" Trăm trận, trăm thắng 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trăm trận, trăm thắng Ebooks Nhóm Zalo TRĂM TRẬN, TRĂM THẮNG By Đông A Sáng Copyring Đông A Sáng Smashwords Edition. QUYỂN MỘT (1- 10) QUYỂN HAI (11-20) QUYỂN BA (21-30) QUYỂN BỐN (31-40) QUYỂN NĂM (41-50) QUYỂN SÁU (51-60) QUYỂN BẢY (61-70) QUYỂN TÁM (71-80) QUYỂN CHÍN (81-90) QUYỂN MƯỜI (91-100) SÁCH THAM KHẢO MỤC LỤC AUTHOR - ĐÔNG A SÁNG QUYỂN MỘT (1-10) 1. KẾ CHIẾN (GIA CÁT LƯỢNG VÀ LONG TRUNG ĐỐI SÁCH) Theo Tam quốc chí, ở lều tranh Long trung, Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị : - Từ khi Đổng Trác phản nghịch đến nay, hào kiệt bốn phương trỗi dậy. Như Tào Tháo thế kém Viên Thiệu là đánh được Thiệu, đó không chì có thiên thời mà cũng có mưu người nữa. Nay Tào Tháo đã cầm được một trăm vạn quân, mượn tiếng Thiên tử để khống chế chư hầu, xem thế không thể tranh giành với hắn được. Tôn Quyền giữ đất Giang Đông đã ba đời, đất đai hiểm trở mà lòng dân lại quy phục, xem thế chỉ dùng Giang Đông giúp ta, chớ không thể thôn tính được. Duy chỉ còn Kinh Châu, phía Bắc có sông Hán, sông Miện, kéo dài đến tận Nam Hải; phía Đông nối liền với Ngô Hội, phía Tây thông vào Ba Thục, chỗ ấy là đất dụng võ, phải có chúa giỏi mới giữ nổi, trời để giành riêng cho tướng quân đó. Tướng quân nghĩ sao ? Lại còn Ích Châu, hình thế hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu nghìn dặm, thực là vựa thóc của trời. Cao tổ ngày xưa cũng do nơi đó mà dựng nên nghiệp đế. Nay Lưu Chương ngu si, hèn yếu, dân nhiều, nước giàu mà không biết trông coi, những người hiền tài đều chỉ mong mỏi được vua sáng mà thờ. Tướng quân đã là dòng dõi nhà vua, tín nghĩa tỏa ra bốn bể, thu nạp anh hùng, mong người hiền như khát nước; nếu tướng quân gộp được châu Kinh, châu Ích, giữ vững nơi hiểm trở, mặt Tây hòa với các tộc, mặt Nam phủ dụ các nước Di, Việt; ngoài thì liên kết với Tôn Quyền, trong thì sửa sang việc chính trị, đợi lúc thiên hạ có biến, sai một thượng tướng đem quân Kinh Châu tiến sang Uyển Lạc, còn tướng quân thì đem quân Ích Châu ra Tần Xuyên, nhất định trăm họ phải đem giỏ cơm bầu nước đến đón tướng quân. Nếu được như thế, nghiệp lớn mới thành, nhà Hán mới phục hưng được. Đó là việc mà Lượng bày tỏ với tướng quân. Tướng quân thử xét xem ! Nói xong, liền sai tiểu đồng đem bản địa đồ treo giữa nhà, rồi chỉ bản đồ và nói với Huyền Đức : - Đây là địa đồ 54 châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành nghiệp bá thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía Bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía Nam, còn tướng quân giữ vững lấy nhân hòa. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy Tứ Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được. Huyền Đức nghe nói, chắp tay lạy tạ rằng : - Lời nói của tiên sinh, mở sáng chỗ tối tăm cho Bị, làm cho Bị này như gạt đám mây đen, trông đến trời xanh. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp, thiên Địa hình, viết : Trước, phải nắm rõ tình hình của địch; tiếp là nghiên cứu phương án tác chiến, khảo sát địa hình, tính toán đường tác chiến xa hay gần … đó là phương pháp chỉ huy tác chiến. 2. Chữ kế, còn gọi là mưu kế, theo nghĩa rộng : Một, liệu địch, xem xét tướng địch hiền ngay ngu, địch mạnh hay yếu, quân ít hay nhiều, lương thực thiếu thốn hay dồi dào ? Hai, tìm cách khống chế địch và thắng địch, tức là đề ra sách lược tác chiến. Sau khi liệu địch, đề ra sách lược tác chiến xong xuôi mới bắt đầu mở chiến dịch tác chiến. Kế chiến, nói chung là liệu địch và tìm cách khống chế địch và thắng địch. 3. Chữ kế theo nghĩa hẹp, ứng dụng vào đọan văn trên là tiên liệu, dự liệu, còn có tên là Long trung đối sách, tóm tắt tám chữ : Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo. 4. Để hình thành kế chiến, Gia Cát Lượng đã tiến hành việc phân tích các bước : Một, phân tích tình hình cuối đời nhà Hán. Hai, phân tích hai thế lực mạnh nhất thời đó là Tào Tháo (thiên thời) và Tôn Quyền (địa lợi). Ba, phân tích địa thế Kinh Châu, Ích châu và người cai trị Ích Châu là Lưu Chương (ngu si, hèn yếu). Bốn, phân tích các điều kiện của Lưu Bị, có 3 điều kiện : Hậu duệ của Hán vương. Nổi tiếng vì tín nghĩa. Biết chiêu mộ anh hùng, hào kiệt. 5. Sau khi đã phân tích địch, bạn và ta, Gia Cát Lượng đã đưa ra sách lược : Một, chiếm Kinh Châu, Ích châu, giữ nơi hiểm yếu. Hai, hòa mục với các dân tộc ít người, vỗ về các nước Di, Việt, thành các nước lân bang. Ba, liên minh với Tôn Quyền. Bốn, sửa sang chính trị, chờ thời cơ. Năm, thời cơ đến thì chia binh làm hai đạo, tiến binh để thống nhất thiên hạ. 6. Kế chiến hoặc Long trung đối sách của Gia Cát Lượng đã giúp Lưu Bị giành được một phần ba thiên hạ thời Tam quốc, nên gọi là kì sách. 2. MƯU CHIẾN (ÁN ANH THẮNG ĐỊCH TRÊN CHIẾU RƯỢU) Án tử Xuân thu kể, thời Xuân thu, Tấn Bình Công muốn đánh nước Tề, liền sai Phạm Chiêu làm sứ giả đến nước Tề, mục đích là dò xét tình hình. Vua nước Tề, là Tề Cảnh công mở tiệc để thết đãi sứ giả Phạm Chiêu. Tiệc nửa chừng, Phạm Chiêu đứng dậy nâng chén rượu, lấy danh nghĩa vua nước Tấn, để mời Tề Cảnh Công. Tề Cảnh công nể sứ thần nước Tấn, định đưa tay cầm lấy chén rượu. Án tử thấy vậy, liền đỡ lấy chén rượu uống, rồi rót một chén rượu khác, mời Phạm Chiêu. Phạm Chiêu giả say, bảo nhạc sư tấu nhạc khúc Thành Chu, cho ông ta nhảy múa. Nhạc sư nói, là ông ta chưa luyện tập khúc nhạc ấy bao giờ, nên không tấu được. Phạm Chiêu tức giận và lấy cớ say, rời tiệc. Ngày hôm sau, Tề Cảnh công lo lắng nói với quần thần : - Nước Tấn là nước lớn, sai sứ giả sang thăm dò tình hình chính trị của nước ta. Hôm qua chúng ta đã làm cho ông ta nổi giận, thật là đáng lo. Án tử tâu : - Phạm Chiêu bưng chén rượu mời đại vương là vô lễ, cố ý làm nhục nước ta, đó là lỗi của ông ta, chứ không phải lỗi tại chúng ta. Nhạc sư cũng tâu : - Thành Chu là nhạc khúc của thiên tử, chỉ có thiên tử mới được nghe và nhảy theo nhạc khúc. Phạm Chiêu chỉ là thần, nên thần không thể tấu khúc nhạc ấy cho ông ta nhãy được. Đó là ông ta vô lễ, không phải chúng ta thất lễ. Tề Cảnh công nghe nói, tạm yên lòng. Phạm Chiêu về đến nước Tấn, tâu với Tấn Bình Công : - Thần cố ý làm nhục vua nước Tề nhưng bị Án tử biết được, không thể làm nhục được. Thần giả bộ mạo phạm lễ pháp, lại bị nhạc sư từ chối, không thi hành được. Xem ra, nước Tề rất nhiều người tài trí, khó mà đánh được. Tấn Bình công nghe xong, bỏ ý định đánh Tề. LẠM BÀN 1. Ngày xưa quy định : Loại chén rượu giành cho vua, có lọai chén giành cho các quan, quan dùng chén rượu của vua hoặc bưng rượu mời vua là vua là vô lễ. Nhạc cũng có nhạc khúc giành cho thiên tử, có nhạc khúc giành cho các vua chư hầu. Vua chư hầu dùng nhạc khúc của thiên tử là thất lễ. Phạm Chiêu giả say, giả tỉnh để thử sự ứng biến của quần thần nước Tề. 2. Tôn tử binh pháp thiên Mưu công, cho rằng, dùng mưu lược, dùng ngoại giao là thượng sách; dùng binh, công thành là hạ sách. Dùng mưu lược, dùng ngoại giao gọi là phạt mưu, phạt giao. Mưu chiến, dùng mưu, là phạt mưu. 3. Khổng tử nghe câu chuyện trên, khen rằng : Không rời khỏi chiếu rượu mà phá vỡ âm mưu của quân địch ngòai ngàn dặm, chỉ có Án tử. 3. GIÁN CHIẾN (GIẾT TƯỚNG ĐỊCH BẰNG CA DAO) Tướng Bắc Chu là Vĩ Thúc Dụ, tự là Hiếu Khoan, trấn thủ ở Ngọc Bích, để chống với Bắc Tề. Ông thường thi ân, bố đức, nên rất được lòng dân và thuộc hạ. Vĩ Thúc Dụ thường sai những người thân tín, sang Bắc Tề để làm gián điệp, nên ông ta biết rất rõ về tình hình của Bắc Tề. Tả thừa tướng Bắc Tề là Đấu Suất Quang, tự là Minh Nguyệt, có nghĩa là hiền minh, dũng cảm, là đối thủ đáng gờm của Vĩ Thúc Dụ. Dưới trướng của Vĩ Thúc Dụ có một người rất giỏi bói tóan và sáng tác bài hát. Người ấy nói với Vĩ Thúc Dụ rằng, sắp đến nội bộ của Bắc Tề sẽ xảy ra cuộc chém giết. Vĩ Thúc Dụ liền bảo ông ta làm một bài ca dao. Rồi cho gián điệp truyền miệng khắp Bắc Tề, trong bài ca dao có câu : Trăm thăng bay lên trời. Trăng sáng chiếu Trường An (Bách thăng phi thượng thiên Minh nguyệt chiếu Trường An) Trăm thăng tức là một đấu, chỉ họ Đấu; Minh Nguyệt là tự của Đấu Suất Quang, ám chỉ Đấu Suất Quang, tự là Minh Nguyệt sẽ làm phản. Quan Thượng thư Bắc Tề là Hiếu Chính rất ghét Đấu Suất Quang, nhân đó chép lại bài ca dao thêm mắm, thêm muối, rồi dâng lên vua Bắc Tề. Kết cuộc, Đấu Suất Quang bị giết chết, vì bài ca dao quái ác. Vua Bắc Chu nghe tin Suất Quang chết, liền tấn công và tiêu diệt Bắc Tề. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp, thiên Dụng gián cho rằng, không thể không dùng gián điệp. 2. Dẫn chứng trên thể hiện hai nội dung trong việc dùng gián điệp hoặc gián chiến : Một, thăm dò tình hình nước địch, bao gồm hư thực, nhiều ít, động tĩnh. Hai, làm cho nội bộ nước địch nghi ngờ, thanh tóan lẫn nhau, khiến nước địch suy yếu, rồi thừa cơ tiến đánh 4. TUYỂN CHIẾN (TRƯƠNG LIÊU CHÉM THẠC ĐỐN) Theo Tam quốc chí, bình định xong Tịnh Châu, Tào Tháo bàn, định quay sang phía Tây đánh Ô Hòan. Bọn Tào Hồng nói : - Viên Hy, Viên Thượng binh thua, tướng mất, sức hết, thế cùng, đã trốn sang miền sa mạc. Nay ta đem quân sang tận phía Tây, nếu Lưu Biểu, Lưu Bị thừa cơ đánh úp Hứa Đô, ta cứu ứng không kịp, tai họa không nhỏ. Xin hãy kéo quân về là hơn. Quách Gia nói : - Các ông nói sai cả. Chúa công uy danh lừng lẫy khắp thiên hạ, nhưng những người cậy thế sa mạc xa xôi hiểm trở, tất không phòng bị, nhân chỗ sơ hở ta tiến đánh cho thật mau lẹ thì chắc phá được. Vả lại, Ô Hòan mang ơn Viên Thiệu, mà hai anh em Viên Hy, Viên Thượng còn sống, thế nào cũng phải trừ mới xong. Còn Lưu Biểu chỉ là hạng người nói chuyện suông thôi. Biểu tự biết mình không đủ tài đối phó với Lưu Bị, dùng Bị vào việc to thì sợ không khống chế nổi, còn dùng vào việc nhỏ, chắc Bị không chịu làm. Dù ta có bỏ ngõ nước mà kéo đi đánh xa, các ông cũng đừng lo. Tào Tháo nói : - Lời Phụng Hiếu nói rất đúng. Lập tức điều động ba quân và vài ngàn cỗ xe, rầm rộ kéo đi. Dọc đường cát bay bát ngát, gió thổi bốn bề, đường sá gập ghềnh, người ngựa khó nhọc. Tháo có ý quay về, liền hỏi Quách Gia. Lúc ấy, Quách Gia không quen thủy thổ, ốm nằm trong xe. Tháo khóc nói : - Vì ta muốn bình định vùng sa mạc, khiến ông phải đi xa vất vả, đến nổi mang bệnh, ta yên tâm sao được ? Quách Gia nói : - Tôi đội ơn sâu của Thừa tướng, dù có chết cũng chưa đền ơn được muôn một. Tháo nói : - Ta thấy vùng Bắc hiểm trở, muốn rút quân về, ông thấy thế nào ? Quách Gia nói : - Việc binh cốt mau lẹ. Nay đi đánh xa ngàn dặm, khí giới nhiều nhưng khó mang theo, chi bằng đem khinh binh đi đường đến đánh bất ngờ, nhưng phải có người thuộc đường, hướng dẫn đi đường tắt mới được. Tháo cho Quách Gia ở lại Dịch Châu để dưỡng bệnh, rồi sai người đi tìm hướng đạo. Có người giới thiệu Điền Trù là tướng cũ của Viên Thiệu. Tháo cho gọi lại hỏi. Trù nói : - Đường này, về mùa Hạ, mùa Thu có nước, chỗ nông xe ngựa không đi được, chỗ sâu lại không chở được thuyền bè. Chi bằng, trở lại từ cửa Lư Long, vượt qua Bạch Thành hiểm trở, qua vùng đất hoang đến sát Liễu Thành, mà đánh úp, một trận là bắt sống được Thác Đốn. Tháo nghe theo, phong Điền Trù làm Tĩnh Bắc tướng quân, kiêm hướng đạo, đi trước; Trương Liêu thứ nhì, còn Tháo áp hậu, gấp rút tiến quân. Điền Trù dẫn Trương Liêu đến trước núi Bạch Lang, vừa gặp Viên Thượng, Viên Hy cùng Thác Đốn đem vài vạn quân kị đến. Liêu phi ngựa báo với Tào Tháo. Tháo cưỡi ngựa lên cao đứng xem, thấy quân Thác Đốn lộn xộn, không có hàng ngũ. Tháo nói với Trương Liêu : - Quân giặc không được tề chỉnh, nên đánh ngay. Nói rồi, đưa cờ hiệu cho Liêu. Liêu dẫn Hứa Chữ, Vu Cấm, Từ Hỏang chia làm bốn đường kéo xuống, cố sức xông vào đánh. Quân Thác Đốn rối lọan, Trương Liêu xộc ngựa chém chết Thạc Đốn. Tàn quân đều xin đầu hàng. Còn anh em họ Viên vội dẫn vài ngàn quân kị mã chạy sang Liêu Đông. Tháo thu quân vào Liễu Thành, phong Điền Trù làm Liễu đình hầu, trấn thủ thành. Tháo phủ dân Hung Nô, thu được một vạn ngựa tốt, ngay hôm ấy, rút quân về. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp thiên Địa hình viết : Đánh địch mà không chọn dũng tướng và tinh binh thì thất bại. 2. Tào Tháo đã chọn dũng tướng Trương Liêu làm tiên phong, làm cho tinh thần binh sĩ càng thêm hăng hái. Trương Liêu giết chết được Thác Đốn, Tào Tháo giành được thắng lợi. 5. BỘ CHIẾN (LÍ TỒN THẨM DÙNG BỘ BINH ĐÁNH BẠI QUÂN KHIẾT ĐAN) Theo Ngũ đại sử, thời nhà Tấn, tiết độ sứ Chu Đức Uy ở Lô Long, tuy rất dũng cảm nhưng rất khinh địch, không có sách lược phòng thủ quân Khiết Đan. Quân Khiết Đan thừa cơ phá vỡ Du Quan, tiến về phía Nam đến Doanh Châu, Bình Châu rồi chiếm Tân Châu. Chu Đức Uy cố sức đánh lấy lại các thành nhưng thất bại chạy về U Châu. Quân Khiết Đan vây hãm U Châu, tình cảnh rất nguy ngập. Hai tướng nhà Tấn là Lí Tự Nguyên và Lí Tồn Thẩm giao hẹn với nhau cùng đem bảy vạn quân đến Dịch Châu đóng quân và cứu Chu Đức Uy. Lí Tự Nguyên và con nuôi là Lí Tòng Kha dẫn ba vạn quân kị làm tiên phong đến Sơn Khẩu. Quân Khiết Đan thấy quân Tấn đến, kinh hỏang lên ngựa nghênh chiến. Ba lần xung sát, quân Khiết Đan núng thế rút lui, vượt qua Sơn Khẩu, tiến về Dịch Châu. Trong lúc đó, Lí Tồn Thẩm hạ lệnh cho bộ binh chặt cây rừng làm thành lộc giác trận (dùng cành cây xếp thành hình sừng hươu hướng về phía quân địch), mỗi quân sĩ cầm một cành cây rồi đứng sát nhau để kết thành doanh trại, quân bắn cung nỏ ở trong trại. Quân Khiết Đan chạy qua trại Lí Tồn Thẩm, thì tên ở bên trong trại (kết bằng cây), bắn ra như mưa, quân Khiết Đan lớp bị chết, lớp bị thương đến nghẽn cả đường. Quân của Lí Tồn Thẩm thừa thắng, đuổi đến U Châu. Quân Khiết Đan và quân Tấn lại bày binh bố trận chuẩn bị đánh nhau. Lí Tồn Thẩm tung đội binh già yếu ra trước, mỗi anh lính già cầm một cành cây, quét bụi bay mù trời. Quân Khiết Đan không biết quân Tấn nhiều hay ít. Hai bên lâm trận, Lí Tồn Thẩm đích thân đánh trống liên hồi, bộ binh ở phía sau xông lên đánh vùi. Quân Khíêt Đan đại bại, đều lĩnh Khiết Đan chạy qua phía Bắc Sơn Khẩu, trốn thóat. Quân Tấn bắt được một vạn tù binh và giải cứu U Châu. LẠM BÀN Sách Lục thao, Khương Thái Công cho rằng : Nếu bộ binh chiến đấu với kị binh của địch thì phải dựa núi rừng hiểm trở, nếu ở nơi bằng phẳng thì phải dùng chướng ngại vật. Có thể tiến công địch một mặt, hai mặt hoặc cả bốn mặt. Bộ chiến, là những nguyên tắc dùng bộ binh để tác chiến. 6. KỊ CHIẾN (ĐỨC UY DÙNG KỊ BINH PHÁ TAN QUÂN NHÀ LƯƠNG) Theo Ngũ đại sử, thời Đường, Đường Trang Tông Lí Tồn Húc đem quân cứu Triệu, đối địch với quân Hậu Lương cách Bách Hương năm dặm, cạnh một con sông. Tướng của Đường Trang Tông là Đức Uy, quân rất ít. Tướng của nước Lương là Vương Cảnh Nhân, quân rất nhiều và rất tinh nhuệ. Quân của Đức Uy thấy vậy, rất sợ hãi. Đức Uy nói tướng sĩ : - Xưa, quân Tống rất đông, tinh nhuệ nhưng bị thảm bại ở Biên Châu. Nay, quân Lương tuy nhiều và tinh nhuệ nhưng không đáng sợ. Chúng ta sẽ tìm cách đánh thắng quân Lương. Nói xong, Đức Uy vào tâu với Trang Tông : - Hiện nay, quân địch rất mạnh, ta tạm thời lui binh để chờ cơ hội sẽ đánh nhau một trận thư hùng. Trang Công nói : - Chúng ta dẫn quân đi từ ngàn dặm đến đây, là muốn tốc chíên, tốc thắng. Nay chần chờ, quân địch biết quân ta ít thì tiến đánh, rất nguy hiểm. Đức Uy giải thích : - Quân Triệu chỉ giỏi giữ thành trì, không giỏi dã chíên (tức là không giúp ta được). Còn quân ta muốn thắng phải dùng kị binh, mà phải có nơi bằng phẳng thì mới dùng kị binh được. Nay, ta đóng quân ở gần bờ sông, quân địch đến thì quân mã không thể phát huy hết sở trường, làm sao đánh giặc ? Trang Tông không bằng lòng, rủ áo đi vào trong. Đức Uy liền mời Giám quân Trương Thừa Nghiệp đến, nói : - Bệ hạ giận tôi lắm ! Không phải là tôi không muốn đánh nhanh, thắng nhanh, hay là nhát gan không dám đánh giặc. Ngặt vì, quân ta đóng gần sông, quân địch sẽ dùng thuyền bè sang sông, quân kị ta lại không phát huy hết sở trường, thì rất nguy. Chi bằng, lui quân về Cảo Ấp, an dinh hạ trại, dụ địch đến, địch đi đường mỏi mệt ta mới dùng kế để đánh. Trương Thừa Nghiệp vào tâu với Trang Công : - Đức Uy là một lão tướng, dùng binh rất giỏi, lắm mưu nhiều kế. Bệ hạ nên nghe lời ông ta. Trang Công nói : - Thôi ! Ta cứ để ông ấy định liệu. Không lâu, Đức Uy bắt được mấy tù binh về thẩm vấn. Mấy tù binh cho biết quân Lương đang đóng hàng trăm chiếc thuyền và bắc cầu nổi để cho quân sĩ qua sông. Đức Uy dẫn mất tù binh vào ra mắt Trang Công. Trang Công cười nói : - Đúng như lời tướng quân dự liệu. Nói xong, cho quân lui về Cảo Ấp. Hạ trại xong đâu đấy, Đức Uy phái một bộ tướng đem ba trăm kị binh đến doanh trại quân Lương khiêu chiến còn mình dẫn ba ngàn kị binh theo sau. Tướng nhà Lương là Vương Cảnh Nhân tức giận đem tòan lực ra nghênh chiến. Quân Đức Uy bố trận dài đến mười dặm ở phía Nam Cảo Ấp. Vương Cảnh Nhân đem quân đến đó, bố trận dài đến bảy, tám dặm. Trang Công đứng trên cao xem trận thế, nói : - Chiến trường rất rộng, cỏ lại thấp, kị binh lui tới qua lại rất thuận lợi, phần thắng sẽ về quân ta. Rồi lại sai người đến hỏi Đức Uy : - Tướng quân đang dẫn quân tiên phong, nay lại thối lui là sao ? Đức Uy nói : - Quân Lương chạy nhanh xa mười dặm đến đánh quân ta, sẽ đem theo lương khô cho nhẹ để ăn, đến quá trưa quân Lương đói khát sẽ rút lui để ăn uống, ta tiến đánh chắc sẽ thắng. Quả nhiên, ba bốn giờ, sau giờ Ngọ, trong trận quân Lương bụi bay mù, ý muốn rút lui. Đức Uy tức thì đánh trống thúc quân tiến công. Quân Lương đại bại. LẠM BÀN 1. Binh thư cho rằng, đất bằng phẳng thì dùng kị binh. Kị chiến là dùng kị binh để chiến đấu. 2. Đức Uy dẫn dụ quân Lương đến vùng Cảo Aáp, rộng rãi, bằng phẳng để kị binh phát huy hết tác dụng, lại dùng quân no, đánh quân đói, quân khỏe đánh quân mệt nên đã chiến thắng. 7. CHU CHIẾN (QUÂN SỞ DÙNG THUYỀN PHÁ QUÂN NGÔ) Theo Xuân thu tả truyện, thời Xuân Thu, Công tử Quang đem quân đánh Sở. Quan chiêm bốc (bói tóan) nước Sở gieo quẻ xem tốt hay xấu nhưng bói được quẻ xấu, bất lợi. Quan coi việc quân là Tư Mã Tử Ngư nói : - Quân ta ở thượng lưu, sao lại nói là bất lợi, không tốt. Nói xong, truyền lệnh các thuyền bè nghênh chiến, đánh bại quân Ngô. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp, thiên Hành quân, cho rằng, địch ở trên dòng nước tức là thuận, ta ở dưới dòng nước, không nên nghênh địch. Ở thượng lưu, sẽ chiếm thượng phong, dùng thuyền để đánh địch, gọi là chu chiến. 2. Quân Sở ở thượng lưu, chiếm thượng phong, nên thắng quân Ngô. 8. XA CHIẾN (MÃ LONG DÙNG CHIẾN XA ĐÁNH BẠI QUÂN KHƯƠNG NHUNG) Thời Tây Tấn, quân Khương Nhung đem quân giết Thứ sử Kinh Châu là Dương Hân, chiếm Kinh Châu, khiến con đường từ Hà Tây đến Trung Nguyên bị cắt đứt, khiến Tấn Vũ đế rất lo lắng. Lúc thiết triều, Tấn Vũ đế hỏi quần thần : - Trong các khanh, ai có kế sách gì đánh Khương Nhung và khai thông con đường Hà Tây và Trung Nguyên hay không ? Quần thần không ai trả lời. Quan Tư mã đốc là Mã Long bước ra tâu : - Nếu bệ hạ dùng thần, thì thần có cách đánh lui quân Khương Nhung. Tấn Vũ đế nói : - Nếu khanh có tài bình định được giặc, thì sao lại không dùng. Nhưng không hiểu khanh dùng cách nào để đánh quân Khương Nhung ? Mã Long nói : - Nếu bệ hạ tin dùng thần, thì nên nghe phương lược của thần. - Khanh cứ nói. Mã Long tâu : - Bệ hạ cho thần tuyển ba ngàn dũng sĩ, thần sẽ giương cờ gióng trống Tây tiến đánh bại quân Khương Nhung, để tỏ rõ uy đức của bệ hạ. Tấn Vũ đế bằng lòng. Rồi hạ lệnh cho Mã Long làm Thái thú đất Vũ Uy đứng ra chiêu mộ dũng sĩ. Không bao lâu, đã tuyển được ba ngàn năm trăm dũng sĩ, mỗi dũng sĩ có thể giương cung nặng đến 30 cân. Mã Long dẫn đòan quân dũng sĩ Tây tiến, đến Ôn Thủy. Đầu lĩnh của quân Khương Nhung là Mộc Cơ Năng ở Vũ Uy, có một vạn kị binh, sai đầu lĩnh Túy Bạt Tín làm tiên phong, đối địch với Mã Long. Mã Long cho quân chế tạo các chiến xa, gọi là lộc giác xa, có nhiều công dụng : trên có nhà gỗ, để các dũng sĩ nấp và bắn tên; hai bên xe có các cây nhọn và gai tua tủa (làm cho người ngựa không dám đến gần); rồi bày các chiến xa thành trận bát quái trên vùng đất rộng. Hai bên giao chiến, chíến xa của Mã Long ào ạt tiến ra, vây hãm, bắn giết cả ngàn quân Khương Nhung. Đầu lĩnh Khương Nhung là Túy Bạt Hàn đầu hàng. Mã Long ra lệnh giết Túy Bạt Hàn và một vạn quân đầu hàng. Mã Long dẫn quân đến Vũ Uy, giao chiến và giết được Mộc Cơ Năng và rất nhiều quân Khương Nhung, bình định xong Lương Châu. LẠM BÀN 1. Binh pháp cho rằng, chiến trường rộng rãi thì dùng quân xa. Xa chiến là những nguyên tắc tác chiến bằng chiến xa. 2. Mã Long dùng chiến xa để chống với kị binh của quân Khương Nhung. 9. TÍN CHIẾN (GIA CÁT LƯỢNG DÙNG CHỮ TÍN ĐÁNH LUI QUÂN NGỤY) Theo Tam quốc chí, Khổng Minh ở Lỗ Thành, chống Ngụy, lâu ngày chưa thấy quân Ngụy đến. Trưởng sử Dương Nghi bẩm với Gia Cát Lượng rằng : - Thừa tướng đã hẹn cho quân sĩ, cứ một trăm ngày thay đổi một kì. Nay đã mãn hạn rồi, quân Hán Trung đã ra khỏi cửa Xuyên, công văn đã đưa đến, chỉ còn đợi hội quân để thay đổi thôi. Hiện nay ở đây có tám vạn quân, trong đó có bốn vạn được đổi về. Khổng Minh nói : - Đã có lệnh như thế, nên cho chúng về sớm. Quân sĩ nghe tin, ai nấy nhặt nhạnh thu xếp, sắp sửa lên đường. Chợt có tin đến, Tôn Lễ dẫn hai mươi vạn binh mã ở Ung Lương đã đánh úp Kiếm Các rồi. Tư Mã Ý cũng đang tiến công ở Lỗ Thành. Quân Thục kinh hãi, nhớn nhác cả lên. Dương Nghi vào bẩm rằng : - Quân Ngụy đột nhiên đến đây. Thừa tướng hãy bắt quân cũ ở lại, đợi quân mới đến thay sẽ về. Khổng Minh nói : - Không nên ! Ta điều binh khiển tướng cốt lấy chữ tín làm gốc. Nay hạ lệnh như thế, lẽ nào lại thất tín ? Vả lại, ai được về cũng sắm sửa cả rồi, cha mẹ vợ con ở nhà đang tựa cửa chờ mong. Dù gặp tai nạn lớn cũng không thể lưu họ ở lại. Lập tức truyền cho quân sĩ được đổi, ra về ngay hôm ấy. Quân sĩ nghe nói Thừa tướng đối xử tử tế như vậy, cùng reo lên rằng : - Thừa tướng thương đến chúng tôi, chúng tôi không về vội, xin liều mạng giết sạch quân Ngụy để báo ơn ấy ! Khổng Minh nói : - Chúng mày được về, còn ở đây làm gì ? Quân sĩ đều muốn ra đánh, không muốn về . Khổng Minh nói : - Chúng mày đã muốn giúp đỡ ta, thì nên ra ngòai thành hạ trại. Đợi quân Ngụy đến, không cho nó kịp thở, đánh rấn ngay đi, đó là cách lấy nhàn đánh mệt đó. Quân sĩ lĩnh mệnh, cầm binh khí hớn hở ra thành, dàn trận sẵn để đợi quân Ngụy. Quân mã Tây Lương vừa đi vừa chạy rút đường kéo đến, người ngựa mệt nhòai, định hạ trại nghỉ ngơi, bị quân Thục ào ạt kéo đến, ra sức đánh một trận, giết quân Ung Lương thây nằm khắp ruộng, máu chảy thành sông. Khổng Minh thu quân vào thành, ủy lạo và khen thưởng ba quân. LẠM BÀN 1. Sách Lục thao (Long thao, luận tướng) viết : Nhân cách của người làm tướng là chữ tín. 2. Tín chiến, tức là lấy tín nghĩa làm nguyên tắc trong việc trị quân và trong việc chiến đấu. Nhân nghĩa, thành tín cũng chính là phẩm chất của tướng lĩnh. Tướng lấy sự thành tín đối đãi với binh sĩ thì binh sĩ sẽ không nghi ngờ, hết lòng chiến đấu vì chủ tướng. 3. Quân Gia Cát Lượng ít, thắng quân Ngụy nhiều, không chỉ nhờ vào mưu lược, mà còn nhờ vào chữ tín. 10. GIÁO CHIẾN (NGÔ KHỞI LUYỆN QUÂN) Sử kí ghi, thời Chiến Quốc, Ngô Khởi nói : Chiến bại phần nhiều là do quân đội không được giáo dục và luyện tập. Vì vậy, dùng binh trước tiên phải giáo dục và huấn luyện cho binh sĩ thuần thục kĩ năng tác chiến. Một người học thuần thục kĩ năng tác chiến có thể dạy cho 10 người. Mười người có thể dạy cho cả 100 người. Một trăm người có thể dạy cho 1000 người. Một ngàn người có thể dạy cho một vạn người. Một vạn người có thể dạy cho cả thiên binh vạn mã. Gần đợi xa, no đợi đói. Quân bên phải thoắt đã ở bên trái, quân bên trái thoắt đã ở bên phải, quân ở phía trước thoắt đã ở phía sau; vừa phân tán thoắt đã tập họp. Hằng ngày quân phải diễn tập, diễn tập thuần thục và biến hóa. Giáo dục, luyện tập quân sĩ là chức trách của người làm tướng. Binh thư Ngô tử ghi, Văn hầu đã tin dùng Ngô Khởi, Khởi cầm quân đánh 76 trận, 64 trận thắng, 12 trận địch phải cầu hòa. LẠM BÀN 1. Khổng tử cho rằng : Không dạy cho dân chúng tác chiến, mà đưa họ vào chiến trận, tức là xua họ vào chỗ chết. 2. Cho nên, trước hết phải giáo dục tinh thần chiến đấu và kĩ năng chiến đấu cho quân sĩ. Gọi chung là giáo chiến. Tất nhiên, ngòai việc huấn luyện kĩ năng chiến đấu cho quân sĩ, còn phải dạy quân sĩ biết nghe các hiệu lệnh của tướng lĩnh (cờ xí, chiêng, trống). QUYỂN HAI (11-20) 11. CHÚNG CHIẾN ( PHÙ KIÊN THẤT BẠI DO BINH NHIỀU) Tấn thư kể, thời Đông Tấn, vua Tần là Phù Kiên dẫn mười vạn quân đến Thọ Dương, bày trận thế ở bên sông Phì Thủy để giao chiến với quân Tấn. Tướng nhà Tấn là Tạ Huyền, sai người đến nói với Phù Kiên rằng : - Bệ hạ đem quân xa xôi ngàn dặm đến xâm phạm lãnh thổ nhà Tấn, tức là muốn sống mái một trận nhưng không thể đánh nhanh, thắng nhanh được. Bệ hạ cho lui quân, để quân chúng tôi vượt sông, rồi hai bên thương lượng. Nếu việc không thành thì đánh nhau cũng chẳng muộn. Phù Kiên đồng ý. Có tướng nói rằng : - Quân ta nhiều, quân chúng ít, không nên để cho chúng sang sông. Phù Kiên nói : - Ta tạm lui, đợi chúng sang sông, ta sẽ tung ra mười vạn kị binh chặn đánh dìm hết chúng xuống sông. Nói xong, ra lệnh lui quân. Không ngờ, quân quá đông, lúc lui quân thì không dừng được, quân rối loạn, không điều động được nữa. Tạ Huyền thấy vậy, liền sai các tướng đem tám ngàn quân nhanh chóng vượt sông, tiến đánh. Hai bên đại chiến ở phía Nam sông Phì Thủy. Mười vạn quân Phù Kiên đại bại. LẠM BÀN 1. Tư Mã Pháp cho rằng, điều động quân nhiều, tiến thì tiến nhanh, dừng thì dừng ngay, phải linh hoạt. Hoặc, nghe trống thì tiến, nghe tiếng chiêng thì dừng. Chúng chiến là nguyên tắc cầm nhiều quân, cầm quân không đúng nguyên tắc thì thất bại. 2. Dẫn chứng trên nhằm minh họa Tạ Huyền tìm ra được kẽ hở (thiếu linh họat, rối lọan) của Phù Kiên lúc lui binh, nên tiến đánh và chiến thắng. 12. QUẢ CHIẾN (VŨ VĂN HẦU BINH ÍT ĐUỔI CAO HOAN) Theo Bắc sử, tướng Đông Ngụy là Cao Hoan đem quân vượt Hòang Hà đánh nhau với tướng Tây Ngụy là Vũ Văn Hầu. Vũ Văn Hầu thấy quân Cao Hoan rất nhiều, quân mình ít, ở chiến địa bằng phẳng thì khó mà địch nổi, bèn cho lập cầu nổi trên sông Vị Thủy và nhanh chóng vượt sông. Vũ Văn Hầu chọn khúc sông quanh co đầy lau sậy, cho phục binh, lưng hướng về phía bờ sông bày trận, dặn quân sĩ nằm yên, khi nghe tiếng trống thì ùa ra đánh giặc. Lại sai tướng Lý Bật phục binh bên phải, Triệu Quý phục binh bên trái, còn mình đợi lúc hòang hôn, tối trời đem quân đón đánh quân Cao Hoan. Quân Đông Ngụy thấy quân Tây Ngụy lơ thơ, liền tranh nhau tiến lên, muốn ăn tươi nuốt sống để lập công. Khi quân Cao Hoan đã lọt vào ổ phục kích, Vũ Văn Hầu đích thân gióng trống. Quân Tây Ngụy trong đám lau sậy xông ra, hai tướng Lý Bật và Triệu Quý đánh ập vào, cắt quân Cao Hoan thành hai đoạn, rồi cứ nhắm Cao Hoan đánh tới. Trời tối mù mịt, lau sậy um tùm, quân Cao Hoan đại bại, chạy tháo thân. LẠM BÀN 1. Sách Ngô tử cho rằng, quân ít phải dựa vào ải. Aûi (hiểm yếu), theo nghĩa rộng là phải dựa vào thiên thời, dựa vào nơi hiểm yếu. Quân ít gọi là quả, dùng ít quân để chống với quân nhiều, gọi là quả chiến. 2. Vũ Văn Hầu đã lợi dụng tối trời, địa thế um tùm để đánh bại quân Cao Hoan. 13. ÁI CHIẾN (NGÔ KHỞI YÊU QUÂN SĨ) Sử kí kể, thời Chiến Quốc, Ngụy Văn hầu dùng Ngô Khởi làm tướng. Ngô Khởi làm tướng, ăn cũng như mặc, y như các binh lính ở cấp thấp nhất, ngủ không trải chiếu, đi không dùng xe, tự tay bọc lương ăn thừa mang theo như lính, đồng cam cọng khổ với quân. Lính có người lên nhọt, Khởi lấy miệng hút mủ hộ. Bà mẹ người lính nghe chuyện, cảm động, phát khóc. Có người hỏi : - Con bà là lính, được tướng lãnh hút mủ nhọt cho. Làm sai bà lại khóc ? Người mẹ trả lời : - Không phải con được tướng lãnh yêu mà khóc. Năm ngóai, Ngô công cũng hút mũ cho cha nó. Cha nó hết sức chiến đấu, rốt cuộc chết trên đất địch. Nay, Ngô công lại hút mủ cho nói, tôi không biết nó sẽ chết ở nơi nào đây ? Vì thế, mà tôi khóc. Thấy Khởi là một vị tướng khéo dụng binh, khắc khổ với mình, công bằng với người, nhờ vậy mà được lòng sĩ tốt. Văn hầu bèn cho Ngô Khởi làm trấn thủ Tây Hà đương dầu với Tần, Hán. LẠM BÀN 1. Binh pháp cho rằng : Tướng yêu binh sĩ như con cái, thì binh sĩ cùng nguyện cùng sống chết với tướng lĩnh, cùng tướng lĩnh vượt qua mọi nguy nan. 2. Ái chiến là trị quân bằng tấm lòng nhân ái, tướng yêu quân như con, quân yêu tướng như cha, từ đó nguyện cùng sinh tử và hết lòng chiến đấu vì chủ tướng. 14. UY CHIẾN (ĐIỀN NHƯƠNG THƯ RA UY CHÉM GIÁM QUÂN) Theo Sử kí, nước Tấn cất quân sang đánh mặt Đông nước Tề, nước Yên cũng thừa cơ xâm lấn mặt Bắc. Tề Cảnh Công sợ lắm, sai Án Anh mang lễ vật ra Đông Hải mời Điền Nhương Thư vào triều. Điền Nhương Thư giảng giải binh pháp, hợp ý Tề Cảnh Công lắm. Ngay hôm ấy, Tề Cảnh Công cho Điền Nhương Thư làm Nguyên soái, đem quân đánh Tấn và Yên. Điền Nhương Thư tâu : - Tôi vốn con nhà thấp kém, ở chốn thôn dã. Nay chúa công ban cho binh quyền e lòng người không phục, nên chúa công chọn một người xưa nay được trọng vọng làm giám quân thì hiệu lệnh của tôi mới được thi hành. Tề Cảnh Công nghe theo, sai quan Đại phu Trang Giả làm Giám quân. Điền Nhương Thư và Trang Giả lạy tạ lui ra. Ra đến bên ngoài, Trang Giả hỏi Điền Nhương Thư : - Bao giờ nguyên soái cất quân đi ? Điền Nhương Thư nói : - Giờ ngọ ngày mai, tôi đợi ngài ở quân môn cùng đi. Xin ngài chớ sai hẹn ! Đến giờ ngọ hôm sau, Điền Nhương Thư truyền cho quân sĩ cầm cây gỗ làm nêu để xem bóng mặt trời và sai người đến giục Trang Giả. Trang Giả còn ít tuổi, vốn thấy mình được quý hiển, sinh kiêu căng, lại cậy thế Tề Cảnh Công yêu mến, nên xem Điền Nhương Thư chẳng ra gì, tưởng mình là Giám quân muốn làm gì thì làm. Ngày hôm ấy, họ hàng làm tiệc tiễn chân, Trang Giả vui say quá chén, thấy sứ đến giục cũng không thèm đứng dậy. Điền Nhương Thư đợi mãi, mặt trời đã xế về Tây vẫn chưa thấy Trang Giả đến, mới trèo lên đài để truyền hiệu lệnh cho quân sĩ. Trang Giả đến quân môn, thủng thỉnh xuống xe, trèo lên tướng đài. Điền Nhương Thư hỏi Trang Giả : - Vì cớ gì bây giờ Giám quân mới đến ? Trang Giả chắp tay đáp : - Nhân vì tôi sắp khởi hành, họ hàng bạn hữu bày tiệc tiễn chân, thành ra đến chậm một chút. Điền Nhương Thư nói : - Phàm làm tướng, trong ngày chịu mệnh vua phải làm quên nhà; khi đã truyền lệnh cho quân sĩ, phải quên cha mẹ; khi cầm dùi trống xông pha nơi tên đạn, phải quên thân mình. Nay, nước nhà ngoài bên thùy đang bị xâm nhiễu, náo động, chúa công ta không ngủ yên giấc, ăn không ngon miệng, đem việc đánh giặc ủy thác cho hai ta, mong sớm tối cứu khổ cho thiên hạ, còn lòng dạ nào mà cùng với họ hàng, bày cuộc vui ? Trang Giả tủm tỉm mỉm cười, đáp : - Cũng may mà còn kịp, bất tất nguyên soái phải khiển trách. Điền Nhương Thư nổi giận, đạp bàn, mắng : - Nhà ngươi cậy chúa công yêu, làm cho quân sĩ sinh lòng trễ biếng, nếu ra trận mà như thế, chắc hỏng hết công việc ! Điền Nhương Thư gọi quan quân chính đến hỏi rằng : - Cứ theo quân pháp, hễ hẹn mà đến chậm, nên bắt tội gì ? Chức quân chính đáp : - Cứ theo quân pháp, thì xử trảm. Trang Giả nghe nói bị xử trảm, có ý sợ chạy xuống tướng đài. Điền Nhương Thư truyền quân sĩ bắt trói lại, đem ra cửa quân để chém. Trang Giả tỉnh rượu van lạy xin tha ! Nhưng cũng không thoát chết. Những người theo hầu Trang Giả phi báo với Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công sai Lương Khâu Cứ đến cứu. Nhưng không kịp, lại còn bị Điền Nhương Thư chiếu theo quân lệnh bắt tội Lương Khâu Cứ, phá xe giết ngựa của Cứ, để thế mạng. Lương Khâu Cứ sợ hãi, len lén chạy về. Nghe tin đại quân Điền Nhương Thư kéo đến, quân Tấn nghe tin bỏ trốn, quân Yên lặng lẽ kéo về. LẠM BÀN 1. Uy chiến, tức dùng sự kỉ luật nghiêm minh, uy tín và sự uy nghiêm để trị quân, làm cho sĩ kính sợ mà khép mình theo kỉ luật, tuân theo hiệu lệnh và chiến đấu theo hiệu lệnh. 2. Sách Thượng thư cho rằng : Uy và ái (yêu thương quân sĩ) tuy trái ngược nhau nhưng bổ khuyết cho nhau. Quân Tấn sợ quân 3. Nhương Thư giết Trang Giả, bắt tội Lương Khâu Cứ, khiến cho quân sĩ sợ hãi mà tuân theo kỉ luật. Quân Tấn rút lui vì sợ kỉ luật nghiêm minh và tinh thần chiến đấu của quân Tề. 15. THƯỞNG CHIẾN (TÀO THÁO TRỌNG THƯỞNG TƯỚNG SĨ) Tam quốc chí kể, mỗi khi tấn công thành ấp thắng lợi, thu được nhiều chiến lợi phẩm, Tào Tháo đem những của cải quý giá trọng thưởng cho các tướng và binh sĩ có công trạng. Có khi thưởng cả ngàn vàng, những người không có công thì không được thưởng. Việc thưởng rất rõ ràng và chi li, Tháo thường thắng trận. LẠM BÀN 1. Sách Tam lược ghi, trọng thưởng cho cấp dưới hạ tất sẽ có kẻ dũng phu xuất hiện. Tức là trọng thưởng sẽ kích thích được sự dũng cảm, hết lòng chiến đấu của quân sĩ, quân sĩ sẽ xông pha qua hòn tên, mũi đạn, vượt tường cao hào sâu … tìm mọi cách để chiến thắng quân địch. 2. Thưởng chiến, là dùng phần thưởng để cổ động sĩ khí, đề cao sức chiến đấu để giành chiến thắng. 16. PHẠT CHIẾN (DƯƠNG TỐ NGHIÊM TRỊ TƯỚNG SĨ) Tùy thư viết, Dương Tố, danh tướng nhà Tùy (Bắc Chu) trị quân rất nghiêm, ai phạm quân lệnh lập tức chém đầu, tuyệt đối không tha. Lúc họp quân để tác chiến, người nào đến trễ, lập tức giết ngay, có khi giết luôn cả 10 người, máu lênh láng khắp trướng, nhưng mặt Dương Tố vẫn không hề biến sắc. Lúc giao chiến, lần thứ nhất, Dương Tố lệnh 100 quân tiến lên đánh địch, nếu thắng thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng nếu không vây hãm địch hoặc không đánh địch, quay về thì lập tức bị giết, không kể mấy người, nhiều hay ít. Lần thứ hai, lệnh cho 300 quân tiến lên. Tương tự lần trước, kẻ nào đánh địch không thành công, quay về đều bị giết. Quân sĩ sợ hãi, mỗi lần lâm trận là một lần liều chết. Vì thế, đội quân của Dương Tố rất dũng cảm, đánh đâu thắng đó. LẠM BÀN 1. Sách Tư Mã Pháp viết : Trừng phạt kịp thời và quyết đoán là việc bất di bất dịch. 2. Phạt chiến là dùng nghiêm pháp để trị quân, mục đích là nâng cao tinh thần chiến đấu của quân sĩ. 17. CHỦ CHIẾN (MỘ DUNG ĐỨC CHỜ THỜI) Theo Tấn thư, thời Hậu Ngụy, Ngụy Vũ đế đích thân đem quân đến Nghiệp Thành đánh Nam Yên. Quân tiên phong của Ngụy Vũ đế bị tướng Nam Yên là Mộ Dung Đức đánh bại. Mộ Dung Đức muốn đem quân truy đuổi. Hàn Trác can rằng : - Người xưa có nói, việc tác chiến trước tiên là dùng mưu lược để đánh địch, sau đó mới tính đến chuyện tấn công địch. Nay, tôi thấy có mấy điều không nên. Mộ Dung Đức nói : - Xin ông cứ nói. Hàn Trác nói : - Quân Ngụy từ xa đến đây là muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta đem quân ứng chiến, là điều thứ nhất không nên. Quân Ngụy đã thâm nhập sâu vào đất ta, là địch muốn tử chiến với ta. Ta cũng muốn tử chiến với địch, là điều thứ hai không nên. Quân tiên phong của địch đã bại trận, tất hậu phương của địch phải ra sức củng cố, phòng bị. Ta tấn công, là điều thứ ba không nên. Quân địch nhiều, quân ta ít. Ta đem ít đánh nhiều, là điều thứ tư không nên. Mộ Dung Đức nói : - Còn những điều gì không nên nữa không ? Hàn Trác nói : - Có chứ ! Quân ta chiến đấu ở trên quê nhà, hành động mà không thận trọng, là điều thứ nhất không nên. Nếu coi thường địch tấn công thắng thì không nói làm gì, bại thì quân dân dao động, là điều thứ hai không nên. Ta chưa tu sửa thành trì, công sự, để phòng ngự, lại ham đánh chác, là điều thứ ba không nên. Những điều tôi vừa nói, là những điều tối kị trong việc dùng binh. Mộ Dung Đức hỏi : - Thế theo ông thì làm thế nào ? Hàn Trác nói : - Bây giờ ta cứ tu sửa thành trì, đào hào đắp lũy thật sâu thật cao, phòng thủ cẩn thận, nuôi dưỡng quân sĩ. Quân Ngụy từ xa đến lâu ngày sẽ thiếu lương thực, bên ngoài lại không thể cướp bóc để kiếm ăn, binh sĩ sẽ bị bệnh tật, trong quân sẽ sinh biến, lúc đó ta sẽ thừa cơ tiến đánh, tất thắng. Mộ Dung Đức khen : - Mưu kế của ông không kém Trương Lương, Trần Bình ! LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp thiên Cửu địa, cho rằng, quân sĩ mà chiến đấu trên quê hương của mình, nhớ cha mẹ, vợ con có thể đào thoát, gọi là tán địa. 2. Chủ là chỉ quân ta, quân nhà, ở trên quê hương, khách là chỉ quân địch từ xa kéo đến. Chủ chiến là phương lược chiến đấu trên quê nhà : Một, tập trung quân sĩ lương thực, làm cho quân sĩ và dân chúng an tâm. Hai, giữ nơi hiểm yếu, phòng thủ cẩn mật. Ba, tìm cách cắt đường lương thực của địch. 18. KHÁCH CHIẾN (HÀN TÍN XUA QUÂN VÀO CHỖ CHẾT) Sử kí kể, thời Đông Hán, với quân số mấy vạn người, Hàn Tín và Trương Nhĩ muốn tiến đến ải Tỉnh Hình, ở phía Đông, để đánh Triệu. Triệu vương Thành An quân Trần Dư hay tin quân Hán sắp đánh úp thì tập trung quân ở Tỉnh Hình, quân số là 20 vạn. Quảng Vũ quân nói với Triệu vương Thành An Quân rằng : - Nghe nói tướng Hán là Hàn Tín đã vượt Tây Hà, cầm tù Ngụy vương, bắt sống Hạ Duyệt, máu vừa đổ thành sông ở Oác Dự. Giờ có thêm Trương Nhĩ giúp sức nữa, lại định hạ nốt Triệu. Như thế là thừa thắng, bỏ nước kéo quân đi viễn chinh, mũi dùi họ đang ở cái thế thúc mạnh, không thể chống được ! Tôi nghe, binh gia có câu : Lương tải đường xa quân dễ đói, cơm chờ củi mót lính khó no. Nay, con đường Tỉnh Hình hiểm trở dường ấy, xe không lách vừa hai chiếc, ngựa không gióng được thành hàng, vượt mấy trăm dặm, thế tất phải để lương thực đi sau. Túc hạ tạm cho tôi mượn ba vạn quân chuyên đánh lén, theo đường tắt, chẹn lương thực của họ, còn về phía túc hạ thì đào hào cho sâu, đắp lũy cho cao, cố thủ không nghênh chiến. Thế là, họ bị hãm vào cái thế, tiến chẳng đánh được, lùi không có đường, quân của tôi chặn hậu quân họ, khiến cho họ không cướp được gì ở đồng ruộng. Như vậy, chỉ trong vòng mười ngày, là có thể lấy đầu được Hàn Tín và Trương Nhĩ. Xin túc hạ nghe kế hoạch của tôi, nếu không thì cũng bị hai tên ấy bắt làm tù binh mà thôi ! Thành An quân vốn là một hủ Nho, thường vẫn thích cái thuyết nghĩa binh không dùng trá mưu kì kế. Ông ta nói : - Ta nghe binh pháp nói : Binh lực mạnh gấp 10 lần thì vây, mạnh gấp đôi thì đánh. Nay, số quân của Tín nói là vài vạn nhưng kì thực không trên 10 ngàn, vượt cả ngàn dặm mà đánh úp ta, quân họ thế tất là đã mệt lắm rồi. Bây giờ, nếu quân ta tránh không nghênh chiến, thì rồi ra gặp quân địch mạnh hơn thế, chúng ta làm thế nào mà thắng được ? Chư hầu sẽ cho ta là nhát và dễ đến đánh ta. Bèn không nghe kế của Quảng Vũ quân. Hàn Tín cho người thám thính, biết Thành An quân không dùng kế họach của Quảng Vũ quân, thì mừng lắm, yên lòng kéo quân theo đường tắt tiến đến và dừng lại đóng đồn cách ải Tỉnh Hình 30 dặm. Nửa đêm truyền lệnh, lựa lấy hai ngàn quân khinh kị, mỗi người cầm một cây cờ đỏ, theo đường tắt, có núi non để yễm trợ, tiến đến quân Triệu. Tín lại dặn : - Quân Triệu thấy quân ta chạy, tất đổ hết quân ra đuổi, các người lập tức xông vào doanh trại của Triệu, giật hết cờ Triệu xuống, thay cờ đỏ của Hán và giương lên. Rồi lại bảo viên tì tướng dừng lại, cho quân ăn điểm tâm, dặn : - Hôm nay, phá quân Triệu xong sẽ dùng bữa. Các tướng không tin, nhưng cũng vờ đáp : - Vâng ! Các bộ tướng còn nói với cấp chỉ huy của họ : - Triệu đã đóng đồn, chiếm địa lợi. Vả chăng, họ chưa thấy trống cờ của đại tướng, nên chưa tấn công đội tiền phong của ta. E tới quảng đường hiểm trở, quân ta sẽ bị phục kích, phải tháo lui ? Hàn Tín cho một vạn quân tiến lên trước, dàn quân quay lưng về phía sông (bối thủy trận). Quân Triệu trông thấy thì cười lớn. Hửng sáng, Hàn Tín cho trương cờ đại tướng, khua trống thúc quân ra Tỉnh Hình quan. Triệu dốc quân ra đánh. Đánh nhau một hồi lâu, Hàn Tín và Trương Nhĩ giả vờ thua, bỏ cả cờ trống, chạy vào đám quân nơi bờ sông. Qủa nhiên, quân Triệu bỏ doanh trại, tranh nhau cướp lấy cờ trống, đuổi theo quân Hàn Tín và Trương Nhĩ. Lúc này, quân của Hàn Tín, Trương Nhĩ cùng hợp với quân ở bờ bờ sông. Đám quân bờ sông liều chết xung kích. Khi quân Triệu bỏ trống doanh trại, thì hai ngàn khinh kị của Tín ùa vào, giật hết cờ Triệu xuống, giương hai ngàn cờ Hán lên. Quân Triệu đang giao chiến với quân bờ sông, muốn bắt Tín nhưng không bắt được, muốn quay về trại, lại thấy cắm đầy cờ Hán, tưởng quân Hán đã bắt được các tướng lãnh của Triệu rồi. Quân Triệu liền hỏang hốt, rối lọan, chạy trốn, tướng Triệu muốn chém cũng không chém nổi. Quân Hán đánh giáp lá cà, phá tan, bắt sống nhiếu quân Triệu, chém đầu Thành An quân trên bờ Trì Thủy và cầm tù Triệu Vương Yết. Hàn Tín ra lệnh cho tòan quân không được giết Quảng Vũ quân, hễ ai bắt sống, đem nộp sẽ được thưởng ngàn vàng. Có người trói Quảng Vũ quân đem nộp. Tín liền cởi trói, mời ngồi, ngoảnh mặt về phía Đông, đãi ngộ như đối với bậc thầy. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp, thiên Cửu địa, cho rằng : Xâm nhập vào tận sào huyệt của đối phương tất có sự chuyển biến. Tức là về tâm lí, quân xâm nhập sẽ không còn lưu luyến vợ con, thân thích, quyết tâm chiến đấu. Cũng về tâm lí, quân bản địa cũng có những chuyển biến, lưu luyến vợ con, gia đình, sức chiến đấu sẽ giảm đi. 2. Quân Triệu là chủ, quân Hàn Tín, Trương Nhĩ từ xa kéo đến gọi là khách. Hàn Tín, Trương Nhĩ đánh thắng quân Triệu, gọi là khách chiến. 19. CƯỜNG CHIẾN (LÍ MỤC GIẢ LÀM TƯỚNG HÈN) Lí Mục là một tướng giỏi của nước Triệu, cầm quân trấn thủ ở biên cảnh phía Bắc, đóng quân ở Nhạn môn quan, thuộc nước Đại, để chống Hung Nô. Để tiện sử dụng và chi phối đám quan quân và thuộc hạ, tất cả thuế chợ thu được Lí Mục đều nhập vào quỹ của mạc phủ để dùng vào quân phí. Mỗi ngày, Lí Mục cho ngã mấy con bò để nuôi quân, cho họ tập luyện cưỡi ngựa, bắn tên, canh gác cẩn mật các tiền đồn, nơi có đặt đài đốt lửa để báo động và hậu đãi các chiến sĩ. Lí Mục còn lập ước : Nếu quân Hung Nô xâm nhập biên cảnh cướp bóc, thì phải thu thập của cải, gia súc, mà rút lui, ai trái lệnh, dám tự ý bắt giặc thì bị tử hình. Vì thế, mỗi lần Hung Nô tràn vào, có lửa báo động, ai nấy thu thập của cải, gia súc, rồi rút lui, chứ không dám đánh. Không chỉ quân Hung Nô cho rằng, Lí Mục nhát sợ, mà ngay cả quân lính Triệu cũng cho chủ tướng mình là nhát. Triệu vương quở Lí Mục nhưng Lí Mục vẫn giữ sách lược. Triệu vương giận, triệu Lí Mục về, cử người khác chống Hung Nô. Hơn một năm, mỗi lần Hung Nô xâm nhập là quân Triệu ra nghênh chiến nhưng nhiều phen bất lợi, bị tổn thất nặng, dân địa phương mất cả cày cấy, chăn nuôi. Triệu vương lại mời Lí Mục. Lí Mục đóng cửa, lấy cớ là đau yếu, không chịu nhận lời. Triệu vương nài ép lắm, Lí Mục nói : - Đại vương định dùng lại tôi, thì tôi vẫn dùng chính sách như cũ. Nếu đại vương đồng ý thì tôi mới nhận lời. Triệu vương bằng lòng. Lí Mục đến nơi, ra lệnh y như xưa. Mấy năm Hung Nô tràn vào, không lấy được gì nhưng vẫn cho rằng Lí Mục nhát gan. Ngày thường, quân Triệu được hậu đãi nhưng không được dùng, ai nấy cũng muốn thử sức với địch một phen. Thấy vậy, Lí Mục chọn một ngàn ba trăm cỗ xe, một vạn ba ngàn con ngựa, năm vạn dũng sĩ và mười vạn xạ thủ giỏi, tổ chức xong, cho tập luyện chiến đấu. Khi đã tập luyện thành thục, Lí Mục cho tung mục tử và gia súc ra đầy đồng. Hung Nô thấy gia súc, kéo quân đến. Quân Lí Mục vờ sợ chạy, còn để cho Hung Nô bắt làm tù binh vài ngàn người. Vua Hung Nô nghe tin, suất đại quân tràn vào đất Triệu. Lí Mục dùng nhiều kì kế, mai phục tập kích ở hai bên sườn địch, phá tan và giết chết hơn mười vạn quân Hung Nô. Tiện đà, Lí Mục diệt rợ Đan Lam, phá rợ Đông Hồ, chinh phục rợ Lâm Hồ. Vua Hung Nô bỏ chạy. Sau trận này, mười năm sau quân Hung Nô không dám bén mảng đến biên cảnh nước Triệu. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp thiên Kế cho rằng : Ta không có năng lực nhưng chứng tỏ cho địch thấy ta có năng lực, ta có năng lực chứng tỏ cho địch thấy ta không có năng lực. 2. Lí Mục dũng cảm nhưng tỏ ra hèn nhát, quân Triệu Mạnh nhưng tỏ ra yếu, khiến cho Hung Nô chủ quan và thất bại. Mạnh nhưng tỏ ra yếu để đánh lừa, dẫn dụ địch, gọi là cường chiến. 20. NHƯỢC CHIẾN (NGÔ HỬ TĂNG BẾP LỪA QUÂN KHƯƠNG) Hậu Hán thư ghi, thời Hán An đế (Đông Hán) quân Khương tiến quân vào Vũ Đô. Trịnh Thái hậu cử Ngô Hử, Thái thú Vũ Đô, làm tướng, đem quân về phía Tây, bình định người Khương. Lúc sắp đến Trần Thương, nơi quân Khương đang trú đóng, Ngô Hử cho quân dừng lại, rồi phao tin là đợi quân cứu viện. Đầu lĩnh quân Khương nghe tin, liền chia quân làm hai cánh, một cánh ngăn quân Hô Hử và một cánh chặn quân cứu viện. Đang đêm, Ngô Hử biết được tin tức quân Khương đang chia quân, liền cấp tốc thúc binh Tây tiến, mỗi ngày đêm đi một trăm dặm. Ngô Hử lại dặn, mỗi lần dừng quân, mỗi binh sĩ phải tăng bếp lên gấp hai. Quân Khương đuổi theo, thấy bếp của quân Ngô Hử ngày càng nhiều, tưởng có viện binh nên không dám truy kích nữa. Có tướng hỏi Ngô Hử : - Ngày trước, Tôn Tẩn mỗi ngày đêm đi 300 dặm và làm phép giảm bếp, nay tướng quân mỗi ngày đêm chỉ đi 200 dặm lại dùng phép tăng bếp là tại sao ? Ngô Hử nói : - Ngày trước, quân Tôn Tẩn nhiều, mỗi ngày đi 300 dặm và giảm bếp, chứng tỏ là quân đang chạy gấp và có người trốn đi. Nay quân ta ít, đi chậm 200 dặm, tăng bếp, khiến cho quân Khương tưởng quân ta ngày càng nhiều, sợ không dám truy đuổi. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp thiên Thế, cho rằng, mạnh yếu là do hình (cường nhược, hình giả). Hình là dùng trí tuệ làm giả tượng để đánh lừa địch. 2. Quân của Ngô Hử ít, yếu (nhược) nên phải tăng bếp, khiến cho quân Khương tưởng là viện binh đã đến, không dám truy đuổi, gọi nhà nhược chiến. QUYỂN BA (21-30) 21. KIÊU CHIẾN (QUAN VÂN TRƯỜNG COI THƯỜNG LỤC TỐN) Thời Tam quốc, Lữ Mông khuyên Tôn Quyền chiếm lấy Kinh Châu. Tôn Quyền lại giao cho Lữ Mông. Lữ Mông về đến Lục Khẩu, thấy Quan Vân Trường trấn thủ Kinh Châu rất nghiêm ngặt, không nghĩ ra được mẹo gì mới cáo ốm và cho người báo với Tôn Quyền. Lục Tốn thưa với Tôn Quyền : - Tử Minh (Lục Tốn) giả ốm đó, không phải ốm thật đâu ! Tôn Quyền nói : - Bá Ngôn (Lục Tốn) biết là giả, thì đi thử xem ra sao ? Lục Tốn lĩnh mệnh đến Lục Khẩu, ra mắt Lữ Mông, quả nhiên Lữ Mông không có vẻ đau ốm gì cả. Tốn nói : - Tôi phụng mệnh Ngô hầu đến thăm quý thể ra sao ? Mông nói : - Tôi hơi yếu một chút, dám đâu phiền đến thăm hỏi ! Tốn nói : - Ngô hầu giao trách nhiệm cho ông, ông không nhân lúc này mà làm phăng đi ! Hay còn bận bịu trong bụng điều gì ? Mông giương mắt nhì Tốn hồi lâu, rồi nín lặng. Tốn lại nói : - Tôi có một phương thuốc trị được bệnh của tướng quân, không biết tướng quân có dùng không ? Lữ Mông đuổi kẻ tả hữu ra, nói : - Bá Ngôn có phương thuốc nào hay, dạy bảo cho tôi ? Tốn cười nói : - Bệnh của Tử Minh, chẳng qua vì quân Kinh Châu nghiêm chỉnh, ven sông lại có những ụ khói lửa. Tôi có một mẹo, khiến cho những quân giữ bờ sông không đốt được lửa mà Kinh Châu chịu bó tay đầu hàng. Liệu tướng quân có dùng không ? Lữ Mông giật mình nói : - Bá Ngôn nói vậy, như trông thấy cả gan phổi tôi. Vậy thì mẹo ấy ra sao, xin dạy ngay cho. Tốn nói : - Vân Trường cậy mình là anh hùng nhưng chỉ còn e có tướng quân đấy thôi. Giả thử tướng quân giả ốm, từ chức lui về giao công việc cho người khác, để người ấy phỉnh phờ Quan Công làm cho y kiêu ngạo hơn, y tất rút hết quân Kinh Châu kéo sang Phàn Thành. Nếu Kinh Châu không phòng bị gì, ta chỉ dùng một đạo quân mà đánh úp, chắc chắn là lấy được Kinh Châu. Lữ Mông mừng rỡ nói : - Thế mới thực là mẹo giỏi ! Sau đó, Lữ Mông vờ ốm nặng, dâng thư từ chức. Lục Tốn về, ra mắt Tôn Quyền thuật lại kế ấy. Quyền cho triệu Lữ Mông về Kiến Nghiệp dưỡng bệnh. Mông đến nơi. Quyền hỏi rằng : - Trách nhiệm ở Lục Khẩu, xưa Chu Công Cẩn tiến cử Lỗ Túc để thay chân. Khi Lỗ Túc mất, lại tiến cử ngươi kế vào chức ấy. Nay ngươi nên tiến cử một người có tài, có tiếng, để thay ngươi, thế chẳng hay lắm sao ? Mông thưa : - Nếu dùng người có tiếng tăm, thì Vân Trường tất đề phòng. Chỉ có Lục Tốn ý tứ sâu xa, chưa có tiếng tăm, Vân Trường tất không coi ra gì. Nếu dùng người ấy thay tôi, việc ắt xong. Quyền mừng lắm. Ngay hôm ấy, phong Lục Tốn làm Thiên tướng quân hữu đô đốc, thay Lữ Mông, giữ Lục Khẩu. Lục Tốn từ tạ : - Tôi còn ít tuổi, học hành chưa có gì, sợ không gánh nổi việc to. Quyền nói : - Tử Minh đã cử ngươi, tất không nhầm lẫn. Ngươi không được từ chối nữa. Tốn phụng mệnh, nhận lĩnh ấn thụ, ra ngay Lục Khẩu. Bàn giao công việc trong ba quân, mã, thủy, bộ xong đâu đấy, Tốn lập tức viết một phong thư, sai người mang ngựa quý, gấm lạ, rượu ngon và các lễ vật khác, đem đến Phàn Thành vào lễ Quan Công. Bấy giờ, Quan Công đang chữa vết thương, đóng quân một chỗ chưa động. Chợt có tin báo rằng : - Tướng giữ Lục Khẩu bên Đông Ngô là Lữ Mông đau nặng, Tôn Quyền đem về Kiến Nghiệp điều trị, sai Lục Tốn thay chân Lữ Mông. Tốn nay đến nhậm chức, sai người đem thư và lễ vật đến đây, xin vào bái kiến tướng quân. Quan Công đòi sứ giả vào, bảo rằng : - Tôn Quyền nay sao quẫn thế, sai thằng trẻ con làm tướng à ? Sứ giả phục xuống, kêu rằng : - Lục tướng quân tôi, có đồ lễ và thư đến dâng trình quân hầu. Một là mừng quân hầu, hai là cầu đôi bên được hòa hiếu với nhau. Xin quân hầu chiếu cố cho ! Quan Công mở thư ra xem. Thấy lời lẽ khiêm tốn lắm. Xem xong ngửa mặt, cười ầm lên, rồi sai tả hữu thâu lấy lễ vật và cho sứ giả về. Sứ giả về, nói với Lục Tốn : - Quan Công vui mừng, có ý không lo gì đến Đông Ngô nữa. Tốn mừng lắm, sai người sang Kinh Châu dò xét. Quả nhiên, Quan Công rút quân Kinh Châu ta Phàn Thành, chỉ đợi khỏi đau là tiến binh. Tốn biết đích xác, liền sai ngay người về báo với Tôn Quyền. Tôn Quyền triệu Lữ Mông đến, phong Lữ Mông làm Đại đô đốc, sai Tôn Hiệu đi sau tiếp ứng lương thảo. Mông lạy tạ, điểm ba vạn quân và tám chục chiến thuyền tốt, kén những thủy thủ nhà nghề, cho mặc tòan áo trắng, giả làm lái buôn, ngồi trên thuyền chèo lái, còn tinh binh thì phục ở trong khoang thuyền. Lại sai Hàn Đương, Tưởng Khâm, Chu Nhiên, Phan Chương, Chu Thái, Từ Thịnh, Đinh Phụng, cả thảy bảy đại tướng, lần lần tiến binh sang theo. Còn bao nhiêu quân sĩ theo cả Ngô hầu đi sau tiếp ứng. Một mặt, sai người đưa thư cho Tào Tháo, xin cất quân đánh tập hậu Vân Trường. Một khác, báo tin cho Lục Tốn biết trước, rồi mới sai bọn áo trắng, bơi thuyền đi ra sông Tầm Dương. Thuyền đi miết cả ngày đêm, thẳng đến bờ phía Bắc. Quân canh ụ hỏi, người Ngô đáp : - Chúng tôi là khách đi buôn, nhân đi sông gặp phải sóng gió, đến đây tránh ẩn, xin cho ở nhờ một chút. Nói rồi, mang đồ lễ lêb biếu các quân canh. Quân sĩ tin là thực, bằng lòng cho thuyền Ngô đỗ cả ven bờ sông. Canh hai đêm ấy, tinh binh trong khoang thuyền kéo ồ cả lên bờ, bắt trói hết quân giữ ụ, rồi ám hiệu cho tám chục chiếc thuyền cùng đổ lên, chia nhau bắt hết những quân canh giữ các nơi hiểm yếu, đem cả xuống thuyền, không một tên nào chạy thóat. Rối kéo thẳng đến Kinh Châu, mà cũng không một người nào hay. Khi gần đến thành, Lữ Mông dỗ dành và trọng thưởng cho quân sĩ bắt được ở bờ sông, sai chúng đánh lừa quân trong thành mở cửa, đốt lửa làm hiệu. Lữ Mông cho chúng đi trước dẫn đường. Chừng nửa đêm, chúng đến nơi gọi cửa. Quân trong thành thấy người nhà, liển mở cửa. Chúng reo ầm lên một tiếng, đốt lửa làm hiệu. Quân Ngô ùa vào, đánh úp lấy được Kinh Châu. LẠM BÀN 1.Tôn tử binh pháp thiên Kế, cho rằng : Ta làm ra vẻ tự hạ, khiến cho địch trở nên kiêu ngạo. Nếu ta tự hạ, làm cho địch kiêu ngạo, địch sẽ bất lợi. Địch tự hạ, ta phải đề phòng. 2. Sau khi Quan Vân Trường bắt Vu Cấm chém Bàng Đức, hai tướng của Tào Tháo, uy danh lừng lẫy vùng Hoa Hạ, sinh ra kiêu ngạo. Lại thấy Tôn Quyền sai Lục Tốn, một người chưa có tên tuổi giữ Lục Khẩu, Quan Công cho rằng Quyền là quẫn, chủ quan kéo quân ra Phàn Thành để đánh với tướng Ngụy là Tào Nhân, bỏ ngõ Kinh Châu và mất Kinh Châu. Lục Tốn đã dùng mẹo đánh vào sự kiêu ngạo của Quan Vân Trường, gọi là kiêu chiến. 22. GIAO CHIẾN (TƯ MÃ Ý PHÁ LONG TRUNG QUYẾT SÁCH) Từ khi Quan Vân Trường bắt sống Vu Cấm, chém chết Bàng Đức, uy danh lừng lẫy, khắp vùng Hoa Hạ đều kinh sợ. Tin ấy báo về Hứa Đô, Tào Tháo giật mình, hội cả văn võ lại bàn rằng : - Ta vẫn biết, Vân Trường trí dũng trùm một đời, nay chiếm được cả Kinh, Tương, khác nào hổ mọc cánh. Vu Cấm bị bắt, Bàng Đức bị chết, quân Ngụy mất cả nhuệ khí. Phỏng y kéo ùa đến Hứa Đô, thì làm thế nào ? Ta phải thiên đô, tránh đi mới được ! Tư Mã Ý can rằng : - Đại vương chớ vội thiên đô. Bọn Vu Cấm thua vì bị nước ngập, không phải tại đánh nhau, chưa tổn hại gì lớn đến việc nhà nước. Nay, Tôn Quyền, Lưu Bị hai bên không hòa với nhau, Vân Trường mà đắc chí, tất Tôn Quyền không vui. Đại vương nên sai sứ sang Đông Ngô, bày tỏ lợi hại, sai Tôn Quyền ngầm cất quân chặn đường về của Vân Trường, hứa khi nào việc thành, sẽ cắt Giang Nam cho Tôn Quyền, như thế Phàn Thành sẽ được giải vây. Tào Tháo nghe theo kế của Tư Mã Ý. Sai người đưa thư cho Tôn Quyền. LẠM BÀN 1. Tôn tử binh pháp thiên Cửu địa, cho rằng : Cù địa là con đường thông thương với các nước chư hầu. Hàm nghĩa là dùng liên minh, ngọai giao để đánh địch, gọi là giao chiến. 2. Tào Tháo liên minh với Tôn Quyền để đánh Lưu Bị, giải vây Phàn Thành và tránh phải dời đô. Kết cục, Phàn Thành được giải vây. Tôn Quyền lấy Kinh Châu. Vân Trường bị giết. 3. Chủ trương của Gia Cát Lượng là Đông hòa Tôn Quyền, Bắc cự Tào Tháo. Nay, Tư Mã Ý khuyên Tháo liên minh với Tôn Quyền, đánh Lưu Bị, phá Long trung quyết sách của Gia Cát Lượng. 23. HÌNH CHIẾN (QUAN CÔNG PHÁN ĐÓAN SAI LẦM) Như đã thuật, từ khi Quan Công bắt sống Vu Cấm, chém chết Bàng Đức, uy danh lừng lẫy, khắp vùng Hoa Hạ đều kinh sợ. Tin ấy báo về Hứa Đô, Tào Tháo giật mình, hội cả văn võ lại, bàn định rằng : - Ta vẫn biết Vân Trường trí dũng trùm đời, nay chiếm được cả Kinh Tương, khác nào hổ mọc cánh. Vu Cấm bị bắt, Bàng Đức bị chém, quân ngụy mất cả nhuệ khí. Phỏng y kéo ùa đến Hứa Đôn, thì làm thế nào ? Ta phải thiên đô tránh đi mới được. Tư Mã Ý can rằng : - Đại vương chớ nên thiên đô. Vu Cấm thua vì bị nước ngập, chớ không phải lỗi đánh nhau, chưa tổn hại gì đến việc lớn của nước. Nay, Tôn Lưu hai bên không hòa với nhau, Vân Trường đắc chí, tất Tôn Quyền không vừa lòng. Đại vương nên sai sứ sang Đông Ngô, bày tỏ lợi hại, sai Tôn Quyền chặn đường về của Vân Trường, hứa rằng khi nào việc thành sẽ cắt Giang Nam phong cho Tôn Quyền. Như thế thì Phàn Thành tự nhiên được giải vây. Chủ bộ Tưởng Tế nói rằng : - Trọng Đạt (Tư Mã Ý) nói phải lắm ! Nên sai sứ sang Đông Ngô ngay, chớ đừng thiên đô mà náo động dân tâm. Tào Tháo nghe lời, không dời đô nữa. Lại sai, Từ Hỏang, Lã Kiền, dẫn năm vạn tinh binh đi liền ngày hôm ấy, đến đóng ở gò Dương Lăng, chờ khi nào mặt Đông Nam có quân tiếp ứng thì tiến đánh Quan Công. Quả nhiên, Tôn Quyền liên minh với Tào Tháo, lấy được Kinh Châu, giải cứu Phàn Thành, bắt sống và giết Quan Công. LẠM BÀN 1. Theo Tôn tử binh pháp, thiên Hư thực, hình (động từ) là dùng giả, dùng hư, để dẫn dụ đối phương; hình (danh từ) là thực tình, ẩn dấu sự thực tình, làm cho đối phương phán đóan sai lầm tình thế. Nói cách khác, ta vô hình (làm cho địch không phán đóan được tình hình của ta; địch hữu hình là ta phán đóan được tình hình của địch. Gọi là hình chiến. 2. Quan Công phán đóan sai lầm về Tào Tháo, đánh giá sai lầm về Lữ Mông (tướng Đông Ngô), kéo quân ra hết quân ra Phàn Thành, bỏ ngõ Kinh Châu, vừa mất Kinh Châu, không đánh được Phàn Thành vừa mất mạng. 24. THẾ CHIẾN (NHÀ TẤN TÓM THÂU THIÊN HẠ) Nhà Tấn, thời Tam quốc, Thứ sử Ích Châu là Vương Tuấn, dâng sớ xin đánh Ngô. Sớ viết : Tôn Hạo hoang dâm, hung ác, nên đánh ngay đi. Nếu mai Hạo mất, lập vua hiền khác thì giặc sẽ mạnh lên. Thần đóng thuyền đã bảy năm rồi, mỗi ngày để mục nát dần. Thần nay đã bảy mươi tuổi, chưa biết sống chết dường nào. Trong ba việc ấy mà hỏng một việc khó mà đánh được Ngô. Vậy xin bệ hạ đừng để lỡ mất cơ hội này. Tấn chủ Tư Mã Viêm, xem sớ, bàn với quần thần rằng : - Lời của Vương Tuấn hợp ý với Dương đô đốc (Dương Hựu, đã mất), trẫm quyết chí đánh Ngô. Thị trung Vương Hồn tâu rằng : - Tôi nghe Tôn Hạo muốn cướp Trung Nguyên, quân ngũ chỉnh tề, thanh thế đang thịnh, khó lòng đánh nổi. Nên hõan lại một năm nữa, đợi cho quân Ngô mỏi mệt, rồi ta sẽ đánh, mới thành công được. Tấn chủ nghe lời Vương Hồn, giáng chiếu hõan việc cất quân, rồi lui vào hậu cung, cùng Bí thư thừa là Trương Hoa đánh cờ tiêu khiển. Cận thần lại vào tâu, ngòai biên đình có biểu gửi về. Tấn chủ mở ra xem, thì là biểu của Đỗ Dự. Trong biểu viết, đại ý : “ Trước kia, Dương Hựu không nói cho triều thần biết mưu kế ấy, khiến cho triều thần dị nghị linh tinh. Phàm việc gì cũng tính lợi hại. Cứ xem phen này, có tám chín phần lợi, mà cái hại là ở chỗ không chịu gắng công mà thôi. Từ mùa Thu đến nay, tình hình đánh giặc đã gần lộ ra rồi, nếu nửa chừng hõan lại, thì Tôn Hạo dời đô Vũ Xương, sửa sang các thành trì Giang Nam, di chuyển dân cư, khi ấy không thể phá vỡ được thành trì, đồng ruộng chẳng còn gì đáng chiếm. Như vậy, việc định sang năm cũng không làm kịp được nữa ”. Tấn chủ xem biểu xong, Trương Hoa đứng phắt dậy, đẩy bàn cờ ra một bên, chắp tay tâu rằng : - Bệ hạ thánh võ, nước giàu dân mạnh. Ngô chủ thì hoang dâm, bạo ngược, nước suy, dân khốn. Nếu đánh ngay, thì không khó nhọc mà cũng bình định xong. Xin bệ hạ đừng nghi ngại nữa. Tấn chủ nói : - Ngươi đã bày rõ đường lợi hại như thế, trẫm còn nghi ngại gì nữa ! Lập tức lên điện, sai Trấn Nam Đỗ Dự làm Đại đô đốc, dẫn mười vạn quân ra mặt Giang Lăng. Sai Trấn đông đại tướng quân lang nha vương Tư Mã Du ra mặt Từ Trung; Yên đông đại tướng quân Vương Hồn ra mặt Hòanh Giang; Trấn oai tướng quân Vương Nhung ra mặt Vũ Xương; mỗi người dẫn năm vạn quân theo hiệu lệnh của Đỗ Dự. Sai Long nhương tướng quân Vương Tuấn; Quảng Võ tướng quân Đường Bân xuôi thuyền xuống phía Đông. Quân mã thủy bộ cả thảy hơn hai mươi vạn, chiến thuyền vài vạn. Lại sai Quán tướng quân Dương Tế ra đóng ở Tương Dương để coi xét các mặt. Kết cuộc, quân Tấn đánh bại quân Ngô. Tôn Hạo xe một cỗ áo quan, tự trói mình lại, đến dinh quân Tấn xin hàng. Đông Ngô bị diệt. LẠM BÀN 1. Sách Tam lược giải thích : Nhân (cơ hội) tức là thừa, là lợi dụng; thế là tư thế, tư thế của ta mạnh hơn địch, đánh bại địch. Thế chiến, là thừa thế ta mạnh, địch yếu, để đánh địch. 2. Tấn lợi dụng vua nước Ngô bạo ngược hoang dâm, nước Ngô suy yếu, cất quân tiến đánh Ngô thắng lợi, phá thế chân vạc, tạo thế tam phân hợp nhất : Ba nước Thục, Ngô, Tấn, thống nhất thành nước Tấn. 25. TRÚ CHIẾN (TẤN BÌNH CÔNG BAN NGÀY DÙNG PHÉP NGHI BINH) Tả truyện kể, thời Xuân Thu, Tống Bình Công đem quân đánh Tề. Tống Bình Công quân đi trinh sát, thấy một vùng đất rộng, liền ra lệnh làm rất nhiều bù nhìn (người giả) giương cờ xí thật nhiều, rồi cho buộc cây vào chiến xa cho chạy, bụi bay mù trời. Tề hầu đứng xa, trông thấy cờ Tấn phấp phới, bụi bay mù mịt, tưởng quân Tấn đông, không địch nổi, liền ra lệnh lui quân. LẠM BÀN Tôn tử binh pháp thiên Quân tranh, cho rằng, tác chiến ban ngày nên dùng cờ xí thật nhiều, làm nghi binh, khiến quân địch không đóan được binh lực của ta. Trú chiến là nguyên tắc chiến đấu ban ngày. 26. DẠ CHIẾN (BAN ĐÊM QUÂN VIỆT PHÁ QUÂN NGÔ) Tả truyện kể, thời Xuân Thu, nước Việt đánh nước Ngô. Quân chủ lực của nước Ngô đóng ở Lạp trạch. Quân Việt đóng cách quân Ngô một dòng sông. Đêm ấy, Việt Vương Câu Tiễn chia quân làm hai cánh, bên phải và bên trái, đánh thẳng vào Lạp Trạch. Trời tối mù mịt, lửa cháy lập lòe, chỉ nghe tiếng trống ầm ỹ khắp nơi, quân Ngô không biết đánh địch ở hướng nào, chạy tán lọan và thua trận. LẠM BÀN Tôn tử binh pháp thiên Quân tranh, cho rằng, chiến đấu ban đêm cần phải dùng lửa và trống. Dạ chiến là nguyên tắc chiến đấu ban đêm. 27. BỊ CHIẾN (MÃN SŨNG CHUẨN BỊ ĐÁNH QUÂN NGÔ) Thời Tam quốc, đại tướng nước Ngụy là Mãn Sủng đem quân đánh Ngô. Quân Mãn Sủng và quân Ngô đóng cách nhau không xa. Tối hôm ấy, Mãn Sủng nói với các tướng : - Đêm nay, thế nào cũng có gió to, quân địch sẽ dùng hỏa công để đốt và đánh doanh trại ta, nên phải cảnh giác, chuẩn bi kĩ càng. Các tướng kinh ngạc, nhưng tuân lệnh. Quả nhiên, nửa đêm gió rất to, quân Ngô xông vào trại dùng hỏa công. Mãn Sủng âm thầm đem quân tấn công vào trại quân Ngô. Quân Ngô đại bại. LẠM BÀN 1. Sách Tả truyện cho rằng, chuẩn bị kĩ thì không thất bại. Bị là chuẩn bị, trong khi hành quân tác chiến, nhiều tình huống xảy ra, phải chuẩn bị phù hợp với tình huống, gọi là bị chiến. 2. Mãn Sủng giỏi thiên văn, biết có gió to, địch sẽ dùng hỏa công, nên đã phòng bị, lại tương kế tựu kế để đánh địch. 28. LƯƠNG CHIẾN (TÀO THÁO CẮT DẠ DÀY QUÂN VIÊN THIỆU) Tào Tháo đem quân đánh nhau với Viên Thiệu ở Quan Độ từ tháng tám đến tháng chín, quân lực kém dần, lương thảo gần hết, ý muốn bỏ cuộc. Lúc ấy, Tuân Du bỏ Viên Thiệu về với Tào Tháo, Du hỏi Tháo : - Nay lương thảo của ông còn bao nhiêu ? Tháo nói : - Có thể dùng trong một năm. Du cười nói : - Chỉ sợ không được thế ? - Độ sáu tháng. Hứa Du rũ vạt áo, đứng phắt dậy, bước ra khỏi trướng nói : - Tôi thực bụng đến đây để giúp ông, mà ông cứ nói dối, đó đâu phải là ý muốn của tôi ! Tháo nắm vạt áo Du, kéo lại, nói : - Xin Tử Viễn đừng giận, để tôi nói thực. Lương thảo tôi đủ dùng ba tháng nữa. Tuân Du cười nói : - Thiên hạ đồn rằng, Mạnh Đức gian hùng. Quả không ngoa ! Tháo cũng cười nói : - Oâng còn lạ gì nữa ? Người ta thường có câu : Binh bất yếm trá (việc binh phải nói dối). Rồi Tháo ghé tai Du nói thầm : - Chẳng dấu gì ông, lương ăn chỉ đủ tháng này thôi. Du nói to : - Thôi đừng nói dối nữa. Ông hết sạch lương rồi ! Tháo ngạc nhiên hỏi : - Sao ông biết ? Hứa Du bèn đưa lá thư bắt được đưa cho Tháo xem. Rồi kể chuyện, bắt người đưa thư. Tháo nghe xong, cầm tay Hứa Du nói : - Tử Viễn đã có lòng nhớ tới bạn cũ mà tới đây, có mưu kế gì chỉ bảo cho tôi với ? Hứa Du nói : - Minh công đem quân ít mà chống với kẻ địch đông mà không tìm được cách đánh cho mau, ấy là con đường bại vong. Du này có một kế, chỉ trong ba ngày, chẳng cần đánh, mà trăm vạn quân của Viên Thiệu cũng vỡ. Không biết minh công có dùng hay không ? Tháo nói : - Xin cho biết mẹo hay đó ! Hứa Du nói : - Lương thảo của Viên Thiệu chứa ở Ô Sào, sai Thuần Vu Quỳnh coi giữ. Quỳnh chỉ ham uống rượu, chẳng phòng bị gì cả. Minh công nên cho tinh binh đến Ô Sào, nói dối Tưởng Kì (tướng của Thiệu) là lãnh binh đến đó để hộ vệ lương thảo, thừa dịp thuận tiện đốt hết lương. Trong ba ngày, quân Viên Thiệu sẽ lọan ngay. Tháo mừng lắm, trọng đãi Hứa Du, rồi mới lưu lại trong trại. Hôm sau, Tháo kén năm ngàn quân mã bộ, chuẩn bị đi cướp lương ở Ô Sào. Trương Liêu nói : - Chỗ Viên Thiệu chứa lương, sao họ lại không phòng bị ? Thừa tướng không nên khinh thường, kẻo mắc mưu Hứa Du. Tào Tháo nói : - Không phải thế ! Hứa Du về với ta là trời khiến Thiệu thua. Ta thiếu lương, không thể giữ lâu được, không nghe lời của Du là bó tay mà chịu khốn. Nếu Du định lừa ta, sao lại chịu ở lại với ta. Vả lại, ta muốn cướp trại đã lâu rồi, nay nhất định phải thực hành cái mưu này, các người đừng nghi ngờ gì nữa. Trương Liêu nói : - Đành thế ! Nhưng phải phòng Viên Thiệu thừa cơ đánh úp trại ta. Tháo nói : - Ta đã tính kĩ rồi. Liền sai Tuân Du, Giả Hủ, Tào Hồng cùng Hứa Du giữ trại lớn; Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên lãnh quân phục bên tả; Tào Nhân, Lí Điển phục bên hữu. Lại sai Trương Liêu, Hứa Chữ đi trước; Từ Hỏang, Vu Cấm đi sau; Tháo tự dẫn các tướng đi giữa; cả thảy năm ngàn quân mã, cầm cờ hiệu Viên Thiệu, quân sĩ mỗi người mang theo một bó cỏ, đội một đội củi; người thì ngậm tăm, ngựa thì buộc mồm, sẩm sẩm tối kéo đến Ô Sào. Đêm hôm ấy, Tháo đen quân đi, qua trại Viên Thiệu, lính trại ra hỏi. Tháo sai người ra nói là quân Tưởng Kì, phụng mệnh ra Ô Sào giữ lương. Quân Viên Thiệu thấy cờ hiệu của nhà mình, liền cho qua. Cứ thế, quân Tào qua các nơi đều trót lọt. Khi đến Ô Sào, đã hết canh tư, Tháo sai quân đem cỏ chất chung quanh đồn, rối đốt lửa lên, các tướng nổi trống, reo ầm, kéo vào. Bấy giờ, Thuần Vu Quỳnh, cùng với các tướng uống rượu say vào nằm trong trướng. Bỗng nghe tiếng xôn xao, vội vàng trở dậy, hỏi xem có chuyện gì ? Quỳnh chưa hỏi dứt câu, đã bị ngay một lưỡi câu liêm lôi ngã xuống. """