🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vùng Đất Nam Bộ Tập IV: Từ Đầu Thế Kỷ XVII Đến Giữa Thế Kỷ XIX Ebooks Nhóm Zalo Chịu trách nhiệm xuất bản GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PGS. TS. PHẠM MINH TUẤN Chịu trách nhiệm nội dung ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN TS. VÕ VĂN BÉ Biên tập nội dung: Trình bày bìa: Chế bản vi tính: Sửa bản in: Đọc sách mẫu: ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH TRIỆU THỊ LỮ TRẦN PHAN BÍCH LIỄU ThS. PHÙNG MINH TRANG PHẠM NGUYỆT NGA PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT HƯƠNG GIANG VIỆT HÀ Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 2266-2021/CXBIPH/32-23/CTQG. Số quyết định xuất bản: 444-QĐ/NXBCTQG, ngày 29/6/2021. Nộp lưu chiểu: tháng 7 năm 2021. Mã ISBN: 978-604-57-6917-1. BAN BIÊN SOẠN GS. TS. NGUYỄN QUANG NGỌC: Chương VIII, Chương IX ThS. ĐẶNG NGỌC HÀ: Chương I, Chương II ThS. VŨ ĐƯỜNG LUÂN: Chương III TS. ĐINH THỊ THÙY HIÊN: Chương IV ThS. HÀ DUY BIỂN: Chương V ThS. ĐỖ DANH HUẤN: Chương VI ThS. TỐNG VĂN LỢI, PGS. TS. VŨ VĂN QUÂN: Chương VII 5 LỜI NHÀ XUẤT BẢN Vùng đất Nam Bộ với tư cách là một không gian địa lý và địa bàn hành chính thân thuộc, thiêng liêng của người dân đất Việt đã trải qua một quá trình hình thành, phát triển lâu dài, được bồi tụ chủ yếu bởi hai con sông lớn: sông Đồng Nai và sông Mêkông. Nơi đây cũng đã từng tồn tại, phát tích của nền văn hóa Óc Eo và các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp phát triển huy hoàng rồi suy tàn theo năm tháng. Từ thế kỷ XVII, người Việt từ miền Bắc và miền Trung đã vào đây khai phá, dựng làng, lập ấp cùng với người dân bản địa chinh phục vùng đất hoang vu nhưng rất trù phú này. Đến thế kỷ XVIII, từ tầm nhìn chiến lược và công lao to lớn của các chúa Nguyễn, sau này là vương triều Nguyễn, xác lập, sắp đặt các đơn vị hành chính, vùng đất phương Nam giàu có chính thức thuộc chủ quyền của dân tộc Việt Nam, đến nay đã được hơn 300 năm. Vùng đất Nam Bộ với cương vực như hiện nay bao gồm cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ - đồng bằng sông Cửu Long, có 17 tỉnh và hai thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích tự nhiên hơn 64.000 km2, dân số hơn 33 triệu người với nhiều tộc người tụ cư sinh sống, gồm các dân tộc ít người bản địa, các dân tộc thiểu số từ Trường Sơn - Tây Nguyên xuống, từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, một số ít người từ các nước khác đến, nhưng chủ yếu là địa bàn của người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm. Về mặt địa lý, nhìn từ Bắc vào Nam, Đông Nam Bộ giáp cực Nam Trung Bộ từ tỉnh Ninh Thuận, giáp Trường Sơn - Tây Nguyên từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông; có đường biên giới trên đất liền với Campuchia từ Bình Phước tới Hà Tiên; có đường bờ biển trải dài từ Ninh Thuận tới đất mũi Cà Mau (Biển Đông) và từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên (biển Tây - vịnh Thái Lan). Nằm ở ngã ba đường giao thông quốc tế, Nam Bộ có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị cực kỳ quan trọng. 6 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Với tư cách một vùng đất giàu trầm tích văn hóa, đa dạng tộc người, đa tôn giáo, giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược trọng yếu, từ lâu Nam Bộ đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài, nhiều hội thảo khoa học về vùng đất này đã được tổ chức, nhiều công trình khoa học trên các lĩnh vực đã được công bố, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một công trình có tầm vóc, quy mô lớn nghiên cứu toàn diện, liên ngành để có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc, nhiều chiều cạnh về vùng đất phương Nam này. Để đáp ứng yêu cầu đó, chương trình nghiên cứu tổng thể về vùng đất Nam Bộ dưới dạng một đề án khoa học cấp nhà nước do GS. Phan Huy Lê làm chủ nhiệm, gồm 11 đề tài khoa học đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai từ năm 2008. Từ những đề tài khoa học nghiên cứu cơ bản này, Ban Chủ nhiệm đề án đã tổ hợp lại thành báo cáo tổng quan Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ. Sau 4 năm nghiên cứu, toàn bộ đề án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu và đánh giá đây là chương trình khoa học - công nghệ xuất sắc năm 2011. Mặc dù công trình được đánh giá cao, nhưng khi xuất bản thành sách, các tác giả phải tiếp tục bổ sung, sửa chữa, chỉnh lý trong vòng hơn 3 năm - đến giữa năm 2015 mới chuyển giao bản thảo cho Nhà xuất bản. Sau khi tiếp nhận bản thảo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã huy động một đội ngũ đông đảo biên tập viên, họa sĩ, nhân viên kỹ thuật, tổ chức biên tập, đọc duyệt, thiết kế makét, trình bày trong hơn một năm để công trình khoa học lớn này lần đầu tiên đến tay bạn đọc vào cuối năm 2016 đầu năm 2017. Đây là một công trình khoa học nghiên cứu công phu, nghiêm túc, được tiến hành bởi đội ngũ các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó Ban Chủ nhiệm đề án và chủ biên của từng đề tài là các chuyên gia hàng đầu trong từng giai đoạn lịch sử cũng như trong các lĩnh vực nghiên cứu. Tuy vậy, ở một vài chương trong bộ tổng quan hoặc từng đề tài, chất lượng nghiên cứu và hàm lượng khoa học không giống nhau, có chương, có tập chưa được như kỳ vọng hoặc yêu cầu nghiên cứu đặt ra. Tất nhiên mỗi đề tài khoa học là công trình độc lập, nhưng khi đặt trong một chỉnh thể thì có đề tài không tránh được sơ lược, dàn trải; có đề tài có một số nội dung đã được trình bày ở các đề tài khác. Vì vậy, Nhà xuất bản đã thống nhất với chủ biên đề nghị các tác giả bổ sung, nâng cấp hoặc cắt bỏ những trùng lặp để bộ sách tuân thủ nghiêm ngặt sự thống nhất trong chỉnh thể. LỜI NHÀ XUẤT BẢN 7 Bộ sách về vùng đất Nam Bộ gồm bộ tổng quan, rút gọn: Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, 2 tập và một bộ chuyên khảo sâu gồm 10 tập, nghiên cứu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của vùng đất phương Nam, từ điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử, dân cư, dân tộc, tôn giáo, thiết chế quản lý xã hội, quá trình Nam Bộ hội nhập với khu vực và quốc tế. Khi triển khai nghiên cứu, tên đề án và tên từng đề tài khoa học rất cụ thể và thường khá dài, nhưng khi xuất bản, Nhà xuất bản đã trao đổi với chủ biên thống nhất bộ sách có tên chung là Vùng đất Nam Bộ. Riêng bộ tổng quan Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, ngoài Chương mở đầu và Chương kết có 10 chương nội dung, được kết cấu hoàn chỉnh. Nhưng với dung lượng 1.500 trang sách rất khó dung nạp trong một cuốn sách, cho nên chúng tôi chia thành hai tập: tập I gồm Chương mở đầu và sáu chương nội dung, tập II gồm bốn chương nội dung và Chương kết. Riêng Chương kết, các tác giả dành mục cuối cùng để trình bày đề xuất, kiến nghị của Ban Chủ nhiệm đề án với Đảng, Nhà nước và các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chúng tôi tách ra làm phần Phụ lục đặt ở cuối sách. Như vậy kết quả nghiên cứu của đề án được công bố thành các cuốn sách sau đây: - Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, gồm 2 tập, GS. Phan Huy Lê chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập I: Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, TS. Trương Thị Kim Chuyên chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập II: Từ cội nguồn đến thế kỷ VII, GS.TSKH. Vũ Minh Giang - Nguyễn Việt đồng tác giả. - Vùng đất Nam Bộ, tập III: Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, GS.TS. Nguyễn Văn Kim chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập V: Từ năm 1859 đến năm 1945, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn - PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập VI: Từ năm 1945 đến năm 2010, PGS.TS. Trần Đức Cường chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập VII: Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, GS.TS. Ngô Văn Lệ chủ biên. 8 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX - Vùng đất Nam Bộ, tập VIII: Thiết chế quản lý xã hội, PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập IX: Tộc người và quan hệ tộc người, TS. Võ Công Nguyện chủ biên. - Vùng đất Nam Bộ, tập X: Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, PGS.TS. Võ Văn Sen chủ biên. Về mặt xuất bản, bộ sách được biên tập, thiết kế, trình bày thống nhất trong từng tập và trong cả bộ sách, được in ấn đẹp, trang trọng. Xuất bản bộ sách này chúng tôi hy vọng cung cấp cho bạn đọc, các nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên các học viện, nhà trường và các nhà lãnh đạo, quản lý, các địa phương, đơn vị một khối lượng tri thức lớn, khá đầy đủ, toàn diện và chân xác về vùng đất Nam Bộ, phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu và hoạch định chính sách ở khu vực trọng yếu, năng động này của đất nước. Bộ sách cũng cung cấp cơ sở lịch sử - pháp lý vững chắc phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Các tác giả và Nhà xuất bản đã nỗ lực rất cao trong nghiên cứu, biên soạn và biên tập - xuất bản, nhưng với khối lượng công việc đồ sộ, bộ sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, rất mong được bạn đọc góp ý, phê bình. Xin trân trọng giới thiệu bộ sách quý cùng bạn đọc. Tháng 4 năm 2017 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 9 LỜI GIỚI THIỆU Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ là một đề án khoa học xã hội cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, được thực hiện trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2010 và nghiệm thu vào cuối năm 2011. Đề án gồm 11 đề tài: 1- Điều kiện địa lý tự nhiên, môi trường sinh thái tác động đến tiến trình lịch sử và đặc trưng văn hóa vùng đất Nam Bộ do TS. Trương Thị Kim Chuyên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. 2- Nam Bộ từ cội nguồn đến thế kỷ VII do GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 3- Nam Bộ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI do PGS.TS. Nguyễn Văn Kim, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 4- Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX: Quá trình khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 5- Nam Bộ từ khi Pháp xâm lược Việt Nam đến năm 1945 do PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Học viện Chính trị hành chính khu vực I làm Chủ nhiệm. 6- Nam Bộ từ năm 1945 đến năm 2010 do PGS.TS. Trần Đức Cường, Viện Sử học Việt Nam làm Chủ nhiệm. 7- Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của cư dân Nam Bộ do GS.TS. Ngô Văn Lệ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. 10 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX 8- Đặc trưng thiết chế quản lý xã hội ở Nam Bộ do PGS.TS. Vũ Văn Quân, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ nhiệm. 9- Tộc người và quan hệ tộc người ở Nam Bộ - lịch sử và hiện trạng do TS. Võ Công Nguyện, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ làm Chủ nhiệm. 10- Nam Bộ trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam do PGS.TS. Võ Văn Sen, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. 11- Nghiên cứu giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về lịch sử vùng đất Nam Bộ do PGS.TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm. Toàn bộ kết quả nghiên cứu của các đề tài được tổng hợp trong một công trình mang tên Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ do GS. Phan Huy Lê, Chủ nhiệm đề án, làm Chủ biên. Công trình có một số đề tài nghiên cứu về quá trình lịch sử, nhưng không đơn thuần là lịch sử Nam Bộ. Cùng với các lớp cắt lịch đại theo tiến trình lịch sử, còn có những nghiên cứu trên một số lĩnh vực cơ bản về điều kiện tự nhiên, quan hệ tộc người, thiết chế quản lý xã hội, đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, về quá trình xác lập chủ quyền của quốc gia Đại Việt... Trong một số đề tài lịch sử cũng có những yêu cầu làm sáng tỏ một số nội dung quan trọng như đề tài số 2 với yêu cầu nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, đề tài số 4 có yêu cầu nghiên cứu sự xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt từ kết quả nghiên cứu, đề án xác lập một nhận thức mới coi lịch sử vùng đất Nam Bộ không phải bắt đầu khi người Việt vào khai phá từ thế kỷ XVII mà phải ngược về quá khứ xa xưa từ khi con người xuất hiện trên vùng đất phương Nam này. Vùng đất Nam Bộ đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu dưới góc độ của nhiều chuyên ngành từ địa chất, địa lý đến khảo cổ học, dân tộc học, nhân học, xã hội học, kinh tế học, văn hóa học và sử học. Đề án một mặt tổng hợp các kết quả nghiên cứu đó, mặt khác nghiên cứu thêm một số nội dung cần thiết nhằm tạo ra một nhận thức tổng hợp LỜI GIỚI THIỆU 11 về toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của vùng đất phương Nam này. Đó là cơ sở khoa học để hiểu biết và lý giải những nét độc đáo của không gian lịch sử văn hóa vùng đất Nam Bộ với những trầm tích của nhiều thời kỳ lịch sử, những biến đổi trong cấu trúc tộc người, vai trò và cống hiến của các lớp cư dân - tộc người đã từng sinh sống trên vùng đất này, những đặc trưng về văn hóa, phong cách, lối sống của con người Nam Bộ, quá trình hội nhập của vùng đất Nam Bộ vào lãnh thổ của nước Đại Việt từ thế kỷ XVII-XVIII cho đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước đến ngày nay. Tham gia đề án có hơn một trăm nhà khoa học thuộc một số viện của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một số khoa và viện của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Các nhà khoa học tham gia dưới nhiều phương thức như trực tiếp biên soạn, nghiên cứu chuyên đề, điều tra khảo sát điền dã, tham luận trong các hội thảo khoa học. Trong quá trình chuẩn bị xây dựng đề án, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ba hội thảo khoa học tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam (năm 2004), Vùng đất Nam Bộ cho đến cuối thế kỷ XIX (năm 2006), Nam Bộ thời cận đại (năm 2008). Trong quá trình triển khai đề án, Ban chủ nhiệm đề án cùng chủ nhiệm các đề tài còn tổ chức một số hội thảo trao đổi về lịch sử nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và một số nội dung cơ bản của đề án như tiến trình lịch sử xã hội, bản sắc văn hóa xã hội. Các bài tham luận trong những hội thảo này đã được Nhà xuất bản Thế giới biên tập và in thành sáu tập kỷ yếu1. Kết quả nghiên cứu của Đề án được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên tập rất công phu và công bố thành một bộ sách mang 1. Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, 2008; Lịch sử nghiên cứu và phương pháp tiếp cận, 2008; Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX, 2009; Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ cận đại, 2009; Mấy vấn đề tiến trình lịch sử xã hội, 2011; Mấy vấn đề bản sắc văn hóa xã hội, 2011. 12 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX tên chung Vùng đất Nam Bộ gồm 11 tập sách. Riêng tập Tổng quan là Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển dày đến 1.500 trang chia làm hai tập. So với nội dung của các đề tài có yêu cầu thống nhất lại tên từng tập và sắp xếp lại một số nội dung để tránh trùng lặp. Cách phân tập và bố cục này đã được nói rõ trong Lời Nhà xuất bản. Tập thể các tác giả đã rất cố gắng hoàn thành công trình nghiên cứu nhưng trước một đối tượng nghiên cứu rộng lớn, bao quát nhiều nội dung phong phú, trong đó có những vấn đề mới đang nghiên cứu và thảo luận nên khó tránh khỏi sơ suất. Rất mong nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của bạn đọc. Chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đề án, cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã dày công biên tập và xuất bản toàn bộ công trình khoa học này. Hà Nội, mùa Hè năm 2016 GS. Phan Huy Lê 13 MỞ ĐẦU Một công cuộc kiến tạo kỳ vĩ đa phương thức, trong đó chủ yếu bằng cày và bằng cuốc, bằng trí tuệ và mồ hôi, bằng tình cốt nhục, nghĩa đồng bào, tối lửa tắt đèn có nhau; một cuộc “biển dâu” thần kỳ mà âm thầm và lặng lẽ, như tằm ăn dâu, chỉ sau hơn một thế kỷ khi những người lưu dân đầu tiên của Đàng Trong đặt chân đến địa đầu Mô Xoài, Việt Nam đã có cả Nam Bộ, đã căn bản hoàn thành chặng đường dài nghìn năm mở cõi và định cõi. Có thể hình dung công cuộc khai phá đất đai, xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ thế kỷ XVII, XVIII, XIX là một cuộc cách mạng xanh vĩ đại nhất, không chỉ riêng trên rừng rậm và sình lầy Nam Bộ, mà còn trên khắp đất nước trong suốt tiến trình lịch sử. Vấn đề vốn vô cùng lớn lao và hết sức cơ bản, nhưng lại chưa được nhiều nhà nghiên cứu thực sự quan tâm, chưa có nhiều công trình khoa học thấy hết được tầm vóc của trang sử có một không hai này. Trước năm 1975 đã xuất hiện một số công trình khảo cứu về quá trình khai hoang lập làng của người Việt, những vấn đề về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá ở Nam Bộ, nhưng còn hết sức sơ khai. Từ sau năm 1975, đặc biệt là từ đầu những năm đổi mới cho đến nay, công cuộc nghiên cứu Nam Bộ được đẩy mạnh theo cả hai hướng chuyên sâu và tổng hợp. Có thể kể ra một số các công trình như Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh1; Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ2; 1. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (Đồng chủ biên): Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987. 2. Huỳnh Lứa: Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987. 14 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long1; Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh2; Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX3; Nam Bộ Xưa & Nay4; Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ5; Nam Bộ Đất & Người6; Lược sử vùng đất Nam Bộ7; Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam8; Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX9... Ở nước ngoài rải rác cũng xuất hiện các công trình nghiên cứu về từng các lĩnh vực liên quan đến Nam Bộ như Cheng Ching Ho (Trần Kinh Hoà, Hồng Kông, 1958) về họ Mạc ở Hà Tiên10; Tsai Maw Kuey (Pháp, 1968) về cư dân người Hoa11; Li Tana (Australia, 1999) 1. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường: Văn hoá và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990. 2. Nguyễn Đình Đầu: Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994. 3. Trần Thị Thu Lương: Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994. 4. Nam Bộ Xưa & Nay, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Xưa & Nay, 1998. 5. Nguyễn Đình Đầu: Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999. 6. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh: Nam Bộ Đất & Người, 4 tập, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004-2006. 7. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006-2008. 8. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008. 9. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2009. 10. Cheng Ching Ho: “Họ Mạc và chúa Nguyễn tại Hà Tiên”, Văn hóa Á châu, số 7/1958. 11. Tsai Maw Kuey: Người Hoa ở miền Nam Việt Nam (Luận án Tiến sĩ, Paris, 1968). Bản dịch Ban Dân tộc học, Viện Khoa học xã hội Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh. MỞ ĐẦU 15 về kinh tế - xã hội1; Cooke Nola, Li Tana (Australia, 2004) về kinh tế thương mại2; Choi Byung Wook (Hàn Quốc) về chính trị - xã hội Nam Bộ đầu thế kỷ XIX3… Mặc dù đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế quan tâm, nhưng lịch sử vùng đất Nam Bộ nói chung, trong đó có lịch sử quá trình khai phá và xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ vẫn còn quá nhiều khoảng trống. Do đó, một công trình khoa học trình bày khách quan, toàn diện quá trình khai phá đất đai, xác lập và bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ không chỉ là đòi hỏi tự thân của nhu cầu nhận thức về tính toàn bộ của lịch sử Việt Nam, mà còn là cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đề tài Quá trình khai phá và xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ nằm trong Đề án khoa học xã hội cấp Nhà nước Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, có nhiệm vụ thông qua những nghiên cứu vừa tổng thể vừa cụ thể, làm sáng rõ toàn bộ quá trình khai phá và dựng xây của một cộng đồng dân cư hình thành đồng thời với quá trình khai phá và dựng xây đó - cộng đồng dân cư Nam Bộ. Cộng đồng dân cư Nam Bộ là một tổng thể của các nhóm dân cư bản địa và mới nhập cư, vốn ở Đàng Trong hay từ Đàng Ngoài vào, ở trong nước hay từ những nước láng giềng đến, nhưng tất cả đều đặt dưới sự quản lý và tổ chức của các chính quyền chúa Nguyễn, của vương triều Tây Sơn và của nhà Nguyễn. Trong thực tế, không khỏi có những mâu 1. Li Tana: Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII (Luận án Tiến sĩ Đại học Quốc gia Australia, 1992). Bản dịch Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999. 2. Cooke Nola and Li Tana, eds: Water Frontier: Commerce and Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880, Lanham, Md.: Rowman and Littlefield, 2004. 3. Choi Byung Wook: Southern Vietnam under the Reign of Minh Mang (1820-1841), Cornell Southeast Asia Program Publication, 2004. Sách đã được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt: Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011. 16 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX thuẫn, thậm chí là đối lập nhau giữa một bộ phận của nhóm dân cư này với một bộ phận của nhóm dân cư khác, nhưng nhìn một cách tổng thể quá trình hình thành cộng đồng cư dân Nam Bộ là theo hướng thống nhất, đồng thuận và càng ngày càng cố kết bền chặt trong cuộc sống làm ăn và đánh giặc. Quá trình khai phá đất đai, mở mang lãnh thổ, hình thành và xác lập cộng đồng cư dân Nam Bộ cũng chính là quá trình hình thành và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ, hoàn thiện quá trình lãnh thổ Việt Nam, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đây là một quá trình lịch sử tự nhiên hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo thực tiễn pháp lý quốc tế. Đề tài Quá trình khai phá và xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ là một đề tài sử học nên phương pháp tiếp cận chủ yếu vẫn là triệt để khai thác tất cả các nguồn tư liệu lịch sử, tổng hợp, hệ thống, phân tích, đánh giá, mô tả và nhận xét các sự kiện, các quá trình lịch sử một cách khách quan, xác thực theo đúng thông tin được rút ra từ các nguồn tư liệu đã được giám định. Tuy nhiên vấn đề sử học mà đề tài quan tâm là rất rộng lớn, bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá khứ và vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay, cho nên không thể không sử dụng ở mức độ cần thiết các phương pháp nghiên cứu liên ngành (Inter-disciplinary) và khu vực học (Area Studies). Phương pháp tiếp cận liên ngành và khu vực học đòi hỏi một cách nghiêm ngặt phải đặt các hiện tượng, sự kiện và không gian nghiên cứu trong mối quan hệ tổng thể và các tác động đa chiều, đa diện để có thể nhìn nhận và đánh giá các hiện tượng, sự kiện và không gian nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và thực sự khách quan. Phương pháp tiếp cận liên ngành và phương pháp tiếp cận khu vực học còn đòi hỏi phải đặt toàn bộ khu vực Nam Bộ trong mối liên quan tương tác với các nước, các vùng lãnh thổ, các không gian xã hội - văn hóa khác trong khu vực và trên thế giới để so sánh, đối chiếu, nhìn nhận, đánh giá thực chất của các mối quan hệ và các ảnh hưởng (thuận chiều, ngược chiều) của nó, làm cơ sở rút ra những nét đặc trưng của khu vực trong giai đoạn nghiên cứu. MỞ ĐẦU 17 Phương pháp tiếp cận sử học liên ngành đòi hỏi phải triệt để khai thác tất cả các nguồn tư liệu như thư tịch cổ, bản đồ cổ; các di tích, di vật, các truyền thuyết dân gian có liên quan; các tư liệu trong nước và các nguồn tư liệu trên thế giới. Trong quá trình khai thác tư liệu, đề tài không thể không tiến hành khai thác thông tin trên mạng internet, xây dựng hệ thống dữ liệu database và sử dụng các thuật toán thống kê để hệ thống, phân tích và đánh giá các nguồn tư liệu một cách chuẩn xác. Cuối cùng đề tài có nhiệm vụ trình bày rõ quá trình hình thành, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên toàn bộ vùng đất Nam Bộ, nên trong quá trình nghiên cứu cần phải quan tâm đầy đủ đến những nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế và vận dụng lý giải các trường hợp cụ thể, trong những điều kiện và hoàn cảnh hết sức đặc biệt của vùng đất Nam Bộ. Vì là một đề tài lịch sử - pháp lý liên quan đến chủ quyền quốc gia lãnh thổ, nên các tư liệu, chứng cứ lịch sử cần phải được phân tích và đánh giá một cách thực sự, rõ ràng và minh bạch, trong phạm vi không gian và thời gian cụ thể, chuẩn xác. Vì thế, phương pháp điều tra khảo sát thực địa rất cần thiết phải được triển khai trên một số địa bàn quan trọng, trong đó đặc biệt là những khu vực và những điểm đã từng xảy ra tranh chấp về chủ quyền, thì mới có thể đáp ứng được những yêu cầu rất cao nêu ra ở trên. Cuối cùng là công việc tổng hợp, hệ thống, phân tích và nhận xét các sự kiện, các thời đoạn và cả quá trình lịch sử một cách khách quan, theo đúng thông tin được rút ra từ các nguồn tư liệu xác thực, dựng lại bức tranh lịch sử chủ quyền Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ như nó đã từng diễn ra trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX và đặt trong mối liên quan hệ quả của các giai đoạn lịch sử trước đó, sau đó, thậm chí cả những ảnh hưởng của nó cho đến tận ngày nay. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu đặt ra ở trên, đề tài tập trung vào mấy nội dung chủ yếu sau: - Vai trò của các chính quyền Việt Nam (chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn) trong quá trình khai phá đất đai, xây dựng xóm làng, 18 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX mở mang lãnh thổ từ đầu thế kỷ XVII cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, khi triều đình nhà Nguyễn vẫn còn giữ được vai trò là vương triều phong kiến độc lập. - Vai trò của các cộng đồng dân cư trong quá trình khai phá, mở mang và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ: quá trình khai phá đất đai và xây dựng làng mạc của người Việt, vai trò của các nhóm người Hoa nhập cư, vai trò của cư dân Khmer Nam Bộ và vai trò của các nhóm cư dân bản địa, quan hệ hoà đồng giữa các cộng đồng dân cư trên vùng đất Nam Bộ. - Xác định rõ cơ sở pháp lý về chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ (thực tế lịch sử đối chiếu với thông lệ quốc tế; các hiệp ước, hiệp định quốc tế về Việt Nam liên quan đến vùng đất Nam Bộ). Cuốn sách Vùng đất Nam Bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX là sản phẩm của đề tài, bao gồm 9 chương nội dung được trình bày trong 3 phần: Phần thứ nhất: Khai phá đất đai, xác lập và bảo vệ chủ quyền Đàng Trong từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII được tổ hợp thành 4 chương. Chương I nói về vùng đất Nam Bộ trước thế kỷ XVII và quá trình khai mở Mô Xoài - Đồng Nai; Chương II trình bày quá trình Gia Định từng bước trở thành trung tâm quy tụ và tỏa rộng của toàn vùng Nam Bộ từ thời kỳ các chúa Nguyễn; Chương III giới thiệu Hà Tiên như là yếu địa miền cực nam đất nước, cơ sở bảo đảm cho thành công của chúa Nguyễn ở miền Tây Nam Bộ và Chương IV nói về những hoạt động đẩy mạnh khai hoang lập làng, củng cố nền hành chính, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Nam Bộ trong điều kiện liên tiếp có chiến tranh ở những thập kỷ cuối thế kỷ XVIII. Phần thứ hai: Mở rộng các hình thức khai hoang xây dựng nền hành chính Việt Nam thống nhất từ đầu thế kỷ XIX cho đến năm 1862. Phần này gồm 3 chương (từ Chương V đến Chương VII), trình bày tập trung vào 60 năm đầu của thời kỳ nhà Nguyễn. Chương V tập trung nói về sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường các nguồn lực bảo vệ biên giới Tây Nam; Chương VI dành để nói về các phương thức tổ chức khai MỞ ĐẦU 19 hoang, chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp Nam Bộ thế kỷ XIX và Chương VII khảo tả quá trình tái cơ cấu bộ máy hành chính Nam Bộ trong một nền hành chính Việt Nam thống nhất thế kỷ XIX. Phần thứ ba: Thành tựu và hệ quả của công cuộc khai phá đất đai, xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ thế kỷ XVII-XIX, tập trung trình bày cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên đất Nam Bộ thế kỷ XVII-XIX coi đó như là thành tựu và hệ quả trực tiếp của công cuộc khai phá đất đai và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất này (Chương VIII) và mở rộng so sánh, thảo luận, đánh giá về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ (Chương IX). Chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ xét trên toàn bộ quá trình lịch sử, những cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý là một quá trình lịch sử tự nhiên phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế đã được các nước liên quan và các tổ chức quốc tế thừa nhận thông qua các hiệp ước, hiệp định có tính pháp lý cao. Trong suốt ba thế kỷ (XVII, XVIII, XIX), người Việt cùng với các tộc người anh em đã chung sức khai phá và dựng xây, phát triển và bảo vệ, biến Nam Bộ từ hoang hóa thành một vùng đất trù phú bậc nhất cả nước với những giá trị đặc trưng của Nam Bộ Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Mỗi tấc đất Nam Bộ đều thấm đẫm mồ hôi và máu của lớp lớp các thế hệ người đi mở cõi. Mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng đề tài và cuốn sách vẫn chưa thoát ra khỏi những khám phá ban đầu, chưa có nhiều điều kiện để đi sâu nghiên cứu những vùng đất, những địa phương, những sự kiện, những trường hợp cụ thể và những con người làm nên lịch sử. Nhiều khái quát vẫn chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu thư tịch cổ, còn hết sức giản đơn, chưa phản ánh được đầy đủ cuộc sống khai phá đất đai, hình thành, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền diễn ra muôn hình, muôn vẻ, phong phú và độc đáo ở mỗi làng quê, mỗi thôn ấp, theo các nhóm tộc người... Hy vọng tiếp nối đề tài và cuốn sách này, sẽ sớm có thêm nhiều đề tài và các cuốn sách nghiên cứu và trình bày đầy đủ và toàn 20 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX diện hơn theo từng không gian xã hội - văn hóa cụ thể, tiêu biểu để có thể nâng tầm những khái quát, những kết luận làm cơ sở khoa học cho những chương trình phát triển bền vững mỗi không gian xã hội - văn hóa đó và toàn vùng Nam Bộ trong chiến lược phát triển chung của đất nước thời đại mở cửa và hội nhập quốc tế. Cuốn sách Vùng đất Nam Bộ, tập IV: Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX hoàn thành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. Phan Huy Lê, Chủ nhiệm đề án Khoa học xã hội cấp Nhà nước Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ; được sự quan tâm tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ quan chủ trì đề tài và đặc biệt được sự tham gia đầy trách nhiệm và tâm huyết của các chuyên gia thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sử học Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Tuyên giáo và Hội Sử học Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương ở Nam Bộ. Chúng tôi xin được trân trọng ghi nhận và chân thành cám ơn. Hà Nội, tháng 6 năm 2016 GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc PHẦN THỨ NHẤT KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN ĐÀNG TRONG TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN CUỐI THẾ KỶ XVIII 23 Chương I VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRƯỚC THẾ KỶ XVII VÀ QUÁ TRÌNH KHAI MỞ MÔ XOÀI - ĐỒNG NAI I- VÙNG ĐẤT NAM BỘ TRƯỚC THẾ KỶ XVII 1. Vùng đất Nam Bộ trước thế kỷ VII Nam Bộ là vùng đất tương đối bằng phẳng, được phù sa của sông Đồng Nai, sông Cửu Long bồi đắp tạo nên một vùng đất đai phì nhiêu. Cách đây từ 18.000 đến 11.000 năm do ảnh hưởng của cuộc biển tiến đã hình thành nên các địa thềm của vùng Nam Bộ. Thời kỳ Holocen đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành địa hình hiện tại, trong đó biển Holocen sớm giữa của đồng bằng Nam Bộ là loại biển nông, đáy biển không sâu quá 40-50m. Đến thời kỳ Holocen muộn đã tạo nên các mỏ than bùn ở Nam Bộ như các khu vực U Minh, Đồng Tháp Mười, đông bắc Kiên Lương, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông1. Miền Đông Nam Bộ là khu vực lớn của miền đồng bằng cổ có ảnh hưởng của núi lửa phun trào. Đây là khu vực đất cao, rộng hơn so với 1. Xem Nguyễn Địch Dỹ, Đinh Văn Thuận: “Lịch sử phát triển cổ địa lý trong kỷ Đệ tứ ở đồng bằng Nam Bộ”, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.16-17. 24 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX miền đồng bằng sông Cửu Long: “Quá trình phong hóa theo những vết nứt trong đá khá mạnh, làm chúng đổ vỡ ra thành những khối tảng khổng lồ nằm lổn nhổn từ chân núi lên đến đỉnh núi”1. Khoảng 4.000 đến 5.000 năm trước đây, một số khu vực ở Nam Bộ còn ngập trong nước biển, đến tận thế kỷ V Tr. CN vùng này mới nổi toàn bộ lên trên mặt nước như chúng ta thấy ngày nay. Đồng bằng Nam Bộ có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và thiên nhiên hoang dã, đất đai thuận lợi cho trồng trọt. Tuy nhiên, ở khu vực duyên hải, thủy triều đưa nước biển lên cao xâm nhập vào vùng đất trồng trọt, làm các sông rạch trở nên mặn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Khu vực châu thổ sông Cửu Long có địa hình thấp, ngoài khu vực cồn cát ven biển cao trên 5m, hay các giồng đất ven sông cũng có độ cao lớn hơn, còn độ cao trung bình của toàn vùng từ 1 đến 2m. Thiên nhiên vùng Nam Bộ hết sức đa dạng. Đồng bằng phù sa của con sông Cửu Long đã đem đến cho con người một vùng đất giàu tài nguyên để khai thác. Nếu phân chia theo các miền địa lý tự nhiên, Nam Bộ có 2 miền chính, Đông Nam Bộ gồm miền cao nguyên đất đỏ, miền thành tạo phù sa cổ và mới; đồng bằng châu thổ sông Cửu Long gồm các miền thượng châu thổ sông Cửu Long, vùng các cửa sông, vùng đất mới Tây Nam Bộ và vùng cực Tây Nam Bộ. Sông Cửu Long đã làm nên một cảnh tượng thiên nhiên đa dạng và đặc sắc với vô vàn nguồn lợi để con người khai thác. Cách ngày nay 4.000 năm ở đây đã có con người sinh sống. Từ 3.000 - 2.500 năm, cư dân vùng này đã biết sử dụng các công cụ đồng thau, sắt bên cạnh công cụ đá vẫn phổ biến2. Dựa trên nhiều điều kiện thuận lợi, văn hóa Óc Eo đã nảy sinh, phát triển rực rỡ ở vùng Nam Bộ. “Văn hóa Óc Eo thực chất là nền văn hóa sơ sử và sơ kỳ lịch sử của vương quốc cổ Phù Nam hay văn hóa Phù Nam.... trải rộng hầu khắp châu thổ sông Cửu Long với nền tảng 1. Lê Bá Thảo: Thiên nhiên Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1977, tr.226. 2. Xem Huỳnh Lứa (Chủ biên): Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Sđd, tr.33-35. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 25 là miền Tây sông Hậu”1. Nền văn hóa này phân bố với độ trù mật cao trên địa bàn nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và nhiều địa điểm khác2. Phân bố di tích của văn hóa Óc Eo từ vùng đồng bằng thấp đến triền phù sa cổ, trên các giồng cát ven biển đến khu vực cao nguyên Cát Tiên. Các loại hình di tích của văn hóa Óc Eo rất đa dạng từ di tích cư trú đến các di tích kiến trúc, di tích mộ táng. Có 6 di chỉ, cụm di chỉ tiêu biểu của văn hóa Óc Eo như di chỉ Óc Eo - Ba Thê, di chỉ Nền Chùa, di tích Đá Nổi, di chỉ Cạnh Đền, khu di tích Gò Tháp, di tích Bình Tả3. Tại di tích cư trú Óc Eo người ta đã tìm thấy cọc gỗ nhà sàn, gốm, phế thải bếp, di cốt động vật, di tồn thực vật, công cụ sản xuất, đồ trang sức. Ở nhiều di chỉ khác đã tìm thấy xương của người cổ4. Sự phát triển của xã hội Óc Eo có thể chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ thế kỷ II Tr. CN đến thế kỷ III, IV, cư dân thời kỳ này sống trên các khu vực đất cao trên mực nước lũ; từ thế kỷ I đến thế kỷ III, dân số càng phát triển, phạm vi cư trú mở rộng từ chân núi Ba Thê ra vùng xung quanh của toàn bộ cánh đồng Óc Eo; nước Phù Nam cổ đại ra đời vào thời gian này. Giai đoạn thứ hai từ thế kỷ III, IV đến thế kỷ VI, “đây là giai đoạn phát triển toàn diện của cảng thị Óc Eo”5. Giai đoạn ba từ thế kỷ VI, VII đến thế kỷ IX, X và muộn hơn. 1. Lương Ninh: “Văn hóa cổ Phù Nam - Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long”, bài in trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995-2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.114-115. 2. Xem Vũ Minh Giang (Chủ biên): Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.15. 3. Xem Đào Linh Côn: “Một số di chỉ tiêu biểu của văn hóa Óc Eo trên đất Nam Bộ”, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Sđd, tr.152-163. 4. Xem Võ Sĩ Khải: “Văn hóa Óc Eo sáu mươi năm nhìn lại”, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Sđd, tr.37. 5. Võ Sĩ Khải: Văn hóa Óc Eo sáu mươi năm nhìn lại, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Sđd, tr.43. 26 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Qua những xương cốt, hộp sọ của con người tìm thấy ở vùng Nam Bộ có thể xác định chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo: “Chúng ta cũng thấy được nét nổi bật của cư dân cổ ở Nam Bộ là những người Mongoloid gần gũi với người Việt, nhóm loại hình Đông Nam Á của người Đông Sơn. Hầu như thiếu vắng yếu tố Vedoid cổ, tổ tiên của những người nhóm P`nông sau này chuyển biến dần thành người Khmer”1. Từ nền văn hóa Óc Eo đã hình thành nên quốc gia Phù Nam cổ đại. Nam Bộ chính là địa bàn ra đời của nhà nước Phù Nam, vương quốc Phù Nam lan tỏa ra hạ lưu của sông Mêkông và đặt kinh đô ở vùng Angkor Borei2. Thời kỳ này, nước Phù Nam có nền kinh tế phát triển: “Nước Phù Nam có một đời sống kinh tế hoạt động, ngoài canh nông, họ còn buôn bán với ngoại quốc, thuyền buôn các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mã Lai và La Mã nữa đã tới lui Óc Eo, cửa biển chánh của nước ấy”3. Óc Eo là thương cảng lớn nhất, quan trọng nhất của Phù Nam: “Cảng Óc Eo luôn luôn giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng và là trung tâm mậu dịch quốc tế lớn nhất của Phù Nam”4. Qua tài liệu Trung Hoa, bi ký còn lại có thể xác định phổ hệ của 14 đời vua (thủ lĩnh) Phù Nam gồm: Liễu Diệp (Soma = Mặt trăng), Hỗn Điền (Kaundinya), Hỗn Bàn Huống, Hỗn Bàn Bàn, Phạm Man, Phạm Kim Sinh, Phạm Chiên, Phạm Trường, Phạm Tầm, Thiên Trúc Chiên Đàn (Chandan/Chandran), Kiều Trấn Như (Kaundinya II), 1. Nguyễn Lân Cường: “Di cốt người cổ ở Nam Bộ”, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Sđd, tr.190. 2. Xem Phan Huy Lê: “Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cổ thử nhận diện nước Phù Nam”, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Sđd, tr.239. 3. Phan Khoang: Việt sử xứ Đàng Trong (1558 - 1777) - (cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1967, tr.394. 4. Phan Huy Lê: “Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cổ thử nhận diện nước Phù Nam”, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Sđd, tr.239. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 27 Trì Lê Đà Bạt Ma (Sri Indravarman), Đồ Tà Bạt Ma (Jayavarman) và Lưu Đà Bạt Ma (Rudravarman)1. Từ khu vực Nam Bộ, nước Phù Nam phát triển mạnh và thâu tóm nhiều lãnh thổ trong khu vực để hình thành đế chế Phù Nam, lãnh thổ này mở rộng từ miền Nam Bộ Việt Nam, hạ lưu sông Mêkông sang đồng bằng hạ lưu Campuchia, sang đồng bằng Mê Nam và bán đảo Mã Lai2 và Nam Bộ vẫn là trung tâm của đế quốc Phù Nam. Như vậy cần có sự phân biệt giữa hai khái niệm là vương quốc Phù Nam và đế chế Phù Nam, trung tâm quốc gia của cả hai nhà nước này đều nằm ở vùng Nam Bộ Việt Nam, nhưng về cương vực cần có sự phân biệt vì đế chế Phù Nam có sự mở rộng đất đai lớn hơn nhiều so với địa bàn ban đầu của vương quốc. Tuy nhiên, đến thế kỷ VII, đế quốc Phù Nam trở nên suy yếu, và một thuộc quốc trước kia là Chân Lạp đã chiếm trung tâm Phù Nam ở Nam Bộ. Quá trình xâm lược Phù Nam của Chân Lạp diễn ra từ năm 550 và hoàn thành năm 627. Như vậy, đến thế kỷ VII do sự suy yếu của Phù Nam mà Chân Lạp mới cai quản vùng đất Nam Bộ, đây không phải là vùng đất truyền thống của người Khmer. 2. Vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI Sau khi bị thôn tính, lãnh thổ của Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ bị sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp. Vùng Nam Bộ Việt Nam lúc này phân hóa thành nhiều tiểu quốc nhỏ. Có lẽ, các thuộc quốc trước kia nằm trong Phù Nam đã tự đứng dậy chống lại sự áp bức của Chân Lạp, và chính quyền Chân Lạp cũng lỏng lẻo không đủ sức thiết lập quyền lực của mình ở Nam Bộ. Khi Chân Lạp tấn công và chiếm Phù Nam đã sử dụng: “một chính sách 1. Xem Phan Huy Lê: “Qua di tích văn hóa Óc Eo và thư tịch cổ thử nhận diện nước Phù Nam”, bài in trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Sđd, tr.231-235. 2. Xem Lương Ninh: Vương quốc Phù Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009, tr.68-71. 28 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX hòa hợp khôn ngoan”1. Sau khi bị Chân Lạp chinh phục, theo sử sách Trung Quốc, vẫn có một đoàn sứ bộ Phù Nam sang triều cống nhà nước phong kiến Trung Quốc. Tác giả Briggs cho rằng việc này “do triều đình bị phế truất cử đi để phản đối việc thôn tính”2 của Chân Lạp và điều đó cho thấy Chân Lạp rất khó khăn trong việc chiếm đóng Phù Nam và làm chủ mảnh đất truyền thống của Phù Nam là Nam Bộ Việt Nam hiện nay. Lúc này ở Nam Bộ vẫn tồn tại một tiểu quốc tên là Aninditapura do một người dòng dõi vua Phù Nam là Baladitya trị vì3. Kết quả của tình trạng này là sự phân hóa Chân Lạp thành hai miền lãnh thổ gồm Lục Chân Lạp4 và Thủy Chân Lạp5. Đường thư cho biết sau năm 706 một chút thì Chân Lạp bị chia làm hai: “Nửa phía bắc bao gồm miền núi và thung lũng, gọi là Lục Chân Lạp. Nửa phía nam giáp biển và có nhiều hồ, gọi là Thủy Chân Lạp”6. Vị vua mới lên ngôi ở Thủy Chân Lạp là Nripatindravarman, vùng đất của ông ta tương đương với Nam Bộ Việt Nam hiện nay; thủ đô có lẽ đóng tại vùng Angkor Borei7. Sự kiện này cho thấy Chân Lạp không có quyền lực tuyệt đối tại các vùng đất mới có được do xâm chiếm. Thái Bình hoàn vũ ký cho biết: “Thủy Chân Lạp: phía đông tới châu Mãng Đà Lãng, phía tây tới nước Đọa La Bát Đế, phía nam tới biển con, phía bắc tới Lục Chân Lạp. Vua nước ấy ở tòa thành gọi là Bà La Đề Bạt. Ở biên giới phía đông nước ấy có một thành nhỏ cũng gọi là một nước. Nước ấy rất nhiều voi. Ngoài ra, về ngôn ngữ và vật sản 1, 2. Lawrence Palmer Briggs: Đế chế Khmer cổ đại, tr. 42. Dẫn theo: D.G.E. Hall: Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.167, 168. 3. Xem G.Coedès: Les peuples de la péninsule Indochinoise, Paris, 1962, p.11 (Dẫn theo: Vũ Minh Giang (Chủ biên): Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, Sđd, tr.24). 4. Còn gọi là Thượng Chân Lạp. 5. Còn gọi là Hạ Chân Lạp. 6. G.Coedès: Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.163. 7. Xem D.G.E. Hall: Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr.173. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 29 của nước này cũng giống như Lục Chân Lạp. Đến năm Nguyên Hòa thứ 8 (813), họ có sai sứ là Lý Ma Na tới triều cống”1. Chính quyền Chân Lạp rất yếu kém trong việc bảo vệ lãnh thổ của mình, năm 774 và 787, quân Java đánh phá Chămpa và chiếm Thủy Chân Lạp. Để chiếm Thủy Chân Lạp, đầu tiên quân Java tiến đánh Côn Đảo vì đây là tiền đồn để xây dựng căn cứ và tấn công vào Nam Bộ, sau đó theo dòng sông Cửu Long tiến đánh thủ đô của Thủy Chân Lạp là Cambhupura2. Gần nửa thế kỷ miền Nam Bộ Việt Nam nằm dưới sự quản lý của người Java do sự yếu kém của Chân Lạp trong việc quản lý lãnh thổ. Đến đầu thế kỷ IX, quốc vương Chân Lạp mới phản công lấy lại Thủy Chân Lạp từ Java, tuy nhiên vua Chân Lạp là Jayavarman II cũng không kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ ở miền Thủy Chân Lạp. Đến đời vua Indravarman (877-889) mới thống nhất được Thủy Chân Lạp và sự thống nhất hai vùng Lục Chân Lạp - Thủy Chân Lạp này được củng cố hơn vào triều đại vua Rajendravarman (944-968). Đến thời kỳ Angkor, Chân Lạp phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa với nhiều dấu tích vật chất như đền đài, tượng thần. Tuy nhiên, sự phát triển của thời đại Angkor chỉ diễn ra mạnh mẽ ở địa bàn truyền thống của người Chân Lạp là vùng trung tâm quanh Biển Hồ, còn trên đất Nam Bộ trước thế kỷ XVI, những di tích khảo cổ học mang dấu ấn Chân Lạp không nhiều và ảnh hưởng văn minh Angkor ở vùng này cũng không đậm nét3. Điều đó phản ánh thực tế phát triển của Chân Lạp và vùng Nam Bộ Việt Nam không phải là trung tâm của văn minh Angkor, lúc này sự phát triển ở Nam Bộ chủ yếu là kinh tế nông nghiệp và thương mại. 1. Thái Bình hoàn vũ ký, quyển 177. 2. Sự kiện này được miêu tả lại vào năm 916 dưới ngòi bút của một nhà văn Ảrập, ông ghi lại theo lời kể của bạn mình là một thương nhân sống ở Thủy Chân Lạp năm 851. 3. Xem Võ Sĩ Khải: “Đất Gia Định 10 thế kỷ đầu Công nguyên”, bài in trong Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Đồng chủ biên): Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.183. 30 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Theo bia đá dựng ở đền Prah Khan cho biết Quốc vương Jayavarman VII ở thế kỷ XIII đã cho dựng 121 trạm nghỉ chân kéo dài từ miền Đông giáp Xiêm* đến Chămpa, trong đó có 57 trạm từ Thủ đô Angkor đến thủ đô của Chămpa ở khoảng vùng đất Phan Rang hoặc Bình Định1, như vậy trên lãnh thổ Nam Bộ Việt Nam cũng sẽ có một số các trạm nghỉ chân kéo dài tới miền Bình Định ngày nay. Thế kỷ XIII, Châu Đạt Quan cho biết ở Chân Lạp có hơn chín chục tỉnh, trong đó ông chỉ liệt kê 10 tỉnh, và có Chân Bồ, Ba Giản thuộc vùng Nam Bộ Việt Nam. Ông đã miêu tả thực tế những điều nhìn thấy ở vùng đất Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIII: “Bắt đầu vào Chân Bồ hầu hết cả vùng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chạy dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tựu họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm lý. Tại mắt loài tre này có gai mọc và măng thì có vị rất đắng”2. Cảnh tượng được miêu tả cho thấy tình trạng tiêu điều, hoang sơ, vắng lặng, không có dấu chân người ở Nam Bộ. Những cánh đồng bỏ hoang mà Châu Đạt Quan nhìn thấy không phải là loại lúa do con người trồng cấy mà là loại lúa cỏ, đây là loại lúa dại mọc tự nhiên. Những con đường đầy tre hoang vắng, tít tắp không phải là đường đi lại do con người xây dựng, có lẽ đó chỉ là những chỗ được quang sạch do trâu rừng đi lại nhiều. Chính quyền Chân Lạp một mặt không chú * Xiêm: Thái Lan (B.T). 1. Xem Lê Hương: Sử Cao Miên, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr.104. Từ năm 1202 đến năm 1220, Chân Lạp chiếm Chămpa và biến Chămpa trở thành một khu vực của Chân Lạp. 2. Châu Đạt Quan: Chân Lạp phong thổ ký, Nxb. Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.73. Chân Bồ có thể là khu vực từ Vũng Tàu đến cửa Cần Giờ hiện nay. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 31 trọng phát triển vùng đất Nam Bộ, mặt khác họ cũng không đủ năng lực để khai thác vùng đất rộng lớn này, Nam Bộ không phải là địa bàn truyền thống của họ, người Khmer Chân Lạp chỉ chú trọng khai phá vùng trung tâm của vương quốc là khu vực Biển Hồ. Phải khẳng định rằng: “Đường thủy từ biển Đông dẫn Châu Đạt Quan đến kinh đô Angkor còn chưa là một thương lộ của Chân Lạp thời thịnh đạt”1. Trong cuộc hành trình qua Nam Bộ, Châu Đạt Quan đã không dừng lại ở một binh trạm hay thành lũy nào, cũng không thấy có sứ giả Chân Lạp ra đây đón đoàn khách nhà Nguyên. “Sự kiện ấy chứng tỏ rằng nhà nước Chân Lạp, dù ở thời kỳ cực thịnh, cũng chưa với tay tới nắm chặt lấy miền đất rừng rậm, sình lầy này”2. Trong phần Tổng tự của cuốn sách, Châu Đạt Quan mô tả chuyến hành trình của ông từ cửa biển Tiền Giang lên phía bắc mất 15 ngày thì đến vùng đất là Tra Nam (Tch`a-Nan, bây giờ là tỉnh Kompong Chhnang), trong cả đoạn đường này, ông không mô tả việc trú chân ở một trạm lính hay thành lũy nào cả. Sau đó từ Tra Nam đi đến Angkor, ông miêu tả bốn địa danh. Hiện nay từ cửa biển sông Tiền đến Kompong Chhnang theo đường chim bay khoảng cách là 340 km, nếu đi theo đường sông Mêkông thì xa hơn nữa, Kompong Chhnang cách biên giới Việt Nam hiện nay theo đường chim bay khoảng 150 km, từ Kompong Chhnang đến kinh đô Angkor khoảng 180 km. Như vậy, một quãng đường gấp đôi từ cửa sông Tiền đến Kompong Chhnang so với từ Kompong Chhnang đến Angkor lại không có một địa danh nào được miêu tả. Điều cần phải nói thêm nữa là trong thực tế từ cửa Tiền Giang đến Kompong Chhnang, Châu Đạt Quan đi hết 15 ngày, còn quãng đường chỉ 140 km vượt Biển Hồ (Tonlé Sap) đến kinh đô Angkor cũng mất hơn 10 ngày, bởi vì vùng ven Tonlé Sap là một vùng trung tâm phát triển kinh tế, 1. Đặng Thu (Chủ biên): “Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Hà Nội, phụ san, 1994, tr.93. 2. Đặng Thu (Chủ biên): “Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, Tlđd, tr.94. Xem thêm Châu Đạt Quan: Chân Lạp phong thổ ký, Sđd, tr.21-25. 32 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX văn hóa, xã hội của Chân Lạp, và Châu Đạt Quan mất nhiều thời gian để ghé thuyền vào các bến cảng, khu đô thị, thành quách để quan sát cũng như gặp gỡ chính quyền Chân Lạp ở những nơi này. Tất cả những điều vừa kể trên đều góp phần xác nhận một điều là nhà nước Chân Lạp chưa bao giờ khẳng định được một cách đầy đủ quyền lực của mình ở vùng Thủy Chân Lạp, mặc dù trên danh nghĩa họ là người quản lý, vùng đất này vì thế mà trở thành hoang sơ, hầu như chưa có người khai thác. Thậm chí địa danh Sài Gòn (Prey Nokor) cũng chỉ được lịch sử Khmer nhắc trước lịch sử Việt Nam nửa thế kỷ1. Như vậy từ thế kỷ XVI về trước đến cả vùng Sài Gòn vẫn còn là vùng đất hoang vu, chưa được định danh và các vùng khác của Gia Định thậm chí còn hoang vu hơn. Điều đó chứng tỏ Nam Bộ là mảnh đất hầu như hoang phế hàng thế kỷ liên tục, không hề được Chân Lạp quan tâm khai thác. Trước thế kỷ XVII, nhiều tộc người thiểu số đã cư trú ở Nam Bộ, như Xtiêng, Mạ, Cơho, M’nông, trong đó nhiều nhất là người Mạ và Xtiêng. Người Mạ còn gọi là nhóm người Sơ Ma, họ có một tiểu quốc riêng: “xưa họ đã là một nước nhỏ chiếm ở miền rừng núi ở giữa Bình Thuận là đất Chămpa và Biên Hòa là đất Chân Lạp”2. Quan điểm này cũng được sự ủng hộ của Giáo sư Trần Quốc Vượng3. Các tộc người này đã sinh sống từ lâu đời trên đất Đồng Nai, nhưng đến thế kỷ XVI thì dân số các tộc người này vẫn thưa thớt và trình độ sản xuất thấp kém4. Có thể khẳng định từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, Nam Bộ là vùng đất không những không phát triển, mà tàn lụi nhiều. Các tiềm năng của 1. Xem Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (Đồng chủ biên): Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 144. 2. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 215. 3. Xem Trần Quốc Vượng: Việt Nam: Cái nhìn địa - văn hóa, Nxb. Văn hóa dân tộc, tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, 1998, tr. 478. 4. Xem Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 1998, tr.66. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 33 Nam Bộ không được Chân Lạp khai thác, khiến cho cảnh hoang vắng phổ biến khắp mọi nơi. II- QUÁ TRÌNH KHAI MỞ ĐẤT ĐAI Ở XỨ MÔ XOÀI 1. Chúa Nguyễn mở rộng đất đai về phía nam xứ Quảng Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa, sau đó, năm 1570, ông lại được trao trấn thủ Quảng Nam. Từ đây, Nguyễn Hoàng đã xây dựng vùng Thuận Quảng trở thành giang sơn riêng của tập đoàn phong kiến họ Nguyễn. Từ năm 1600 đánh dấu một chính quyền Đàng Trong thực sự đã ra đời và lấy vùng Thuận Quảng làm lãnh thổ1. Đến người kế nghiệp của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên thì một chính quyền Đàng Trong thực sự ra đời với một bộ máy tổ chức mới vào năm 1614. Vì sự quan trọng của Quảng Nam mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho con trai thứ ba của mình trấn thủ vùng này2. Năm 1611, quân chúa Nguyễn đánh thắng quân Chămpa ở phía Nam, vùng đất mới lấy được đặt là dinh Phú Yên3. Đến năm 1629 lập dinh Trấn Biên sau khi đã dẹp loạn ở dinh Phú Yên. 1. Thực tế, mốc để đánh dấu sự cát cứ Đàng Trong - Đàng Ngoài còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến lấy năm 1572 một thế cuộc cát cứ Đàng Trong - Đàng Ngoài đã xác lập. Xem Khoa Lịch sử: Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001 - 2006), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.439. Một số người khác như Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777) lại lấy mốc từ năm 1558; một số khác lại lấy mốc năm 1570 như các tác giả viết cuốn Lịch sử Việt Nam, t.1; một số nhà nghiên cứu khác lại lấy năm 1600 vì sau khi Nguyễn Hoàng ra giúp vua Lê thì trở lại Thuận Hóa và “Chúa đến Thuận Hóa, cho dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử (bấy giờ gọi là Dinh Cát). Vua Lê sai Thiêm đô ngự sử là Lê Nghĩa Trạch đem sắc đến phủ dụ, vẫn sai ở lại làm trấn thủ, hằng năm nộp thuế má. Trịnh Tùng cũng gửi kèm thư, khuyên giữ việc thuế cống” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, t.1, tr.35). 2. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.47. 3. Đến năm 1629, vị tướng lưu thủ dinh Phú Yên là Văn Phong cấu kết cùng Chămpa để nổi loạn nhằm tách Phú Yên khỏi Đàng Trong. 34 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Giữa thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đẩy mạnh việc khai phá vùng đất mới của Chămpa ở phía Nam. Năm 1652, trong trận đánh ở Quảng Bình, quân chúa Nguyễn bắt được 3 vạn quân Trịnh. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng từ đầu xứ Quảng Nam vào trong là đất cũ của Chămpa dân cư thưa thớt nên đã đưa 3 vạn quân Trịnh vào khai hoang. Số quân này được chia 50 người một ấp và đưa đi rải rác từ đầu xứ Quảng đến Phú Yên1. Một phương thức khẳng định chủ quyền của chúa Nguyễn ở xứ Quảng là đã đưa người đến sống ở các vùng đất mới, ngoài di dân còn sử dụng lực lượng tù binh để khai phá. Đầu năm 1653, vua Chămpa là Bà Tấm quấy rối Phú Yên, chúa Nguyễn liền phái 3.000 quân đến đánh. Quân chúa Nguyễn đến núi Thạch Bi, rồi đuổi đến quân trại của Bà Tấm và tiếp tục đuổi quân Chămpa đến sông Phan Rang. Bà Tấm phải cầu hòa với quân chúa Nguyễn và dâng đất từ Phan Rang đến Phú Yên cho các chúa Nguyễn. Phần đất lấy của Chămpa được đặt thành phủ Thái Khang và Diên Ninh2 tương đương với tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Lúc này phía tây Phan Rang vẫn là vùng đất của Chămpa. Năm 1692, vua nước Chămpa tấn công phủ Diên Ninh, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh3 đem quân đi đánh. Năm 1693, quân chúa Nguyễn tấn công Chămpa, quân Chămpa thất bại, nhà vua Chămpa xin hàng phục. Đất đai từ Phan Rang, Phan Rí về phía tây vốn là đất Chămpa được chúa Nguyễn lập thành hai huyện là An Phước và Hòa Đa thuộc phủ Bình Thuận. Nước Chămpa bị đổi thành trấn Thuận Thành, người con nối truyền của vua Chămpa được làm Cai cơ, tước hầu4. Cuối năm 1693, đổi trấn Thuận Thành làm phủ Bình Thuận5. Đến cuối năm 1694, phủ Bình Thuận lại được đổi lại thành trấn Thuận Thành. 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.58-59. 2, 4. Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.69, 79. 3. Tên ông thường quen gọi là Kính, nên nhiều tài liệu chép là Nguyễn Hữu Kính. 5. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.107. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 35 Khi các chúa Nguyễn ngày càng quan tâm mở rộng biên cương thì người Chăm bị đẩy dần sang phía tây, phía nam và bị thu hẹp lãnh thổ hơn nữa về phương Nam. Nhiều ông vua sau này của Chămpa đều có nguồn gốc miền núi, nguyên nhân do người Chăm chạy loạn đã kết hôn với người dân địa phương. Một ông vua điển hình là Po Ramo, trị vì từ năm 1627 đến năm 1651, được sinh ra từ hôn nhân giữa nhóm người Chăm tỵ nạn và các nhóm Roglai, Koho1. Sau này, mười bốn vua của dòng dõi Po Ramo cầm quyền ở Chămpa đến năm 1786. Sự mở rộng lãnh thổ Đàng Trong cũng được ghi nhận qua những tài liệu địa lý rất đáng tin cậy của các thương nhân phương Tây đương thời. Những năm 1618-1621, lãnh thổ Đàng Trong được C.Borri mô tả: “trải dài hơn một trăm dặm theo bờ biển, ở vĩ tuyến 11, cho tới khoảng vĩ tuyến 17”2, vĩ độ 11 tương đương với tỉnh Phú Yên ngày nay. Sau này, J.Barrow khi đến Đàng Trong năm 1792 cho biết lãnh thổ Đàng Trong có giới hạn phía nam ở vĩ độ 93, vĩ độ 9 tức là khu vực biển nằm phía Nam Cà Mau hiện nay. Các nước phương Tây thời gian này đã sử dụng hệ thống kinh vĩ độ như chúng ta ngày nay, cho nên những ghi nhận về vị trí địa lý của quốc gia Đàng Trong như vậy hoàn toàn phù hợp với quá trình tiến xuống phía nam và xác lập chủ quyền của chúa Nguyễn. Trong khi mở rộng về phía nam, năm 1669, lần đầu tiên chúa Nguyễn tiến hành duyệt tuyển quân sự ở phủ Diên Ninh, Thái Khang, đây là vùng đất tiếp giáp với Nam Bộ. Công việc này chứng tỏ sự quan tâm phòng thủ biên giới và nó cũng tạo ra một lực lượng quân đội để sẵn sàng tiến xuống phương Nam thực hiện sứ mệnh bảo vệ lưu dân và mở mang lãnh thổ trong giai đoạn tiếp sau. 1. Xem Gerald. C. Hickey: Sons of the Mountains, New Haven and London, Yale University, 1982, p.113 (Dẫn theo: Li Tana: Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr.24). 2. Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.13. 3. Xem J. Barrow: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.20. 36 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Quan hệ giữa Đàng Trong và Chân Lạp diễn ra tốt đẹp vào đầu thế kỷ XVII là một điều kiện thuận lợi để người Việt vào khai phá vùng đất Nam Bộ một cách hòa bình. Năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II đã cưới công chúa Ngọc Vạn con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Từ trước năm 1621, chúa Nguyễn giúp đỡ Chân Lạp tăng cường lực lượng quân sự như cung cấp vũ khí, chiến thuyền và mộ binh để giúp Chân Lạp chống lại người Xiêm1. C.Borri cho biết thêm về quan hệ này: “Khi sứ bộ tới kinh Oudong, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh. Vì sứ thần đây là người quen thuộc, đã lui tới nhiều lần, từng làm đại diện thường trú từ lâu, chứ không phải sứ giả mới tới từ đầu”2. Chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ xuống vùng đất của người Chămpa để chuẩn bị cho quá trình tiến xuống Nam Bộ. Quá trình mở rộng lãnh thổ về phía nam diễn ra một cách tuần tự, bám sát miền duyên hải và các tuyến sông rạch. 2. Khai mở xứ Mô Xoài trong các thế kỷ XVII, XVIII a) Khái quát về vùng đất Mô Xoài trước thế kỷ XVII và địa danh Mô Xoài, Bà Rịa Địa danh Mô Xoài còn được đọc là Mỗi Suy, ngoài ra có nhiều cách đọc khác nhau về từ này, là Mỗi Xu, Mũ Xuy, Mũi Xuy, Mũi Xoài3... Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của gọi là Mọi Xoài. Trương Vĩnh Ký trong Petit Bours de Géographie de la Basse Cochinchine chép là Mô Xoài. 1. Xem Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.84. 2. Christophoro Borri: Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de Cochinchine, Lille, 1631 (Dẫn theo Nguyễn Đình Đầu: Trước năm 1698 đã có người Việt Nam tới buôn bán và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mêkông và sông Mê Nam Chao Phraya, tạp chí Xưa và Nay, số 37, Hà Nội, 1997, tr.25). 3. Tên gọi Mô Xoài là phổ biến nhất. Ngoài ra còn có đến 15 tên gọi khác cho địa danh hết sức đặc biệt này. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 37 Và cũng có ý kiến cho rằng: “dịch là Mỗi Xoài thì xa lạ với tên gọi của địa phương”1. Trương Vĩnh Ký qua tìm hiểu cho biết nhân dân địa phương gọi ngọn núi cao nhất trong vùng là núi Mô Xoài. Người dịch cuốn Gia Định thành thông chí cho rằng khu vực Mô Xoài là vùng Đồng Xoài, Bà Rịa hiện nay2. “Bà Rịa (Bà Địa) là vùng đất có tiếng đầu biên giới của trấn Biên Hòa, cho nên các phủ ở phía bắc có câu ngạn ngữ: Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang. Ấy là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa (Bà Địa) làm tên đầu để gọi cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vào trong đó”3. Mô Xoài là vùng đất địa đầu của Nam Bộ, ngày nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu4. Mô Xoài nằm sát cạnh xứ Đồng Nai hiểu theo nghĩa hẹp5 trước kia, tức là vùng tương đương với tỉnh Đồng Nai, một phần Bình Phước ngày nay. Thế kỷ XVII, XVIII, Mô Xoài là vùng đất phía nam của dinh Bình Thuận, phía nam Mô Xoài là vùng Sài Gòn, phía tây là xứ Đồng Nai. Nói đến Mô Xoài là nói đến sông Hương Phước: “... (tức là sông Mô Xoài, là nơi hai thôn Long Hương và Phước Lễ cùng đài thọ lính trạm). Ngược dòng lên phía bắc chuyển qua phía tây đến suối Châu Phê gặp suối Gian Kèo, qua Thâm Tuyền (suối sâu) đến đầu nguồn sông Mông Giang, tục gọi là sông Xoài, dài 15 dặm, chảy qua nam độ 4 dặm là cửa sông lớn Hương Phước rồi hợp lưu cùng các sông khác”6. 1. Huỳnh Văn Tới: Lời giới thiệu in trong Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2005, tr.8. 2. Xem Phần chú thích số 3 trong Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.25. 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.39. 4. Trung tâm của Mô Xoài là hai làng cổ Long Hương và Phước Lễ (thành phố Bà Rịa hiện nay). Xem thêm Nguyễn Quang Ngọc, Đặng Ngọc Hà: Nhận diện trung tâm Mô Xoài qua tư liệu địa bạ đầu thế kỷ XIX, in trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Từ xứ Mô Xoài xưa đến Bà Rịa -Vũng Tàu ngày nay, Bà Rịa - Vũng Tàu, 2012, tr.197-201. 5. Tức là nói đến sự khác nhau của Đồng Nai với nghĩa là toàn bộ Nam Bộ với nghĩa hẹp để chỉ vùng đất nằm phía bắc của Sài Gòn. 6. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.37. 38 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Nói đến Mô Xoài cũng là nói đến Bà Rịa. Sự phân biệt giữa Mô Xoài và Bà Rịa nhiều khi chỉ là tương đối. Các ghi chép của Phủ biên tạp lục, Gia Định thành thông chí hay Đại Nam thực lục cũng không phân biệt một cách rõ ràng hai địa danh này. Bà Rịa cũng tương ứng với vùng Mô Xoài, tức là chỉ vùng Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Trịnh Hoài Đức cho rằng, trước kia Bà Rịa thuộc vùng Lục Chân Lạp. Ông dẫn Tân Đường thư cho biết nước Bà Lịa ở phía đông nam Chămpa, từ Giao Châu đi thuyền ven biển qua các nước Đan Đan, Xích Thổ thì tới; khu vực Bà Lịa đất rộng, nhiều đảo, còn có tên khác là Mã Lễ; phía nam Bà Lịa là nước Thù Nại đến thế kỷ VII bị Chân Lạp chiếm. Ông cũng cho biết thêm chữ lợi được phiên âm là lịa, và do đó Bà Rịa là Bà Lịa trước kia. Còn Thù Nại là biến âm của Đồng Nai, Nông Nại vì thanh âm không xa nhau lắm, do đó có thể là đất Sài Gòn. Và Trịnh Hoài Đức rất cẩn trọng khi viết rằng: “tạm chép phụ như vậy, chờ sự khảo biện sau này”1. L.Malleret cho rằng địa danh Bà Rịa xuất phát từ tên gọi Khmer của một cái bàu lớn là Bà Rày hay Bà Rey, do đó chuyển sang âm Việt là Bà Rịa2. Địa danh Bà Rịa cũng được cho rằng xuất phát từ một nhân vật lịch sử có thật tên là Nguyễn Thị Rịa. Bà là người gốc Phú Yên theo gia đình vào Nam Bộ năm 1680 ở tại làng Mỹ Khê (Tam Phước, Long Điền). Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam thì bà đã dựng cầu cho quân chúa Nguyễn qua sông. Bà Rịa chết vào năm 1759, 300 mẫu ruộng của bà khẩn hoang được sung vào công điền, hiện nay vẫn còn miếu thờ bà bên đường thuộc xã Tam Phước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu3. Một tài liệu 1. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.40. 2. Xem Nguyễn Đình Thống: “Địa danh Bà Rịa”, bài in trong: Nhiều tác giả: Nam Bộ xưa và nay, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.11. 3. Châu Thành đấu tranh và xây dựng (1945-1985), Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 1988, tr. 14-15. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 39 khác lại cho rằng bà Nguyễn Thị Rịa khai khẩn lập làng Phước Liễu vào năm 1789, bà mất năm 1803 và mộ bà vẫn còn1. Những nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết vùng đất Mô Xoài (Bà Rịa) là địa bàn của quốc gia Sơ Ma (tức là người Mạ). Theo bản đồ phân bố các tộc người của Viện Dân tộc học thì người Mạ trước kia sinh sống ở toàn bộ vùng Mô Xoài (Bà Rịa). Ngày nay, vùng phía bắc Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ vẫn còn tộc người Chơro sinh sống2, và có ý kiến cho rằng tộc người này là một bộ tộc của người Mạ trước kia3. Ở khu vực huyện Xuyên Mộc4, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện được một vòng thành bằng đá trắng. Chủ nhân của vòng thành này là một tộc người nào đó bị ảnh hưởng của văn hóa Chăm hoặc người Chăm. Niên đại của vòng thành từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII5. Vòng thành được xây dựng bên ngoài bằng đá ong, bên dưới vòng thành có vết tích của hào nước. Các kích cỡ của đá ong nhỏ nhất từ cỡ 29 x 20 x 14 (cm), đến kích cỡ lớn nhất 64 x 56 x 38 (cm), ngoài ra còn có một viên gạch màu đỏ lẫn trong tầng văn hóa. Các di vật tìm thấy gồm 1 chì lưới bằng sành màu xám; một số di vật khác là các mảnh gốm, sứ; các đồ gồm, sứ đó đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có thể đọc được chữ Đại Minh Gia Tĩnh niên tạo trên một hiện vật gốm. 1. Monographie de Bà Rịa, Publ de la SEI, Saigon, 1902, p. 61 (Dẫn theo Nguyễn Đình Thống: Địa danh Bà Rịa, Sđd, tr.9). Xem thêm bài viết “Về nguồn gốc địa danh Bà Rịa”, in trong Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (Đồng chủ biên): Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.833-856. 2. Thống kê năm 1999 cho biết người Chơro ở huyện Châu Đức có 3.546 khẩu với 714 hộ, ở huyện Xuyên Mộc có 1.436 khẩu với 192 hộ (Trần Tấn Vĩnh: Báo cáo tổng kết đề tài người Chơro ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Khoa học - Công nghệ và môi trường, Bà Rịa - Vũng Tàu, 1999, tr.17-20). 3. Xem Trần Tấn Vĩnh: Báo cáo tổng kết đề tài người Chơro ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Sđd, tr.12. 4. Địa điểm chính xác của vòng thành này ở ấp Gò Cát, xã Phước Thuận. 5. Xem Đào Linh Côn: Báo cáo điều tra thám sát di tích vòng thành đá trắng, Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu, 2007, tr.8. 40 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX b) Hoạt động khai phá Mô Xoài thế kỷ XVII Quá trình hình thành làng Việt bắt đầu khi công xã thị tộc tan rã, hình thành công xã nông thôn bắt đầu từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay 4.000 năm. Mỗi làng bao gồm các gia đình sống trong một địa vực nhất định, bên cạnh quan hệ láng giềng thì quan hệ huyết thống được bảo tồn và củng cố trong kết cấu làng xã1. Tuy nhiên, các làng Việt ở miền Nam hình thành muộn nên không hoàn toàn phát triển theo xu hướng này. Đó là quá trình di cư của người Việt và thiết lập các đơn vị làng xã. Làng xã ở đây chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và quan hệ tộc người trong quá trình khai hoang mở đất Nam Bộ, do đó có những đặc điểm riêng so với mô hình làng Việt ở Thuận Quảng và càng có nhiều khác biệt hơn so với làng Việt cổ truyền ở châu thổ sông Hồng. Khi người Việt đến khai phá Mô Xoài, họ bắt gặp những khó khăn đầu tiên do môi trường cảnh quan đem lại. Sông rạch chằng chịt của vùng Nam Bộ tạo nên một sinh cảnh khác so với địa bàn Bắc Bộ. Trịnh Hoài Đức cho biết: “Thuyền đi khi thuận khi nghịch, đang đi phía trái bỗng chuyển phía phải. Nếu chỉ quên một chút, ắt phải lạc đường, cho nên người ta phải hết sức cẩn thận”2. Khí hậu Gia Định lại thuận lợi cho quá trình khai phá đất đai, phát triển nông nghiệp: “mỗi khi mưa to chẳng khác nghiêng vò mà đổ, nhưng chỉ trong một, hai giờ rồi tạnh nắng. Cũng có đôi khi mưa dầm dề một, hai ngày, nhưng không có khi nào khổ vì mưa cả tuần cả tháng”3. Sau khi kết hôn với vua Chân Lạp, công chúa Ngọc Vạn4 đã đem theo nhiều người Việt đến đất Chân Lạp, trong đó có người được tuyển làm quan trong triều đình. Ngoài ra còn nhiều người khác tham gia các 1. Xem Nguyễn Quang Ngọc: Một số vấn đề làng xã Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009, tr.45. 2, 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.36, 18. 4. Tiếng Chân Lạp gọi bà là Sam Đát. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 41 hoạt động sản xuất thủ công, thương nghiệp1. Đây là sự kiện đầu tiên đã mở ra cho người Việt một sự đảm bảo ở vùng lãnh thổ mới, do đó có nhiều người Việt bắt đầu xuống khai phá vùng Nam Bộ. Năm 1658, sau khi nhận được tin vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân xâm lấn lãnh thổ cực nam của Đàng Trong, Chúa Nguyễn Phúc Tần liền sai Phó tướng Trấn Biên2 là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc trung tâm của xứ Mô Xoài đón đánh Nặc Ông Chân. Trong cuộc tấn công này, Nặc Ông Chân bị bắt sống và được đưa về Quảng Bình. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã tha tội cho Nặc Ông Chân và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống cho chúa Nguyễn3. Trịnh Hoài Đức cho biết thêm, 3.000 quân của chúa Nguyễn đi mất 2 tuần mới đến được Mô Xoài4. Sự kiện này đánh dấu Chân Lạp bắt đầu thần thuộc chúa Nguyễn, phải để người Việt đến làm ăn trên đất mình và mở ra cho người Việt một khu vực mới đã an toàn để vào khai phá đất đai, bảo vệ chủ quyền. Điều này đảm bảo cho người Việt một vùng đất đã được chúa Nguyễn cam kết, và đó là vùng đất có quân đội chúa Nguyễn, cho nên từ đây người Việt sẽ xuống khai phá nhiều hơn ở Mô Xoài. Không phải ngẫu nhiên vào năm 1669, Nguyễn Phúc Tần ra định lệ nếu có người tự khai phá những chỗ rừng rú bỏ hoang thành ruộng sản xuất thì công nhận đó là ruộng tư5. Điều này cho thấy các vùng đất mới đã được đảm bảo để dân chúng khai thác tự do và xác lập quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất. Sự kiện này cho thấy thời điểm những năm 70 1. Xem Moura: Royaume du Cambodge, Paris, 1883, pp. 57-404 (Dẫn theo Nguyễn Đình Đầu: Trước năm 1698 đã có người Việt Nam tới buôn bán và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mêkông và sông Mê Nam Chao Phraya, Tlđd, tr.25). 2. Trấn Biên là khu vực được thiết lập ở các vùng mới mở đất, ở đây chỉ vùng Phú Yên ngày nay. 3. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.72. 4. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.109. 5. Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.161. 42 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX của thế kỷ XVII, dân cư người Việt đã khai thác vùng đất mới Nam Bộ để sản xuất nông nghiệp và nhà nước hợp thức hóa bằng việc công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của họ. Nguyễn Cư Trinh gửi cho Chúa Nguyễn Phúc Khoát bức thư vào năm 1756 có nói về việc khai thác vùng Mô Xoài, Đồng Nai thế kỷ XVII như sau: “Đời trước lập Gia Định, tất trước mở xứ Mỗi Xoài, rồi mở xứ Đồng Nai, để cho quân, dân hoàn tụ, rồi mở xứ Sài Gòn, thế là lấy ít đánh nhiều, lấn dần như tằm ăn”1. Vì Mô Xoài là địa đầu của vùng Nam Bộ nên chúa Nguyễn đã khai mở vùng đất này đầu tiên, sự kiện quân sự năm 1658 đánh dấu bước đầu tiên của việc xác lập và bảo vệ chủ quyền ở xứ Mô Xoài, sau sự kiện này người Việt tiếp tục đẩy mạnh khai phá đất đai và hướng về vùng Đồng Nai, Sài Gòn. Như vậy, việc tiến dần về phương Nam theo lộ trình tuần tự, “lấn dần như tằm ăn” là chính sách đã được định hình và quyết tâm thực thi của các chúa Nguyễn ngay từ đầu thế kỷ XVII. Các nhóm cư dân đến khai phá xứ Mô Xoài thời kỳ đầu rất đa dạng. Người Việt là những người khai phá chủ yếu để sản xuất nông nghiệp. Nhưng trong cộng đồng những người Việt khai phá Nam Bộ đầu tiên cũng đa dạng về nguồn gốc và thành phần. Trong khi phân tích tên của các làng xã thì: “Một điều đáng chú ý nữa là không thấy có sự liên kết giữa tên làng quê hương của những người lập ấp với tên làng quê hương mới. Hiện tượng đó cho phép giả định rằng nhóm người lập ấp không phải cùng đồng hương với nhau và làng cũ ở miền Trung, miền đồng bằng sông Hồng, nếu có, không có vai trò trong việc lập thôn ấp mới ở đồng bằng Đồng Nai, Cửu Long”2. Sở dĩ đi đến kết luận này, vì có ba cách đặt tên Nôm các thôn, ấp Nam Bộ: cách thứ nhất là từ việc quan sát mà gọi tên theo đặc điểm tồn tại của địa bàn thôn xã, ví dụ như núi Ba Ba vì thế núi giống con ba ba, Vườn Trầu vì có nhiều cây trầu, chùa Cây 1. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.159-160. 2. Đặng Thu (Chủ biên): Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Sđd, tr.99-100. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 43 Mai...; cách thứ hai là dùng tên những vị tiền hiền, hậu hiền mà gọi địa danh, ví dụ như rạch Bà Nghè, rạch Ông Cỏi, giồng Ông Mẫn...; cách thứ ba là gọi theo tên vốn có từ trước của địa phương, chẳng hạn như Bà Rịa... Điều này phản ánh nguồn gốc đa dạng của người Việt khi khai phá vùng đất Mô Xoài. Đến nửa sau thế kỷ XVII số di dân người Việt đến Mô Xoài đã khá đông, trong đó có cả những di dân Thiên Chúa giáo trốn chạy việc cấm đạo. Những người này đã lập ra một họ đạo ở Xích Lam gần Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu)1. Bên cạnh người Việt, có cả người Khmer tham gia khai phá đất đai, họ sống đan xen cùng người Việt, hoặc là di chuyển đi chỗ khác khi lưu dân người Việt đến đây. Trịnh Hoài Đức cho hay: “Lúc ấy, địa đầu của Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai (nay là trấn Biên Hòa) tại hai xứ ấy đã có dân của nước ta đến cùng với dân Cao Miên khai khẩn ruộng đất. Người Cao Miên rất khâm phục uy đức của triều đình, họ đem nhượng đất ấy rồi kéo nhau tránh đi nơi khác, chẳng dám tranh chấp điều gì”2. Một số khu vực được khai phá thời kỳ này như Long Hương, là một làng nằm ven sông Dinh, hiện nay thuộc thành phố Bà Rịa, đây là một trong những trung tâm của vùng Mô Xoài trước kia. Vào thời kỳ này: “buổi đầu chỉ có một nhóm không hơn 100 người đi thuyền từ biển đến Rạch Dừa vượt sông Ba Cói đến định cư trên bờ sông Dinh về phía xóm Lăng, chuyên nghề đánh bắt cá, dần dần có những nhóm dân đến lập nghiệp trên bờ sông Dinh về phía xóm Đình, cũng có nhóm khác theo đường bộ từ Bàn Lân (Đồng Nai) đến xóm Đồng, trong số này có những người Hoa biết làm ruộng”3. Ngoài Long Hương, còn có làng Phước Lễ ven sông Dinh. Các làng khác đã có cư dân sinh sống như Long Thạnh, An Ngãi, Phước Hải, Long Điền, Long Lập, 1. Xem Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Sđd, tr.69. 2. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.109. 3. Võ Văn Ấn: Truyền thống xã Long Hương, Đồng Nai, 1985, tr. 15-16. 44 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Long Kiên, làng Núi Nứa trên đảo Long Sơn cũng được hình thành tương đối sớm1. Trong thời kỳ khai phá vùng Mô Xoài, người dân luôn phải đối mặt với bệnh tật và thú dữ nguy hiểm. Địa danh Sùng Sình Ba Sọ được người Long Hương kể lại ẩn chứa công cuộc khai phá khó khăn và chết chóc của con người trong chốn rừng sâu. Câu chuyện nhắc đến ba người đàn ông vào khu rừng phía bắc Long Hương, để khai thác lâm sản, nhưng không thấy trở về; khi những người khác vào rừng thì phát hiện thấy ba bộ xương nham nhở vì đã bị thú rừng ăn hết xác2. Thế kỷ XVII, người Việt đã đặt chân lên vùng đất Mô Xoài và bước đầu đẩy mạnh công cuộc khai phá đất đai. Được sự bảo trợ của nhà nước bằng lực lượng quân đội, Mô Xoài đã trở thành vùng đất do chúa Nguyễn quản lý. Và người Việt từ khu vực Thuận Quảng đã xuống đây để khai phá sản xuất và làm bàn đạp cho công cuộc Nam tiến vào trung tâm Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất Nam Bộ để lập các đơn vị hành chính, gồm huyện Phước Long với dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn. Vùng Mô Xoài lúc này thuộc về phía đông bắc của huyện Phước Long, do dinh Trấn Biên quản lý. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền đất Gia Định đã có tới 4 vạn hộ sinh sống (có thể tương đương với khoảng 200.000 dân). Huyện Tân Bình có diện tích nhỏ hơn huyện Phước Long, do đó có thể đoán định dân cư thời điểm cuối thế kỷ XVII tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng Nai và Mô Xoài. c) Công cuộc khai phá đất đai, phát triển sản xuất ở Mô Xoài thế kỷ XVIII Thế kỷ XVIII là thời kỳ đẩy mạnh khai phá, phát triển sản xuất ở vùng đất Mô Xoài. Mô Xoài là khu vực yết hầu để vào miền trung tâm 1. Xem Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (Chủ biên): Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Sđd, tr.205. 2. Xem Võ Văn Ấn: Truyền thống xã Long Hương, Sđd, tr.12-13. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 45 Nam Bộ qua đường biển và đường bộ. Thời kỳ này công cuộc khai phá đất đai của cư dân tiếp tục phát triển hơn nữa và nền kinh tế ở vùng Mô Xoài cũng có nhiều nét mới so với thế kỷ XVII. Khi Nguyễn Ánh vào Gia Định, ông có nhiều chính sách để chiêu mộ dân chúng đến làm ăn ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa), sự khuyến khích phát triển này đã tạo cho Mô Xoài có nhiều lớp cư dân đến khai phá và sinh sống. Cuối năm 1790, Nguyễn Ánh miễn lao dịch cho quân lính và người dân phụ giúp các đơn vị quân ở các cửa biển Gia Định. Dinh Phiên Trấn gồm binh lính khu vực cửa Đồng Tranh, thôn Tân Hòa; cửa Cần Giờ, thôn An Thịnh phụ lũy; cửa Tắc Khái1, thôn Tỉnh Bồng phụ lũy; đạo thủ Vũng Tàu, Ghềnh Rái, ba thuyền Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam2. Năm 1792, khi quân Nguyễn Ánh tấn công Phú Yên, Thái Khang, Bình Thuận làm cho dân lưu tán khiến nhiều gia đình chạy loạn vào Bà Rịa, Sài Gòn. Vì Mô Xoài là khu vực giáp với vùng chiến sự xứ Quảng nên Nguyễn Ánh ra lệnh cho các tướng thu nhận hết những người phiêu tán, cấp đất cho họ làm ăn3. Trước đó vào năm 1791, Nguyễn Ánh: “Sai Tán lý Chiêu đi từ đầu nguồn Bà Rịa cho đến Ma Lị (tên đất thuộc tỉnh Bình Thuận) hỏi rõ các sách người Đê, sách nào thuộc về đạo thủ, sách nào thuộc về Thuận Thành, ghi lấy số đinh để tiện chọn người cai quản”4. Chính sách này một mặt thắt chặt việc quản lý dân số ở Mô Xoài và phục vụ cho việc tuyển lính, mặt khác cũng hướng vào việc khẳng định quyền lực của nhà nước với vùng đất đã được khai phá, bởi vì đây đã là chủ quyền của Đàng Trong. Trong quá trình phát triển của Nam Bộ, vào giữa thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn đã cho thiết lập đường Thiên lý phục vụ cho việc chuyển công 1. Tắc Khái còn gọi là Cửa Lấp; vịnh Ghềnh Rái ngày nay ở phía tây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 2, 3. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.266- 267, 283. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.273. 46 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX văn, giấy tờ giữa Gia Định và Thuận Quảng, mặt khác con đường này cũng thuận lợi cho việc chuyển cư từ vùng thuận Quảng xuống Gia Định. Cuối năm 1748: “Bắt đầu đặt đường trạm ở Gia Định. Đất Gia Định nhiều nơi lầy lội. Khi mới mở mang, đường bộ chưa thông, hành khách đi lại vất vả, việc báo cáo về biên cương cũng không tiện. Chúa sai Hữu Doãn ngắm đo địa thế, chăng dây lấy thẳng bắt đầu từ phía bắc Tất Kiều đến địa phận Hưng Phúc”1, “tùy chỗ mà đặt trạm, gọi là đường Thiên lý. Hễ gặp sông to thì sai dân sở tại đặt bến đò, cho miễn lao dịch”2. Đây chính là đường Thiên lý đi về phía bắc qua địa phận Hưng Phúc (tức là vùng Mô Xoài), đến năm 1815 vua Gia Long mới cho dựng đường Thiên lý đi về phía tây xuống vùng Tây Nam Kỳ. Đường Thiên lý chạy qua Mô Xoài tạo cho vùng đón nhận nhiều hơn nữa người di cư từ phía bắc xuống, mặt khác thuận lợi cho giao thông đi lại khi phát triển kinh tế giữa các vùng trong xứ. Đường Thiên lý qua cầu Thanh Thủy ở sông Đồng Môn (sông này nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai)3 của xứ Mô Xoài. Con đường này cũng đi qua sông Bà Kí, giữa sông có cầu bắc qua, đây là đường cái quan, sông này chảy vào cửa sông Mô Xoài4. Bên cạnh đường Thiên lý của nhà nước, người dân cũng tự làm đường để thuận lợi cho giao thông. Ở núi Bà Địa còn gọi là núi Bà Rịa: “núi trông xuống chợ Long Thạnh, chắn ngang giữa đại lộ; dân ở đó đào mở đường giữa sườn núi để xe ngựa đi qua”5. Đây là thành quả của quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để khai phá đất đai của người Việt ở vùng Mô Xoài. Thế kỷ XVIII, người dân đã tập trung sinh sống ở nhiều vùng trên xứ Mô Xoài. Các điểm tập cư này trải rộng từ miền sông nước đồng bằng đến vùng núi cao có cư dân thiểu số và kéo dài đến vùng Biển Đông. 1. Gia Định thành thông chí chép là Mô Xoài (Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.230). 2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.155. 3, 4. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.34. 5. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.26. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 47 Theo như báo cáo về các họ đạo ở xứ Đồng Nai năm 1747 của Giáo hội Thiên Chúa giáo, thì ở Bà Rịa có 140 giáo dân, Đất Đỏ có 350 giáo dân1. Khu vực thượng nguồn sông Xích Ram ở Đồng Nai là khu vực của các buôn sóc người thiểu số, những người này có cuộc sống phát triển vào thế kỷ XVIII và sang đầu thế kỷ XIX đều nộp thuế và đi phu dịch cho nhà Nguyễn2. Dưới núi Sa Trúc ở Mô Xoài là vùng đất thấp bỏ hoang, dân chúng làm nghề chài lưới. Núi Ký ở Mô Xoài có nhiều người và chuyên làm nghề săn bắn, kiếm gỗ để sinh sống. Câu chuyện về am trên núi Bà Vãi3 thuộc huyện Long Thành cho biết vào cuối thế kỷ XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII công cuộc khai phá đất đai của người dân ở đây tuy diễn ra hết sức thuận lợi, nhưng cũng bị sự quấy nhiễu của quan lại địa phương. Thế kỷ XVIII, xứ Mô Xoài cũng có những làng chuyên sản xuất tiểu thủ công nghiệp, Long Điền4 có xóm Chuông chuyên đúc đồng, mà hiện nay vẫn còn một số gia đình làm5. Rừng Sác nằm từ khu vực ngã ba Nhà Bè xuống đến cửa Cần Giờ, phía bắc là cửa Tắc Ký, đây là khu vực rừng sú vẹt, cồn bãi, rừng tràm và nhiều loại hải sản như cá, tôm, cua, sam và ốc len... “thì bắt dùng không hết mà cũng không ai ngăn cấm. Ấy là chỗ chí công vô cùng của trời đất ban cho để nuôi dưỡng người dân Gia Định vậy”6. Khu vực này tập trung nhiều dân cư Mô Xoài thế kỷ XVIII đến khai thác. Ven biển xứ Mô Xoài trải dài từ vùng Bình Thuận xuống đến Cần Giờ là khu vực kinh tế phát triển, các hoạt động sản xuất ở đây gồm khai thác hải sản, làm muối và phát triển thương nghiệp. Bờ biển phía 1. Xem Nguyễn Đình Thống: “Địa danh Bà Rịa”, bài in trong: Nhiều tác giả: Nam Bộ xưa và nay, Sđd, tr. 9. 2, 3. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.38, 26. 4. Thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 5. Xem Thạch Phương, Nguyễn Trọng Minh (Chủ biên): Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu, Sđd, tr.206. 6. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.38. 48 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX đông có nhiều người dân làm muối, khu vực Dương Úc (Vũng Dương) chẳng hạn, đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức cho biết ở đây có ngàn khoảnh đồng mặn đều là ruộng muối, dân ở đây lấy việc phơi muối làm nghề chính1. Như vậy, ít nhất từ thế kỷ XVIII, hoặc có thể từ thế kỷ XVII, người dân khu vực này đã khai phá đồng mặn để làm muối2. Khu vực Thuyền Úc hay còn gọi là Vũng Tàu do địa hình thuận lợi: “Thế đất trông rất sung mãn, mặt vũng hướng về tây, lòng vũng to rộng là nơi thu kết các dòng nước nhỏ của các sông đầm và các ngòi rạch chảy về biển, làm nơi ghe thuyền đến đậu rất yên ổn”3, nên dân cư tập trung nhiều để khai thác biển, buôn bán. Giữa thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn quy định đối với thương nhân từ Nam Bố Chính tới Mô Xoài, Gia Định phải thống kê cho nhà nước biết số lượng, độ nông sâu của thuyền để đánh thuế4. Cửa Tắc Ký (Tắc Khái) là nơi nhóm họp của dân cư làm nghề đánh cá và làm muối5, phía nam cửa Lấp có vũng lớn nằm trước mũi Ghềnh Rái và nằm về phía bắc cửa Cần Giờ hiện nay, đây là khu vực tập trung nhiều dân cư khai thác. Núi Ghềnh Rái (Thát Ky Sơn) nằm sát biển, đầu núi là cửa phải của cửa biển Tắc Ký, đuôi núi là bình phong cho cửa biển Cần Giờ, chân núi có chỗ cho tàu thuyền neo đậu và có dân chài sinh sống6. Vào giữa thế kỷ XVIII, tuần cửa Tắc Khái thu tiền thuế 120 quan7. Năm 1776, vào mùa xuân, quân Tây Sơn tấn công Nam Bộ, địa điểm đầu tiên họ đến là cửa Tắc Khái, và đánh phá Tắc Khái rồi xuôi theo cửa biển Cần Giờ tấn công vào Sài Gòn. 1. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.37. 2. Đến đầu thế kỷ XIX, Mô Xoài có hơn 26,3 mẫu ruộng muối (xem thêm Đặng Ngọc Hà: Không gian văn hóa xứ Mô Xoài: Diễn trình lịch sử, đời sống xã hội và văn hóa, Luận văn Thạc sĩ Việt Nam học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Hà Nội, 2012, tr.51). 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.37. 4, 7. Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.302, 277. 5, 6. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.37, 27. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 49 Đến năm 1796, dân số tổng Phước An, huyện Phước Long thuộc xứ Mô Xoài là 581 người, điểm thêm 170 người; khu vực tổng Long Thành có 476 người, điểm thêm 130 người1. Tất nhiên đây chỉ là số đinh, do vậy nếu lấy theo đơn vị tính 1 đinh kèm theo 5 người khác thì tổng Phước An có 3.755 người, tổng Long Thành là 3.030 người. Như vậy, khu vực xứ Mô Xoài có những nơi tập trung dân cư rất lớn, đây là những làng xóm trù mật, dân số quần tụ lâu trong quá trình khai phá làm nông nghiệp và tạo nên sự ổn định trong phát triển dân số cũng như cung cấp nhân lực cho quá trình khai phá đất đai. Tuy nhiên, còn nhiều khu vực khác của xứ Mô Xoài vẫn chưa được khai thác hết vào thế kỷ XVIII, năm 1756, Nguyễn Cư Trinh cho biết: “Nay đất cũ từ Mỗi Xoài đến Sài Gòn đường đi 2 ngày, dân chưa khai khẩn hết ruộng, binh đóng vẫn chưa đủ”2. Như vậy, trong thế kỷ XVIII người Việt tiếp tục khai phá vùng Mô Xoài để tạo dựng nên một vùng đất địa đầu Nam Bộ phát triển gồm nhiều làng mạc đông đúc, trù phú. d) Đời sống văn hóa cư dân xứ Mô Xoài Trong quá trình khai phá Mô Xoài, người dân ở đây đã tạo cho mình một đời sống văn hóa mới, có nhiều khác biệt trong một cảnh quan thiên nhiên đa dạng. Ngay từ đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã nhận thấy: “Vùng Gia Định nước Việt ta đất rộng, thực vật phong phú, không lo đói rét, nên dân ít dự trữ, quen thói xa hoa, phong cách kẻ sĩ thì hiên ngang, do người từ bốn phương tụ lại nên mỗi nhà đều có riêng phong tục”3. Do thiên nhiên với nhiều sản vật phong phú, đất đai thuận lợi nên người dân Gia Định nói chung, Mô Xoài nói riêng ít dự trữ, làm ngày nào tiêu hết ngày đó và ngày hôm sau lại làm tiếp. Khu vực gồm nhiều cộng đồng cùng khai phá, xác lập chủ quyền nên tạo ra một nền văn hóa đa dạng. 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr. 344. 2. Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.160. 3. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.179. 50 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Trịnh Hoài Đức còn cho biết người dân Gia Định: “sùng đạo Phật tổ, tin việc đồng bóng, kính trọng nữ thần”1. Trong quá trình khai phá miền Gia Định, người dân chủ yếu đi chân đất, chính vì vậy mà người Hoa gọi người Việt ở Gia Định là người Xích Cước, có nghĩa là người đi chân không2, đây là nét văn hóa riêng của dân cư Gia Định. Việc đi lại, người dân dùng chủ yếu là ghe thuyền: “Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chợ, hay để đi thăm người thân, hoặc chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi mà nghe thuyền đi lại chật sông suốt ngày đêm nối đuôi nhau”3. Khi khai phá Nam Bộ, trải qua thời gian lâu dài, tiếp xúc với nhiều tộc người khác nhau, nên ngay từ thế kỷ XVIII đã hình thành ngôn ngữ địa phương ở Nam Bộ là tiếng Việt vùng Thuận Quảng chịu ảnh hưởng nhiều bởi tiếng Hoa và tiếng Khmer, phương ngữ này đã được biến cải cho phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội khu vực Nam Bộ thế kỷ XVII4. Khu vực Mô Xoài thời kỳ này có rất nhiều ngôi chùa được dựng lên. Trong quá trình khai phá đất đai, sinh tụ cộng đồng, người dân Việt đã xây những ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Núi Trấn Biên còn gọi là núi Mô Xoài, đây là ngọn núi lớn, trên núi có đồi thông, có thác nước, hươu nai..., thế kỷ XVIII trên núi có chùa Đức Vân với vị cao tăng là Ngộ Chân chuyên làm việc nghĩa cứu giúp người nghèo5. Núi Thùy Vân cũng có chùa Hải Nhật, dưới chân núi là khu vực nhiều thuyền vào tránh gió, bão. Chùa Sắc Tứ Vạn An hiện nay nằm ở xã Phước Long Thọ huyện Đất Đỏ, được dựng trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Chu trị vì (1691-1725). Như vậy, có thể chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII hoặc đầu thế kỷ XVIII và được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho tên chùa là Sắc Tứ Vạn An tự6. Chùa Long Cốc nằm ở địa phận ấp Hương Sơn, phường 1, 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.180, 186. 2, 4, 5. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.185, 186, 26. 6. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, t.5, tr.92. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 51 Long Hương, thành phố Bà Rịa được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII1. Chùa Long Hòa ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay được xây dựng vào năm 1737 do hòa thượng Liễu Huệ - Tâm Thông xây dựng2. Ngoài ra còn có đình Long Hương được xây dựng trong khoảng từ 1788 đến 1802. Như vậy, trong quá trình khai phá đất đai, đời sống văn hóa của người Việt ở Mô Xoài rất phong phú. Bên cạnh các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu tinh thần, các dạng văn hóa khác của cộng đồng cũng hình thành và tiếp biến trong khung cảnh thiên nhiên và xã hội mới. 3. Hoạt động quân sự bảo vệ chủ quyền trên vùng đất Mô Xoài Trong các thế kỷ XVII, XVIII, chúa Nguyễn có nhiều hoạt động quân sự trên vùng đất Mô Xoài. Các hoạt động quân sự này có thể chia làm hai loại: Loại hoạt động thứ nhất là việc đưa quân đánh Chân Lạp do Chân Lạp tấn công vào khu vực thuộc chủ quyền của Đàng Trong. Hoạt động này chủ yếu để bảo vệ và gìn giữ chủ quyền trên những vùng đất đã được xác lập. Loại hoạt động thứ hai là đem quân từ Mô Xoài hoặc từ nơi khác đến chống cướp phá hay các hoạt động gây rối để bảo vệ dân chúng khai hoang và thông qua đó từng bước mở mang lãnh thổ, hình thành chủ quyền của Chúa Nguyễn trên các vùng đất mới khai hoang. Năm 1658, Chân Lạp xâm chiếm lãnh thổ phía nam Đàng Trong. Chúa Nguyễn cử 3.000 quân chống lại. Lực lượng này đã tiến đến Mô Xoài, bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân cùng voi ngựa, khí giới và giải về dinh Quảng Bình3. Đây là sự kiện đầu tiên chúa Nguyễn đưa quân đến Mô Xoài. Quân chúa Nguyễn một mặt chống lại Chân Lạp xâm phạm biên giới, mặt khác đã đưa quân vào vùng đất Nam Bộ để 1, 2. Xem Phạm Chí Thân: Di sản Hán - Nôm trong các di tích lịch sử văn hóa Bà Rịa - Vũng Tàu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.173, 183. 3. Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.72. 52 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX bảo vệ và tạo điều kiện cho lưu dân Việt xuống khai hoang vùng đất mới Mô Xoài. Năm 1674, chính quyền Chân Lạp lục đục, vua Nặc Nộn sợ hãi chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn ở dinh Thái Khang, chúa Nguyễn cử quân đội từ dinh Thái Khang chia làm hai đạo tấn công Chân Lạp. Đội quân này từ Thái Khang tiến xuống phía nam, đi qua Mô Xoài phá hủy các lũy ở Sài Gòn, Bích Đôi rồi tấn công thẳng sang thành Nam Vang. Kết quả vị vua tiếm quyền ở Chân Lạp phải đầu hàng, chúa Nguyễn cho dòng vua đích làm vua chính đóng ở thành Long Úc, Nặc Nộn là vua thứ hai đóng ở thành Sài Gòn, cả hai vị này cùng làm vua Chân Lạp và thực hiện triều cống hàng năm cho chúa Nguyễn1. Trịnh Hoài Đức đã bổ sung một số chi tiết quan trọng, đó là việc vị vua thứ hai đóng ở Sài Gòn, do sợ quân chúa Nguyễn xuống đánh nên năm 1674, đã đắp một lũy đất ở vùng địa đầu Mô Xoài để phòng thủ. Sau đó khi quân chúa Nguyễn xuống đã đánh thắng quân Chân Lạp ở lũy Mô Xoài trước, rồi mới tiến xuống Sài Gòn. Sau chiến thắng ở lũy Mô Xoài thì mới gọi là lũy Phước Tứ2, tức là được ban phước. Các hoạt động chống cướp bóc, nổi loạn ở trong vùng nhằm bảo vệ an ninh cho quá trình khai phá đất đai, đồng thời củng cố chủ quyền lãnh thổ ở vùng Mô Xoài3. Đầu năm 1694, một số người Thanh cùng với người Chăm ở Thuận Thành nổi loạn giết binh lính chúa Nguyễn. Viên quan Cai đội ở dinh Bà Rịa đem quân tấn công lên Bình Thuận để chống nổi loạn, nhưng 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.89. 2. Hiện nay ở bên cạnh đường quốc lộ 51, đối diện với Đình thần Long Điền thuộc thị trấn Long Điền vẫn còn một địa danh là Bàu Thành. Bàu Thành là nơi quân Chân Lạp đóng quân, tắm voi chiến có thể là dấu vết còn lại của sự kiện năm 1674. Lũy Phước Tứ cách Bàu Thành khoảng 4,5km về phía thành phố Bà Rịa (xem thêm Đặng Ngọc Hà: Không gian văn hóa xứ Mô Xoài: Diễn trình lịch sử, đời sống xã hội và văn hóa, Luận văn đã dẫn, tr.86-89). 3. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.231-232. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 53 đã bị giết chết1. Hai tháng sau, Nguyễn Hữu Cảnh mới dẹp được vụ nổi loạn này. Khi Cù Lao Phố bị Lý Văn Quang chiếm cứ các cơ sở kinh tế, bắt giết quan binh... thì Cai cơ Đại thắng hầu Tống Phước Đại ở đạo Mô Xoài đã dẫn quân lên hỗ trợ chống lại quân nổi loạn2. Người thiểu số ở phía bắc Mô Xoài, vì ở vùng xa trung tâm đóng quân của chúa Nguyễn tại Bà Rịa, cũng có khi đã nổi dậy chiếm cứ địa phương mình buộc chúa Nguyễn phải đưa quân lính từ dinh Quảng Nam đến đánh dẹp và ổn định tình hình, tạo điều kiện cho dân yên tâm khai phá đất đai, phát triển sản xuất3. Về công tác phòng thủ, khu vực Mô Xoài - Bà Rịa là rất quan trọng, vì đây là cửa yết hầu của vùng biển và đồng bằng để tiến vào trung tâm Nam Bộ là Sài Gòn. Trịnh Hoài Đức đã từng nhận xét: “Đất này dựa lưng vào núi, mặt trông ra biển, rừng rậm, tre dầy, trên có sở tuần để vẫy gọi dân man mọi đến đổi chác, vùng dưới có trạm cửa bể để xem xét thuyền bè lúc đi ra biển, đường trạm thủy bộ giao tiếp. Việc cung nộp sơn, lâm, thổ sản, chế ngự Đê, Man, bắt giữ phòng ngừa đạo tặc, đã có đặt huyện, nha, đạo, thủ, chia giữ nhiệm vụ, chính là nơi xung yếu, bận rộn, khó nhọc bậc nhất. Có nhiều cửa quan hiểm yếu, di chỉ của các thành trì xưa đến nay hãy còn để lại, khác gì quốc đô của các vương giả”4. Mô Xoài có cửa biển rất quan trọng là Tắc Khái, từ cửa này sẽ thông lên các hệ thống sông Bến Nghé, ngã ba Nhà Bè, xuống miền tây Gia Định hay lên sông Đồng Nai, do đó giữa thế kỷ XVIII, quân lính ở cửa Tắc Khái được sắp xếp thành 3 đội thuyền5, mỗi đơn vị có 3 chiến thuyền, tổng cộng 9 thuyền, mỗi thuyền gồm 40 lính, như vậy có 360 lính bảo vệ cửa Tắc Khái6. 1, 3. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.107, 122. 2. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.29. 4. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.39. 5. Thuyền là một đơn vị quân đội nhỏ nhất của chúa Nguyễn. 6. Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 247. Vì tầm quan trọng của cửa biển này nên khi quân Tây Sơn tấn công Sài Gòn năm 1776 cũng đi qua Tắc Khái và vào cửa biển Cần Giờ để vào vùng sông nước trung tâm Gia Định. 54 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Ngoài ra, ở ven biển xứ Mô Xoài có hai đơn vị phòng thủ khác là thủ Bà Rịa và thủ Mô Xoài. Mỗi thủ này được tổ chức giống như các đơn vị lính ở cửa Tắc Khái, mỗi đơn vị gồm 360 lính bảo vệ với 9 thuyền1. Tóm lại, vì Mô Xoài là địa đầu của biên giới phía nam Đàng Trong thế kỷ XVII, nên vùng này thường diễn ra các hoạt động quân sự của chúa Nguyễn chống lại các hoạt động xâm lấn của Chân Lạp. Các hoạt động quân sự ở Mô Xoài trong thực tế đã bảo vệ vững chắc chủ quyền của chúa Nguyễn, bảo vệ người Việt và các lưu dân khai hoang vùng Mô Xoài, và cả những người tạm lưu cư để tìm cơ hội tiếp tục chuyển xuống trung tâm Gia Định hay tiến xa hơn vào khai phá miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, quân đội cũng làm nhiệm vụ chống trộm cướp, chống nổi loạn, bảo vệ dân cư sinh sống ở vùng Mô Xoài, cũng như tạo chỗ dựa và niềm tin cho lưu dân mở rộng khai phá các vùng lân cận. III- QUÁ TRÌNH KHAI MỞ VÙNG ĐỒNG NAI TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII 1. Khái quát về vùng Đồng Nai trước thế kỷ XVII Trong bối cảnh chung của miền Nam Bộ trước thế kỷ XVII, Đồng Nai lúc này còn là vùng đất hoang sơ, chưa được khai thác. Toàn bộ vùng đất tính từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu ngược lên đầu nguồn hàng mấy nghìn dặm hầu hết vẫn còn là rừng rậm. Ở khu vực này chỉ có người Xtiêng, người Mạ và một ít người Khmer sinh sống. Trong số các tộc người đến sớm ở đây thì tộc người Xtiêng là cư dân bản địa, đông hơn cả và sống trên một địa bàn rộng, nhưng thực tế số lượng cũng không nhiều. Ở Tân Triều, Đồng Nai người ta đã tìm thấy rất nhiều ngôi mộ có niên đại vào thế kỷ XVI, XVII. Đó là những ngôi mộ bằng ô dước, dài, có chữ loằng ngoằng. Người Việt ở đây gọi những ngôi mộ này là mả Mọi. Hiện tại những người Xtiêng, Mạ, Chơro không có phong tục xây cất 1. Xem Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.248. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 55 mồ mả bằng ô dước. Do đó đây có thể là những ngôi mộ của người Chăm và thời kỳ này họ sống xen kẽ với người Việt và có thể thế kỷ XV đã có người Việt sinh sống ở Đồng Nai1. Theo Trịnh Hoài Đức, “Đồng Nai là tên duy nhất của trấn Biên Hòa, mà chợ Đồng Nai lại ở phía nam hạ lưu sông Phước Giang cách trấn độ 8 dặm ngoài. Do ban đầu là cánh đồng cho nai hươu ở, cho nên mới gọi là Đồng Nai, tên chữ là Lộc Dã, còn gọi là Lộc Động (...) Còn như Gia Định mà gọi là Đồng Nai tất nhiên cũng có cơ sở. Nguyên Gia Định khi bắt đầu khai thác thì từ chỗ Đồng Nai trước cho nên người đời trước có ý như dùng cái gốc để tóm cái ngọn, lấy chỗ đầu để kéo được cả đuôi, bèn gọi chung là Đồng Nai”2. Trịnh Hoài Đức còn cho biết sách của Trung Quốc chép Đồng Nai là Nông Nại: “Nhưng theo cư dân ở đây thường nói thì chỉ gọi đất Biên Hòa là Đồng Nai, Bà Rịa; đất Phiên An là Bến Nghé, Sài Gòn; đất Định Tường là Vũng Gù, Mỹ Tho; đất Vĩnh Thanh là Long Hồ, Sa Đéc; đất Hà Tiên là Cà Mau, Rạch Giá”3. Như vậy, thế kỷ XVII, XVIII khi nói tới Đồng Nai chúng ta phải hiểu được hai ý nghĩa: Nghĩa thứ nhất, chỉ toàn bộ vùng Gia Định, Nam Bộ ngày nay, như câu ca dao xưa vẫn nhắc: “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”. Đồng Nai trong trường hợp này là cả vùng Nam Bộ trù phú. Nghĩa thứ hai, để chỉ một khu vực nằm phía bắc trung tâm Gia Định, nằm bên cạnh xứ Mô Xoài - Bà Rịa, phía bắc của khu vực Đồng Nai giáp với dinh Bình Thuận và trấn Thuận Thành, phía tây giáp với Chân Lạp. Vùng Đồng Nai theo nghĩa hẹp đến thời kỳ đầu Gia Long là trấn Biên Hòa, sau cải cách hành chính của Minh Mệnh trở thành tỉnh Biên Hòa, tất nhiên các địa danh hành chính này bao gồm cả Mô Xoài - Bà Rịa. 1. Xem Diệp Đình Hoa, Phan Đình Dũng: Làng Bến Cá xưa và nay, Nxb. Đồng Nai, 1998, tr.25. 2, 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.39. 56 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Bên cạnh từ Đồng Nai còn xuất hiện các địa danh khác có âm “nai” như Hang Nai, Nhà Nai, Hố Nai. Chữ “nai” ở đây là hình tượng của con nai, đó có thể là hình thức tô tem, ngoài ra từ này cũng thuần thành tố nôm. Trong quá trình khai thác vùng đất mới, từ quan sát thực tế vùng đất hoang dã này mà có tên gọi là Đồng Nai. Sau này đến thế kỷ XVIII, XIX xu hướng Hán hóa các địa danh mới xuất hiện, lúc đó có từ Lộc dã, Lộc động để chỉ các địa danh có từ “nai”. Từ Đồng Nai lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản quốc ngữ vào năm 1747 trong bản báo cáo về tình hình giáo dân Nam Bộ của Giáo hội Thiên chúa. Đến năm 1772, từ Đồng Nai xuất hiện vừa bằng tên Nôm vừa bằng quốc ngữ trong từ điển An Nam - Latinh của Pigneau de Béhaine1. Sau này vào năm 1838 trong cuốn Dictionnarium Anamitico Latinum của Giáo sĩ A.J.L.Taberd có dẫn từ Đồng Nai và được giải thích là: “provincia Cocincine”2, cuốn này có tham khảo rất nhiều cuốn từ điển trước kia của Pigneau de Béhaine. Tên gọi Đồng Nai chỉ xuất hiện vào thế kỷ XVII, XVIII, còn trước đó từ rất lâu đời vùng này được gọi là Thù Nại. Thù và Đồng hoàn toàn có thể biến âm cho nhau, vì hiện nay âm đ được phiên âm Bắc Kinh là t, th; do đó Thù có thể biến đổi thành Don. Ngoài ra Thù có nghĩa là lớn, Nai còn có nghĩa là đựng rượu; cách đây 4.000 năm vùng Đồng Nai là trung tâm sản xuất gốm lớn, do đó tên Thù Nai hay Thù Nại có nghĩa chỉ vùng đất làm gốm3. Có thể xem đây như là những gợi ý để tiếp tục đi sâu nghiên cứu về địa danh cũng như đặc điểm của vùng đất này. 2. Hoạt động khai phá đất đai thế kỷ XVII Cùng với Mô Xoài, Đồng Nai là khu vực sớm được người Việt khai 1. Xem Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Sđd, tr.12-13. 2. A.J.L. Taberd: Dictionnarium Anamitico Latinum, Nxb. Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2004, tr.150. 3. Xem Diệp Đình Hoa, Phan Đình Dũng: Làng Bến Cá xưa và nay, Sđd, tr. 12-14. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 57 thác. Trong thế kỷ XVII, người Việt xuống Đồng Nai theo ba con đường. Con đường thứ nhất là đường biển đi từ cửa Cần Giờ lên vùng ngã ba Nhà Bè vào sông Đồng Nai, khi đó còn gọi là sông Phước Long; con đường này sau được Trần Thượng Xuyên sử dụng để đi lên vùng Bàn Lân và lập ra Cù Lao Phố. Con đường thứ hai, đi từ xứ Mô Xoài sang, có thể theo hai cách, cách thứ nhất đi đường bộ dọc theo lưu vực sông Mô Xoài rồi vào sông Đồng Nai; cách thứ hai là đi thuyền. Con đường thứ ba, đi từ dinh Bình Thuận thẳng xuống Đồng Nai, vì đi lại khó khăn nên rất ít người đi theo đường này. H. Fontaine trong cuốn sách Cánh đồng mộ chum ở Long Khánh xuất bản năm 1972 đã dẫn lại thư của giám mục Labbé gửi phái bộ thừa sai nước ngoài vào tháng 10-1710, cho biết: “Khoảng năm 1670 đã có dân Cochinchine đến sinh cơ lập nghiệp ở một phần đất nào đó mà người ta gọi là Donnai giáp ranh với các vương quốc Khmer và Chămpa”1. Năm 1679, Trần Thượng Xuyên cùng 50 chiến thuyền và hơn 3.000 quân chạy sang bờ biển Tư Dung nhờ vả sự giúp đỡ của Chúa Nguyễn, những người này là phiến quân nhà Minh không chịu sống cùng nhà Thanh nên đã chạy sang Đàng Trong. Chúa Nguyễn đã đồng ý vì theo lời bàn của các đại thần thì: “Nay đất Đông Phố (tên cổ của Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều”2. Và do đó, chúa Nguyễn cho họ được phép vào vùng đất xứ Đồng Nai để khai phá, phát triển sản xuất, những người này đi thuyền vào cửa Lôi Lạp, đến đóng ở Bàn Lân (Biên Hòa). Về con đường di chuyển của quan quân nhà Minh đến Gia Định được Trịnh Hoài Đức miêu tả như sau: “Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền tiến vào cửa Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai”3. 1. Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Sđd, tr.11. 2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.91. 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.110. 58 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Như vậy, việc cho phép toán quân người Hoa vào xứ Đồng Nai là quyết định rất nhanh chóng, điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của chính quyền Đàng Trong muốn chinh phục vùng Đồng Nai. Hơn nữa, với 3.000 người khai phá vùng đất mới thì tự nhiên chúa Nguyễn lại có thêm một lực lượng lớn dân số khai phá miền Nam mà không tốn công chiêu mộ dân xứ Thuận Quảng. Khi đến Đồng Nai, nhóm người Hoa: “vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buồm của người Thanh và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa Hán thấm dần vào đất Đông Phố”1. Cù Lao Phố được xây dựng bước đầu vào thế kỷ XVII, là một điểm tụ cư quan trọng của xứ Đồng Nai, và sau này Cù Lao Phố phát triển mạnh mẽ nhất ở thế kỷ XVIII. Thời kỳ này một số lượng rất lớn người Việt đến khai phá Cù Lao Phố, ở đây có 32 xóm, xóm Chợ Chiếu sau là xã Hưng Phú, xóm Rạch Lò Gốm sau là thôn Hòa Đông, xóm Chùa sau thành thôn Bình Tự2. Các địa danh còn tồn tại đến ngày nay cho biết thế kỷ XVII có một số làng nghề hoạt động như rạch Lò Gốm ở Cù Lao Phố trước kia sản xuất gốm, chợ Lò Thổi ở Bến Gỗ, trấn Biên Hòa chuyên khai thác và làm đồ sắt, trang Thuyền Tụ ở ngã ba Nhà Bè thuộc Biên Hòa chuyên tu sửa và đóng mới thuyền bè, xóm Chợ Chiếu ở Cù Lao Phố chuyên đan và bán chiếu, huyện Phước An có nghề dệt lĩnh, Long Khánh có nghề đan buồm...3. Sau khi khai phá đất hoang, lập làng mạc, một phần người Hoa phát triển sản xuất nông nghiệp, còn lại phần lớn đều phát triển thương mại. Thế kỷ XVII, ban đầu thương nhân Cù Lao Phố chỉ phát triển thương mại khu vực quanh sông Đồng Nai. Do đó chúng ta có thể đoán định rằng, thế kỷ XVII khu vực ven sông Đồng Nai thuộc 1. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.91. 2. Xem Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Sđd, tr.72-73. 3. Xem Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Sđd, tr.77. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 59 xứ Đồng Nai đã có nhiều điểm tụ cư sản xuất lúa gạo, tìm kiếm lâm sản, có những tiền đề thuận lợi này thì người Hoa mới có cơ sở để phát triển thương mại và theo sông Đồng Nai ngược lên để trao đổi hàng hóa với người Thượng, cũng như đến các vùng xa xôi khác. Sông Phước Long đoạn xứ Đồng Nai có Hòn Rùa nằm giữa sông là điểm tụ cư của thế kỷ XVII, khu vực này nhiều thuyền bè đi lại. Bến Cá cũng là khu vực được khai thác rất sớm từ thế kỷ XVII, khu vực này nhận được luồng dân cư tới từ sông Đồng Nai hoặc cư dân từ Bà Rịa đi theo sông Thị Vải lên đây1. Người ta cũng phát hiện được nhiều ngôi mộ ở Tân Triều, Đồng Nai có niên đại thế kỷ XVII, đây có thể là những ngôi mộ của người Việt. Địa đầu khai phá ở khu vực Đồng Nai thế kỷ XVII, XVIII là khu vực núi Ba Ba (Thần Quy Sơn), đây là địa đầu phía tây của vùng Đồng Nai, khu vực này có nhiều hang, sóc của tộc người Chăm ở rải rác2, các tộc người ở đây được Trịnh Hoài Đức gọi là người “man đã thuần thuộc”. Phía bắc của khu vực Đồng Nai là địa bàn của các tộc người thiểu số mà sau này gọi là trấn Thuận Thành. Các khu vực miền tây xứ Đồng Nai thế kỷ XVII cũng chủ yếu là các tộc người thiểu số. Sông Đồng Nai cung cấp nguồn nước, phù sa vô cùng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sông này chảy hợp lưu với sông Tân Bình thành sông Phước Bình rồi chảy ra biển qua cửa Cần Giờ, Trịnh Hoài Đức cho biết: “Thường đến tháng 8 hàng năm nước lụt đổ xuống, rửa sạch bao xú uế, lan tỏa khắp ruộng nương, tuy lụt có lớn nhỏ nhưng không sợ nạn tràn ngập mênh mông, người chết, nhà trôi, bởi vì sông này có nhiều nhánh rút chảy ra biển rất nhanh”3. Ruộng ở Đồng Nai thế kỷ XVII có hai loại là ruộng núi và ruộng cỏ. Ruộng núi phải chặt cỏ, sau đó đốt khô cỏ thành tro, đợi mưa bắt đầu trồng lúa, không cần sử dụng cày bừa; sau 3, 4 năm thì di chuyển 1. Xem Diệp Đình Hoa, Phan Đình Dũng: Làng Bến Cá xưa và nay, Sđd, tr.61. 2. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.24. 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.28. 60 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX đến chỗ khác vì đất cũ hết màu mỡ. Ruộng cỏ là loại ruộng bùn sình, khi cày phải lựa trâu khỏe, cao vì bùn ngập sâu. Ruộng cày trâu ở xứ Đồng Nai cứ gieo một hộc lúa giống sẽ thu hoạch được 100 hộc lúa1. Cảnh quan nông nghiệp được Lê Quý Đôn cho biết: từ cửa biển đến đầu nguồn đi sáu, bảy ngày, hết thảy đều là đồng ruộng bằng phẳng, trải rộng bát ngát2. Khu vực Đồng Nai được khai phá bởi người Việt và người các tộc thiểu số. Đối với người Việt, bên cạnh những người nghèo khó tha hương thì còn có cả những người giàu, chúa Nguyễn: “mới chiêu mộ những người dân có vật lực ở xứ Quảng Nam các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho dời tới ở đây, phát chặt mở mang, hết thảy thành bằng phẳng, đất nước mầu mỡ, cho dân tự chiếm, trồng cau và làm nhà cửa”3. Bên cạnh người Việt, các tộc người thiểu số cũng là lực lượng rất quan trọng của công cuộc khai phá này. Lê Quý Đôn từng chép lại việc người Việt trả tiền cho người thiểu số để họ làm việc cho mình, giá tiền cho người có nước da đen 20 quan, trắng hơn giá tiền chỉ hơn 10 quan4. Những người thiểu số có thể lập gia đình với nhau và tiếp tục khai phá đất đai, phát triển sản xuất. Li Tana cho rằng người cao nguyên hay người Thượng “là nguồn nhân công chính cho việc khai khẩn miền Đồng Nai”5. Việc khai phá đất đai của người Việt ở vùng Nam Bộ diễn ra ôn hòa với các tộc người bản địa. Một nghi lễ gọi là “lễ cúng chủ đất cũ” được miêu tả năm 1879 ở Chợ Lớn cho thấy người Việt phải cúng vị thần là chủ đất cũ với giá 1.500 quan tiền vàng mã và hứa sẽ cúng 3 năm một con heo cho vị chủ đất cũ để đổi lại việc chủ đất cũ cho phép người Việt 1. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.193. 2. Xem Lê Quý Đôn: Toàn tập, Sđd, t.1 (Phủ biên tạp lục), tr.345. 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.442. 4. Một văn bản khác của Phủ biên tạp lục được lưu giữ ở Viện Sử học lại chép rằng người Mọi giá 20 quan, người béo trắng là giống Kinh giá 50, 60 quan. 5. Li Tana: Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Sđd, tr.55. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 61 đi xa hơn để khai thác đất đai. Nhưng mặt khác nghi lễ cầu khấn Chúa Ngu chẳng hạn lại cho thấy sự vất vả của người thày cúng Việt trong việc thuyết phục Chúa Ngu (được trang điểm giống một người Mọi) giao đất, kết quả người thày cúng vẫn phải trả tiền để được đất1. Do đó: “Người giàu ở các địa phương hoặc 40, 50 nhà, hoặc 20, 30 nhà, mỗi nhà điền nô hoặc đến 50, 60 người, trâu bò hoặc đến 300, 400 con, cày bừa cấy gặt, rộn ràng không rỗi”. Các đại điền chủ lớn sở hữu nhiều ruộng đất, trâu, bò và thuê được nhiều người đã nhanh chóng trở thành những người sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở Đồng Nai. Thế kỷ XVII, Đồng Nai là vùng trồng mía và sản xuất đường. Trong đó có mía trắng sản xuất đường cát, đây là loại hàng hóa cho thương mại. Truyền thống sản xuất này vẫn được duy trì, đến đầu thế kỷ XIX, huyện Phước Chánh, Biên Hòa sản xuất các loại đường phèn, đường phổi, đường cát. Riêng đường cát ở Phước Chánh mỗi năm bán trên 600.000 cân2. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh lập ra dinh Trấn Biên, rồi dinh Phiên Trấn. Lúc này phần lớn huyện Phước Long với dinh Trấn Biên thuộc xứ Đồng Nai. Huyện Tân Bình thuộc dinh Phiên Trấn có diện tích nhỏ hơn Phước Long, mà Phước Long phần lớn thuộc xứ Đồng Nai, do đó trong tổng số 4 vạn hộ dân với khoảng 200.000 người tập trung chủ yếu ở vùng Đồng Nai và Mô Xoài từ thế kỷ XVII. Qua đó, có thể thấy thế kỷ XVII Đồng Nai là khu vực phát triển mạnh công cuộc khai phá đất đai, là vùng phát triển nhất của Nam Bộ về dân cư cũng như kinh tế. 3. Công cuộc khai phá đất đai, phát triển kinh tế ở Đồng Nai thế kỷ XVIII Bước sang thế kỷ XVIII, vùng Đồng Nai có bước phát triển mới 1. Li Tana: Xứ Đàng Trong - Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Sđd, tr.188-189. 2. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.196. 62 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX trong công cuộc khai phá đất đai. Lúc này, dòng người đổ về Đồng Nai để lập cư và phát triển sản xuất ngày càng nhiều. Thế kỷ XVIII là thời kỳ tiếp tục phát triển mạnh thành quả của quá trình khai phá thế kỷ XVII và mở rộng không gian khai phá đất đai, cả về diện tích lẫn các loại hình hoạt động kinh tế. Từ thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã mộ người có vật lực tức là các gia đình giàu có để khai phá miền Đồng Nai. Đến thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn vẫn tiếp tục đẩy mạnh chính sách này, bởi lẽ các đơn vị hành chính đã được thiết lập, và việc mộ dân khai phá đất đai là cần thiết, không có dân khai phá đất đai sẽ không thể giữ vững và mở rộng chủ quyền của chúa Nguyễn ở Nam Bộ. Giữa thế kỷ XVIII những người Việt xiêu tán ở Chân Lạp được đưa về phát triển vùng Đồng Nai, Gia Định, “Lại ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn rằng phàm dân lưu tán mới trở về thì chia ruộng đất để thiết lập thôn phường, tha các thứ binh đao tô thuế trong ba năm, do đó dân đều yên nghiệp làm ăn”1. Đây là biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất và đẩy mạnh khai phá đất đai khi người dân lưu lạc từ Chân Lạp trở về được chia đất, miễn tô thuế, binh đao. Sở dĩ chúa Nguyễn tăng cường chiêu mộ dân lưu tán vì chúa thực sự muốn đẩy mạnh việc khai phá toàn diện vùng Đồng Nai, Gia Định trước, sau đó mới khai phá xa hơn vào khu vực khác. Khi Nguyễn Ánh vào Gia Định, ông có nhiều biện pháp phát triển nông nghiệp vùng Đồng Nai. Năm 1790, Nguyễn Ánh “ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn mộ người lập các nậu biệt nạp (nậu dầu rái, mỗi người mỗi năm nộp 8 vò; nậu dầu tràm, mỗi người nộp 800 cân, đèn nến lớn mỗi người nộp 1 cây dài 4 thước, lưng tròn 1 thước 2 tấc, nếu nhỏ 40 cây; nậu mây sắt mây nước, mỗi người nộp 14.000 sợi, mỗi sợi dài 7 thước, bề ngang 3 phần; nậu lá buôn, mỗi người 4.000 lá; nậu buồm lá, mỗi người 80 bó; thuế thân nộp theo lệ thường, lao dịch đều miễn)”2. Đây là biện pháp phát triển kinh tế thu lượm thổ sản, và mở rộng đất đai ở các vùng xa xôi còn chưa khai thác trong đất Đồng Nai. 1, 2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.127, 263. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 63 Ngoài người Việt khai phá đất đai, một bộ phận người dân tộc thiểu số cũng có các đợt di dân lớn để khai phá xứ Đồng Nai. Năm 1705, có 5.000 người1 Côn Man* cả đàn ông, đàn bà được đưa về đóng ở chân núi Bà Đinh2. Những người dân tộc thiểu số này khi đó sống ở phía tây Phước Long, hiện nay nằm kề với tỉnh Tây Ninh, Bình Phước ở miền Đông Nam Bộ. Những người này được chiêu dụ để khai phá đất đai, mở mang lãnh thổ, xác lập và bảo vệ chủ quyền của chúa Nguyễn trên các vùng đất xa trung tâm. Như vậy, xứ Đồng Nai giữa thế kỷ XVIII được tiếp nhận một lực lượng lớn người dân tộc thiểu số cùng khai phá đất đai, xác lập chủ quyền. Theo tài liệu của Nguyễn Khoa Thuyên năm 1776, huyện Phước Long có hơn 250 thôn, dân số khoảng 8.000 người, thuế ruộng hơn 2.000 hộc. Con số này thật khó có thể đoán định chính xác về dân số của Đồng Nai. Nhưng con số 8.000 đinh cho dự đoán khoảng 40.000 người, so với số liệu năm 1698 thì không dễ để biết được số liệu chính xác. Con số 8.000 cũng chỉ là số người nộp thuế ruộng ở một khu vực cụ thể nào đó chứ không thể toàn bộ huyện Phước Long. Các nậu, các thuộc Canh Dương, Thiên Mụ, Hoàng Lạp có khoảng 40 thôn nậu, dân số 1.000 người phải nộp thuế, có 20 chiến thuyền. Các nậu về Ô Tất (thuyền sơn đen) gồm 30 nậu, dân số 500 đinh, 10 chiến thuyền. Khu vực trường Giản Thảo ruộng có khoảng 60 sở. Thế kỷ XVIII, xứ Đồng Nai có rất nhiều điểm tập trung dân cư lớn, cư dân người Việt chủ yếu sống bằng hoạt động nông nghiệp. Những điểm tập trung này được hình thành từ thế kỷ XVII và phát triển mạnh trong thế kỷ XVIII. Núi Lò Gốm ở phía tây dinh Trấn Biên là điểm dân 1. Lê Quý Đôn chép là 3 vạn người (Xem Lê Quý Đôn: Toàn tập, Sđd, t.1 (Phủ biên tạp lục), tr.85-86). Trong khi đó Đại Nam thực lục và Gia Định thành thông chí đều chép là 5.000 người. * Côn Man: người Chăm (B.T). 2. Tức là núi Bà Đen ở Tây Ninh hiện nay. 64 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX cư sản xuất gạch, gốm nên gọi tên như vậy1. Chợ Ngư Tân (chợ Bến Cá) nằm cạnh Núi Đá Trắng ở Đồng Nai nằm ở phía Tây dinh Trấn Biên cũng là điểm dân cư quan trọng. Các cù lao ven sông Đồng Nai là những địa điểm tụ cư lớn của người Việt, trên các cù lao này ngoài nông nghiệp, người ta còn khai thác nguồn lợi thủy sản và phát triển thương mại. Cù lao Tân Triều ở trung lưu sông Đồng Nai, nằm ở phía tây, dân cư ở đây chuyên làm vườn và trồng trầu là sản vật nổi tiếng của vùng. Cù lao Tân Chánh ở phía nam cù lao Tân Triều đất tốt chuyên trồng dâu và mía, nơi này sản xuất nhiều đường; ở Tân Triều đã phát hiện được nhiều ngôi mộ bằng đá ong có trát vôi vữa, ở khu vực thôn Bình Ý, Tân Triều, Đồng Nai có 1 ngôi mộ được trang trí tứ quý, một ngôi mộ khác có chữ Thanh Cố2. Cù lao Cái Tắt ở hạ lưu sông Đồng Nai có ruộng nương và nhà cửa của dân cư, đây là khu vực có nhiều rạch, nhánh sông nên mạng lưới sông ngòi rất chằng chịt, thuận lợi cho việc di chuyển bằng đường sông. Tên sông Lá Buông hay rạch Lá Buông ở hạ lưu sông Đồng Nai là do dân cư trước đây sinh sống bằng cách lấy lá buông dệt buồm, đan tấm, đánh dây buồm rồi đem bán. Rạch Lá Buông là trung tâm của mạng lưới sông ngòi hạ lưu sông Đồng Nai, từ rạch này lên phía bắc 24 dặm là khu vực trao đổi hàng hóa của thuyền bè với các tộc người thiểu số3. Trong nông nghiệp ở Đồng Nai, bên cạnh các giống lúa của người Việt mang vào Nam Bộ thì các giống lúa của các cộng đồng người Chơro, Mạ cũng được người Việt sử dụng trên loại ruộng cao; các giống lúa của người Chơro gồm: Katon, Va dyui, Va thuq, Va keh, Va up, Va cop, Va chap chey, Va prau yango, N`hpal charau jro, N`hpal luh, N`hpal puh, N`hpal qval, N`hpaool bay boho; các giống lúa của người Mạ gồm: Koi Me, Koi Krong, Koi Tiu, Koi Brao, Koi Tr`rang, Koi Leh, Koi Mbar...4. 1, 3. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.23, 33-34. 2. Xem Diệp Đình Hoa, Phan Đình Dũng: Làng Bến Cá xưa và nay, Sđd, tr.24. 4. Xem Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Sđd, tr.75. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 65 Núi làng Giao ở phía đông bắc xứ Đồng Nai là khu vực sinh sống của các tộc người thiểu số, họ là những người chịu sự quản lý của chúa Nguyễn trong việc khai phá đất đai. Các khu vực kiểm soát ngoại thương đã thu nhiều nguồn lợi do sự phát triển mạnh của quá trình khai phá đất đai, phát triển kinh tế hàng hòa. Nguồn Băng Vọt hằng năm đóng tiền thuế 360 quan1. Ghi chép của Nguyễn Khoa Thuyên cho biết ở phủ Gia Định có nguồn Đồng Môn, thủ Quang Hóa ở huyện Phước Long có nhiều gỗ sao, gỗ trắc, gỗ giáng hương, gỗ gụ. Như vậy, ở miền thượng du xứ Đồng Nai vào giữa thế kỷ XVIII có ít nhất ba nguồn thu thuế, các nguồn này là điểm trấn giữ quan hệ buôn bán giữa đồng bằng và miền núi huyện Phước Long, xứ Đồng Nai. Hoạt động thương mại ở xứ Đồng Nai rất phát triển, nhiều thuyền buôn của nhiều nước đã đến khu vực này. Trong một bức thư, xứ thần Xiêm cho biết có thuyền đi từ Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc) sang Xiêm (Thái Lan) đã cứu được 15 người trên thuyền Huệ An của Xiêm đang trên đường đến Đồng Nai mua gạo thì gặp bão ở Côn Đảo2. Hoạt động thương mại thế kỷ XVIII ở Cù Lao Phố được Trịnh Hoài Đức mô tả: “Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng liền nhau 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lát đá ong, đường phố nhỏ lát đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chốn đô hội”3. Những miêu tả trên cho thấy sự phát triển rất nhanh của hoạt động thương mại ở Đồng Nai. Phía nam Cù Lao Phố có Cự Tích Thạch nằm giữa sông Đồng Nai, nơi này có nhiều tàu bè qua lại: “Từ trước thuyền buôn đến đây thả neo xong thì lên bờ thuê phố ở, đến nhà chủ mua hàng kê khai 1, 2. Xem Lê Quý Đôn: Toàn tập, Sđd, t.1 (Phủ biên tạp lục), tr.271, 333. 3. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.238. 66 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX toàn bộ hàng hóa có trong thuyền trình sở thuế; chủ mua hàng định giá mua tất cả hàng hóa xấu tốt không sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về, gọi là hồi Đường, nếu chủ thuyền muốn mua thứ gì thì cứ kê khai trước, người chủ dựa theo đơn đặt hàng mua giùm, hai bên chủ khách đều tiện, thanh toán hóa đơn rõ ràng rồi, khách cứ đàn hát vui chơi, đã được nước ngọt sạch sẽ, lại không lo trùng hà ăn thủng ván thuyền, chỉ đợi tới ngày lui thuyền, chở hàng đầy khoang mà về xứ”1. Những miêu tả đó cho chúng ta hình dung sự phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh của thương nghiệp khu vực Cù Lao Phố. Thương mại ở đây đã phát triển thành thương nghiệp lớn, chuyên nghiệp, đường dài xuyên quốc gia, với kiểu tổ chức khá hoàn bị và vai trò của các trung tâm cũng như các đầu nậu. Cù Lao Phố trở thành nơi đô hội bậc nhất ở xứ Đồng Nai. Sự phát triển của Cù Lao Phố gắn liền với vai trò của thương nhân Trung Hoa trong hai công đoạn: thứ nhất, vận chuyển nội địa trong miền Đồng Nai và Nam Bộ; thứ hai, vận chuyển thương mại giữa Cù Lao Phố với các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến. Bên cạnh đó điều kiện đặc biệt của sông Đồng Nai đã làm cho nhiều thương thuyền lớn vào được tận vùng Cù Lao Phố: “Con sông lớn Donnai (trên hải đồ là Cămbốt) được mô tả là có thể đi lại được đối với những tàu thuyền kích cỡ lớn nhất ngược dòng tới 40 dặm vào trong đất liền”2. Tuy nhiên, vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XVIII, tình hình thương mại ở Cù Lao Phố trở nên điêu tàn vì tác động của cuộc chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Các thuyền buôn đều tập trung ở sông Tân Bình, Sài Gòn để buôn bán. Lúc đó, Cù Lao Phố không còn chủ buôn lớn làm đầu nậu nữa, nên các thuyền buôn của người Hoa phải tự gánh hàng bán tại các chợ lẻ quanh vùng Cù Lao Phố. Nếu muốn mua sản vật cũng không có nhà buôn lớn làm đại lý nữa phải tự tìm để mua nên rất lâu và khó khăn hơn trước. Bên cạnh đó là tình trạng trộm cắp 1. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.30. 2. J. Barrow: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), Sđd, tr.20. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 67 hoành hành, và nếu bị cướp ít thì thuyền buôn có thể về Trung Quốc được, nếu chẳng may bị cướp nhiều thì phải đậu qua mùa đông để tìm kẻ cướp đòi lại hàng mình đã mất1. Sau đó quân Tây Sơn đến đã phá phòng ốc, lấy của cải, gạch đá và nhiều vật dụng khác ở Cù Lao Phố chở về Quy Nhơn. Vì thế, khu vực Cù Lao Phố trở nên hoang hóa dần và thương mại ngày một tụt hậu và lụi tàn. 4. Đời sống văn hóa của cư dân Đồng Nai Trong quá trình khai phá đất đai, phát triển sản xuất vào thế kỷ XVII, XVIII, người dân khu vực xứ Đồng Nai có nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của mình. Chùa ở khu vực xứ Đồng Nai được dựng từ rất sớm. Khi người dân đi khai phá đất đai, họ dựng ra những ngôi chùa để thờ cúng, thực hành tín ngưỡng. Sự xuất hiện của những ngôi chùa cổ trên vùng đất Đồng Nai thế kỷ XVII, XVIII cho thấy nơi nào có người Việt định cư thì ở nơi đó có chùa của người Việt. Ngôi chùa cũng là chứng tích khẳng định quá trình phát triển của cộng đồng đến vùng đất mới, là chứng tích văn hóa khẳng định chủ quyền ở Nam Bộ. Những ngôi chùa đầu tiên được dựng ở Đồng Nai từ thế kỷ XVII là chùa Bửu Phong, Long Thiền, Sắc Tứ. Chùa Bửu Phong là một ngôi chùa đẹp, được xây dựng trong khung cảnh thiên nhiên tĩnh mịch, hoang sơ. Sau này vào đầu thế kỷ XIX, chùa này được trùng tu lại. Chùa Long Thiền, được dựng vào năm 1664 ở hữu ngạn sông Đồng Nai, trên một vùng đất rộng, đông dân cư. Chùa được trùng tu lần đầu tiên vào năm 1748. Với niên đại khá lâu như vậy, “những danh lam cổ tự xứ Đồng Nai được xem là cái nôi của trung tâm truyền bá Phật giáo đầu tiên vào vùng đất Nam Bộ”2. 1. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.30. 2. Ban Chỉ đạo lễ kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, Sđd, tr.311. 68 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Khi đánh Chân Lạp năm 1705, Nguyễn Cửu Vân dựng một ngôi chùa ở phía Nam sông Phước Giang (thuộc tỉnh Biên Hòa đời Minh Mệnh). Đến năm 1734, chúa Nguyễn nhớ tới chiến công của vị tướng này nên đặt tên chùa là Hộ Quốc, còn gọi là chùa Sắc Tứ1. Việc dựng ngôi chùa này chứng minh cho một thực tế là khi người Việt xác định chủ quyền của mình ở đâu thì sẽ lập ngôi chùa ở đó để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, và sâu xa hơn, khẳng định chủ quyền trên vùng đất mới. Cửa Văn Miếu Trấn Biên (Nguồn: Wikipedia) Thế kỷ XVIII, có nhiều ngôi chùa xuất hiện ở Đồng Nai. Trên núi Lò Gốm có chùa Bửu Phong2. Ở núi Chiêu Thái (Châu Thới) có am Vân Tĩnh, đến cuối thế kỷ XVIII khi chiến tranh Nguyễn Ánh - Tây Sơn nổ ra 1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Sđd, t.1, tr.145. 2. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.23. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 69 chùa này bị phá hủy. Cuối núi Chiêu Thái còn có chùa Hội Sơn không bị chiến tranh tàn phá1. Miếu là một hình thức tâm linh quan trọng ở xứ Đồng Nai thế kỷ XVII, XVIII. Nếu như chùa là biểu hiện của tôn giáo thì miếu là biểu hiện của tín ngưỡng, lòng tin vào những người đã chết hay những thế lực siêu nhiên. Miếu Quan Đế ở Cù Lao Phố được dựng muộn nhất từ năm 1684, tức là cuối thế kỷ XVII, sau đó qua nhiều lần sửa chữa (ví dụ như năm 1743)2. Ông nội của Trịnh Hoài Đức đã đến Gia Định từ thế kỷ XVII, tên ông có trong tấm bảng đề năm 1684 được phát hiện ở miếu Quan Đế; cha của Trịnh Hoài Đức cũng được đề tên trong tấm bảng ở miếu này vào năm 1743. Mũi Bà Kéc ở địa đầu phía bắc của Đồng Nai, nằm sát bờ biển. Khu vực mũi có miếu thờ Thần Nữ, miếu trông ra phía đường cái quan. Những người cúng lễ ở đây phải thành kính, thả gà sống, treo tiền giấy3. Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân đi đánh Chân Lạp, trước khi vượt sông Phước Giang ở xứ Đồng Nai, ông đã vào khấn lạy thần linh ở miếu Long Vương4. Như vậy, miếu này được lập từ trước năm 1705, có thể vào thế kỷ XVII khi người Việt mới đến khai hoang ở Đồng Nai. Đến năm 1715, chúa Nguyễn cho dựng Văn Miếu ở dinh Trấn Biên (đến thời Minh Mệnh, Văn Miếu ở địa phận hai thôn Bình Thành và Tân Lại, huyện Phước Chính). Đến năm 1794, lại được trùng tu, nâng cấp quy mô trở thành rộng hơn. Sự kiện dựng Văn Miếu chứng tỏ chúa Nguyễn từ rất sớm đã ý thức việc dùng Nho giáo trong việc quản lý vùng đất mới. Bên cạnh đó, Văn Miếu thể hiện cho học vấn, là hình ảnh của sự phát triển văn hóa, giáo dục của chúa Nguyễn trên vùng đất mới. Và điều quan trọng nhất, Văn Miếu chính là quyền lực, là biểu hiện của nhà nước Đàng Trong, của người cầm quyền, đó chính là ý thức khẳng định chủ quyền của người Việt, của chính quyền Đàng Trong. Sự kiện dựng Văn Miếu 1. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.24. 2, 4. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.236. 3. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.28. 70 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Trấn Biên ở trung tâm vùng Đồng Nai có vai trò rất quan trọng trong lịch sử văn hóa của Đồng Nai cũng như toàn miền Gia Định. Đình Bình Kính ở thành phố Biên Hòa hiện nay được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII sau khi Nguyễn Hữu Cảnh mất. Đình được xây để tưởng niệm Nguyễn Hữu Cảnh người đã có công lao kinh lý, mở cõi Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ1. Sự xuất hiện của đình là một sự khẳng định chủ quyền của nhà nước Đàng Trong. 5. Xây dựng lực lượng quân sự bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Khu vực Đồng Nai có vị trí quan trọng đối với việc mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn. Vì vậy, một mặt các chúa Nguyễn xây dựng lực lượng quân đội để đề phòng mọi tình huống, mặt khác tiến hành một số hoạt động quân sự diễn ra trên đất Đồng Nai nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Giữa thế kỷ XVIII, ở Trấn Biên có 7 đơn vị lớn là các đội Trung cơ, Bình bộ, Súng bộ, Kiên thủy, Tân tiệp, Hùng ngự, Tráng ngự và 27 đơn vị quân đội trực thuộc là các thuyền (trung bình mỗi thuyền có 40 người). Như thế tính tổng thể, quân đội thường trực của chúa Nguyễn ở Trấn Biên có khoảng 1.080 người. Lực lượng thường trực này đảm bảo an ninh cho miền Đồng Nai và sẵn sàng tham gia các cuộc hành quân đến các khu vực khác ở Nam Bộ để chống lại giặc cướp hay quân xâm lược. Đến cuối thế kỷ XVIII, theo giấy tờ của Nguyễn Khoa Thuyên, lực lượng quân đội ở dinh Trấn Biên có sự thay đổi. Thủy quân tinh binh gồm 20 thuyền, mỗi thuyền gồm 50 người, tổng cộng có 1.000 người, trong đó phương tiện quân sự là ghe bầu hải sư có 18 chiếc, thuyền Mã hậu lệ không có ghe bầu. Thế kỷ XVII, không thấy ghi chép về các đơn vị quân đội ở Đồng Nai. Thế kỷ XVII lực lượng quân đội xuống khu vực Nam Bộ chủ yếu lấy từ các dinh Phú Yên, Thái Khang, Bình Thuận. Chỉ đến cuối thế kỷ XVII 1. Xem Nguyễn Ngọc Hiền: Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 1995, tr.113. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 71 khi Nguyễn Hữu Cảnh lập đơn vị hành chính ở Gia Định thì lực lượng quân đội thường trực mới được tổ chức. Và sang thế kỷ XVIII nhằm phục vụ công cuộc khai hoang, trấn áp giặc cướp hay tấn công các thế lực phong kiến ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ nên các đơn vị quân đội được tổ chức chính quy hơn. Về các cơ, đội, thuyền ở Gia Định nói chung, trừ thổ binh hay tạm binh được miễn tiền gạo sưu suất không cấp lương, còn lại đều lĩnh lương từ kho của nhà nước. Các lực lượng quân đội này sử dụng vào mục đích phòng vệ, chiến tranh và canh giữ tài sản công cộng, đặc biệt là các kho gạo của nhà nước, đội Tân Tiệp 3 thuyền canh giữ gạo của phủ Gia Định chẳng hạn1. Từ Quảng Nam trở vào, quân đội chính quy ít, thổ binh hay còn gọi là tạm binh, thuộc binh được sử dụng nhiều. Nguyễn Khoa Thuyên làm Cai bạ ở Gia Định 16 năm, đến năm 1776 vượt biển từ Gia Định đến hàng quân Trịnh cho biết ở Gia Định thổ binh có tới mấy vạn. Bởi vì khi khai hoang thấy đất màu mỡ thì chiêu mộ dân chúng đến ở rồi mộ binh lính và chia ruộng cho họ nên quân đội rất đông và các hoạt động quân sự ở Gia Định nhằm trấn áp Chămpa, Chân Lạp và chế ngự Xiêm. Đối với binh lính không chuyên nghiệp gọi là thuộc binh hay tạm binh đều có chế độ khuyến khích để họ tham gia quân đội. Thuyền thuộc binh, tức là lực lượng quân không chuyên nghiệp được miễn tiền gạo cũng gồm 20 thuyền, mỗi thuyền 50 người, tổng cộng gồm 1.000 người, chiến thuyền có 20 chiếc. Còn có lực lượng tạm binh được miễn sưu khoảng 100 thuyền, mỗi thuyền 40 người, tổng cộng 4.000 người, chiến thuyền có 100 chiếc2. Thiết lập lực lượng quân đội có vai trò quan trọng để bảo vệ đất đai đã khai phá và sẵn sàng điều động để mở rộng các vùng đất mới, hay tham gia vào việc chống trộm cướp, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Lý Văn Quang 1, 2. Xem Lê Quý Đôn: Toàn tập, Sđd, t.1 (Phủ biên tạp lục), tr.194, 196. 72 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX tập hợp hơn 300 người để trộm cướp ở Cù Lao Phố đã nhanh chóng bị lực lượng quân đội ở địa phương và quân từ Mô Xoài lên đánh tan. Lũy Trúc Giang ở miền Đồng Nai được đắp trong thời kỳ đầu tiên khai phá đất đai, mục đích nhằm phòng thủ trước sự tấn công của quân trộm cướp cũng như của dân thiểu số miền núi. Lũy Tân Hoa cũng được dựng năm 1771 nhằm ngăn cản sự tấn công của dân thiểu số miền núi1. Các lũy này nhằm phòng thủ, ngăn chặn các cuộc tấn công vào người dân Việt khai phá đất đai, việc thiết lập các lũy chứng tỏ vai trò quan trọng của nó trong an ninh ở vùng Đồng Nai. * * * Thế kỷ XVII, những người Việt đầu tiên đã vào khai phá vùng Mô Xoài, Đồng Nai. Từ đây bắt đầu một thời kỳ mới trong lịch sử - thời kỳ khai phá, xác lập chủ quyền của người Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Vì thế, ý nghĩa của sự nghiệp khai phá đất đai, xác lập chủ quyền bước đầu tiên ở Mô Xoài, Đồng Nai hết sức to lớn. Tiến về phía Nam khai phá vùng đất mới, mở rộng thêm giang sơn bờ cõi từ lâu đã trở thành định hướng của cả cộng đồng cư dân Việt đang phát triển. Định hướng này càng ngày càng mạnh mẽ và đến thế kỷ XVII đã trở nên bùng nổ bởi sự bế tắc của kinh tế tiểu nông xuất hiện từ Đàng Ngoài đang lan dần và làm đảo lộn toàn bộ nền kinh tế - xã hội Đàng Trong. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra thường xuyên ở khắp mọi nơi trên vùng đất Đàng Trong chính là lý do trực tiếp dẫn đến sự di dân hàng loạt từ miền Thuận Quảng vào Gia Định. Lê Quý Đôn cho biết khá cụ thể về các nạn đói lớn diễn ra trong vùng Thuận Quảng hồi đầu thế kỷ XVII, khiến dân phiêu tán, chết đói rất nhiều2. Những khó khăn phức tạp này đã thúc đẩy người dân từng bị xô đẩy từ Đàng Ngoài vào Thuận Quảng, bây giờ lại quyết chí rời bỏ xứ Thuận Quảng để tiếp tục khai phá vùng đất ở sâu hơn về phía Nam. 1. Xem Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.231. 2. Xem Lê Quý Đôn: Toàn tập, Sđd, t.1 (Phủ biên tạp lục), tr.58. PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 73 Đến năm 1773, vẫn theo tài liệu của Lê Quý Đôn thì tình trạng mất mùa, đói nghèo lại diễn ra mạnh mẽ hơn: “Bấy giờ Thuận Hóa luôn mấy năm mất mùa đói kém, lại phải đánh trận bắt lính không thôi, quân dân lìa lòng, sùng sục mong làm loạn”1. Như vậy, lý do thứ nhất là tình trạng mất mùa, đời sống nhân dân khó khăn đã làm người Việt phải đi tìm kiếm vùng đất mới, vùng đất có nhiều điều kiện tài nguyên hơn, nhiều nguồn lực hơn để phát triển, trong khi đó, chỉ có thể là vùng đất Nam Bộ. Lý do thứ hai là chiến tranh loạn lạc ở miền Thuận Quảng. Từ năm 1627 đến năm 1672 là thời gian chiến tranh liên miên của hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn. Các làng mạc tiêu điều ở vùng Quảng Bình làm cho người dân phải đi đến lựa chọn vào miền Nam. Tình trạng bắt lính diễn ra ở Đàng Trong đã đẩy một lực lượng lớn nam thanh niên vào các chiến trường, do đó tình hình sản xuất trở nên điêu đứng hơn. Thích Đại Sán ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII đã cho biết tình hình bắt lính diễn ra tràn lan, từ 16 đến 60 tuổi phải vào quân ngũ, để lại trong thôn xóm toàn người già yếu, bệnh tật2. Lý do không kém quan trọng nữa là tình trạng sưu thế cao ở Thuận Hóa đã làm cho người dân không mặn mà với đồng ruộng. Ngược lại nếu vào miền Gia Định thì không phải đóng thuế, hoặc được miễn trong thời gian đầu khai phá. Chính sách phát triển ruộng tư đầu thế kỷ XVII của chúa Nguyễn lại là giải pháp để nhiều người có thể vào Gia Định khai phá đất đai, thực hiện ước mơ cháy bỏng từ bao đời của những người nông dân chân chính là có mảnh đất của riêng gia đình mình. Năm 1699, chúa Nguyễn lệnh bắt những người truyền đạo Thiên Chúa ở Thuận Quảng. Do vậy, đối với những người theo đạo Thiên Chúa thì vào miền Nam lại là một giải pháp để thực hiện thành tín của mình trên vùng đất mới không bị kiểm soát gắt gao. 1. Lê Quý Đôn: Toàn tập, Sđd, t.1 (Phủ biên tạp lục), tr.71. 2. Xem Đặng Thu (Chủ biên): Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, Sđd, tr.96. 74 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX Nhưng cũng phải thấy rằng, “Nam tiến” vào Gia Định để khai phá đất đai là chính sách mang tầm quốc sách của chính quyền Đàng Trong. Mặc dù chính quyền chúa Nguyễn chỉ đi lập các đơn vị hành chính khi đã có người Việt, nhưng kế hoạch khai phá và xác lập chủ quyền ở miền Nam đã có từ lâu. Nguyễn Phúc Nguyên từ đầu thế kỷ XVII đã cho Công chúa Ngọc Vạn sang Chân Lạp làm vợ vua Chey Chetta II và thiết lập 2 trạm thu thuế ở Sài Gòn - Bến Nghé, cho thấy ông đã có sẵn một tầm nhìn chiến lược và một chủ trương vừa tổng thể, vừa cụ thể trong việc khai phá đất đai và xác lập chủ quyền trên toàn vùng Nam Bộ. Sau những cố gắng này, ở xứ Quảng lần lượt Phú Yên, Thái Khang, Bình Thuận… nhanh chóng được sáp nhập vào đất đai Đàng Trong. Đến đây Nam Bộ - miền đất hứa, mục tiêu lớn nhất và quan trọng nhất của chúa Nguyễn và các lưu dân đã trở nên cận kề và hầu như không còn trở lực nào có thể cản trở được bước chân Nam tiến của họ. Tất cả những lý do trên cho thấy dù bị bần cùng, loạn lạc, thuế má đã đẩy người Việt vào Nam Bộ có thể từ rất sớm là thế kỷ XVI, hay chiến lược lâu dài mang tính quốc sách của chúa Nguyễn, thì kết cục là những lưu dân người Việt rồi quân đội chúa Nguyễn đã vào được vùng đất đầu tiên ở Nam Bộ để khai phá đất đai và xác lập chủ quyền. Đến thế kỷ XVII thì người Việt đã dựng nên những làng mạc đầu tiên ở vùng Mô Xoài, Đồng Nai. Cuối thế kỷ XVII, khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý xác lập đơn vị hành chính thì đã có tới 4 vạn hộ ở Nam Bộ. Từ vùng đất ban đầu là Mô Xoài, người Việt tiến sang Đồng Nai, rồi xuống khai phá trung tâm đồng bằng Nam Bộ. Và khi vào Nam Bộ thì những miền đất đầu tiên người Việt đặt chân đến là Mô Xoài và Đồng Nai. Vương quốc Chămpa có biên giới phía Nam là Mô Xoài, Đồng Nai, do đó những vùng đất này là địa đầu, yết hầu của Nam Bộ. Vùng Thuận Quảng là các đồng bằng nhỏ hẹp tựa lưng vào cao nguyên, hướng ra biển và cách nhau bằng các đèo, cho nên giao thông đường bộ khó khăn hơn đường thủy. Nước Chămpa từng tồn tại trên lãnh thổ Thuận Quảng trước kia được các nhà nghiên cứu như O.W. Wolters PHẦN THỨ NHẤT: KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI, XÁC LẬP VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN... 75 đánh giá là một cấu trúc mandala điển hình ở Đông Nam Á do sự chi phối của địa hình, cảnh quan mà được chia thành nhiều tiểu quốc nhỏ hơn và tương đối biệt lập do sự khó khăn trong đi lại giữa các tiểu quốc mặc dù nằm sát cạnh nhau trên diện tích không quá rộng lớn. Thuận Quảng có rất nhiều hải cảng và người ta đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Ngay từ năm 1621, C.Borri đã cho biết: “Còn về hải cảng thì thật là lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền”1. Tương tự như vậy, năm 1695, Thích Đại Sán ghi lại: “Cửa biển là cửa ngõ của vương đô, Thuận Hóa, để đi thông qua các phủ khác. Vì đất nước Đại Việt (Đàng Trong) chỉ là một dải núi dọc theo mé biển, các đô ấp đều tựa núi dang mặt ra biển, núi cao sông hiểm, cây rừng rậm rạp, nhiều tê tượng hùm beo, các phủ không có đường lối thông nhau, mỗi phủ đều do một cửa biển đi vào; muốn đi từ phủ này qua phủ khác tất do đường biển”2. Giao thông đường bộ đi từ trấn Thuận Hóa vào địa giới phủ Phú Yên mất 14 ngày rưỡi nếu đi liên tục3, nếu vào tới Mô Xoài thì phải mất từng ấy ngày nữa, cho nên đi đường bộ rất mất thời gian. Do đó, đi đường biển men theo bờ là con đường thuận tiện, nhanh nhất để từ Thuận Hóa vào Gia Định. Hơn nữa khi ấy, đi bộ qua vùng Bình Thuận còn có khó khăn nữa vì khu vực này đang còn là lãnh thổ của Chămpa. Do đó chỉ còn cách nhanh nhất, tiện lợi và an toàn nhất là đi bằng thuyền men theo bờ biển. Tới tận năm 1693, Đàng Trong mới chiếm được vùng đất cuối cùng của vương quốc Chămpa và đổi thành phủ Bình Thuận. Do đó một thời gian dài của thế kỷ XVII người Việt phải đi thuyền và cập bến vùng đất địa đầu của Nam Bộ là Mô Xoài và Đồng Nai. Sau khi đi ven biển miền Trung qua Bình Thuận sẽ đến vùng đất đầu tiên là Mô Xoài. Cửa biển đầu tiên rộng lớn thuyền bè vào như mắc cửi 1. Christophoro Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.91. 2. Thích Đại Sán: Hải ngoại kỷ sự, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.201, 202. 3. Xem Lê Quý Đôn: Toàn tập, Sđd, t.1 (Phủ biên tạp lục), tr.152. 76 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX chính là cửa Tắc Khái, Cần Giờ. Khắp vùng Nam Trung Bộ không thể có cửa biển nào rộng lớn như vậy, do đó người Việt đi bằng các thuyền nhỏ đã đáp tại Mô Xoài rồi tiếp tục sang Đồng Nai, vào Gia Định. Và “Nai Rịa như là một trạm dừng chân của lớp lưu dân mới và điểm xuất phát để đi tiếp (...) tìm đến những nơi thuận lợi định cư khẩn hoang lập thành thôn ấp. Không phải dễ dàng có thể tìm ra ngay những nơi như vậy. Họ phải qua nhiều chặng, nhiều nơi ở tạm, làm ăn được thì trụ lại, làm ăn khó khăn lại đi tiếp”1. Lập luận này được đưa ra qua sự kiện ở vùng Cần Đước là khu vực nổi tiếng từ lâu về sản xuất gạo, tuy nhiên để có được Cần Đước, lưu dân đã phải vật lộn để trụ lại nơi này. Tại xã Long Hựu Đông huyện Cần Đước, Long An có tư liệu cho biết năm 1741 ông Huỳnh Công Sách tiến hành chiêu mộ dân cư để lập thôn Long Đàm vào năm 1743, song không trụ lại được nơi này, dân chúng lại ly tán đi nơi khác, thôn Long Đàm bị xóa bỏ. 17 năm sau, vào năm 1760, ông Nguyễn Tấn Minh lại chiêu mộ dân cư lập thôn và đổi thành Long Hựu và tới tận lúc đó Long Hựu mới tồn tại được và phát triển thành xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Sau này ông Nguyễn Tấn Minh là người đứng đầu thôn vì có công mộ dân lập ấp, khi ông chết nhân dân ở đây thờ ông là Tiên hiền2. Từ Mô Xoài, Đồng Nai, những người Việt và các nhóm lưu cư anh em tiếp tục tiến xuống phía Nam, tiến vào trung tâm Gia Định và toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ. Như thế có thể hình dung Mô Xoài, Đồng Nai giống như một trạm trung chuyển, một bàn đạp hiệu năng để các lớp cư dân tiến mạnh hơn, tiến sâu hơn vào đồng bằng sông Cửu Long. Đến Mô Xoài, Đồng Nai nhiều người xem như đã toại nguyện, đã tìm được nơi “an cư” để bắt đầu “lạc nghiệp”, nhưng cũng không ít người từ đó lại nhận ra chân trời mới, lại cháy bỏng khát vọng đi xa hơn và phía trước là miền Tây mênh mông, bạt ngàn đang vẫy gọi, đang chờ đón họ. 1. Đặng Thu (Chủ biên): “Di dân của người Việt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, Tlđd, tr.120. 2. Xem Sở Văn hóa Thông tin Long An: Cần Đước: Đất và người, Long An, 1988, tr.26. 77 Chương II GIA ĐỊNH TỪNG BƯỚC TRỞ THÀNH TRUNG TÂM QUY TỤ VÀ TỎA RỘNG RA TOÀN VÙNG NAM BỘ CỦA CHÚA NGUYỄN I- QUÁ TRÌNH KHAI PHÁ ĐẤT ĐAI Ở GIA ĐỊNH THẾ KỶ XVII, XVIII Từ vùng đất Mô Xoài, Đồng Nai là trạm chuyển tiếp dân cư, người Việt nhanh chóng xuống chiếm lĩnh miền trung tâm Gia Định và phía tây Gia Định tức đồng bằng Tây Nam Bộ. Nhìn trên tổng thể, đây là một tiến trình lịch sử của miền đất Nam Bộ theo thời gian. Từ vùng địa đầu phía bắc Nam Bộ, người Việt tiến xuống phía nam, đúng như nghĩa đen của quá trình Nam tiến. Trong chương này, chúng tôi sẽ giới thiệu diện mạo của quá trình Nam tiến từ phía bắc Nam Bộ xuống trung tâm và phía nam. Diện mạo ấy là bước tiến của người Việt khai phá đất đai, phát triển kinh tế, xã hội. Đó cũng là diện mạo của các hoạt động xác lập, bảo vệ chủ quyền, luôn quyết đoán trong quan hệ với các thế lực phong kiến Chân Lạp. Và đó cũng là quá trình xác lập hệ thống các đơn vị hành chính nhà nước, là biểu hiện của quá trình thụ đắc lãnh thổ và là sự thể hiện mức độ cao của thực thi chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Trung tâm Gia Định, Nam Bộ tức là vùng có tên gọi Bến Nghé, Sài Gòn thế kỷ XVII; từ cuối thế kỷ XVII đến XVIII là vùng huyện Tân Bình 78 VÙNG ĐẤT NAM BỘ IV TỪ ĐẦU THẾ KỶ XVII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIX với dinh Phiên Trấn1. Phía nam của trung tâm Gia Định là khu vực châu Định Viễn với dinh Long Hồ, khu vực đạo Tân Châu, đạo Trường Đồn2 mở rộng đến bờ bắc của sông Tiền Giang. 1. Khai phá đất đai ở vùng trung tâm Gia Định Trung tâm Gia Định là khu vực màu mỡ, và từ thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn đã quan tâm để mở rộng xuống khu vực này: “Đây là vùng đất đai màu mỡ, địa lợi có đủ ruộng đồng, đầm phá, sông, biển; muối, lúa, đậu rất nhiều. Các tiên hoàng liệt thánh triều ta chưa rảnh để mưu tính việc xa nên tạm để đất này cho Cao Miên ở, đời đời xưng là Nam Phiên, lo việc triều cống không bao giờ dứt”3. Như vậy, từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã luôn để mắt đến trung tâm Gia Định, song lúc này cuộc chiến phía bắc với quân Trịnh đang diễn ra quyết liệt nên vương quốc Đàng Trong chưa có điều kiện tổ chức khai phá vùng này. Điều đó phản ánh nhận thức của Trịnh Hoài Đức và có thể cả các chúa Nguyễn rằng đây là vùng đất chưa ai khai phá, vùng đất “công cộng” gần Chân Lạp nên có người của vương quốc Chân Lạp đến sinh sống, nhưng họ phải triều cống Đàng Trong và sau này khi chúa Nguyễn có điều kiện tổ chức khai phá, người Việt đến đây khai hoang, mở xóm, lập làng là lẽ dĩ nhiên, vùng đất này thuộc về quyền cai quản của chúa Nguyễn. Năm 1623, chúa Nguyễn đã được vua Chân Lạp cho lập các trạm thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé)4 vì trong thực tế khu vực này từ đầu thế kỷ XVII số người Việt đến sinh sống đã khá đông, hoạt động kinh tế khá tấp nập nên đòi hỏi phải có những cơ sở tổ chức và quản lý. 1. Ngày nay tương đương với các tỉnh Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, một phần của Long An, Tiền Giang. 2. Ngày nay tương đương với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, một phần Đồng Tháp, một phần Vĩnh Long. 3. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Sđd, tr.108-109. 4. Xem Nguyễn Đình Đầu: Trước năm 1698 đã có người Việt Nam tới buôn bán và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mêkông và sông Mê Nam Chao Phraya, tạp chí Xưa và Nay, tr.25.