🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Thời Trung Cổ Ebooks Nhóm Zalo Thời trung cổ Lời mở đầu Hoàn cảnh Nhà cửa Đồ đạc trong nhà Trang phục Ăn uống Ngày trời Năm tháng Sinh nở Giáo dục Hôn nhân Bệnh tật và chết Kết luận Lời mở đầu Ta gọi Trung Cổ để chỉ cái thiên niên kỷ mở đầu vào khoảng năm 500 đến khoảng năm 1500, tức là từ những cuộc xâm lược của người dã man cho tới sự tan rã của Đế chế La Mã phương đông sau khi quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Constantinople (1453), chấm dứt sự tồn tại của Byzance, sự hóa thân, sống sót cuối cùng của Đế chế La Mã. Mười thế kỷ ấy đánh dấu sự cáo chung của thế giới cổ đại, chứng kiến sự hình thành của châu Âu, và khi chúng kết thúc, thì phần lớn các quốc gia hiện đại, có tên và ngôn ngữ riêng, đã định hình, cùng gắn chặt với nhau bởi một quá khứ lịch sử đặc biệt. Gọi là Trung Cổ, vì nó là thời kỳ chuyển tiếp giữa Romania và châu Âu. Thời kỳ này đã để lại biết bao di tích và tài liệu, được các nhà sử học ưu tú nghiên cứu kỹ, song công chúng còn ít biết. Người ta sẽ không nghe thấy nữa những từ như “những cuộc khủng bố kinh hoàng của năm 1000” hoặc “đêm dài Trung Cổ”, nói vậy là vô nghĩa. Chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra. Đế chế La Mã đã từng là một sáng tạo chính trị tuyệt vời. La Mã, một thành phố nhỏ, sau khi xâm chiếm các vùng lân bang, trong vài thế kỷ đã mở rộng sự thống trị lên tất cả các lãnh thổ ven bờ Địa Trung Hải, thậm chí sang cả vùng cực tây của châu lục. Đặc trưng của La Mã là trật tự, kỹ thuật, tổ chức, pháp luật, nhưng đã thu nhận văn hóa và nghệ thuật của Hy Lạp vào văn hóa và nghệ thuật của mình, và đã biến nhân dân tự do trên các vùng lãnh thổ, thành thành viên của một nhà nước chung có quyền công dân đầy đủ từ năm 212, mà họ rất tự hào từ nay được gọi là Romania. Ở điểm tuyệt đỉnh ấy, nền văn minh của La Mã - dựa vững chắc trên nền một chế độ nô lệ được nuôi dưỡng bằng chiến tranh và thương mại - rất huy hoàng và mang tính đô thị. Khắp nơi các thành phố do nó tạo ra hoặc mở rộng, theo kế hoạch và phong cách của mình đều mỹ lệ: những công trình bằng đá hoặc gạch, lợp ngói, những công trình nghệ thuật, đền đài, giảng đường, nhà tắm công cộng, quảng trường trang trí tượng đài, đài phun nước - nước được đưa đến bằng cầu máng hẳn hoi. Những thành phố ấy được nối với thành phố Mẹ và giữa chúng với nhau bằng đường sá vững chãi, thuận tiện cho buôn bán và đi lại, vì La Mã có nền trật tự hoàn hảo, giữ yên bình và an toàn ở khắp nơi. Vì thế, dân các vùng lân cận đổ về, người giàu xây dựng các lâu đài .Thương nhân Syrie và Do Thái đến, mang hàng hóa nhập từ châu Á và châu Phi, cả các vật phẩm xa xỉ, hương liệu, lụa là… Trẻ con học đọc, học viết trong trường. Thanh niên con nhà khá giả có các thầy dạy văn phạm, văn học, nghệ thuật hùng biện, tiếng Hy Lạp, luật... để chuẩn bị lập nghiệp. Giới quý tộc giàu có, học thức thì đi du lịch, làm các chức vụ cao trong thành phố mình hoặc ở nơi khác. Dân chúng hưởng các thú vui nhà tắm công, công viên, các cuộc vui công cộng (do các quan chức tổ chức, rất tốn kém, các trò xiếc (thường rất tàn bạo), chạy thi, kịch câm… ). Các vùng nông thôn, nhất là những vùng phía Tây mới chiếm, ít bị ảnh hưởng bởi nền văn minh đô thị. Dân cư gồm nông dân, phần lớn gốc gác từ lâu đời, với một số trung và tiểu chủ (đại địa chủ thì ở thành phố), và nhất là nô lệ ở các trang trại lớn. Đời sống nông thôn ở từng nơi vẫn theo tập tục có từ thời cổ xưa, có khi từ hàng ngàn năm trước, về nhà ở, ăn uống, trang phục, kỹ thuật, các quan hệ gia đình và xã hội, tín ngưỡng, hình thức thừa kế. Những vùng này của châu Âu tương lai đã có người ở từ rất lâu. Ở đây người ta đã săn bắn từ hàng chục thiên niên kỷ. Nhiều cuộc khai quật cho biết trong hàng chục thế kỷ qua đã có nhiều nhóm người đến đây. Và từ thiên niên kỷ thứ 2 hai trước Công nguyên, có những nhóm từ các ông tổ khác nhau, đã sống quần cư ở trung tâm châu lục lâu đời nên đã dùng chung ngôn ngữ và có văn hóa chung. Người La Mã gọi họ là Celtes hoặc Gaulois. Họ đặc biệt đông đúc ở phía Tây, nên nơi này được gọi là Gaule. Ở đây họ hòa nhập với thổ dân, truyền ngôn ngữ cho thổ dân. Văn minh của họ độc đáo: đàn ông để tóc dài, mặc áo màu, quần braies (loại quần của người Bắc Âu), tất cả đều được truyền tới các hậu duệ thời Trung Cổ. Kỹ thuật của họ cao hơn kỹ thuật của dân vùng Địa Trung Hải: trong khi dân vùng Midi[i]chỉ làm được những vò nặng, dễ vỡ, họ đã đóng được chậu và thùng tô-nô bằng gỗ, họ canh tác bằng cày (không phải bằng cày chìa vôi), thợ binh khí của họ biết rèn kiếm dài và làm các áo giáp lưới sắt. Theo các nhà địa lý cổ, đất Gaule này là một xứ rất đẹp, có nhiều biển bao bọc, có địa thế núi non chia thành nhiều vùng nhỏ, mỗi vùng đều có tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và dễ thông thương với nhau: rất thuận cho sự cư trú các bộ tộc vừa có họ hàng với nhau, vừa giữ được cá tính của mình. Lúc La Mã chinh phục xứ Gaule thì ở đây đã có khoảng một trăm ''quốc gia'', mỗi đơn vị có tên riêng, có một trung tâm nhỏ tương ứng với cái ngày nay ta gọi là tỉnh, có đặc tính riêng vẫn tồn tại với thời gian. Sống chung quanh Đế chế La Mã là những rợ láng giềng nguy hiểm, vì họ đều thèm muốn sự giàu có của Đế chế, và vì cướp bóc vẫn là cách làm giàu thông thường của họ. Ví như ở phía đông và phía bắc, là rợ German, mà theo Polybe, rợ này “chỉ biết có chiến tranh và làm ruộng, của cải duy nhất của họ là vàng và gia súc, những thứ này rất dễ mang đi khi cần di chuyển tùy theo ý thích hoặc hoàn cảnh. Sẵn sàng phân tán di cư, “vì đất của họ sản sinh ra số người nhiều hơn mức có thể nuôi”, do đó họ luôn đe dọa La Mã: La Mã không đánh thắng được họ trong rừng, đành tự bảo vệ bằng những phòng tuyến dọc theo biên giới bao gồm những vùng đất đai rộng lớn, chiêu mộ binh lính và dân cày ngay tại chỗ. Tình hình tạm ổn định, vì số dân này tỏ ra trung thành và ngày càng văn minh lên. Trong khi đó thì dân La Mã, do vui thú với cuộc sống dân sự, mất dần ý thức quân sự và giảm dần dân số. Nhiều hoàng đế có năng lực, đồng thời là tướng tài, đã duy trì được Đế chế, nhưng những người kế nghiệp gặp khó khăn hơn như ta thấy trong khoảng ba chục năm của thế kỷ III. Thế là giặc rợ ồ ạt tràn vào chém giết, phá phách, cướp bóc. Nhiều thành phố vội vã phá tan vùng ngoại vi để xây thành lũy bảo vệ trung tâm. Một phần dân chúng chạy trốn, một phần ở lại. Ta còn tìm thấy,những kho báu chôn dọc đường họ trốn chạy. Các cuộc xâm lược nói trên, nhất là ở thế kỷ V, gây nên sự di chuyển lớn về dân cư; giới quý tộc giàu có, có khả năng tự nuôi sống và tự bảo vệ trong các dinh cơ mênh mông của mình lại trở về, kéo theo đám đông dân chúng về sống cạnh họ. Như vậy hàng nghìn làng đã hình thành thường là trên các vị trí dễ phòng thủ - phần lớn chúng vẫn còn tồn tại đến nay. Ở châu Á, nhiều đội quân xâm lược khác lại rục rịch. Để phòng giặc, số dân German đã xin nhập vào Đế chế. Đế chế không đẩy lùi được họ, đành chấp nhận. Họ đông tới hàng chục ngàn người, các đại địa chủ La Mã phải chia xẻ nhà cửa, đất đai với họ. Sự sống chung tạm ổn, và được chế định bằng pháp luật, thủ lĩnh của rợ được Hoàng đế phong cho một chức vị chính thức, và giữ quyền cai quản người của mình. Thế là bắt đầu hình thành những vương quốc của người rợ, về sau có quyền uy cả với người La Mã. Tuy nhiên, Đế chế vẫn là một lý tưởng mơ ước được phục hồi: vào lễ Giáng sinh năm 800, tại La Mã, giáo hoàng cử lễ phong Charlemagne làm Hoàng đế... Các thủ lĩnh ngoại lai có những vương quốc được coi là sở hữu riêng, lúc này chưa có khái niệm Nhà nước. Trong nhiều thế kỷ, châu Âu chịu hậu quả tai hại của quan niệm này: con cái chia nhau gia tài. Vua chọn trong số các thành phố một nơi để ở hàng năm hội họp triều đình và quần thần. Họ thường thích ở trong lâu đài bằng gỗ, gần những khu rừng có nhiều thú săn. Các quan to cũng vậy. Vậy là giới quý tộc của La Mã và của dân man di lại cùng trở về nông thôn, nơi từ nay giới quan chức sinh sống. Họ quan hệ với nhau, con cháu họ lấy lẫn nhau. Dân man di bắt chước các lề thói của ngươi La Mã, và ngược lại, trong nhiều thế kỷ, săn bắn trở thành thu tiêu khiển lớn của giới quý tộc. Người La Mã, nhất là ở vùng Midi đôi khi được cử làm cố vấn hoặc quan hành chính cho các vua. Vì vậy vùng này sẽ là nơi có luật thành văn, còn miền Bắc vẫn sống theo tập tục. Ở các thị trấn, bị thu hẹp va bị nghèo đi, còn có một nhân vật mới quan trọng: ngài giám mục. Từ thế kỷ IV, khi Hoàng đế quy theo đạo Cơ đốc và đạo này được công nhận là đạo duy nhất, mỗi thành phố có giám mục riêng, và phải nhờ giám mục mới tồn tại được. Giám mục thường xuất thân từ gia đình khá giả, được dân chúng bầu ra và tôn vinh. Giám mục là người có khả năng tổ chức biết cách tiếp tế cho người nghèo, đối đầu với quân xâm lược, kể cả bằng quân sự trách nhiệm lớn của giám mục là tổ chức Giáo hội của mình, thu hút các thủ lĩnh man di tới nhận lễ thánh và từ đó bắt đầu khai hóa họ. Phải huấn luyện giới tăng lữ để đọc kinh: Thành phố có giám mục trở thành một trung tâm tôn giáo, nơi bảo tồn tri thức và nghệ thuật: nhiều thợ kim hoàn, thợ thêu, họa sĩ... phục vụ Giáo hội và triều Đình. Ở các thế kỷ đầu, giáo sĩ mới đi truyền giáo ở các thành phố, nên nông thôn chưa Cơ đốc hóa. Từ nông dân (paganus) có nghĩa là không tôn giáo (païen). Các giám mục, ví như thánh Martin (mà phần mộ ở Tours, sau này trở thành một nơi hành hương đông đúc), đi về các thôn xóm giảng đạo, làm lễ thánh. Các dinh cơ lớn xây nhà thiêng của mình, sau này thành nhà thờ xứ. Và tu viện mọc lên khắp nơi. Những tu sĩ Cơ đốc đầu tiên là những ẩn sĩ trong các sa mạc Cận Đông và Ai Cập, dần dà được nhiều môn đồ đến thụ giáo. Cassien đem giáo lý của họ tới miền nam xứ Gaule, giảng dạy tại Lérins, Marseille, Arles... Thánh Patrice từ Anh tới, học để trở thành người truyền giáo của Ireland. Ở châu Phi, giám mục thánh Augustin tập hợp được một cộng đồng sống theo quy tắc, sau này thành mẫu mực. Ở Ý, thánh Benoît, thảo ra quy tắc của dòng thánh Benoît rất hay, được toàn giới Cơ đốc giáo sao chép trong nhiều thế kỷ. Những người quyền thế sẵn sàng cho một kẻ sùng đạo nào đó một mảnh đất hoang để xây dựng. Chẳng bao lâu dân cư tụ tập quanh các thày dòng và thế là một làng Cơ đốc giáo hình thành. Sự lan tràn của các tu sĩ trùng hợp với những thời kỳ khắc nghiệt nhất của thời Trung Cổ. Nhưng ngay trong thời đại khó khăn, dân chúng trở lại hưởng thụ thú vui cuộc sống. Từ thế kỷ VII, dân số tăng theo nhịp độ ngày càng nhanh và tăng gấp ba lần từ thế kỷ Xđến thế kỷ XIII. Các đất đai bị bỏ hoang hoặc trở thành rừng rậm từ thời xâm lược, dần dần được đưa trở lại canh tác. Từ thế kỷ X, nhiều vùng đất lấn biển được tháo khô. Đặc biệt từ thế kỷ XII đến XIV, nhiều nương rẫy được khai thác, của cá nhân hoặc tập thể, nếu là của tập thể thì dưới dạng di dân với việc thành lập một làng do nhà, vua, một lãnh chúa, một giám mục quyết định (như những làng mang tên Villeneuve, ở vùng Midi thì mang tên Bastide)[ii]. Các thành phố ngày càng mở rộng. Thời kỳ này, có một loạt phát minh kỳ diệu tạo nên cuộc cách mạng sâu sắc nhất từ khi con người biết dùng lửa, tầm quan trọng của nó chỉ có thể so sánh với cuộc cách mạng công nghiệp sau này nhờ hơi nước và điện năng. Đó là việc con người chinh phục được năng lượng cơ học của loài vật, của gió và nước mà trước đó họ chưa biết sử dụng. Chế độ nô lệ, sau là nông nô, vốn là cần thiết cho sự phát triển kinh tế từ xưa, nay do chúng được năng lượng mới, sẽ dần tiêu vong. Từ thế kỷ VIII, người ta đã biết dừng bàn đạp ở yên ngựa để kỵ sĩ ngồi vững chắc, từ đó làm thay đổi cả chiến thuật chinh chiến. Cuối thế kỷ X, cải tiến cách đóng vai các súc vật kéo: ngựa, la, bò. Từ nay, khi cày ruộng hoặc kéo xe, bò được đóng ách trên cổ. Ngựa có vòng cứng tì lên vai, khiến chúng có thể sử dụng hết sức lực. Khi đóng chúng nối đuôi nhau, thì bốn con có thể làm công việc của một trăm người, lại quay ngoặt dễ dàng nhờ trục trước cơ động. Việc đóng móng ngựa và trâu bò bắt đầu phổ biến. Sắt vốn rất hiếm ở thời xâm lăng, nay nhờ các tu sĩ dòng Citeaux sản xuất tương đối dễ. Và từ thế kỷ XII, các làng đều có thợ đóng móng, ngoài móng ngựa còn làm cả lưới cày búa bổ củi, tạo nên những tiến bộ kỹ thuật lớn trong công việc đồng áng. Ngay trước năm 1000, đã có cối xay. Thời Cổ đại đã biết làm cối xay nước, nhưng số lượng rất ít, vì tốn kém, và lúc đó còn sử dụng sức của nô lệ. Hơn nữa, ngũ cốc thời đó quánh lại làm tắc thớt cối. Nhưng rồi lúa mì trồng nhiều, các lãnh chúa, rồi tu viện, cả dân nông thôn bắt đầu xây ngày càng nhiều cối xay, mới đầu là cối xay nước, rồi cối xay gió ở Normandie và miền Bắc, đỡ rất nhiều sức lao động, và làm nảy sinh những công nghệ mới. Nhờ sáng chế ra những bánh răng cưa và hệ thống khớp răng (bằng gỗ), người ta làm các cối xay để hút, đập, mài và nhiều máy móc, đồng hồ… Bên cạnh những phát minh lớn, có những sáng chế nhỏ hơn nhưng hiệu quả vô cùng lớn: xe cút kít, cái xa kéo sợi thay thế những cọc sợi cổ lỗ trước đó, khoan tay, bấc đèn. Nông thôn còn biết trồng những giống cây mới dùng làm thực phẩm và nhuộm, có năng suất cao hơn. Trong ngành hàng hải cũng có một cuộc cách mạng nhờ bánh lái hiện đại thay thế cho mái chèo mệt nhọc. Tàu thuyền nay có tầm vóc và trọng tải lớn hơn. Các loài buồm chão mới cho phép tầu đi ngược gió. Với máy đẳng cao[iii]và la bàn (sử dụng vào khoảng năm 1200) người ta có thể đi biển đường dài. Các bến cảng được cải tiến (cống chuyển dòng, ụ tàu), có thêm những cảng mới: Venise, Bruges. Giao thông đường biển có vai trò ngày càng lớn, mở ra những dự án thám hiểm thế giới… Sự phát triển ấy, có từ lâu trước năm 1000 trong một thế giới bị tàn phá, tan rã, thiệt hại nhiều của cải, là biểu hiện những nguồn nhân lực sâu xa của dân chúng nông thôn bám rễ từ lâu đời, và vai trò to lớn của Giáo hội đã mang lại đức tin, hy vọng, rao giảng nhân ái, trả lại giá trị và ý nghĩa cuộc sống. Qua các tu viện, Giáo hội đã trợ giúp xã hội một cách đắc lực, không chỉ bằng nhà cửa và bệnh viện, mà còn bằng sự nghiên cứu, chép truyền lại những văn bản mà những nhà tư tưởng cổ đại để lại. Bằng cầu nguyện và suy ngẫm, Giáo hội xây dựng nên mẫu người công giáo, mà toàn xã hội sẽ coi như mô hình trong một nền văn minh thực sự. Chính trong giới tu sĩ mà họ Carolingiens tuyển được những phụ tá cho công cuộc cải cách mà họ muốn tiến hành. Giới thày tu cũng tiến cử cho vua những thày giáo, những sử quan, thậm chí cả một quan nhiếp chính cho vương triều, trong thời gian một cuộc Thập tự chinh. Các tu sĩ không ngừng nhắc nhở các nhà vua rằng nhiệm vụ của vua là phải làm cho đất nước được thái bình trong công lý, họ cũng giúp vào việc khôi phục quyền lực chính trị có thể mang lại sự yên ổn cho dân chúng. Như vậy thì con người mới hưởng thụ thành quả lao động của mình, xã hội thì giàu lên, và nền văn minh nảy sinh từ sự phồn vinh sẽ nộ hoa kết trái. Hòa bình do nhà Carolingiens đem lại đã dẫn đến một sự phục hưng nhất định, nhưng lại bị cắt ngang bởi các cuộc xâm lăng của người Normands. Song phong trào lại tiếp tục, và thế kỷ XVII chứng kiến cuộc phục hưng thứ hai có tính lâu đài, về tất cả các mặt: người ta trở lại với luật La Mã, sáng tác các anh hùng ca, phát minh ra kiểu gân cung, và đảo lộn nền kiến trúc bằng “kiểu cách Pháp” mà đến thế kỷ XVIII người ta gọi nhạo là kiểu gô-tích - và bắt đầu biết làm kính ghép màu. Ở thế kỷ XIII, văn minh thời trung Cổ đã phát huy hết khả năng của mình, như vua Saint Louis cai trị nước Pháp trong công lý và cố gắng đem lại hòa bình trong đức tin - về sau Saint Louis chết trong cuộc Thập tự chinh (Joinville gọi là cái chết “tử vì đạo”) với việc xây dựng hàng loạt nhà thờ: Đức Bà Paris, Amiens, Reims và Chartres, Canterbury, Tolède, Upsal, Bamberg; như thánh François d’Assise tôn vinh nữ thần Nghèo khổ hoặc thánh Thomas d’Aquin, ở Paris, đã lồng triết học Aristote vào tư tưởng Cơ đốc giáo, hoặc như thánh Yves đã chứng minh dù hình thức thế nào, nếu không có trí tuệ sẽ không công lý. Những nhân vật sùng đạo nói trên đã thể hiện đến mức hoàn hảo lý tưởng của một thời, nêu lên những mô hình và những thần tượng, trong khi Dante đưa trọn trí tuệ và đức tin của mình vào tác phẩm văn học thiên tài: Hài kịch thần thánh… Trong cuốn sách nhỏ này, chúng ta sẽ đứng ở thời kỳ chín muồi này để có một cái nhìn khái quát về đời sống ở thời kỳ Trung Cổ. Chúng ta sẽ có một vài tham khảo ở các thế kỷ khác nhưng sẽ ghi ngày tháng đầy đủ. Bắt đầu từ thế kỷ XIV, trật tự tốt đẹp tan vỡ dần. Thói nhũng lạm của chủ nghĩa tư bản làm dấy lên sự nổi dậy của “người gầy” chống “người béo”. Rồi cuộc chiến tranh Trăm năm cuộc khủng hoảng quyết định của thế giới phong kiến, sự ra đời của những quốc gia hiện đại đưa máu và lửa lan khắp nước Pháp trong khi đạo Cơ đốc bị khủng hoảng vì cuộc Đại ly giáo. Dân chúng bị nạn Đại dịch và chiến tranh tàn sát, phải chịu nhiều thử thách nặng nề và thêm nuối tiếc thời hoàng kim của ông “vua hiền” Saint Louis. Hoàn cảnh Barbariansrome.jpg Ở thời Trung Cổ, hoàn cảnh tự nhiên đè nặng lên con người hơn bây giờ. Văn minh đô thị ngày nay đã giúp ta ''chiến thắng'' cái nóng và cái lạnh, chiến thắng bóng đêm, chiến thắng các khoảng cách. Những bất tiện ấy, tổ tiên chúng ta đã phải thích nghi gần giống như một số dân nông thôn vẫn còn phải cam chịu bây giờ. Họ phải sống hợp với nhịp điệu của thiên nhiên, mà lúc đó chưa có cách này khắc phục. Giống như ở nông thôn ngày nay, độ dài của ngày trời cũng tức là độ dài của ngày công. Các cách thắp sáng nhân tạo rất kém, lại có nguy cơ gây cháy. Cho nên rất hiếm nghề được làm việc ban đêm. Người ta nghỉ nhiều hơn vào mùa đông, lao động nhiều vào mùa đẹp trời; và thời khắc biểu ở các tu viện cũng được ấn định tùy theo thời tiết. Để chống rét, không có các phương tiện sưởi ấm thật tốt. Không phải vì thiếu chất đốt. Người ta đã có than bùn; tuy than đá mới chỉ được khai thác ở quy mô rất nhỏ, nhưng củi, gỡ chỗ nào cũng có và, theo thông lệ bấy giờ, người nghèo nhất có thể vào nhặt cành khô trong rừng bên cạnh. Tuy nhiên họ cũng không ngại chặt cả cây tươi, gây ra nhiều chuyện phá phách. Than củi nhẹ, dễ nhóm là loại chất đốt hảo hạng để nấu bếp nhanh, nếu dùng để sưởi cá nhân thì không vệ sinh. Thông thường, người ta nhóm lửa trong lò sưởi bằng những thân hoặc gốc cây to, cho lửa đượm. Chỉ dân nghèo thành phố và dân các vùng ít rừng phải cam chịu những ngọn lửa leo lét, đốt bằng cỏ khô và phân bò. Nhưng lò sưởi lớn lại để thất thoát ra ngoài gần hết hơi nóng. Vì vậy người ta phải mặc ấm. Ngay người nghèo cũng có áo và chăn lót lông thú. Phải luôn vận động chân tay. Rất ít những công việc ngồi yên một chỗ, vì phần lớn dân số - kể cả quý tộc hay không - đều ở nông thôn. Trời nóng lại khó khắc phục hơn. Nhà thờ và lâu đài còn mát vì phòng có vòm cao. Nơi khác thì người ta đành chịu đựng cái nóng mùa hè với những bộ quần áo mặc dày và nặng (như các nữ nông dân, nữ tu và cả đàn ông vẫn mặc gần đây, dù trời nắng chói chang). Tuy nhiên thợ thuyền và nông dân cứ việc ở trần, chỉ mặc quần đùi, như ta thấy trên một bức chạm nổi ở Amiens. Tóm lại, hạ cũng như đông, thân thể con người cứng cáp lên, và những thí nghiệm mới đây cho thấy chỉ có lợi cho sức khỏe. Nếu thời Trung Cổ phải chống đỡ vất vả hơn - nhưng đôi khi lành mạnh hơn chúng ta với thời tiết, thì họ khổ hơn vì các phương tiện giao thông, chuyên chở còn rất thô sơ. Ta không nói đến vấn đề an ninh trên đường sá, đây là chuyện chính trị, sẽ được giải quyết khi có chính quyền mạnh, lực lượng an ninh đủ khả năng thi hành pháp luật, buộc các lãnh chúa chịu trách nhiệm về an toàn trên lãnh địa của mình (các lãnh chúa bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân bị cướp bóc khi đi qua lãnh thổ). Ở thế kỷ XIII, đường sá nói chung bảo đảm, trừ khi có chiến tranh, lúc đó thì phải tình cách xin các bên tham chiến cấp giấy thông hành, và phải đi thành đoàn có vũ trang bảo vệ. Vấn đề khoảng cách là một thực thể vật chất. Để giải quyết, ta hãy xem xét hai nhân tố: đường sá, phương tiện giao thông. Đường nhỏ và lối mòn không thiếu. Nhiều con đường đã có từ thời tiền sử, từ khi bắt đầu có người đến cư trú. La Mã đã từng xây dựng những mặt đường vững chãi. Nhưng trong các giai đoạn khủng hoảng (di cư, xâm lăng, đột kích), việc bảo dưỡng bị lơ là. Hễ có mưa là đường rất khó đi, việc chuyên chở bằng xe bò kéo bị ngừng trệ. Đường chính trở thành rãnh nước, phải đi bên lề, dẫm lên các đồng ruộng bên cạnh, thế là dần dần hình thành đường mới song song với đường cũ. Vì thế một số đường cái quan của La Mã di chuyển dần, đường hiện nay chạy song song với đường cũ, cách từ 30 đến 50 mét… Giao thông đường thủy thuận tiện hơn đường bộ, nhất là khi chuyên chở những vật liệu nặng. Vì vậy người ta tận dụng các dòng sông. Nhiều sông ngòi ngày nay không dùng để đi lại nữa (như các sông Loire, Garonne và các nhánh của chúng) hồi đó là nơi thuyền bè như mắc cửa. Cả những dòng thác cũng được dùng để thả gỗ chặt từ thượng nguồn trôi xuống. (Ai cũng biết việc thả gỗ trên sông Yonne từ thế kỷ XV, vẫn còn thịnh hành tới ngày nay). Nước lúc đó là phương tiện lưu thông quan trọng. Biển và sông cho phép chuyên chở đá, cát, hạt, rượu... có thể không nhanh nhưng với khối lượng lớn... Điều đó giải thích vì sao vua nước Anh có thể ở lâu như vậy tại Aquitaine, vì sao rượu Bordeaux được chở chủ yếu sang Anh quốc, vì sao những thành phố thương mại lớn đầu- tiên lại là những cảng biển hoặc cảng sông, và cung cấp cơ sở của sự phát triển đô thị. Thành phố tức là nơi có khối người tiêu dùng đông đúc, không thể hình thành và phát triển chừng nào chưa có đủ cách thỏa mãn các nhu cầu, trước hết là nhu cầu về lương thực thực phẩm. Tất cả các thành phố nhỏ đều có trong lòng mình vườn tược, kho thóc, kho hàng để dự trữ những thứ tự mình sản xuất. Ở phần lớn các thành phố lớn và đông dân hơn, không còn có những người nông dân khai khẩn hay các chủ đất ở vùng nông thôn phụ cận nữa mà là thợ thủ công, buôn bán, luật gia, nhân viên hành chính và công chức, họ phải sáp nhập về mặt kinh tế - và thường là cả về mặt hành chính - các làng lân cận với đất đai của họ. Từ 6 hoặc 8 kilômét quanh đó, có thể đi bộ, đi ngựa hoặc xe bò lên cung cấp sản vật cho thị trường hoặc cho lái buôn buôn lại, những người bán “hàng vặt” vả lại, thành phố có đủ tiền và nhân lực đề bảo dưỡng các đường ra vào trực tiếp, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự. Nhưng thành phố chỉ có thể mở rộng ra hơn khi nó liên kết với một vùng rộng hơn. Vùng này không những phải màu mỡ, có quan hệ tốt với thành phố, mà phải có giao thông thuận lợi, tức là phải có sông ngòi chảy qua. Paris và các thành phố vùng Flandres phát triển nhanh từ khi nắm được hậu phương đã giàu có lại nối với nhau bằng các con sông tàu bè qua lại được. Nhờ các sông Seine, Marne, Oise và Yonne, Paris hồi thế kỷ XIV đã có thể cung ứng lương thực thực phẩm và các nguyên liệu cho gần 100.000 dân. Còn về phương tiện giao thông, lúc đó chưa có một chút năng lượng cơ khí nào. Trên biển còn lợi dụng được sức gió, nhưng trên sông hoàn toàn trông vào sức người và súc vật. Cho nên mọi di chuyển trên bộ đều phụ thuộc vào tốc độ của người, ngựa, lừa hoặc bò. Chúng ta biết người đi bộ trung bình đạt từ 4 đến 7 kilômét một giờ, ngựa không quá 10 km một giờ, ấy là chưa kể đường xấu thì tốc độ giảm. Một đoàn người ngựa đi nhanh thì được 40 đến 60 km một ngày. Cho nên, với con mắt nhìn của người bộ hành hoặc kỵ sĩ, nước Pháp hồi đó rộng hơn bây giờ rất nhiều. Muốn đi từ đầu này sang đầu kia, mất khoảng 20 ngày; đi từ Canterbury tới Rome mất 29 ngày. Biết nói gì về thế giới với biết bao xứ sở huyền thoại còn chưa được biết tới. Ngày nay ta coi không gian và thời gian là bình thường; với người Trung Cổ thì đó là yếu tố có tầm quan trọng lớn. Song họ lại thích nghi với nó một cách thoải mái, còn cuộc sống hiện đại của chúng ta đã hầu như đánh mất bí mật của sự tự do ấy. Một nơi nào đó gọi là gần, nghĩa là có thể đi và về trong một ngày, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Nếu phải qua đêm ngoài nhà mình, thế là đi xa. Cuộc sống kinh tế, hành chính, chính trị do đó phải tổ chức theo từng khu vực nhỏ, rộng hẹp tính theo độ dài của bước chân người hay bước chạy của ngựa. Các khu vực nhỏ cổ đại ấy tương ứng với các tổng của chúng ta ngày nay. Mỗi vùng, sống gần như biệt lập, phát triển những đặc tính độc đáo riêng: cách nói năng (phát âm và thành ngữ), trang phục, ẩm thực, giải trí, làm việc, có những ông thánh riêng, những thần tượng riêng và cả luật pháp riêng. Lòng yêu nước được quan niệm trước hết và chủ yếu trong phạm vi khu vực nhỏ hẹp. Chiến tranh - tai họa lớn của thời phong kiến cho đến khi Saint Louis lên ngôi - bao giờ cũng là sự tranh chấp giữa lãnh chúa này với lãnh chúa khác, tức là giữa làng này với làng khác, tổng này với tổng khác. Các nghĩa vụ quân sự theo tập quán bấy giờ cho thấy trai tráng chỉ được trưng tập trong một thời gian thất định, tối đa là 40 ngày, hơn nữa họ còn được phép nhà buổi tối để ngủ, họ có quyền từ chối nếu quân đội hành quân ra khỏi giới hạn của lãnh địa. Khi các thành phố thoát khỏi mọi ràng buộc, chúng thiết lập với nhau những mối liên minh hoặc chí ít là những mối quan hệ. Nhưng nhìn chung tất cả đều không mở rộng quá xa ra ngoài diện tích một quận hoặc một tỉnh của chúng ta. Ví dụ ở thế kỷ XIV, Saint Antonin trong những trường hợp nghiêm trọng, không quyết định gì mà không trao đổi trước với Villefranche, những trường hợp nghiêm trọng, không quyết định gì mà không trao đổi trước với Villefranche, Najac hay Cordes, và nhãn quan chính trị không vượt quá Cahors hay Albi Martel cũng xử sự như vậy với Dôme, Souillac và Cahors; từ Provins, thì đi tới Troyes, hoặc Sens và Paris. Đời sống kinh tế cũng được tổ chức theo kiểu phân tán, không tập trung, như đã thấy ở trên. Không kể những thành phố chưa lớn thêm trước thế kỷ XII - XIII, lúc đó nếu có số dân trên 20.000 là ghê gớm lắm, chính sách tiêu thụ tại chỗ được thực hiện triệt để. Vẫn là vấn đề giao thông chuyên chở, nó giải thích một phần các vấn đề phân phối của cải và cấu trúc xã hội, làm nên một nền kinh tế khép kín, không hướng về buôn bán và lợi nhuận, mà hoàn toàn nhằm thỏa mãn các nhu cầu địa phương. Mỗi nhà, mỗi ấp trại, mỗi xứ nhỏ đều hướng theo phương châm tự túc, tự lập. Để phòng lúc đói kém, người ta ít nghĩ đến việc thông thương - thật ra rất khó - với các vùng giàu có hơn, mà lo lập kho dự trữ là chính. Các tu viện, thường đồng thời là những doanh nghiệp nông nghiệp kiểu mẫu, giàu có, lập kho tích trữ lương thực để cấp cho người, nghèo theo tinh thần từ thiện của đạo Cơ đốc. Chế độ kinh tế tự túc triệt để ấy đã để lại dấu tích lâu dài trong tính cách dân tộc Pháp: tinh thần tiết kiệm, có phần hà tiện nữa, tâm lý “luôn sợ thiếu”, tư duy không tự bản chủ nghĩa (ít năng khiếu kinh doanh, coi lợi tức là đáng phê phán về mặt đạo đức). Nó cũng dẫn đến phổ biến chế độ đa canh, còn tồn tại đến ngày nay. Cho tới thế kỷ XIII, rất khó nuôi sống một số đông người phi sản xuất, mà phải-di chuyển họ hết nơi này đến nơi khác. Sản xuất không đi tìm người tiêu thụ, mà ngược lại. Vì vậy một triều đình hơi đông người một chút phải di chuyển từ lãnh địa này sang lãnh địa khác (Charlemagne đã ra chỉ dụ cụ thể về vấn đề này), vì vậy họ Carolingiens và Capéliens đầu tiên không có kinh đô. Ngay cả khi nông thôn đông dân hơn và giàu có, và vận tải được tổ chức tốt hơn, cuộc sống vẫn tĩnh tại và kinh tế hầu như tự cung tự cấp: các lãnh chúa cứ ở trên đất đai của mình, mỗi thị dân mới giầu lên đều mua một đinh cơ riêng, ở đó các tá điền sẽ mang hiện vật đến tận nơi: thóc, bơ và trứng, gà vịt và thú săn, rau quả, rượu (thường là rượu tho xanh hăng), dầu của cây thuốc phiện, của quả hồ đào và của quả sồi, mật ong và sáp, củi đốt, cỏ khô cho ngựa. Cách tính tiền lĩnh canh bằng giao kèo trả hiện vật chưa bao giờ bị hoàn toàn bãi bỏ. Tất cả số dân tĩnh tại ấy không biết gì về thế giới ngoài cái chợ làng mình, cùng lắm thì đi chơi sang làng bên cạnh. Nhưng họ nhận được tin tức bên ngoài thông qua các khách qua đường. Đường xấu - nhất là khi trời mưa – chỉ cản trở sự đi lại của xe cộ. Cưỡi ngựa hoặc đi bộ thì đi đâu cũng lọt. Và nếu chế độ kinh tế nông nghiệp gắn kết người sản xuất với đất đai tất cả đều có sở hữu đất đai, có “thừa kế” bất động sản, thì lại có những người luôn di chuyển. Đó là những kẻ do khốn cùng, do đói rách phải tha hương; lại có những kẻ lang thang - ít nhiều có cả trộm cắp lợi dụng các tu viện không đóng cửa với bất cứ ai để sống cuộc đời lưu lạc chừng nào còn sức lực; lại có những kẻ hát rong, làm xiếc rong, cứ chỗ nào có đám cưới, có hội chợ, có các cuộc hành hương, các cuộc thi đấu là tới: Một số thày tu đi lang thang, hoặc để thoát khỏi kỷ luật khắc nghiệt của Giáo hội (và suốt thời đầu Trung Cổ những tu sĩ lang thang này bị Nhà thờ công kích, và không ai biết họ chịu sự quản lý của ai), hoặc để tự do thể hiện lòng nhiệt tình mà Giáo hội có khi nghi ngờ, lên án, có khi ngưỡng mộ. Khi tình hình chính trị ổn định hơn, ở thế kỷ XIII, Giáo hội thừa nhận sự ra đời của hai dòng “khất thực”: dòng thánh François và dòng thánh Dominique. Tất cả những người nói trên đều là lữ hành chuyên nghiệp, họ không cắm rễ ở một nơi nào nhất định. Ngoài ra, còn những thương nhân đi chợ phiên, những quan chức của nhà vua hoặc lãnh chúa đi tiếp xúc, phán xử mọi nơi trong lãnh thổ, rồi những nhân viên điều tra, những phu trạm, người đưa thư... phần lớn cuộc đời họ là ở trong nhà trọ và trên lưng ngựa. Rồi có những kẻ lữ hành nhất thời: công nhân đi tìm việc làm hay đi học nghề, sinh viên đi theo thày giáo từ trường này sang trường khác, xứ này sang xứ khác; những người đi kiện cáo phải đi hết cấp này đến cấp khác để theo kiện; tu sĩ, giám mục, giáo dân và cả dân thường lên đường đi Rome để dự kỷ niệm 1000 năm lễ Thụ nạn (1033) và kỷ niệm năm 1300 bước sang thế kỷ mới, những lễ này thu hút rất đông người. Hành hương là một tục lệ thiêng liêng: đa số hành hương vì mộ đạo, có người do phạm tội gì đó mà bị tòa án buộc phải đi hành hương, coi như hình phạt, lại có người coi hành hương như một cuộc đi chơi, tìm phiêu lưu. Vì vậy hành hương được Giáo hội và nhà chức trách đánh giá mỗi lúc một khác, lúc thì bắt buộc, lúc khuyến khích, lúc lại ngăn trở, lên án hoặc cấm đoán. Thiên hạ lũ lượt kéo đến những nơi thờ phụng ở ngay địa phương: những người Bretagne đến Tro Breiz theo con đường xanh, nhưng nhiều khi còn đi rất xa: từ khắp châu Âu người ta kéo về Đất thánh, Rome, đồi Saint-Michel, Compostelle, Cologne, Canterbury. Đi hàng tháng, hàng năm trời, đi một mình hoặc đi từng đoàn. Các lộ trình đã thành quen thuộc, chia thành những trạm nghỉ định sẵn là những nơi có nhà thờ to đẹp: như nhà thờ Madeleine ở Vézelay, Sainte-Foi ở Conques. Khi con gái dấy binh, bà mẹ của Jeaune d’Arc đã đi cầu nguyện cho con tận nhà thờ Đức Bà Puy, cách Domremy 700 km. Cả một thế giới muôn màu đi chuyển không ngừng trên các ngả đường của thời Trung Cổ. Thế kỷ XIV, mỗi ngày có 12, 13 người đi qua Aix. Như thế là đủ để các tin tức lan truyền và mỗi cá nhân nhận thức ra rằng mình ở trong một cộng đồng Cơ đốc giáo rộng lớn. Dù sống định cư hay không, người Trung Cổ, do cách sinh hoạt của mình, buộc phải lo rèn luyện thân thể gắt gao. Nông dân, chiếm chín phần mười dân số, lao động ở ngoài trời. Giới quý tộc, nếu không có chiến tranh, lấy săn bắn làm thú vui chủ yếu. Giống như người lữ khách, họ đều cùng chịu nóng, lạnh, gió, mưa. Cho nên lúc đó không hề có sự phân biệt tách rời dân thành thị với dân nông thôn như ngày nay. Khi một tu viện làm biên niên sử các sự kiện quan trọng, nó ghi ngày chết của ông vua bà chúa, hoặc giờ diễn ra chiến trận, cũng như ghi cả những ngày bảng giá và ngày có mưa to gió lớn. Mỗi người đều phải làm quen với các điều kiện sinh hoạt khó khăn. Đi khắp nước Pháp và Ý từ đầu này sang đầu kia - mà là đi bộ - là một chuyến đi không khiến ai ngại ngán, dù là kẻ hành hương, lái buôn hay sinh viên, kể cả tu sĩ tuổi- đã lục tuần. Số phận chung của những vị lãnh chúa lớn nhất, những lái buôn, những người làm của họ, những luật gia, hoặc những người chạy giấy, đưa thư thấp kém nhất ở các thành phố nhỏ, là suốt ngày ở trên lưng ngựa. Mệt nhọc giống nhau, những trạm nghỉ như nhau. Lúc cởi trang phục, vua, lái buôn, tu sĩ đều có thể bù khú kể chuyện hành trình cho nhau, thân thiện với nhau một cách thực sự chứ không hề phô trương. Tóm lại, thời Trung Cổ, do những điều kiện tự nhiên, đều có một số đặc điểm: về cá nhân, phát triển những đặc tính thể chất (lực lưỡng, dai sức) và những đặc tính- tinh thần tương quan (kiên nhẫn, dũng cảm, ít nhất là về mặt chịu đựng), một kiểu sống đơn sơ, bắt nhịp với thời tiết, mùa, tháng; về kinh tế, chịu bằng lòng với sản vật của địa phương là chủ yếu, kéo theo sự tiết chế nhu cầu, biết xoay sở, khi cần thì di cư để kiếm ăn chứ không chờ sản vật tìm đến mình; về xã hội, là một chế độ phân quyền lớn với muôn vàn quyền lợi cá biệt, đồng thời cũng có mối tình huynh đệ ngầm, do cùng chung hoàn cảnh. Nhà cửa Ta hiểu rõ hơn về nhà cửa thời Trung Cổ, vì nhiều ngôi nhà vẫn còn được bảo tồn. Sơ đồ nhà đơn giản: một phòng khá rộng làm nơi ở. Làm việc, tiếp khách, nấu bếp, ăn uống, ngủ, đều ở đó .Ở nhiều trang ấp miền Tây nước Pháp, gần đây vẫn còn nhiều nhà như thế. Cái phòng công cộng, dùng cho mọi việc ấy, sẽ là nhà ở của nông dân cũng như người có của, và cả các thị dân, thậm chí cả các lãnh chúa cao cấp có quyền xét xử trên lãnh địa của mình. Khác chăng là nhà giàu thì xây tường bằng đá, còn dân nghèo chỉ có vách đất. Tuy nhiên, cạnh nhà ở, phải đào hầm để ủ rượu, xây vựa để chứa thóc, kho đựng lúa, kho để cỏ khô và xe bò, rồi chuồng bò, máng ăn, chuồng lợn. Vậy là nhà ở nông thôn, dù quý tộc hay thường dân, cũng được vây quanh bởi những khu nhà phụ, mà số lượng và quy mô thay đổi tùy theo sự rộng hẹp của đất đai, tức là tùy sự giàu nghèo của chủ nhân. Cái sơ đồ đơn giản ấy sẽ biến hóa đi khi cuộc sống không chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình. Nếu cần hội họp đông người, sẽ phải, hoặc có nhà riêng, hoặc dành những phòng riêng cho các loại công việc khác nhau. Giải pháp đầu tiên do các ông lớn thực hiện trước: vua Saint Louis thường ăn và tiếp khách ngay trong phòng mình. Các hiệp sĩ nằm ngay dưới chân giường của Người. Bên dưới phòng của vua, thông nhau bằng một cầu thang nhỏ, là phòng của hoàng hậu sống chung với các tùy nữ. Như vậy mỗi nhân vật chính có phòng riêng nhưng sống cùng những người thân cận. Bếp ở một khu vực riêng. Phòng lớn, nơi có thể thiết triều, họp hội đồng, tổ chức yến tiệc, cũng nằm riêng. Giải pháp thứ hai được các dòng tu áp dụng: phòng ngủ chung, có thể - chia thành ngăn hay không, phòng ăn, phòng họp, thư viện, nhà bếp, phòng khách… Ở thành phố, không gian bị hạn chế, giá đất cao, thay vì xây giăng hàng, phải chuẩn bị xây nhà nhiều tầng. Nói chung, mỗi gia đình là một nhà. Đối với thợ thủ công, ngôi nhà có thể (hoặc không) có thêm một tầng hầm, một phòng ở tầng trệt làm xưởng thợ hoặc cửa hàng, đôi khi ở phía sau nhà, cùng với lò sưởi có một gian làm bếp và phòng ăn. Nếu không thì ở tầng một, nối với đường phố bằng một cầu thang thẳng đứng, là căn phòng dùng cho mọi thứ việc. Tầng hai là gác kho hay những phòng nhỏ đi lên bằng cầu thang bên trong thông với phòng lớn, hoặc bằng một cầu thang xoắn ốc đi xuống sân sau. Toàn bộ sơ đồ là một hình chữ nhật mà cạnh bé nhất chính là phố. Do đó có thành ngữ ''nhà mặt phố''. Sơ đồ trên thay đổi tùy theo sự giàu có kéo theo những tập tục phức tạp hơn: cạnh phòng lớn sẽ là nơi cất quần áo. Thế kỷ XIV, có phòng ăn riêng. Những người nghiên cứu có phòng sách. Mỗi tòa lâu đài có một nhà thờ riêng, nhà nhỏ hơn thì có điện thờ. Rồi đến các cung điện, như cung điện của nữ bá tước D’Artois, có những gian dành riêng cho sự du hí của khách mời và của cả công chúng, có các trò y hệt như ở chợ phiên (người máy, bẫy sập...). Vật liệu xây dựng thì tùy theo địa phương, theo tay nghề của thợ nề, theo tiền của: đá xây, đá đẽo, gỗ, đất trát, đất nện. Kèo cột đẹp, nhẹ và chắc, không bị mọt, thường làm bằng lõi sồi. Mái lợp đá đen, mảnh đá phiến hoặc la-va, ngói dẹt hoặc tròn, ván gỗ hay tranh. Bên gờ mái nhà không có ống máng, nhưng những dinh cơ lớn thì có. Sàn nhà bên trong thường lát gạch, đá. Trên gác có sàn gỗ, đồng thời là trần của phòng dưới. Tầng trệt nhà ở của nông dân và nhà kho có nền bằng đất nện. Ánh sáng lọt vào qua những cửa sổ có khi nhỏ, có khi lại rất to chiếm gần hết mặt tiền ngôi nhà: phố sá đã hẹp, càng cần nhìn cho rõ. Kính ghép mầu chỉ có ở nhà thờ, cửa đều che bằng giấy hoặc vải quết dầu hay đánh xi, lưới bằng gỗ hoặc liễu. Cánh cửa lùa bằng gỗ phía bên ngoài tầng trệt và bên trong tầng trên nữa, thế là nhà được đóng kín. Ở nước Anh, cho đến giữa thế kỷ XII, người ta còn thấy trong phòng lớn nhà của lãnh chúa-một lò sưởi đặt chính giữa, khói bốc lên thoát ra ngoài qua một lỗ hổng trên mái nhà (người ta nói ai hít khói ấy thì khỏe ra, khói ám lên rui, kèo làm cho vững chắc thêm). Ở nơi khác, người ta lại xây những lò sưởi lớn trong bếp và trong phòng, thường áp sát tường, có một ghế đá dưới vòm lò. Bếp có bồn rửa thoát nước ra ngoài. Nước sinh hoạt phải đi lấy từ giếng trong nhà hoặc trong vùng, hoặc ở vòi nước. Nhà tiêu là loại tiện nghi mà các nhà kiến trúc bố trí rất hào phóng. Ở một số tu viện và lâu đài có bao nhiêu giường thì có bấy nhiêu hố tiêu. Nếu làm được, thường là những chỗ ngồi hẹp xây nhô ra và thông xuống sông (ở chỗ nào có sông), xuống một hố phân lớn có rắc tro để khử mùi và diệt khuẩn, hoặc xuống một thùng phân mà nghe đâu ở Paris rất khó bảo đảm đổi thùng thường xuyên, vì thiếu người tình nguyện làm cái nghề khó nhọc ấy. Nhà ở thành phố, hoặc lán bằng gỗ, lều ở chợ, thường được đánh dấu bằng một tấm biển: có biểu tượng bằng sắt là tượng thánh, hoặc một con vật, một dụng cụ, một cảnh thành kính. Người ta sống tại “hình Đức Bà” hoặc tại “hiệu Ngựa Trắng”. Nhu cầu về an ninh, ở một đất nước còn lắm tai ương buộc người Trung Cổ, nhất là ở trên lục địa, phải gia cố nhà cửa hoặc bố trí sẵn sàng lối rút khi cần. Cách bảo vệ trước tiên là đào hố, đắp ụ, dựng hàng rào gai (và người ta có một đám đất có rào bao quanh -plessis), rồi xây tường bao bằng đá, và thế là sinh ra lâu đài (nhà hoặc làng được xây công sự) hoặc thành phố mạnh (những cụm dân cư quan trọng hơn). Sự cần thiết phải phòng thủ như vậy là rất tốn kém, mà lúc vạch ra kế hoạch vừa xuất phát từ những ý đồ chiến lược vừa từ ý thức tiết kiệm, cho nên các ngôi nhà có xu hướng nép lại gần nhau, nhô cao lên, phố sá thì hẹp lại. Khoảng trống còn lại không xây cất - ở Anh nhiều khi để khá rộng ngoại trừ ở trung tâm thành phố vốn rất chật hẹp - thường dùng làm quảng trường và nghĩa trang bao quanh nhà thờ, đôi khi ở một trong những nơi xử án hành hình có cột bêu riếu tội nhân, vườn tu viện, sân nhỏ. Người ta xây nhà cả trên cầu: ở Paris chẳng hạn, dọc hai bên các cầu đều là nhà ở, London, Bristol, York cũng vậy. Các thành phố thường không theo quy củ, bây giờ mắt ta nhìn lại thấy độc đáo, cổ kính. Nhưng dường như người ta đã không nghiên cứu một cách hệ thống tuy đã thiết kế một cách khá thẩm mỹ vì khi xây dựng những thành phố mới và thành lũy, các nhà kiến trúc đô thị thời ấy - thực ra chỉ là thợ đo đạc - đã vạch ra những phố song song và giao cắt nhau theo góc thước thợ, tạo thành những khối nhà đều đặn, như ta thấy ở Aigues Mortes, Montferrand. Ở những cụm dân cư có từ trước, lại thuộc quyền của các lãnh chúa khác nhau, như Limoges mở rộng đồng thời quanh hạt giám mục và lãnh địa chúa Comtes, sẽ rất khó mà chấn chỉnh lại, bằng những kế hoạch đồng bộ, trật tự của những khu nhà xây một cách tự phát. Các phố thời Trung Cổ thường rất bẩn, vì không có tổ chức quản lý vệ sinh thích hợp. Mùi hôi thối của Paris khiến Philippe Auguste bị suy yếu sức khỏe. Về nguyên tắc, nhà nào chịu trách nhiệm giữ sạch trước cửa nhà nấy, trước hết không bày bẩn, không đổ rác, vật liệu, đất đá, sau đó luôn luôn quét sạch. Thực tế, khi mà nhà cửa xây san sát chiếm hết chỗ của sân vườn, thì đành phải vứt rác ra trước cửa, rồi thả súc vật chạy rông, chó và nhất là lợn, không kể đến gà, vịt, tự đi kiến thức ăn. Đó là điều ta còn thấy gần đây ở nhiều làng. Ở Paris, việc thả lợn chạy rông bị cấm chỉ vào giữa thế kỷ XII, sau khi một con lợn làm cho hoàng tử, con trai cả của vua Louis VI, bị ngã ngựa chết. Thỉnh thoảng, các nhà họp nhau kiếm một xe bò, cùng chở hết rác đi đổ. Có những tổ chức tư nhân đứng ra làm việc này, nếu được thuê. Song phố sá, nói chung không lát gạch, vẫn tiếp tục bẩn, đặc biệt ban đêm hay bị người ta vứt đồ xú uế qua cửa sổ. Vua Saint Louis, hay có việc phải qua phố sá Paris ban đêm, một lần bị hắt nước bẩn lên áo, người hắt quên không nhòm ngó vì tưởng giờ đó không ai qua đường. Vua khá bình tĩnh, không những không giận dữ mà sau khi điều tra còn cấp một học bổng cho người đã gây sự cố, đó là một sinh viên thức dậy thật sớm để học. Vào ngày lễ thánh thể, nhân dịp vua đến, cả thành phố náo nức quét dọn phố sá rồi phủ cỏ và cây bấc; giằng khăn có trang trí, thảm lên mặt tiền các ngôi nhà. Việc tiêu nước thải ở một số thành phố, như Paris, được thực hiện bằng một hệ thống cống thoát ra sông. (Ở Strasbourg, nơi cống chảy ra sông được tính toán kỹ làm nơi tắm táp cho một số du thủ du thực, trước con mắt chế riễu của những người hiếu kỳ). Nhiều thành phố khác chỉ có những suối nhỏ, thỉnh thoảng được cho nước sạch chảy vào, như ở Limoges. Ở Salisbury, người ta đào các dòng nhánh của sông. Nước sạch được đưa đến nhờ một mạng kênh máng, cải tiến kiểu của người La Mã, hoặc tốt hơn và thường dùng hơn là nhờ đường dẫn làm bằng gỗ, sắt hoặc chì, mắc theo nguyên lắc xi-phông. Nước này được phân phối tới nhiều đài nước. Tiếc thay, những đài nước này đến thế kỷ XVII không còn. Việc chiếu sáng đô thị thưa thớt và kém. Tuy nhiên trong các ngày phiên chợ, một thành phố như Provins cho thắp sáng các góc phố. Trường hợp có diễn kịch, hỏa hoạn hay “sự cố” cũng vậy. Trường hợp này, người ta còn yêu cầu các nhà giàu thắp đèn lồng trước nhà. Một số người sùng đạo bỏ tiền để thuê thắp đuốc trước một tượng đài. Để đảm bảo an ninh trên phố, người ta khóa bằng xích sắt lối vào các khu phố bất hảo. Về nguyên tắc việc đi lại ban đêm bị cấm từ giờ tắt đèn lửa cho đến lúc bình minh. Cấm mang vũ khí theo người, điều này được ban bố nhiều lần, chứng tỏ bọn đạo chích chẳng hề quan tâm, người lương thiện đành phải lo tự giữ mình mà thôi. Đồ đạc trong nhà Đồ đạc trong một nhà đơn giản như nhà thời Trung Cổ, cũng rất sơ sài, thường khi chỉ có giường và hòm, làm bằng gỗ đẽo xù xì. Giường thường rất to, vì phải chứa từ hai đến sáu người (trong truyện Cậu bé tí hon, các con gái của yêu tinh ngủ chung trên một chiếc giường thời Trung Cổ). Nhà nghèo lấy thùng độn cỏ, túi nhồi rơm làm gối. Nói chung thì khá hơn, có thêm một nệm rơm và một hay nhiều nệm lông: thành ngữ “ngủ trên giường lông” là để chỉ cảnh tiện nghi phong phú lắm. Giường thì có khăn trải giường, bằng đay hoặc gai, ráp hay mịn tùy theo gia cảnh, tùy theo tài khéo của bà nội trợ. Những người nghèo rớt, và một vài tu viện, chỉ có chăn mỏng bằng xéo (trường hợp này, người ta để nguyên quần áo đi ngủ, chỉ cởi áo khoác ngoài và quần lao động). Vải trải giường không giắt, mà để lòa xòa xuống đất hoặc rủ xuống. Gối thì cuộn vào tấm ga dưới, tấm ga trên thì ''lộn'' lên làm chăn như ngày nay (chúng thường là chăn xéc). Mùa đông, có chăn lông, với nhà giàu là lông chồn, lông sóc, với nhà dân thường là lông cáo, lông thỏ. Còn có vải phủ giường, lót bằng len hoặc lông. Cái hòm, hoặc gọi là huche, thường có bốn chân, trừ khi nó đặt thẳng xuống nền đất nện, vừa dùng làm tủ vừa dùng làm ghế. Quần áo cất vào đó được cuộn tròn kỹ lưỡng (ngày nay ở một số vùng nông thôn vẫn làm như thê), bỏ thêm rễ irít, oải hương hoặc nghệ cho thơm. Hòm còn để cất các giấy tờ (mua bán, vay nợ, biên lai...), tiền bỏ trong ví da hoặc túi vải. Hòm có bản lề nặng và một hoặc hai khớp to tướng. Song chủ nhân vẫn cẩn thận kê hòm ngay sát giường ngủ, nếu lại có hòm nhỏ để cất những giấy tờ và đồ quý, thì hòm này đặt ngay dưới giường, khỏi lo mất cắp. Ở các nhà to thì chỗ để quần áo có nơi riêng, cạnh phòng ngủ, và như vậy hòm tiền và quần áo để cùng với nhau. Khi đồ đạc nhiều dần lên, thì có một cái bàn, thường đặt trên mễ, như vậy sau khi dùng xong có thể cất đi (chúng ta vẫn còn nói cất bàn, để chỉ việc dọn bàn sau khi ăn; đối với thời Trung Cổ, thuật ngữ cần được hiểu đúng từng ly từng tý). Nếu là bàn to, nặng (nhất là trong bếp hoặc trong phòng ăn, tức là trong các phòng mà bàn đã trở thành đồ chuyên dùng), thì kèm theo một số ghế đẩu ba hoặc bốn chân, xếp dưới mặt bàn. Ghế ngồi, thì ngoài những ghế đẩu nói trên, có một ghế to, hoặc ghế catét (cathèdre), một hoặc hai chỗ dành cho chủ nhà hoặc người nào có vị trí cao nhất (trong nhà bếp lớn, ghế đó dành cho đầu bếp), những ghế dài là những chiếc hòm có tựa, dành cho những người được tôn trọng. Những ghế này bằng gỗ cứng, muốn êm ái hơn thì bọc nệm. Ở thế kỷ XIII, nhiều nhà còn không có ghế ngồi. Người ta ngồi xuống những bó rơm, muốn sang hơn hoặc muốn tỏ sự tôn trọng khách thì phủ vải lên. Sinh viên nghe giảng cũng ngồi phệt xuống rơm, như một tiểu thuyết thời ấy mô tả một công chúa ở trong phòng cùng các nữ tì ngồi xuống những bó rơm bọc lụa có thêu vương huy, và dựa lưng vào giường thay tựa. Ngồi ghế ấy mùa đông thì ấm. Các nhà thờ có một số tủ đồ đạc lớn. Từ thế kỷ XIV thì nhà dân cũng có. Nhà giàu còn có những tấm thảm để thay đổi khung cảnh, để tạo lập không khí ấm cúng quen thuộc mỗi khi phải thường xuyên di chuyển, điều này thường xảy ra trong cuộc sống các nhà quyền quý. Mùa đông, thảm ngăn gió lùa; cuối cùng, giống các bình phong của người Nhật, thảm cho phép chia phòng lớn thành nhiều phòng nhỏ. Người ta gọi một bộ màn trướng là buồng. Dưới sàn, có khi trải thảm lông thú, còn phần lớn rắc rơm vào mùa đông, trải cói, layơn hoặc các lá cây hương liệu (bạc hà, sả. . .) vào mùa hè. Cung điện nhà vua, mỗi khi thay thảm rơm, đem tặng chúng cho bệnh viện. Cần ghi nhận là vào các ngày lễ hội (có vua chúa hay đám rước đi qua), phố sá được trang hoàng như trong nhà người giàu: rắc cỏ và hoa thơm xuống đất, treo thảm hoặc vải lên tường. Kiểu trang trí này vẫn còn ở các thành phố phía tây nước Pháp mỗi khi có lễ thánh thể. Đồ dùng trong nhà ít chủng loại, nhưng số lượng nhiều, ít ra cũng là vào thế kỷ XIV, vì mỗi nhà là trụ sở của một xưởng thủ công gia đình. Bát đĩa đơn giản là đồ gốm bằng đất hoặc đồ thiếc gò (có bát tô để ăn chung các món, uống thì có đĩa, thìa và bình); ngoài ra có đồ để nhắm rượu (cốc có nắp, thùng đựng rượu vang và rượu trắng, đĩa, thìa). Bếp được trang bị như ở các ấp trại gần đây vẫn thấy: một cái kiềng (vì nấu trong lò sưởi), một hoặc nhiều nồi đất hay đồng, chảo đồng, muôi, cối, chày để làm một số loại nước xốt, nhất là món xốt tỏi là một trong những gia vị chính của ẩm thực Trung Cổ, nhưng nay chỉ còn thu hẹp ở vùng Midi. Nhà giàu hơn thì số lượng các dụng cụ trên nhiều hơn, ngoài ra có thêm vỉ nướng, chậu đồng, giá để củi, que xiên. Hơn nữa, trong bếp hoặc các khu phụ, thông thường ta thấy một chậu lớn để giặt và tắm, thùng, một thùng đựng mỡ, rìu bổ củi, rồi xô, xẻng, chổi, thùng nhào bột. Người ta nấu ăn cho gia đình như thế bằng các sản vật của địa phương, hoặc mua ở chợ gần. Người làm ruộng có xu hướng tự túc về mọi mặt, có lúa để làm bánh mì, có mỡ, thịt chín dầm mỡ, thịt muối hoặc hun khói, rồi mứt, mật ong, rượu vang, rượu trắng, quần áo, vải vóc, cái gì cũng tự làm bằng những thứ có ngay trên lãnh địa. Đến gần đây, ở Rumani, ở phần Canada nói tiếng Pháp. . . người ta vẫn sống như vậy. Trang phục Bộ quần áo thời Trung Cổ bắt nguồn từ bộ quần áo thời cổ và của xứ Gaule. Đối với nam giới, từ bộ quần áo xứ Gaule vẫn giữ lại các loại quần, gọi là braies (quần dài, quần đùi, quần lót bằng vải hoặc bằng da, bó lấy người bằng một thắt lưng, gọi là braiel) (phụ nữ không dùng loại này, và ở nông thôn, mãi đến đầu thế kỷ này vẫn không dùng[iv]); với cả hai giới nam nữ, là chiếc bliaud mà giới lịch sự bỏ rơi vào thế kỷ XIII, nhưng vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong trang phục của nông dân: đó là áo blu (áo cánh dài). Áo phụ nữ từ xưa vẫn dài; áo của nam ngắn, trừ loại lễ phục hoặc áo thày tu vốn bắt chước từ thời cổ đại, dài ra vào khoảng 1140, mặc dù bị các nhà đạo đức phê phán (cho là ẻo lả như phụ nữ), rồi lại ngăn lên từ giữa thế kỷ XIV, bất chấp những ngăn cấm mới lên án những quần áo bó sát những đường nét của cơ thể, cho là không lịch sự. Hồi đó, trung thành với kiểu áo dài chỉ là những người cần tỏ ra nghiêm nghị: thày tu, giáo sư, thày thuốc, luật gia. Và họ vẫn gắn bó với kiểu áo ấy: thày tu lúc hành lễ, những người khác lúc giảng trong trường học hoặc xuất hiện trong Tòa án. Giữa 1180 và 1340, trang phục thời Trung Cổ ở vào giai đoạn đẹp nhất, do hình thức giản dị, rất khít với cơ thể, và do các chất liệu sử dụng các loại vải dày hoặc mịn, có gấp nếp. Bấy giờ đàn ông và đàn bà ăn mặc gần giống nhau: mặc sát thân một áo dài tay, gấu chùng xuống mắt cá chân đối với nữ, và xuống lưng chừng bắp chân đối với nam. Thoạt đầu, áo may bằng vải len (xéc), và người nghèo, thày tu giữ mãi như vậy. Song rồi vải, mỏng hoặc dày được dùng nhiều, và đến thế kỷ XIV thì phổ biến đến mức dưới triều vua Charles V, một anh dân cày Normandie khi chết có thể để lại tới 13 cái áo. Người sạch sẽ thay quần áo nửa tháng một lần. Người ta còn mặc cả áo lụa. Bên trong, phụ nữ nào lo làm dáng - mốt bấy giờ là có bộ ngực nhô cao - thì bó mình trong một tấm vải muxơlin gài chặt từ phía sau, đây thực sự là một cái nịt vú. Nếu ngực quá bẹt, các bà các cô đính vào chỗ thích hợp những cuộn vải “hình quả cam”. Bên ngoài áo sơmi, họ mặc doublet, một thứ gi-lê trần bông, rồi đến cotte, là một áo váy dài, xòe rộng ở phía dưới. Bên ngoài nữa, mặc surcot (áo ngoài) rất đa dạng về hình dáng, độ dài và chất liệu. Có khi đó là một chiếc áo dài bằng váy, đôi khi chỉ là chiếc jakét đơn giản, có tay hoặc không, vải đơn mùa hè, lót lông mùa đông, có hoặc không có ren, lông thú, thêu hoa trang trí. Có cái xẻ bên sườn, có cái có tay tháo rời được để luôn biến đổi về màu sắc. Thời trang thực hành các ý ngông của mình trên tay áo, có khi tay ngắn để trông thấy tay sơmi bên trong, ngược lại có cái bó sát xuống tận cổ tay rồi cài lại bằng một loạt khuy, hoặc phải khâu lại mỗi khi xỏ xong tay áo... Những Surcot khoác ngoài ấy dễ giặt, giống những áo khoác cộc ta khoác lên mình khi ngồi ăn, dùng thay khăn ăn. Đôi khi người ta bó chặt thân và bụng trong một chiếc gilê trần bông, gọi là gardecorps, hoặc coóc-xê, khởi thủy của chiếc áo coóc-xê bây giờ. Thắt lưng có thể bằng vải thêu, hoặc dát vàng. Nhưng thường nó làm bằng da, móc được dao, chìa khóa, dụng cụ hoặc tráp bút, ví tiền. Chiếc tạp dề chỉ được dùng vào cuối thế kỷ XIV. Khi đi ra ngoài thì, giống như ngày nay, người ta mặc măng-tô, có hoặc thường là không có tay, có hoặc không có mũ trùm đầu cài khép trước ngực bằng một cái móc đơn giản hoặc một cái khuy chạm trổ. Hình dáng của chiếc măng-tô Trung Cổ nay còn lại trong áo choàng của nữ y tá, của nhân viên cảnh sát. Chiếc áo choàng pelơrin của chúng ta, như tên gọi[v], cũng có nguồn gốc từ cổ xưa: đó là chiếc măng-tô, rất tiện lợi, của những người hành hương, những lữ khách. Măng-tô mùa đông thường được lót lông thỏ hoặc sóc, hoặc những lông thú quý hơn. Trời mưa, mặc áo choàng xù (chape à aigue) bằng len không khử mỡ, không thấm nước. Phủ cho ngựa, có những tấm choàng hình tròn, gọi là chuông (cloches), xẻ phía trước và phía sau. Măng-tô có thể được thêu hoa, trang trí những sợi lông rủ thành tua dưới gấu, hoặc đính ngang trên vải. Phép lịch sự đòi hỏi ta phải cởi măng-tô khi đứng trước lãnh chúa, dù nam hay nữ cũng vậy. Bàn chân và cẳng chân, nếu không đi đất, thì xỏ tất (ở Haute-Bretagne, từ chausse còn dùng để chỉ bít tất). Tất được đan bằng sợi hoặc khâu lại từ những miếng vải cắt đúng chân, như kiểu ghệt, được giữ bằng những dây nịt đan hoặc thêu. Tất đôi khi có đế, như vậy khỏi phải xỏ chân vào giày nào khác, khi đi trong nhà. Nếu không, thì đi giày bằng vải hoặc da mềm, mùa đông có dép nhẹ lót lông. Khi phải ra ngoài, người ta đi ủng dày bằng da bò có đóng đinh, giày, guốc hoặc bết, và đôi khi có thêm ghệt da hoặc ghệt vải. Về đầu tóc, phụ nữ để tóc dài. Các bà các cô tết tóc thành những bím, thường còn độn thêm tóc giả lấy của người đã chết, điều làm cho các nhà thuyết giáo bất bình. Những bím tóc ấy thoạt đầu để thõng sau lưng, sau quấn lên thành sừng hai bên tai hoặc làm búi tóc sau cổ... Các cô gái, nhất là khi diện áo lễ hội, để tóc bồng bềnh một cách tự do (trong các tranh cổ, Đức Mẹ đồng trinh thường được thể hiện như thế, dấu hiện của sự trinh trắng). Kiểu tóc này còn duy trì ở một số vùng, nhất là ở Ouessant. Đàn ông ở thế kỷ XIII cũng cạo mặt nhẵn nhụi như ngày nay, tóc cắt ngắn đến gáy và hơi uốn lên bằng cuộn uốn. Người làm dáng uốn tóc bằng sắt nóng. Để giữ tóc hoặc che giấu cái đầu thưa tóc, anh ta đội một mũ vải (bonnet) gồm ba mảnh (như mũ trùm đầu của trẻ sơ sinh ngày nay). Phụ nữ quấn một băng giữ tóc. Nếu là người không cần làm dáng, hoặc bà già, bà góa sùng đạo, thì khăn rộng trùm quanh mặt, đôi khi che cả cằm và cổ, là thõng xuống ngực. Loại khăn trùm đầu này tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, mềm hoặc cứng, ở các trang phục của nữ tu. Bên trên mũ vải hoặc khăn trùm, khi cần có thêm tấm voan (riêng cho phụ nữ), mũ, khăn choàng (cho cả hai giới). Mùa hè là mũ rơm: hình chóp hoặc bẹt, vành rộng, có tác dụng che nắng. Mùa đông, là mũ phớt, thường hình cái chuông, trên đỉnh có nhô lên một cái khuy, giống cái chỏm của mũ bê-rê xứ Basques. Ngày lễ hội, cái chỏm ấy được thay bằng một vòng hoa hoặc vòng kim hoàn, ngày nay các cô dâu vẫn còn dùng loại trang sức này[vi]. Người làm dáng còn đội mũ cắm lông công. Còn cái mũ chaperon bằng vải len, thường được lót thêm vải khác, có khi là lụa màu sáng, thì rất được chuộng suốt hai trăm năm cho tới cuối thế kỷ XV, và có rất nhiều biến dạng. Những trang phục ở các trường đại học châu Âu (không kể nước Pháp) vẫn còn giữ được rất nhiều mẫu. Người ta thường ngả mũ để chào nhau. Trong trang phục, còn có găng tay, bằng vải hay bằng da, thời Trung Cổ rất hay dùng. Các bà quyền quý thêu găng tay, tá điền nộp găng tay cho lãnh chúa như một phần của tô tức. Thách thức ai, người ta vứt găng tay xuống đất; tặng găng tay có nghĩa mời chào, ban phát. Thợ săn để cho chim ưng, chim cắt đậu trên nắm tay của mình, bọc trong găng da dày. Nông dân thì có những bao tay khi làm ở nơi có gai, ngạnh. Thợ nề, giống công nhân Mỹ, đeo găng tay lao động, mỗi năm thay tới hàng tá. Bộ trang phục Trung Cổ, hiểu đúng như thế, rất tiện dụng, đồng thời hợp với người, nó có thể rất sang, đắt tiền, tùy theo chất liệu và cách trang trí. Sự cầu kỳ dành cho các lễ phục tôn giáo và quần áo cung đình vua chúa. Nhưng cuối thế kỷ XIII, tầng lớp trưởng giả cũng thi nhau ăn mặc xa hoa tốn kém, đến mức phải có những điều luật hạn chế. Người ta cũng muốn các “phụ nữ phóng túng” và tất nhiên cả các phụ nữ lương thiện, ăn mặc vừa phải. Và những luật đó đôi khi có tác dụng. Ăn uống Thời Trung Cổ, ăn uống đều dựa trên sản vật của địa phương. Do đó mỗi nơi có cách nấu nướng, tập quán chế biến món ăn riêng biệt, nhiều thứ còn truyền tới ngày nay. Dân thành thị có thức ăn phong phú và đa dạng hơn, tùy theo các chợ được cung ứng, tiếp tế từ những vùng ngày càng xa hơn. Dân Paris thế kỷ XIII ăn thịt bò từ vùng Normandie và cả từ miền Savoie đưa về, ăn cá tươi đánh từ biển Manche, và trên bàn ăn nhà giàu có chà là, vả khô, cam và chanh. Thức ăn cơ bản cho mọi tầng lớp xã hội là bánh, làm từ lúa mì, lúa mạch hay đại mạch, thịt - mà ai ăn chay hoặc chịu phạt thì nhịn, rượu vang. Lúc đó chưa ai biết đến khoai tây, người ta ăn các loại đậu Hà Lan và đậu tằm. Ở Limousin, Cévennes, Corse, thức ăn cơ bản của cả người và gia súc là hạt dẻ (châtaigne). Thịt là các loại mà ta hiện vẫn ăn: bò, bê, cừu, lợn… Nhà nông dân nào cũng có thùng đựng thịt, và đầu mùa đông nào cũng phải giết lợn. Tập quán ấy còn giữ tới ngày nay. Súc vật để giết thịt, do thiếu đồng cỏ nhân tạo và rơm rạ cần thiết, thường ít khi béo. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ XII, gia súc vùng Normandie đã nổi tiếng vì có nhiều đồng cỏ thiên nhiên. Săn bắn là một cách kiếm thức ăn đáng kể đối với nông dân, quý tộc bình dân và cả những kẻ săn lậu. Bên cạnh các chim thú nhỏ, có khá nhiều lợn lòi, hươu, nai. Về việc chăn nuôi gia súc, đáng chú ý là thỏ không được nuôi nhiều như ngày nay, chủ yếu là gà, ngỗng, bồ câu, thiên nga, công mà khi bày bàn thì phủ tất cả lông cho đẹp. Dường như nhà giàu chủ yếu ăn thịt, còn nhà nghèo hơn thì lạm dụng mỡ. Do đó, để ''tiêu'' tất cả số thịt đó, cần nhiều gia vị, phổ biến nhất là tỏi và mù tạt. Các nhà xay thường cứ hai đôi cối xay lúa phải có một đôi xay mù tạt. Từ sau các cuộc chiến Thập tự chinh, còn dùng nhiều hạt tiêu, gừng, quế và nhiều gia vị ngoại lai khác. Mùa đông ăn quá nhiều thịt dẫn đến các bệnh tật mùa xuân, thường bùng nổ ở tất cả các thế hệ tới ngày nay. Bệnh được chữa bằng thuốc sắc, hoặc trích máu nhưng Nhà thờ thì chữa bằng phương thuốc hữu hiệu hơn: lập ra Tuần chay, kiêng thịt; phần lớn các tu viện thực hiện Tuần chay suốt năm. Khi đó thì cá thay thịt trong các bữa ăn. Các lâu đài các tu viện đều có ai thả cá. Các loại cá biển hoặc nước ngọt vẫn là những thứ ta ăn hiện nay, có thêm một số loại cá nhám mà nay ta chê vì thịt rắn, và cá voi thường có ở vịnh Gascogne. Cá bán theo dạng tươi, muối, hun khói và khô. Người ta còn ăn tôm, sò, ốc. Về sau, có các loại đậu tằm giàu prôtêin, đậu Hà Lan xào mỡ lợn hay mỡ cá voi, một số loại đỗ ăn tươi hoặc khô, bắp cải, tỏi tây, củ cải, hành, rau diếp, cải xoong... Quả thì có anh đào, dâu, đào, phúc bồn tử, lý chua, vả, sơn tra, hạnh, quả phỉ, hồ đào, dẻ, mận, lê, táo, mộc qua và, sau các cuộc Thập tự chinh có mơ, dưa. Cách chế biến các món ăn không khác ngày nay mấy. Nông thôn ăn xúp mỡ hoặc xúp cải nấu trong nồi. Những nhà ăn cầu kỳ hơn thì thay đổi luôn cách nấu: rô ti bằng que xiên, nướng, luộc, nấu ra-gu, rán. Người ta dùng nhiều món nhồi, trộn. Ngày nay những món nào ta băm thì họ thường giã. Người ta dùng nhiều món nhồi, nước xốt quánh không phải bằng bột hay trứng mà bằng ruột bánh mì nhúng và lọc qua chao, nước xốt thêm rượu vang hoặc nước nho xanh. Người ta trồng và mỗi đầu bếp có trong phương pháp nấu nướng của mình các gia vị: quế, nghệ, hạt tiêu, gừng và nhiều thứ khác. Họ luôn có sẵn các loại gia vị này để sử dụng khi cần: làm dậy mùi món ra-gu, điểm thêm vào món quay, gia thêm vị cho các món khoai, đậu nghiền bình thường. Bữa ăn ở các tu viện không dùng gia vị (người ta cho rằng những chất này có tác dụng kích dục), hèn gì mà chả được tiếng là nhạt nhẽo. Truyền thống của các loại ''xốt gia vị'' đã được tiếp nối đến ngày nay trong ngành ẩm thực Pháp va cả các nước anglo-saxon, trở thành đối tượng của một ngành công nghiệp. Các loại trai, sò có thể ăn sống hoặc nấu chín, “nấu xivê” như người Mỹ. Nghệ thuật bánh trái còn đơn giản. Có các bánh tẩm bột rán (beignet), bánh kẹp (gaufre), bánh quế (oublie), các loại bánh kem mứt hoa quả hay pho mát, và nhiều loại bánh quy. Người ta cũng làm kem và bánh nhân kem (flan). Người ta nhào bột hoa quả để làm kẹo, có loại kẹo pha gừng, nhân hạnh đào, các loạt mứt làm bằng mật, nước nho... Về uống, có nhiều loại rượu nho, bia - ở phía tây, về sau có rượu táo, rượu lê nhưng không được ưa chuộng lắm - nhưng rượu vang thì đâu cũng uống vì rượu này lại cần có mặt trong lễ Misa. Rượu được nhập từ nơi khác về, nhưng ở đâu cũng cố gắng tự làm lấy, dù ít có điều kiện. Người ta trồng nho, cải tiến cách nấu rượu. Rượu vùng Normandie có tiếng là nặng đến xé họng. Cuối cùng, từ thế kỷ XII, người ta cất rượu trắng từ các hạt ngũ cốc, và thế kỷ XIV, cất rượu trắng từ hoa, quả. Về khẩu phần, không nói đến những bữa tiệc thừa mứa trong lâu đài các lãnh chúa và ngày lễ hội, ta hãy xem bữa ăn của những người bình thường, có ý nghĩa hơn. ở Normandie, người đi làm lao dịch cho tu viện Montebourg năm 1312, mỗi đầu người mỗi ngày được ăn uống như sau: một cái bánh mì, canh đậu, ba quả trứng và một góc pho mát - nếu không pho mát thì sáu quả trứng, còn uống thì “tùy thích” nhưng là rượu của tu sĩ; vào Tuần chay thì được quả hồ đào và ba con cá trích. Năm 1268, một đôi vợ chồng làm một bản cam kết suốt đời với các thày tu ở Beaumont-le-Roger. Họ giao số tài sản nhỏ bé của mình cho tu viện, nhờ tu viện trông nom và nuôi họ suốt đời trên cơ sở sau: tu viện cung ứng mỗi ngày một ổ bánh mì tròn thông thường, hai bánh mì “vừa phải”, một ga-lông (4 lít ?) rượu táo, bia hoặc rượu các thày dòng thường uống, một tuần ba lần có thịt, những ngày khác 6 quả trứng, Tuần chay thì 4 cá trích. (Cộng thêm mỗi tháng một bó củi, và mỗi năm 30 xu – tương đương 1000 phơrăng hiện nay - để may quần áo). Đầu thế kỷ XIV, các thủy thủ phục vụ nhà vua được nhận khẩu phần ăn hàng ngày gồm: bánh mì, đậu, đỗ, nước uống. Song tiền công của họ (40 xu một tháng) được tính toán sao cho họ có thể chi tiêu tự mua rượu thịt hàng tháng (khoảng 5 xu một tháng). Như nhiều vùng nông thôn hiện nay vẫn thế, lúc ăn, người ta dùng tô, thìa và dao (thường là hai người dùng chung), không có đĩa, không dĩa, không dùng khăn ăn, cũng không trải khăn bàn, trừ ngày lễ hoặc ở nhà giàu. Đến thế kỷ XIV, việc dùng khăn bàn, khăn ăn mới bắt đầu phổ biến. Khăn bàn thường phủ xuống tận đất. Người ăn chùi tay vào đó, khiến cho ở những bữa tiệc lớn, sau mỗi tuần thức ăn chính, lại thay khăn bàn. Trước mỗi bữa ăn, người ta ra rửa tay ở vòi nước. Trong tu viện, tu viện trưởng lịch sự thân hành đổ nước lên tay thực khách. Trong nhà lãnh chúa, việc phục vụ này do người hầu làm, và sau thủ tục ''nhúng nước'' là dấu hiệu bữa ăn bắt đầu. Muốn sang hơn, người ta dùng nước thơm (pha cánh hoa hồng, bạc hà, sả...). Rồi soupe được ''nhúng'' vào tô canh (soupe là mẩu bánh dùng để nhúng vào canh hay rượu nho), múc lên bằng thìa. Thịt cắt thành miếng, đặt lên từng lát bánh to, chấm vào nước xốt, dùng tay đưa lên miệng, cách ăn này hiện vẫn còn. Trong các bữa tiệc lớn, người ta bỏ qua những lát bánh nhỏ, sau được gom lại trong rổ, phát cho người nghèo. Trong nhà lãnh chúa, người hầu có trách nhiệm đặt thịt lên từng lát bánh mời chủ. Nơi khác, mọi người tự làm, thò tay vào đĩa, nhưng phải ý tứ và chỉ có đầu ngón tay nhúng vào nước xốt mà thôi. Cuối bữa ăn, người ta dùng rượu vang, nay trở thành tập quán ở Anh. Ngày trời Thời Trung Cổ, một ngày bắt đầu từ nửa đêm với thày tu, từ lúc tảng sáng với “người nông thôn”. Nói chung, ngày được quy định theo mặt trời; chi tiết hơn, nhất là ở thành phố, thị trấn có nhà thờ, hay tu viện, theo các hồi chuông nhà thờ. Nửa đêm, là hồi chuông kinh Sớm mai (Mâtines); 3 giờ, kinh Tán tụng (Laudes) 6 giờ, kinh Nhất (Prime) nếu có dịp là các buổi cầu nguyện riêng; 9 giờ, kinh Ba (Tierce) tiếp đó là đại lễ Misa; chính ngọ, kinh Sáu (Sixte); 15 giờ, kinh Chín (None); 18 giờ, kinh Chiều hôm (Vêpees); 21 giờ, kinh Tối (Complies). Thời khóa biểu này thông dụng trong nhiều dòng đạo, nhất là dòng thánh Benoît và dòng Trappe. Tuy nhiên, một số giáo đoàn và linh mục không thực hiện cầu kinh nửa đêm mà gộp nó vào giờ cầu kinh sáng hoặc chiều. Dù sao, các giờ do giáo hội quy định đã trở thành cách phân chia thời gian mà dân chúng chấp nhận: người ta nói vào khoảng giờ kinh Nhất, sau kinh Chiều hôm, trước kinh Ba... Bản thân sự phân chia này cũng có tính co dãn, tùy theo mùa, vì vấn đề không phải chia thành hai mươi bốn giờ đều nhau, mà là chia thành ngày và đêm. Trên thực tế, các dòng đạo có thời khắc biểu khác nhau với mùa đông và mùa hè. Lúc đó không phải người ta chưa biết đến đồng hồ (Charlemagne đã có một đồng hồ nước), nhưng đồng hồ rất hiếm, và phải từ thế kỷ XIV trở đi, trên nóc các tòa thị chính mới trang trí bằng hình người đánh giờ. Lúc đó đã có cả đồng hồ thiên văn. Muốn đo giờ có nhiều cách khác nhau: đồng hồ cát (nay còn dùng trong bếp để tính thời gian làm trứng lacoóc), nến (một đêm đốt hết ba cây nến. Nay phương pháp này vẫn còn dùng trong các cuộc bán đấu giá trước vị công chứng để hạn chế thời gian trả giá, nhưng cây nến rất nhỏ, để ngọn lửa chỉ cháy trong vài phút), độ dài của một số bài kinh (kinh Thánh thi, kinh xin Chúa thương con, kinh Lạy cha...) Người Trung Cổ, ít nhất là giới tu sĩ và dân các thị trấn, dậy rất sớm theo tiếng chuông, thường trước khi trời sáng để rửa mặt và cầu kinh xong có thể bắt tay ngay vào công việc. Toàn nước Pháp xưa giữ tập quán ấy. Cả những chàng lười cũng dậy tương đối sớm, vì người ta kể rằng những sinh viên thích nằm ườn lâu trên giường thường ghi tên vào trường của Décrétistes, thường đọc vào giờ kinh Bá, tức 9 giờ sáng. Theo Philippe de Novare, vừa thức dậy, người ta làm ba dấu thánh cầu Chúa Ba Ngôi, rồi đọc kinh. Một trưởng giả Paris cuối thế kỷ XIV, soạn một bài giảng đạo đức và nội trợ cho người vợ trẻ, đã thảo sẵn nội dung bốn bài kinh buổi sáng, để đọc”vào giờ kinh Sớm mai, hoặc lúc vừa mới ngủ dậy, lúc đang mặc quần áo hoặc sau đó đều được, miễn là trước khi ăn và làm bất cứ việc gì”. Hai bài kinh đầu là cầu Chúa, hai kinh sau cầu Đức Mẹ đồng trinh. Cầu kinh xong thì mặc quần áo theo trình tự sau: “Buổi sáng khi bạn mới dậy, đầu tiên hãy mặc áo sơ mi, mặc quần, mặc áo gi lê, quàng khăn, đi tất, xỏ giầy, rồi mặc áo choàng dài thắt đai (thắt lưng) và rửa bàn tay, ngón tay, móng tay và mặt”. Như ở nhiều vùng nông thôn vẫn còn thực hiện, chỉ làm vệ sinh thân thể khi đã mặc quần áo xong, do vậy chỉ rửa mặt và tay, tức là những bộ phận hở ra ngoài quần áo. Sở dĩ như vậy, vì nhiều người ở chung một phòng, và không có những phòng vệ sinh riêng biệt. Như vậy không có nghĩa là người thời đó không rửa ráy kỹ hơn, khi đó người ta cởi trần, đứng trước một xô nước. Dân thành thị và nhà giàu cũng biết cái thú tắm rửa, mà ở tu viện chỉ dành cho người ốm và người đang dưỡng sức sau khi trích máu ba ngày. Người ta hưởng thú này trong những chiếc chậu gỗ lớn, lúc khác dùng để giặt quần áo. Đáy chậu được lót một lượt vải đề phòng rằm gỗ làm xước da. Một số người do thiếu thốn phải thực hiện tắm hơi bằng cách na ná cách tắm hơi (sauna) của Phần Lan: những viên ngói hoặc đá được nung nóng, cháy bỏng, rồi đặt dưới đáy chậu gỗ, bên trên có một đáy thứ hai đục nhiều lỗ rồi tưới nước lên. Người tắm cuốn chăn kín người để khỏi bị bỏng, ngồi vào trong chậu cho đến khi ra mồ hôi đầm đìa. Tắm ở nhà thường vào buổi sáng, hoặc sau khi đi đâu mệt nhọc hoặc làm bẩn người trở về (du hành, săn bắn, thi đấu...). Người nghèo hơn thì đi nhà tắm công cộng. Năm 1292, Paris có tới hơn 26 nhà tắm công cộng, mở cửa hàng ngày, trừ chủ nhật và ngày lễ. Khi nước đã nóng, nhà hàng cho người đi rao khắp thành phố, báo tin nhà tắm đã mở cửa. Có cả lệnh cấm không được rao trước khi trời sáng, sợ rằng khách vội đi sẽ bị kẻ vô lại trấn lột. Sau khi rửa ráy, còn có các cách làm dáng: nhuộm tóc, nhổ lông, bôi sáp và nước hoa. Chúng ta có nhiều thông tin về các cách làm đẹp thế kỷ XIII, XIV, một số còn chép trong sách thảo dược. Không phải ai cũng vội chạy đến nhà tắm buổi sáng mà ở triều đình của các lãnh chúa, ở các thành phố, làng mạc, phần lớn đều bắt đầu một ngày bằng đi cầu kinh, dự lễ nhà thờ. Được biết một người sùng tín như Saint Louis không chỉ cầu kinh một lần, vị vua này cầu kinh hai lần một ngày, trong đó một lần cầu hồn người chết và một lần cầu kinh tháng ngày. Quá thật ông này thích cầu nguyện đến mức lạm dụng, những ngày lễ trọng, ông làm lễ cầu liên tục khiến quần thần cũng phải khó chịu; một sử quan, dù là thày tu cũng đã phải chép như thế. Cũng vua Saint Louis, khi vạch chương trình sinh hoạt cho con gái, đã ghi phải dự lễ cầu nguyện hàng ngày, điều đó không lạ. Nhưng một người như Joinville, chỉ thuộc loại ngoan đạo bình thường, cũng làm như vậy, coi đó là việc thường lệ. Philippe de Novare cũng thế. Hiệp sĩ De la Tour-Landry, cuối thế kỷ XIV, viết dặn dò con gái, và Sách Nữ công Paris coi việc đó như đã đi vào phong tục chứ không phải là biểu hiện sùng đạo. Hiệp sĩ viết: “Hãy đọc kinh một cách nhiệt tâm, không nghi chuyện gì khác, và nhớ là chưa được ăn nếu chưa đọc… Sau đó, nhớ là cố đi dự tất cả các lễ cầu có thể đi”, tất nhiên là lúc chưa ăn: Ông dẫn ra một cách khinh bỉ gương xấu của một tiểu thư nọ “vừa mới đọc được hai, ba lời kinh đã vội về thay quần áo rồi ăn luôn, nói rằng mình bị đói lả”. Sách Nữ công coi là xấu xa kẻ “cứ nằm ườn buổi sáng trên giường và đáng lẽ phải đi cầu kinh, lại coi thường và cứ trăn trở thân mình để ngủ lại”. Sách cũng kể chuyện một ông trưởng giả, đã có vợ chính thất, lại dan díu với một cô gái nghèo, là thợ kéo sợi, thỉnh thoảng lại ngủ đêm với cô ta. Và từ giường tình nhân ra, đi cầu kinh “như chuyện bình thường”. Vậy là tâm ngoan đạo mà đời sống không ngoan. Phụ nữ trẻ đi lễ nhà thờ phải có “một phụ nữ đoan trang” đi cùng. Khi đi, “đầu phải thẳng, mắt nhìn phía trước hơi chúc xuống đất”, không nhìn ngang nhìn ngửa, “không cười hay dừng lại nói chuyện với ai ngoài phố”. Lời khuyên tiếp tục: ở nhà thờ “chọn một chỗ kín đáo vắng vẻ, trước một điện thờ hoặc một tranh đẹp rồi ngồi yên đó không chạy đi chạy lại, đầu thẳng, mắt nhìn vào sách kinh hoặc bức tranh, không nhìn người này người khác, không giả bộ mà thực tâm nghĩ đến Chúa, ngưỡng mộ Chúa hết lòng...”. “Làm như vậy, cầu kinh hằng ngày và thường xuyên xưng tội... với những giáo sĩ đứng đắn và thận trọng. Và nếu cứ kiên trì như thế, vinh quang và hạnh phúc sẽ tới”. Những lời khuyên đúng đắn, hơi nghiêm khắc, nhưng đàng hoàng và đẹp đạo. Từ tu viện, từ nhà thờ xứ - với lãnh chúa sang trọng thì từ điện thờ riêng - trở về, người ta bắt đầu ăn sáng. Lúc đó là khoảng 6 giờ. Khoảng 9 giờ lại ăn nữa, tập quán này, một số thợ thuyền, nhất là nông dân ta, vẫn còn duy trì; các việc làm của họ từ khi thức giấc buổi sáng nói chung cũng giống như cha ông. Rồi ngày làm việc bắt đầu, vô cùng đa dạng tùy theo sang hèn, giàu nghèo, nam nữ, thành thị hay nông thôn. Một ông vua như Saint Louis, hoặc một đại lãnh chúa dưới triều của Ngài là Bá tước Poitiers, sẽ mở cuộc tiếp những người đến xin yết kiến để thỉnh cầu việc gì. Các lãnh chúa có mặt trong triều đình cùng tiếp với vua, họ có trách nhiệm chọn lựa, lọc bớt những người được tiếp. Ngoài phố, người thợ thủ công mở cửa hiệu, vừa làm việc với công nhân hoặc với thợ học việc vừa tiếp khách hàng, trong khi người vợ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ hoặc giúp đỡ chồng; trẻ con cắp cặp đi học. Ở những trung tâm công nghiệp như các thành phố vùng Flandres, nơi đã biết chủ nghĩa tư bản từ thế kỷ XII, sự phân công lao động và tất cả các đặc điểm chủ yếu của đời sống kinh tế hiện đại, công nhân, thợ thủ công mau chóng lao vào công việc. Ở quảng trường Grève, Paris, người lao động tập hợp để kiếm việc làm, chờ người đến thuê làm phu khuân vác, thợ phụ, chào hàng (Bến cảng ở ngay gần quảng trường). Kiếm được việc rồi, họ làm không hăm hở lắm, luôn tranh thủ mọi cơ hội để nghỉ, để tạt vào quán làm chén rượu. Thày thuốc mặc bộ đồ màu tím, tay đeo găng đỏ đi khám bệnh; luật gia đến tòa, thường bắt đầu xử án vào giờ kinh Nhất; các thày giáo, xúng xính trong chiếc áo khoác lông, bắt đầu lên lớp. Trong những nhà khá giả, bà chủ lo điều khiển kẻ ăn người ở quét dọn nhà cửa, rũ sạch khăn và thảm, đánh xi bàn ghế, đánh bóng đồ đồng đồ sắt. Các phố hẹp đầy ắp người. Xe kéo, ngựa và lừa ùn ùn chở cá, rau, bơ, trứng đến chợ. Thợ thủ công nhỏ không đủ tiền để có cửa hàng phải đi bán rong, vác hàng trên lưng, vừa đi vừa rao. Bà nội trợ vét mỡ thừa trong bếp đem tới, anh thợ nến sẽ đúc thành nến ngay tại chỗ. Anh hàng bánh có trò quay số, ai quay trúng số nào sẽ được ngần ấy bánh… Các chủ hiệu buôn cử người đi rao hàng khắp các phố. Các cậu hầu bàn ở quán chạy rong khắp nơi, tay cầm bình rượu và cốc, mời khách qua đường nếm miễn phí, rồi kéo khách về quán mình. Tiếng rao quảng cáo vang lên khắp nơi. Cả ở những thị trấn nhỏ, không khí cũng nhộn nhịp: các bà đi lấy nước ở máy nước rồi đứng chống nạnh một lúc để chuyện gẫu; người buôn bán đứng trong nhà chõ ra ngoài mời khách; các cô gái đi ra chợ, ra chỗ giặt giũ; người ta dừng lại giữa đường chuyện trò với một bà vãi có thể là một người có tâm hồn thánh thiện, nhưng cũng thường ghé tai truyền đi mọi thứ chuyện ngồi lê đôi mách... Và trùm lên tất cả sự xô bồ phàm tục ấy, thỉnh thoảng lại gióng giả một hồi chuông. Cảnh đó không xa lạ lắm với chúng ta: ai đã từng sống ở một tỉnh lẻ nước Pháp, ắt đã thấy đi qua trước mặt mình ông hay bà thu mua đồng nát, anh thợ gắn bát vỡ, bà bán thúng mủng, ắt trông thấy ông thợ chữa giầy lúi húi trong quán, ắt đã vào gian chợ mặc cả mua rau hoặc đồ khô (thời Trung Cổ là những quầy bán hàng vặt), đã nhìn ngắm những ông bà già vừa ngồi sưởi nắng vừa trò chuyện râm ran, và các bà phụ nữ léo nhéo không dứt ở nơi giặt giũ. Ai chả đã từng nghe tiếng chuông điểm giờ từ trên nóc tòa thị chính hay từ gác chuông nhà thờ? Mọi thứ không thay đổi mấy kể từ thế kỷ XIII cho đến tận sau 1950. Ở thôn quê, công việc đồng áng cũng ít thay đổi, kể cả dụng cụ, và bắt đầu ngay từ lúc bình minh. Khoảng giờ ngọ thì ăn trưa. Sau đó là một chút thời gian nghỉ ngơi. Đó là lúc anh thợ thủ công ngồi trước cửa nhà tán chuyện với hàng xóm, các gánh xiếc trong vùng đến làm trò mua vui trong các sân nhà, và các cô tiểu thư tiêu khiển bằng các trò chơi của học trò. Sách Nữ công Paris viết: “Vào một ngày đẹp trời, vài người khá giả tụ tập lại, sau bữa tối để uống rượu. Họ tán và chơi trò ú òa với các quý cô, người này đoán, người kia đố, những người khác thì chơi bài hoặc vui đùa với hàng xóm”. Nhưng người phụ nữ đức hạnh hơn cả “những người thợ dệt ở góc cùng của ngôi nhà, trong một căn phòng lớn cách biệt với phố sá, là người phụ nữ ngồi một mình, cách xa những người thợ, cầm quyển sách một cách thành kính, mặt hơi cúi xuống khiêm nhường nói chuyện... Không ai có thể làm cho cô nhảy múa, hát hò trừ khi đó là ngày cô nhận được thư chồng hay chồng trở về”. Ở các lâu đài người đi săn, người chơi bài, chơi cờ. Chủ nhật, đàn ông và thanh niên các làng, các thị trấn đều chơi trò súc sắc, đánh bóng tay, chơi ki, chơi bi, đánh. đáo, chơi soule (đá bóng kèm chạy việt dã). Vua Saint Louis nghỉ trưa xong, cùng linh mục riêng của mình đọc kinh cầu hồn, rồi đến kinh Chiều hôm. Sau bữa ăn tối, vua với các con đến sum vầy, kể chuyện cho chúng nghe, dạy chúng hát các bài hát đạo; trước khi đi ngủ, đọc kinh. Tối cùng linh mục. Trời tối, là mọi lao động đều ngừng. Trừ trường hợp thật đặc biệt, các phường nghề, tức là những nơi có tổ chức, cấm ngặt mọi công việc đêm, sợ gây hỏa hoạn, sợ làm hỏng do thiếu ánh sáng, đồng thời đề phòng sự cạnh tranh bất chính dựa trên sự bóc lột công nhân một cách vô nhân đạo. Việc thắp sáng quả thật vừa kém vừa tốn. Nhà giàu có những cây nến bằng sáp ong, người khác chỉ dùng nến làm bằng mỡ. Nhiều nơi thắp đuốc bằng nhựa cây (nông dân xứ Cornouailles cách đây chưa đầy thế kỷ vẫn giữ tập quán này). Nông thôn cũng như thành thị đôi khi chỉ đốt lửa soi sáng bập bùng. Đàn bà ngồi quay sợi, đàn ông vót đũa, chải đay, đan rổ, gọt thìa gỗ, vừa làm vừa trò chuyện. Ở các lâu đài, mọi người quây quần trong phòng lớn. Một tiểu thuyết thế kỷ XIII mô tả vị bá tước mặc quần áo ngủ, ngồi trước lò sưởi, ngả đầu vào lòng một tùy nữ để cô này tiện gãi lưng cho mình, việc này diễn ra trước mặt bà bá tước và con cái mà không ai nói gì. Ở thành phố, học sinh sinh viên túm tụm nhau trong phòng để tán chuyện và chơi bài, đánh cược bằng bánh kẹo. Mùa đẹp trời, họ dạo chơi dọc sông, thày giáo khuyên họ đi thong thả riêng rẽ, vừa đi vừa ôn bài, chuẩn bị bài học sau, thì họ lại đi từng nhóm ầm ĩ, rẽ vào quán rồi cãi nhau, đánh nhau, đối đầu với lực lượng an ninh, hoặc tìm đến trêu chọc các gia đình khá giả, mà đôi khi vượt quá sự đùa nghịch thông thường. Còn với những người ngoan đạo, Sách Nữ công Paris đưa ra chương trình buổi tối như sau: “Không nên ăn, uống lúc đêm hoặc lúc kinh chiều tối, nếu có, thì chỉ nên ăn tí chút, rồi hãy cất bỏ mọi ý nghĩ phàm tục, đi dạo ở nơi vắng vẻ, không bận tâm điều gì, rồi sáng mai cầu kinh, sau đó gặp linh mục xưng hết mọi tội lỗi”. Sinh hoạt buổi tối không kéo dài, trừ ngày 24 tháng Chạp và đêm lễ Cầu hồn. Rồi ở thành phố, báo lệnh giới nghiêm và các bà nội trợ, sau khi gạt vài hòn than hồng ủ dưới tro, sẽ dập tắt lò sưởi bằng cách tưới nước hoặc đựng riêng các cây củi ra một góc. Nguy cơ hỏa hoạn luôn tiềm tàng ở các thành phố Trung Cổ, vì nhà cửa san sát, lại phần lớn đựng bằng gỗ, trát đất. Ở các nhà to, bà chủ phải kiểm tra gia nhân trong việc tắt lửa. Rồi mỗi người cầm một cây nến, đi ngủ. Một số đi rửa ráy, chủ yếu là rửa chân. Cởi bỏ quần áo theo thứ tự như sau: “Phải vắt quần áo lên sào (bắc ngang dùng để mắc quần áo, không để chúng quét đất và bị chuột cắn, hoặc bị chó mèo - thường ở chung với chủ - làm hỏng) quần áo có các loại: áo khoác, áo ngoài và áo khoác nhẹ, khăn choàng, áo choàng có mũ gập vành, áo chẽn, áo khoác mỏng lót lông thú, quần áo mùa đông hoặc mùa hè. Sơ mi để ở đầu giường (sau gối), quần để ở dưới giường”. Người Trung Cổ ngủ trần, trên đầu có thể phủ miếng vải mỏng hoặc mũ vải. Mốt mặc áo ngủ được thực hiện đầu tiên trong giới tu sĩ, để giữ đứng đắn. Quy chế của nhà thương qụy định các thày nhà chung mặc quần áo và các xơ mặc áo đi ngủ. Các thày tu đứng Cîteaux thì mặc nguyên quần áo đi ngủ, chỉ cởi áo khoác ngoài. Tuy nhiên, tu sĩ ngủ mỗi người có nệm rơm riêng, còn dân chúng thì thường nhiều người ngủ chung một giường. Do đó để khỏi ngượng, chỉ khi nằm trong chăn rồi mới tụt áo, đặt nó trong tầm tay để khi dậy lại khoác vào ngay trước khi ra khỏi giường. Ngay gần đây, ở những vùng nông thôn nước Pháp do không có phòng riêng, cả nhà ngủ cùng một chỗ, người ta vẫn lên giường rồi mới cởi áo theo kiểu Trung Cổ. Lên nằm rồi, người ta tắt nến. Sách nữ công ghi trường hợp một số gia nhân có thói quen nguy hiểm là dùng chiếc áo vừa cởi ra, quăng vụt qua ngọn nến cho nó tắt. Cuối cùng là ngủ. Sách Nữ công dặn dò người vợ trẻ: “Nếu nửa đêm thức dậy và nghe thỉnh chuông giờ kinh Sớm mai, hãy thầm cầu nguyện, tôn vinh Đức Chúa trước khi ngủ lại.” La Tour-Landry dạy các con gái “mỗi khi thức giấc, nhớ nói lời cầu người chết, họ sẽ phù hộ cho mình, và cầu Đức Marie đồng trinh”, và “xin các thánh thần phù hộ”. Không phải ai cũng qua đêm thánh thiện như thế. Các nhà tắm chẳng hạn, càng ngày càng có tiếng xấu là nơi trụy lạc. Trong khi thiên hạ ngủ yên, các thày tu phải dậy một hoặc hai lần để đọc kinh Sớm mai và kinh Tán tụng. Trên tháp các lâu đài, trên bờ thành, và ngay trong các phố, lính canh luôn đứng làm nhiệm vụ. Người này bảo vệ an toàn vật chất, người kia canh cho sự yên bình tinh thần. Chúng ta biết chuyện Philippe Auguste khi gặp bão trên biển, đã nói: “Chúng ta hãy cố giữ cho đến giờ kinh Sớm mai, lúc đó ta sẽ thoát nạn,vìcácgiáosĩđãbắtđầulàmlễcầunguyện,vàsẽthaynhaucầuChúaphùhộchúng ta”. Năm tháng Lịch Trung Cổ là lịch những ngày lễ của Nhà thờ. Người ta không nói: ngày 20 tháng Bảy, mà nói hai ngày trước lễ Madeleine; không nói ngày 11 tháng Một, mà nói ngày lễ thánh Martin. Các ngày chủ nhật được gọi theo những từ đầu tiên của kinh khai lễ. Gần đây người ta còn nói ngày chủ nhật sau lễ Phục sinh. Một năm bắt đầu từ lễ Giáng sinh, đó là năm của người theo đạo, khởi đầu một vòng lễ kể từ mùa vọng. Còn năm dân sự thì tùy mỗi nơi: với các thư lại của Triều đình nước Pháp và Hà Lan thì năm mới bắt đầu từ lễ Phục sinh, nhưng vì lễ này không cố định nên có năm có mười ba tháng, có năm chỉ có mười một, và cũng một ngày ấy của tháng Ba hay tháng Tư, đến mười hai tháng sau, vẫn mang cùng một niên hiệu. Ở nơi khác có tập quán khác: ở Figeac, ngày đầu năm là ngày 1 tháng Ba, song nói chung vùng miền Nam nước Pháp và nhiều vùng khác (Beauvais, Reims, Montdidier, Lorraine, Cologne, nước Anh và Scotland) chọn ngày lễ Truyền tin (Annonciation, 25 tháng Ba); còn miền Tây (Anjou, Vendômois, Normandie, Soissons) và xứ Dauphiné, nhiều công quốc Tây Ban Nha, lấy ngày 25 tháng Chạp. Nhưng dù các quan chức nghĩ gì, thì với dân chúng, năm mới vẫn bắt đầu vào thời gian lễ Giáng sinh và lễ Hiện thân (Epiphanie). Ở nông thôn, công việc đồng áng mùa thu và gieo hạt mùa đông đã xong. Mọi công việc đều được hoàn thành, thóc đã vào vựa, mỡ ở trong thùng. Cữ rét đậm đã tới. Thật dễ chịu được giam mình trong nhà cạnh lò sưởi để nghỉ ngơi, làm việc vặt, trong lúc bọn trẻ tha hồ chơi ném tuyết hay trượt băng. Ở tỉnh, các cửa hàng bán đồ khô giã hương liệu dùng để chế biến các món ăn Giáng sinh, mùi thơm lừng các phố. Ngày ngắn lại và cho đến lễ thánh Sainte-Luce (13 tháng Mười hai) thì mới dài ra một chút: đầu mùa đông giống mùa hè. (Cách nói này khòng còn đúng nữa từ ngày cải cách lịch Grégoire 1581 xê dịch ngày Đông chí đi 10 ngày). Trong thời điểm nghỉ ngơi, thư giãn, hy vọng ấy, lễ Giáng sinh xịch đến, và là lễ vui và lớn nhất. Nhà cửa được trang trí xanh tươi. Trang tráng cỏ là tập tục xứ Provence; đầu thế kỷ XIII, Saint François d’Assise đã nhanh chóng phổ biến rộng rãi tập tục đó. Ở nhà thờ, một đoàn tu sĩ đóng vài mục đồng và đạo sĩ kéo đến máng cỏ mừng chú bé Chúa Trời. Ở lễ cầu kinh nửa đêm về, là tiệc giao thừa với các món ăn truyền thống. Ngày hôm đó, vua nước Pháp mở tiệc lớn, và ngay thời kỳ đầu của dòng họ Capétiens, Ngài mang vương miện trên đầu. Khắp nơi, các cuộc vui chơi dân dã, truyền thống được tổ chức: ở Normandie, chơi trò “kéo gậy”; trong các trường học miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp, trẻ con mang gà đến, tổ chức cho chúng chọi nhau; xứ Bourbonnais tổ chức chơi soule giữa đội những người chưa vợ và đội những người có vợ. Ba hôm sau, là lễ hội Ngây thơ: các tu sĩ tí hon, các lễ sinh hôm đó được quyền thay thế các bậc quyền chức của Nhà thờ ngồi ở hàng ghế hai bên chính điện, song chúng làm không ổn nên Giáo hội dần dà bãi bỏ lệ này. Ở Rennes, cậu lễ sinh giữ vai giám mục, mũ mãng chỉnh tề, sau khi ban phúc lành, đã nhận một đôi găng tay do các linh mục phụ tá biếu, coi như đồ lễ, cứ như cậu ta là lãnh chúa thực thụ. Rồi các tu sĩ tí hon đi một vòng thăm các tu viện xung quanh và được tặng nơi thì một con cừu, nơi bốn con gà sống thiến. Dần dà lệ này trở thành luật, đến mức một vị linh mục ở Saint-Cyr năm 1381 từ chối không chịu nộp lễ, đã bị đưa ra tòa, rồi buộc phải chấp hành. Ngày 1 tháng Giêng, ngày lễ Cắt bao quy đầu (Circoncisin) và lễ mang tên Chúa Jésus, đồng thời từ thời cổ đại là ngày trao tặng nhau quà mừng, ngày của các lễ mê tín; ai làm nghề pháp thuật hôm đó sẽ mở hàng. Lễ Hiện thân (Epiphanie) - ngày thứ 13 - là lễ của các vị vua. Trong số các trò chơi và tiệc tùng có trò nhổ cây đậu tằm. Triều đình cử hành lễ này rất tưng bừng, nó đánh dấu cái mốc quan trọng trong niên lịch hành chính. Đó cũng là một nhật kỳ để thanh toán công nợ. Ở vùng Dieppe chẳng hạn, các gia nhân của ngài tử tước, đi đầu là một chàng hát rong, kéo đến nhà chủ, đem lễ vật là năm đồng xu đặt trong cốc bạc, ba thủ lợn, mỗi mõm lợn ngậm một quả táo và hàng tràng xúc xích. Như vậy là đủ cả, mùa nào thức nấy (mùa đông là mùa giết lợn), hình thức dân dã, lại có dịp vừa mua vui vừa nịnh chủ. Tám ngày sau lễ Hiện thân, mùa ăn chơi lễ hội dần dần khép lại, nhưng chưa hết hẳn, người ta còn vui vẻ liên hoan cho đến tận Tuần chay (Carême), để bù trước những sự kiêng nhịn sắp phải chịu. Tháng Hai, tháng lạnh giá, mưa và tuyết. Các sách lịch tháng này vẽ người dân ngồi bó gối trước lửa hồng trong ngôi nhà đóng kín, chung quanh lủng lẳng những khúc dồi và tảng giăm bông hun khói. Ngày lễ Rước nến, người ta mang từ nhà thờ về cây nến thánh, giữ gìn cẩn thận để thắp lúc hiểm nguy, có mưa to gió lớn hay có người hấp hối. Ở nhiều vùng, lễ này cũng là một nhật kỳ để trả nợ và người ta làm bánh xèo (crêpe) trong ngày lễ này. Rồi tùy theo từng năm, sớm hay muộn cũng đến Tuần chay “người nghèo rất không ưa” - trong thời gian này - trừ chủ nhật, người có đạo phải kiêng thịt, nhịn ăn. Vì vậy trong những ngày trước đó – gọi là ngày béo - người ta thả sức ăn chơi: ăn tươi, bánh trái, nhảy múa, ca hát, diễu hành, đôi khi gây lắm chuyện lộn xộn, phóng túng; sinh viên Montpellier mang gậy gộc ùa vào nhà dân cướp thịt, ném rơm, ném đá... làm cảnh sát phải mệt lử. Những ngày lễ Bôi tro sẻ làm hạ hỏa cái nhiệt huyết ấy. Mỗi người đến nhà thờ được linh mục lấy tro (đã có phép thánh) bôi lên trán một hình chữ thập để nhắc nhở về kết thúc cuối cùng của mình và về thân phận con người cuối cùng sẽ trở thành tro bụi. Trong vòng 40 ngày, mọi người sẽ kiêng thịt, có khi cả trứng và sữa, chỉ ăn cá trích muối và crapois (cá voi khô), có nhiều chất dinh dưỡng, nhưng ăn không ngon, nấu lẫn với đậu, đỗ. Ngày giữa Mùa chay được đánh dấu bằng những đám rước, rời đến Tuần lễ thánh (semaine peineuse), mở đầu bằng ngày chủ nhật Hội Cành (Dimanche des Rameaux) còn gọi là Lễ Phục sinh hoa (Pâques fleuries), Osanne, Lave chief, Ngày chủ nhật trước khi Chúa bị bán (Dimanche d’avant que Dieu fut vendu). Các cành cây xanh được ban phép thánh rồi đặt vào trong nhà, cả trong chuông gia súc. Nghi lễ của ngày này gồm một đám rước trong đó có một con lừa, để tưởng nhớ đến con vật mà Chúa Jésus cưỡi khi tiến vào Jérusalem. Ngày thứ Năm thần thánh, còn gọi là thứ Năm tuyệt đối các vị giám mục, các ông vua và những con chiên ngoan đạo khác tự coi trách nhiệm của mình là phải tiếp người nghèo, cố gắng được 12 người, ngang với số lượng các Tông đồ, rửa chân cho họ và mời họ cùng ăn tại nhà, như Chúa Jésus đã làm thế. Joinville kể: Saint Louis rất coi trọng tập tục này và còn khuyến khích quần thần làm theo. Ngày thứ Sáu thần thánh, hay thứ Sáu tôn thờ, hôm đó nhà thờ Sainte-Chapelle do Saint Louis xây dựng để cất giữ chiếc vương miện có gai - là một kỷ vật đặc biệt, đem nó ra trưng bày cho công chúng thưởng lãm. Rồi đến lễ Phục sinh tưng bừng. Các con chiên đã được xá tội đến nhà thờ xứ làm lễ ban thánh thể. Để tránh các sự cám dỗ, một số thành phố, như Uzès, tạm thời trục xuất các cô gái “không đứng đắn” từ nửa tháng đến sáu tuần. Chuông ngừng đánh trong ba ngày, nay lại giống giả đón chào một đàn tu sĩ diễn cảnh những người đàn bà thánh thiện đi tới mộ chí. Dịp lễ này, dân dùng nhiều trứng tô màu xanh đỏ, và người ta kết thúc mùa chay bốn mươi ngày bằng những bữa ăn linh đình. Công việc đồng áng đã bắt đầu trở lại. Nông dân xén cây, xới nho, cày miếng đất dành cho các cây trồng mùa xuân (chiếm khoảng một phần tư diện tích), gieo hạt lúa mùa xuân, những mảnh đất đã gieo lúa mùa đông nhưng bị giá rét làm hỏng thì gieo lại. Nhưng chiến tranh, đã dịu đi do thời tiết xấu, lại tiếp tục cho đến mùa đông sang năm, dù thỉnh thoảng có điều đình, ngưng chiến. Nếu là thời bình, thì tổ chức các cuộc thi đấu, tập trận giả thu hút cả giới quý tộc địa phương, đôi khi lôi cuốn cả quan chức triều đình và những nhà vô địch chuyên nghiệp sống bằng nghề võ, giống như các vận động viên thể thao ngày nay: Những cuộc thi đấu đó thu hút các gánh xiếc kéo đến: tung hứng, nhào lộn, hát rong, dạy thú; những người bán vải, đồ thêu, vũ khí, đồ trang sức, đổi tiền, và cả những tên hành khất, đĩ bợm. Người thân của một số hiệp sĩ: em gái, bạn gái... đổ đến. Nhà trọ có dịp đắt khách; người có tiền thì thuê phòng, người khác cắm lều trại ngay quảng trường hay trên bãi cỏ ngoại vi thành phố. Có thể một vài cánh đồng bị giẫm nát mà chẳng được bồi thường, còn nói chung dân buôn ở địa phương thì rất hoan hỉ. Cửa hàng cửa hiệu trang hoàng cờ phướn rực rỡ, những nhà khá giả treo ở mặt tiền nhà mình những tấm vải đẹp nhất và những tấm chăn lót lông thú, người ta rải cây bạc hà, cây bấc và hoa dơn lên phố. Phố sá rộn rã tiếng dao băm, tiếng chày giã; tiếng loa, tiếng tù và inh ỏi chào mời khách. Giáo hội, một mặt công nhận các cuộc tỉ thí cũng là một thứ luyện tập quân sự, cho nên cần thiết và chính đáng, mặt khác cũng than phiền, nhất là từ cuối thế kỷ XIII, chúng đã sinh ra lắm tệ nạn: xa hoa lãng phí, cả ăn chơi trụy lạc, thù oán. Các nhà vua sau khi coi thi đấu là tốt về quân sự, là cách để cho những kẻ hung hăng có dịp tiêu bớt sinh lực, nhận ra rằng nó cũng gây hậu quả nguy hiểm: giới quý tộc quá say mê, sa đà, quen thói hoang toàng xa xỉ, cuối cùng mất cả tinh thần thượng võ, bị tha hóa và phá sản. Một tiểu thuyết cuối thế kỷ XIII kể chuyện một nhà quý phái nọ do ham thi đấu và mắc nợ trong mấy năm trẻ tuổi, đến nỗi suốt đời phải ru rú xó nhà, sống đạm bạc để trả nợ. Vì vậy triều đình đã tìm cách đối phó, cấm các cuộc giao đấu, nhất là khi có sự đe dọa chiến tranh từ bên ngoài, đòi hỏi phải chuẩn bị nghiêm túc về vật chất và tinh thần. Song tập tục đã quá ăn sâu khó mà uốn nắn, cuối cùng đành chịu, như dưới thời Jean le Bon, triều đình phải giành quyền chủ động bằng cách tổ chức các hội hè hấp dẫn hơn tất cả những gì đã có. Cành lá đâm chồi nảy lộc, hoa nở rực rỡ. Thời Trung Cổ chưa biết chống chọi với cái rét nên càng chào đón mùa xuân, ca ngợi mùa xuân bằng những vần thơ tươi sáng, trong khi những người thợ tô chữ trang trí sách thế kỷ XIV và XV lại thích thể hiện những sắc thái của mùa xuân. Tuổi trẻ ở tất cả các tầng lớp rất chuộng các thú vui ngoài trời. Một cái thú đơn giản và phổ thông nhất là nhảy vòng tròn trên bãi cỏ trong vườn, trên quảng trường, hay trong nghĩa trang, ngoài đồng cỏ. Một số nơi vùng Bretagne còn duy trì trò vui này truyền lại từ thời Trung Cổ gọi là lưới đánh chim chiền chiện. Tuy nhiên có những người nghiêm khắc không ưa trò này, coi là chuyện đàn đúm, làm hư người. Giới quý tộc ưa đi cắm trại ngoài trời. Một tiểu thuyết thế kỷ XIII mô tả một đoàn quý phái đi về đồng quê, dựng trại, tiêu khiển vui vẻ: sáng sớm, một số đi săn, đến chiều mang về chiến lợi phẩm, kể chuyện hào hứng và ăn rất ngon. Các mệnh phụ và tiểu thư cùng các vị hiệp sĩ tùy tùng thì ngắm vuốt, trang điểm bên bờ suối, chạy nhảy trên cỏ xanh: cảnh điền viên nhưng không hoàn toàn ngây thơ, trong trắng. Có lẽ tác giả muốn phản ánh thói tục của giới quyền quý miền Nam vừa giàu có vừa nhàn rỗi nên tiêu sầu bằng cách lao vào những chuyện tình ái nhăng cuội - rất trái đạo lý truyền thống - nhưng lại được văn học lãng mạn xưng tụng. Đầu tháng Năm, thanh niên trồng một cái cây, kết thêm hoa lá rồi cùng nhau nhảy múa xung quanh. ở Boulogne họ đi bịt ống khói nhà những ông chồng bị mọc sừng... Mặt khác, các nghi lễ rầm rộ vẫn diễn ra: rước qua các cánh đồng làm lễ cầu được mùa. Lễ Hạ trần (Pentecôte): để diễn lại cảnh các lưỡi lửa đổ xuống các Tông đồ, người ta treo rủ các mảnh vải rực lửa từ trên nóc nhà thờ và như ở lễ Hiện thân, quần chúng “làm vua” rồi lễ Thánh thể (FêteDieu), có từ thế kỷ XIII. Tháng Sáu kết thúc bằng ngày lễ của những đức thánh đặc biệt nổi danh: ngày 24 , thánh Jean-Baptiste; ngày 29, thánh Pierre và thánh Paul. Đó là những nhân vật vĩ đại, một ngày lễ chưa đủ. Thánh Pierre chẳng hạn, còn được cử lễ vào ngày tháng Tám. Sự tích các ngày lễ là xuất phát điểm của nghệ thuật sân khấu. Thế kỷ XI, khi cử hành lễ Phục sinh và lễ Giáng sinh, người ta diễn những vở kịch tôn giáo đầu tiên, do các tu sĩ thủ vai, nói tiếng La tinh. Rồi trí tưởng tượng, và có khi căn cứ vào dã sử, người ta sáng tạo thêm những nhân vật mới, đưa cả màn hài vào, như cảnh các bà Thánh đi mua nước hoa trong vở Hồi sinh. Thế kỷ XII, kịch tôn giáo dùng ngôn ngữ đời thường và đưa ra ngoài nhà thờ, công diễn ở sân trước. Sự tích các thánh được đưa lên sân khấu, biểu diễn liên tục quanh các tu viện có đông người hành hương, như Thánh Martial ở Limoges và Thánh Benoît-sur-Loire. Một nền sân khấu thuần túy trần tục đã phát triển ở thế kỷ XIII, dạng kịch thơ đối đáp, như vở đối đáp Robin và Marion. Thế kỷ XV, bên cạnh các màn hề, đã có những vở mang tính trào phúng, châm biếm. Nhưng sân khấu tôn giáo vẫn giữ vị trí hàng đầu. Thế kỷ XIV, nó lan rộng khắp nơi và nhiều đoàn kịch nghiệp dư ra đời để diễn cùng một tích hết năm này sang năm khác. Cho đến nay, cách diễn vở Sự đam mê của Oberammergau (La Passion d’Oberammergau) vẫn giữ nguyên như ở thời Trung Cổ. Kịch mục gồm tiểu sử các thánh, nhất là các sự tích rút ra từ lịch sử loài người, từ sự sa ngã (Vở Adam) cho đến Cứu thế và Hồi sinh. Chúng luôn luôn được sửa đổi, bổ sung, cuối cùng trở thành một chuỗi vở liên hoàn diễn liên tục nhiều ngày, với hàng trăm diễn viên chính và phụ. Được chuẩn bị kỹ lưỡng, dàn dựng hoành tráng, nó trở thành tác phẩm tập thể mà toàn dân thị trấn tham gia, thu hút khán giả từ xa đến xem. Diễn viên, chỉ lấy nam giới, được tuyển mộ trong tất cả các tầng lớp xã hội, kể cả tăng lữ. Tất cả các cửa hiệu đều đóng cửa, mọi công việc đình lại, khi đoàn diễn viên diễu qua phố tới quảng trường, nơi đây đã dựng một sân khấu lớn, có khi dài tới 100 mét, với nhiều phông cảnh, theo nguyên tắc dàn dựng đồng thời. Một đầu là Thiên đường có Thượng đế ngự cùng với các thiên thần, đầu kia là “hố địa ngục” đen ngòm, đầy quỷ sứ và lửa cháy. Các tấm điêu khắc trong nhà thờ, các tranh vẽ trong sách, các bức thảm, thường lặp lại những cảnh đã diễn trong các vở kịch. Hoặc, như ở Anh, mỗi cảnh do một nhóm diễn viên đóng, tất cả ngồi trên một chiếc xe, các xe đi diễu hành và dừng lại ở nhiều điểm, mỗi lần dừng là một lần diễn trọn vẹn (cái gọi là pageant hiện còn thịnh hành ở Hoa Kỳ là phỏng theo lối diễn này). Ngày nay, ở Dorat, cứ bảy năm lại có lễ Ostensions (Phô bày), và cũng diễn ra chuyện tương tự tại nhiều điểm trong thành phố, dân chúng lấy tiểu sử các thánh (có di vật để lại trong nhà thờ địa phương) biểu diễn thành những hoạt cảnh sống. Từ thời Trung Cổ đến nay, sân khấu chưa bao giờ trở lại tính chất mà nó đã có từ thời Hy Lạp, có nghĩa là một nghệ thuật phục vụ đại chúng, trong đó cả một dân tộc, từ kẻ sang đến người hèn, từ người có học đến dân thường, có thể cùng chia sẻ trong phong cách biểu diễn huy hoàng. Thời phục hưng tách rời giới thượng lưu với quần chúng. Còn thời Trung Cổ đã đưa lên sân khấu những vấn đề lớn của số phận con người, thể hiện trong một tích truyện mà mọi người đều biết và hiểu, do đó có sự thông cảm tuyệt đối giữa diễn viên và khán giả, tạo nên sự đồng vọng sâu sắc trong trái tim mọi người. Nghề bán rong rất phồn thịnh trong những ngày đẹp trời. Quán cóc, giá tạm dựng lên ở bất cứ chỗ nào có hội hè, có người hành hương. Ngay từ thế kỷ XII, lễ tôn giáo có khi đã bị các ngày chợ phiên làm lu mờ. Những phiên chợ này, bất kể nguồn gốc từ đâu, ở thế kỷ XIII, là biểu hiện nổi bật của thương mại quốc tế. Nó kéo dài hàng tuần liền, cái nọ nối tiếp cái kia, cuối cùng trùm lên cả năm ròng. Các loại chợ phiên chính thức họp dưới chân thành Paris (chợ Lendit) và ở Champagne (Troyes[vii], từ thế kỷ V, Lagny, Bar, Provins), ở Douai, Ypres, Bruges, Francfort, Genève, Cologne, Leipzig, Lubeck, Nijni Novgorod, Londres, Stamford, Beaucaire. Chợ họp đông đúc chủ yếu là những mùa đẹp trời vì thành phố không đủ chỗ chứa người mua bán, ai không tìm được chỗ trọ ở nhà dân phải dựng lều ở các bãi cỏ ngoại ô. Những thày tu đi rao giảng lưu động, kéo theo sau gót một đám đông sùng tín, tiếng tăm đồn đại đến mức có khi toàn bộ giới chức của thành phố phải ra đón, trong tiếng chuông kéo mừng: Lời phán bảo của họ mang lại hiệu quả bất ngờ: những hận thù được hòa giải, gái điếm hoàn lương, cả những tay cho vay nặng lãi cũng hoàn lại tiền thu bất chính. Một làn sóng phấn khởi, bao dung tràn vào thành phố, để lại kết quả có khi rất dài lâu. Các quan cai trị cũng tranh thủ mùa đẹp trời để đi công cán ngõ hầu có cái để báo cáo với Pháp viện họp vào dịp lễ Các thánh. Các ngài thái thú, pháp quan, quan án, nhân viên điều tra, đi các nơi để xử kiện, quyên góp khi có chiến tranh hay khi công chúa lấy chồng, làm lễ tuyên thệ trung thành cho những thần dân mới sáp nhập, phổ biến các chính sách của nhà vua, hoặc đơn giản hơn, thu thập các khiếu nại của dân với quan cai trị sở tại. Tất cả thường diễn ra theo một nghi thức nhất định. Vị quan lớn, khi cần mang theo lệnh chỉ, đến một địa phương nào đó, có khi không báo trước, Ông ra lập tức gặp gỡ các quan chức đầu tỉnh: thị trưởng, phụ trách phường hội, cố vấn, hội thẩm, lãnh sự đương nhiệm và danh dự... nói rõ lệnh của vua, quyền hạn của mình, trao đổi ý kiến. Rồi, hoặc do thị trấn nhỏ bé, hoặc do vấn đề rất quan trọng, người ta cho kéo chuông, sai mõ đi rao khắp các phố (mõ là nhân vật vẫn tồn tại trong các thị trấn nhỏ ngày nay). Lập tức cửa hàng cửa hiệu đóng cửa, mọi người đến tụ họp ở nơi thường lệ: quảng trường, nghĩa trang, sân tu viện, nhà thờ. Dân chúng thời Trung Cổ rất hiếu kỳ, thích đi nghe coi người ta nói gì. Đôi khi buổi họp mở đầu bằng một bài thuyết giáo, rồi vị sứ giả nói rõ mục đích sứ mạng của mình. Vị quan sở tại nhân danh dân chúng nói lời hưởng ứng, và mọi người vỗ tay, coi như “toàn dân nhất trí”. Trong các làng ở miền Nam, lại có chuyện tất cả đàn ông từ 13 tuổi trở lên đi diễu qua trước mặt quan công chứng để ông này đếm và ghi vào biên bản. Ở nông thôn, mùa hè là mùa bận rộn: xén lông cừu, cắt cỏ, gặt lúa mì, cày ngả rạ, hái quả để dự trữ cho mùa đông (bằng cách để nguyên chúng trong rơm rạ, hoặc phơi nắng hay sấy, hoặc nấu trong nước ép nho, táo, lê đã cô hoặc nấu với mật làm mứt), rẫy cỏ, ngâm đay và gai. Rồi đến mùa nho chín, hái hạt dẻ, hái sồi rừng để ép lấy dầu, vun lá khô làm thức ăn cho gia súc mùa đông (thói quen này vẫn còn ở Auvergne), lấy mật ong. Người nghèo cũng được hưởng lộc của trời đất: họ đi mót lúa, họ có thể cắt cuống rạ về lót ở cho mình và cho gia súc. Như những người dân khác trong làng, họ có quyền hưởng chung những gì còn lại trên đất đai và đồng, cỏ, một khi lúa đã gặt, cỏ đã cắt. Lễ làng ở Bretagne viết: “Dân cày nghèo không thể nuôi sống súc vật của mình chỉ bằng mảnh đất nhỏ bé. Vì vậy cần để họ cho súc vật ăn cỏ tự do... Nếu có ai phản đối, thì không được tán thành với họ, như thế là tội lỗi”. Trước khi mưa xuống, người ta lo chuyên chở các thứ về cối xay, về kho, về trạm thuế, về dinh cơ của lãnh chúa, của điền chủ, của lái buôn. Mọi người lo dự trữ cho mùa đông, và ngày lễ Thánh Michel cũng là ngày thanh toán công nợ. Mùa hè, các ngày hội thưa hơn, nhưng được thay thế bằng hàng loạt những lễ hội nhỏ có tính địa phương, kế tục những tập quán thờ phụng đã có từ lâu đời bên các nguồn nước. Lễ Cầu hồn và lễ Các Thánh (Toussaint) là những mốc lớn cuối cùng của năm. Lúc năm cùng tháng tận, nghi lễ tiến hành nhằm gợi lên những suy tưởng về sự phù du của đời người, đồng thời ca ngợi linh hồn bất tử. Triều đình họp. Từ khắp nơi đổ về nhiều loại người: quan chức về báo cáo, người khiếu kiện đến đòi công lý, người xin được đặc ân này nọ. Nhiều người phải đút lót các thư lại để được vào tiếp kiến. Từ cuối thế kỷ XIII, người ta đã phải rải đều các cuộc họp và xét xử, lập một “tòa” chuyên để xử án, mà những thành viên, đến thế kỷ XIV, trở thành những quan tòa chuyên nghiệp. Các trường học lại mở cửa. Ở nông thôn, lại cày bừa, gieo hạt, lượm củi, giết lợn, vỗ béo ngỗng. Và chẳng mấy chốc, ai nấy lại đón chờ lễ Giáng sinh sắp tới. Sinh nở Đứa trẻ ra đời được đón chào một cách hoan hỉ. Ngay các gia đình đông con cũng không ngoại lệ. Nhà vua nêu gương trước: Saint Louis có 10 anh chị em, mặc dù mẹ vua ở góa từ lúc còn trẻ. Bản thân nhà vua có 11 con với vợ là hoàng hậu Marguerite de Provence. Con trai là Philippe III chỉ có 6 con; Isabeau de Bavière sinh 12 con, dù nghe nói tất cả không phải là con chính thống. Lý lẽ và thực tế đi đôi; Thánh Thomas d’Aquin nói: “Gia đình nào không nhung nhúc trẻ con không phải là gia đình hoàn hảo”. Nhiều sự kiện của lịch sử Trung Cổ sẽ không giải thích được nếu không tính đến sự mắn đẻ ấy: dân số nhanh chóng được khôi phục sau những cuộc chiến tranh tàn phá ở các thế kỷ IX - X - XI sự ra đời vô số các thành phố vào thế kỷ XII và XIII, các cuộc Thập tự chinh, nơi ngốn vô vàn sinh mạng đàn ông, các cuộc phiêu lưu của người Normandie, những chiến tích của các kỵ sĩ học nghề binh đi tìm - sự nghiệp... Xã hội đã tìm được cách tiêu bớt số người thừa. Các tu viện - mọc lên rất nhiều – cũng là nơi thu hút số người thừa, dùng họ phục vụ lợi ích chung. Dân số thời Trung Cổ gia tăng, sự việc đó càng đáng ghi nhận nhất là nó tiếp theo sau sự giảm sinh kinh khủng thời Romania. Tiếp xúc với các rợ - ngoại xâm, được Nhà thờ giáo dục, được rèn luyện qua các tai họa, các dân tộc lại có ý thức nỗ lực, lạc quan, lành mạnh để tin tưởng vào cuộc sống. Nhiều bức tranh tôn giáo, chạm nổi hoặc kính mầu muốn thể hiện ngày sinh của Đức Mẹ, hoặc của thánh Jean Baptiste, thường mô tả sự ra đời một đứa bé trong gia đình êm ấm. Sản phụ, đầu tóc gọn gàng, nằm trên một giường rộng, có trải vải trắng tinh và chăn màu rực rỡ. Ở cận cảnh, là các bà đỡ làm xong nhiệm vụ với người mẹ, đang chăm sóc đứa trẻ, tắm cho nó trong bồn kim loại hoặc chậu gỗ. Rồi đứa bé sẽ được quấn tã cẩn thận, tay đặt thẳng, xuôi theo người và tã được quấn chặt bằng các dải băng nhỏ buộc chéo, đội mũ vải lên đầu. Ở vùng tây nam, người ta xoa bóp dầu để nó có hình thù tròn trặn. Tất nhiên đứa bé sẽ luôn làm ướt tã lót, khóc thét lên vì khó chịu, người ta phải luôn dỗ, nựng cho nó nín. Đứa trẻ được đặt vào một cái nôi chuộng. Cái nôi có mẫu đơn giản nhất chỉ là một khúc thân cây đẽo rỗng. Có loại nôi đan lát bằng vỏ cây. Sang hơn là nôi hoặc bằng gỗ, hoặc bằng kim khí quý, giống hình chiếc giường nhỏ bên dưới là những bàn trượt cong. Phần lớn các bà mẹ - không phải tất cả - tự cho con bú: Theo lưu truyền, người ta ngại không cho trẻ bú sữa lạ, sợ xung khắc máu. Chuyện kể Blanche de Castille bắt gặp một tùy nữ cho một đứa-con của đức vua bú để dỗ cho nó khỏi khóc. Hoàng hậu tức giận, đã cầm hai chân đứa bé lắc lắc cho đến khi nó nôn ra hết. Ta biết là Hoàng hậu rất quý con, song chuyện hoàn toàn bịa đặt trên dù sao cũng mang ý nghĩa nhất định. Văn học đương thời đã đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, một khi cuộc sống triều đình và xã hội ngày càng giàu có, các bà lớn - rồi các bà khác sẽ bắt chước - sẵn sàng trút trách nhiệm nuôi nấng, và cả giáo dục trẻ, cho người khác. Một tiểu thuyết ở thế kỷ XIII, Galeran, kể bá tước De Bretagne đã trao đứa con thừa tự, ngay khi nó vừa lọt lòng, cho một tu viện nuôi dạy, tu viện này do chính bà cô của đứa trẻ phụ trách. Bà kiếm một người vú - dòng dõi sang trọng – và sau đó đảm nhiệm việc dạy dỗ đứa trẻ tới khi trưởng thành. Cũng thời kỳ đó, đời sống thành thị phát triển hình thành các khu nhà ổ chuột và sự chuyên môn hóa các công việc. Nhiều bà mẹ trẻ buộc phải giao con mình cho vú nuôi, để bản thân mình giữ được việc làm, để con được chăm sóc tốt hơn. Với các trẻ bị bỏ rơi cũng vậy. Cuối thế kỷ XIV, muốn mướn một vú nuôi tại nhà, phải trả 30 xu một tháng; một bà vú nhận mang đứa trẻ về nhà mình nuôi, thì tiền công là 100 xu một năm. Ở Paris và những thành phố lớn có những văn phòng tìm việc làm vú nuôi cho những cô gái nghèo; những văn phòng này do các nữ tu chủ trương, các cô gái được cưu mang nơi ăn chốn ở cho đến khi có người mượn. Về sau, lại có những mụ đắt mối chuyên làm việc này. Từ muôn thuở, các vú nuôi có những đòi hỏi không bao giờ thay đổi: nghỉ ngơi, ăn uống thoải mái. Rất khó buộc họ thức dậy sớm buổi sáng. Ngay khi đứa trẻ vừa lọt lòng, người ta đã lo rửa tội cho nó, lễ này thường tiến hành trong vòng ba ngày sau khi sinh. Chờ lâu hơn thì người mẹ có cái vui được dự lễ, nhưng sợ đứa bé sẽ không được lên trời nếu nó chết trước khi được ban phước. Vì vậy, các gia đình cần làm gấp. Họp các ông bố và bà mẹ đỡ đầu; đứa trẻ thường có tới hai hoặc ba người đỡ đầu vì hồi đó người ta chưa tổ chức đăng ký khai sinh, nên cần có nhân chứng để ghi nhớ, càng nhiều người càng tối. Người cha đỡ đầu là những người được quý trọng, được công nhận là đạo đức: Vua Philippe Auguste tương lai, trong lễ rửa tội hôm sau ngày ông ra đời, có cha đỡ đầu là các thày tu ở Saint-Germain-des-Prés, Saint-Victor và Sainte Geneviève, có mẹ đỡ đầu là bà cô, tức em gái của vua cha, và hai bà góa ở Paris. Đôi khi người ta lại muốn nêu cao tư tưởng cao cả của đạo, mời một kẻ nghèo hèn đến dự lễ rửa tội, cho nên có những nhân vật rất quyền quý lại có một kẻ hành khất trong số các cha đỡ đầu của mình. Đứa trẻ được đưa tới nhà thờ xứ, dù cha mẹ do địa vị cao đã có nhà thờ riêng, hoặc dù xứ đạo chia thành nhiều khu nhỏ, mỗi khu có nhà thờ riêng, Saint Louis chẳng hạn, được rửa tội, trở thành người có đạo tại nhà thờ xứ Poissy; để kỷ niệm, nhà vua có khi ký tên mình là Louis de Poissy, vì ngài nói, chính tại đó ngài đã trở thành con chiên của Chúa, tước hiệu danh giá nhất của tất cả các tước hiệu. Tên - một hoặc nhiều tên - của đứa trẻ thường do các cha mẹ đỡ đầu chọn cho (tục này vẫn duy trì ở các tỉnh nước Pháp). Nếu là con lãnh chúa, có khi cần sự bàn bạc, thì những người đỡ đầu triệu tập ''hội đồng'' mời những người có quyền thế đến dự. Có khi tùy sự rủi may: nhà D’Aragon sinh hoàng tử, không biết lấy tên vị Tông đồ nào đặt cho con, liền viết cả 12 tên, mỗi tên lên một cây bạch lạp rồi thắp cùng một lúc. Cây bạch lạp tắt sau cùng mang tên thánh Jacques, và tên đó được chọn đặt cho đứa trẻ. Đứa trẻ được cởi bở mọi quần áo và nhúng vào chậu nước thánh rồi được lau khô, quấn tã cẩn thận. Giữa các thế kỷ XII và XIV, việc nhúng nước dần dần hủy bỏ, thay bằng đổ một chút nước lên trán đứa trẻ, như vậy chỉ cần bở mũ vải, không phải cởi quần áo. Chú con chiên tí hon được đưa trở lại cho bà mẹ. Người mẹ hồi hộp chờ đợi giờ phút này, ôm hôn con, nhiều khi đây là lần đầu tiên. Một bản hùng ca thời ấy đã mô tả tỉ mỉ những nghi thức này, nói lên niềm vui của hai cha mẹ khi đoàn người đi làm lễ trở về: “Và khi Butor (người cha) trông thấy, vội ra đón - Ơn Chúa, các bà ơi, mau xin nói - Con tôi được đặt tên gì Mọi người bồng đứa bé vào phòng - Vừa nhìn thấy bé, người mẹ mừng khôn tả : Tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực - Nào, nói mau đứa con yêu dấu tên gì - Ôi, tên cháu đẹp vô vàn – Đời này không có tên nào đẹp hơn – Tên Brun, nào đẹp không nào?” Qua đó cũng thấy tên người không nhất thiết đặt theo tên các Thánh của lịch, như đến nay các nước anglo-saxon còn theo (Brun nghĩa là màu nâu). Bà con hàng xóm được mời đến chia vui, dự tiệc chúc mừng. Khi Hoàng gia sinh con, thì tất cả thần dân đều ăn mừng. Trẻ vừa lọt lòng, các sứ giả được cử đi khắp nơi loan báo tin vui, chuông kéo liên hồi, tù nhân được ân xá, để tỏ lòng cầu chúc cho đứa trẻ, kinh Ngợi ca vang lên, nhà thờ tổ chức lễ tụng Chúa, người dân nhảy múa trên phố, xung quanh các đống lửa. Lúc Jean le Bon mới sinh, lễ rửa tội được tổ chức vào 6 giờ sáng cùng một đám rước lộng lẫy: tám giám mục và năm tu viện trưởng, hai trăm tên hầu cầm đuốc, kèm theo một đoàn phu nhân và quý tộc sang trọng. Buổi lễ kết thúc, vị hoàng tử tí hon được phong tước hiệu hiệp sĩ và đưa ra bậc cửa giới thiệu với công chúng. “Và dân chúng bỏ hết mọi việc, vui sướng ăn mừng vua sinh quý tử. Người mẹ trẻ, từ lúc sinh cho đến khi bình phục hoàn toàn, nghĩa là hai hoặc ba tuần, chỉ có một việc là tiếp khách đến thăm hỏi. Nếu là nhà giàu, có bao nhiêu của quý đều đem bán hết trong phòng sản phụ hoặc phòng bên, vừa để nghênh tiếp vừa để khoe khoang. Đầu thế kỷ XV, Christine de Pisan đến thăm một bà mẹ mới sình, là vợ một lái buôn Paris cỡ trung bình. Phòng nghênh tiếp bày toàn thảm đẹp, lụa là, lông thú, đồ bạc... lộng lẫy đến mức làm khách ngạc nhiên và bất bình, vì thân phận lái buôn không được phép chơi trèo như vậy. Qua đó cũng thấy, mặc dù có cuộc chiến tranh Trăm năm, việc kinh doanh ở Paris vẫn phát đạt. Một khi đứng dậy được, người mẹ trẻ đến nhà thờ xứ, nơi đây linh mục đón từ cửa và đọc lời kinh “giải cữ” ngợi ca sự trinh trắng và những hành động ban phước của Đức Mẹ khi Người mang con đến trình Chúa. Bằng nghi thức này, người mẹ lại được hòa nhập trở lại với cộng đồng. Sinh nở là một niềm vui, đồng thời cũng phát sinh những gánh nặng mới. Để giảm bớt gánh nặng, thời ấy cũng như thời nay, họ hàng và bạn bè đến tặng quà, giúp đỡ tã lót. Cả các tập tục - tức là luật lệ địa phương - thấm nhuần tư tưởng nhân ái và đoàn kết, cũng châm chước đối với người mẹ trẻ. Ví dụ như ở Thann và điều này nói nhiều về phong tục của một thời của cải chưa nhiều, dân cư không đông và quan hệ giữa những người thân quen đượm tình thân ái : ở Thann, tất cả các chủ vườn đều phải nộp gà và trứng cho lãnh chúa sở tại, nhưng những chủ hộ nào có vợ sinh con trong tháng Năm và tháng Chín, tức là đúng kỳ phải nộp (lễ thánh Jean Baptiste và lễ Các Thánh) thì được miễn. Ở Alsace, các nhà lập pháp còn cẩn thận quy định số gà được miễn nộp đó nhất thiết phải được dùng bồi dưỡng sức khỏe cho vợ. Các ông bố phải giữ những đầu gà đã làm thịt để trình cho quan thu thuế, chứng minh là mình đáng được miễn. Giáo dục Đứa trẻ lớn lên và tập chơi đùa. Tôi nghĩ không có khác biệt gì lớn giữa tuổi thơ của con một người trung lưu thời Trung Cổ với những đứa trẻ ở những tỉnh nhỏ của ta ngày nay, với trẻ sinh ở nông thôn càng không khác lắm. Vẫn khung cảnh ấy, những trò chơi ấy, cùng một cách đào luyện tín ngưỡng ấy, và từ phía người lớn, cũng những câu châm ngôn luân lý quen thuộc: từ ngàn đời nay, phương ngôn tục ngữ không hề thay đổi. Và ở những nơi mà báo chí, phát thanh và truyền hình chưa xông vào quá mức, thì văn hóa của cá nhân là dựa trên kinh nghiệm, truyền từ đời này qua đời khác qua phương ngôn ngạn ngữ, cổ tích và truyện kể. Vẫn là những trò chơi ấy: đánh chắt, đánh bi, nhẩy dây, trốn tìm, tung bóng, đá bóng. (Bóng là những cuộn giẻ hoặc da nhồi len hoặc sợi cước). Con gái có búp bê bằng gỗ, chân tay cử động được, bằng da hay vải. Thợ gốm làm ra những bát đĩa nhỏ xíu (vùng Midi gọi là terralhettes) cho búp bê ăn. Có những chiếc cối xay gió bé tí làm bằng mẩu gỗ và lông vũ cho trẻ con chơi... và cả những đồ chơi cơ học nữa: hai anh thợ xẻ, hoặc hai chàng hiệp sĩ nối với nhau bằng mấy cái que đơn giản là có thể tùy theo tay trẻ điều khiển mà cưa gỗ hoặc giao chiến với nhau. Tất nhiên, trẻ cũng bắt chước những việc làm của người lớn: một cái gậy đặt giữa hai đùi là thành con ngựa, và có thể chơi trò phi ngựa, đánh nhau. Duguesclin[viii]thuở nhỏ rất mê trò này, sau nghĩ lại người ta cho đó là dấu hiệu báo trước binh nghiệp lừng lẫy của ông, mà lúc đó bố mẹ không để ý, vì thực ra đứa trẻ nào chẳng chơi trò ấy. Tuổi thơ không chỉ là tuổi chơi, còn là tuổi tập làm người, từ cái này đến cái kia lúc nào không biết. Con nông dân dần dần tham gia công việc đồng áng. Con nhà thợ thủ công thì vừa chơi trong xưởng của cha vừa làm quen với mọi ngón nghề. Con nhà quý tộc luôn quẩn quanh với lũ người hầu, chơi với ngựa, chó, chim săn, nên thạo cách nuôi dạy và điều khiển chúng. Bọn con gái thì rất thích xuống bếp để lúi húi nấu ăn cho búp bê. Nhưng sự đào tạo thực sự đòi hỏi một nền giáo dục có hệ thống hơn. Ngày nay, và về nguyên tắc (vì vẫn còn người mù chữ), nền tảng của giáo dục là: bảng chữ cái, đọc và viết, mở đường đi vào thế giới của tư tưởng để lại trên sách vở, và mọi tri thức sẽ từ đây mà có. Thời Trung Cổ, người ta nghĩ hơi khác về vấn đề này, dù rằng giáo dục cũng đã phát triển, vì đến thế kỷ XIV phần lớn các làng đã có trường học. Biết đọc và biết viết là tối cần thiết đối với các thày tu, vì hằng ngày phải đọc kinh, làm lễ. Với thương gia, thợ thủ công, nông dân hay quý tộc, biết đọc biết viết là có lợi, theo dõi được -kinh kệ, đọc được thư hoặc giấy tờ công chứng, ngoài ra có thể có những hiểu biết về văn học hoặc những tri thức khác. Nhưng sách – lúc đó đều viết tay - vô cùng hiếm. Tư nhân mà có một tủ sách độ mươi cuốn là ghê gớm lắm. Biết viết thì ghi được sổ sách, thảo thư từ, ký giấy tờ, thảng hoặc có thể thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình. Những tri thức đó hay thật, và được trọng vọng, song trong bước chuẩn bị vào đời, chúng vẫn đứng sau nhiều thứ quan trọng khác. Tóm lại, giáo dục không phải do ý tưởng thuần túy nặn ra, không phải là một mớ hành trang chung cần thiết ngay từ đầu (không kể sự giáo dục tín ngưỡng vốn được coi là cơ bản) mà là do sự cần thiết của hướng nghiệp - như ta nói theo danh từ ngày nay. Điều này được thực hiện từ rất sớm vì “không trở thành thày tu tốt nếu không bắt đầu từ bé, và không học từ nhỏ thì lam sao cưỡi ngựa tốt”. Vì vậy, cha mẹ thường quyết định trước, có khi ngay từ lúc chưa sinh, vì tương lai của con cái. Thường thì vấn đề này thậm chí không đặt ra nữa: con nông dân, thợ thủ công, luật gia, địa chủ... nhất là cậu con cả, thì con đường đã vạch sẵn: giúp đỡ bố để sau này kế nghiệp bố. Với con thứ, vấn đề đôi khi tế nhị hơn. Con thứ của người thợ cày có thể làm lung cạnh cha hoặc anh cả nếu đất đai đủ rộng và màu mỡ để nuôi sống tất cả. Nếu không, cậu sẽ phải đi nơi khác khẩn hoang, làm dân “ngụ cư”, hoặc như ngày nay, ra tỉnh đi ở, học việc, hoặc đăng làm lính cho chúa đất hay một thủ lĩnh nào đó. Con thứ ở tỉnh nhỏ, đã quen buôn bán, thường lao vào khâu bán rong, trở thành nhân tố đắc lực thúc đẩy thông thương, phát triển kinh tế. Còn thứ các nhà quý tộc có thể chọn con đường binh nghiệp phục vụ thù lĩnh này hay thủ lĩnh khác tùy theo thời thế, hoặc đi vào các chức vụ hành chính - như ta gọi ngày nay, lúc đó thực ra cũng không tách bạch hẳn với binh nghiệp, vì chủ yếu phục vụ một vị bá chủ thế lực. Ở thế kỷ XIII, đó là “đầu ra” cổ điển. Con gái thì thông thường chờ ngày cưới chồng. Họ cần có của hồi môn. Họ cũng có thể ở lại nhà, làm người nội trợ đắc lực, không công. Nhưng với cả nam và nữ, có một con đường thứ hai: phục vụ tôn giáo; người thì vì đức tin sâu xa, người khác thì cốt ấm thân, cả vật chất lẫn tinh thần. Có những người đã được người mẹ sùng đạo hiến dâng cho nhà thờ từ lúc chưa ra đời, ngay từ nhỏ họ đã vào ở trong tu viện. Suger, là con một nông dân nghèo, lúc 5 hoặc 6 tuổi, đã được cha đưa vào tu viện Saint-Denis, và sau này trở thành tu viện trưởng cố vấn của nhà vua. Luật Giáo hội quy định đứa trẻ vào tu viện sớm, khi trưởng thành có quyền quyết định cuối cùng có hiến mình vĩnh viền cho Chúa hay không, còn trước đó vẫn có thể xin xuất viện. Trường hợp đó, chàng thanh niên đã có thời gian thụ giáo trong tu viện, dễ dàng trở thành thư lại, công chứng viên, người viết thuê, thày giáo, nhà kinh doanh… Thật ra người ta có chú ý đến thiên hướng hoặc cá tính đứa trẻ: lên 10 mà tính tình hung hăng, nghịch ngợm thì nên hướng vào binh nghiệp, nhưng nếu chẳng thích hát hỏng, cười đùa thì rõ ràng là hợp với chuyện cắt tóc đi tu. Một khi hướng đi đã quyết, thì giáo dục sẽ rất thực tiễn và cụ thể, nhằm làm cho con người có đủ tư cách nhất bước vào nghề đã chọn. Đứa trẻ thường được đào tạo ngay trong môi trường nó sẽ phải sống sau này. Để phác một bức tranh đầy đủ về giáo dục, sẽ phải lần lượt đi vào từng tầng lớp xã hội, từng nghề nghiệp, kể cả từng mức độ giàu nghèo. Như vậy sẽ vô cùng vô tận. Chúng tôi chỉ giới hạn nói sơ lược về một vài mô hình giáo dục trong gia đình, trường học và học việc. Con gái thường được dạy dỗ ngay trong nhà. Một số hoặc mồ côi cha mẹ, hoặc thuộc các gia đình đông con hay giàu có, lớn lên trong các tu viện được hướng về phụng sự Chúa. Họ được học đọc, viết và hát; thường còn được học tiếng Latinh (công chúa Isabelle, em gái Saint Louis và là người sáng lập tu viện Longchamp, giỏi tiếng Latinh hơn mọi nữ tu khác), cả tiếng Hy Lạp và Hébreu. Các nữ tu tương lai còn học thêu những tác phẩm tuyệt vời dùng vào việc thờ phụng. Các cô gái được dạy dỗ tại nhà để làm tròn nhiệm vụ bà chủ gia đình sau này, mà một gia đình thời ấy là một thế giới sống khép kín và tự lo mọi thứ, cho nên bà chủ phải biết làm mọi thứ, đôn đốc, điều khiển mọi thứ: Sách Nữ công Paris nói rằng người vợ trẻ sẽ được đánh giá qua tài năng nội trợ: “Càng biết, làm nhiều thứ, nàng càng có nhiều vinh dự, cha mẹ nàng và những người đã nuôi dạy nàng càng được ngợi khen”. Phụ nữ mà đoảng thì không ai ưa. Theo sách ấy và nhiều tài liệu khác, ta thấy nền giáo dục đó lấy lòng thành kính sùng đạo làm nền tảng. Luôn có đức tin vững chắc được củng cố bằng những lời nguyện hằng ngày, người con gái sẽ thăng hoa, đem lại một thế vững về tinh thần cho cuộc sống. Bồi bổ thêm cho nền giáo dục thực tế ấy một chút sách vở nữa, là rất nên: “Cũng cần cho các cô gái học hành (đọc và viết) và học Kinh thánh, như vậy sẽ hiểu nghĩa lý hơn, biết phân biệt thiện và ác”. Sau sự đào luyện về tinh thần và tính cách, đến trang bị những hiểu biết kỹ thuật. Với cô tiểu thư Paris thế kỷ XIV, vấn đề là phải biết lựa chọn, chỉ huy, giám sát các gia nhân, chăm lo cho nhà cửa sạch sẽ, biết cách giữ gìn đồ gỗ, sắt, đồng..., chăm lo dự trữ lương thực thực phẩm (cái gì phải mua nhiều lúc ngày mùa để phòng xa, đồng thời biết cách giữ thực phẩm tươi ngon, cách ủ rượu...), chăm lo vườn tược, hiểu biết ít nhiều về các cây, con để giao thiệp với tá điền, biết chọn thực đơn cho bữa ăn do đó phải sành các loại chim, cá, cách làm xốt..., rồi cắt, may, thêu, lau, rửa, là, tóm lại nghìn thứ lặt vặt của nghệ thuật nội trợ, rồi lại thêm chút hiểu biết về thuốc men, và cả y học. Một bà chủ nhà thời ấy phải là một phụ nữ đa năng. Cô gái nào sẽ sống trong thế giới thượng lưu, mà được gửi vào tu viện sẽ được giáo dục một cách ít thực dụng hơn. Như mọi người khác, cô được học đọc, viết, hát, thêu thùa. Và vì phải chuẩn bị để cô sống kịp thời đại, phải trang bị cho cô có cái gì nổi bật giữa đám đông: phải đọc truyện để rồi kể lại, biết chơi một nhạc cụ, biết chơi cờ (lúc bấy giờ là mốt thời thượng, như đánh bài bridge ngày nay). Đại thể đó là tất cả chương trình giáo dục hợp thời như ngày nay ta vẫn còn thấy, dành chỗ quan trọng cho những môn “nghệ thuật góp vui”, cho phép cô gái có thể làm đầu trò trong một cuộc họp, và nếu cần có thể kiếm sống được. Và vì cuộc sống xã hội phát triển ngay từ trước thế kỷ XIII (người ta nhớ lại những tinh tế trong tình yêu), nên những phụ nữ trẻ nhận sự giáo dục của tu viện rất được quý trọng, từ đó tất cả những người đứng đắn đều ganh nhau để có một nền giáo dục nghiêm túc. Một gia sư hoặc một nữ giáo viên sẽ hướng dẫn các nàng đọc sách kinh, đọc tiểu thuyết, đọc những truyện cần thiết để sau này có cái mà kể lại. Giống như thế kỷ XIX, các nàng cũng tụ tập nhau nhảy múa, ca hát, lối thêu thùa cho mình và cho nhà thờ, thêu các thắt lưng, găng tay, hầu bao... tặng bạn. Con gái nhà quyền quý cũng theo anh trai tập cưỡi ngựa, dạy chim, săn bắn. Như trên đã nói, con trai nhà quý tộc mấy năm đầu thường sống cùng cánh gia nhân, đày tớ. Một tập thuyết giáo nói “giới quý tộc mới đầu đặt con trai xuống dưới chân, cho ăn với bọn đày tớ, nhưng khi chúng lớn, lại tôn sùng chúng”. Lên 7 tuổi, con trai bắt đầu được học có hệ thống với những thày giáo có uy tín. Cha tuyên úy của bố mẹ hoặc một nhà sư phạm chuyên nghiệp dạy nó đọc sách. Còn có thày dạy cưỡi ngựa, dạy đấu kiếm. Đến năm lên 10, bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đời binh nghiệp tương lai: học phi ngựa, huấn luyện chim săn, chó và ngựa, chiến đấu với người nộm, sử dụng vũ khí, luyện tập thân thể dẻo dai. Về phía tài giao tiếp, học cách xắn thịt gọn ghẽ, đánh bài, chơi cờ… Đến tuổi 14 hoặc 15, cậu được đưa vào cung một ông hoàng nào đó để được giáo dục, đào tạo trong môi trường sang trọng, đông đúc hơn. Cậu ta có nhiệm vụ chính là phục vụ tại bàn ăn trước mặt ông chủ, bà chủ hoặc con gái chủ. Cậu tháp tùng chủ khi chủ đi săn, vào triều, đi lại đấu hoặc ra chiến trận. Cậu đánh cờ, chuyện trò, khiêu vũ với các phu nhân, dần dần trở thành con người bặt thiệp về mọi mặt. Kết quả hoàn hảo của đợt giáo dục này là một chàng hiệp sĩ thời thượng, như một tiểu thuyết ở thế kỷ XIII mô tả: luôn bận bịu với các cuộc tỉ thí, khiêu vũ và bài bạc; là một tay kiếm cừ khôi, dẻo đến mức có thể lấy chân phạt tắt một ngọn nến đặt trên đầu mình; biết đọc và hát tại nhà thờ, và thạo đủ các loại nghệ thuật để có thể mở trường dạy ở bất kỳ đâu. Rõ ràng là khác xa với hình ảnh chàng quý tộc ngu dốt mà thiên hạ thường tưởng tượng. Cũng nên ghi nhớ là kiểu giáo-dục trên, các thị hiếu trên vẫn còn tiếp tục tồn tại đến giờ ở “xã hội thượng lưu” nước Anh, vốn bảo thủ. Cuối cùng, chàng trai được phong hiệp sĩ, tất nhiên kèm theo lễ hội, tiệc mừng, càng ngày càng phô trương tốn kém, đến nỗi ở thế kỷ XIV, nhiều quý tộc không đủ tiền chi, suốt đời chỉ là giám mã. Việc công nhận tước hiệu hiệp sĩ lúc đầu chỉ đơn giản là trao vũ khí cho người đã tỏ ra xứng đáng. Về sau Giáo hội định ra những nguyên tắc lớn nhằm thiêng liêng hóa và khích lệ lòng dũng cảm và sức mạnh, gây ấn tượng với mọi người bằng những nghi lễ trọng thể có ý nghĩa tượng trưng: chàng trai tắm gội rồi xưng tội, bận toàn đồ trắng, đành hẳn một đêm để cầu nguyện, chịu lễ ban thánh thể, rồi khoác thêm áo màu đỏ, biểu tượng của dòng máu mà chàng sẵn sàng đổ, nhận các vũ khí đã được ban phép thánh, rồi tuyên thệ sẽ dùng lưỡi kiếm của mình phục vụ công lý và bênh vực kẻ yếu[ix]. Ngoài việc giáo dục tại gia, có thể có gia sư riêng hoặc không, còn một khả năng nữa là giáo dục tại trường. Hoàng đế Charlemagne đã từng đào tạo các quan chức tương lai tại các trường mở tại tu viện, hoặc trường học trong cung vua. Ở thế kỷ X, Fulbert de Chartres, rồi Gerbert de Reims đã thu hút sinh viên từ khắp nơi về các trường học của xứ đạo. Đến thế kỷ XII, sự học càng phát triển; đầu thế kỷ XIII, những người theo học trường Đại học Paris được ưu tiên nhiều quyền lợi; thế kỷ XIV, có rất nhiều trường học tại các làng. Trường học do nhà thờ mở là những trường cổ xưa nhất. Ví dụ, ở Troyes, đã có trường học như thế từ thế kỷ thứ VII. Một sắc lệnh của Giáo hoàng năm 826 và Hội nghị Giám mục ở Latran (1215) buộc mỗi giám mục phải tổ chức dạy văn phạm và các loại hình nghệ thuật tự do. Trường của xứ đạo do một linh mục hoặc trưởng giáo, hoặc người hát lễ phụ trách. Học sinh hợp thành một đội hát, hát thánh ca tại nhà thờ, và nhiều đứa sẽ trở thành tu sĩ. Những trường của tu viện cũng tương tự. Sự lan truyền của dòng thánh Benoît càng làm xuất hiện thêm nhiều trường. Càng đông học sinh thì càng mở nhiều trường. Người ta phân biệt hai loại trường: trường không Latinh, ở đó chỉ dạy giáo lý Cơ đốc, hát, đọc, viết và một ít số học; trường Latinh, chỉ dạy bằng tiếng Latinh và đối tượng nghiên cứu chính cũng là tiếng Latinh. Ở đây, bọn trẻ mở mang trí tuệ qua nghiên cứu các thư tịch cổ học kỹ văn phạm. Chúng thạo tiếng Latinh, mà tiếng Latinh Trung Cổ là một sinh ngữ chính xác, khoa học, là công cụ rất phổ biến và thuận lợi để truyền tải giáo dục về mọi mặt: tôn giáo, văn học, triết học, pháp luật và khoa học. Nó được sử dụng trên toàn châu Âu và với tư cách là ngôn ngữ quốc tế (mà nó vẫn giữ trong Giáo hội Cơ đốc) và ngôn ngữ bác học chung, nó chưa hề bị thay thế (Cuối thế kỷ trước, ở Pháp các tiến sĩ trẻ về văn học vẫn viết một trong các luận án của mình bằng tiếng Latinh). Học sinh ở ngoại trú, và phải trả học phí, người nghèo thì được miễn. Học phí dùng để trả công thày, mua dụng cụ (giấy, mực, thước, rơm trải sàn). Nội quy không chỉ cho phép mà còn đề cao hiệu quả các hình phạt thể xác (mà khi cần thì thường giao cho người gác trường thực hiện). Những hình phạt này còn tồn tại ở những trường được đánh giá cao nhất nước Anh. Cấp đạo nào phải lo phụ trách việc giáo dục trong phạm vi của mình, có nghĩa là chọn và kiểm soát thày giáo, kiểm tra việc học và đạo đức học sinh, nói chung là làm cho giáo dục phát triển. Pierre de La Chapelle, giám nục vùng Carcassonne cuối thế kỷ XIII đã ra giáo lệnh nhắc nhở phải đẩy mạnh giáo dục ở nông thôn. Cùng thời kỳ ấy, ở Troyes có ba trường học Latinh bên cạnh một loạt trường sơ học. Có nghĩa là hầu hết trẻ con ở thành phố này đi học. Người ta kể lúc tan học, chúng kết với nhau thành bè theo từng xứ đạo, rồi gây sự đánh nhau. Đầu thế kỷ XIII, nghe nói ở các thị trấn nước Anh, có ban nhiêu quan thu thuế và chức sự của nhà vua thì có bấy nhiêu thày giáo. Trên trường phổ thông là các trường đại học. Nổi tiếng nhất là các trường ở Paris, về các khoa thần học, luật nhà chung, y học, thiên văn học, ở Orléans về luật La Mã, ở Padoue, Salerne và Montpellier về y học, ở Oxford về toán học, thiên văn học, vật lý học, ở Cologne, Prague, Tolède... Chương trình của khoa nghệ thuật gồm bẩy môn: tam khoa (ngữ pháp, tu từ học, phép biện chứng) và tứ khoa (số học, hình học, nhạc, thiên văn). Thày lên lớp bằng hai cách: bình giảng từng câu một trong tác phẩm đang học, hoặc tranh luận (đặt câu hỏi), đối chiếu các ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề, tức là dạng tam đoạn luận. Việc bình giảng dựa trên các tác phẩm cổ điển: ngữ pháp của Priscien, Organon của Aristote, các tác phẩm của Porphyre hay Boèce (ở khoa Nghệ thuật); Cách ngôn của Pierre Lombard (khoa Thần học)... Trí nhớ vô tận của các thày cung cấp thêm cho trò nhiều tác phẩm có liên quân để tham khảo, gợi ý những so sánh sâu sắc. Phương pháp giảng dạy ấy, hoặc gần giống như thế, ngày nay vẫn được sử dụng trong các trường Công Lập, và người ta đã viết về nó những dòng sau đây, có thể ứng với thời Trung Cổ mà ta đang nghiên cứu: “Nền giáo dục ấy... hầu như thuần túy thiên về ngữ pháp và pháp lý, nhưng có chiều sâu. Nó thấm nhuần thần học, dựa trên việc nhớ thuộc lòng một số tác phẩm, có kèm thêm bình luận”. Đối lập với lối học “kinh kệ và ngâm vịnh” nói trên, là cách học hiện đại trong đó chỉ cần nhớ các ý chính, nó làm trí nhớ bị mòn vẹt, làm thay đổi cơ bản kiểu cách thông minh của sinh viên”. Còn về các cuộc tranh luận, chúng là cơ hội để những kẻ ngu dốt tập hợp tất cả những ý kiến khác nhau để rồi biến báo thêm bằng nhiều lời trích dẫn. Molière đã giễu cợt thói tục ấy vẫn còn sau thời Trung Cổ, suy vi hơn. Nhưng những bậc thày thông minh vẫn chứng tỏ có sự hiểu biết sáng suốt và đã tạo được những tổng hợp của riêng mình. Hãy nghĩ tới những triết lý của Thomas D’Aquin, của Bonaventure, Duns Scot, hãy nhớ Hostiensis, Huguccio... “Thói quen chỉ quyết định điều gì sau khi đã cân nhắc phải, trái, làm cho trí tuệ có thói quen tự do và sức mạnh. (Các sinh viên luật hiện nay vẫn tập tranh luận để định sự đúng, sai của một luận đề). Vài thế kỷ lý luận một cách kinh viện quả là không vô ích, nó làm cho trí tuệ - đã bị cùn mòn đi từ thời bị xâm lược - sống lại, sắc sảo hơn. Nhờ được rèn đúc theo phương pháp đó, thời Trung Cổ đã sản sinh ra một số thiên tài, lại tập hợp được quanh họ một công chúng có thể nghe họ, hiểu họ, do đó buộc họ phải lên tiếng và phát huy hết khả năng. Về tổng thể, sự nỗ lực của trí tuệ tập trung vào việc tổng kê và vận dụng kho tàng tri thức cũ để lại, vào sự tìm hiểu con người, về bản chất và thân phận con người - những vấn đề mà những triết học hiện đại nhất của chúng ta lại đặt ra, sau một thời gian quên lãng. Nhưng các ngành khoa học cũng phát triển[x]. Học ở các trường đại học có nhiều loại người: Người đứng đắn, muốn học để sau này có địa vị; rồi con cái những gia đình khá giả, dù quý tộc hay không, do cha mẹ cho đến trường nhưng ít chịu học hành, chỉ lợi dụng cơ hội để thoải mái hưởng thụ cuộc sống tự do của sinh viên; cuối cùng là những kẻ mải chơi, lười biếng, vật vờ kéo dài vô cùng tận thời gian gọi là học để an hưởng quyền lợi và gây rối trong thành phố. Thiếu những phương tiện can thiệp kiên quyết, nhà trường bất lực không ngăn chặn được chúng, song Giáo hội - lại đứng ra bênh vực những con chiên ghẻ đó, không để cho luật pháp ngoài đời trừng phạt. Ở Paris, đã thường xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng giữa nhà vua và trường đại học. Ở Oxford, sinh viên và dân chúng đối lập nhau ra mặt. Sinh viên sống trong các phòng thuê của tư nhân, hoặc trong các ký túc xá, tương tự như ở các trung tâm đại học của ta hiện nay. Có tới khoảng sáu chục trường đại học tại Paris thế kỷ XIV, trong đó có trường Sorbonne nổi tiếng, mà người sáng lập là Robert de Sorbon, con một gia đình nông dân, và là linh mục phụ trách nhà thờ riêng của Saint Louis. Với đại học Oxford thì là John de Balliol, rồi Walter de Merton và Guillaume de Durham, giám mục thành Rouen, cũng đã mở những trường đại học còn giữ danh tiếng đến tận bây giờ. Các bài giảng diễn ra tại nhiều nơi khác nhau, thông thường do thày giáo đi thuê. Thày ngồi trên ghế, trước một cái bàn, trò ngồi trên rơm rạ trải dưới đất: Thông thường các bài được thày đọc to lên, do đó có tên là lecture (từ này còn được dùng chung cho các kỳ giảng ở các trường đại học anglo-saxon). Có các phụ giáo đọc lại bài, trong đó một số là thày giáo thực thụ. Sinh viên không phải làm bài viết, nhưng tổ chức tranh luận, tán thành hay không tán thành một luận đề, phương pháp này phát triển trí nhớ và rèn luyện trí óc, đồng thời gây thói bắt bẻ. Học sinh chép lại một số bài hoặc một số sách đi thuê, thuê từng tờ một - của hiệu sách đại lý. Các kỳ thi tổ chức vào dịp Giáng sinh và Tuần chay. Chúng cũng giống như các cuộc bảo vệ luận án ở thế kỷ trước, và là sự ''tranh luận'' với giám khảo về các vấn đề trong chương trình học hoặc về những lập luận rút ra từ một tác phẩm, không phải do thí sinh viết, mà do giáo viên trao cho anh ta nghiên cứu. Cuối cùng là xác nhận kết quả; sinh viên được trao các học vị mà đến nay chúng ta vẫn giữ: tú tài, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Các học vị đó kéo theo quyền được mang trang phục đại học, mà ngày nay giáo sư và sinh viên một số nước vẫn còn mặc. Vị tân khoa tiến sĩ nhận chiếc mũ hình vuông, kèm theo là chiếc nhẫn, biểu tượng sự gắn kết của anh ta với khoa học. Tất cả được trao trong một buổi lễ tôn giáo trọng thể, sự đăng quang này tương tự như lễ phong tước hiệu hiệp sĩ hay lễ công nhận tu sĩ. Ngày lễ kết thúc,bằng bữa tiệc thịnh soạn do những người nhận bằng tổ chức để mời các đồng sự mới. Những đứa trẻ định theo nghề thủ công thì tình chỗ học việc. Chúng ta đã biết tình hình của họ ở Paris dưới thời Saint Louis, vì năm 1268, ngài chưởng ấn Etienne Boileau, phụ trách quản lý các nghề nghiệp, đã thảo ra quy chế có liên quan. 121 ngành nghề đã đệ điều lệ của mình lên để được thông qua. Do đó ta biết phần lớn các ngành nghề đều có tổ chức phường hội để giữ ổn đính và tự bảo vệ nghề bằng cách bảo đảm chất lượng (bảo đảm quyền lợi khách hàng), đấu tranh chống sự tranh giành hoặc ứ đọng thị trường, định ra quy chế lao động (bảo đảm quyền lợi cho thợ và người làm thuê của họ). Chú ý rằng tính chất các nghề thay đổi rất nhiều ở những nơi có chủ thầu tư bản hoạt động cho xuất khẩu chiếm ưu thế, khiến kinh tế khép kín biến thành kinh tế mở, sự chạy theo lợi nhuận thay thế lối kiếm ăn thông thường, sự áp chế của vài kẻ mạnh thay thế sự cân bằng giữa các thợ cả. Tình hình này đã xảy ra ở Flandre. Nghề thủ công tuyển người trước tiên trong giới lao động: con cái hoặc họ hàng của các thợ cả. Nếu là con cái thì không nói, còn nếu là họ hàng thì cũng rất hạn chế, thường chỉ một, hai người, vì phải cân đối nhân công với đầu ra của sản phẩm, hơn nữa cũng còn để thợ cả có điều kiện dạy dỗ chu đáo hơn, vì lợi ích của người học việc. Nhận người vào học việc đôi khi được tiến hành bằng một buổi lễ trong đó đứa trẻ tuyên thệ sẽ tuân thủ mọi điều sẽ học, và bằng một hợp đồng thường không có văn bản, ở thế kỷ XIII, nhưng có bốn người làm chứng, trong đó hai là chủ, hai là thợ. Ông thợ cả cam kết thu nhận đứa trẻ, cho ở, cho ăn, dạy nghề và đối đãi tử tế xứng đáng là con người trung thực. Thợ cả được phép đánh mắng người học việc, nhưng bà vợ, nhiều khi khó tính, thì không. Về phía đứa trẻ, phải đóng một số tiền cược theo quy định, phải làm việc không công trong một số năm, vừa để tự học hỏi, vừa để đền bù công thày dạy nghề và tiền ăn, ở. Trong nghề dệt dạ, thời gian học việc là bốn năm, nghề dệt thảm tám năm, nghề thủy tinh mười năm… Nếu thày bỏ nghề, do ốm đau, già cả, nghèo túng hay đi hành hương xa, chú học việc được nhượng cho một đồng nghiệp trong thời gian còn lại. Nhưng để tránh lạm dụng, thày không được bỏ trò nửa chừng để lấy người học việc khác. Nếu thợ học việc bỏ thày, thày phải cất công đi tìm trong một ngày liền, rồi chờ không được phép lấy ngay người khác: trong ba tháng, một năm hoặc lâu hơn nữa, tùy theo từng nghề. Điều khoản này buộc người thày phải đối xử tốt với người học việc để nó gắn bó với mình. Nếu đứa đã bỏ thày lại quay về, thày phải tiếp nhận trở lại, cho đến lần thứ hai, nếu “quá tam ba bận” thì cả thày lẫn đồng nghiệp khác của thày sẽ không chấp nhận nữa. Ai nhận đứa trẻ đã không tôn trọng cam kết ấy sẽ bị phường hội tẩy chay. Hết thời gian học việc, anh thợ trẻ được kết nạp vào phường hội bằng một lời thề sẽ tuân thủ mọi điều lệ. Anh có thể ở lại làm việc trong xưởng của thày cũ, hay đi nơi khác là tùy, nhưng sẽ được phường hội theo dõi, kiểm tra như tất cả các thành viên khác. Phường hội những thợ dệt da nêu rõ “không ai được để cho kẻ gian hay tội phạm đến gần mình hay bạn cùng nghề, không ai được đem dụng cụ ra đồng hay vào khách sạn (ý nói những kẻ hư hỏng có nhân tình ở trong hoặc ngoài thành phố)”. Cuối cùng, anh thợ, hoặc lập tức, hoặc sau một năm (hay hơn nữa) tập sự (với thợ làm bánh mì là bốn năm) có thể trở thành thày dậy nghề nếu tỏ ra có khả năng, có điều kiện đi lập nghiệp riêng và cam kết tuân thủ mọi tập tục. Người chủ cũ sẽ đứng ra bảo đảm điểm thứ nhất (có khả năng), còn bộ phận kiểm tra của phường hội sẽ xem xét các điểm khác. Việc nhập nghề nói chung là tự do, dù đôi khi cũng phải cống nạp chút ít cho vua hay cho người đại diện, ngoài ra còn phải đóng góp một khoản tiền cho phường hội, giúp người ốm đau, và mở tiệc khoản đãi các đồng nghiệp mới. Hôn nhân Hôn nhân ở thời Trung Cổ là một hành vi quan trọng có ý nghĩa về gia đình, kinh tế, một số trường hợp có ý nghĩa về dòng dõi thừa kế, và có khi có ý nghĩa chính trị. Dưới góc nhìn của Giáo hội, đó là một thánh lễ mà đôi trai gái tự phong cho nhau. Sau này, trong một thứ văn học nào đó nảy sinh từ sự nhàn cư của một tầng lớp giàu có và rời rãi, hôn nhân là một thủ tục xã hội không nhất thiết ràng buộc trái tim và đem đến tình yêu (một thứ triết lý suy đồi không phản ánh thực trạng của xã hội nước Pháp ở thế kỷ XIII, cũng như nền văn học Pháp trong năm mươi năm gần đây không đại diện cho phong tục của chúng ta). Hôn nhân thời Trung Cổ trước hết là hành vi có tầm quan trọng đối với gia đình, vì sự cấu kết bên trong mỗi gia đình là rất lớn, càng lớn khi từ đời này sang đời khác mọi người vẫn gắn bó với mảnh đất tổ tiên. Danh dự của người này là danh dự của người kia, hận thù của một người được cả họ chia sẻ, và việc riêng của từng người mặc nhiên trở thành việc chung. Ở tất cả các khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời, con người kéo theo sau mình cả một dòng họ. Giả dụ anh có tội phải ra tòa, hoặc anh bị lôi kéo vào một cuộc đấu tranh riêng tư nào đó, cả họ sẽ đứng quanh anh, và dù muốn dù không, anh làm liên lụy cả họ. Do đó khi anh định đưa một thành viên mới vào trong gia đình, thì phải được sự đồng ý của cả gia đình. Hơn nữa, nên nhớ là một cặp vợ chồng mới không nhất thiết có nghĩa là thêm một nhà mới. Thành thị cũng như nông thôn, quý tộc hay không quý tộc, thông thường đôi vợ chồng mới vẫn ở nhà bố mẹ - phần lớn là nhà bố mẹ chồng, có thể ở nhà bố mẹ vợ khi vợ không có anh em trai. Đó là vì, hoặc chưa có điều kiện để ở chỗ khác, hoặc vì công việc làm ăn của gia đình luôn dung nạp được thêm người mới, và cách tổ chức kinh tế của gia đình cho phép càng đông người càng tốt. Nhiều ''cộng đồng'' gia đình thực sự đã hình thành như thế, anh em luật và anh em họ cùng chung một bếp. Trường hợp đó, chính ''cộng đồng gia đình'' mới là tế bào của xã hội, chứ không phải gia đình nhỏ của hai người. Người ta bổ thuế, bổ nghĩa vụ quân sự hay di dân công cho cộng đồng ấy - nội bộ các thành viên sẽ tự thu xếp với nhau. Trong các gia đình bình dân, chỉ khi cái cộng đồng ấy tan rã - chứ không phải khi người này hay người kia chết - mới diễn ra cái mà ta gọi là quyền thừa kế. Nhiều cộng đồng như thế đã sống êm ấm với nhau trong nhiều thế kỷ, mãi đến tận sau cuộc Cách mạng Pháp. Hôn nhân là công cụ cổ điển để bảo đảm mới liên minh tốt đẹp, hay ít nhất là sự bình yên, giữa hai họ tộc địa chủ hoặc lãnh chúa. Người ta còn hứa gả trẻ cho nhau từ lúc chúng chưa ra đời hoặc còn nhỏ tuổi. Ở Bretagne, phong tục nuôi chung cùng một nôi những đứa trẻ được hứa hẹn cho nhau còn tồn tại đến tận thế kỷ trước. Ngoài tầm quan trọng về gia đình và chính trị, hôn nhân còn đưa đến những hậu quả lớn về kế thừa gia sản. Thực ra tất cả liên quan chặt chẽ với nhau. Gia sản là một nhân tố, một phương tiện của vị trí, chức năng xã hội. Con người gắn liền với của cải của mình. Ví dụ, nếu người con gái được thừa kế một vùng lãnh thổ hay một trang trại, lẽ phải ở đời là cần uy thế của một người đàn ông để quản lý, cần đàn ông để giữ lâu đài, chỉ huy đợi lính canh, giữ an ninh trong địa bàn, cũng như cần đàn ông để lo việc đồng áng, sai bảo đáy tớ. Và người cha sẽ chọn chồng của con gái mình làm người kế nghiệp. Nếu người con gái mồ côi cha mẹ, mà lợi tức đất đai lại lớn và cấp bách, thì quyền lợi của cô gái phải được bảo toàn. Chỉ có một cách: tìm ra một người quản lý, chờ cô gái lớn lên rồi gả chồng ngay lúc 13, 14 tuổi. Nếu cô không chấp nhận các đấng mày râu được giới thiệu, cô chỉ việc từ bỏ các quyền của mình, rồi vào nhà tu kín. Đó là chuyện thông thường, không ai thấy có gì sai trái. Nếu cô gái có anh em trai, thay vì đưa chồng về gia đình mình, cô đến ở nhà chồng, mang theo món hồi môn, coi như của thừa kế ứng trước. Thông thường, nhất là ở vùng Midi của nước Pháp, người ta còn yêu cầu cô cam kết sau này sẽ không đòi gì nữa của cha mẹ. Hôn nhân còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế. Mỗi người lớn là một người sản xuất, con cái cũng là của cải. Nếu là đám cưới hai người thuộc hai lãnh địa khác nhau, người nào đi theo sang bên kia sẽ làm ông chủ bên này thiệt một lao động, đồng thời chủ bên kia có lợi. Do đó cần được phép của người chủ có liên quan, và vấn đề được giải quyết bằng cách nộp một số tiền. Chẳng hạn như ở Normandie, anh tá điền nào cưới vợ ngoài lãnh địa của chúa có thể mang theo đồ đạc của mình, nhưng với livrơ đầu tiên của hồi môn anh ta được hưởng thì phải nộp cho lãnh chúa 12 đơniê (tức 5%), với mỗi livrơ sau hồi môn thì nộp 6 đơniê (2,5%), mỗi gối, nệm, hòm, khóa... 4 đơniê (khoảng 2,5%). Khi số đám cưới ''liên lãnh địa'' trở thành phổ biến, các lãnh chúa thỏa thuận với nhau cho phép người bên này tự do lấy người bên kia. Trước các quan niệm nói trên, chỉ xét hôn nhân dưới khía cạnh hậu quả xã hội, Giáo hội có những lý luận cách mạng một cách mạnh bạo. Đàn ông, đàn bà kết hôn với nhau bằng một canh kết thiêng liêng không gì phá vỡ, việc đó chỉ cần tự nguyện là đủ, nhà thờ sẽ cứu rỗi linh hồn bất tử của họ, không cần tính đến sự cho phép của họ hàng hay bất cứ quyền lực nào. Nhiều cô cậu phải lòng nhau đã ỷ vào quan điểm ấy để lấy nhau bất chấp gia đình phản đối, gây ra những bi kịch mà văn học thường chớp lấy để mô tả. Tất nhiên, có những người tìm cách xoay sở, lách qua các quan điểm tôn giáo. Giáo hội không chấp nhận sự ruồng rẫy hay li dị, cùng lắm chỉ cho phép ly thân, không cắt đứt quan hệ vợ chồng. Họ liền nại ra là hai người có quan hệ họ hàng máu mủ ở mức độ bị ngăn cấm quan hệ này mới được phát hiện đúng lúc cuộc hôn nhân bắt đầu xấu đi! – và như thế có thể buộc nhà thờ tuyên bố hủy bỏ cuộc hôn phối. Về pháp lý, đây không phải là ly dị mà là sự chứng nhận rằng việc kết hôn chưa từng xảy ra. Louis VII bị người phụ nữ mà vua yêu say đắm lừa dối, đã bỏ rơi bà ta bằng cách ấy. Ngược lại. Philippe Auguste rất muốn ruồng bỏ Ingeburge - mà vua chỉ chung sống có một đêm - nhưng vì không có lý do pháp lý nào, nên cho đến tận cuối đời không cắt nổi mối dây liên hệ. Dù có lúc bị người đời không tuân thủ do những lợi ích vật chất quá mạnh, hoặc do phong tục, dù có lúc chính một số tu sĩ cũng không theo, Giáo hội vẫn cương quyết giữ vững nguyên tắc. Philippe Auguste đã là một thí dụ. Rồi như Isabelle, hoàng hậu xứ Jérusalem, vì lý do chính trị bị tách khởi chồng, rồi bị ép lần lượt lấy hai lãnh chúa hùng mạnh khác, nhờ bà mà trở thành vua. Giáo hoàng đã rút ra từ đó bài học của câu chuyện kết thúc bằng cái chết nhanh chóng và bi thảm của hai ông vua: ''Một người đàn bà đã bị hai lần trao vào tay những kẻ gọi là chồng bằng cuộc hơn phối nhơ nhớp, vậy mà những cuộc hôn nhân bất chính ấy lại được sự đang thuận và cả sự công nhận công khai của giáo hội Syrie. Song Chúa đã mau chóng phản ứng, trừng phạt những kẻ không tuân theo luật của Người, để răn đe những ai định bắt chước gương xấu”. Đi ngược dòng, chống lại các thói tục tàn bạo, Giáo hội muốn làm quán triệt ý tưởng: đã lấy nhau, là phải chung sống trọn đời. Thơ ca hò vè, khôi hài hoặc châm biếm, nêu lên những chuyện muôn thuở: có những bà vợ lười nhác hoặc cay nghiệt, đã biến tổ uyên ương thành địa ngục thực sự do tính bừa bãi hoặc những trận cãi cọ của họ. Ông chồng kêu ca, đối phó lại, có khi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hoặc tiêu sầu trong chén rượu... nhưng không thể nghĩ đến chuyện cắt đứt liên hệ vợ chồng. Ngược lại, ông chồng lăng nhăng, nát rượu, chẳng chịu làm ăn, bỏ mặc vợ trong cảnh đói khổ, thì người vợ vẫn nín chịu mà nuôi con, trông nom nhà cửa. Những trường hợp bất thường ấy khiến đương sự rời xa sinh hoạt nhà thờ, không được tham dự các thánh lễ, và nếu đi xa hơn nữa còn bị rút phép thông công, bị dư luận dè bỉu. Để rồi đến khi hấp hối, kẻ hư hỏng mới ăn năn, xưng tội là mình đã quên lời răn của Chúa. Vì tính chất bền chặt, bất khả chia lìa ấy, hôn nhân là một chế định nghiêm chỉnh trong suốt lịch sử của nước Pháp cổ xưa. Tìm vị hôn thê là công việc của tất cả mọi người có liên quan: cha, mẹ, họ hàng thân thích, và nếu người kiếm vợ là một ông lớn, thì cả bày đoàn phải tham gia. Một đoạn văn thời ấy nói: “Yêu cầu để cho chúng tôi chọn cho Người một phu nhân tương xứng dòng dõi... Người sẽ lấy người đó làm vợ... và hy vọng từ đó sẽ có dòng dõi kế thừa”. Và một bài thơ thế kỷ XIII viết: “Với quần thần đang chờ - Nhà Vua vui vẻ đáp lời - Sẵn sàng làm theo ý muốn các người - Ai không tuân theo ý nguyện thần dân – thì sao được thần dân tín nhiệm”. Một chàng trai gia cảnh bình thường tất sẽ được tự do lựa chọn hơn. Một quý tộc thế kỷ XIV miêu tả cho chúng ta cuộc tiếp xúc hôn nhân mà anh đã tham dự. (Đây có thể là một cảnh của đời sống tỉnh lẻ). “Một lần, người ta nói với tôi là tôi sẽ lấy một cô gái quý tộc xinh đẹp có cha và mẹ. Lãnh chúa sẽ đưa tôi đến gặp cô ấy. Khi chúng tôi đến đó, mọi người đón tiếp rất thân mật, niềm nở. Tôi nhìn cô gái được giới thiệu cho tôi và hỏi rất nhiều dể hiểu về con người cô. Tôi nói với cô ta bằng giọng mềm mỏng của một tù nhân: “Thưa tiểu thư, tôi mong được là tù nhân của cô hơn là tù nhân của những người khác và tôi nghĩ rằng nhà tù của cô sẽ không khắc nghiệt như nhà tù của người Anh”. Tiểu thư đó trả lời tôi rằng cô chưa thấy người cô muốn bỏ tù. Lúc đó, tôi hỏi cô liệu cô có bỏ tù anh ta không, và cô ấy trả lời là không, rằng cô sẽ yêu quý anh ta như chính bản thân mình. Và tôi nói với cô ấy rằng người đàn ông đó chắc sẽ rất hạnh phúc khi ở trong một nhà tù dịu dàng và cao quý đến thế. Tôi sẽ nói gì với các ngài ư? Tiểu thư đó có thiếu ăn nói và theo những lời nói của nàng thì dường như nàng biết ưu điểm của mình và là người có con mắt sắc sảo. Tuy nhiên, trước khi tôi về, nàng khá bạo dạn khi đề nghị tôi, hai hoặc ba lần gì đó, đến nhà chơi... Ôi ước gì tôi chẳng dính dáng gì đến cô nàng và biết được người ta nói gì về đám cưới của chúng tôi. Về đến nhà, lãnh chúa hỏi tôi: “Ngươi thấy tiểu thư ấy thế nào?” Tôi đáp: “Thưa ngài, đó là một cô gái đẹp và tốt nhưng tôi không hợp với cô ấy”. Tôi nói với ông những suy nghĩ của tôi về cô. Và thế là đám cưới không thành”. Cũng như thời nay, khi đôi trai gái và hai bên gia đình đều đồng ý, người ta tiến hành lễ đính hôn, trao nhẫn. Một tiểu thuyết đã tả cảnh ấy như sau: “Vị hôn phu rút nhẫn khỏi ngón tay mình đeo vào tay nàng và nói: Nàng ơi, bằng chiếc nhẫn vàng này, tôi cam kết sẽ mãi mãi yêu thương chung thủy”. Rồi chàng lại cầm của nàng một chiếc nhẫn, và đeo vào tay mình”. Như vậy là ở đây có hai chiếc nhẫn: người nọ nhận nhẫn của người kia. Đây không chỉ là trao quà tặng, mà là sự ký kết một hợp đồng với nhiều hiệu quả về pháp lý. Nên chú ý là ở thời Trung Cổ việc chuyển quyền sở hữu hoặc chuyển giao tài sản cũng thường được tiến hành bằng một thủ tục tượng trưng, bằng cách trao cho nhau một đồ vật nào đó của riêng mình (nhẫn, dao, găng tay...) Vậy việc trao nhẫn trong lễ đính hôn không phải chỉ là cử chỉ thân ái, nó xác định hai người đều có một quyền đối với nhau. Cắt đứt sự cam kết đó rất khó được chấp nhận, lại còn phải chịu trừng phạt. (Xem các quyết định hiện nay của tòa án Mỹ đối với việc thất hứa). Nhà thờ là thực thể giữ gìn những lời cam kết, chính thức công nhận lễ đính hôn bằng một nghi thức mà ngày nay ở một vài nơi người ta muốn khôi phục lại. Đôi bạn đi cùng với cha mẹ và bạn bè đến nhà thờ và được linh mục mặc lễ phục ra đón từ vòm cổng. Sau khi hỏi lại tên tuổi, linh mục hỏi những lời định sẵn: “Martin, anh có thể là sẽ lấy Berthe làm vợ, nếu Giáo hội chí thánh đồng ý?” Martin đáp: “Tôi xin thề”. Cũng câu đó hỏi vị hôn thê. Rồi linh mục nói (bằng tiếng Latinh): “Và ta đính hôn hai người nhân danh Cha, Cơn và đức Thánh thần. Amen!”. Sau lễ đính hôn là thời kỳ “công bố hôn nhân” thường kéo dài bốn mươi ngày, trong đó công bố rộng rãi nhiều lần đám cưới dự kiến, xem có ai nêu ra những cản trở gì, ví như cô dâu chú rể có mới liên hệ huyết thống gần gũi đến mức phải cấm đoán, hoặc đã có người nào đính hôn với ai trước đó mà chưa hủy bỏ hay không. Trong thời gian đó, đôi trai gái không được sống chung dưới một mái nhà. Nghi lễ đám cưới lặp lại nghi lễ đính hôn. Những lời thề gần giống hệt. Có người bị nhầm, do đó người cử lễ phải nói cho chính xác, khỏi lẫn lộn giữa những lời ở thì tương lai và hiện tại. Lễ cưới cũng được cử hành dưới vòm cổng. Nơi đây tiến hành phần đầu của lễ rửa tội, nơi đây người mẹ trẻ được linh mục đón tiếp để làm lễ giải cữ. Cũng nơi đây, cứ mỗi tuần sau buổi lễ trọng, các lễ đính hôn được công bố trước toàn cử tọa. Hôn lễ cũng được cử hành công khai, ai tới cũng được: Nhà thờ rất kỵ sự dấm dúi, có thể che đậy những điều gian lận. Vậy là, đến ngày lành, đôi tân nhân đi tới, bận trang phục đẹp, màu sắc rực rỡ (màu đỏ rất được ưa chuộng), đội vòng kết bằng hoa hoặc đồ vàng bạc. Đội vòng trong các ngày lễ hội là chuyện thường xuyên, nhất là bạn trẻ, ở tất cả các tầng lớp xã hội. Cô dâu để tóc xõa, dấu hiệu của sự trinh bạch, hoặc trùm một khăn mỏng. Họ được cha mẹ, hoặc cha mẹ đỡ đầu dẫn lên, di trước là đội nhạc, theo sau là bạn bè. Họ nói với nhau những lời thề ước, có thể nói tự nhiên, hay nói theo từng câu hỏi của linh mục. Tiếp đến linh mục ban phước lành, rồi hai bên trao nhẫn “nhẫn này đi thẳng trái tim, chứng rằng hai lòng đã thuận”. Chiếc nhẫn cưới mà Saint Louis trao cho Marguerite de Provence mang mấy chữ: “Chúa - Pháp – Marguerite”. Đó là, theo thứ tự, ba mối tình chiếm trọn trái tim Vua. Cũng thường thấy, là những người làm chứng đập vào vai nhau hoặc hích nhau rất mạnh, để thêm ghi nhớ vào ký ức hôn lễ vừa chứng kiến. Xin nhắc lại là hồi đó không có tổ chức đăng ký, sổ sách gì, và những cái đấm, cái hích ấy - một thủ tục dân gian - là nằm trong nghi thức chứng nhận. Mọi người đi vào nhà thờ để hôn lễ được ban phước lành, và buổi cầu nguyện bắt đầu (cầu Chúa Ba Ngôi, hoặc cầu riêng). Đôi tân nhân dự lễ cùng khoác chung một tấm khăn. Ở xứ Provence, khăn trùm lên đầu vợ và phủ vai người chồng. Nếu đôi vợ chồng đã có một hoặc nhiều con trước ngày cưới, thì chúng được đưa tới đứng chung cùng bố mẹ dưới tấm khăn, coi như được công nhận chính thức. Tùy theo phong tục từng nơi, trong lúc cầu nguyện, đôi vợ chồng chia nhau cùng ăn một mẩu bánh mì hoặc bánh thánh, cùng uống chung một cốc rượu cũng đã được ban phép thánh. Họ cùng thắp một cây nến lên bàn thờ Đức Mẹ, đôi khi cô dâu cầm một cọc sợi, xe một lát. Cuối cùng họ được linh mục và bạn bè tiễn ra cửa, đi vào nghĩa trang cầu nguyện bên mộ những người quá cố. Đây là một nghi lễ cổ: vậy là cả gia đình đã có mặt, kể cả những tổ tiên đã mất. Cả đoàn lên đường trở về nhà, và bạn bè của cô dâu chú rể rắc lên người họ từng nắm hạt lúa, vừa rắc vừa nói “plenté, plenté” (sung túc), tục này hiện vẫn còn ở các nước Anglosaxon. Ở Bologne, dù chính quyền không cho phép, họ ném vào đôi vợ chồng đủ thứ: tuyết, mạt cưa, rác rưởi và những mảnh giấy vụn (hẳn là tiền đề cho tục ném giấy công-phe-ti sau này). Về tới nhà, tiệc tùng, liên hoan, khiêu vũ bắt đầu. Chập tối, đôi vợ chồng vào phòng ngủ, lúc này, linh mục lại đến, có cậu lễ sinh đi theo mang nước thánh và hương để ban phép lành cho chiếc giường tân hôn. Nhưng ở một số vùng xa - vùng nông thôn Bretagne thì tục này còn tồn tại lâu - đêm đầu tiên đôi trẻ dành để cầu nguyện Đức Mẹ Đồng trinh, do đó lễ cưới kéo dài hai ngày, không chỉ một. Nếu là đại lãnh chúa, hoặc chính nhà vua cưới vợ, gả chồng cho con - đặc biệt là con cả - thì các cuộc liên hoan kéo dài, thật tưng bừng. Tiệc cưới đặt giữa trời, phân phát cho toàn dân, rượu rót thoải mái ở các nơi công cộng. Nhưng nếu mọi người đều tham gia thì mọi người phải đóng góp. Đã thành lệ được mọi người chấp nhận: cưới con gái trưởng của lãnh chúa là một trong bốn trường hợp dân phải đóng thêm thuế. Người lấy vợ cưới chồng là nông dân, thì cả làng đến dự, cả lãnh chúa cũng xuống. Một tài liệu xứ Normandie đầu thế kỷ XV cho biết: “Ai trên đất này mà có cưới xin, dù cưới người bên trong hay bên ngoài, phải nộp cho lãnh chúa 5 xu, hoặc nếu muốn đến ăn ở nhà chúa, thì phải mang đến hai vò rượu, một tấm bánh mì và một đùi bò”. Chỗ khác: “Ai cưới xin ở đất này, phải nộp một tảng thịt, hai bánh mì và hai vò rượu; với nhà chúa của cô dâu cũng vậy, và họ phải mang tới nhà chúa, có nhạc công đi cùng”. Chỉ nông dân có đất, nghĩa là khá giả, mới nộp những khoản trên, và thường lại được quà tặng của lãnh chúa bù lại. Việc những ông góa vợ tục huyền thường gây dư luận ồn ào. Nhưng hầu như ở đâu cũng vậy, những đôi vợ chồng mới cưới, vào một dịp lễ nào đó trong năm, đều phải ra mắt công chúng, và mọi người tập trung vào trêu chọc, bỡn cợt họ; đó là cái giá phải trả để được nhập vào cộng đồng những người đã lập gia đình. Mặt khác, người ta cũng yêu cầu người chồng - nay đã ở đỉnh cao thể lực - chứng tỏ khả năng của kẻ nam nhi sẵn sàng đảm trách nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi. Ở một vùng xứ Normandie, “vào ngày định trước, người chồng phải đi ngựa đến, và lãnh chúa giao cho anh đóng một cọc lớn xuống đất. Nếu không có ngựa, chúa sẽ cho mượn một con nhưng phải trả một ca lúa mạch. Tiếp đó anh phải thực hiện một số động tác đề chứng tỏ sức mạnh và tài khéo của mình. Nếu không làm được, anh phải nộp phạt 18 xu và một mine[xi]lúa mạch”, chưa kể bị thiên hạ cười chê, giễu cợt. Ở Condé-sur-Risle, những quan chức cưới vợ cho con trưởng, hoặc bản thân lấy vợ, phải thi đấu trên sông Risle “ném lao trúng ba lần vào một cái cọc cắm giữa sông, trong khi bản thân mình đứng trên thuyền có bốn người chèo xuôi dòng”. Ở xứ Bretagne, tại Montford-la-Cane, lãnh chúa Iffendie đội mũ kết lá kim ngân, rồi trao mũ cho người quản lý. Tập hợp trước đông đảo công chúng, mỗi cô dâu mới lần lượt đội mũ đó, phải nhảy, hát một bài và ôm hôn tay quản lý... hoặc phải nộp 60 xu (là mức nộp phạt thấp nhất có từ thời Carolingiens). Gần Hédé, ngay ngày chủ nhật tiếp sau đám cưới, và sau buồi lễ nhà thờ, đôi vợ chồng phải đứng trước nghĩa trang hát một bài. Ở Combourg, cũng sau lễ nhà thờ, đôi vợ chồng mới cũng ra nghĩa trang. Cô dâu thì hát, còn chú rể mang một hũ rượu 2 pinte[xii]và một cái bánh đi mời mỗi người một miếng. Ở lãnh địa Goulane, ngày lễ Hạ trần (Pentecôte), sau lễ nhà thờ và một lần nữa vào buổi chiều, các cô dâu mới phải đến trình diện, hát ba bài, rồi ôm hôn lãnh chúa hoặc người đại buổi chiều, các cô dâu mới phải đến trình diện, hát ba bài, rồi ôm hôn lãnh chúa hoặc người đại diện. Trong lúc đó, các chàng rể mới, mỗi người cầm ba quả bóng và ba cái gậy. Một khoảnh đất 24 pi-ê[xiii]vuông được khoanh lại, và chúa (hoặc người đại diện) tung quả bóng vào để cho các chàng trai dùng gậy vụt ra ngoài. Bệnh tật và chết Khó mà biết được tình hình chăm sóc sức khỏe ở thời Trưng Cổ, vì thiếu thông tin cụ thể, thiếu thống kê. Tuy nhiên, ta biết tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao, và các điều kiện sinh hoạt tuy lành mạnh nhưng khá vất vả. Thỉnh thoảng lại có đói kém, hoặc cục bộ, hoặc phổ biến, rồi các cuộc chiến tranh xảy ra khiến một bộ phận dân chúng lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng dẫn đến chết đói, và sinh ra các bệnh dịch tàn hại. Nổi tiếng nhất là trận đại dịch hạch năm 1348 1349 lan ra khắp châu Âu, giết chết có lẽ tới một phần ba dân số. Tuổi thợ trung bình chắc ang áng giống như ở nước Pháp cuối thế kỷ XVIII hoặc nước Ấn Độ đầu thế kỷ XX, tức là xấp xỉ ba mươi. Các bệnh thời Trung Cổ đại thể cũng là những bệnh thời nay; nhưng bệnh hủi và bệnh đậu mùa, du nhập từ ngoài vào từ thời Thập tự chinh, lúc đó cực kỳ ác liệt, sau này mới đỡ dần; bệnh sốt rét là phổ biến (cho tới thế kỷ XIX). Bệnh lậu, từ châu Mỹ nhập vào, lúc đó không có. Chống lại các tai họa vô vàn đánh vào sức khỏe và tính mạng của mình và của người thân, con người phải chiến đấu và giữ một thái độ nội tâm thể hiện rõ nét sức mạnh tinh thần của mình. Nói chung, người Trung Cổ có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ. Nhà thờ thường xuyên nhắc nhở con chiên về cứu cánh cuộc đời. Phần lớn giáo dân tin và sự bất tử của linh hồn, tin là có thế giới bên kia hơn là tin vào thực tại của thân xác mình và cuộc sống trần thế. Vì vậy, đau khổ, bệnh tật chỉ là nhất thời; hơn nữa, chúng không đáng sợ cho tinh thần, vì được giải thích rõ nguyên nhân. Bệnh tật và cái chết là kết quả, là cái ''giá'' của tội lỗi, và ngay Chúa Kitô, vì tình yêu con người và để cứu con người, cũng sẵn sàng cam chịu mặc dù không có tội gì. Ai khiêm nhường và kiên nhẫn đón chờ bệnh tật và cái chết sẽ được ''mang thánh giá'' như Chúa đã mang thánh giá của Người, sẽ chuộc mọi tội lỗi, có khi còn được ân sủng, cứu được đồng loại. Các tu sĩ dòng thánh François thế kỷ XIII loan truyền một thứ sùng tín Chúa Kitô, suy ngẫm về sự đau khổ của Chúa. Họ đặt ra một nghi thức sùng đạo gọi là ''con đường thánh giá''. Một ông thánh François bị đóng dấu trên núi Alverne, được biết bao con tin sùng bái, thèm muốn. Những người sùng tín không chỉ tập coi thường đau đớn thể xác, mà còn mong được đau đớn, thậm chí tự làm cho thể xác đau đớn, rơi vào chỗ thái quá đến nỗi Giáo hội phải can thiệp, uốn nắn, như đối với dòng Flagellants (tự đánh roi). Song phải nói tinh thần dũng cảm chịu đựng là khá phổ biến, khiến cho đau đớn trở thành có ý nghĩa, đem lại niềm vui tinh thần rất cao. Mọi người được dạy là phải nhìn nỗi đau đớn của người khác bằng con mắt kính trọng và đồng cảm, và nhìn sự đau đớn của chính mình một cách tự nhiên, không sợ hãi. Những giờ phút cuối cùng của nhiều nhân vật khác nhau - trong đó nhiều người không hề là thánh - đã được sách vở kể lại. Thường những lúc đó, trong một hoàn cảnh tầm thường lại nổi bật lên một phẩm chất cao cả tuyệt vời, ngay cả khi trong cuộc đời, người sắp chết không lấy gì làm gương mẫu. Những người ốm phải nằm liệt giường hàng tháng, hàng năm ít nhất cũng có dịp đem lại cho cuộc đời đáng thương của mình một tác dụng, một ý nghĩa. Một số, được tinh luyện trong khổ đau và suy ngẫm, trở thành những nhân vật được mọi người biết đến. Họ được thiên hạ đến thăm, tỏ sự thương cảm, ngưỡng mộ, tham khảo ý kiến, xin được ban phước. Họ trở thành gần gũi hơn cả thánh, bản thân họ cũng là thánh, họ là người nói giùm hộ cho mọi lợi ích, mọi sự khổ ải ở đời. Ví dụ như nữ thánh Lidwine ở Schiedam. Người khỏe mạnh, đứng trước người có bệnh phải chế ngự sự khó chịu, sợ hãi, cố gắng thể hiện lòng từ tâm nhân ái. Sự ngưỡng mộ của người đương thời đã để lại cho chúng ta nhiều tấm gương. Mỗi lần đến thăm tu viện Royaumont, bao giờ vua Saint Louis cũng giành lấy việc tự tay mình phục vụ ăn uống cho một người hủi mà bộ mặt đã bị bệnh gặm nhấm đến mức ai cũng kinh hãi. Song nhà vua vẫn từ tốn thân ái gọi người hủi đó là “người bệnh của tôi”, cho anh ta ăn, cố gắng giữ tự chủ đề không vì thế mà mình ăn mất ngon. Một trường hợp khác nữa được kể: “Một lần vua đi ngoài phố, thì bên kia đường có một anh hủi vừa đi vừa thổi kèn rất to” để khách qua đường tránh xa mình. “Vậy mà, khi vua quay lại và nhìn thấy anh hủi, vua đã sang đường, bất chấp phải dầm chân vào vũng bùn lạnh ở giữa phố, đến trước mặt, cho anh ta tiền rồi hôn tay anh ta. Cảnh đó gây ấn tượng mạnh với quần thần đi theo, họ đưa tay làm dấu thánh giá, trầm trồ nói với nhau: “Kìa trông, nhà vua hôn tay người hủi”. Về thánh François d’Assise và nhiều nhân vật khác, người ta cũng kể những chuyện tương tự. Song không phải chỉ có những hành vi đặc biệt nổi bật. Lòng từ tâm của con người, kể cả giàu, nghèo, lãnh chúa hay thường dân, lại được cha đạo khuyến khích, dẫn đến hành động thiết thực: người ta lập ra những nhà thương - dưỡng đường để chăm sóc những lữ khách nhỡ độ đường, vừa nghèo vừa xa người thân thích, những kẻ lang thang, người mắc chứng nan y, người chỗ ở quá khó khăn... Một trong những thiết chế đó, có hơi muộn màng vì ra đời vào thế kỷ XV, hãy còn nguyên vẹn tới ngày nay: đó là Nhà trọ của Chúa - Hôtel-Dieu - ở Beaune vẫn giữ các quy tắc và nội thất như thời Trung Cổ. Qua nhà thương này, ta thấy tất cả cái cao đẹp, cái nhân ái, phục vụ người bệnh. Paris thế kỷ XIII có khá nhiều nhà thương, trong đó có Hôtel-Dieu - đã có từ thế kỷ IXvà xây dựng lại ở thế kỷ XI - là quan trọng nhất. Song cạnh đó còn có các nhà thương Trinité, Saint-Gervais, Notre-Dame-Des-Billettes, Saint-Eustache, Écuellier, Saint-Marcel, Saint-Martindes-Champs, Saint-Jacques-du-Haut-Pas, Saint-Mathurin, Sainte-Catherine, ngoài ra còn có những bệnh viện chuyên trị, như Saint-Lazare cho người hủi, Quinze Vingts do Saint Louis sáng lập để cứu giúp người mù, ở đó mỗi người có một ngôi nhà nhỏ riêng, Filles-Dieu thu nạp những cô gái “hoàn lương”. Trên địa bàn của tỉnh Aube ngày nay, thời ấy đã có không kém 62 nhà thương. Những bệnh viện ấy thường mang cái tên có ý nghĩa là Nhà của Chúa (MaisonDieu) hay Nhà trọ của Chúa (Hôtel-Dieu), vì Chúa Kitô đã nói: “Những gì nhà ngươi làm để cứu giúp kẻ hèn mọn nhất, tức là đã làm cho ta”, vì người bệnh là hình ảnh của Jésus đau khổ, họ chính là Đức Chúa hiện thân trong những con người khốn khổ. Người ta còn kể truyền miệng: một người bệnh nọ bỗng thăng hoa, y tá ngây ngất nhìn rõ thấy là khuôn mặt của Chúa Cứu thế... Vì vậy, quy tắc của bệnh viện Nhà Chúa Paris cũng như nhiều bệnh viện khác nêu rõ: “Tiếp đón bệnh nhân như tiếp đón chính Đức Chúa đối xử với bệnh nhân như đối với chủ nhà”. Ở đó thu nhận mọi loại người cần đến: vừa là bệnh viện vừa là nhà trọ cho những lữ khách nghèo hèn, là dưỡng đường cho người già, nhà hộ sinh cho phụ nữ, và có lúc là cả ký túc xá cho sinh viên nghèo. Chỉ người nào mang theo chim săn và chó săn là không được tiếp nhận. Người làm ở Nhà Chúa gồm có tu sĩ nam và nữ, linh mục và những người phục vụ khác. Cần người của cả hai giới vì bệnh viện nhận cả đàn ông và đàn bà. Nhưng những nơi công cộng, kể cả nhà ăn, thì phân biệt rõ nam, nữ. Các tu sĩ nam và nữ ở đây phải có ba lời nguyện: nghèo hèn, chay tịnh và phục tùng. Nội quy bao gồm: dậy lúc 5 giờ, ngủ lúc 9 giờ tối, đọc kinh hàng ngày. Ăn uống chỉ ''vừa đủ'' về số lượng và chất lượng, thịt chỉ ăn ba ngày một tuần. Xin nói thêm là khi các tu sĩ đi lưu động, họ cũng chỉ được phép nhận phần ăn như ở tu viện, nhưng nếu may mắn được một giám mục mời, họ có thể ăn thoải mái. Tóm lại tinh thần của những người phục vụ ở bệnh viện là hy sinh và kỷ luật. Số người phục vụ được hạn chế, để cho kinh phí khỏi phải nuôi bộ máy đông, mà dành cho nhiều người bệnh hơn. Vì vậy muốn được vào làm tu sĩ phục vụ Nhà Chúa không phải dễ. Phải xin vào từ lúc còn trẻ, con trai từ 7, 8 tuổi, trước tiên làm lễ sinh, con gái từ 12 đến 20 tuổi, làm ''gái trắng''. Thời kỳ tập sự - trong thời gian này họ vẫn có thể lựa chọn trở về với đời thường - kéo dài cho đến khi khuyết một chỗ, ví dụ có người chết. Quy ước xác định như sau: “Nếu một người muốn từ bỏ thế tục để phục vụ người nghèo, trước hết phải có sự đồng ý của các vị giám quản. Rồi sau khi được phổ biến kỷ luật của dòng tu, nếu đồng ý chấp nhận thì phải tuyên thệ. Bấy giờ người đó mới được giám quản giới thiệu với hội đồng tu sĩ, hội đồng đồng ý thì người đó được nhận vào phục vụ người nghèo”. Ở mỗi khoa của nhà thương, có một phòng cho người đau nặng, một cho người đau nhẹ, một cho người đang bình phục. Ngoài ra, có nhà hộ sinh cho phụ nữ. Người bệnh lúc mới vào được làm vệ sinh, quần áo được đưa đi giặt và hấp, sau đó được khâu vá, sửa sang lại, để đến khi ra viện, người nhà thấy họ rất tươm tất. Người bệnh nằm hai hoặc ba người một giường, người bệnh nặng và sản phụ được nằm giường riêng, điều ta khó tưởng được vào thời Trung Cổ. Trong khi thời ấy, người ta quen hai người ăn chung một tô, thì ở đây, mỗi người có tô, thìa, cốc riêng. Vệ sinh được coi trọng: mới sáng các xơ đi rửa mặt cho bệnh nhân, còn lao công thì lau rửa phòng. Người bệnh đã đỡ thì được tắm. Khăn trải giường, quần áo được thay luôn; bệnh nhân đông nên những thứ ấy được đổi mới nhanh chóng: mỗi năm từ 500 đến 700 khăn trải giường phải bỏ đi làm giẻ lau. Việc nuôi dưỡng được quan tâm. Có những trại ấp nhận trách nhiệm cung ứng thực phẩm cho Nhà Chúa, ngoài ra sáng nào bệnh viện cũng cử người đi chợ. Nội quy quy định rằng người bệnh muốn gì đều phải được đáp ứng, trừ những thứ có hại cho sự chữa bệnh của họ và những gì không thể kiếm được. Đó là quy định theo đúng tinh thần của tất cả các Nhà Chúa, nhiều truyền thuyết minh họa điều đó. Người ta kể rằng ở Đất Thánh, Saladin đã nghe nói về tinh thần từ tâm của bệnh viện, rất ngạc nhiên và muốn thử. Ông liền giả làm người bệnh, xin vào nằm. Được nhận vào rồi, ông không chịu ăn uống gì. Mọi người kiên trì săn đón, hỏi ông thích gì. Cuối cùng ông nói ông chỉ muốn ăn cháo nấu bằng cẳng chân con Morel - tên con ngựa của người phụ trách bệnh viện. Nghe tin ấy, người phụ trách thở dài, nhưng ra lệnh làm theo ý bệnh nhân “vì thà ngựa chết còn hơn người chết”. Vậy là ngựa được đưa đến trước giường bệnh, anh đầu bếp tay cầm rìu hỏi Saladin muốn ăn cẳng nào. Lúc đó người bệnh giả mạo mới nói ra sự thật; ông rất xúc động và nhận tài trợ cho bệnh viện. Chuyện hoàn toàn tưởng tượng, song là tượng trưng tiêu biểu cho một tinh thần phục vụ hết mình. Ngày lễ, các phòng bệnh được trang trí bằng hoa, chăn nệm đẹp. Mỗi ngày có hai kíp phục vụ: kíp ngày, từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, và kíp đêm. Kíp đêm còn có những người trực canh gác, mỗi người được cấp một suất rượu. Để bảo đảm an toàn hơn, linh mục còn cắt nhau đi tuần trong từng khu vực. Một khi đã đỡ, người bệnh được một thời gian hồi phục sức khởi tối thiểu là bảy ngày. Rồi họ xuất viện, có chứng chỉ của người phụ trách. Phần lớn những điều mô tả trên đây vẫn được áp dụng trong các bệnh viện hiện đại. Ngày nay kỹ thuật chữa bệnh, nhất là trong lĩnh vực mổ xẻ, đạt những tiến bộ to lớn, nhưng tổ chức bệnh viện ngày xưa đã rất khôn ngoan, tinh thần đã rất nhân đạo, bác ái và lận tụy, khó mà tiến bộ hơn, chúng ta chỉ có việc tiếp tục kế thừa. Chăm sóc người ốm tại nhà, có các thày thuốc, thày xoa bóp (nghề này không sang trọng bằng nghề trên, vì chỉ làm bằng tay), ngoài ra còn có những người chuyên đi trích máu và đủ các loại lang băm. Theo Henry de Mondeville, là thày xoa bóp của Hoàng gia đầu thế kỷ XIV - ông đã viết một cuốn sách về nghề này - thì nhiều người chẳng học hành, bằng cấp gì, cứ tự phong là thày xoa bóp (giống như gần đây nhiều người tự xưng mình là kiến trúc sư hay kỹ sư). Đó là nguồn sinh sống thường lệ của những công tử lụn bại gia sản, những mụ mối già, nạ dòng, những kẻ chuyên giả mạo, nhưng nhà giả kim thuật (luyện kim), những người Do Thái chuyển đạo và người Hồi giáo. Những người này nói không sõi tiếng địa phương, càng khoe khoang nguồn gốc nước ngoài của mình hòng tăng thêm uy tín. Chúng ta biết ngay hiện nay cũng chưa hết chuyện có bệnh thì tìm đến thầy bói, thày số, mụ vườn, lang vườn đủ loại. Ở nông thôn, có những người tu hành, người chăn cừu, những bà đứng tuổi, do quan sát và kinh nghiệm, biết một số thuốc lá, thuốc cao hoặc có năng khiếu tự nhiên, cũng tham gia chữa bệnh pha lẫn thêm chút mê tín, sùng đạo. Ở thành phố, các y tá nam và nữ thường là nửa đạo, nửa đời, ví dụ như những cư sĩ dòng thánh Dominique và dòng thánh François mà tôn chỉ là phải tham gia làm việc thiện. Thành viên trong cùng một phường hội có trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau. Một số được thành lập chủ yếu để lo cho nhau lúc đau yếu hay khi lâm chung. Hiện ở Normandie vẫn còn vài hội như thế. Ở thành thị cũng như nông thôn, hàng xóm láng giềng, sống gần nhau thì phải đặc biệt giúp nhau những lúc đó, sự gần gũi tạo nên những mối quan hệ thân thiết. Khoa y học Trung Cổ dựa trên truyền thống lâu đời kế thừa từ các thày thuốc Hy Lạp, Latinh và Arập. Từ Saleme, ở thế kỷ XIII ngành học này lan rộng ra Bologne, Montpellier, Paris. Sinh viên phụ thuộc vào một ông thày, họ theo thày đi khám bệnh để có thực tiễn, họ dự các giờ giảng, đọc sách của Galien, Hippocrate, Isaac, Ragès. Rất ít được học giải phẫu, mổ xẻ; thỉnh thoảng sinh viên mới được giao xác một kẻ tội đồ để nghiên cứu. Để đỗ cử nhân phải học sáu năm, và trừ trường hợp được miễn, còn phải mất hai năm thực hành nữa mới được công nhận là thầy, tương đương học vị tiến sĩ ngày nay. Thày thuốc phải có học vấn cao: ngoài những môn chuyên về y học, họ phải học cả hình học, thiên văn, biện chứng, vật lý... và tất nhiên cả tiếng Latinh. Phải có thời gian dài tích lũy kinh nghiệm lâm sàng, vì chẩn đoán chủ yếu dựa vào thần sắc người bệnh và quan sát nước tiểu. Người ta còn yêu cầu thày thuốc phải có trí xét đoán tốt, tác phong đẹp và có ý thức nghề nghiệp, định nghĩa như sau “phải dịu dàng với người bệnh, vồn vã với đồng nghiệp, khôn ngoan trong chẩn đoán. Hãy nghiêm cẩn, tiết độ, giàu tình thương và bao dung, không hám tiền bạc, mà chỉ nhận tiền lương vừa phải tùy theo công việc, khả năng của người bệnh, giữ đúng tư cách”. Cuối cùng, thày thuốc phải tin Chúa. “Cho nên trong công việc, thày thuốc luôn cần có Chúa trước mặt để soi sáng mình khi cần; có thể hành nghề không lo lắng ở bất kỳ đâu, nhưng chớ tự huyễn hoặc, ca ngợi mình” đó là lời khuyên, có từ trước câu nói nổi tiếng của Ambroise Parél[xiv]. Y học, ngay từ thời đó, “đã tiến rất xa, và nhờ nghiên cứu các sách cổ và các triệu chứng, đã đạt tới những kết quả, tới những khái niệm khiến ta phải ngạc nhiên, thường được những công trình nghiên cứu ở các thế kỷ sau khẳng định là đúng”. Ví dụ, lý thuyết của Mondeville về sự lành các vết thương: người đương thời cho là phải kích thích vết thương cho mưng mủ thì mới chóng khỏi, nhưng Mondeville chủ trương trái lại, không nên để vết thương mưng mủ. Song ý tưởng và phương pháp của ông bị phản bác nên không được ai theo, phải đến thời gần đây mới áp dụng lại. Cách điều trị rất chú trọng đến ảnh hưởng của tinh thần đối với thể chất: phải làm người bệnh tin tưởng, động viên họ, làm cho tâm hồn họ thanh thản. Các quy định còn nhắc thầy thuốc phải khuyên bệnh nhân xin gặp linh mục trong trường hợp bệnh cấp tính. Người ta quan tâm không chỉ cho uống thuốc đặc trị (có các thuốc bằng lá cây, đá quý các hỗn hợp pha chế kỳ quặc - từng được áp dụng khá lâu ở Codex, các muối khoáng; với bệnh ngoài da đã chữa bằng thuốc mỡ có thủy ngân) hoặc thực hiện một số phẫu thuật nhỏ (trích để gây nhọt, trích máu...) mà cả thể trạng nói chung. Người ta chú ý uốn nắn các thói quen không có lợi của bệnh nhân (rất khó uốn nắn với người cao tuổi), cho bệnh nhân thay đổi không khí, xen kẽ vận động với nghỉ ngơi, ăn uống theo chế độ, tắm nước nóng, giữ cho tiêu hóa điều hòa (đôi khi hơi lạm dụng thuốc tẩy ruột), ngủ được, thanh thản. Bên cạnh nền y học có tính khoa học ấy, song song đua nở các lập luận dân gian đến nay chưa phải đã hết tác dụng. Cuối thế kỷ XIV, Guy de Chauliac nói: “Các bà phụ nữ và nhiều kẻ ngu bệnh gì cũng đi vái thần vái thánh, họ nói: Chúa đã cho cuộc sống, Chúa muốn lấy đi ngày nào cũng được. Cầu xin Chúa cao cả. Amen”: Và ta biết là ở Bretagne và ở cả Normandie nữa, những ''căn bệnh thần thánh'' này vẫn được coi là thuộc thẩm quyền của những người ăn mày cửa thánh hơn là của thày thuốc... Quân đội cũng có tập tục của mình: “Vừa phù chú vừa cho uống nước sắc, dầu, len và lá cải là có thể chữa lành mọi vết thương, vì Thượng đế đã ban phép lành cho lời nói, cây cỏ và đất đá”. Sự hàm ơn của người bệnh với thày thuốc đôi khi chẳng có gì, và Mondeville, với chút mỉa mai, đã khuyên rằng, với những nhân vật quan trọng, thì nên lo giữ gìn sức khỏe cho họ hơn là chữa bệnh, vì họ rất keo kiệt. Tiền công chữa bệnh là tùy theo sự giàu nghèo của người bệnh, trả bằng tiền hoặc hiện vật. Với người giàu thì lấy 100 livrơ, người nghèo thì xin con ngỗng con vịt, con gà, trứng hoặc pho mát. “Nhưng nếu người bệnh nghèo thực sự, thì không lấy gì, vì người nghèo trả một con ngỗng khó hơn rất nhiều so với người giàu trả một con bò... Thày thuốc nên bòn của người giàu càng nhiều càng tốt, miễn là dùng tiền ấy để chăm sóc người nghèo”. Ở các Nhà Chúa, thày thuốc chữa bệnh không lấy tiền. Định tiền công chữa bệnh đôi khi cũng qua mặc cả. Như Mondeville, ông thường nói thách gấp đôi để rồi rút xuống thì vừa. Khách hàng cũng cần biết rằng “thày thuốc chẳng có bổng lộc, thu nhập gì, mà mọi thứ đều đắt, nhất là thuốc mỡ, tiền nhiều cũng chẳng giá trị mấy (đầu thế kỷ XIV, tiền đã qua nhiều đợt mất giá), trong khi lương thợ, như thợ nề chẳng hạn, đều tăng gấp đôi”. Khi cái chết sắp đến, người bệnh có sự chuẩn bị như một hành vi tôn giáo, quan trọng nhất cuộc đời vì nó sắp quyết định số mệnh vĩnh cửu. Có khi người thân ngại nói sự thật cho đương sự - điều này những nhà thuyết giáo không tán thành - thì chính đức tin của người bệnh sẽ làm mọi người khỏi ngại ngần. Hơn nữa, để tránh mọi bất ngờ, ngay khi mới mắc bệnh, ai nấy phải lo thu xếp công việc của mình, có khi sớm hơn. Như dòng thánh thứ Ba, có hàng ngàn đệ tử ở thế kỷ XIII, XIV, yêu cầu ai muốn gia nhập phải làm trước di chúc. Khi giờ phút cuối cùng sắp điểm, người có đạo ôn lại cuộc đời và làm một cuộc tổng xưng tội để rửa sạch mình. Nhưng nếu đã ăn ở không phải trên đời này thì cũng không xong với Chúa. Anh lái buôn gian lận, thầu khoán bớt tiền của thợ, lãnh chúa từng cướp phá tu viện, kẻ cho vay nặng lãi, kẻ bất công, hung hãn đều phải trả giá. Người bệnh liền mời công chứng viên hoặc linh mục đến, đọc di chúc “nhân danh Cha, Con và Đức Thánh thần”. Ở vùng Midi, di chúc này làm phỏng theo luật La Mã, rất đầy đủ, ghi rõ người thừa kế, ở nhiều nơi khác, di chúc chỉ ghi những khoản đặc biệt, thường là những khoản cúng vào nhà thờ. Như vậy, di chúc là để bổ sung cho lời xưng tội, vật chất hóa quyết tâm xóa sạch tội lỗi. Người làm di chúc trối trăng cho người thừa kế mình hoàn trả những gì mình đã cưỡng đoạt. Jehan Boinebroke, một công nghiệp gia lớn xứ Douais, yêu cầu cho thợ thuyền và những người từng làm ăn với mình đến khiếu nại về tất cả những thiệt hại do ông gây ra, tính thành tiền, và được đền bù ngay, chuyện này xảy ra vào cuối thế kỷ XIII. Khi không thể đền bù được, người con chiên nhớ ra rằng “làm việc thiện sẽ xóa đi mọi tội lỗi”, liền cúng tiền cho nhà thờ, tu viện, cho những người nghèo ở Nhà Chúa (ở Paris, thường cúng cho Nhà Chúa). Cuối cùng, người đó xin được làm một buổi lễ cầu để mong cho tâm hồn được cứu rỗi. Thế còn người nào không có gì để hối lỗi? Vua hoặc hoàng hậu nước Pháp, lãnh chúa hoặc thị dân, mời tất cả thân thích, bạn bè và người hầu xúm quanh giường bệnh, nói lời xin lỗi về tất cả những gì đã phạm phải với mọi người. Giờ phút này, ông lớn đến đâu cũng chỉ là một người như mọi người, và muốn nhấn mạnh cho người còn sống hiểu điều đó. Và để mau chóng được chuộc tội và trịnh trọng tỏ sự cắt đứt với một thế giới mà mình không còn sống bao lâu, người hấp hối thường xin quy vào một dòng tu nào đó: Được vậy thì sẽ được dòng tu cầu nguyện, được mặc lễ phục của dòng để chôn cất. Mấy hôm trước khi mất, Blanche de Castille đã xin quy dòng thánh Cîteaux ở Maubuisson. Nếu bất ngờ người tưởng chết lại trở về cõi sống, thì việc quy đạo ở phút cuối đó sẽ bị hủy bỏ, trừ khi đương sự vẫn muốn giữ nguyên, như Blanche de Castille đã làm. Các cư sĩ dòng Ba cũng được quyền chết và chôn trong lễ phục của dòng tu. Giờ lâm chung tới gần, các lễ nghi cuối cùng được tiến hành, rất trọng thể. Một cây nến thắp sáng, tượng trưng cho đức tin, được đặt vào tay người hấp hối trong khi mọi người đọc kinh Credo: nghi thức này giống lễ rửa tội cho trẻ sơ sinh. Như vậy là cuộc đời con chiên bắt đầu và kết thúc trong cùng một niềm tin. Rồi, cảm thấy đã đến lúc, người bệnh - bắt chước cách làm ở tu viện, nhằm tỏ ý khiêm nhường và tạ tội - được đặt xuống một cây thánh giá vẽ bằng tro ngay dưới đất hay trên một lớp rơm, và trong tiếng cầu nguyện lâm râm, trút hồn lìa khỏi xác. Ngay sau đó, các bà xơ, đồng hội đạo hoặc hàng xóm (nhưng tốt nhất là người thân thích), đến lau rửa, mặc quần áo cho người chết. Nếu là một nhân vật quan trọng không thể tổ chức đưa tang ngay, cần có một số biện pháp để giữ xác lâu, như rỏ thủy ngân vào mũi, bịt kín các lỗ hở (khiếu) bằng bông tẩm chất thơm để chống thối rữa, bôi sáp thơm lên mặt. Những biện pháp ấy chưa đủ hiệu quả. Đặc biệt, khi người chết cần được chuyển đi xa và nếu được phép của nhà thờ, thày thuốc phải mổ xác để lấy hết ngũ tạng ra, cho nhựa trầm hương, lô hội và nhiều chất thơm khác, khâu bụng lại rồi đặt xác vào trong một quan tài bằng chì gắn kín. Hoặc là xác được luộc lên. Đó là trường hợp nguyên soái Du Guesclin, chết tại Auvergne, nhưng nhà vua lại trân trọng muốn ông được chôn cất ở Saint-Denis, bên cạnh mồ mả của hoàng tộc. Các cơ quan nội tạng được chôn lại ở Puy, nơi đây cũng xây mộ ông trong nhà thờ Saint-Laurent, còn trái tim được mang về Dinan, ở xứ Bretagne quê nhà. Rồi thi hài được đặt lên một chiếc giường uy nghi. Với các ông lớn, thi hài được trưng bày khá lâu một tuần hay hơn nữa, mà như trên đã nói, các phương pháp ướp xác còn rất thô sơ, ít hiệu quả, nên người ta thường làm một người giả thế vào xác thật. Người giả mang một chiếc mặt nạ, khuôn theo đúng mặt người chết. Những mặt nạ khi chết của Jeanne de France, con gái vua Louis XI, còn được giữ tới ngày nay. Để làm lễ tang, thi hài được để không trên cáng do người nhà hoặc bè bạn khiêng, như ở nhiều vùng nông thôn ta vẫn làm. Khi một người con trai của Saint Louis chết, vua nước Anh đã trân trọng đến tận nơi cùng khiêng xác. Nơi nào có các hội từ thiện, thì họ thay nhau làm lễ tang giúp. Nơi nào không có, đã xảy ra những cảnh đau lòng. Kỷ yếu của thánh Yves kể lại nhiều chuyện, ví như một bà mẹ nghèo ở Bretagne phải đi ăn xin ngoài phố Angers để kiếm sống, có đứa con trai 6 tuổi bị chết. Không có chăn, không có tiền để mua vải liệm, song bà vẫn muốn con phải được chôn cất tử tế, nên cứ bế xác con trên tay đi xin từng nhà mấy ngày liền mới đủ tiền. Bà gặp một đồng hương khuyên hãy đến thánh Yves xin làm cho con sống lại. Đứa con sống lại thật, nhưng cũng chỉ được ba tháng thì chết hẳn. Câu chuyện nói trên phần nào cho thấy cuộc sống thời ấy rất cơ cực. Và nếu bà mẹ có tiền, thì đứa trẻ đã bị chôn ngay từ hôm tưởng là chết. Những vụ mai táng vội vã như thế có vẻ thường xảy ra, mặc dù Mondeville cho biết thông thường người ta chờ ba, bốn ngày mới chôn cất, người chết càng có địa vị xã hội quan trọng, càng để lâu. Thi hài được chôn thẳng xuống đất, không quan tài (tu sĩ dòng Trappe hiện vẫn theo tục này), hoặc đặt trong quan tài bằng gỗ, có khi bằng chì. Người chết an nghỉ trong đất của nhà thờ, trừ khi không phải là con chiên, là người Do Thái, theo dị giáo hay đã bị rút phép thông công. Nghĩa trang vây quanh các tòa nhà của nhà thờ xứ hay tu viện. Nhiều người thích được chôn ngay bên trong nhà thờ, mặc dù nhiều hội nghị công giáo tỏ ý không đồng tình; người có vai vế muốn được chôn trong điện thờ hoặc ngay dưới bậc thềm hành lễ, với hàm ý chịu tội, để cho mọi người, cả linh mục lẫn dân thường, hằng ngày dẫm chân lên, hoặc ở dưới lối đi, dưới cửa ra vào. Riêng nhà thờ Chartres không chấp nhận cho ai được chôn ở bên trong. Không được vào nhà thờ, người ta lại muốn được chôn ở sát tường, để nước mưa, đã được ban phép thánh khi rơi lên nóc nhà thờ chảy xuống phần mộ của mình. Nghĩa trang rất chật hẹp, thường có kèm một khu hài cốt, cuối thời Trung Cổ hay được trang trí bằng cảnh ma quỷ nhảy múa. Không thể vào hoặc ra khỏi nhà thờ mà không phải đi qua “bãi nghỉ” này, nơi người chết nằm chờ sự phục sinh. Xem ra người đời không coi trọng lắm nơi này: trẻ con đến nô đùa, chợ cũng họp tràn ra đây hoặc tụ tập, thậm chí nhảy múa, khiến nhà thờ luôn phải nhắc nhở. Tuy vậy, việc thờ cúng người chết nói chung được duy trì với nhiều nghi thức khác nhau tùy theo địa phương, và đến nay vẫn tồn tại. Thường là cầu kinh, làm lễ trong nhà ở tuần hoặc tháng tiếp theo lễ tang, vào ngày kỵ hàng năm, có khi làm hôm sau lễ cưới của con cháu (ở Bretagne hiện nay vẫn tiến hành). Hoặc lễ cầu tập thể, vào những kỳ hội chúng sinh, tiến hành rất trọng thể với nhiều nghi thức và tục lệ vừa tôn giáo vừa mê tín. Những linh hồn khốn khổ bất lực trước số phận, bao giờ cũng gợi niềm thương cảm, và người ta cầu kinh để xoa dịu nỗi đau. Ở các tu viện, mỗi khi có tu sĩ nào chết, người ta gửi cáo phó tới tất cả các tu viện cùng dòng. Cáo phó viết lên đầu cuộn giấy dài. Nhà nào nhận được sẽ ghi ở phía dưới những lời cầu nguyện hay lễ cầu nào mình định làm cho người chết. Một số ''cuộn giấy báo tử'' đó còn lưu lại tới ngày nay. Ở các thành phố, người gác đêm sẽ thỉnh chuông, đánh thức mọi người dậy, nhắc nhở hãy cầu hồn cho người chết: “Hời người đang ngủ, dậy đi và hãy cầu Chúa ban phước cho người quá cổ”. Một tục lệ thật bất tiện cho người sống, nhưng lòng sùng tín vẫn duy trì cả đến sau thời trung Cổ. Xác chôn rồi, linh hồn được cầu nguyện rồi, còn lại là giải quyết chuyện thừa kế, nếu người quá cố có của riêng. Trường hợp người đó là thành viên của một hội đoàn hoặc một dòng tu thì vấn đề này không đặt ra, vì lúc vào nhà tu là người đó coi như “đã chết đối với thế giới người đời” và việc chuyển giao tài sản đã phải làm xong. Tục lệ thừa kế ở Pháp thay đổi vô cùng tận tùy theo địa phương, vị trí của con người và giá trị của tài sản ở đây chỉ nói trường hợp người chết là chủ gia đình. Cái mà người này chuyển giao không chỉ là tài sản, mà là cả địa vị xã hội và gia đình. Người con nào thừa kế của cha đất đai, dù là quý tộc hay bình dân, chủ đất hay lĩnh canh, sẽ được trao mọi trách nhiệm mà vị trí đó đem lại, kể cả trách nhiệm đối với lãnh chúa và đối với gia đình: anh ta có thể tùy ý định đoạt số phận của các em trai cũng như quyết định số hồi môn cho em gái. Vì thế, trong thời kỳ phong kiến thế kỷ IX và X, người được thừa kế không nhất thiết là người họ hàng gần gũi nhất, mà mà người có khả năng nhất. Nếu là đất mình hùng cứ, phải biết chỉ huy cả dân sự và quân sự, nếu là đất lĩnh canh, phải trở thành nhà làm ăn giỏi. Đây không phải chuyện thừa kế, mà là vấn đề đề cử, do người bá chủ hay chúa quyết định. Nhưng rồi dần dà cả chức vụ, trách nhiệm và đất đai đều nằm chung vào một khối có thể chuyển giao. Dù sao thì sự chuyển giao cũng phải được lãnh chúa hoặc chủ đất đồng ý, và thông qua một nghi thức tượng trưng (người thừa kế chắp hai tay đặt vào tay của lãnh chúa, đưa má mình cho lãnh chúa hôn, ...) đồng thời phải đóng một lệ phí khá cao, tương đương với một năm thu hoạch của đất, có khi gấp đôi, gấp ba. Nghi thức nọ dần dần được bãi bỏ, nhưng lệ phí vẫn phải đóng, thoạt đầu nộp cho lãnh chúa, sau nộp cho vua, tức là Nhà nước. Ngày nay chúng ta vẫn đóng lệ phí này. Việc thừa kế đến đây được tiến hành gần giống như ta làm hiện nay, có điều khác là đất hương hỏa thường không được chia mà thuộc về người con trưởng, song cũng có khi thuộc người con út: đó là khi trại ấp quá nhỏ, quá nghèo không nuôi nổi gia đình đông con, nên con đến tuổi trưởng thành là đi kiếm ăn ngoài thiên hạ, cuối cùng chỉ còn đứa nhỏ nhất ở lại với bố, do đó trở thành người thừa kế. Một ông chúa có nhiều lãnh địa - hoặc dân thường có nhiều đất - thì con trưởng được chọn phần của mình, hoặc lấy phần tốt nhất, rồi các con khác lấy sau. Đồ đạc, tiền bạc, quần áo, thì đứa nào cũng có phần. Có khi người ta không chia. Ở nông thôn, có rất nhiều cộng đồng gia đình lớn. Ở vùng Midi, nhiều lãnh chúa có chung với nhau những thái ấp nhỏ. Dù sao khi em trai, em gái muốn ra sống riêng ngoài cộng đồng, vẫn phải chu cấp cho họ. Vua Saint Louis, vốn mồ côi từ bé, rất ưu ái các em: với em trai, cấp phong những đất đai quan trọng; với em gái, cấp tiền hoặc tô tức chứ không cấp đất (nếu cấp đất, thì khi lấy chồng, đất ấy lại thuộc gia đình nhà chồng). Đất hương hỏa là bất khả xâm phạm, dù có nợ nần gì khác. Nếu người chết còn mắc nợ - trường hợp này thường xảy ra: nhà nghèo bao giờ chẳng phải vay mượn ai, còn lãnh chúa thì do quản lý kém, do khủng hoảng kinh tế và giảm tô tức, do chiến tranh mà lụn bại, cũng mắc nợ ai đó - chủ nợ có thể đến đòi, nhưng không được lấy gì khác ngoài những của nơi ở như đồ đạc... Tình hình xã hội nhờ thế mà ổn định. Người cho vay đã hưởng lợi nhiều trong toàn bộ hoạt động của mình, nơi này bù nơi kia, nên không vì thế mà bị thiệt lớn. Vả lại, con cháu sẽ tự thấy trách nhiệm phải trả nợ, phần vì danh dự gia đình, phần để làm vui lòng người chết, nếu nợ nần không được trang trải thì hẳn linh hồn chưa siêu thoát. Người thừa kế hợp pháp của cải của bố đồng thời thừa kế các tước vị. Để làm việc này, vị lãnh chúa trẻ, sau khi được vị bá vương bên trên công nhận, mời hợp các chư hầu để nhận sự chúc mừng cùng những kỳ vọng của họ. Ở thế kỷ XIII, nghi thức này chỉ là một cuộc họp bình thường để các bên hứa hẹn trung thành với nhau, sau này trở thành một cuộc kiểm kê giữa các luật gia, giữa chưởng khế của chư hầu và chưởng ấn của lãnh chúa. Vị vương gia mới làm lễ nhận vương miện theo nghi thức tôn giáo, rồi hoan hỉ tiến vào kinh thành. Công tước De Bretagne được phong vương tại Rennes, vua nước Pháp tại Reims... dân chúng tung hô vui vẻ. Và cuộc sống cứ thế tiếp tục. Kết luận Chúng ta đã điểm lướt qua vài khía cạnh của cuộc sống Trung Cổ, nhất là ở các thế kỷ XIII – XIV. Khá gần gũi với cuộc sống ngày nay hơn ta tưởng, cuộc sống đó nổi bật lên bởi sinh khí, tính cân bằng, bởi nền văn minh tuyệt vời mà nó sản sinh, thể hiện ở nhiều tác phẩm kiệt xuất, nhiều vĩ nhân mà nó đào tạo, người nào cũng rất đẹp và đáng kính, những người đã được nâng lên hàng thánh như Géraud d’Aurillac, anh em Cyrille và Méthode (thế kỷ IX), Norbert de Magdebourg (thế kỷ XII), Elisabeth de Hongrie, thánh François d’Assise và nữ thánh Claire, Saint Louis (thế kỷ XIII), Saint Yves (thế kỷ XIV). Cuộc sống đó có đặc điểm là phụ thuộc chặt chẽ vào các điều kiện tự nhiên và một sự thấm nhuần tín ngưỡng, không nhất thiết liên quan đến nhà thờ và tăng lữ, khiến tâm hồn con người có tự do lạ lùng đối với thế giới nhất thời mà họ phải chế ngự. Về mặt xã hội, cuộc sống Trung Cổ không chia thành những giai tầng khép kín, cứng nhắc. Do Giáo hội cất nhắc, người đầu đàn xuất thân từ mọi tầng lớp, nên sự thăng tiến cá nhân có nhiều cơ hội (ví dụ Suger, Maurice de Sully, giám mục Paris và là người xây nhà thờ Đức Bà, Robert de Sorbon, đều xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn). Nhiều gia đình, qua vài thế hệ, cũng chuyển địa vị, do làm giàu vì buôn bán, mua đất đai, tiếp theo là có chức vị cao, kết liên nhờ thông gia. Nhưng quan trọng, là cái tôn ti xã hội đó chỉ có giá trị nhất thời. Hết cuộc đời trần thế, sẽ là một trật tự hoàn toàn công bằng, trật tự của sự thánh thiện, trong đó vị trí mỗi người tuỳ thuộc vào phẩm hạnh và khả năng của mình, trong đó người thấp nhất sẽ đứng ở ngôi cao nhất. Ngay dưới trần thế, hai giai tầng cũng đan xen với nhau, và uy tín của người thánh thiện vượt xa thế lực của kẻ giầu, kẻ mạnh; vì vậy đã có nhiều sự hoán đổi hoàn toàn. Vì thời Trung Cổ luôn không yên tâm nếu cách xử sự không phù hợp với đức tin. Nếu hạnh phúc tùy thuộc vào tiện nghi, giàu sang, ta có thể nghĩ là tổ tiên ta không sung sướng bằng ta. Nếu hạnh phúc tùy thuộc vào thái độ đối với cuộc sống, ta lại nên nghĩ là cái thời có tín ngưỡng tôn giáo bền chặt ấy, ngay thẳng các nỗi thống khổ - nghèo đói liên miên, bệnh tật, chiến tranh - đã có sự bình yên, ổn định trong tâm hồn, thậm chí cả niềm vui, sự thanh thản nảy sinh từ quan niệm thực tiễn về thân phận con người và từ niềm lạc quan Cơ đốc giáo, không cam chịu cái xấu và cái ác mà luôn luôn chiến đấu chống lại chúng dù dưới hình thức nào, và tin tưởng vào sự cứu giúp và chiến thắng của Chúa, tin tưởng vào thắng lợi của công lý, hòa bình và tình yêu vào cái ngày tận thế đã cảnh báo trên các vòm cổng nhà thờ. [i]Midi: miền Nam nước Pháp [ii]Villeneuve: thành phố mới; Bastide: nhà, thành lũy (tiếng Pháp). [iii]Còn gọi là kính trắc tinh: dụng cụ dùng để quan sát và tính toán vị trí và độ cao của các vì sao ở một vị trí nhất định, vào một thời điểm nhất định. [iv]Sách này viết vào thế kỉ 20 (nhan van) [v]Pèlerin: người hành hương, đi lễ… [vi]Vòng này được gọi là ''mũ hoa'', thường dùng hồng, viôlét, xuxi… Ở Paris, nghề làm mũ hoa là một nghề đặc biệt kiếm nhiều tiền. Tiếng Pháp, mũ là chapeau, mũ nhỏ là chapelet. Chapelet còn có nghĩa là tràng hạt, đồ tín ngưỡng, gồm một vòng đầy những hạt, mỗi hạt tượng trưng một lời cầu nguyện giống như bông hoa. [vii]Troy weight (hệ trọng lượng Troyes): hiện vẫn còn được dùng ở các nước Anglo-Saxon để cân vàng, bạc và đá quý [viii]Duguesclin: nguyên soái, chỉ huy tối cao quân đội Pháp (thế kỷ XIV) [ix]Dưới thời Thập tự chinh, các hiệp sĩ họp thành những dòng đạo khác nhau (Hospitaliers, Templiers...) đề bảo vệ Đất Thánh, giúp đỡ giáo dân. Nhưng đến thế kỷ XIV - XV, sự tiến triển của xã hội làm biến đổi các tước hiệp sĩ: nhiều vương gia lập ra những dòng có tính thế tục, không tôn giáo (Jarretière, Toison d’Or, Saint-Michel...) mà các hiệp sĩ lấy làm vinh dự được gia nhập. Các huân chương ngày nay bắt nguồn từ đó (Bắc đầu bội tinh, Công trạng nông nghiệp...). Người nhận huân chương được gọi là chevalier (hiệp sĩ)... [x]Thực vật học, động vật học, giải phẫu học, thiên văn học đạt tiến bộ lớn nhờ phương pháp quan sát. Mặt khác, ngay từ thế kỷ XII, đã có những bán dịch của Euclide, những tác phẩm khoa học của Aristote, rồi bản dịch của người Arập, đã làm cho phương pháp khoa học trở lại vị trí. Thế kỷ XIII, những người như giám mục Robert Grosseteste, các linh mục Roger Bacon và Albert le Grand, kết hợp quan sát, lý luận với thực nghiệm đã mở đường cho khoa học hiện đại: tìm ra lý thuyết về gương lõm, mô tả cầu vồng, nghiên cứu nam châm... Trong khi đó, các nhà luyện đan phát hiện nhiều loại axít, nước cường thủy hòa tan được vàng. Và ở thế kỷ XIV, XV các nhà toán học như John Maudith , Richard de Wallingford, Levi Ben Gerson, Nicolas Oresme lập được lịch thiên văn, sáng tạo những công cụ đo lường chứng minh cho lý thuyết, sáng lập môn lượng giáo học, khám phá tác dụng của đồ thị, phát biểu các định luật, nhất là về động học, mà họ lấy đại số học và hình học để chứng minh. [xi]Mine: một đơn vị đo lường thời xưa [xii]Đơn vị đo chất lỏng của Pháp thời xưa, tương đương 0,93 lít. [xiii]Đơn vị đo chiều dài ở các nước Anglo-saxon, 1 pi-ê bằng 0,3048 m. Ở Pháp, 1 pi-ê bằng 0,3249 m. [xiv]Ambroise Peré nói: “Tôi chỉ băng bó, Chúa mới là người chữa khỏi”.