🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tự Truyện Richard Branson – Đường Ra Biển Lớn Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC Lời giới thiệu Phần mở đầu: “MẶC KỆ NÓ, LÀM TỚI ĐI!” Chương 1: “MỘT GIA ĐÌNH CÓ THỂ CHẾT VÌ NHAU” Chương 2: “HOẶC LÀ VÀO TÙ, HOẶC LÀ THÀNH TRIỆU PHÚ” Chương 3: KINH DOANH Ở VIRGINS Chương 4: “TÔI SẴN SÀNG THỬ NGHIỆM BẤT CỨ ĐIỀU GÌ” Chương 5: RÚT RA BÀI HỌC Chương 6 : “SIMON BIẾN VIRGIN THÀNH NƠI HỢP THỜI NHẤT” Chương 7: BẢN NHẠC MANG TÊN TUBULAR BELLS. TÔI CHƯA TỪNG NGHE BẢN NHẠC NÀO NHƯ THẾ Chương 8: "SỰ LỰA CHỌN THỨ HAI LÀ VÔ NGHĨA" Chương 9: PHỚT LỜ DƯ LUẬN Chương 10: “EM NGHĨ EM SẼ DỌN ĐI”, JOAN NÓI Chương 11: BÊN BỜ VỰC Chương 12: THÀNH CÔNG CÓ THỂ TỚI MÀ KHÔNG BÁO TRƯỚC Chương 13: “MUỐN ĐI, TRƯỚC HẾT HÃY BƯỚC QUA XÁC TÔI” Chương 14: THEO GƯƠNG FREDDIE LAKER Chương 15: GIỐNG NHƯ BỊ BUỘC VÀO MŨI MỘT CHIẾC MÁY KHOAN KHÍ NÉN KHỔNG LỒ Chương 16 : KHINH KHÍ CẦU LỚN NHẤT THẾ GIỚI Chương 17 : “TÔI ĐÃ SUÝT CHẾT” Chương 18: “MỌI THỨ ĐỀU SẴN SÀNG ĐỂ BÁN!” Chương 19 : CHUẨN BỊ NHẢY Chương 20: “HẮN NGHĨ HẮN LÀ AI CƠ CHỨ?” Chương 21: “CHÚNG TA CÓ HAI GIÂY ĐỂ NÓI LỜI CẦU NGUYỆN CUỐI CÙNG” Chương 22: BAY TRONG BẤT ỔN Chương 23 : NHỮNG THỦ ĐOẠN BẨN THỈU Chương 24: VÕ SĨ QUYỀN ANH Ở CĂN PHÒNG ĐẦU TIÊN Chương 25: “ĐƯA NHỮNG TÊN KHỐN RA TÒA” Chương 26: NHỮNG KẺ THÔ LỖ Ở CỔNG KHỞI HÀNH Chương 27: “HỌ GỌI TÔI LÀ KẺ NÓI DỐI” Chương 28: CHIẾN THẮNG Chương 29: LÃNH THỔ VIRGIN Chương 30 : TÍNH ĐA DẠNG VÀ NHỮNG ĐIỀU BẤT LỢI Chương 31: ĐỔI THAY Chương 32 : BAY CAO Lời giới thiệu Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Nếu dành một từ để mô tả tỷ phú ‘hippi’ Richard Branson thì có lẽ người ta chỉ có thể nói đến từ ‘phi thường’. Đó là một con người phi thường với những kỳ tích phi thường cả ở phương diện cá nhân lẫn phương diện sự nghiệp. Việc Richard Branson được công nhận như một tài sản văn hóa quốc gia (Vương Quốc Anh) và cả cộng đồng quốc tế thì không ai có thể nghi ngờ, nhưng điều gì ẩn giấu phía sau những huyền thoại về ông và con người thực sự của Richard - ông là ai? thì công chúng vẫn rất tò mò muốn được khám phá. Và điều may mắn đối với bạn đọc thế giới cũng như bạn đọc Việt Nam là cuốn tự truyện Đường ra biển lớn đã ra đời. Trước tiên hãy nói về sự phi thường của Richard Branson: Sự phi thường của Richard không đơn giản nằm ở những thành công ngoạn mục về kinh doanh (gây dựng một hệ thống kinh doanh mang thương hiệu Virgin trên 100 lĩnh vực khác nhau, sở hữu hơn 250 công ty trên toàn cầu); hay kỳ tích cá nhân (kỷ lục bay khinh khí cầu vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cùng nhiều kỷ lục khác). Sự phi thường của ông nằm ở việc ông luôn thách thức và vượt qua được mọi giới hạn của con người, ông là người dám làm những việc mà người ta có thể mơ ước nhưng không ai dám làm! Khởi nghiệp kinh doanh năm 17 tuổi, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với tạp chí Student; cho ra đời thương hiệu gắn bó với toàn bộ cuộc đời ông, Virgin, năm 20 tuổi; trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước Anh và phát hành cổ phiếu thành công ra công chúng năm 36 tuổi; đưa Virgin trở thành tập đoàn hoạt động toàn cầu ở tuổi 40. Tốc độ phát triển phi thường này ta có thể thấy đâu đó (dù cũng không nhiều!) trong những thiên tài doanh nhân của nhân loại, nhưng cách mà Richard Branson thực hiện thì quả thực là kỳ lạ, nếu không muốn nói là điên rồ. Ông làm các cổ đông, đối tác, và nhân viên của mình ‘phát điên’ (và gần như luôn luôn sẵn sàng chống lại các ý tưởng của ông) với việc liên tục mở rộng lĩnh vực mới của mình: tốc độ mở rộng không phải là mỗi năm đưa ra một hướng mới, mà đôi khi vài tháng đã có một lĩnh vực mới với những kế hoạch đôi khi rất cảm tính, nhưng luôn luôn có một tầm nhìn đặc biệt mà ít người có thể hiểu được ngay. Rất khó tin một người khởi sự trong lĩnh vực thu âm và phân phối âm nhạc lại bước vào những lĩnh vực có vẻ như hoàn toàn không liên quan, như hàng không, đồ uống, mỹ phẩm, viễn thông, vận tải, năng lượng hay tài chính. Triết lý của ông: “Tôi sẵn sàng thử nghiệm bất cứ điều gì!”. Con người phi thường này có điều gì cũng bình thường như chúng ta? Phải chăng định mệnh chỉ dành những sự nghiệp lớn cho những con người được sinh ra dưới một ngôi sao tốt? Thực tế từ cuốn tự truyện của ông, chúng ta có thể nhận ra những góc cạnh bình thường ở một con người phi thường. Ông có thể có những hành động ‘điên rồ’, nhưng cũng giống như mọi người bình thường khác, ông lo lắng và sợ hãi tột cùng trước những lần mạo hiểm, cả trong kinh doanh lẫn khi quyết định lao mình vào những cuộc chinh phục kỷ lục vượt đại dương đầy bão tố bằng khinh khí cầu. Đã bao nhiêu lần ông viết thư tuyệt mệnh trước khi bước lên những vật thể bay đầy rủi ro như vậy. Trong kinh doanh, ông thừa nhận mình không đủ tài năng trong từng lĩnh vực cụ thể, nhưng với uy tín và sự chân thành, ông đã quy tụ được rất nhiều tài năng trong các cuộc chinh phục những lĩnh vực kinh doanh rất khác nhau. Ông vượt qua được cái tôi cá nhân để bỏ qua sự ‘phản bội’ của bạn thân, ‘lòng tham’ của cộng sự để gọi về những người thực sự có thể chèo lái công ty. Khi chia tay với những cộng sự không còn đủ kiên nhẫn theo đuổi những kế hoạch liều lĩnh của mình, ông cũng nhận phần thiệt hại tài chính về mình cho họ được ra đi thoải mái nhất, giúp họ có thể theo đuổi những sự nghiệp khác một cách thành công. Khởi sự từ ngành âm nhạc, ông đưa văn hóa ‘rock-and-roll’ vào tất cả các doanh nghiệp của mình để nhân viên có thể phá tan mọi rào cản của những lối tư duy cũ và tận thu thành quả của sự sáng tạo. Cũng như bất kỳ doanh nhân nào, số lần thất bại của ông cũng không kém số lần thành công, nhưng ông chưa bao giờ bị sự thất bại đánh bại! Cũng như bất kỳ con người bình thường nào khác, Richard cũng gặp nhiều may mắn. Và đối với ông, may mắn lớn nhất chính là gia đình, những người luôn ủng hộ khi ông khởi sự kinh doanh với những ý tưởng ngông cuồng, đứng trước nguy cơ bị bỏ tù, phá sản hay quăng mình vào những trò chơi mạo hiểm chết người. Richard Branson cũng là một người bình thường như bất cứ ai, điều tạo ra sự khác biệt ở ông chính là việc dám ước mơ và bản lĩnh để vượt qua tất cả những khó khăn (mà có lẽ quá nửa là những khó khăn ông tự đẩy mình vào). Với một lối sống phóng khoáng kỳ lạ, ông luôn đặt mình vào tình trạng nguy hiểm để vượt qua nó hàng ngày. Có lẽ không có ai ‘ham chơi’ đến mức ngay khi chuẩn bị cho ra đời hãng hàng không với đầy rẫy trở ngại gần như không thể vượt qua về luật pháp, tài chính, cạnh tranh, mà lại dành thời gian lên khinh khí cầu vượt đại dương – theo một hành trình mà những người ưa mạo hiểm khác đều đã thiệt mạng. Đây không phải thói chơi ngông của người giàu mà thực sự Richard luôn luôn làm những việc như vậy ngay khi ông còn tay trắng. Sự ‘ham chơi’ đối với những trò chơi nguy hiểm thực sự là dấu ấn làm nên đặc trưng con người của Richard Branson. Đối với ông, cuộc sống và sự nghiệp giống như một cuộc dạo chơi đầy hứng thú, mạo hiểm và không bao giờ dừng lại. Bạn có thể chưa từng biết đến Richard Branson và những cuộc dạo chơi mạo hiểm của ông, nhưng dường như bất cứ ai trong chúng ta đều đã từng trải nghiệm một sản phẩm nào đó do ông đem đến với thế giới, nếu chưa đi máy bay hay dùng đồ uống của Virgin, không lẽ bạn chưa từng nghe Janet Jackson hay Phil Colins hát. Giờ đây bạn có thể biết thêm về con người đã tạo ra thế giới thương hiệu đặc biệt này với Đường ra biển lớn, một cuốn tự truyện mà ở đó người ta không chỉ hiểu được những huyền thoại được tạo ra như thế nào - mà còn học được rất nhiều tư tưởng lớn, hiểu được những giá trị cơ bản của cuộc sống mà đôi khi người ta hoàn toàn lãng quên trong sự thay đổi của nhân loại 40 năm qua, khám phá khả năng xoay chuyển thế giới bằng ý chí và tầm nhìn vượt thời cuộc, và đặc biệt là có thể trải nghiệm được những cảm giác chân thực như chính Richard Branson thông qua những trang viết có văn phong đặc biệt hấp dẫn của chính con người đã tạo nên những kỳ tích đó. Trước khi bạn lật giở những trang đầu tiên về cuộc đời con người kỳ lạ này, hãy một lần nữa quay về với cái tên đi cùng sự nghiệp của Richard Branson: Khi một nhóm những người trẻ tuổi khởi sự dự án kinh doanh đầu tiên cùng nhau chọn cái tên “Trinh nguyên (Virgin)” như là một thông điệp đơn giản rằng ‘chúng tôi là những người hoàn toàn mới bắt đầu đến với việc kinh doanh’, thì toàn bộ sự nghiệp và cuộc đời của Richard cũng giống như cái tên mà ông đã lựa chọn. Đối với ông mọi thứ luôn luôn là nguyên sơ để khám phá. Đối với ông mọi thứ đều luôn luôn là khởi sự, là bắt đầu để có thể chinh phục biển cả kinh doanh và đại dương cuộc sống. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm đặc biệt này! NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG VENTURES VIETNAM Phần mở đầu: “MẶC KỆ NÓ, LÀM TỚI ĐI!” Thứ Ba, ngày 7 tháng Giêng năm 1997, Morocco 5 giờ 30 phút sáng Tôi thức giấc trước Joan và ngồi trên giường. Tôi nghe thấy khắp cả vùng Marrakech giọng nói chập chờn qua loa phóng thanh báo thức của thầy dòng (thầy tu Hồi giáo giữ việc báo giờ cầu nguyện cho tín đồ – ND) gọi mọi người thức dậy cầu nguyện. Tôi vẫn chưa viết vài dòng cho Holly và Sam, vì thế tôi xé vội tờ giấy trong cuốn vở và viết cho hai con một lá thư, phòng trường hợp tôi không quay trở lại. Holly và Sam thân yêu! Cuộc sống đôi khi dường như không có thực. Một ngày ta được sống, khoẻ mạnh và được yêu thương. Sau đó có thể không còn được tiếp tục nữa. Cả hai con đều biết rằng bố luôn luôn muốn sống một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa nhất. Điều đó có nghĩa là bố đã đủ may mắn để sống một cuộc sống của nhiều người, khi bố đã 46 tuổi. Bố trân trọng từng phút của cuộc đời này và nhất là bố yêu từng giây được ở bên các con và mẹ các con. Bố biết là nhiều người nghĩ chúng ta thật ngu ngốc khi dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm này. Bố đã nghĩ là họ sai. Bố cảm thấy mọi thứ chúng ta có được từ các chuyến thám hiểm Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có nghĩa rằng, chúng ta đã có những chuyến đi an toàn. Bố cũng nghĩ rủi ro là có thể chấp nhận được. Bố cần chứng minh là mình không sai. Nhưng bố không hề tiếc nuối gì về cuộc đời bố, trừ một điều đó là không được ở bên cạnh mẹ các con cho đến tận cuối cuộc đời, để giúp mẹ chăm sóc các con. Hai con đang ở tuổi 12 và 15, tính cách đã phát triển. Bố mẹ tự hào về các con. Cả hai con đều tốt bụng, biết quan tâm người khác, lạc quan, rất hài hước, dí dỏm. Bố mẹ còn có thể mong gì hơn nữa? Hai con hãy mạnh mẽ lên. Bố biết, điều đó không dễ dàng. Nhưng chúng ta đã có một cuộc sống tuyệt vời cùng nhau và các con đừng bao giờ quên những khoảng thời gian tốt đẹp chúng ta từng có. Hãy sống một cuộc sống đầy ý nghĩa. Hãy hưởng thụ từng phút, từng giây của cuộc đời. Hãy yêu và chăm sóc mẹ. Bố yêu các con! Bố của các con. Tôi gấp lá thư lại thành hình chữ nhật và bỏ vào túi áo. Mặc quần áo chỉnh tề, tôi nằm xuống cạnh Joan và ôm cô ấy. Tôi thấy tỉnh táo và bồn chồn, còn cô ấy vẫn ngủ yên lành trong tay tôi. Holly và Sam cùng bước vào phòng, trèo lên giường và nằm gọn giữa chúng tôi. Một lúc sau, Sam trườn khỏi giường, cùng với mấy đứa em họ ra sân để kiểm tra chiếc khinh khí cầu mà tôi sẽ dùng nó để bay vòng quanh trái đất. Joan và Holly ở lại với tôi một chút, trong khi tôi nói chuyện với Martin – chuyên gia khí tượng học. Ông ta nói, chuyến bay đã hoàn toàn sẵn sàng – chúng ta có điều kiện thời tiết tốt nhất cho 5 năm. Sau đó tôi gọi điện thoại cho Tim Evans, bác sĩ riêng của gia đình tôi, vừa ở chỗ Rory McCarthy – phi công thứ ba của tôi; ông có tin xấu: Rory không thể bay được. Anh bị viêm phổi nhẹ, nhưng nếu anh ta ở trong điều kiện khoang kín khí liền ba tuần, thì bệnh sẽ nặng hơn. Ngay lập tức tôi gọi cho Rory và bày tỏ lo lắng của mình cho anh ấy. “Gặp lại ở phòng ăn nhé” – Tôi nói. “Đi ăn sáng thôi!” 6 giờ 20 phút sáng Lúc tôi và Rory gặp nhau, phòng ăn của khách sạn vẫn vắng tanh. Những nhà báo theo dõi việc chuẩn bị cho chuyến bay khinh khí cầu này suốt 24 giờ qua, giờ này đã đi hết ra sân. Tôi và Rory ôm lấy nhau. Cả hai đều khóc. Vừa là người bạn thân thiết, vừa là phi công thứ ba trong chuyến bay khinh khí cầu của tôi, gần đây Rory cũng đã cùng tôi hợp tác trong một loạt dự án kinh doanh. Ngay trước khi chúng tôi đặt chân tới Morocco, anh ấy đã mua cổ phần trong dự án ghi âm mới V2 và cũng đầu tư vào các công ty mỹ phẩm mới của chúng tôi là Virgin Clothes và Virgin Vie. “Tôi không thể tin là đã làm anh thất vọng” – Rory nói. “Tôi không bao giờ ốm, không bao giờ”. “Đừng lo” – Tôi an ủi anh ấy. “Chuyện đó bình thường thôi. Chúng ta đã có Alex. Chúng tôi sẽ bay xa hơn khi có anh ấy đi cùng”. “Nói nghiêm túc nhé, nếu anh không quay lại…” – Rory nói. “… tôi sẽ tiếp tục công việc anh để lại”. “Tốt rồi, cảm ơn anh!” – Tôi nói và cười, xen lẫn một chút bồn chồn. Alex Ritchie đã ra sân phóng khinh khí cầu, kiểm tra việc chuẩn bị sẵn sàng khoang lái cùng với Per Lindstrand – một người từng bay khinh khí cầu bằng hơi đốt và cũng là người giới thiệu tôi đến với môn thể thao này. Alex là một kỹ sư cơ khí tài năng, anh đã thiết kế khoang lái khinh khí cầu này. Trước thời điểm này, chưa có ai thiết kế thành công hệ thống điều khiển có thể giữ khinh khí cầu bay ở tầm cao ngang với với máy bay trực thăng. Mặc dù Alex là người từng thiết kế cho tôi các khinh khí cầu trong hai chuyến bay trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trước đó, nhưng tôi cũng không biết nhiều lắm về anh. Và lúc này thì không còn đủ thời gian để tìm hiểu thêm về anh ấy nữa. Chưa hề được huấn luyện bay, nhưng Alex đã dũng cảm nhận lời bay cùng tôi. Nếu chuyến bay thuận lợi, chúng tôi sẽ có ba tuần để tìm hiểu về nhau, càng thân thiết hơn nếu cả hai chúng tôi muốn. Không giống như các chuyến bay cùng Per trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng hơi đốt, trong chuyến bay này chúng tôi sẽ không đốt nóng không khí cho tới khi nào thật sự cần thiết: Khinh khí cầu đã có lõi trong chứa khí heli, giúp chúng tôi cất cánh. Thiết kế của Per thì đốt nóng không khí chung quanh lõi, sau đó khí nóng sẽ đốt heli. Joan, Holly và tôi nắm chặt tay nhau, rồi cả ba cùng ôm lấy nhau. Đã đến giờ khởi hành. 8 giờ 30 phút sáng Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy điều đó cùng lúc. Chúng tôi chạy dọc con đường đất lầy lội tới căn cứ không quân Morocco và thấy giống như thể có một nhà thờ mới mọc lên đêm qua. Phía trên những rặng cọ xanh mướt uốn cong, một quả cầu trắng lung linh đang bay lên, tựa như một mái vòm hình viên ngọc trai khổng lồ. Đó là khinh khí cầu. Những người cưỡi ngựa phi nước đại dọc theo con đường, súng khoác trên vai và chạy về phía căn cứ không quân. Tất thảy mọi người như bị hút vào chiếc khinh khí cầu trắng bóng khổng lồ đang treo lơ lửng trên không trung. 9 giờ 15 phút sáng Khinh khí cầu đã được rào chắn bảo vệ, bên ngoài hàng rào đã tụ tập rất nhiều người. Toàn bộ binh sĩ của căn cứ không quân đứng về một phía, xếp hàng theo cấp bậc, tất cả đều vận bộ quân phục màu xanh hải quân. Phía trước mặt họ là một nhóm vũ nữ truyền thống Morocco, choàng khăn trắng, hò reo cổ vũ. Sau đó, một nhóm lính cưỡi ngựa mặc trang phục Berber và mang súng hoả mai lao tới và xếp thành hàng ngay trước khinh khí cầu. Tôi nghĩ họ sẽ bắn loạt súng chào mừng. Cả Per, Alex và tôi đều tập trung trong khoang lái, kiểm tra lần cuối cùng tất cả hệ thống. Mặt trời lên nhanh và khí heli bắt đầu nở ra. 10 giờ 15 phút sáng Chúng tôi đã kiểm tra xong mọi thứ và sẵn sàng khởi hành. Tôi ôm Joan, Holly và Sam lần cuối. Tôi thật sự khâm phục sự rắn rỏi của Joan. Holly luôn ở bên cạnh tôi trong suốt bốn ngày qua và dường như con bé hoàn toàn hiểu rõ được tình hình. Tôi cứ nghĩ Sam thì không sao, nhưng rồi thằng bé cũng bật khóc, ôm lấy tôi và không muốn tôi đi. Tôi cũng suýt khóc. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ôm chặt đầy sức mạnh ấy của thằng bé. Rồi thì Sam cũng buông tôi ra, nó hôn tôi và chạy về phía Joan. Sau đó, tôi chạy về phía bố và mẹ, tôi ôm hôn từ biệt họ. Mẹ giúi vào tay tôi một lá thư và nói: “Sáu ngày nữa con hãy mở thư này nhé”. Tôi im lặng và thầm ước giây phút ấy kéo dài mãi. 10 giờ 50 phút sáng Và công việc cuối cùng là trèo lên các bậc cầu thang bằng thép để lên khoang khinh khí cầu. Chợt thoáng một giây tần ngần, lơ mơ tự hỏi liệu bao giờ mình sẽ được đặt chân trở lại và sẽ đặt xuống đâu, mặt đất hay mặt nước. Cũng không có thời gian để nghĩ nữa, tôi bước qua cánh cửa vào khoang. Per ngồi vị trí điều khiển chính, tôi ngồi cạnh thiết bị ghi hình, còn Alex ngồi ở ghế gần cửa. 11 giờ 19 phút sáng Mười, chín, tám, bảy, sáu, năm… Per đếm, còn tôi tập trung vào điều khiển máy ghi hình. Tay tôi lướt nhanh xuống kiểm tra khoá dù. Tôi cố không nghĩ đến chiếc khinh khí cầu to đùng trên đầu và sáu thùng nhiên liệu khổng lồ gắn chung quanh khoang lái. Bốn, ba, hai, một… Per xoay cái cần điều khiển bật chốt dây neo khinh khí cầu. Và chúng tôi từ từ, im lặng và nhẹ nhàng bay lên bầu trời. Không có tiếng gầm gừ của lò đốt: Chúng tôi bay lên giống như những quả bóng bay trong các bữa tiệc của bọn trẻ. Cửa thoát hiểm vẫn mở khi chúng tôi bắt đầu cất cánh và chúng tôi vẫn có thể vẫy tay xuống phía dưới, nơi những bóng người thân nhỏ dần. Hình ảnh mọi thứ ở Marrakech, như các bức tường vuông màu hồng, quảng trường thành phố, những sân cỏ rộng lớn và đài phun nước ẩn mình giữa những bức tường cao… cứ mờ dần phía dưới chúng tôi. Đến độ cao khoảng 10.000 feet, thì không khí bắt đầu lạnh và trở nên loãng hơn. Chúng tôi đóng cửa khoang lại. Từ lúc đó, chỉ còn chúng tôi với nhau trong khoang. Áp suất bắt đầu tăng, chúng tôi phải điều áp. * Tờ fax đầu tiên chúng tôi nhận được vào giữa ngày hôm đó. “Trời ơi!” – Per đưa tờ fax ra. “Xem này”. “Xin thông báo! Ống dẫn nối các thùng nhiên liệu đang được khoá.” – Tôi đọc to lên. Đó là lỗi đầu tiên chúng tôi mắc phải. Ống nối các thùng nhiên liệu phải được cắt, đề phòng trường hợp gặp trục trặc và bị rơi, chúng tôi có thể ném bớt một thùng nhiên liệu nặng một tấn nhằm cân bằng trọng lượng. “Nếu đây là lỗi duy nhất, thì mọi chuyện chúng ta đang làm không đến nỗi tồi đâu” – Tôi nói để trấn an Per. “Chúng ta cần hạ xuống độ cao 5.000 feet, sau đó tôi sẽ ra ngoài và ngắt các đường ống nối” – Alex nói. “Không sao đâu”. Nhưng ban ngày thì không thể hạ độ cao, bởi vì mặt trời sẽ đốt nóng khí heli và một khi khí heli bị thoát ra ngoài thì khó có thể thu lại được. Mà chúng tôi thì không thể để mất khí heli. Vì thế, chúng tôi nhất trí đợi đến đêm mới hạ độ cao khinh khí cầu. Chúng tôi không biết khinh khí cầu bay trong đêm sẽ thế nào và với những thùng nhiên liệu bị khoá chặt vào khoang như thế, thì khả năng thoát hiểm là rất mong manh. Dù tôi và Alex cố xoa dịu lo ngại về các đường nối nhiên liệu đang bị khoá, nhưng Per thì lo lắng thật sự. Anh ấy ngồi yên lặng trên ghế điều khiển và chỉ trả lời khi thật sự cần thiết. Chúng tôi lặng lẽ bay như thế cho đến cuối ngày. Quang cảnh những ngọn núi phía dưới hiện ra, những đỉnh núi nối đuôi nhau thành hình răng cưa, được tuyết phủ trắng lấp lánh trong nắng nhẹ. Khoang khinh khí cầu chật ních những vật dụng cần thiết cho chúng tôi trong 18 ngày nữa. Nhưng việc quên không mở khóa các dây nối thùng nhiên liệu không phải là lỗi duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã quên mang theo giấy vệ sinh, thế là cứ phải đợi có thêm tờ giấy fax nào, chúng tôi mới có thể đi xuống cái cầu thang xoắn bé tí xíu để vào nhà vệ sinh cũng bé tí xíu. Cái bụng Morocco của tôi lại cần rất nhiều giấy fax. Chúng tôi kéo cần điều khiển, tháo khóa những thùng chì gắn ở dưới đáy khoang khinh khí cầu. Số nhiên liệu đó nếu được giữ lại có thể sử dụng trong hai tuần. Những chiếc thùng đó rơi khỏi khoang khinh khí cầu. Nhìn qua màn hình, tôi thấy chúng rơi xuống, giống như những quả bom. Tôi có cảm giác sợ hãi, giống như khởi đầu một thảm họa. Khoang này rõ ràng là lớn hơn hai khoang tôi từng sử dụng trong các chuyến vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhưng đó vẫn chỉ là một hộp sắt treo lơ lửng phía dưới một quả bóng khổng lồ, phó mặc số phận cho gió và thời tiết. Trời bắt đầu tối. Không còn những thùng chì, khinh khí cầu lên cao một chút, nhưng rồi lại bắt đầu rơi xuống. Lần này thì nó rơi với tốc độ nhanh hơn nhiều. Trong một phút, chúng tôi rơi xuống 2.000 feet; tiếp đến xuống 2.000 feet nữa. Tai tôi ù đi và bụng sôi lên. Chúng tôi đang ở độ cao 15.000 feet. Tôi cố gắng bình tĩnh, tập trung chú ý vào màn hình điều khiển và đồng hồ đo độ cao, xem xét nhanh mọi sự lựa chọn hiện có. Chúng tôi cần phải thải bớt nhiên liệu, nhưng nếu làm vậy, đồng nghĩa với việc kết thúc sớm chuyến du hành này. Tôi bặm môi. Chúng tôi đang bay trên dãy Atlas trong đêm tối và rất có thể sắp rơi xuống. Không ai lên tiếng. Tôi tính toán nhanh. “Với tốc độ thế này, chúng ta còn khoảng 7 phút” – Tôi nói. “Thôi được” – Per nói. “Mở cửa nắp. Hạ áp suất đi”. Chúng tôi mở cửa khoang ở độ cao 12.000 feet, giảm xuống độ cao 11.000 feet. Và một luồng khí lạnh ùa vào khoang, áp suất hạ. Tôi và Alex bắt đầu vứt bỏ mọi thứ có trên khoang: thức ăn, nước uống, can dầu, bất cứ thứ gì không gắn chặt với khoang lái. Mọi thứ. Thậm chí, cả đống đô-la. Sau 5 phút, khinh khí cầu ngừng rơi. Chúng tôi đã tự cứu sống mình. “Chưa đủ” – Tôi nói và nhìn đồng hồ đo độ cao lúc này hiện báo 9.000 feet. “Chúng ta vẫn rơi xuống”. “Thôi được, tôi sẽ bò ra ngoài” – Alex nói. “Buộc phải vứt bớt thùng nhiên liệu”. Là người thiết kế khoang khinh khí cầu này, nên Alex biết chính xác cách thức tháo bỏ khóa gắn các thùng nhiên liệu. Tôi chợt sợ hãi nghĩ rằng, giả sử người trên khoang lúc này là Rory, chứ không phải Alex, thì chắc chắn chúng tôi đã bế tắc. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là nhảy dù khỏi khinh khí cầu. Có nghĩa là chúng tôi phải lao vào bóng đêm, rơi xuống dãy Atlas. Lò đốt cháy rực, bắn những tia sáng màu da cam vào chúng tôi. “Anh đã bao giờ nhảy dù chưa?” – Tôi hét lên, hỏi Alex. “Chưa bao giờ” – Anh ấy trả lời. “Đây là dù của anh” – Tôi nói và giúi dù vào tay anh ấy. “Đã xuống độ cao 7.000 feet và tiếp tục rơi” – Per hét lên. “6.600 feet rồi”. Alex trèo ra ngoài cửa, bò lên nóc khoang. Rất khó cảm nhận được tốc độ chúng tôi rơi xuống. Tai tôi ù đặc. Nếu Alex không thể tháo khóa được các thùng nhiên liệu và chúng không được vứt bỏ, thì chúng tôi sẽ phải nhảy ra ngoài. Chúng tôi chỉ còn một vài phút. Tôi nhìn ra cửa và nhẩm tính lại những gì tôi phải làm: Một tay nắm vào dây dù, bước ra ngoài và nhảy vào đêm tối. Tay tôi nắm lấy dù theo bản năng. Tôi ngoái nhìn xem Per có đeo dù vào không. Per đang theo dõi đồng hồ đo độ cao. Các con số hạ thấp xuống rất nhanh. Chúng tôi chỉ còn 6.000 feet, trời thì tối. Không, chỉ còn 5.500 feet. Nếu Alex tiếp tục ở trên đó thêm một phút nữa thôi, thì chúng tôi chỉ còn 3.500 feet. Tôi thò đầu ra khỏi cửa nắp khoang, xem Alex dò dẫm, hì hụi làm việc trên nóc khoang. Chúng tôi không thể nhìn thấy mặt đất. Điện thoại, máy fax reo liên tục. Bộ phận chỉ huy dưới mặt đất chắc hẳn đang thắc mắc không hiểu chúng tôi đang làm cái quái gì ở đây. “Một thùng đã được tháo rời” – Alex hét to qua cửa khoang. “3.700 feet”– Per nói. “Thêm một thùng nữa” – Alex nói. “3.400 feet”. “Lại thêm một thùng”. “2.900 feet, 2.400 feet…” Đã quá muộn để nhảy dù khỏi khoang. Vào lúc chúng tôi có thể nhảy được, thì chúng tôi đã va vào dãy núi sừng sững xuất hiện trước mắt. “Trở lại khoang ngay” – Per hét lên. “Ngay lập tức”. Alex ngã trở lại vào khoang. Chúng tôi ôm lấy nhau. Per quay cần điều khiển để ngắt nối các thùng nhiên liệu. Nếu cái chốt mà hỏng, thì chúng tôi sẽ chết ngay trong 60 giây tới. Thùng nhiên liệu rơi xuống, khinh khí cầu bật lên đột ngột, cảm giác giống như thang máy rơi phịch xuống đất. Chúng tôi bẹp dí trên ghế ngồi, đầu tôi gục mạnh xuống. Khinh khí cầu bắt đầu bay lên. Chúng tôi nhìn đồng hồ: 2.600, 2.700, 2.800 feet. Chúng tôi đã an toàn. Mười phút sau chúng tôi đã ở độ cao 3.000 feet và khinh khí cầu đã bay trở lại trong bầu trời đêm. Tôi quỳ dưới sàn khoang, bên cạnh Alex và tôi ôm lấy anh ấy. “Ơn Chúa, anh đã đi cùng chúng tôi”. Tôi nói. “Chúng tôi đã chết nếu không có anh”. Người ta nói rằng, người sắp chết thường nhìn nhận lại cuộc đời mình vào những giây cuối cùng. Với tôi, dường như điều đó không đúng. Khi chúng tôi rơi xuống, sắp sửa giống như một quả cầu lửa lơ lửng trên dãy Atlas và tôi nghĩ rằng chúng tôi sắp chết, thì đúng lúc đó những gì tôi nghĩ tới là nếu tôi tìm cách thoát chết, thì tôi sẽ chẳng bao giờ lặp lại điều này. Lúc chúng tôi bay lên an toàn trở lại, Alex kể một câu chuyện về một người đàn ông giàu có, chuẩn bị bơi qua Kênh đào: Ông ta đi xuống bãi biển, sắp xếp bàn và ghế, ngả lưng thưởng thức bánh sandwich kẹp dưa chuột và dâu tây, rồi tuyên bố rằng, người của ông ta sẽ bơi qua Kênh đào thay ông ta. Vào thời điểm đó, câu chuyện nghe có vẻ như một ý tưởng tồi. Qua đêm thứ nhất, chúng tôi đã chiến đấu nhằm kiểm soát được khinh khí cầu. Cuối cùng, khi nhận ra một trong những thùng nhiên liệu bị rò rỉ và chúng tôi đã tháo bớt thùng nhiên liệu. Khi bình minh lên, chúng tôi chuẩn bị hạ cánh. Phía dưới là vùng sa mạc Algeria, một địa điểm không thuận lợi, nhất là nước này đang lâm vào cảnh nội chiến. Sa mạc ở đây không có những cồn cát mềm mại, vàng óng, giống như khi bạn xem Lawrence of Arabia. Mặt đất đỏ, trơ trụi toàn đá, giống như bề mặt Sao hỏa, đá dựng đứng như những tổ mối khổng lồ. Tôi và Alex ngồi trên nóc khoang, ngắm nhìn bình minh ló rạng trên sa mạc. Chúng tôi nhận thức được rằng, đây là một ngày mới mà chúng tôi thiếu chút nữa đã không còn sống sót để hưởng thụ. Mặt trời đang lên, sự ấm áp của ánh nắng ban ngày thật sự đáng quý biết bao. Ngắm nhìn bóng của khinh khí cầu nhẹ lướt trên hoang mạc, thật khó tin rằng cũng chính cái “máy bay” này chỉ mới đêm qua thôi còn suýt rơi xuống dãy Atlas. Khi gần hạ xuống mặt đất, Alex hét to lên: “Phía dưới có đường dây điện”. Per trả lời, rằng chúng tôi đang ở giữa sa mạc Sahara và ở đó thì không thể có đường dây điện được. “Chắc là anh nhìn thấy ảo ảnh rồi” – Per nói oang oang. Alex quả quyết rằng chính anh ấy đã nhìn thấy. Chúng tôi đã thấy đường dây điện duy nhất ở sa mạc. Mặc dù xung quanh chỉ là hoang mạc trơ trụi mênh mông, nhưng sau vài phút hạ cánh, chúng tôi đã thấy ở đó dấu hiệu của sự sống. Một nhóm người bộ lạc Berber bỗng hiện ra từ những khối đá. Thoạt đầu, họ giữ khoảng cách với chúng tôi. Trong lúc đưa họ nước uống và một vài vật dụng còn sót lại, thì nghe thấy tiếng ù ù của trực thăng quân sự. Chắc họ phát hiện ra chúng tôi qua rađa. Ngay khi họ xuất hiện thì những người Berber lủi đi mất. Hai chiếc trực thăng đậu xuống ngay gần chỗ chúng tôi đứng, bụi bốc lên mù mịt. Chúng tôi nhanh chóng bị bao vây bởi những binh sĩ tay lăm lăm súng hướng về phía chúng tôi. “Lạy thánh Ala” – Tôi nói. Trong giây lát họ vẫn đứng tại chỗ, nhưng sau đó họ tiến lại phía chúng tôi đầy tò mò và nghi ngờ. Chúng tôi dẫn viên sĩ quan đi quanh khoang khinh khí cầu, anh ta rất ngạc nhiên về những thùng nhiên liệu. Khi đứng bên ngoài khoang, tôi thắc mắc không biết những binh sĩ Algeria nghĩ gì về chiếc khinh khí cầu. Tôi quay lại nhìn và đã đọc được điều đó trong ánh mắt họ. Những thùng nhiên liệu còn lại được sơn giống như những thùng Virgin Cola và Virgin Energy khổng lồ, với hai màu đỏ và vàng tươi. Trong các dòng chữ in bên sườn khoang, có các chữ Virgin Atlantic Challenger, Virgin Direct (bây giờ là Virgin Money), Virgin Territory và Virgin Cola. Thật may cho chúng tôi là những người lính Hồi giáo ấy không thể hiểu được dòng chữ viết phía trên thùng Virgin Energy: DÙ BẠN ĐÃ TỪNG NGHE ĐƯỢC GÌ CHĂNG NỮA, THÌ CŨNG HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHỨNG CỨ NÀO CHO THẤY VIRGIN LÀ MỘT LOẠI THUỐC KÍCH DỤC. * Khi nhìn vào khoang khinh khí cầu nằm chềnh ềnh trên cát đỏ rọi và hồi tưởng lại cảm giác khủng khiếp khi rơi xuống dãy Atlas, thì tôi tự hứa với chính mình rằng sẽ không bao giờ cố gắng làm lại điều đó một lần nữa. Trái lại với ý nghĩ đó, đằng sau ý chí mạnh mẽ, tôi vẫn biết rằng, ngay khi tôi trở về nhà và nói chuyện với những người thích du ngoạn vòng quanh trái đất bằng khinh khí cầu, thì tôi vẫn sẽ đồng ý tham gia một lần cuối cùng nữa. Đó thật sự là một thử thách có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Còn bây giờ ý định đó đã được giấu kỹ trong đầu tôi. Hai câu hỏi người ta hay hỏi tôi nhất, đó là: “Tại sao ông liều mạng bay khinh khí cầu?” và “Tập đoàn Virgin của ông phát triển đến đâu?” Cũng có khi, theo một cách hiểu nào đó, thì hình ảnh khoang khinh khí cầu nằm trên sa mạc Algeria, với một loạt tên Virgin in chung quanh nó, đã đưa ra câu trả lời chung nhất cho những câu hỏi trên. Tôi biết rằng mình vẫn có thể cố gắng thực hiện một chuyến bay khinh khí cầu khác, bởi vì đó là một trong số ít những thử thách tuyệt vời còn lại. Ngay khi tôi loại bỏ được những nỗi sợ hãi sau mỗi chuyến bay thực tế, thì một lần nữa lại tôi cảm thấy tự tin rằng mình có thể học được từ những sai lầm đã phạm phải và sẽ có thể có được một chuyến bay an toàn lần sau. Câu hỏi lớn hơn là: “Tập đoàn Virgin sẽ kết thúc tại đâu?” thì không thể có câu trả lời. Không hề mang tính kinh điển, sách vở, và đó cũng không phải cách mà tôi nghĩ, tôi đã viết cuốn sách này để diễn tả lại bằng cách nào chúng tôi xây dựng Virgin như ngày hôm nay. Nếu bạn đọc kỹ từng dòng, tôi hy vọng rằng bạn sẽ hiểu được tầm nhìn của chúng tôi đối với Tập đoàn Virgin; và bạn cũng sẽ thấy được chúng tôi đang đi đến đâu. Một số người nói rằng, tầm nhìn của tôi về Virgin phá vỡ mọi quy tắc và giống như kính vạn hoa. Người khác lại nói rằng, Virgin đã trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu của thế kỷ. Còn với tôi, tôi chỉ nhấc máy điện thoại lên và tiếp tục công việc. Với cả hai việc, những chuyến thám hiểm bằng khinh khí cầu và tập đoàn Virgin, thì tôi đều đặt ra một loạt những thử thách liên tục, mà tôi có thể học từ quá khứ thời thơ ấu của mình. Khi tôi đang tìm kiếm tiêu đề cho cuốn sách, David Tait – người phụ trách phía Mỹ của Virgin Atlantic Challenger – đã gợi ý rằng tôi đặt tên cho cuốn sách là Virgin: Nghệ thuật chiến lược kinh doanh và phân tích so sánh. “Một ý tưởng không tồi” – Tôi nói với anh ta “Nhưng tôi không chắc là đầu đề như vậy đã đủ độ hấp dẫn chưa”. “Tất nhiên là hấp dẫn rồi”– Anh ấy nói. Và thế là tiêu đề phụ của cuốn sách sẽ là Screw it! Let’s do it! (Mặc kệ nó, làm tới đi!) Chương 1: “MỘT GIA ĐÌNH CÓ THỂ CHẾT VÌ NHAU” Tuổi thơ của tôi chỉ còn là ký ức mờ nhạt, nhưng cũng có những kỷ niệm còn lại mãi với tôi. Tôi còn nhớ cha mẹ thường xuyên đặt chúng tôi trước những thử thách. Mẹ tôi quyết tâm giúp chúng tôi sống độc lập. Lúc tôi bốn tuổi, khi đang lái xe trên đường, bà dừng lại đột ngột nơi cách nhà chúng tôi chừng vài dặm (một dặm Anh = 1.609m – ND), yêu cầu tôi xuống xe và đi xuyên qua những cánh đồng tự tìm đường về nhà. Cô em gái bé nhỏ Vanessa của tôi còn nhớ một buổi sáng tháng Giêng bị mẹ đánh thức dậy khi trời còn tờ mờ sáng, bởi mẹ quyết định để tôi tự đi xe đạp tới Bournemouth trong ngày hôm đó. Mẹ cho vào túi một vài chiếc bánh sandwich, một quả táo và bảo tôi tự tìm nước uống trên đường đi. Bournemouth cách nhà tôi ở Shamley Green, Surrey, khoảng 50 dặm. Tôi còn chưa đầy 12 tuổi, nhưng mẹ đã muốn dạy tôi về tầm quan trọng của sức dẻo dai và cảm nhận về phương hướng. Tôi nhớ là mình đã khởi hành từ lúc trời còn tờ mờ sáng và tôi cũng nhớ lờ mờ là đã ngủ lại qua đêm tại nhà một người họ hàng. Tôi không còn nhớ là làm thế nào tôi lại tìm được nhà của họ hàng, hoặc làm sao tôi lại trở lại được Shamley Green trong ngày hôm sau, nhưng tôi vẫn nhớ như in rằng cuối cùng tôi lao thẳng vào trong nhà bếp, giống như một anh hùng chinh chiến, mang theo cảm giác tự hào về chuyến đi dài của mình và hy vọng được khen ngợi hết lời. “Tốt lắm, Ricky” – Mẹ chúc mừng tôi, khi bà đang thái hành ở trong bếp. “Con thấy chuyến đi có vui vẻ không? Còn bây giờ thì con hãy đến ngay chỗ cha xứ. Ông ấy có một số củi gỗ cần chặt và mẹ đã nói với cha là con sẽ đến ngay”. Những thử thách dành cho chúng tôi chủ yếu là về mặt thể chất, chứ không phải thứ gì mang tính trừu tượng; và chúng tôi đã nhanh chóng học được cách vượt qua. Tôi còn nhớ hồi học bơi. Khi đó tôi khoảng bốn hoặc năm tuổi gì đó, gia đình chúng tôi đang đi nghỉ ở Devon cùng hai người em gái bố là cô Joyce, cô Wendy và chồng của cô Wendy là chú Joe. Tôi đặc biệt quý cô Joyce. Ngay khi kỳ nghỉ bắt đầu, cô Joyce đã đánh cược với tôi 10 si-linh (Shilling – tiền cổ của Anh – ND) là tôi không thể học được bơi trong hai tuần. Tôi dành nhiều giờ dưới nước, cố tìm cách bơi vượt lên những con sóng lạnh như băng, nhưng đến cuối ngày tôi vẫn không thể làm được. Tôi vùng vẫy làm nước bắn tung toé, nhưng một chân vẫn phải nhảy lò cò chạm đáy. Tôi cố lao về phía trước và dìm mình xuống dưới những con sóng, rồi nhô đầu lên khỏi mặt nước để tránh uống phải nước biển. “Không sao đâu, Ricky” – Cô Joyce nói. “Sẽ luôn là năm tới mà”. Nhưng tôi đã quyết tâm không chờ đợi lâu như vậy. Cô Joyce đã đánh cược với tôi và tôi không tin là sang năm cô ấy vẫn nhớ việc này. Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, chúng tôi dậy sớm, chất đồ đạc lên xe và khởi hành chuyến đi kéo dài khoảng 12 giờ để về nhà. Đường đông, xe cộ thì chạy chậm, Đó là một ngày nóng bức và mọi người đều muốn nhanh chóng về nhà. Trên đường đi tôi đã nhìn thấy một con sông. “Bố ơi, bố có thể dừng xe lại một chút không?” – Tôi hỏi. Con sông này có thể là cơ hội cuối cùng của tôi: Tôi dám chắc là tôi có thể bơi được và tôi sẽ thắng cô Joyce 10 si-linh. “Dừng lại đi bố!” – Tôi hét lên. Bố nhìn gương chiếu hậu, giảm tốc độ và dừng lại bên vệ cỏ. “Có chuyện gì thế? – Cô Wendy hỏi khi tất cả chúng tôi ra khỏi xe. “Ricky nhìn thấy con sông này” – Mẹ nói. “Nó muốn được bơi thử lần cuối ở đây”. “Thế không phải là chúng ta cần tiếp tục lên đường để về nhà ư?” – Cô Wendy càu nhàu. “Đường còn dài mà”. “Thôi nào, chị Wendy. Hãy cho cậu bé một cơ hội”. – Cô Joyce nói. “Sau đó thì 10 si-linh sẽ thuộc về tôi”. Tôi cởi quần áo, chỉ còn chiếc quần đùi và chạy ngay xuống bờ sông. Tôi không dám dừng lại vì sợ rằng mọi người sẽ đổi ý. Nhưng khi đến sát mép nước, tôi bắt đầu thấy sợ. Ở giữa dòng sông, nước chảy siết, bọt nước trắng xoá bắn tung toé trên những tảng đá. Tôi tìm một đoạn bờ sông có lối mòn mà bò đã đi qua và lội xuống dòng nước. Bùn trồi lên qua kẽ chân tôi. Tôi ngoái đầu nhìn lại. Chú Joe, cô Wendy, cô Joyce, bố mẹ và em gái Lindi đang nhìn về hướng tôi. Những người phụ nữ mặc trang phục in hoa sặc sỡ. Những người đàn ông mặc áo khoác thể thao, đeo cà-vạt. Bố đốt tẩu thuốc và nhìn một cách bình thản. Còn mẹ vẫn mỉm cười khích lệ tôi như mọi khi. Tôi thu người lại và nhảy về phía trước. Ngay lập tức tôi cảm thấy mình đang chìm, đôi chân mình trở nên vô dụng dưới làn nước lạnh. Dòng nước đẩy tôi lùi lại, rồi kéo tôi trôi theo dòng nước. Tôi cố ngoi lên mặt nước, nhưng không có gì để tạo lực đẩy. Tôi cố chống cự và tìm kiếm xung quanh sự giúp đỡ, nhưng không có sự giúp đỡ nào. Sau đó, chân tôi đá phải một hòn đá và tôi cố đạp thật mạnh. Tôi ngoi lên được mặt nước và hít một hơi thật sâu. Hơi thở làm tôi mạnh mẽ trở lại và tôi cố gắng thư giãn. Tôi phải giành lấy 10 si-linh ấy. Tôi đạp chậm rãi, sải rộng cánh tay và thấy là mình đang bơi trên mặt nước. Tôi vẫn nhấp nhô lên xuống, nhưng bất thình lình tôi có cảm giác như được giải thoát: Tôi đã biết và không còn quan tâm xem nước sông có kéo tôi theo dòng nữa không. Tôi hân hoan bơi ra giữa dòng sông. Át tiếng gầm réo của sóng và bọt nước trắng xoá, tôi nghe thấy tiếng gia đình tôi vỗ tay và cổ vũ. Tôi bơi thêm một vòng rồi trở lại bờ, cách chỗ họ đứng khoảng 50 thước (một thước Anh = 0, 914m -ND), và tôi nhìn thấy cô Joyce đang tìm ví tiền trong cái túi xách to đùng màu đen của cô ấy. Tôi bò lên khỏi mặt nước, băng qua đám bụi cây gai và chạy lên bờ. Có thể lúc này tôi đã bị lạnh, lấm lem bùn đất và bị gai làm trầy xước, nhưng tôi đã biết bơi. “Cháu đây rồi, Ricky” – Cô Joyce nói. “Cháu giỏi lắm”. Tôi nhìn vào tờ tiền 10 si-linh trên tay. Nó lớn quá, màu nâu và cứng giòn. Tôi chưa từng có một khoản tiền nào trước đó: Đúng là một tài sản lớn. “Thôi nào mọi người” – Bố nói. “Chúng ta tiếp tục lên đường thôi”. Sau đó tôi mới nhận thấy rằng, bố tôi cũng ướt sũng. Ông đã mất bình tĩnh và lao xuống dòng nước, lặn theo sát tôi. Ông ôm chặt lấy tôi. * Tôi không thể nhớ được bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc đời mà tôi không cảm nhận được tình yêu của gia đình. Chúng tôi đã là một gia đình có thể chết vì nhau và giờ đây vẫn thế. Bố mẹ tôi yêu và tôn trọng lẫn nhau. Eve – mẹ tôi – luôn luôn vui vẻ và khích lệ chúng tôi. Ted – bố tôi – là mẫu người trầm tính hơn, chỉ hút thuốc, đọc báo. Nhưng cả bố và mẹ đều ưa mạo hiểm. Bố từng muốn trở thành là khảo cổ học, nhưng cha của ông, một thẩm phán toà án tối cao, đã muốn ông nối nghiệp truyền thống của dòng họ Branson là theo nghề luật. Ba thế hệ nhà Branson làm luật sư. Hồi bố còn học trung học, ông đã thuê một nhân viên tư vấn nghề nghiệp đến nói chuyện với bố để bàn bạc về nghề nghiệp tương lai. Khi thấy rõ là bố muốn trở thành nhà khảo cổ học, ông tôi đã từ chối thanh toán chi phí cho nhân viên đó với lý do ông ta đã không hoàn thành công việc một cách đúng đắn. Sau đó, bố bất đắc dĩ phải tới Cambridge học luật, nhưng vẫn tiếp tục sở thích của mình là sưu tập tài liệu và hiện vật khảo cổ mà ông gọi là “bảo tàng” của riêng mình. Khi Chiến tranh Thế giới II nổ ra năm 1939, bố tình nguyện gia nhập Staffordshire Yeomanry, một trung đoàn bộ binh thuộc Hiệp hội các Luật sư (Anh). Trung đoàn của bố tham chiến ở Palestine và bố đã chiến đấu trong trận El Alamein tháng 9/1942, sau đó là các trận ở vùng hoang mạc Libi. Sau này, bố tham gia chiến dịch tấn công vào Italia và chiến đấu ở Salerno và Anzio. Trước khi tham gia chiến tranh, bố tôi đã để lại mật mã để ông bà tôi có thể biết được nơi mà bố đang chiến đấu. Họ thống nhất với nhau rằng, trong các lá thư bố viết về nhà, cái tủ đựng thức ăn là chỉ cả thế giới; mỗi ngăn là chỉ một quốc gia. Bố viết thư về muốn bà tôi lấy giúp đôi găng tay cũ dùng để cưỡi ngựa của bố ở ngăn kéo bên trái tủ chén nằm bên tay phải, điều đó có nghĩa là bố tôi đang ở Palestine. Và không có gì ngạc nhiên rằng, bằng cách như vậy mọi chuyện không bị lộ và ông bà tôi có thể biết được bố tôi đang ở đâu khi tham gia chiến đấu. Lúc bố tôi mới gia nhập quân đội cũng là lúc người chú của bố, ông Jim Branson đã rất nổi tiếng trong quân đội với câu chuyện kêu gọi binh sĩ ăn cỏ. Ông Jim có tài sản lớn ở Hampshire mà sau đó ông chia hết cho tá điền và chuyển tới sống ở Balham, nơi vào năm 1939 vẫn còn là một thị trấn ngoại ô xa xôi của London. Ông vẫn còn ám ảnh với câu chuyện ăn cỏ. Tờ Picture Post đăng một bài báo kèm theo một tấm ảnh ông đứng tại phòng tắm trong căn nhà của mình ở Balham, nơi ông trồng những cây cỏ và phơi khô. Sau này ông Jim rất nổi tiếng và ở bất cứ nơi nào ông được mời ăn là ông lại luôn mang theo chiếc túi xách nhỏ và ông chỉ ăn cỏ. Lúc ở trong quân đội, bố tôi luôn bị chế nhạo: “Mày là con trai của Jim Branson! Cỏ đây, hãy ăn đi! Trông mày quả thật là non nớt. Trông mày như một con đực bị thiến ấy!”… Bố tôi thẳng thừng bác bỏ mọi dính líu với ông chú Jim. Nhưng khi chiến tranh ngày càng ác liệt, David Stirling thành lập lực lượng Không quân đặc biệt (SAS) và một trung đoàn tinh nhuệ để hoạt động sát giới tuyến với kẻ thù. Lực lượng SAS phải di chuyển rất nhiều trong đêm. Ông Jim Branson đã hướng dẫn David Stirling và các binh sĩ tinh nhuệ cách ăn cỏ và các loại hạt để tồn tại. Kể từ khi đó, bất cứ khi nào có ai hỏi bố tôi rằng: “Branson, cậu có họ hàng gì với ông Jim Branson không?” bố tôi thường vỗ ngực tự hào: “Vâng, thực ra ông ấy là chú ruột tôi. Ông ấy đã làm được điều gì đó cho SAS, đúng không?” Bố tôi thật sự đã rất thích thú cuộc sống 5 năm xa nhà ấy và ông cảm thấy đôi chút khó khăn khi bắt tay trở lại học luật tại Cambridge. Vài năm sau, bố tôi khi đó là một luật sư trẻ tuổi, tới dự một bữa tiệc hơi muộn, và một cô gái xinh đẹp tóc vàng hung tên là Eve đón ông, sau đó cứ lẽo đẽo theo ông đi khắp phòng tiệc, rồi mang tới cho ông một khay đầy xúc xích thơm ngon và nói: “Con đường đi tới trái tim của người đàn ông đây. Mời anh nếm thử!” Mẹ tôi, Eve Huntley-Flindt, thừa hưởng sức hút mạnh mẽ từ bà ngoại Dorothy – người từng giữ hai kỷ lục của Anh quốc: 89 tuổi, bà là người cao tuổi nhất vượt qua cuộc thi khiêu vũ cổ điển Mỹ La-tinh; 90 tuổi, là người chơi gôn cao tuổi nhất “đánh một gậy vào lỗ”. Bà mất lúc 99 tuổi. Trước khi mất, bà viết thư để lại cho tôi nói rằng, mười năm trước khi qua đời là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời bà. Trong những năm đó, bà đã thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng du thuyền. Bà đã được nhìn thấy ở Jamaica, với chỉ bộ đồ bơi trên người. Bà từng đọc cuốn Lược sử thời gian (A Brief History of Time) – một cuốn sách mà thậm chí tôi chưa từng đọc. Bà chưa bao giờ ngừng đọc sách. Quan điểm của bà là con người chỉ có một cuộc đời, vậy nên hãy tận dụng hết thời gian bạn có. Mẹ tôi thừa hưởng từ bà Granny tình yêu thể thao và khiêu vũ. Và khi 12 tuổi, mẹ đã xuất hiện trong một vở kịch ở sân khấu khu West End do nhà viết kịch Marie Stopes dàn dựng, người sau này nổi tiếng về công việc giáo dục sức khoẻ cho phụ nữ. Một thời gian sau đó, mẹ chút nữa thì buộc phải chuyển sang làm nghề khác: múa thoát y trong các buổi diễn của Cochran (The Cochran Show), tại Nhà hát Hoàng gia ở West End. Các buổi biểu diễn của Ngài Charles Cochran thu hút các cô gái đẹp nhất của thành phố và ở đó họ trút bỏ xiêm y. Khi đó là thời chiến, nên công việc không có nhiều. Mẹ tôi đã quyết định làm nghề này. Điều được đoán trước là bố tôi đã phản đối kịch liệt và nói với mẹ rằng ông sẽ phá tan cái Nhà hát Hoàng gia ấy và lôi mẹ tôi ra khỏi các buổi diễn kiểu đó. Mẹ tôi từ chối công việc chỗ Ngài Charles Cochran, dù ông này cho phép mẹ múa không cần thoát y. Mẹ bắt đầu tìm kiếm công việc khác, một việc làm ban ngày, rồi đến Heston làm việc trong câu lạc bộ bay lượn của Không lực Hoàng gia Anh, nơi bà huấn luyện môn bay lượn cho những tân binh sẽ trở thành phi công. Bà đề nghị được trở thành phi công, nhưng được trả lời rằng nghề đó chỉ dành cho nam giới. Không nản lòng, bà nói chuyện đó với một giảng viên, người thông cảm với bà và đã bí mật cho bà làm công việc đó trong điều kiện bà phải giả làm nam giới. Bà đã mặc áo khoác, đội mũ da, giấu tóc và tập nói giọng trầm khàn. Bà đã học được cách bay lượn và bắt đầu công việc huấn luyện tân binh bay lượn. Trong năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, bà gia nhập Đội nữ Hải quân Hoàng gia Anh, làm người báo tín hiệu và được cử tới Black Isle (Đảo đen) ở Scotland. Sau chiến tranh, bà trở thành nữ tiếp viên hàng không, một nghề có ma lực thu hút nhiều người nhất lúc bấy giờ. Tiêu chuẩn tuyển dụng rất khắt khe: Bạn phải rất xinh đẹp và chưa kết hôn, tuổi từ 23 đến 27, nói được tiếng Tây Ban Nha và từng được đào tạo nghề y tá. Không ngại mình không nói được tiếng Tây Ban Nha, không phải là y tá, mẹ tôi vẫn nói chuyện với một nhân viên tại trung tâm tuyển dụng về việc đó. Và kết quả là mẹ được tuyển dụng vào khoá huấn luyện tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Nam Mỹ của Anh (BSAA). BSAA vận hành hai loại máy bay trong các chuyến bay giữa London và Nam Mỹ: Lancaster 13 chỗ ngồi và Yorks 21. Các máy bay này có những cái tên tuyệt đẹp là Dòng sông sao và Thung lũng sao, còn những cô tiếp viên hàng không thì được gọi là Những cô gái ngôi sao. Khi máy bay rời khỏi đường băng là lúc công việc của mẹ tôi bắt đầu; trước tiên là phát kẹo cao su, các viên đường màu nâu, bông tăm, sách tranh ảnh và giải thích cho hành khách rằng họ phải hít thở bằng mũi trước khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. Trong khoang máy bay thì thiếu áp suất không khí bình thường, còn các chuyến bay thì kéo dài: 5 tiếng tới Lisbon, 8 tiếng tới Dakar, 14 tiếng mới tới Buenos Aires. Từ Buenos Aires tới Santiago, phải đổi máy bay York sang loại Lancaster mạnh hơn và mọi người phải đeo mặt lạ dưỡng khí khi bay qua dãy Andes. Mẹ làm việc cho hãng BSAA được một năm, thì hãng này được chuyển giao cho Tập đoàn hàng không hải ngoại Anh quốc (BOAC). Mẹ bắt đầu làm việc trên máy bay Tudor. Star Tiger – chiếc máy bay đầu tiên rời đi Bermuda – đã bị nổ trên không trung. Máy bay tiếp sau đó là chuyến bay của mẹ đã đến nơi an toàn. Nhưng chiếc máy bay ngay sau chuyến bay của mẹ, chiếc Star Ariel, biến mất không để lại dấu vết ở khu vực Tam giác Bermuda. Và tất cả máy bay Tudor không được cất cánh nữa. Sau này người ta phát hiện ra rằng thân máy bay loại này quá yếu để có thể chịu được áp suất. Vào thời điểm đó, có lẽ bố tôi đã nghĩ rằng nếu ông không cưới mẹ và không đưa mẹ khỏi nghề tiếp viên hàng không, thì có thể mẹ đã biến mất ở một nơi nào đó ở Đại Tây Dương. Bố đã cầu hôn mẹ khi họ đi trên chiếc xe máy của bố. Và mẹ đã hét lên đồng ý “Vâng!”, với tất cả sức mạnh của giọng nói, đến nỗi gió đã không thể thổi bay tiếng hét của bà. Họ cưới nhau vào ngày 14/10/1949 và tôi đã được thai nghén trong tuần trăng mật của họ tại Majorca. * Bố mẹ đối xử với cả tôi và hai đứa em, Lindi và Vanessa, một cách công bằng, ý kiến của ai cũng được coi là có giá trị như nhau. Hồi chúng tôi còn nhỏ, khi còn chưa có Vanessa, mỗi lần bố mẹ đi ăn tối ở ngoài hiệu, họ đều mang tôi và Lindi theo, đặt chúng tôi trong chăn ấm ở ghế sau xe. Chúng tôi ngủ trên xe, thế nhưng chúng tôi đều thức dậy mỗi khi bố mẹ bắt đầu lái xe về nhà. Lindi và tôi giữ im lặng và ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao, lắng nghe bố mẹ trò chuyện và đùa giỡn về bữa ăn tối vừa qua. Chúng tôi lớn lên, nói chuyện với bố mẹ như những người bạn. Khi còn trẻ con, chúng tôi từng tranh luận về các vụ án của bố, rồi tranh cãi về hành động khiêu dâm, hay liệu ma tuý có bị coi là bất hợp pháp trước khi chúng ta biết được thật sự chúng ta đang nói đến chuyện gì. Bố mẹ tôi luôn khuyến khích chúng tôi đưa ra ý kiến của mình và cho chúng tôi những lời khuyên. Chúng tối sống trong một ngôi làng có tên là Shamley Green ở Surrey. Trước khi mẹ sinh Vanessa, tôi và Lindi lớn lên ở Easteds, trong ngôi nhà được bao bọc bằng những cây thường xuân, có những ô cửa sổ màu trắng bé tí, có cả cửa lách nhỏ màu trắng dẫn lối ra đồng cỏ xanh của ngôi làng. Tôi hơn Lindi ba tuổi và hơn Vanessa chín tuổi. Bố mẹ tôi không có nhiều tiền lúc chúng tôi còn nhỏ. Có lẽ mẹ tôi không thích thú lắm chuyện nấu nướng, hoặc là mẹ muốn tiết kiệm tiền, nên tôi còn nhớ chúng tôi chỉ ăn chủ yếu là bánh mì và nước mỡ thịt quay. Cho dù có như vậy thì truyền thống không rời bàn ăn trước khi ăn hết đồ ăn của mình vẫn được giữ gìn. Chúng tôi cũng có hành tây được trồng trong vườn. Tôi rất ghét hành tây và thường giấu chúng trong một ô ngăn kéo bàn ăn. Ngăn kéo này không bao giờ được dọn dẹp và cho tới khi chúng tôi chuyển khỏi ngôi nhà đó mười năm sau thì nó mới được mở ra và đống hành tây “hoá thạch” của tôi mới bị phát hiện. Trong bữa ăn, thức ăn có thể không quan trọng bằng người cùng ăn. Nhà tôi lúc đó luôn có đông người. Để làm được điều đó, mẹ đã mời đến nhà tôi những sinh viên người Pháp và Đức để học tiếng Anh, trong một giờ làm việc nhà. Và chúng tôi phải thết đãi họ. Mẹ luôn muốn chúng tôi làm việc ở ngoài vườn, giúp bà chuẩn bị bữa ăn và sau đó là dọn dẹp. Những lúc muốn trốn việc, tôi thường chạy khắp cánh đồng của làng để tìm người bạn thân nhất là Nik Powell. Điều thú vị nhất phải kể đến khi nhắc tới Nik là cậu ấy có một bà mẹ làm bánh trứng sữa tuyệt vời, vì thế mà cứ mỗi khi ăn xong và nhét đầy những củ hành tây vào trong ngăn kéo bàn ăn là tôi lại chuồn ngay sang nhà Nik, bỏ mặc những anh chàng sinh viên người Đức ở lại luyện tập tiếng Anh với gia đình tôi, mải miết cười nói. Nếu tôi căn đúng thời điểm, mà tôi chắc chắn là đúng, thì những chiếc bánh nhân trứng sữa đã sẵn sàng trên bàn ăn nhà Nik. Còn tôi và Nik – một cậu bé ít nói, tóc đen và thẳng, mắt cũng đen thường làm mọi thứ cùng nhau: trèo cây, đi xe đạp, bắn thỏ, hoặc trốn dưới gầm giường của Lindi để túm lấy gót chân nó khi nó tắt đèn. Ở nhà, mẹ tôi luôn có hai việc phải làm: luôn phải tạo công việc cho chúng tôi và suy nghĩ để tìm cách kiếm tiền. Chúng tôi chưa bao giờ có một chiếc ti-vi và tôi cũng không nghĩ là bố mẹ từng nghe đài! Mẹ mải làm những chiếc hộp gỗ đựng giấy lau và thùng đựng giấy bỏ để bán cho các cửa hàng trong nhà kho ở vườn. Căn nhà kho thì nồng nặc mùi sơn và mùi hồ dán, những đống hộp đã sơn chất đống chuẩn bị chuyển đi các cửa hàng. Bố là người có óc sáng tạo và đôi tay rất khéo léo. Bố đã thiết kế một thiết bị kẹp chặt những chiếc hộp lại với nhau, khi mẹ dán chúng. Mẹ bắt đầu bán hộp đựng giấy cho hãng Harrods và công việc đã trở thành đúng nghĩa là một ngành công nghiệp thủ công nhỏ ở nông thôn. Tất cả những gì mẹ làm, rõ ràng là đã làm với tất cả năng lượng của mình. Trong gia đình tôi luôn có một không khí làm việc nhóm tuyệt vời. Bất cứ lúc nào chúng tôi ở trong vòng quỹ đạo của mẹ, là lúc ấy chúng tôi bận rộn. Mỗi khi ai đó tìm cách trốn việc bằng cách nói rằng mình còn có việc phải làm, thì người đó chắc chắn bị coi là ích kỷ. Và như vậy, chúng tôi lớn lên cùng với phương châm sống đặt lên hàng đầu là luôn nghĩ về người khác trước tiên. Một lần, có một người khách đến chơi dịp cuối tuần, đó là người mà tôi không mấy cảm tình. Và trong buổi lễ ở nhà thờ hôm Chủ nhật, tôi đã chuồn khỏi hàng ghế của gia đình tôi, men theo dọc lối đi, tìm đến ngồi cạnh Nik. Mẹ rất tức giận. Khi về đến nhà, mẹ nói bố cho tôi một trận đòn. Tôi lủi thủi bước vào phòng đọc sách của bố và đóng cửa lại. Thay vì trút cơn thịnh nộ lên tôi, bố chỉ mỉm cười hiền hậu. “Bây giờ con hãy giả khóc một cách thống thiết vào”, bố nói và vỗ hai tay vào nhau sáu lần, giống như là đang tát tôi. Tôi chạy khắp phòng, khóc rất to. Mẹ liếc nhìn tôi với ánh mắt nghiêm khắc, ngụ ý rằng bố mẹ làm việc đó chỉ mong điều tốt nhất cho tôi. Rồi mẹ tiếp tục công việc thái hành tây ở trong bếp – một phần trong đó có số hành tôi nhét đầy trong ngăn kéo bàn ăn lúc trưa vừa rồi. * Ông chú Jim không phải là người đặc biệt duy nhất trong gia đình tôi thiếu tôn kính đối với quyền lực. Tôi còn nhớ rằng chúng tôi có một chiếc xe lưu động cũ của người Di-gan để ở trong vườn nhà. Đôi khi người Di gan ghé qua và bấm chuông cửa, mẹ luôn cho họ một vài thứ gì đó bằng bạc, có khi còn cho họ lục lọi trong nhà kho đồ cũ để tìm kiếm bất cứ thứ gì họ cần. Vào năm ấy, tất cả gia đình tôi đi dự lễ hội Hạt Surrey ở tận Guildford. Ở đó, đám đông bu quanh xem đua ngựa vượt chướng ngại vật với những người đàn ông mặc áo khoác vải len dầy và đội mũ hình quả dưa. Khi chúng tôi đi ngang qua một trong số các quầy hàng, mẹ bỗng nhìn thấy một nhóm trẻ con Di-gan đang khóc, chúng tôi đến đó xem có chuyện gì. Những đưa trẻ đang đứng vây quanh một con chim bồ các bị trói bằng một đoạn dây. “RSPCA lệnh cho chúng cháu phải mang vứt con chim này đi. Họ nói rằng nuôi chim hoang dã là phạm pháp”, đứa trẻ phân trần. Ngay lúc bọn trẻ đang kể lại câu chuyện cho chúng tôi, thì có một nhân viên RSPCA tiến lại gần chúng tôi. “Đừng sợ”, mẹ nói. “Cô sẽ bảo vệ nó”. Mẹ bế con chim lên và bọc nó vào trong áo khoác của bà. Sau đó chúng tôi lén đi qua các nhân viên an ninh và len lỏi qua các sân trò chơi. Bọn trẻ Di-gan gặp lại chúng tôi ở bên ngoài và chúng đề nghị mẹ tôi nuôi con chim bồ các, vì chúng có thể sẽ bị bắt một lần nữa. Mẹ rất vui và chúng tôi lái xe mang cả con chim về nhà. Con chim bồ các rất yêu mẹ. Nó đậu trên vai mẹ khi bà ở trong bếp, hay lúc mẹ làm việc ở trong nhà kho. Có khi nó sà xuống bãi giữ ngựa, trêu chọc mấy con ngựa bằng cách đậu trên lưng chúng. Có khi nó bổ nhào vào bố khi ông ngồi đọc tờ The Times sau bữa trưa, rồi vỗ cánh đen đét làm bay những trang báo khắp sàn nhà. “Con chim chết tiệt!” – Bố hét lên và xua tay đuổi nó đi. “Ted, bình tĩnh và làm cái gì có ích chứ!” – Mẹ nói. “Con chim đó nói anh đi làm vườn đi. Còn các con, Ricky và Lindi, hãy đến chỗ cha xứ xem cha có việc gì cần các con giúp không!”. Ngoài những kỳ nghỉ hè cùng với họ hàng bên nội tại Salcombe ở Devon, thì chúng tôi cũng đến Norfolk nghỉ cùng em gái mẹ, dì Clare Hoare. Tôi đã quyết tâm khi lớn lên tôi muốn được như dì Clare. Dì có người bạn thân là Douglas Bader, phi công chiến đấu xuất sắc trong Chiến tranh Thế giới II, người đã mất cả hai chân trong một vụ rơi máy bay. Dì Clare và ông Douglas có một chiếc máy bay hai tầng cánh mà hai người thường bay cùng nhau. Đôi khi, dì Clare chơi trò nhảy dù và dì cũng hút khoảng 20 điếu xì-gà mỗi ngày. Khi chúng tôi ở nhà dì, chúng tôi thường bơi trong cái bể bơi ở góc vườn. Douglas Bader cũng tháo đôi chân giả và lao mình xuống nước. Tôi từng chạy thử với đôi chân bằng thiếc ấy và đôi khi giấu chúng trong bụi cây gần mép nước. Ông Douglas trườn lên khỏi mặt nước sau đó bất thình lình lao theo tôi: đôi tay và hai vai của ông thật sự là rất mạnh mẽ, ông có thể đi được bằng đôi tay mình. Khi ông bị bắt làm tù binh chiến tranh ở Colditz, sau hai lần vượt ngục không thành ông đã bị bọn Đức quốc xã cắt đi đôi chân. “Cậu bé, cậu cũng chẳng khác gì bọn Đức quốc xã cả”, ông gầm lên, trong khi cố vặn người lao theo tôi bằng đôi tay của mình, giống như một con đười ươi. Dì Clare có khả năng kinh doanh hơn mẹ tôi. Dì như bị ám ảnh với những con cừu núi Welsh, một loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Và dì đã nuôi một vài con cừu đen loại này ban đầu chỉ để bảo vệ chúng khỏi tuyệt chủng. Nhưng sau này dì đã nuôi cả một đàn lớn và đã giúp đưa chúng khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Dì đã thành lập cả một doanh nghiệp, dì đặt tên là Công ty tiếp thị Black Sheep và bắt đầu bán các sản phẩm gốm có vẽ hình chú cừu đen. Và thế là những chiếc chén, cốc với dòng nhạc giai điệu trẻ con “Baa Baa Cừu đen…” được in vòng quanh bắt đầu bán chạy. Dì Clare sau đó nhanh chóng tạo việc làm cho tất cả các bà lão trong làng đan áo và khăn choàng bằng len từ lông cừu đen của dì. Dì làm việc rất chăm chỉ để tạo cho Cừu đen trở thành một thương hiệu và dì đã thành công. Hơn 40 năm sau, thương hiệu Cừu đen vẫn còn rất nổi tiếng. Vài năm sau, vào thời kỳ đầu khởi nghiệp hãng âm thanh Virgin Music, tôi nhận được cuộc gọi của dì Clare: “Ricky này, cháu không thể tin được điều này đâu. Một con cừu của dì biết hát”. Lúc đầu tôi phân vân, nhưng đó chính là thứ mà tôi đã luôn mong đợi ở dì. “Thế nó hát gì ạ?” Tôi hỏi và đầu cứ tưởng tượng cảnh một con cừu đang hát. “Nào cho cháu biết nhanh đi dì”. “Tất nhiên là nó hát Baa Baa Cừu đen…” – dì đáp lời tôi nhanh như cắt. “Dì muốn ghi âm lại giọng cừu hát. Tất nhiên là không thể đưa cừu đến phòng thu rồi. Thế cháu có thể cử một vài kỹ sư âm thanh tới đây được không? Phải rất nhanh đấy vì con cừu đó có thể không hát nữa bất cứ lúc nào”. Ngay trưa hôm đó, một nhóm kỹ sư âm thanh lên đường tới Norfolk mang theo cả thiết bị thu thanh 24 rãnh di động và họ đã ghi âm giọng con cừu biết hát của dì Clare. Họ cũng ghi âm cả một dàn hợp xướng gồm cừu, vịt và gà. Họ đã phát hành đĩa đơn “Baa Baa Cừu đen”. Album này đã đạt vị trí số bốn trong bảng xếp hạng năm đó. * Tình bạn giữa tôi và Nik dựa trên tình cảm là chính, nhưng cũng có yếu tố ganh đua. Tôi từng quyết tâm phải làm mọi việc tốt hơn cậu ấy. Mùa hè năm ấy, Nik được tặng một chiếc xe đạp mới dịp sinh nhật cậu ấy. Chúng tôi ngay lập tức quyết định tiến hành cuộc đua xe đến mép bờ sông, một trò chơi lao xe từ trên đỉnh dốc xuống đến chân dốc thì phanh gấp, rồi giữ cho xe trượt xuống mép sông càng gần càng tốt. Đây thật sự là một trò chơi mang tính ganh đua cao và tôi rất ghét bị thua cuộc. Vì đó là xe của Nik, nên cậu ấy được quyền chạy trước. Cậu ta làm động tác trượt xe rất ngoạn mục, rồi cậu ta quay một vòng xe, để bánh sau chạm gần sát mép nước. Nik vẫn thường kích động tôi làm những việc thậm chí là rất kỳ quặc, nhưng lần này cậu ta lại ngăn tôi. “Cậu không thể làm tốt hơn cú trượt vừa rồi đâu” – Cậu ta nói. “Tôi đã có cú trượt hoàn hảo rồi”. Dù vậy, tôi vẫn suy nghĩ. Và tôi quyết tâm phải có cú trượt ngoạn mục hơn cả Nik. Tôi lôi xe lên đỉnh dốc và lao xuống phía bờ sông, chân thì đạp điên cuồng. Khi đến gần mép sông thì rõ ràng là tôi đã mất kiểm soát bản thân và không thể dừng lại. Trong lúc lao nhanh như tên bắn, tôi lờ mờ nhìn thấy cảnh Nik há hốc miệng sợ hãi khi tôi lao vụt qua chỗ cậu ta. Tôi cố phanh, nhưng đã quá muộn. Tôi lộn nhào một vòng, đầu cuộn vào gót chân, lao ùm xuống nước, chiếc xe thì chìm dần dưới chân tôi. Tôi bị cuốn ra giữa dòng nước, nhưng cuối cùng cũng tìm cách bơi lại được vào bờ. Nik đợi tôi trên bờ, giận sôi lên. “Cậu đã làm mất chiếc xe của tôi! Đó là quà sinh nhật của tôi!” Cậu ta tức giận tới mức cứ nức nở khóc. Cậu ta đẩy mạnh tôi xuống sông. “Cậu phải tìm lại xe cho tôi” – Cậu ta hét lên. “Tôi sẽ tìm” – Tôi lắp bắp. “Không sao đâu. Tôi sẽ tìm thấy”. Tôi lặn ngụp hai tiếng đồng hồ dưới lòng sông và dò dẫm trong bùn lầy, rong rêu và đá để cố tìm cho được chiếc xe đạp mới của Nik. Nhưng tôi đã không tìm thấy. Nik ngồi trên bờ, hai tay ôm gối, cằm tì lên hai đầu gối và mắt nhìn chằm chằm về hướng tôi. Nik mắc chứng động kinh và tôi đã từng một vài lần chứng kiến cậu ta ngất xỉu. Còn lúc này cậu ta đang tức giận, tôi chỉ biết hy vọng cơn tức giận ấy không làm cậu ấy ngất xỉu một lần nữa. Nhưng thật lạ, khi tôi đã quá lạnh, đến nỗi không thể nói lên tiếng nào, đôi tay thì trắng bệch, các đầu ngón tay rỉ máu vì đã cào phải đá nhọn dưới lòng sông, thì Nik nhẹ nhàng bảo: “Thôi về nhà đi” – Cậu ta nói. “Cậu sẽ không bao giờ tìm thấy xe đâu”. Chúng tôi lê bước về nhà, tôi thì cố tìm cách để Nik vui vẻ trở lại: “Chúng ta sẽ mua một chiếc xe khác cho cậu” – Tôi hứa với cậu ta. Bố mẹ tôi chắc chắn là rên lên, vì chiếc xe có giá tới 20 bảng (Anh), bằng gần một tháng thu nhập từ những chiếc hộp đựng giấy. Khi chúng tôi lên tám tuổi, Nik và tôi phải chia tay nhau. Tôi được gửi đến trường nội trú Scaitcliffe ở Công viên lớn Windsor. * Đêm đầu tiên tại Scaitcliffe, tôi nằm trên giường không ngủ được, nghe tiếng ngáy và tiếng thở phì phò của các cậu bé khác cùng phòng, mà thấm thía cảm giác cô đơn, bất hạnh và sợ hãi. Vào khoảng nửa đêm hôm đó, tôi đã biết là mình sẽ bị ốm. Cảm giác ấy đến nhanh đến nỗi tôi không đủ thời gian chạy khỏi giường vào nhà vệ sinh; thay vào đó tôi đã nôn ngay ra ga trải giường. Người ta gọi người dọn dẹp đến. Nhưng không những không tỏ ra thông cảm, giống như mẹ tôi vẫn làm vậy, bà ta la mắng tôi và bắt tôi tự mình dọn dẹp giường. Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác bị làm nhục lúc đó. Có thể bố mẹ nghĩ rằng họ đã hành động đúng khi gửi tôi tới đây, nhưng vào thời điểm đó tôi chỉ cảm thấy bấn loạn và oán giận bố mẹ, cũng như nỗi sợ hãi về những gì tiếp theo sẽ đến với tôi. Một vài ngày sau đó, một cậu bé ở cùng phòng, lớn tuổi hơn tôi, tỏ ra quý mến tôi và bắt tôi lên giường cậu ấy để chơi trò “âu yếm”. Và trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên được về nhà, tôi đã kể lại một cách chân thực nhất cho bố mẹ nghe mọi chuyện xảy ra. Nhưng bố tôi lại bình thản nói: “Tốt nhất là không làm những trò vớ vẩn đó”, và rằng đó là tai nạn đầu tiên và cũng là cuối cùng xảy ra với tôi. Bố tôi cũng từng được gửi đến trường nội trú khi bằng tuổi tôi lúc bấy giờ, còn ông tôi thì sớm hơn. Trong dòng họ tôi có truyền thống con trai phải được giáo dục tính độc lập, tự lực – đó là cách dạy cho ai đó đứng bằng đôi chân của chính mình. Còn tôi lại thấy miễn cưỡng khi được gửi đi học xa nhà khi tuổi còn nhỏ như vậy và tôi luôn hứa với chính mình rằng tôi sẽ không bao giờ gửi con cái mình tới trường nội trú chừng nào chúng chưa đủ tuổi để có thể tự quyết định về việc đó. Vào tuần thứ ba của tôi tại Scaitcliffe, tôi bị gọi lên phòng hiệu trưởng và được thông báo rằng tôi đã vi phạm một số quy định của trường; tôi nghĩ có thể là do tôi đã đi vào khu vườn cỏ cấm để nhặt quả bóng đá. Tôi buộc phải cúi xuống và bị vụt vào mông sáu cái. “Branson” – Thầy hiệu trưởng cất giọng. “Hãy nói cảm ơn Thầy đi”. Tôi không tin vào tai mình. Cảm ơn ông ta vì cái quái gì? “Branson” – Thầy hiệu trưởng nhấc cái roi lên. “Tôi cảnh báo trò”. “Cảm ơn Thầy”. “Trò sẽ tiếp tục gây rắc rối chứ, Branson”. “Vâng, thưa Thầy. À không, em định nói là… không, thưa Thầy”. Tôi đã gây rắc rối – và luôn gây rắc rối. Đã tám tuổi mà tôi vẫn chưa biết đọc. Thực tế, tôi mắc chứng đọc khó và bị cận thị. Mặc dù ngồi ở hàng đầu trong lớp, nhưng tôi không thể đọc được chữ trên bảng. Chỉ sau một vài kỳ học, mới có người nghĩ rằng cần phải đưa tôi đi kiểm tra mắt. Nhưng thậm chí ngay cả khi tôi đã có thể nhìn rõ, thì những chữ cái và các con số cũng chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Chứng đọc khó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng thời đó, hay nói chính xác hơn đó chỉ là vấn đề nếu bản thân bạn mắc chứng bệnh này. Cũng vì không ai từng nghe tới bệnh đọc khó này, nên đối với tất cả giáo viên và học sinh trong lớp việc không thể đọc, viết và phát âm chỉ có nghĩa rằng hoặc là bạn ngu ngốc, hoặc là bạn lười biếng. Mà ở các trường nội trú kiểu này, thì bạn sẽ bị đánh đòn vì cả hai lý do trên. Tôi thường bị đánh một hoặc hai lần mỗi tuần vì không hoàn thành bài tập trên lớp, hay do nhầm lẫn ngày tháng của Trận Hastings. Tật đọc khó hành hạ tôi suốt quãng đời học sinh. Bây giờ, mặc dù đôi khi tôi đọc vẫn khó, nhưng tôi đã cố vượt qua điều tồi tệ nhất bằng cách tự học cách tập trung. Có lẽ, những vấn đề hồi nhỏ gặp phải do chứng đọc khó đã tạo cho tôi có trực giác tốt hơn: Khi ai đó gửi cho tôi một lời đề nghị bằng văn bản, thì thay vì chỉ chăm chăm vào những dữ liệu và con số cụ thể, tôi thường thấy rằng sự tưởng tượng của mình giúp tôi hiểu sâu và rộng hơn những gì tôi đọc được. Tuy nhiên, nét hấp dẫn của tôi lại nằm ở bên ngoài lớp học: Tôi chơi thể thao rất giỏi. Thật khó đo đếm được tầm quan trọng của thể thao tại các trường công của Anh. Nếu bạn thật sự giỏi thể thao, bạn sẽ là anh hùng của trường. Những kẻ lớn hơn sẽ không bắt nạt bạn, còn thầy hiệu trưởng sẽ không phiền lòng vì bạn thi trượt. Tôi rất muốn thành công trong thể thao, có thể vì đó là cơ hội duy nhất để tôi trở nên vượt trội. Tôi trở thành đội trưởng các đội bóng đá, bóng chày và bóng bầu dục. Trong mỗi cuộc thi thể thao, tôi đều giành cúp cho các môn chạy nhanh, chạy vượt rào. Chỉ trước sinh nhật tròn 11 tuổi, năm 1961, tôi đã thắng tất cả các cuộc đua. Thậm chí tôi quyết định tham gia thi nhảy xa. Tôi chưa từng nhảy xa tốt trước đó, nhưng lần này tôi quyết tâm thử một lần. Tôi lao như tên trên đường chạy đà, bật mạnh lên từ tấm ván gỗ và bay lên không trung. Khi tôi chạm chân xuống cát, thì thầy hiệu trưởng đến bên tôi, lắc mạnh vai tôi và nói: “Đây là kỷ lục mới của trường Scaitcliffe”. Vào cái ngày hè năm ấy, tôi đã không thể phạm sai lầm. Bố mẹ và Lindi ngồi trong khu khán đài vỗ tay không ngớt mỗi lần tôi bước lên bục nhận giải thưởng. Tôi đã đoạt cúp Victor Ludorum – quán quân của cuộc thi đấu thể thao. Có ai quan tâm việc tôi không thể đọc tốt? Tôi không quan tâm. Kỳ học mùa thu tiếp theo, tôi tham gia thi đấu trong một trận bóng đá với đội của một trường địa phương khác. Tôi đưa bóng vòng qua hậu vệ đối phương và đã ghi một bàn thắng. Khi tranh bóng với hậu vệ đầu gối tôi bị thương nặng. Bố mẹ từng dạy chúng tôi phải cười khi bị đau. Vì thế tôi nửa cười nửa hét lên đau đớn, cố bò về phía nhân viên y tế của trường và họ đưa tôi đến bệnh viện. Đau đớn chỉ tạm ngưng khi họ tiêm cho tôi một mũi. Tôi bị vỡ sụn gối chân phải và họ phải phẫu thuật. Tôi được gây mê toàn bộ và chìm vào vô thức. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở ngoài phố. Tôi vẫn nằm trên giường bệnh và cô y tá vẫn đang giữ ống truyền nước trên đầu tôi. Nhưng giường của tôi và một vài giường bệnh nhân khác đã được đưa ra ngoài phòng. Tôi nghĩ mình đang mơ ngủ, nhưng cô y tá giải thích rằng đã xảy ra hoả hoạn lúc tôi đang mổ và tất cả các bệnh nhân được sơ tán khẩn cấp ra ngoài phố. Sau vài ngày, tôi hồi phục và được về nhà. Nằm trên giường tôi ngắm nghía chiếc cúp bạc đặt trên lò sưởi. Bác sĩ nói tôi không được chơi thể thao một thời gian dài nữa. “Đừng lo Ricky” – Mẹ an ủi tôi khi bà bước vào phòng, lúc bác sĩ đi ra. “Con hãy nghĩ về Douglas Bader. Ông ấy không còn đôi chân. Những ông ấy vẫn chơi gôn, lái máy bay và làm được mọi việc. Chắc con không muốn chỉ nằm trên giường và chẳng làm gì cả ngày chứ?” Nhưng điều tồi tệ nhất của vụ thương tích này là ngay lập tức tôi phải đối mặt với thực tế: tôi là một kẻ kém cỏi trong lớp. Tôi đã bị đội sổ trong tất cả các môn học và chắc chắn tôi không thể vượt qua kỳ thi tuyển sinh trung học (Kỳ thi dành cho thí sinh từ 13 tuổi – ND). Tôi được gửi đi học ở trường khác, một trường luyện thi, nằm gần bờ biển Sussex, có tên là Cliff View House (Nhà ngắm cảnh vách đá). Ở đó không có giờ học thể thao làm các cậu bé hứng thú sau những giờ học tập vô vọng và nhọc nhằn để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trung học. Nếu bạn không biết đọc, nếu bạn không biết làm phép cộng, hoặc không thể nhớ nổi công thức tính diện tích hình tròn là S = p*r2 thì hậu quả rất đơn giản: bạn sẽ bị ăn roi cho đến khi nào bạn biết và nhớ được. Tôi đã học như thế, cùng với những nguyên tắc bất di bất dịch, những vết lằn ngang dọc trên mông. Tôi có thể mắc chứng đọc khó, nhưng tôi không được hưởng ngoại lệ. Chỉ là tôi không thể làm đúng việc đó. Khi tôi có câu trả lời biết chắc là sai, thì tất nhiên là nhận thêm những vết lằn, thêm một vài roi. Tôi gần như là đã trở nên chai lì với những trận đòn roi, có lẽ vì ít nhất thì chúng cũng qua nhanh. Ở trường hầu như không môn thể thao gì ngoài chạy buổi sáng. Cùng với các lỗi mắc ở trên lớp, chúng tôi bị ăn roi hầu như là vì mọi thứ, chẳng hạn như không dọn dẹp giường đúng cách, chạy nhảy lúc được lệnh phải đi, nói chuyện lúc lẽ ra phải giữ im lặng, hoặc để giày bẩn… Có nhiều việc làm có thể bị coi là sai trái, đến nỗi chúng tôi chấp nhận rằng tuần nào chúng tôi cũng có thể bị ăn roi vì những hành động phạm lỗi rất mơ hồ. Niềm an ủi duy nhất của tôi đó là Charlotte – cô con gái 18 tuổi của thầy hiệu trưởng. Cô ấy dường như thích tôi và tôi rất tự hào rằng, trong số các cậu bé ở trường, tôi đã nhận được sự chú ý của cô ấy. Rất nhanh sau đó, chúng tôi đã thường xuyên gặp nhau vào buổi tối. Hàng đêm, tôi trèo qua cửa sổ phòng ký túc xá và rón rén lẻn tới giường của cô ấy trong nhà thầy hiệu trưởng. Vào một đêm, lúc tôi trèo qua cửa sổ trở lại phòng mình, tôi hoảng hồn khi thấy một thầy giáo bắt gặp hành động của tôi. Sáng hôm sau, tôi bị gọi lên phòng thầy hiệu trưởng. “Cậu đang làm cái gì đó, Branson?” – Thầy hiệu trưởng hỏi. Câu trả lời duy nhất tôi có thể nghĩ ra lúc đó lại chính là câu trả lời ngu ngốc nhất: “Thưa thầy, em từ phòng con gái thầy trở về phòng ạ”. Không có gì ngạc nhiên là tôi đã bị đuổi khỏi trường. Bố mẹ tôi được gọi đến đưa tôi về nhà ngay ngày hôm sau. Cũng đêm hôm đó, không thể nghĩ ra được cách nào để thoát khỏi sự giận dữ của bố mẹ, tôi đã viết một lá thư tuyệt mệnh, nói rằng tôi đã không thể đối mặt với nỗi nhục bị đuổi học như vậy. Tôi viết trên phong bì là đến ngày hôm sau mới được mở lá thứ này. Sau đó tôi gửi lá thư cho một cậu bé, người mà tôi chắc rằng rất tò mò đến nỗi phải mở ngay thư ra xem trộm. Tôi chậm rãi rời khỏi toà nhà và lê bước qua sân trường đi về phía những vách núi đá. Khi nhìn thấy đám đông có cả các thầy giáo và học sinh đang chạy theo, tôi đi chậm lại, đủ để họ có thể đuổi kịp tôi. Họ cố lôi tôi khỏi vách núi và kết quả là lệnh đuổi học đã được huỷ bỏ. Bố mẹ tôi phản ứng nhẹ nhàng đến kinh ngạc về toàn bộ sự việc này. Thậm chí, bố tôi dường như còn rất ấn tượng rằng Charlotte là “một cô gái rất xinh”. Chương 2: “HOẶC LÀ VÀO TÙ, HOẶC LÀ THÀNH TRIỆU PHÚ” Thế là, sau khi các thầy luyện thi hoàn thành mục tiêu uốn nắn tôi vào khuôn khổ, tôi chuyển tới học tại Stowe – một trường công ở Buckinghamshire dành cho 800 học sinh nam. Ở đó, tôi lại đối mặt một tương lai chẳng mấy sáng sủa. Tình trạng bắt nạt vẫn xảy ra: những cậu bé ít tuổi hơn phải làm việc vặt cho các cậu lớn tuổi hơn; thật ra là làm đầy tớ. Tệ nạn bắt nạt lan tràn. Bạn sẽ có uy tín, hoặc tránh bị bắt nạt, nếu bạn có thể ghi điểm. Nhưng tôi thì đã không thể chơi thể thao vì đầu gối tôi đau mỗi khi cố chạy. Cũng vì tôi không thể làm tốt việc học tập, nên tôi đã bị cho ra rìa rất nhanh chóng. Bị loại khỏi các đội thể thao, rồi đội sổ về việc học trong lớp, quả là một vị trí chẳng ai thèm ganh đua. Dường như mọi thử thách mà bố mẹ đặt ra cho tôi trước đây chẳng có tác dụng gì. Tôi tìm được nơi ẩn náu ở thư viện, nơi tôi thường đến vào các buổi chiều và bắt đầu viết tiểu thuyết. Tôi ngồi ở một chỗ sang trọng, tuyệt vời nhất, chung quanh là những cuốn sách dầy bọc da và hai quả địa cầu, nhìn ra hồ nước trang trí đẹp mắt, nơi vừa có một cậu bé lao xuống và không bao giờ nổi lên. Tôi đã viết những câu chuyện về tình dục hấp dẫn nhất mà tôi có thể phịa ra; viết câu chuyện lãng mạn nhất về một anh chàng trẻ tuổi không thể chơi thể thao vì vết thương ở đầu gối, nhưng lại rất dễ gần và sau đó bị một người đàn bà quản lý trường học người Scandinavi trẻ tuổi quyến rũ. Trong trí tưởng tượng của tôi, cô ta thường lẽo đẽo theo anh ta, khi anh ta làm việc trong thư viện… Nhưng thật đáng buồn cho tôi, cho dù tôi cố tưởng tượng ra chuyện quan hệ tình dục hấp dẫn thế nào, thì ở đây cũng chẳng có một cô gái nào, ngoại trừ một bà người Scandinavi và người quản lý trường thì đã 60 tuổi. Trong lúc ngồi trong thư viện, vội vàng viết tác phẩm văn xuôi loại xoàng ấy, tôi đã nhận thấy có một người cũng thường xuyên tới thư viện: đó là Jonny-Gems. So với hầu hết các chàng trai ở Stowe, thì Jonny là người rất thạo đời, đọc nhiều và hiểu biết rộng về nghệ thuật. Anh ta đến từ London, nơi bố mẹ anh ta là những nhà văn và nhà báo nổi tiếng. Khi Jonny đọc cuốn Private Eye (Con mắt cá nhân) anh ta thuộc tới một nửa số nhân vật được nhắc tới trong cuốn sách. Mẹ của Jonny là một nhà viết kịch thành công. Cũng nhờ Jonny mà hứng thú về thế giới báo chí bắt đầu lớn lên trong tôi và tôi nghĩ là mình sẽ trở thành nhà báo. Khoảng vào giữa kỳ học, tôi đọc được thông báo của trường về cuộc thi viết văn có tên Giải thưởng Gavin Maxwell trẻ, do chính tác giả này cũng là cựu công dân Stowe sáng lập. Ngay lập tức, tôi dẹp lại câu chuyện đang viết dở và viết một truyện ngắn, sau đó đã đoạt giải. Có thể do không có ai tham gia nên họ đành phải trao giải cho tôi. Gavin Maxwell – tác giả cuốn Ring of Bright Water (Quầng nước sáng), đã đến Stowe trao giải thưởng. Cùng đến còn có Gavin Young – phóng viên chiến trường của tờ Observer và sau này là tác giả cuốn Slow Boat to China (Du thuyền tới Trung Hoa). Sau buổi lễ trao giải, họ trở lại Surrey, cho tôi đi cùng và thả tôi xuống Shamley Green. Tôi vẫn giữ liên lạc với họ. Họ rất ủng hộ tôi, tôi nghĩ một phần có thể họ quý tôi. Nhưng khi họ nhận ra rằng tôi không đi theo con đường của họ, thì họ vẫn là những người bạn tốt của tôi. Sau khi đoạt giải, môn tiếng Anh của tôi đã tốt lên rất nhiều và tôi đã vượt lên đứng thứ ba, trong số 21 học sinh của lớp. Tôi vẫn xếp thứ 18 về tiếng Latin nhưng đứng cuối lớp về các môn toán, lý và hoá. Tổng kết cuối kỳ viết: “Học sinh đã cố gắng nhiều, nhưng gặp phải khó khăn lớn trong việc hiểu các kiến thức đơn giản nhất về toán và nắm bắt các chủ đề mới”. Vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh, tôi quyết định noi gương mẹ kiếm tiền. Tôi không ngại việc trường đánh giá tôi không có khả năng về các con số và tôi đã nhìn thấy cơ hội trong việc trồng cây giáng sinh. Gia đình tôi vừa chuyển nhà từ Easteds tới trang trại Tanyards, nơi có một toà nhà lớn và nhiều nhà kho, khu chuồng trại và đất đai. Tôi rủ Nik cùng thực hiện kế hoạch. Cậu ta học tại Ampleforth ở Yorkshire và cũng đang được nghỉ. Chúng tôi dự định trồng khoảng 400 cây giáng sinh trên đất ở trang trại Tanyards. Vào mùa Giáng sinh sang năm, chúng sẽ cao ít nhất 4 feet và chúng tôi có thể bán được. Tôi và Nik đồng ý làm việc với nhau và cùng chia lợi nhuận. Mùa Phục sinh năm ấy, chúng tôi cày đất và gieo khoảng 400 hạt giống ở trang trại Tanyards. Chúng tôi dự tính, nếu tất cả các cây này cao lên 6 feet, thì chúng tôi sẽ kiếm được khoảng 2 bảng mỗi cây, tổng cộng được 800 bảng. Con số đó rất đáng kể so với vốn ban đầu chỉ 5 bảng tiền mua hạt giống. Vào kỳ nghỉ hè tiếp sau đó, chúng tôi về kiểm tra vườn cây. Chỉ một vài chồi non nhỏ xíu mọc lên khỏi mặt đất, số hạt giống còn lại bị thỏ ăn hết. Chúng tôi tìm cách phục thù bằng cách bắt rất nhiều thỏ, lột da chúng, rồi đem bán cho các lò sát sinh, với một si-linh mỗi con. Tuy nhiên số tiền thu được không đáng gì so với con số 800 bảng dự tính của chúng tôi. Giáng sinh năm đó, cậu em trai của Nik được tặng một con vẹt Australia đuôi dài, rất đẹp. Việc đó cũng gợi cho tôi ý tưởng về một vụ làm ăn khác: nuôi vẹt giống! Khởi đầu, tôi suy luận, tôi có thể bán chúng trong cả năm, chứ không chỉ trong một đêm trước Giáng sinh. Tôi tham khảo giá cả và tính toán về thời gian nuôi vẹt, giá thức ăn… và sau đó là thuyết phục bố mẹ cho xây một chuồng chim thật lớn. Trong tuần cuối kỳ học tại trường, tôi đã viết thư cho bố và lên phương án về tài chính: Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ nghỉ. Bố đã đặt mua những vật liệu mà chúng ta cần để xây cái chuồng vẹt lớn chưa? Con nghĩ là chúng ta có thể mua vẹt của Julian Carlyon là giá hời nhất. Con nghĩ, nếu các cửa hàng bán mỗi con vẹt giá 30 si-linh, thì ông ta sẽ bán cho cửa hàng với giá 17 si linh. Như vậy, nếu chúng ta mua của ông ta với giá 18 hoặc 19 si-linh một con, thì ông ta vẫn có lãi, mà chúng ta lại tiết kiệm được ít nhất 10 si-linh mỗi con. Bố tôi đã xây chuồng rất cẩn thận và những con vẹt lớn rất nhanh. Tuy nhiên, tôi phải suy tính đến về nhu cầu về vẹt tại địa phương. Thậm chí, nếu mỗi người ở Shamley Green mua ít nhất hai con vẹt, thì chúng tôi vẫn còn lại rất nhiều vẹt trong chuồng. Một ngày, khi đang ở trường, tôi nhận được thư của mẹ báo tin xấu rằng, chuột đã phá chuồng và ăn thịt vẹt. Nhiều năm sau này bà mới thú nhận rằng, bà đã ngán cảnh phải dọn dẹp chuồng vẹt, nên bà đã mở cửa chuồng và thả hết vẹt bay đi. Tuy chẳng có kế hoạch làm ăn nào mang lại hiệu quả về tài chính cả, nhưng dù sao chúng cũng dạy cho tôi một vài điều nào đó về toán học. Tôi chỉ nhận ra điều này khi tôi sử dụng những con số thực để giải những bài toán thực tế mà toán học vốn chẳng gây cho tôi sự hứng thú nào. Lúc tôi tính toán xem có bao nhiêu cây giáng sinh sẽ mọc lên, hay bao nhiêu con vẹt sẽ sinh sản, thì cũng là lúc những con số trở nên thực tế và tôi đã học được cách thích sử dụng chúng. Ở trong lớp, tôi vẫn là kẻ hoàn toàn tối dạ về môn toán. Tôi từng một lần thử kiểm tra chỉ số IQ, trong đó có những câu hỏi có vẻ như rất ngớ ngẩn. Tôi đã không thể tập trung vào bất cứ câu hỏi nào về toán học; và tôi nghĩ mình chỉ đạt điểm 0. Tôi lo lắng mình giống những người mà thường được xếp vào hạng ngu dốt bằng chính những cuộc kiểm tra dạng như thế này. Họ đâu có biết rằng, thường thì những câu hỏi kiểm tra chỉ số IQ kiểu này được những nhân vật hàn lâm nghĩ ra, những người chắc chắn là vô dụng trong việc xử lý các vấn đề thực tế của thế giới bên ngoài. Tôi thì thích tiến hành những kế hoạch kinh doanh thực tế – thậm chí ngay cả khi những con thỏ có thể làm việc đó tốt hơn tôi. Tôi nghĩ, bố mẹ chắc là đã truyền lại cho tôi cái tính bướng bỉnh và hay nổi loạn. Tôi luôn cho rằng các quy tắc được tạo ra là để người ta vi phạm; và ở Stowe có nhiều các nguyên tắc và quy định giống như trong quân đội – rất nhiều trong số đó, đối với tôi và Jonny Gems, hoàn toàn là lỗi thời và vô nghĩa. Chẳng hạn, tình trạng phải làm chân sai vặt cho kẻ lớp trên là một ví dụ. Hay như Lực lượng Lục quân kết hợp (CCF), mà ở đó các chàng trai phải ăn mặc như binh sĩ và diễu binh với những cây súng trường cũ kỹ; hoặc như việc bắt buộc đi lễ nhà thờ ngày Chủ nhật. Tôi đã xoay xở để lẩn tránh việc trên bằng cách trốn kỳ nghĩa vụ đầu tiên của khoá mới: Tên của tôi đã bị bỏ quên không được đăng ký và tôi cũng chẳng bao giờ được nhắc đến kể từ khi đó. Vào khoảng tháng Giêng hoặc tháng Hai năm 1966, tôi và Jonny bắt đầu thảo luận việc làm thế nào để thay đổi các quy tắc trong trường học. Chúng tôi mới 15 tuổi thôi, nhưng chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm nhiều thứ khác. Bố mẹ tôi khuyến khích tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm thay đổi cả thế giới, vì thế khi tôi xem xét cách thức điều hành Stowe thì tôi cảm thấy chắc chắn là tôi có thể làm tốt hơn. Thực tế thì Stowe cũng khá là tự do khi khuyến khích các nam sinh ở mọi lứa tuổi đóng góp vào việc điều hành, quản lý trường. Tôi và Jonny nổi sung lên vì các quy định rằng bất cứ ai không chơi thể thao cũng phải đi xem đội tuyển của trường thi đấu với trường khác. Dù chúng tôi vẫn có thể tới thư viện vào các ngày Chủ nhật, nhưng chúng tôi buộc phải đi xem các cuộc thi đấu của đội tuyển trường vào hầu hết các ngày thứ Bảy. Tôi biết là nếu tôi không bị loại vì cái đầu gối thương tật, thì tôi cũng có mặt trong đội bóng của trường, vì thế tôi cảm thấy thất vọng gấp đôi. Tôi đã viết cho thầy hiệu trưởng: Em phản đối kịch liệt việc lãng phí thời gian dành cho việc bắt buộc phải xem các trận thi đấu. Nếu một người không thể tham gia thi đấu, thì người đó có thể dành thời gian của mình vào việc làm có ích hơn thế chứ. Em biết điều này nghe có vẻ như một hành vi phá vỡ truyền thống, nhưng em rất ủng hộ việc này. Nếu hơn 450 người thay vì phải xem các trận đấu mà dành thời gian đó để lau chùi các cửa sổ ở Cung điện Buckingham chẳng hạn, thì họ sẽ thu được ít nhất cái gì đó tốt hơn việc “xem người khác giành được một cái gì”. Tôi cũng cố tổ chức lại hệ thống các bữa ăn trong trường: Em thấy rằng, muốn cải thiện tình trạng ở Stowe, mỗi người trước hết phải làm việc đó mang tính tập thể, thậm chí hơn cả tính tôn giáo. Có rất nhiều nam sinh muốn có thêm kiến thức qua các cuộc nói chuyện. Một trong những thời điểm tốt nhất để nói chuyện là vào các giờ ăn, nhưng ở Stowe thì việc này là không thể. Mọi người bước vào phòng học, ngồi vào cái bàn đã được phân bổ, bên cạnh vẫn một nam sinh như mọi ngày. Căng-tin cần được bố trí tại một trong những phòng ăn. Học sinh cũng có thể lựa chọn thức ăn cho riêng mình. Họ cần được tự do ngồi chỗ nào họ muốn. Và họ cũng có thể bỏ thìa, dĩa vào thùng khi họ ra về. Việc lãng phí thức ăn lúc đó sẽ là không tưởng. Và trong hệ thống căng-tin, thầy có thể tiết kiệm được ít nhất một nửa số nhân viên dọn bàn người Italia và Tây Ban Nha. Em rất quan tâm ý kiến của thầy như thế nào về việc này. Và tiền tiết kiệm được có thể sử dụng cho các kế hoạch tiếp theo của em… Và tôi tiếp tục khám phá những ý tưởng về một quán bar dành cho học sinh cuối cấp (Sixth-former – Học sinh lớp 6 hệ trung học ở Anh, tuổi từ 16 đến 18, học hai năm cuối của trung học và chuẩn bị thi vào đại học, tương đương lớp 12 hoặc 13 ở Việt Nam – ND). Thầy hiệu trưởng gợi ý tôi đăng ý kiến của mình trên tạp chí của trường. Nhưng tôi và Jonny muốn xuất bản một tờ tạp chí khác, với quan điểm hoàn toàn mới. Chúng tôi muốn vận động để phản đối tệ ép làm đầu sai, các hình phạt về thân thể, hay việc bắt buộc đi lễ nhà thờ, xem thi đấu và học tiếng La-tinh. Tất cả những ý tưởng đó có quá nhiều “tính cách mạng”, không thể đăng được trên tạp chí của trường – tờ Stoic, một cái tên chỉ phù hợp với những độc giả có khả năng chịu đựng nghịch cảnh trong thời gian dài. Sau đó chúng tôi nghĩ tới việc liên kết với các trường khác mà cũng có các quy tắc tương tự. Dần dần, ý tưởng về một tờ tạp chí liên trường đã nảy nở. Chúng tôi liên hệ với các trường khác và trao đổi các ý tưởng. Tôi viết ra một vài tiêu đề vào sổ ghi chép của trường: Hôm nay/1966/Hãy tập trung chú ý!/Một nước Anh hiện đại và Phỏng vấn. Sau đó, tôi viết ra những gì tôi muốn xuất bản và một vài nội dung tóm tắt. Một lần nữa, tôi lại nghĩ tới sự liên quan của toán học ở đây: Tôi viết ra một danh sách gồm 250 nghị sĩ mà tôi tìm thấy trong cuốn Who’s Who (Ai là Ai), cùng một danh sách các nhà quảng cáo tiềm năng tôi tìm được trong danh bạ điện thoại. Tôi cũng viết thư cho Tập đoàn WH Smith chuyên bán lẻ sách báo, hỏi xem họ có nhận phát hành tạp chí hay không. Như vậy, với các nhà cộng tác, hãng quảng cáo, phát hành và tất cả chi phí đã có đầy đủ – ít nhất là trên giấy tờ – tôi đã phác thảo được kế hoạch kinh doanh đầu tiên trong đời mình. Nhìn vào con số có vẻ quá ít ỏi, tôi và Jonny quyết định kêu gọi thêm các trường trung học, cao đẳng kỹ thuật và đại học cùng tham gia. Tạp chí này sẽ mở thêm nhiều đối tượng và khuyến khích thêm được quảng cáo. Chúng tôi nghĩ, nếu đặt mục tiêu tạp chí hướng tới sinh viên đại học thì học sinh cuối cấp cũng sẽ mua; còn nếu xuất bản tạp chí cho học sinh cuối cấp thì sinh viên sẽ không quan tâm. Chúng tôi đặt tên tạp chí là Student (Sinh viên), nghe có vẻ là một cái tên hay vào đúng thời điểm mà người ta đang nói nhiều đến “quyền lực của sinh viên”. Đó cũng là lúc đang diễn ra các cuộc biểu tình, diễu hành phản đối tại các trường đại học. Tuổi trẻ thật sôi nổi. Mẹ tôi cho 4 bảng để chi tiền gọi điện thoại và thư từ, còn bố Jonny cấp cho chúng tôi giấy viết thư có in dòng chữ SINH VIÊN – TẠP CHÍ DÀNH CHO GIỚI TRẺ ANH, cùng với biểu tượng mặt trời mọc. Chúng tôi bắt tay vào viết thư cho các cộng tác viên và mời các hãng quảng cáo. Student là một cỗ xe hoàn hảo: Nó cho chúng tôi một một cuộc sống hoàn toàn mới. Có rất nhiều việc phải sắp đặt. Tôi lập văn phòng ngay trong phòng ở trường và đề nghị thầy hiệu trưởng cho lắp điện thoại tại phòng tôi – không ngạc nhiên khi ông ấy từ chối. Vì vậy, tôi phải gọi tại bốt điện thoại công cộng. Nhưng rất nhanh sau đó tôi phát hiện ra một mẹo rất hữu ích: Nếu tôi gọi cho nhân viên trực tổng đài và nói với cô ấy rằng máy đã tính tiền, nhưng cuộc gọi không kết nối được, thế là tôi có thể nhận được một cuộc gọi miễn phí. Không chỉ được gọi miễn phí, mà tôi còn tránh được tín hiệu “píp píp píp” mỗi khi hết tiền. Nhưng hay hơn cả đó là giọng nói của nhân viên tổng đài giống như một thư ký: “Tôi sẽ nối máy, thưa Ngài Branson”. Tôi lên hết danh sách này đến danh sách khác những người cần gọi và làm theo cách đó. Hầu hết họ đều từ chối trả tiền cho việc quảng cáo một tạp chí chưa xuất bản. Nhưng rồi dần dần tôi cũng tìm ra cách để thu hút sự chú ý của họ. Tôi gọi tới Ngân hàng quốc gia Westminster, và nói rằng Lloyds Bank vừa đặt một trang đầy quảng cáo và hỏi liệu họ có muốn quảng cáo song song với Lloyds Bank hay không? Student là một tạp chí dành cho giới trẻ lớn nhất ở Anh – tôi nói thêm. Gọi đến hãng Coca-Cola, tôi nói với họ rằng Pepsi vừa đặt hàng một quảng cáo lớn, nhưng trang bìa sau vẫn còn trống. Tôi lại gọi đến tờ Daily Telegraph và hỏi họ muốn đăng quảng cáo trước hay sau tờ Daily Express. Một mẹo nữa là đặt những câu hỏi không có hại mà họ khó có thể dễ dàng từ chối. Chẳng hạn, “Quý vị có quan tâm tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đại học và học sinh tốt nghiệp trung học có năng lực cao nhất không?” Chẳng có một giám đốc nhân sự nào lại tìm kiếm tuyển dụng những người năng lực xoàng cả. “Vậy thì, chúng tôi xuất bản tờ tạp chí là để dành cho quý vị…” Để tránh việc nhân viên tổng đài quay lại và cắt cuộc gọi miễn phí, tôi đã học được cách giữ cho cuộc gọi thông suốt trong thời gian năm phút. Tôi bắt đầu nói nhanh, mạnh hơn. Tôi vỡ giọng sớm, vì thế không ai nhận ra là họ đang nói chuyện với một cậu học sinh trung học mới 15 tuổi, qua điện thoại công cộng. Tôi ghi địa chỉ trên phong bì là ở Shamley Green và khi gửi thư đi, tôi thường viết hàng chục lá gửi về cho bố mẹ tôi, sau đó bố mẹ lại nhờ người bạn cũ là Elizabeth đánh máy các bức thư. Thành tích học tập của tôi ngày càng xấu hơn, nhưng tôi đang học được một bài học tuyệt vời, đó là xây dựng lòng tin. Khi tôi thêm năm hoặc sáu tuổi nữa, thì cũng là lúc nhận ra điều ngớ ngẩn của việc cố tìm cách kêu gọi quảng cáo của các công ty lớn, cho một tờ tạp chí thậm chí chưa xuất bản, lại chỉ do hai cậu học sinh mới 15 tuổi biên soạn; và tôi đã không nhấc điện thoại lên gọi nữa. Tuy nhiên, tôi còn quá trẻ để có thể dự tính được thất bại. Kỳ nghỉ năm ấy, tôi đã kể hết mọi chuyện về Student cho Nik nghe. Cậu ấy rất thích thú và đồng ý giúp phát hành tạp chí tại Ampleforth. Cậu ấy cũng hứa tìm kiếm thêm cộng tác viên cho tạp chí. Khi Nik nhận ra rằng Student thật ra là sáng kiến của tôi và Jonny, thì cậu ta có vẻ chùn bước một chút. Nhưng khi chúng tôi nói về tiềm năng của tạp chí thì cậu ấy lại hưng phấn trở lại. Chúng tôi mới 15 tuổi và chúng tôi có thể làm bất cứ việc gì. Đến tháng 4/1966, giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi cấp độ O, cấp phổ thông (tương đương kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở ở Việt Nam – ND), tôi đã có thể bỏ một số môn học mà tôi chắc chắn không có cơ hội thi đỗ. Và tôi có thêm thời gian dành cho Student. Để giảm bớt gánh nặng cho tôi, cũng như cho các thầy giáo dạy khoa học và tiếng La-tinh, chúng tôi có những hướng đi tách biệt: “Cậu ấy thật sự là một học sinh yếu về tiếng La tinh và cậu ấy đã từ bỏ môn học này. Sự hứng thú với khoa học của cậu ấy rõ ràng là rất thấp. Tôi đã cố thuyết phục động viên rằng, em có thể làm tốt hơn những gì em đã làm, nhưng thực tế cho thấy rõ là cậu ta sẽ không bao giờ đạt tiến bộ”. Tôi học các môn lịch sử, tiếng Pháp và tiếng Anh tốt hơn môn toán – một môn học bắt buộc: “Mặc dù cậu ấy đã có những cố gắng rõ rệt, nhưng vẫn gặp khó khăn lớn trong việc nắm bắt các phương pháp giải toán, hết tuần này đến tuần khác. Cậu ấy cần nhiều may mắn trong kỳ thi vào tháng Bảy”. Tuy nhiên, thú vui chủ yếu trong cuộc sống của tôi đó là viết hàng trăm lá thư, bắt đầu gửi chúng đi từ Stowe và chờ đợi thư trả lời. Nhưng đáp lại mọi hứng thú và các mưu mẹo của tôi là khoảng thời gian rất dài để tìm kiếm các hãng muốn quảng cáo sẵn sàng đặt hàng trên tạp chí Student. Tôi và Jonny đã gửi thư đi trong suốt kỳ học mùa hè, tiếp tục gửi vào dịp nghỉ và trong cả kỳ học mùa thu tiếp theo. Đến tháng 4/1967, khi tôi có được chứng chỉ cấp độ A môn Lịch sử cổ đại (tôi đã dự thi môn này ngay trong năm đầu tiên học hệ cuối cấp trung học), chúng tôi vẫn chưa tới gần được mục tiêu cho ra đời tờ tạp chí. Tôi và Jonny đã làm công việc chuẩn bị cho Student trong hơn một năm và tất cả những gì chúng tôi có được đó là hàng chục lá thư ủng hộ từ các thầy hiệu trưởng và giáo viên, rất nhiều lời hứa mơ hồ sẽ cộng tác từ các chính trị gia, nhưng tuyệt nhiên không có một đơn đặt hàng quảng cáo, hay một bản in thử tạp chí nào. Tôi không chịu đầu hàng “điều không tránh khỏi” đó. Lá thư của tôi viết ngày 27/4/1967, xin lỗi về việc tôi dành thời gian ít ỏi cho kỳ nghỉ Phục sinh cùng với gia đình: Kỳ nghỉ trong hơn bốn tuần vừa qua đã thật tuyệt vời. Con chỉ hy vọng bố mẹ không phiền lòng vì con không thể ở nhà lâu hơn và không dành nhiều thời gian hơn để làm việc vườn. Có thể là sai, khi con đang có hai nghĩa vụ khác nhau: một là đối với gia đình và một là với tờ Student. Đó là một quyết định khó khăn. Mọi thứ con làm trong cuộc sống, con muốn phải làm tốt nó, không nửa vời. Con nghĩ, con sẽ nỗ lực hết mình vì Student – nếu như thời gian cho phép. Chính điều này đã khiến con có ít thời gian để thực hiện nghĩa vụ khác. Con đã nhìn thấy hiểm họa bị rơi vào tình trạng lưỡng lự giữa hai con đường. Con đã thất bại trong mọi thứ con có và con phải tìm kiếm các hướng đi ưu tiên nếu con muốn tiếp tục đi bất cứ nơi đâu. Con mới chỉ 16 tuổi. Cho dù nghe có vẻ đây là điều rất “cá nhân” và con nói điều này chỉ là để biện hộ, nhưng thử hỏi một cậu bé 16 tuổi có thể làm gì? Không ai ngoài con biết có thể làm nhiều hơn những gì con từng làm trong hai, ba năm vừa qua. Bố mẹ đã làm gì khi bố mẹ 16 tuổi? Bắn súng, câu cá, bơi lội, đi chơi với người yêu, hay dọn dẹp vườn nhà. Bố mẹ có thể đã có thời gian để dọn vườn. Lúc bố mẹ 16 tuổi, bố mẹ không nhìn thế giới như bây giờ. Nghề nghiệp của bố mẹ hầu như là ổn định. Còn ngay nay, dường như đang có một cuộc đấu tranh lâu dài. Bố mẹ nói Student là cái gì đó cho thấy tính ích kỷ và tự cho mình là trung tâm của con. “Có thể” là như vậy. Nhưng liệu điều đó có là ích kỷ hơn bất cứ thứ gì người ta làm trong cuộc đời mình không? Theo con thì đó chỉ là một nghề nghiệp giống bao nghề nghiệp khác. Nhưng nó có thể đem lại ích lợi cho rất rất nhiều người, hơn việc đi xem phim chẳng hạn. Đó là khởi đầu cuộc sống mới của con, cũng giống như ở trường đại học, còn kết luận cuối cùng thuộc về bố mẹ. Con biết, con thật là ngu ngốc khi viết những điều này trong lá thứ đầu tiên. Nhưng con không có nhiều điều khác sau hai tuần nghỉ vừa qua, và con thấy cần phải viết ra giấy những ý nghĩ đó. Tôi đã rất may mắn. Tôi luôn cảm thấy mình có thể nói chuyện với bố mẹ như những người bạn thân thiết. Thay vì đóng sập cửa với tôi, thì họ lại phản hồi về lá thư đó rất tích cực. Thế là chúng tôi đã giữ được sự giao tiếp cởi mở với nhau. Sau lần đó, tôi nhận ra rằng rất nhiều người bạn của tôi đã không tin vào bố mẹ họ, còn tôi thì chưa bao giờ cảm thấy bối rối hay nổi khùng với bố mẹ mình. Bố mẹ luôn khích lệ tôi tiến về phía trước và làm mọi việc tôi muốn. Ngay cả khi không khen ngợi những kế hoạch của tôi, thì bố mẹ cũng chẳng bao giờ thể hiện thái độ gì ngoài sự cảm thông và ủng hộ. Mẹ tôi thì đặc biệt muốn giúp tôi thực hiện kế hoạch xuất bản Student. Bà còn viết bài, cho thêm tôi tiền tiêu vặt từ khoản bà dành riêng, rồi luôn suy nghĩ về những người mà tôi nên tiếp cận. Có lần tôi nói với mẹ rằng tôi muốn liên lạc với David Frost, mẹ đã dành nhiều tuần lễ để hỏi bạn bè xem họ có biết ai biết về David Frost hay không. Cuối cùng thì công việc của chúng tôi cũng có kết quả đầu tiên: Chúng tôi nhận được bản in thử đầu tiên, một tấm séc trị giá 250 bảng tiền quảng cáo và Gerald Scarfe đồng ý vẽ tranh biếm hoạ và trả lời phỏng vấn chúng tôi. Cuối cùng thì Student từ chỗ chỉ là tia hy vọng mong manh trong trí não tôi đã trở thành một tờ tạp chí thật sự. * Một việc khác cũng biến đổi từ một tia hy vọng loé sáng thành hiện thực, đó là chuyện tình yêu. Thật hạnh phúc khi người yêu đầu tiên của tôi – Rudi là một cô gái Hà Lan và khoẻ mạnh. Vào kỳ học cuối cùng, tôi đã mời Rudi đến Stowe: Cô ấy bí mật dựng một cái lều trong vườn trường. Và trong một tuần hạnh phúc ấy, hằng đêm tôi lén đi vòng qua hồ nước vào vườn, nơi đó Rudi đang nấu đồ ăn bằng một cái lò bé xíu. Chúng tôi nằm ngắm những ngôi sao và cùng nhau nói về việc sẽ làm gì để thay đổi thế giới. Rudi rất ưa thích chính trị thế giới. Cô ấy trở thành “nhà báo nước ngoài” của Student và viết những bài báo về tay khủng bố Baader Beinhof. Sau khi bỏ hầu hết các môn học, trừ môn lịch sử, tôi có thêm nhiều thời gian hơn cho tạp chí Student. Sau đó tôi và Jonny thường đón tàu đi London để phỏng vấn mọi người. Tuy nhiên, tôi vẫn phải thi lấy chứng chỉ trình độ A, trong khi tôi vẫn gặp khó khăn để nhớ những dữ liệu mà với tôi thì rất mơ hồ, vô nghĩa. Tôi đã mua một số sách tư liệu về lịch sử cổ đại, trong đó có đầy đủ thông tin cần thiết về Hy Lạp và La Mã. Để chuẩn bị cho kỳ thi tôi cắt nhỏ những trang sách và nhét đầy các túi quần, áo, thậm chí còn giấu dưới dây quai đồng hồ đeo tay. Khi tôi đọc câu hỏi thi, điều khó nhất lúc đó là nhớ được túi nào có tài liệu liên quan đến câu hỏi. Sau đó thì tôi cũng tìm được, lôi ra khỏi túi quần những tờ giấy còn quăn tít và giữ chặt chúng trong lòng bàn tay trái, bắt đầu chép đúng phần trả lời. Tôi quá bận rộn lo lắng cho Student, đến nỗi chẳng buồn quan tâm mình sẽ đạt chứng chỉ nào. Tôi chỉ muốn rời Stowe để tới London bắt đầu cuộc sống làm báo càng sớm càng tốt. Khi tôi rời Stowe năm 1967, lúc đó tôi gần 17 tuổi, lời chia tay của thầy hiệu trưởng với tôi như sau: “Chúc mừng em, Branson. Tôi nghĩ rằng em sẽ hoặc là vào tù, hoặc trở thành triệu phú”. Lần tiếp theo và cũng là lần cuối cùng tôi nhận được tin từ Stowe đó là sáu tháng sau đó, trong một lá thứ của thầy hiệu trưởng đề ngày 16 tháng Giêng năm 1968: Branson thân mến! Tôi rất vui vì nghe báo chí dành cho em những lời tán dương và tôi cũng rất muốn được nhìn thấy số tạp chí đầu tiên của em. Xin gửi tới em lời chúc mừng và lời chúc tốt đẹp nhất cho tương lai của em! Thầy R Drayson Số đầu tiên tạp chí Student xuất bản vào tháng Một năm 1968. Chương 3: KINH DOANH Ở VIRGINS 1967 – 1970 Cuối kỳ học mùa hè năm 1967, tôi và Jonny-Gems chuyển đến sống trong tầng hầm nhà bố mẹ Jonny ở khu Quảng trường Connaught, ngay gần đường Edward ở London. Chúng tôi tìm mọi cách thuyết phục Vanesa Redgrave thay đổi quyết định, từ chỗ đơn thuần là gửi tới chúng tôi những lời chúc thành công cho tờ Student, đến việc đồng ý trả lời phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn là bước ngoặt đối với chúng tôi, vì chúng tôi có thể sử dụng tên tuổi của bà như một sức hút để kêu gọi thêm cộng tác viên. Khi danh sách cộng tác viên ngày một dài, gồm cả những người quan trọng như David Hockey và Jean-Paul Sarte, thì chúng tôi dễ dàng thuyết phục được một số hãng quảng cáo trên Student, rằng đây là một nơi xứng đáng để họ xuất hiện. Tôi và Jonny sống trong tầng hầm đó suốt mùa hè. Căn phòng tối, ẩm thấp và ít đồ đạc. Chúng tôi trải đệm ngủ ngay trên sàn nhà. Căn phòng nhanh chóng trở nên hỗn độn, khắp phòng vương vãi giấy, cốc cà phê và giấy gói món cá cùng khoai tây chiên. Chúng tôi lúc nào cũng thấy đói. Đôi khi chúng tôi cũng mò lên tầng trên kiếm thức ăn trong tủ lạnh của bố mẹ Jonny. Thỉnh thoảng mẹ tôi cũng bất ngờ xuất hiện trước cửa phòng với một ít đồ ăn nhanh đem cho chúng tôi. “Đồ ăn của Hội Chữ Thập Đỏ đây!” – Bà nói to. “Hai đứa tắm lần gần đây nhất là bao giờ thế?” Có lần mẹ đem đến cho chúng tôi 100 bảng tiền mặt. Mẹ nhặt được một sợi dây chuyền trên đường, gần Shamley Green và đã mang tới đồn cảnh sát. Sau vài tháng không có ai nhận lại sợi dây chuyền, cảnh sát nói mẹ có thể dùng nó. Mẹ biết chúng tôi không có tiền, nên đã đến tận London, bán sợi dây chuyền và đưa tiền cho chúng tôi. Số tiền 100 bảng của mẹ đã giúp chúng tôi thanh toán các hoá đơn điện thoại và bưu phẩm, sống qua được vài tháng. Có lẽ không có số tiền đó, chúng tôi đã sụp đổ rồi. Peter Blake – người rất nổi tiếng vì thiết kế bìa album Sergeant Pepper của nhóm The Beatles, đã vẽ giúp chúng tôi bức tranh về một sinh viên cho số tạp chí đầu tiên. Bìa tạp chí có màu trắng trơn và chỉ hai phần màu đỏ: một là tiêu đề Student; hai là chiếc cà-vạt đỏ của cậu sinh viên. Cùng với việc minh họa trang bìa tạp chí, Peter Blake cũng trả lời phỏng vấn chúng tôi. Anh ấy bắt đầu cuộc phỏng vấn rất hấp dẫn: “Một cô gái đẹp không mặc quần áo – đó là một chủ đề tuyệt vời; và tôi rất hứng thú với chủ đề đó. Đó là một trong những điều, cùng với nghệ thuật phối cảnh và giải phẫu, dạy bạn cách vẽ”. Khi tôi đặt vấn đề về những thuận lợi và thú vị khi trở thành một nghệ sĩ, anh ấy đã chỉ ra những lo ngại về “quyền năng của sinh viên” – vốn đã gây ra tranh cãi thời điểm đó: Tôi không cho là sinh viên cần có thêm quyền lực đối với giáo viên hơn những gì họ đã có. Chỉ có điều là ngay lúc này tôi không thích sinh viên chỉ với tư cách là một nhóm người. Tôi nghĩ họ tự đánh giá bản thân quá cao. Họ nói nhiều và cũng hay phản đối, thậm chí là họ có quá nhiều quyền. Tôi nghĩ ai cũng có thể gặp rắc rối nếu là sinh viên. Sau tất cả mọi thứ, thì sinh viên cũng chẳng còn gì quan trọng – chẳng qua họ cũng chỉ ở đây để học cách làm người lớn thôi. Sinh viên không nhất thiết phải tỏ ra là họ có nghĩa vụ lên tiếng. Có lẽ, chúng tôi còn quá trẻ và cũng không đủ rắn rỏi như những phóng viên chuyên nghiệp, nên một vài cộng tác viên của chúng tôi đã đưa ra những quan điểm gây sốc. Gerald Scarfe miêu tả công việc của ông ta như thế này: “Tôi luôn vẽ – đó là vấn đề nhiệt huyết. Tôi không bao giờ từ bỏ. Đó cũng giống việc ăn uống. Khi tôi có ý tưởng, thì nó phải được thể hiện ra – cũng giống như người bị ốm, một chức năng của cơ thể”. Khi tôi hỏi Dudley Moore nghĩ như thế nào về sinh viên, thì được câu trả lời: “Điều duy nhất tôi ghét nhất ở thế hệ các bạn, đó là tuổi trẻ của các bạn”. Ông từng là một học giả chuyên về đàn phím, nhưng khi tôi đề cập vấn đề nhạc cổ điển, ông ấy lại nói: “Tôi thà tvui đùa với sáu người phụ nữ suốt ngày còn hơn phải ngồi chơi piano”. Mick Jagger và John Lennon cũng đồng ý trả lời phỏng vấn. Cả hai nhân vật này giống như thần thánh đối với giới sinh viên. Student có lời giới thiệu long trọng trước cuộc phỏng vấn Jagger: Mới đây Melody Maker từng viết: “Jagger gần giống như người em trai Karamazov của Dostoyevsky, người mà khi được người em trai giáo huấn rằng nỗi đau cần phải tồn tại, để chúng ta có thể học được thế nào là lòng hào hiệp, thì đã trả lời rằng, nếu một đứa trẻ còn nhỏ mà đã phải học cách chịu đựng để có thể trở nên hiểu biết hơn, thì nó sẽ không bác bỏ sự tồn tại của Chúa, nhưng nó sẽ trả lại một cách tôn kính tấm vé lên thiên đường. Đó là tính cách nổi loạn của Mick Jagger.” Tôi không hình dung được chúng tôi nghĩ gì khi đưa ra lời giới thiệu như vậy. Chỉ là tôi đã không hiểu nó. Tôi bồn chồn trên đường tới nhà Mick Jagger ở Cheyne Walk. Sau đó được Marianne Faithfull chỉ lối vào phòng ngủ, rồi biến mất. Tôi và Mick mỉm cười chào nhau một cách cởi mở, nhưng cả hai đều khó mở lời: Richard Branson (RB): Anh có sẵn lòng trả lời phỏng vấn? Mick Jagger (MJ): Không RB: Vậy tại sao anh lại đề nghị Student phỏng vấn? MJ: Tôi cũng không biết nữa. Tôi có một ý tưởng. Tôi không hay trả lời phỏng vấn. Tôi muốn nói là hiếm khi. RB: Anh có quan tâm chính trị không? MJ: Không RB: Tại sao? MJ: Bởi vì, tôi đã nghĩ về điều đó suốt thời gian dài và đi đến quyết định rằng tôi không có thời gian để làm việc đó và tìm hiểu những điều khác. Ý tôi là khi bạn tham gia chính trị, bạn sẽ bị nó huỷ hoại. RB: Anh có cho rằng con người có thể bị ảnh hưởng bởi âm nhạc? MJ: Hừm, tôi nghĩ cũng có thể có, bởi vì âm nhạc cũng là một trong nhiều thứ khác – nhưng nó lặp đi lặp lại, chỉ một điều lặp đi lặp lại. Nó đi vào bộ não của bạn và ảnh hưởng tới bạn. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi với John Lennon lại là một thứ “cổ điển” nữa. Tôi và Jonny đi cùng nhau. Jonny cố minh hoạ bằng hình ảnh văn học: Jonny Gems (JG): Có ý kiến nhận định rằng bài “A day in the life” (Một ngày bình thường trong cuộc sống) giống như hình ảnh thu nhỏ của Waste Land. John Lennon (JL): Hình ảnh thu nhỏ của gì? JG: Bài thơ của TS Eliot, Waste Land. JL: Tôi không biết bài đó. Thật trớ trêu, buổi phỏng vấn với John Lennon gần như đẩy Student tới bước đường cùng. Sau khi tôi và Jonny gặp anh ta, tôi có ý định hỏi John và Yoko có thể cấp cho tạp chí của chúng tôi một bản thu âm gốc để chúng tôi có thể phát hành kèm Student hay không. Tôi liên lạc với Dereck Taylor, người phụ trách báo chí của nhóm The Beatles. Vào thời điểm đó, The Beatles mới lập Quỹ nghệ thuật Apple, với ý tưởng tài trợ cho các nghệ sĩ và nhạc sĩ có cuộc sống khó khăn. Gần như suốt ngày, Dereck ngồi trong văn phòng ở Savile Row, phỏng vấn hàng dãy dài người tới xin viện trợ, tất cả đều có hàng trăm lý do khác nhau giải thích tại sao The Beatles nên tài trợ cho họ. Anh ấy giống như một vị quản gia của hoàng tộc. Là một người nhẹ nhàng, ân cần, Dereck kiên nhẫn lắng nghe những yêu cầu của họ, dù đó là những điều không tưởng và không thể đáp ứng nổi. Khi tôi nói ý định của chúng tôi, Dereck nhất trí ngay không hề do dự. John và Yoko sẽ rất vui khi cung cấp được cho các bạn thứ gì đó, anh ấy nói vậy. Anh ấy còn giới thiệu tôi với Ron Kass - giám đốc điều hành của Quỹ nghệ thuật Apple và một nhà sản xuất đĩa. Chúng tôi nhanh chóng nhất trí lịch hẹn giao đĩa. Tôi quay lại khu Quảng trường Connaught với một tin tốt lành. Chúng tôi không chỉ có bài phỏng vấn John Lennon, mà còn sắp có được bài hát gốc chưa phát hành của anh. Đây là sẽ là một cuộc tiếp thị tuyệt vời cho Student. Tôi liên lạc với Alan Aldridge, một trong những hoạ sĩ minh họa ăn khách nhất lúc bấy giờ và đề nghị anh ấy thiết kế trang bìa cho tạp chí, để lại một khoảng trắng để gắn đĩa của John. Chúng tôi lên kế hoạch in khoảng 100 nghìn bản tạp chí – số lượng lớn nhất từ trước tới giờ. Ngày nghỉ cuối tuần trôi qua. Nhưng đĩa vẫn chưa được gửi tới. Tôi nóng lòng gọi hỏi Dereck. “Đừng lo, Richard”. Anh ấy nói. “Chúng tôi đang gặp một chút vấn đề. Nhưng tôi hứa, anh sẽ có đĩa”. Thực tế, có lẽ tôi đã không có một thời điểm nào tồi tệ hơn thế để đòi hỏi thiện chí của John. Yoko vừa mất đứa con mà cô ấy mong mỏi; John huỷ hoại sự nghiệp bằng ma tuý; cả hai nằm bẹp tại ngôi biệt thự của họ ở Webridge. Thế là tôi gặp rắc rối. Các kế hoạch của chúng tôi cho số tạp chí đặc biệt bên bờ phá sản. Tôi thất vọng. Lần đầu tiên trong đời, tôi liên lạc với luật sư - Charles Levison - người đã gửi thư cho Dereck và đe doạ sẽ kiện Quỹ nghệ thuật Apple và vợ chồng Lennon vì đã không giữ lời hứa. Ít ngày sau, tôi nhận được cú điện thoại của Dereck. “Hãy đến Quỹ nghệ thuật Apple, Richard. Chúng tôi có vài thứ cho anh.” Dereck nói. Buổi chiều hôm đó, tôi ngồi trong phòng thu dưới tầng hầm, cùng với Charles. Dereck, John và Yoko, nghe bản thu âm họ định đưa cho chúng tôi. Âm thanh lẹt xẹt đi kèm với tiếng đập đều đều – giống như tiếng tim đập. “Đây là cái gì vậy?” – Tôi hỏi. “Đó là tiếng nhịp đập trái tim đứa con của chúng tôi” – John nói. Ngay sau câu trả lời ấy, âm thanh ngừng lại. Yoko khóc nức nở, nước mắt đầm đìa và ôm lấy John. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng trước khi tôi mở miệng nói điều gì, thì qua đôi vai của Yoko, John đang nhìn thẳng vào mắt tôi. “Con tôi đã chết” – John nói. “Và đó là âm thanh im lặng của một đứa trẻ đã chết”. Tôi trở lại với Student, và không biết sẽ phải làm gì. Tôi không thể cho phát hành bản thu âm khoảng khắc có tính riêng tư ấy được. Có thể tôi đã sai, vì như Dereck nói, đó là thứ “nghệ thuật khái niệm” và sẽ trở thành cái riêng của người sưu tập. Chúng tôi buộc phải bỏ bìa đã hoàn tất và thiết kế lại tạp chí. Việc đó tốn phí rất nhiều, nhưng dù sao chúng tôi cũng đồng ý cùng nhau. Tôi cũng từng muốn kiện hai vợ chồng Lennon, nhưng họ cũng có những vấn đề của mình, hơn nữa dù sao họ cũng tôn trọng thoả thuận theo cách riêng của họ, cho dù lúc đó tôi không thể thấy được giá trị của việc làm ấy. Sau khi tranh cãi giữa chúng tôi về chuyện đĩa nhạc chấm dứt, Dereck viết thư cho tôi xin lỗi về tất cả những rắc rối mà tôi gặp phải. Anh ký dưới bức thư của mình bằng dòng chữ: “Tất cả những gì bạn cần là tình yêu…” Jonny đọc lá thư rất cẩn thận. Còn tôi hầu như không đọc. Tôi dường như chưa bao giờ có đủ thời gian. Tôi dành hết thời gian ngày này qua ngày khác để gọi điện thoại, chỉ mong kêu gọi được quảng cáo, thuyết phục cộng tác viên viết bài cho Student, hoặc nhận trả lời phỏng vấn. Suốt cuộc đời tôi, tôi luôn cần một ai đó như một đối trọng để cân bằng, để bù đắp cho sự yếu kém và thúc đẩy điểm mạnh của tôi. Tôi và Jonny trở thành một đội tuyệt vời. Cậu ấy biết ai là người chúng tôi nên phỏng vấn và tại sao. Tôi có khả năng thuyết phục họ đồng ý và sự bướng bỉnh của tôi không bao giờ chấp nhận câu trả lời từ chối. Trong nhiều cuộc phỏng vấn thực hiện cho Student, tôi chỉ đơn thuần là bật máy ghi âm lên và để cho người trả lời phỏng vấn nói những gì họ muốn. Trước cuộc gặp để phỏng vấn chuyên gia tâm lý RD Laing, tôi đã phải tìm đọc cuốn sách bán chạy The Politics of Experience của ông ấy. Cũng giống nhiều người, tôi không nghĩ là mình đã hiểu cuốn sách đó. Tôi hướng microphone về phía ông, còn ông ấy cứ thế nói một mạch trong một tiếng rưỡi đồng hồ trong khi mắt thì nhìn xa xăm về khoảng trần nhà phía trên đầu tôi. Tôi không hề có khái niệm về những gì ông đang liến thoắng; tôi cũng mừng là đã không có một thời gian trống nào để tôi đặt lấy một câu hỏi. Cuối cùng, khi biết chắc ông ấy đã kết thúc bài diễn thuyết, thì tôi nói cảm ơn. Tôi trở về văn phòng và gỡ băng ghi âm. Lúc đó tôi mới biết rằng, những gì ông ấy nói được trích nguyên văn các trang sách trong cuốn The Politics of Experience, không sai lấy một chữ. Sau khi phát hành được một vài số tạp chí, số lượng người tham gia cùng Student đã bắt đầu tăng. Tôi và Jonny đôi khi cũng tới câu lạc bộ đêm và tán gẫu với mấy cô gái. Chúng tôi thậm chí còn có thể mời họ về nhà, chỉ để “uống cà phê”. Nếu họ ở lại qua đêm, thì sáng hôm sau chúng tôi thường đề nghị họ giúp đỡ. Vì một lý do nào đó, họ dường như rất ưu ái chúng tôi. Tin đồn truyền miệng rất nhanh: Những người bạn cũ học cùng trường; bạn của bạn; rồi những người từng đọc tạp chí cũng muốn tham gia. Cứ như thế, tầng hầm như biến thành một đống hỗn độn. Tất cả chúng tôi làm việc không lương, và chỉ sống nhờ vào bất cứ thứ gì tìm được trong tủ lạnh, hoặc ra ngoài ăn món cà ri khoai tây rẻ tiền. Có nhiều người giúp chúng tôi phát hành tạp chí. Ban đầu thì ý tưởng chỉ là họ mang chồng tạp chí đi bán với giá 2/6 xu một tờ, sau đó trả lại cho chúng tôi một nửa số đó, tức 1/3 xu mỗi tờ bán được. Họ có thể trả tiền trước cho chúng tôi cũng được, tuy nhiên điều đó ít khi xảy ra. Tôi chưa bao giờ thật sự lo lắng về doanh thu của Student. Tôi chỉ cố thu đủ tiền để chuẩn bị xuất bản số tiếp theo và thanh toán các hoá đơn. Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu chúng tôi bán được càng nhiều tạp chí, thì tiếng đồn truyền khẩu lan càng nhanh và chúng tôi có thể thu hút được nhiều quảng cáo. Mặc dù khi đó tôi hầu như không nhận ra rằng, ước mơ trở thành nhà báo của mình bắt đầu bị lấn át, thậm chí là bị gạt sang bên lề, bởi sự cấp bách phải giữ cho được tiếng tăm lan truyền của tờ tạp chí. Jonny đảm trách phần biên tập, còn tôi phụ trách mảng kinh doanh và thu hút quảng cáo, in ấn. Việc tôi trở thành một doanh nhân dường như là định mệnh, cho dù nếu có ai đó đề cập một vấn đề gì với tôi, lẽ ra tôi có thể bàn bạc với Jonny. Tôi thật sự không coi mình là một người làm kinh doanh. Doanh nhân là những người đàn ông trung niên, sống trong phố lớn, luôn chịu áp lực từ việc kiếm lợi nhuận. Họ vận những bộ vét lịch sự, có vợ và có trung bình khoảng 2-4 đứa con sống ở vùng ngoại ô. Tất nhiên, chúng tôi cũng muốn kiếm tiền từ Student lắm chứ – chúng tôi cần tiền để tồn tại. Nhưng chúng tôi vẫn coi tạp chí như một doanh nghiệp sáng tạo, hơn là một doanh nghiệp đơn thuần vì lợi nhuận. Sau này, tôi mới biết rằng bản thân kinh doanh cũng mang tính sáng tạo. Nếu bạn xuất bản một tờ tạp chí, bạn cố gắng sáng tạo một cái gì đó nguyên bản, khác biệt trong đám đông, tồn tại mãi và đáp ứng những mục đích lành mạnh. Nhưng hơn tất thảy, bạn muốn tạo ra cái gì đó để bạn tự hào về nó. Điều này luôn là triết lý kinh doanh của tôi. Tôi có thể nói một cách chân thành rằng tôi chưa bao giờ theo đuổi kinh doanh đơn thuần chỉ vì mục đích kiếm tiền. Nếu mục đích đó là động lực duy nhất thì tôi tin bạn không nên theo đuổi kinh doanh. Kinh doanh là phải có ích, có niềm vui, phải khích lệ được khả năng sáng tạo của bạn. Việc xuất bản Student thật sự thú vị. Một ngày, mở trang tạp chí ra qua hệ thống âm thanh hi-fi, chúng tôi bắt gặp tiếng chát chúa đến đinh tai nhức óc của Bob Dylan, The Beatles hay tiếng kèn của ban nhạc The Stone làm rung cả tầng hầm… Khi tôi và Jonny ra ngoài bán từng tờ tạp chí, chúng tôi ăn mừng bằng một tờ tạp chí giá 2/6 xu, mua hai chiếc bánh kẹp nhân thịt bằm, giá 1/3 xu mỗi cái. Một ngày, tôi nhìn qua ô cửa sổ tối tăm của tầng hầm và vẫn thấy hôm ấy đẹp trời. Tôi tắt nhạc, nói với mọi người cần phải đi dạo. Chúng tôi đi lang thang trong Hyde Park và có thể một ai đó dừng lại ở Serpentine và tất cả chúng tôi đi bơi. Tony Mellor là một trong những biên tập viên của chúng tôi và tất cả chúng tôi đều tôn trọng anh ấy, vì anh ấy là một quan chức công đoàn. Tony lớn tuổi hơn chúng tôi và rất am hiểu về chủ nghĩa xã hội. Nếu mọi người tranh luận về cách diễn đạt những tuyên ngôn mang tính chính trị nhiều hơn ở trong tạp chí, tôi bắt đầu nhận ra một bức tranh lớn hơn: đó là quan điểm về sự tồn tại. Theo một cách nhìn nào đó, thì tôi đã trở thành người ngoài cuộc đối với tạp chí. Khi mọi người tranh luận về Timothy Leary, Pink Floyd – những “LSD guru” (người có uy tín lớn trong cộng đồng người Hindu), hay những xu hướng mới nhất về quan điểm của sinh viên, thì tôi lại chỉ lẩn thẩn với mớ giá in ấn, các hoá đơn điện thoại… Tôi chỉ quanh quẩn dành thời gian cho mấy việc gọi điện thoại để thuyết phục những nhân vật có tiếng tăm viết bài cho Student, chỉ vì… tình cảm quý mến nó. Hay tôi phải dành hàng giờ đồng hồ gọi tới, gọi lui cho các công ty, như British Leyland, hay Lloyds Bank, để cố thuyết phục họ quảng cáo trên tạp chí. Nếu không có tiền của họ, Student sẽ sụp đổ. Trách nhiệm đó giúp tôi trưởng thành rất nhanh. Bạn có thể nói tôi trông già so với tuổi của mình. Trong khi người khác có thể vui vẻ ngồi đâu đó suốt buổi tối uống tới say, không cần lo sáng hôm sau sẽ dậy muộn với dư vị đắng ngắt, thì tôi luôn phải ý thức rằng mình cần giữ cho đầu sáng suốt. Bố mẹ tôi và Lindi cũng tới giúp chúng tôi bán tạp chí. Mẹ ôm một chồng tạp chí đứng ở khu Speaker’s Corner ở trong Công viên Hyde Park và giúi vào tay những khách du lịch. Lindi và tôi đi xuống phố Oxfort để bán Student cho bất cứ ai chúng tôi có thể năn nỉ. Có lần tôi và Lindi đang đứng bán tạp chí, một người vô gia cư bước tới chỗ chúng tôi và xin tiền. Chúng tôi không có tiền và thật sự đó cũng là thứ mà chúng tôi đang phải kiếm, nhưng giống như một hành động của người theo chủ nghĩa lý tưởng tôi đã cởi gần như là hết quần áo của mình và đưa cho ông ta. Và thế là tôi đã dành thời gian còn lại trong ngày đi lang thang với một chiếc chăn quấn quanh người. “Thật tội nghiệp ông lão lang thang!” – Bố thốt lên khi nghe hết câu chuyện. “Chuyện đó có thể cho ông ta một bài học nào đó. Những gì ông ta muốn chỉ là một sự thay đổi nhỏ, và kết quả là ông ta đã có được bộ quần áo của con!” Student bắt đầu có được lợi nhuận cao. Và một ngày, kênh truyền hình của Đức đã đề nghị tôi đến nói chuyện tại Đại học Tổng hợp London, cùng với nhà hoạt động Tariq Ali và thủ lĩnh sinh viên Đức – Danny Cohn Bendit. Bài phát biểu nói về quyền của con người. Một đám đông khổng lồ chào đón hai nhân vật cách mạng ấy. Tôi đứng và nghe Danny Cohn-Bendit diễn thuyết hùng hồn, với cả chiều sâu của trí tuệ và tình cảm. Mọi người vây quanh ông ta hò reo tán dương. Sau đó, đến lượt Tariq Ali đứng dậy. Và ông ấy cũng có bài diễn thuyết hết sức thuyết phục. Đám đông lại ào lên, họ hét to hết sức mình, như thể bị sắp rơi xuống địa ngục Bastille. Tôi bắt đầu cảm thấy bồn chồn, nôn nao. Hồi ở trường Stowe, có một tục lệ rất khắt khe. Mỗi học sinh đều phải học thuộc lòng một bài thơ dài và đứng trước lớp đọc. Nếu ai đó chỉ cần mắc lỗi nhẹ, hoặc ngừng một chút khi đọc, thì thầy giáo sẽ “gõ kẻng” ngay lập tức. Thế là bạn phải rời khỏi bục, cùng với những tiếng la ó chế giễu: “Cậu bị gõ kẻng rồi”. Do tôi mắc chứng khó dọc, nên tôi cực kỳ khó khăn khi phải học thuộc lòng một thứ gì đó và vì thế mà tôi thường xuyên bị “gõ kẻng” trong suốt nhiều năm. Lúc tôi theo dõi Tariq Ali và Danny Cohn Bendit đọc bài diễn thuyết, họ truyền đầy cảm hứng cho đám đông và như hút lấy máy quay truyền hình, thì tôi lại có cái cảm giác nôn nao trong bụng giống hệt cảm giác lúc tôi chờ đợi đến lượt để lên đọc bài thơ của Tennyson, dù biết chắc sẽ bị “gõ kẻng” rời bục và inh tai vì những tiếng la ó chế nhạo. Cuối cùng thì Tariq Ali cũng kết thúc bài diễn thuyết. Tiếng reo hò vang lên ầm ĩ. Mọi người tán dương, một số còn nâng ông ấy lên vai họ; các cô gái xinh đẹp dành cho ông những cái vẫy tay đầy ngưỡng mộ, còn máy quay thì luôn hướng về phía ông ấy. Sau đó, một người vẫy tay ra hiệu cho tôi: Đã đến lượt tôi. Tôi bước lên bục và hồi hộp cầm lấy micro. Tôi rất ít khi nói trước đám đông, chứ chẳng dám nghĩ là diễn thuyết nữa. Tôi cảm thấy sợ. Lúc đó, tôi hoàn toàn không có chút ý tưởng là sẽ nói gì. Tôi đã chuẩn bị bài phát biểu, nhưng trước sự chú ý của hàng nghìn vẻ mặt đang chờ đợi hướng về phía tôi giống như hoa hướng dương, thì mọi ý tưởng đã hoàn toàn tan biến. Miệng tôi khô rát, tôi lắp bắp vài từ, rồi mỉm cười mếu máo và chợt nhận ra cảm giác sợ hãi rằng tôi không thể làm được việc đó. Nhưng ở đó không có nơi nào để trốn cả. Tôi ú ớ thêm vài lời cuối cùng, vừa muốn ho, vừa muốn nôn, tôi bỏ micro xuống, nhảy khỏi bục và lủi nhanh vào đám đông an toàn. Đó là một khoảnh khắc lúng túng đáng xấu hổ nhất trong cuộc đời tôi. Thậm chí cho đến tận bây giờ, bất cứ khi nào tôi trả lời phỏng vấn, hay phát biểu, thì tôi lại có cảm giác lo lắng như vậy và tôi buộc phải vượt qua trạng thái xấu hổ tương tự. Nếu nói chuyện về một chủ đề mà tôi hiểu biết chút ít, hoặc thấy hứng thú, thì tôi có thể nói một cách khá trôi chảy. Nhưng khi được đề nghị nói về những gì mà tôi chỉ biết rất ít, tôi trở nên hoàn toàn không thoải mái – và kết quả thấy rõ ngay. Tôi đi đến kết luận rằng tôi sẽ không bao giờ có thể có tất các các câu trả lời suôn sẻ, ngay tức thì, giống như các chính trị gia. Tôi không cố chiến thắng tật lắp bắp và khiếm khuyết của mình bằng việc vội vã đưa ra câu trả lời hoàn hảo. Thay vào đó, tôi chỉ cố đưa ra câu trả lời đúng sự thật. Và nếu có ít thời gian để tìm câu trả lời, tôi hy vọng mọi người sẽ tin tưởng vào một câu trả lời chậm rãi, lưỡng lự, hơn là một câu trả lời nhanh, và quá trơn tru. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Biafra là hai vấn đề hàng đầu vào cuối những năm 1960. Để tờ Student là một tạp chí đáng tin cậy, thì chúng tôi phải cử phóng viên tới những nơi này. Chúng tôi không có tiền để cử phóng viên đến đó, huống hồ là còn phải chi trả cho họ tiền khách sạn, rồi thanh toán tiền phí chuyển bài báo về. Vì thế chúng tôi đành nghĩ cách khác. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ ra một kế: nếu chúng tôi chọn những phóng viên còn rất trẻ tuổi, thì có thể chính họ cũng đã là một câu chuyện. Tôi tới tờ Daily Telegraph và hỏi xem họ có muốn đăng câu chuyện đặc biệt về một phóng viên 17 tuổi tới chiến trường Việt Nam hay không. Thế là họ đồng ý mua bài báo và chi trả cho Julian Manyon – phóng viên của tạp chí Student – để tới Việt Nam. Julian đã tới đó, viết vài bài báo hay về chiến tranh Việt Nam; và nhờ đó anh đã trở thành một phóng viên nổi tiếng của ITN (Kênh tin tức Truyền hình độc lập của Anh – ND). Tương tự, chúng tôi cũng sắp xếp một phóng viên 16 tuổi tới Biafra. Hai câu chuyện đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về thúc đẩy danh tiếng của Student: Chúng tôi có tên tuổi và con người, còn phía bên kia có tiền để tài trợ. Tôi rất hứng thú với chính sách chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vào tháng 10/1968, tất cả nhân viên của Student tham gia cùng với Vanessa Redgrave vào cuộc diễu hành trên Quảng trường Grosvenor, để phản đối bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. Tôi đi bên cạnh Vanessa và Tariq Ali. Cái cảm giác được diễu hành vì một điều gì đó mình tin, cùng với hàng chục nghìn người, thật náo nức. Không khí của đám đông rất hồ hởi, nhưng đồng thời cũng có chút sợ hãi. Bạn có cảm giác, bất cứ lúc nào mọi việc cũng có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Và điều đó đã xảy ra. Khi cảnh sát giải tán đám đông, tôi đã chạy thục mạng. Sau đó, tờ Paris Match có đăng một bức ảnh về cuộc diễu hành. Trong đó, tôi đang khom lưng lao về phía trước cố chạy thoát khỏi quảng trường, trong khi cánh tay viên cảnh sát vươn tới chỉ còn cách vài inch (1inch = 2,54cm Việt Nam) là chộp được tôi. Lúc tham gia diễu hành phản đối chiến tranh Việt Nam, tôi không phải theo hướng cánh tả về các vấn đề, giống như hầu hết những người cùng biểu tình. “Cứ cho là tôi theo phe tả đi” – Tôi trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Guardian. “Và chỉ ở mức độ tôi cho rằng quan điểm của cánh tả lành mạnh và hợp lý”. Xét về khía cạnh chính trị, Student không phải là một tạp chí theo hướng cấp tiến. Cũng không phải do chúng tôi là một tạp chí tầng thấp, kiểu như Oz hay IT. Chúng tôi không chủ trương bỏ ma tuý vào nguồn cấp nước, giống như họ có thể đã làm như thế – mặc dù tôi nghĩ trong văn phòng của chúng tôi cũng có tình yêu tự do, như họ. Tôi cố gắng duy trì cân bằng giữa quan điểm cánh tả và cánh hữu, nhưng những gì tôi hy vọng là sự cân bằng. Tuy nhiên, một số người lại nhìn nhận đó là sự do dự. Nhà văn và nhà thơ Robert Graves viết cho tôi từ Deià, Majorca: Đôi tay của bạn bị trói chặt hơn là Student mong đợi. Trong câu chuyện về Biafra chẳng hạn, bạn không một lần đề cập xem chiến tranh thật sự là gì, trong bối cảnh quốc tế như vậy. Nhưng dù sao cũng vì bạn phải giữ tình bạn hữu với những người “đã qua tuổi ba mươi” và với Big Business Boys – những ông chủ doanh nghiệp lớn, hoặc là vì tạp chí của bạn sẽ không thể sống sót. Đúng thế, nhưng bạn cũng đã làm hết sức mình rồi. Trên thực tế, Big Business Boys không thân thiện như tôi mong đợi. Cuộc vật lộn tìm quảng cáo luôn mang nhiều khó khăn hơn tìm kiếm cộng tác viên. Chúng tôi có thể rất hài lòng vì phỏng vấn minh tinh Bryan Forbes hoặc đăng bài của Gavin Maxwell, nhưng họ không mang lại tiền giúp chúng tôi duy trì xuất bản và phát hành tạp chí. Giá quảng cáo cả trang chúng tôi thu 250 bảng; quảng cáo trên một phần tám là 40 bảng. Thí dụ, sau nhiều cuộc gọi điện thoại không đếm xuể, tôi đã có được 9 công ty nhận quảng cáo trên cả trang cho số tạp chí đầu tiên: J. Walter Thompson, Metal Box, Sunday Times, Daily Telegraph, The Gas Council (tiền thân của hãng British Gas), tạp chí The Economist, Lloyds Bank, Rank Organisation và John Laing Builders. Chín hợp đồng quảng cáo này đem lại cho chúng tôi 2.250 bảng và đã được lọc ra từ danh sách chúng tôi liệt kê khoảng 300 công ty có tiềm năng quảng cáo. Nhưng số tiền đó vẫn áng chừng chỉ đủ trả chi phí in 30 nghìn bản tạp chí của số đầu tiên. Với số vốn ấy tôi mở tài khoản ở Ngân hàng Coutts, nơi gia đình tôi thường giao dịch, tin tưởng là một ngân hàng minh bạch. Chắc tôi là khách hàng duy nhất của họ mà là người “chân đất” và từng đề nghị rút một khoản bội chi trị giá 1.000 bảng. Trong suốt quá trình xuất bản Student, việc chật vật tìm kiếm quảng cáo quả là một cuộc đấu tranh nhiều thăng trầm. Bất chấp mọi nỗ lực của chúng tôi, Student vẫn không mang lại lợi nhuận. Tôi bắt đầu suy nghĩ cách để phát triển tạp chí và quảng bá thương hiệu Student theo hướng khác: một cuộc hội thảo Student; một công ty du lịch Student; một văn phòng nơi ở Student… Tôi không nhìn nhận Student như một sự việc, như kiểu một danh từ. Tôi coi đó là sự khởi đầu của một loạt các dịch vụ, như kiểu một tính từ, một từ mà mọi người có thể công nhận là có những giá trị cốt lõi nhất định nào đó. Vào những năm 1970, tạp chí Student và những gì Student phát triển theo đó là rất hợp thời. Student là một khái niệm linh hoạt và tôi thì muốn khám phá sự linh hoạt, mềm dẻo ấy, để xem tôi có thể thúc đẩy nó đến đâu và có thể đem lại điều gì. Cứ như vậy, dường như tôi bị tách khỏi đám bạn bè, những người chỉ tập trung cao độ vào tạp chí và vấn đề chính trị của sinh viên mà họ muốn khám phá. Dường như là Peter Blake đã đúng khi nói rằng, cuộc cách mạng sinh viên ấy sẽ hết thời và chỉ còn lại sinh viên với chính họ. Tuy nhiên, nếu xem lại các số tạp chí Student xuất bản 30 năm sau đó, tôi rất ngạc nhiên là có rất ít sự thay đổi. Student sau này có những bức biếm hoạ của Nicholas Garland về Edward Heath; và với NiColas Garland thì ông ta vẫn là đề tài biếm hoạ cho tới lúc chết. David Hockey, Dudley Moore và John Le Carré vẫn có những bài hay; còn Bryan Forbes và Vanessa Redgrave, hoặc ít nhất là con cái họ, vẫn xuất hiện trong các bản tin. Cuộc sống dưới tầng hầm giống như mớ hỗn độn, mà ở trong đó tôi đã trưởng thành và phát đạt. Chúng tôi chưa bao giờ có tiền; chúng tôi cũng thật sự bận rộn; nhưng chúng tôi gắn bó với nhau. Chúng tôi làm việc cùng nhau, bởi công việc thú vị, bởi chúng tôi thấy rằng những gì mình đang làm là quan trọng và còn bởi chúng tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời bên cạnh nhau. Có những nhà báo từ các tờ báo quốc gia tìm đến phỏng vấn tôi, chỉ muốn kiểm chứng những lời đồn đại về chúng tôi. Chúng tôi đã tìm cách phô trương để gây ấn tượng với họ. Tôi ngồi bên bàn làm việc, chiếc điện thoại đặt ngay cạnh khuỷu tay. “Xin hoan nghênh các bạn. Mời các bạn ngồi” – Tôi nói và chỉ cho anh chàng nhà báo ngồi xuống chiếc túi nệm vỏ đậu phía đối diện. Trong khi họ cố giữ phẩm giá của mình bằng cách đi lại xung quanh để tìm kiếm một chỗ ngồi thuận tiện, vừa phải gạt những giọt cà phê, những mẩu thuốc lá rơi vãi thì chuông điện thoại reo lên. “Ai đó giúp tôi nghe điện thoại với!” – Tôi nói và hướng sự chú ý tới mấy tay nhà báo. “Còn bây giờ xin mời đặt câu hỏi, các bạn muốn biết gì về Student?” “Ted Heath gọi anh, Richard” – Tony thông báo. “Tôi sẽ gọi lại cho anh ấy sau” – Tôi nói và không ngoảnh đầu lại. “Nào bây giờ xin mời, các bạn muốn biết gì về Student?” Lúc đó, anh nhà báo còn mải ngoái nhìn xem Tony trả lời điện thoại Ted Heath nói rằng, anh ấy xin lỗi vì Richard đang bận họp và anh ấy sẽ gọi lại sau. Chuông điện thoại sau đó lại reo lên lần nữa, Tony tiếp tục nhấc máy. “David Bailey muốn nói chuyện với anh, Richard”. “Tôi sẽ gọi lại sau, à mà anh hỏi xem ông ấy có thể thay đổi lịch hẹn ăn trưa hay không? Tôi phải có mặt ở Pari. Thôi được” – Tôi cười xin lỗi anh nhà báo. “Nào bây giờ xin mời, chúng ta đang đến đâu rồi nhỉ?” “Tôi chỉ muốn hỏi anh…” Chuông điện thoại lại reo. “Tôi xin lỗi vì ngắt lời” – Tony nói. “Nhưng Mick Jagger muốn nói chuyện với anh và anh ấy nói có việc rất gấp”. “Cho tôi xin lỗi một phút” – Tôi nói và miễn cưỡng nhấc ống nghe. “Xin chào, Mike. Khoẻ, cảm ơn, còn anh? Thế à? Một bài báo đặc biệt à? Vâng, nghe thú vị đấy…” Tôi cứ thế tiếp tục nói cho tới khi Jonny đứng trong trạm điện thoại công cộng phía đối diện không thể nhịn cười được, còn sau đó là tiếng bíp bíp kéo dài… “Tôi xin lỗi” – Tôi nói với anh nhà báo. “Có một số vấn đề nảy sinh và chúng tôi phải giải quyết gấp. Chúng ta kết thúc ở đây nhé?” Anh nhà báo ra về hết sức ngạc nhiên. Anh ta đi ngang qua Jonny và chuông điện thoại ngừng reo. Các nhà báo đã hoàn toàn mắc câu của chúng tôi: “Nhiếp ảnh gia, nhà báo, nhà văn từ các báo khắp thế giới dường như đều hỗ trợ Student” – tờ Sunday Telegraph viết. “Và mạng lưới tổ chức phát hành tự nguyện khổng lồ đang phát triển ở khắp các trường phổ thông và đại học, giúp hơn nửa triệu sinh viên đọc tạp chí này”. Tờ Observer viết: “Một số lượng ấn tượng các cộng tác viên hàng đầu. Phạm vi không hạn chế”. Còn tờ Daily Telegraph thì viết: “Dường như Student – ấn phẩm thu hút nhiều nhà văn nổi tiếng – sẽ trở thành một trong những tạp chí có số lượng phát hành lớn nhất cả nước”. Đến mùa thu năm 1968, bố mẹ Jonny đã quá ngán ngẩm với việc gần 20 thanh niên chen chúc trong tầng hầm nhà mình, nên đã đề nghị chúng tôi tìm nơi khác sống. Chúng tôi chuyển tới số 44, phố Albion, cũng ở góc Quảng trường Connaught. Jonny thì bỏ việc để quay lại trường thi lấy bằng A. Cậu ấy cảm thấy có lỗi khi bỏ tôi, nhưng cậu ấy bị ép phải tiếp tục học tập. Bố mẹ cậu ấy lo ngại nếu chỉ làm việc cho một tạp chí nhỏ, trong tầng hầm nhà họ như vậy, thì khó có thể là một bệ phóng vững chắc để sau này có thể kiếm được nhiều tiền. Không có Jonny, tờ Student gần như suy sụp. Có quá nhiều việc tôi phải làm, không có ai khác mà tôi có thể tin tưởng để giúp tôi. Một vài tuần sau đó tôi đề nghị Nik quay lại giúp. Nik đã kết thúc kỳ học ở Ampleforth, nhưng lại sắp đến Brighton học ở Đại học Sussex. Cậu ấy đồng ý hoãn lại việc học đại học và trở lại giúp Student. Với sự trở lại của Nik, Student đã trở lại quỹ đạo bình thường. Cậu ấy bắt đầu kiểm soát tiền và sử dụng tài khoản của chúng tôi ở Ngân hàng Coutts rất hợp lý. Cậu ấy viết séc và kiểm soát chặt chẽ các cuốn biên lai ngân hàng. Nik bị mất một chiếc răng cửa và với mái tóc đen, dài, trông cậu ấy thật đáng sợ. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ tránh được nợ nần. Cái cộng đồng mà từng bị bó chân bó cẳng trong tầng hầm nhà Jonny, nay đã được mở rộng, ở trong một căn nhà mới. Mọi người tự ngăn phòng làm việc riêng, đã có đệm ngồi. Hầu hết nhân viên của Student trong độ tuổi 19 – 20 tuổi. Người ta bàn nhiều đến tình yêu tự do và cũng nhiều người thực hiện điều đó. Tôi lắp một cái giường rộng tận trên tầng thượng, điện thoại thì móc dây vào ban công. Có ngày tôi đã làm việc ngay trên chiếc giường ấy. Tôi lấy tên bố mẹ để đặt cho ngôi nhà, nhằm tránh để chính quyền địa phương biết rằng chúng tôi đang kinh doanh ở đó. Bố mẹ tôi rất thích sự sôi động của nghề làm báo. Dù làm nghề luật sư, tóc cắt ngắn gọn gàng, ăn vận lịch sự và thường đi lễ nhà thờ vào các ngày Chủ nhật, nhưng bố và cả mẹ tôi đều không cảm thấy khó chịu, hoặc gặp trục trặc gì khi tiếp xúc với những người để tóc dài ngang lưng, không cạo râu, hoặc không tắm trong cả tháng trời. Lindi đến sống ở phố Albion sau mỗi kỳ học và thỉnh thoảng trong các kỳ nghỉ. Nó cũng giúp phát hành Student, nó yêu một số chàng trai làm việc cho tạp chí. Tôi có mối quan hệ ngắn ngủi với Debbie, một cô gái sống ở phố Albion và làm việc cho tạp chí. Một ngày, cô ấy nói với tôi rằng có ấy có thai. Cả hai chúng tôi đều sốc và thấy rằng đứa bé ấy là điều cuối cùng chúng tôi có thể đối phó. Debbie quyết định phá thai. Sau một vài cuộc nói chuyện điện thoại, chúng tôi thấy rằng mọi chuyện rất khó thu xếp. Debbie không thể đến phá thai ở Trung tâm dịch vụ Sức khoẻ Quốc gia, nếu cố ấy không chứng minh được các triệu chứng tâm lý hoặc gặp phải những vấn đề về sức khoẻ. Chúng tôi gọi điện khắp các bệnh viện để cố tìm xem có cách nào giải quyết việc này. Khi tìm được một bác sĩ tư nhân có thể giúp chúng tôi, thì được biết là phải tốn tới 400 bảng – một số tiền lớn mà chúng tôi không có. Tôi dùng hết mưu mẹo của mình và cuối cùng cũng tìm được một bác sĩ ở Birmingham, bà ấy nói sẽ thu xếp phẫu thuật, với giá chỉ 50 bảng. Sau vụ phẫu thuật, tôi và Debbie nhận ra rằng, cần phải có một chủ thể nào đó dành cho những người trẻ tuổi gặp phải vấn đề tương tự, mà không có nơi nào giúp đỡ. Chắc chắn là sẽ tốt hơn, nếu có một số điện thoại mà bạn có thể gọi tới để được tư vấn giới thiệu tới đúng bác sĩ. Không chỉ có việc mang thai ngoài ý muốn, mà còn có nhiều vấn đề khác: Điều gì xảy ra khi bạn cần giúp đỡ về tư vấn tâm lý, hoặc mắc bệnh hoa liễu, nhưng sợ công khai điều đó với bác sĩ gia đình của mình? Chúng tôi vẽ ra một danh sách dài các loại vấn đề mà sinh viên gặp phải và quyết định phải làm một điều gì đó. Chúng tôi sẽ thông báo số điện thoại của mình, lập danh sách các bác sĩ tốt nhất và chờ đợi xem có ai gọi đến không. HÃY CHO CHÚNG TÔI BIẾT VẤN ĐỀ LÀM BẠN ĐAU ĐẦU, đó là khẩu hiệu của Trung tâm Tư vấn Sinh viên. Chúng tôi phát tờ rơi dọc phố Oxford quảng cáo cho Student. Sau đó bắt đầu có các cuộc điện thoại gọi tới. Nhiều bác sĩ, cả của Sở dịch vụ Y tế Quốc gia và bác sĩ tư nhân, đã đồng ý cấp dịch vụ miễn phí hoặc với chi phí thấp nhất, vì thế chúng tôi đã xây dựng được mạng lưới các nhà chuyên môn mà chúng tôi có thể giới thiệu cho mọi người. Phần nhiều cuộc gọi tới là về vấn đề mang thai ngoài ý muốn và tránh thai, nhưng chúng tôi cũng là một trung tâm thầm kín dành cho những người đồng tính nam và nữ. Rất nhanh chóng, họ không chỉ quan tâm tới việc xin tư vấn từ chúng tôi, mà còn qua đó tìm cách để gặp gỡ nhau, thổ lộ những điều khó khăn đối với người đồng tình để sống một cuộc sống bình thường. Trung tâm Tư vấn Sinh viên bắt đầu ngốn thời gian nhiều hơn tạp chí Student. Tôi phải tiếp chuyện hàng giờ đồng hồ vào lúc ba giờ sáng để tư vấn cho các cô gái trẻ mang thai về những bác sĩ dễ gần nhất để họ có thể gặp và nói chuyện. Tôi viết thư cho những người đang sợ hãi vì họ đã mắc bệnh qua đường tình dục, nhưng không dám nói với cha mẹ, hoặc đi gặp bác sĩ… Và với số thời gian ít ỏi còn lại, tôi dành cho việc điều hành tạp chí. Một trong những vấn đề lớn nhất chúng tôi phải giải quyết, đó là hầu hết thanh thiếu niên đều không thể thổ lộ những điều tế nhị, bí mật với cha mẹ mình. Sau khi nghe câu chuyện của những người đến với trung tâm, tôi mới hiểu rằng tôi thật sự may mắn và hạnh phúc khi có mối quan hệ tốt với bố mẹ mình. Họ chưa bao giờ phán xét tôi, luôn ủng hộ tôi, luôn khích lệ khi tôi làm điều tốt, nhiều hơn là chỉ trích những việc làm chưa tốt của tôi: Tôi không hề sợ hãi khi thừa nhận những vấn đề, nỗi lo sợ hay sự thất bại của mình. Công việc của chúng tôi là cố gắng giúp đỡ những người đang gặp rắc tối, nhưng không có nơi nào để tìm tới chia sẻ. Hoạt động của cả Trung tâm Tư vấn Sinh viên và tạp chí Student khiến cuộc sống trên phố Albion trở nên bận rộn, số lượng người ra vào ngôi nhà của chúng tôi, vào mọi thời điểm, cả đêm lẫn ngày, khiến hàng xóm của chúng tôi phát điên lên. Do những lời kêu ca, phàn nàn của những người hàng xóm, chúng tôi đã phải đón tiếp thường xuyên các cuộc viếng thăm của thanh tra viên nhà thờ tới kiểm tra công việc chúng tôi kinh doanh. Các cuộc viếng thăm này thường được thông báo 24 giờ trước khi tiến hành kiểm tra, nên ngay khi nhận được thông báo thì toàn bộ nhân viên Student và mẹ tôi ngay lập tức bắt tay vào “vai diễn”. Tất cả điện thoại giấu vào tủ chén, bàn ghế và đệm được phủ ga. Nhân viên Student lấy thùng sơn và chổi ra, bắt đầu sơn lại tường nhà. Mẹ cũng đến, cùng với Lindi và con bé Vanessa lúc đó mới 8 tuổi và tay cầm đầy đồ chơi. Khi những viên thanh tra nhà thờ tới thì sẽ chứng kiến cảnh tượng: những tay thợ sơn hoà nhã đang vui vẻ trang trí lại căn nhà, đồ dùng nội thất được che đậy kỹ càng, trong khi một bà mẹ và những đứa con đang bận rộn ở tầng trên. Cô con gái nhỏ thì đang nghịch đồ chơi, trong khi Lindi và tôi cũng mải mê chơi cờ Monopoly. Nếu Vanessa tỏ vẻ muốn biết chuyện gì đang diễn ra, thì ngay lập tức mẹ đuổi mọi người ra khỏi phòng, nói rằng đã đến lúc Vanessa cần đi ngủ. Những viên thanh tra của nhà thờ nhìn cảnh tượng đó chắc chắn nghĩ tới một bầu không khí gia đình hạnh phúc và nghi ngờ những lời đồn đại. Họ gật gù và khen Vanessa là một cô bé đáng yêu, rồi ngồi uống trà và nói chuyện vui vẻ với mẹ. Khi họ ra khỏi nhà và đi khuất xuống phố, mẹ quay lại; chúng tôi cất cờ Monopoly, kéo những tấm ga phủ ra, cắm lại điện thoại và quay trở lại làm việc bình thường. Mọi chuyện kết thúc sau lần viếng thăm tai hoạ ấy, khi chúng tôi quên không ngắt dây nối điện thoại. Đó là lần kiểm tra thứ 5 của các viên thanh tra và họ có nhiệm vụ phải tìm ra một điều gì đó. Họ đã ở trong nhà tôi, ngồi uống trà rất lâu và chỉ trước lúc họ chuẩn bị đứng lên ra về, thì hai hồi chuông điện thoại reo lên trong tủ chén. Tất cả ngồi im lặng. “Hình như có tiếng gì đó” – Tôi ứng biến ngay lập tức. “Mọi người có nghe thấy tiếng điện thoại reo không? Tường nhà mỏng quá, đến nỗi chúng ta có thể nghe thấy mọi thứ từ nhà bên cạnh!”. Viên thanh tra lao về phía trước và kép mạnh cánh tủ chén. Năm chiếc điện thoại, một bộ tổng đài và một mớ dây. Một gia đình dù lớn đến mấy thì cũng không cần tới một tổng đài điện thoại như vậy. Thế là mọi chuyện kết thúc tại ngôi nhà số 44 phố Albion. Vanessa với đống búp bê và đồ chơi của cô bé được đưa trở lại Shamley Green; Lindi và tôi gói ghém lại bộ cờ Monopoly. Tạp chí Student lại phải đi tìm một nơi khác để làm văn phòng. Chúng tôi sục sạo tìm kiếm quanh khu vực nhà cũ để tìm nơi để thuê. Cuối cùng, Đức cha Cuthbert Scott đã giúp chúng tôi. Người rất thích công việc của Trung tâm Tư vấn Sinh viên và đã cho phép chúng tôi sử dụng khu hầm mộ trong Nhà thờ St. John, ngay gần đường Bayswater, làm văn phòng mà không phải trả tiền thuê nhà. Tôi đặt một tấm đá phiến ngang qua hai nấm mộ để làm bàn làm việc, còn mọi người cũng tự thu xếp cho mình chỗ ngồi. Chúng tôi cũng thuyết phục được một kỹ sư của bưu điện tới nối đường dây điện thoại, mà không cần phải đợi sau ba tháng như quy định. Chẳng bao lâu, không ai trong chúng tôi còn cảm giác đang làm việc trong ánh sáng yếu ớt ở khu hầm mộ, xung quanh là những bia đá và nấm mồ lạnh lẽo. Tháng 11/1969, có hai cảnh sát mặc thường phục từ đồn cảnh sát Marylebone tới viếng thăm chúng tôi. Họ tới để nhắc nhở tôi về Đạo luật về quảng cáo thiếu đứng đắn và Đạo luật các bệnh qua đường tình dục năm 1917; và quả thật là tôi không biết tới đạo luật đó. Họ nói với tôi rằng, việc quảng cáo bất cứ sự giúp đỡ hoặc cứu chữa bệnh liên quan đến tình dục là bất hợp pháp. Các luật này thông qua nhằm ngăn cản các thầy thuốc “lang băm” lợi dụng số lượng lớn những người đến chỗ họ để tìm các biện pháp chữa trị thiếu hiệu quả, nhưng đắt đỏ, đối với các bệnh qua đường tình dục. Tôi biện hộ rằng tôi chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn và rằng tôi đã giới thiệu những người mắc bệnh hoa liễu đó tới những bác sĩ có chuyên môn thích hợp tại bệnh viện St.Mary. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn cương quyết: Nếu Trung tâm Tư vấn Sinh viên tiếp tục đề cập một cách công khai các từ “bệnh lây truyền qua đường tình dục”, thì tôi sẽ bị bắt và có thể phải lĩnh án tù hai năm. Một tuần trước vụ việc trên, chúng tôi đã phát hiện và khiến một cảnh sát của Đồn Marylebone bị truy tố về tội đã gài ma tuý vào một trong những khách hàng của Trung tâm Tư vấn Sinh viên. Viên cảnh sát đó đã bị sa thải. Và vì thế, tôi nghi ngờ chuyến viếng thăm của cảnh sát có liên quan vụ này. Tôi đã rất ngạc nhiên tại sao cảnh sát lại viện dẫn một đạo luật rất ít người biết đến để cáo buộc chúng tôi vi phạm. Chúng tôi kịp thời sửa đổi đề cập các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong tờ rơi mà chúng tôi phân phát khắp London và bắt đầu gọi đó là “bệnh xã hội”. Sau đó, chúng tôi nhận được số lượng lớn các đề nghị từ khách hàng là những người mắc bệnh, kể cả bệnh trứng cá. Còn số lượng người gọi tới nhờ giúp đỡ về bệnh hoa liễu giảm từ 60 người một tuần, xuống còn 10 người. Chúng tôi nhận ra rằng, cảnh sát đang lừa dối và rằng việc giúp đỡ 50 người còn lại mỗi tuần cũng đáng để thách thức lời đe doạ của cảnh sát. Chúng tôi lại nói về bệnh hoa liễu trong tờ rơi. Nhưng chúng tôi đã sai. Cảnh sát trở lại khu hầm mộ một lần nữa vào tháng 12/1969; và tôi đã bị bắt. John Mortimer – luật sư từng nổi tiếng vì đã ủng hộ sự nghiệp chủ nghĩa tự do khi bào chữa cho tạp chí Oz và về những nỗ lực bào chữa trong vụ án Lady Chatter’s Lover, đã nhận lời bào chữa cho tôi. Ông ấy cho rằng, đạo luật đó là lố lăng và những viên cảnh sát thì đầy lòng hận thù. Ông ấy nhắc tôi nhớ rằng, ở mỗi phòng vệ sinh công cộng đều có dán trên cánh cửa bên trong thông báo của chính quyền, đưa ra lời khuyên cho những người mắc các bệnh qua đường tình dục. Nếu tôi bị kết tội, thì chính quyền cũng bị kết tội. Tôi bị truy tố với hai tội danh: theo Đạo luật quảng cáo thiếu đứng đắn năm 1889, trong đó cấm các quảng cáo về “nội dung tục tĩu, khiếm nhã” và coi bệnh lậu và giang mai là thiếu đứng đắn; và theo Đạo luật các bệnh qua đường tình dục năm 1917, trong đó cấm các quảng cáo đưa ra liệu pháp chữa trị hoặc tư vấn, hoặc đề cập đến các từ “bệnh qua đường tình dục”. Trong phiên xét xử đầu tiên ngày 8/5/1970, tại Toà án Marylebone Magistrates, Tom Driberg – Nghị sĩ của Công đảng nhiệm kỳ tới hết năm 1974 – đã thay mặt tôi đưa ra lời biện hộ. Chad Varah – người sáng lập của Samaritans – cũng đưa ra bằng chứng cho biết đã có bao nhiêu người được Trung tâm Tư vấn Sinh viên giới thiệu tới tổ chức từ thiện của ông. Luật sư John Mortimer đưa ra lập luận cho rằng, nếu tôi bị kết tội, thì không có lựa chọn nào khác tôi sẽ đòi truy tố chính phủ và các nhà chức trách địa phương, vì họ đã cho đăng thông báo công khai tại các nhà vệ sinh công cộng. Quan toà đã bác bỏ cáo buộc theo Đạo luật các bệnh qua đường tình dục, với lập luận rằng Trung tâm Tư vấn Sinh viên đã không tiến hành chữa bệnh cho mọi người mà chỉ tư vấn giới thiệu họ tới các bác sĩ có chuyên môn đúng đắn. Ông quyết định ngừng phiên xét xử, cho tới ngày 22/5. Trong lúc phiên toà đang tiến hành xét xử, thì các con số thống kê mới công bố cho thấy số người mắc các bệnh qua đường tình dục đã tăng với tốc độ ghê gớm trong năm vừa qua, mức kỷ lục của thời hậu chiến tranh. Lady Birk – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục sức khoẻ, đã sử dụng những con số thống kê nói trên và vụ việc của tôi để nhằm cố gắng thông qua sửa đổi Đạo luật quảng cáo thiếu đứng đắn năm 1889 tại Thượng viện. “Thật buồn cười khi những đạo luật lỗi thời lại ngăn cản những nỗ lực đầy tinh thần trách nhiệm để ngăn chặn sự lây lan đáng sợ của các bệnh nghiêm trọng này” – Bà nói. Đến phiên xét xử thứ hai tại toà, một số tờ báo đã lên tiếng, tuyên bố mỉa mai rằng, việc tôi đang bị truy tố thật là ngu xuẩn. Đã xuất hiện một phong trào mạnh mẽ đòi sửa đổi luật. Vị thẩm phán đã miễn cưỡng tuyên tôi có tội theo các điều khoản hà khắc của đạo luật, nhưng cũng tỏ rõ quan điểm của ông ấy cho rằng đạo luật đó là vô lý, khi chỉ tuyên phạt tôi 7 bảng, một hình phạt thiếu hẳn điều khoản phạt tù hai năm, như cảnh sát từng đe doạ tôi. John Mortimer đã tuyên bố với giới báo chí bên ngoài phiên toà rằng, ông kêu gọi thay đổi đạo luật phi lý đó, nếu không chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đòi truy tố chính phủ vì đã đề cập bệnh hoa liễu trên các cánh cửa ở nhà vệ sinh công cộng. Báo chí đã hợp lực đứng sau chúng tôi. Còn những yêu cầu sửa đổi luật của Lady Birk đã có mặt trong kế hoạch xây dựng luật của chính phủ trong kỳ họp tiếp theo của Nghị viện. Bộ trưởng Nội vụ Rinald Maulding đã gửi thư riêng cho tôi, xin lỗi về việc truy tố vừa qua. Vụ xét xử tại toà ấy đã để lại cho tôi một bài học: dù tôi còn trẻ, mặc quần jeans và có rất ít tiền, nhưng tôi không cần phải sợ hãi trước sự bắt nạt của cảnh sát hay các thể chế. Nhất là khi tôi có một luật sư giỏi. Vào một ngày năm 1970, tôi trở lại bàn làm việc và biết rằng Nik đã ngồi vào đó. Vô tình cậu ta đã để quên bản thảo nháp viết cho nhân viên. Đó là kế hoạch loại tôi khỏi vị trí nhà sản xuất và biên tập, chiếm quyền kiểm soát tài chính và biên tập của Student và biến tạp chí thành một tổ chức hợp tác. Tôi sẽ trở thành một trong những thành viên và mọi người sẽ chia sẻ phần bình đẳng trong việc định hướng biên tập của tạp chí. Tôi thật sự sốc. Tôi đã nghĩ rằng người bạn thân nhất của tôi đã phản bội tôi. Dù sao thì Student là ý tưởng của tôi và Jonny. Chúng tôi đã khởi sự nó khi còn học ở Stowe, rồi vượt qua tất cả khó khăn để chúng tôi xuất bản được. Tôi biết tôi muốn gì ở Student và dường như với tôi thì mọi người đều thoải mái khi làm việc ở đây. Tất cả chúng tôi đều nhận lương bằng nhau, nhưng tôi nhất định phải là tổng biên tập và nhà sản xuất, vì thế tôi phải là người ra quyết định. Tôi nhìn một lượt khắp mọi người đang làm việc. Tất cả họ đang cúi đầu xuống bàn. Tôi nghi ngờ, có bao nhiêu người trong số họ tham gia kế hoạch này. Tôi đút tờ giấy nháp vào túi quần. Khi Nik trở lại, tôi đứng phắt dậy: “Nik”- Tôi nói. “Cậu có thể ra ngoài nói chuyện với tớ một chút không?” Tôi định tìm cách riêng của mình để tháo gỡ khủng hoảng này. Nếu Nik đã vận động được sự ủng hộ của khoảng 10 người khác, thì sẽ khó cho tôi để có thể ngăn họ lại. Nhưng nếu họ vẫn chưa quyết định, thì tôi có thể tách Nik và số còn lại, sau đó loại bỏ Nik. Tôi buộc phải đặt tình bạn sang một bên và bằng mọi cách dẹp bỏ vụ này. “Nik” – Tôi nói khi bước xuống phố. “Một số người nói với tôi rằng họ không hài lòng lắm với những gì cậu đang lên kế hoạch. Họ không thích ý tưởng đó, nhưng họ quá sợ khi nói thẳng vào mặt cậu”. Nik tỏ vẻ sợ hãi. “Tôi không nghĩ rằng việc cậu ở lại đây sẽ tốt” – Tôi tiếp tục. “Cậu đang cố nhấn chìm tôi và cả tờ Student. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên giữ lại tình bạn, nhưng tôi không nghĩ rằng cậu có thể ở lại đây thêm nữa”. Tôi cũng không biết làm thế nào tôi lại có thể nói những lời đó mà mặt không hề đỏ gay và giọng nói không hề rít lên. Nik nhìn xuống chân. “Tôi xin lỗi, Ricky” – Cậu ta nói. “Chẳng qua tôi nghĩ đó có thể là cách tốt để tổ chức lại công việc của chúng ta…”– Cậu ta phân trần. “Tôi cũng xin lỗi cậu, Nik à” – Tôi khoanh tay lại và nhìn thẳng vào cậu ấy. “Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở Shamley Green vậy, còn Student là cả cuộc sống của tớ”. Nik rời đi ngay hôm đó. Tôi nói với mọi người rằng tôi và Nik có bất đồng về việc điều hành Student và rằng họ có thể tự do lựa chọn ở lại hoặc ra đi, nếu họ muốn. Tất cả họ đồng ý ở lại cùng tôi. Và thế là cuộc sống ở khu hầm mộ lại tiếp tục mà không có Nik. Đó là mối bất hoà đầu tiên tôi gặp phải. Dù tôi thấy rất đau lòng, nhưng tôi biết tôi phải đối mặt với nó. Tôi rất ghét phê phán những người cùng làm việc với mình và tôi luôn cố tránh điều đó. Kể từ đó, tôi luôn tìm cách tránh gặp phải những vấn đề xuất phát từ việc phải yêu cầu ai đó thôi việc. Tôi thừa nhận đây là một điểm yếu, nhưng đơn giản chỉ vì tôi không thể đối mặt với nó. Nik là người bạn thân nhất của tôi và tôi thật sự mong muốn cậu ấy sẽ mãi như vậy. Lần tôi về thăm Shamley Green, tôi đã đi tìm Nik. Tôi thấy cậu ấy đang ăn bánh mẹ làm. Chúng tôi ngồi cạnh nhau và vội vàng ăn hết chiếc bánh. Ngoài việc là người bạn lâu năm nhất của tôi, Nik còn là người chịu trách nhiệm việc phát hành tạp chí và cậu ấy đã làm việc đó rất tốt. Tôi đã để mất cậu ấy. Trước khi Nik làm việc cho tôi, việc phát hành tạp chí chỉ lẻ tẻ, với những chồng tạp chí được chuyển qua những tình nguyện viên ở các trường phổ thông và đại học. Trong hơn một năm điều hành Student không có Nik, chúng tôi xuất bản được bốn số. Khi Nik nói với tôi rằng, cậu ấy muốn ứng cử trong cuộc bầu cử của sinh viên ở Đại học Sussex, tôi đã nhờ mối quan hệ làm ăn của Student với các nhà in, để xuất bản một loạt tờ quảng cáo vận động bầu cử cho Nik. Nik đã thắng cử, nhưng sau đó lại bị loại, bởi vì cậu ấy đã sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài trong chiến dịch vận động bầu cử. Một điều tôi phát hiện ra là mọi người đến làm việc hoặc giao dịch với chúng tôi đều dành nhiều thời gian nghe nhạc và tiền để mua đĩa nhạc. Chúng tôi luôn mở nhạc lúc làm việc; và mọi người thường đi tìm mua đĩa mới nhất của Rolling Stones, Bob Dylan, hay Jefferson Airplane, ngay trong ngày đầu tiên phát hành. Ở đó có sự sôi nổi, lòng say mê âm nhạc khác thường: âm nhạc là chính trị; là sự nổi loạn; nó tổng hợp những giấc mơ của thế hệ trẻ về sự thay đổi thế giới. Và tôi cũng nhận thấy rằng, một người không bao giờ nghĩ sẽ chi 40 si-linh để mua một bữa ăn, thì cũng sẽ do dự khi dành 40 si-linh để mua đĩa nhạc mới nhất của Bob Dylan. Những đĩa nhạc càng khó hiểu bao nhiêu, thì giá càng đắt và càng được trân trọng bấy nhiêu. Quan điểm đó làm tôi càng quan tâm tới việc kiếm tiền không chỉ để tiếp tục bảo đảm thành công của Student và Trung tâm Tư vấn Sinh viên, mà còn đặt tôi trước một cơ hội kinh doanh rất thú vị. Khi tôi biết rằng, dù chính phủ đã bãi bỏ Hiệp định về duy trì giá bán lẻ, nhưng không một cửa hàng nào bán đĩa hạ giá. Tôi bắt đầu nghĩ tới việc thành lập một doanh nghiệp phân phối đĩa nhạc. Số nhân viên làm việc cho Student đã lên khoảng 20 người và tất cả chúng tôi vẫn sống cùng nhau ở số 44 phố Albion và làm việc dưới khu hầm mộ. Tôi suy nghĩ về những đĩa nhạc giá cao và về những người mua tạp chí Student và thắc mắc rằng liệu chúng tôi có thể quảng cáo và bán giá rẻ đĩa đặt hàng qua thư, thông qua tạp chí hay không. Sau khi quyết định, quảng cáo đầu tiên cho việc bán đĩa đặt hàng qua thư đã được đăng trên số cuối cùng của Student. Không có Nik điều hành việc phát hành Student làm chúng tôi lúng túng, nhưng dịch vụ bán đĩa giá rẻ đã mang lại rất nhiều đơn đặt hàng và số tiền nhiều chưa từng có cho chúng tôi. Chúng tôi quyết định đặt tên mới cho việc kinh doanh đặt hàng qua thư: một cái tên phải thật bắt mắt, có thể đứng độc lập và thu hút sự chú ý không chỉ của sinh viên. Chúng tôi ngồi trong khu hầm mộ của nhà thờ và cố gắng lựa chọn một cái tên ưng ý nhất. “Trật Đĩa khớp” là một trong những gợi ý được nhiều người ưa thích. Chúng tôi bàn tán một lúc, cho tới khi một nhân viên nữ cúi người về phía trước nói: “Tôi biết rồi” – Cô ấy nói. “Thế Virgin (Trinh nguyên) thì sao? Chẳng phải chúng ta hoàn toàn nguyên sơ trong loại hình kinh doanh này à”. “Và quanh đây thì cũng không còn nhiều ‘trinh nguyên’ nữa” – Một cô gái khác cười phá lên. “Cũng thú vị nếu chúng ta có một sự ‘trinh nguyên’ ấy trong tên doanh nghiệp”. “Tốt” – Tôi quyết định ngay lập tức. “Nó sẽ là Virgin – Trinh nguyên”. Chương 4: “TÔI SẴN SÀNG THỬ NGHIỆM BẤT CỨ ĐIỀU GÌ” 1970 – 1971 Và thế là Virgin ra đời. Nghĩ lại những tên khác nhau chúng tôi lựa chọn để đặt, tôi nghĩ mình đã có quyết định đúng. Tôi không chắc là Slipped Disc Airways, Slipped Disc Brides hay Slipped Disc Conndoms đều có sức hấp dẫn giống nhau. Kết quả nghiên cứu thị trường của chúng tôi đã chứng minh điều đó đúng: Sinh viên thường dành khoản tiền đáng kể để mua đĩa nhạc và họ không thích phải trả 39 si-linh ở WH Smith, trong khi họ biết rằng họ có thể mua của Virgin với giá chỉ 35 si-linh. Chúng tôi bắt đầu phát tờ rơi quảng cáo về dịch vụ Đặt hàng mua đĩa qua thư Virgin, khắp đường phố Oxfort và bên ngoài các buổi biểu diễn, hoà nhạc. Thư hằng ngày tăng dần, có tới cả bao tải đầy thư. Một trong những thuận lợi nhất của việc đặt hàng qua thư với chúng tôi đó là khách hàng gửi tiền trước: Việc này cấp vốn cho chúng tôi để mua đĩa. Tài khoản ngân hàng của tôi ở Coutts bắt đầu có nhiều tiền. Khi dịch vụ Đặt hàng qua thư Virgin lớn mạnh, tôi bán tờ Student cho một công ty xuất bản khác. IPC Magzines là khách hàng quan tâm duy nhất. Và chúng tôi đã có những cuộc thương lượng kéo dài, đỉnh điểm là cuộc gặp mà họ đã mời tôi tiếp tục làm biên tập. Tôi đồng ý làm, nhưng sau đó lại phạm sai lầm là đã kể cho họ nghe về các dự án tương lai của mình. Vẽ ra viễn cảnh tương lai là một trong những trò giải trí của tôi. Và thế là tôi đã nói tại cuộc gặp ấy rằng tôi có một số kế hoạch cho tờ Student: Tôi thấy rằng sinh viên thường bị ngân hàng đối xử thiếu công bằng và tôi muốn thành lập một ngân hàng giá rẻ dành cho sinh viên. Tôi cũng muốn lập một chuỗi câu lạc bộ đêm và khách sạn làm nơi mà sinh viên có thể lui tới; thậm chí có thể tổ chức cho họ những chuyến du lịch thú vị, ví như đoàn tàu sinh viên, hay biết đâu đấy, có thể cả máy bay sinh viên nữa. Lúc tôi say sưa trình bày ý tưởng của mình, thì tôi thấy ánh mắt họ hết sức kinh ngạc. Họ nghĩ tôi là người điên. Họ quyết định không thể giữ một người mất trí như thế làm biên tập cho Student. Và cuối cùng là họ quyết định không mua nữa. Student đã chết một cách âm thầm như vậy. Còn các kế hoạch cho tương lai của tôi thì bị xếp xó. Chúng tôi đành dành toàn bộ tâm trí cho dịch vụ Đặt hàng qua thư Virgin. Khi nhìn vào đống đơn đặt hàng khổng lồ và thấy nhu cầu cần tổ chức việc mua đĩa nhạc ở đâu và làm cách nào bán chúng tới khách hàng đã khiến tôi nghĩ tới việc phải tìm một người giúp đỡ. Tôi là người duy nhất phải lo chuyện trả lương cho mọi người. Ngay cả khi tiền lương rất ít thì cũng khó có đủ lợi nhuận để chi phí cho khoản này. Chỉ có một người tôi có thể tìm tới nhờ vả: Nik. Tôi muốn người bạn cũ của mình trở lại. Tôi cố quên đi việc Nik đã định lật đổ tôi và vẫn đề nghị chia cho cậu ta 40% giá trị công ty Đặt hàng đĩa nhạc qua thư Virgin vừa thành lập, nếu cậu ấy làm việc với tôi. Cậu ta đồng ý ngay. Chúng tôi không thương lượng nhiều về khoản chênh lệch 60%-40%. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều thấy đây là sự phản ánh công bằng những gì mỗi người trong chúng tôi đóng góp cho việc kinh doanh. Mặc dù Nik không phải là một kế toán viên được đào tạo bài bản, nhưng bù lại cậu ấy rất tỉ mỉ và cẩn thận tới từng đồng xu. Cậu ta thường đi đầu làm gương: Cậu ta không bao giờ tiêu tiền, vậy cớ gì chúng tôi lại tiêu? Cậu ta không bao giờ giặt giũ, thì sao ai đó cứ phải làm? Cậu ta tằn tiện và tiết kiệm từng đồng xu; cậu ta luôn tắt đèn khi ra khỏi phòng; cậu ta chỉ nói chuyện điện thoại rất nhanh và cậu ta xử lý những hoá đơn thanh toán của chúng tôi với kỹ năng tuyệt vời. “Thanh toán hoá đơn muộn cũng tốt đấy” – Cậu ta nói. “Miễn là cậu vẫn thanh toán chúng như thường lệ”. Vì thế, chúng tôi thanh toán ngay, không lần lữa, chỉ có điều bao giờ cũng vào lần nhắc cuối cùng. Ngoài tôi và Nik, chẳng có một nhân viên nào ở dưới tầng hầm ấy. Một nhóm công nhân làm việc luân phiên đến và được trả 20 bảng một tuần, rồi cũng bỏ đi. Trong suốt năm 1970, dịch vụ Đặt hàng đĩa nhạc qua thư Virgin rất phát đạt. Sau đó, vào tháng 1/1971, chúng tôi gần như là sụp đổ vì một sự việc hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát: công nhân bưu điện đình công. Dưới sự dẫn dắt của Tom Jackson, Tổng thư ký Công đoàn ngành bưu điện, các nhân viên chuyển phát thư bỏ việc và Bưu điện phải tạm ngưng hoạt động các thùng thư. Công việc kinh doanh đặt hàng qua điện thoại của chúng tôi bị ngưng trệ: Khách hàng không thể gửi séc cho chúng tôi; còn chúng tôi lại không thể gửi đĩa nhạc cho họ. Chúng tôi phải làm cái gì đó. Tôi và Nik sau đó quyết định mở một cửa hàng để bán đĩa. Chúng tôi chỉ được phép tìm cửa hàng trong một tuần, trước khi cạn sạch tiền. Lúc đó chúng tôi không hề có khái niệm gì về hoạt động của cửa hàng. Tất cả những gì chúng tôi quan tâm là bằng cách nào đó phải bán được đĩa, nếu không công ty sẽ sụp đổ. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm địa điểm. Năm 1971, các hãng WH Smith và Hohn Menzies làm bá chủ việc bán lẻ đĩa nhạc, nhưng cả hai đều ế ẩm và mang tính hình thức. Các cửa hàng bán đĩa thường ở dưới các tầng hầm và nhân viên trong bộ đồng phục hai màu nâu và xanh thì dường như không quan tâm gì tới âm nhạc. Khách hàng vào chọn thật nhanh những đĩa nhạc trên giá, rồi bước ra chỉ sau mươi phút. Các cửa hàng chẳng có vẻ gì là mời chào khách; thiếu dịch vụ, mà giá lại cao. Vào thời đó, nhạc rock đang rất thịnh hành, nhưng cái hứng thú, náo nhiệt của nó đã không ngấm vào các cửa hàng bán đĩa ấy. Những nhân viên không được nhã nhặn cho lắm, họ chỉ tỏ vẻ đồng tình hoặc quan tâm nếu bạn chọn mua đĩa mới của Doors. Họ lẽ ra đã thu được nhiều tiền, nếu như bạn mua đĩa của Mantovani hay Perry Como. Họ dường như cũng chẳng có hứng thú đặc biệt nào đối với các đĩa của nhóm Van Der Graaf Generator hay Incredible String Band được bình chọn trong chương trình Melody Marker của tuần vừa rồi. Không ai trong số bạn bè tôi cảm thấy thoải mái khi tới các cửa hàng bán đĩa: Chúng chỉ giống như những địa điểm hoạt động theo chức năng khô cứng, nơi mà họ chỉ tới để chọn mua những đĩa họ yêu thích. Vì thế, đây chính là sự thu hút của việc kinh doanh đặt hàng qua thư giá rẻ. Chúng tôi muốn cửa hàng của Virgin Records phải trở thành một hoạt động mở rộng của Student; một nơi mà mọi người có thể gặp gỡ và nghe nhạc cùng nhau; nơi mà họ không chỉ đơn thuần được kêu gọi ghé qua một cách vội vã, mua đĩa rồi đi. Chúng tôi muốn họ ở lại lâu hơn, nói chuyện với nhân viên bán hàng và thật sự hoà mình say sưa cùng những đĩa nhạc mà họ chọn mua. Con người thường đối xử với âm nhạc nghiêm túc hơn nhiều thứ khác trong cuộc sống. Đó là một phần để họ chứng tỏ bản thân, giống như chiếc xe họ lái, bộ phim họ xem và trang phục họ mặc vậy. Thanh thiếu niên thường dành thời gian nghe nhạc, bàn bạc về những nhóm nhạc họ yêu thích và lựa chọn đĩa nhạc nhiều hơn hầu hết các nhóm khác trong xã hội. Cửa hàng bán đĩa đầu tiên của Virgin sẽ phải đáp ứng được tất cả những khía cạnh này, làm sao để làm cho âm nhạc thấm vào cuộc sống của mọi người. Khi tìm kiếm cách thức để thực hiện điều đó, chúng tôi đã nghĩ tới việc tạo ra một mô hình hoạt động khuôn mẫu cho sự nghiệp của Virgin sau này. Chúng tôi muốn cửa hàng Virgin Records phải là nơi giải trí thú vị để khách hàng tìm đến những khi họ có thời gian. Chúng tôi muốn gắn bó với khách hàng, chứ không phải là giáo huấn hay lấn lướt họ; và chúng tôi muốn giá cả phải rẻ hơn các cửa hàng khác. Để đạt được tất cả những mục tiêu ấy là một nhiệm vụ khó, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng số tiền sử dụng để tiếp tục tạo ra không khí mới và lợi nhuận thua thiệt từ việc bán giá rẻ có thể nhiều hơn, do khách hàng mua nhiều đĩa hơn. Tôi và Nik đã dành một buổi sáng để đếm số người qua lại phố Oxford, so với số người qua lại phố Kensington. Cuối cùng chúng tôi quyết định rằng, vị trí cuối phố Oxford giá rẻ hơn sẽ là địa điểm tốt nhất để lựa chọn. Chúng tôi cũng biết là không thể phụ thuộc vào hy vọng mọi người biết nhiều đến cửa hàng Virgin Records và sẽ đến đó để mua đĩa. Vì thế, chúng tôi phải thu hút sự chú ý của những người qua đường đến cửa hàng của mình bằng cách thuyết phục họ. Chúng tôi khảo sát tại địa điểm có nhiều người qua lại nhất trên phố và bắt đầu tìm kiếm một cơ sở còn trống tại đó. Chúng tôi nhìn thấy một cửa hàng bán giày dép bên cạnh lối cầu thang dẫn lên tầng lầu trông có vẻ còn trống. Chúng tôi lên đó xem xét địa điểm. “Các anh tìm kiếm gì thế” – Một giọng nói vang lên. “Chúng tôi đang tìm địa điểm mở một cửa hàng” – Chúng tôi nói. “Cửa hàng bán gì?” Tôi và Nik trở lại cầu thang và thấy ông chủ cửa hàng giày dép chặn lối chúng tôi. “Một cửa hàng bán đĩa nhạc” – Chúng tôi đáp. Người chủ cửa hàng vóc dáng cao lớn, người Hà Lan, tên là Mr Alachouzos. “Các anh sẽ không thể trả được tiền thuê địa điểm đâu” – Ông ta nói. “Vâng, ông nói đúng” – Tôi nói. “Chúng tôi không thể đủ chi phí để trả tiền thuê cửa hàng. Nhưng chúng tôi sẽ thu hút rất nhiều người đi ngang qua cửa hàng của ông và họ sẽ mua giày dép”. “Loại giày dép nào vậy?” – Đôi mắt Mr.Alachouzo nheo lại. “Loại xăng-đan Jesu đã hết rồi” – Nik nói. “Ông có bán loại Doc Martens không?” Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ mở cửa hàng bán đĩa tại đây và chỉ được sử dụng địa điểm ấy không trả tiền thuê tới khi có ai muốn thuê nó. Dù sao đấy cũng chỉ là một chỗ còn trống. Trong vòng 5 ngày chúng tôi đã hoàn thành việc lắp đặt những giá đĩa, trải thảm lên sàn, kê hai chiếc sofa và một quầy tính tiền. Cửa hàng đầu tiên của Virgin Records đã sẵn sàng kinh doanh. Một ngày trước khi khai trương cửa hàng, chúng tôi phát hàng trăm tờ rơi dọc con phố Oxford quảng cáo dịch vụ bán đĩa giá rẻ. Trong ngày đầu tiên, hôm đó là thứ Hai, một dòng người dài tới cả trăm thước xếp hàng bên ngoài cửa hàng (một thước Anh= 0, 914m – ND). Tôi đứng tạiquầy tính tiền, khách hàng ra vào đông nườm nượp. Khách hàng đầu tiên mua một đĩa nhạc của Tangerine Dream, nhóm nhạc Đức mà chúng tôi đã bán rất chạy qua dịch vụ Đặt hàng qua thư Virgin. “Các anh có một anh chàng vui tính ghê” – Vị khách hàng nói. “Anh ấy cố mời tôi mua một cặp đĩa của Doc Martens lúc tôi đứng xếp hàng chờ”. Đến cuối ngày, tôi đem tiền đến ngân hàng. Tôi thấy Mr.Alachouzos lượn đi lượn lại bên ngoài cửa hàng. “Công việc bán hàng thế nào?” – Tôi hỏi, trong khi cố xách sao cho nhẹ nhàng cái túi tiền nặng trĩu tôi đang cầm theo. Ông ta nhìn tôi một lượt rồi quay vào cửa hàng. Trong đó vẫn còn một đống chất cao những đĩa của Doc Martens chưa bán được. “Mọi việc ổn cả” – Ông ta nói chắc nịch. “Không thể tốt hơn được”. Trong năm 1971, Nik quản lý cửa hàng bán đĩa trên phố Oxford, Debbie điều hành Trung tâm Tư vấn Sinh viên, còn tôi chịu trách nhiệm chung, tìm kiếm các cơ hội mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi từ các ý tưởng của Student sang Virgin. Và đến đúng thời điểm thích hợp chúng tôi đã đổi tên Trung tâm Tư vấn Sinh viên thành một địa chỉ từ thiện mới, gọi là HELP! Trung tâm này vẫn hoạt động cho tới ngày nay, nhưng trong khuôn khổ của Virgin Unite, được tiến hành các hoạt động từ thiện trên phạm vi rất rộng. Tôi không hiểu biết nhiều về ngành công nghiệp thu âm, nhưng qua những gì tôi thấy ở cửa hàng bán đĩa tôi có thể hiểu rằng đâu là một ngành kinh doanh không chính thức, không hề có những quy định khắt khe. Nó có tiềm năng vô hạn để phát triển: Một ban nhạc mới có thể bất thình lình lập một kỷ lục lớn, hay sự say mê biến thành mốt, như đối với The Bay City Rolles, Culture Club, The Spices Girls hay Busted. Ngành công nghiệp âm nhạc là một sự kết hợp kỳ lạ giữa các tài sản thực tế và vô hình: Bản thân các ban nhạc pop đã là những cái tên có thương hiệu và ở các sân khấu biểu diễn nhất định, tên của họ chính là lời bảo đảm chắc chắn nhất cho các đĩa nhạc ăn khách. Nhưng đây cũng là một ngành công nghiệp mà trong đó chỉ có một số ít ban nhạc thành công trở nên rất rất giàu có, còn những ban nhạc mờ nhạt thì ngày một lụn bại. Kinh doanh nhạc rock là một ví dụ điển hình về sự khốc liệt của chủ nghĩa tư bản. Là một nhà bán lẻ, Virgin không chịu ảnh hưởng từ thành công hay thất bại của một nhóm nhạc nào đó, miễn là vẫn có các ban nhạc mà mọi người vẫn thích mua đĩa của họ. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu bó hẹp sống dựa vào lợi nhuận của bán lẻ, thường là rất nhỏ; và tôi đã thấy rằng, tiềm năng thật sự để kiếm tiền trong ngành công nghiệp âm nhạc này nằm ở chính những công ty thực hiện thu âm. Lúc đó, cả tôi và Nik đều tập trung vào việc xây dựng hình ảnh cho cửa hàng. Chúng tôi liên tục phác thảo những ý tưởng khác nhau để thu hút khách hàng càng nhiều càng tốt. Chúng tôi tặng kèm tai nghe, sofa và đệm ghế, hay phát miễn phí những tạp chí như New Musical Express và Melody Maker, thậm chí cả cà phê miễn phí. Chúng tôi giữ chân họ ở lại cửa hàng bao lâu mà họ muốn và tạo cho họ cảm giác thoải mái như ở nhà mình. Tiếng đồn lan nhanh và mọi người bắt đầu lựa chọn mua đĩa nhạc của cửa hàng chúng tôi, thay vì mua ở chuỗi cửa hàng lớn. Họ nghĩ cứ như thể là mua đĩa của Thin Lizzy hay Bob Dylan ở cửa hàng chúng tôi thì dường như có giá trị hơn cũng đĩa đó mua của các cửa hàng Boots. Tôi thấy cực kỳ tự hào mỗi khi nhìn thấy người ta xách theo túi giấy có dòng chữ Virgin đi trên phố Oxford. Nhân viên của chúng tôi thông báo rằng có những khách hàng đã quay lại mua chỉ sau một vài tuần. Với một lượng khách hàng trung thành như thế, danh tiếng của Virgin bắt đầu lớn mạnh. * Từ một góc độ khác của việc mua đĩa nhạc – các phòng thu âm – tôi đã thấy những điều kiện mang tính nghi thức. Các ban nhạc phải đến phòng thu theo đúng lịch hẹn, mang theo tất cả thiết bị của họ được lắp đặt sẵn sàng, rồi sau đó rời phòng thu cũng theo đúng thời gian biểu quy định, mang đi tất cả thiết bị của họ. Do các phòng thu có quá dày lịch đăng ký trước, nên các ban nhạc thường phải tiến hành thu âm ngay sau bữa sáng. Việc nhóm Rolling Stones phải thu thanh đĩa Brown Sugar ngay sau khi họ vừa ăn xong những bát bỏng ngô đã khiến tôi tức cười. Tôi cứ tưởng tượng rằng không gian tốt nhất dành cho việc thu đĩa nhạc phải rộng lớn, tiện lợi, ở vùng nông thôn, nơi ban nhạc có thể đến và ở lại trong vài tuần và việc thu âm chỉ tiến hành khi nào họ thấy thích, và có thể là vào buổi tối. Vì thế, năm 1971 tôi bắt đầu tìm kiếm một ngôi nhà ở nông thôn để có thể biến nó thành một phòng thu âm. Trong cuốn tạp chí Country Life tôi đọc được thông tin một lâu đài cổ ở Wales được bán với giá chỉ 2.000 bảng. Dường như vẫn có thể mặc cả được. Tôi lái xe lên đường tới đó, cùng với Tom Newman, một nhân viên mới tuyển dụng vào công ty Đặt hàng qua thư Virgin Mail Order. Anh là một ca sĩ và cũng đã từng phát hành một vài đĩa đơn, nhưng lại quan tâm nhiều hơn tới việc mở một phòng thu. Khi chúng tôi tới được lâu đài đó thì mới vỡ lẽ rằng, thông tin bán tài sản này đã quên một cách khó hiểu khi không cho biết lâu đài đó thực chất là trung tâm của cả một khu bất động sản lớn. Cảm giác thất vọng và mệt mỏimệt mỏi, tôi và Tom đành quay trở về, dự tính mất 5 tiếng đồng hồ lái xe để về London. Trên đường về, tôi lại lật mở trang tạp chí Country Life và đọc được một quảng cáo bất động sản khác, đó là một ngôi nhà biệt thự cổ ở Shipton-on-Cherwell, nằm cách Oxford vài dặm về phía bắc. Chúng tôi rẽ sang đường khác, đi theo chỉ dẫn để tới Shipton-on-Cherwell. Chúng tôi lái xe qua ngôi làng, sau đó rẽ vào một ngõ nhỏ dẫn tới toà biệt thự. Cửa vào biệt thự khoá chặt, tôi và Tom trèo qua tường và nhảy xuống sân một ngôi biệt thự thế kỷ XVII tuyệt đẹp, được xây bằng đá Cotswold màu vàng, đang ánh lên trong nắng chiều muộn. Chúng tôi đi lòng vòng bên ngoài ngôi nhà và cả hai đều nhất trí rằng đây là một ngôi nhà hoàn hảo. Khi chúng tôi gọi tới đại lý bất động sản vào sáng hôm sau, thì được biết rằng biệt thự đó đã được đưa ra thị trường một thời gian khá lâu rồi. Với hơn 15 phòng ngủ, biệt thự quá lớn cho một gia đình, nhưng lại quá nhỏ để có thể sử dụng làm khách sạn. Họ ra giá 35.000 bảng, nhưng sau đồng ý bán nhanh cho chúng tôi với giá 30.000 bảng. Tôi đến ngân hàng Coutts, lần này mặc một bộ vét, đi đôi giày đen và hỏi vay tiền. Tôi trình cho họ các thông tin về doanh số của công ty Đặt hàng qua thư Virgin Mail Order và cửa hàng đĩa Virgin trên phố Oxford. Tôi cũng không biết họ ấn tượng thế nào với những thông tin đó, họ quyết định cho tôi vay thế chấp tới 20.000 bảng. Vài năm sau đó, ngân hàng Coutts cho tôi biết rằng, nếu tôi không đến ngân hàng hôm đó trong bộ trang phục lịch lãm ấy, thì họ đã biết tôi đang gặp khó khăn rồi. Khoản vay từ Coutts là một bước ngoặt đối với tôi: Đó là lần đầu tiên một ngân hàng tin tưởng cho tôi vay nợ một khoản lớn như vậy; và tôi đã có thể tin rằng mình gần như đã mua được ngôi biệt thự cổ. Mặc dù bản thân tôi chẳng có tiền, nhưng bố mẹ đã để dành khoản 2.500 bảng cho tôi, Lindi và Vanessa khi tôi 30 tuổi. Tôi đề nghị bố mẹ cho phép rút số tiền ấy ra sử dụng trước để mua ngôi biệt thự. Bố mẹ đồng ý, thậm chí biết trước rủi ro nếu phòng thu của chúng tôi phá sản, ngân hàng sẽ tịch thu ngôi biệt thự bán phát mãi với giá thấp kinh khủng và chắc chắn chúng tôi sẽ mất tiền. Dù sao tôi vẫn tiếp tục lo tìm kiếm khoản 7.500 bảng còn thiếu. Chúng tôi nói chuyện về ngôi biệt thự vào bữa trưa một ngày Chủ nhật ở Shamley Green. Bố tôi gợi ý tôi nên đến gặp cô Joyce. Cô không có con cái và luôn ủng hộ chúng tôi. Chồng cô hy sinh trong chiến tranh và từ đó cô