🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Triết Học Nhân Sinh Mỹ Và Một Số Vấn Đề Nhân Sinh Cơ Bản Trong Triết Học Mỹ
Ebooks
Nhóm Zalo
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Q. GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PHẠM CHÍ THÀNH
Chịu trách nhiệm nội dung:
PHÓ GIÁM ĐỐC - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TS. ĐỖ QUANG DŨNG
Biên tập nội dung:
Trình bày bìa: Chế bản vi tính: Đọc sách mẫu:
ThS. CÙ THỊ THÚY LAN ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH ThS. ĐOÀN PHƯƠNG NHƯ ThS. BÙI BỘI THU
PHẠM DUY THÁI
PHẠM NGUYỆT NGA
PHƯƠNG NHƯ
NGUYỄN VIỆT HÀ
Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 892-2020/CXBIPH/20-295/CTQG. Số quyết định xuất bản: 4885-QĐ/NXBCTQG, ngày 16/04/2020. Nộp lưu chiểu: tháng 5 năm 2020.
Mã ISBN: 978-604-57-5562-4.
Biªn môc trªn xuÊt b¶n phÈm
cña Th viÖn Quèc gia ViÖt Nam
TrÞnh S¬n Hoan
TriÕt häc nh©n sinh Mü vµ mét sè vÊn ®Ò nh©n sinh c¬ b¶n trong triÕt häc Mü / TrÞnh S¬n Hoan. - H. : ChÝnh trÞ Quèc gia, 2018. - 192tr. ; 21cm
1. TriÕt häc nh©n sinh 2. Mü
191 - dc23
CTM0238p-CIP
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Triết học Mỹ là một bộ phận cấu thành của triết học phương Tây hiện đại, bao gồm nhiều trường phái, có nguồn gốc và khuynh hướng phát triển khác nhau. Đa số các trường phái triết học Mỹ có nguồn gốc từ châu Âu, do phương thức tư duy của người Mỹ từng chịu ảnh hưởng của người châu Âu. Tuy vậy, triết học Mỹ cũng có trường phái sinh ra ở Mỹ và có ảnh hưởng sâu rộng đến các nước châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. Triết học Mỹ bao hàm nhiều nội dung, nhưng vấn đề nhân sinh là nội dung lớn và quan trọng nhất của nền triết học này, tức con người trở thành đối tượng và mục đích của các luận giải triết học, những luận giải của triết học về con người lại trở thành những định hướng cho sự sinh tồn của con người. Từ quan hệ này, các trường phái triết học nhân sinh Mỹ đã tiếp cận con người ở những góc độ khác nhau; việc nghiên cứu các vấn đề nhân sinh cơ bản thông qua các kiến giải của các trường phái triết học nhân sinh Mỹ tiêu biểu như: chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa Freud mới,... sẽ góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về con người Mỹ - chủ thể của mọi quá trình kiến tạo nên nước Mỹ.
5
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Triết học nhân sinh Mỹ và một số vấn đề nhân sinh cơ bản trong triết học Mỹ (Sách tham khảo) do TS. Trịnh Sơn Hoan, giảng viên trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng biên soạn.
Nội dung cuốn sách phân tích sâu vấn đề nhân sinh cơ bản trong triết học Mỹ; nêu lên những nhân tố tác động đến sự hình thành triết học nhân sinh Mỹ; đồng thời đưa ra những đánh giá khách quan về giá trị, hạn chế của các trường phái triết học nhân sinh và các vấn đề nhân sinh cơ bản trong triết học Mỹ.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 3 năm 2018
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6
Chương I
SỰ HÌNH THÀNH
TRIẾT HỌC NHÂN SINH MỸ
1. Các nhân tố tác động đến sự hình thành triết học nhân sinh Mỹ
1.1. Điều kiện tự nhiên - nhân tố đặc thù tác động đến sự hình thành triết học nhân sinh Mỹ
Nước Mỹ là một vùng đất nằm ở phía bắc châu Mỹ, phía bắc giáp Canađa; phía nam giáp Mêhicô; chiều rộng từ đông sang tây khoảng 5.000 km, từ Bắc xuống Nam là 3.000 km.
Về diện tích, nước Mỹ rộng “9.629.091 km2”1.
Với con số này, Mỹ trở thành quốc gia có diện tích lớn thứ ba trên thế giới (sau Nga và Canađa). Hiệu quả khai thác đất đai của Mỹ đứng thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc với diện tích 9.598.086 km2).
Về khí hậu, Mỹ là nước có khí hậu không ổn định, thay đổi theo từng mùa: “Từ New England và New York
_______________
1. http://vi.wikipedia.org/wikis.Virginia - truy cập ngày 20-10-2010.
7
tới Chicago và hầu hết các vùng Trung Tây và Bắc Tây, nhiệt độ thay đổi từ dưới 00F vào mùa đông lên tới 900F vào mùa hè”1. Ở khu vực miền Nam hay California, khí hậu ấm áp hơn, đôi khi cũng có sương giá lạnh hoặc rét nhẹ và nhiều nơi có thể ẩm ướt. Nhưng nhìn chung, khí hậu ở vùng này dao động từ 700F đến 1000F (210C - 350C). Mỹ cũng có những vùng quanh năm lạnh giá, chẳng hạn như vùng Alaska, và cũng có những vùng khí hậu lại tương đối ôn hòa như Hawaii (700F).
Theo đánh giá của các nhà khoa học khí tượng thủy văn, Mỹ là vùng đất có khí hậu thuộc loại tốt nhất thế giới. Nơi đây “có khí hậu ôn hòa của các nước Pháp, Tây Ban Nha hay Italia ở các bang phía Bắc, và gần như á nhiệt đới của nước Marốc hay miền Nam Angiêri ở các bang phía Nam”2. Và, “dĩ nhiên các khí hậu này còn chịu ảnh hưởng của các dòng biển, của thiên nhiên và độ cao của địa thế, của các hồ lớn, của chế độ gió. Chẳng hạn, mùa đông ở Minnesota thường lạnh hơn ở Lorraine hay ở Áo tuy gần như cùng vĩ tuyến. Có điều chắc chắn là: không cực nóng và cũng không cực lạnh, khí hậu Hoa Kỳ là một thứ khí hậu lành và tăng lực, khuyến khích làm việc và đã đem lại những phần thưởng to lớn cho những
_______________
1. A.R.Lanier: Sống ở Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 22.
2. Lưu Bành: Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2009, tr. 6.
8
người di dân châu Âu. Những người di dân này trong suốt ba thế kỷ đã kéo tới đây - thoạt đầu theo từng nhóm nhỏ, kế đó với khối lượng lớn - để phát huy niềm tin tôn giáo, trí tuệ và bắp thịt của họ, lòng yêu thích sống tự do và ước muốn sống thoải mái”1.
Về địa hình, nước Mỹ có nhiều ngọn núi và các con sông phân chia lãnh thổ nước Mỹ thành nhiều vùng khác nhau. Chính các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa Mỹ.
Về khoáng sản, Mỹ được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn tài nguyên quý cho sản xuất công nghiệp. Những vùng bình nguyên rộng lớn nội địa nước Mỹ được bao bọc bởi hàng loạt vùng tập trung nhiều khoáng sản kim loại: từ Canadian Shield ngược lên phía bắc, cùng với hai tuyến vùng, một tuyến chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam (dãy núi Appalachia) và tuyến kia theo hướng Tây Bắc -
Đông Nam (Rocky Mountains). Theo khảo sát của các nhà địa chất, nhiều trong số những bình nguyên nội địa này chứa đựng mỏ nhiên liệu lớn có chất lượng cao trong lòng đất, đáp ứng tốt cho những đòi hỏi của ngành sản xuất công nghiệp nặng.
Khoáng sản chủ yếu của Mỹ gồm có vàng, đồng, chì, than đá, dầu mỏ, dầu khí, niken, bạc, sắt..., trong đó nhiều nhất là dầu mỏ.
_______________
1. Lưu Bành: Tôn giáo Mỹ đương đại, Sđd, tr. 6.
9
Từ những điều kiện tự nhiên như trên, theo nguyên lý của triết học mácxít thì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cho nên điều kiện tự nhiên của nước Mỹ được xem là “nhân tố cứng” quy định phương thức sinh tồn của người Mỹ. Theo đó, các vấn đề thuộc về đời sống tinh thần cũng được hình thành từ nguyên lý này.
1.2. Các nhân tố xã hội tiêu biểu tác động đến sự hình thành triết học nhân sinh Mỹ
a. Christopher Columbus và sự kiện lịch sử trọng đại của nước Mỹ
Năm 1492, Columbus phát hiện ra châu Mỹ sau khi thuyết phục nhà vua Tây Ban Nha bằng lập luận: “Nếu trái đất tròn thì cần gì phải đi vòng xuống mũi Nam Phi châu để đến Ấn Độ, mà có thể đi ngang qua Đại Tây Dương để đến châu Á nhanh hơn”1. Bằng hiệu quả phát kiến này, Columbus đã ghi tên mình vào lịch sử nước Mỹ.
Mục đích ban đầu của Columbus cùng những nhà thám hiểm là tìm đường tới Ấn Độ để tìm cách bang giao thương mại chứ không phải tìm đến châu Mỹ (vì lúc đó người ta chưa có khái niệm về châu Mỹ), nên khi đặt chân đến vùng đất châu Mỹ họ đã lầm tưởng rằng đó là Ấn Độ.
Về dấu tích của việc phát hiện thấy châu Mỹ, các nhà khảo cổ học cho rằng, vào thời kỳ Trung Cổ (năm 986),
_______________
1. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 9.
10
“tàu thủy của nhà hàng hải Na Uy Bjani Herjulfson đã bị trôi dạt trong lúc tìm kiếm khu định cư ở vùng đất chưa được xác định, có thể là bờ biển lục địa Bắc Mỹ; tiếp sau đó còn có các cuộc thám hiểm khác”1. Như vậy, Columbus được xem là người khám phá ra châu Mỹ nhưng lại không phải là người đầu tiên đặt chân tới vùng đất này.
Thực chất trước khi Columbus cùng những người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ thì vùng đất này đã có người ở (được cho là con cháu của bộ tộc Mông Cổ di cư qua biển Barents). Người dân bản địa nơi đây đã xây dựng được một nền văn minh xán lạn từ rất lâu, nhưng thế giới chưa biết đến nó.
Công lao to lớn của Columbus không chỉ là việc đưa vào bản đồ thế giới tên của một châu lục mới mà còn làm thay đổi cách sống của người dân châu Âu và châu Mỹ nhờ những chuyến hàng hải chất đầy hàng hóa. Bởi lẽ, Columbus trong những lần đến châu Mỹ về sau mang theo tham vọng tìm vàng, hương liệu và bắt nô lệ để thực hiện lời hứa của ông với Đức vua Tây Ban Nha: “Sau chuyến đi lần tới sẽ mang về nhiều vàng như triều đình cần... và nhiều nô lệ như triều đình muốn”. Columbus tin rằng, “Đức Chúa trời bất diệt sẽ đem lại vinh quang cho những ai làm theo cách của Người đối với những điều dường như bất khả thi”; và, “nhân danh Đức Chúa trời, hãy để chúng
_______________
1. Nguyễn Mại: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hướng về phía trước, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 15.
11
tôi tiếp tục bán những nô lệ có thể bán được”, vì họ là “những nô lệ vẫn trần truồng như lúc mới sinh ra và dường như chẳng cảm thấy xấu hổ như loài vật”1.
Có thể nói, việc Columbus phát hiện ra châu Mỹ được xem là sự kiện trọng đại không chỉ đối với bản thân Columbus mà hơn cả điều đó, nó là sự kiện vĩ đại đối với thế giới về nhiều phương diện. Đơn cử về phương diện tôn giáo thì việc Columbus lần đầu tiên đặt chân tới một châu lục khác đã chứng minh rằng không phải mọi điều được ghi trong Kinh thánh đều đúng (vì trước đó, trong bản đồ thế giới được ghi ở trong Kinh thánh không hề có châu Mỹ). Ngoài ra, sau sự kiện này có rất nhiều câu chuyện về lịch sử nước Mỹ được viết nên.
b. Di dân và vai trò của những cuộc di dân đến nước Mỹ Sau khi nước Mỹ được định vị nhờ phát kiến của các nhà thám hiểm, đã có rất nhiều cuộc di dân từ khắp các nước trên thế giới kéo đến tìm kế sinh nhai. Có nhiều nguyên nhân khiến người ta di cư đến Mỹ, nhưng theo cố Tổng thống Kennedy thì: “Do ba áp lực chính: sự khắc nghiệt của tôn giáo, áp lực chính trị, khó khăn về kinh tế là những nguyên nhân chính”2.
Người Tây Ban Nha được ghi nhận là những người châu Âu đầu tiên đặt chân tới châu Mỹ. Tiếp sau người
_______________
1. H.Zinn: Lịch sử dân tộc Mỹ, Sđd, tr. 4, 5.
2. Đặng Ngọc Dũng Tiến: Hoa Kỳ phong tục và tập quán, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 239.
12
Tây Ban Nha, người Pháp cũng chảy theo dòng di dân đến nước Mỹ. Tuy nhiên, đối với người Pháp, việc này như “một cơn sốt và mạo hiểm”, vì nội tình nước Pháp thời bấy giờ đang bất ổn về chính trị. Người Hà Lan đặt chân tới đất Mỹ với mục đích lợi nhuận từ những chuyến hàng, và quả thực họ đã làm được điều đó nhờ vào thành quả của các công ty xuyên quốc gia. Theo vòng xoáy của lợi nhuận, người Thụy Điển cũng hướng la bàn đến nước Mỹ.
Những con người thuộc các quốc gia nói trên chỉ là “tiểu phần” trong “đa phần” người Anh có mặt tại Mỹ. Người Anh đến đất Mỹ một cách ồ ạt, tung hoành và làm bá chủ, vì một số lý do sau đây:
Về mặt kinh tế: Sự chậm chạp của việc phát triển kinh tế đã tàn phá nước Anh, vì “vào đầu thế kỷ XVI, giới thương nhân trung lưu ở Anh rất đông đảo, nên đã xuất hiện những công ty cổ phần hữu hạn, tức hình thức đầu tiên của những đại công ty sau này. Những công ty đó có đủ thực lực để phát triển ra hải ngoại”1, nên đã hướng tầm mắt tới nước Mỹ.
Về mặt xã hội: Xã hội Anh thời đó dân số quá đông đã gây ra sức ép về mật độ cư trú. Nói cách khác, tương quan giữa dân số và kinh tế không đồng thuận, quá tải, làm cho cán cân đời sống mất thăng bằng. Số người thất nghiệp ngày càng tăng, đòi hỏi cần phải có lối thoát để mưu sinh.
_______________
1. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Sđd, tr. 13.
13
Xã hội Anh thời bấy giờ cùng chịu chung một số phận “cừu ăn thịt người” như một số nước Tây Âu, vì trong thực tế vai trò của các “chúa đất” phong kiến dần dần nhường chỗ cho giai cấp tư sản đang lên. Cuộc chuyển giao này được thực hiện bằng quá trình cách mạng tư sản và trong cuộc cách mạng đó, giai cấp nông dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất. Tuy nhiên, sau sự thành công của cuộc cách mạng, giai cấp nông dân đã được giai cấp tư sản chuyển tên gọi khác là giai cấp công nhân với tính chất và trình độ mới, nhưng thân phận thì dường như vẫn như cũ. Đồng ruộng của họ bị biến thành đồn điền để trồng cỏ nuôi cừu, lấy lông phục vụ cho lợi ích của nhà tư sản; họ được đưa vào các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ để khai thác và sản xuất vật chất. Nhờ sức lực và khả năng lao động của họ mà chỉ sau một thời gian ngắn, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra khối lượng vật chất khổng lồ, bằng tất cả các thế hệ trước đó cộng lại.
Sự độc đoán của Nhà vua Anh về thế quyền và thần quyền đã dẫn đến phong trào Thanh giáo. Phong trào này bị giới chức đàn áp khắc nghiệt, vì thế đã dẫn đến hệ quả mang tính thời đại là: Các tín đồ Thanh giáo di dân một cách ồ ạt đến nước Mỹ, và lịch sử nước Mỹ gọi đây là “một cuộc đại di dân”.
Những cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Anh đã làm mất tính ổn định của xã hội, thần dân Anh chạnh lòng về bản chất của một thể chế và không khỏi lo lắng cho số phận của mình. Những năm 40 thế kỷ XVII, nước Anh xảy
14
ra cuộc nổi loạn, phe Nhà vua thất bại và những người cùng phe (quý tộc) phải bỏ trốn đến Virginia. Đến đây, “họ mang theo tính chất quý tộc của mình. Trong túi của những người này có rất nhiều tiền bạc, nên họ đã bỏ tiền ra mua một số lớn đất đai trong vùng”1.
Những nguyên nhân nói trên được xem là chủ đạo để hình thành nên thế hệ thứ nhất của người Mỹ. Đặc điểm của thế hệ thứ nhất này là: thành phần chủ yếu là người Anh, toàn bộ quá trình định cư chủ yếu diễn ra ở ven biển, cây thuốc lá ở Ấn Độ được lai tạo với cây thuốc lá mọc tự nhiên ở Virginia là phát minh đáng giá đầu tiên mở đầu lịch sử của một dân tộc sáng tạo nhất thế giới.
Tuy nhiên, có một điều được đặt ra là, có rất nhiều dân tộc “kéo quân” đến nước Mỹ và sinh nhai ở đó sớm hơn người Anh rất nhiều, nhưng người Anh “trâu chậm lại không uống nước đục”, họ trở thành những người giữ vai trò chủ đạo ở nước Mỹ, vì:
Trước hết, nước Anh là nước mở đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp. Trong giai đoạn hình thành nước Mỹ, nước Anh đã là một cường quốc lớn nhất thế giới;
Thứ hai, nước Anh cũng là “công xưởng và nhà buôn lớn nhất thế giới”, nên tiếng Anh nhanh chóng thành ngôn ngữ chung, phổ biến trên thế giới;
Thứ ba, người Anh là một dân tộc giàu óc sáng tạo, giàu trí tưởng tượng và có đầu óc tổ chức tốt nhất; _______________
1. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Sđd, tr. 15-16.
15
Thứ tư, những nhân vật xuất chúng quyết định đến sự ra đời của quốc gia mới đều thuộc khối liên hiệp Anh. Những con người (Anh) lập quốc đầu tiên cho rằng, “thế giới mới thuộc quyền lãnh đạo của quốc gia có đoàn người thám hiểm mang cờ của quốc gia mình đặt chân tới, không cần phải có ý kiến của những người “man rợ” đang sống tại đây”1.
Nói về nguyên nhân di dân đến nước Mỹ, trong lịch sử người ta không quên rằng, nước Mỹ “vàng trộn với đất”. Vàng ở nước Mỹ trở thành một động lực vì nó có sức hút với số đông những người có khát vọng vươn lên làm giàu ở khắp các châu lục, và quả thật, vàng ở nước Mỹ đã làm cho không ít người thay đổi được số phận. Có một thực tế khiến cho không ít người phải ngỡ ngàng là, thổ dân da đỏ vật vã mưu sinh, tồn tại cùng thời gian, ngồi trên đống vàng mà không hề biết nó có giá trị đến đâu, chỉ khi “văn minh châu Âu” xuất hiện, vàng mới trở thành vật mang giá trị, đưa lại lợi ích thiết thân cho người Mỹ.
Thực chất của những cuộc di dân đến nước Mỹ “được thúc đẩy bởi những mơ ước gồm hai mặt: Cuộc săn đuổi, đi tìm vàng và ý muốn truyền đạo cho những “kẻ man rợ” và tìm nơi ẩn náu cho tự do tôn giáo”2.
Sức hấp dẫn của nước Mỹ đối với những cuộc di dân ào ạt còn thể hiện ở chỗ đây là nơi đa chủng tộc nhất thế giới.
_______________
1. Lê Minh Đức, Nguyễn Nghị: Lịch sử nước Mỹ, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1994, tr. 27.
2. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Sđd, tr. 8-9.
16
Bởi vì, những ai đặt chân đến đây đều có thể gặp bất kỳ một dân tộc nào: người Nga, người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, người Italia, người Trung Quốc, người Ấn Độ, người châu Phi, người Séc,... Vì vậy, người ta đã không ngần ngại khi ví nước Mỹ như một thế giới văn hóa thu nhỏ. Mỗi khi hoài niệm về cố hương thì những người di dân có thể tìm hình ảnh đó ngay trên đất Mỹ.
Thành phần di dân đến nước Mỹ vô cùng đa dạng và phong phú, mà theo ngôn ngữ đời thường thì “thượng vàng hạ cám” các loại người. Nhưng sự có mặt của họ là nguyên nhân làm “trù phú” cho dân số nước Mỹ.
Trong những thành phần di dân đến nước Mỹ không chỉ đều là những người bần cùng về kinh tế hay do áp lực về chính trị, tôn giáo, mà còn có cả những con người giàu có, với nhiều vàng bạc và châu báu. Họ đến nước Mỹ trước hết nhằm lẩn tránh sự khắc nghiệt, u ám nơi sinh kế sở tại, và sau đó là do nội tâm thôi thúc tham vọng khám phá vùng đất mới, bằng năng lực, ý chí cùng với sự quả cảm trong tính cách con người Âu châu, những con người của thời đại mới đã lao lên phía trước chiếm lĩnh sự thành công. Giới quý tộc Anh nói riêng, và những người giàu sang phương Tây nói chung, rút hầu bao và đầu cơ điền địa trù phú ở Mỹ. Những trang trại bạt ngàn được mọc lên, và họ trở thành chủ đồn điền. Những chủ đồn điền này không hề tự tay cầm cuốc “cày xới ra lợi nhuận” mà ngồi mát ăn bát vàng trên mồ hôi, xương máu của những kẻ hạ đẳng. Những kẻ hạ đẳng được xác định
17
là những thổ dân da đỏ và những người bần cùng tứ xứ trong hành trình di dân đến nước Mỹ rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Nô lệ là nguồn nhân lực chủ yếu phục dịch cho chủ nô, đảm đương sản xuất ra của cải vật chất trong trang trại. Chủ nô thời hiện đại chỉ là những người thu mua, trao đổi nô lệ và ngồi hưởng thành quả sản xuất của họ mà thôi.
Hoa tháng Năm (May flower) là tên con tàu mang sự kiện lịch sử trọng đại của nước Mỹ. Từ nước Anh, 102 người di cư, sau bao ngày lênh đênh trên biển chỉ còn 41 người sống sót cập bến. Những con người may mắn này đã khởi thảo và ký một tờ công ước gọi là Công ước Hoa tháng Năm
(May flower Compact). Nội dung của công ước này đã hé lộ những ý tưởng cho Hiến pháp nước Mỹ về sau. Chính “bản tuyên bố đó được nhiều vùng di dân khác kế tục. Và hơn một trăm năm mươi năm, nó mang trong lòng nó nền độc lập của Hiến pháp Liên bang và của nước cộng hòa Mỹ”1. Công ước cam kết, “ngoài lòng trung thành với vua, chỉ tuân theo các luật lệ địa phương mà họ sẽ hết lòng trung thành, tuyên ngôn cơ bản đó được rất nhiều vùng di dân lặp đi lặp lại”2, đến mức nó trở thành tinh thần chung để nhiều thế hệ người kế tiếp nhau soi chiếu cho sự tồn hữu nhân sinh của mình. Vì thế, trong “những đợt sóng di dân ồ ạt
_______________
1. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Sđd, tr. 14.
2. A.Lennkh, M.F.Toinet: Thực trạng nước Mỹ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 93.
18
kéo đến nước Mỹ luôn được kích thích bởi lòng ham thích phiêu lưu, tham vọng làm giàu hay mong muốn được sống tự do theo lòng tin của mình”1. “Trong những vùng di dân, người ta thấy xuất hiện những nguyên tắc chưa hề có ở châu Âu, những cộng đồng này đương nhiên chưa gọi được là “dân chủ”, vì ở đây cũng đã có những tầng lớp trên như nhà buôn, chủ tàu, giáo sĩ, địa chủ nhưng những quan hệ đó không quá gay gắt như ở quê cũ châu Âu. Người ta thấy ở đó tính năng động xã hội khá rõ với việc thừa nhận giá trị cá nhân. Ở những vùng biên giới do những điều kiện sinh hoạt khá khắc khổ, ý thức sâu sắc về bình đẳng, kể cả những bình đẳng của phụ nữ cũng chưa được thừa nhận”2.
Nước Mỹ rộng lớn, di dân ồ ạt nhưng không phải là một sự tồn tại ô hợp. Ngay từ đầu, những người nhập cư quy tụ lại với nhau thành những khu vực riêng. Họ sống với nhau theo từng dân tộc, hoặc theo một sự tương đồng nào đó: vì lý do tôn giáo, người Anh theo đạo Thiên chúa quây quần xung quanh linh mục để làm thánh lễ; vì lý do tiện lợi, người Mêhicô ở phía nam Califonia; vì lý do lịch sử, người da đen rất đông ở miền Nam và các thành phố lớn; vì lý do nghề nghiệp, người Đức ở miền Trung - Tây, người Hà Lan ở Michigan,... Vài tộc người chuyên làm nghề: người Hà Lan và Đức trồng hoa, người Bắc Âu làm sữa, người Pháp và Italia làm thợ giày,...
_______________
1. A.Lennkh, M.F.Toinet: Thực trạng nước Mỹ, Sđd, tr. 93. 2. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Sđd, tr. 9.
19
Những con người can đảm di cư ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, đến nhập cư ở Mỹ đều giống nhau ở một điểm là, “phóng thích chính mình ra khỏi sự ràng buộc về đạo đức”, có tinh thần tiên phong, dám mạo hiểm, dám hy sinh để làm “căn cước” cho niềm tin chiến thắng. Người ta thừa nhận: “Kỷ nguyên của Jackson tháo vát và ít quan tâm đến nghệ thuật nhưng giỏi xoay sở để có thể hoàn thành tốt những gì mà mình tiến hành. Người Mỹ trên vùng biên giới mới này đôi khi là cả những người quê kệch, thô lỗ nhưng họ là những người làm việc có hiệu quả, sản xuất giỏi, có đầu óc thực tế hướng về tương lai và đoàn kết gắn bó với nhau”1.
Có thể nói, một quốc gia có thể tồn tại và phát triển được phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất. Nước Mỹ có thể tồn tại và phát triển được trước hết là nhờ vào những cuộc di dân, vì: “những người nhập cư đã đem lại cho nước Mỹ một sự đóng góp về nhân khẩu và kinh tế đặc biệt quan trọng. Bằng cách cư trú ở biên giới, lập nghiệp ở các thành phố, cung cấp nhân lực chủ yếu cho công nghiệp, họ đã đến Mỹ với nền văn hóa gốc của họ và được trang bị một tinh thần thực dụng cao. Lịch sử di cư của nước Mỹ không phải là một bản anh hùng ca, cũng chẳng phải là một cổ tích dân gian, đó là
_______________
1. Nguyễn Thái Yên Hương: Liên bang Mỹ - đặc điểm xã hội - văn hóa, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 132.
20
một lịch sử trước hết in đậm chủ nghĩa thực tế trước cuộc sống hằng ngày”1.
c. Tuyên ngôn độc lập và các giá trị của nó đối với nước Mỹ Lịch sử phát triển nước Mỹ là lịch sử của một đất nước có tính chất đặc thù, vì thực tế, nước Mỹ không trải qua nhiều hình thái kinh tế - xã hội, mà từ xã hội nguyên thủy nó tiến thẳng lên xã hội tư bản và thừa hưởng toàn bộ thành quả của nền văn minh nhân loại trước đó. Cho nên, nó chỉ mất mấy trăm năm để vượt qua quá trình mấy ngàn năm mà các nước châu Âu đã đi qua. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để nước Mỹ phát triển nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Nước Mỹ còn phát triển nhanh hơn khi giành độc lập từ tay thực dân Anh sau khi Richard Henry Lee (1732-1794) đưa ra lời kêu gọi và cũng là lời tuyên bố tại Đại hội thuộc địa ở Philadelphia (ngày 7-6-1776) rằng: “Những thuộc địa liên hợp này có quyền được coi là các nước tự do và độc lập, và không có bổn phận gì đối với vua nước Anh, mọi liên hệ chính trị giữa những thuộc địa này với nước Anh được, và phải được, hoàn toàn kết thúc”2. Lời kêu gọi này đã được hầu hết đại biểu các bang tán thành, và cụ thể hóa điều đó bằng bản Tuyên ngôn độc lập.
_______________
1. A.Lennkh, M.F.Toinet: Thực trạng nước Mỹ, Sđd, tr. 174. 2. A.D.Tocqueville: Nền dân trị Mỹ, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2007, t. 2, tr. 68.
21
Thomas Jefferson (1743-1826) là người được giao nhiệm vụ soạn thảo Tuyên ngôn độc lập để nêu rõ quan điểm của người Mỹ. Với Tuyên ngôn này, người Mỹ quả quyết rằng: “Trong hòa bình là bè bạn, trong chiến tranh là kẻ thù; và, “vững tin vào sự bảo hộ thiêng liêng của Thượng đế, chúng ta nguyện cùng hiến dâng tính mạng, tài sản và danh dự thiêng liêng của mình để bảo đảm cho bản Tuyên ngôn này”; “57 người có trọng trách đã ký vào bản Tuyên ngôn”1.
Nội dung của bản Tuyên ngôn này đã nêu lên một số vấn đề có ý nghĩa hệ trọng sau đây:
- Thứ nhất, đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, những giá trị cơ bản của con người đã được công bố bởi một dân tộc hoàn toàn mới mẻ. Đó là một chân lý hiển nhiên nhưng chưa bao giờ được tuyên cáo chính thức trên Trái đất này.
- Thứ hai, Tuyên ngôn này đã mở đầu cho một thời đại mới, thời đại cách mạng và hướng đến sự tự do trên toàn thế giới.
- Thứ ba, kể từ đây mọi mô hình Nhà nước, dù muốn dù không đều là sự mô phỏng hoặc bắt chước không hoàn hảo mà tuyên ngôn đã vạch ra.
- Thứ tư, Tuyên ngôn này đã mở đường cho cuộc cách mạng thuộc địa đầu tiên trên thế giới.
_______________
1. Trần Tất Thắng và các cộng sự: Nước Mỹ ngày nay, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 70.
22
- Thứ năm, Tuyên ngôn này đã khẳng định rằng, nền độc lập thực sự của một dân tộc chỉ có thể có được khi gắn liền giá trị đó với các quyền tự nhiên của riêng mỗi người. Mọi điều ngược lại chỉ là điều giả nguỵ.
Quả thật, “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ như một bản đề cương nhằm củng cố những chân lý, mà những chân lý đó theo M.Karen nói trong tác phẩm Về nguồn gốc nhân đạo của dân chủ thì, “khi chính phủ xóa bỏ mục đích thì nhân dân có quyền biến đổi hoặc giải tán nó và thành lập một chính phủ khác mà nền tảng được xây dựng trên nguyên tắc là tổ chức sao cho quyền lực bảo đảm tối đa an toàn và hạnh phúc”1.
Nhìn về thềm trước của Tuyên ngôn độc lập, Thomas Paine (1737-1809) là người đã có công lớn trong việc khơi mào ra ý muốn chiến đấu cho nền độc lập của xứ sở Hoa Kỳ bằng chính cuộc đời gian khổ nhưng yêu chuộng tự do và hạnh phúc của ông. Trong tác phẩm Lương tri khi nói về thực trạng quan hệ giữa Mỹ và chính quốc Anh, ông đã viết: “Không hòa giải - không do dự... vì không có gì khác nữa ngoài sự tương tranh, vậy thì, vì Thượng đế, chúng ta hãy chia tay nhau hẳn”2. Qua nội dung của tác phẩm này, Paine đã thức tỉnh dân chúng Mỹ về một nền độc lập với những quy ước chưa từng diễn ra trong lịch sử nhân loại.
_______________
1. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Sđd, tr. 21.
2. Vũ Đình Phòng, Lê Huy Hòa: Những luận thuyết nổi tiếng thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 42-43.
23
Tất cả ý nguyện của Paine trong tác phẩm Lương tri này chỉ duy nhất có một điều khoản: chống chế độ nô lệ là không có mặt, còn hầu hết đều được ghi vào bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.
Có thể nói, “Tuyên ngôn độc lập” và ý nghĩa vượt thời đại của nó đã trở thành một chỗ dựa vững chắc cho ý thức hệ của dân tộc Mỹ, bởi vì, ở Mỹ tất cả mọi thứ, từ đạo đức học, giá trị học (các lý thuyết về giá trị) cho đến triết học, văn học, nghệ thuật,... người ta đều quy dẫn về “Tuyên ngôn độc lập”.
d. Tôn giáo, tín ngưỡng là mặt tinh thần quan trọng của nước Mỹ
Vào thế kỷ XIX, sau khi khảo sát nước Mỹ, Tocquevile đã giãi bày rằng: “Tôi không rõ liệu tất cả mọi người Mỹ đều có niềm tin tôn giáo không, vì nào ai đọc được mọi điều ẩn kín trong lòng người? Nhưng tôi biết chắc rằng họ coi tín ngưỡng là cần thiết để duy trì các thiết chế cộng hoà. Quan niệm này không phải là của một tầng lớp công dân nào hoặc một đảng phái nào, nó là của đất nước, ta bắt gặp quan niệm đó ở mọi tầng bậc người dân"1.
Đây là một trong những đặc điểm lớn của thực trạng đời sống tinh thần của nước Mỹ.
Tuyên ngôn độc lập là cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm cho các hoạt động tôn giáo ở nước Mỹ trở nên hợp hiến. Tuyên ngôn này đã thừa nhận về mặt Nhà nước vai _______________
1. A.D.Tocqueville: Nền dân trị Mỹ, Sđd, t. 1, tr. 547.24
trò, vị trí của Chúa Trời trong đời sống nhân sinh của nước Mỹ rằng, Chúa đã ban cho họ quyền được sống, quyền được bình đẳng, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Sự tự do và mưu cầu hạnh phúc ở đây không chỉ là no cơm ấm áo, mà còn phải được bảo đảm bằng đời sống tinh thần.
Mỹ là nước có căn nguyên tôn giáo từ trong chính bản địa của nó. Nhờ vào các di chỉ khảo cổ, người ta cũng tìm thấy dấu tích của tôn giáo ở những cá nhân được xem là thế hệ thứ nhất của nước Mỹ. Vào đầu thế kỷ XVII (năm 1620), con tàu mang tên Hoa tháng Năm sau nhiều ngày tháng lênh đênh trên biển khơi đã tìm được nơi neo đậu. Trước khi cập bến Tân lục địa, các nhân vật trên tàu (là các cha cố hành hương) đã kịp ghi chứng một “khế ước” vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nước Mỹ về sau. Trong khế ước đó, các bậc tiền nhân đã cam kết “thiết lập một chế độ thần quyền và đặt miền đất mới dưới sự bảo hộ của Chúa, liên kết chặt chẽ các lĩnh vực xã hội và tôn giáo..., lấy tín ngưỡng, nhà thờ, cách xử thế tôn giáo và xã hội của họ làm nền móng bất di bất dịch”1. Chính vì vậy mà ở Mỹ người ta cho rằng, tôn giáo và xã hội là đồng sinh, không thể nói cái nào có trước cái nào.
Mỹ là nước đa nguyên về tôn giáo, nhưng sự đa nguyên này không phải chỉ khi có các luồng di cư đến đất
_______________
1. J.P.Fichou: Văn minh Hoa Kỳ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1998, tr. 85.
25
Mỹ mới được xác lập, mà ngay từ thuở ban sơ, khi chưa có ai biết đến châu Mỹ thì ở đây (Mỹ) đã tồn tại sự đa nguyên tôn giáo rồi. Những cộng đồng người da đỏ đã xây dựng một nền văn minh xán lạn cùng với các loại tôn giáo nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của họ. Sự đóng góp của các tôn giáo thế giới thông qua các làn sóng di cư trong nhiều thế kỷ qua đã làm cho kho tàng tôn giáo ở Mỹ ngày càng trở nên phong phú hơn.
Nước Mỹ sau khi đã được hình thành thì lần lượt các tôn giáo cũng tìm đường du nhập theo các luồng di dân, không chỉ có các tôn giáo từ châu Âu (đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa La Mã, đạo Tin lành) mà còn có sự hiện diện của các tôn giáo châu Á (đạo Phật, đạo Hinđu), châu Phi (với nhiều loại tín ngưỡng khác nhau). Tuy nhiên, mạnh mẽ nhất trong những luồng tôn giáo nói trên có lẽ là tôn giáo đến từ nước Anh: đạo Tin Lành.
Đạo Tin lành là tôn giáo ra đời theo phong trào cải cách tôn giáo ở Anh vào thế kỷ XVI trên tinh thần phê phán tôn giáo cũ, xem nó là rào cản về sự liên hệ giữa cá nhân với Thượng đế. J.Calvin (1509-1564) và M.Luther (1483-1546) đã khởi phát cho phong trào này bằng yêu cầu Giáo hội quay về với tính thuần khiết ban đầu của tôn giáo, xóa đi những trở lực là những nghi lễ lạc hậu, từ đó tiến hành bắc một chiếc cầu nối giữa con người và Thượng đế.
Đạo Tin lành buổi đầu tồn tại với bốn nguyên tắc: Nguyên tắc thứ nhất là, ngôn từ không phải là ngôn ngữ gì cả mà là ngôn từ cụ thể được ghi chép trong Kinh Thánh, vì thế Chúa Jesus tồn tại là một điều hiển nhiên.
26
Nguyên tắc thứ hai là, đức tin vẫn là mục đích và phương thức của sự truyền giảng, nhưng nó không có nghĩa là chân lý được chấp nhận như trong Giáo hội Thiên Chúa giáo thời cổ nữa, mà đức tin giờ đây là một sự liên hệ trực tiếp với Thượng đế.
Nguyên tắc thứ ba là, mọi tín đồ đều là giáo sĩ, họ là chủ lễ đại diện cho cộng đồng trước Chúa. Với nguyên tắc này, “đạo Tin lành đã đưa chủ nghĩa cá nhân vào trong nhận thức chung của Giáo hội. Nếu mỗi người là giáo sĩ họ sẽ thờ phụng Chúa với tư cách cá nhân. Việc thờ phụng theo nhóm góp phần mang lại tình đồng đạo cho những người thờ phụng”1.
Nguyên tắc thứ tư là, tình đồng đạo phải được thể hiện qua sự quy tụ nhiều người.
Từ những nguyên tắc nói trên của đạo Tin lành cho thấy, chủ nghĩa cá nhân Mỹ có cội rễ từ trong phong trào cải cách tôn giáo ở Anh, nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ (thế kỷ XVI) thì chủ nghĩa cá nhân mới chỉ là sự phản ánh một xu hướng riêng tư của các tu sĩ mà thôi. Về sau, dần dần nó đã tìm được chỗ đứng và hòa hợp với các xu hướng khác trong triết lý giảng dạy ở các trường đại học thời đó. Nhờ vào sự hòa hợp này mà chủ nghĩa cá nhân đã tìm được sự đồng điệu và phát triển cùng với tầng lớp trung
_______________
1. C.L.Albanese: Các tôn giáo và tín ngưỡng ở Mỹ, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2012, tr. 91.
27
lưu mới. Địa vị của tầng lớp trung lưu này đã nuôi dưỡng và thôi thúc khát vọng về sự riêng tư của con người. Trong quan niệm của đạo Tin lành thì con người phải biết lắng nghe để cảm nhận về thông điệp của đức tin và sự cứu rỗi của Chúa. Vì điều này mà có người cho rằng, lịch sử của đạo Tinh lành ở châu Âu và ở Mỹ là lịch sử của thần học? (điều này là hoàn toàn trái ngược với đạo Thiên Chúa, vì đạo Thiên Chúa gắn liền với thần học). Cũng chính vì điều này nó đã làm cho sự tranh cãi của các nhà thần học trở nên gay gắt và không có hồi kết. Đạo Tin lành ở châu Âu buổi đầu là như vậy, nhưng khi đặt chân đến Mỹ đã có một vài điểm khác đi. Trọng tâm của nó giờ đây không còn là những nghi thức tế lễ nữa mà nó tập trung vào vấn đề nhận thức luận. Các nhà cải cách đã kêu gọi mọi người minh chứng đức tin của mình qua hành động, làm cho đạo Tin lành thâm nhập đời sống thường nhật. Nếu như tư tưởng cải cách ban đầu là tách tôn giáo siêu hình ra khỏi tôn giáo trần tục thì giờ đây nó đã làm cho chúng hòa hợp lại. Có thể nói, với sắc thái mới này Tin lành ở Mỹ đã tạo cơ sở quan trọng cho xu hướng hòa hợp tôn giáo, hòa hợp sắc tộc, làm nên tính đa dạng trong sự thống nhất của tôn giáo ở Mỹ.
Sự đa dạng tôn giáo ở Mỹ không chỉ đơn thuần là sự biểu hiện về số lượng các tôn giáo và các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đan xen và hòa hợp các loại hình tôn giáo phải được xem như một tất yếu trong lịch sử tôn giáo của nước Mỹ, vì ở Mỹ chỉ có con đường hòa hợp thì
28
mới có thể tồn tại được. Nhìn ở khía cạnh định tính của sự ăn nhập các tôn giáo với nhau cũng minh chứng một điều là đời sống tinh thần và tâm linh người Mỹ rất đa dạng và phong phú. Mỗi hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng là biểu hiện một cách suy tư của người Mỹ về giá trị tinh thần của họ, sự suy tư càng nhiều thì tần suất kích phát tư duy và rèn giũa nó càng lớn.
Sự hòa hợp về tôn giáo cũng minh chứng cho tinh thần hòa hợp văn hóa của người Mỹ, mọi thứ văn hóa từ khắp nơi quy tụ về đây và khớp nhập lại thành một thứ văn hóa mới - văn hóa Mỹ. Trong nền văn hóa này, mỗi con người Mỹ để tồn tại và phát triển được buộc họ phải biết thừa nhận bên cạnh cái của họ là cái khác cùng tồn tại. Sự tồn tại ấy là bình đẳng, “là cùng nhau tạo nên cái của nhau”.
Có thể nói, tôn giáo và các hình thức biểu hiện của nó ở Mỹ là vô cùng đa dạng, nó nhiều đến mức làm nản lòng những ai muốn thống kê số lượng của nó. Ở Mỹ, các tôn giáo lớn nhỏ đan xen cùng tồn tại bên nhau tạo nên bức tranh về đời sống tinh thần của người Mỹ. Tùy vào “khẩu vị tinh thần” của mỗi người mà các tôn giáo được ưa chuộng ở các cấp độ khác nhau. Nhưng dù đậm hay nhạt trong khẩu vị của mình thì người Mỹ cũng không thể thiếu nó, vì nó ví như hương vị trong những khẩu phần ăn hằng ngày của họ. Tôn giáo ở Mỹ như một “ma lực” có sức cuốn hút và ảnh hưởng rất lớn đến tâm thế sinh tồn của người Mỹ. Sự ảnh hưởng này không chỉ vo tròn trong tâm tư tình cảm, hay trong những suy niệm về Chúa mà nó
29
còn có giá trị thúc đẩy những hành động của các cá nhân, của cộng đồng và kể cả của quốc gia.
Tóm lại, tôn giáo, tín ngưỡng là hoạt động tinh thần của con người, xuất hiện và tồn tại cùng với xã hội loài người. Con người chứa đựng bao nhiêu tiềm tàng và phức tạp thì tôn giáo, tín ngưỡng cũng chứa đựng bấy nhiêu sự bí ẩn của nó. Sự tồn tại của tôn giáo, tín ngưỡng là hiển nhiên như sự hiển nhiên của con người trên trái đất này và với nước Mỹ thì điều đó lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đa phần người Mỹ không thể sống mà thiếu đi một hình thức sinh hoạt tôn giáo hay tín ngưỡng nào đó; việc thiếu nó chẳng khác nào thiếu đi một hương vị Mỹ và
linh hồn Mỹ. Tôn giáo dù ở khía cạnh nào, loại tôn giáo nào cũng là cần thiết trong dòng chảy nhân sinh của họ. Ở Mỹ, tôn giáo có thể là phạm trù thiêng liêng nhưng nó không phải là vật báu tinh thần được che giấu trong sâu thẳm tâm hồn, mà nó được phơi bày ra như một niềm kiêu hãnh về tâm linh của người Mỹ. Vì thế, đôi khi niềm tin tôn giáo như có giá trị định hướng người Mỹ hành động, và điều này chắc chắn là dữ liệu thực tế chống lại quan điểm vô thần của Nietzsche rằng, “Chúa đã chết”. Với người Mỹ và cả nước Mỹ thì, Chúa vẫn sống, Chúa luôn sống - sống và chưa bao giờ chết!
e. Tinh thần “Miền biên cương” và ý nghĩa của nó đối với nước Mỹ
Trong lịch sử hình thành nước Mỹ, Miền biên cương là khái niệm nói về những đợt tiến quân của những người mở
30
đường (những chủ trang trại, thợ thủ công, thương nhân và người làm dịch vụ) đến miền Tây của đất nước (khái niệm “miền Tây” nước Mỹ không cố định giống bốn hướng của la bàn, mà nó luôn là phía tây của một nơi nào đó người ta đang sống). Theo Frederick Jackson Tuner (1861-
1932), tác giả của học thuyết Miền biên cương thì: biên cương có nghĩa là “giao điểm giữa người hoang dã và người văn minh” hay “sự rút lại tới một địa vị nguyên thủy hơn”. Có khi, “biên cương” còn được hiểu là ranh giới giữa miền Đông văn minh và miền Tây man rợ hoặc giữa sự ràng buộc thể chế và sự tự do. Còn theo Fichou thì “biên cương”
là: “cái lãnh thổ luôn chuyển động, nơi những người tiên phong khai phá tiếp xúc trực diện với đất hoang và các bộ tộc da đỏ - thuộc về một nền văn minh khác hẳn đã làm nảy sinh những xử thế mới, sẽ góp phần hình thành nên tính cách dân tộc”1.
Theo thuyết biên cương, con người trước hết là một chủ thể đơn độc (điều này về sau được chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do kế thừa), đơn độc đi khai phá, tự xoay xở và hành động theo cá tính riêng của mình, vì lợi ích của riêng mình. Tuy nhiên, theo học thuyết này, con người dù là cá nhân đơn độc nhưng vẫn là cá nhân của cộng đồng, nên phải tồn tại cùng những người khác, dựa vào những người khác để tồn tại.
_______________
1. J.P.Fichou: Văn minh Hoa Kỳ, Sđd, tr. 18.
31
Người theo thuyết biên cương phải là những người có niềm tin mạnh mẽ vào chính mình, là những người có bản năng hành động liên tục và không ngại khó, không sợ rủi ro, luôn hướng về phía trước. Fichou viết: “Họ chỉ bỏ đi khi tin tưởng rằng cái sẽ có ở đằng kia chân trời là tốt đẹp hơn. Sự năng động trong cuộc sống chứng tỏ họ thích hành động chứ không dừng lại ngắm nghía hay suy nghĩ. Hai thành tố đó: hành động và lạc quan, không để dành chỗ cho tinh thần duy lý”1.
Biên cương với nước Mỹ là sự khai mở, là tiến về phía Tây của những người đi tiên phong và thông thường là để lập các trang trại, nhưng rồi không phải dừng lại ở đó, mà họ lại đi tiếp và bán trang trại cho những người đến sau. Điều này chứng tỏ rằng, với “người biên cương”, cái nhu cầu hành động, sự không bằng lòng với những gì mình đang có, luôn chạy đua và theo đuổi những cái vô định ở phía trước,... là những đặc tính cơ bản của họ. “Người biên cương” được xem là người mở đường nên họ cần phải có những phẩm chất như: lòng can đảm, “phải biết làm mọi việc,... làm ruộng, đóng thùng, săn bắt, dạy học,... một mình anh ta thay thế tất cả mọi người khác. Để sống còn, anh phải mềm dẻo, thích nghi, sáng tạo,...”2.
Nhưng thế nào là một người Mỹ thực sự? Trong so sánh, nhà văn Mark Twain (1835-1910) đã khẳng định rằng, tính cách người Âu bảo thủ, còn người Mỹ thì thực tiễn. Ông còn _______________
1, 2. J.P.Fichou: Văn minh Hoa Kỳ, Sđd, tr. 21, 22.
32
mô tả rằng: “Người Anh là “người làm những gì đã từng làm”, và người Mỹ là “người làm những gì mà họ chưa bao giờ làm””1. Tuy nhiên, khi nhận xét về người Mỹ thì người Đức lại cho rằng, người Mỹ có “tính bề ngoài, nhịp độ nhanh nhảu, đề cao của cải vật chất, tìm tòi phức tạp những thành tích, xu hướng giật gân, cơ giới hóa lao động và đời sống khai thác tàn bạo tự nhiên và lực lượng con người”2.
Có thể nói, “biên cương” chỉ là một khái niệm dùng để chỉ địa giới, nhưng ở Mỹ, nó lại được dùng để ám chỉ tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt hoặc có khi là một bản năng hành động của người Mỹ. Sự tồn tại của thuyết Miền biên cương có thể không giải thích được tất cả, nhưng theo tác giả của nó (Turner) thì biên cương "có thể tạo cơ sở cho một cách lý giải tổng thể”.
f. Tinh thần “Nồi hầm nhừ” và ý nghĩa của nó đối với nước Mỹ
Ở Mỹ, khái niệm Nồi hầm nhừ (Melting - pot) là khái niệm mang tính biểu trưng của văn hóa. Nó được hiểu là tất cả mọi thứ được cho vào nồi để nấu cho nhuyễn, hoặc có thể hiểu nó là một nơi có nhiều nền văn hóa và tư tưởng trà trộn vào nhau.
_______________
1. Đặng Ngọc Dũng Tiến: Hoa Kỳ - phong tục và tập quán, Sđd, tr. 19.
2. Nguyễn Thái Yên Hương: Liên bang Mỹ - đặc điểm xã hội - văn hóa, Sđd, tr. 52.
33
Crèveoeur (1735-1813) - nhà Mỹ học người Pháp cho rằng, Mỹ là đất nước của những cá nhân thuộc đủ các dân tộc trà trộn nhuần nhuyễn thành một chủng tộc mới, và từ đó sẽ xuất hiện con người mới nhiều đặc điểm. Còn cố Tổng thống Mỹ Kennedy (1795-1870) lại nói rằng: “chúng ta là một dân tộc gồm nhiều dân tộc”1.
Sau này, vào năm 1908, Zangwil (1864-1926) - một đạo diễn phim của Mỹ đã cụ thể hóa tinh thần “Nồi hầm nhừ” thành vở kịch cùng tên tại Washington DC, nhằm tôn vinh lãnh địa trú thân của những người biệt xứ và ca ngợi sự hòa hợp về hôn nhân giữa những con người thuộc các dân tộc khác nhau. Nhà công nghiệp Ford cũng chuyển tải tinh thần “Nồi hầm nhừ” của người Mỹ bằng hành động đầy tự hào trong một buổi trao thưởng cho công nhân như sau: “Trước một màn sân khấu vẽ một chiếc tàu buông neo ở bến cảng nơi người nhập cư đổ bộ, có đặt một chiếc lò lớn được nối một chiếc cầu nhỏ vào tàu. Hơn hai trăm thanh niên từ tàu lên chui vào lò, lúc bước ra mặt mày rạng rỡ, phấn khởi vì đã trải qua quá trình tôi luyện để trở thành “người Mỹ”. Trước khi bước vào lò đã vứt lại quần áo rách bẩn của người di cư, khi ra khỏi lò họ mặc quần áo mới. Hàng nghìn khán giả theo dõi. Người ta hỏi học viên ở lò ra: “Bạn có phải là người _______________
1. Vương Kính Chi: Lược sử nước Mỹ, Sđd, tr. 43.
34
Mỹ - Ba Lan hay người Mỹ - Italia không?”. Họ trả lời: “Không! Tôi là người Mỹ”1.
Trong cuốn Văn minh Hoa Kỳ, Fichou cũng viết: “Làn sóng di dân vào Mỹ vừa nhiều vừa liên tục, chỉ nhất thời bị biến loạn vào những thời kỳ khủng hoảng, suy thoái kinh tế ở các nước có di dân, hoặc trái lại, do có sự vẫy gọi của Tân Thế giới. Hệ quả đầu tiên là sự muôn hình, muôn vẻ của các cội nguồn sinh học và văn hóa. Những cuộc hôn nhân giữa những người dân tộc khác nhau đã góp phần rất lớn vào thành công của “Melting - pot”: Người Ariăng, Do Thái, da đen, da vàng trộn lẫn với nhau, dù rằng cho tới gần đây những cuộc hôn nhân ấy hãy còn hiếm. Con cái những cặp vợ chồng đó tiếp nhận hai dấu ấn văn hóa của bố và mẹ, cộng với dấu ấn của môi trường xã hội, nhất là trường học. Tiếng Anh nhanh chóng trở thành sợi dây liên kết bền vững. Sự pha trộn bẩm sinh ấy hẳn là nguồn gốc của tinh thần bao dung, trí óc cởi mở, yêu thích những tình thế quá độ. Cũng có thể tìm thấy ở đó nguyên nhân sự ít quan tâm đến quá khứ, hướng nhiều vào tương lai”2.
“Nồi hầm nhừ” trong khoảng ba thế kỷ đầu được xem là niềm tự hào của nước Mỹ, nó hứa hẹn nhiều điều với những ai muốn di cư đến nước Mỹ lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX, dân số Mỹ tăng quá nhanh dẫn
_______________
1. Nguyễn Thái Yên Hương: Liên bang Mỹ - đặc điểm xã hội - văn hóa, Sđd, tr. 72.
2. J.P.Fichou: Văn minh Hoa kỳ, Sđd, tr. 33.
35
đến sự không tương thích với tốc độ phát triển kinh tế và các vấn đề an sinh xã hội, cho nên ở Mỹ đã dấy lên phong trào chống lại sự nhập cư, vì họ cho rằng có những “chủng tộc không giống người nhà”, “không thể dung nạp được”. Từ thực tế này, ở Mỹ, người ta đã nêu lên quan điểm sinh tồn tại chỗ để chống lại sự có mặt của người nước ngoài. Vì thế, “Nồi hầm nhừ” đã bị rạn nứt, nó không còn là một biểu tượng đẹp của văn hóa Mỹ nữa, mà như cách nói bóng của Fichou thì, nó chỉ còn tồn tại như một tiếng chuông cảnh báo về trò xảo trá, hay chỉ như một cái bẫy để đánh lừa những chú chim non mà thôi!
g. Khoa học - Nền tảng của tư duy triết học
Nhìn về lịch sử triết học châu Âu, nếu thời kỳ Trung Cổ người ta gọi “triết học là đầy tớ của thần học”, thì nay, cái tên gọi đó được lưu chuyển sang nước Mỹ, và người ta gọi “triết học là đầy tớ của khoa học”. Điều đó có nghĩa là, triết học ở Mỹ giữ vai trò “con sen”, “con ở” trong gia đình khoa học, khoa học giữ vai trò then chốt, và triết học muốn sống được thì không có cách nào khác tốt hơn là hấp thu năng lượng của khoa học để sinh tồn, và rồi từ đó triết học lại tiếp sức thêm sức sống cho khoa học, thúc đẩy khoa học, làm bệ phóng cho khoa học, cùng khoa học tung cánh bay trên bầu trời tự do.
Nhờ vào vai trò và sức mạnh của khoa học, vào đầu thế kỷ XX nước Mỹ đã trở thành một cường quốc công nghiệp, đúng như lời dự đoán của Tocqueville trước đó. Cuối thế kỷ XX nước Mỹ đầu tư khoảng “135 tỷ USD cho
36
nghiên cứu phát triển (khoảng 1/3 quỹ nghiên cứu của thế giới), có khoảng 1,3 triệu nhà khoa học và kỹ thuật”1, trong đó có “11.316 nhà triết học chuyên nghiệp, với 219 ấn phẩm về triết học được xuất bản định kỳ, 660 trường cao đẳng và viện nghiên cứu có khoa triết học, có 219 tiến sĩ triết học,... triết học Mỹ phát triển mạnh mẽ, không ngừng khái quát lý luận đối với thành quả của các mạng khoa học mới, phản ứng triết học nhanh nhạy trước mâu thuẫn xã hội, hấp thu toàn diện triết học và văn hóa bên ngoài, giữ gìn và điều chỉnh khéo léo tinh thần triết học truyền thống bản địa, tạo ra không ít nhà triết học và học thuyết triết học mang tầm thế giới”2.
Khoa học đối với nước Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt đến mức người ta xem nước Mỹ là “một tạo vật của khoa học”, hay là đất nước của “nền văn hóa tri thức”. Đối với họ, “sự vô hạn của khoa học” hứa hẹn sự tự do, và nó cũng đồng nghĩa với “giấc mơ Mỹ”. Bản chất của khoa học là không ngừng tìm kiếm sự thật, khám phá bản chất của sự vật, hiện tượng trong thế giới, song nó đòi hỏi những nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc tìm ra cái mới mà còn phải biết phê phán cái cũ, nếu cái cũ đó không còn là chân lý. Khoa học với tư cách như vậy sẽ không chịu ràng
_______________
1. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.78.
2. Diêu Giới Hậu: Khái lược triết học Mỹ đương đại, tạp chí Triết học, số 1, 2011.
37
buộc bởi một định chế nào, khoa học không tạo ra “trật tự” mà ngược lại giống như công việc của những nghệ sĩ, khoa học gây nên những “xáo trộn” liên tục, để từ đó tạo nên những “cú sốc của cái mới”. Henry Adams (1838-1918) từng cho rằng, “sự xáo trộn” là quy luật của tự nhiên, còn “trật tự” chỉ là giấc mơ của nhân loại mà thôi.
Nếu ở châu Âu siêu hình học giữ vai trò “sen đầm” hay như một “bà hoàng chuyên chế” có vai trò quy nạp hơn là diễn dịch, thì ở Mỹ không như vậy, bởi lẽ, Mỹ là một tồn tại của khoa học nên việc chi tiết hóa các yếu tố trong hệ thống có vai trò then chốt trong việc tạo ra những kết quả chính xác trong thực nghiệm.
Tóm lại, Mỹ là nước có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng tốc độ phát triển lại rất nhanh, đó là kết quả được tạo nên bởi nhiều yếu tố. Cùng với điều kiện tự nhiên, các nhân tố xã hội là cơ sở tất yếu dẫn đến sự hình thành và phát triển nước Mỹ.
Triết học nhân sinh Mỹ là sản phẩm tư duy của người Mỹ, là lăng kính triết học phản ánh sinh động về tồn tại xã hội Mỹ, đời sống con người Mỹ. Nhưng triết học đó không phải là sản phẩm tư biện, hay của tư duy siêu hình mà nó được hình thành dựa trên những cơ sở nhất định, nó là sản phẩm tất yếu trong quá trình vận động của nước Mỹ. Các nhân tố xã hội tiêu biểu nêu trên được xem là những nhân tố cơ bản có tác động đến sự hình thành triết học nhân sinh Mỹ.
38
2. Triết học nhân sinh và các trường phái triết học nhân sinh Mỹ tiêu biểu
2.1. Triết học nhân sinh
I.Kant (1724-1804) - nhà triết học Đức cho rằng, “triết học có mục đích tối hậu không gì khác hơn là toàn bộ vận mệnh của con người”1, do vậy, “triết học phải làm sáng tỏ những vấn đề liên quan thiết thân đến mọi người”. W.James (1842-1910) - nhà triết học thực dụng của nước Mỹ lại chỉ ra tầm quan trọng của triết học trong đời sống con người khi ông cho rằng: “Triết học là phương thức mỗi người chúng ta quan sát và cảm nhận toàn bộ lực đẩy của vũ trụ, triết học là cái cao thượng nhưng bình thường nhất trong sự nghiệp của loài người. Nó đi sâu vào những nơi nhỏ hẹp nhất nhưng triển khai viễn cảnh rộng rãi nhất. Người ta nói “triết học không làm ra bánh bao”, nhưng nó lại cổ vũ linh hồn chúng ta, làm cho chúng ta dũng cảm lên. Đối với con người nói chung, thái độ của triết học, sự nghi hoặc và sự vặn hỏi của triết học, ngụy biện và biện chứng của triết học, thường làm cho người ta ghét, nhưng nếu không có ánh sáng chiếu xa của triết học rọi sáng viễn cảnh của thế giới, chúng ta không có cách nào tiến lên phía trước”2.
_______________
1. I.Kant: Phê phán lý tính thuần túy, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011, tr. 1168.
2. Vương Ngọc Bình: Uyliam Giêmxơ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2004, tr. 122-123.
39
Còn Stanley Rosen (sinh năm 1929), tác giả của cuốn Triết học nhân sinh lại khẳng định: “triết học phản ảnh bản chất người”, “siêu hình học, triết học khoa học, triết học xã hội, triết học chính trị, triết học tôn giáo, triết học nghệ thuật và văn hóa,... là cách tiếp cận khác nhau về một đối tượng chung là cuộc sống con người”1. Ông cũng cho rằng: “Về bản chất, vấn đề nhân sinh là cốt lõi nội tại của chính triết học. Mọi hoạt động triết học từ các cấp độ khác nhau, trong các mức liên ngành, lý thuyết hay ứng dụng đều phản ảnh một khát vọng chung nhất của con người là mưu cầu một cuộc sống hoàn thiện hơn, tốt hơn, hạnh phúc hơn (chân, thiện, mỹ) trên cơ sở hiểu biết sâu sắc hơn về mục đích, giá trị, hoàn cảnh của cuộc sống cũng như khả năng và giới hạn của các kỹ thuật và phương thức sống (tư duy và hành động) của chính con người”2.
Như vậy, triết học nhân sinh chính là khuynh hướng triết học bàn về đời sống con người, lấy con người làm đối tượng nghiên cứu, xem con người là trung tâm của mọi diễn giải triết học, những diễn giải đó nhằm góp phần làm rõ bản chất của đời sống con người. Với ý nghĩa đó, triết học nhân sinh là một khuynh hướng triết học có lịch sử phát triển lâu dài trong triết học phương Tây. Có thể sơ lược về sự phát triển của nó theo lát cắt dọc dưới đây:
_______________
1, 2. S.Rosen: Triết học nhân sinh, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 6, 5.
40
Từ thời cổ đại, người ta không thể không nhắc đến Socrate như vị tổ sư của nền triết học nhân sinh khi ông kêu gọi “con người hãy tự ý thức về mình”. Lời kêu gọi này của Socrate vào thời buổi ông sống được xem là một tiếng chuông làm thức tỉnh các nhà triết học tự nhiên đang chìm đắm trong cơn mê vũ trụ1. Khi nói đến Socrate, người ta thường có chung một nhận định rằng: “Socrate là hiện thân của bước rẽ trong hành trình của triết học, đưa triết học từ trên đỉnh Olympic cao chon von, từ chiêm ngưỡng sự huyền diệu của ánh trăng, từ thôi thúc muốn biết mặt trời cháy bỏng từ đâu mà có, biển cả vì sao trưa xanh, chiều thẫm về với tâm tư trăn trở của đời sống con người, nơi con người chân đạp đất, đầu đội trời để sống trong kiếp làm người của nó”2.
Socrate chẳng những đã đặt viên gạch đầu tiên cho khoa học về nhân sinh mà quan trọng hơn cả là, ông đã chỉ ra cho người phương Tây thời đó và cả về sau nhận chân được giá trị của thân phận làm người của mình, rằng con người là ai? Anh có khả năng gì? Anh có thể làm được gì? Và, hãy tự ý thức về những điều đó! Có thể nói, tuyên xưng “con người hãy tự ý thức về mình” của Socrate không chỉ
_______________
1. Trước Socrate, các nhà triết học Hy Lạp cổ đại lấy tự nhiên là đối tượng nghiên cứu (bỏ quên hoặc không xem trọng vấn đề con người), mục đích của triết học là lý giải cho tồn tại của giới tự nhiên, vì thế triết học thời kỳ này được gọi là triết học tự nhiên.
2. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Sđd, tr. 92.
41
làm thay đổi đối tượng của triết học mà nó còn làm thay đổi nhận thức của con người về chính bản thân con người. Với Tuyên cáo như trên, Socrate đã đặt con người (nhân sinh) vào vị trí “đối tượng” mới của triết học và người ta đánh giá: Socrate là người tiên phong trong việc hiệu triệu triết học
từ trên trời xuống mặt đất, “xếp nó vào thành phố, đưa nó vào tận nhà của con người và làm cho nó phải học hỏi cuộc sống, đạo lý cùng những điều thiện và ác”1.
Cũng ở thời kỳ này, chúng ta còn thấy bóng dáng của triết học nhân sinh trong quan niệm của Protagoras về con người khi ông nói: con người là thước đo của tất thảy mọi vật. Quan niệm này của Protagoras có thể được xem là cơ sở triết học của sự coi trọng giá trị con người, đề cao vai trò, vị trí của con người trong thế giới, vì trong thế giới, xét đến cùng thì con người là tinh khôi nhất, là chuẩn mực để phán xét mọi giá trị khác. Sự coi trọng yếu tố con người của Protagoras tuy mang tính chủ quan, song nó cũng cho thấy sự phỏng đoán của ông về mối quan hệ không thể thiếu giữa con người và tự nhiên trong quá trình sản xuất, và trên hết, trong quá trình này nhân tố con người được xem trọng hơn cả.
Thời Trung cổ, triết học đã không còn được “làm chủ cuộc chơi tư duy” của mình nữa, khi nó chỉ tồn tại trong thân phận là nô tì của thần học. Những lý giải của các nhà triết học lớn thời kỳ này như Tertullien (160-230), _______________
1. S.Rosen: Triết học nhân sinh, Sđd, tr. 9.
42
Augustin (354-430), Thomas’d Quin (1225-1274), v.v. đều nhằm mục đích luận giải cho địa vị vững chắc của những tín điều tôn giáo ngự ẩn sâu thẳm trong đời sống tinh thần của các tín đồ Kitô giáo. Vì vậy, vấn đề nhân sinh chỉ là vấn đề về mối quan hệ giữa cá nhân và Thượng đế, hay chỉ là vấn đề về mối quan hệ giữa đức tin và lý tính mà thôi. Có thể khẳng định rằng: “triết học thời trung cổ là tiếng đồng vọng của tôn giáo, là sự biện minh của thần học”. Tuy nhiên, dẫu sao đi chăng nữa, dù chỉ vấn đề của Kitô giáo, núp dưới cái bóng của “thần quyền” nhưng triết học thời kỳ này theo một cách thức nào đó vẫn được xem là triết nhân sinh (triết học nhân sinh - tôn giáo), bởi lẽ nó cũng bàn đến đời sống tinh thần của con người.
Thời Phục hưng - Cận đại, cùng với phong trào khai sáng, triết học đã bước vào con đường khôi phục lại giá trị nhân bản của con người. Theo xu hướng đó, các nhà triết học đồng loạt lên tiếng khẳng định và bảo vệ năng lực tự làm chủ của con người. F.Bacon (1561-1626) có lẽ là người tiên phong cho phong trào này khi ông tuyên bố: “Tri thức là sức mạnh”, “khoa học là sức mạnh”. Ông cho rằng: “Con người cần phải biết để thấy trước, dự liệu, cốt để cung cấp điều cần thiết. Vậy, ta phải cho ra những gì thật vững chắc và thường hằng trong các ngành khoa học”1.
_______________
1. J.Wahl: Lược sử triết học Pháp, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 13.
43
Theo khẩu lệnh của người đi trước, R.Descartes (1596-1650) được xem là một điển hình trong cuộc chiến chống lại những định chế có sẵn của tôn giáo khi ông đưa ra quan niệm: “Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu” (Cogito ergo sum). Quan niệm này của Descartes như một phát súng bắn vào thành lũy kiên cố của những tín niệm tôn giáo về nhân sinh thời Trung cổ cho rằng: con người chỉ là một sinh linh nhỏ bé, tội lỗi, sống thụ động, ăn năn, sám hối vì tội tổ tông. Vì thế, năng lực tự làm chủ bản thân, phát huy năng lực bản thân của con người luôn gặp trở ngại bởi lá chắn của tôn giáo.
Khi nêu lên “Cogito ergo sum”, Descartes đã cùng với các nhà triết học thời Phục hưng trước đó như N.Copernicus (1473-1543), G.Bruno (1548-1600), v.v. làm nên một cuộc cách mạng về khai sáng con người. Trong cuộc cách mạng đó, con người được đặt vào vị trí trung tâm của nhận thức, và “năng lực tự quyết” của con người được xem trọng hơn bao giờ hết. Có thể nói, sự đề cao tư duy, xem tư duy là yếu tố gắn liền với cơ thể con người (chứ không phải có đời sống độc lập thần bí) của Descartes không chỉ là “sự lên men trong triết học” (theo cách nói của Hegel) vào thời đại của ông mà nó còn có ý nghĩa tinh thần quan trọng đối với mỗi cá nhân trong đời sống xã hội phương Tây (bao hàm cả xã hội Mỹ nữa).
Con người và các tính chất của đời sống con người là vấn đề trải dài trong lịch sử triết học. Kể từ khi Socrate nêu lên vấn đề này thì chủ đề con người luôn làm đau đầu
44
các nhà triết học bởi những câu hỏi lớn về nó được đặt ra cần phải giải đáp. Vào thế kỷ XVIII, Kant quả thực đã rất trăn trở khi đặt ra những câu hỏi lớn về con người: “Tôi có thể biết gì?
Tôi cần phải làm gì?
Tôi có thể hy vọng vào cái gì?
Để cuối cùng là câu hỏi tổng quát, vậy con người là gì?”. Đây không chỉ là những suy tư triết học của riêng Kant trong những mệnh đề của ông mà đó còn là những câu hỏi vô cùng lớn của cả loài người về mối quan hệ giữa con người với thế giới. Từng nghi vấn của Kant trở thành những nguyên lý về nhận thức và hành động của người phương Tây: Tôi có thể biết gì? Là sự hoài nghi về khả năng nhận thức thế giới của con người, sự hoài nghi này như một động lực thôi thúc tư duy, lý tính của con người đi tìm kiếm và khám phá thế giới. Từ sự khám phá đó, con người mới biết mình cần phải làm gì, để mong muốn đạt được cái gì, đáp ứng sự cầu vọng của con người. Có thể nói, với những câu hỏi lớn mà theo Kant, triết học có nhiệm vụ phải trả lời đã góp phần hình thành nguyên lý trục (nguyên lý đề cao tư duy khoa học) của triết học thời kỳ cận đại.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, triết học nhân sinh chuyển mình sang một giai đoạn mới (thời kỳ hiện đại), bản chất của nó không chỉ còn là những vấn đề con người chung chung như thời cổ đại, hay con người trong quan hệ với Thượng đế thời trung cổ, hoặc con người với
45
tính ưu trội về tư duy, lý tính của thời cận đại nữa, mà đó là vấn đề “đời sống con người” cùng những nguyên tắc đi liền với nó.
Vấn đề đời sống con người trong triết học nhân sinh ở đây với tư cách là vấn đề của những con người đang hiện hữu bằng xương, bằng thịt trong đời sống hằng ngày của xã hội phương Tây. Trong xã hội đó, con người được nhìn nhận với tư cách là một chỉnh thể không chỉ có lý tính
(reason) dẫn dắt hành động mà còn bị quy định bởi những nguyên lý tình cảm (emotion) của nó nữa.
Đặc điểm chủ đạo của triết học nhân sinh thời hiện đại là quay lưng lại với triết học nhân sinh truyền thống (đặc biệt là triết học thời cận đại), vì nó cho rằng, triết học nhân sinh truyền thống đã quá đề cao vai trò của tư duy, lý tính rồi lãng quên những cái khác của đời sống con người vốn dĩ cũng rất sinh động và không kém phần quan trọng trong sự sinh tồn của con người, làm cho đời sống của con người mất thăng bằng.
Đặc điểm thứ hai của triết học nhân sinh thời hiện đại là, từ nguyên lý đề cao những nguyên tắc đời sống, triết học nhân sinh thời hiện đại đã chĩa mũi nhọn vào công kích chủ nghĩa duy khoa học và những cơ sở tồn tại của nó. Triết học nhân sinh không tán thành thế giới quan đặt lên hàng đầu các thành tựu của khoa học, của tư duy, lý tính, vì họ cho rằng, chính điều đó đã làm xơ cứng đời sống của con người. Nietzsche có lẽ là người khởi xướng cho những ý tưởng của triết học về đời sống, Bergson là người
46
làm bùng nổ những ý tưởng đó, và ở Mỹ, James đã cụ thể hóa ý tưởng đó trong triết học thực dụng của ông và được người Mỹ hưởng ứng nồng nhiệt. Các nhà triết học nhân sinh yêu cầu triết học phải quan tâm đặc biệt đến những trạng huống sinh tồn của con người chứ không chỉ là việc tập trung vào xác lập vị trí thượng tôn của duy lý khoa học, vì chính con người mới là chủ thể quyết định cái duy lý khoa học của con người chứ không phải để cho duy lý khoa học chi phối vận mệnh của con người.
Một đặc điểm nữa của triết học nhân sinh thời hiện đại là, triết học nhân sinh thời kỳ này không tuyệt đối hóa một lớp vấn đề riêng biệt, cụ thể nào của đời sống con người mà nó quan tâm hầu hết tất cả các vấn đề, do đó nó cần sự có mặt và luận giải của nhiều bộ môn khác về con người như tâm lý học, sử học, văn hóa học, văn học, ngôn ngữ học, tôn giáo học, v.v.. Nhờ có sự luận giải của các bộ môn khoa học khác nhau mà triết học nhân sinh có cơ sở dữ liệu sinh động về đời sống con người, để góp phần thực hiện được nhiệm vụ làm sáng tỏ bản chất con người như các nhà triết học nhân sinh đặt ra.
Từ những phân tích nêu trên có thể nói, triết học nhân sinh là một khái niệm có tính chất tương đối (một quy ước tương đối) bên cạnh những khái niệm triết học khác như triết học khoa học, triết học tôn giáo, triết học xã hội, triết học đạo đức..., vì trên thực tế, dù là triết học nào thì xét đến cùng cũng là sản phẩm của tư duy con người, hướng đến con người và vì con người cả thôi. Nhưng với tư cách là
47
một khuynh hướng triết học về đời sống con người thì phải đến cuối thế kỷ XIX Triết học nhân sinh mới chính thức được gọi tên theo đúng bản chất của nó.
2.2. Triết học nhân sinh Mỹ và các trường phái triết học nhân sinhMỹ tiêu biểu
Triết học nhân sinh Mỹ là hệ thống quan điểm của các trường phái triết học, các nhà triết học về đời sống con người, bao gồm toàn bộ những luận giải của họ trên tất cả các bình diện của cá nhân, về vai trò, địa vị của cá nhân, về những phẩm tính, về thiên hướng hành động của cá nhân; về cộng đồng người và về các thiết chế trong cộng đồng người đó trong sự tương hỗ hay tiết chế lẫn nhau, v.v..
Nhưng đến thế kỷ XIX, nước Mỹ vẫn chưa có một nền triết học nhân sinh thực sự, theo đúng nghĩa của nó. Chính R.W.Emerson (1803-1882) trong một buổi họp của Câu lạc bộ siêu nghiệm (năm 1836) đã phát biểu: “Trên miền đất mênh mông này, thật là khủng khiếp, ở đây tự nhiên thì vĩ đại còn tinh thần thì leo lắt thật là dễ bảo”1. Còn Tocqueville sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu về nước Mỹ cũng từng nhận định rằng, “không có một nước nào người ta lại ít quan tâm đến triết học như ở Mỹ. Người Mỹ không có trường phái triết học riêng, và họ ít quan tâm đến những trường phái triết học đang chia rẽ
_______________
1. Dẫn theo: Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Sđd, tr. 57.
48
châu Âu; họ biết các trường phái đó qua tên gọi đã đủ vất vả rồi”1.
Tuy vậy, người Mỹ vẫn có phương pháp triết học của họ. Tocqueville miêu tả lại rằng: “Vượt khỏi tinh thần hệ thống, thoát khỏi cái ách của thói quen, khỏi các châm ngôn sống gia đình, các quan điểm giai cấp, và một mức độ nào đó là thoát khỏi các định kiến dân tộc; chỉ coi truyền thống như một thứ thông tin, và chỉ coi các sự kiện đương xảy ra như một cách xem xét hữu ích để hành động khác đi và hành động tốt hơn; tìm tòi theo lối tự lực và chỉ tìm ngay bên trong bản thân mình cái nguyên cớ của sự vật, hướng tới kết quả mà không bị trói chân trói tay vào các phương tiện, và nhằm vào cái gốc vấn đề thông qua cái biểu hiện bề ngoài”2. Ông cũng cho rằng, “người Mỹ không có nhu cầu tìm trong sách vở cái phương pháp triết học cho riêng mình, phương pháp đó họ tìm thấy ngay trong bản thân họ”3.
Những nhận định trên của Tocqueville có phần đúng nhưng đó chỉ là hoàn cảnh của nước Mỹ những thập niên đầu thế kỷ XIX, vì trên thực tế, sau sự suy tàn của chủ nghĩa duy tâm Đức, chủ nghĩa lãng mạn Anh hay chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp thì một thế hệ nhà triết học châu Âu đã lên đường sang Mỹ và tụ hội cùng Emerson.
Nhưng dẫu sao đi chăng nữa cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, khoảng nửa đầu thế kỷ XIX nước Mỹ _______________
1, 2, 3. A.D.Tocqueville: Nền dân trị Mỹ, Sđd, t. 2, tr. 21.
49
không có triết học của riêng mình, phải đến cuối thế kỷ này nước Mỹ mới có triết học của riêng mình là chủ nghĩa thực dụng.
Thực trạng này đã dẫn đến hệ quả là nước Mỹ phải “nhập khẩu” triết học nhân sinh từ châu Âu, tuy nhiên các trường phái triết học ở châu Âu khi lưu chuyển đến Mỹ đã không còn giữ được nguyên màu sắc cũ của nó nữa mà phải biến đổi cho phù hợp với không gian mới, tình hình mới. Nếu triết học nhân sinh châu Âu được xem là sản phẩm của tư duy tư biện mang tính hàn lâm, bị cuốn hút bởi những khái niệm tinh tế, thì triết học nhân sinh Mỹ là sản phẩm của tự nhiên. Triết học nhân sinh Mỹ không xây dựng nội dung của nó bằng những khái niệm mà nó là một nền triết học tự do, tung bay ngoài trời, không thích bàn đến những vấn đề trừu tượng, chỉ chú tâm vào những vấn đề cụ thể mang tính lợi ích thiết thân của con người. S.Hook (1902-1989) - nhà tư tưởng Mỹ hiện đại vào cuối thế kỷ XX đã so sánh triết học của người Mỹ và người châu Âu như sau: “Các nhà triết học của chúng tôi không đẩy chúng tôi ra đường phố, sinh viên của chúng tôi không chiến đấu trên những chiến hào cho chủ nghĩa hiện sinh hay cho chủ nghĩa nào cả. Chúng tôi quan tâm nhiều tới những giải pháp hơn là cho những sự cứu thế. Chúng tôi chống lại những trừu tượng sa lầy”1. Còn H.S.Commager (1920-1998) - nhà sử học của _______________
1. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Sđd, tr. 60-61.50
nước Mỹ lại chỉ ra rằng: “Lý luận và lập luận trừu tượng làm cho người Mỹ bực tức, và người Mỹ tránh những học thuyết triết học tối tăm,... như người khỏe tránh thuốc, không có một thứ triết học nào vượt ra khỏi giới hạn của ý chí mà lại làm cho người Mỹ có hứng thú, cho nên họ cải tạo một cách không thương tiếc siêu hình học trừu tượng thành luận lý học thực tế”1.
Ở Mỹ có nhiều trường phái triết học2, nhưng căn cứ vào đối tượng và mục đích của nó mà các trường phái triết học sau đây được gọi là triết học nhân sinh:
Chủ nghĩa thực dụng là sản phẩm tất yếu của quá trình phát triển nước Mỹ, được sinh ra ở Mỹ, là triết học bản địa của Mỹ, có tác động không nhỏ đến sự hùng cường của nước Mỹ. Chính vì thế nó được người Mỹ xem là một công cụ tinh thần hữu hiệu nhất để cải biến tình thế sinh tồn của họ. Qua thời gian, chủ nghĩa thực dụng được ví như “quốc hồn, quốc túy” của nước Mỹ, vì người ta không thể chối cãi được rằng, chính chủ nghĩa thực dụng là một trong những tác nhân tư tưởng trọng yếu đưa nước Mỹ lên vị trí hàng đầu thế giới về nhiều lĩnh vực. Khi nó mới ra đời, James đã xem nó là một ánh hào quang mới trong _______________
1. Phạm Minh Lăng: Mấy vấn đề triết học phương Tây, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1984, tr. 276. 2. Bên cạnh những trường phái triết học nhân sinh thì ở Mỹ cũng có những trường phái triết học được cho là triết học duy khoa học như: Triết học phân tích, chủ nghĩa hiện thực phê phán, triết học lịch sử, triết học ứng dụng.
51
triết học, ông nói: “thật giống như tia chớp trong đêm tối mù mịt vậy!”1.
Năm 1871, tại Câu lạc bộ siêu hình học của Đại học Harvard, chủ nghĩa thực dụng đã ra đời sau những buổi sinh hoạt học thuật của các nhà khoa học như J.Fiske (1842-1901), luật sư Holmes (1809-1894), các nhà triết học như Peirce (1839-1914), James (1842-1910),... Họ nhóm họp lại với nhau mỗi tháng hai lần và tranh luận về tất cả những vấn đề mà họ ưa thích, đặc biệt là những vấn đề sát thực của cuộc sống.
Chủ nghĩa thực dụng chính thức có tư cách là một học thuyết triết học khi Peirce đưa ra tiểu luận “Làm thế nào để tư tưởng của chúng ta trở nên sáng sủa” và bài viết “Sự xác định của tín ngưỡng” đăng trên Nguyệt san khoa học phổ thông - 1878. Đây là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngôi nhà thực dụng Mỹ. Nhưng trên thực tế, James mới là người đầu tiên đưa chủ nghĩa thực dụng vào phạm trù triết học khi trong bài viết “Khái niệm triết học và hiệu quả thực tế”, ông đã trình bày về chủ nghĩa thực dụng, và thừa nhận, chính Peirce là người phát minh ra chủ nghĩa thực dụng, còn ông chỉ là người làm sáng tỏ công lao của Peirce, nhưng Peirce không đồng ý và đổi thành “chủ nghĩa thực hiệu” để phân biệt với “chủ nghĩa thực dụng” của James.
_______________
1. Vương Ngọc Bình: Uyliam Giêmxơ, Sđd, tr. 72.
52
Không chỉ Peirce và James bất đồng với nhau mà bản thân các nhà thực dụng trong quá trình xây dựng triết thuyết cũng không thống nhất được với nhau về tên gọi: James gọi đó là “chủ nghĩa đa nguyên”, Schiller gọi đó là “chủ nghĩa nhân đạo”, Seamen thì gọi là “chủ nghĩa triển vọng”, còn Dewey lại gọi là “chủ nghĩa công cụ”. Nhưng dù thế nào thì đó cũng chỉ là cách thuật lại của từng người mà thôi, bởi vì Peirce được xác định là người khởi đầu cho một sự phát triển, chính ông đã sáng lập ra chủ nghĩa thực dụng. Công lao lớn nhất của Peirce là hệ thống hóa các phương pháp và khái quát hóa về lý luận được nêu lên trong “câu lạc bộ siêu hình học”.
Thực chất, trước khi chủ nghĩa thực dụng được “trình làng” thì bản thân nó đã “tập nhiễm” tinh thần của các bậc tiền bối như Socrate (469-399 Tr. CN), Locke (1632- 1704), Berkeley (1685-1753), Hume (1711-1776), Kant (1724-1804), Holbach (1723-1789) và kể cả Nietzsche (1844-1900),... bởi vì ở đó, chủ nghĩa thực dụng không thể chối bỏ sự hiện diện của chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa duy danh, chủ nghĩa vị lợi, chủ nghĩa thực chứng và kể cả chủ nghĩa duy tâm chủ quan xem trọng tính cá nhân - chủ thể và đề cao ý chí tồn tại của con người.
Về mặt thuật ngữ thì chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism) có nguồn gốc từ “Pragma” trong tiếng Hy Lạp, từ này có nghĩa là “thực tiễn” hoặc “hành động”. Trong khi đó, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, và hành động là nguyên nhân dẫn tới hậu quả. Chủ nghĩa thực dụng đã nhạy bén
53
nắm bắt lấy căn cứ này làm mục tiêu. Vì vậy, một số nhà triết học thực dụng đã lớn tiếng tuyên bố triết học của mình là “triết học thực tiễn”, “triết học hành động” hay là “triết học đời sống”.
Sự phát triển của chủ nghĩa thực dụng ở Mỹ sau thế hệ đặt nền móng nói trên có Mead (1863-1931) và Lewis (1883-1964). Mead là một trong những nhân vật đứng đầu của trường phái Chicago của chủ nghĩa thực dụng ở Mỹ. Với lý thuyết về hành vi xã hội, Mead đã có đóng góp rất lớn về mặt lý luận cho sự phát triển mới của chủ nghĩa thực dụng. Còn Lewis là người đã mài chí xây dựng “chủ nghĩa thực dụng khái niệm” nhằm kết hợp chủ nghĩa thực dụng với chủ nghĩa thực chứng lôgích.
Từ khoảng cuối thế kỷ XX trở lại đây, một số trào lưu triết học xuất phát từ châu Âu có mặt ở Mỹ đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn về mặt lý luận (đặc biệt là triết học phân tích), cho nên ở Mỹ đã dấy lên phong trào phục hồi chủ nghĩa thực dụng, tập trung vào một số đại biểu lớn như Putman, Rorty và Quine.
Chủ nghĩa cá nhân Mỹ có gốc rễ từ châu Âu (thế kỷ XVI) trong phong trào phục hưng văn hóa Hy Lạp cổ đại, tức là nền văn hóa coi trọng cá nhân cùng những giá trị đi liền với nó. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân chính thức được gọi tên từ thế kỷ XVII (năm 1620) khi các cha cố hành hương rời khỏi châu Âu đến nước Mỹ để tránh sự đàn áp của Chính phủ Anh.
54
Về khái niệm, chủ nghĩa cá nhân được hiểu theo hai nghĩa: “Thứ nhất là, có tính chất khác biệt so với người khác, làm mọi việc theo cách riêng của mình; thứ hai là, đề cao vai trò của cá nhân trong xã hội”1. Ở Mỹ, khi nói về chủ nghĩa cá nhân thì cả hai nghĩa này đều đúng, bởi vì, trước hết, Mỹ là một nền văn hóa có tính khác biệt so với những nền văn hóa khác, mà trong nền văn hóa đó, vai trò của từng cá nhân, hay tính cá nhân, bao giờ cũng được xếp ở vị trí hàng đầu. Hơn nữa, chủ nghĩa cá nhân ở Mỹ là sự khẳng định các quyền của cá nhân và của từng nhóm đối với tập thể.
Chủ nghĩa cá nhân trước hết phải được xem là một khuynh hướng cách mạng trong lĩnh vực tư tưởng về con người. Bởi lẽ, trước khi nó lên tiếng thì phương Tây đang chìm đắm trong cơn mê tín điều của đạo Thiên chúa. Truyền thống phương Tây lúc bấy giờ đã được định sẵn bởi những quy ước của con người với Chúa Trời và được niêm yết ở từng dòng kinh (Kinh thánh), do đó nó trở thành hệ chuẩn trong nhận thức và niềm tin của con người về chính thân phận mình. Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện về sự hình thành loài người của đạo Thiên chúa: Chúa đã tạo ra con người đầu tiên (Adam) theo hình ảnh của Chúa từ một nắm đất, và rồi từ con người đầu tiên đó, Chúa tạo ra con người thứ hai (Eva). Cả hai con người này, được Chúa ban
_______________
1. Nguyễn Thái Yên Hương, Tạ Minh Tuấn: Các vấn đề nghiên cứu về Hoa Kỳ, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2011, tr.14.
55
cho cuộc sống viên mãn ở Thiên Đàng nhưng vì nghe lời xúi bẩy của con rắn mà ăn phải trái cấm nên mang tội với Chúa. Và tội này là tội tổ tông, truyền từ đời này sang đời khác, vì vậy khi đã mang thân phận làm người (là con của Chúa) thì suốt đời phải sống trong ăn năn, sám hối để cầu mong được Chúa tha tội, được Chúa che chở.
Với niềm tin mãnh liệt về truyền thuyết này mà người phương Tây trong rất nhiều thế kỷ đã mang tâm lý thụ động, không phát huy được tính sáng tạo trong nhận thức về thế giới bên ngoài. Về điều này, chúng ta cũng hẳn còn nhớ câu chuyện về Học thuyết tiến hóa của Darwin chứng minh nguồn gốc của loài người là kết quả tiến hóa lâu dài từ loài khỉ chứ không phải là kết quả do Chúa tạo ra. Kết quả được học thuyết này công bố cùng tác giả của nó đã trở thành tội đồ với “kẻ khổng lồ”: Giáo hội Thiên chúa giáo. Phải mất rất nhiều thế kỷ tranh đấu với những bằng chứng xác thực của khoa học và thậm chí là bằng chính sinh mạng của những người theo học thuyết này thì địa vị của nó mới được xác lập trên thế giới ngày nay.
Không chỉ có câu chuyện về sự hình thành loài người của tôn giáo và sự đi ngược lại câu chuyện đó bởi những nhà tiến hóa luận mà còn nhiều câu chuyện khác cũng là chất liệu để minh chứng cho sự lệ thuộc của thân phận con người vào truyền thống văn hóa phương Tây thời Trung cổ. Từ Copernicus đến Galileo với Học thuyết nhật tâm (chống lại Học thuyết địa tâm của Ptoleme) là một ví dụ điển hình.
56
Với thực trạng xã hội thời trung cổ ở Tây Âu như vậy, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện ở đó được xem như một phát súng cối bắn vào thành lũy kiên cố của đại bản doanh Thiên chúa giáo. Nói cách khác, trong bối cảnh thống ngự vô cùng mạnh mẽ của thế lực tôn giáo lúc bấy giờ, thì sự xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân được ví như một tia sáng phóng chiếu vào đêm trường Trung cổ, xua tan đi sự u mê về thân phận con người. Cũng vì vai trò như vậy, mà chủ nghĩa cá nhân trở thành hạt nhân cốt lõi của phong trào khai sáng ở phương Tây. Phong trào này, với mục đích và ý nghĩa vạch thời đại của nó là sự khẳng định địa vị và vai trò tự làm chủ của con người trong đời sống của chính mình. Và từ đây, con người không còn được nhìn nhận như một sinh linh nhỏ bé, mang tội tổ tông, chỉ biết hướng về Chúa để xưng tội, mà con người là một chủ thể sáng tạo, hướng tầm nhận thức ra thế giới, khám phá nó, cải tạo nó... để xây dựng một vương quốc của Chúa ngay ở chính nơi con người đặt bàn chân chạm đất mỗi ngày.
Chủ nghĩa nhân vị Mỹ được xem là một biến thể đồng dạng với chủ nghĩa thực dụng, vì nó là thứ triết học “tự do tung bay ngoài trời” nước Mỹ, nó không phải là sản phẩm của tu viện, khép kín, đóng khung trong không gian của học thuật nữa. Nó được xem là cầu nối của “chủ nghĩa duy lý” của Hegel với “chủ nghĩa kinh nghiệm triệt để” của James.
Người sáng lập ra chủ nghĩa nhân vị Mỹ là B.P.Bowne (1847-1910), nhưng theo E.Mounier (1905-1950) thì có
57
nhiều chủ nghĩa nhân vị, vì ở Pháp, ở Đức, ở Anh cũng có chủ nghĩa nhân vị. Tuy nhiên, chủ nghĩa nhân vị ở Mỹ lại mang một sắc thái riêng, không đồng nhất với chủ nghĩa nhân vị ở các nước châu Âu. Chủ nghĩa nhân vị ở Mỹ có hai đặc điểm chính: một là, nó tiếp tục mô tả bản tính con người mà Tuyên ngôn độc lập đã từng vạch ra; hai là, nó tiếp tục bước theo vòng xoay của thần học như một lẽ tự nhiên. Chính vì những đặc điểm này mà chủ nghĩa nhân vị Mỹ đã góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo tâm hồn người Mỹ để rồi trở thành biểu trưng trong sắc thái văn hóa Mỹ.
Cũng vì lẽ đó, cùng với chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa nhân vị có lúc đạt đến ngôi vị quán quân trong thứ hạng của triết học Mỹ. Ngay cả chủ nghĩa hiện sinh, một thời là biểu trưng của tâm hồn châu Âu nhưng khi du nhập Mỹ cũng bị “Mỹ hóa” bởi chủ nghĩa nhân vị như những hiện tượng văn hóa khác. “Chủ nghĩa nhân vị Mỹ không chứa chấp nhiều bi quan như chủ nghĩa hiện sinh ở châu Âu. Nó không có “con người nổi loạn”, nó không là sự nổi loạn của “praxis” chống lại những thiết chế, không là chủ nghĩa Sartre chống lại chủ nghĩa cấu trúc... không là một chủ nghĩa hiện sinh đã muốn thổi bay những quyền lực như đã diễn ra trong “hệ tư tưởng 68” ở Pháp, trong phản văn hóa ở Mỹ”1.
Sau khi Bowne qua đời, chủ nghĩa nhân vị Mỹ vẫn tiếp tục phát triển với các nhà triết học như Brightman _______________
1. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Sđd, tr. 74-75.58
(1884-1953), Flewelling (1871-1960) và Hocking (1873-1966). Những nhà triết học này về cơ bản vẫn tiếp tục con đường mà Bowne đã vạch ra, vì vậy, chủ nghĩa nhân vị không những không bị mai một mà còn phát triển rất hiệu quả, khiến cho nó ngày càng thấm sâu vào nhân sinh Mỹ không kém gì chủ nghĩa thực dụng.
Nhà triết học thực dụng Mỹ Schiller (1864-1937) trong khi tranh luận với các đồng môn đã đề xuất khái niệm “chủ nghĩa nhân đạo” nhằm tôn vinh giá trị con người, vì theo ông, nhận thức là tùy thuộc vào kinh nghiệm của con người. Đây có thể chỉ là luận chiến học thuật của Schiller với các nhà triết học khác cùng trường phái, nhưng nó là một quan điểm cho thấy xu hướng quy tụ về nhân vị, xem nhân vị là thang bậc giá trị độc nhất của con người.
Chủ nghĩa hiện sinh được ra đời ở châu Âu, nhưng không gian mà nó đang cư ngụ càng ngày càng trở nên chật chội và bức bối, không còn đủ để nó thoải mái vùng vẫy như buổi ban đầu. Không đợi đến lúc người ta kết tội và tuyên án “tử” đối với mình, chủ nghĩa hiện sinh đã hướng tầm nhìn đến một lục địa khác, mà ở đó dường như bầu không khí tư tưởng vẫn còn như một buổi ban mai.
Nước Mỹ vào đầu thế kỷ XX đã chuyển mình sang thời kỳ hậu công nghiệp, thời kỳ đó được A.Toffler (1928-2016) gọi là “làn sóng thứ ba”. Trong “làn sóng thứ hai”, tức thời kỳ công nghiệp, thành quả của cuộc cách mạng khoa học -
công nghệ đã phát triển đến đỉnh điểm và trở thành
59
chướng ngại vật cho sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Chủ nghĩa công nghiệp có hai trụ cột chính là Nhà nước và thị trường, nhưng giờ đây, cả hai trụ cột đó đang trở nên bất lực trước những hệ luỵ mà xã hội công nghiệp để lại: nó “đã làm cho cá nhân bị suy sụp, bị tha hóa, trở thành xa lạ với xã hội đang sống”1. Chính lúc này, chủ nghĩa hiện sinh đã xuất hiện ở Mỹ với tư cách là dòng triết thuyết với những nội dung liên quan mật thiết đến nội hàm khái niệm con người. Nó là sự phản ứng của con người đối với tồn tại xã hội đã trở nên ngột ngạt.
Paul Tillich (1886-1965) qua tác phẩm Dũng cảm để hiện hữu đã khai sinh ra chủ nghĩa hiện sinh ở Mỹ. Tên tác phẩm được xem là sự khái quát hóa cao nhất tình trạng quẫn bách của người Mỹ trong xã hội hậu công nghiệp. Để thích ứng và bám rễ nhanh ở đất Mỹ, chủ nghĩa hiện sinh đã “nhập gia tùy tục” và nhanh chóng hòa hợp với những trào lưu triết học đang có mặt ở Mỹ như chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa nhân vị, chủ nghĩa Thomas mới, chủ nghĩa Tin lành mới,... Sự phức hợp này được xem là một sự “giao tiếp văn hóa”, và sự giao tiếp này đã tạo ra sắc thái văn hóa mới, riêng biệt của Mỹ, không lẫn lộn với ai, nhưng cũng không phải là một vật lạ khó nhìn.
Sau Tillich, Barret, Roberts, Hook, Heimemann, Tirvakian, Tavard và Desan,... vẫn tiếp tục phát triển
_______________
1. Nguyễn Tiến Dũng: Lịch sử triết học phương Tây hiện đại, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 139.
60
chủ nghĩa hiện sinh ở Mỹ với mong muốn vạch rõ trạng huống sinh tồn để từ đó đi tìm một quan niệm toàn vẹn về con người.
Chủ nghĩa tự do xuất hiện ở Mỹ khi mọi tầng lớp xã hội ý thức được rõ nhất về quyền tự nhiên của mình, và họ nhận thấy rằng, Nhà nước không thể là lực cản những quyền hành và lợi ích cá nhân. Chủ nghĩa tự do ngay từ đầu đã có ý kết hợp với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa bình quân và chủ nghĩa đa nguyên, nó chủ trương “có lợi ích cá nhân thì mới có tiến bộ, và sự bình đẳng về cơ hội cho phép ai nấy đều phát huy khả năng trong bối cảnh trăm hoa đua nở”1.
Locke trong lý thuyết chính trị của mình đã đưa ra kết luận rằng, “một khi cá nhân là nền tảng cuối cùng của những liên hệ xã hội thì không thể nói được rằng tự do và những lợi ích của họ trong xã hội bị loại bỏ vì lợi ích dành riêng cho tập thể và vì lợi ích của các quyền lực dân sự với một chủ quyền tuyệt đối”2. Hưởng ứng điều này, Voltaire và Montesquieu đã lấy quyền tự nhiên làm xuất phát điểm cho mục đích giải phóng con người. Tocqueville lại khẩn thiết hơn khi ông kêu gọi: “Tự do phải được tạo lập! Bởi vì chỉ có thế trong cộng đồng mới ẩn chứa đầy vơi sức mạnh của nhân dân tự do. Chúng đầy ắp nhiều nhất là ở trong phát triển theo nguyên tắc về sự liên hợp có nhiệm
_______________
1. J.P.Fichou: Văn minh Hoa Kỳ, Sđd, tr. 65.
2. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Sđd, tr. 75.
61
vụ giới hạn sự can thiệp của Nhà nước bằng cách xóa bỏ các tổ chức trung gian trong quá khứ”1. Để thực hiện được điều này, theo ông, các cá nhân phải đoàn kết, phải không ngừng “quy về chính mình”, phải ý thức rằng lợi ích đi liền với nghĩa vụ là cách tốt nhất để đem đến lợi ích cho đồng loại. Tocqueville hẳn phải là nhà khoa học cực kỳ bản lĩnh khi đi ngược lại với châm ngôn “ăn cây nào rào cây ấy” vì ông cho rằng, “chủ nghĩa tự do không chỉ bị bó hẹp trong chủ nghĩa cá nhân tư sản”; ông “chống lại triết học của giai cấp”.
Vấn đề tự do được nhiều nhà triết học bàn luận sôi nổi trong suốt hai thế kỷ XVIII và XIX với tên tuổi của các nhà triết học và kinh tế chính trị lớn như A.Smith (1723-1790), Thomas Malthus (1766-1834), Bastiat (1801-1850), Ricardo (1772-1823), John S. Mill (1806-1873),
Say (1763-1830), v.v.. Mỗi nhà tư tưởng đều có quan điểm riêng của mình, nhưng có lẽ những luận điểm mà họ đưa ra, đặc biệt là của Locke và Tocqueville đã đặt nền móng chắc chắn cho nhiều thế hệ nhà triết học Mỹ về sau. Cố Tổng thống Roosevelt (1882-1945) với tư cách là người đứng đầu Nhà nước Mỹ một thời đã lấy chủ nghĩa tự do làm cơ sở lý luận để chấn hưng đất nước. Sau Roosevelt, John Rawls (1921-2002) được xem là thế hệ thứ ba trong quỹ đạo làm cho chủ nghĩa tự do trở thành phương diện đời sống ở Mỹ, bởi lẽ các luận điểm của ông trong tác _______________
1. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Sđd, tr. 77.62
phẩm Lý luận công lý (năm 1971) đã và đang xoáy sâu vào nội hàm tư duy triết học của người Mỹ mà ở đó, các vấn đề về công lý, công bằng là những chủ đề được ông nêu lên rất khẩn thiết trong đời sống nhân sinh.
Từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một quá trình, nhưng quá trình này ở Mỹ diễn ra thật nhanh chóng. Việc nước Pháp thân chinh khắc Tượng Nữ thần Tự do (năm 1884) và trao tặng cho nước Mỹ (năm 1886) đã biến “tự do” thành một biểu tượng kiêu hãnh của nước Mỹ. Ngoài Tượng Nữ thần Tự do gắn trên tay ngọn đuốc cháy đỏ với ý nghĩa thắp sáng để soi rọi đường hướng cho nhân sinh Mỹ hành động, nước Mỹ còn có Tháp Chuông tự do (năm 1753) nhằm “công bố tự do khắp đất nước tới toàn thể cư dân”1, và Tượng đài tự do tôn giáo ở Virginia nhằm nêu cao sự coi trọng vấn đề tâm linh và tự do tôn giáo của người Mỹ. Trong ý nghĩa về tương lai thì “tự do” cũng được xem là một “giấc mơ Mỹ”.
Chủ nghĩa Freud mới do K.Horney (1885-1952), E.Fromm (1900-1980) và một số nhà triết học khác khởi xướng bằng việc thành lập Viện nghiên cứu phân tâm học Mỹ. Các nhà triết học này cho rằng, học thuyết phân tâm học của Freud có những điểm tương đồng với phân tâm học của Adler (1870-1937) và của Jung; họ muốn “hiện đại
hóa” phân tâm học cổ điển của Freud. Đặc điểm của phân tâm học mới là “chú trọng tới nhân tố xã hội trong bệnh
_______________
1. Trần Tất Thắng và các cộng sự: Nước Mỹ ngày nay, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 101.
63
học tâm thần, nhấn mạnh nhân tố văn hóa trong sự hình thành và phát triển của nhân cách, họ phủ định tính cơ giới của libido, của giới tính và muốn thay bằng nhân tố văn hóa và hoàn cảnh xã hội”1. Vì vậy, chủ nghĩa Freud mới ở Mỹ còn được gọi là trường phái “văn hóa tâm lý” hay trường phái “tâm lý học xã hội”.
Điểm mấu chốt của chủ nghĩa Freud mới trong việc định hướng nhân sinh Mỹ, theo Horney, là nhằm chứng minh rằng: “Con người không phải bị thống trị bởi nguyên tắc khoái lạc mà bởi nhu cầu an toàn. Động cơ chủ yếu của mỗi người khi sinh ra ở đời chính là sự tìm tòi an toàn, tránh được sự đe dọa và sợ hãi. Do con người sinh ra trong một thế giới đầy âm mưu thù địch mà lại không nhìn thấy, nên họ tràn ngập nỗi lo sợ, không an toàn. Loại cảm giác không an toàn này dẫn tới lo âu. Bởi vậy, tìm kiếm an toàn, xóa bỏ lo âu đã trở thành sự xung động vô thức chủ yếu của con người, trở thành lực đẩy bên trong chủ yếu của hành vi con người”2.
Về cơ bản, Horney đã bác bỏ quan điểm của Freud về bản năng tính dục, nhưng bà lại đồng tình với Freud trên quan điểm cho rằng hành vi của con người là do những xung động của vô thức gây ra. Điều này được Fromm tiếp tục khi phủ định sự đề cao thái quá của Freud về bản năng tính dục, đồng thời ông đề cao nhân tố văn hóa đối với con người, liên hệ văn hóa với các phương diện như
_______________
1, 2. Bùi Đăng Duy, Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Sđd, tr. 149, 151.
64
kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ sự ảnh hưởng của xã hội đối với việc tạo ra con người. Chủ nghĩa Freud có xuất xứ từ châu Âu và phát triển nối tiếp ở Mỹ. Những nội dung của học thuyết Freud với tư cách là một học thuyết mang giá trị nhân bản đã được nước Mỹ hưởng ứng, nghiên cứu và vận dụng vào việc hoạch định chiến lược phát triển con người Mỹ. Trên đây là những trường phái triết học nhân sinh Mỹ tiêu biểu. Nói như vậy cũng có nghĩa là ở Mỹ không chỉ có sự tồn tại của riêng các trường phái triết học này mà còn có nhiều trường phái triết học khác nữa. Tuy nhiên, các trường phái triết học khác như: triết học phân tích, trường phái lịch sử, chủ nghĩa hiện thực phê phán hay triết học ứng dụng, v.v. lại là những trường phái có khuynh hướng thiên về khoa học (gọi là triết học khoa học) hơn là triết học nhân sinh. Mặc dù vậy, sự phân biệt (phân tuyến) thành triết học nhân sinh hay triết học khoa học và thậm chí có thể có nhiều tuyến hơn nữa cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi vì xét đến cùng thì dù là triết học gì đi chăng nữa cũng sẽ đều quy tụ về nhân sinh cả thôi! Ngoài những trường phái triết học nhân sinh tiêu biểu, ở Mỹ còn có sự hiện hữu của các trào lưu triết học duy khoa học như: Triết học phân tích, Chủ nghĩa hiện thực mới, Chủ nghĩa hiện thực phê phán, Trường phái lịch sử, Triết học ứng dụng,... Nhưng theo chúng tôi, sự phân chia các trường phái triết học là “triết học nhân sinh” hay “triết học khoa học” chỉ có tính tương đối, bởi vì xét cho
65
cùng thì triết học là sản phẩm của tư duy con người, và khoa học cũng là do con người và vì con người. Tuy nhiên, để độc giả tiện hình dung tính chất của các trường phái triết học là “triết học nhân sinh” hay “triết học khoa học”, chúng tôi nêu khái quát về các trường phái triết học duy khoa học dưới đây như một thao tác cấu trúc về bức tranh của triết học Mỹ:
Triết học phân tích do G. Prege (1848-1925), B. Russell (1872-1969), G.E.More (1873-1958) và Witgenstein (1889-1951) sáng lập vào những thập niên đầu thế kỷ XX rồi phát triển mạnh mẽ ở Vienna. Triết học phân tích tự xưng danh là triết học khoa học, bởi lẽ, thế kỷ XX là thế kỷ mà khoa học phát triển mạnh mẽ như vũ bão, chính sự phát triển đó đã kéo theo sự phát triển của triết học. Triết học phân tích mang tham vọng chấm dứt hệ thống triết học cổ điển đã thống trị lâu đời ở phương Tây già nua: “nó muốn giải quyết từng vấn đề cụ thể, đột phá từ phân tích ngôn ngữ, tìm kiếm sự chính xác từ lôgích học hiện đại, tiếp thu phương pháp của khoa học hiện đại làm cho triết học được lôgích hóa, phân tích hóa, kỹ thuật hóa, trên cơ sở đó, xác định việc giải quyết các vấn đề triết học”. Triết học phân tích cũng hướng tới mục tiêu “mô tả hóa và công lý hóa... sự biểu lộ khả năng nhận thức những dấu hiệu, cùng lúc nó cung cấp những sơ đồ phân tích hoàn toàn mới mẻ”.
Cũng như các trường phái triết học phương Tây hiện đại khác, triết học phân tích đả phá lại truyền thống,
66
mang tham vọng xây dựng nguyên lý chi phối vũ trụ để từ đó tìm cách xây dựng một bức tranh tổng thể mới về vũ trụ, bức tranh đó thuộc về khoa học, và họ tuyên bố: Thời đại hệ thống đã chấm dứt và thời đại phân tích đã đến. Và, từ nay: “thay cho ưu thế của ý tưởng đặc trưng hóa thời cổ điển là ưu thế của dấu hiệu xác định trong chiều hướng kép của ý nghĩa và tham chiếu của câu trần thuật mà ý nghĩa là một tư tưởng và tham chiếu là một giá trị chân lý; thay cho tính độc quyền xưa cũ của sơ đồ thuộc từ là sự phân tích những mệnh đề thành khái niệm”.
Vào những thập niên đầu khi mới ra đời, triết học phân tích có tầm ảnh hưởng rất lớn ở các nước phương Tây, nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa phát xít bành trướng và lan rộng, triết học phân tích buộc phải tìm nơi nương náu mới. Nước Mỹ là nơi được chọn. Ở đây, các nhà triết học phân tích mang tham vọng viết một bộ sách: Bách khoa quốc tế về khoa học thống nhất.
Tính quy luật của sự phát triển cho thấy, khi một sự vật, hiện tượng phát triển lên đến đỉnh điểm thì cũng là lúc nó bắt đầu đi xuống. Triết học phân tích tưởng chừng có thể hân hoan trong chiến thắng lâu dài thì ở Mỹ, vào giữa thế kỷ XX đã bắt đầu bước những bước đi đầu tiên vào xã hội hậu công nghiệp, mà xã hội đó được xem là “hội chứng” của một nền khoa học hiện đại. Trong nền khoa học hiện đại, con người được xem là trung tâm của mọi vấn đề, vì “chính chủ nghĩa quyết định trong khoa học trước năm 1900 với tính chuyên chế của nó càng thúc đẩy
67
các nhà triết học nhìn thấy rõ nhiệm vụ bảo tồn những quyền lực của sự sống, của vị thế con người và những giá trị tinh thần khác”, đúng như lời dự đoán của Giáo sư Alfred North Whitehead (1861-1947): “Đến một lúc nào đó mọi thực nghiệm đã bất lực, chỉ có triết học là người mở đường, bởi vì triết học là dũng cảm nhất, cả gan nhất,... đủ sức đương đầu với thử thách”.
Từ những đặc điểm nêu trên cho thấy, triết học phân tích quả thực là một trường phái, một chủ nghĩa duy khoa học cực đoan. Nó một mực cho rằng, nhiệm vụ của triết học là phân tích ngôn ngữ, phương pháp mà nó sử dụng không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tại vì nó đã loại bỏ không thương tiếc siêu hình học truyền thống.
Tuy nhiên, trong vai trò là những nhà triết học tiên phong, A.W.Whitehead, W.Quine, S.Kripke, R.Rorty cùng với chủ nghĩa duy vật lý đã hòa vào dòng chảy của chủ nghĩa thực dụng, vì họ nhận thấy xu hướng của chủ nghĩa thực dụng đã và đang bám rễ sâu vào đời sống nhân sinh Mỹ. Bản thân chủ nghĩa thực dụng trong không gian của một nền triết học tự do cũng luôn có thái độ hết sức mềm dẻo với các trào lưu triết học khác có mặt tại quê hương của nó: nó “vừa kiềm chế, phê phán, vừa thừa nhận, tiếp thu; đồng thời, tự thẩm thấu chính triết học phân tích, trở thành nhân tố tư tưởng mạnh mẽ cho việc cải tạo triết học phân tích. Đặc sắc cơ bản của triết học phân tích Mỹ là tinh thần chủ nghĩa thực dụng được dung nạp ở các mức độ khác nhau và khuynh hướng lý luận của mỗi học thuyết cũng không đồng nhất”.
68
Chủ nghĩa hiện thực mới xuất hiện ở Mỹ cũng là “một sự phản kháng đối với truyền thống”, nó hiện hữu dưới tên gọi là “phương pháp khoa học” để hợp lưu với nền khoa học của nước Mỹ. Theo chủ nghĩa hiện thực mới thì phương pháp tốt nhất là phương pháp phân tích lôgích.
Triết học cần sử dụng ngôn ngữ để phân tích những vấn đề lộn xộn, phức tạp thành những vấn đề rõ ràng hơn để khắc phục tính lỏng lẻo của ngôn ngữ và tư tưởng.
Đại biểu của chủ nghĩa hiện thực mới gồm có: R.B.Perry (1876-1957), Holt, Walter, T. Marin, Edward Gbason Spanding, W.P. Montague, P. Walter, B. Pitkin. Đây cũng là những nhà triết học được xem là những người viết Tuyên ngôn về chủ nghĩa hiện thực Mỹ.
Chủ nghĩa hiện thực phê phán cũng xuất hiện với mong muốn vượt qua chủ nghĩa hiện thực mới với một số nhà triết học như: Durant Drake (1898-1933), Arthur O.Lovejoy (1873-1962), Jamess Bisser Prantt (1875-1944), K. Rogers (1868-1936), Roy Wood Sellars (1880-1973), George Santayana (1863-1952), C.A.Strong,... Tuy nhiên, mới vừa loé lên thì chủ nghĩa hiện thực phê phán ở Mỹ lại như cây đèn hết dầu, các nhà triết học bị lôi cuốn bởi triết học phân tích hoặc ngả theo chiều hướng triết học tự nhiên, vì vậy, nó chỉ tồn tại với tư cách tô điểm thêm cho ngôi nhà khoa học mà thôi.
Trường phái lịch sử xuất hiện ở Mỹ trong tham chiếu đồng dạng với chủ nghĩa tự nhiên. Sự có mặt của trường phái lịch sử đã hướng mũi tên vào các khoa học mà nó cho
69
là hết thời, từ đó mang tham vọng xây dựng một khoa học mới. Các nhà triết học như Thomas Samuel Kuhn (1922- 1996), Paul Karl Feyerabend (1924-1994) đứng trên quan điểm của lịch sử triết học đã lần tìm lại bản tính con người trong khoa học. Theo họ, “chân lý trong khoa học không thể tìm ở sự phù hợp giữa thực tại và khái niệm mà ở sự liên thông lôgích giữa các khái niệm do “ta” tổ chức nên. Hoạt động của “ta” tức chủ thể nhận thức không ở ngoài mà ở giữa lòng thế giới và bị quy định bởi chính chủ thể”. Đây là một quan điểm mang tính chất duy lý, và thậm chí nó có thể được gọi là chủ nghĩa duy lý mới.
Triết học ứng dụng Mỹ là một sự hướng thực của triết học, bởi lẽ khi đời sống được vận động bởi những yếu tố hằng hữu của nó như: pháp luật, kinh doanh, tín dụng, điện toán,... thì triết học nếu không muốn đứng bên lề cuộc chơi tất phải có ngôn từ biểu thị chính kiến của mình. Triết học đã hướng tư duy vào những vấn đề cụ thể của đời sống nhân sinh như: kinh tế, công bằng, sinh thái, chính sách an sinh xã hội,... và nhiều cuộc điều tra của triết học về các vấn đề này đã được triển khai ở Mỹ.
Có thể nói, đứng giữa nhiều trào lưu triết học hiện đại Mỹ, nhưng triết học ứng dụng đã tạo nên một âm hưởng nhộn nhịp từ chính các vấn đề mà nó quan tâm. Sự hiện hữu và phát triển của triết học này đã nói lên đầy đủ “tính chất thực tiễn”, “tính hiệu quả” và “hữu ích” của nó. Đây được xem là hình mẫu của quan niệm “triết học là đầy tớ của khoa học”.
70
Chương II
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHÂN SINH CƠ BẢN TRONG TRIẾT HỌC MỸ
Nhân sinh Mỹ là lĩnh vực rộng, bởi vì nó là toàn bộ đời sống của con người Mỹ. Nhân sinh Mỹ chứa đựng vô vàn những vấn đề trong nội hàm và ngoại diên của nó, ở đây, chúng tôi nêu lên ba vấn đề cơ bản của nhân sinh Mỹ và luận giải nó dưới góc độ triết học:
1. Vấn đề con người tự lập thân Mỹ
“Con người tự lập thân” (Self made man) là khái niệm dùng để chỉ phương cách thích ứng của con người trong quan hệ với tự nhiên và xã hội, để kiến tạo và vượt lên chính mình trong những điều kiện cụ thể.
Tinh thần lập thân, lập nghiệp của con người thì ở dân tộc nào cũng có, vì mỗi một dân tộc trên thế giới đều có phương cách sinh tồn của họ, không ai lại đứng ngoài cuộc mưu sinh cả. Nhưng có lẽ cách mưu sinh của mỗi dân tộc là không giống nhau, do tính chất của tự nhiên và lịch sử quy định. Điều này với nước Mỹ lại càng biểu hiện rõ nét hơn bất cứ ở đâu, vì sự hình thành của đất nước này
71
không đồng dạng với bất kỳ một đất nước nào trên thế giới. Nếu các dân tộc khác phải mất cả mấy nghìn năm để hình thành thì nước Mỹ chỉ mất mấy trăm năm để vượt qua tất cả. Quá trình mà nước Mỹ vượt qua các nước khác gắn liền với quá trình tự lập thân, lập nghiệp của người Mỹ.
Ở Mỹ, khái niệm “Con người tự lập thân” dùng để chỉ tinh thần tự lập thân, lập nghiệp của người Mỹ trong quá trình sinh tồn của họ. Nhưng “con người tự lập thân” đó không phải là một khái niệm trừu tượng từ trên trời rơi xuống hay do ai đó tạo nặn ra từ ý muốn chủ quan của mình rồi áp đặt vào nước Mỹ, mà đó là một khái niệm văn hóa được hình thành từ trong truyền thống của nước Mỹ. Truyền thống của nước Mỹ ghi nhận sự nỗ lực của những cá nhân trong dòng cuộc sống luôn vươn lên và vượt qua hoàn cảnh để tạo lập cuộc đời mình, góp phần xây dựng và kiến tạo đất nước. Nói về tinh thần tự lập của người Mỹ, Crévecoeur viết: “Những người châu Âu di cư sang Mỹ đã từ thân phận ti tiện trở thành một nhân cách, từ người phục vụ trở thành người chủ, từ tên nô lệ của một lãnh chúa tàn bạo trở thành người tự do, có quyền sở hữu ruộng đất và của cải của một xã hội tự quản. Thật là một cuộc đổi đời! Chỉ là sự thay đổi như thế đã tạo ra những con người Mỹ”1. Những con người như vậy là những con người
_______________
1. Trần Kiết Hùng, Phạm Thế Châu: Xã hội và nền văn hóa Mỹ, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 42.
72
mạnh mẽ, cực kỳ can đảm, ấp ủ một niềm tin về một tương lai xán lạn, một vương quốc trần gian sẽ nằm trong đôi bàn tay và khối óc của họ.
Nước Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới gắn liền với tên tuổi của những cá nhân kiệt xuất của dân tộc này, những cá nhân đó là những con người vượt trội về tinh thần tự lập thân, lập nghiệp, tự làm nên mình, và trong số đó trước hết phải kể đến B.Franklin (1706-1790). Ở Mỹ, người ta gọi Franklin là “người Mỹ sáng suốt nhất”, là tấm gương về mẫu người tự lập thân mà người Mỹ có thể soi chiếu vào cuộc đời mình. Franklin không chỉ là một chính trị gia lỗi lạc hay là một nhà ngoại giao giỏi, một nhà văn tài ba, một nhà khoa học xuất chúng, một nhà sáng chế, một chuyên gia in ấn, mà ông còn là một “nhà triết học về cuộc đời”; “một nhà triết học nhân sinh”. Trong Tự truyện của mình, từ sự trải nghiệm cuộc đời ông đã đúc kết thành những câu châm ngôn như: “Chúa giúp đỡ những ai tự giúp đỡ mình”, “Thời gian đã đi qua thì chớ quay lại nữa”, “Ngủ sớm, dậy sớm, đó là sự khôn ngoan, sức khỏe, kiếm sống tốt”, v.v.. Những châm ngôn này của ông được người Mỹ xem là cẩm nang gối đầu giường của họ.
Không chỉ có Franklin, ở Mỹ còn có Emerson - người thầy của cuộc sống, người được Nieztsche gọi là “một người đáng kính” của nước Mỹ. Emerson là một nhà triết học nhân sinh, vì triết học ông nói tới những con người đang sống trong một thế giới thiếu sự hợp nhất, vỡ vụn và chất thành đống các sự kiện. Đó là những con người không còn
73
hợp nhất với những mục tiêu của chính mình, con người đó là hệ quả của xã hội công nghiệp. Theo ông, để con người không bị mất đi sự tự tin vào bản thân mình thì cần phải đề cao con người với những “linh hồn tích cực”, nhưng đồng thời cũng phải tin tưởng và chấp nhận môi trường xã hội mà con người đang sống. Con người như thế sẽ là con người với “cái tôi mở” và không ngừng trải nghiệm cuộc sống. Ông quan niệm rằng: “Cuộc sống là cuốn từ điển của chúng ta. Biết bao năm tháng đã được sử dụng tốt. Trong công việc đồng áng, ở thành thị, trong công việc đi sâu vào công nghiệp, trong quan hệ thẳng thắn giữa nam và nữ, trong khoa học, trong nghệ thuật với mục đích là tìm ra trong tất cả những sự việc ấy một ngôn ngữ để minh họa và thể hiện những cảm thức của chúng ta”1.
Những cá nhân nói trên chỉ là điển hình trong rất nhiều những cá nhân sống ở Mỹ, đi cùng với lịch sử hình thành và phát triển nước Mỹ. W.Whitman (1819-1892) là nhà thơ có công rất lớn đối với nước Mỹ khi ông chuyển tải tinh thần tự lập thân của người Mỹ thành những áng thơ văn có tính chất cổ vũ khả năng tự lực cánh sinh của mỗi người trong đời sống. Tác phẩm Lá cỏ (gồm 12 bài thơ) của ông đã thể hiện rõ tinh thần đó. Trong bài “Bài hát chính tôi” (song of myself), Whitman nói: “... ở nơi nào có đất và nước, đấy là không khí cho tất cả mọi người trên mặt đất”.
_______________
1. Hữu Ngọc: Hồ sơ văn hóa Mỹ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006, tr. 255-256.
74
Điều này có nghĩa là, tất cả mọi người đều bình đẳng về cơ hội, trong cuộc sống ai cũng có cơ hội như nhau vì mỗi người là một phần của thế giới.
Con người tự lập thân Mỹ không chỉ là sản phẩm của nước Mỹ được minh chứng bởi truyền thống lịch sử - xã hội Mỹ, mà nó còn có cơ sở lý luận từ trong các trường phái triết học nhân sinh Mỹ:
Chủ nghĩa thực dụng là trào lưu triết học được thai nghén, hình thành và lớn lên ở Mỹ, là đứa con tinh thần của nước Mỹ. Những nội dung của chủ nghĩa thực dụng trở thành hệ quy tắc chỉ dẫn, định hướng cho người Mỹ hành động để tự lập thân, lập nghiệp, bởi vì chủ nghĩa thực dụng được xem là một loại phương pháp triết học để tìm kiếm chân lý, xác lập hiệu quả trong đời sống.
Phương pháp của chủ nghĩa thực dụng, theo James “không phải là kết quả đặc biệt gì, mà chỉ là một loại thái độ xác định phương hướng. Thái độ này không phải xem sự vật, nguyên tắc, phạm trù trước tiên nhất, và giả định là cái cần nhất; mà là xem sự vật, thu hoạch, hiệu quả và sự thực cuối cùng nhất”1.
Hiệu quả là một khái niệm biểu hiện tính giá trị, sự hữu ích đối với chủ thể trong quan hệ với đối tượng được tác động, gây biến đổi. Hiệu quả đó luôn là thiết thực trong từng mối quan hệ cụ thể. Đối với chủ nghĩa thực
_______________
1. Lưu Phóng Đồng: Triết học phương Tây hiện đại, t. 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.140-141.
75
dụng, hiệu quả không chỉ là mục đích hành động của cá nhân mà còn là một dạng nghi vấn của cá nhân trước khi xác định niềm tin để hành động, mà hành động với chủ nghĩa thực dụng thì luôn là cụ thể và phải có ích cho cá nhân, thỏa mãn được nhu cầu nào đó của cá nhân trong đời sống của họ.
Hiệu quả đối với chủ nghĩa thực dụng cũng được hiểu là chân lý. Nhưng “chân lý là một mảnh đất không có đường đến” (theo cách nói của Krishnamurti), cho nên, nó khiến mỗi người theo chủ nghĩa thực dụng liên tục tiến về phía trước để tìm kiếm chân lý cho mình, càng nhiều chân lý càng thỏa mãn được nhiều nhu cầu trong cuộc sống. Vì thế, chân lý với chủ nghĩa thực dụng không chỉ có một mà là có rất nhiều. James viết: “Sự thực quả là tốt đẹp - hãy đem lại cho chúng tôi nhiều sự thực hơn! Nguyên tắc là tốt - hãy cho chúng tôi nhiều nguyên tắc! Nhìn từ một góc độ, thế giới chắc chắn là một, và nhìn từ một góc độ khác, thế giới chắc chắn là nhiều. Vừa là một, vừa là nhiều thế thì chúng ta hãy sử dụng thuyết nhất nguyên của đa nguyên”1.
Theo chủ nghĩa thực dụng thì: (1) chân lý là thuộc tính của tư tưởng, của quan niệm chứ không phải là thuộc tính của sự vật. Điều này có nghĩa là chủ nghĩa thực dụng đề cao khả năng phán quyết chân lý của mỗi cá nhân. Do đó, (2) “chân lý là cái tồn tại tương ứng với con người, tương
_______________
1. Lưu Phóng Đồng: Triết học phương Tây hiện đại, Sđd, t. 2, tr. 142.
76
ứng với kinh nghiệm đang biến đổi của con người, chân lý do con người dựa vào nhu cầu của mình sáng tạo nên, lấy thước đo là mức độ thỏa mãn nhu cầu của con người”1. (3) “chân lý là quan niệm xác định niềm tin của con người, chú ý hiệu quả thực tế, là quan niệm thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng có ích của con người, là quan niệm có thể làm cho con người thu được thành công. Có hiệu quả, có ích, thành công là tiêu chuẩn căn bản của chân lý”2.
Với những chủ trương về hiệu quả - chân lý như trên, đặc biệt là quan niệm “cái gì có ích là chân lý, hoặc là chân lý vì nó có ích”, chủ nghĩa thực dụng đã trở thành nguyên lý cốt lõi trong phương hướng hành động của người Mỹ.
Ngoài quan điểm chủ đạo là coi trọng hiệu quả, nhấn mạnh sự thực, coi chân lý là công cụ, là phương tiện để đạt được mục đích nào đó của cá nhân, chủ nghĩa thực dụng còn nêu cao vai trò của yếu tố kinh nghiệm của cá nhân, đề cao sự tự do ý chí của cá nhân. Điều này được cho là rất phù hợp với tinh thần tự lập thân của người Mỹ. Đánh giá tầm quan trọng của chủ nghĩa thực dụng với người Mỹ, Commager cho rằng: “Người Mỹ vốn là người theo chủ nghĩa ích lợi và hoàn toàn hiển nhiên rằng, triết học của chủ nghĩa công cụ là thứ triết học duy nhất có thể gọi là thực sự của Mỹ”3.
_______________
1, 2. Lưu Phóng Đồng: Triết học phương Tây hiện đại, Sđd, t. 2, tr. 142, 144.
3. Dẫn theo: Phạm Minh Lăng: Mấy vấn đề triết học phương Tây, Sđd, tr. 267.
77
Chủ nghĩa cá nhân Mỹ có lịch sử phát triển lâu dài từ các nước phương Tây, bản chất của nó có sự ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành “con người tự lập thân” Mỹ trên một số khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, theo chủ nghĩa cá nhân thì mọi tư tưởng (hay khuynh hướng tư tưởng) đều được tự do phát biểu và thực hiện, vận may không khước từ một cá nhân nào, miễn là cá nhân đó có đủ điều kiện để đón nhận vận may đó. Phương thức tồn tại của chủ nghĩa cá nhân là sự tham gia một cách tự nguyện của các cá nhân vào các nhóm cộng đồng, vì ở trong cộng đồng, các cá nhân được tự do lựa chọn phương thức thể hiện cá tính hoặc từ bỏ cá tính đó đều tùy thuộc vào phạm vi và quyền hạn của cá nhân.
Thứ hai, theo chủ nghĩa cá nhân thì mỗi cá nhân được thống nhất bởi tính đa dạng và phong phú, và điều đó cần phải được coi trọng, vì ở Mỹ “người ta sớm nhận thấy sự khác nhau về tính khí tùy theo từng nơi: người miền Tây -
mà tư chất mang những nét nổi bật của người Mỹ khác nhiều với người Yankee và người miền Nam”1. Về điều này, Jefferson trong thư gửi Hầu tước D.Chastecllux đã mô tả rằng, “người miền Nam đam mê, ham khoái lạc, uể oải, thất thường, độ lượng, thành thật, ngây thơ,... còn người miền Bắc lạnh lùng, điều độ, chăm chỉ, kiên nhẫn, hám lợi, hay gây gổ”2. Dù là những tính cách khác nhau như vậy, nhưng ở Mỹ tất cả đều được tôn trọng như những _______________
1, 2. J.P.Fichou: Văn minh Hoa Kỳ, Sđd, tr. 56.
78