🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Truyện Kể Về Bác Hồ – Những Chặng Đường Trường Kỳ Kháng Chiến
Ebooks
Nhóm Zalo
TRUYỆN KỂ
VỀ BÁC HỒ
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN
HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN
Chủ tịch Hội đồng
PGS.TS. NGUYỄN THẾ KỶ
Phó Chủ tịch Hội đồng
TS. HOÀNG PHONG HÀ
Thành viên
TRẦN QUỐC DÂN
TS. NGUYỄN ĐỨC TÀI
TS. NGUYỄN AN TIÊM
NGUYỄN VŨ THANH HẢO
VŨ KỲ
TRUYỆN KỂ
VỀ BÁC HỒ
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT HÀ NỘI - 2015
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, là người Việt Nam đầu tiên vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người có một cuộc sống và hoạt động thực tiễn hết sức đa dạng, phong phú và sôi động, gắn liền với một thời kỳ lịch sử trên nửa thế kỷ của cách mạng Việt Nam. Đi nhiều nơi, làm nhiều công việc, đảm nhận nhiều cương vị trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau đã đem lại cho Người vốn sống, kinh nghiệm và hiểu biết phong phú trên nhiều mặt. Sách báo trong và ngoài nước đã viết nhiều về Người. Nhưng như một chính khách nước ngoài đã nói, Người là một vĩ nhân mà chỉ có thể so được với chính bản thân mình. Cho nên dù sách báo đã viết nhiều vẫn chưa thể nói hết được cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người.
Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về tư tưởng và cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản
5
cuốn sách Truyện kể về Bác Hồ - Những chặng đường trường kỳ kháng chiến (Xuất bản lần thứ hai). Cuốn sách do đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ kể (trong thời gian từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1948), Huyền Tím và Tử Nên ghi, và được xuất bản lần đầu năm 2001. Đây là những mẩu chuyện ngắn về Bác Hồ còn ít người biết.
Hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ giúp bạn đọc có thêm những thông tin quý báu và hiểu thêm về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 6 năm 2015
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT6
LỜI GIỚI THIỆU
Chúng tôi đến gặp đồng chí Vũ Kỳ để tìm hiểu về những mẩu chuyện ít người biết về Bác Hồ. Đồng chí ra mở cửa cho chúng tôi, cười và nói vui: "Bác Hồ ra đi đã hơn 30 năm rồi, làm gì có chuyện mới nữa. Để chiều lòng các phóng viên tôi sẽ kể
những mẩu chuyện về Bác, nhưng phải đợi tôi được gặp Bác đã". Và rồi đồng chí đã tâm tình kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện ít người biết về Bác Hồ, trong nhiều buổi cùng làm việc rất thân mật.
Chúng tôi cố gắng ghi chép và sắp xếp những mẩu chuyện này thành 10 phần theo thứ tự thời gian từ năm 1945 đến năm 1948:
- Tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội;
- Những ngày làm việc sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập;
- Mùa xuân năm 1946;
- Năm 1946, năm ngàn cân treo sợi tóc; - Những ngày đầu trường kỳ kháng chiến; - Tết kháng chiến đầu tiên;
7
- Những ngày kỷ niệm thành lập Đảng; - Hành trình từ chùa Một Mái đến Việt Bắc; - Tiếp tục những chặng đường trường kỳ kháng chiến;
- Mong muốn của Bác Hồ khi nước nhà thống nhất.
Chúng tôi hy vọng rằng những mẩu chuyện này sẽ giúp bạn đọc hiểu biết hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Bác Hồ.
Huyền Tím và Tử Nên
8
THÁNG 8 NĂM 1945 Ở HÀ NỘI
Năm 1940, ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và Đô Lương bùng nổ chống thực dân Pháp, nhưng đều đi đến thất bại. Trong thời gian này cũng bắt đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Thực dân Pháp tham chiến, phút chốc đầu hàng phát xít Đức. Liên Xô phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh chống phát xít. Những năm đầu, Lêningrát bị bao vây, Xtalingrát và nhiều thành phố khác bị giặc phá tan tành. Phía bên này, phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương. Đất nước ta trong tình hình cấp bách đòi hỏi sự nhạy bén với tình thế và nắm bắt đúng thời cơ.
Đầu năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau này, được Bác giải thích, Bác quyết định về nước vào thời điểm đó là do thấy trước được triển vọng của tình hình khi phát xít Đức thất bại, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc là thời cơ có một không hai cho Việt Nam giành chính quyền. Đấy chính là thời cơ mà người lãnh đạo cách mạng phải biết tranh thủ nắm lấy.
9
Về Pác Bó vào dịp Tết Tân Tỵ, Bác sống và làm việc tại hang Cốc Bó (làng Pác Bó, Trường Hà, Quảng Hà, Cao Bằng). Tại đây, Bác đã ra báo Việt Nam Độc Lập và ngay trong những số đầu tiên, Bác đã viết bài về lịch sử Việt Nam (bằng thơ lục bát). Dưới bài thơ có chú thích: Năm 1945 cách mạng Việt Nam thành công, và điều tiên đoán kỳ diệu ấy của Bác đã thành hiện thực. Ở Pác Bó, sau những buổi làm việc căng
thẳng, Bác thường dành những giây phút thảnh thơi ngắm cảnh thiên nhiên và đặt tên suối Lênin và núi Các Mác. Xuân Tân Tỵ, hoa mận trắng và đào phớt nở đầy hai bên đường, bên dòng suối. Nhớ về C. Mác - người thầy của cách mạng vô sản, Bác đã tỉ mỉ tạc tượng C. Mác trên khối nhũ đá ngay trong hang Cốc Bó này. Dòng chữ nho ghi dưới bức tượng "Năm 1941 tháng 2 ngày 8" là ngày Bác hoàn thành bức tượng1. Từ Pác Bó (Cao Bằng) Bác chuyển về Tân Trào (Tuyên Quang). Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, rồi lần lượt đến các tỉnh khác trong cả nước. Cuối tháng 8 năm 1945, Thường vụ Trung ương quyết định
_____________
1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.2, tr.134, ghi như sau: Tháng 2, ngày 8: Nguyễn Ái Quốc đến ở hang Cốc Bó với bí danh Già Thu (BT).
10
đưa Bác về Thủ đô Hà Nội để lãnh đạo, giữ vững và củng cố chính quyền non trẻ. Lúc ấy, Bác ốm và rất gầy. Chúng tôi mua ít tim gan nấu cháo cho Bác. Nhưng có thể do không may mua phải tim gan của lợn gạo nên Bác lại lên cơn sốt cao. Trên đường về Hà Nội, có lúc mệt quá, Bác không đi được, anh em dùng vải và đòn tre làm cáng. Nằm trên cáng, người sốt hầm hập nhưng Bác vẫn thấy vui vì đi tới đâu cũng thấy cờ đỏ
sao vàng và đồng bào hào hứng hô vang: "Ủng hộ Việt Minh", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm". Chiều 23 tháng 8, về đến ngoại thành Hà Nội, Bác dừng lại ở Phú Gia. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, đồng chí Trường Chinh đến đón Bác. Hà Nội hừng hực khí thế cách mạng. Khắp phố phường tràn ngập niềm hân hoan với cờ đỏ sao vàng. Ít ai để ý đến một chiếc xe ôtô cũ, màu đen chở Bác chạy từ phía Chèm, dọc theo đê Yên Phụ, xuống dốc Hàng Than, qua phố Hàng Giấy rồi rẽ Hàng Mã về đến trước số nhà 35 Hàng Cân. Xe đưa Bác vào cổng sau, rồi Bác lên thẳng gác hai nhà số 48 phố Hàng Ngang. Đây là ngôi nhà ba tầng của ông Trịnh Văn Bô, một thương gia lớn của Hà Nội và là cơ sở của cách mạng. Nhà xây chắc chắn rất tiện cho công tác bảo vệ. Tầng một và tầng ba chủ nhà dành để ở và bán hàng. Còn tầng hai dành cho cách mạng. Lúc này, chủ nhà chưa biết người cách mạng đó
11
chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi lên, đi xuống nhiều, chủ nhà chỉ thấy một cụ già dáng người gầy nhưng nhanh nhẹn, có đôi mắt sáng lạ thường. Sau này chủ nhà mới biết ngôi nhà của mình có vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay chiều tối hôm sau, tôi (tức Vũ Kỳ) được Trung ương chọn làm thư ký cho Bác. Bác thân mật hỏi tôi:
- Chú tên gì?
Tôi thưa:
- Cháu tên Cần ạ (tên của tôi hồi đó).
Có lẽ tôi xúc động nói không rõ nên Bác nghe thành Cẩn. Bác trìu mến bảo:
- Cẩn à, Cẩn là cẩn thận. Rất tốt.
Sáng hôm sau, Bác lại hỏi tên tôi, tôi thưa rất rõ:
- Cháu là Cần ạ.
Bác tỏ ra rất vui và nói ngay:
- Cần thì càng tốt. Cần là cần, kiệm, liêm, chính.
Đó cũng là điều mong muốn của Bác về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ mà những năm sau này mỗi dịp gặp cán bộ, mỗi khi đến thăm các lớp huấn luyện, Bác đều căn dặn mọi người phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.
Trong căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, chủ nhà dùng căn phòng phía sau trên tầng hai làm phòng ăn. Giữa phòng kê một chiếc bàn gỗ dài và
12
to, quanh bàn có 8 chiếc ghế tựa đệm mềm. Bác dùng bàn này để làm việc với các đồng chí Thường vụ Trung ương. Cuối phòng kê một chiếc bàn tròn. Nơi đây Bác dùng làm bàn ăn. Trong cuộc sống hàng ngày, Bác không dành cho mình một sự ưu đãi nào. Bác là tấm gương sáng về đức tính giản dị của người cán bộ cách mạng. Bác thường ngồi làm việc trên chiếc bàn kê sát tường bọc dạ xanh màu lá mạ, vừa đủ để tập giấy bút và chiếc máy chữ nhỏ Bác mang từ chiến khu về. Trong những ngày này, Bác dành nhiều thời gian và tâm trí cho việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Hàng ngày Bác dậy sớm tập thể dục, sau đó ngồi vào bàn và đánh máy luôn bản thảo. Ban đêm, Bác cũng thức rất khuya, trầm ngâm suy nghĩ về những nội dung trong bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Sáng ngày 29 tháng 8, Bác chuyển đến Bắc Bộ phủ làm việc. Ở đây, Bác tiếp tục hoàn chỉnh bản Tuyên ngôn Độc lập. Sau mấy ngày sốt, tuy sức khỏe giảm sút trông thấy, nhưng sức làm việc của Bác thì vẫn phi thường. Đêm ngày 29 tháng 8, Bác thức khuya hơn bình thường vì ngày 2 tháng 9 đã cận kề. Bác viết rồi lại sửa. Những lúc suy nghĩ căng thẳng nhất Bác thường đặt tay lên trán và đôi mắt sáng khi thì nhìn những dòng chữ như có hồn vừa được viết ra, khi thì nhìn vào đêm tối như tìm một điều gì đó mà chỉ riêng Bác mới hiểu.
13
Cho đến ngày 30 tháng 8, bản Tuyên ngôn Độc lập được dự thảo xong, Bác đưa ra tranh thủ ý kiến các đồng chí Trung ương.
Sáng ngày 31 tháng 8, Bác hỏi tôi:
- Chú Cần có biết Quảng trường dự định họp míttinh như thế nào không?
Rồi Bác bảo tôi vẽ phác bản đồ cho Bác. Xem bản đồ xong. Bác hỏi:
- Liệu được bao nhiêu người?
Tôi thưa với Bác:
- Được vài chục vạn người đấy ạ.
Bác hỏi tiếp:
- Thế các chú định bố trí để đồng bào đi vệ sinh ở đâu?
Tôi sững sờ trước câu hỏi của Bác và lúng túng không biết trả lời như thế nào, thì Bác nói tiếp:
- Việc nhỏ, nhưng nếu không chú ý bố trí cho tốt thì rất dễ mất trật tự. Chú có biết không, ở Hương Cảng, công nhân lao động biểu tình thì chính quyền Anh chưa giải quyết, nhưng khi công nhân công ty vệ sinh đình công thì chính quyền Anh phải giải quyết ngay. Vì đã có lần giải quyết chậm, rác rưởi bẩn thỉu ngập đường phố.
Tiếp đó, Bác dặn tôi nói với Ban tổ chức, nếu trời mưa thì kết thúc míttinh sớm hơn, tránh cho đồng bào khỏi bị ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ.
14
Thật hạnh phúc biết bao cho nhân dân Việt Nam khi được biết vị đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ chỉ trước khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vài giờ vẫn chăm lo đến những cái nhỏ nhất trong đời sống.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi: khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại quảng trường Ba Đình, khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đến đoạn tố cáo tội ác của phát xít Nhật, cả
biển người im phăng phắc. Nghĩ đồng bào nghe mình nói tiếng Nghệ An không rõ và quên cả mình là Chủ tịch nước đang trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác ngừng đọc cất tiếng hỏi rất thân mật:
- Đồng bào nghe rõ tiếng tôi không?1
Tiếng trả lời: "Có" như sấm dậy. Chưa bao giờ và chưa ở đâu, người ta lại thấy tình cảm giữa lãnh đạo cao nhất và dân chúng gần gũi và thân thương đến thế! Kết thúc cuộc míttinh, ra về nhưng mọi người vẫn như nhìn thấy ánh mắt, vẫn như nghe thấy giọng nói ấm áp và hiền hậu của Bác.
Ngay ngày 3 tháng 9, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, do Bác chủ trì, đã bàn chương _____________
1. Một số sách, báo viết: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?" (BT).
15
trình diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, củng cố chính quyền, chấn chỉnh phong cách làm việc của cán bộ từ Trung ương đến xã. Bác luôn nhắc nhở: Giành chính quyền đã khó, nhưng không khó bằng giữ chính quyền.
Lời Bác dặn cho đến ngày hôm nay vẫn là điều cần thiết.
16
NHỮNG NGÀY LÀM VIỆC
SAU KHI ĐỌC TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Cùng với niềm hân hoan về bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam trong ngày 2 tháng 9 là biết bao lo toan để giữ vững và củng cố chính quyền non trẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, trong những ngày này làm việc rất căng thẳng vì tình hình trong nước và quốc tế đặt ra những nhiệm vụ hết sức cấp bách. Nhưng phong thái của Người rất ung dung, Người bình tĩnh giải quyết từng nhiệm vụ cụ thể. Người liên tiếp chủ trì các cuộc họp Chính phủ bàn các nhiệm vụ khẩn cấp, gặp gỡ đại biểu nhân dân và viết báo nói về củng cố chính quyền, rèn luyện cán bộ...
Sau ngày 2 tháng 9, Bác chuyển vào ở hẳn trong Bắc Bộ phủ. Nhưng Thường vụ Trung ương vẫn bí mật bố trí cho Bác ở nhà số 8 Lê Thái Tổ, ngay sau nhà Thủy Tạ. Đây là nhà của ông Hồ
Đắc Điềm, một nhân sĩ yêu nước. Tại căn nhà bí mật này, sáng sáng, các đồng chí Thường vụ Trung ương đến trao đổi công việc và ăn sáng
17
cùng Bác. Hình thức vừa ăn sáng, vừa trao đổi công việc được thực hiện rất đều đặn, khiến cho không khí buổi họp đầm ấm như một cuộc nói chuyện trong gia đình mà Bác là người anh cả. Nhưng cũng có hôm, Bác ăn và nghỉ lại luôn ở Bắc Bộ phủ để tranh thủ thời gian làm việc.
Lúc đó, đồng chí Khương, tù chính trị ở Sơn La được chọn đến nấu ăn cho Bác. Thường ăn sáng cùng với Bác có ba đồng chí: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp; thỉnh thoảng có thêm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Hoàng Hữu Nam. Bữa ăn sáng của Bác thường là cháo hoa với đường cát. Còn các đồng chí khác thì ăn phở hàng rong, do đồng chí Khương mua về. Sau khi ăn xong thường có hoa quả để tráng miệng. Một buổi sáng nọ, đồ tráng miệng là một nải chuối, vẫn còn buộc nguyên lạt đặt trên bàn. Có lẽ, theo tục dân ta "chuối đằng sau, cau đằng trước" cho nên sau khi ăn xong, một đồng chí bẻ một quả đằng sau nải chuối, nhưng không may quả chuối bị nẫu một chút. Đồng chí đó bỏ xuống và bẻ một quả khác phía trước, ăn rất thản nhiên. Khi Bác ăn xong, Bác cầm quả chuối ấy lấy dao cắt bỏ chỗ nẫu rồi ăn và như nói với chính mình: "Ở chiến khu, nẫu nữa cũng ăn". Đồng chí nọ nghe rõ câu Bác nói rất ân hận. Các đồng chí khác coi đây là một bài học không nhỏ.
18
Bữa ăn trưa ở Bắc Bộ phủ, Bác thường xuống tầng dưới cùng ăn cơm với anh em trong cơ quan. Chỗ ăn là một chiếc bàn dài, Bác thường ngồi ở phía đầu bàn, ai đến sau thì cứ thế ngồi vào và kéo dài cho đến cuối bàn. Một buổi trưa Bác đang dùng cơm thì Cố vấn Bảo Đại đến thăm. Bác vui vẻ hỏi ngài Cố vấn:
- Ngài dùng cơm chưa?
- Thưa Chủ tịch, tôi đã ăn rồi.
Cố vấn Bảo Đại nhìn mâm cơm của Bác chỉ thấy có rau muống xào, đậu phụ kho và một bát canh, lại thấy Bác gầy yếu quá, nên Cố vấn thưa:
- Bữa cơm của Chủ tịch thanh đạm quá. Nếu Chủ tịch cho phép tôi sẽ mang thức ăn Huế đến để Chủ tịch dùng.
Bác thân tình trả lời:
- Cảm ơn Cố vấn, tôi cùng ăn với anh em thành lệ quen rồi.
Cả buổi tối mồng 2 tháng 9, Bác tập trung chuẩn bị tài liệu cho phiên họp đầu tiên của Chính phủ tổ chức vào sáng 3 tháng 9. Sau "Tuyên ngôn Độc lập", bài phát biểu tại phiên họp này (sau này được cụ thể hóa thành 6 nhiệm vụ
cấp bách) được Bác chuẩn bị công phu, trong đó chứa đựng những nội dung mang ý nghĩa to lớn trong việc chỉ ra những việc phải làm để bảo đảm cho sự tồn tại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa non trẻ. Đêm đó, Bác thức rất khuya và
19
sáng hôm sau lại dậy rất sớm để bổ sung và sửa thật kỹ những nội dung đã viết. Nhìn dáng người mảnh khảnh, hai mắt trũng sâu, nước da xanh của Bác qua ánh đèn, tôi và anh em phục vụ
không cầm được nước mắt. Mỗi nhiệm vụ Bác đều phân tích sâu sắc, từ đó chỉ ra việc làm cụ thể. Bác quan tâm đầu tiên đến việc chống giặc đói với việc phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và theo Bác, "Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo". Bác nghiêm túc thực hiện lời kêu gọi này. Mười ngày lại thấy Bác nhịn ăn một bữa trong khi Bác rất gầy yếu. Tôi nhớ một buổi trưa ở Bắc Bộ phủ, Bác bị cảm. Bác nằm trên đi văng và gối đầu lên đùi tôi để tôi xoa bóp trán. Nhìn Bác gầy rộc, nghĩ đến bao công việc còn chất chồng ở phía trước mà ăn uống không đều đặn, chúng tôi lo cho sức khỏe của Bác nên đề nghị Bác không nên nhịn ăn. Bác ôn tồn nói: "Bác kêu gọi đồng bào 10 ngày nhịn ăn một bữa thì Bác cũng phải gương mẫu nhịn ăn như đồng bào, chứ các đồng chí nói Bác cứ ăn thì làm gương cho ai được?". Lượng gạo quyên góp tuy nhỏ, nhưng nhỏ mà nhiều người góp lại thành lớn. Từ đó đến nay, các đợt quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai,
20
hỏa hoạn đã trở thành đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Sau khi phát động chiến dịch tăng gia sản xuất, giải quyết nạn đói của dân, Bác lại băn khoăn và day dứt trước một vấn đề khá nan giải là ngân khố của Chính phủ hầu như trống rỗng. Chúng ta hiểu rõ ý Bác, trong khi có độc lập, tự
do, cái giá trị lớn nhất của một dân tộc đã giành được, thì những công việc cấp bách và bộn bề nhất lúc này cũng phải được giải quyết để độc lập, tự do được củng cố. Trong hai ngày 15 và 16 tháng 9, tôi thấy Bác làm việc tập trung một cách khác thường. Có buổi, Bác ngồi liên tục ở bàn viết tới 4 giờ đồng hồ. Chiều ngày 16 tháng 9, khi nhận tài liệu là một bài viết để đăng báo từ tay Bác trao với nhan đề: Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp "Tuần lễ VÀNG" và nhìn những đoạn Bác sửa, tôi thấy Bác thận trọng cân nhắc từng ý, từng câu vì theo Bác: "Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có" và bốn từ "những nhà giàu có" Bác viết đậm hơn. Phải chăng đây là đối tượng quyên góp chính mà Bác quan tâm trong "Tuần lễ VÀNG"? "Tuần lễ
VÀNG" đã mang lại kết quả rất tốt và đây cũng là một trong những bài học lấy dân làm gốc mà Bác đã để lại và còn nguyên giá trị đến hôm nay.
21
Một việc nữa được Bác đặt thành vấn đề lớn và đưa vào chương trình làm việc ngay trong những ngày đầu tiên là việc tiếp dân, vì theo Bác đây là nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Nhưng cách tiếp dân của Bác rất thiết thực và cụ
thể: phải gửi thư nói trước, mỗi đoàn không quá 10 người và mỗi lần tiếp chuyện không quá một tiếng. Trong một buổi tiếp chuyện, Bác trao đổi cùng đại biểu về xây dựng đời sống mới và sự cần thiết của mỗi người dân thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Có người hỏi Bác:
- Thưa Cụ, Cụ kêu gọi xây dựng đời sống mới sao lại thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của Khổng Tử đề ra cách đây đã mấy ngàn năm?
Bác nhìn anh thanh niên rất hiền hậu: - Chú nói có lý đấy! Tôi hỏi lại chú nhé! Cơm hàng ngày chúng ta ăn có từ bao lâu rồi? Không khí chúng ta thở có từ bao giờ?
Bác nhìn mọi người, rồi nói tiếp:
- Thực hiện đời sống mới không phải cái gì cũ đều bỏ hết cả. Những cái cũ mà vẫn thúc đẩy cuộc sống thì cần phải giữ gìn nó. Còn những cái mới thì phải chọn lọc những cái tốt có ích lợi cho mọi người chứ không phải cứ mới là làm không suy nghĩ.
Cách giải thích, so sánh của Bác rất đơn giản và dễ hiểu. Không những đại biểu nọ hết thắc mắc
22
mà những người khác cũng qua đó mà hiểu ra rằng, xây dựng đời sống mới phải từ bỏ lối sống lười biếng, gian xảo, tham ô, phải từ bỏ rượu và thuốc phiện, những thứ mà chế độ thực dân đầu độc nhân dân ta.
Phải chăng, việc tiếp dân do Bác khởi xướng cách đây 55 năm đến nay đã thành nền nếp? Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện nay, chất lượng tiếp dân và hiệu quả giải quyết đơn khiếu nại của dân còn phải cố gắng học tập Bác rất nhiều cho thiết thực và cụ thể.
Công việc tiếp theo được Bác đặc biệt quan tâm là xây dựng, củng cố chính quyền và rèn luyện cán bộ. Các bài viết, đăng trên báo Cứu Quốc (nay là báo Nhân Dân), "Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân" ngày 11 tháng 9, "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà" ngày 17 tháng 9 và bài viết "Chính phủ là công bộc của dân" ngày 19 tháng 9 là những trăn trở của Bác đối với một chính quyền công - nông mới, một chính quyền mà "Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh", là những đòi hỏi của Bác đối với cán bộ về phẩm chất đạo đức, về cách thức điều hành. Vì theo Bác, cán bộ ta khi hoạt động bí mật thì rất thạo, có kinh nghiệm, nhưng ra làm công tác chính quyền, làm cán bộ từ Trung ương đến cấp xã thì rất lúng túng, giữ chính quyền thế nào cũng chưa có kinh nghiệm.
23
Có một câu chuyện đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ. Một hôm, đồng chí Vũ Anh phụ trách một tổ làm vũ khí ở Cao Bằng về Hà Nội báo cáo với Bác một số việc. Đồng chí Vũ Anh mặc một bộ quần áo lụa mới. Sau khi nghe báo cáo xong, Bác bảo đồng chí Vũ Anh:
- Lên trên gác nghỉ với Bác (ở Bắc Bộ phủ chỉ có một căn gác dành riêng cho Bác nghỉ). Rồi Bác nói:
- Sao chú lại mặc quần áo đẹp thế?
Đồng chí Vũ Anh nhanh trí trả lời:
- Thưa Bác, đồng bào cho đấy ạ!
Bác ân cần khuyên:
- Đồng bào cho cũng không nên mặc. Việt Minh mình mới giành được chính quyền mà cán bộ đã ăn mặc đẹp là không nên.
Các đồng chí cán bộ như hiểu rõ tấm lòng của Bác, trong khi đồng bào ta cơm ăn còn đói, áo mặc còn chưa được lành, thì người cán bộ không nên tạo ra một khoảng cách trong sinh hoạt với quần chúng.
Tôi lại nhớ một câu chuyện khác. Trong một lần ngồi nói chuyện, Bác thấy một đồng chí cán bộ ngồi ghế phía trước rất lúng túng, không để chân bình thường như mọi người mà cứ dúi chân vào dưới gầm ghế. Hóa ra, đồng chí này mang đôi giầy mới. Thấy thế Bác ôn tồn bảo: "Giầy của chú đã hỏng thì chú đóng đôi giầy mới có gì mà phải
24
ngại". Bác thường căn dặn cán bộ không nên coi thường những việc nhỏ. Việc nhỏ mà làm không tốt thì việc lớn làm không xong. Người đã đi xa nhưng những lời khuyên của Người thì vẫn còn đó âm vang từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong những ngày này, biết bao nhiêu công việc phải lo toan: xây dựng chính quyền, giữ vững chính quyền, cảnh giác với bọn thực dân đang lăm le quay lại xâm lược nước ta, nhưng Bác không quên những ngày lễ, tết, như Tết Trung thu, ngày khai giảng năm học mới. Bác đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi nhân Tết Trung thu đầu tiên, gửi thư cho học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, với các em học sinh, Bác không còn là một vị chủ tịch của một nước, mà chỉ là người anh lớn gần gũi. Thật kỳ diệu, ngay cả trong khó khăn của những ngày đầu dựng nước, Bác đã đặt lòng tin vào thế hệ trẻ khi Người viết "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".
55 năm đã trôi qua, thế hệ trẻ Việt Nam với những thành tích rực rỡ trong chiến đấu, học tập, rèn luyện và nhất là kết quả trong các kỳ thi quốc tế về toán, vật lý, hóa... những năm gần đây rất xứng đáng với lòng tin yêu của Bác. Chúng ta đều
25
hiểu, không phải ngẫu nhiên mà tài liệu cuối cùng của Bác trong tháng 9 năm 1945 là thư gửi học sinh, bởi vì lúc nào Bác cũng dành tình cảm và đặt lòng tin vào thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Suốt cả một tháng, sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ bận rộn hầu như suốt cả ngày lẫn đêm, lo toan những nhiệm vụ lớn, nhưng không quên chăm lo cho dân, cho cán bộ từ những việc nhỏ nhất...
26
MÙA XUÂN NĂM 1946
Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chỉ sau 28 ngày nhân dân ta giành được chính quyền, thực dân Pháp được quân đội Anh giúp sức đã nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ tại Sài Gòn. Ngày 26 tháng 9 năm 1945, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Nam Bộ, trong đó có đoạn: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ... Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà". Ngày 29 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập của Việt Nam và để chiến thắng giặc ngoại xâm, toàn thể quốc dân hãy đoàn kết lại thành một khối kiên cố, thống nhất. Ngày 30 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho thanh niên Nam Bộ. Trong thư có đoạn: "Đã hơn một tháng nay,
27
anh chị em đã phấn đấu cực kỳ anh dũng. Toàn thể đồng bào Việt Nam đều cảm động... Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng dọi khắp nước. Những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết". Ngày 5 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ
Chí Minh dự cuộc míttinh hưởng ứng "Ngày kháng chiến" của nhân dân Thủ đô, Người chỉ rõ âm mưu của thực dân Pháp muốn chiếm lại nước ta và kêu gọi đồng bào ta kiên quyết đấu tranh giữ vững nền độc lập của dân tộc. Người tin tưởng cuộc kháng chiến sẽ thành công.
Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp đầu năm 1946, Bác gửi lời chào tới các chiến sĩ yêu quý, đang gan góc chiến đấu ở các mặt trận. Bác nhắc: "Qua năm mới, chúng ta có nhiều công việc quan trọng phải làm", trong đó phải hăng hái tham gia cuộc tuyển cử vào ngày 6 tháng 1 năm 1946 để tổ chức một Quốc hội đủ tinh thần và lực lượng thay mặt cho toàn dân. Bác kiên quyết chỉ thị phải tổ chức sớm Tổng tuyển cử vì qua Tổng tuyển cử thể hiện được trách nhiệm của những người thay mặt nhân dân gánh vác việc nước, đồng thời cũng thể hiện được lòng tin của toàn dân với Chính phủ. Và qua Tổng tuyển cử, Việt Nam còn muốn thông báo với toàn thế giới rằng, Việt Nam là một nước độc lập, Việt Nam kiên quyết đoàn kết
28
chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân và kiên quyết giành quyền độc lập.
Trước đó một ngày, ngày 5 tháng 1 năm 1946, Bác ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Bác viết: "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ
của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn...
Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước".
Tối ngày 5 tháng 1, Bác bảo tôi:
- Ngày mai là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, chú đi cùng Bác, nhớ mang theo bút.
Sáng sớm ngày 6 tháng 1 năm 1946, tôi cùng Bác đến bỏ phiếu ở số 10 phố Hàng Vôi. Trước đó mấy ngày, nhận được danh sách những người ứng cử, Bác đọc rất kỹ để lựa chọn những người xứng đáng gánh vác việc nước. Sau đó Bác đến thăm những nơi bỏ phiếu ở Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống và một số nơi khác. Tổng tuyển cử đầu tiên
29
thành công đã bầu ra được những người có đủ tinh thần, trách nhiệm cùng toàn dân bước vào công cuộc xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cả nước vui niềm vui Tổng tuyển cử thành công,
và vui chuẩn bị đón Tết Xuân độc lập đầu tiên. Không hiểu từ bao giờ, Tết âm lịch đã trở nên thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Tết Bính Tuất đến chỉ sau ngày Bác tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hơn 5 tháng. Vì vậy, không chỉ người dân Hà Nội mà mọi người dân trong cả nước đều nghĩ đến Tết độc lập đầu tiên sớm hơn mọi năm. Một tuần nữa mới tới ngày ông Táo lên trời mà mọi nhà đã sửa soạn cả rồi. Đối với Bác Hồ, mặc dù bận trăm công nghìn việc của Chính phủ mới, nhưng vẫn không quên lo Tết cho đồng bào, chiến sĩ.
Tối ngày 19 tháng 1 năm 1946, Bác hỏi tôi: - Chú Cần xem sắp đến ngày Tết ông Táo chưa nhỉ?
- Thưa Bác, hôm nay mới là 18 tháng chạp, còn 5 ngày nữa ạ.
Đêm đó, Bác trằn trọc không ngủ. Nghe tiếng cựa mình, tôi biết Bác còn thức. Chắc giờ này Bác đang nghĩ nhiều đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sáng ngày 20, Bác gọi tôi lại, bảo lấy giấy bút, Bác đọc cho viết thư kêu gọi đồng bào nhân dịp Tết sắp đến. Thư ngắn gọn và tôi cứ tưởng như
Bác đang nói chuyện với mọi người: "Tôi kêu gọi 30
đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui Xuân mừng Tết với:
Những chiến sĩ oanh liệt ở trước mặt trận, Những gia quyến các chiến sĩ,
Những đồng bào nghèo nàn,
Sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập". Ngay chiều hôm đó, Bác lại viết thư gửi thanh niên và nhi đồng. Bác gửi riêng cho thanh niên và nhi đồng bởi đây là những chủ nhân tương lai của
đất nước, cả nước đang đặt niềm tin vào thế hệ trẻ mà thư trước Bác chưa nhắc đến. Bác đọc chậm rãi cho tôi viết và cẩn thận sửa lại một số từ mà Bác chưa vừa lòng. Lời so sánh trong thư làm cho bất cứ bạn trẻ nào khi đọc, khi nghe cũng đều thấy một sức xuân phơi phới trong mình: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Thư Bác khuyên bảo: "Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".
Ngày 1 tháng 2 năm 1946, tức 30 Tết, từ sáng sớm, anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) mang đến hai bọc nói là Bác đã dặn. Chiều lúc đi làm về, Bác nói với tôi:
- Tối nay, chú đưa Bác đến thăm một số gia đình Tết nghèo, Tết vừa, Tết khá, Tết sang. Chú không phải báo trước cho bất cứ ai.
31
Bác lại dặn chỉ cần 2 bảo vệ, 1 lái xe đi cùng nên tôi rất lo lắng, bởi ta vừa giành được chính quyền, các thế lực phản động vẫn đang rắp tâm phá hoại cách mạng. Thấy tôi không yên tâm, Bác giải thích và động viên: "Chú có biết cách bảo vệ
tốt nhất là gì không? Bảo vệ tốt nhất là bí mật và bất ngờ!".
Bác nói thêm:
- Dân ta rất tốt. Chú phải tin vào dân. Lời nói của Bác làm tôi bình tĩnh hơn, nhưng vẫn chưa hết lo. Là một cán bộ hoạt động bí mật ở Hà Nội, tôi hiểu khá tường tận các đường phố nên sắp sẵn trong đầu những chỗ sẽ đến, những phố sẽ đi qua, làm thế nào để đường đi ngắn và an toàn.
19 giờ ngày 30 Tết, trời tối đen. Cái tối đêm 30. Trời rét ngọt. Năm Bác cháu lên xe. Xe chạy qua từng phố vắng vẻ. Cái ồn ào, sôi động của không khí đón Tết giờ này đã chuyển vào trong từng ngôi nhà, để lại cho đường phố một vẻ yên tĩnh lạ thường. Xe dừng lại ở đầu ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ. Bác cháu lần mò vào trong ngõ. Đường mấp mô, có lúc phải bật đèn pin. Tôi đưa Bác vào một nhà ở cuối ngõ, gọi cửa không thấy tiếng trả lời. Không cài then, tôi đẩy cửa vào một căn phòng hẹp lạnh lẽo. Ngọn đèn dầu nhỏ không đủ soi sáng. Tôi hỏi to:
- Nhà có ai không?
32
Chỉ có tiếng rên từ một chiếc võng tre kê sát vách. Lại gần thấy một người đắp chiếu đang rên. Tôi ghé vào đầu giường nói:
- Cụ Hồ đến chúc Tết đấy!
Không thấy tiếng đáp lại, nhưng tiếng rên không to nữa. Tôi rờ tay lên trán chủ nhà thấy sốt nóng. Bác bảo kéo chiếu kín cho chủ nhà, rồi Bác cháu lặng lẽ đi ra, khép kín cửa lại. Ngồi trên xe Bác nói khẽ như nói với chính mình: "30 Tết mà không có Tết". Không khí trong xe lặng đi. Chỉ
nghe thấy tiếng động cơ xe chạy. Bác dặn tôi: "Mai chú nhớ mang thuốc, quà và thiếp chúc Tết đến thăm hỏi". (Sáng hôm sau, khi mang thuốc, quà và thiếp chúc Tết đến thăm, chúng tôi mới biết chủ
nhà là người tỉnh khác về Hà Nội làm phu kéo xe không đủ tiền để về quê ăn Tết với gia đình). Xe dừng lại trước cửa một nhà ở phố Hàng Lọng gần ga Hàng Cỏ (nay là phố Lê Duẩn), gọi cửa có người ra mở ngay. Khi nhận ra Cụ Hồ, mọi người luýnh quýnh kéo vội quần áo đang phơi trên dây chăng ngang nhà. Đây là nhà của một viên chức nghèo. Cụ Hồ chúc Tết, thăm hỏi gia đình. Gia đình vui sướng quây quần quanh Bác, quên cả chúc Tết Cụ Hồ. Xe tới phố Hàng Vải Thâm. Phố vắng tanh và lạnh, đèn điện sáng lờ mờ. Nhưng khi cánh cửa nhà hé mở thì ánh điện trong nhà sáng loé. Căn nhà hẹp nhưng sâu. Gian bên ngoài kê một bộ sa lông bằng gỗ nghiến chạm
33
trổ, mặt bàn bằng đá vân mây, lọ độc bình cao to cắm cành đào như cả một cây, nụ to, hoa nở đỏ thắm choán cả lối đi. Bên kia là một chậu quất, quả chín mọng. Cạnh đó là mấy chậu cúc vàng. Sâu vào bên trong có một chiếc giường gụ chân quỳ kê sát tủ chè lồng kính. Bên trên là bàn thờ, đỉnh đồng sáng bóng, khói trầm nghi ngút, bày mâm cỗ, bánh chưng và ngũ quả, trong đó có bưởi và phật thủ. Cụ Hồ chúc Tết gia đình và gia đình cũng chúc Cụ Hồ năm mới sống lâu, mạnh khỏe!
Tới mấy nhà buôn bán to và quan lại cũ, gọi cửa không thấy mở. Bác ngồi trên xe thấy lâu, ra hiệu thôi. Bác cháu trở về nhà.
Nhắc lại chuyện cũ, tôi nhớ câu thơ của Tố Hữu: "Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người"
Người Hà Nội có thói quen đón Tết trong ngôi nhà ấm cúng của gia đình cho nên đường phố vắng teo. Lúc đó đã là 21 giờ 30 phút. Vừa về đến nhà (số 8 Lê Thái Tổ), Bác bảo riêng tôi lên phòng, bàn chương trình đón giao thừa. Tôi mở
hai gói lúc sáng anh Cả chuyển đến. Đó là quần áo dành cho Bác và tôi cải trang đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn1. Bác mặc thử: khăn xếp, áo the,
_____________
1. Có tài liệu cho rằng Bác đi cùng đồng chí Vũ Đình Huỳnh, cũng có tài liệu cho rằng Bác đi cùng một nhà báo Mỹ (BT).
34
quần trắng, giầy Gia Định, kèm theo chiếc mục kỉnh đeo trễ xuống, trông Bác như một cụ đồ nhà quê. Tôi mặc quần trắng, áo láng đen, chân đi dép da, đầu tóc để trần, trông hệt như con nhà nền nếp. Mặc thử xong Bác bảo tôi:
- Trước 12 giờ, hai Bác cháu đi bộ ra đền Ngọc Sơn hái lộc đón giao thừa.
Bác dặn thêm:
- Không cần bảo vệ đi theo.
Lúc này tôi lo lắng thật sự.
Bác nhắc lại câu: "Bảo vệ tốt nhất là bất ngờ và bí mật". Và nhớ lại câu nói của Bác "Dân ta rất tốt", "Chú phải tin ở dân", nỗi lo trong tôi vơi đi phần nào. Trước lúc ra khỏi nhà, tôi giấu Bác dắt khẩu súng ngắn trong cạp quần cho yên tâm.
Chập tối, các đường phố vắng vẻ là thế, mà lúc này, người người nối đuôi nhau trên các nẻo đường đổ về hồ Hoàn Kiếm đón giao thừa. Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn chật ních người. Tôi đi trước tay trái dắt Bác, tay phải rẽ người chen vào đám đông. Trông Bác lúc này giống hệt ông cụ
nhà quê ra ăn Tết với con cháu ở Hà Nội. Người Thủ đô vốn có tiếng là thanh lịch, nhưng đêm giao thừa đó, khi dắt Bác chen qua đám trai thanh gái lịch, tôi vẫn nghe thấy tiếng đầy bực dọc: "Hai ông cháu nhà quê đi đâu mà lớ ngớ, không cúng lễ mà cũng chẳng hái lộc"! Bác như đang hòa vào không khí vui xuân với người dân Hà Nội, còn tôi chỉ lo
35
lạc Bác. Lúc trở ra qua được cầu Thê Húc, hai Bác cháu nhìn nhau mỉm cười. Có lẽ thấy được sự lo lắng của tôi thể hiện trên nét mặt nên Bác nói:
- Tôi trông chú thấy buồn cười quá. Bây giờ chưa về ngay đâu, hai Bác cháu đi dọc thêm phố Hàng Đào xem mọi người đón Tết ra sao.
Cảm giác lo lắng theo tôi suốt dọc đường. Chỉ khi về đến nhà tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi gọi điện cho Giám đốc Sở Liêm phóng, báo tin hai Bác cháu vừa đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn. Giám đốc Sở Liêm phóng được một phen hú vía. Cũng như Giám đốc Sở, dân Hà Nội không ai biết, đêm giao thừa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Cụ Hồ đã cùng nhân dân Thủ đô chen vai sát cánh đón Tết Xuân độc lập.
Sáng mồng một Tết, Bác dậy sớm. Chưa đến giờ làm việc, Bác đã bảo tôi đem giấy ra viết khai bút. Bác bảo tôi viết to cho dễ đọc: "Hôm nay là mồng một Tết năm Bính Tuất. Ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Tôi thấy mình nhỏ bé lại như những ngày đi học trước kia, chẳng khác lúc thầy đọc cho viết chính tả. Bác chúc đồng bào cả nước, chúc các chiến sĩ ngoài mặt trận, chúc gia quyến các chiến sĩ ở hậu phương năm mới vui vẻ, khỏe mạnh và thắng lợi. Viết xong, Bác bảo tôi:
- Chú báo chú Hưng, 7 giờ đến gặp Bác ở Bắc Bộ phủ.
36
Đồng chí Trần Duy Hưng có mặt tại phòng làm việc của Bác trước 7 giờ. Bác nói:
- Bác đã viết thư kêu gọi trước Tết ông Táo mà các chú không tổ chức làm cho nhiều gia đình không có Tết. Các chú có khuyết điểm không thực hiện thư Bác. Thế các chú sửa khuyết điểm này như thế nào?
Chúng tôi đứng lặng nhìn nhau, chưa biết nói thế nào, Bác nói tiếp:
- Thôi thế này, các chú cùng đội tuyên truyền xuống các đường phố, xem nhà nào chưa có Tết thì vận động hai nhà bên cạnh biếu họ chiếc bánh chưng và quả cam.
Chúng tôi làm theo lời Bác. Tết năm ấy, những gia đình nghèo cũng được hưởng Tết, đón Xuân. Trong những ngày này, mọi người vui Tết, đón Xuân, nhưng các chiến sĩ ngoài mặt trận vẫn ngày đêm đối mặt với quân xâm lược Pháp. Chúng vẫn ra sức tấn công với âm mưu chiếm nước ta. Tết đã về, Xuân đã đến với đất nước, nhưng cuộc chiến đấu của nhân dân ta, nhất là nhân dân Nam Bộ còn nhiều gian khổ.
37
NĂM 1946,
NĂM NGÀN CÂN TREO SỢI TÓC
Sau khi nước ta tuyên bố độc lập không lâu, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn. Theo gót chân quân Anh xuống sân bay Tân Sơn Nhất là một đại đội biệt kích Pháp được tướng Leclerc (vừa được De Gaulle bổ nhiệm chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương) tuyển lựa một số quân Ấn Độ và cho mặc quân phục Anh. Bọn này lập tức được cử đi chiếm đóng một số vị trí quan trọng của quân Nhật ở Sài Gòn. Cũng vào thời điểm đó, ở phía Bắc vĩ tuyến 16, gần hai chục vạn quân Tưởng kéo vào.
Chưa bao giờ trên mảnh đất nhỏ hẹp của đất nước ta lại tập trung nhiều quân thù đến như vậy. Vận mệnh dân tộc đặt trước nhiều thử thách. Chính vào thời điểm này, thiên tài Hồ Chí Minh tỏa sáng hơn bao giờ hết, với sứ mệnh lịch sử chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những thác ghềnh đến bến bờ thắng lợi.
Sau Tết độc lập đầu tiên, Bác đi thăm nhiều địa phương. Tuy đất nước đã giành được độc lập,
38
song nhân dân còn đói khổ. Quân Anh, quân Tưởng đã đặt chân lên đất nước ta với những dã tâm độc ác. Điều đó làm Bác luôn day dứt: Nếu không sớm tổ chức được một Chính phủ chính thức, không bầu ra được những cán bộ đủ năng lực lãnh đạo đất nước thì nền độc lập của nước nhà sẽ luôn bị đe dọa. Những ngày này, Bác tập trung công sức và trí tuệ vào việc này rất nhiều. Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 4 tháng 2, Người nhắc nhở cần chuẩn bị gấp cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.
Lúc đó quân Tưởng kéo vào các tỉnh phía Bắc. Đi đến đâu chúng cũng phá phách. Chúng xông vào các nhà dân, cướp bóc lương thực, đuổi dân đi, lấy nhà ở, thậm chí còn dỡ cửa gỗ làm củi đun. Trong các buổi sáng tại nhà số 8 Lê Thái Tổ, Bác thường nhắc các đồng chí Thường vụ có mặt: "Bây
giờ, các chú làm việc vất vả hơn nhiều, nhưng làm sao phải giữ được bí mật và cảnh giác, phải gần dân, sát dân, nhưng phải cô lập được kẻ thù". Chúng tôi hiểu, quân Tưởng vào nước ta đem theo ý đồ "diệt cộng, cầm Hồ" (diệt cộng sản, bắt Chủ
tịch Hồ Chí Minh) nên Bác thường xuyên nhắc nhở không được coi thường kẻ địch là điều dễ hiểu. Trong khi quân Tưởng hoành hành như vậy, thì bọn phản động trong nước lại nổi lên làm cho tình hình phức tạp thêm. Bọn chúng đã trắng trợn bắt cóc và thủ tiêu cán bộ cách mạng.
39
Những ngày này, vì công việc của một Chính phủ mới còn bề bộn và cũng để bảo đảm bí mật, Bác thường làm việc đến 6 giờ rưỡi chiều mới về. Một buổi chiều, chiếc xe quen thuộc đón Bác từ
Bắc Bộ phủ về số 8 Lê Thái Tổ. Trên xe chỉ có bốn người: Bác, một bảo vệ, một lái xe và tôi. Xe vừa ra khỏi cổng, tôi nhìn thấy một chiếc xe lạ đỗ phía bên kia đường. Xe chúng tôi đi, chiếc xe lạ cũng đi theo. Linh tính thấy có sự chẳng lành, tôi để ý và thấy trên xe đó có đặt súng liên thanh. Tôi báo cáo lại với Bác và bảo lái xe không đi về nhà mà đi qua một vài phố khác. Chiếc xe đó vẫn theo. Tôi bảo đồng chí lái xe chạy trở lại Bắc Bộ phủ. Vừa đến Bắc Bộ phủ tôi liền gọi điện báo cho Sở Liêm phóng biết sự việc trên. Các đồng chí bên Sở Liêm phóng cử người theo dõi, nhưng chiếc xe lạ đã biến mất. Kể từ đó, công tác bảo đảm an toàn cho Bác cũng đặt ra nhiều vấn đề phức tạp hơn.
Thường thì buổi tối, Bác về nghỉ tại số 8 Lê Thái Tổ, nhưng thời gian này tình hình không được yên ổn nên anh Cả đã chọn một căn nhà ở ngoại thành (đê Liễu Giai) để Bác nghỉ. Vẫn như thường lệ, sau giờ làm việc xe đón Bác từ Bắc Bộ phủ, nhưng không chạy thẳng về số 8 Lê Thái Tổ mà chạy vòng qua một số phố vắng rồi đến địa điểm đã định trước, hôm thì do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, hôm thì do đồng chí Trần Đăng Ninh đón. Nếu không có xe nào bám theo thì Bác
40
và tôi chuyển sang xe đợi sẵn đi ra hướng ngoại thành. Chiếc xe cũ vẫn đi về số 8 Lê Thái Tổ như mọi lần. Sáng hôm sau, đúng 7 giờ kém 15 phút, xe đó lại đến Bắc Bộ phủ. Ở ngoại thành, mấy Bác cháu sống trong một căn nhà hẹp một tầng, có hầm ở dưới, phía trước đằng xa là nhà thờ Liễu Giai.
Chắc không ai có thể ngờ rằng vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng nghỉ ở một ngôi nhà như thế.
Hôm sau, từ 3 giờ sáng, Bác đã cùng anh em đến Bắc Bộ phủ. Thời gian này, Bác rất yếu và xanh vì làm việc nhiều, lại ngủ ít. Thấy vậy tôi thưa với Bác hay là để các đồng chí cảnh vệ lo tổ
chức canh gác chu đáo ở Bắc Bộ phủ để Bác đỡ vất vả. Nhưng Bác nói:
- Mình vừa giành được độc lập còn nhiều khó khăn, cố chịu đựng vất vả.
Quân Tưởng vào nước ta không những phá nhiễu dân ta mà còn lôi kéo thêm cả Quốc dân Đảng Việt Nam hoạt động ở Trung Quốc và thực hiện những ý đồ đen tối của chúng. Chúng tụ tập lại với nhau thành lập trụ sở, ra báo đặt tại phố Quán Thánh. Với tờ báo Vịt Đực, tuy chúng không dám công khai chống lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống lại Chính phủ nhưng bằng giọng điệu xách
mé, chúng nói xấu Chính phủ ta. Cùng với hành động đó, bọn chúng vẫn cướp bóc, nhũng nhiễu
41
dân ta. Căm ghét quân Tưởng, người dân Hà Nội, nhất là dân ngoại thành khi có điều kiện là thủ tiêu lính Tưởng. Một lần có một tên lính bị dân bắt và đánh cho nhừ tử rồi vứt xuống sông. Nhưng sau đó tên lính tỉnh lại và về báo cáo với Bộ chỉ huy. Quân Tưởng nhân cơ hội này làm căng. Chúng đòi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến giải quyết và kiện Chính phủ ta, đòi đền bù tiền vàng và lập đền thờ cho những tên đã chết. Bác phải cử
riêng một đồng chí dàn xếp chuyện này. Có lần tôi hỏi Bác:
- Thưa Bác, quân Tưởng làm nhiều điều sách nhiễu nhân dân, khi có điều kiện dân ta thủ tiêu kẻ làm càn sao Chính phủ lại cấm?
Bác nhìn tôi hỏi lại:
- Chú đã từng ở chiến khu rồi phải không? - Dạ rồi ạ.
- Chú đã từng đi qua suối?
- Dạ vâng.
- Có khi nào chú gặp cây gỗ mục đổ chắn ngang dòng suối chưa?
- Dạ có.
- Thế chú có thấy rác rưởi từ trên nguồn chảy theo dòng suối bị cây gỗ đó chặn lại không? - Dạ thấy.
- Chú cứ ngồi nhặt từng cái rác thì đến bao giờ mới hết. Nhặt cái này thì cái khác lại đến. Chú phải hô hào mọi người lật cây gỗ đó thì rác
42
rưởi mới trôi hết. Vấn đề là ở chỗ đó. Đối với quân Tưởng cũng vậy, ta cứ thủ tiêu từng tên một thì bao giờ mới hết.
Tôi nghe Bác nói và hiểu ra phải làm như thế nào. Tôi kể chuyện lại với các đồng chí cán bộ Hà Nội để các đồng chí giải thích cho đồng bào rõ. Từ đó, tình hình dịu hơn. Bác còn nói, không chỉ đối với quân Tưởng mà đối với Pháp kiều, Hoa kiều, chúng ta cũng phải tỏ ra là công dân của một nước Việt Nam độc lập.
Ngày 18 tháng 2, Bác gửi công hàm tới chính phủ các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô, Anh. Trong đó có đoạn: "chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp... Đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên hợp quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn". Trước đó, Người còn gửi thư đến Tổng thống Mỹ H. Truman để cảm ơn Tổng thống và nhân dân Mỹ đã quan tâm ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống phát xít Nhật và yêu cầu Mỹ với tư cách là những người bảo vệ và những chiến sĩ của công bằng thế giới ủng hộ nền độc lập của chúng ta. Sau này có dịp nhớ lại những việc làm trên đây của Bác, tôi vô cùng cảm phục về sự sáng suốt của Người với chính sách đối ngoại thêm bạn bớt thù vào thời điểm vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc.
43
Ngày 4 tháng 3, Bác dự cuộc họp đầu tiên của Chính phủ liên hiệp kháng chiến bàn về các vấn đề: nguyên tắc họp của Hội đồng Chính phủ, tuyên ngôn của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, chính sách đối với Pháp, quyền hạn của Bộ Quốc phòng và Ủy ban kháng chiến. Hội đồng Chính phủ quyết định chuẩn bị kháng chiến, đồng thời đàm phán với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam độc lập. Bác bàn với Trung ương và đưa ra trong các cuộc họp của Chính phủ lâm thời về việc đoàn kết các đảng phái. Chính phủ có 10 bộ, mỗi đảng giữ 2 bộ, còn Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng sẽ do 2 người trung lập giữ. Bác mời một số binh sĩ ra giúp nước, trong đó có cả một số người trước đây không có cảm tình với Đảng Cộng sản; có người trong chính phủ của Trần Trọng Kim; trong triều đình cũ của Bảo Đại. Tháng 6, trước khi đi thăm hữu nghị nước Pháp, Bác đã giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đưa tiễn Bác ra sân bay, cụ Huỳnh hỏi:
- Cụ có dặn dò gì chúng tôi không?
Bác nắm chặt tay cụ Huỳnh:
- Công việc thì chúng ta đã bàn rồi. Tôi chỉ xin nói lại một câu: "Dĩ bất biến ứng vạn biến". Cụ Huỳnh rất tâm đắc và thưa lại:
- Cụ yên tâm, công việc ở nhà tôi gắng lo liệu. Nhờ tài lãnh đạo và tổ chức của Người mà nhân dân ngày càng tin yêu vào Đảng, vào Người.
44
Vua Bảo Đại tự thấy mình không thể không thoái vị. Lúc giao ấn kiếm cho Chính phủ, Bảo Đại nói một câu rất khôn ngoan: "Làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ". Bác đã mời Bảo Đại tham gia việc nước.
Chính phủ được thành lập, quân Tưởng đã bớt quấy phá, nhiều người trong giới quan lại cũ giác ngộ đi theo cách mạng.
Năm 1946, lần đầu tiên Người đi thăm nước ngoài với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam độc lập nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp đối với Việt Nam. Trong chuyến đi này, Bác đã gặp gỡ và tiếp chuyện với nhiều nhân sĩ, kiều bào. Có nhân sĩ Pháp mới sinh con có nguyện vọng được Bác nhận là cha đỡ đầu. Đảng Cộng sản Pháp nhận sẽ bằng mọi cách ngăn chặn những hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, mà có sự kiện Raymondienne* và Henri Martin ngăn chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam.
Nấp sau lưng quân Anh, Ấn, quân Pháp ngày càng khiêu khích trắng trợn. Viên Đại tá Pháp Cedine, được Tướng De Gaulle bổ nhiệm làm Ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Nam Việt Nam tuyên bố: "Việt Minh không đủ khả năng duy trì trật tự ở Sài Gòn. Vì vậy, trước hết, Pháp _____________
* Raymonde Dien (BT).
45
phải đảm nhiệm lấy việc này. Sau đó sẽ thành lập một chính phủ theo tuyên bố Bragavin ngày 24 tháng 3 năm 1945 của De Gaulle". Âm mưu xâm chiếm nước ta của thực dân Pháp đã rõ ràng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu đồng bào toàn quốc giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Người vạch rõ âm mưu của thực dân Pháp, chúng vừa dùng chiến tranh bằng quân sự, vừa dùng chiến tranh bằng tinh thần.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng đồng bào miền Nam danh hiệu vẻ vang: "Thành đồng Tổ quốc".
Trong cuộc gặp đoàn cán bộ ở miền Nam ra Bắc, khoảng giữa tháng 5 năm 1946, Bác hỏi thăm sức khỏe của đoàn và tình hình Nam Bộ. Khi biết chiến trường Nam Bộ rất cần súng, Người nói:
- Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về miền Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô, các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp súng của nó mà dùng thì cái vốn đó mới nhiều.
Người căn dặn từng người và căn dặn đồng chí Nguyễn Thị Định:
- Cô ở ngoài này học tập một thời gian rồi lại về tiếp tục kháng chiến với bà con. Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té, có phải thế không?
46
Ngày 31 tháng 5, Bác gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!".
Bác rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, mà đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Đó là điều mà chưa ai nghĩ tới. Bác luôn luôn theo dõi từng bước đi của cách mạng miền Nam. Mong ước của Bác là cách mạng miền Nam giành thắng lợi, nước Việt Nam được thống nhất. Lúc đó Bác sẽ đi thăm các miền, nói chuyện với đồng bào, kể chuyện cho các cháu nhỏ nghe về tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân ta. Đó là chuyện khi nước nhà độc lập, còn vào giờ phút này, Bác vẫn cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ quyết đấu tranh đến giọt máu cuối cùng để giữ vững nền độc lập. Đúng là "miền Nam trong trái tim tôi" như Bác đã từng nói.
47
NHỮNG NGÀY ĐẦU
TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN
Sau khi thực dân Pháp bội ước ở Hải Phòng (ngày 20 tháng 11 năm 1946) thì tình hình ở Thủ đô Hà Nội rất căng thẳng, giống như một thùng thuốc súng sắp bùng nổ. Bọn phản động vẫn ra sức quấy phá. Những vụ ám sát, tống tiền, bắt cóc hầu như diễn ra hàng ngày. Kẻ thù ngày càng đặc biệt theo dõi những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khách sạn Metropole và nhà Ngân hàng, quân Pháp thay nhau theo dõi khung cửa sổ ở tầng 2 Bắc Bộ phủ, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tháng 12, chúng còn bố trí súng tiểu liên chĩa về phía cửa sổ Bắc Bộ phủ. Hàng ngày, tôi cùng Bác ngồi làm việc ở đó, qua tấm màn che màu xanh. Công tác bảo vệ Bác được Thường vụ Trung ương giao cho các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh. Đây thực sự là một cuộc đấu trí căng thẳng. Thỉnh thoảng, Bác vẫn ra ngoại thành nghỉ để bảo đảm an toàn.
48
Đến ngày 26 tháng 11 năm 1946, để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra, theo quyết định của Thường vụ Trung ương, Bác chuyển hẳn ra ở ngoại thành. Vào lúc 19 giờ 30, chiếc xe Ford mui vải đưa Bác rời Hà Nội. Trăng mồng 3 câu liêm, tiết tháng giêng trời lạnh. Xe qua các phố Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Bột, xuống Ngã Tư
Sở rồi chạy thẳng vào thị xã Hà Đông. Qua cầu xi măng một đoạn, xe rẽ về hướng Sơn Tây, qua làng Đại Mỗ rồi dừng lại trước một xóm nhỏ, gần ngã tư Canh. Bác xuống xe, áo the khăn xếp như cụ
Lý ra tỉnh về. Đã có người đứng đón. Anh Nguyễn Lương Bằng đi trước, tôi và Bác theo sau. Đường hẹp lát gạch. Đi hết đường gạch thì đến đường mấp mô, dẫn vào làng. Không gian vắng lặng, thỉnh thoảng lại có tiếng chó sủa. Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà gạch. Đây chính là ngôi nhà mà cách đó mấy hôm, anh Nguyễn Lương Bằng đã dẫn tôi đến xem trước. Chủ nhà đã đồng ý nhường toàn bộ căn nhà cho cơ quan mượn. Nhà kiểu cũ, có cổng xây, sân gạch. Do có sự chuẩn bị từ trước nên mọi việc diễn ra kín đáo. Không ai biết là đã có một đoàn cán bộ quan trọng về đây. Trong nhà có một căn gác xép, để bảo đảm bí mật, Bác làm việc và ăn uống ngay ở trên đó. Rất khuya, trước khi đi ngủ, Bác mới xuống sân cùng đồng chí Kháng (bảo vệ) đi vài đường quyền cho dãn gân cốt. Từ căn gác xép vắng vẻ này, những
49
chỉ thị, mệnh lệnh của Bác đã nhanh chóng được truyền đi khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là đến với Hà Nội.
Lúc này, ở Hà Nội, bọn tây mũ đỏ kéo đến phá phách nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền. Quân Pháp ở khắp nơi được điều động về Hà Nội. Chúng lập thêm nhiều ổ chiến đấu ở các nhà Pháp kiều.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đêm suy nghĩ trước bước ngoặt lịch sử của dân tộc, cố gắng đến mức cao nhất để tránh một cuộc chiến tranh có thể xảy ra và lan rộng giữa ta và Pháp. Trước khi rời Hà Nội ba ngày, ngày 23 tháng 11 năm 1946, Người đã gửi thư cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp. Người viết: "Người Việt và người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự
nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc".
Nhưng thực dân Pháp ở Đông Dương vẫn ngoan cố khước từ mọi thiện chí của chúng ta. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương vừa kiên trì đường lối hòa hoãn, vừa khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Công việc bộn bề, tình hình căng thẳng nhưng Bác vẫn bình tĩnh. Các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp từ Hà Nội đến báo cáo tình hình và bàn bạc công việc. Thường thì các đồng chí đến ban đêm, làm
50
việc xong là đi ngay. Hôm nào cũng rất khuya. Nhìn các anh ra về trong đêm gió lạnh, Bác ái ngại vô cùng. Bác bảo chị Thanh (người nấu ăn cho Bác lúc đó) cố gắng kiếm thứ gì bồi dưỡng cho các anh. Nhưng dạo ấy tình hình khó khăn, chị
Thanh cũng chỉ có được mấy củ khoai, quả chuối. Sáng sớm ngày 3 tháng 12 năm 1946, từ ngã tư Canh, Bác ra Hà Nội làm việc với Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp từ Paris mới sang. Buổi sáng ấy, trời rét ngọt, sương trắng phủ khắp cánh đồng. Bác mặc thêm áo ấm và quàng khăn. Chưa tới 6 giờ xe đã đưa Bác đến Bắc Bộ phủ, cửa sắt còn đóng chặt, trong chặn gỗ. 18 giờ, trời sẩm tối, Sainteny, người thay mặt Chính phủ Pháp ký hiệp định sơ bộ cách đây 9 tháng, có mặt. Lấy lý do sức khỏe, Bác nằm tiếp. Sainteny chủ quan báo cáo về Pháp là Chủ tịch Hồ Chí Minh bị mệt. Trong cuộc gặp hôm đó, hai bên đã thỏa thuận một số điều. Bác và Trung ương vẫn kiên nhẫn để đạt được một thỏa thuận, dành thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc chiến đấu mà theo Bác không thể tránh khỏi. Vào lúc 7 giờ tối, anh Trần Đăng Ninh đưa xe đến đón Bác, xe rời Hà Nội trong gió lạnh, trong tiếng súng nổ lúc thưa lúc nhặt. Đêm đó Người không trở về ngã tư Canh nữa. Xe đến thị xã Hà Đông, rẽ phải đi qua cầu làng Vạn Phúc thì đỗ lại. Anh Ninh dẫn Bác vào con đường lát gạch, đến một chiếc cổng nhỏ. Đây
51
chính là cổng nhà ông Nguyễn Văn Dương, một cơ sở của ta từ hồi trước cách mạng. Qua một khoảng sân nhỏ, Bác lên thẳng gác bằng một cầu thang hẹp, xây bằng gạch ở bên ngoài. Tầng gác này có một phòng rộng, ở phía ngoài bày bàn thờ, liền đó là một gian phòng nhỏ, cửa vào ngay cầu thang lên, rộng khoảng 15 mét vuông. Đây là buồng riêng của "cậu Tú" con trai cụ chủ nhà, vừa dùng làm buồng học, vừa làm buồng ngủ. Trong phòng, sát cửa sổ phía sau kê một chiếc bàn kiểu cũ, bằng gỗ lim, đen bóng. Cạnh bàn là chiếc giường gỗ cũ, kê sát tường, Bác dùng để nằm và cũng là nơi ngồi làm việc. Trong phòng có một chiếc ghế tựa, nhưng Bác hầu như không ngồi. Tôi thường ngồi chiếc ghế này mỗi khi Bác gọi đến làm việc. Mỗi lần có cuộc họp, Bác thường ngồi ngay ở trên giường, các anh ngồi ghế lấy thêm ở phòng ngoài.
Nhưng ở đây thường chỉ có đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh; các đồng chí: Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp; có lần các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng cũng dự. Tôi thường ngồi làm việc ở chiếc bàn con kê sát cửa sổ phía ngoài, như vị trí của người canh gác. Khi cần, Bác chỉ gọi khẽ là tôi có ngay.
Tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng. Quân Pháp ngày càng có nhiều hành động khiêu khích trắng trợn. Đêm ngày 3 tháng 12 năm 1946, trong căn gác nhỏ ở làng Vạn Phúc, với cương vị là lãnh
52
tụ tối cao của Đảng, của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trả lời một vấn đề cấp bách của lịch sử. Đánh được chưa và đánh thế nào?
Ngày 3 tháng 12, ở Hà Nội, quân Pháp láo xược cắm cờ tam tài trên nóc nhà Thông tin Tràng Tiền. Ngày 7 tháng 12, ở Hải Phòng, chúng đánh rộng ra Đồ Sơn. Ngay sau đó, chúng tăng quân trái phép cho Hải Dương, Hải Phòng. Quân Pháp càng gây hấn, lòng căm thù của nhân dân càng cao. Thực hiện chỉ thị "Công việc khẩn cấp bây giờ" của Bác về tổ chức du kích khắp nơi, gần 1 triệu thanh niên nam nữ đã vào các đội du kích. Việc xây dựng làng chiến đấu cũng được tiến hành khẩn trương. Bộ đội và dân quân du kích, anh em tự vệ chiến đấu ngày đêm sôi nổi luyện tập.
Tất cả đã sẵn sàng!
Tất cả chờ lệnh của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày này trên căn gác nhỏ ở làng Vạn Phúc, Bác làm việc nhiều hơn, căng thẳng hơn. Chiến tranh và hòa bình. Vấn đề của biết bao thời đại, của biết bao thế hệ, vấn đề liên quan đến cuộc sống của hàng triệu con người. Đối với nước ta, lịch sử đang giao trách nhiệm nặng nề đó cho Người, đòi hỏi Người phải có quyết định ngay trong tháng 12 năm 1946.
Ngày 13 tháng 12 năm 1946, báo Cứu Quốc đăng lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với
53
phóng viên báo Pari - Sài Gòn: "Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập... Nước Pháp có những phương tiện ghê gớm, và cuộc chiến đấu sẽ
khốc hại, nhưng dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do". Ngày nay, đọc lại những văn kiện của Người, đặc biệt là những văn kiện đã viết trong những ngày căng thẳng này, chúng ta càng thấy rõ tầm nhìn xa của Người. Vừa là người yêu nước chân chính, người cộng sản quốc tế, Bác vừa là một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho một nền hòa bình lâu dài.
Trong những ngày căng thẳng này, có đêm hầu như Bác không chợp mắt. Cũng như ở địa điểm trước, các đồng chí: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp thường xuyên đến gặp Bác trên căn gác hẹp, có khi buổi sáng, có khi buổi chiều, nhưng nhiều nhất là buổi tối. Những ngày đó, Người làm việc và làm việc. Người viết, đánh máy và lần lượt giải quyết một số công việc cấp bách. Ngày 5 tháng 12, Bác gặp và giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Ngày 6 tháng 12, Người gửi thư cho Chính phủ và Quốc hội Pháp kêu gọi họ ra lệnh cho các nhà chức
54
trách Pháp ở Việt Nam rút quân khỏi những vị trí chiếm đóng trái phép ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày 7 tháng 12, Người tiếp ông Moffat, Giám đốc Cục châu Á tại Bắc Bộ phủ. Ngày 10 tháng 12, Người thông qua và ký bản thông báo quy định nghi thức đối với Quốc kỳ và Quốc ca. Ngày 13 tháng 12, Người gửi công hàm cho Chính phủ Pháp và Đô đốc D’Argenlieu phản đối quân đội lê dương Pháp đổ bộ vào cảng Đà Nẵng. Ngày 15 tháng 12, Người gửi thông điệp cho Thủ tướng Chính phủ Pháp nhắc lại lập trường căn bản của Việt Nam và đề ra một số điều kiện để giải quyết quan hệ Việt - Pháp. Hàng ngày, Người còn theo dõi và chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Ngày 17 tháng 12 năm 1946, trên bầu trời Thủ đô máy bay Pháp thám thính lượn lờ, dưới mặt đất chúng phá các ụ chiến đấu của anh em tự vệ phố và bắn vào đồng bào ta. Ngày hôm sau, chúng bao vây trụ sở công an Hàng Đậu, chiếm đóng Nha Tài chính (trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay). Đêm hôm ấy, nha kiểm Pháp lại trắng trợn báo tin cho ta: "Trong ngày 18 tháng 12, công an Việt Nam không làm tròn nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Nếu tình hình này còn kéo dài thì bắt đầu từ ngày 20 tháng 12 năm 1946, quân đội Pháp sẽ đảm nhiệm việc trị an ở thành phố Hà Nội". Đó thực chất là một tối hậu thư. Những nét đăm chiêu xuất hiện trên gương mặt gầy của Bác.
55
Những ngày này, Bác làm việc nhiều hơn, có đêm hầu như không ngủ. Hai tuần nay, các đồng chí: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp thường đến họp bàn với Bác. Thấy Bác ngày một gầy yếu, các anh nhắc chúng tôi phải chú ý bồi dưỡng thêm cho Bác. Nhưng Bác lại động viên mọi người cố gắng ăn cho khỏe để còn kháng chiến trường kỳ. Bây giờ nhớ lại, tôi mới hiểu rằng trong những câu nói vui với mọi người cũng chính là những lúc Bác đang suy nghĩ về thời cuộc, về
tương lai của nhân dân Việt Nam.
Sáng sớm ngày 18 tháng 12, Bác bảo tôi ra Bắc Bộ phủ hỏi anh Hoàng Minh Giám về việc giao thiệp với Sainteny. Dọc đường đi, tôi thấy nhân dân đi sơ tán rất đông. Những phố tây đều có lính tây mũ đỏ canh gác. Chúng còn mang xe bọc thép đến, đặt cả súng máy giữa đường. Đầu phố Hàng Đào, trên mỗi bức tường dán một tờ báo rất to, kêu gọi nhân dân sẵn sàng. Phía trước các nhà đều có các khẩu hiệu "Thề chết không làm nô lệ". Quá trưa về tới nhà, thấy Bác đang họp trên gác, tôi báo cáo nội dung anh Hoàng Minh Giám nói về tình hình Sainteny đang tìm cách trì hoãn việc nói chuyện với ta. Tôi cũng kể lại không khí căng thẳng của Hà Nội.
Bác hỏi tôi:
- Khẩu hiệu "Thề chết không làm nô lệ" có nhiều không?
56
Tôi thưa:
- Ở mạn phố Hàng Ngang, Hàng Đào hầu như nhà nào cũng có.
Ánh mắt Bác lúc đó vui hẳn lên. Đêm ấy, Bác lại thức rất khuya. Ngọn đèn dầu tỏa một vùng sáng nhỏ. Bác ngồi trên giường, mắt đăm chiêu nhìn vào mảnh giấy trước mặt. Phía Hà Nội súng nổ nhiều hơn các đêm trước. Chiếc bút học sinh ngòi sắt trong tay Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản hịch lịch sử. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!".
Ý nghĩa cao cả của cuộc kháng chiến, quyết tâm hy sinh của cả một dân tộc, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo được Bác thể hiện một cách ngắn gọn, súc tích. Nhưng có lẽ ít ai biết, một văn kiện có tầm vóc vĩ đại như vậy, Bác chỉ viết một lần, trong một buổi tối, trên một chiếc bàn gỗ cũ, dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn dầu leo lét giữa đêm mùa đông, trong một căn buồng nhỏ ở làng Vạn Phúc. Đó là đêm 18 tháng 12 năm 1946...
Lại nhớ, Bản chỉ thị do chính tay Bác phác thảo ngày 5 tháng 11 năm 1946, "Công việc khẩn cấp bây giờ", trong mục "Trường kỳ kháng chiến",
57
Bác đã chỉ rõ: "Dù phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần.
Ta sẽ giữ tất cả thôn quê.
Khi chỉ có hai bàn tay trắng, với một số đồng chí bí mật, leo lói trong rừng, ta còn gây nên cơ sở kháng Nhật, kháng Pháp. Huống gì bây giờ, ta có quân đội, có nhân dân. Nam Bộ, địa thế khó, chuẩn bị kém, mà kháng chiến đã hơn một năm. Ta địa thế tốt, lực lượng nhiều hơn, nhất định kháng chiến được mấy năm, đến thắng lợi". Đọc xong những dòng này, chúng ta càng thấy rõ tầm nhìn xa, trông rộng của Người, mới hiểu được rằng tại sao trong những ngày của tháng 12 năm 1946 nóng bỏng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta vẫn ung dung, thư thái.
Đêm ngày 18 tháng 12, viết xong bản hịch lịch sử, Bác thanh thản ngả mình trên chiếc giường gỗ. Khi tôi lại thu xếp tài liệu cất vào cặp thì đã nghe tiếng Bác thở đều đều. Một giấc ngủ
ngon đang đến với Bác. Tôi trở ra, đứng một lúc lâu ở cửa sổ, nhìn về phía Hà Nội, nơi có tiếng súng nổ và những đường đạn rực sáng ngang dọc trên bầu trời.
Sáng sớm hôm sau1, Bác đã gọi tôi chuẩn bị giấy bút để làm việc. Gió lùa qua khe cửa sổ làm lung linh ngọn đèn dầu. Bác vẫn ngồi trên giường, _____________
1. Có tài liệu cho rằng đó là ngày 18-12-1946. 58
bảo tôi xích ghế lại gần. Bác đọc cho tôi viết thư gửi Thủ tướng Léon Blum. Bác đọc bằng tiếng Pháp. Đôi chữ, tôi phải hỏi lại để viết cho đúng.
Sáng ngày 19 tháng 12, thực dân Pháp lại gửi cho ta một tối hậu thư nữa, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, đòi tước vũ khí của lực lượng vũ trang. Chúng đe dọa, nếu trong vòng 24 giờ nữa, chúng ta không thực hiện những yêu cầu trên, quân Pháp sẽ hành động. Chính phủ ta đã bác tối hậu thư ấy. Trung ương ra chỉ thị: "Tất cả hãy sẵn sàng".
14 giờ 30 phút chiều hôm đó, các đồng chí: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp đến cùng một lúc. Mặc dù Bác đã có quy định là mỗi lần đến họp, mỗi người phải đến cách nhau ít nhất 5 phút, nhưng có lẽ do sự thôi thúc của tình hình, các anh không chú ý điều đó. Hội nghị
quyết định thông báo cho các nơi chú ý theo dõi Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi nghe trên đài phát đi câu: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Đó chính là hiệu lệnh tổng tiến công mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.
15 giờ 15 phút tan họp. Đến nay, tôi còn nhớ rõ hình ảnh các anh ra về lúc đó. Anh Trường Chinh thì trầm ngâm suy nghĩ. Lúc anh em chào, anh mới giật mình, đáp "À! Chào các đồng chí".
59
Không như mọi lần, bao giờ anh cũng chủ động chào trước. Anh Lê Đức Thọ thì vẫn tươi cười vỗ vai tôi, hỏi: "Thế nào, sửa soạn xong rồi chứ?". Rồi vội bước theo anh Trường Chinh. Anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) coi bộ bí mật lắm, đầu đội mũ cát hơi sụp xuống, kính đen đeo ngay từ trong nhà, áo pađờsuy khoác ngoài dài quá khổ, bước ra sau cùng, không nói năng gì, và cũng vội đi xuống. Còn Bác, Bác ngồi viết một lúc nữa, vẫn vẻ ung dung, bình thản. Không ai nghĩ Bác vừa chủ tọa một cuộc họp có tầm quan trọng lịch sử. Chỉ vài tiếng nữa thôi, súng kháng chiến sẽ nổ rền trên khắp mọi miền đất nước.
Viết xong, Bác tự thu xếp tài liệu vào cặp, rồi gọi tôi: "Các chú sửa soạn đi nhé, chiều tối nay chúng mình chuyển". Bác cháu tôi rời Vạn Phúc, tiếp tục chặng đường "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi". Lúc đó là 18 giờ 40 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946.
60
TẾT KHÁNG CHIẾN ĐẦU TIÊN
Sáng sớm nay, mở toang cửa sổ, một làn sương sớm ùa vào. Ngoài kia, những hạt mưa bụi đang rắc nhẹ trên những cành bàng khẳng khiu. Tết đã đến! Xuân đã về thật rồi!
Đã mấy chục năm được quây quần cùng con cháu đón giao thừa trong ngôi nhà ấm cúng, cũng đã hơn 30 năm xa Bác, nhưng lòng tôi vẫn không nguôi nhớ Người, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đất nước đã vào xuân. Sức xuân như đang hừng hực trong bàn tay và khối óc của toàn dân tộc. Nhưng với tôi, tôi không thể quên Tết kháng chiến đầu tiên của Bác - Tết Đinh Hợi (năm 1947).
*
* *
Nhớ lại mùa xuân năm 1946, mùa xuân độc lập đầu tiên của đất nước, các nhà báo, nhất là các nhà báo nước ngoài mong muốn được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều người chưa hiểu rõ từ nhà hoạt động quốc tế cộng sản
61
Nguyễn Ái Quốc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh làm sao mà kết hợp tài tình đến thế! Ai cũng tin tưởng, ai cũng mến yêu, ai cũng kính phục! Câu trả lời các nhà báo làm cho mọi người sửng sốt, không ai ngờ, vì ngắn gọn, vì giản đơn mà đáp ứng được trọn vẹn: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch nước là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi".
Chủ tịch Hồ Chí Minh là như thế! Suốt đời vì nước, vì dân, thanh thản, ung dung!
Suốt cả năm 1946, tình hình được mô tả như ngàn cân treo sợi tóc. Người rất bình tĩnh và sáng suốt, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Đêm 19 tháng 12 năm 1946, Bác rời Vạn Phúc đến Xuyên Dương. Tối 13 tháng 1 năm 1947, qua phà Bá Thá sang đất Chương Mỹ. Khoảng nửa
62
đêm, Bác cháu tôi tới xóm Lai Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Chính tại địa điểm này, Bác đã viết bài thơ chúc Tết Đinh Hợi, cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Với bản chất xâm lược và hiếu chiến, kẻ thù đã láo xược gửi ba tối hậu thư trong hai ngày. Chúng đòi ta phải hạ vũ khí. Và chúng đã buộc nhân dân ta cầm súng đứng lên bảo vệ nền độc lập và danh dự của mình. Cả nước tin và vâng theo lời kêu gọi của vị lãnh tụ kính yêu, vững bước vào cuộc kháng chiến thần thánh với tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Một năm cũ đã qua đi. Năm mới đến gần. Mùa xuân đã đến với đất trời. Nhưng mùa xuân chưa đến với dân tộc ta. Súng đã nổ. Máu đã chảy. Nhà cửa, đường sá, cầu cống, làng mạc bị thiêu huỷ. Nhưng với tinh thần thiết tha với hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục gửi hàng chục bức thư và lời kêu gọi đến Chính phủ và nhân dân Pháp, thể hiện ý muốn hòa bình của nhân dân ta, kêu gọi họ chấm dứt chiến tranh lập lại sự giao hảo giữa hai nước. Ngày 1 tháng 1 năm 1947, Người viết thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới, chúc một năm mới tốt đẹp, kêu gọi những người yêu chuộng công lý và tự do ủng hộ nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Cùng ngày, Người viết thư gửi tướng Leclerc, kêu
63
gọi thiện chí hòa bình của vị đại tướng này: "Ngài muốn nước Pháp độc lập và thống nhất. Chúng tôi cũng muốn nước Việt Nam độc lập và thống nhất... Lừng danh với những chiến công, ngài lại đi đánh một dân tộc chỉ muốn độc lập, thống nhất quốc gia, và một nước chỉ muốn hợp tác như anh em với nước ngài sao?". Hai ngày sau, Người viết thư gửi Bộ trưởng Moutet. Ngày 7 tháng 1 năm 1947, Người lại gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp để trịnh trọng tuyên bố với nước Pháp: "Nhân dân Việt Nam chỉ muốn có hòa bình, một nền hòa bình thực sự, để kiến thiết quốc gia với sự cộng tác của những người bạn Pháp chân chính". Lại một lời kêu gọi nữa gửi Chính phủ và nhân dân Pháp được Người viết vào ngày 10 tháng 1 năm 1947, nhấn mạnh: "Chúng tôi bao giờ cũng muốn độc lập...
Chúng tôi bao giờ cũng muốn kiến thiết lại nước chúng tôi...
Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau". Chỉ hơn một tuần sau, ngày 18 tháng 1 năm 1947, Người lại gửi một bức thư cho Tổng thống Pháp Vincent Auriol. Bức thư viết: "Chúng ta có thể và chúng ta phải đi tới hòa bình để cứu sống cho bao thanh niên Pháp - Việt... tôi xin đề nghị cùng ngài lập lại ngay nền hòa bình để tránh cho hai nước chúng
64
ta khỏi bị hao người thiệt của...". Rồi ngày 18 tháng 2 năm 1947, Người lại gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp khẳng định: "... nước Pháp nhất định tiếp tục cuộc chiến tranh, nước Pháp sẽ
mất hết mà không thu được lợi gì, vì lẽ chiến tranh chỉ đưa tới chỗ gây căm hờn thù oán giữa hai dân tộc chúng ta.
Đã hẳn là quân đội Pháp có tàu bay và xe tăng, nhưng chính nghĩa về phía chúng tôi và chúng tôi có một ý chí cương quyết kháng chiến đến cùng".
Lẽ ra vào cái thời khắc giao mùa của đất trời, con người được quyền chứng kiến và đón chào. Nhưng nhân dân ta và cả vị lãnh tụ tối cao vẫn ngày đêm đối phó với những âm mưu đen tối của thực dân Pháp. Chúng ngoan cố tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhân dân ta kiên quyết kháng chiến đến cùng! Nhân dịp đầu năm mới, Bác viết lời chúc mừng gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước và kêu gọi nhân dân dù phải hy sinh 4 triệu hay 8 triệu người, mà nước ta được độc lập, dân ta được tự do, tổ tiên ta được vẻ vang, con cháu ta được hạnh phúc, cũng còn hơn chịu cúi đầu mà làm nô lệ cho thực dân Pháp muôn đời.
Tết Nguyên đán đến gần, theo tục lệ, đồng bào từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến thôn quê, ai cũng sắm sửa ăn Tết. Song Tết năm ấy là Tết kháng chiến, các chiến sĩ ở tiền phương đang
65
chịu đói rét, đem xương máu để giữ gìn Tổ quốc, Bác kêu gọi toàn thể đồng bào: "Phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo, cho cuộc kháng chiến lâu dài". Bác còn viết thư chúc Tết riêng cho đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, những người đã ngoan cường chiến đấu hơn một năm nay và sẽ còn phải chịu nhiều gian khổ nữa. Tuy đã gần đến Tết Nguyên đán, nhưng nhân dân vẫn thi nhau đào hầm trú ẩn và làm những việc cần kíp, đề phòng bọn địch tấn công. Các mẹ, các chị, các em thiếu nhi rủ nhau gửi đồ úy lạo cho chiến sĩ ở tiền phương. Chỉ còn một tuần nữa là Tết, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kêu gọi đồng bào ta phải phá hoại cầu cống, đường sá, nhà cửa,... để kháng chiến vì "Đánh thì phải phá hoại. Ta không phá thì Pháp cũng phá". Trong hoàn cảnh đó, chúng ta có thể hình dung ra cuộc sống muôn vàn khó khăn của nhân dân ta, nhưng có lẽ ít ai biết về một cuộc sống riêng cũng khó khăn và thiếu thốn không kém của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhớ lại dạo đó, trong một cuộc họp thân mật, ai cũng sung sướng được đón Bác Hồ đến dự. Trời rét, mưa phùn, nhìn Bác gầy mà đầu đội nón, quần xắn cao, tay chống gậy đi vào phòng họp, nhiều đồng chí đã khóc. Có đồng chí tâm sự:
- Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác sao mà vất vả quá chừng. Giành được độc lập, tự do
66
cho nước, cho dân mới được hơn một năm lại phải lãnh đạo cuộc kháng chiến khó khăn nhiều bề. Bác tủm tỉm cười và trìu mến nhìn đồng chí như thông cảm, vừa trả lời, vừa hỏi:
- Thế các cô, các chú có thấy lúc nào Bác phàn nàn, kêu ca đâu? Nếu có thật vất vả thì vất vả của Bác so với nhân dân và chiến sĩ là không đáng kể. Vì vậy, Bác không dám kêu ca, phàn nàn mà phải cố gắng cho đến khi kháng chiến thắng lợi!
Chiều thứ ba ngày 21 tháng 1 năm 1947, từ Cầm Kiệm, Bác đi dự phiên họp Hội đồng Chính phủ tất niên. Trời mưa, đường trơn, ôtô vừa chạy được một quãng thì sa một bánh xuống ruộng. May ruộng cạn không sâu nên xe chưa bị lật. Trời đã tối. Đi tìm người khênh xe tối 30 Tết không phải là việc dễ. Lúc mấy người trong xóm gần đấy đến khênh giúp xe đã phải đốt đuốc. May mà đồng bào không kiêng. 21 giờ xe mới tới được nơi họp tại phủ Quốc Oai. Phiên họp tất niên chúc mừng năm mới và bàn định một số công việc. 22 giờ rưỡi, xe lại đưa Bác đến Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong hang chùa Trầm để
chúc mừng năm mới Đinh Hợi vào đúng giao thừa. Mưa càng to. Đường càng lầy và trơn hơn. Nhiều lúc bánh xe quay tít trên mặt đường mà xe vẫn đứng nguyên một chỗ. Đành phải xuống đẩy. Đúng là tối như đêm ba mươi. Ánh đèn pha chiếu
67
phía trước nhòa đi vì mưa nặng hạt. Lo ngại nhất là lúc lên dốc. Nhiều lúc thấy máy nổ mà xe không thấy tiến, có lúc lại muốn lùi nữa, tôi buột miệng kêu lên:
- Thôi chết rồi!
Mỗi lúc thấy xe khó đi, đồng chí lái xe vất vả, tưởng không vượt qua được, tôi lại quen miệng kêu:
- Thôi chết rồi!
Bác cũng sốt ruột và quay sang nói với tôi: - Chú này sao chết nhiều lần thế!
Rồi xe cũng vẫn đi trong mưa, trong gió rét, mặc cho những chặng đường trơn đang chờ đợi. Xe vòng quanh Xuân Mai rồi rẽ quặt xuống, gần 12 giờ đêm mới tới chùa Trầm. Hang chùa Trầm là nơi Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam làm việc. Nửa đêm mà điện sáng trưng. Máy nổ ầm ầm. Vừa tới nơi, Người vào phòng thu thanh. Trước máy, Người đã đọc bài thơ chúc Tết gửi đồng bào cả nước:
"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông. Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!".
68
Đọc xong, Bác nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đài Phát thanh đang quây quần đón Bác. Ở đây có khá nhiều anh em, bạn bè các nước đến góp phần với nhân dân Việt Nam kháng chiến, đứng trong hàng ngũ chống thực dân.
Lúc gần về, sư cụ chùa Trầm xin lên "yết kiến". Sư cụ thành kính như lên khóa lễ, tay chắp, giọng run run, mắt đăm đăm nhìn Cụ Hồ:
- Đây là lòng thành của nhà chùa kính dâng, mong Chủ tịch thu nhận cho!
Chú tiểu thành kính đội mâm bánh chưng đặt xuống giường. Cụ Hồ cảm ơn sư cụ và chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công!
0 giờ 45 phút mồng một Tết xe ra về. Trời vẫn mưa to. Lại phải xuống xe đẩy mấy quãng. Lúc này, tôi cố kìm nén để không kêu "chết" nữa. Giao thừa đã qua, năm mới tới giữa lúc trời mưa nặng hạt và bùn trên đường bắn tung toé! Cách nhà chừng hai cây số thì xe lại tụt cả hai bánh xuống ruộng. Vào giờ này thì khó mà mượn người khênh xe. Anh tài đành ngủ trên xe. Còn mấy Bác cháu, dù đường lầy lội cũng xuống xe cuốc bộ về nhà "xông đất".
Tờ mờ sáng mới về tới nhà, thở đánh phào một cái. Chẳng để ý gà gáy cầm canh nữa. Tôi rửa chân tay, thay quần áo, ngồi đọc 2 bài báo của Butbién cho Bác nghe. 5 giờ sáng, Bác cháu mới đi
69
nằm. Lúc đó, các nhà dân đã bắt đầu dậy để chuẩn bị cúng tổ tiên. Sáng mồng một Tết, 7 giờ sáng tôi dậy. Ngủ chưa được hai tiếng. Nhưng Bác đã dậy trước. Mấy anh em đi xuất hành cầu may. Theo hướng nào? Đông Bắc! Anh Cả cùng mấy anh em xuất hành đi khiêng xe. Người nào người nấy gọn gàng, quần xắn cao, vai vác đòn, đầu đội
nón. Trời tiếp tục mưa, đường lầy trơn như mỡ. Lúc quay về vào nhà dân để nhờ xe, chủ nhà mời ăn cỗ Tết đã là 9 giờ sáng. Nhà này đã có người "xông đất" nên chúng tôi mới dám vào. Rượu cay, thịt mỡ, bánh chưng xanh. Trên bàn thờ tổ tiên khói hương nghi ngút.
Về nhà, không khí vẫn tĩnh lặng như mọi ngày. Trưa, tôi ngủ được một mạch từ 11 giờ đến 14 giờ 30. Bác vẫn như ngày thường, vẫn làm việc đúng giờ giấc, vẫn đôi kính trắng ngồi đọc sách, tay cầm bút chì đỏ gạch những đoạn cần sửa trong quyển "Vấn đề du kích".
Tết ở đâu, chẳng phải ở đây, nhất là lúc đang kháng chiến. Bác Hồ đã trải qua gần 60 mùa xuân nhưng có lẽ chẳng mấy khi được hưởng Tết. Chiều mồng một Tết, anh Ninh và tôi ăn cơm nguội, còn mấy anh em ăn Tết cùng đồng bào. Riêng Bác có một suất cơm nóng, nhưng là cơm độn sắn, mấy miếng thịt nạc rim và bát canh rau cải, những món ăn rất quen thuộc đối với Bác. Nghĩ đến suất cơm Tết kháng chiến đầu tiên đó,
70
tôi thấy thương và lo cho sức khỏe của Người. Buổi tối, mấy Bác cháu cùng nhau ngồi sưởi ấm quanh bếp lửa. Trong ánh lửa lung linh, những kỷ niệm Tết đã qua như sống lại. Giờ đây, chẳng phải riêng gì một mình ai mà cả dân tộc đang phải gắng sức trước một cuộc kháng chiến đầy khốc liệt, Tết này gian khổ để cho những Tết về sau được sum vầy. Lửa đỏ hồng. Mắt ai cũng mơ màng như mơ về một cái Tết vui vẻ và đầm ấm. 9 giờ tối, các anh Nhân, Văn, Nam vào họp và chúc Tết Bác. Anh Cả và anh Ninh cùng họp. Các anh đến vui nhưng báo tin xúi quẩy là xe cũng bị tụt bánh, lại nhờ tụi tôi đi khênh hộ. "Giông" cả năm. Tết này là Tết khênh xe. Trời mưa, lạnh buốt. 12 giờ đêm mới về. Một giờ sáng các anh mới ra đi.
Kháng chiến quả là vất vả và còn vất vả nhiều. Nhưng hàng ngày trông Người cặm cụi làm việc, nhớ đến lời thơ chúc Tết Người đọc đêm qua ở Đài Phát thanh, tôi thấy như vừa được tiếp thêm sức mạnh.
Giờ đây, mỗi lần Tết đến, không còn được nghe Bác đọc thơ chúc Tết trên Đài Phát thanh, nhưng trong tôi vẫn vang vọng lời thơ như tiếng kèn thúc trận từ đêm giao thừa năm ấy.
71
NHỮNG NGÀY KỶ NIỆM
THÀNH LẬP ĐẢNG
Không có một Đảng Cộng sản độc nhất trong lúc cuộc vận động quần chúng thợ thuyền và nông dân ngày càng phát triển, đó là một sự nguy hiểm rất lớn cho tương lai tối cận của cách mạng Đông Dương. Vậy cho nên, những sự do dự và sự không quyết định của một vài nhóm đối với vấn đề lập ngay ra một Đảng Cộng sản là những điều sai lầm. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét như vậy trong thời gian mà phong trào cách mạng của quần chúng lên cao. Chính vì vậy, đầu năm Canh Ngọ (1930), tại Hương Cảng, Đảng Cộng sản Việt nam ra đời. Từ đây, cách mạng Việt Nam có ngọn đuốc soi đường.
*
* *
Kể từ ngày rời Thủ đô, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Sơn Tây là địa điểm dừng chân thứ tư trong chặng đường trường kỳ kháng chiến của Bác.
72
Nghỉ tại đây tất cả 21 ngày (từ ngày 13 tháng 1 năm 1947 đến ngày 3 tháng 2 năm 1947), Bác cùng Thường vụ Trung ương, Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến của toàn dân tộc ta. Từ đây, những chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng, Chính phủ được truyền đi khắp mọi miền đất nước. Nhưng ít ai có thể hình dung nổi những ý kiến chỉ đạo quan trọng ấy lại ra đời từ một căn nhà nằm chơi vơi giữa sườn đồi. Đến bây giờ, tôi còn nhớ rất rõ đó là ngôi nhà mới dựng, vách đất, lợp lá mía, có gian, hai chái. Công tác bảo vệ Bác trước đây đã khó khăn, giờ còn khó khăn hơn. Giữa vùng đồi núi hoang vu chỉ có một căn nhà nhỏ nên chúng tôi phải bố trí canh gác cả ban đêm. Đêm nằm ngủ, tôi còn nhận thấy mùi đất vách nồng nồng, âm ấm. Thỉnh thoảng, từng cơn gió mùa đông bắc lùa vào trong nhà lạnh buốt cả sống lưng. Ngoài kia là không gian rộng mênh mông, chỉ có mưa và gió. Mưa xuân rắc nhẹ trên những thảm cỏ. Trong căn nhà ấy tối tối một ngọn đèn dầu le lói và Bác Hồ ngồi đọc rất khuya lịch sử kháng chiến của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo đến cả binh pháp Tôn Tử và mưu lược Khổng Minh. Người còn chú ý đến kinh nghiệm đánh du kích của Nga và Trung Quốc. Tất cả được Bác tóm tắt thành những cuốn sách nhỏ phổ biến cho dân quân du kích. Trong những ngày này Bác còn lược dịch cả Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph. Ăngghen viết năm 1948.
73
Nhớ lại những năm 1946-1947, ngày thành lập Đảng được tổ chức kỷ niệm vào mồng 6 tháng giêng. Bác thường nhắc lại với cán bộ cơ quan không phải ngẫu nhiên mà Bác chọn ngày này làm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam, mà là vì Bác muốn cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhớ ngày này Đảng ta mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công đưa lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, nhân dân. Tôi còn nhớ, những năm tiếp theo đó, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Bác thường đọc lại Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph. Ăngghen. Bác nói với chúng tôi, mỗi năm đọc lại, lại càng hiểu thêm giá trị cuốn sách này. Vì vậy, Bác đã lược dịch và cho in cuốn sách với bút danh XYZ để cán bộ, đảng viên nắm được nội dung và vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Năm 1951, Đảng ta tiến hành Đại hội II, cùng với việc đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam, Đảng ta quyết định ra hoạt động công khai. Vào những dịp kỷ niệm này, ngoài viết bài đăng trên báo Cứu Quốc, Bác thường nói chuyện với cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng. Bác luôn nhấn mạnh: Từng đảng viên mạnh là toàn Đảng mạnh. Muốn Đảng mạnh thì phải rèn luyện đạo đức cách mạng.
Đến năm 1960, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ III. Bác rất vui vì tình hình cách mạng hai
74
miền đều có chuyển biến tốt. Ở miền Nam, Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp nơi, tiến hành những cuộc khủng bố rất dã man "Thà chém nhầm còn hơn bỏ sót", nhưng cách mạng miền Nam vẫn phát triển như vũ bão. Ở miền Bắc, nhân dân ta vừa ra sức tăng gia sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa tăng cường chi viện cho miền Nam ruột thịt. Do vậy, Đại hội III được Bác đánh giá rất cao. Đại hội chính thức khai mạc vào ngày 5 tháng 9 năm 1960 tại trường Nguyễn Ái Quốc vừa xây xong. Nhưng từ ngày 22 tháng 8, Bác đã làm việc với các đại biểu ở trong đó. Công việc bề bộn, nhưng Bác rất vui.
Có một lần tương đối rảnh rỗi, Bác kể cho chúng tôi chuyện về lần họp Đại hội Đảng đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Đó là Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours (Pháp), vào những ngày cuối năm 1920.
Ngay từ những ngày đầu Đại hội đã sôi nổi bàn về vấn đề Đảng Xã hội Pháp có gia nhập Quốc tế ba hay không? Rất nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng phát biểu ý kiến, Bác nói vui: "Bác tự coi là hạng đàn em, ít tuổi (năm đó Bác mới 30 tuổi), vào Đảng Xã hội Pháp mới hai năm, tiếng Pháp chưa thạo lắm. Nghe ý kiến trái ngược với suy nghĩ của mình, trong lòng rất bực. Cứ rụt rè mãi không dám phát biểu. Nhưng nghĩ đến
75
nước mình, nghĩ đến các thuộc địa, Bác không bỏ lỡ cơ hội. Thế là Bác nói rất hăng. Vừa mới vào đề đã được mọi người tán thưởng: Được lắm! Được lắm! Ngồi bên cạnh Bác có đồng chí Vaillant Couturier. Thế là hăng lên, Bác tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương. Nhưng chỉ được nói vài phút, nên Bác dùng cách so sánh rất ngắn gọn, được mọi người chú ý nghe và vỗ tay hoan hô đến ba, bốn lần. Lý thú nhất là ngày cuối của Đại hội Đảng Xã hội Pháp lại trở thành buổi khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Pháp. Thiểu số đại biểu chống việc gia nhập Quốc tế Cộng sản đã bỏ đi nơi khác, còn lại đa số đại biểu tán thành gia nhập Quốc tế ba ở lại họp, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Pháp - một bộ phận của Quốc tế Cộng sản. Bác rất sung sướng là người Việt Nam yêu nước trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Pháp".
Trong những ngày tiến hành Đại hội III, buổi trưa, Bác thường nghỉ lại ở ngay trong khu vực Đại hội. Đó là phòng số 23, phía tay phải ngay cổng vào của trường Nguyễn Ái Quốc. Ngày 5 tháng 9, Đại hội khai mạc. Đêm trước đó, Bác đọc các báo cáo, tài liệu đến tận khuya. Hai giờ chiều ngày 10 tháng 9, Đại hội báo cáo kết quả bầu cử
Trung ương. Bốn giờ chiều cử hành lễ bế mạc. Lời nói của Người tại lễ bế mạc Đại hội "Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối
76
khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác" như có sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân xốc tới.
Thế rồi không ai ngờ, Đại hội III là Đại hội Đảng cuối cùng trong đời hoạt động sôi nổi và bền bỉ của Bác.
Ngày 5 tháng 1 năm 1960, tại Lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Bác đã đọc bài diễn văn quan trọng nói về Đảng ta 30 tuổi, trong đó, Bác đánh giá rất cao vai trò lịch sử của Đảng cùng những thành quả vĩ đại mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh. Vốn là người cộng sản hết mực khiêm tốn nhưng khi nói về Đảng ngay phần mở đầu, Bác đã khẳng định "Đảng ta thật là vĩ đại!" và tiếp sau đó, Bác lại hai lần nhắc "Đảng ta vĩ đại thật". Cuối bài phát biểu, Bác đã đọc bốn câu thơ mang ý nghĩa tổng kết:
Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao, Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh,
Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no... Năm 1969, sắp đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, từ ngày 16 tháng 1, Bác đã giao cho Ban Tuyên huấn Trung ương chuẩn bị cho Bác
77
một bài báo để đăng vào ngày 3 tháng 2 với nội dung mà Bác gợi ý (Từ sau Đại hội III (năm 1960), Đảng ta quyết định lấy ngày 3 tháng 2 là ngày thành lập). Ba ngày sau, Ban Tuyên huấn gửi bài sang, Bác sửa lại và đặt tựa đề "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng", cho đánh máy rồi gửi mỗi đồng chí trong Bộ Chính trị một bản để góp ý kiến. Sau này tôi mới biết đây không phải là một việc làm ngẫu nhiên, mà Bác muốn thông qua việc tham gia vào bài viết nhân ngày thành lập Đảng, mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị sẽ có dịp kiểm tra lại mình. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đều tham gia ý kiến rồi gửi lại cho Bác. Bác xem và bảo tôi lấy bản của đồng chí Trường Chinh (vì bản này có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực) làm gốc, sau đó bổ sung các ý từ các bản của các đồng chí khác. Sửa xong, Bác cho đánh máy lại và ngày 30 tháng 1 mời đồng chí phụ trách tuyên huấn sang cùng Bác soát lại lần cuối cùng. Bác đưa đồng chí phụ trách tuyên huấn vào phòng tôi làm việc. Đồng chí phụ trách tuyên huấn đọc xong, cười gượng nói:
- Thưa Bác, so với bản chúng tôi gửi sang, Bác sửa lại hầu hết.
Bác mỉm cười độ lượng:
- Bác có sửa, nhưng các ý chính trong bài Bác có sửa đâu?
78