ thương đâu, anh Charles ấy. Gridoux làm một động tác phản đối. Đứng trước cửa tiệm, ông chủ hét: — Mado! — Đến ngay đây! Cô đáp lại với một sức mạnh vừa đủ để lời lẽ của cô xuyên qua được không gian với tốc độ và cường độ mà cô mong muốn. — Dù sao đi nữa, - Cô nói thêm với Gridoux bằng một giọng từ tốn hơn - tôi tự hỏi mình là, trong suy nghĩ của anh ấy, cô ta có gì hơn tôi, cái cô nàng mà anh ấy tìm được trên báo ấy: có cái “tĩn” bằng vàng à? Một tiếng hét nữa của Turandot không cho phép cô phát ngôn thêm những giả thiết khác. Cô nhặt mấy cái đĩa đem đi và Gridoux chỉ còn lại một mình với những đôi giày, và con phố. Ông ta không làm việc lại ngay lập tức, mà thủng thẳng cuốn một trong năm điếu thuốc của ông trong ngày và bắt đầu hút một cách thảnh thơi. Người ta gần như có thể nói là ông ta có vẻ như đang suy nghĩ về một cái gì đó. Khi điếu thuốc gần hết, ông ta tắt mẩu còn lại và cất nó vào cái hộp đựng kẹo Valdas, một thói quen thời tạm chiếm. Rồi có ai đó hỏi ông, tình cờ, ông có dây buộc giày không, tôi vừa bị đứt. Gridoux ngước lên, ông ta có thể đánh cá rằng, đấy chính là cái gã nọ. Gã vẫn tiếp tục cái giọng kiểu: — Không gì khó chịu bằng, phải thế không ạ? — Tôi không biết - Gridoux trả lời. — Tôi cần một đôi màu vàng. Màu nâu nếu ông muốn, nhưng màu đen thì không. — Để xem xem tôi có loại gì - Gridoux nói - Tôi không đảm bảo với ông là tôi có tất cả những màu ông yêu cầu. Rồi ông ta không hề nhúc nhích, mà chỉ đứng nhìn người đối thoại với mình. Gã này làm ra vẻ như không nhận ra điều ấy. — Nhưng tôi có đòi bảy sắc màu đâu. — Bảy gì? — Bảy sắc cầu vồng. — Loại ấy, hiện tôi không có. Những màu khác tôi cũng chẳng có luôn. — Thế trong cái hộp kia kìa, không phải là dây buộc giày à? Gridoux lầu bầu: — Này này, tôi không thích người ta lục lọi của tôi như thế đâu đấy. — Chẳng nhẽ ông lại từ chối bán dây giày cho một người đang cần. Thế thì cũng như từ chối bán bánh mì cho người đang đói. — Thôi đi, đừng có tìm cách làm tôi mềm lòng. — Thế một đôi giày? Ông từ chối bán một đôi giày sao? — Ơ này! - Gridoux kêu lên - Ông như thế là ông ngốc đấy. — Tại sao? — Tôi là thợ sửa giày, không phải người bán giày. Như ông bà ta thường nói, ne sutor ultra crepidam[35]. Chắc ông hiểu tiếng La-tinh? Usque non ascendam[36] anch’io son pittore[37] adios amigos[38] a-men thế là hết! Nhưng quả thật, ông làm sao cảm nhận được, ông có phải linh mục đâu, ông là cớm cơ mà. — Xin lỗi ông đấy, ông lôi cái chuyện ấy ở đâu ra vậy? — Không cớm thì zâm zục. Gã nọ chỉ nhún vai một cách từ tốn và nói, vẻ không quả quyết mà cũng không cay đắng: — Những câu lăng nhục, đấy là tất cả những gì người ta đã nhận được khi đưa một đứa trẻ bị lạc đường về cho gia đình nó. Những câu lăng nhục. Và gã nói thêm sau một tiếng thở dài: — Nhưng gia đình cái kiểu gì… Gridoux nhấc đít lên khỏi ghế để hỏi với vẻ đe dọa: — Thế họ có gì là xấu, gia đình của nó? Ông tìm ra cái gì để nói ra nói vào về họ? — Ô, có gì đâu (cười mỉm). — Cứ nói ra, cứ nói ra xem? — Lại thêm một “mợ” đây. — Không đúng - Gridoux hét - Không đúng, tôi cấm ông được nói thế. — Ông chẳng là gì để mà cấm tôi cả, ông thân mến ạ, tôi không phải nhận bất cứ mệnh lệnh nào của ông cả. — Gabriel, - Gridoux tuyên bố một cách long trọng - Gabriel là một công dân trung thực, công dân trung thực và đáng được kính trọng. Đại để là cả khu này quý cậu ấy. — Một ả biết quyến rũ… — Ông ấy, ông bắt đầu chọc tức tôi với cái vẻ trịch thượng của ông rồi đấy. Tôi nhắc lại với ông rằng Gabriel không phải là một “mợ”, rõ chưa, hả? — Chứng minh cho tôi xem - Gã kia bảo. — Dễ thôi - Gridoux trả lời - Cậu ấy có vợ đấy thây. — Cái ấy chẳng chứng minh được gì - Gã nọ nói - Đây nhé, vua Henri III chẳng hạn, ông ấy chả có vợ là gì. — Là ai nào (mỉm cười)? — Bà Louise de Vaudémont. Gridoux cười nhạt. — Nếu mụ này đã từng là hoàng hậu của Pháp, thì phải được biết đến chứ. — Biết đấy. — Ông lại nghe trên tê-vê chứ gì (nhăn mặt). Có lẽ ông tin vào tất cả những gì họ nói trong đấy? — Chẳng gì thì trong cuốn sách nào cũng nói đến chuyện ấy. — Ngay cả trong Danh bạ điện thoại? Gã kia không biết trả lời thế nào. — Ông thấy chưa! - Gridoux kết luận một cách ngây thơ thật thà.[39] Ông ta nói thêm những lời có cánh: — Hãy nghe tôi, không nên đánh giá người ta quá vội vàng. Gabriel cải trang thành cô gái Séville để biểu diễn trong một rạp dành cho mấy anh pê đan, đồng ý, nhưng cái đó thì chứng minh được gì, hả? Chứng minh được cái gì? Thôi, đưa đôi giày của ông đây để tôi xỏ dây vào cho. Gã kia tháo giày ra, trong khi đợi thao tác thay dây kia kết thúc, gã co chân đứng như cò. — Điều đó không chứng minh được gì, - Gridoux tiếp tục - ngoài việc là để mua vui cho mấy anh gô-gô. Một chàng to đùng cải trang thành người đấu bò tót thì chỉ làm người ta mỉm cười, nhưng một chàng to đùng mà mặc váy như cô gái Séville thì làm họ chết cười. Thế chưa hết đâu, cậu ấy còn múa cả Cái chết của con thiên nga, như ở rạp ô-pê-ra ấy. Mặc váy ba-lê. Lúc ấy thì người ta phải bò ra mà cười. Ông nói với tôi về những tội lỗi của con người, đồng ý, nhưng đấy thì cũng chỉ là một nghề như nghề khác, đúng không? — Nghề gì mà nghề! - Gã kia không biết nói gì hơn. — Nghề gì, nghề gì… - Gridoux đốp lại và đẩy gã ra xa - Thế ông, cái nghề của ông, ông tự hào lắm à? Gã kia không trả lời. (hai lần im lặng) — Đây, - Gridoux lại tiếp - giày của ông đây, với cặp dây mới tinh. — Tôi phải trả ông bao nhiêu? — Chẳng trả gì cả - Gridoux nói. Ông ta còn thêm: — Nhưng mà ông rõ thật ít lời! — Thế là không công bằng, chính tôi đã vào đây tìm gặp ông.