" Vùng Đất Nam Bộ Tập VI: Từ Năm 1945 Đến Năm 2010 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vùng Đất Nam Bộ Tập VI: Từ Năm 1945 Đến Năm 2010 Ebooks Nhóm Zalo Chịu trách nhiệm xuất bản GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PGS. TS. PHẠM MINH TUẤN Chịu trách nhiệm nội dung ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN TS. VÕ VĂN BÉ Biên tập nội dung: Trình bày bìa: Chế bản vi tính: Sửa bản in: Đọc sách mẫu: ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH PHAN THỊ HƯƠNG GIANG ThS. NGUYỄN VIỆT HÀ ThS. PHÙNG MINH TRANG NGUYỄN THỊ THU THẢO PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT HƯƠNG GIANG TRẦN PHAN BÍCH LIỄU Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 2266-2021/CXBIPH/34-23/CTQG. Số quyết định xuất bản: 446-QĐ/NXBCTQG, ngày 29/6/2021. Nộp lưu chiểu: tháng 7 năm 2021. Mã ISBN: 978-604-57-6919-5. BAN BIÊN SOẠN PGS. TS. TRẦN ĐỨC CƯỜNG: Mở đầu, Chương II, Kết luận PGS. TS. LÊ TRUNG DŨNG: Chương I, VI TS. ĐỖ THỊ NGUYỆT QUANG: Chương I TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN: PGS. TS. ĐINH QUANG HẢI: Chương III, IV, V 5 LỜI NHÀ XUẤT BẢN Vùng đất Nam Bộ với tư cách là một không gian địa lý và địa bàn hành chính thân thuộc, thiêng liêng của người dân đất Việt đã trải qua một quá trình hình thành, phát triển lâu dài, được bồi tụ chủ yếu bởi hai con sông lớn: sông Đồng Nai và sông Mêkông. Nơi đây cũng đã từng tồn tại, phát tích của nền văn hóa Óc Eo và các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp phát triển huy hoàng rồi suy tàn theo năm tháng. Từ thế kỷ XVII, người Việt từ miền Bắc và miền Trung đã vào đây khai phá, dựng làng, lập ấp cùng với người dân bản địa chinh phục vùng đất hoang vu nhưng rất trù phú này. Đến thế kỷ XVIII, từ tầm nhìn chiến lược và công lao to lớn của các chúa Nguyễn, sau này là vương triều Nguyễn, xác lập, sắp đặt các đơn vị hành chính, vùng đất phương Nam giàu có chính thức thuộc chủ quyền của dân tộc Việt Nam, đến nay đã được hơn 300 năm. Vùng đất Nam Bộ với cương vực như hiện nay bao gồm cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ - đồng bằng sông Cửu Long, có 17 tỉnh và hai thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích tự nhiên hơn 64.000 km2, dân số hơn 33 triệu người với nhiều tộc người tụ cư sinh sống, gồm các dân tộc ít người bản địa, các dân tộc thiểu số từ Trường Sơn - Tây Nguyên xuống, từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, một số ít người từ các nước khác đến, nhưng chủ yếu là địa bàn của người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm. Về mặt địa lý, nhìn từ Bắc vào Nam, Đông Nam Bộ giáp cực Nam Trung Bộ từ tỉnh Ninh Thuận, giáp Trường Sơn - Tây Nguyên từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; có đường biên giới trên đất liền với Campuchia từ Bình Phước tới Hà Tiên; có đường bờ biển trải dài từ Ninh Thuận tới đất mũi Cà Mau (Biển Đông) và từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên (biển Tây - vịnh Thái Lan). Nằm ở ngã ba đường giao thông quốc tế, Nam Bộ có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị cực kỳ quan trọng. 6 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Với tư cách một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đa dạng tộc người, đa tôn giáo, giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược trọng yếu, từ lâu Nam Bộ đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài, nhiều hội thảo khoa học về vùng đất này đã được tổ chức, nhiều công trình khoa học trên các lĩnh vực đã được công bố, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một công trình có tầm vóc, quy mô lớn nghiên cứu toàn diện, liên ngành để có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc, nhiều chiều cạnh về vùng đất phương Nam này. Để đáp ứng yêu cầu đó, chương trình nghiên cứu tổng thể về vùng đất Nam Bộ dưới dạng một đề án khoa học cấp nhà nước do GS. Phan Huy Lê làm chủ nhiệm, gồm 11 đề tài khoa học đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai từ năm 2008. Từ những đề tài khoa học nghiên cứu cơ bản này, Ban Chủ nhiệm đề án đã tổ hợp lại thành báo cáo tổng quan Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ. Sau 4 năm nghiên cứu, toàn bộ đề án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và đánh giá đây là chương trình khoa học - công nghệ xuất sắc năm 2011. Mặc dù công trình được đánh giá cao, nhưng khi xuất bản thành sách, các tác giả phải tiếp tục bổ sung, sửa chữa, chỉnh lý trong vòng hơn 3 năm - đến giữa năm 2015 mới chuyển giao bản thảo cho Nhà xuất bản. Sau khi tiếp nhận bản thảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã huy động một đội ngũ đông đảo biên tập viên, họa sĩ, nhân viên kỹ thuật, tổ chức biên tập, đọc duyệt, thiết kế makét, trình bày trong hơn một năm để công trình khoa học lớn này lần đầu tiên đến tay bạn đọc vào cuối năm 2016 đầu năm 2017. Đây là một công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được tiến hành bởi đội ngũ các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó Ban Chủ nhiệm đề án và chủ biên của từng đề tài là các chuyên gia hàng đầu trong từng giai đoạn lịch sử cũng như trong các lĩnh vực nghiên cứu. Tuy vậy, ở một vài chương trong bộ tổng quan hoặc từng đề tài, chất lượng nghiên cứu và hàm lượng khoa học không giống nhau, có chương, có tập chưa được như kỳ vọng hoặc yêu cầu nghiên cứu đặt ra. Tất nhiên mỗi đề tài khoa học là công trình độc lập, nhưng khi đặt trong một chỉnh thể thì có đề tài không tránh được sơ lược, dàn trải; có đề tài có một số nội dung đã được trình bày ở các đề tài khác. Vì vậy, Nhà xuất bản đã thống nhất với chủ biên đề nghị các tác giả bổ sung, nâng cấp hoặc cắt bỏ những trùng lặp để bộ sách tuân thủ nghiêm ngặt sự thống nhất trong chỉnh thể. LỜI NHÀ XUẤT BẢN 7 Bộ sách về vùng đất Nam Bộ gồm bộ tổng quan, rút gọn: Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, 2 tập và một bộ chuyên khảo sâu gồm 10 tập, nghiên cứu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của vùng đất phương Nam, từ điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo, thiết chế quản lý xã hội, quá trình Nam Bộ hội nhập với khu vực và quốc tế. Khi triển khai nghiên cứu, tên đề án và tên từng đề tài khoa học rất cụ thể và thường khá dài, nhưng khi xuất bản, Nhà xuất bản đã trao đổi với chủ biên thống nhất bộ sách có tên chung là Vùng đất Nam Bộ. Riêng bộ tổng quan Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, ngoài Chương mở đầu và Chương kết có 10 chương nội dung, được kết cấu hoàn chỉnh. Nhưng với dung lượng 1.500 trang sách rất khó dung nạp trong một cuốn sách, cho nên chúng tôi chia thành hai tập: tập I gồm Chương mở đầu và sáu chương nội dung, tập II gồm bốn chương nội dung và Chương kết. Riêng Chương kết, các tác giả dành mục cuối cùng để trình bày đề xuất, kiến nghị của Ban Chủ nhiệm đề án với Đảng, Nhà nước và các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chúng tôi tách ra làm phần Phụ lục đặt ở cuối sách. Như vậy kết quả nghiên cứu của đề án được công bố thành các cuốn sách sau đây: - Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, gồm 2 tập, GS. Phan Huy Lê chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập I: Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, TS. Trương Thị Kim Chuyên chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập II: Từ cội nguồn đến thế kỷ VII, GS. TSKH. Vũ Minh Giang - Nguyễn Việt đồng tác giả. - Vùng đất Nam Bộ, tập III: Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, GS.TS. Nguyễn Văn Kim chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập V: Từ năm 1859 đến năm 1945, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn - PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập VI: Từ năm 1945 đến năm 2010, PGS.TS. Trần Đức Cường chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập VII: Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, GS. TS. Ngô Văn Lệ chủ biên. 8 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 - Vùng đất Nam Bộ, tập VIII: Thiết chế quản lý xã hội, PGS. TS. Vũ Văn Quân chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập IX: Tộc người và quan hệ tộc người, TS. Võ Công Nguyện chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập X: Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, PGS. TS. Võ Văn Sen chủ biên. Về mặt xuất bản, bộ sách được biên tập, thiết kế, trình bày thống nhất trong từng tập và trong cả bộ sách, được in ấn đẹp, trang trọng. Xuất bản bộ sách này chúng tôi hy vọng cung cấp cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên các học viện, nhà trường và các nhà lãnh đạo, quản lý, các địa phương, đơn vị một khối lượng tri thức lớn, khá đầy đủ, toàn diện và chân xác về vùng đất Nam Bộ, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và hoạch định chính sách ở khu vực trọng yếu, năng động này của đất nước. Bộ sách cũng cung cấp cơ sở lịch sử - pháp lý vững chắc phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Các tác giả và Nhà xuất bản đã nỗ lực rất cao trong nghiên cứu, biên soạn và biên tập - xuất bản, nhưng với khối lượng công việc đồ sộ, bộ sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, rất mong được bạn đọc góp ý, phê bình. Xin trân trọng giới thiệu bộ sách quý cùng bạn đọc. Tháng 4 năm 2017 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 9 LỜI GIỚI THIỆU Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ là một đề án khoa học xã hội cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, được thực hiện trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2010 và nghiệm thu vào cuối năm 2011. Đề án gồm 11 đề tài: 1- Điều kiện địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái tác động đến tiến trình lịch sử và đặc trưng văn hóa vùng đất Nam Bộ do TS. Trương Thị Kim Chuyên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. 2- Nam Bộ từ cội nguồn đến thế kỷ VII do GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 3- Nam Bộ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI do PGS.TS. Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 4- Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX: Quá trình khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 5- Nam Bộ từ khi Pháp xâm lược Việt Nam đến năm 1945 do PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Học viện Chính trị hành chính khu vực I làm Chủ nhiệm. 6- Nam Bộ từ năm 1945 đến năm 2010 do PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện Sử học Việt Nam làm Chủ nhiệm. 7- Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của cư dân Nam Bộ do GS.TS. Ngô Văn Lệ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. 10 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 8- Đặc trưng thiết chế quản lý xã hội ở Nam Bộ do PGS.TS. Vũ Văn Quân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 9- Tộc người và quan hệ tộc người ở Nam Bộ - lịch sử và hiện trạng do TS. Võ Công Nguyện, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ làm Chủ nhiệm. 10- Nam Bộ trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam do PGS.TS. Võ Văn Sen, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. 11- Nghiên cứu giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về lịch sử vùng đất Nam Bộ do PGS.TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. Toàn bộ kết quả nghiên cứu của các đề tài được tổng hợp trong một công trình mang tên Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ do GS. Phan Huy Lê, Chủ nhiệm đề án, làm Chủ biên. Công trình có một số đề tài nghiên cứu về quá trình lịch sử, nhưng không đơn thuần là lịch sử Nam Bộ. Cùng với các lớp cắt lịch đại theo tiến trình lịch sử, còn có những nghiên cứu trên một số lĩnh vực cơ bản về điều kiện tự nhiên, quan hệ tộc người, thiết chế quản lý xã hội, đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, về quá trình xác lập chủ quyền của quốc gia Đại Việt... Trong một số đề tài lịch sử cũng có những yêu cầu làm sáng tỏ một số nội dung quan trọng như đề tài số 2 với yêu cầu nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đề tài số 4 có yêu cầu nghiên cứu sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt từ kết quả nghiên cứu, đề án xác lập một nhận thức mới coi lịch sử vùng đất Nam Bộ không phải bắt đầu khi người Việt vào khai phá từ thế kỷ XVII mà phải ngược về quá khứ xa xưa từ khi con người xuất hiện trên vùng đất phương Nam này. Vùng đất Nam Bộ đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu dưới góc độ của nhiều chuyên ngành từ địa chất, địa lý đến khảo cổ học, dân tộc học, nhân học, xã hội học, kinh tế học, văn hóa học và sử học. Đề án một mặt tổng hợp các kết quả nghiên cứu đó, mặt khác nghiên cứu thêm một số nội dung cần thiết nhằm tạo ra một nhận thức tổng hợp về LỜI GIỚI THIỆU 11 toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của vùng đất phương Nam này. Đó là cơ sở khoa học để hiểu biết và lý giải những nét độc đáo của không gian lịch sử văn hóa vùng đất Nam Bộ với những trầm tích của nhiều thời kỳ lịch sử, những biến đổi trong cấu trúc tộc người, vai trò và cống hiến của các lớp cư dân - tộc người đã từng sinh sống trên vùng đất này, những đặc trưng về văn hóa, phong cách, lối sống của con người Nam Bộ, quá trình hội nhập của vùng đất Nam Bộ vào lãnh thổ của nước Đại Việt từ thế kỷ XVII-XVIII cho đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đến ngày nay. Tham gia đề án có hơn một trăm nhà khoa học thuộc một số viện của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một số khoa và viện của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Các nhà khoa học tham gia dưới nhiều phương thức như trực tiếp biên soạn, nghiên cứu chuyên đề, điều tra khảo sát điền dã, tham luận trong các hội thảo khoa học. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ba hội thảo khoa học tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam (năm 2004), Vùng đất Nam Bộ cho đến cuối thế kỷ XIX (năm 2006), Nam Bộ thời cận đại (năm 2008). Trong quá trình triển khai đề án, Ban chủ nhiệm đề án cùng chủ nhiệm các đề tài còn tổ chức một số hội thảo trao đổi về lịch sử nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và một số nội dung cơ bản của đề án như tiến trình lịch sử xã hội, bản sắc văn hóa xã hội. Các bài tham luận trong những hội thảo này đã được Nhà xuất bản Thế giới biên tập và in thành sáu tập kỷ yếu1. Kết quả nghiên cứu của Đề án được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên tập rất công phu và công bố thành một bộ sách mang tên chung Vùng đất Nam Bộ gồm 11 tập sách. Riêng tập Tổng quan là 1. Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, 2008; Lịch sử nghiên cứu và phương pháp tiếp cận, 2008; Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX, 2009; Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ cận đại, 2009; Mấy vấn đề tiến trình lịch sử xã hội, 2011; Mấy vấn đề bản sắc văn hóa xã hội, 2011. 12 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển dày đến 1.500 trang chia làm hai tập. So với nội dung của các đề tài có yêu cầu thống nhất lại tên từng tập và sắp xếp lại một số nội dung để tránh trùng lặp. Cách phân tập và bố cục này đã được nói rõ trong Lời Nhà xuất bản. Tập thể các tác giả đã rất cố gắng hoàn thành công trình nghiên cứu nhưng trước một đối tượng nghiên cứu rộng lớn, bao quát nhiều nội dung phong phú, trong đó có những vấn đề mới đang nghiên cứu và thảo luận nên khó tránh khỏi sơ suất. Rất mong nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của bạn đọc. Chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đề án, cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã dày công biên tập và xuất bản toàn bộ công trình khoa học này. Hà Nội, mùa Hè năm 2016 GS. Phan Huy Lê 13 MỞ ĐẦU Vùng đất Nam Bộ, tập VI - Từ năm 1945 đến năm 2010 là tập thứ sáu trong bộ sách về Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, đề cập đến lịch sử vùng đất Nam Bộ trong khoảng thời gian gần đây nhất. Khi nghiên cứu và biên soạn tập sách này, chúng tôi có thuận lợi là các sự kiện lịch sử mới xảy ra gần đây, không ít sự kiện hiện đang trong quá trình tiếp diễn... Điều đó khiến cho việc thu thập, khai thác tài liệu có những thuận lợi nhất định. Nhưng khó khăn cũng bắt nguồn từ đó: Tài liệu nào xác thực? Tài liệu nào không? Đánh giá thế nào khi sự kiện còn đang tiếp diễn, chưa đến hồi kết thúc. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng nghiên cứu để tìm ra dòng mạch chính của lịch sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ này. Ngay sau khi nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi và giành lại được độc lập cho đất nước, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp đã nổ súng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược với mưu đồ đặt lại ách cai trị lên đất nước Việt Nam. Nhân dân Nam Bộ lại phải cầm vũ khí đứng lên chống xâm lược. Cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ trong những ngày đầu diễn ra hết sức quyết liệt, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi thực dân Pháp tập trung binh lực tiến công các lực lượng cách mạng. Khi thực dân Pháp nổ súng mở đầu hành động xâm lược, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn, trước hết là công nhân, chủ yếu tập trung trong lực lượng vũ trang của Tổng Công đoàn Nam Bộ đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên quyết chiến đấu bảo vệ thành phố, bảo vệ chính quyền cách mạng và nền độc lập của Tổ quốc. 14 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn vùng, cuộc chiến đấu của quân và dân các địa phương Nam Bộ diễn ra giằng co, quyết liệt. Bằng lòng quả cảm và trí thông minh, sáng tạo, nêu cao truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, dựa vào nhà cửa kiên cố và các chướng ngại vật được dựng lên bằng giường, tủ, bàn ghế, xe cộ,... quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn và nhiều địa phương khác trong vùng đã lập nên những chiến lũy chặn địch trên từng khu phố và thôn xóm, vừa tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy cơ sở hậu cần, vừa cắt đứt giao thông, gây cho quân xâm lược Pháp nhiều khó khăn, tổn thất. Cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương Nam Bộ đã đóng góp những bài học kinh nghiệm đầu tiên quý báu cho quân đội và nhân dân Việt Nam trong việc phát động chiến tranh nhân dân trên cả vùng nông thôn và đô thị. Cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã kìm chân thực dân Pháp trong nhiều ngày, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng, tạo điều kiện để quân và dân cả nước có thêm thời gian chuẩn bị chiến đấu trong cuộc kháng chiến toàn quốc. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Nam Bộ đã thực hiện triệt để phương châm kháng chiến “toàn dân, toàn diện”, liên tục tiến công quân xâm lược ở mọi nơi, mọi lúc, buộc quân Pháp phải rút nhiều đồn bốt ở vùng đồng bằng và miền núi. Thắng lợi của Chiến dịch Long Châu Hà, Chiến dịch Sóc Trăng... làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, quân và dân Nam Bộ đã hăng hái xây dựng hậu phương kháng chiến, tăng cường xây dựng bộ máy hành chính các cấp, thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm cấp, tạm chia ruộng đất cho nông dân nghèo thiếu ruộng, tiến hành các cuộc vận động sản xuất tự túc mạnh mẽ trong nhân dân vùng căn cứ, trong bộ đội và cơ quan, gây dựng phong trào hợp tác sản xuất, lập các tổ vần công, đổi công và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục... MỞ ĐẦU 15 tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong vùng tự do và góp phần động viên chiến sĩ ngoài mặt trận. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đô thị, trước hết là Sài Gòn - Chợ Lớn, đòi hòa bình, chống can thiệp Mỹ, chống âm mưu tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, đòi Chính phủ Pháp thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh và chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam gây được tiếng vang lớn trong dư luận trong nước và quốc tế. Cuộc chiến đấu về mọi mặt của quân và dân Nam Bộ đã làm phân tán lực lượng quân Pháp, góp phần quan trọng vào chiến công chung của nhân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève năm 1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Song, Hiệp định Genève về Việt Nam ký chưa ráo mực đã bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa được Mỹ tiếp sức phá hoại một cách hệ thống. Họ không thực hiện các quyền tự do dân chủ, còn tiến hành đàn áp dã man những người kháng chiến cũ và những người dân yêu nước bằng một chế độ độc tài, gia đình trị, ngang nhiên từ chối đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo quy định của Hiệp định Genève. Cùng với nhân dân toàn miền Nam và nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ đã kiên quyết chống lại bằng các cuộc míttinh, biểu tình, tuần hành vì hòa bình, đòi dân sinh, dân chủ và hiệp thương tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước... Bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa đàn áp dã man, phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam phát triển thành phong trào đồng khởi - phong trào khởi nghĩa từng phần và đồng loạt bằng sức mạnh quần chúng ở 16 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 thôn xã trên khắp miền Nam. Các tấm gương điển hình về phong trào đồng khởi xuất hiện ở khắp các tỉnh Nam Bộ: ở Bến Tre, Mỹ Tho, Long An, Kiến Phong, Kiến Tường, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... đẩy chế độ Việt Nam Cộng hòa vào khủng hoảng sâu sắc và có nguy cơ sụp đổ. Để đối phó lại, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuyển sang áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”: sử dụng bộ máy quân đội, cảnh sát do Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí với sự cố vấn - thực chất là chỉ huy của hàng ngàn sĩ quan Mỹ nhằm tiêu diệt các lực lượng yêu nước ở miền Nam Việt Nam. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ buộc phải phát động cuộc “Chiến tranh cục bộ” với việc đưa quân chiến đấu Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, New Zealand vào tham chiến, lúc cao nhất gồm nửa triệu quân chiến đấu Mỹ và gần 6 vạn quân đồng minh của Mỹ với đủ loại vũ khí, khí tài chiến tranh hiện đại. Chiến tranh cục bộ thất bại, một mặt Mỹ phải chấp nhận đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và tiếp đó là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặt khác chuyển từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm gỡ thế bí cho Mỹ đặng thoát khỏi sự sa lầy ở Việt Nam mà vẫn giữ cho chế độ Việt Nam Cộng hòa khỏi sụp đổ. Song, thực tế đã không diễn ra như Mỹ mong muốn. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân cả nước, quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã bị tan rã. Sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khởi đầu từ năm 1954 đến ngày toàn thắng 30-4-1975, Nam Bộ luôn là vùng đất xảy ra những cuộc đụng độ ác liệt giữa xâm lược và chống xâm lược, giữa cách mạng và phản cách mạng trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội... Nhân dân Nam Bộ bất chấp khó khăn, gian khổ và hy MỞ ĐẦU 17 sinh, mất mát, đã anh dũng vượt qua và đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc nhằm mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”. Lịch sử Nam Bộ còn có thêm 3 năm (1975-1978) chống các hành động chiến tranh xâm lược của quân đội Campuchia Dân chủ, bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời giúp các lực lượng yêu nước, cách mạng Campuchia đánh đổ tập đoàn Pol Pot - Ieng Xari - Khieuxamphon, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Sau khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ to lớn đặt ra cho nhân dân Nam Bộ là cùng với nhân dân cả nước xây dựng, củng cố và giữ gìn chính quyền cách mạng, mang lại đời sống yên lành và ấm no cho người dân. Để thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó, chính quyền và nhân dân Nam Bộ đã làm hết sức mình, giữ vững an ninh chính trị, nhờ đó, trật tự xã hội ngày càng ổn định và đã giải quyết kịp thời nhiều vấn đề cấp bách về kinh tế và xã hội. Chính trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến những năm 80 của thế kỷ XX, nhân dân Nam Bộ với lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống cách mạng đã vượt qua những khó khăn, thử thách trong hoàn cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, chịu sự tác động của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; đồng thời phải vượt qua những khó khăn do sai lầm trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và hạn chế trong quản lý kinh tế - xã hội. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, nhân dân các địa phương Nam Bộ hưởng ứng mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với những kết quả bước đầu rất quan trọng. Nam Bộ luôn là khu vực phát triển năng động, góp phần tạo thế, tạo đà cho đất nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nam Bộ không chỉ là vựa lúa của cả 18 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 nước mà còn là vựa lúa của cả khu vực Đông Nam Á và thế giới. Nam Bộ không chỉ đi lên từ nông nghiệp mà còn đi lên từ các khu công nghiệp hiện đại, chủ yếu nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang… Là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, giàu tài nguyên và với những người dân giàu lòng yêu nước, luôn năng động và sáng tạo, chúng ta tin tưởng Nam Bộ sẽ luôn là một trong những vùng đất phát triển nhất của Tổ quốc. 19 Chương I NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945 - 1954) I- PHÁP TÁI CHIẾM NAM BỘ VÀ CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG XÂM LƯỢC CỦA NHÂN DÂN NAM BỘ NHỮNG NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN (9-1945 – 12-1946) Ngay sau khi giành được chính quyền, cùng với cả nước, quân và dân Nam Bộ bắt tay vào việc xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng nhằm tổ chức bảo vệ và phát triển thành quả vừa giành được. Song, vừa giành được độc lập chưa đầy một tháng, nhân dân Nam Bộ đã phải đương đầu với cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp. Bất chấp nguyện vọng độc lập của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã từng bước thực hiện âm mưu quay lại tái chiếm Đông Dương, trước hết là Nam Bộ, biến vùng đất trù phú này trở lại thành thuộc địa của Pháp. Chính Jean Sainteny sau này thú nhận: “Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp và phố Oudinot hình như dành quyền ưu tiên cho Sài Gòn và Nam Kỳ vì ở đó Pháp dự định sẽ trở lại trước tiên và chúng ta có thể trông mong vào sự giúp đỡ của người Anh. Từ đó ảnh hưởng của Pháp sẽ lan ra toàn cõi Đông Dương”. Từ khi nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng, Charles De Gaulle - lãnh tụ kháng chiến lưu vong của Pháp - đã ra Tuyên bố ngày 24-3-1945 về vấn đề Đông Dương, trong đó nêu rõ: “Liên bang Đông Dương sẽ cùng với nước Pháp và những nước khác của cộng đồng lập thành một “Liên hiệp Pháp” mà lợi ích bên ngoài sẽ do nước Pháp đại diện. 20 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Đông Dương sẽ được hưởng, trong phạm vi Liên hiệp, một quyền tự do riêng của nó. Những người thuộc quốc tịch Liên bang Đông Dương sẽ vừa là công dân Đông Dương vừa là công dân Pháp. Đông Dương sẽ có riêng một chính phủ Liên bang do toàn quyền đứng đầu và gồm nhiều bộ trưởng chịu trách nhiệm trước chính phủ, chọn hoặc trong số những người Đông Dương hoặc trong số những người Pháp cư trú ở Đông Dương… Một quốc hội bầu theo kiểu đầu phiếu nào thích hợp nhất với mỗi nước của Liên bang và trong đó lợi ích của nước Pháp sẽ được đại diện, sẽ biểu quyết những khoản thuế mọi loại cùng ngân sách Liên bang và thảo luận những dự án luật… Ông toàn quyền là người trọng tài của tất cả, trong lợi ích riêng của mỗi nước. Các chính phủ địa phương sẽ được cải tiến hoặc cải tổ. Các trọng trách và chức vụ trong mỗi nước sẽ dành chủ yếu cho những người mang quốc tịch nước đó”1. Ngay sau tuyên bố của De Gaulle, Pháp bắt tay chuẩn bị lực lượng cho việc trở lại Đông Dương. Ngày 28-5-1945, Trung đoàn can thiệp nhẹ (Corps Léger d’Intervention) của Pháp ở Algérie đổi tên thành Trung đoàn 5 thuộc địa Pháp, được điều tới Ceylon (Sri Lanka), với quân số 861 người, trong đó có 142 người Việt. Đơn vị này cùng với Ban Đông Dương thuộc Pháp (French Indochina Countrie Section - FICS) có sẵn ở Ceylon, gồm 160 lính và sĩ quan người Việt và Pháp, vốn nằm trong Lực lượng 136 (Force 136) của Bộ Tư lệnh Đông Nam Á (của Anh), tạo thành những lực lượng vũ trang đầu tiên của Pháp chuẩn bị cho việc tái chiếm Đông Dương. Tiếp đó, trong nửa cuối tháng 6-1945, De Gaulle trao quyền thành lập Lực lượng Viễn chinh Pháp tại Viễn Đông (Corps expéditionnaire français en Extrême-Orient - CEFEO) cho viên tướng Philippe Leclèrc de Hauteclocque, người từng cầm đầu quân đội Pháp tiến vào giải phóng Paris năm 1944. 1. Devillers Ph.: Paris - Sài Gòn - Hà Nội, tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.84. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 21 Tuy nhiên, việc Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương diễn ra không thật sự “thuận chiều mát mái” trong điều kiện của quan hệ quốc tế đương thời. Trong khi Pháp đang ráo riết chuẩn bị cho việc quay lại Đông Dương thì tại Việt Nam đã diễn ra những sự kiện làm đảo lộn tình hình tại chỗ. Chỉ trong vòng trên dưới 10 ngày cuối tháng 8-1945, do kết quả của Cách mạng Tháng Tám, chính quyền trên cả nước đã thuộc về nhân dân thông qua Mặt trận Việt Minh do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự xuất hiện và từng bước củng cố của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, là một yếu tố mới, có tính quyết định trong bố trí lực lượng ở Việt Nam, mà bất cứ ý đồ dàn xếp nào từ bên ngoài đều phải tính đến. Mặt khác, mặc dù tham gia vào các lực lượng Đồng minh trong cuộc chiến tranh chống phát xít ngay từ những ngày đầu, trên thực tế ảnh hưởng của Pháp trong hàng ngũ Đồng minh là không lớn. Hơn nữa, De Gaulle và người của ông ta cũng không chiếm được cảm tình của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Trước lúc qua đời (tháng 4-1945), Roosevelt từng có ý tưởng sẽ đặt Đông Dương dưới sự quản trị quốc tế mà không để Pháp quay lại nô dịch sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc1. Ý tưởng này đã được ông đưa ra tại Hội nghị Yalta với những người đồng cấp Winston Churchill và Joseph Staline. Mặc dù không được Churchill chấp thuận, nhưng dường như ý tưởng này được sự đồng tình của Staline. De Gaulle không thể không nhận thức được tình hình trên. Trong hoàn cảnh này, Pháp chỉ có thể trông đợi vào Anh, một cường quốc Đồng minh vốn có những lãnh thổ thuộc địa rộng lớn trên thế giới, và do đó có những lợi ích tương đồng với Pháp trong vấn đề thuộc địa sau chiến tranh. 1. Xem Trần Hữu Đính, Lê Trung Dũng: Cách mạng Tháng Tám 1945 - Những sự kiện lịch sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000. 22 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Bởi vậy, chỉ 4 ngày sau Tuyên bố 24-3 nêu trên, ngày 28-3-1945, Pháp đề nghị cùng Anh ký một hiệp ước về vấn đề dân sự ở Đông Dương. Cho đến nay, những đề nghị cụ thể của Pháp chưa được công bố, nhưng bản thân tên gọi Hiệp ước về vấn đề dân sự ở Đông Dương cũng đủ để nói lên rằng Pháp muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Anh trong việc thiết lập lại chính quyền của Pháp ở Đông Dương. Mặc dù đề nghị này chính thức bị từ chối, Pháp vẫn cho rằng đây chính là hình thức, bởi Anh vẫn đồng ý giúp Pháp huấn luyện 100 viên chức hành chính Pháp tại Ấn Độ. Ý đồ của Anh trong vấn đề này được lộ rõ vào giữa tháng 8-1945 trong cuộc trao đổi giữa đại sứ Anh tại Trùng Khánh (Trung Quốc) với chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch về việc cùng giải giáp vũ khí của Nhật tại Đông Dương. Tại cuộc trao đổi này, đại sứ Anh bày tỏ sự tin tưởng rằng: “Mục tiêu chung của hai chính phủ là tái thiết lập chính quyền Pháp ở Đông Dương và tạo điều kiện cho sự trở lại của quân đội và viên chức hành chính Pháp càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, như đã thấy trên thực tế, vào thời gian này, dường như Tưởng Giới Thạch không có cam kết gì trong việc ủng hộ ý đồ của Anh và Pháp, mà lại có những tính toán của riêng mình trong việc sử dụng các lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội. Và cuối cùng, ngày 24-8, Anh cũng đã ký với Pháp một thỏa hiệp về nguyên tắc và cách thức khôi phục lại quyền hành của Pháp tại Đông Dương. Gần như đồng thời, trong chuyến công du Washington, De Gaulle đã thuyết phục được Harry S. Truman (người kế vị Roosevelt sau khi ông này qua đời) chính thức thừa nhận bằng văn bản cái gọi là “chủ quyền” của nước Pháp trên xứ Đông Dương. Cùng với điều kiện được Mỹ bật đèn xanh, Pháp có thêm chỗ dựa đáng tin cậy trong quá trình tìm đường quay lại áp đặt chế độ thuộc địa ở Đông Dương là Anh, quốc gia được Đồng minh trao quyền tước khí giới quân đội Nhật Bản ở Nam Việt Nam. Là một quốc gia có nhiều thuộc địa ở châu Á, sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Anh chủ trương “giữ nguyên trạng” thuộc địa - tức thuộc địa của đế quốc CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 23 nào trả lại cho đế quốc đó, nên Anh đã ký với Pháp một hiệp ước công nhận “chủ quyền” của Pháp ở Đông Dương. Chủ trương này thể hiện qua tuyên bố của tướng Douglas D. Gracey - người cầm đầu quân đội Anh ở Nam Đông Dương: “Việc Pháp kiểm soát (Đông Dương) cả về dân sự lẫn quân sự chỉ là vấn đề thời gian trong vài tuần lễ mà thôi”1. Và do vậy, Nam Bộ trở thành mục tiêu đầu tiên của Pháp trên con đường tái chiếm Đông Dương. Được Đồng minh trao nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật Bản tại Nam Đông Dương, Anh đã làm mọi điều cần thiết để giúp quân Pháp quay lại nắm quyền ở Nam Bộ Việt Nam, từ việc chuyển các lực lượng quân đội Pháp tới Nam Bộ, giải phóng và trang bị vũ khí cho những tù binh Pháp bị Nhật Bản bắt từ sau ngày 9-3-1945, tới việc đàn áp chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam và từng bước bàn giao quyền quản lý khu vực này cho Pháp. Đêm 22-8-1945, hầu như cùng lúc với việc Mesmer nhảy dù xuống miền Bắc Việt Nam, Đại tá Pháp Jean Cédile cũng nhảy dù xuống vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Cédile được quân Nhật đưa về ở tại một căn nhà trong khuôn viên Dinh Toàn quyền cũ. Tại đây, Cédile bắt liên lạc với một số kiều dân Pháp và cùng họ bàn kế hoạch tái chiếm Nam Bộ. Để thực hiện được kế hoạch ấy, Cédile được De Gaulle trao chức Ủy viên Cộng hòa tại Nam Kỳ và liên lạc với chính quyền cách mạng. Tuy bị choáng váng trước khí thế cách mạng sôi sục ở Sài Gòn, Cédile vẫn ngoan cố bám giữ lập trường thực dân của Tuyên bố ngày 24-3-1945. Vì vậy các cuộc tiếp xúc không đi đến kết quả nào. Cuối tháng 8-1945, với danh nghĩa vào Đông Dương tước khí giới quân đội Nhật Bản, 200.000 quân của Tưởng Giới Thạch tràn xuống phía bắc vĩ tuyến 16, mang theo cả kế hoạch tập hợp các phần tử, các đảng phái chịu ảnh hưởng của Trung Hoa Dân quốc để thành lập chính quyền tay sai, thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài miền Bắc Việt Nam. 1. Karnow S.: Vietnam, a history, Penguin Book, New York, 1987, p.148. 24 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Cũng với danh nghĩa trên, tại Ceylon, Sư đoàn 20 Quân đội Hoàng gia Anh kéo theo một bộ phận quân Pháp chuẩn bị lên đường vào phía nam vĩ tuyến 16, giúp Pháp tái chiếm Đông Dương. Ngày 31-8-1945, một đơn vị tiền trạm của Anh tới Sài Gòn thu xếp việc đầu hàng của quân đội Nhật Bản. Từ Ceylon, tướng Douglas D. Gracey, Tư lệnh Sư đoàn 20 Quân đội Hoàng gia Anh, người trực tiếp thực hiện việc giải giáp quân đội Nhật Bản và giúp Pháp trở lại Đông Dương, buộc quân đội Nhật Bản tăng cường lực lượng tại Sài Gòn và tước khí giới các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Ngày 4-9-1945, quân Nhật từ các tỉnh Nam Bộ kéo về Sài Gòn - Chợ Lớn. Việc đầu tiên của lực lượng này là đòi Ủy ban hành chính lâm thời địa phương tước khí giới lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Ngày 11-9-1945, tướng Gracey và hôm sau, 2.500 quân Anh thuộc lữ đoàn Gukas, Sư đoàn 20 đến sân bay Tân Sơn Nhất. Theo chân quân Anh là 2 tiểu đoàn biệt kích thuộc Trung đoàn thuộc địa số 5 của Pháp1. Ngay sau khi tới Sài Gòn, Gracey ngang ngược đòi Lâm ủy hành chính Nam Bộ rút khỏi Nam Bộ Phủ (Dinh Toàn quyền cũ) để làm trụ sở cho phái bộ Đồng minh. Để tránh những đụng chạm không cần thiết và tranh thủ thời gian chuẩn bị kháng chiến, chính quyền cách mạng rút khỏi Nam Bộ Phủ về đóng tại Dinh Đốc lý cũ. Phản bội lời hứa chỉ dùng Nam Bộ Phủ cho phái bộ Đồng minh, Gracey trao Nam Bộ Phủ cho quân Pháp2. Nhân dịp này, các lực lượng Pháp tìm cách biểu dương uy thế của mình. Ngày 13-9-1945, chỉ mới hơn 10 ngày sau lễ Độc lập của nhân dân Việt Nam, quân Pháp tổ chức lễ chào cờ Pháp trước Nam Bộ Phủ. Sự việc này như một sự thách thức đối với người Việt Nam vừa giành được độc lập. Ngay lập tức, hàng trăm người dân Sài Gòn kéo đến trước Dinh Toàn quyền để phản đối. Một số thanh niên chuẩn bị trèo vào trong dinh hạ cờ ba sắc. Lính Pháp sẵn 1. Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 333. 2. Trần Văn Giàu: Hồi ký, Tlđd. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 25 sàng nổ súng. Được cấp báo tình thế căng thẳng này, Gracey điện cho Cédile buộc phải hạ cờ Pháp. Không khí chiến tranh bao trùm cả Sài Gòn và toàn Nam Bộ do hành động hiếu chiến của thực dân phản động Pháp và sự can thiệp trắng trợn của quân Anh. Ngày 14-9-1945, Gracey ra thông báo cấm nhân dân mang vũ khí và biểu tình, kế đó ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa tất cả các báo tiếng Việt ở Nam Bộ. Ngày 19-9-1945, quân Anh để Cédile họp báo tuyên bố: “Việt Minh không đại diện cho nhân dân Việt Nam, Việt Minh bất lực, Pháp có nhiệm vụ lập lại trật tự, sau đó sẽ thành lập chính phủ phù hợp với tuyên bố ngày 24 tháng 3...”. Ngày 20-9-1945, phái bộ Anh còn tuyên bố giữ quyền kiểm soát Sài Gòn, đòi thả những người Pháp đang bị giam giữ, buộc quân đội cách mạng rút khỏi thành phố, đòi đặt lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc (lực lượng cảnh sát ở Nam Bộ) dưới quyền chỉ huy của phái bộ Anh. Cũng trong ngày 20-9-1945, tại Sài Gòn, Gracey tuyên bố: Không khoan dung bất cứ một cuộc tẩy chay hay đình công, bãi thị nào. Cùng ngày, quân Anh nắm quyền kiểm soát các nhà tù. Ngày 21-9-1945, Gracey cho phép Trung tá Rivier vào các trại tập trung tù binh Pháp tổ chức 12 đại đội tác chiến, với quân số khoảng 1.400 người. Ngày 21-9-1945, Gracey ra lệnh thiết quân luật và thỏa thuận với Cédile về việc “lập trật tự ở Sài Gòn”. Hành động đầu tiên sau thỏa thuận này là việc kiểm soát Khám lớn Sài Gòn. Ngày 22-9-1945, tại trại lính Trung đoàn thuộc địa số 11 (11e RIC) bị quân đội Nhật Bản chiếm từ đêm 9-3-1945 và làm nơi giam giữ lính Pháp, 1.500 tù binh Pháp khỏe mạnh được tuyển chọn, phân phát khí giới, biên chế thành đơn vị, tỏa ra các địa điểm trọng yếu ở trung tâm thành phố. Quân Pháp chiếm nhà tù, Bưu điện, Ty Cảnh sát và thay thế quân Nhật chiếm giữ nhiều đồn cảnh sát ở Sài Gòn. Tính đến đêm 22-9, số quân Pháp ở Sài Gòn đã lên đến 11.000 người, gồm: tiểu đoàn biệt kích thuộc địa 5e RIC (600 người), tù binh 26 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 của 11e RIC tái vũ trang (1.400 người), “thường dân” Pháp có vũ trang (500 người), một lữ đoàn quân Anh (2.500 người) và khoảng 7 tiểu đoàn quân Nhật (5.000 người)1. Pháp còn có Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9e RIC) đang trên đường sang Đông Dương. Lực lượng hải quân, không quân sẵn sàng chi viện. Phía cách mạng, tại Sài Gòn, sau khi những lực lượng vũ trang cách mạng rút ra ngoại ô ngày 20-9, ngoài một số đơn vị Cộng hòa vệ binh tuần tra, canh gác công sở, chỉ còn trong nội thành khoảng 6.000 tự vệ xung phong công đoàn, 2.000 thanh niên xung phong và công an xung phong, được chọn và tổ chức thành 320 đội xung phong với 120 súng các loại, 3.000 lựu đạn, còn lại là gậy tầm vông, giáo mác… Vào lúc 0 giờ ngày 23-9-1945, trong trang phục quân đội Anh, các toán quân Pháp nổ súng tập kích các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng và các điểm xung yếu khác. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn dũng cảm đánh trả, nhưng quân Pháp được trang bị vũ khí đầy đủ và đông gấp bội, nên từ 3 giờ sáng ngày 23-9 đã lần lượt chiếm Sở Cảnh sát, trụ sở Quốc gia Tự vệ cuộc, Nhà đèn, Bưu điện, Đài Phát thanh, Kho bạc... Quân Pháp định vượt qua cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè, cầu Khánh Hội... nhưng bị chặn lại. Quân Pháp bắn giết dã man dân thường Việt Nam. Nơi nào có lính Pháp chết thì quân Pháp lùng bắt, đánh đập, bắn chết ngay tại chỗ bất kỳ người Việt Nam nào, vô luận đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em. Suốt ngày 23-9, các đội Tự vệ chiến đấu, Thanh niên xung phong, Công đoàn xung phong... đã đánh trả quyết liệt các mũi tấn công của quân Pháp tại Dinh Đốc lý, trên các tuyến đường Verdun (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Đặc biệt, tiểu đội chiến sĩ bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ, chỉ với súng săn, dao găm, lựu đạn, đã chiến đấu ngoan cường chống lại một đại đội quân Anh cho đến người cuối cùng. Khâm phục tinh thần chiến đấu của lực lượng kháng chiến, kết thúc trận đánh, viên chỉ huy quân Anh đã ra lệnh cho 1. Trần Văn Giàu: Hồi ký, Tlđd. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 27 đại đội do ông ta chỉ huy bồng súng chào những đối thủ đã hy sinh oanh liệt. Ở Sở cứu hỏa, một tiểu đội công nhân tự vệ, người trước ngã, người sau đỡ lá cờ đỏ sao vàng, quyết cắm cho được lá cờ lên đỉnh tháp quan sát, bốn chiến sĩ lần lượt hy sinh, nhưng quốc kỳ đã tung bay trên đỉnh tháp. Công nhân hỏa xa đã nhanh chóng tháo gỡ những bộ phận quan trọng của đầu máy xe lửa, đem giấu mỗi bộ phận một nơi, rồi đốt cháy ba kho: khu kho xa xưởng, kho đềpô Chí Hòa, kho cơ điện; đục thủng kho dầu rồi phóng hỏa. Trước việc Pháp công khai tiến hành chiến tranh xâm lược, ngay sáng ngày 23-9-1945, tại căn cứ ở đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi), Chợ Lớn, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ tổ chức một cuộc họp quan trọng để bàn về những công việc trước mắt của chính quyền cách mạng trong tình hình mới. Tham dự cuộc họp có Trần Văn Giàu, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng và một số nhà lãnh đạo khác, trong đó có Hoàng Quốc Việt đại diện Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Hội nghị có hai ý kiến, một bên muốn “đánh ngay”, một bên muốn “chỉ nên đình công, bãi thị, bất hợp tác” để chờ. Cũng có ý kiến đề nghị tổ chức một cuộc biểu tình lớn với hàng triệu người tham gia, bất chấp súng đạn của địch để tỏ rõ cho chúng biết: ta thà hy sinh tất cả chứ không để mất tự do, độc lập. Hầu hết các vị lãnh đạo Nam Bộ đứng về phía muốn phát động ngay cuộc kháng chiến toàn dân, kịp thời trừng trị quân cướp nước. Sau hai giờ bàn bạc, Hội nghị quyết định quyết tâm tổ chức kháng chiến chống lại quân Pháp xâm lược, đồng thời tìm cách điện báo gấp ra Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch. Chiều 23-9-1945, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn cũng được thành lập do Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch và hai ủy viên là 28 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Từ Văn Ri và Huỳnh Đình Hai, đều là cán bộ của Tổng Công đoàn Nam Bộ. Ngay sau đó, bản Tuyên cáo quốc dân được ban hành: “Đồng bào Nam Bộ! Vì coi quân đội Anh là đại biểu của Đồng minh tới đất nước chúng ta giải giáp quân Nhật để đem lại hòa bình cho dân chúng Đông Dương nên chúng tôi - Ủy ban nhân dân Nam Bộ - luôn giúp cho quân đội Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng. Mặc dù có nhiều điều bất mãn, đã nhiều lần chúng tôi kêu gọi quốc dân nén lòng căm giận để chờ đợi cuộc vận động ngoại giao với Đồng minh trên trường quốc tế nhưng do sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, bọn thực dân Pháp đã làm nhiều điều quá đáng… Không lẽ chịu nhục hoài, vì danh dự của dân tộc, chúng ta phải coi trọng quyền lợi quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Chính phủ Trung ương xin cho phép kháng chiến. Chúng tôi đã: 1- Lập Ủy ban kháng chiến để lo việc quân sự. 2- Hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với người Pháp. 3- Truyền đi lục tỉnh thi hành kế hoạch phá hoại đường giao thông tiếp tế để bao vây quân địch. 4- Kêu gọi đồng bào tố cáo Việt gian nguy hiểm... Đồng bào thân mến! Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ quốc gia”1. Mục tiêu của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ lúc bấy giờ là kìm giữ quân địch trong một thời gian tương đối dài, không cho chúng ra khỏi thành phố, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo, các cơ sở kháng chiến di chuyển về nông thôn và chuẩn bị triển khai kháng chiến ở các tỉnh. Giữa lúc đó, ngày 22-9-1945, một trong những chiếc thuyền đưa các chiến sĩ cách mạng bị địch giam giữ ở Côn Đảo về đất liền đã cập bến miền Tây Nam Bộ... Việc các đồng chí ở Côn Đảo, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo và cán bộ cốt cán của Đảng trở về là nguồn tiếp sức vô 1. Theo báo Cứu quốc, số 54, ngày 29-9-1945. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 29 cùng quý giá cho việc lãnh đạo, chỉ đạo ở Nam Bộ trong suốt quá trình kháng chiến. Lúc này, nội thành Sài Gòn tổ chức thành 16 khu vực kháng chiến. Có hai phương án tác chiến được đưa ra: - Phương án một: Cấp bách đào giao thông hào, đục tường thông qua các nhà trong khu phố; dựng chiến lũy, lập chướng ngại vật; dời trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ xuống Mỹ Tho, phân tán kho tàng, thiết bị đài phát thanh ra ngoại thành. - Phương án hai: Lực lượng chính quy rút ra ngoại thành, bố trí các đội tự vệ, thanh niên, công đoàn, nhân dân bán vũ trang trong nội thành, xây dựng 160 ổ chiến đấu ở các điểm xung yếu có các chi bộ đảng làm nòng cốt, lãnh đạo. Máy in dự trữ, một máy phát thanh được chuyển ngay ra vùng Tân Bửu - Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bình Chánh)… Cuối tháng 9-1945, một cuộc họp ở Chợ Đệm do Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu chủ trì đã quyết định: Ngoài mặt trận nội đô, Sài Gòn thành lập thêm 3 mặt trận “tiền tuyến vòng ngoài” nhằm tiếp tục trong đánh ngoài vây, ngăn chặn bước tiến của quân Pháp ra khỏi thành phố. Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định còn gọi là mặt trận phía bắc. Hàng ngàn đồng bào đã tham gia xây dựng chiến tuyến thành nhiều tầng, nhiều lớp, có chiều sâu. Các lực lượng thay nhau chốt chặn các cửa ngõ, chiều sâu dựa trên ba trục: trục đường 13 (từ Thị Nghè, Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu), trục cầu Bông (Bà Chiểu, cầu Hang - Gò Vấp đến cầu Bến Phân), trục cầu Kiệu (xóm Thôn, ngã ba Chú Iá ra An Nhơn). Mặt trận này có lực lượng Nam tiến và các lực lượng vũ trang địa phương phối hợp cùng chiến đấu chống giặc. Mặt trận do Nguyễn Văn Tư chỉ huy. Mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn, còn gọi là mặt trận phía nam, hay mặt trận số 4, có lực lượng Nhà Bè, Tân Thuận, lực lượng vũ trang Bình Xuyên, bộ đội Ba Bang, bộ đội Bảy Trân. Trận tuyến kéo dài từ xóm Kinh Tẻ đến đầu cầu Chữ Y (Bình Đông) lực lượng được bố trí từ ngã ba Kinh Tẻ đến bến đò Tân Quy, từ cầu Chữ Y đến cầu 30 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Hiệp An. Mặt trận này do Nguyễn Văn Trân, sau đó là Dương Văn Dương, chỉ huy. Mặt trận tiền tuyến phía tây, Phú Lâm, Chợ Đệm án ngữ cửa ngõ ra quốc lộ Đông Dương về đồng bằng sông Cửu Long, do Trần Văn Giàu, sau đó là Nguyễn Lưu, chỉ huy. Thực tế qua diễn biến, Sài Gòn có thêm mặt trận tiền tuyến phía tây bắc, trận tuyến từ cầu Tham Lương án ngữ cửa ngõ ra quốc lộ 1 lên Tây Ninh và Campuchia, còn gọi là mặt trận Tham Lương do các trận đánh diễn ra quyết liệt ở khu vực cầu Tham Lương. Các mặt trận tiền tuyến không chỉ chốt chặn mà còn thực hiện thọc sâu phối hợp với lực lượng nội thành tiến công nhiều mục tiêu bên trong thành phố, với mục tiêu kìm chế, vây hãm địch trong thời gian tương đối dài, không cho chúng ra khỏi thành phố, tạo điều kiện cho cơ quan lãnh đạo, các cơ sở kháng chiến di chuyển về nông thôn và các tỉnh, có thêm thời gian để chuẩn bị kháng chiến, kể cả mặt trận nội thành. Một vành đai vây hãm địch đã hình thành. Từ các chiến tuyến, các cuộc phá vây của quân Pháp đánh ra bị bẻ gãy; trong khi các mũi len lỏi từ ven đô thọc vào gắn bó với nội đô, liên tiếp gây tổn thất nặng nề cho quân địch. Các trạm chốt trên vành đai còn làm nhiệm vụ tiếp chuyển đồng bào trong thành phố tản cư ra ngoại ô, tiếp nhận hàng hóa tiếp tế từ các cơ sở nội thành gửi ra vành đai cho bộ đội và cơ quan. Sài Gòn - Gia Định đã tạo ra hình ảnh toàn dân đánh giặc trong một thành phố lớn, nơi kẻ địch lấy làm đầu não của chúng. Chỉ mấy ngày đầu nổ súng, đã có 138 xí nghiệp, công sở lớn, 22 kho tàng, 17 đầu máy xe lửa, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi, 4 chợ, một số cầu đường trong thành phố và quanh Sài Gòn bị phá hủy. Trận mở màn lớn nhất cho cuộc phản công của quân, dân Sài Gòn là trận tấn công bót cảnh sát Thương Khẩu ở đường Jean Eudel (nay là đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) của đồng bào và chiến sĩ Khánh Hội vào đêm 23-9-1945. Ngày 25-9, nghe tin giặc chiếm Khám Lớn, bắt giam nhiều nhân viên Chính phủ, lòng người sôi sục. Ở khu gần Khám Lớn, đồng bào mài dao, búa, vót tầm vông chất thành đống. Ngay trong đêm 25, diễn CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 31 ra cuộc tiến công Khám Lớn. Các chiến sĩ dân quân dùng búa tạ đập tan cửa khám. Hầu hết thanh niên và tù chính trị ở đây kịp tung cửa chạy ra. Trong những ngày cuối tháng 9, các trận tiến công của quân ta thường diễn ra trên các trục giao thông ven Sài Gòn như các trận ở khu vực cầu Bình Lợi, cầu Chữ Y… Đặc biệt ngày 30-9, Trường Quân chính Gia Định tiến công chiếm kho gạo, vải, thu 10 súng. Cho đến ngày 30-9, quân Pháp mới làm chủ được một dải hẹp từ bờ rạch Bến Nghé qua chợ Bến Thành đến chợ Tân Định. Đầu tháng 10, Ủy ban nhân dân Nam Bộ huy động lực lượng các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá, theo quốc lộ Đông Dương và Phú Lâm tiến công quân Pháp. Tuy nhiên, do nắm tình hình không chắc, chuẩn bị chưa kỹ, lực lượng có hạn, trận đánh không đạt kết quả. Cùng với cuộc chiến đấu ngoan cường của các lực lượng vũ trang cách mạng, chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban nhân dân Nam Bộ và lời hiệu triệu của Tổng Công đoàn Nam Bộ, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn thực hiện triệt để bao vây, triệt để vườn không nhà trống, bất hợp tác với địch... Sài Gòn trở thành một thành phố chết: không điện, thiếu nước, thiếu lương thực, thực phẩm, không có hoạt động sản xuất, mua bán... Mặt trận này đã gây nỗi kinh hoàng đối với quân xâm lược. Chính một người Pháp trong cuộc đã phải than thở: “... Sống trong cảnh tối om, chúng tôi mỗi người đều tự hỏi điều gì đã xảy ra, ngày mai ra sao, bao nhiêu vấn đề đang thôi thúc...”. Một nhà báo Anh thừa nhận: “Chúng tôi ở Sài Gòn rất nguy ngập về lương thực vì trên đất thì quân dân Việt Nam phong tỏa, mà trên mặt biển thì trước kia quân Nhật đã thả nhiều thủy lôi. Các kho gạo của Nhật trước đây đều bị người Việt Nam phá hoại bằng cách đốt cháy hết trận này đến trận khác... Càng ngày càng khó kiếm miếng ăn. Và nước, rất nhiều người khổ sở vì nạn khát, nếu không nhờ thỉnh thoảng có một trận mưa”1. Cuộc chiến đấu của quân, dân Nam Bộ vì độc lập, tự do của Tổ quốc làm nức lòng quân, dân cả nước. Ngay sau khi nhận được điện báo, 1. Theo báo Cứu quốc, số 57, ngày 3-10-1945. 32 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu lộ sự nhất trí cao với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, đồng thời kêu gọi quân, dân cả nước hỗ trợ, chi viện cho cuộc kháng chiến. Ngày 24-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi huấn lệnh cho quân, dân Nam Bộ nêu rõ: “Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà lại còn chứng tỏ cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân Nam Bộ. Hiện nay đồng bào Nam Bộ đương trải qua những khó khăn gay go, điều đó là sự dĩ nhiên trên con đường đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng bào phải cương quyết giữ vững lòng tin ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày Độc lập”1. Sau một tuần lễ nổ súng gây hấn, quân Pháp chỉ mới chiếm được một dải hẹp từ bờ rạch Bến Nghé qua chợ Bến Thành, đến chợ Tân Định. Trên thực tế, quân Pháp rơi vào thế bị động, phải ra sức chống đỡ, cố giữ nguyên trạng cho đến khi quân tăng viện kịp đến. Bị vây hãm, quân tăng viện chưa đến, Cédille lo sợ, phải nhờ Gracey lấy danh nghĩa “Đồng minh” đứng ra làm trung gian xin điều đình, ngừng bắn từ đầu tháng 10-1945 với lực lượng kháng chiến. Từ ngày 10-10-1945, quân Anh lấy danh nghĩa Đồng minh đưa quân đi tước vũ khí quân Nhật ở các thị xã thuộc miền Đông Nam Bộ nhằm giúp Pháp mở rộng chiếm đóng các tỉnh xung quanh Sài Gòn. Đêm 10-10-1945, thời gian tạm ngừng bắn đã hết, quân cách mạng mở đợt tiến công mới. Từ Xóm Chiếu vượt sang Quận Nhì, từ chợ Bến Thành đến ga xe điện Arras, quân cách mạng đánh bót cảnh sát Boresse (nay thuộc đường Yersin), phối hợp với cảm tử quân nội thành tràn qua cầu Bông, cầu Kiệu đánh vào các điểm đồn trú của quân Pháp ở khu vực Đa Kao. 1. Theo báo Cứu quốc, số 50, ngày 24-9-1945. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 33 Ngày 12-10, quân Pháp chọc thủng tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn, chiếm khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Mỹ, quân Anh chiếm Gò Vấp, Gia Định. Lực lượng vũ trang chặn và bám địch, diệt một số tên. Ngày 15-10, quân kháng chiến bao vây và tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. Lực lượng Anh đóng giữ sân bay phải huy động hai đại đội thiết giáp ra ngăn chặn. Trận đánh kéo dài suốt ba ngày liền. Trước sức phản công quyết liệt của đối phương, quân kháng chiến phải tạm lui, đến đêm lại tiếp tục bao vây sân bay và tiến công mạnh vào các chốt của đội tuần tra Anh. Lúc 5 giờ sáng ngày 16-10, quân kháng chiến lọt vào Sài Gòn, cùng một lúc tiến công nhiều mục tiêu, đốt cháy kho chứa vỏ ruột xe và xăng dầu của quân Anh, lửa cháy từ sáng tới chiều. Kho lương thực của Pháp và Hãng sơn Khánh Hội bị đốt cháy. Nhà máy điện, nước vừa khôi phục đã bị thiêu hủy. Ở hướng nam Sài Gòn, từ 21 giờ đêm ngày 16 đến ngày 17-10, lực lượng vũ trang Bình Xuyên phối hợp với du kích đánh địch ở xóm Dầu, tiếp tục đánh thẳng xuống bốt cảnh sát đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo). Cùng ngày, quân Pháp tiến công vào An Nhơn để phá vòng vây, bị quân ta chặn đánh diệt 7 xe thiết giáp và 3 xe khác. Trong ngày 16-10, mặt trận phía đông bị phá vỡ, quân Pháp chiếm cầu Bông, Bà Chiểu. Vòng vây Sài Gòn bị vỡ một mảng lớn, quân kháng chiến rút về củng cố trận địa ở Gò Vấp, trục đường từ ngã ba Chú Iá đến An Phú Đông. Ngày 16-10, tại cầu Hang, một cánh quân Anh - Pháp bị đánh thiệt hại nặng, quân cách mạng thu 2 xe thiết giáp. Cố phá vòng vây, ngày 17-10, quân Anh lại dùng 8 xe chở lính, có thiết giáp yểm trợ, đánh lên Hóc Môn, khi đến cách Gò Vấp 5 km, lọt vào trận địa phục kích. Hai bên giáp chiến dữ dội, quân Anh tháo chạy, bỏ lại 5 xe và một số xác chết. Đợt phá vòng vây của quân Anh lên Hóc Môn bị bẻ gãy. Ở mặt trận Thị Nghè, quân Anh - Pháp đã nhiều lần giải tỏa nhưng đều bị đánh lui. Mặt trận này có lực lượng Nam tiến phối hợp với 50 tay súng và thanh niên vũ trang địa phương tổ chức phòng 34 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 thủ theo lối trận địa chiến. Quân kháng chiến bố trí thành 3 chiến lũy, có con sông Thị Nghè chắn ngang phía trước. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 18-10, quân Anh - Pháp đã huy động tàu chiến, xe tăng, có pháo binh yểm trợ tiến đánh Thị Nghè. Nhân dân và lực lượng vũ trang do Nguyễn Văn Bản chỉ huy đã chống giữ rất anh dũng. Hai đơn vị của Hồ và Bảy Trường chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng. Quân Pháp nhờ xe tăng và hỏa lực mạnh đã chiếm được một phần trận địa. Nhưng tiếp sau, ta bẻ gãy nhiều đợt tiến công và đánh bật quân Pháp ra khỏi Thị Nghè, quân Pháp rút chạy tán loạn. Trận địa Thị Nghè được giữ vững, nhiều tên lính xâm lược bị diệt. Ngày 19-10, lực lượng vũ trang Sài Gòn tiến công quân Pháp ở ga Nanxi. Từ ngày 20 đến ngày 23-10, tự vệ và thanh niên xung phong liên tiếp tiến công đường Galliéni, khách sạn Contentinal và nhiều điểm khác trong nội thành. Cho đến cuối tháng 10-1945, nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn căng thẳng. Ban ngày quân Pháp huy động từng đại đội đi lục khám từng nhà dân, đêm lại co về vị trí. Các cuộc tiến công ban đêm của quân dân Sài Gòn vẫn tiếp diễn. Ở phía bắc, lực lượng kháng chiến vừa tập hợp và xây dựng lực lượng Giải phóng quân, xây dựng dân quân du kích xã, ấp, vừa liên tiếp chặn đánh ở cầu Tham Lương, cầu Bến Phân. Sau khi Binh đoàn thiết giáp Massu đến Sài Gòn, lực lượng Pháp ở Nam Bộ đã lên tới 6.000 quân, bên cạnh đó là 20.000 quân Anh, 40.000 quân Nhật, tướng Leclèrc hoạch định chương trình “đánh nhanh, thắng nhanh” theo ba giai đoạn: đánh chiếm vùng trọng yếu (trước hết là Sài Gòn - Chợ Lớn như đã thực hiện); mở rộng chiếm đóng toàn bộ Nam Bộ, Nam Trung Bộ; tiến hành bình định. Cuộc hành quân về đồng bằng sông Cửu Long của quân Pháp, có hải quân Anh hỗ trợ, chọn mục tiêu hợp điểm đầu tiên là Mỹ Tho (cách Sài Gòn 71 km). Lực lượng chủ yếu gồm đoàn bộ binh cơ giới, có xe tăng, xe bọc thép, chia làm nhiều mũi: một mũi theo quốc lộ Đông Dương sẽ hợp điểm với mũi tiến công theo đường sông Tiền tại thị xã Mỹ Tho; một mũi theo liên tỉnh lộ 5 Sài Gòn - Cần Giuộc - CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 35 Cần Đước sẽ hợp điểm với mũi tiến công theo đường sông Soài Rạp - Vàm Cỏ ở khu vực Cần Giuộc - Cần Đước. Phán đoán quân Pháp mở rộng đánh chiếm về hướng tây Sài Gòn, các tỉnh Chợ Lớn, Tân An huy động nhân dân làm chướng ngại vật và các lực lượng vũ trang “dàn trận” đánh tiêu hao, làm chậm bước tiến của địch. Hàng ngàn người vác dao, cuốc, xẻng ra quốc lộ Đông Dương, liên tỉnh lộ 5 chặt cây, đào đường, đắp mô. Trên các kênh Nước Mặn và Rạch Cát có trên 50 ghe chài chở đất làm vật cản; từng đoàn xuồng, ghe ken dày trên sông rạch, kết lại bằng dây cáp sắt chặn ngang sông để chặn tàu giặc. Trạm tù, cầu Bình Điền và các trạm mõ dọc quốc lộ, tỉnh lộ làm nhiệm vụ báo tin tình hình tiến quân của địch. Các thị xã Tân An, Mỹ Tho thực hiện tản cư dân, chỉ còn lại Hoa kiều và người ngoại quốc, không “tiêu thổ kháng chiến” nhưng triệt phá những gì mà quân Pháp cần, như hệ thống cấp điện, nước. Sau khi từ Sài Gòn - Chợ Lớn các mũi tiến công đã xuất phát, đêm 23 rạng ngày 24-10-1945 tại Cần Giờ, hàng chục tàu chiến Pháp bắt đầu rời bến. Theo đường sông, hai chiến hạm Richeleu và Triomphant tiến vào sông Soài Rạp, tung quân ra đánh chiếm khu vực Gò Công, Chợ Gạo, Cần Đước, Cần Giuộc, trong lúc đó một đoàn tàu chiến khác theo sông Tiền đã đổ bộ chiếm trước thị xã Mỹ Tho vào chiều 24-10-1945. Trên quốc lộ Đông Dương, mặt trận Chợ Đệm nổ súng khi quân Pháp vượt qua cầu Bình Điền. Bộ đội, du kích dàn trận đánh địch, nhưng súng nhỏ, gậy tầm vông không chặn nổi xe tăng, tuy có uy hiếp tinh thần và làm chậm bước tiến của chúng. Quân Pháp cho quân Nhật đi trước dọn đường, nhưng một ngày rưỡi đầu chỉ tiến được trên 20 km. Quân Pháp lùng sục vào các làng mạc hai bên đường cướp phá, đốt nhà, khói lửa ngùn ngụt hai bên quốc lộ. Lính Pháp mặc quân phục Anh sục vào từng nhà bắt người, đẩy đi sửa cầu đường. Ở vùng ven Sài Gòn, Sư đoàn thuộc địa số 9 chà đi xát lại vô cùng ác liệt, hòng làm tan rã lực lượng vũ trang cách mạng. Các trung đoàn thuộc địa số 21, 23 án ngữ phía bắc và tây bắc Sài Gòn. 36 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Sau khi hai cánh quân thủy, bộ hội điểm tại thị xã Mỹ Tho, địch tiếp tục theo hướng đường sông tiến chiếm Vĩnh Long (ngày 29-10), Cần Thơ (ngày 30-10), Cái Răng (ngày 2-11). Từ các vị trí vừa chiếm được, chúng tiếp tục tổ chức hành quân theo đường sông Cửu Long lên Campuchia. Tuy cuộc chiến suốt một tháng trời trong lòng Sài Gòn đã diễn ra trong thế tương quan lực lượng bất lợi, nhưng với tinh thần ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, mỗi tấc đất là một chiến hào, thực hiện trong đánh, ngoài vây, quân và dân Sài Gòn đã bước đầu làm thất bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của Pháp, vừa tôi luyện tốt nhất cho lực lượng chiến đấu của mình, vừa tạo điều kiện cho các nơi khác có thêm thời gian chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài. Trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra ác liệt, ngày 15-10-1945, Xứ ủy triệu tập cuộc họp tại Cầu Vỹ, ngoại ô thị xã Mỹ Tho bàn việc ổn định tổ chức đảng, củng cố tổ chức Việt Minh và các tổ chức quần chúng cách mạng. Hội nghị quyết định giải thể cả Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng, thành lập một xứ ủy lâm thời gồm 11 người, trong đó có các vị ở hai xứ ủy cũ và các chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo về. Tôn Đức Thắng được bầu làm Bí thư. Các ủy viên Xứ ủy là Lê Duẩn, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ (Võ Sĩ), Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương và Nguyễn Thị Thập. Hội nghị chỉ định một số bí thư tỉnh ủy và quyết định thống nhất các tỉnh ủy ở những nơi có hai tỉnh ủy. Tổ chức Việt Minh cũng được thống nhất và kiện toàn. Ngày 25-10-1945, Xứ ủy Nam Bộ mở Hội nghị đại biểu các tỉnh, thành gần chợ Thiên Hộ (xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho). Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đây là cuộc hội nghị đại biểu đông đủ nhất của Đảng bộ Nam Bộ. Hội nghị nhận định tình hình, rút kinh nghiệm chỉ đạo cuộc kháng chiến Nam Bộ sau Hội nghị Cây Mai (ngày 23-9-1945), biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của quân, dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Các đại biểu đã vạch ra những non yếu, lệch lạc trong việc xây dựng lực lượng vũ trang sau tổng khởi nghĩa, CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 37 dự kiến sự phân hóa, tan rã tất yếu của những “sư đoàn dân quân cách mạng”. Hội nghị đề ra hàng loạt biện pháp cấp thiết nhằm củng cố lực lượng vũ trang: đưa đảng viên ưu tú cầm súng đi đầu và làm nòng cốt cho các lực lượng vũ trang, tranh thủ những người tốt trong các “sư đoàn dân quân cách mạng”, tìm cách hạn chế những tác hại do tổ chức lực lượng vũ trang tập trung còn phức tạp gây nên. Hội nghị quyết định gấp rút xây dựng lực lượng, lấy du kích chiến là chính, làm “vườn không nhà trống”, đẩy mạnh công tác trừ gian, xây dựng cơ sở bí mật trong các thành phố, thị xã bị địch chiếm, khôi phục chính quyền ở những nơi bị tan vỡ1. Theo đề nghị của Tôn Đức Thắng, Hội nghị cử Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy lâm thời, cử Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ thay Trần Văn Giàu ra nhận công tác ở Trung ương2. Hội nghị vừa họp xong, địch đã đánh tới, các mặt trận không liên lạc được với nhau một cách kịp thời, chỉ huy phân tán, việc triển khai quyết định Hội nghị Thiên Hộ phải tiến hành trong điều kiện kháng chiến Nam Bộ chuyển sang một giai đoạn mới quyết liệt hơn. Nhưng những quyết định của Trung ương và của Hội nghị Thiên Hộ, đặc biệt quan trọng là tổ chức đảng phải nắm chắc lực lượng vũ trang, đảng viên ưu tú phải đi đầu trong chiến đấu, dần dần thấm đến cơ sở, tạo điều kiện cho Nam Bộ phát triển lực lượng một cách vững chắc, đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến lâu dài. Cũng trong tháng 10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phái hai cán bộ cao cấp là Nguyễn Bình và Vũ Đức (Hoàng Đình Giong) vào tăng cường cho lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam. Để thống nhất các lực lượng vũ trang Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa, tháng 10-1945, một cuộc Hội nghị đã được triệu tập tại Mỹ Hạnh (Đức Hòa), có mặt nhiều vị trong Xứ ủy và Tỉnh ủy giải phóng Gia Định, các 1. Trần Tường Vân, Nguyễn Quang Ân: Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954): Những sự kiện, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.22. 2. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.252. 38 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 đảng viên thời Nam Kỳ khởi nghĩa như: Hoàng Dư Khương, Trần Văn Trà, Tô Ký, Cao Đức Luốc, Ba Súng, Năm Râu, Phan Văn Voi, Phan Đức, Sáu Ngói, Hoàng Tường, Ba Nhỏ (đại diện của Huỳnh Văn Một, Chỉ huy trưởng lực lượng Đức Hòa gồm 3 đại đội)… Hội nghị phân tích yêu cầu phải có sức mạnh đối phó với việc mở rộng chiến tranh của quân Anh, Pháp, với diễn biến xấu của các lực lượng vô chính phủ, lực lượng vũ trang cách mạng phải được Đảng nắm chắc và thống nhất chỉ huy. Trước mắt, trên vùng ven tây bắc Sài Gòn, lực lượng vũ trang thống nhất lấy tên là Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, lực lượng này còn được giao nhiệm vụ làm nòng cốt thống nhất các lực lượng vũ trang. Bộ tham mưu (thực tế là Bộ chỉ huy) Giải phóng quân gồm Tô Ký - Tư lệnh, Hoàng Dư Khương sau đó là Trần Văn Trà - Chính trị viên. Bốn chỉ huy phó là Cao Đức Luốc, Văn Một, Huỳnh Tấn Chùa, Hoàng Tế Thế. Nguyễn Đức Huy là Ủy viên tuyên truyền. Ủy viên tiếp tế là Phạm Văn Voi. Các ban trực thuộc có: Quân giới, Vận chuyển, Y tế, Trinh sát tình báo. Theo chủ trương của Xứ ủy, Bộ tham mưu về đóng ở Mỹ Hạnh (Đức Hòa). Ngày 1-11-1945, Giải phóng quân làm lễ ra mắt tại xã Mỹ Hạnh trong không khí vui mừng phấn khởi của nhân dân. Các lực lượng du kích, tự vệ, các nhóm vũ trang vùng tây bắc Sài Gòn gồm cả Trảng Bàng, nơi có nhóm “Thanh niên Rừng Rong”, được thông báo Giải phóng quân liên quận ra đời, đã lần lượt kéo về xin gia nhập. Trong lúc lực lượng vô chính phủ đang trở thành tai họa, bản chất “bộ đội nhân dân” của lực lượng vũ trang giải phóng càng sáng tỏ và sớm gây được lòng tin của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, nuôi dưỡng. Trước và sau khi thành lập, lực lượng Giải phóng quân liên quận được Trung ương, Xứ ủy quan tâm chỉ đạo sát sao những yêu cầu về xây dựng chiến đấu và công tác. Công tác đảng, công tác chính trị ngày càng đi vào nền nếp. Từ cấp trung đội trở lên có chính trị viên. Ở Gia Định, các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu ở mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định luân phiên nhau đánh địch ở cầu Kiệu, cầu Bông, CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 39 Dĩ An, Thủ Đức, chốt chặn ở Bình Triệu. Ngày 20-10-1945, quân Pháp chiếm Gò Vấp, các lực lượng vũ trang cách mạng lập phòng tuyến từ ngã ba Chú Iá tới An Lập, Lái Thiêu gọi là chiến tuyến Tam thôn, chiến đấu với địch ròng rã hai tháng. Tham gia đánh địch ở đây có lực lượng Nguyễn Đình Thâu, Triệu Hải, lực lượng công đoàn. Khi mặt trận vỡ, phần lớn lực lượng về chiến khu An Lạc. Số còn lại thuộc lực lượng Gia Định, chủ yếu là Gò Vấp ở lại xây dựng và bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy An Phú Đông. Sau khi quân Anh - Pháp phá vỡ được vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn và tiếp tục đánh chiếm toàn Nam Bộ, nhiệm vụ chiến đấu của quân, dân Nam Bộ chuyển từ kìm chân địch trong thành phố sang làm chậm bước tiến của quân xâm lược và tiếp tục chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Khó khăn mới tăng lên. Đồng bào tản cư trong những ngày bao vây địch trong Sài Gòn, lúc này trở lại để chuẩn bị đấu tranh lâu dài ngay trong vùng bị địch tạm chiếm. Đảng viên, cán bộ, tự vệ nội thành một phần ra bưng biền, chiến khu, một phần ở lại cùng nhân dân nội thành xây dựng cơ sở kháng chiến. Qua tổ chức Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, cách mạng tập hợp quần chúng từ cơ sở đường phố, xí nghiệp, liên hộ, quận, các nhân sĩ trí thức có uy tín được mời tham gia Mặt trận Việt Minh. Thành ủy Sài Gòn và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn được thành lập lại. Tờ báo Cảm tử của Công đoàn Nam Bộ, Chống xâm lăng của Mặt trận Việt Minh ra đời kịp thời phản ánh cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước chống xâm lược, cổ vũ kháng chiến lâu dài và lòng tin tất thắng của cuộc kháng chiến. Trước thử thách mới, bên cạnh tinh thần quyết chiến rất cao của toàn dân, toàn quân, phong trào cách mạng vẫn còn những nhược điểm: có bề rộng, bề nổi nhưng chưa chắc bề sâu; sự thống nhất về quan điểm, nhất là trong xây dựng lực lượng trong hai nhóm đảng viên chưa phải đã được giải quyết toàn bộ, tính phức tạp trong các đơn vị vô chính phủ càng được lộ rõ khi quân Pháp phá được vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn. 40 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Ở phía nam thành phố, mặt trận số 4, lực lượng chiến đấu gồm nhiều đơn vị mang tên khác nhau. Bộ đội Cần Giuộc do Trương Văn Bang - Tỉnh ủy viên Chợ Lớn chỉ huy, Bộ đội Bảy Trân do Nguyễn Văn Trân - Chủ tịch huyện Cần Giuộc chỉ huy, Bộ đội Nhà Bè, Tân Thuận, Tân Quy, Bộ đội số 2 do Nguyễn Văn Mạnh và Mai Văn Vĩnh chỉ huy… Một lực lượng lớn với vũ khí mạnh mẽ là lực lượng Bình Xuyên, gồm các đơn vị của Dương Văn Dương, Tư Oanh, Mai Văn Vĩnh… Sau khi mặt trận số 4 bị vỡ, lực lượng Bình Xuyên không chạy như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn mà lần lượt lui xuống Rừng Sác lập căn cứ kháng chiến. Lực lượng Cộng hòa vệ binh (Đệ nhất sư đoàn) do lãnh đạo nòng cốt không đủ mạnh, bị phân hóa trước thử thách mới, một phần ra bưng biền hoặc về các tỉnh gia nhập các đơn vị vũ trang kháng chiến, một phần tham gia hàng ngũ ngụy binh. Trong khi phần lớn các lực lượng tự lập chạy dài, tan rã thì các lực lượng công đoàn, những đơn vị vũ trang tập trung, bán vũ trang, lực lượng nhân dân du kích do các chiến sĩ cách mạng xây dựng, chỉ huy vừa đánh địch vừa lôi kéo, thanh toán các đơn vị vũ trang vô chính phủ. Khi vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn bị vỡ, các lực lượng này phần lớn phải phân tán để bảo toàn lực lượng chuẩn bị đánh lâu dài. Do đó nội thành có yên tĩnh nhất thời, nhưng sang tháng 11-1945, khi quân Pháp đang dàn mỏng quân trên chiến trường, du kích lại trở vào hoạt động. Mục tiêu tiến công của du kích lúc bấy giờ là các công thự Pháp, quân Pháp đi lẻ, các phần tử tay sai của thực dân Pháp. Tình hình căng thẳng đến mức chỉ huy Pháp đã phải ra lệnh cho binh lính và thường dân Pháp không được vào mua bán ở Chợ Lớn. Hoạt động nội thành tiếp tục phát triển, thực sự trở thành một cuộc chiến tranh nhân dân ngay trong lòng địch. Thành phố bị quân Pháp chiếm đóng trở thành tiền phương, cũng là hậu phương của kháng chiến. Ngày 8-11-1945, quân kháng chiến tiến công Tổng hành dinh Cao ủy Pháp (Phòng Thương mại cũ) khiến quân Anh, Nhật tại các tỉnh phải khẩn cấp về Sài Gòn để cứu vãn tình hình. Ngày 21-11-1945, các vị trí CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 41 quân Pháp ở Sài Gòn lại bị tiến công. Quân cách mạng thu 15 đại liên, 72.000 viên đạn, quân Pháp phải dùng 5 xe tải chở xác chết và lính bị thương. Đặc biệt, ngày 8-12-1945, lúc 21 giờ, lực lượng vũ trang mở trận tiến công lớn vào trại lính Pháp ở Đơruê (nay là đường Hùng Vương). Bị đánh bất ngờ, hàng ngàn quân Pháp trong trại không kịp trở tay, chỉ còn cách nằm tại chỗ bắn vung vãi. Quân cách mạng phóng lửa đốt trại, lửa bốc cháy hai giờ liền, trại lính Pháp bị thiêu hủy. Quân Pháp chết hàng trăm tên, số bị thương nằm chật các bệnh viện Sài Gòn. Lực lượng vũ trang trụ cột ở nội thành gồm các đơn vị vũ trang và bán vũ trang của các xí nghiệp, các quận, các khu lao động. Khi Pháp mở rộng lấn chiếm, ở nội thành, bên cạnh các đội Cảm tử quân đã có trước, hàng loạt tổ chức khác được thành lập như: Ban Trinh sát, Ban Hành động, Ban Quân báo, Ban Công tác, Ban Trừ gian, Ban Ám sát. Tiếp sau đó, tổ chức Tự vệ Thành lần lượt ra đời. Cán bộ, chiến sĩ các tổ chức này ngoài công nhân, dân nghèo thành thị còn có học sinh, trí thức, các tầng lớp thanh niên nam, nữ. Thời kỳ đầu, toàn bộ lực lượng nêu trên đặt dưới sự chỉ huy của Ban Quân sự Thành, khẩu hiệu hoạt động là “diệt địch ngay trong tim gan chúng”, đối tượng trừng trị và phá hoại nhằm vào ác ôn, đầu sỏ, các cơ sở hậu cần của địch. Các căn cứ lõm bên trong dựa thế lòng dân, ngõ hẻm, đường phố, kết hợp với căn cứ bàn đạp bên ngoài có thế dân, thế đất bao quanh thành phố, bảo đảm tiếp tế, chỉ đạo, hậu cần bao gồm đường dây vũ khí lấy được của địch từ nội thành ra chiến khu. Ở ngoại vi Sài Gòn, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá căn cứ và bị giáng trả nhiều đòn đau. Trên mặt trận phía tây Sài Gòn, từ giữa tháng 11-1945, quân Pháp đánh rộng ra các vùng nông thôn, đặc biệt đánh mạnh vào các vùng Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức. Chính quyền cách mạng vừa tổ chức các khu căn cứ, vừa cho dân tản cư về nhà cũ để ổn định thế kháng chiến lâu dài, kiên quyết chống lập hội tề, bảo vệ chính quyền cách mạng ở nông thôn. Một bộ phận Giải phóng quân liên quận đã gây thiệt hại nặng cho cuộc hành quân có gần 100 xe tăng và xe vận tải quân sự của Pháp. Quân Pháp phải tiến công lại mới chiếm được thị trấn Đức Hòa. 42 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Ngày 8-11, một đoàn xe Anh - Pháp gồm 204 chiếc, trong đó có 16 xe tăng, xe bọc thép, tiến đánh thị xã Tây Ninh. Nông dân Trảng Bàng sau 12 ngày đêm đã chuẩn bị xong công sự, trận địa ở một khu vực gọi là “mặt trận Suối Sâu”. Tuy nhiên, ngoài mô ụ, chướng ngại, mặt trận chỉ có một ít lựu đạn, súng hai nòng, chai xăng và mủ cao su. Mặt trận Suối Sâu đã nổ phát súng đầu gây khói lửa uy hiếp tinh thần địch. Đoàn xe địch bắn xối xả hai bên đường rồi phóng qua trận địa. Phối hợp với quân từ Sài Gòn lên, địch tiến chiếm thị trấn Gò Dầu. 10 giờ cùng ngày, trên quốc lộ 22, cách thị xã 10 km về phía nam, quân Pháp đã lọt vào trận địa phục kích của một bộ phận lực lượng vũ trang Tây Ninh, trong đó có nhiều chiến sĩ là công nhân cao su, do Nguyễn Văn Đầu (Tư Đầu), Trần Minh Ngọc, Nguyễn Đức Minh chỉ huy. Quân dân Tây Ninh đã diệt gần 100 quân Pháp và một số xe. Đến 16 giờ, địch vào được thánh thất Cao Đài (Long Hoa). Chiếm xong các thị xã Tây Ninh và Thủ Dầu Một, quân Pháp thực hiện ngay kế hoạch chiếm vùng cao su miền Đông. Bộ binh cơ giới Pháp tiến từ thị xã Tây Ninh sang phía đông và từ Thủ Dầu Một theo quốc lộ 13 lên phía bắc. Trên quốc lộ 13, địch phải tạm dừng để củng cố vì liên tiếp đụng phải chướng ngại và trận địa phục kích. Lực lượng công nhân cao su chỉ có một ít súng và vũ khí thô sơ, nhưng có hàng trăm người tham gia phục kích. Tuy nhiên, với trang bị thô sơ, trận địa chiến của ta chỉ có thể làm chậm bước tiến của địch chứ không ngăn được chúng. Từ ngày 12 đến ngày 13-11, quân Pháp lần lượt chiếm Quản Lợi, Lộc Ninh, Bù Đốp. Đến cuối tháng 11-1945, quân Pháp đã kiểm soát được các trục giao thông chính, thị xã và các thị trấn của Tây Ninh, bắt đầu tổ chức hệ thống ngụy quyền địa phương. Một số phần tử cơ hội, phản động chui được vào chính quyền cách mạng trước đây bây giờ trốn ra làm tay sai cho giặc gây nhiều khó khăn cho cách mạng, trong đó có Ba Phu, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Tây Ninh; Hồng Hà, Lê Phẩm Ba, Ủy viên nhân dân huyện Trảng Bàng; Cò Nam, Cảnh sát trưởng. Đặc biệt có Henri Lực, Ủy viên tài chính ra hàng giặc đã trở thành cảnh sát CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 43 trưởng ác ôn khét tiếng. Chính quyền cách mạng tạm thời bị tê liệt. Một số cán bộ trở về nhà làm ăn. Để bảo vệ lực lượng kháng chiến lâu dài, các cơ quan tỉnh, Quốc gia tự vệ Cuộc, lực lượng vũ trang rút về Bàu Đồn, Suối Nhánh, Bến Cầu, Thanh Điền. Quân Pháp bung ra Thanh Điền bị lực lượng của Nguyễn Văn Đầu chặn đánh trên đường số 7, diệt 2 xe, thu một số súng và nhiều đạn dược. Tuy chiến công chưa lớn nhưng trận đánh có sức cổ vũ mạnh mẽ. Các lực lượng tập trung khác của Tây Ninh lúc bấy giờ có mặt ở trận Trẫm Vàng, mặt trận Cầu Quận, huyện Trảng Bàng, huyện Châu Thành. Sau trận Suối Sâu, lực lượng Trảng Bàng lập căn cứ Rừng Rong, đưa một trung đội đi nhập Giải phóng quân liên quận. Bộ phận ở lại hoạt động binh vận thành một trung đội chiến đấu tại huyện Trảng Bàng. Ngoài ra còn có các bộ phận vũ trang lẻ tẻ được củng cố, bám giữ tại chỗ chống càn quét, diệt trừ Việt gian, vũ trang tuyên truyền. Lực lượng thị xã Tây Ninh và huyện Châu Thành gồm có lực lượng tại chỗ của Nguyễn Văn Đầu có 2 đại đội, 70 súng và lực lượng Sài Gòn lên có 2 tiểu đội Cộng hòa vệ binh và lực lượng Cảm tử thuộc công an Sài Gòn do anh Sĩ chỉ huy có 400 người với 40 súng. Cuối tháng 11- 1945, hai tiểu đội chi viện mặt trận Tham Lương rút về xây dựng căn cứ ở Bến Cầu. Trong thời kỳ đầu chống Pháp ở Tây Ninh, ngoài nạn Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn, Bộ đội HT29 còn có nạn Chi đội 8 Cao Đài. Nhiều cán bộ bị bọn này thủ tiêu, trong đó có Lê Thanh Vân và Phạm Đình Mỹ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh. Các lực lượng cách mạng vừa phải đánh Pháp, diệt bọn phản động, vừa phải đối phó với các lực lượng vô chính phủ và nạn “cáp duồn” của lính ngụy người Khmer do Pháp kích động chia rẽ Việt Nam - Campuchia. Sau các trận Suối Đá, Cây Cau (xóm Phan), các lực lượng bám trụ bàn nhau thống nhất lực lượng nhằm tập trung xây dựng căn cứ Rừng Nhum - Cây Chò sát biên giới Việt Nam - Campuchia. Qua nhiều trận chiến đấu với ngụy Khmer bảo vệ căn cứ và tài sản, tính mạng của 44 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 nhân dân, Rừng Nhum - Cây Chò trở thành căn cứ lâu dài. Đó là căn cứ đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh. Về sau, các cơ quan tỉnh lần lượt về đây. Trên mặt trận phía tây Sài Gòn từ giữa tháng 11-1945, quân Pháp đánh rộng ra các vùng nông thôn, đặc biệt đánh mạnh vào các vùng Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức. Ta vừa tổ chức các khu căn cứ, vừa cho dân tản cư về nhà cũ để ổn định thế kháng chiến lâu dài, kiên quyết chống lập hội tề, bảo vệ chính quyền cách mạng ở nông thôn. Một bộ phận Giải phóng quân liên quận đã gây thiệt hại nặng cuộc hành quân có gần một trăm xe tăng, xe vận tải quân sự của Pháp. Quân Pháp phải tiến công lại mới chiếm được thị trấn Đức Hòa. Cho tới cuối tháng 11-1945, giặc Pháp đã mở thông được các đường số 20 Sài Gòn - Đà Lạt, đường số 13 Sài Gòn - Lộc Ninh và đoạn đường số 14 Bù Đốp, đường số 1 và số 22 Sài Gòn - Tây Ninh, đường số 16A Sài Gòn - Mỹ Tho - Vĩnh Long - Cần Thơ. Chiến tranh đã lan tới các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Từ tháng 11-1945, ở Gia Định, các cơ quan quân, dân, chính, Đảng đã về cù lao Hạnh Phú thuộc xã An Phú Đông. Cũng tại nơi đây, Lý Chiến Thắng, Thư ký Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn lập trạm đón tiếp công nhân từ thành phố ra và in báo Cảm tử. Hạnh Phú cũng là nơi xuất phát những đội du kích Lý Thường Kiệt, Ký Con, Trần Cao Vân, Quang Trung, Nguyễn An Ninh… ra đời trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến và hoạt động ở vùng Gò Vấp, Ba Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định. An Phú Đông đang đứng trước kế hoạch tấn công lớn của quân Pháp. Ngày 20-11-1945, tại xã An Phú, Hóc Môn, Gia Định, Nguyễn Bình triệu tập 40 đại biểu các lực lượng quân sự ở miền Đông để bàn việc thống nhất lực lượng vũ trang ở Nam Bộ thành Giải phóng quân Nam Bộ, tổ chức thành các chi đội, phân chia khu vực hoạt động cho các chi đội. Hội nghị nhất trí cử Nguyễn Bình làm Tổng Tư lệnh và Vũ Đức làm Chính ủy Giải phóng quân Nam Bộ. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 45 Cuối tháng 11-1945, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định quyết định tổ chức các đoàn Thanh niên cứu quốc vũ trang thành các đơn vị chiến đấu. Ở Gò Vấp có 3 phân đội lấy phiên hiệu từ A16 đến A23, mỗi phân đội có 40 đến 50 người, có 25 đến 30 súng, về sau thống nhất lấy tên bộ đội Gò Vấp do Hứa Văn Yến làm Chỉ huy trưởng. Ở Thủ Đức, Luật sư Thái Văn Lung được giao nhiệm vụ Chỉ huy trưởng lực lượng thanh niên vũ trang sau được tổ chức thành 3 đơn vị gọi là Bộ đội 44, Bộ đội 45, Bộ đội 46. Một bộ phận ở Tân Bình rút lên nhập với Thủ Đức gọi là Bộ đội 43. Ở Dĩ An, lực lượng Thanh niên cứu quốc vũ trang của Đào Sơn Tây và Trần Thắng Minh về sau thống nhất lại gọi là Bộ đội Dĩ An do Trần Thắng Minh chỉ huy. Sau khi có quyết định thống nhất lực lượng vũ trang, Thủ Dầu Một là tỉnh đầu tiên thành lập chi đội (tháng 11-1945) gọi là Chi đội 1 gồm có bộ đội Lái Thiêu, Bến Cát, Bình Lý. Chi đội trưởng đầu tiên là Huỳnh Kim Trương. Về sau Chi đội được bổ sung lực lượng và tăng cường thành phần Đảng trong ban chỉ huy. Ngày 15-12-1945, một trận quyết chiến cũng là thử thách đầu tiên lớn nhất đối với Chiến khu An Phú Đông đã diễn ra ở Hạnh Phú. Quân Pháp và quân Anh huy động cả bộ binh, pháo, máy bay, tàu chiến thực hiện cuộc bao vây ấp Hạnh Phú. Lực lượng bảo vệ căn cứ anh dũng chiến đấu nhưng vì thiếu súng đạn, địch đổ bộ được lên cù lao, phá cơ quan, bắt được một số cán bộ, đốt nhà dân. Vấn đề bám lại hay rời căn cứ An Phú Đông đặt ra gay gắt. Hội nghị cán bộ tại Vườn Cau Đỏ (xã Thạnh Lộc) quyết định chỉ đưa một số ít quân đi huấn luyện, còn số lớn bám lại An Phú Đông, Thạnh Lộc dựa vào Quới Xuân, Tân Thới Hiệp, lấy Tân Mỹ, Bình Lý, An Phú Xã làm hậu vệ, An Nhơn, Hiệp Bình và Bình Lộc làm tiền vệ, bám dân mà ở, bám địch mà đánh. Các đội cảm tử tiếp tục ra đời. Biên Hòa lúc bấy giờ là tỉnh lớn nhất miền Đông Nam Bộ về diện tích (11.300 km2), nằm trên hành lang chiến lược Bắc - Nam, một đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng ở phía đông Sài Gòn, rừng núi chiếm ba phần tư diện tích, hợp với rừng Thủ Dầu Một tạo 46 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 thành một vùng chiến khu rộng lớn. Thị xã Biên Hòa chính là đỉnh của tam giác Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Biên Hòa, mà Leclère đã có ý định đánh chiếm đầu tiên để tạo thế đứng trong kế hoạch lấn chiếm toàn Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Khi quân Anh mượn danh nghĩa giải giáp quân Nhật chiếm Biên Hòa, lực lượng miền Đông do Lương Văn Tương chỉ huy không tổ chức đánh địch mà chạy về Xuân Lộc, Ủy ban kháng chiến tỉnh do đó cũng tan tác. Tháng 12-1945, quân Pháp chiếm Tân Uyên, Long Thành. Trước tình hình đó, những người yêu nước đứng ra tập hợp lại lực lượng trên từng khu vực, tổ chức kháng chiến. Huỳnh Văn Nghệ, một người của Ủy ban kháng chiến miền Đông tập hợp được trên 30 người, có 30 súng rút về quê hương thị xã Tân Tịch (huyện Tân Uyên, lúc bấy giờ thuộc Biên Hòa). Ở đây có tiểu đội Tân Uyên, lực lượng Nguyễn Văn Quỳ (Chín Quỳ), một bộ phận lưu lại sau Nam Kỳ khởi nghĩa. Các bộ phận này nhập lại lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hòa, lập trụ sở kháng chiến ở Tân Tịch, nơi khởi đầu và từ đó hình thành Chiến khu Đ nổi tiếng trong lịch sử. Vùng hoạt động ban đầu của Vệ quốc đoàn Biên Hòa thực tế chỉ có Tân Uyên và Châu Thành. Các hoạt động chiến đấu chống địch, xây dựng lực lượng, căn cứ, kho tàng, xưởng công binh, xưởng tiếp tế, quân y, diệt tề, trừ gian, vận động tòng quân được chú ý. Vấn đề gay gắt đặt ra là bộ đội phát triển nhanh, nhân dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, nhưng vùng căn cứ nghèo, ít dân nên gặp rất nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng đó, ta tổ chức đường dây tiếp tế, mua bán từ vùng địch ra căn cứ, tổ chức thu thuế các nhà tư sản ngay tại Sài Gòn, thị xã Biên Hòa, các chủ khai thác gỗ, đồng thời vận động nhân dân vùng địch tạm chiếm ủng hộ bộ đội. Ngoài ủng hộ vật chất, rất nhiều người cho bộ đội mượn tiền chỉ với một cái giấy “Độc lập trả”. Đầu tháng 1-1946, quân kháng chiến tổ chức tấn công địch ở thị xã Biên Hòa. Lực lượng tham gia trận đánh gồm 10 phân đội Bình Xuyên của Dương Văn Dương, các phân đội thuộc lực lượng Huỳnh Văn Nghệ, Tô Ký, Đào Sơn Tây, Huỳnh Kim Trương. Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy toàn CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 47 trận. Đêm 1-1-1946, quân cách mạng tiến công các mục tiêu công sở, nhà lao, trạm gác của địch, diệt được một số địch, bắn cháy nhiều đồn địch, khói lửa ngùn ngụt tới sáng, địch hoảng sợ báo động cả Sài Gòn và các tỉnh. Do lực lượng có hạn, quân cách mạng không đạt được mục tiêu là chiếm thị xã Biên Hòa nhưng cũng gây được tiếng vang. Đồng bào, đặc biệt là đồng bào đô thị rất phấn khởi. Trên vùng Chiến khu Đ, ngày 22-1-1946, Pháp huy động hàng nghìn quân, có xe tăng, thiết giáp, máy bay chi viện theo đường bộ tiến vào căn cứ Tân Uyên nhằm tiêu diệt cơ quan chỉ huy và lực lượng vũ trang Khu 7. Các đơn vị vũ trang ở đây mới được tổ chức lại, nhưng chiến đấu ngoan cường, vận dụng lối đánh phục kích, tập kích, loại trên 200 tên địch, phá hủy 6 xe, bắn hỏng 1 tàu chiến. Địch buộc phải bỏ dở cuộc hành quân. Ý đồ chiếm Tân Uyên của quân Pháp đã lộ rõ. Khu bộ Khu 7 chủ trương thực hiện “vườn không nhà trống” khu vực thị trấn. Cơ quan Khu 7 từ thị trấn Tân Uyên về Mỹ Lợi. Các đơn vị phòng vệ được bố trí ở nhiều khu vực để ngăn chặn địch từ xa. Các đội vũ trang tiếp tục củng cố công sự chờ địch đến. Ngày 24-1-1946, quân Pháp mở đợt tấn công lớn vào Tân Uyên bằng cả đường sông và đường bộ. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Chiều ngày 24, Pháp dàn quân vây thị trấn, dùng pháo và máy bay hủy diệt thị trấn và bộ binh xung phong. Tiến công chiếm thị trấn Tân Uyên, quân Pháp đã bị tiêu diệt khoảng 220 tên, 6 xe tải, 2 xuồng. Cơ quan Khu bộ rời Mỹ Lợi vào đóng ở Giáp Lạc, Bưng Kẻ, Lạc An. Ngày 20-2-1946, Khu bộ Khu 7 họp bất thường tại Lạc An, quyết định bỏ các văn phòng và võ phòng lập ra Bộ tham mưu, Văn phòng Khu bộ và Phòng chính trị khu đặt dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng và Chủ nhiệm Chính trị bộ. Hội nghị cũng đã quyết định những vấn đề quan trọng nhằm củng cố bộ đội, phát động du kích chiến tranh, đặc biệt ở vùng đô thị và vùng cao su, tăng cường cán bộ và xây dựng căn cứ, tổ chức phòng thủ. Bà Rịa - Vũng Tàu trước kia Pháp tách làm hai tỉnh, trong tổ chức hành chính của chính quyền cách mạng là một tỉnh. Tam giác Sài Gòn - 48 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Bà Rịa - Biên Hòa có vị trí chiến lược, là khu vực cửa ngõ quan trọng nhất thông ra biển của Nam Bộ. Sau khi giành chính quyền, tổ chức ở đây rất phức tạp. Lê Văn Huề, tay sai của Pháp len vào hàng ngũ cách mạng leo lên đến chức Chủ tịch tỉnh, tiếp tục ngấm ngầm làm tay sai cho Pháp. Khi quân Pháp chiếm Bà Rịa, lập lại các chi khu, Lê Văn Huề mang hết vàng bạc quyên góp được trong “Tuần lễ vàng” ở Bà Rịa ra hàng Pháp. Cuối tháng 3-1946, tại xã Long Mỹ, nơi hội tụ những người yêu nước thoát ly đi kháng chiến của Bà Rịa, Trần Xuân Độ, một đảng viên cộng sản thoát ly đi kháng chiến nay về triệu tập cuộc hội nghị nhằm ổn định tình hình, xây dựng tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng. Trần Xuân Độ được Hội nghị giao nhiệm vụ đứng đầu về lãnh đạo ở tỉnh. Sau hội nghị, song song với việc thành lập hệ thống Mặt trận Việt Minh, các lực lượng vũ trang bắt đầu tổ chức lại gồm các đội du kích (như đội du kích Quang Trung), các đội tuyên truyền xung phong làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, diệt tề, trừ gian. Đó là các bộ phận tiền thân của Chi đội 16 (thành lập tháng 10-1946). Ở các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Hà Tiên, Trà Vinh… tuy bị giặc Pháp chiếm mất các thị xã, thị trấn và đường giao thông chính nhưng vẫn củng cố được lực lượng lãnh đạo kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang, đưa cán bộ trở về bám trụ trong thị xã, tổ chức diệt tề, trừ gian, tập kích, phục kích, đánh phá giao thông của địch. Ngày 5-2-1946, trong một cuộc họp báo, tướng Leclèrc tuyên bố: “Công cuộc bình định Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ đã hoàn thành”. Nhưng, sự thật lịch sử là: Sau 5 tháng (9-1945 - 2-1946), quân dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ đã chiến đấu hết sức anh dũng, làm thất bại kế hoạch “lấy Nam Kỳ trong 18 ngày” của Leclèrc và gây tổn thất cho địch đến mức Bộ chỉ huy Pháp phải thừa nhận sau hai tháng, số chết, bị thương, ốm đau đã mất một phần ba quân số, quân viễn chinh đã phải đương đầu với một cuộc chiến tranh “kỳ lạ”. Với lực lượng vũ trang còn non yếu, quân và dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã không thể ngăn được sức tiến công của quân Pháp, một đội CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 49 quân nhà nghề được trang bị đầy đủ lại được quân Anh giúp sức. Quân xâm lược chiếm đóng được hầu hết các thành phố, thị xã, đường giao thông quan trọng ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và bắt đầu càn quét “bình định” vùng nông thôn rộng lớn. Chính quyền cách mạng và đoàn thể ở nhiều nơi tan vỡ. Bộ đội cách mạng và lực lượng kháng chiến đứng trước tình hình hết sức khó khăn: vũ khí, gạo, quần áo, thuốc men đều thiếu gay gắt, nhất là ở miền Đông, có nơi phải ăn cháo, ăn củ rừng… Thậm chí có nơi thanh niên tình nguyện tòng quân quá đông, vật chất không đủ đảm bảo buộc phải để anh em phân tán về làm du kích ở các xóm ấp. Nhưng chính trong những ngày gay go, ác liệt này, các lực lượng vũ trang Nam Bộ đã xác định được phương hướng xây dựng, thống nhất củng cố và phát triển để trở thành một bộ phận Quân đội nhân dân có đủ sức chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Lực lượng của cuộc chiến tranh nhân dân hình thành, bước đầu củng cố, phát triển để kháng chiến lâu dài. Một hệ thống căn cứ kháng chiến đã hình thành ở Nam Bộ. Có những khu áp sát đô thị và xen giữa vùng dân cư như: An Phú Đông (Gò Vấp), Phước Long Thôn, Dĩ An (Thủ Đức), Vườn Thơm (Trung Quận), Bình Mỹ (Hóc Môn), Rừng Sác (Nhà Bè), Long Mỹ (Bà Rịa), Rừng Rong (Trảng Bàng)… Trong lúc đó, các chiến khu lớn có khả năng tập trung lực lượng kháng chiến và làm căn cứ lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh, khu, miền như Lạc An (phát triển thành Chiến khu Đ), các khu rừng Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, vùng núi ven biển Bà Rịa, Đồng Tháp Mười. Cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam Bộ được nhân dân cả nước ủng hộ mạnh mẽ. Biểu dương lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của quân, dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”. Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của 50 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 nước nhà”1. Người nêu rõ: “Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn đã là bức Vạn lý Trường thành vững chắc”2. Trong thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ, tháng 12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ ba tháng nay, các anh chị em đã đem xương máu ra để giữ lấy từng tấc đất của Tổ quốc. Tôi, và tất cả đồng bào ở Bắc Bộ, và phía bắc Trung Bộ, đã bao nhiêu lần tức giận khi nghe bọn thực dân Pháp đạp lên lãnh thổ của ông cha ta, giết hại nòi giống ta. Đã bao nhiêu lần phấn khởi khi nghe những chiến công oanh liệt do những vị vô danh và hữu danh anh hùng của dân tộc tạo nên, đã bao nhiêu lần hồi hộp cảm động trước những gương hy sinh vô cùng dũng cảm của những người con yêu của Tổ quốc. Do đó, tôi càng tin chắc rằng: Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không bị mất lại một lần nữa”3. Tháng 2-1946, Người tặng Nam Bộ danh hiệu “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”. Phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn, thu hút sự tham gia của nhân dân cả nước, thể hiện rõ qua phong trào xung phong tòng quân vào Nam Bộ trực tiếp cùng nhân dân Nam Bộ kháng chiến, thường được gọi là phong trào Nam tiến. Ngay từ những ngày đầu tháng 9-1945, khi tình hình Nam Bộ bắt đầu căng thẳng, tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều lập ra các “Phòng Nam Bộ”, ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu. Hàng chục vạn thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, kể cả các bậc phụ lão thuộc đủ mọi tầng lớp công nhân, nông dân, thợ thủ công, sinh viên, học sinh... và cả nhiều nhà sư cũng ghi tên tình nguyện gia nhập hàng ngũ Giải phóng quân vào Nam cùng nhân dân Nam Bộ chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Bởi vậy, ngay từ trước khi thực dân Pháp nổ súng tấn công các lực lượng cách mạng ở Sài Gòn, 1 trung đội Giải phóng quân gồm 22 chiến sĩ trẻ tuổi đã lên đường từ ga Hà Nội vào Nam chiến đấu. 1, 2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 29, 90, 154. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 51 Trên đường đi, trung đội được bổ sung thêm một trung đội tình nguyện nữa ở Huế, để tạo thành một chi đội và được gọi là Chi đội 3 Giải phóng quân Nam tiến. Bằng nhiều loại phương tiện, lúc đi tàu hỏa, khi đi bộ, có lúc đi ô tô, ngày 7-10-1945, Chi đội 3 tới Thủ Ðức, ngoại ô Sài Gòn. Người chỉ huy chi đội là Nam Long trực tiếp đi trinh sát thực địa và triển khai trận đánh phá cầu Bình Lợi, ngăn không cho địch di chuyển quân sang bờ bắc sông Sài Gòn. Cuộc chiến đấu gay go quyết liệt giữa ta và địch hai bên bờ sông Sài Gòn diễn ra suốt 4 ngày. Ðến ngày 15-10-1945, địch tập trung hỏa lực mạnh hơn, huy động ba canô và hàng nghìn quân thiện chiến, chiếm lại bờ bắc cầu Bình Lợi. Chi đội được lệnh rút quân để bảo toàn lực lượng. Bốn ngày chiến đấu trận Cầu Bình Lợi của Chi đội 3 Giải phóng quân Nam tiến đã làm nức lòng người dân Sài Gòn1. Sau cuộc hành quân của Chi đội 3, ngày 26-9-1945, tức là 3 ngày sau khi Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, một chi đội khác, gồm 3 đại đội Giải phóng quân từ Bắc Kạn, Bắc Sơn và Hà Nội cũng lên đường vào Nam từ Hà Nội. Cùng khởi hành với chi đội còn có 72 cán bộ quân sự vừa tốt nghiệp khóa 4 Trường Quân chính Trung ương (tức Trường Quân chính kháng Nhật trước đó), được Bộ Quốc phòng cử vào tăng cường cho mặt trận Nam Bộ. Tiếp theo đó, rất nhiều các đơn vị khác như Chi đội Bắc Bắc (Bắc Giang - Bắc Ninh), các chi đội Đông Triều, Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình... lần lượt lên tàu vào Nam sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ chống Pháp. Những tháng cuối năm 1945 đầu năm 1946, hầu như không có ngày nào không có quân Nam tiến lên tàu, không có đoàn tàu nào vắng bóng quân Nam tiến. Ở tỉnh Quảng Nam, cứ 100 thanh niên nhập ngũ thì có 37 người xung phong Nam tiến. Đông nhất là tỉnh Quảng Ngãi, có tới 10 chi đội được gửi vào Nam Bộ chiến đấu, chiếm tới 85% tổng số bộ đội và tự vệ toàn tỉnh2. 1. Theo bài viết Chiến sĩ Hà Nội trong đoàn quân Nam tiến, http: www. nhandan. com.vn-Chien-si-Ha-Noi-trong-doan-quan-Nam-tien-1036786.epi. 2. Bộ Quốc phòng: Bộ đội Nam tiến (1945-1946), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.15. 52 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Cuộc Nam tiến của các đơn vị Giải phóng quân diễn ra trong những năm 1945-1946 đã biểu hiện rõ nét nhất ý chí chiến đấu cho tự do, độc lập, thống nhất Tổ quốc của quân, dân cả nước. Sau những ngày đầu của cuộc kháng chiến, các đơn vị này đã tỏa ra khắp các chiến trường miền Nam và đã đóng góp không nhỏ cho những thắng lợi quân sự tiếp theo của chiến trường miền Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này. Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của Nam Bộ và Nam Trung Bộ là phong tỏa về kinh tế, chính trị những đô thị đã lọt vào tay địch, kết hợp tiến công quân sự. Chỉ thị nêu rõ: “Nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ... là phải cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong tỏa những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự... phải áp dụng chiến tranh du kích đến triệt để và cổ động nhân dân thi hành chính sách bất hợp tác ở các thành thị quân địch làm chủ và thi hành “nhà không đồng vắng” nếu quân Pháp tràn về quê”1. Trung ương quyết định chia cả nước làm 9 chiến khu, trong đó Nam Bộ có 3 chiến khu là Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Chiến khu 7 gồm thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn). Chiến khu 8 gồm 5 tỉnh miền Trung Nam Bộ (Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc), có căn cứ Đồng Tháp Mười. Chiến khu 9 gồm 9 tỉnh miền Tây Nam Bộ (Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên), có Chiến khu U Minh. Ngày 10-12-1945, tại một xã bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, Xứ ủy triệu tập Hội nghị Xứ ủy mở rộng và quyết định giải thể Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam do Cao Hồng Lãnh làm Chủ tịch. Các ủy viên là Đàm Minh Viễn (Chủ nhiệm tham mưu quân sự), Trần Ngọc Danh (Chủ nhiệm chính trị), Tôn Đức Thắng (Chủ nhiệm hậu cần). Hội nghị cũng chỉ định lại Khu bộ, bàn biện pháp 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.31-32. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 53 thống nhất các lực lượng vũ trang, xây dựng Chiến khu Lạc An, Đồng Tháp, U Minh thành các chiến khu lớn, chỉ định cấp chỉ huy Khu 7 do Nguyễn Bình làm Khu bộ trưởng, Trần Xuân Đô làm Chủ nhiệm chính trị bộ, Dương Văn Dương làm Khu bộ phó. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đầu tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương điện vào Nam Bộ cử Lê Duẩn tham gia Ban lãnh đạo Ủy ban kháng chiến miền Nam. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín được tổ chức trong cả nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được đi bầu đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập. Trước đó, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Người nêu rõ: “Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”1. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những khu vực có chiến sự, vùng địch tạm chiếm ở Nam Bộ, cuộc bỏ phiếu vẫn được tiến hành. Ngay trong thành phố Sài Gòn, dưới bom đạn của quân Pháp, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội vẫn được tổ chức. Bốn mươi hai cán bộ đã hy sinh trong khi vận động bầu cử, trong đó có Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn. Cuộc Tổng tuyển cử thành công đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I. Các tỉnh Nam Bộ có số đại biểu trúng cử gồm: Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn: 5 đại biểu; tỉnh Chợ Lớn: 5; Gia Định: 6; Bà Rịa: 1; Biên Hòa: 4; Thủ Dầu Một: 3; Tân An: 2; Mỹ Tho: 6; Bến Tre: 5; Trà Vinh: 3; Vĩnh Long: 3; Sa Đéc: 4; Châu Đốc: 3; Hà Tiên: 1; Long Xuyên: 4; Cần Thơ: 6; Sóc Trăng: 3; Gò Công: 2; Rạch Giá: 4; Bạc Liêu: 32. 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 166. 2. Xem Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 364-368. 54 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Lúc này, một hệ thống căn cứ kháng chiến đã hình thành ở Nam Bộ. Có những khu áp sát đô thị và xen giữa vùng dân cư, như An Phú Đông (Gò Vấp), Phước Long Thôn, Dĩ An (Thủ Đức), Vườn Thơm (Trung Quận), Bình Mỹ (Hóc Môn), Rừng Sác (Nhà Bè), Long Mỹ (Bà Rịa), Rừng Rong (Trảng Bàng)...; các chiến khu lớn có khả năng tập trung lực lượng kháng chiến và làm căn cứ lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh, khu, miền như Lạc An (phát triển thành Chiến khu Đ); các khu rừng Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, vùng núi ven biển Bà Rịa, Đồng Tháp Mười. Đầu năm 1946, sau khi đã thỏa thuận với Chính phủ Trùng Khánh (Trung Quốc), đại diện của Pháp bắt tay vào thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tìm cách đưa quân ra miền Bắc thay thế quân đội Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch giải giáp quân đội Nhật Bản, nhưng thực chất là nhằm từng bước tái lập lại chính quyền thực dân. Cuộc đấu tranh của Chính phủ Việt Nam trên mặt trận ngoại giao Việt - Pháp đã đưa đến Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946. Theo đó, Pháp phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ, nghị viện, quân đội của riêng mình, nằm trong Liên bang Đông Dương và thuộc khối Liên hiệp Pháp; việc thống nhất 3 kỳ là do nhân dân quyết định (Điều 1). Mặc dù có một số nhượng bộ với Pháp (cho phép Pháp đưa 15.000 lính ra Bắc thay thế quân đội Trung Hoa Dân quốc), Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 đánh dấu một thắng lợi đáng kể của nền ngoại giao nước Việt Nam mới. Đây là văn kiện ngoại giao đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với nước ngoài, và theo đó, Pháp phải công nhận Việt Nam là một quốc gia có chính phủ, quân đội, tài chính riêng. Hiệp định thể hiện chủ trương “hòa để tiến” - một trong những chủ trương sáng suốt, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong hoàn cảnh cách mạng Việt Nam đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, hòa hoãn với Pháp để có thời gian chuẩn bị chiến đấu, để đuổi quân Tưởng Giới Thạch, gạt bớt kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho quân, dân Việt Nam, đặc biệt là quân, dân Nam Bộ chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và sau đó là bản Tạm ước ngày 14-9-1946 phản ánh quan điểm giành thắng lợi từng CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 55 bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, phù hợp với tương quan lực lượng giữa cách mạng Việt Nam và thế lực xâm lược Pháp lúc ấy. Việc ký các thỏa thuận này là đỉnh cao của nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân và dân Nam Bộ đã “biết lợi dụng những điều kiện chính trị do cuộc đàm phán đầu tiên gây dựng được”1 để củng cố và xây dựng lực lượng. Vì vậy, “sau Hiệp định Sơ bộ 6-3- 1946, một cục diện mới xuất hiện trên khắp chiến trường từ nông thôn, rừng núi đến đô thị còn tạm bị chiếm. Nhiều đảng bộ khu, quân khu, tỉnh ghi nhận trong thời điểm này diễn ra “bước ngoặt”, “sinh khí mới”, “một cơ hội hồi sinh””2. Lòng tin tuyệt đối của quân, dân Nam Bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sự chi viện của lực lượng lãnh đạo từ Côn Đảo về, những chủ trương đúng đắn của Hội nghị Thiên Hộ và đặc biệt là thời cơ do Hiệp định Sơ bộ 6-3 tạo ra... là những nhân tố hết sức quý báu tạo nên bước phát triển mới của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ - đặc biệt là lực lượng vũ trang. Nét nổi bật trong toàn bộ phong trào cũng như trong xây dựng lực lượng vũ trang là từng bước xác lập được sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong kháng chiến và kiến quốc. Đảng đã huy động được lực lượng cơ bản, lực lượng chủ lực của cuộc kháng chiến là công nhân và nông dân, đồng thời tập hợp mọi thành phần yêu nước khác, nhất là trong đấu tranh chính trị, vũ trang ở đô thị, vùng tạm chiếm. Chấp hành quyết định của Bộ Tư lệnh Khu 7, ngày 1-3-1946, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định triệu tập Hội nghị An Phú Đông, thống nhất lực lượng vũ trang Gò Vấp - Dĩ An - Thủ Đức thành Chi đội 6. Chi đội trưởng là Nguyễn Văn Dung, chính trị viên là Phạm Văn Khung (Bí thư Tỉnh ủy Gia Định). Ngay sau khi được thành lập, Chi đội đã tham gia trận An Phú Đông diệt hơn 100 binh lính và sĩ quan Pháp. 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 280. 2. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập I (1945-1954), Sđd, tr.275. 56 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Đại đội trưởng Đại đội 15 thuộc Chi đội 6 là Thái Văn Lung, một trí thức tiến bộ, một tín đồ Công giáo kính Chúa yêu nước, có uy tín đối với giới trí thức và đồng bào Sài Gòn, người chỉ huy dũng cảm, đã trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang Thủ Đức đánh nhiều trận ác liệt khi quân Anh - Pháp tiến chiếm Thủ Đức. Rơi vào tay giặc, anh giữ vững khí tiết trước mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn dã man của kẻ thù. Cuối cùng, địch thắt cổ anh chết trong khám đường rồi phao tin anh tự tử. Chi đội 6 có cơ sở hậu cần mạnh ở nội thành Sài Gòn, tổ chức Hội ủng hộ chiến sĩ có đến hàng trăm cơ sở. Chi đội 13, lực lượng Công đoàn Sài Gòn, đa số là anh em công nhân đã tham gia chiến đấu ở nội thành ngay từ đầu kháng chiến và Mặt trận tiền tuyến miền Đông, thành lập vào tháng 3-1946 (sau này Chi đội trưởng là Nguyễn Văn Thìn, tức Mười Thìn). Tháng 3-1946, từ Quân khu 7, một đoàn cán bộ do Trần Văn Trà dẫn đầu về củng cố tình hình Khu 8 đang gặp rất nhiều khó khăn trước sức tiến công của quân Pháp. Sau một chuyến đi nghiên cứu tình hình trước, Trần Văn Trà lên dẫn hai trung đội Giải phóng quân liên quận trở lại. Ở Khu 8, Trần Văn Trà tổ chức xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười, Khu bộ đóng ở Bắc Chan (Mộc Hóa), tập hợp lực lượng đầu tiên xây dựng Chi đội 14 có hai trung đội do Trần Văn Trà dẫn về cùng các lực lượng Nguyễn Văn Vịnh, Lê Chí Giảng (Mỹ Tho), Bảy Siêu (Trung Quận - Chợ Lớn), Lê Văn Tường (Thủ Thừa - Tân An) ra quân lần đầu đánh thắng ở ngã tư Lagorange. Ngày 10-3-1946, Giải phóng quân liên quận thành lập Chi đội 12 do Tô Ký làm Chi đội trưởng, Hoàng Tế Thế làm Chính trị viên. Giải phóng quân Đức Hòa có Tiểu đoàn 924 Vũ Văn Tần, Tiểu đoàn 922 Nguyễn An Ninh giải phóng Cần Giuộc (Trương Văn Bang, Tiểu đoàn trưởng, Lưu Quang Tuyến, Chính trị viên). Tiểu đoàn 923 Nguyễn Văn Tiếp, Giải phóng quân Trung Quận (Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Chuyên, Chính trị viên Lê Văn Ơn), thành lập Chi đội 15, Chi đội trưởng Huỳnh Văn Một, Chính trị viên Nguyễn Văn Hượt, Chi đội 15 còn 7 biệt đội, mỗi đội khoảng một tiểu đội. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 57 Ban chỉ huy đội 15 thành lập Ban vận động ủng hộ kháng chiến lên đến 18.000 người, sau đổi là Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn, trung bình một tháng ủng hộ 20.000 đồng. Chi đội 11 thành phố chủ yếu là lực lượng vũ trang Tây Ninh, một bộ phận do Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đưa lên tăng cường gồm một trung đội Cộng hòa vệ binh và một đội Cảm tử quân Sài Gòn, thành lập ngày 4-4-1946 tại xã An Điền (huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một), Chi đội trưởng đầu tiên là Trịnh Khánh Vàng (về sau đầu hàng Pháp), sau đó là Nguyễn Văn Dùng, Chi đội phó là Trần Văn Đẩu. Lực lượng Bình Xuyên của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn trước có “đại bản doanh” ở Phú Thọ) sau khi ra ngoại thành, tháng 1-1946 thành lập Chi đội 9. Lúc này Bảy Viễn là Khu bộ phó, kiêm Chi đội trưởng. Văn phòng “đại bản doanh” bị hai nhân viên Phòng nhì Pháp (Tài, Sang) lũng đoạn. Lực lượng Bình Xuyên do Bảy Trân nắm ở Chợ Lớn, có tham gia mặt trận số 4, sau xuống xóm Tiều (xóm người Triều Châu) ở Rừng Sác, thành lập Chi đội 21, Nguyễn Văn Cạnh làm Chi đội trưởng. Chi đội 25 thành lập ở Đức Hòa, đứng chân ở Trảng Bàng, thành phần chỉ huy phức tạp, sau khi bị tước khí giới, bộ phận còn lại chạy về Long Thành sáp nhập với bộ phận của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn đang làm Khu bộ phó). Bộ đội Hoàng Thọ hình thành vào đầu kháng chiến (chỉ huy là Hoàng Thọ), khoảng một đại đội, vẫn chống Pháp nhưng không chịu thống nhất lực lượng, lưu động khắp chiến trường. Ngoài ra, có Chi đội 5 của Phạm Hữu Đức. Cách mạng chủ trương xây dựng lực lượng Cao Đài, thành lập Chi đội 8, nhưng bọn phản động Đại Việt đã nắm chỉ huy, ngấm ngầm hoạt động chống phá cách mạng. Không nắm được Chi đội 8, nhưng cách mạng vẫn công nhận về danh nghĩa để tranh thủ lôi kéo. Các chi đội tỉnh như Chi đội 11 (Tây Ninh), Chi đội 16 (Bà Rịa), Chi đội 1 (Thủ Dầu Một) đang trong quá trình tiếp tục củng cố nội bộ. Về sau, Đảng tăng cường các chính trị viên và điều Nguyễn Ngọc Dung thay Trịnh Khánh Vàng. Ở Thủ Dầu Một, Dàng Man Thao về thay 58 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Huỳnh Lim Trương làm Chi đội trưởng Chi đội 1. Ở Bà Rịa, Trần Xuân Độ về làm Chính trị viên Chi đội 16… Phòng nhì Pháp tìm mọi cách lũng đoạn nội bộ lực lượng Bình Xuyên, nhưng được sự quan tâm của Đảng và đóng góp của nhiều đảng viên như Bảy Trân, Trương Văn Bang, Nguyễn Văn Mạnh, Từ Văn Ri, Nguyễn Văn Tư, Lê Ngọc Hiền… nên phần lớn lực lượng Bình Xuyên được chuyển hóa. Trên chiến trường miền Đông, Sư đoàn bộ binh số 3 (3e DIC) đã thay Sư đoàn bộ binh số 9 (9e DIC). Lúc này phần lớn lực lượng Âu - Phi bị điều ra phía bắc, lực lượng còn lại phải dàn mỏng trên “một chiến trường không trận tuyến”. Chính sách “đốt sạch, phá sạch, giết sạch” của Pháp chẳng những không làm cho lực lượng kháng chiến tan rã mà trái lại càng được củng cố và phát triển. Ở ngoại vi Sài Gòn, quân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá căn cứ và bị giáng trả nhiều đòn đau. Trên vùng căn cứ Phước An, Phước Thọ, Phước Long (Long Thành), các Chi đội 2, 3, 7 Bình Xuyên bẻ gãy cuộc hành quân trên 1.000 quân Pháp - ngụy và hàng trăm xe cơ giới có pháo binh, không quân yểm trợ, 7 tên lê dương bị bắt sống. Thời gian này, Đại đội 10 Chi đội 6 do Trần Thắng Minh, Đào Sơn Tây chỉ huy, lập trận địa phục kích đánh thiệt hại nặng lực lượng địch trong cuộc hành quân cấp trung đoàn vào Chiến khu C (bắc Thủ Đức). Lực lượng vũ trang Cần Đước phục kích đánh đoàn vận tải hậu cần của địch trên sông (gồm có tàu kéo, xà lan, ghe chài), thu nhiều súng đạn, diệt 17 tên địch. Đầu tháng 4-1946, tại khu vực Gò Dầu, chỉ ba ngày sau khi thành lập, Chi đội 11 đánh một trận vận động phục kích xuất sắc. Hàng trăm lính Âu - Phi, ngụy Khmer chia thành ba mũi tiến công bằng bộ binh xe cơ giới, tàu đổ bộ đều bị đánh tan tác tại các khu vực xóm Mới (xã Lộc Thuận), Bàu Gò, Sóc Khuất, Bến Đình. Đặc biệt tại Sóc Khuất, Bến Đình, trong tình thế bị địch bất ngờ thọc sau lưng, một số cán bộ chiến sĩ bị bắt; lực lượng của các vị chỉ huy Tư Đầu, Nam Bằng được Đại đội 3 chi viện và nhân dân phối hợp, đã linh hoạt, khẩn cấp vận động xoay CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 59 ngược tình thế, giành chủ động, bao vây địch. Bốn phía quân cách mạng ép vào, cùng với nhân dân bịt hết các lối ra. Cánh quân địch bị tiêu diệt gần hết. Cán bộ, chiến sĩ cách mạng vừa bị bắt được giải thoát. Địch bỏ xác tại chỗ hơn 100 tên. Cách mạng thu 21 súng (có một trung liên), nhiều đạn và lựu đạn. Trận đánh đã nêu lên bài học sinh động về sự linh hoạt vận động, hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt là sự phối hợp quân, dân trong chiến đấu. Ở các khu vực Xóm Mới, Sóc Khuất, Bến Đình, bà con trẻ, già đã cầm dao xông ra cùng bộ đội vây ép và truy kích địch. Nhằm biểu dương lực lượng, động viên tinh thần đồng bào bị tạm chiếm, hạ uy thế quân xâm lược, cuối tháng 4-1946, Chi đội 11 lại huy động cả ba đại đội tổ chức tập kích đồng loạt nhiều mục tiêu trong thị xã Tây Ninh, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, tạo thanh thế Vệ quốc đoàn. Cũng trong tháng 4-1946, quân Pháp tập trung lực lượng mở rộng cuộc hành quân lớn đánh vào Chiến khu Lạc An (Chiến khu Đ) căn cứ Bộ Tư lệnh Khu 7. Nắm được tin đó, cách mạng có kế hoạch nghi binh, chuyển trước toàn bộ cơ quan về Giồng Đinh, công binh xưởng khu giao lại cho Chi đội 10, và chỉ bố trí đánh lẻ tẻ. Quân Pháp khép chặt vòng vây vào chỗ không người. Cuối tháng 4-1946, Hội nghị cán bộ Biên Hòa được triệu tập tại cù lao Vịt do Nguyễn Đức Thuận chủ trì. Hội nghị phân tích tình hình, vạch rõ những âm mưu của địch, kiểm điểm việc thống nhất các lực lượng vũ trang… Trần Minh Trí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa. Hội nghị đề ra các công việc về xây dựng Đảng, nâng cao sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, nhất là đối với lực lượng vũ trang, Huỳnh Văn Nghệ được cử làm Ủy viên quân sự tỉnh Biên Hòa. Sau Hội nghị cù lao Vịt, tháng 5-1946, tại xóm Đèn (một ấp thuộc xã Tân Hòa), Hội nghị quân sự tỉnh Biên Hòa được triệu tập. Hội nghị quyết định hai việc lớn: 1- Nhập Vệ quốc đoàn huyện Châu Thành (60 người, 30 súng trường), du kích Sở Tiêu (40 người, 13 súng) với Vệ quốc Biên Hòa thành lực lượng thống nhất của tỉnh lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hòa. 60 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 2- Xây dựng căn cứ Chiến khu Đ thành căn cứ chính thức của tỉnh Biên Hòa. Trong tháng 5 và tháng 6-1946, hai lần liên tiếp quân Pháp lại mở cuộc hành quân lớn, mỗi lần trên 1.000 quân, đánh vào Chiến khu Đ. Chi đội 10 tổ chức đánh địch, giết chết Thiếu tá Bicordier, diệt 2 tiểu đội lê dương, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 1 xe quân sự. Được tăng cường lực lượng, Vệ quốc đoàn Biên Hòa biên chế thành ba phân đội. Trước tình hình khó khăn về cung cấp, Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hòa lại tổ chức ra “quận quân sự”: toàn tỉnh có chín quận, mỗi quận có từ một đến hai đội vũ trang phụ trách một số xã vừa làm nhiệm vụ của chính quyền vừa làm nhiệm vụ xây dựng dân quân du kích, thu thuế, vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Tại Chiến khu Đ, Quận quân sự 1 được thành lập với 5 xã căn cứ: Tân Hòa, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An. Tháng 6-1946, Bộ Chỉ huy Khu 7 mở hội nghị bàn việc thống nhất và chỉ huy các lực lượng vũ trang trong toàn khu, tiếp tục tổ chức các chi đội trên từng tỉnh. Ngay trong tháng 6, Vệ quốc đoàn Biên Hòa và Vệ quốc đoàn huyện Long Thành thống nhất lại thành lập chi đội do Huỳnh Văn Nghệ làm Chi đội trưởng, lực lượng lên tới 1.100 người, 380 súng trường, 13 súng máy, 25 tiểu liên, 1 súng cối, được chia thành 3 đội A, B, C. Đến tháng 10-1946, Vệ quốc đoàn Biên Hòa chi viện lực lượng cho Bà Rịa - Vũng Tàu để thành lập Chi đội 16. Trước tình trạng vẫn còn những ý kiến chưa thống nhất giữa hai nhóm đảng viên Tiền phong và Giải phóng, ngày 30-5-1946, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị cải tổ Đảng bộ Nam Bộ. Trong thư gửi các đảng viên Nam Bộ, Thường vụ Trung ương Đảng nghiêm khắc phê phán những biểu hiện sai lầm, những xung đột giữa “Việt Minh cũ” với “Việt Minh mới”, việc kết nạp theo lối “tự do ghi tên”… làm cho Đảng rời rạc, gây ảnh hưởng xấu cho Đảng, cho cách mạng, tạo điều kiện cho các phần tử cơ hội và khiêu khích chui vào Đảng phá hoại. Sau khi quân Pháp đánh rộng ra toàn Nam Bộ, Xứ ủy hợp nhất ngày 15-10-1945 lại bị phân tán, không còn sự lãnh đạo tập trung. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 61 Khoảng giữa năm 1946, sau khi củng cố các tỉnh ủy, tại kênh Năm Ngàn (Đồng Tháp Mười) đã diễn ra cuộc Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời do Ung Văn Khiêm làm Bí thư. Sau đó Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ được củng cố, Phạm Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch thay Chủ tịch Phạm Văn Bạch ra Bắc công tác. Sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến từ xứ đến tỉnh, huyện, xã trở lại thông suốt. Sau việc cải tổ tổ chức đảng ở Nam Bộ, chính quyền nhân dân, các đoàn thể cứu quốc được khôi phục ở hầu hết các vùng nông thôn Nam Bộ. Khoảng 1.000 xã trong tổng số 1.230 xã đã thành lập và khôi phục Ủy ban kháng chiến và các tổ chức quần chúng. Tự vệ và du kích ấp, xã được xây dựng lại. Nhân dân và lực lượng vũ trang các nơi kết hợp tác chiến, địch vận với nổi dậy, phá từng mảng hội tề, nhổ hàng loạt đồn bốt. Nhiều nơi có đội du kích khá mạnh như ấp 4 xã Vĩnh Lộc, Phú Thọ (Gia Định), Hòa Lam, Thanh Tuyền, Thới Hòa (Thủ Dầu Một). Đi đôi với xây dựng căn cứ và phát triển lực lượng thoát ly, cách mạng đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng nội thành và đẩy mạnh hoạt động sau lưng địch. Phong trào kháng chiến ở đô thị, đặc biệt là ở Sài Gòn phát triển khá mạnh. Hàng ngàn người tham gia các ban công tác, đội tự vệ thành. Hoạt động này bao gồm vũ trang tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng, diệt đầu sỏ, phản động, gián điệp, đánh phá kho tàng địch... Tháng 4-1946, hơn 60 cán bộ Trường Quân chính Khu 7 được phái vào Sài Gòn để xây dựng tự vệ thành 13 đại đội và 30 trung đội. Mỗi trung đội phụ trách một khu lao động hoặc một xí nghiệp. Lực lượng này đặt dưới sự chỉ huy của Ban Quân sự thành phố đóng tại Vĩnh Hội. Khu 7 còn tổ chức Khoa Tình báo, các chi đội có Ban Trinh sát, Ban Hành động, Ban Thông tin Nam Bộ cũng được thành lập. Ngày 8-4-1946, các chiến sĩ kháng chiến cảm tử tấn công phá hủy kho đạn lớn nhất Nam Đông Dương của Pháp, tiêu hủy 6.000 tấn bom đạn và thuốc nổ. Đêm 18 rạng ngày 19-8-1946, du kích đột kích vào 62 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Sài Gòn, chiến đấu với quân Pháp. Suốt dọc đường từ Chợ Lớn đến cầu Ông Lãnh, nhân dân chen chúc nghe các chiến sĩ xung phong diễn thuyết dưới cờ đỏ sao vàng. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, quân Pháp kéo đến không dám làm gì lại trở về bốt. Nhân dân ở các vùng tạm chiếm đưa con em ra bưng biền, gửi tiền bạc, quần áo, thuốc men ra chiến khu. Phong trào ủng hộ kháng chiến, chống âm mưu lập “Xứ Nam Kỳ tự trị” của Pháp lan rộng trong các tầng lớp nhân dân, cả tư sản, công chức. Đối phó với tình hình đó, Pháp tiến hành khủng bố trắng xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 13-7-1946, trong khi triệt hạ một làng ở Gò Vấp, sĩ quan Pháp tuyên bố: “Ở đây không cần lập hội tề, chỉ cần bắn phá và chiếm đất”. Sau Tạm ước 14-9-1946, Khu trưởng Nguyễn Bình chủ trương tiếp tục chấn chỉnh các lực lượng vũ trang nội thành, phân chia khu vực hoạt động ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Ban quân sự thành. Đến cuối năm 1946, các ban công tác 7, 8, 9 sáp nhập và rút lực lượng tự vệ ra thành lập thêm ba ban công tác. Ngoài ra còn có Ban 145 thuộc Khoa tình báo Khu 7 và Ban công tác 12 do Hồ Thị Bi chỉ huy, hoạt động ở vùng Hóc Môn, Bà Điểm, trực thuộc Chi đội 12. Những tháng cuối năm 1946, các chi đội Vệ quốc đoàn vừa tác chiến vừa củng cố, xây dựng lực lượng, bổ sung quân tăng cường huấn luyện. Các chi đội đều tổ chức xưởng quân giới, chủ yếu là chế tạo đạn, sửa chữa súng. Trường Quân chính Khu 7 tiếp tục mở các lớp đào tạo trung đội, đại đội. Riêng Chi đội 6 có Trường Võ bị, vốn là của tỉnh Gia Định, làm nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ của chi đội. Trong thời gian này, Pháp tung 500 quân càn vào ấp 4 xã Vĩnh Lộc, Chi đội 12 bí mật rút ra ngoài, chờ địch lọt vào ấp rồi trở lại vây đánh. Bị thiệt hại nặng, quân Pháp bỏ chạy. Sau đó biết chủ lực cách mạng đã di chuyển, quân Pháp lại càn vào Vĩnh Lộc bắn chết 380 người dân. Đó là vụ thảm sát lớn nhất của giặc Pháp ở Nam Bộ từ đầu kháng chiến đến lúc đó. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 63 Tháng 7-1946, không có đánh lớn nhưng chiến trường vẫn sôi động từ nội thành đến biên giới. Nổi bật là các trận đánh ở suối Đá, xóm Vịnh (Tây Ninh), Tuy An, Lộc Ninh, Bình Chánh (Thủ Dầu Một), Đức Hòa (Chợ Lớn)… Quân Pháp liên tiếp bị tiêu hao từ 5-7 binh lính đến hàng trăm binh lính và sĩ quan như trận đánh giao thông trên đoạn Bình Ước - Lái Thiêu, cả đoàn xe tải Pháp có một xe bọc thép yểm trợ bị bộ đội và du kích tiêu diệt, chỉ còn một lái xe sống sót. Tại Đức Hòa (Chợ Lớn), ngày 23-7-1946, quân Pháp huy động 1.000 sĩ quan và binh lính có hải quân và không quân yểm trợ từ ba ngả Lương Hòa, Cầu Xáng, Đức Hòa kéo tới bao vây Chi đội 4. Bộ đội ta vừa bố trí bảo vệ dân, vừa tổ chức chiến đấu phá gọng kìm bao vây của địch. Từ sáng đến 14 giờ, cuộc chiến đấu diễn ra dữ dội, ta hy sinh 2 người, diệt 150 tên Pháp. Quân Pháp tiếp tục cho viện binh tới, nhưng bộ đội đã rút khỏi vòng vây an toàn. Tháng 7-1946, lợi dụng những ngày mưa to nước lớn, quân Pháp hành quân chiếm Mộc Hóa. Khu bộ Khu 8 dời căn cứ về kênh Dương Văn Dương. Mặc dù địch chiếm Mộc Hóa, trên một khu vực lớn của Đồng Tháp Mười không còn bóng quân Pháp. Chiến khu Tháp Mười đã ổn định về thế và lực. Tháng 8, địch đánh vào đây, bỏ xác trên 70 tên. Cũng vào tháng 8, theo quyết định của Trung ương, Khu bộ Khu 8 được lập lại. Trần Văn Trà được chỉ định là Khu bộ trưởng, Nguyễn Văn Vịnh - Chính ủy, Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quang - Khu bộ phó, Nguyễn Văn Trí - Phó Chính ủy. Ngày 26-9-1946, Pháp tập trung 2.000 quân đánh vào Đức Hòa, tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Chi đội 15 tổ chức phản kích mãnh liệt, trong một ngày diệt 25 xe vận tải, 1 xe tăng, 1 máy bay. Cuối năm 1946, trên chiến trường Tây Ninh diễn ra nhiều trận đánh tốt như trận đánh giao thông ngày 2-10 trên đường Bàu Đồn - Truông Mít, lực lượng cách mạng diệt gọn 5 xe địch, thu toàn bộ vũ khí. Trận đánh ở đông bắc Gò Dầu, Đại đội C Chi đội 11 diệt 50 tên, thu 20 súng (tháng 11-1946). Đặc biệt cũng trong tháng 11-1946, đại đội này đã đánh địch chạy tan tác trong trận càn vào ấp Xóm Mới xã An Tịnh (Trảng Bàng) có xe bọc thép 64 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 gắn đại bác 20 ly yểm trợ. Toàn bộ xe bọc thép bị tiêu diệt trên cánh đồng trước bìa Xóm Mới. Địch bỏ xác 50 tên, lực lượng cách mạng thu 1 trung liên, 10 súng trường, phá hủy 5 đại bác 20 ly. Trận đánh nổi lên tấm gương của Trần Minh Ngọc, một người chỉ huy giỏi, cũng là xạ thủ đại liên xuất sắc, đã lần lượt bắn chết 5 xạ thủ địch trên 5 xe bọc thép. Tháng 11-1946, diễn ra Hội nghị quân sự Khu 8 tại Gò Lũy - Ấp Bắc, với sự có mặt của Bộ Tư lệnh và các cơ quan Khu bộ Khu 8 và đại biểu quân sự các tỉnh. Hội nghị ra quyết định phát động chiến tranh nhân dân toàn khu, thống nhất các lực lượng vũ trang Khu 8. Đến đây, Khu 8 đã hoàn chỉnh về hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, thống nhất lực lượng. Toàn khu có 5 chi đội (3.307 người). Ở các tỉnh khác, nhiều trận tập kích, chống càn cũng thắng lớn: trận Cầu Móng (Gò Công) diệt gọn một trung đội địch (tháng 4-1946); trận tập kích chiếm thị trấn Cái Bè hơn 2 giờ (ngày 20-10-1946); trận chống càn ở xã Tân Bình Điền (Gò Công) tiêu diệt hơn 150 tên lính Pháp (tháng 10-1946). Song song với những cuộc hành quân chiếm những địa bàn chiến lược, quân đội viễn chinh Pháp tìm cách dựng lại một đội ngũ tay sai ở Nam Bộ. Hội tề được thiết lập ở nhiều nơi. Ngày 4-2-1946, “Hội đồng tư vấn Nam Kỳ” được tái lập do chính Jean Cédile - kẻ lén lút nhảy dù xuống Tây Ninh trong những ngày giữa tháng 8-1945 nhằm chuẩn bị cho việc Pháp tái chiếm Nam Bộ - làm Chủ tịch, với 4 đại biểu Pháp và 8 đại biểu người Việt. Trong đó, 7 người Việt này thuộc dân “làng Tây”1, được Cédile tập hợp ngay từ lúc mới đặt chân lên Nam Bộ để chuẩn bị cho những ván bài sau đó. Đứng đầu trong số này là Nguyễn Văn Thinh, một điền chủ hành nghề y, từng phục vụ quân đội Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, gia nhập làng Tây và không đọc sách tiếng Việt. Mặc dù buộc phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do có chính phủ, quân đội và tài chính riêng, các thế lực thực dân Pháp vẫn không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Chưa đầy một tuần sau khi 1. Báo Chính Đạo, tập 1A. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 65 Hiệp định Sơ bộ được ký kết, ngày 12-3-1946, Quyền Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Đông Dương là Jean Cédile trắng trợn tuyên bố rằng hiệp định này chỉ là một thỏa ước có tính cách địa phương giữa Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ với “nhà cầm quyền Hà Nội”, nó hoàn toàn không có giá trị đối với Nam Kỳ và y đánh tiếng trước rằng: “Chính phủ Pháp có ý định sẽ thành lập ở Nam Kỳ một chính phủ có đủ mọi quyền hành như ở các xứ khác”. Cùng ngày, trong phiên họp của Hội đồng tư vấn Nam Kỳ, Nguyễn Văn Thinh đọc một bản Đề nghị, trong đó viết “... Nghĩ vì bản Sơ ước Pháp - Việt vừa ký kết ngày 6-3- 1946 ở Hà Nội không nói rõ ràng bản Sơ ước ấy chỉ áp dụng riêng cho hai xứ Bắc và Trung Kỳ và tiếng Việt Nam dùng trong bản sơ ước có thể làm cho người ta hiểu lầm là có xứ Nam Kỳ trong đó, vì từ trước tới nay tiếng Việt Nam ấy vẫn dùng để chỉ cả ba: Trung, Nam, Bắc… Cho nên chúng tôi mong rằng, vị đại diện của nước Pháp ở Đông Dương sẽ công bố chánh thức rằng bản Sơ ước 6-3-1946 sẽ để cho xứ Nam Kỳ hoàn toàn tự trị...”. Chớp lấy điều này, đài Paris tung tin: “Hội đồng tư vấn Nam Kỳ đã biểu quyết cực lực phản đối Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt và tha thiết đòi cho Nam Kỳ tự trị”. Hãng tin Reuters ngày 14-3 cũng phụ họa theo: “Bốn triệu sáu mươi vạn nhân dân Nam Kỳ sẽ có chính phủ riêng và tài chính riêng theo những điều hứa với nước Việt Nam mới gồm có Trung và Bắc Bộ trước kia...”. Liền sau đó, các thế lực thực dân Pháp ở Nam Bộ cùng một số phần tử theo đuôi, thực chất đã trở thành tay sai của thực dân Pháp, gấp rút vận động hòng tổ chức ra một cái gọi là “Phong trào tự trị”. Tại Sài Gòn và một số trung tâm đô thị khác ở Nam Bộ, họ gấp rút tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình đòi Nam Kỳ tự trị mà thành phần tham dự là một số phần tử cơ hội, những người “vô công rồi nghề” được trả tiền... Rõ ràng cái gọi là “phong trào tự trị” ở Nam Bộ chỉ là một kịch bản vụng về, được những lực lượng thực dân hiếu chiến và tay chân bản xứ của họ dựng lên, nhằm từng bước thực hiện Tuyên bố tháng 3-1945 của Charles De Gaulle. Báo Sự thật số ra ngày 8-6-1946 viết: “... Có người 66 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 gọi lầm là phong trào Nam Kỳ tự trị. Sự thực chỉ có những mưu mô vận động của một số ít trí thức bị mua chuộc. Thuyết Nam Kỳ tự trị không có gốc rễ trong dân chúng và trái ngược với quyền lợi của nhân dân Nam Bộ... Hiệp định Sơ bộ đã nhìn nhận một nước Việt Nam tự chủ, khi đó Pháp mới đẻ ra một thuyết mới để vớt lại xứ Nam Kỳ...”. Tuy vậy, với sự cố công của thực dân Pháp và các phần tử tay sai, ngày 1-6-1946, cái gọi là “Chính phủ của nước Cộng hòa Nam Kỳ tự trị” cũng chính thức ra mắt tại quảng trường Alexandre de Rhodes với Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng. Các thành viên gồm: Phó Thủ tướng: Đại tá Nguyễn Văn Xuân; Tư pháp: Trần Văn Tý; Tài chính: Nguyễn Thành Lập; Vận tải: Lưu Văn Lang (không nhận); Canh nông, Thương mại và Kỹ nghệ: Ung Bảo Toàn; Giáo dục: Nguyễn Thành Giung; Lao động và xã hội: Khương Hữu Long; Thứ trưởng An ninh: Nguyễn Văn Tâm; Thứ trưởng An ninh Sài Gòn - Chợ Lớn: Nguyễn Tấn Cường; Thứ trưởng Vận tải: Đỗ Văn Trà. Mặc dù được thành lập với đầy đủ các thành phần, song trên thực tế, chính phủ của cái gọi là “Nam Kỳ tự trị” không có chút quyền hành nào. Mọi việc đều do Ủy viên Cộng hòa Pháp quyết định. Trả lời phỏng vấn của báo Paris - Sài Gòn ít lâu sau khi “Nam Kỳ Quốc” ra đời, Jean Cédile - Quyền Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Nam Đông Dương nói: “Vai trò của tôi đã được quy định rõ ràng. Tôi vẫn là người đại diện cho quyền lợi Pháp. Tôi là cố vấn của Chính phủ lâm thời. Công việc của Chủ tịch Thinh chỉ là một công việc đặc biệt về phương diện chuyên môn”. Là một con rối trong tay các thế lực thực dân cuồng tín, ngay từ lúc ra đời, “Nam Kỳ tự trị” và chính phủ của nó đã bị dư luận ngay ở Sài Gòn bóc trần thực chất. Trả lời phỏng vấn của báo Paris - Sài Gòn xung quanh sự kiện này, Bác sĩ Tung, con rể cựu Thống đốc Krautheimer, nhận xét rằng: “Việc lập chính phủ ấy thật giống như một vụ lừa đảo. Hiệp định 6-3 thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do và đối với hết thảy người Việt, lãnh thổ Việt Nam tức là dải đất dọc bờ biển suốt từ Bắc Kỳ đến mũi Cà Mau. Nói Nam Kỳ là của người Nam Kỳ chẳng khác gì la lối lên rằng xứ Bourgogne là của người CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 67 Bourguignons… Tệ hơn nữa là lúc nhân dân nghe nói sẽ thi hành các điều cần thiết về xã hội thì người ta lại đặt lên đầu họ một chính phủ gồm bọn bảo thủ và đại địa chủ”. Cũng chính tờ báo này kết luận: “... Chính phủ Nam Kỳ là con đẻ của nhà đương cục thuộc địa. Chính phủ đó không đại diện cho nhân dân Nam Kỳ. Vì vậy nhân dân Nam Kỳ đã tỏ ra một sự lãnh đạm hoàn toàn đối với chính phủ ấy, nói lãnh đạm là để khỏi dùng những từ nặng hơn. Người ta nhận thấy sự lãnh đạm ấy trong dịp lễ tựu chức mà sự vắng mặt cả dân chúng trái ngược với sự dàn cảnh hùng vĩ quá lố lăng và có phần giống kiểu chính phủ Vichy thời Đức chiếm”. Mặc cho chính sách khủng bố và lừa mị của chính quyền thực dân, các tầng lớp nhân dân ở Nam Bộ cũng như trong cả nước Việt Nam đều đứng lên chống trả lại những hành động tráo trở và phản lại ý chí thống nhất dân tộc của thực dân Pháp và tay sai. Tại Sài Gòn - Gia Định, các chiến sĩ “Tự vệ thành Sài Gòn - Chợ Lớn” tổ chức nhiều cuộc tấn công trừng trị những tên tay sai ngoan cố và phá hủy các cơ sở quân sự của Pháp. Ngày 12-3-1946, Dương Văn Sĩ, chủ bút tờ báo Phục hưng, kẻ tích cực hô hào chủ trương chia cắt Việt Nam, lập chính phủ “Nam Kỳ tự trị”, thóa mạ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, bị trừng trị. Ngày 29-3-1946 và ngày 4-4-1946, các chiến sĩ Ban Công tác số 1 lần lượt trừng trị 2 ủy viên Hội đồng tư vấn Nam Kỳ là Trần Tấn Phát và Nguyễn Văn Thạch. Các tầng lớp nhân dân lao động thành phố cũng tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại mưu đồ chia rẽ của Pháp và tay sai. Ngày 3-8-1946, cả Sài Gòn tổng bãi công, bãi thị để ủng hộ lập trường thống nhất của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Pháp và phản đối việc triệu tập Hội nghị Đà Lạt của các phần tử chia rẽ. Ngày 19-8-1946, kỷ niệm một năm Tổng khởi nghĩa, nhân dân lao động Sài Gòn tổ chức đình công bất hợp tác... Sau khi Tạm ước Việt - Pháp ngày 14-9-1946 được ký kết, phong trào chống “Nam Kỳ tự trị” càng trở nên sôi động. Đối đầu với một số báo chí 68 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 tay sai thực dân, ngày 12-10-1946, những tờ báo chủ trương thống nhất đất nước ra Tuyên ngôn chung nêu rõ: “... Sự tranh đấu cho được tự do và thống nhất là một phận sự chung, một phận sự thiêng liêng...”. Cùng ngày, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương đạo Cao Đài, ông Cao Triều Phát tuyên thệ “Trung thành với Chính phủ Hồ Chí Minh, cương quyết tranh đấu cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc”. Khẩu hiệu đấu tranh lúc này là “Không tuân một mệnh lệnh nào của chính phủ bù nhìn”, “Không một xu nhỏ, không một hột lúa cho chính phủ bù nhìn”, “Triệt để tuân theo lệnh của Ủy ban Nam Bộ”, “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”... Nhiều tờ báo ở Sài Gòn công khai đòi hạ bệ “Chính phủ Nam Kỳ tự trị”. Tờ báo Nam Kỳ số ra ngày 14- 10-1946 đăng toàn văn bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước ngày Người lên đường qua Pháp. Ngày 28-10-1946, tờ Justice kêu gọi: “Sức mạnh đoàn kết của 20 triệu dân Việt Nam cộng với cả một khối lao công Pháp đã đè bẹp con quỷ thực dân... Ta đã thắng kẻ thù ghê gớm nhờ sự đồng tâm bất cộng tác... Đứng lên! Phải huy động toàn lực đứng lên ủng hộ bản thỏa hiệp 14-9. Yêu cầu giải tán chính phủ tự trị...”. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của toàn dân đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần nhiều kẻ lầm đường theo giặc. Phong trào “ly khai” Chính phủ Nguyễn Văn Thinh lan rộng. Mở đầu và điển hình là hội tề các làng ở tỉnh Bạc Liêu tuyên bố tự giải tán. Bản tuyên bố của họ viết: “Máu chảy ruột mềm, dẫu chúng tôi là cỏ cây cũng không thể nào chịu nổi nên chúng tôi cương quyết tự giải tán... Chúng tôi không tán thành Chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh mà chỉ trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh thôi... Mong đồng bào tha thứ chuyện dĩ vãng để chúng tôi có thể đứng chung hàng ngũ với đồng bào quốc dân chiến đấu cho Việt Nam thống nhất, tự do, độc lập và phú cường”. Nhìn lại cuộc đấu tranh chống lại mưu đồ chia rẽ của các lực lượng thực dân và tay sai ở Nam Bộ, có thể thấy đây là một cuộc đấu tranh toàn dân, toàn quốc, trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao... Nét nổi bật trong cuộc đấu tranh này là sự có mặt của những cá CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 69 nhân, lực lượng, vốn không được coi là thân Việt Minh, “thân cộng”. Điều này cho thấy ý chí thống nhất dân tộc của nhân dân Việt Nam là một sợi dây vô hình, có sức mạnh vô song. Nó vượt lên cả những khác biệt về tư tưởng, chính trị để gắn bó toàn dân tộc vào một khối, vì lợi ích chung của đất nước. Cuộc đấu tranh mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam làm cho các thế lực thực dân hết sức lúng túng, “Chính phủ tự trị Nam Kỳ” hầu như bị tê liệt và rơi vào tuyệt vọng. Trong một bức thư viết bằng tiếng Pháp gửi cho một người bạn vào đầu tháng 11-1946, “Thủ tướng” Nguyễn Văn Thinh tỏ ra đau đớn thú nhận: “Tôi bị người ta ép buộc đóng một trò hề. Tôi đã đi quá sâu vào con đường phiêu lưu mà không thể trở lại được nữa... Sự gì phải đến sẽ đến không thể tránh được”. Bất lực và tủi hổ, đêm 9-11-1946 rạng sáng ngày 10-11-1946, Nguyễn Văn Thinh thắt cổ tự tử trong phòng ngủ. Cái chết của vị “Thủ tướng tự trị” khởi đầu giai đoạn phá sản hoàn toàn của chính sách chia rẽ Bắc - Nam vì lợi ích thực dân và chứng minh sức mạnh vô địch của ý chí thống nhất dân tộc Việt Nam1. Trước âm mưu xâm lược và chia cắt Nam Bộ của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho những người lãnh đạo các nước Đồng minh vạch trần ý đồ đen tối của Pháp, nêu rõ ý chí thống nhất, tự do, độc lập của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, yêu cầu các nước Đồng minh can thiệp ngăn chặn hành động xâm lược của Pháp. Trong các cuộc tiếp xúc, đàm phán với Pháp chuẩn bị cho Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, cũng như tại các Hội nghị trù bị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau, vấn đề Nam Bộ luôn là một trong các vấn đề trung tâm gây nhiều tranh cãi giữa hai phía. “Vấn đề Nam Kỳ mới thật sự là hòn đá thử vàng của các cuộc thương lượng. Một nhà sử học Pháp coi nó là biểu tượng của sự thống nhất của nước Việt Nam...”2. 1. Xem Trần Đức Cường: “Nam Kỳ tự trị” và thất bại của mưu đồ chia cắt đất nước, Tạp chí Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh, số 7 (143), 2009. 2. Lưu Văn Lợi, Nguyễn Hồng Thạch: Pháp tái chiếm Đông Dương và chiến tranh lạnh, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.82. 70 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Tại các cuộc thương lượng này, phía Việt Nam luôn đặt ra yêu cầu Pháp công nhận độc lập, tự do và sự thống nhất của đất nước, trong khi phía Pháp cố lẩn tránh việc công nhận Nam Bộ là phần không thể tách rời của Việt Nam. Các cuộc tranh cãi đôi khi rất căng thẳng. Tại Hội nghị Đà Lạt, trước thái độ trịch thượng của phía Pháp, Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố: “Nếu Nam Bộ mất thì nhân dân Việt Nam chiến đấu cho đến khi đòi lại được”. Trong cuộc mít tinh do Hội Hữu nghị Pháp - Việt tổ chức vào ngày 11-7-1946 ở Paris, Hồ Chí Minh, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định: Nam Bộ là một miếng đất của Việt Nam. Đó là thịt của thịt chúng tôi; máu của máu chúng tôi. Sự đòi hỏi đó dựa trên những nguyên nhân về chủng tộc, lịch sử và văn hóa. Trước khi Corse trở thành đất Pháp thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam rồi... Tại các cuộc đàm phán ở Fontainebleau, khi nhận được tin các thế lực Pháp và bản xứ thân Pháp tổ chức Hội nghị Đà Lạt nhằm tiến tới thành lập Liên bang Đông Dương bao gồm Nam Kỳ, Tây Nguyên (Tây Kỳ tự trị), Lào, Campuchia, Trưởng đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng đã cực lực phản đối bằng cách tuyên bố ngừng đàm phán. Thắng lợi của quân và dân Nam Bộ trong hơn một năm đầu chống Pháp chẳng những đã góp phần làm đảo lộn chiến lược và kế hoạch tác chiến của Pháp mà còn tạo điều kiện chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài của quân, dân cả nước. Cuộc kháng chiến của quân, dân Nam Bộ ngay từ đầu đã được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Nhiều đoàn quân Nam tiến đã được cử vào sát cánh cùng với quân, dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ chiến đấu chống xâm lược Pháp. Ý chí thống nhất đất nước đã được thể hiện trong câu nói ngày 1-6-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”1. 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.280. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 71 II- NHÂN DÂN NAM BỘ CÙNG CẢ NƯỚC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (12-1946 – 7-1954) Toàn bộ diễn biến tình hình, những sự kiện xảy ra vào cuối năm 1945 và trong năm 1946 cho thấy, mặc dù Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có nhiều nhân nhượng nhằm tránh cho đất nước phải trải qua một cuộc chiến tranh, song thực dân Pháp vẫn tiếp tục thực hiện dã tâm xâm lược, không thực tâm đàm phán mà còn lợi dụng sự kiềm chế nhân nhượng của Việt Nam để ngày càng đẩy tới chiến tranh cả về phạm vi, quy mô, lực lượng, phương thức tiến hành. Do đó, một lần nữa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã chấp nhận một cuộc chiến đấu dù gian khổ, hy sinh nhưng nhất định thắng lợi. Trên cơ sở chủ động chuẩn bị về tinh thần, nhạy bén và phát hiện tình hình, phân tích đúng đắn âm mưu và hành động của địch, đánh giá đúng thời điểm cần phải có hành động quyết định, với kinh nghiệm kháng chiến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và những thành quả của hơn một năm đấu tranh giữ vững chính quyền và chuẩn bị kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định giành thế chủ động trong bước mở đầu toàn quốc kháng chiến, mở cuộc tiến công đồng loạt ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã khác. Đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Người nêu rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”1. Từ tháng 12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng đã hai lần gửi thư, điện cho Xứ ủy lâm thời Nam Bộ nêu rõ chủ trương của Đảng gấp rút 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 534. 72 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 chuẩn bị kháng chiến toàn quốc và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nam Bộ là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Bắc, Trung”1. Xứ ủy lâm thời Nam Bộ cũng chỉ thị cho các khu: “Mở rộng và phát triển chiến tranh du kích lên một bước mới, đẩy mạnh đánh địch ở khắp các mặt trận, mở một cuộc tổng tiến công quấy rối, phong tỏa, phá hoại, góp phần phá cuộc tiến công của địch trên các chiến trường Bắc Bộ và Trung Bộ”2. Đáp lời Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, quân và dân Nam Bộ với mọi vũ khí có sẵn, cùng với quân dân cả nước quyết tâm đánh địch ở khắp nơi, ngăn chặn bước tiến công địch, xây dựng, củng cố lực lượng chiến đấu. Tuy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã bắt đầu từ tháng 9-1945, nhưng hưởng ứng cuộc toàn quốc kháng chiến, các địa phương và các đơn vị đã mở nhiều cuộc tấn công quấy rối, phong tỏa và phá hoại, nhằm trợ lực cho các địa phương khác trong toàn quốc. Trong khoảng 15 tháng, từ ngày 23-9-1945 đến ngày 19-12-1946, quân và dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã đi qua một chặng đường nhiều thử thách, hy sinh, đã hoàn thành sứ mệnh của những chiến sĩ tiên phong trong cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc. Bằng xương máu, bằng ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã giam chân gần 40.000 quân viễn chinh Pháp trong tổng số 70.000 quân trên toàn Đông Dương, không cho chúng triển khai nhanh chóng kế hoạch mở rộng chiến tranh ra các vùng khác trên đất nước Việt Nam. Điều này đã tạo điều kiện hết sức quý báu cho quân, dân miền Bắc và Trung Bộ có thời gian để chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho cuộc chiến đấu của toàn thể dân tộc và từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ lại phối hợp với quân dân Bắc Bộ, Trung Bộ, quân dân cả nước chiến đấu chống kẻ thù chung. 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.8, tr.156. 2. Nguyễn Viết Tá (Chủ biên): Miền Đông Nam Bộ kháng chiến (1945- 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, t.1, tr.119. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 73 Phối hợp với tiếng súng kháng chiến trên cả nước, quân dân Nam Bộ dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và của Xứ ủy Nam Bộ, đã “đánh địch ở khắp các mặt trận”, mở cuộc “tổng tiến công, khuấy rối, phong tỏa, phá hoại”, góp sức cùng cả nước phá cuộc tấn công lớn của địch ở Bắc Bộ và Trung Bộ, đồng thời kiên quyết ngăn chặn âm mưu lợi dụng tôn giáo, chia rẽ hàng ngũ kháng chiến của địch ở Nam Bộ. Ở khắp Nam Bộ đã diễn ra những trận “kinh tế chiến” và “giao thông chiến” rộng lớn, quyết liệt, liên tục và kéo dài. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, hòa cùng tiếng súng của cả nước, các ban công tác, đội trinh sát vũ trang, công an xung phong tổ chức thắng lợi nhiều trận tập kích vào căn cứ quân sự, kho tàng, diệt nhiều tên tay sai ác ôn của thực dân Pháp. Ngày 20-12-1946, 15 đội tự vệ thành và các đội cảm tử đồng loạt nổ súng, gây tiếng vang lớn trong thành phố. Tại Sài Gòn, ngay trong tháng 1-1947, Ban công tác đột nhập vào nhà hàng La Rosethe trên đường Mac Mahon, đặt mìn đánh sập một phần ba ngôi nhà, làm chết 7 phi công Pháp chuyên lái máy bay đi rải bom ở các thôn làng. Cũng trong tháng 1-1947, các chiến sĩ cảm tử đột nhập trụ sở “Mặt trận Bình dân” tại ngã sáu, bắn chết tên Cò Ngạc, Chủ tịch Mặt trận Nam Kỳ, thu một khẩu súng và giải tán tổ chức phản động này. Ngày 16-2, quân cách mạng còn đột nhập đốt cháy kho hàng ở cảng Nhà Rồng, làm thiệt hại trên 5 triệu đồng Đông Dương. Ngày 26-3-1947, Võ Hồng Tâm, đội viên tự vệ đã giết chết viên Đại tá Hans Inpelt tại Sài Gòn. Cũng trong tháng 3-1947, một tổ trừ gian của lực lượng Ban công tác thành đã bắn chết Lê Văn Hận và 10 phần tử tay sai ở Chợ Lớn. Vệ quốc quân Nam Bộ đã đánh những trận phục kích lớn. Được sự góp sức của nhân dân, Vệ quốc quân luôn luôn chủ động đánh nhanh, xung phong mạnh, phá hủy từng đoàn tàu, xe, đánh chìm từng đoàn tàu chiến, diệt gọn từng trung đội, đại đội địch. Ở Cổ Cò (Sa Đéc), Vệ quốc quân diệt 6 xe quân sự và 2 trung đội địch. Ở Tầm Vu (Cần Thơ), Vệ quốc quân phát lệnh bắn chết viên quan 5 của Pháp. Ở 74 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 Giồng Dừa (Mỹ Tho), Vệ quốc quân đánh liền hai trận, diệt gọn hàng trăm tên địch và hàng chục xe quân sự… Ở Bạc Liêu, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Vệ quốc quân liên tiếp đánh đổ từng đoàn xe lửa, diệt hàng trăm tên địch. Trên các trục đường giao thông, quân và dân Nam Bộ cuốc đường sá, phá cầu cống, bóc đường sắt, dựng nhiều “cảng” ngăn sông. Vệ quốc đoàn Nam Bộ đánh phục kích nhiều trận đạt hiệu quả cao. Tháng 5-1947, tại Mỹ Tho, bộ đội phá hàng chục xe quân sự, diệt hàng trăm tên địch, bắt sống một bộ trưởng ngụy quyền. Nhiều cơ sở hậu cần của địch, nhiều đồn điền cao su bị phá, nhiều đường giao thông bị băm nát. Sau thất bại của cuộc tiến công quy mô lớn đầy tham vọng của Pháp lên Việt Bắc, thực dân Pháp phải thay đổi chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh lâu dài” và quay về thực hiện chiến lược bình định và củng cố vùng tạm chiếm, bắt thanh niên vào ngụy binh. Ngay sau khi rút khỏi Việt Bắc, Pháp đã tập trung quân ở Nam Bộ để vừa đối phó với chiến tranh du kích đang trên đà phát triển, vừa để thực hiện chương trình bình định. Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam Bộ De Latour cho xây một hệ thống đồn bốt dày đặc dọc các đường giao thông kết hợp với các cuộc hành quân càn quét để triệt phá cơ sở kháng chiến ở Nam Bộ, điển hình là cuộc hành quân Véga đánh vào Đồng Tháp Mười, nơi có cơ quan đầu não của địa phương như Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Bộ Chỉ huy Quân khu 7. Mặc dù huy động 17 tiểu đoàn gồm đủ bộ binh, pháo binh, thiết giáp, không quân, sau 4 ngày lùng sục, đã thất bại, phải rút lui. Các cuộc càn quét ở căn cứ khác như rừng U Minh, Chiến khu Đ cũng đều thất bại. Kế hoạch De Latour với hơn 1.300 tháp canh có gây khó khăn cho kháng chiến, nhưng vẫn không bảo vệ được các đồn bốt địch, các đường giao thông, không ngăn cản được chiến tranh du kích phát triển. Giữa năm 1948, thất bại trong mưu đồ “Nam Kỳ tự trị” đưa Pháp tìm đến “lá bài Bảo Đại”, người từ đầu năm 1946 sống ở Hong Kong CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 75 (Trung Quốc). Việc chọn Bảo Đại làm người đứng đầu “Quốc gia Việt Nam” là để làm đối trọng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, nhằm chống lại cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam dưới chiêu bài “độc lập” giả hiệu. Sau các Hiệp ước Hạ Long 1 (tháng 12-1947), Hạ Long 2 (tháng 6-1948) và Élysée (ngày 8-3-1949), ngày 4-6-1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký Luật 49/733 chấm dứt quy chế thuộc địa Pháp đối với Nam Bộ và chính thức trả lại vùng này cho chính quyền Bảo Đại với danh nghĩa “Quốc gia Việt Nam”. Điều đó cũng có nghĩa là về công pháp quốc tế, chủ quyền đối với vùng đất Nam Bộ được Cộng hòa Pháp chính thức công nhận thuộc về Việt Nam. Xung quanh vấn đề Pháp trao Nam Kỳ cho chính quyền Bảo Đại có một vấn đề cần được đặc biệt lưu tâm. Đó là sự nảy sinh những yêu sách của Campuchia về lãnh thổ - biên giới đối với vùng đất Nam Bộ. Kể từ năm 1863, Campuchia trở thành một nước được Pháp bảo hộ và gia nhập vào xứ Đông Pháp năm 1887. Ngày 9-3-1945, quân Nhật hất cẳng Pháp tại Đông Dương, trong đó có Campuchia. Một chính phủ thân Nhật được dựng lên ở Phnom Penh, do Sơn Ngọc Thành đứng đầu. Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đầu năm 1946, Pháp quay lại thực hiện mưu đồ tái lập chế độ thực dân. Ngày 7-1- 1946, Pháp và Campuchia ký Bản ghi nhớ tạm thời, quy định mối quan hệ giữa hai nước. Theo văn kiện này, Campuchia là một nước tự trị thuộc Liên bang Đông Dương. Văn kiện không nhắc gì tới vấn đề biên giới. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 8 tháng sau, trong Hội nghị Đà Lạt lần II do Georges Thierry d’Argenlieu tổ chức cùng đại biểu các lực lượng thân Pháp ở các nước Đông Dương với mục đích phá hoại Hội nghị Fontainebleau, đại biểu Campuchia đã đặt ra vấn đề chủ quyền của Campuchia ở Nam Kỳ. Ông ta nói: “Các ngài biết rằng đất Nam Kỳ là đất của Campuchia do Quốc vương Campuchia nhượng cho Hoàng đế An Nam, nhưng không được một tài liệu ngoại giao nào phê chuẩn. Rồi Pháp đến, Pháp đã tiến hành chiến tranh xâm lược và bình định 76 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 toàn bộ Nam Kỳ... Chính phủ Campuchia đã ngầm thừa nhận quyền sở hữu của Pháp đối với vùng đất mà họ đã mất và về mặt pháp lý thì đất này chưa bao giờ thuộc về An Nam”1. Những yêu sách này của Campuchia lại được lặp lại trong giai đoạn 1948-1949, khi Pháp tiến hành đàm phán với Bảo Đại về việc trao trả Nam Kỳ và trong tiến trình của Hội nghị Genève năm 1954 về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Những yêu sách đó được trình bày trong những tài liệu sau: - Thư ngày 20-1-1948 của vua Campuchia Norodom gửi Cao ủy Pháp ở Đông Dương2 và thư ngày 2-4-1949 gửi Chủ tịch Liên hiệp Pháp3. - Các bài phát biểu của Công chúa Yukanthor, đại diện của Campuchia tại Đại hội đồng Liên hiệp Pháp tháng 5-19494. - Biên bản kèm theo Hiệp ước Pháp - Campuchia ngày 8-11-19495. - Giác thư của Campuchia về lãnh thổ của Campuchia ở Nam Việt Nam (Nam Kỳ) - tài liệu của đoàn Campuchia ở Hội nghị Genève 19546. Các yêu sách lãnh thổ của Campuchia thời gian này có thể tóm lược lại như sau: - Nam Kỳ là lãnh thổ Campuchia đã bị Việt Nam thôn tính. - Cho tới khi Pháp xâm lược, phần lớn các tỉnh miền Tây Nam Kỳ vẫn là lãnh thổ Campuchia. Chính Pháp đã chiếm các tỉnh miền Tây để cùng với các tỉnh miền Đông tạo thành thuộc địa Cochinchine. 1. Dẫn theo Jennar R.M.: Các đường biên giới của nước Campuchia hiện đại (Les frontières du Cambodge comptemporain, Paris, 1998), bản dịch của Ban Biên giới Chính phủ, t. 1, tr. 75. 2. Xem Nguyễn Thị Hảo, Luận án tiến sĩ, tr. 87-90. 3. Xem trích đoạn trong Jennar R.M.: Các đường biên giới của nước Campuchia hiện đại (Les frontières du Cambodge comptemporain, Paris, 1998), tập 1, bản dịch đã dẫn, tr. 79. 4. Bài phát biểu của Công chúa Yukanthor, tài liệu do Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao cung cấp. 5. Hiệp ước Pháp – Campuchia, ngày 8-11-1949, tài liệu do Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao cung cấp. 6. Giác thư của Campuchia về lãnh thổ của Campuchia ở Nam Việt Nam (Nam Kỳ), tài liệu do Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao cung cấp. CHƯƠNG I: NAM BỘ TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1945-1954) 77 - Campuchia chỉ nhường vùng này cho riêng Pháp. Khi Pháp rút đi, vùng này phải được trả lại cho Campuchia. Đồng thời, tại Hội nghị Genève năm 1954, phái đoàn Campuchia nêu ra 6 phương thức khác nhau để giải quyết vấn đề biên giới với Việt Nam. Họ yêu sách: “1- Hoặc tất cả hữu ngạn sông Bassac, cộng với một phần của hữu ngạn sông Mêkông tính từ kênh Tân Châu cũng như tỉnh Trà Vinh và Phú Quốc, và quyền được quá cảnh qua Sài Gòn. 2- Hoặc lãnh thổ chạy dài tới tận hữu ngạn sông Mêkông, các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long và Sa Đéc, đảo Phú Quốc, quá cảnh qua Sài Gòn và bảo vệ các dân Khmer thiểu số trong các tỉnh khác. 3- Hoặc một nửa các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, và đảo Phú Quốc, kênh Vĩnh Tế, sử dụng cảng Sài Gòn (dành một vùng cho Campuchia) và bảo vệ các dân Khmer thiểu số. 4- Hoặc các tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên và một phần các tỉnh Rạch Giá, Sa Đéc, Tân An và Tây Ninh, đảo Phú Quốc, bảo vệ các dân Khmer thiểu số, sử dụng cảng Sài Gòn và quốc tế hóa sông Mêkông. 5- Hoặc quốc tế hóa Nam Kỳ, kênh Vĩnh Tế và quy chế miễn thuế đối với cảng Sài Gòn. 6- Đặt Nam Kỳ và đảo Phú Quốc dưới sự quản thác của Liên hợp quốc”1. Những yêu sách này của Campuchia không phải là điều gì mới mẻ. Ngay từ khi Pháp đang dòm ngó, chuẩn bị xâm lược Việt Nam, năm 1856, vua Cao Miên (Chân Lạp) là Ang Duong gửi cho Hoàng đế Pháp Napoléon III một bức thư bày tỏ nguyện vọng được liên minh với Pháp. Thư của Ang Duong thuật lại vắn tắt - theo cách nhìn của ông ta - 1. Blanchard M.: Việt Nam - Campuchia: Một đường biên giới còn tranh cãi (Vietnam - Cambodge: Une frontière contestée, L’Harmattan, Paris, 1999), bản dịch của Ban Biên giới Chính phủ. 78 VÙNG ĐẤT NAM BỘ VI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2010 quá trình mà tựa hồ như Việt Nam đã cưỡng chiếm của Chân Lạp một loạt các vùng đất. Cuối cùng, bức thư viết: “Nếu người An Nam đến để tặng Đức Vua vùng nào trong số các vùng nói trên, tôi mong Đức Vua không nhận vì chúng thuộc Campuchia...”1. Tuy nhiên, người Pháp đã không công nhận “quyền” này của Cao Miên. Minh chứng cho điều này là việc liên quân Pháp - Tây Ban Nha vẫn chỉ có quan hệ với chính quyền Huế, bằng cách lúc thì dùng chiến tranh, khi thì thông qua đàm phán, ký kết để chiếm đoạt cả lục tỉnh Nam Kỳ. Và lần này cũng vậy, các yêu sách của Campuchia không được chấp nhận. Nam Kỳ được trao lại cho chính quyền Quốc gia Việt Nam năm 1949 và các nghị quyết của Hội nghị Genève cũng không ghi nhận những yêu sách của Campuchia. Tóm lại, từ năm 1949, về mặt pháp lý, Pháp đã chính thức công nhận Nam Kỳ là của Việt Nam trong một thỏa ước chính thức được ký giữa Tổng thống Pháp là V. Auriol với người đứng đầu chính quyền Quốc gia Việt Nam là Bảo Đại. Song song với đấu tranh chính trị chống “giải pháp Bảo Đại”, ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các đô thị Nam Bộ dấy lên cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Từ ngày 24-1-1949 đến ngày 26-1-1949, 1.000 công nhân thuộc hai hãng bia BGI, Sosta và 600 công nhân công Xưởng Ba Son bãi công đòi cải thiện đời sống giành thắng lợi. Tháng 2-1949, trên 1.000 nhân viên Sở Bưu điện và Kho bạc, 200 công nhân Hãng bia Lucia, 500 công nhân lái xe khách (Location và autobus) đồng loạt bãi công. Tiếp đến 400 học sinh Trường máy bãi thực đòi cải thiện chế độ ăn uống, 500 công nhân Hãng thuốc lá Bastos, 1.000 công nhân FACI bãi công đòi tăng lương. 1. Jennar R.M.: Các đường biên giới của nước Campuchia hiện đại (Les frontières du Cambodge comptemporain, Paris, 1998), bản dịch của Ban Biên giới Chính phủ, tập 2, tr.345. Bộ Ngoại giao Pháp còn lưu giữ 2 bản dịch ra tiếng Pháp bức thư này. Ngoài bức thư được Jennar dẫn, còn một bản nữa, trong đó có thêm một đoạn nhỏ nói rằng Ang Duong chỉ đòi những vùng đất miền Tây. """