"
Trần Hưng Đạo
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trần Hưng Đạo
Ebooks
Nhóm Zalo
Hoàng Thúc Trâm
TRẦN HƯNG ĐẠO
Bản quyền © Hoàng Thúc Trâm
Dự án 1.000.000 ebook cho thiết bị di động
Phát hành ebook: http://www.taisachhay.com
Tạo ebook: Tô Hải Triều
Ebook thực hiện dành cho những bạn chưa có điều kiện mua sách.
Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản
MỤC LỤC
TRẦN HƯNG ĐẠO ..................................................................................................................................................... 2 LỜI GIỚI THIỆU ......................................................................................................................................................... 4 Lời đầu .......................................................................................................................................................................... 6 Chương Nhất: Gia thế và cá tính Trần Quốc Tuấn ...................................................................................... 8 Chương Nhì: Lực lượng và tinh thần quân đội dưới quyền Trần Quốc Tuấn .............................. 13 Chương Ba: Xã hội và sinh hoạt dân chúng trước khi kháng Nguyên ............................................. 18 Chương Tư: Lai lịch và lực lượng Mông Cổ ................................................................................................ 27 Chương Năm: Mông Cổ gây hấn ...................................................................................................................... 30 Chương Sáu: Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ nhất (1257) ........................................................... 35 Chương Bảy: Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ hai (1283-1285) ................................................. 38 Chương Tám: Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ ba (1287-1288) ................................................. 46 Chương Chín: Từ bài “hịch tướng sĩ” đến sách “Vạn Kiếp tông bí truyền” ................................... 53 Chương Mười: Nhắc lại những kinh nghiệm đã chiến thắng Mông Cổ ........................................... 57 Sách báo tham khảo .............................................................................................................................................. 61
LỜI GIỚI THIỆU
Bạn đọc thân mến!
Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc.
Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước.
Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trẻ, ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật - dù gây tranh cãi - tạo nên lịch sử đó.
Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay... và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội.
Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” - đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước.
Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản.
Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một trong những sản phẩm đầu tiên của dự án này.
Xin trân trọng giới thiệu. Công ty CP Sách Alpha
Lời đầu
Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chẳng những là một vĩ nhân Việt Nam, mà lại là một danh nhân trên mảnh đại lục Đông Nam Á từ thế kỷ XIII đến nay.
Đối với lịch sử Việt Nam, ngài là một đại anh hùng dân tộc, có công quét sạch giặc Nguyên1 xâm lược, giữ vững tự do, độc lập cho nhân dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho tổ quốc; trên nối được dòng máu truyền thống của Trưng Vương, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt…, dưới treo được tấm gương tranh đấu cho Đặng Dung, Nguyễn Súy, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung…
Ngài là kết tinh của cả Việt Nam, một dân tộc có sức đấu tranh dai dẻo, bền bỉ, không chịu khuất phục dưới bất cứ một ách cường quyền đô hộ nào hoặc bó tay cúi đầu trước bất cứ một cuộc xâm lược công khai hay trá hình nào.
Công nghiệp ngài đã đi sâu vào dân chúng. Tên tuổi ngài đã sống mãi với non sông. Vậy sao còn cần đến cuốn tiểu sử này? Là vì võ công, văn nghiệp của ngài, trước kia, người mình chỉ chép toàn bằng chữ Hán, mà lại tản mát chưa có hệ thống; gần nay, tuy có một vài cuốn sách, tờ báo quốc ngữ nói đến, nhưng hãy còn sơ lược chưa đủ hoặc truyền văn thất chân.
Vả, lối dân chúng “thần thánh hóa” các bậc vĩ nhân lại làm cho một số người hiểu đức Trần Hưng Đạo theo một phương diện khác, một ý nghĩa khác.
Vậy xin cố gắng tra cứu sử sách Nam Bắc, sưu tầm tài liệu xưa nay, làm thành cuốn Trần Hưng Đạo này, mong đi tới mấy mục đích đã đặt:
1. Giới thiệu cho các bạn nam nữ thanh niên biết rõ hơn về một nhân vật lịch sử, văn võ toàn tài: chống ngoại xâm, giành độc lập;
2. Bổ sung thêm đôi chút vào chỗ khuyết trong các sử sách ta xưa nay đã chép về đức Trần Hưng Đạo;
3. Nhắc lại những kinh nghiệm trong mấy cuộc kháng chiến Mông Cổ do anh hùng Trần Quốc Tuấn lãnh đạo;
4. Lấy Trần Hưng Đạo làm đối tượng nghiên cứu, lại lấy lịch sử đương thời làm bối cảnh, cung chút tài liệu cho văn, sử học sau này.
Nếu mấy mục đích ấy đạt được thì thật là một sự khuyến khích lớn cho kẻ viết. Nói thêm
Những sách, báo tham khảo đều có liệt kê ở cả cuối sách. Tựu trung, khi dẫn chứng, có mấy tên sách viết tắt như:
Đại Việt sử ký toàn thư, viết là Toàn thư;
Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết là Cương mục;
Lịch triều hiến chương loại chí viết là Lịch triều hiến chương.
Các địa danh về quan, ải, sông, núi và đất… ở đời Trần, so với ngày nay, duyên cách nhiều lắm. Ngay như một con sông Cái (hồi Minh thuộc gọi là Nhị Hà, ngày nay gọi là Hồng Hà) bấy giờ chia gọi nhiều khúc khác nhau; khúc trên mạn ngược (từ miền Lào Cai, Yên Bái xuống đến ngã ba Hạc) thì gọi sông Thao; khúc từ ngã ba Hạc đến Thăng Long thì gọi sông Lô; khúc từ miền Hưng Yên thì gọi sông Tha Mạc hoặc Thiên Mạc; khúc từ miền Hà Nam thì gọi Đại Hoàng giang hoặc Hoàng giang… Trong mấy cuộc kháng Nguyên, có lắm địa danh thấy chép ở An Nam chí lược như Tích Nỗ Nguyên, Tứ Thập Nguyên, Lãnh Mỹ, Hải Thị quan, Lãng Sơn (Lãng là sóng: Núi Lóng), chợ Đông Hồ (Đông Hồ thị), cầu Phù Lỗ… và ở Toàn thư như Linh Kinh quan, Vũ Cao quan, Đa Mỗ loan…, nay rất khó kê cứu. Vậy phàm địa danh nào có thể khảo được thì xin cước chú ở dưới. Đúng lý ra, một địa danh nào nếu đã chú thích ở một chương trên rồi thì ở các chương dưới không phải nhắc lại nữa. Nhưng vì muốn cho độc giả khỏi phí thì giờ tìm lại chỗ trước, nên thỉnh thoảng cũng có chua lại. Còn những địa danh nào hoặc đánh dấu hỏi trong hai ngoặc đơn hoặc không chua ở dưới đều là “tồn nghi”, đợi khảo sau. Xin bạn đọc lượng thứ.
Ba bức bản đồ kháng chiến Mông Cổ ở cuối sách về địa điểm lịch sử thì có chất chính cùng nhà học giả Hoàng Xuân Hãn; về phương diện chuyên môn thì nhờ hoa tay của nhà khảo cổ Biệt lam Trần Huy Bá. Tiện đây, tác giả xin ghi mấy lời thành thực cảm tạ.
Tác giả
Ngày 4 tháng 2 năm 1950
Chương Nhất: Gia thế và cá tính Trần Quốc Tuấn
Hưng Đạo đại vương, họ Trần, húy Quốc Tuấn, là con An Sinh vương Trần Liễu và bà Nguyệt, là em Vũ Thành vương Trần Doãn và là anh Thiên Cầm hoàng hậu, vợ vua Trần Thánh Tôn (1258-1278).
Ngài gọi Trần Thừa (sau được tôn làm Thái tổ) bằng ông nội, Trần Cảnh (vua Trần Thái Tôn) bằng chú ruột.
Đối với hoàng tộc nhà Trần, ngài là bậc thân vương, nên hồi tháng mười, năm Quý Mão (1283), có giặc Mông Cổ xâm lược, ngài được vua Trần Nhân Tôn (1279-1293)2 tiến phong làm Quốc công.
Theo chế độ nhà Trần, hễ thân vương làm tướng văn thì gọi là “công”, nay ngài do thân vương làm tướng võ, nên gọi là “quốc công”. Còn người mình và cả người Trung Hoa gọi ngài là “Hưng Đạo vương” hoặc “Hưng Đạo đại vương”, là tôn xưng theo tước phong của ngài.
Như vậy, ngài là người họ tông thất rất thân nhà Trần và là nhân vật đứng trong tầng lớp quý tộc.
Các sử ta xưa không chép ngài sinh vào năm nào đến khi ngài mất cũng không nói ngài thọ bao nhiêu tuổi, nên nay không thể biết được ngày sinh của ngài3.Mà chỉ tạm nêu một giả thuyết:
Sau ngày rằm tháng hai, năm Tân Hợi (1251), Quốc Tuấn tự do luyến ái rồi kết hôn với Thiên Thành công chúa (Toàn thư, quyển 5, tờ 17a-b).
Qua tháng tư năm ấy (Tân Hợi, 1251), thân phụ ngài là An Sinh vương Trần Liễu mất, mới 41 tuổi (Sử dẫn trên, tờ 18b).
Trần Liễu mất năm 41 tuổi. Nếu 18 tuổi đã sinh con thì bấy giờ (Tân Hợi, 1251) Quốc Tuấn 23 tuổi; nếu Trần Liễu 21 tuổi mới có con thì Quốc Tuấn bấy giờ 20 tuổi.
Sử chép ngày 20 tháng tám, năm Canh Tý (năm 1300) đời vua Trần Anh Tôn (1293-1314)4, Hưng Đạo đại vương mất.
Vậy nay có thể phỏng đoán: Trần Quốc Tuấn sinh vào khoảng niên hiệu Kiến Trung hồi đầu Trần, lối năm Kiến Trung thứ tư (1228) đến thứ bảy (1231) và ngài thọ trên dưới 70 tuổi, độ từ 69 đến 72.
Thuở bé, ngài được người ta đoán rằng ngày sau tất là một tay “kinh bang, tế thế ” (經邦濟 世).
Lớn lên, dung mạo khôi vĩ, thông minh hơn người, ngài xem rộng các sách, gồm tài văn võ.
Trước kia, An Sinh vương Liễu có hiềm khích với vua Trần Thái Tôn, nên rộng tìm những kẻ sĩ có nghệ năng để rèn dạy ngài.
Ngài có bốn con trai là Hưng Vũ vương Quốc Hiến, Hưng Hiến vương Quốc Uy, Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Hưng Trí vương Quốc Nghiễn, một con gái đẹp duyên cùng Trần Nhân Tôn5 và một con gái nuôi lấy Phạm Ngũ Lão6.
Trung dũng – thận trọng
Tính rất trung dũng, ngài đã biểu lộ ở lời nói và việc làm.
Khi có giặc Mông Cổ, ngài dụ bảo các tướng sĩ rằng: “Đến bữa, ta từng quên ăn; ban đêm, ta thường dựa gối, trào nước mắt, lòng đau như dần, giận không được ăn thịt nằm da… của quân địch!”
Tấc lòng thương dân lo nước ấy đã được chứng tỏ trong mấy lời đáp vua Trần Thánh Tôn: “Chặt đầu thần trước, rồi hãy nói chuyện xuống hàng”, khi nhà vua hỏi thử ngài rằng: “Thế giặc như vậy, âu ta hãy hàng”.
Lời “quyết chiến, quyết thắng” trên đây cũng như khi qua Hóa Giang7, ngài đã hô quân sĩ, trỏ sông ấy mà thề:
“Chuyến này không phá được giặc Nguyên thì không chịu về đến sông này nữa.” Ngài lại có tính rất thận trọng:
Trần Thánh Tôn thấy ngài có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho ngài được tự chuyên trong việc ban tước từ Minh tự (明字) trở xuống; duy có tước hầu thì “ban trước, tâu sau”. Thế mà ngài chưa từng ban tước cho một người nào cả.
Khi có giặc Mông Cổ, ngài ra lệnh khuyên các nhà giàu quyên thóc để phát cho quân sĩ, rồi ngài chỉ thưởng cho họ hàm Lang tướng giả, chứ không cho chức Lang tướng thật.
Vì nghĩa cả, bỏ tình riêng
Thân phụ ngài là An Sinh vương Trần Liễu có người vợ là Lý thị đang có mang. Trần Thủ Độ thấy vua Trần Thái Tôn (1225-1258)8 bấy giờ chưa có con, bèn lấy Lý thị cho Trần Thái. Vì thế Trần Liễu căm tức, nổi loạn, nhưng sau Liễu thua trận, phải nhảy vào thuyền vua Thái Tôn mà xin hàng.
Dẫu được xá tội, phong đất An Sinh9 làm thái ấp, nhưng từ đó, Trần Liễu vẫn mang hận một bên lòng.
Mà thật thế, có lần An Sinh vương Liễu bảo con là Trần Quốc Tuấn rằng: “Mai sau, nếu con không vì ta mà lấy được thiên hạ10 thì ta nằm dưới đất, không sao nhắm mắt được đâu!”
Ngài tuy nhớ mãi câu ấy nhưng không cho là phải. Gặp khi quốc gia lâm nguy, ngài nắm trong tay cái quyền quân quốc, bèn đem lời cha ngày trước hỏi thử ý kiến hai gia thần11 là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người này khảng khái can ngay bằng giọng trung trực: “Tính làm việc ấy dẫu được giàu sang một thời đấy thật, nhưng tiếng xấu để mãi nghìn thu. Đại vương bây giờ há chẳng giàu sang rồi ư? Chúng tôi thề rằng thà chết già làm gia nô còn hơn làm hạng quan vô trung hiếu…”.
Cảm động, ngài ứa nước mắt, bùi ngùi thán phục Dã Tượng, Yết Kiêu là nói rất phải.
“Chim hồng hộc sở dĩ bay cao được, là nhờ có những lông cánh dài.” Ngài đã phải tấm tắc khen Yết Kiêu, Dã Tượng như thế, khi họ, sau này tham dự vào những cuộc kháng chiến Mông Cổ.
Về sau, ngài lại đem việc cha dặn ấy hỏi thử người con lớn là Hưng Vũ vương Quốc Hiến: “Người xưa làm nên giàu có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, vậy ý con nghĩ sao?”, Hưng Vũ vương thưa: “Giả thử đối với họ khác, thế còn không nên, huống hồ lại là chỗ cùng họ.” Ngài khen là phải lắm.
Rồi, một bữa, ngài lại hỏi thử người con thứ ba là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Quốc Tảng thưa: “Tống Thái tổ xưa chỉ là một ông nhà quê, vậy mà biết nhân thời, dấy vận để có cả thiên hạ.” Nghe vậy ngài nổi giận, tuốt gươm kể tội Quốc Tảng: “Xưa nay kẻ loạn thần là do đứa con bất hiếu mà ra.” Nói đoạn, ngài toan dứt tình phụ tử bằng một nhát gươm, nhưng nhờ có Hưng Vũ vương khóc lóc cố can, nên Quốc Tảng mới không bị giết.
Khi sắp mất, ngài có dặn Hưng Vũ vương: “Sau khi ta chết, con phải đậy nắp quan tài đã, rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.
Cũng vì chuyện hiềm khích giữa Trần Liễu và Thái Tôn này, nên ngài đã phải giữ ý từng ly trong khi có giặc Mông Cổ. Những lúc đi phò giá vua Trần trong cơn nghiêng ngửa chông chênh, ngài phải tế nhị gìn giữ đến cả cái đót gậy. Số là, bấy giờ đang có ngoại hoại12, từ Thượng hoàng Trần Thánh Tôn đến vua Trần Nhân Tôn đều phải rời bỏ kinh thành long đong gió bụi; lúc chạy đi Hải Đông (nay thuộc Quảng Yên), lúc trốn vào Thanh Hóa; mà ngài thì đang cầm cả binh quyền. Nhiều người biết vương phụ ngài có hiềm khích, không khỏi nông nổi ngờ vực đến cả cây gậy của ngài đầu có cái bịt như hình quả chuông mà lưỡi thì nhọn, sợ ngài nhân có cơ hội sẽ rửa hờn cho cha chăng. Ngài biết ý, bèn vứt bỏ cái đót bịt nhọn, chỉ cầm gậy không.
Hữu ái với anh em
Ngài và Chiêu Minh vương Trần Quang Khải là anh em con chú con bác, vì Quang Khải là con thứ ba vua Trần Thái Tôn.
Quang Khải thông minh, có học thức, được phong Tướng quốc Thái úy tổng thiên hạ sự, rồi thăng Thượng tướng13.
Trước kia, ngài và Quang Khải không hòa hợp. Nhưng, đến khi trong nước có giặc, cả hai đều kết hợp chặt chẽ, đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Một hôm, ngài từ Vạn Kiếp14 về, Quang Khải xuống thuyền chơi đùa suốt ngày, ngài là người thích tắm gội, thấy Quang Khải vốn sợ tắm gội bèn sai lấy nước trong, nấu trầm hương, rồi đùa bảo Quang Khải: “Thân thể Thượng tướng cáu ghét lắm, xin được tắm rửa cho sạch sẽ”. Rồi ngài cởi áo Quang Khải, giội cho thứ nước trong trẻo thơm tho mà nói đùa rằng: “Nay được tắm rửa cho Thượng tướng”, Quang Khải cũng đùa lại: “Nay được Quốc công15 tắm rửa cho”. Từ đấy, tình hiếu hai bên càng thêm mặn mà đằm thắm. Người làm tướng võ, kẻ làm tướng văn, đậu cật, đồng lòng, đưa con thuyền quốc gia thoát cơn sóng gió.
Áp đảo được sứ Mông Cổ
Năm Tân Tỵ (1281), sứ giả Mông Cổ Sài Xuân16, khi vào kinh đô Thăng Long, đến cửa Dương Minh, không chịu xuống ngựa. Quân sĩ Thiên Trường cản lại, Xuân liền lấy roi ngựa đánh người lính ấy bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy có màn treo trướng rủ, Xuân mới hạ mã. Vua Trần sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp đãi; Xuân nằm khểnh, không ra đón, Quang Khải vào thẳng trong phòng, Xuân cũng không trở dậy.
Nghe biết chuyện đó, Hưng Đạo vương bèn xin tới quán sứ, xem Xuân ra sao. Với bộ tịch một vị hòa thượng Trung Quốc đầu thì trọc, quần áo thì nâu sồng, ngài vào trong phòng nơi sứ quán, Xuân trở dậy, vái chào ngài, rồi mời ngồi. Pha trà, ngài cùng Xuân uống. Trong khi ấy, kẻ hầu của Xuân cầm chiếc tên, đứng sau ngài, dùi vào đầu ngài làm máu chảy… Ngài vẫn giữ được khí sắc như thường, không biến đổi. Kịp lúc ngài lui về, Xuân tiễn ra tận cửa. Thấy vậy, mọi người đều lấy làm kinh ngạc; nào có biết cạo đầu, mặc áo vải là dáng hòa thượng Bắc phương (theo Toàn thư, quyển 5, tờ 40b – 41a). Đó là vì ngài thấu rõ tâm lý sứ Nguyên, nên mới áp đảo được nó bằng trí khôn và can đảm.
Tiến người hiền – yêu loài vật
Ngài chẳng những yêu tài, vì quốc gia, tiến cử gây dựng những tay rường cột như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu… lại còn mở rộng lòng nhân, thương yêu đến cả loài vật.
Mùa xuân năm Trùng Hưng thứ tư (1288), một bữa, ngài từ quân doanh ở làng A Sào, huyện Phượng Dực17 nhổ trại, tiến sang sông Bạch Đằng để đánh toán quân Mông Cổ do tướng Ô Mã Nhi cầm đầu. Khi ngài thúc voi lội qua sông Hóa thì bấy giờ nước thủy triều đã rút cạn. Chẳng dè con voi ngài cưỡi bị sa lầy, càng sụt càng sâu; người ta không sao khiêng nó lên được nữa. Vì việc quân cấp bách, ngài đành phải lìa voi, lên bộ. Thấy ngài đi, voi ứa nước mắt. Cảm động, ngài thương tiếc nó quá; nhưng quân gia cố khiêng nó mãi mà cũng vô hiệu! Khi bình xong giặc Mông Cổ, ngài trở về với tiếng khải ca, thì con voi ấy đã chết từ lâu vì bị lụt dưới lần nước thủy triều ồ ạt. Ngài bùi ngùi thương cảm, rồi sai xây một con voi gạch ở bến sông để kỷ niệm con nghĩa thú ấy. Hiện nay, con voi gạch này hãy còn ngạo nghễ với gió sương, đứng gần sông Hóa, nên người đời gọi chỗ ấy là “Bến voi”.
Vì ngài suốt đời tận tụy, tinh trung báo quốc, mấy phen đánh dẹp Mông Cổ, giữ vững độc lập, tự do cho nước nhà, nên khi sinh thời, chính vua Trần Thánh Tôn tự làm bài văn bia ở đền Sinh Từ thờ sống ngài, sánh ngài với Thái công thượng phụ nhà Chu.
Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý (năm 1300), Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn mất tại tư gia ở Vạn Kiếp. Vua Trần Anh Tôn sai dựng miếu thờ ngài tại Thiên Trường (nay là Xuân Trường, Nam Định), sắc phong làm “Thái sư thượng phụ, Thượng quốc công, Bình Bắc đại nguyên soái, Long công, Thịnh đức, Vĩ liệt, Hồng huân, Nhân vũ Hưng Đạo đại vương”, chính nhà vua tự làm bài văn bia để tỏ lòng nhớ ơn, mến đức.
Khi nằm bệnh, ngài có đinh ninh dặn bảo vua Trần Anh Tôn những phép dùng binh, giữ nước (sẽ nói kỹ ở chương mười).
Trước khi mất, ngài có trối trăng cùng các con: “Ta chết rồi thì phải hỏa táng, lấy một thứ đồ hình tròn18 mà chứa hài cốt, bí mật chôn ở trong vườn An Lạc19 rồi san đất phẳng, trồng cây lên trên như cũ, không cho ai biết mả chôn ở đâu và cần chóng nát20.”
Ấy cũng là một việc chứng tỏ ngài có tính hay lo xa và rất tinh tế21.
Nay, đền thờ ngài ở Kiếp Bạc, tức là chỗ nhà ngài ở lúc sinh thời.
Kiếp Bạc không những là ngôi đền chung của hai xã Vạn Yên và Dược Sơn thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, mà lại là cái “đài công cộng” của dân tộc Việt Nam kỷ niệm vị đại anh hùng đã “bình giặc Ngô thanh kiếm bạc” và “đưa một nước khỏi nô lệ” ấy.
Chương Nhì: Lực lượng và tinh thần quân đội dưới quyền Trần Quốc Tuấn
Muốn rõ võ công của Trần Hưng Đạo, tất trước phải xét đến lực lượng binh bị, tổ chức quân sự và tinh thần quân nhân đương thời.
Theo các sử cũ, sách xưa, thì binh chế đầu đời Trần đại khái như thế này: Toàn thư, quyển 5; Cương mục, quyển 6 có chép:
Tháng ba, năm Kỷ Hợi22 (1245), tuyển trai tráng làm binh lính, chia ra ba bậc thượng, trung và hạ.
Tháng hai, năm Tân Sửu23 (1247), tuyển những người có sức mạnh, am hiểu võ nghệ, sung làm Thượng đô túc vệ (Toàn thư, quyển 5, tờ 12a);
Cương mục, quyển 6, tờ 20b-21a chép:
Tháng hai, năm Bính Ngọ (1246), biên định quân ngũ:
Lựa những người khỏe mạnh sung vào quân Tứ thiên, quân Tứ thánh, quân Tứ thần24.
Các lộ Thiên Trường25 và Long Hưng đặt làm quân Nội Thiên thuộc, quân Thiên cương, quân Chương thánh, quân Củng thần.
Các lộ Hồng (nay là Hải Dương), Khoái (nay thuộc Hưng Yên) đặt làm quân Tả Thánh dực và Hữu Thánh dực.
Các lộ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình), Kiến Xương (nay thuộc Thái Bình) đặt làm quân Thánh dực, quân Thần sách.
Còn thì sung làm Cấm vệ; ba bậc Cấm quân sung làm đoàn đội trạo nhi (tay chèo thuyền)26.
Tháng hai, năm Tân Dậu (1261), tuyển dân đinh các lộ; phàm người khỏe thì cho làm binh lính; còn thì sung làm sắc dịch ở các sảnh, viện, cục và làm đội tuyển phong ở các lộ, phủ, huyện (Cương mục, quyển 7, tờ 1b).
Tháng tám, năm Đinh Mão (1267), chế định quân ngũ.
Quân gồm 30 đô, mỗi đô có 80 người; tuyển trong họ tông thất lấy người thông võ nghệ, sáng binh pháp để coi quản (Toàn thư, quyển 5, tờ 31a-b).
Ngoài ra còn có quân Tứ xương là những binh lính phải thay phiên nhau, canh giữ bốn cửa ngoài thành. Song, hạng quân Tứ xương này không bì được với quân Cấm vệ (Cương mục, quyển 6, tờ 9a).
Khi đánh Mông Cổ lần đầu (Đinh Tỵ, 1257), nhà Trần còn có quân “Tinh cương”, nên vua Trần Thái Tôn có hỏi Thái úy Trần Nhật Hiệu rằng “quân Tinh cương ở đâu?”
Mục “Binh chế” trong An Nam chí lược (quyển 14, tờ 6a-7a) của Lê Tắc có chép: Quân không có số nhất định (định tịch) tuyển những người khỏe mạnh trong dân đinh làm lính. Năm người là một ngũ; mười ngũ là một đô. Lại cân nhắc lựa lấy hai người lanh lẹ, tài tuấn cho giữ việc rèn luyện võ nghệ27. Lúc điều động thì gọi ra lính, lúc yên hàn thì cho về làm ruộng.
Các ngạch quân chia làm thân quân, du quân, và vương hầu gia đồng.
Thân quân:
1) Thánh dực đô,
2) Thần dực đô,
3) Long dực đô,
4) Hổ dực đô,
5) Phụng nha quan chức lang.
(Từ đây trở lên đều có tả hữu cả)28.
Du quân:
1) Thiết lâm đô,
2) Thiết hạm đô,
3) Hùng hổ đô,
4) Vũ an đô.
Vương hầu gia đồng:
1) Toàn hầu đô,
2) Dược đồng đô,
3) Sơn liêu đô.
……
Căn cứ vào các sử liệu trên đây và “Binh chế chí” trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, ta có thể tóm tắt sơ qua về binh chế hồi đầu Trần.
1. Số lượng – Mỗi quân có hai nghìn bốn trăm người. Kể cả các quân Cấm vệ và các lộ. Lúc thường có lẽ không đầy mười vạn. Nhưng khoảng niên hiệu Thiệu Bảo (1279-1284), vì có cuộc chiến tranh tự vệ, số quân sĩ được điều động có tới hai mươi vạn (200.000) người (1284). Dẫu vậy, đó chỉ là những quân lấy ở các lộ Đông, Nam, chứ bấy giờ từ Thanh Hóa trở vào hãy còn chưa hề tuyển đến. Cho nên, vua Trần Nhân Tôn có câu thơ rằng:
“Cối Kê cựu sự, quân tu ký;
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh.”29
Ý nói: Anh nên nhớ chuyện Việt Câu Tiễn xưa; chỉ còn năm nghìn giáp, thuẫn, trú đậu ở Cối Kê, thế mà, về sau, diệt được nước Ngô, rửa được hờn nước; huống chi ta nay ở Thanh Hóa và Nghệ An còn có tới mười vạn quân chưa gọi đến.
Còn chế độ Cấm quân thì từ đời Trần Thái Tôn đã đặt, sau đó lại có tăng thêm, nhưng thực số là bao nhiêu, không thể khảo được.
2. Tổ chức – Về bộ binh, bấy giờ có quân Cấm vệ và quân các lộ như ta đã biết. Còn chu sư thì có “đoàn đội trạo nhi” là những tay chèo lái thuyền trận; thuyền trận thì có những danh hiệu như: “Kim phượng”, “Nhật quang” và “Nguyệt quang”… mà tháng mười năm Tân Sửu30 (1247), chính vua Trần Thái Tôn đi tuần lược nơi biên thùy, đã đem những thuyền ấy vào tận mấy trại Vĩnh An và Vĩnh Bình thuộc đất nước Tống. (Toàn thư, quyển 5, tờ 12b; Cương mục, quyển 6, tờ 21a-b).
Quân đội: Hoặc tuyển trong đinh tráng lựa lấy những người có sức mạnh, am hiểu võ nghệ; hoặc bắt những người giàu có khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung làm quân, đời đời phải đi lính31 (Toàn thư, quyển 5, tờ 4b-5a).
Binh phục bấy giờ thế nào, không thấy sử chép; song nhân việc đạo quân của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn32 có đội nón ma lôi33, có thể đoán rằng quân sĩ đương thời đều có đội nón.
Các vương hầu cũng được phép mộ trai tráng dân gian làm quân lính, nên năm Quý Mùi (1283) các vương Quốc Hiến, Quốc Tảng… đều đốc suất quân các xứ Bàng Hà34, Na Sầm35, An Sinh, Long Nhãn36… đến hội ở Vạn Kiếp.
Các vương hầu lại còn có ngạch “gia đồng”, đặt dưới danh hiệu là Toàn hầu đô, Dược đồng đô và Sơn liêu đô như trên đã nói. Chứng cớ là Trần Quốc Toản đã tự động tổ chức lấy đạo quân gia đồng hơn nghìn người gồm cả gia nô và thân thuộc (tháng mười, năm Nhâm Ngọ, tức năm 1282) để đánh Mông Cổ.
Cấp tướng coi quản các quân các đô phải là người trong họ tông thất, mà phải thông võ nghệ và sáng binh pháp.
Đứng đầu bộ chỉ huy là “Tiết chế”. Tiết chế được thống lĩnh hết cả thủy bộ chư quân trong nước; nhưng không phải là một chức chính, mà chỉ là cầm quyền “đổng tổng”, điều khiển chỉ huy toàn thể bộ máy quân sự, như một vị Tổng Tư lệnh ngày nay.
Các tướng quân thì có Phiêu kỵ tướng quân, là chức riêng phong cho các hoàng tử. Còn thì Trấn quốc tướng quân, Phó tướng quân, Cấm vệ tướng quân, Chư vị tướng quân,… đều coi giữ việc binh cả.
Kỷ luật rất nghiêm; kẻ nào đào ngũ, bắt được thì chặt ngón chân; nếu còn cứ cam tâm lại trốn thì có khi phải tội voi giày.
Noi theo phép đời Lý, Trần cũng cấp tuế bổng cho quân Túc vệ; còn quân các đạo thì khi yên hàn, cho chia phiên nhau về làm ruộng để đỡ tốn công khố37.
Tổ chức binh bị hồi Trần sơ đại để là, lúc bình, tuyển theo ngạch số đã định, lúc có chiến tranh, cứ chiếu sổ đinh, gọi tất cả trai tráng ra lính, ai cũng là quân cùng nhau góp sức chống giặc. Cho nên Cương mục, quyển 6, tờ 27b đã dựa vào tài liệu của Lịch triều hiến chương mà kết luận rằng: “Khi vô sự thì cho tản về làm ruộng nơi đồng nội; lúc có việc thì toàn dân là quân lính cả.”
3. Trình độ văn hóa – Từ trước, theo pháp chế đã đặt, quân sĩ Thiên Thuộc38 không được tập văn nghệ, là vì “sợ đói hơi kém sức”39. Đến tháng giêng, năm Tân Tỵ (1281), tuy lập trường học ở phủ Thiên Trường, nhưng vẫn cấm người làng Thiên Thuộc không được vào học, là có ý “chuộng sức mạnh”40.
Nên chú ý: cái lệ trên đây chỉ áp dụng cho hạng quân Thiên Thuộc, chứ đối với quân sĩ các lộ khác, không thấy hạn chế như thế.
Các cấp tướng tá dưới quyền tiết chế của Hưng Đạo vương không biết có được tập “văn nghệ” hay không, có điều chắc chắn là họ tất có được học, nên khi dụ bảo họ, ngài mới viết hịch bằng Hán văn mà cũng có thể thông dụng được. Nhưng chắc họ cũng chỉ thiệp liệp41 kinh sử, học hành ít nhiều, chứ không được tinh thông “văn nghĩa” cho lắm; chẳng thế; trong bài hịch ngài đã phải nói: “Nhữ đẳng thế vi tướng chủng, bất hiểu văn nghĩa, ký văn kỳ
thuyết nghi tín tướng bán...”. (Các người nối đời, làm con nòi nhà tướng, không thông hiểu văn nghĩa, nghe lời ta nói, nửa tin, nửa ngờ...).
Rồi trong bài hịch ấy, ngài khuyên họ rèn luyện quân lính, tập tành cung tên, khiến mỗi người là một Bàng Mông42; mỗi nhà một Hậu Nghệ43... (Huấn luyện sĩ tốt, tập nhĩ cung thỉ, sử nhân nhân Bàng Mông, gia gia Hậu Nghệ...)44.
Mấy chứng cớ ấy tỏ rằng tướng sĩ đứng dưới bóng cờ Trần Hưng Đạo bấy giờ chuộng võ hơn chuộng văn, trọng thực hành hơn nói suông lý thuyết.
4. Tinh thần chiến đấu − Khi giặc Mông Cổ sang lấn cướp, quân sĩ đương thời, do máu nóng sôi nổi yêu nước và tấm lòng kiên quyết giết giặc, đã tự động thích trên cánh tay45 hai chữ “sát Thát” (殺韃)46, rồi đổ mực cho cái “tiêu ngữ” ấy lúc nào cũng nổi bật lên với “lòng hứa quốc thắm son”.
Sử chép ngày 12, tháng giêng, năm Ất Dậu (1285), giặc Nguyên phạm Gia Lâm, Vũ Ninh và Đông Ngạn (đều thuộc Bắc Ninh), bắt được quân ta, thấy trên cánh tay họ đều có thích mực hai chữ “sát Thát”. Chúng cả giận chém giết rất nhiều.
Giặc Nguyên kéo đến Đông Bộ Đầu47 dựng lá cờ đại ở đấy.
Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung được cử đi sứ, đem quốc thư đến chỗ Ô Mã Nhi đóng mà xin hòa (hoành thành) để dò xem tình hình hư thực bên địch.
Ô Mã Nhi vặn hỏi Khắc Chung: “Quốc Vương vô lễ, bảo người thích chữ “sát Thát”, khinh lờn thiên binh: lỗi ấy to lắm!”.
Khắc Chung đáp: “Chó nhà cắn người lạ, có phải là chủ xui đâu. Do lòng trung phẫn, họ tự thích chữ đấy thôi. Quốc Vương không biết đến việc đó. Tôi đây là một cận thần, sao lại riêng không thích chữ?”.
Nói dứt, Khắc Chung liền vén cánh tay, chìa cho Ô Mã Nhi xem48.
Xét việc thích chữ “sát Thát” và việc tiểu tốt Trần Lai chia xẻ miếng cơm hẩm với vua Trần Nhân Tôn trong khi nhà vua phải chạy ra Hải Đông, đói lòng từ sáng sớm đến chiều tối (26, tháng chạp, năm Quý Mùi, 1283) để kháng chiến Mông Cổ, đủ thấy quân nhân hồi đầu Trần hầu hết là những người đã có tinh thần chiến đấu, lại giàu cảm tình.
Dẫu vậy, trong lúc giặc ngoài đang uy hiếp, dưới cờ Trần Hưng Đạo không phải không có một số tướng sĩ xao lãng chức vụ quân nhân, hoặc mua vui bằng cờ bạc, chọi gà, hoặc tiêu khiển bằng rượu ngon, hát ngọt, nên ngài mới phải răn dạy khuyên lơn trong bài hịch văn. Nhưng, khi họ đã chịu ảnh hưởng đầy đủ và được huấn luyện thành thuộc rồi thì có thể nói họ là những tinh binh có thừa năng lực để chiến thắng giặc Nguyên trong mấy cuộc chiến tranh tự vệ. Chứng cớ là, hồi tháng một năm Đinh Hợi (1287), Trần Hưng Đạo đã trả lời những ai xin tuyển thêm binh: “Binh cốt ròng (tinh) không cốt nhiều; nếu nhiều mà không ròng thì dẫu như Bồ Kiên có trăm vạn quân, phỏng có ích gì?” Thế là quân đội hồi đầu Trần đã trội về phẩm, không phải trội về lượng. (Xin coi thêm “Bảng kê những phần tử đã hi sinh trong mấy cuộc kháng Nguyên” ở cuốn sách).
Chương Ba: Xã hội và sinh hoạt dân chúng trước khi kháng Nguyên
Muốn rõ trạng thái xã hội và trình độ sinh hoạt của dân chúng hồi đầu Trần trước khi có mấy cuộc ngoại xâm dồn dập, nay cần phải xét qua các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa ở đương thời.
Chính trị
Lên thay triều Lý (1010-1225), gánh việc giữ nước chăn dân từ năm Ất Dậu (1225), nhà Trần về mọi phương diện, đều có tổ chức.
Cũng đóng đô ở Thăng Long, nhà Trần chia trong nước làm 12 lộ49. Lại có phủ, châu và trấn50 đặt thuộc vào lộ. Nơi biên viễn, gọi là trại51. Đơn vị dưới cùng là xã và sách52.
Khi thái tử đã có năng lực chăm lo việc nước thì vua cha nhường ngôi cho con, xưng là “Thượng hoàng”, để con tập sự cho quen mọi việc quân quốc, nhưng phàm vấn đề gì quan trọng vẫn do Thượng hoàng giải quyết. Thượng hoàng gọi vua con là “Quan gia”. Nhân dân gọi vua là “Quốc gia”.
Cũng như các nước quân chủ ở đương thời, chính thể đời Trần là chính thể phong kiến. Đầu thang giai cấp trong xã hội là Thiên tử, dưới là thứ dân, cùng tột là nô, tì và hoành53. Tước phong thì có đại vương, vương, quốc công, công và hầu...
Thái ấp thì có như An Phụ, An Dưỡng, An Sinh54 và An Bang55 là ấp phong của Trần Liễu... Nhà Trần lấy nhân hậu, thân dân làm cơ bản chính trị.
Năm Tân Hợi (1251), niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất, Trần Thái Tôn (1225-1258) chính tay viết bài minh ban cho các hoàng tử, dạy những điều trung (trung thực), hiếu (hiếu thảo), hòa (hòa thuận), tốn (khiêm nhún), ôn (ôn tồn), lương (hiền lương), cung (cung kính), kiệm (tiết kiệm), (Toàn thư, quyển 5, tờ 17a).
“Đầu đời Trần chỉ đánh thuế má vào điền thổ, còn hạng dân đinh cùng túng thì đều được miễn. Đối với những người nghèo khó yếu đuối, tỏ ra thương xót, khoan dung, thật là thiện chính” (Lịch triều hiến chương, Quốc dụng chí, quyển 28).
Khi được tin Mông Cổ lại gây hấn, Trần Nhân Tôn (1279-1293) đi bến Bình Than56, họp các vương hầu và bách quan để bàn tính mưu chước đánh và giữ (tháng mười, Nhâm Ngọ, 1282).
Tháng chạp năm Giáp Thân (1284), Trần Thánh Tôn (1258-1278) bấy giờ làm Thượng hoàng, có cho mời các phụ lão trong dân gian đến họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến, hỏi
mưu chước. Mọi người đều đồng thanh xin “đánh”. Sử chép về việc này rằng: “Muôn người cùng lời, như ra từ một miệng”. (Toàn thư, quyển 5, tờ 44a)57.
Đối với hạng gia đồng các nhà vương hầu, chính vua Nhân Tôn vẫn thường gọi tên để chứng tỏ rằng giữa ngài và họ cũng đầy những yêu thương và ấm cúng.
Về chính trị, ngoài những việc đáng kể ấy, nhà Trần còn theo con đường triều Lý đã vạch trước, cũng làm lễ tuyên thệ để ràng buộc nhân tâm. Hằng năm, cứ đến mồng bốn tháng tư thì hội minh ở đền sơn thần Đồng Cổ. Quần thần nhóm họp cả đấy, cùng nhau uống máu ăn thề. Viên Trung thư kiểm chính tuyên lời thề rằng: “Làm tôi phải hết lòng trung; làm quan phải giữ thanh bạch. Ai vỗ lời thề này thì Thần minh giết chết”(Toàn thư, quyển 5, tờ 4a-b; Cương mục, quyển 6, tờ 5a-b).
Kinh tế
Kinh tế đầu đời Trần là kinh tế nông nghiệp và ngư nghiệp.
Những việc lược kể dưới đây, từ đời Trần Thái (1225-1258) đến đời Trần Nhân (1279- 1293), đều là chính sự nhằm theo mục đích trọng nông cả.
Suốt khoảng thời gian ngót bảy mươi năm ấy, ít thấy sử cũ chép đến nạn đói, đủ biết bấy giờ dân cũng đủ ăn. Mãi đến tháng tám, năm Canh Dần (1290), niên hiệu Trùng Hưng thứ sáu đời vua Trần Nhân Tôn mới thấy sử chép có nạn “đại cơ” (đói to): ba thưng gạo58 giá một quan tiền (nhất cưỡng). Nhiều nhà dân gian phải bán ruộng đất và con cái cho người ta làm nô tì: giá mỗi đầu người chỉ có một quan! (Toàn thư, quyển 5, tờ 59b; Cương mục, quyển 8, tờ 16b).
Đó vì sau mấy phen Mông Cổ xâm lấn, phần thì bị giặc tàn phá cướp bóc, phần thì tao loạn, nhân dân không làm ăn cày cấy được.
Ngày lập xuân, vua sai người tông trưởng59 cầm roi vút vào con trâu đất (thổ ngưu), xong đâu đấy, thì quần thần quan liêu, trâm bào, hoa hốt, vào trong nội, hội họp yến ẩm60.
Tháng ba, năm Mậu Thân61, (1244), sai các lộ đắp đê ngừa nước, từ đầu nguồn đến bờ bể, gọi là đê “Quai vạc” (Đỉnh nhĩ) để ngăn hồng thủy ngập lụt. Đặt Hà đê chính phó sứ để cai quản. Hễ khúc đê nào đắp vào ruộng tư của dân thì đo xem chỗ đắp là bao nhiêu, rồi cứ chiếu theo giá ruộng mà đền tiền (Toàn thư, quyển 5, tờ 13b).
Tháng tư năm Ất Mão (1255), tuyển tản quan làm Hà đê chính phó sứ ở các lộ. Khi mùa làm ruộng đã xong, đốc suất quân lính đắp bờ đê, khơi ngòi lạch để phòng ngừa nước lụt và hạn hán. (Toàn thư, quyển 5, tờ 20a-b; Cương mục, quyển 6, tờ 37b-38a).
Hằng năm, mồng một tháng mười có tết “Cơm mới” hoặc “Xôi mới”62: làm lễ cúng tế tổ tiên; thần liêu (quần thần, quan liêu) được đi thăm ruộng gặt lúa, săn bắn63 để mua vui (An Nam chí lược, quyển 1, tờ 12a).
Để thu lợi ở những ruộng công, đương thời, dùng hạng người phải tội đồ64 bị liệt làm “cảo điền hoành”65, cho ở vào Cảo Xã (nay là xã Nhật Tảo) bắt cày công điền: mỗi người làm ba mẫu, mỗi năm phải nộp ba trăm thưng66 thóc (Toàn thư, quyển 5, tờ 6a; Cương mục, quyển 6, tờ 9a).
Nhân dân, hằng năm, phải nộp tiền “thân dịch”, quà tết tháng giêng và tháng bảy thì dùng sam cả cá lẫn gạo.
Tác giả An Nam chí lược chép: “Nông, thương bất trưng lương thuế”67. Rồi chua rằng: “Đất hẹp, người đông, người trước đặt ra phép này để nhẹ thuế má cho dân”.
Đó là cái phép đặt từ đời trước và chừng chỉ áp dụng ở lúc bình thì, chứ trong khoảng ba mươi mốt năm, từ Đinh Tỵ (1257) đến Mậu Tý (1288), nhà Trần phải lo đối trọi với giặc Mông Cổ, chắc phải chi tiêu vào việc binh lương rất nhiều, thì vấn đề kinh tế trong mấy cuộc chiến tranh tự vệ ấy tất phải trông vào số thóc và tiền lấy ở ruộng công, ruộng tư mà ra cả.
Sử chép: nhân đinh có ruộng đất thì phải góp tiền và thóc68; ai không có ruộng đất thì được miễn cả.
Người có một hay hai mẫu, phải góp một quan tiền.
Người có ba hay bốn mẫu, phải hai quan.
Người có năm mẫu trở lên, phải ba quan.
Thuế ruộng: mỗi mẫu phải đóng trăm thưng thóc. (Toàn thư, quyển 5, tờ 13a; Cương mục, quyển 6, tờ 22a).
Bây giờ thử so sánh với thuế đinh, thuế điền đời sau, thì thấy hồi đầu Trần còn nhẹ hơn nhiều:
Thuế đinh:
Đầu đời Trần (từ năm Nhâm Dần, 124869, đời Trần Thái Tôn):
Tuy có đánh thuế đinh, nhưng thật ra, chỉ những người nào có ruộng thì mới phải chịu thuế.
Hồi cuối Trần (dưới triều Đế Hiện70, từ tháng bảy năm Mậu Ngọ 1378, niên hiệu Xương Phù thứ hai về sau):
Đinh nam mỗi năm phải đóng ba quan tiền: không cứ là có ruộng hay không ruộng, ai cũng đều phải chịu thuế, chỉ trừ binh lính (Cương mục, quyển 10, tờ 44b-45a).
Thuế điền:
Hồi đầu Trần:
Dân gian, tư điền, mỗi mẫu nộp ba thưng thóc; bãi dâu, mỗi mẫu, nộp chín tiền (cửu cưỡng), hoặc bảy tiền (thất cưỡng)71.
Đời Hồ Hán Thương (từ năm Nhâm Ngọ (1402) niên hiệu Thiệu Thành thứ hai về sau): Ruộng, mỗi mẫu, nộp năm thưng thóc.
Bãi dâu chia làm ba bậc:
Thượng đẳng: mỗi mẫu năm quan (ngũ miên);
Trung đẳng: mỗi mẫu bốn quan;
Hạ đẳng: mỗi mẫu ba quan.
Đinh nam phải đóng góp, lấy ruộng làm “ngạch” nghĩa là tính theo tỉ lệ số ruộng nhiều hay ít:
Có ruộng từ hai mẫu sáu sào trở lên, phải góp ba quan (tam miên); dưới số ấy được giảm dần dần. Người không ruộng, hạng con côi, vợ góa mà có ruộng cũng đều được miễn (Toàn thư, quyển 8, tờ 42a; Cương mục, quyển 11, tờ 44a-b).
Như vậy chứng tỏ rằng thuế má hồi đầu Trần nhẹ hơn đời Đế Hiện và đời Hồ Hán Thương.
Ngoài các thuế, khi cần làm lương cho quân sĩ, lại còn phải nhờ ở lòng trọng nghĩa và sức lạc quyên72 của dân. Chứng cớ là, có lần, Hưng Đạo vương đã phải khuyên các nhà giàu quyên thóc để cung quân lương rồi ngài thưởng cho hàm Lang tướng giả.
Bên nông, sử sách ít chép đến thương (buôn bán) và công (thợ), nên nay khó biết trạng thái công thương ở đương thời ra sao được.
Dẫu vậy, nhân việc sử chép về Vân Đồn: “tục dân lấy buôn bán làm nghề sinh sống” (Toàn thư, quyển 5, tờ 53a; Cương mục, quyển 8, tờ 5a), ta có thể suy đoán rằng những miền duyên hải và hải đảo bấy giờ, vì tiện lợi về đường giao thông mặt thủy, thương nghiệp đã manh nha. Vả, nhân câu “Nông thương bất trưng lương thuế” trong An Nam chí lược như trên đã dẫn và việc vua Trần Thái Tôn sai thợ khắc gỗ làm ấn để dùng vào việc văn thư trong quân năm Đinh Tỵ (1257) thì nay ta lại có thể quan niệm rằng bấy giờ, ngoài nghề nông, dân chúng cũng có thương nghiệp sinh hoạt và công nghiệp sinh hoạt73.
Hồi đầu Trần chừng có ý coi trọng chế độ tư hữu tài sản của dân gian, nên đã có việc bán ruộng công làm tư điền và có luật trừng phạt trộm cướp rất nghiêm khắc.
Sử chép: tháng sáu, năm Giáp Dần (1254), bán quan điền, tức là ruộng công, mỗi một “diện”74 là năm quan tiền cho dân tậu làm ruộng tư (Toàn thư, quyển 5, tờ 19a; Cương mục, quyển 6, tờ 36b-37a).
Kẻ cường đạo (hạng cướp lợi hại) thì phải chém.
Trộm, cướp (thiết, đạo): sơ phạm đều phải phạt tám mươi trượng và bị thích hai chữ “phạm đạo”(犯盜)75. Những vật đã trộm cướp ấy thì mỗi một cái là phải đền chín phần mười76. Kẻ nào không đền nổi thì tịch thu vợ con. Phạm lần thứ hai: phải chặt chân tay; phạm lần thứ ba: phải giết chết (An Nam chí lược, quyển 14, tờ 5b).
Cũng vì đương thời đương ở vào đời phong kiến, lại có chế độ gia nô và gia đồng, nên hạng người mắc nợ và đám cùng dân không được nâng đỡ.
Năm Bính Tuất (1226), đặt phép tiền tệ: tiền dân gian tiêu dùng với nhau gọi là “tỉnh mạch tiền”, mỗi tiền là 69 đồng kẽm (văn); tiền đóng góp là “thượng cung tiền”, mỗi tiền 70 đồng (Toàn thư, quyển 5, tờ 3; Cương mục, quyển 6, tờ 4b).
Phần “Chính hình” trong An Nam chí lược có chép:... bảy mươi đồng là một tiền, bảy trăm đồng là một quan. Chủ nợ được tự ý giam cầm kẻ trốn nợ khi nào trả hết gốc lãi mới tha. Hạng cùng dân không góp trả được thì cho phép đợ mình cho người để chuộc nợ77.
Xã hội, phong tục
Xã hội đương thời là xã hội phong kiến đứng trên nền tảng kinh tế nông nghiệp.
Hạng nô (tôi trai), tì (tớ gái) của các nhà vương hầu phần nhiều là do tầng lớp vô sản siêu giạt78 (sử chép là phiêu tán vô sản nhân) hợp thành. Khi được các vương, hầu, công chúa, phò mã hoặc đế cơ (các vợ lẽ vua) chiêu tập làm nô tì, thì họ thường phải làm công việc khai khẩn ruộng hoang, lập thành điền trang. (Việc các vương hầu có “trang” này bắt đầu từ tháng mười, năm Bính Dần, 1266. Theo Toàn thư, quyển 5, tờ 30b).
Họ tuy làm việc cho “lĩnh chủ”, nhưng cũng được dựng vợ gả chồng và cư trú ở chỗ ruộng đất mà mình đã góp công khai khẩn.
Sử chép: “Các nhà trong họ tông thất thường sai nô tì đắp đê ở bãi biển để ngăn nước mặn; khoảng hai, ba năm, khai khẩn thành ruộng thục. Cùng nhau lấy vợ lấy chồng rồi cư trú ở đấy. Phần nhiều lập thành ruộng đất của trang trại riêng”. (Toàn thư, quyển 8, tờ 30b; Cương mục, quyển 11, tờ 30b).
Sinh hoạt xã hội ấy còn kéo dài mãi đến niên hiệu Quang Thái thứ mười (1397) đời Trần Thuận Tôn (1388-1398)79.
Phỏng theo pháp chế đời Lý, tháng tám, năm Mậu Tý (1228), nhà Trần làm sổ sách về nhân khẩu ở Thanh Hóa.
Hằng năm, sai xã quan khai báo nhân khẩu, gọi là “đơn số”. Rồi căn cứ vào sổ sách, chia ra các hạng: văn vũ quan giai (quan chánh văn võ), tùng quan (quan lại phó, phụ), quân nhân, tạp lưu, hoàng nam (trai tráng), lung lão (hạng già lắm), bất cụ (tàn tật), phụ tịch (ngụ cư), phiêu tán (siêu bạt)... Người có quan tước mà con cháu được thừa ấm thì con cháu mới được làm quan. Những người giàu có mà không có quan tước thì đời ấy đời khác cứ phải đi
làm binh lính. (Cương mục, quyển 6, tờ 6b-7a). Cái chế độ “con nhà lính cứ truyền đời phải đi lính mà không được bước vào sĩ đồ” này còn tồn tại mãi đến đời Đế Hiện (1377-1388)80.
Trình độ sinh hoạt bấy giờ hãy còn đơn giản, nên phong tục trong dân gian cũng thuần phác, mà từ triều đình đến dân dã đều lấy tôn giáo làm trung tâm.
Tối 30 tết, dân gian đốt pháo ống lệnh ở đầu cổng nhà và làm cỗ bàn cúng tổ tiên.
Mồng năm tết, nhà vua tan tiệc yến khai hạ rồi, để cho quan lại và nhân dân đi lễ chùa, lễ đền; chơi ngắm thưởng ngoạn các vườn hoa có danh tiếng.
Tháng hai, dựng xuân đài81. Phường chèo (linh nhân) (伶人) đóng mười hai vị thần, ca múa ở trên đài. Vua coi mọi người đấu sức ở sân đền (quán đình): xem người khỏe vật nhau, trẻ con vật nhau. Ai thắng thì được giải thưởng. (An Nam chí lược, quyển 1, tờ 11a-b).
Tết Hàn thực82 làm bánh trôi (quyển bính) để biếu nhau.
Mồng bốn tháng tư là ngày hội tuyên thệ ở đền Đồng Cổ. Dân chúng kéo nhau đi xem và nghe, dập dìu nam nữ, người đông như nêm. Đời cho là một đám hội vui lắm.
Tết Đoan dương (mồng năm, tháng năm) làm chòi ở trong sông, vua ngồi trên chòi, xem thi bơi, chèo đò.
Cưới xin: vào tháng xuân, người mối đưa cau đến nhà gái, dạm hỏi (thông vấn). Hoặc dẫn tiền bạc thì từ hàng trăm đến hàng nghìn. Những nhà chuộng lễ nghĩa thì bất luận sính lễ nhiều hay ít (An Nam chí lược, quyển 1, tờ 12a).
Khi Trần Quốc Tuấn lấy Thiên Thành công chúa chính mẹ nuôi ngài là Thụy Bà công chúa83 tự ý, dẫn đến 10 mâm vàng sống làm sính lễ (Cương mục, quyển 6, tờ 34a).
Vương hầu và thứ dân thường mặc áo cổ tròn (viên lĩnh), quần thâm (huyền thường), the lượt trắng (bạch la), thắt lưng lụa (hoàn khố). Giày dép thì thích làm bằng da.
Vương hầu tư yết Quốc chủ thì không đội khăn, tỏ ra là thân và sang; thứ dân không được đến hầu gần. (An Nam chí lược, quyển 14, tờ 5a).
Bấy giờ có các món chơi như chọi gà84, đánh cầu và đánh vật...
Quả cầu to bằng nắm tay trẻ em, sang thì kết bằng gấm. Khi tung ra, đối thủ không bắt được, thế là thua85.
Đánh vật, sử chép là “giao điệt”. Năm Nhâm Thìn (1232), con Trần Thừa là Bà Liệt (sau được phong là Hoài Đức vương là người giỏi võ nghệ, tình nguyện đăng vào đội “Đánh vật” (Giao điệt đội); một hôm, nhân chuyện đánh cầu với một người trong đội, bị vật ngã, chẹn họng, nghẽn thở, suýt tắt hơi. Trần Thừa bấy giờ làm Thượng hoàng, phải can thiệp, Bà Liệt mới khỏi chết86.
Về phụ nữ, phần “Chương phục” trong An Nam chí lược có chép: đồ mặc thường của vua thì quý màu trắng. Người nước ai mặc đồ trắng thì là trái phép (tiếm chế); riêng với phụ nữ lại không cấm trang sức bằng đồ trắng.
Tháng hai, năm Nhâm Tuất (1262) vua Trần Thái Tôn về chơi hành cung Tức Mặc87 có thưởng cho đàn bà làng Tức Mặc mỗi người hai tấm lụa (Toàn thư, quyển 5, tờ 27b).
Một người gái quê tuy bị tuyển vào cung, đã được lập làm thứ phi rồi, nhưng nếu muốn ra khỏi cung cấm, trở về nhà mình, lấy chồng khác, thì cũng dễ dàng, chứ không bị bó buộc gì cả. Điều đó, ta thấy ở truyện “Vạn Xuân phi” như đã chép ở phần “Nhân vật” trong An Nam chí lược.
Pháp luật xử tội hạng đàn bà có chồng mà phạm tội ngoại tình, tức hạng dâm phụ, cũng không tàn ngược như hình phạt đời sau khép vào những tội “đóng bè trôi sông” hay là “voi giày, voi xé”.
An Nam chí lược chép rằng: “Dâm phụ thì xử cho về với chồng mà làm tì (tớ gái), và chồng được phép tự tiện đem đợ hay đem bán...”
Dân gian, nam nữ kết hôn cũng rất dễ dãi: nếu có dẫn tiền cưới thì đến một trăm88. Nếu là con trai con gái nhà nghèo thì không có lễ hôn thú gì cả, họ chỉ tự do kết làm đôi lứa với nhau thôi89.
Có điều đáng chú ý là, đời Trần, trong hoàng tộc, đồng tính90 kết hôn, nhưng tục ấy chỉ riêng ở hoàng gia, chứ không thông hành trong dân chúng91.
Văn hóa
Văn hóa hồi đầu Trần cũng rất tấn tới, thịnh đạt.
Mỗi khi tuyên độc lời chiếu chỉ của nhà vua, nhân viên trong ti hành khiển phải giảng cả âm lẫn nghĩa cho dân thường (phàm thứ) dễ hiểu (Toàn thư, quyển 5, tờ 55a). Thế nghĩa là mỗi lần đọc tờ chiếu viết bằng Hán văn thì lại phải giảng dịch ra tiếng Việt để cho đám bình dân cùng được dự biết mọi việc nhà nước định làm.
Tháng tám, năm Nhâm Ngọ (1282), Nguyễn Thuyên được gọi là Hàn Thuyên92. Thuyên là người giỏi thơ phú nôm93 gây xu hướng cho người mình từ đấy hay làm thơ phú bằng quốc âm94.
Trong An Nam chí lược, mục “Phong tục” có chép: “... Khúc hát thì có khúc Nam thiên nhạc, khúc Ngọc lâu xuân, khúc Đạp thanh du, khúc Mộng du tiên, khúc Canh lậu trường, không thể xiết kể. Có khi dùng tiếng Việt95 làm thơ, phú và ban nhạc để tiện ca ngâm...” (quyển 1, tờ 12b).
Đời vua Trần Thái Tôn cũng rất chú trọng đến sử ký: trước có Trần Tấn do chức Tả tàng thăng Hàn trưởng đã làm được Việt chí, tức là Việt sử; sau có Lê Văn Hưu sửa Việt chí tức bộ Đại Việt sử ký: chép từ đời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng gồm ba mươi quyển96.
Năm Đinh Hợi (1227), mở kỳ thi cho các con nhà tam giáo là Nho, Đạo, Thích97 muốn noi theo nghiệp nhà.
Năm Nhâm Thìn (1232), mở khoa thi Thái học sinh, tức là khoa thi tiến sĩ, chia làm ba giáp98 để định cao thấp.
Tháng hai, năm Đinh Mùi (1247), đặt ra tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa (Toàn thư, quyển 5, tờ 15a-b).
Tháng tám, năm Đinh Mùi (1247), lại mở các khoa thi thông tam giáo (Nho, Đạo, Thích), có chia làm giáp khoa và ất khoa. (Toàn thư, quyển 5, tờ 15b).
Tháng sáu, năm Quý Sửu (1253), lập quốc học viện, tô tượng Khổng Tử, Chu Công, Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tượng 72 người hiền (học trò Khổng Tử) để thờ.
Tháng tám, năm ấy (Quý Sửu, 1253) lập Giảng Vũ đường.
Tháng chín năm ấy (Quý Sửu, 1253) tuyển nho sĩ trong nước vào Quốc Tử viện, giảng Tứ thư, Lục kinh99 (Toàn thư, quyển 5, tờ 19a).
Hồi đầu Trần trình độ Hán văn đã cao. Những thư, biểu về việc ngoại giao với Mông Cổ: lời văn thì gọn và mạnh, lý sự thì nhũn và đanh. Chẳng hạn như tờ biểu năm Bính Dần (1266) xin nhà Nguyên miễn tuyển cáo tú tài100 và các thợ thuyền, tờ thư năm Tân Mùi (1271) gửi cho Trung Thư sảnh nhà Nguyên để biện bạch về việc không chịu lạy chiếu thư của vua Nguyên và không chịu đem voi biếu Mông Cổ, đều là những áng văn thư ngoại giao rất có giá trị101.
Bên cạnh Hán văn thịnh đạt ấy, bấy giờ cũng không quên nghiên cứu và học tập cả tiếng mán tiếng thổ, tiếng phiên,... Cho nên nhiều người đương thời như Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải đều thông hiểu các thứ tiếng ấy.
Nói tóm, hồi đầu Trần, lấy nhân hậu làm cơ bản kiến quốc. Đối với trong họ tông thất thì giữ tình hòa mục yêu thương102; đối với nhân dân thì có ý bình dị gần gũi. Tuy trung ương tập quyền, nhưng chính sự không độc tài chuyên chế; tuy phong tước, ban thái ấp, nhưng vương hầu không chia rẽ tranh giành, mà biết đồng lòng họp sức, chống giặc ngoại xâm103.
Văn hóa thì có sáng kiến đặt thơ phú nôm làm nhạc phả nôm, học rộng các tiếng phiên, tiếng mán,...
Đã trọng cả tam giáo (Nho, Đạo, Thích), mà riêng về đạo Phật, lại tỏ lòng rất sùng và có sở đắc104.
Nói đến Phật học đương thời, tất phải lấy vua Trần Thái Tôn và vua Trần Nhân Tôn làm tiêu biểu: Trần Thái có làm được kinh Khóa hư, Trần Nhân có nhiều câu kệ trong tập Trần triều thượng sĩ ngữ lục. Những kinh kệ ấy có sức rất mạnh trong công cuộc giác tha, độ tha105.
Người nguyên thủ một nước đã là bậc thành tâm mộ Phật, mà ông tướng ba quân lại là người “thuần túy”, “tinh trung”, nên từ chỗ trung kiên của các nhà lãnh đạo ấy rất dễ tỏa ra những ảnh hưởng cao quý là “xả thân cứu thế”, là “cúc cung tận tụy”. Một khi đã coi cái chết là “siêu thoát”, là “thành nhân” (làm trọn điều nhân) thì người ta có cái tinh thần rất cao để đấu tranh, có thể vượt hết bao nỗi khó khăn mà đi đến thành công rực rỡ.
Hội nghị Diên Hồng chứng tỏ rằng đương thời lấy “dân làm quý”, nên gặp những giờ nghiêm trọng, nhà cầm quyền cũng vui lòng hỏi ý dân về những việc có quan hệ đến vận mệnh nhân dân toàn quốc. Có thể nói đó là cái mầm chính thể lập hiến của đời sau...
Chính nhờ ở chính sự “cận dân” và “thân dân” ấy, nên trong mấy cuộc kháng chiến Mông Cổ, đức Trần Hưng Đạo đã huy động triệt để lực lượng của dân chúng. Vì vậy, trước cảnh cường địch vào sâu, thủ đô bị phá, nhân dân đã tự động mà tập kích giặc như Hà Bổng với các người mán ở trại Quy Hóa (Đinh Tỵ, 1257) hoặc siết chặt hàng ngũ dưới cờ các tướng mà đánh phá quân địch như Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền đem dân binh vào các lộ góp sức đánh bại giặc Nguyên ở Thăng Long và Chương Dương... (Ất Dậu, 1285). Mấy cuộc kháng Nguyên sở dĩ thành công oanh liệt, một phần tuy bởi đức Trần Hưng Đạo có đủ tư cách một chủ tướng, một đại nguyên súy, một tổng tư lệnh xứng đáng với vai trò lãnh đạo, nhưng một phần cũng bởi quân dân bấy giờ có lòng hy sinh, có tinh thần chiến đấu. Nội bộ đã vững chắc, chặt chẽ, nên người lãnh đạo mới huy động dân chúng được triệt để, mới áp dụng được phương lược lưu động chiến và những chiến thuật phục kích, truy kích và tập kích một cách có hiệu nghiệm như thế.
Vả, trong Quốc sử tiểu học lược biên tiết thứ 24, dưới đầu đề là “Trần gia hôn phong”, cũng chép: “...Nhà Trần, cô cháu và anh em con chú con bác đều lấy lẫn nhau... Nhưng mà quốc dân không bị lây theo. Sự giá thú nơi dân gian, trước giờ, trong chỗ huyết tộc, giữ rất nghiêm. Là vì cái học luân lý đã sáng tỏ, nên thói kệch một thời không thể lay chuyển họ được”. (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Chương Tư: Lai lịch và lực lượng Mông Cổ
Mông Cổ là một giống hùng dũng hung tợn, đã từng chà đạp nhiều nước châu Âu ở hồi thế kỷ mười ba và làm chủ nhân ông tại Trung Quốc hàng tám mươi chín năm đằng đẵng (1279-1368).
Thế mà hồi đầu Trần, từ Đinh Tỵ (1257) đến Mậu Tý (1288), một khoảng thời gian ba mươi mốt năm, ta phải đương đầu với quân cường địch ấy trong ba cuộc chiến tranh tự vệ, kết cục ta quét sạch được giặc ngoại xâm, giữ vững được độc lập thì, không đợi phải nói, nay cũng có thể tưởng biết được cái năng lực của dân tộc Việt Nam ở đương thời là thế nào.
Bây giờ muốn rõ công cuộc kháng chiến Mông Cổ mà quân, dân đời Trần đã phải hy sinh biết bao xương máu để đức Trần Hưng Đạo viết thành hai chữ “thắng lợi” trên trang sử oanh liệt ấy, ta nay cần phải xét đến lai lịch và lực lượng của đối phương.
Từ lúc quật khởi đến hồi toàn thịnh
Ở phía bắc nước Trung Hoa, từ đời Đường (618-904)106, có một giống gọi là Mông Cổ, ở thành từng bộ lạc, rải rác suốt phía bắc Xa Thần Hãn thuộc Mông Cổ ngày nay và một dải Tây Bắc tỉnh Hắc Long Giang bây giờ. Họ sống bằng nghề chài lưới, săn bắn và du mục. Đến đời Kim, tù trưởng Mông Cổ là Hợp Bất Lặc trỗi dậy, tự xưng là Tổ Nguyên hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Mông Cổ.
Năm 1206 (tức năm Trị Bình Long Ứng thứ hai đời Lý Cao Tôn bên ta), Thiết Mộc Chân (Témoudjine) mở rộng đất đai, lên ngôi hoàng đế, tự hiệu là Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan).
Từ năm 1222 đến năm 1279, trải các đời vua Oa Khoát Thai (Ogotai)107, Mông Kha (Mongké) và Hốt Tất Liệt (Koublai)108, Mông Cổ đã giày đạp trên đất Âu châu đến ba lần và diệt hẳn nhà Tống (1279) mà làm chủ toàn bộ Trung Quốc. Bấy giờ phạm vi thế lực Mông Cổ rất lớn: đông từ Cao Ly109, tây đến Tiểu Á Tế Á (Asie mineure) và Nga La Tư110, nam tới Nam Hải và Ấn Độ Dương, bắc đến Tây Bá Lợi Á (Sibérie): Địa bàn rộng suốt từ Á sang Âu, thật là một đại đế quốc, trước đó, chưa từng thấy trên lịch sử.
Xét qua binh chế Mông Cổ
Ở một chương trước, ta đã biết sơ binh chế đời Trần rồi; nay thử xét qua binh chế Mông Cổ để quan niệm đôi chút về lực lượng của đối phương:
Binh chế đời Nguyên chia làm hai bộ: trong và ngoài. Trong là các quân túc vệ, ngoài là các quân trấn thủ.
Các quân túc vệ chia làm quân khiếp tiết111 và quân các vệ112.
Quân khiếp tiết thì do Khiếp tiết trưởng cầm đầu, lệ thuộc trực tiếp dưới Thiên tử hoặc dưới đại thần do Thiên tử sai phái.
Quân các vệ thì có Thân quân đô Chỉ huy sứ cầm đầu, cùng với các quân trấn thú đều thuộc dưới quyền Khu mật viện. Cho nên khiếp tiết và các vệ tuy đều là quân túc vệ họp lại gọi là thân quân, nhưng chức vụ hai bên có khác nhau: khiếp tiết cốt hộ vệ Thiên tử, là thân quân trong các thân quân. Còn quân các vệ thì cốt làm những việc cảnh vệ hoàng thành, kinh sư và cận kỳ, việc phòng thú, việc doanh thiện và việc đồn điền,... thỉnh thoảng cũng phải đi viễn chinh.
Các quân trấn thú: Các lộ thì lập Vạn hộ phủ113, các huyện thì lập Thiên hộ sở2 đều lệ thuộc viện Khu mật. Tùy theo địa phương có hiểm yếu hay không mà chia đặt các quân thú. Phàm những chỗ biên cương cổ họng, đều sai thân vương trong tông thất cầm binh đóng giữ: như Hà Lạc và Sơn Đông là chỗ đất tâm phúc thì cất “quân Mông Cổ” và quân thám mã xích114 trấn thú; từ Giang, Hoài trở xuống Nam cho tới hết Nam Hải thì đặt Hán Binh và quân tân phụ115 đóng giữ.
Cuộc xâm lược ta lần thứ nhất năm Đinh Tỵ (1257), Mông Cổ điều động có hai nghìn quân, ấy là chưa kể cánh quân của Á Châu, con vua Nguyên, đi sau tiếp viện và đạo quân Ô Lạn Cáp Đạt116 đóng ngay ở phía bắc nước ta để uy hiếp.
Cuộc lấn cướp ta lần thứ hai vào khoảng Quý Mùi Ất Dậu (1283-1285). Mông Cổ huy động đến năm mươi vạn (500.000) quân.
Cuộc xâm lấn ta lần thứ ba vào khoảng Bính Tuất - Mậu Tý (1286-1288), Mông Cổ động viên những ba mươi vạn quân117 và ba trăm chiếc thuyền đi biển.
Còn bên ta chỉ có năm Giáp Thân (1284) mới phải huy động đến hai mươi vạn quân, vậy mà mấy cuộc kháng Nguyên cũng chiếm được thắng lợi cuối cùng, đủ biết thế là đức Trần Hưng Đạo đã chuyển lượng thành phẩm.
Đặc tính và năng lực quân Mông Cổ
Quân Mông Cổ đều là những tay thiện kỵ, thiện xạ, cưỡi ngựa rất giỏi, bắn cung rất tài. Trước khi chiến thắng những nước văn hóa, chưa buông tuồng ăn chơi sung sướng, họ có cái phong độ võ dũng, quen nhọc nhằn, chịu cực khổ, sở trường về chiến tranh.
Nhưng ta cũng không quên nhắc đến những thủ đoạn tàn bạo, hành động dã man của họ.
Hồi Tây chinh Âu châu, quân Mông Cổ đã dùng súng làm chiến cụ để đánh quân địch118, nên sức công kích của họ đã lợi hại lắm.
Chuyến đánh nước Hung (Hongrie) họ đã làm cho mười vạn người phải chết khi kinh đô Pest thất thủ. Quân Mông Cổ kéo tới đâu thì ở đó, từ thành thị đến thôn quê, nhân dân phải trốn, ruộng đất bỏ hoang, cảnh tượng thật là điêu tàn thảm đạm.
Suốt Âu châu phải nao núng hãi hùng, người Nhật Nhĩ Man phải bồng bế dắt díu nhau, tới tấp chạy trốn. Giáo hoàng Innocent IV cũng đã phải lên tiếng than trách về những sự phá phách và tàn sát của quân Mông Cổ119.
Chính trong tờ chiếu đề năm Chí Nguyên thứ hai mươi tám (1291) gửi cho đức Trần Nhân Tôn bên ta, vua Mông Cổ cũng đã nói trắng rằng: “Theo phép tổ tông ta đã đặt, hễ những nước chịu qui phụ, thân hành vào chầu thì ta để cho nhân dân được ở yên như cũ; hễ nước nào chống cự, không phục, thì tất phải diệt chết... Và: “dân của nước ngươi (!) bị giết chóc thật nhiều đấy...” (An Nam chí lược, quyển 2, tờ 5b-6a).
Tháng mười, năm Mậu Tý (1288), gửi một bức quốc thư cho vua Nguyên, đức Trần Nhân Tôn cũng nói rõ ở trong thư ấy những thủ đoạn tàn ngược, vô nhân đạo của quân Mông Cổ: “... Mùa đông, năm Chí Nguyên thứ hai mươi bốn (1287), lại thấy đại quân thủy lục tấn công: thiêu đốt đền chùa trong nước tôi, đào mả tổ tiên tôi, cướp bóc và bắt sống già trẻ nơi dân gian tôi, tàn phá sản nghiệp trăm họ tôi, không chừa một việc tàn ác hiếp đáp nào mà không làm...” (Nam sử tập biên, quyển 2, tờ 19b-20a).
Xem thế đủ biết đời Trần bấy giờ gặp phải đối phương chẳng những hùng cường thiện chiến, mà lại bạo ngược hung tàn vượt ngoài tưởng tượng.
Đến chương “Nhắc lại những kinh nghiệm đã chiến thắng Mông Cổ”, ta sẽ so sánh những điểm hơn kém về quân sự của đôi bên, bấy giờ sẽ thấy rõ cái bí quyết mà đức Trần Hưng Đạo và quân, dân đời Trần đã nắm để đi đến thắng lợi vẻ vang trong mấy cuộc chiến tranh tự vệ.
Chương Năm: Mông Cổ gây hấn
Bắt đầu từ năm Đinh Tỵ (1257), Mông Cổ rầm rộ gây hấn với ta để hòng mở rộng phạm vi đế quốc về mặt Nam Á. Nhưng sau trận đọ sức với quân, dân đời Trần120 trong năm Đinh Tỵ (1257), Mông Cổ vấp phải sức đề kháng rất mạnh, bị thất bại về quân sự, bèn xoay sang mặt chính trị và ngoại giao.
Chương này dựa tài liệu trong Nguyên sử (quyển 9), An Nam chí lược (quyển 4) và Toàn thư (quyển 5), xin thuật qua những việc Mông Cổ gây hấn và bên ta đối phó...
Mùa hạ năm Mậu Ngọ (1258), Mông Cổ sai Nột Loát Đan sang dụ vua Trần: “Xưa, ta sai sứ sang thông hiếu, các ngươi (!) một niềm mê man, không tỉnh ngộ, nên ta mới phải có việc xuất quân năm ngoái121. Thấy Quốc chủ ngươi (!) phải chạy dài nơi đồng nội, ta lại sai hai sứ giả122 đi chiêu an cho về nước; ngươi (!) lại trói sứ giả của ta rồi thì cho về.
Nay ta đặc biệt sai người đến mở lòng dụ bảo... Nếu các ngươi (!) thề xin một lòng nội phụ thì Quốc chủ phải thân hành sang đây. Ví bằng vẫn còn không chừa (!) thì cứ bảo rõ cho ta biết.”
Vua Trần Thánh Tôn trả lời: “Nếu tiểu quốc thành tâm thờ đại quốc, thì đại quốc sẽ đối đãi thế nào?”.
Tháng chín, năm Nhâm Tuất (1262), Mông Cổ yêu sách:
Kể từ Quý Hợi (1263), cứ ba năm một lần cống.
Về người, phải kén: nho sĩ, thầy thuốc, hạng người thông âm dương, bói toán và các thợ, mỗi hạng thợ ba người.
Về đồ vật, phải cống: dầu tô hợp, quang hương, vàng, bạc, chu sa, trầm hương, đàn hương, sừng tê, đồi mồi, trân châu, ngà voi, bông trắng, đĩa, chén...
Tháng chạp, năm Bính Dần (1266), vua Trần Thánh Tôn sai Dương An Dưỡng và Vũ Hoàn đưa sang ba tờ biểu: tờ thứ nhất nói về việc cống phương vật; tờ thứ hai xin miễn việc tuyển lấy những hạng tú tài123 và thợ thuyền; tờ thứ ba xin cứ để Nột Loát Đan làm “Đạt lỗ Cát tề”124 ở bản quốc.
Mới dàn xếp xong việc trên thì khoảng tháng mười, năm Đinh Mão (1267), Mông Cổ lại yêu sách sáu việc:
1. Quân trưởng phải thân sang chầu;
2. Phải gửi con em nhà vua sang làm con tin;
3. Biên số dân;
4. Nộp phú thuế;
5. Chịu quân dịch;
6. Vẫn đặt Đạt lỗ Cát tề để thống trị.
Tháng một125, năm ấy (Đinh Mão, 1267), Mông Cổ lại đòi ta trao trả những lái buôn người Hồ Hoạt để họ xét hỏi chúng về việc Tây Vực.
Tháng một, năm Kỷ Tỵ (1269), vua Trần sai trả lời: Lái buôn Hồ Hoạt, một người tên là Y Ôn, chết đã lâu rồi; một người tên là Bà Bà, sau cũng đau ốm mà chết.
Ta lại thoái thác về việc Mông Cổ yêu sách voi: “... Cứ theo như Hòa Lâm Cáp Nhã nói, thì ra Bệ hạ (chỉ vua Nguyên) muốn cần dùng vài con voi lớn, nhưng giống thú ấy mình mẩy xù xụ to lắm, bước đi rất chậm, không bằng ngựa của thượng quốc. Vậy xin Bệ hạ ban sắc chỉ để đến chuyến sau, sẽ xin dâng cống”.
Tháng một, năm Canh Ngọ (1270), Mông Cổ lại bắt bẻ về việc vua Trần tiếp chiếu thư, không chịu lạy, không đãi sứ Nguyên bằng lễ vương nhân.
Tháng chạp, năm Tân Mùi (1271), vua Trần Thánh Tôn sai trả lời vua Mông Cổ qua Trung thư sảnh nhà Nguyên. Nguyên văn bức thư ấy bằng chữ Hán, nay xin dịch nghĩa như sau đây:
“Bản quốc đã được Thiên triều126 phong cho vương tước: há không phải là vương nhân sao? Sứ giả của Thiên triều lại xưng mình là “vương nhân”, đứng ngang với Bản quốc thì e làm nhục mất phong thể Triều đình127; huống chi Bản quốc trước đã tiếp được chiếu chỉ bảo cứ để theo nguyên tục cũ128. Hễ khi tiếp được chiếu lệnh thì để yên nơi chính điện, còn mình lui lánh ở chỗ nhà riêng: Đó là điển lễ cũ của Bản quốc.
Còn việc đòi voi như có nói trong tờ dụ gửi sang, trước đây, Bản quốc sợ trái ý chỉ, nên cứ nấn ná chưa dám thưa thực duyên cớ: Quản voi không nỡ lìa nhà, thì sai đi là một chuyện khó.
Tờ dụ lại đòi nho sĩ, thầy thuốc và thợ thuyền. Nhưng khi bồi thần là lũ Lê Trọng Đà vào bệ kiến: tấc gang gần bóng sáng oai nghiêm, không thấy ban chiếu dụ bảo gì cả. Huống chi năm Trung Thông thứ tư129 đã được miễn rồi. Nay lại nói đến, bao xiết sợ hãi lạ lùng! Vậy xin các hạ130 nghĩ lại cho...”
Trước đây, chừng vì lực lượng chưa dồi dào, chuẩn bị chưa đầy đủ, nên cuối năm Bính Dần (1266), ta bất đắc dĩ phải đưa biểu tạm nhận Nột Loát Đan làm Đạt lỗ Cát tề (Quan trưởng ở Bản quốc như Nguyên sử đã chép), nhưng sau đó, chín năm qua, chắc ta bấy giờ đã có hậu thuẫn, có thể “nói chuyện” với Mông Cổ bằng quân sự được, nên mới tấn công mạnh về ngoại giao.
Tháng giêng, năm Ất Hợi (1275), vua Trần Thánh Tôn sai gửi sang Mông Cổ một bài biểu trong có nói:
“... Dẫu được ba năm một lần cống, nhưng đổi thay sai phái sứ thần đi về nhọc mệt, chưa được ngày nào nghỉ ngơi!
Đến như Đạt lỗ Cát tề do Thiên triều131 sai sang đất nước bên tôi, thì lúc về há chịu về không? Huống chi kẻ được sai sang ấy làm gì cũng cậy thế, động tí thì lấn lướt đè nén nước bé nhỏ này. Ngài132 là Thiên tử dẫu sáng suốt ngang với mặt trời, mặt trăng nhưng đâu dễ soi tới dưới đáy chậu úp?
Vả, Đạt lỗ Cát tề chỉ đáng thi hành với những hạng “xấu xí nhỏ mọn” nơi rợ mọi ở biên giới, lẽ nào tôi được phong, liệt vào bậc vương, đứng làm phiên rào một phương, mà lại còn lập Đạt lỗ Cát tề để coi quản, thì há chẳng bị các nước chư hầu cười ư? Vì sợ dám làm mà phải cống, sao bằng trong lòng vui phục mà tự cống?...” (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Tháng chạp, năm Mậu Dần (1278), Mông Cổ lại sai bọn Sài Xuân133 sang hạch hỏi về sáu khoản134 mà trước kia, Mông Cổ đã yêu sách.
Bọn Sài Xuân nói với vua Trần Thánh Tôn: “Nước ngài nội phụ (!) hơn hai mươi năm, sáu việc vừa rồi hãy còn chưa thấy làm theo. Nếu ngài không sang chầu, thì ngài cứ việc sửa sang thành trì, chỉnh bị quân sĩ để chờ đợi quân bên tôi”.
Xuân lại nói: “Thân phụ ngài vâng mệnh (!) lên làm vua, ngài không xin phép (!) đã tự lập, nay lại không chịu sang chầu. Ngày khác, Triều đình trị tội (!) thì ngài sẽ trốn lỗi ấy ra sao? Xin ngài nghĩ kỹ lại”.
Vua Trần theo lệ cũ, thết yến ở nhà hành lang (lang hạ); bọn Xuân không đến dự yến.
Khi thấy bọn Xuân dỗi về sứ quán, vua Trần sai Tước minh tự họ Phạm đưa thư xin lỗi, rồi đổi chỗ đặt yến vào Tập Hiền điện. Vua Trần Thánh Tôn nói: “Tiên quân135 qua đời, tôi mới nối ngôi, thấy thiên sứ đến khai dụ chiếu thư, khiến tôi vừa mừng vừa sợ, hồi hộp trong lòng. Trộm nghe: chúa nhà Tống thơ ấu, Thiên tử đoái thương, còn phong cho công tước. Đối với tiểu quốc, thế nào chẳng được thương tình? Trước đây có dụ sáu việc, nhưng đã được miễn cho rồi.
Còn lễ thân đi triều cận, thì tôi sinh trưởng ở nơi cung sâu, không quen đi thuyền, cưỡi ngựa không hợp phong thổ, e chết ở dọc đường sá. Con em tôi từ chức Thái úy trở xuống cũng đều thế cả. Vậy, khi thiên sứ về, tôi xin kính cẩn dâng biểu đạo đạt lòng thành và xin kèm theo những của báu, vật lạ”.
Xuân nói: “Chúa nhà Tống chưa đầy 10 tuổi, cũng sinh trưởng ở thâm cung, thế sao còn đến kinh sư được? Ngoài chiếu chỉ, tôi không dám nghe theo mệnh lệnh nào khác. Vả, bốn chúng tôi đến đây cốt để vời ngài, chứ không phải đi lấy các của sang, vật lạ”.
Tháng một, năm Kỷ Mão (1279), Mông Cổ giữ sứ giả ta là Trịnh Quốc Toản ở lại quán hội đồng, rồi sai bọn Sài Xuân bốn người cùng một sứ giả ta là Đỗ Quốc Kế đem tờ chiếu sang dụ lần nữa: Nếu vua Trần quả không sang chầu được thì phải làm người bằng vàng thay thân mình, lấy hai hạt ngọc trai thay đôi mắt, thêm vào đấy lại phải tuyển những người hiền sĩ,
phương kỹ, tử đệ, thợ thuyền, mỗi hạng hai người để thay cho nhân dân. Bằng chẳng thì cứ việc sửa thành trì mà đợi xét xử.
Năm Canh Thìn (1280) vua Trần Nhân Tôn sai chú họ (tụng thúc) là Trần Di Ái (tức Trần Ải) thay mình sang Nguyên giao thiệp. Mông Cổ bèn đặt nước ta làm An Nam tuyên úy ty và lập Di Ái làm An Nam quốc vương (Tân Tỵ, 1281).
Năm Nhâm Ngọ (1282), Mông Cổ cho Sài Xuân làm An Nam tuyên úy Sứ đô nguyên súy, đem một nghìn quân, hộ tống Di Ái về nước, đưa chiếu thư hiểu dụ mọi người trong tông tộc nhà Trần và các quan lại bên ta.
Cuộc ngoại giao giữa ta và Mông Cổ tan vỡ từ đây và cũng từ đây, ta bị dồn vào chỗ chỉ có thể nói chuyện với Mông Cổ bằng gươm, giáo, cung, nỏ và tên thuốc độc.
Cương quyết chống lại, Trần Nhân Tôn sai đón đánh bọn Sài Xuân ở gần ải Nam Quan: Sài Xuân bị tên bắn lòi mất một mắt, phải chạy trốn về Nguyên; lũ Di Ái đều bị bắt, phải tội đồ, sung làm quân lính.
Tháng bảy, năm Quý Mùi (1283), vua Trần Nhân Tôn sai đưa thư sang đòi Mông Cổ trả lại sứ giả của ta bị giữ từ trước136. Kết quả được thắng lợi: Mông Cổ phải thả sứ ta về.
Tháng mười, năm ấy (Quý Mùi, 1283), nhà Nguyên sai Đào Bỉnh Trực đem tỉ thư (quốc thư có đóng ngọc tỉ) sang dụ ta giúp binh lương để Mông Cổ đi đánh Chiêm Thành.
Vua Trần liền sai Trung lượng Đại phu Đinh Khắc Thiệu và Trung đại phu Nguyễn Đạo Học đem đồ phương vật theo sứ Nguyên là Triệu Chử sang giao thiệp với Mông Cổ. Lại sai Trung phụng Đại phu Phạm Chí Thanh và Triêu thỉnh lang Đỗ Bão Trực đến sảnh137 dàn xếp mọi việc và đưa thư, do vua Trần Thánh Tôn đứng tên, cho chức Bình chương Mông Cổ để từ chối việc nài ép ta góp quân giúp lương trong cuộc Nguyên đánh Chiêm Thành:
“Chiêm Thành phục thờ nước nhỏ đã lâu; lão phụ tôi chỉ chăm vỗ về họ bằng đức tốt. Kịp đến đời tôi cũng nối theo ý chí của cha. Từ khi lão phụ tôi quy thuận Thiên triều đến nay đã ba mươi năm, can qua tỏ ra không dùng nữa, quân lính thì đổi làm dân đinh, một là để dùng vào việc cống hiến Thiên triều, một là để chứng tỏ không dám hai lòng. Xin các hạ thương tình mà xét cho thì hay lắm.
Còn việc giúp lương: nước tôi bé nhỏ, đất giáp với biển, ngũ cốc sản xuất không nhiều. Từ sau khi đại quân kéo đi rồi138, trăm họ siêu dạt, thêm nỗi nước lụt, hạn hán, no bữa sớm, đói bữa hôm, ăn cũng không đủ! Nhưng đối với mệnh lệnh của các hạ đâu có dám trái, nên nghĩ xin đến địa phận châu Vĩnh An ở bờ cõi Khâm Châu, đợi để góp nộp.
Kế đó lại dụ tôi đây phải thân hành đến cửa cung khuyết, nghe lời thánh dạy tận mặt. Việc ấy, khi còn lão phụ đã được Thiên triều thương xót, làm ngơ, gác bỏ ngoài lòng. Bây giờ lão phụ đã mất139, tôi ở trong tang tóc, cảm thương đến nay hãy còn chưa được lành mạnh. Huống chi tôi đây sinh trưởng ở chốn hẻo lánh xa xôi, không chịu nắng rét, không quen thủy thổ, nếu phải vất vả dọc đường, thì tất uổng phơi xương trắng! Ngay như những kẻ bồi thần
nước nhỏ này, mỗi khi đi lại còn bị cảm nhiễm khí độc, chết đến năm sáu phần mười hoặc quá nửa. Các hạ cũng đã biết rõ rồi đấy. Vậy mong uốn lựa mà yêu thương nâng đỡ, tâu bày với Thiên triều, hầu cho biết rõ cái ý tham sống sợ chết của hết thảy họ hàng và quan lại bên tôi. Thế há những riêng tôi may được chịu ơn, mà sinh linh một nước nhờ được an toàn, cũng cùng chúc các hạ được hưởng phúc trời lớn lao lâu dài nữa”. (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Tháng hai, năm Ất Dậu (1285), Mông Cổ lại yêu sách phải vận lương đến Chiêm Thành để giúp việc quân.
Trước tình hình khẩn trương và quyết liệt ấy, bên ta một mặt vẫn chuẩn bị, đem binh chẹn đóng miền biên cương140, một mặt vẫn mềm mỏng đưa thư cho Mông Cổ, nói chuyện ngoại giao bằng từ lệnh.
Tuy nhận được quốc thư của ta nói từ bản quốc đến Chiêm Thành đường thủy đường bộ đều không tiện và xin tùy sức mà cung quân lương141, Mông Cổ cũng vẫn yêu sách ta phải dọn đường, sắp lương và đòi vua Trần phải thân đi đón quân của Thoát Hoan, quân xâm lược...
Thế là cuộc chiến tranh tự vệ lần thứ hai rồi lần thứ ba lại bùng nổ từ đấy.
Chương Sáu: Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ nhất (1257)
Chuẩn bị
Tháng chín, năm Đinh Tỵ (1257), bên ta được tin giặc Mông Cổ, tức giặc Nguyên, sửa soạn kéo sang lấn cướp:
Thái sư Mông Cổ là Thống Súy từ đường Vân Nam qua biên cảnh ta, thanh ngôn là muốn sang Ung143 và Quế144 hội đại binh ở Ngạc145 để đánh nhà Tống.
Vua Trần Thái Tôn (1225-1258) cử Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế, đốc suất các tướng ở tả hữu, đem quân thủy, quân bộ chống giữ biên thùy; tháng chín, năm Đinh Tỵ, 1257 (Toàn thư, quyển 5, tờ 2a); chính nhà vua tự làm tướng, đốc chiến, xông pha tên đạn.
Tháng một, năm ấy (Đinh Tỵ, 1257), Thái sư Mông Cổ Ô Lan Cáp Đạt, (tức Ngột Lương Hợp Giải hoặc Ngột Lương Cáp Thai), sau khi kinh lược xong việc Vân Nam, đóng quân ở phía bắc nước ta để uy hiếp. Hắn sai hai sứ giả đi dụ vua Trần. Khi không thấy sứ giả trở lại, hắn bèn phái bọn Tề Tề và Khắc Đồ mỗi tướng đem một nghìn quân, chia đường vào cướp, đóng trên sông Thao146. Hắn lại sai con là A Châu đi tiếp viện và dò xem tình hình hư thực.
Trận đầu bất lợi
Tháng chạp, năm Đinh Tỵ (1257), đại quân của Thống Súy Mông Cổ đến Tích Nỗ Nguyên147.
Vua Trần thúc quân cưỡi voi nghênh địch.
Bấy giờ con của Thống Súy là A Chuật, 18 tuổi, đem những tay thiện xạ ra bắn vào voi: Voi sợ, lồng bồn trở lại, chà đạp lẫn nhau. Quân ta cả vỡ.
Ngày hôm sau, vua Trần sai phá cái cầu Phù Lỗ, dàn trận ở bên này bờ sông.
Quân Mông Cổ muốn vượt sông, nhưng chưa biết rõ nông sâu thế nào. Chúng bèn đi men sông, bắn lên khoảng không: hễ thấy chỗ nào có tên rơi xuống nước rồi không nổi lên, thì biết chỗ đó là khúc sông nông, liền cho kỵ binh lội sang. Khi ngựa nhảy được lên bờ rồi, chúng tỏa quân như hai cánh chim xòe ra mà đánh. Quân ta thua vỡ. Giặc Nguyên lùa đại binh sang tiếp ứng, giết hàng vạn người, chém một tướng tông thất nhà Trần là Phú Lương hầu (không rõ tên).
Rút xuống mạn sông Tha Mạc (Hưng Yên)
Sợ cô thế, vua Trần Thái Tôn nghe theo lời khuyên của Lê Phụ Trần148 phải tạm lánh. Ngài bèn lui giữ sông Lô, tức là khúc sông Cái từ Ngã Ba Hạc đến Thăng Long149.
Khi rút lui, nhà vua và Phụ Trần cùng tế ngựa chạy, thì gặp Phạm Cụ Trích150 đem quân đến cứu. Nhưng sau đó, Trích bị giặc giết. Vua Trần Thái và Lê Phụ Trần chạy thoát được đến bến Lãnh Mỹ.
Đang xuống thuyền, thì quân kỵ Mông Cổ rượt đến, bắn loạn xạ xuống thuyền nhà vua. Phụ Trần phải lấy ván thuyền che đỡ, vua Trần Thái mới thoát hiểm.
Thế lực giặc Mông Cổ mạnh lắm. Chúng tiến quân áp bức tận chỗ vua Trần đang đóng ở Đông Bộ Đầu151.
Ngài phải lui quân, giữ sông Tha Mạc152.
Vua Trần đi thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ về chước chống giặc. Thủ Độ thưa: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.
Thăng Long bị đốt phá, tàn sát
Thăng Long bấy giờ là thủ đô của nước Nam. Cung điện, dinh thự đều ở đấy. Từ năm Canh Dần (1230) niên hiệu Kiến Trung thứ sáu đời Trần Thái Tôn, nhà Trần nhân nền cũ nhà Lý, đắp thêm thành Thăng Long. Trong thành lập cung, điện, lầu, gác, lang vũ đông và lang vũ tây; bên tả dựng cung Thánh Từ để Thượng hoàng ngự, bên hữu làm cung Quan Triều để Hoàng đế ở. Bốn cửa ngoài thành có quân Tứ Xương luân phiên canh gác. Chia hai bên tả
hữu thành làm sáu mươi mốt phường đặt chức Bình bạc ti153 để coi quản (Cương mục, quyển 6, tờ 9b-10a).
Cung thất nhà vua ở có năm cửa. Cửa giữa có đề chữ: “Đại Hưng chi môn” (大興之門-cửa Đại Hưng). Hai bên có cửa nách tả, gọi là “Tả dịch môn”, cửa nách hữu, gọi là “Hữu dịch môn”. Chính điện thì có chín gian, đề chữ “Đại an ngự điện” (大安御殿). Cửa chính nam đề chữ “ Triều thiên các” (朝天閣)154.
Tập Hiền điện (集賢殿) là nơi màn treo, chướng rủ, trần thiết trang nghiêm, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt lắm mới thết yến sứ giả Trung Quốc ở đó. Khi đi vào điện này, đến cửa Dương Minh (陽明), dù ai sang cả đến đâu cũng phải xuống ngựa. Bằng không, sẽ có quân sĩ Thiên trường, là lính canh giữ cửa ấy, ra cản lại, bắt buộc phải hạ mã (Theo Toàn thư, quyển 5, tờ 40b-41a).
Lan đình (蘭亭) là nơi thân mật, vua Trần dùng để hội họp yến ẩm các vương hầu trong tông thất. Đời Trần Thánh Tôn, trong nhà Lan đình ấy có kê giường liền nhau, trên đặt gối dài, chăn lớn, để nhà vua cùng các anh em bà con trong họ, mỗi khi tan tiệc Lan đình, thường cùng nhau ngủ lại cả đấy (Toàn thư, quyển 5, tờ 31b).
Khi quân ta rút khỏi Thăng Long, giặc Mông Cổ tiến vào kinh thành, tìm thấy hai sứ giả nhà Nguyên bị giam ở ngục. Theo Nguyên sử thì thân thể họ bị trói bằng những mảnh tre đập dập155 bó lẳn cả vào da. Khi cởi trói thì một sứ giả chết (quyển 209, tờ 1a). Giặc Mông Cổ đốt phá tan hoang và “làm cỏ” cả đô thành, nghĩa là chết sạch cả nhân dân ở Thăng Long156.
Sau khi đóng tại Thăng Long chín ngày, quân Mông Cổ khó chịu vì khí hậu oi uất nóng bức, bèn rút lui.
Phản công
Thời cơ phản công đã đến. Vua Trần Thái Tôn bèn cùng Thái tử Hoảng lại tiến binh lên Đông Bộ Đầu đánh giặc: đại thắng.
Khi Mông Cổ chạy về đến trại Quy Hóa157 thì chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người mán, đánh úp, lại cả phá quân giặc (Cương mục, quyển 6 tờ 22b).
Khi hồi loan, thấy kinh đô bị đốt phá sạch sanh, vua Trần cả giận. Nhân bấy giờ lại có hai sứ giả Mông Cổ đến chiêu dụ, ngài bèn sai trói cả lại, rồi cho về.
Trong cuộc kháng chiến Mông Cổ này, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư biết nhân cơ hội, rình kẽ hở, tập kích giặc, được vua Trần khen là có trí lược (Toàn thư, quyển 5, tờ 42a-b). Lê Phụ Trần, một người, một ngựa, xông pha trận giặc, nét mặt vẫn nhơn nhơn như không.
Chương Bảy: Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ hai (1283-1285)
Mông Cổ mượn đường đi đánh Chiêm Thành
Sau cuộc chiến tranh tự vệ năm Đinh Tỵ (1257), ta tuy tạm đuổi được giặc Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, nhưng vẫn nơm nớp cái lo về sau, nên vấn đề phòng thủ biên cương và thao diễn quân đội đã được các nhà cầm quyền đương thời hết sức chú trọng.
Tháng ba năm Nhâm Tuất (1262), vua Trần Thái Tôn ra lệnh các quân phải làm chiến khí (nay gọi chiến cụ), đóng chiến thuyền; cho thủy, lục quân tập trận ở Cửu Phù Sa sông Bạch Hạc (Toàn thư, quyển 5, tờ 27b; Cương mục, quyển 7, tờ 4b).
Từ tháng tám, năm Nhâm Ngọ (1282), niên hiệu Thiệu Bảo thứ tư đời vua Trần Nhân Tôn, ta đã được tin do Biên thần đóng giữ Lạng Sơn là Lương Uất sai ruổi ngựa trạm về báo: Mông Cổ sai bọn Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Lưu Thâm, Tham chính A Lý lót miệng bằng việc đi đánh Chiêm Thành, đòi ta cho mượn đường và buộc ta góp quân lính, cung lương thảo (tháng mười, Nhâm Ngọ, 1282).
Hội nghị Bình Than159
Tháng mười, năm Nhâm Ngọ (1282), vua Trần Nhân Tôn đi bến Bình Than, họp các vương hầu và bách quan, bàn chước đánh, giữ.
Cuộc hội nghị Bình Than này có mấy việc quan trọng:
1. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là tay tướng tài, trước đó, được khen thưởng trong cuộc kháng Nguyên năm Đinh Tỵ (1257), nhưng sau vì có tội, bị bóc tước phong, bấy giờ đang làm nghề bán than ở Chí Linh (Hải Dương). Nhân cuộc hội nghị này Khánh Dư được vời đến và bàn luận, rồi được phong làm Phó đô tướng
quân. Về sau, Khánh Dư đóng ở Vân Đồn160, đánh đắm được các thuyền lương của tướng Nguyên là Trương Văn Hổ, khiến giặc thiếu ăn, ta mới đại thắng Mông Cổ ở Bạch Đằng161 năm Mậu Tý (1288).
2. Khi họp ở Bình Than, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cũng dự vào số người đi hỗ tụng theo hầu vua nhưng vì hãy còn nhỏ tuổi, không được dự bàn. Quốc Toản lấy làm hổ thẹn và tức bực, trong tay đang cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Khi lui về, Quốc Toản bèn cùng các gia nô và thân thuộc hơn nghìn người, tự sắm chiến khí và chiến thuyền, kéo cờ đánh giặc.
Về sau, mỗi khi ra trận, Quốc Toản thường đi đầu quân sĩ. Giặc Mông hễ thấy ở đâu, là phải lẩn tránh, chứ không dám chống chọi trước sức sắc bén của Quốc Toản.
Tháng mười, năm Quí Mùi (1283), vua Trần Nhân Tôn thân suất các vương hầu, điều động tất cả quân thủy, quân bộ tập trận.
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được tiến phong làm Quốc công, Tiết chế thống lĩnh hết cả các quân thủy bộ toàn quốc, lựa trong các tướng hiệu lấy những người có tướng tài cho chia thống suất các bộ ngũ.
Tháng tám, năm Giáp Thân (1284), Hưng Đạo vương điều động chư quân của các vương hầu, làm cuộc điểm duyệt vĩ đại ở Đông Bộ Đầu162, rồi chia đóng ở Bình Than và các nơi hiểm yếu163.
Muốn dùng ngoại giao để hòa hoãn tình thế và dò xem hư thực bên địch, ta cử Trần Phủ sang tận hành sảnh Kinh Hồ bên Nguyên, nói xin hoãn binh (tháng một – tháng chạp Giáp Thân, 1284).
Hội nghị Diên Hồng
Được tin bọn Thái tử Thoát Hoan164 cùng Tả thừa Lý Hằng, Bình chương A Thích và Bình chương A Lý Hải Nha đem năm mươi vạn quân (500.000), nói phao lên là đi tiếp viện để đánh Chiêm Thành, kỳ thực chia đường sang ta lấn cướp, Thượng hoàng Trần Thái Tôn bèn làm một việc “trưng cầu dân ý” là vời các phụ lão trong nước nhóm ở thềm điện Diên Hồng để hỏi mưu chước (tháng chạp, Giáp Thân, 1284).
Ngày 21 tháng chạp, năm Giáp Thân (1284), bọn Thoát Hoan kéo quân vào tới địa phận nước ta. Chúng chia làm từng đạo:
Tây đạo là cánh quân của bọn Vạn hộ Lý La Hợp Đáp Nhi165, Chiêu thảo A Thâm do huyện Khưu Ôn166 ầm ầm tiến xuống:
Đông đạo là cánh quân của bọn Khiếp tiết Tản Lược Nhi, Vạn hộ Lý Bang Hiến do núi Khưu Cấp167 rầm rộ kéo vào. Đại binh của Thoát Hoan nối theo.
Mông Cổ lại sai Bả tổng A Lý giả vờ bảo ta rằng cái cớ dấy quân chỉ vì Chiêm Thành, chứ không có ý gì khác cả.
Quân ta đánh chặn ở núi Khưu Cấp: giặc không tiến được, phải do ải Khả Lợi168 tràn xuống.
Khi cánh quân đông đạo của bọn Tản Lược Nhi vượt được ải Khả Lợi, tiến xuống ải Nữ Nhi169, chúng có bắt được và chém chết gián điệp bên ta là Đỗ Vĩ.
Bấy giờ phía bắc là mặt trận quan trọng, nên Hưng Đạo vương trước phải cầm cự ở ải Nội Bàng170, sau phải rút đóng ở Vạn Kiếp để chuẩn bị những trận phản công và truy kích vào khoảng mùa hè năm Ất Dậu (1285) sau này.
Còn mặt trận tây nam thì, về sau, ngài phái Thượng tướng Trần Quang Khải đóng quân ở Nghệ An, chẹn giữ các đường hiểm yếu để chống quân Toa Đô171.
Treo bảng cấm hàng giặc
Khắp nơi đâu đâu cũng có bảng treo yết thị:
“Phàm các quận huyện trong nước, hễ có giặc ngoài đến, thì phải liều chết cố đánh; nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, chứ không đón hàng”172.
Ngày 27 tháng chạp, năm Giáp Thân (1284), đại binh của Thoát Hoan đánh phá ải Nội Bàng173.
Kinh đô Thăng Long bỏ ngỏ: cung thất đều để nhà không cửa trống, chỉ còn lại những tờ chiếu, tờ sắc, tờ điệp ở tòa Trung thư và các giấy tờ về tin tức quân địch do các tướng ở biên thùy mặt nam mặt bắc trình báo. Còn hết thảy đều phá hủy sạch174.
Vua Trần Nhân Tôn ngự chiến thuyền nhẹ, lánh ra Hải Đông175: có hôm, suốt từ sáng sớm đến chiều tối mới được ăn chút cơm hẩm.
Hội quân ở Vạn Kiếp
Sau khi ải Nội Bàng thất thủ (ngày 27, tháng chạp, Giáp Thân, 1284), Hưng Đạo vương lui giữ Lạng Giang châu.
Rồi đó, quân ta đánh không lợi, giặc tiến được vào ải Chi Lăng176; ngài phải rút quân đóng giữ bến Vạn Kiếp.
Trong khi ấy, ngài điều bát quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, lựa lấy những người khỏe mạnh làm tiên phong. Thế lực quân ta dần dần lại mạnh.
Hưng Vũ vương Hiến, Minh Hiến vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng và Hưng Trí vương Nghiễn đều đốc suất quân các xứ Bàng Hà177, Na Sầm, Trà Hương, An Sinh và Long Nhãn178 được hai mươi vạn, đến hội ở Vạn Kiếp, chịu tiết chế dưới quyền Hưng Đạo vương.
Mồng sáu tháng giêng, năm Ất Dậu (1285), tướng giặc Ô Mã Nhi xâm phạm Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Quân ta vỡ, chạy.
Mồng chín tháng giêng ấy, vua Trần tự làm tướng, huy động mười vạn quân, đại chiến ở Bài Than179.
Những thuyền của ta, sau khi phải bắt, đều bị bọn tướng Mông Cổ là Nguyên súy Ô Mã Nhi, Chiêu thảo Nạp Hải và Trấn phủ Tôn Lâm Đức đem phá hủy cả.
Mặt trận ngoài Bắc: chống Thoát Hoan
Giặc Mông Cổ tiến đến sông Vạn Kiếp, Hưng Đạo vương với số chiến thuyền dưới quyền ngài điều khiển, cách Vạn Kiếp mười dặm, bày thành trận thế, gọi là trận “tắm nước”180.
Thoát Hoan tung quân ra đánh. Quân ta phải lui: chiến thuyền bị giặc bắt được.
Ngày 12 tháng giêng ấy, giặc đánh đến Gia Lâm, Vũ Ninh và Đông Ngạn181 bắt được quân ta, thấy trên cánh tay ai nấy đều thích mực hai chữ “sát Thát”, chúng cả giận, giết hại rất nhiều!
Giặc kéo lá cờ đại ở Đông Bộ Đầu (ngày 12 tháng giêng, Ất Dậu, 1285). Đỗ Khắc Chung tự xin đi sứ để dò hư thực bên địch.
Ngoài sự bắt bẻ quân ta về việc thích chữ “sát Thát”, Ô Mã Nhi còn vặn hỏi: “Đại quân (Mã Nhi tự tôn xưng quân Mông Cổ mình) từ xa đến, nước ngươi(!) sao không trở giáo, cùng nhau đến yết kiến, lại đi chống nghịch mệnh ta: Châu chấu đá xe, rồi sẽ ra sao?”
Khắc Chung đáp: “Hiền tướng (tôn xưng Mã Nhi) không theo cái chước Hàn Tín đi bình nước Yên: đóng quân ở đầu biên giới, trước hãy đưa thư; nếu không thấy thông hiếu, thì mới là lỗi chứ? Nay lại đi bức bách nhau: muông túng thì cắn, chim cùng thì mổ, huống chi con người?”.
Mã Nhi đe dọa: “Đại quân mượn đường để đánh Chiêm Thành. Quốc vương nếu đến yết kiến thì trong cõi được bình yên, một mảy tóc ta cũng không xâm phạm; nếu cứ mê man không tỉnh thì chỉ trong khoảng chốc lát, núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ ra cỏ mục đấy!”
Khắc Chung tùy cơ đối đáp, không chịu khuất. Khi về đến trại bên ta vào giờ Mão182 ngày 13 tháng giêng ấy. Giặc Mông Cổ đuổi theo, đánh nhau với quân ta (Toàn thư, quyển 5, tờ 45b-46b; Cương mục, quyển 7, tờ 33a-34b).
Ngày 13 tháng giêng ấy, vua Trần giữ sông Cái, (sử chép là sông Lô), đánh với giặc Nguyên, quân ta vỡ trận, phải rút chạy. (Theo An Nam chí lược, quyển 4).
Quân ta cứ theo dọc bờ nam sông Cái, dựng rào lũy bằng gỗ để chống cự. Quân Nguyên bắn súng, la lớn đòi đánh.
Vua Trần sai Nguyễn Hiệu Nhuệ đi xin hòa. Thoát Hoan không nghe, sai bắc cầu phao, tiến sát vào dưới vách thành Thăng Long.
Thăng Long thất thủ, Thoát Hoan vào thành, mở tiệc yến ẩm ở trong cung đình. Thoát Hoan sai binh đi đuổi vua Trần. (Cương mục, quyển 7, tờ 35a).
Trần Bình Trọng tử quốc
Ngày 21 tháng giêng năm Ất Dậu (1285), quân ta đánh nhau với giặc ở bãi Tha Mạc183. Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng bị bắt, tuyệt thực. Giặc dò hỏi việc nước; Bình Trọng không nói. Giặc muốn cám dỗ bằng tước vị lợi lộc, hỏi: “Muốn làm vương đất Bắc không?” Bình Trọng quát lên rằng: “Thà làm ma bên Nam, chứ không làm vương bên Bắc”. Bình Trọng bèn bị giặc chém (Toàn thư, quyển 5, tờ 47a).
Quân ta do vua Trần đốc suất, lui giữ ải Hải Thị (có lẽ thuộc mạn Hưng Yên), làm rào lũy bằng cây gỗ, chặn sông mà đánh.
Mông Cổ trên dưới cùng bắn; quân ta cả vỡ.
Mặt trận Thanh, Nghệ: chống Toa Đô
Bấy giờ bên Mông Cổ có Đại vương Giảo Kỳ, Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Đường Cổ Đới, Chính Hắc Đích từ Chiêm Thành tiến quân ra phủ Bố Chính184, đánh phía sau quân ta.
Để giữ mạn Nghệ An, ta có Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải185, đóng quân chống địch.
Còn mặt Thanh Hóa thì do Chương Hiến hầu Trần Kiện186 đem bọn Lê Tắc cùng vài vạn quân chống giữ. Nhưng đến mồng một tháng hai năm Ất Dậu (1285) bọn Trần Kiện, Lê Tắc đem cả gia quyến và quân bản bộ xuống hàng giặc.
Mồng hai tháng hai ấy, quân ta bị Giảo Kỳ phá vỡ ở bến kinh Vệ Bố187 sau khi kỵ binh Mông Cổ lội được qua kinh; tướng ta là Đinh Xa và Nguyễn Tất Dũng đều tử trận.
Mồng ba tháng hai ấy, đạo quân của vua Trần ở Đại Hoàng giang188 bị Thoát Hoan đánh phá. Bọn Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên189 và Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng đem cả nhà xuống hàng Thoát Hoan.
Mồng sáu tháng hai ấy, đạo quân của Thái sư Trần Quang Khải bị Giảo Kỳ thống suất bọn Trần Kiện đánh phá ở bến đò Phú Tân (có lẽ thuộc miền Thanh Hóa): bên ta, nghìn người bị giặc chém đầu190!.
Để nới cho nạn nước khỏi gấp quá, vua Trần Nhân Tôn sai Trung Hiến hầu Trần Dương đi thương thuyết xin hòa; rồi sai quan hầu cận Đào Kiên đưa quốc muội là An Tư công chúa191 cho Thoát Hoan.
Mông Cổ sai Thiên hộ họ Ngải (không rõ tên) đến nói: “Đã xin hòa thì chính nhà vua sao không tự đến thương nghị?” nhưng vua Trần không nghe: một vì biết rõ mưu gian của địch, hai là việc nói xin hòa chỉ là một kế hoãn binh.
Mồng một, tháng ba, năm Ất Dậu (1285), hai vua Trần phải bỏ thuyền, đi bộ đến Thủy Chú192, rồi đáp thuyền ra cửa Nam Triệu, vượt biển Đại Bàng193 đi vào Thanh Hóa.
Mồng chín tháng ba ấy, hai vua Trần bị bọn Giảo Kỳ và Đường Cổ Đới đem chu sư ra biển, bổ vây ở cửa Tam Trĩ194, suýt bị giặc bắt được. Hai vua bèn ngầm lén sang một chiếc thuyền nhỏ, do tướng Nguyễn Cường hộ vệ, chạy trốn về phía nguồn Tam Trĩ; đồng thời sai bơi ngự thuyền ra miền Ngọc Sơn195 để đánh lừa giặc. Giặc bắt được vàng, lụa và nam, nữ của ta.
Ngày rằm tháng ba ấy, bọn Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc196 cùng lũ Phạm Cự Địa, Lê Diễm và Trịnh Long đều dắt gia quyến đi hàng giặc.
Toa Đô lại vào Thanh Hóa, chiêu dụ mọi kẻ theo giặc. Thế là từ tháng chạp năm Giáp Thân (1284) đến tháng ba năm Ất Dậu (1285), ta bỏ kinh đô Thăng Long, bỏ các trọng trấn, thường thường rút lui để bảo toàn lấy quân chủ lực, đợi dịp phản công.
Khắc phục Thăng Long
Khoảng cuối tháng tư, năm Ất Dậu (1285), Thượng tướng Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và em Lạp là Nguyễn Truyền đem dân quân các lộ đánh bại giặc ở Thăng Long và Chương Dương197... Giặc thua vỡ liểng xiểng. Bọn Thoát Hoan và A Thích phải chạy khỏi sông Cái (An Nam chí lược và Toàn thư chép là sông Lô, Cương mục chép là sông Phú Lương).
Bọn Giảo Kỳ rút sau. Bị quân ta đánh, chúng đặt phục binh ở trong cung thành Thăng Long mà bắn nỏ (mồng năm tháng năm, Ất Dậu, 1285), mới rút thoát được khỏi sông Cái hội quân với Thoát Hoan.
Kinh thành lại khắc phục được. Việc này mãi đến mồng mười tháng năm (Ất Dậu, 1285) mới do một người từ nơi giặc trốn được về ngự doanh, báo tin cho vua Trần Nhân Tôn và Thượng hoàng Thánh Tôn biết198. Mồng 6 tháng năm, năm Ất Dậu (1285), Thoát Hoan cùng bộ hạ tìm đường để trốn về.
Trận Tây Kết: chém Toa Đô
Bấy giờ quân Toa Đô đóng cách xa quân Thoát Hoan hàng hơn hai trăm dặm. Khi Thoát Hoan trốn khỏi sông Cái (sử cũ chép là sông Lô), bọn Toa Đô và Ô Mã Nhi hãy còn chưa biết.
Trước đó, Toa Đô từ Chiêm Thành kéo ra, hội với quân Mông Cổ ở châu Ô, châu Lý199: dọc đường, cướp phá suốt từ Ô, Lý đến Hoan (Nghệ), Ái (Thanh), rồi tiến đóng Tây Kết200, hẹn ba tháng sẽ san phẳng nước ta.
Vua Trần bàn với quần thần rằng: “Quân giặc hàng năm đi xa muôn dặm, lịu địu những đồ tri trọng: thế tất mỏi mệt. Bây giờ ta lấy sức thong thả mà đối địch với đằng nhọc nhằn, trước hãy làm bạt cái khí của chúng đi, thì thế nào cũng phá được giặc” (Toàn thư, quyển 5, tờ 48a)201.
Tháng tư, năm Ất Dậu (1285), Chiêu Thành vương (chưa rõ tên), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đã được lệnh, đem quân tinh nhuệ đón đánh giặc ở đầu bến Tây Kết.
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và quân các đạo giao chiến với giặc Toa Đô ở Hàm Tử quan, cả phá được giặc. Trong quân Trần Nhật Duật có gia tướng là Triệu Trung, nguyên là người Tống, ai cũng đi tòng chinh và lập được nhiều chiến công.
Sau trận thua vỡ ở Hàm Tử quan, Toa Đô cạn lương, phải rút ra đóng ở cửa biển Thiên Trường để lấy lương thực.
Mồng ba tháng năm, năm Ất Dậu (1285), hai vua Trần đánh bại giặc ở phủ Trường Yên, chém giặc vô số.
Ngày mười bảy tháng năm ấy, Toa Đô và Ô Mã Nhi, không biết Thoát Hoan đã chạy, bèn từ biển lại vào đánh mạn sông Thiên Mạc202, chực hội binh ở thành Thăng Long để cứu giúp lẫn nhau.
Ngày hai mươi tháng năm ấy, hai vua Trần tiến đóng bến Đại Mang. Tổng quân Mông Cổ là Trương Hiển203 xuống hàng.
Ngày ấy (hai mươi, tháng năm) đánh bại giặc ở Tây Kết: giết được và làm chúng bị thương rất nhiều; chém đầu Nguyên súy giặc là Toa Đô204.
Nửa đêm hôm ấy, Ô Mã Nhi trốn đến cửa sông Thanh Hóa. Hai vua Trần rượt theo, không đuổi kịp bọn Ô Mã Nhi, chỉ bắt được dư đảng chúng hơn năm vạn người. Ô Mã Nhi và Vạn hộ Lưu Khuê tất tưởi chỉ kịp lén bơi một chiếc thuyền nhẹ, vượt biển trốn thoát. Thấy thủ cấp Toa Đô, vua Trần Nhân Tôn bùi ngùi than cảm. Rồi ngài cởi áo ngự, sai hữu tư (quan lại) khâm liệm đem chôn; nhưng ngầm lấy đầu Toa Đô, tẩm dầu đem bêu để răn kẻ khác. Đó vì Toa Đô phạm tội giả vờ mượn đường đi đánh Chiêm Thành để vào lấn cướp nước ta. (Toàn thư, quyển 5, tờ 49b-50a).
Trừ gian: giết Trần Kiện
Sau khi hàng giặc, bọn Trần Kiện và Lê Tắc được Thoát Hoan khen thưởng, sai Minh Lý Bích Ban làm bạn đường, định đưa bọn Kiện về Yên Kinh (nay là Bắc Bình).
Khi đến Lạng Giang, chúng bị thổ hào bên ta là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đón đánh ở trại Ma Lục.
Bữa tới Chi Lăng, quân đánh càng gấp. Giặc và bọn Kiện đang đêm cũng phải gượng gạo chống cự. Khi hỗn chiến, gia nô đức Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô bắt giết được tên Kiện ở trên mình ngựa. Tắc vác thây Kiện, nhảy lên ngựa, nhân ban đêm, chạy trốn. Chạy được vài mươi dặm, đến Khưu Ôn205. Tắc chôn vùi xác Kiện ở đấy. Bọn thuộc lại của Kiện bị giết đến gần một nửa206.
Dân quân tự động đánh giặc
Dụ binh của Mông Cổ đến huyện Phù Ninh207. Phụ đạo tử208 huyện ấy là Hà Đặc tự động đem dân quân đi đánh giặc.
Hà Đặc lên Trĩ Sơn cố giữ. Giặc đóng đồn ở động Cự Đà. Đặc đem cót bó thành hình người to lớn, lấy áo khoác cho. Tối đến, đưa ra đưa vào, làm như người thật. Lại dùi cây lớn, cắm tên to vào thân cây, khiến giặc ngờ là sức khỏe bắn mạnh được đến thế.
Quả nhiên, giặc sợ, không dám đánh với Hà Đặc. Quân ta bèn hăng hái tấn công, phá được quân giặc. Đặc đuổi đến A Lạp209, bắc cầu phao, vượt qua sông: say sưa đánh mãi, rồi chết tại trận.
Em Đặc là Hà Chương bị giặc bắt được, ngầm lấy được cờ xí và quần áo của giặc, trốn về, đem dâng vua Trần; xin dùng cờ và đồ mặc của địch trà trộn lọt vào trại quân Nguyên. Giặc không ngờ là quân ta, ta bèn đại phá được giặc.
Trận Vạn Kiếp: giết Lý Hằng, Lý Quán
Bấy giờ giặc luôn thua trận, lại gặp tiết hè, khi nắng dữ, lúc hay mưa, quân Mông Cổ tử thương nhiều lắm. Thoát Hoan bèn quyết kế rút về.
Biết rõ được giặc sắp rút lui, đức Trần Hưng Đạo cho đặt sẵn quân phục để đón đánh.
Quân Nguyên kéo đến sông Vạn Kiếp, chưa kịp qua đò, thì quân phục của ta nổi dậy. Chúng vỡ trận, chết đuối rất nhiều. Lý Hằng đi đoạn hậu, cố hộ vệ Thoát Hoan để chạy về châu Tư Minh (Quảng Tây). Quân ta dùng tên thuốc độc bắn Hằng trúng vào đầu gối bên tả: Hằng chết. Còn bên ta thiệt mất một tướng là Trần Thiệu210.
Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt năm vạn tàn quân, giấu Thoát Hoan vào trong một thứ đồ đồng, trốn về Tư Minh.
Hưng Vũ vương Hiến đuổi theo, dùng tên thuốc độc bắn chết được Lý Quán. Giặc Mông Cổ đổ bể tan tành, chết đến quá nửa. Chúng cố liều chết, mới phò Thoát Hoan chạy được thoát.
Mồng sáu tháng sáu năm Ất Dậu (1285), hai vị anh hùng hoàng đế nhà Trần trở về kinh đô Thăng Long. Trần Quang Khải có thơ rằng:
Đoạt sóc Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực:
Vạn cổ cựu giang sơn211.
Dịch nghĩa:
Ở bến Chương Dương, cướp được giáo giặc,
Ở cửa Hàm Tử, bắt được tướng Mông Cổ (ví Mông Cổ như rợ Hồ).
Nay đã thái bình, ta nên gắng sức thêm,
Thì muôn đời vẫn giữ được non sông nguyên lành như cũ.
Chương Tám: Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ ba (1287-1288)
Bàn chước chống giặc
Được tin giặc Nguyên định sang xâm lược lần nữa, vua Trần Nhân Tôn (1279-1293), tháng sáu, năm Bính Tuất (1286), có hỏi đức Trần Hưng Đạo rằng: “Thế giặc năm nay ra sao?”. Ngài thưa: “Nước ta thái bình đã lâu, dân không biết đến việc binh. Vì thế, năm trước, người Nguyên vào lấn cướp, hoặc có kẻ xuống hàng, hoặc có người trốn tránh! May nhờ oai linh của tổ tông và thần võ của bệ hạ, quét sạch được bụi trần. Nếu chúng nay lại kéo sang khi quân sĩ ta đã quen việc đánh trận, mà quân địch phần thì ngại đi xa, phần thì chột vì trận bại vong của Lý Hằng và Lý Quán trước (Ất Dậu, 1285), chắc không có chí chiến đấu nữa đâu. Cứ như tôi xem ra, tất thế nào cũng phá vỡ được giặc”.
Hưng Đạo vương bèn đốc suất hết các vương hầu tông thất điều bát quân lính, chế tạo khí giới và chiến thuyền.
Tháng mười năm ấy (Bính Tuất, 1286), điểm duyệt và huấn luyện binh lính đã điều động. Mông Cổ khởi binh báo thù
Năm Đinh Hợi (1287), Mông Cổ lại dấy quân để báo thù trận thua trước, nhưng lót miệng bằng việc đưa Trần Ích Tắc, một tên phản quốc, giặc phong làm An Nam quốc vương, về nước ta.
Bọn Bình chương Áo Lỗ Xích đem Mông Cổ quân, Hán quân và Vân Nam binh213 ở ba tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quang, cùng Lê binh214 ở bốn châu Nhai, Quỳnh, Đam, Vạn215 luôn với Hải đạo vận lương Vạn hộ Trương Văn Hổ, tất cả ba mươi vạn quân216 đều chịu Thoát Hoan tiết chế.
Mồng ba, tháng chín, quân giặc khởi hành từ tỉnh Ngạc (Hồ Bắc).
Ngày 28 tháng mười, quân Nguyên đến Lai Tân, chia ra từng đạo:
Tham chính Ô Mã Nhi coi quản một vạn tám nghìn (18.000) người; lũ Ô Vị, Trương Ngọc và Lưu Khuê thống suất vài vạn quân, năm trăm thuyền chiến, bảy mươi thuyền vận tải, từ Khâm châu217 tiến phát.
Ngày 11 tháng một, chu sư giặc Nguyên tiến trước khi chúng qua cửa Vạn Ninh, tướng ta là Nhân Đức hầu Trần Da218, đặt quân phục ở Lãng Sơn219, chực đánh chẹn phía sau giặc. Chúng biết trước, ngay đêm ấy, bổ quân vây núi, đến tảng sáng, quân ta bị đánh lui: bên ta vài trăm người chết đuối; vài chục thuyền bị bắt!
Ô Mã Nhi thừa thắng, ruổi đi trước, không đoái đến lương thuyền ở sau, thành thử lương thuyền của giặc mới bị hãm220.
Quân Mông Cổ xâm vào nội địa bên ta
Ngày 13 tháng một năm Đinh Hợi (1287), quân bộ Mông Cổ đến Lộc Châu, chia ra từng đạo: Hữu thừa Trình Bằng Phi221 và Tham chính Xách La Đáp Nhi do ải Chi Lăng kéo xuống. Thoát Hoan do ải Khả Lợi tràn vào; Hữu thừa A Bát Xích làm tiên phong, cùng tiến.
Hữu thừa Ái Lỗ cũng từ Vân Nam tiến quân đến Tam Đại giang, đánh nhau với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, bắt được hai tướng ta là Hà Ưởng và Lê Thạch (theo An Nam chí lược, quyển 4, tờ 3b).
Ngày 24 tháng một ấy, ta sai cấm quân giữ cửa Linh Kinh. Hưng Đức hầu Quán đem binh đón đánh giặc. Bắn tên thuốc độc; giặc chết và bị thương rất nhiều! Mông Cổ phải lui đóng ở cửa Vũ Cao.
Ngày hai mươi tám tháng ấy, Phán thủ Thượng vị Nhân Đức hầu Tuyền đem chu sư đánh giặc ở eo biển Da Mỗ: giặc chết đuối nhiều lắm. Nhân Đức hầu Tuyền bắt được bốn mươi tên giặc cùng với thuyền, ngựa và khí giới của chúng, đem cả dâng lên vua Trần (Toàn thư, quyển 5, tờ 52a-b).
Mồng ba tháng chạp ấy, quân bộ Mông Cổ mới đến Tứ thập nguyên.
Thoát Hoan thấy lương bị hãm, bèn sai Ô Mã Nhi đốc thúc quân lính cướp bóc lương hướng của ta để dùng trong quân.
Ngày mười sáu tháng chạp, Minh tự Nguyễn Thức, đem Thánh dực Dũng nghĩa quân tới chỗ đức Trần Hưng Đạo, giữ cửa biển Đại Than222.
Ngày hai mươi ba tháng chạp ấy, Thoát Hoan lại chia quân tiến đánh. Chu sư của Tham chính Phàn Tiếp theo Thoát Hoan đến Bắc Giang223.
Quân ta ngăn sông, chống giữ, nhưng không cản được giặc. Chu sư Mông Cổ vào được sông Cái (sử chép là sông Lô): vua Trần thua quân.
Đánh bật được bọn phản quốc Lê Tắc!
Bấy giờ bọn phản quốc Lê Tắc cũng theo giặc Mông Cổ sang lấn cướp, nhưng vì còn lưu lại ở châu Tư Minh224, nên mới đi sau.
Lê Tắc đưa đường cho bọn Sảnh đô sự Hầu Sư Đạt cùng lũ Vạn hộ họ Đạt, Thiên hộ họ Tiêu, đem năm ngàn quân, từ châu Tư Minh lục tục tiến. Ngày hai mươi tám, tháng chạp, năm Đinh Hợi (1287), chúng phá ải Nội Bàng225, tiến chiếm sông Bằng226: ngoảnh lưng về phía nước mà bày trận.
Quân ta đánh suốt ngày đêm: nhà cửa cháy, tên thuốc độc bắn như mưa... Giặc kiệt sức, đến canh năm thì tan vỡ: Hầu Sư Đạt chết trận. Vài ngàn tên giặc lạc đường, đều bị vây hãm.
Thông thuộc đường lối, Lê Tắc hướng dẫn bọn Vạn hộ họ Đạt, Thiên hộ họ Tiêu, Thiêm sự Nguyễn Lĩnh và Thủ phán Lê Yến. Hắn cắp con trai của tên phản quốc Trần Ích Tắc là Trần Dục, chín tuổi, ngồi trên mình ngựa. Bấy giờ còn có hơn sáu chục tên kỵ binh, bọn Tắc liều chết cố đánh để chạy về nước Bắc.
Lê Yến cưỡi con ngựa yếu, phải tụt lại sau cùng, suýt bị quân ta bắt sống. Tắc liền đổi cho Yến con ngựa khỏe mà Tắc đang cưỡi, rồi ra roi vút ngựa Yến, ruổi vụt lên trên. Phía trước lại bị quân ta hai mặt giáp công: chúng phải nheo nhóc chật vật, suýt chết hàng muôn lần, một ngày phải chạy đến vài trăm dặm, đi từ nửa đêm đến mờ sáng, mới quay về được đến ải Châu Chiêu(?) là đất nhà Nguyên.
Trận cửa Đại Bàng: bắt ba trăm thuyền địch
Ngày hai mươi chín, tháng chạp, năm Đinh Hợi (1287), Thoát Hoan qua sông Cái (sử chép là sông Lô). A Bát Xích theo dọc bờ phía đông sông Cái phá cửa ải Hàm Tử.
Vua Trần lui giữ ải Hải Thị: bị đại binh bên Nguyên đánh phá được.
Ngày 30 tháng chạp, giặc Mông Cổ cả thủy lẫn lục cùng tiến. Quân ta chống không lại. Thoát Hoan sai Hữu thừa Trình Bằng Phi, Tả thừa A Lý và Lưu Giang đem hai vạn quân đánh Vạn Kiếp: chúng đắp rào lũy bằng cây, gỗ ở hai núi Phả Lại và Chí Linh, rồi chia quân chiếm đóng và chứa lương cho đủ. Hai làng Bàng Hà và Ba Điểm đều hàng giặc. Thoát Hoan lại sai Ô Mã Nhi và A Bát Xích hợp binh lại, qua sông Cái, phạm kinh thành Thăng Long (theo An Nam chí lược, quyển 4, tờ 3b-4a; Toàn thư, quyển 5, tờ 52b; Cương mục, quyển 8, tờ 3a).
Mồng bốn, tháng giêng, năm Mậu Tý (1288), Thoát Hoan quay về đồn cũ ở Bắc Giang (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh).
Ô Mã Nhi đánh phá phủ Long Hưng227, khai quật cả Chiêu Lăng là mộ vua Trần Thái, nhưng không xâm phạm đến tử cung228 (Toàn thư, quyển 5, tờ 55a).
Rồi do đường biển, Mã Nhi đi đón lương thuyền Trương Văn Hổ.
Mồng tám, tháng giêng ấy, bên ta hội quân, đánh giặc ở cửa Đại Bàng: bắt được tiễu thuyền229 địch ba trăm chiếc, chém được mười thủ cấp địch. Giặc Mông Cổ chết đuối nhiều.
Trận Vân Đồn: Đánh đắm lương thuyền Trương Văn Hổ
Bấy giờ Trần Khánh Dư làm phó tướng ở Vân Đồn, được đức Hưng Đạo vương ủy thác hết cả mọi việc biên cảnh.
Khi ấy, Ô Mã Nhi đem chu sư ra cửa Đại Bàng đón đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ vận tải, Khánh Dư giao chiến với Ô Mã Nhi, không thắng lợi, suýt bị xiềng đến chỗ Thượng hoàng Thánh Tôn đóng để chịu lỗi.
Khánh Dư tính trước: thuyền giặc đã đi khỏi, thì thuyền lương tất đến sau; bèn thu nhặt tàn quân để đợi giặc. Liền đó, thuyền Văn Hổ quả đến thật (Ngày mười một, tháng giêng, năm Mậu Tý, 1288), Khánh Dư đón đánh230, được đại thắng. Đến cửa Lục231, thuyền giặc Mông Cổ mắc cạn, không đi được, bị quân ta đánh, lương gạo đều đắm cả xuống biển. Ta bắt được quân lương, khí giới rất nhiều. Văn Hổ lén bơi một chiếc thuyền côi, chạy thoát, trốn về Quỳnh Châu thuộc tỉnh Quảng Đông232.
Khánh Dư ruổi thư báo tin thắng trận. Thượng hoàng Thánh Tôn xá cho tội thua trận trước.
“Giặc Nguyên chỉ trông cậy vào lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được cả rồi, nếu chúng chưa biết tin ấy, hoặc giả còn lăng xăng nhảy nhót chăng”. Nói thế rồi, Thượng hoàng Thánh Tôn sai thả những phu tù đã bắt được ra cho chúng đến dinh trại quân Nguyên mà báo tin.
Bởi trận thất bại ở cửa Lục ấy, giặc Nguyên thiếu ăn, ngày càng quẫn bách, ai nấy chán nản muốn về, không có tinh thần chiến đấu nữa. Cho nên năm Mậu Tý ấy (1288), trăm họ bên ta không bị đau khổ lắm bằng chuyến giặc Nguyên sang lấn cướp hồi năm Ất Dậu (1285)233.
Giặc cạn lương: tinh thần nao núng
Mồng hai, tháng hai, năm Mậu Tý (1288), vua Trần sai người anh con nhà bác (tụng huynh) là Hưng Ninh vương Trần Cao luôn đến trại Thoát Hoan ước hẹn xin hàng: cố ý “kéo dài”, làm cho quân Nguyên phải già yếu, kiệt sức, nhưng đêm đến, lại sai quân cảm tử đổ ra đánh cướp các dinh trại giặc. (Theo An Nam chí lược, quyển 4).
Thoát Hoan nổi giận, sai Vạn hộ Giải Chấn đốt thành Thăng Long234: cung điện đều cháy rụi. Cho nên đến khi yên hàn, hai vua Trần trở về kinh đô (27, tháng ba, Mậu Tí, 1288), bấy giờ đã là tháng tư năm Mậu Tý (1288), vậy mà chính Thượng hoàng Thánh Tôn hãy còn phải ở tạm tại Thị vệ lang (Toàn thư, quyển 5, tờ 55a).
Sau trận cửa Lục, lương thuyền bị đánh đắm, giặc Mông Cổ từ đấy đã thiếu ăn, lại bị quân ta đêm đêm đột kích: đánh trại, cướp đồn, nên chúng sa vào tình cảnh rất khốn quẫn! Chúng thường phải chia đường đi cướp lương thực. Thần nỗ Tổng quan là Giải Nhược Ngu dâng kế bàn với Thoát Hoan rằng: nên rút quân về, chứ không giữ được.
Thoát Hoan cũng nói: “Đất thì nóng nực, nước thì ẩm thấp, lương thì thiếu, quân thì mệt!”. Hắn bèn hạ lệnh rút quân.
Tướng hiệu trong thủy quân bàn với Thoát Hoan: “Thuyền lương hai lần chở vào đều bị hãm cả. Chi bằng phá hủy thuyền đi, theo đường bộ mà về, là chước cao hơn hết”. Thoát Hoan toan nghe, nhưng tả hữu can ngăn, mới không theo kế ấy nữa.
Tổng phản công
Hưng Đạo vương biết trước rằng giặc Mông Cổ thế nào cũng sắp rút lui, bèn họp tập tán binh được ba mươi vạn235, bố trí cả mặt thủy lẫn mặt bộ để phản công giặc.
Mặt bộ, ngài sai đào các hố đánh bẫy ngựa, đặt quân phục kích, quân truy kích và phá cầu cống những lối quân giặc định rút.
Mặt thủy, ngài sai đóng cọc ở sông Bạch Đằng, trên phủ bè cỏ che kín để chờ đợi giặc.
Mồng ba, tháng ba, Hữu thừa Trình Bằng Phi, Thiêm sảnh Đạt Mộc thống suất quân kỵ, đi đón chu sư Mông Cổ. Qua chợ Đông Hồ nghẽn nước, chúng lại quay về. Chẳng dè cầu cống cũ đều bị quân ta phá hủy cắt đứt, đang chờ để đón đánh giặc.
Hữu thừa Trình Bằng Phi bèn lựa lấy quân cứng mạnh, hộ vệ Thoát Hoan chạy trốn. Khi đến ải Nội Bàng236, chúng bị quân ta họp lại đông nghịt, đánh chặn đường. Vạn hộ Trương Quân, với ba nghìn lính, cố sống cố chết liều đánh, mới chạy thoát được ra khỏi cửa ải. Khi chúng do thám thấy nói quân ta chia giữ ải Nữ Nhi237 và núi Khưu Cấp238 đằng giang đến hơn trăm dặm để chẹn đường về, chúng càng vô cùng sợ hãi, vừa đánh vừa chạy. Quân ta từ trên cao, bắn tên thuốc độc, khiến cho các tướng địch là Trương Ngọc và A Bát Xích đều chết tại trận. Tướng sĩ bên Nguyên phải buộc vết thương, gượng gạo chống cự: xác chết ngổn ngang chồng gối lên nhau!239.
Còn bên ta tướng Phạm Trù và tướng Nguyễn Kỵ đều bị giặc bắt và chém chết (An Nam chí lược, quyển 4, tờ 4b).
Thoát Hoan nghe nói quân ta đào hố đánh bẫy ngựa và đóng giữ cửa ải Nữ Nhi240, bèn sai viên Châu mục châu Tư Minh là Hoàng Kiên dẫn đi đường tắt chạy đến Lộc Châu241, rồi trốn về Tư Minh bảo Áo Lỗ Xích thu thập tàn quân, nheo nhóc kéo nhau về Trung Quốc242.
Trận Bạch Đằng: bắt Ô Mã Nhi
Mồng bảy, tháng ba năm Mậu Tý (1288), chu sư Mông Cổ rút đến Chúc Động; quân ta đổ ra công kích, bị tướng giặc Lưu Khuê đánh lùi: bắt được của ta hai mươi chiếc thuyền.
Mồng tám tháng ba ấy, Ô Mã Nhi đến sông Bạch Đằng.
Hưng Đạo vương nhân lúc triều lên, thả thuyền khiêu chiến, rồi giả cách thua chạy. Giặc tung hết quân ra đuổi theo...
Bấy giờ con nước rút xuống mau chóng. Quân ta trổ sức đánh giặc. Thấy thế nguy cấp, chính Ô Mã Nhi phải cầm đầu toán lương binh, ra nghênh chiến.
Tướng quân Nguyễn Khoái quản lĩnh Thánh dực Nghĩa dũng quân, thúc quân đánh hăng, cả phá được giặc243.
Ngay lúc ấy, hai vua Trần lại đem đại binh đến tung quân ngự doanh ra đánh rất kịch liệt. Ô Mã Nhi phải thu nhặt những thuyền còn sót để chạy trốn.
Thuyền giặc mắc cọc, đều chìm đắm cả: Quân Nguyên chết vô kể. Nước sông đỏ ngàu. Ta bắt được hơn bốn trăm thuyền địch. Nội minh tự244 Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ
Ngọc245 đem dâng Thượng hoàng Trần Thánh Tôn. Ngài sai dẫn đến thuyền ngự, cho cùng ngồi, ôn tồn nói chuyện, niềm nở rót rượu mời uống246.
Ngày mười bảy tháng ba, năm Mậu Tý (1288), ta sai đem bọn tướng giặc Tích Lệ Cơ Ngọc, Nguyên súy Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Tham chính Phàn Tiếp, Nguyên súy họ Điền (không rõ tên) và Vạn hộ, Thiên hộ đến dâng ở Chiêu Lăng247 làm lễ hiến tiệp248.
Giết Ô Mã Nhi
Tháng hai, năm Kỷ Sửu, niên hiệu Trùng Hưng thứ năm (1289), ta cho Tòng nghĩa lang Nguyễn Thịnh đưa bọn phu tù nhà Nguyên về nước:
Tích Lê Cơ Ngọc được về trước. Phàn Tiếp phải bệnh, chết, được hỏa táng, rồi cấp ngựa cho vợ cả, vợ lẽ hắn đem nắm tro tàn của hắn về. Các Đầu mục trong quân Nguyên cũng đều được cho về cả.
Duy tên Ô Mã Nhi, trong mấy chuyến sang xâm, đốt nhà, cướp của, giết người rất thảm khốc! Chẳng những khai quật Chiêu Lăng là mộ vua Trần Thái Tôn ở Long Hưng (nay ở làng Thái Đường, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình), mà trong khi hành binh khoảng Đinh Hợi – Mậu Tý (1287-1288), hắn lại rắp tâm định hại vua Trần Nhân Tôn đến kỳ cùng. Chứng cớ ấy thấy rõ trong bức quốc thư hồi tháng mười, năm Mậu Tý (1288) vua Trần Nhân Tôn gửi sang cho vua nước Mông Cổ: “Tham chính (chỉ Ô Mã Nhi) nói với người nước bắn tin cho tôi biết rằng ngươi (chỉ vua Trần Nhân) lên trời thì ta (Ô Mã Nhi tự xưng) cũng lên trời, ngươi xuống đất thì ta cũng xuống đất, ngươi trốn xuống nước thì ta cũng lội xuống nước, ngươi trốn lên núi thì ta cũng trèo lên núi. Rồi trăm khoanh hủy nhục, không sao nói xiết!” (Nam sử tập biên, quyển 2, tờ 19b-20a). Vì thế, vua Trần Nhân Tôn vô cùng căm giận, quyết dùng mật kế của Trần Hưng Đạo mà trừ Ô Mã Nhi.
Ta sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn tiễn Ô Mã Nhi về đường thủy, nhưng dùng những tay giỏi bơi lội để làm thủy thủ trong thuyền. Nhân ban đêm, đục thuyền đánh chìm: Ô Mã Nhi chết đuối.
Rồi ta phải gay go giao thiệp mãi với Mông Cổ về cái chết của Ô Mã Nhi.
Tháng ba, năm Kỷ Sửu (1289), vua Trần gửi cho vua Chí Nguyên bên Mông Cổ một bức thư, trong có nói: “... Tham chính Ô Mã Nhi, theo kỳ đã định, đáng lẽ cũng kế tiếp về sau. Ông ta cho rằng đường đi qua lối Vạn Kiếp, nên xin trước hãy đến chơi nhà Hưng Đạo để sửa soạn hành lý. Chẳng may, đêm đến, thuyền rỉ nước. Tham chính, tầm vóc cao lớn lực lưỡng, khó bề cứu vớt, đến nỗi mới phải chết chìm. Người chở thuyền của tiểu quốc (chỉ nước ta, tiếng nói nhún) vì vớt ông ấy, cũng đến phải chết cả! Thê, thiếp, và tiểu đồng của Tham chính cũng suýt chết đuối, may vì mình mẩy bé nhẹ, nên mới cứu được. Tôi (vua Trần tự xưng) đã sai làm lễ hỏa táng, nhờ công đức Phật siêu độ cho ông ta rồi. Việc đó, chính mắt thiên sứ (sứ giả Mông Cổ) là Lang trung Lý Tư Diễn đã chứng kiến. Nếu có điều gì không kính cẩn, thì còn vợ cả, vợ lẽ của Tham chính ở đấy, che đậy thế nào được?...” (Nam sử lược biên, quyển 2, tờ 24a-b).
Về sau, người Nguyên cũng không vặn hỏi về việc này nữa. (Cương mục, quyển 8, tờ 11a-b).
Chương Chín: Từ bài “hịch tướng sĩ” đến sách “Vạn Kiếp tông bí truyền”
Ở mấy chương trước, ta đã thấy rõ võ công của đức Trần Hưng Đạo rồi; đến chương này, xin giới thiệu văn nghiệp của vị đại anh hùng dân tộc ấy. Có điều nên nhớ: văn nghiệp của ngài không phải là lối khoa cử từ chương, miệt mài trong những gọt rũa tiểu xảo, mà là thứ văn dọc đất, ngang trời, kinh bang, tế thế.
Hiện giờ, ngoài những binh thư của ngài đã thất truyền, ta chỉ còn có thể biết văn ngài qua bài hịch dụ các tướng sĩ bằng Hán văn, viết vào hồi kháng chiến Mông Cổ. Vậy nay xin so sánh nguyên văn đã in trong các sách Toàn thư, Cương mục và Hoàng Việt văn tuyển mà dịch nghĩa và chú giải như dưới:
漢文
余嘗聞之紀信以身代死而脫高帝由于以背受戈而蔽昭王豫讓吞炭而復主讐申蒯斷臂而赴國 難敬德一小生也身翼太宗而得免世充之圍杲卿一遠臣也口罵祿山而不從逆賊之計自古忠臣 義士以身殉國何代無之設使數子區區為兒女子之態徒死牖下烏能名垂竹帛與天地相為不朽 哉汝等世為將種不曉文義其聞其說疑信相半古先之事姑置勿論今余以宋韃之事言之王公堅 何人也其裨將阮文立又何人哉以釣魚瑣瑣斗大之城當蒙哥堂堂百萬之鋒使宋之生靈至今受 賜骨䚟兀郎何人也其裨將斤修思又何人也冒瘴厲於萬里之途獗南詔於數旬之頃使韃之君長 至今留名況余與汝等生於擾攘之秋長於艱難之際竊見偽使往來道途旁午掉鴞烏之寸舌而凌 辱朝廷委犬羊之尺軀而倨傲宰輔托忽必烈之令而索玉帛以事無已之誅求假雲南王之號而需 金銀以竭有限之帑庫譬猶以肉投餒虎寧能免遺後患也哉余常臨飱忘食中夜撫枕涕泣交頤心 腹如搗常以食肉寢皮茹肝飲血為恨也雖余之百身高於草野余之千尸裹於馬革亦願為之汝等 久居門下掌握兵權無衣者則衣之以衣無食者則食之以食官卑者則遷其爵祿薄者則給其俸水 行給舟陸行給馬委之以兵則生死同其所為進之在寢則笑語同其所樂其是公堅之為裨兀郎之 為副貳亦未下爾汝等坐視主辱曾不為憂身嘗國恥曾不為愧為邦國之將侍立夷宿而無忿心聽 太常之樂宴饗偽使而無怒色或鬥雞以為樂或賭博以為娛或事田園以養其家或戀妻子以私於 己修生產之業而忘軍國之務肄畋獵之遊而怠攻守之習或甘美酒或嗜淫聲脱有蒙韃之寇來雄 雞之距不足以穿虜甲賭博之術不足以施軍謀田園之富不足以贖千金之軀妻孥之累不足以充 軍國之用生產之多不足以購虜首獵犬之力不足以驅賊眾美酒不足以鴪虜軍淫聲不足以聾虜 耳當此之時我家臣主就縛甚可痛哉不唯余之采邑被削而汝等之俸祿亦為他人之所有不唯余 之家小被驅而汝等之妻孥亦為他人之所虜不惟余之祖宗社稷為他人之所踐侵而汝等之父母 墳墓亦為他人之所發掘不惟余之今生受辱雖百世之下臭名難洗惡謚長存而汝等之家清亦不 免名為敗將矣當此之時汝等雖欲肆其娛樂得乎今余明告汝等當以措火積薪為危當以懲羹吹 虀為戒訓練士卒習爾弓矢使人人逄蒙家家后羿購必烈之頭於闕下朽雲南之肉於杲街不唯余 之采邑永為青氈而汝等之俸祿亦終身之受賜不唯余之家小安床褥而汝等之妻孥亦百年之佳 老不唯余之宗廟萬世享祀而汝等之祖父亦春秋之血食不唯余之今生得志而汝等百世之下芳 名不朽不唯余之美謚永垂而汝等之姓名亦遺芳於青史矣當此之時汝等雖欲不為娛樂得乎今 余歷選諸家兵法為一書名曰兵書要略汝等或能專習是書受余教誨是夙世之臣主也或暴棄是
書違余教誨是夙世之仇讎也何則蒙韃乃不共戴天之讎汝等記恬然不以雪恥為念不以除凶為 心而又不教士卒是倒戈迎降空拳受敵使平虜之後萬世遺羞上有何面目立於天地覆載之間耶 故欲汝等明知余心因筆以檄云
Ta từng nghe nói: Kỷ Tín đem thân chết thay, cứu thoát Hán Cao Tổ249. Do Vu lấy lưng đỡ giáo, che đỡ Sở Chiêu Vương250.
Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ251.
Thân Khoái chặt tay, cứu nạn cho nước.
Kính Đức là một tiểu sinh, đem thân cứu Đường Thái Tôn cho thoát vòng vây Thế Sung252. Kiểu Khanh là một tôi xa, lớn tiếng mắng An Lộc Sơn, không theo mưu chước nghịch tặc253.
Từ xưa những kẻ trung thần nghĩa sĩ vì nước quên mình, đời nào chẳng có? Giá thử mấy gã ấy cứ du dú như tuồng nhi nữ, chết uổng ở xó nhà, thì danh họ đâu có để trên sử xanh, cùng trời đất trường thọ mà bất hủ.
Các ngươi nối đời, làm con nòi nhà tướng, không hiểu văn nghĩa, mới nghe ta nói, hãy còn nửa tin nửa ngờ. Những chuyện ngày xưa ấy không bàn vội. Nay ta hãy nói chuyện đời Tống, đời Nguyên:
Vương Công Kiên254 là người thế nào? Tì tướng của Kiên là Nguyễn Văn Lập255 lại là người thế nào? Vậy mà dám đem cái thành Điếu Ngư256 nhỏ mọn bằng chiếc đấu chống với mũi gươm nhọn bén ngồn ngộn hàng trăm vạn quân của Mông Kha257, khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn nhờ ơn đấy.
Cốt Đãi Ngột Lang258 là người thế nào? Tì tướng của Ngột Lang là Cân Tu Tư259 lại là người thế nào? Vậy mà xông pha lam chướng trên đường muôn dặm trong khoảng vài tuần, đánh quỵ được quân Nam Chiếu260 khiến cho Quân trưởng Thát Đát261 còn để danh tiếng đến giờ.
Huống chi ta với các ngươi sinh ra ở buổi rối ren, lớn lên giữa lúc chật vật, chính mắt trông thấy sứ ngụy qua lại, tới tấp trên đường, uốn tấc lưỡi cú vọ làm nhục triều đình, đem tấm thân chó dê khinh lờn tể phụ! Mượn mệnh lệnh Hốt Tất Liệt262 mà đòi ngọc lụa để làm việc hạch sách không chán; dựa hiệu lệnh Vân Nam vương263 mà vòi vàng bạc để khoét của kho đụn có ngần! Thế khác nào đem thịt ném cho cọp đói, tránh sao khỏi lo về sau?
Ta từng đến bữa quên ăn, ban đêm vỗ gối, nước mắt nước mũi trào ra gò má, lòng đau như rần, thường căm giận rằng “không được”264 nuốt thịt, nằm da, ăn gan, uống máu quân địch. Thân ta dù phải chặt làm trăm mảnh mà dính khắp cả đồng, thây ta dù phải chết đến nghìn lần mà bọc vào da ngựa, ta cũng sẵn lòng, xin làm.
Các ngươi ở môn hạ ta đã lâu, nắm giữ binh quyền: ai không có áo thì cho áo mặc; ai không có ăn thì nuôi cho ăn; quan thấp thì thăng cho tước; lộc bạc thì ban cho bổng; đi thủy thì cấp cho thuyền; đi cạn thì phát cho ngựa; giao cho việc binh thì sống chết có nhau; mời vào trong nhà thì cùng vui cười nói. Như vậy sánh với Công Kiên làm tì tướng, Ngột Lang làm phó nhị, nào có kém đâu?
Các ngươi ngồi nhìn chủ nhục, chẳng hề lấy thế làm lo; chính mình phải “nếm”265 quốc sỉ, chẳng hề lấy thế làm thẹn; làm ông tướng ở nước trung ương266, phải đứng hầu đứa trùm mọi mà không rực lòng căm tức! Nghe khúc nhạc thái thường267 phải đem tấu thết sứ giặc yến ẩm mà không nổi vẻ giận hờn! Hoặc chọi gà mua vui, hoặc cờ bạc lấy thích, hoặc chăm ruộng vườn để nuôi nhà, hoặc quấn quýt vợ con để thỏa tình riêng. Sửa nghiệp sinh sản mà quên việc quân, quốc; ham chơi săn bắn mà chểnh mảng tập tành đánh, giữ; hoặc nghiện rượu ngon; hoặc mê tiếng dâm... Thoắt có giặc Mông Cổ Thát Đát xông đến, thì cựa gà sắc không đủ đá rách được áo giáp giặc; mánh lới cờ bạc không đủ dùng làm mưu chước việc quân; giàu có điền viên không đủ chuộc được tấm thân nghìn vàng; bận bịu vợ con không đủ sung vào công việc quân quốc; sinh sản được nhiều không đủ để mua đầu giặc; rượu ngon không đủ đầu độc quân giặc; tiếng dâm không đủ làm điếc tai giặc!
Đương lúc bấy giờ thày trò nhà ta bị trói, đáng đau đớn lắm thay! Chẳng những thái ấp268 ta bị tước, mà bổng lộc các ngươi cũng bị kẻ khác chiếm mất; chẳng những gia quyến ta bị xua đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt sống; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác chà lấn, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị kẻ khác đào lên; chẳng những ta kiếp này chịu nhục, dẫu trăm đời sau cũng khó rửa sạch tiếng nhơ, còn mãi đến thụy269 xấu; mà gia
thanh nhà các ngươi cũng không tránh khỏi cái tiếng là viên tướng bại trận! Trong khi bấy giờ, các ngươi dẫu muốn buông tuồng vui sướng, phỏng có được không?
Nay ta bảo rõ các ngươi: nên nghĩ đến cơ nguy là dấm lửa chỗ chất củi270, nên răn cái nạn đã trải là bỏng canh một lần thì thổi cả dưa lạnh271, phải rèn dạy quân lính, tập tành cung tên, khiến người này người khác đều là Bàng Mông272 nhà nào nhà nấy đều là Hậu Nghệ273, bêu đầu Hốt Tất Liệt ở dưới cửa khuyết, xả thịt Vân Nam vương ở chốn cảo nhai274, thì chẳng những thái ấp ta giữ được làm chiếc “chiên xanh”275 mãi mãi, mà bổng lộc các ngươi cũng là ơn ban suốt đời được hưởng; chẳng những vợ con ta được yên trên giường đệm, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão; chẳng những tông miếu ta được tế lễ muôn đời, mà ông cha các ngươi cũng được hưởng huyết thực276 trong những kỳ xuân thu cúng tế; chẳng những ta đời nay đắc chí, mà các ngươi trăm năm sau cũng bất hủ, còn mãi tiếng thơm; chẳng những tên thụy ta đẹp mãi đời đời, mà tên họ các ngươi cũng để thơm trên sử sách. Đương lúc bấy giờ, các ngươi dẫu không muốn bày cuộc vui sướng, phỏng có được chăng?
Ta nay đã soạn binh pháp các nhà làm thành cuốn sách, đặt tên là “Binh thư yếu lược”. Các ngươi nếu biết chuyên tập sách này, nghe lời ta dạy thì là thầy trò từ kiếp trước đến giờ: nếu vất bỏ sách này trái lời ta dạy, thì là kẻ thù từ kiếp trước đến đời nay.
Sao vậy? Mông Cổ Thát Đát là quân thù không đội trời chung, các ngươi đã nhơn nhơn không nhớ rửa hờn, không nghĩ trừ dữ, lại không rèn dạy quân lính, thế là giở giáo, đón
giặc, tay không, chịu hàng, khiến sau trận thành Bình Lỗ277 để xấu muôn đời, thì còn mặt mũi nào đứng trong vòng trời che đất chở nữa?
Vậy muốn các ngươi biết rõ lòng ta, nhân cầm bút viết lời hịch.
***
Đức Trần Hưng Đạo lại có thập tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái Cửu cung đồ, gọi là Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Sách ấy nay không còn nữa. Giờ ta chỉ có thể dựa vào lời Tựa của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư như có chép ở sử Toàn thư, quyển 6, tờ 14b-15b mà biết sơ qua nội dung binh thư của Trần Quốc Tuấn.
Tác giả bài Tựa ấy mở đầu bằng mấy câu này: “Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần đánh, người giỏi đánh thì không thua, người biết thua thì không chết...” (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Rồi nhà viết Tựa cho ta biết đến yếu chỉ của sách: “... Quốc công278 ta bèn hiệu đính, biên soạn đồ pháp các nhà, tập thành một bộ. Dẫu rằng mảy chút nào cũng biên chép cả, nhưng khi dùng thì phải bỏ bớt cái phiền, tóm lấy cái thực. Lại ứng dụng theo Ngũ hành279, quyền nghi theo Cửu cung280, phối hợp theo thể cứng mềm, tuần hoàn trong vòng lẻ chẵn, không lẫn lộn âm, dương, thần, sát281, lợi phương282, cát diệu283, hung thần284, ác tướng285, tam cát286, ngũ hung287: thảy đều rõ ràng, phảng phất tinh thần đời Tam đại (Hạ, Thương, Chu). Trăm trận đánh đều được toàn thắng. Cho nên đương thời, phía bắc, làm rung động cả Hung Nô (chỉ Mông Cổ) phía tây, uy phục được Lâm Ấp (tức Chiêm Thành). Ngài bèn trao lại sách này để làm gia truyền, chứ không tiết lộ ra ngoài.
Ngài lại dặn rằng: “Về sau, phàm các con cháu hoặc các bồi thần của ta được cái bí thuật này thì nên coi là minh triết, theo đấy mà dàn thế, bày trận, chứ không nên kháo nhau cho là một áng di văn gàn dở mờ tối. Nếu không nghe lời ta dặn bảo thì chính thân mình sẽ chuốc lỗi, mắc hại, mà cả đến con cháu cũng phải vạ nữa. Đó vì làm lộ thiên cơ”. (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
Nhân bài Tựa của Trần Khánh Dư, ta biết thêm rằng trong đức Trần Hưng Đạo, có võ tất có văn: đã “biết” phải hợp một với “làm”, nên binh pháp ngài đem ứng dùng thì “trăm trận đánh đều được toàn thắng” (bách công toàn thắng) như nhà đề Tựa đã nói đó.
Chương Mười: Nhắc lại những kinh nghiệm đã chiến thắng Mông Cổ
Để thay lời kết luận cả sách, chương này xin nhắc lại đôi chút kinh nghiệm mà đức Trần Hưng Đạo đã để lại trong mấy cuộc kháng chiến Mông Cổ.
Mông Cổ sang lấn cướp, có chuyến đem tới năm mươi vạn quân.
Về bên ta, chuyến nào phải động viên nhiều nhất chỉ đến hơn hai mươi vạn quân là cùng. Nhưng theo lối tổ chức binh bị đương thời, thì “khi hữu sự, hết thảy nhân dân đều là binh lính” (Cương mục, quyển 6, tờ 26b). Chép về mấy chuyến kháng Nguyên, tác giả An Nam chí lược thường dùng những câu như “cả nước đều đón đánh”288 hoặc “suốt nước đều chống giặc”289. Mà Lịch triều hiến chương cũng chép: “Trăm họ đều là quân lính, nên mới phá được giặc to và làm mạnh được thế nước”. (Binh chế chí).
Mông Cổ, trong năm Đinh Hợi (1287), đánh kinh thành Thăng Long, đã dùng đến súng, ngoài những cung nỏ là ngón trội nhất của quân địch.
Còn bên ta, chỉ có thứ tên tẩm thuốc độc là một chiến cụ lợi hại nhất. Thế là, về võ khí, ta cũng kém sút quân địch. Nhưng ta nắm được mấy ưu điểm này:
“Mông Cổ lợi ở trường trận, ta lợi ở đoản binh. Lấy đoản mà chế trường”. (Lời Trần Hưng Đạo).
“Quân giặc hàng năm đi xa muôn dặm, lịu địu những đồ tri trọng, thế tất mệt mỏi. Ta lấy sức thong thả mà chờ đợi đằng nhọc nhằn, trước hãy đánh cho chúng bạt hơi sức đi thì thế nào cũng phá được”. (Lời Trần Nhân Tôn).
Chính đức Trần Hưng Đạo đã nói: “Năm trước, quân Nguyên vào lấn cướp, dân ta chưa biết việc binh, nên mới có kẻ xuống hàng và người lẩn tránh. Nếu chúng lại sang, quân sĩ ta đã quen trận mạc, mà chúng thì nhọc mệt vì phải đi xa, lại chột vì việc Toa Đô, Hằng, Quán đã thua lần trước, không có tinh thần chiến đấu, thì tất thế nào cũng phá được”.
Và ngài đã cầm chắc thắng lợi cuối cùng trong trận kháng Nguyên lần thứ ba, nên mới ung dung nói: “Thế giặc năm nay nhàn!”. Ý nói dễ đánh, không có gì đáng lo ngại.
Đến khi tác chiến, lại khôn khéo áp dụng được những chiến lược và chiến thuật như: Thỉnh thoảng xin hòa để hòa hoãn tình thế.
Giả cách xin hàng để làm kiêu khí quân giặc.
Bỏ kinh đô Thăng Long, lẩn tránh ở các miền rừng núi để bảo toàn lấy quân chủ lực.
Trước khi rút bỏ kinh đô, chỉ để cung không, điện trống với ít giấy tờ không quan trọng, còn thì dọn đi và tiêu hủy hết cả.
Trong dân gian, tuy không thấy sử chép làm chước “thanh dã”290, nhưng năm Mậu Tý (1288), giặc Mông Cổ, sau khi lương thuyền bị đánh đắm ở cửa Lục291, phải đổ đi các ngả để cướp lương thực, rồi phải rút về vì thiếu ăn, thì đủ biết có lẽ bấy giờ thóc gạo trong dân gian, phần thì giấu đi, phần thì tiêu hủy, nên quân giặc mới khó kiếm lương thực đến thế.
Cố ý làm cho quân địch mỏi mòn, chán chối, “muốn đánh cũng không được đánh”292 để đợi thời cơ thuận tiện, bấy giờ mới kịch liệt phản công.
Quân ta, thường lẩn tránh, không giữ chiến tuyến nhất định, nên chuyến Toa Đô từ Chiêm Thành kéo ra Nghệ An, Thanh Hóa, như vào chỗ đất không người. Kịp lúc phản công, bấy giờ ta mới tập trung lực lượng293, tiên phát chế nhân294 nên Toa Đô mới bị rụng đầu ở Tây Kết.
Để tiêu hao lực lượng địch và làm cho tinh thần địch phải xao xuyến, đêm đến, ta thường tung ra những quân cảm tử, đột kích các đồn, các trại giặc Nguyên295.
Trong việc chiến trận, không cứ đời nào và ở đâu, bao giờ cũng phải đặt vấn đề tiếp tế lên trên hết. Đức Trần Hưng Đạo đã nhìn rõ điểm ấy, nên trong cuộc chiến tranh tự vệ lần thứ ba, ta hai phen đánh đắm được lương thuyền của giặc Mông Cổ, vì vậy mới giật được thắng lợi oanh liệt ở trận Bạch Đằng (1288).
Liệu trước Mông Cổ thế nào cũng thất bại, mà mùa viêm nhiệt296 lại là thời kỳ bất lợi cho giặc ngoài, phương lược phản công của Trần Hưng Đạo được sửa soạn, xếp đặt rất chu đáo: Mặt bộ thì lợi dụng những đường hiểm trở ở các quan ải mà đặt phục binh; mặt thủy thì phỏng theo chiến thuật của Ngô Vương Quyền, lợi dụng thủy triều lên xuống ở Bạch Đằng mà đóng cọc sông, lừa đánh giặc.
Ngoài cách tích cực để đánh Mông Cổ, đương thời còn áp dụng được cách tiêu cực nữa:
Một mặt yết bảng khuyên các quận huyện phải liều chết đánh giặc, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh, cấm không được hàng, như một chương trên đã nói; một mặt nghiêm trị những kẻ phản quốc hàng Nguyên để làm gương răn cho kẻ khác.
Sử chép: Tháng chín, năm Nhâm Tuất (1262), lục xét tù đồ: phàm tội nặng hay nhẹ đều được tha cả, chỉ trừ những kẻ hàng giặc khi Mông Cổ sang lấn cướp (Toàn thư, quyển 5, tờ 27b; Cương mục, quyển 7, tờ 5a). Vì vậy, dân gian đương thời mới có những chuyện như dân quân tự động truy kích giặc Nguyên, tướng sĩ trổ sức đánh giết những kẻ phản quốc. Cũng chính vì thế, Trần Kiện mới bị bắn chết ở trại Ma Lục; Lê Tắc mới bị đánh bật khỏi ải Chi Lăng297.
Vả, đương thời còn có những bí quyết để hùng sức quân, mạnh thế nước, đi đến cái đích thành công trong mấy cuộc kháng chiến Mông Cổ, kẻ viết cần phải trình bày thêm nữa.
Đến đây, xin dịch mấy lời đối thoại giữa đức Trần Hưng Đạo và vua Trần Anh Tôn.
Khi Hưng Đạo vương đang nằm bệnh, vua Anh Tôn thân đến nhà riêng thăm ngài và hỏi: “Rủi khi Đại vương khuất núi đi rồi, nếu giặc Bắc lại sang lấn cướp thì tính chước ra sao?”.
Ngài thưa: “Xưa, Triệu Vũ Đế lập quốc, vua Hán cho quân sang đánh, Triệu Vũ bảo dân đốt phá sạch quang đồng nội, không để quân địch cướp bóc được lương thảo, rồi đem đại binh ra châu Liêm, châu Khâm, đánh Trường Sa298, dùng đoản binh úp ở sau: đó là một thời.
Đời Đinh, đời Lê, lựa dùng được người hiền lương: bấy giờ bên Bắc đang mỏi mệt suy yếu, còn bên Nam thì mới mẻ hùng cường, trên dưới đồng đồng một ý, lòng dân không chia lìa, đắp thành Bình Lỗ mà phá quân Tống: đó là một thời thôi.
Nhà Lý mở nghiệp, quân Tống sang xâm lấn đất đai bờ cõi, vua Lý dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, tiến đến tận Mai Lĩnh: đó là có thế làm được.
Trước đây Toa Đô, Ô Mã Nhi, bốn mặt bao vây. Phía ta, vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước cùng họp sức, chúng mới bị bắt: đó là lòng Trời xui nên.
Đại khái kẻ kia cậy trường trận, ta cậy đoản binh: lấy đoản chế trường: đó là lối thường làm của binh pháp. Hễ thấy quân kia tràn đến, ầm ầm như lửa, như gió, thì cái thế ấy dễ trị. Nếu nó dùng chước như tằm ăn dần, ung dung, thủng thẳng, không vụ của dân, không cần mau thắng, thì ta phải lựa dùng lương tướng, xem tình hình mà liệu quyền biến như đánh cờ vậy. Nhưng phải tùy từng lúc mà liệu chiêu, cốt có hạng quân sĩ thân tín như tình cha con thì mới dùng được. Vả, phải nới lỏng sức dân để làm cái chước rễ sâu gốc vững. Đó là phương sách giữ nước hay hơn cả” (Toàn thư, quyển 6, tờ 8b-9b; Cương mục, quyển 8, tờ 31a-32a).
Nhân những lời ngài đáp vua Trần Anh Tôn trên đây, ta nhận thấy:
Về việc dụng binh, ngài như một tay cao cờ tùy cơ ứng biến, nhìn xa, trông rộng, chứ không khư khư theo một đường lối. Nhưng cái chìa khóa để mở cửa “Khải hoàn” là, trong chỗ hàng ngũ, tướng với quân, thương yêu nhau, thân tín nhau, như tình cha con ruột thịt.
Về thuật giữ nước, ngài lấy dân làm căn bản: “dân là quý”, “dân là gốc nước”. Đối với cái gốc ấy, phải trồng cho sâu, vun cho vững, chứ không nên nhũng nhiễu dân, bóc lột dân, sưu cao, thuế nặng, chính lệnh phiền hà, để làm hao của dân, kiệt sức dân. Vì vậy ngài mới căn dặn vua Trần Anh Tôn phải “khoan dân lực”.
Sau mấy cuộc chiến thắng Mông Cổ, đức Trần Hưng Đạo chẳng những nâng Việt Nam lên địa vị “hùng cường” ở trong “thiên hạ”299 đương thời, mà chính uy danh ngài cũng lừng lẫy ra nước ngoài và tràn ngập cả người ngoài nữa:
1. Trong Nguyên sử chỗ nào cũng chép là “Hưng Đạo vương” để tỏ ý kính trọng.
2. Một bạn Hoa Kiều, ngụ ở Hải Dương, tên là Mã Tân Thắng, hồi năm Kỷ Mão đời Tự Đức (1848-1883), có cung tiến vào đền Kiếp Bạc một bức hoành đề bốn chữ “Đức uy viễn sướng”300 để giải lòng hâm mộ ngài.
3. Dân gian ở Quảng Tây từ trước đến giờ thường hay dọa trẻ quấy khóc bằng bốn tiếng “Hính tàu tài voòng”301. Nhiều khi họ lại còn viết bốn chữ ấy vào giấy đỏ dán ở đầu giường trẻ nằm để trấn át cho trẻ khỏi khóc đêm nữa302.
4. Người ta còn nói: khoảng năm 1945, một nhà báo Nhật qua chơi Việt Nam, đi thăm đền kiếp, nhân đôi câu đối đề ở cột trụ trước cửa đền, tả núi Vạn Kiếp đầy những “khí kiếm” và nước Lục Đầu đều là “tiếng thu”303, có cảm xúc viết một bài thơ bằng Hán văn để tỏ ý ngưỡng mộ đức Trần Hưng Đạo:
Thanh kỳ biệt hữu thử giang sơn,
Sản xuất anh hùng biểu thế gian.
“Kiếm khí” do kinh Hồ lỗ phách,
“Thu thanh” túc sái, thủy sàn sàn...304
Dịch nghĩa:
Ở đây, riêng có cảnh núi sông thanh kỳ này,
Chung đúc nên trang anh hùng làm tiêu biểu cho thế gian.
Cái hơi thanh kiếm của ngài đủ làm cho giặc Mông Cổ phải kinh hồn, mất vía! Tiếng mùa thu rin rít lạnh lùng, nước Lục Đầu ào ào dào dạt...
Sách báo tham khảo
(Xếp theo thứ tự a, b, c)
An Nam chí lược − Cổ Ái, Đông Sơn, Lê, Tắc − Lạc Thiện đường, Thượng Hải, Giáp Thân (Minh Trị thứ mười bảy).
Đại Nam quốc sử diễn ca − Lê Ngô Cát và Phạm Đinh Sối. Sách nôm trường Bác Cổ. Đại Việt sử ký − Bản đời Cảnh Thịnh (1793-1800).
Đại Việt sử ký toàn thư − Bản đời Lê.
Hoàng Việt thi tuyển − Bùi Huy Bích, sách in trường Bác Cổ.
Hoàng Việt văn tuyển − Bùi Tồn Am, sách in trường Bác Cổ.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục − Quốc sử quán đời Nguyễn. L’ Empire mongol et Tamerlan − Michael Prawdin, Payot, Paris, 1937.
Les Mongols et la Papauté − Paul Pelliot, sách in trường Bác Cổ.
Lịch triều hiến chương loại chí, Binh chế chí, Quan chức chí, Quốc dụng chí, Nhân vật chí − Phan Huy Chú, sách viết trường Bác Cổ.
Nam sử tập biên − Sách viết trường Bác Cổ.
Nguyên sử, quyển 209, sách in trường Bác Cổ.
Nguyên sử tân biên, quyển 95, sách in trường Bác Cổ.
Ngự chế Việt sử tổng vịnh − Tự Đức đời Nguyễn.
Quốc sử tiểu học lược biên − Phạm Huy Hổ, Đinh Mùi (1907), sách viết trường Bác Cổ. Trần đại vương chầu văn - Sách nôm trường Bác Cổ.
Trần gia điển tích thống biên − Sách viết trường Bác Cổ.
Trần Hưng Đạo vương cựu tích − Sách viết trường Bác Cổ.
Trần triều thế phả hành trạng − Sách viết trường Bác Cổ.
Chú Thích
1. Người Mông Cổ đến năm Tân Mùi (năm 1271) niên hiệu Thiệu Long thứ 14 đời vua Trần Thánh Tôn (1258-1278) thì đổi quốc hiệu làm Đại Nguyên. Còn Thát Đát vốn là tên gọi biệt bộ giống Mạt Hạt; sau bèn là tên gọi Mông Cổ (đời Trần ta, quân sĩ thích hai chữ “sát Thát” nghĩa là giết rợ Thát Đát). Đến khi nhà Nguyên mất (1367), tông giống Mông Cổ chạy về Mạc Bắc, bỏ quốc hiệu Nguyên, xưng là Thát Đát. Vì vậy, sách này tùy tiện, hoặc gọi Mông Cổ
hoặc gọi Nguyên, đều là một cả.
* Trần Thánh Tôn (1258-1278): Đây là thời gian tại vị. (BT)
* Tất cả chú thích đề BT trong sách này là của người biên tập.
2. Thời gian tại vị. (BT)
3. Tuy có mấy sách chép ngày sinh của ngài, nhưng thiết tưởng không đủ căn cứ.
Cuốn Trần triều thế phả hành trạng (sách viết trường Bác Cổ, số A 663, tờ 22a) chép ngài sinh ngày mồng mười, tháng chạp, năm Nhâm Tý, niên hiệu Nguyên Phong thứ hai. Thế tức là năm 1252. Nếu ngài sinh vào năm ấy, mà đến năm Đinh Tỵ (1257), Nguyên Phong thứ bảy, theo sử Toàn thư (quyển 5 tờ 22a) thì ngài đã làm Tiết chế, coi quản hết các tướng trong các quân thủy, bộ chống giữ biên giới, chẳng hóa ra bấy giờ ngài mới lên 5 tuổi mà đã làm Tiết chế như một vị Tổng Tư lệnh thủy lục quân ngày nay ư?
Trong cuốn Hưng Đạo đại vương của Lam Sơn (xuất bản năm 1946) dựa tài liệu trong Đào khê dã sử cũng chép ngài “sinh ngày 10 tháng chạp (không chép năm ta mà chỉ chua 1228) thọ 72 tuổi”.
Nay xét ngày ngài sinh ấy nếu không có xuất xứ từ chính sử thì đều là do người sau ước đoán cả.
4. Thời gian tại vị. (BT)
5. Sau bà được truy tôn là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu.
6. Sau bà được sắc phong là Trang chính từ thục nghi phạm trinh thuận u nhàn trinh nhất. 7. Một nhánh thuộc sông Thái Bình ở giáp giới hai tỉnh Kiến An và Thái Bình. 8. Thời gian tại vị. (BT)
9. Nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.
* Một số địa danh phân định ranh giới hành chính (huyện, tỉnh...) được tác giả cước chú trong sách này nay đã đổi khác. Việc khảo cứu cho rõ ràng xin được hoàn thiện trong lần xuất bản sau. (BT)
10. Xưa ta nói “thiên hạ” là theo nghĩa hẹp, tức cũng như nay nói “nước” hoặc “quốc gia”.
11. Tướng của Hưng Đạo vương, ngoài mấy người có tên trong sử như Dã Tượng, Yết Kiêu và Nguyễn Địa Lô, còn có những tướng này mà chính sử không thấy chép: Cao Mang, Đại Hành, Hùng Thắng, Nghĩa Xuyên, Tào Bân, Huyền Du… (theo Trần triều thế phả hành trạng và Trần gia điển tích thống biên).
12. Ngoại xâm. (BT)
13. Thượng tướng cũng như Thủ tướng ngày nay.
14. Nay là Kiếp Bạc ở Lục Đầu giang thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương. 15. Chỉ đức Trần Quốc Tuấn.
16. Nguyên sử, An Nam chí lược và Toàn thư… đều in “mộc bằng chữ xuân” (椿). Có nhiều sách, báo quốc ngữ chép là Sài Thung, vì “Xuân” (椿) và “Thung” (樁) mặt chữ gần giống nhau.
17. Nay là huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình.
18. Toàn thư, quyển 6, tờ 10b-11a chép là “hoàn khí”(環器), có lẽ sử thần muốn nói là cái chĩnh hay cái vại chăng? Sách Trần gia tự điển thống biên, tờ 84b chép là táng vào một thứ đồ bằng đồng.
19. Ở phần rừng, ấp An Sinh, thuộc huyện Đông Triều, Hải Dương.
20. Trong sử Toàn thư quyển 6, tờ 10b-11a chép là “thả yêu tốc hủ” (旦要速朽).
21. Sử cũ giải thích về việc ngài di chúc ấy: “Chừng vì từ khi thống lĩnh quân đội phòng ngữ ở Lạng Giang, giặc Nguyên hai lần sang xâm, đều bị đánh bại, nên ngài lo rằng sau này hoặc gia có nạn bị giặc khai quật mồ mả lên chăng”. Toàn thư quyển 6, tờ 10b-11a.
22. Năm 1245 nhằm năm Ất Tỵ. Trong sách này, đôi chỗ tác giả có sự nhầm lẫn về niên can, niên chi, chúng tôi xin cước chú thêm. (BT)
23. Năm 1247 nhằm năm Đinh Mùi. (BT)
24. Các quân này đều là Túc vệ binh, gồm quân Thiên thuộc, quân Thánh dực và quân Thần sách. Số bốn (Tứ thiên, Tứ Thánh, Tứ thần), chắc là mỗi quân chia làm bốn vệ, nên mới gọi là “tứ” nhưng sử cũ không chép rõ.
25. Thiên Trường (nay là phủ Xuân Trường, Nam Định) là quê nhà Trần, nên lấy binh Thiên Trường và các lộ xung quanh làm quân Túc vệ.
26. Nguyên văn chữ Hán chép là: “Kỳ dư sung Cấm vệ, Cấm binh tam đẳng sung trạo nhi đoàn đội” (其餘充禁衛禁兵三等充掉兒團隊).
27. Nguyên văn trong An Nam chí lược chép là: “Hựu quyền tiệp tuấn giả nhị, chưởng tập vũ nghệ” (又權捷俊者二掌習武藝).
28. Nghĩa là bốn đô và một lang ấy đều có tả và hữu. Ví dụ: Tả Thánh dực đô, Hữu Thánh dực đô…
29. 會稽舊事,君須記;驩,演猶存十萬兵。Hoan, Diễn tức Hoan châu và Diễn châu nay là Nghệ An.
30. Đinh Mùi. (BT)
31. Chế độ này còn thi hành đến mãi năm Mậu Ngọ (1378) đời Trần Phế Đế (1377-1388). Đơn binh ở các lộ đời đời phải đi lính, không được làm quan (Toàn thư, quyển 8, tờ 2a b; Cương mục, quyển 10, tờ 44b).
* Trần Phế Đế (1377-1388): Đây là thời gian tại vị. (BT)
32. Tức là đảo “De la table”, một hòn đảo hình dài, hướng đông bắc – tây nam, lớn và ở ngoài hơn hết đám quần đảo (gần Hòn Gai) trong vịnh Bắc Bộ. (Xem bản đồ ở cuối sách).
33. Thứ nón đan bằng nan dương (thanh bì trúc), do làng Ma Lôi ở Hồng Lộ (nay là Hải Dương) chế tạo, nên mới gọi theo tên làng ấy. Nhưng vì lâu ngày, tên riêng của nón đã chuyển thành tên chung, nên chữ “nón ma lôi” không phải viết hoa.
34. Hồi Minh thuộc đổi làm huyện Chí Linh. Nay thuộc tỉnh Hải Dương. 35. Nay thuộc Lạng Sơn.
36. Đời Lê đổi làm huyện Phượng Nhãn (hoặc Phượng Nhỡn), nay thuộc tỉnh Bắc Giang. 37. Kho bạc nhà nước. (BT)
38. Đời Trần đặt làng Tức Mặc (quê các vua Trần, nay thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định) làm làng Thiên Thuộc; phàm binh lính tuyển ở làng ấy thì gọi là “Thiên thuộc quân”.
39. Nguyên văn trong Toàn thư, quyển 5, tờ 41a chép: “Khủng khí lực nỗi dã” (恐氣力餒也) 40. Nguyên văn trong Cương mục, quyển 7, tờ 23b chép: “Vũ dũng lực dã” (務勇力也) 41. Biết sơ qua, không sâu. (BT)
42. Nhà thiện xạ ở Trung Hoa xưa.
43. Nhà thiện xạ ở Trung Hoa xưa.
44. Xin coi toàn văn bài Hịch qua bản dịch ở chương chín.
45. Căn cứ vào lời Đỗ Khắc Chung nói: “Do lòng trung phẫn, họ tự thích chữ đấy thôi”. (Toàn thư, quyển 5, tờ 46b).
46. Giết rợ Thát Đát, tức là Mông Cổ.
47. Bến Đông sông Cái nay là Hồng Hà ở địa phận huyện Thượng Phúc (Hà Đông). 48. Toàn thư, quyển 5, tờ 45b-46b; Cương mục, quyển 7, tờ 33a-34b.
49. Tức là Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hoa, Hoàng Giang và Diễn Châu. Lộ ở đời Trần cũng như thừa tuyên ở đời Lê và tỉnh ở đời Nguyễn.
50. Như Tân Bình, Nghệ An, Thái Nguyên và Lạng Giang.
51. Như trại Quy Hóa, trại An Bang...
52. Cương mục giải nghĩa “sách” là “thôn”, e chưa được đúng. Tưởng phải nên nói: “sách là làng mọi tức là những làng trình độ hãy còn chưa tiến hóa”.
53. “Hoành” là hạng người phải tội đồ, bị liệt làm nô lệ.
54. Ba xã này thuộc huyện Đông Triều, Hải Dương.
55. Tên một trại, thuộc huyện Yên Hưng, Quảng Yên.
56. Nay là Bàn Than thuộc huyện Quế Dương (giáp Lục Đầu) tỉnh Bắc Ninh.
57. Nguyên văn: Giai viết: “Chiến!” Vạn nhân đồng từ, như xuất nhất khẩu (皆曰: “戰”萬人同 許,如出一口).
58. Toàn thư chép là: “Mễ tam thăng trị tiền nhất cưỡng”. Cương mục chép là: “Mễ nhất thăng trị tiền nhất cưỡng”. Đây theo Toàn thư – Mỗi thưng là 316 tấc khối, ăn 10,354688 công thăng.
59. Người trưởng họ trong tông thất.
60. An Nam chí lược chỉ chép như thế, chứ không cắt nghĩa. Vậy nay tưởng nên giải thích cho rõ: Đó là một việc ngụ ý khuyến nông. Nhân tiết lập xuân, bắt đầu ấm áp, có thể khởi sự canh nông, cho nên quốc quân cử một người trong họ đứng thay má, dùng roi hối trâu cày ruộng. Làm lễ xong thì dự tiệc ăn mừng.
61. Năm 1244 nhằm năm Giáp Thìn. (BT)
62. Nguyên văn chép là “tiến tân” (dâng của mới).
63. Nguyên văn là “bộ liệp”.
64. Người bị hình phạt giam cầm nhiều năm. (BT)
65. Hạng nô lệ (hoành) phải làm ruộng “cảo điền”.
66. Đơn vị đong lường ngày xưa. Nguyên văn là “thăng” (升). “Thăng” của Trung Hoa xưa: 10 hợp là 1 thăng. Mỗi thăng bằng 316 tấc khối, tức là 10,354688 công thăng. Theo An Nam chí lược thì lối đong lường của ta xưa cũng như của Trung Hoa, vậy có thể nói: “thưng” ta với “thăng” tàu là một.
67. Câu này rất khó hiểu. Tra Từ nguyên thì “lương” có nghĩa là “thuế ruộng, thuế đất”; “thuế” theo Hán thư có nghĩa là thuê một phần mười về ruộng công và thuế do những hạng công (thợ), thương (buôn bán), ngu (quan coi nút và chầm), hành (quan coi rừng núi) góp vào. Vậy ý chừng câu trong An Nam chí lược ấy muốn nói: nông không phải đóng thuế ruộng, thương không phải góp thuế buôn bán.
68. Có lẽ tức là thứ tiền “thân dịch” như An Nam chí lược đã chép.
69. Năm 1248 nhằm năm Mậu Thân. (BT)
70. Trần Phế Đế. (BT)
71. Đời Trần, mỗi quan 10 tiền, mỗi tiền 70 hoặc 69 đồng kẽm.
72. Quyên góp để làm việc thiện. (BT)
73. Có điều nên nhớ: đời Trần tuy có công nghiệp sinh hoạt rồi, nhưng người thợ bấy giờ chỉ là hạng người làm việc thủ công theo lối công nghệ gia đình, chứ không giống như công nhân là hạng thợ thuyền bán sức lao động ngày nay.
74. Bấy giờ gọi “mẫu” là “diện”; mỗi “diện” tức một “mẫu”.
75. Phạm tội trộm, cướp.
76. Nguyên văn: “nhất thường cửu phần” (一償九分).
77. Nguyên văn “Cùng dân bất cấp giả hứa điển thục ư nhân” (窮民不給者許典贖於人). 78. Phiêu bạt. (BT)
79. Đời Trần Thuận Tôn mới đặt phép hạn chế ruộng, chỉ trừ đại vương và trưởng công chúa thì ruộng không phải hạn chế, còn thứ dân thì ruộng không được quá 10 mẫu.
80. Thời gian tại vị. (BT)
81. Đời Lê gọi là đài “khán xuân”.
82. Theo lịch thì Hàn thực vào hai ngày trước tiết Thanh minh. Tục ta thường ăn tết Hàn thực vào ngày mồng ba tháng ba.
83. Thụy Bà là chị vua Trần Thái và là cô đức Hưng Đạo. Trong An Nam chí lược, có chỗ cũng nói đến một công chúa hồi đầu Trần tên là Thụy Tư. Có lẽ cùng là một người mà mỗi sách in một khác, vì chữ “bà” (婆) và chữ “tư” (姿) gần giống nhau.
84. Coi bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo.
85. Coi phần “Phong tục” trong An Nam chí lược.
86. Toàn thư, quyển 5, tờ 7a; Cương mục, quyển 6, tờ 11b.
87. Nay thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
88. An Nam chí lược, quyển 1, tờ 12a.
89. An Nam chí lược, quyển 1, tờ 11a.
90. Cùng họ. (BT)
91. Căn cứ vào lời của sử thần Ngô Sĩ Liên (người thế kỷ mười lăm) bàn ở sử Toàn thư, quyển 5, tờ 18a: “... Không với người khác họ mà với người cùng họ, kết hôn nhân: chỉ có nhà Trần làm thế...” (Dịch theo nguyên văn chữ Hán).
92. Người huyện Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương.
93. Toàn thư, quyển 5, tờ 41 chép về việc này rằng: bấy giờ có cá sấu đến sông Lộ. Vua (Trần Nhân Tôn) sai Hình bộ Thượng thư Nguyễn Thuyên làm văn ném vào trong sông: cá sấu tự rời đi. Vua cho việc đó giống chuyện Hàn Dũ (đời Đường) bèn cho đổi họ làm họ Hàn. Thuyên lại giỏi phú thi quốc ngữ (nôm). Nước ta phú thi hay dùng quốc ngữ thực bắt đầu từ đấy.
94. Đến đời Trần Anh Tôn (1293-1314) có Thiên chương Học sĩ Nguyễn Sĩ Cố cũng giỏi thơ phú nôm.
* Trần Anh Tôn (1293-1314): Đây là thời gian tại vị. (BT)
95. Nguyên văn câu này: “... Hoặc dụng thổ ngữ vi thi phú, nhạc phả, tiện ư ca ngâm”. Đó vì tác giả An Nam chí lược, tuy là người Việt nhưng khi viết sách ấy, lại tự đứng vào địa vị như một người Mông Cổ mà viết, nên mới gọi tiếng ta là “thổ ngữ” (土 語).
96. Trong An Nam chí lược chép Trần Tấn “thường tác Việt chí” và “Lê Hưu” (không có chữ “văn” đệm giữa) “tu Việt chí”. Như vậy rất có thể là cùng một bộ Đại Việt sử ký mà Trần Tấn
là người làm trước (tác), còn Lê Văn Hưu là người sửa lại (tu). Về vấn đề này, xin coi thêm bài Nước ta có sử từ đời nào của Hoa Bằng, đăng Tri Tân số 6, trang 2.
97. Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. (BT)
98. Giáp thứ nhất, giáp thứ ba.
99. Việc giảng này đến đời Trần Anh Tôn vẫn cứ tiến hành. Sử chép: năm Hưng Long thứ 14 (1306), Nguyễn Sĩ Cố do chức Thiên chương Học sĩ làm việc giảng Ngũ kinh.
100. Xưa dùng tiếng “tú tài” có nghĩa như là kẻ sĩ, tức là chỉ về hạng người nho sĩ và thầy thuốc,...
101. Nguyên văn có chép trong Nguyên sử, quyển 209. Sẽ dẫn và dịch ở chương năm.
102. Xin đơn cử một việc như: tháng giêng, năm Mậu Thìn (1268), vua Trần Thánh Tôn bảo các vương hầu trong họ tông thất, tan chầu, vào trong điện nội và nhà Lan đình, cùng nhau ăn uống, có khi tối đến, không về được thì đặt gối dài, chăn rộng, liên giường ngủ chung để tỏ tình hữu ái. Đó là thực hành lời ngài thường nói cùng các anh em bà con trong họ: “... Chỗ đồng bào máu mủ, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui” (Toàn thư, quyển 5, tờ 31b).
103. Tuy cũng có một vài tên phản quốc như Trần Ích Tắc và Trần Kiện, nhưng đó là con số rất nhỏ.
104. Điều nhận thức được sau một quá trình. (BT)
105. Giác ngộ người khác, tế độ người khác.
106. Phần lớn sử liệu ghi 618-907. (BT)
107. Có sách chép là A Loa Đài và chua là Agôtai.
108. Có sách chép là: “Koubilai”.
109. Triều Tiên. (BT)
110. Nga. (BT)
111. Tiếng Mông Cổ, có ý nghĩa là những kẻ “được nhờ ân sủng của Thiên tử”.
112. Quân các vệ như năm vệ: Tả, Hữu, Trung, Tiền, Hậu và Đường Ngột vệ, Quý Xích vệ, Vũ vệ Tả hữu đô úy vệ...
113, 2. Trận Bạch Đằng năm Mậu Tý (1288), ta bắt được nhiều tướng Mông Cổ trong có Vạn hộ, Thiên hộ, tức là hạng võ quan cao cấp cầm đầu quân đội trong Vạn hộ phủ ở lộ hoặc trong Thiên hộ sở ở huyện bên Nguyên đấy.
1143. “Quân Mông Cổ” (danh từ quân sự) là quân trong bản tộc Mông Cổ, quân thám mã xích là quân trong các bộ tộc. Thám mã xích nghĩa là quân trấn thú.
1154. Sau khi diệt được Kim, Mông Cổ tuyển người bắc bộ Trung Quốc làm lính, gọi là Hán quân; sau khi diệt được Tống, lại tuyển những người nam bộ Trung Quốc làm lính, gọi là tân phụ quân.
116. Tức là Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai).
117. Toàn thư, chép là “năm mươi vạn quân”.
118. Theo Tân biên cao trung bản quốc sử, quyển giữa, trang 139.
119. Coi Les Mongots et la Papauté của Paul Pelliot, chương nhất, trang 4. 120. Sẽ trình bày ở chương “Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ nhất”.
121. Tức năm Đinh Tỵ (1257).
122. Hai sứ giả này đều bị ta giam giữ ở trong ngục, đến khi thả ra thì một người chết.
123. Xưa dùng tiếng “tú tài” có nghĩa như là kẻ sĩ, tức chỉ những hạng nho sĩ, thầy thuốc,... nói trên.
124. Tức là “Đạt lỗ Hoa xích”. Tiếng Mông Cổ, mà đời Thanh dịch lại, nghĩa là Quan trưởng Mông Cổ. Theo chế độ nhà Nguyên thì các cấp hành chính và quân sự, trên từ lộ, dưới đến huyện, ở các hành sảnh, đều dùng người Mông Cổ làm “Đạt lỗ Hoa xích” hoặc gọi “Đạt lỗ Cát tề”.
125. Tháng một ở đây chỉ tháng 11 âm lịch. (BT)
126. Chỉ triều đình Mông Cổ.
127. Chỉ triều đình Mông Cổ.
128. Tháng chạp, năm Canh Thân (1260), Mông Cổ đưa chiếu thư sang bảo ta: Đối với quan liêu, sĩ, thứ trong nước, phàm mũ áo, điển lễ, phong tục, nhất nhất cứ để y theo pháp chế có sẵn của Bản quốc.
129. Tức năm Quý Hợi (1263) đời Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt.
130. Chỉ viên đứng đầu Trung thư sảnh bên Mông Cổ.
131. Chỉ nước Mông Cổ.
132. Chỉ vua Mông Cổ.
133. Có sách phiên âm lầm là Sài Thung.
134. Tức là những khoản đòi Quốc vương phải sang chầu và con em nhà vua phải sang làm con tin,... như trên đã nói.
135. Chỉ vua Trần Thái Tôn.
136. Bọn Trịnh Quốc Toản và một người họ Phạm tước Minh tự sang sứ Mông Cổ từ năm Kỷ Mão (1279).
137. Có lẽ là sảnh Bình Chương như dinh thủ tướng ngày nay.
138. Chỉ cuộc Mông Cổ sang xâm lần thứ nhất (Đinh Tỵ, 1257).
139. Chỉ vua Trần Thái Tôn.
140. Sẽ trình bày ở chương “Cuộc chiến thắng Mông Cổ lần thứ hai”.
141. Do Sứ bộ Trung lượng Đại phu Trần Đức Quân và Tản lang Trần Tự Tông đem quốc thư sang.
142. Xem bản đồ số 1 ở cuối sách.
143. Nay là huyện Ung Ninh, tỉnh Quảng Tây.
144. Nay là huyện Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.
145. Nay là tỉnh Hồ Bắc.
146. Khúc sông Cái (nay gọi Hồng Hà) từ mạn Lào Cai xuống Ngã Ba Hạc gọi là sông Thao. 147. Không rõ ở đâu bây giờ.
148. Trong An Nam chí lược chép là Lê Tần. Có lẽ Tần là tên cũ, sau được vua Trần khen thưởng vì có công lớn trong cuộc kháng chiến Mông Cổ lần thứ nhất này, nên Tần được đổi tên là Phụ Trần, lấy nghĩa rằng họ Lê giúp nhà Trần chăng?
149. Sử cũ chép là sông Phú Lương. Thế là nhận nhầm sông Hồng Hà làm sông Phú Lương, tức sông Cầu, ở địa phận huyện Phúc Lương, tỉnh Thái Nguyên.
150. Trong An Nam chí lược chỗ thì in là “Kỳ Trích”, chỗ thì in là “Cụ Trích”, vì chữ “kỳ” và chữ “cụ” gần giống nhau.
151. Bến Đông (Đông Tân) sông Cái ở địa phận huyện Thượng Phúc (Hà Đông). 152. Cũng gọi Thiên Mạc, tức là khúc sông Cái bên bãi Màn Trù thuộc tỉnh Hưng Yên. 153. Tức như chức Kinh doãn đời sau.
154. Theo Nguyên sử. quyển 209, tờ 5b.
155. Có lẽ trói bằng thứ thừng bện bằng lạt tre?
156. Cũng theo Nguyên sử.
157. Nay thuộc Hưng Hóa, Phú Thọ.
158. Xem bản đồ số 2 ở cuối sách.
159. Nay thuộc làng Bàn Than, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh.
160. Nay là Vân Hải thuộc tỉnh Quảng Yên, tức là hòn đảo “De La Table” (xem bản đồ). 161. Một nhánh sông Thái Bình (xem bản đồ).
162. Bến Đông (Đông Tân) sông Cái nay gọi là Hồng Hà thuộc địa phận huyện Thượng Phúc (Hà Đông).
163. Chẳng hạn các cửa ải ở miền Lạng Sơn và mạn Thanh, Nghệ...
164. Bấy giờ được vua Mông Cổ phong làm Trấn Nam vương.
165. Đây dựa tài liệu trong An Nam chí lược, nhưng chưa rõ là tên một người hay hai người. Đợi khảo sau.
166. Thuộc Lạng Sơn (xem bản đồ).
167. Trong An Nam chí lược chép là Cấp Lĩnh. Thế tức là Khưu Cấp Lĩnh mà sử Cương mục chua là phố Kỳ Lừa thuộc Ôn Châu, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.
168. Cũng đọc là Khả Lị, có sách chép là Khả Ly, thuộc Lạng Sơn.
169. Cũng thuộc Lạng Sơn, trong An Nam chí lược chép là “Anh Nhi”; còn Toàn thư, và Cương mục đều chép là “Nữ Nhi”.
170. Thuộc Lạng Sơn.
171. Việc cử Trần Quang Khải này vào ngày 28 tháng giêng năm Ất Dậu (1285).
172. Nguyên văn: “Phàm quốc nội quận huyện, giả hữu ngoại khấu chí, đương tử chiến, hoặc lực bất dịch, hứa ư sơn trạch đào thoán, bất đắc nghinh hàng”. (Nguyên sử, quyển 209, tờ 5b).
173. Đây theo An Nam chí lược quyển 4, tờ 1b. Còn Toàn thư, quyển 5, tờ 44b chép: ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên xâm phạm các cửa ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng.
174. Theo Nguyên sử, quyển 209, tờ 5.
175. Thuộc miền Quảng Yên ngày nay.
176. Tục gọi là bầu Chi Lăng. Nay thuộc tổng Chi Lăng gần ga Tuần Muội ở châu Ôn, tỉnh Lạng Sơn. An Nam chí lược chép Chi Lăng tức là “Lão thử quan” (nghĩa là cửa chuột già).
177. Đền hồi Minh thuộc đổi làm huyện Chí Linh. Nay thuộc tỉnh Hải Dương. 178. Đến đời Lê đổi làm huyện Phượng Nhãn (hoặc Nhỡn). Nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
179. Đây theo An Nam chí lược. Nay không rõ Bài Than ở vào đâu. Nhưng có lẽ là Bình Than. Vì “Bài” và “Bình” âm gần nhau.
180. Sử Toàn thư, chép là “dục thủy trận”.
181. Nay đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.
182. Khoảng 5-7 giờ sáng.
183. Tức là Thiên Mạc ở bên sông Cái thuộc Hưng Yên. Trong An Nam chí lược chép là “ải Thiên Hán” và chỉ chép tước của Trần Bình Trọng là Bảo Nghĩa hầu chứ không chép tên.
184. Nay là ba huyện Binh Chính, Minh Chính và Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình.
185. Việc cử Trần Quang Khải này vào ngày 28 tháng giêng năm Ất Dậu (1285), tức là sau khi Trần Bình Trọng đã tử quốc được bảy hôm, vậy mà cuốn Việt Nam sử lược, quyển thượng (in lần thứ hai, năm 1928, trang 121), tác giả Trần Trọng Kim chép: “... Sai Thượng tướng Trần Quang Khải đưa binh vào đóng mặt Nghệ An... và Trần Bình Trọng ở lại giữ Thiên Trường...”.
186. Con của Tinh quốc Đại vương Trần Quốc Khang.
187. Thuộc địa phận Thanh Hóa.
188. Khúc sông Cái thuộc huyện Nam Xang tỉnh Hà Nam.
189. Trong An Nam chí lược in là Trần Tú Tuấn.
190. An Nam chí lược chép ngày ấy (mồng sáu tháng hai) Thanh Hóa và Nghệ An đều hàng.
191. Đây theo An Nam chí lược. Còn trong Toàn thư, quyển 5, tờ 47a chép: “sai người (không nói rõ sai ai), đưa công chúa An Tư (em út của Trần Thánh Tôn) cho Thoát Hoan để thư nghị nước”.
192. Không rõ ngày nay ở đâu.
193. Thuộc địa phận xã Đại Bàng, huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương.
194. Thuộc xã Tam Trĩ châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên. An Nam chí lược, quyển 4, tờ 2b in lầm là “Tam Thì”.
195. Thuộc miền biển Thanh Hóa.
196. Con thứ vua Trần Thái Tôn, vẫn ngầm có ý muốn cướp ngôi nên đã từng viết thư bí mật gửi khách buôn ở Vân Đồn “rước” Mông Cổ đem quân sang xâm lược. Sau khi hàng giặc, Tắc được giặc phong An Nam quốc vương. Kịp khi Mông Cổ thua trận, Tắc xấu hổ, chết già ở bên Nguyên.
197. Thuộc xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
198. Việc khắc phục kinh đô này, An Nam chí lược chép vào tháng tư, còn sử Toàn thư, và sử Cương mục đều đặt vào việc ở tháng năm, là vì mãi đến mồng mười tháng năm ấy hai vua Trần mới biết tin.
199. Nay là Thuận Hóa, tức Huế.
200. Xem bản đồ số 2.
201. Đây là lời vua Trần Nhân Tôn, vậy mà trong Việt Nam sử lược, quyển thượng (in lần thứ hai, 1928), tác giả Trần Trọng Kim lại chép là lời tâu của Hưng Đạo vương, và đoạn dưới dịch khác đi rằng: “... Vậy nay nên sai một tướng đem quân ra đón đường mà đánh thì chắc phá được” (trang 123).
202. Khúc sông Cái thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên.
203. An Nam chí lược, quyển 4, tờ 3a chép “Tướng Toa Đô là Lễ Cước Trương làm phản”. Có lẽ Lễ Cước Trương tức là Trương Hiển, mà “làm phản” là chỉ về việc đầu hàng bên ta.
204. Trong trận này ta bắt được cả bọn Tế thần (như Thủ tướng ngày nay) Chiêm Thành là Ba Lậu Kê, Na Liên 30 người vì theo Toa Đô. Đến tháng sáu năm Ất Dậu (1285), ta sai người đưa chúng về nước.
205. Tức là Ôn Châu, thuộc Lạng Sơn. (Xem bản đồ số 2).
206. Theo Toàn thư, quyển 5, tờ 46b-47a; An Nam chí lược, quyển 19, tờ 3a-b. 207. Xưa ở miền thượng du tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Phú Thọ.
208. Như chức Thổ tri châu.
209. Không rõ bây giờ ở vào đâu.
210. Theo Toàn thư, quyển 5 và An Nam chí lược quyển 4.
211. Đây theo đúng nguyên văn in trong sử Toàn thư là bản ra trước hơn cả. Trong Hoàng Việt văn tuyển, quyển 2, tờ 2b, đặt bài thơ này của Trần Quang Khải vào dưới đầu đề là Tòng giá hoàn kinh sư (theo ngự giá về kinh đô), có in khác một chữ “đương” trong câu ba: “Thái bình đương trí lực”. Nếu cần phải dịch cả bài thơ này ra văn vần thì dịch thế này:
Cướp giáo bến Chương Dương,
Bắt Hồ cửa Hàm Tử.
Thái bình, gắng sức lên!
Non nước này muôn thuở..
212. Xem bản đồ số 3 ở cuối sách.
213. Theo binh chế Mông Cổ, thì Mông Cổ quân là quân lính tuyển ở những người trong Mông Cổ tộc; Hán quân là quân lính tuyển ở những người tại Bắc bộ Trung Quốc, sau khi Mông Cổ đã diệt được Kim; Vân Nam binh là những quân lính tuyển ở tỉnh Vân Nam.
214. Quân lính tuyển ở các đông mán như Lê Man động ở Quảng Đông gọi là Lê binh. Binh chế Mông Cổ có đặt 12 cánh (dực) Lê binh.
215. Đều thuộc Quảng Đông.
216. An Nam chí lược quyển 4, tờ 3a chép có mười vạn; sử Toàn thư, chép năm mươi vạn; sử Cương mục theo Nguyên sử chép ba mươi vạn.
217. Là Khâm huyện thuộc tỉnh Quảng Đông.
218. Vạn Ninh nay là Hải Ninh Móng Cái. Trần Da chắc là một tướng trong tông thất nhà Trần, đóng giữ mặt biển. Sử Toàn thư, và sử Khâm định không chép việc Trần Da này. Đây theo An Nam chí lược.
219. Có lẽ là một núi ở gần miền Móng Cái ngày nay.
2201. Đây là chuyến vận lương thứ nhất bị ta đánh đắm. Còn chuyến thứ hai vào ngày 11 tháng giêng, năm Mậu Tý (1288) lương thuyền Trương Văn Hổ bị phó tướng Trần Khánh Dư đánh: đắm ở cửa Lục.
221. An Nam chí lược chép là Trình Bằng; Cương mục chép là Trình Bằng Phi. 222. Thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
223. Sau đổi là Kinh Bắc, nay gồm Bắc Giang và Bắc Ninh.
224. Thuộc tỉnh Quảng Tây.
225. Thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay.
226. Thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng ngày nay. Trong An Nam chí lược, quyển 19, tờ 3b chép là Bình Giang.
227. Nay thuộc huyện Hưng Nhân tỉnh Thái Bình.
228. Quan tài nhà vua làm bằng gỗ tử, gọi là “tử cung” (梓宮).
229. Các tỉnh duyên hải bên Trung Quốc bấy giờ đều có tiễu thuyền để thao luyện thủy binh ra biển, đi tuần, bắt giặc cướp.
230. Trong An Nam chí lược chép: “Trương Văn Hổ thoạt tiên đụng phải quân ta ở cửa An Bang” (thuộc Quảng Yên).
231. Ở phần biển gần Hòn Gai ngày nay. Hán văn trong Toàn thư, và Cương mục chép là “Lục thủy dương”.
232. An Nam chí lược chép: “Thuyền lương bị hãm, Văn Hổ cưỡi một chiếc thuyền côi, chạy về Khâm Châu”. (Là Khâm huyện, thuộc tỉnh Quảng Đông).
233. Đây theo Cương mục, quyển 8, tờ 4a-5b. Còn Toàn thư, quyển 5, tờ 54a-b chép Trương Văn Hổ bị bại vào trận Bạch Đằng, chứ không phải vào trận Vân Đồn: “... Kịp Văn Hổ đến, phụ binh ở hai bên bờ (sông Bạch Đằng) hăng hái đánh: Văn Hổ lại bị thua. Nước thủy triều rút xuống rất gấp. Thuyền lương Trương Văn Hổ mắc vào cọc, đắm chìm gần hết. Người Nguyên chết đuối rất nhiều...” (Quyển 5, tờ 54a-b).
234. Theo An Nam chí lược quyển 4, tờ 4b, thì nhờ có tả hữu can ngăn, Thoát Hoan mới thôi việc đốt thành; nhưng sử Toàn thư, chép Thượng hoàng Thánh Tôn phải ngự ở Thị vệ lang, là vì cung điện giặc đốt cả.
235. Theo Trung Hoa thông sử, trang 125.
236. Thuộc tỉnh Lạng Sơn.
237. Thuộc Lạng Sơn.
238. Đây thuộc Lạng Sơn.
239. Đây theo sử Cương mục, quyển 8, tờ 8a-b. Còn An Nam chí lược chép: Hữu thừa Trình Bằng bèn hỏi dò những bô lão bị chúng bắt được và đang đêm bắt ép phải dẫn chúng dò đường khác chạy trốn. Khi đại quân Mông Cổ ra khỏi ải Nội Bàng quân ta lại đánh chặn, cắt đứt toán sau của giặc. Vạn hộ Đáp Thích Xích và Lưu Thế Anh đánh lại: quân ta phải chạy...
240. Thuộc Lạng Sơn. Trong An Nam chí lược chép là “Anh Nhi”.
241. Xưa thuộc châu Tư Minh bên Trung Quốc. Đến năm 1426 mới thuộc về ta. Đời Lê, gộp cả Lộc Châu với châu Tây Bình, đặt làm châu Lộc Bình. Nay thuộc Lạng Sơn. (Xem bản đồ số 3).
242. Đây theo An Nam chí lược quyển 4, tờ 4b-5a; Cương mục,quyển 8, tờ 9a. Còn Toàn thư, quyển 5, tờ 54b chép Thoát Hoan và A Thai đem quân về Tư Minh, bị thổ quan Hoàng Nghệ bắt được, đem dâng vua Trần.
243. Toàn thư, quyển 5, tờ 54a-b chép Nguyễn Khoái trong trận này, có bắt được Bình chương Mông Cổ Áo Lỗ Xích.
244. Một tước phong đời Trần.
245. Tên một tướng Mông Cổ. Nhiều sách báo quốc ngữ lầm làm hai người. 246. Toàn thư, quyển 5, tờ 54b.
247. Mộ vua Trần Thái Tôn, ở phủ Long Hưng (nay ở làng Thái Đương thuộc huyện Hưng Nhân, Thái Bình, còn mộ vua Trần và đền thờ những bậc vĩ nhân đời Trần).
248. Toàn thư, quyển 5, tờ 54b.
249. Hán Cao Tổ (206-195 TCN) bị Hạng Vũ vây, gấp quá, Tín bèn giả là Hán Cao, thay ra hàng Sở: vì thế, Hán Cao trốn thoát còn Tín bị Hạng Vũ thiêu chết.
250. Sách Tả truyện chép Sở Chiêu vương bị giặc lấy giáo đâm, Do Vu chìa lưng mình ra che đỡ cho Sở Chiêu.
251. Dự Nhượng người nước Tấn, đời Chiến Quốc (481-221 TCN); thờ Trí Bá. Khi Triệu Tương Tử và Hàn Ngụy diệt Trí Bá, Nhượng bèn sơn mình như quỷ, nuốt than làm câm, mưu giết Tương Tử để báo thù cho Trí Bá; nhưng hai lần cùng bị Tương Tử bắt được. Lần trước, được Tương Tử thả ra; lần sau, Nhượng đòi xin cái áo của Tương Tử mà đánh để tỏ ý trả thù cho Trí Bá rồi tự sát.
252. Đường Thái Tôn (627-649) tên là Lý Thế Dân, khi còn làm Tần vương, có đánh nhau với Vương Thế Sung, bị Thế Sung vây khốn, nhờ có Kính Đức cứu giúp mới thoát được vòng vây.
* Đường Thái Tôn (627-649): Đây là thời gian tại vị. (BT)
253. Đời Đường Huyền Tôn (713-755), An Lộc Sơn nổi loạn, Kiểu Khanh giữ lòng trung nghĩa, không chịu theo giặc.
* Đường Huyền Tôn (713-755): Đây là thời gian tại vị. (BT)
254. Người đời Tống.
255. Hoặc Nguyễn Sơn Lập.
256. Tức là thành Hợp Châu, vì thành này ở núi Điếu Ngư, nên mới đặt tên như thế. Nay thuộc phủ Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Khi Mông Kha bên Nguyên xâm nhà Tống, vây thành này, viên Tri châu thành Điếu Ngư bên Tống là Vương Kiên (Nguyên sử chép là Vương Kiên, không có chữ đệm là “Công”), cố sức chống giữ được hàng năm tháng, khiến quân địch không hạ nổi thành. Quân Nguyên phải giải vây, rút về.
257. Tức Mông Ké, vua Mông Cổ, miếu hiệu là Hiến Tôn, anh Hốt Tất Liệt.
258. Tức Wouleangotai mà Nguyên sử chép là Ngột Lương Hợp Thai (hoặc Ngột Lương Cáp Thai). Thông giáp tập lãm chép là Ô Đặc Lý Cáp Đạt.
259. Toàn thư, và Cương mục đều chép là Cân Tu Tư, còn Hoàng Việt văn tuyển in là Xích Tu Tư vì “Cân”(斤) và “Xích”(斥) mặt chữ gần giống nhau.
260. Sau là Đại Lễ, hoặc Đại Lý, nay là Vân Nam.
261. Tức Mông Cổ.
262. Tức Nguyên Thế Tổ.
263. Sau khi lấy được Đại Lý (nay là Vân Nam) Nguyên Thế Tổ bèn phong cho con là Hốt Kha Xích làm Vân Nam vương để cai trị.
264. Theo Cương mục có hai chữ “bất năng”, Toàn thư, không có.
265. Theo Toàn thư, chép là “thường” (嘗). Còn Cương mục và Hoàng Việt văn tuyển đều in là “đương” (當).
266. Đây theo Toàn thư, quyển 6, tờ 11b-14a chép là “trung quốc”, nên dịch là “nước trung ương”. Chừng đức Trần Hưng Đạo, tác giả bài hịch, bấy giờ, muốn nâng cao địa vị quốc gia lên để khích lệ tướng sĩ, nên mới nói nước mình là “trung quốc”, mà mạt sát Mông Cổ là di địch (gọi trùm Mông Cổ là “di tù”). Bùi Tồn Am, khi soạn bộ Hoàng Việt văn tuyển có lẽ không thấu rõ cái thâm ý ấy của đức Trần Hưng Đạo, nên tưởng sử cũ in lầm bèn dám tự
tiện đổi hai chữ “trung quốc” làm “bang quốc”. (Xem Hoàng Việt văn tuyển, quyển 7, tờ 1b 4b).
267. Theo Từ nguyên, thì “thái thường” chỉ có hai nghĩa: cờ thái thường và chức quan đời Hán giữ lễ nghi nơi tôn miếu. Đây nói “nhạc thái thường” có lẽ là một thứ nhạc thờ đời Trần dùng để tế tự nơi tông miếu chăng?
268. Đời phong kiến, phàm đất mà khanh, đại phu được phong để thu lấy thuế má làm bổng lộc, gọi là “thái ấp” hoặc “thực ấp”.
269. Lối xưa, khi ai đã chết, sắp đem chôn, thì người ta xét theo đức tính bình sinh của nấy mà đặt cho tên hiệu để thay cho tên húy. Sau theo chế độ phong kiến, xã hội chia nhiều giai cấp: vua quan mới được gọi là “tên thụy” người thường gọi là “tên hiệu”. Tên thụy xấu như “U vương” (vua Tối tăm) và “Lệ vương” (vua Hung dữ) đời Chu.
270. Nguyên văn là “thổ hỏa tích tân”, chữ trong Hán thư, đem lửa để ở dưới chỗ chứa củi mà nằm lên trên; thấy lửa chưa kịp bốc cháy, đã vội gọi là yên ổn. Ý nói phải lo cái vạ ngấm ngầm.
271. Nguyên văn là “trừng canh suy tê”, chữ trong Sở từ. Ý nói phải kiêng răn quá lắm. 272. Đều là những thiện xạ bên Trung Quốc xưa.
273. Đều là những thiện xạ bên Trung Quốc xưa.
274. Đời Tống, chỗ nhà để cho mán mọi ở. Khi họ vào triều cận gọi là “cảo nhai”.
275. Do điển trong Thế thuyết (Vương Tử Kính đêm nằm trong nhà, có bọn trộm vào nhà, vơ vét hết cả đồ đạc. Vương thủng thẳng bảo: “Chiếc chiên xanh là đồ lâu đời của nhà ta, các anh phải bớt lại đấy”.)
276. Xưa dùng huyết con sinh để cúng tế, nên gọi sự được hưởng cúng tế là “huyết thực”.
277. Theo lời chua trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thì triều Lý có đào sông Bình Lỗ để tiện đi lại ở miền Thái Nguyên. Vậy thành Bình Lỗ chắc ở địa phận Thái Nguyên.
278. Chỉ đức Trần Hưng Đạo.
279. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
280. Cửu cung qui thân là: Thái nhất, Nhiếp đề, Quyền chủ, Chiêu đao, Thiên phù, Thanh long, Hàm trì, Thái âm và Thiên nhất. Nếu tính theo phép lịch, thì Cửu cung gồm chín vì sao này: Thiên bồng, Thiên nhuế, Thiên hành, Thiên phụ, Thiên cầm, Thiên tâm, Thiên trụ, Thiên nhậm và Thiên anh.
281. Giết chết.
282. Phương hướng thuận lợi.
283. Sao lành.
284. Thần dữ.
285. Ông tướng hung ác.
286. Ba điều lành.
287. Năm điều dữ.
288. Nguyên văn: “Cử quốc nghênh địch” (舉國迎敵).
289. Nguyên văn: “Cử quốc cự địch” (舉國拒敵).
290. Dọn sạch đồng nội, không để thóc lúa cho quân địch được lợi.
291. Ở Hòn Gai bây giờ.
292. An Nam chí lược, quyển 13, tờ 4a chép: “Quan quân (chỉ quân Mông Cổ) dục chiến bất đắc”.
293. Chẳng hạn: trận Tây Kết có nhiều đạo quân như quân Trần Nhật Duật, quân Trần Quang Khải, quân Trần Quốc Toản, quân Nguyễn Khoái và quân hai vua Trần cùng đến dự chiến.
294. Làm trước để chế trị người.
295. Theo tài liệu trong An Nam chí lược như trong chương tám đã thuật. 296. Nắng nóng. (BT)
297. Xem thêm “Bảng kê những tên phản quốc, hàng giặc Nguyên” ở cuối sách.
298. Về điểm địa lý này, tác giả Trần Trọng Kim có viết ở Việt Nam văn học sử, quyển thượng (in lần thứ hai, năm 1928) trang 140 rằng: “... Triệu Võ Vương đóng đô ở Phiên Ngung, tức là gần thành Quảng Châu bây giờ, mà châu Khâm, châu Liêm thì ở giáp giới nước ta. Lẽ nào đi đánh Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam mà lại quay trở lại châu Khâm, châu Liêm... Có lẽ rằng Hưng Đạo vương lúc nói chuyện đó tưởng rằng kinh đô của Triệu Võ Vương ở đâu bên nước ta bây giờ, cho nên mới nói như thế chăng”.
299. Cũng như ngày nay gọi là “quốc tế”.
300. (德威遠暢) nghĩa là “công đức và oai danh truyền rộng ra trận nơi xa”. 301. Hưng Đạo đại vương.
302. Theo báo Kiến quốc, số 1, ngày 11, tháng 10, năm 1949.
303. Câu đối ấy thế này: “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí − Lục Đầu vô thủy bất thu thanh”.
304. Với tất cả mọi sự dè dặt, kẻ viết chỉ xin thuật bài thơ của nhà báo Nhật này theo như ông Lam Sơn đã kể lại trong cuốn Hưng Đạo đại vương, trang 11. Lại theo ông Lam Sơn, thì dưới bài thơ này, nhà báo Nhật ấy có viết thêm mấy câu, đại ý: “Cũng hồi thế kỷ mười hai
(có lẽ in lầm hoặc nhớ lầm; thực ra bấy giờ là thế kỷ mười ba, chứ không phải mười hai), hơn hai mươi vạn quân Mông Cổ cũng dầm dộ (rầm rộ) chực kéo sang đánh chiếm nước Nhật, nhưng chưa tới nơi đã bị trận sóng gió gớm ghê, dao (bao) nhiêu chiến thuyền đều bị chìm đắm, quân địch chết đuối gần hết, sống sót trở về không còn được vạn người...” (Về việc nước Nhật gặp cái may này mà thoát vạ Mông Cổ xâm lược, nhiều bộ sử ta và sử Trung Hoa cũng đã nói đến).
"""