🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Việt Nam Trong Tiểu Vùng Sông Mê Công Cho Một Dòng Sông Phát Triển Bền Vững
Ebooks
Nhóm Zalo
Chịu trách nhiệm xuất bản
GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP
PGS.TS. PHẠM MINH TUẤN
Chịu trách nhiệm nội dung
PHÓ GIÁM ĐỐC – PHÓ TỔNG BIÊN TẬP
ThS. NGUYỄN HOÀI ANH
Biên tập nội dung: ThS. CÙ THỊ THÚY LAN ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH
ThS. LÊ THỊ THANH HUYỀN
TRẦN PHAN BÍCH LIỄU
Trình bày bìa: ĐẶNG THU CHỈNH Chế bản vi tính: BAN SÁCH QUỐC TẾ Đọc sách mẫu: PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT – VIỆT HÀ
Đăng ký xuất bản số: 2650-2022/CXBIPH/28-106/CTQG. Quyết định xuất bản số: 1558-QĐ/NXBCTQG, ngày 09/8/2022. ISBN: 978-604-57-7956-9.
Nộp lưu chiểu tháng 8 năm 2022.
Cùng tham gia:
TRẦN NGỌC DŨNG
NGUYỄN THU HIỀN
PHẠM THỊ THANH HUYỀN TỐNG THỊ QUỲNH HƯƠNG
5
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Dòng sông Mê Công bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, nối liền 6 quốc gia Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Với khoảng hơn 4.900 km chiều dài, con sông quốc tế này tạo ra những sinh cảnh độc đáo, các hệ sinh thái giàu có và nhiều vùng châu thổ phì nhiêu. Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF), khu vực Mê Công mở rộng, được mệnh danh là “bát cơm” của châu Á, cung cấp sinh kế và nguồn dinh dưỡng cho khoảng 80% trong số 300 triệu dân sống ở khu vực này. Con sông tràn ngập sự đa dạng sinh học; từ năm 1997 đến 2014, trung bình cứ mỗi tuần các nhà nghiên cứu phát hiện ra khoảng ba loài sinh vật mới. Cho đến cuối thế kỷ XX, sông Mê Công là một trong những dòng sông lớn cuối cùng trên trái đất không bị chặn dòng trên hầu hết toàn bộ chiều dài của sông và còn giữ được nhiều nét nguyên vẹn do chưa bị ngăn đập trên phần lớn dòng chảy.
Sự sôi động của lưu vực sông Mê Công bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XX. Các nền kinh tế mới nổi trong khu vực và một Trung Quốc đang trỗi dậy đứng trước nhu cầu lớn về năng lượng phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh đã đưa thủy điện trở thành tâm điểm trong các chiến lược đầu tư mới của cả chính phủ và khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, gia tăng dân số trong lưu vực và biến động giá cả lương thực những năm gần đây đã thúc đẩy các quốc gia đầu tư mạnh mẽ hơn cho cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Dòng sông quốc tế này đang chứng kiến xu thế cạnh tranh trong việc sử dụng nguồn nước của
6 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
mỗi quốc gia nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của riêng mình, đi đôi với những hậu quả và thách thức tiềm tàng cho các quốc gia khác. Câu chuyện thủy điện trên dòng chính Mê Công dường như mới chỉ là những chi tiết bề nổi của bức tranh phát triển đầy phức tạp của Tiểu vùng sông Mê Công, vốn chứa đựng những động cơ và cạnh tranh lợi ích không chỉ của những quốc gia trong lưu vực mà cả các bên liên quan khác. Cuốn sách Việt Nam trong Tiểu vùng sông Mê Công - Cho một dòng sông phát triển bền vững do Vũ Đức Liêm và Ninh Xuân Thao đồng chủ biên tổng hợp những thông tin cơ bản xung quanh câu chuyện thủy điện trên dòng Mê Công và lợi ích cũng như thiệt hại của các bên liên quan, đặc biệt là hàng triệu người nghèo sống dựa vào nguồn tài nguyên phong phú của con sông này.
Xuôi dòng Mê Công, cuốn sách ghi lại hành trình lịch sử của các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Công, cung cấp cho độc giả bức tranh đa dạng về quá khứ của các tộc người, xã hội và quốc gia trong khu vực. Không ở đâu mà các truyền thống quá khứ vẫn ảnh hưởng sâu đậm lên tương quan hiện tại của các giao kết khu vực như ở Tiểu vùng sông Mê Công. Là một quốc gia cuối nguồn con sông này, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động to lớn chưa thể lường trước từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn. Trước tác động từ kịch bản phát triển của các quốc gia láng giềng, cuốn sách đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên thiên nhiên mà trọng tâm cụ thể là nước, đầm lầy, rừng; phát triển du lịch; thúc đẩy hợp tác tiểu vùng thông qua các tổ chức khu vực; sử dụng hợp lý các công cụ đầu tư và hỗ trợ phát triển.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 12 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
7
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU 11 DẪN NHẬP 15 Phần thứ nhất
TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ CƯ DÂN TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG 45 I. Điều kiện tự nhiên 47 II. Cư dân 52 Phần thứ hai
LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG 59 I. Lịch sử Campuchia 61 1. Thời kỳ dựng nước đầu tiên (từ thời tiền sử đến thế kỷ VIII) 61 2. Thời kỳ Angkor 64 3. Thời kỳ hậu Angkor (1431-1863) 74 4. Thời kỳ thời kỳ thuộc Pháp (1864-1945) 81 5. Từ năm 1945 đến 1954 86 6. Từ năm 1954 đến 1993 90 7. Từ năm 1993 đến nay 99 II. Lịch sử Lào 104 1. Lịch sử Lào trước thế kỷ XIV 104 2. Thời kỳ phong kiến quân chủ 108 3. Thời kỳ thống trị của Pháp và Nhật (1893-1945) 116 4. Thời kỳ hiện đại (từ năm 1945 đến nay) 129
8 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
III. Lịch sử Mianma 141 1. Lịch sử Mianma trước thế kỷ IX 141 2. Thời kỳ phong kiến đến trước năm 1886 142 3. Thời kỳ cai trị của thực dân Anh (1886-1947) 147 4. Thời kỳ sau khi giành độc lập dân tộc đến nay 149
IV. Lịch sử Thái Lan 165 1. Thời kỳ tiền sử và sơ sử 165 2. Những vương quốc đầu tiên của người Môn 166 3. Thời kỳ từ thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XVIII 167 4. Thời kỳ 1767-1932 172 5. Thời kỳ từ năm 1932 đến nay 182
V. Lịch sử Việt Nam 202 1. Các quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam thời cổ đại 203 2. Thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc 207 3. Thời kỳ quân chủ trước năm 1884 212 4. Thời kỳ từ sau năm 1884 đến 1945 221 5. Thời kỳ 1945-1975 232 6. Thời kỳ 1975-2020 239 Phần thứ ba
HỢP TÁC TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG VÀ CÁC THÁCH THỨC ĐẶT RA Ở THẾ KỶ XXI 247 I. Các chương trình hợp tác trong Tiểu vùng sông
Mê Công 249 1. Nhóm các cơ chế hợp tác nội vùng 249 2. Nhóm cơ chế hợp tác với các nước đối tác ngoài
khu vực 284 II. Cạnh tranh chiến lược nước lớn ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Công 302 1. Nhật Bản 303 2. Trung Quốc 310 3. Mỹ 322
MỤC LỤC 9
4. Xu hướng cạnh tranh nước lớn tại Tiểu vùng sông Mê Công và thách thức đối với khu vực 333 III. Vấn đề về quản lý nguồn nước và chống biến đổi khí hậu vùng hạ lưu sông Mê Công 345 1. Tầm quan trọng của vấn đề quản lý nguồn nước và thích ứng biến đổi khí hậu vùng hạ lưu sông Mê Công 346 2. Tham vọng khai thác tài nguyên của các nước thượng nguồn 349 3. Hệ quả từ các con đập 356 4. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hệ quả 365 5. Thử thách đối với cơ chế hợp tác vùng 377 Phần thứ tư
VIỆT NAM - NỖ LỰC CHO MỘT DÒNG SÔNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG 381 1. Đối với vấn đề kinh tế, xã hội 386 2. Đối với cạnh tranh chiến lược và hợp tác khu vực 388 3. Đối với vấn đề tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu 397 KẾT LUẬN 407 TÀI LIỆU THAM KHẢO 417
10
11
LỜI GIỚI THIỆU
Mê Công là một trong những thực thể tự nhiên tươi đẹp nhất trên trái đất, món quà tặng dành cho vùng Đông Nam Á lục địa. Dòng sông Mẹ, như cách gọi của người Lào, người Thái không chỉ tạo ra cảnh quan tự nhiên hùng vĩ trải dài hàng nghìn kilômét qua núi cao, vực sâu, thác nước mà còn có những đồng bằng trù phú, vựa lúa gạo của vùng Đông Nam Á, cùng những khung cảnh sinh thái đa dạng bậc nhất trên trái đất.
Cuốn sách này kể về số phận của một vùng đất gắn với thăng trầm của dòng sông, nơi vận mệnh của con người và nền văn hóa, của xã hội và văn minh gắn liền với dòng Mê Công.
Đó là dòng sông hiền hòa, mạch nguồn sự sống, cội rễ văn hóa, văn minh, tín ngưỡng tâm linh của hàng triệu người cư trú dọc đôi bờ qua hàng nghìn năm lịch sử. Dòng sông đã tặng cho cư dân các đồng bằng màu mỡ, nền nông nghiệp, các lễ hội và nghi thức tôn giáo, các vị thần và kho tàng thần thoại, các con đường giao thương và đưa lối cho các cuộc di cư. Đó là cơ sở ra đời của các nền văn hóa và văn minh rực rỡ, từ Óc Eo tới Luang Prabang, từ Angkor đến Vientiane, từ Tam giác Vàng tới Cần Thơ. Lịch sử của những người hành hương, dân di cư, các nhà buôn, giới tăng lữ, người mở đất và các bậc cai trị đi tìm kinh đô,… tất cả đều để lại dấu chân dọc đôi bờ Mê Công.
Đó là dòng sông của tham vọng đế quốc thực dân, địa - chính trị và quyền lực. Dòng sông huyền bí đã dẫn lối cho các cuộc thám hiểm của người Pháp tìm tới vùng Vân Nam giàu có,
12 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
để rồi kết thúc bằng một dự án thực dân thảm khốc: Liên bang Đông Dương. Dòng sông này cũng chính là nơi người Anh, người Thái và người Pháp mặc cả với nhau trên đôi vai của những cư dân bản địa. Để rồi một thế kỷ sau đó, cũng dòng Mê Công ghi dấu chứng tích cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kiên cường của Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianma.
Trong những thập niên vừa qua, dòng Mê Công hùng vĩ tiếp tục song hành cùng bước chuyển mình về kinh tế, xã hội và hội nhập khu vực, quốc tế ở tầm mức chưa từng có của các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Công - nơi phát triển năng động với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Nhưng ở đây cũng lại đang trở thành sân khấu chính của những mối quan hệ cạnh tranh chiến lược căng thẳng ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang gây nên những xáo trộn trong quan hệ kinh tế, xã hội, an ninh chính trị và hợp tác khu vực.
Đó còn là một dòng sông đang kêu cứu.
Sức sống của Mê Công - nguồn nước, đang bị cạn kiệt với tốc độ báo động. Nguy cơ của một dòng sông chết không phải là kịch bản xa vời nếu như các nước thượng nguồn tiếp tục quá trình xây dựng đập và chiếm giữ dòng chảy như hiện nay. Không chỉ đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, khu vực này còn chịu tác động sâu sắc từ biến đổi khí hậu, tình trạng trái đất nóng lên và nước biển dâng.
Chưa bao giờ vận mệnh của dòng sông, con người và xã hội hai bên bờ lại bị đe dọa nghiêm trọng đến thế. Trong những thách thức chung đối với khu vực cũng có thử thách riêng đối với Việt Nam.
Việt Nam là một trong những nước sẽ gặp rủi ro lớn nhất do nằm ở hạ nguồn. Thực tế là lũ trên vùng đồng bằng Nam Bộ đã và đang biến mất. Nước mặn đã xâm nhập hàng trăm kilômét.
LỜI GIỚI THIỆU 13
Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long của dải đất hình chữ S đang bị đe dọa, cùng với đó là sự ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng chục triệu người.
Đó không phải là một kịch bản xa vời. Việt Nam nằm trong mười nước chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu ở thế kỷ XXI, vì thế việc hiểu biết lịch sử, văn hóa vùng Mê Công, quá khứ, triển vọng và các vấn đề đặt ra đối với tài nguyên, cách thức các cộng đồng bản địa ứng phó với thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh,… có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của Việt Nam.
Cùng với đó là câu chuyện cạnh tranh quyền lực địa - chính trị. Hành lang phía tây dọc tuyến sông Mê Công là trọng yếu đối với an ninh của người Việt. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc những năm gần đây đang gây ra nhiều áp lực kinh tế, địa - chính trị. Việt Nam từ chỗ là nhà đầu tư kinh tế số 1 ở Lào đã xuống vị trí thứ ba. Campuchia, trong vòng một thập niên, đã trở thành một trong những đồng minh thân thiết nhất của Bắc Kinh không chỉ trong phạm vi ASEAN mà còn trên toàn thế giới.
Việc hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng, phát triển bền vững, thúc đẩy quan hệ đối ngoại khu vực của Việt Nam vì thế gắn chặt với các diễn biến ở vùng Mê Công. Trong các thập niên tới, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một cường quốc tầm trung. Triển vọng này phụ thuộc rất lớn vào nhãn quan địa - chính trị, khả năng nhận thức thời cuộc, nắm bắt xu hướng chuyển dịch trong quan hệ quốc tế và xây dựng chính sách tận dụng tối đa thời cơ, tiềm lực để phát triển. Và mọi phác thảo cho vị thế tương lai của Việt Nam đều không thể tách rời sự biến chuyển ở lưu vực Mê Công, nơi chúng ta có lợi ích cốt lõi. Đó là cơ sở để trong cuốn sách này, chúng tôi định vị Việt Nam trong bối cảnh của Tiểu vùng Mê Công
14 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
từ quá khứ tới hiện tại, từ hợp tác khu vực tới các thách thức đang đặt ra hiện nay, nhằm hướng tới một dòng sông phát triển bền vững, hướng tới “một lưu vực sông Mê Công thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường”*.
Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã giúp đỡ, ủng hộ trong quá trình biên soạn và biên tập cuốn sách. Chúng tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn tới TS. Dương Duy Bằng đã dành thời gian đọc và góp ý cho bản thảo. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, nhưng đây là vấn đề rộng lớn, đa dạng, gắn kết nhiều quốc gia và nền văn hóa, vì thế các tác giả mong nhận được ý kiến phê bình, góp ý của độc giả để cuốn sách sẽ có chất lượng tốt hơn trong lần xuất bản sau.
CÁC TÁC GIẢ
* Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ nhất, diễn ra vào tháng 4/2010 tại Thái Lan (BT).
15
DẪN NHẬP
Không còn nghi ngờ gì nữa, không có bất cứ dòng sông nào cùng độ dài lại có tính cách độc đáo hay phi thường hơn thế.
Francis Garnier
Đoàn thám hiểm Mê Công, 1866-1868
Đây là câu chuyện của một vùng văn hóa, lịch sử, từ truyền thống đến hiện đại, từ các cơ tầng văn minh vĩ đại trong quá khứ tới quốc gia - dân tộc hiện đại, từ chiến tranh và diệt chủng tới sự hồi sinh, từ toàn cầu hóa, cạnh tranh chiến lược nước lớn tới các thách thức sống còn về môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và sinh kế của con người. Đây cũng là câu chuyện về cách thức, vận mệnh và tương lai của Việt Nam đã, đang và sẽ gắn với một dòng sông.
Dòng sông Mẹ
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Mê Công: dòng sông Mẹ (Mae Nam Khong) đã bồi đắp, kiến tạo môi trường sống cho các cộng đồng Đông Nam Á lục địa. Từ không gian sinh kế đó ra đời các nền văn hóa, văn minh rực rỡ, các tuyến giao thương, trao đổi tôn giáo, tri thức, kỹ thuật, văn hóa, kết nối các xã hội và con người trong khu vực.
Dòng Mê Công đã tạo ra một không gian văn hóa, văn minh đa dạng với sự góp mặt của nhiều tộc người, ngôn ngữ
16 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
và trình độ phát triển1. Đó là một không gian sôi động, bao gồm khung cảnh địa lý, xã hội,… trải rộng trên 6 quốc gia. Không phải chờ tới sự ra đời của Ủy hội sông Mê Công (Mekong River Commission - RMC) hay Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (Greater Mekong Subregion - GMS) thì khu vực này mới được nhận thức là một chỉnh thể văn hóa, văn minh, kinh tế, xã hội, mà quá trình này đã diễn ra hàng nghìn năm, một cách tự nhiên.
Với chiều dài 4.909 km từ Tây Tạng tới các cửa sông trên vùng duyên hải Việt Nam, Mê Công là một trong số ít các dòng sông mà vùng đồng bằng ngập nước vẫn đang hoạt động theo chu kỳ hằng năm2. Con sông tạo ra nhiều hệ sinh thái đa dạng và đóng vai trò sống còn với các loài động, thực vật và cư dân cư trú dọc theo hai bên bờ. Với 850 loài cá, sông Mê Công là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới, cung cấp sinh kế cho 60 triệu cư dân. Riêng sản lượng thủy sản đánh bắt trên dòng Mê Công đã chiếm 25% sản lượng đánh bắt từ các vùng nước nội địa toàn thế giới, đồng thời cung cấp 80% lượng thức ăn chứa protein cho cư dân lưu vực sông. Theo thống kê, quy mô ngành đánh bắt thủy sản trên sông Mê Công trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, vùng đồng bằng mà con sông này tạo ra ở Việt Nam và Campuchia là một trong các vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất trên trái đất3.
1. Phạm Đức Dương: Có một vùng văn hóa Mê Công, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007; George Coedes: The Making of Southeast Asia, University of California Press, Berkeley and Los Angeles, 1967; Charles Higham: The Civilization of Angkor, University of California Press, Berkeley and Los Angeles, 2004; Dougald J.W. O’Reilly: Early Civilizations of Southeast Asia, AltaMira Press, Lanham, 2007.
2. Chu kỳ này đang bị phá vỡ nghiêm trọng những năm gần đây. 3. Diversity and Natural Abundance in the Mekong Basin, http://www. mekongwatch.org/ platform/ bp/english1-1.pdf.
DẪN NHẬP 17
Bốn trong số 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới cư trú trên dòng Mê Công, trong đó có cá đuối gai (Himantura chaophraya) trọng lượng tới 600 kg; cá tra dầu (Pangasianodon gigas) dài tới 3 m, nặng 350 kg; và cá hô (Giant pangasius Catlocarpio siamensis) nặng 300 kg1. Tuy nhiên, phần lớn các loài cá này đang bị đe dọa bởi nạn đánh bắt quá mức và tình trạng cạn kiệt nguồn nước, môi trường sống bị đe dọa do các con đập từ phía thượng nguồn gây ra.
Về mặt đa dạng sinh học, vùng sinh thái Mê Công chỉ đứng thứ hai sau vùng Amazon. Bên cạnh hàng trăm loài cá, khu vực này đóng góp 20.000 loài thực vật, 430 loài động vật, 1.200 loài chim, 800 loài bò sát và lưỡng cư cư trú trên một lưu vực rộng 795.000 km2. Sử gia người Hy Lạp Herodotus từng viết về mối quan hệ giữa dòng sông Nile với nền văn minh mà nó bồi đắp: Ai Cập là quà tặng của sông Nile. Một vai trò tương tự như thế cũng có thể được dùng để mô tả về dòng Mê Công và hệ thống gió mùa châu Á đối với các nền văn hóa, văn minh tiểu vùng. Không có dòng Mê Công sẽ không có Angkor, Phnom Penh, Luang Prabang, Vientiane và dải đô thị sầm uất vùng Nam Bộ, Việt Nam.
Dòng sông văn hóa, lịch sử
Cư dân lưu vực sông Mê Công sinh sống trên một địa bàn tự nhiên đa dạng nhưng có quan hệ gắn bó về nguồn gốc tộc người, ngôn ngữ và nhiều điểm gần gũi nhau về phong tục, tập quán do cùng gắn bó với nền nông nghiệp lúa nước, tương đồng trình độ phát triển và trong nhiều giai đoạn lịch sử cùng tiếp cận các nền văn hóa, tôn giáo hay sức ép ngoại xâm, ảnh hưởng từ bên ngoài. Những điểm tương đồng này đã góp phần làm
1. Diversity and Natural Abundance in the Mekong Basin, Ibid.
18 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
cho Tiểu vùng sông Mê Công trở thành một khu vực địa lý, văn hóa, lịch sử có nhiều nét riêng biệt, giàu màu sắc và là một trong những cơ sở để các nước trong tiểu vùng hiện nay mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện.
Từ trong lịch sử, dòng Mê Công được mô tả huyền bí, hoang dã, nhất là với góc nhìn của người bên ngoài, từ vị sứ giả nhà Nguyên ở thế kỷ XIII Chu Đạt Quan cho tới các nhà thám hiểm người Pháp thế kỷ XIX1. Sông Mê Công có yếu tố địa lý thủy văn độc đáo, là điểm hội tụ, kết nối của tiểu vùng. Với chiều dài hàng nghìn kilômét cùng với hàng trăm chi lưu lớn nhỏ, chảy qua 6 quốc gia, dòng sông đã gắn kết các nước về mặt địa lý và là một trong những mạng lưới giao thông đường thủy huyết mạch của các cộng đồng dân cư khu vực từ thuở bình minh của lịch sử. Sự giao lưu giữa các nhóm cư dân cổ (từ văn hóa Hòa Bình) - cư trú trong thung lũng và hang động trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, Lào, Thái Lan… để chia sẻ tiến bộ kỹ thuật, thuần hóa các loài cây họ bầu bí và xu thế di cư từ vùng cao xuống vùng thấp hơn đã xuất hiện ngay từ cuối kỷ Pleistocene và đầu kỷ Holocene2.
Tiếp đó là sự phát triển của một loạt các di chỉ định cư, nông nghiệp, kim khí, đồ gốm và nhà nước,… gắn chặt với các thung lũng sông và đồng bằng ven biển. Di tích Wat Phon, nơi dựng nước của người Khmer, cách bờ sông Mê Công 5 km,
1. John Keay: Mad About The Mekong: Exploration And Empire In South East Asia, Harper Collins Publishers, London, 2012; Chu Đạt Quan: Chân Lạp phong thổ ký (Hà Văn Tấn dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006.
2. Kỷ Pleistocene cách ngày nay từ 2,58 triệu năm đến 11.700 năm. Kỷ Holocene vào khoảng 11.700 năm trước và còn tiếp tục đến nay. Xem J.M. Matthews: “A Review of the ‘Hoabinhian’ in Indo-China”, Asian Perspectives, August 1966, pp. 86-95; Chester Gorman: “The Hoabinhian and After: Subsistence Patterns in Southeast Asia during the Late Pleistocene and Early Recent Periods”, World Archaeology, No. 3, August 1971, pp. 300-320.
DẪN NHẬP 19
trong khi di chỉ kim khí nổi tiếng của Thái Lan là Ban Chieng, Non Nok Tha thuộc thượng lưu sông Chi (một chi lưu của sông Mê Công), cách dòng Mê Công 50 km, đối diện qua bờ sông chính là kinh đô Vientiane của Lào. Từ các trung tâm kim khí trên vùng Vân Nam tới các điểm tụ cư và tập hợp quyền lực như Luang Prabang, Wat Phou, Angkor, Phnom Penh, Óc Eo, Châu Đốc, Long Xuyên, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Trà Vinh, Cao Lãnh,… đều gắn với dòng nước Mê Công.
Khi các vương quốc sơ kỳ hình thành và phát triển, dòng Mê Công không chỉ tạo ra môi trường sống trực tiếp của một bộ phận lớn cư dân mà còn thúc đẩy hoạt động thương mại, giao lưu, di cư, chiến tranh, các sứ đoàn ngoại giao và truyền giáo, các đạo quân xâm lược và chinh phục đất đai. Từ thế kỷ I đến thế kỷ VII, vương quốc Phù Nam trên vùng hạ lưu Mê Công là “cường quốc” hàng đầu khu vực. Tranh thủ luồng thương mại biển quốc tế đi qua vịnh Thái Lan1, Phù Nam kiểm soát vùng Nam Bộ, Việt Nam và một phần lưu vực sông Chao Phraya (Thái Lan) với trung tâm kinh tế là cảng thị Óc Eo2.
Cách Phù Nam hơn 700 km về phía thượng nguồn là Wat Phou (Champassak, Lào) đã ra đời vương quốc Chân Lạp - nhà nước sơ kỳ đầu tiên của người Khmer. Sử sách của Trung Quốc ghi chép rằng: Chân Lạp là một thuộc quốc của Phù Nam. Khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật phản ánh rõ ảnh hưởng tôn giáo,
1. Vũ Đức Liêm: “Phù Nam: Huyền thoại và những vấn đề lịch sử”, Tia Sáng, 2017; Vũ Đức Liêm: “Bằng chứng lịch sử cổ xưa của cư dân trên lãnh thổ Việt Nam và Đông Nam Á trên Biển Đông”, 45 năm hải chiến Hoàng Sa, Nxb. Đà Nẵng, 2020, tr. 123-44.
2. Lương Ninh: Vương quốc Phù Nam: Lịch sử và văn hóa, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005; James C.M. Khoo, ed.: The Art and Archaeology of Funan: The Pre-Khmer Kingdom of the Lower Mekong Valley, Orchid Press, Bangkok, 2003.
20 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
chính trị, tư tưởng vương quyền, chữ viết của Phù Nam lên vùng thượng nguồn Mê Công1.
Từ thế kỷ IX, vương quốc Angkor cùng với Pagan (Mianma) trở thành hai thế lực hàng đầu ở vùng Đông Nam Á lục địa. Người Khmer dựa vào dòng Mê Công mở rộng ảnh hưởng lên tới Luang Prabang. Cùng với quá trình này là hoạt động giao lưu kinh tế, chính trị, tôn giáo, viễn chinh quân sự giữa các vương quốc Champa, Đại Việt, Angkor, Dvaravati, Hariphunchai,…
Từ thế kỷ XIII, toàn bộ khu vực Mê Công từ Vân Nam tới Angkor bị tác động sâu sắc bởi chiến tranh và di cư. Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công nước Đại Lý, thúc đẩy luồng di cư mạnh mẽ của những người nói tiếng Thái tràn vào vùng Đông Nam Á lục địa. Quân Mông Cổ sau đó tấn công Đại Việt, Champa, Pagan và cử sứ thần tới Angkor. Điều này góp phần làm suy yếu các quyền lực chính trị cũ trên vùng lưu vực Mê Công (như Pagan sụp đổ vào năm 1289,...). Đó là cơ sở để người Thái thiết lập vương quốc và nhanh chóng trở thành thế lực mới ở vùng lục địa. Người Thái di cư sang vùng Tây Bắc Việt Nam, đi theo sông Đà, sông Mã, sông Cả, sông Mê Công, sông Chao Phraya, mang theo kỹ thuật trồng lúa nước sử dụng phân bón và làm thủy lợi, nhanh chóng khai phá các vùng đất mới, xác lập bản mường, từ đó nhà nước ra đời. Đó là các vương quốc Lanna, Sukhothai, Ayutthaya và Lan Xang mà dân cư, quyền lực, văn hóa,… của họ gắn liền với các mạng lưới kinh tế, chính trị, tôn giáo trên lưu vực Mê Công.
Lấy sự ra đời của vương quốc Lan Xang - tiền thân của nước Lào làm ví dụ. Ra đời năm 1353, tên đầy đủ của vương quốc Lan Xang là Lan Xang Hom Khao (Vương quốc triệu voi và chiếc lọng trắng). Đây là vương quốc đầu tiên của người Lào
1. Xem Lương Ninh (chủ biên): Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015.
DẪN NHẬP 21
được thành lập trên vùng trung lưu sông Mê Công, tồn tại từ giữa thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XVII. Những cư dân đầu tiên cư trú trên lãnh thổ Lào ngày nay là người Lào Thơng. Họ là chủ nhân của nền văn hóa đồ sắt có niên đại thế kỷ V trước Công nguyên - thế kỷ V trên Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng). Từ thế kỷ XIII, theo sau các cuộc tấn công của quân Mông Cổ, một bộ phận cư dân nói tiếng Thái di cư vào vùng trung lưu sông Mê Công. Họ bắt đầu định cư ở các thung lũng và đồng bằng ven sông, phát triển nông nghiệp lúa nước. Những cư dân mới này được biết đến là người Lào Lùm.
Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội dựa trên các xiềng (liên minh bản làng) và mường, năm 1353, nước Lan Xang được thành lập. Người lập quốc là Phraya Fa Ngum (1316-1393), một tù trưởng người Lào. Thuở nhỏ, ông lớn lên ở triều đình Campuchia, được giáo dục bởi các nhà sư Phật giáo. Năm 16 tuổi, ông được nhà vua Angkor gả con gái và giúp đỡ đạo quân một vạn người để chinh phục các mường Lào. Fa Ngum tiến hành các chiến dịch quân sự mở rộng đất đai trên một lãnh thổ mà ông tuyên bố là đến Campuchia ở phía đông nam, đến Sipsong Chu Thai (nay là Tây Bắc Việt Nam) và Sipsong Panna (nay thuộc Vân Nam, Trung Quốc) ở phía bắc, đến cao nguyên Khorat ở phía tây (nay thuộc Thái Lan). Nhà vua mới cũng xác lập kinh đô mới ở Luang Prabang.
Ảnh hưởng tôn giáo và chính trị từ vương quốc Angkor đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển buổi đầu của Lan Xang. Fa Ngum đã mời các nhà sư từ Campuchia tới truyền bá Phật giáo và cố vấn chính trị. Văn hóa Phật giáo vì thế trở thành một trong các cơ sở thống nhất quốc gia và đời sống xã hội của nước Lào.
Theo truyền thuyết, Fa Ngum chia vương quốc của mình thành 7 mường. Tới thời cầm quyền của vua Setthathirath (1534-1571) và Sourigna Vongsa (1637-1694), vương quốc Lan Xang bước vào thời kỳ thịnh đạt, trở thành một trong các thế lực lớn ở vùng
22 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Đông Nam Á lục địa. Lan Xang mở rộng ảnh hưởng tới Lanna và nhiều tiểu quốc Thái khác, trong khi duy trì quan hệ bình đẳng với Đại Việt, Ayutthaya và tiến hành ba cuộc chiến tranh chống lại quân xâm lược Miến Điện. Để tránh các cuộc tấn công của Miến Điện, năm 1563, Setthathirath chuyển kinh đô về Vientiane, biến nơi đây thành trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự và tôn giáo của vương quốc Lào. Ông cũng thiết lập một chính quyền nhà nước tập trung và tổ chức bộ máy quân sự chặt chẽ nhằm phòng thủ đất nước. Nhà vua cũng đồng thời cho xây dựng nhiều ngôi chùa như Wat Xieng Thong (ở Luang Prabang), Haw Phra Kaew, Wat Ong Teu Mahawihan và Pha That Luang (Vientiane).
Dòng Mê Công còn in dấu lên sự phát triển kinh tế, xã hội đa dạng của Lào, bao gồm canh tác lúa nương, lúa nước, săn bắn, đánh cá, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, khai thác lâm sản, vàng bạc, dệt vải. Tài liệu phương Tây cũng cho biết, người Lào sử dụng nhiều loài động vật trong sản xuất, đặc biệt là trâu, bò với số lượng lớn. Họ cũng trồng nhiều cây ăn quả và trồng lúa trên những vùng đất đai màu mỡ. Các dòng sông thì đầy ắp cá, tôm mà không ở đâu có thể sánh được1. Dòng Mê Công còn là cơ sở giao lưu tôn giáo giữa người Lào, người Thái, người Miến, người Khmer…, là cội nguồn văn học, tư tưởng và các tín ngưỡng dân gian, là nơi tổ chức lễ hội té nước mừng năm mới,…
Từ thế kỷ XV, xu thế tập quyền chính trị, mở rộng lãnh thổ đã gia tăng nhanh chóng ở vùng Đông Nam Á lục địa, trong đó dòng Mê Công là trung tâm tranh chấp của các dự án địa - chính trị và tham vọng đế chế. Ayutthaya là vương quốc Thái thành lập ở trung lưu sông Chao Phraya vào năm 1350 bởi nhà vua Ramathibodi. Vương quốc này tồn tại đến năm 1767, phát triển thịnh vượng nhờ sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản và
1. G.F. de Marini: A New and Interesting Description of the Lao Kingdom (1642-1648), White Lotus Press, Bangkok, 1998.
DẪN NHẬP 23
thương mại biển. Đó là cơ sở để Ayutthaya nhanh chóng bành trướng thế lực, tấn công Sukhothai ở phía bắc, kiểm soát bán đảo Malay ở phía nam, tranh giành ảnh hưởng với Lan Xang và tổ chức nhiều cuộc tấn công xâm lược Angkor ở phía đông.
Gần như trong giai đoạn 1350-1430, Ayutthaya và Angkor luôn trong tình trạng chiến tranh, cụ thể là các năm 1350-1353, 1372-1373, 1384-1385, 1388, 1393-1394, 1408, 1420-1421, 1431-14321. Đồng thời không phải chỉ có Ayutthaya chủ động xâm lược mà Angkor cũng luôn trong tình trạng sẵn sàng đáp trả, tổ chức hệ thống phòng thủ biên giới cũng như củng cố kinh đô Angkor.
Cuộc xâm lược đầu tiên do đích thân vua Ayutthaya Ramathibodi chỉ huy, quân Thái bao vây Angkor một năm. Nhà vua Khmer Lampong qua đời. Tình thế Angkor được mô tả là khắp nơi chỉ nghe tiếng than khóc của dân chúng. Các tướng bị chết trận hết người này đến người khác. Khi kinh đô tan vỡ, triều đình và dân chúng Khmer bị bắt đưa về Ayutthaya cùng với vàng bạc, châu báu và tượng thần.
Vào năm 1390, nhân lúc tình hình Ayutthaya biến động, người Khmer tổ chức một cuộc xâm lược Jalapuri (Chon Buri) và Chandapuri, song bị quân Thái đồn trú đánh bại. Đáp lại, vua Ayutthaya là Ramesuan cử một đạo quân đánh chiếm Angkor. Nhà vua Khmer cử 4 đạo quân chống giữ biên giới, nhưng do một số hoàng thân rút lui, nên người Thái nhanh chóng bao vây Angkor và phải mất 6 tháng họ mới hạ được thành (1394).
Sau đó, người Khmer đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc để xin nhà Minh bảo trợ. Năm 1405, một ông vua mới xuất hiện với tước hiệu Samdach Chao Ponhea. Dưới triều đại này, Angkor tiếp tục gánh chịu các cuộc tấn công của người Thái. Hệ quả đối với người Khmer là rất nặng nề, gây tác động lớn tới nền kinh tế,
1. Lawrence Palmer Briggs: The Ancient Khmer Empire, Transactions of the American Philosophical Society, Philadelphia, 1951, volume XLI, part I.
24 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
xã hội. Các cuộc chiến này chủ yếu hướng tới cướp dân, tài nguyên, của cải, các kho báu, phá hủy nhà cửa, thành quách,… Vì thế, làm giảm đáng kể số lượng dân Khmer, một phần do bị bắt đưa về Ayutthaya, một phần bỏ chạy về phía nam Biển Hồ.
Cuộc tấn công cuối cùng vào Angkor diễn ra năm 1431-1432 dưới sự dẫn dắt của vua Borommaracha II. Sau nhiều tháng vây hãm, quân Thái tràn vào Angkor, bắt người, lấy đi các kho báu, sau đó đưa một hoàng tử Ayutthaya lên ngôi vua. Năm 1434, Chaktomuk (Phnom Penh) được chọn làm kinh đô mới và thời đại Angkor kết thúc.
Với sự gia tăng xác lập các mường Thái theo hành lang phía tây Đại Việt, xung đột dọc đường biên gia tăng. Vương quốc Lan Xang ra đời (1353), đóng đô ở Luang Prabang tạo ra một tương quan chính trị và quân sự mới với Đại Việt. Từ khung cảnh các mường đơn lẻ, giờ đây người Lào đã gắn kết lại trong một phạm vi dân cư và địa lý lớn. Trong thời kỳ vua Cakkaphat Phaen Phaeo (1438-1480), dân số Lan Xang đã có khoảng 1,5 triệu người. Vương quốc này trở thành một thế lực lớn ở trung lưu sông Mê Công và dựa vào nhà Minh để cạnh tranh với Đại Việt.
Với hệ thống tổ chức chính trị đặc thù Thái - Lào: chế độ bản mường, mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương tương đối lỏng lẻo, thường xuyên thay đổi tôn chủ. Tình thế đó làm cho quan hệ giữa Đại Việt với các trung tâm chính trị người Thái rất phức tạp và không ổn định. Trên lãnh thổ Lào thế kỷ XV có ba trung tâm chính xuất hiện trong sử Việt là Bồn Man (mường Phuan thuộc Xiêng Khoảng), Ai Lao (thuộc Hủa Phăn) và Lão Qua (thuộc Lan Xang)1.
Khi nhà Lê xác lập năm 1428, vị trí của các mường Lào trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì kinh đô thứ hai của
1. John K. Whitmore: “The Two Great Campaigns of the Hong-Duc Era (1470-1497) in Dai Viet”, South East Asia Research, 2004, No. 1, pp. 119-136.
DẪN NHẬP 25
vương triều ở miền Tây Thanh Hóa. Năm 1431, Lê Lợi tiến hành cuộc chinh phạt chống lại thủ lĩnh họ Đèo đang mở rộng thế lực giữa khu vực sông Mã và sông Đà. Trong khi Đại Việt tăng cường kiểm soát mường Phuan và Sipsong Chu Thai thì Lan Xang dựa vào nhà Minh để tăng sức ép lên các cộng đồng này. Xung đột chính trị, quân sự leo thang đã làm vua Lê Thánh Tông (1442-1497) nổi giận. Các triều thần nhà Lê cũng không thể chấp nhận sự chống đối của những kẻ ngoài “giáo hóa”.
Hai bài chiếu thảo phạt của vua Lê lưu lại trong Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy một phần lý do Đại Việt can dự vào miền trung Mê Công. Theo đó, Bồn Man đã xâm lấn biên ải, bỏ chức phiên thần, không chịu dâng lễ cống; bất chấp triều đình đặt quận huyện để trị biên cương nhưng phong tục không đổi, đắm mê cửa Phật; bày kế gián điệp, giam giữ các thổ tù, giúp đỡ tội phạm bỏ trốn, để chậm con tin vào chầu; bên trong thì tin lời yêu tăng gian tà, ngoài dựa tiếng Lão Qua tiếp viện, chống lại sứ thần và quan lại triều đình, tiêu diệt quân đồn trú; đào hào, sửa giáp, phục kích, đóng đồn. Đối với Lão Qua thì từng đánh úp quân Lê Lợi, sau lại đưa quân cướp châu Lang Chánh, quấy phá phủ An Tây, cướp bóc Sầm Thượng, Sầm Hạ, làm tổn hại dân biên giới, gây ra tình trạng chiến tranh ở Thuận Bình, Sa Bôi, Lâm An, Quy Hợp, bắt giữ sứ giả bỏ ngục, giúp họ Cầm ở thượng du Nghệ An nổi loạn, chiếm đất đai1.
Giải pháp của Thăng Long là một chiến dịch quân sự quy mô như đã tiến hành với Champa năm 1471, qua đó không chỉ khôi phục cương thường mà còn xác lập và để lại cơ đồ lâu dài đến muôn đời được mở mang. Mùa thu năm 1479, 180.000 quân Đại Việt đã tham gia cuộc viễn chinh chia làm năm cánh trải dài trên hành lang từ thượng du Nghệ An tới thượng du sông Đà.
1. Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書, http://www.nomfoundation. org/nom-project/History-of-Greater-Vietnam?uiLang=en.
26 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Biên niên sử Chiang Mai thông báo số quân Việt Nam là 200.000 người, trong khi báo cáo từ Sipsong Panna tới triều nhà Minh cho biết có vài chục vạn quân Việt đóng giữ ở biên giới Lan Xang1.
Bồn Man và Ai Lao bị thu phục, sau đó, năm cánh quân nhà Lê cùng hướng tới Luang Prabang. Cả sử sách Việt Nam và biên niên sử của người Thái đều cho biết kinh thành này bị chiếm. Nhưng quân Đại Việt chưa dừng lại. Họ tiếp tục tiến về phía tây, chiếm đóng Nan, một chư hầu của Lanna, uy hiếp Sipsong Panna (thuộc Vân Nam) và tiến về sông Kim Sa (Irrawaddy), cửa ngõ của vương quốc người Miến Ava. Nếu ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư và Minh Sử là đúng thì quân nhà Lê đã tràn qua toàn bộ vùng phía bắc Đông Nam Á lục địa chỉ trong vòng 2 tuần.
Trên vùng sông Mê Công, một cuộc viễn chinh có quy mô tương tự được lặp lại đúng một thế kỷ sau, dưới thời kỳ cầm quyền của vua Bayinnaung (1551-1581) thuộc vương triều Toungoo (Mianma). Ba mươi mốt năm trị vì của ông được coi là thời kỳ huy động sức người lớn nhất trong lịch sử Mianma, chủ yếu phục vụ cho các cuộc chinh phục liên tiếp, biến Toungoo trở thành đế chế rộng nhất trong lịch sử Đông Nam Á, trải dài từ bờ biển Arakan đến Campuchia, từ vịnh Thái Lan đến Vân Nam, bao gồm lãnh thổ Mianma ngày nay, vùng người Shan (Trung Quốc), các vương quốc Lanna, Lan Xang, Xiêm và bang Manipur (Ấn Độ). Theo tinh thần Phật giáo, Bayinnaung cai trị như một Chakkravartin (vua của vũ trụ), so sánh mình với vị quân vương Ấn Độ Asoka; trong khi người Thái gọi ông là Phra Chao Chana Sip Thit (Kẻ chinh phục Thập phương).
Từ thế kỷ XVII, quyền lực chính trị ở vùng Mê Công là cuộc chạy đua giữa người Miến, người Thái và người Việt. Đó là lúc
1. John K. Whitmore: “The Two Great Campaigns of the Hong-Duc Era (1470-1497) in Dai Viet”, Ibid, pp. 119-136; Laichen Sun, Ming-Southeast Asian Overland Interactions, 1368-1644, Ph.D. Thesis, Michigan, 2000.
DẪN NHẬP 27
mà sự xuất hiện của người phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc tạo ra sự phát triển năng động của khung cảnh chính trị, thương mại, chiến tranh và quan hệ tộc người. Thế kỷ XVII - XVIII là giai đoạn bùng nổ làn sóng di cư của người Hoa xuống Đông Nam Á. Đầu tiên là những người trung thành với nhà Minh, chạy xuống phương nam vì không chấp nhận nền thống trị của người Mãn. Vào năm 1679, 3.000 quân trong số này đã cập bến Đàng Trong, được chúa Nguyễn đồng ý cho khai phá vùng hạ lưu sông Mê Công1. Nhiều nhóm người Hoa khác đã xác lập ở bán đảo Malay và các hải cảng thuộc vùng vịnh Thái Lan, trong đó có Mạc Cửu và sự ra đời của Hà Tiên2. Hàng trăm nghìn người Hoa khác đi vào phía bắc Đông Nam Á lục địa như Mianma, Thái Lan, Việt Nam để khai thác mỏ. Một trong số đó định cư ở mường Tak, thuộc vương quốc Thái Ayutthaya và trở thành thủ lĩnh địa phương. Con trai của ông là Trịnh Chiêu (sử Việt chép là Trịnh Quốc Anh) trở thành người đứng đầu mường Tak, với tước hiệu Phraya Taksin (Phya Tak). Các cộng đồng người Hoa này đóng vai trò lớn trong sự phát triển kinh tế, xã hội ở Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy các chuyển biến chính trị và quân sự ở tầm mức khu vực. Một trong số đó chính là các cuộc chiến tranh giữa Xiêm và Việt Nam nhằm mở rộng ảnh hưởng trên vùng Mê Công.
Năm 1708, Mạc Cửu đặt Hà Tiên dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn. Sự kiện này thúc đẩy quá trình khai phá của Việt Nam ở hạ lưu sông Mê Công, đồng thời gây ra các xung đột mới giữa Đàng Trong và Ayutthaya. Năm 1767, Miến Điện xâm lược và đốt cháy kinh thành Ayutthaya. Chỉ một số ít quý tộc chạy thoát, bao gồm Phraya Taksin. Ông về Chanthaburi, bên bờ vịnh
1. Đại Nam thực lục 大南寔錄, Tokyo: Institute of Cultural and Linguistic Studies, Keio University, 1961-1977.
2. Trương Minh Đạt: Nghiên cứu Hà Tiên: Họ Mạc với Hà Tiên, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017; Vũ Thế Dinh: 河 仙 鎮 叶 鎮 鄚 氏 家 譜 (Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc Thị gia phả), Viện Hán Nôm, mã hồ sơ A.1321.
28 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Thái Lan, tập hợp lực lượng, trong đó có việc dựa vào mạng lưới người Hoa để giành lại độc lập cho Xiêm, 6 tháng sau, viên tướng gốc Hoa này trở thành vua Taksin của vương triều mới Thonburi (1767-1782) với kinh đô Ayutthaya nằm cách phía hạ lưu sông Mê Công khoảng 70 km.
Cuộc cạnh tranh Xiêm - Việt sẽ tiếp tục gia tăng trên vùng Mê Công khi vương triều Bangkok được thiết lập năm 1782. Năm 1827, vua Rama III đưa quân chinh phục Vientiane (một trong ba vương quốc trên lãnh thổ Lào lúc đó) và gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự ở vùng trung lưu Mê Công. Vientiane là chư hầu của triều đình Huế. Việc quân Xiêm gây sức ép lên các mường dọc biên giới và đe dọa Nghệ An đã buộc nhà Nguyễn phải cử quân và voi bảo vệ lãnh thổ1.
Trước đó, tình hình vùng hạ lưu Mê Công cũng đã căng thẳng suốt một thập niên sau khi Nguyễn Phúc Ánh thống nhất Việt Nam (1802). Lúc này, triều đình Udong đang nằm dưới sự kiểm soát của Bangkok, nơi mà các ông vua Khmer mới lên ngôi phải sang làm lễ tấn phong. Vua Rama I (1736-1809), tại vị từ năm 1782 đến 1809 còn yêu cầu Campuchia nhượng lại cho Xiêm hai tỉnh Siem Reap và Battambang2. Trước sức ép ngày càng lớn từ Bangkok, nhà vua 15 tuổi của Campuchia là Ang Chan (lên ngôi năm 1806) đã quyết định dựa vào Huế để làm đối trọng. Năm 1807, sứ đoàn Udong tới triều đình nhà Nguyễn yêu cầu sự bảo trợ. Campuchia trở lại địa vị chư hầu và vị trí tôn chủ
1. Ngô Cao Lãng: Quốc triều xử trí vạn tượng sự nghi lục 國 朝 處 置 萬 象 事 誼 錄, Viện Hán Nôm, mã hồ sơ A. 949; Ngaosyvathn Mayoury and Ngaosyvathn Pheuiphanh: Paths to Conflagration: Fifty Years of Diplomacy and Warfare in Laos, Thailand, and Vietnam, 1778-1828, Southeast Asia Program Publications, Cornell University, 1998.
2. Puangthong Rungswasdisab: War and Trade: Siamese Interventions in Cambodia, 1767-1851, University of Wollongong, 1995; Puangthong R. Pawakapan: Warfare and Depopulation of the Trans-Mekong Basin and the Revival of Siam’s Economy, 2014.
DẪN NHẬP 29
của Việt Nam cân bằng với Xiêm1. Việc Ang Chan không sang Bangkok tham dự lễ tang Rama I đã làm cho quan hệ giữa hai nước căng thẳng hơn. Rama II quyết định chọn một số hoàng tử trẻ và quan chức cao cấp để thành lập một nhóm thân Xiêm tại triều đình Khmer. Tình trạng chia rẽ này mở đầu cho thời kỳ lịch sử hỗn loạn của Campuchia cho đến tận năm 1848.
Mỗi khi có biến động, triều đình Campuchia lại phân làm hai phe, một cầu viện Bangkok, một nhờ cậy sự giúp đỡ của Huế. Vì vương quốc này có vị thế địa - chính trị và vai trò quan trọng đối với cả Việt Nam và Xiêm nên các cuộc xung đột tranh giành ảnh hưởng thường xuyên diễn ra trên vùng hạ lưu sông Mê Công. Các vua Gia Long và Minh Mạng đã có hàng loạt dự án quy mô nhằm củng cố an ninh, lãnh thổ và xác lập cơ sở làng xóm của người Việt trên vùng châu thổ. Năm 1824, kênh đào Vĩnh Tế dài 87 km nối Châu Đốc với Hà Tiên được hoàn thành, chạy dọc theo hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia, phục vụ cả mục tiêu kinh tế, thủy lợi và quân sự. Năm 1833, khi quân Xiêm tiến hành xâm lược Việt Nam bằng năm cánh quân qua lãnh thổ Lào và Campuchia, một trong các mục tiêu của người Thái là lấp con kênh này, chia cắt quân Việt Nam, sau đó chiếm vùng Nam Kỳ2.
Triều đình Huế đã đáp trả bằng một chiến dịch quân sự quy mô lớn trong các năm 1834-1836, đẩy lùi người Thái về phía tây và biến vùng đất này thành trấn Tây Thành. Cuối cùng, vào năm 1848, cả Huế và Bangkok cùng chấp nhận địa vị chư hầu
1. Dương Duy Bằng: “Quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia - Xiêm giai đoạn 1802-1834”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 2006, số 4, tr. 17-26; Dương Duy Bằng: “Quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia - Xiêm giai đoạn 1834-1848”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 2008, số 3, tr. 20-30; Đặng Văn Chương: Quan hệ Thái Lan - Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XIX, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2010.
2. Vũ Đức Liêm: “Vietnam at the Khmer Frontier: Boundary Politics, 1802-1847”, East Asian History and Culture Review, 2006, Vol.5, No.2, pp. 534-564.
30 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
của Campuchia, kết thúc hơn hai thế kỷ tranh chấp quyền lực giữa Xiêm và Việt Nam dọc theo lưu vực sông Mê Công. Nhưng cũng chính lúc đó, dòng Mê Công đối mặt với những thử thách mới: từ chủ nghĩa thực dân phương Tây tới chiến tranh giải phóng dân tộc, Chiến tranh lạnh, xung đột ý thức hệ, rồi tới chế độ diệt chủng Pol Pot, sự phát triển bùng nổ kinh tế - xã hội, hội nhập khu vực, quốc tế và cả cạnh tranh chiến lược nước lớn, lệ thuộc kinh tế, chi phối chính trị, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên cũng như cuộc khủng hoảng các con đập ở phía thượng nguồn.
Dòng sông địa - chính trị, địa - kinh tế và môi trường
Từ đầu thế kỷ XIX, sau khi đã chiếm bán đảo Malay, người Anh bắt đầu để ý vùng Đông Nam Á lục địa. Họ gây ra ba cuộc chiến tranh với Mianma vào các năm 1824, 1852 và 1885 trước khi biến toàn bộ nước này thành thuộc địa. Các cuộc xâm lược này đã báo động đến nước Xiêm và toàn bộ bán đảo Đông Dương. Từ giữa thế kỷ XIX, Bangkok bị đe dọa trực tiếp bởi người Anh, những người đang muốn tiến về vùng Mê Công và mở đường lên phía bắc, tới miền Nam Trung Quốc.
Năm 1855, Anh ký với Xiêm Hiệp ước Bowring với các điều khoản bất bình đẳng về thương mại, chính trị và ngoại giao1. Bangkok buộc phải dỡ bỏ nhiều hạn chế áp đặt đối với thương nhân nước ngoài, đồng ý với mức thuế 3% cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu của Anh và cho phép công dân Anh được quyền buôn bán tại tất cả các cảng biển và được hưởng quyền ngoại trị (extraterritoriality)2.
1. Xem John Bowring: The Kingdom and People of Siam, John W. Parker and Son, London, 1857.
2. Tomas Larsson: “Western Imperialism and Defensive Underdevelopment of Property Rights Institutions in Siam”, Journal of East Asian Studies, August 2008, Vol.8, No.1, pp. 1-28; Robert Bruce: “King mongkut of siam and his treaty with britain”, Journal of the Hong Kong Branch of the Royal Asiatic Society, August 1969, No. 9, pp. 82-100.
DẪN NHẬP 31
Hiệp ước năm 1855 đánh dấu bước tiến mới cho tham vọng của người Anh vào vùng Mê Công giàu tài nguyên và có vị thế chiến lược trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các đế quốc phương Tây ở châu Á1.
Điều này đã đánh động các cường quốc khác đang âm mưu bành trướng ở vùng Viễn Đông, đặc biệt là Pháp và Tây Ban Nha. Ba năm sau hiệp ước của người Anh, hai nước Anh - Pháp đã tổ chức liên quân bắt đầu cuộc chiến tranh bốn thập niên để lập ra Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Năm 1863, Pháp buộc triều đình Phnom Penh ký hiệp ước bảo hộ. Năm 1867, vùng Nam Kỳ Việt Nam rơi vào tay Pháp. Gần hai thập niên sau đó, triều đình Huế ký hiệp ước công nhận nền bảo hộ của thực dân Pháp2. Một trong các nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy người Pháp chiếm Việt Nam và Campuchia chính là dòng Mê Công. Người ta tin rằng dòng sông này là cửa ngõ đi vào miền Nam Trung Quốc, nơi có thị trường sầm uất với hàng trăm triệu dân3.
Đó cũng chính là lý do từ năm 1866, người Pháp đã tổ chức các phái đoàn thám hiểm Mê Công để tìm đường lên phía bắc. Tuy nhiên, khi tới Champasak, họ đã bị chặn lại bởi một trong những thác nước rộng nhất thế giới: thác Khone (hay còn gọi là thác Pha Pheng). Tại khu vực gần biên giới Campuchia với Lào, các bờ đá và thác nước tạo ra một hành lang rộng hơn 10 km, kéo dài gần 10 km, tàu bè hầu như không thể lưu thông4. Giải pháp
1. Kees Van Dijk: Pacific Strife: The Great Powers and Their Political and Economic Rivalries in Asia and the Western Pacific 1870-1914, Amsterdam University Press, Amsterdam, 2015, pp. 267-294.
2. Nguyễn Xuân Thọ: Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), Omega và Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018. 3. Milton E. Osborne: River Road to China: The Mekong River Expedition, 1866-1873, George Allen and Unwin, London, 1975.
4. Milton E.Osborne: “The Strategic Significance of the Mekong”, Contemporary Southeast Asia, August 2000, No. 3, pp. 429-444.
32 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
người Pháp đưa ra là một tuyến đường sắt dài 7 km nhằm đưa hàng hóa, tàu bè lên bờ, vượt qua thác nước để tiếp tục cuộc hành trình lên phía bắc.
Cuối cùng, người Pháp kết luận rất khó tiếp cận miền Nam Trung Quốc qua đường sông Mê Công, tuy nhiên thành công lớn nhất cho tham vọng lên phía bắc của họ là một “món quà” thuộc địa khác: nước Lào. Kiến trúc sư trưởng của dự án thực dân hóa này là một viên chức ngoại giao và là nhà thám hiểm Auguste Jean-Marie Pavie (1847-1925). Từ năm 1879, Pavie tiến hành một loạt các cuộc thám hiểm dọc theo vịnh Thái Lan, Biển Hồ và sông Mê Công trong vòng 5 năm, đi qua hơn 30.000 km. Sau khi đã đi khắp bán đảo Đông Dương, ông được người Thái giao cho quản lý việc xây dựng đường điện tín Phnom Penh - Bangkok. Tới năm 1886, Pavie trở thành phó lãnh sự Pháp ở Luang Prabang. Tại đây, ông tham gia các cuộc xung đột quân sự địa phương để xác lập ảnh hưởng của Pháp. Cuối cùng, vào năm 1893, Pavie dùng các tàu chiến Pháp phong tỏa cửa ngõ Bangkok để ép Xiêm từ bỏ ảnh hưởng tại Lào. Năm 1894, Pavie trở thành tổng cao ủy và sau đó là đại diện toàn quyền trên thuộc địa mới của nước Pháp. Lào trở thành một bộ phận của Liên bang Đông Dương1. Người Pháp đã giành ưu thế lớn trong cuộc cạnh tranh với Anh và Xiêm để đạt được quyền kiểm soát Campuchia và toàn bộ khu vực phía đông sông Mê Công2, để rồi cuối cùng tự hào tuyên bố: Mê Công là “dòng sông của chúng ta”3.
1. Martin Stuart-Fox: “The French in Laos, 1887-1945”, Modern Asian Studies, 1995, No. 1, pp. 111-139.
2. Van Dijk: Pacific Strife: The Great Powers and Their Political and Economic Rivalries in Asia and the Western Pacific 1870-1914; John Keay: “The Mekong Exploration Commission, 1866-1868: Anglo-French Rivalry in South East Asia”, Asian Affairs, November 2005, No. 3, pp. 289-312.
3. Milton E. Osborne: The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future, Grove Press, New York, 2000, p. 133.
DẪN NHẬP 33
Tuy nhiên sự xác lập đó chỉ là bước đầu. Lịch sử của vùng đất này sẽ tiếp tục với các dự án thực dân, hiện đại hóa và khai thác tài nguyên của Anh, Pháp và Xiêm, trong đó, các nỗ lực lớn nhất đã được người Pháp tiến hành ở vùng hạ lưu1. Trên cơ sở hoạt động thủy lợi và kênh đào của người Việt, từ năm 1880 đến 1930, chính quyền thuộc địa đã đào đắp 165 triệu m3, so với 210 triệu m3 đào kênh Panama và 260 triệu m3 đào kênh Suez. Điều này làm cho diện tích canh tác tăng từ 200.000 ha (1879) lên 2,4 triệu ha (1929), tương đương với tỷ lệ từ 5% diện tích đồng bằng sông Mê Công của Việt Nam lên 60%2.
Trước khi có sự xuất hiện của người Pháp, vùng hạ lưu sông Mê Công đã là một trong các trung tâm xuất khẩu lúa gạo hàng đầu khu vực, tới Xingapo, Jakarta, Mannila, bán đảo Malay và miền Nam Trung Quốc3. Các dự án thực dân đã nhanh chóng thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa, biến xuất khẩu nông nghiệp trở thành một trong các thế mạnh hàng đầu của vùng. Từ cuối thế kỷ XIX, hạ lưu sông Mê Công trở thành trung tâm xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Vào năm 1940, Campuchia là nước xuất khẩu lúa gạo thứ ba thế giới4.
1. M. Camouilly: “The Survey Question in Cochin China”, Journal of the Straits Branch of the Royal Asiatic Society, 1886, pp. 271-292; David Biggs: Quagmire: Nation-Building and Nature in the Mekong Delta, University of Washington Press, Seattle, 2010.
2. David Biggs: “Problematic Progress: Reading Environmental and Social Change in the Mekong Delta”, Journal of Southeast Asian Studies, 2013, No. 1, p. 79. 3. Vũ Đức Liêm: “Tái định vị xứ Đàng Trong trong không gian Đông Á và Đông Nam Á, thế kỷ XVI-XVIII)”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, 2016, số 130, tr. 12-42; Nguyễn Văn Kim: “Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực,” Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 2016, số 6, tr. 19-35.
4. Rob Cramb, ed.: White Gold: The Commercialisation of Rice Farming in the Lower Mekong Basin, Palgrave Macmillan, Singapore, 2020, p.231.
34 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Xuất khẩu từ thuộc địa của Pháp ở Đông Dương
NămXuất khẩuSản lượng trung bình/năm (ước tính)
Tấn Tấn
1881 254.6171.354.729 1882 372.551
1883 521.934
1884
510.745
1.583.340
Nguồn: M. Camouilly: “The Survey Question in Cochin China”, Journal of the Straits Branch of the Royal Asiatic Society, Ibid, pp. 271-292.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo qua Chợ Lớn đã gia tăng liên tục ở mức bình quân 3% trong vòng 65 năm liên tục. Sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn 1863-1871 là 157.000 tấn; giai đoạn 1902-1911 là 793.000 tấn và giai đoạn 1930-1934 là 1.314.000 tấn1.
Nhưng công cuộc cai trị của người Pháp trên vùng đất này là không yên bình. Khu vực có truyền thống chống lại những kẻ ngoại xâm đã liên tục nổi dậy, từ hoạt động kháng chiến của triều đình tới các cuộc nổi dậy tự phát của dân chúng, từ phong trào của các nhà sư và trí thức địa phương tới hoạt động chống áp bức của nông dân. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã dựa vào địa bàn sông Mê Công để xây dựng, tổ chức lực lượng chiến đấu chống Pháp, như tại vùng Nam Bộ Việt Nam có cuộc khởi nghĩa của Trương Định, phong trào Cần Vương trên vùng miền núi Trường Sơn, ở Lào có cuộc nổi dậy của hoàng thân Si Votha ở Kampong Svay hay khởi nghĩa của Ông Kẹo và Kommandam2.
1. Norman G. Owen: “The Rice Economy of Mainland Southeast Asia 1850-1914”, Journal of the Siam Society, 1971, pp. 74-143.
2. Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Thanh Thuận: Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua châu bản triều Nguyễn, Nxb. Hà Nội, 2019; Trần Khánh (chủ biên): Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, t. IV, tr. 363-369.
DẪN NHẬP 35
Quá trình khai thác công nghiệp đã được thiết lập có hệ thống trên vùng Mê Công không chỉ bởi chính quyền Anh ở Mianma và Pháp ở Đông Dương mà bản thân Bangkok cũng nỗ lực đầu tư nhiều mạng lưới điện tín, đường sắt và nhà máy. Năm 1887, Trường Quân sự hoàng gia được thành lập, đào tạo sĩ quan theo phong cách phương Tây. Tới năm 1888, chính quyền trung ương Xiêm được cải cách thành các bộ. Năm 1897, nhà vua tiến hành chuyến công du châu Âu để tìm cách có được sự công nhận và quyền bình đẳng từ phương Tây. Năm 1905, chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ.
Hệ thống đường sắt và điện tín được coi là cơ sở để hiện đại hóa và giúp quản trị lãnh thổ theo mô hình phương Tây. Năm 1901, tuyến đường sắt đầu tiên được mở, nối Bangkok với Khorat, khai trương hệ thống phát điện đầu tiên, sử dụng đèn điện để thắp sáng các con đường. Cùng với đó là mạng lưới điện tín kết nối Bangkok với tất cả các khu vực. Nước Xiêm dưới thời Chulalongkorn (Đại đế Roma V, 1853-1910), tại vị từ năm 1868 đến 1910 đã bước vào quá trình hiện đại hóa.
Tại Mianma và các nước Đông Dương, quá trình này diễn ra dưới hình thức khai thác thuộc địa. Những cánh rừng gỗ teak soi bóng bên dòng Mê Công trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng hàng đầu của khu vực ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Loại gỗ cứng, không bị nước biển ăn mòn này được thế giới phương Tây săn lùng cho ngành công nghiệp đóng tàu1. Các tuyến đường sắt, đường bộ được xây dựng đã kết nối Lào với Việt Nam và Campuchia. Đây không chỉ là cơ sở cho quá trình khai thác thuộc địa mà còn giúp kết nối khu vực, thúc đẩy quá trình giao thương, chuyển cư. Vùng hạ lưu sông Mê Công được đầu tư để trở thành trung tâm sản xuất lúa gạo lớn, nhiều đô thị,
1. Eric Tagliacozzo: “Ambiguous Commodities, Unstable Frontiers: The Case of Burma, Siam, and Imperial Britain, 1800-1900”, Comparative Studies in Society and History, August 2004, No. 2, pp. 359-360.
36 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
trung tâm công nghiệp, đồn điền mới đã mọc lên trên bán đảo Đông Dương như: Sa Pa, cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Dương, Vinh - Bến Thủy, Đà Lạt, Cần Thơ, Sài Gòn,… phục vụ cho nền cai trị thuộc địa.
Hệ quả của quá trình này không chỉ là sự thay đổi của nền kinh tế Đông Dương mà còn là sự chuyển biến về chính trị, xã hội và ý thức hệ, bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ đầu thế kỷ XX. Nhiều trí thức bản địa sang phương Tây du học, sự du nhập của sách báo, in ấn công nghệp, tư tưởng tiến bộ, tự do,… từ bên ngoài vào đã làm thay đổi một cách sâu sắc cấu trúc xã hội và đời sống chính trị trên vùng Mê Công. Các sinh viên xuất sắc từ Lào và Campuchia được gửi tới Hà Nội hay Sài Gòn du học. Chính họ là những hạt nhân đầu tiên cho sự hình thành của chủ nghĩa dân tộc hiện đại ở hai nước này1.
Tại Việt Nam, các trí thức Tây học và những người tiếp cận tư tưởng phương Tây đã nhanh chóng thiết lập các đảng chính trị kiểu mới như Việt Nam Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Đông Dương, mở đầu cho các phong trào cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc. Kết quả của quá trình này là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng năm đó, nước Lào giành được độc lập. Đảng Cộng sản Đông Dương sau đó nắm giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia2.
1. Benedict R. O’G. Anderson: Những cộng đồng tưởng tượng: suy nghĩ về nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2018.
2. Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011; Ban Tuyên giáo Trung ương: Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (1930-2017), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2017; Lê Đình Chỉnh (chủ biên): Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia (1930-2020), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2020.
DẪN NHẬP 37
Tại Thái Lan, một trí thức tốt nghiệp chuyên ngành luật từ Pháp có tên Pridi Banomyong đã lập ra Đảng Khana Ratsadon (Đảng Nhân dân). Đảng Nhân dân sau đó đã làm cuộc đảo chính vào năm 1932, chấm dứt nền quân chủ chuyên chế, mở ra thời kỳ quân chủ lập hiến ở Thái Lan. Thái Lan cũng đã vận động để gỡ bỏ những hiệp ước bất bình đẳng cuối cùng mà họ ký với phương Tây bảy thập niên trước.
Dòng sông Mê Công ở thế kỷ XX còn chứng kiến những biến động lớn lao của lịch sử khu vực cũng như của mỗi dân tộc. Sau thời gian dài diễn ra “cuộc thập tự chinh của quốc vương vì nền độc lập của dân tộc”, các nỗ lực của nhà vua Norodom Sihanouk cuối cùng cũng được ghi nhận bằng sự trao trả độc lập của người Pháp cho Campuchia vào năm 1953. Sự gắn kết của các phong trào giải phóng dân tộc trên lưu vực sông Mê Công là một đặc điểm lịch sử hiện đại của khu vực1. Mianma giành được độc lập năm 1948 và theo đuổi quan hệ thân thiện với ba nước Đông Dương. Trong khi đó, từ năm 1946, Thái Lan trở thành đồng minh quan trọng của Mỹ trong chiến lược toàn cầu ở Đông Nam Á. Chiến tranh lạnh làm cho vùng Mê Công rơi vào tình trạng xung đột thêm bốn thập niên nữa cho tới khi Việt Nam và Lào được giải phóng (1975), chế độ diệt chủng Pol Pot ở Campuchia bị lật đổ (1979) và quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Phnom Penh, mở đường cho một chính phủ liên hiệp dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (1993)2.
1. Christopher E. Goscha: Thailand and the Southeast Asian Networks of the Vietnamese Revolution, 1885-1954, Nordic Institute of Asian Studies Monograph Series, Richmond: Curzon Press, 1999; Christopher E. Goscha: “Vietnam or Indochina? Contesting Concepts of Space in Vietnamese Nationalism, 1887-1954”, NIAS Report, NIAS Books, Copenhagen, 1995; Christopher E. Goscha: Going Indochinese: Contesting Concepts of Space and Place in French Indochina, NIAS Press, Copenhagen, 2012.
2. Sebastian Strangio: Hun Sen’s Cambodia, Yale University Press, New Haven, 2014.
38 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Đó là lúc lịch sử vùng Mê Công sang trang mới
Năm 1988, Thủ tướng Thái Lan Chatichai Choonhavan gửi đi bức thông điệp biến Đông Dương “từ chiến trường thành thị trường”1. Song phải mất một thập niên để các nỗ lực này trở thành hiện thực. Cố gắng hội nhập khu vực của Việt Nam, Lào, Campuchia và Mianma cuối cùng cũng mang lại kết quả là bốn quốc gia này trở thành thành viên ASEAN. Tới năm 1999, Mê Công đã là một khu vực hòa bình, hợp tác và kết nối. Các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt là của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản, Mỹ… và gần đây là Trung Quốc đã trở thành động lực cho một vùng kinh tế năng động, phát triển tốc độ cao.
Điều này tạo cơ sở cho kết nối và hợp tác trong vùng Mê Công. Hàng chục cơ chế hợp tác khác nhau đã xuất hiện từ những năm 1990. Năm 1992, với sự hỗ trợ của ADB, 6 quốc gia gồm Trung Quốc (đặc biệt là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây), Lào, Campuchia, Mianma, Thái Lan và Việt Nam đã tham gia một chương trình hợp tác hướng tới tăng cường quan hệ kinh tế. Các lĩnh vực được ưu tiên là nông nghiệp, năng lượng, môi trường, phát triển y tế và nguồn nhân lực, công nghệ thông tin liên lạc, du lịch, giao thông,… Khuôn khổ hợp tác này được biết đến như là GMS (Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng) với dân số năm 2016 là khoảng 340 triệu người, GDP (tính theo ngang giá sức mua - PPP) là 3,1 tỷ USD2.
Ngày 05/4/1995, Bộ trưởng Ngoại giao bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã ký Thỏa thuận Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công (Thỏa thuận Mê Công năm 1995) ở Chiang Rai (Thái Lan). Một trong những kết quả quan trọng của thỏa thuận này là việc hình thành Ủy hội sông Mê Công
1. Surin Maisrikrod: “Thailand’s Policy Dilemmas Towards Indochina”, Contemporary Southeast Asia, 1992, No. 3, pp. 287-300.
2. Greater Mekong Subregion, https://greatermekong.org/about.
DẪN NHẬP 39
(Mekong River Commission - MRC). Đây là nỗ lực kịp thời để giải quyết các thách thức đang đặt ra với dòng sông này. Năm 1999, cơ chế Hợp tác Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) được xây dựng; tới năm 2003, Hợp tác Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam (CLMV) và Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) được triển khai. Các chương trình này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa các nước trong Tiểu vùng sông Mê Công, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, đặc biệt là giữa 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma với các nước khác trong ASEAN.
Với diện tích gần 2 triệu km2, nằm liền kề với Trung Quốc, Ấn Độ, lại tiếp giáp với Biển Đông ở phía đông và biển Adaman ở phía tây, Tiểu vùng sông Mê Công hiện tại có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế đặc biệt quan trọng. Với dân số khoảng 240 triệu người, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm số đông, Tiểu vùng sông Mê Công còn có ưu thế lớn về nguồn lực con người. Vì thế, đây cũng là một trung tâm sản xuất, dịch vụ và là một thị trường tiêu dùng lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khu vực này là địa bàn kết nối các nền kinh tế, các thị trường lớn đang phát triển mạnh mẽ của thế giới là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á hải đảo. Sức hấp dẫn từ vị trí chiến lược và tiềm năng của Tiểu vùng sông Mê Công gần đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Nhiều cơ chế hợp tác giữa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công với các đối tác bên ngoài cũng đã được đẩy mạnh như Hợp tác Mê Công - sông Hằng (MGC, 2000), Hợp tác Mê Công - Nhật Bản (2007), Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (do Mỹ đề xuất, 2009), Hợp tác Mê Công - Hàn Quốc (2011), Hợp tác Mê Công - Lan Thương (2015),…
Hiện nay, các chương trình hợp tác nội khối cũng như hợp tác với các nước lớn, các nền kinh tế phát triển đang được
40 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
tiếp tục triển khai tích cực. Đây là một nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển của tiểu vùng, góp phần thu hẹp sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước, thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng của các nước Tiểu vùng sông Mê Công trong tiến trình phát triển chung của ASEAN.
Mặt khác, khu vực này hiện cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới, không chỉ gây sức ép lên đời sống xã hội của cư dân khu vực nói chung mà còn đe dọa tới an ninh lương thực và sự sống còn của vùng đất Nam Bộ của nước ta. Việc xây dựng các con đập thủy điện, chia sẻ, quản lý nguồn nước, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cạnh tranh địa - chính trị giữa các cường quốc trong khu vực,… là những thách thức đòi hỏi các nước Tiểu vùng sông Mê Công, trong đó có Việt Nam, cần hiểu rõ về khung cảnh tự nhiên, dân cư, lịch sử, văn hóa và địa - chính trị khu vực để có chính sách phù hợp trong tương lai. Như chúng tôi sẽ phân tích trong các phần sau của cuốn sách, sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách kinh tế, chính trị nhiều tham vọng của Bắc Kinh đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực. Hệ quả là sự chia rẽ của các nước Mê Công đối với những nghị trình khu vực và quốc tế như ASEAN, việc giải quyết vấn đề Biển Đông, chia sẻ nguồn nước, tài nguyên, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh, quân sự,…
Thách thức tiếp theo là câu hỏi cho chính số phận của dòng Mê Công. Sự sống của dòng sông đang bị đe dọa1. Các nhà khoa học, nhà quan sát thậm chí đã gióng lên hồi chuông cảnh báo: có thể đây là những ngày cuối cùng của dòng Mê Công2.
Việt Nam sẽ ở đâu khi những câu hỏi này được trả lời?
1. Charnvit Kasetsiri: “Will the Mekong Survive Globalization?”, Kyoto Review of Southeast Asia, 2003, https://kyotoreview.org/issue-4/will-the mekong-survive-globalization; Milton E. Osborne: “The Mekong River Under Threat,” The Asia-Pacific Journal 8, 2010, No. 2, pp. 1-6.
2. Brian Eyler: Last Days of the Mighty Mekong, Zed Books, London, 2019.
DẪN NHẬP 41
Dòng sông và số phận của một dân tộc: Việt Nam
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Huỳnh Văn Nghệ
Dòng sông Mê Công gắn bó chặt chẽ với lịch sử chính trị, kinh tế và lãnh thổ Việt Nam. Từ những nền văn hóa, văn minh đầu tiên của lịch sử dân tộc: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo mà từ đó ra đời các nhà nước sơ kỳ Văn Lang, Âu Lạc, Lâm Ấp, Phù Nam cho tới lịch sử các vương triều Đại Việt, Đai Nam và nước Việt Nam hiện đại, những biến chuyển trên dải đất hình chữ S đều có liên hệ với dòng sông và các cộng đồng cư dân lưu vực Mê Công.
Trong hàng nghìn năm qua, lâm sản, thổ sản, khoáng sản,… ngà voi, sừng tê, cánh kiến, quế, hồi, đậu khấu, vàng, trầm hương,… là cơ sở duy trì, thúc đẩy nền thương mại của Việt Nam, đặc biệt là ngoại thương.1
Con sông chảy dọc theo hành lang phía tây, gắn liền với quá trình giao lưu văn hóa cùng các vấn đề về an ninh, quân sự, biên giới, lãnh thổ, tương tác tộc người trong lịch sử. Vùng núi Trường Sơn kiểm soát dải hành lang dài và hẹp của vùng Trung Bộ mà con đường thượng đạo đã được sử dụng trong suốt một thời kỳ dài. Từ các cuộc viễn chinh của người Khmer thời Bắc thuộc cho tới cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, từ quân Tây Sơn cho tới Nguyễn Phúc Ánh, từ phong trào Cần Vương cho tới tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại,… nhiều trang sử Việt Nam đã được viết bên dòng Mê Công.
1. Xem nghiên cứu của sử gia Andrew Hardy về thương mại trầm hương trong lịch sử miền Trung Việt Nam: “Eaglewood and the Economic History of Champa and Central Vietnam”, Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam), ed. Andrew Hardy Mauro Zolese and Patrizia Cucarzi, NUS Press, Singapore, 2009, pp. 107-126.
42 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Nhiều dự án chính trị, nhà nước đã dựa vào vùng Mê Công để xây dựng cơ sở. Công cuộc trung hưng của nhà Lê ở thế kỷ XVI có thể thành công là nhờ sự trợ giúp đắc lực của các cộng đồng cư dân phía tây Thanh Hóa, Nghệ An. Sức mạnh của phong trào Tây Sơn đến từ việc liên kết với các nhóm cư dân phía tây Trường Sơn và quản lý nguồn voi từ vùng Cam Lộ1. Trong hai thế kỷ XVII - XVIII, vùng hạ lưu Mê Công đã trở thành cơ sở cho sức mạnh kinh tế của chính quyền Đàng Trong2. Sau những biến động lớn của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Phúc Ánh là người đầu tiên sử dụng tiềm lực kinh tế, quân sự từ vùng Nam Bộ để thống nhất Việt Nam vào năm 18023.
Trong vòng hai thế kỷ, hạ lưu Mê Công đã trở thành vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam. Các dự án cơ sở hạ tầng của triều đình Huế, chính quyền thuộc địa Pháp, chính quyền Sài Gòn và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tạo ra khoảng 30.000 km sông tự nhiên, kênh đào,… biến vùng hạ lưu Mê Công Việt Nam thành một trong những khu vực tự nhiên có sự can thiệp nhiều nhất bởi bàn tay con người.
Vì thế, trong thời kỳ đổi mới, vùng đất này giúp tạo ra những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, trái cây,… Hiện tại, có khoảng gần 20 triệu người Việt Nam lệ thuộc vào dòng nước Mê Công để sản xuất hay có được nguồn lương thực, thực phẩm. Vai trò quan trọng đó của
1. Warring Societies of Pre-Colonial Southeast Asia: Local Cultures of Conflict Within a Regional Context, ed. Kathryn Wellen and Michael Charney, Nordic Institute of Asian Studies, Copenhagen, 2017, pp. 103-129.
2. Tana Li: Nguyen Cochinchina, Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries, Ithaca, NY: Cornell University Press, 1998. 3. Vũ Đức Liêm: “Các dự án nhà nước “thiết kế” vùng hạ lưu Mê Công”, Tia Sáng, 2018; Keith W. Taylor: “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region”, The Journal of Asian Studies, 1998, No. 4, pp. 949-978.
DẪN NHẬP 43
dòng sông đã thúc đẩy Việt Nam đóng một vai trò tích cực và chủ động trong các chương trình hợp tác tiểu vùng với việc đề xuất các ý tưởng, các chương trình phối hợp, tích cực tham gia và thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả nhằm xây dựng tiểu vùng thành một khu vực kinh tế năng động, cạnh tranh, phát triển hài hòa, bền vững.
Trong phần cuối của cuốn sách, chúng tôi sẽ làm rõ các thách thức đang đe dọa an ninh và đời sống cư dân tại khu vực Mê Công, trong đó có vùng Nam Bộ, từ đó rút ra một số bài học, chỉ ra các nguy cơ và đề xuất một số hàm ý chính sách cho Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế cũng như thúc đẩy phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.
Cấu trúc và cách tiếp cận
Tiểu vùng sông Mê Công ngày nay đang trở thành một khu vực phát triển sôi động. Để cung cấp cho đông đảo bạn đọc tri thức cơ bản về lịch sử vùng Mê Công, sự gắn kết và các mối quan hệ, hợp tác khu vực của Việt Nam, chúng tôi tổ chức biên soạn cuốn sách Việt Nam trong Tiểu vùng sông Mê Công: Cho một dòng sông phát triển bền vững. Nội dung cuốn sách phản ánh góc nhìn xuyên suốt từ quá khứ tới hiện tại của một vùng đất đang ngày càng gắn kết chặt chẽ và có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Cuốn sách vì thế được cấu trúc thành 4 phần. Phần thứ nhất trình bày Tổng quan về điều kiện tự nhiên và cư dân Tiểu vùng sông Mê Công, tập trung khái quát các yếu tố địa lý, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng tộc người trong khu vực. Phần thứ hai Lịch sử các nước Tiểu vùng sông Mê Công cung cấp bức tranh về tiến trình lịch sử của các quốc gia là Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Liên bang Mianma, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi
44 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
tin rằng, di sản lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hiểu về các mối quan hệ hiện tại và xu thế vận hành tương lai của vùng đất này. Chính vì thế, lịch sử vùng Mê Công phải được xem xét như là một tiền đề và cơ sở nền tảng quan trọng giúp hiểu biết về các cộng đồng xã hội và quốc gia - dân tộc ở đây. Cũng vì tính chất lịch sử đa dạng, phức tạp của khu vực Mê Công, ở đây chúng tôi sẽ trình bày lịch sử của từng quốc gia nhằm đưa lại những góc nhìn đa chiều, sống động về các số phận và gương mặt lịch sử của một khu vực trước khi hướng tới việc tiếp cận chung, tổng quát, có tính liên quốc gia ở phần thứ ba.
Phần thứ ba nghiên cứu các vấn đề nóng bỏng đang được quan tâm hiện nay ở Tiểu vùng sông Mê Công: Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công và các thách thức đặt ra ở thế kỷ XXI. Lưu vực sông Mê Công đang trở thành một điểm nóng của cạnh tranh chiến lược nước lớn và là một trong các khu vực chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, các vấn đề chủ đạo được bàn thảo sẽ là sự hình thành và các chương trình hợp tác trong Tiểu vùng sông Mê Công; cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn và cuối cùng là thách thức đặt ra đối với việc quản lý nguồn nước và chống biến đổi khí hậu vùng hạ lưu Mê Công
Trong phần thứ tư, chúng tôi trình bày những chính sách của Việt Nam trong nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững cho dòng Mê Công. Cuối cùng, trong phần kết luận, chúng tôi mong muốn phác thảo một số mẫu hình và đặc trưng của tương tác khu vực trong quá khứ cũng như khái quát lại vị trí của Việt Nam trong khung cảnh khu vực đó.
Các tác giả hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được phần nào yêu cầu của bạn đọc về lịch sử, chính trị, quan hệ hợp tác giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Công cũng như cung cấp các góc nhìn mới và nhận thức đúng đắn về lịch sử vùng Nam Bộ của Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và các triển vọng tương lai.
Phần thứ nhất
TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ CƯ DÂN TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG
46
47
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Yếu tố tự nhiên trung tâm kết nối toàn bộ khu vực có tên gọi Tiểu vùng sông Mê Công là một dòng sông xuyên qua các khu vực địa lý, tộc người, ngôn ngữ và nền văn hóa. Dòng sông dài thứ 7 châu Á kết nối 6 quốc gia Trung Quốc, Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.
Ở phía thượng nguồn thuộc vùng Thanh Hải và Tây Tạng, sông Mê Công chia sẻ nguồn nước với hai dòng sông lớn khác của thế giới là Dương Tử và Salween. Tại Vân Nam, có thời điểm sông Salween, Irrawaddy, Mê Công và dòng chính sông Dương Tử đều nằm trong một hành lang chỉ dài 120 km. Sông Mê Công sau đó chảy vào Lào, dọc theo đường biên Lào - Mianma và đi theo đường biên Thái - Lào trước khi vào Campuchia. Tại đây, dòng sông kết nối với Biển Hồ Tonle Sap, sau đó chảy qua lãnh thổ Việt Nam, ra Biển Đông với tên gọi Cửu Long.
Tại Trung Quốc, nguồn nước sông Mê Công đến từ tuyết tan trên dãy Hymalaya. Lượng nước từ các vùng tích nước ở Trung Quốc chiếm 16% dòng chảy, trong khi Mianma góp 2%, Lào: 35%, Thái Lan: 18%, Campuchia: 18% và Việt Nam: 11%1.
Vùng tích nước (km2)
Tỷ lệ (% so với toàn dòng chảy)
Khối lượng
(% so với toàn dòng chảy)
Trung Quốc 165.000 21 16
Mianma
24.000
3
2
1. Kiguchi Yuka: “Diversity and Natural Abundance in the Mekong Basin”, Accessed, August 2021, http://www.mekongwatch.org/platform/bp/ english1-1.pdf.
48 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Lào 202.000 25 35 Thái Lan 184.000 23 18 Campuchia 155.000 20 18
Việt Nam 65.000 8 11
Toàn vùng
795.000
100
100
Dòng chảy Mê Công phụ thuộc vào mùa mưa. Toàn bộ vùng Mê Công nằm trong khu vực “châu Á gió mùa”. Mùa mưa tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, gắn với gió mùa tây nam và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc.
Nhờ khí hậu nhiệt đới gió mùa và biển nên dù lưu vực Mê Công có cùng vĩ độ với Trung Đông và hoang mạc Sahara nhưng đã tránh được việc trở thành sa mạc. Những khu vực như Hà Nội hay Luang Prabang vì thế thoát khỏi khí hậu khô cằn để có một hệ động thực vật phong phú, tươi tốt quanh năm.
Dòng chảy của sông Mê Công phụ thuộc vào chu kỳ khí hậu này, vì thế mùa lũ cũng trùng với mùa mưa. Quan trắc lưu lượng nước ở trạm Pakse (Lào) trong gần năm thập niên qua cho thấy lưu lượng nước tập trung từ tháng 6 đến tháng 11. Hai tháng có lưu lượng lớn nhất là tháng 8 và 9, với hơn 26.000 m3/giây. Trong khi khoảng thời gian còn lại, lưu lượng dòng chảy đều ít hơn 5.000 m3/giây.
Tại vùng thượng lưu Mê Công, dòng sông chảy qua địa hình chủ yếu là đồi núi và cao nguyên. Vùng cư trú quan trọng nhất mà nó tạo ra trên đất Trung Quốc là Sipsong Panna (Mười hai bản làng), một khu vực cư trú lâu đời của người dân tộc Thái. Khi tới Huay Xai (Lào), con sông đã giảm được độ cao gần 3.000m và tiếp tục giảm 400m nữa cho tới khi ra biển. Tại đây, dòng Mê Công tạo ra nhiều thung lũng hẹp ven bờ, từ đó nhiều cộng đồng cư dân đã tụ cư, lập ra làng mạc, bản mường và các đô thị. Tại một trong những khúc uốn nổi tiếng nhất của dòng Mê Công tọa lạc thành phố Luang Prabang - kinh đô đầu tiên của nước Lào. Thành phố Vientiane tọa lạc cách đó hơn 300 km về phía hạ lưu.
Phần thứ nhất: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN... 49
Lưu lượng nước dòng Mê Công chảy qua trạm Pakse (Lào) 1960-2004
Đơn vị: m3/giây
Nguồn: Cramb, Rob, ed. White Gold: The Commercialisation of Rice Farming in the Lower Mekong Basin, Singapore: Palgrave Macmillan, 2020, p. 8.
Từ Vientiane, dòng sông tiếp tục hành trình khoảng 800 km tới thác Khone, trước khi vào Campuchia. Tại đây, sông Mê Công gặp địa hình lòng chảo của đất nước này và tạo ra hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á: Biển Hồ Tonle Sap. Vào mùa mưa, nước sông tràn vào lấp đầy hồ mang theo phù sa và một lượng thủy sản phong phú, ước tính khoảng 300.000 tấn/năm, chiếm phần lớn lượng thủy sản nước ngọt của Campuchia.
Xuôi về phía hạ lưu, trên vùng Nam Bộ Việt Nam là một vùng đồng bằng trũng thấp. Vào mùa mưa, dòng sông mang lại các đợt lũ cùng với đó là lượng thủy sản và nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Ước tính sản lượng thủy sản tự nhiên đánh bắt hằng năm của khu vực Mê Công khoảng 2,6 triệu tấn, có giá trị khoảng 2 tỷ USD. Tính cả ngành chế biến và các dịch vụ hỗ trợ thì quy mô của hoạt động đánh bắt cá này có thể đạt từ 5,6 đến 9,4 tỷ USD1.
1. “The Mekong”, The Economist, August, 2021, https://www. economist.com/ news/essays/21689225-can-one-world-s-great-waterways-survive-its-development.
50 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Với khí hậu và địa hình đa dạng, phong phú, Tiểu vùng sông Mê Công từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên, lâm thổ sản, khoáng sản. Sử sách nhà Lương (Trung Quốc) mô tả về sự giàu có của Phù Nam và các nước vùng sông Mê Công:
Nước Phù Nam ở phía nam quận Nhật Nam,
trong vịnh lớn phía tây cửa biển, cách Nhật Nam đến 7.000 lý, cách Lâm Ấp ở phía tây nam đến 3.000 lý. Thành cách biển 500 lý, có sông lớn rộng 10 lý từ tây bắc chảy sang đông, nhập vào biển. Nước rộng 3.000 lý,
đất trũng thấp nhưng bằng phẳng, rộng rãi… [Đất đai] Sản vàng, bạc, đồng, thiếc, trầm hương, mộc hương, ngà voi, chim công lông biếc, anh vũ năm sắc1.
Đối với Champa:
Nước đó có núi vàng (kim sơn), đá đều màu đỏ,
trong đó sinh ra vàng. Vàng ban đêm bay ra giống như đom đóm. Lại sản ra đồi mồi, vỏ bối, ngà voi, cát bối, gỗ trầm hương. Cát bối là tên cây, khi hoa nở giống như lông ngỗng, rút lấy sợi dệt thành vải, trắng muốt, chẳng khác gì vải đay, cũng nhuộm được năm sắc, dệt thành vải hoa. Gỗ trầm, thổ dân đẵn ra để cất hằng năm, mục nát nhưng lõi ruột vẫn còn, bỏ vào nước thì chìm nên gọi là trầm hương, thứ nữa là loại không chìm, không nổi, gọi là sạn hương2.
Các cơn mưa nhiệt đới ổn định đã cung cấp đủ lượng nước trong năm cho cuộc sống con người và phục vụ sản xuất, đồng thời tạo ra hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Nhiều loại thực vật độc đáo xuất hiện trên vùng Mê Công như hồ tiêu, sa nhân, đậu khấu, hồi, quế, đàn hương, trầm hương,... Từ buổi bình minh của lịch sử, các vật phẩm này đóng vai trò quan trọng đối với
1, 2. Lương Ninh: Vương Quốc Phù Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tr. 240, 364.
Phần thứ nhất: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN... 51
thương mại quốc tế, trong quan hệ triều cống với Trung Quốc, cũng như thu hút thương nhân nước ngoài tới khu vực1. Cùng với đó, cây lương thực chủ đạo là lúa nước trở thành cơ sở phát triển của phần lớn các nền văn hóa và nhà nước châu thổ, biến vùng Mê Công thành vựa lúa châu Á. Năm 2014, quốc gia là Mianma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sản xuất hơn 100 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 15% sản lượng gạo của toàn thế giới2. Đối với Việt Nam, vùng hạ lưu Mê Công có khoảng 4 triệu ha đất canh tác, chiếm khoảng 12% diện tích lãnh thổ nhưng cung cấp hơn 1/2 sản lượng lúa, nơi nông dân có thể canh tác 7 vụ trong vòng 2 năm. Nền nông nghiệp lúa nước và cư trú làng xóm tạo ra các cơ tầng văn hóa, mùa vụ, tổ chức dân cư và tín ngưỡng, lễ hội chung cho toàn khu vực3.
Mặc dù vậy, địa hình của vùng Mê Công không phải là nơi lý tưởng để tạo ra các đế chế hay không gian cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở quy mô lớn. Lý do chủ yếu đến từ sự cắt xẻ địa hình và tính chất đa dạng, chia tách của chúng. Các vùng đồng bằng lớn nhất như sông Hồng, Irrawady, Chao Phraya cũng phải tới thế kỷ XIV-XV mới thực sự được đẩy mạnh khai thác, trong khi vùng Nam Bộ Việt Nam phải tới thế kỷ XVI-XVII. Phần còn lại chủ yếu là thung lũng, đồng bằng hẹp, bị chia tách
1. The Suma Oriental of Tomé Pires and the Book of Francisco Rodrigues, The Hakluyt Society, London, 1944; Geoff Wade: “An Early Age of Commerce in Southeast Asia, 900-1300 CE”, Journal of Southeast Asian Studies, 2009, No. 4, pp. 221-265; Anthony Reid: Southeast Asia in the Age of Commerce, 1450-1680, Volume One: The Lands below the Winds, Yale University Press, New Haven, 1988; Vũ Đức Liêm: “Nhà Tống, Đông Nam Á và sự rạn nứt của khung cảnh triều cống”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 2019, tr. 16-29.
2. Requiem for a river: Can one of the world’s great waterways survive its development?, https://www.economist.com/news/essays/21689225-can-one world-s-great-waterways-survive-its-development.
3. Lương Ninh (chủ biên): Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Sđd, tr. 15.
52 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
bởi núi cao, sông và biển. Đó là lý do hầu như không xuất hiện các đế chế khu vực trong lịch sử vùng.
Một điểm đáng lưu ý cuối cùng là tất cả các yếu tố thuận lợi về tài nguyên nước, rừng, cảnh quan thiên nhiên,… cho việc bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đời sống con người nói trên đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong quá khứ, các vùng đất màu mỡ được tạo ra liên tục nhờ các cơn lũ bồi đắp hằng năm. Hơn một nửa lượng phù sa bồi đắp miền Trung Campuchia đến từ Trung Quốc. Hiện tại, tất cả các yếu tố đó đang bị thách thức bởi các con đập, cạn kiệt nguồn nước, suy giảm nguồn thủy sản, tình trạng đất đai ngập mặn,… Trong khi GMS (Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng) và MRC (Ủy hội sông Mê Công) là các thiết chế yếu, không có tính ràng buộc pháp lý với các quốc gia liên quan.
II. CƯ DÂN
Dọc theo dòng sông Mê Công là hơn 60 triệu cư dân sinh sống. Con số này bao gồm phần lớn cư dân Lào, Campuchia, 1/3 trong tổng số 65 triệu dân Thái Lan và 1/5 trong tổng số hơn 90 triệu dân Việt Nam. Trong khi dân số Trung Quốc cư trú khá phân tán dọc theo con sông, lớn nhất là Cảnh Hồng, trung tâm của vùng Sipsong Panna, với số dân khoảng 500.000 người1, thì các đô thị phía hạ nguồn có quy mô lớn hơn nhiều.
Bảng thống kê dưới đây cho thấy bức tranh đa dạng về kinh tế - xã hội và dân cư của các quốc gia khu vực Tiểu vùng sông Mê Công. Tuy nhiên, các con số về nhóm tộc người, ngôn ngữ này chưa thể phản ánh hết được sự phức tạp của cư dân trên vùng Đông Nam Á lục địa mà hệ quả của nó vẫn là thách thức lớn đối với cấu trúc chính trị tộc người tại nhiều quốc gia.
1. Brian Eyle: Last Days of the Mighty Mekong, Ibid.
Phần thứ nhất: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN... 53
Thống kê diện tích, dân số, tộc người và các chỉ số kinh tế ở khu vực Mê Công
Diện tích (km2)
Dân số năm 2020 (triệu người)
GDP năm 2020 (tỷ USD)
GDP bình quân đầu người năm 2020 (USD)
Số tộc người
Campuchia 181.040 16,71897 25,291 1.512,7 17 - 21 Lào 236.800 7,27556 19,136 2.630,2 491 Mianma 676.590 54,40979 76,185 1.400,2 135
Thái Lan 513.120 69,79998 509,2 7.189 70
Việt Nam
331.230
97,33858
271,158
2.785,7
54
Nguồn: World Bank; ADB; Pholsena Vatthana: Post-War Laos: The Politics of Culture, History and Identity, ISEAS Press, Singapore, 2006; Jean Michaud: Historical Dictionary of the Peoples of the Southeast Asian Massif, Lanham, Toronto, Oxford: The Scarecrow Press, Inc., 2006.
Với hàng trăm nhóm ngôn ngữ khác nhau đó, khu vực Mê Công được gọi là một “sprachbund” (vùng ngôn ngữ), gồm một tập hợp đa dạng của nhiều họ ngôn ngữ mà cách phân loại vẫn chưa thống nhất. Tạm thời các nhà nghiên cứu phân ra làm 5 dòng chính:
Dòng 1: Nam Á (Austroasiatic) hay còn gọi Mon - Khmer Dòng 2: Việt - Mường (có tác giả xếp chung vào dòng Nam Á) Dòng 3: Thái, hay ghép Tày - Thái, hay Thái - Kadai
1. Việc thống kê số tộc người ở Lào (và nhiều nước khác) là vấn đề phức tạp. Có những văn bản của Chính phủ Lào đưa ra các con số 200, 177, 150, 131, 820, 850 nhóm dân tộc. Sử gia Grant Evans cho biết, Lào có 820 nhóm dân tộc tự xưng. Tới năm 1985, Chính phủ Lào thống nhất con số 47 nhóm dân tộc. Cuộc điều tra dân số năm 2000 đổi con số này thành 49. Trong khi đó, cũng từ kết quả cuộc điều tra dân số này, Mặt trận Lào xây dựng đất nước đưa ra con số 55 nhóm dân tộc. Xem Pholsena Vatthana: Post-War Laos: The Politics of Culture, History and Identity, ISEAS Press, Singapore, 2006, pp. 161-162.
54 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Dòng 4: Nam Đảo (Austronesian) hay Mã Lai - Đa đảo (Malayo - Polynesian)
Dòng 5: Tạng - Miến
Có ngôn ngữ có số người nói rất đông nhưng lại gắn với một tộc người thuần nhất (như người Việt hay người Khmer), có ngôn ngữ (như họ Nam Đảo) lại gắn với nhiều tộc, ở nhiều quốc gia khác nhau như người Inđônêxia, Malaixia và một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam như Chăm, Raglai, Giarai, Churu, Êđê,… vốn di cư từ các hòn đảo thuộc Inđônêxia vào miền Trung và Tây Nguyên, Việt Nam1.
Những người nói ngôn ngữ Thái - Kadai phần lớn tập trung trên lãnh thổ Lào, Thái Lan, vùng người Shan (Mianma), Tây Bắc, Việt Nam, người Choang (Quảng Tây) và vùng Sipsong Panna (Vân Nam). Cấu trúc dân cư theo phân vùng địa lý này phản ánh rõ xu thế di cư của các nhóm cư dân này từ thế kỷ XIII và cách thức họ xác lập nhà nước mới lên các khoảng trống quyền lực của vùng Mê Công.
Bức tranh ngôn ngữ, tộc người này đặc biệt phức tạp tại các vùng cao, nơi tập trung chủ yếu các nhóm cư dân “thiểu số”. Theo tính toán thì số lượng các dân tộc thiểu số cư trú trên vùng cao của khu vực Mê Công vào khoảng 80 triệu người, bao gồm 49 nhóm ở Việt Nam, 46 nhóm ở Lào, 29 nhóm ở Trung Quốc, 11 nhóm ở Thái Lan, 21 nhóm ở Mianma và 14 nhóm ở Campuchia2.
Một trong các di sản lịch sử mà vùng Mê Công hiện tại đang phải giải quyết chính là hệ quả của các mối quan hệ tộc người phức tạp trong quá khứ. Đó là xung đột giữa các nhóm
1. Lương Ninh (chủ biên): Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Sđd, tr. 19-20; Leonard Y. Andaya: Leaves of the Same Tree:Trade and Ethnicity in the Straits of Melaka, University of Hawai’s Pres, Honolulu, 2008.
2. Michaud: Historical Dictionary of the Peoples of the Southeast Asian Massif, Scarecow Press, 2006.
Phần thứ nhất: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN... 55
cư dân, chiến tranh giữa các nhà nước, giữa cư dân vùng cao với vùng thấp, giữa nhà nước với cư dân vùng cao, giữa các nhóm tôn giáo và khuynh hướng chính trị gắn với các nhóm dân tộc khác nhau, giữa chủ nghĩa quốc gia - dân tộc của các nước. Người Thái coi người Miến là “kẻ thù không đội trời chung” vì luôn tìm cách xâm lược, cướp bóc, đốt phá các vương quốc của họ1. Trong khi đó, người Lào nhìn người Thái với ánh mắt tương tự2.
Mianma là một điển hình của xung đột chính trị tộc người. Đất nước này hiện vẫn chìm trong cuộc chiến của các nhóm quân sự từ các tộc thiểu số như Shan, Kachin, Arakan, Rakkine,… Ngay từ năm 1948, sau khi giành độc lập, Mianma đã phải giải quyết câu chuyện về xung đột sắc tộc và việc làm thế nào để xây dựng một bản sắc quốc gia thống nhất. Những người Miến đa số đã phạm sai lầm khi loại bỏ các nhóm sắc tộc khác khỏi sân khấu chính trị. Hệ quả là thúc đẩy họ quân sự hóa và đòi quyền tự trị cho đến tận ngày nay3. Trong khi đó, vẫn còn những cộng đồng khác như người Hồi giáo Rohingya cư trú tại
1. Chutintaranond Sunait and Tun Than: On Both Sides of the Tenasserim Range: History of Siamese Burmese Relations, Asian Studies Monographs, Institute of Asian Studies, Chulalongkorn University Press, Bangkok, 1995; Chutintaranond Sunait: “The Image of the Burmese Enemy in Thai Perceptions and Historical Writings”, Journal of the Siam Society, 1992, No. 1, pp. 89-103; Thongchai Winichakul: “Writing at the Interstices: Southeast Asian Historiansand Post-National Histories in Southeast Asia”, New Terrains in Southeast Asian History, ed. Ahmad. Abu Talib and Liok Ee. Tan, Ohio University Press, Athens, 2003, pp. 3-29.
2. Søren Ivarsson: Creating Laos the Making of a Lao Space between Indochina and Siam, 1860-1945, NIAS Press, 2008; David K. Wyatt: “Siam and Laos, 1767-1827”, Journal of Southeast Asian History, 1963, No. 2, pp. 13-32.
3. Identity Crisis: Ethnicity and Conflict in Myanmar, https://www.crisisgroup. org/asia/south-east-asia/myanmar/312-identity-crisis-ethnicity-and-conflict myanmar.
56 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
bang Rakhine hoàn toàn không được công nhận tư cách công dân và trở thành nạn nhân của bạo lực sắc tộc, tôn giáo. Sự xuất hiện của các cộng đồng di cư gần đây cũng làm cho cấu trúc và quan hệ tộc người trên vùng Mê Công trở nên đa dạng và phức tạp. Hai nhóm có ảnh hưởng lớn nhất chính là người Ấn và người Hoa. Mianma từ lâu đã có lịch sử quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ. Khi người Anh xâm lược Mianma, họ mở rộng hệ thống hành chính thực dân bằng cách đưa người Ấn sang Rangoon cai trị. Vì thế, khi người Miến giành được độc lập, những người Ấn vốn cư trú trên lãnh thổ Mianma nhiều thập niên đã bị dồn đuổi và trục xuất khỏi đất nước mà bây giờ trở thành “nhà” của họ.
Hoa kiều là một câu chuyện khác, họ có tầm mức ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực và hầu như có mặt ở tất cả các quốc gia vùng Mê Công với tỷ lệ và vai trò khác nhau.
Số lượng Hoa kiều ở các nước vùng Mê Công năm 2016 Đơn vị: triệu người
Nguồn: TS. Phạm Sỹ Thành: Sáng kiến vành đai - con đường (BRI): Lựa chọn nào của Đông Nam Á?, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2019, tr. 393.
Phần thứ nhất: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN... 57
Với hơn 7 triệu người, Thái Lan là nước có số lượng Hoa kiều lớn nhất trong vùng Mê Công. Lực lượng này còn đóng những vai trò kinh tế và chính trị to lớn trong lịch sử vương quốc. Từ lâu, thương nhân và quan chức người Hoa đã tham gia bộ máy hành chính và kinh tế của Xiêm. Chính họ là người kết nối và đóng vai trò lớn trong các sứ đoàn của người Thái tới triều đình Bắc Kinh. Vị vua thành lập vương triều Thonburi là Taksin, một người gốc Hoa, cũng như gia đình Thủ tướng Thaksin Shinawatra và hàng loạt chủ ngân hàng giàu có khác ở Bangkok. Chính lực lượng Hoa kiều đã góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa nước Xiêm1. Mặt khác, cộng đồng Hoa kiều cũng từng gây ra nhiều vấn đề trong lịch sử vùng như buôn lậu, bạo lực xã hội, lũng đoạn kinh tế…2.
Những di sản từ quá khứ là chưa xa và chắc chắn bài học mà chúng mang lại vẫn luôn hữu ích.
1. Xem Wongsurawat Wasana: The Crown and the Capitalists: The Ethnic Chinese and the Founding of the Thai Nation, University of Washington Press, Seattle, 2019.
2. Trần Khánh: Người Hoa trong xã hội Việt Nam: Thời Pháp thuộc và dưới chế độ Sài Gòn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002; Trần Khánh: Cộng đồng người Hoa, Hoa kiều ở châu Á, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018; Thomas Engelbert: ““Go West” in Cochinchina: Chinese and Vietnamese Illicit Activities in the Transbassac (c. 1860-1920s)”, Chinese Southern Diaspora Studies, 2007, pp. 56-82.
58
Phần thứ hai
LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG
60
61
Những điều diễn ra dưới bóng mặt trời
là không có gì mới
Ecclesiastes (Kinh sách Do Thái)
Trong phần mở đầu, chúng tôi đã giới thiệu tóm lược vài nét khái quát về tiến trình lịch sử vùng Mê Công với tư cách là một khu vực và sự gắn kết của lịch sử Việt Nam trong quá trình đó. Để cung cấp cho độc giả một bức tranh đa dạng và sống động hơn về quá khứ phức tạp của các tộc người, xã hội và quốc gia trong khu vực, phần này sẽ lần lượt giới thiệu về tiến trình lịch sử của các quốc gia. Không ở đâu mà các truyền thống quá khứ vẫn còn ảnh hưởng cực kỳ sâu đậm lên tương quan hiện tại của các giao kết khu vực như trên vùng Mê Công. Chính vì thế, lịch sử chính là phông nền, là xuất phát điểm cho hiểu biết về hợp tác khu vực thời hiện đại. Chỉ khi nhận thức đúng, đủ về quá khứ và tôn trọng di sản của người đi trước, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa lớn lao của nền hòa bình, hợp tác và hữu nghị mà khu vực đang xây dựng ngày hôm nay.
Điều gì khiến Mê Công trở nên vĩ đại? Sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại. Bên cạnh đó, địa lý, sản vật tự nhiên cùng lịch sử và văn hóa địa phương hai bên bờ sông đã khiến Mê Công trở thành “Người kể sử”.
I. LỊCH SỬ CAMPUCHIA
1. Thời kỳ dựng nước đầu tiên (từ thời tiền sử đến thế kỷ VIII)
Các phát hiện khảo cổ học ở tỉnh Stung Treng, phía đông
62 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Campuchia vào những năm 1960 đã tìm thấy những di chỉ của thời kỳ đồ đá, cho thấy khả năng xuất hiện của con người ven hai bờ sông Mê Công. Tuy nhiên, các phát hiện khảo cổ trước đó của người Pháp đã cho thấy, sự phổ biến các công cụ lao động của người tối cổ tại Campuchia từ thời kỳ đồng thau. Thông qua số lượng các khai quật ít ỏi, có thể thấy, cư dân bản địa chính là chủ nhân lâu đời của các nền văn hóa phát triển liên tục từ thời kỳ đồ đá cũ đến kim khí. Cư dân này là người Môn cổ, thuộc nhóm ngữ hệ Môn - Khmer.
Vào đầu Công nguyên, cư dân Campuchia cổ bước vào thời kỳ văn minh - giai đoạn hình thành nhà nước độc lập. Vào buổi bình minh của lịch sử, trong khu vực mà sau này trở thành cái nôi của nhà nước Chân Lạp, những người Khmer đã có mặt ở khu vực nơi sông Mun hòa vào sông Mê Công. Người Khmer đã chiếm vùng đất Basac (Champasak) của người Chăm và tại đây, họ đã tiếp nhận những ảnh hưởng của tôn giáo, văn hóa,… của Ấn Độ. Theo các tài liệu ghi chép của Trung Quốc và tư liệu khảo cổ, quốc gia Chân Lạp hình thành tại vùng Hạ Lào và phần đất đai phía đông bắc Campuchia ngày nay. Ban đầu, Chân Lạp bị Phù Nam chinh phục và phụ thuộc vào Phù Nam từ thế kỷ III, nhưng sau đó mạnh dần lên, thoát khỏi sự thống trị, thậm chí buộc Phù Nam phải thần phục lại, từ thế kỷ VI. Đến thế kỷ VII, Phù Nam bị Chân Lạp đô hộ, chính thức kết thúc sự tồn tại của vương quốc trên lưu vực sông Cửu Long. Việc chinh phục Phù Nam đã giúp Chân Lạp hùng mạnh hơn dưới thời trị vì của vua Bhavavarman I (khoảng từ năm 580 đến 597). Lãnh thổ Chân Lạp thời kỳ này được mở rộng về phía thung lũng sông Mê Công, tấn công cả Phù Nam và Champa. Nối ngôi vua là em trai ông - Sitrasena, lấy hiệu là Mohendravarman, có công tiếp mục mở rộng lãnh thổ về phía tây và phía nam. Đến đầu thế kỷ VII, dưới sự trị vì của vua Isanavarman I
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 63
(từ năm 616 đến 637), lãnh thổ của Chân Lạp mở rộng về phía tây nam, bao gồm một phần của Thái Lan hiện nay, vùng tây bắc của Campuchia hiện nay và vùng giáp với đồng bằng sông Mê Nam - tiếp giáp với nhà nước của người Môn cổ Dvaravati. Vua Isanavarman tôn sùng đạo Bàlamôn mang hình thức thờ Harihara, tức là thần Vishnu và thần Siva được thể hiện chung trong một thân thể. Không chỉ là một ông vua có tài chinh chiến và óc tổ chức, Isanavarman còn cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc. Kinh đô ở Isanapura, thuộc tỉnh Kampong Thom hiện nay, được xem là quần thể kiến trúc lớn nhất của Campuchia thời kỳ tiền Angkor. Thời kỳ này, Chân Lạp có quan hệ hữu hảo với Champa và thực hiện triều cống đối với Trung Quốc. Vào khoảng năm 637, Isanavarman thôi trị vì, thay thế bằng một ông vua ngoại tộc, lấy vương hiệu là là Bhavavarman II, trị vì trong thời gan ngắn ngủi1.
Sau cái chết của vua Jayavarman I vào năm 680, Chân Lạp rơi vào khủng hoảng vương triều, cùng với sự lớn mạnh của các quốc gia khác trong khu vực đã khiến Chân Lạp bị suy yếu và phân liệt thành Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp. Theo ghi chép của sử sách nhà Đường, nửa phía bắc có nhiều rừng núi và thung lũng, được gọi là Lục Chân Lạp, còn nửa phía nam có nhiều hồ và có biển bao bọc, được gọi là Thủy Chân Lạp. Theo đoán định, Lục Chân Lạp là đất cũ ở Sê Mun, từ phía nam của thác Khone đến hạ lưu sông Mê Công, lấy thủ đô là Sambhupura ở Sambor, được sử Trung Quốc gọi là Văn Đan. Trong giai đoạn tồn tại của Thủy Chân Lạp (từ năm 713 đến 774), lãnh thổ của tiểu quốc này được xác định chủ yếu là đất Phù Nam mới chiếm được. Số phận của Thủy Chân Lạp trải qua nhiều thăng trầm, phức tạp, sau đó bị chia cắt thành các công quốc
1. Ngô Văn Doanh: “Chân Lạp thời kỳ đầu (550 - 790)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 2009, số 6, tr.7-8.
64 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
độc lập và nửa độc lập. Kinh đô chính đặt ở Baladityapura, cách Angkor khoảng 20 km về phía đông nam. Vào cuối thế kỷ VIII, Thủy Chân Lạp bị phân chia thành 5 công quốc thù địch nhau, tạo điều kiện cho thế lực bên ngoài tấn công. Vào giữa thế kỷ VII, một vương triều được hình thành, gọi là vương triều Núi, đã lập nên nước Kalinga (ở Java, Inđônêxia). Vào cuối thế kỷ VIII, vương quốc Kalinga đã hai lần tấn công Chân Lạp. Đặc biệt, vào năm 787, người Java đã tấn công thủ đô Sambhupura, cướp bóc và giết chết vua Mahipati. Đây là sự kiện chấm dứt thời kỳ thứ nhất trong lịch sử dựng nước của Campuchia. Mãi đến đầu thế kỷ IX, Campuchia mới bước vào thời kỳ khôi phục và củng cố dưới sự trị vị của vương triều Jayavarman II (từ năm 802 đến 944).
Tuy nhiên, đây không phải là sự suy sụp của vương quốc. Trên thực tế, trong vòng mấy thế kỷ, người Khmer đã thực hiện cuộc tiến công mở rộng lãnh thổ ra phía nam, tiến đến biển, chinh phục một đất nước vốn hùng mạnh thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, họ dừng bước tiến và co lại trên các thềm cao để sinh sống theo thói quen của cư dân bản địa từ lâu đời1.
2. Thời kỳ Angkor
2.1. Từ năm 802 đến 944
Khoảng năm 800, nhân lúc triều đình Java rối loạn, Jayarvarman II đã chạy khỏi Java, trở về nước và lên ngôi vào năm 802, bắt đầu vương triều thứ hai trong lịch sử Campuchia (từ năm 802 đến 944). Jayarvarman II tiến hành chinh phục các thế lực địa phương, định đô ở Indrapura, sau đó chuyển lên phía bắc của Biển Hồ, rồi chuyển đến Hariharalaya (cách Siem Riep ngày nay khoảng 15 km về phía đông). Lần thứ tư,
1. Lương Ninh (chủ biên): Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Sđd, tr.79.
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 65
Jayarvarman II chuyển kinh đô đến Amarendrapura, trước khi định đô tại Mahedraparvata, trên núi Phnom Kulen, cách Angkor khoảng 5 km về phía bắc. Nơi đây được xem là tiền thân của kinh đô Angkor sau này, đồng thời là nơi cung cấp đá để xây dựng các công trình kiến trúc của Angkor.
Jayarvarman II được đánh giá cao trong lịch sử Campuchia: là người có công sáng lập vương triều, lật đổ ách thống trị của vương triều ngoại bang và xác lập tiền đề quan trọng cho sự ra đời của vương triều Angkor giai đoạn sau. Trong thời kỳ Jayarvarman II, tín ngưỡng Vua - Thần (Devaraja) được tôn thờ, trong đó hình tượng linga, tượng trưng cho vương quyền và thần quyền. Nhà vua đón một vị pháp sư Bàlamôn, có lẽ là người Ấn Độ, sang để thực hiện nghi lễ Thần - Vua dựa theo kinh Vinashikha.
Jayarvarman II được phong tặng danh hiệu Paramesvara (Chúa tể) vào năm 854, khi ông qua đời. Từ Jayarvarman II đến Harshavarman II (từ năm 802 đến 944), Campuchia trải qua 8 đời vua. Đây là thời kỳ hoàn thành việc khôi phục chủ quyền và thống nhất lãnh thổ phía nam, bước đầu thực hiện việc củng cố các cộng đồng tộc người, xác định vị trí của kinh đô một cách hợp lý và đã có những sáng tạo lớn về văn hóa. Trong thời kỳ Indravarman (từ năm 877 đến 889), nhà vua đã củng cố phạm vi lãnh thổ xung quanh Biển Hồ và mở rộng về phía đông nam, tới Châu Đốc của Việt Nam và phía bắc, tới Ubon của Thái Lan. Người kế vị của Indravarman là vua Yasovarman I (trị vì từ năm 889 đến 900) đã quyết định tìm kinh đô mới, được đặt tên là Yasodharapura, trên vùng Phnom Bakheng, chính là địa điểm lập kinh đô Angkor sau này. Yasovarman I cho rằng, đây là điểm có khả năng quy tụ dân cư, đủ nước cung cấp cho nhiều người trong một thời gian dài. Ông cho đào một hồ chứa nước khổng lồ có tên là Yasodharatataka, dài 7 km, rộng 1,8 km.
66 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Yasovarman I là người đặt viên gạch đầu tiên cho việc xây dựng Angkor.
Cái chết của vua Harshavarman II sau hơn hai năm trị vì (từ năm 941 đến 944) đã kết thúc giai đoạn cầm quyền của vương triều Jayarvarman II. Công lao lớn nhất của vương triều là khôi phục lại chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của dòng họ ở miền Nam Campuchia, bước đầu thực hiện việc quần tụ dân cư, xác định vị trí trung tâm của đất nước, có những sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa và đời sống. Vương triều Jayarvarman II đã đặt nền móng cho sự phát triển cao hơn của vương quốc Campuchia.
2.2. Từ năm 944 đến 1181
Từ năm 944, Campuchia bước vào giai đoạn phát triển, với 14 đời vua, bắt đầu từ vua Rajendravarman II (từ năm 944 đến 968). Rajendravarman II là ông vua mở ra thời kỳ thống nhất giữa hai dòng tộc Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp. Do đó, Rajendravarman II thực chất là sự tiếp nối của vương triều Jayavarman II, nhưng là sự mở đầu của giai đoạn mới, trong đó nhà vua đại diện cho cả hai hệ tộc Bắc - Nam. Tên nước được xác định là Kambuja và vua là Kambujaraja. Rajendravarman II đã thực hiện những hành động có ý nghĩa biểu tượng, khẳng định vương quyền của mình: quay trở lại Angkor, khôi phục kinh đô thần thánh Yasodharapura, tiến đánh Champa vào năm 945-946, chiếm tượng vàng trong đền thờ Po Nagar. Lãnh thổ của Angkor trong thời kỳ này trải dài đến phía nam của Việt Nam, Lào và phần lớn Thái Lan.
Người kế vị Rajendravarman II là Jayavarman V, khi đó mới 10 tuổi, trị vì từ năm 968 đến 1001. Sau khi Jayavarman V qua đời, Angkor bước vào thời kỳ xung đột chính trị phức tạp dưới sự trị vì của hai vị vua ở miền Nam: Udayadityavarman I
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 67
(từ năm 1001 đến 1002) và vua Jayavirahvarman (từ năm 1002 đến 1011). Tuy nhiên, xuất hiện một triều đình khác ở miền Bắc do hoàng thân Suryavarman I lập nên, ở gần Kompong Thom, ngay từ năm 1001. Khi Udayadityavarman I chết, Suryavarman I đã tự coi mình là vua, nên có tài liệu ghi chép năm trị vì của ông là từ năm 1002. Năm 1011, sau cái chết của Jayavirahvarman, Suryavarman I đã chinh phục các đối phủ khác và trở về Angkor, làm vua cả hai miền. Suryavarman I trị vì trong thời gian dài, từ năm 1011 đến 1050, được coi là người khởi đầu cho sự phát triển, hưng thịnh của đế quốc Angkor. Ông đã mở rộng Campuchia đến Lopburi của Thái Lan ngày nay; về phía nam đến eo đất Kra, tức là bao gồm lưu vực sông Chao Phraya (Thái Lan) và sông Mê Công ở phía đông. Đồng thời, ông cũng xây dựng hồ chứa nước thứ hai, dài 8 km, rộng 2,1 km, với sức chứa 123 triệu lít nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đồng thời là nơi cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt của nhân dân. Ông cũng là người bắt đầu xây dựng các công trình kiến trúc lớn như đền Preah Khan Kampong Svay, mở rộng các công trình Banteay Srei, Wat Ek Phnom và Phnom Chisor. Trong thời kỳ trị vì của Suryavarman I, ông đã kiểm soát 47 thành phố trong toàn vương quốc.
Sau khi Suryavarman I qua đời, hai con trai thay nhau trị vì là Udayadityavarman II (từ năm 1050 đến 1066) và Harshavarman III (từ năm 1066 đến 1080). Người nối ngôi của Harshavarman III là Jayavarman VI, trị vì từ năm 1080 đến 1107. Đây được coi là thời kỳ phân tán quyền lực nhân lúc Harshavarman III suy yếu.
Suryavarman II là người đã chấm dứt sự phân tán này và tái thiết lập sự thống nhất của vương triều Angkor. Trong thời kỳ cầm quyền của Suryavarman II, từ năm 1113 đến 1150, Angkor bước vào thời kỳ thịnh đạt và tiến hành các cuộc chiến tranh
68 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
mở rộng lãnh thổ. Angkor thời kỳ này đã bành trướng và xâm lược hầu hết các tiểu quốc ở Đông Nam Á lục địa, như vương quốc Hariphunchai (miền trung Thái Lan), vương quốc Grahi (Thái Lan hiện nay) và Champa. Chính vì vậy, lãnh thổ của Angkor mở rộng tới Luang Prabang (Lào) ở phía bắc, tới gần Pagan (Mianma) ở phía tây và bán đảo Malay ở phía nam. Suryavarman II nhiều lần đưa quân tấn công Đại Việt. Năm 1128, nhân khi vua Lý Nhân Tông băng hà, Suryavarman II đã cử 2 vạn quân sang xâm lược Đại Việt nhưng thất bại. Bốn năm sau, vào năm 1132, Suryavarman II hội quân cùng với Champa đến tấn công Đại Việt từ phía nam. Đến năm 1150, ông thân chinh dẫn quân đi đánh Đại Việt nhưng đã bị thất bại trước cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Thái phó Tô Hiến Thành. Tổng cộng trong thời gian trị vì của Suryavarman II, Angkor đã 5 lần đem quân đánh Đại Việt (vào các năm 1128, 1129, 1132, 1138, 1150).
Trong thời kỳ trị vì của mình, Suryavarman II là người cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc đồ sộ còn tồn tại đến ngày nay, trong đó tiêu biểu nhất là ngôi đền Angkor Wat, thờ thần Vishnu. Khác với các triều vua trước sùng bái thần Shiva, Suryavarman II tôn thờ thần Vishnu, do đó ông tự ví mình với thần Vishnu trong thần thoại. Công trình Angkor Wat có năm ngọn tháp lớn, sau này trở thành biểu tượng của vương quốc Campuchia.
Sau năm 1165, một vụ phiến loạn chính trị diễn ra, khiến cho Angkor suy yếu. Nhân cơ hội này, vua Jaya Indravarman IV của Champa đã tấn công và giết hại vua Angkor, cai trị đất nước này từ năm 1177 đến 1181, chấm dứt thời kỳ thứ hai của vương triều Angkor.
2.3. Từ năm 1181 đến 1336
Người mở đầu cho thời kỳ này là vua Jayavarman VII, bắt đầu thời kỳ cực thịnh của Angkor, từ năm 1181 đến 1201. Ông vua
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 69
này đã đánh bại người Chăm và giành lại độc lập cho vương quốc Angkor sau 16 năm bị trị vì bởi vương quốc Champa. Ông cũng là người chấm dứt sự phân biệt của hai hệ tộc Bắc và Nam, vốn chi phối việc truyền ngôi của các vua Angkor. Jayavarman VII là người có nhiều đóng góp đối với lịch sử của Campuchia thời kỳ Angkor. Ông đã củng cố lãnh thổ của Angkor ở vùng trung và hạ lưu sông Chao Phraya, một phần bán đảo Malay (phía nam), cao nguyên Khorat, trung và một phần trung lưu sông Mê Công cho đến tận Luang Prabang (ở phía bắc). Phía đông, Jayavarman VII đã tấn công Champa từ năm 1190, chiếm đóng đất nước này, cử một hoàng thân người Chăm thân Khmer tới cai trị và biến Champa trở thành một tỉnh của đế quốc Khmer (1190-1192). Vương quốc của Jayavarman VII có tổng cộng 23 tỉnh.
Jayavarman VII là người đã cho xây dựng nhiều công trình lớn trong nước: mở rộng hệ thống đường giao thông trên toàn vương quốc và dọc theo những con đường đó, ông đã cho xây dựng 121 trạm nghỉ chân (Dharmasala), mỗi trạm cách nhau 15 km. Dấu tích của tuyến đường nối Angkor với Pimai ở Thái Lan và từ Sambor tới Vi Jaya của Champa (kinh đô Phật Thệ, nay ở Bình Định, Việt Nam) vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Bên cạnh đó, ông cũng cho xây 102 bệnh xá trên toàn lãnh thổ. Jayavarman VII còn cho xây dựng kinh đô mới, đặt tên là Angkor Thom (tức “Thành phố vĩ đại”). Giai đoạn trị vì của Jayavarman VII là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử trung đại Campuchia, dựa trên nền tảng của văn minh nông nghiệp gắn với sự màu mỡ của đất đai được dòng Mê Công bồi đắp.
Kế vị Jayavarman VII là con trai ông, vua Indravarman II, trị vì từ năm 1201 đến 1243. Trong thời kỳ đầu, Indravarman II đã từng 3 lần tấn công Đại Việt vào các năm 1207, 1216 và 1218. Đây là giai đoạn bắt đầu thoái trào của vương quốc Angkor, đặc biệt là sự kiện năm 1220, quân đội Angkor rút khỏi Champa.
70 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Thực tế, sau Jayavarman VII, Angkor không có một vị vua vĩ đại nào nữa. Hầu hết công trình của vị vua này đều tàn lụi không lâu sau khi ông qua đời. Theo sử gia D. G. E Hall, “việc rút quân khỏi Champa là bước đầu tiên dẫn đến sự tan rã của đế chế Khmer”1.
Các vua cuối cùng của giai đoạn này là Jayavarman VIII (1243-1295), Indravarman III (con rể của Jayavarman VIII, lật đổ cha vợ, trị vì từ năm 1295 đến 1307), Indrajayavarman (1307-1327) và cuối cùng là Jayavarmandiparamesvara (1327- 1336). Năm 1283, vào thời kỳ trị vì của vua Jayavarman VIII quân Mông Cổ do Kublai Khan chỉ huy đã tấn công, buộc Angkor phải nộp cống để bảo vệ hòa bình của mình. Bên cạnh đó, Angkor phải đối đầu với cuộc tấn công của vương quốc Sukhothai. Jayavarman VIII không còn kiểm soát được các vùng lãnh thổ phía tây của vương quốc, thất bại trong việc kiềm chế người Thái, dẫn đến việc họ giành được quyền kiểm soát hầu hết các vùng thuộc Thái Lan ngày nay.
2.4. Giai đoạn 1336 đến 1432
Từ thời kỳ này, Angkor có nhiều chuyển biến, suy thoái cả về chính trị, văn hóa và xã hội. Sự suy yếu của vương quốc bắt đầu vào năm 1336, được gọi là một “cuộc cách mạng vương triều”. Theo truyền thuyết, ông vua cuối cùng của vương triều Angkor III là Jayavarmandiparamesvara. Tuy nhiên, năm 1336 cũng đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình văn hóa Campuchia. Việc sử dụng chữ Phạn đã nhường chỗ cho tiếng Pali và Khmer; bi ký nhường chỗ cho kinh Phật và các bản niên giám hoàng gia viết trên lá cọ. Đạo Phật Tiểu thừa đã thịnh hành và các vua từ đây từ bỏ truyền thống gọi vương hiệu theo kiểu Ấn Độ.
1. D.G.E. Hall: Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 199, 200.
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 71
Tước Varman (tước truyền thống của đẳng cấp Kshatiya Ấn Độ) không được dùng nữa. Tên gọi được Khmer hóa, chẳng hạn tên vua luôn luôn gắn liền với từ Preah, có nghĩa là “Thiêng liêng”1. Về mặt văn hóa, sự suy thoái của vương triều Angkor còn thể hiện qua việc xâm nhập của Phật giáo Tiểu thừa, thay thế cho các nền tảng văn hóa cũ dựa trên Hinđu giáo và tín ngưỡng Vua - Thần. Nhân dân Angkor được giáo hóa đi theo đạo Phật Tiểu thừa dòng Mahavihara của người Sinhali (Xri Lanca). Các nhà sư người Môn đã đưa tư tưởng mới đến Mianma vào cuối thế kỷ XII. Sau đó, lan sang các tộc người Môn ở lưu vực Chao Phraya, nơi mà đạo Phật Tiểu thừa đã có hàng thế kỷ. Vào giữa thế kỷ XIII, tôn giáo này lan lên phía bắc, nơi có người Thái sinh sống và sang phía đông, nơi có người Khmer2.
Từ năm 1347 đến 1353, Angkor nằm dưới sự trị vì của vua Lampong Reachea. Đây là thời điểm Angkor mất độc lập do cuộc tấn công của người Thái. Năm 1350, trên cơ sở tiền thân là vương quốc Lavo, cùng với việc sáp nhập vương quốc Sukhothai3, Ramathibodi I chính thức thành lập đế chế Ayutthaya của người Thái, đặt kinh đô ở vùng trung lưu Chao Phraya, gần biên giới với Angkor. Vương quốc hùng mạnh này đã sớm thể hiện sức mạnh bằng cách giành quyền kiểm soát các thể chế người Thái, mở rộng tới bán đảo Malay và Tenasserim, Tavoy (nay thuộc Mianma); tranh chấp quyền minh chủ với Sukhothai. Ayutthaya đã tiến đánh Angkor và bao vây vương quốc này trong vòng một năm. Vua Campuchia là Lampong ốm chết, hoàng thân Soryotey lên thay. Sau một năm chống cự, Angkor thất thủ, vua Soryotey bị giết chết, phần lớn dân cư trong kinh
1. Phan Ngọc Liên (chủ biên) - Nghiêm Đình Vỳ - Đinh Ngọc Bảo - Trần Thị Vinh: Lược sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.41-42. 2, 3. D.G.E. Hall : Lịch sử Đông Nam Á, Sđd, tr. 201, 282.
72 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
đô bị bắt về Ayutthaya làm nô lệ; nhiều bạc vàng, châu báu và tượng thần bị cướp1.
Từ năm 1352 đến 1357, Angkor bị người Thái cai trị. Vua Thái Ramathibodi I cho ba hoàng tử của mình thay nhau trị vì Angkor. Năm 1357, hoàng thân Soryovong I, em trai của vua Lampong sau thời gian ẩn náu ở Lào đã quay về chiếm ngai vàng và trị vì trong vòng 10 năm (1357-1366). Người kế vị của Soryovong là con của Lampong - Barom Reameathibtri và sau đó là Thommo Soccoroch (trị vì đến năm 1394). Thời kỳ này, Angkor tăng cường quan hệ với triều Minh, thông qua hai lần cử các sứ giả đến Trung Quốc vào năm 1377 và 1383. Năm 1388, con trai của vua Thái Ramathibodi I là Ramesuan chính thức trở thành vua của Ayutthaya, tiếp tục chính sách bành trướng của vua cha và lên kế hoạch tấn công Angkor. Mặc dù có sự chuẩn bị nhưng cuộc phòng ngự của Angkor vẫn thất bại vào năm 1394. Vua Thommo Socoroch bị giết chết và 70.000 tù nhân của Campuchia bị quân Xiêm bắt làm nô lệ. Angkor nằm dưới sự trị vì của con trai vua Ramesuan đến năm 1401. Tuy nhiên, hoàng thân Soryovong, con trai của Soryovong I, trốn thoát khỏi kinh đô Angkor và tiến hành xây dựng lực lượng kháng chiến ở cao nguyên Basan, thuộc Srey Santhor, bờ nam của sông Mê Công. Ông tuyên bố là vua chính danh của Angkor, chiếm lại được kinh đô vào năm 1401 và cai trị đất nước đến năm 1405. Người kế vị của ông là vua Barom Soccarach trị vì đến năm 1421 và bị giết trong cuộc tấn công thủ đô Angkor của người Thái vào năm này2. Một thập niên sau, người Thái đã quay trở lại. Lần này, người Khmer không còn lựa chọn nào khác là rời bỏ kinh đô tới Srey Santhor - căn cứ thuộc cao nguyên Basan
1. Lương Ninh (chủ biên): Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Sđd, tr. 189, 190-191.
2. GS. Lương Ninh, GS. NGND Vũ Dương Ninh: Tri thức Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 610-612.
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 73
trước đây, trên bờ sông Mê Công. Tuy nhiên, kinh đô mới không duy trì được lâu vì thường xuyên bị ngập lụt. Năm 1434, vua Ponhea Yat, con trai của Soryovong II đã quyết định rời đô đến đến Chaktomuk (thành Bốn Mặt), một phần của Phnom Penh ngày nay1.
Đó là dấu mốc kết thúc sự tồn tại của vương triều Angkor. Lịch sử Campuchia bước vào giai đoạn mới: thời kỳ hậu Angkor. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụp đổ của vương triều Angkor, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nội lực bên trong: vương triều tiêu tốn nguồn lực cho những cuộc chiến tranh liên miên với các nước láng giềng, việc xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ, ảnh hưởng đến vật lực trong nước và đặc biệt là nền nông nghiệp cần nhiều nhân công lao động. Bên cạnh đó, yếu tố nước cũng chi phối đến sự tồn vong của vương triều, khi các vua sau Jayavarman VII không chú trọng đến việc duy trì nguồn nước, khiến các đồng ruộng trở nên bạc màu, khô cằn. Nguyên nhân bên ngoài xuất phát từ các cuộc tấn công liên tiếp của người Thái, trong các thế kỷ XIV, XV, tàn phá kinh đô, cướp bóc của cải và bắt giam nhân dân, binh lính. Sự thất thủ của thành Angkor vào năm 1431 đã tác động rất lớn đến lịch sử Campuchia. Gần đây, các nhà khoa học còn đề cập thêm yếu tố thời tiết và biến đổi khí hậu, cụ thể là các trận hạn hán kéo dài cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV2.
Sự sụp đổ của Angkor kết thúc giai đoạn rực rỡ của đế chế Khmer và mở ra thời kỳ “đen tối” của lịch sử Campuchia trong
1. Lương Ninh (chủ biên): Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Sđd, tr.190-191.
2. Brendan M. Buckley et al.: “Monsoon Extremes and Society over the Past Millennium on Mainland Southeast Asia”, Quaternary Science Reviews, July 2014, pp. 1-19; Victor Lieberman and Brendan Buckley: “The Impact of Climate on Southeast Asia, circa 950-1820: New Findings”, Modern Asian Studies, September 2012, No. 5, pp. 1.049-1.096.
74 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
hơn 4 thế kỷ khi đất nước bị lâm vào nội chiến và cuối cùng trở thành xứ bảo hộ của Pháp vào năm 1863.
3. Thời kỳ hậu Angkor (1431-1863)
Đây được coi là thời kỳ khủng hoảng, suy vong của vương quốc Campuchia.
Vua Ponhea Yat trị vì được hơn 30 năm thì qua đời, Campuchia thời kỳ này tạm thời hòa bình, ổn định trở lại. Tuy nhiên, sau khi vua Ponhea Yat chết, triều đình Campuchia rơi vào tình trạng hỗn loạn với cuộc tranh giành quyền lực giữa cháu trai (Noreay Reamea) và con trai thứ của vua (Ponhea Yat Reachea Ramathuppdey). Bất mãn vì không được nối ngôi, Noreay Reamea đã cầu viện vua Ayutthaya tấn công chú mình để chiếm các tỉnh phía tây. Vua Thái không những không giúp đỡ cuộc nổi loạn này mà còn bắt cả Noreay Reamea và vua Reachea Ramathuppdey, rồi đưa người con trai thứ ba của vua Ponhea Yat lên ngôi, lấy niên hiệu là Thommo Reachea I (trị vì từ năm 1474 đến 1494). Sau khi Thommo Reachea I chết, con trai là Srei Sukonthor (tức Dhamkat Sukhontor) nối ngôi, đã tìm cách khôi phục lại chủ quyền của vương triều tại vùng trung tâm của đế quốc Khmer trước kia. Tuy nhiên, vào năm 1508, Neay Kan (anh trai của một vương phi được nhà vua Sukonthor sủng ái) đã giành ngôi vua của Srei Sukonthor, sau đó tự lập làm vua, lấy hiệu là Srei Chetha. Một cuộc xung đột quyền lực diễn ra giữa Srei Chetha và em trai của vua Sukonthor, phó vương Ang Chan. Ang Chan sau thời gian sống lưu vong ở Xiêm đã dẫn quân quay về Campuchia và tiến hành cuộc chiến giành lại ngai vàng trong hơn 10 năm. Năm 1525, cuộc chiến kết thúc với thất bại thuộc về Srei Chetha, Ang Chan lên ngôi và tự xưng là Ang Chan I, cai trị trên toàn lãnh thổ Campuchia.
Ang Chan vừa xây dựng đất nước, vừa đối phó với cuộc xâm lược của vương triều Ayutthaya. Lợi dụng cuộc tấn công
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 75
của quân Mianma vào năm 1547, Ang Chan I đã chiếm lại được nhiều vùng lãnh thổ đã bị mất vào tay người Thái, khôi phục cố đô Angkor.
Ang Chan I trị vì đến năm 1566 thì qua đời, kết thúc thời kỳ lừng lẫy nhất của thời kỳ hậu Angkor. Tiếp sau ông là vua Barom Reachea I (con trai thứ hai, trị vì từ năm 1566 đến 1576). Thời kỳ này, khi chiến tranh Xiêm - Miến lần thứ hai diễn ra (1564-1569), Campuchia đã phát động cuộc tấn công Ayutthaya, chiếm lại các tỉnh phía tây bắc, buộc Xiêm phải ký hòa ước vào năm 1566, trả lại cho Campuchia hai tỉnh Chanthaburi và Khorat. Đồng thời, ông cũng chuyển thủ đô trở lại Angkor vào năm 1570. Campuchia vẫn tiếp xúc với người phương Tây thông qua các hoạt động của giáo sĩ, nhưng không có sự kiện nào đáng kể. Kế vị Barom Reachea I là con trai cả của ông, vua Satha I, hay còn được gọi là Barom Reachea IV (trị vì từ năm 1576 đến 1584) và nhường ngôi cho con mình là Chey Chettha I. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh lần thứ ba với Mianma (1584-1594), Ayutthaya bắt đầu tiến hành những cuộc tấn công lớn để trả thù Campuchia và đòi lại các tỉnh mới chiếm lại. Đích thân vua Naresuan dẫn quân tàn phá Lovek vào năm 1594. Đối phó cuộc tấn công của người Thái, vua Chey Chettha I đã cầu cứu chính quyền Tây Ban Nha tại Philíppin, nhưng sự viện trợ từ phía vị toàn quyền Tây Ban Nha quá chậm trễ, khi Lovek đã rơi vào tay người Thái. Thành phố bị tiêu hủy, kho tàng bị cướp bóc, kinh kệ Phật giáo, văn thư bị đốt, cung điện, đền chùa bị phá hủy, nhiều pho tượng và đồ vàng bạc quý giá bị đem về Ayutthaya. Nhà vua và hoàng gia phải bỏ chạy sang Lào. Một số người trong hoàng tộc, nhân dân, binh lính, hàng nghìn thợ thủ công, học giả, nghệ sĩ và tu sĩ Khmer bị bắt về Xiêm. Thời kỳ Lovek kết thúc. Campuchia trở thành chư hầu của Ayutthaya.
76 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
Từ năm 1594, lợi dụng sự suy yếu của triều đình Lovek, Reamea Chung Prey đã lên ngai vàng, đặt thủ đô ở Srey Santhor, trị vì đến năm 1596. Tuy nhiên, sau đó, ông bị các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha giết hại. Với sự giúp đỡ của những người Tây Ban Nha, Barom Reachea II, con trai cựu vương Satha I, đã từ Lào về nước làm vua, bắt đầu thời kỳ ngoại giao thân thiết với người Tây Ban Nha. Sau khi Reachea II qua đời vào năm 1599, triều đình Campuchia bước vào thời kỳ mâu thuẫn, tranh giành ngôi báu. Vua Barom Reachea III bị ám sát, Kaev Hua I - một người con trai khác của vua Satha I lên làm vua nhưng không duy trì được quyền lực lâu dài do sự can thiệp của Xiêm. Năm 1600, người Thái đưa Srei Soriyopear (vua Barom Reachea IV) về Campuchia để lấy lại ngôi vua từ Kaev Hua I. Năm 1601, Barom Reachea IV cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong, bắt đầu thời kỳ lịch sử mới của Campuchia. Đây là ông vua chấp nhận ảnh hưởng của người Thái, dùng tiếng Thái, đôi khi nói tiếng Thái, sử dụng các nhạc cụ và ban nhạc kiểu Thái Lan. Năm 1618, Barom Reachea IV thoái vị, nhường ngôi cho con là Chey Chettha II (trị vì từ năm 1618 đến 1627).
Bước sang thế kỷ XVIII, nội bộ vương triều Campuchia liên tục lục đục do nhiều cuộc tranh giành ngôi báu diễn ra. Đến cuối thế kỷ XVIII, 17 đời vua thay nhau trị vì thì có tới 7 vua bị giết, 3 vua bị lật đổ; 7 vua còn lại cũng phải chịu 4 cuộc bạo động chống đối lớn của quý tộc trong nước1.
Sự suy yếu của vương triều cùng với các cuộc bạo loạn diễn ra thường xuyên khiến cho Campuchia phụ thuộc vào cả Xiêm và Đại Việt. Năm 1620, vua Chey Chettha II kết thân với chúa Nguyễn Phúc Nguyên và kết hôn với công nữ Ngọc Vạn (tức hoàng hậu Anga Cuv, theo cách gọi của người Campuchia). Sự kiện này đã tạo điều kiện cho sự di cư của người Việt đến
1. Phạm Đức Thành: Lịch sử Campuchia, Sđd, tr.143-144.
Phần thứ hai: LỊCH SỬ CÁC NƯỚC TIỂU VÙNG... 77
sinh sống tại vùng hạ lưu Mê Công1. Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử sứ bộ sang gặp vua Chey Chettha II, đề nghị lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa) để khai hoang, sau đó xin cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (vùng Sài Gòn). Người Việt đã di cư và sống trải dài từ Bà Rịa, Biên Hòa, Bến Nghé, Châu Đốc,...
Sau khi Chey Chettha II qua đời, triều đình Campuchia tiếp tục rơi vào tình trạng tranh giành quyền lực. Năm 1642, cuộc chính biến vương triều diễn ra, Nặc Ông Chân lên ngôi vua, tự xưng là Ramathipadi I, sau đó đổi thành Sultan Ibrahim, do ảnh hưởng của Islam giáo từ hoàng hậu người Malay2. Năm 1658, hai anh em Ang Sur và Ang Tan nổi dậy chống Nặc Ông Chân, được sự giúp đỡ của chúa Nguyễn Phúc Tần, giành được ngôi vua. Ang Sur lên ngôi, lấy hiệu là Barom Reachea V, trị vì từ năm 1660 đến 1672. Để đền đáp công ơn của chúa Nguyễn, Campuchia triều cống hằng năm cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Sau khi vua Barom Reachea V bị ám sát, con trai của ông là Ang Chea lên ngôi, lấy hiệu là Keo Fa II, tức Nặc Ông Đài (trị vì từ năm 1674 đến 1675). Do tranh giành nội bộ, từ năm 1675, Campuchia bị chia thành hai nửa, phía đông do Nặc Ông Nộn, hiệu là Padumaraja làm Đệ Nhị vương cai quản và phía tây do Chính vương Chey Chettha IV Ang Sor hay Nặc Ông Thu là con thứ của Barom Reachea V cai quản. Cả hai đều cống nạp cho Đàng Trong và triều đình Xiêm. Từ cuối thế kỷ XVII, các cuộc
1. Sự kiện này vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, đặc biệt là việc thiếu thông tin từ các sử liệu hoàng gia của cả Việt Nam và Campuchia. Xem Michael Vickery: “1620, A Cautionary Tale”, New Perspectives on the History and Historiography of Southeast Asia, Continuing Explorations, ed. Michael Arthur Aung-Thwin and Kenneth R. Hall, Routledge, London, 2011, pp. 157-66.
2. Carool Kersten: “Cambodia’s Muslim King: Khmer and Dutch Sources on the Conversion of Reameathipadei I, 1642-1658”, Journal of Southeast Asian Studies, 2006, No. 1, pp. 1-22.
78 VIỆT NAM TRONG TIỂU VÙNG SÔNG MÊ CÔNG...
chính biến vương triều khiến Campuchia ngày càng phụ thuộc vào các chúa Nguyễn và triều đình Xiêm, đưa hai nước này ngày càng can thiệp sâu vào tình hình chính trị Oudong*.
Cuối thế kỷ XVIII, nhân lúc chúa Nguyễn ở Đàng Trong suy yếu do phong trào Tây Sơn và nội bộ triều đình Campuchia rơi vào khủng hoảng, triều đình Xiêm đã thực hiện chế độ bảo hộ với Campuchia. Vương triều Thonburi được thành lập năm 1767 tiếp tục thi hành đường lối chinh phục Campuchia. Chúa Nguyễn nhiều lần đem quân trợ giúp, góp phần làm giảm áp lực của Xiêm đối với triều đình Oudong. Vào năm 1794, vua Xiêm là Rama I đưa Ang Eng về làm vua và giao lại thanh bảo kiếm - biểu tượng của hoàng gia cho triều đình Campuchia. Khi Ang Eng qua đời, con trai của ông là Ang Chan không được nối ngôi. Vua Xiêm giao quyền cai trị Campuchia cho quan bảo hộ tên Pok. Vào năm 1806, Ang Chan mới được lên ngôi, lấy hiệu là Ang Chan II, còn được gọi là Outey Reachea III hay Udayaraja III (Nặc Ông Chăn hoặc Nặc Chăn theo cách gọi của sử nhà Nguyễn). Việc lên ngôi của Ang Chan II bắt đầu thời kỳ căng thẳng trong quan hệ Đại Việt - Xiêm. Ang Chan II nhận vương miện từ Bangkok nhưng sau khi về nước đã quyết định thần phục vua Gia Long nhằm giảm áp lực của triều đình Xiêm, hình thành chính sách “chư hầu kép” trong quan hệ với Việt Nam và Xiêm1.
Năm 1812, lợi dụng mâu thuẫn kéo dài giữa anh em vua Ang Chan II, Xiêm đưa quân vào Campuchia để ủng hộ các em của Ang Chan II chống lại nhà vua. Ang Chan II phải bỏ Oudong về Phnom Penh, cầu viện sự trợ giúp của nhà Nguyễn. Với sự can thiệp của triều đình Huế Anh Chan đã giành thắng lợi,
* Kinh đô Campuchia từ thế kỷ XVII-XIX (BT).
1. Dương Duy Bằng: “Quá trình kết thúc cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Xiêm ở Campuchia trong những năm 1845-1847 (Từ góc độ của sử liệu triều Nguyễn)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, 2015, số 3, tr.18.