🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Văn Hoá Và Con Người
Ebooks
Nhóm Zalo
Văn hóa & Con người
Nguyễn Trần Bạt
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com
Mục lục
Lời tác giả
Lời Mở
VĂN HOÁ HỌC LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM PHẦN A : ĐẠI CƯƠNG VỀ VĂN HOÁ
I. Khái Niệm Và Bản Chất Của Văn Hóa
1. Khái niệm văn hóa
2.Văn hóa và văn minh
3. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần
4. Về tính giai cấp và tính lịch sử
II. Cấu Trúc Của Văn Hóa
1.Tri thức - Tư tưởng
2.Tín ngưỡng
3.Các giá trị đạo đức
4.Truyền thống
5.Pháp luật
6.Thẩm mỹ
7.Lối sống
III. Mối Liên Hệ Biện Chứng Giữa Văn Hoá và Lịch Sử 1.Văn hoá và quá khứ
2.Văn hoá và hiện tại
3.Văn hoá và tương lai
IV. Quan Hệ Biện Chứng Giữa Văn Hoá và Kinh Tế 1.Quyết định luận kinh tế
2.Văn hoá và tăng trưởng
V. Bản Sắc Văn Hoá và Toàn Cầu Hoá
1.Toàn cầu hoá như một xu thế văn hoá
2.Toàn cầu hoá - cơ hội và thách thức
3.Về khẩu hiệu bảo vệ bản sắc dân tộc
PHẦN B. VĂN HOÁ CHÍNH TRỊ
I. Chính trị và Cấu trúc đời sống Chính trị
1.Chính trị, quản lý và cơ chế của sự lựa chọn
2.Nhân dân như là một phạm trù của văn hoá chính trị II. Những nguyên tắc của sự Lãnh đạo
1.Cá nhân và lịch sử: mối quan hệ biện chứng giữa quần chúng và người lãnh đạo
2.Ba cấp độ của sự lãnh đạo
III. Toàn cầu hóa và những xu thế lớn của thế giới hiện đại 1.Toàn cầu hoá và xã hội tri thức
2.Toàn cầu hoá và vấn đề quyền lợi dân tộc
3. Sự lớn mạnh của các lực lượng đa quốc gia
4.Sự thay đổi bản chất ngoại giao nhà nước và vấn đề hai chính sách đối ngoại
IV. Văn hóa chính trị và dân chủ
1.Dân chủ và những sắc thái của nó ở phương Đông và phương Tây 2.Dân chủ, nhân quyền và sự mở rộng khái niệm dân chủ
VI. Những tiêu chuẩn văn hóa chính trị toàn cầu
1.Những thay đổi cơ bản trong đời sống kinh tế-chính trị thế giới 2.Vai trò và khả năng hợp tác trong đời sống hiện đại
3.Xây dựng hệ tiêu chuẩn văn hoá chính trị toàn cầu
KẾT LUẬN. TIẾN TỚI MỘT NỀN TRIẾT HỌC VỀ HỢP TÁC
Lời tác giả
Tôi không phải là một nhà hàn lâm và cũng không có ý định trở thành như vậy. Nhưng tôi là người đam mê quan sát cuộc sống. Chính sự đam mê này và chính sự hấp dẫn của cuộc sống đã thúc ép tôi phải có những lý giải về nó. Tôi cho rằng, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà kinh doanh hay nhà chính trị chỉ là những trạng thái khác nhau, quán xuyến những giai đoạn khác nhau của đời một con người. Những giai đoạn như vậy thống nhất trong cái quy luật mà tôi gọi là lẽ phải của đời sống tâm hồn. Khoa học nếu tách ra khỏi lẽ phải hay ra khỏi đời sống hàng ngày của con người sẽ không còn giá trị và mục đích tồn tại nữa.
Cuốn sách "Văn hoá và con người" là một phần trong những cố gắng nhằm lý giải một số hiện tượng của cuộc sống xuất phát từ những đòi hỏi của chính nó. Suy tưởng là phương pháp mà tôi sử dụng để xây dựng nên cuốn sách này. Ở đây tôi chỉ dùng lại cách mà từ xa xưa nhân loại đã làm để giải thích thế giới. Tôi không có tham vọng gì to tát mang tính triết học. Xin chỉ coi những nghiên cứu của tôi như là kết quả của những suy tưởng khởi nguồn từ những ý niệm lắng lại trong tâm hồn tôi khi cuộc sống đi qua nó. Có thể nhiều quan điểm trình bày trong cuốn sách không nằm trong suy nghĩ hằng ngày của số đông, nhưng như tôi đã nói ở trên, khoa học hướng tới trước tiên là lẽ phải và sự thật.
Tôi xin cảm ơn các cộng sự của tôi tại Viện Nghiên cứu Phát triển Investconsult: Ngô Tự Lập, Phạm Văn Sinh, Nguyễn Hải Yên, Đỗ Thu Thuỷ, Lê Thu Trang, Trương Thu Hương, các đồng nghiệp: Nguyễn Trần Khanh, Đặng Hồng Quang, Nguyễn Tiến Lập tại Investconsult Group đã giành thời gian và công sức giúp tôi hoàn thành cuốn sách này.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam và cá nhân nhà văn Tạ Duy Anh đã tạo điều kiện để cuốn sách của tôi đến được tay bạn đọc.
Lời Mở
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đã có rất nhiều quyển sách nghiên cứu về văn hoá, trong đó có không ít quyển có tiếng vang, một số trải qua thử thách và chứng tỏ được giá trị của mình. Tuy nhiên, theo tôi, còm nhiều cuốn mắc phải những khuyết điểm đáng tiếc.
Khuyết điểm phổ biến nhất nằm ngay ở mục đích nghiên cứu. Một số học giả, hay các nhà nghiên cứu văn hoá như người ta thường gọi, có xu hướng lấy bản thân việc nghiên cứu, hoặc đáng chê trách hơn nữa là lấy mục đích trở thành nhà nghiên cứu, làm cứu cánh, trong khi đáng lẽ họ phải coi việc nghiên cứu đặc tính của một dân tộc hay của các dân tộc là một trong những biện pháp để chỉ ra những yếu tố cần được khích lệ và những yếu tố cần phải hạn chế trong quá trình phát triển. Nói cách khác, những nhà nghiên cứu văn hoá này cố gắng thông qua tác phẩm để thể hiện mình, thể hiện sự hiểu biết văn hoá của mình, hơn là cố gắng vươn tới những mục tiêu phát triển, điều xứng đáng được coi là cái đích cao cả nhất của các giá trị văn hoá.
Những nhà nghiên cứu loại này, chính họ cũng không tự tin lắm vào việc phổ biến các giá trị văn hoá như một yếu tố mang tính động lực. Có thể nói không quá lời rằng họ là những nhà nghiên cứu ích kỷ và tác phẩm của họ là những tác phẩm ích kỷ.
Nhược điểm quan trọng thứ hai là tính phụ hoạ chính trị. Tôi xin bắt đầu bằng một tình trạng đáng đau lòng là đến tận hôm nay người Việt vẫn đang bị lép vế về nhiều mặt trên thế giới. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật đó, nhưng theo tôi, tự ty cũng như tự hào quá đáng đều không thể chấp nhận được.
Một mặt, đúng là cho đến nay, người Việt Nam thường lép vế trong đời thường, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng họ tỏ ra đặc biệt dũng cảm và thông minh trong thời chiến. Nói đến văn hoá Việt Nam là phải nói đến văn hoá của chiến tranh, nói đến cái pha chiến tranh của nó. Trong lĩnh vực này, quả thực chúng ta có nhiều thứ để tự hào. Những sáng tạo thời chiến, những cọc Bạch Đằng chẳng hạn, nói lên rất nhiều điều. Mặt khác, nói đến thời bình thì phải nói đến sự kiến thiết đất nước. Về mặt này người Việt Nam ít có cái để nói. Thế nhưng rất nhiều công trình được viết ra vì những mục đích chính trị cụ thể nào đó, với một thái độ thực chất là phản khoa học, phản văn hoá, lại cố gắng khẳng định điều ngược lại. Đối với những nhà nghiên cứu phụ hoạ chính trị như thế, cần phải khẳng định rằng chính trị là vấn đề tạm thời, mặc dù khoa học chính trị thì vĩnh cửu. Tốc độ phát triển của xã hội ngày càng nhanh thì tính tạm thời của các yếu tố chính trị càng rõ ràng, và nếu như các công trình nghiên cứu văn hoá được viết ra để phụ hoạ chính trị thì bản thân nó đã không có giá trị. Vì thế nghiên cứu văn hoá và tình phụ
hoạ chính trị là hai khái niệm mâu thuẫn nhau như nước với lửa. Còn một khía cạnh nữa là các nhà văn hoá dường như khi viết sách chỉ nhằm để trao đổi với các nhà văn hoá khác, nghĩa là chỉ nhằm trao đổi với nhau, chứ họ không trao đổi với nhân dân. Họ dùng những thuật ngữ cao siêu, họ dùng các khái niệm phức tạp, họ trích dẫn những quyển sách từ tiếng nước ngoài dày cộp mà nếu không cẩn thận thì chính họ cũng sẽ rơi vào trạng thái của những ông đồ cổ hủ "tầm chương trích cú”. Một đầu óc tỉnh táo phải hiểu rằng văn hoá trước hết thuộc về nhân dân và chính nhân dân là người mang tải văn hoá. Các nhà nghiên cứu văn hoá chỉ có một nhiệm vụ là vạch ra những giá trị văn hoá mà nhân dân sáng tạo và gìn giữ trong mọi khía cạnh của cuộc sống: trên chiếc áo của người đàn bà nhà quê, trong điệu quan họ, trong những món ăn dân dã... Bằng cách ấy, họ có thể phân tích những lợi ích văn hoá trong sự phát triển và nhận thức con đường mà các dân tộc đi đến tương lai. Đó chính là cái mà người ta có thể thể hiện bằng một thuật ngữ tưởng chừng sáo mòn là tính nhân dân. Chúng tôi cho rằng mục đích cao nhất của các nghiên cứu về văn hoá là phát hiện và khắc phục bớt những gì cản trở chúng ta hội nhập và tìm kiếm một tương lai tươi sáng. Một quốc gia không phát triển được nếu không có được một chiếc chìa khoá văn hoá của sự phát triển.
Muốn thực hiện được mục tiêu đó, nghiên cứu văn hoá phải thực sự trở thành một ngành khoa học. Vì vậy, việc nghiên cứu, dù chỉ là đại cương, những vấn đề của khoa học nói chung là vô cùng cần thiết.
Nó sẽ cho phép chúng ta tránh được những căn bệnh mà khoa học hiện đại đang vấp phải. Chúng tôi muốn nói đến tình trạng suy thoái của khoa học, một vấn đề có tính cất lõi. Văn hoá học cũng không thoát khỏi tình trạng đó.
Thực ra sự suy thoái của khoa học và những phương pháp nghiên cứu của nó không phải là điều hoàn toàn mới mẻ. Ngay từ hàng trăm năm trước, người ta đã nhận thấy rằng khoa học đang dần dần xa rời cuộc sống, cũng tức là chệch khỏi những mục đích cao thượng ban đầu của nó. Khoa học là tư duy dựa trên các khái niệm, điều đó ai cũng biết. Nhưng đời sống xã hội phát triển nhanh đến mức các khái niệm lạc hậu dần, và trong thời đại ngày nay, chúng lạc hậu từng ngày so với đời sống. Khoa học ngày càng sa lầy vào một thứ bát quái trận đồ của chính nó, ngày càng trở thành một vương quốc đóng kín, một thử đặc khu của những nhà khoa học. Nó chỉ còn giải quyết những vấn đề đó nó đặt ra, và mỗi nhiệm vụ được giải quyết lại gợi ý cho vô vàn những nhiệm vụ khác còn xa lạ hơn với đời sống. Quá trình này đã kéo dài trong nhiều thế kỷ qua và kết quả ngày nay khoa học đã trở nên xa rời con người, các nhà khoa học đang ngày càng chìm đắm trong những nghiên cứu thuần tuý khoa học. Thậm chí chúng ta có thể nói đến một thứ khoa học vị khoa học. Có người ví các nhà khoa họe như là một giống người
khác, người khoa học chẳng hạn - họ rất thông thái, thậm chí rất cao thượng nữa, nhưng dù sao cũng không phải là những con người bình dị như tất cả chúng ta.
Sự suy thoái thể hiện trên hai khía cạnh:
(i) Sự suy thoái của các khái niệm;
(ii) Sự suy thoái của các phương pháp luận logic.
Lý do của sự suy thoái này thật ra rất đơn giản. Khoa học được cấu thành và liên hệ lẫn nhau nhờ các khái niệm và logic tư duy, hay nói cách khác là phương pháp luận. Các khái niệm được hình thành trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định và logic tư duy sẽ dẫn nhà khoa học đến những kết luận và khái niệm khác. Nhưng một khi có tính lịch sử, các khái niệm không phải là bất biến. Nội hàm của chúng thay đổi, vai trò của chúng cũng vậy. Sự suy thoái của các khái niệm tạo ra các khái niệm và các kết luận sai. Đồng thời, sự lạc hậu của logic tư duy cũng làm cho người ta rút ra các kết luận lạc hậu hoặc sai lầm.
Chúng ta hãy thử lý giải sự suy thoái này.
Trước hết là về sự suy thoái các khái niệm. Theo tôi trong khoa học cũng có hiện tượng tương tự như cái mà ta thường gọi là quan liêu trong đời sống xã hội. Sự quan liêu khoa học, ta có thể nói như thế.
Khi người ta ngủ ngon trên các khái niệm thì người ta chỉ tư duy trên các khái niệm sẵn có. Các khái niệm, một khi được sùng bái, được tuyệt đối hoá, sẽ dần dần xa rời đời sống tự nhiên của con người.
Chúng sẽ trở thành những đối tượng tồn tại độc lập và bắt đầu lên tiếng. Chúng đặt ra những tiêu chuẩn, nhũng quy tắc trói buộc tư duy. Cuối cùng, con người trở thành nô lệ cho chúng, những khái niệm tưởng chừng hiền lành do chính họ tạo ra. Đó là hiện tượng suy thoái phổ biến nhất của các khái niệm khoa học.
Tiếp theo là sự suy thoái các phương pháp luận.
Phương pháp luận khoa học chính là công nghệ cho các thao tác khoa học. Ai cũng biết rằng các kết luận khoa học phụ thuộc không chỉ vào hệ thống các khái niệm được chấp nhận làm cơ sở và các thao tác khoa học cụ thể, mà còn vào định hướng thực hiện các thao thác ấy. Thậm chí còn hơn thế nữa: giống như chúng ta thấy rõ trong môn điều khiển học, chính tín hiệu điều khiển, còn trong xã hội là tư tưởng, mới là thứ quyết định. Chỉ có định hướng đúng mới có thể đưa các thao tác, các hành động cụ thể đến một kết quả đúng. Sự lựa chọn một phương pháp tư duy, vì thế luôn luôn phải đặt ra. Ở đâu người ta tôn thờ một loại phương pháp tư duy, ở đâu người ta hạn chế sự lựa chọn các công cụ logic, thì chính ở đó người ta đang hạn chế khả năng của chính mình trong việc tham gia vào quá trình sáng tạo. Và nó tạo ra khía cạnh thứ hai của sự suy thoái khoa học: tính đơn điệu của đời sống logic.
Sự suy thoái của khái niệm, suy cho cùng, chính là suy thoái của thông
tin. Thiếu thông tin khiến cho chúng ta không thể theo kịp những thay đổi không ngừng của cuộc sống, và kết quả là những khái niệm của chúng ta bị lạc hậu. Giống như những mắt xích trong một dây xích, điều đó kéo theo sự suy thoái của nhận thức và của văn hoá nói chung. Cho nên cần phải có sự cảnh báo đối với đời sống xã hội về nhu cầu bổ sung và làm mới các khái niệm. Phải làm cho các khái niệm gần lại cuộc sống, hay nói cách khác, phải làm xanh tươi các khái niệm theo những tiêu chuẩn của cuộc sống.
Vậy nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để khoa học thông tin có giá trị bổ sung cho các khái niệm. Thông tin là một trong những giải pháp của nhân loại để chống lại sự suy thoái của các khái niệm và phương pháp luận. Tin học, và đặc biệt là Internet, chính là một trong những giải pháp của nhân loại làm ra theo yêu cầu nóng bỏng của cuộc sống để chống lại sự suy thoái theo xu hướng quan liêu hoá các khái niệm. Tất nhiên, giống như tất cả mọi phát minh, sáng chế, hay nói một cách khái quát, giống như mọi thứ trên đời, Internet cũng đặt ra những thách thức mới đối với nhân loại. Nhiều người lo ngại Internet sẽ dẫn đến tình trạng tràn lan của bạo lực và sự đầu độc trẻ em bằng tình dục và ma tuý...
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở nhưng trong một xã hội - không chỉ ở Việt Nam - nơi nhiều người dân đang đói hoặc thậm chí không có thông tin, thái độ cảnh giác thái quá sẽ cản trở hiệu quả của một giải pháp vĩ đại mà nhân loại tìm ra để chống lại sự suy thoái của các khái niệm. Theo tôi, nhân dân càng có nhiều thông tin thì các khái niệm càng gần với cuộc sống và do đó nó càng có giá trị khoa học.
Nhân loại cũng đã sáng tạo ra các giải pháp để chống lại đơn điệu hoá đời sống tư duy logic. Đó chính là tính dân chủ của đời sống khoa học. Chính đời sống khoa học gắn liền với dân chủ hoá đời sống xã hội, nó nâng cao tinh thần làm chủ của nhân dân sẽ cho phép chúng ta phát huy tối đa sức sáng tạo của nhân dân trong việc lựa chọn các giải pháp để phát triển. Chính nhờ nền dân chủ mà những logic tư duy cũ nhanh chóng bộc lộ những hạn chế của nó và nhanh chóng nhường chỗ cho logic tư duy mới. Đổi mới, đó là chìa khoá thành công, còn dân chủ là điều kiện tiên quyết cho thành công của quá trình đổi mới.
Trở lại với những nghiên cứu văn hóa, chúng ta thấy rằng khi đời sống tư tưởng thiếu sự đa dạng thì người ta có xu hướng chỉ tôn thờ một vài yếu tố của văn hoá. Người ta lựa chọn một vài tiêu chuẩn đặc biệt hay hạn hẹp của văn hoá để đề cao và biến chúng thành những giá trị. Dĩ nhiên, đó là những giá trị chủ quan. Sự suy thoái của khoa học, suy cho cùng chính là suy thoái của thông tin, của phương pháp luận và tư tưởng. Do đó nhận thức của con người sẽ suy thoái và văn hoá cũng suy thoái theo.
Nhưng văn hoá là một đối tượng sống chứ không phải là một giá trị chết. Và việc phê phán các công trình văn hoá chỉ có ý nghĩa chừng nào nó là đối
chứng để chúng ta lựa chọn một phương pháp và cách tiếp cận đúng đắn... Chúng tôi cho rằng cái mà người ta phải xác định trước khi lựa chọn phương pháp nghiên cứu là câu hỏi: nghiên cứu văn hoá để làm gì? Có phải nghiên cứu chỉ vì nghiên cứu không? Chúng ta phải tìm ra các giá trị xã hội, kinh tế và phát triển trong các yếu tố văn hoá. Chúng ta phải phân tích nó, giải thích nó. Chúng ta phải lặp đi lặp lại, phải nhìn nhận nó được nhiều góc độ khác nhau và đặc biệt là phải chiếu cố đến góc độ nghiên cứu mang tính trợ giúp, tính động lực phát triển, hay nói cách khác, chúng ta phải nghiên cứu văn hoá vì cuộc sống chứ không phải là vì chính nó.
Nghiên cứu văn hoá về cơ bản là nghiên cứu quá khứ. Văn hoá, hoặc đôi khi người ta đồng nhất với đặc tính dân tộc, là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử và người ta thường lấy nó để phân biệt một dân tộc này với một dân tộc khác, như tính cách của con người là cái để phân biệt người này với người kia. Vì thế, chúng tôi cho rằng nghĩa vụ của nhà nghiên cứu văn hoá là nghiên cứu cái bí mật, cái công nghệ để sáng tạo tương lai. Một cuốn sách về văn hoá, vì thế, là cuốn sách về con người.
VĂN HOÁ HỌC LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM
PHẦN A : ĐẠI CƯƠNG VỀ VĂN HOÁ
I. Khái Niệm Và Bản Chất Của Văn Hóa
1. Khái niệm văn hóa
Muốn nghiên cứu vai trò của văn hóa đối với phát triển, trước tiên phải có một khái niệm chính xác và nhất quán về văn hóa cũng như cấu trúc của nó. Trên thực tế, cũng đã có rất nhiều người cố gắng định nghĩa văn hóa. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một sự nhất trí và cũng chưa có định nghĩa nào thoả mãn được cả về định tính và định lượng. Điều đó, theo tôi, có những nguyên nhân sau đây:
Trước hết, trong số những người nghiên cứu văn hóa, hoặc, như người ta thường gọi, những nhà văn hóa, ngoài những định kiến và những hạn chế có tính chất lịch sử, rất nhiều người bị mắc những bệnh nghề nghiệp. Họ thường qui văn hóa vào những lĩnh vực hạn hẹp cụ thể, thường bói văn hóa, cũng như bói cuộc sống nói chung, theo kiểu thầy bói xem voi, bằng cách xem xét những bộ phận cá biệt của nó chứ chưa có một cách tiếp cận tổng thể.
Thứ hai, văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, rất phong phú và phức tạp, do đó khái niệm văn hóa cũng đa nghĩa. Khi đề cập đến nó mỗi người có một cách hiểu riêng tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của họ là điều dễ hiểu.
Thứ ba, giống như tất cả các ngành khoa học xã hội khác, ngành văn hóa học có lịch sử phát sinh và phát triển lâu dài trong lịch sử loài người. Trong quá trình lịch sử đó nội dung của khái niệm văn hóa cũng thay đổi theo.
Tôi cho rằng văn hóa, nói một cách giản dị, là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử khác nhau, qua đó người ta có thể phân biệt được các dân tộc với nhau. Thông qua mỗi một chu kỳ của sự phát triển, dân tộc đó tương tác với mình và với những dân tộc khác, cái còn lại được gọi là bản sắc, hay còn gọi là văn hóa.
Ở đây, tôi gần gũi với cựu Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor khi ông đưa ra một định nghĩa: "Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng địinh bản sắc riêng của mình".
Văn hóa là một hiện tượng khách quan, là tổng hoà của tất cả các khía cạnh của đời sống. Ngay cả những khía cạnh nhỏ nhặt nhất của cuộc sống cũng mang những dấu hiệu văn hóa. Rất nhiều thứ mới thoạt nhìn thì giống nhau, nhưng nếu xem xét kỹ thì lại có những điểm riêng biệt. Trong thực tế, không có sự giống nhau tuyệt đối.
Gần đây, có ý kiến cho rằng trên thế giới đang diễn ra hiện tượng xâm lược về văn hóa như là sự tiếp tục của những cuộc xâm lược bằng súng đạn và kinh tế. Tôi không đồng ý như vậy. Bởi văn hóa là hoà bình, văn hóa là
không xâm lược. Cảm giác bị xâm lược, nếu có, chẳng qua là cái cảm giác và sĩ diện của kẻ yếu. Chúng ta đang sống trong một thế giới duy nhất và cũng có thể nói là thống nhất. Chúng ta phải bắt đầu từ mô hình kinh tế mà Alvin Tofler từng mô tả bằng hình ảnh "con tàu vũ trụ”. Trái đất là một kho chứa hữu hạn các nguồn năng lượng sống và toàn cầu hóa là một quá trình để tiết kiệm nguồn năng lượng ấy bằng cách đảm bảo không sản xuất thừa, không sử dụng nguyên liệu một cách bừa bãi trên phạm vi toàn cầu. Nhưng cùng với quá trình hội nhập về mặt kinh tế còn có một quá trình khác luôn luôn tồn tại bên cạnh, và thậm chí đã đi trước, đó là sự hội nhập về mặt văn hóa. Sự hội nhập về mặt văn hóa chính là quá trình con người đi tìm ngôn ngữ chung cho một cuộc sống chung. Quan niệm về sự xâm lược văn hóa là quan niệm của những cộng đồng người chỉ có kinh nghiệm hình thành trong quan hệ phát triển lưỡng cực, những kinh nghiệm chiến tranh, nhất là chiến tranh lạnh. Văn hóa không phải là ý thức của tôi, của anh hay của bất kỳ ai, mà thuộc về con người một cách tự nhiên. Con người khi sống chung với nhau sẽ gây ảnh hưởng lẫn nhau. Đến phương Tây ta sẽ nhìn thấy rằng trong ngôi nhà nào của người Mỹ, người Anh, người Pháp...cũng có một vài vật dụng gì đó, một vài thứ souvenirs gì đó từ phương Đông. Đôi khi trong xã hội phương Tây người ta có xu hướng xem sự hiện hữu của một vài kỷ vật, một vài đồ trang trí từ phương Đông như là dấu hiệu của tầng lớp thượng lưu hoặc văn minh. Đó là sự đan xen lẫn nhau của cuộc sống, đấy là sự chung sống hoà bình của quá khứ, và đấy cũng chính là cơ sở văn hóa của sự chung sống hoà bình trong tương lai.
2.Văn hóa và văn minh
Hai khái niệm rất hay bị đồng nhất này tuy rất gần gũi nhưng thực ra không phải là một và chỉ có thể coi như đồng nghĩa trong một vài trường hợp cụ thể, chẳng hạn khi người ta đối lập văn minh với bạo tàn.
Thông thường, văn minh được dùng để chỉ trình độ phát triển về vật chất và tinh thần của nhân loại đến một thời kỳ lịch sử nào đó. Một số nhà nghiên cứu, chẳng hạn Alvin Tomer, sử dụng chúng để phân chia lịch sử thành văn minh tiền nông nghiệp, văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Có quan điểm lại cho rằng văn minh là một khái niệm rộng hơn văn hóa, rằng văn minh là sự tổng hoà của văn hóa và xã hội, là sự thể hiện được những hình thức thực tiễn cụ thể của văn hóa trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống như lao động sản xuất, lối sống, hành vi ứng xử...
Trong thực tế, chúng ta thấy có những tộc người chưa có văn minh vẫn có văn hóa của mình. Đôi khi trên sách báo, chúng ta gặp những nhận xét, đánh giá độ cao thấp của các nền văn minh, trong khi đó lại có những người cho rằng các nền văn hóa thực ra là như nhau, rằng việc chúng ta đánh giá cái này cao hơn, cái kia mạnh hơn là do cách nhìn của chúng ta, còn các nền văn minh, những nền văn hóa ở Aztec chẳng hạn, từ cách đây mấy nghìn năm cũng không kém gì nền văn minh ở phương Tây hiện nay...
Tôi nghĩ rằng, tất cả những nhà nghiên cứu về văn hóa đang lấy cái mẫu của thời xưa, khi chỉ cần sự ngăn cách về địa lý là đủ để ngăn cách các cộng đồng người. Nhân loại hiện đại, bằng các phương tiện của mình, không còn bị giam hãm bởi các khái niệm khu trú như vậy. Nếu như các nhà nghiên cứu văn hóa của thế kỷ XXII mà vẫn lấy hình mẫu của thế kỷ XX để noi theo thì chắc chắn cũng vẫn đi đến những kết luận khác với những kết luận của những nhà nghiên cứu văn hóa của thế kỷ XX.
Chúng ta phải phân biệt nghiên cứu về văn hóa như một quá trình vận động, như một yếu tố xã hội, với nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghĩa là xem xét nó như một phiên bản tĩnh. Chúng ta cũng không nên phê phán những người lấy sự phát hiện và phân biệt những khía cạnh khác nhau của các nền văn minh làm mục đích nghiên cứu. Bởi vì họ nghiên cứu lịch sử văn hóa chứ không phải nghiên cứu văn hóa. Văn hóa đang và sẽ còn bớt đần sự cát cứ, còn nghiên cứu lịch sử văn hóa thì không bao giờ có sự cát cứ như vậy. Nói như vậy không có nghĩa là không có sự khác nhau về ảnh hưởng. Một cộng đồng lớn sẽ có khả năng tạo ra một vùng ảnh hưởng lớn hơn, đa dạng hơn, bởi càng đông thì tính đa dạng càng lớn. Tính đa dạng về mặt tính cách của con người sẽ tạo ra tính đa dạng về mặt đời sống văn hóa. Sự lan toả của một cộng đồng lớn sẽ mạnh hơn.
Tuy vậy, khi nghiên cứu văn hóa không nên đặt mục tiêu là xác định nó lớn hay bé, mà nên xem nó có độc đáo hay không, có lạ lẫm hay không, có những sáng tạo gì, có đóng góp gì và đặc biệt là nó có đóng góp gì cho văn hóa chung của nhân loại. Tôi nghĩ rằng nghiên cứu như thế mới giúp ta tìm ra được giá trị thật của văn hóa.
3. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần
Theo tôi, cách phân chia văn hóa thành hai lĩnh vực: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần là không thật hợp lý và thấu đáo. Nó phản ánh lối tư duy lưỡng phân điển hình, ảnh hưởng của những định kiến về tư tưởng cần phải xoá bỏ.
Thực ra, lối phân chia như thế cũng có tác dụng nào đó. Nó cho ta một cái nhìn tuy khá thô thiển nhưng bao quát về những lĩnh vực đời sống của con người: những sản phẩm tinh thần như khoa học, văn học nghệ thuật, các phong tục tập quán...và những sản phẩm vật chất như đồ đạc, nhà cửa, đường xá...Tuy nhiên, thật khó, và ngày càng khó phân biệt rạch ròi đâu là sản phẩm vật chất, đâu là sản phẩm tinh thần. Mặt khác, không có sản phẩm tinh thần nào lại không được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định và cũng như không có một sản phẩm vật chất nào lại không mang trong nó những giá trị tinh thần. Thật vậy, những nhà cửa, đường phố, cầu cống, và ngay cả những vật dụng tầm thường nhất, kể cả những sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt, cũng là hiện thân của những giá trị văn hóa, thể hiện bản sắc dân tộc, trí tuệ và tài năng của những người làm ra chúng.
Hiểu được mối liên hệ mật thiết không thể tách rời của những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất là điều vô cùng quan trọng. Liệu chúng ta có thể chỉ sử dụng những giá trị vật chất có nguồn gốc ngoại lai mà không hề bị ảnh hưởng bởi các giá trị tinh thần bao hàm trong đó hay không? Liệu chúng ta có thể trở thành một mắt xích trong hệ thống sản xuất đang trong quá trình toàn cầu hóa vũ bão mà vẫn nguyên vẹn là một người ngoài cuộc về văn hóa hay không?
Việc hiểu không thấu đáo quan hệ giữa vật chất và tinh thần dẫn đến những lý luận, thoạt nhìn có vẻ rất thanh cao, chẳng hạn cho rằng ngoài khát vọng làm giàu vật chất, cần phải có khát vọng làm giàu về văn hóa. Tôi không nghĩ như vậy. Thế nào là giàu, thế nào là nghèo? Tôi không nghĩ rằng có một dân tộc nào trên đời này không có văn hóa của mình. Mọi cộng đồng người hễ tồn tại đều có yếu tố tinh thần, mà đã có yếu tố tinh thần thì có văn hóa. Vì thế một câu hỏi đại loại như: "Nước Mỹ có văn hóa không?" là câu hỏi ngớ ngẩn.
Có một luận điểm khác không kém phần cực đoan, cho rằng về mặt đời sống vật chất thì nhân loại đã đi được rất nhiều sau vài thiên niên kỷ, còn về tư tưởng thì đứng nguyên tại chỗ hoặc cùng lắm thì đi được không đáng kể. Thật ra con người đã đi những bước dài cả về vật chất lẫn tinh thần, trong đó những bước đi về tinh thần còn lớn hơn nhiều những bước đi về vật chất, từ chủ nghĩa thần linh qua tôn giáo, đến triết học và các hệ giá trị, các hệ tư tưởng. Con người đang dần dần giải phóng mình ra khỏi các định kiến tinh
thần. Đó là những bước đi khổng lồ, là nền tảng của sự phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Nếu Galileo Galilei không tự giải phóng mình ra khỏi sự ràng buộc của Thiên Chúa giáo cục đoan thì làm sao bây giờ chúng ta có sự phát triển đến computer, đến Internet?
Thái độ về sự giàu có vật chất phản ánh một khía cạnh quan trọng trong lịch sử phát triển lâu dài của tư tưởng nhân loại. Thời nào bên cạnh những kẻ say mê vật chất cũng có những người căm ghét sự giàu có. Họ cho rằng vật chất là nguồn gốc dẫn đến sự đồi bại về tinh thần. Lập luận của tôi rất đơn giản: con người sản xuất ra, chế tạo ra, nghe ra những thứ có ích cho con người thì trước hết phải vì yêu mến, vì am hiểu con người. Con người cần vật chất, và sự sùng bái vật chất là có thể hiểu được. Chúng ta cần điều chỉnh nó chứ không cần và cũng không thể tiêu diệt nó. Con người muốn sống trong những điều kiện vật chất ngày càng tốt hơn để có thêm không gian và thời gian thưởng thức chân giá trị của cuộc sống. Đó là điều hoàn toàn chính đáng, chỉ có sự tôn sùng vật chất một cách một chiều và thái quá mới cần lên án mà thôi. Trên thực tế có cả những người nghèo và những người giàu vô đạo. Nhưng người giàu thì ít mà người nghèo thì nhiều. Người giàu mà hư hỏng thì người ta để ý, còn người nghèo hư hỏng thì người ta không để ý. Vì vậy người ta thường lên án sự hư hỏng của người giàu chứ không lên án sự tha hóa của người nghèo. Ngay từ thời cổ đại, Platon đã nhận xét rằng sự nghèo cũng tồi tệ như những sự giàu. Những người nghèo sinh ra đố kỵ, thèm muốn của người khác, đó là cái xấu. Những người giàu sinh ra khinh người, coi thường kẻ khác, họ cho rằng chỉ có tiền là quan trọng nên khinh những người không có tiền, đó cũng là cái xấu.
Vì vậy trạng thái quá nghèo khổ cũng đầy rẫy tội ác như trạng thái quá giàu có. Liệu chúng ta có thể tìm ra một khoảng hợp lý của sự giàu có trong xã hội hay không? Tôi không tin là có khoảng hợp lý đó. Ở mỗi thời điểm khi con người nhận ra một sự hợp lý thì cuộc sống đã bắt đầu dịch chuyển đến một trạng thái hợp lý khác.
Trở lại với khái niệm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, như tôi đã nói, phân biệt như vậy là một sự phân biệt thô thiển. Nếu tôi thờ Phật, và nếu nhà tôi giàu thì tôi mua một pho tượng bằng đồng, còn nếu nhà tôi nghèo - tôi sẽ mua một pho tượng bằng gỗ. Nếu tôi không thể mua được một pho tượng bằng đồng hay bằng gỗ, thì tôi mua một bức tranh. Nhưng thái độ văn hóa của tôi với Phật giáo không hề vì thế mà thay đổi. Vật chất chỉ là phương tiện để thể hiện những giá trị tinh thần trong đời sống văn hóa mà thôi.
4. Về tính giai cấp và tính lịch sử
Giống như tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, một lĩnh vực được xem xét khác nhau dưới các góc độ khác nhau. Nhìn chung, tất cả các hiện tượng được nhìn nhận theo quan điểm văn hóa học đều phụ thuộc vào những yếu tố chủ quan, đặc biệt là: quyền lợi kinh tế, quan điểm và định kiến chính trị, bản chất tâm lý... Đó là những lý do khiến người ta hay nhấn mạnh đến cái gọi là tính giai cấp của văn hóa. Nhưng theo tôi, đó là một quan điểm sai lầm.
Chúng ta cần phải phân biệt văn hóa với tư cách là một hiện tượng khách quan và những cách lý giải văn hóa, bao giờ cũng mang tính chủ quan. Tôi luôn phản đối cái gọi là thuyết giai cấp. Sự phân loại văn hóa theo giai cấp là một sự phân loại hời hợt. Đạo đức thuộc về con người mà con người có những số phận, những pha khác nhau của cuộc đời. Hôm nay anh là ông chủ, anh thuộc giai cấp bóc lột. Ngày mai anh vỡ nợ anh đi đạp xích lô thì anh thuộc giai cấp lao động. Chẳng lẽ, đạo đức của người ta thay đổi chỉ vì ngày hôm qua là ông chủ ngày hôm sau là người đạp xích lô? Tôi luôn nghĩ rằng đó chỉ là những pha khác nhau của cuộc đời một con người, còn đạo đức thuộc về con người chứ không thuộc vào những pha khác nhau của nó.
Tôi xin đưa ra một ví dụ: thói đạo đức giả. Trong văn học, nghệ thuật ta thường gặp hình ảnh người cai trị xấu và tồi tệ, nhưng có lẽ trên thực tế không hoàn toàn là như thế. Liệu đây có phải là kết quả của một tâm lý nào đó hay thực sự tầng lớp thống trị xấu xa như vậy? Bên cạnh đạo đức giả của tầng lớp thống trị liệu có đạo đức giả của tầng lớp bị trị hay không? Theo tôi, có cả hai loại. Tầng lớp bị trị cũng nịnh hót, tranh thủ luồn lách, đó cũng là đạo đức giả Tầng lớp cai trị thì tham nhũng về vật chất hay tinh thần. Tham nhũng về vật chất để tư nhân hóa, cá thể hóa tài sản quốc gia, mượn nhà nước, mượn sức mạnh công cộng để bắt nạt thiên hạ... cho những mục tiêu, lợi ích cá nhân. Đạo đức giả thuộc về con người, không kể đó là giai cấp cai trị hay bị trị.
Các hiện tượng văn hóa không chỉ được đánh giá tuỳ theo các yếu tố chủ quan mà còn tuỳ thuộc vào các điều kiện và hoàn cảnh khách quan.Ở mỗi thời điểm lịch sử, giá trị của một hiện tượng văn hóa cũng như ảnh hưởng của nó phụ thuộc và những điều kiện khách quan và tương quan các điều kiện khách quan ấy. Nếu lần theo dòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng những giá trị đó cũng luôn luôn biến đổi. Bao giờ cũng có những giá trị mới đang và sẽ sinh ra để thay thế những giá trị đã và đang lỗi thời. Chủ nghĩa phong kiến đã từng đóng vai trò tiến bộ nhưng rồi nó trở nên phản động và bị thay thế bởi CNTB. Sau đó đến lượt CNTB lại trở thành lỗi thời... chính vì thế, chúng ta có thể nói rằng văn hóa có tính lịch sử.
II. Cấu Trúc Của Văn Hóa
1.Tri thức - Tư tưởng
Tri thức, có thể nói, là bộ phận quan trọng nhất của văn hoá. Tri thức bao trùm nhiều lĩnh vực: lao động sản xuất (công, nông nghiệp), chính trị, giáo dục, văn học, nghệ thuật, y tế, xây dựng, luật pháp, giao thông, giao tiếp, chinh phục thiên nhiên, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc...Đó là những hiểu biết khoa học, những kinh nghiệm và sự khôn ngoan mà con người tích luỹ được trong quá trình lao động sản xuất, đấu tranh và thích ứng với thiên nhiên cũng như với xã hội nhằm duy trì và phát triển cuộc sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng người trong quá trình lịch sử lâu đời.
Trong thời đại ngày nay, tri thức còn quan trọng hơn bao giờ hết. Nó đang dần dần trở thành lực lượng lao động trực tiếp quan trọng nhất. Điều đó dẫn đến những thay đổi lớn lao không chỉ trong quản lý và sản xuất kinh doanh, mà còn làm đảo lộn cuộc sống con người, thay đổi các quan niệm, các thói quen, các thước đo giá trị. Báo chí đang nói rất nhiều về một nền kinh tế tri thức, nhưng theo chúng tôi, như vậy chưa đủ. Ngày nay, đã đến lúc phải nói đến một xã hội tri thức, trong đó tri thức sẽ quyết định các thước đo giá trị không chỉ của mỗi cá nhân mà còn của cả một dân tộc.
Tất nhiên, tri thức chỉ có thể trở thành một bộ phận của văn hoá nếu như nó định hướng và được định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người. Vai trò định hướng ấy thuộc về đạo đức, mà gốc rễ là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại (chân, thiện, mỹ).
Marx đã có một định nghĩa rất hay, rằng con người là tổng hoà của các quan hệ xã hội. Con người chỉ có thể là con người xã hội, trong đó các cá nhân, ở những mức độ khác nhau, đều được xã hội hoá. Họ sống, làm việc, hành động theo những qui tắc ứng xử đã hình thành trong xã hội. Như thế, chúng ta có thể nói rằng, mỗi cá nhân đã tiếp nhận một hệ thống các qui luật và các thước đo văn hoá và thể hiện chúng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Những thước đo này về bản chất là những tiêu chuẩn lý tưởng mang tính chất qui ước mà mỗi cá nhân cần phải tuân theo, nhưng thực tế chỉ có thể được tiệm cận đến mà thôi.
Một lĩnh vực vô cùng quan trọng của tri thức là khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên, có lẽ quyết định nhất lại là tư tưởng. Hệ thống tư tưởng là sản phẩm mà con người có quyền tự hào trước hết. Tất cả mọi sự sáng tạo về khoa học và công nghệ là hệ quả của tư tưởng. Có một thời chúng ta đã đồng nhất giữa những nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên với các nhà triết học, gọi là triết học tự nhiên. Newton có thể được xem là một nhà triết học. Einstein cũng có thể được xem như một nhà triết học. Lev Tolstoy cũng vậy Triết học là khoa
học để tạo ra cho con người những công cụ nhận thức thế giới, nhận thức chính bản thân con người. Tư tưởng là một sản phẩm vô hình, là sản phẩm tinh thần. Vì thế, nếu con người đối lập mình với người khác, và không phải đối lập bằng tư tưởng mà lại bằng những công cụ vật chất, chẳng hạn để tổ chức các cuộc xung đột, thì đấy là một sai lầm to lớn. Cái đầu tiên mà con người cần phải khắc phục để làm chủ được mình là sự đối lập về tư tưởng. Nhiều cuộc chiến tranh đã không thể tránh khỏi do sự xúi giục của những khác biệt về nhận thức hay khác biệt về hệ tư tưởng. Chính nhân danh sự đối lập về tư tưởng mà người ta tổ chức những sự đối lập khác, về kinh tế chẳng hạn. Tôi cho rằng con người đã vô tình làm mất danh dự của các sản phẩm tư tưởng. Các sản phẩm tư tưởng, cũng như các nhà tư tưởng, vô tư hơn, trong sáng hơn, và có lẽ cũng trong sạch hơn. Họ đóng góp cho nhân loại công cụ để nhận thức để rồi nhân loại sử dụng nó để xung đột. Tôi không tin các nhà tư tưởng xung đột với nhau. Họ chỉ cãi nhau mà thôi. Chỉ có việc sử dụng tư tưởng với những động cơ không trong sạch mới tạo ra sự xung đột. Cho nên sự xung đột về tư tưởng là kết quả của sự vận dụng sai trái tư tưởng chứ không phải là kết quả trực tiếp của các nhà tư tưởng.
Sự nâng cao dân trí, sự tiến bộ của nhân dân là thước đo trình độ phát triển của các quốc gia, đồng thời cũng là nguồn gốc của những đòi hỏi ngày càng cao, ngày càng khắt khe hơn đối với những nhà chính trị. Họ buộc phải có những phẩm chất cao hơn, đặc biệt là phải có trí tuệ cao hơn. Thời đại của những phương pháp cai trị ngu dân đã qua. Ngày nay, họ không còn cơ hội, cũng không thể kìm hãm dân trí để có thể cai trị một cách dễ dãi. Các nhà lãnh đạo, hơn bao giờ hết, phải thực sự là đội ngũ tiên phong, phải xứng đáng là người đại diện cho nhân dân cả về trí tuệ lẫn quyền lợi. Nói cách khác, họ phải phản ánh nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Theo chúng tôi, dân trí là một khái niệm triết học và chính trị học cực kỳ quan trọng, là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất để xác định một xã hội phát triển.
Dân trí bao gồm rất nhiều thứ: tư tưởng, khoa học kỹ thuật, luật pháp, nghệ thuật... Nhưng quan trọng nhất và bao trùm lên tất cả là ý thức của người dân về thân phận của mình. Khi người dân chưa ý thức được về thân phận và vai trò của mình trong xã hội thì không thể nói đến một xã hội phát triển cao.
Vì thế, dân trí gắn liền với dân chủ. Trong tất cả những mặt khác nhau của khái niệm dân trí, mặt quyết định là giác ngộ chính trị. Dân chủ là mức cao nhất của sự giác ngộ chính trị. Chế độ dân chủ làm tăng cường dân trí, có nghĩa là tăng cường số lượng các nhà tư tưởng. Cuộc sống dù ở mức thấp hay mức cao đều là sự chung sống giữa các luồng tư tưởng hay, các nhà tư tưởng. Các nhà tư tưởng ấy ít nhất cũng lý giải bản thân và lý giải cuộc sống. Một người nhận thức có hệ thống thì trở thành nhà tư tưởng, ít nhất cũng là một nhà tư tưởng đối với những vấn đề của chính bản thân mình. Một xã hội
trong đó mọi người đều thông thái, đều có khả năng lý giải các vấn đề của mình để tồn tại và phát triển, chắc chắn sẽ phát triển với tốc độ lớn hơn. Chính vì lý do đó dân chủ sẽ thắng thế. Vì vậy một chế độ chính trị buộc người ta tôn thờ một loại tư tưởng và hạn chế tính đa dạng tư tưởng trong phạm vi quốc gia là chế độ phản động về mặt văn hoá, bởi vì nó hạn chế chính năng lực cạnh tranh của cả dân tộc.
2.Tín ngưỡng
Là một vấn đề vô cùng phức tạp, thực ra tín ngưỡng không phải là hiện tượng mê tín thuần tuý theo cách hiểu thông thường. Lịch sử cho thấy rằng các loại tín ngưỡng khác nhau có sức sống dai dẳng và ảnh hưởng lâu dài mà khó có hệ tư tưởng nào sánh được. Sự phát triển khoa học tưởng chừng đồng nghĩa với sự cáo chung của các tôn giáo, nhưng thật kỳ lạ, các tôn giáo không những không chết, mà ngược lại, có vẻ đang được tái sinh với một sức mạnh mới, dường như đóng vai trò cân bằng cho những từ thức duy lý của con người.
Khi nói đến tín ngưỡng thường người ta nghĩ ngay đến tôn giáo, thực ra tôn giáo chỉ là một phần của tín ngưỡng mà thôi. Tín ngưỡng cũng có quan hệ với tri thức và với tư tưởng, dù đó là những lĩnh vực rất khác nhau. Tư tưởng hay tri thức được nhận thức bằng các biện pháp duy lý, còn tín ngưỡng - bằng bản năng hoặc bằng sự ngờ vực. Nói một cách khác, tín ngưỡng là kết quả của tâm lý ngờ vực, trong đó lớn nhất và phổ biến nhất là ngờ vực ngay chính hiện tại, ngay chính những đại lượng vật lý. Nhiều người nghĩ ngược lại, rằng tín ngưỡng là lòng tin vô điều kiện, còn khoa học mới là sự nghi ngờ.
Thực ra, con người hàng ngày va chạm với những điều mình không nhận thức nổi, đấy là ngờ vực chủ quan; tiếp xúc với những đối tượng không hiểu nổi, họ ngờ vực khách quan. Theo tôi, đó chính là sự khác nhau giữa tư tưởng và tín ngưỡng.
Nếu tư tưởng và lý từ làm cho con người mệt mỏi thì tín ngưỡng là nơi con người giải trí trong cuộc đời. Nếu tư tưởng là công cụ để con người kiếm sống thì tín ngưỡng là công cụ để con người nghỉ ngơi. Con người cần cả nhận thức lẫn giải trí, cả làm ăn lẫn nghỉ ngơi. Tín ngưỡng thể hiện sự trông đợi, hay thậm chí sự ký sinh tinh thần của con người vào người khác, vào những lực lượng siêu nhiên. Nói cho cùng, tư tưởng và tín ngưỡng đều là sản
phẩm tinh thần, nhưng một cái là sản phẩm bị động, cái kia là chủ động. Để đạt đến những mục tiêu do được, con người cần tư tưởng. Tư tưởng giống như một công cụ để con người chủ động chiến đấu, để tổ chức cuộc sống vật lý, cuộc sống sinh học.
Nếu quan niệm như thế thì ta sẽ thấy rằng trong sự phát triển từng ngày từng giờ của xã hội, khi tư tưởng ngày một phong hú lên, vai trò của tín ngưỡng không những không bị giảm đi, mà ngược lại còn tăng lên. Nó trở nên gần gũi với nhiều đối tượng hơn. Con người sẽ tạo ra các tín ngưỡng mới, cải cách, thay đổi một phần hay cấu trúc lại những tín ngưỡng cũ. Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử các tôn giáo thì không có tôn giáo nào không trải qua hàng chục lần cải cách và phân chia.
Có một định kiến cho rằng nói chung các tôn giáo đều đánh giá không cao cuộc sống hiện tại trên trần thế, rằng tôn giáo hướng về một cuộc sống khác, rằng về bản chất nó không được nhân bản. Thực ra đó chỉ là một nhận xét phiến diện. Nguồn gốc của cả tư tưởng lẫn tín ngưỡng đều thuộc về con người. Tôn giáo có sức sống mạnh mẽ vì con người đòi hỏi sức sống mạnh mẽ ấy. Điều này có vẻ trái ngược với những gì đang diễn ra ở phương Tây, ở Anh chẳng hạn, nơi người ta không những rất ít đi nhà thờ mà thậm chí còn bán nhà thờ để sửa thành nhà ở. Ở Pháp thì dường như chỉ còn ngày nghỉ là gắn liền với tôn giáo mà thôi. Để hiểu đúng vấn đề, theo tôi, cần phải thấy rằng con người, ngoài sự khác nhau theo chiều ngang, còn khác nhau trục dọc, có nghĩa là sự khác nhau về lứa tuổi. Con người đi qua các trạng thái lứa tuổi của mình và tìm ra sự nghỉ ngơi khác nhau 'trong âm nhạc, trong hội hoạ, trong khiêu vũ con người đi tìm tất cả các trạng thái để giải thoát mình sau một số quá trình cạnh tranh gay gắt vì mục đích kiến tạo cuộc sống vật lý. Nhưng không phải ở lứa tuổi nào người ta cũng đì tìm những sự giải trí giống nhau. Những người trẻ tuổi ít để ý đến nhà thờ và tôn giáo, nhưng những người lớn tuổi lại để ý đến khía cạnh ấy hơn. Điều đó phù hợp với sức khoẻ, lứa tuổi và tâm sinh lý của họ. Có thể có một vài nhà thờ bị bán đi bởi nguồn gốc sở hữu của nó không rõ ràng. Vấn đề không phải là nhà thờ mà là tôn giáo. Nhà thờ là biểu hiện vật chất của tôn giáo chứ không phải là tôn giáo.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng không phải con người nào tìm đến tín ngưỡng hoặc tôn giáo cũng đều để nghỉ ngơi. Có những người, vì lý do này hay lý do khác, mất đi trạng thái chủ động về tư duy. Có những người, và thậm chí có những cộng đồng người, ẩn mình hoàn toàn trong đời sống tôn giáo và tín ngưỡng. Đấy là biểu hiện sự phát triển không đồng đều của xã hội loài người và cũng là quy luật tự nhiên. Nếu như khoa học không bắt đầu từ đời sống vật chất và tinh thần của con người thì khoa học không có con đường để phát triển cũng vậy, nếu tôn giáo không bắt đầu từ con người hay thậm chí chống lại con người thì tôn giáo cũng sẽ bị tiêu diệt.
3.Các giá trị đạo đức
Tri thức chỉ có thể trở thành một bộ phận của văn hoá nếu như nó định hướng và được định hướng cho các ứng xử của con người và cộng đồng người. Vai trò định hướng ấy thuộc về đạo đức, mà cái gốc của nó là cái thiện, một trong ba giá trị phổ quát nhất trong đời sống tinh thần của nhân loại: chân, thiện, mỹ.
Thiện là đạo đức, hay nói đúng hơn, bản chất đạo đức là cái thiện. Chỉ nói cái thiện không thôi thì con người nhận thức vẫn còn nông cạn, nó phải được phát triển thành thông điệp, hay thậm chí thành một quy chế, để cho con người nhận thức ra nó dưới dạng thức cụ thể và có tính thực hành. Không có cái thiện thì không thể có đạo đức. Không có cái thiện thì người ta gọi là đạo đức giả.
Con người chỉ có thể là con người xã hội, trong đó các cá nhân, ở những mức độ khác nhau, đều được xã hội hoá. Họ sống, làm việc, hành động theo những qui tắc ứng xử đã hình thành trong xã hội. Như thế, chúng ta có thể nói rằng, mỗi cá nhân đã tiếp nhận một hệ thống các qui tắc và các thước độ văn hoá của xã hội và thể hiện chúng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Những thước đo này về bản chất là những tiêu chuẩn lý tưởng mang tính chất qui ước mà mỗi cá nhân cần phải tuân theo.
Đạo đức có cấu trúc của nó. Các thành tố của đạo đức là: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.
- Ý thức đạo đức: Như ở trên chúng ta đã xem xét, con người không thể sống bên ngoài các mối quan hệ xã hội. Cốt lõi của những mối quan hệ đó là tương quan của những quyền lợi cá nhân và những quyền lợi cộng đồng. Để tồn tại, con người phải đưa vào nhau trên cơ sở những lợi ích cá nhân phải phù hợp với những lợi ích của cộng đồng. Những nguyên tắc bảo đảm cho sự phù hợp của những quyền lợi ấy khi đã trở thành tình cảm, quan điểm, quan niệm sống chính là ý thức đạo đức.
- Hành vi đạo đức: Mọi hành vi được thực hiện do thôi thúc của một
động cơ nào đó. Khi hành vi được thực hiện đó thôi thúc của ý thức đạo đức thì nó được gọi là hành vi đạo đức. Hành vi đó thể hiện ý thức đạo đức và văn hoá đạo đức của cá nhân.
Hành vi đạo đức tác động trực tiếp đến con người và gắn liền với ý thức đạo đức. Khi xem xét văn hoá đạo đức chúng ta không thể chỉ xem xét ý thức đạo đức mà phải xem xét cùng với những hành vi đạo đức.
- Quan hệ đạo đức: Quan hệ đạo đức là những quan hệ đã được ý thức đạo đức điều chỉnh giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể và xã hội. Những quan hệ này thường được hình thức hoá bằng những nghi thức xã hội, những phong tục, tập quán... vì thế một mặt nó thể hiện ý thức đạo đức, mặt khác nó đóng vai trò hình thành và củng cố ý thức đạo đức.
Cần phải phân biệt giữa đạo đức cá nhân và đạo đức cộng đồng. Cả đạo đức cá nhân và đạo đức cộng đồng đều góp phần tạo ra một cộng đồng tốt. Tuy nhiên, nói một cộng đồng có đạo đức không có nghĩa là đạo đức của tất cả các thành viên trong cộng đồng ấy đều giống nhau. Đạo đức là cái thiện, nhưng cái thiện thể hiện rất cụ thể dưới hình thức ứng xử hoặc thái độ của từng cá nhân. Đời sống tinh thần của các cá nhân được hun đúc, hình thành bởi lịch sử cá nhân. Đạo đức cá nhân là phần góp về đạo đức của mỗi người, các sự góp đó tạo thành đặc điểm cộng đồng. Nếu nó tương tác với nhau tạo ra một giá trị tương đối đồng nhất trong cộng đồng thì đó gọi là đạo đức của cộng đồng.
Đạo đức có một quá trình hình thành, tồn tại và phát triển liên tục. Không có chuyện đạo đức của thế kỷ này phá vỡ đạo đức của thế kỷ trước. Trong văn hoá có đạo đức, nhưng như thế không có nghĩa là các yếu tố đạo đức của dân tộc này khác với dân tộc khác, của thế kỷ này khác với thế kỷ khác. Văn hoá thể hiện hình thức của đạo đức, là phương thức để con người và các dân tộc thể hiện bản thân mình.
Chính vì thế, đạo đức của dân tộc nào, cộng đồng nào, thời đại nào cũng có cái vỏ văn hoá trong mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Một hiện tượng đáng được lý giải trong đời sống hiện nay là nỗi lo lắng của một số người về nguy cơ đạo đức bị phá vỡ bởi các thành quả khoa học kỹ thuật, như hiện tượng thụ thai trong ống nghiệm trước kia, nhân bản vô tình mới đây. Theo tôi, cần phân biệt nỗi lo của các nhà chính trị với nỗi lo của xã hội. Các nhà chính trị để có tâm lý của những người làm cha mẹ, luôn lo con mình dại, thực ra là lo cái sĩ diện của chính mình. Nếu như tổng thống Mỹ hay thủ tướng Anh có nỗi lo ấy thì cũng không có gì lạ. Tổng thống Mỹ,. thủ tướng Anh cũng đều được nền đạo đức, văn hoá của nước Mỹ hay nước Anh tạo ra. Con người thì lại luôn thay đổi. Cái gì mà nhân loại không thừa nhận sẽ biến mất.
Nhưng đạo đức thì không thể mất đi. Đạo đức còn tồn tại chừng nào con người còn tồn tại. Đạo đức thuộc về con người, là bản chất của con người,
cũng như cái thiện có nội đung phổ biến trong đời sống con người, mặc dù mỗi dân tộc thể hiện đạo đức của mình dưới những hình thức văn hoá khác nhau.
Người ta thường nói đến văn hoá của dân tộc này, dân tộc kia như văn hoá Mỹ, văn hoá Anh... với các thành tố của nó. Nhưng nói đạo đức Việt Nam, đạo đức Mỹ, đạo đức Anh... thì thật là lố bịch. Xin lưu ý rằng cái mà tôi muốn nói là tính phổ biến của các giá trị đạo đức chứ không phải là những hình thức thể hiện cá biệt của nó. Chúng ta nghiên cứu những giá trị phổ biến của đạo đức để xây dựng một lối sống chung trong thời đại mà loài người buộc phải hội nhập với nhau. Chúng ta tôn trọng cách con người thể hiện các giá trị đạo đức của mình.
4.Truyền thống
Một đất nước mà không có truyền thống, không có lịch sử, không có những giá trị vĩnh hằng thì không thể có hiện tại, càng không thể có tương lai. Tuy vậy, vai trò của truyền thống trong quá trình phát triển của quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia đang cải cách thể chế, luôn luôn có tính hai mặt.
Một mặt, truyền thống tạo nền tảng hữu ích cho việc thay đổi các thiết chế chính trị, văn hoá và kinh kế, cho phép giảm những chi phí trong việc chuyển đổi sang những thiết chế mới. Mặt khác, những tiêu chuẩn và qui tắc không chính thức hình thành từ hàng ngàn năm gây những khó khăn rất lớn đối với việc đổi mới các cơ chế chính thức. Truyền thống tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế. Những nhà cải cách ở Trung Quốc đã biết đánh giá đúng vai trò của truyền thống không chỉ phong phú và độc đáo, mà nhiều khi còn bảo thủ và tiêu cực của đất nước họ. Không phải ngẫu nhiên mà thuật ngữ CNXH kiểu Trung Quốc được hưởng ứng và trở nên nổi tiếng. Và không phải ngẫu nhiên mà cái CNXH kiểu Trung Quốc ấy đã thành công trong chừng mực nào đó.
Nói đến truyền thống không thể không nhắc đến bộ phận quan trọng của nó là phong tục, tức là những thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đa số nhân dân thừa nhận và làm theo. Đây là một vấn đề rất phức tạp, cần được nhìn nhận một cách đầy đủ với quan điểm lịch sử, khoa học và không tách rời những khía cạnh tâm lý của nhân dân. Chúng ta có thể xem xét một ví dụ trong kho tàng văn hoá dân gian của Việt Nam: chuyện cổ tích Tấm Cám. Trong câu chuyện nổi tiếng này, sau khi Cám chết, Tấm đã chặt Cám ta làm nhiều mảnh, làm mắm gửi về quê cho dì ghẻ, tức mẹ đẻ của Cám.
Gần đây, một số người nghiên cứu cho rằng điều đó là đáng phê phán. Người ta cũng so sánh với thái độ đấu tố thái quá của những người nông dân vốn hiền lành trong cải cách ruộng đất để đi đến kết luận rằng điều đó là xa rời truyền thống dân tộc Việt Nam. Thực ra, con người, trong quá trình phát triển của mình, luôn luôn sai lầm. Cải cách ruộng đất hay chuyện Tấm Cám cũng là một biểu hiện sai lầm của con người. Đó là trạng thái cực đoan. Mà một trạng thái cực đoan thì không bao giờ phản ánh bản chất của đời sống xã
hội, nó là trạng thái bị kích động.
Nếu anh rất yêu con chó mà anh nuôi, và một ngày xấu trời nào đó nó cắn anh thì anh cũng không thể lấy việc bị cắn như vậy để xem con chó đó không đáng yêu như cũ nữa. Cũng như thế, chuyện Tấm Cám hay thái độ cực đoan của những người nông dân trong cải cách ruộng đất là điều hoàn toàn có thể hiểu được và không xa rời truyền thống.
Truyền thống không phải là thói quen. Truyền thống là các chuỗi thành tựu mà con người ghi nhận được cùng với thời gian, cùng với cuộc sống của mình. Truyền thống tự nhiên xuất hiện. Ai đó nói rất hay rằng gieo hành vi thì được thói quen, gieo thói quen thì được tính cách, gieo tính cách thì được số phận. Truyền thống là một khái niệm hoàn toàn khác, là chuỗi thành tựu của con người trong hoạt động của mình. Truyền thống vừa có giá trị tinh thần, vừa có giá trị giáo dục. Truyền thống cũng bao gồm cả những mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta không nên nhân danh các giá trị truyền thống để trở thành kẻ bảo thủ. Kẻ nào biết phá vỡ các truyền thống ấy để tạo ra nhận thức tốt hơn thì kẻ đó sẽ ấy dựng được một truyền thống tốt hơn cùng với thời gian. Là khái niệm động, cũng như văn hoá nói chung, truyền thống là một sản phẩm của quá khứ.
Với tư cách là một con người hiện đại, chúng ta buộc phải chắt lọc các giá trị truyền thống để đến lượt hơn. Truyền thống và quá khứ không phải là cái dây để buộc hoặc để lôi con người trở lại. Con người phải phát triển, phải đi lên. Nó buộc phải thích nghi để sống và phát triển. Chính vì lưu luyến với quá khứ rừng xanh, cây cao bóng cả nên loài khủng long đã tuyệt chủng. Con người cũng sẽ không tồn tại nếu chỉ thích sống bằng những điều kiện không còn tồn tại, bằng những bóng ma của quá khứ.
Truyền thống của một cộng đồng, cũng như bản sắc, không tồn tại ở người này, người kia mà nó tồn tại trong mỗi chúng ta ở mức độ khác nhau, ở cách nhìn nhận khác nhau.
Không có giá trị truyền thống hay bản sắc dân tộc nào chỉ được quan niệm bởi một số người. Bản sắc của một dân tộc là cái phổ biến trong đời sống công cộng. Cho nên trường phái cho rằng chúng ta đang đánh mất bản sắc cũng không đúng mà trường phái cho rằng cần phải nhanh chóng làm mất nó đi cũng không đúng.
Truyền thống không thể mất đi vì đó là một hiện tượng khách quan, bên ngoài ý muốn của con người. Ở đây có một điểm cần làm rõ: Bản sắc không đánh mất được, không hoà tan được nhưng buộc và cần phải thay đổi để phát triển.
Truyền thống có vai trò quan trọng, nhưng không nên cường điệu những truyền thống đặc biệt của mình. Cái mà ta cần tìm là con đường nào dẫn một dân tộc ra khỏi quá khứ và đến tương lai một cách thuận lợi và ngắn nhất chứ không phải là những giá trị của quá khứ.
5.Pháp luật
Vai trò định hướng ứng xử không chỉ thuộc về đạo đức mà còn thuộc về pháp luật. Những nhà triết học ngay từ thời cổ đại, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, đều nói đến vai trò to lớn của pháp luật.
Hàn Phi Tử cho rằng mặc dù có những bậc hiền nhân, nhìn chung con người có bản tính ác và cần phải dùng pháp luật để điều chỉnh hành vi của họ. Thực ra, cái lệch lạc của con người cũng tự nhiên như cái đúng đắn của nó. Pháp luật và nhà nước là nhu cầu tự nhiên của cuộc sống, không phải là phi tự nhiên. Con người sinh ra làm cả việc đúng lẫn việc sai, cả những việc chính đáng và những việc lệch lạc.
Con người, dù muốn hay không, phải sống chung, với các nhu cầu của cá thể và các nhu cầu mang tính công cộng khác nhau. Vì thế, cần phải có một sự dàn xếp, phải có trọng tài, có người kiểm soát các giá trị công cộng hay phòng ngừa sự xâm phạm vào các giá trị công cộng bởi một số cá thể. Nhà nước và pháp luật là những công cụ không thể thiếu. Vấn đề ở chỗ cần nhà nước nào, pháp luật nào và các giới hạn của nó là gì.
Chúng ta cần phải phân biệt hai khái niệm đạo đức và pháp luật cùng với mối tương quan biện chứng của hai khái niệm này. Đạo đức và pháp luật về bản chất hoàn toàn khác nhau. Đạo đức là các giá trị, còn pháp luật là các công cụ để điều chỉnh các giá trị. Chỉ có đạo đức được luật hoá chứ không có sự đạo đức hoá luật. Đó là hai khái niệm có chức năng xã hội và bản chất tự nhiên khác nhau. Tất cả các khái niệm trên đều thuộc về con người, tuỳ trạng thái giác ngộ của con người mà trở nên hợp lý hay không hợp lý.
Chừng nào con người cảm thấy rằng nếu không có pháp luật thì sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn thì pháp luật đóng vai trò thống trị. Nếu con người cảm
thấy pháp luật bóp chết tự do, bóp chết năng lực sáng tạo của con người thì vai trò của pháp luật sẽ bớt đi. Khi đó các hành vi của con người sẽ được điều chỉnh nhiều hơn bằng đạo đức. Không có mô hình chung cho đời sống con người mà chỉ có mô hình phù hợp cho trạng thái giác ngộ của con người hay trình độ phát triển của con người. Một trò chơi mà luật lệ chặt chẽ quá sẽ làm giảm bớt đi sự bay bướm. Con người sống tuân theo pháp luật nhưng con người sáng tạo theo qui luật của tâm hồn. Nói cách khác đạo đức và pháp luật, mặc dù về mặt bản chất khác nhau, đều có nghĩa vụ xã hội là tạo ra môi trường sống tốt đẹp cho con người. Nếu pháp luật trở thành công cụ để hạn chế tự do và làm giảm thiểu năng lực sống của con người thì pháp luật trở nên phản động.
Nhà nước nào có pháp luật đó, pháp luật ấy thô sơ, độc tài hay dân chủ là tuỳ thuộc vào chất lượng của nhà nước và chất lượng của xã hội. Xã hội đủ năng lực để kiềm chế nhà nước và tác động ngược hấp dẫn và rằng phương Tây đang hướng về những giá trị đó như là "trở về cội nguồn". Ở Việt Nam, hiện nay có phong trào hương ước hoá các qui tắc sống, các qui tắc sinh hoạt ở các làng xã. Việc này, theo tôi, là một sai lầm. Thực ra, hương ước chính là bằng chứng về tình trạng chậm phát triển.
Châu Á không hề có giá trị gì đặc biệt so với phương Tây. Nguồn gốc của việc xem trọng hương ước, bản sắc, giá trị châu Á là kết quả của bệnh tự ty, kết quả của tình trạng kém hay thiếu phát triển. Văn hoá nào, pháp luật nào, quan điểm chính trị nào thì cũng để phục vụ cho sự phát triển con người. Sự phát triển cá nhân con người, chứ không phải hương ước, không phải luật pháp quốc gia hay luật pháp toàn cầu là mục tiêu. Ở đâu nền văn hoá kìm hãm sự phát triển thì nền văn hoá ấy có vấn đề, pháp luật ấy có vấn đề.
Con người là khái niệm, không phải là một cá nhân. Cái hay của phương Tây là dung hoà được giá trị của cá thể và giá trị của cộng đồng. Pháp luật phải dung hoà giữa quyền lợi cá thể và quyền lợi cộng đồng, tạo ra tự do cá nhân chứ không phải tạo ra sự vi phạm các lợi ích công cộng. Đó mới là pháp luật lý tưởng.
Muốn có pháp luật lý tưởng, trước hết phải nâng cao dân trí chứ không phải là bắt đầu bằng việc biên soạn luật. Nâng cao dân trí đến lượt nó lại phải bắt đầu bằng nâng cao mức sống. Con người phải đạt đến một mức độ phát triển vật chất nào đó mới có quyền tự do để nhận thức được các giá trị tinh thần. Một khi còn bị trói buộc vào miếng ăn, vào nhà ở thì con người chưa thể có tự do. Con người mà chưa tự do, chưa được giải phóng ra khỏi những yêu cầu tối thiểu của đời sống vật chất thì không thể có hứng thú để bước sang lĩnh vực thưởng thức các giá trị tinh thần và do đó chưa thể có thói quen tôn trọng các giá trị pháp luật. Cho nên, nhiệm vụ đầu tiên của các hệ thống chính trị là nâng cao mức sống của con người và giải phóng con người
khỏi những ràng buộc vật chất tối thiểu để họ được tự do. Càng tự do bao nhiêu em người càng tôn trọng pháp luật bấy nhiêu. Các hiện tượng vi phạm pháp luật là kết quả của sự thiếu tự do.
Khi nghiên cứu pháp luật, người ta thường đề cập đến hai mô hình: pháp trị và đức trị. Thực ra pháp trị và đức trị là hai trào lưu tư tưởng chứ không phải là hai mô hình pháp luật. Mặc dù luôn luôn nằm giữa trung tâm của những cuộc tranh luận lớn về bản chất của pháp luật, không ở đâu có pháp trị hoàn toàn và cũng không ở đâu có đức trị hoàn toàn, dù là ở phương Tây hay ở phương Đông. Sự phát triển không phải là do dùng pháp trị hay đức trị, mà chính là cách thức sử dụng các phương pháp cũng như cán cân Trị Vì và Quyền Lợi.
Giá trị của phương Tây là biến xã hội thành cấu trúc của các Quyền. Pháp luật là văn kiện, là công cụ để người ta qui định các Quyền. Và chỉ khi người ta qui định các Quyền thì mới tạo ra sự phát triển. Lẽ đơn giản là một khi có quyền, dù hẹp đến đâu chăng nữa, thì con người cũng cố gắng tận dụng không gian chính đáng là các Quyền của họ. Không nên nhầm rằng pháp trị thì hạn chế sự phát triển còn đức trị thì tăng cường sự phát triển hay ngược lại. Ở nơi nào con người bắt đầu có các quyền hiến định, các quyền luật định của mình, thì ở đấy có sự phát triển.
Có một hiện tượng đáng suy ngẫm là phần lớn các quốc gia đang phát triển đạt được thành tựu kinh tế cao trong những thập niên vừa qua (trừ các quốc gia thành phố như Singapore, Hong Kong...) đều là những nước mà ở đó quyền con người bị bóp nghẹt, thậm chí là những đất nước của các bạo chúa. Có thể kể: Chile, Indonesia, Hàn Quốc... Hiện tượng này cần phải được lý giải từ bản chất. Trước tiên, cần phân biệt phát triển và phát triển bền vững. Tạo ra một nhà nước thật mạnh, tập trung tất cả các ý chí hành động, huy động một cách cưỡng bức tất cả các năng lực để tạo ra sự phát triển quốc gia thì đó cũng là một biện pháp tạo ra sự phát triển. Nhưng sự phát triển đó có bền vững không? Một quốc gia có thể phát triển bằng cách đổ chất thải của mình sang các nước lân cận hay không? Và liệu các quốc gia lân cận có cho phép nước đó đổ chất thải sang không?
Trong một thế giới đã toàn cầu hoá, quốc gia nào sẽ hứng chịu rác rưởi của quốc gia khác? Hiện nay, với sự thức tỉnh của các dân tộc sau chiến tranh lạnh, các quốc gia buộc phải điều chỉnh lại chính sách của mình. Không quốc gia nào có thể làm như trước đây được nữa. Giai đoạn tập trung ý chí hành động bằng nhà nước đã qua, giai đoạn hiện nay là giai đoạn thức tỉnh các lực lượng khác nhau trong mỗi dân tộc và vì thế hình thức nhà nước mạnh không còn là hình thức hợp lý.
6.Thẩm mỹ
Thẩm mỹ trực tiếp thúc đẩy tâm lý, làm tăng năng suất lao động, nhưng nó còn tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của nó vẫn là làm giàu có cho đời sống tinh thần của con người.. Vai trò của những thước đo thẩm mỹ trong đời sống tinh thần cũng tương tự như vai trò của những thước do đạo đức trong đời sống xã hội.
Những thước đo này liên quan chặt chẽ với nhau và liên quan với trình độ dân trí, truyền thống, mức độ giao lưu quốc tế và nhiều yếu tố khác. Nói đến thẩm mỹ không thể không nói đến khái niệm cái đẹp. Nhưng đó là một câu hỏi làm đau đầu biết bao nhiêu nhà triết học thuộc đủ mọi quốc gia, sống ở mọi thời đại trong lịch sử. Tôi chỉ có thể nói: cái đẹp bao hàm hai cực: sự phóng khoáng và sự tinh tế. Ở đây may ra có thể có sự phân biệt giữa phương Đông và phương Tây. Phương Tây thường tìm tới cái đẹp trong sự phóng khoáng, hùng vĩ, còn phương Đông - trong sự tinh tế, tỉ mỉ. Cái đẹp là sự hài hoà, sự cân đối cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhưng trước khi nói đến thẩm mỹ của con người cần đề cập đến thẩm mỹ về con người, tức cái đẹp của con người. Con người cần có cả sự phóng khoáng lẫn sự tinh tế, hơn nữa, cần sự kết hợp hai cực khác nhau ấy cả vĩ mô lẫn vi mô, trong đời sống của mình. Con người không phóng khoáng thì không tạo ra được sự hùng vĩ về mặt nhân cách. Sự hùng vĩ thể hiện trong nghệ thuật như trường ca, như những bức tranh hoành tráng. Con người cũng phải xây dựng cái đẹp của mình trong sự hùng vĩ của cá nhân.
Đối với thiên nhiên con người quá nhỏ bé. Có lẽ con người nhận thức và ý thức được sự nhỏ bé của mình so với thiên nhiên nên luôn luôn tìm kiếm kích thước của mình. Đó chính là cách con người sử dụng để thách thức thiên nhiên.
Nhưng con người sống với nhau, hàng ngày va chạm, còn cần có sự tế
nhị, sự tinh tế. Sự tinh tế cần phải được kết hợp với sự hùng vĩ của tâm hồn để tạo ra vẻ đẹp. Nếu con người chỉ nghĩ đến cái đẹp bên ngoài bản thân thì không đủ. Người ta nhận ra giá trị thẩm mỹ của con người chủ yếu là thông qua chính nó. Sự tinh tế không chỉ bổ sung, mà còn duy trì cảm xúc của con người về đối tượng.
Tất nhiên, con người còn lệ thuộc vào phương tiện, vì thế phương tiện cũng phải đẹp. Vẻ đẹp của tiện nghi là phương tiện bổ sung, giúp cho người ta nhận ra cái vẻ đẹp thật của con người. Hiện nay, khi nghiên cứu mỹ họe, người ta thường chỉ nghiên cứu vẻ đẹp nghệ thuật, vẻ đẹp kiến trúc, vẻ đẹp sản phẩm... Nghiên cứu mỹ học, theo tôi, trước hết cần phải bắt đầu bằng nghiên cứu tiêu chuẩn của vẻ đẹp con người.
Cái đẹp là sự kết hợp của các quan niệm cả khách quan lẫn chủ quan. Có thể nói trí tuệ của nhân loại hiện nay chưa đủ để xây đựng được tiêu chuẩn về cái.đẹp. Có những lúc, như trong thời kỳ chiến tranh chẳng hạn, người ta xem những người anh hùng là vẻ đẹp. Từ thời La Mã cổ đại người ta đã tôn sùng vẻ đẹp của người anh hùng. Người ta đem đối lập họ với những kẻ tiểu nhân. Nhưng con người thông thường thì nhiều mà người anh hùng thì ít. Con người đã bắt đầu thay đổi lý tưởng của mình về vẻ đẹp. Người ta không còn nhìn vào sự hùng vĩ, không còn nhìn vào quá khứ nữa, mà bắt đầu nhìn vào nhau với tư cách là các đối tượng. Vẻ đẹp bây giờ là vẻ đẹp dân sự.
Tiêu chuẩn trước tiên của thẩm mỹ về con người ở thời kỳ hiện đại chính là khả năng hợp tác. Con người thường khâm phục những ai sống được với tất cả mọi người. Những ai có ích cho tất cả mọi người, đó là những người đẹp nhất. Tiếp đó là năng lực tiếp nhận. Chúng ta thường nói người này thông minh, người kia sáng dạ. Đấy chính là một vẻ đẹp, vẻ đẹp của năng lực tiếp nhận cởi mở. Tiêu chuẩn thứ ba của vẻ đẹp con người hiện đại là sự hài hoà giữa đời sống tâm hồn và đời sống vật chất. Nói đến vẻ đẹp của con người thì không phải là nói về một sự nghiệp, mà trước hết là nói đến tiêu chuẩn đời sống hàng ngày. Cuối cùng, một con người muốn đẹp thì phải là con người có giáo dục, trong sự giáo dục đó có giáo dục về cái đẹp. Giáo dục góp phần nâng cao khiếu thẩm mỹ của con người, giúp họ có khả năng nhận ra cái đẹp và sau đó là khả năng làm mình đẹp lên.
Trong các nguyên lý về mỹ học có ba tiêu chuẩn chân, thiện, mỹ. Nhưng chân, thiện, mỹ là chức năng giáo đục của nghệ thuật chứ không phải là tiêu chuẩn của cái đẹp. Cái đẹp có thể không bao gồm cái thiện vì cái đẹp được quan niệm khác nhau trong từng thời đại. Đôi khi, vì những lý do thiển cận, người ta có thể dẫn đắt cả một dân tộc làm những điều sai lầm chỉ vì muốn đáp ứng với những tiêu chuẩn cái đẹp nhất thời. Giết nhiều người chẳng hạn, đó không phải là cái đẹp. Hồ Chí Minh từng nói rằng một trận đánh mà chết nhiều người không phải là một trận đánh hay. Cái đẹp nhất thời và cái đẹp vĩnh hằng là những mức độ khác nhau của cái đẹp.
Cái đẹp có thể được thể hiện qua cái Hài, cái Bi hoặc cái Hùng, nhưng nó không hề lệ thuộc vào hình thức biểu hiện ấy. Dù là Bi, Hùng hay Hài, nó vẫn luôn là cái đẹp. Cái đẹp là linh hồn còn Hài, Bi hay Hùng chỉ là cách thể hiện mà thôi. Cái đẹp không lệ thuộc vào
hình thức thể hiện. Cái đẹp chỉ lệ thuộc vào tâm hồn. Cái đẹp được chất ra từ đó. Đôi khi người ta thấy có sự khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn, giữa những người sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật và cuộc sống thực không đẹp của họ. Thực ra đó là một mâu thuẫn giả. Nguyên soái Liên Xô Giukov chẳng hạn. Ông là một nhà quân sự vĩ đại, người đã có đóng góp to lớn trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Ông chính là tác giả cuốn Kết thúc cuộc chiến tranh thê giới thứ II và sự tan rã của nhà nước phát xít, nhưng ông vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi ở trước của nhà một bà già bán bánh mì tên là Giukova. Nếu ta nhìn thấy một cách thông thường thì những con người này có thể không đẹp, không hay, nhưng từ sâu thẳm trong thiên tư, họ đã chặt lọc ra cái tinh tuý nhất của mình để sáng tác ra những cái làm cho mọi người đều phải thán phục.
Người ta thường nhầm lẫn giữa tác phẩm và con người. Tác phẩm nghệ thuật không hề giống con người đẻ ra nó. Nói đúng ra thì không phải tác giả, mà chất thần thánh trong anh ta đã tạo ra chất thần thánh của tác phẩm.
Cần phân biệt rõ ràng cái đẹp và người làm ra cái đẹp. Nếu không phân biệt được hai khái niệm này thì không lý giải được cái đẹp trong đời sống văn hoá. Người làm ra cái đẹp không nhất thiết phải nghĩ mình làm ra để làm gì. Người theo đuổi giấc mơ vì cái đẹp hãy cứ mơ, còn nhân loại, những người hưởng thụ cái đẹp, sẽ nhận ra vẻ đẹp ấy. Cái đẹp đến với con người bằng cách nào không quan trọng lắm, nhưng cái đẹp sẽ được nhận biết bởi con người và không bao giờ người làm ra cái đẹp nhận ra hết giá trị của cái đẹp và nhận ra giá trị thực dụng của cái đẹp.
Tính chất thánh thiện của những người sáng tạo ra cái đẹp là họ không hề mơ tưởng tới nó trong các tác phẩm của họ. Không ai có thể tạo ra sự vĩ đại của mình bằng cách vừa làm vừa nghĩ mình sẽ vĩ đại. Cái vĩ đại là do sự xác nhận của người khác vào một thời điểm mà con người bỗng sực tỉnh về giá trị của nó. Cho nên người sáng tạo ra cái đẹp ẩn náu vào qui luật riêng của họ, họ khép kín bản thân họ, sáng tạo bằng sự cô đơn của họ. Người sáng tác ra cái đẹp vô tư quên mình và không hề biết đến giá trị của nó, chỉ biết rằng mình đang tạo ra cái đẹp theo chính quan điểm của mình. Mỗi một người như vậy sẽ góp phần tạo ra sự phong phú của cái đẹp trên đời.
Có một câu chuyện hoang đường rất hay được nhắc đến là những người sáng tạo phải sống trong nghèo khổ mới có thể sáng tác ra những tác phẩm hay. Điều đó không đúng. Ai có chất liệu của thiên thần thì kẻ đó sáng tác hay, dù họ là người nghèo hay người giàu. Nhưng có một điều kiện chung cho những người sáng tạo ra cái đẹp: đó là sự cô đơn. Cô đơn chứ không
phải là nghèo khổ. Người đời thông thường nhìn thấy Chopin bất hạnh, Beethoven nghèo khổ... Nhưng Chopin và Beethoven chưa chắc đã nghĩ như thế. Có thể là họ không cần một số thứ chứ không phải là họ không có những thứ ấy.
Nghiên cứu thẩm mỹ, chúng ta không thể lẩn tránh việc xác định một cơ cấu nội tại của thẩm mỹ... Theo tôi, cơ cấu nội tại đó bao gồm: - Năng lực thẩm mỹ: Đó là năng lực sáng tạo ra cái đẹp và thưởng thức cái đẹp, một trong những năng lực đặc thù của con người. Có thể nói, năng lực đó hình thành cùng với toàn bộ cuộc sống lao động, tư duy và phát triển của con người, hay nói cách khác là cùng với chính bản thân con người. Trong quá trình sống, con người không ngừng tương tác với nhau, con người không ngừng hoàn thiện các công cụ lao động, các tiện nghi trong đời sống, những mối quan hệ với nhau và với thiên nhiên. Không những thế, con người còn tự hoàn thiện chính bản thân mình. Tương tác giữa con người với nhau làm nảy sinh các giá trị thẩm mỹ mang tính xã hội, tức là đạo đức. Việc hoàn thiện những mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên làm nảy sinh các giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Như thế, thẩm mỹ thực ra bao trùm cả đạo đức lẫn nghệ thuật.
- Hoạt động thẩm mỹ: Là các hoạt động của nhà sáng tạo làm ra các giá trị thẩm mỹ. Như trên đã nói, thẩm mỹ thực ra bao trùm cả đạo đức lẫn nghệ thuật, vì thế nhà sáng tạo phải được hiểu theo nghĩa rộng. Đó không chỉ là các nhà văn, nhà thơ nhà điêu khắc... mà cả những con người bình thường đang hàng ngày hàng giờ tạo ra những vẻ đẹp thường ngày cho cuộc sống chúng ta.
- Các giá tri thẩm mỹ: Các giá trị thẩm mỹ thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là những tác phẩm nghệ thuật (như văn học, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc...), có thể là những phong cách ứng xử, giao tiếp..., nhưng cũng có thể dưới dạng những công nghệ, kỹ thuật và cơ chế quản lý sản xuất... hay thông qua luật pháp.
Như vậy, các giá trị thẩm mỹ không thể hiện trong một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội mà trong mọi hoạt động xã hội của con người. Nó tham gia cấu tạo nên môi trường văn hoá của con người.
7.Lối sống
Con người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng người, một nước, một khu vực nhất định. Trong cuộc sống chung như thế, người ta buộc phải tuân thủ những qui tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn. Những qui tắc này bao trùm tất cả các lĩnh vực: đạo đức, thẩm mỹ... Trong số đó, có những qui tắc dần dần được cá nhân thừa nhận và trở thành thói quen. Đó là lối sống cá nhân. Có những qui tắc được thừa nhận rộng rãi trong nội bộ một cộng đồng nào đó. Chúng được người ta tuân thủ gần như vô điều kiện, gần như một lẽ đương nhiên. Đó là lối sống cộng đồng.
Lối sống là một thói quen có định hướng, có chất lượng lý tưởng. Lối sống là phương cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, nền văn hoá, đặc trưng văn hoá của một con người hay một cộng đồng.
Xưa nay chúng ta vẫn nhầm lẫn về quyền liên quan đến tự do sống, chúng ra nhầm lẫn khi cho rằng nó là một yếu tố hoàn toàn độc lập với cộng đồng và tuyệt đối, chúng ta phấn đấu cho những yếu tố có tính chất tự do tuyệt đối trong lối sống, đó là nhận thức sai lầm.
Con người có học hành, tích luỹ kinh nghiệm, có tích luỹ các giá trị văn hoá đi nữa thì cuối cùng cũng thể hiện mình thông qua hành vi. Trong câu nói “gieo hành vi thì được thói quen...” mà chúng tôi nhắc đến trên kia, thói quen chính là lối sống: "gieo thói quen được tính cách, gieo tính cách được số phận". Lối sống là tiêu chí đầu tiên, tiêu chí tổng hợp nhất, thể hiện chất lượng văn hoá và trí tuệ của một con người. Lối sống không chỉ là hành vi như cách đi lại, ăn nói, nó là hành vi hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tư duy, làm việc và phương cách xử lý các mối quan hệ.
Như thế, ta có thể định nghĩa lối sống như những cách thức, phép tắc tổ chức và điều khiển đời sống cá nhân và cộng đồng đã được thừa nhận rộng rãi và trở thành thói quen. Lối sống có quan hệ chặt chẽ với phương thức sản xuất của mỗi thời đại. Marx đã viết về điều đó trong cuốn Hệ tư tưởng Đức như sau: 'Không nên nghiên cứu phương thức sản xuất ấy đơn thuần theo khía cạnh nó là sự tái sản xuất ra sự tồn tại thể xác của cá nhân. Mà hơn thế, nó đã là một hình thức hoạt động nhất định của những cá nhân ấy, một hình thức nhất định của sự biểu hiện đời sống của họ, một lối sống nhất định của
họ”. Như thế, phương thức sản xuất, theo Marx, là cơ sở đầu tiên để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về lối sống. Cũng từ đó có thể kết luận rằng mỗi tầng lớp, mỗi nhóm người có lối sống riêng của mình.
Tuy nhiên, lối sống hình thành và thể hiện không chỉ trong lao động sản xuất, mà cả trong nhiều lĩnh vực khác như hoạt động xã hội, hoạt động chính trị, hoạt động tư tưởng văn hoá, thể dục thể thao...
Lối sống bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như:
- Cách thức lao động, làm ăn, kinh doanh...
- Các phong tục tập quán
- Cách thức giao tiếp, ứng xử với nhau
- Quan niệm về đạo đức và nhân cách
Người ta không thể có lối sống, hay quyền hành động, tự do tuyệt đối. Trên thực tế bao giờ cũng có những sự ràng buộc nhất định. Một số chế độ chính trị quy định hay giám sát các hành vi sống. Một số nhà chính trị vô tình hoặc cố ý làm cho con người nhầm tưởng rằng tự nhiên họ đã bị ràng buộc như vậy. Thực ra, không nên chỉ huy hành vi mà nên chỉ huy các tiêu chuẩn văn hoá của hành vi. Khi người ta tạo ra các tiêu chuẩn văn hoá của hành vi thì tự nhiên con người cảm thấy rằng mình không còn phải tuân thủ một người hoặc một lực lượng nào đó, mà hành động theo các tiêu chuẩn xã hội văn hoá.
Trên lý thuyết, người ta phân biệt giữa lối sống cộng đồng và lối sống cá nhân. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hoá, khái niệm này là tương đối. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà không ai có thề đứng ngoài mối quan tâm và lợi ích chung, không quốc gia nào có thể đứng ngoài các các mối quan tâm và quyền lợi của cộng đồng thế giới. Để tạo ra cuộc sống người ta phải đi lại, va chạm, gia nhập vào cộng đồng thế giới. Trong xã hội hiện đại, nhờ những phương tiện kỹ thuật tiên tiến, sự giao lưu của con người không chỉ khắc phục được những hạn chế cố hữu về thời gian và không gian trước đây mà còn diễn ra với sự đổi mới cơ bản về chất, nghĩa là khoảng cách giữa lối sống cá nhân và lối sống cộng đồng càng ngày càng bị thu hẹp lại.
Cũng như hành vi cá nhân, lối sống cá nhân không tuyệt đối. Lối sống cá nhân bị lệ thuộc rất nhiều vào lối sống cộng đồng. Cộng đồng sống, với cá nhân đó, được định nghĩa như là một thói quen, một tiêu chuẩn được chấp nhận bởi cộng đồng sống thường xuyên mà người ta gọi là lưu trú, cư trú. Mật độ thời gian đi lại, giao lưu với các cộng đồng khác ngày càng lớn hơn do nhu cầu làm ăn phát triển, hội nhập, giao lưu... Như vậy các cá nhân không những va chạm với cộng đồng mình mà còn va chạm với cộng đồng khác và các cộng đồng cũng va chạm với nhau. Điều này tạo ra sự hình thành các tiêu chuẩn về lối sống, về giao lưu rất đặc biệt trong thời đại của chúng ta.
Việc hình thành thói quen, lối sống, các tiêu chuẩn hành vi càng ngày càng trở nên phức tạp. Các tiêu chuẩn và phong thái có tính chất khu trú càng ngày càng bị bẻ gẫy, nghiền nát, uốn mềm đi để phù hợp với tiêu chuẩn hội nhập. Hội nhập không phải là vấn đề chính trị mà là qui luật của đời sống hiện đại. Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đang xây dựng những quan hệ song phương rời rạc, trong khi đó điều cần thiết và không thể tránh khỏi là phải xây dựng quan hệ đa phương thống nhất. Tất cả mọi người đều phải xây đựng một tiêu chuẩn sống, tiêu chuẩn hành vi của mình trên cơ sở hình thành các quan hệ đa phương. Vì vậy, lối sống phải được xây dựng trên tiêu chuẩn đa phương chứ không phải song phương như trước đây nữa. Các chính phủ đang cố gắng ký được các hiệp định kinh tế song phương. Ký hiệp định hợp tác kinh tế, đó chính là cách thoả thuận các lối sống về kinh tế. Nhưng việc ký các hiệp định song phương khác với những tiêu chuẩn khác nhau sẽ tạo cơ hội để các quan hệ song phương xé nát đời sống xã hội. Để tự bảo tồn trong các quan hệ song phương, người ta phải có một số tiêu chuẩn cơ bản để ứng xử và tiêu chuẩn ấy phải không thiên vị với từng cặp quan hệ song phương. Trong thời đại chúng ta, con người không thể sắp xếp một cách nhân tạo để tạo ra yếu tố đa phương trong các quan hệ song phương. Các cặp quan hệ song phương có tính trội sẽ tạo ra tính chỉ huy trong việc hình thành các tiêu chuẩn đa phương của hành vi.
Lối sống của con người luôn luôn thay đổi theo hướng không phải bao giờ cũng tích cực. Một ví dụ rõ nét nhất là ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất thái quá. Những hậu quả của tâm lý chạy theo lợi nhuận thật là trầm trọng đối với xã hội và đối với lối sống của con người nói chung. Tâm lý này làm đảo lộn các thước đo giá trị và làm rạn nứt các quan hệ xã hội. Nói đến lối sống, người ta buộc phải nói đến một khái niệm kề cận là nhân cách.
Chúng ta thường xem nhân cách như một sở hữu cá nhân, thực ra tính chất sở hữu cá nhân của nhân cách chỉ là một yếu tố tương đối. Và nhân cách cũng chỉ là chịu sự chi phối của các tiêu chuẩn cộng đồng. Con người giáo dục lẫn nhau theo nghĩa rộng, người hiểu biết dạy người kém hiểu biết hơn bằng sự thông thái của mình, nhưng người kém hiểu biết cũng có thể thức tỉnh người thông thái. Giáo dục là kết quả của quá trình giáo dục lẫn nhau. Giáo dục chuyên nghiệp thực ra chỉ có nhiệm vụ trang bị cho người ta vũ khí, công cụ để nhận thức chứ chưa phải là quá trình nhận thức.
Nhiều người cho rằng lối sống cộng đồng bao giờ cũng bị chi phối bởi một lực lượng thống trị có thế mạnh, vì vậy lối sống cộng đồng thực ra xuất phát từ lối sống của một số ít cá nhân. Từ đó, do địa vị chính trị, do thế lực của mình, họ quyết định việc hình thành nên cái gọi là lối sống cộng đồng. Đó là một kết luận hết sức sai lầm. Thói quen cộng đồng là một khế ước không thành văn của các lực lượng xã hội.
Giai cấp thống trị có thể rất mạnh trong địa vị hành chính nhưng chưa
chắc đã mạnh trong địa hạt của đời sống tình cảm là thứ chi phối thói quen cộng đồng không kém gì sức mạnh hành chính. Trên thực tế hầu hết các sức mạnh hành chính đều lần lượt thất bại trước đòi hỏi tự nhiên của đời sống tình cảm, đời sống tâm lý con người. Chúng ta không nên cường điệu quá đáng vai trò của lực lượng thống trị.
Các thế lực thống trị đều là những thế lực nhất thời, còn nhân dân và con người là vĩnh cửu. Không có gì để so sánh giữa lực lượng thống trị và con người nói chung được. Nếu chúng ta nghiên cứu vai trò của lực lượng thống trị thì thấy rằng họ cũng là con người, họ cũng được hình thành từ đời sống thông thường như tất cả chúng ta. Vậy những gì ảnh hưởng đến lối sống cá nhân? Theo tôi, tất cả những gì tương tác với một cá nhân đều ảnh hưởng đến lối sống của cá nhân ấy.
Nếu bỗng nhiên một ngày nào đó, bạn nói rằng công ty này hoặc nhân vật này ảnh hưởng một cách sâu sắc đến nhân cách hoặc lối sống của bạn thì đấy chỉ là một sự ngộ nhận, bởi vì có nhiều yếu tố trước đó đã tạo ra khả năng để bạn tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp ấy. Nếu không được chuẩn bị, ta không thể tiếp nhận được các ảnh hưởng. Giống như quá trình bồi đắp phù sa của các dòng sông: hạt lắng đọng trước làm nền cho hạt sau, trong cuộc sống con người, việc nhận thức cái nọ là tiền đề để nhận thức cái kia. Điều này diễn ra lâu dài, nói cách khác, các yếu tố ảnh hưởng đến nhân cách của một con người không chỉ là các đại lượng nằm trên một mặt phẳng, mà còn là các yếu tố theo thời gian.
III. Mối Liên Hệ Biện Chứng Giữa Văn Hoá và Lịch Sử
1.Văn hoá và quá khứ
Theo định nghĩa của chúng ta, văn hoá là những gì còn lại sau những chu trình của lịch sử. Như thế, văn hoá là sản phẩm của quá khứ. Nhưng không phải bất cứ điều gì xảy ra trong quá khứ, bất cứ cái gì từng xuất hiện trong quá khứ đều thuộc về văn hoá, mà chỉ có những gì mang tính kế thừa một cách có hệ thống mới trở thành văn hoá. Quá khứ càng dài, càng phong phú thì vốn văn hoá càng lớn, càng đa dạng.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều khi người ta nhầm lẫn nền văn hoá của một dân tộc với lịch sử của dân tộc ấy. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta thường nhầm lẫn văn hoá với văn minh, cái mà theo chúng tôi, là một trình độ phát triển nhất định của văn hoá. Thực ra văn hoá với lịch sử, hoặc văn hoá với quá khứ là những phạm trù khác nhau. Chúng chỉ có những mối liên hệ, cho dù rất mật thiết, mà thôi.
Lịch sử là toàn bộ những sự kiện liên tiếp diễn ra trong toàn bộ thời gian tồn tại của một cộng đồng người. Những sự kiện ấy có thể mâu thuẫn nhau, có thể tuân theo những qui luật nhất định đã biết hoặc chưa biết, cũng có thể hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng có thể có những tác động vào xã hội theo những hướng khác nhau, và cũng có thể được đánh giá theo những quan điểm khác nhau.
Văn hoá không phải là những sự kiện, cũng không phải là toàn bộ những sự kiện. Văn hoá nói cho cùng là những xu hướng, những đặc điểm, những tính chất được hình thành một cách tự nhiên như những giá trị tinh thần của chung xã hội, mặc dù nó luôn luôn được mang tải thông qua những phương tiện vật chất. Văn hoá do những hạt phù sa của quá khứ tạo ra. Chúng lệ thuộc vào quá khứ. Tất cả mọi thành tố của văn hoá, cũng tức là mọi khía cạnh của cuộc sống nhân loại, mọi trạng thái hiện đại của nó, đều lệ thuộc vào quá khứ.
Cuộc sống là một chuỗi liên tục, ngày hôm nay phụ thuộc vào ngày hôm qua - đó là một chân lý.
Việc hình thành lối sống, chẳng hạn, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi truyền thống văn hóa và ngược lại lối sống của con người, của cá nhân cũng như cộng đồng, góp phần tạo thành truyền thống và di sản văn hoá. Trong thời điểm của những thay đổi chưa từng có trên thế giới hiện nay, có những lực lượng, những cá nhân có quyền lực nào đó tỏ ra không tin thế hệ trẻ. Họ lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ.
Nhưng đó là sự lo lắng dựa vào tiêu chuẩn của quá khứ mà họ vẫn còn xem là chân lý. Ở nước nào mà người già không tin vào người trẻ, cha không tin vào con thì đất nước ấy không có tương lai. Riêng tôi, tôi luôn tin vào thế hệ trẻ và tôi tin rằng có rất nhiều người đồng ý với tôi. Lý do thật là đơn
giản: cuộc sống của chúng ta sẽ hoàn toàn vô nghĩa, nếu ngày mai không đẹp hơn hôm nay? Nếu tương lai của con cháu chúng ta không đẹp hơn hiện tại của chúng ta? Nếu những người kế nghiệp của chúng ta không thông thái hơn chúng ta?
Mỗi một thế hệ cần phải phấn đấu để cho thế hệ sau mình trở nên vĩ đại hơn mình - Đấy là đạo đức quan trọng nhất của đời sống con người.
2.Văn hoá và hiện tại
Toàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta hiện nay là gì, nếu không phải là sản phẩm của văn hoá?
Chúng ta đang sống với chính những thước đo hình thành trong quá khứ. Những thước đo thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, từ thẩm mỹ đến pháp luật, từ phong tục đến lối sống, từ đạo đức đến nghệ thuật...Văn hoá chính là phương tiện, là môi trường và cũng là cách thức để quá khứ tác động đến hôm nay. Tuy nhiên, quá khứ không phải bao giờ cũng tốt lành. Trước sự phát triển như vũ bão của thế giới gần đây, một số học giả bi quan cho rằng con người cũng chẳng sung sướng hơn mấy, rằng ngày nay, thời gian mà chúng ta có thể chủ động tham gia vào cuộc sống giảm đi nhanh chóng. Họ đi đến kết luận rằng chúng ta đang sống theo những giá trị mà quá khứ quy định, tức là sống theo định kiến, trong khi cuộc sống đã thay đổi về cơ bản. Tôi cho rằng tương lai của cuộc sống được quyết định bởi trí tưởng tượng của con người, còn quá khứ là gông xiềng đối với bất kỳ ai. Để thoát ra khỏi sự trói buộc đó, tôi nghĩ rằng con người phải nhận thức được những tiêu chuẩn chất lượng, hay đòi hỏi tự nhiên, của cuộc sống hiện tại. Con người phải tập thói quen tìm hạnh phúc trong mỗi hoàn cảnh và nhịp điệu của cuộc sống hiện tại. Không có niềm vui lâu dài. Không có buổi dạ hội nào kẻo dài suốt cuộc đời. Nếu có một ai đó chỉ mơ tưởng đến cảm giác vui vẻ hạnh phúc, bay nhảy thì đó là một người phi thực tế, hay thậm chí là một người ngu ngốc. Cuộc sống con người bao gồm các pha khác nhau, các trạng thái khác nhau.
Người Trung Hoa là điển hình cho một loại người quá mơ tưởng và sùng bái quá khứ. Cho đến nay ở Trung Quốc người ta vẫn xem thời đại Nghiêu, Thuấn là thời đại hoàng kim của đời sống tinh thần. Khổng Tử giỏi mấy đi nữa, phân tích mãi đi nữa, cuối cùng vẫn quay về giá trị của Nghiêu, Thuấn. Những người truy tìm hạnh phúc của mình trong quá khứ để khai thác kinh nghiệm quá khứ và để tìm những thông điệp hay những cái có lý của cuộc sống là những người không có trí tưởng tượng.
Con người phải tập làm quen với cuộc sống hiện đại, không còn lối thoát nào khác. Đừng hy vọng có một giải pháp trung dung nào cho đời sống của con người nếu không tìm ra được bí quyết để sống với hiện tại. Con người có tầm nhìn phải tưởng tượng ra, phải truy tìm những yếu tố tương lai của cuộc sống để không bị động với cuộc sống. Con người tiên tiến chính là người tìm ra chất lượng của tương lai để làm quen với nó từ trong hiện tại.
Mà hiện tại của chúng ta thì thật nhiều biến động. Nó liên quan đến những thay đổi căn bản trong thế kỷ XX. Ngày nay, quá trình lưu chuyển hàng hoá và thông tin trở nên sôi động trên toàn thế giới, nhất là khi thông
tin đã trở thành tầng điện ly thứ hai của quả địa cầu, thì cộng đồng cần phải được mở rộng hơn nữa. Tầng ozon bị chọc thủng đã buộc nhân loại nhận thức ra rằng mình không thể sống tách rời nhau được. Khi con người nhận thấy trữ lượng của mọi nguồn tài nguyên đều hữu hạn thì cuộc sống cũng có thể hữu hạn, cuộc sống hữu hạn thì con người phải biết rằng nếu chúng ta tiêu dùng nhiều trong thế hệ này thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của thế hệ sau. Con người ngày càng nhận ra sự xuất hiện của nhiều vấn đề mang tính toàn cầu cho nên cộng đồng bây giờ trở thành cộng đồng toàn cầu. Hiện tại của chúng ta là một thứ hiện tại toàn cầu.
Ngay cả khái niệm văn hoá cũng được hiểu ngày một rộng hơn và cũng sâu sắc hơn, vai trò của nó cũng ngày càng được đề cao, nhưng đặc tính của văn hoá thì không thay đổi. Và thật ra thì sự mở rộng khái niệm như thế cũng chỉ là những thay đổi do nhận thức chứ không phải là thay đổi của bản thân văn hoá. Văn hoá có tính bền vững của nó. Tính bền vững tương đối của văn hoá được quy định trước hết bởi chính bản chất của văn hoá. Chính nhờ tính bền vững tương đối ấy mà văn hoá có thể được truyền lại, có thể được tiếp nhận.
3.Văn hoá và tương lai
Báo chí khắp thế giới gần đây nói rất nhiều về thế kỷ XXI như là thế kỷ của văn hoá. Những quan điểm như vậy là không thật đúng. Con người, trên đường đi tìm kiếm chân lý, bỗng nhiên phát hiện ra những khía cạnh khác nhau của sự vật và tuyệt đối hoá nó. Đó thường là khuyết điểm của tính không chuyên nghiệp về mặt tư tưởng. Tôi cho rằng tương lai không phải là của văn hoá, tương lai là của con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Trình độ nhận thức của con người đã đạt đến mức con người nhận thấy văn hoá trở thành quan trọng. Đấy chỉ là một trạng thái nhận thức mới của con người về các thành tố tham gia vào quá trình cấu tạo ra cuộc sống của mình.
Nói văn hoá là quyền lực hay tương lai của chúng ta đều không đúng. Văn hoá có tính bền vững của nó. Chúng ta vừa mới bàn về điều này. Văn hoá luôn luôn tồn tại trong đời sống của con người, luôn luôn chiếm giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, bởi vì nó chính là con người. Văn hoá là yếu tố để thể hiện một cách đầy đủ nhất, một cách trọn vẹn nhất, một cách tổng hợp nhất các giá trị con người.
Hệ giá trị là những cấu trúc phổ biến, những cấu trúc không có quốc tịch mặc dù bao giờ cũng có bản sắc riêng của nó đối với từng cộng đồng khác nhau. Chúng ta nghiên cứu cấu trúc của văn hoá là nghiên cứu cái phổ quát, còn văn hoá của ai thì không được quy định bằng hệ giá trị. Trước đây, khi trí tuệ con người còn thấp, chúng ta phấn đấu vì một hệ lý tưởng nào đó được chỉ ra bởi một hệ tư tưởng. Nhưng cuộc sống diễn biến nhanh hơn nhiều so với những gì con người dự kiến. Con người phấn đấu không phải chỉ vì tương lai mà cần phải và cần có quyền sống, quyền hạnh phúc ngay trong hiện tại.
Thực ra, cần phải nói rằng không thể có thứ hạnh phúc tương lai. Hạnh phúc tương lai là thứ hạnh phúc tưởng tượng, còn hạnh phúc có thật là hạnh phúc diễn ra ngày hôm nay. Hệ giá trị là những tiêu chuẩn để cho con người tìm kiếm hạnh phúc đích thực của nó chứ không phải hạnh phúc trong trí tưởng tượng, hay trong sự tiên lượng về hạnh phúc.
Hệ giá trị là một biểu hiện rất thực tế của văn hoá. Nó dễ bị, hay được, xoá bỏ để thay đổi tạo ra sự phát triển. Đó vừa là phương tiện để con người tự đo mình và vừa có giá trị như một công cụ để có thể đối thoại. Hệ giá trị có thể coi như ngôn ngữ chung để con người chung sống, để con người đi tìm kiếm sự dung hoà, sự cân bằng, sự hoà bình. Hệ giá trị ấy mang tính phổ biến và độc lập tương đối với các giá trị kinh tế.
Đời sống càng ngày càng mở rộng do các khả năng giao lưu. Các quốc gia đang phát triển mới chỉ đặt ra nhiệm vụ hội nhập về kinh tế, nhưng thực ra vấn đề quan trọng hơn cần đặt ra là phải tạo cho con người có năng lực
hội nhập về mọi mặt của đời sống. Hội nhập là yêu cầu của đời sống. Tiêu chuẩn cá nhân, tiêu chuẩn cộng đồng đều có tính độc lập tương đối. Sẽ hoàn toàn sai lầm nếu đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn hoàn toàn độc lập cộng đồng hoặc là cộng đồng độc lập tuyệt đối với các cộng đồng khác. Tất cả những điều này đều liên quan đến văn hoá.
Nhân loại đang phát triển theo xu hướng hội nhập, từ xưa đến nay chứ không phải chỉ từ cuối thế kỷ 20. Hội nhập là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Và hội nhập trước hết là hội nhập về văn hoá.
Nhưng các cộng đồng đi vào tương lai bằng cách nào? Và ảnh hưởng của văn hoá đến nhận thức của con người, đến việc hình thành công nghệ tìm kiếm tương lai của mỗi một dân tộc, thể hiện như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại buộc phải trả lời một câu hỏi khác: Tương lai là gì? Tương lai là cuộc sống ngày mai, chất lượng tương lai thì khác nhau nhưng khái niệm tương lai là giống nhau. Nếu người ta tự sát thì không có ngày mai, nếu người ta hạn chế trí tuệ thì chất lượng của ngày mai sẽ kém đi. Vậy làm thế nào để con người học tập được kinh nghiệm của những dân tộc, của những cộng đồng tiên tiến để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn, cao sang hơn? Đấy chính là cái mà tất cả mọi nhà giáo dục, nhà chính trị đều mong muốn.
Để có kiến thức thì người ta vừa lệ thuộc vào ngày mai vừa phụ thuộc vào quá khứ. Nếu không có ngày hôm qua thì không có kinh nghiệm để có ngày mai, chính vì thế các nhà chính trị thường cường điệu bản sắc dân tộc. Nó chính là chìa khoá để có những kinh nghiệm ban đầu cho hành trình từ hôm nay đi đến ngày mai. Thế nhưng, nếu chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào sự lạc hậu và các yếu tố lạc hậu của kinh nghiệm thì chúng ta sẽ đến ngày mai chậm hơn. Lý do thật đơn giản: chúng ta sẽ không thể tự do học hỏi những cách thức tiên tiến cần thiết cho sự phát triển. Từ xưa đến nay, các dân tộc lạc hậu thường là các dân tộc cát cứ. Nước Mỹ hùng vĩ như thế, phát triển như thế, nhưng vẫn còn hai trào lưu đấu tranh gay gắt với nhau: trào lưu "biệt lập chân chính" cho rằng cần phải đóng cửa lại, rằng nước Mỹ cần giải quyết các vấn đề của mình, và trào lưu thứ hai cho rằng nước Mỹ phải mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới, lấy sức sống của thế giới làm chính sức sống phát triển của mình.
Theo tôi, chúng ta phải thu lượm, hay nói một cách thô kệch hơn, phải nhặt nhạnh tất cả các kinh nghiệm mà chúng ta có thể nhặt nhạnh được trong cuộc sống để tạo ra nhận thức, tạo ra công nghệ tương lai của mình.
IV. Quan Hệ Biện Chứng Giữa Văn Hoá và Kinh Tế
1.Quyết định luận kinh tế
Tuyệt đối hoá chân lý thì bao giờ cũng sai. Chân lý bao giờ cũng tương đối, phù hợp với khả năng khai thác của con người. Nhưng phê phán các nhà triết học như là người nghiên cứu đi tìm kiếm các qui luật rồi trau chuốt hệ thống phương pháp luận của mình lại là cái sai khác. Cuộc sống là ngẫu nhiên nhưng nhiệm vụ của con người là nhận thức ra tính qui luật trong quá trình ngẫu nhiên. Nói cho cùng chính vì người ta đã tìm ra một số yếu tố tất nhiên trong sự hỗn mang ngẫu nhiên ấy nên con người mới phát triển, mới đưa ra được các dự báo, mới hoạch định được kế hoạch.
Tuyệt đối hoá những giá trị có thể lường được tức là biến con người thành cứng nhắc và định kiến. Trong lĩnh vực văn hoá, tình trạng này rõ rệt đến mức không cần bàn cãi. Trong một thời gian dài trước đây, do quan niệm văn hoá một cách chật hẹp, và còn do chủ nghĩa duy vật thô thiển, người ta vẫn cho rằng văn hoá là một cái gì đó phát sinh từ kinh tế, rằng văn hoá chỉ là kết quả, là sự phản ánh trình độ phát triển kinh tế mà thôi. Khi xem xét mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, người ta xem văn hoá đứng ngoài kinh tế, do kinh tế làm nền tảng và tài trợ, nghĩa là chỉ thấy quan hệ một chiều, trong đó văn hoá giữ vai trò thụ động.
Tuy nhiên, thực tiễn và những kinh nghiệm, cả thành công lẫn thất bại trong quá trình phát triển của nhiều nước trên thế giới, đã chỉ ra rằng quan điểm đó là hết sức sai lầm. Thực ra, chưa bao giờ kinh tế là nền tảng của văn hoá cả. Kinh tế, hay cơ sở vật chất, chỉ là phương tiện giúp người ta nhận thức các giá trị văn hoá mà thôi. Đừng nhầm lẫn giữa văn hoá và các công trình về văn hoá, cũng đừng nhầm lẫn giữa văn hoá và các đền đài, miếu mạo. Các đền đài, miếu mạo chỉ là các phương tiện để giúp người ta thể hiện bản chất văn hoá và giúp đời sau nhận thức ra rằng trong quá khứ đã từng có những giá trị văn hoá nào đó mà thôi. Kinh tế chưa bao giờ là cơ sở của văn hoá, đó là quan điểm của tôi.
Văn hoá không phải là tất cả, nhưng văn hoá có mặt ở tất cả. Theo tôi, trước hết, cần phân biệt giữa các sản phẩm vật chất và nội đung tinh thần trong đó. Chỉ là nồi cơm thôi, nhưng người ta đã thổi vào đó chất lượng cả nhận thức lẫn phong thái, tức là văn hoá của con người. Tất cả các phạm trù nhận thức cũng như các yếu tố trong cuộc sống đều tương
tác với tư duy con người. Nhận thức của con người cũng không thể phản ánh đầy đủ các tương tác ấy. Nhưng con người càng ngày càng nhận thức đầy đủ thêm thực tế tham gia của các yếu tố. Cho nên chúng ta phải phân biệt cái mà chúng ta có với những khái niệm, tức là cái mà chúng ta xây dựng trong nhận thức của chúng ta. Các yếu tố là các hiện tượng, các đối tượng bên ngoài ý nghĩ của chúng ta.
Mỗi một phạm trù, mỗi một khía cạnh khác nhau của hiện tượng sống đều có mặt ở trong nhau. Nó tương tác lên nhau, nó tác động và gây ảnh hưởng lẫn nhau. Bản thân con người là sự giao thoa của rất nhiều yếu tố sống. Cũng như thế, nhận thức của con người là sự giao thoa của rất nhiều khái niệm sống. Cái vĩ đại mà con người tạo ra chính là tính tương thích, tính chân thực của những ý nghĩ để phản ánh hiện thực. Trong phương thức tiếp cận với cuộc sống thực nó có dấu hiệu, hay nói cách khác là có mầu sắc văn hoá.
Trước đây, khi con người còn loay hoay về cơm ăn áo mặc thì con người nhìn nhận vai trò của những giá trị vật chất rất lớn và một khi đã thấy cái gì đó lớn quá rồi, sẽ để nó lấn át tất cả các yếu tố khác. Trong nhiều thập kỷ chúng ta rất ca ngợi các phương pháp biện chứng. Phương pháp biện chứng khác với các phương pháp khác về mặt hình thức là người ta nhận biết sự vật và hiện tượng dựa vào các mối quan hệ nội tại của nó và người ta cố gắng đưa vào trong các quá trình nhận thức hiện tượng càng nhiều yếu tố càng tốt. Văn hoá là một mặt của hiện tượng đời sống bên cạnh mặt kinh tế, mặt chính trị... Các mặt ấy tương tác với nhau, quan hệ biện chứng với nhau để tạo ra đời sống. Văn hoá và kinh tế là các mặt khác nhau của đời sống, những phạm trù khác nhau của đời sống.
Trong nhận thức của con người, những mặt khác nhau của cuộc sống trên thực tế được phản ánh qua những mối quan hệ nội tại, những quan hệ biện chứng. Lúc mà chúng ta nghèo đói, chúng ta thấy rằng kinh tế quyết định rất nhiều thứ. Khi đời sống vật chất được nâng lên đến một mức nào đó rồi và đã có khả năng thoả mãn các nhu cầu tối thiểu của con người, tức là khi con người đã bước sang trạng thái người thật sự về mặt vật chất, con người sẽ phát hiện ra nhiều khía cạnh khác có ảnh hưởng đến đời sống công cộng.
Văn hoá giống như một cái lồng, trong đó chứa đựng tất cả mọi thứ. Kinh tế là một nội dung khoa học, là trí tuệ của một dân tộc. Sinh hoạt kinh tế thể hiện sâu sắc bản sắc của một dân tộc trong những điều kiện không hội nhập về kinh tế. Có những người đặt câu hỏi "Kinh tế có phải là văn hoá hay không?'. Tôi cho rằng đó là một câu hỏi không đúng. Kinh tế dĩ nhiên không phải là văn hoá, nhưng trong kinh tế có dấu hiệu, có yếu tố, có sự thể hiện giá trị văn hoá một cách rõ ràng. Nói một cách khái quát hơn thì tất cả các hành vi xã hội đều chứa đựng yếu tố văn hoá. Chúng ta không nên cường điệu khái niệm văn hoá nhưng cũng không nên tách biệt nó ra khỏi đời sống. Câu hỏi ngược lại, "Trong văn hoá có kinh tế không?” cũng vậy. Tôi xin lưu ý rằng trong văn hoá có tất cả mọi thứ. Hay nói một cách khác, văn hoá có mặt trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống.
Về tác động của văn hoá, chúng ta có thể nói vắn tắt như sau. Thứ nhất, văn hoá không phải là cái ăn theo, cũng không phải là sự phản ánh thụ động sự phát triển kinh tế. Trái với những lời khẳng định rằng thành
công về kinh tế sẽ dẫn đến việc mở mang văn hoá, chúng ta biết nhiều ví dụ hoàn toàn ngược lại. Những nước phát triển nhanh trong mấy thập kỷ vừa qua, kể cả Nhật Bản, hiện đang đau đầu với hiện tượng suy thoái đạo đức và giáo dục, với sự đổ vỡ của những giá trị truyền thống. Trong khi đó có những nước phát triển kinh tế chậm hơn lại làm được khá nhiều cho một môi trường văn hoá lành mạnh.
Thứ hai, văn hoá là một nhân tố tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế. Điều đó ngày nay mới được nhận thức đầy đủ nhưng thật ra không có gì mới, bởi lẽ trong bất kể thời kỳ nào, ở quốc gia nào và được chế độ nào, con người cũng đóng vai trò quyết định đối với quá trình sản xuất. Mà con người thì trước hết là một thực thể văn hoá, hay nói như Marx là tổng hoà của những quan hệ xã hội. Xem xét sự thành công của những nước NICs, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng bí quyết nằm ở ảnh hưởng sâu rộng của Khổng giáo, vốn buộc con người hy sinh những lợi ích cá nhân cho mục đích cộng đồng. Thậm chí có nhà lãnh đạo của một nước Châu Phi tuyên bố với dân chúng: "Hãy cho tôi toàn quyền của một vị hoàng đế, tôi sẽ mang lại sự thịnh vượng cho mọi người".
Chúng tôi không nghĩ rằng vấn đề có thể giải thích đơn giản như thế, nhưng rõ ràng truyền thống đóng một vai trò lớn lao đối với cung cách làm việc, và điều đó đến lượt mình sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, nhất là trong giai đoạn tích luỹ ban đầu.
Dân trí gắn liền với sự phát triển. Đó là yếu tố cơ bản, là tiền đề của sự phát triển. Dân trí thấp thì phát triển thấp. Các nhà chính trị của nhiều quốc gia hiện vẫn còn chưa nhận thức rõ ràng về vấn đề này. Họ nói: "Chúng tôi là một dân tộc chậm phát triển về mặt kinh tế nhưng có dân trí cao và văn hoá phát triển. Chúng tôi biết làm thơ, chúng tôi có nhà thơ Y, nhà hoạ sĩ X...". Xin thưa, bất chấp tài năng không ai có thể chối cãi của Đỗ Phủ và Lý Bạch, Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển. Bất chấp Truyện Kiều của Nguyễn Du, Việt Nam vẫn là quốc gia đói nghèo. Chúng ta không thể nhân danh sự phát triển của quá khứ để giải thích sự chậm phát triển của hiện tại. Chúng ta tự hào về quá khứ là quyền chính đáng nhưng chúng ta không thể gối đầu và ngủ ngon trên sự phát triển của quá khứ. Mỗi thời đại đều có nghĩa vụ tạo ra sự phát triển của chính mình.
Xin trở lại vấn đề quan hệ giữa văn hoá và kinh tế. Như vậy, liệu chúng ta có thể nói đến một sự năng động tương đối của văn hoá? Câu trả lời của tôi là khẳng định. Văn hoá luôn luôn tồn tại song song với kinh tế nhưng văn hoá không phát triển đồng hành với kinh tế. Lấy trà đạo ở Nhật Bản làm ví dụ. Trà đạo là kết quả của sự phát triển kinh nghiệm uống trà của con người chứ không phải là kết quả của sự phát triển kinh tế. Có những dân tộc phát triển kinh tế nhanh hơn mà không có trà đạo. Nói như trên không có nghĩa là các phương thức hưởng thụ của con người phát triển
cùng với kinh tế. Các phương thức hưởng thụ của con người phát triển cùng với kinh nghiệm hưởng thụ của con người chứ không phải là cùng với phát triển kinh tế. Văn hoá có tính độc lập tương đối với điều kiện vật chất của con người chứ không phải kinh tế. Kinh tế không đóng vai trò gì trong việc hình thành trà đạo, nếu có chăng thì chỉ với tư cách là người cung cấp cơ sở vật chất để người ta thực hiện, hay mở rộng, kinh nghiệm uống trà thành trà đạo, chứ hoàn toàn không quyết định sự xuất hiện hay phát triển của trà đạo.
Không nên đặt ra vấn đề kinh tế như là đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển văn hoá. Chúng ta đã nghiên cứu cấu trúc văn hoá và đã xem xét tri thức như một thành tố của văn hoá. Rõ ràng chúng ta thấy rằng kinh tế phát triển cùng với sự phát triển tri thức. Các hình thái, các phương thức hoạt động kinh tế là kết quả trực tiếp của quá trình phát triển tri thức. Nếu xét các công cụ sản xuất, chúng ta thấy nó là kết quả rất trực tiếp của tri thức: từ đồ đá cho đến đồ đồng, đồ sắt, rồi đến các máy móc hiện đại.
Cái sai của con người là chúng ta luôn cố gắng bênh vực yếu tố này hay yếu tố kia mà không nghiên cứu một cách thực tế rằng các yếu tố, thành tố tạo ra cuộc sống tồn tại một cách khách quan với ý thức của chúng ta, rằng nó tham gia hoàn toàn không phải với tư cách là đối tượng nhận thức. Cuộc sống dạy con người kinh nghiệm trong từng lĩnh vực, từng khía cạnh khác nhau của đời sống và khi con người có kinh nghiệm thì con người dùng kinh nghiệm ấy để tăng cường hiệu quả và sự hưởng thụ theo những bản tính tích luỹ khác nhau. Không nên nghĩ rằng có cái gì đó liên quan thực sự thành triết lý giữa phát triển kinh tế và những hoạt động được gọi là văn hoá. Thậm chí ngược lại. Rất có thể là sự chậm phát triển kinh tế gắn liền với trà đạo, bởi vì những dân tộc có thời kỳ nông nhàn mới uống trà. Cũng vậy, các dân tộc đang phát triển thường ăn theo cách quần tụ cả gia đình trong khi đó thì người phương Tây dùng fast food, hamberger ở ngoài đường. Họ tiết kiệm được thời gian cả trong hưởng thụ vì vậy họ đầu tư thời gian nhiều hơn cho phát triển kinh tế, do đó họ phát triển hơn.
Văn hoá cũng độc lập với chính trị. Ở trên chúng ta đã nói rằng không có một nhà lãnh đạo nào nên và có thể thay đổi lối sống cộng đồng một cách chủ quan. Hơn nữa, mọi âm mưu làm điều ấy đều không thể tránh khỏi thất bại. Cùng với sự phát triển của mức sống, trạng thái sống, và giao lưu giữa các cộng đồng người, lối sống sẽ dần thay đổi và phải để cho nó thay đổi một cách tự nhiên chứ không phải bằng cách gây áp lực lên nó. Gây áp lực chỉ làm nó biến dạng và như vậy không thể nhận được những thông điệp thông thường của đời sống nữa. Nó sẽ mất năng lực để nhận biết ngôn ngữ chung và trở nên dị dạng. Một xã hội dị dạng như thế, trong khi cố gắng theo đuổi nhận thức về một khía cạnh của cuộc sống, sẽ lãng quên những khía cạnh khác và vì thế nó rất ít tính cộng đồng. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan là những nhà lãnh đạo không gây sức ép chủ quan lên sự biến đổi tự nhiên
củacuộcsốngvàlốisống.
2.Văn hoá và tăng trưởng
Văn hoá là mục tiêu của phát triển
Trên thế giới hiện nay người ta mới đưa ra một vài khái niệm, hay nói đúng hơn là mô tả sự phát triển, chứ chưa có định nghĩa của sự phát triển. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng làm công việc khó khăn này. Tôi cho rằng sự phát triển là trạng thái cho phép chúng ta thoả mãn những nhu cầu tốt đẹp của con người. Ở đâu con người có năng lực nhận thức tốt hơn, có năng lực và điều kiện hưởng thụ tốt hơn, có điều kiện để tư duy một cách tự do và sáng tạo hơn, có sức cạnh tranh tốt hơn, tóm lại, ở đâu con người cảm thấy hạnh phúc thì ở đó có sự phát triển.
Phát triển, suy cho cùng, chính là sự tăng trưởng những giá trị của con người chứ không phải là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là một yếu tố để biểu thị - có lẽ là tập trung nhất - năng lực thoả mãn nhu cầu của con người, nhưng không phải là tất cả. Khi người ta cố gắng để có được sự tăng trưởng bằng mọi giá thì đó chỉ còn là cuộc chạy đua giữa các nhà chính trị. Tôi cho rằng sự phát triển chân chính là những khả năng, năng lực và những thành tựu đó con người tạo ra chứ không phải là kết quả của những biến hoá chính trị, của sự thống kê mang tính chính trị.
Sự phát triển về khoa học công nghệ hay trí tuệ là sự đi đến điểm gặp nhau giữa người sáng tạo và người sử dụng. Người ta nghĩ ra Internet mà không ai dùng thì Internet cũng không đóng vai trò xã hội gì. Đấy chính là lý tưởng phát triển, tính tương thích giữa dân trí và sự sáng tạo. Trước khi đi đến trạng thái ấy, các dân tộc đang phát triển cần phải xác lập mục tiêu sống. Nếu đi theo những hình mẫu cũ, chúng ta sẽ luôn luôn trong tình trạng thiếu thốn. Một số nước châu Á đạt được sự tăng trưởng kinh tế rất đáng khích lệ nhưng vẫn không phát triển, đó là vì họ không xác lập được sự cân bằng tổng hoà của các thành tố tham gia vào quá trình phát triền, tức là không xác lập được giá trị của sự phát triền. Tại sao? Vì họ chỉ nhìn chính họ, vào quá khứ của họ, mà không nhìn vào hiện tại. Họ đố kỵ với tất cả những gì ở bên ngoài.
Logic, theo tôi, cần phải khác. Chúng ta hãy đi tìm cuộc sống của mình. Cái gì giúp chúng ta sống tốt, phát triển tốt hơn thì chúng ta phải xem là quan trọng. Khi chúng ta xem nó là quan trọng, khi chúng ta sử dụng nó thì chúng ta phải trả cho nó sự kính trọng nó, cũng là kính trọng con người với các giá trị trọn vẹn của nó. Chính các giá trị trọn vẹn của con người chứ không phải cái gì khác sẽ tạo ra hoặc phá hoại sự phát triển bền vững. Định nghĩa sự phát triển là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng nếu đồng ý với chúng tôi rằng con người là mục tiêu của sự phát triển thì có thể thấy rõ rằng phát triển bền vững chính là sự hoàn thiện không ngừng của con người.
Trong mỗi con người có hai năng lực khác nhau: năng lực để bán và năng lực để kiến tạo. Năng lực để bán được chủ động chuẩn bị nhưng được sử dụng một cách bị động, còn năng lực kiến tạo thì tồn tại một cách bị động nhưng lại được sử dụng một cách chủ động. Sự hoàn thiện của con người chính là sự hoàn thiện các khả năng này.
Như thế, phát triển vừa là một quá trình, vừa là một trạng thái. Khi người ta xem xét nó thì nó là một trạng thái, còn tự nó thì là một quá trình. Phát triển là một hiện tượng. Xem xét sự phát triển là một hiện tượng khác. Viện trợ và nhận viện trợ, chẳng hạn, không phải là sự phát triển. Người ta có thể dùng viện trợ như phương tiện trợ giúp phát triển, như trợ giúp y tế hay trợ giúp kỹ thuật...
Nhưng không bao giờ có thể tạo ra sự phát triển bằng cách mang tiền cho người khác. Trợ giúp sự phát triển con người là tạo điều kiện cho con người có đủ khả năng và năng lực để tạo ra đời sống của chính họ. Trường hợp các quốc gia có các điều kiện tự nhiên đặc biệt, chẳng hạn các quốc gia có nhiều dầu mỏ cũng vậy. Họ chẳng phải làm gì nhiều để có một điều kiện sống tốt. Nhưng không ai coi đó là những quốc gia phát triển. Tất nhiên, nếu dưới chân có một thứ gì đó giúp con người ăn được mà không phải lao động thì đó không phải là điều bất hạnh. Nhưng tôi cũng không biết có thể xem đó là may mắn hay không. Tôi luôn luôn cho rằng chỉ khi nào con người tạo ra được một cách tự nhiên những giá trị của cuộc sống thì mới có dấu hiệu của sự phát triển. Tất nhiên, con người có thể khai thác thiên nhiên.
Nhưng họ phải khai thác thiên nhiên bằng những sáng tạo của mình để không tàn phá các yếu tố khác của đời sống. Điều này giống như khi được nhà của anh có một mỏ kim cương. Anh có thể đập cái nhà đi để khai thác và mua một cái nhà khác.
Chất lượng sống chắc chắn không chỉ tính bằng số lượng thịt hay vải, mà cao hơn, là đời sống tinh thần và môi trường sống. Những nhu cầu vật chất là tuyệt đối quan trọng trong giai đoạn đầu, khi con người còn phải đối mặt với nạn đói, nạn rét, nhưng khi mức sống vật chất càng được cải thiện thì vai trò của những yếu tố văn hoá tinh thần càng tăng lên. Như vậy, với tư cách là mục tiêu của sự phát triển kinh tế, văn hoá góp phần quyết định nhu cầu của xã hội, thông qua đó kích thích phát triển sản xuất và khoa học kỹ thuật.
Như ở trên chúng tôi đã nói, bản thân việc phân định kinh tế và văn hoá một cách rạch ròi là không chặt chẽ và thoả đáng. Theo chúng tôi, cũng giống như những hoạt động khác mà con người tiến hành vì sự tồn tại, phát triển và tự hoàn thiện của mình, bản thân hoạt động kinh tế không chỉ gắn bó với văn hoá mà thực sự cũng là một mảng của văn hoá hiểu theo nghĩa rộng.
Chúng ta đang nói chuyện phát triển kinh tế, đúng hơn là chúng ta đang nói đến năng lực vật chất. Bởi kinh tế là phương thức, vật chất là đối tượng, là thực thể. Các qui mô vật chất ảnh hưởng khá mạnh đến văn hoá. Nếu
chúng ta nói đến hội hoạ chẳng hạn, đại bộ phận tranh của phương Tây là tranh sơn dầu. Tính bền vững của nó cho phép gìn giữ nhiều bằng chứng để chúng ta thưởng thức và nghiên cứu. Trong khi đó, tranh của nhiều nước bằng giấy nên việc bảo quản rất khó. Kết quả là chúng ta mất đi các tư liệu để nghiên cứu. Ngược lại, con người càng va chạm nhiều càng có kinh nghiệm. Mối liên hệ giữa văn hoá và sự phát triển quy mô vật chất hay kinh tế luôn thông qua con người với tư cách là một thực thể văn hoá. Phương pháp nhận thức kinh tế tác động thông qua con người: các kế sách làm ăn, các lý thuyết về kinh tế... Cơ sở của mối quan hệ biện chứng giữa văn hoá và kinh tế chính là ở chỗ: con người, với tư cách là một thực thể văn hoá, không chỉ tham gia vào hoạt động kinh tế, mà còn tham gia vào việc xây dựng các lý thuyết kinh tế và vào việc uốn nắn các trào lưu kinh tế. Bản thân văn hoá và kinh tế là các khái niệm chỉ xuất hiện trong nhận thức, chúng không phải là thực thể. Đó là những khái niệm tinh thần, sẽ thay đổi cùng với thời gian, cùng với sự thay đổi cả văn hoá lẫn kinh tế.
Mối quan hệ biện chứng giữa văn hoá và kinh tế là một trong những quan hệ huyền bí nhất. Văn hoá có một vùng bao phủ rất lớn, gần như trọn vẹn đời sống tinh thần của con người. Có thể nói rằng văn hoá chính là những giá trị tinh thần của đời sống con người. Văn hoá tác động đến mọi mặt của cuộc sống chứ không phải chỉ có kinh tế. Trong nghĩa hẹp nhất, văn hoá, như chúng ta đã nghiên cứu trong những phần trước, có thể được hiểu là lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Văn hoá cũng có thể được hiểu rộng hơn, bao gồm cả nghệ thuật, giáo dục, lối sống, tập tục. Với những cách hiểu như thế, văn hoá được coi là mục tiêu của chính sách phát triển văn hoá. Theo nghĩa này, nhà nước phải coi trọng văn hoá như là một bộ phận của các hoạt động kinh tế và xã hội, phải đầu tư để "phát triển văn hoá”.
Thông thường, cách hiểu này là kim chỉ nam cho chính sách "văn hoá xã hội” của nhiều nhà nước, vốn giữ quan niệm kinh tế chủ nghĩa về xã hội, một quan niệm đã ngự trị mấy thế kỷ trước và gần như suốt thế kỷ hai mươi. Quan niệm cũ này coi văn hoá là hệ quả của các quá trình phát triển kinh tế, chính trị. Vì thế, cho đến nay, trong chính sách phát triển của hầu hết các quốc gia, người ta tập trung phần lớn vào các mục tiêu kinh tế, còn văn hoá nằm trong phần "phúc lợi" - các phúc lợi kinh tế văn hoá, xã hội...
Tuy thế, cũng không nên phê phán cách quan niệm ấy, bởi vì nó là quan niệm theo cách hiểu thông thường của đại đa số nhân dân và cho phép hướng tới những mục tiêu gần. Mặt khác, văn hoá, đối với sự phát triển của một quốc gia, nhất thiết phải được hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa tổng thể, bao gồm toàn thế các hoạt động và các giá trị sáng tạo còn lại qua lịch sử, thể hiện trên các lĩnh vực lao động, sinh hoạt vật chất và tinh thần.
Những người theo quyết định luận kinh tế qui sự phát triển vào tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế cho thấy không phải cứ có thu nhập theo đầu
người cao là có văn hoá cao. Một số quốc gia dầu mỏ rất giàu có, nhưng đã không sao thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Chính vì lý do đó mà Liên Hợp Quốc đã phải đưa vào những tiêu chí khác để đánh giá tình trạng phát triển, gọi là chỉ số phát triển con người mà ngoài mức thu nhập người ta còn tính đến cả tỷ lệ sống sau khi sinh, tỷ lệ biết đọc biết viết và số năm đi học.
Như thế, phát triển phải nhằm đem lại cho con người cuộc sống hạnh phúc trong một xã hội tiến bộ tổng thể, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Với cách quan niệm rộng như thế, chúng ta có thể vạch ra chiến lược phát triển xa hơn.
Văn hoá là động lực của phát triển
Nói văn hoá là động lực của sự phát triển chính là nói đến quá trình trong đó con người được và tự trang bị cho mình những kiến thức, những hệ giá trị để có thể trở thành một nhân tố tạo ra sự phát triển. Mục tiêu là cái chúng ta đặt ra để phấn đấu. Còn động lực là công cụ để đi đến mục tiêu. Khi chúng ta đã đạt được mục tiêu, chính nó lại trở thành hành trang, phương tiện, thành công cụ để tạo ra vùng nhận thức mới. Đó chính là động lực của sự phát triển.
Cách thức mà con người hay các dân tộc lựa chọn để tìm kiếm tương lai cho mình là dựa trên những kinh nghiệm văn hoá của nó. Văn hoá là nền tảng, là phương thức cơ bản để mỗi dân tộc lựa chọn cung cách đi ra khỏi quá khứ của mình. Văn hoá là động lực, nhưng không phải là động lực theo nghĩa thông thường. Văn hoá lớn hơn nhiều so với các định nghĩa mà chúng ta thường thấy trong các sách vở. Theo tôi, để phát triển, vấn đề không phải chỉ là việc chúng ta phải vứt bỏ một thói quen cụ thể hay một cách nhìn cụ thể nào đó, như người Việt phải vứt bỏ quan điểm tam tòng tử đức của thời phong kiến chẳng hạn, mặc dù với tư cách là người Việt Nam, chúng tôi thiên về chủ trương loại bỏ bớt những gì cổ xưa đang trở thành vật cản đối với với sự phát triển đất nước.
Muốn biết văn hoá thời hiện đại là như thế nào và nó tác động ra sao đến đời sống nhân loại, chúng ta phải xem xét thời hiện đại là gì? Tôi không hoàn toàn đồng ý với ý kiến của một số học giả về nền kinh tế tri thức. Theo tôi, chúng ta cần xây dựng một xã hội tri thức trong đó tri thức là tiêu chuẩn số một để phân loại, định giá con người. Bởi nền kinh tế nào cũng là sản phẩm của đời sống xã hội. Vì thế không thể có nền kinh tế tri thức trước khi có một nền xã hội tri thức.
Chính những tiêu chuẩn văn hoá, nhất là văn hoá chính trị, sẽ quyết định quan điểm của con người về phát triển. Nó trở thành động lực trực tiếp của tiến bộ. Đã đến lúc chúng ta không nên xem văn hoá là đối tượng chung chung, mà nó phải trở thành tiêu chuẩn được thể hiện trong hành vi hàng ngày tương ứng với cương vị và chức năng xã hội của từng người.
Thế hệ trẻ có những tiêu chuẩn của mình. Đàn ông hay đàn bà có tiêu
chuẩn của riêng họ. Đặc biệt, nhà lãnh đạo càng phải có tiêu chuẩn của mình. Theo tôi nền văn hoá chính trị là nền văn hoá với những tiêu chuẩn cần thiết và bắt buộc đối với những người lãnh đạo để họ thể hiện hành vi của mình đối với nhân dân, dùng cho nhân dân để lựa chọn người lãnh đạo.
Tôi xin lấy hai mô hình quản lý chủ yếu trên thế giới hiện nay: một hình phương Tây (đại diện là Mỹ) và phương Đông (đại diện là Nhật Bản). Trái với những lời ca ngợi đầy rẫy trên báo chí, tôi không cho rằng các công ty Nhật quản lý tốt, bởi vì tất cả các cộng đồng hẹp đều suy thoái. Các công ty Nhật thường khép kín và dần dần biến thành những cộng đồng mang tính gia đình. Chính sự tha hoá của các công ty Nhật Bản đã gây ra sự suy sụp hiện nay của nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, các công ty Nhật không tự sáng tạo ra phương pháp quản lý của mình. Nó bắt nguồn từ kinh nghiệm văn hoá của người Nhật. Người Nhật mở của trước người Việt Nam xét về mặt kinh tế, nhưng người Nhật không mở cửa về mặt văn hoá. Rất khó tìm thấy một người Nhật nói tiếng Anh tại Tokyo ngay cả vào năm 1988, khi chúng tôi có dịp đến thăm. Tại Nhật cho đến gần đây vẫn không có quảng cáo bằng tiếng Anh. Sự bảo thủ về mặt văn hoá sẽ dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản nếu người Nhật không thức tỉnh về điều này.
Mô hình Mỹ là mô hình được ưa chuộng nhất trên thế giới. Thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của các quốc gia, đang hướng về nền văn hoá này. Bởi vì trong đó con người được khẳng định và được tự do sáng tạo, tự do tiêu xài thời lượng của cuộc đời mình. Theo chúng tôi, ở đâu con người không có tự do thì ở đó không có phát triển thật sự, có chăng chỉ là sự đánh tráo nguồn tài nguyên này sang nguồn tài nguyên khác mà thôi. Điều này có vẻ nghịch lý, bởi luật Mỹ chặt chẽ hơn luật Nhật rất nhiều. Nhưng ở Mỹ, con người được tự do sáng tạo, tự do tư tưởng đến mức không có ai có đủ uy tín để trở thành tổng thống nếu không thông qua sự tự trình bày của mình.
Các công ty Mỹ như một tổ ong, có người ra và người vào, dựa trên những tiêu chuẩn nào đó, với một cơ chế thông thoáng. Tôi cho rằng mô hình này tốt hơn, bởi nó dựa trên sự tự do của con người, bởi vì sớm hay muộn sự phát triển của xã hội cũng dựa trên sự thức tỉnh các giá trị cá nhân. Toàn cầu hoá và hội nhập là một minh chứng cho sự mất đi đần dần của các giá trị khu trú để cho phép con người trở thành một đối tượng độc lập. Đó là cá nhân. Tính hiệu quả hiện thời về mặt kinh tế của các công ty Mỹ chưa chắc đã hơn các công ty Nhật Bản. Nhưng tính hiệu quả về mặt triết học thì chắc chắn là các công ty Mỹ hơn hẳn.
Một đặc điểm khác của mô hình Mỹ là sự linh hoạt. Cách người Mỹ quản lý hôm nay không giống như cách quản lý của họ trước đây, và thậm chí không giống như trong các quyển sách đó chính họ viết. Ngay cả trong xã hội cũng vậy, họ tạo ra một cộng đồng văn hóa rất linh hoạt. Người Mỹ cũng học hỏi nhiều từ phương Đông. Không có Viện nghiên cứu về phương Đông
nào của các nước phương Đông lại to như các Viện nghiên cứu phương Đông của người Mỹ. Không có Viện bảo tàng nào về châu Á ở châu Á lại to như Viện bảo tàng châu Á tại San Francisco. Người Mỹ đang cố gắng nhận thức thế giới và chúng ta học họ, bám sát theo sự phát triển kinh nghiệm của họ để nhận ra được rằng chất lượng phương Đông trong các giải pháp chính trị xã hội và kinh tế của người Mỹ hoàn toàn không kém phương Đông. Chúng ta cần phải vươn tới các giá trị hợp lý hơn. Bởi vì phát triển văn hoá nhằm làm cho mỗi người có năng lực ứng xử với nhiều nền văn hoá cùng một lúc, để có thể đối thoại một cách bình đẳng với các nền văn hoá khác. Thành công của người Mỹ không thể giải thích nếu không xem xét vai trò quyết định của văn hoá.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời đại nào, kinh tế vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, nếu như không nói là quan trọng nhất: Chúng ta không thể nói đến phát triển nếu không cải thiện được đời sống vật chất cho con người. Nhưng nếu như chúng ta quan niệm phát triển như là sự tiến bộ tổng thể của xã hội thì không phải chỉ cần có sự giàu có vật chất là có sự phát triển. Muốn có phát triển, cần phải có những tác động của đời sống tinh thần. Hơn nữa, ngay cả việc tăng trưởng kinh tế đơn thuần cũng cần có tác động trực tiếp và gián tiếp của văn hoá. Văn hoá làm tăng chất lượng nhu cầu của con người, cũng làm tăng chất lượng sản xuất kinh doanh và thúc đẩy xã hội phát triển. Chính vì lẽ đó mà hiện nay rất nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cổ vũ cho luận điểm cho rằng văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển.
Thực ra con người lý tưởng là con người được cân đối trong sự phát triển về mặt văn hoá. Con người chưa có được các giá trị văn hoá ở mức phát triển là con người không hoàn chỉnh. Ở đây cần phải chú ý rằng nói đến phát triển là nói đến một sự so sánh tương đối. Vậy chúng ta so sánh tương đối với ai? Với chính những cộng đồng văn hoá khác, những con người khác. Khi chưa có nó, chúng ta phải đặt ra mục tiêu để phấn đấu - phấn đấu để đạt tới sự trưởng thành, sự hiện đại về mặt văn hoá, phấn đấu để các giá trị của mình tương thích với sinh hoạt quốc tế. Nói cách khác về mặt văn hoá, mỗi dân tộc cần phải phấn đấu để ra khỏi nền văn hoá mang tính cát cứ của mình, để có thể đối thoại, để tương thích một cách hoàn chỉnh, một cách hoà bình trong sinh hoạt với các cộng đồng khác. Suy ra cho cùng con người hiện đại, con người phát triển về mặt văn hoá tức là con người có thể nói chuyện với nhiều cộng đồng văn hoá khác trên những tiêu chuẩn văn hoá khác, tức là con người có thể hiểu các nền văn hoá khác nhau.
Văn hoá hình thành do sự tương tác đa dạng, ngay cả trong cộng đồng hẹp, vì vậy người có văn hoá là người có thể tương tác một cách thành công với cộng đồng rộng hơn, và hơn thế nữa, với nhiều cộng đồng. Mỗi dân tộc cần phải rèn luyện để có thể có năng lực ứng xử với nhiều hệ thống tiêu
chuẩn văn hoá.
Tất cả các nhân tố trong cấu trúc văn hoá đều tác động đến đời sống con người. Nhưng cấu trúc văn hoá rất rộng, và mỗi một dân tộc - mỗi cộng đồng văn hoá - đều có những thiếu hụt, những khiếm khuyết nhất định. Nghiên cứu những cấu trúc ấy không chỉ có nghĩa là nghiên cứu các giá trị, các nội dung phổ quát của khái niệm văn hoá mà còn là nghiên cứu những khiếm khuyết trong cộng đồng văn hoá ấy.
Đó chính là hoạt động quan trọng nhất của sự lãnh đạo chính trị đối với sự phát triển. Tôi xin điểm qua ảnh hưởng của các thành tố trong cấu trúc của văn hoá.
Vai trò của tri thức, tư tưởng
Tri thức là động lực của tiến bộ. Các nhà triết học của nhiều thời đại đã từng coi lịch sử nhân loại là cuộc đấu tranh xã hội. Tôi cho rằng lịch sử loài người đồng thời còn là cuộc đấu tranh với thiên nhiên. Quan hệ giữa con người với nhau và với thiên nhiên làm nên cốt lõi toàn bộ sự tồn tại của loài người. Trong quá trình đó con người tìm hiểu chính mình và tìm hiểu thiên nhiên.
Trong tất cả các tri thức mà con người tích luỹ được qua các thời đại thì tư tưởng là thứ quan trọng nhất, cao nhất và cũng tác động mạnh nhất đến tiến trình phát triển của lịch sử. Đó là vì tư tưởng trực tiếp tác động đến hoạt động của nhà nước, làm thay đổi sâu sắc đời sống của xã hội loài người. Nhưng vai trò của hệ tư tưởng không chỉ nằm ở đó. Như chúng ta sẽ khảo sát trong phần ba dưới đây, nhà nước còn có thể coi là một bên đối tác trong hợp đồng kinh tế với xã hội, trong đó nhà nước cung cấp một vài loại dịch vụ đặc biệt và đổi lấy các khoản thuế. Trong quan hệ này không thể không có các kẻ gian lận và mọi hệ thống pháp luật đều không thể chống được triệt để. Hệ tư tưởng lấp kín chỗ trống đó bằng cách tạo nên những quy tắc tâm lý, đạo đức, thế giới quan để điều chỉnh những hành vi của con người.
Những tác động trực tiếp của tri thức trong đời sống kinh tế nhân loại đang không ngừng tăng lên. Từ kinh tế khai thác thiên nhiên, con người đang tiến dần đến một nền kinh tế khai thác chất xám, trong đó phần giá trị của nguyên vật liệu, tiền vốn và sức lao động cơ bắp đang ngày càng giảm bớt.
Trong một nền kinh tế như thế, chỉ những quốc gia nào có được một nền giáo dục tốt, đủ sức trang bị những kiến thức cần thiết cho công dân của mình tương xứng với đòi hỏi của tương lai mới có thể có cơ hội hội nhập thành công với thế giới.
Mọi sự phát triển luôn cần có gợi ý, luôn có yếu tố sáng tạo của một ai đó, luôn luôn có thể nghiệm sự sáng tạo nào đó. Đó là bản chất của sự phát triển và đó cũng là lý do giải thích tầm quan trọng của một lực lượng tinh hoa trong xã hội. Thực ra thì thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng đặt ra nhiệm vụ cho người này người kia. Có UNESCO là vì người ta cần có một tổ chức
chuyên nghiệp để giao nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá toàn cầu, để xây dựng sự chung sống hoà bình giữa các cộng đồng dân tộc và cộng đồng văn hoá. Tuy nhiên, chúng ta đừng kỳ vọng vào sự hoạt động của những ai đó cụ thể hay tổ chức nào đó cụ thể. Chúng ta phải kỳ vọng trước hết vào sự thức tỉnh những giá trị được gợi ý ở con người và được biến thành sở hữu cộng đồng. Đúng là cần phải có ai đó gợi ý, ai đó nghĩ trước, nhưng sự gợi ý phải gắn liền với sự chấp nhận mà sự chấp nhận nào cũng bắt đầu từ thiện chí. Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá làm việc một cách không vô tư. Họ biểu diễn sự hiểu biết của họ hơn là vì con người. Một số không đủ dũng cảm, hay thậm chí còn trở thành kẻ phụ hoạ chính trị.
Theo chúng tôi, tiêu chuẩn văn hoá quan trọng nhất của thời đại của chúng ta là trí tuệ, là tri thức. Trí tuệ không phải là diễn đạt một cách hiện đại các kiến thức cũ mà chính là sự phát hiện những khái niệm, những giới hạn mới trong quá trình nhận thức của con người. Vì thế trí tuệ gắn liền với tự do.
Đã đến lúc chúng ta phải nói đến các khái niệm mới xuất hiện trên thế giới, như khái niệm an ninh con người chẳng hạn. Khái niệm này tương xứng với cặp phạm trù về an ninh quốc gia. Những khái niệm mới này chính là tiêu chuẩn của thế giới hiện đại, là đòi hỏi đối với hành vi của con người.
Vai trò của tín ngưỡng
Trong một thời gian dài, do những nhận thức phiến diện hoặc do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật cực đoan, người ta coi thường hoặc phủ nhận vai trò của tín ngưỡng đối với phát triển. Rõ ràng, muốn phát triển nguồn lực con người chúng ta không thể bỏ qua vấn đề tín ngưỡng. Một thế giới bình an để con người trở về sau những vật lộn trong đời sống, sau những biến động khôn lường của thực tiễn xã hội chắc chắn là cần thiết để con người tồn tại và phát triển.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian cuối thế kỷ này được đánh dấu bằng sự phục hồi của gần như tất cả các tôn giáo trên thế giới. Mặc dù không mang một ý nghĩa như nhau ở mọi nơi trên thế giới, sự phục hồi này, theo chúng tôi, có nguồn gốc sâu xa ở sự đổ vỡ của các hệ thống tư tưởng chính trị. Điều này rõ nhất ở Liên Xô cũ và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa trước đây. Tuy nhiên, điều này cũng thấy ở cả các quốc gia Hồi giáo và Phật giáo... Nhưng điều đáng lo ngại là ở một số nơi đang xuất hiện những hoạt động tôn giáo quá khích, do những phần tử cơ hội giật dây, nhằm lợi dụng tình trạng mất cân bằng của tâm lý xã hội để thực hiện những mục đích cá nhân.
Đã qua rồi từ rất lâu thời trị vì trực tiếp của tôn giáo, nhưng người ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành lối sống, đến đạo đức xã hội. Nhiều người ngạc nhiên trước hiện tượng là ở nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn tại Thái Lan, Indonesia, Campuchia và
phần nào cả Việt Nam... người Hoa rất thành đạt và ngay cả khi chỉ chiếm một phần nhỏ dân số, họ lại có thể khống chế được một sức mạnh kinh tế cực kỳ to lớn. Theo chúng tôi đó không phải là ngẫu nhiên mà gắn liền với bản lĩnh của người Hoa, mà bản lĩnh đó lại là kết quả của những yếu tố văn hoá, trước hết là tôn giáo. Theo chúng tôi, chính Khổng giáo đã dạy người Hoa những đức tính quí báu như cần cù, chịu đựng gian khổ, coi trọng trí thức và có quan điểm thực tế. Những tính cách này cũng rất rõ ở người Nhật, người Hàn Quốc và người Việt. Trong khi đó Đạo Phật hướng người ta vào trạng thái cam chịu, dễ đầu hàng số phận và hoàn cảnh, cuối cùng là thủ tiêu sự cạnh tranh.
Vai trò của truyền thống, đạo đức, lối sống và pháp luật? Truyền thống, đạo đức, lối sống và pháp luật có vai trò tổ chức, điều tiết và định hướng, dĩ nhiên bằng những cách khác nhau, đối với sự phát triển xã hội.
Truyền thống, đạo đức và lối sống, như chúng ta đã biết, là những lề thói, những luật lệ không thành văn nhưng được đa số thành viên trong xã hội chấp nhận và tuân thủ. Khác với pháp luật, những yếu tố này được hình thành một cách tự nhiên, qua quá trình lâu dài và cũng tương đối bền vững hơn.
Tuy nhiên, không phải những yếu tố này bao giờ cũng mang vai trò tích cực. Trong khi rất nhiều khía cạnh của truyền thống, đạo đức và lối sống có tác dụng hỗ trợ cho sự phát triển thì cũng có những khía cạnh khác trở thành lạc hậu, tiêu cực và cản trở sự tiến bộ của xã hội. Có thể thấy rõ những tác động của lối sống, đạo đức và truyền thống đến sự phát triển kinh tế nếu so sánh những xã hội như Hàn Quốc, Thái Lan... Yoshihara Kunio, trong cuốn sách nghiên cứu về Hàn Quốc và Thái Lan nhận xét rằng dường như người Hàn Quốc coi trọng làm việc hơn người Thái Lan. Người Hàn Quốc cũng ít thoả mãn hơn sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm hơn và coi trọng giáo dục hơn người Thái. Chính những phẩm chất này đã đóng một vai trò quan trọng vào sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc và giải thích tại sao trong vòng hai chục năm Hàn Quốe đã bỏ xa Thái Lan về mọi mặt.
Luật pháp tác động đến sự phát triển trực tiếp và nhanh chóng hơn, thông qua những hình thức khác nhau của quyền lực nhà nước. Pháp luật, vì thế cũng mang tính ngắn hạn hơn, đồng thời cũng mang dấu ấn nặng nề của giai cấp cầm quyền. Nhiệm vụ của một nhà nước văn minh là ngày càng khảm bớt tính giai cấp và tính ngắn hạn của pháp luật.
Vai trò của thẩm mỹ
Như chúng ta đã nghiên cứu ở trên, thẩm mỹ là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm những năng lực tinh thần giúp cho con người điều chỉnh hành vi của mình theo những qui luật của cái đẹp, nhằm cảm thụ, nhận thức, đánh giá và sáng tạo nên các giá trị thẩm mỹ. Nó không thể bị đồng nhất với văn
hoá nghệ thuật, mà bao hàm tất cả các lĩnh vực của đời sống. Thẩm mỹ là khái niệm có liên quan đến tất cả những mặt khác của văn hoá như tri thức, đạo đức, truyền thống... Trong nhiều trường hợp người ta còn có thể coi chúng như những khái niệm đồng nhất. Chẳng hạn, chính tri thức đầy đủ về con người, xã hội, luật pháp... giúp người ta lựa chọn cách ứng xử - đó chính là thẩm mỹ trong cuộc sống. Nói cho cùng, thẩm mỹ cũng chính là đạo đức.
Không cần phải tranh cãi, chúng ta ai cũng thấy rõ rằng văn hoá thẩm mỹ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc hình thành nhân cách của con người, mà con người lại là đối tượng phục vụ, đồng thời là cơ sở, là động lực của phát triển.
V. Bản Sắc Văn Hoá và Toàn Cầu Hoá
1.Toàn cầu hoá như một xu thế văn hoá
Toàn cầu hoá về kinh tế đã và vẫn đang là đề tài sôi nổi và nóng bỏng trên thế giới. Những cuộc họp của WTO luôn luôn kéo theo những cuộc biểu tình chống đối. Nhưng bất chấp tất cả những thứ đó, toàn cầu hoá đang tác động mạnh mẽ không chỉ đến các chính sách quốc gia mà còn len lỏi vào tận ngõ ngách đời sống toàn nhân loại.
Tuy vậy, quá trình này chủ yếu vẫn chỉ được nhìn nhận trên khía cạnh kinh tế. Người ta quên rằng một trào lưu toàn cầu hoá thậm chí còn diễn ra sớm hơn và quyết liệt hơn, đó là toàn cầu hoá về văn hoá.
Xin nói về các đường biên giới, chẳng hạn. Chúng đang dần dần bị mất đi. Biên giới không phải tự hình thành một cách tự nhiên mà do sự chiếm hữu của các cộng đồng con người. Khi cộng đồng con người thấy sự chiếm hữu ấy không cần thiết nữa thì nó sẽ bị xóa bỏ. Nói rộng ra, mọi thứ mà con người không cần thiết sẽ bị xoá bỏ, ít nhất là trong hệ thống giá trị của nhân loại. Còn văn hóa, như chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn sách này, là kết quả sự tương tác giữa các cộng đồng con người. Những giá trị văn hoá khác nhau sẽ tự hình thành, tương thích với những tính chất khác nhau của sự sống. Lúc ấy thì thiên nhiên, ẩm thực, âm nhạc, con người...thuộc mọi dân tộc sẽ thay thế biên giới. Tại sao con người không thể quên đi ý thức về việc họ đang sống tại một nơi nào đó hay sẽ đến một nơi nào đó? Những giá trị hạn chế trong sự phân loại chắc chắn sẽ mất dần đi. Nhưng con người, chủ thể của Trái đất, con người thuộc đủ các dân tộc sẽ không mất đi. Nó sẽ thay đổi nhưng không mất đi. Con người sinh ra và phát triển cùng với các quy luật tự nhiên chứ không phải chỉ có các quy luật hành chính.
Một câu hỏi gần đây rất hay được đặt ra: toàn cầu hoá có dẫn đến sự hình thành các giá trị văn hoá toàn cầu không? Nói cách khác, toàn cầu hoá có xoá nhòa các ranh giới về văn hoá hay không?
Theo tôi, các cộng đồng bao giờ cũng có bản sắc của mình và qua đó người ta có thể phân biệt cộng đồng văn hoá này với cộng đồng văn hoá khác. Nhưng đồng thời cũng có những môi trường văn hoá để người ta sống chung với nhau. Hệ giá trị cũng thế, hệ giá trị là khái niệm khó xây dựng hơn vì văn hoá là hiện tượng tự nhiên. Nhưng hệ giá trị là hiện tượng nhân tạo, nghĩa là người ta buộc phải xây dựng hệ giá trị. Cộng đồng nào cũng có những hệ giá trị đưa vào kinh nghiệm của mình. Người ta không thể sáng tạo ra hệ giá trị, người ta phải chắt lọc ra từ cái tinh tuý của đời sống văn hoá để tạo ra hệ giá trị, để viết ra những tiêu chuẩn cơ bản của lý tưởng của xã hội đó. Sự riêng biệt cũng như sự chung sống của văn hoá cũng tương thích với trật tự của hệ thống giá trị.
Có một điều đáng kinh ngạc là một số người, thậm chí là những người tự coi hay được coi là những "nhà văn hoá", nói về nước Mỹ như là một quốc gia không có tư tưởng, không có văn hoá. ở một nước nhỏ và lạc hậu như Việt Nam, điều này nghe thật nực cười. Nó giống như việc con kiến chế nhạo con người quá to lớn kềnh càng.
Liệu nước Mỹ có văn hoá không? Câu hỏi này nhất là ngớ ngẩn, thậm chí lố bịch. Một quốc gia đã làm cách mạng thế giới thông qua sự sáng tạo đối với công nghệ tin học không thể không có giá trị văn hoá được. Chúng ta cần phải quan niệm văn hoá tự do hơn. Cần phải quan niệm văn hoá là những sản vật quí giá mà chúng ta tích luỹ được trên đời chứ không phải là những gì người ta cố tình tạo ra. Nói cách khác, chính sự nhận ra những giá trị tốt đẹp đã trở thành giá trị. Giá trị thực ra là sự nhận biết mà thôi. Con người phải tự rèn luyện mình để nhận ra giá trị. Ai nhận ra giá trị thì kẻ đó có giá trị: Hệ giá trị không phải là tiêu chuẩn áp đặt, nó là sự nhận biết, dù là sự nhận biết cá nhân hoặc sự nhận biết có tính cộng đồng.
Giá trị là sự nhận biết, cho dù nó có nguồn gốc như thế nào, và chúng ta không được nấn ná với những tư duy cũ kỹ, thậm chí quê mùa, với những câu hỏi lố bịch đang kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Người dân những nước nông nghiệp bao giờ cũng gắn liền với đất, gắn liền với lãnh thổ và do đó có một đặc điểm văn hoá rất quan trọng là yêu tất cả những gì ở dưới chân mình đồng thời thèm khát những cái ở ngoài tầm với . Sự thèm khát những cái ở ngoài tầm với của mình để dẫn đến hai thái cực trái ngược nhau: khó chịu và đố kỵ với những thành tựu của người khác, trong khi đó lại khư khư bảo vệ những cái đã lạc hậu mà mình có, kết quả là vừa tự kéo mình lại, vừa đẩy mình ra xa người khác. Đặc điểm văn hoá của nhiều quốc gia chậm phát triển là dị ứng với cái mới, dị ứng với cái khác, dị ứng với nhau, dị ứng với thời gian, dị ứng với tương lai và dị ứng cả với quá khứ nữa. Nền văn hoá hiện đại phải là văn hoá tương thích với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Trong xu thế hội nhập, chúng ta phải có thái độ đúng đắn để giải quyết mâu thuẫn giữa các cộng đồng nhỏ và các cộng đồng lớn hơn. Mâu thuẫn giữa cộng đồng và cá nhân luôn luôn tồn tại, cũng như luôn luôn tồn tại mâu thuẫn giữa cộng đồng nhỏ và cộng đồng lớn, giữa quyền lợi địa phương với quyền lợi quốc gia, quyền lợi quốc gia với quyền lợi quốc tế.
Quá trình hình thành các nền văn hoá với qui mô toàn cầu là quá trình vừa tạo ra những mâu thuẫn, vừa điều chỉnh các mâu thuẫn để con người hướng tới một hệ giá trị phổ quát. Con người tạo ra văn hoá, con người sẽ uốn nắn cả các giá trị bên ngoài mình để tạo ra sự hoà hợp.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nhân loại là tính hữu hạn của nguồn tài nguyên. Và con người bắt đầu phải nghĩ đến một mặt khác, quan trọng hơn mặt đối lập, đó là mặt hoà hợp. Nếu chúng ta không tin rằng con
người sẽ tạo ra được những giá trị mang tính văn hoá toàn cầu thì chúng ta sẽ phạm phải lỗi lầm lớn nhất của nhận thức. Con người phải và chắc chắn sẽ xây dựng được những giá trị chung đó và chỉ có như vậy con người mới có thể chung sống được.
Chúng ta, cả người phương Tây lẫn người phương Đông, thực ra đã chịu ảnh hưởng nặng nề của tư duy lưỡng cực, luôn có xu hướng quy thế giới về những mặt đối lập và mâu thuẫn. Trong khi đó, con người buộc phải xây dựng những hệ tư tưởng toàn cầu, những tiêu chuẩn toàn cầu và do đó có cả tiêu chuẩn văn hóa toàn cầu. Khi hệ tiêu chuẩn được
thừa nhận một cách tự nhiên, nó sẽ trở thành các giá trị văn hoá. Tôi cho rằng luôn luôn tồn tại bản sắc của cộng đồng nhỏ bên cạnh những tiêu chuẩn phổ biến để con người có thể chung sống. Trên thực tế, ở chừng mực nào đó, chúng ta đã có những tiêu chuẩn văn hoá toàn cầu, đó trước đây nó không đủ rõ, chưa được thảo luận một cách thấu đáo để con người có thể nhận thức và áp dụng một cách tự nhiên. Theo tôi, một khi con người đã sống được với nhau thì tức là con người có những nền văn hoá chung, có sự chung sống về văn hoá.
Sự chung sống của các nền văn hoá, các giá trị Văn hoá tất yếu sinh ra một nền văn hoá mới. Và các nền văn hoá ấy tồn tại song song, không đối kháng nhau, không tiêu diệt lẫn nhau. Văn hoá là kết quả của chung sống hoà bình chứ không phải là kết quả của xung đột.
2.Toàn cầu hoá - cơ hội và thách thức
Không ai có thể phủ nhận được rằng toàn cầu hoá đem đến cho nhân loại, cả những nước phát triển lẫn những nước chậm phát triển, những cơ hội phát triển to lớn. Những nhà lãnh đạo sáng suốt đang ra sức lựa chọn những chiến lược phát triển vừa khôn khéo vừa kiên quyết để đưa đất nước mình tiến lên phía trước. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nghe thấy nhiều giọng nói từ khắp các châu lục đang gióng lên những lời cảnh báo về mối đe doạ của lối sống phương Tây.
Không thể phủ nhận sự bành trướng của văn hoá phương Tây trên thế giới trong vòng hơn một thế kỷ qua. Nhưng cũng không thể không thấy rằng cùng với sự gia tăng ảnh hưởng của văn hoá phương Tây là sự gia tăng tương ứng những cố gắng khắp nơi trên thế giới nhằm chống lại sự bành trướng đó. Nhiều người gióng chuông báo động về sự xâm lăng văn hoá và cho rằng những nỗ lực theo hướng bảo vệ bản sắc dân tộc cần được thúc đẩy hơn nữa.
Trong thời đại hội nhập, sự tương tác giữa lối sống phương Đông và lối sống phương Tây là tất yếu. Có người cho rằng đó là dấu hiệu của nỗi lo sợ của con người sống ở khu vực Á Đông trước sự bành trướng của lối sống phương Tây. Theo tôi, đó là một nhận xét không có cơ sở. Con người Á Đông không những không hề sợ lối sống phương Tây mà ngược lại, còn bị nó hấp dẫn. Chính vì họ bị hấp dẫn nên mới gây ra mỗi sợ cho một bộ phận nào đó. Đó là tâm lý của ông bố bà mẹ sợ con mình hư hỏng, tuột ra khỏi quyền lực lãnh đạo của mình, hoặc tâm lý của các nhà lãnh đạo, các nhà chính trị sợ mất khả năng cai trị bằng những tiêu chuẩn cũ. Dù là ai đi chăng nữa, đó vẫn là những người cầm quyền - trong các gia đình, trong các dân tộc.
Cái gì tạo ra sự hấp dẫn của lối sống và thói quen văn hoá phương ấy? Theo tôi, đó là Tự do. Trong nền văn hoá phương Tây, tự do là yếu tố hấp dẫn nhất đối với người Á Đông. Trong thời đại của chúng ta, nhiều khi người ta lo sợ bị mất các giá trị vốn được quan niệm mà quên mất các giá trị cần thiết thực sự để sống. Nếu người ta xem giá trị là tiêu chuẩn của cuộc sống và thời đại nào có giá trị của thời đại ấy, thì con người phải chuẩn bị cho những giá trị mà thời đại của mình đòi hỏi chứ không phải là khư khư giữ lấy những giá trị của thế hệ đi trước.
3.Về khẩu hiệu bảo vệ bản sắc dân tộc
Những quan điểm khác nhau về bản sắc dân tộc
Vấn đề bản sắc dân tộc đang được tranh cãi rất nhiều, đặc biệt là tại nhiều nước đang phát triển. Đối mặt với xu thế toàn cầu hoá, người ta thấy xuất hiện những quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về vấn đề bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, có thể chia các quan điểm này thành hai khuynh hướng chính sau đây:
- Khuynh hướng tuyệt đối hoá tính đặc thù dân tộc: Đây là khuynh hướng cho rằng chỉ có những gì thật khác biệt, nghĩa là chỉ dân tộc mình mới có thì mới là bản sắc dân tộc. Khuynh hướng này thể hiện qua những thái độ cụ thể sau:
Căn cứ vào những biểu hiện đặc thù bên ngoài: Đây là thái độ khá phổ biến trong những
người không am hiểu hoặc không quan tâm nhiều đến vấn đề văn hoá. Họ qui bản sắc văn hoá vào những dấu hiệu bên ngoài, chẳng hạn trong âm nhạc thì chỉ có đàn ca, với các nhạc cụ cổ truyền mới có bản sắc dân tộc, tương tự như thế, trong văn học thì là truyện dân gian, cổ tích, trong ăn uống là những món ăn dân tộc...
Thực ra việc nhấn mạnh những đặc tính dân tộc cũng không sai, nhưng nếu tuyệt đối hoá những đặc thù đó sẽ dẫn đến thái độ cực đoan. Nó dễ dẫn tới sự bảo thủ, khép kín, tự làm nghèo mình đi và không có khả năng bắt kịp với thế giới đang thay đổi nhanh chóng từng ngày từng giờ.
Căn cứ vào những biểu hiện đặc thù bên trong: Những biểu hiện đặc thù cũng có thể được nhìn nhận từ bên trong. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng mỗi dân tộc có một cách nghĩ, cách cảm riêng, thể hiện những cung bậc khác nhau, thường là những mặt tốt, mặt cao cả của tâm hồn.
Chẳng hạn, tinh thần yêu nước là cái được nhiều dân tộc cho là nét đặc thù dân tộc mình. Thực ra theo chúng tôi, tuy có những nét khác nhau trong tâm lý con người ở các nước, các dân tộc khác nhau, nhưng rõ ràng dù ở đâu thì con người vẫn là con người, họ vẫn có những đau khổ và vui sướng chung.
Và những đặc điểm như lòng yêu nước là chung cho tất cả các dân tộc. Thêm nữa, tất cả các đặc điểm tâm lý đều được hình thành do những nguyên nhân lịch sử, chúng có tính lịch sử, và vì thế có thể sinh ra hoặc mất đi do những yêu cầu của cuộc sống.
Căn cứ vào những số liệu thống kê: Có người lại căn cứ vào những số liệu thống kê để khẳng định những khía cạnh khác nhau của bản sắc dân tộc, từ đó chỉ ra những gì là tốt, những gì là xấu. Chẳng hạn có nhà nghiên cứu cho rằng một số dân tộc nào đó có những tính tất là: tinh thần bất khuất, đầu
óc thực tiễn, tính giản dị. Bên cạnh đó là những tính xấu: an phận, thủ thường, tính vụ lợi gần, tính cẩu thả...
Quan điểm này cũng không có một cơ sở thực sự khoa học, bởi lẽ không thể thống kê được hết những cung bậc trong tính cách của con người và dân tộc.
- Khuynh hướng phủ nhận hoá tính đặc thù dân tộc: Khuynh hướng này cho rằng thực ra
những khác biệt mang tính dân tộc là có nhưng không phải là quan trọng và ngày càng ít đi do xu thế toàn cầu hoá và do sự xích lại gần nhau của các dân tộc trên thế giới. Họ cho rằng sự đề cao bản sắc chỉ ngăn cản sự tiến bộ của xã hội và không nên khuyến khích.
Theo chúng tôi thì cần phải có một thái độ đúng đắn và thích hợp với vấn đề. Trước hết, phải khẳng định rằng bản sắc dân tộc là có thật và nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của con người. Trong sự nghiệp phát triển, một chính phủ khôn ngoan phải biết phát huy những thế mạnh của tâm lý dân tộc. Tuy nhiên, trong những nét đặc thù của dân tộc cũng có những mặt tiêu cực mà chúng ta không nên duy trì. Việc học hỏi những cái hay, cái tốt của các dân tộc khác là điều cần thiết và cũng không thể tránh khỏi. Hội nhập vào thế giới, đó chính là con đường tiến bộ.
Tiến tới một định nghĩa về bản sắc dân tộc
Cần phải nói rằng bản sắc là đặc tính khách quan của mọi cộng đồng người, cả những cộng đồng lớn hơn dân tộc lẫn nhỏ hơn dân tộc. Mỗi công ty, chẳng hạn, cũng có một văn hoá riêng. Văn hoá hay là bản sắc chính là dấu hiệu để phân biệt người này với người kia, cộng đồng này với cộng đồng kia, quốc gia này với quốc gia kia và nó là kết quả của cộng đồng đó hay con người đó tương tác với chính mình và tương tác với cộng đồng khác. Nó thể hiện nhân cách nếu xét về mặt cá nhân, bản sắc xét về mặt cộng đồng. Các nhà chính trị lấy văn hoá để nói về sự cạnh tranh nhưng thực ra văn hoá là kết quả của đời sống chung không có cạnh tranh. Ngay cả trong những điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay, văn hoá vẫn không cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, văn hoá tham gia vào quá trình cạnh tranh bởi văn hoá đưa ra những giải pháp phù hợp với đòi hỏi tâm hồn của một con người và bởi văn hoá chính là con người.
Bản sắc là cái tự nhiên mà có. Bản sắc không phải là cái mà người ta cố tạo ra được. Cái đó không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai. Bản sắc tự nó là một đối tượng khách quan. Người ta không thể cố ý tạo nên nó, cũng như không thể cố ý làm mất nó. Nếu như chúng ta để cho bản sắc được hình thành một cách tự nhiên qua các giai đoạn lịch sử thì chúng ta sẽ có một bản sắc rất tự nhiên. Chúng ta hoà hợp với mọi người và chúng ta hoà hợp với mình.
Tất cả những ai cố làm cho cộng đồng của mình có vẻ có bản sắc, tức là
xây dựng bản sắc một cách chủ quan, nếu không đi đến nhầm lẫn này thì cũng sẽ đi đến nhầm lẫn khác và trở thành một cộng đồng vừa tự mãn vừa dị biệt. Và đó chính là tiền đề của sự chậm phát triển. Chúng ta phải nhìn bản sắc một cách khách quan, và cần phải biết yêu nó, yêu những gì mình có, đúng mức và đúng cách. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải tự tin và thành đạt.
Bản sắc dân tộc tự hình thành, bởi vì tất cả các dân tộc đều tự hình thành, tất cả các dân tộc đều có lịch sử của nó.
Về vấn đề bản sắc của các dân tộc, theo tôi, có hai khía cạnh phải đề cập đến. Thứ nhất, những dấu hiệu. khác nhau của nó là gì. Thứ hai, đó là giải quyết mâu thuẫn giữa xu hướng nói về mình và việc sử dụng cho mình như thế nào.
Bản sắc dân tộc và những dị biệt
Nhiều người thường có xu hướng cường điệu sự khác biệt giữa các dân tộc. Người ta lấy sự khác biệt làm niềm tự hào. Nhưng trong thực tế, người ta lại sống bằng những thứ giống nhau. Khi khoe khoang về mình, người ta lấy sự khác biệt, nhưng khi sống cho mình thì người ta lại lấy sự giống nhau.
Đấy là hai hiện tượng rất phổ biến trong thái độ về cái được gọi là bản sắc. Người ta kêu gọi dùng hàng nội hoá là nhằm biến xu hướng khoe khoang thành một hành động thực tế. Nhưng trong thực tiễn, con người vẫn thiếu dùng những thứ của người khác. Rất ít dân tộc dùng cái của mình. Đại đa số các dân tộc thích nói về những cái của mình nhưng lại dùng những cái của người khác. Đó dường như là một bản năng.
Người ta thường nhầm lẫn giữa bản sắc văn hoá của dân tộc với những yếu tố dị biệt. Thực ra đó là hai thứ hoàn toàn khác nhau mặc dù trong một số trường hợp những yếu tố dị biệt và bản sắc văn hoá trùng nhau. Cũng giống như bản sắc văn hoá, những yếu tố dị biệt được hình thành trong lịch sử, bởi những tác động của nhiều yếu tố khác nhau như địa lý, kinh tế... và cả những yếu tố hoàn toàn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, không phải tất cả những dị biệt đó đều trở thành bản sắc văn hoá, càng không phải là sự thể hiện trình độ phát triển, tức là văn minh. Việc dùng đũa của người Trung Hoa và người Việt so với việc dùng nĩa của người châu Âu, chỉ có thể được nghiên cứu như những thói quen riêng mang tính khu vực chứ tuyệt đối không phải đối tượng so sánh trình độ văn minh. Thậm chí một số hủ tục, như tập quán xẻo cơ quan sinh đục nữ của một vài dân tộc châu Phi, còn cần phải lên án và loại trừ.
Nhận thức được điều này giúp chúng ta tránh được thái độ thiên lệch trong đánh giá các hiện tượng văn hoá, chẳng hạn những quan điểm cho rằng chỉ có văn hoá phương Đông mới là đúng, mới là thuộc về tương lai.
Mỗi cộng đồng nhỏ đều có bản sắc riêng hay gọi là các giá trị văn hoá. Nhưng khái niệm cộng đồng ngày càng mở rộng nên sẽ có những tiêu chí
văn hoá khác nhau, những nền văn hoá khác nhau.
Chúng ta sinh hoạt, điều chỉnh cuộc sống gia đình bằng một hệ tiêu chuẩn, nhưng khi ra đường, trong cộng đồng khác rộng hơn, chúng ta buộc phải sử dụng hệ tiêu chuẩn văn hoá khác. Tương tự như thế, con người chứa trong mình nhiều hệ tiêu chuẩn văn hoá khác nhau để điều chỉnh những đối tượng và quan hệ sinh hoạt khác nhau. Cho nên có thể nói rằng không có chuẩn mực văn hoá cho sáu tỷ người. Thực ra thì trong cuộc sống của nhân loại vẫn luôn luôn đồng thời tồn tại những chuẩn mực chung và chuẩn mực riêng. Chuẩn mực riêng để phân biệt người này với người kia, cộng đồng này với cộng đồng kia, còn chuẩn mực chung là thứ để con người chung sống với nhau. Chuẩn mực chung ngày càng lớn lên cùng với mật độ giao tế lớn. Cùng với qui mô toàn cầu của các quá trình giao lưu, dần dần các khái niệm, các chuẩn mực văn hoá chung của nhân loại sẽ hình thành. Nói đúng hơn, nó đã hình thành rồi và người ta sử dụng nó để giải quyết một loạt các vấn đề quyền lợi toàn cầu. Tuy nhiên, việc giải quyết những xung đột như vậy luôn khác nhau trong các bộ đôi tương tác. Có những vấn đề đối với dân tộc A thì dễ nhưng đối với dân tộc B thì lại khó giải quyết - nó phụ thuộc vào mức độ cát cứ của các giá trị cũng như mức độ bảo thủ của các hệ tiêu chuẩn riêng.
Việc mỗi vùng, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng không phải là lý do thoả đáng để nhấn mạnh cái mà người ta thường gọi là những cú sốc văn hoá, culture shock như đôi khi người ta nói. Chúng ta đã chứng minh rằng, con người vẫn sống chung với nhau được mặc dù có sự khác biệt. Sự khác biệt không có nghĩa là đối lập, thậm chí không gắn liền với sự đối lập. Tôi cho rằng trên thực tế không có cú sốc về văn hoá. Đó chỉ do chúng ta tưởng tượng ra mà thôi, cho dù sự khác biệt giữa cá nhân này với cá nhân kia luôn luôn tồn tại. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau, tiếp cận vấn đề theo những cách khác nhau.
Văn hoá làm cho con người khác nhau chứ không làm cho con người đối lập với nhau. Bởi vì bản thân văn hoá được hình thành nên bởi một cộng đồng chứ không phải một cá nhân. Văn hoá chính là thông điệp chung sống, vì vậy nó có giá trị chung sống.
Sự chia rẽ về mặt địa lý làm cho con người có cảm giác rằng mình biệt lập với người khác, rằng giá trị của mình biệt lập với giá trị của người khác. Và họ luôn tự hào về sự biệt lập ấy. Biệt lập không phải là giá trị để tự hào, nó chỉ có giá trị để phân biệt mà thôi. Giá trị mà con người có thể tự hào là giá trị về tính phổ biến, tính hội nhập, tính chung sống trong sự đa dạng văn hoá. Những người tiên tiến thì luôn luôn trăn trở để có khả năng tương thích với nhiều nền văn hoá, vì thế họ sẽ không bị những cú sốc văn hoá như vậy.
Lý tưởng sống hiện nay của thế hệ hiện tại ngày càng mang tính toàn cầu. Đó chính là sự phát triển các giá trị trọn vẹn của con người. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, nhiều dân tộc dường như mất đi từ trường về hệ
tư tưởng: không có giải phóng dân tộc, không có chủ nghĩa xã hội, không có tất cả các lý tưởng...Con người trở nên hoang mang, rơi vào trạng thái chuyển động Brown về mặt tinh thần, về mặt sinh hoạt lý tưởng. Cho nên cần phải có một ai đó hướng dẫn thế hệ trẻ về các tiêu chuẩn lý tưởng của mình.
Quá khứ - hành trang, gánh nặng và thách thức
Nếu nhìn thực chất vấn đề, ta có thể thấy rõ rằng những nền văn hoá đang ra sức tự bảo vệ cũng chỉ tự bảo vệ những gì thuộc cấu trúc thượng tầng của nó mà thôi. Mà những gì thuộc về cấu trúc thượng tầng không phải là bền vững cho lắm, nếu không nói rằng chúng dễ dàng bị những thay đổi trong cấu trúc hạ tầng cuốn phăng đi. Vì thế, về mặt triết học, việc nhấn mạnh vấn đề bản sắc là không cần thiết và cũng không hợp lý.
Chúng ta đang sống ở một thời đại mà các dân tộc đều hình thành cả rồi, không có dân tộc nào bắt đầu hình thành cả. Tức là chúng ta là nô lệ của lịch sử, các bản sắc trở thành những di chứng của quá khứ. Nếu chúng ta cường điệu vai trò của bản sắc, đặc biệt là bản sắc dân tộc, chúng ta sẽ phạm phải hai hậu quả quan trọng.
Thứ nhất, nếu chúng ta cường điệu một cách chủ quan, thì cái được gọi là bản sắc dân tộc ấy có đích thực là bản sắc dân tộc hay không? Hay đó chỉ là ý muốn chủ quan của những người tìm thấy lợi ích trong sự cường điệu ấy? Và chính việc cường điệu nhiệm vụ bảo vệ những bản sắc dân tộc một cách chủ quan như vậy làm cho một dân tộc vô tình rơi vào vùng ảnh hưởng của một vài yếu tố hoặc xã hội cực đoan. Kết quả là sẽ có một sự hình thành bản sắc một cách phi tự nhiên, xa lạ với cuộc sống.
Thứ hai, việc cường điệu bản sắc dân tộc sẽ chỉ làm người ta tự trở thành dị biệt với nhân loại trong khi thế giới đang đi theo xu hướng tất yếu của sự hoà hợp. Bởi vì, sớm hay muộn, các dân tộc cũng hội tụ đến một tiêu chuẩn chung sống giữa con người. Vì vậy một bản sắc tức là bản sắc tự nó phải có khả năng hoà hợp với các bản sắc khác. Khi nói về bản sắc người ta dể mắc sai lầm vì thường đứng ở trong một cộng đồng để xem xét mà quên rằng chúng ta phải xem xét nó trên tầm bao quát của toàn nhân loại. Vì vậy để thấy rằng mọi sự cường điệu một cách chủ quan các yếu tố bản sắc trong đời sống của một dân tộc chỉ dẫn đến những va chạm với các dân tộc khác và sự đổ vỡ trong chính dân tộc mình mà thôi.
Thật đáng buồn là cho đến nay, nhiều nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba vẫn không ngớt nói về quá khứ, về bản sắc, giá trị truyền thống và cố gắng làm cho người dân yêu nước hơn thông qua yêu quá khứ. Đấy là một sự lầm lẫn mang tính triết học. Con người trước hết cần phải yêu chính mình, yêu hiện tại và tương lai của mình, quá khứ chỉ là phương tiện hỗ trợ. Nếu như chúng ta cố làm cho con người tin rằng mọi cái có giá trị đều ở quá khứ thì đó là sự tận dụng quá khứ, tận dụng lịch sử như động cơ
chính trị nhằm tạo ra niềm tự hào dân tộc giả tạo. Đó là một sai lầm khủng khiếp, thậm chí một tội ác, nó ngăn cản toàn bộ tiến trình phát triển của các dân tộc. Đấy là lỗi phổ biến của những người thiếu trí tuệ chứ không phải chỉ là lỗi của những người cầm quyền đương thời. Con người trong nhiều thế hệ đã phạm phải sai lầm như thế.
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất không phải là khư khư giữ lấy những gì khác người, kể cả những cái khác người đã trở thành lạc hậu, chỉ cất giữ được "bản sắc', mà là lựa chọn những gì tất đẹp nhất, cả của mình lẫn của người khác. Bằng cách ấy, chúng ta có thể nắm lấy những cơ hội của tương lai.
Tất nhiên, không phải cái gì hiện đại cũng tốt. Hiện đại cũng có cái dở, cũng như quá khứ đã từng có nhiều cái chả ra gì và cũng không phải là trong tương lai mọi thứ đều tốt đẹp. Mọi thứ đều có cái hay cái dở của nó. Cái đó chẳng qua là cái không thích hợp với đời sống của con người. Tại sao chúng ta lại phải phấn đấu cho một thứ gì đó không cần hoặc
thậm chí là không có, không thể có? Nên nhớ rằng tuổi thọ của quả đất cũng hữu hạn, tuổi thọ của nhân loại cũng hữu hạn, tuổi thọ của con người thì, dĩ nhiên rồi, rất hữu hạn. Con người không nên sống gấp như chúng ta từng lên án, nhưng con người cần phải sống, cần phải qui hoạch để cuộc sống của mình được kéo dài, nhất là tăng thêm ý nghĩa và chất lượng. Chính là con người sẽ quyết định những gì cần làm.
Con người sinh ra không phải là để bảo tồn các giá trị hay bản sắc, không phải là để hội nhập, thậm chí cũng không phải là để phát triển, mà là để sống. Mục tiêu của con người là cuộc sống của nó chứ không phải là bản sắc văn hoá. Bản sắc là cái mà người ta giữ được một cách tự nhiên trong quá trình sống chứ không phải là cái mà người ta mua sắm
được. Bản sắc toả ra từ trong con người bạn, từ trong gen của bạn, từ trong các thông điệp quá khứ của cộng đồng bạn, dân tộc bạn và vì thế tự nhiên nó có.
Nhiệm vụ của con người là vứt bỏ đi những cái thừa để mở đường vào tương lai chứ không phải là giữ lại những cái của quá khứ. Bản sắc chỉ có giá trị khi nó là cái gì hình thành một cách tự nhiên, giúp chúng ta gia nhập thuận lợi và thành công vào tương lai. Con người với gánh nặng cồng kềnh của quá khứ thì không đi xa được. Chúng ta sẽ còn có dịp quay trở lại vấn đề này.
Rất nhiều người đang tranh cãi về vấn đề: trong quá trình hội nhập Việt Nam cần giữ lại cái gì? Tôi cho rằng chúng ta hô hào giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng chúng ta không nhận thức rằng chúng ta đang rất kỳ dị trước con mắt nhân loại. Tôi cho rằng việc vứt bỏ cái lạc hậu hay gìn giữ những gì còn tương thích với tương lai đều thể hiện tính chủ động, tiến bộ. Tự do là sự tiến bộ. Hành trang đi vào tương lai càng nhẹ càng tốt. Tương lai sẽ cung cấp cho
chúng ta trước cửa mỗi ngày những điều mới mẻ.
Tương lai sẽ tươi đẹp nếu chúng ta đủ lương thiện, lòng dũng cảm và biết làm cho tâm hồn mình trở nên thoáng đãng để mở rộng các cánh cửa ra thế giới. Khi đó, lẽ phải sẽ ở trong con tim khối óc chúng ta. Nó sẽ tiếp sức cho chúng ta hành động. Phải biết tin vào lẽ phải của tâm hồn. Những người càng có nhiều trách nhiệm thì càng phải suy nghĩ xa hơn nhưng về tương lai chứ không phải về quá khứ.
Những người nhiều trách nhiệm đó là ai? Là các nhà lãnh đạo quốc gia, là trí thức, hay nói rộng hơn, là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Tôi nhớ lại thời thanh niên, đi xem vở kịch "Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Trãi có một cô em gái nuôi bị câm, ra đường bị lính Tàu trêu và về nhà ấm ức không nói được. Chính Nguyễn Trãi đã giải thích nỗi oan khuất, ấm ức của người em gái câm. Tầng lớp tinh hoa của mỗi dân tộc chính là người đại diện cho dân tộc ấy để giải thích, để thể hiện, để đối thoại với dân tộc khác. Dân tộc nào mà các nhà lãnh đạo không được lựa chọn từ tầng lớp tinh hoa của dân tộc thì dân tộc đó không bao giờ phát triển được. Tinh hoa ở đây là tinh hoa về trí tuệ văn hoá và lòng dũng cảm.
Một tầng lớp tinh hoa của đời sống xã hội mà hèn nhát thì không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đó chính là bi kịch của rất nhiều dân tộc. Bi kịch còn ở chỗ nhân dân lại không có đủ tinh khôn để lựa chọn những người tinh hoa. Do vậy, thay vì đưa ra các tiêu chuẩn nhân quyền, tức là xác định con người có những quyền gì, chúng ta cần phải đưa
ra cho nhân dân của các nước đang phát triển các tiêu chuẩn của nhà chính trị có thể đại điện cho dân tộc. Bởi vì chưa đến lúc nhân dân các nước đang phát triển đối thoại với các nhà chính trị phương Tây mà chỉ mới các nhà chính trị của họ làm việc ấy. Nếu được lựa chọn bởi các tiêu chuẩn lạc hậu, họ sẽ không có đủ năng lực đối thoại.
Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng con đường dân chủ. Dân chủ chính là tiến trình để giải phóng con người, để con người có trách nhiệm lựa chọn chứ không phải lựa chọn một cách chiếu lệ những người đại diện. Đương nhiên, không phải vì thế mà ngay lập tức nhân dân các nước đang phát triển có thể lựa chọn được người xứng đáng. Nhưng nếu không bắt đầu thì họ không có kinh nghiệm về tinh thần trách nhiệm của quá trình lựa chọn và do đó không có tiến trình phát triển.
Trong tất cả các yếu tố về tính dân trí thì tôi vẫn xem dân trí về chính trị là yếu tố cao nhất. Rất nhiều quốc gia cho rằng khoa học và công nghệ là quan trọng nhất. Tôi không nghĩ như vậy. Nhiều nhà khoa học và công nghệ vĩ đại ở các dân tộc chậm phát triển đã chạy sang Mỹ, cho nên không phải là ở các nước này thiếu các tài năng về mặt khoa học và công nghệ. Nhiều dân tộc trên thế giới thậm chí đang lãng phí các nhà khoa học và công nghệ bằng cách để cho họ thất nghiệp hoặc mòn mỏi vì vô công rỗi nghề.