"
Tokyo Hoàng Đạo Án
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tokyo Hoàng Đạo Án
Ebooks
Nhóm Zalo
Giới thiệu
Hãy tới đây, hạ giới và vòm trời Bombô
Ta sẽ giết các con và cháu ta
Cắt thân thể chúng rời rã ra
Ghép phần đẹp nhất thành người mới
Mảnh miếng còn lại đem chôn xa
Đối với phụ nữ, ta có niềm đam mê mãnh liệt. Đối với cái đẹp, ta nhất mực tôn sùng.
Sau ba chục năm nghiên cứu chiêm tinh và giả kim thuật, ta ấp ủ ước vọng tạo ra một tấm thân phụ nữ toàn bích hơn hết thảy nhan sắc trên đời. Ta bí mật lên kế hoạch giết sáu đứa con gái và cháu gái trinh trắng trong nhà, lựa lấy đầu, ngực, bụng, hông, đùi và chân hoàn mỹ nhất để luyện thành một sinh thể mới. Những phần dư, ta sẽ đem chôn theo một sơ đồ hoàng đạo. Chưa kịp làm gì cả, ta đã bị đập sọ đến chết.
Bất ngờ thay!
Bất ngờ hơn là, sau khi ta chết thảm, sáu đứa ấy cũng phơi xác ở nhiều nơi, đứa mất đầu, đứa mất ngực, đứa mất bụng… như ta đã định. Ai đã giết ta rồi hoàn thành tâm nguyện của ta vậy? Nữ thần rốt cuộc có thành hình không?
Năm tháng trôi qua… Tất cả những gì ta có thể làm chỉ là chờ người nơi ấy, chờ người tìm giúp câu trả lời cho nghi vấn mỗi ngày một cồn cào.
Nhân vật
1936
Akiko Murakami - Con gái của Masako
Ayako Umezawa - Vợ của Yoshio
Bunjiro Takegoshi - Cảnh sát
Genzo Ogata - Ông chủ nhà máy sản xuất ma-nơ-canh
Gozo Abe - Họa sĩ
Heikichi Umezawa - Họa sĩ
Heitaro Tomita - Con trai của Yasue
Kazue Kanemoto - Con gái của Masako
Kinue Yamada - Nhà thơ
Masako Umezawa - Vợ hai của Heikichi
Motonari Tokuda - Thợ điêu khắc
Nobuyo Umezawa - Con gái của Yoshio và Ayako
Rieko Umezawa - Con gái của Yoshio và Ayako
Tae Umezawa - Vợ thứ nhất của Heikichi
Tamio Yasukawa - Thợ chế tác ma-nơ-canh
Tokiko Umezawa - Con gái của Tae và Heikichi
Tomoko Murakami - Con gái của Masako
Toshinobu Ishibashi - Họa sĩ
Yasue Tomita - Chủ phòng tranh
Yasushi Yamada - Họa sĩ
Yoshio Umezawa - Nhà văn (em trai của Heikichi)
Yukiko Umezawa - Con gái của Heikichi và Masako
Gã điên, đám ma-nơ-canh v.v…
1979
Emoto - Bạn của Kiyoshi
Fumihiko Takegoshi - Cảnh sát (con trai của Bunjiro)
Hachiro Umeda - Nhân viên Công viên Di sản
Kazumi Ishioka - Người vẽ tranh minh họa kiêm thám tử nghiệp dư Kiyoshi Mitarai - Chiêm tinh gia, thầy bói kiêm thám tử tự phong Misako Iida - Con gái của Bunjiro
Ông Iida - Cảnh sát (chồng của Misako Iida)
Bà Kato - Con gái của Tamio Yasukawa
Shusai Yoshida - Thầy bói kiêm thợ làm búp bê
Chú chó, maiko, đám ma-nơ-canh, chủ cửa hàng, nhân viên điều khiển xe điện, khách du lịch, người dân thị trấn, nhân viên phục vụ bàn, v.v…
Lời tựa
Như tôi được biết, những vụ giết người hàng loạt xảy ra vào năm 1936 tại Nhật Bản - nổi tiếng với tên gọi “Tokyo hoàng đạo án” - là một trong nhiều bí ẩn kỳ dị và khó nắm bắt nhất của lịch sử tội phạm. Lúc ấy, những người liên quan đến vụ việc đều không tưởng tượng được rằng một tội ác như vậy lại đang diễn ra, và việc tìm thấy hung thủ, dù một hay nhiều, bị coi là bất khả.
Toàn bộ hồ sơ vụ án đã được công khai với hy vọng sẽ có người giải mã thành công bí ẩn của những cái chết. Cuốn sách này được công bố sau hơn bốn mươi năm xảy ra biến cố, khi mà vụ việc vẫn hoàn toàn là một bí ẩn.
Mời quý độc giả thử giải bài toán này, giống như chúng tôi - Kiyoshi Mitarai và tôi - đã làm vào cái ngày định mệnh của mùa xuân năm 1979. Tôi có thể khẳng định với quý vị rằng, những manh mối chúng tôi sử dụng để phá án đều được trình bày đầy đủ ở đây.
Kazumi Ishioka
Dẫn nhập
AZOTH
Ta viết những dòng này không nhằm để ai xem cả. Tuy nhiên, vì nó đã hiện hữu, ta phải tính đến khả năng nó sẽ bị phát hiện. Bởi vậy để mở đầu, ta xin nói rằng mặc dù tài liệu này là chúc thư, nhưng cũng là lời giải thích cho niềm đam mê phụ nữ của ta. Nếu tác phẩm của ta được đánh giá cao sau khi ta chết, giống như các bức tranh của Van Gogh sau khi ông mất, thì ta hi vọng rằng người nào đọc tài liệu này sẽ thấu hiểu mong muốn cuối cùng của ta, và rằng di sản của ta sẽ được truyền lại cho nhiều thế hệ.
Thứ Sáu, ngày 21 tháng Hai năm 1936
Heikichi Umezawa
Chúc thư
Ma quỷ đã nhập vào ta, hành hạ thể xác và tâm hồn khiến ta đau đớn tột độ. Thân xác ta chỉ là một con rối dưới sự điều khiển của quỷ dữ. Có đêm ta thấy một con ngao khổng lồ to như con bê xuất hiện dưới gầm bàn. Nó vươn dài lưỡi bò ngang qua phòng, để lại một vệt nhầy nhụa trên sàn gỗ. Một đêm khác, ta phát hiện những con tắc kè đang ẩn nấp sau tấm rèm cửa sổ. Ta lao vào đập chết chúng, nhưng nhận ra rằng mình bất lực.
Một sớm mùa xuân, ta tỉnh giấc và thấy lạnh thấu xương. Con quỷ đang cố gắng làm ta đông cứng đến chết đây mà! Bấy giờ, tuổi trẻ và sức khỏe đã rời bỏ ta khiến cho con quỷ chế ngự ta một cách dễ dàng. Celsus từng nói: “Để xua đuổi tà ma ra khỏi một người bị ám, hãy bỏ đói y, cho y cầm cự với bánh mỳ và nước lã, sau đó dùng gậy đánh cho y bất tỉnh”. Kinh Phúc âm của Thánh Mác-cô cũng nhắc đến hiện tượng này: người cha khẩn cầu Đức Jesus: “Thưa thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng thầy, cháu nó bị quỷ ám, thỉnh thoảng cháu bị sùi bọt mép và nghiến răng, hiện giờ bệnh tình của cháu rất nặng.”
Từ khi còn bé, ta đã biết mình bị quỷ ám. Để đuổi con quỷ, ta đã cố gắng thử mọi cách có thể nghĩ được.
Một cuốn sách viết rằng: “Thời Trung cổ, người ta xông hương trước kẻ bị quỷ ám. Khi bệnh nhân ngất đi, họ rứt một ít tóc của y, cho vào một cái lọ và nút kín lại. Người ta tin rằng làm thế sẽ giam cầm được con quỷ và bệnh nhân có thể kiểm soát lại bản thân”. Ta năn nỉ bạn bè thử làm như vậy với ta,
nhưng họ chế giễu và cho rằng ta bị lẩn thẩn. Ta đã tự bứt tóc mình, nhưng lại ngất lịm đi vì đau. Chứng kiến điều đó, bạn bè cho rằng ta không bị điên thì cũng bị động kinh.
Ta đã phải nếm trải những gì, các người không thể tưởng tượng được đâu. Ta đã mất hết thể diện, đã bị chế ngự đến mức cảm thấy mình chỉ như khách trọ trong cuộc đời này. Con quỷ náu trong thể xác ta dưới dạng một quả bóng, rất giống “cục nghẹn[1]” thời Trung cổ. Nó thường ở phần bụng dưới, thi thoảng bò lên qua dạ dày và thực quản, rồi trồi lên cổ họng. Chuyện này xảy ra vào mỗi thứ Sáu. Giống như Thánh Cyril mô tả, lưỡi ta cứng đờ vì căng thẳng, đôi môi run rẩy, và miệng sùi bọt. Con quỷ phá lên cười sằng sặc, cắm móng tay vào cơ thể ta. Những con dòi, rắn và cóc nhái lần lượt xuất hiện trước mắt ta; xác người và động vật chết la liệt khắp phòng; bò sát nhớp nháp rỉa mũi, tai và môi ta. Không thể tin được là có thứ mùi như vậy! Giờ ta đã hiểu tại sao bò sát lại được sử dụng trong các nghi lễ phù thủy.
Gần đây, có vẻ chúng không còn tấn công ta về thể xác nữa, nhưng vẫn không chịu buông tha tâm hồn ta. Những vết sẹo thiêng liêng của ta lại ứa máu vào mỗi thứ Sáu. Ta bắt đầu cảm nhận được niềm vui siêu nhiên như thể mình là Thánh nữ Catherine Cialina ở thế kỷ 17 hay Thánh nữ Amelia Bicchieri xứ Vercelli ở thế kỷ 13.
Con quỷ thật xảo quyệt, nó tìm mọi cách bắt ta khuất phục. Để đạt được mục đích, nó đã tạo ra một người phụ nữ hoàn hảo, một nữ thần, một nàng Helen của thành Troy hoặc có lẽ là một phù thủy thì đúng hơn. Nàng xuất hiện hằng đêm trong những giấc mơ, nơi trú ngụ của ma thuật hắc ám. Để thoát khỏi ám ảnh này, ta dùng thảo dược theo cách Plinius đã dạy trong sách: trước khi đi ngủ, ta lấy tro thằn lằn pha với rượu nguyên chất, bôi hỗn hợp đó lên núm vú và khu vực tim phía ngực trái… nhưng không có kết quả gì.
Mỗi khi bị quỷ nhập, ta lại mơ thấy người phụ nữ hoàn hảo kia. Ta bị thôi miên bởi sắc đẹp, sức mạnh tâm linh và khí lực của nàng. Ta không thể miêu tả sắc đẹp của nàng trên những tấm toan. Liệu ta có diễm phúc được tận mắt nhìn thấy nàng hay không? Ham muốn của ta rất mạnh mẽ và nó đang từ từ giết chết ta. Ta sẵn sàng đánh đổi cuộc sống khốn khổ của mình chỉ để cho nàng hiện diện trên cõi đời này.
Theo thuật ngữ của thuật giả kim, ta sẽ gọi nàng là Azoth, có nghĩa là “từ A đến Z”, quá trình sáng tạo tối thượng, sức sống của vũ trụ. Nàng khiến cho những giấc mơ của ta được trọn vẹn.
Theo ta hiểu, cơ thể con người có sáu phần chính: đầu, ngực, bụng, hông, bắp đùi và chân. Trong chiêm tinh học, cơ thể con người chính là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ. Mỗi phần của cơ thể ứng với một chòm sao nhất định:
- Đầu được bảo vệ và kiểm soát bởi Hỏa Tinh, hành tinh cai quản cung Bạch Dương, cũng là đối tượng được Hỏa Tinh trao quyền.
- Ngực là lãnh thổ của cung Song Tử và cung Sư Tử, được bảo vệ bởi Thủy Tinh và Mặt Trời. Nếu thay ngực bằng hai bầu vú của một người phụ nữ thì chúng sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của cung Cự Giải do Mặt Trăng cai quản.
- Bụng thuộc cung Xử Nữ do Thủy Tinh cai quản.
- Hông dành cho cung Thiên Bình, do Kim Tinh cai quản. Tuy nhiên, ta có thể thay thế hông bằng tử cung ứng với cung Thiên Yết do Diêm Vương Tinh cai quản.
- Đùi là lãnh thổ của cung Nhân Mã, do Mộc Tinh cai quản. - Chân là cung Bảo Bình, do Thiên Vương Tinh cai quản.
Như ta đã nói, mỗi phần cơ thể chúng ta đều nhận được sức mạnh riêng từ những hành tinh tương ứng. Chẳng hạn, những người sinh ở cung Bạch Dương tìm thấy sức mạnh ở đầu, còn những người thuộc cung Thiên Bình có sức mạnh ở hông. Theo chiêm tinh học, số mệnh của một người được xác định bởi sự liên kết của mặt trời và các hành tinh tại thời khắc người đó chào đời. Bởi vì mỗi người chỉ nhận được một món quà từ chòm sao chiếu mệnh tại phần cơ thể tương ứng với từng cung hoàng đạo nên không ai là hoàn hảo cả. Do đó, ta tự nhủ rằng: “Nếu ta có một cái đầu, bộ ngực, phần hông và đôi chân hoàn hảo, sau đó kết hợp chúng lại thành cơ thể một người phụ nữ, ta sẽ có một thiếu nữ hoàn hảo! Nàng sẽ là một nữ thần thực sự. Nếu các bộ phận này được kết hợp từ sáu trinh nữ, vẻ đẹp của nàng sẽ là tối thượng.
Kể từ đó, mục đích cuộc đời ta chính là nữ thần này, và như số phận đã định, hễ tập trung vào điều gì thì điều đó sẽ hiện ra. Một hôm, ta nhận ra rằng cả sáu phần tinh khiết của các cung hoàng đạo khác nhau đang sống rất gần ta - đó là các con gái và cháu gái ta! Ta phì cười trước cái gọi là “sự trùng hợp ngẫu nhiên” của cuộc sống và cảm ơn kiến thức thiên văn học mà ta có. Đầu gối ta nhũn ra khi tưởng tượng ý nghĩ kỳ quặc này sẽ trở thành sự thật.
Mọi người có thể ngạc nhiên khi biết rằng ta có những năm đứa con gái. Đứa lớn nhất là Kazue, sau đó là Tomoko, Akiko, Tokiko và Yukiko. Ba đứa đầu là con riêng của Masako - vợ thứ hai của ta. Tokiko là con người vợ đầu Tae. Yukiko là con của ta và Masako. Tokiko và Yukiko sinh cùng một năm. Masako vốn là một vũ công ba lê, dạy múa và dương cầm cho các con gái ta, cả Rieko và Nobuyo cũng tham gia học. Đây là hai đứa cháu gái đang sống cùng chúng ta, con của Yoshio - em trai ta.
Kazue (cung Ma Kết, sinh năm 1904) sống một mình ở nhà riêng của nó từ khi ly hôn, nên trong nhà ta chỉ còn sáu phụ nữ: Tomoko (Bảo Bình, sinh năm 1910), Akiko (Thiên Yết, sinh năm 1911), Yukiko (Cự Giải, sinh năm 1913), Tokiko (Bạch Dương, sinh năm 1913), Reiko, cháu họ ta (Xử Nữ, cũng sinh năm 1913) và Nobuyo, em gái Reiko (Nhân Mã, sinh năm 1915).
Do đó, ta nhận ra số phận mình đã được định sẵn. Con quỷ xúi giục ta hi
sinh những thiếu nữ này. Kazue (31 tuổi) lớn hơn hẳn những người khác, vì vậy ta loại nó ra khỏi nhóm. Ta sẽ phải dùng đầu của Tokiko, ngực của Yukiko, bụng của Reiko, hông của Akiko, đùi của Nobuyo và chân của Tomoko để tạo thành một phụ nữ. Sẽ gợi cảm hơn nếu như hông là của Thiên Bình và bộ ngực là của một trinh nữ Song Tử, nhưng không thể quá tham lam và cầu toàn như vậy được. Azoth là nữ nên ngực của nàng có thể được thể hiện bằng bầu vú và hông có thể được thay bằng tử cung. Bởi con quỷ rất rộng lượng nên ta biết việc thay thế hai bộ phận này có thể chấp nhận được!
Tuy nhiên để thành công, ta sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của thuật giả kim để tạo ra cuộc sống vĩnh cửu. Sáu trinh nữ sẽ là những nguyên tố kim loại để ta luyện thành vàng. Khi mọi việc hoàn tất, bầu trời trong xanh sẽ xua tan mây đen u ám, ta sẽ được giải thoát khỏi tra tấn và đau đớn cực độ.
Ôi chao, người ta run lên! Ta muốn biết Azoth trông như thế nào! Ta muốn thấy ba mươi năm nỗ lực của ta đơm hoa kết trái. Đây sẽ là tác phẩm nghệ thuật của phân xưởng ma quỷ! Trong lịch sử, chưa ai có ý tưởng giống ta về một nghi lễ hắc ám, một hòn đá phù thủy, và mọi tác phẩm điêu khắc tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ trước đây đều trở nên nhạt nhòa trước Azoth.
Tất nhiên, cả sáu thiếu nữ sẽ phải chết. Cơ thể của chúng sẽ bị cắt làm ba mảnh (với Tokiko và Tomoko thì cắt làm hai). Azoth sẽ hình thành từ những bộ phận được chọn, phần còn lại sẽ được xử lý đúng cách. Các thiếu nữ chết đi nhưng một phần cơ thể chúng thì bất tử với Azoth. Giả sử chúng biết lý do phải chết thì ta chắc chúng cũng vui lòng với số phận của mình.
Ta sẽ tuân thủ nguyên tắc của thuật giả kim:
- Công việc được tiến hành khi Mặt Trời nằm trong cung Bạch Dương. Tokiko, người thuộc cung Bạch Dương, sẽ dâng hiến cái đầu. Vì vậy nó sẽ bị giết bằng ♂, ứng với Hỏa Tinh và cũng đại diện cho sắt trong thuật giả kim.
- Yukiko thuộc cung Cự Giải sẽ dâng hiến bộ ngực. Vì vậy, nó sẽ bị giết bởi ☽, ứng với Mặt Trăng và đại diện cho bạc trong thuật giả kim. - Reiko thuộc cung Xử Nữ sẽ dâng hiến phần bụng. Vì vậy nó cần nuốt ☿để chết. Biểu tượng này ứng với Thủy Tinh và đại diện cho thủy ngân trong thuật giả kim.
- Akiko thuộc cung Thiên Yết sẽ dâng hiến phần hông. Bảo hộ cho nó là ♇, tức là Diêm Vương Tinh hiện nay. Nhưng ta muốn làm theo truyền thống Trung cổ, vì vậy sẽ cần ♂ cho cái chết của nó.
- Nobuyo thuộc cung Nhân Mã sẽ dâng hiến phần đùi. Vì thế nó sẽ chết bằng ♃, biểu tượng ứng với Mộc Tinh và đại diện cho thiếc trong thuật giả
kim.
- Tomoko thuộc cung Bảo Bình sẽ dâng hiến đôi chân, được Thiên Vương Tinh bảo hộ. Tuy nhiên ở thời Trung cổ, Thiên Vương Tinh chưa được phát hiện, vì vậy người ta dùng ♅. Do đó, Tomoko có thể chết bằng ♄, biểu tượng cho Thổ Tinh và đại diện cho chì trong thuật giả kim.
Ta sẽ pha tro vào rượu để thanh tẩy cơ thể của cả ta và chúng trước khi tiến hành. Sau khi được cưa ra khỏi cơ thể, các bộ phận sẽ được ghép cẩn thận vào khuôn trên cây thập tự gỗ - nơi ta tạo ra Azoth. Lẽ ra có thể dùng đinh để cố định Azoth - giống như Đức Ki Tô - nhưng ta lại sợ những chiếc đinh gây hư hại cho nàng. Ta sẽ trang điểm Azoth bằng những con thằn lằn nhỏ như Hecate từng nhắc đến trong lời sấm của mình. Sau đó, ta sẽ chuẩn bị “Ẩn hỏa”, một loại lửa thực thụ theo lý thuyết của Hontanus và nhiều nhà giả kim khác, nhưng thực tế thì không phải “Ẩn hỏa” (hay lửa cháy mà không có lửa) chỉ là hỗn hợp gồm muối ⊖và hương. Hỗn hợp này còn được thêm thịt cừu, bò, trẻ sơ sinh, cua, sư tử, trinh nữ, bọ cạp, dê, cá - những biểu tượng chiêm tinh. Cuối cùng thêm vào đó cả ếch và thằn lằn. Tất cả hỗn hợp sẽ được đưa vào lò luyện mà các nhà giả kim gọi là “Athanor” (lò tháp).
Ta sẽ đọc câu thần chú viết trong cuốn cổ thư “Philosophumena”về Origen của Thánh Hippolytus: Viens, infernal terrestre et céleste Bombô,
déesse des grands chemins, des carrefours,
toi qui apportes la lumière, qui marches la nuit, ennemie de la lumière, amie et compagne de la nuit, toi que réjouissent l'aboiement des chiens et le sang versé,
qui erres au milieu des ombres à travers les tombeaux, toi qui désires le sang et qui apportes la terreur aux mortels,
Gorgo, Mormo, lune aux milles formes,
assiste d'un œil propice à nos sacrifices.
(Hãy tới đây, hạ giới và vòm trời Bombô,
Nữ thần của những đại lộ và ngã tư,
Chính là người mang đi ánh sáng, chính là người đi trong màn đêm,
Kẻ thù của ánh sáng, bạn bè và người đồng hành của bóng đêm,
Chính là người khuấy động cho chó sủa và cho máu phải đổ xuống,
Chính là người lang thang trong bóng tối và lướt qua những ngôi mộ,
Chính là người đam mê máu và mang đến nỗi sợ hãi cho loài người,
Gorgo, Morno và mặt trăng dưới các dạng hình, Hãy phù trợ cho lễ hiến tế của chúng tôi.)
Sau khi luyện xong, hỗn hợp được đưa vào “Quả trứng Phù thủy”, ấp cho đến khi trở thành một thứ thần dược dùng để gắn từng phần của những cơ thể trước kia thành một cơ thể mới hoàn chỉnh với một cuộc sống bất tử. Khi người phụ nữ hoàn hảo đó bước ra với đời, ta sẽ trở thành nhà giả kim vĩ đại.
Đây chính là “kiệt tác” của cái gọi là “giả kim thuật” mà người ta thường coi như là công việc của phù thủy, mặc dù không thể phủ nhận rằng giả kim thuật đóng góp đáng kể cho sự tiến bộ của môn hóa học, giống như thuật tử vi là nền tảng của chiêm tinh. Thật ngu xuẩn nếu chối bỏ truyền thống của tổ tiên. Mục đích của thuật chiêm tinh thâm sâu hơn người ta tưởng: nó thể hiện bản chất đích thực của sự vật, chẳng hạn như “sắc đẹp tối thượng” hay “tình yêu tối thượng”. Ý thức của chúng ta có xu hướng bị trần tục hóa bởi cuộc sống thường nhật. Nhưng thông qua quá trình giả kim, chúng ta có thể thanh lọc tâm hồn mình và vượt lên trên mọi thứ trần tục. Ở phương Đông, Thiền được coi là tương ứng với giả kim thuật của phương Tây. Mục đích thực sự
của giả kim là sáng tạo ra một “vòng tròn vĩnh cửu” hoặc sự cứu rỗi toàn cầu.
Một số người đã cố gắng tạo ra vàng bằng thuật giả kim, nhưng thực sự việc này chỉ là một trò bịp bợm không hơn. Nhiều người tìm kiếm “nguyên tố đầu tiên” trong các hầm mỏ dưới lòng đất, nhưng nguyên tố đâu nhất thiết cứ phải là kim loại hay khoáng vật. Paracelsus nói: “Anh có thể thấy nó ở mọi nơi và trẻ con vẫn chơi thứ đó.” Riêng ta tin rằng nó nằm bên trong cơ thể phụ nữ. Nó có thể ở đâu được chứ?
Ta biết rất rõ mình mang tiếng là một kẻ điên khùng. Ta có thể khác mọi người, chính điều đó khiến ta trở thành nghệ sĩ. Nghệ thuật không phải là sự sao chép tác phẩm của người khác, nghệ thuật thực sự chỉ tồn tại trong sự khác biệt. Ta sẽ không bao giờ đi theo vết chân của người khác, mặc dù việc đó có thể dễ dàng hơn. Ta thích sáng tạo con đường của riêng mình! Ta không phải là một kẻ hung tợn khát máu, nhưng ta thừa nhận mình phấn khích thái quá ngay từ lần đầu tiên chứng kiến quá trình giải phẫu cơ thể người. Ta bị cuốn hút một cách không thể lý giải được trước những xác người dị dạng. Ta thích nhìn một cánh tay trật khớp và sự biến đổi trên bắp thịt một người đang hấp hối. Ta ước gì mình có cơ hội để vẽ lại những thứ như vậy. Ta dám chắc nhiều họa sĩ khác cũng có mong muốn như ta.
Bây giờ ta muốn kể về quá khứ của mình. Ta khám phá ra những điều kỳ diệu của thuật tử vi từ khi còn niên thiếu. Thời đó tử vi chưa phổ biến ở Nhật Bản, người giới thiệu ta đến với bộ môn này chính là nhà chiêm tinh đầu tiên của Nhật Bản. Mẹ ta đã biết tiếng ngài và khao khát học hỏi kiến thức uyên thâm đó. Ta chẳng muốn đến nhưng vẫn phải đi cùng với mẹ, để rồi kinh ngạc khi chứng kiến bậc thầy chiêm tinh hành nghề. Ngài có thể nhìn thấu quá khứ cũng như tương lai của một người! Ta bị mê hoặc về điều đó và trở thành học trò của thầy. Về nguồn gốc, thầy ta là một nhà truyền giáo đến từ Hà Lan, nhưng đã bị trục xuất khỏi giáo đoàn vì sao nhãng sứ mệnh truyền giáo. Từ đó trở đi, tiên đoán vận mệnh trở thành công việc duy nhất của thầy.
Ta sinh ra tại Tokyo vào lúc 7 giờ 31 phút chiều 26 tháng Giêng năm 1886. Theo chiêm tinh học, Cung Mặt Trời[2] của ta là Bảo Bình và Cung Mọc[3] của ta là Xử Nữ với hành tinh chủ là Thổ Tinh. Vì vậy, Thổ Tinh là biểu tượng của cuộc đời ta, nắm giữ số mệnh ta. Chính Thổ Tinh hướng ta đến với thuật giả kim. Thổ Tinh biểu hiện qua chì, một trong những nguyên tố hóa học cơ bản. Hiểu ra điều này đã khiến ta tin rằng thuật giả kim sẽ trau dồi nghề nghiệp của ta. Thổ Tinh hàm chứa những thách thức và tính kiên trì. Thầy ta tiên đoán rằng ta sẽ phải đấu tranh với mặc cảm tự ti trong suốt cuộc đời, và rằng sức khỏe ta rất kém, đặc biệt là khi còn nhỏ. Ta được khuyên là phải cẩn thận nếu không sẽ bị bỏng. Lời cảnh báo đã trở thành sự thực khi ta sao nhãng. Ở trường tiểu học, ta đã bị ngã vào một cái lò than và
bị bỏng nặng cẳng chân phải. Vết sẹo từ vụ tai nạn vẫn theo ta đến tận bây giờ.
Thầy cũng dự đoán chuyện tình yêu ta không được thuận lợi. Trên thực tế, ta có hai đứa con gái do hai bà mẹ sinh ra trong cùng một năm. Ông ấy cũng dự đoán về những rắc rối trong hôn nhân của ta: mặc dù Kim Tinh nằm ở cung Song Ngư nên ta bị cuốn hút đến với những phụ nữ Song Ngư một cách rất tự nhiên, nhưng trên thực tế ta lại kết hôn với một người thuộc cung Sư Tử, và năm 28 tuổi gánh nặng trách nhiệm gia đình của ta sẽ tăng lên gấp bội. Trên thực tế, Tae - người vợ đầu của ta, đúng là người thuộc cung Song Ngư. Trong thời gian vẽ vũ công ba lê theo phong cách Degas, ta gặp Masako, một người mẫu đã có chồng. Hoàn toàn thụ động và gần như bị cưỡng ép, ta đã làm tình với Masako. Chúng ta tiếp tục mối quan hệ bất chính cho đến khi Yukiko ra đời cùng năm với con gái của Tae, thì ta ly dị với Tae và giành quyền nuôi Tokiko. Sau đó ta kết hôn với Masako. Tất cả những việc này đều xảy ra vào năm ta 28 tuổi.
Hiện nay, Tae bán thuốc lá tại căn nhà ta mua cho bà ấy ở Hoya. Lúc ly hôn, ta rất lo cho Tokiko, không biết nó sẽ sống thế nào với những đứa con gái khác dưới cùng một mái nhà. Nhưng xem ra nó vẫn hòa thuận với chúng mà không có bất cứ vấn đề gì. Hai mươi năm đã qua kể từ khi ly hôn, ta vẫn cảm thấy có lỗi với Tae. Nếu Azoth trở thành kiệt tác của đời ta, ta có ý định dành hết tài sản kiếm được cho Tae để chuộc lỗi với bà ấy.
Lá số tử vi của ta, theo như lời thầy số nói, cho thấy ta có xu hướng kín đáo và cô độc, và có khả năng sẽ bị giam trong bệnh viện hay một cơ sở từ thiện - nói cách khác, ta sẽ sống một cuộc đời xa cách những người khác. Thực tế hiện giờ, ta hiếm khi gặp gia đình mình, họ sống bên nhà chính, còn ta thường xuyên ở xưởng vẽ, vốn là nhà kho cũ ở sân sau được ta cải tạo lại.
Theo lá số tử vi, ta được chiếu mệnh bởi hai hành tinh - Hải Vương Tinh và Diêm Vương Tinh nằm trong nhà thứ chín - một trường hợp rất hiếm hặp. Các hành tinh ở nhà thứ chín có ảnh hưởng lớn hơn hành tinh ở những nhà khác. Hậu vận của ta bị chi phối bởi những hành tinh này. Nhà thứ chín hàm chứa sức mạnh thần bí và niềm đam mê đối với tà giáo. Thầy nói ta sẽ dính vào thuật phù thủy và phải lang bạt qua nhiều nước. Ông nói rằng, căn cứ theo chuyển động của Mặt Trăng, ta sẽ rời Nhật Bản vào năm 19 hoặc 20 tuổi và chuyến đi này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời ta. Kết quả là năm 19 tuổi ta đã đặt chân lên nước Pháp, và chính ở nơi đây ta đã đến với chủ nghĩa thần bí.
Ta không phải tín đồ cuồng nhiệt của thuật chiêm tinh, nhưng tất cả những lời tiên tri của thầy đều lần lượt trở thành sự thật, bất chấp mọi kháng cự của ta. Định mệnh cũng không buông tha các thành viên trong gia đình Umezawa, đặc biệt là phụ nữ, họ đều lận đận trong tình yêu và hôn nhân. Tae đã ly hôn và giờ đây ta lại chọn tự sát nên Masako sẽ thành góa bụa. Mẹ
ta thất bại trong hôn nhân, giống bà nội ta. Kazue, con gái lớn của Masako, cũng mới ly dị gần đây.
Tomoko năm nay 26 tuổi, và Akiko 24 tuổi. Chúng sống với mẹ trong ngôi nhà chính rộng rãi. Chúng tự kiếm sống bằng cách dạy đàn dương cầm và dạy múa ba lê nên chúng lựa chọn cuộc sống độc thân. Do căng thẳng lên cao giữa Nhật Bản và Trung Quốc, thanh niên sớm muộn sẽ phải nhập ngũ, Masako lại không thích lính tráng nên đây là cớ để bà ấy biện minh cho việc các con gái của mình vẫn chưa lập gia đình.
Mọi thứ dường như đều suôn sẻ, nhưng rồi Masako và đám con gái của bà ấy bắt đầu nung nấu một mục đích nào đó với mảnh ruộng rộng 2.400 mét vuông của gia đình. Họ liên tục mò vào xưởng vẽ của ta, thúc bách ta xây một khu chung cư. “Các người có thể làm bất cứ chuyện gì sau khi ta chết,” ta bảo họ như vậy.
Thật sự không công bằng cho lắm đối với em trai ta, Yoshio, khi ta là người kiểm soát đất đai của gia đình Umezawa chỉ bởi vì ta là con trai trưởng. Vợ chồng chú ấy luôn luôn được hoan nghênh tới sống trong ngôi nhà chính, nhưng họ nhã nhặn từ chối lời mời của ta, mặc dù đã cho các con gái chuyển tới đó. Có thể giữa Masako và Ayako, vợ của Yoshio, có sự xung khắc. Tuy nhiên, nếu như một chung cư được xây lên sau khi ta chết thì Yoshio và Ayako sẽ vui vẻ đến sống ở đó, tiết kiệm được khoản tiền thuê nhà hàng tháng. Thế nhưng ta vẫn là người duy nhất phản đối kế hoạch này. Masako, người đứng đầu cả nhóm, và đám con gái đều tỏ ra cực kì chán nản. Ta lo rằng nếu tình trạng này kéo dài, họ sẽ tìm cách làm hại ta; có khả năng họ sẽ đầu độc ta mất. Gần đây, ta đã nghĩ rất nhiều về Tae. Bà ấy là một phụ nữ thùy mị và biết vâng lời; tuy chẳng làm ta hứng thú nhưng so với Masako thì bà ấy đúng là thiên thần.
Ta bác bỏ đề nghị của họ là do tình yêu đối với xưởng vẽ nằm ở góc tây bắc sân nhà. Sau khi thừa kế từ cha mẹ tài sản ở Ohara, khu Meguro, Tokyo, ta đã cải tạo nhà kho cũ và biến nó thành xưởng vẽ. Ta dành hầu hết thời gian ở đây. Xưởng có cây cối bao quanh tạo cho ta một không gian riêng tư thực sự. Nếu xây chung cư, xưởng vẽ vẫn có thể được giữ lại nhưng sẽ phải chặt hết cây cối xung quanh. Xưởng vẽ lộ thiên thì còn gì là biệt khu của ta nữa. Làm thế nào ta tập trung làm việc được khi dân chung cư suốt ngày lượn như đèn cù xung quanh? Không thể được.
Từ khi còn nhỏ, ta đã rất thích vẻ ảm đạm của nhà kho này và chọn đó là địa điểm vui chơi của mình. Sở thích đối với không gian khép kín của ta không hề thay đổi mãi cho tới gần đây. Để có thêm ánh sáng cho xưởng vẽ, ta buộc phải trổ hai cửa trời thật lớn, bên dưới lắp khung sắt bảo vệ. Các cửa sổ tầng trệt cũng được lắp khung sắt. Ta thích mấy ô cửa trời. Vào những buổi chiều thu, ta có thể nhìn thấy những chiếc lá rơi trên kính. Song sắt và lá rơi in bóng xuống nền xưởng vẽ giống như những nốt nhạc. Chúng đẹp
đến nỗi khiến ta có cảm xúc ngân nga những bài hát yêu thích, Đảo Capri và Phong lan dưới ánh trăng. Ta cũng bố trí luôn một phòng tắm và bếp tại đây. Ta ngủ một mình trên chiếc giường quân sự có bánh xe, vì vậy có thể đẩy đi bất cứ chỗ nào trong phòng mà ta muốn.
Ta bỏ tầng hai để nâng gấp đôi chiều cao trần nhà, nền xưởng vẽ trông rất rộng rãi. Nhờ không gian thoáng đãng, giờ đây ta có thể cất giữ những bức tranh khổ lớn hoặc chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của mình từ xa. Ta cho bịt hai cửa sổ ở mạn bắc và tây xưởng vẽ vì chúng đối diện với bức tường đá nên hơi thiếu sáng. Ta dựa những bức vẽ vào tường, tổng cộng là mười một bức khổ lớn. Chúng là một phần trong bộ sưu tập tranh với tên gọi “Mười hai cung Hoàng đạo” của ta. Phác thảo cho bức tranh thứ 12 có tên Bạch Dương, gần như đã hoàn thiện. Ta sẽ sớm bắt tay tạo ra Azoth. Khi hoàn thành, ta sẽ rời bỏ thế giới này mãi mãi.
Ta đến Paris năm 1906, lúc còn trẻ và năng động. Hồi ấy ta chưa thạo tiếng Pháp, lại chẳng gặp được bao nhiêu du khách Nhật nên thấy rất cô đơn, thường có cảm giác mình là người duy nhất trên cõi đời này mỗi khi đi dạo dưới trăng. Rồi khả năng ngôn ngữ được cải thiện dần, ta bớt cô đơn và cảm thấy thoải mái hơn. Ta bắt đầu đến khu La-tinh. Mùa thu ở Paris thật tuyệt vời. Ta thích tiếng xào xạc của lá khi cuốn theo gió và độ tương phản tuyệt đẹp chúng tạo ra khi đáp xuống nền nhà xám. Những tấm rèm rủ quanh trái tim từ từ kéo lên, để ta cảm nhận trọn vẹn khung cảnh ấn tượng của Paris.
Tại đây ta phát hiện ra những tác phẩm của Gustave Moreau. Ta còn nhớ như in tấm biển vàng có khắc số “14” ở nhà ông ấy tại Đại lộ Rochefoucauld. Gustave Moreau có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách nghệ thuật của ta, đó thực sự là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất, có thể sánh ngang cùng Van Gogh.
Vào một ngày cuối thu tại La Fontaine de Médicis, địa điểm yêu thích của ta, ta gặp một phụ nữ trẻ. Trong không khí lạnh lẽo, cây cối vươn những cành khẳng khiu trụi lá dưới bầu trời u ám làm ta liên tưởng tới mạch máu của người già. Mùa đông đã bắt đầu len lỏi trên từng góc phố. Điều ta không nhận ra là mùa xuân cũng đang ở ngay trước mắt ta, tựa mình vào lan can kim loại và đắm trong suy tưởng. Nhận ra nàng cũng là người châu Á, ta bèn đi tới chỗ nàng. Trông nàng có vẻ hơi nhút nhát. Ta cảm nhận được vẻ e thẹn đặc trưng của các thiếu nữ Nhật Bản, nhưng ta không dám chắc nàng có phải người Nhật hay không. Nàng có thể là người Trung Quốc lắm chứ. Tuy nhiên, nàng có vẻ bớt căng thẳng khi nhìn thấy ta. Chớp cơ hội, ta nói bằng tiếng Pháp rằng dường như mùa đông đang tới rất gần: “On dirait que l’hiver arrive.” Ở Nhật Bản, hiếm khi người ta tiếp cận người lạ theo cách này, nhưng nói bằng ngoại ngữ khiến ta thấy bạo dạn hơn. Dường như nàng không hiểu. Nàng lắc đầu và bắt đầu bỏ đi với dáng điệu buồn bã. Ta quyết định hỏi xem có phải nàng là người Nhật không: “Kimi wa nihonjin desu
ka?” (Em có phải là người Nhật Bản không?). Nàng dừng bước và quay lại, vẻ rầu rĩ biến thành một nụ cười tuyệt đẹp. Chúng ta yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tên nàng là Yasue Tomita.
Sau đó, chúng ta gặp nhau hàng ngày và sự cô đơn biến thành hạnh phúc thực sự. Vào mùa đông, thường có những người bán hạt dẻ rang gần đài phun nước. Họ rao “Nóng giòn, nóng giòn, hạt dẻ nóng và giòn đê!” Yasue và ta thường xuyên mua một ít hạt dẻ về và cố bắt chước giọng rao của người bán, rồi ôm lấy nhau mà cười lăn lộn như hai kẻ say.
Yasue sinh vào cuối tháng Mười một, cùng năm sinh với ta, nhưng vì ta sinh vào tháng Giêng nên thực tế nàng trẻ hơn ta gần một tuổi. Nàng cũng đến Paris để học nghệ thuật, vì vậy chắc chắn nàng phải xuất thân từ một gia đình giàu có giống như ta. Chúng ta cùng trở lại Nhật Bản vài năm trước khi châu Âu chìm vào Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Lúc đó ta 22 tuổi. Chúng ta dự định sẽ kết hôn, nhưng kế hoạch không thành hiện thực. Cuộc sống ở Tokyo không giống như những ngày tháng lãng mạn ở Paris. Tối ngày Yasue bận bù khú, tụ tập với đám bạn bè và cuối cùng sự quan tâm của cô gái hiện đại này không còn dành cho ta nữa. Chúng ta không gặp nhau một thời gian. Sau đó ta nghe nói nàng đã lấy chồng.
Khi ta 26 tuổi, Yoshio giới thiệu ta với Tae và chúng ta kết hôn. Chú ấy học ở Đại học Tokyo và tình cờ biết Tae vì bà ấy làm ở một cửa hàng kimono gần đó. Mặc dù buổi ra mắt không có gì trịnh trọng nhưng ta quyết định ngay là sẽ cưới Tae: thực sự ta đã quá cô đơn sau cái chết của mẹ ta. Mẹ đã để lại cho ta một gia sản đáng kể, vì vậy có vẻ như ta là một “món hời” đối với Tae, mặc dù phụ nữ thời đó không bao giờ nói ra những chuyện như vậy.
Trớ trêu thay, vài tháng sau khi cưới Tae, ta gặp Yasue đang dắt tay con trai ở Ginza. Nàng nói với ta là đã ly hôn và đang làm chủ một phòng tranh kiêm quán cà phê ở Ginza. “Anh thử đoán xem!” nàng nói với một nụ cười rạng rỡ “Nó được đặt theo tên một nơi đáng nhớ.” “Đài phun nước de Médicis?” ta nói ngay lập tức. “Vâng!” Cả hai chúng ta cùng mỉm cười. Sau đó, Yasue trở thành người duy nhất kinh doanh tranh của ta. Các tác phẩm của ta không nhiều nhưng Yasue luôn khuyến khích ta sử dụng quán của nàng để làm triển lãm. Ta đã thực hiện vài buổi ở đó nhưng kết quả không được tốt. Ta nghĩ đó là vì ta đã không tham gia vào các cuộc thi và trong lý lịch của ta có ít giải thưởng, ta cũng không phải là một doanh nhân năng động. Ta vẽ Yasue bất cứ khi nào nàng đến thăm xưởng vẽ và ta luôn gộp cả những bức tranh vẽ nàng mỗi khi triển lãm ở de Médicis. Yasue thuộc cung Nhân Mã, sinh ngày 27 tháng Mười một năm 1886. Heitaro, con trai nàng, thuộc cung Kim Ngưu, sinh năm 1909. Đôi khi, Yasue nửa đùa nửa thật rằng ta chính là cha thằng bé. Có thể nàng chỉ nói đùa cho vui nhưng cũng có thể đó là sự thật. Trên thực tế, nàng lấy chính chữ “hei” ở tên ta để đặt cho thằng
bé. Nếu Heitaro thực sự là con trai ta thì có lẽ đó là sự an bài của số phận! Phong cách nghệ thuật của ta khá bảo thủ. Những họa sĩ trừu tượng như Picasso và Miro không bao giờ có sức lôi cuốn đặc biệt với ta. Nhưng ta thích Van Gogh và Gustave Moreau. Ta biết phong cách của ta khá cổ lỗ sĩ, nhưng ta thích nghệ thuật phải sinh động một cách trực tiếp. Nếu một bức tranh không sống động thì ta cảm thấy nó chỉ như một tấm toan bị dính sơn. Với quan điểm như vây, ta phải thừa nhận một số tác phẩm của Picasso thực sự sinh động và đáng được ngưỡng mộ. Ta cũng nghĩ rằng Fugaku Sumie, họa sĩ nổi tiếng với việc tự khắc họa chân dung, cũng khá ổn. Tuy nhiên, ta tin rằng để sáng tạo bất kỳ tác phẩm nghệ thuật có chất lượng nào cũng đều phải tuân thủ một số kỹ thuật nhất định. Nếu chỉ ném bùn lên tường và gọi đó là nghệ thuật thì ta cam đoan rằng một đứa con nít còn làm tốt hơn. Với ta, cái gọi là nghệ thuật tiên phong quá ư tầm thường so với những gì chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống thực. Thay vì nhìn thấy một vụ tai nạn giao thông, ta lại thấy bừng lên sự sinh động qua từng vết trượt của bánh xe và vệt máu vương vãi trên đường. Những vạch phấn trắng mỏng manh quả là một sự đối lập với toàn bộ cảnh tượng dữ dội đó.
Ta thích điêu khắc nhưng ta không ưa nổi điêu khắc trừu tượng. Ta muốn điêu khắc phải trông như thật. Đó là lý do tại sao ta thấy những con búp bê có sức cuốn hút hơn là các tác phẩm điêu khắc hiện đại. Thời trẻ, ta đã gặp một người phụ nữ rất hấp dẫn. Thực ra đó không phải là con người mà là một ma-nơ-canh trong tủ kính một cửa hàng gần Đại học Tokyo. Ta say mê nàng như điếu đổ. Ta đến ngắm nàng hàng ngày, có khi năm hoặc sáu lần một ngày. Khi đi vào thị trấn, ta luôn cố tình đi đường vòng chỉ để được nhìn thấy nàng. Chuyện này kéo dài suốt một năm. Mỗi mùa thay đổi, ta lại được ngắm nàng khi thì trong bộ váy mùa hè, rồi áo khoác mùa đông, lúc thì choàng áo cánh mùa xuân. Ta muốn đề nghị người chủ cửa hàng cho ta mua nàng nhưng tính tình nhút nhát đã không cho phép ta làm như vậy.
Ta gọi nàng là Tokie, bởi vì nàng rất giống một nữ nghệ sĩ mà ta hâm hộ cũng có tên như vậy. Ta bị Tokie ám ảnh. Ta làm thơ tặng nàng. Khuôn mặt nàng luôn ám ảnh tâm trí ta. Ta vẽ chân dung nàng dựa theo trí nhớ. Có thể coi đó là khởi đầu cho cuộc đời họa sĩ của ta. Ta thường đứng bên hông cửa sổ cửa hàng và vờ như đang xem người ta dỡ lụa thô ở cửa hàng bán buôn bên cạnh. Dĩ nhiên, ta bí mật nhìn đăm đăm vào đám ma-nơ-canh. Nàng có mái tóc nâu uốn thành búp, những ngón tay mảnh dẻ và đôi chân thon dài dưới lớp váy. Khuôn mặt nàng toát lên vẻ duyên dáng. Ngay cả bây giờ, ta vẫn nhớ như in vẻ đẹp của nàng.
Một hôm, ta tình cờ nhìn thấy Tokie khỏa thân khi chủ cửa hàng thay quần áo cho nàng. Hai đầu gối ta run lên và ta gần như đã ngất xỉu. Chưa có người phụ nữ nào từng khiến ta có cảm giác như vậy. Sự kiện đó tác động ghê gớm đến bản năng tình dục của ta. Những cái âm hộ mượt lông giờ
chẳng còn hấp dẫn ta nữa. Ta bắt đầu thích những người phụ nữ có lông xoăn và thô dày. Công nhận là ta cũng có hứng thú bệnh hoạn đối với những cô gái câm và các xác chết phụ nữ.
Nhưng mối tình của ta dành cho Tokie đột ngột kết thúc. Một sáng xuân ấm áp, khi ta tới cửa hàng, nàng đã biến mất khỏi ô cửa sổ. Cảm giác của ta không sao có thể nói thành lời. Trái tim ta tan vỡ. Đó là ngày 21 tháng Ba, thời điểm hoa anh đào sắp nở.
Ta vốn không thích những hộp đêm ồn ào đầy khói thuốc, nhưng gần đây ta bắt đầu tới một quán rượu có tên gọi “Kakinoki” - Cây Hồng. Ta thích trò chuyện với một khách hàng thường xuyên ở đó: ông chủ một nhà máy sản xuất ma-nơ-canh. Một hôm, sau khi uống vài chén, ta đã kể cho ông ấy nghe về mối tình của ta với Tokie, ông vui vẻ mời ta đến thăm nhà máy. Nhưng ở đó không tìm thấy ma-nơ-canh nào giống Tokie cả.
Có lẽ chẳng ai hiểu được những cảm xúc của ta đối với Tokie. Nàng thực sự đặc biệt và không một ma-nơ-canh nào khác có thể sánh được. Nàng giống như một viên ngọc quý trong khi tất cả những ma-nơ-canh khác chỉ là hạt cát.
Con gái đầu lòng của ta chào đời vào ngày 21 tháng Ba, cũng là ngày Tokie biến mất. Vì vậy mà ta gọi con bé là Tokiko. Hẳn đó là định mệnh: Tokie đã đầu thai thành một con người có tên Tokiko. Ta tin chắc rằng Tokiko sẽ ngày càng giống ma-nơ-canh đó khi nó lớn lên. Tuy nhiên, sức khỏe của con bé lại không được tốt.
Khi ta viết những dòng này, ta rất ngạc nhiên về nơi xuất phát những ý tưởng của ta. Tokiko là đứa con cưng của ta. Ta muốn con bé có một cơ thể hoàn hảo, vì thế tiềm thức của ta gợi ý ta tạo ra Azoth. Có lẽ tình yêu thương của ta dành cho Tokiko là gì đó hơn cả tình yêu của một người cha thông thường. Những người sinh ra ứng với cung Bạch Dương thường có xu hướng vui vẻ và sôi nổi, nhưng ngày sinh của Tokiko lại gần với điểm giao thoa của Bạch Dương và Song Ngư. Ta nghĩ đó chính là lý do khiến tính tình con bé bất thường. Nhìn thấy con bé mệt mỏi, ta biết tim nó có vấn đề và do vậy ta càng thương đứa con bé bỏng tội nghiệp này hơn.
Ta thường lấy các con gái làm mẫu, phác họa chúng ở tình trạng bán khỏa thân. Tokiko quả thật là gầy và có một cái bớt ở bên sườn phải. Lần đầu tiên ta nhận ra con bé gầy đến thế, thực sự đáng tiếc khi con bé không có một cơ thể hoàn hảo tương xứng với khuôn mặt rất xinh đẹp của nó. Ta không có ý rằng cơ thể của con bé kém - thực tế thì Tomoko, Reiko và Nobuyo thậm chí còn gầy hơn con bé. Nhưng vì Tokiko - cùng với Yukiko - là con gái ruột của ta, nên ta luôn luôn muốn con bé thật hoàn hảo.
Cách đây vài năm, ta trở lại thăm châu Âu. Ta không còn thấy Bảo tàng Louvre thú vị nữa, cho nên ta đến Amsterdam để xem một cuộc triển lãm các tác phẩm của Andre Milhaud. Ta bị choáng ngợp bởi tác phẩm của ông ấy
đến mức mất một thời gian ta mới quay lại được với công việc của mình. Có thể gọi phong cách ấy là “Nghệ thuật của tử thần”. Trong một tòa nhà bỏ hoang từng có một bể cá cảnh, ông ấy dàn dựng một vài bố cục sinh động. Trong số đó có xác chết của người đàn ông treo trên chiếc cột, và xác chết của người mẹ cùng con gái bị bỏ lại trên đường phố. Xác của họ đang thối rữa và bốc mùi thật kinh khủng. Tất nhiên những xác chết đều là giả nhưng ta không nhận ra điều đó suốt cả một năm trời. Khuôn mặt họ méo mó vì khiếp sợ, cơ bắp bị vặn vẹo do đau đớn khi chết. Tác phẩm trưng bày gây sốc nhất là một người đàn ông chết đuối. Tay anh ta bị còng lại phía sau trong khi một người đàn ông khác dìm đầu anh ta xuống nước, làm bong bóng nhỏ đùn đầy nơi miệng. Cảnh này diễn ra trong một hộp kính, chiếu sáng từ bên trong.
Ta nghĩ không gì có thể sánh được với những tác phẩm của Milhaud, nói gì vượt qua. Sau khi mất một năm không làm được việc gì, ta quyết tâm tạo ra Azoth. Ta xác định rằng không gì ngoài Azoth có thể thay thế được tác phẩm của người nghệ sĩ vĩ đại này.
Không một ai biết nơi ta tạo ra Azoth, nhưng ta phải đề phòng lũ chó. Chúng có thể nghe được tiếng gào thét của người hấp hối. Con người không thể nghe được âm thanh có tần số vượt quá 20.000 lần mỗi giây, nhưng chó thì có thể. Trong bể cá cảnh ở triển lãm của Milhaud, ta đã nhìn thấy một quý bà ôm con chó sục Yorkshire trên tay. Tai nó rung lên khi nghe thấy những âm thanh của cái chết.
Nơi để sáng tạo và lắp ráp Azoth sẽ được xác định bằng phương pháp toán học. Tất nhiên ta có thể làm việc này trong xưởng vẽ của mình nhưng việc cả sáu người phụ nữ đột nhiên biến mất sẽ rất đáng ngờ. Xưởng vẽ rõ ràng sẽ bị điều tra. Ngay cả khi cảnh sát không nghi ngờ ta thì Masako cũng sẽ mò đến xưởng vẽ. Do đó, ta phải tìm một nơi khác để làm việc này, một nơi có thể lưu giữ sáng tạo của ta. Cho nên ta đã mua một ngôi nhà ở quê với giá rất hời. Tuy nhiên, vì tài liệu này có thể bị phát hiện trước khi ta chết, nên ta không dám đề cập đến vị trí chính xác. Ta chỉ nói đó là một nơi thuộc tỉnh Niigata.
Ta sẽ để bản ghi chép này cạnh Azoth. Sau khi sáng tạo ra Azoth, những phần cơ thể không được sử dụng của các cô gái cần được chuyển tới những địa điểm khác nhau có liên quan đến cung hoàng đạo tương ứng của từng người. Lý tưởng nhất là nơi có mỏ kim loại tương ứng. Ví dụ, vàng liên quan đến Sư Tử, sắt liên quan đến cung Bạch Dương và Thiên Yết, bạc liên quan đến cung Cự Giải, thiếc liên quan đến cung Nhân Mã và Song Ngư. Vì vậy, những phần cơ thể còn lại sẽ được phân bố như sau:
- Tokiko (Bạch Dương) ở nơi khai thác sắt
- Yukiko (Cự Giải) ở nơi khai thác bạc
- Reiko (Xử Nữ) ở nơi khai thác thủy ngân
- Akiko (Thiên Yết) ở nơi khai thác sắt
- Nobuyo (Nhân Mã) ở nơi khai thác thiếc
- Tomoko (Bảo Bình) ở nơi khai thác chì
Một khi các thi thể được hoàn trả về đúng nơi của chúng, Azoth sẽ hiện ra với sức mạnh tối cao. Và kiệt tác hoàn thành!
Ta sáng tạo ra Azoth không phải chỉ cho riêng mình, mà còn vì lợi ích của Đế quốc Nhật Bản. Đất nước đã đi theo con đường sai lầm, lịch sử của chúng ta bị hoen ố bởi những sự kiện bi thảm. Cuối cùng nước Nhật bị tàn phá. Chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm mà tổ tiên giao phó. Ngày ấy đang đến gần. Azoth sẽ chỉ dẫn cho chúng ta. Azoth sẽ cứu dân tộc ta.
Vào thời Cổ đại, nữ thần Himiko trị vì đất nước chúng ta. Vương quốc Yamatai dưới thời bà phát triển thật rực rỡ. Về mặt chiêm tinh học, các đảo của Nhật Bản ứng với chòm sao Thiên Bình, nơi mọi người có xu hướng thích các cuộc tụ họp xã hội. Người Nhật tin vào thần thánh và thích tiệc tùng, lễ hội. Tuy nhiên, khi quân Triều Tiên đô hộ Nhật Bản và Khổng giáo được du nhập từ Trung Quốc thì người dân đã thay đổi. Linh hồn của họ bị mất tự do và họ tự chế ngự bản thân mình. Phật giáo được du nhập từ Trung Quốc nhưng tôn giáo này không thực sự cắm rễ sâu nơi đây. Những gì người Nhật tiếp thu không phải là Phật giáo thực sự mà là Phật giáo đã bị người Trung Quốc cải biên sai. Chúng ta nên trở lại với bản sắc nguyên thủy của đất nước này - một đế chế do một nữ thần cai trị.
Vì lý do đó, Azoth phải được đặt ở trung tâm của Nhật Bản, để nàng có thể đảm nhiệm sứ mệnh của nữ thần Himiko. Ngày nay, thời gian chuẩn của chúng ta được xác định bằng Đài quan sát Akashi ở kinh độ 135o Đông nhưng ta nghĩ thế là sai. Trung tâm thực sự của đế chế Nhật Bản là kinh độ 138o48’ Đông. Quần đảo Nhật Bản có hình cánh cung rất ấn tượng, nhưng không dễ gì xác định biên giới phía bắc và phía nam của đất nước. Theo quan điểm của ta, thích hợp hơn cả nếu lấy biên giới đông bắc là quần đảo Chishima hoặc Kurils, tọa lạc kế bên bán đảo Kamchatka. Biên giới phía nam phải là Iwo Jima, nằm ở phía nam quần đảo Ogasawara. Mặc dù đảo Hateruma, thuộc quần đảo Sakishima ở Okinawa, nằm ở vĩ độ thấp hơn nhưng Iwo Jima phù hợp hơn vì nó có hình dạng của đầu mũi tên.
Địa lý tự nhiên của Nhật Bản có vẻ đẹp đặc trưng. Điều đó thuyết phục ta rằng hành tinh cai trị đất nước là Kim Tinh, thuộc cung Thiên Bình. Không một nơi nào trên trái đất này có được vẻ đẹp địa lý tuyệt vời đến vậy. Quần đảo Nhật Bản khiến ta liên tưởng đến một nhân vật nữ có hình thể cân đối. Rồi còn có khu vực núi lửa Phú Sĩ giống như một mũi tên đã lên dây cung. Iwo Jima, như ta đã nói, trông giống đầu mũi tên. Một ngày nào đó, người Nhật sẽ nhận ra rằng hòn đảo này có đóng góp thế nào cho lịch sử đất nước. Mũi tên đã từng được bắn đi. Nó bay qua Australia và Mũi Sừng (Cape
Horn), bắn trúng Brazil, nơi có số dân di cư Nhật Bản cư trú đông nhất thế giới.
Ta có thể xác định chính xác vị trí điểm cực đông bắc của quần đảo Nhật Bản. Phần lớn quần đảo Kuril được xem như là một phần của Nhật Bản. Nhiều người cho rằng các đảo Paramushir và Onekotan thuộc về Nhật Bản, nhưng ta nghĩ nên loại bỏ chúng. Chúng quá lớn và gần với bán đảo Kamchatka, chúng thuộc về đại lục thì đúng hơn. Trung tâm của Kuril chính là nơi tọa lạc Rasshua và Ketoi, nhưng ta tin rằng Nhật Bản có thể còn vươn xa hơn nữa và lãnh thổ của nó bao gồm cả Kharimkotan và các đảo phía nam Kuril.
Những hòn đảo nhỏ này nằm rải rác ở tít phía bắc và nam, đan xe với các đảo chính của Nhật Bản làm cho đất nước trông như một cánh cung khổng lồ treo vào lục địa với những dải tua rua. Điểm cực đông của đảo Kharimkotan ở kinh độ 154o36’ Đông và điểm cực bắc ở vĩ độ 49o11’ Bắc.
Tiếp theo là điểm trung tâm của trục đông bắc-tây nam. Điểm cực tây của Nhật Bản là đảo Yonaguni, nằm ở kinh độ 123o Đông. Điểm cực nam của Nhật Bản, ta nhắc lại, nên là Iwo Jima. Điểm cực nam của đảo Hateruma, nằm ở đông nam Yonaguni, ở kinh độ 24o3’ Bắc trong khi điểm cực nam của Iwo Jima nằm ở vĩ độ 24o43’ Bắc. Tuy nhiên, trung điểm giữa đảo Kharimkotan và Yonaguni lại nằm ở kinh độ 138o48’ Bắc. Đường này chính là trục trung tâm của Nhật Bản, bắt đầu từ mép bán đảo Izu và chạy lên tới tận đồng bằng Niigata, nơi lãnh thổ kéo dài về phía bắc. Một phần của núi Phú Sĩ cũng nằm trên con đường trục này. Do đó, đường trục này phải giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Ta tiên đoán rằng nó vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò đó.
Đường kinh tuyến 138o43’ Đông có rất nhiều ý nghĩa. Núi Yahiko ở cực bắc của đường này. Đó là nơi có Đền Yahiko. Đây chính là chìa khóa của huyền thoại. Tương truyền nơi đây có một hòn đá thiêng. Núi Yahiko chính là rốn của Nhật Bản với sức mạnh huyền bí, trung tâm thực sự của cả nước. Không ai có thể bỏ qua thánh địa này; tương lai của Nhật Bản phụ thuộc vào nó. Ta muốn đi thăm nơi ấy trước khi chết. Ta phải làm việc đó, và ta sẽ làm! Nếu như ta chết mà chưa làm được thì ta muốn các con ta đến thăm Yahiko thay cho ta. Đỉnh 4, 6 và 3 là những con số nằm trên đường trung tuyến của Nhật Bản. Ba số này cộng lại bằng 13, là con số ưa thích của quỷ dữ. Azoth sẽ được đặt ở trung tâm của 13…
Hồi 1
Bí ẩn bốn mươi năm chưa có lời giải
Cảnh 1
Dấu chân trên tuyết
“Cái quái gì thế này?” Kiyoshi kêu lên, gập quyển sách lại, quẳng cho tôi rồi nằm dài xuống ghế.
“Anh đã đọc hết chưa?” Tôi hỏi.
“Chậc, ít nhất cũng là chuyện của Heikichi Umezawa.”
“Thế anh nghĩ sao?” tôi hỏi tiếp.
Dạo này Kiyoshi thường có tâm trạng chán nản. Im lặng khá lâu, cậu mới đáp: “Ờ, chẳng khác gì buộc phải đọc cuốn Niên giám điện thoại và Những trang vàng cả.”
“Nhưng quan điểm chiêm tinh học của ông ta thì sao? Có gì bất thường không?”
Kiyoshi là một chiêm tinh gia nên có vẻ phấn khích với câu hỏi. “Có một vài phần Heikichi diễn giải theo ý kiến chủ quan,” cậu nói. “Anh biết đó, trong chiêm tinh học thì Cung Mọc có ảnh hưởng đến các bộ phận cơ thể hơn là Cung Mặt Trời, cho nên tôi thấy rằng cách diễn giải của ông ta hơi chung chung. Tuy nhiên, kiến thức của Heikichi rất uyên thâm. Tôi không nghĩ rằng có chỗ nào bị hiểu lầm quá đáng.”
“Thế còn ý kiến của Heikichi về thuật giả kim thì sao?”
“Sai lầm hoàn toàn . Kiểu tư duy đó phổ biến ở thế hệ trước. Y như môn bóng chày. Ban đầu khi mới xuất hiện tại Nhật Bản vào những năm 1880, người ta nghĩ đó là cách để rèn luyện tinh thần theo phong cách Mỹ, nhưng họ đã đi quá xa. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi nếu như đánh hụt trái bóng, họ sẵn sàng mổ bụng tự sát theo nghi thức harakiri của tinh thần Võ sĩ đạo. Heikichi Umezawa cũng giống như vậy, nhưng tôi tin rằng ông ta vẫn hiểu biết hơn những người có suy nghĩ rằng thuật giả kim là phương thức biến chì thành vàng.”
Tôi là Kazumi Ishioka và là tín đồ cuồng nhiệt của truyện trinh thám, thậm chí gọi tôi là con nghiện của thể loại này cũng không sai. Nếu trong một tuần mà không đọc cuốn truyện trinh thám nào là tôi sẽ lên cơn nghiện ngay lập tức, tôi sẽ đi vật vờ như thể bị mông du và choàng tỉnh tại một hiệu sách, lục tìm bằng được một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Tôi đã đọc hầu hết các truyện trinh thám, ly kỳ trong đó có truyện về vương quốc cổ đại Yamatai gây tranh cãi, truyện về tên cướp ngân hàng đã đánh cắp 300 triệu yên vẫn chưa bị bắt. Không phải tôi muốn khám phá tri thức hay gì, chẳng qua là khoái giải trí bằng những câu truyện tầm phào mà thôi. Trong tất cả
các truyện trinh thám mà tôi đã đọc, Tokyo hoàng đạo án rõ ràng là câu chuyện hấp dẫn nhất. Một loạt án mạng đã xảy ra ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, đúng thời điểm diễn ra cuộc đảo chính quân sự bất thành vào ngày 26 tháng Hai năm 1936 vẫn được biết đến với tên gọi “Sự kiện 26- 2[4]”.
Câu chuyện dị thường, khó hiểu, kỳ quặc và không thể tin nổi này nhanh chóng lan ra khắp đất nước như một vết dầu loang. Trong bốn mươi năm qua, biết bao trí thức và thám tử nghiệp dư đã cố gắng giải mã câu chuyện, nhưng đến hôm nay, vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Tư liện về vụ án cùng chúc thư của Heikichi Umezawa đã được biên soạn thành một cuốn sách và xuất bản trong khoảng thời gian tôi chào đời, ngay lập tức trở thành cuốn sách ăn khách nhất. Nó gây ấn tượng vì đã nhấn mạnh vào khía cạnh thất bại trong việc phá giải các vụ án giết người, tượng trưng cho bóng tối bao quanh Nhật Bản thời kỳ tiền chiến.
Điều khủng khiếp và bí ẩn nhất về vụ án này là sáu thiếu nữ đã bị giết đúng như Heikichi mô tả. Hơn nữa, cả sáu tử thi đều bị mất một phần cơ thể khác nhau và được chôn ở sáu nơi riêng biệt cùng với những nguyên tố kim loại.
Điều kỳ quặc là Heikichi đã bị giết trước khi xảy ra cái chết của các con gái và cháu gái ông ta. Heikichi có nhắc đến tên của một vài người, nhưng họ đều có chứng cứ ngoại phạm. Tất nhiên, tất cả những chứng cứ ấy đã được xác minh kỹ càng để giải tỏa mọi nghi ngờ. Bản thân Heikichi là người có động cơ lớn nhất, nhưng ông ta đã chết trước khi xảy ra những vụ giết người, nên đương nhiên ông ta không thuộc diện nghi vấn.
Do đó, theo lẽ thường thì kẻ sát nhân không phải là người trong gia đình. Công chúng nêu ra hàng trăm giả thiết nhưng chỉ khiến mọi chuyện thêm rối tung. Mọi động cơ gây án khả dĩ đều đã được giả định nhưng tất cả đều rơi vào ngõ cụt.
Từ cuối những năm 1970, vụ án trở thành cảm hứng cho nhiểu cuốn sách với nhiều lý giải khác nhau nhưng hầu hết đều khá sơ sài và cấu tứ rất tệ, vậy mà chúng vẫn bán chạy. Vì thế đã có thêm rất nhiều cuốn sách kiểu này được xuất bản, chẳng khác gì một cơn sốt vàng.
Tôi còn nhớ có một vài ý tưởng lố bịch hơn nữa đã được đưa ra: Giám đốc Cảnh sát thành phố có liên can; Thủ tướng cũng nhúng tay vào; Đức Quốc xã muốn dùng các thiếu nữ cho những thí nghiệm sinh học; và - ý tưởng hài hước nhất theo quan điểm của tôi - thổ dân ăn thịt người New Guinea đã ăn những phần cơ thể đó. Các giả thiết này chẳng khác gì một trò đùa dở ẹc nhưng độc giả lại thấy thích thú. Khi một tạp chí ẩm thực cho đăng bài về nghệ thuật ăn thịt người thì mọi chuyện rõ ràng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ý tưởng điên rồ cuối cùng là, người ngoài hành tinh là thủ phạm của vụ án.
Với tôi, tất cả những ý tưởng trên đều thiếu mất hai điểm then chốt: làm sao một kẻ ngoài cuộc đọc được những ghi chép của Heikichi và vì lý do gì người đó lại muốn thực hiện kế hoạch của ông ta?
Cảnh sát chú ý đến chi tiết người con gái lớn nhất, Kazue, có những mối liên hệ với Trung Quốc và nói không chừng là một gián điệp. Vì vậy xảy ra suy đoán rằng có thể một cơ quan quân sự bí mật đã ám sát những cô gái nhà Umezawa.
Tôi thì dè dặt đưa ra giả thiết là có ai đó đã tìm thấy những ghi chép của Heikichi và sử dụng nó để che đậy tội ác. Hắn có quan hệ tình ái với một trong các cô gái, nhưng bị cô ta bỏ nên hắn trả thù. Nếu như hắn giết tất cả sáu cô gái, thì động cơ của hắn sẽ không bị phát hiện. Tuy nhiên, giả thiết này không hoàn toàn khớp với thực tế khi cơ quan điều tra kết luận rằng các thiếu nữ nhà Umezawa bị mẹ canh chừng rất nghiêm ngặt và chưa có bất kỳ người bạn trai nào. Hẹn hò mà không được phép của bố mẹ là điều không thể chấp nhận được vào những năm 1930. Và nếu giả sử một trong các cô gái này yêu đương và phụ bạc người tình thật, thì chắc chắn chàng trai phải tìm cách nào đó đơn giản hơn để giết kẻ phụ tình, chưa kể hung thủ chẳng có lý do gì để tiếp cận được những ghi chép của Heikichi.
Tất cả đều vô nghĩa. Cuối cùng tôi không suy ngẫm về những án mạng kỳ quặc này nữa.
Mùa xuân năm 1979, dù là một anh chàng đầy nhiệt huyết, Kiyoshi Mitarai cũng cảm thấy nản lòng. Cậu có cảm giác mình không đạt được phong độ đỉnh cao để giải mã bí ẩn của vụ án. Nghệ sĩ thường có cá tính riêng và Kiyoshi cũng không phải là ngoại lệ. Cậu có thể đột nhiên vui vẻ nhờ vị dễ chịu của kem đánh răng hoặc bất chợt tỏ ra khó chịu khi cửa hàng yêu thích đổi tông màu khăn trải bàn. Tâm trạng bực bội của cậu thường kéo dài trong vài ngày. Nói cho đúng cậu không phải là một chàng trai dễ gần. Tôi đã quen với tính khí nghệ sĩ đồng bóng thất thường ấy, nhưng tật xấu này giờ đây còn tồi tệ hơn trước. Kiyoshi lừ đừ như con voi sắp chết khi bước vào gian bếp hay nhà vệ sinh. Thậm chí khi gặp khách hàng, trông cậu cũng chẳng khá lên tí nào. Bình thường với tôi cậu rất bỗ bã và có phần hơi xấc xược, nhưng bây giờ thì không như vậy. Nói thật, tôi lại khoái như trước hơn.
Kiyoshi và tôi gặp nhau năm ngoái, kể từ đó hễ rảnh là tôi lại đến lớp học chiêm tinh của cậu. Tôi giúp những việc vặt khi có sinh viên và khách hàng ghé thăm văn phòng. Một hôm, bà Iida đến chơi và nói thẳng rằng cha của bà có dính líu đến vụ án mạng hoàng đạo nổi tiếng. Bà đưa cho chúng tôi một bằng chứng mà rõ ràng chưa ai từng thấy bao giờ, và nói đại ý rằng với bằng chứng này chúng tôi có thể phá được vụ án. Kiyoshi không nổi tiếng mặc dù được người trong giới rất tôn trọng. Việc người phụ nữ tin tưởng giao cho cậu ấy bằng chứng đáng giá như vậy khiến tôi thêm nể trọng
Kiyoshi. Tôi cảm thấy hãnh diện khi được kết giao với cậu. Tôi đã mất một thời gian dài suy ngẫm về vụ án này nên nhanh chóng nhớ ra toàn bộ sự việc. Trái lại, Kiyoshi chẳng hề biết gì về vụ án, mặc dù cậu là một chiêm tinh gia. Tôi đã phải lục tìm cuốn Tokyo hoàng đạo án trên giá sách của mình, phủi sạch bụi và giải thích mọi chuyện cho cậu. “Vậy anh cho rằng, Heikichi Umezawa tác giả của những ghi chép này đã bị giết đúng không?” Kiyoshi hỏi, vẫn nằm dài trên ghế. “Đúng. Anh sẽ tìm thấy các chi tiết trong phần thứ hai của cuốn sách.” “Tôi thấy mệt. Kiểu chữ nhỏ xíu này báo hại mắt tôi.”
“Ờ, thôi nào, đừng cằn nhằn nữa.”
“Thế anh không thể tóm tắt cho tôi được à?”
“Cũng được. Tôi nghĩ là trước tiên anh muốn nghe qua về những vụ án phải không?”
“Đúng vậy.”
“Sẵn sàng chưa?”
“Cứ bắt đầu đi thôi…”
“Tốt, cái gọi là Tokyo hoàng đạo án thực chất gồm ba vụ án riêng biệt. Vụ thứ nhất là cái chết của Heikichi Umezawa, vụ thứ hai là cái chết của Kazue Kanemoto, con riêng vợ ông ấy và vụ thứ ba là các án mạng Azoth. Người ta tìm thấy xác Heikichi trong xưởng vẽ của ông vào ngày 26 tháng Hai năm 1936. Ngày tháng trên bản ghi chép kỳ quái kia là năm ngày trước cái chết của nạn nhận. Nó được tìm thấy trong ngăn kéo bàn làm việc của Heikichi.”
“Kazue bị giết tại nhà riêng ở Kaminoge, khu Setagaya, cách khá xa nhà Umezawa và xưởng vẽ của Heikichi ở Ohara, khu Meguro. Cô ấy bị hãm hiếp, nên có thể suy luận rằng kẻ sát nhân là đàn ông, và có khả năng là một tên trộm. Trùng hợp ngẫu nhiên là Kazue bị giết cùng một thời gian với Umezawa và những người khác.”
“Ngay sau cái chết của Kazue, vụ giết người hàng loạt xảy ra, giống như được nêu trong ghi chép của Heikichi. Mặc dù vậy, các nạn nhân không bị giết theo thứ tự lần lượt mà tất cả bị giết cùng một lúc. Có lẽ gia đình Umezawa đã bị trù ếm. Mà này, ngày 26 tháng Hai năm 1936 có gợi cho anh điều gì không?”
Kiyoshi đáp gọn: “Sự kiện 26 tháng Hai.”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Tôi rất ấn tượng với kiến thức của anh về lịch sử Nhật Bản! Cái chết của Heikichi xảy ra đúng ngày đó. Ờ, cuốn sách đã nói gì nhỉ? Chậc, hay đấy. Nhân tiện, ta hãy xem gia phả nhà họ, cùng tuổi của mỗi người được tính đến ngày hôm đó, 26 tháng Hai năm 1936.”
“Có cả thông tin về nhóm máu của họ nữa cơ à?” Kiyoshi hỏi.
“Phải, có cả nhóm máu nữa. Thông tin trong bản ghi chép đều đúng và chính xác. Nhưng Heikichi không đả động gì đến ông Yoshio, em trai ông ấy, cho nên tôi sẽ kể anh nghe về người này. Yoshio là một cây viết chuyên luận cho các tạp chí du lịch, tiểu thuyết dài kỳ cho các báo, phóng sự v.v… Khi anh trai bị giết, ông ấy đang ở phía đông bắc của Tohoku, đang đi lấy tin để viết báo. Chứng cứ ngoại phạm của ông ấy đã được xác minh, nhưng cũng đáng để xem xét. Mà thôi, chúng ta sẽ trở lại vấn đề Yoshio sau.”
“Tiếp theo là Masako, vợ thứ hai của Heikichi. Tên thời con gái của bà ấy là Hirata. Bà xuất thân trong một gia đình giàu có ở Aizu-wakamatsu. Cuộc hôn nhân đầu tiên của bà với Satoshi Murakami, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, là do sự sắp đặt của hai bên gia đình. Họ có với nhau ba người con là Kazue, Tomoko và Akiko.”
“Tôi biết,” Kiyoshi nói. “Còn Heitaro Tomita thì sao?”
“Vào thời điểm xảy ra vụ án, anh ta 26 tuổi, chưa lập gia đình và đang phụ giúp mẹ ở xưởng tranh de Médicis. Nếu Heikichi đúng là bố đẻ của anh ta thì chắc chắn ông ấy phải sinh ra Heitaro năm 22 tuổi.”
“Thế nhóm máu có xác định được huyết thống giữa Heikichi và Heitaro không nhỉ?”
“Trường hợp này thì không. Heitaro và mẹ cùng mang nhóm máu O, Heikichi nhóm máu A.”
“Hiện chúng ta biết Heikichi và Yasue, mẹ của Heitaro, đã chia tay ở Tokyo và sau đó gặp lại nhau. Họ gặp nhau vào năm 1936 đúng không nhỉ?” “Chắc chắn như vậy,” tôi trả lời. “Khi Heikichi có hẹn ở ngoài thì thường chính là đi gặp Yasue. Có vẻ ông tin tưởng bà này vì họ cùng chung sở thích nghệ thuật. Heikichi không gần gũi với Masako hay các con riêng của mình theo kiểu đấy.”
“Vậy thì tại sao ông ấy lại kết hôn với Masako? Mà này, Masako và Yasue có hòa thuận không?”
“Tôi nghĩ là không. Có thể họ vẫn chào hỏi xã giao, nhưng Yasue hiếm khi sang nhà chính mỗi lần tới thăm Heikichi. Ông ta thường ở trong xưởng vẽ của mình. Như thế Yasue có thể dễ dàng đến thăm Heikichi mà không ai biết cả. Có thể Heikichi vẫn còn yêu Yasue. Ông kết hôn với Tae vì cô đơn sau cái chết của bà mẹ. Rồi vướng vào mối quan hệ với Masako - ừ, ‘vướng’ có lẽ là từ chính xác để giải thích cho tình cảnh của ông ta.”
“Vậy, có thể hiểu là Yasue và Masako không bao giờ cùng một phe…” “Đúng thế.”
“Heikichi có gặp Tae sau khi họ ly hôn không?”
“Chưa bao giờ. Nhưng cô con gái Tokiko của họ thì thường xuyên đến thăm Tae ở Hoya. Cô lo lắng cho Tae, bà này có một cửa hàng nhỏ bán thuốc lá.”
“Heikichi đúng là người lạnh lùng nhỉ?”
“Chậc, Heikichi không bao giờ đến thăm Tae, ngược lại Tae cũng vậy.” “Tae và Masako cũng không hợp nhau đúng không?”
“Tất nhiên là không rồi. Masako đã cướp chồng của Tae. Chắc chắn Tae căm ghét bà ta. Đó là bản chất của phụ nữ mà.”
“Kazumi à, anh nói như thể anh hiểu hết tâm lý của phụ nữ ấy!” “Cái gì?... Không phải đâu!” Tôi làu bàu.
“Nhưng nếu Tokiko quan tâm đến mẹ đẻ thì tại sao cô ấy lại vẫn ở với nhà Umezawa? Cô ấy có thể đến sống với Tae cơ mà?”
“Tôi không biết. Tôi không phải là chuyên gia về tâm lý phụ nữ!” “Thế còn bà Ayako, vợ của Yoshio? Bà ấy có thân thiết với Masako không?”
“Họ cũng khá hợp nhau.”
“Sao Ayako gửi hai con gái mình đến sống với Masako, nhưng chính bà ấy lại không dọn về đó ở nhỉ?”
“Biết đâu giữa mẹ con họ có mâu thuẫn.”
“Quay trở lại với Heitaro con trai Yasue. Cậu bé và ông bố Heikichi có thường xuyên gặp nhau không?”
“Tôi không biết. Cuốn sổ cũng chẳng nhắc gì đến thông tin này cả. Heikichi thường đến phòng trưng bày de Médicis ở Ginza nên chắc chắn ông ta có gặp Heitaro đôi lần. Có lẽ cha con họ khá thân thiết với nhau.”
“Hừm. Lối sống lập dị của Heikichi - vốn dĩ khá xa lạ với giới họa sĩ - chắc chắn tạo ra những mối quan hệ phức tạp.”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Một bài học tốt về đạo đức cho anh, phải không?” “Bài học gì?” Kiyoshi hỏi, không để ý tới sắc thái châm chọc của tôi. “Tôi có ý thức sâu sắc về đối nhân xử thế hơn ông ta nhiều, ít nhất cũng đủ để dạy lại người khác. Chúng ta cùng xem các chi tiết về vụ án của Heikichi Umezawa nhé.”
“Chắc chắn rồi. Tôi là chuyên gia về chuyện đó mà.”
“Thật á?” Kiyoshi cười toét miệng.
“Ừ. Tôi thuộc lòng mọi chuyện và có thể giúp anh viết thành sách ấy chứ, nhưng nhớ là phải thiết kế các tranh thật đẹp đấy nhé.” Kiyoshi ngáp dài. “Ôi, ước gì tôi không phải nghe bài thuyết giảng nhàm chán của anh nữa, nhưng thôi cứ tiếp tục, anh nói tiếp đi…” Kiểu của Kiyoshi là vậy. Tôi mặc kệ và tiếp tục. “Giữa trưa ngày 25 tháng Hai, Tokiko rời nhà Umezawa đi thăm mẹ. Cô ấy trở lại vào khoảng 9 giờ sáng hôm sau, ngày 26. Hôm đó, ngoài vụ đảo chính quân sự còn có một trận tuyết rơi lớn kỷ lục trong vòng ba mươi năm ở Tokyo. Sau khi về đến nhà, Tokiko chuẩn bị bữa sáng cho cha mình. Ông Heikichi luôn ăn bất cứ thứ gì Tokiko làm bởi vì ông ấy tin tưởng cô và trên hết, Tokiko là con gái ruột của ông.”
“Tokiko mang bữa sáng tới xưởng vẽ lúc 10 giờ kém mấy phút. Cô ấy gõ
cửa nhưng không thấy ai trả lời. Đi về phía hông xưởng vẽ và nhìn qua cửa sổ, Tokiko thấy cha mình nằm trên sàn trong một vũng máu.” “Tokiko vô cùng kinh hãi, chạy một mạch trở lại nhà chính và gọi những người phụ nữ khác tới giúp phá cửa xưởng vẽ đang bị khóa trái. Heikichi chết do bị một vật cứng đập vào gáy, có thể là một cái chảo rán. Phía pháp y kết luận rằng nguyên nhân cái chết là do giập não, máu trào ra từ mũi và miệng nạn nhân. Không bị mất cắp thứ gì vì tiền bạc và đồ quý giá còn nguyên trên bàn làm việc. Cuốn sổ tay có bản ghi chép kì quặc được tìm thấy trong ngăn kéo.”
“Mười một bức tranh mà Heikichi gọi là tác phẩm để đời vẫn dựng ở bức tường phía bắc. Không có dấu hiện nào chứng tỏ chúng bị hủy hoại. Bức tranh thứ 12 còn đang dở dang trên giá vẽ. Khi những cô con gái phá cửa vào xưởng, lò sưởi bằng than vẫn đang đượm cháy. Thời điểm đó thể loại truyện trinh thám đã phổ biến, vì vậy mà họ biết cách giữ nguyên không làm xáo trộn hiện trường vụ án. Chỉ một lát sau thì cảnh sát đến.”
“Như tôi đã nói, đêm hôm trước Tokyo hứng chịu trận tuyết lớn nhất trong vòng ba mươi năm. Bây giờ hãy nhìn vào sơ đồ thứ hai.”
“Những bước chân trên tuyết kéo dài từ cổng nhà đến xưởng vẽ. Đó là dấu giày của một người đàn ông và một phụ nữ - hay ít nhất là một đôi giày nam và một đôi giày nữ. Cho dù giới tính của họ là gì thì có vẻ như hai người đó không rời xưởng vẽ cùng nhau, và chắc chắn cũng không đi cạnh nhau vì dấu chân của họ giẫm lên nhau.”
“Đúng, có vẻ như một người đi trước và một người đi sau. Dấu giày nam cho thấy người này đi từ xưởng vẽ ra ngoài tới mạn phía nam, dừng bước và đi đi lại lại phía dưới cửa sổ cạnh bồn rửa, trong khi dấu giày của người phụ nữ lại đi thẳng từ cửa xưởng vẽ ra cổng nhà. Nếu cả hai người đó rời xưởng vẽ cùng một lúc thì người đàn ông đi ra sau người phụ nữ vì dấu chân nam giẫm đè lên dấu chân nữ. Qua khỏi cổng nhà là đường phố có lát gạch. Dấu chân của hai người cũng chấm dứt tại đây.”
“Ừm.”
“Khoảng thời gian tuyết rơi chính là điểm mấu chốt. Ở Meguro, tuyết bắt
đầu rơi lúc 2 giờ chiều ngày 25 tháng Hai. Hiếm khi có tuyết ở Tokyo và hệ thống dự báo thời tiết hồi ấy chưa hiện đại như ngày nay nên không thể biết được lượng tuyết tích tụ là bao nhiêu. Tuyết vẫn tiếp tục rơi đến 11 giờ rưỡi đêm, tổng cộng thời gian tuyết rơi chín tiếng rưỡi. 8 giờ rưỡi sáng hôm sau, tuyết lại rơi nhẹ khoảng mười lăm phút nữa.”
“Anh có thể thấy là đợt tuyết rơi lần hai chỉ như một lớp bụi mỏng phủ lên những dấu giày. Vì vậy, hai người đó chắc chắn phải vào xưởng vẽ ít nhất là ba mươi phút trước khi tuyết ngừng rơi lúc 11 giờ rưỡi; người nữ và người nam nối tiếp nhau rời khỏi xưởng vẽ trong khoảng thời gian từ 11 giờ 30 phút đêm đến 8 giờ 30 phút sáng hôm sau. Lý do tôi nói họ vào xưởng vẽ ba mươi phút trước khi tuyết ngừng rơi là bởi vì dấu chân của họ bị tuyết phủ lên nhưng không bị che phủ hoàn toàn.”
“Ừm.”
“Chắc chắn phải có ba người ở trong xưởng vẽ vào buổi tối hôm đó: người để lại dấu giày nam, người để lại dấu giày nữ và Heikichi Umezawa. Nhiều khả năng người nam ra sau không phải là thủ phạm, nhưng nếu đúng là người nam là hung thủ ra tay sát hại Heikichi thì người phụ nữ kia phải biết hắn ta là ai. Hoặc nếu như người phụ nữ giết chết Heikichi thì người nam chắc chắn biết thị - tuy nhiên điều này không thể xảy ra vì người nam rời khỏi xưởng vẽ sau người phụ nữ. Nhưng cũng có thể giả định rằng người nam không nhìn thấy người phụ nữ giết Heikichi, hắn không ở lại trong xưởng vẽ sau khi xảy ra vụ việc và cũng không đi đi lại lại dưới ô cửa sổ phía nam xưởng vẽ.”
“Nhưng nếu cả hai là đồng phạm thì vẫn còn một chi tiết khó hiểu là thuốc ngủ được tìm thấy trong dạ dày của Heikichi. Liều thuốc ít không thể gây tử vong, cho nên chỉ đơn giản để an thần. Có nghĩa là sau khi uống thuốc, nạn nhân mới bị giết. Nhưng liệu có phải Heikichi uống thuốc trong lúc đang tiếp hai vị khách? Không chắc nữa, nhỉ?
“Vậy liệu có thể là người nam gây án sau khi người phụ nữ rời đi không? Khả năng đó cũng không chắc lắm vì Heikichi vốn không thích ở cạnh đàn ông. Ông ta không hề thân thiết với cánh mày râu và chỉ cảm thấy an toàn khi ở bên phụ nữ. Nếu như ông ta uống thuốc khi có mặt ai đó thì người đó phải là phụ nữ. Tình huống này không thể xảy ra vì người nữ đã rời đi trước đó. Bất cứ giả định nào cũng khó giải thích được ý nghĩa của những viên thuốc ngủ.”
“Tóm lại giả thiết sau có vẻ hợp lý nhất: người để lại dấu giày nam chính là hung thủ và người đã để lại dấu giày phụ nữ chính là người đã chứng kiến án mạng. Kiyoshi, anh nghĩ ai là người để lại dấu giày phụ nữ?” “Người mẫu của ông ấy.”
“Chính xác, tuyệt! Cô ta rất có thể là người mẫu và đã chứng kiến toàn bộ vụ án mạng. Cảnh sát đã tiến hành thông báo trên các phương tiện thông
tin đại chúng mời người mẫu hôm đó tới trình diện, hợp tác và đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối về danh tính. Tuy nhiên cô ấy không xuất hiện. Không ai biết người mẫu đó là ai, thậm chí cho tới tận bây giờ, đã bốn mươi năm kể từ khi án mạng xảy ra.”
“Nhưng nếu một người mẫu ở trong xưởng vẽ của Heikichi lúc 11 giờ rưỡi đêm thì lại có thêm bí ẩn khác: lẽ nào một người mẫu lại làm việc khuya như vậy? Nếu đúng thì chắc hẳn cô ấy phải rất thân thiết với Heikichi, nếu không thì chẳng có người phụ nữ nào làm việc muộn như thế. Ở thời điểm đó, phụ nữ hiếm khi phải làm việc kiếm tiền ngay cả những công việc ban ngày. Tất nhiên, có thể cô ấy phải đợi cho tuyết tạnh mới có thể về được vì không hề có cái ô nào trong xưởng vẽ cả. Nhưng nếu muốn thì Heikichi có thể đi tới nhà chính để lấy cái ô.”
“Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ về sự hiện diện của cô người mẫu. Cảnh sát không thể tìm được tung tích của cô ta và họ cho rằng dấu giày nữ chỉ là một thủ đoạn đánh lạc hướng. Nhưng chắc chắn sự thật không thể chối cãi là người để lại dấu giày nữ đã đi từ xưởng vẽ ra phố chứ không theo đường khác dựa trên tình trạng tuyết bị xáo trộn và dấu chân chỉ đi theo một hướng. Giả thiết về việc một người xỏ tay vào giày và bò bằng bốn chiếc giày cũng được đặt ra. Tuy nhiên giả thiết đã bị bác bỏ bởi trọng lượng phân bố không đều giữa tay và chân trong quá trình bò sẽ làm lộ mánh khóe đó ngay.”
“Mà này, nói về những dấu giày như vậy là đủ rồi, đó không phải điều thú vị nhất trong vụ giết Heikichi. Đúng như ông ta mô tả, khung sắt ở cửa sổ và cửa trời đã được lắp đặt xong. Heikichi là người thận trọng. Những song sắt đó không phải là thứ vớ vẩn. Vì mục đích an ninh, những song sắt này được thiết kế để chỉ có thể tháo ra từ bên trong. Vì vậy, chỉ có một cách duy nhất để hung thủ vào xưởng vẽ là đến và đi qua cửa chính. Khác với cửa trượt của Nhật, ở đây là kiểu cửa cánh đơn theo phong cách phương Tây, mở ra phía ngoài và có một cái then sắt để đảm bảo an toàn ở bên trong. Chắc chắn Heikichi đã cho làm cửa theo phong cách của khách sạn vùng nông thôn nước Pháp. Để khóa cửa, anh phải kéo then cửa sắt vào một cái lỗ trên khung cửa. Then cửa sắt này có một cái vấu nhỏ phải xoay xuống dưới đè lên một chỗ nhô ra trên cửa. Chỗ nhô ra này có một cái khoen, và đây chính là chỗ để móc ổ khóa.”
Kiyoshi đột nhiên mở to mắt, ngồi phắt dậy trên trường kỷ. “Thật á?” Cậu ấy hỏi.
“Phải. Và Heikichi bị giết sau cánh cửa khóa trái!”
Cảnh 2
Bức vẽ thứ 12
“Không, không thể như vậy được,” Kiyoshi nói. “Tên giết người chắc hẳn phải đào thoát qua một lối đi bí mật!”
“Anh nói đúng. Nhưng cảnh sát đã kiểm tra mọi ngóc ngách. Không có lối ra nào khác, chả nhẽ hung thủ lại nhảy xuống bồn cầu và thoát ra bằng đường ống à! Không thể nào. Bây giờ hãy xem xét đến xưởng vẽ, có hai điều rất kỳ lạ. Thứ nhất là giường của Heikichi không dựa vào tường như trong hình minh họa. Chúng ta biết là cái giường có thể di chuyển xung quanh phòng, nên điều này là hoàn toàn bình thường, nhưng biết đâu đây lại là đầu mối quan trọng. Thứ hai là Heikichi luôn để râu. Nhưng khi phát hiện ra xác ông ấy, bộ râu đã bị cắt một nửa. Những chứng cứ trên hiện trường cho thấy việc này không thể do ông ấy tự làm mà do người khác dùng kéo cắt. Mấy sợi râu vương vãi gần xác chết nhưng không hề có cái kéo hay dao cạo nào trong xưởng vẽ cả.”
“Heikichi và em trai là Yoshio trông rất giống nhau, có khả năng họ là anh em sinh đôi, thiên hạ đồn rằng người bị giết thật ra là Yoshio. Có thể Heikichi đã viện một lý do để mời em trai đến xưởng vẽ của mình, giết ông em rồi bỏ đi hoặc ngược lại. Mặc dù giả thiết này không được coi trọng lắm, nhưng không thể loại trừ chuyện nhận diện nhầm tử thi bởi vì chưa ai trong gia đình thấy Heikichi không để râu với cái đầu dập nát. Heikichi say mê nghệ thuật đến điên cuồng nên có vẻ như ông ta sẽ làm mọi việc để tạo ra Azoth.”
“Chậc, đó là tất cả những gì được biết về hiện trường. Chúng ta sẽ chuyển sang những chứng cứ vắng mặt của các nghi phạm chứ?” “Đợi một chút…”
“Gì vậy?”
“Anh giải thích nhanh quá! Tôi chẳng kịp ngẫm các sự kiện.” “Anh lại đùa tôi rồi!”
“Không. Tôi muốn biết thêm về Heikichi khi bị khóa ở bên trong. Chẳng phải mọi người đã suy nghĩ nát óc về chuyện đó cũng như bí ẩn của những dấu giày ư?”
“Ừ, suy nghĩ suốt bốn mươi năm rồi.”
“Hãy nói thêm cho tôi nghe về xưởng vẽ.”
“Được rồi. Hy vọng tôi có thể nhớ được tất cả các chi tiết. Mái xưởng vẽ cao ngang một tòa nhà hai tầng, cho nên dù dựng đứng giường lên thì cũng
không thể với tới trần nhà. Hơn nữa các cửa trời đều có song sắt và không hề có thang trong xưởng vẽ. Ống khói lò sưởi được làm bằng thiếc nhưng nó quá mỏng, vả lại than vẫn đang tiếp tục cháy trong lò, chắc chắn không ai có thể leo qua lối đó được, kể cả ông già Nô-en. Dĩ nhiên có một lỗ trên tường để gắn đường ống nhưng quá nhỏ so với một cái đầu. Đó là tất cả những gì tôi nhớ. Thật sự không có đường khác để ra khỏi xưởng vẽ.”
“Cửa sổ có rèm không?”
“Có một số. Gần giường ngủ ở mạn phía bắc của xưởng vẽ có tìm thấy một cây gậy dài để đóng mở rèm, cách cửa sổ khá xa.”
“Thế à. Cửa sổ có đóng không?”
“Một số khóa, một số không.”
“Thế còn cửa sổ phía trên vị trí tìm thấy dấu giày của người đàn ông?” “Nó không khóa.”
“Tôi hiểu. Còn có gì khác trong xưởng vẽ không?”
“Không nhiều lắm, anh có thể thấy rõ trong hình minh họa: Một bàn làm việc, một ít sơn và màu vẽ, vài cái bút, quyển sổ tay mà Heikichi viết những ghi chép của mình, một cái đồng hồ đeo tay, ít tiền mặt và một tấm bản đồ. Tôi nghĩ tất cả chỉ có thể. Không có sách, báo hay tạp chí và cũng chẳng có đài đóm gì cả. Ông Umezawa không muốn bất kỳ thứ gì của đời sống thế tục xâm nhập vào xưởng vẽ.”
“Tôi thấy bức tường của khu nhà có một cánh cổng. Nó có khóa không?” “Nó có thể khóa từ bên trong, nhưng khóa đã bị hỏng. Có thể giật mạnh và mở cổng từ bên ngoài một cách dễ dàng.”
“Không an toàn cho lắm.”
“Chính xác, rất không an toàn. À, còn nữa, vào lúc bị giết, Heikichi rất gầy do bị mất ngủ thường xuyên và không ăn được nhiều.” “Hừm. Ông ta ốm yếu và ở trong một căn phòng khóa chặt… bị giết từ phía sau bởi một kẻ thậm chí không buồn làm giả hiện trường cho giống một vụ tự tử. Nào, Kazumi, tại sao anh nghĩ là hung thủ đã khóa xưởng vẽ?” Tôi đã chuẩn bị sẵn cho câu hỏi này. “À, hãy nghĩ về những viên thuốc ngủ,” tôi trả lời. “Khi Heikichi uống thuốc, ông ấy đang tiếp một hoặc hai vị khách. Vì thế chắc chắn anh phải đoán rằng ít nhất một trong số họ không phải người lạ.”
“Hừm. Ông ấy có bạn bè nào không?”
“Có vài họa sĩ ông ấy đã gặp ở phòng trưng bày de Médicis và mấy người khách ở quán rượu nhỏ tên là Kakinoki. Umezawa liên tục đến đó và quen biết hai khách hàng thường xuyên là: Genzo Ogata, ông chủ một nhà máy sản xuất ma-nơ-canh và Tamio Yasukawa, nhân viên của Ogata. Nhưng họ không phải là bạn bè thân thiết. Một người quen nữa thỉnh thoảng cũng ghé thăm xưởng vẽ nhưng không thể gọi người đó là bạn thân được.”
“Thế còn Yoshio thì sao? Hay Heitaro? Họ biết Heikichi khá rõ.”
“Chứng cứ ngoại phạm của họ đã được xác minh mặc dù họ không có nhiều nhân chứng. Vào đêm ngày 25, Heitaro đánh bài với mẹ và một vài người bạn ghé chơi sau khi phòng tranh đóng cửa. Những người khách ra về lúc 10 giờ 20 phút và hai mẹ con họ lên phòng ngủ trên gác lúc 10 giờ 30 phút. Nếu Heitaro là kẻ giết người, anh ta không thể chạy như bay đến xưởng vẽ của Heikichi trong vòng ba mươi hoặc bốn mươi phút để ra tay được. Ngay cả khi không có tuyết thì cũng rất khó đi từ Ginza đến Meguro nhanh như thế, tuyết rơi dày như hôm đó thì càng không thể. Tuy nhiên, nếu Heitaro âm mưu cùng mẹ giết Umezawa thì họ có thể ra khỏi phòng tranh ngay sau khi bạn bè ra về. Như vậy họ có thể gây án trong khoảng thời gian giả định của vụ giết người. Nhưng động cơ của họ là gì? Heitaro thì có thể cho rằng Heikichi là cha của cậu ấy và hận ông ta vì sự vô trách nhiệm và những đau khổ mà ông ta đã gây ra cho mẹ cậu. Tuy nhiên, Yasue không có lý do gì thù ghét Heikichi; đã có thời gian bà rất gắn bó với ông và bây giờ bà đang là đối tác duy nhất độc quyền kinh doanh các tác phẩm của ông ấy. Đúng là tranh của Heikichi được bán với giá rất cao sau khi ông chết, đặc biệt là sau chiến tranh. Nhưng Yasue không có ràng buộc với Heikichi, cho nên bà ấy không được lợi và sẽ chẳng bao giờ được lợi gì từ cái chết của ông ấy.”
“Ừm.”
“Còn Yoshio, em trai của Heikichi, thì đã đến Tohoku vào ngày 25 tháng Hai và trở về nhà vào khoảng nửa đêm ngày 27. Vào thời điểm vụ giết người, Yoshio đang trên đường đến gặp những người bạn ở Tsugaru. Thực sự ông ta có đến đó. Đây là một câu chuyện dài nhưng tôi sẽ nói qua cho anh các tình tiết chính. Ông ấy có chứng cứ ngoại phạm, nhưng như với một số nghi phạm khác, đặc biệt là đám phụ nữ, bằng chứng ngoại phạm không được chặt chẽ cho lắm. Ví dụ như vợ của Yoshio: bà ở một mình trong khi chồng đi vắng, hai cô con gái đang ở cùng Masako. Bà không có chứng cứ ngoại phạm.”
“Nếu bà ta chính là người mẫu thì sao?”
“Lúc đó bà ta đã 46 tuổi. Không lẽ Heikichi có thiên hướng vẽ một mụ nạ dòng ở tuổi sồn sồn?”
“Hừm…”
“Tiếp đến là cô con gái lớn của Kazue. Cô này đã ly hôn và sống một mình ở Kaminoge, khi đó vẫn là một thị trấn khá hẻo lánh. Kazue cũng không có chứng cứ ngoại phạm. Masako thì ở nhà chính ăn tối với các con gái là Tomoko, Akiko, Yukiko và cùng các cháu gái là Rieko và Nobuyo. Lúc 10 giờ đêm, tất cả đều đi ngủ. Và Tokiko thì ở nhà mẹ đẻ tại Hoya.”
“Ngôi nhà chính có sáu phòng ngủ chưa kể bếp và phòng khách, nơi các cô con gái tập múa ba lê và dương cầm. Phòng ngủ của Masako, Tomoko và Akiko ở tầng trệt. Trên gác, Reiko và Nobuyo chung một phòng gần cầu
thang nhất, kế bên là phòng của Yukiko và phòng còn lại của Tokiko. Heikichi chủ yếu sống trong xưởng vẽ của ông ấy.”
“Bất kỳ ai trong số những phụ nữ này cũng đều có thể lẻn ra khỏi phòng mình vào ban đêm, nhưng lại không hề có dấu giày xung quanh ngôi nhà chính. Giả sử nếu họ lẻn ra đường từ cửa trước thì họ có thể đi xung quanh khu nhà và vào qua cổng sau. Sáng ngày 26, Tomoko xúc tuyết ở các bậc cấp đá từ sáng sớm và cho biết chỉ có dấu giày của thằng bé đưa báo, tất nhiên không có nhân chứng nào khác chứng thực lời cô. Masako cũng đã xác nhận rằng buổi sáng khi bà thức dậy, không có bất cứ dấu giày nào gần bức tường bao quanh khu nhà chăng dây thép gai bên trên khiến cho việc men theo hoặc trèo qua tường là hoàn toàn không thể.”
“Vợ cũ của Heikichi, bà Tae, và con gái Tokiko làm chứng cho nhau. Tae nói rằng Tokiko ở chỗ bà ấy vào ngày 25. Trong số các con gái, chỉ có Tokiko có chứng cứ ngoại phạm được người khác chứng thực, nhưng vì đó lại là mẹ ruột nên chứng cứ ngoại phạm của Tokiko không hoàn toàn đáng tin cậy.”
“Tôi hiểu. Vì vậy tất cả đều là đối tượng tình nghi. Nào, thế còn cô người mẫu bí ẩn chưa bao giờ xuất hiện thì sao?”
“Ồ, cảnh sát nghi ngờ rằng dấu giày nữ có thể do một người mẫu để lại. Umezawa thường thuê người mẫu qua Câu lạc bộ Người mẫu Fuyo ở Ginza, hoặc qua một trong những mối quen của Yasue. Nhưng không tìm ra ai làm mẫu cho Umezawa vào ngày 25. Ngoài ra, theo lời Yasue, Umezawa đã rất phấn khích vì tìm được một người mẫu phù hợp hoàn toàn với những gì ông ấy yêu cầu. Ông ta thực sự cảm thấy hạnh phúc vì đã tìm được thiếu nữ trong mơ của mình. Umezawa dự định sẽ dành tất cả nhiệt huyết để hoàn thành bức tranh này, bởi vì nó sẽ là cơ hội cuối cùng để ông ấy làm được việc gì đó lớn lao.”
“Ừm,” Kiyoshi lầm bầm. Cậu ta nhắm mắt và nằm ườn trên tràng kỷ. “Anh vẫn đang nghe tôi đấy chứ?” Tôi hỏi. “Tôi kể toàn bộ câu chuyện chỉ vì muốn tốt cho anh đấy! Tiếp tục nào!”
“Tất nhiên là tôi đang nghe! Tiếp tục đi nào anh bạn…”
“Cô người mẫu mà Umezawa muốn vẽ là một người cung Bạch Dương, giống với cung chủ đề của bức tranh còn lại, anh nhớ nhé. Ông ấy có thể sử dụng con gái mình là Tokiko, người thuộc cung Bạch Dương, nhưng cảnh sát suy luận rằng Heikichi đã mời một người khác bởi vì người mẫu này chắc chắn phải khỏa thân.”
“Đúng đấy.”
“Vì vậy cảnh sát đã tới tất cả các địa điểm môi giới ở Tokyo để tìm kiếm một người mẫu giống Tokiko. Cuộc điều tra kéo dài một tháng, nhưng họ không tìm thấy ai cả. Sau Sự kiện 26-3, cảnh sát quá bận rộn nên không thể tiếp tục điều tra, vụ Heikichi bị khép lại. Họ kết luận rằng ông Umezawa
chắc hẳn đã thuê một cô gái trên đường hoặc trong quán rượu. Có thể cô ta rất cần tiền và sẵn sàng làm mẫu khỏa thân nhưng lại muốn giữ kín chuyện đó. Có thể cô ta đã có chồng. Nhưng dù sao thì người mẫu đó cũng chẳng bao giờ xuất hiện.”
“Tất nhiên là không đời nào nếu cô ta phạm tội!” Kiyoshi lên tiếng. “Hả?”
“Chậc, hãy cứ cho rằng cô người mẫu đã giết Heikichi,” cậu tiếp tục. “Cô ta có thể che giấu dấu giày của mình bằng giày của đàn ông, đúng không? Do đó…”
“Giả thiết này đã bị loại trừ,” tôi ngắt lời. “Nếu cô ta mang theo một đôi giày nam, chắc chắn cô ta phải mong tuyết rơi. Nhưng không ai biết rằng sẽ có tuyết, tới 2 giờ chiều hôm đó tuyết mới bắt đầu xuất hiện. Mấy cô con gái của Heikichi nói rằng từ khoảng 1 giờ chiều, rèm xưởng vẽ buông kín, thông thường đó là dấu hiệu cho biết có người đang ở cùng cha họ. Tất nhiên là cô người mẫu có thể đi giày của Heikichi nhưng đôi giày của ông ta vẫn còn nguyên ở vị trí hằng ngày nơi tiền sảnh. Cô người mẫu không thể quay lại xưởng vẽ để trả chúng.”
“Nếu như có một người mẫu.”
“Đúng, nếu có một người mẫu.”
“Hung thủ có thể bỏ đi với một đôi giày nam và tạo ra các dấu giày của phụ nữ.”
Tôi gật đầu. “Đúng, rất có thể.”
“Nhưng đợi đã… Nó đã chẳng có nghĩa gì. Nếu hung thủ là phụ nữ và muốn đóng giả đàn ông, ả chỉ cần tạo dấu giày của một người đàn ông. Tại sao kẻ đi đôi giày nam lại cần phải tạo ra dấu giày của phụ nữ nữa nhỉ? Thật là buồn cười!”
“Có gì sai nào?”
“Anh làm tôi điên cái đầu. Anh chẳng khác gì cơn bão tuyết trong ngày 25, ào ào đến rồi đi, bắt đầu và kết thúc. Anh chỉ cần cung cấp dữ liệu cho tôi thôi.”
“Tôi xin lỗi. Anh muốn giải lao không?”
“Không, cảm ơn,” Kiyoshi nói, đưa hai ngón trỏ xoa xoa thái dương. “Được rồi. Dữ liệu. Chà, không hề có bằng chứng để lại hiện trường. Heikichi là người hút thuốc lá liên tục, cho nên có rất nhiều đầu mẩu thuốc trong gạt tàn. Có một vài dấu vân tay của ông ấy, của người em trai và một số vân tay khác không xác định được, có thể là của những người mẫu ông ấy thuê. Không hề có bất kỳ dấu hiện nào của việc cố gắng xóa dấu vân tay.” “Ừm.”
“Không tìm thấy hung khí giết người. Chẳng có gì trong xưởng vẽ có thể làm dụng cụ gây án.”
“Có thứ gì gợi ý như lời nhắn lúc hấp hối của Heikichi không?” Kiyoshi
hỏi. “Bức vẽ biểu tượng cung hoàng đạo nào đấy chẳng hạn. Ông ấy có thể kéo một bức xuống lúc đang hấp hối và cố gắng chỉ ra dấu hiệu của kẻ giết người.”
“Có lẽ ông ấy không có thời gian.”
“Ừm. Hoặc ông ấy đã cố gắng truyền đạt một thông điệp bằng cách cắt râu của mình…”
“Người ta cho rằng ông ấy đã chết ngay lập tức.”
“Ngay lập tức hả?”
“Đúng,” tôi đáp. “Chà, tôi vừa nói với anh tất cả những gì tôi biết, bây giờ đến lượt anh bắt đầu phần suy luận của mình!”
“Hừm. Tất cả đã có bảy cô con gái và cháu gái bị giết phải không?” “Phải.”
“Như thế có thể loại trừ họ ra khỏi danh sách nghi phạm.”
“Hãy cẩn trọng, đừng lẫn lộn giữa vụ giết Heikichi với những vụ khác.” “À, phải. Nhưng từ quan điểm động cơ, đến giờ chúng ta đã có gì rồi? Chà, có những thành viên trong gia đình muốn - hoặc không muốn - xây khu chung cư. Hoặc các cô con gái bằng cách nào đó đã nghe phong thanh về ý tưởng điên rồ muốn tạo ra Azoth và đã giết chết Heikichi trước khi ông giết họ. Hoặc một tay môi giới nghệ thuật tin rằng chuyện giật gân như thế này sẽ làm tăng giá các bức tranh của Heikichi. Hoặc… gì nữa nhỉ?... Kazumi, sau vụ án mạng, tranh của ông ấy bán được giá bao nhiêu tiền?” “Những bức tranh sơn dầu chủ đề hoàng đạo cỡ lớn có giá trị tương đương cả một căn nhà.”
“Ha! Vậy là mười một bức tranh có thể đổi thành mười một căn nhà?” “Đúng, nhưng điều đó không xảy ra cho tới hơn mười năm sau. Đầu tiên là chiến tranh Trung - Nhật, sự kiện Trân Châu Cảng, rồi đến Chiến tranh Thế giới thứ hai. Không bán được nhiều tranh vào thời điểm này. Sau đó, cuốn Tokyo hoàng đạo án được xuất bản và ngay lập tức bán rất chạy. Tae đã kiếm bộn tiền nhờ cuốn này, rất có thể Yoshio cũng không hề kém cạnh. Lúc đó giá của các bức tranh mới bắt đầu tăng vọt.”
“Tôi hiểu. Câu chuyện có rất nhiều điểm bí ẩn. Chắc hẳn nó gây xôn xao dư luận.”
“Đúng như vậy. Trên thực tế, dư luận xôn xao đến mức có thể viết hẳn một quyển sách về chính hiện tượng xôn xao ấy! Một học giả lớn tuổi cho rằng suy nghĩ của Heikichi bệnh hoạn - đủ khiến cho thần linh phải nổi giận và cái chết khủng khiếp của ông ta chính là biểu hiện của cơn giận đó. Khắp nơi người ta đặt ra vấn đề đạo đức. Một vài kẻ quá khích còn xông vào nhà Umezawa. Người ta đã phải gọi cảnh sát tới. Người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội - nhà truyền giáo, nhà tâm linh, đồng cốt - đổ ra từ mọi ngõ ngách của Nhật Bản.”
“Hay đấy!” Kiyoshi kêu lên, vẻ hứng khởi thoáng hiện ra trên khuôn mặt
cậu.
“Vậy anh nghĩ sao? Dựa trên toàn bộ dữ kiện đã có, anh nghĩ kẻ giết Heikichi đã gây án thế nào đằng sau cánh cửa bị khóa?”
“Ồ, dễ thôi,” Kiyoshi vươn vai trả lời. “Hung thủ đã treo cái giường lên trần nhà và làm nó rơi xuống đầu ông ấy.”
“Làm sao anh suy luận như thế được?”
“Chậc, hung khí là một vật phẳng,” Kiyoshi tiếp tục. “Một cái bảng gỗ, thậm chí bề mặt sàn nhà cũng có thể là hung khí. Cũng chẳng có gì là kỳ quái với cái khóa nếu đích thân Heikichi tự khóa cửa. Cảnh sát tìm thấy ghi chép của ông ấy trong đó có nói đến chuyện tự tử, chi tiết rất có lời cho kẻ giết người - hoặc những kẻ giết người - nhưng trên thực tế ông ấy lại chết bởi một đòn đánh vào gáy, nên loại trừ khả năng tự tử. Thành thử chuyện phải như tôi vừa nói thôi.”
“Quá hay! Anh giỏi lắm! Cảnh sát phải mất một thời gian dài để tìm ra điều này.”
“Ý của anh là cảnh sát đã nghĩ đến cái giường rồi phải không? Ồ, tôi thấy nói chuyện mệt rồi…” Kiyoshi thở dài thất vọng.
“Được rồi,” tôi nói, “để tôi giải thích giả thiết đó cho anh. Giường của Heikichi có bánh xe. Bốn người trèo lên mái nhà, gỡ tấm kính ở cửa trời, thả một đoạn dây dài có cái móc ở đầu để móc vào thành giường và kéo lên cao. Họ biết Heikichi - lúc này đang nằm trên giường - sẽ ngủ như chết do tác dụng của thuốc an thần. Họ thả thêm ba đoạn dây nữa, giữ chặt cái giường và bắt đầu kéo cái giường lên phía trần nhà. Họ dự định sẽ đầu độc ông ấy bằng hợp chất xyanua kali hoặc cắt cổ tay ông ấy, hoặc cách gì đó giống như một vụ tự tử khi đã kéo Heikichi lên tầm tay của họ. Nhưng sự việc thất bại: kéo cái giường lên cao hóa ra không dễ dàng gì, họ không thể giữ được nổi thăng bằng. Từ độ cao 15 mét, Heikichi ngã đập đầu và chết.”
“Hay, chính là như thế.”
“Anh đúng là một thám tử giỏi, Kiyoshi ạ. Cảnh sát đã phải mất một tháng để tìm ra điều này.”
“Ừm.”
“Nhưng còn những dấu giày trên tuyết thì sao? Anh nghĩ sao về chúng?” “Hừm…”
“Thế nào?”
“Đâu phải là chuyện gì to tát, đúng không? Dấu giày tập trung bên dưới cửa sổ bởi vì đó là nơi họ đặt thang. Cần ít nhất là bốn người mới kéo được cái giường lên. Có thể thêm một người nữa dưới đất là năm. Điều này giải thích cho việc có nhiều dấu chân ở ngay chỗ đó. Bọn họ đều là vũ công ba lê đúng không? Có nghĩa là họ có thể đi bằng đầu ngón chân, cẩn thận để giẫm đúng vào dấu chân của người đi trước. Một điều không thể tránh khỏi là dấu chân của họ tạo thành một độ nghiêng, vì vậy người cuối cùng giẫm lên từng
dấu chân bằng một đôi giày nam. Lẽ đương nhiên, cách suy luận này đã giới hạn các nghi phạm, đúng không nào?”
“Anh đúng là một thiên tài! Quả là một thiệt hại lớn cho quốc gia khi anh quyết định trở thành một thầy bói nhà quê!”
“Anh biết đấy,” Kiyoshi tiếp tục, “bọn tội phạm hầu như luôn để lại dấu vết.”
“Bởi thế mới có những dấu chân và dấu giày nam giẫm lên mọi dấu vết khác, kể cả dấu của chiếc thang. Anh giỏi thật đấy Kiyoshi ạ, thực sự là rất tuyệt! Tôi không thích nói thế này nhưng thực tế tất cả những điều anh vừa suy luận hoàn toàn đúng như kết quả điều tra. Bí ẩn thực sự bắt đầu từ đó…”
Lời tôi nói dường như làm Kiyoshi tự ái. “Ồ, thật à?,” cậu cong môi. “Hừm. Chà, tôi đói rồi! Chúng ta xuống nhà tìm cái gì ăn thôi.”
Cảnh 3
Chiếc bình và tấm gương
Sáng hôm sau, tôi ăn sáng và vội vã tới Tsunashima, nơi Kiyoshi đặt văn phòng. Khi tôi đến, cậu đang ăn giăm bông - và trứng, chắc là bữa sáng lại chuẩn bị lấy vì trông đĩa thức ăn đúng là một thảm họa.
“Chào anh! Xin lỗi vì đã quấy rầy bữa ăn…”
“Ồ, hôm nay anh đến sớm thế,” cậu nói và nhích vai tới phía trên đĩa đồ ăn. “Anh không phải bận việc gì à?”
“Không, hôm nay tôi được nghỉ. Oa, bữa sáng của anh trông ngon lành thật!”
“Kazumi,” Kiyoshi trịnh trọng nói. “Anh có nhìn thấy thứ gì khác trên bàn không?”
Có một gói đồ nhỏ.
“Ừ, anh thử đoán xem…” Cậu nói, “Cà phê tươi. Điều tôi thực sự đánh giá cao lúc này là một chút cà phê nóng, ngon tuyệt!”
“Được rồi, ngày hôm qua chúng ta đã đi tới đâu rồi nhỉ?” Kiyoshi hỏi tôi ngay khi cầm cốc cà phê lên tay. Vẻ mệt mỏi của cậu dường như đã biến mất. Cậu lại tràn đầy nhiệt huyết, có nghĩa là tôi sẽ phải chịu đựng thái độ châm chọc thêm một lần nữa.
“Hung thủ - hoặc là vài hung thủ - đã kéo giường của Heikichi lên sát cửa trời.”
“À, phải. Vẫn còn một số phần chưa được mạch lạc cho lắm, nhưng tôi không nhớ rõ là gì… Tôi sẽ nói cho anh biết khi tôi nhớ ra nhé.” Tôi bắt đầu mà không hề do dự, “Có một chuyện mà hôm qua tôi quên nói với anh. Đó là về Yoshio, em trai của Umezawa, người có mặt ở Tohoku vào hôm xảy ra vụ giết người.”
“Ông ta và Heikichi trông như anh em sinh đôi,” Kiyoshi nói thêm vào. “Nhưng Heikichi có râu. Rồi, tôi nhớ tất cả mà.”
“Tốt, tôi nghĩ hai dữ kiện này làm câu chuyện thêm rối.”
Kiyoshi đăm đăm nhìn tôi. “Ở chỗ nào?”
“Rất quan trọng đúng không? Thế nếu nạn nhân thực sự là Yoshio mà không phải là Heikichi thì sao?”
“Chẳng có gì đáng nói cả. Sau khi Yoshio từ Tohoku trở về vào ngày 27, cuộc sống của ông ta vẫn diễn ra như bình thường, đúng không? Gia đình và mọi người ở các công ty xuất bản đều nhìn nhận ông ấy. Cả Heikichi và Yoshio đều không thể lừa dối được những người biết rõ về họ.”
“Có thể anh đúng, nhưng mọi chi tiết liên quan đến vụ án Azoth sẽ khiến anh phải nghĩ lại câu hỏi này: phải chăng Heikichi Umezawa vẫn còn sống? Trên thực tế, mọi người thường vẫn bị nhận nhầm. Là họa sĩ vẽ minh họa, tôi thường xuyên gặp nhiều người ở các công ty xuất bản. Khi tôi gặp họ sau một đêm thức trắng, họ bảo trông tôi như một người khác.”
“Nhưng anh thực sự nghĩ rằng cũng mẹo đó sẽ có tác dụng với gia đình anh à?”
“Tôi không biết, nhưng nó có thể có tác dụng với các biên tập viên nếu tôi thay đổi kiểu tóc, đeo kính và chỉ gặp họ vào buổi tối.” “Yoshio bắt đầu đeo kính sau vụ án mạng à?”
“Tôi không có thông tin về việc này.”
“Chà, anh có thể đánh lừa được mọi người ở công ty xuất bản nếu họ đều bị cận thị nặng và nghễnh ngãng nhưng không thể lừa được vợ anh, trừ phi cô ấy chính là đồng lõa. Nhưng lẽ nào Ayako giúp chồng mình khi hai cô con gái của họ cũng nằm trong số các nạn nhân?”
“Hừm… Có thể Yoshio cũng phải đánh lừa cả con gái mình… Chẳng lẽ đó không phải là lý do để giết họ sao? Ông Yoshio buộc phải giết con gái mình trước khi họ phát hiện ra sự thật.”
“Nào, đừng nói những gì chỉ vừa nảy ra trong đầu. Hãy suy nghĩ kĩ đi! Nếu như thế thì Ayako muốn điều gì? Lẽ nào bà ấy phải hy sinh cả gia đình mình chỉ để đổi lấy một chỗ trong tòa nhà chung cư mới?” “Hừm…”
“Có một sự nhảy cóc vô lý trong lập luận của anh, Kazumi ạ. Hoặc có lẽ anh nghĩ rằng Heikichi và Ayako cặp bồ với nhau phải không?” “Không phải vậy.”
“Heikichi và Yoshio thực sự giống hệt nhau à? Anh biết đấy, người ta thường có xu hướng phóng đại các chi tiết chỉ để cảm thấy quan trọng. Rốt cuộc, làm thế nào để ai đó có thể tin rằng Heikichi vẫn còn sống chứ?” Tôi không nói gì.
“Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ sự nhầm lẫn nào giữa hai anh em,” Kiyoshi tiếp tục. “Tôi đã sớm tin rằng Heikichi bị giết bởi thần linh. Rất có thể ông ấy đã tìm được một người giống hệt mình và sau đó sẽ giết người ấy, nhưng không, điều đó cũng thật điên rồ! Chúng ta hãy xây dựng cho Yoshio một chứng cứ ngoại phạm vững chắc để sau đây sẽ không phải suy nghĩ thêm về điều này nữa.”
“Anh có vẻ rất tự tin đấy! Nhưng điều đó sẽ thay đổi khi chúng ta bắt đầu nói đến những vụ giết người Azoth.”
“Ồ, tôi đang mong chờ đây!”
“Anh không biết là chúng có liên quan như thế nào đâu… Mà này, hãy xem xét chứng cứ ngoại phạm của Yoshio đã.”
“Cảnh sát đã biết nơi ở của Yoshio tại Tohoku đúng không? Vì vậy
chứng cứ ngoại phạm của ông ta có thể xác minh dễ dàng thôi.” “Không dễ thế đâu. Yoshio đi tàu đêm đến Tohoku vào ngày 25. Theo lời khai, ông ta bách bộ dọc bờ biển để chụp ảnh và không gặp bất kỳ ai cho đến khi làm thủ tục nhận phòng ở một khách sạn. Yoshio không đặt phòng trước vì mùa đông không phải mùa cao điểm của du lịch. Do đó ông ta vẫn có đủ thời gian để giết anh trai mình, miễn sao rời Tokyo vào sáng ngày 26 và trở về khách sạn ở Tsugaru tối hôm đó. Những bức ảnh của Yoshio khá nổi tiếng và một tay sưu tầm đến gặp Yoshio tại khách sạn vào sáng ngày 27. Đó mới là lần thứ hai họ gặp nhau. Sau khi tiếp khách, buổi chiều Yoshio về Tokyo một mình.”
“Tôi hiểu rồi! Những bức ảnh Yoshio chụp vào thời điểm đó sẽ là chứng cứ ngoại phạm cho ông ta.”
“Đúng vậy, cả tay sưu tầm cũng là nhân chứng cho sự ngoại phạm. Yoshio đến Tsugaru lần đầu vào năm 1936. Do đó, nếu những bức ảnh của Yoshio không được chụp vào thời điểm này thì chắc chắn chúng đã được chụp từ năm trước.”
“Nếu Yoshio tự mình chuẩn bị sẵn những bức ảnh.”
“Đúng, nhưng ông ta không có người bạn nào có thể chụp ảnh và gửi phim cho ông ta cả.”
“Tay sưu tầm thì sao?”
“Nếu kẻ đó thực hiện việc đó, thì chắc chắn họ đã nói với cảnh sát. Chẳng có ai mạo hiểm với khả năng ngồi tù để che giấu sự thật cho Yoshio cả. Nhưng dù thế nào thì các điều tra viên cũng phát hiện ra một ngôi nhà xuất hiện trong ảnh của Yoshio, mới được hoàn thành vào tháng Mười năm 1935, cho nên chứng cứ ngoại phạm của ông ta được xác nhận. Như thế không kịch tính sao? Đây là một trong những điểm nổi bật của vụ án đấy.”
“Chậc, vậy là chứng cứ ngoại phạm của Yoshio đã chắc chắn. Yoshio không bị giết thế chỗ cho anh trai.”
“Hừm, giờ anh mới nói như thế à. Chúng ta sang vụ án mạng tiếp theo. Con gái lớn của Masako, Kazue, bị giết tại nhà riêng ở Kaminoge trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 9 giờ tôi ngày 23 tháng Ba, một tháng sau cái chết của Heikichi. Nạn nhân có lẽ đã bị đập cho đến chết bằng một cái bình hoa. Tôi nói ‘có lẽ’ là vì máu ở trên bình đã được lau sạch. So với vụ Heikichi, vụ của Kazue ít bí ẩn hơn. Nói nghe có vẻ kỳ cục nhưng vụ này giống án mạng thông thường do một tên trộm gây ra. Các phòng trong nhà cô ấy bị lục tung, đồ quý giá và tiền mặt trong các ngăn kéo bị vét sạch. Mặc dù kẻ giết người hoàn toàn mù tịt về các chi tiết thì hắn vẫn biết lau sạch vết máu của nạn nhân trên cái bình bằng một miếng vải hay một mảnh giấy. Nếu hắn muốn hủy bỏ chứng cứ, hắn chỉ việc mang luôn cái bình đi, nhưng nó lại được thả trên sàn ở căn phòng kế bên căn phòng người ta tìm thấy cô ấy.”
“Ừm. Thế cảnh sát và các thám tử nghiệp dư đã nói gì?”
“Họ nghĩ rằng hắn cố gắng xóa dấu vân tay.”
“Tôi hiểu. Nhưng nếu cái bình không được dùng làm hung khí thì sao?” “Không thể như thế được. Chỗ lõm trên đầu Kazue trùng khớp với hình dạng cái bình.”
“Anh cho rằng đó là một gã đàn ông, Kazumi. Nhưng có lẽ tên sát nhân là một phụ nữ. Thói thường thì phụ nữ mới lau vết máu một cách vô thức và đặt trả chiếc bình về đúng vị trí ban đầu.”
“À, nhưng có một bằng chứng chắc chắn chống lại giả thiết này!” Tôi trả lời. “Kẻ giết người chắc chắn là một gã đàn ông, bởi vì Kazue bị cưỡng hiếp.”
“Ừm…”
“Có vẻ như Kazue bị cưỡng hiếp sau khi bị giết. Tinh dịch tìm thấy trong âm đạo cô ấy là của một gã đàn ông có nhóm máu O. Trong số những người có mối liên hệ chặt chẽ với vụ này, chỉ có hai người đàn ông: Yoshio có nhóm máu A, và Heitaro có nhóm máu O. Tuy nhiên, Heitaro lại có chứng cứ ngoại phạm từ 7 giờ đến 9 giờ tối ngày 23 tháng Ba.”
“Ừm.”
“Cho nên, vụ án này có vẻ như là một tội ác không liên quan xảy ra giữa án mạng Heikichi và vụ Azoth. Anh bạn, lẽ nào nhà Umezawa bị trù ếm! Chuyện đó khiến tôi sởn gai ốc.”
“Heikichi không đề cập đến cách giết Kazue trong ghi chép của ông ta phải không?”
“Ừ, ông ta không đề cập tới.”
“Xác Kazue được tìm thấy khi nào?”
“Khoảng 8 giờ tối ngày 24 tháng Ba. Chiều hôm đó, một bà hàng xóm tới gặp Kazue để gửi thông báo về các hoạt động của khu dân cư. Cửa trước không khóa, vì thế bà ta đi vào tiền sảnh và gọi Kazue. Không thấy ai trả lời nên bà ta để lại thông báo và ra về vì nghĩ Kazue đang đi chợ. Cuối ngày hôm ấy, bà hàng xóm thấy thông báo chưa được chuyển đến nhà kế tiếp nên quay trở lại nhà Kazue xem sao. Kaminoge là một thị trấn hẻo lánh bên bờ sông Tama. Lúc đó trời đã nhá nhem, thấy căn nhà tối om không thắp đèn nên bà ta bắt đầu nghi ngờ và vội vàng bỏ đi, chờ cho đến khi chồng mình về nhà mới dám cùng ông ta sang nhà Kazue. Đó là lúc họ phát hiện ra thi thể của Kazue.”
“Kazue đã ly hôn phải không?”
“Đúng, trước đó cô ấy kết hôn với một người Trung Quốc. Tên anh ta là Kanemoto.”
“Gia đình anh ta làm gì? Kinh doanh?”
“Họ có vài tiệm ăn lớn ở mấy đặc khu tại Tokyo. Chắc họ rất giàu có.” “Vì thế mà Kazue sống trong một ngôi nhà lớn.”
“Không, nó chỉ là ngôi nhà một tầng bình thường. Nhiều người băn
khoăn tại sao một gia đình giàu có như vậy lại ở trong căn nhà nhỏ thế. Có người nghĩ Kazue là điệp viên của Trung Quốc!”
“Kazue và Kanemoto lấy nhau vì tình yêu chứ?”
“Tôi nghĩ thế. Masako kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân của con gái với một người Trung Quốc. Tất nhiên, đó là lý do chính đáng xuất phát từ những sự kiện chính trị lúc bấy giờ. Kazue và nhà Umezawa không nhìn mặt nhau một thời gian, nhưng về sau họ hòa giải. Cuộc hôn nhân của Kazue chỉ kéo dài được bảy năm. Cô ấy ly hôn Kanemoto khoảng một năm trước khi chết. Không khí giữa Nhật Bản và Trung Quốc vô cùng căng thẳng nên gia đình Kanemoto bán hết các cửa hàng và quay về Trung Quốc. Có lẽ chiến tranh không phải là lý do duy nhất, chắc chắn còn có nguyên nhân khác vì Kazue thậm chí không tìm cách quay lại với chồng cũ của mình. Cô ấy ở trong chính ngôi nhà của hai vợ chồng, giữ nguyên tên sau khi kết hôn để tránh những thủ tục giấy tờ lằng nhằng.”
“Ai thừa hưởng ngôi nhà sau khi Kazue mất?”
“Có lẽ là nhà Umezawa. Nhà Kanemoto không còn ai ở lại Nhật Bản. Kazue không có con và không ai muốn mua ngôi nhà sau vụ giết người. Nó bị bỏ hoang một thời gian.”
“Một ngôi nhà trống ở vùng hẻo lánh… gần sông Tama… Nó có thể là địa điểm bí mật hoàn hảo để tạo ra Azoth, đúng không?”
“Phải. Ít ra thì hầu hết thám tử nghiệp dư đều nghĩ vậy.”
“Mặc dù Heikichi đã nói trong ghi chép của mình rằng nơi đó ở Niigata à?”
“Đúng.”
“Họ có nghĩ rằng cùng một hung thủ đã giết Heikichi và Kazue rồi tạo ra Azoth trong căn nhà của cô ấy không?” Kiyoshi hỏi.
“Có chứ. Nếu anh để ý kỹ, anh có thể thấy rằng hung thủ hành động theo một kế hoạch chính xác trong vụ Azoth. Vì vậy, việc giết Kazue chắc hẳn cũng được lên kế hoạch. Tuy nhiên cảnh sát mới chỉ điều tra hiện trường Kaminoge có một lần! Những người hàng xóm đều né tránh, đám phụ nữ nhà Umezawa cũng vậy; bọn họ đều đang sốc bởi cái chết của Heikichi - điều mà hung thủ đã tiên liệu trước. Tuy nhiên, ở đây có một chút rắc rối. Cứ cho rằng chính tên sát nhân đó - một gã có nhóm máu O - cũng chính là thủ phạm trong vụ Azoth. Thật khó tin được rằng một người ngoài gia đình lại có thể làm được điều này. Sẽ hợp lý hơn nếu kẻ phạm tội có động cơ mạnh mẽ. Trong mấy người đàn ông, chỉ mình Heitaro có nhóm máu O, nhưng như tôi đã nói, cậu ta lại có chứng cứ ngoại phạm rất chắc chắn. Vào thời điểm vụ giết Kazue, cậu ta đang ở cùng ba người bạn khác tại de Médicis và một cô hầu bàn xác nhận điều đó. Theo giả thiết của anh, tôi thấy rất ít khả năng Heitaro giết Heikichi sau cánh cửa xưởng vẽ khóa kín. Cứ cho là Heitaro đến gặp Heikichi bàn chuyện làm ăn, đe dọa và ép ông ấy phải uống
thuốc ngủ. Nhưng nếu Heitaro thật sự là một nghi phạm, làm cách nào anh ta bấm được cái ổ khóa? Mà này, chúng ta đã xác định rằng Heitaro không phải là hung thủ. Chúng ta phải nghĩ đến khả năng có ai đó ngoài gia đình thực hiện những tội ác này. Tôi biết nghe thì không thú vị cho lắm nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng vụ án này không tồn tại đơn thuần chỉ như một trò giải trí của chúng ta.”
“Chuẩn đó.”
“Tôi nghĩ - hoặc có lẽ là tôi muốn nghĩ - rằng vụ giết Kazue xảy ra chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.”
“Anh không nghĩ rằng nhà của Kazue được sử dụng làm nơi chế tạo Azoth sao?”
“Không, tôi không nghĩ thế. Một họa sĩ loạn trí tạo ra Azoth ở ngôi nhà ma ám trong bóng tối của màn đêm. Rất rùng rợn! Tôi cho rằng mặc dù nó thực sự hội tụ đủ các yếu tố của một tiểu thuyết kinh dị bậc nhất, nhưng nói thật nhé, ông ta không thể làm việc trong bóng tối. Nếu làm việc dưới ánh nến, những người hàng xóm sẽ biết ngay và báo cảnh sát. Nếu tôi là tay họa sĩ đó, tôi sẽ tìm một ngôi nhà khác - một ngôi nhà hoang vắng và biệt lập. Nếu không, tôi sẽ không thể tập trung và không thể thưởng thức được sáng tạo tuyệt vời của mình!”
“Tôi đồng ý,” Kiyoshi nói. “Nhưng nhiều người vẫn tin rằng Azoth được tạo ra tại nhà Kazue, phải vậy không?”
“Đúng, họ tin việc giết Kazue là một phần của kế hoạch.”
“Nhưng nếu nhóm máu của kẻ sát nhân là O, và hắn không phải là Heitaro thì chắc chắn hắn phải là kẻ nào đó ngoài gia đình… Vậy là vụ Kazue hình như vẫn chưa được giải quyết?”
“Đúng như vậy.”
“Tại sao cảnh sát lại không bắt nổi một tên trộm nhỉ?”
“Cũng chẳng có gì bất thường nếu anh nghĩ kỹ một chút. Giả sử chúng ta đến Hokkaido, giết một bà lão và cuỗm sạch tiền của nạn nhân. Cảnh sát có thể sẽ chẳng bao giờ tìm ra hung thủ bởi vì chúng ta không hề có mối liên hệ gì với bà ấy. Nhiều vụ án tương tự vẫn chưa có lời giải đáp. Mặt khác, những kẻ tình nghi trong các án mạng tính toán trước đều có động cơ gây án có thể kiểm chứng được, vì vậy cần phải xác minh chứng cứ ngoại phạm. Vụ Azoth vẫn còn bí ẩn là do không ai xác định được động cơ gây án ngoại trừ Heikichi - nhưng chính ông ấy cũng bị sát hại. Tôi không muốn tin rằng có một kẻ lạ mặt thực hiện các vụ án. Như thế thật chẳng thú vị chút nào.”
“Bởi thế anh tin vụ Kazue là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Tôi hiểu. Mà này, anh hãy mô tả tình tiết vụ án của cô ấy xem nào.”
“Được rồi. Hãy nhìn sơ đồ ngôi nhà.”
“Thật sự thì vụ án này có vẻ rất đơn giản và không phải giải thích nhiều. Người ta phát hiện Kazue nằm trên sàn. Nạn nhân mặc kimono nhưng không có đồ lót.”
“Không mặc đồ lót à?”
“Bình thường thôi. Thời đó phụ nữ không mặc quần lót bên dưới kimono. Căn phòng thì bừa bộn. Các ngăn kéo đều bị kéo ra và đồ đạc vung vãi khắp phòng. Nếu cô ấy giữ tiền trong nhà thì tất cả đều đã mất sạch. Cái bàn trang điểm ba gương lại không bị động tới. Cái bình được xác định là hung khí giết người được tìm thấy trên sàn phòng bên cạnh qua cánh cửa trượt fusuma. Xác Kazue được tìm thấy như trong hình, nhưng dĩ nhiên có thể cô ấy đã bị giết ở chỗ khác. Không hề thấy vết máu ở trong nhà, mặc dù theo logic chắc anh hình dung là máu phải văng tung tóe xung quanh khi cô ấy bị đánh. Có thể tên sát nhân đã di chuyển cái xác để hiếp cô ấy.”
“Hừm. Anh nói hắn hiếp dâm sau khi hạ sát nạn nhân à. Có chắc như vậy không?”
“Đó là những gì tôi nghe được.”
“Hừm. Tôi không hiểu lắm. Người ta tìm thấy nạn nhân mặc nguyên kimono. Nếu hung thủ chỉ đơn thuần là một tên trộm chẳng bận tâm chuyện để sót tinh dịch như một bằng chứng thì hắn thật sự có quan tâm đến việc mặc lại quần áo cho nạn nhân sau khi đã giết và hiếp cô ấy không?”
“Một ý rất hay.”
“Thôi được rồi, anh tiếp tục đi.”
“Rất lạ là cảnh sát không thể xác định được chính xác vị trí Kazue bị giết. Chắc chắn là ở trong nhà, không thể ở bên ngoài được. Theo điều tra, có một ít máu dính trên gương và được xác định là máu của Kazue.”
“Liệu có phải Kazue bị tấn công lúc đang trang điểm không?” “Cô ấy chỉ trang điểm qua loa. Cảnh sát cho rằng nạn nhân đang chải đầu thì bị tấn công.”
“Bởi vì cô ấy quay mặt vào gương à?”
“Đúng.”
“Nhưng tôi vẫn không hiểu. Một bàn trang điểm có cửa trượt fusuma. Nếu Kazue ngồi ở bàn trang điểm và chải đầu, mặt quay vào gương thì cái cửa shoji - vốn mở ra hành lang - nằm ngay phía sau cô ấy. Cửa fusuma và cửa shoji là những lối duy nhất để vào phòng. Nếu tên trộm vào phòng qua cửa shoji thì Kazue sẽ nhìn thấy hắn trong gương, và tìm cách trốn chạy. Nếu hắn vào qua cửa fusuma thì Kazue sẽ nhìn thấy hắn qua một trong hai tấm gương bên. Ít nhất Kazue cũng sẽ cảm thấy có ai đó bước vào và quay đầu về phía hắn. Có phải nạn nhân bị đánh vào phía trước đầu khi đối diện với kẻ tấn công không?”
“Không, tôi không nghĩ như vậy… Chờ một chút… Không, không phải. Theo báo cáo, Kazue bị đánh vào gáy trong lúc cô ấy ngồi quay lưng về phía hung thủ.”
“Hừm, đúng như cách Heikichi bị giết. Thú vị đấy. Tôi không nghĩ đây là một tên trộm. Nhiều khả năng là một người quen biết của nạn nhân thì đúng hơn. Kazue không hề tìm cách tự vệ; cô ấy chỉ ngồi đó soi gương. Nạn
nhân thậm chí không nhúc nhích dù nhìn thấy hung thủ tiến đến gần. Điều đó cho thấy hung thủ là người Kazue biết rất rõ. Đúng, tôi dám chắc đó không phải là một tên trộm bất cẩn. Một tên trộm sẽ không bao giờ nghĩ đến việc lau sạch máu trên gương. Lý do hung thủ cẩn thận lau sạch máu là để che giấu mối quan hệ với nạn nhân. Kazumi, đây là một chỉ dẫn quan trọng! Nạn nhân và hung thủ thậm chí có thể thân thiết đến mức là nhân tình của nhau, bởi vì phụ nữ thường không soi gương và quay lưng lại trước một người khác giới lạ mặt - ít nhất là ở thời đó. Đúng, hung thủ phải là tình nhân của cô ấy. Nhưng đợi đã… Tại sao hắn lại hiếp dâm sau khi nạn nhân đã chết, khi mà họ có thể làm tình lúc cô ấy vẫn còn sống?”
“Tôi chịu. Cuốn sách không đưa ra lý do gì. Nó chỉ nói nạn nhân bị hãm hiếp. Tôi đồng ý với anh. Quả là kỳ lạ!”
“Điều đó khiến y trở thành một kẻ bệnh hoạn. Mà này, chắc chắn hung thủ đã phải rất thân thiết với cô ấy. Kazue có một tay nhân tình, đúng không?”
“Rất tiếc, theo lời cảnh sát thì cô ấy không hề có nhân tình công khai nào cả.”
“Hừm, theo lý thuyết là như vậy! Không, đợi đã… Cô ấy trang điểm. Anh nói cô ấy chỉ trang điểm qua loa phải không?”
“Đúng vậy.”
“Một phụ nữ ngoài 30 tuổi chuẩn bị đi gặp tình nhân thường trang điểm kỹ… A, giờ tôi hiểu rồi. Điều đó làm thay đổi toàn bộ bức tranh. Anh có biết tôi nghĩ gì không, Kazumi? Hung thủ là một phụ nữ! Ồ, không, không đời nào - không thể nếu như nạn nhân bị hiếp và có tinh dịch trong người cô ấy! Nhưng mọi việc sẽ có ý nghĩa hơn nếu như đó là do một phụ nữ ra tay. Kazue có thể thoải mái nhìn vào gương, quay lưng mình lại phía một phụ nữ, đặc biệt nếu cô ấy biết rõ người đó. Và nếu đó là một phụ nữ, Kazue sẽ không bận tâm chuyện cô ấy chỉ trang điểm qua loa, đúng không? Hung thủ là nữ tiếp cận nạn nhân với nụ cười trên mặt, và sau đó - huỵch!”
“Thế còn tinh dịch thì sao?”
“Chà chà, thế nếu nữ hung thủ mang theo một ít tinh dịch bên mình thì sao? Vợ Yoshio có thể làm việc đó một cách dễ dàng, dùng chính tinh dịch của chồng mình… Không, như thế không đúng. Nhóm máu của Yoshio là A.”
“Cảnh sát có thể kiểm tra xem tinh dịch đã được bao lâu. Sẽ rất rõ ràng nếu như tinh dịch đã qua một ngày.”
“Hoàn toàn đúng. Khi già đi, tinh trùng thường mất đuôi. Nào, Kazumi, tôi phải đề nghị anh cung cấp cho tôi chứng cứ ngoại phạm của tất cả những người có quan hệ với nhà Umezawa.”
“Chậc, không ai trong số họ có bằng chứng thuyết phục ngoại trừ Heitaro. Mẹ anh ta, Yasue, vốn ở phòng tranh của mình, nhưng vào thời
điểm xảy ra án mạng bà ấy lại ra Ginza. Tại nhà Umezawa: Masako, Tomoko, Akiko và Yukiko đều có mặt trong bếp cùng nhau. Tokiko thì ở với Tae tại Hoya. Do đó, tất cả đám phụ nữ này đều có chứng cứ ngoại phạm, mặc dù chỉ được xác nhận bởi các thành viên trong gia đình. Reiko và Nobuyo không có chứng cứ ngoại phạm. Họ nói họ đi Shibuya xem phim Thời đại của kịch truyền hình. Bộ phim kết thúc lúc 8 giờ tối, họ về đến nhà cha mẹ khoảng 9 giờ tối. Như thế cả hai người này đều có thể là đối tượng tình nghi. Kaminoge ở ngay gần Nhà ga Trung học Thành phố trên chuyến tàu hỏa Tokyo-Yokohama. Nhưng hai thiếu nữ đó không có động cơ gây án. Ayako và Yoshio cũng không có chứng cứ ngoại phạm thuyết phục, nhưng chúng ta cũng lại không thấy động cơ giết người của họ. Dĩ nhiên họ biết Kazue nhưng họ chưa bao giờ thân thiết với cô ấy. Yasue và Heitaro thì chưa bao giờ gặp Kazue. Còn tại sao các cô con gái nhà Umezawa lại muốn giết chị cả của mình chứ?”
“Kazue có thường tới thăm nhà Umezawa không?”
“Cũng thỉnh thoảng. Nhưng có vẻ không ai trong gia đình Umezawa có động cơ; đó là lý do khiến tôi lại nghi ngờ tên trộm. Hãy nhớ chúng ta vừa có một manh mối mới từ bà Iida. Cho nên tại sao chúng ta lại không chuyển sang vụ Azoth nhỉ?”
Cảnh 4
Nước quả có độc
Kiyoshi muốn nghe thêm về vụ Kazue, nhưng tôi đã trình bày khá đủ rồi và nhất quyết rằng chúng tôi cần chuyển sang vụ Azoth.
“Chúng ta sẽ quay lại sau,” Kiyoshi nói.
Thế là tôi bắt đầu.
“Ngay sau khi Heikichi và Kazue bị giết, vụ Azoth khét tiếng xảy ra - có lẽ là vụ án kỳ quặc và quái dị nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau đám tang Kazue, phụ nữ nhà Umezawa đều tới đền thờ ở núi Yahiko tại tỉnh Niigata. Họ hy vọng Thần Phật sẽ phù hộ cho họ. Nếu anh còn nhớ thì ngôi đền ấy chính là nơi Heikichi muốn tới thăm, và gia đình hy vọng chuyến hành hương sẽ khiến linh hồn ông sớm siêu thoát. Thực ra thì họ sợ ông ấy báo ứng.”
“Ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đó?”
“Có lẽ là Masako, bà ta nói rằng bọn họ đều có cảm giác giống nhau. Ngày 28 tháng Ba, Masako cùng sau thiếu nữ rời Tokyo - Tomoko, Akiko, Yukiko, Tokiko, Reiko và Nobuyo. Họ đi cùng nhau như thể họ đang tham gia một chuyến ngoại khóa ở trường, thậm chí còn có phần hứng khởi. Tối hôm đó họ tới nơi và ở lại khách sạn Tsutaya. Ngày hôm sau họ leo núi.”
“Họ có tới thăm ngôi đền không?”
“Dĩ nhiên là có. Từ Yahiko, họ đón xe buýt tới suối nước nóng Iwamuro ở Công viên Quốc gia Sado Yahiko và ngủ lại đó đêm 29. Cảnh quan xung quanh rất đẹp nên các cô gái muốn ở lại thêm. Masako muốn ghé thăm cha mẹ ở Aizu-wakamatsu, ngay gần Yahiko. Do không muốn đưa cả sáu cô gái đi theo mình nên bà đồng ý cho họ ở lại. Các cô gái quyết định tận hưởng thêm một đêm nữa tại suối nước nóng và trở về Tokyo vào ngày 31. Sáng 30 tháng Ba Masako rời Iwamuro và buổi chiều thì đến Aizu-wakamatsu. Bà ở bên cha mẹ mình hai tối và quay về Tokyo vào sáng mùng 1 tháng Tư. Tối đó khi đặt chân đến Tokyo, đúng ra Masako sẽ gặp các con gái ở nhà.”
“Và đúng như vậy chứ?”
“Không. Khi Masako về, không có ai ở nhà cả. Thực tế thì cả sáu cô gái cũng chẳng bao giờ xuất hiện nữa vì tất cả bọn họ đều đã chết. Lúc tìm thấy xác họ thì đúng như mô tả trong phần ghi chép của Heikichi: mỗi người ở một địa điểm khác nhau và mỗi người đều mất một phần cơ thể nhất định. Thật kinh khủng. Masako bị bắt vì tình nghi giết người.”
Kiyoshi chìm trong suy nghĩ. Rõ ràng cậu rất bối rối. “Nhưng tại sao lại
là Masako? Họ bắt bà ấy vì nghi bà giết Kazue à?”
“Không hề. Thực ra thì họ bắt Masako với tư cách một nghi phạm trong cái chết của Heikichi.”
“Vậy là cảnh sát đã đoán ra cách các hung thủ kéo chiếc giường lên tới cửa trời à?”
“Họ không tự mình nghĩ ra. Nhiều người viết thư để gợi ý tình tiết ấy.” Kiyoshi khịt khịt mũi vẻ kẻ cả. “Chà, Kazumi à, chứng tỏ là các thám tử nghiệp dư nhiều khi tỏ ra rất hữu dụng! Tôi cũng sẽ làm được điều đó. Mà này, để tôi nói rõ một chuyện. Cảnh sát đến nhà Umezawa, không thấy ai, và kết luận rằng đám phụ nữ đều đã bỏ trốn. Sau đó, khi Masako một mình về đến nhà, bà bị bắt vì tình nghi là hung thủ giết Heikichi - và có lẽ cũng bị bắt vì sự biến mất rành rành của cả sáu cô gái.” Kiyoshi định nói thêm gì đó, nhưng cậu kìm lại. Nghĩ một lúc, cậu hỏi, “Masako có nhận tội không?” “Không, Masako khăng khăng mình vô tội cho tới tận khi chết trong tù vào năm 1960, ở tuổi 76. Người ta thường gọi bà là Bà Monte Cristo[5] của Nhật Bản. Vào thập niên 50 và 60, Masako là chủ đề cho những tin bài giật gân trên truyền thông. Điều đó giải thích tại sao việc tìm ra đáp án vụ giết người hoàng đạo lại trở thành mốt như vậy. Anh có hình dung được danh tiếng người phá vụ án này sẽ lẫy lừng như thế nào không?” “Hừm. Và bà ta cũng là nghi phạm trong vụ Azoth à?”
“Chính xác, thật ra thì cảnh sát không có manh mối. Họ bắt Masako vì cảm thấy bà đáng nghi hơn cả và tìm mọi cách buộc bà nhận tội, nhưng Masako luôn bác bỏ.”
“Ôi, thật độc ác, cái bọn cảnh sát này! Làm thế nào họ có được lệnh bắt chỉ dựa trên phỏng đoán vớ vẩn như vậy?”
“Tôi chịu.”
“Chắc hẳn họ rất nôn nóng muốn bắt giữ ai đó. Các công tố viên nói gì? Họ đã phá được án sao?”
“Theo như tôi biết thì không.”
“Cáo trạng như thế nào?”
“Có tội. Bà ấy bị kết án tử hình.”
“Đó là quyết định của Tòa án Tối cao à?”
“Đúng. Masako liên tục đề nghị phúc thẩm.”
“Và lần nào tòa cũng bác bỏ?”
“Đúng vậy.”
“Chà, Kazumi, tôi thì tôi không tin Masako lại có thể giết hại chính các con mình. Chỉ có mụ phù thủy, nữ quỷ Onibaba[6], mới có thể làm như vậy!” “Nhưng rất có thể Masako đã thực hiện việc đó. Bà ta có tiếng là kẻ nhẫn tâm.”
“Có lẽ thế. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ một cách thực tế thì liệu bà ấy có thật sự đủ thời gian để giết người không?”
“Dĩ nhiên, suốt một thời gian dài người ta đã đề cập đến vấn đề này với rất nhiều lập luận sơ hở. Xem ra Masako không thể giết ai được cả, cho dù có thay đổi giờ tàu hỏa kiểu gì đi chăng nữa. Nhân viên ở khách sạn Tsutaya xác nhận rằng Masako và sáu cô gái có ở đó đúng như lời bà ấy khai. Không ai nhìn thấy các cô gái sau khi họ rời khách sạn.”
“Do ảnh hưởng của thời điểm phát hiện xác các nạn nhân nên không thể xác định chính xác thời gian gây án. Xác của Tomoko được phát hiện sớm nhất và người ta tin rằng cô ấy bị giết trong khoảng từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối ngày 31 tháng Ba. Đánh giá một cách tổng quát thì rất nhiều khả năng là những người khác chết cùng một lúc và tại cùng một chỗ.”
“Chứng cứ ngoại phạm của Masako rất yếu. Cha mẹ bà ấy nói rằng họ ở trong nhà vào buổi tối ngày 30 tháng Ba, nhưng ý kiến từ các thành viên trong gia đình chưa bao giờ được xem là đáng tin cậy 100% cả. Tệ hơn nữa, Masako lại không hề rời khỏi nhà cha mẹ mình trong suốt thời gian thăm viếng họ. Bà trở nên nổi tiếng kể từ vụ Heikichi nên không muốn là đối tượng bị chú ý. Vì thế bà ở rịt trong nhà suốt cả ngày 31 và không gặp ai cả. Điều đó có nghĩa là Masako không thể chứng minh được rằng bà không hề quay trở lại Yahiko vào ngày 31.”
“Ừm. Nhưng người ta tìm thấy các xác chết ở những nơi khác nhau phải không? Nếu Masako không biết lái xe thì không thể nào làm được việc đó.” “Đúng. Thời đó rất ít phụ nữ có giấy phép lái xe, chẳng khác gì chuyện có bằng lái máy bay thời buổi này. Trên thực tế, trong số tất cả những người có liên can đến vụ án, chỉ mình Heikichi và Heitaro là có bằng lái.” “Tức là theo lập luận này, nếu vụ việc chỉ do một kẻ thực hiện thì chắc chắn đó không phải là một phụ nữ.”
“Anh nói đúng.”
“Chúng ta không thể lần theo con đường các cô gái đã đi à? Thật sự không có nhân chứng sao? Sáu cô gái đi cùng nhau cơ mà. Chắc chắn phải có ai đó gặp họ chứ?”
“Không. Không một ai thấy họ cả.”
“Họ định về nhà vào tối ngày 31 tháng Ba. Có lẽ các cô gái đã thay đổi ý định và ở lại thêm một đêm nữa chăng?”
“Các điều tra viên đã dò hỏi tất cả các quán rượu và khách sạn ở Iwamuro, Yahiko, Yoshida, Maki, Nishikawa, sau đó mở rộng cuộc tìm kiếm sang những khu vực lân cận. Không một địa chỉ nào tiếp đón một nhóm khách gồm sáu thiếu nữ cả. Cho nên còn có suy đoán rằng vài cô đã bị giết trước ngày 31.”
“Cả sáu cô gái ở lại khách sạn Tsutaya ngày hôm đó phải không?” “Đúng. Nếu một trong số họ đột nhiên biến mất thì chắc chắn những người khác sẽ báo cảnh sát, đủ thấy hung thủ phải giết tất cả cùng một lúc!” “Có lẽ các cô gái đi phà tới đảo Sado chăng?”
“Tôi không nghĩ vậy. Cảnh sát cũng đã kiểm tra ngoài đó. Phà tới Sado chỉ đi từ Niigata hoặc Naoetsu, cả hai nơi đều cách khá xa Iwamuro.” “Chà, chúng ta biết chắc một điều: các cô gái không có lý do gì phải giấu mình trong lúc đi chơi cả. Cho nên nhất định phải có ai đó nhìn thấy sáu người bọn họ đi cùng nhau, cho dù họ đi tới đâu.”
“Đúng như thế.”
“Cảnh sát chắc chắn đã tìm ra điều gì đó sau khi thẩm vấn Masako, thậm chí nếu họ không có bằng chứng thuyết phục nào.”
“Đúng, họ tìm ra một đoạn thừng có buộc móc ngay trong nhà Masako.” “Cái gì? Dây thừng á?”
“Phải, nhưng chỉ một mẩu thôi. Tôi nghĩ để thứ đó trong nhà chẳng có nghĩa gì cả.”
“Tôi không tin như vậy. Chắc chắn bà Masako bị gài bẫy.” “Chà, chính bà ta cũng nói vậy, nhưng lại không biết ai có thể làm thế.” “Hừm. Thế mới lạ. Nào, chúng ta hãy quay trở lại ô cửa trời. Khi cảnh
sát kiểm tra chỗ đó, có dấu hiệu gì cho thấy kính bị gỡ bỏ không?” “Có, thật sự là có. Vài ngày trước khi xảy ra án mạng, một ô kính bị vỡ - có lẽ do trẻ con ném đá - và đã được thay. Nó được lắp lại bằng keo dán kính. Cho nên khi cảnh sát kiểm tra cửa trời, họ không sao xác minh được liệu có phải kính đã được gỡ ra trong vụ giết Heikichi hay không. Dù sao thì cũng đã hơn một tháng trôi qua.”
“Rất thông minh.”
“Thông minh ư?”
“Tôi ngờ rằng chính hung thủ đã ném đá.”
“Ý anh là sao?”
“Tôi sẽ giải thích sau. Chắc cảnh sát cũng nghĩ đến tình huống ấy. Đương nhiên đêm đó mái nhà rất nhiều tuyết. Nếu cảnh sát kiểm tra trên mái, họ sẽ tìm thấy dấu giày, dấu tay, hoặc gì khác. Ồ, đợi đã!” Kiyoshi kêu lên.
“Gì thế?”
“Chắc chắn mái nhà bị một lớp tuyết phủ. Khi tìm thấy xác Heikichi, xưởng vẽ tối om, không hề có ánh sáng. Nhưng nếu kính đã được gỡ khỏi một ô cửa trời gắn trở lại sau thì nó sẽ có ít tuyết đọng hơn. Ô cửa trời chắc hẳn phải có nhiều ánh sáng lọt qua hơn. Có chi tiết nào trong hồ sơ nói về điều đó không?”
“Không. Cả hai ô cửa trời đều bị tuyết phủ.”
“Chà, tôi cho rằng hung thủ quá ư ranh ma và quỷ quyệt khi dùng tuyết phủ lên kính sau khi lắp trở lại khuôn… Nhà Umezawa có một chiếc thang phải không?”
“Đúng. Nó được cất dọc tường ở ngôi nhà chính.”
“Cái thang có bị di chuyển không?”
“Rất khó xác định. Nó được cất ở phần hiên nhô ra, nơi không hề có tuyết. Chắc chắn thợ sửa chữa phải dùng đến nó để thay kính, nhưng như tôi vừa nói, hơn một tháng sau khi xảy ra án mạng cảnh sát mới tiến hành lục soát toàn bộ khu nhà.”
“Nếu Masako và các con gái giết Heikichi thì chắc chắn họ phải sử dụng cái thang, nhưng anh nói không hề có dấu vết trên tuyết…” “Điều này dễ giải thích thôi. Họ mang chiếc thang sang nhà chính, băng qua cửa trước và đi vòng quanh khu nhà ra cổng sau.”
“Đúng, rất có thể như vậy. Họ sẽ làm như thế nếu họ giết ông ấy.” “Anh vẫn nghĩ là một kẻ khác sao? Nếu thế anh giải thích thế nào về thạch tín trong nhà?”
“Thạch tín à? Anh đang nói gì vậy?” Kiyoshi ngạc nhiên hỏi. “Axít asenit được dùng để giết sáu cô gái. Người ta tìm thấy 0,2 - 0,3 gam chất này trong dạ dày của cả sáu người.”
“Sao cơ? Nghe chừng không ổn rồi. Theo ghi chép của Heikichi, mỗi cô gái phải bị giết bằng một thứ kim loại khác nhau. Một chai chất độc trong nhà không có ý nghĩa gì. Không phải là các cô gái bị giết ở chỗ khác trước khi bà Masako về nhà sao?”
“Thế mới nực cười, đó chính là lý do cảnh sát sử dụng để bắt giam bà ấy. Chất độc giúp cảnh sát xin được lệnh bắt. Thực ra thì người ta có tìm thấy ở miệng sáu nạn nhân các chất kim loại mà Heikichi từng mô tả trong ghi chép, nhưng chúng không phải là thứ giết chết họ. Hoàn toàn do axít asenit gây ra, chỉ cần 0,1 gam cũng đủ giết chết một người lớn. Trong các vụ giết người, kali xyanua thường được sử dụng hơn nhưng nó cần tới 0,15 gam mới đủ liều. Axít asenit còn độc hơn. Ôxít asen tan trong nước trở thành axít asenit. Nước càng nhiều kiềm tính thì càng làm cho nó dễ tan. Công thức là As2O3 + 3H2O Û H3AsO3. Nhân tiện, thuốc giải ngộ độc thạch tín là hydrat ôxit sắt.”
“Cảm ơn anh. Tôi nghĩ điều này rất có giá trị.”
“Các nạn nhân đã uống nước quả có pha chất độc. Thời đó nước quả chưa được bày bán sẵn ở chợ như bây giờ nên chắc chắn hung thủ đã phải tự tay chuẩn bị cho họ. Sáu cô gái cùng uống một lượt, bởi vì trong người họ có một lượng độc chất như nhau. Hoàn toàn hợp lý khi nhận định rằng họ bị giết cùng một lúc và cùng một chỗ.”
“Tôi hiểu.”
“Sau đó hung thủ bỏ các nguyên tố kim loại khác nhau vào miệng từng người. Tomoko thuộc cung Bảo Bình thì có ôxit chì trong miệng. Đó là thứ bột màu vàng không tan trong nước, vốn cũng là một chất độc chết người nhưng không phải là thứ giết chết Tomoko. Hung thủ không thể dùng các nguyên tố kim loại khác nhau làm độc nếu như tất cả các cô gái cùng bị giết
một lúc được.”
“Có lẽ anh nói đúng.”
“Akiko thuộc cung Thiên Yết, được tìm thấy với hoàng thổ đỏ trong miệng. Đó là một loại bùn đỏ thường sử dụng trong sơn, là một chất rất thông dụng và không gây ngộ độc. Yukiko thuộc cung Cự Giải, phát hiện thấy có bạc nitrat trong họng, đây là chất độc không màu. Tokiko thuộc cung Bạch Dương, bị chặt mất đầu, nhưng hoàng thổ đỏ vẫn còn vương khắp xác cô ấy. Reiko thuộc cung Xử Nữ, được tìm thấy với thủy ngân trong miệng. Và Nobuyo thuộc cung Nhân Mã, có thiếc trong cổ họng.”
“Một câu hỏi nảy sinh là: hung thủ lấy những hóa chất này ở đâu? Dĩ nhiên thủy ngân có thể dễ dàng lấy từ nhiệt kế, nhưng các hóa chất khác thì không dễ kiếm, trừ phi anh có mối quan hệ trong giới y dược hoặc quen biết nhân viên một phòng thí nghiệm đại học hay một hiệu thuốc. Anh cũng nên cập nhật kiến thức về hóa chất đi nhỉ! Rõ ràng đam mê với vụ giết người đủ để Heikichi thu thập kiến thức và chất liệu cần thiết.”
“Cảnh sát có tìm thấy hóa chất gì trong xưởng vẽ của ông ta không?” “Không hề.”
“Nhưng họ lại sẵn sàng tin rằng Masako có thể thu thập được tất cả những hóa chất đó và pha vào nước hoa quả à?”
“Hiển nhiên là vậy. Hung thủ hành động chính xác đến từng câu từng chữ theo diễn giải về giả kim thuật trong ghi chép của Heikichi, coi như kế hoạch kinh khủng của Heikichi đã hoàn thành. Nhưng tại sao lại như vậy?”
“Đúng, thực tế thì tại sao nhỉ? Thế công chúng nghĩ thế nào về Masako?” “Họ nghĩ bà ấy vô tội.”
“Tức là tất cả mọi người nghĩ bà ấy vô tội, trừ cảnh sát à? Hừm.” Kiyoshi im lặng một lúc. “Kazumi này, có thật Heikichi đã chết không?” Cậu hỏi, nhìn xoáy vào tôi.
Tôi bật cười. “Dĩ nhiên là ông ấy chết rồi! Tôi biết anh sẽ nảy ra ý tưởng kỳ quặc như thế mà!”
Kiyoshi thoáng bối rối. “Chà, chỉ là xét từ một quan điểm khác…” “Thế giả thiết của anh là thế nào?” Tôi hy vọng cậu ta thừa nhận mình nhầm, mặc dù tôi không tin cậu ta sẽ chịu làm như vậy.
“Không, anh cứ tiếp tục đi. Hãy kết thúc câu chuyện đã,” Kiyoshi trì hoãn. “Tôi sẽ cho anh biết giả thiết của tôi sau khi anh kể toàn bộ tình tiết mà anh nắm được. Nào, xác các nạn được tìm thấy ở đâu? Xác của ai được tìm thấy trước tiên? Cái xác chôn gần Tokyo nhất ấy à?”
“Không phải. Xác của Tomoko được tìm thấy trước tiên, tại mỏ Hosokura thuộc tỉnh Miyagi. Thi thể bọc trong giấy dầu, cả hai chân bị cắt rời từ chỗ đầu gối. Xác chết không được chôn cất, nằm chình ình ngay gần lối đi trong rừng. Nạn nhân vẫn mặc nguyên bộ quần áo mặc ở Yahiko. Một người dân trong vùng phát hiện ra cô vào ngày 15 tháng Tư, tức là mười lăm
ngày đã qua kể từ lúc người ta nhìn thấy cô ấy lần cuối cùng với các chị em gái vào sáng ngày 31 tháng Ba. Mỏ Hosokura chuyên cung cấp kẽm và chì, những kim loại tương ứng với cung chiêm tinh của Tomoko là Bảo Bình. Cảnh sát lập tức nghi ngờ rằng kế hoạch của Heikichi đang được tiến hành và rằng những cô gái khác có thể cũng chịu số phận tương tự.”
“Nào, nếu anh còn nhớ thì một vài nguyên tố kim loại đã được chỉ rõ trong ghi chép của Heikichi, nhưng không có địa điểm. Vì vậy, cảnh sát bắt đầu tìm kiếm ở các khu mỏ khắp cả nước căn cứ vào những kim loại mà Heikichi đề cập đến. Không cần nói thì cũng biết việc này tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực. Cuối cùng khi phát hiện được những thi thể khác thì tất cả đều được chôn lấp, bọc trong cùng loại giấy dầu, mặc đúng những bộ quần áo như lần cuối cùng người ta nhìn thấy họ.”
“Chôn à? Ý anh là Tomoko là người duy nhất không được chôn cất sao?” “Đúng như vậy. Điều đó đưa chúng ta tới một chi tiết thú vị khác nhau. Xét từ quan điểm chiêm tinh học, anh thấy sao?”
“Hừm. Họ được chôn sâu đến mức nào?”
“Chà, Akiko được tìm thấy ở độ sâu khoảng 50 cm, Tokiko 70 cm, Nobuyo 1,4 m, Yukiko 1,05 m và Reiko 1,5 m. Cảnh sát và đội ngũ Sherlock Homes tương lai cùng đi đến một kết luận hợp lý cho chuyện này.” “A ha!”
“Dĩ nhiên, chuyện đó có thể chỉ là ngẫu nhiên. Hung thủ sẽ không cố ý làm thế: chỗ đất rắn thì hắn chẳng mất công đào sâu làm gì, còn mềm thì hắn lại đào sâu hơn.”
“Có lẽ thế. Nhưng anh chỉ có thể vùi kín một cái xác ở độ sâu 50 cm đến 70 cm. Thực tế có sự chênh lệch rất lớn về độ sâu. Vị trí chôn sâu nhất là 150 cm, một người lùn có thể được chôn ở tư thế thẳng đứng trong một cái hố sâu như vậy! Xem nào… Akiko thuộc cung Thiên Yết, và độ sâu là 50 cm … Tokiko thuộc…”
“Cung Bạch Dương, chôn ở độ sâu 70 cm. Thiên Yết 50 cm; Xử Nữ 1,5 m. Nhân Mã 1,4 m. Cự Giải 1,05 m. Đây là sơ đồ chỉ rõ vị trí của họ.”
“Tôi hiểu. Như vậy chỉ có nạn nhân thuộc cung Bảo Bình là không được chôn. Hừm. Nói thật là tôi không tìm ra mối liên hệ nào gắn với các yếu tố
chiêm tinh. Tôi chẳng thấy ý nghĩa hay lý do gì cả.”
“Thế còn cái xác chôn ở độ sâu 1,05 m? Anh có nghĩ nó mang ý nghĩa gì không?”
“Hung thủ mệt mỏi chăng? Mà này, sau Tomoko thì tiếp tục đến xác của ai được tìm thấy?”
“Akiko. Chó nghiệp vụ tìm thấy cô ấy vào ngày 4 tháng Năm ở vùng núi gần mỏ sắt Kamaishi, đã mất một phần hông dài cỡ 20 đến 30 cm. Masako, lúc này đang bị cảnh sát tạm giam, là người đã nhận diện cả hai cái xác.”
“Sau đó, cảnh sát huy động chóp nghiệp vụ để tiếp tục công việc. Việc tìm kiếm Tokiko đưa họ tới Nakatoya ở Hokkaido, rồi Chichibu thuộc tỉnh Saitama, tiếp tục đến Kamaishi một lần nữa, rồi đến mỏ sắt lớn ở tỉnh Gumma. Lùng sục tại đây ba ngày thì người ta tìm thấy thi thể của cô ấy, vào ngày 7 tháng Năm. Xác đã mất đầu, cho nên chính Tae - mẹ ruột của Tokiko - phải nhận diện. Xác còn nguyên đôi chân của một vũ công ba lê và có một vết bớt ở bên sườn phải, đúng như mô tả trong ghi chép của Heikichi.”
“Phải mất nhiều thời gian hơn mới tìm được thi thể của các cô gái còn lại bởi vì họ được chôn sâu hơn. Cảnh sát tìm kiếm các mỏ bạc Kohnomai và Toyoha ở Hokkaido, mỏ Kamioka ở tỉnh Giù và cuối cùng là mỏ Kosaka ở tỉnh Akita. Thi thể của Yukiko được phát hiện tại đây vào ngày 2 tháng Mười. Xác cô ấy đã phân hủy một phần sau mùa hè nóng nực với bầu ngực cắt lìa. Quả là một cảnh tượng khủng khiếp. Nạn nhân bị chôn ở độ sâu 1,05 m. Masako nhận diện cô ấy.”
“Tiếp đến xác của Nobuyo được tìm thấy vào ngày 28 tháng Mười hai. Các nguyên tố kim loại tương ứng với Nhân Mã và Xử Nữ là thiếc và thủy ngân, vốn chỉ có ở một vài khu vực. Tại Honshu, chỉ có mỏ Yamato ở tỉnh Nara khai thác thủy ngân, và chỉ có hai mỏ Akenobe và Ikuno ở tỉnh Hyogo khai thác thiếc. Không có những manh mối này thì chẳng bao giờ tìm thấy hai cái xác cuối cùng, do thi thể chôn quá sâu. Nobuyo được phát hiện ở vùng núi gần mỏ thiếc Ikuno. Xác cô ấy bị mất cả hai đùi, nửa thân trên được chôn cùng với đôi chân bị cắt lìa ở đầu gối. Thời gian kể từ khi nạn nhân bị giết cho đến khi thi thể được phát hiện là chín tháng nên một phần thi thể đã phân hủy, chỉ còn xương.”
“Cái xác cuối cùng được tìm thấy là của Reiko, chị gái Nobuyo. Hôm đó là ngày 10 tháng Hai năm 1937, ngót một năm sau cái chết của Heikichi. Xác ở trong một hố sâu 1,5 m tại vùng núi gần mỏ Yamato, nơi trích xuất được thủy ngân. Phần bụng của cô ấy đã mất. Phần còn sót lại gần như cũng đã phân hủy hết chỉ còn xương. Trên thực tế Ayako không thể nhận diện được ai trong số hai cô con gái của mình.”
“Hừm. Nếu không thể nhận diện qua khuôn mặt, và quần áo là manh mối duy nhất, thì rất có thể hai xác chết đó chưa chắc đã đúng là Reiko và Nobuyo.”
“Không thể loại trừ khả năng đó, nhưng có một số thông tin không thể chối cãi được. Cảnh sát dựa vào nhóm máu và kết cấu xương, thậm chí họ còn dùng đất sét phục dựng lại gương mặt của các cô gái. Nhưng yếu tố đáng tin cậy nhất là kết cấu đặc thù ở hệ thống cơ chân và các ngón chân vốn chỉ có ở các vũ công ba lê do việc tập luyện và nhảy múa bằng mũi chân. Thực tế là không hề có vũ công ba lê nào khác mất tích vào thời điểm đó ở Nhật Bản nên có thể kết luận rằng những cái xác chính là các cô gái nhà Umezawa.”
“Chấp nhận được,” Kiyoshi nói.
“Tuy nhiên, không hề tìm thấy bất kỳ đồ đạc gì của họ, đây là một điểm quan trọng. Thời gian tử vong của Tomoko được tính toán vào khoảng từ 3 giờ chiếu đến 9 giờ tối ngày 31 tháng Ba năm 1936. Các cô gái còn lại được cho là bị sát hại cùng một lúc. Một số thám tử nghĩ họ bị giết vào đầu tháng Tư, nhưng tôi thì không nghĩ vậy.”
“Còn gì nữa không?”
“Không, quan điểm của tôi khác họ. Chúng ta chỉ có thể phán đoán những gì đã xảy ra với Nobuyo và Reiko. Các chuyên gia pháp y không sao thống nhất được về thời điểm họ tử vong vì thời gian trôi qua đã khá lâu.”
“Được rồi. Giờ tôi muốn biết về chứng cứ ngoại phạm của tất cả mọi người vào buổi chiều ngày 31 tháng Ba. Đây thực sự là một vụ diệt chủng gia đình Umezawa. Ý tưởng về Azoth có thể chỉ là bỏ bọc cho hành động báo thù. Trên quan điểm đó, người đầu tiên tôi nghĩ đến là Tae, vợ cũ của Heikichi.”
“Tae không thể là hung thủ. Bà phải trông cửa hàng thuốc lá cả ngày và hàng xóm vẫn nhìn thấy bà bán hàng ở đó như lệ thường vào ngày 31 tháng Ba. Chúng ta không biết bà ấy ở đâu lúc Heikichi bị giết, nhưng chắc chắn bà có mặt ở cửa hàng khi các cô gái biến mất. Chủ tiệm hớt tóc đối diện bên kia đường xác nhận rằng Tae ngồi trong cửa hàng suốt cả buổi chiều cho tới khi đóng cửa vào lúc 7 giờ rưỡi tối hôm đó. Cửa hàng của bà ấy bán quanh năm suốt tháng. Thêm nữa, liệu một phụ nữ 48 tuổi có tự mình mang nổi sáu cái xác tới sáu nơi không? Tae không biết lái xe, và Tokiko, con gái bà, cũng nằm trong số các nạn nhân. Theo quan điểm của tôi bà không phải là hung thủ.”
“Nhưng anh có chắc rằng chứng cứ ngoại phạm của Tae ổn thỏa không?” Kiyoshi hỏi, nâng cốc cà phê lên. Nhìn thấy cốc đã cạn, cậu lại đặt nó xuống. “Chắc chắn.”
“Mặt khác, Masako bị giam giữ vì chứng cứ ngoại phạm không thuyết phục của bà ấy. Nhưng điều đó lại không xảy ra với Heitaro hay mẹ anh ta, phải không?”
“Tôi nghĩ tất cả các nghi can đều bị tạm giữ một thời gian nhất định. Thời đó, cảnh sát có thể giữ bất kỳ nghi can nào mà không cần lệnh bắt và
giam họ bao lâu tùy ý muốn. Những người liên quan đều bị tạm giữ và thẩm vấn. Yoshio chắc chắn cũng bị giữ vài ngày.”
“Ngay cả một phát súng tồi cuối cùng cũng trúng đích nếu thường xuyên rèn luyện!” Kiyoshi nói đầy vẻ châm chọc.
“Có lẽ như vậy. Yasue và Heitaro có thể chứng minh họ đều ở de Médicis vào ngày 31 tháng Ba. Khách hàng, người quen và một cô hầu bàn xác nhận rằng nhà Tomita không hề vắng mặt quá ba mươi phút cho tới khi phòng tranh đóng cửa lúc 10 giờ tối. Bạn bè cũng xác nhận có mặt cùng với họ cho tới nửa đêm.”
“Còn với Yoshio, ông ấy có thể chứng minh ông gặp gỡ đối tác ở Gokokuji tại Tokyo từ 1 giờ chiều đến 5 giờ chiều, sau đó bắt tàu hỏa quay về nhà mình ở Meguro với ông Toda, biên tập viên của ông ấy. Họ bù khú với nhau cho tới quá 11 giờ đêm một chút. Chúng ta không biết Ayako, vợ của Yoshio, làm gì lúc 6 giờ chiều, nhưng bà ấy có trò chuyện với một người hàng xóm vào khoảng 4 giờ 50 phút. Chứng cứ ngoại phạm của bà ấy không được thuyết phục lắm, nhưng nếu Ayako là hung thủ thì bà ấy sẽ phải có mặt ở Yahiko từ sớm ngày hôm đó. Ayako không thể đủ thời gian chôn mấy cái xác và về đến nhà vào buổi tối cùng ngày. Ngoài năm người này, không còn nghi can nào khác.”
“Masako cũng có chứng cứ ngoại phạm phải không?”
“Tiếc thay, bà ấy chỉ có lời chứng của gia đình. Và vì người ta tìm thấy một chai thạch tín trong nhà bà nên năm người kia mặc nhiên vô tội.” “Ừm. Nhưng giả sử Masako và các con gái bà ấy âm mưu giết Heikichi và họ đã cùng nhau kéo giường ông ta lên cửa trời thì tôi không thể tin được rằng một tháng sau bà ấy lại đột nhiên quyết định giết chết tất cả bọn họ!” “Ý anh là sao?” Tôi hỏi.
“Tôi sẽ giải thích sau. Mà này, hung thủ - tạm coi là một nghệ sĩ loạn trí - đã có đủ những thành phần cần thiết để tạo ra Azoth. Câu hỏi tiếp theo là: kẻ điên khùng ấy có thành công trong việc tạo ra con quái vật không?”
“Chậc. Liệu đó có thật sự là bí ẩn tối thượng của vụ án này không? Có lẽ là không. Chắc chắn một điều rằng chẳng bao giờ tìm thấy Azoth. Bởi thế không một ai biết hắn thành công hay thất bại. Một số người phỏng đoán rằng các bộ phận cơ thể có thể được chế thành tiêu bản nhồi bông - một tác phẩm nhồi bông quái dị - và được cất giữ ở đâu đó. Trong lúc tìm kiếm hung thủ, có thể chúng ta cũng muốn tìm Azoth. Theo ghi chép của Heikichi, nó được đặt ở “trung tâm 13”, trung tâm của Nhật Bản. Xem ra hung thủ thực hiện theo đúng kế hoạch nên việc chúng ta phải làm là tìm xem “trung tâm 13” là gì. Những tay săn lùng Azoth đã gắng công làm thế trong suốt bốn mươi năm qua. Tae dành một phần khá lớn trong tài sản thừa kế làm phần thưởng cho bất kỳ ai tìm thấy Azoth. Tôi tin phần thưởng vẫn còn nguyên.”
“Chúng ta hãy tập trung tìm hung thủ trước.”
“Anh rất tự tin, Kiyoshi ạ. Nhưng để tôi nhắc lại: tất cả những người liên quan đến nhà Umezawa - kể cả Masako, người bị kết án một cách thiếu công bằng - đều có chứng cứ ngoại phạm. Vụ này ắt do một kẻ ngoài gia đình thực hiện, hoặc chúng ta phải tìm Azoth để có manh mối.”
“Heikichi không có thợ học việc… nhưng ông ấy biết rõ những người ở de Médicis, phải không?”
“Đúng. Heikichi có liên hệ với năm hoặc sáu người ở de Médicis và ở Kakinoki, nhưng họ đều không phải là bạn bè thân thiết. Họ thậm chí không biết xưởng vẽ ở đâu, trừ một người đã tới thăm ông ta. Một người nữa cũng được mời đến, nhưng lại chưa bao giờ đến.”
“Hừm…”
“Tôi tin chắc Heikichi không bao giờ kể về Azoth cho những người này. Heikichi cũng chẳng đề cập đến ai trong ghi chép của mình. Rất khó nghĩ ra ai đó lại thực hiện các vụ giết người vì ông ta, trừ phi giữa họ có một mối liên hệ chặt chẽ, hoặc là quan hệ anh em hay đại loại như vậy.”
“Anh nói đúng…”
“Khả năng duy nhất nữa là Heikichi say rượu, có người đánh cắp chìa khóa xưởng vẽ, lẻn vào và đọc được ghi chép của ông. Giả thiết này rất khiên cưỡng, không có gì nhiều để nói.”
“Hừm. Thực sự là một bí ẩn! Anh cho tôi xem lại ngày tháng tìm thấy các xác chết được không? Biết đâu có một mô thức nào đó chăng.” “Được thôi, bảng ngày giờ đây.”
Ngày phát
Địa
sâuTênNăm
hiện
Độ
điểm/Tỉnh
sinhCung
15/4/1936Hosokura, Miyagi
4/5/1946Kamaishi, Iwate
7/5/1936Gumma, Gumma
2/10/1936Kosaka, Akita
28/12/1936Ikuno, Hyogo
10/2/1937Yamato, Nara
cmTomoko 1910Bảo
0
Bình
cmAkiko 1911Thiên
50
Yết
cmTokiko 1913Bạch
70
Dương
cmYukiko 1913Cự
105
Giải
cmNobuyo 1915Nhân
140
Mã
150
cmReiko 1913 Xử Nữ
Kiyoshi nghiền ngẫm từng chi tiết.
“Xem này, trông qua rất tự nhiên,” cậu nói, “nhưng họ càng bị chôn sâu thì thời gian phát hiện càng muộn. Người bị bỏ lại ngay trên mặt đất được phát hiện đầu tiên. Có lẽ đó là chủ ý của hung thủ chăng? Tôi nghĩ rằng các xác chết được phát hiện theo một trật tự mà hung thủ đã vạch sẵn. Nào, như
thế là có ý gì nhỉ? Hừm… Có hai khả năng: một là điều đó giúp thủ phạm che giấu tội ác của mình; hai là trật tự đó liên quan đến chiêm tinh học hoặc giả kim thuật, hai lĩnh vực luôn ám ảnh Heikichi. Người đầu tiên thuộc cung Bảo Bình, thứ hai là Thiên Yết, sau đó là Bạch Dương, Cự Giải, Nhân Mã, Xử Nữ… Không, tôi xin rút lại. Chẳng có trật tự chiêm tinh hay mối liên hệ gì giữa trật tự này và địa lý… Đợi đã, không phải là người được chôn gần Tokyo nhất được tìm thấy đầu tiên sao? Không, tôi nhầm… Dường như chẳng có ý nghĩa gì trong trật tự này cả.”
“Phải thừa nhận rằng tôi cũng không nghĩ trật tự này là quan trọng,” tôi nói. “Hung thủ có thể lên kế hoạch chôn tất cả sáu cái xác, nhưng thấy mệt mỏi. Những cái hố hắn đào càng lúc càng nông, và cuối cùng Tomoko bị ném trên mặt đất. Chúng ta không thể lần theo lộ trình của hung thủ xét từ quan điểm này sao?”
“Những cái xác chôn sâu nhất là ở Hyogo và Nara - vốn không cách xa nhau lắm - nhưng một hố sâu khác lại được phát hiện ở Akita. Đó là một nơi rất xa.”
“Đúng vậy, như thế chỉ làm cho giả thiết thêm rối, phải không? Nếu Yukiko không được chôn sâu như thế ở Akita thì mọi chuyện đã đơn giản hơn… Trước hết, hung thủ đi tới Nara và Hyogo để chôn Reiko và Nobuyo. Tiếp đến, hắn ngược lên Gumma và chôn Tokiko. Sau đó đi thẳng lên phía bắc Aomori và chôn Yukiko ở Kosaka, ngay giáp ranh với Akita, Từ đó, hắn xuôi về nam tới Iwate và chôn Akiko, rồi hắn thấy mệt mỏi nên chẳng buồn chôn Tomoko, nạn nhân thứ sáu nữa. Hắn chỉ việc quăng xác của cô ấy trên mặt đất và trở về Tokyo.”
“Nhiều khả năng là hắn cảm thấy lo sợ sẽ có người phát hiện ra các xác chết trước khi hắn trở về Tokyo, chứ không phải là hắn thấy mệt vì phải đào hố.”
“Đúng, có thể là như vậy. Nhưng Yukiko được chôn sâu ở Akita, trong khi cái xác gần nhất, Tokiko, lại được chôn nông. Trật tự là sâu, sâu, nông, sâu, nông, không chôn. Thực tế là chẳng có trật tự gì cả. Phải chăng chỉ có một hung thủ chạy ngược chạy xuôi từ đông sang tây, hay là điều chúng ta chưa cân nhắc đến: có hai nhóm thuộc cơ quan mật vụ quân đội thực hiện toàn bộ vụ việc cùng lúc? Theo tôi nhớ, hồi ấy có những tổ chức như thế ở Tokyo. Một nhóm đi về phía tây tới Nara và Hyogo sau đó quay lại Gumma; còn nhóm kia tới Akita, Iwate và Miyagi ở phía đông. Nhóm nào cũng có thể chôn nạn nhân đầu tiên sâu hơn. Như thế có ý nghĩa hơn. Nhưng giả định này lại loại bỏ giả thiết về một hung thủ đơn độc.”
“Theo tư duy đó,” Kiyoshi nhận xét, “thì Tokiko sẽ bị nhóm phía tây bỏ lại trên mặt đất.”
“Hừm. Thật khó tin là cơ quan mật vụ lại tham gia vụ này. Thực tế, đã có người am tường nội tình giới quân sự xác nhận rằng cơ quan mật vụ không
hề thực hiện việc nào như thế này cả.”
“A ha!”
“Cơ quan mật vụ có thể che giấu việc đó!”
“Tôi không tin tưởng lời khai của một kẻ trong cuộc.”
“Chậc, nếu Yukiko bị chôn sâu, có thể suy luận là hung thủ sống ở Kanto, vùng đông Nhật Bản. Nếu hắn sống ở Aomori, thì Yukiko, người được chôn cuối cùng sẽ bị vứt lại trên mặt đất mà không cần bận tâm.”
“Anh đúng một phần,” Kiyoshi thừa nhận. “Nhưng không còn manh mối nào khác à? Có rất nhiều khu mỏ trên các đảo Kyusu và Hokkaido, nhưng các xác chết lại chỉ tìm thấy ở Honshu. Thời đó chưa có đường hầm nối các đảo với nhau, có lẽ hung thủ buộc phải xử lý xác chết ở Honshu. Có phải hung thủ chôn các cô gái theo trật tự tuổi tác của họ không nhỉ? Để xem nào… Tomoko 26 tuổi… Akiko 24 tuổi… Đúng! Ít nhất người ta tìm thấy người lớn tuổi nhất trước tiên, sau đó giảm dần xuống và cuối cùng là người trẻ nhất. Như thế có nghĩa gì nhỉ?…”
“Tôi nghĩ chỉ là trùng hợp thôi. Một vài người cho rằng đây là một manh mối, nhưng họ không giải thích được.”
“Có lẽ đúng… có lẽ không.”
“Tôi nghĩ chỉ vậy thôi,” tôi nói. “Còn anh nghĩ sao?”
“Chậc, khó hơn tôi tưởng,” Kiyoshi đáp, cau mày và day day mí mắt. Có vẻ cậu lại thấy chán nản, hay có lẽ đang hành động. “Tôi không thể giải quyết được trong một ngày. Ít nhất phải mất vài ngày.”
“Anh có thể giải quyết vụ này trong vài ngày sao?!” Tôi nghĩ cậu đang đùa.
“Mọi người đều có chứng cứ ngoại phạm cho toàn bộ vụ Azoth,” Kiyoshi bắt đầu nói, như thể đang nói với chính mình. “Các án mạng dường như được tiến hành một cách ngẫu nhiên, lập luận hay chủ đích duy nhất là phần ghi chép mà Heikichi để lại. Nhưng không ai gần gũi với ông ta đủ để được đọc những ghi chép này. Cơ quan mật vụ cũng không đọc được nó, và nếu có thì tại sao họ lại quan tâm đến vụ Azoth chứ? Kazumi à, cho đến giờ, chúng ta vẫn đang bế tắc!”
“Đúng thế. Vậy tại sao chúng ta không tiếp tục và lý giải phần tiếp theo của bí mật - các con số 4, 6, 3 và 13.”
“À, phải. Heikichi nói Azoth sẽ được đặt ở trung tâm Nhật Bản.” “Anh nhớ nhỉ.”
“Dĩ nhiên là tôi nhớ rồi. Trung tâm giữa đông và tây - ở kinh độ 138o48’ đông. Có đúng không?”
“Chính xác. Cừ lắm!”
“Như vậy Azoth sẽ phải ở đâu đó trên chặng đường này. Tại sao anh không men theo nó để tìm nhỉ?”
“Không khả thi. Quãng đường dài 355 km, gần bằng khoảng cách từ
Tokyo đến Nara. Tuyến này lại bị dãy núi Mikuni, địa thế vùng núi ở Chichibu và khu rừng quanh núi Phú Sĩ chắn ngang, nên không thể sử dụng xe hơi hay xe gắn máy được. Hơn nữa, Azoth có thể được chôn giấu; không thể nào đào như một con chuột chũi suốt 355 km được! Chúng ta cần đoán xem chôn chỗ nào.”
Kiyoshi khịt mũi. “Ồ, không quá khó. Tôi sẽ nói cho anh biết vào sáng mai…”
Giọng nói nhỏ tới mức tôi không nghe nổi phần cuối câu nói của cậu.
Cảnh 5
Vĩ độ và kinh độ
Ngày hôm sau tôi đột nhiên bận túi bụi với công việc, tới tối mịt tôi mới gặp được Kiyoshi. Cậu cũng không liên lạc với tôi. Có lẽ cậu phải tập trung vào bí ẩn về những con số. Là một họa sĩ vẽ tranh minh họa tự do, thỉnh thoảng tôi cảm thấy khó chịu với công việc của mình vì nó không cho tôi quyền lựa chọn. Tôi muốn tiếp tục tranh luận về các vụ án mạng, nhưng để khách hàng khó chịu đồng nghĩa với việc tôi có thể mất họ mãi mãi.
Tôi đã từng phàn nàn với Kiyoshi, “Nếu tôi chuyển sang một công việc theo giờ hành chính thì cuộc sống của tôi sẽ dễ dàng hơn.” “Cứ treo một củ cà rốt trước mặt con ngựa, thể nào nó cũng chạy!” Kiyoshi nói và đứng bật dậy. “Có người trong khóm hồng gai. Dùng rìu chặt sạch hồng, gã loay hoay tìm cách tiếp cận ngôi nhà. Anh đã thấy hình ảnh đó chưa?”
Tôi không hiểu ý cậu là gì, nhưng vẫn gật đầu như thể đã hiểu. “Cắm đầu cắm cổ hì hục làm một việc gì đó không phải lúc nào cũng bõ công đâu. Chỉ cần leo lên hàng rào và nhìn xung quanh, anh ta sẽ thấy rằng đích đến thực ra ở rất gần.”
Hiển nhiên là tôi trông ngơ ngác ra mặt.
“Thật xấu hổ!” Kiyoshi thở dài nói. “Nếu anh không hiểu thì ngay cả kiệt tác của Picasso cũng sẽ chẳng còn giá trị gì.”
Tôi chỉ hiểu phần sau câu nói. Bạn tôi hàm ý rằng làm việc hùng hục không suy nghĩ như một con trâu là điều ngớ ngẩn. Nhưng tôi nghĩ có lẽ cậu sợ cô đơn. Nếu tôi có một công việc đều đặn thì sẽ chẳng còn ai bầu bạn với cậu ấy nữa. Niềm kiêu ngạo của Kiyoshi lớn đến mức cậu không thể nói thẳng sự thật đó với tôi.
Sau một ngày bận rộn, tôi tới gặp Kiyoshi. Trông cậu rất phấn khởi. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau, thường thì Kiyoshi nằm dài ra sofa như thể đang lênh đênh trên một cái bè giữa đại dương. Nhưng lần này cậu lại đứng và đi đi lại lại như một con thoi, nhại theo những bài diễn văn tranh cử phát ra từ mấy chiếc xe phát thanh lưu động ngoài đường.
“Chúng ta đấu nhau nào,” Kiyoshi nói bằng giọng chói lói nhưng thiếu quả quyết, bắt chước y hệt nữ ứng viên Otome, “hoặc là những công dân Nhật Bản chúng ta đây sẽ ở trong tình trạng vô cùng bí bách về tài chính!” Đột nhiên giọng cậu trầm hẳn xuống, “Kanno! Kanno! Kanno! Mansaku Kanno hứa với quý vị về dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà quý vị xứng đáng
được hưởng!”
Rõ ràng là có chuyện gì đó thuận lợi mới khiến Kiyoshi như vậy. Quay về phía tôi, cậu vẫy tay, cười toe toét và thông báo, “Tôi đã khám phá được bí ẩn 4-6-3! Mấy cái xe phát thanh lưu động kia khiến tôi phát bực, nhưng tôi đã tìm được lời giải.”
Tay cầm cốc cà phê, cậu bắt đầu giải thích.
“Là thế này, Kazumi. Chúng ta biết đâu là trung điểm của đường trục đông bắc-tây nam ở Nhật Bản. Nhưng chúng ta không biết trung điểm đường trục bắc-nam là ở đâu. Theo Heikichi, điểm cực bắc của Nhật Bản là Kharimkotan ở vĩ độ 49o11’ Bắc, còn điểm cực Nam là Iwo Jima ở vĩ độ 24o43’ Bắc. Như thế vĩ độ 36o57’ Bắc là trung điểm. Kẻ đường trục tâm đông-tây, ở kinh tuyến 138o48’ Đông, anh sẽ tìm ra chỗ nào đó quanh khu trượt tuyết Ishiuchi tại Niigata.”
“Heikichi cũng nói đảo Hateruma, nằm ở vĩ độ 24o3’ Bắc, mới là điểm cực nam thật sự của Nhật Bản, cho nên tôi cố gắng tìm tâm điểm giữa Kharimkotan và Hateruma. Đó là vĩ độ 36o37’ Bắc. Đường này cắt kinh tuyến 138o48’ Đông ở đâu đó quanh suối nước nóng Sawatari thuộc tỉnh Gumma. Các vị trí của Ishiuchi và Sawatari cách nhau khoảng 20’. Số liệu này có thể rất quan trọng.”
“Heikichi mô tả núi Yahiko, ở vĩ độ 37o42’ Bắc, là cái rốn của nước Nhật. Núi Yahiko và khu trượt tuyết Ishiuchi chính xác cách nhau 45’, nhưng vẫn chẳng có gì liên quan đến các số 4,6 hay 3 cả. Khoảng cách giữa núi Yahiko và Sawatari là 65’ - vẫn không phải con số chúng ta tìm kiếm.”
“Cho nên tôi nằm vật ra sàn một lúc, chợt một ý tưởng tuyệt vời lóe lên trong óc tôi. Tôi tìm vĩ độ và kinh độ của sáu khu mỏ nơi tìm thấy xác các cô gái. Tôi đã lập một danh mục. Nhìn này…” Kiyoshi nói vẻ đắc thắng và quăng một tờ giấy cho tôi. Đây là những gì viết trên đó:
“Khi tôi tính trung bình cộng những kinh độ này, tôi thu được kết quả kinh ngạc: 138o48’ Đông. Anh có biết đó là đâu không? Đó chính là địa điểm Heikichi chọn làm trục đông-tây. Như vậy sáu khu mỏ không hề trùng hợp ngẫu nhiên đâu! Tiếp nữa, tôi tính trung bình cộng vĩ độ của sáu khu mỏ và kết quả là 37o27’ Bắc. Vĩ tuyến này cắt 138o48’ Đông ở đâu đó thuộc
vùng tây Nagaoka. Nếu anh so sánh vị trí này với trung điểm của đường bắc nam giữa Kharimkotan và Iwo Jima thì chúng chỉ cách nhau 30’. Giữa 37o27’ Bắc và núi Yahiko, khoảng cách chỉ còn 15’.”
“Như bậy giờ chúng ta đã có bốn điểm, kể cả núi Yahiko, sắp hàng trên kinh tuyến 138o48’ Đông. Đi từ nam lên bắc; trước hết gặp trung điểm giữa Kharimkotan và Hateruma; 20’ Bắc tính từ đó chính là trung điểm giữa Kharimkotan và Iwo Jima; 30’ Bắc tính từ đó là vĩ độ trung bình của sáu khu mỏ; và cuối cùng, 15’ Bắc từ đó là núi Yahiko. Bốn điểm được bố trí trên đường 138o48’ đông với khoảng cách là 20’, 30’ và 15’. Chia những khoảng cách này cho 5 anh sẽ có các số 4, 6 và 3; cộng lại anh có 13!”
“Khi cộng bốn điểm này và sau đó đem chia cho bốn, kết quả là 37o9,5’ Bắc. Điểm này cắt kinh tuyến 138o48’ Đông tại nơi nào đó trên ngọn núi ở thị trấn Toka, tỉnh Niigata. Chắc chắn đó là chỗ của Azoth! Anh biết không, Kazumi, cà phê tôi pha lúc nào cũng tuyệt, nhưng hôm nay là tuyệt nhất! Anh có thấy vị khác không?” Nói xong, cậu phá lên cười.
“Ừm, có, vị cũng ổn…”
“Hả? Chỉ thế thôi à? Này, tôi đã giải quyết xong câu đố 4, 6 và 3! Tôi thậm chí còn vẽ sơ đồ cho anh. Đây này.”
“Chà, tuyệt, anh cừ thật,” tôi miễn cưỡng đáp lời. Tôi không muốn làm
tổn thương Kiyoshi, nhưng cậu không biết rằng kết luận này cũng đã được một vài thám tử nghiệp dư mẫn cán khác đưa ra. “Thật sự rất đáng khâm phục. Anh đi đến chặng đường này chỉ trong một đêm, có thể xem là kỷ lục…”
“Sao cơ? Ý anh là trước đây đã có người khác làm được việc này rồi à?” “Chậc, bốn mươi năm đã qua kể từ các vụ án mạng, Kiyoshi ạ. Ngay một người bình thường cũng có thể xây xong một Kim tự tháp trong chừng ấy thời gian.”
Kiểu phản ứng khá thẳng thừng này chính tôi học được từ Kiyoshi, nay tôi áp dụng ngược lại với cậu ấy. Đương nhiên cậu không thể vui thích trước nhận xét đó của tôi. Đá cái trường kỷ, cậu hét lên bực bội “Tôi chưa bao giờ dính vào vụ nào vớ vẩn như thế này cả! Tôi đang làm gì nữa không biết? Chỉ làm giẫm lên con đường đã đi của người khác ư? Anh đã biết hết mọi câu trả lời, và anh đang thử tôi! Tại sao anh lại lãng phí thời gian của tôi như thế này chứ?”
“Không phải, Kiyoshi, không…”
Kiyoshi đứngbên cửa sổ, không chịu quay lại, cũng chẳng thèm trả lời. “Kiyoshi, tôi chỉ…”
“Tôi biết ý anh là gì,” cậu nói, xoay lại đối diện với tôi. “Tôi không nghĩ mình tài ba lỗi lạc. Tất cả chúng ta cùng sống trên một hành tinh, tất cả chúng ta cùng chung ý thức và cảm xúc, nhưng thật sự điều đó có làm cho chúng ta là những con người như nhau không? Hãy thử nhìn giới doanh nhân Tokyo, hãy nhìn người dân Thái Lan trồng lúa, hãy xem đám nghệ sĩ và chủ nhà băng. Chắc chắn chúng ta là những người có ý thức, nhưng nghiệp quá khứ và hiện tại của chúng ta khác nhau. Chúng ta sống cuộc đời khác nhau và chết đi trong những ngôi mộ khác nhau. Cuộc sống của chúng ta chỉ là một đám bụi vũ trụ nổ tung, hoặc là một đám mây trôi qua. Tôi không phải một kẻ lập dị, mà chính những người khác ấy. Tôi cảm thấy như tôi đang sống trên Sao Hỏa. Khi tôi quan sát sự tồn tại của những người khác và cố gắng hiểu cuộc sống của họ, tôi thấy chóng hết cả mặt!”
Cậu đang hết sức nghiêm túc.
“Kiyoshi này, vừa rồi anh không được khỏe cho lắm… Anh đã suy nghĩ quá nhiều… Anh sẽ tự làm mình phát rồ mất… Sao anh không ngồi xuống và thư giãn đi?”
“Tôi không thèm quan tâm đâu!” Kiyoshi hét ầm lên, chẳng buồn nghe nói. “Tất cả chúng ta đều đang nhọc nhằn xoay xở, đi theo hướng sai lầm. Tất cả nỗ lực của chúng ta đều vô dụng, Kazumi ạ. Người ta chẳng đi đến đâu hết! Hỉ, nộ, ái, ố của chúng ta - tất cả đến rồi đi như một cơn bão, một trận cuồng phong hay một mùa anh đào mà thôi. Tất cả chúng ta đều bị thúc đẩy bởi những cảm xúc của chính mình và bị cuốn đi tới cùng một chỗ. Không ai trong chúng ta có thể cưỡng được nó. Anh nghĩ xem có cái gì là lý
tưởng không? Làm gì có! Chỉ tương đối thôi! Rồi chúng ta cũng hiểu ra rằng mọi nỗ lực của chúng ta là vô ích.”
Kiyoshi đổ vật người xuống trường kỷ.
“Đúng, tôi hiểu ý anh là gì…”
Kiyoshi nhìn xoáy vào tôi. “Anh biết thật ư? Làm sao anh biết được?” Cậu nói. Sau đó, có vẻ hối hận, cậu lại nói thêm, “Rất xin lỗi, không phải tại anh. Bỏ qua cho tôi. Anh không nghĩ tôi là một thằng điên, đúng không? Cảm ơn anh. Có lẽ anh là một trong những người nghĩ rằng mình rất tầm thường, nhưng anh tốt hơn hẳn những người khác. Được rồi, chúng ta trở lại với sơ đồ nào. Có tìm thấy bất cứ thứ gì ở chỗ anh đã nhắc đến lúc trước không?”
“Cái gì cơ? Chỗ nào nhỉ?”
“Nào! Tôi đang nói về ‘trung tâm 13’ Đông Bắc thị trấn Toka. Các thám tử nghiệp dư đổ dồn về đó như ong, tôi dám cá như vậy.”
“Phải rồi, tôi cho rằng đến lúc này thì thị trấn nhỏ bé ấy hẳn đã trở thành một điểm du lịch.”
“Có khi người ta còn bán bánh quy có hình Azoth cũng nên.” “Chắc chắn rồi.”
“Thế họ có tìm thấy gì ở đó không?”
“Không.”
“Không có gì à? Hoàn toàn không có gì?”
“Chẳng có gì cả.”
“Tức là cho dù Heikichi chỉ để lại mấy con số bí ẩn - 4, 6 và 3 - nhưng hung thủ lại biết chính xác địa điểm mà những con số ấy gợi ý. Tôi băn khoăn không rõ hai người đó có phải là một hay không.”
“Chính xác! Đó là những gì tôi đang nghĩ!”
“Có thể hung thủ đã phải thay đổi kế hoạch của hắn vì một lý do nào đó, hoặc đã tìm được một chỗ tốt hơn… hoặc chôn Azoth rất sâu. Đã có ai đào bới khu vực đó chưa?”
“Chắc chắn là người ta làm rồi. Họ đào khắp nơi. Trông như bị ném bom không khác gì Iwo Jima.”
“Như Iwo Jima à? Heikichi có đề cập đến cái tên này ở đâu đó… Nhưng lại chẳng tìm thấy gì ư? Thế còn đặc điểm địa lý khu vực thì sao? Còn chỗ nào người ta chưa động tới không?”
“Tôi nghĩ là không. Vùng đất tương đối bằng phẳng. Người ta đã đào bới khu vực đó suốt bốn mươi năm rồi.”
“Hừm. Có lẽ Azoth chưa bao giờ được tạo ra.”
“Biết đâu quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn hắn dự tính, tức là hắn phải dựa vào phương pháp nhồi bông. Liệu hắn có biết gì về chuyện đó không nhỉ?”
“Có thể hắn cũng đã nghiên cứu rồi.”
“Anh nghĩ vậy à?”
“Heikichi không đề cập đến điều đó trong ghi chép của mình, nhưng ý tưởng ấy không hề phi lý. Nếu hung thủ phải ghép các phần cơ thể khác nhau thì các phần ấy sẽ bắt đầu thối rữa chỉ trong một ngày. Sẽ thỏa đáng hơn nếu hắn đem lại cho Azoth một cuộc sống mới. Tôi nghĩ hắn phải làm gì đó để duy trì nó, thậm chí chưa hẳn là hoàn hảo.”
“Heikichi tin rằng Azoth sẽ tồn tại mãi mãi, như Đệ tam Đế chế của Hitler.”
“Ông ta không nghiêm túc đến vậy,” tôi đáp. “Chậc, ông ta chỉ có thể thôi. Đó là một kẻ điên.”
“Đúng như vậy… Tôi có một ý khác, Kazumi ạ.”
“Gì vậy?”
“Toàn bộ câu chuyện của Heikichi là một sự hư cấu tuyệt vời.” “Không. Tôi không nghĩ vậy. Nghe không khả thi.”
“Thật ư? Tại sao anh lại nghĩ vậy?”
“Bởi vì chắc chắn phải có gì đó liên quan đến kinh tuyến 138o48’ Đông.” “Ý anh là sao?” Kiyoshi hỏi.
“Chậc,” tôi đáp lại, “nói thế này có vẻ hơi ngoài lề, nhưng Heikichi không phải là người duy nhất có ý tưởng này trong đầu. Nhà văn bí ẩn Seicho Matsumoto cũng từng viết về nó trong cuốn Kinh tuyến 139 độ Đông. Chắc anh không hay đọc tiểu thuyết bí ẩn như tôi. Anh đã nghe nói đến chưa?”
“Chưa.”
“Chà, dường như nó hỗ trợ cho quan điểm lịch sử của Heikichi. Anh nghe nhé, ở Nhật thời xưa có hai kỹ thuật dự đoán số mệnh - kiboku và rokuboku. Giới đồng cốt dùng mũi xiên nhọn đâm vào những chỗ lõm trên xương bả vai của hươu, sau đó hơ trên lửa để những chỗ lõm đó rạn nứt ra. Họ đọc những vết rạn để tiên đoán về công việc săn bắn và mùa màng mỗi năm; cách đó gọi là rokuboku. Về sau, họ dùng mai rùa thay cho xương hươu, bởi vì rùa dễ bắt hơn, và phương pháp này gọi là kiboku.”
“Nào, chỉ có hai nơi ứng dụng kiboku. Một là đền Yahiko, gần biển Nhật Bản. Nơi còn lại là đền Shirahama trên bán đảo Izu, gần Thái Bình Dương, thẳng về hướng nam của Yahiko. Giữa hai ngôi đền này là ba ngôi đền khác: Đền Nukisaki ở tỉnh Gumma, đền Mitake và Akiru đều ở Tokyo. Năm ngôi đền này tọa lạc trên một trục bắc nam ở kinh tuyến 139o Đông, đây là những nơi duy nhất thực hiện kikobu và rokuboku.”
“Oa!”
“Và đã có người phát hiện ra các chi tiết rất thú vị này, trong tiếng Nhật Bản xưa, khi anh phát âm các số 1, 3 và 9, âm phát ra là hi, mi và kokonotsu, viết tắt là ko. Ghép lại với nhau, anh có ‘Himiko’, nữ hoàng huyền thoại của
Nhật Bản!”
“Rất tuyệt vời. Nhưng đó thuần túy là một sự trùng hợp, phải không? Khái niệm kinh độ và vĩ độ dựa vào khoa học hiện đại, với điểm gốc nằm ở Greenwich tại Anh. Mặt khác, nữ hoàng Himiko giả định kia đã 2.000 năm tuổi. Có thể chẳng hề có mối liên hệ nào giữa hai bên.”
“Matsumoto không bàn luận chi tiết đó. Nhưng căn cứ vào thực tế rằng Himiko là một thầy phù thủy thì tôi dám nghĩ điều này hoàn toàn có khả năng. Tôi nghĩ bà ấy hẳn phải áp dụng cả kiboku và rokuboku suốt thời Đế chế Yamatai.”
“Ý anh là Đế chế Yamatai nằm trên kinh tuyến 139o Đông ư?” “Không, nhưng theo truyền thuyết thì triều đại hậu Yamatai đã rời, hoặc bị buộc phải rời tới khu vực đó. Theo cuốn sách sử Trung Hoa viết vào giữa thế kỷ thứ 3, gia tộc Yamatai sống ở Kyushu. Không có chi tiết gì nói về gia tộc Yamatai trong bất kỳ tài liệu nào của Nhật Bản, chỉ nói về Đế chế Yamatai được hình thành vào thế kỷ 8 thôi. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với Yamatai. Có người nói nó bị tiêu diệt bởi thế lực đối kháng là Kuna hoặc bởi một bộ tộc từ Hoa lục đến. Heikichi là người theo quan điểm sau. Các nhà sử học nghĩ rằng Đế chế Yamatai bị hủy diệt hoặc sát nhập với chính quyền trung ương.”
“Theo tiểu thuyết của Matsumoto, chính quyền ép nhóm dân Yamatai, kể cả hậu duệ của nữ hoàng Himiko, phải di chuyển sang phía đông. Chính sách này ít nhiều được phản ánh ở thời kỳ Nara, khi chính quyền quyết định rằng Kanto ở đông Nhật Bản - bao gồm Kazusa, Kozuke, Musashi và Kai - là nơi bố trí dân tị nạn Triều Tiên. Matsumoto nghĩ rằng gia tộc Yamatai có thể là trường hợp đầu tiên bị cưỡng bức di trú trong lịch sử Nhật Bản. Thú vị đấy chứ, phải không?”
“Hừm.”
“Chúng ta hãy quay trở lại với bí ẩn về kinh tuyến 139o Đông, điều rõ ràng cũng thu hút trí tưởng tượng của Matsumoto. Như tôi đã nói, có năm ngôi đền dọc theo đường chạy dọc từ Yahoko đến Shirahama, và rất gần kinh tuyến 138o48’ Đông mà Heikichi đã nhắc đến trong ghi chép của mình. Đường này có vẻ là trung tuyến giữa kinh tuyến 124o Đông - nơi có quần đảo Sakishima của Okinawa - và kinh tuyến 154o Đông, nơi có đảo Shiashkotan - liền kề với Kharimkotan - được ông ấy xem là điểm cực đông của Nhật Bản. Chúng ta không biết liệu các nhà tiên tri ngày xưa có cố tình chọn trung tâm của đất nước làm nơi thực hiện những lời tiên tri của mình không, nhưng cho đến giờ ý tưởng của Heikichi không hoàn toàn vô lý.”
“Không, rõ ràng là không hề.”
“Còn cuốn tiểu thuyết Chiều khóa vàng của Akimitsu Takagi nữa.” “Cũng nói về chính kinh tuyến này à?”
“Chà, hơi phức tạp một chút. Tiểu thuyết tập trung vào quá trình suy tàn của Thời đại Edo[7]. Hai đại thần chịu trách nhiệm chính về sự suy tàn này là Katsu Kaishu và Oguri Kozukenosuke. Katsu là người thận trọng thuộc phe chủ hòa, còn Oguri thuộc phe chủ chiến sẵn sàng tấn công các lực lượng liên minh của Satsuma và Choshu bất kể quân đội Edo bấy giờ đã rất suy yếu. Sự thận trọng của Katsu thắng thế, nhưng sau này một vị tướng của Satsuma là Saigo Takamori khi biết được chiến lược của Oguri đã rất khiếp hãi. Chiến lược của Oguri như thế này: Edo sẽ rút quân lui về Hakone và Odawara, để dụ các lực lượng liên minh tiến về phía đông ở bờ biển Tokaido. Tại Hakone, quân Edo đã bố trí sẵn nhiều chiến thuyền hiện đại gần bờ biển. Edo sẽ phản công và đẩy kẻ địch lui về Okitsu, một thị trấn nằm trên một rẻo đất hẹp giữa một gờ núi và biển. Lực lượng liên minh sẽ không còn chỗ ẩn nấp khi các tàu chiến của quân Edo tấn công.
“Tướng quân Tokugawa Yoshinobu tỏ ra do dự, cho nên đề xuất của Oguri không được thực hiện. Nếu kế hoạch đó được triển khai tiến hành, biết đâu chính quyền Edo có thể đã bảo toàn được thể chế của mình. Nhưng đây tôi không nói về bài học lịch sử. Xét từ góc độ địa lý, các thị trấn Hakone và Okitsu cách kinh tuyến 138o48’ Đông một khoảng cách như nhau về hai hướng đông và tây. Tương tự, làng Gonda, nơi Oguri chào đời, nằm ngay kinh tuyến 138o48’ Đông. Sau này, Oguri bị liên minh bảo hoàng bắt, chặt đầu và mai táng - tất cả đều tại kinh độ 138o48’ Đông. Tiểu thuyết cũng kể chuyện trước khi thất thủ Oguri đã kịp chôn cất một lượng lớn của cải của chính quyền Mạc phủ trên núi Akagi, ở kinh độ 139o12’ Đông. Akimitsu nói rằng Oguri lựa chọn chắc chắn phải là đâu đó giữa Matsuida và Gonda. Nếu tác giả đúng thì nơi đó phải rất gần kinh độ 138o48’ Đông.”
“Mọi sự trùng hợp chưa dừng ở đó, phải không?”
“Không, chưa hề. Akimitsu cũng mô tả việc Nhật Bản do lo ngại quân đội Mỹ sớm sẽ đổ bộ nên đã lên kế hoạch di chuyển tổng hành dinh quân sự từ Tokyo về Matsushiro, miền nam Nagano, vào giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ hai. Matsushiro nổi tiếng với trận Kawanakajima[8], nơi hai phe tham chiến do Takeda Shingen[9] và Uesugi Kenshin[10] chỉ huy đã đánh một trận đẫm máu. Nhờ sức mạnh quân sự cùng một chút may mắn, Takeda đã chiến thắng. Chính phủ Nhật Bản vốn biết mình đang chiến đấu ở thế đường cùng nhưng vẫn hy vọng sẽ có được may mắn như Takeda. Họ hy vọng quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển Kujukurihama và vịnh Sagami để chiếm khu vực Kanto trước, sau đó đưa quân lên đất liền để tấn công tổng hành dinh của Nhật tại Matsushiro. Giới quân sự Nhật hy vọng ngăn chặn việc này bằng cách bố trí một vài đơn vị dọc đường Nakasendo, nằm giữa Annaka và đèo Usui, nơi dự kiến sẽ diễn ra trận đánh ác liệt nhất. Mà thôi, mấu chốt tôi đang cố gắng đi đến là thế này: Matsuida nằm giữa Annaka và đèo Usui dọc
vĩ tuyến 138o48’ Đông.”
Đây đúng là một bài thuyết giảng huyên thuyên dông dài, nét mặt đờ đẫn của Kiyoshi đã nói lên điều đó. “Chậc, chắc khám phá khu vực đó sẽ thú vị lắm,” cậu lơ đãng nói.
“Thực tế đã có vài người khám phá hiện trường. Họ coi đấy như là một trong những trục thắng tích của nước Nhật.”
“A, trục thắng tích à? Giống trục thắng tích ở Anh quốc phải không?” “Vậy là anh cũng đã nghe nói đến nó à?”
“Phải, dĩ nhiên rồi. Trục thắng tích là hiện tượng các địa danh cổ xưa nằm trên cùng một đường thẳng.”
“Chà, chúng ta cũng có hiện tượng tương tự tại Nhật Bản. Chẳng hạn, dọc vĩ tuyến 34o32’ Bắc, có nhiều đền thờ và địa danh cổ xưa sắp thành một đường thẳng chạy dài 600 km.”
“Hừm.”
“Cũng như vậy, ở đông bắc Hoàng cung tại Tokyo, có những đền thờ sắp thành một hàng, gồm Yasaki Inari, Hie, Ishihama và Tenso. Đây mới là chỗ bắt đầu thấy thú vị: có vài ngôi đền thờ các vị thần liên quan đến kim loại tọa lạc trên một đường bắc-nam nối Tsurugaoka Hachimangu ở Kamaruka và Toshogu ở Nikko.”
“A ha!”
“Người Nhật cổ, cũng như người Anh xưa, hẳn phải có một kiểu lý thuyết địa lý riêng để bố trí các thánh địa của mình.”
“Lão Heikichi điên rồ hẳn phải biết tất cả những điều đó.” “Tôi đoán như vậy. Mà này, tôi nghĩ giờ tôi đã giải thích với anh tất cả mọi điều tôi biết về vụ việc rồi. Cùng với bằng chứng mới từ bà Iida, bây giờ tất cả những gì anh phải làm là giải quyết ba vụ việc…”
Quý vị có thể thắc mắc rằng điều gì khiến chúng tôi nghiêm túc với vụ án hoàng đạo đến vậy. Chà, mọi nguyên nhân bắt nguồn từ chuyến ghé thăm của một phụ nữ có tên Misako Iida. Vào một ngày đẹp trời, bà đến văn phòng gặp Kiyoshi.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Kiyoshi có nhiều khách hàng. Văn phòng của cậu luôn vắng vẻ, trừ khi sinh viên lớp chiêm tinh đến học. Nhưng cũng có một số khách hàng, chủ yếu là nữ giới, được bạn bè giới thiệu đã tới nhờ cậu đoán vận mệnh. Bà Iida là một trong số đó. Nhưng đề nghị của bà lại rất, rất khác thường.
“Chuyện này có thể rất lạ lùng…” Bà chậm rãi bắt đầu. “Tôi đến đây thực ra không phải để coi bói dù điều đó có thể giúp tôi một chút. Tôi đến vì chuyện chẳng liên quan đến tôi, mà là chuyện của cha tôi.”
Trông bà hết sức nghiêm túc. Kiyoshi vẫn ngồi im lìm như đang câu cá trong hồ. Cậu lộ vẻ uể oải, chẳng buồn khích lệ khách hàng nói tiếp, nhưng
lại chờ bà lên tiếng. Giống như khoảng lặng lúc bạn châm một điếu thuốc, đợi cho người đối diện tiếp tục nói. Nhưng Kiyoshi lại là người cực lực phản đối thuốc lá, nên cậu chỉ ngồi ngây như phỗng.
“Xin nói thật với ông,” bà Iida tiếp tục, “Lẽ ra tôi nên báo việc này với cảnh sát, nhưng tình thế không cho phép chúng tôi… Ông Mitarai, ông còn nhớ cô Mizutani không? Tôi tin cô ấy đã tới gặp ông khoảng một năm trước.”
“Cô Mizutani à…?” Mắt Kiyoshi chớp lia lịa. “Ồ, vâng. Cô ấy đến chỗ chúng tôi vì bị mấy cú điện thoại quấy rầy.”
“Chà, cô ấy là bạn của tôi. Cô ấy kể với tôi rằng ông cực kỳ có tài, không chỉ là thầy bói mà còn là một thám tử. Cô ấy thật sự ngưỡng mộ ông.” “À…” Kiyoshi tự cho phép mình phổng mũi.
Ngừng lại một lúc, bà Iida đột ngột nói, “Tôi xin phép hỏi tên của ông có được không, ông Mitarai?”
Kiyoshi vô cùng bất ngờ trước câu hỏi, đó là câu cậu rất ghét nghe. “Có mối liên hệ nào giữa tên của tôi và câu chuyện của bà ư?” Cậu nhướng mày. “Không, chỉ có điều cô Mizutani thắc mắc tại sao chẳng bao giờ thấy ông nhắc đến tên của mình.”
“Bà Iida, có phải bà đến đây chỉ để hỏi tên của tôi?”
“Là Kiyoshi,” tôi xen vào rất nhanh. “Kiyoshi Mitarai. Theo Hán tự tên anh ấy là Thanh Ty, nghĩa là ‘cầu tiêu sạch’. Tôi nói nghiêm túc đó!” Mặt Kiyoshi bực bội thấy rõ.
Bà Iida nhìn xuống một lát, cố gắng nén tiếng cười. “Ồ, thật khác thường!” Bà thốt và ngước nhìn lên. Hai gò má ửng đỏ.
“Người đặt tên cho tôi có khiếu hài hước khác thường.” Kiyoshi đáp lại lập tức.
“Là cha ông à?”
Nét mặt Kiyoshi càng thêm u ám. “Vâng. Ông ấy trả giá cho điều đó bằng việc qua đời rất sớm.”
Lại im lặng một lúc nữa, nhưng lớp băng dường như đã bị phá tan. Với khả năng diễn đạt trôi chảy, bà Iida bắt đầu kể. “Câu chuyện có một số chi tiết đáng hổ thẹn đối với cha tôi. Ông qua đời tháng trước, và tôi sợ rằng mọi việc có thể biến thành trách nhiệm hình sự nếu giới trức bắt đầu hỏi đến sự liên can của ông. Chồng và anh trai tôi có thể cũng gặp rắc rối to vì họ là sĩ quan cảnh sát như cha tôi. Tôi không có ý nói rằng cha tôi là tội phạm. Ông là một con người trung thực. Cha tôi nhiều lần được cơ quan tuyên dương và khen thưởng, thậm chí khi ông về hưu, cơ quan tổ chức một bữu tiệc tri ân rất hoành tráng để chia tay. Cha tôi luôn đúng giờ và mẫn cán, chưa bao giờ vắng mặt ở văn phòng dù chỉ một ngày. Tuy nhiên, tôi tình cờ phát hiện một sự kiện rất tệ mà cha tôi có can dự cách đây một thời gian dài.”
“Tôi tự nguyện tìm đến đây. Chồng tôi là một người khá bảo thủ, giống như cha tôi, nhưng anh trai tôi thì không. Anh ấy sống khá hướng nội và lạnh lùng, mà cũng rất bốc đồng. Cứ nghĩ đến những gì cha tôi đã phải trải qua, tôi không tài nào để anh ấy xử lý việc này được. Vấn đề bản thân nó đã quá tồi tệ rồi. Nếu ai đó có thể giải quyết hết ráo mà không làm tổn hại danh dự của cha tôi thì sẽ là điều tốt nhất cho tất cả.”
Iida ngừng lại, hít một hơi thật sâu.
“Cha tôi bị tội phạm lợi dụng,” bà tiếp tục. “Tôi tin chắc ông đã nghe nói về Tokyo hoàng đạo án, một vụ án giết người hàng loạt xảy ra trước Chiến tranh Thế giới thứ hai.”
Kiyoshi nói cậu không hề hay biết vụ đó, làm bà Iida phải nhìn chằm chằm vào cậu với ánh mắt kinh ngạc. Bà không thể tin được, tôi cũng vậy. Vụ án không chỉ rất nổi tiếng mà còn liên quan đến chiêm tinh học.
“Tôi hiểu,” bà nói vẻ miễn cưỡng. “Vậy tôi sẽ kể cho ông nghe, được không ạ?”
Bà bắt đầu thuật lại câu chuyện về cái chết của Heikichi, nhưng tôi ngắt lời, nói rằng tôi biết khá rõ sự vụ và sẽ kể mọi chi tiết cho Kiyoshi sau. Iida nhất trí và chỉ nói khái quát câu chuyện.
Sau cùng bà thêm, “Tên thời con gái của tôi là Takegoshi. Tôi là con gái của Bunjiro Takegoshi, cha tôi sinh ngày 23 tháng Hai năm 1905. Khi ông Umezawa bị giết, cha tôi chỉ mới 31 tuổi và đang làm việc tại đồn cảnh sát Takanawa. Khi đó cha mẹ tôi mới sinh anh trai tôi, còn tôi chưa ra đời. Gia đình tôi sống ở Kaminoge khi cha tôi bắt đầu tham gia vụ án.”
“Sau ngày cha qua đời, tôi dọn dẹp giá sách và tình cờ thấy phần ghi chép này. Đây là thủ bút của chính cha tôi ghi trên giấy văn phòng chính thức, loại dùng cho các thanh tra thuộc sở cảnh sát. Đọc nó mà tôi vô cùng choáng váng, không thể tin rằng cha tôi lại làm một việc như vậy. Ông ấy vốn là một người rất ngay thẳng, bảo thủ. Hẳn ông đã phải chịu đau đớn khủng khiếp, tôi cảm thấy rất thương ông… Tôi quyết định phải làm gì đó. Trong phần ghi chép, cha tôi thú nhận lỗi lầm của mình, điều mà dĩ nhiên chẳng sĩ quan cảnh sát nào muốn mắc phải cả. Đó là lý do tôi có mặt ở đây. Xin ông hãy giải quyết vụ này để cha tôi có thể an nghỉ, được không? Phần ghi chép đó đây. Xin hãy đọc nó. Ông sẽ thấy rằng cha tôi chết trong hối hận, giận dữ và hổ thẹn… Nếu không thể giải quyết được hoàn toàn, ít nhất ông cũng cố gắng tìm ra một lời giải thích thỏa đáng cho sự can dự của cha tôi, được không?”
“Tôi hiểu,” Kiyoshi trả lời, chẳng nói gì thêm nữa.
Về phần tôi, không có từ nào diễn tả được sự phấn khích trong tôi. Tôi cảm tạ Trời Phật đã để cho mình quen biết Kiyoshi Mitarai. Tiễn bà Iida về rồi, chúng tôi cẩn thận đọc phần ghi chép của cha bà ấy.
Giải lao: Lời thú nhận của một cảnh sát
Lời thú nhận cuối cùng
Ba mươi tư năm phục vụ trong ngành cảnh sát chẳng để lại gì ngoài sự đau đớn. Tôi có bằng khen lồng khung kính và tước hiệu của một sĩ quan cảnh sát, nhưng chúng chỉ là những mảnh giấy vô nghĩa. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình là nạn nhân. Khi nỗi đau càng sâu thì người ta càng muốn che giấu nó. Tôi tin chắc tôi không phải là người duy nhất phải gánh chịu. Sự thật trần trụi thường được che giấu bằng những nụ cười giả tạo.
Khi tôi chấp nhận nghỉ hưu non ở tuổi 57, thuộc cấp của tôi đều không thể tin nổi. Một số anh em còn nghĩ rằng nguyên nhân chính là sức hấp dẫn của khoản lương hưu tăng đến 50%, nhưng đâu phải như vậy; cũng chẳng phải tôi không còn hứng thú với công việc của mình. Tôi chấp nhận trả giá bởi vì tôi muốn từ bỏ hết. Tôi chờ đợi ngày về hưu của mình như thiếu nữ mơ đến ngày vu quy.
Tôi biết rằng viết một bản thú nhận là rất mạo hiểm, nhưng “sự cố đó” luôn luôn ám ảnh tâm trí tôi trong suốt những năm qua. Tôi sẽ không thể thanh thản nhắm mắt xuôi tay nếu không chấm dứt nó. Bởi vậy tôi viết ra, dẫu biết rằng mình có thể thiêu hủy phần ghi chép này bất kỳ lúc nào.
Tôi luôn hoảng sợ. Địa vị càng cao thì tôi càng hoang tưởng. Khi con trai tôi bắt đầu bước lên nấc thang thành đạt cũng với tư cách một cảnh sát thì tôi gần như không thể chịu đựng nỗi sợ hãi của mình. Tôi không còn đường thoát. Nếu tôi bỏ việc, đồng nghiệp của tôi sẽ nghi ngờ. Nếu như mọi sự vỡ lở tôi sẽ bị bắt giữ ngay lập tức. Việc tôi từ chức cũng sẽ không thay đổi được tình thế của con trai tôi.
“Sự cố” mà tôi nhắc đến chính là vụ giết người hàng loạt ở gia đình Umezawa. Sau chiến tranh, giới tội phạm hoành hành dữ dội ở Nhật Bản. Ngày càng nhiều những vụ án kiểu này xảy ra ở vùng nông thôn và cũng nhiều trong số đó không bao giờ tìm ra lời giải. Vụ Umezawa do đồn cảnh sát Sakuradamon phụ trách điều tra. Lúc đó, tôi là chánh thanh tra tại đồn Takanawa. Thời ấy, thanh tra cảnh sát được khen thưởng tùy vào số lượng đối tượng tình nghi mà họ đưa ra truy tố. Tôi đủ xuất sắc để được thăng là chánh thanh tra ở tuổi 30. Tôi đã mua một căn nhà ở Kaminoge và sống cùng vợ với con trai đầu lòng của chúng tôi. Một cuộc sống mới tràn trề hy vọng đang trải ra trước mắt. Nhưng sau đó, tôi bất ngờ vướng vào một biến cố kinh khủng. Tôi vẫn còn khá do dự khi nhắc tới chuyện này, nhưng tôi phải dũng cảm thôi.
Khi tôi còn là một tranh tra cảnh sát trẻ, thỉnh thoảng tôi thức dậy sớm hơn vợ mình, đi làm và trở về nhà sau khi cô ấy đã đi ngủ. Vào thời điểm xảy ra biến cố, tôi được bổ nhiệm làm trưởng phòng, cho nên tôi đến nhiệm sở lúc 6 giờ sáng và trở về nhà sau 7 giờ tối một chút trên cùng một lộ trình.
"""