" 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Trách Nhiệm Hình Sự Và Loại Trừ Trách Nhiệm Hình Sự Ebooks Nhóm Zalo Chịu trách nhiệm xuất bản GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PGS. TS. PHẠM MINH TUẤN Chịu trách nhiệm nội dung ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN TS. VÕ VĂN BÉ Biên tập nội dung: Trình bày bìa: Chế bản vi tính: Sửa bản in: Đọc sách mẫu: VĂN THỊ THANH HƯƠNG TS. HOÀNG MẠNH THĂNG NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH TRẦN PHAN BÍCH LIỄU PHẠM THÚY LIỄU PHẠM THU HÀ PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH VIỆT HÀ Giấy đăng ký xuất bản số: 1459-2021/CXBIPH/16-12/CTQG. Quyết định xuất bản số: 311-QĐ/NXBCTQG, ngày 11/5/2021. Mã số ISBN: 978-604-57-6789-4. Nộp lưu chiểu tháng 5 năm 2021 Biªn môc trªn xuÊt b¶n phÈm cña Th− viÖn Quèc gia ViÖt Nam TrÞnh TiÕn ViÖt Tr¸ch nhiÖm h×nh sù vµ lo¹i trõ tr¸ch nhiÖm h×nh sù / TrÞnh TiÕn ViÖt. - T¸i b¶n cã söa ch÷a, bæ sung. - H. : ChÝnh trÞ Quèc gia, 2021. - 420tr. ; 21cm ISBN 9786045764343 1. Ph¸p luËt 2. Tr¸ch nhiÖm h×nh sù 3. ViÖt Nam 345.59704 - dc23 CTM0428p-CIP LỜI NHÀ XUẤT BẢN Trong tiến trình đổi mới đất nước, cùng với việc đổi mới về kinh tế, văn hóa, giáo dục, cải cách hành chính, thì cải cách tư pháp cũng là một đòi hỏi khách quan, cấp thiết và mang tính quy luật để có thể thích ứng với những đổi mới về văn hóa, kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị, cũng như phòng, chống tội phạm... Vì vậy, vấn đề này đã chính thức được đặt ra tại các đại hội của Đảng, đồng thời đã được ghi nhận trong một số văn bản của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cụ thể hóa điều này, đòi hỏi hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật hình sự nói riêng phải ngày càng hoàn thiện và thực sự là công cụ hữu hiệu của Nhà nước ta để bảo vệ một cách tối đa, đầy đủ nhất các quyền của con người và của công dân, các lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức. Do đó, trước yêu cầu mới của đất nước và trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, hòa nhập với xu thế toàn cầu hóa, đòi hỏi 5 chúng ta phải có các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm hữu hiệu và hiệu quả mà một trong các biện pháp rất quan trọng là từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã thể hiện bước phát triển quan trọng trong chính sách hình sự của Nhà nước, có nhiều điểm mới tiến bộ trong tư duy lập pháp hình sự, thể hiện tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như nâng cao tính minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Bộ luật Hình sự với một số đạo luật khác. Nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến giúp Nhân dân nâng cao nhận thức và hiểu đúng về trách nhiệm hình sự và loại trừ trách nhiệm hình sự, đồng thời, phục vụ các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án trong thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 được chính xác, có căn cứ và đúng pháp luật về vấn đề trách nhiệm hình sự, góp phần thực hiện hiệu quả “Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030” ban hành theo Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà xuất bản Chính 6 trị quốc gia Sự thật tái bản có sửa chữa, bổ sung cuốn sách Trách nhiệm hình sự và loại trừ trách nhiệm hình sự (Sách chuyên khảo) do PGS.TS. Trịnh Tiến Việt, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn. Cuốn sách phân tích những vấn đề về nội dung của trách nhiệm hình sự với các hình thức đặc trưng cơ bản, cũng như việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với cá nhân trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 trên cơ sở tổng kết những tri thức khoa học luật hình sự, thực tiễn áp dụng và kinh nghiệm lập pháp hình sự một số nước trên thế giới để lý giải, qua đó đưa ra xu hướng phát triển của pháp luật hình sự nước ta về hai chế định này và những kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định tương ứng đó trước yêu cầu mới của đất nước theo hướng tuân thủ các nguyên tắc nhân đạo, phân hóa trách nhiệm hình sự và yêu cầu kiểm soát, phòng ngừa tội phạm. Cuốn sách gồm ba chương: Chương I: Trách nhiệm hình sự. Chương II: Loại trừ trách nhiệm hình sự. Chương III: Xu hướng phát triển và những kiến nghị hoàn thiện các quy định về trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong lần tái bản này, tác giả tiếp tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung thêm các tri thức mới nhất về trách nhiệm hình sự và loại trừ trách nhiệm hình sự, qua đó, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu hoàn thiện thể chế, trong đó có 7 hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trước yêu cầu tiếp tục cải cách tư pháp sau năm 2020 và Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Tháng 01 năm 2021 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 8 Chương I TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ I. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VÀ MỐI LIÊN HỆ GIỮA TỘI PHẠM VÀ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ Cùng với tội phạm, hình phạt, thì trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề cơ bản, trọng tâm của khoa học luật hình sự, vì suy cho cùng, giải quyết bất kỳ vụ án hình sự nào cũng xoay quanh vấn đề xác định chính xác về trách nhiệm hình sự, sau khi đã xác định tội phạm, quyết định hình phạt hoặc không có tội phạm, cũng như qua đó bảo đảm xử lý đúng người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội, đúng tội và đúng pháp luật. Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý trực tiếp của việc thực hiện tội phạm nên cần thiết phải làm rõ khái niệm tội phạm, từ đó làm rõ khái niệm, các nội dung của trách nhiệm hình sự và mối liên hệ giữa tội phạm và trách nhiệm hình sự. 1. Khái niệm tội phạm Trước hết, để quy định “tội phạm” và “trách nhiệm hình sự” được đầy đủ, chính xác đòi hỏi có một chính sách 9 hình sự khoa học, hợp lý. Chính sách hình sự có thể được “đánh giá trong khuôn khổ được xác định bởi các yếu tố cơ bản về tội phạm và chế tài xử lý... Các mục tiêu của chính sách hình sự được xác định để giảm thiểu xã hội về chi phí của tội phạm; giảm thiểu chi phí kiểm soát tội phạm cũng như phân phối các chi phí này, đồng thời làm các công việc này một cách công bằng... Chính sách hình sự còn được hiểu đơn giản là đưa ra biện pháp chống tội phạm và kiểm soát tội phạm tốt, xây dựng hệ thống tư pháp có hiệu quả, lấy tội phạm làm đối tượng trung tâm để quản lý và kiểm soát bởi Nhà nước và xã hội”1. Nhà nước chỉ có thể kiểm soát tội phạm, có nghĩa là giảm bớt, hạn chế, khống chế, kiềm chế tội phạm chứ không thể xóa bỏ, loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội. Cho nên, để kiểm soát tội phạm, ngoài việc tập trung vào việc sử dụng các hình phạt (chế tài) hình sự như là một phương tiện răn đe người phạm tội và tạm thời hoặc vĩnh viễn làm mất khả năng tái phạm của những người đã phạm tội, còn là việc làm rõ trách nhiệm hình sự của họ, làm rõ loại tội, cũng như đề xuất biện pháp phòng ngừa trong xã hội...2. Trong gần hai thập kỷ của thế kỷ XXI, loài người đã chứng kiến nhiều sự thay đổi vượt bậc về khoa học và công nghệ, hạ tầng vật chất, cũng như những giá trị về _______________ 1. Xem http://www.zurnalai.vu.lt/files/journals/196/articles/3677/ public/77-85.pdf (KAUKO AROMAA, Crime and criminal policy, p.1-3), truy cập ngày 20/02/2019. 2. Xem http://www.ussc.gov/Guidelines/2009_guidelines, truy cập ngày 20/02/2019. 10 văn hóa, tinh thần và việc ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, song hành cùng với những thành tựu đã đạt được là các thách thức mà cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt như những mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống, dịch bệnh, sự thay đổi về tính chất của tội phạm như tính công nghệ, tính có tổ chức, tính xuyên quốc gia... Do đó, để ứng phó với sự thay đổi trên đòi hỏi nỗ lực toàn cầu cũng như tại mỗi cộng đồng xã hội và đặt ra cho các quốc gia những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp để giải quyết hiện tượng tội phạm trong tình hình mới1. Tội phạm là hiện tượng xã hội khó nhất trong việc kiểm soát, cương tỏa, ngăn chặn và loại bỏ ra khỏi đời sống hàng ngày của xã hội2. Ngoài ra, tội phạm còn là một nội dung, đối tượng nghiên cứu cơ bản của nhiều ngành khoa học như triết học, xã hội học, tâm lý học, tội phạm học..., đặc biệt là khoa học luật hình sự. Ở đây, tội phạm là đối tượng đấu tranh phòng ngừa và chống của chính sách hình sự của Nhà nước. Đặc biệt, tội phạm cũng được xem là vấn đề “khởi nguồn”, trung tâm của luật hình sự trước khi nghiên cứu các vấn đề khác như trách nhiệm hình sự, hình phạt...3. _______________ 1. Xem thêm Trịnh Tiến Việt, Nguyễn Khắc Hải (đồng Chủ biên): Giáo trình Tội phạm học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr.9. 2. Xem Trịnh Tiến Việt, Nguyễn Khắc Hải (đồng Chủ biên): Giáo trình Tội phạm học, Sđd, tr.13. 3. Xem Trịnh Tiến Việt: Từ khởi nguồn đến kết thúc của luật hình sự, Tạp chí Khoa học, chuyên san Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 01/2018, tr.1-14. 11 Trước hết, khái niệm tội phạm đã được các nhà làm luật nhiều nước (trong đó có nước ta) ghi nhận trong Bộ luật Hình sự. Chẳng hạn: - Điều 14 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 quy định: “1. Tội phạm là hành vi có lỗi gây nguy hiểm cho xã hội, bị cấm bởi Bộ luật Hình sự và phải chịu hình phạt; 2. Hành động hoặc không hành động, mặc dù về hình thức có bao hàm những dấu hiệu của một hành vi nào đó được Bộ luật này quy định nhưng do tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm”1; - Điều 13 Bộ luật Hình sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997, sửa đổi năm 2005 quy định: “Mọi hành vi gây nguy hại đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; chia cắt quốc gia; lật đổ chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa; phá hoại trật tự kinh tế - xã hội; xâm phạm tài sản thuộc sở hữu nhà nước và tài sản thuộc sở hữu tập thể của quần chúng lao động; xâm phạm tài sản thuộc sở hữu riêng của công dân; xâm phạm các quyền nhân thân, dân chủ và các quyền khác của công dân cũng như các hành vi khác gây nguy hại cho xã hội được quy định là tội phạm. Những hành vi nhỏ nhặt gây hại không lớn thì không phải là tội phạm”2. _______________ 1. Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch): Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.28. 2. Đinh Bích Hà (dịch): Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.41-42. 12 - Điều 1 Bộ luật Hình sự Vương quốc Thụy Điển năm 1962, sửa đổi năm 2009 quy định: “Một tội phạm là một hành vi được xác định trong Bộ luật này hoặc trong Bộ luật khác hay trong một văn bản pháp luật nào đó (đạo luật) mà phải chịu một hình phạt theo quy định của Luật này”1; v.v.. Nói chung, khái niệm tội phạm trong Bộ luật Hình sự mỗi nước đều có sự khác biệt. Chẳng hạn, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2010 không nêu rõ “khách thể của tội phạm”, nhưng nhấn mạnh một dấu hiệu cơ bản của tội phạm là “tính phải chịu hình phạt”. Còn Bộ luật Hình sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997, sửa đổi năm 2005 lại chỉ tập trung liệt kê các quan hệ xã hội nào được Bộ luật Hình sự bảo vệ - yếu tố “khách thể của tội phạm” - chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; chia cắt quốc gia; lật đổ chính quyền chuyên chính dân chủ nhân dân và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa; phá hoại trật tự kinh tế - xã hội; xâm phạm tài sản thuộc sở hữu nhà nước và tài sản thuộc sở hữu tập thể của quần chúng lao động; v.v., mà không đề cập các dấu hiệu cơ bản khác của tội phạm. Đặc biệt, khác biệt với một số nước còn lại và Việt Nam, Bộ luật Hình sự Vương quốc Thụy Điển năm 1962, sửa đổi năm 2009 quy định tội phạm trong cả Bộ luật Hình sự và các _______________ 1. Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch): Bộ luật Hình sự Thụy Điển, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.8. 13 văn bản khác, đồng thời nhấn mạnh “tính phải chịu hình phạt” của tội phạm; v.v.. Như vậy, việc xác định tội phạm trong luật hình sự được xem là khởi nguồn, đồng thời là “cơ sở để quy định hình phạt nhưng việc quy định hình phạt xét cho cùng cũng là một phần của việc xác định tội phạm... Khái niệm tội phạm là cơ sở để xây dựng các cấu thành tội phạm cụ thể với ý nghĩa là mô hình pháp lý của từng loại tội phạm và qua đó cũng là cơ sở để quy định hình phạt tương ứng”1. Ở Việt Nam, đến Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây viết gọn là Bộ luật hình sự năm 2015), khái niệm về tội phạm đã bổ sung thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại phạm tội và được định nghĩa như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà _______________ 1. Nguyễn Ngọc Hòa: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2015, tr.13. 14 theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự” (Điều 8). Do đó, từ định nghĩa pháp lý đã nêu cho thấy, tội phạm theo Bộ luật Hình sự Việt Nam có các dấu hiệu (đặc điểm) được thừa nhận chung sau đây: a) Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một dấu hiệu (đặc điểm) đầu tiên và quan trọng của tội phạm. Nói chung, tội phạm hay vi phạm pháp luật đều có tính nguy hiểm cho xã hội, thuộc tính này không chỉ có ở tội phạm mà tồn tại ở tất cả các vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng pháp luật, các nhà làm luật đã dựa trên nhiều căn cứ khác nhau để lựa chọn (quyết định) từ trong số các vi phạm pháp luật những loại hành vi nào có tính chất và mức độ nguy hiểm cao nhất để đưa vào Bộ luật Hình sự nhằm xử lý một cách triệt để và hiệu quả hơn, cũng như bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ các lợi ích khác nhau từ thấp đến cao, từ sự điều chỉnh của những ngành luật khác đến luật hình sự. Cho nên, nó là một trong những căn cứ để phân biệt hành vi phạm tội với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do vậy, những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, đó là: 15 - Tầm quan trọng của quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ; - Hình thức lỗi; - Hậu quả của tội phạm; - Công cụ, phương tiện phạm tội; - Phương thức, thủ đoạn phạm tội; - Thời gian, không gian phạm tội; - Địa điểm, hoàn cảnh phạm tội; - Động cơ, mục đích phạm tội; - Nhân thân người phạm tội; - Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội nơi xảy ra sự việc; v.v.. b) Tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự Đây là dấu hiệu cơ bản thứ hai của tội phạm và là đặc điểm thể hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong luật hình sự Việt Nam. Pháp chế là đòi hỏi quan trọng của pháp luật hình sự, là cơ sở để pháp luật hình sự được thực thi một cách có hiệu quả. Như đã đề cập, “pháp chế như là tính thiêng liêng của pháp luật, tính bền vững của các quy phạm pháp lý... Pháp chế có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật, với bình đẳng và với sự tuân thủ luật pháp, không một ai, không một người nào có bất kỳ một đặc quyền nào trước pháp luật...”1. _______________ 1. X.X.Alếchxâyép: Pháp luật trong cuộc sống của chúng ta, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1986, tr.100. 16 Ngoài ra, nội dung đặc điểm này còn phản ánh quyền không bị coi là phạm tội về một hành vi mà trong thời gian xảy ra chưa cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật đã được đề cập tại khoản 2 Điều 11 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948: “Không ai bị cáo buộc là phạm tội vì bất kỳ hành vi hoặc sự tắc trách nào mà không cấu thành một tội phạm hình sự theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện hành vi hay có sự tắc trách nào đó”1 và cũng tương tự như vậy tại khoản 1 Điều 15 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 khi quy định: “Không ai bị coi là phạm tội vì một hành động hoặc không hành động mà không cấu thành tội phạm theo pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế tại thời điểm thực hiện hành vi đó”2. Cho nên, các nguyên tắc này còn khẳng định giá trị của pháp luật với tư cách là thước đo, chuẩn mực để đánh giá hành vi của con người, ngăn ngừa sự quy tội và trừng trị con người một cách chuyên quyền, độc đoán và tùy tiện của Nhà nước. Điều đó đem đến sự an toàn pháp lý cho con người trong xã hội, giúp họ tránh khỏi nguy cơ bị tội phạm hóa bất cứ lúc nào. Do đó, để khẳng định rõ hơn điều này, Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với cả cá nhân và pháp nhân _______________ 1, 2. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động - Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.50, 84. 17 thương mại. Theo đó, chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự và cũng chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự. c) Tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc do pháp nhân thương mại thực hiện Một điểm mới cơ bản trong Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 trước đây về chủ thể của tội phạm là đã quy định chủ thể của tội phạm còn là “pháp nhân thương mại” thực hiện một số tội phạm trong Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng phải chịu trách nhiệm hình sự1. Căn cứ để quy định bổ sung pháp nhân thương mại phạm tội cũng phải chịu trách nhiệm hình sự không những nhằm góp phần đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm do pháp nhân _______________ 1. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì pháp nhân thương mại được coi là chủ thể của tội phạm (Điều 8), tuy nhiên, nhiều nội dung sau đó lại chưa thể hiện rõ nét vấn đề này, do đó, một số nhà khoa học lại cho rằng, pháp nhân thương mại chỉ là chủ thể của trách nhiệm hình sự chứ không phải là chủ thể của tội phạm. Đây là nguyên tắc trách nhiệm hình sự kép theo nghĩa cả hai chủ thể cùng phải chịu trách nhiệm hình sự về một tội phạm đã được thực hiện và cũng chỉ có một tội phạm được thực hiện. Xem cụ thể hơn Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên): Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017, tr.17. 18 thực hiện (đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, kinh tế, tài chính - ngân hàng...), mà còn phù hợp với yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như đáp ứng kịp thời của thực tiễn xét xử. Trước hết, về chủ thể là cá nhân, rõ ràng tội phạm là hành vi của con người, do con người có đủ các điều kiện do pháp luật quy định thực hiện. Điều kiện mà pháp luật quy định cho chủ thể của tội phạm được gọi là điều kiện chủ thể của tội phạm. Theo luật hình sự Việt Nam, có hai điều kiện cơ bản mà mọi chủ thể của tội phạm là cá nhân đều phải đáp ứng là năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Năng lực trách nhiệm hình sự là khái niệm được dùng để chỉ khả năng hay trạng thái của con người, bằng hành vi của mình, tham gia vào quan hệ pháp luật hình sự. Nội dung của khả năng đó được thể hiện trên hai phương diện: năng lực nhận thức hành vi và năng lực điều khiển hành vi. Chỉ những người nào có khả năng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và có khả năng điều khiển được hành vi đó mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Những người do bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà mất đi khả năng nhận thức hành vi hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì dù hành vi của họ có xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ cũng không bị coi là chủ thể của tội phạm. Ngoài ra, cách thức quy định dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự trong luật hình sự mỗi quốc gia có sự khác nhau nhất định. 19 Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, các nhà làm luật chỉ gián tiếp đề cập điều kiện “năng lực trách nhiệm hình sự” thông qua việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12) và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21)1. Như vậy, một người được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự khi họ đạt đến một độ tuổi nhất định và không ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Năng lực trách nhiệm hình sự luôn gắn với độ tuổi cụ thể của con người. Quy định độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự có ý nghĩa tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất để xác định phẩm chất tâm lý phổ biến ở mỗi con người trong xã hội. Một người chưa đạt đến độ tuổi mà pháp luật quy định được xem như chưa có năng lực trách nhiệm hình sự. Do đó, tuổi chịu trách nhiệm hình sự đương nhiên cũng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm do cá nhân thực hiện. Trên cơ sở này, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, _______________ 1. Xem cụ thể mục IV Chương II cuốn sách này. 20 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Còn đối với pháp nhân, Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Pháp nhân thương mại” quy định: “1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. 2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. 3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Ngoài ra, khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi có đủ các điều kiện sau: - Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; - Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; - Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và; - Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 20151. _______________ 1. Xem cụ thể hơn tiểu mục 1.2. mục V Chương I cuốn sách này.21 d) Tội phạm do chủ thể thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý) Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc do pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Cố ý và vô ý là hai hình thức cụ thể của lỗi. Nói cách khác, lỗi là dấu hiệu bắt buộc của mọi tội phạm. Đối với cá nhân, về mặt pháp lý, năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự là cơ sở của lỗi. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi do luật định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đều có lỗi. Do đó, để xác định một người có lỗi hay không, cần phải xem xét đến vấn đề tự do ý chí của người đó khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tự do ý chí là điều kiện bắt buộc để quy kết một người là có lỗi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ đã thực hiện. Dưới góc độ triết học, tự do ý chí gắn liền với vấn đề nhận thức được cái tất yếu và hành động theo cái tất yếu đó. Nếu không có tự do, con người sẽ không có sự lựa chọn trong việc quyết định đưa ra xử sự này hay xử sự khác phù hợp với đòi hỏi mang tính quy luật và tất yếu của xã hội, phản ánh qua các quy phạm pháp luật hình sự. Trong luật hình sự, lỗi được hiểu là “quan hệ giữa cá nhân người phạm tội với xã hội mà nội dung của nó là sự phủ định chủ quan đòi hỏi của xã hội đã được thể hiện qua các đòi hỏi cụ thể của luật hình sự. Đó là sự phủ định đòi hỏi của xã hội trong ý thức của chủ thể. Sự phủ định 22 chủ quan này tồn tại trong sự thống nhất với sự phủ định khách quan là sự phủ định đòi hỏi của xã hội trên thực tế mà biểu hiện cụ thể là sự gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Tội phạm chính là sự thống nhất giữa hai loại phủ định này...”1. Do đó, việc thừa nhận lỗi là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm đã loại trừ nguyên tắc quy kết trách nhiệm hình sự chỉ dựa trên cơ sở các dấu hiệu khách quan, đồng thời là bảo đảm quan trọng để luật hình sự thực hiện mục đích cải tạo, giáo dục đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Còn đối với pháp nhân, nó không phải là một chủ thể giả tưởng mà là “một thực thể xã hội độc lập”2. Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Pháp nhân” quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có các điều kiện sau: - Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; - Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; - Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu bằng tài sản của mình; - Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. _______________ 1. Nguyễn Ngọc Hòa: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Sđd, tr.117. 2. Trịnh Quốc Toản: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, tr.231. 23 Như vậy, pháp nhân với nhiều danh nghĩa, có thể “được so sánh với con người. Nó có não bộ, có hệ thần kinh trung ương kiểm tra những gì nó làm. Nó cũng có tay để cầm công cụ và hành động theo mệnh lệnh của hệ thần kinh trung ương... Pháp nhân rõ ràng là một thực thể có ý chí, có mong muốn riêng của mình, được xử sự tự do và hưởng quyền tự chủ của chủ thể có thể so sánh với quyền tự chủ của cá nhân và vì vậy, có năng lực thực hiện tội phạm một cách có lỗi...”1. Hơn nữa, theo lý thuyết đồng nhất hóa trong khoa học luật hình sự, rõ ràng khi các pháp nhân thực hiện chính là biểu lộ ý chí tập thể vào sự thống nhất chung qua người đại diện cho pháp nhân, hành vi của mỗi cá nhân đã đồng nhất hóa với pháp nhân, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại hoặc được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; do đó, tội phạm còn là hành vi do pháp nhân thương mại thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý)2. _______________ 1. Trịnh Quốc Toản: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự, Sđd, tr.231. 2. Ví dụ, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định bốn điều kiện để pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có điều kiện “hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại” (điểm c khoản 1 Điều 75). Đây là điều kiện phản ánh dấu hiệu “lỗi” của pháp nhân. Theo đó, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi người đại diện (hoặc người đứng đầu) của pháp nhân nhận thức rõ hành vi của người đại diện thực hiện là trái pháp luật, nhưng vẫn chỉ đạo, cho phép, trực tiếp điều hành hoặc chấp thuận cho người đại diện thực hiện hành vi đó, nên pháp nhân thương mại bị coi là có lỗi. 24 đ) Tội phạm xâm phạm đến các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ Trong khái niệm tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015, các nhà làm luật Việt Nam đã xác định các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Chỉ hành vi nào xâm hại những quan hệ xã hội đã được liệt kê này mới được coi là tội phạm. Do đó, “xâm phạm đến các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ” cũng là một dấu hiệu có tính đặc trưng của tội phạm. Các quan hệ xã hội được các nhà làm luật Việt Nam xác lập và bảo vệ gồm có: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Các quan hệ tương ứng này được các nhà làm luật nước ta cụ thể hóa thành chương tội phạm trong Phần các tội phạm Bộ luật này. Cho nên, có thể khẳng định rằng, trách nhiệm hình sự (và cả hình phạt) được bắt đầu, xuất phát từ nội dung của tội phạm. Có hành vi nguy hiểm cho xã hội mới có thể có tội phạm, có tội phạm thì mới có chủ thể của tội phạm. Có chủ thể của tội phạm mới đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự. Khi có trách nhiệm hình sự rồi mới đặt ra vấn đề có áp dụng hình phạt hay không. Đến lượt mình, trách 25 nhiệm hình sự (và hình phạt) lại chỉ áp dụng đối với chủ thể đã thực hiện tội phạm. Như vậy, khái niệm tội phạm được định nghĩa như sau: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đáp ứng điều kiện thực hiện một cách có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ. 2. Khái niệm trách nhiệm hình sự Từ việc nghiên cứu phạm trù tội phạm, lôgíc đương nhiên là phải làm rõ hậu quả của việc thực hiện tội phạm chính là trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự không gì khác chính là hình thức mà Nhà nước phản ứng trước hiện tượng tội phạm. Ở đây, “nhằm phát triển hài hòa các quan hệ xã hội, Nhà nước đề ra những yêu cầu mà việc thực hiện chúng là điều kiện không thể thiếu để bảo đảm và bảo vệ trật tự xã hội, trật tự pháp luật và pháp chế của đất nước. Đối với hành vi vi phạm yêu cầu có tính bắt buộc đó, Nhà nước có sự phản ứng tương thích nhằm bảo đảm cho các quy phạm pháp luật được thực hiện và sự vi phạm pháp luật trong tương lai được ngăn chặn”1. Do đó, trách nhiệm hình sự là một phạm trù khoa học _______________ 1. Hồ Sỹ Sơn: Bàn về khái niệm, bản chất, nội dung và giới hạn của trách nhiệm hình sự, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6/2010, tr.43. 26 của luật hình sự, được đặt ra để thể hiện sự lên án, phản ứng của Nhà nước1 đối với chủ thể của tội phạm bằng việc quy định hậu quả của việc thực hiện hành vi phạm tội, thông qua đó, buộc một cá nhân, pháp nhân (thương mại) đã phạm tội phải gánh chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do Bộ luật Hình sự quy định. Giải quyết rõ ràng, dứt khoát và chính xác vấn đề trách nhiệm hình sự trong những trường hợp khác nhau và cụ thể đó đối với chủ thể của tội phạm sẽ phòng ngừa oan, sai, vi phạm pháp luật hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, các lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Hơn nữa, suy cho cùng, giải quyết bất kỳ vụ án nào cũng chính là làm sáng tỏ vấn đề trách nhiệm hình sự. Như vậy, trách nhiệm hình sự là một thuật ngữ được sử dụng đối với người (cá nhân), nhưng hiện nay Bộ luật Hình sự nước ta đã bổ sung thêm cả pháp nhân thương mại phạm tội có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, đồng thời là một dạng của trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất. Do đó, không được dùng các dạng trách nhiệm pháp lý khác áp dụng thay thế trách nhiệm pháp lý hình sự. _______________ 1. Xem Kent Roach: Criminal Law, Published and bound in Canada by Love Printing Service Ltd, 1996, pp.7-29. 27 Trách nhiệm hình sự theo nghĩa tổng thể bao gồm hai mặt: “Thực hiện trách nhiệm hình sự từ phía Nhà nước và chịu trách nhiệm hình sự từ phía người phạm tội... phải có việc truy cứu trách nhiệm hình sự từ phía Nhà nước mới đưa đến việc chịu trách nhiệm hình sự của người phạm tội...”1. Trước đây, quan niệm truyền thống và quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985, sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991, 1992, 1997, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đều coi trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong xử lý những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế và môi trường, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của pháp nhân gây ra2, cũng như trong bối cảnh toàn cầu hóa khi Việt Nam tham gia nhiều Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000, Công ước chống tham nhũng năm 2003, v.v., thì một trong những điểm mới đột phá trong chính sách hình sự là Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của _______________ 1. Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên): Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.7. 2. Pháp nhân thường có tài sản lớn hơn cá nhân (thể nhân), pháp nhân có khả năng lớn hơn thể nhân trong việc sửa chữa, khắc phục hậu quả và nộp các khoản phạt cho Nhà nước... 28 pháp nhân thương mại. Trách nhiệm hình sự của cá nhân (thể nhân) hay trách nhiệm hình sự của pháp nhân tuy khác nhau song đều có mối liên hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau vì cả hai đều có cùng một cơ sở là xuất phát từ hành vi phạm tội cụ thể của cá nhân (người phạm tội). Do đó, khái niệm trách nhiệm hình sự được định nghĩa như sau: Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất và là hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế hình sự do Bộ luật Hình sự quy định đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. 3. Đặc điểm Như vậy, việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội có căn cứ, chính xác và đúng pháp luật đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, cải tạo và giáo dục người, pháp nhân thương mại phạm tội, qua đó, làm giảm bớt tình hình tội phạm và kiểm soát tội phạm, cũng như nguyên nhân phát sinh tội phạm. Do đó, ngoài những đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm hình sự còn bao gồm những đặc điểm riêng (khi Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại phạm tội): 29 a) Trách nhiệm hình sự là dạng trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất, đồng thời là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm Trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh (hay xuất hiện) khi có sự việc phạm tội. Nói cách khác, nếu thực tế không có việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định hành vi đó là tội phạm thì không thể dẫn đến việc đặt ra vấn đề có trách nhiệm hình sự. Do đó, “trách nhiệm hình sự” tồn tại khách quan, độc lập không phụ thuộc vào việc tội phạm hay người, pháp nhân thương mại phạm tội đã bị cơ quan chuyên trách hay người có thẩm quyền phát hiện ra được hay chưa. Vì vậy, trong khoảng thời gian còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, người, pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu sự truy cứu trách nhiệm hình sự từ phía Nhà nước (nếu Nhà nước phát hiện ra) và đương nhiên Nhà nước có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự các chủ thể này trên cơ sở chung. Nói cách khác, đây chính là đặc điểm phản ánh “giới hạn thời gian” của trách nhiệm hình sự. b) Trách nhiệm hình sự là sự phản ứng, lên án của Nhà nước đối với chủ thể thực hiện tội phạm qua việc quy định các biện pháp cưỡng chế hình sự để áp dụng Một người hay pháp nhân thương mại phạm tội đã gây ra hậu quả (thiệt hại cho xã hội), xâm phạm đến lợi ích chung của Nhà nước, của cộng đồng và của công dân, do đó, để duy trì sự ổn định, trật tự xã hội chung, Nhà nước 30 thể hiện sự lên án này thông qua việc truy cứu trách nhiệm hình sự và quy định các biện pháp cưỡng chế hình sự trong Bộ luật Hình sự để áp dụng. Nói cách khác, chủ thể của tội phạm “phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (như: hình phạt, biện pháp tư pháp) và mang án tích”1. c) Trách nhiệm hình sự chỉ được thực hiện trong phạm vi của quan hệ pháp luật hình sự giữa các chủ thể nhất định Cụ thể, hai bên với tính chất là hai chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự có các quyền và nghĩa vụ nhất định - một bên là Nhà nước, còn phía bên kia là người, pháp nhân thương mại phạm tội. Nhà nước, mà đại diện là các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền - có quyền xử lý người, pháp nhân thương mại phạm tội nhưng phải có nghĩa vụ chỉ được xử lý dựa trên căn cứ pháp luật và trong các giới hạn, biên độ do pháp luật quy định và điều chỉnh; ngược lại, người, pháp nhân thương mại phạm tội có nghĩa vụ phải chịu sự tước bỏ hoặc hạn chế quyền, tự do và lợi ích nhất định, nhưng đồng thời họ đương nhiên cũng có quyền yêu cầu sự tuân thủ nghiêm minh, đầy đủ và thực hiện đúng quy định của pháp luật từ phía Nhà nước, từ phía các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền và từ các cán bộ thực thi pháp luật _______________ 1. Nguyễn Ngọc Hòa, Lê Thị Sơn: Từ điển pháp luật hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr.281. 31 đại diện cho Nhà nước - đối với các quyền, tự do và lợi ích chính đáng của con người, của công dân và lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, hai nội dung (quyền và nghĩa vụ) thực hiện luôn song hành với hai chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự là Nhà nước và người, pháp nhân thương mại phạm tội. Các nội dung này phát sinh và tồn tại khi còn tồn tại cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự phát sinh mối quan hệ giữa hai chủ thể này1 đã được thể hiện ở Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Cơ sở của trách nhiệm hình sự”. Nói cách khác, “nguyên tắc công bằng đòi hỏi quyền phải đi đôi với nghĩa vụ giữa hai chủ thể này... Nguyên tắc công bằng đòi hỏi trước hết phải có việc quy định cơ sở thống nhất, duy nhất của trách nhiệm hình sự...”2. d) Trách nhiệm hình sự mang tính chất công Chỉ có Nhà nước mới có quyền buộc người, pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự và ngược lại, trách nhiệm hình sự của các chủ thể này là trước Nhà nước, trước pháp luật chứ không phải trước cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào. Đồng thời, trách nhiệm hình sự được xác định theo một trình tự do pháp luật tố _______________ 1. Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên): Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Sđd, tr.7. 2. Võ Khánh Vinh: Nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam, Sđd, tr.64. 32 tụng hình sự quy định, đồng thời được thể hiện trong bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án áp dụng đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội, mà trong đó, chủ thể đã bị Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế hình sự do Bộ luật Hình sự quy định. Nói cách khác, “trách nhiệm hình sự cần phải được xác định thống nhất đối với mọi người thuộc bất kỳ tầng lớp và địa vị xã hội nào. Định nghĩa tội phạm không để xảy ra trường hợp một tầng lớp người thực hiện hành vi thì không bị pháp luật xử lý trong khi tầng lớp người khác cũng thực hiện hành vi đó lại bị pháp luật xử lý”1. đ) Hình phạt là một hình thức (thực hiện) của trách nhiệm hình sự Trách nhiệm hình sự có nội hàm rộng hơn hình phạt. Hình phạt chỉ là một dạng đặc trưng, điển hình và phổ biến do Tòa án áp dụng trên thực tế của trách nhiệm hình sự. Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước do Bộ luật Hình sự quy định, do Tòa án áp dụng đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội để tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó. Cho nên, “mục đích cuối cùng của việc thực hiện trách nhiệm hình sự từ phía Nhà nước đối với các chủ thể này chính là được thể hiện ở mục đích của việc _______________ 1. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: Tư pháp hình sự so sánh, (số đặc biệt phục vụ việc thảo luận toàn dân dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi), Thông tin khoa học pháp lý, Hà Nội, 1999, tr.68. 33 áp dụng hình phạt”1. Đến lượt mình, hình phạt lại có ý nghĩa là phương tiện quan trọng để thông qua đó đạt được mục đích của trách nhiệm hình sự. Nói cách khác, giữa trách nhiệm hình sự và hình phạt tồn tại mối quan hệ “mục đích và phương tiện thực hiện mục đích”. Việc xác định mục đích của “trách nhiệm hình sự và hình phạt là phương tiện để thực hiện mục đích cho phép giải quyết đúng đắn vấn đề xây dựng hệ thống hình phạt như thế nào mới có thể đáp ứng được mục đích của trách nhiệm hình sự”2. Nếu “thiếu hình phạt (hay chế tài hình sự) thì các quy định chỉ còn là hướng dẫn chứ không phải là quy định về tội phạm”3. 4. Nội dung mối liên hệ giữa tội phạm và trách nhiệm hình sự Nội dung mối liên hệ giữa tội phạm và trách nhiệm hình sự phản ánh các đặc điểm sau đây: a) Thể hiện sự lên án của Nhà nước dưới góc độ pháp lý hình sự và sự phản ứng của cộng đồng dưới góc độ xã hội đối với chủ thể của tội phạm _______________ 1. Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên): Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Sđd, tr.7. 2. Đỗ Ngọc Quang: Tìm hiểu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.29-30. 3. Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: Tư pháp hình sự so sánh, Tlđd, tr.68. 34 Tội phạm là khái niệm lập pháp được các nhà làm luật quy định trong Điều 8 Bộ luật Hình sự Việt Nam để làm cơ sở pháp lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án trong việc truy cứu và xử lý các hành vi xâm hại đến các quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Trong khi đó, trách nhiệm hình sự lại là phạm trù khoa học, được đặt ra để phản ánh sự lên án, phản ứng của Nhà nước đối với chủ thể của tội phạm bằng việc quy định hậu quả của việc thực hiện hành vi phạm tội thông qua đó, buộc một cá nhân, pháp nhân thương mại đã phạm tội phải gánh chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế hình sự của Nhà nước do Bộ luật Hình sự quy định. Như vậy, ý nghĩa chính trị - xã hội ở đây thể hiện ở chỗ, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tội phạm xâm hại đến các lợi ích chung của xã hội, thì với tư cách là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm, trách nhiệm hình sự nhằm giải quyết chính xác vấn đề các khả năng, hình thức của trách nhiệm hình sự dự kiến áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội, thể hiện sự trừng trị, lên án của Nhà nước đối với chủ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, nếu đúng. Do đó, trách nhiệm hình sự là sự thể hiện phản ứng không chỉ của Nhà nước, mà còn của cộng đồng xã hội đối với chủ thể của tội phạm. Bằng cách này, Nhà nước đã quy định trong Bộ luật Hình sự các biện pháp cưỡng chế hình sự để xử lý người, pháp nhân thương mại phạm tội. 35 b) Phản ánh nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam Mối liên hệ giữa tội phạm và trách nhiệm hình sự phản ánh không chỉ hai nguyên tắc này, mà trong đó, tội phạm phản ánh rõ hơn nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, còn trách nhiệm hình sự lại thể hiện nguyên tắc công bằng trong luật hình sự. Trước hết, với nguyên tắc pháp chế, mối liên hệ giữa tội phạm và trách nhiệm hình sự thể hiện ở chỗ - chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự và cũng chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 2): - “Người nào” - chủ thể đó là con người cụ thể, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, tội phạm duy nhất chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự, không quy định trong văn bản pháp luật nào khác. Đồng thời, một người không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật Hình sự không quy định là tội phạm. Nói một cách khác, “đây là nguyên tắc nền tảng để bảo vệ con người và phẩm giá của con người, là bảo đảm pháp lý cực kỳ quan trọng của một xã hội văn minh, chống lại sự tùy tiện của những người có chức năng có quyền đối với công dân và sự tùy tiện “tự xử” giữa công dân với nhau”1. _______________ 1. Đào Trí Úc: Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.695. 36 - Chỉ “pháp nhân thương mại nào” - chủ thể là pháp nhân, đáp ứng các điều kiện của pháp nhân thương mại (hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự), đồng thời thực hiện một trong các tội quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, với nguyên tắc công bằng lại thể hiện ở chỗ, nó bảo đảm sự bình đẳng, ngang nhau trong đánh giá hành vi phạm tội của những người phạm tội và giữa các pháp nhân thương mại phạm tội với nhau, thể hiện rõ nét trong Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Nguyên tắc xử lý”, ngoài ra, còn thể hiện nội dung bình đẳng trước pháp luật đối với tất cả mọi người với “người nào...” hoặc “pháp nhân thương mại nào...” có nghĩa không loại trừ hay bỏ qua một ai hoặc một pháp nhân thương mại nào trong xã hội. Vì vậy, nếu một người hoặc một pháp nhân thương mại nào đã phạm tội là phải chịu trách nhiệm hình sự và ngược lại, trách nhiệm hình sự cũng chỉ áp dụng đối với người nào hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện tội phạm trên cơ sở chung. c) Phản ánh mối liên hệ nhân - quả, trong đó tội phạm là nguyên nhân còn trách nhiệm hình sự là kết quả Tội phạm và trách nhiệm hình sự phản ánh mối liên hệ nhân - quả với nhau. Theo đó, trên cơ sở phép biện chứng 37 duy vật lịch sử, “phạm trù nguyên nhân dùng để chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật, hiện tượng, hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau, từ đó tạo nên sự biến đổi nhất định. Phạm trù kết quả dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện do sự tác động giữa các mặt, các yếu tố trong một sự vật, hiện tượng, hoặc giữa các sự vật, hiện tượng”1. Vì vậy, “nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, cho nên nguyên nhân bao giờ cũng có trước, kết quả là cái có sau. Có mối liên hệ trước - sau trong tính nhân quả là mối liên hệ mang tính sản sinh, nối tiếp nhau về mặt thời gian và bao giờ cũng diễn ra trong một hoàn cảnh cụ thể. Một nguyên nhân nhất định trong một hoàn cảnh nhất định bao giờ cũng sản sinh ra kết quả nhất định. Chính nhờ mối liên hệ này mà muốn triệt tiêu một hiện tượng, bao giờ cũng phải tác động vào nguyên nhân”2. Cho nên, tội phạm và trách nhiệm hình sự phản ánh mối liên hệ nhân - quả với nhau. Lôgíc của vấn đề là phải có tội phạm trước thì mới có trách nhiệm hình sự. Đương nhiên, không thể tồn tại trách nhiệm hình sự mà lại không có tội phạm. Đồng thời, xét về mặt thời gian, tội phạm phải có trước, trách nhiệm hình sự phải có sau, cụ thể hơn là phải có _______________ 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.79. 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Triết học Mác - Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.2, tr.98. 38 khái niệm tội phạm mới có khái niệm trách nhiệm hình sự. Trong mối liên hệ này, trách nhiệm hình sự chính là hậu quả pháp lý hình sự trực tiếp của tội phạm. Vì vậy, cũng xuất phát từ trên cơ sở phép biện chứng duy vật lịch sử, “mối liên hệ nhân quả là mối quan hệ có tính khách quan, tất yếu trong nhận thức và thực tiễn không thể phủ nhận quan hệ nhân - quả. Trong thế giới hiện thực không thể tồn tại những sự vật, hiện tượng hay quá trình biến đổi không có nguyên nhân và ngược lại, không có nguyên nhân nào không dẫn đến những kết quả nhất định. Vì mối liên hệ nhân quả rất phức tạp, đa dạng nên phải phân biệt chính xác các loại nguyên nhân để có phương pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp với mỗi trường hợp cụ thể trong nhận thức và thực tiễn”1. Tương ứng, để một hay nhiều thành viên trong xã hội không phải chịu trách nhiệm hình sự (và hình phạt) với tư cách là kết quả, thì không có cách nào khác, như đã đề cập, Nhà nước cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tội phạm, không để cho tội phạm xảy ra, không gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội để không phải áp dụng trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ thành viên nào trong xã hội thì tốt hơn là để nó (tội phạm) xảy ra rồi áp dụng trách nhiệm hình sự (loại trừ nguyên nhân). Có thể khẳng định, rõ ràng việc không để cho tội phạm xảy ra xét về hiệu quả kiểm soát tội phạm luôn được _______________ 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Sđd, tr.81. 39 đề cao hơn việc kịp thời phát hiện và xử lý tội phạm. Đây cũng chính là yêu cầu của một hệ thống tư pháp hình sự khoa học, hợp lý. d) Phản ánh nội dung chủ thể là người đã thực hiện hành vi phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự, cũng như xác định ranh giới trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự và được loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội Trong nội dung của tội phạm có thể hiện một đặc điểm phản ánh chủ thể của việc thực hiện hành vi phạm tội của người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (hay còn gọi là người phạm tội) hoặc pháp nhân thương mại đáp ứng các điều kiện cụ thể gọi là pháp nhân thương mại phạm tội; còn trong nội dung của trách nhiệm hình sự lại phản ánh hậu quả pháp lý hình sự trực tiếp được áp dụng đối với người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội và trong trường hợp nếu bản án có hiệu lực pháp luật thì lúc này, tư cách “người phạm tội” đối với cá nhân được gọi là “người có tội” (hoặc “pháp nhân thương mại phạm tội” thành “pháp nhân thương mại có tội”). Ngoài ra, các nhà làm luật còn quy định trong Bộ luật Hình sự những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, ví dụ: phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội... chính là nhằm phân định ranh giới giữa tội phạm với các trường hợp 40 không phải là tội phạm, cụ thể hơn là ranh giới giữa trường hợp một người phải chịu trách nhiệm hình sự với trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự (hay loại trừ trách nhiệm hình sự), thậm chí là hành vi có ích cho xã hội để áp dụng riêng đối với cá nhân (không áp dụng đối với pháp nhân thương mại). Đặc biệt, cũng chỉ trên cơ sở nghiên cứu về tội phạm và trách nhiệm hình sự mới có thể bảo đảm nguyên tắc phân hóa trong luật hình sự Việt Nam thông qua việc quy định trong Bộ luật Hình sự các vấn đề như: phân loại tội phạm, phân hóa độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, vấn đề trách nhiệm hình sự trong các giai đoạn phạm tội - chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành; xác định vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định tái phạm và tái phạm nguy hiểm, xây dựng khung hình phạt, mức và loại hình phạt trong luật hình sự; v.v.. II. CÁC HÌNH THỨC BIỂU HIỆN ĐẶC TRƯNG CỦA TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ Như vậy, trên cơ sở nghiên cứu khái niệm tội phạm, trách nhiệm hình sự và đặc điểm cơ bản của hai chế định này, dưới góc độ khoa học, có thể coi khởi nguồn của luật hình sự là vấn đề tội phạm và kết thúc là việc giải quyết chính xác, công minh, có căn cứ và đúng pháp luật vấn đề trách nhiệm hình sự đối với chủ thể đã thực hiện tội 41 phạm này1. Làm rõ các hình thức biểu hiện đặc trưng của trách nhiệm hình sự để Nhà nước có chính sách hình sự thích hợp và bảo đảm yêu cầu xử lý, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, giáo dục cải tạo người, pháp nhân thương mại phạm tội trên cơ sở chung. Đây cũng chính là để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và các nhiệm vụ khác (Điều 1 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định). Ngoài ra, trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự thì cũng có việc xem xét hành vi nguy hiểm cho xã hội (hay hành vi gây thiệt hại cho xã hội) có phải là tội phạm hay không, người thực hiện hành vi đó có được loại trừ trách nhiệm hình sự (không phải chịu trách nhiệm hình sự) hay không. Do đó, chúng ta cần làm rõ những khả năng và hậu quả pháp lý hình sự phát sinh (nếu có) trong thực tiễn khi chủ thể (ở đây là cá nhân - người viết nhấn mạnh - TG) có hành vi nguy hiểm cho xã hội (hay hành vi gây thiệt hại cho xã hội) xảy ra mà khi đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành cho thấy những biểu hiện đặc trưng của trách nhiệm hình sự như sau: _______________ 1. Lưu ý, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của luật hình sự và đề cập luật hình sự, trước tiên phải đề cập tội phạm và hình phạt. Do đó, người viết tạm “mặc định” vấn đề khởi nguồn của luật hình sự là tội phạm, còn trách nhiệm hình sự được giải quyết chính xác chính là vấn đề kết thúc của luật hình sự (TG). 42 1. Chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội đó đáp ứng các điều kiện mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, thì chủ thể đã thực hiện nó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung. Tuy nhiên, nếu do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (“giới hạn thời gian” của trách nhiệm hình sự) và đáp ứng một số điều kiện nhất định, thì chủ thể đó lại được hưởng sự khoan hồng, nhân đạo của luật hình sự do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự - không phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung. 2. Chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội đó đáp ứng các điều kiện mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, thì chủ thể đã thực hiện nó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung. Lưu ý, trường hợp nếu người phạm tội có thân phận ngoại giao, được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế, tập quán quốc tế hoặc giải quyết bằng con đường ngoại giao (Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015). Trách nhiệm hình sự ở đây chính là hậu quả pháp lý hình sự của việc thực hiện tội phạm. Những trường hợp thuộc 43 khả năng này, trách nhiệm hình sự lại được thể hiện bằng một trong những hình thức thực hiện của trách nhiệm hình sự với các hậu quả pháp lý hình sự khác nhau như: - Chủ thể có trách nhiệm hình sự nhưng không phải chịu hình phạt mà được miễn trách nhiệm hình sự khi đáp ứng các điều kiện do luật định1; - Chủ thể có trách nhiệm hình sự và phải chịu biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước - hình phạt2; - Chủ thể có trách nhiệm hình sự nhưng không phải chịu hình phạt mà được miễn hình phạt khi đáp ứng các điều kiện do luật định3. _______________ 1. Lưu ý, miễn trách nhiệm hình sự có thể do Cơ quan điều tra với sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát và Tòa án quyết định trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (điểm a khoản 1 Điều 230, khoản 1 Điều 248, Điều 285, Điều 328 và điểm a khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). 2. Lưu ý, đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, tùy từng giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng, họ còn có thể bị áp dụng một trong các biện pháp tư pháp; còn riêng đối với pháp nhân thương mại phạm tội do Tòa án áp dụng biện pháp tư pháp, xem cụ thể hơn mục X Chương I cuốn sách này (TG). 3. Xem cụ thể hơn mục IX Chương I cuốn sách này. Lưu ý, trường hợp người phạm tội là người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn người dưới 18 tuổi phạm tội giải quyết theo quy định tại Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015. Hay trách nhiệm hình sự trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và đồng phạm giải quyết theo quy định chung tại các điều 14-17, 57-58 Bộ luật Hình sự năm 2015 (TG). 44 3. Chủ thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung do họ có lỗi đối với tình trạng này Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội đó đáp ứng các điều kiện mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, nhưng chủ thể đã tự đặt mình vào trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác), thì chủ thể đã thực hiện nó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung (do họ có lỗi đối với tình trạng này)1. 4. Chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự (hay được loại trừ trách nhiệm hình sự) Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội đó không phải là tội phạm (hay không đáp ứng ít nhất một trong các dấu hiệu của tội phạm) mà Bộ luật Hình sự quy định, thì chủ thể đã thực hiện nó không phải chịu trách nhiệm hình sự hay được loại trừ trách nhiệm hình sự. Có nghĩa, họ không phải chịu bất kỳ hậu quả pháp lý hình sự nào2. Tuy nhiên, chủ thể (ở đây bao gồm hai đối tượng - người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình) sẽ _______________ 1. Xem cụ thể hơn mục VII Chương I cuốn sách này (TG). 2. Xem cụ thể hơn Chương II cuốn sách này (TG). 45 không phải chịu bất kỳ hậu quả pháp lý hình sự nào - được loại trừ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên: - Nếu chủ thể là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu có một trong những căn cứ loại trừ trách nhiệm hình sự do Bộ luật Hình sự hiện hành quy định trên cơ sở chung; - Nếu chủ thể là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình - sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng bị áp dụng biện pháp tư pháp - bắt buộc chữa bệnh, cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự; - Nếu chủ thể là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình - sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng bị áp dụng biện pháp tư pháp - bắt buộc chữa bệnh, sau khi khỏi bệnh có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhận thức đầy đủ, toàn diện về các biểu hiện đặc trưng của trách nhiệm hình sự như trên mới thấy được quá trình từ khi có hành vi nguy hiểm cho xã hội và kết quả đánh giá, xem xét nó có phải là tội phạm hoặc không phải là tội phạm, tương ứng người thực hiện hành vi này có đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự và có phải chịu trách nhiệm hình sự với những hình thức thực hiện khác 46 nhau (đã nêu) hay được loại trừ trách nhiệm hình sự. Đồng thời, cũng thấy được không phải cứ có tội phạm là chủ thể thực hiện sẽ phải bị áp dụng hình phạt. Ngoài ra, trách nhiệm hình sự không đồng nhất với hình phạt... Các vấn đề này sẽ được lý giải trong cuốn sách này. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là cơ sở của trách nhiệm hình sự thuộc nội dung của trách nhiệm hình sự là vấn đề đầu tiên cần làm sáng tỏ. III. CƠ SỞ CỦA TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ 1. Cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội Cơ sở của trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề rất quan trọng trong luật hình sự và của nội dung trách nhiệm hình sự. Cơ sở của trách nhiệm hình sự được nghiên cứu dưới nhiều góc độ, tập trung nhất là góc độ triết học và góc độ pháp lý. Bởi vì, cơ sở của trách nhiệm hình sự được xem là “căn cứ pháp lý” rất quan trọng, duy nhất và không thể thiếu mà các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền tố tụng của Nhà nước mới xem xét, đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của một người, pháp nhân thương mại nào đó đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội (hay hành vi gây thiệt hại cho xã hội) trong thực tiễn mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Cho nên, việc quy định, giải quyết đúng đắn và nhận thức chính xác cơ sở của trách nhiệm hình sự sẽ bảo đảm việc 47 truy cứu trách nhiệm hình sự một người, pháp nhân thương mại phạm tội công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời, qua đó, góp phần triển khai tốt được chính sách hình sự và thực hiện các nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam. Hiện nay, cơ sở của trách nhiệm hình sự được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội. Trước đây và hiện nay, việc làm sáng tỏ vấn đề cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội luôn là một nội dung đa dạng, phức tạp và còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Tuy vậy, trong khoa học luật hình sự Việt Nam, các quan điểm chính của nhiều nhà hình sự học mới tập trung làm rõ cơ sở vật chất của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Có thể nhận thấy, hàng loạt quan điểm coi cơ sở của trách nhiệm hình sự là: “sự hiện diện của tất cả những dấu hiệu do luật định về tội phạm”1; là: “hành vi của một người khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong luật hình sự”2; là: “tội phạm - hành vi nguy hiểm cho xã hội chứa đựng các yếu tố cấu thành tội phạm”3; hoặc là: “việc thực _______________ 1. Đào Trí Úc (Chủ biên): Mô hình lý luận về Bộ luật Hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.43. 2. Đỗ Ngọc Quang: Tìm hiểu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.18. 3. Trần Văn Độ: Tội phạm và cấu thành tội phạm, Chương sáu, trong sách: Tội phạm học, luật hình sự và luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.182. 48 hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định trong luật hình sự”1; v.v.. Đáng chú ý, có cách phân loại sâu sắc dưới các góc độ khác nhau của một nhà khoa học về vấn đề cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trên ba bình diện - khách quan, hình thức và pháp lý như sau: “(1) Cơ sở (khách quan) của trách nhiệm hình sự việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà nhà làm luật coi là tội phạm (tức là bị luật hình sự cấm). Cơ sở khách quan của trách nhiệm hình sự nhất thiết phải được quy định một cách rõ ràng và cụ thể trong pháp luật hình sự thực định của một quốc gia (chứ không thể là sự soạn thảo có tính chất trừu tượng về mặt pháp lý dưới dạng một phạm trù khoa học nào đó trong lý luận luật hình sự như “cấu thành tội phạm”. “lỗi” hay “mối quan hệ nhân quả”, v.v..). (2) Cơ sở (hình thức) của trách nhiệm hình sự mới chỉ là căn cứ chung, cần thiết và có tính chất bắt buộc, tức là tiền đề duy nhất mà chỉ có và phải dựa vào đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền của Nhà nước mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự một công dân. (3) Cơ sở (pháp lý) của trách nhiệm hình sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội bị tội phạm hóa, tức là hành vi có chứa đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ _______________ 1. Phạm Mạnh Hùng: Chương 5 - Trách nhiệm hình sự và cơ sở của trách nhiệm hình sự, trong sách: Giáo trình luật hình sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2011, tr.156. 49 thể và được ghi nhận bằng quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự”1. Vì vậy, dưới góc độ lập pháp hình sự, các nhà làm luật nước ta đã khẳng định cơ sở pháp lý của trách nhiệm hình sự như sau: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015). Do đó, chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới đặt ra vấn đề phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là nội dung phản ánh trực tiếp và xuyên suốt mọi nội dung trong Bộ luật Hình sự, vì suy cho cùng, giải quyết trách nhiệm hình sự, quan trọng đó là vấn đề cơ sở của trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, “việc xác định rõ ràng cơ sở của trách nhiệm hình sự bảo đảm cả việc tuân thủ pháp chế và quyền con người”2. Cụ thể, “người nào” ở đây là con người cụ thể, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà Bộ luật Hình sự quy định. Ngoài ra, tội phạm duy nhất chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự. Quy định điều này đã phản ánh quyền không bị coi là phạm tội về một hành vi mà trong thời gian xảy ra chưa cấu thành tội phạm theo các quy định _______________ 1. Xem Lê Văn Cảm: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự Phần chung (Giáo trình Sau đại học), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019, tr.537. 2. Võ Khánh Vinh (Chủ biên): Luật hình sự Việt Nam - Phần chung, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.317. 50 pháp luật quốc tế (khoản 2 Điều 11 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948; khoản 1 Điều 15 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966). Đặc biệt, nội dung này được thể hiện trong Bộ luật Hình sự của các nước trên thế giới. Chẳng hạn, Điều 8 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 quy định như sau: “Cơ sở của trách nhiệm hình sự là việc thực hiện hành vi bao hàm mọi dấu hiệu cấu thành tội phạm mà Bộ luật này quy định”1; v.v.. Tội phạm là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật hình sự. Quan hệ pháp luật hình sự có mối liên hệ chặt chẽ với quan hệ pháp luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, quan hệ pháp luật tố tụng hình sự chỉ được thực hiện đầy đủ khi các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền và cụ thể là Tòa án khẳng định bị cáo phạm tội trong bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của mình. Vì vậy, khi tội phạm xảy ra nhưng chưa bị phát hiện hoặc đã bị phát hiện nhưng chưa xác định được người phạm tội thì quan hệ pháp luật hình sự vẫn tồn tại. Cho nên, làm sáng tỏ cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội chính là tìm ra bản chất thực của quan hệ pháp luật hình sự, đồng thời nhận định chính xác được hai vấn đề quan trọng: “thứ nhất, trách nhiệm hình sự là (và phải là) hệ quả pháp lý tất yếu của việc _______________ 1. Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch): Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Sđd, tr.22, 24. 51 phạm tội; thứ hai, điểm khởi đầu của trách nhiệm hình sự là thời điểm xảy ra tội phạm”1. 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội Tương tự, đối với pháp nhân thương mại phạm tội, khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng được bổ sung nhằm giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định “pháp nhân thương mại” là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trên cơ sở này, khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định vấn đề chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi có đủ các điều kiện sau: _______________ 1. Hồ Sỹ Sơn: Nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr.127. 52 a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại Là việc thực hiện hành vi phạm tội do người đứng đầu pháp nhân thương mại (đại diện theo pháp luật), một hoặc một số cá nhân thành viên trong pháp nhân thương mại (theo ủy quyền) thực hiện, nhân danh pháp nhân đó và mục đích là thu được, tìm kiếm lợi nhuận (lợi ích kinh tế, vật chất) cho pháp nhân đó. Trong các quan hệ, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ nhân danh pháp nhân thương mại, cụ thể là sử dụng danh nghĩa, nguồn vốn, con dấu của pháp nhân và lợi ích thu được cũng thuộc về pháp nhân... b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại Tương tự như trên, hành vi phạm tội của các chủ thể vi phạm thường phải hướng tới một mục đích nhất định của pháp nhân như tìm kiếm lợi nhuận (lợi ích về kinh tế, tài chính,...). Do đó, người đứng đầu pháp nhân thương mại (đại diện theo pháp luật), một hoặc một số cá nhân thành viên trong pháp nhân thương mại (theo ủy quyền) đã thực hiện tội phạm nhằm tối đa hóa lợi ích cho pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân thương mại (ví dụ như trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; xả nước thải ra môi trường gây ô nhiễm...). Tuy nhiên, quy định này cũng không loại bỏ việc cá nhân có hành vi vi phạm trong pháp nhân lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có nghĩa, đồng 53 thời với việc pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm cụ thể thì cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung. c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại Là việc người đứng đầu pháp nhân thương mại (đại diện theo pháp luật), một hoặc một số cá nhân thành viên trong pháp nhân thương mại (theo ủy quyền) đã thực hiện hành vi phạm tội vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận (lợi ích kinh tế, vật chất) cho pháp nhân thương mại theo sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận thông qua quyết định, kế hoạch, hoạt động chỉ đạo, điều hành... của pháp nhân thương mại mà đứng đầu là người đại diện theo pháp luật, nếu không có sự chỉ đạo này thì không thể thực hiện được hành vi phạm tội. d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 Như vậy, chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định bao gồm các tội phạm sau: + Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán 54 hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi); Điều 196 (Tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã). + Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (Tội đưa 55 chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (Tội hủy hoại rừng); Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại). + Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố) và Điều 324 (Tội rửa tiền)1. Lưu ý, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Như vậy, với việc pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm cụ thể thì cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tội phạm của pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự trên cơ sở chung căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án và điều luật mà Bộ luật Hình sự quy định. Do đó, cơ sở của trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là việc pháp nhân thương mại nào (đáp ứng các điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự) phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, một số nước quy định vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng quy định phạm vi, điều _______________ 1. Hai tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự được bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017. 56 kiện áp dụng cũng tương tự, trong đó cũng đã đề cập gián tiếp vấn đề cơ sở trách nhiệm hình sự đối với chủ thể này như1: - Bộ luật Hình sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997, sửa đổi năm 2015 quy định: “Công ty, xí nghiệp, cơ quan, tổ chức, đoàn thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, pháp luật coi là đơn vị phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự”; - Bộ luật Hình sự Cộng hòa Pháp năm 1994 quy định hai điều kiện thuộc về nội dung và chúng có mối quan hệ tổng hợp với nhau để quy kết trách nhiệm hình sự về tội phạm cho pháp nhân bao gồm: (1) Tội phạm được thực hiện bởi các cơ quan hoặc những người đại diện của pháp nhân; (2) Tội phạm được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; - Bộ luật Hình sự Vương quốc Bỉ năm 1999 quy định ba giả thuyết được áp dụng để quy kết trách nhiệm hình sự về tội phạm cho pháp nhân bao gồm: (1) Khi tội phạm cụ thể được thực hiện về thực chất gắn liền với việc thực hiện mục đích của pháp nhân; hoặc (2) Tội phạm cụ thể được thực hiện về thực chất gắn liền với việc bảo vệ các lợi _______________ 1. Xem Đinh Bích Hà (dịch): Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Sđd, tr.49; Trịnh Quốc Toản: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự, Sđd, tr.81, 138, 163. 57 ích của pháp nhân; hoặc (3) Tội phạm được thực hiện về thực chất là vì lợi ích của pháp nhân; - Bộ luật Hình sự Thụy Sĩ năm 2003 quy định hai điều kiện để áp dụng trách nhiệm hình sự cho pháp nhân bao gồm: (1) Khi tội phạm cụ thể được thực hiện bởi pháp nhân trong khi tiến hành các hoạt động thương mại phù hợp với các mục đích của pháp nhân; (2) Khi tội phạm cụ thể được thực hiện không thể quy kết cho một cá nhân xác định nào, vì lý do thiếu sự tổ chức của doanh nghiệp; - Bộ luật Hình sự Hà Lan sửa đổi năm 2012 chỉ quy định một điều luật chung về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và cá nhân tại Điều 51 và cũng có thể coi là cơ sở và những điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân như sau1: “1. Các tội phạm hình sự có thể được thực hiện bởi thể nhân và pháp nhân. 2. Nếu một hành vi phạm tội được thực hiện bởi một pháp nhân, các thủ tục tố tụng hình sự có thể được tiến hành và những hình phạt và biện pháp theo quy định của pháp luật, nếu có, có thể được áp dụng: a) Đối với pháp nhân; hoặc là _______________ 1 Xem cụ thể hơn: Criminal Code of Netherlands, file:///C:/Users/Admin/Desktop/WetboekvanStrafrecht_ENG_PV%2 0-%20BLHS%20H%C3%A0%20Lan.pdf, truy cập ngày 28/9/2020. 58 b) Đối với những người đã ra lệnh thực hiện hành vi phạm tội, và những người thực tế chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tội; hoặc là c) Đối với cả pháp nhân và cá nhân được quy định tại điểm a) và điểm b) trên. 3. Khi áp dụng các phần trước, phần sau sẽ được coi là tương đương với pháp nhân: công ty chưa hợp nhất, công ty hợp danh, công ty vận chuyển và quỹ mục đích đặc biệt”; v.v.. IV. TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ 1. Khái niệm Luật hình sự của các nước và của Việt Nam đều quy định vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự mặc dù không được ghi nhận chính thức dưới góc độ lập pháp hình sự là một dấu hiệu cơ bản của tội phạm trong Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, dấu hiệu này lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sáng tỏ trách nhiệm hình sự của người phạm tội, cũng như là dấu hiệu không thể thiếu trong yếu tố chủ thể của tội phạm là cá nhân bên cạnh dấu hiệu “năng lực trách nhiệm hình sự”. Ngoài ra, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng là vấn đề cần làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đặc biệt là đối với các vụ án do người chưa thành niên thực hiện (nay là người dưới 18 tuổi), Điều 416 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau: 59 “Điều 416. Những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi. 1. Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi. 2. Ðiều kiện sinh sống và giáo dục. 3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục. 4. Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội”. Như vậy, trước khi có Bộ luật Hình sự năm 1985, tuổi chịu trách nhiệm hình sự và đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta được thể hiện trong các Bản tổng kết, hướng dẫn đường lối xét xử của Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, tại Báo cáo tổng kết công tác 4 năm (1965-1968) của Tòa án nhân dân tối cao đã xác định: “- Về nguyên tắc, từ đủ 14 tuổi tròn trở lên coi là có trách nhiệm về mặt hình sự. Nói chung đối với lứa tuổi từ 14 đến 16 thì chỉ nên truy tố, xét xử trong những trường hợp phạm các tội nghiêm trọng như giết người, cướp của, hiếp dâm... Riêng về hiếp dâm nói chung vẫn chủ yếu là giáo dục và cũng chỉ nên truy tố, xét xử trong trường hợp nghiêm trọng. - Đối với lứa tuổi từ 16 đến 18, nếu hành vi phạm pháp có tính chất tương đối nghiêm trọng, nói chung cần xét xử, nhưng so với người lớn cần xử nhẹ hơn. Những điểm trên đây chỉ là hướng dẫn đại cương, còn cần được thực tiễn kiểm nghiệm và bổ sung thêm. Có 60 trường hợp phạm tội giết người, cướp của, can phạm trên 13 tuổi, dưới 14 tuổi giữa ba ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án chưa nhất trí với nhau về vấn đề có nên truy tố hay không)? Có trường hợp vị thành niên trên 16 tuổi tụ tập với một số khác gây ra nhiều vụ trộm cắp nghiêm trọng, nhưng chỉ xử án treo vì chiếu cố quá đáng tới tuổi còn non trẻ của bị cáo, sau đó bị cáo lại phạm tội giết người. Ngược lại, có trường hợp chưa chú ý đúng mức tới trình độ nhận thức của bị cáo còn thiếu chín chắn, thiếu vững vàng nên đã xử phạt quá nặng...”1. Đến Bản tổng kết số 452-HS2 ngày 10/8/1970 của Tòa án nhân dân tối cao về thực tiễn xét xử loại tội giết người đã đề cập tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người và đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội giết người, trong đó nêu rõ: “Vì tội giết người là một tội hết sức nguy hiểm mà lứa tuổi từ 14 tuổi tròn trở lên đã có thể nhận thức được ít nhiều tính chất, cho nên, nói chung, cần truy tố xét xử các trường hợp giết người mà can phạm có từ 14 tuổi tròn trở lên. Tuy nhiên, vì nhận thức của các can phạm đó còn non nớt, cho nên cần xử nhẹ hơn so với người đã lớn... Mức hình phạt đối với các can phạm này nói chung chỉ nên từ khoảng 15 năm tù trở xuống. Đối với các can phạm đã có từ 16 tuổi tròn trở lên cho đến dưới 18 tuổi một ít cũng có thể xử nhẹ một phần _______________ 1. Tòa án nhân dân tối cao: Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, t.I, 1975, tr.14. 61 so với can phạm đã lớn và đối với tất cả các loại can phạm này, nói chung, không nên áp dụng hình phạt tử hình”1. Ngoài ra, về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội, tại Chuyên đề sơ kết kinh nghiệm về việc xét xử các vụ án về người chưa thành niên phạm tội (gửi kèm theo Công văn số 37-NCPL ngày 16/01/1976 của Tòa án nhân dân tối cao) đã nhấn mạnh: “Phải coi việc phạm tội chưa đến tuổi trưởng thành là một trường hợp được giảm nhẹ tội, nghĩa là phải xử phạt nhẹ người chưa thành niên hơn người lớn tuổi phạm tội trong những điều kiện tương tự. Đó là một nguyên tắc cần được quán triệt. Việc xử phạt nhiều, ít là tùy thuộc ở trình độ nhận thức và trạng thái tâm sinh lý của người chưa thành niên đến mức độ nào được thể hiện nói chung qua lứa tuổi cao thấp khác nhau, ở hoàn cảnh phạm pháp, ở tính chất nguy hiểm nhiều hay ít của hành vi phạm tội và của nhân thân người phạm tội cũng như ở yêu cầu của tình hình chung”2; v.v.. Như vậy, trên cơ sở cân nhắc đến sự phát triển về thể chất, về khả năng nhận thức và các yếu tố tâm - sinh lý độ tuổi, cũng như xuất phát từ yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và qua tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nước ta, có tham khảo pháp luật _______________ 1. Tòa án nhân dân tối cao: Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, t.I, 1975, tr.19. 2. Tòa án nhân dân tối cao: Tập hệ thống hóa luật lệ về hình sự, t.II, 1979, tr.36. 62 hình sự nước ngoài, Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 1985, sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991, 1992, 1997 nước ta quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: “1. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý. 2. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”. Từ nội dung điều luật này cho thấy, theo Bộ luật Hình sự năm 1985, sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991, 1992, 1997, tuổi chịu trách nhiệm hình sự được xác định căn cứ vào tính chất tội phạm (tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng) và hình thức lỗi (cố ý và vô ý). Đến Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã thể hiện quan điểm phân hóa trách nhiệm hình sự cụ thể hơn, thay việc phân loại tội phạm thành hai loại trước đây trong Bộ luật Hình sự năm 1985, sửa đổi, bổ sung năm 1989, 1991, 1992, 1997 (tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng), Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, đã phân loại tội phạm thành bốn loại - tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với các tiêu chí để phân loại bốn loại tội phạm này (bao gồm: tính chất nguy hiểm cho xã hội, mức độ nguy hiểm cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt - chế tài). Bên cạnh đó, cùng với việc phân loại đó, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy 63 định cụ thể hơn về vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 như sau: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Đến lần pháp điển hóa thứ ba luật hình sự - Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) đã cụ thể hóa hơn vấn đề tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm rõ ràng, minh bạch hơn và thực hiện kết hợp chính sách phân hóa và nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự nước ta, cũng như các công ước quốc tế của Liên hợp quốc về bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ các tội danh cụ thể thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục mâu thuẫn giữa Phần chung và Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự về độ tuổi của người từ đủ 16 tuổi trở lên khi bổ sung thêm “trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác”1. _______________ 1. Ví dụ tại Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 2015 có ba tội quy định chủ thể phải là người đủ 18 tuổi chứ không phải đủ 16 tuổi, bao gồm: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145); Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146); Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) (TG). 64 Còn tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định liệt kê cụ thể những tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không quy định chung chung như Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. 2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi mà chuẩn bị phạm tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự, bao gồm: Tội giết người (Điều 123) và Tội cướp tài sản (Điều 168). Về dấu hiệu độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga năm 1996, sửa đổi năm 2010 quy định: “Điều 20. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự 1. Người từ đủ 16 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự. 65 2. Những người từ đủ 14 tuổi trước thời điểm thực hiện tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự do thực hiện các tội sau: Tội giết người (Điều 105); Tội cố ý gây thương tích rất nặng cho sức khỏe của người khác (Điều 111); Tội cố ý gây thương tích nặng cho sức khỏe người khác (Điều 112); Tội bắt cóc (Điều 126); Tội hiếp dâm (Điều 131); Tội cưỡng dâm (Điều 132); Tội trộm cắp (Điều 158); Tội cướp (Điều 161); Tội cướp giật (Điều 162); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 163); Tội chiếm giữ trái phép ô tô hoặc các phương tiện giao thông khác không nhằm mục đích chiếm đoạt (Điều 166); Tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 167); Tội khủng bố (Điều 205); Tội bắt cóc con tin (Điều 206); Tội thông tin sai sự thật về hành động khủng bố (Điều 207); Tội gây rối trong các tình tiết tăng nặng (khoản 2 Điều 213); Tội phá hủy tài sản công cộng (Điều 214); Tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu nổ (Điều 226); Tội chiếm đoạt hoặc cưỡng đoạt các chất ma túy và hướng thần (Điều 229); Tội làm hư hại các phương tiện giao thông và đường dây thông tin liên lạc (Điều 267). 3. Nếu người chưa thành niên đạt độ tuổi được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng do thần kinh chậm phát triển nhưng không liên quan đến bệnh tâm thần vào đúng thời điểm thực hiện tội phạm không thể nhận thức đầy đủ tính chất thực tế và mức độ nguy hiểm 66 do hành động (không hành động) của mình gây ra hoặc không thể điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”1. Hoặc Bộ luật Hình sự Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1997, sửa đổi năm 2005 quy định khá đơn giản và cách tiếp cận giống với Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, đặc biệt là quy định phạm vi loại tội sẽ áp dụng đối với người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi (tội giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến thương tích nặng hoặc chết người, hiếp dâm, cướp giật, mua bán chất ma túy, đốt nhà, đặt bom, đầu độc) tại Điều 17 như sau: “Người từ đủ 16 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc cố ý gây thương tích dẫn đến thương tích nặng hoặc chết người, hiếp dâm, cướp giật, mua bán chất ma túy, đốt nhà, đặt bom, đầu độc. Người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi được hưởng hình phạt giảm nhẹ hoặc giảm khung hình phạt. Trường hợp không xử phạt hình sự đối với người chưa đủ 16 tuổi, thì phải yêu cầu chủ gia đình hoặc người giám _______________ 1. Trường Đại học Luật Hà Nội (dịch): Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, Sđd, tr.36. 67 hộ quản giáo. Trong trường hợp cần thiết có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng”1; v.v.. Tóm lại, khái niệm tuổi chịu trách nhiệm hình sự được định nghĩa như sau: Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một đặc điểm của tội phạm và dấu hiệu không thể thiếu của yếu tố chủ thể của tội phạm, là độ tuổi mà Bộ luật Hình sự quy định nhằm xác định khi một người phát triển đến độ tuổi đó mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc loại trừ (hay không phải chịu) trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do mình gây ra. 2. Đặc điểm Tuổi chịu trách nhiệm hình sự phản ánh các đặc điểm sau đây: a) Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một đặc điểm cơ bản của tội phạm do cá nhân thực hiện. Như đã đề cập tại tiểu mục 1 mục I Chương I, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một đặc điểm cơ bản của tội phạm do cá nhân thực hiện tội phạm. b) Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là dấu hiệu không thể thiếu trong yếu tố chủ thể của tội phạm _______________ 1. Đinh Bích Hà (dịch): Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Sđd, tr.43. 68 Đối với cá nhân, về mặt pháp lý, năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự là cơ sở của lỗi và là các dấu hiệu cơ bản không thể thiếu trong yếu tố chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi do luật định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đều có lỗi. Để xác định có lỗi hay không, cần phải xem xét đến vấn đề tự do ý chí của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tự do ý chí là điều kiện bắt buộc để quy kết một người là có lỗi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ đã thực hiện. Ở đây, năng lực trách nhiệm hình sự là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Trong khi đó, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Quy định độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự có ý nghĩa tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất để xác định phẩm chất tâm lý phổ biến ở mỗi con người trong xã hội. Một người chưa đạt đến độ tuổi mà pháp luật quy định được xem như chưa có năng lực trách nhiệm hình sự. Do đó, tuổi chịu trách nhiệm hình sự và năng lực trách nhiệm hình sự là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và đương nhiên cũng là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. 69 c) Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là độ tuổi mà Bộ luật Hình sự quy định Mỗi ngành luật trong hệ thống pháp luật có cách xác định khác nhau về độ tuổi tương ứng theo từng vấn đề cụ thể (độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm dân sự, độ tuổi lao động...). Do đó, về nguyên tắc, khi xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành để xác định mà không được viện dẫn quy định của những ngành luật khác. d) Bộ luật Hình sự xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự là tuổi tròn và được tính từ thời điểm người đó sinh ra đến thời điểm người đó thực hiện hành vi phạm tội Thời điểm đầu để xác định tuổi của người phạm tội là ngày người đó được sinh ra. Thời điểm sau để xác định độ tuổi đó là thời điểm hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện. Xác định điều này có mục đích khi một người phát triển đến độ tuổi đó mới có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc loại trừ (hay không phải chịu) trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do mình gây ra. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được xác định là tuổi tròn và nội dung cách tính được trình bày tại mục 3 dưới đây. 70 3. Cách tính tuổi chịu trách nhiệm hình sự Tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự xác định là tuổi tròn. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự căn cứ vào Bộ luật Hình sự và được tính từ thời điểm người đó sinh ra đến thời điểm người đó thực hiện hành vi phạm tội. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, trước đây căn cứ vào Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985 cũng quy định rõ việc xác định tuổi của bị cáo như sau: Cách tính tuổi do luật quy định là “đủ 14 tuổi”, hoặc “đủ 16 tuổi”, tức là tính theo tuổi tròn. Ví dụ: Sinh 01/01/1975 thì đến 01/01/1989 mới đủ 14 tuổi. Sinh ngày 01/12/1989 thì ngày 01/12/2003 người đó được coi là đủ 14 tuổi. Việc xác định độ tuổi của một người phải dựa trên những giấy tờ có ý nghĩa pháp lý xác thực như giấy khai sinh, chứng minh thư, sổ hộ khẩu... Trong trường hợp những giấy tờ trên không phản ánh được thực tế độ tuổi mà có những chứng cứ khác xác thực thì phải dựa trên những chứng cứ xác thực đó để tính độ tuổi. Tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: “Trong trường hợp không có điều kiện xác định được chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sinh và nếu cũng không có điều kiện xác 71 định chính xác tháng sinh thì xác định ngày sinh là 31/12 năm sinh”1. Trên cơ sở này, Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc xác định tuổi của cả người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi và đã nêu thống nhất lại như sau: “1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. 2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác định: a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh. b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh. c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh. d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh. _______________ 1. Tòa án nhân dân tối cao: Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng, Hà Nội, 1990, tr.23. 72 3. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi”. Hiện nay, để bảo đảm áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử và quyền lợi của người chưa thành niên (nay là người dưới 18 tuổi - TG) trong vụ án hình sự, nội dung này được hướng dẫn cụ thể trong Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (thay thế Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên), cụ thể: “Điều 6. Phối hợp trong việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi 1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: a) Giấy chứng sinh; b) Giấy khai sinh; c) Chứng minh nhân dân; d) Thẻ căn cước công dân; 73 đ) Sổ hộ khẩu; e) Hộ chiếu. 2. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu nêu tại khoản 1 Điều này có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp nhưng chỉ xác định được khoảng thời gian tháng, quý, nửa đầu hoặc nửa cuối của năm hoặc năm sinh thì tùy từng trường hợp cụ thể cần căn cứ khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định tuổi của họ. 3. Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ. Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng”. Tóm lại, trong các vụ án hình sự, việc xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, 74 đặc biệt hơn là nó còn có ý nghĩa quyết định đối với các trường hợp không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh hay việc không xác định được chính xác các thông số này đối với hành vi phạm tội xảy ra, vì thực tiễn có nhiều vụ án mà người phạm tội thực hiện nhưng rất khó xác định chính xác được thời điểm phạm tội. Vì thế, khi xác định chính xác sẽ quyết định một người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó. V. THỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ 1. Khái niệm Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được đặt ra trong Bộ luật Hình sự xuất phát từ ý nghĩa và cơ sở lý luận cho rằng: hiệu quả và giá trị của việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt đối với người, pháp nhân thương mại phụ thuộc rất nhiều vào khoảng thời gian giữa thời điểm thực hiện tội phạm và thời điểm áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt. Khoảng thời gian này là một “khung thời gian” để các cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự và người, pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu khoảng thời gian đó càng thu nhỏ thì hiệu quả đạt được của việc 75 truy cứu trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm càng cao và ngược lại, nếu khoảng thời gian đó càng dài thì các hiệu quả đã nêu khó đạt được. Cho nên, nếu giữa hai thời điểm này đã trải qua một thời hạn nhất định, đồng thời chủ thể đó đã đáp ứng những điều kiện cụ thể như: không phạm tội mới, không cố tình trốn tránh... thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể này trở nên không hợp lý và không còn cần thiết từ góc độ phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung, đi ngược lại nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam, cũng như gây xáo trộn và đôi khi có thể gây lãng phí cho Nhà nước từ việc tiếp tục tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự. Nói cách khác, đây chính là đặc điểm phản ánh “giới hạn thời gian” của trách nhiệm hình sự đã được đề cập trong mục I Chương II ở trên trong phần đặc điểm của trách nhiệm hình sự. Do đó, khái niệm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được định nghĩa như sau: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người, pháp nhân thương mại phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do đáp ứng các điều kiện nhất định. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định điều kiện áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội (Điều 27) và đối với pháp nhân thương 76 mại phạm tội do thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không được quy định cụ thể, trực tiếp nên được dẫn chiếu từ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân (Điều 75). Trên cơ sở này, nội dung điều kiện áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người và pháp nhân thương mại được đề cập tại các tiểu mục 2 và 3 dưới đây. 2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc: Mọi hành vi phạm tội do người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Ở đây, các cơ quan tiến hành điều tra, truy tố, xét xử trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình phải chủ động đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm, thường xuyên có sự phối hợp để phát hiện kịp thời mọi hành vi phạm tội, đồng thời xử lý những hành vi đó một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật. Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy, vì một số lý do khách quan và chủ quan khác nhau mà người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cho nên, đối với những trường hợp này, nếu trong một thời gian nhất định, người đó đã ăn năn hối cải, làm ăn lương thiện, sinh sống và làm việc bình thường, cũng như không phạm tội mới, không trốn tránh sự truy nã, sự trừng trị của pháp luật... thì rõ ràng 77 việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ là không còn cần thiết, cũng như việc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ không đạt được mục đích và hiệu quả của luật hình sự. Các điều kiện áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội bao gồm: a) Người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội và đã trải qua một thời hạn nhất định tương ứng do Bộ luật Hình sự quy định Ở đây, người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm và đã trải qua một thời hạn nhất định, đồng thời căn cứ vào loại tội phạm (khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015), các nhà làm luật đã điều chỉnh tương ứng với bốn mức thời hạn khác nhau như sau: (1) 05 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. (2) 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù. (3) 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ 78 """