🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Võ Nguyên Giáp - Danh Tướng Thời Đại Hồ Chí Minh Ebooks Nhóm Zalo Tác giı chân thành cám īn các đšng chí Hoàng Minh Phĭīng, Phįm Hšng Cĭ, Nguyœn Quang Bích và Nguyœn Vĥn Ninh đã đśc và góp ý kiōn vào bın thıo cuşn sách này. Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa ông lên tầm cao của các danh tướng thế giới. Được Cụ Hồ ủy thác trọng trách cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Cụ Hồ trao cho, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, ông đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng. Đức độ và tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông. Những trang sách này chỉ là những nét phác thảo chặng đường đầu tiên của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong suốt cuộc trường chinh đánh thắng hai đế quốc to. TÁC GIẢ LỜI NHj XUẤT BẢN Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một danh tướng vĩ đại, một tài năng kiệt xuất, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người vâng mệnh Đảng và Bác Hồ lãnh trách nhiệm cầm quân từ lúc sinh thành “Đội quân thơ ấu”, qua Cách mạng Tháng Tám, đến cuộc trường chinh đánh bại 10 đại tướng của hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi còn tại thế ông đã là huyền thoại và khi tạ thế ông trở thành bất tử. Tài năng cầm quân và đạo đức cách mạng “dĩ công vi thượng”, trong sáng, thủy chung của ông qua thời gian càng chói sáng, chiếm trọn niềm tin yêu của Đảng, của quân đội, của nhân dân và bạn bè quốc tế. Sinh thời, Thượng tướng Trần Văn Trà, người cán bộ quân sự ưu tú nhiều năm lăn lộn ở chiến trường Nam Bộ, đã nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nhiều ý kiến có tầm nhìn xa trông rộng, sắc sảo và độc đáo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ về chiến lược quân sự và về chiến thuật quân sự cần được giới sử học nghiên cứu thật công khai, thật công phu, thật công bằng và thật công tâm. Về phần mình, suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thấy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc một sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy anh Văn đi những nước cờ bậc thầy vây hãm và tiến công quân địch”. Ở nước ngoài, giới sử học và cả các tướng lĩnh từng là đối thủ của ông trên chiến trường đã công bố nhiều công trình đánh giá rất cao tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng họ chưa giải đáp thỏa đáng vấn đề vì sao Cụ Hồ đã sớm “chọn mặt gửi vàng”, đặt trọn niềm tin khi trao sứ mạng cầm quân cho một giáo sư sử học chưa từng qua một lớp đào tạo về quân sự, và vì sao Võ Nguyên Giáp đã thành công trong việc xây dựng và chỉ huy quân đội, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong từng giai đoạn chiến lược của cách mạng Việt Nam, từ khởi nghĩa toàn dân đến chiến tranh cách mạng, từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ. 5 Đầu năm 2005, Đại tá Trần Trọng Trung từng công tác ở Tổng hành dinh ngay từ ngày đầu thành lập cơ quan tham mưu chiến lược, sau này trở thành nhà nghiên cứu có uy tín của Viện Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng trên cương vị Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử chiến tranh, gửi đến Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật bản thảo viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời gửi đến Văn phòng Đại tướng một bản thảo để báo cáo. Nhiều lần chúng tôi xin ý kiến để công bố công trình của Đại tá Trần Trọng Trung nhưng Đại tướng chưa đồng ý. Đầu năm 2006, lãnh đạo Nhà xuất bản lên thăm và chúc sức khỏe Đại tướng nhân dịp đầu Xuân và một lần nữa xin ý kiến xuất bản cuốn sách để mừng thọ Đại tướng ở tuổi 95. Sau khi cân nhắc thận trọng, ông đồng ý với yêu cầu phải biên tập, sửa chữa kỹ theo hướng Đảng, Bác Hồ, quân đội và nhân dân ta mới thực sự vĩ đại, bởi vì chiến công là chiến công chung của dân tộc, mỗi người trên cương vị của mình có đóng góp một phần trong đó. Tuân thủ ý kiến chỉ dẫn của Đại tướng, chúng tôi đã biên tập kỹ bản thảo theo hướng này và cuốn sách lần đầu tiên ra mắt bạn đọc năm 2006 với tiêu đề: Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Với tư cách là một nhà nghiên cứu am tường lịch sử chiến tranh cách mạng và là người trong cuộc, bằng những tư liệu lịch sử chân thực của cả phía ta và phía đối phương, từ thực tế xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, tác giả trình bày quá trình Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, chỉ huy toàn quân đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề của thực dân Pháp. Theo đề nghị của tác giả, từ lần xuất bản thứ hai năm 2010 cuốn sách mang tên Võ Nguyên Giáp - danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. Để tưởng nhớ vị tướng kiệt xuất của dân tộc và nhân loại và phục vụ yêu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ sáu cuốn sách này với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc người học trò thân cận và tài năng bậc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc. Tháng 7 năm 2021 NHj XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6 Chương mở đầu CUỘC TRƯỜNG CHINH ĐÁNH BẠI MƯỜI ĐẠI TƯỚNG Thủ đô Hà Nội - 26 năm sau ngày miền Nam giải phóng. Chưa bao giờ báo chí lại rộ lên hàng loạt bài viết về Võ Nguyên Giáp như mấy tháng cuối năm 2001. Đó là dịp mừng thượng thọ Đại tướng, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tổng Tư lệnh giành được lòng tin yêu trọn vẹn của quân và dân cả nước, lòng mến mộ của bạn bè quốc tế. Tháng 8/2001 này, ông tròn tuổi 90. Tác giả các bài báo thật đa dạng, từ giới học giả, các tướng lĩnh, bạn học thuở thiếu thời, bạn chiến đấu trong suốt trận đánh 30 năm, đến người thân và lớp trẻ, thế hệ con cháu của ông. Dù chỉ xoay quanh một con người, nội dung các bài báo thật phong phú. Ai cũng muốn nói lên nét đặc sắc nhất về Võ Nguyên Giáp dưới góc nhìn của riêng mình, của ngành mình, địa phương mình. Bạn học và học trò cũ của ông nhớ lại bao kỷ niệm về “thầy Võ - anh Văn”. Các nhà sử học viết về quan hệ giữa ông với Hồ Chí Minh, người đã chỉ dẫn từng đường đi nước bước cho Võ Nguyên Giáp, đã dạy ông về đạo đức người làm tướng. Giới quân sự viết về nhãn quan chiến lược và bản lĩnh cầm quân của ông, một thiên tài thao lược Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đã chỉ huy toàn quân suốt cuộc trường chinh đánh bại 10 đại tướng của hai đế quốc to. Cán bộ y tế viết về Võ Nguyên Giáp với ngành y. Cán bộ an ninh kể chuyện bảo vệ Võ Nguyên Giáp trong những chuyến đi thăm bạn bè quốc tế, v.v.. Một người thân trong gia đình lục tìm và viết những mẩu 7 chuyện xa xưa về “Võ Nguyên Giáp - quê hương - gia đình - tuổi thơ”. Có nhà báo đi sâu tìm hiểu đời thường của vị tướng tuổi 90 mà vẫn minh mẫn, sáng sáng vẫn kiên trì giữ thói quen ngồi thiền, chiều đi bộ trong vườn, ngày vẫn làm việc ba, bốn tiếng, ăn năm bữa nhẹ cho dễ tiêu, thời gian còn lại đọc sách báo, xem tivi, chơi đàn dương cầm và vui với đàn cháu nhỏ... Báo Quân đội nhân dân chọn ngày 25/8/2001 để đăng bài nói về không khí mừng thọ Võ Nguyên Giáp đúng vào sinh nhật của ông: “Ngay từ trước ngày sinh nhật thượng thọ, nhà Đại tướng lúc nào cũng đông khách. Đó là các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh, sĩ quan, các đại diện chính quyền, đoàn thể, các cụ bô lão, các cháu thiếu nhi, các gia đình cơ sở cách mạng, bà con, họ hàng thân thích... Cả khu nhà Đại tướng tràn ngập hoa. Có những bó hoa từ những người lính năm xưa từng chiến đấu bên cạnh Đại tướng, có bó hoa từ đầu nguồn Pác Bó, lại có những bó hoa từ người nước ngoài. Đó cũng là nét độc đáo, là điều hiếm quý của cuộc sống thủy chung, ân nghĩa dành cho vị Đại tướng đầu tiên của quân đội ta, dành cho người học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu”. Nhiều nhà nghiên cứu cũng nhân dịp này đọc lại các tác phẩm của Võ Nguyên Giáp trong kho tri thức quân sự ông để lại cho đời sau, hoặc tìm đọc cuốn sách nào đó của người nước ngoài viết về ông, dù chỉ là một tác phẩm giản đơn mang tính biên niên tiểu sử hay cuốn sách viết hoàn chỉnh về một gương mặt lớn trong lịch sử quân sự cách mạng Việt Nam hiện đại. Trước đây đã từng có những nhà sử học hoặc chính khách nước ngoài đặt vấn đề xác minh lại tuổi đời của Võ Nguyên Giáp - ông sinh năm 1910, 1911 hay 1912? Thậm chí, trên Tạp chí Thời sự chủ nhật (The Sunday Times Magazine - 5 - 12/11/1972), sử gia Phốc (James Fox) còn quả quyết rằng do một sự tình cờ nào đó, ông ta đã tìm thấy giấy khai sinh của Võ Nguyên Giáp tại Pari, ghi rõ 8 ông sinh ngày 1/9/1910. Câu chuyện bẵng đi, coi như chưa có lời giải trong giới nghiên cứu danh nhân thế giới. Thế rồi, nhân dịp mừng thượng thọ năm 2001 này, có bài báo nói rõ, bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng, đã dựa vào lời bà cụ thân sinh ông Giáp và kết quả tra cứu đối chiếu giữa “ngày ta” và “ngày tây” để khẳng định: đó là ngày 25/8/1911 (năm Tân Hợi). Và thế là người ta lại nhận ra có một sự trùng hợp lịch sử. Năm 1911 cũng là năm Cụ Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Vào ngày đặt chân lên hải cảng Đoongkéc1, Hồ Chí Minh, khi đó còn là Văn Ba - Nguyễn Tất Thành, hẳn không hề biết rằng đúng vào ngày này, trên Tổ quốc mình một con người vừa chào đời và con người ấy, đúng 30 năm sau sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của mình. Những năm sau này, có nhà nghiên cứu rất thích thú khi phát hiện sự hoán vị ngẫu nhiên của những con số: ông Giáp sinh ngày 25/8 và 37 năm sau, ông được phong quân hàm Đại tướng ngày 28/5. Bốn ngôi sao bạc Cụ Hồ thay mặt toàn dân ban cho năm 1948, được Võ Nguyên Giáp mang trên cầu vai suốt những năm tiếp theo của cuộc đời binh nghiệp, cho mãi đến ngày mừng thượng thọ hôm nay, khi mái tóc đã bạc trắng như mây. Nói theo ngôn từ trong quân đội thì sự kiện ngày 28/5/1948 chỉ là “chính quy hoá” việc Cụ Hồ quyết định trước đó hơn 3 năm khi Cụ “giao cho chú Văn lập Đội Quân giải phóng” vào cuối năm 1944. Hồi đó, cùng với quyết định “chọn mặt gửi vàng”, là những lời giáo huấn mang tính kim chỉ nam để Đội Quân giải phóng tồn tại, phát triển và chiến thắng: Có Đảng lãnh đạo, dựa chắc vào dân, đoàn kết kỷ luật. Nắm chắc “cẩm nang” đó trong cả cuộc đời cầm quân của mình, ông Giáp đã dẫn dắt đội quân mà hồi đó Cụ Hồ gọi là “đội quân thơ ấu” lớn lên nhanh chóng và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trên suốt ba chặng đường đấu tranh vô cùng vẻ vang của ______________ 1. Dunkerque - một hải cảng miền Bắc nước Pháp. 9 dân tộc: chuẩn bị và thực hành vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ. Và trong cuộc trường chinh 30 năm ấy (1945-1975), đội quân cách mạng khởi đầu từ súng trường chân đất dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc 10 vị đại tướng (7 Pháp + 3 Mỹ) phải thay nhau hứng chịu thất bại trên mảnh đất này. * * * Hồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngày ông Giáp vâng lệnh Cụ Hồ xuất quân từ Tân Trào về giải phóng Thái Nguyên cũng là ngày Tổng thống Đờ Gôn (Charles de Gaulle) cử viên tướng bốn sao Lơcle (Philippe Leclerc) cầm đầu quân viễn chinh Pháp sang tái chiếm Đông Dương. Từ tháng 9 năm ấy, Lơcle trở thành đối thủ đầu tiên của ông Giáp, khi đó là Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền cách mạng vừa được thành lập. Trong bối cảnh quân đội ta hồi đó trang bị còn rất thô sơ, kinh nghiệm chiến trận chưa có, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu quân đội nhà nghề của Pháp nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng ở miền Nam. Cuối tháng 2/1946, Tổng Chỉ huy Lơcle vội vã tuyên bố: giai đoạn đánh chiếm đã xong, quân Pháp bắt đầu chuyển sang giai đoạn bình định và chuẩn bị tiến ra Bắc. Có một điều vô cùng quan trọng mà hồi đó cũng như suốt 30 năm sau, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đều không đánh giá đúng thực chất đó là, do lực lượng so sánh chênh lệch cho nên rất nhiều trường hợp quân ta có thể mất đất, nhưng mất đất mà không mất dân, mà còn dân là còn tất cả. Ngay sau khi chiến sự bùng nổ ở Sài Gòn, Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp lệnh cho Tổng Tham mưu trưởng 10 Hoàng Văn Thái tổ chức ngay những đoàn quân Nam tiến chi viện cho miền Nam. Ngày 26/9, tức chỉ ba ngày sau khi quân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, chuyến tàu đầu tiên đã rời ga Hàng Cỏ, hướng về Nam, cùng với những chiến sĩ ưu tú và những vũ khí tốt nhất mà ta có lúc bấy giờ. Bài hát Phất cờ Nam tiến mà ông Giáp gợi ý cho ông Thái sáng tác hồi tiền khởi nghĩa, lại vang lên trong những đoàn tàu tốc hành vào Nam: Cờ giải phóng phất cao mau thẳng tiến, Trời phương Nam dân chúng đang mong chờ. Tết Bính Tuất, Tết độc lập đầu tiên, Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp đi kinh lý miền Nam. Trước cục diện chiến trường đang bất lợi cả về thế và lực, ông chỉ thị cho cán bộ chỉ huy các mặt trận Tây Nguyên và Nam Trung Bộ không nên dùng binh lực lớn dàn thành tuyến ngăn chặn địch mà tổ chức ngay những đơn vị vừa và nhỏ, luồn vào vùng địch kiểm soát, dùng vũ trang tuyên truyền phục hồi cơ sở chính trị, phát động chiến tranh du kích, động viên nhân dân tham gia chiến đấu tiêu hao địch rộng rãi bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Nhờ thay đổi phương thức hoạt động mà những lõm1 chính trị và vũ trang dần dần xuất hiện ngay trong quá trình Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9 được ký kết, tạo nên thế mới và lực mới cho nhiều vùng ở miền Nam “khởi nghĩa lại”. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì thế và lực của cách mạng ở miền Nam đã khá vững vàng. Tháng 7/1946, Tướng Lơcle bị triệu hồi không chỉ vì thất bại không thực hiện được ý đồ “chinh phục Nam Kỳ trong vòng vài ba tuần lễ” như đã từng tuyên bố khi vừa đặt chân đến Sài Gòn, mà còn vì lúc này nội các Pháp đã chuyển sang tay Biđôn - một người ______________ 1. Những địa bàn lớn nhỏ khác nhau mà lực lượng cách mạng xây dựng được cơ sở chính trị (hay vũ trang) hoạt động bí mật (hay công khai) ngay trong vùng địch kiểm soát. 11 chủ chiến. Lơcle là Tổng Chỉ huy duy nhất ít nhiều đã thấy được tình hình thực tế, không tin rằng có thể chinh phục được Đông Dương bằng sức mạnh quân sự nên đã cùng ta thương lượng, tức là làm một việc không vừa lòng tập đoàn hiếu chiến Pháp, trong đó có Cao ủy Đácgiăngliơ và cả những người đã từng làm toàn quyền Đông Dương như Xarô (Albert Sarraut) hoặc ảnh hưởng chính trị còn rất lớn dù đã lui vào hậu trường, như Đờ Gôn. Tướng Lơcle ra đi, chức Tổng Chỉ huy chuyển sang tay Tướng Valuy (Etienne Valluy), người được Pari đánh giá là “có đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ đặc biệt khó khăn là đánh bại ông Giáp và quân đội Việt Minh”. Valuy là đối thủ thứ hai của ông Giáp. Khác với Lơcle, viên tướng này chủ trương dùng vũ lực, đặc biệt là chủ trương “đánh ngay”, dứt điểm sớm. Khi còn là chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương, trung tuần tháng 4/1946, tức chỉ một tháng sau khi được phép đưa quân vào Hà Nội theo Hiệp định sơ bộ, Valuy đã chỉ thị cho cấp chỉ huy dưới quyền xây dựng kế hoạch tác chiến theo yêu cầu sẵn sàng biến tấn kịch chiến đấu có tính chất hoàn toàn quân sự thành một “màn đảo chính”. Sau khi nhậm chức, nếu viên Tổng Chỉ huy mới này “thành công” trong việc dùng hành động quân sự để khiêu khích và lấn chiếm để rồi cuối cùng làm bùng nổ cuộc chiến tranh ra phạm vi cả nước thì Valuy đã phải chịu thất bại trong hai cuộc đấu trí, đấu lực đầu tiên với ông Giáp. Tháng 7/1946, vừa ngồi vào ghế Tổng Chỉ huy, Valuy đã cho dàn dựng một màn kịch cùng bọn tay sai làm đảo chính ngay ở Thủ đô Hà Nội, hòng nhanh chóng lật đổ chính quyền cách mạng giữa lúc Cụ Hồ đang cùng phái đoàn Việt Nam đàm phán ở bên Pháp. Được sự nhất trí của Tổng Bí thư Trường Chinh và Cụ quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng, ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Chủ tịch Quân sự Ủy viên hội Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo các chiến sĩ an ninh và tự vệ tóm gọn bọn phản động và tay sai cùng với toàn bộ tang chứng bạo loạn, đập tan âm mưu đảo chính của Valuy và đồng bọn ngay từ trong trứng. 12 Thất bại thứ hai có ý nghĩa chiến lược của Valuy là đã không tiêu diệt được đội quân kháng chiến nhỏ bé ngay trong thành phố Hà Nội sau ngày 19/12/1946. Bằng cách đánh du kích biến hoá trong từng căn nhà, từng đường phố, những chiến sĩ chân đất súng trường đã đứng vững trong lòng Thủ đô suốt hai tháng, vượt xa dự kiến ban đầu của lãnh đạo cả về thời gian bám trụ và về số lượng tiêu hao tiêu diệt địch, sau đó rời thành phố lui về căn cứ an toàn để rồi trở thành hạt giống đỏ của bộ đội chủ lực sau này. Mùa hè năm 1947, Pari bắt đầu sốt ruột, vì trù liệu không thể tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém. Người ta phái sang cho Valuy một phó tướng “rất am hiểu Đông Dương, nhất là vùng thượng du Bắc Kỳ”, đó là Xalăng (Raoul Salan), viên sĩ quan thực dân loại cáo già đã từng là thiếu úy đồn trưởng Đình Lập (Lạng Sơn) từ những năm 1925-1930, nói được tiếng Tày, Nùng, đã từng uống rượu cần, hút thuốc phiện. Suốt mấy tháng hè - thu năm 1947, dựa vào sự hiểu biết của Xalăng, Bộ Chỉ huy Pháp dồn sức chuẩn bị đánh một đòn quyết định vào mùa khô. Cũng trong dịp này, ông Giáp cùng cơ quan Tổng hành dinh rời vùng ngoại thành Hà Nội, “thiên đô” lên Việt Bắc. Ngay trên từng chặng đường di chuyển đó, ông triệu tập mấy hội nghị quân sự, gồm cán bộ chỉ huy cấp khu, có khi tới cấp trung đoàn. Thực chất đây là những cuộc tập huấn ngắn ngày nhằm chỉ vẽ cho cán bộ quân sự ở Tổng hành dinh và cán bộ chỉ huy các đơn vị và địa phương biết cách “ứng xử” trước những vấn đề quân sự nóng hổi do chiến trường đặt ra, đôi khi rất khẩn trương. Dìu dắt cán bộ từng bước là nét nổi bật trong phong cách cầm quân của Võ Nguyên Giáp, nhất là trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi trình độ cán bộ quân sự nói chung còn rất hạn chế. Mùa khô kháng chiến đầu tiên đã đến, mùa khô “đánh đòn quyết định” của Bộ Chỉ huy Pháp. Ngày 7/10/1947, gần 20.000 quân Pháp hình thành hai gọng kìm rất lớn (gọng kìm phía đông: 13 Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng, chừng 400 km; gọng kìm phía tây: Hà Nội - Tuyên Quang - Chiêm Hoá, chừng 250 km) bao vây căn cứ địa kháng chiến, kết hợp với quân dù nhảy thẳng xuống trung tâm Việt Bắc (tức thị xã Bắc Kạn, mà phía Pháp lầm gọi là “thủ đô kháng chiến” vì cho rằng đó là nơi Cụ Hồ đóng đô) hòng “bắt gọn Chính phủ Hồ Chí Minh và tiêu diệt bộ đội chủ lực”. Tình huống chiến lược đặc biệt khẩn trương này xảy ra đúng vào dịp Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đang đi kinh lý huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Vừa trở về Tổng hành dinh, sau khi nghe báo cáo, phát hiện chỗ yếu chí tử của địch là binh lực nhiều nhưng rải ra trên một địa bàn rừng núi quá rộng, rất xa căn cứ đồng bằng, tiếp tế tăng viện khó khăn, ông Giáp báo cáo với Trung ương và Cụ Hồ, đề nghị thay đổi cách đánh. Địch dùng bộ binh cơ giới, quân dù, xe tăng và pháo binh tiến công ồ ạt, ta không thể đem chủ lực của khu và của bộ ra đối mặt với các mũi tiến công của địch như kế hoạch ngày 4/10 của bộ, mà nên dùng những đơn vị vừa và nhỏ, lấy phục kích địch trên các trục đường bộ và đường sông là chủ yếu, đồng thời đưa một số đại đội chủ lực xuống hoạt động độc lập ở các châu, huyện, với nhiệm vụ chủ yếu là chiến đấu tiêu hao địch đi đôi với dìu dắt lực lượng vũ trang địa phương phát động chiến tranh du kích đánh địch rộng rãi, động viên giúp đỡ nhân dân làm “vườn không nhà trống”, cất giấu lương thực, phá hoại đường sá... Chỉ vài tuần sau khi quân ta triển khai lực lượng trên ba hướng đường số 4, đường số 3 và sông Lô - đường số 2, hàng vạn quân địch bị dồn vào tình thế ngày càng khó khăn vì thời tiết thượng du khắc nghiệt, sức khỏe giảm sút, thiếu tiếp tế tăng viện, lại luôn bất ngờ bị những đội quân biến hoá khôn lường (mà chúng gọi là “quân đội ma” - armée fantôme) lợi dụng rừng rậm núi cao tổ chức những trận phục kích tiêu hao hằng ngày, nên cuối cùng phải rút chạy khỏi Việt Bắc sau 75 ngày hành quân. Nhạy bén phát hiện phương 14 thức tác chiến không sát đúng, kịp thời và kiên quyết thay đổi cách đánh cho phù hợp với thực tế chiến trường, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong mùa khô đầu tiên của cuộc kháng chiến. Đầu năm 1948, Cụ Hồ và Trung ương Đảng chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp trong cả nước nhằm động viên toàn dân tham gia chiến đấu, tiêu hao địch rộng rãi, buộc chúng phải phân tán binh lực đối phó ở nhiều nơi, hạn chế khả năng địch mở rộng phạm vi chiếm đóng và bình định vùng tạm chiếm, nhất là ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ông Giáp đã thực hiện chủ trương chiến lược này một cách đặc biệt sáng tạo. Với kinh nghiệm sốt dẻo chỉ đạo các đại đội được phân tán về hoạt động độc lập ở các châu, huyện trong Chiến dịch Việt Bắc vừa qua và kinh nghiệm vận động tổ chức quần chúng trong thời kỳ chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, ông đề nghị Trung ương cho phân tán một phần ba bộ đội chủ lực thành những đại đội độc lập làm chỗ dựa cho các đội vũ trang tuyên truyền, các ban xung phong công tác, tiến sâu vào vùng tạm bị chiếm, gây dựng lại cơ sở chính trị quần chúng, giúp đỡ cán bộ địa phương tổ chức lực lượng vũ trang bí mật, lập làng chiến đấu, đánh du kích, bảo vệ thôn xóm. Bằng phương thức hoạt động này, các tổ chức chính trị và vũ trang (mà địch gọi là “những chấm đỏ”) dần dần xuất hiện ngày càng nhiều trên các tấm bản đồ chiến sự vùng địch hậu. Các trận chiến đấu tuy nhỏ, lẻ nhưng ngày càng phổ biến của lực lượng vũ trang tại chỗ đã thu hút một bộ phận quan trọng binh lực của địch vì chúng phải thường xuyên phân tán để đối phó, góp phần quan trọng đẩy Bộ Chỉ huy Pháp đứng trước nguy cơ khủng hoảng quân số ngày càng trầm trọng. Hai phần ba bộ đội chủ lực còn lại được duy trì ở quy mô tiểu đoàn tập trung và được rèn luyện từng bước trong các chiến dịch nhỏ quy mô 2 - 3 tiểu đoàn, vừa học tập đánh tập trung tiêu hao tiêu diệt địch, vừa rút kinh nghiệm trong thực tế chiến đấu. Hình thái 15 chiến trường những năm 1948-1950 cho thấy, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp rất coi trọng vai trò chiến lược của chiến tranh du kích, nhưng ông không dừng lại ở “chủ nghĩa du kích” mà chủ động kết hợp từng bước chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy từ thấp lên cao1. Đại đội độc lập - tiểu đoàn tập trung là phương thức xây dựng lực lượng chưa từng thấy trong kho tàng kinh nghiệm quân sự đông tây kim cổ, mà là cách dùng binh riêng của Việt Nam, một sáng tạo của Võ Nguyên Giáp, nhằm tạo thế “kiềng ba chân” vững chắc cho lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Bằng biện pháp chiến lược này, ông vừa thực hiện được chủ trương của Trung ương về phát động chiến tranh du kích vừa duy trì được sự kết hợp thường xuyên chặt chẽ giữa hai phương thức tác chiến chiến lược: chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy - một loại chiến tranh chính quy Việt Nam, bắt đầu bằng các trận đánh tập trung quy mô nhỏ và vừa. Chiếm đóng miền núi không được, làm chủ trung du và đồng bằng không xong, Tướng Valuy bị triệu hồi, Tướng Bledô (C. Blaizot) sang thay và trở thành đối thủ thứ ba của ông Giáp. Đúng dịp này, ở tuổi 37, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp được Cụ Hồ thay mặt Chính phủ và nhân dân phong quân hàm Đại tướng. Đây là lần phong quân hàm đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Trải qua hơn 20 chiến dịch nhỏ, bộ đội chủ lực đã trưởng thành, đánh dấu bằng sự ra đời của hai đại đoàn chủ lực đầu tiên ______________ 1. Xem các huấn lệnh: Về sự cần thiết phải chuyển sang du kích vận động chiến (6/3/1947), Chuyển từ tiêu hao chiến sang tiêu diệt chiến (8/1947), Phát động chiến tranh du kích - Nhiệm vụ quân sự căn bản trong giai đoạn này (14/11/1947) trong Những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, Hà Nội, 1964, t.1, tr.141, 205, 163. 16 (Đại đoàn 308 - tháng 8/1949 và Đại đoàn 304 - tháng 3/1950). Trong khi đó, phía Pháp ngày càng đứng trước những khó khăn chồng chất. Chỉ mới sau 4 năm chiến tranh, Pari đã 12 lần thay đổi nội các. Trước tình thế không thể một mình theo đuổi cuộc chiến tranh kéo dài và tốn kém quá sức chịu đựng của ngân sách quốc gia, tháng 5/1949, Pari cử Tổng Tham mưu trưởng Rơve (C.Revers) sang lập kế hoạch từng bước đưa cuộc chiến tranh Đông Dương vào quỹ đạo của Mỹ, đồng thời triệu hồi Tướng Bledô, đưa Tướng Cácpăngchiê (M.Carpentier) sang làm Tổng Chỉ huy, “đứng mũi chịu sào” thực thi kế hoạch chiến lược Rơve1. Cácpăngchiê trở thành đối thủ thứ tư của ông Giáp đúng vào dịp những chuyến tàu viện trợ quân sự đầu tiên của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc bắt đầu cập bến Sài Gòn và Hải Phòng. Chỉ một năm sau, bằng chiến dịch tiến công đầu tiên quy mô tương đối lớn (gần 2 đại đoàn) diễn ra vào mùa khô năm 1950 trên chiến trường Đông Bắc, tiêu diệt gần 10 tiểu đoàn Pháp và Âu - Phi, giải phóng con đường chiến lược số 4, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp đã buộc Tổng Chỉ huy Cácpăngchiê phải chấp nhận cái mà phía Pháp gọi là “thảm họa Cao Bằng” để rồi ngay sau đó bị triệu hồi về nước. Tháng 12 năm đó, Pari phải xuất một viên tướng tuổi đã 60, với năm sao bạc trên cầu vai, sang cầm đầu quân viễn chinh với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là “cứu lấy Đông Dương không để tuột khỏi Khối Liên hiệp Pháp”. Viên lão tướng nổi tiếng này thuộc lớp đàn anh trong hàng tướng soái Pháp ______________ 1. Kế hoạch Rơve gồm: 1- Tranh thủ viện trợ của Mỹ để tăng cường sức mạnh quân viễn chinh; 2- Vận dụng chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh - dùng người Việt đánh người Việt” (đánh bằng chiến tranh tổng hợp); 3- Đề cao vai trò chính quyền thân Pháp để thu hút các lực lượng chống kháng chiến; 4- Rút ngắn phòng tuyến biên giới Đông Bắc đến Lạng Sơn, củng cố vùng tạm chiếm ở trung du và trung châu Bắc Bộ; 5- Phát triển quân đội tay sai đi đôi với xây dựng khối cơ động Âu - Phi lớn mạnh. 17 vì đã lập khá nhiều chiến tích trong Thế chiến 2, lại thuộc dòng dõi quý tộc Pháp đó là Đờlát (Jean Joseph Marie Gabriel Delattre de Tassigny). Đối thủ thứ năm này của ông Giáp được những người cầm đầu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc coi là “sáng giá nhất” trong hàng ngũ tướng lĩnh Pari lúc bấy giờ, lại được cựu Toàn quyền Xarô và cựu Tổng thống Đờ Gôn hết sức ưu ái và tin cậy, căn dặn đủ điều hơn thiệt trước khi lên đường. Đờlát có mặt ở Sài Gòn ngày 17/12/1950 cùng với một bộ máy chỉ huy hoàn toàn mới, gồm những sĩ quan cao cấp mà ông ta rất tin cậy thuộc Quân đoàn 1 do chính ông ta chỉ huy trước đây - vốn nổi danh vì thành tích cùng quân đội Đồng minh giải phóng Thủ đô Pari mùa thu năm 1944. Trong “bộ sậu” mới này, người ta lại thấy Xalăng, trên cương vị phó tướng của Đờlát. Để thể hiện quyết tâm bảo vệ bằng được cái mà bọn thực dân ở Pari gọi là “bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa Pháp”, đặc biệt là để thực sự làm chủ vùng châu thổ sông Hồng mà giới quân sự Pháp thường ca ngợi là vùng đồng bằng có ích, Đờlát vạch ra một kế hoạch chiến lược quan trọng với tham vọng giành lại quyền chủ động chiến lược đã rơi vào tay ông Giáp1. Nét nổi bật trong kế hoạch này là, trên cơ sở tranh thủ sự viện trợ ngày càng tăng của đế quốc Mỹ, xây dựng ______________ 1. Kế hoạch chiến lược mang tên Đờlát gồm mấy nội dung chủ yếu sau đây: 1- Việt Nam hoá, cụ thể là hết sức đề cao vai trò chính quyền Bảo Đại; tranh thủ ở mức cao nhất viện trợ của Mỹ để phát triển lực lượng quân đội tay sai thay thế nhiệm vụ chiếm đóng để quân Âu - Phi được tập trung xây dựng thành lực lượng cơ động lớn mạnh, đẩy mạnh hơn nữa chiến lược chiến tranh tổng lực đã được đề ra từ hồi Rơve sang; 2- Thiết lập vành đai bêtông vây quanh đồng bằng Bắc Bộ, đi đôi với càn quét vùng đồng bằng sông Hồng tạm chiếm, bảo đảm cho Hà Nội và Hải Phòng “vững chắc như pháo đài thép”; 3- Kịp thời mở chiến dịch tiến công giành lại quyền chủ động chiến lược, trong đó (theo sử gia Lucien Bodart, tác giả cuốn Chiến tranh Đông Dương) có ý đồ “chiếm lại Lạng Sơn, trả thù cho đường số 4”. 18 một phòng tuyến bêtông vây quanh đồng bằng Bắc Bộ và phát triển quân đội tay sai với quy mô lớn chưa từng thấy kể từ đầu chiến tranh hòng khắc phục nạn khủng hoảng binh lực ngày càng trầm trọng. Điểm mới của kế hoạch Đờlát là, lần đầu tiên xuất hiện cụm từ “Việt Nam hoá chiến tranh” (Vietnamisation), nói lên âm mưu dựa vào viện trợ của đế quốc Mỹ để xây dựng một đội quân tay sai bản xứ ngày càng lớn. Đờlát là người đi đầu trong việc tạo điều kiện cho đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Sau này, liên hệ những việc làm của Đờlát đầu thập kỷ 50 của thế kỷ XX với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ hơn chục năm sau, trong cuốn Đường tới Điện Biên Phủ, ông Giáp nhận xét rằng: “Với việc mở đường cho thực dân mới vào Việt Nam, Đờlát đã mang đến cho ta một hiểm hoạ lâu dài”. Một thuận lợi rất cơ bản đối với Đờlát là, ngay từ những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, ông ta đã có mối quan hệ rất thân quen với nhiều tướng lĩnh hàng đầu của Đồng minh, như tướng Mỹ Aixenhao (Eisenhower), tướng Anh Mônggômêry (Montgomery)..., những người luôn sẵn sàng gây sức ép với chính quyền nhằm đáp ứng yêu cầu viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Thực tế cho thấy, kết quả viện trợ “hết mình” của Mỹ và Anh là điều kiện cơ bản nhất giúp cho Đờlát triển khai khá thuận lợi kế hoạch chiến lược nói trên. Tuy nhiên, trong mấy tháng xuân - hè năm 1951, việc triển khai kế hoạch Đờlát gặp không ít khó khăn vì quân ta mở liền ba chiến dịch tiến công trên các chiến trường trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Trong cả ba chiến dịch đó, điểm nổi bật là Tổng Chỉ huy Pháp đã tận dụng điều kiện địa hình thuận lợi để cơ động lực lượng ứng cứu và phát huy sức mạnh tối đa của binh khí, kỹ thuật hòng dựng lại tinh thần của ba quân đã suy sụp nghiêm trọng sau thất bại ở biên giới mùa khô năm trước. Lần đối phó quyết liệt đầu tiên là khi ông Giáp mở chiến dịch tiến công trên địa bàn Vĩnh Yên (Chiến dịch Trần Hưng Đạo - 19 tháng 1/1951). Hằng ngày, Đờlát và Xalăng thay nhau bay đi bay về như con thoi giữa Vĩnh Yên và Hà Nội. Việc Tổng Chỉ huy trực tiếp có mặt ở nơi có tiếng súng là chuyện hiếm thấy ở các vị tổng chỉ huy trước Đờlát. Thế mà hai viên tướng này có ngày (như ngày 15/1) đi về tới ba lần. Rồi hàng chục tiểu đoàn được cấp tốc điều đến cứu viện. Tướng Baiip (Baillif, chỉ huy phó chiến trường Nam Bộ) được lệnh ra ngay miền Bắc để trực tiếp điều hành cuộc chiến ở Vĩnh Yên. Trên một vùng trung du nhỏ hẹp như vậy mà Pháp tiến hành tới 250 phi vụ oanh tạc, có ngày máy bay ném bom xuất kích tới 80 lần/chiếc, pháo binh Pháp đã bắn 50.000 viên đại bác 105 mm, 200.000 viên 75 mm. Lần đầu tiên bom cháy (napalm) được đem ra sử dụng. Nhưng rồi, như sau này Tướng Xalăng viết trong hồi ký, Đờlát đã phải thú nhận với phó tướng rằng ông ta lo lắng về số thương vong quá nhiều của quân Pháp và Âu - Phi ở Vĩnh Yên, rằng trận Vĩnh Yên để lại nhiều vấn đề quan trọng, rất đáng học tập, không thể xem nhẹ. Còn Xalăng thì đánh giá sự kiện Vĩnh Yên cho thấy “quân đội Việt Minh đại diện cho một sức mạnh mà chúng ta (Pháp) không thể coi thường. Tất cả chiến binh của họ được giáo dục tốt tới mức có một tinh thần chiến đấu kỳ lạ. Điều đó đã gây ấn tượng sâu sắc và ảnh hưởng lớn đến tinh thần lính Bắc Phi. Chính tướng quân (tức Đờlát) cũng bị kích động bởi nhiệt tình chiến đấu, lối đánh thông minh của người lính Việt Minh trong tiến công cả ban ngày và ban đêm, v.v..”. Cuộc đọ sức thứ hai diễn ra hai tháng sau, trên hướng đường 18 và vùng duyên hải Đông Bắc. Ông Giáp mở Chiến dịch Hoàng Hoa Thám đúng dịp Đờlát đang về Pháp cầu viện. Được tin “vùng mỏ bùng cháy”, Đờlát vội rời Pari lật đật lên đường để có mặt ở Hà Nội tối 26/3 rồi lao xuống Hải Phòng trực tiếp điều binh khiển tướng đối phó với cuộc tiến công đang lan rộng của đối phương. Đô đốc Oóctôli (Ortoli) được cấp tốc gọi đến. Mọi phương tiện hỏa lực, kể cả pháo của hải quân và thủy đội xung kích đều được huy động để cứu nguy 20 cho Mạo Khê, Bí Chợ, Tràng Bạch... Thêm một điều bất ngờ đối với Đờlát là chỉ hai tháng sau, ông Giáp lại mở chiến dịch mới ở hướng Hà Nam Ninh (Chiến dịch Quang Trung) và trong cuộc đọ sức thứ ba này, nỗi đau không gì hàn gắn được đối với Tướng Đờlát là đứa con duy nhất và cuối cùng của dòng họ là Bécna Đờlát (Bernard Delattre, 23 tuổi) đã bị chết trong trận đánh ở mỏm núi Thúy (Gối Hạc) ngày 30/5. Theo nhận xét của Xalăng, sau khi đưa xác con về Pháp rồi trở lại chiến trường, Tổng Chỉ huy suy sụp cả về tinh thần và thể chất, nhất là khi bệnh ung thư tái phát. Đến cuối năm 1951, việc xây dựng cơ sở vật chất của kế hoạch chiến lược của Đờlát về cơ bản đã hoàn thành. 28 trong tổng số 45 tiểu đoàn quân đội tay sai đã được xây dựng và bước đầu được tổ chức thành 4 sư đoàn, do sĩ quan Pháp chỉ huy. Quân Pháp và Âu - Phi dần dần được tổ chức thành 7 GM1 và trở thành lực lượng chủ yếu được Đờlát tung ra để đối phó với các chiến dịch tiến công xuân - hè của đối phương. Phòng tuyến boongke đã hình thành về cơ bản, với trên 80 vị trí (khoảng 800 lô cốt) kéo dài từ Tiên Yên - Móng Cái lên Việt Trì - Sơn Tây rồi quặt xuống Ninh Bình - Phát Diệm. 25 tiểu đoàn Âu - Phi bị chôn chân ở đây cùng với rất nhiều trang bị kỹ thuật để bảo vệ phòng tuyến. Hàng loạt cuộc hành binh càn quét quy mô lớn thường xuyên diễn ra bên trong phòng tuyến, nhằm “quét sạch những chấm đỏ, ổn định hậu phương”. Mọi thủ đoạn dã man tàn ác đã diễn ra trong những cuộc càn quét này: đốt phá thóc lúa, bắn giết trâu bò, phá hoại nông cụ, tàn sát nhân dân và đặc biệt là bắt lính để phát triển quân đội tay sai. Bước sang tháng 11/1951, mặc dù kế hoạch chiến lược chưa thật mười phần hoàn tất, nhưng Pari thúc giục Tổng Chỉ huy Pháp phải ra quân để giành lại quyền chủ động chiến lược từ tay ông Giáp. ______________ 1. GM: Chữ viết tắt của từ Groupement mobile (binh đoàn cơ động - tương đương một trung đoàn tăng cường). 21 Thế là Tướng Đờlát quyết định cái mà ông ta gọi là “đánh một canh bạc lớn”, cụ thể là đem hơn 30 tiểu đoàn ra ngoài phòng tuyến boongke, chiếm thị xã Hoà Bình và hai trục đường số 6 và sông Đà, với ý đồ “bẻ Việt Minh ra làm đôi”. Ngày 15/11, cuộc hành quân kết thúc, Tướng Đờlát họp báo tuyên bố: “Tôi đã tóm cổ được quân địch”. Hôm sau ông ta thân chinh ra thị xã Hoà Bình, động viên ba quân “hãy củng cố công sự cho thật vững chắc và chờ đợi cuộc đụng độ với Việt Minh”. Nói rồi, bốn ngày sau, ông ta rời Sài Gòn về Pháp chữa bệnh, quyền Tổng Chỉ huy tạm chuyển sang tay Phó tướng Xalăng. Trong Thư gửi các cán bộ, chiến sĩ chủ lực và dân quân, du kích trong Chiến dịch Hoà Bình, Cụ Hồ viết: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là cơ hội rất tốt cho ta...”1. Sau này được biết, Tướng Đờlát hy vọng ông Giáp dồn sức đánh vào tập đoàn cứ điểm (6 tiểu đoàn tinh nhuệ trong công sự bêtông cùng rất nhiều binh khí, kỹ thuật) mà ông ta vừa cho xây dựng trong thị xã Hoà Bình. Đó cũng chính là hy vọng đạt được ý đồ “bẻ gãy Việt Minh” (casser le Viet). Nhưng, như nhận xét của ký giả kiêm sử gia Bécna Phôn (Bernard Fall): Ông Giáp có phương pháp riêng của mình. Ông không giao chiến ngay nếu không ưu thế về lực lượng. Khi đã để cho quân Pháp tung hết sức đánh vào chỗ không người trên chiến trường rừng núi, tức là tạo cho ông một khả năng chiến thắng như ở đường số 4 năm 1950, ông Giáp mới điều gần hết quân chính quy ra mặt trận Hoà Bình với một tốc độ nhanh kinh khủng... Khi giao nhiệm vụ tác chiến chiến dịch, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp động viên tư lệnh các đại đoàn: Chúng ta phải quyết tâm biến sông Đà thành sông Lô, biến đường số 6 thành đường số 42. ______________ 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 6, tr. 341. 2. Ý nói phải buộc Pháp thất bại như trên sông Lô và đường số 4 trong Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947. 22 Tướng Đờlát cứ hy vọng, trong khi Tướng Giáp có phong cách cầm quân riêng của mình, ngoài tầm suy nghĩ của tướng lĩnh Pháp. Lượng sức mình, ông Giáp tạm thời tránh chỗ mạnh của địch là tập đoàn cứ điểm Hoà Bình, tập trung đánh mạnh trên hai trục giao thông trên bộ và trên sông, đặc biệt là đánh liên tục các đoàn tàu, đoàn xe vận tải của quân Pháp trên đường số 6 (mà họ gọi là ống thực quản khô) và trên sông Đà (ống thực quản ướt). Đó là hai con đường tiếp tế huyết mạch nuôi sống toàn bộ quân Pháp trên mặt trận Hoà Bình. Cũng trong dịp này, xuất hiện thêm một nét đặc sắc trong nghệ thuật cầm quân của Võ Nguyên Giáp. Phán đoán tình hình vùng sau lưng địch sơ hở vì chúng dồn quân ra mặt trận phía trước, ông cho hai đại đoàn luồn qua phòng tuyến boongke tiến sâu vào vùng trung du và đồng bằng sông Hồng, phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ tiêu diệt rất nhiều đồn bốt của địch, giải phóng gần 2 triệu dân trên một diện tích 4.000 km2 trong vùng địch hậu. Bị đánh mạnh trên cả hai mặt trận, Tướng Xalăng điều các GM 1, 3, 4, 7 như đèn cù từ trong phòng tuyến ra ngoài rồi lại từ ngoài trở vào để đối phó nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế. Cái dạ dày Hoà Bình có nguy cơ bị teo đi vì cả hai “ống thực quản” bị khống chế gay gắt, có thể bị cắt đứt hẳn. Đúng lúc đó thì từ Pari bay sang một tin sét đánh: Tướng Đờlát đờ Tátxinhi đã về chầu Chúa ngày 11/1/1952. Lập tức Xalăng quyết định thu hẹp dần thế chiếm đóng và cuối cùng cho quân rút chạy khỏi mặt trận Hoà Bình ngày 22/2. Bécna Phôn để lộ một chi tiết: Để bảo đảm cho khối quân chừng 20.000 tên tháo chạy an toàn trong suốt ba ngày, Pháp đã phải bắn trên 30.000 viên đại bác suốt từ Hoà Bình, dọc đường số 6 về đến Xuân Mai. Sau này, trong hồi ký, Tướng Xalăng thú nhận, chỉ đến 6 giờ sáng ngày 25/2, khi đơn vị cuối cùng thoát chết chạy qua ngã tư Xuân Mai, “tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì vừa trút được một gánh nặng”. Đó là sự thú nhận “thật thà” về thất bại của cuộc tiến công đánh chiếm Hoà Bình cũng tức là thất bại trong ý đồ giành lại 23 quyền chủ động chiến lược. Bécna Phôn dẫn lời một sĩ quan cao cấp Pháp nói rằng: Với kết quả của “ván bài phiêu lưu” này, tôi nghĩ rằng Tướng Đờlát đã chết đúng lúc để khỏi phải chứng kiến thất bại của mình và buộc phải về vườn. Được Pari tạm giao quyền từ tháng 1/1952 và giao chính thức từ tháng 4, Tướng Xalăng trở thành đối thủ thứ sáu của ông Giáp. Nỗi lo ngày đêm của Tướng Xalăng là làm sao cho vùng châu thổ sông Hồng khỏi tiếp tục bị “ruỗng nát” (pourrissement). Thế rồi chưa bao giờ những cuộc càn quét diễn ra khốc liệt như xuân - hè năm 1952, gây cho ta rất nhiều tổn thất trong vùng sau lưng địch. Dự kiến tình hình vùng địch hậu sẽ gặp khó khăn sau khi quân Pháp từ Hoà Bình rút về đồng bằng, ông Giáp đã dựa theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 28/2/1952 chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh phối hợp với các ngành hữu quan vận dụng nhiều biện pháp tích cực, kiên quyết duy trì thế và lực cách mạng trong vùng tạm bị chiếm. Do Tổng hành dinh triển khai khẩn trương Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương về tình hình, nhiệm vụ chung và về nhiệm vụ quân sự trước mắt1 và quán triệt phương châm đấu tranh trong vùng sau lưng địch, lại do việc tổ chức hội nghị chuyên đề về chiến tranh du kích và chủ trương cử các đoàn cán bộ vào địch hậu trực tiếp chỉ đạo các địa phương bám đất, bám dân, giữ vững cơ sở chính trị và vũ trang bí mật, duy trì phong trào chiến tranh du kích đánh địch, chống càn, v.v. mà quân và dân vùng sau lưng địch đã hạn chế được nhiều khó khăn do địch càn quét bình định gây nên. Suốt 7 năm, chưa bao giờ sự chỉ đạo của Tổng Tư lệnh đối với vùng địch hậu khẩn trương và sâu sát, cụ thể như thế. “Bước chân du kích” phải tiến kịp và hỗ trợ cho “bước chân chính quy”. ______________ 1. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 13, tr. 43. 24 Mùa khô đến, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đứng trước một câu hỏi lớn: Đâu là hướng tiến công chiến lược của các binh đoàn chủ lực? Trong tay Bộ Thống soái có 6 đại đoàn dự bị chiến lược, phải chọn hướng tiến công nào có thể tạo nên một chuyển biến có tầm chiến lược, không thể trở về “đánh nhỏ” như có ý kiến khêu gợi của bạn. Từ những kết luận về khó khăn trên chiến trường trung du và đồng bằng trong xuân - hè năm 1951 và những thuận lợi trên chiến trường rừng núi Hoà Bình vừa qua, mùa khô này ông đi đến một quyết định có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, đó là đề nghị với Trung ương cho chuyển hướng tiến công của bộ đội chủ lực lên chiến trường rừng núi miền Tây - một địa bàn có tầm chiến lược quan trọng đặc biệt về chiến lược mà ông đã quan tâm ngay từ những ngày sau Cách mạng Tháng Tám. Với sự chuyển hướng đó, Chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952 và chiến dịch phối hợp với quân đội Pathét Lào trên hướng Sầm Nưa (Thượng Lào) mùa hè năm 1953, là hai đòn tiến công không chỉ đem lại kết quả rất lớn về giải phóng nhân dân và giải phóng đất đai có ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện xây dựng một căn cứ địa rộng lớn trên miền Tây Bắc của Tổ quốc mà còn giúp cách mạng nước bạn một chỗ đứng chân vững chắc ở Bắc Lào và đặc biệt là tạo thế chiến trường thuận lợi cho việc triển khai các kế hoạch chiến lược tiếp theo, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Đúng vào những ngày ông Giáp đang chỉ đạo bộ đội truy kích địch trên chặng đường 270 km trong Chiến dịch Sầm Nưa (Thượng Lào) thì Pari lại quyết định thay tướng. Raun Xalăng ra đi, quyền Tổng Chỉ huy chuyển sang tay Tướng Nava (Henri Navarre), một viên tướng trẻ, trưởng thành từ nghề tình báo, có tiếng là tài ba về nhãn quan chiến lược, không những được Thống chế Gioăng (Alphonse Juin) đích thân tiến cử mà còn được Tổng thống Mỹ Aixenhao gửi điện chúc mừng. Ngày 7/5/1953, khi giao nhiệm vụ 25 cho Nava, Thủ tướng Mayê (R. Mayer) chỉ nêu một yêu cầu rất thấp: “Hãy giúp Chính phủ tìm ra một lối thoát danh dự”. Lối thoát danh dự là gì? Và nhất là thoát như thế nào? Tự tướng quân tìm ra đáp số. Kể từ ngày 7/5 đáng ghi nhớ ấy, Đại tướng Tổng Chỉ huy H. Nava trở thành đối thủ thứ bảy, đối thủ Pháp cuối cùng của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Tướng Nava xuất hiện trên chiến trường Đông Dương với những sự kiện và những con số thật đáng chú ý. Chỉ sau một tháng nghiên cứu, kế hoạch chiến lược 18 tháng được xây dựng xong và nhanh chóng được tập thể Hội đồng Quốc phòng thông qua1. Điều kiện quan trọng nhất để thực thi kế hoạch đó vẫn là viện trợ Mỹ và lần đầu tiên Oasinhtơn hào phóng đảm nhận tới 78% chiến phí của Pháp ở Đông Dương. Do đó, chỉ hơn nửa năm, binh lực của Pháp và tay sai đã phát triển lên tới 48 vạn, gồm 286 tiểu đoàn các loại, trong đó khối cơ động chiến lược (báo chí phương Tây gọi là quả đấm chiến lược) lên tới gần 50 tiểu đoàn, phần lớn tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ. Thật dễ hiểu vì sao Tướng Nava lớn tiếng tuyên bố: “Quyết chơi với ông Giáp một ván bài toàn hồng”. Lần đầu tiên Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đứng trước một đối thủ lắm tiền, đông quân, nhiều súng như thế. Vấn đề đặt ra là phải làm sao vô hiệu hoá được khối cơ động chiến lược khổng lồ đó của Nava. Cụ Hồ chỉ thị: Mở chiến dịch trên nhiều hướng chiến lược quan trọng buộc địch phải phân tán binh lực đối phó. Bước vào mùa khô 1953-1954, sau 8 - 9 năm chiến tranh, lần đầu tiên ông Giáp đưa các đại đoàn chủ lực ra đánh năm đòn đồng thời, liên tiếp và hỗ trợ lẫn nhau giữa năm hướng chiến lược trên các chiến ______________ 1. Kế hoạch Nava gồm hai bước cơ bản: Phòng ngự ở miền Nam vĩ tuyến 16 để tập trung xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh làm công cụ chuyển sang tiến công lớn ở miền Bắc, giành một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược để kết thúc chiến tranh “trong danh dự”. 26 trường rừng núi: Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên và Thượng Lào, đồng thời chỉ đạo quân dân vùng địch hậu trong cả nước đánh mạnh để giam chân địch, hỗ trợ cho các chiến dịch tiến công phía trước. Mỗi lần Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra đòn là một lần Bộ Chỉ huy Pháp phải tung quân đi chữa cháy, khiến “cái hầu bao cơ động chiến lược” mà Nava dày công ky cóp cứ teo dần, teo dần. Chỉ mới ra quân đấu trí, đấu lực với Tổng Chỉ huy mới trong đợt đầu của chiến cuộc đông - xuân 1953-1954, ông Giáp đã biến hơn 40 tiểu đoàn cơ động của Tướng Nava từ chỗ tập trung dày đặc trên một chiến trường trọng điểm là đồng bằng Bắc Bộ, đến chỗ bị chia năm xẻ bảy lên chôn chân trên các chiến trường rừng núi khắp Đông Dương, từ Điện Biên Phủ, Luông Prabang, Mường Sài, đến Sênô, Plâyku, An Khê, Pắcxế. Trước khi bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong tay Tổng Chỉ huy Pháp chỉ còn ngót 20 tiểu đoàn dự bị, tuy vẫn tập trung ở đồng bằng sông Hồng nhưng không còn phát huy được chức năng cơ động nữa vì luôn bị căng mỏng đối phó với chiến tranh du kích, nhất là dọc con đường chiến lược số 5. Binh lực tăng viện cho các hướng đã rất hạn chế, kể cả khi Điện Biên Phủ trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava. Trong đợt 1 của cuộc đấu trí, đấu lực mùa khô 1953-1954, Nava đã thua một bước cơ bản. Ông ta quyết dồn tâm lực vào bước tiếp theo - bước quyết định. Và những nước cờ cuối cùng phân thắng bại giữa hai đại tướng trên cánh đồng Mường Thanh cũng đồng thời là những nước cờ quyết định số phận của kế hoạch chiến lược của đối thủ Pháp cuối cùng của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Khi ông Giáp mở chiến dịch giải phóng Lai Châu, Tướng Nava vội vã ném 6 tiểu đoàn xuống cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên Phủ) với lý do công khai ban đầu là để ngăn không cho chủ lực đối phương tiến quân sang Thượng Lào. Chừng nửa tháng sau, Nava đi đến một quyết tâm mới có tầm quan trọng đặc biệt - một ý đồ 27 chiến lược không có trong kế hoạch ban đầu - đó là xây dựng trên cánh đồng Mường Thanh một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, làm cái “nhọt hút nọc độc”, nhằm thu hút quân chủ lực đối phương lên, trước mắt là để đỡ đòn cho đồng bằng, sau nữa nếu đối phương dám “húc” vào đây thì chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Nava rất tin vào điều đó vì lẽ giản đơn là ông Giáp chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm, nhất là tập đoàn cứ điểm mạnh. Hồi quân Pháp đánh ra Hoà Bình, ông Giáp đã tránh tập đoàn cứ điểm lần đầu xuất hiện. Trong Chiến dịch Tây Bắc (cuối năm 1952) sau khi thử sức đánh vài cứ điểm vành ngoài tập đoàn cứ điểm Nà Sản, thấy không chắc thắng, ông không cho đánh tiếp. Mùa hè năm 1953, ông quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, nhưng khi các đại đoàn hành quân đến còn cách mục tiêu chừng 10 km thì quân Pháp đã bỏ chạy, ông Giáp hạ lệnh truy kích suốt 7 ngày đêm đến tận sát Cánh Đồng Chum. Kết quả là gần như toàn bộ quân địch rút chạy khỏi Sầm Nưa bị tiêu diệt nhưng ý định đánh tập đoàn cứ điểm không thành. Ý đồ chiến lược của Nava nảy sinh đầu tháng 12/1953 dẫn đến quyết tâm xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, gồm 49 cứ điểm kiên cố với tất cả binh khí, kỹ thuật hiện đại có thể huy động được, cùng 1,6 vạn quân tinh nhuệ, mạnh hơn rất nhiều so với các tập đoàn cứ điểm Hoà Bình, Nà Sản và Sầm Nưa trước đây, mạnh tới mức các quan chức quân sự và dân sự Pháp và Mỹ đến thăm đều khẳng định Điện Biên Phủ quả là một “pháo đài bất khả xâm phạm”, là một cái “máy nghiền” (broyeuse), sẵn sàng nghiền nát đối phương nếu họ “dám” đụng vào đây. Các chuyên gia thân tín đủ loại của Tướng Nava cũng đồng tình với nhau rằng ông Giáp làm sao đưa được pháo vượt qua những rặng núi cao và hiểm trở xung quanh Mường Thanh để vào trận địa; rằng đường xa, phương tiện vận tải thô sơ, làm sao bảo đảm tiếp tế cho mấy vạn quân đánh dài ngày, v.v.. 28 Về phía ta, kế hoạch tác chiến ban đầu của cơ quan tham mưu là đưa một đại đoàn vào hướng tây, hai đại đoàn vào hướng đông cánh đồng Mường Thanh, tiến công đồng loạt với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm trong vòng vài ba ngày đêm, theo phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh. Kế hoạch đó đã được phổ biến tới cán bộ các cấp và mọi công tác chuẩn bị đều hướng theo phương châm đó. Thế nhưng, sau 12 ngày bám sát diễn biến của địch trên cánh đồng Mường Thanh và cân nhắc mọi nhẽ, thấy tình hình địch đã thay đổi, ông Giáp đi đến kết luận: đánh theo chiến thuật “biển người” không bảo đảm 100% chắc thắng. Nhớ lại và suy nghĩ về lời dặn của Cụ Hồ trước khi lên đường, ông Giáp đi đến “một quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của mình, đó là tạm đình chỉ cuộc tiến công và thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch, từ đánh nhanh giải quyết nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Sáng hôm sau, trải qua nhiều giờ trao đổi, thảo luận, thuyết phục, cuối cùng ông đã cùng tập thể Đảng ủy Mặt trận nhất trí quyết định thay đổi cách đánh. Vào thời điểm mà công tác tổ chức, kế hoạch, công tác động viên chính trị - tư tưởng đã căn bản hoàn tất để mấy vạn quân sẵn sàng xuất kích, việc hạ lệnh cho các đại đoàn rời khỏi trận địa và kéo pháo trở về vị trí tập kết rõ ràng là một quyết định không đơn giản. Trong giờ phút có ý nghĩa quyết định thành bại của chiến dịch có tính chiến lược hết sức trọng đại như vậy, phải có một tinh thần thực sự cầu thị, một ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước xương máu chiến sĩ, đồng thời phải có một tinh thần dũng cảm, tự tin và quyết đoán rất cao, mới dẫn dắt được toàn quân đi đến thắng lợi. Phải trải qua gần 50 ngày đêm khẩn trương tiếp tục chuẩn bị và đến khi đã khẳng định đầy đủ các yếu tố thắng lợi, chiều ngày 13/3/1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mới hạ lệnh cho bộ đội mở màn chiến dịch. 56 ngày đêm diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ là quá trình ông Giáp cùng Đảng ủy Mặt trận 29 chỉ đạo vận dụng mọi biện pháp tích cực và sáng tạo nhằm từng bước hạn chế chỗ mạnh về binh khí, kỹ thuật của quân Pháp, vô hiệu hoá tính vững chắc của hệ thống phòng thủ hiện đại của tập đoàn cứ điểm, hạn chế rồi triệt hẳn nguồn tiếp tế tăng viện duy nhất bằng không quân của địch và làm thất bại mọi ý đồ giải tỏa và tháo chạy của chúng. Cùng toàn quân giành thắng lợi vang dội trên chiến trường Điện Biên Phủ, niềm tự hào lớn nhất của ông là đã chấp hành nghiêm chỉnh và trọn vẹn chỉ thị của Cụ Hồ khi lên đường ra trận: Chỉ được đánh thắng. Mấy chục năm sau, qua những lần hội thảo, qua những trang hồi ký, cán bộ cấp đại đoàn tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ mới bộc bạch những suy nghĩ của mình. Tướng Vương Thừa Vũ nói: Nếu hồi đó cứ “đánh nhanh giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến chống Pháp có thể lùi lại 10 năm. Còn theo Tướng Lê Trọng Tấn, “nếu không có quyết định thay đổi phương châm thì phần lớn cán bộ chúng tôi đã không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”, nghĩa là đã ngã xuống cánh đồng Mường Thanh. 29 năm sau, ngày 8/4/1983, trên tờ báo Pháp Người quan sát mới, người ta thấy hai ký giả Pháp là Buđaren và Cavigliôli (G.Boudarel - F.Caviglioli) viết bài nhan đề “Tướng Giáp suýt thua trận ở Điện Biên Phủ”, kể chi tiết diễn biến của việc thay đổi phương châm tác chiến của ta và kết luận: “Võ Nguyên Giáp vừa là một vị tướng vĩ đại vừa là một nhà chính trị vĩ đại vì ông dám thừa nhận và sửa chữa sai lầm mà không khư khư bám lấy một luận thuyết, đã dám khước từ “chiến thuật biển người” không phù hợp với điều kiện Việt Nam”. Một sự trùng hợp kỳ lạ và hiếm thấy. Ngày chiến thắng của ông Giáp ở Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954, cũng là ngày đúng một năm trước, Tướng Hăngri Nava nhận trọng trách sang Đông Dương. Thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn của kế hoạch chiến lược 18 tháng, niềm hy vọng không riêng 30 của Pari mà của cả Oasinhtơn. Hai tháng sau, hiệp định hoà bình được ký kết, chấm dứt quá trình Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần lượt đánh thắng 7 đại tướng Pháp trong suốt 9 năm đấu trí, đấu lực, trong đó có 5 năm cả Pari và Sài Gòn được Oasinhtơn hết lòng tiếp sức. Sau này, Cơri (Cecil B.Currey), tác giả cuốn Chiến thắng bằng mọi giá1 đã từng hỏi ông Giáp về học vấn quân sự đã giúp ông chiến thắng quân viễn chinh Pháp. Ông trả lời ngắn gọn rằng: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, “học viện” duy nhất ông theo học là ở trong rừng. Chính tại “học viện trong rừng” ấy mà ông và tập thể lãnh đạo kháng chiến đã ôn lại những bài học của các nhà chiến lược quân sự tiền bối của dân tộc Việt Nam, kết hợp với những quan điểm quân sự mácxít chính thống mà vận dụng vào thực tế chiến trường để giành thắng lợi. * * * Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tại miền Nam Việt Nam ngay từ giữa năm 1954 đã bắt đầu quá trình Pháp chưa đi - Diệm đã về - Mỹ đã tới, với những âm mưu thâm độc chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Người dân miền Nam không được hưởng một ngày thực sự hoà bình. Hiệp định Giơnevơ chưa ráo mực đã bị vi phạm và ngày càng nghiêm trọng. Các cuộc khủng bố đẫm máu trả thù những người kháng chiến cũ tiếp tục diễn ra hằng ngày. Ngô Đình Diệm công khai khước từ hiệp thương tổng tuyển cử tiến tới thống nhất đất nước, trong khi Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn phát triển quân đội quy mô lớn. Lon lính ngụy thời Pháp được thay bằng lon kiểu quân lực Hoa Kỳ. Trước tình ______________ 1. Victory at any cost: Brassley's Inc, New York, 1997. 31 hình “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, từ năm 1957, sau khi có Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng quyết định những vấn đề lớn về quân sự, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng tập thể Quân ủy Trung ương tập trung tinh lực xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ miền Bắc, xúc tiến khẩn trương công tác chuẩn bị về quân sự cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới. Hai năm sau, khi Mỹ - Diệm ngày càng công khai lộ rõ âm mưu xâm lược và chia cắt đất nước, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 khẳng định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Cùng với Nghị quyết 15, con đường chiến lược 559 cũng hình thành. Sau này, trả lời câu hỏi của một nữ văn sĩ người Anh1, ông Giáp nói: “Chúng tôi xây dựng đường Hồ Chí Minh bởi vì người Mỹ đánh chúng tôi... Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhận định rằng người Mỹ, với chiến lược phản ứng linh hoạt, sẽ leo thang chiến tranh và quân Mỹ sẽ vào. Bởi thế chúng tôi phải có tầm nhìn dài hạn. Tôi hiểu rằng nếu chúng tôi quyết giành lại miền Nam, nơi chiến tranh du kích đang được tiến hành, chúng tôi phải mở rộng mặt trận và đánh những chiến dịch lớn. Chính vì thế, tháng 5/1959, chúng tôi ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh”. Trước khi quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến, nhân dân miền Nam đã trải qua 9 năm tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau đó, với tinh thần anh dũng và sáng tạo tuyệt vời để duy trì cuộc đấu tranh chống các chiến dịch khủng bố tàn sát dã man tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, nhân dân miền Nam đã từ đấu tranh chính trị hợp pháp để bảo tồn lực lượng tiến lên kết hợp đấu tranh ______________ 1. Virginia Louise Morris, tác giả cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh - con đường dẫn đến tự do, Nxb. Orchid Press, London, 2005. 32 chính trị với đấu tranh vũ trang và đang từng bước phát triển từ khởi nghĩa vũ trang lên chiến tranh cách mạng. Đến năm 1964, khi viên tướng số 1 của Mỹ là Taylo (Maxwell Taylor) được cử sang thay Cabốt Lốt (Henri Cabot Lodge) làm đại sứ ở miền Nam và Tướng Oétmolen (Westmoreland) thay Tướng Hakin (Harkins) làm Tổng Chỉ huy, chuẩn bị chuyển sang “chiến lược chiến tranh cục bộ” thì tình hình miền Nam đã chuyển biến có lợi cho cách mạng, khác hẳn những năm đầu sau Hiệp định Giơnevơ. Mùa xuân năm 1965, Nhà Trắng thông báo chính thức quyết định của Tổng thống Giônxơn (L.B. Johnson) cho quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam cũng là lúc trên trục đường vận chuyển chiến lược - đường Hồ Chí Minh, đã chuyển từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam (so với năm 1960) gấp 14 lần về bộ đội chủ lực, gấp 10 lần về phương tiện chiến đấu. Các chiến trường Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên đã hình thành. Ba thứ quân (trong đó bộ đội chủ lực được tổ chức ở quy mô sư đoàn) đã triển khai trên các địa bàn chiến lược chủ yếu. Thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam phát triển và được cải thiện một phần quan trọng là vì ở ngoài Bắc, bộ máy quân sự do Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và tập thể Quân ủy điều hành đã kịp thời chuyển động nhịp nhàng trước yêu cầu của tình hình mới theo tinh thần các nghị quyết 12 và 15 của Trung ương. Toàn quân quán triệt lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu: “Bất kỳ hoà bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”. Trải qua 9 năm kháng chiến và 10 năm xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức, trang bị và kinh nghiệm chiến đấu. Hình ảnh “anh Vệ túm” hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đã lùi về quá khứ. Nhiều cán bộ trung, sơ cấp năm xưa đã trở thành cấp chỉ huy chiến dịch, chiến lược. 33 Một số tướng lĩnh được tôi luyện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến thứ nhất, như các ông Hoàng Văn Thái, Chu Huy Mân, Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Hoàng Cầm, Nguyễn Hoà... đã lần lượt được Trung ương cử vào chiến trường cùng Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo cuộc kháng chiến đang trên đà phát triển. Một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, được Cụ Hồ và Bộ Chính trị cử vào cùng Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo cuộc đối đầu với kẻ thù mới. Về phía chỉ huy và lãnh đạo, do sự trưởng thành của đội ngũ tướng lĩnh, sự hình thành của Trung ương Cục, bộ Tư lệnh Miền và bộ Tư lệnh các chiến dịch, cho nên sự chỉ đạo của Bộ Thống soái nói chung, của Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh nói riêng cũng khác so với cuộc kháng chiến thứ nhất. Ngoài việc cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Quân ủy Trung ương bàn và chỉ đạo từng bước đi ở tầm chiến lược toàn cục, sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với chiến trường không còn trực tiếp như hồi kháng chiến 9 năm. Quá trình phát triển của cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam là quá trình ông chỉ đạo các cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh xây dựng lực lượng, phối hợp với các bộ, các ngành tổ chức chi viện, đáp ứng yêu cầu từng bước và ngày càng nhiều về người và cơ sở vật chất cho tiền tuyến lớn miền Nam, chỉ đạo các quân chủng, binh chủng chiến đấu bảo vệ miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của chiến trường Trị - Thiên sau khi hình thành Mặt trận Trị - Thiên (B5) sát phía nam hậu phương lớn. Rõ ràng là năm 1965, cơ quan Tổng hành dinh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng toàn quân và toàn dân trực tiếp đối mặt với quân viễn chinh Mỹ trong bối cảnh khác hẳn 20 năm trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Vấn đề đặt ra là vận dụng kinh nghiệm đánh Pháp và kiến thức mới học được ở các trường chính quy trong và ngoài nước như thế nào vào điều kiện 34 đối tượng tác chiến đã thay đổi. Kẻ địch trong cuộc kháng chiến thứ hai này là quân đội một nước có tiềm lực quân sự rất lớn, nhất là về binh khí, kỹ thuật. Mùa xuân năm 1965, khi quân Mỹ bắt đầu đổ bộ ồ ạt vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, cũng là lúc kế hoạch chiến lược 1965 - 1967 của Tổng Chỉ huy Oétmolen (Westmoreland) vừa được tổng thống chính thức thông qua. Quân và tướng Mỹ cùng với quân và tướng tay sai và chư hầu lần lượt vào cuộc. Hàng chục vạn quân Mỹ và quân chư hầu cùng nửa triệu quân đội Sài Gòn được đặt dưới quyền điều hành tập trung của cái gọi là Cơ quan viện trợ quân sự Mỹ (MACV) do Tướng Oétmolen cầm đầu. Nếu không kể những tướng Mỹ điều hành Phái đoàn viện trợ và cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) ở Nam Việt Nam những năm quân Mỹ chưa trực tiếp tham chiến như Ô. Đanien (W. O'Daniel) và Hakin (C. Harkins) thì Tướng bốn sao Oétmolen là đối thủ thứ tám và là đối thủ Mỹ đầu tiên của ông Giáp. Bài toán chiến lược đặt ra từ mấy năm trước đối với Bộ Thống soái, với tướng lĩnh cả hai miền Nam - Bắc và riêng với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đến lúc này càng trở nên cấp bách cần có lời giải, đó là đánh Mỹ thế nào và thắng Mỹ bằng cách nào? Tại Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam họp tháng 5/1965, ông Nguyễn Chí Thanh kết luận: Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách thắng Mỹ. Cũng trong dịp này, lãnh đạo Khu 5 chủ trương tiêu diệt một đơn vị Mỹ để hạ uy thế của chúng ngay từ đầu và để rút kinh nghiệm cho toàn khu. Trận Núi Thành (27/5/1965) được ghi vào lịch sử là trận đầu thắng Mỹ. Cũng từ trận này, xuất hiện khẩu hiệu “Gặp Mỹ là đánh, tìm Mỹ mà diệt”. Nửa năm sau, tháng 11/1965, Tướng Chu Huy Mân chỉ huy chiến dịch đánh Mỹ đầu tiên - Chiến dịch Plâyme - trong đó có trận mà Tài liệu mật Lầu Năm Góc gọi là “trận đánh đẫm máu ở thung lũng Ia Đrăng, trận đánh lớn đầu tiên”. Ngay từ hồi đó ký giả Mỹ và phương Tây hết sức 35 chú ý trận đánh này. Tờ Thời báo Niu Oóc (New York Times) viết: “Ia Đrăng là một trong những nơi mà người lính chiến đấu Mỹ bị ném vào cuộc thử thách gay gắt nhất..., là trận đánh mà tướng lĩnh Mỹ phải đánh theo cách đánh của tướng lĩnh Việt cộng”. Giữa năm 1966, việc thành lập Mặt trận Trị - Thiên được giới nghiên cứu coi là “một đòn hiểm” của Bộ Thống soái Việt Nam. Người ta đã biết một trong những kinh nghiệm cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là trước khi ra quân ông thường buộc đối phương phải phân tán binh lực. Đòn lần này được coi là “hiểm” vì nó dồn tướng lĩnh Hoa Kỳ vào thế bị động về chiến lược, buộc Oétmolen phải điều hai sư đoàn lính Mỹ ra vùng chiến trường rừng núi miền Trung trước khi bước vào mùa khô thứ hai. Họ khái quát điểm nổi bật trong cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai Bộ Thống soái đối kháng trong hai năm đầu quân Mỹ trực tiếp tham chiến, là trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966 và 1966 - 1967) của Mỹ, tướng lĩnh Việt Nam đã làm phá sản chiến lược “tìm diệt”, một chiến lược được Lầu Năm Góc thận trọng nghiên cứu và phê duyệt trước khi Oétmolen ra quân. Người ta nói nhiều đến thất bại của cuộc hành quân Gianxơn Xity (Junction City từ tháng 2 đến tháng 4/1967), một chiến dịch “tìm diệt” được coi là lớn nhất của Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam, với quy mô 4,5 vạn quân, với ý đồ “đánh gãy xương sống của Việt cộng”. Điều đó giải thích vì sao, ngày 8/12, khi kết thúc mùa khô thứ hai, Ngoại trưởng Raxcơ (Dean Rusk) đã than thở rằng: năm 1967 là năm đau khổ và khốc liệt đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Thất bại liên tiếp trong hai mùa khô dẫn đến sự phân hoá và xáo trộn trong hàng ngũ quan chức Mỹ. Cabốt Lốt trở lại thay Taylo ngồi vào ghế đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Hơn một năm sau, đến lượt Bâncơ (W.Bunker) thay Cabốt Lốt. Tiếp đến là Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara (R. McNamara) xin ra khỏi Lầu Năm Góc. 36 Viên bộ trưởng mới chưa kịp nhận bàn giao thì đã nổ ra cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân của quân dân miền Nam. Điều trớ trêu là cuộc tiến công đồng loạt này nổ ra vào thời điểm quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam đã lên tới con số kỷ lục: trên 54 vạn. Và Oasinhtơn không hiểu vì sao sự kiện long trời nổ ra từ cuối tháng 1/1968 mà mãi nửa tháng sau Tổng Chỉ huy Oétmolen mới gửi báo cáo chính thức về nước, nói rõ rằng: 5 thành phố lớn, 34 tỉnh lỵ, 64 quận lỵ và tất cả các thị trấn bị tiến công. Sự kiện vang dội tới mức mãi đến những năm sau này trên rất nhiều trang sách, báo, tạp chí, giới học giả và tướng lĩnh Mỹ và phương Tây còn tiếp tục nói về Tết Mậu Thân. Ký giả kiêm sử gia Cơri trong cuốn Chiến thắng bằng mọi giá nhận xét rằng Bộ Thống soái Bắc Việt đã khéo léo thu hút sự chú ý của Oétmolen và cả hệ thống săn tin tức của CIA vào mục tiêu Khe Sanh để rồi bất ngờ mở cuộc Tổng tiến công trên toàn miền Nam. Hai nhà báo Mỹ Xtin và Lepxơn (J. Stein và M. Leepson), đồng tác giả Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, rút ra mấy kết luận về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 như sau: Vũ khí chủ yếu của cộng sản là sự bất ngờ. Cuộc tiến công vào sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã thực sự làm cho người Mỹ ở Sài Gòn cũng như ở Oasinhtơn choáng váng. Do sự kiện Tết Mậu Thân mà những cố vấn “thông minh nhất và thân cận nhất” của Tổng thống Mỹ đã nói thẳng với Giônxơn rằng: Chúng ta không thể nào giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cũng trong dịp này, tờ Tuần tin tức (News Week) nhận định rằng, chỉ bằng một đòn đánh táo bạo trong dịp Tết, Bộ Thống soái Việt Nam và Việt cộng đã làm thay đổi đột ngột cục diện chiến tranh. Trong khi đó thì tại Hà Nội, ông Giáp nhẹ nhàng nói với Rípphô (Madeleine Riffaud - nữ phóng viên báo Pháp Humanité) rằng: Tướng Oétmolen có trong tay hơn 50 vạn quân, vậy mà ông ta không giúp Oasinhtơn tìm thấy một chút ánh sáng ở cuối đường hầm. Đối với Mỹ, chiến trường Việt Nam quả là một cái vực sâu thăm thẳm. 37 Một lần nữa bộ máy cầm đầu quân viễn chinh Mỹ lại bị xáo trộn sau đợt 1 của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Cả Tổng Chỉ huy Oétmolen và Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Sáp (G. Sharp) đều bị cách chức. Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara chính thức ra đi, trao quyền làm chủ Lầu Năm Góc cho Clípphớt (C. Clifford). Đợt 1 của cuộc Tổng tiến công này còn buộc Tổng thống Giônxơn xuống thang một bước quan trọng: Chấp nhận ngừng ném bom miền Bắc và cử phái đoàn sang Pari đàm phán với đối phương. Về phần cá nhân, trong diễn văn ngày 31/3/1968, ông ta chính thức tuyên bố: Sẽ không ra ứng cử nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Khi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân bắt đầu, ít ai nghĩ rằng nó sẽ tác động đến bộ máy cầm đầu chiến tranh của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đến như thế. Ngày 4/5/1968 đúng vào ngày bắt đầu đợt 2 của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Tổng Chỉ huy mới Abram (C.Abrams) nhậm chức và trở thành đối thủ thứ chín của ông Giáp. Để tạo điều kiện cho diễn viên mới triển khai kịch bản Việt Nam hoá chiến tranh được thuận lợi, Tổng thống Mỹ đã xin Quốc hội chuẩn y khẩn cấp 6,3 tỷ đôla, nhưng đề nghị bị Hạ viện bác bỏ và chỉ chấp thuận chừng 1/20, tức là 300 triệu đôla. Trong bối cảnh không thuận lợi đó, Tướng Abram phải triển khai đồng thời hai việc: Từng bước rút quân Mỹ theo trình tự Lầu Năm Góc đã dự kiến và thử nghiệm khả năng độc lập tác chiến của quân đội Thiệu, tức là tập dần cho tướng sĩ Sài Gòn ngày càng ít phụ thuộc vào sự yểm trợ của hỏa lực Mỹ. Ông Giáp không quan tâm lắm đến những lần tuyên bố (lần lữa) của Níchxơn (R.M. Nixon - Tổng thống Hoa Kỳ thứ 37 vừa đắc cử) và của Bộ trưởng Quốc phòng mới Leđơ (M. Laird) về vấn đề rút quân Mỹ, nhưng ông chú ý theo dõi sát các bước đi của viên tổng chỉ huy mới. Ông phán đoán Abram sẽ hướng vào Đông Bắc Campuchia và Trung - Hạ Lào hòng đánh vào đường giao thông 38 chiến lược và chỗ đứng chân của ta trên đất bạn. Ông được cơ quan Tham mưu Tổng hành dinh báo cáo rằng, tháng 6/1969, Tổng Chỉ huy Abram tuyên bố: Nếu phá được đất thánh của Việt cộng trên đất Campuchia thì chiến tranh ở miền Nam Việt Nam có thể kết thúc trong một năm. Theo lệnh của Quân ủy Trung ương và của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, từ mùa hè năm 1970, việc chuẩn bị chiến trường khu vực đường 9 được xúc tiến khẩn trương. Binh đoàn 70 được thành lập, sẵn sàng làm nhiệm vụ cơ động chiến lược. Về phía Mỹ, mãi đến đầu tháng 2/1971, kế hoạch chiến lược mới được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc thông qua. Như vậy là trước khi Abram thực sự triển khai chiến lược Việt Nam hoá trên chiến trường, ông Giáp đã đi trước những nước cờ quan trọng. Theo kế hoạch, Tướng Abram và Bộ Tham mưu của Thiệu sẽ tung quân đội Sài Gòn vào ba cuộc tiến công ra đường 9 - Nam Lào (Chiến dịch Lam Sơn 719), sang hướng Đông Bắc Campuchia (Chiến dịch Toàn thắng 1/71), và vùng biên giới Tây Nguyên (Chiến dịch Quang Trung 4). Trong khi Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ đạo các chiến trường khẩn trương chuẩn bị “đón” Toàn thắng 1/71 và Quang Trung 4, thì theo kế hoạch chung của Tổng hành dinh, các tướng Lê Trọng Tấn và Lê Quang Đạo cũng nhận lệnh tổ chức và điều hành Mặt trận đường 9 - Nam Lào, nhằm đánh bại Lam Sơn 719, cuộc hành binh chủ yếu của địch nhằm vào hướng Bản Đông - Sêpôn trên đất Lào, với ý đồ cắt đứt đường vận chuyển chiến lược 559. Ngày 8/2/1971, Mỹ và Sài Gòn ra quân. Abram báo cáo với Tổng thống Níchxơn rằng: Chậm nhất ngày 13 sẽ chiếm được Sêpôn. Nhưng rồi điều bất ngờ đã diễn ra: ông Giáp điều quân đến với tốc độ quá nhanh, ngoài dự kiến của Bộ Chỉ huy liên hợp Mỹ - Sài Gòn. Sau này, trong hồi ký Một người lính tường trình1, tướng ______________ 1. Westmoland: A soldier reports, Doubleday and Company, New York, 1976. 39 về hưu Oétmolen viết rằng khi quân Bắc Việt bắt đầu phản công, quân Mỹ và quân Việt Nam cộng hoà buộc phải làm một việc khó khăn nhất trong tất cả các hoạt động quân sự, đó là rút lui trước cuộc tiến công mãnh liệt của đối phương, đến nỗi quân đội Thiệu chỉ còn cách Sêpôn chừng 1 km mà vẫn phải vội vã vượt sông để tháo lui. Còn tác giả cuốn Chiến thắng bằng mọi giá, thì kể lại rằng: Người Mỹ xem tivi buổi tối đã chứng kiến cảnh những binh sĩ Việt Nam (quân đội Sài Gòn) vẻ mặt kinh hãi bám lấy càng máy bay trực thăng để thoát thân. Và ông ta kết luận: Thế là cuộc hành quân này đánh dấu chấm hết đối với chương trình Việt Nam hoá của Mỹ. Cũng trong dịp này, trên chiến trường Tây Nguyên và Campuchia, Toàn thắng 1/71 và Quang Trung 4 cũng chịu chung số phận với Lam Sơn 719. Và từ đó đến hết năm 1972, theo phương hướng chiến lược chung của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền tiếp tục điều hành các chiến trường phía Nam giành thắng lợi trong mấy chiến dịch liên tiếp. Các chiến dịch Bắc Tây Nguyên và chiến dịch Trị - Thiên (tháng 3 - tháng 6/1972) kết thúc cũng là lúc Oasinhtơn thay tướng. Từ giữa năm 1972, trong khi tại Sài Gòn quyền Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Mỹ chuyển từ tay Tướng Abram sang tay Tướng Uâyoen (F.C. Weyand - đối thủ thứ mười và là đối thủ Mỹ thứ ba của ông Giáp) thì tại Hà Nội, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đang cùng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ đạo các cơ quan Tổng hành dinh và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh B.52 của Mỹ. Hoạt động đối ngoại giữa những người cầm đầu Nhà Trắng với một số nước lớn trong mấy tháng xuân - hè vừa qua cho thấy khả năng B.52 ra đánh miền Bắc đã đến gần. Việc máy bay B.52 của Mỹ ra đánh phá Hà Nội, Hải Phòng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự kiến rất sớm, nhưng việc đánh pháo đài bay của không lực Hoa Kỳ như thế nào, đối với quân ta 40 còn là một ẩn số. Tháng 8/1967, khi được báo cáo một trung đoàn tên lửa đã vào Vĩnh Linh để nghiên cứu việc đánh B.52, Cụ Hồ khen: Thế là tốt, muốn bắt được cọp, phải vào tận hang. Lời khen có tính định hướng đó đã mở đường cho dòng suy nghĩ của cả cơ quan Tổng hành dinh và của lãnh đạo quân chủng. Một vấn đề trăn trở đối với tướng lĩnh ta lúc này là cách đánh. Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã được Đại tướng vừa giao nhiệm vụ và động viên: Ta đã tìm được cách đánh Mỹ trên bộ, phải tìm cho ra cách đánh Mỹ trên không, kể cả B.52. Một nhóm cán bộ của quân chủng được giao nhiệm vụ nghiên cứu biên soạn Phương án đánh B.52. Đầu năm 1971, Tổng Tư lệnh đồng ý cho một số phi công vừa tốt nghiệp ở Liên Xô về vào đường Trường Sơn để “nhận diện” B.52, rồi một số máy bay Mig được đưa vào ém sẵn ở mấy sân bay trên địa bàn Khu 4. Một vài biên đội lần lượt xuất kích, một số trạm rađa được triển khai dọc tả ngạn sông Mê Kông trên đất bạn để luyện tập phát hiện B.52 trong nhiễu, với những khẩu hiệu: “Vạch nhiễu tìm thù”, “Quyết thắng nhiễu điện tử của Mỹ”. Những lần bộ đội tên lửa bắn rơi B.521 đều được Tổng Tư lệnh nhắc nhở quân chủng rút kinh nghiệm kịp thời. Bám sát kinh nghiệm thực tế, dần dần Phương án đánh B.52 đã hình thành sau nhiều lần nghiên cứu, biên soạn, thảo luận, bổ sung, cuối cùng được giới thiệu trong hội nghị cuối tháng 10/1972, một hội nghị mà Tổng Tư lệnh chỉ thị: Tập trung thảo luận để đi đến thống nhất về cách đánh B.52 của bộ đội tên lửa. Kết luận quan trọng rút ra từ hội nghị này là: “Chúng ta có thể bắn rơi tại chỗ B.52 của Mỹ”. Đó là một niềm tin có cơ sở khoa học. Sau hội nghị, một tập sách nhỏ ra đời mang tên Cách đánh B.52 của bộ đội tên lửa mà anh em quân chủng thường gọi là “Cẩm nang bìa đỏ”. Nhờ “cẩm nang” đó ______________ 1. Tháng 9/1967 ở Vĩnh Linh, tháng 3/1971 trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào, tháng 4/1972 trong Chiến dịch Quảng Trị... 41 mà đơn vị lập công đầu sau hội nghị tháng 10 là đoàn tên lửa H.63 ở Nghệ An. Trung đoàn đã khắc phục được nhiễu, lần đầu tiên hạ được B.52 ở bắc vĩ tuyến 17 và giữa ban ngày. Từ thực tế sáng tạo của bộ đội, khái quát thành lý luận, nguyên tắc và biện pháp, trả về cho bộ đội thực hành, đó là những bước đi chập chững mò mẫm ban đầu, cuối cùng dẫn đến chiến công vang dội được mệnh danh là Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12/1972. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất trân trọng trí thông minh và tinh thần sáng tạo của những người đã làm nên cái mà sau này ông gọi là “một sự bất ngờ mà Mỹ không hề lường trước”. Ngay sau ngày chiến thắng B.52, trong hội nghị cán bộ tại hội trường quân chủng, ông giơ cao cuốn Cẩm nang đỏ lên và nói đại ý: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng B.52 nhưng một nguyên nhân hết sức quan trọng là sự đóng góp của cuốn sách này. Quân chủng đã phát huy một cách xứng đáng ý chí dám đánh và trí tuệ biết đánh để chiến thắng binh khí, kỹ thuật siêu hiện đại của đế quốc Mỹ. Sau thất bại của cuộc tập kích chiến lược bằng B.52, Tướng Uâyoen nhậm chức chưa đầy 10 tháng thì ngày 29/3/1973 (tức là hai tháng sau khi Hiệp định Pari được ký kết), Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Tổng Chỉ huy Uâyoen cùng 2.501 lính được coi là “những quân nhân cuối cùng” của quân lực Hoa Kỳ rời khỏi Nam Việt Nam, chấm dứt quá trình thất bại liên tiếp của ba đại tướng Tổng Chỉ huy Mỹ trong 7 năm điều hành quân viễn chinh trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Một điều trùng hợp kỳ lạ là, đúng hai năm sau, ngày 29/3/1975, khi chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã đứng trước bờ vực sụp đổ, trên cương vị Phó Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ, Tướng Uâyoen lại được Oasinhtơn phái sang để làm một việc vô vọng là giúp Thiệu lật lại thế cờ! Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, theo phương hướng chiến lược của Bộ Chính trị, đi đôi với việc theo dõi và chỉ đạo cuộc đấu 42 tranh chống địch bình định lấn chiếm, nhằm giữ vững và tăng cường thế và lực của cách mạng miền Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tập thể Quân ủy Trung ương tập trung trí tuệ suy nghĩ đề đạt phương án về các bước đi tiếp theo nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ những ý kiến chuẩn bị, trao đổi, thảo luận trong các cuộc họp năm 1974, nhất là Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương mở rộng (gồm cả cấp lãnh đạo các chiến trường, họp từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975), ông đã cùng tập thể lãnh đạo khẳng định nhiều vấn đề quan trọng để vận dụng vào việc chỉ đạo Tổ trung tâm của Tổng hành dinh nghiên cứu và hoàn chỉnh bản kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Cuối cùng sau tám lần biên soạn và bổ sung, sửa chữa, bản kế hoạch đã được Bộ Chính trị thông qua, trong đó có một vấn đề cụ thể nhưng vô cùng quan trọng là chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở màn cuộc Tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975. Khác với đông - xuân 1953 - 1954, trong giai đoạn chiến lược quyết định cuối cùng này của cuộc kháng chiến chống Mỹ, một cộng sự đắc lực của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, đã được Trung ương cử vào thay mặt Bộ Thống soái tối cao trực tiếp điều hành cuộc tiến công chiến lược. Ông Giáp tiếp tục chủ trì công tác của Quân ủy Trung ương, cùng với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái và các Phó Tổng Tham mưu trưởng khác theo dõi và chỉ đạo từng bước đi của các binh đoàn, theo phương hướng chiến lược được tập thể Bộ Chính trị vạch ra trong từng thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định. Từ ngày 5/2/1975, ngày ông Văn Tiến Dũng lên đường vào chiến trường Tây Nguyên, việc liên lạc bằng điện đài trực tiếp giữa hai ông Võ Nguyên Giáp (lấy bí danh là Chiến) và Văn Tiến Dũng (lấy bí danh là Tuấn) được duy trì đều đặn hằng ngày. 43 Sau chiến thắng Tây Nguyên mở màn cuộc tiến công chiến lược, trong bốn lần hội nghị lịch sử của Bộ Thống soái tối cao tháng 3/1975, Bí thư Quân ủy Trung ương - Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhạy bén trước tình hình phát triển thuận lợi của các binh đoàn, nêu lên những ý kiến xác đáng được tập thể Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí cao nhằm chớp thời cơ đẩy nhanh nhịp độ tiến quân của các binh đoàn. Cuộc Tiến công chiến lược đã phát triển thành Tổng tiến công chiến lược, rút ngắn thời gian dự kiến trong kế hoạch giải phóng miền Nam từ hai năm (1975 - 1976) xuống một năm (1975), rồi từ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa, đến quyết tâm giành toàn thắng trong tháng 4/1975. Có thể nói, phương châm thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng được ông luôn nhắc trong các bức điện chỉ đạo các binh đoàn tiến quân trên các hướng, đã thấm vào tâm tư tình cảm của từng cán bộ, chiến sĩ trong những ngày xuân năm 1975 sôi động. Ông đã đề xuất chủ trương thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch Quảng Nam - Đà Nẵng do các tướng Lê Trọng Tấn và Chu Huy Mân phụ trách, với yêu cầu rất gắt gao là đập tan và tiêu diệt 10 vạn quân Thiệu, phá kế hoạch co cụm của chúng ở Đà Nẵng, trong thời gian kỷ lục là 3 ngày. Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ông lại quyết định thành lập Binh đoàn hướng đông, do các tướng Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hoà chỉ huy, với yêu cầu “diệt địch mà đi, mở đường mà tiến”, hành quân thần tốc vào áp sát Sài Gòn từ hướng đông. Đặc biệt là Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhạy bén, kịp thời ra lệnh cho Khu 5 và Hải quân khẩn trương chớp thời cơ giải phóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, làm tắt tham vọng bành trướng của một số nước lớn. Tháng 4/1975, để chỉ đạo kịp thời toàn quân bước vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn, ông Giáp vào ở hẳn trong cơ quan Tổng hành dinh - khu “Nhà rồng”. Việc trao đổi ý kiến chỉ đạo giữa ông Chiến với ông Tuấn và các ông Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Đinh Đức Thiện trong Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh 44 diễn ra thường xuyên, không phải hằng ngày mà nhiều lần trong ngày. Ngoài những buổi giao ban chính thức, mỗi khi có những vấn đề về chủ trương quan trọng và cấp thiết, ông thường trao đổi thống nhất ý kiến với ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau ngày 26/4, khi cánh quân hướng đông dưới quyền chỉ huy của các ông Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hoà đã nổ súng mở màn chiến dịch, ông thường xuyên nghe các cơ quan tác chiến và tình báo báo cáo để bám thật sát các bước tiến quân của từng hướng vào thành phố Sài Gòn, kịp thời nêu ý kiến với Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh về các bước tiếp theo, kể cả việc chuẩn bị phát huy tác dụng của sân bay Tân Sơn Nhất vào các kế hoạch sắp tới, việc chỉ đạo tiếp quản Sài Gòn - Chợ Lớn sau khi giải phóng và phương hướng dứt điểm các địa bàn còn lại trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đảo Phú Quốc, Côn Sơn... Gần trưa ngày 30/4, sau khi nghe báo cáo quân ta đang tiến vào dinh Tổng thống Sài Gòn, ông Giáp gửi gấp một bức điện vào Nam, nói rõ ý kiến của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: “Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí nhưng không phải với tư cách tổng thống mà chỉ với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân”. Ngay sau đó, thể hiện niềm vui chiến thắng, bức điện tiếp theo của Bí thư Quân ủy Trung ương gửi các đồng chí lãnh đạo chỉ huy ở phía trước cho biết: 11 giờ Tổng hành dinh đã nhận được tin quân ta cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Quân ủy “gửi các anh lời chúc mừng đại thắng lợi. Các anh Bộ Chính trị rất vui... rất vui. Ký: Văn”. Vào thời điểm lịch sử thiêng liêng của dân tộc, khi nghe tin lá cờ cách mạng đã tung bay trên dinh Tổng thống Sài Gòn, ông Giáp cùng các thành viên khác trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hết sức phấn khởi, đồng thời xúc động nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Ai cũng nghĩ đến Cụ Hồ. Người đã đi xa, không được chứng kiến giờ phút mà niềm mong ước độc lập, thống nhất của Người đã trở thành sự thật. 45 Các chiến sĩ cơ yếu thường trực ngày đêm phục vụ Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong suốt quá trình diễn biến của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 không hề nghĩ rằng mình được vinh dự trực tiếp chia sẻ niềm vui chiến thắng với Tổng Tư lệnh trong giờ phút lịch sử này. Đại tướng cho gọi tổ cơ yếu và điện đài sang phòng họp của Tổng Quân ủy. Trên bàn đã bày sẵn bia Trúc Bạch, kẹo Hà Nội, thuốc lá Điện Biên. Ông rất vui khi nói những lời biểu dương anh chị em đã hoàn thành nhiệm vụ trong những ngày hết sức khẩn trương, căng thẳng, phục vụ công tác chỉ đạo chỉ huy của Tổng hành dinh. Chỉ ít phút liên hoan đơn sơ, ngắn gọn thôi nhưng thể hiện đầy đủ phong cách quần chúng của Võ Nguyên Giáp. Cuộc họp mặt kết thúc, các chiến sĩ cơ yếu bắt tay vào dịch một số bức điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, khen ngợi và tuyên dương công trạng cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên vừa giành thắng lợi trọn vẹn trong chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng. Các chiến sĩ cơ yếu chú ý một bức điện nội dung khá đặc biệt gửi đồng chí Lê Trọng Tấn mà Đại tướng đã dặn: Phát đi lúc 18 giờ. Điện mang tính chất nghĩa tình đồng chí hơn là quân lệnh của Tổng Tư lệnh gửi người chỉ huy hướng đột phá mở màn chiến dịch. Điện viết: “Anh Tấn ơi! Làm ăn tốt quá, phấn khởi quá. Chúc các anh rất khỏe và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó. Ký: Văn”. Đó cũng là bức điện cuối cùng Tổng hành dinh gửi ra tiền tuyến trong ngày 30/4/1975 lịch sử. Tối hôm đó, dưới ánh sáng pháo hoa mừng chiến thắng, người dân Hà Nội tràn ra đường, nét mặt hân hoan như muốn gửi mọi tình cảm yêu thương, chia vui với miền Nam, với Sài Gòn đi trước về sau. Không ai biết rằng trong dòng người chật đường chật phố ấy, có chiếc xe của một con người đã vâng lệnh Cụ Hồ cầm quân đi suốt cuộc trường chinh 30 năm có lẻ, để đến hôm nay cùng đồng bào cả nước tới đích của chặng đường cuối cùng mà Cụ đã 46 chỉ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. * * * Những trang sách này được hoàn tất vào một thời điểm mà tác giả cho là rất có ý nghĩa. Đến năm thứ sáu của thế kỷ XXI này, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tròn tuổi 95. Trận đánh 30 năm - 1944 - 1975 - tức tổng chiều dài cầm quân của ông trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đến nay cũng đã kết thúc gần một phần ba thế kỷ. Nhiều sách báo đã nói nhiều đến cuộc kháng chiến thần thánh giành độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam. Trong nhiều nhân tố dẫn đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có một nhân tố đặc biệt rất đáng đi sâu nghiên cứu, đó là bản lĩnh cầm quân - tài thao lược của vị tướng số 1 Việt Nam, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ông là người đã trực tiếp dẫn dắt “đội quân thơ ấu” từ hai bàn tay trắng, từ súng trường chân đất lớn lên trong suốt cuộc trường chinh mười ngàn ngày và đã đánh bại 10 đại tướng của quân đội viễn chinh nhà nghề của hai đế quốc to. Ông đã từ một người yêu nước ở tuổi học trò đến một người cộng sản chân chính - chân chính đến tận cuối đời; đã từ một giáo sư sử học không qua một trường lớp quân sự, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành một danh tướng, “một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy” - như cách định nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà, một vị tướng được toàn quân kính trọng, toàn dân yêu mến, thế giới ngưỡng mộ. Thành công trong cuộc đời cầm quân của Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự dìu dắt của Hồ Chí Minh ngay từ buổi ban đầu và cũng bắt nguồn từ 47 chính sự dìu dắt đó. Ngay từ những ngày còn nằm gai nếm mật trên vùng rừng núi Cao - Lạng, Cụ Hồ đã nhẹ nhàng dạy ông bốn từ Dĩ công vi thượng. Lời dạy ngắn gọn đó không chỉ theo ông trong suốt cuộc đời cầm quân mà khi đã hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó, trở về với không ít thử thách trong cuộc sống đời thường, trong tư tưởng và hành động, ông luôn tâm niệm một điều: Đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, lợi ích nhân dân lên trước hết. Ông là vị tướng quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung mà Cụ Hồ đã dạy trong Hội nghị quân sự lần thứ 5 - tháng 8/1948. Những đức tính ấy - nhất là Trí và Dũng - bộc lộ rất sớm. Có thể nêu dẫn chứng cụ thể là cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên giữa hai quân đội rất chênh lệch về trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến trong Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947, để khẳng định rằng tài cầm quân ở tầm chiến lược của ông xuất hiện ngay từ năm đầu của kháng chiến toàn quốc. Chỉ có trí thông minh và sự nhạy bén, sáng suốt ông mới thấy đâu là chỗ mạnh nhưng đồng thời cũng thấy đâu là chỗ yếu của địch khi xe tăng, cơ giới, pháo binh và quân dù của chúng tiến quân ồ ạt trên các ngả đường Việt Bắc; chỉ với một sự dũng cảm mới dám nhìn nhận một thực tế là kế hoạch tác chiến ban đầu không còn phù hợp, phải thay đổi. Vào một thời điểm khẩn trương khi địch đã đánh thẳng vào nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến, chỉ với một kiến thức sâu rộng nhưng không bảo thủ, một tinh thần quyết đoán và tự tin, ông mới dám thay đổi cả cơ cấu tổ chức của bộ đội chủ lực và thay đổi phương thức tác chiến sát hợp với thực tế chiến trường lúc đó. Chính nhờ nắm vững tình hình và chuyển hướng hành động cho đúng quy luật (phải trưởng thành từ nhỏ đến lớn, phải vừa đánh vừa học từ thấp lên cao) nên Tổng Chỉ huy đã dẫn dắt bộ đội đi đến thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong mùa khô đầu tiên. 48 Mặt khác, dù thắng lợi của ta trong Chiến dịch Việt Bắc là rất to lớn, có ý nghĩa chiến lược, nhưng Tổng Chỉ huy vẫn chỉ ra cho cơ quan Tổng hành dinh và toàn quân thấy vì sao thắng lợi đó còn hạn chế. Ông đã nhìn thẳng vào những điểm yếu kém của ta, vạch ra những thiếu sót trong việc nắm tình hình, trong phán đoán âm mưu và khả năng hành động của địch, trong tổ chức chiến đấu của cán bộ và thực hành chiến đấu của từng trung đoàn... Để thiết thực bồi dưỡng cho cán bộ và bộ đội qua kinh nghiệm rút ra từ cuộc thử thách đầu tiên, ông đã cho phát động một đợt học tập trong toàn quân, bắt đầu bằng hội nghị tổng kết chiến dịch. Đây là một hình thức bồi dưỡng cán bộ từ thực tế chiến đấu dần dần trở thành nền nếp cầm quân của Võ Nguyên Giáp. Rõ ràng là bản lĩnh cầm quân của ông bộc lộ ngay từ cuộc đấu trí, đấu lực đầu tiên và ngày càng được thể hiện ở tầm cao hơn trong mỗi mùa luyện quân, mỗi mùa chiến dịch. Chỉ với tác phong thực sự cầu thị và tinh thần dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật ông mới “có gan” thay đổi kế hoạch tác chiến ngay trước giờ nổ súng, đặc biệt là trong những chiến dịch có ý nghĩa bước ngoặt như chiến dịch Biên giới hay Điện Biên Phủ. Chỉ với tầm nhìn bao quát toàn diện và với lòng tự tin mãnh liệt ông mới không bị động đưa quân về “cứu” Thái Nguyên trong mùa khô năm 1950 khi quân ta đang chiến đấu trên đường số 4 hay “cứu” trung du khi bộ đội đang chuẩn bị bước sang đợt 2 của Chiến dịch Tây Bắc. Chỉ với tầm nhìn xa trông rộng, dự kiến đúng quy luật phát triển của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ông mới đề nghị sớm xúc tiến con đường chiến lược 559 và ngày thông đường ông đích thân vào tận Tà Lê để kiểm tra tình hình. Và cũng chỉ với tầm nhìn xa đó, ông mới kịp thời chỉ thị cho bộ đội phòng không tìm hiểu tính năng kỹ chiến thuật của từng loại máy bay Mỹ, để chủ động triển khai lực lượng cả ba thứ quân kịp thời đánh trả không quân Mỹ. Chỉ với sự 49 quán triệt sâu sắc quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, ông mới chú trọng việc chỉ đạo cả ba thứ quân phát huy các tầm hỏa lực để đánh trả máy bay địch, vừa coi trọng vai trò của các đơn vị tên lửa và máy bay Mig trong chiến đấu đánh trả không quân Mỹ, vừa động viên khuyến khích dân quân tự vệ lập công bắn máy bay tầm thấp của địch bằng các loại vũ khí có trong tay. Khi đại đội tự vệ cao xạ 14,5 mm của Hà Nội, chỉ bằng một điểm xạ ngắn - 19 viên đạn - bắn rơi được F.111, ông đã ra tận trận địa phòng không để khen ngợi và cùng các chiến sĩ tự vệ phân tích và rút kinh nghiệm nguyên nhân lập được chiến công đó, v.v.. Có người nghĩ rằng người nước ngoài nói và hiểu biết về tài cầm quân của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều hơn người trong nước. Điều đó có phần đúng và cần nói thêm rằng giới nghiên cứu ở ngoài nước hiểu về vị tướng huyền thoại Việt Nam không chỉ là các sử gia, ký giả mà còn là các tướng lĩnh Pháp và Mỹ, kể cả những người một thời đã từng đối mặt với ông trên chiến trường. Một ví dụ về Tướng Oétmolen, đối thủ Mỹ đầu tiên của ông Giáp. Trong 7 năm quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở Nam Việt Nam thì viên tướng này giữ cương vị Tổng Chỉ huy 4 năm 2 tháng và là người được chứng kiến nhiều sự kiện quân sự quan trọng trong quá trình leo thang chiến tranh của Mỹ, kể cả về tổng số binh lực không ngừng tăng lên và quy mô các cuộc hành quân ngày càng lớn, cả các hoạt động quân sự trên bộ và trên không, trong Nam và ngoài Bắc. Những năm cuối, trên cương vị Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ, Oétmolen vẫn không rời mắt khỏi chiến trường Việt Nam. Dù trong tập hồi ký Một người lính tường trình ông ta có biện hộ điều này điều kia, nhưng cuối cùng cũng phải nói những điều đáng nói về đối thủ cũ của mình. 50 Đônan (Peter Mac Donald), tác giả cuốn sách Giáp - Một sự đánh giá1 cho biết, Tướng Oétmolen phải thừa nhận rằng ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh. Tên tuổi ông Giáp được ghi đậm nét trong các từ điển bách khoa của cả hai nước đã từng đem quân xâm lược Việt Nam, với những lời đánh giá không thiên vị. Đại bách khoa toàn thư Pháp (xuất bản năm 1987) viết: Là người tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã thực hiện thành công một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc và vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia tương đối hẹp. Trong con người ông Giáp, nhà chính trị đi trước nhà quân sự. Tư tưởng và hành động của ông không chỉ thu hẹp trong phạm vi nguyên tắc thuần túy quân sự mà dựa vững chắc vào tiền đề chính trị là sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân vào nỗ lực kháng chiến, một điều không thể thiếu của chiến tranh du kích. Võ Nguyên Giáp luôn luôn là một ví dụ về cách sử dụng tư tưởng quân sự để đạt những mục đích chính trị, chứ không đơn thuần là một vị tướng chỉ có vai trò quan trọng trong chiến đấu ở một thời kỳ ngắn của lịch sử. Ông Giáp đã chứng minh một cách rõ ràng tính thực tế và những phương thức cụ thể để cho những phong trào kháng chiến trông bề ngoài có vẻ là yếu kém mà vẫn có thể thắng các “đại cường quốc” có sức mạnh áp đảo. Theo Bách khoa toàn thư quân sự - quốc phòng Mỹ (1993), tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn và uyển chuyển với chính ______________ 1. Giap - An assessment của Đại tướng Anh Peter Mac Donald được Jean Clem va Frank Straschitz dịch ra tiếng Pháp, Nxb. Perrin, Paris, 1992. 51 trị và ngoại giao... đã giúp cho những người dân châu Á (Việt Nam - Đông Dương) đánh bại được các tướng lĩnh phương Tây cùng các học thuyết của họ và trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai... Quyết tâm chiến đấu và sự sẵn sàng hy sinh trong quân sĩ của Tướng Giáp đã tạo điều kiện cho lực lượng xã hội chủ nghĩa của thế giới thứ ba đánh bại ý chí của các cường quốc phương Tây và đồng minh của họ... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây cũng đã chịu khuất phục tài thao lược của một vị tướng đã một thời làm thầy giáo dạy sử... Một số nhà bình luận tìm cách làm lu mờ tài thao lược và những ý tưởng về “Chiến tranh nhân dân” của ông bằng cách nêu bật những tổn thất to lớn mà dân tộc ông đã phải chịu đựng. Song những thành tựu về quân sự và chính trị của Tướng Giáp gắn chặt với những thành tựu mà dân tộc ông đã giành được, đang và sẽ mãi mãi vô cùng vĩ đại. Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay, nhiều ký giả phương Tây vẫn tiếp tục tìm hiểu cuộc sống đời thường của ông Giáp mà họ coi là “nhân vật xuất chúng duy nhất còn sống của thời kỳ chiến tranh”. Năm 2000, sau một lần hiếm hoi được cùng các đồng nghiệp quây quần phỏng vấn vị tướng huyền thoại của Việt Nam, phóng viên Maiơ (Greg Myre) của hãng thông tấn Mỹ Associated Press đã viết một bài dài về ông. Tác giả thú nhận rằng anh ta muốn tìm hiểu ông suy nghĩ gì về cuộc chiến tranh, về đối thủ hôm qua. Ông nhớ lại và nói lên một điều là, cả bạn và thù trong bao thế kỷ qua đã đánh giá thấp sức mạnh và ý chí của dân tộc Việt Nam. Giữa năm 1997, ông đã từng nói với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara rằng người Mỹ đã không hiểu nhân tố quan trọng nhất dẫn đến chiến thắng, đó là tinh thần dân tộc của Việt Nam. Ông khẳng định Việt Nam sẽ không tránh khỏi thất 52 bại nếu nghênh chiến một chọi một1 với Mỹ và các đợt bom B.52 vô tận của họ. Ông đã từng nói với Thủ tướng Liên Xô A. Kôxưghin rằng nếu đánh theo kiểu Liên Xô thì Việt Nam không thể thắng. Trả lời câu hỏi của phóng viên Maiơ về thái độ đối với kẻ thù hôm qua thế nào, ông trả lời rằng: Người Việt Nam có thể bỏ lại đằng sau những đắng cay của quá khứ, nhưng chúng tôi không thể quên hẳn quá khứ. Khi gặp Đô đốc Mỹ Dămuân (Elmo Zumwalt), ông Giáp nói: Khi anh đến với khẩu tiểu liên Thompson, người ta đón tiếp anh một kiểu. Bây giờ anh quay lại như một người khách du lịch, người ta đón tiếp anh kiểu khác. Người Mỹ sẽ được hoan nghênh khi họ thấy nghĩa vụ phải trở lại giúp Việt Nam vượt qua hậu quả khủng khiếp của chiến tranh, góp phần vào cuộc đấu tranh gian khó chống nghèo đói và lạc hậu hiện nay. Trong cuốn sách Giáp - Một sự đánh giá, mở đầu Chương 26 (Chương Tổng kết về Giáp), tác giả ghi lại đầy đủ lời nói thiện chí của ông Giáp sau khi chiến tranh kết thúc: “Chúng tôi muốn sống hoà bình và hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới”. Cũng chính trong “chương tổng kết” này, tác giả khái quát nhận định của mình về cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập của dân tộc Việt Nam và về tài thao lược của người cầm quân trong cuộc đấu tranh đó. Tướng Mác Đônan viết: “Nhân dân Việt Nam, gái cũng như trai, là tác giả đích thực của chiến thắng. Họ là những con người kiên cường, có kỷ luật, bền bỉ, lạc quan và biết quên mình. Họ lại có những người lãnh đạo khác thường. Hồ Chí Minh là người cầm lái. Võ Nguyên Giáp là người chỉ huy lực lượng vũ trang... Từ năm 1944 đến năm 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến trận và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại... Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có ______________ 1. Head - to - head. 53 phẩm chất phi thường. Trong mọi lãnh vực chiến tranh, khó có một tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở một trình độ cao. Sự kết hợp này xưa nay chưa từng có. Về chiến lược, ông có nhãn quan sâu rộng và biết nắm những vấn đề mấu chốt. Về chiến thuật, ông là bậc thầy của chiến tranh du kích. Trong lãnh vực chiến tranh chính quy, hơn ai hết, ông biết làm cho bộ đội hiểu được những nguyên tắc của việc nắm thời cơ, hiệu quả của yếu tố bất ngờ, ngụy trang và nghi binh lừa địch. Về lãnh vực hậu cần, ông tỏ ra rất xuất sắc trong suốt cuộc chiến tranh Đông Dương, từ tuyến tiếp tế Điện Biên Phủ đến đường mòn Hồ Chí Minh”. Hj NỘI - XUÂN ẤT DẬU 54 Chương I CHẶNG ĐƯỜNG TỪ CHÍNH TRỊ ĐẾN VŨ TRANG 1- LẦN ĐẦU GẶP NGUYỄN ÁI QUỐC Từ cuối năm 1937 Chính phủ Pháp ngả dần sang hữu. Sau khi nội các Blum đổ, tháng 4/1938 một đảng viên cấp tiến phái hữu là Đalađiê (E. Daladier) lên cầm quyền ở Pari. Dựa vào tình hình chính trị nước Pháp ngày càng xấu đi, Toàn quyền Đông Dương Bơrêviê (G. Brévié) và bọn phản động thuộc địa thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Tại Hà Nội, nhiều cán bộ của Đảng bị trục xuất khỏi thành phố. Liên tiếp trong hai tháng 8 và 9/1939, hàng loạt toà báo ở Hà Nội và Sài Gòn bị khám xét, đóng cửa, trong đó có các tờ báo công khai của Đảng như Notre voix, Tin tức, Dân chúng. Nhiều người làm báo bị bắt. Riêng tại Hà Nội, đã diễn ra hơn 1.000 vụ khám xét, bắt bớ. Điều kiện hoạt động báo chí lúc này hết sức khó khăn. Trong khi mọi tờ báo tiến bộ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp đều bị cấm thì chính quyền thuộc địa để cho các tờ Tia sáng, Dân mới và Điện tín của bọn trốtkít và tư sản mặc sức ca tụng đường lối phátxít hoá của Pari và chủ trương đàn áp cách mạng của bọn cầm quyền ở Đông Dương. Từ tháng 9/1939, điều kiện hoạt động bán công khai, bán hợp pháp không còn, nhất là chỉ ít ngày sau khi phátxít Đức tiến công Ba Lan mở đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Catru (G. Catroux - Toàn 55 quyền Đông Dương vừa nhậm chức) đã ban hành lệnh cấm Đảng Cộng sản hoạt động. Dự kiến trước tình hình, từ đầu năm 1939, Xứ ủy Bắc Kỳ đã ra chỉ thị khẩn trương củng cố và phát triển cơ sở đảng và cơ sở cách mạng ở nông thôn, đề phòng khi bất trắc sẽ rút vào hoạt động bí mật. Cuối năm, cuốn Công tác bí mật được lưu hành trong các cấp ủy đảng, hướng dẫn phương thức chuyển vùng và chuyển vào hoạt động bí mật. Riêng tại Hà Nội, tình thế không cho phép bộ ba Trường Chinh - Phạm Văn Đồng - Võ Nguyên Giáp hoạt động báo chí công khai như trước. Các ông biết rằng từng cử chỉ và hành động trong lúc này đều bị mật thám theo dõi rất chặt. Không những các ông phải chuyển vào hoạt động bí mật mà nhiều khi còn phải rời khỏi thành phố, mỗi người một ngả tạm lánh về các cơ sở ở ngoại thành. Riêng Võ Nguyên Giáp vẫn ở lại nội thành, tiếp tục công việc công khai hợp pháp của mình là giảng dạy ở trường Thăng Long, vừa nóng lòng chờ đợi chỉ thị về chủ trương của Đảng trong tình hình mới, vừa hết sức cảnh giác đề phòng sự rình rập của bọn mật thám. Thời gian chờ đợi căng thẳng kéo dài chừng hơn nửa năm. Cho đến khoảng tháng 4/1940, mới có liên lạc bí mật của ông Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đến báo lên gặp ở Chèm, ngoại thành Hà Nội. Sau khi truyền đạt nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương họp đầu tháng 11 vừa qua mà tinh thần chủ yếu là chuyển hướng từ đấu tranh dân chủ, dân sinh sang trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện trực tiếp cho việc vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền, ông Thụ nhấn mạnh chủ trương của Đảng “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”, chủ trương từng bước chuẩn bị lực lượng vũ trang, sẵn sàng phát động chiến tranh du kích khi có thời cơ. Cuối cùng, ông Hoàng Văn Thụ cho biết, theo 56 quyết định của Đảng, hai ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang Hoa Nam gặp Nguyễn Ái Quốc để nhận nhiệm vụ. Chị Quang Thái mới sinh cháu gái. Niềm vui làm cha mới được hơn 4 tháng đã đến ngày Võ Nguyên Giáp lên đường. Hai ngày thứ năm và thứ sáu, ông cố thu xếp dạy dồn cả bài của ngày thứ bảy, nhằm tạo nên khoảng thời gian cuối tuần dài hơn bình thường để có lý do vắng mặt ở trường. Một bức thư đã viết sẵn, được người nhà bỏ từ Quảng Bình, báo với Giám đốc trường là Hoàng Minh Giám rằng ông về thăm quê bị mệt chưa ra được. Chiều hôm đó, chị Thái bế bé Hồng Anh đứng đợi dưới một gốc cây lớn trên đường Cổ Ngư để tiễn chồng. Người qua lại tưởng như cặp vợ chồng trẻ bồng con đứng hóng mát bên hồ. Quang Thái mong chồng lên đường an toàn, giữ gìn sức khỏe và thống nhất với ông Giáp là sẽ tìm người tin cậy gửi bé Hồng Anh để có điều kiện tiếp tục hoạt động. Không ai ngờ rằng chiều hôm ấy lại là buổi chia tay vĩnh viễn giữa hai người bạn đời, hai người đồng chí. Đêm đó hai ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp nghỉ tại một quán cơm nhỏ cuối đường Yên Phụ, Hà Nội. Chỗ nghỉ đêm an toàn cũng như vé tàu hỏa do thầy giáo Minh1, người của ông Hoàng Văn Thụ lo liệu. Sáng hôm sau, hai người ra ga Đầu Cầu lên tàu đi Lào Cai. Để tránh con mắt soi mói của mật thám và để dễ bề ứng phó, lên tàu hai người ngồi hai nơi, ông giáo Minh đi chuyến tàu sau, hẹn gặp nhau ở Yên Bái để cùng đi tiếp. Trải qua những giờ phút cảnh giác, thấp thỏm, nhưng rồi chặng đường đầu tiên diễn ra an toàn. Khi đoàn tàu dừng lại cách thị xã Lào Cai một ga, cả ba người xuống tàu, xen lẫn vào đám hành khách. Nắm vững thung thổ và đã có chuẩn bị từ trước, ông Minh dẫn hai người ra một khu rừng vắng, đến ven một con sông. Dòng sông Nậm Ti chia ranh giới giữa Lào Cai và Vân Nam vốn nhỏ bé, hiền hoà, lúc ______________ 1. Tức đồng chí Bùi Văn Hách. 57 này đang mùa lũ chảy cuồn cuộn. Kiếm được một chiếc mảng nhỏ, ông Minh phải chở hai chuyến mới đưa được hai người sang bờ bên kia. Thật khó tránh khỏi những cảm giác bâng khuâng mới lạ khi vừa đặt chân sang bên này bờ sông, dù chỉ là bên này bên kia bờ nhưng đã là nơi đất khách quê người. Sau này, ông Giáp nhớ lại: “Quay nhìn lại núi non trùng điệp của Tổ quốc nằm bên kia sông, tình cảm lúc này thật khó tả. Non sông kia là của mình, nhưng lại nằm trong tay quân địch. Lúc phải xa đất nước, xa quê hương, cũng lại là lúc cảm thấy vừa thoát được vòng tù hãm”. “Non sông” trước mặt Võ Nguyên Giáp và được ông nói đến lúc này là miền thượng du Tây Bắc của Tổ quốc. Lúc này giả dụ nếu có ai đó biết về cuộc “xuất biên” của ông trên đường đi tìm Nguyễn Ái Quốc, hẳn cũng chẳng hề nghĩ rằng cũng đúng vào những ngày thượng tuần tháng 5 này, 14 năm sau, tức là năm 1954, trên cả một vùng rừng núi trùng điệp với những địa danh như Lai Châu, Pha Đin, Cò Nòi, Tuần Giáo... sẽ cùng với Điện Biên Phủ đi vào lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam như một trong những chiến công hiển hách nhất của thế kỷ XX. Và con người - được sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt của Cụ Hồ - đã cùng nhân dân và quân đội làm nên chiến công lừng lẫy Điện Biên - chấn động địa cầu ấy lại chính là Võ Nguyên Giáp, lúc này đang đặt chân lên đoạn đường đầu tiên của cuộc trường chinh mà ông không hề nghĩ rằng có thể dài tới một phần ba thế kỷ. Nếu mấy hôm trước trên đường Hà Nội - Lào Cai, các ông phải cảnh giác trước con mắt của bọn mật thám tay sai Pháp, thì từ đây, suốt hai ngày trên đoàn tàu Hồ Khẩu - Côn Minh, dù đã mặc bộ quần áo kiểu Tôn Trung Sơn và sắm vai Hoa kiều sinh trưởng ở nước ngoài mới về, ba người vẫn phải tìm cách tránh mặt bọn mật thám của Tưởng và nhân viên hỏa xa soát vé và kiểm tra hộ chiếu. Nhờ nhanh nhạy và khôn khéo, những giờ phút căng thẳng trong 58 tình thế lạ nước lạ cái và ngôn ngữ bất đồng cuối cùng cũng qua đi. Tàu vừa tới ga Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam - các ông Vũ Anh, Hoàng Văn Hoan ra đón vội dẫn cả ba người đi quá lên phía trên để tìm đường vào thành phố, tránh sự soi mói của trạm kiểm soát ở ga. Đây là lần đầu tiên ông Giáp gặp các ông Vũ Anh và Hoàng Văn Hoan. Mấy ngày sau, thêm ông Phùng Chí Kiên và một người mới từ Diên An về là Cao Hồng Lĩnh. Tuy lần đầu gặp nhau nhưng như đã thân quen từ lâu. Các ông cho biết, công tác của hai ông Đồng và Giáp phải đợi đồng chí Vương quyết định. Tuy không ai nói, nhưng qua khẩu khí của mọi người mỗi khi nói đến đồng chí Vương, Võ Nguyên Giáp liên tưởng đến người đã từng được nghe tiếng từ hồi còn ở Quốc học Huế và luôn ước ao được gặp. Người đó là Nguyễn Ái Quốc, lúc này đang đi công tác vắng. Mấy tuần chờ đợi qua đi bằng những buổi tranh thủ học tiếng Trung Quốc bên bờ Thuý Hồ, một thắng cảnh của Côn Minh. Cho tới một ngày đầu tháng 6, Phùng Chí Kiên lại rủ Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đi Thuý Hồ như thường lệ. Dọc đường ông Kiên cho biết đồng chí Vương đã về và hẹn hai người đến gặp. Một tình huống đã được chờ đợi từ lâu và biết trước sau thế nào cũng sẽ đến, vậy mà nghe Phùng Chí Kiên nói sắp gặp đồng chí Vương, Võ Nguyên Giáp không khỏi thoáng qua cảm giác hồi hộp. Chúng ta hãy nghe, 24 năm sau, ông kể lại giây phút khó quên đó trong cuộc đời hoạt động của mình: “Đến Thuý Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gầy gò, có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt. Tôi nhận ra ngay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều. Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có những cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình 59 hằng tưởng tượng. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Chỉ có một điều làm tôi chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương. Kể từ ngày còn là cậu học sinh Quốc học Huế, có trong tay Bản án chế độ thực dân Pháp với những cảm nghĩ đầu tiên về Nguyễn Ái Quốc, đến lúc nhận ra người ngồi trên thuyền đúng là người mà mình ước ao được gặp, với Võ Nguyên Giáp đã trải qua trọn 15 năm. Đó chính là chặng đường dẫn ông đến và từ đây ông gắn bó cả cuộc đời cách mạng của mình với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Để có được cuộc gặp gỡ ở Thuý Hồ hôm đó, Nguyễn Ái Quốc đã mất bao công sức suốt hơn nửa năm qua. Các ông Phùng Chí Kiên và Vũ Anh kể lại rằng, sau khi nghe tin chiến tranh thế giới bùng nổ, Nguyễn Ái Quốc nóng lòng chờ người từ trong nước ra để nắm tình hình và cho ý kiến chỉ đạo. Tháng 10/1939, tức một tháng sau khi Đức tiến công Ba Lan, ông Nguyễn từ Quế Lâm qua Liễu Châu - Nam Ninh đến Long Châu, nhưng vẫn không tìm được người cần gặp, ông lại quay về Quế Lâm. Tháng sau, từ Quế Lâm hai lần ông đi Quý Dương, cũng không gặp, lại tìm đường về Côn Minh. Mãi đến tháng 2 năm nay (1940), với biệt danh ông Trần, ông đến gặp Trịnh Đông Hải (tức Vũ Anh), khi đó đang đóng vai người làm thuê ở hiệu thuốc Vĩnh An Đường ở Côn Minh. Vũ Anh và Phùng Chí Kiên, hai cán bộ của Ban Hải ngoại của Đảng lúc đó đang hoạt động ở Hoa Nam, bố trí ông Nguyễn ở nhà Tống Minh Phương, một Việt kiều yêu nước tham gia cách mạng từ những năm 30. Trong một lần trao đổi ý kiến với Phùng Chí Kiên và Vũ Anh, ông Nguyễn ngỏ ý cần tìm đường về nước qua hướng Côn Minh - Khai Viễn - Lào Cai, nếu không tìm được đường nào an toàn và thuận lợi hơn. Ông chỉ thị cho Vũ Anh dùng xe của hiệu Vĩnh An Đường lên đón Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc từ 60 Quý Dương về, sau đó phái Bùi Thanh Bình và Hoàng Văn Lộc đi nghiên cứu tình hình tuyến đường Côn Minh - Hồ Kiều - một thị trấn thuộc tỉnh Vân Nam đối diện với thị xã Lào Cai. Đúng lúc đó thì Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp có mặt ở Côn Minh. Ông Nguyễn hỏi hai người đồng chí trẻ của mình về tình hình trong nước, về Mặt trận dân chủ gần đây, về chuyện hai người làm báo... Ông nói với các ông về cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc, về thái độ hai mặt của Tưởng Giới Thạch trong việc hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc chống Nhật, về mưu đồ “Hoa quân nhập Việt” của bọn Tưởng và toan tính của bọn Việt Nam Quốc dân đảng1 bám gót quân đội Tưởng để trở về Việt Nam. Ông cũng dự kiến âm mưu của phátxít Nhật đối với Đông Dương và nhận định rằng cuộc xung đột Nhật - Pháp là điều khó tránh khỏi. Vài ngày sau, theo chỉ thị của ông Nguyễn, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp chuẩn bị lên đường đi dự khoá huấn luyện tại trường quân chính cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An. Khi giao nhiệm vụ, ông nhấn mạnh: Phải tranh thủ học tập về quân sự. Nguyễn Ái Quốc đánh máy một giấy ký tên Hồ Quang, giới thiệu Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) và Võ Nguyên Giáp (bí danh Dương Hoài Nam) với biện sự xứ2 của Bát lộ quân ở Quý Dương và Ban Giám hiệu ở Diên An. Chuyến đi do các đồng chí Trung Quốc tổ chức, nhờ một chiếc xe chở thuốc từ Côn Minh đi Quý Dương, xe của Tưởng nhưng lái xe lại là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngồi trong chiếc xe chở đầy thuốc, các ông chịu đựng cảnh chật chội, nóng hè ngột ngạt, bụi ______________ 1. Đây là tổ chức chính trị phản động của Vũ Hồng Khanh, lợi dụng danh nghĩa Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học để đầu cơ cách mạng, làm tay sai cho Tưởng Giới Thạch. 2. Một cơ quan đối ngoại, thấp hơn lãnh sự quán, chỉ là nơi đại diện, giao dịch (dịch nguyên văn là nơi làm việc). 61 đường suốt ba ngày. Tới nơi, hai ông được bố trí ở cơ quan đại diện của Bát lộ quân, đợi xe đi Diên An. Mấy tuần lễ trôi qua, vẫn chưa có xe, nhưng với Võ Nguyên Giáp đấy không phải là quãng thời gian vô ích. Ngoài thời gian trồng rau giúp các đồng chí Trung Quốc ở biện sự xứ cải thiện sinh hoạt, ông dồn toàn bộ tâm trí vào việc trau dồi kiến thức quân sự. Trước đây, Võ Nguyên Giáp đã từng nghiên cứu Claudơuýt1 và Napôlêông, đã từng viết cuốn Muốn hiểu rõ tình hình quân sự ở Tàu2, giờ đây lần đầu tiên ông có điều kiện đọc Mao Trạch Đông, từ Cuộc chiến đấu trên dãy núi Tĩnh Cương (viết năm 1928) đến Những vấn đề chiến lược trong chiến tranh chống Nhật (1938) và đặc biệt là đọc kỹ Chiến tranh du kích (1937). Qua các tác phẩm trên, lần đầu tiên ông hiểu biết rõ hơn về Mao và đội quân cách mạng Trung Hoa. Ông quan tâm phân biệt cái gì giống, cái gì không giống Việt Nam và luôn đặt câu hỏi: Nếu vận dụng vào Việt Nam thì như thế nào? Có vận dụng được không? Ví dụ: ông Mao nói không thể khởi nghĩa ở thành thị có quân địch kiểm soát. Vậy Việt Nam thì sao? Vấn đề quan hệ giữa nông thôn và thành thị ở Việt Nam trong khởi nghĩa và chiến tranh có gì khác với Trung Quốc? Vấn đề khẳng định tư tưởng tiến công là tư tưởng chủ đạo trong chiến tranh du kích, v.v.. Không thể tiếp tục chờ quá lâu, sợ lộ trước mạng lưới đặc vụ của Tưởng ở Quý Dương, các đồng chí Trung Quốc quyết định thuê một chiếc xe riêng để đưa hai ông đi Diên An. Đúng vào lúc hai người chuẩn bị lên đường thì có tin ông Nguyễn nhắn hoãn đi Diên An, quay về đợi ông ở Quế Lâm. Mấy ngày sau mới biết nguyên ______________ 1. Carl Von Clausewitz - danh tướng và nhà lý luận quân sự Phổ (1780-1831). 2. Nxb. Tập sách dân chúng, phát hành năm 1939. 62 nhân hoãn chuyến đi là do có tin quân Đức đã vào Thủ đô Pari. Thế là lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được cử đi dự một lớp huấn luyện quân sự, lại là một chuyến đi không thành. Từ đó cho đến suốt cuộc chiến tranh giải phóng lần thứ nhất, bước đường trưởng thành trong việc dùng binh của Võ Nguyên Giáp chỉ là những bài học thực tế rút ra từ chiến trường. Mấy hôm sau, theo chỉ thị của ông Nguyễn, các ông Phùng Chí Kiên và Vũ Anh cũng có mặt ở Quý Dương để cùng Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp quay về Quế Lâm. Ông Kiên thông báo tình hình chiến sự đang diễn biến bên châu Âu và nhắc lại ý kiến mới đây của Nguyễn Ái Quốc trong một lần trao đổi ý kiến sau khi nghe tin nước Pháp đầu hàng phátxít Đức. Ông Nguyễn nói: “Không ngờ Pari thất thủ nhanh đến thế. Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước càng sớm càng tốt để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Ông Kiên và ông Anh còn cho biết thêm: Trong cuộc họp đó, có người băn khoăn vì chưa có vũ khí thì làm thế nào để cướp được chính quyền, ông Nguyễn giải thích: Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một vấn đề rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí cũng chưa có người mang. Ta không sợ thiếu súng, chỉ sợ thiếu người cầm súng thôi. Cho nên cứ tìm cách về nước đã, sau đó chúng ta sẽ vận động và tổ chức quần chúng. Khi quần chúng đã giác ngộ cao thì ta sẽ có vũ khí. Người trước súng sau - một nội dung tư tưởng quân sự của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu “bén rễ” vào tư duy Võ Nguyên Giáp. Cuối tháng 6, trở về tới Quế Lâm, mọi người được biết Hoàng Văn Lộc được cử đi nghiên cứu tình hình đường Côn Minh - Hồ Kiều đã quay trở về. Đường đó bị tắc, kế hoạch về nước qua hướng Lào Cai không có điều kiện thực hiện. Đồng thời các ông cũng được ông Nguyễn nhắn lại trước khi ông lên đường đi công tác, rằng 63 phải khẩn trương nghiên cứu, tìm đường và chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng lên đường về nước được ngay. Lúc này không khí chính trị ở Quế Lâm đã ngày càng trở nên căng thẳng, nhất là từ sau vụ quân Tưởng câu kết với quân Nhật thừa cơ đánh úp Tân tứ quân ở Giang Nam. Tình hình Quốc - Cộng “hợp tác” đang trải qua bước gay go. Do chính quyền Quốc dân đảng ở Quế Lâm cũng trở mặt khiến cán bộ Việt Nam hết sức thận trọng mỗi khi đi lại hoạt động. Chỉ cần sơ ý để lộ tung tích là cộng sản thì chắc chắn sẽ bị chúng bắt bớ, khủng bố. Đầu tháng 10, có tin quân Nhật đã vượt biên giới tràn vào Lạng Sơn. Trong lúc báo chí đưa tin bọn Pháp nhanh chóng cúi đầu khuất phục thì đồng thời lại có tin nói đồng bào ta ở vùng nào đó thuộc Lạng Sơn nhân cơ hội quân Pháp bỏ chạy đã nổi dậy cướp súng của Pháp, khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương và tổ chức lực lượng chống Pháp1. Hai ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp ngày càng thấy sốt ruột. Thời gian cứ trôi nhanh, tình hình có nhiều chuyển biến, vậy mà vẫn chưa có cách nào liên lạc được với Trung ương để chuẩn bị vượt biên giới về nước. Đúng lúc đó Nguyễn Ái Quốc đi công tác cũng vừa về đến Quế Lâm. Các đồng chí Trung Quốc bố trí ông ở một ngôi nhà nhỏ, vách đất lợp lá ở vùng ngoại ô. Khi các ông đến, ông Nguyễn cùng mọi người ra một cánh đồng vắng, vừa như đi dạo mát vừa nói chuyện. Rồi một cuộc họp chớp nhoáng đã diễn ra trên bãi cỏ. Nguyễn Ái Quốc nói lại hành động phản bội của quân Tưởng vừa qua ở Giang Nam và nhắc mọi người phải đặc biệt tôn trọng nguyên tắc hoạt động bí mật, từ việc giữ gìn tài liệu sách, báo đến đi lại và đặc biệt là trong việc giao dịch với bọn Quốc dân đảng Trung Hoa trên danh nghĩa Việt Nam giải phóng đồng minh. Phải tuyệt đối không để lộ mình là cộng sản. Nghe Phạm Văn Đồng và ______________ 1. Sau này được biết đó là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. 64 Võ Nguyên Giáp cho biết Lý Tế Thâm - một lãnh tụ của Quốc dân đảng Tàu ở Quế Lâm - vừa tiết lộ tin quân Tưởng theo lệnh của Đồng minh sắp vào Đông Dương, ông Nguyễn nhận định rằng dù quân Tưởng có vào Việt Nam để đánh Nhật, chúng cũng chỉ là đồng minh tạm thời. Nếu không thấy hết tính chất phản động của chúng thì rất nguy hiểm. Về bản chất chúng vẫn là kẻ thù, cho nên nhìn vấn đề “Hoa quân nhập Việt” không nên chỉ thấy mặt thuận lợi. Thà chúng không vào Việt Nam lại càng tốt cho ta hơn. Phân tích tình hình mọi mặt trên thế giới và riêng Đông Dương đang tiến triển thuận lợi, ông Nguyễn cho rằng không nên ở lại Quế Lâm lâu mà phải chuyển dần xuống hoạt động ở biên giới phía nam để rồi tìm cách về nước. Sau cuộc họp chớp nhoáng, trên đường về, ông gợi ý một vấn đề đặc biệt quan trọng để mọi người suy nghĩ. Ông Nguyễn nói về tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết dân tộc trong một Mặt trận thống nhất lúc này. Đảng đã từng thành lập Mặt trận qua các giai đoạn cách mạng. Trước tình hình hiện nay, cần hình thành một Mặt trận đoàn kết được các tầng lớp nhân dân hết sức rộng rãi. Nên gọi là Mặt trận gì, vừa có ý nghĩa, đồng bào dễ nhớ, lại có sức thu hút được đông đảo quần chúng. Qua đôi lần trao đổi, các ông nhất trí với ông Nguyễn, nên gọi là Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Việt Minh. Tên đó sẽ được ông Nguyễn đề nghị với Trung ương trong hội nghị sắp tới. 2- NGƯỜI TRƯỚC - SÚNG SAU Trong những ngày còn lưu lại ở Quế Lâm, hai ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp vẫn nhân danh Việt Nam giải phóng đồng minh để giao dịch với chính quyền Tưởng. Chính qua tiếp xúc mà được biết Tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Tưởng là Trương Phát Khuê 65 đang dùng một người Việt Nam là Trương Bội Công, mang lon thiếu tướng của quân đội Tưởng, để xúc tiến việc thành lập một Đội công tác chuẩn bị cho Tưởng đem quân vào Việt Nam theo kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Qua đôi lần gặp gỡ Trương Bội Công do Lý Tế Thâm và Trương Phát Khuê giới thiệu, các ông khẳng định Trương là một tên đặc vụ, tay sai của Tưởng. Hắn khoác áo “cách mạng” từ thời Đông du nhưng đã sớm lộ chân tướng là một tên chống cộng. Biết Trương sẽ chuyển từ Liễu Châu về Tĩnh Tây (một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, giáp với hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) để tiện triển khai kế hoạch đưa quân Tưởng vào Việt Nam, các ông quyết định lợi dụng hắn để có phương tiện về biên giới cho dễ dàng. Cũng qua việc tiếp xúc với Trương Bội Công mà hai ông biết y mới đón được một số thanh niên, phần lớn là dân tộc thiểu số ở Cao Bằng vừa từ trong nước chạy sang Tĩnh Tây để tránh cuộc khủng bố của Pháp đang diễn ra gay gắt ở bên kia biên giới. Sau khi nghe Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp báo cáo, ông Nguyễn nói đây là một cơ hội tốt để tổ chức đường liên lạc về nước. Ông khẳng định số thanh niên này là quần chúng tốt của ta, sang đây để tránh địch khủng bố. Giữa lúc lạ nước lạ cái, nghe Trương Bội Công đang tổ chức Đội công tác để vào Việt Nam đánh Nhật nên anh em tạm dựa vào hắn mà thôi. Phải khéo tìm cách đưa anh em ra khỏi sự kiểm soát của Trương Bội Công, tổ chức một lớp huấn luyện rồi đưa anh em trở về địa phương củng cố cơ sở hoạt động cũ và mở rộng phong trào ở Cao Bằng, tạo điều kiện khai thông đường liên lạc với miền xuôi. Khoảng cuối tháng 11, vừa về tới Tĩnh Tây, các ông Cao Hồng Lĩnh, Vũ Anh và Võ Nguyên Giáp tổ chức cơ quan đại diện của Việt Nam giải phóng đồng minh để tiếp tục giữ mối quan hệ công khai hợp pháp với bọn Tưởng, nhưng mục đích chính là để liên lạc và tranh thủ được số hơn 40 thanh niên Cao Bằng đang ở trong vòng kiểm soát của Trương Bội Công. Hai ông Cao Hồng Lĩnh và 66 Vũ Anh thường tìm cớ đến Sở Chỉ huy của Trương Bội Công để tìm hiểu tình hình. Vũ Anh nhận ra trong số cán bộ Cao Bằng có một người là Trần Sơn Hùng (tức Trần Văn Kỳ, tức Hoàng Sâm) đã từng quen biết hồi hoạt động ở Xiêm và ở Sơn Đầu (Quảng Đông - Trung Quốc). Qua mấy lần gặp gỡ và bí mật bàn kế hoạch với Hoàng Sâm, các ông đã đưa được toàn bộ 43 cán bộ Cao Bằng về Nậm Quang, Tĩnh Tây, một thị trấn ở phía nam Trung Quốc, sát với biên giới Cao Bằng. Cũng khoảng thời gian này, đầu tháng 12/1940, ông Nguyễn cùng với Phạm Văn Đồng và Đặng Văn Cáp, đóng vai nhóm ký giả Trung Hoa công khai qua hướng Nam Ninh - Điền Đông đã về Tân Khu, một làng thuộc Tĩnh Tây, ở nhà một cơ sở vốn là một gia đình nghèo, người Trung Hoa. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc gặp Hoàng Văn Thụ vừa trong nước sang báo cáo tình hình và xin ý kiến về việc triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để kịp thời chỉ đạo phong trào trong tình hình mới. Hoàng Văn Thụ là người Lạng Sơn, đã từng hoạt động ở vùng Cao Bằng nên ông đề nghị ông Nguyễn về nước theo hướng này, vì dọc hành lang Tĩnh Tây - Cao Bằng cơ sở quần chúng vững vàng. Sau khi cùng Hoàng Văn Thụ nghiên cứu tình hình mọi mặt của Cao Bằng, ông Nguyễn nhất trí nhận định rằng Cao Bằng được xây dựng thành căn cứ địa sẽ mở ra triển vọng lớn cho phong trào cách mạng sắp tới. Không những Cao Bằng phong trào phát triển sớm, địa hình kín đáo lại sát kề biên giới, đường liên lạc với bên ngoài qua hướng Tĩnh Tây thuận lợi, lại tiện đường tiến về phía nam, về trung du và trung châu Bắc Kỳ qua hướng Bắc Kạn, Thái Nguyên. Ông Nguyễn giao nhiệm vụ cho Vũ Anh chuẩn bị về Cao Bằng trước để tìm địa điểm và xây dựng chỗ đứng chân, chuẩn bị đón ông cùng đoàn cán bộ từ Tĩnh Tây về hoạt động. Ông dặn Vũ Anh bàn thêm với Hoàng Văn Thụ trước khi đi. 67 Đầu tháng 1/1941, ông Nguyễn từ Tân Khu về Nậm Quang, cùng Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Đặng Văn Cáp bàn kế hoạch mở lớp huấn luyện chính trị cho số thanh niên Cao Bằng vừa thoát khỏi vòng kiểm soát của Trương Bội Công. Hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy, ở giữa một vùng dân tộc Nùng thuộc Tĩnh Tây sát biên giới Việt Nam, được chọn làm nơi mở lớp huấn luyện. Nhân dân ở đây đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của cách mạng từ thời Hồng quân Trung Hoa còn hoạt động ở Quảng Tây. Mặc dù bà con rất quý những người cách mạng Việt Nam nhưng làng bản ở phân tán trên một vùng rừng núi hẻo lánh, kinh tế nghèo nàn, nên điều lo lắng đầu tiên đối với ông Đặng Văn Cáp là làm sao tiếp tế đủ lương thực cho chừng năm chục con người suốt khoá huấn luyện mấy tuần lễ. Mọi người, kể cả ông Nguyễn, đều góp công sức với “quản lý” Đặng Văn Cáp, từ việc đi lấy gạo, ngô do bà con địa phương ủng hộ về giã đến việc lên rừng kiếm củi. Một việc khác vô cùng quan trọng là xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu huấn luyện. Mục đích của lớp huấn luyện là bồi dưỡng cho số cán bộ Cao Bằng nắm được tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, bồi dưỡng cho anh em phương pháp xây dựng và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Dưới sự hướng dẫn kiên nhẫn, chu đáo từng bước của ông Nguyễn, các ông Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp phân công biên soạn từng nội dung đề mục huấn luyện. Chương trình huấn luyện do ông Nguyễn đề ra gồm bốn phần chính, thực chất cũng là nội dung chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất sau này: 1. Tình hình thế giới và trong nước. 2. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại: đánh đuổi đế quốc phátxít Nhật - Pháp, giành độc lập tự do. 68 3. Cách tổ chức các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Đội tự vệ, v.v.. 4. Phương pháp công tác gồm 5 bước: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh1. Ông Nguyễn đề ra yêu cầu nội dung chính trị phải đúng đắn, lời lẽ phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, hợp với trình độ và suy nghĩ của quần chúng. Đã trải qua mấy năm giảng dạy ở trường Thăng Long, nhưng đối với Võ Nguyên Giáp đây là những bài học vỡ lòng về phương pháp tiến hành một khoá huấn luyện cho cán bộ về công tác giáo dục chính trị, công tác vận động quần chúng cách mạng. Đây cũng là lần đầu tiên ông tham gia xây dựng giáo án tập thể như thế này. Theo sự hướng dẫn của ông Nguyễn, sau khi từng người soạn thảo xong đề cương từng mục được phân công, tất cả họp lại, tập thể thông qua đề cương rồi mới viết. Viết xong lại họp, đọc cùng nghe và góp ý kiến bổ sung, sửa chữa. Nét độc đáo khiến Võ Nguyên Giáp đặc biệt chú ý là, trong phương pháp huấn luyện, ông Nguyễn rất coi trọng kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, học với hành. Sau mỗi mục, người dạy phải có nội dung hướng dẫn từng bước cho người học biết cách thực hành. Trong suốt khoá học, ông Nguyễn thường kiểm tra kết quả dạy và học bằng cách hỏi học viên: Học xong về địa phương phải làm gì và làm thế nào và chỉ thị kịp thời những điều người giảng cần giảng thêm, người học cần trao đổi thảo luận thêm. Trong buổi kiểm tra cuối khoá học, ______________ 1. Các tài liệu do Nguyễn Ái Quốc tổ chức biên soạn cho lớp huấn luyện đầu tiên này, sau được in litô và đóng thành sách, nhan đề: Con đường giải phóng, làm tài liệu tuyên truyền huấn luyện thống nhất của cán bộ Mặt trận Việt Minh trong thời kỳ chuẩn bị tiến tới vũ trang khởi nghĩa. 69 ông Nguyễn đóng vai người dân, làm đối tượng để học viên vận dụng những điều đã học vào công tác tuyên truyền giác ngộ. Thực tế cho thấy đây là một hình thức kiểm tra thiết thực và rất bổ ích. Bài học thứ hai mà Võ Nguyên Giáp thu hoạch được trong quá trình tham gia chỉ đạo khoá huấn luyện này là cách giáo dục của ông Nguyễn về quan hệ giữa cán bộ cách mạng với quần chúng nhân dân. Ông đề ra cho mọi người năm điều nên làm và năm điều nên tránh trong quan hệ với dân1. Hôm khai giảng lớp học, ông cùng mọi người đi lấy củi giúp dân. Lớp học kết thúc đúng vào dịp Tết, ông dẫn cán bộ đến chúc Tết mọi gia đình ở hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy. Lớp huấn luyện bế mạc sau gần ba tuần học tập, hơn 40 anh em Cao Bằng vượt biên giới trở về cơ sở cũ, chủ yếu là hai châu Hà Quảng và Hoà An để xây dựng phong trào chính trị quần chúng. Hôm giao nhiệm vụ cho anh em về nước, ông Nguyễn căn dặn: Việc trước tiên là chúng ta phải có chỗ đứng chân. Lúc đầu là những điểm nhỏ, sau mở rộng thành nhiều điểm to rồi nối lại với nhau thành căn cứ. Chỗ đứng chân phải vững chắc. Vững chắc nhất là lòng dân. Chúng ta không sợ địch, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi... Thực tế năm 1941 đã chứng minh 43 cán bộ này là những hạt giống đầu tiên được ông Nguyễn gây mầm một cách bài bản lại ______________ 1. Năm điều nên làm là: 1. Giúp dân những công việc thiết thực hằng ngày; 2. Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng; 3. Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây cảm tình tốt với dân; 4. Tuỳ nơi, tuỳ lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; 5. Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật, do đó dân càng tin và giúp ta. Năm điều nên tránh là: 1. Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa, ruộng vườn của dân; 2. Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được; 3. Tránh sai lời hứa; 4. Tránh phạm đến phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân; 5. Tránh lộ bí mật. 70 được ông gieo xuống mảnh đất do ông lựa chọn để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Những hạt giống này đã bén rễ và lan rộng, lan nhanh đến từng thôn bản trong vùng Cao Bằng, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho việc khai sinh Mặt trận dân tộc thống nhất nói riêng và cho phong trào chính trị rộng lớn toàn căn cứ địa Việt Bắc nói chung trong suốt quá trình chuẩn bị tiến tới vũ trang khởi nghĩa. Trong số 43 thanh niên này, nhiều người như Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang... sẽ trở thành cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang, đảm nhiệm nhiều trọng trách trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt quá trình khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng sau này. Ngày 28/1/1941 (mồng 2 Tết), Nguyễn Ái Quốc cùng Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc và Thế An, do Lê Quảng Ba dẫn đường1, vượt biên giới về nước theo hướng Cao Bằng. Võ Nguyên Giáp cùng Phạm Văn Đồng và Hoàng Văn Hoan trở lại Tĩnh Tây với chỉ thị của ông Nguyễn là cố gắng đào tạo một số cán bộ quân sự rất cần thiết cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và phát động chiến tranh du kích, tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ. Số cán bộ tham gia lớp huấn luyện quân sự này sẽ do Hoàng Văn Thụ chọn lọc và tổ chức đưa sang ngay sau khi về nước. Vấn đề đặt ra với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Hoan là làm thế nào để tổ chức được một khoá huấn luyện quân sự trong điều kiện hoạt động đang gặp khó khăn ở nước ngoài. Các ông lại đều chưa có “vốn” quân sự, cơ sở vật chất, trường sở, giáo viên đều không có... Diên An thì quá xa và trước mắt chưa có điều kiện gửi đi. Các ông bàn và đi đến chủ trương, ______________ 1. Lê Quảng Ba (1915), dân tộc Tày, Cao Bằng, gia nhập Đảng năm 1932, đã từng hoạt động lâu năm ở vùng biên giới Việt - Trung, từ Trà Lĩnh - Long Bang đến Sóc Giang - Bình Mãng. 71 nhân danh Việt Nam giải phóng đồng minh hội, nhờ Quốc dân đảng Trung Hoa giúp mở một lớp huấn luyện quân sự. Có ý kiến nêu lên là có thể Quốc dân đảng nhận lời nhưng không tránh khỏi chúng đưa vào chương trình huấn luyện những nội dung chính trị phản động. Bởi vậy cần chọn những đồng chí học viên vững vàng, sẵn sàng “bỏ ngoài tai” phần chính trị phản động của chúng và tiếp thu thật tốt phần quân sự để có những hiểu biết cần thiết cho công việc huấn luyện quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang và chiến đấu sau này. Ông Giáp được giao nhiệm vụ giao thiệp với Quốc dân đảng. Sau khi về nước, trong hai tháng 3 và 4/1941, Nguyễn Ái Quốc thường cải trang thành thầy địa lý (phong thủy) để trở lại Tĩnh Tây kiểm tra việc chuẩn bị đào tạo cán bộ quân sự. Ông thường ở nhà ông Trương Đình Duy ở Long Lâm. Ông Nguyễn đồng ý cho giao thiệp với Quốc dân đảng để nhờ tổ chức lớp huấn luyện quân sự và cho biết Hoàng Văn Thụ sẽ cử anh em học viên là đảng viên sang ngay sau khi tập trung đủ vào khoảng giữa năm 1941. Ông Nguyễn thông báo cho các ông về tình hình tiến triển tốt của phong trào cách mạng trong nước, tình hình xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, sự ra đời của Đội du kích Bắc Sơn sau cuộc khởi nghĩa. Cuối tháng 4 vừa qua, hai ông Hoàng Văn Thụ và Vũ Anh đã tổ chức cuộc họp cán bộ tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là cán bộ ba châu Hoà An, Hà Quảng và Nguyên Bình - những địa phương có phong trào quần chúng phát triển - để rút kinh nghiệm về tổ chức thí điểm Việt Minh. Hội nghị khẳng định công tác xây dựng các đoàn thể cứu quốc, mở đầu bằng lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh, đã đạt kết quả rất khả quan. Hơn 40 “hạt giống đỏ” đã thực sự đâm hoa kết trái trên mảnh đất căn cứ địa cách mạng, từ đó đã cho phép rút ra những kinh nghiệm đầu tiên về động viên tổ chức nhân dân vào các đoàn thể cứu quốc, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương sắp tới bàn về thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất. 72 Sau khi ông Nguyễn chấp nhận chủ trương nhờ Quốc dân đảng Trung Hoa mở lớp đào tạo cán bộ quân sự, tháng 4/1941, Võ Nguyên Giáp trở lại Quế Lâm gặp Lý Tế Thâm. Lý đồng ý giúp Việt Nam giải phóng đồng minh mở một lớp huấn luyện quân sự ở Điền Đông, một lớp huấn luyện về công tác phá hoại ở Tĩnh Tây và tiếp đó sẽ mở một lớp đào tạo báo vụ viên vô tuyến điện ở Liễu Châu. Lý hy vọng những lớp huấn luyện này sẽ phục vụ cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” của Quốc dân đảng Trung Hoa sau này. Giữa năm 1941, một số chừng hơn 10 cán bộ từ trong nước được Hoàng Văn Thụ cử ra, trong đó có các ông Hoàng Văn Thái, Nam Long, Quang Trung, Thanh Phong... Hoàng Văn Thái (tức Hoàng Văn Xiêm, tức Nông Quốc Bình), một thanh niên 26 tuổi, trên ba tuổi Đảng, đã từng dự lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày ở Hiệp Hoà - Bắc Giang và tham gia chiến đấu ở Bắc Sơn - Võ Nhai - Tràng Xá sau khi nổ ra cuộc khởi nghĩa tháng 9 năm trước. Thời gian hoạt động trong hàng ngũ du kích Bắc Sơn tuy không lâu nhưng đã giúp ông những kiến thức cụ thể về quân sự và vận dụng vào thực tế chiến đấu du kích và nhất là chống địch càn quét. Từ Bắc Sơn, Hoàng Văn Thái được lệnh lên đường sang dự lớp huấn luyện quân sự ở Điền Đông. Ngoài việc học tập, Hoàng Văn Thái còn được Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ lãnh đạo chính trị tư tưởng anh em học viên Việt Nam ở Điền Đông và cùng Hoàng Điền và Vũ Trường Khê phân hoá và lôi kéo bằng được số thanh niên do Hoàng Lương (nhân danh “Phục quốc quân”) cầm đầu, cũng đang được Đoàn huấn luyện cán bộ Đệ tứ chiến khu của Quốc dân đảng huấn luyện ở Đại Kiều, gần Liễu Châu. Mối quan hệ Võ Nguyên Giáp - Hoàng Văn Thái hình thành từ đó và người đồng chí kém 4 tuổi ấy sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của Võ Nguyên Giáp trong suốt cuộc đời binh nghiệp sau này. Trong những ngày ở Tĩnh Tây, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Hoan thường thay nhau về Cao Bằng 73 báo cáo tình hình với ông Nguyễn. Lần đầu tiên, sau khi thu xếp và ổn định lớp học quân sự do Quốc dân đảng giúp huấn luyện, Võ Nguyên Giáp theo một đồng chí giao thông dẫn đường vượt biên giới về nước. Lần ấy, chặng đường Tĩnh Tây - Cao Bằng đã để lại trong tâm khảm Võ Nguyên Giáp những cảm nghĩ khó quên. Hơn 20 năm sau, ông nhớ lại: “Thấm thoắt đã một năm trời xa Tổ quốc. Đặt chân lên dải đất quê hương, lòng chẳng khỏi bồi hồi. Mỗi bước đi thấy trong người ấm áp hơn lên. Chỉ vừa mới đi thêm mấy bước chân mà trước đó thì thấy như còn ở rất xa, lúc này lại thấy như đã ở gần nhà”. Lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp có mặt trên mảnh đất biên giới Đông Bắc của Tổ quốc thân yêu. Trước mắt ông là quang cảnh hùng vĩ của một vùng núi non hiểm trở, địa đầu của cả một đất nước còn dưới ách thống trị của kẻ thù. Ông bỗng nhớ lại cái ngày cùng Phạm Văn Đồng vượt sông Nậm Ti tháng 5 năm trước. Lần ấy, hai người luôn phải ngó trước ngó sau mong sao nhanh chóng thoát khỏi con mắt cú vọ của bọn mật thám. Giờ đây cũng là cảnh vượt qua biên giới, nhưng là “về nhà mình”, là trở về nơi căn cứ đầu nguồn của cách mạng. Người giao thông đưa anh đến chỗ ở của ông Nguyễn, bây giờ được bà con địa phương gọi là già Thu. Lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp nghe nói ông Nguyễn còn một cái tên chính thức là Hồ Chí Minh. Anh em trong cơ quan cho biết, từ sau Hội nghị Trung ương, có người gọi ông là Bác, là ông Cụ, ông Ké. Còn Võ Nguyên Giáp, trở về nước lần này cũng với cái tên mới: Anh Văn, chỉ chừng vài tháng nữa, tuổi sẽ vừa tròn 30. Tổng hành dinh của Cụ Hồ lúc này là hang Cốc Bó (tiếng địa phương là đầu nguồn) thuộc địa phận làng Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sát ngay biên giới Việt - Trung. Ông Cụ giới thiệu với anh Văn con suối mà Cụ đặt tên là “suối Lênin”, nơi Cụ đang ngồi trên phiến đá, một dòng nước từ khe núi chảy ra trong vắt. Cụ như có ý chờ đợi để báo cho Võ Nguyên Giáp 74 một tin vui, rất quan trọng, đó là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám vừa họp trung tuần tháng 5. Ông Cụ nói tóm tắt mấy nội dung lớn trong Nghị quyết Hội nghị, như nhận định về tình hình thế giới và trong nước, xác định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, quyết định việc thành lập Mặt trận Việt Minh và chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, chủ trương duy trì và phát triển cơ sở du kích Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng thời củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng, xây dựng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai thành hai trung tâm cách mạng ở Việt Bắc, làm chỗ đứng chân trong quá trình xây dựng và phát triển lực lượng, tiến tới vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ. Võ Nguyên Giáp rất mừng khi nghe nói ông Trường Chinh cũng từ miền xuôi lên dự Hội nghị Trung ương và được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ông Giáp thầm tiếc không được gặp ông Trường Chinh để hỏi thăm tình hình Hà Nội và tin tức gia đình một năm qua. Ông Cụ nói ông Giáp dành thời gian nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương, Chương trình Việt Minh và đặc biệt là phần nói về việc chuẩn bị tiến tới phát động chiến tranh du kích cục bộ, vũ trang khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền trong từng địa phương và Nghị quyết về tổ chức Đội Tự vệ cứu quốc. Một lần khác về nước, ông Cụ bảo “chú Văn” không trở lại Tĩnh Tây nữa. “Phong trào trong nước đang cần sự có mặt của chú”. Lúc này ông Cụ đã quyết định ra một tờ báo để động viên cổ vũ phong trào và giao cho ông Giáp giúp chăm lo việc này. Tên tờ báo hướng theo mục tiêu chính trị của Đảng, của Mặt trận: Việt Nam độc lập - và để đồng bào dễ nhớ, ông Cụ chỉ dùng hai từ: Việt Lập. Điều kiện làm báo của ông Giáp lúc này, cả về nội dung bài viết cũng như cơ sở vật chất, khác xa so với hồi nhà báo Võ Nguyên Giáp ở Huế hay Hà Nội những năm 30. Báo in trên một mặt đá vốn là một cái bia, bà con địa phương mày mò mãi mới kiếm được và cả ông Cụ và anh em trong cơ quan phải thay nhau 75 mài mấy ngày liền mới hết chữ nho khắc trên bia. Giấy in báo nhờ đồng bào mua dần trong từng phiên chợ, tích cóp lại. Báo chỉ có hai trang, khổ báo lại quá nhỏ, thế nhưng ông Cụ lại dặn phải viết chữ to để đồng bào dễ đọc, như vậy cũng có nghĩa là không thể viết dài. Cụ “khoán” mỗi bài không quá một trăm từ, vì “viết dài hơn không có chỗ đăng đâu”, và chữ nghĩa lại phải nôm na, dễ hiểu. Lần đầu tiên trong cuộc đời cầm bút, nhà báo Võ Nguyên Giáp “cảm thấy khó quá”! Nhưng rồi, vượt qua mọi khó khăn, số đầu tiên của Việt Lập (đánh số từ 101) ra mắt bạn đọc ngày 1/8/1941. Lúc đầu mỗi tháng báo ra 1 kỳ, mỗi kỳ mấy chục tờ và chỉ 2 trang, sau nhanh chóng nâng lên 2 - 3 kỳ, mỗi kỳ hàng trăm tờ, cao nhất có số ra 400 tờ, với số trang cũng nâng lên cao nhất là 4 trang1. Dưới bút danh Kim Oanh, Bé Con, Xung Phong..., ông Cụ là người viết cho Việt Lập nhiều nhất, phần lớn là thể loại thơ ca. Tờ báo đã sớm phát huy tác dụng to lớn đối với công tác vận động chính trị quần chúng, đó là điều Võ Nguyên Giáp nhận thấy mỗi khi có dịp đến công tác tại các địa phương. Nó được tổ chức đọc ở các làng bản, trong mỗi cuộc họp của các hội cứu quốc. Do bài viết ngắn gọn, đơn giản, rõ ràng, nội dung chính trị đúng đắn, có tác dụng giác ngộ và dẫn dắt nhân dân, nên được mọi người thích nghe, thích đọc. Tờ báo đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ phục vụ đông đảo quần chúng mà ông Cụ nêu lên ngay trong số đầu tiên là: Làm cho ta mở mắt mở tai, Cho ta biết đó biết đây, Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian, ______________ 1. Tính đến ngày 30/9/1945, Việt Lập đã ra được 129 số. Từ tháng 8/1942 đến tháng 5/1945, tờ báo do ông Phạm Văn Đồng phụ trách. 76 Cho ta biết kết đoàn tổ chức, Cho ta hay sức lực của ta, Cho ta biết chuyện gần xa, Cho ta biết nước non ta là gì...! Ít lâu sau, Cụ Hồ giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ đi tổ chức các lớp huấn luyện chính trị lưu động ở các địa phương, bắt đầu từ châu Hoà An (bí danh là châu Trần Phú). Lúc này phong trào cách mạng đã phát triển khá sâu rộng trong nhiều tổng, nhưng chưa đều, chưa vững chắc, mặc dù ở Hoà An đã có nhiều xã hoàn toàn1. Tình thế không những đòi hỏi phải không ngừng củng cố mà còn phải nhanh chóng mở rộng phong trào quần chúng trong toàn căn cứ địa Cao Bằng, tạo cơ sở chính trị vững chắc tiến tới vũ trang quần chúng, phát động chiến tranh du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền trong từng địa phương, theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5/1941. Cải trang thành một người dân địa phương, quần áo chàm, chiếc mũ nồi và chiếc túi bằng vải chàm đeo sau lưng, anh Văn nhập vai một “thầy giáo vùng cao” đến với đồng bào các dân tộc. Cẩm nang quan trọng nhất trong chiếc túi vải đó là tập Con đường giải phóng, tài liệu được biên soạn cho lớp huấn luyện ở Tĩnh Tây, đã được bổ sung, chỉnh lý và đóng thành sách. Nơi được các đồng chí địa phương chọn mở lớp huấn luyện đầu tiên là một cái hang rộng giữa một vùng núi đá rậm rạp thuộc một xã hoàn toàn. Địa phương tổ chức cho tự vệ bí mật canh gác ngày đêm chung quanh hang để bảo đảm cho lớp học an toàn. Học viên gồm chừng 10 cán bộ địa phương, cả nam và nữ được chọn đi học, ______________ 1. Tổng là đơn vị hành chính ở nông thôn trước Cách mạng Tháng Tám, trên cấp xã, dưới cấp huyện (châu). Xã, tổng, châu “hoàn toàn”, là những địa phương mà toàn thể nhân dân nam phụ lão ấu đều đã được tổ chức vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. 77 mang theo lương thực - thực phẩm để tự nấu ăn hằng ngày. Nội dung huấn luyện gồm tình hình thế giới, trong nước, nhiệm vụ và mục đích đánh Pháp đuổi Nhật, cách tiến hành năm bước công tác bí mật, cách tổ chức và điều hành hoạt động của các đoàn thể cứu quốc... Điểm mới trong chương trình huấn luyện lần này là còn bao gồm cả cách tổ chức các đội tự vệ và công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Trong quá trình huấn luyện chính trị phổ thông theo chương trình trên đây, “thầy giáo vùng cao” Võ Nguyên Giáp còn chú ý tới những học viên đã tham gia phong trào từ sớm để bồi dưỡng thêm về chủ nghĩa cộng sản, chuẩn bị điều kiện kết nạp Đảng sau này. Các lớp huấn luyện chính trị liên tiếp được tổ chức từ tổng nọ sang tổng kia suốt mấy tháng. Đến khoảng tháng 3/1942, trong một lần anh Văn về báo cáo, nhận thấy công tác huấn luyện chính trị đạt kết quả tốt, phong trào Hoà An đã được củng cố và mở rộng, Cụ Hồ chỉ thị chuyển sang châu Nguyên Bình, một châu phong trào chưa phát triển mạnh, nhất là trên các bản vùng cao. Cùng tham gia huấn luyện với Võ Nguyên Giáp lần này, có Lê Thiết Hùng, một cán bộ của Đảng đã từng hoạt động nhiều năm trong cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội Tưởng, mới theo Cụ Hồ về nước. Khi giao nhiệm vụ, ông Cụ nhắc hai ông: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự, chú Hùng chú trọng thêm chính trị”. Sau mấy lớp mở ở vùng đồng bào Tày, Nùng, theo kế hoạch đã định, anh Văn chuyển lên vùng đồng bào Mán trắng. Nỗi khó khăn của các “thầy giáo vùng cao” không chỉ là theo giao thông người địa phương, kín đáo phát cây mở đường tiến từng bước theo đường chim bay trên các triền núi đá, mà điều khó khăn hơn cả là không ít cán bộ và thanh niên được cử về dự lớp huấn luyện nhưng không biết tiếng Kinh. Giải nghĩa những danh từ chính trị phổ thông với những đối tượng như vậy thật không giản đơn. Khả năng “phiên dịch” của một vài cán bộ địa phương (được coi là thông thạo tiếng 78