🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tây Sương Ký
Ebooks
Nhóm Zalo
TÂY SƯƠNG KÝ Vương Thực Phủ
Nhượng Tống dịch
MỤCLỤC
LờiDịchGiả
HộiChânKý
TựaCủaLýTrácNgô
LờiDẫnTruyệnCủaThánhThán
ĐềMụcChung
PhầnThứNhất
Chương1–GặpGỡ
Chương2–XinTrọ
Chương3–HọaVần
Chương4–QuấyĐám
PhầnThứHai
Chương1–VâyChùa
Chương2–MờiTiệc
Chương3–LậtHẹn
Chương4–ÝĐàn
PhầnThứBa
Chương1–LầnTrước
Chương2–TánThư
Chương3–LậtThư
Chương4–LầnSau
PhầnThứTư
Chương1–ĐápThư
Chương2–KhảoHoa
Chương3–TiệcKhóc
Chương4–TanMộng
PhépĐọcVởMáiTây
PhầnPhụLục
Lời Dịch Giả
Vở Tây Sương Ký tôi dịch đây nguyên là một vở tuồng Tàu. Người viết vở tuồng ấy là Vương Thực Phủ (người đời Nguyên).
Cũng như tất cả các nhà viết tuồng ở Đông phương hay Tây phương, thường lấy một truyện xưa làm “lambản”, họ Vương viết vở tuồng này lấy truyện “Hội Chân ký” làm lam bản. Hội Chân có nghĩa là “gặp tiên”. Nhưng “tiên” ở đây chỉ là một nàng tiên sa xuống cõi trần, nghĩa là một người con gái đẹp thôi vậy. Người viết truyện Hội Chân là Nguyên Vi Chi, một thi sĩ tề danh và là bạn thân với Bạch Lạc Thiên đời Đường. Trong truyện chép sự gặp gỡ của Trương Quân Thụy cùng Thôi Oanh Oanh. Nhưng người đời sau, bằng vào các thơ từ, các bia văn của họ Nguyên cùng của những danh sĩ cùng thời đó, thì vai Quân Thụy chẳng phải là ai, mà lại chính là Nguyên Vi Chi.
Vậy thì “Hội Chân ký” chỉ là Vi Chi ghi lại một chuyện tình của mình trong lúc thiếu thời. Sở dĩ phải mượn tên người khác, chỉ là vì trong chuyện có một đôi điều bất đạo đức mà người viết không tiện tự nhận mà thôi.
Theo vào “Hội Chân ký” họ Vương viết vở Tây Sương Ký. Hai chuyện khác nhau nhất là ở đoạn cuối; Hội Chân thì kết quả là ly biệt, mà Tây Sương Ký kết quả là đoàn viên (thêm 4 chương cuối cùng). Đoàn viên – như lời bác sĩ Hồ Thích - ấy là một cái “mê tín” của bao nhiêu nhà tiểu thuyết nước Tàu từ trước đến giờ! Tuy nhiên cái sáo ấy nó hơi ngấy cho những người có quan niệm văn học cao hơn! Vì vậy, Thánh Thán (một nhà phê bình văn học nổi tiếng đời Minh-Thanh) mới võ đoán mà cho rằng 4 chương cuối của Tây Sương Ký không phải là do Vương Thực Phủ viết. Ông cho rằng một nhà văn đại tài đã viết nổi 16 chương đầu của vở này, đâu lại có “trẻ con” mà viết thêm 4 chương đoạn cuối. Vậy, cái đoạn cuối ấy chỉ là của một tay dốt nát hiếu sự, muốn đem đuôi chó mà “nối điêu”! Ấy là ý của riêng ông. Chứ những danh sĩ trước ông như Lý Trác Ngô, sau ông như Hồ Thích, thì đều công nhận Tây Sương Ký là hay, mà đều không dị nghị gì về bốn chương ấy cả. Theo ý bác sĩ họ Hồ, thì cái quan niệm về văn nghệ đời Nguyên chưa được tiến bộ cho lắm. Vì vậy, ta không lạ gì một người như Vương Thực Phủ sau khi đã vẽ xong con rắn Tây Sương lại thêm cho nó bốn cái chân ngộ nghĩnh và nặng nề! Vả lại, ta cũng không có gì là chứng cớ chắc chắn để chứng ra rằng bốn cái chân ấy vẽ ra chẳng phải tự ngọn bút họ Vương. Lời võ đoán của Thánh Thán chẳng qua vì quá yêu Thực Phủ thôi vậy.
Để nguyên bản của Tây Sương ký không bị sai lạc với tích cũ của Hội Chân ký, khi dịch bản này, tôi bỏ qua không dịch 4 chương cuối. Vả lại người đọc sẽ có thêm được cảm giác lai láng, bồi học khi đọc xong cuốn sách này. Đến như việc dịch, chỗ nào nguyên văn là văn xuôi tôi sẽ dịch ra văn xuôi, chỗ nào nguyên văn là từ khúc, tôi sẽ dịch sang các thể lục bát hay lục bát gián thất. Ý tôi mong muốn gặp được môt người thông thạo có thể lựa các câu văn vần của tôi dịch, theo các giọng hát tuồng, hát chèo, và đưa vở này lên sân khấu... Nhưng đó là chuyện về sau này. Còn giờ đây, tôi giới thiệu với các bạn chuyện Hội Chân ký, lam bản của vở Tây Sương.
Nhượng Tống
Viết trên “Pho Mãn Lâu”
Đêm 25 tháng 01 năm 1942
Hội Chân Ký
Trong đời Trinh Nguyên nhà Đường, có chàng họ Trương, tính hoà nhã vui vẻ; người xinh trai; lập chí cao và bền; những điều trái lễ không thể vào được. Hoặc khi theo bạn hữu trong các tiệc chơi, trong lúc ồn ào hỗn tạp, người khác ai cũng hồi hộp mải miết, như sợ mất phần! Trương chỉ ừ hữ mà thôi, rút lại không để ai làm loạn nổi. Vì thế tuổi đã hai mươi hai, chưa từng gần gái. Kẻ biết chuyện vặn hỏi chàng, chàng xin lỗi mà rằng: “Chàng Đăng Đồ có phải biết yêu sắc đẹp đâu! Đó là hạng đĩ tính mà thôi! Tôi là kẻ thực lòng yêu sắc đẹp, nhưng mà chưa có duyên gặp gỡ. Tôi sở dĩ nói thế là vì phàm cái gì có vẻ đặc biệt, lòng tôi đều thấy quyến luyến. Xem thế thì biết tôi chẳng phải là kẻ có thể quên được tình”. Kẻ vặn hỏi cười khẩy...
Không bao lâu Trương sang chơi đất Bồ. Cách thành hơn mười dặm về phía Đông, có nhà chùa, gọi là chùa Phổ Cứu. Chàng vào trọ đấy. Vừa hay có người vợ goá họ Thôi, sắp về Trường An, đường đi qua đất Bồ, cũng trọ ở chùa ấy. Người vợ họ Thôi, là người họ Trịnh, Trương là cháu ngoại họ Trịnh, kể họ ra thì là bà dì họ. Năm ấy Hồn Hàm mất ở Bồ. Có viên hoạn quan là Đinh Văn Nhã không khéo coi quân. Bọn quân nhân việc tang liền quấy rối, cướp phá dân Bồ. Nhà của họ Thôi của cải rất nhiều, tôi tớ cũng lắm; quê người hoảng sợ, không biết nương tựa ai. Trương nguyên trước có quen thân với bọ tướng ở Bồ, liền xin cho người bảo hộ, nhà họ Thôi mới thoát nạn. Hơn mười hôm sau, quan liêm sứ là Đỗ Xác vâng mệnh vua đến, đem cờ thống nhung ra lệnh với quân lính, quân lính vì thế mà yên. Trịnh cám ơn Trương lắm, nhân làm cỗ để mời Trương. Tiệc bày ở nhà trên. Lại bảo Trương rằng: “Dì chẳng may goá bụa, dắt díu lũ con côi, gặp lúc hỗn quân hỗn quan, chắc gì giữ được mình nữa. Hai đứa con thơ yếu của dì, thực sống là nhờ cháu, ơn ấy có phải thường đâu! Nay xin cho chúng nó ra chào anh, mong có ngày đền được ơn ấy.” Nhân gọi đứa con trai là Hoan Lang, chừng hơn mười tuổi, mặt coi thuỳ mị lắm. Kế gọi đến người con gái: “Oanh Oanh! Ra chào anh đi con! Anh con cứu con sống đấy!” Một lúc lâu, chối là khó ở... Trịnh nổi giận mà rằng: “Anh Trương cứu được sinh mạng mày! Không có anh, giặc nó lôi mày đi rồi! Còn gì mà giữ kẽ nữa!”
Một lúc lâu mới chịu ra; mặc xoàng xĩnh, mặt bơ thờ, không trang điểm gì cả. Mái tóc lơi, đôi mày lạt, hai má ửng hồng thế thôi! Vậy mà nhan sắc đẹp lạ, vẻ lộng lẫy choáng người! Trương giật mình đáp lễ lại. Nàng nhân ngồi xuống bên Trịnh, vì Trịnh ức mà phải ra chào, lừ mắt ra vẻ oán lắm, như không chịu nổi lễ phép nữa! Hỏi tuổi nàng, Trịnh đáp: “Em sinh tháng bảy, năm Giáp Tý đời đức vua bây giờ. Đến năm nay là Canh Thìn niên hiệu Trinh Nguyên, vừa được mười bảy tuổi”. Trương dần dà đưa lời vin chuyện. Nàng không đáp lại, mãi đến tiệc tan là thôi. Trương từ đó mê nàng, muốn đưa tình song không làm thế nào được. Con hầu của họ Thôi là Hồng nương, Trương ra vẻ tử tế riêng, đến vài bốn lần. Nhân lúc vắng ngỏ ý cho biết ý mình, nó quả nhiên hoảng sợ, vùng chạy mất! Trương hối lắm...
Hôm sau, con hầu lại đến. Chàng bẽn lẽn xin lỗi, không dám ngỏ ý sở cầu nữa! Nó nhân bảo chàng: “Lời cậu nói, em chả dám nói, ma cũng không dám để lộ chuyện. Thế nhưng dòng dõi họ Thôi thì cậu đã rõ. Sao không nhân chuyện có ơn mà nhờ người mối manh?”. Trương nói: “Tôi từ khi tấm bé, tính đã ít ưa! Có khi ngồi bên bọn lượt là, cũng chả để ý nhìn ai cả. Không ngờ mãi đến bây giờ lại có người làm mê mình được. Trong tiệc hôm nọ suýt nữa cầm lòng không đậu... Vài hôm nay, đi quên đứng, ăn quên lo, sợ chỉ ngày một ngày hai là không sống được nữa! Nếu lại nhờ người mối lái, ít ra cũng vài ba tháng. Bấy giờ thì tôi chết đã xanh đám cỏ! Chị bảo tôi làm thế nào bây giờ?”. Con hầu nói: “Cô Thôi là người giữ mình trinh thuận... Dù bậc tôn trưởng cũng không thể đem lời nói bậy mà nói phạm đến cô. Hạng tôi tớ chúng em cố nhiên là nói khó vào tai lắm! Thế nhưng thích viết văn. Thường thường ngâm thơ đọc sách vơ vẩn đến hàng giờ... Cậu thử làm ít thơ tình để trêu xem. Trừ cách ấy chẳng còn cách gì nữa”. Trương mừng lắm nghĩ ngay hai bài thơ xuân đưa cho.
Chiều hôm ấy, Hồng nương lại đến, cầm tờ hoa tiên đưa cho chàng mà rằng: “Của cô Thôi sai đưa sang đây!”
Đầu đề là:
“Trăng sáng đêm rằm”
Thơ rằng:
“Cửa hé theo luồng gió,
Trăng chờ dưới mái tây,
Chạm tường hoa động bóng,
Người ngọc đến đâu đây!”
Trương cũng hơi hiểu ý thơ. Đêm ấy mười tư tháng hai. Tường phía Đông nhà họ Thôi, có một gốc hoa hạnh, có thể vin tường trèo qua. Đêm hôm rằm, Trương nhân trèo cây ấy để qua tường, lần đến mái tây, thì cửa đã hé mở. Hồng nương nằm ở giường, chàng liền đánh thức. Hồng nương giật mình rằng: “Sao cậu lại đến đây?” Trương liền nói dối nó: “Cô Thôi viết giấy mời tôi đấy! Chị vào nói hộ cô hộ tôi!” Một lát, Hồng nương lại ra và nói luôn: “Ra đây rồi! Ra đây rồi!” Trương vừa mừng vừa sợ, cho là việc tất xong.
Kịp khi Thôi đến thì ăn mặc chỉnh tề, nét mặt nghiêm nghị, lớn tiếng mắng Trương rằng: “Anh cứu sống nhà tôi, ơn ấy to lắm. Cho nên mẹ tôi mới đem trai thơ, gái dại mà uỷ thác cho anh. Cớ sao lại nhờ đứa con hầu không tốt đưa những lời nhảm nhí? Ban đầu thì lấy việc cứu người khỏi nạn làm tốt, rút lại nhân việc người ta khỏi nạn mà đòi sự nọ kia! “Lấy loạn thay loạn”, anh có hơn bọn giặc là mấy? Đã toan dập những thơ từ ấy đi, thì túng mưu gian, không phải nghĩa! Thưa thực với mẹ, phụ bạc ơn trước, không ra gì! Gửi lời nhờ con hầu nói hộ, lại sợ không hết được chân thành. Chon nên phải mượn mảnh tờ tìm đường bày tỏ. Nhưng còn lo anh sinh lòng khó dễ, cho nên dùng lời lẳng lơ để anh thế nào cũng sang. Việc làm trái lễ, sao khỏi thẹn lòng. Chỉ xin anh lấy lễ giữ mình, chớ dúng mình vào chuyện bậy”. Nói xong nguây nguẩy đi vào. Trương ngần người ra lúc lâ, rồi lại vượt tường mà ra. Từ đó tuyệt vọng.
Vài hôm sau, Trương ngủ một mình ngoài hiên. Bỗng có người đánh thức, chàng giật mình thở dài ngồi dậy thì ra Hồng nương ôm gối đến vỗ vào chàng mà bảo: “Cô sang! Cô sang. Nhủ làm chi nữa!” Nói xong đặt chăn gối rồi quay ra. Trương dụi mắt ngồi chong. Một lúc lâu, còn tưởng chiêm bao, song vẫn thành tâmngồi đợi. Một lát thì Hồng nương ẵm Thôi đến. Khi đến thì thẹn thùng nũng nịu, cất mình không nổi, không còn cái vẻ đoan trang khi trước nữa. Hôm ấy là mười tám, trăng tà thấp thoáng, soi sáng nửa giường... Trương phơi phới lòng xuân, tưởng như mình được làm bạn với tiên, nhân gian đâu cho có con người ấy! Một lúc sau, chuông chùa động tiếng trời sắp sáng. Hồng nương giục về. Thôi dấm dứt khóc. Hồng nương lại ẵm nàng về, suốt đêm không nói nửa lời. Trương tờ mờ sáng dậy, tự ngờ vực nghĩ: “Có dễ là chiêm bao chăng!” Đến khi sáng rõ, thì cánh tay còn dây phấn; áo còn phảng phất mùi hương; mấy giọt nước mắt long lanh còn rớt ở đệm chiếu. Thế thôi! Sau đó hơn mười ngày, lại bặt tin tức. Trương làm 30 vần thơ “gặp tiên” chưa xong thì Hồng nương vừa đến, nhân gửi đưa cho Thôi. Từ đó lại được cho chàng sớm lén mà ra, tối lén mà vào, cùng ở với nhau ở nơi gọi là Mái Tây hồi trước đã đến ngót một tháng.
Trương thường hỏi dò về tình ý của Trịnh thì nàng nói: “Mẹ em biết không làm thế nào được nữa, có ý muốn gây dựng cho...” Không bao lâu, Trương sắp đi Trường An, ngỏ ý trước với nàng. Nàng nín lặng không ngỏ lời ngáng trở, song vẻ buồn bã đủ não người. Hai hôm trước khi đi, không sao gặp được nữa, thế là Trương lên đường.
Chưa đầy vài tháng, Trương lại sang chơi đất Bồ, lại ở nhà Thôi chơi mấy tháng. Thôi dao kéo rất khéo, lại tài viết văn, nhưng đòi xem mấy lần cũng không được. Trương thường thường tự lấy văn ghẹo nàng, nàng cũng không để ý xem mấy. Đại khái Thôi có chỗ khác người là: nghề gì đã học tất tuyệt giỏi, nhưng bề ngoài như kẻ không biết. Nói thì thông hoạt, song ít khi đối đáp. Lòng đãi Trương tử tế lắm, song chưa từng thốt ra miệng. Thời thường vẻ sầu chứa chan, vẫn như không biết. Mừng hay giận cũng ít khi lộ ra nét mặt. Một đêm một mình ngồi gảy đàn, giọng sầu thánh thót. Trương nghe trộm thấy, nhưng khi xin nghe thì thế nào cũng không gảy nữa. Vì thế chàng càng mê. Chàng nhân vì việc thi cử tới kỳ, lại sắp đi Trường An. Hôm sắp đi, không nói rõ ý mình nữa, chỉ than thở ở bên Thôi. Thôi đã biết ý là sắp xa nhau, dịu dàng, nhẹ lời, thong thả bảo Trương rằng: “Trước phá em, sau bỏ em, vẫn là đáng lắm, em không dám giận! Ví bằng trước anh phá, sau anh thương cho trót, thì đó là ơn anh! Lời thề trọn đời, thế là trọn vẹn, hà tất phàn nàn chi lắm về chuyến đi này! Thế nhưng lòng anh không vui, em biết lấy gì yên ủi! Anh thường khen em đàn
hay. Khi trước thẹn, không sao đàn nổi. Nay anh sắp đi, xin chiều cho thoả lòng anh.” Nhân sai lau đàn, gảy khúc dạo “nghê thường vũ y”. Chưa được mấy tiếng, giọng buồn đã xen lẫn, không còn biết là khúc gì! Người ngồi bên đều sụt sùi. Thôi cũng không gảy, quăng đàn khóc rưng rức, rảo bước về phòng mẹ, không trở sang nữa. Sáng hôm sau Trương đi. Năm sau thi không đỗ, bèn ở lại Kinh, nhân đưa thư cho Thôi để yên ủi nàng. Lời nàng đáp lại, tạm chép vào đây:
“Đã đọc lời thăm, yêu đương bao xiết! Tấm tình nhi nữ, mừng tủi khôn cầm! Lại gửi cho một hộp hoa giấy, năm tấc sáp hồng, cốt để em cài tóc, xúc môi; tuy ơn lòng muôn đội, nhưng làm dáng với ai? Thấy của nhớ người, riêng chỉ giục lòng em chua xót! Nghe lời người sai ở Kinh về, vẫn biết anh rèn tập sách đèn, bấy lâu mạnh khoẻ. Chỉ ân hận kẻ ở chốn quê mùa, xa hoài, bỏ mãi! Số trời định vậy, còn biết nói sao! Từ mùa thu năm ngoái, ngày thường bâng khuâng như bỏ mất vật gì! Những lúc đông người ồ ạt, hoặc khi gượng nói gượng cười, song đêm vắng một mình, không lúc nào là ráo nước mắt! Cho đến trong giấc chiêm bao, cũng phần nhiều là chuyện thở than ly biệt! Vấn vương khăng khít, tạm giống lúc thường, hẹn nguyệt chưa tròn, hồn hoa đã dứt! Tuy nửa chăn còn ấm, mà nhớ người đã bao xa! Một sớm chia tay, thoáng qua năm cũ. Trường An là chỗ chơi bời, mối tình dễ vướng! May sao không quên hèn mọn, một niềm đoái thương, cảm kích lòng quê, lấy gì đền lại... Đến như lời thề từ trước, đâu mà dám sai! Nghĩ lại em vì lẽ họ hàng được cùng gần gặn: tôi tớ quyến dỗ, ngỏ biết lòng riêng. Chút tình thơ ngây, tự cầm không vững. Người quân tử có vin đàn thử trêu; phận hèn mọn không gieo thoi cự lại. Kịp lúc dâng dưa chăn gối, nghĩa nặng tình sâu, tấc dạ yếu thơ, mong những trọn đời nương tựa. Nào ngờ khi giáp mặt quân tử, mà định tình không nổi, đến nỗi mang mối thẹn đem mình tự dâng! Không đợi lúc danh phận rỡ ràng, dâng khăn hầu lược. Trọn đời ngậm tủi, than thở mà chi! Ví phỏng bậc nhân giả để lòng, đoái chiều hèn kém, thì dù ngày em mất cũng như năm em còn. Bằng như kẻ đạt sĩ coi thường, bỏ nhỏ theo lớn, cho thề ép là chuyện hão, lấy sánh trước là nết hư, thì xin xương nát thịt mòn, lòng son chẳng lạt; nương sương, nhờ gió, còn gởi bụi trong. Sống thác chút lòng, nói đây là hết. Sụt sùi cầm bút, giấy vắn tình dài. Trân trọng muôn vàn, muôn vàn trân trọng... Chiếc vòng nhọc này, của em nghịch chơi ngày bé. Gửi người quân tử, đeo vào trong lưng. Ngọc lấy nghĩa bền sạch, không phai; vòng lấy nghĩa trước sau như một. Lại thêm một món tơ mầu, một chiếc nghiền chè bằng tre hoá. Mấy món đó nào có chi quý giá! Ý mong người quân tử lòng trinh như ngọc, chí vững như vòng, mối sầu vấn tơ, ngấn lệ đầm trúc; mượn thư gửi ý, để làm duyên mãi mãi đó thôi! Lòng gần, mình xa, bao giờ gặp mặt? Sầu riêng đúc lại, nghìn dặm hồn bay... Muôn vàn trân trọng... Gió xuân dễ cảm, ăn gượng là hơn, giữ ngọc gìn vàng, chớ vì em mà quá nghĩ...”
Trương đưa thư ấy cho người quen xem. Vì vậy đồng thời nhiều người biết chuyện. Có người bạn là Dương Cự Nguyên thích làm thơ, nhân làm một bài thơ vịnh nàng Thôi rằng:
Thanh nhã chàng Phan ngọc chẳng như…
Tuyết tan sân trước huê lơ thơ.
Lòng xuân tài tử phong lưu lắm!
Đứt ruột vì ai một mảnh tờ!
Nguyên Chẩn (tức Vi Chi) ở Hà Nam cũng nối 30 vần thơ “gặp tiên” của chàng:
“Bóng đóm vượt tường không.
Trăng non lọt kẽ song.
Trời xa dần chạng vạng.
Cây thấp chốc mơ mòng,
Rồng hót nghe sân trúc;
Loan ca lắng tiếng đồng.
Vạt thẳm sương mờ rủ.
Giây chuyền gió nhẹ rung.
Mẹ vàng cờ tiết đón.
Người ngọc thức mây lồng
Canh vắng, đêm man mác, Hẹn mai mưa mịt mùng. Long lanh giầy dát ngọc. Thấp thoáng áo thêu rồng, Thoa cài chia cánh phượng, Khăn vắt lấp cầu vồng. Rằng trẩy từ Dao phố, Sang chầu chốn Bích cung, Nhân qua trên phố Bắc: Quá bước đến tường Đông. Trêu ghẹo tuy hơi cự.
Van lơn dễ cứng lòng. Cúi mái đầu tóc lệch,
Quanh gót bụi hoa tung. Quay mặt hoa trôi trát: Lên giường gấm chập trùng. Uyên ương giao cánh tréo. Phỉ thuý thả lồng chung. Ngượng mặt mày cau có, Kề môi giọng đượm nồng, Hơi lan hồi hộp thoảng; Da ngọc nõn nà trông. Tay ngại không buồn nhích, Lưng lười sẽ uốn cong. Bồ hôi rơi lấp lánh:
Mớ tóc rối lung tung. Đôi lứa duyên mừng gặp, Năm canh hết chốc mồng. Thời giờ đêm có hạn.
Quấn quít ý bao xong? Nét mặt buồn mây nước. Lời thề chỉ núi sông.
Vòng ghi duyên hôi ngộ, Tơ kết mối tâm đồng.
Đèn lụi, ngày bay vẫn; Gương thanh lệ đọng dòng. Bóng đêm vừa hết tối, Vầng ác đã loe hồng.
Kẻ lại bến thành Lạc, Người về đỉnh núi Tung, Gối còn dây phấn rớt
Áo vẫn ngát hương xông. Thơ thớt trông bờ liễu, Lăng băng ngán cỏ bồng! Đàn khuya nghe tiếng hạc, Trời thẳm ngóng tin hồng. Bể rộng qua không nổi!
Trời cao gọi chẳng thông!
Mây bay nào hẹn chỗ,
Tiêu Sử ở lầu trong...”
Các bạn của Trương nghe chuyện ấy, ai cũng cho là kỳ ngộ. Nhưng ý Trương thì đã quyết tuyệt rồi! Chẩn thân với Trương lắm, nhân hỏi cớ tại làm sao? Trương nói: “Đại phàm giống vưu vật trời đã sinh ra, chẳng tự hại mình, tất làm hại người! Ví phỏng cô con gái họ Thôi, gặp gỡ được kẻ giầu sang, yêu dấu nâng niu, thì không làm mây, làm mưa, tất làm long, làm ly, tôi không biết còn biến hoá thế nào! Ngày xưa vua Trụ nhà Thương, vua U nhà Chu, làm chủ một nước muôn xe, thế lực to lắm. Vậy mà hỏng vì mọt người con gái: dân bị tan, thân bị giết, đến nay để thiên hạ chê cười! Đức của tôi, không thắng nổi yêu nghiệt, cho nên đành tuyệt tình vậy!
Lúc ấy, người ngồi quanh đều vì chàng thở dài.
Hơn một năm sau, Thôi đã đem mình thờ người khác. Trương cũng lấy vợ. Nhân qua nơi nàng ở, nhờ người chồng nói với Thôi, xin lấy lễ anh họ thăm nàng. Người chồng bảo nàng, song nàng không chịu ra. Trương trong lòng tức bực, tỏ ra nét mặt. Thôi biết vậy thầm làm một bài thơ.
Thơ rằng:
“Chàng đi, từ đấy, kém dong quang,
Trằn trọc nằm quanh, ngại xuống giường!
Phải thẹn cùng ai mà chẳng dậy!
Khổ vì chàng lại thẹn thay chàng!”
Rút lại vẫn không chịu ra chào. Sau vài ngày, Trương sắp đi, lại viết một bài đề tạ và tuyệt nàng: Thơ rằng:
“Rẻ rúng thôi đành phận,
Van lơn nhớ buổi đầu.
Xin đem tình ý trước,
Thương lấy kẻ về sau!”
Từ đó tuyệt không còn biết chuyện nữa. Người bấy giờ phần nhiều cho là Trương khéo sửa lỗi. Tôi thường khi bạn bè hợp đông, lại nhắc chuyện ấy, ý cốt mong kẻ biết chuyện đó chớ làm, kẻ làm chuyện đó chớ mê. Tháng chín năm Trinh Nguyên, ông Lý Công Thuỳ, ngủ ở nhà tôi tại làng Tĩnh An. Nói đến chuyện ấy, Công Thuỳ sửng sốt lấy làm lạ bèn làm bài ca để ghi lại. Bài ca chép ở trong tập thơ của Lý...
Tựa Của Lý Trác Ngô
Người viết vở "Mái Tây" là thợ trời. Người viết vở "Tỳ Bà" chỉ là thợ vẽ. Người thợ vẽ, có thể cướp được cái khéo của thợ trời. Nhưng thực ra thợ trời nào có khéo đâu!
Trăm giống hoa, trời sinh nó, đất nuôi nó, người ta thấy nó đem lòng yêu. Nhưng tìm xem cái khéo ở chỗ nào thì đố tìm ra được! Có lẽ tại ta không đủ thông minh để tìm ra đấy! Nên biết rằng thợ trời vốn không khéo. Dẫu thần thánh cũng không tìm ra cái khéo ấy! mà ai tìm được đâu! Cứ thế mà suy, thì thợ vẽ khéo cho mấy nữa, cũng vãn là hạng kém.
Việc viết văn, để tấc lòng lại nghìn đời, đáng thương biết mấy! Mà như điều tôi biết thì; giống ngựa lướt mây, đuổi chớp, quyết không quan hệ ở mầu lông; con người hẹn ngọc thề vàng, há dễ phân bì học thức! mà hạng văn như làn gió thoảng qua trên mặt nước, nào phải hay đâu vì một chữ, một câu! Đến như cấu kỹ, đối chọi khéo, nghĩa lý phải chăng, lời lẽ phép tắc, đầu cuối hợp nhau, sự thực theo nhau, những cái vặt ấy đều dùng để nói chuyện văn, nhưng không thể dùng để nói chuyện những áng văn thật hay của thiên hạ được!
Các vở hát của tạp kịch viện đều là những vở tuyệt hay cả. Vở "Mái Tây" viết có khéo đâu! Viết khéo thì thực không vở nào bằng vở "Tỳ Bà"! Người viết vở Tỳ Bà thực đã đem hết tài, hết sức mà viết. Vì người viết đã cố viết cho thật khéo, không còn dư tài sức nữa, nên lời hết thì ý cũng hết, mà văn đọc xác ra không còn ý vị gì! Tôi đã từng ôm cây tỳ bà mà đàn vở ấy chơi. Đàn một lượt thấy dạ bùi ngùi. Đàn hai lượt thấy người thổn thức. Đàn ba lượt thì thấy cái bùi ngùi, thổn thức lúc trước không còn thấy nữa! Tại làm sao vậy? Có lẽ tại nó như thật nhưng chưa được thật, cho nên không cảm sâu vào được lòng người! Vì rằng cái khéo dù đến đâu nữa, cũng chỉ thấm đến da ta, thịt ta, xương máu ta. Cho nên chỉ cảm ta được đến thế thôi, có lấy gì làm lạ. Vở "Mái Tây" thì không thế. Trong khoảng trời đất này vốn có những đáng yêu như thế. Họ viết văn cũng như thợ trời lặn muôn loài, cái khéo của họ ta không thể tìm biết được? Vả chăng những kẻ thạt biết văn ở đời, ban đầu định vào viết văn! Chỉ vì trong bụng họ có một chuyện lạ lùng, quái gở. Bên lòng họ có một món "khạc chẳng ra, nuốt chẳng vào"! Cửa miệng họ lại thường thường có những câu muốn nói mà không biết nói với ai! Những cái đó chất chứa đã lâu ngày, không thể nén được nữa. Một buổi sớmkia, cảnh vật gợi trêu, tình riêng rạo rực, họ mới: giật chén rượu trong tay người, tưới khối hận trong đời mình! Kể lể hết nỗi lòng uất ức: tiếc thương cho số phận chông chênh! Thế là văn họ đã đủ cho tài nhả ngọc, phun châu, át cả bóng sông Ngân mà sáng rực trời rồi! Kể ra họ cũng tự phụ lắm! cho nên mới phát điên, phát cuồng, khóc to, gào lớn không sao nín đi được. Thà rằng để cho kẻ nghe, kẻ đọc, nghiến răng, trợn mắt, muốn đem mình ra mà băm vằm, mổ xả! Chứ không nỡ đem văn mình mà dìm xuống nước, némvào lửa, hay giấu kín vào non xanh! Tôi đọc vở này mà tưởng tượng ra người viết. Con người ấy, lúc ở đời, trong khoảng bạn hữu vua tôi, tất có điều gì bất mãn lắm? Cho nên mới mượn chuyện nhân duyên tan hợp của đôi vợ chồng để nói cho hả một đôi phần. Vì thế mới than giai nhân là khó tìm, khen Trương sinh là may mắn, giận thói đời hay lật lường coi người đời như rác bẩn! Tức cười nhất là một bức thư tình con con, mà dám cho là có tài hơn bao nhiêu danh sỹ? Thơ Nghiêu Phu có câu: "Đường, Ngu nhường nhịn ba be rượu; Thang, Vũ nhung nhăng một cuộc cờ?" Đường, Ngu, Thang, Vũ, sự nghiệp to tát thế nào! Thế mà lại coi như ba be rượu với cuộc cờ? Than ôi! Xưa nay các bậc anh hùng, đều như thế cả. Trong cái nhỏ họ tìm thấy cái lớn. Trong cái lớn họ tìm thấy cái nhỏ. Họ muốn quay bánh xe phép ở giữa một hạt bụi, dựng chùa thờ Phật ở đầu một chiếc lông! Không phải nói đùa đâu, chí lý là thế. Nếu ai không tin thì những lúc sân vắng trăng soi, chiều thu lá rụng, phòng văn vắng vẻ, thao thức một mình, thử đem chương "ý đàn" mà gẩy đi, gẩy lại coi! Sẽ thấy trong đó có kho vô tận, không thể tưởng tượng mà nói ra được. Đến như cái khéo thì dễ biết lắm! Trời ơi! Ước gì tôi được gặp một người như người viết vở "Mái Tây".
Lời Dẫn Truyện Của Thánh Thán
- Mái Tây là gì?
- Là tên sách.
- Sách sao lại đặt tên là Mái Tây?
- Sách cốt để chép chuyện: Có chuyện ấy nên có sách ấy: Không có chuyện ấy tất không có sách ấy. Nay trong sách ấy có chuyện, mà chuyện xảy ra ở Mái Tây, nên đặt tên nó là Mái Tây. Mái Tây là khu nhà phía Tây chùa Phổ Cứu. Mà chùa Phổ Cứu thì là một toà công đức lớn, lập nên do đức bà Kim Luân hoàng đế đời Vũ Chu. (tức Võ Tắc Thiên)
Chùa Phổ Cứu có cái Mái Tây. Phía Tây Mái Tây ấy lại có một cái biệt thự. Biệt thự gần chùa nhưng không thuộc về chùa, vì là của quan Tướng quốc họ Thôi bỏ lương tháng làm ra. Nguyên trước có nhà sư Pháp Bản, là người mà quan Tướng quốc đỡ đầu, tức là đồ đệ của quan Tướng quốc. Ngài nhân nghĩ đến một ngày kia ta được thôi quan để nhường lối cho người tài giỏi, thì gậy tre, dép cỏ, trừ cửa Phật ra ta biết chơi đâu. Thế nhưng ngài muốn mình làm người khách tình cờ, chứ không muốn đồ đệ làm ông chủ tình cờ. Vì thế mới chiếm lấy cảnh chùa ấy, để làm nơi tĩnh dưỡng cho ông lão. Nào ngờ đâu khi lạc thành cầu đảo không khéo, chẳng nghe tiếng hát, lại nghe tiếng khóc; chẳng được đem đai ngọc làm đẹp cho cửa Không, mà lại đem minh tinh đưa đường cho người vợ goá... Vì thế mà bà lớn mới có thể quàn linh cữu ngay trong chùa. Cho nên Mái Tây là lớp nhà ở phía tây chùa Phổ Cứu. Mà phía Tây Mái Tây lại có nơi biệt thự, thì là chỗ bà lớn ở tang. Thế rồi: vì tang mà người đẹp ở, vì người đẹp ở mà tài tử ở... Tài tử ở Mái Tây ấy là vì người đẹp ở phía tây Mái Tây. Người đẹp ở phía tây Mái Tây, là vì tang ở đấy; mà tang ở phía tây Mái Tây, thực ra là vì ở đấy quan Tướng quốc có làm một nơi biệt thự riêng. Vì quan Tướng quốc làm biệt thự ở phía tây Mái Tây, mà Mái Tây bên chùa Phổ Cứu mới có chuyện... Đến nỗi vì có chuyện để ra có sách để cho muôn nghìn, muôn đời, người ta truyền nói vô cùng. Thế thì bỏ tiền lương ra làm biệt thự lại có thể không cần thận mà được sao! Thánh Thán sở dĩ nói thế là vì có hai cớ:
Cớ thứ nhất: Cốt cứu người thiên hạ, phải cẩn thận về "nhân duyên"... Phật dạy rằng: "Nhất thiết ở cõi đời, đều sinh ra bởi "nhân". Có nhân thì được sinh; không có nhân thì rút lại không sinh. Chưa từng thấy có nhân mà không sinh, không nhân mà lại tự nhiên sinh. Cũng chưa từng thấy nhân đậu sinh ra dưa, hay nhân dưa mà sinh ra đậu. Cho nên đức Như Lai dạy các kiện nhi, chớ có tạo nhân. Than ôi! Có không sợ sao được. Tục ngữ nói: "Cha báo thù thì con ăn cướp!" Nghĩa là: kẻ báo thù tất phải giết người; đến đời con nó, không thấy mang thù, chỉ thấy giết người, thì nó cũng tập giết người chơi! Giết người rồi, nhà nước bèn đem pháp luật buộc nó. Nó sợ vướng pháp luật bèn trốn mạng vào trong rừng rú. Trong rừng rú không kiếmăn vào đâu được, bất đắc dĩ lại lấy sự giết người làm nghề nghiệp! Như vậy thì thù ta cũng chớ có trả. Vì Thánh Thán hiện đã thấy những chuyện đó luôn luôn... Hiện đã thấy đời cha vì nửa đời kém vui, mượn đàn sáo khuây khoả nổi lòng. Thế mà chỉ chớp mắt là đời con đã tay cầm sênh phách, lần cửa hát rong! Như thế thì Tạ Thái Phó ta cũng chớ có nên học! Hiện đã thấy đời cha rạc người vì lo phiền, mượn chén rượu ngọt, trốn vào làng say! Thế mà chỉ chớp mắt là đời con đã chửi càn bị đánh, ngã xe gẫy tay! Như thế thì Nguyễn Tự Tôn ta cũng chớ có nên học! Hiện đã thấy đời cha ở nhà nhiều luỵ, sang chùa thăm sư, nói chuyện qua về kinh sách. Thế mà chớp mắt là đời con đã dắt díu lũ trọc, làm ô loạ cả buồng the! Như thế thì Trương Vô Cấu ta cũng chớ nên có học! Hiện đã thấy đời cha mong xa lánh cuộc đời, chăm chỉ ruộng vườn, trông cày coi cấy. Thế mà chớp mắt là đời con đã gánh phân, theo trâu, mặt mắt nhem nhọ! Như thế thì Đào Uyên Minh ta cũng chớ có nên học! Kìa như quan Thôi Tướng quốc hồi bấy giờ bỏ tiền lương làm biệt thự, nhất thời các tân khách ở trong tiệc, ai là không tấm tắc khen người hiền: thế mới thực ngoài mặt Tể tướng mà trong lòng Bồ Tát! Vậy mà không hay, không biết, chính ngài, sau khi mất, đã làm viễn nhân cho câu chuyện dưới trăng ở Mái Tây! Chẳng thế thì ta đổ cho Song Văn (tên tự của Oanh Oanh) gây chuyện sao? Hay ta đổ cho tài tử gây chuyện sao? Đổ cho Song Văn, Song Văn không tạo nhân. Đổ cho tài tử, tài tử không tạo nhân. Vậy thì câu chuyện dưới trăng ở my, chẳng phải quan Tướng quốc tạo nên nhân, thì còn ai vào đấy
nữa! Than ôi! người ta sinh trong trời đất, cất chân đặt tay, còn có một ly một tý gì là có thể cứ làm bừa đi mà được? Một cớ nữa là dạy người đời về thể lập ngôn: kìa như bà lớn thì là một vị nhất phẩm phu nhân nghiêm trang giữ lễ; còn Song Văn thì là một trang sắc nước nghìn vàng. Cho đến con Hồng nhất thời cũng là một nhan sắc thượng lưu. Mà Phổ Cứu thì là một toà chùa lớn ở Phủ Hà Trung, lớp trong lớp ngoài, tăng đồ kể hơn nghìn cũng có. Lại thêm người vãn cảnh tứ xứ, khách lễ bái thập phương, họp lại như mây, kéo đến như nước. Trong chỗ đó, mắt họ trông, tay họ chỉ, lòng họ động, miệng họ nói, ta có thể liệu biết thế nào được! Nay người gài chưa thật già, người bé cũng không còn bé, tuy là trong cảnh sô qui tang tóc, song cao sang đài các, có phải là vẻ thường quen mắt cho kẻ ngoài đâu! Vậy mà nghiễm nhiên mà không rủ, trướng không che, ở chen vào đấy, bà lớn kia có dễ là một bà vãi nhà quê sao, nếu không thì sao lại không biết giữ lễ đến như thế? Cho nên Thanh Thán xét kỹ ý tác giả, thì thực là phía tây Mái Tây, lại có riêng một biệt thự. Biệt thự ấy ở gần chùa, là để có lối vì cây dây quấn. Biệt thự ấy không thuộc vào chùa, là để giữ kẽ cho Song Văn. Người quân tử lập ngôn, dù là viết tuồng nữa, cũng cần đắc thế. Đáng kính biết mấy!
Đề Mục Chung
Rể giường Đông, cậu Trương phè phỡn. Mái chùa Nam, sư Bản tu hành. Trên thềm Bắc bà bầy tiệc ngọc. Dưới Mái Tây cô đợi trăng thanh.
Phần Thứ Nhất
Bà lớn vườn xuân truyền mở cửa Oanh Oanh đêm vắng lén dâng hương, Con Hồng nhỏ ra vào tin tức, Cậu Trương mê quấy rối đàn trường.
Chương 1 – Gặp Gỡ
Cảnh thứ nhất: Trong biệt thự họ Thôi
BÀ LỚN - (Cùng Oanh Oanh, Con Hồng, cậu Hoan cùng ra). Nói:
Già đây họ Trịnh, Ông lớn tôi ngày trước họ Thôi, làm chức Tướng Quốc trong triều, chẳng may mắc bệnh vừa mới mất. Chúng tôi hiếm, chỉ được có con Oanh Oanh đây là gái, năm nay mười chín tuổi: Thơ, từ, tính, viết, thêu, dệt, nữ công, nó đều thông thạo cả. Lúc ông lớn tôi còn, đã hứa gả nó cho Trịnh Hằng, cháu gọi tôi bằng cô, con cả ông Thượng Trịnh. Vì dở dang nên nó còn chưa cưới! Con bé này tên gọi Con Hồng, hầu hạ con tôi từ nhỏ. Còn thằng Hoan đây là con nuôi ông lớn tôi. Ông lớn tôi mất, mẹ, con tôi đưa linh cữu về quê nhà ở Bác Lăng. Nhưng đường xá trắc trở, còn chưa đi được ngay. Đến đây là phủ Hà Trung, hãy đưa linh cữu quàn tạm trong chùa Phổ Cứu. Chùa này là công đức của bà Vũ Tắc Thiên hạ sắc cho xây dựng. Sư cụ trong chùa là Pháp Bản, vốn là một nhà sư thế thân cho ông lớn tôi. Vì vậy nhà tôi có làm một lớp nhà riêng ở phía Tây chùa, có thể tạm ở được. Một mặt tôi viết thư vào kinh, gọi Trịnh Hằng ra đưa cả nhà vào Bác Lăng. Nghĩ như lúc ông lớn tôi còn, bàn ăn khoát thượng, người hầu kể trăm. Vậy mà bây giờ ruột thịt chí thân, chẳng qua chỉ quanh quẩn có vài, ba đứa này! Ai mà dễ cầm lòng thương cảm. Hát:
Biết chăng ông dưới suối vàng?
Con côi, vợ goá, bước đường chông gai!
Quê nhà thăm thẳm phương trời,
Xe châu hãy tạm gác ngoài cửa Không.
Tưới hoa lệ đẫm giọt hồng!
Hôm nay chiều trời cuối xuân, thấy mệt người quá! Con Hồng xem vườn trước có vắng, đưa cô ra đứng chơi một lúc giải trí, đi con!
CON HỒNG - Dạ!
OANH OANH – Hát:
Bơ vơ đất khách xuân tàn!
Lạnh lùng, chùa vắng tam quan chặt cài!
Nhuộm hồng nước chảy hoa rơi,
Sầu riêng trăm mối, ngậm ngùi gió Đông.
(Bà lớn cùng các vai vào cả)
Cảnh thứ hai: Trên đường bờ sông Hoàng Hà.
CẬU TRƯƠNG – (Cùng hề ra). Nói:
Tôi họ Trương tên Củng, tự là Quân Thụy. Quê nhà ở Tây Lạc. Cha tôi trước, Thượng Thư bộ Lễ. Còn tôi công danh chưa đạt, du học bốn phương. Hôm nay là thượng tuần tháng hai năm thứ mười bẩy niên hiệu Trinh Nguyên. Tôi vào kinh để nay mai dự kỳ thi Hội. Tôi có người bạn cũ họ Đỗ tên Xác tự là Quân Thực, cùng tôi cùng huyện, cùng học, lại từng kết nghĩa anh em. Về sau anh tôi bỏ văn học võ, thi đậu võ Trạng Nguyên, hiện cầm mười vạn quân đóng giữ Bồ Quan, lĩnh chức Chinh Tây Nguyên soái. Giờ tôi hãy sang thăm anh tôi một chuyến. Rồi hãy vào Kinh, cũng chẳng muộn gì. Nghĩ như tôi: song huỳnh án tuyết, nghiệp văn chương học đã nên tài! Vậy mà: bèo dạt, mây trôi, chí hồ hải bao giờ cho được, a?
Hát:
Sóng thu cất giấu gươm thần!
Buồn xuân đè nặng mấy lần yên thêu!
Bạch:
Chút nợ cầm thư trả chửa xong!
Chỉ nào buộc được gót hoa bồng?
Trời xa, xa thật nhìn còn thấy!
Thăm thẳm Trường An mỏi mắt trông!
Hát:
Dùi mài kinh sử bao công!
Làm thân con mọt sách, long đong thôi có ra gì!
Đất trường thi, ngồi đã nhẵn lì!
Mực mài, nghiên sắt mòn đi mấy phần?
Đường mây chín vạn, muốn chen chân,
Mười năm án tuyết phải nhọc nhằn sớm trưa!
Chí to, thời không gặp, bằng thừa!
Tài cao, người thế chẳng ưa cũng hèn!
Chắc đâu không tủi bút thẹn nghiên,
Văn chương rẻ giá, sách đèn uổng công.
Nói: Đường đi đã đến bên Hoàng Hà rồi đây! Trông mà coi: hình thế mới đẹp làm sao! Hát:
Cả chín khúc là đâu chưa kể,
Riêng chốn này hình thế đã hiên ngang!
ChẹnU, Yên, ngăn Tần, Tấn, rẽ Tề, Lương,
Bề hiểm trở thật khôn lường, hiếm có.
Lớp sóng bạc ngất trời tung vỗ:
Mây chiều thu khép mở không thường!
Dịp cầu xanh trước bến nghênh ngang:
Rồng mặt nước nhẹ nhàng uốn khúc!
Suốt Nam, Bắc, Đông, Tây đỡ dốc,
Ngang trăm sông mà dọc chín châu!
Con thuyền ai thấp thoáng bóng về đâu:
Lìa cánh nỏ, ruổi mau tên mới bắn!
Sông Ngân mới từ Trời sa xuống hẳn?
Nguồn treo cao, cao tận chín tầng trên!
Bể Đông đường ấy đã quen.
Thấm muôn cánh rộng, tưới nghìn thức hoa!
Muốn vin cành quế cung nga,
Buông chèo đường ấy biết là có nên?
Cảnh thứ ba: Trước quán trọ.
CẬU TRƯƠNG Nói: - Nói chuyện thế mà đã vào tới trong thành. Cửa hàng coi mới lịch sự sao? Hề đâu! Dắt ngựa đây! Chủ quán đâu? Chủ quán!
CHỦ QUÁN (ra) Nói: - Bẩm quan! Chính nhà cháu là chủ cái quán Trạng Nguyên này! Mời quan vào nghỉ chân! Quán nhà cháu có phòng nằm sạch sẽ lắm!
CẬU TRƯƠNG - Nếu vậy, dọn cho trọ vào hạng nhất. Bác quán! Lại tôi hỏi: Ở đây có chỗ nào đi chơi cho giải trí không?
CHỦ QUÁN - Miền nhà cháu đây có toà chùa Phổ Cứu là công đức của bà Võ Tắc Thiên. Chùa làm lộng lẫy lắm: Các khách quan qua lại, ai cũng phải vào xem - Bẩm quan! Chỉ có đấy là đáng vào chơi hơn cả. CẬU TRƯƠNG - Hề đâu! Xếp hành lý vào, tháo yên cương ch ngựa! Ta sang chơi bên ấy một lát. HỀ - Dạ! (vào cả).
Cảnh thứ tư: Chùa Phổ Cứu, bên vườn hoa họ Thôi.
PHÁP THÔNG (ra) Nói: - Tiểu tôi là Pháp Thông, học trò cụ Pháp Bản chùa Phổ Cứu. Hôm nay cụ tôi đi làm chay vắng, dặn tôi ở lại chùa, có ai đến thì nhớ về bạch cụ. Nào! Tôi thử ra ngoài cửa đứng, xem có ai đến không nào!
CẬU TRƯƠNG (ra) Ngâm:
Đường quanh, lối vắng đi vào.
Cỏ hoa cửa Phật đón chào khách chơi.
Nói: - Này, đã đến chùa rồi đây! (Cúi chào Pháp Thông).
PHÁP THÔNG – A di đà Phật! Thầy mới ở đâu lại chơi?
CẬU TRƯƠNG – Tôi là người Tây Lạc, qua đây nghe tiếng chùa ta là môt nơi thắng cảnh, nên vào đây trước là lễ Phật, sau nữa hầu thăm sư cụ.
PHÁP THÔNG – Sư cụ tôi đi vắng. Tôi là đồ đệ, tên gọi Pháp Thông. Xin mời thầy vào phương trượng
xơi nước!
CẬU TRƯƠNG – Sư cụ đi vắng thì thôi xin cũng đừng cho uống nước. Phiền sư ông dẫn cho đi vãn cảnh một lượut thôi.
PHÁP THÔNG – A di đà Phật!
CẬU TRƯƠNG – (vãn cảnh): Nói: - Chùa làm đẹp thật!
Hát:
Trên điện Phật dạo chơi đã hết
Dưới phòng tăng xem biết đã tường
Trước mặt,kìa là gác chuông!
Này nơi nhà tổ, nọ buồng cơm chay!
Hành lang dạo đó đây hồ khắp.
Vào động rồi, lên tháp xa trông.
Phật tiền khấn vái đã xong.
Xem bà mụ thiện, lễ ông Thánh Hiền.
Nói: - Kìa lại còn một toà chùa nữa! Để tôi sang vãn cảnh một thể!
PHÁP THÔNG – (nắm áo cậu Trương giữ lại) Ấy chết! Bên ấy là biệt thự nhà quan Thôi Tướng Quốc. Xin thầy ở lại đây thôi!
CẬU TRƯƠNG – (nhác trông thấy Oanh Oanh và con Hồng thơ thẩn ở vườn hoa). Ví không duyên nợ kiếp xưa.
Kiếp này hồ dễ tình cờ xui nên!
Mắt trông kể vạn, kể nghìn,
Con người đẹp thế, đã nhìn thấy ai!
Mắt hoa miệng những nghẹn lời,
Thần hồn tơi tả, lưng trời bay xa!
Nói năng đùa cợt mặc ta!
Nghiêng vai chỉ bứt bông hoa mỉm cười!
Phải chăng đây là cảnh Bồng lai?
Sao tôi lại gặp con người thần tiên!
Trâm hoa cài lệch một bên,
Mặt xuân mừng, giận càng nhìn càng say.
Mày in trăng mới xinh thay,
Cong cong bên mái tóc mây rườm rà!
Sượng sùng miệng chửa nói ra.
Răng là ngọc chuốt, môi là son tươi,
Lâu lâu mới nói nên lời,
Véo von oanh hót bên ngoài lớp hoa!
OANH OANH - Hồng ơi! Ta đi vào trong bà đi!
CẬU TRƯƠNG :
Chân tay mềm mại nõn nà,
Bước đi êm ả, trông mà thấy yêu!
Dịu dàng yểu điệu trăm chiều,
Như cành liễu trước gió chiều thướt tha.
(Oanh Oanh cùng con Hồng vào)
Cánh hồng rải lối bước qua,
Bụi thơm in vết hài hoa rành rành!
Kể chi khoé mắt long lanh,
Chân đi cũng đã hữu tình với ai!
Dùng dằng bước một bước hai,
Khuất mành mới thật đôi nơi cách trùng.
Rõ ràng như thế, phải không?
Bảo sao tôi chẳng trong lòng mê tơi!
Gót tiên cách nẻo trần ai,
Bâng khuâng phong cảnh vắng người buồn tanh!
Buồn trông khói liễu xanh xanh!
Buồn nghe đàn sẻ trước mành xôn xao!
Vườn hoa lê cửa đóng lúc nào!
Tường cao, cao quá! kể cao bằng trời!
Trách trời sao chẳng chiều người?
Làm khuây chẳng được, đứng lười không đang!
Nghĩ hươu, tính vượn trăm đường.
Hương lan còn thoảng, tiếng vàng đã xa.
Gió lay cành liễu la đà.
Tơ hồng vướng vít cánh hoa tơi bời!
Rèm châu lấp lánh mặt người!
Nuốt thầm nước bọt! trông hoài nẻo xa!
Ai bảo dinh quan Tướng phủ Hà?
Tôi thì rằng: chính chùa đức phật bà Quan Âm
Mai đây gió bắt mưa cầm.
Bệnh tương tư sẽ đau ngầm tận xương!
Hại thay cặp mắt như gương,
Liếc ai trong lúc bàng hoàng quay đi!
Dẫu người sắt đá tri tri,
Dễ cầm lòng chẳng say mê được nào!
Trước sân hoa, liễu xinh sao!
Trời trưa bóng tháp thu vào tròn xoe!
Cảnh xuân rực rỡ bốn bề.
Mà con người ngọc đi về nơi nao?
Cảnh Phật đây mà hoá nguồn Đào!
Lời Phê Bình Cả Chương
Nay cầm bút tả đây là người xưa, vậy thì cái người cầm bút tả người xưa đó là ai? Có kẻ lại đáp rằng:
- Là ta!
Thánh Thán nói:
- Vâng! Là ta! Vậy tôi muốn hỏi: Cái người xưa mà ta cầm bút tả họ đó, họ ở những mười năm, trăm nghìn năm về trước. Nay ta đây cầm bút tả họ, ta có thể biết chắc rằng mười, trăm, nghìn năm về trước, có thật có chuyện đó hay không?
Thưa rằng: Không thể biết được!
- Đã không biết mà nay ta lại cầm bút tỷ mỷ tả họ, vậy thì người xưa ở trong khoảng minh minh có chịu nhận hay không?
Thưa rằng: Người xưa thực chưa từng có chuyện ấy! Mà đến đời xưa thực cũng chưa từng có người ấy nữa! Túng sử đời xưa hoặc giả có người ấy, mà người xưa hoặc giả có chuyện ấy nữa, thế nhưng người xưa đã không hề biết trước rằng sau mười, trăm, nghìn năm lại có ta đây chép chuyện họ, mà bảo cho ta biết; ta
lại không có cách gì xuất hồn xuất vía, sống ngược lại mười, trăm, nghìn năm về trước, để hỏi lại người xưa; vậy những chuyện mà ngày nay ta cầm bút tả tỷ mỷ đây, đều là tự ý ta muốn tả, chứ không can dự gì đến người xưa cả. Còn hỏi chi người xưa có chịu nhận hay không!
- Người xưa không nhận thì ai nhận bay giờ?
Ta đã tả thì ta phải nhận.
- Ta đã tả là ta phải nhận, vậy thì trong lúc cầm bút sắp tả, chưa tả, đặt lời lập ý, có thể luộm thuộm được đâu! Chuyện Luận Ngữ nói rằng: "Một lời nói đủ khôn, một lời nói đủ dại; nói không thể không cẩn thận được!" Vì rằng ta nói đến ta, tất là ta yêu ta. Vậy thì ta phải tự yêu lấy lời nói của ta. Ta mà không tự yêu lời nói của ta, thì thật là ta không yêu ta vậy. Tôi thấy các nhà viết tuồng gần đây, trong đoạn thứ nhất, đào kép ra sân khấu, đại loại đều nói bừa ngay ra những câu dông càn vô lễ. Kép tất là vai đàng điếm, đào tất là vai đĩ thoã, như thế mới hả dạ! Cho rằng thế mới là "chung tình chính ở bọn ta" Như vậy, người đời sau đọc sách của ta, há rằng họ lại không biết. Bao nhiêu những tên người xưa mà ta soạn vào trong sách, như hạng Quân Thụy, Oanh Oanh, ông Đỗ, con Hồng, đều là do một mình ta, trong tim trong miệng, vốn có một món "khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào!" ngứa ngáy vô cùng! Say, mộng sộ lộ! cho đến bây giờ cực chẳng đã, mới thình lình mượn khéo câu chuyện của người xưa, để tự bày giải những nỗi rắc rối trăm hình, nghìn cấp, chứa lại ở trong bụng đã bao nhiêu ngày tháng, đó sao? Trong đó vẹo như đường tắt, tối như đêm tăm, rối như bòng bong, đắng như bồ hòn, giấu như giấu bệnh, nhịn như nhịn đau... Ví phỏng người xưa trước kia thật có chuyện đó, thì là chuyện ta ngày nay quyết không dự biết... Vậy thì ta ngày nay có chuyện đó, cũng là chuyện mà người xưa trước kia quyết không dự biết... Vậy thì ta ngày nay có chuyện đó, cũng là chuyện mà người xưa trước kia quyết không dự biết. Cho nên người đời sau đọc sách ta, họ đã thừa hiểu rằng: Quân Thụy chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là người viết sách! Oanh Oanh cũng chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là ý trung nhân của người viết sách! Ông Đỗ, con Hồng cũng chẳng phải là ai, mà có lẽ lại chính là những người quanh quẩn giúp đỡ cho người viết sách! Như vậy mà trong khi cầm bút, không tự yêu được mình, đến nỗi nói bừa ra những câu dông càn vô lễ, cho thế mới hả dạ, thì có phải là tự mình muốn làm hạng đàng điếm, mà cho người trong ý của mình là hạng đĩ thoã hay không? Đọc đoạn đầu vở Tây Sương, coi người ta tả Quân Thụy như thế, ta có thể tỉnh ngộ mà hiểu cái phép ký thác vào bút mực của người xưa vậy.
Các bạn từng xem cách "nhuộm mây nẩy trăng" chưa? Ta muốn vẽ mặt trăng, nhưng mặt trăng không vẽ nổi, vì thế phải vẽ mây. Vẽ mây mà ý không phải vẽ mây... Ý không phải là mây, nghĩa là ý vẫn ở mặt trăng. Thế nhưng thế nào cũng phải để ý vào mây đã... Vậy vẽ mây, lỡ một chút thì đậm quá; lại lỡ một chút thì lạt quá; thế là mây hỏng! Mây hỏng thì trăng hỏng!
Nay vẽ mây đậm lạt vừa phải rồi, nhưng hơi không cẩn thận, để dây một vết bằng hạt bụi nhỏ, thế cũng hỏng mây. Mây hỏng tức là hỏng cả trăng... Nay vẽ mây đậm lạt vừa phải, lại không dây vết nào bằng hạt bụi nhỏ, trông thì như là có, sờ thì như là không, thổi thì như muốn bay, sờ thì như muốn chạy, thế là mây ta vẽ khéo! Mây ta vẽ khéo thế rồi ngày mai người xem sẽ lũ lượt tới, đều nói rằng: Vầng trăng đẹp thật! Tuyệt không một ai là khen đến mây... Như vậy, tuy rất phụ tấm lòng người vẽ ngày hôm qua đã cậm cụi chật vật về việc vẽ mây; thế nhưng xét đến bản tâm người vẽ, có phải chỉ vì trăng, chứ chẳng vì gì mây cả đó sao? Mây cùng trăng, thần lý chính là một. Hợp lại đành rằng hợp không nổi, nhưng chia ra có dễ chia ra được sao? Đoạn đầu vở Tây Sương tả cậu Trương tức là cách đó. Vở Tây Sương viết ra, cốt là vì Song Văn. Thế nhưng Song Văn là trang sắc nước... Trang sắc nước, có phải là cứ mua nhiều son phấn là tô điểm nên được đâu! Vả lại Song Văn là bực người trời... Bậc người trời, thì hạng thợ thuyền sâu kiến ở thế gian có nặn gọt thêm bớt thế nào nổi! Muốn tả Song Văn mà không tả được nên để đó không tả nữa, mà tả cậu Trương trước, đó tức là một phép bí mật của con nhà hội hoạ, gọi là phép "nhuộm mây nẩy trăng" vậy. Vậy thì tả cậu Trương như trong lớp thứ nhất, tức là đậm lạt vừa phải, không để dây vết nào như hạt bụi nhỏ... Ví phỏng không thế, khi tả cậu Trương, lại để cho có mảy may nhỏ là vẻ đàng điếm, thì bên dưới sẽ bôi nhọ đến Song Văn không phải nhỏ. Về chỗ đó, bạn đọc có thể không để ý sao được.
Chương 2 – Xin Trọ
Cảnh thứ nhất: Biệt thự họ Thôi
BÀ LỚN (ra) Nói: - Hồng ơi! Mày truyền lời ta, sang hỏi sư cụ bên chùa, bao giờ thì làm chay cho ông lớn? Hỏi đích đáng rồi, về trả lời ta, nghe!
CON HỒNG -Dạ! (cùng vào).
Cảnh thứ hai: Chùa Phổ Cứu.
PHÁP BẢN (ra) Nói: - Lão tăng đây là Pháp Bản, trụ trì trong chùa Phổ Cứu này. Hôm qua lão vào trong làng làm chay, chẳng hay có khách nào đến thăm chùa không, chú Thông?
PHÁP THÔNG (ra) - Dạ bạch cụ: Hôm qua có một người học trò ở Tây Lạc đến thăm cụ, nhưng không gặp lại trở ra.
PHÁP BẢN - Vậy chú ra cửa coi. Nếu thầy ta đến thì vào nói tôi biết.
PHÁP THÔNG - Dạ.
CẬU TRƯƠNG (ra) – Hôm qua tình cờ gặp cô em. làm cho tôi suốt đêm mất ngủ. Hôm nay lại vào chùa thăm sư cụ, tôi sẽ nói câu chuyện (chào Pháp Thông).
Ví bằng thu xếp không xong,
Thì tôi đây oán sư ông mãn đời!
PHÁP THÔNG – Kìa thầy đã lại! Thầy dạy sao, tiểu tôi không hiểu!
CẬU TRƯƠNG :
Cho tôi thuê một gian ở dãy chùa ngoài.
Ở ngay đối cửa con người hôm qua.
Dù không ghẹo nguyệt, bẻ hoa,
Cũng nhìn cho con mắt oan gia đã đời!
PHÁP THÔNG – Thưa thầy dạy thế nào, tiểu tôi không hiểu...
CẬU TRƯƠNG :
Vốn tính tôi nhát gái lạ đời:
Thoáng trông là thẹn đỏ người lên ngay?
Cớ sao gặp gỡ lần này,
Bể lòng lại thấy vơi đầy yêu đương!
Mắt nhìn đã nảy hồng quang!
Nghĩ càng tê tái, mong càng ngẩn ngơ!
PHÁP THÔNG - Thầy nói thế nào, tiểu tôi không hiểu. Sư cụ đợi đã lâu, tôi xin vào trình lại. CẬU TRƯƠNG (vào chào Pháp Bản)
Tiếng sang sảng, người to bệ vệ
Tóc bạc phơ, mặt trẻ phây phây!
Chân tu nên mới được thế này,
Thêm vòng hào quang nữa thì thực tượng thầy Đường Tăng.
PHÁP BẢN – Xin mời thầy vào chơi trong phương trượng. Hôm qua lão đi vắng, không được thừa tiếp, xin thầy thứ lỗi cho.
CẬU TRƯƠNG - Bấy lâu nghe tiếng sư cụ, chúng tôi vẫn muốn đến hầu. Không ngờ hôm qua sư cụ lại vắng chùa. Hôm nay được gặp, thực là ba sinh, âu cũng duyên trời chi đây!
PHÁP BẢN – Dám hỏi thầy quý quán đâu ta? Tôn tính đại danh thế nào? Có việc gì qua chơi? CẬU TRƯƠNG – Chúng tôi họ Trương tên Củng, tự là Quân Thụy, nhân vào kinh dự thi, đường đi qua miền này.
Cụ đã có lòng hỏi đến,
Tôi xin thực chuyện thưa bày:
Quê hương tôi chính ở Lạc Tây,
Nhưng du học nay đây mai đó!
Gia nghiêm trước thượng thư lễ bộ.
Ngoài năm mươi xa bỏ cõi trần.
Bởi một đời, cha thanh liêm không khoét tiền dân,
Nên bốn bể, con trơ trọi chiếc thân công tử xác!
Gió thoảng mát trông lồng gương bạc,
Cụ là người lỗi lạc thông minh,
Tôi đến đây quên cả công danh,
Chỉ mong được nghe kinh lắng kệ.
Giữa đường không có gì làm lễ, gọi là có lạng bạc, cúng vào Tam Bảo, cụ vui lòng nhận cho. Học trò kiết chỉ lấy đầu làm lễ,
Được đâu như những kẻ có đồng tiền,
Mặc cho miệng thế chê khen.
Chẳng tường gá bạc, không quen tuổi vàng!
Phải đâu giúpcụ tiền lương,
Chẳng qua đồng lễ dâng hương gọi là.
Lòng thành tôi đã dâng ra,
Dám xin cụ chớ nề hà nhận cho!
Mai ngày có trước mặt cô
Mười phần cụ nói đỡ cho một vài,
Thì tôi còn ơn cụ mãn đời...
PHÁP BẢN - Giữa đường gặp gỡ, sao thầy lại bày vẽ ra như thế. Chắc thầy lại có chuyện gì muốn dạy bảo nhà chùa hẳn thôi!
CẬU TRƯƠNG – Thưa thế này thực là đường đột... Chỉ vì nhà trọ rộn rịp quá, khó lòng ôn lại được sách vở, nên muốn nhờ cụ một gian phòng, sớm hôm học tập. Tiền phòng nhiều ít thế nào cũng được, xin cứ tháng đưa hầu.
PHÁP BẢN – Thưa được. Nhà chùa cũng có nhiều phòng bỏ không, xin tuỳ ý thầy chọn. Hay là ở quách ngay phương trượng nằm với lão cho vui.
CẬU TRƯƠNG :
Tôi chẳng cần chái Bắc, hiên Đông!
Gác kinh, nhà tổ, tôi không thiết mà!
Chỉ xin thuê Mái Tây ở cạnh vườn hoa.
Nhà quan Tướng Quốc phủ Hà bên kia!
Chứ nằm chung với cụ nước gì.
CON HỒNG (ra) – nói một mình:
Bà lớn sai tôi sang hỏi sư cụ, bao giờ làm chay cho ông lớn. Hỏi cho rõ rồi về thưa lại. (Vào chào Pháp Bản) Bạch lạy cụ, bà lớn sai con hỏi bao giờ thì àm chay cho ông lớn. CẬU TRƯƠNG:
Con người mới khá làm sao.
Bóng dáng thực con nhà lịch sự,
Trăm phần không lẫn nửa trai lơ!
Sẽ cúi đầu khép nép chào sư,
Môi son hé nói thưa phép tắc.
Khuôn mặt đẹp không cần trang sức,
Quần áo xô nhưng khéo mặt cũng xinh!
Cô em đã giống đa tình,
Con hầu lại tinh ranh hiếm có.
Liếc trộm mà xem con mắt nó.
Có thèm đâu nhìn ngó tới mình đây!
Em ơi! Hãy đợi đến ngày,
Ta cùng cô đã sum vầy phượng loan,
Quyết chẳng để em trải nệm quạt mà.
Lại thưa bà kiếm tấm chồng quan cho em nhờ!
PHÁP BẢN (giận dữ) - Thầy này coi người cũng tử tế, mà ăn nói ra cái gì thế!
CẬU TRƯƠNG - Cụ nên rõ tôi nói thế cũng là đáng lắm chứ!
Tội chưa! sư cụ mếch lòng!
Con người tử tế nói sao không lựa lời!
Nhưng nhà quan chi thiếu kẻ hầu trai,
Sang chùa hỏi việc lại sai con đòi?
Cụ còn chối cãi nữa thôi?
Ngứa mồm tôi nói, cấm tôi được nào?
PHÁP BẢN – Không phải thế! Đó là do tấm lòng chí hiếu của tiểu thư. Vì là việc làm chay cho ông lớn nên tiểu thư dốc lòng thành kính không sai ai cả, phải sai chị Hồng sang đây là người hầu cận sang hỏi nhật kỳ.(Quay lại con Hồng): Việc làm chay, đàn tràng đã sắp đặt sẵn sàng. Rằm này là ngày cúng Phật, xin mời bà lớn cùng cô sang dâng hương.
CẬU TRƯƠNG (khóc) - Ối cha ôi là mẹ ôi! Cha mẹ sinh con, bao công khó nhọc! Trời già độc địa, báo đáp được đâu! Tiểu thư là một người con gái, còn biết lo ân trả nghĩa đền. Cho hết lòng của kẻ làm con, tôi cũng xin đưa năm mươi quan tiền, xin cụ mở lượng từ bi, sắm chút lễ vật, cúng siêu độ cho cha mẹ tôi nhân thể. Bà lớn biết ra nữa, chắc cũng chả ngại gì!
PHÁP BẢN - Có chi mà thầy ngại! Chú Thông đâu! Nhận tiền sắm lễ cho thầy!
CẬU TRƯƠNG (hỏi riêng Pháp Thông)- Chắc cô ấy có sang lễ không?
PHÁP THÔNG – Làm chay cho quan Tướng thế nào cô ấy chả sang!
CẬU TRƯƠNG (mừng rỡ) - Thế thì năm chục quan cũng đáng!
Hương kém ấm, ngọc thua mềm!
Trên trời dưới đất khôn tìm thấy hai!
Nói chi ôm ấp lả lơi,
Nhìn suông cũng đủ sướng đời! Cho nên
Tai qua nạn khỏi tự nhiên!
Làm chay nào được bằng nhìn Oanh Oanh!
PHÁP BẢN – Xin mời về cả phương trượng xơi nước!
CẬU TRƯƠNG – Tôi xin phép ra ngoài một chút (ra sân). Con bé chắc ra bây giờ! Mình cứ đứng chờ đây!
CON HỒNG – (từ giã Pháp Bản) Xin cụ đừng cho uống nước. Con xin về thưa lại, kẻo bà lớn quở! (ra). CẬU TRƯƠNG – (đón chào) Xin chào chị ạ!
CON HỒNG – Không dám, chào cậu!
CẬU TRƯƠNG - Hỏi không phải: Chị có phải chị Hồng, người hầu cô Oanh không? CON HỒNG – Thưa vâng! Có việc gì phiền cậu hỏi?
CẬU TRƯƠNG – Tôi có một chuyện không biết thưa có tiện không?
CON HỒNG – Tên kia đã bắn khôn về! Lời kia đã nói khôn bề xoá đi! Có chuyện gì cậu cứ nói không ngại!
CẬU TRƯƠNG - Tội họ Trương tên Củng, tự là Quân Thụy, quán ở Tây Lạc, năm nay mới hai mươi ba tuổi, sinh giờ Tí ngày 17 tháng giêng. Tịnh chưa lấy vợ bao giờ!
CON HỒNG – Cái đó ai hỏi cậu đâu! Em cũng không phải thầy số, cần gì cậu phải kể ngày sinh tháng đẻ! CẬU TRƯƠNG – Xin hỏi chị câu nữa; cô nhà thường khi có ra ngoài không?
CON HỒNG – (giận dữ) Ra ngoài thì làm sao? Câuk là người có học, há không nhớ câu: “Chớ làm việc trái lễ!” Bà lớn em lòng băng dạ tuyết, phép nhà rất nghiêm. Từ đứa trẻ sáu, bảy tuổi, không nghe gọi cũng không dám tự tiện bước lên nhà trên. Cậu không hề có bà con, sao lại được hỏi sỗ sàng như vậy! May mà trước mặt em đây, còn tha thứ được. Chứ bà lớn mà biết, sao chịu để cậu yên! Từ nay mà đi, điều gì nên hỏi thì hỏi, điều gì không nên hỏi chớ có hỏi càn như vậy! (vào)
CẬU TRƯƠNG – (đứng ngẩn người ra một lúc) Thế này thì đến ốm tương tư mà chết mất! Những nghe nói đã rụng rời!
Đôi mày nặng cả một trời sầu thương!
Phép nhà nghiêm ngặt lạ nhường,
Lấy ai dắt nẻo đưa đường cho nên?
Ví bằng mình sợ mẹ giữ gìn,
Thì quay đi còn ngoảnh lại mà nhìn chi nhau?
Muốn đứt phăng! dễ đứt được đâu!
Mầm tình đã trót ăn sâu trong người!
Ví kiếp này mình cũng lỡ một lầm hai!
Chả hoá ra kiếp trước ta đã mắc tội trời chi đây!
Ta quyết làm cho bồng được lên tay,
Cho mắt này thờ phụng, lòng này mê tơi!
Chỉ nghe nói Vu Sơn xa cách bằng trời!
Ai ngờ lại ở bên ngoài Vu Sơn!
Thân tội này đứng tựa bao lơn.
Nhưng thần hồn những mê man chốn nào?
Này Hồng ơi! Em định đưa tin đến buồng đào.
Hay lại đem chuyện kín thưa vào nhà huyên!
Lòng xuân, có đâu dễ giữ gìn!
Hẳn cũng thấy: Bướm bay từng cặp, oanh chuyền có đôi!
Này Hồng ơi! Em trẻ người nóng tính thế thôi.
Chứ ta đây, cô đấy tốt đôi ai bì!
Miễn em hết sức giúp vì,
Bà dù bó buộc, làm gì được ai?
Mà mặt hoa, ta nhìn được tận nơi;
Mà nhị đào, cô sẽ được cho người tình chung!
Em mà vụng tính không xong,
Thì trai tài, gái sắc, lại cùng trạc tuổi như nhau,
Sẽ trông xuân, xuân đượm nét sầu.
Sẽ nhớ ai, ruột héo, mặt sầu vì ai!
Tội cho cô đức nết vẹn mười,
Mà thiệt cho tôi cũng một đời tài hoa!
Này Hồng ơi! Mày ai chỉ kẻ qua loa;
Mặt ai chỉ thoáng gọi là phấn son;
Cổ ai vừa trắng, vừa tròn,
Ngọc đông, phấn nặn so còn kém xa!
Trên thì, bên vạt áo tà.
Ngón tay muôn muốt như là búp măng!
Dưới thì, dưới bắc quần băng,
Gót chân thuăn thuắt nhỏ bằng cách sen!
Muốn quên hồ dễ mà quên.
Bao nhiêu hình bóng bạn tiên non Bồng,
Thì mình đừng đẹp nữa có được không.
Để tôi thôi cũng chẳng mệt lòng nhớ thương.
Chết! Quên chưa vào chào sư cụ! (Quay vào hỏi Pháp Bản) Thưa cụ, việc tôi xin trọ, cụ dạy thế nào? PHÁP BẢN – Mái Tây chùa tháp có một gian phòng tĩnh mạc lắm, thầy ở đó thực vừa tiện. Tuỳ ý thầy dọn lúc nào cũng được.
CẬU TRƯƠNG – Thưa vâng! Chúng tôi xin về trọ đem hành lý lại.
PHÁP BẢN - Thế, thế nào thầy cũng dọn lại nhé! (vào)
CẬU TRƯƠNG - Dọn lại thì dọn, nhưng chịu sao cho nổi lạnh lùng đây!
Này Hồng ơi! Buồng văn đệm gối lạnh lùng.
Đèn soi hiu hắt, sách chồng lẻ loi!
Dù đền xong chí cả một đời.
Ngủ sao cho nổi những đêm dài lan man?
Ít ra cũng năm nghìn lần dài thở, văn than,
Với hàng vạn lượt tung màn, đập chăn!
Thoạt gặp nhau, vẻ xinh chưa nhớ rõ mười phần,
Đành không ngủ, căn ngón tay ta tưởng tượng dần cho ra!
Trong như ngà ngọc, đẹp như hoa,
Nhưng hoa mà biết nói, ngọc mà ngát thơm!
Lời Phê Bình Cả Chương
Tôi đã từng xem văn của người xưa và nay. Có người viết mà viết không đến. Có người viết mà viết đến. Có người viết, mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến đều đến được cả. Viết mà viết không đến thì viết câu nào viết câu nào là không đến câu ấy, dù có viết mười, trăm, nghìn, cho đến vạn câu nữa, cũng là mười, trăm, nghìn, vạn câu không đến cả! Hạng người ấy, thà đừng cầm đến bút còn hơn! Viết mà viết được đến, thì viết một câu là một câu đến; lại viết câu nữa, câu nữa cũng lại đến; rồi có viết mười, trăm, nghìn, vạn câu, thì mười, trăm, nghìn, vạn câu cũng đều đến cả. Như ngài, thực là người biết dùng đến ngòi bút vậy! Đến như viết mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến đều đến được cả, thì người ấy là người lấy lò Cừ làm lòng, lấy thợ Tạo làm tay, lấy Âm Dương làm bút, lấy muôn loài làm mực... Chỗ mà lòng không đến được, bút đã đến rồi. Chỗ mà bút đã đến, lòng bất tất đến nữa, chỗ mà bút đã đến, lòng đã đến rồi. Chỗ mà lòng đã đến, bút bất tất đến nữa. Đọc văn họ, đọc thì vẫn đọc... Song kẻ biết đọc thì đọc rồi là đọc rồi, còn kẻ không biết đọc thì đọc rồi mà thực là chưa đọc! Sao vậy? Vì văn họ là ở sau, ở trước, ở chung quanh câu văn, chứ không phải ở chính câu văn. Cho nên, viết mà viết không đến, ấy tức như bao nhiêu những tập văn hại giấy, phí mực trong đời bây giờ! Viết mà viết đến, ấy tức như những văn Hàn, Liễu, Âu, Vương, Tam Tô mà đời còn truyền lại. Đến như viết mà trước chỗ viết, sau chỗ viết, những chỗ không viết đến, không chỗ nào là chỗ không đến, thì trừ Tả Truyện ra, ta không còn tìm đâu
thấy nữa! Văn Tả Truyện, Trang Tử giống được vẻ phóng khoáng; bảy thiên Mạnh Tử giống được vẻ đột ngột; Chiến Quốc Sách giống được vẻ chu đáo; Thái Sử Công giống được vẻ cao kỳ. Như Trang tử, mạnh Tử, Chiến Quốc Sách, Thái Sử Công thôi còn phải nói gì! Tôi chỉ không ngờ Mái Tây là một vở tuồng mà cũng dùng lối văn ấy. Vậy thì người viết Mái Tây thật là lấy Cừ làm lòng, thợ Tạo làm tay, Âm Dương làmlàm bút, mà muôn loài làm mực vậy! - Sao thế? Tức như hôm trước cậu Trương thoáng trông thấy người đẹp, thật là như trăng bên phương trời, như hoa trên đầu Phật, muốn lại gần cố nhiên là chẳng được, xong muốn xa ra cũng quyết nhiên là chẳng được nào! Đã quyết nhiên chẳng xa được nào, thì cần phải sao cho gần lại... Thế nhưng cho gần lại, thì phải bắt đầu phải làm thế nào? Suốt đêm không ngủ, suốt đêm suy nghĩ, cậu Trương là một tài tử thông minh rất mực, bỗng dưng đã bàng hoàng tính ra. Cậu cho rằng: Việc thiên hạ, có lúc lựa khớp, có lúc lắp mộng... Lựa khớp là việc đầu, lắp mộng là việc cuối... Câu chuyện ngày nay; chưa tính đến lắp mộng, hãy tính đến lựa khớp đã! Con người đẹp kia, thăm thẳm ở trong biệt thự, cái mộng ấy chưa dễ mà lắp được! Thế nhưng biệt thự ở ngay bên cửa từ bi quảng đại, cái khớp ấy hoạ là có lựa được chăng... Trời sáng rồi chăng? Sao gà vẫn còn chưa gáy! Trống tam canh rồi chăng? Sao trống vẫn còn chửa tan canh! Ta không mong cho lắp mộng, hãy mong lựa khớp đã... Mộng mai sau có lắp nổi chăng? Đó là việc mai sau... Đến như khớp lúc này thì cần phải lựa, cần phải lựa ngay chứ để chậm không xong! Ấy đó là việc ngay lúc này! Ta mong sao cho gà chóng gáy, canh chóng tan, trời chóng sáng, để vào chùa mà hỏi Pháp Thông! - Gà chưa gáy, canh chưa tan, trời chưa sáng, cậu chưa thể vào chùa mà hỏi Pháp Thông, lòng cậu lúc đó rối như mớ bòng bong, ta có thể tưởng mà biết vậy! - Nhưng ví phỏng chốc nữa đây gà gáy rồi, canh tan rồi, trời sáng rồi, ta vào chùa hỏi Pháp Thông mà Pháp Thông chẳng nhận lời, thì ta biết làm thế nào cho được? Cố nhiên một là Pháp Thông nhận lời ta, hai là Pháp Thông chẳng nhận lời ta! Nhận lời ta, là sự tự nhiên, mà chẳng nhận lời ta, cũng là sự tự nhiên hoặc muôn một… Nghĩ lại thì nhận lời hoặc chẳng nhận lời, đều có thể cả... Lại nghĩ lại nhận lời ta, phần đó phần ít, mà không nhận lời ta, phần đó phần nhiều! Lại nghĩ lại nữa thì tất nhiên Pháp Thông không nhận lời ta! - Thôi thế là việc gấp rồi! Lòng chết rồi! Thần hồn tán loạn rồi! Nói năng rối bét rồi! Vào chùa thấy mặt Pháp Thông, liền phát cáu ngay: "Nếu mà thu xếp không xong, thì tôi đây oán sư ông suốt đời!" Nghe câu ấy, Pháp Thông phải sửng sốt cả người! Vì sao? Vì cậu Trương chưa hề nói đến chuyện xin thuê phòng thì Pháp Thông còn chưa biết thu xếp là chuyện gì nữa. Nhưng cậu Trương chưa nói chuyện thuê phòng, mà đã phát cáu nói ra câu "thu xếp không xong" đó, là vì câu đó là câu suốt một đêm miệng hỏi lòng, lòng hỏi miệng đã có hàng trăm, nghìn, muôn lượt, cậu cũng chẳng cần người khác hiểu hay không hiểu nữa! Chỉ có hai câu mở đầu ấy mà vẽ được hết cả thần tình cậu Trương suốt đêm không ngủ, ta đọc thấy như hiển hiện ở trên tờ giấy! Cái hay của cách viết được trước chỗ chưa viết, tài tình là thế! Lối đó chỉ trong tả Truyện là thường có dùng... Than ôi! Câu chuyện văn chương, thông được với tạo hoá! Trong đời này chẳng thiếu gì tay tài tử, tôi biết các bạn ở ngoài nghìn dặm, muôn dặm, tất tưới rượu xuống đất, gọi vọng Thánh Thán mà rằng: Anh nói phải đấy! Anh nói phải đấy! Vậy ngoài nghìn dặm, muôn dặm, Thánh Thán cũng tưới rượu xuống đất, gọi vọng các bạn tài tử mà rằng: Các anh là những người có thể viết được hạng văn suýt soát với vở Mái Tây! Trở lên là cả một đoạn văn ở trước câu "ví bằng thu xếp không xong" mà tác giả cố ý giấu đi, Thánh Thán xin viết hộ ra đây để tỏ rằng câu "ví bằng thu xếp không xong" thần hiệu đến như thế. Ta thử nghĩ hai câu "ví bằng...", "ví bằng"... chỉ gọn lỏn có mười bốn chữ, mà trong lại chứa một đoạn văn dài như vậy, có lạ tuyệt không?
Chương 3 – Họa Vần
Cảnh thứ nhất: Biệt thự họ Thôi
OANH OANH – (ra) Mẹ tôi sai con Hồng sang hỏi sư cụ hôm nào thì làm chay. Nó đi đã lâu, sao chưa thấy về thưa lại?
CON HỒNG – (ra) nói một mình: Thưa với bà lớn rồi, giờ vào thưa lại cô tôi rõ. OANH OANH – Em hỏi sư cụ thế nào?
CON HỒNG – Con vừa thưa với bà, đương định vào thưa lại với cô. Ngày rằm tháng hai này, kông biết cúng Phật cúng phiếc gì ấy, mời bà và cô sang dâng hương (cười). Con xin thưa với cô một câu chuyện thấy tức cười: Cái chàng mà hôm trước ở ngoài vườn hoa, cô với con nhác trông thấy ấy, hôm nay cũng thấy ngồi ở phương trượng. Chàng ta ra trước, đón con ở ngoài cửa, chào một cách rất lễ phép rồi hỏi: “Chị có phải chị Hồng, người hầu cô Oanh không?” Thế rồi lại nói luôn: “Tôi họ Trương tên Củng, tự là Quân Thụy, quán ở Tây Lạc, năm nay mới hai mươi ba tuổi, sinh giờ Tí ngày 17 tháng giêng. Tịnh chưa lấy vợ bao giờ!”
OANH OANH – Ai bảo mày hỏi người ta?
CON HỒNG – Thì nào ai hỏi chàng ta! Chàng ta còn gọi đến cả tên cô, hỏi thường hay ra ngoài không? Con mới dồn cho một trận rồi về đây.
OANH OANH – Mày chẳng mắng người ta nữa thì cũng thôi!
CON HỒNG – Thưa cô, không biết chàng ta nghĩ thế nào! Ở đời lại có hạng người ngốc nghếch đến như thế! Sao con lại chả mắng!
OANH OANH – Mày có thưa với bà không?
CON HỒNG – Thưa chưa!
OANH OANH - Thế thì thôi cùng đừng thưa với bà nữa! Chiều trời đã muộn, ra vườn hoa bầy hương án, ta ra thắp hương.
Ngâm:
Trông xuân chợt rối lòng tơ
Tự bên lồng ấp mà chờ bóng trăng.
(Cùng vào)
Cảnh thứ hai: Mái Tây chùa Phổ Cứu, một bên là vườn hoa họ Thôi.
CẬU TRƯƠNG – (ra) Dọn vào chùa, được ở ngay dưới Mái Tây. Tôi hỏi thăm sư ông, thì ra đêm nào cô em cũng ra vườn hoa thắp hương. Vừa hay vườn hoa lại ở ngay bên kia tường. Tôi cứ ngồi đợi ngay ở góc tường, bên hòn non bộ này. Đợi cô em ra, nhìn cho no con mắt cũng hay! Đêm khuya, người vắng, gió mát, trăng thanh, chiều trời mới đẹp làm sao chứ!
Ngâm:
Rỗi bàn chuyện với thầy tăng!
Buồn ngâm thơ với bóng trăng đỡ buồn!
Hát:
Khuôn thiêng chẳng chút bụi trần!
Ánh trăng, át nhạt dòng ngân, ngang trời!
Sân hoa bóng rợp tơi bời,
Áo là ngại lạnh, bồi hồi lòng xuân…
Nghiêng vành tai, rén gót chân,
Bên tường tôi ngóng, góc sân tôi rình,
Rình rình, ngóng ngóng Oanh Oanh,
Tha tha thướt thướt, xinh xinh tuyệt vời!
Muôn loài im tiếng: canh hai!
Qua tường, tôi nấp bên ngoài hiên Đông,
Thấy bước ra là ôm riết vào lòng,
Nỗi niềm sẽ liệu gạn gùng cho ra:
Cớ sao tiếng vắng, hơi xa,
Chưa hề xum họp, những là chia phôi?
OANH OANH (ra ở bên vườn hoa) - Hồng ơi! Mở cửa mạch đem hương án ra, em! CẬU TRƯƠNG :
Then hoa xịch động cách tường!
Gió đưa thoáng thấy mùi hương áp quần!
Rến gót lên nhìn lại cho gần,
So với khi mới gặp lại có phần thêm tươi!
Mãi đêm nay mới nhìn được rõ mười:
Ả Hằng cung Nguyệt đã chắc đẹp người như thế chưa!
Bó buộc tuổi xuân âu cũng ngán, cất mình bay lên khỏi cung trăng! Mặt ngọc trông ngang: vạt hồng nửa khép; không nói phất phơ tay áo; đứng yên tha thướt quần là; ví tả vào trong phú Trần vương, thực đáng gái thần bến Lạc; phỏng đứng tựa ngoài đền Thuấn đế rõ ràng là bà chúa sông Tương! Người đâu đẹp cha chả là đẹp a!
Dưới hoa bước chậm rì rì,
Bàn chân nhỏ quá chưa đi đã chồn!
Càng gần càng trăm đẹp, nghìn dòn;
Thảo nào chẳng thu mất linh hồn người ta!
OANH OANH – Đem hương đây!
CẬU TRƯƠNG – Ta thử nghe xem cô em khấn khứa những gì?
OANH OANH - Thắp tuần hương này, xin cầu cho cha tôi siêu sinh Tịnh độ! Thắp tuần hương này, xin cầu cho mẹ tôi trường thọ bách niên! Thắp tuần hương này...(Nín lặng hồi lâu).
CON HỒNG – Thưa cô, sao đêm nào đến tuần hương ấy, cô cũng nín lặng? Thôi, cô để con khấn hộ! Con xin cầu trời khấn Phật phù hộ cho cô con, lấy được cậu con là người ra ngoài hào hoa, vào trong phong nhã, tài cao học rộng, thi đậu Trang Nguyên, cùng cô con ăn ở đến trăm năm đầu bạc ạ! OANH OANH – (thêm hương, lạy) Ngâm:
Thế gian bao nỗi đau lòng,
Xin đem gửi cả vào trong lạy này!
(Thở dài)
CẬU TRƯƠNG – Thưa cô! Có điều chi bận nghĩ, mà cô lại đứng tựa bao lơn cất tiếng thở dài làm vậy? Khói trầm toả khắp sân không,
Đêm khuya vắng cả gió Đông lay mành!
Lạy xong, đứng tựa một mình,
Thở dài mấy tiếng trăm tình đầy vơi!
Trăng tròn như mảnh gương soi!
Khắp vườn sương nhạt suốt trời mây quang!
Hai người đổ lộn khói hương,
Cả hai cùng thấy mơ màng, say sưa.
Cứ ý tôi nghĩ thì cô em thở dài như vậy, trong lòng tất có cảm điều gì? Mà thưa cô, có lẽ cô cũng là Văn Quân thủa trước đó chăng? Tôi đây tuy không bằng Tư Mã Tương Như, cũng thử ngâm chơi một bài, xemcô em nói ra thế nào đã:
Vằng vặc đêm trong nguyệt!
Âm thầm cảnh dưới hoa!
Cớ sao kề bóng sáng,
Chẳng thấy mặt Hằng Nga?
OANH OANH – Có ai ngâm thơ ở góc tường.
CON HỒNG – Nghe rõ tiếng cái anh chàng 23 tuổi, tịnh chưa có vợ bao giờ.
OANH OANH - Lời thơ mới thanh lịch làm sao. Hồng ơi! Theo vần ta hoạ một bài chơi?
CON HỒNG – Vâng! Cô thử hoạ một bài, đọc con nghe!
OANH OANH :
Vắng vẻ nơi buồng gấm,
Buồn xuân, thẹn với hoa!
Xót tình ai bạo bực,
Hoạ có khách ngâm nga!
CẬU TRƯƠNG – (mừng rỡ) Hoạ đáp lại mới mau làm sao!
Mặt đà đúc sẵn khuôn xinh:
Tim còn vùi sẵn thông minh hơn người!
Thơ ta hoạ lại như chơi.
Mà văn bay bướm, mà lời thiết tha!
Khen tài dệt liễu, thêu hoa.
Tên mình thực đáng gọi là Oanh Oanh!
Phải chăng tình lại gặp tình,
Thơ ta cũng đã được mình khen hay!
Thì cách tường mình đấy ta đây,
Cùng nhau xướng hoạ đến sáng ngày mà chơi.
Ta thử trèo tường sang, xem cô em ra làm sao!
Vén áo là, ta thử sang chơi.
Biết rằng mình có tươi cười đón nhau?
Hồng ơi! Xin em chớ có cơ cầu:
Bảo sao cũng cứ gật đầu cho tôi,
Ối thôi xong! Cửa đóng mất rồi.
CON HỒNG – Thưa cô, ta đi vào trong nhà, kẻo sợ bà quở! (Cùng Oanh Oanh đóng cửa mạch, vào). CẬU TRƯƠNG :
Xì xào, chim vỡ tổ bay.
Rung rinh, cành động, bóng lay bốn bề.
Tơi bời, hoa rụng ngập lối đi.
Long lanh, sương ướt đầm đìa rêu xanh.
Chênh chênh, vầng nguyệt xế mành,
Bóng hoa rắc xuống rành rành đầy sân.
Tương tư, gầy đã mấy phần!
Đêm nay ta quyết một lần thử chơi;
… Rèm buông, then cửa đã cài,
Ta thời sẽ hỏi, mình thời sẽ thưa.
Đôi lòng đẹp ý, tình ưa,
Trăng trong, gió mát, trời vừa canh hai!
Nói lời nào đã được như lời,
Ta phường xấu số, mình người vô duyên!
Quay vào vơ vẩn trước hiên,
Sân không người vắng, đứng nhìn cảnh đêm:
Gió lay ngọn trúc quanh thềm,
Ngang trời mây bạc, ngập chìm ánh sao...
Mình không thương, ta sống được nào!
Bao nhiêu lạnh lẽo dồn vào đêm nay!
Có cần chi cuối mắt đầu mày,
Miệng mình chẳng nói, lòng đây ta đã từng!
Nhưng đêm nay thì ma ngủ nào là ám nổi mắt mình đây!
Đìu hiu, này gió thổi lùa!
Phập phồng, này giấy song hồ động bay!
Vắng tanh này bức bình vây!
Xanh lè, này ngọn đèn cây cạn dầu!
Tờ mờ, này đèn có sáng đâu!
Chập chờn, này giấc mộng đêm thâu chẳng thành!
Lẻ loi, này gối chiếc một mình!
Bẽ bàng, này chăn đệm năm canh lạnh lùng!
Ai người sắt đá, dễ cầm lòng chăng ai?
Hẳn có phen liều đón, hoa cười,
Màn buông cánh cuốn, đêm dài khắc canh,
Gấm hoa tô điểm tiền trình:
Non thề, bể hẹn ân tình đôi ta!
Hơi xuân đầm ấm một nhà,
Tình chung nhường ấy mới là tình chung!
Trăm năm đã tạc một chữ đồng:
Hai bài thơ chứng rõ đôi lòng khát khao!
Từ rày, chả cần tìm nhau trong giấc chiêm bao,
Chỉ cần ra dưới gốc bích đào đợi nhau!
Lời Phê Bình Cả Chương
Đức Mạn Thù Thất Lợi bồ tát hay bàn về những cái rất nhỏ. Hồi xưa Thánh Thán được nghe, lấy làm thích lắm... Kìa như thế giới Sa bà, lớn đến nỗi không thể đo lường được, vậy mà duyên cớ lại bắt đầu từ cái rất nhỏ! Cho đến hết thảy các món có ở trong thế giới Sa Bà, duyên cớ nó cũng nhất nhất bắt đầu từ cái rất nhỏ cả! Câu chuyện đó to lắm, không thể đem ra chỗ này mà bàn được. Nay chỉ mượn lấy câu "rất nhỏ" của bồ tát, để xét đến ý niệm của người viết văn. Kìa như giữa thu xế chiều, trời đất trong suốt, mây nhẹ lăn tăn, nhỏ như cánh hoa, đó thực là cảnh rất đẹp ở trong đời. Vịt trời hàng đàn bay ngang không, người thuyền chài tung lưới bắt được. Xem lông bụng nó, phớt mầu mực loãng, lăn tăn cũng như mây trên trời, nhỏ như vân xuyến. Đó lại là cái rất đẹp ở trong đời... Hoa các loài cỏ cây, từ trong đài tràng, nở ra thành cánh. Nếu ta tỉ mỷ nhìn kỹ cánh của nó thì từ cuống lên đầu màu không nhất định. Đó cũng là rất đẹp ở trong đời... Ngọn đèn nhìn từ dưới lên trên: Chỗ gần bấc mầu hơi biêng biếc; lên chút nữa, mầu hơi trăng trắng; lại lên chút nữa, mầu hơi tia tía; lại len chút nữa thì mầu đỏ nhợt, rồi mới đến khói đen tuôn lên như bọt nhỏ. Đó cũng là cái rất đẹp ở trong đời... Lòng... người đời bây giờ, dọc cao, ngang rộng, không biết là bao nhiêu dặm! Mông mông, mênh mênh, trâu ngựa cũng nhìn không rõ! Ví phỏng có ai nói cho nghe những chuyện ấy, thì có lẽ họ đã phanh ngực cả cười, cho rằng: người ta sinh ra ở trong đời, quý nhất là dư mặc, thừa ăn! Rỗi hơi đâu mà để bụng dạ vào những chuyện như thế! Họ không biết để bụng dạ vào những chuyện như thế, nào có phải là phí hoài đâu! Mây thu lăn tăn nhỏ như vân xuyến. Xuyến vì chỗ có, chỗ không chen nhau mà thành vân, song trong chỗ lăn tăn kia; thì có những là chỗ có chỗ không chen nhau mà thôi! Ta từ dưới này trông lên, cách mây không biết mấy trăm nghìn dặm, thì thấy cái lăn tăn kia, cách nhau không đầy một tấc. Thế nhưng nếu đến tận nơi mây mà đo, thì thực chưa biết là mấy tầm mấy trượng nữa. Nay ta thử nghĩ, nếu cách nhau hàng mấy tầm, mấy trượng, mà chỉ là chỗ có chỗ không chen nhau, thì ta từ dưới trông lên, quyết là không đẹp được đến thế. Nay từ dưới trông lên mà đẹp đến như thế, thì tất là giữa khoảng cái lăn tăn này với cái lăn tăn khác, tất có vô số tầng lớp, như liền với nhau, như theo với nhau. Cái gọi là rất nhỏ, chính ở chỗ đó, không thể không xét được. Cái lăn tăn của mây trên trời, cách nhau hàng tầm hàng trượng, cho nên khoảng giữa có nhiều tầng lớp. Cái đó cũng chưa đáng kể. Đến như cái lăn tăn ở
lông bụng con vịt trời, cách nhau rất hẹp hòi, chỉ bằng độ hạt gạo hay hạt thóc! Nay thử xem nó sở dĩ đẹp như vân xuyến, có phải chỉ là vì chỗ có chỗ không chen nhau mà thôi sao? Nếy thật chỉ là vì chỗ có chỗ không chen nhau, thì ta thử lấy ngọn bút nhỏ, thấm chút mực lại vẽ từng nét một coi nào? Cớ sao đứa trẻ lên bảy cũng khúc khích cười là chẳng giống chút nào cả! Tiếc thay không có ai là Ly Châu để nhìn cho kỹ, nhận cho rõ đó thôi! Nếu nhìn kỹ nhận rõ ra, thì trong đó cũng có vô số tầng lớp, như liền với nhau; từ cái nọ lăn tăn đến cái kia, thật cũng chẳng khác gì cách nhau hàng trượng. Cái gọi là cái rất nhỏ, chính là ở đấy, không thể không xét được! Hoa các loài cỏ cây, từ trong đài, tràng, nẩy ra thành cánh... Thiên hạ cho rằng bấy nhiêu cánh, ấy là một hoa... Có biết đâu hôm qua có lẽ hoa ấy chưa có; lại hôm kia nữa, có lẽ đài cùng tràng cũng chưa có. Ở trong chỗ không đài không tràng không hoa, mà nẩy bật ra đài, nẩy bật ra tràng, lại nẩy bật ra hoa, trong khoảng đó tất có cái rất nhỏ, như người đi thong thả, dần dần tới xa. Vậy thì một cánh hoa tuy là nhỏ, nhưng từ cuống cánh đến đầu cánh, bắt đầu từ đây, tận cùng chỗ kia, tất phải gân chuyển mạch rung, sớm nhạt chiều thẫm, phấn non hương già... Tự ta coi thì một cánh hoa chỉ lớn bằng móng tay! Song tự hoa tính ra thì biết đâu đường lối chẳng xa xôi vượt bờ kia, sang đỗi nọ? Tự ta coi thì từ khi mới nở đến giờ chỉ trong chớp mắt! Song tự hoa tính ra thì biết đâu thọ mạnh chẳng lâu dài chồng đời nọ đến kiếp kia? Đó cũng là cái rất nhỏ không thể không xét được! Ngọn lửa trên bấc đèn coi nhàn nhạt, không biết trong năm màu ở thế gian đó là màu gì? Tôi thường nhìn kỹ từ đầu bấc lên đến hết chỗ khói; từ chỗ biêng biếc đến hết chỗ trăng trắng, nó giáp nhau ra làm sao; lại từ chỗ trăng trắng đến chỗ tia tía, nó giáp nhau ra làm sao; lại từ chỗ tia tía đến chỗ đỏ nhạt, từ chỗ đỏ nhạt đến chỗ khói đen, nó giáp nhau ra làm sao?... Trong chỗ giáp nhau đó tất có những cái rất nhỏ, ban đầu chia ra còn có thể chia được; nhưng lại thong thả mà chia ra nữa, thì khiến ta chẳng có thể chia ra được nào! Đó lại là một điều không thể không xét được! Nếu ta biết suy rộng tấm lòng ấy ra, thì cầm bút mà chép những câu mời chào nhau của người làng, người xóm, tất cũng có văn. Mà chép những tiếng cãi cọ nhau của nàng dâu, mẹ chồng, tất cũng có văn! Mà chép hai người gặp gỡ giữa đường, vái nhau xong đi thẳng, tất cũng có văn. Sao vậy? Trong đó tất có những cái rất nhỏ... Người khác nóng lòng chẳng xét, thì không sao viết được đành chịu gác bút bỏ đấy! Song ta từ dưới cửa bậc đại chí là đức Man Thù Thất Lợi bồ tát, học được phép ấy, thì tuy nhặt nắmcặn bã ở bên đường, ta cũng có thể ép ra được hàng chum nước! Trong đời này lại còn đầu đề nào nhỏ hẹp, đủ trói buộc cánh tay ta không cho nhúc nhắc nữa đâu! Đọc Mái Tây, đến chương "hoạ vần", sau chương "xin trọ", trước chương "quấy đám", bất giác tôi phải cảm mãi đến lời của Bồ Tát, lại xin nguyện các bạn tài tử gấm vóc trong thiên hạ đọc kỹ càng coi! - Trên là chương "xin trọ", phàm điều cậu Trương muốn nói đều đã nói hết! Dưới là chương "quấy đám", phàm điều cậu Trương chưa nói, đến đấy mới có thể nói được! Nay vào giữa khoảng hai chương đó, bỗng đem tả chuyện cách tường hoạ thơ, mà cũng muốn rồi rào tự thành một chương, thì thật là bút vướng mực khan, "nàng dâu khéo, nhưng không gạo nấu sao lên cháo!" Tác giả bỗng dưng nghĩ đến rằng: Đêm ấy Thôi, Trương hoa thơ nhau, thì hai người tất là cùng ở dưới màn sương trong bóng nguyệt. Nhân bịa ra câu chuyện đêm nào cũng thắp hương, rồi do chỗ xem thắp hương mà sinh ra tình, mà bầy ra cảnh, tả nên những ý văn lạ lùng! Kẻ nóng lòng, không biết nỗi khổ tâm ấy, đọc lên chỉ biết đấy lại là ít câu hát hay! Có biết đâu một chữ, một câu, cho đến một tiết, đều là tách bóc ở trong một hạt nếp mà ra cả.
Chương 4 – Quấy Đám
Một cảnh: Trên điện Phật chùa Phổ Cứu
CẬU TRƯƠNG – (ra) Hôm nay rằm tháng hai, nhà chùa mời sang dâng hương, mình phải sang một lát mới được. Ngâm:
Sóng gầm gió lật lá Kinh,
Mây quang, mưa rắc long lanh hoa trời!
Vỉa:
Trước chùa trăng mới mọc cao…
Mịt mờ sương bạc phủ vào ngói xanh!
PHÁP BẢN – (cùng các sư, các tiểu ra) Hôm nay rằm tháng hai, là ngày đức Phật Thích Ca vào cõi Niết Bàn; đức Thuần Đà trưởng giả cùng đức Văn Thù bồ tát làm chay cúng Phật. Các thiện nam, tín nữ ai lễ Phật ngày hôm nay là được phúc lớn lắm. Kia thầy cử Trương đã đến từ bao giờ rồi nọ! Anh em đạo tràng lên trống đi thôi! Đợi trời sáng sẽ mời bà lớn cùng tiểu thư sang lễ!
CẬU TRƯƠNG :
Khói hương: mây kết tán tròn!
Tiếng kinh, tiếngkệ: sóng dồn bể khơi!
Phất phơ bóng phướn lưng trời.
Bao nhiêu quan khách trong ngoài chen đua!
Ầm ầm trống giục la khua:
Sấm xuân vang động mái chùa bỗng không!
Rầm rầm Phật niệm chuông rung:
Gió mưa dồn dập ngọn thông lưng trời!
Cửa quyền, sư cụ khó sang mời!
Song the sao Hồng chẳng lựa lời trình cô!
Đỏ mắt mong sao chẳng sang cho!
Sang, ta nhìn chán, nhìn nọ, kẻo hoài.
PHÁP BẢN – (quay ra mời cậu trương) Mời thầy vào lễ. Bà lớn có hỏi, thầy cứ thưa là có bà con với lão!
CẬU TRƯƠNG – (vào thắp hương lạy):
Xin cầu cho người sống thì hưởng trọn tuổi trời;
Người chết thì thong thả ở nơi thiên đường.
Rước các Tiên linh vào lễ Phật mười phương.
Lòng thành tôi lại thắp tuần hương mà khấn nhỏ rằng:
Xin cầu cho con Hồng đừng có rỉ răng;
Bà lớn đừng biết đến; con chó đừng cắn to!
Hẹn thàm ước vụng, xin cho nguyền được như nguyền!
BÀ LỚN - (cùng Oanh Oanh, con Hồng cùng ra) Nói một mình: Sư cụ mời sang lễ, ta sang một lát. CẬU TRƯƠNG :
Giống tình vào lễ trước đàn,
Tưởng đâu nàng tiên ngọc vừa sa xuống khỏi làn mây xanh!
Thân gượng sầu, gượng ốm như mình,
Đọ sao được vẻ nghiêng nước, nghiêng thành của ai!
Kìa hãy coi: nụ đào điểm cặp môi tươi!
Liễu xuân khéo uốn vẻ người thướt tha!
Bông lê in mặt nõn nà!
Ngọc đông, ngà chuốt nước da mịn màng!
Nét yểu điệu, vẻ đoan trang,
Ngắm càng rõ đẹp, nhìn càng nổi xinh!
PHÁP BẢN - Bẩm bà lớn, chúng tôi có câu chuyện xin thưa. Số là chúng tôi có người bà con, là học trò vào kinh thi Hội. Vì cha, mẹ mất sớm, không biết lấy gì báo đáp. Nhân thấy nhà chùa làm chay, cũng sắmchút lễ, nhờ chúng tôi cúng siêu độ cho. Chúng tôi đã trót nhận lời, sợ bà lớn trách cập... BÀ LỚN - Việc báo hiếu cho cha mẹ, có việc gì mà trách cập! Xin mời lại đây!
CẬU TRƯƠNG – (lại chào bà lớn):
Sư già tuổi tác ngồi trên,
Đăm đăm mắt cũng đưa nhìn lúc lâu!
Thầy đạo tràng bụng dạ để đâu,
Tay đương gõ khánh, lại gõ sang đầu Pháp Thông!
Ồn ào, náo nức lạ lùng!
Trẻ, già, quê, lịch vòng trong, vòng ngoài,
Cùng nhau thích cánh chen vai,
Cố xem cho được con người thần tiên!
Sợ người biết đến không nên,
Long lanh mắt lệ, sẽ nhìn qua loa!
Mắt đâu có mắt oan gia!
Thực lòng này thấy khó mà dửng dưng!
Tiếng khóc như oanh hót bên rừng!
Nước mắt như sương đọng ngập ngừng trên hoa!
Ai người học được sư già,
Ngồi che mặt lại thật là từ bi!
Hương mà chi! Nến mà chi!
Nến thì tắt ngấm, Hương thì nguội tanh!
Khoanh tay lũ tiểu làm thinh,
Đổ xô lại cứ Oanh Oanh mà nhìn!
Lòng ta, mình hẳn đã tin,
Bao nhiêu tình tứ, in trên đuôi mày!
Ý mình, ta đoán được ngay,
Bao nhiêu buồn tủi chưa đầy buồng tim!
Đổ hồi trống giục hết đêm,
Người đi lễ, kẻ đi xem giật mình;
Chém cha tiếng trống cầm canh!
Đám đương vui bỗng vô tình phá ngay!
Vô tình tiếng trống ác thay!
Hữu tình ta chịu đắng cay thiệt thòi!
Hữu tâm chi lắm ai ơi!
Còn gì sung sướng hơn người vô tâm!
PHÁP BẢN – (đọc sớ, đốt sớ) Trời đã sáng rõ, xin mời bà lớn cùng tiểu thư lại nhà! (Bà lớn cùng Oanh Oanh, con Hồng cùng vào)
CẬU TRƯƠNG – Thì làm thêm một ngày nữa có được không! Bây giờ thì bảo tôi ra làm sao! Lao lư suốt một đêm trường,
Trông ra trăng đã gặm gương lúc vào!
Tiếng chuông đã động lầu cao!
Tiếng gà đã gáy xôn xao bốn bề!
Vội vàng, người ngọc ra về!
Các sư thu dọn lễ nghi tán đàn!
Đàn tràng thôi thế là tan!
Ai về nhà nấy, canh tàn, trời đã sáng ra!
Lời Phê Bình Cả Chương
Bạn tôi là ông Trác Sơn thường bảo tôi rằng. Núi Khuông Lư thật là một cảnh lạ ở trong đời: Đi sông luôn mấy ngày, thoạt cũng chẳng để ý, bỗng dưng giữa khoảng trời trong sáng, thấy sừng sững một ngọn núi xanh; giữa núi một dòng thác chảy như tấm lụa treo ngược! Lái đò hoảng hốt thưa: Đấy tức là núi Khuông Lư. Nhưng nào đã đến núi Khuông Lư đâu! lại đi hai ngày, dần dần không thấy gì nữa, thì ra lại đến nơi
rồi!
Tôi nghe lấy làm thích lắm, muốn sang xem ngay, nhưng rồi gắng chưa sang được. Một là vì nghèo không có tiền ăn đường. Hai là vì sang đấy không có ai là chủ nhân. Ba vốn là tính lười biếng, tạm ngồi rồi đã lại hết một năm! Thế nhưng trong lòng thì có lẽ không một hôm nào là không nghĩ đến, vì thế mà đêm thường chiêm bao... Thường cứ một hôm, hai hôm lại nằm mơ thấy đi dưới sông. Đương lúc thuyền chạy như bay, ngẩng nhìn trời xanh, lại thấy ngọn núi sừng sực lưng trời. Y như lời Trác Sơn. Khi tỉnh dậy, khoan khoái cả người! Về sau có gặp người ở miệt Tây Giang sang, tôi nắm áo hỏi ngay. Nhưng họ nói: làm gì có như thế! Tôi phát bực: Đồ ngốc còn có hiểu gì! Sau lại có người ở miệt Tây Giang sang, tôi lại nắm áo vội hỏi. Họ lại nói:Làm gì có như thế! Tôi phát bực: Lại một thằng ngốc nữa! Rồi đó hễ có người ở miệt Tây Giang sang là tôi đều hỏi cả. Nửa thì họ nói có như thế, nửa thì họ nói không có như thế! Tôi ngờ hỏi lại Trác Sơn. Trác Sơn bật cười mà rằng: Chính mắt tôi cũng chưa trông thấy nữa! Trước kia có nhiều người ở Tây Giang sang, người thì nói như thế, người thì nói không có như thế. Thế nhưng tôi đối với người nói như thế thì tin là thật. Còn những kẻ nói không có như thế thì bỏ đó không đếm xỉa đến. Vì sao vậy? Vì rằng ví phỏng núi Khuông Lư mà thật như thế, thì ta tin lời họ nói là thật, thực đáng lắm. Còn ví phỏng núi Khuông Lư mà chẳng như thế nữa, thì đó là cái lỗi của Trời Đất. Lấy cái thế lực lớn, cái trí tuệ lớn, cái học vấn lớn, cái đùa nghịch lớn của Trời Đất, phỏng có khác gì chẳng bầy ra nổi một cảnh lạ, như thế để làm trò vui cho chúng ta, mà lại hà tiện không chịu làm!
Tôi nghe lại lấy làm thích lắm, trong lòng hớn hở cho mãi đến bây giờ, chẳng những ban đêm thường chiêmbao, mà ban ngày cũng thỉnh thoảng được gặp nữa? Thế nào mà thỉnh thoảng ban ngày cũng được gặp? Ấy, tôi thỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Tả Truyện! Tỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Sử Ký, Hán Thư! Mà bây giờ lại thỉnh thoảng được gặp trong khi đọc Mái Tây! Thế nào mà lại được gặp trong khi đọc Mái Tây? Ấy, như ngay đầu chương này, câu thứ nhất viết "Trước chùa trăng đã mọc cao?" Chẳng qua có 6 chữ mà thôi, thế nhưng tôi thì cho thật là "đi sông thoạt không để ý đến"...; thật là "giữa khoảng trời trong sáng, sừng sững một ngọn núi xanh"...; thật là "nhưng nào đã đến núi Khuông Lư"...; thật là "khi đến núi Khuông Lư thì lại không trông thấy"...; một thế lực lớn! Thật là một trí tuệ lớn! Thật là một sức học vấn lớn! Thật là một cách đùa nghịch lớn! Ấy là điều mà bạn Trác Sơn đã dạy tôi. Kiếp này tôi cũng chả cần đến Tây Giang nữa. Kiếp này dù tôi chả bao giờ đến Tây Giang, nhưng núi Khuông Lư thì tôi nhìn đã quen lắm: Nó thật là một cảnh lạ ở trong đời.
Đến đây là lần thứ ba mà cậu Trương được gặp Oanh Oanh. Thế nhưng khi ở vườn hoa thì mới là thoáng trông thấy! Thoáng trông thấy thì chưa thực là trông thấy... Khi ở cách tường thì mới là xa trông thấy! Xa trông thấy! thì cũng chưa thực là trông thấy. Hai lần trông thấy mà đều chưa thật là trông thấy, vậy thì lần này mới là lần cậu Trương được thật trông thấy Oanh Oanh, cho nên tác giả về chỗ đó phải dùng bút cẩn thận lắm. Khi mới thoáng trông thấy thì nào: "đùa cợt mặc ta", "bút hoa mỉm cười", "cảnh Bồng Lai", "con người thần tiên", đều là những lời dùng để tả bậc Thiên nữ vừa hiện ra thoắt đã biến đi. Khi mới xa trông thấy thì nào "bàn chân nhỏ quá", "bước chậm rì rì", "thu mất linh hồn", "càng nhìn càng đẹp", đều là những lời dùng để tả hồn Lý phu nhân, nửa như phải mà nửa như không phải! Đến mãi đây mới thậc là trông thấy, thật là nhìn chán nhìn no cho nên tả nào miệng, nào mặt, nào da, nào người; chẳng khác gì xem cá ở chỗ nước trong, nhận được từng vây, đếm được từng vẩy! Kẻ không hiểu cho tả thực. Họ có biết đâu phàm văn hay xưa nay có phép gì là tả thực đâu! Tả thực thì khác nào như cái ụ đắp bằng đất, dù người quê mùa đi qua, họ cũng không thèm nhìn vậy.
Bỗng dưng mượn chuyện các tiểu, các đạo tràng đều mê mệt vì Oanh Oanh, để tả cái cực đẹp của con người sắc nước. Đó tất là lẽ tất nhiên trong khi viết văn, song hiện nay đương lúc Phật pháp suy đồi, bọn sư mô tội ác đầy đầu, nếu không phải là hạng rắn rết, rùa, giải, thì cũng nên để ý giữ gìn; hạng khuê các trong sạch, chớ nên bén mảng đến cửa Phật. Vì cái thói dâm độc của bọn sư mô gân đây, có những là hương tàn nến tắt mà thôi đâu! Vậy mà bọn rắn rết rùa giải kia, lại đương chắp tay trả lời: A di đà phật! Tội ngiệp! Tội ngiệp! Các cụ đều là bậc chân chính, vào hạng một nghìn hai trăm năm mươi bậc thiện trí thức cả! Vợ tôi, dâu tôi, con gái tôi đương lục hòm, dốc rương, hết lòng bá thí cúng đường! Không phhải chuyện bỡn đâu! Anh đừng nói nhảm rồi sa xuống "ngục cắt lưỡi" đấy! Trời ôi! Sao mà hạng rắn rết rùa giải ngày nay chúng nó lại ngu mà thích để cho người ta lợi dụng như thế! Đáng thương biết là bao nhiêu!
Phần Thứ Hai
Cậu Trương ngồi bàn kế giải vây Con Hồng chạy mời người dự tiệc. Cãi lời đoan bà lớn lật lường, Nghe đàn gẩy Oanh Oanh thương tiếc.
Chương 1 – Vây Chùa
Cảnh thứ nhất: Trại quân của Tôn Phi Hổ.
TÔN PHI HỔ - (cùng quân lính ra) Ta đây tên gọi Tôn Phi Hổ! Hiện nay thời buổi nhiễu nhương, chủ tướng là Đinh Văn Nhã không nghĩ đến chính sự. Ta lĩnh riêng năm nghìn binh mã, trấn thủ đất hà Kiều. Nghe tin con gái quan Thôi Tướng quốc tên gọi Oanh Oanh, xanh xanh mày lá liễu, mơn mởn mặt hoa sen, thật là trang ngiêng nước nghiêng thành; so chẳng kém Thái Chân, Tây Tử! Hiện cô ta đang cư tang, ở trọ trong chùa Phổ Cứu. Rằm hôm nọ làm chay cho quan tướng, nhiều người đã được biết mặt. Cứ như ta nghĩ: đến như chủ tướng ta còn làm điều bất chính, một mình ta thôi có sá gì! Ba quân lớn nhỏ, nghe hiệu lệnh ta đây! Ngựa giàm miệng lại! Người ngậm tăm vào! Đi suốt đêm sang phủ Hà Trung, bắt cóc Oanh Oanh cho ta! Cho hả dạ bấy lâu ao ước! (đem quân lính vào).
Cảnh thứ hai: Trong chùa Phổ Cứu.
PHÁP BẢN – (ra) hoảng hốt: Tai vạ tới nơi rồi! Ai biết đâu Tôn Phi Hổ nó lại đem năm nghìn quân giặc đến vây chùa, trong ngoài kín như một hàng rào sắt! Cờ mở trống dong, chiêng hôi loa dịch, nó rêu rao đòi bắt tiểu thư! Lão không dám chậm trễ, phải vào thưa ngay để bà lớn với tiểu thư được rõ! BÀ LỚN - (hoảng hốt ra) Thế thì làm thế nào được? Làm thế nào được? Cụ? Chi bằng vào cả trong này ta bàn tính với cô xem sao? (cùng vào)
Cảnh thứ ba: Trong biệt thự họ Thôi.
OANH OANH – (cùng con Hồng ra) Hôm trước có đám chay, chính mắt ta trông thấy Quân Thụy. Đến nay ăn uống kém xưa, tâm thần hoảng hốt. Lại gặp trời chiều cuối xuân, nghĩ thêm nỗi xót xa! Ngâm: Thơ hay có ý thương trăng sáng…
Hoa rụng không lời trách gió đông!
Hát:
Xác ve ngày đã hao mòn.
Xuân tàn càng thấy nỗi buồn mênh mông!
Áo là ướm mặc rộng thênh.
Hoàng hôn mấy độ một mình ngẩn ngơ!
Hương trầm bỏ mặc gió đưa!
Bông lê bỏ mặc trên mưa dập vùi!
Mành buông, cửa đóng ngậm ngùi!
Tựa lan chi nữa, đầy trời vẩn mây!
Hoa tàn lớp lớp tung bay!
Não người thay ngọn gió Tây vô tình!
Đêm qua mộng đẹp chẳng thành!
Sớm nay cảnh đẹp quanh mình còn đâu!
Bùn khô tổ én lớp đầu;
Tơ vương phấn bướm hết mầu xinh tươi!
Sầu dài tơ liễu chưa dài!
Cách tường xa, kể phương trời chưa xa!
Còn tô son, điểm phấn chi mà!
CON HỒNG – Thưa cô! Trong lòng cô không được thư thả, con đem chiếc chăn này, xông cho thơm, mời cô nằm nghỉ chốc lát.
OANH OANH
Chăn thêu đệm tuý lạnh lùng!
Ra gì sạ ướp, lan xông ngạt ngào!
Dẫu bao nhiêu lan, sạ đổ vào,
Một mình ta đắp có cách nào cho ấm đâu!
Thơ dưới trăng, nghe rõ từng câu,
Sao người thềm ngọc gần nhau khó lòng!
Ngồi không yên, đứng không xong!
Lên cao mỏi mắt, đi rong mệt người!
Suốt ngày mê mẩn, bồi hồi!
(Buồn tênh! chán ngắt cuộc đời rỗng không!)
Gối chăn em sắp đặt đã xong,
Thôi nghe em hoạ có nằm mòng được chăng!
Ta bước ra em lại theo chừng,
Như hình với bóng không từng xa nhau!
Có những bà bó buộc thôi đâu,
Còn em hôm sớm chực hầu bên ta...
Dưới là em, trên nữa là bà,
Đều tin ta vốn giữ nếpcon nhà xưa nay:
Thấy khách vào la ta khó chịu ngay!
Họ hàng ra nữa cũng không hay đến gần!
Riêng có ai là mới gặp đã sinh thân,
Bài thơ đêm trước theo vần ta hoạ theo:
Chữ dùng xinh, câu đặt cũng đều,
Hai bài thơ mới bao nhiêu sự lòng!
Lòng đôi bên cách một bức tường đông,
Kim vàng ai đó? xin giắt sợi chỉ hồng cho ai!
Phong lưu, tài học vẹn mười!
Mặt trông sáng sủa, người coi dịu dàng!
Tình tình chắc hẳn nhẹ nhàng,
Bảo ta không nhớ đừng thương được nào!
Biết mình, ta vẫn ước ao...
Văn chương rạng vẻ trăng sao một trời!
Thương mình, ai kẻ đoái hoài...
Sách đèn những lúc dùi mài mười năm!
(Có tiếng gõ cửa).
CON HỒNG – (ra mở cửa vào nói): Thưa cô! Quái lạ! Không biết có việc gì mà bà lại mời sư cụ vào đến tận ngoài cửa phòng này! (Bà lớn cùng Pháp bản vào, Oanh Oanh chào).
BÀ LỚN - Con ơi con! Con có biết không? Hiện nay Tôn Phi Hổ nó đem năm nghìn quân đến vây ngoài cửa chùa! Nó bảo con những là: mày lá liễu! mặt hoa sen. Thật là nghiêng nước nghiêng thành! Chẳng kémThái Chân, Tây Tử! Nó định bắt con về làm áp trại. Con ơi con! Biết làm thế nào bây giờ? OANH OANH :
Này lúc cửa nhà tan nát!
Nghe tin mà hồn vía rụng rời!
Tay áo lau không kịp lệ rơi,
Kế tiến thoái nhất thời tìm chẳng thấy!
Cơn nguy cấp biết lấy ai nương cậy?
Mẹ con ta biết chạy lối nào?
Vô duyên sao mà vô phúc làm sao!
Không dưng bỗng hãm vào đất chết!
Mây tan tác! Bụi bay mờ mịt!
Trống đinh tai! Loa thét vang trời!
Miệng hư không đặt để nên lời,
Phao cho ta những hương trời sắc nước!
Trong chớp mắt, chúng có thể làm cỏ được!
Sư ba trăm mà giặc những năm nghìn!
Quân phụ nhà, phụ nước đã quen!
Bắt người chán lại cướp tiền hỏi của!
Nghĩ già cảnh danh lam rực rỡ!
Chúng chỉ cho mớ lửa mà xong!
BÀ LỚN - Như mẹ tuổi ngoài năm chục, chết cũng nên đời. Chỉ thương hại con đầu xanh tuổi trẻ, còn chưa nên vợ nên chồng! Chẳng may mắc phải tai nạn thế này, biết làm thế nào cho được? OANH OANH - Cứ ý con nghĩ: Chỉ có cách đem con dâng cho tướng giặc, hoạ chăng giữ toàn được tính mạng một nhà!
BÀ LỚN - (khóc) Nhà ta xưa nay con trai không ai phạm tội, con gái không ai hai chồng! Đâu có lẽ dâng con cho giặc, để nhục nhã lây đến cha, ông!
OANH OANH – Thôi mẹ cũng đừng thương tiếc con nữa mà chi! Cứ dâng con cho tướng giặc, vì có nămđiều tiện lợi:
Một là mẹ được yên lành!
Hai là chùa khỏi tan tành ra tro!
Ba là tăng chúng khỏi lo!
Bốn là cha con cũng được yên mồ, ấm nơi!
Năm là em Hoan tuy chửa nên người,
Mai sau dòng dõi họ Thôi vẫn còn!
Ví bằng tiếc một thân con,
Sốt gan, quân giặc chúng còn thương ai!
Chùa này sẽ cháy ngất trời!
Các sư đầu rụng máu rơi chan hoà!
Săng cha con chúng cũng đập tan ra!
Mà em, mà mẹ, cả nhà còn sống sót ai?
Hay là lấy dây co thắt cổ cho rồi!
Để thây con lại, chúng đòi thì đưa ra!
Giữ gìn như thế hoạ là,
Còn hơn theo giặc để nhục ông cha, muôn đời!
PHÁP BẢN – Xin cùng ra cả ngoài pháp đường, hỏi trong hai dãy hành lang, bất cứ kẻ tăng người tục, xemai có cao kiến, mời lại cùng bàn cho ra kế mới được! (cùng ra).
Cảnh thứ tư: Trong chùa Phổ Cứu.
BÀ LỚN - Con ơi con! Biết làm thế nào bây giờ! Mẹ nói câu này, không phải không thương con đâu, nhưng là chuyện vạn bất đắc dĩ! Bây giờ cho hỏi mọi người trong hai dãy hành lang, bât cứ kẻ tăng người tục, miễn là ai có cách lui được quân giặc, thì mẹ bằng lòng đứng ra, bù tiền cưới mà gả con cho. Dù chẳng được môn đăng hộ đối nữa, cũng còn hơn hãm vào tay quân giặc! (Khóc) Xin sư cụ đem câu nói đó, rao to lên hộ cho. Con ơi con! Thật khổ thân con quá!
PHÁP BẢN - Kế ấy kể còn được. (rao).
OANH OANH :
Thương con, mẹ phải cầu người!
Nỗi lòng nói hết ra lời được sao?
Thôi,sá chi tôi phận thơ đào,
Nào ai là mặt anh hào ở đây,
Ra tay quét gió, giũ mây,
Giặc kia đánh vỡ, chùa này giữ yên,
Thì xin bù mọi lễ cưới xin,
Cùng người vâng kết nhân duyên Tấn Tần!
CẬU TRƯƠNG – (vỗ tay ra) : Tôi có kế lui được quân giặc, sao không hỏi tôi (Chào bà lớn). PHÁP BẢN - Bẩm bà lớn! Người này tức là người bà con tôi, xin phụ lễ rằm hôm nọ. BÀ LỚN - Kế của cậu thế nào?
CẬU TRƯƠNG - Giải thưởng lớn tất tìm ra người giỏi; thưởng phạt minh tất thành được kế hay... BÀ LỚN - Vừa rồi tôi đã nói với sư cụ: Hễ ai lui được quân giặc, tôi xin gả ngay con em cho. CẬU TRƯƠNG - Nếu vậy chúng tôi có một kế, mà trước hết là dùng đến sư cụ... PHÁP BẢN - Chịu thôi. Tôi không biết võ vẽ gì cả. Xin thầy gọi người khác.
CẬU TRƯƠNG – Nào ai mượn cụ ra đánh giặc mà cụ sợ! Cụ ra nói với tướng giặc bảo là bà lớn truyền rằng: Tiểu thư hiện đương có tang, Tướng quân nếu muốn vào làm rể, thì hãy bỏ gươm cuốn giáp, lui quân ra một chút. Đợi trong chùa làm lễ ba ngày đêm cho tròn công đức đã, bấy giờ tiểu thư sẽ thay mặc lễ phục, vào rước linh cữu ông lớn, và cho tướng quân đón dâu. Chứ nếu cho đón dâu ngay bây giờ thì có hai điều bất tiện: Một là tiểu thư đương bận đồ chế; hai là như thế không lợi cho việc quân. Ấy, cụ ra cứ thế mà nói.
PHÁP BẢN – Nhưng xong ba ngày rồi thì sao?
CẬU TRƯƠNG – Chúng tôi có người bạn cũ, họ Đỗ tên Xác, thường gọi là quan Tướng Ngựa Bạch hiện đương cầm mười vạn quân trấn thủ ở Bồ Quan. Anh ta với tôi là bạn chí thân. Nhận được thư tôi, thế nào cũng đem quân đến cứu...
PHÁP BẢN - Bẩm bà lớn; nếu quan Tướng Ngựa Bạch mà đến cho thì có tram Tôn Phi Hổ cũng không đáng sợ. Xin bà lớn cứ yên lòng.
BÀ LỚN - Như vậy xin đa tạ cậu. Hồng ơi! Đưa cô vào nhà trong yên nghỉ thôi con. OANH OANH - Hồng ơi! Người đâu thật hiếm có quá!
Bọn học trò, ai nấy chạy lấy người!
Gia đình nhà khác đoái hoài đến đâu!
Khách cùng mình quen biết chi nhau,
Đem lòng tính trước lo sau hộ mình!
Phải đâu phường thư sinh ngứa miệng bàn quanh,
Cũng là sợ lúc cháy thành vạ lây!
Nhân duyên chi kể sự mai ngày!
Được thua dùng tạm kế này cho qua!
Cơn nguy nan tội nghiệp cho ta!
Nếu phong thư ấy quả là thành công,
Thì ra một đám giặc đông,
Quét bằng một ngọn bút lông có thừa!
NGOÀI SÂN KHẤU
TIẾNG PHÁP BẢN – (gọi): Xin mời tướng quân ra tôi thưa chuyện,
TIẾNG TÔN PHI HỔ - (đem quân ra): Mau mau dâng Oanh Oanh ra đây.
TIẾNG PHÁP BẢN – Xin tướng quân bớt giận! Bà lớn có truyền tôi ra thưa với tướng quân, v.v. TIẾNG TÔN PHI HỔ - Đã vậy ta hẹn cho nhà ngươi ba ngày! Nếu không đem nộp thì các ngươi sẽ biết tay ta: Một mống không còn, cả chùa chết sạch! Nhà ngươi vào thưa với bà lớn: Một người tốt nết như ta, gọi gả con gái cho cũng là đáng lắm chứ sao! (vào)
PHÁP BẢN – (vào) Quân giặc lui rồi! Thầy mau mau viết thư đi!
CẬU TRƯƠNG – Thư đã viết sẵn đây rồi! Chỉ cần lấy một người đưa thư đi hộ. PHÁP BẢN – Tôi có một tay đồ đệ, tên gọi Huệ Minh, thường ở dưới nhà bếp! Bình sinh nó chỉ thích đánh chén với đánh nhau! Nếu nhờ nó đi tất nó chẳng đi nào! Nhưng nếu nói tức nó, thì thế nào nó cũng đòi đi bằng được. Ấy, chỉ có nó là có thể sai được.
CẬU TRƯƠNG – (gọi) Tôi có phong thư, đưa sang cho quan Ngựa Bạch. Trừ chú Huệ Ninh ở dưới nhà bếp không thể cho đi được, còn các chú, có ai dám đi hộ không?
HUỆ MINH – (ra) Huệ Minh này nhất định đi đó! Nhất định đi đó!
Chẳng kinh kệ cũng không tụng niệm!
Quăng mũ ni, lại ném áo sồng!
Chuyện giết người lộn mật anh hùng!
Bẻ cột sắt, mỗ múa vung tàn tán!
Không phải dám khoe tài khoe cán,
Nào đòn trường, đòn đoản mỗ không thông!
Nhưng khi máu đã nổi xông,
Mỗ chấp cả đồng rầm, hang hổ!
Không phải mỗ lòng tham tính phụ:
Cơm chay ăn quả thực nó nhạt mồm!
Chưa nói chi xào, nấu, bung, om,
Năm nghìn giặc hãy trói tôm tất cả!...
Cắt tiết nóng uống tiêu khát đã!
Moi tim tươi ăn lót dạ chơi!
Ai chê tanh, chê tưởi mặc ai!
Còn hơn những chè, xôi, oản chuối!
Nào đậu phụ, tương tầu, cà muối!
Nọ canh xuông, nộm rối, dưa chua!
Anh em ơi! Phong vị nhà chùa,
Nhạt nhẽo thế! mà bốn mùa chén mãi!
Nam mô Phật! Nói thế này không phải:
Giặc năm nghìn trói lại bó giò chơi!
Còn thừa ra các chú chớ bỏ hoài!
Muối ướp kỹ để dành xơi được mãi!
PHÁP BẢN - Huệ Minh! Thầy cử Trương không mượn chú! Chú lại nhất định đòi đi! Vậy chú có thật dámđi không đã!
HUỆ MINH:
Tôi hãy hỏi: Cụ muốn sai hay chẳng muốn sai?
Chứ dám đi hay không dám cụ hỏi chi tôi cho phiền!
Phi Hổ dù lừng lẫy một miền,
Cũng phường thích gái, ham tiền đấy thôi!
CẬU TRƯƠNG – Chú là người tu hành, sao không chịu khó sớm hôm kinh kệ, theo đòi với các sư, lại đòi đi đưa thư hộ tôi?
HUỆ MINH :
Mỗ dở dang vốn sẵn tính trời,
Đã không kinh kệ, lại vốn lười ăn chay!
Thanh giới đao này mới mài đây!
Sáng choang chẳng dính mảy may bụi đời!
Khác với phường dở gái, dở trai,
Suốt ngày đóng cửa nằm dài trong buồng chay!
Việc đời trối kệ mặc thây!
Đốt chùa, đạp bụt, cũng bó tay ngồi nhìn!
Ví bạn thầy quả có vạn quân quyền;
Nếu thư thầy quả có vạn quân quyền;
Nếu như thầy muốn vượt dặm nghìn quan san,
Để cứu mọi người qua bước gian nan,
Thì tôi đưa thư hộ, có can cớ gì!
CẬU TRƯƠNG - Thế chú đi một mình, hay cần có người giúp sức?
HUỆ MINH :
Có! Xin cho mấy tiểu vác phướn đi đầu.
Một anh sãi ốm, chống thần xích theo sau kêu gào!
Còn thầy thì đứng vững chân cho chư tăng khỏi nôn nao!
Để mỗ vác que cời lửa đánh vào địch quân!
CẬU TRƯƠNG – Nhưng chúng không cho chú đi thì làm thế nào?
HUỆ MINH - Thầy cứ yên tâm. Chúng không dám không cho mỗ đi.
Mỗ cau mắt trông là bể động ầm ầm!
Mỗ lên tiếng thét là núi chuyển rầm rầm khắp nơi!
Đạp chân vào là trục đất rụng rời!
Giơ tay vịn đến là cửa trời lung lay!
Xa mỗ phang cho một gậy sắt này.
Gần thời lưỡi giới đao đây mỗ chặt tức thời!
Nhỏ nắm chân mỗ vật chết tươi!
Lớn nhằm đầu mỗ chém, chết bỏ đời không kịp kêu!
CẬU TRƯƠNG - Giờ giao thư cho chú, chừng bao giờ chú có thể đi được?
HUỆ MINH :
Đời mỗ đây cho dẫu rằng hèn,
Trời sinh được cái gan liền tướng quân!
Dúng tay vào việc khó khăn,
Không từng e sợ ăn năn bao giờ!
Nói như đanh đóng cột trơ trơ!
Nào phải phường cầm gạch ném vờ ra vườn hoang!
Sắp gươm đao tức khắc lên đường!
Hơi đâu rùi rắng rềnh rang hết ngày!
Cho chết ngày thì cũng đi ngay!
Phải biết rằng tính mỗ xưa nay thế nào!
Mềm buông ra nhưng rắn lại nắn vào!
Đắng cay thì chấp chứ ngọt ngào không ưa?
Nhưng thưa thầy, thầy đã chắc chưa?
Có sao nói vậy chớ lừa nhau chi!
Nếu giặc kia không đuổi được đi,
Thì con người ấy có đến gì lượt cậu cả Trương!
Nói khoác thành ra chẳng phải đường!
Nghĩ sai một lúc mà thẹn mang suốt đời!
Tôi đi đây! Anh em!
Giúp oai thần, thét hộ một tiếng chơi!
Nhờ sức Phật, đổ hộ ba hồi trống rung!
Dưới phướn thêu thoáng thấy bóng anh hùng!
Non gan, quân giặc xa trông đã sợ hết hồn!
(Huệ Minh vào)
CẬU TRƯƠNG – Xin bà lớn bảo cô cứ yên lòng. Thư tới nơi, tự khắc có quân đến cứu. Cảnh thứ năm: Viên môn Đỗ Tướng quân
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (cùng quân lính ra) Tôi đây họ Đỗ, tên Xác, tự là Quân Thực, quê nhà ở Tây Lạc, lúc nhỏ cùng học nho với Trương Quân Thụy. Sau bỏ văn học võ, thi đậu Trạng Nguyên, được cử làmChinh Tây đại tướng quân, lĩnh chức quản quân nguyên soái. Hiện cầm mười vạn binh trấn thủ Bồ Quan. Vừa rồi có người bên phủ Hà Trung sang, hỏi thăm thì ra Quân Thụy hiện ở trong chùa Phổ Cứu, không hiểu tại sao không sang chơi với tôi? Gần đây Đinh Văn Nhã không thiết gì chính sự, dung túng cho quân lính cướp bóc nhân dân. Đáng lẽ tôi phải cất quân đánh, nhưng chưa rõ thực hư, không dám vội vàng lỡ việc. Hôm qua lại phải sai người đi do thám. Hôm nay ra trướng, xem có ai báo cáo gì không? (Lính mở cửa trại quân Tướng quân ngồi)
HUỆ MINH – (ra nói một mình) : Tôi rời Chùa Phổ Cứu, giờ đã sang tới Bồ Quan. Nay viên môn Đỗ Tướng quân đây! Tôi phải vào bừa đi mới được! (quân lính bắt giữ vào báo cáo). ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Cho nó vào đây! (Huệ Minh vào, quỳ) Nhà sư kia! Định đi do thám cho ai đó? HUỆ MINH - Bẩm, chúng tôi không phải quân do thám, mà là tiểu bên chùa Phổ Cứu. Hiện có Tôn Phi Hổ làm loạn, đem năm nghìn quân đến vây chùa, định bắt con gái quan Thôi Tướng quốc. Có người khách đến chơi chùa là Trương Quân Thụy, viết thư sai tôi đem sang trình quan lớn. Xin quan lớn mau mau cứu cho quan cơn nguy cấp này!
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Quân bay! Tha nhà sư ra, Trương Quân Thụy là em ta, mau đưa thư ta coi! (Huệ Minh khấu đầu dâng thư, quan Tướng Đỗ mở ra đọc)
“Bạn cùng học, em là Trương Củng, cúi đầu hai lạy, dâng thơ dưới cờ Nguyên soái quan anh Quân Thực: Từ ngày cách mặt, thấm thoắt hai năm. Cữ gió tuần mưa, xiết bao thương nhớ. Từ quê vào Kinh, đường qua Hà Trung. Vẫn định sang hầu, cùng ôn truyện cũ. Đường xa vất vả, người chợt mắc đau. Hiện đã tạm đỡ, xin đừng quan ngại. Khăn gói gió đưa, lại vào cửa Phật. Quanh vòng giường ghế,
bỗng nổi binh đao! Quan Thôi Tướng quốc, cữu gửi trong chùa. Gia quyến chịu tang, cùng về chịu tang, cũng về ở tạm. Nào ngờ tướng giặc, biết mặt tiểu thư, kéo quân vây chùa, toan điều vô lễ. Thấy việc bất bình, xiết bao tức giận. Giúp người hoạn nạn, là nghĩa đáng làm. Bực mình ngày thường: trói gà không nổi! Mạng hèn ong kiến nào phải tiếc đời! Chợt nhớ đến bạn: trấn thủ một miền. Quát thét phương nào, gió mây đổi sắc! So với người xưa: Phương Thúc, Thiện Hổ, như tài quan anh thực cũng không thẹn. Trong cơn nguy cấp, nói chẳng hết lời; xin nghĩ tình thân, ra tay giúp đỡ. Tuốt gươm truyền lệnh: Thẳng tới Hà Trung. Sớm tối tới nơi, nhanh như sấm chớp. Thờn bơn chút phận, được đội ơn mưa. Quan tướng có thiêng, ngậm vành kết cỏ. Trương Củng khấu đầu kính lạy. Thư viết ngày 26 tháng Hai.”
Đã vậy ta phải cất quân ngay mới được. Nhà sư hãy về trước. Ta sẽ cho quân đi suốt ngày đêm! Có lẽ khi nhà sư về đến chùa, thì ta đã bắt sống được tướng giặc rồi đó.
HUỆ MINH – Trong chùa hiện mười phần nguy cấp! Xin quan lớn cũng tới ngay cho (vào). ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (ra lệnh) Ba quân lớn nhỏ, nghe hiệu lệnh đây. Mau điểm lất năm nghìn người ngựa, ngày đêm đi gấp, thẳng đường sang chùa Phổ Cứu phủ Hà Trung. Em ta hiện bị giặc vây, ta phải đi mới được.
QUÂN LÍNH – Xin tuân lệnh. (cùng vào)
Cảnh thứ sáu: Trước chùa Phổ Cứu
TÔN PHI HỔ - (đem quân chạy) Quan lớn Ngựa Bạch đã đến. Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ? Thôi, chúng ta đành ném gươm cởi giáp, xuống ngựa xin hàng, Ngài thương phận nào, ta nhờ phận nấy!
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (kéo quân ra) Quân bay làm trò gì mà đứa nào cũng ném gươm cởi giáp, xuống ngựa, quỳ gối, xin ta tha thứ cho? Đã vậy hay. Chỉ đem chặt đầu một mình Tôn Phi Hổ, ra lệnh cho các quân. Còn đứa nào muốn làm lính nữa, mau khai tên ta thu biên cho. Bằng không muốn thì cho về làm việc. (quân giặc dạ, vào)
Cảnh thứ bảy: Trong chùa Phổ Cứu
BÀ LỚN - (cùng Pháp Bản ra) Thư đi đã ba ngày, sao chưa thấy trả lời chi cả?
CẬU TRƯƠNG – (ra) Ngoài cửa chùa tiếng động vang trời, có lẽ anh tôi đã tới. (Đỗ Tướng quân ra, đôi bên lạy chào nhau). Từ khi cách mặt, đã lâu lắm chưa được hầu chuyện. Hôm nay gặp mặt, chẳng khác gì trong giấc chiêm bao.....
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Nghe tin chú đến chơi ngay hạt láng giềng, mà chưa kịp sang thăm. Thôi cũng đánh chữ đại xá cho anh nhé. (chào bà lớn)
BÀ LỚN - Đường cùng mẹ goá, con côi, cầm chắc thế nào cũng chết. Hôm nay được sống sót, thực nhờ ơn tái tạo của quan lớn.
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Hạ quan không kịp đề phòng, để cho quân giặc làm càn, phiền cụ lớn phải lo sợ thực là tội đáng muôn chết!.... Nhưng anh hỏi chú, sao lại không sang chơi bên anh?
CẬU TRƯƠNG – Em vì giữa đường bị cảm, nên chưa kịp sang hầu. Hôm nay đáng lẽ cũng theo anh về chơi bên dinh, song dở vì cụ lớn hôm qua có hứa gả lệnh ái cho... Chẳng dám phiền quan anh đứng làmmối nào. Vậy em định sau khi thành hôn, đầy tháng rồi sẽ xin sang bái tạ.
ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Nếu vậy anh xin mừng cho chú. Thưa cụ lớn, hạ quan xin vui lòng đứng làm mối cho cô em.
BÀ LỚN - Thưa quan lớn! Để chúng tôi còn phải thu xếp! Sắp cơm nước đây, các con! ĐỖ TƯỚNG QUÂN – Thôi, xin cụ lớn chước đi cho! Vừa rồi quân giặc đầu hàng đến năm nghìn, hạ quan cần phải sắp đặt. Để hôm khác sẽ xin sang mừng cụ lớn.
CẬU TRƯƠNG – Em cũng không dám giữ quan anh. Sợ không tiện cho việc quân. ĐỖ TƯỚNG QUÂN – (lên ngựa)
Nhạc thét, ngựa rời chùa Phổ Cứu,
Hát mừng, người thẳng lối Bồ Quan (vào)
BÀ LỚN - ơn câuk không quên được! Từ nay cậu bất tất ở trong chùa nữa! Xin dọn sang nghỉ trong phòng sách bên chùa. Ngày mai gọi là có chén rượu nhạt, cho con Hồng sang mời, thế nào cậu cũng chiếu cố cho. (vào)
CẬU TRƯƠNG – (từ giã Pháp Bản) Tôi xin dọn hành lý sang bên phòng sách, thưa cụ! Ấy ai gây cuộc binh đao,
Đem duyên kim cải buộc vào cho ai!
Tôn Phi Hổ ơi! Tôi thực cám ơn bác quá!
PHÁP BẢN – Có rỗi, mời thầy cứ sang phương trượng chơi, ta nói chuyện (cùng vào)
Lời Phê Bình Cả Chương
Văn chương có phép "dời nhà cho hợp cây". Ví như ngày hè đọc sách, đã được nơi đọc sách, nhưng sau nhà có cây, rất nhiều bóng mát. Nay muốn bỏ cây đó ở sau nhà, thì thực không bằng đem cây đó lại trước nhà... Song cây lớn không thể dời lại đằng trước; chi bằng nhà mới ta dời quách về phía sau! Nếu không thế, cứ để cây ở sau nhà thì cố nhiên nhà vẫn là nhà đẹp, cây vẫn là cây đẹp, thế nhưng nhà đã không ăn thua gì với cây, mà cây lại càng không ăn thua gì với nhà! Vậy nay thử tính bề hơn thiệt, dời nhà lại cho hợp với cây, thì cây vẫn còn nguyên mà nhà đã thêm nhiều bóng mát. Đó thực là một việc rất tiện ở trong đời... Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng hoạ, trong lòng vốn đã cảm thầm; tại buổi làmchay, chính mắt lại từng trông thấy. Đó thực là miệng tuy không nói nhưng lòng nào tạm quên... Nay trong khi bất ý chẳng ngờ, bỗng dưng vỗ tay ứng mộ, viết thư cầu cứu, lại chính là con người ấy. Lúc đó thì dẫu muốn cố tình ngậm miệng, giả vờ không để ý đến, mà sao có đặng! Cứ lý, cứ tình, cứ thế thì tất phải cảm tạ
trời đất, bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, trút ra cho hết những nỗi lo buồn uất ức ở trong lòng... Để tỏ ra rằng con người xinh xinh đã lọt vào con mắt ta kia, vốn chẳng phải là hạng cùng vời cùng đứng với vô số, vô số người ở trong hai dãy hành lang! Thế nhưng một là bà lớn ngồi bên, có nói sao được! Hai là tăng chúng đông đảo, có nói sao được! Ba là thế giặc đương mạnh, có nói sao được! Đã không thể nói được mà đành chịu không nói, thì kẻ đọc truyện đến đây, sao cho khỏi ngờ Oanh Oanh lúc ấy, đối với việc cậu Trương ứng mộ, có lẽ cũng thoáng qua chẳng để vào lòng! Tác giả vốn đã hiểu trong văn chương có phép "dời nhà cho hợp cây", nên trước khi chưa nghe tin biến, phải tả ra bao nhiêu là nỗi nhớ niềm mong, để tỏ ra rằng cậu Trương đối với Oanh Oanh, đã là giọt máu ở đầu tim, tấc hơi ở cuống họng, cùng mật, cùng lòng, cùng thân, cùng mạng! Cho đến đoạn dưới chỉ thuận tay điểm qua, là đủ mượn ngấm tất cả bao nhiêu những lời tâm sự ở đoạn trên xuống. Đó là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy. (Trong Tả Truyện nhiều đoạn trước kinh đã chua chuyện, tức là phép ấy.)
Trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang". Ví như đêm xuân ấm hoà, người đẹp chưa ngủ, đốt hương cuốn mành, thao thức chờ trăng. Lúc ấy mới tối, trăng mọc từ phương Đông, ánh sáng lạnh lùng, tất phải từ mái hiên soi xuống cột hiên, lại soi xuống bao lan; rồi mới dần dần soi đến ngoài hè, soi đến ngoài song, sau đó mới soi đến người đẹp... Trong bao nhiêu thì giờ ấy, người đẹp kia kể cũng đã lâu, vẫn chịu đứng chờ trong bóng tối. Nhưng dù ra sao nữa, trăng kia có thể nào không soi tới người đẹp! Thế nhưng trước khi soi tới người đẹp, ánh trăng tất phải từ mái hiên xuống bao lam, rồi mới xuống ngoài hè, xuống ngoài song; như vậy thì trước khi soi tới người đẹp mới như mờ, như tỏ, như gần, như xa, nẩy ra biết bao nhiêu là cảnh đẹp! Nếu không thế mà con người kia lại đột nhiên ở dưới trăng, thì là điều rất đáng chê! Vì rằng không có thân phận vậy! Kìa như Oanh Oanh với cậu Trương, nào khi xướng hoạ, trong lòng tuy đã cảmthầm; tại buổi làm chay, chính mắt lại từng trông thấy; thế nhưng mình là bậc quý nhân ngàn vàng, trên thờ mẹ già, dưới vâng thầy dạy, cái cậu Trương người dưng nước lã kia, tấc dạ châu ngọc, há rằng lại nên nghĩ đến? Cửa miệng hoa sen há rằng lại nên nhắc đến? Thế thì tác giả biết làm thế nào? Ví phỏng Oanh Oanh thật vì cớ sợ thầy, sợ mẹ, tấc lòng châu ngọc, trước sau không dám nghĩ, cửa miệng hoa sen trước sau không dám nhắc, thì suốt cả truyện Mái Tây, đành chịu không có câu nào để tả Oanh Oanh thương nhớ cậu Trương hay sao? Tác giả vốn đã biết trong văn chương có phép "trăng rọi hành lang", nên trước hết hãy thong thả tả xuân tàn; lại thong thả tả đến con người ở cách tường, lại thong thả tả chuyện xướng hoạ ở dưới trăng... Đến đây bỗng lại thu bút lại, tả đến ý: ta là kẻ con nhà, ta tự biết giữ mình ta, cứ đợi gì người khác phải đề phòng xét nét... Thế rồi mới xuống đến câu "Riêng có ai mới gặp là đã sinh thân..." Nên viết cả một đoạn văn ở trên, cốt yếu là chỉ để tả một câu ấy, để phục sẵn cái cớ Oanh Oanh phải mừng lòng thích mắt về việc cậu Trương vỗ tay ứng mộ ở bên dưới. Mà theo phép viết văn cho có tầng thứ, thì tất phải thong thả tả dần, chứ không thể nói một câu nói buột ngay ra được. Đó lại là một điều mà các bạn viết văn sau này cần phải khéo bắt chước lấy.
Trong văn chương có phép "thúc trống tẩy uế"! Ví như câu ba Lý (Đường Minh Hoàng" ngày ba, tháng ba, ngồi dưới lầu Hoa Ngạc, sắc sai lấy bộ chén pha lê xanh, rót rượu nho Tây Lương cùng Quý Phi uống chơi. Uống dở say, vừa hay năm đức ông, ba bà dì, cùng đến cả một lúc. Lòng vua rất vui, sai nhạc công cử nhạc. Hôm ấy toà Thái Thường vừa mới chế xong một bài đàn, đặt tên là khúc "Núi vắng không sầu", vua sai đem gẩy ngự nghe. Cứ xong một đoạn, nhà vua lại cau mày, hoặc nhìn Quý Phi, hoặc nhìn ba bà dì, hoặc nhìn năm đức ông, mặt rồng ra vẻ bạo bực kém tươi. Kế đó sắp đến đoạn thứ mười một, nhà vua nhẩy vọt dậy, miệng phán: "Hoa nô! Mau đem trống đây! Ta muốn tìm cách tẩy uế!" Liền đó tự tay thúc trống, theo nhịp "Ngự dương tam qua". Tiếng trống "thình thình", làm cho các hoa chưa nở ở trong vườn, chốc lát nở hết... Kìa như Oanh Oanh khi nghe tin giặc đến vây chùa, không có lẽ không viết thành một chương. Thế nhưng khi viết ra, thật là bút vắn, mực khan, chả có gì là thú! Kẻ đọc buồn tênh! Mà người viết cũng sốt ruột! Không biết làm thế nào được, thì chợt nhớ đến vốn văn chương có phép "thúc trống tẩy uế", tác giả liền buông ngọn bút chết, cầm ngọn bút sống, thình lình mượn vai người đưa thư, bịa ra một chú Huệ Minh bố láo! để cho hả hê cái bạo bực đã nghẹn ngào chứa chất ở ngọn bút hàng nửa ngày trời! Thơ Đỗ Phủ có câu "Cây tiên lật gió rung ngày trắng! Cá kình đạp sóng vùng bể khơi!". Lại có câu: "Trắng tan xương mục,
hùm, rồng chết! Đen kịt trời chiều, sấm, sét vang!" Đều là một lối văn lạ lùng thế cả! Có những câu văn ấy, đủ làm cho cả chương lập tức sáng ngời như có hào quang soi tỏ! Đó lại cũng là một điều mà các bạn viết văn đời sau nên khép bắt chước lấy!
Chương 2 – Mời Tiệc
Một cảnh: Trong ngoài phòng sách.
CẬU TRƯƠNG - (ra) Hôm qua bà lớn bảo sai con Hồng sang mời tôi. Trời chưa sáng, tôi đã dậy ngồi chờ! Mà mãi đến bât giờ sao chửa thấy sang? Ối Hồng ôi là Hồng ôi!
CON HỒNG - (ra) Nói một mình: Bà lớn sai sang mời cậu Trương, mình phải đi sớm một chút mới được! Đùng đùng gió cuốn mây tàn,
Năm nghìn quân giặc phá tan trong nửa giờ!
Cả nhà cầm chết có thừa,
Cứu cho sống lại ơn nhờ cậu Trương!
Tấm riêng giờ đã nhẹ nhàng,
Con người thật đáng hoa hương phụng thờ!
Duyên xưa lỡ dở ai ngờ
Chỉ vì có một mảnh tờ mà xong!
Then mây mở rộng gác Đông,
Bóng trăng thôi khỏi đợi suốt đêm ròng bên dưới Mái Tây!
Lạnh lùng chăn mỏng gối mây,
Có người nằm ấm từ rày trở đi!
Đỉnh trầm khói toả bốn bề.
Mành thêu nhẹ gió, song the vắng người...
Này đã đến viện sách rồi đây!
Rêu xanh lấp lánh sương rơi;
Lối đi vắng vẻ nào ai ra vào?
Buột mồm tôi dặng trước song đào...
CẬU TRƯƠNG - Ai đấy?
CON HỒNG - Em đây! (Cậu Trương mở cửa, đôi bên chào nhau)
Cửa mở ra miệng hỏi đốc hồi!
Chắp tay vái rối-tứ-cửa, làm tôi cũng chẳng kịp chào!
Giầy vàng, đai bạc xinh sao!
Mũ sa đen láy! Áo bào trắng bong!
Áo quần tề chỉnh đã xong,
Khôi ngô, rạng rỡ, mặt trông càng tình!
Thảo nào chết mệt cô Oanh!
Kể tài, kể nết, cứng là lòng mình cũng phải xiêu!
Thưa cậu, bà lớn sai em...
CẬU TRƯƠNG - Vâng! Vâng! Tôi xin sang ngay!
CON HỒNG :
Chính mình còn chưa kịp mời,
Thế mà gọn lỏi nhận nhời thật nhanh!
Dễ sắp bay đến tận cô Oanh,
Mà vâng vâng, dạ dạ, mình mình, tôi tôi!
Giống học trò, nghe nói đến mời,
Là như được lệnh tướng sai ra trận tiền!
Thần khẩu ta đứng dậy trước tiên,
Khoa đao, thắng ngựa, vâng xin đi đầu!
CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng, tôi hỏi chị: tiệc này là tiệc gì? Có khách nào nữa không? CON HỒNG :
Tiệc này là tiệc trong nhà,
Trước là mừng mặt, sau là tạ ân!
Phố phường không gọi đến ăn;
Sư mô không thỉnh, quen thân không mời;
Chỉ đón riêng quý khách sang chơi,
Cùng cô Oanh sớm lứa đôi phỉ nguyền!
Thấy "vâng! vâng!" tưởng đã đi liền,
Còn quay trở lại ghé nhìn vào gương!
Giống học trò kiết đến tận xương,
Lại càng làm đỏm làm sang mười phần!
Có cái đầu chải lại mấy lần!
Con ruồi đậu khéo trượt chân bỏ đời!
Choáng lắm rồi! Hoa cả mắt tôi!
Trái chua như thế khiến người ghê răng!
Chải chuốt xong, lại thấy khom lưng,
Khoá ba lẻ gạo! Đậy lưng lọ cà!
Con người như thế, thế mà
Việc to, việc nhỏ đều là tinh quân!
Phải như phường chỉ biết ăn,
Làm mười việc chẳng nên thân cả mười!
Vô tình như cây cỏ trong đời,
Cũng còn có lúc hoa đôi cành liền!
Nữa là các bạn thiếu niên,
Tránh sao cho khỏi ngã trên đường tình!
Thông minh, trắng trẻo trời sinh,
Đến đêm bắt ngủ một mình, tội chưa!
Nghe đồn từ thủa ngày xưa,
Có tay tài tử say sưa vì tình,
Yêu người, người chẳng yêu mình,
Thành ra chịu thiệt thông minh một đời!
Mảnh tình chung chuyên nhất không hai,
Đêm nay ân ái, cô thời chứng cho.
Nhưng đào tơ liễu yếu như cô,
Đã đâu quen được những trò trăng hoa!
Cậu nên gượng nhẹ kẻo mà...
Nhưng đèn khuya chung bóng, trăng tà sánh vai,
Nhìn con người đẹp chết người,
Khoanh tay mà ngắm của trời được đâu!
CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng! Hôm nay bên nhà bày biện ra sao? Tôi sang sợ đường đột không tiện! CON HỒNG :
Bên nhà em: Cánh hoa đỏ rực thềm ngoài,
Ngày lành gặp lúc cảnh trời vừa xinh.
Bà dặn em chớ có trùng trình,
Cậu cũng đừng mượn cớ chối quanh nữa mà!
Này, chính giữa buông một cỗ màn là,
Thuê đôi uyên đứng dưới trăng tà song song!
Hai bên dàn hai dãy bình phong,
Chạm đàn công múa gió Đông dịu dàng,
Dưới thì sênh ngọc phách vàng
Đàn loan, sáo phượng, đợi cậu sang là cử nhạc mừng!
CẬU TRƯƠNG - Chị Hồng! Giữa đường gặp gỡ, tôi không sẵn đồng tiền, đồng lễ nào cả, sao tiện sang hầu bà lớn?
CON HỒNG :
Cậu cứ sang làm lễ thành thân.
Trời xe đôi lứa, ai cần tiền nong!
Cậu coi thực đáng tấm chồng!
Cô em sao khỏi nóng lòng khát khao!
Trăm năm, duyên khéo may sao;
Một đồng lễ chẳng tốn vào bản thân!
Nhưng có lẽ lễ nào mà đọ được cân -
Với công cầu tướng, xin quân vừa rồi!
Cô em trọng cậu vì tài,
Một mình mà kể hơn mười vạn binh!
Văn chương nào đời dám coi khinh,
Là phong,gấm rủ, cũng cốt ở đèn xanh quyển vàng!
Tiệc bày chỉ đợi cậu sang,
Bà sai em phải vội vàng đi nhanh,
Cậu đây chỉ có một mình!
Bên nhà cũng chỉ quanh quanh người nhà!
Thật là tĩnh mạc, vui hoà!
Xin cùng đi tiện thể, chớ nề hà nữa chi!
CẬU TRƯƠNG - Nếu vậy, chị cứ về trước, tôi xin sang theo ngay!
CON HỒNG :
Bà đà có ý trông mong,
Cậu đừng làm gái, vui lòng sang chơi!
"Lễ phép nào bằng sự vâng lời!"
Đừng phiền Hồng phải sang mời đến lượt thứ hai!
CẬU TRƯƠNG - (vào) Hồng nó về rồi! Tôi đóng cửa phòng sách lại đã! Sang bên bà lớn, bà lớn bảo: kìa cậu Trương đã sang. Lại đây ngồi đôi với Oanh Oanh nhà tôi, uống vài tuần rượu, rồi vào làm lễ động phòng. (cười) Tôn Phi Hổ ơi! Bác thực là đại ân nhân của tôi. Tội nghiệp cho bác! Để rồi đây thong thả, tôi sẽ bỏ ra vạn quan tiền, nhờ sư Bản làm chay siêu độ cho bác mới được.
Mây sớm tạ riêng lòng Hổ tướng!
Mưa ơn nhờ cả lượng Long thiêng!
Lời Phê Bình Cả Chương
Tôi đọc các du ký ở thế gian, mà biết đời thật không có ai biết chơi. Người biết chơi, đối với hết thảy những cảnh sông, biển, núi non, động thiên, phúc địa, ở trong đời, cố nhiên không ngại nghìn dặm, muôn dặm, sao cũng tìm đến để thăm cho hết cảnh lạ. Thế nhưng trong lòng có một tài tình riêng, dưới mi có một cặp mắt riêng, thì có cứ gì phải đến hẳn những cảnh sông, biển, núi non, động thiên, phúc địa, bấy giờ mới nói rằng: Tôi đã được thăm những cảnh lạ. Nơi động thiên mà ta đến thăm hôm qua, ta phải tốn sức chân, sức mắt, sức lòng trong bao nhiêu ngày, bấy giờ mới xong chuyện... Đến ngày mai, ta lại sắp đến thăm một nơi phúc địa; ta lại phải tốn sức chân, sức mắt, sức lòng trong bao nhiêu ngày, để theo đuổi vào đấy. Kẻ đứng ngoài không hiểu đầu cuối làm sao, tất phải khen: Luôn mấy hôm đi chơi thật sướng nhé! Vừa qua
một động thiên, lại tới một phúc địa! Có biết đâu trong lòng nhà thầy nào có nghĩ thế đâu! Kể từ khi vừa lìa nơi động thiên trước mà chửa tới nơi phúc địa sau, giữa khoảng đó dù không nhiều, chỉ cách nhau độ vài, ba mươi dặm; hay ít nữa, chỉ độ tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai dặm; hay lại ít nữa chỉ độ một dặm, nửa dặm... thế nhưng nhà thầy đối với một dặm, nửa dặm ấy, cái gọi là tài tình riêng ở trong lòng, cặp mắt riêng ở dưới my, có phải không đem cách nhìn nhận các động thiên, phúc địa mà nhìn nhận nó đâu! Nay lấy cái bản lĩnh lớn, cái thông minh lớn, cái khí lực lớn của thợ tạo, bỗng dưng bày ra một cảnh động thiên, một cảnh phúc địa, thì đó thật là những cái lạ tai, lạ mắt, chả cần phải nói nhiều! Thế nhưng ta thường nhìn kỹ trong khoảng trời đất, lặt vặt một con chim, một con cá, một bông hoa, một ngọn cỏ, cho đến một cái lông chim, một cái vẩy cá, một cái cánh hoa, một cái lá cỏ, chả có cái gì là không phải tốn đến cái bản lĩnh lớn, cái thông minh lớn, cái khí lực lớn của ông thợ Tạo kia, mà gây dựng được nên! Tục ngữ có nói: "giống sư tử vật voi cũng dùng hết sức mà vật thỏ cũng dùng hết sức!" Ông thợ Tạo kia cũng thế: Sinh ra động thiên, phúc địa cũng phải dùng hết sức; mà sinh ra lặt vặt một con chim, một con cá, một bông hoa, một ngọn cỏ, cho đến một cái lông, một cái vẩy, một cái cánh, một cái lá cũng là phải dùng hết sức!... Cứ thế mà suy, thì những chuyện lạ tai, lạ mắt ở trong đời, có cứ gì phải đến những nơi động thiên, phúc địa mới có. Mà những nơi gọi là động thiên, phúc địa kia, thì lại gây dựng nên bằng cách thế nào? Trang Tử có nói: "Chỉ riêng các phần thân thể con ngựa thì đó không phải là con ngựa, mà con ngựa là cái trước kia còn gồm cả các phần thân thể của con ngựa… Xem trong miếu lớn, phải kể trăm cây... Xét núi lớn, gỗ, đá đều loạt..." Chúng ta đây, nên biết trăm cây, nghìn đá, lẫn lộn đều loạt, như thế là miễu lớn, núi lớn, thì hoạ chăng mới là biết chơi! Kìa như đỉnh cao, kẽm chẵm, cái chót vót ấy là góp đá mà thành ra; ghềnh dốc, thác treo, cái rầm rộ ấy là góp suối mà gây nên… Nếu xét từng viên đá một thì có lẽ cũng không khác gì hòn cuội con! Nếu tìm từng dòng suối một thì có lẽ cũng không khác gì lạch nước nhỏ! Chẳng những thế mà thôi. Lão Tử có dạy rằng: "Ba chục rẻ cùng một bánh, dùng tạm khi không có xe; đắp đất làm vách, đục lỗ làm cửa, ở tạm khi không có nhà..." Như vậy thì các cảnh động thiên, phúc địa, gồm có bao nhiêu những nơi trông dọc thành ngọn, trông ngang thành dẫy, trông lên thành vách, trông xuống thành khe; cùng là chỗ phẳng là nền, chỗ lệc là sườn, chỗ hẹp là kẽm, chỗ ngang là đập; tuy rằng xinh xẻo lạ lùng, không thể nào mà nói cho xiết; thế nhưng ta thì ta có thể biết sở dĩ xinh đẹp lạ lùng như thế, chỉ là vì nó ở đúng vào chỗ "Khi không có"... Vì rằng khi đã không có, thì nào làm gì có ngọn, có dẫy, có vách, có khe, có nền, có sườn, có kẽm, có đập!... Vậy mà cái chỗ khi không có ấy, thì chính là chỗ để cho tài tình riêng ở trong lòng ta được bay lượn; cặp mắt riêng ở dưới my ta được nhởn nhơ... Trong lòng ta đã có một tài tình riêng, dưới my ta đã có một cặp mắt riêng, hễ chỗ nào không có, ta lại đem ra mà bay lượn nhởn nhơ, thì nào có cứ gì phải tìm đến những nơi động thiên, phúc địa. Như trên kia đã nói, trong khoảng vừa dời cảnh trước, chưa có cảnh sau, ít ra là vài, ba mươi dặm, trong khoảng đó, chỗ nào mà chả có những nơi mà ta gọi là "khi không có". Một dịp cầu cheo leo, một gốc cây cằn cỗi, một làn nước, một cái làng, một bức dậu, một con chó, ta bay lượn chơi, ta nhởn nhơ chơi; thẻ so với những cảnh động thiên, phúc địa, đã chắc gì cái lạ, cái đẹp lạ chả không ở những cảnh ấy, mà ở những cảnh này? Vả chăng, ta cũng bất tất phải trong lòng thật có cái tài riêng, dưới my thật có cặp mắt riêng. Nếu bảo phải có tài tình đã, rỗi hãy bay lượn; phải có cặp mắt riêng đã, rồi hãy nhởn nhơ; như vậy thì hạng người biết chơi, có đến mấy mươi đời cũng không gặp một! Theo ý Thánh Thán thì ở đời cứ gì phải tài tình riêng, chịu khó bay lượn, thế là có tài tình riêng! Cứ gì có cặp mắt riêng, chịu khó nhởn nhơ, thế tức là có cặp mắt riêng. Ông lão họ Mễ xem đá có nói rằng: "Cần xinh! Cần nhăn! Cần thủng! Cần gầy!" Nay dịp cầu, gốc cây, làn nước, cái làng, bức dậu, con chó ở trong một dặm, nửa dặmkia, đều là những cái rất xinh, rất nhăn, rất thủng, rất gầy cả đấy! Ta không có con mắt xem đá của ông lão họ Mễ đó thôi. Nếu quả nhiên nhìn thấy cái xinh, cái nhăn, cái thủng, cái gày, là ở cả đó, thì dù là chẳng muốn bay lượn, nhởn nhơ vào đó sao được. Vả chăng những ngọn, những dẫy, những vách, những khe, những nền, những sườn, những kẽm, những đập ở nơi động thiên, phúc địa kia, đã chắc gì là đẹp, là lạ cho lắm! Chẳng qua cũng là có xing, có nhăn, có thủng, có gầy đó thôi! Cứ thế mà coi, nếu ta cứ phải động thiên, phúc địa mới chơi, thì những nơi ta bỏ sót không chơi, có lẽ đã nhiều lắm. Thế mà, cứ phải đến động thiên, phúc địa mới chơi, thì ngay những cảnh động thiên, phúc địa đó cũng là không biết chơi mà thôi! Vì
sao? Họ đã không nhận được vẻ đẹp, vẻ lạ của bức dậu, một con chó, thì dù có trông thấy những cảnh động thiên, phúc địa nữa, cũng chỉ biết được những cái không đẹp không lạ mà thôi! Đó là những lời mà hồi xưa Thánh Thán bàn với Trác Sơn về chuyện đi chơi. Nay đọc đến chương con Hồng mời tiệc trong vở Mái Tây, bất giác lại buột mồm nhắc tới...
(Trác Sơn nói: Xưa nay chỉ có cụ Thánh Khổng là tay biết chơi! Thứ nữa thì đến Vương Hy Chi... Có người hỏi tại sao? Trác Sơn đáp: Cụ Khổng thì tôi cảm nhất về câu: "Cơm kỹ càng hay! Gói nhỏ càng tốt!" Còn Hy Chi thì tôi thấy bao nhiêu bức thiếp mà Hiến Chi đều chịu không bắt chước được một nét nào! Thánh Thán nói: Bác nói vậy thì người thiên hạ phải nghi hoặc mà chết mất! - Trác Sơn lại nói: Vương Hy Chi khi rỗi tất ra sân lần từng cánh hoa, từng bông hoa, đếm kỹ từng cánh một! Học trò cầm khăn đứng hầu, có khi suốt ngày không thấy nói câu gì! Thánh Thán hỏi: Chuyện đó chép ở sách nào? Trác Sơn nói: Cứ gì ở sách nào! Nhưng tôi biết thế! Ấy, tính tình Trác Sơn lạ lùng là thế, tiếc thay các bạn không được gặp Trác Sơn!)
Trên đây là chuyện phá giặc, một chương lớn, dưới đây là chuyện "lật hẹn", cũng một chương lớn. Trong chuyện phá giặc thì có Oanh Oanh nghĩ kế, Huệ Minh đưa thư, đều là những lớp sóng cả, gió cao, tự nhiên phải có. Trong chuyện "lật hẹn" thì có Oanh Oanh thất kinh, cậu Trương nổi đoá, cũng đều là những trận khóc to, cười lớn, tự nhiên phải có. Nay vào khoảng sau câu chuyện phá giặc; trước chuyện "lật hẹn", làmthế nào cho ra một chương? Tác giả nghĩ kỹ một lúc lâu, rồi nghĩ đến rằng: Kìa như cậu Trương đối với Oanh Oanh, thiết tha xoắn xuýt, chỉ mong những gặp rầy, gặp mai, cái đó chả cần phải nói... Mà cho đến Oanh Oanh đối với cậu Trương nữa, cái nông nỗi thiết tha xoắn xuýt, chỉ mong những gặp rầy, gặp mai đó, có phải một lời nói được hết, một bút tả xiết được đâu? Tự nhiên mà có Tôn Phi Hổ đến! Tự nhiên mà được bà lớn hứa lời... Hai cái tự nhiên lừ lừ tự trên trời xa xuống!... Trong lúc ấy, ở một đôi người ngọc kia, nào đầu tim, đầu lưỡi, nào trong mắt, trong mộng, nào khi ăn khi uống, sao cho khỏi có những cái phảng phất như mây, nóng ran như lửa, sục sạo như giặc, thao thức như xuân? Vậy mà nay, ở chương trên, chuyện phá giặc vừa xong; xuống chương dưới, chuyện lật hẹn kế đến. Trong chương phá giặc đã không có thì giờ để ví đôi người ngọc kia, mà tả cái tâm sự như mây, như lửa, như giặc, như xuân ấy! Thế mà trong chương lật hẹn, lại có thể có thì giờ để ví đôi người ngọc ấy mà tả cái tâm sự như mây, như lửa, như giặc, như xuân đó sao? Nghìn lần cực chẳng đã! Muôn lần cực chẳng đã! Mới tính đến rằng lật hẹn tất phải đặt tiệc, đặt tiệc tất phải cho mời, nhân đó mà len vào giữa hai chương, bỗng thong thả tả một chuyện con Hồng mời thiệc. Cũng không cần đến cậu Trương, cũng không cần đến Oanh Oanh, chỉ thong thả mượn miệng người đứng ngoài, mà vừa hay tả hết được bao nhiêu những tâm sự phảng phất, bồn chồn, sục sạo, thao thức cả đôi bên! Chao ôi! Thế mới thật là: vua Nữ Oa không ngại việc vá trời, chỉ ngại việc tìm đá ngũ sắc! Nay đã là tay chuyên môn về việc đá ngũ sắc, thì có trời nào không vá nổi đâu!
Thế nhưng Thánh Thán lại nghĩ kỹ lại: Trước đây là chuyện phá giặc, chuyện đó thực đáng là một chương lớn. Sau đây là chương lật hẹn, chuyện đó cũng đáng là một chương lớn. nay con Hồng vâng mệnh bà lớn, chạy sang mời khách dự tiệc, thì thật là một chuyện rất nhỏ, rất nhạt, rất vô vị, rất ơ hờ! Vậy mà coi tác giả cứ thong thả thuận bút tả đi, cũng thành ra được một chương lớn! Thế thì như trên đã nói: một làn nước, một cái làng, một dịp cầu, một gốc cây, một bức dậu, một con chó, không có gì là không có vẻ lạ, vẻ đẹp; vừa xinh, vừa nhăn, vừa thủng, vừa gầy..., bất tất phải đến những nơi động thiên, phúc địa, mới tìm thấy cái lạ, cái đẹp; chẳng cũng thật thế sao? Hết thảy các bạn tài tử gấm vóc trong đời, khi sắp học nghề viết văn, xin hãy nhớ kỹ câu nói "khi không có." của Lão Tử! (Trước chuyện lật hẹn, sau chuyện phá giặc, tôi đã nghĩ kỹ, khó lòng mà viết xen vào được một chương. Vì vậy mà phải chịu chương mời tiệc này là hay tuyệt!)
Chương 3 – Lật Hẹn
Một cảnh: Trong biệt thự họ Thôi.
BÀ LỚN - (ra) Con Hồng sang mời cậu Trương, sao mãi chả thấy sang.
CON HỒNG - Thưa bà! Cậu Trương bảo con về trước, cậu sẽ sang ngay. (Cậu Trương vào lạy chào bà lớn)
BÀ LỚN - Hôm trước ví không có cậu thì đâu có bây giờ! Tính mệnh cả nhà tôi, sống là nhờ cậu! Gọi là có chén rượu nhạt, không dám nói chuyện báo đáp, xin cậu vui lòng chiếu cố cho. CẬU TRƯƠNG - "Một người có phúc, muôn họ nhờ ơn!" Cũng nhờ hồng phúc của bà lớn, nên mới phá nổi quân giặc. Việc đã qua, có chi đáng kể.
BÀ LỚN - Đem rượu đây! Mời cậu uống cạn chén này.
CẬU TRƯƠNG - Bẩm, bà lớn đã cho, theo lễ không được từ chối (Đứng uống cạn, rót rượu dâng bà lớn).
BÀ LỚN - Mời cậu ngồi!
CẬU TRƯƠNG - Theo lễ chúng con phải đứng hầu, đâu dám ngồi ngang với bà lớn. BÀ LỚN - Lễ phép nào bằng sự vâng lời. (Cậu Trương xin phép ngồi. Bà lớn vào gọi con Hồng vào mời oanh Oanh)
OANH OANH - (ra)
Gió mây phút chốc quang trời mới!
Nhật nguyệt đôi vầng rọi tiệc hoa!
Trừ biết người như cậu cử Trương,
Giá như người khác, dễ biét đường giải vây!
Đàn ca rượu quả sẵn bày,
Mùi hoa thoáng, khói hương bay dịu dàng!
Gió Đông cuốn bức mành tương,
Một nhà tai nạn, một chàng gỡ xong!
Đáng cho tôi lạy tạ ơn lòng,
CON HỒNG - Hôm nay cô dậy sớm quá!
OANH OANH :
Áo là rũ sạch phấn rơi!
Gương loan kẻ lại mày ngài qua loa!
Nhẹ tay giắt lại cành thoa...
Ví không đánh thức, đã biết lối mà dạy đâu!
CON HỒNG - Thưa cô trang điểm đã xong, mời cô rửa tay! Con trông má cô, chỉ thổi mạnh một cái là rạn! Cậu Trương thật có phúc! Trời sinh cô thật đúng là một bà lớn!
OANH OANH :
Thổi mà rạn được má người ta!
Thôi đừng khéo tán con ma nữa Hồng!
Biết ta có thật đáng bà không?
Đã đâu chắc phúc phận nhà chồng mà hay!
Sao em chẳng nói thế này:
Ta cùng chàng vẫn đêm ngày nhớ thương...
Gánh tương tư giờ đã nhẹ nhàng,
Tiệc vui dẫu món ăn xoàng cũng ngon?
Cưới bù tiền, sá kể thân con!
Nhưng một công đôi việc đổ dồn, mẹ thực lôi thôi!
Kể công dẹp giặc vừa rồi,
Cả cơ nghiệp nữa dễ đền bồi được đâu!
Tiệc cưới như bữa cơm rau!
Nhưng thôi! Thương mẹ, cơ cầu không nên!
Chẳng qua sợ phí, sợ phiền;
Chẳng qua sợ tốn đồng tiền, đấy thôi!
Gót chân đưa đến cửa ngoài,
Hãy đem mắt ngó thử người hôm xưa!...
CẬU TRƯƠNG - Chúng con xin phép ra ngoài một chút. (đứng dậy, chợt trông thấy Oanh Oanh). OANH OANH :
Người đâu tinh quái ai ngờ,
Mắt lanh như cắt đã xa đưa liếc mình!
Vội vàng tôi ngoảnh mặt làm thinh!
BÀ LỚN - Con ra đây! Lạy chào anh con!
CẬU TRƯƠNG - Trời ơi! Giọng nói nghe thế nào ấy!
OANH OANH - Trời ơi! Mẹ tôi dở quẻ rồi!
CON HỒNG - Tương tư chuyến này mới khổ ạ!
OANH OANH :
Ngồi trơ, chẳng nói, chẳng thưa!
Người coi bủn rủn, ngẩn ngơ thế nào!
Mẹ ơi! Mẹ tai ác làm sao!
Em nào mà lạy anh nào ở đây?
Đền ma, ngọn lửa cháy lây,
Cầu Lam, sóng rẫy, nước đầy mênh mông!
Mênh mông nước biếc, sông trong,
Ai làm đôi cá vợ chồng lìa nhau?
Vì đâu tôi mặt ủ, mày châu?
Cũng đành ngậm miệng, cúi đầu cho qua!
Xa nhau đành chịu xót xa!
Nhưng gặp nhau nào đã dễ mà thở than!
Lòng xuân đau đớn muôn vàn!
Mắt mờ, nước mắt đã tràn vùng quang!
Trời ơi! Đám tiệc linh đình!
BÀ LỚN - Con Hồng bảo hâm rượu đây. Rót rượu mời anh, đi con! (Oanh Oanh rót rượu mời) CẬU TRƯƠNG - Thưa thôi! Tôi xin đủ!
OANH OANH - Hồng ơi! Đỡ khay chén ra!
Dẫu cho chén ngọc, rượu đào,
Thực lòng ai dễ nuốt vào cho trôi!
Cành Nam, giấc mộng tỉnh rồi!
Mái Tây, thương ánh trăng soi lạnh lùng!
Gạt làn nước mắt tôi trông:
Vạt là ai cũng giọt hồng đầy vơi!
Dần dần hai mắt trông xuôi!
Hai tay buông thõng vẻ người lao lư!
Sống sao cho được bây giờ!
(Trăm nghìn nguyện ước, ai ngờ thành không!)
Mẹ ơi! Tiễn khách cho xong!
Lại còn mời mọc, tiệc tùng mà chi!
BÀ LỚN - Thế nào cô cũng phải mời anh uống lấy một chén!
CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi đã thưa là xin đủ!
OANH OANH - Thì anh cứ đỡ lấy khay chén đã!
Rượu đầy, buồn chẳng có vơi!
Cúi đầu nín lặng mệt người biết bao!
Mặt coi chưa đỏ lắm nào!
Say gì một chén rượu đào mà say!
Nghe em, anh cạn chén này,
Lòng phiền mượn rượu làm khuây hoạ là,
Giờ đây chưa mấy xót xa!
Niềm thương nỗi nhớ rồi ra còn dài!
Mẹ già ngồi cạnh, anh ơi!
Cùng anh than thở đôi lời được đâu!
Cứ gì núi thẳm sông sâu.
Chỉ trong gang tấc, xa nhau bằng trời!
(Cậu Trương uống rượu, Oanh Oanh vào tiệc)
BÀ LỚN - Con Hồng rót rượu nữa đây! Cậu uống cạn chén này. (Cậu Trương nín lặng) OANH OANH :
Chốt then tuy nắm ở tay ta,
Nhưng mẹo lừa, người đã xét ra rành rành!
Lại còn ngon ngọt nói quanh,
Dàn hoà khéo đã bực mình hay chưa!
Đàn bà phận phỏng như tờ,
Học trò lại giống nhu nhơ lạ lùng.
Đồ gọi gả! Của cho không,
Sinh con, cha đã đau lòng hay chưa.
Hỏi cha, cha chẳng nói chẳng thưa,
Một mình con dại, bây giờ biết sao.
(Cậu Trương cười nhạt)
Cười đây là nghĩa thế nào?
Bao nhiêu nước mắt đã nuốt vào tim gan!
Thư kia không phá được giặc tan,
Nhà này thử hỏi an toàn hay không?
Trừ nhân duyên, ai có trông mong,
Tự lòng mẹ lại dối lòng mà chơi.
Bày trò tự mẹ, mẹ ơi!
Dở trò thử hỏi tự ai bây giờ?
Rồi đây tôi, mặt hoa ngày một bơ phờ,
Môi son ngày một nhạt thưa màu hồng!
Biết tính sao nỗi sầu như bể cả mênh mông,
Bao la đất rộng, mịt mùng trời cao?
Xưa kia trọng vọng thế nào:
Khát xem bằng nước! Tựa vào như non!
Bây giờ lấy độc làm khôn,
Đâu còn kể nghĩa, đâu còn nhớ công!
Hoa đôi ngắt héo từng bông!
Cành liền bẻ gẫy, giải đồng xé tơi!
Những lo, đầu bạc không hưởng nổi phúc trời!
Ai ngờ: xuân xanh mà đã ra người dở dang!
Tiếng vợ hờ, tôi đã bẽ bàng!
Thân làm rể hụt, giọng mật đường lại khéo lừa ai!
Còn nói chi hạnh phúc một đời!
BÀ LỚN - Hồng đâu con! Đưa cô vào phòng trong an nghỉ. (Oanh Oanh chào cậu Trương, vào). CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi say lắm rồi! Cũng xin phép lui chân! Trước mặt bà lớn đây, muốn nói một lời cho hết ý, xin bà lớn thứ cho! Hôm trước quân giặc lăng loàn, biến sinh trong chốc lát, bà lớn có dậy: Ai có cách gì lui giặc sẽ đem cô Oanh gả cho. Chẳng hay có chuỵện đó hay không?
BÀ LỚN - Cái đó, có!
CẬU TRƯƠNG - Trong lúc ấy, ai là người đứng ra nhận việc?
BÀ LỚN - Cậu thực có ơn cứu sống cả nhà tôi, ngặt vì khi quan Tướng tôi còn...
CẬU TRƯƠNG - Chúng tôi xin đỡ lời bà lớn! Bấy giờ chúng tôi vội vàng viết thư, mời được Đỗ tướng quân sang, có phải chi mong kiếm bữa chén hôm nay thôi sao! Sớm nay chị Hồng sang gọi, những tưởng bà lớn y lời hứa trước, cho kết duyên lành... Chẳng hiểu ý bà lớn thế nào, lại phủ đầu bằng hai tiếng anh em! Chúng tôi xin hỏi: Chẳng hay tiểu thư có cần dùng gì nhận chúng tôi làm anh? Chứ chúng tôi thì thực không cần dùng gì nhận tiểu thư làm em cả! Tục ngữ nói: "Nghĩ đi cũng có nghĩ lại". Xin bà lớn nghĩ lại cho!
BÀ LỚN - Con em đó, lúc quan Tướng tôi còn, đã hứa gả cho cháu tôi là Trịnh Hằng. Hôm trước tôi đã có viết thư gọi nó. Nó mà đến, biết làm thế nào? Vậy xin sửa ít nhiều vàng lụa, kính tạ ơn cậu! Xin cậu kén lựa vào nơi cao môn lệnh tộc khác! Đôi nào lứa ấy! Như thế thật tiện cho cả hai bên! CẬU TRƯƠNG - Thế ra bà lớn nghĩ vậy! Chỉ không biết Đỗ tướng quân không đến, Tôn Phi Hổ cứ việc
làm càn, khi đó bà lớn lại dậy ra làm sao! Chúng tôi có cần dùng vàng với lụa làm gì! Thôi! Xin chào bà lớn nghĩ lại!
BÀ LỚN - Xin cậu hãy thư thả! Hôm nay cậu say rồi! Hồng đâu! Đỡ anh sang phòng sách yên nghỉ đi con! Ngày mai ta sẽ nói chuyện! (Bà lớn vào)
CON HỒNG - (đỡ cậu Trương) Ồ cậu! Thì cậu uống in ít chứ có được không?
CẬU TRƯƠNG - Trời ơi, chị Hồng! Chị cũng trêu tôi nốt nữa! Nào tôi có uống gì mà uống! Kể từ khi tôi thoáng trông thấy cô, đêm mất ngủ, ngày mất ăn, cho đến bây giờ, đã trải bao nhiêu là khổ sở! Người khác không thể nói được, nhưng chị thì tôi không dám giấu! Câu chuyện hôm nọ, một bức thư của tôi, vốn không đáng kể. Thế nhưng bà lớn đường đường là một bà nhất phẩm, lời vàng tiếng ngọc, đã đem chuyện hôn nhân mà nói hứa, chị Hồng! Cái đó chẳng phải chỉ có tôi với chị nghe tiếng; còn bao nhiêu người tăng, kẻ tục trong chùa, còn trên có Trời Phật, dưới có hai ông Hộ Pháp, đều nghe tiếng cả! Không ngờ bây giờ bỗng dưng dở quẻ, làm cho tôi hết mưu, hết kế, vào rừng chẳng biết lối ra! Công việc như thế, còn trông mong đến bao giờ Chi bằng trước mặt chị đây, cởi dây lưng ra, tôi thắt cổ chết đi cho rảnh!
Lấy giây treo cổ lên xà,
Làm thân ma dại lìa nhà, bỏ quê!
(Cổi dây lưng)
CON HỒNG - Cậu đừng hoảng vội! Cậu đối với cô thế nào, em biết rõ lắm! Hôm trước chưa từng quen biết, cậu đường đột hỏi ngay, em dù có lỡ lời, tưởng cậu cũng không nên trách. Đến như bây giờ, một lời bà lớn đã hứa... Huống chi là việc đem ơn đền ơn, em xin hết lòng giúp cậu!
CẬU TRƯƠNG - Được thế thì sống, chết tôi cũng không quên ơn chị! Thế nhưng làm ăn ra thế nào? CON HỒNG - Em thấy cậu có một cây đàn đựng vào túi, chắc hẳn cậu hay đàn! Thế mà cô em thì rất thích nghe đàn. Hôm nay, thế nào cô em với em cũng ra vườn hoa thắp hương. Hễ nghe tiếng em dặng làm hiệu, là cậu đem đàn ra gảy! Hãy xem cô em nói ra thế nào, bấy giờ em sẽ lựa lời thưa rõ nỗi lòng của cậu. Nếu có tin tức gì, sớm mai em sẽ trả lời cậu. Còn bây giờ, sợ bà lớn gọi, thôi em hãy xin vào. (vào) CẬU TRƯƠNG :
Buồng xuân, nào lễ loan phòng?
Mái chùa, thôi lại nằm không một mình! (vào)
Lời Phê Bình Cả Chương
Chương "Lật hẹn", nếu dùng vai bà lớn hát, có được không? - Thưa rằng không được! - Vậy dùng vai cậu Trương hát có được không! - Thưa rằng không được! - Thế dùng vai con Hồng hát có được không? - Thưa rằng cũng không được! - Sao lại không được cả như vậy? - Tác giả khi bấy giờ, tôi chắc đã nghĩ kỹ về chuyện đó lắm. Ví phỏng dùng vai bà lớn hát mà được, hay dùng vai cậu Trương hát, con Hồng hát mà được, thì có dùng vai Oanh Oanh ra hát mà chi! Ví rằng: Nếu việc chỉ là một việc, tình chỉ một tình, lý chỉ một lý; hỏi người này, người này ừ lài phải; hỏi người kia, người kia cũng ừ là phải; thì cái dó đích thực là giống nhau! Nay việc tuy một việc, tình tuy một tình, lý tuy một lý, song đem việc ra mà nói, thì lại tuỳ từng người, tuỳ cõi lòng từng người, tuỳ thể diện từng người, cho đến tuỳ địa vị từng người mà ở mỗi người một khác. Cái đó thì tực là không giống nhau! Có người nói ra thì đứng đắn; có người nói ra thì trái ngược; có người nói ra thì dịu dàng; có người nói ra thì hung hăng; có người nói ra thì hết ý; có người nói ra thì nửa chừng... Ta không nghe chuyện bà Kinh Khương nước Lỗ không khóc Văn bá đó sao? Cùng một câu nói, ở miệng bà mẹ nói ra thì là mẹ hiền; ở miệng vợ nói ra thì là người vợ ghen. Xem câu nói ra từ miệng ai, sẽ rõ đó là lời của hạng người thế nào. Câu chuyện đó tuy chẳng giống với câu chuyện ở đây, song cũng đủ tỏ ra rằng ta cần phải để ý phân biệt đối với kẻ cất tiếng nói mới được! Thế nào là có người nói ra thì đứng đắn? Ví dụ như tình, lý, chuyện lật hẹn, tự cậu Trương nói ra, thì quyết là không thể lật được. Cậu sẽ nói: nào tôi có dám mong đâu, nhưng mà chính bà lớn đã hứa. Bây giờ máu miệng chưa ráo mà trong lòng đã vội quên hay sao? Thế thì thực là đứng đắn! Nếu bà lớn tự nói ra, thì lại quyết là không lật không được. Bà
sẽ nói: Nào tôi có muốn ăn lời đâu; chỉ là vì ông lớn tôi ngày trước... ơn to tuy rằng chưa trả thật, nhưng ước xưa còn đó thì sao? Thế thì thật là trái ngược! Thế nào là có người nói ra thì dịu dàng? Ví dụ như tình, lý, câu chuyện ấy, tự Oanh Oanh nói ra, thì lật đã lật rồi, còn nói chi nữa. Cô sẽ nói: Không cất tiếng khóc, thì mặt nào mà nhìn thấy cậu Trương? Muốn cất tiếng khóc, thì mặt nào nhìn thấy mẹ già? Mẹ sẽ quở: mẹ chỉ có một chứ chồng thì thiếu gì! Thế thì dịu dàng lắm! Nếu lại tự cậu Trương nói ra, thì lật đã lật rồi, còn sợ gì nữa! Bà lớn đã không biết lấy lễ đãi người, thì có trách sao được ta không biết lấy lễ đối lại? Có lẽ bà lớn sẽ nói: dù đem nhau đến cửa công nữa, tôi cũng chẳng nghe nào! Thế thì thật hung hăng quá! Thế nào là có người nói ra thì hết ý! Ví dụ như tình, lý, câu chuyện ấy, tự Oanh Oanh nói ra thì bà lớn đã lật rồi, nhưng ta có lật sao được! Cô sẽ nói: Mẹ ta lật là lật câu nói ở ngoài miệng. Đến như ta mà lật, là lật hẳn con người ở trong lòng. Vậy mà, nếu ta lật con người ở trong lòng ta, thì chẳng hoá ra bắt chàng cũng phải lật con người ở trong lòng chàng hay sao? Thế thì thật là hết ý. Nếu tự con Hồng nói ra thì bà lớn đã lật rồi, còn ai mà không lật! Nó sẽ nói: Miệng bà lớn đáng lẽ không nên nói ra lời hứa ấy! Mà lòng tiểu thư cũng đáng lẽ không nên nghĩ đến con người ấy! Nếu lòng tiểu thư mà quả có con người ấy, thì chẳng hoá ra tiểu thư cũng sớm đã ao ước làm con người ở trong lòng người ấy hay sao? Thế thì thật nói ra mà mới được nửa chừng! Vì sao vậy? Vì rằng việc tuy là một việc, tình tuy là một tình, lý tuy là một lý, song khốn nỗi ở những người nói ra, cõi lòng mỗi người một khác, thể diện mỗi người một khác, mà đến địa vị mỗi người một khác... Cõi lòng bà lớn, khác với cõi lòng cậu Trương, cho nên người nói ra thì đứng đắn, mà người nói ra thì trái ngược!... Thể diện cậu Trương lại khác với thể diện cô Oanh, cho nên người nói ra thì dịu dàng, người nói ra thì hung hăng!... Đến như địa vị con Hồng lại khác với địa vị cô Oanh, cho nên có người nói ra thì hết ý, có người nói ra thì nửa chừng!... Nói mà nửa chừng thì thà rằng đừng nói! Nói mà hung hăng thì cũng chỉ là nói được nửa chừng! Đến như mà nói trái ngược thì không phải là cách nói của sách này... Tác giả bấy giờ, chắc đã nghĩ kỹ lắm, nên biết rằng về chương "lật hẹn", phải dùng vai Oanh Oanh làm vai hát, chứ không thể dùng vai bà lớn, vai cậu Trương hay vai con Hồng làm vai hát vậy.
Chương 4 – Ý Đàn
Một cảnh: Viện sách, bên kia là vườn hoa.
CẬU TRƯƠNG - Hồng nó dặn mình đêm nay đơi khi tiểu thư ra vườn hoa thắp hương, thì mượn tiếng đàn để dò la ý tứ. Nghĩ nó nói thật là chí lý. Trời đã tối rồi! Trăng ơi trăng! Sao chẳng vì ta mà mọc sớm một chút. A nghe trống đã thu không! A! nghe chuông đã đổ hồi! (sửa đàn). Đàn ơi đàn! Tôi cùng bác giang hồ lưu lạc, đi đâu cũng có nhau! Cái công lớn đêm nay, tôi trông cậy cả vào bác đó! Trời ơi trời! Về phần ông thì chỉ xin lấy cho nhờ lấy một cơn gió nhẹ, đem hộ tiếng đàn này mà đưa lọt vào vành tai nặn bằng phấn, chuốt bằng ngọc của cô tri âm tôi!
CON HỒNG - (cùng Oanh Oanh ra) Mời cô ra thắp hương! Trăng sáng đẹp quá! OANH OANH - Hồng ơi! Ta còn lòng nào mà thắp hương! Trăng ơi! Chị còn ló mặt ra làm gì nữa! Mây quang, vầng ngọc ngang trời...
Gió đưa, thềm ngọc đua rơi cánh hồng...
Ngổn ngang trăm mối bên lòng!
Mẹ ơi! mấy người ăn ở thuỷ chung ở đời!
Một ta đây với một ai,
Yêu nhau nào khác yêu người trong tranh!
Lòng mong, miệng nhắc mặc tình,
Gặp nhau hoạ giữa đêm thanh giấc nồng!
Hôm qua mở rộng gác Đông,
Tưởng đâu rán phượng, ning rồng dâng ra!
Nỡ bắt tôi nâng chén mới qua.
Cho thế là lễ trọng, thế là tình thân!
Những mong chỉ Tấn, tơ Tần,
Ai ngờ lại nhận họ gần, họ xa!
CON HỒNG - Kìa cô coi: trăng quầng! Ngày mai chắc có gió!
OANH OANH - Ừ! Trăng quầng thật nhỉ!
Bao nhiêu mặt ngọc trên đời,
Sợ người trêu ghẹo phải màn ngoài, trướng trong!
Ả Hằng chiếc bóng lưng không,
Lặn Tây rồi lại mọc Đông một mình.
Nào ai là bạn chung tình?
Nào ai là kẻ mối manh đi về?
Ôi trời ơi! độc địa làm chi.
Cũng đem trướng rủ, màn che mấy lần.
Cho cung Hàn vắng biệt tin xuân!
(Con Hồng đằng hắng)
CẬU TRƯƠNG - Hồng nó dặng. Tiểu thư chắc đã ra! (dạo đàn)
OANH OANH - Hồng ơi! Tiếng gì thế nhỉ?
CON HỒNG - Thưa cô, cô thử đoán coi!
OANH OANH :
Phải buông quần mà xà tích chạm nhau?
Phải rảo chân mà trâm giắt mái đầu rùng rinh?
Phải neo vàng ai động bên mình?
Phải hàng ngựa sắt, gió thổi quanh trước rèm?
Phải cung hoa chuông thỉnh đương đêm?
Phải rặng tre cành lá ngoài thềm xô nhau?
Phải kéo may theo nhịp thước khâu?
Phải đồng hồ thánh thót canh thâu đêm ròng?
Lắng tai nghe ở mé tường đông.
Thì ra là tiếng tơ đồng bên mái Tây!
Bỗng như tiếng hạc trên mây,
Trăng trong, gió mát qua bay ngang trời!
Trầm như cô bé nhà ai,
Tình nồng, ý mặn, nói cười bên song!
Nặng nghe hùng dũng lạ lùng:
Rầm rầm gươm thét, ngựa xông trận ngoài!
Nhẹ nghe tan tác tơi bời:
Âm thầm nước chảy, hoa trôi giữa dòng!
Ý hết rồi, nhưng hận khôn cùng!
Khúc đàn tuy chửa dứt, nỗi lòng ai lạ chi ai!
Loan thơ, phượng yến lìa đôi.
Tấm thương dễ nói lên lời được đâu!
CON HỒNG - Cô hãy ở đây nghe! Con vào bà tý, lại ra ngay: (giả vờ vào) OANH OANH :
Đàn mình, ta lắng bên tai,
Mà người mình, ta biết là người tình chung!
Tri âm, ai chẳng cùng lòng!
Cảm thương, ai chẳng não nùng xót xa!
CẬU TRƯƠNG - Ngoài song hơi có tiếng động, chắc là tiểu thư! Ta hãy thử gảy một bài coi! OANH OANH - Ta đứng gần lại bên song này!
CẬU TRƯƠNG - (thở dài) Đàn ơi đàn! Ngày xưa Tư Mã Tương Như muốn tỏ tình với Trác Văn Quân, có đặt ra bài "Văn Phượng Cầu Hoàng". Tôi đâu dám lên mặt là Tương Như, nhưng tiểu thư thì Văn Quân hồ dễ mà sánh kịp! Bây giờ xin gẩy theo bài ấy.
Bài đàn
Người đâu xinh xinh tuyệt vời!
Lòng tôi không quên trọn đời!
Đường trần ngày một xa cách.
Bể thương trăm tình đầy vơi!
Phượng bay, bốn phương bay khắp!
Mơ màng tìm kiếm lứa đôi!
Đêm nằm đã mòn mắt trông!
Bức tường Đông, bức tường giết người!
- Lòng xuân trăm mối bồi hồi!
Đàn đây có thay hộ lời?
Bao giờ phỉ nguyền non nước?
Bõ công xót thầm hôm mai!
Ví chẳng cành liền, cánh chắp!
Cũng liều đá nát, vàng phai!
(Đôi lời nhắn người tình chung:
Thương lấy ai phương trời lạc loài)!
OANH OANH - Đàn hay! Khúc lựa não nùng! Giọng nghe chua chát! Làm em cũng không sao cầm được nước mắt!
Từng cung, từng bực, từng bài,
Nhận cho ra mới là người biết nghe!
Phải đâu "Lưu Thuỷ" tỷ tê!
Phải đâu "Hành Vân" lại thuận tựa về "Nam ai!"
Phải đâu "Vọng Cổ" ngậm ngùi!
Dây dây ly biệt, lời lời nhớ mong,
Nghe ra canh vắng, đêm ròng,
Rộng lần áo lót, lỏng vòng dây đai!
Gẩy xong một khúc "ly hoài,"
Tài hoa nâng được giá người thêm cao!
CẬU TRƯƠNG - (buông đàn) Bà lớn quên ơn, phụ nghĩa đã đành! Thế nhưng tiểu thư, tưởng không nên nói dối mới phải! (Con Hồng lẻn ra)
OANH OANH - Anh trách thế thì lầm!
Mẹ em nghiêm cấm giữ gìn,
Quản đâu ai rủa, ai nguyền đến em!
Nữ công bận suốt ngày đêm!
Nào cho được rảnh mà tìm bạn loan!
Bên ngoài gió lọt mành đơn;
Bên trong nhà vắng đèn tàn hắt hiu;
Giữa hàng con tiện khẳng khiu,
Với vài lớp giấy hồng điều bồi song!
Phải đâu mây, nước muôn trùng,
Lấy ai tin tức đưa thông trong ngoài?
Dẫu Vu Sơn cao ngất lưng trời,
Cũng còn có lối tìm người trong giấc chiêm bao!
CON HỒNG - (thình lình chạy ra) Thưa cô! Chiêm bao cái gì? Bà biết thì sao? OANH OANH :
Chạy đâu mà thở chẳng ra hơi?
Hỏi mày còn biết sợ ai nữa, mày?
Trước sau vẫn đứng chỗ này!
Thình lình nó đến, ta đây giật mình!
Bé người mà to họng đã kinh!
Toan cho một trận, thương tình lại tha!
Chỉ e trước mặt mẹ già,
Nó còn kiếm chuyện nói ra, nói vào!
CON HỒNG - Vừa rồi con nghe tin cậu Trương sắp đi! Cô bảo làm ăn ra làm sao? OANH OANH - Em hãy giữ anh ấy ở lại vài, ba hôm!
Bảo: xem chừng bà đã hối rồi!
Cậu không phải chịu thiệt thòi mãi đâu!
Mẹ ơi! sao nỡ hiểm sâu,
Bắt đôi trẻ phải lìa nhau cho đành!
CON HỒNG - Cô chả phải dặn, con hiểu cả rồi! Mai con sẽ sang thăm cậu ấy (cùng vào) CẬU TRƯƠNG - Tiểu thư vào rồi! Hồng ơi! sao không lùi lại một bước, trả lời ngay đêm nay cho tôi! Cực chẳng đã, thôi đành ngủ vậy! (vào)
Lời Phê Bình Cả Chương
Vì sao con Hồng lại dạy Quân Thụy câu chuyện gẩy đàn? Thánh Thán ngậm ngùi mà than rằng: Từ đây mà đi, tôi mới biết lễ là cái có thể ngăn đón được người đời vậy! Kìa như Quân Thụy là tay tài tử nhất đời! Lại như Song Văn cũng là bậc giai nhân nhất đời!
Lấy tay tài tử nhất đời bắt gặp bậc giai nhân nhất đời, thì thế tất cũng không nề nghĩa chết, muôn chết, cố cầu cho họp nhau! Mà dẫu bậc giai nhân nhất đời nữa, thoáng nghe có tay tài tử nhất đời, thế tất cũng không nề nghìn chết, muôn chết, mà cố cho họp nhau! Sao vậy? Vì tài tử là giống rất quý ở đời, mà giai nhân cũng là giống rất quý ở đời... Trời sinh ra ở đây một giống quý, trời cũng biết khó lòng mà kiếm cho đủ đôi... Tự nhiên một ngày kia mà hai giống gặp nhau, hai giống thương nhau, hai giống tìm nhau, hai giống họp nhau, thì khi đó trời cũng sướng lắm! Sướng sao sướng vậy! Vì được một việc mà ra được cả hai việc: đemgiống rất quý này sánh đôi với giống rất quý kia, tức là đem giống rất quý kia sánh đôi với giống rất quý này... Có lẽ nào trời lại cho thế là không phải, lại ép uổng đem một viên ngọc sánh đôi với một hòn đá; rồi lại lấy một viên đá cho sánh đôi với một viên ngọc, mà lại lấy làm sướng hay sao! Thế nhưng tôi thường lấy làm nghĩ: Tài tử có tấm tình thế tất phải đến, thì giai nhân cũng có tấm tình thế tất phải đến. Thế nhưng tấm tình thế tất phải đến ấy, ở tài tử chỉ có thể cất giấu ở trong lòng tài tử, mà ở giai nhân chỉ có thể cất giấu ở trong lòng giai nhân. Dù cực chẳng đã, lâu mãi! lâu mãi! Muôn một xảy ra chuyện không may, vì tấmtình thế tất phải đến ấy, mà tài tử đến sắp chết, thì tài tử cũng đành chịu chết! Mà giai nhân đến sắp chết, thì giai nhân cũng đành chịu chết! Chứ tài tử cũng không có cách gì để tỏ tình được với giai nhân; mà giai nhân cũng không có cách gì để tỏ tình được với tài tử. Vì sao? Vì các đấng vua đời xưa đã đặt ra lễ, thì muôn đời cũng không bỏ đi được! Lễ dạy rằng: "Lời nói ở ngoài không dám để lọt vào trong cửa buồng; lời nói ở trong không dám để lọt ra ngoài cửa buồng". Hai câu ấy như có quỷ thần xét soi, học từ lúc bé, mà cho đến lúc chết cũng không dám phạm! Tài tử yêu giai nhân thì yêu thật, song tài tử còn yêu các vua đời xưa hơn. Có thế tài tử mới được là tài tử! Giai nhân thì yêu tài tử thật, song giai nhân còn sợ lễ hơn. Có thể giai nhân mới được là giai nhân! Cho nên trai lớn tất phải có vợ, gái lớn tất phải có chồng, đó là chuyện rất thường xưa nay, tưởng không cần gì phải dấu diếm cả. Vậy mà tuy là tài tử giai nhân, cũng cần phải cha mẹ bằng lòng, mối lái nói trước; lê, táo, giò, nem, thành tâm đưa đến; họ hàng làng xóm, rượu cỗ khuyên mời... Không thế thì cha, mẹ, mọi người trước đã coi khinh; mà con hiếu, cháu hiền về sau còn lấy làm xấu hổ mãi mãi! Sao vậy? Chỉ ghét về tội trái lễ đó thôi! Cho nên tài tử như Quân Thụy, giai nhân như Oanh Oanh, thật hai con người rất quý ở trong trời đất vào khoảng niên hiệu Trinh Nguyên đời Đường! Tài tử yêu giai nhân như Quân Thụy với Oanh Oanh, giai nhân yêu tài tử như Oanh Oanh với Quân Thụy, thì thật không nề nghìn chết, muôn chết, mà suýt suýt nữa cả đôi đều muốn dồn cả hai cái chết làm một... Thế thì trước khi chưa có những chuyện quân giặc vây chùa, bà lớn hứa gả thì: Quân Thụy yêu Oanh Oanh thật, song vẫn không biết nàng có hiểu mình yêu, mà yêu đến mực ấy hay không? Oanh Oanh yêu Quân Thụy thật, song cũng vẫn không biết chàng có hiểu mình yêu, mà yêu đến mực ấy hay không? Quân Thụy đã không có cách gì nói ra miệng để lọt vào tai Oanh Oanh, mà Oanh Oanh cũng không có cách gì nói ra miệng để lọt vào tai Quân Thụy; cái đó hai bên cùng thế cả. Đã vậy thì thật là không hiểu lẫn nhau... Kể hai
người yêu lẫn nhau, yêu đến như thế là cùng, vậy mà vẫn không sao hiểu lẫn nhau, như vậy thì hai người có thể chết được lắm chứ! Thế nhưng hai người dù có chết cũng là chết toi, chứ mối tình kia thì vãn không có cách gì để cùng nhau nói ra miệng, cùng lọt vào tai! Ấy là vì theo lễ phải thế, không có thể phạm được! Nghìn sự không may! Muôn sự không may! Mà cái may thật là may lù lù đưa đến. Rồi bỗng không mà quân giặc vây chùa, bỗng không mà bà lớn hứa gả! Theo ý tôi thì trong khi đó Quân Thụy có thể không cần tỏ tình với Oanh Oanh mà Oanh Oanh cũng có thể không cần tỏ tình với Quân Thụy nữa! Vì sao? Vì bà mẹ đã hứa, mà ba trăm người ở dưới hành lang đã chứng kiến cho rồi! Từ đây mà đi, Oanh Oanh mới thật là Oanh Oanh của Quân Thụy! Tấm tình chung của đôi người, dù tự miệng nói ra suốt ngày đêm, cho đến suốt cả tháng, cho đến suốt cả năm, cho đến suốt trăm năm nữa, nào có khó gì! Nào có cần chi phải có một kẻ đứng giữa để đón từ bên đây đưa sang bên kia? Trời thực cũng không ngờ rằng mụ già lại còn xoay kế khác vậy! Từ khi cái kế của mụ già thình lình xoay khác, khi đó chừ Oanh Oanh lại vẫn chưa phải là Oanh Oanh của Quân Thụy, mà Quân Thụy lại vẫn chưa phải là Quân Thụy của Oanh Oanh! Vì thế, mà giữa khoảng hai người, không thể không phiền đến một kẻ ngoài, để đón bên đây, đưa sang bên kia, lại mong được ở bên kia để trả lời bên đây! Tuy rằng ở Oanh Oanh thì dù đến chúng ta đây cũng phải dặn hộ rằng: Đó là chuyện cần phải giữ ý giữ tứ, dù sao thì em cũng không thể đem mà nói rõ với người; thế nhưng ở Quân Thụy thì còn có kiêng nể gì mà chẳng viện lý, viện lời, để nói cho ai nấy đều biết? Tục ngữ có câu: "Lòng chẳng phụ ai, mặt không bẽn lẽn!" Ví phòng bà lớn mà chưa hứa, thì Quân Thụy dù chết nữa thực cũng không dám, vì rằng còn vướng có lễ! Thế nhưng bà lớn đã hứa, thì Quân Thụy dù có không kiêng nể gì, nghiễmnhiên dám mượn một tay sứ giả, đẩy cửa buồng ra mà nói rõ với Oanh Oanh, tôi tưởng cái đó lễ cũng không thể theo mà ăn vạ được nữa! Vì sao? Chỗ đuối ở bên ấy chứ không phải bên này! Thế nhưng ta chỉ không biết người sứ giả đó thì biết trả lời ra làm sao? Bà lớn hứa, chuyện đó tai ta được nghe... Bà lớn lật, chuyện đó tai ta lại được nghe... Chả cần Quân Thụy phải nói! Quân Thụy dù không nói, song ta há không phải giống người hay sao mà không hậm hực ở trong lòng? Cho nên cái đó thật cũng không cần Quân Thụy phải van lơn. Quân Thụy dù không van lơn, song ta há không phải giống người hay sao, mà nỡ không ra tay giúp đỡ? Vả chăng nay ta đem lời Quân Thụy mà nói với Oanh Oanh, thì chẳng qua cũng như rót nước vào nước mà thôi! Vì sao? Vì tấm lòng uất ức vừa đây, hiện ra nét mặt, ta thì đã xét rõ lắm. Vậy thì đem lời Quân Thụy nói với Oanh Oanh cũng chẳng khác gì đem lời của Oanh Oanh nói với Oanh Oanh mà thôi! Thực ra trong đời còn có chuyện gì dễ dàng hơn chuyện ấy nữa! Thế nhưng riêng con Hồng thì cho chuyện ấy thế mà có chỗ cực kỳ khó! Vì sao? Vì rằng: Nhà họ Thôi thì thâm nghiêm kín đáo, vinh một quan Tướng quốc giúp vua trị nước ở triều đình; bà lớn họ Thôi thì đường hoàng bệ vệ, một bà nhất phẩm phu nhân, mà nay lại sắt sói, gớm ghê, một bà mẹ goá lòng băng mặt sắt; con gái bà lớn là Oanh Oanh thì thướt tha yểu điệu, như Trời, như Phật, một cô tiểu thư nghìn vàng, gió xuân còn chửa được thổi, nắng xuân còn chửa được soi... Đến như con Hồng sở dĩ là con Hồng thì chẳng qau dưới gối bà lớn có tiểu thư, bên cạnh tiểu thư có người hầu, mà trong bọn người hầu ấy có một con xinh xinh nho nhỏ, thế thôi! Tiểu thư mà đãi nó vào hạng tầm thường, thì đó là thể của tiểu thư! Tiểu thư mà đãi nó vào hạng tay chân, thì đó là ơn của tiểu thư! Nói về thể của tiểu thư, thì không dám nông nổi đem một câu chuyện bâng quơ mà xúc phạm đến vẻ tôn nghiêm, cái đó chẳng những con Hồng phải thế, mà phàm những người hầu cạnh tiểu thư ai cũng phải thế cả, mà con Hồng không thế cũng không được! Đến như nói về ơn của tiểu thư, thì cái không dám nông nổi đem một câu chuyện bâng quơ mà xúc phạm đến tôn nghiêm, tôi nghĩ cũng chỉ có một mình con Hồng là biết thế mà thôi… Nếu không thế thì sao tấm lòng châu ngọc của tiểu thư, ngày thưởng chẳng chịu để ý đến ai, mà lại riêng đoái thương đến con Hồng? Cứ đó mà suy, thì vâng lời Quân Thụy, tuy là sự Hồng không vâng không xong, nhưng thưa với Oanh Oanh thì là sự Hồng không thưa không được! Vì rằng đó là một sự cực kỳ khó nên chẳng những Hồng lấy làm khó, thì Quân Thụy khi ấy cũng đã lấy làm khó cho Hồng; chẳng những Thánh Thán lấy làm khó, mà hết thảy các bạn tài tử gấm vóc ở đời hiện nay có lẽ cũng không ai không lấy làm khó cho Hồng! Coi đó đủ biết các vua đời xưa đặt ra lễ, có trong, có ngoài, có cao, có thấp, chẳng những lời nói ở ngoài không dám để lọt lên trên... Ấy nghiêm trọng cẩn thận là thế! Cốt để ngăn ngừa những sự gian tà lếu láo ở đời, không cho nấp bên cạnh, lấn đằng trước, quấy đằng sau, phá phách không
biết đến đâu là cùng; dụng ý thật rất sâu xa vậy! Coi đó thì biết con Hồng sở dĩ dạy Quân Thụy về chuyện gảy đàn, ý nó nào có phải muốn Quân Thụy lấy đàn mà ghẹo Oanh Oanh vì đàn mà cảm Quân Thụy! Chẳng qua vì Oanh Oanh đứng vào địa vị tôn nghiêm quá, mình là con hầu, tất không thể nói được. Đã không thể nói được thì vừa rồi nhận lời với Quân Thụy, đành bỏ mặc đó hay sao? Như vậy thực chẳng nỡ lòng nào !Vì thế phải giở đến ngón ranh mãnh tinh ma, mà thình lình gửi cả vào cây đàn… Rồi đó một bên thì dạy cho gẩy, một bên thì dứ cho nghe... Dứ cho nghe rồi giả vờ vào... Giả vờ vào rồi đứng rình đấy... Đứng rình đấy rồi khi bắt được chân tình cùng câu nói, liền đâm xổ ra cho không thể nào mà chối được! Ấy thế rồi thong thả dử dần cho cá cắn vào câu! Than ôi! Ví phỏng Oanh Oanh ngồi rú mà không ra, hay ra mà không nghe, hay nghe mà không nói, thì ai còn giở ngón ra được nữa! Vì vậy Thánh Thán đọc Mái Tây lòng còn thao thức mà cảm đến các vua đời xưa! Các cô tiểu thư tôn nghiêm giữ lễ sau này, đối với con hầu thân thiết của mình, phải coi chừng cho cẩn thận mới được.
(Trác Sơn nói: Sau chuyện lật hẹn, trước chuyện gửi thư, sao lại nẩy ra chương Ý đàn này? Có lẽ tấm tình khăng khít của đôi bên, trước còn chưa tả hết ý, nên cần phải nói thêm lần nữa hay sao? Giờ đọc lời phê bình của Thánh Thán mới hiểu ra. Cả đến những câu "chạy đâu ra mà thở chẳng ra hơi... vv " ở cuối chương, cũng đều như mới tắm xong cả! Mắt Thánh Thán thật to bằng cái rổ!)
Tôi xem cách dùng bú của người viết "Mái Tây" thật là lạ tuyệt xưa nay! Chương "mời tiệc" trước, chỉ dùng một vai con Hồng, vậy mà lại là văn tả Quân Thụy và Oanh Oanh! Đến chương "ý đàn" này dùng cả Quân Thụy và Oanh Oanh, bỏ rớt hẳn con Hồng, thì lại chính là văn tả con Hồng! Mờ mịt bên trời, gửi lời nhắn các bạn tài tử gấm vóc đâu ta: Tôi muốn cùng bạn khêu đèn ngồi chờ, chuốc rượu vui cười, đọc đi! hát đi! giảng đi! bàn đi! gọi đi! lạy đi! Đời không ai hiểu thì đốt đi! khóc đi (Trác Sơn nói: Tôi xin khóc trước!).
Phần Thứ Ba
Cậu Trương gửi thư tình. Con Hồng đưa lời hẹn, Tội tình cô kể ra,
Thuốc thang bà hỏi đến.
Chương 1 – Lần Trước
Cảnh thứ nhất: Trong buồng thêu
OANH OANH (Cùng con Hồng ra) - Từ lúc đêm qua nghe đàn đến giờ, người sao bạo bực thế này! Emrỗi đấy thì sang bên viện sách thăm cậu Trương, xem cậu ấy nói thế nào, về trả lời ta hay. CON HỒNG - Con chả đi! Bà biết đến không phải chuyện bỡn!
OANH OANH - Cô không nói, bà biết sao được? Cứ việc sang!
CON HỒNG - Vâng thì con đi! (một mình) Cậu Trương ơi! Cậu ốm mà cô tôi đây nào có khoẻ! Vỉa: Chưa từng chung chén loan phòng,
Lại còn nghe thiếng tơ đồng đêm sương!
Hát:
Phấn son lười cả điểm trang!
Đường kim, mũi chỉ không màng đến tay!
Buồn xuân đè nặng đôi mày!
Trái tim ai đó hoạ chữa được bệnh này cho ai!
(vào)
OANH OANH - Con Hồng đi rồi! Xem nó về nói ra làm sao!
Ngâm:
Chua chát mười phần khôn nói một!
Nhớ thương giây lát tưởng chừng năm!
(vào)
Cảnh thứ hai: Viện sách
CẬU TRƯƠNG - (ra) Thật là giết tôi! Tôi đã nhờ sư cụ sang nói tôi yếu nặng lắm, sao không thấy sai ai sang thăm tôi? Mệt quá! Ta cố ngủ lấy một chút! (ngủ)
CON HỒNG - (ra) Vâng lời cô tôi, sai tôi sang thăm cậu Trương. Tôi phải sang một lát mới được! Tôi nghĩ: giá không có cậu Trương, thì có còn đâu là tính mạng cả nhà!
Gặp tang quan Tướng,
Ở trọ am mây.
Một nhà cơn vạ gió tai bay
Tưởng chết cả về tay quân giặc!
Ơn cậu Trương viết thư một bức,
Cứu binh đâu lặp tức đến đùng đùng!
Trời đất kia vốn vẫn chí công,
Văn chương thế mới là hữu dụng!
Năm nghìn giặc, ví không trừ hết giống,
Một nhà này đâu còn sống đến nay?
Cô Oanh tôi với cậu Trương đây,
Duyên đôi lứa được sum vầy là phải!
Trách bà lớn đem lòng bạc bội,
Làm lỡ làng phận cải, duyên kim!
Xoá vợ chồng, bày chuyện anh em,
Để đôi trẻ ngày đêm uất ức,
Cậu buồn bã: sử kinh biếng nhác;
Cô thờ ơ: trang sức bỏ lười!