🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vang vọng một thời Ebooks Nhóm Zalo VANG VỌNG MỘT THỜI Phạm Duy Mấy Lời Nói Đầu Vang Vọng Một Thời là một cuốn nhạc tập gồm những bài ca quen thuộc đã từng là kỷ niệm riêng của từng người, có thể gợi lại những nỗi buồn ít hơn niềm vui, rất là đáng nhớ của thời dĩ vãng. Nhưng vì còn có những người yêu nhạc muốn biết thêm chi tiết của từng bài như: soạn ra với cảm tưởng nào, đã soạn ở đâu, vào năm nào, tự xuất bản hay ai phát hành, đã có những bài viết phê bình của những ai? vân vân và vân vân... Với cuốn nhạc tập này, người yêu nhạc còn có thể theo chân tác giả để hành hương về những nơi, vừa là chốn đã khai sinh ra bài hát, vừa là nơi được coi như những thắng cảnh của đất nước. Ví dụ cùng tác giả đi tìm cô gái mơ năm xưa và đi chơi chùa Hương luôn thể (nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách Động Hương Sơn nửa dặm đường) ... hay đi lên tận Lao Kai (để tìm lại chiếc cầu biên giới). Có kèm theo một audio-CD gồm 12 bài hát do các ca sĩ thượng thặng hát. PHẠM DUY Mùa hè 2012 1. Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà ... Cuối năm 1947. Tôi từ Việt Bắc (Cao-Bắc-Lạng) xuống Khu Ba (Chợ Đại, Cống Thần) rồi có ý định đi theo Trần Văn Giầu vào Nam chiến đấu... nhưng khi vào tới Thanh Hóa (Khu Tư - Làng Quần Tín) thì tôi gặp tướng Nguyễn Sơn và ở lại đó, gia nhập ban Văn Nghệ của Trung Đoàn 304. Tại đây tôi gặp Hữu Loan... Hữu Loan lúc còn trẻ... & về già Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn là thơ buồn. Anh vừa góa vợ và có một bài thơ rất buồn thương là bài Mầu Tím Hoa Sim mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi. (Có hai người khác phổ nhạc nữa là: Dzũng Chinh với tên Những Đồi Hoa Sim và Anh Bằng thì lấy tên là Chuyện Hoa Sim). Nhưng đến khi tôi phổ nhạc xong bài thơ thì chính quyền hồi đó (1948) cho rằng bài thơ tiêu cực quá, cho nên tôi không muốn phổ biến bài hát đó. Sau này, khi tôi vào Sài Gòn sinh sống, tới năm 1971 tôi mới chính thức tung ra bài hát. Khi đó, tôi đặt tên cho bài hát là Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (một ca khúc trong selection THƯƠNG CA CHIẾN TRƯỜNG). Theo tôi, bài Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà tuy có vẻ buồn thương, nhưng không bi lụy mà bi hùng! Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc người nghe cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi soạn thành một “ca khúc” dài tới 7 đoạn gồm khoảng 80 khuông, thành một bài “ái quốc ca” dài (long patriotic chant) hơn là một “vãn ca” (complainte). Vì là một truyện ca dài, bài hát được chia ra 6 đoạn, nói tới chuyện một anh chiến binh từ mặt trận trở về, cưới xong người con gái anh yêu, rồi lại phải trở về quân ngũ. Ở chiến trường, nhiều khi nhớ vợ, lo lắng cho vợ. Ở quê nhà, bỗng không may người vợ trẻ bị chết đuối, anh không được gặp mặt vợ. Lòng anh rất buồn nhưng vẫn hăng hái theo đoàn chiến sĩ ra đi. Trên đường hành quân, qua những đồi sim, anh nghe thấy có tiếng văng vẳng ru: À ơi, áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu... Đây là những đoạn nhạc với tình cảm khác nhau trong bài hát: Mở Đầu (Giọng Kể) - Khúc Vui (Đám cưới) - Khúc Lo Lắng - Khúc Buồn - Khúc Rất Buồn - Khúc Kể Lể - Đoạn Cuối (Hành Khúc Bi Hùng). Thế rồi tôi và Hữu Loan xa nhau... Khi bài hát được phổ biến tại miền Nam, ở một miền Bắc còn cách rời và xa thăm thẳm, anh Hữu Loan được báo chí phỏng vấn về bài hát này (1995), đã trả lời: HỮU LOAN Cái bản nhạc suốt ngày rên rỉ “Nàng có ba người anh đi quân đội” là của ai? Phạm Duy. Lúc ấy Thanh Hóa là “thủ đô văn nghệ” kháng chiến. Các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Ngọc Phan, Hằng Phượng, Lưu Trọng Lư... và cả các trí thức Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu đều về quê ta cả. Nguyễn Tiến Lâng, Phạm Duy và bọn tôi là lính của tướng Nguyễn Sơn. Mình cưới vợ vào thời ấy và làm Màu Tím Hoa Sim cũng vào thời ấy. Phạm Duy phổ nhạc nhưng lúc vào thành mới đem ra hát. Chuyện trong bài thơ là chuyện thật của đời mình! Cả cái câu: “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới Tôi bận đồ quân nhân Đôi giày dính bết bùn đất hành quân Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo” Cả, y nguyên như chuyện ngoài đời, chỉ dùng lời để đưa vào thơ nên có thể làm một mạch. Cuộc sống đọc, nhà thơ ghi lại. Hà Nội, 4/1995 Rồi một nửa thế kỷ trôi đi... Vào năm 2005, tôi từ Hoa Kỳ trở về quê hương. Một ngày nào đó trong năm 2006, bỗng tôi có cơ hội đi thăm Hữu Loan. Trong một cuộc du lịch trên đường cái quan, tôi phải đi ngang qua tỉnh Thanh Hóa. Biết anh Hữu Loan còn sống trong một làng nhỏ (làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn), thế là tôi đi xe ôm vào thăm. Anh em gặp nhau trong hoàn cảnh cả hai đã già cả rồi. Chúng tôi ôn lại dăm ba câu chuyện rồi chia tay nhau. Lúc đó tôi thấy anh Hữu Loan đã hơn 90 tuổi mà hãy còn khỏe mạnh thì mừng lắm. Một bài phân tích Kewin Hiệp (Học Trò) Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà trung thành với nguyên bản Màu Tím Hoa Sim , tức là theo lối kể chuyện. Bản nhạc có rất nhiều ý nhạc khác nhau, cũng như chuyển time signature nhiều lần, và dùng phương pháp chuyển hệ (metabole) rất tài tình từ thứ sang trưởng rồi lại trở về thứ, rồi từ key signature này sang key signature khác rất nhanh lẹ mà ta nghe vẫn không thấy ngỡ ngàng chi hết. Sở dĩ phải có các kỹ thuật trên, theo tôi cũng chính vì nhạc theo lối kể chuyện, và tình tiết thì éo le lắm, và tả cảnh, tả người, v.v... nữa, nên nhạc thuật phải rất phong phú. Hơn nữa, sau viên ngọc toàn bích Tình Ca thực cô đọng, và hai trường ca phong phú Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy hẳn đã tiếp tục chinh phục giới thưởng ngoạn miền Nam qua tình khúc không dài mà cũng chẳng ngắn này, vì nó không những mang âm hưởng Việt Nam sâu đậm mà cũng chứa đựng nhiều kỹ thuật viết nhạc tinh xảo - nhưng khi nghe lại thấy rất dễ nghe cũng như dễ dàng ăn sâu vào lòng người. Trước tiên xin bạn đọc thưởng thức lời và nhạc. Phần [A], [B], v.v... là do tôi đặt thêm để tiện so sánh. [A] Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi! Nàng có đôi người em có em chưa biết nói Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh... Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu Người em gái tôi yêu, người em gái tôi yêu. [B] Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân Bùn đồng quê bết đôi giầy chiến sĩ Tôi mới từ xa nơi đơn vị về Tôi mới từ xa nơi đơn vị về Nàng cười vui bên anh chồng “kỳ khôi” Thời loạn ly có ai cần áo cưới? Cưới vừa xong là tôi đi. Cưới vừa xong là tôi đi... [C] Từ chốn xa xôi nhớ về ái ngại Lấy chồng chiến binh mấy người trở lại? Mà nhỡ khi mình không về Thì thương người vợ, bé bỏng chiều quê. [D] Nhưng không chết người trai chiến sĩ Mà chết người gái nhỏ miền xuôi Nhưng không chết người trai chiến sĩ Mà chết người gái nhỏ miền xuôi Nhưng không chết người trai chiến sĩ Mà chết người gái nhỏ miền xuôi Hỡi ôi! Hỡi ôi! [E] Tôi về không gặp nàng Má ngồi bên mộ vàng Chiếc bình hoa ngày cưới Đã thành chiếc bình hương Nhớ xưa em hiền hòa Áo anh em viền tà Nhớ người yêu mầu tím Nhớ người yêu mầu sim! [F] Giờ phút lìa đời Chẳng được nói một lời Chẳng được ngó mặt người! [A'] Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi! Nàng có đôi người em, những em thơ sẽ lớn Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh Ôi một chiều mưa rừng nơi chiến trường Đông Bắc Ba người anh được tin người em gái thương đau Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới đi sau. [G] Chiều hành quân qua những đồi sim Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim Tím cả chiều hoang biền biệt... Rồi mùa Thu trên những dòng sông Những dòng sông, những dòng sông làn gió Thu sang Gió rờn rợn trên mộ vàng Chiều hành quân qua những đồi sim Những đoàn quân, những đoàn quân và tiếng quân ca Có lời nào ru ời ợi! [H] À ơi! À ới! Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu! Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim Đồi tím hoa sim, đồi tím hoa sim Đồi tím hoa sim... Đọc qua hết lời nhạc và nguyên bản bài thơ, ta thấy nhạc sĩ Phạm Duy đã rất trung thành với bản gốc, không thêm thắt những chi tiết mới, chỉ sắp xếp lại cho gọn ghẽ và phù hợp với nhạc. Trong đoạn [A] chẳng hạn, những thêm thắt cần thiết đã được đưa vào để điền đầy câu nhạc, đồng thời nhấn mạnh bằng cách lặp lại 2-3 lần những ý quan trọng: “Tóc nàng hãy còn xanh”, hay “tôi yêu nàng như yêu người em gái”. Riêng “tóc nàng hãy còn xanh”, khi lặp lại như vậy đã phỏng được tiếng kêu than, oán trách trời xanh về sự từ trần đột ngột của người vợ trẻ. Ta sẽ thấy tiếng kêu than này được lặp lại lần nữa trong đoạn [A']. Đây chỉ là một thí dụ, để tránh nhàm chán tôi để bạn đọc so sánh và tìm ra những chi tiết tương tự trong các đoạn còn lại. Trong đoạn [B], nhạc từ chậm buồn đã chuyển sang thể hành khúc 2/4, mạnh, tươi vui và sáng sủa. Mọi chi tiết được mô tả dồn dập, một phần cũng là vì nhạc sĩ Phạm Duy đã khéo chọn những danh từ, động từ “gọn” rồi cho chúng rơi vào nhịp mạnh của trường canh: hành quân, xa, về, cười vui, xong, đi. Bạn thấy đó: xa, về, xong, đi, nhanh như một giấc mơ. Cấu trúc các câu nhạc cũng ngắn, chỉ có 3 4 chữ: tôi mới từ xa, nơi đơn vị về, cưới vừa xong, là tôi đi, v.v... tạo nên một trạng thái dồn dập, khẩn trương, đúng hệt như tác phong quân ngũ. Đoạn [C][F] cần một nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để cho thấy cách nhạc sĩ đã chuyển đổi trạng thái tâm lý từ vui [B] sang buồn, oán thán, lắng đọng bằng cách dùng tiết tấu và chuyển hệ ra sao. Ngoài ra, tôi cũng để ý là khi nói về “nàng” thì nhạc sĩ dùng âm giai thứ (mảnh mai) để diễn tả, trong khi nói về “cái tôi” hoặc về các chiến sĩ thì phần lớn ông dùng âm giai trưởng (khỏe mạnh, dứt khoát). Tôi đặc biệt thích đoạn [E], tiết tấu valse, dịu dàng và buồn:“áo anh em viền tà, nhớ người yêu màu tím, nhớ người yêu màu sim”. Rất cảm động! Trong đoạn [F], chỉ với hai nốt nhạc (Do và Mi giáng) cùng với một tiến trình hòa âm đi xuống (CmAbmaj7Cm), nhạc sĩ đã tạo nên một bầu không khí thê lương ảm đạm. Sự chuyển hệ từ C sang Cm cũng rất đột ngột, nhưng đã tạo nên sự ngưng đọng, cũng như làm cầu nối trở về đoạn [A'] (Nàng có ba người anh...) Trong nhạc Phạm Duy, cái mà tôi hay để ý là tìm hiểu xem người nghệ sĩ đã sử dụng cung nhạc ra sao để làm lời nhạc phù hợp với nhạc và ý tưởng của đoạn nhạc. Ở đoạn [G], nhạc sĩ đã vẽ cho ta một dãy núi đồi trùng trùng điệp điệp, san sát nhau, với những đoàn quân nối bước nhau, có leo, có thả dốc, rồi lại leo nữa, v.v... Chiều hành quân qua những đồi sim, Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim Tím cả chiều hoang biền biệt Rồi mùa Thu trên những dòng sông, Những dòng sông, những dòng sông làn gió Thu sang Gió rờn rợn trên mộ vàng Chiều hành quân qua những đồi sim, Những đoàn quân, những đoàn quân và tiếng quân ca Có lời nào ru ời ợi Cảnh tượng thật là “hoành tráng”, hùng vĩ, và oai hùng phải không bạn? Trong những bước quân hành, giữa những khúc quân ca, lạ thay vẫn có những lời ru nhẹ nhàng, vương vấn, đầy tiếc nuối: À ơi! À ới! Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu Chính giai điệu mượt mà tình cảm này đã làm nổi bật lên sự tương phản tột cùng đến phi lý của nét nhạc khải hoàn ca cuối bài. Trong khi giai điệu và hòa âm là nhạc chiến thắng, đầy hạnh phúc, mạnh mẽ, toàn vẹn, thì lời nhạc lại diễn tả một tâm trạng u hoài về “những đồi sim - những đồi tím hoa sim”. Ta thấy rõ cái giá chua chát phải trả của bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, cho dù chiến tranh ấy có chính nghĩa hay không. Sau này, nhạc sĩ Phạm Duy đã lại đưa triết lý “nhất tướng công thành vạn cốt khô” này vào Minh Họa Kiều với phiên khúc Hán Sở Tranh Hùng, phổ từ thơ của văn hào Nguyễn Du, như ông đã giới thiệu trong buổi ra mắt CD tại Little Saigon năm 2001: “Trải qua một cuộc binh đao Đống xương vô định đã cao bằng trời...” 2. Bà Mẹ Gio Linh 1948. Từ Quảng Bình, tôi tới làng Gio Linh ở Quảng Trị. Gặp một bà mẹ có người con đi dân quân bị giặc bắt và bị giặc chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu anh dân quân xuống để đem đi chôn. Bà mẹ lẳng lặng đi lấy đầu con, bỏ vào khăn gói mang về. Tôi kể câu chuyện đó qua một bài dân ca với kết luận là sau khi hi sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hàng trăm con nuôi là những người đi bộ đội. Bài này nói tới bi hùng chứ không phải nói tới bi lụy. Bà Mẹ Gio Linh (Huyện Gio Linh - 1948) Mẹ già cuốc đất trồng khoai - Nuôi con đánh giặc đêm ngày Cho dù áo rách sờn vai - Cơm ăn bát vơi bát đầy Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Nhà thì nó đốt còn đây - Khuyên nhau báo thù phen này Mẹ mừng con giết nhiều Tây - Ra công sới vun cầy cấy Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Con vui ra đi, sớm tối vác súng về Mẹ già một con yêu nước có kém chi Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê. Mẹ già tưới nước trồng rau - Nghe tin xóm làng kêu gào Quân thù đã bắt được con - Đem ra giữa chợ cắt đầu Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Nghẹn ngào không nói một câu - Mang khăn gói đi lấy đầu Đường về thôn xóm buồn teo - Xa xa tiếng chuông chùa gieo Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta. Mẹ già nấu nước chờ ai - Đêm đêm súng nổ vang trời Giật mình em bé mồ côi - Khăn tang cũng hoen tiếng cười Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Bộ đội đã ghé về chơi - Khơi vui bếp lửa tơi bời Mẹ già đi lấy nồi khoai - Bưng lên khói hương mờ bay Hò ơi ơi ới hò! Hò ơi ơi ới hò! Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà Mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa Con, con con ơi! Uống hết bát nước đầy Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây. Một bài viết về Bà Mẹ Gio Linh Hoàng Phủ Ngọc Tường Đối với tôi, cái tin Phạm Duy trở về nước sống là một tin đầy xúc động. Hồi gặp anh vội vã ở Paris (Pháp), tôi đã được nghe anh tiết lộ về cái khả năng hứng bất tử này, và không quan tâm mấy vì nó hoàn toàn viển vông. Nhưng bây giờ, anh đã lặng lẽ làm việc với các “cửa ải thủ tục” để được phép trở về nước. Trở về làng Phượng Dục để xây lại cổng làng và hoàn chỉnh gia phả sau thế hệ nhà văn Phạm Duy Tốn. Ấy mới biết, dù lạc loài đến mấy thì điều làm cho người ta suy nghĩ đến đầu tiên, chính là hai chữ “nguồn cội”. Hồi ấy, nghe tin tôi làm việc ở Quảng Trị, anh có hẹn sẽ đi với tôi về Gio Linh. Tôi đã nhất trí như vậy, nhưng hoàn cảnh nay đã khác. Tôi báo anh, qua máy: “Anh cứ tìm đến tòa soạn Tạp chí Cửa Việt ở thị xã Đông Hà, rồi nhờ một phóng viên đưa anh về Gio Linh. Anh cứ yên tâm, bà con trong làng sẽ rất vui mừng được đón tiếp tác giả Bà Mẹ Gio Linh”. Thật bất ngờ, vào một buổi sáng đẹp trời, một người đàn ông dáng cao to, tóc trắng như cước xuất hiện trước cửa phòng tôi và đó chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi nhìn lướt qua anh, thấy anh chẳng thay đổi gì so với mấy chục năm trước sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, thuở anh về hát Tình Ca cùng với một người đàn bà Mỹ nói tiếng Việt khá sành sỏi và dĩ nhiên là khá đẹp. Và giữa hai chúng tôi đã có một cuộc chiến làm rung chuyển thế giới. Tôi không nhấc chân đi được, chỉ biết ngồi trên xe lăn nhìn anh. Tôi rất yên tâm khi nhờ người phóng viên đã rành rẽ mọi nơi, mọi chuyện khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị đưa anh đi. Người phóng viên lên xe dẫn đường cho anh Phạm Duy về làng Mai Xá. Giữa đường, anh Phạm Duy giải thích về huyền thoại Bà Mẹ Gio Linh cho người dẫn đường nghe. Hồi ấy, nhân một chuyến đi thực tế nông thôn ở Quảng Trị, anh có về công tác ở làng Mai Xá và sáng tác bài hát Bà Mẹ Gio Linh trong một đêm, lúc nằm trên giường tre ở chiến khu. “Tôi làm xong tôi khóc. Tôi nhớ hoài, tôi khóc như một đứa con nít”. Tiếng khóc ấy như một tiếng nấc uất nghẹn quanh quẩn trong lòng Phạm Duy trong những năm anh sống ở hải ngoại. Dù ăn món gì, dù đang uống ly rượu gì, chợt nghĩ đến Bà Mẹ Gio Linh là anh thấy mất vui. “Người ta hay nói đến chữ ăn năn. Riêng mình, tôi thấy ái ngại sao ấy. Bởi vì nó dễ quá. Chỉ mong sao được về đến tận nơi các anh đã hy sinh, được đốt ba nén nhang và nghiêng mình trước mộ hai anh. Đó là việc mình phải làm sau cùng trong lần hồi hương này, để cuộc trở về này có ý nghĩa”. Xe vẫn chạy bon bon trên đường ra Mai Xá. Người bạn vẫn ngồi yên bên cạnh Phạm Duy, lần lượt kể cho anh nghe về ngôi làng huyền thoại. Ai cũng biết Cửa Tùng là địa điểm của vua Duy Tân ra bàn với ông khóa Bảo về việc dấy nghĩa Cần Vương; vì thế địa bàn Gio Linh đây, có thể xem như cái nôi của Cần Vương. Sau chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, tiến sĩ Nguyễn Tự Đồng (dân hay gọi là ông Đốc Đồng) đánh trống tụ nghĩa tại làng Hà Thượng. Tục truyền rằng khoảng năm 1925, Quảng Trị nổi danh với những vườn đào tụ nghĩa. Đó là vườn đào của ông Nguyễn Khoa Bảo ở Cam Lộ, vườn đào Linh Yên, Triệu Phong của cụ đề đốc Nguyễn Thành Đốc, về sau bị giặc Pháp xử trảm ở bãi bồi làng Nhan Biều; vườn đào Bồ Bản của cụ Ấm Muộn, vườn đào Bích Khê của cụ hoàng giáp Hoàng Hữu Bính và vườn đào Mai Xá, Gio Linh của tú tài Trương Quang Cung. Những vườn đào rậm rạp, lá cây che mắt giặc Pháp nên được các môn đệ phong trào Cần Vương lấy làm chỗ họp mặt bàn việc khởi nghĩa. Thuở ấy ở các vườn làng Mai Xá, có hàng loạt cây mai mùa xuân nở hoa vàng rực rỡ, từ đó có phong trào “mai vàng tụ nghĩa”. Ấy là không khí náo nức chung của huyện Gio Linh trước ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, đến nỗi Tỉnh ủy Quảng Trị năm 1949 có quyết định phong tặng Gio Linh danh hiệu “Huyện kháng chiến kiểu mẫu”. “Đấy là bối cảnh lịch sử để bài hát Bà Mẹ Gio Linh ra đời. Bây giờ nói cụ thể về các liệt sĩ của bài hát, bác có muốn nghe không?” - người phóng viên hỏi. Dĩ nhiên là anh Phạm Duy rất muốn biết, không phải như đầu đuôi một câu chuyện đã trở thành huyền thoại, mà như một mảnh đất nước ở “phía bên kia”, mà từ lâu đã mờ khuất trước mắt anh, giống như một hình bóng của làng quê chìm đắm dưới làn khói mù của lửa đạn. “Nhờ chú cho tôi nghe kỹ đầu đuôi câu chuyện Bà mẹ Gio Linh” - nhạc sĩ Phạm Duy nói với người dẫn đường. Nguyên khu vực này có hai làng cùng một gốc, là làng Mai Xá Chánh và Mai Xá Thị. Anh Nguyễn Đức Kỳ (xã đội trưởng) quê ở Mai Xá Thị; còn anh Nguyễn Phi (cán bộ bình dân học vụ xã) ở làng Mai Xá Chánh. Lính Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được hai anh ở ngoài đồng, đem hành quyết rồi cắt đầu găm vào đòn xóc, đem bêu ở bên đường, lấy dầu bi-dăng-tin bôi cho óng mượt, giả dạng đi phố. Trong khi đó, từ phía đình làng Mai Xá, tấp nập những bóng dáng của các bà Mẹ Gio Linh cắp thúng mủng giả vờ đi chợ, nhưng thực ra là đi lấy đầu liệt sĩ làng Mai Xá. Ngày giặc Pháp chặt đầu hai liệt sĩ là 16.8.1948. Hồi ấy ở Quảng Trị, giặc Pháp có tục giết người rồi đem đi bêu đầu ở giữa chợ. Có một cậu phóng viên nhân một chuyến đi thực tế ở đồng bằng Triệu Phong muốn điều tra thực hư bài hát Bà Mẹ Gio Linh. Kết quả thật bất ngờ, có đến hơn một trăm bà mẹ quê đều tự nhận mình là bản gốc của Bà Mẹ Gio Linh. Hồi đó, chị tôi đi buôn ở chợ Chùa, có bữa chị như lạc giọng, đốt mấy nén nhang và một nải chuối, lâm râm cúng lạy ở ngoài hiên. Chị bảo tôi rằng làm thế để cúng vong hồn những người chết oan và bị Tây chặt đầu cắm ở bên đường. Đó là dấu vết của bài hát Bà Mẹ Gio Linh theo như tôi được biết, bài hát quả nhiên đầy sức sống: Cái chết đau thương của hai liệt sĩ không làm cho làng Mai Xá ngã quỵ mà nhân thành hàng trăm con người tự nguyện đứng lên bảo vệ làng quê dù phải phơi thây ở bên đường. Các nhà thơ dân gian mọc lên như hoa, ca ngợi cái hùng khí của “mai vàng tụ nghĩa”: “Con mang theo dòng máu anh hùng - Sống chiến đấu, chết toàn danh tiết - Con ra đi hình hài tuấn kiệt - Con trở về có chiếc đầu thôi”. Các bà mẹ mang thúng đi lấy đầu con, đó là mẹ Lê Thị Cháu (còn gọi là Diêu Cháu) và bà Khương Thị Mén, thím của liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ; mẹ Hoàng Thị Sáng và bà Bùi Thị Con, thím của liệt sĩ Nguyễn Phi. Lấy được đầu về, các mẹ đã giấu ở trên tra, gần nóc nhà để tránh Tây lùng sục. Sau đó, đem chôn vào hai cái hộp vuông phù hợp với chiếc đầu. Lần đầu tiên người Việt Nam đem chôn người thân bằng một chiếc hộp vuông. Đầu anh Kỳ được chôn tại vùng Động, Mai Xá Thị, đầu anh Phi được chôn tại nghĩa địa Cồn Dài. Nhạc sĩ Phạm Duy bùi ngùi nghe lại đoạn băng ghi âm của gia đình ghi lại cuộc phỏng vấn anh và ca sĩ Thái Thanh của đài Pháp RFI thực hiện năm 2001. Thống thiết nhất là giọng của Thái Thanh: “Một bà mẹ bình thường, con cái đã là một gánh nặng lớn của mẹ rồi, huống chi lại phải mất con trong thời chiến tranh nữa. Cái bi kịch này nó ghê gớm quá. Lần nào hát Bà Mẹ Gio Linh, tôi cũng khóc”. Riêng với Phạm Duy, bi kịch Bà Mẹ Gio Linh ngay từ đầu đã trở thành một ám ảnh nghệ thuật đeo bám lấy tâm hồn anh, nhất định “không buông tha” để tâm hồn anh đỡ bị giày vò. Chợt nhớ lại một đêm năm 1951, lúc bước chân qua Phát Diệm, Phạm Duy thấy mình mãi khóc bằng một giọt nước mắt lạ lùng, có khi giọt nước mắt ấy rơm rớm trong khóe mắt; hoặc tuôn dào dạt như muốn lấp đầy khoảng trống trong lồng ngực, không phải là người ngoài cuộc mà chỉ người trong cuộc mới biết. Đó là một khoảnh khắc vàng của một đời nghệ sĩ trong cuộc sống phong trần của anh. Sự quay trở về lần này của Phạm Duy chính là hành động để anh tạ tội với Mẹ Việt Nam, để xin người cho “đi lại từ đầu”. Ôi, Mẹ Việt Nam luôn bao dung và nghiêm nghị sẽ nhìn xuống mỉm cười trên mái tóc bạc trắng như cước của đứa con tài hoa, phung phá và nay biết hối lỗi, Mẹ Việt Nam sẽ chứng giám cho thành tâm của anh. Sách Yếu Lược Đông Pháp ngày xưa có nói đến một kẻ lãng du mãi đi tới trước mặt mình, tự nhiên đứng chân, đi ra khỏi cổng làng, băng qua những núi non, những đại dương, băng qua những quốc gia, những nền văn hóa, vẫn tiếp tục bước tới, tới nữa, tới mãi... Đến một lúc gần như “hết đất” để đi tới, người lữ khách dừng chân, nhìn lại, và ô kìa...! Chỗ đứng chân đầu tiên lại xuất hiện trước mắt anh. Người lữ hành là người luôn luôn quay lại trên vết chân của mình. Với Phạm Duy, vết chân đầu tiên để anh bước vào lịch sử chính là ngôi làng Mai Xá huyền thoại này và như vậy, anh là một Người Trở Về, vâng Come back Sorriento, “và sẽ thấy kiếp xưa bước nhẹ về”... “đi lại từ đầu”. Như lời anh đã viết trong ca khúc Kỷ niệm mới đây. Nãy giờ ham nói chuyện, người phóng viên mới để ý rằng mình đang đưa anh Phạm Duy đi băng qua ngõ làng Mai Xá, hướng đến một nền nhà cũ. Đó là nền nhà thời thơ ấu của anh Nguyễn Đức Kỳ, căn nhà đã biến mất từ lâu, nền nhà đã bị cày vỡ dùng để trồng trọt, con đường rộng lên ngã tư Sòng cũng băng qua đó. Nhạc sĩ Phạm Duy đứng yên, đốt mấy cây hương cắm lên nền nhà lẩm bẩm: “Đến rồi!” và lấy giọng hát bài Bà Mẹ Gio Linh. Anh hát nghẹn ngào, giọng vang như mọi lần nhưng trầm hơn. Bà mẹ đứng cạnh anh úp nón trước ngực, cất tiếng thở dài. Đó là mẹ Diêu Cháu của anh Kỳ. Bài hát này in ở Huế, lời của nó được tác giả sửa lại nhưng thanh niên trong làng vẫn thuộc y nguyên lời đầu tiên: ... Nghẹn ngào không nói một câu Mang khăn gói đi lấy đầu Đường về thôn xóm buồn teo Xa xa tiếng chuông chùa gieo... Bà mẹ Gio Linh tức mẹ Diêu Cháu, đứng bên cạnh Phạm Duy, nét mặt xúc động tràn trề, Phạm Duy ngoảnh mặt lại, cúi xuống nhìn mẹ, rồi bỗng nhiên buột miệng: - Mẹ đẹp như một vị thánh. Mẹ Diêu Cháu mắt hấp háy, da mặt hồng hào như thời con gái, dáng hơi bối rối. Nhạc sĩ Phạm Duy hát xong bài Bà Mẹ Gio Linh, đứng nghiêm thẳng người, cây đàn guitar cũ chống ở trước bụng, trong tư thế của người chiến sĩ đứng chống gươm, mặc niệm trước đồng đội đã khuất. 3. Bà Mẹ Quê Những bài hát tình ca quê hương rất dễ dàng dẫn tới những bài hát tình tự dân tộc. Lúc đó là 1963, trong lòng tôi còn mang nhiều hình ảnh khó quên của thời kháng chiến cho nên tôi dùng bài Bà Mẹ Chiến Sĩ đã soạn tại Vinh năm 1949 để làm thành bài Bà Mẹ Quê, một bài trong bộ ba - trilogie về con người Việt Nam, tôi gọi là những bài hát quê hương - dân tộc. Trong ấn phẩm do nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành vào năm 1954, tôi có đề tựa như sau: 1.- Bà Mẹ Quê tượng trưng cho lòng hi sinh, chí kiên nhẫn, tình thương yêu và biểu tượng cho dĩ vãng; 2.- Vợ Chồng Quê tượng trưng cho tình yêu trong sạch, sức làm việc, niềm hạnh phúc chỉ dành cho những kiếp người lành mạnh, biểu tượng hiện tại; 3.- Em Bé Quê là mầm non lớn mạnh, kiến thiết xã hội, biểu tượng tương lai. Bà Mẹ Quê (Bà Mẹ Chiến Sĩ) 1 Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu Có đàn, có đàn gà con nương náu Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu. Bà bà mẹ quê! Gà gáy trên đầu ngọn tre Bà bà mẹ quê! Chợ sớm đi chưa thấy về Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon. 2 Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà Nắng nhiều thì phơi lúa ra Bà bà mẹ quê! Ðêm sớm không nề hà chi Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui. 3 Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy Cháu bà, cháu bà ngủ thiu giấc say. Bà bà mẹ quê! Chân bước ra đời rồi xa Bà bà mẹ quê! Từ lúc quê hương xóa nhòa Nhìn về miền quê, mà giọt lệ sa... Về bài hát Bà Mẹ Quê Đặng Tiến Tả cảnh chiều quê Việt Nam, trong tất cả sắc độ và tâm tình, Phạm Duy có một lời hát thần sầu: “Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai - Hiu hắt tiếng bà mẹ cười...” Vài luống khoai, hình ảnh quê nghèo. Hai chữ thoi thóp và hiu hắt gợi hình và gợi tình. Thoi thóp so sánh ánh nắng chiều với hơi thở hay nhịp đập trái tim, nhẹ dần, yếu dần, hoang mang, thấp thỏm. Ðồng thời chữ hiu hắt chập chờn ngọn lửa tàn hơi, ánh đèn cạn sức, hao mòn trước gió. Ánh nắng nhòa trong tiếng cười, buổi chiều lồng vào tuổi già. Buổi chiều già, bà mẹ quê. Chiều quê và mẹ già. Ánh sáng vừa chắt chiu, vừa phôi pha tình cảm mong manh mà vĩnh cửu trong lòng người... Phạm Duy đã vẽ ra được một hoạt cảnh thanh bình, tươi sáng trong bài Bà Mẹ Quê (1949): Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu - Có đàn, có đàn gà con nương náu Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều - Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu (...) Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già - Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa Lời nhạc Phạm Duy đặm đà tình tự dân tộc vì bản thân anh thấm nhuần ca dao, tục ngữ và những làn điệu dân ca “từ khi mới ra đời, mẹ hiền ru những câu xa vời”. Lời ca Phạm Duy có khi cũng xa vời, nhưng vì nghe quen, chúng ta không còn để ý và lười tìm hiểu. Ví dụ mưa nhiều càng tươi bông lúa nói lên niềm tin lạc quan của người nông dân, qua tục ngữ trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa. Nhưng câu trên “ướt áo mẹ già” với ta chỉ là một hình ảnh cần lao vất vả, cảm động, ta quên rằng Phạm Duy đã rung cảm từ những câu hát đối đáp nam nữ: Trời mưa ướt bụi ướt bờ - Ướt cây ướt lá, ai ngờ ướt em Trời mưa ướt lá trầu vàng - Ướt em, em chịu, ướt chàng, em thương Niềm lưu tâm, lo lắng cho nhau biểu hiện tình yêu. Tình yêu trai gái sôi nổi, tha thiết đã được Phạm Duy chuyển sang lòng yêu bà mẹ quê “chỉ biết cần lao” và đã đạt tới những lời hát thật tình nghĩa, sắc sảo. Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy - Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy Ít ai mê gái như Kim Trọng, đến máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao. Khi chàng nhớ nàng Kiều: Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình Nghĩa là chàng Kim vẫn uống trà, không có cái khao khát khô đắng rất cụ thể của Phạm Duy khi nhớ bà mẹ quê miệng khô nhớ bát nước đầy... Thật ra trong thơ dân tộc đã có những tình cảm ngọt ngào dịu mát ấy... 4. Bên Cầu Biên Giới Vào năm 1947 ,trên đường kháng chiến, từ miền xuôi tôi theo đoàn Văn Nghệ Giải Phóng đi qua Phú Thọ, yên ái tới Lào Cai... Lúc tôi tới đó, thị xã vẫn còn nguyên vẹn dù cả nước đang thực thi chính sách vườn không nhà trống. Nhà cửa xây theo kiểu Tầu trên những con phố nhỏ, đường sá là những con dốc khúc khuỷu đắm chìm trong sương sớm. Tôi đang là nhân viên của đoàn Văn Nghệ Giải Phóng. Bất ngờ tôi gặp Văn Cao và vài bạn khác là Ty Rỗ, Hoành, Đạt v.v... cũng có mặt tại thành phố biên giới này. Các bạn của tôi vừa mở ra ở Lào Cai một phòng trà với cái tên là Quán Biên Thùy do Văn Cao làm chủ. Quán này bề ngoài là phòng trà và khiêu vũ trường, bên trong là một cơ sở tình báo để theo dõi và ngăn bắt những Đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng có ý định vượt biên giới qua Trung Hoa. Tôi và Ngọc Bích bỏ ngay đoàn Văn Nghệ Giải Phóng để thành nhạc sĩ và ca sĩ của phòng trà Biên Thùy này. Đêm đêm cùng hai ba nhạc công đánh đàn và ca hát cho một nhúm người nghe và nhẩy đầm. Ban ngày - hay đúng hơn là ban trưa - tôi kéo một cô vũ nữ vào sòng bạc hay đi chơi trong vùng lân cận với Văn Cao. Vì nghề nghiệp tình báo, Văn Cao đang là bạn thân của một lãnh chúa người Nùng tên là Hoàng A Tưởng. Tới dinh của lãnh chúa là được hưởng những thú vui như gái đẹp, rượu nồng, nghe nhạc khèn và hút á phiện. Với tuổi 25, chúng tôi nhào vào những thú ăn chơi như đom đóm vờn lửa. Sau khi đã soạn một số bản nhạc gọi là nhạc hùng cho cuộc kháng chiến (Về Đồng Quê, Khởi Hành, Nhớ Người Thương Binh...), bây giờ tôi muốn viết một bản nhạc tình, bởi vì tôi muốn xả hơi sau một thời gian căng thẳng. Vả lại, từ khi đi theo cuộc chiến, tới nay tôi mới gặp đàn bà là cô vũ nữ phòng trà đã hoàn lương (quên tên mất rồi) xui tôi có cảm hứng để soạn ngay một tình khúc. Tôi soạn ra bài Bên Cầu Biên Giới khi cùng người đẹp đứng cạnh chiếc cầu phân chia biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa. Mới đầu, tôi chỉ nghĩ đó là một tình khúc có anh, có em, có dòng nước lũ, có nắng ngừng trên chiếc cầu biên giới... nhưng mãi về sau tôi mới chợt thấy đó là bài hát nói về biên giới trong lòng người, giữa hòa bình và chiến tranh, giữa cái tốt cái xấu... mà anh nghệ sĩ trẻ tuổi ngây thơ là tôi lúc bấy giờ muốn phá vỡ nó đi. Bên Cầu Biên Giới cũng còn là bài hát mong ước phiêu du trên thế giới, được sống trong lòng người đẹp Tô Châu, được chết bên dòng sông Danube - lạy Trời - tôi cũng đã có may mắn được thấy cái đẹp và sống trong không khí lãng mạn của hai nơi đó. Rồi tới bây giờ, tôi vẫn còn sống để tới nơi mà cách đây trên dưới 60 năm, bài hát được ra đời và còn sinh tồn cho tới ngày nay. Quang cảnh nơi biên giới không còn hoang dại như xưa. Cạnh chiếc cầu bắc qua sông Nạm Thi (Sông Hồng), bây giờ có xây một trụ sở của lính biên phòng với bóng cây râm mát ở bên phía Việt Nam. Bên kia cầu là Cốc Lếu, một thành phố nhỏ của Trung Hoa mà tôi đã có lần qua đó để ăn điểm tâm. Bây giờ Cốc Lếu được mở mang và có rất nhiều cao ốc. Thế là tôi mãn nguyện. Sau 60 năm, được trở về nơi mình đã ngồi ước mơ, tóc xưa xanh biếc nay đã bạc trắng nhưng con tim thì hình như vẫn còn mơ mộng như xưa. Khiến cho tôi phải ngẫm nghĩ về cụm chữ “nước chảy qua cầu”, câu này thường ngụ ý: thời gian trôi nhanh, cái gì cũng có thể bị thay đổi... Thế mà đứng bên chiếc cầu biên giới này, ước mơ của tôi vẫn còn y nguyên, nhưng chua xót hay, vẫn còn đâu đó sự cấn cá phân cách như một giai điệu buồn... Vẫn còn người bên ni, bên nớ... 5. Bên Ni Bên Nớ Từ bài thơ Tương Phản của Cung Trầm Tưởng , bài thơ rất buồn của thời đại, nói lên nỗi sợ, buồn chán, lạc lõng trong xã hội, phi lý, tự do, cam kết hư vô và là nền tảng của sự hiện sinh con người... tôi soạn thành bài Bên Ni Bên Nớ: Bên Ni Bên Nớ Ðêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa Người xa vắng người, người xa vắng người... Em có nghe rồn rã bước ai vất vả bóng ai chập chờn? Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng Em có nghe bi ai tình ai ấp úng Thương ai lạc loài, ăn mày xán lạn ngày mai Ðêm ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười. Bên tê thành phố tráng lệ Giai nhân nằm khoe lõa thể Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô. Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bước ai giang hồ? Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ? Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong Hai tâm linh giam kín lại Bấm đốt ngón tay chờ đợi Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời CODA Em ơi ngoài kia liếp ngỏ Sương rơi ngoài song khép hở Bên trong kín gió ấm ơi là tình. Nguyên văn bài thơ Tương Phản Đêm chớp ngày tàn - Theo tiếng xe lăn về viễn phố Em ơi! Sương rơi - Ngoài song đêm hạ - Ôi buồn phố xá... Hoang liêu về chết tha ma - Tiếng chân gõ guốc: người xa vắng người. Em có nghe dồn giã - Bước ai vất vả - Bóng ai chập chờn Hồn ai cô đơn - Say sưa tìm về ấm cúng - Em có nghe bi ai Tình ai ấp úng - Thương ai lạc loài - Ăn mày xán lạn một ngày mai Đêm nay say đất lở - Em có nghe rạn vỡ - Ra muôn mảnh ly rơi Pha lê vạn chuỗi cười Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ - Trơ trẽn giai nhân phô lõa thể Bên ni phố vắng lòng ngoại ô Em có nghe mơ hồ - Bước ai thao thức Gõ nhịp hẹn hò - in dài ngõ cụt Bóng ai giang hồ - Bên nớ bên ni đêm lạnh cả Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng Em ơi bên trong - Dù chia ly đôi phút Đồng mang nhớ đèo mong - Hai tâm hồn giam kín Bốn mắt xanh bịn rịn - Anh ngồi làm thơ - Anh ngồi bấm đốt con thơ ra đời Bên ngoài liếp ngỏ sương rơi - Bên trong kín gió ấm ơi là tình!... Viết về bài Bên Ni Bên Nớ Thụy Khuê Giọng buồn Cung Trầm Tưởng, thời 1955 - 1960, đã khác hẳn giọng sầu Huy Cận trong thời Thơ mới. Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ Tương Phản thành ca khúc Bên Ni Bên Nớ trong đó Cung Trầm Tưởng đem lại một cô đơn mới: Cô đơn của thời hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Ca khúc với tiết điệu như nhịp xe lửa trên đường ray, với lời ca buồn xa xôi, xa vắng: Hoang liêu về chết tha ma . Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người ... Đó là nỗi sợ, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội, sự phi lý, tự do, cam kết và hư vô như là nền tảng của sự hiện sinh con người. Con người luôn phải đối diện với cái chết, cũng như con người từ hư vô trở về hư vô nên cuộc đời con người như một đường hầm không lối thoát. Vì ý thức được điều đó cũng như nhận ra con người là hữu thể cô đơn nên “Lo âu là sự nắm bắt phản tính tự do bởi chính nó”. Con người lo âu vì phải mang trách nhiệm với bản thân. Cuộc tồn sinh là quá trình làm nên mình nên lo âu là bạn đồng hành của con người. Và, khi lo âu kéo dài không có đường giải thoát thì con người rơi vào tuyệt vọng vì con đường trước mắt là hư vô. Tuy nhiên tuyệt vọng không phải là buông xuôi, khuất phục mà con người bắt buộc phải nhập cuộc. Hành trình làm người là một quá trình mâu thuẫn, đau khổ vì không có một thước đo, chuẩn mực để hướng tới. Chính vì con người bị (được) sinh ra để đi đến cõi chết và trong cuộc hành trình về với hư vô lại quá trĩu nặng trách nhiệm cũng như sợ hãi nên cuộc đời thật phi lý biết bao. Song, trong cái vòng bắt buộc của phận người ta có quyền lựa chọn để làm nên ta. Vậy, cuộc đời không phải là phận số mà là những lựa chọn, những lựa chọn giúp ta trở thành con người. Vì chỉ khi hiện sinh, đối mặt với mọi tình huống ta mới biết bản chất của mình. 6. Chiều Về Trên Sông Saigon 1956 . Lúc này tôi có thì giờ để sống với thiên nhiên hay đọc sách về tạo vật, thấy thiên nhiên thật là quyến rũ, tạo vật thật là thiêng liêng nhưng không hiểu vì sao tôi thấy tôi buồn mênh mang trong lòng! Tôi cũng giống như trong bài thơ Chiều của Xuân Diệu: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”... và khi đọc tập Lửa Thiêng của Huy Cận thì thấy lòng mình bao trùm một nỗi sầu da diết. Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp và buồn. Nỗi buồn đó dường như là vô cớ hay siêu hình, nhưng hình như là buồn thương về cuộc đời, kiếp người. Hồn thơ ảo não, bơ vơ đó vẫn cố đi tìm được sự hài hòa và mạch sống trong tạo vật và cuộc đời. Tôi soạn nhiều bài ca xưng tụng thiên nhiên và tạo vật, không buồn lắm, có thể nói rằng vui là khác nữa như: Hoa Xuân, Xuân Thì... gọi là Xuân ca. Rồi tới Hạ Hồng, Ngày Tháng Hạ cho những Hạ ca. Thu ca thì có Nước Mắt Mùa Thu, Mùa Thu Chết. Đông ca là Chiều Đông, Mùa Đông Paris, gọi chung là BỐN MÙA CA HÁT. Bài hát có nhiều tình cảm thiên nhiên nhất là bài: Chiều Về Trên Sông (Saigon-1956) Chiều buông trên dòng sông Cửu Long Như một cơn ước mong ơi chiều Về đâu, ơi hàng cây gỗ rong Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều Buồn tôi không vì sao bỗng dưng Theo đò ngang quá giang, thương chiều Bởi vì thương nhiều, nên nhớ Tình yêu. Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ Có khi vui lửng lơ, có khi tuôn sầu u Bởi vì chiều buồn, chiều về dòng sông Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo. Chiều buông trên dòng sông cuốn mau Thương đời thương lẫn nhau trong chiều. Về đây bọt bèo muôn khắp nơi Vui buồn cho có đôi, không nhiều Ngày mai sông về quê mến yêu Cho trùng dương cũng theo hương chiều Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu. Nỗi Buồn Sông Nước Nhà báo Lê Hữu . . . . . . . . . Chiều buông trên dòng sông Cửu Long Không phải “chiều xuống” hay “chiều rơi” hay “chiều trôi” mà là “chiều buông”, nghe như màn sương chiều lướt thướt, như vạt áo choàng mềm mại của chiều tà phủ trùm lên một vùng sông nước mênh mông... ... trên dòng sông Cửu Long Như một cơn ước mong, ơi chiều!... “Cơn ước mong” ấy đọc được nói ra rành rọt trong những dòng hồi ký phơi trải nỗi niềm của người nhạc sĩ: ... Tôi nhớ đồng quê, tôi nhớ thiên nhiên vô cùng. Tôi tìm mọi cách để ra đi. Rồi tôi có những buổi chiều ngồi bên dòng sông Cửu Long... để mong được như hàng cây gỗ rong, nghiêng mình (trôi) trên sóng sông yêu kiều. Tôi còn muốn theo đò ngang quá giang, thương chiều... Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng Mênh mông không một chuyến đò ngang... Cảm khái bài thơ tả tình tả cảnh sông nước của Huy Cận, nhạc sĩ Phạm Duy soạn ra Chiều Về Trên Sông. Ông viết: ...Chuyến đi về miền Cửu Long Giang này không kích thích sự tò mò của tôi vì ở trong Nam không có nhiều danh lam thắng cảnh như ở các miền ngoài. Nhưng tôi cũng được sống với cảnh vật của quê hương tôi, sống với những nhánh sông của chín con rồng để chiều chiều, giống như thi sĩ Huy Cận, nhìn ra mình là “củi một cành khô lạc mấy dòng” trôi trên sông mênh mông không một chuyến đò ngang..., để mấy chục năm sau, có bài hát nhan đề Chiều Về Trên Sông... Bài thơ Tràng giang đã từng ám ảnh tôi từ lâu. Nhưng ngồi bên bờ một con sông quê hương, nếu Huy Cận không có một chuyến đò thì tôi lại muốn có một chuyến đò ngang, có lẽ bởi tôi là người luôn luôn sợ ngăn cách. Buồn tôi không vì sao bỗng dưng Theo đò ngang quá giang thương chiều Câu hát này, theo tôi, là câu hát hay nhất trong bài. Nỗi buồn sông nước những muốn “quá giang” theo đò ngang trôi đi trong chiều. Hình ảnh con đò lênh đênh trên sóng nước là hình ảnh rất quê hương Việt Nam. Bài thơ Tràng giang gửi gắm nỗi niềm của Huy Cận: “Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”... Ca khúc Chiều Về Trên Sông ký thác tâm sự của Phạm Duy: Bể sầu không nhiều nhưng cũng đủ yêu... Cũng là nỗi buồn sông nước, nhưng hai người hai nỗi niềm tâm sự. Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông Bởi vì người buồn người ra ngắm dòng sông. Người thả trôi theo dòng nước những phiền muộn âu lo, những hệ lụy của đời sống. Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ Mơ gì đây? Biết có phải là mơ... Ngày mai sông về quê mến yêu Cho trùng dương cũng theo hương chiều... Nỗi niềm hoài hương cũng theo sông theo biển chảy “xuôi về miền quê lai láng”, như trăm suối ngàn sông đều đổ ra biển cả, như mạch nước xuôi về nguồn, như dòng máu chảy về tim, như chiếc lá rụng về cội. Nốt nhạc cuối rướn lên, như lời giải bày thiết tha. Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán... Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn! Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo!... Nốt nhạc cuối lại rướn lên, đọng lại, nghe ray rứt, não nuột. Có khi vui lững lờ - Có khi tuôn sầu u Vui thì lững lờ như nước trôi, mây trôi. Buồn thì dào dạt như mạch suối tuôn tràn. “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”, dòng sông thì mênh mông bát ngát, lòng người thì mênh mang vời vợi như câu thơ Huy Cận. “Sóng gợn”, buồn cũng gợn. Chiều trôi, mây trôi, nước trôi... Bóng chiều quạnh quẽ phủ trùm lên một vùng sông nước lặng lờ. Cảnh “chiều buông trên dòng sông Cửu Long” có thể gặp ở bất kỳ cảnh trời rộng sông dài nào chứ chẳng phải riêng gì sông Cửu Long. Cảm giác vui lững lờ, buồn dào dạt ấy có thể gặp ở bất kỳ cảnh chiều nào trên bến sông. Nghe những bài hát như thế cần chút tĩnh lặng, cần nhắm mắt lại, để nghe chiều đi lặng lẽ, nghe nỗi buồn trôi đi chầm chậm và nghe... Chiều buông trên dòng sông cuốn mau Thương đời thương lẫn nhau ơi chiều... Một sinh viên đi học ở Nga Nguyễn Ngọc Sơn Tại Moscow nơi tôi đang là một nghiên cứu sinh về luật học, tôi được may mắn quen và chơi thân với Stive Nopve, một sinh viên gốc Ukraina, con trai một giáo sư âm nhạc tại nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky. Trong nhiều lần đến chơi và sống với gia đình của cậu bạn, tôi cũng được nói chuyện nhiều với giáo sư. Vì hợp nhau và vì muốn giới thiệu những giá trị văn hóa của người Việt qua nhiều giai đoạn, tôi giới thiệu với ông nhiều CD nhạc giá trị mà tôi có của nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy. Có lẽ bài hòa tấu đầu tiên mà ông nghe của nhạc Phạm Duy là bài Chiều Về Trên Sông do nhạc sĩ Duy Cường hòa âm. Ông chăm chú và đòi nghe lại nhiều lần... Ông ngạc nhiên lắm, ngạc nhiên và thích thú như đang ngồi nghe gió trên sông Vonga, trầm ngâm như đang lặng lẽ đứng ngắm những con sóng trên dòng sông trong một mùa thu lãng mạn... Ông nói với tôi: “Lạ quá, trong dòng nhạc này có âm hưởng của nhạc cổ điển châu Âu, nhưng lại mang phong cách phương Đông rõ nét. Từng giai điệu và những điểm nhấn trong âm vực, âm hưởng đầy hoành tráng của nhạc cổ điển, vững chắc như những rừng cây nhưng thiết tha như những cơn gió, điều này chỉ có trong nhạc cổ điển châu Âu. Bên cạnh đó, cách luyến âm, chuyển đoạn lại rõ nét âm nhạc của phương Đông...” Ông nghe ở đó có hơi thở của người Á Đông với những điệu cười và những cơn bão nhiệt đới... Thật thú vị, tôi vui lắm vì lúc này tôi mới hiểu rằng trong âm nhạc không hề có sự cách biệt về ngôn ngữ và dân tộc, một nhạc sĩ người Việt đã rong ca hơn nửa thế kỷ trước, một ông giáo già người Nga Xô Viết chính hiệu, thế mà chỉ với một nhạc phẩm, họ dường như đã nghe được tiếng nói của nhau, hiểu được những cảm nhận của nhau. Ông giáo già đánh giá rất cao sự sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Duy. Sự kết hợp Đông và Tây trong giai điệu và trong nhạc lý đã tạo cho nhạc phẩm một sức sống vượt không gian, tạo nên sự sáng tạo trong phong cách của nhạc Phạm Duy. Ông giáo già vui lắm, vì ông tìm được sự đồng điệu của người phương Tây và người phương Đông trong Chiều Về Trên Sông. Ông nói: “Con sông dù ở đâu cũng là dòng nước... cũng cuốn trôi những gì ngăn cản nó, cũng réo rắt tiếng gió và cũng tạo nên những khoảng trống trong không gian. Nhạc Phạm Duy đã vẽ lên được điều đó, đã làm cho người hưởng thụ dù ở phương Đông hay phương Tây đều cảm nhận được cái cảm giác đó của chính Phạm Duy bằng giai điệu trong lòng mình”. Tôi chợt bừng tỉnh, bài hát này được sáng tác mấy chục năm về trước mà bây giờ tôi nghe vẫn hay. Có một buổi chiều đứng bên Cửu Long Giang, tôi cũng nghe trong gió tiếng nhạc hoành tráng của thiên nhiên, trong tiếng của dòng chảy có âm vang vài trăm năm của cha ông mà nhạc phẩm đã truyền tải... Không nói đến ca từ, chỉ nói đến cảm giác mà Chiều Về Trên Sông đem lại cho người nghe cũng đã thấy được giá trị hiện đại của nó. Người bố giáo sư của bạn tôi đã dạy cho tôi biết rằng: một nhạc phẩm mà không mang hơi thở của hiện đại thì không thể dùng dàn nhạc Tây phương để hòa nhạc được. Ông cho rằng Chiều Về Trên Sông sẽ là một nhạc phẩm tiêu biểu qua mọi thời đại của Nhạc Việt Nam. Và để hòa âm nó, người ta phải kết hợp cả nhạc khí phương Tây và phương Đông mới nói hết được ý nghĩa và nội dung của nó. Sự cao vút trong âm hưởng và sự réo rắt trong giai điệu đòi hỏi điều đó. Nó xuất phát từ tự nhiên và tính nhân bản của con người nên nó luôn hiện đại cho dù thời gian nó ra đời đã qua. (Saigon 2003) Bài phân tích của Kewin Hiệp (Học Trò) Trong chiều hướng tiếp tục tìm tòi cách sáng tác nhạc qua việc phân tích một tác phẩm, lần này tôi chọn bản Chiều Về Trên Sông của nhạc sĩ Phạm Duy, viết năm 1956. Tôi cũng đặc biệt thích bài nhạc với phần hòa tấu của nhạc sĩ Duy Cường trong đĩa Nhạc Tình Phạm Duy, trong đó những nét sang cả của giai điệu và hòa âm đều được thể hiện rõ nét, với nhạc đề được nhắc đi nhắc lại với những biến đổi chord progression lạ tai gần cuối bài như những phản chiếu (reflections) của ráng chiều trên sông nước, tạo cho người nghe có thật nhiều cảm hứng với nhịp suy nghĩ riêng của họ. Trước hết, tôi sẽ thử trình bày nhạc thuật của Chiều Về Trên Sông. Bản nhạc này dùng ba nốt giáng, do đó lấy Do thứ làm thang âm chính, theo định nghĩa nhạc Tây phương. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phạm Duy và Phạm Quang Tuấn, thì bài này dùng thang âm Cm6 - tức cung “oán” làm thang âm chính, do đó có cảm giác luyến tiếc [1]. Thang âm này dùng các nốt Do Mib Fa Sol và La thường, chứ không có nốt La giáng như trong thang âm Do thứ. Như bạn sẽ thấy, bài này dùng nhiều La thường cũng như La giáng, nhưng trộn lẫn nhau rất hài hòa, do đó bạn sẽ thấy bản nhạc vừa mang âm điệu Tây phương lẫn Đông phương. Sau đây là lần lượt các phân tích về nhạc thuật của phiên khúc rồi điệp khúc. Phiên khúc Ngay từ câu đầu của phiên khúc, ta đã thấy nó mang dáng dấp trầm hùng, nghiêm trang. Đó là vì hai nốt chính là Do và Sol được dùng làm nhạc đề, rồi làm trụ của từng phân đoạn nhỏ trong câu nhạc. Chiều (Do) buông (Sol) Trên dòng sông Cửu Long (Sol) Như một cơn ước mong (Fa) Ơi chiều (Do) Ta thấy cấu trúc của câu đối xứng, vì dùng phân đoạn 2/5/5/2 chữ. Cung nhạc khởi đầu từ Do, vươn lên Sol, rồi xuống Fa và sau cùng trở về Do. Đây là loại kết từ iV sang i (plagal cadence) do đó không có nhiều kịch tính vì không dùng đến bậc V áp âm. Toàn bộ câu nhạc do đó hoàn chỉnh, không có những đẩy đưa lên đến cao trào qua nhiều câu nhạc, như trong một số các nhạc phẩm khác của nhạc sĩ. Cách dùng hợp âm F7 cho thấy một sự sáng tạo trong chord progression, vì trong C thứ không có hợp âm F7 mà chỉ có Fm. Nhưng chord này nghe không quá lạ tai, vì có hết 4 nốt nằm trong ngũ âm oán, đó là Fa La Do và Mib. Về cách phát triển giai điệu, ta thấy câu này hoàn toàn sử dụng lề lối phát triển của luật viết nhạc ngũ cung, tức là chỉ viết trong những nốt ở một thể của ngũ cung mà thôi. Đoạn này, thể được dùng là thể chính Do Mib Fa Sol La. Bạn hãy nhìn lại đoạn nhạc để thấy câu nhạc chỉ sử dụng một trong năm nốt trên mà thôi. Tôi có nói rõ hơn về cách viết nhạc này ở một số bài trước đây, bạn chỉ cần Google hai chữ phamduy và hoctro là thấy ngay. Sang câu nhạc thứ hai, nhạc sĩ dùng cấu trúc của câu nhạc trước, nhưng lần này chuyển lên một thể cao hơn. Điểm đặc biệt là câu nhạc lại quay về sử dụng âm giai Do thứ. Các nốt nhạc, thay vì dùng theo ngũ cung phải là Mib Fa Sol La Do, thì lại sử dụng các nốt Sol Lab Sib Do Re, tức là chỉ quanh quẩn trong năm nốt liền nhau đó của thang âm Do thứ mà thôi. Phần hòa âm, do vậy sử dụng các hợp âm trưởng Ab, Bb và Eb. Trong bài nhạc, nhạc sĩ dùng hợp âm G7 ở cuối câu, nghe có vẻ kịch tính, nhưng trong bản hòa tấu, hợp âm được sử dụng lại là Eb, do đó nghe sáng sủa và trang trọng hơn. Về (Do) Đâu (Do) Ơi hàng cây gỗ rong (Do) Nghiêng mình trên sóng sông (Si) Yêu kiều (Sol) Các nốt nhạc ở cuối mỗi câu cũng theo đúng cách đã làm ở câu trước, là chỉ trụ ở hai nốt chính là Do và Sol, chỉ trừ có nốt Si gần cuối. Nét nhạc vút lên một bát độ ở đầu câu, luyến láy rồi từ từ chuyển về nốt Sol, bậc 5. Tuy nốt này là một trong những nốt ổn định (Do Sol và Mib), nhưng do ít ổn định hơn Do, đã tạo đà để nhạc phẩm có thể trở về lại nốt Do ở đầu câu ba. Câu nhạc thứ ba không gì khác hơn là một sự lặp lại của câu một, làm câu nhạc ấy được nghe nhiều lần hơn, tạo một vết ấn của câu nhạc trong người nghe. Tới hết cuối câu này, bài nhạc đã có một cấu trúc rất cân đối. Buồn tôi Không vì sao bỗng dưng Theo đò ngang quá giang Thương chiều. Sau khi để thính giả nghe một loạt các cân đối như ở trên, nhạc sĩ đã tạo một sự biến đổi về âm thanh lẫn tiết tấu bằng một câu ngắn ở cuối đoạn. Câu này là một câu tán thán gồm có hai đoạn nhỏ, mỗi đoạn 4 chữ: Bởi vì thương nhiều Nên nhớ (ơ) Tình Yêu Câu này mang tính đặc thù của lối hò Nam bộ. Tuy chưa có dịp tìm hiểu thật sâu các loại hò ba miền, nhưng do sinh trưởng trong Nam, tôi nghe rất quen thuộc nên có thể khẳng định điều này. Chính cái chữ (ơ) trong ngoặc cũng là để ca sĩ có thể hát và ngẫu hứng theo lối Nam bộ này thôi, vì thường thường tới chỗ gần cuối là người Nam họ thường hò ngân nga như vậy. Về âm thanh, thay vì dùng các nốt gần nhau trong ba câu trước, câu này dùng kỹ thuật Tây phương rải các nốt của Cm là Mib Sol Do đi lên, rồi dùng đúng hợp âm đã dùng trước đây là F7, rải các nốt ấy lên cao hơn Fa Do Mib, rồi luyến láy xuống nốt Do (5). Nếu xem hết toàn bộ phiên khúc, ta thấy nhạc phẩm có dáng nhạc đi lên rõ rệt, trong đó câu một và câu ba chỉ quanh quẩn từ nốt Do (4) và Sol, nhưng khi đến câu cuối đã tiến lên nốt Do (5), tức là một trường canh cao hơn. Nhạc phẩm do đó tạo nên dáng vẻ hoành tráng, và cũng rất phù hợp với ý chính của bài nhạc, khi tạo một dòng nhạc chảy thuận chiều từ sông ra biển. Về cách phối hợp Đông Tây, ta thấy ba phần tư của phiên khúc dùng thang âm ngũ cung, chỉ có câu thứ hai là không. Các luật phát triển giai điệu cũng theo sát. Tuy nhiên khi cần phải thay đổi thì tác giả cũng không ngần ngại, như ở câu thứ tư dùng một câu rải với các hợp âm Cm và F7 rất rõ nét Tây phương, mà vẫn là Đông phương vì các nốt của hai hợp âm Cm và F7 đều nằm trong ngũ cung Do Mib Fa Sol La. Chả trách một nhạc sĩ người Nga đã tán thán là nghe được trong bài có “âm hưởng của nhạc cổ điển châu Âu” , nhưng “cách luyến âm, chuyển đoạn lại rõ nét âm nhạc của phương Đông” .[2] Điệp Khúc Trong phần điệp khúc, cả giai điệu, cung nhạc, cách phát triển câu và đoạn, lẫn tiết tấu đều hoàn toàn khác phiên khúc. Trong khi phiên khúc gồm những nốt luyến láy trong phạm vi hẹp như giữa Do (4) - Sol và Sol - Do (5), thì ở đầu câu 2, nhạc sĩ dùng nhiều nốt Do liên tục trước khi nhảy lên một quãng 4 là Fa, cùng lặp lại câu nhạc đó hai lần. Sự khác biệt này làm cho đoạn hai có tác dụng làm bài vươn dài ra, là sự tiếp nối của câu thứ tư phiên khúc. Hãy xem câu thứ nhất, gồm hai câu nhỏ như sau: Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ Cung nhạc cũng không vươn ra rồi kéo về trong một câu hoàn chỉnh, như các câu một và hai của phiên khúc, mà là cao vút lên từ Do tới Fa, và được lặp đi lặp lại hai lần, như khẳng định cái sự lan tỏa ấy. Tiết tấu cũng thay đổi, từ nốt có độ dài 1 ½ nhịp, rồi nửa nhịp và liên ba: trở thành 7 nốt móc đơn liên tiếp: Sau khi đã đạt đến cao trào ngay chỉ trong hai câu nhỏ tán thán đầu tiên, ở câu thứ hai nhạc sĩ cho ta tiếp hai câu nhỏ tiếp, uyển chuyển với những nốt liền nhau đi gần hết một bát độ từ Fa trở về Sol. Tôi thấy đây là một cách hóa giải những giằng co (tension) của câu trước rất lô-gíc nhưng cũng không kém phần nghệ thuật, như hai nét vẽ liền nhau vòng xuống. Có khi (y) vui lửng lơ! Có khi (y) tuôn sầu u. Hai câu nhạc sau cũng có một lối kiến trúc tương tự, khi câu thứ ba gồm hai câu nhỏ tán thán, còn câu bốn là hai câu nhỏ hóa giải cùng với cách uyển chuyển đi xuống Do (4) và đi ngược lên Do (5) cũng rất điêu luyện. Ở câu thứ ba, nhạc sĩ sử dụng luật tịnh tiến để đưa câu nhạc xuống thấp hơn, thay vì từ Do đến Fa như câu 1, thì là từ Sol đến Do. Nhưng ở câu trước, nhạc sĩ dùng nốt La giáng ở chữ về, còn câu sau thì dùng nốt La thường ở chữ chỉ. Cách dùng hai nốt tự do qua lại rất đặc biệt này không phải dễ làm, nhưng do đã giới thiệu thính giả một số những thay đổi tương tự trong các câu trước, và vì sự biến đổi này ở nhịp thứ tư là nhịp yếu, nên nghe rất dễ dàng chấp nhận. Bởi vì chiều buồn, chiều về dòng sông! Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán? Sự biến đổi nhỏ này tất nhiên phải có chủ đích, vì nó có tác dụng hóa giải bớt một dấu giáng (La) của thang âm Do thứ, để hai câu nhỏ tiếp theo cởi trói bớt thêm một nốt giáng nữa là Mi thứ để trở thành Mi thường, để câu nhạc có thể sử dụng hợp âm Do trưởng. Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo Tôi thấy sự chuyển hợp âm từ Do trưởng sang Do thứ những hai lần mà vẫn mạch lạc như trên quả thật là tuyệt diệu, vì ít thấy ai có thể chuyển được dễ dàng như vậy. Thường thì ở cuối phiên khúc người ta hay đổi thình lình từ thứ qua trưởng (Cm qua C), hay trưởng qua thứ (C qua Cm), nhằm tạo một hiệu ứng thay đổi trong lời nhạc và ý nhạc. Còn thay đổi như trên thì tôi chưa thấy có trường hợp nào khác. Theo thiển ý, vì đã chuẩn bị quá kỹ càng cho người nghe sự chuyển tiếp mạch lạc giữa hai thang âm Đông Tây xuyên suốt bài hát, nên sự bỏ hai dấu giáng này tuy lạ nhưng không còn lạ nữa ở cuối bài. Khi để ý kỹ hơn về phần lời của nhạc phẩm, ta thấy sự kết hợp Đông Tây hài hòa này rất phù hợp với tinh thần của bài, mà theo tôi đó là tính nhị nguyên mà vẫn đồng nhất. Ta sẽ thấy ca từ có những câu dễ và khó hiểu như: Có khi (y) vui lửng lơ! Có khi (y) tuôn sầu u. rồi đến: Bởi vì chiều buồn, chiều về dòng sông! Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán? và: Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo Khi cái vui và cái buồn chợt đến chợt đi, thể hiện bằng các nốt La giáng và La xen lẫn nhau, thì ta cũng như một buổi chiều buồn, có dòng sông Cửu Long để phản chiếu lại lòng ta, để vui buồn cho có đôi, cùng ta chiêm nghiệm, và để... Thương đời thương lẫn nhau... trong chiều. Trong cuốn Ngàn Lời Ca, nhạc sĩ có phân loại bài này thuộc về tình cảm thiên nhiên, nhưng theo tôi nghĩ bài này hướng nội rất nhiều, vì nó có chung một mạch suy nghĩ như bài Đường Chiều Lá Rụng, hay là những bài sau này trong Rong Ca (như Nắng Chiều Rực Rỡ hay Bài Hát Nghìn Thu), nghĩa là như nhạc sĩ có nói đâu đó là soạn nhạc cho cá nhân, cho riêng mình. Khi nghe đi nghe lại bài này trong đĩa Nhạc Tình Phạm Duy [3], tôi rất thích cách sử dụng nhạc cụ cũng như cách phát triển bài nhạc, những chỗ nghỉ lặng cũng như dồn dập, các câu nhạc đối (counter melodies), và nhất là các hợp âm lạ trên nền câu 1 phiên khúc mà nhạc sĩ Duy Cường thêm vào để làm thành một bản hòa tấu gần tám phút mà người nghe vẫn chưa thấy chán. Vì dùng đa số là giàn dây cũng như các loại sáo cho giai điệu chính, người nghe không bị cách chia nhạc equal temperament làm hư đi cái lơ lớ của dân ca miền Nam khi nghe đến các nốt La thường. Tôi hy vọng một ngày gần đây, công ty Phương Nam và các nhạc sĩ Phạm Duy - Duy Cường sẽ cho tái bản lại CD quý giá này để người nghe trong nước có dịp thưởng thức mười nhạc phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Phạm Duy, và một nghệ thuật hòa tấu vững vàng điêu luyện, đầy sáng tạo đã làm nên tên tuổi nhạc sĩ Duy Cường. Trên 20 năm đã trôi qua kể từ khi CD được ra mắt lần đầu tới thính giả Việt Nam hải ngoại, nhưng khi nghe lại lúc này, tôi thấy chúng không hề có tuổi. Những cố gắng sáng tạo trong CD vẫn còn tinh khôi và mới mẻ mỗi khi nghe lại, hệt như những CD hòa tấu bất tử khác của Paul Mariat, Raymond Lefèvre mà tôi vẫn thường nghe mỗi khi cần một chút tĩnh tâm để chiêm nghiệm về những nỗi buồn vui trong đời sống. Xin thân ái chào bạn và hẹn gặp lại bạn trong một lần tìm hiểu về nhạc Phạm Duy khác. Tài liệu tham khảo: 1. Bàn về kỹ thuật viết nhạc trong vài ca khúc Phạm Duy (nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn). 2. Viết về “Chiều Về Trên Sông” của Nguyễn Ngọc Sơn. 3. CD hòa tấu Nhạc Tình Phạm Duy gồm 10 nhạc phẩm: Chiều Về Trên Sông, Trả Lại Em yêu, Tình Khúc Chiến Trường, Đừng Xa Nhau, Tiễn Em, Thương Tình Ca, Con Đường Tình Ta Đi, Đường Em Đi, Hai Năm Tình Lận Đận, và Mộ Khúc. Tiểu Sài Gòn, tháng 1/2010 Chiều Về Trên Sông - Vài nhận xét Phạm Quang Tuấn Chiều Về Trên Sông cho người nghe cảm giác đứng trước dòng sông lớn, cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ tương phản với hình ảnh và tâm tư của con người nhỏ bé. Những điều này ai cũng cảm thấy được, xin miễn bàn thêm. Tôi chỉ xin có vài nhận xét nhỏ về nhạc điệu. Điểm thứ nhất: Sự giản dị và tiết kiệm trong giai điệu Giai điệu Chiều Về Trên Sông chỉ có vài ý chính nhắc đi nhắc lại (repetition) hay chuyển lên hay xuống (transposition). Giai điệu câu 3 và câu 1 đoạn A hoàn toàn giống nhau. Chiều buông trên dòng sông Cửu Long Như một cơn ước mong ơi chiều. Buồn tôi không vì sao bỗng dưng Theo đò ngang quá giang thương chiều. Giai điệu câu 1 và câu 2 đoạn B cũng vậy: Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ... Giai điệu câu 5 và câu 6 đoạn B giống nhau, trừ nốt La: La giảm lần đầu, La đúng lần sau. Sự thay đổi này rất quan trọng, vừa là để giai điệu biến chuyển nhẹ nhàng chậm rãi, vừa để diễn tả một tình cảm từ từ biến chuyển trong lòng người. Bởi vì chiều buồn chiều về (La giảm) dòng sông Bởi vì tình đời nào chỉ (La) thù oán Giai điệu câu 7 và 8 đoạn B hoàn toàn giống nhau, trừ nốt Do cuối chuyển từ thấp lên cao: Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo. Nếu không nhắc lại như trên thì cũng là những transposition (chuyển cả câu nhạc lên hay xuống) rất sát. Câu 2 đoạn A chính là giai điệu câu 1 chuyển lên một quãng 4, ngoại trừ nốt đầu và quan trọng hơn, nốt cuối: Chiều buông trên dòng sông Cửu Long Như một cơn ước mong ơi chiều Về đâu ơi hàng cây gỗ rong Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều. Và ở đoạn B là một transposition khác, lần này thì xuống đúng một quãng 4: Có khi vui lửng lơ Có khi tuôn sầu u. Hoặc từ câu 1 sang câu 5 đoạn B lại là một transposition xuống một quãng 4, nhưng có chút biến đổi: (B1) Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ... (B5) Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông... Nếu transpose chính xác, thì “về” phải là nốt Sib. Thay vì vậy, nhạc sĩ dùng nốt La b cho cảm giác chùng hẳn xuống. Xét kỹ cấu trúc của câu đầu: Chiều buông... trên dòng sông Cửu Long... như một cơn ước mong... ơi chiều. Ý nhạc dài, thong thả, hùng vĩ, thích hợp với chủ đề. Giai điệu hợp thành từ bốn thành tố. “Chiều buông” là một quãng năm (Do- Sol) đơn giản, rất căn bản trong âm nhạc. “Trên dòng sông Cửu Long” chỉ là một sự nhắc lại của nốt Sol (“buông”), dệt thêm vài nét hoa mỹ (ornamentation) như những đợt sóng bồng bềnh. “Như một cơn ước mong” nhắc lại lần nữa, nhưng hai chữ cuối xuống một bậc. “Ơi chiều” về chủ âm để kết thúc. Phải chăng những sự nhắc đi nhắc lại như những làn sóng theo nhau, những tiếng vang vọng trên sông cũng là một yếu tố gợi cảm giác một phong cảnh rất “tĩnh”, một dòng nước mênh mông chậm rãi, một bầu trời chiều bao la? Điểm thứ hai: những biến đổi trong điệu thức Điệu thức là chuỗi cung bậc mà nhạc sĩ dựa vào để tạo ra giai điệu. Bài Chiều Về Trên Sông cơ bản là viết trên một điệu thức ngũ cung Việt Nam (Do Mib Fa Sol La), phảng phất màu sắc điệu thức Dorian (Do Re Mib Fa Sol La Si) của Âu châu. Có vài nốt Re “ghé” vào như: Có khi-i (Re) vui lửng lơ nhưng Re đó là do điệu thức được nâng lên một quãng 4 (thành Fa Lab Sib Do Re), Re phải hiểu là tương đương của La (và La giảm là tương đương của Mi giảm). Nhìn kỹ một chút, tôi nghĩ rằng chữ “khi” được kéo dài thành nhịp chỏi (syncope - bắt đầu chữ “khi” ở nhịp nhẹ và nối sang chữ “i” ở nhịp mạnh) và hát bằng hai nốt Mi giảm-Re, rồi Si giảm-La trong hai câu: Có khi-i (Mib-Re) vui lửng lơ Có khi-i (Sib-La) tuôn sầu u là để tạo cảm tưởng những nốt lửng lơ trong âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nhịp lửng lơ, điệu cũng lơ lửng, và lời thì... không hiểu nhạc sĩ có cố ý đặt hai chữ “lửng lơ” vào lời cuối câu trên không! Nếu có thì “đáng nể”, nếu không thì tiếng Anh có chữ “serendipity” rất thích hợp. Có hai biến cung (accidental) đáng để ý. Một là nốt La đổi thành La giảm trong câu: Bởi vì chiều buồn chiều về (La giảm) dòng sông Điểm này đã bàn ở trên. Nhưng đặc sắc nhất là nốt Mi giảm đổi thành Mi ở hai câu cuối đoạn B: Hãy cất tiếng ca cho đời (Mi) thêm (ý) buồn Hãy cất tiếng ca cho lòng (Mi) thôi khô héo. Điệu thức biến thành Do Mi Fa Sol La Do. Đây là một điệu thức rất đặc sắc, gây ra một âm điệu lạ tai, nhẹ nhàng êm ái, đầy bản sắc Việt Nam mà vẫn có gì mới mẻ. Vì dùng điệu thức ngũ cung, Chiều Về Trên Sông kết thúc bằng một plagal cadence mà các nhạc sĩ thường dùng để tạo một cảm giác trang trọng, uy nghi, kính cẩn, như khi đối diện với Thượng Đế. Úc châu, tháng 2/2010 Unknown

7. Chiều Ðông


Bài thơ Khoác Kín cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng. Tôi đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Ðông:


Chiều Ðông


Chiều đông tuyết lũng âm u

Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn

Ngày đi tầu cũng đi luôn,

Ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.

Phường xa nhịp sắt bon bon,

Tàu như dưới tı̉nh, núi non vọng ầm.

Nhà ga giọt mái lâm râm

Máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào?


Một mình tôi với tuyết non cao

Với cồn phố tịnh buốt vào thịt da;

Với mây trên nhợt ánh tà

Với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.

Chiều đông tuyết lũng âm u

Bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn

Mình tôi nhịp bước đăm đăm,

Tâm tư khoác kín chiều căm lạnh thêm.


Thụy Khuê viết

Phạm Duy có tài lựa những tuyệt tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh. Khoác Kín cũng là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt huyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ. Về phương diện nhạc thuật, nhịp điệu trong bài Chiều Đông là nhịp xe lửa lăn trong một chiều buồn:

Ngày đi tàu cũng đi luôn,

Ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.

Phường xa nhịp sắt bon bon,

Tàu như dưới tı̉nh, núi non vọng ầm.

Nhà ga giọt mái lâm râm

Máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào?

Cũng là những sân ga đèn vàng với tiếng vọng của chuyến tàu ầm ầm rồi mất hút. Cũng là cảnh vài ba người tiễn đưa nhau trong khi tuyết phủ đầy nhà ga trong những tháng mùa đông. Cung Trầm Tưởng đứng nghe chuyến tàu chạy ở một nơi cao vào lúc sẩm tối, nhà cửa dưới thung lũng ẩn hiện những ánh đèn điện nhạt nhòa trong gió bay...

Unknown

8. Cỏ Hồng

Vào năm 1970, sau khi tôi đã soạn xong những bài như Trả Lại Em yêu, Con Đường Tình Ta Đi... vốn là những bài ca tình cảm, mô tả cuộc tình của những lứa đôi đang sống một cuộc đời bấp bênh vì không tránh khỏi cảnh xa nhau bởi thời thế. Một nhạc sĩ khác, Lê Uyên Phương, tung ra một loạt ca khúc mang chất nhục tính , ví dụ những bài như Vũng Lầy Chúng Ta. Tôi bắt chước anh, soạn một bài có tính chất xưng tụng nhục thể.

Cỏ Hồng

(Dalat-1970)

Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối

Rước em lên đồi, hẹn với bình minh

Ðôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép

Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm

Ðồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền

Giọt sương đêm còn trinh nguyên

Nằm mê man chờ nắng sớm lên, rước em lên đồi tiên

Đồi nghiêng nghiêng, cỏ lóng lánh,

Rồi rung rinh, bừng thoát giấc lành

Trời mông mênh, đồi thênh thênh

Cỏ chênh vênh chờ đôi nhân tình

Rước em lên đồi xanh! Rước em lên đồi trinh.

Mời em lên núi cao thanh bình

- Cỏ non phơn phớt ôm chân mình Mời em rũ áo nơi đô thành

- Cùng ta lên núi cao thanh thanh

Em ơi! Ðây con đồi dài, như bao nhiêu mộng đời

Nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương.

Níu em trên đồi, cỏ thơm mùi sữa

Níu em yêu ngồi trên bãi cỏ non

Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc

Hãy xõa mái tóc, rũ trên vai anh mòn

Ðồi quen quen, cỏ ngoan ngoan, tưởng mơn man làn tóc rối mềm

Rồi nghe thêm lời van xin

Từ trong tim hoặc dưới suối tiên, ngã êm trên cỏ hoang

Trời trong em, đồi choáng váng, rồi run lên cùng gió bốn miền.

Cỏ không tên nằm thênh thang, rồi vươn lên vì ta yêu nàng

Hỡi ôi con đồi ngoan! Hỡi ôi cỏ hồng hoang!

Cỏ xanh đổi sắc theo nhân tình

- Mặt trời cũng đang soi tia lành

Cỏ hoang xao xuyến trên ngọn ngành

- Ðỏ như trong giấc mơ lung linh

Em ngoan như tình nồng, em bao la mịt mùng

Em thơm như cỏ hồng em ơi!


Về bài Cỏ Hồng

Thụy Khuê


Bài Cỏ Hồng (Đà Lạt, 1970) rực lên những choáng váng thể xác “đồi nghiêng nghiêng, cỏ lóng lánh, rồi rung rinh, bừng thoát giấc lành... trời trong em, đồi choáng váng, rồi run lên cùng gió bốn miền”. Phạm Duy đã nắm bắt được toàn năng âm nhạc và thi ca để tạo nên Cỏ Hồng, một nhạc phẩm tác hợp nhục tính, thiên nhiên, thi ca và âm nhạc ở cung bậc thượng thừa, khiến người nghe lạc mình vào những rung cảm thể xác của Cỏ Hồng, mất mình, tưởng mình là đối tượng của Cỏ Hồng. Khả năng mê hoặc ở đây đã đạt đến dứt điểm.

Tìm hiểu cách phát triển giai điệu trong nhạc Phạm Duy

Kewin Hiệp (Học Trò)

Trong Cỏ Hồng, Phạm Duy viết bốn đoạn nhạc với các nhạc đề khác nhau, với nhạc đề thứ tư tương phản rõ rệt so với ba nhạc đề trước. Khúc điệu này có một hệ thống nhạc rất ly kỳ, mô tả bốn sắc thái khác nhau của một lần hẹn hò tình tự, gồm:

- Giai đoạn khởi động, vứt dép rồi chạy rong chơi trên đồi;

- Rồi đến giai đoạn nằm mê man chờ nắng sớm lên, giai đoạn đồi cỏ bừng thức giấc để rước em lên đồi trinh;

- Tới giai đoạn lên đến tột đı̉nh đồi;

- Rồi sẽ lâng lâng, thơ mộng, tung cánh bay và cùng em nghiêng nghiêng nghe mặt trời yêu đương.


Trong nhạc Việt Nam, tôi chưa thấy một bài nào tả một cảnh yêu đương với ca từ bóng bẩy đến như vậy, ai muốn hiểu theo nghĩa bóng hay nghĩa đen thì nhạc phẩm vẫn hay như thường.

Tôi xin nói thêm môt chút về nhạc thuật của Cỏ Hồng. Nhạc mở đầu với một dấu thăng (G trưởng) ở dưới trần, khi tiến đến đoạn 3 đã trở thành 4 dấu thăng (E trưởng) trên tiên cảnh.


12

Sau đó trong đoạn 4, một lần nữa nhạc sĩ lại tạo nên một chuyển cung để thoát xác từ tiên cảnh và tiến lên một không gian mới còn bao la hơn nữa:


Đây là lúc đang ở trên tiên cảnh với 4 dấu thăng:


13


Sau đó xuất thần chuyển dịch câu nhạc trước, từ mời em lên núi cao thanh bình đến mời em rũ áo nơi đô thành , là một chuyển cung từ E trưởng sang A trưởng, rồi cung nhạc bay chất ngất lên đến nốt Mí.

14


Sau cùng, từ trên không trung bao la, đôi tình nhân rủ nhau nhìn ngắm đồi núi, rồi vì ở quá cao nên cũng có thể nghiêng tai nghe được mặt trời yêu đương. Nghe chứ cũng không cần thấy nữa vì đôi tình nhân đã ở sát bên rồi. Ca từ tuyệt đẹp của khúc điệu này, với những mặt trời nghe , rồi em ngoan như tình nồng , soạn vào năm 1960, hẳn đã là nguồn cảm hứng cho những nhạc sĩ thế hệ đàn em nối tiếp với những ẩn dụ, ví von không kém? Rồi cả cung nhạc, quá sức prosody với ca từ, là một chuỗi những nốt nhạc lâng lâng đi xuống, ngọt ngào như mía lùi, làm sao em nào mà không muốn rũ áo nơi đô thành để cùng anh lên núi cao thanh thanh cho được?

15

Phân tích vừa rồi đã chấm dứt phần tìm hiểu phương pháp phát triển một khúc điệu của nhạc sĩ Phạm Duy. Hy vọng sau khi đọc xong phần này, bạn có thể định danh được những yếu tố chính làm nên style nhạc Phạm Duy (mà chính ông tạm gọi là gamme phamduyrienne ). Những ý tưởng và nhạc đề đơn giản ban đầu, qua khối óc tưởng tượng phi thường của Phạm Duy đã tạo nên những âm thanh, khúc điệu cầu kỳ bóng bẩy, phần vì tài năng tự tại của một người nghệ sĩ viết nhạc, (và một chút bí hiểm - với biệt danh là nhà phù thủy âm thanh trong đó nữa), cộng với một lòng say mê sáng tạo và nghiên cứu kỹ lưỡng về nhạc thuật Việt Nam và thế giới, cũng như một lòng ham muốn chinh phục những thử thách trong âm nhạc trong suốt sự nghiệp âm nhạc. Viết một ca khúc chưa đủ, ông phải liên kết chúng thành những chương khúc mười bài, rồi những nhạc cảnh, trường ca, tổ khúc dài hơi, để cuối cùng là bốn bức tranh Minh Họa Truyện Kiều, với khoảng trên dưới năm mươi khúc điệu. Đôi khi tôi tự hỏi, what’s next? Còn điều gì nữa mà ông không làm được không?

Unknown

9. Còn Chút Gì Để Nhớ


Saigon 1972. Tôi đi Pleiku để nguyên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tı̉nh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ, Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ ... trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung có bán - cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu.

Còn Chút Gì Để Nhớ

(Theo thơ Vũ Hữu Ðịnh - Phạm Duy phổ nhạc)

Phố núi cao, phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lê đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương.

Em Pleiku má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều quanh năm mùa Ðông

Nên tóc em ướt và mắt em ướt

Nên em mềm như mây chiều buông.

Phố núi cao phố núi trời gần

Phố xá không xa nên phố tình thân

Ði dăm phút đã về chốn cũ

Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng

Xin cảm ơn thành phố có em

Xin cảm ơn một mái tóc mềm

Mai xa lắc trên đồn biên giới

Còn một chút gì để nhớ để quên...


Nhớ mãi Còn Chút Gì Để Nhớ

Vĩnh Quyên


“... Em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông nên mắt em ướt và tóc em ướt/da em mềm như mây chiều trong...”. Mình nghe ca khúc này lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm khi ấy mình nhớ là mới học lớp 11. Lúc ấy chú Bình vừa xuất ngũ sau 11 năm lăn lộn ở chiến trường. Về chưa xin được việc ngay, suốt ngày ông chú nghêu ngao hát váng nhà với cây đàn ghi ta gỗ. Mình và thằng em trai suốt ngày bám ông chú để học lỏm các bài hát. Hồi đó đâu đã có băng, đĩa, sách nhạc như bây giờ.


Không hiểu sao chú Bình thuộc nhiều bài hát thế. Toàn là những bài “đı̉nh” mà một hai năm sau trở thành “hot” ở Hà Nội như: Trị An Âm Vang Mùa Xuân, Tạm Biệt Chim Én, Mặt Trời Bé Con, Em Ở Nông Trường Em Ra Biên Giới... Những bài hát của chú Bình đã đi suốt với mấy chị em mình cả một thời thơ bé. Chú Bình người thấp, nhỏ nhưng giọng hát lại rất khỏe. Nhà mình hồi đấy còn ở Cầu Gỗ - một cái nhà cổ dài dằng dặc. Sự xuất hiện của ông chú sau rất nhiều năm trận mạc trở về có cái gì đó hơi khập khiễng so với khung cảnh. Nhưng bây giờ mình mới nghĩ thế chứ hồi đó suốt ngày chı̉ nịnh ông chú hát. Nhất là những buổi tối mất điện mấy chú cháu rải chiếu ra vı̉a hè trước cửa ngồi đàn hát. Bọn choai choai hàng xóm cũng kéo nhau ngồi nghe. Chú Bình hát rất máu, có những đoạn lên cao vút mà chú vẫn lên được. Chú vừa hát vừa đánh ghi ta. Chú bảo hồi ở đơn vị lúc hòa bình rồi, những lúc rảnh bọn tao toàn đàn hát, rồi hội diễn các kiểu đấy. oách ra phết. Xong chú lại hát. Bọn choai lác cả mắt. Mà ông chú thuộc nhiều bài thật. Đặc biệt là nhiều bài của Phạm Duy lúc đấy còn khá xa lạ với “gu” âm nhạc của người miền Bắc... Nhờ chú Bình mà thời ấy chị em mình đã được nghe “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ” (Ngày Xưa Hoàng Thị)... rồi “Ông giăng xuống chơi cây cau thì cây cau sẽ cho mo, ông giăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút” (Ông Giăng) và cả “Nàng có ba người anh đi bộ đội, những em nàng còn em chưa biết nói, tóc nàng hãy còn xanh. Tôi người vệ quốc quân yêu nàng như tình yêu em gái...” (Màu Tím Hoa Sim) Mấy đứa cứ nghe rồi chép ra giấy học nhẩm theo. Nhà mình cũng lạ, tất cả đàn ông trong nhà, các ông bác, ông chú, bố mình đều biết chơi ghi ta và hát khá hay. Thằng em mình hồi đấy cũng tập tọe ghi ta và hát những bài học được của chú Bình. Còn mình, mình mang những bài ấy đến lớp dạy lại cho mấy đứa bạn. Đứa nào cũng sướng mê tơi.


Mình còn nhớ lúc chú Bình hát “phố núi cao phố núi đầy sương/phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/anh khách lạ đi lên đi xuống/may mà có em đời còn dễ thương” mình đang giặt quần áo ̉ơ dưới nhà, tự dưng thấy bài hát ngộ ngộ, mình leo lên gác bảo chú hát lại bài này đi, nghe lạ quá. Thế là chú Bình dạo ghi ta tưng tưng tưng tưng và hát: “em Pleiku má đỏ môi hồng/ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/nên mắt em ướt và tóc em ướt/da em mềm như mây chiều trong”. Hồi đó đâu có biết chính xác tên bài này, mà cũng không biết là của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định. Chú Bình bảo tao không nhớ chính xác là bài gì, một lần ngồi nhậu trước khi tao xuất ngũ ra Bắc, có một thằng là bạn của một thằng trong đám nhậu, nghe nói thằng này hồi trước là nguỵ, thằng cha nó hát bài này. Tao thấy hay quá nên nhờ nó chép lại cho. Sau có internet mình mới biết đấy là bản nhạc Phạm Duy phổ bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của nhà thơ Vũ Hữu Định viết năm 1970 khi anh về đây thăm một người bạn gái. Cũng nhờ bác “Google” mà mình mới biết anh Vũ Hữu Định đã mất năm 1981. Mặc dù không quen anh Định nhưng lúc đọc bài viết về anh ấy mình cũng buồn xı̉u đi.


Lại nói về chuyện đàn hát của chú Bình, bọn mình thì thích mê nhưng người lớn thì hình như không nghĩ thế. Bố mẹ và bác Cả cằn nhằn chú Bình, cái thằng này suốt ngày hát hò chẳng chịu đi mà kiếm việc làm.


Khoảng nửa năm sau chú Bình xin được việc ở công ty thủy sản. 11 năm trận mạc, chẳng kịp học hành nên chı̉ được xếp làm chân vớ vẩn. Công việc lam lũ, chú bớt hát đi, mà có hát thì cũng không hát to như lúc chú mới về nhà nữa. Năm sau chú lấy vợ, rồi vợ chú đẻ hai thằng con.


Chú già đi rất nhanh, còn bọn mình cũng lớn lên, lúc ấy bắt đầu có các bản nhạc in xuất bản khá nhiều cùng với cả băng catset nên hai chị em cũng không còn hăm hở nghe chú Bình hát nữa. Sau đó nhà mình chuyển nhà, lâu lâu gặp bác Cả hỏi chú Bình còn hay hát nữa không bác bảo độ này tiến bộ rồi, không thấy hát hò gì cả. Thı̉nh thoảng bây giờ giỗ Tết, mấy chú cháu gặp nhau vẫn nhắc lại chuyện ngày xưa. Cả nhà cười rũ. Nghĩ cũng lạ, hồi đấy cái gì chui vào đầu là nó nằm lì trong đấy không chịu chui ra nữa. Chẳng bù cho bây giờ cố nhồi nhét mà nhiều cái cứ đọc qua mồm là nó lại chạy ra ngoài mất tiêu. Đang ngồi gõ những dòng này mà mình vẫn nhớ như in cảnh mình và thằng em ngồi hóng chú Bình hát để học ké.


Sáng nay, xuống sân bay Pleiku, ngồi xe về khách sạn, trời mát dịu mặc dù đang là mùa khô, những con đường uốn lượn của phố núi khiến ký ức đã ngủ quên vụt sống lại. Mình khe khẽ hát “phố núi cao phố núi đầy sương/phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ anh khách lạ đi lên đi xuống/may mà có em đời còn dễ thương” Chú lái xe ngạc nhiên: Ủa chị dân Bắc mà cũng biết bài này? Mình chı̉ cười không nói gì. Về khách sạn, việc đầu tiên là vào internet tải bài này xuống, mở cửa sổ phòng, đứng ở bao lơn nhìn ra con phố dài trước mặt. Những ca từ đầu tiên vừa vang lên chợt thấy lòng rưng rưng như vừa gặp người quen cũ.


Gọi điện cho thằng em bảo mày còn nhớ “em Pleiku má đỏ môi hồng” không? Nó bảo ngay, nhớ chứ sao không, bài này ngày xưa chị em mình hay nghe chú Bình hát mà. Thằng khı̉, hóa ra nó cũng giống mình, cái gì ngày xưa đã chui vào đầu rồi thì cứ ở lì trong đó! Nhưng mà cũng may, nhờ thế mà hôm nay đến Pleiku mình mới còn một chút gì để nhớ chứ!

Pleiku - Mùa khô 2011