🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Yêu Trên Từng Ngón Tay
Ebooks
Nhóm Zalo
Nếu như Tập truyện ngắn đầu tay Giấc mơ đôi chân thiên thần khắc họa khoảng trời mơ ước của cô gái gần hai mươi năm quanh quẩn trong nhà. Tập tản văn Chúng ta chính là mùa xuân tập trung miêu tả hành trình khát vọng của cô gái yêu đời, yêu sống. Thì tập truyện ngắn thứ ba Yêu trên từng ngón tay chính là hình ảnh tòa lâu đài hạnh phúc mở ra đón cô gái dám yêu và dám hạnh phúc. Con đường sáng tác cũng chính là con đường đến với đời, với người của cô gái giàu nghị lực, yêu văn chương - TRẦN TRÀ MY.
Trần Thị Trà My
Bút danh: Trần Trà My Ngày sinh: 28/6/1986
Thành viên sáng lập quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần. Đại sứ niềm tin của Hành trình xuyên Việt 2011 từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng do Hành trình xanh phát động. Đại sứ thiện chí của Hành trình trên đất phù sa 2012 do Tương lai xanh và Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức. Cộng tác viên của Áo trắng, Mực tím, Tiếp thị & Gia đình, Phụ nữ Việt Nam, New Life Style, Tuổi trẻ.
… Em viết bằng cảm nhận từ chính trái tim của mình, bởi vậy mà mỗi dòng, mỗi chữ đều chứa đựng những xúc cảm rất riêng nhưng lại hòa chung từ tình cảm của một trái tim và tâm hồn giao hòa cùng cuộc sống.
Bùi Thị Thu Hương
Phó giám đốc nhà xuất bản Dân Trí
… Em vẫn vượt qua mọi khó khăn để đến với nghề. Tôi đã thấy mình yêu nghề viết hơn khi nhớ đến em. Cảm ơn văn chương đã cho tôi có dịp gặp em, đọc những trang văn của em và tiếp tục suy tư về cuộc đời và sự sống.
Nhà thơ Ngô Thị Hạnh
… Trần Trà My, một cái tên khá đẹp, ẩn chứa một tâm hồn đẹp, và thăng hoa qua những bài viết, câu chuyện ý nghĩa nhân sinh trong cuộc sống… mà ai đó đang buồn khi đọc được câu chuyện cuộc đời em, họ chắc chắn sẽ cười tươi như hoa.
Phạm Quốc Hưng - CEO. Mely Communication.
Tác giả: PR LÀ SỐNG
YÊU TRÊN TỪNG NGÓN TAY © Trần Trà My
Hợp đồng xuất bản giữa Công ty cổ phần sách và truyền thông Quảng Văn với tác giả Trần Trà My.
Nguồn:Romance Book
Ebook: daotieuvu.blogspot.com
Ebook được làm với mục đích phi lợi nhuận. Hãy mua sách trong điều kiện có thể.
facebook.com/Ebook.Full.Prc
MƯỜI NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Từ nhỏ rồi đã mơ ước trở thành bác sĩ tâm lý. Nhưng càng lớn tôi càng phải đối mặt với hiện thực nghiệt ngã là tôi không có một giọng nói tròn trịa, một đôi chân khỏe mạnh - những tố chất tối cần thiết để có thể trở thành bác sĩ tâm lý. Tuyệt vọng đến cùng cực khiến tôi thấy cuộc đời mình thật vô vị.
Trong chuỗi ngày chán nản và tuyệt vọng ấy, tôi ngồi viết. Bài thơ đầu tiên của tôi viết xong năm mười sáu tuổi. Nó chưa hay đến mức trở thành hiện tượng nhưng nhờ đó tôi đã biết tôi có thể bắt đầu từ đâu. Vậy nên, tôi bắt đầu viết văn. Viết để được trút những suy nghĩ của mình vào đó và được sống với bao số phận nhân vật khác nhau... Hằng đêm tôi miệt mài với những dòng chữ nguệch ngoạc, khổ sở biết nhường nào để viết ra một đoạn văn.
Mười chín tuổi, tôi được mời làm cộng tác viên cho đài phát thanh của tỉnh. Khỏi phải nói tôi hạnh phúc nhường nào khi hàng tuần bài mình viết được chị phát thanh viên đọc trên radio, số tiền nhuận bút ít ỏi tôi dùng để mua quà tặng, tổ chức sinh nhật cho những người thân yêu. Cũng qua sóng phát thanh, nhiều người biết
đến tôi hơn. Tôi còn được tặng một chiếc máy vi tính cũ để công việc sáng tác bớt cực nhọc. Lại một lần nữa tôi tự mày mò học vi tính.
Bản tháo đã có rồi, tôi muốn xuất bản nó để những câu chuyện tôi kể được nhiều người biết đến hơn. Hai năm gian nan tìm người đỡ đầu cho đứa con tinh thần, cuối cùng Nhà xuất bản Lao Động đã đồng ý xuất bản cuốn Giấc mơ đôi chân thiên thần gồm hai mươi truyện ngắn tôi viết trong vòng sáu năm. Tôi thật sự vỡ òa khi ôm trên tay đứa con đầu lòng của mình.
Thế nhưng từ khi ra sách, tôi nổi tiếng, hàng ngày tôi nhận được rất nhiều email, thư tay, điện thoại, sms của bạn đọc khắp nơi muốn làm quen và chính điều đó đã vô tình tạo áp lực cho tôi. Tôi sợ phụ sự kỳ vọng của mọi người khi mà tôi không có nhiều trải nghiệm thực tế làm nguồn cho những sáng tác tiếp theo.
Thế là tôi quyết định thoát ra khỏi cái vòng an toàn của gia đình để vào Sài Gòn lập nghiệp. Cuộc sống nơi này khắc nghiệt với người bình thường bao nhiêu thì với người khuyết tật như tôi khó khăn không thể nào kể hết... Song tôi luôn tự nhủ mình không được bỏ cuộc.
Khó khăn vất vả là vậy nhưng trong tôi luôn tồn tại một niềm hạnh phúc bất tận; vì tôi đã được sống như bao người, vì ngoài đam mê văn chương ra tôi còn có thêm đam mê nữa dành cho ngành PR/EVENT. Ngoài ra tôi cũng hạnh phúc khi gặp được
những người bạn cùng chí hướng để cùng lập ra quỹ từ thiện mang tên: Giấc Mơ Đôi Chân Thiên Thần, nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn như mình ngày trước.
Một năm sau, tôi xuất bản tập sách thứ hai: Chúng ta chính là mùa xuân gồm ba mươi chín bài tản văn ghi lại ba mươi chín khoảnh khắc suy tư trong tôi.
Lần này, kỷ niệm mười năm viết văn, tôi tuyển mười một truyện ngắn đăng báo và được giải của mình thành tập truyện Yêu trên từng ngón tay gửi tặng các bạn độc giả.
Bạn có thắc mắc sao tôi chỉ chọn mười một truyện ngắn mà không phải là mười truyện, hay hai mươi, ba mươi truyện? Theo suy nghĩ của riêng tôi thì số mười một mới thích hợp với tình yêu. Nó là ghép của hai số một lại với nhau, khi mỗi số một nơi nó có thể khác về kích thước, màu sắc nhưng khi đứng cạnh nhau thì nó giống nhau đến kỳ lạ.
Tôi tin tình yêu phải là sự điều chỉnh, hy sinh những điều khác biệt để thích ứng và hòa hợp với người yêu mình. Bạn đã sẵn sàng để thay đổi mình trong tình yêu? Nếu đã sẵn sàng thì xin chia sẻ với tôi câu chuyện của bạn, biết đâu bạn sẽ là nhân vật tiếp theo trong sáng tác của tôi.
Xin cảm ơn các bạn!
TRẦN TRÀ MY
YÊU TRÊN TỪNG NGÓN TAY, TÌNH YÊU, TÌNH THÂN LUÔN LÀ CỨU CÁNH
Ngay từ lần đầu tiên đọc bản thảo Yêu trên từng ngón tay của Trần Trà My, ban biên tập đã thấy không ít sạn trong kỹ thuật viết. Tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết định làm bản thảo này, không phải vì ưu ái cho một người khuyết tật. Chúng tôi xuất bản tập truyện ngắn này vì yêu thích cách nhìn đời, nhìn người đầy lạc quan và nhân hậu của một con người yêu đời, ham sống.
Mười một truyện ngắn về tình yêu, hôn nhân, gia đình, truyện nào cũng mở ra từ những nhức nhối, những dằn vặt, những nỗi đau... nhưng kết thúc mỗi truyện luôn là niềm tin và hy vọng. Nhờ đâu có phép màu ấy? Phương thuốc thần Trần Trà My kê cho nhân vật của mình luôn là tình thân và tình yêu. Có tình yêu con người ta biết tha thứ, biết hy sinh, biết chấp nhận để vun đắp, để dựng xây... Có tình thân, con người ta có nơi tựa vào, có chốn quay về để vươn lên, để tiến xa...
Ban biên tập chúng tôi cho rằng ở đời cần lắm những niềm tin, những ước mơ như vậy. Chúng tôi trân trọng gửi tới bạn đọc gần xa những thông điệp yêu thương từ một trái tim biết khóc.
Mong rằng sau khi đọc xong tập truyện các bạn sẽ thêm yêu đời, yêu sống.
Hà Nội ngày 1.2.2013
Ban biên tập.
TRẦN TRÀ MY VIẾT
HOA HẬU QUÝ BÀ
1. Ti vi đang phát chương trình truyền hình trực tiếp chung kết cuộc thi hoa hậu quý bà. Ba đứa trẻ con ngồi dán mắt vào cái màn hình ti vi 14 inch cũ kỹ, vừa xem vừa tranh nhau bình luận. Đứa lớn nhất bảo:
“Bà áo hồng đẹp chưa mẹ ơi, bà ấy đã gần năm mươi rồi mà trông như ba mươi tuổi ý. Đó đó, mẹ thấy chưa?”.
Đứa lớn chưa kịp nói hết câu thì đứa thứ hai đã chen vào: “Không mẹ ơi, đừng nghe chị hai! Vì con thấy bà áo vàng mới là đẹp nhất. Đó đó, cái bà mặc váy vàng, búi tóc cao và đeo sợi dây chuyền to đùng ý”.
Đứa thứ hai vừa nói vừa ôm cổ mẹ nó, một tay chỉ vào ti vi bắt bà mẹ nhìn cho bằng được mới thôi. Thằng út mới có năm tuổi liền tức tốc nhảy thẳng vào trước màn hình ti vi chỉ tay quát lớn:
“Không đúng, bà mặc áo dài trắng mới đẹp nhất. Con tin chắc bà ta sẽ là hoa hậu cho mà xem”.
Hai đứa lớn liền đồng thanh chu miệng quát:
“Im đi! Con nít biết gì mà xấu với đẹp. Nhìn bà ta vừa già vừa xấu sao đoạt giải được hả?”.
Cuộc chiến của ba đứa nhỏ bắt đầu hồi gay cấn. Thằng út
đứng chống nạnh ngay giữa màn hình ti vi cãi lại cho bằng được với hai chị kia.
“Có hai chị không biết thì có. Em thấy bà áo trắng mới đẹp nhất”. Nó vừa nói vừa chạy về phía bà mẹ. “Mẹ ha. Con nói đúng mẹ ha, chứ hai bà kia xấu hoắc”.
Đứa út cứ lay lay người mẹ nó mong mẹ gật đầu đồng tình với mình. Bà mẹ vẫn dở tay với đống bột bánh nên nghe đứa nào nói cái gì cũng đều gật đại cho nó vui, chứ có thì giờ ngước mắt lên ti vi đâu mà biết ai xấu với đẹp? Thỉnh thoảng thằng út chạy tới dựng cái đầu bà lên bắt nhìn lên màn hình ti vi, thì bà mẹ mới thấy được những quý bà thướt tha, lộng lẫy ra sao thôi!
“Ừ thì cả ba đứa đều nói đúng. Bà nào cũng đẹp, chỉ có mẹ chúng mày là xấu nhất vì phải làm quần quật suốt ngày mới có thể nuôi nổi ba cái tàu há mồm này nè”. Vừa nói người mẹ vừa đưa tay véo vào cái má phụng phịu của thằng út làm nó đau điếng ré lên.
2. Cuộc cãi lộn của ba đứa trẻ đã chấm dứt vì ban giám khảo đã trao xong giải, kết quả chẳng có bà nào trong bình chọn của ba đứa trẻ được giải cả. Mọi thứ ồn ào giờ đã hết. Ti vi đã tắt còn ba đứa trẻ thì đã lên giường ngủ từ lâu. Căn nhà lại chìm vào yên ắng. Bà mẹ hết nhồi bột xong lại viên tròn nó lại cùng với nhân đậu xanh trộn dừa, gói lại với lá chuối để sớm mai dậy sớm cho vào nồi hấp, rồi mang ra chợ bán. Cái thứ bánh mà người ta vẫn thường gọi là
bánh lá gai, đúng là gai góc thật như chính cuộc đời người phụ nữ lam lũ này. Hình như cái sự lam lũ nó đã gắn liền từ khi người phụ nữ này mới cất tiếng khóc chào đời thì phải. Mẹ mất khi vừa tròn một tuổi, nên những tháng ngày tiếp theo phải sống với sự hà khắc cơ cực của người mẹ kế. Mười chín tuổi đi lấy chồng, cuộc đời lại bước sang một cửa khổ ải mới. Sinh hai đứa con gái đầu, gia đình bên chồng lại chỉ mong có một đứa cháu trai, thế là suốt ngày bị đánh đập, nhiếc mắng. Đến khi sinh được thằng út, mới thở phào nhẹ nhõm ngỡ cái sự khổ đã được giảm đi một ít nhưng ai ngờ đùng một cái người chồng lại say xỉn đến bị tai biến. Gánh nặng gia đình lại đè lên đôi vai gầy nhiều hơn.
3. Chưa bước qua ngưỡng của ba lăm mà trông người phụ nữ ấy như gần năm mươi tuổi. Dáng người khô, khuôn mặt dài và hóp, những vết chân chim in đầy nơi khóe mắt, còn những đốt xương cổ thì ngày một lộ rõ hơn, nước da đen và mái tóc khô cháy. Mái tóc lúc nào cũng kẹp một cái kẹp búi cao ngay cả trong lúc nằm ngủ. Lúc nào cũng lật đật vội vã, hành trình một ngày của người phụ nữ này là bốn giờ sáng dậy để bắt đầu ngày mới: hấp bánh, mang ra chợ bán, trưa lại cơm nước để lo cho người chồng đang nằm một chỗ và ba đứa con xong, có những lúc người phụ nữ ấy lại chẳng kịp ăn uống gì, lại phải chạy đi dọn dẹp cho nhà người khác. Lau dọn thuê cho hai ngôi nhà chỉ gói gọn trong một buổi
chiều. Cuộc sống cứ cuồn cuộn trôi trong sự vất vả cơ cực làm tàn phai dần nhan sắc một thời. Có lẽ người phụ nữ này chẳng bao giờ biết đến các cửa hiệu spa, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm dành cho các quý bà. Chính vì thế nên không bao giờ người phụ nữ này dám đứng trước gương quá năm phút, bởi soi làm gì khi trong gương chỉ là một người đàn bà xấu xí, đen ngòm và gầy khô. Tưởng chừng như sự sống đang dần biến mất...!
4. Có những lúc người phụ nữ như ứa nước mắt khi đứa con gái thứ hai hồn nhiên bảo:
“Mẹ ơi, sao mẹ bạn Hương ở lớp con đã bốn mươi tuổi mà trông trẻ ơi là trẻ, tóc vàng uốn lọn dài như thế này nè. Da thì trắng ơi là trắng, mặc toàn váy bó sát người, mỗi lần đi đón bạn ý, cô ấy bước từ ô tô xuống là cả trường con ai cũng phải ngước nhìn đó mẹ”.
Đó là sự so sánh vô tư của con trẻ. Nó đâu có biết giữa một quý bà làm giám đốc và một người phụ nữ lam lũ cả ngày phải vắt kiệt sức mình để lo cho chồng cho con khoảng cách lớn đến thế nào. Chạy vạy lo cuộc sống mưu sinh, ăn học của ba đứa con và người chồng nằm một chỗ, trên khuôn mặt khắc khổ nhiều vết nhăn kia, ít khi nở nụ cười, trừ những lúc vô tình nghe ai đó bảo: “Con đó vậy mà đẻ hai đứa con gái xinh thật. Khuôn mặt tròn, đôi mắt đen, đôi lông mày dày, mũi dọc dừa, miệng trái tim, dáng cao, y chang thiếu
nữ trong tranh”.
Những lúc như vậy người phụ nữ như có một nguồn năng lượng nào đó chảy vào vậy. Người ta vẫn bảo con cái là sự kết tinh của cha mẹ và những mơ ước của cha mẹ hội tụ và truyền vào những đứa con. Đó là một sự kết tinh diệu kỳ của tự nhiên! Phải chăng vì vậy mà hai đứa con gái đẹp đến vậy. Thỉnh thoảng đứa con gái đầu vẫn hay thỏ thẻ vào tai người mẹ.
“Mẹ à, hai năm nữa con sẽ đi thi hoa hậu, sẽ đoạt giải để đem thật nhiều tiền về cho mẹ, lúc đó nhà ta sẽ không nghèo như bây giờ, mẹ sẽ không còn phải vất vả làm quần quật như lúc nảy”.
Viễn cảnh ấy có vẻ xa xăm nhưng người phụ nữ vẫn nở một nụ cười mãn nguyện, lại thấy mình thêm cật lực hơn. Đôi khi trong cuộc sống con người ta vẫn cần một điều gì đó để hy vọng, để nỗ lực ở hiện tại để những khó khăn sẽ được vượt qua một cách dễ dàng hơn.
5. Buổi cơm trưa diễn ra bình thường, đứa con trai năm tuổi đang bón từng thìa cơm cho người cha nằm trên giường. Bất chợt, nó quay lại hỏi hai chị nó:
“Sao em thấy trên ti vi toàn là những bà giám đốc, giáo viên, kế toán đi thi hoa hậu, còn những người bán bánh như mẹ mình lại không được đi thi nhỉ?”.
Đứa lớn chống chiếc đũa lên cằm, suy nghĩ một lúc rồi mới
trả lời:
“Thì những người phụ nữ đó họ có nhiều tiền và nhiều thời gian làm đẹp, thì mới...”.
Chưa kịp để cho chị mình nói hết câu, đứa thứ hai đã chen vào:
“Chị nói sai rồi, em nghĩ họ được đi thi vì họ có kiến thức, có học vấn thì mới tự tin nói trước đám đông được chứ”. Đứa chị lập tức bỏ ngay cái bát và đôi đũa đang ăn dở xuống mâm chỉ tay vào mặt em nó nói:
“Em nghe nè, hôm qua có mấy tờ báo đưa tin có mấy quý bà đã lấy bằng tốt nghiệp của người khác, sửa thành tên mình để được đi thi đó”.
Người cha nằm trên giường sau một hồi nghe ba đứa con tranh luận bỗng lên tiếng:
“Vậy thì vứt các con ạ! Ba thấy mẹ các con là hoa hậu quý bà mới đúng. Bởi suốt ngày làm lụng cật lực để nuôi ba đứa ăn học, rồi lo chữa bệnh cho ba, chứ có đâu rửng mỡ như mấy quý bà lả lướt trên ti vi”.
Người cha đưa tay véo vào má đứa con trai:
“Phải không con trai?”.
Ngoài kia chiếc xe đạp cũ đang dựng ở một góc cửa, những giọt mồ hôi vẫn còn đầm đìa trên khuôn mặt người mẹ giữa trưa nắng oi ả, vậy mà tiếng cười nói của bốn cha con trong nhà chợt làm mát lòng người mẹ. Người đàn bà ấy vừa gỡ từng món hàng trên xe
xuống vừa thầm nghĩ, đã quá lâu rồi những tưởng người chồng không còn để ý đến nhan sắc của mình. Chỉ mới nghĩ tới đó bất chợt giật mình khi đứa con trai từ phía sau hét lên.
“A cả nhà ơi, hoa hậu quý bà đã đi chợ về!”.
TRẦN TRÀ MY
SÀI GÒN 24/4/2010
Truyện ngắn lọt vào top 30 truyện ngắn hay nhất của cuộc thi Truyện ngắn hay do Tạp chí Tiếp thị Gia đình tổ chức năm 2010
BẢN TÌNH CA CUỘC SỐNG
Bảy giờ sáng, khi cánh cổng sắt của ngôi biệt thự mở ra thì cũng là lúc một ngày làm việc của tôi bắt đầu. Hôm nào cũng vậy, tôi luôn thận trọng bước những bước khẽ khàng vì sợ phá vỡ bầu không khí yên tĩnh trong ngôi nhà sang trọng này.
Vẫn là câu hỏi bằng giọng run run của bà cụ nằm trong phòng như một lời chào dành cho tôi mỗi khi bước vào nhà: “Đến rồi hả con?”.
“Dạ con chào bà ạ! Bà ơi, hôm nay bà thấy trong người thế nào?”. Tôi vừa nói chuyện vừa đeo khẩu trang, găng tay để bắt đầu công việc của một điều dưỡng viên đến rửa vết thương và tập vật lý trị liệu cho bà cụ. Nhẹ nhàng nâng người bà cụ sang một bên, tôi bắt đầu rửa những vết thương đằng sau lưng, chúng như những cái hố nhỏ đang lan dần ra và lở loét do viêm nhiễm vì nằm lâu ngày.
“Bà nằm yên và chịu khó đau một tí nhé. Vết thương sắp lành rồi bà ạ! Con chỉ cần rửa sạch là ít hôm nữa bà ngồi dậy đi lại được rồi”.
Tôi nói bằng giọng bình thường nhất có thể để an ủi bà chứ thật ra khi vết thương cũ chưa kịp lành thì vết thương mới lại xuất hiện. Vẫn bằng giọng nói run run và cố nén nỗi đau, bà trò chuyện
cùng tôi:
“Sống mà làm khổ con cháu thế này, bà nên chết thì hơn, con ạ!”
“Ơ kìa, sao bà lại nói vậy? Con cháu lúc nào cũng thương và mong bà trường thọ mà. Nào, bà chịu khó nằm yên một chút để con bôi thuốc nha”.
Bà cụ thở dài, buồn bã:
“Nằm một chỗ mới biết lòng con cháu”.
Tôi khựng lại trong tích tắc, bàn tay run lên không thể nào đưa tiếp miếng bông tiệt trùng vào lau vết thương được. Tôi nhớ lại lần đầu tiên đến đây, hôm đó trước khi đi sếp gọi tôi vào dặn:
“Đây là khách hàng VIP. Anh giao ca này cho em. Em cố gắng làm cho tốt nhé”.
Nhưng lần đó tôi đã bị đối xử như một người giúp việc. Họ mặc kệ tôi là điều dưỡng viên, chẳng khách sáo bắt tôi... xuống bếp nấu cháo, gọt trái cây cho bà cụ, vì người giúp việc đang nghỉ phép. Việc chăm sóc bà cụ đã được giao cho cô điều dưỡng viên người nước ngoái.
Tôi ngỡ ngàng đến mức định gọi điện về công ty để xác nhận lại. Thế nhưng khi thấy người con trai trưởng đứng bên cạnh bà cụ, một Việt kiều có bề ngoài giàu có phong độ, thì tôi mơ hồ hiểu ra vấn đề và cố làm cho hết nhiệm vụ khách hàng yêu cầu, dù đây không phải công việc của điều dưỡng viên.
Tuy nhiên một tuần sau, khi người con cả về lại Mỹ, người
con thứ không thuê điều dưỡng viên nước ngoài chăm sóc bà cụ nữa. Số tiền người anh để lại được cô em dâu chi xài rất hạn chế. Vợ chồng con cái anh ta ở phòng riêng và đi làm, đi học suốt ngày, bỏ mặc việc chăm sóc bà cụ cho tôi và một con bé giúp việc. Chưa bao giờ tôi thấy hai đứa cháu và cả mẹ chúng bước vào phòng thăm bà.
Công việc của tôi chỉ gói gọn trong vòng một tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng tôi luôn nấn ná ít lâu. Sự cô quạnh của bà cụ làm tôi không ít lần rơi nước mắt. Bà hay nhờ tôi đỡ bà ngồi dậy dựa vào cửa sổ cạnh giường. Từ đó nhìn ra sẽ thấy một ngôi nhà mái tôn lụp xụp và ẩm thấp. Bà cụ thường nói với tôi:
“Nếu giờ đổi ngôi biệt thự sang trọng này để ở ngôi nhà lụp xụp kia bà cũng sẵn sàng”.
Tôi ngạc nhiên hỏi lý do thì bà bảo tôi cứ lại gần cửa sổ mà quan sát. Y lời bà, tôi dán mắt vào cửa sổ để nhìn sang nhà bên cạnh. Chẳng có gì ngoài một anh con trai đầu trọc lóc, mặc một chiếc áo thun rách đang dìu bà mẹ từ giường xuống chiếc xe lăn.
“Hình như anh con trai đang chuẩn bị đưa mẹ mình đi đâu đó, bà ạ”. Tôi nói mà mắt vẫn không ngừng quan sát. Bà cụ nhìn xa xăm:
“Nó lại đẩy mẹ nó lên chùa xin ăn đó. Tội nghiệp, đầu óc nó không tinh nhanh như người ta đâu. Đúng là cuộc sống như một bản nhạc với đủ mọi nốt nhạc trầm bổng, chưa biết ta và người đàn bà kia ai đã hạnh phúc hơn ai, con ạ!”.
Tôi thầm nghĩ đúng là mỗi con người chẳng khác nào một nốt nhạc có người may mắn được làm một nốt bổng bay cao, thì cũng có người bất hạnh làm một nốt trầm đến mức không ai nhận ra sự tồn tại của họ. Nhưng dù sao, họ vẫn là một phần không thể thiếu để tạo nên một bản tình ca nhiều cung bậc cảm xúc bất tận cho cuộc đời này!
Xin phép bà cụ tôi ra về dù trong lòng không muốn bỏ cụ thui thủi một mình, trong khi con bé giúp việc vẫn đang dán mắt vào ti vi bên phòng khách. Giữa muôn trùng của cuộc sống nhộn nhịp, tôi lại tiếp tục đến nhà khách hàng khác để chăm sóc.
... Và bản tình ca cuộc sống vẫn tiếp tục ngân vang! Sài Gòn, ngày 22-3-2011
Truyện ngắn đăng trên Áo Trắng số tháng 10/2011
MỘT BỮA CƠM CHIỀU
Mới sáu rưỡi sáng, tiếng đập cửa ầm ầm.
“Dậy, dậy mau ba bảo”. Người cha vừa đập cửa vừa gọi to. Cô con gái lớn uể oải mở cửa phòng cùng với cái ngáp dài. “Ba gọi sớm vậy?”.
“Chiều con về sớm không?”.
“Dạ. Con chưa biết. Nhưng có chuyện gì ạ?”.
“Thì chiều nội và bác cả lên chơi, con chịu khó về sớm nấu cơm nhé”.
Câu nói của người cha như gáo nước lạnh dội xuống đầu cô con gái lớn, choàng tỉnh cơn buồn ngủ, cô gái làm như chợt nhớ ra gì đó, hai mắc mở to, lắc đầu nguây nguẩy:
“Dạ không, không được rồi, chiều nay con học tới sáu giờ, tối lại học Anh văn đến chín giờ, sau đó con đi họp nhóm tình nguyện đến mười một giờ đêm mới về đến nhà”.
Người cha tỏ vẻ khó chịu định nói gì đó rồi lại thôi, quay về phòng. Bà vợ ngồi ở bàn trang điểm, bôi bôi, trét trét nhưng miệng vẫn nói liên hồi:
“Tôi đã bảo ông rồi, cứ dẫn ông bà ra nhà hàng cho tiện, chứ ai thời gian đâu mà chợ búa cơm nước hầu các cụ. Đấy ông xem, lịch
làm việc của tôi kín luôn cả tuần, thậm chí, tôi không còn thời gian để đến spa chăm sóc da mặt”. Bà vợ bóp một ít kem che khuyết điểm ra tay để bôi lên mặt. Ông chồng thở dài ngồi xuống sofa, nhìn bà vợ vẻ ngao ngán:
“Nhưng khổ nỗi chiều nay tôi có một cuộc họp quan trọng với đối tác, sau đó còn phải mời họ đi nhậu nữa”.
Bà vợ ném cái chổi trang điểm xuống mặt bàn, quay lưng về phía ông chồng, giọng đanh đá:
“Tôi biết mà! Ông thì có gì bận ngoài nhậu nhẹt”.
Ông chồng vừa mặc áo sơmi vừa quát bà vợ:
“Tôi đi nhậu vì công việc, không như cô suốt ngày lê lết hết spa lại trung tâm mua sắm”.
Bà vợ hùng hổ đứng dậy một tay chống nạnh một tay chỉ vào mặt ông chồng:
“Này, ông đừng tưởng chỉ có đi nhậu mới là công việc nhé. Đàn bà đi spa, đi mua sắm cũng đều là công việc hết. Mà ai bảo tự nhiên ông cho con bé ô-sin về quê, để giờ người nhà ông lên không có ai chăm, rồi ông quát tháo vợ con ầm ĩ hả?”.
Ông chồng như biết cái sai của mình nên cố hạ giọng xuống. “Thì bố mẹ nó ốm thì phải cho nó về chăm chứ”.
“Chăm chăm cái gì? Chừng nào bố mẹ nó chết hẵng hay. Đấy ông xem cả tuần nay ô-sin nghỉ việc, nhà cửa như cái chợ, cha con ông đi tối ngày, tôi thì hàng đống việc ở công ty chưa làm xong, giờ bố mẹ ông lên ông bắt tôi ở nhà lo cơm nước”.
Tiếng gào thét của bà mẹ khiến thằng bé đang trong nhà vệ sinh phải bịt tai lại, ngoài kia cuộc cãi vã đã đến hồi gay cấn, kẻ nhiếc mắng, người chỉ trích. Thằng bé nhìn qua khe cửa đầy sợ hãi, nó co rúm người lại khi thấy cha ném cái ly, mẹ đáp trả bằng cái bình hoa trên bàn trang điểm. Nó nhìn qua khe cửa chừng một lúc biết sẽ chẳng còn trông chờ được gì nên quay chạy lại bên cái la-va bo rửa mặt. Cố với mãi vẫn không thể với tới vòi nước, thằng bé bèn lấy cái chậu nhỏ úp xuống và đứng lên đó. Vậy là tự nhiên nó cao thêm một khúc, hí hửng soi mình trong gương, nó cười lộ nguyên hai cái hố răng, hai cái răng lung lay mãi không chịu rụng đó cuối cùng đã bị ông nội nhổ đi hôm nó về quê.
Nó vẫn nhớ lúc đó nó khóc ghê lắm, khóc to đến mức chắc ba làng cũng nghe thấy như nhận xét của bà nội. Nó cũng còn nhớ, lúc đó ông nội bế nó đang nước mắt giàn giụa lên nựng:
“Bo ngoan, xem ông nội làm phép cho cháu ông mọc ra răng mới đẹp hơn này”.
Ông ném cái răng dính đầy máu, miệng đọc câu thần chú: “Hú hú chuột chuột, ta ném cho ngươi cái răng cũ, ngươi trả cho ta cái răng mới”(1). Mải xem ông nội làm phép, nó nín khóc lúc nào không biết.
Hí hửng nghịch vòi nước mãi nó mới chịu lấy bàn chải đánh răng ra quẹt kem đánh răng lên. Bình thường những công việc này đều do chị giúp việc làm, thậm chí chị còn đánh răng cho nó luôn!
Đang soi mình trong gương chăm chú nhìn cái miệng dính đầy kem đánh răng cười, bất chợt nó nhớ ra điều gì đó liền thả bàn chải xuống, cố kiễng chân với tay lên lấy bộ dao cạo râu cho bằng được.
Thằng bé hét váng lên và cửa phòng tắm nhanh chóng bật mở.
“Trời ạ, sao con để nước chảy lênh láng thế hả Bo?”. Người mẹ quát lớn.
Người cha vội bế thằng bé từ nền đá lên, xoa xoa:
“Thôi nào, ngã có tí mà khóc to quá!”.
Rồi ông chồng quay sang trừng mắt nhìn bà vợ lớn giọng: “Con ngã không chịu lo còn quát tháo ầm ĩ. Bà là mẹ nó mà việc chăm nó cứ giao hết cho ô-sin. Không có ô-sin thì mặc kệ nó loay hoay một mình trong nhà tắm!”.
Tiếng quát của ông chồng làm đứa bé như khóc to hon. Đứa con gái từ phòng bên chạy sang nhìn hiện trường, lí nhí: “Mẹ lo cho mình còn chưa xong thì lấy đâu ra thời gian lo cho con cái!”.
Cánh cổng sắt hé mở, đứa bé từ trong nhà vội chạy ào ra, trên vai là chiếc cặp trĩu nặng. Nó chạy ù một mạch sang nhà hàng xóm. Hai đứa trẻ gặp nhau hí hửng khoe chuyện.
“Bo ơi, chiều nay mẹ tớ lại nấu canh bí hầm xương, bạn qua ăn nữa nhé!”.
“Thích quá. Cả tuần nay chị giúp việc về quê, nhà tớ có ai nấu cơm chiều đâu. Ba mẹ và chị gái toàn về trễ, chiều nay ông bà
tớ lên cũng chẳng có cơm để ăn nữa đó!”.
Giọng buồn tênh của thằng bé khiến ba mẹ nó đứng sau muốn mất hồn. Người mẹ bỗng nhìn vào cái thùng rác trước cổng nhà chất đầy vỏ hộp đồ ăn sẵn.
“Nào con trai, đi học ngoan, chiều còn về đón ông bà”. Tiếng ông bố vang lên.
Trong giây lát người mẹ như bừng tỉnh vội nói với cô con gái đang chuẩn bị rú ga lướt đi:
“Hôm nay học xong nhớ qua công ty đón mẹ đi siêu thị mua thức ăn nhé”.
1. Một câu thần chú của người xưa khi nhổ răng sữa của trẻ con, để mong nó mọc ra răng mới.
NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC CHIA LY
Tiếng nhạc hiệu kết thúc chương trình vang lên, trên ti vi hình ảnh người mẹ ôm người con sau nhiều năm thất lạc, xa cách, tưởng chừng như không bao giờ tìm thấy nhau. Họ khóc, người nhà họ khóc, cô MC khóc và cả trường quay, cả nước cũng đều khóc khi nhìn thấy sự đoàn tụ của hai mẹ con. Đó là những giọt nước mắt chia vui sau một cuộc thất lạc dài. Còn Ngân cũng khóc, nhưng không phải khóc cho niềm vui của hai nhân vật trong ti vi, mà cô khóc cho chính sự bất hạnh của mình, vì thà người ta bị mẹ bỏ rơi, bị thất lạc để rồi còn tìm lại được nhau, còn cô... khi người mẹ ở ngay cạnh mình. Nhưng lại chưa một lần ôm cô vào lòng, chưa một lần thủ thỉ vào tai Ngân những lời dạy dỗ về công, dung, ngôn, hạnh như vô vàn những bà mẹ khác.
Ngân khóc, những giọt nước mắt tức tưởi, vỡ òa, những giọt nước mắt tủi giận... Ghìm chặt đầu con gấu bông ướt sũng. Trên màn hình ti vi cảnh hai mẹ con đang ôm lấy nhau. Trong đầu Ngân lại lởn vởn những câu hỏi tại sao và tại sao? Và những câu hỏi đó cứ chồng chất, nối dài hơn hai mươi năm qua, không lời giải đáp...
Tùng bước vào, anh vội tắt ti vi. Dường như lần nào cũng vậy, thậm chí có những lúc anh ghét cay ghét đắng cái chương trình
truyền hình đó, ghét cả người nào đã sáng tạo ra chương trình ấy để rồi những tối thứ bảy nào khi vợ anh xem xong cũng khóc nức nở, người cứ đờ đẫn như cái xác không hồn tới mấy hôm liền, đến nỗi anh không còn đủ sức để dỗ dành an ủi nữa. Và cách tốt nhất là ôm cô vào lòng và để cho cô khóc chừng nào nín thì thôi. Những lúc như vậy hình ảnh người mẹ ruột của Ngân lại hiện về trong tâm trí Tùng. Đó là cái ngày trước ngày cưới một tuần, khi Ngân dẫn Tùng về nhà mẹ ruột để báo tin lấy chồng và mong có sự hiện diện của bà ấy trong ngày cưới. Đó là lần đầu tiên sau hai mươi năm ba mẹ Ngân chia tay, Ngân mới dám tìm đến nhà mẹ ruột của mình. Nhưng vẫn nguyên thái độ lạnh lùng người mẹ chỉ nhả ra một câu: “Xin lỗi hôm đó tôi đi công tác chưa về kịp”.
Kể từ lúc đó Tùng không bao giờ dám nhắc đến người đàn bà ấy trước mặt Ngân. Tùng vẫn âm thầm dò la từ những người họ hàng của Ngân để tìm hiểu xem vì sao người phụ nữ ấy lại lạnh lùng bỏ mặc đứa con dứt ruột đẻ ra nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Bà ấy hư nên bị mẹ chồng đuổi khỏi nhà”.
Không ai biết nguyên nhân thật sự nhưng ai cũng biết chuyện ngày Ngân lên xe hoa bà mẹ cũng không thèm có mặt. Thỉnh thoảng người vợ mới lại chì chiết bố Ngân: “Đấy ông xem, dù ông lấy tôi không phải bởi tình yêu nhưng tôi đã sinh cho ông hai thằng con trai, tôi đã chăm sóc con gái riêng của ông từ khi nó mới có năm tuổi cho tới ngày nó về nhà chồng. Còn mẹ nó, người đàn bá mà ông ngày đêm yêu dấu thì lại không một lần đoái hoài xem con
gái mình sống như thế nào”.
Những lúc như vậy Ngân lại càng thương bố hơn đồng thời càng oán giận người mẹ ruột. Trong cuộc sống không hiếm gia đình tan vỡ nhưng trong trường hợp ấy đại đa số người mẹ đều giành quyền nuôi con. Mẹ kế của Ngân dù trước mặt mọi người, nhất là trước mặt bà nội luôn tỏ ra yêu thương, xem Ngân như con đẻ nhưng sau lưng bà ta luôn dành cho Ngân những câu nói độc địa: “Mày là đồ không ai thương hết. Ngay cả mẹ ruột mày cũng bỏ mặc mày”.
Đến bây giờ Ngân vẫn không thể quên những lời ấy, mẹ mày cũng bỏ mặc mày... Cho tới lúc Tùng nói với Ngân: “Mẹ mất rồi. Ba quyết định chôn cất mẹ trong nghĩa trang của dòng họ”. Ngân trợn mắt quát lớn:
“Mẹ nào?... Sao bà ấy lại được chôn trong nghĩa trang nhà mình?”.
Họ hàng cũng bất ngờ khi bố Ngân đưa ra quyết định đó. Ngân chỉ đứng im nhìn cái xác nằm đó, không khóc, không quỵ ngã. Là mẹ mình ư? Là người đàn bà đã bỏ mình ra đi suốt hai mươi năm qua? Người đàn bà mà ngày xưa bà nội hay kể là người hư hỏng, bỏ chồng bỏ con để theo người khác ư? Là người đàn bà mà trong suốt thời đi học mình luôn bị ám ảnh khi những bài tập làm văn có viết về người mẹ. Giờ chết lại được về đây trong ngôi nhà thờ tổ ư? Trong khi bên cạnh là những tiếng xì xào.
“Lạ nhỉ, cô ấy chết mà nét mặt tươi tỉnh mãn nguyện chứ không u sầu như hồi còn sống”.
“Chắc cô ấy mãn nguyện vì được đem về nhà chồng làm đám tang”.
Sau khi những lớp đất cuối cùng đã đắp lên ngôi mộ, bố Ngân cầm hương thắp lên hai ngôi mộ bên cạnh, giọng nghẹn ngào: “Thưa ba mẹ, lúc còn sống vợ con đã phải diễn một vai tàn nhẫn nhất, cô ấy phải cố tình bỏ theo người khác, bỏ người chồng mà cô ấy yêu thương nhất và bỏ đi đứa con gái mà cô ấy đã đứt ruột đẻ ra, để làm hài lòng ba mẹ chồng, để chồng được công thành danh toại. Giờ đây cô ấy đã chết và khi chết cô ấy mới có thể được sống với con người thật của mình. Vậy nên con xin chôn vợ con cạnh mộ ba mẹ để ba mẹ hiểu hơn sự hi sinh của cô ấy hai mươi năm qua. Xin ba mẹ hãy đón nhận cô ấy nơi suối vàng”.
Ngân chạy tới gào thét: “Như vậy là sao... là sao hả ba? Con không hiểu?”.
Bố Ngân vẫn quỳ trước mộ bình tĩnh: “Ngày xưa ba mẹ yêu nhau nhưng bị cả hai bên gia đình phản đối. Sau khi sinh con xong mới phát hiện ra mẹ con bị bệnh và không thể sinh con được nữa. Trong khi ba là con độc đinh. Ông bà nội đi xem bói, thầy nói tuổi mẹ và ba không hợp nếu ở bên nhau sẽ có thêm rất nhiều chuyện xấu xảy ra và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của ba nữa. Mặc dù
ba đã tìm mọi cách để giải thích với ông bà nội, nhưng nó vẫn đến tai mẹ con và mẹ con đã phải sắm một vai diễn tàn nhẫn là đi ngoại tình với người khác để bị đuổi ra khỏi nhà”.
Xung quanh lặng đi, Ngân quỳ sụp trước ba ngôi mộ. Gục đầu vào người chồng giọng cô thều thào: “Mẹ đã về hả anh. Mẹ đã được đoàn tụ với chúng ta”.
Cố kìm ném cơn xúc động Tùng cố bật lên câu nói: “Con người đến lúc chết họ vẫn còn linh hồn mà em. Mẹ đã được trở về rồi đó!”.
Sài Gòn 04/01/2012
YÊU TRÊN TỪNG NGÓN TAY
Người ta vẫn bảo, hai người yêu nhau thật sự thì bất kỳ tiếp xúc nào cũng là làm tình. Tôi cũng từng qua nhiều mối tình nhưng chưa từng cảm thấy câu nói đó đúng.
Cho đến một lần tôi vào viện thăm người bạn thân vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u. Khuôn viên bệnh viện buổi chiều trong lành yên tĩnh đến mức người ta có thể nghe thấy tiếng lá tách mình rụng xuống.
“Nó nhẹ nhàng rơi và nằm yên trên mặt đất, rồi vài ngày sau sẽ phân hủy, thấm vào đất, thành nguồn dinh dưỡng nuôi cây sinh ra những chiếc lá non khác”.
Bạn tôi nói vậy và tôi phì cười.
“May mà mày mới chỉ bị u lành, chứ dại mồm mày mà bị u ác gì gì đó thì có khi thành triết gia mất”.
Bạn tôi bật cười trước câu đùa của tôi rồi mắt lại đượm buồn.
“Có lẽ khi rơi vào nghịch cảnh rồi người ta mới thấy những gì mình có quý giá đến mức nào. Nhất là sức khỏe. Đó, mày nhìn đôi trai gái đang ngồi hàng ghế đá đối diện kia xem”.
Tôi nhìn theo hướng bạn chỉ. Trước mắt tôi đôi trai gái nọ
đang ngồi trên ghế đá, cô gái gục đầu lên vai chàng trai. Gương mặt cô gái nhợt nhạt, mệt mỏi. Tuy nhiên, nó lại đẹp và phúc hậu đến lạ thường! Họ dựa vào vai nhau, không nói lời nào, chỉ có đôi bàn tay lồng vào nhau chặt khít. Bàn tay chàng trai thô ráp, bàn tay cô gái gầy guộc.
Bạn tôi khẽ thì thầm:
“Họ đang làm tình đó!”.
Tôi trợn mắt hỏi lại:
“Mày đùa hay nhỉ”.
“Tao không đùa! Chiều nào sau giờ làm anh chàng đó cũng đến thăm cô ấy, chiều nào họ cũng ngồi ở cái ghế đá đó, dựa vào nhau với hai bàn tay đan chặt, không một lời trò chuyện. Hai bàn tay cứ siết chặt như thế để cảm nhận hết sự yêu thương về tinh thần và hơi ấm về xác thịt. Nếu đã yêu nhau thật sự thì không nhất thiết phải lên giường mới là làm tình”.
Tôi ngồi quan sát đôi trai gái đối diện chăm chú, quả thật từ đầu đến giờ họ không nói với nhau lời nào. Cô gái điềm tĩnh dựa vào vai chàng trai, nét mặt mãn nguyện! Khuôn mặt chàng trai lại hẳn lên vẻ mệt mỏi, khổ đau và bất lực. Chỉ có bàn tay hai người luôn đan chặt.
“Hai người đó yêu nhau đã ba năm, một mối tình câm bởi công việc đã cướp hết thòi gian của họ. Nghe nói cô gái đã làm việc cật lực để giúp người yêu hoàn thành giấc mơ mở công ty phần mềm. Có điều khi công ty được biết đến cũng là lúc cô gái ngã quỵ
vì căn bệnh ung thư đã bước sang giai đoạn cuối”. Bạn tôi chậm rãi kể.
Tôi chìm đắm trong lời kể của bạn còn đôi mắt vẫn cứ ngước nhìn hai bàn tay đang đan chặt vào nhau. Hai bàn tay mải mê lạc vào thế giới nào đó chăng? Cái thế giới thánh thiện mà ở đó tình yêu sâu đậm đến mức họ chỉ cần chạm nhẹ vào nhau, ngước mắt nhìn nhau, hay chỉ là một cái nắm tay cũng cho họ cảm giác mãn nguyện, cũng cho họ cảm nhận yêu thương nồng cháy, mà không cần lên giường.
Bạn tôi kéo tôi về với thực tại bằng câu hỏi:
“Mày có biết vì sao họ lại luôn nắm tay nhau như vậy không?”.
Tôi không nói gì mà chỉ lắc đầu, bạn tôi kể tiếp. “Đơn giản vì ngày xưa họ yêu nhau nhưng cả hai đều không dám thổ lộ. Chàng trai yêu, nhưng mải cắm đầu vào công việc, còn cô gái yêu nhưng mặc cảm về thân phận và cũng không muốn tình yêu của mình cản trở chàng trai. Tình yêu song phương chân thành trong im lặng, khi họ chỉ dám trao cho nhau những ánh mắt trìu mến, những cái chạm nhẹ và đặc biệt là những cái nắm tay giấu giếm trước mặt mọi người. Chỉ đơn giản vậy đó mày ạ!”.
Tôi thì thầm như sợ phá vỡ không gian bình yên của đôi trai gái kia:
“Ừ, chỉ đơn giản vậy vì họ yêu nhau bằng trái tim, bằng tâm
hồn luôn biết nghĩ cho đối phương, chứ họ không yêu bằng dục vọng, bằng vẻ bề ngoài hào nhoáng. Có lẽ tao và mày thiếu diễm phúc như anh chàng kia!”.
Bước ra khỏi bệnh viện, chiếc xe của tôi lao vào dòng người xe tấp nập nhưng hồn tôi vẫn còn ở bệnh viện, nơi đôi trai gái kia bên nhau, nơi thời gian như chỉ muốn rơi nhỏ giọt khi sự sống của cô gái chỉ tính bằng ngày, bằng giờ. Một chuyện tình kết thúc không có hậu như những bộ phim truyền hình Hàn Quốc chiếu nhan nhản trên ti vi, nhưng tôi vẫn thấy anh chàng kia thật may mắn. Anh đã gặp được tình yêu đích thực khi họ làm tình trên từng ngón tay!
Đông Hà, mồng hai tết Tân Mão
Truyện đăng trên New Life Style số ra tháng 2/2011
CÂY CÔ ĐỘC
Người Vợ
Tôi là một người phụ nữ đã bốn mươi tuổi, thành đạt và hạnh phúc, đó là những gì mà người khác nhận xét về tôi. Bởi tôi là trưởng phòng của một công ty xuất nhập khẩu còn chồng tôi là đại gia bất động sản, gia đình tôi là hình mẫu lý tưởng của bao người nhất là cấp dưới của tôi. Tôi cũng cho là họ đúng vì cũng chẳng có nhiều nhà cả vợ chồng cùng thành đạt như chúng tôi. Tuy nhiên ít ai biết rằng đằng sau ánh hào quang ấy là những nỗi niềm khó nói.
Mỗi khi nghe tin ai đó có thai hay bắt gặp một cái bụng bầu lướt qua mặt tôi cũng ứa nước mắt. Thậm chí, chứng kiến cảnh một nữ nhân viên khổ sở mệt mỏi, nôn ọc khi nghén hoặc nhìn thấy họ ăn một trái chanh, cắn một miếng xoài chua thì trong tôi cũng dấy lên cảm giác ghen tỵ khó tả. Tôi thèm thuồng nhìn theo họ và ước gì mình được đánh đổi tất cả tiền tài, địa vị, sắc đẹp để trở thành họ.
Niềm vui làm mẹ như vô vàn những người đàn bà khác với tôi là khát khao suốt mười năm qua. Và đó còn là những ám ảnh, những dằn vặt, thỉnh thoảng trong những giấc mơ tôi lại nghe thấy tiếng khóc thét, tiếng van xin của những đứa trẻ cùng những âm
thanh rùng rợn nơi phòng mổ. Những đứa trẻ van khóc cầu xin: “Mẹ ơi, xin đừng giết con!”.
Mới mười sáu tuổi, tôi đã lên bàn mổ hút đi cái thai chưa đầy tháng. Nỗi đau kéo dài tới khi tôi tốt nghiệp đại học, ra trường đi làm và yêu một người con trai khác. Rồi nỗi đau quặn lên khi người ấy nói với tôi:
“Em đã không còn gì từ lúc mới mười sáu tuổi thì anh cũng không chắc cái thai trong bụng em là con anh đâu”.
Lại một lần tôi quay lại phòng mổ sản khoa. Lần cuối cùng. Người Chồng
Hôm nay tôi quyết định tạm gác hết công việc, tạt qua siêu thị mua ít đồ, gửi cho vợ tin nhắn: “Em về sớm nhé”. Đã quá lâu rồi tôi mới tự vào bếp làm cơm cho vợ. Chúng tôi vẫn là một đôi vợ chồng yêu nhau, vẫn sống hạnh phúc nhưng là hạnh phúc chưa trọn vẹn bởi thiếu vắng những đứa trẻ. Người ta vẫn bảo con cái là hoa trái của cây tình yêu. Vậy nên vợ chồng tôi cho dù có xây bao nhiêu căn biệt thự, mua bao nhiêu chiếc xe hơi đắt tiền đi chăng nữa thì khi chết rồi chúng tôi chỉ là một cái cây cô độc mà thôi!
Không ít lần mọi người khuyên tôi ly dị hoặc đi kiếm một đứa con bên ngoài vì vợ tôi không thể sinh con. Nhưng khi tôi chứng kiến mười năm liền vợ tôi sống trong dày vò đến trong giấc ngủ vẫn còn khóc thì tôi không nỡ.
Tôi biết đối với một người đàn bà thì hạnh phúc nhất là
được làm mẹ, vậy nên sẽ không có gì đau khổ hơn khi họ bị cướp đi hạnh phúc ấy. Và biết đâu chính tôi cũng là nguyên nhân đẩy vợ tôi vào bi kịch ấy.
“Đây sẽ là bữa cơm cuối cùng của vợ chồng mình”.
“Em nói sao?”.
“Hôm nay em đã đi gặp luật sư”.
“Em cho rằng đấy là lối thoát?”.
“Ít nhất nó cũng là lối thoát cho anh. Những người đàn bà khác sẽ sinh cho anh một đàn con”.
Tôi ôm chặt vợ, giọng nghẹn lại: “Không có lối thoát nào cho anh cả”.
Tôi khó nhọc nói tiếp: “Trước khi cưới em, anh đã sống chung với vài người, hai người trong số đó có thai”.
Vợ tôi hỏi dồn: “Vậy con đâu anh?”.
Một lúc lâu sau tôi mới có đủ dũng khí để trả lời câu hỏi của vợ:
“Anh đều dàn xếp bằng tiền”. Nhưng rồi cô thứ ba đã quát thẳng vào mặt anh: “Rồi một ngày anh sẽ bị báo ứng”. Khi ấy anh chỉ cười khẩy.
Vợ tôi bỗng bật khóc: “Trời ơi!”.
Anh nghĩ đây là nghiệp báo.
Đông Hà 20/2/2012
(Viết theo đơn đặt hàng của tạp chí Thế Giới Eva số ra 8/3 năm 2012)
ĂN PHỞ
Quán phở mười hai giờ trưa vắng hoe. Cô chủ quán ngáp ngắn ngáp dài rồi gục đầu trên ghế thiếp đi.
“Cho tô phở tái”.
Cô chủ quán bừng tỉnh, niềm nở:
“Dạ, mời anh ngồi vào bàn!”.
Người khách khoảng năm mươi tuổi, mặc sơ mi trắng ngà bỏ trong quần gọn gàng, tay xách một cái cặp đen, mặt hơi đỏ, lấm tấm mồ hôi. Ngồi phịch xuống ghế, người khách mở vội chiếc cúc áo trên cổ trút bỏ phần nào cái nóng nực và cơn mệt mỏi trong người.
Đang mải nhìn theo động tác băm thịt, thái hành thuần thục của cô chủ quán. Người khách bỗng thần người nhớ đến lời vợ: “Ông làm gì thì làm chiều nay không có lương thì đừng vác xác về cái nhà này nữa”.
“Phở của anh đây”. Cô chủ quán nhẹ nhàng đặt tô phở xuống bàn kèm theo một nụ cười niềm nở. “Anh ăn từ từ kẻo nóng nhé!”. Người khách thầm so sánh: “Thế mới là phụ nữ chứ ai như...”.
Tô phở tái thơm dậy. Cơn đói như cồn lên. Người khách cắm cúi ăn. Ăn chừng nửa tô mồ hôi tuôn ra như tắm người khách gọi thêm cốc chanh đá. Lần này cô chủ quán lại nở nụ cười tươi hơn: “Dạ nước chanh của anh đây!”.
Người khách gật đầu như cảm ơn thái độ phục vụ nhiệt tình của cô chủ quán, rồi lại tiếp tục với tô phở.
“Khăn lạnh, anh lau mồ hôi cho mát nhé”. Người khách giật mình cảm động: “Ồ, cảm ơn cô. Giá mà...”. Cô chủ quán tươi cười không đáp.
Người khách bỗng nói tiếp: “Nửa tháng rồi công ty tôi chưa phát lương, tôi về nhà không được yên, giữa trưa nắng phải ra đây ăn phở”.
Cô chủ quán cũng buồn buồn: “Đúng cơn bão giá”.
Liếc nhìn đồng hồ đã gần đến giờ làm người khách kêu tính tiền.
“Dạ của anh vị chi hết bốn mươi hai ngàn. Tô phở ba mươi, ly nước chanh mười và khăn lạnh hai ngàn”.
Người khách mở ví, chỉ còn mỗi một tờ mười ngàn và một tờ năm mươi ngàn, đưa tờ năm mươi ngàn chờ cô chủ quán trả lại. Lặng lẽ đi về cơ quan, câu nói của vợ lại vang lên đâu đó trong đầu người khách.
Sài Gòn 26/4/2012
NHỮNG ĐỨA TRẺ THÀNH PHỐ
Mười giờ sáng, tôi uể oải bước ra khỏi phòng ngủ, vừa bước những bước chân nặng trĩu mệt mỏi tôi vừa đưa tay sờ lên trán mình. Con sốt đêm qua giờ đã đỡ nhưng sự mệt mỏi vẫn còn đeo bám lấy tôi. Tôi định ra ngoài ban công ngồi hít thở khí trời một chút trong thời gian chờ bác sĩ đến khám, ban nãy chị giúp việc nói nửa tiếng nữa bác sĩ sẽ đến. Sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, tôi không phải xếp hàng đợi hay nằm chen chúc khi gặp sự cố về sức khỏe nữa.
Đi ra ban công tôi vẫn bận rộn suy nghĩ. Đảm nhiệm cương vị quản lý, dù có ốm tôi cũng không thể bỏ mặc công việc, huống hồ tổ chức sự kiện lại là cái nghề làm dâu trăm họ, chẳng dễ gì mà được nghỉ ngơi. Đang chìm trong suy nghĩ tôi bỗng giật mình bởi tiếng quát:
“Ăn nhanh không tau cạy mồm ra bây giờ”.
Là chị giúp việc quát đứa con gái chưa đầy hai tuổi của tôi. Con gái tôi mặt mũi dính đầy thức ăn, tóc tai bù xù đang khóc thảm thiết. Tôi vội lao đến ôm con gái:
“Này chị cho nó ăn kiểu gì thế hả?”.
Chị giúp việc phân bua:
“Tôi phải dọa vậy chứ không nó cứ ngậm cháo trong miệng hoài không chịu nuốt”.
Tôi quát lớn:
“Cái gì? Dọa gì? Tôi thấy chị đè nó ra đổ cả thìa cháo to đùng. Con tôi mới hai tuổi, chị không sợ nó chết sặc sao?”. Tiếng quát của tôi làm con tôi thêm sợ, gào khóc to hơn. “À thôi, Su ngoan nào. Mẹ xin lỗi. Mẹ thương Su. Su nín đi nhé”.
Tôi vừa dỗ vừa lau sạch những vết thức ăn dây trên khuôn mặt con gái. Nước mắt tôi cũng chực trào ra, ba tháng rồi tôi mới ôm con thế này. Thường ngày tôi đi làm về con gái đã ngủ say, tôi tỉnh dậy thì con gái đã được đưa đi gửi trẻ.
Ngoài ba mươi tuổi tôi mới sinh được bé Su nên vợ chồng tôi rất cưng chiều, không tiếc tiền đầu tư cho con. Cho con học tại trường mẫu giáo quốc tế, uống những loại sữa ngoại đắt tiền để tăng chiều cao và chỉ số thông minh, thậm chí chồng tôi còn cẩn thận gửi thực phẩm từ Mỹ về để nấu đồ ăn cho con.
Cuộc sống của con tôi không thiếu thứ gì nhưng lại thiếu hẳn sự chăm sóc của ba mẹ, hai chúng tôi đều quá bận, mọi sinh hoạt của con chúng tôi phó mặc cho chị giúp việc. Có hôm đi làm về khuya muốn ngủ cùng con nhưng chị giúp việc lại bảo:
“Cô về phòng ngủ đi, nó ngủ với tôi quen rồi, giờ lạ hơi nó không chịu ngủ lại khóc suốt đêm đó”.
Hòm nay cũng vậy, đang khóc là thế nhưng chỉ lát sau con
tôi lại lẫm chẫm chạy theo chị giúp việc, quên cả việc vừa bị chị ta quát.
Tôi như rơi xuống vực thẳm, từ khi nào con gái tôi đã bám theo ô-sin như một cái đuôi? Từ khi nào con tôi xa lạ và sợ hãi tôi thế này?
“Cô đang sốt nên đi nghỉ đi cô ạ. Cô bế Su nhỡ lây bệnh cho nó thì khổ”.
Chị giúp việc tỉnh bơ còn tôi đứng như trời trồng. Lúc trước mẹ chồng đã cảnh báo tôi điều này nhưng tôi cứ nghĩ do bà cổ hủ chứ con mình lúc nào chả là con mình. Đến hôm nay tôi đã thấy con tôi nhìn tôi như người xa lạ. Thậm chí, tôi càng lại gần thì nó càng chạy nhanh khỏi tôi. Chợt nhớ có lần cô bạn thân than thở: “Giờ mình đi công tác cả tuần thằng bé cũng không nhớ, chứ hễ chị giúp việc về quê ba hôm là nó bỏ ăn, bỏ uống. Ai dỗ cũng không chịu. Riết mình không biết mình có phải là mẹ nó không nữa?”.
Tôi nặng nề bước về phòng nằm bẹp xuống giường, tôi thấy đứa cháu mười tuổi ở quê bảo với tôi:
“Dì ơi, con thấy bọn trẻ con trên thành phố toàn bị mồ côi cha mẹ hết”.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
“Ủa sao cháu lại nói như vậy?”.
“Vì cháu có thấy ba mẹ chúng đâu, chỉ toàn thấy người giúp việc. Vậy không phải mồ côi thì là gì ạ?”.
Phút chốc tôi giật mình tỉnh dậy thở phào hóa ra đó chỉ là một giấc mơ. Ngoài phòng khách có tiếng nói vọng vào: “Xin chào, tôi là bác sĩ đến từ tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà HELP đây ạ!”.
Chỉ vừa kịp nghe đến đó tôi đã nhìn thấy cô con gái chưa đầy hai tuổi mở cửa phòng dẫn bác sĩ vào khám cho mẹ.
Sài Gòn 26.8.2011
Trần Trà My
NHẪN
Đứng ngắm cô con gái ngủ mê mệt trên giường một hồi, người phụ nữ lắc đầu tiếp tục quét nhà. Cây chổi đưa qua đưa lại rất nhẹ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của cô gái. Lần nào cũng vậy, cứ hai vợ chồng cãi nhau là cô gái lại bỏ về nhà mẹ, lại khóc tức tưởi và lại thề: “Con chịu hết nổi rồi. Con nhất định sẽ ly hôn!”.
Ly hôn, giờ đây người ta nói ra hai từ này thật dễ dàng. Có người chỉ mới hôm qua còn ngập tràn hạnh phúc trong đám cưới xa hoa, hôm sau đã đùng đùng dắt nhau ra tòa ly dị. Hay là thời đại tên lửa, nay yêu mai bỏ là lẽ thường tình. Người phụ nữ vừa quét nhà vừa tự hỏi như vậy. Cây chổi vẫn cứ nhẹ nhàng lướt trên nền nhà, quét đi mọi bụi bặm, bất chợt nó dừng lại ở chân bàn làm việc, nơi đó có thứ gì đang lấp lánh.
Người phụ nữ vội cúi xuống, nhặt lên. Chiếc nhẫn cưới gắn kim cương tinh xảo. Bà nhẹ nhàng đặt chiếc nhẫn lên trên tờ đơn ly
dị, bước ra khỏi phòng rất khẽ.
Ngăn kéo nhỏ dưới bàn thờ người chồng là nơi cất giữ những kỷ vật gia đình và cũng là nơi bà đã để ba tờ đơn ly dị của cô con gái. Bà vẫn nhớ như in ngày ấy, sau hơn một tuần đi chọn nhẫn, vợ chồng cô con gái hào hứng khoe với mẹ cặp nhẫn kim cương giá tới cả trăm triệu. Nghĩ cũng phải thôi, con gái, con rể bà đều là doanh nhân thành đạt, chúng đâu thể chọn một cặp nhẫn tầm thường được.
Thời đại thay đổi, giờ đây một tháng lương của cô con gái cũng bằng cả năm trời bà làm khi trước. Thời bà cưới, cuộc sống nghèo đến mức đám cưới cũng chỉ mời dăm ba người bạn, họ hàng đến ăn bánh kẹo chia vui, thậm chí cô dâu cũng chẳng có áo cưới mà mặc trong ngày lễ trọng đại ấy. Không như bây giờ người ta tổ chức tiệc cưới ở khách sạn năm sao hay resort. Đôi khi bà thấy mình lẩn thẩn khi suốt ngày đi so sánh cuộc sống bây giờ với ngày xưa.
Dòng suy nghĩ dẫn bà nhớ về ngày đám cưới của mình, nhà trai nghèo đến rước dâu chỉ đem theo một cặp rượu trắng dán chữ song hỷ, một ít trà thuốc cau trầu cùng một cái hộp gỗ nhỏ bên trong đựng một cặp nhẫn làm bằng sắt mà thôi. Thế nhưng chồng bà đã phải mất cả tháng trời cật lực, kỳ công gò hàn rất tỉ mỉ mới làm được cặp nhẫn khắc tên hai vợ chồng ấy.
Cưới nhau về, cuộc sống chung gặp bao khó khăn, khó khăn
dẫn đến va chạm, nhẹ thì giận dỗi, nặng thì cãi lộn. Có lần bà cũng quyết bỏ về nhà cha mẹ đẻ, tuy nhiên chuyện ấy bị bố chồng phát hiện. Lập tức ông gọi hai vợ chồng lên, không hề quát mắng, chỉ nói:
“Các con à, từ giờ mỗi lần giận nhau nhớ nhìn xuống cái nhẫn mình đang đeo. Bởi chiếc nhẫn cưới ngoài biểu trưng cho việc có gia đình còn mang hàm ý vợ chồng phải biết nhẫn nhịn nhau để sống cho hòa thuận”.
Sau lần đó, hai người gần như không bao giờ cãi nhau, thậm chí người chồng mất rồi người vợ vẫn đeo chiếc nhẫn cưới đã méo mó. Còn bây giờ dường như chẳng còn ai thấy cần nhẫn nhịn nứa. Con gái bà thường bảo:
“Lương con mấy nghìn đô một tháng, con cũng có hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ ở Mỹ về, vậy cớ gì con phải nấu cơm cho chồng con”.
Bà biết xã hội bây giờ nam nữ bình đẳng, nhưng đôi khi người ta bình đẳng quá mà quên đi nếp nhẫn nhịn. Những vụ ly hôn xanh(1) đang ngày càng nhiều. Bà thắp một nén nhang cho chồng, mắt ngấn lệ:
“Ông à, giá mà vợ chồng con gái cũng biết nhẫn nhịn nhau như tôi với ông thì hay biết mấy. Ngày xưa mình thiếu thốn đến mức ngay cả chiếc nhẫn cưới cũng không mua nổi nhưng vẫn sống hạnh phúc, còn giờ tụi nó thì...”.
Bà nghẹn ngào không nói hết câu. Cô con gái đứng sau lưng mẹ, bần thần cúi nhìn ngón tay gầy guộc của mẹ đeo chiếc nhẫn
méo mó. Cô đã mua cho mẹ rất nhiều trang sức đắt tiền nhưng mẹ cô không thay chiếc nhẫn cưới. Bất chợt nhìn xuống đôi bàn tay thon thả trống không của mình, đêm qua cô đã ném đi chiếc nhẫn cưới.
Nhớ tới ngày truớc cô đã từng hỏi mẹ vì sao người ta phải đeo nhẫn cưới. Mẹ bảo: “Đeo nhẫn là để báo hiệu mình đã có gia đình, ngoài ra nó còn nhắc nhở hai người nhẫn nhịn nhau nữa con à”. Lúc đó cô thật sự không hiểu, chỉ thấy mẹ nói rất hay.
Giờ phút này cô mới thấy chữ nhẫn thật cần thiết. Quay lại phòng, cô thấy chiếc nhẫn đặt ngay ngắn trên tờ đơn. Nhẹ đeo nó vào tay, cô biết đến lúc mình về nhà.
Sài Gòn 10/7/2011
Truyện ngắn đăng trên Thế Giới Eva số ra tháng 9/2011
1. Ly hôn xanh: Chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống.
HẠT MƯA SA
Tiếng mưa vẫn gào thét ngoài khung cửa sổ, trong căn phòng ẩm thấp, chật chội thiếu ánh sáng cô vẫn ngồi trước gương, như đang soi lại chính cuộc đời mình. Hôm nay vừa tròn hai năm cô làm dâu trong ngôi nhà này. Đây là một ngôi nhà? Đã không ít lần cô gái giật mình với câu hỏi đó.
Cô ngồi như vậy rất lâu, trong gương là người đàn bà tóc tai rối bời, khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt trũng sâu và thâm quầng, gò má nhô cao, đen sạm.
Trước mặt cô là lọ thuốc ngủ. Chỉ cần uống hết nó, cô sẽ được giải thoát. Giải thoát, tốt biết bao! Bất chợt hình ảnh đám cưới hiện lên trước mắt cô. Ngày cô lên xe hoa, một ngày mưa tầm tã, tiễn con gái, cha cô chỉ nói một câu: “Ngày hôm nay một nửa hồn ba đã chết, còn một nửa sẽ theo con về nhà chồng!”. Mẹ cô khi đó đứng yên như bị đóng đinh, đôi mắt khô cạn, bà thấy như đang rơi xuống chín tầng địa ngục. Con gái bà xinh đẹp, giỏi giang như thế lại đi lấy một anh chồng vừa nghèo vừa không bình thường, chưa kể bà mẹ chồng vừa nhìn đã khiến người ta sợ. Chao ôi!
Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến xa nhà đầu tiên của cô. Chẳng hiểu vì cơ duyên nào, lên thành phố trọ học cô đã chọn đúng
ngôi nhà ấy để thuê. Cô ở căn phòng nhỏ cạnh ban công. Những ngày đầu nhập học, nhớ nhà cô thường đứng ở đó nhìn xuống dưới, thấy rõ nhất là cảnh sinh hoạt của gia đình chủ nhà. Họ có bốn người, bà mẹ và ba đứa con, hai gái một trai. Người con gái thứ là trụ cột gia đình, điều hành công ty người cha để lại. Cô này xinh đẹp, thông minh và cũng rất quyền uy. Cô em gái đang học lớp mười, hồn nhiên và sống rất tình cảm. Ngày cô dọn đến căn phòng trên gác ở cô út nhà chủ nhìn có buồn buồn, giọt nước mắt lăn dài, giọng nghèn nghẹn: “Đày là phòng em. Chị ở giữ gìn giùm em với. Thi thoảng chị cho em tạt qua nhìn ngắm nó một tí nhé”.
Nói xong cô bé ôm mặt chạy, cô đứng lại thẫn thờ.
Bà mẹ gần sáu mươi tuổi, mắt xếch, gò má cao, miệng vổ, tối ngày tụng kinh niệm Phật, nhưng sau những lần đi lễ chùa về bà ấy lại chửi rủa nhiều hơn. Và những khi ấy, chỉ có anh con trai cả ngồi nghe, không một lời cự cãi!
Anh con trai là người người kém may mắn nhất trong nhà. Năm mười tuổi anh bị một tai nạn khủng khiếp, hôn mê sáu tháng liền, sau đó là hơn ba năm chạy chữa khắp nơi, cuối cùng anh cũng hồi phục, nhưng từ đó anh có vẻ ngu ngơ. Lớn lên mình anh lủi thủi như cái bóng trong nhà, cô đơn giữa ba người phụ nữ. Anh lúc nào cũng cười hiền từ khiến cô gái thấy mến. Lâu dần, cô bắt đầu để ý tới anh, nắm rõ lịch trình một ngày của anh, từ giờ thức dậy, công việc hàng ngày cho đến giờ đi ngủ của anh cô đều nhớ. Anh cũng rất dịu dàng với cô, hàng ngày chờ cô về để dắt xe cô vào nhà, có những
hôm nửa đêm cô mới về, vẫn thấy anh để đèn ngồi đợi cô. Từ lúc nào, cô bắt đầu so sánh anh với những người đàn ông khác. Cô thấy anh vụng về nhưng chân chành, không toan tính. Cứ thế, tình yêu đến với họ lúc nào không hay.
Họ vội vã bước vào hôn nhân khi cô có thai. Không phải cô không đắn đo, không lo sợ, nhưng cô tin anh, yêu thương anh. Cô cũng tin khi đã thành con cái trong nhà, cô sẽ được đối xử khác. Nhưng sự thật thật khác xa những gì cô nghĩ. Bà chủ nhà thành mẹ chồng lại càng cay nghiệt với cô hơn. Không có việc gì cũng kiếm cớ mắng chửi, trút giận lên cô. May còn có chồng bên cạnh và hai cô em chồng bênh vực, động viên nên cô mới có thể nhẫn nhịn để làm tròn bổn phận dâu con.
Tuy nhiên qua thời gian, tâm hồn nhạy cảm của cô càng lúc càng bị tổn thương nhiều hơn bởi những lời đay nghiến độc ác của mẹ chồng. Cô càng lúc càng co mình lại. Đến hôm nay cô đã không khác gì một cái bóng. Nỗi đau đã thành câm lặng.
Tiếng khóc của đứa con kéo cô về với hiện thực. Lao tới giường ôm lấy đứa bé, cô cũng òa khóc theo: “Cún yêu của mẹ, mẹ xin lỗi, mẹ sai, mẹ sai rồi con ạ!”.
Dỗ con khiến cô vừa bình tĩnh lại thì tiếng chuông điện thoại lại vang lên, đầu bên kia cô bạn gái rầu rĩ: “Tao khổ quá mày ạ, tao chỉ muốn chết cho xong...”
Cô hỏi lại:
“Sao vậy? Mày luôn tự hào khi lấy được một người chồng thành đạt, đẹp trai cơ mà”.
“Ừ tao biết, tao biết chứ! Nhưng liệu mày có sống nổi không khi lấy phải một người không yêu thương mình, mà còn phản bội mình nữa chứ. Tao muốn tự tử quá”.
Nghe xong cô liếc nhìn lọ thuốc ngủ vẫn còn nguyên trên bàn. Cô không biết nên khuyên bạn như thế nào khi chính cô cũng vừa trải qua những phút giây không còn thiết tha với cuộc sống. Chợt hình ảnh người chồng ùa về, nụ cười hiền từ mỗi lần anh đứng trong bếp nấu cơm hay đến công ty đón cô. Ấp úng mãi trong điện thoại cuối cùng cô cũng nói: “Thôi mày à, con người ta sinh ra có nhiều mục đích để sống, giờ mày chết thì để con ai nuôi, sinh ra nó thì phải có trách nhiệm chứ. Còn chồng mày để tính sau”.
Nói xong cô tắt điện choại.
Đứa bé đã ngủ say trong vòng tay mẹ từ lúc nào, nhìn ra cửa sổ từng hạt mưa vẫn rơi, dưới nhà vọng lên tiếng mẹ chồng: “Giờ này còn không lo nấu cơm, nó nghĩ mình là vua trong cái nhà này chắc”.
Tiếng cô em út:
“Chị dâu đang ốm, để con nấu cho, sau này con và chị ba cũng lấy chồng đấy mẹ”.
Bà mẹ lẳng lặng vào phòng đóng cửa, gõ mõ tụng kinh.
Trên gác tiếng hát ru vang lên: “Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”.
SÀI GÒN 3/6/2011
Truyện ngắn đăng trên Thế Giới Eva và Phụ Nữ Việt Nam số ra tháng 6/2011
CÔ GIÁO THƯƠNG
Tiếng xe máy vừa vọng vào từ ngoài đầu hẻm, người ta đã thấy một bầy trẻ con chạy ra reo hò: “A cô giáo đã về! Cô giáo đã về!”.
Đối với bầy trẻ xóm lao động ấy thì tiếng xe máy của cô giáo Thương báo hiệu thời khắc chờ đợi đã đến. Như một bầy chim sẻ sà vào người cô giáo, chúng ríu rít hỏi cô đủ thứ chuyện và kể cho cô đủ thứ chuyện, hôm nay ở nhà xảy ra chuyện gì, trong xóm nhà ai cãi nhau, đứa nào ngoan, đứa nào hư...
“Con phụ cô dắt xe vào nhà nhé”.
“Cô ơi, hôm nay bé Muối nó chưa làm bài tập đó cô”. “Cô ơi, hôm nay thằng Khải ăn trộm sắt ở công trường xây dựng nên bị người ta đánh tím cả mắt đó”.
Cứ như vậy, đứa này nói chưa hết câu đứa kia đã chen ngang, làm náo loạn cả con hẻm. Những lúc ấy, dù có mệt đến đâu Thương vẫn tươi cười lắng nghe chăm chú.
Dắt xe vào nhà xong, Thương vội lấy ngay túi ni-lông treo trước giỏ xe. Tay phát miệng nói: “Hôm nay, có quà của một bác ở trong cơ quan cô gửi cho các con, sô-cô-la ngoại đó. Đây của cu Bo nè, bé Hoa nè, à riêng bé Muối hôm nay không làm bài tập cô giao
phải không? Vậy cô chỉ cho Muối một chiếc thôi. Lần sau nhớ làm đủ các bài tập về nhà nghe chưa. Khải đâu ra cô bảo nè, đã rất nhiều lần cô dặn em không được đi trộm cắp và không được ra công trường xây dựng rất nguy hiểm em biết không. Đây cô chỉ cho em một chiếc thôi đó”.
Phát kẹo cho từng đứa xong, Thương nói tiếp:
“Các em về tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm tối, bảy giờ chúng ta vào học nhé”.
Và dường như chỉ chờ có vậy, bầy trẻ reo hò thích thú, chạy về nhà tắm rửa ăn cơm còn chuẩn bị đi học. Mười đứa trẻ của xóm trọ nghèo ấy, mỗi đứa mỗi số phận, đứa mất cha, đứa mất mẹ, đứa thì cha mẹ ở tù vì giết người, trộm cướp, buôn ma túy hay làm
ca-ve, cờ bạc... Chúng được sinh ra trong sự cơ cực nghèo khổ của lớp người dưới đáy xã hội và cứ thế chúng lớn lên như cỏ dại ven đường.
Không khí ồn ào biến mất, mình Thương đưa ánh mắt đượm buồn nhìn khắp phòng. Còn nhớ ngày cô mới dọn về đây, cả xóm trọ đã nghĩ cô sẽ sớm chuyển đi sau khi bọn trẻ “hỏi thăm” đến. Ở đây, từ cái điện thoại, cái máy nghe nhạc, đôi giày, bộ quần áo đến
những đồ lặt vặt không đáng tiền, cứ hở ra là mất. Ăn cắp đã thành bản năng khi được sinh ra trong những gia đình dính vào đủ mọi tệ nạn xã hội. Thế nhưng Thương ở lại từng tháng rồi từng tháng,
chẳng những không bị bọn trẻ dọa cho bỏ đi, cô còn cảm hóa được chúng, thậm chí dạy chúng học chữ, học làm người lương thiện. Hôm nay là một ngày đặc biệt khi cô chỉ còn buổi dạy cuối cùng trước khi dọn nhà đi nơi khác. Thương tự tay xếp bàn ghế chứ không để cho bọn trẻ tự xếp nữa. Cái ghế nhựa màu đỏ cô để chính giữa cho bé Muối ngồi vì cô bé nhỏ nhất lớp, còn cái ghế nhựa bị sứt một mảnh nhỏ ở chân sẽ đặt cuối lớp cho cu Khải là đứa lớn nhất lớp. Nhắc đến Khải tự nhiên nước mắt Thương trào ra, Khải là một đứa trẻ mới mười hai tuổi nhưng đã từng trộm cắp, hút thuốc, đánh bài, chơi game, chửi thề và là đại ca của bọn trẻ. Ngày hôm trước Khải vừa sắp đặt để chồng Thương bị ngã xe, ngày hôm sau Khải lại ngang nhiên vào nhà lấy trộm điện thoại của Thương. Lúc đó bị Thương giữ chặt bàn tay đen gầy, Khải trợn mắt nhìn cô đầy thách thức: “Cô cứ việc đưa tui lên công an phường đi, tui chả sợ đâu”.
Thương nhẹ nhàng nhưng đầy quyết đoán:
“Em yên tâm, cô sẽ không đưa em đến đó. Giờ cô muốn đưa em đi đến một nơi khác và em hãy giúp cô rủ thêm mấy em trong xóm cùng đi theo em nữa. Em đồng ý chứ?”.
Khải lại trợn mắt nhìn Thương:
“Nhìn cô vậy mà cũng đi buôn người à? Tháng trước trong xóm có một đứa bị lừa bán sang Trung Quốc, giờ cô định lừa để bán hết tụi tui chứ gì. Đừng hòng nhé!”.
Vừa nói Khải vừa giật mạnh tay hòng chạy thoát. Trong
tích tắc Thương vùng đứng dậy lao ra cửa chặn Khải lại: “Cô không bán các em mà chỉ muốn mang kiến thức về cho các em thôi”. Câu nói đó như trói hai chân Khải lại, nó đứng nhìn Thương ẩn chứa vẻ nghi ngờ.
Sau đó Thương đưa Khải đi thăm mấy lớp học tình thương ở nơi khác, Khải sớm già dặn trước tuổi lại là đại ca của bọn trẻ nên Khải lên tiếng là bọn trẻ nghe theo ngay. Lớp học hình thành và Thương thành cỏ giáo của bọn trẻ.
Những ký ức khiến Thương thần người, bất chợt chuông điện thoại vang lên: “Em à, mẹ tìm được nhà cho mình rồi, ba hôm nữa anh đi công tác về mình sẽ chuyển nhà, em chuẩn bị nhé”. Thương ấp úng:
“Nhưng còn tụi nhỏ... em không nỡ...”.
“Tròi ơi, em làm sao vậy? Em có thể dạy cho chúng suốt đời không? Vả lại sau này con chúng ta không lẽ để nó lớn lên cùng tụi trẻ giang hồ. Em có thai hai tháng rồi đó”.
“Em biết. Nhưng...”.
Bàn tay Thương ôm lấy bụng:
“Con à, mẹ biết phải làm sao đây?”.
Tiếng Khải sau lưng làm Thương giật mình:
“Cô sắp chuyển đi à? Bộ cô không dạy chúng em nữa sao?”.
Khải chạy lại sà vào người Thương nức nở:
“Cô đi rồi ai sẽ dạy chúng em đây?”.
Ngoài cửa tiếng tụi nhỏ xì xào.
“Cô giáo khóc tụi bây ơi!”.
“Hình như cô sắp chuyển nhà đó”.
“Vậy cô không dạy tụi mình nữa à?”.
Mỗi đứa một câu, những ánh mắt tròn xoe ngây thơ, đượm buồn, ngơ ngác nhìn nhau. Chúng không hề biết rằng phía sau lưng chúng có hai người phụ nữ một già một trẻ đang theo dõi câu chuyện. Hai người ấy một là mẹ chồng, một là em chồng của cô giáo Thương. Cô gái trẻ bước đến phía tụi nhỏ nói lớn: “Nào các em, đến giờ vào học rồi đó”.
Người phụ nữ lớn tuổi tiếp:
“Mấy đứa yên tâm đi cô nghỉ dạy sinh em bé, sẽ có cô giáo khác đến dạy thay. Ngôi nhà này bà vẫn thuê để mở lớp. Giờ gắng học giỏi đi nhé”.
Sài Gòn 19.8.2011
Trần Trà My
VIẾT VỀ TRẦN TRÀ MY
CHỊ TÔI
“Phải được sống ở Sài Gòn”.
“Cố gắng, cố gắng hơn nữa”.
“Không gì là không thể”.
“Phải in được sách”.
Đó là những câu mà chị tôi từng dán quanh phòng để nhắc nhở mình cố gắng, nỗ lực, phấn đấu đạt được những mục tiêu ấy. Bây giờ khi những mục tiêu ấy đã ở phía sau, chị lại đặt ra mục tiêu mới: “Hai năm nữa phải cố gắng giành học bổng đi Singapore học PR”. Có thể mới nghe bạn sẽ cảm thấy những chuyện này thật bình thường và tôi đã quá khoa trương. Nhưng nếu tôi nói với bạn, chủ nhân của những mục tiêu này - chị tôi là một người khuyết tật - chưa từng một lần cắp sách đến trường trong hai mươi mấy năm nay, hẳn bạn sẽ thấy tôi đã không làm quá nó lên.
Chị tôi năm nay đã hai mươi sáu tuổi. Chị cũng được sinh ra sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau của mẹ, nhưng tới ba tháng tuổi bác sĩ cảnh báo u máu ở chân chị nếu không sớm cắt bỏ sẽ rất nguy hiểm. Không may do một sơ suất của bác sĩ, chị không tỉnh lại. Khi mọi người đau đớn và tuyệt vọng đưa “xác” chị về thì kỳ diệu thay chị bỗng tỉnh dậy.
Niềm hạnh phúc vô bờ bến một lần nữa đến với cha mẹ tôi, chị như được sinh ra lần thứ hai vậy. Nhưng càng ngày mẹ tôi càng thấy chị không như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Chị không thể ngồi, không thể đi, không thể nói mặc dù đã đến tuổi cắp sách đến trường... Chuyện đó như một đám mây đen bao phủ nhà chúng tôi.
Ba mẹ tôi đã chạy đôn chạy đáo hỏi thầy tìm thuốc nhưng tất cả đều vô hiệu. Tôi vẫn còn nhớ mẹ kể lại với tôi: “Đã lên bảy rồi nhưng chị con vẫn không thể ngồi, không thể nói, không thể tự xúc ăn, chỉ có thể nằm dài trên giường mà thôi”. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi vẫn tìm mọi cách, tận dụng mọi thời gian rãnh rỗi để tập vật lý trị liệu cho chị. Sau nhiều nỗ lực chị đã cứng cáp hơn, bám vào chiếc xe do ba tôi tự chế để chị đã có thể di chuyển được. Không chỉ vận động khó khăn, thần kinh chị cũng rất yếu, tiếng động mạnh cũng khiến chị giật mình, ngã ra, vì thế mà chị không thể đến trường dù đó là lớp học chuyên biệt. Ngày ngày chị ở nhà nhìn ra thế giới xung quanh qua những ô cửa, hay những lời kể của ba mẹ và chúng tôi.
Tôi vẫn còn nhớ như in, trước kia chị không thể tự làm bất cứ việc gì, tất cả đều là mẹ và tôi làm giúp từ vệ sinh cá nhân, ăn uống thậm chí tự chải đầu chị cũng không làm được.
Năm tôi lên sáu, bắt đầu bước vào lớp một, khi tôi hí hửng khoe với chị bao nhiêu thứ ba sắm cho tôi đến trường, mắt chị đẫm lệ. Một con bé ngây thơ, hồn nhiên như tôi lúc bấy giờ đâu ý thức
được những niềm vui của mình lại trở thành vết dao vô tình làm trái tim chị rỉ máu. Tôi kém chị hai tuổi, chúng tôi là chị em cũng là bạn bè. Những sự việc xảy ra hàng ngày xung quanh tôi, chị đều biết hết, chị như là một cuốn nhật kí sống của tôi vậy. Ngày ngày đến trường, tôi học được chữ gì, thì về đến nhà chị biết chữ đó. Cô giáo tôi là ai, bạn bè tôi là ai, là người như thế nào chị tôi cũng đều có thể phác họa ra được chân dung thông qua lời kể của tôi.
Một bất ngờ như tia sáng lọt qua ô cửa nhà tôi, khi tôi học lớp ba, đang ngồi giải toán, chị ngồi bên cạnh đã phát hiện tôi giải sai. Lúc đó tôi quát lên: “Chị thì biết gì”. Nhưng đó lại là niềm vui lớn của ba mẹ tôi vì chị tôi biết chữ, biết phân biệt màu sắc, biết đánh vần tên mọi người trong nhà. Và có lẽ với ba mẹ tôi, chị của tôi lúc ấy chỉ việc chị biết chữ như thế đã là quá tốt. Dần dần theo thời gian chúng tôi lớn lên, tôi cũng không biết là lúc ấy chúng tôi có lo lắng về chị không, có từng hỏi sau này chị sẽ thế nào không? Nhưng ba mẹ chúng tôi thì lo nghĩ chuyện này rất nhiều. Năm chị mười tuổi, khao khát được đến truờng và vui chơi như bao đứa trẻ khác dày vò chị, ba mẹ rất thương nhưng vẫn không dám xin cho chị đi học vì chị có thể ngã ngất bất cứ khi nào có tiếng động mạnh. Bài thơ đầu tay của chị hoàn thành năm chị mười sáu tuổi, cả nhà tôi vỡ òa hạnh phúc. Từ đó ba tôi đã đặt báo, mua sách cho chị đọc hàng ngày.
Mỗi ngày qua đi chị lại có một bài thơ, bài văn mới, những
bài thơ, bài văn thể hiện những cảm xúc khác nhau của chị, nhưng khi đọc ai cũng phải trăn trở và ngạc nhiên. Mười tám tuổi chị là nhân vật trong chương trình Tấm gương hiếu học của đài truyền hình Quảng Trị, mọi người bắt đầu biết đến chị - cô bé tật nguyền chưa một lần đến trường mà biết đọc biết viết và đặc biệt là có thể làm thơ. Và cũng bắt đầu từ đó cuộc đời chị bước sang trang mới như phép màu trong câu chuyện cổ tích! Mười chín tuổi chị trở thành cộng tác viên cho chương trình Tuổi trăng tròn của đài PTTH Quảng Trị. Chị cũng bắt đầu viết truyện ngắn và gửi cho rất nhiều tờ báo... Tiền nhuận bút chị dành để mua quà tặng sinh nhật mọi người trong nhà hay tổ chức sinh nhật cho bà nội.
Hai mốt tuổi, chị tôi viết về giấc mơ của mình gửi cho chương trình Ước mơ Việt Nam, đọc xong ban biên tập đã về nhà chúng tôi làm chương trình về chị. Từ đó mọi người biết về chị và kế tiếp là báo Tuổi Trẻ làm một loạt bài phóng sự về chị. Nó như tiếp thêm động lực để chị tôi hiện thực hóa mơ ước vào Sài Gòn lập nghiệp. Mơ ước được định cư ở Sài Gòn với một người bình thường đã không dễ nhưng chị đã sống ở đó hơn năm năm. Cho dù phải gặp bao khó khăn và sự phản đối của cha mẹ, nhất là mẹ tôi - người lúc nào cũng muốn chị ở nhà để chăm sóc bao bọc.
Tôi biết chị chỉ khiếm khuyết về hình thể mà thôi. Vậy nên chị vẫn sống như bao người bình thường khác!
Em gái: KHÁNH LY
TRẦN TRÀ MY, DÒNG SÔNG NHỎ VƯƠN RA BIỂN LỚN
“Không gom nước từ những mạch nguồn nghìn dặm xa, dòng sông không đủ sức vươn ra biển cả”. Câu nói của nhà báo Hàm Châu bỗng hiện lẻn trong suy nghĩ của tôi cùng với hình ảnh của em - Trần Trà My - Một cô gái có nghị lực phi thường. Một cô gái đã gieo những hạt mầm ước mơ giữa đời thực để cho cây đâm chồi nảy lộc kết trái ngọt lành, để cho bao bạn trẻ hiểu được niềm tin “mỗi ngày tôi sống đây là một ngày đáng sống” và sẽ luôn thắp lên ngọn lửa của niềm khát khao biến những ước mơ hoài bão thành sự thật. Tôi có cái may mắn của người làm xuất bản, gặp được nhiều người và cũng gặp nhiều nhân vật, cảm xúc cho những lần gặp gỡ, buồn vui, đau khổ, kể cả những hỷ hả của chiến thắng...
Nhưng với em thì khác - Em đem đến cho tôi một cảm xúc thật khác lạ. Tôi đã đọc nhiều cuốn sách của nhiều tác giả khác nhau, mỗi người đưa tôi đến một lĩnh vực mới lạ, hấp dẫn... Trong số những con người tôi có dịp làm quen ấy - Em làm tôi thấy mình thật nhỏ bé. Lẽ ra phải buồn mới đúng tính cách của tôi, nhưng không, nó làm tôi thay đổi: Tôi khâm phục em. Em là một cô gái không may bị khiếm khuyết về hình thể nhưng với tôi thì chưa bao
giờ tôi thấy em là một cô gái tật nguyền.
Với tôi em thật hoàn mỹ đủ đầy và vẹn nguyên. Ở em toát lên một khát vọng mà tôi nghĩ sẽ không phải nhiều người đầy đủ khác có được. Một cô gái với trí tuệ và tâm hồn “tròn đầy” đã mở ra cánh cửa của những tâm tình giữa thiên nhiên và con người. Từ những tâm tình ấy mà chúng ta hiểu hơn về “sự khát khao giao cảm với đời” qua từng cung bậc cảm xúc với thế giới xung quanh. Mười năm chưa phải quá dài nhưng em đã “gom nước”, tích thành “dòng sòng nhỏ”. Em còn rất trẻ, cầu mong em hãy cứ khát khao, hãy cứ đam mê để mọi thứ đã và sẽ đến với em không phải chỉ trong văn thơ mà còn trong cả cuộc sống đời thường. Tôi tin rằng quá trình “gom nước” của em tích thành những “dòng sòng nhỏ” qua thời gian sẽ giúp em có đủ sức vươn ra “biển cả”.
Cảm ơn em! Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp em. Cảm ơn những con chữ em đã sắp xếp để cho các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ khuyết tật có thêm những ước mơ và nuôi dưỡng những ước mơ đó. Thời gian như thoi đưa, nhưng em đã theo nhịp thoi ấy dệt nên những tác phẩm mới của mình để đem đến cho độc giả những “món ăn tinh thần” khác nhau. Em viết bằng cảm nhận từ chính trái tim của mình, bởi vậy mà mỗi dòng, mỗi chữ đều chứa đựng những xúc cảm rất riêng nhưng lại hòa chung từ tình cảm của một trái tim và tâm hồn giao hòa cùng cuộc sống.
Bùi Thị Thu Hương Phó giám đốc nhà xuất bản Dân Trí
TRÀ MY CỦA MÙA XUÂN VÀ KHÁT KHAO SỰ SỐNG
Gặp Trà My trong buổi ra mắt tác phẩm Chúng ta chính là mùa xuân, tôi không khỏi ngạc nhiên. Trước đó tôi chỉ giao tiếp với em qua mạng, thư em viết thường ngắn gọn và tự tin, đủ ý. Tôi hình dung em là một cô bé rắn rỏi và năng động. Và đây, trước mặt tôi một Trà My vẫn rắn rỏi và năng động - bằng ý nghĩ và cách làm việc. Đôi chân và giọng nói của em làm tôi lặng đi. Nhưng không sao, tôi tự nhủ, em vẫn là Mùa xuân của người cha đang đứng kia; em vẫn là công chúa của mẹ em và sẽ là người được hâm mộ bởi những trang văn mà em viết.
Em thường viết về những câu chuyện thật mà em được nghe, được thấy. Em quan tâm đến người khác và em dành những trang văn của mình cho họ. Yêu trên từng ngón tay là một câu chuyện có bố cục đơn giản, đơn giản như một câu chuyện kể ở nơi công cộng: giảng đường, bệnh viện, hay công viên. Câu chuyện đã làm cho tôi xúc động bởi nó được viết ở bệnh viện, khung cảnh của bệnh tật, chết chóc nhưng cũng là nơi mà con người có thể chiến thắng tử thần.
Tôi thường nhớ đến Trà My khi chán viết, không hiểu sao
lại vậy! Có lẽ ở em toát lên một nghị lực để tôi phải nương nhờ, học tập. Lao động rồi suy tư về sự sống, viết là loại hình lao động đặc biệt, mà theo tôi phải có nhiều nghị lực mới làm nổi - viết và suy tư thường đồng một lúc. Em vẫn vượt qua mọi khó khăn để đến với nghề. Tôi đã thấy mình yêu nghề viết hơn khi nhớ đến em. Cảm ơn văn chương đã cho tôi có dịp gặp em, đọc những trang văn của em và tiếp tục suy tư về cuộc đời và sự sống.
Cảm ơn em - Trà My của mùa xuân và khát khao sự sống. Ngô Thị Hạnh
CHỊ - NGƯỜI CHO TÔI NIỀM TIN
Tôi gặp chị lần đầu trên báo Tuổi Trẻ. Kì thực, tôi cũng không nhớ rõ đó là số báo bao nhiêu nhưng tôi nhớ đấy là một ngày tháng bảy rất oi bức và khó thở. Tôi thi trượt trong kì tuyển sinh và mùa hè ấy chẳng khác gì một cơn ác mộng. Cùng mẹ vác hồ sơ đi khắp nơi, tôi mới thấm thía thế nào là nỗi đau khi bị cuộc sống xô ngã.
Đúng lúc ấy, tôi gặp chị. Mua tờ Tuổi Trẻ với mục đích duy nhất là theo dõi tin tức về kì tuyển sinh, thế nhưng bài báo về chị đập vào mắt tôi bởi gương mặt xinh đẹp nhưng ảnh bên cạnh lại là một cô gái nhỏ thó, phải di chuyển bằng khung sắt.
Mọi chuyện trong cuộc sống tôi dần êm ả khi có một trường đồng ý nhận tôi vào học. Khi đã vào nề nếp, lúc này tôi mới lấy bài báo đã cất giữ kĩ lưỡng ra, theo địa chỉ email của chị và bắt đầu làm quen với người đã vực tinh thần tôi dậy mùa hè năm ấy - dù chỉ là gián tiếp.
Có thể chị sẽ không biết điều này nhưng khi đọc về chị, tôi đã phấn chấn hơn và kiên cường hơn rất, rất nhiều lần. Trước đây, tôi là một đứa con gái dễ khóc và dễ nản lòng trước khó khăn. Bản thân tôi dường như chưa từng có khái niệm về niềm tin vào chính
mình. Chị đã cho tôi suy nghĩ khác, cho tôi một lối sống khác. Mùa hè năm ấy, sau khi biết về chị, tôi kiên cường hơn và nỗ lực hết mình để chứng minh với các trường mà tôi nộp hồ sơ rằng tôi thật sự có học lực tốt. Tôi tin rằng mình sẽ là học sinh ưu tú của trường
nếu họ đồng ý nhận tôi. Niềm tin tạo nên sức mạnh - chị đã cho tôi biết diều đó.
Sau một năm, tôi bắt đầu theo đuổi ước mơ từ tấm bé của mình là viết văn nhưng chưa từng dám thực hiện vì không đủ tự tin, luôn ám ảnh suy nghĩ “mình sẽ không thể làm được gì nổi trội”. Các tác phẩm truyện ngắn đầu tay rồi dần dần được lên báo và hiện tại, tôi có một công việc đáng mơ ước với biết bao sinh viên khi trở thành cộng tác viên báo chí cho báo Mực Tím và đã mang truyện ngắn, mang tâm hồn của mình đến với đông đảo khán giả.
Trần Trà My không chỉ là một người chị gái luôn giúp đỡ, tâm sự với tôi như một người bạn thân trong suốt năm nảm qua, mà còn là nguồn cảm hứng, là động lực cho tôi không mệt mỏi bước đi trên con đường tiến đích thành công - dù là những bước đi xiêu vẹo vì đôi chân thiếu lành lặn.
Ngày hôm nay, bạn cầm trên tay tuyển tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn nữ xinh đẹp, lạc quan và đầy nghị lực này, tôi khuyên bạn đừng chỉ nên “đọc” mà hãy để trái tim “cảm” từng nhân vật mà chị mang lại. Bạn sẽ nhận ra một suy nghĩ rất sáng, rất hồng bên trong một người con gái thiếu vẹn tròn ở ngoại hình.
Nếu bất kì khi nào bạn nghĩ mình sắp khuỵu ngã trên con
đường gập ghềnh của cuộc đời, thì xin hãy cầm quyển sách của tác giả Trần Trà My, để nhớ rằng: khi ta không bỏ cuộc, kì tích sẽ xuất hiện.
Vâng! Tôi đang tin và bạn cũng thế nhé!
Lâm Xuân Nguyệt
(Một cây bút trẻ đang làm ở Mực Tím)
Mời ghé qua blog: daotieuvu.blogspot.com để tải nhiều ebook hơn nữa.