🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tài Liệu Tập Huấn Dạy Học Theo Sách Giáo Khoa Mới Tự Nhiên Và Xã Hội 1 – Bộ Sách: Chân Trời Sáng Tạo Ebooks Nhóm Zalo BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM NGUYỄN THỊ THU HẰNG TÀI LIỆU TẬP HUẤN DẠY HỌC THEO SÁCH GIÁO KHOA MỚI Môn TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI LỚP 1Bộ sách: Chân trời sáng tạo NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM 2 Mục lục Trang Môn Tự nhiên và Xã hội 1............................................................................................................5 Phần một: Hướng dẫn chung.............................................................................................................5 Phần hai: Gợi ý, hướng dẫn tổ chức dạy học một số dạng bài ...........................................35 Phần ba: Các nội dung khác.............................................................................................................47 3 4 MÔN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI 1 PHẦN MỘT HƯỚNG DẪN CHUNG 1. Giới thiệu sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội 1 1.1. Quan điểm biên soạn sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội ở cấp Tiểu học nói chung và ở lớp 1 nói riêng a. Đảm bảo sự phù hợp với mục tiêu giáo dục tiểu học và chương trình môn học Sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội nói chung và ở lớp 1 nói riêng được biên soạn theo định hướng góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung quy định trong Chương trình tổng thể 2018. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của môn học như: năng lực Nhận thức khoa học, năng lực Tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh và năng lực Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động học tập, sách góp phần hình thành và phát triển ở học sinh tiểu học tình yêu con người, thiên nhiên, đức tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống. b. Chú trọng quan điểm dạy học tích hợp Dạy học tích hợp là một quan điểm dạy học có nhiều ưu thế giúp người học có cơ hội tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ, giá trị của bản thân để giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống, từ đó góp phần hình thành và phát triển ở người học những phẩm chất và năng lực cần thiết. Tiếp cận quan điểm dạy học tích hợp, sách Tự nhiên và Xã hội 1 được xây dựng theo cấu trúc các chủ đề. Nội dung các chủ đề xoay quanh mối quan hệ giữa Tự nhiên – Con người – Xã hội trong một thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó con người là trung tâm của các mối quan hệ trong tự nhiên và xã hội. Cấu trúc này tạo điều kiện thuận lợi để người học có nhiều cơ hội hơn trong việc vận dụng, gắn kết kiến thức bài học với thực tiễn, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. 5 Bên cạnh đó, sách còn chú trọng khai thác mối quan hệ tích hợp liên môn giữa chương trình môn Tự nhiên và Xã hội với các môn học và các hoạt động giáo dục khác, đặc biệt là môn Tiếng Việt, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật và Hoạt động trải nghiệm. Mối quan hệ này được thể hiện thông qua sự phối hợp giữa nội dung và gợi ý thể hiện cách thức tham gia và thực hiện các hoạt động học tập của người học. c. Nhấn mạnh đến quan điểm lấy người học là trung tâm, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học Các phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, trung thực, chăm chỉ, trách nhiệm được tiếp cận và khai thác tối đa thông qua nội dung các bài học của sách. Bên cạnh đó, để góp phần hình thành và phát triển năng lực cho người học, các bài học trong sách tiếp cận tối đa quá trình gắn kiến thức, kĩ năng khoa học của môn học vào thực tiễn. Các nhóm năng lực chung: Tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo cũng được định hướng và phát triển thông qua những gợi ý về nội dung và cách thức tổ chức dạy học trong sách. Những gợi ý này được thể hiện nhiều dưới hình thức trình bày hấp dẫn thông qua các sơ đồ, tranh ảnh mô tả, hướng dẫn và gợi ý hoạt động học tập của học sinh. Đặc biệt, các nhóm năng lực đặc thù của môn Tự nhiên và Xã hội cũng được khai thác và phát triển tối đa qua việc thể hiện cấu trúc và tổ chức các hoạt động học tập gắn với các biểu hiện đặc thù của môn học; người học được tạo cơ hội tối đa để phát triển, đặc biệt là năng lực tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. d. Đảm bảo tính thực tiễn và xoay quanh các mối quan hệ gần gũi, thân quen với học sinh tiểu học Trong lịch sử phát triển của môn Tự nhiên và Xã hội, tính gần gũi và gắn bó với cuộc sống hằng ngày là một trong các đặc điểm cơ bản được nhấn mạnh. Chính vì thế, khi biên soạn sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội trong bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo, tính thực tiễn được phát huy tối đa qua việc tìm kiếm ngữ liệu, nhân vật và thể hiện nội dung bài học. Thông qua các câu chuyện của một số nhân vật đang học lớp 1 xảy ra trong mối quan hệ của học sinh với gia đình, nhà trường, cộng đồng và môi trường tự nhiên, sách mang đến cho học sinh cách tiếp nhận tri thức khoa học nhẹ nhàng. Một vài nhân vật đi xuyên suốt trong cả cuốn sách tạo không gian thân quen, gần gũi và tạo hứng thú cho học sinh. Qua đó, người học có cơ hội phát 6 triển năng lực tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên và nâng cao năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng được học để giải quyết các vấn đề gắn với các tình huống quen thuộc của thực tiễn. e. Đảm bảo tính đa dạng, phù hợp với nhiều học sinh ở các vùng miền khác nhau Dù sinh hoạt của mỗi học sinh thường gắn với một không gian địa lí nhất định theo vùng, miền, lãnh thổ, nhưng theo thời gian thì không gian học tập và các mối quan hệ của học sinh cũng được phát triển và mở rộng lên. Do đó, bên cạnh việc nhấn mạnh đến những yếu tố đặc trưng tiêu biểu của từng địa phương, vùng miền, sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội còn đảm bảo hướng đến tính đa dạng. Sách giúp học sinh có cách tiếp cận mở đến các vùng, miền văn hoá khác nhau qua các bài học, đặc biệt là trong chủ đề về trường học và cộng đồng địa phương. f. Chú trọng tính mở, linh hoạt cho người dạy và người học Nội dung sách được biên soạn theo hướng mở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dạy và người học có thể cập nhật, bổ sung nội dung dạy học hoặc sử dụng các phương tiện dạy học phù hợp với thực tiễn, tận dụng các điều kiện thuận lợi, phù hợp của từng trường. Trong mỗi bài học, bên cạnh những nội dung hướng đến việc góp phần phát triển năng lực nhận thức, sách còn đưa ra nhiều cách tiếp cận qua liên hệ thực tế, xử lí tình huống… tạo cơ hội cho người dạy có thể phát triển bài học theo hướng phù hợp với năng lực học sinh, đồng thời tăng cường và huy động tối đa kiến thức và kinh nghiệm thực tế của người học và quá trình học tập. Mỗi bài học định hướng chung được dạy trong hai tiết, tuy nhiên, không quy định rõ ràng, phân chia từng tiết. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên về việc linh hoạt tiến độ thực hiện bài học theo năng lực học sinh và điều kiện cụ thể của học sinh. 1.2. Những điểm mới của sách Tự nhiên và Xã hội 1 a. Sách được biên soạn theo mô hình hoạt động học và định hướng phát triển năng lực Mỗi bài học trong sách giáo khoa được trình bày theo logic tiến trình hoạt động học, đi từ khởi động, khám phá để hình thành năng lực, nhận thức, tìm hiểu khoa học đến năng lực vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học. Tiến trình 7 học tập này không chỉ phù hợp với quy luật nhận thức chung mà còn gắn nội dung bài học với việc vận dụng, giải quyết vấn đề thực tiễn có liên quan. Đặc biệt, học sinh được tiếp cận nội dung bài học thông qua các hoạt động học tập gắn liền với các năng lực khoa học trong môn Tự nhiên và Xã hội, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực đặc thù một cách rõ ràng, cụ thể thông qua nội dung học tập, đồng thời, giúp giáo viên dễ dàng nhận xét và đánh giá sự phát triển năng lực đặc thù của học sinh. Bên cạnh đó, mỗi hoạt động trong sách giáo khoa không chỉ có vai trò hướng dẫn, gợi ý học sinh thực hiện các hoạt động học tập mà còn gợi ý cho giáo viên về việc tổ chức các hoạt động dạy học thông qua kênh chữ và kênh hình: − Kênh chữ: Thể hiện dưới câu lệnh ngắn gọn, gợi ý cho học sinh và giáo viên về cách thức tổ chức hoạt động học tập (quan sát, đóng vai, thực hành,…), đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng kết hợp nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. − Kênh hình (chiếm ưu thế): Có ba chức năng: (1) Giúp học sinh dễ dàng quan sát và nhận biết các hoạt động: hoạt động khởi động, hoạt động hình thành năng lực nhận thức và tìm hiểu, hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học thông qua các logo kí hiệu; (2) Minh hoạ để học sinh có thể hiểu và thực hiện được các hình thức tham gia hoạt động (trò chơi, thảo luận nhóm,…); (3) Gợi ý, dẫn dắt học sinh để hình thành các năng lực đặc thù của môn học. − Nhiều bài học có sự kết hợp giữa kênh hình và kênh chữ thông qua bóng nói, bóng nghĩ nhằm thu hút, hấp dẫn học sinh (giúp sách có cách thể hiện giống truyện tranh, tạo sự thân thiết, gần gũi với học sinh tiểu học), đồng thời dẫn dắt, tạo sự tò mò, kích thích học sinh tư duy, khám phá, giúp sách tiếp cận thực tiễn và đi vào thực tiễn. b. Cấu trúc và nội dung bài học được biên soạn theo hướng tích hợp giữa môn Tự nhiên và Xã hội với các môn học và hoạt động giáo dục khác Trong hệ thống các môn học ở tiểu học theo chương trình GDPT 2018, môn Tự nhiên và Xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với môn Tiếng Việt, môn Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm. Phát triển mối quan hệ này, sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội tăng cường tính tích hợp liên môn với môn Đạo đức và môn Tiếng Việt, thể hiện ngay trong cấu trúc và nội dung các bài học. Cuối mỗi bài học trong sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội trước đây là một 8 nội dung kiến thức khoa học trọng tâm mà học sinh cần biết và nhớ, thì trong sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội của bộ sách Chân trời sáng tạo, học sinh không chỉ được nhấn mạnh và hệ thống lại nội dung kiến thức trọng tâm của bài mà còn được khắc sâu hơn những giá trị đạo đức, nhân văn thể hiện thông qua những câu văn ngắn gọn hoặc câu tục ngữ, ca dao dễ đọc, dễ nhớ. Phần từ khóa cuối mỗi bài học: Đây là một số từ trọng tâm của bài học, giúp học sinh vừa làm quen với các thuật ngữ khoa học của môn học, vừa giúp các em củng cố và mở rộng vốn từ tiếng Việt của mình. c. Tính thực tiễn được tăng cường và phát huy tối đa trong nội dung bài học và phương pháp tổ chức dạy học Nội dung bài học trong sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội của bộ sách Chân trời sáng tạo phát huy tối đa tính thực tiễn và sự gần gũi với học sinh. Người học hình thành các năng lực khoa học thông qua các câu chuyện, tình huống xoay quanh cuộc sống hằng ngày với những nhân vật phù hợp với độ tuổi của các em. Trong tất cả các bài học đều có các hoạt động để học sinh liên hệ thực tế, vận dụng kiến thức khoa học của bài để giải thích và đưa ra cách giải quyết vấn đề phù hợp trong những tình huống thực tiễn có liên quan đến nội dung bài học. d. Chú trọng hướng dẫn hoạt động tự học cho học sinh Mỗi bài học được cấu trúc gồm 6 phần. Mỗi phần được kí hiệu bằng một logo đặc trưng (hình ảnh quy ước chỉ dẫn hoạt động). Nội dung và mục đích của từng phần được giới thiệu với giáo viên và học sinh ngay từ trang 2 của sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để học sinh có thể quan sát các logo, kết hợp với kênh hình và kênh chữ (yêu cầu lệnh hoạt động) được thể hiện trong bài, học sinh có thể định hướng và tự tổ chức hoạt động học tập phù hợp trong từng bài học. Mở đầu bài học là những yêu cầu học sinh cần đạt sau khi học xong bài. Với học sinh lớp 1, khả năng đọc được yêu cầu cần đạt còn hạn chế, tuy nhiên trong quá trình tổ chức dạy học, giáo viên và phụ huynh có thể đồng hành cùng học sinh, giúp các em định hướng và nhận biết các hoạt động học tập trong bài. 9 2. Cấu trúc sách và cấu trúc bài học môn Tự nhiên và Xã hội 1 2.1. Cấu trúc sách Thời lượng thực hiện chương trình môn Tự nhiên và Xã hội 1 là 70 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Ước lượng tỉ lệ % số tiết dành cho các chủ đề ở lớp 1 như sau: Chủ đề Tỉ lệ % trong chương trình Dự kiến số tiết thực hiện trong sách giáo khoa Gia đình 14% 10 Trường học 13% 10 Cộng đồng địa phương 16% 10 Thực vật và động vật 16% 12 Con người và sức khoẻ 20% 14 Trái Đất và bầu trời 11% 8 Đánh giá định kì 10% 6 Cấu trúc sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1 gồm ba phần: (1). Phần mở đầu: − Hướng dẫn sử dụng sách: đưa ra các hình ảnh quy ước chỉ dẫn các hoạt động và mô tả khái quát, trình bày ý nghĩa của các hình ảnh chỉ dẫn hoạt động trong bài để học sinh làm quen với cách tiếp cận và làm việc với sách giáo khoa mới. Nội dung hướng dẫn sử dụng sách được thể hiện qua bảng sau: Hình ảnh quy ước chỉ dẫn hoạt động (logo) Ý nghĩa Yêu cầu cần đạt Hoạt động khởi động 10 Hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức và tìm hiểu Hoạt động hình thành, phát triển năng lực vận dụng kiến thức và kĩ năng Em cần biết Từ khoá − Lời nói đầu: Trình bày khái quát nội dung 6 chủ đề và mục đích của việc học và sử dụng cuốn sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1. − Mục lục. − Trang giới thiệu sự xuất hiện của hai nhân vật cùng độ tuổi với học sinh lớp 1 là bạn An và bạn Nam, với các bóng nói giới thiệu tên và dẫn dắt lời mời để bước vào năm học mới, cùng nhau đồng hành, hoàn thành tốt môn học. Khi kết thúc bài học cuối cùng, hình ảnh của bạn An và bạn Nam lại xuất hiện với lời chào tạm biệt và hứa hẹn sẽ gặp lại ở những bài học thú vị của lớp 2. (2). Phần nội dung: Gồm 6 chủ đề theo nội dung chương trình môn học: Chủ đề 1: Gia đình Chủ đề 2: Trường học Chủ đề 3: Cộng đồng địa phương Chủ đề 4: Thực vật và động vật Chủ đề 5: Con người và sức khoẻ Chủ đề 6: Trái Đất và bầu trời Mỗi chủ đề có cấu trúc thống nhất, gồm ba phần như sau: − Trang chủ đề: Giới thiệu tên chủ đề và hình vẽ minh hoạ thể hiện nội dung đặc trưng của chủ đề. 11 − Các bài học trong chủ đề. − Ôn tập chủ đề: Là hệ thống các bài tập và nhiệm vụ học tập được thể hiện qua việc hoàn thành những sơ đồ, trả lời câu hỏi, xử lí tình huống, thực hành tham quan, tìm hiểu thực tế,… Thông qua các bài tập và nhiệm vụ học tập này, học sinh không chỉ được củng cố kiến thức, kĩ năng học được trong chủ đề mà còn tự đánh giá được các năng lực khoa học của bản thân. Cấu trúc các chủ đề, yêu cầu cần đạt và nội dung bài học trong môn Tự nhiên và Xã hội 1 được thể hiện qua bảng sau: Chủ đề Yêu cầu cần đạt Bài Nội dung bài học Gia đình − Giới thiệu được bản thân và các thành viên trong gia đình. – Thể hiện được tình cảm và cách ứng xử phù hợp với các thành viên trong gia đình. Bài 1: Gia đình của em – Thành viên và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. – Cách ứng xử phù hợp với các thành viên trong gia đình. – Nêu được ví dụ về bản thân và các thành viên trong gia đình làm công việc nhà và chia sẻ thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng nhau. Bài 2: Sinh hoạt trong gia đình − Sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. − Công việc của các thành viên trong gia đình. − Nêu được địa chỉ, đặc điểm ngôi nhà/căn hộ nơi gia đình đang ở, các phòng trong đó và một số đặc điểm xung quanh nơi ở. − Nêu được sự cần thiết phải sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng. − Làm được một số việc phù hợp để giữ nhà ở gọn gàng, ngăn nắp. Bài 3: Nhà ở của em – Địa chỉ, đặc điểm bên trong và xung quanh ngôi nhà/căn hộ đang ở. – Sắp xếp đồ dùng cá nhân và giữ nhà ở gọn gàng, ngăn nắp. 12 − Đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đồ dùng, thiết bị trong gia đình. − Nêu được tên đồ dùng, thiết bị trong nhà nếu không sử dụng cẩn thận có thể làm bản thân hoặc người khác gặp nguy hiểm. Bài 4: Đồ dùng trong nhà – Tên, vai trò, cách sử dụng một số đồ dùng, thiết bị trong nhà. – Một số đồ dùng, thiết bị trong nhà có thể gây nguy hiểm và cách sử dụng để đảm bảo an toàn. Bài 5: Ôn tập chủ đề Gia đình Trường học − Nói được tên trường, địa chỉ của trường. − Xác định được vị trí các phòng chức năng, các khu vực khác của trường như sân chơi, bãi tập, vườn trường, khu vệ sinh,... − Xác định được các thành viên trong trường học và nhiệm vụ của các thành viên. − Thể hiện được tình cảm và cách ứng xử phù hợp với bạn bè, thầy cô và các thành viên khác trong nhà trường. Bài 6: Trường học của em – Tên, địa chỉ, các khu vực chính trong trường học. – Các thành viên và nhiệm vụ của các thành viên trong trường học. – Cách ứng xử phù hợp với các thành viên trong trường. − Kể được tên các hoạt động chính trong trường học; nêu được cảm nhận của bản thân khi tham gia các hoạt động đó. − Nói được một số hoạt động vui chơi trong giờ nghỉ; biết lựa chọn và chơi những trò chơi an toàn. Bài 7: Hoạt động ở trường em – Các hoạt động chính trong trường học. – Một số hoạt động vui chơi trong giờ nghỉ; Các trò chơi an toàn và không an toàn khi ở trường. – Giữ gìn, sử dụng đúng cách đồ dùng, thiết bị của trường học. 13 − Thực hiện được việc giữ gìn và sử dụng đúng cách các đồ dùng, thiết bị của trường học. − Nói được tên lớp học. − Kể được tên một số đồ dùng, thiết bị có trong lớp học. − Thực hiện được việc giữ gìn và sử dụng cẩn thận, đúng cách các đồ dùng, thiết bị của lớp học. − Xác định được các thành viên trong lớp học và nhiệm vụ của các thành viên. − Thể hiện được tình cảm và cách ứng xử phù hợp với bạn bè, thầy cô và các thành viên khác trong lớp học. Bài 8: Lớp học của em – Tên lớp, tên đồ dùng, thiết bị có trong lớp. – Giữ gìn và sử dụng đúng cách đồ dùng, thiết bị của lớp học. – Các thành viên và cách ứng xử với các thành viên trong lớp học. − Kể được tên các hoạt động chính trong lớp học; nêu được cảm nhận của bản thân khi tham gia các hoạt động đó. − Làm được những việc phù hợp để giữ lớp học sạch đẹp. Bài 9: Hoạt động của lớp em – Các hoạt động chính trong lớp học. – Những việc làm giữ lớp học sạch, đẹp. Bài 10: Ôn tập chủ đề Trường học Cộng đồng địa phương − Biết giới thiệu đơn giản về quang cảnh làng xóm, đường phố thông qua quan sát tranh ảnh, video và cuộc sống hằng ngày. Bài 11: Nơi em sinh sống – Quang cảnh làng xóm, đường phố. – Những việc làm thể hiện sự gắn bó, tình cảm với nơi sinh sống. 14 − Bày tỏ sự gắn bó, tình cảm của bản thân với nơi em ở. − Nêu được một số công việc của người dân trong cộng đồng và đóng góp của công việc đó cho xã hội qua quan sát cuộc sống hằng ngày và tranh ảnh hoặc video. − Nhận biết được bất kì công việc nào đem lại lợi ích cho cộng đồng đều đáng quý. − Nêu được một số việc học sinh có thể làm để đóng góp cho cộng đồng địa phương. Bài 12: Công việc trong cộng đồng – Tên, ích lợi của một số công việc của người dân trong cộng đồng. – Một số việc học sinh có thể làm để đóng góp cho cộng đồng địa phương. – Giới thiệu tên, thời gian diễn ra một lễ hội truyền thống có sự tham gia của học sinh, gia đình và người dân ở cộng đồng. – Kể được một số công việc của các thành viên trong gia đình và người dân cho lễ hội đó. – Nêu được cảm xúc khi tham gia lễ hội. Bài 13: Tết Nguyên đán – Tên, thời gian diễn ra Tết Nguyên đán. – Một số công việc của các thành viên trong gia đình và người dân cho Tết Nguyên đán. – Cảm xúc trong ngày Tết Nguyên đán. − Nhận biết được một số tình huống nguy hiểm, các rủi ro có thể xảy ra trên đường và nêu được cách phòng tránh thông qua quan sát thực tế cuộc sống hằng ngày và tranh ảnh hoặc video. Bài 14: Đi đường an toàn – Một số tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trên đường và cách phòng tránh. – Tên gọi, ý nghĩa của một số biển báo giao thông. 15 − Biết một số biển báo, đèn hiệu giao thông và ý nghĩa. − Thực hành đi bộ qua đường theo sơ đồ: đoạn đường không có đèn tín hiệu giao thông; đoạn đường có đèn tín hiệu giao thông. – Thực hành đi bộ an toàn. Bài 15: Ôn tập chủ đề Cộng đồng địa phương Thực vật và động vật − Nêu tên và đặt được câu hỏi để tìm hiểu về một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây. − Vẽ hoặc chỉ ra được tên các bộ phận bên ngoài nổi bật của cây. − Phân biệt được một số loài cây theo yêu cầu sử dụng của con người (cây bóng mát, cây ăn quả, cây rau, cây hoa,...). Bài 16: Cây xung quanh em – Một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của cây. – Các bộ phận bên ngoài của cây. – Phân loại một số cây theo yêu cầu sử dụng của con người. − Nêu được việc làm phù hợp để chăm sóc, bảo vệ cây trồng. − Làm được một số việc phù hợp để chăm sóc, bảo vệ cây trồng ở trường hoặc ở nhà. − Có ý thức giữ an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với một số cây và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện. Bài 17: Em chăm sóc và bảo vệ cây trồng – Một số việc làm chăm sóc và bảo vệ cây trồng. – An toàn khi tiếp xúc với một số cây. 16 − Kể tên, mô tả được hình dạng, màu sắc, độ lớn và/ hoặc đặc điểm khác nổi bật của một số con vật. − Nhận biết tên, các bộ phận bên ngoài của con vật (đầu, mình, cơ quan di chuyển). − Vẽ hoặc sử dụng được sơ đồ có sẵn để ghi chú tên các bộ phận bên ngoài của một số con vật. − Phân biệt được một số con vật theo ích lợi hoặc tác hại của chúng đối với con người. Bài 18: Con vật quanh em – Một số đặc điểm bên ngoài nổi bật của con vật. – Các bộ phận bên ngoài của một số con vật. – Phân loại được một số con vật theo lợi ích hoặc tác hại đối với con người. − Nêu được việc làm phù hợp để chăm sóc, bảo vệ vật nuôi. − Làm được một số việc phù hợp để chăm sóc và đối xử tốt với vật nuôi. Bài 19: Chăm sóc và bảo vệ vật nuôi – Các việc làm chăm sóc, bảo vệ vật nuôi. − Có ý thức giữ an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với một số con vật và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện. Bài 20: Giữ an toàn với một số con vật – An toàn khi tiếp xúc với một số con vật. Bài 21: Ôn tập chủ đề Thực vật và động vật Con người và sức khoẻ − Xác định được tên, hoạt động của các bộ phận bên ngoài cơ thể. − Biết phân biệt con trai và con gái. Bài 22: Cơ thể của em – Tên, hoạt động của các bộ phận bên ngoài cơ thể người. – Phân biệt con trai và con gái. 17 − Nêu được tên, chức năng của các giác quan. − Giải thích được ở mức độ đơn giản tại sao cần phải bảo vệ các giác quan. − Thực hiện được một số cách bảo vệ các giác quan trong cuộc sống hằng ngày. Biết cách phòng tránh cận thị học đường. Bài 23: Các giác quan của em – Tên, chức năng của các giác quan. – Cách bảo vệ các giác quan và phòng tránh cận thị học đường. – Nêu được những việc cần làm để giữ vệ sinh cơ thể và ích lợi của việc làm đó. – Thực hiện đúng các quy tắc giữ vệ sinh cơ thể. – Tự đánh giá được việc thực hiện giữ vệ sinh cơ thể. Bài 24: Em giữ vệ sinh cơ thể – Những việc cần làm để giữ vệ sinh cơ thể. – Các quy tắc giữ vệ sinh cơ thể. − Nêu được số bữa cần ăn trong ngày và tên một số thức ăn, đồ uống giúp cho cơ thể khoẻ mạnh và an toàn qua quan sát tranh ảnh hoặc video. − Tự nhận xét được thói quen ăn uống của bản thân để xây dựng thói quen ăn uống có lợi cho sức khoẻ. Bài 25: Em ăn uống lành mạnh – Một số bữa ăn chính trong ngày. – Tên một số thức ăn, đồ uống giúp cho cơ thể khoẻ mạnh và an toàn. – Nhận xét thói quen ăn uống của bản thân. − Xác định được các hoạt động vận động và nghỉ ngơi có lợi cho sức khoẻ qua quan sát tranh ảnh hoặc video. Bài 26: Em vận động và nghỉ ngơi – Các hoạt động vận động và nghỉ ngơi có lợi cho sức khoẻ. – Các hoạt động cần dành nhiều thời gian để cơ thể khoẻ mạnh. 18 − Liên hệ với những hoạt động hằng ngày của bản thân và đưa ra được hoạt động nào cần dành nhiều thời gian để cơ thể khoẻ mạnh. − Xác định được vùng riêng tư của cơ thể cần được bảo vệ. − Thực hành cách nói không và tránh xa người có hành vi động chạm hay đe doạ đến sự an toàn của bản thân. − Thực hành cách nói với người lớn đáng tin cậy để được giúp đỡ khi cần. Bài 27: Em biết tự bảo vệ – Vùng riêng tư của cơ thể. – Một số cách tự bảo vệ để đảm bảo sự an toàn của bản thân. – Chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần. Bài 28: Ôn tập chủ đề Con người và sức khoẻ Trái Đất và bầu trời − Mô tả được bầu trời ban ngày và ban đêm qua quan sát thực tế, tranh ảnh hoặc video. − So sánh được ở mức độ đơn giản bầu trời ban ngày và ban đêm; bầu trời ban đêm vào các ngày khác nhau (nhìn thấy hay không nhìn thấy Mặt Trăng và các vì sao). Bài 29: Ban ngày và ban đêm – Đặc điểm bầu trời ban ngày và ban đêm. – Sự khác nhau giữa bầu trời ban ngày và ban đêm; bầu trời ban đêm vào các ngày khác nhau. − Nêu được ví dụ về vai trò của Mặt Trời đối với Trái Đất (sưởi ấm và chiếu sáng). Bài 30: Ánh sáng mặt trời – Vai trò sưởi ấm và chiếu sáng của Mặt Trời với Trái Đất. 19 − Có ý thức bảo vệ mắt, không nhìn trực tiếp vào Mặt Trời và chia sẻ với những người xung quanh cùng thực hiện. – Bảo vệ mắt dưới ánh sáng mặt trời. − Mô tả được một số hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh, gió... ở mức độ đơn giản. − Nêu được sự cần thiết phải theo dõi dự báo thời tiết hằng ngày. − Thực hiện được việc sử dụng trang phục phù hợp với thời tiết: nắng, mưa, nóng lạnh để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh. Bài 31: Hiện tượng thời tiết – Một số hiện tượng thời tiết. – Ý nghĩa của việc theo dõi dự báo thời tiết hằng ngày. – Sử dụng trang phục phù hợp với thời tiết để bảo vệ cơ thể khoẻ mạnh. Bài 32: Ôn tập chủ đề Trái Đất và bầu trời (3). Phần cuối sách: Có bảng tra cứu thuật ngữ, giúp học sinh hệ thống hoá các thuật ngữ quan trọng trong bài học và dễ dàng tra cứu khi cần thiết, bước đầu hình thành kĩ năng đọc sách cho học sinh. 2.2. Cấu trúc bài học Sách gồm 32 bài học (bao gồm cả các bài ôn tập chủ đề). Mỗi bài học được xây dựng với cấu trúc là một chuỗi các hoạt động học tập của học sinh, thể hiện rõ quan điểm dạy học phát triển năng lực và dạy học tích hợp, đồng thời đảm bảo cấu trúc bài học theo tiêu chuẩn sách giáo khoa quy định tại Thông tư số 33/2017/TT–BGDĐT. Mỗi bài học được trình bày theo cách tiếp cận gắn với những năng lực đặc thù và gợi ý giáo viên tổ chức dạy học trong 2 tiết. Ở mỗi tiết, đều có cấu trúc thống nhất, bao gồm: (a). Phần mở đầu: là những yêu cầu cần đạt và hoạt động khởi động. 20 − Yêu cầu cần đạt trong mỗi bài học: Nhằm định hướng người đọc, nêu ngắn gọn các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh mà bài học hướng tới. − Hoạt động khởi động: Là những câu hỏi vấn đề hoặc bài hát, trò chơi,… gợi sự tò mò, kích thích hứng thú và huy động kinh nghiệm, kiến thức đã có của học sinh để bắt đầu bài học. (b). Phần nội dung chính: Là phần kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Các nội dung này được trình bày xen kẽ nhau thông qua những hoạt động học tập được tổ chức theo cách tiếp cận hướng đến những nhóm năng lực đặc thù của môn Tự nhiên và Xã hội. − Hoạt động phát triển năng lực nhận thức khoa học và năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh: Dựa vào quan sát, thực hành sắp xếp, phân loại hoặc trải nghiệm các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm thực tiễn, học sinh nêu và nhận biết một số sự vật, hiện tượng, có khả năng đặt câu hỏi, quan sát, nhận xét về đặc điểm bên ngoài của các sự vật, hiện tượng xung quanh. Chú ý đến tâm sinh lí cũng như trình độ của học sinh lớp 1, các năng lực Nhận thức và năng lực Tìm hiểu được gộp chung trong một loại hình hoạt động, tránh gây bối rối cho học sinh. − Hoạt động phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: Yêu cầu học sinh liên hệ thực tế, phân tích một tình huống, giải quyết một vấn đề có liên quan và đưa ra cách ứng xử phù hợp. (c). Phần kết bài học: Là những câu văn hoặc câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn thể hiện nội dung cần biết và những từ khoá được nhấn mạnh trong bài học. − Nội dung cần biết: Để học sinh có cơ hội nắm những nội dung chính, trọng tâm của bài học. Nội dung này được khuyến nghị để cho học sinh tập đọc theo giáo viên vào cuối tiết học, nhằm giúp học sinh tập trung vào một nội dung cơ bản hoặc giá trị sống cần nhấn mạnh trong bài, qua đó tăng cường khả năng đọc câu chữ tiếng Việt mà không yêu cầu học sinh phải thuộc lòng các nội dung này. − Từ khoá: Trước khi kết thúc bài học, học sinh sẽ tập đọc các Từ khóa của bài để khắc sâu một số từ quan trọng trong bài học, rèn kĩ năng đọc và nhớ từ tiếng Việt. 21 Hoạt động khởi động Yêu cầu cần đạt Hoạt động phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học Hoạt động phát triển năng lực nhận thức khoa học và năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh Nội dung cần biết: giá trị trọng tâm của bài học 22 Hoạt động phát triển năng lực nhận thức khoa học và năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh Hoạt động phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học Nội dung cần biết: giá trị trọng tâm của bài học Từ khoá quan trọng trong bài học 23 3. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1 3.1. Phương pháp dạy học a. Định hướng chung về việc sử dụng phương pháp dạy học Xuất phát từ định hướng chung về phương pháp giáo dục nêu tại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đặc biệt quán triệt quan điểm lấy người học làm trung tâm, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, khi dạy học môn Tự nhiên và Xã hội, giáo viên nên lựa chọn và sử dụng phương pháp dạy học theo các định hướng cơ bản sau: – Tổ chức cho học sinh được quan sát. Phương pháp quan sát là phương pháp dạy học truyền thống và đặc trưng của môn Tự nhiên và Xã hội. Giáo viên có thể tổ chức cho học sinh quan sát nhiều đối tượng khác nhau: tranh ảnh trong sách giáo khoa, các video, hiện tượng tự nhiên và xã hội thực tế xung quanh. Phương pháp dạy học này được sử dụng ở tất cả các bài học, đây được coi như một trong các phương pháp dạy học nòng cốt, đặc trưng, nhằm góp phần hình thành và phát triển ở học sinh năng lực nhận thức khoa học và năng lực tìm hiểu tự nhiên, xã hội xung quanh. – Tổ chức cho học sinh được tương tác. Tương tác là quá trình học sinh được hoạt động thông qua các mối quan hệ tương hỗ: tương tác với bạn học, tương tác với giáo viên và tương tác với tài liệu, phương tiện dạy học. – Tổ chức cho học sinh được trải nghiệm: Sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội 1 được biên soạn trên quan điểm gắn với thực tiễn, xoay quanh cuộc sống hằng ngày của học sinh. Do đó, khi dạy học môn này, giáo viên nên sử dụng các phương pháp dạy học giúp khai thác tối đa tri thức và kinh nghiệm sống của người học thông qua các hoạt động khám phá, điều tra thực tiễn; trải nghiệm bản thân trong các tình huống giả định thể hiện cách ứng xử phù hợp để bảo vệ sức khoẻ, sự an toàn của bản thân và những người xung quanh, bảo vệ môi trường sống,… – Lựa chọn và phối hợp sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau theo hướng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương khác nhau. Việc kết hợp các phương pháp dạy học hiệu quả sẽ kích thích và phát huy vai trò chủ động nhận thức của người học, giáo viên đóng vai trò là người 24 cố vấn, hướng dẫn và khích lệ đối với việc học tập của học sinh. Khi sử dụng sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1, giáo viên có thể kết hợp hiệu quả các phương pháp dạy học như: phương pháp quan sát và phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp điều tra với phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp phát hiện và giải quyết vấn đề với thảo luận nhóm và tổ chức trò chơi,... b. Các nhóm phương pháp dạy học phù hợp với việc bồi dưỡng phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn Tự nhiên và Xã hội 1 Tuỳ từng phần và nội dung của bài học, khi được trình bày với những mục đích khác nhau, thì giáo viên có thể khai thác và lựa chọn sử dụng những phương pháp dạy học đặc trưng khác nhau. Để bồi dưỡng phẩm chất cho học sinh thông qua dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1, giáo viên có thể khai thác nội dung các bài học phù hợp. Trong một số bài, các phẩm chất chủ yếu cũng được nhấn mạnh trong mục Em cần biết, gợi ý cho giáo viên sử dụng phương pháp đàm thoại, gợi mở – vấn đáp và thảo luận nhóm để rút ra những giá trị nhân văn và bài học về cách ứng xử phù hợp với bạn bè, thầy cô, các thành viên trong gia đình, cộng đồng và môi trường tự nhiên xung quanh. Bên cạnh đó, thông qua việc tổ chức các hoạt động quan sát, điều tra, khám phá, giải quyết vấn đề có liên quan đến môi trường tự nhiên và xã hội, học sinh cũng được hình thành tình cảm yêu quý, trân trọng gia đình, bạn bè, cộng đồng; yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên; có ý thức giữ vệ sinh cá nhân, thực hiện các quy tắc bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho bản thân, gia đình, bạn bè và những người xung quanh; có ý thức sử dụng tiết kiệm, giữ gìn, bảo quản những đồ dùng, vật dụng của gia đình, xã hội; có ý thức chăm sóc, bảo vệ thực vật và động vật, giữ vệ sinh môi trường; có ý thức vận dụng kiến thức, kĩ năng học được vào cuộc sống; tham gia các công việc gia đình, trường lớp, cộng đồng vừa sức với bản thân. Để hình thành và phát triển các nhóm năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, giáo viên có thể khai thác và tăng cường sử dụng những nhóm phương pháp dạy học có nhiều tiềm năng: − Năng lực tự chủ và tự học: Tổ chức cho học sinh tự tìm kiếm, chuẩn bị và lựa chọn tài liệu, phương tiện trước và trong quá trình học tập ở trên lớp (ví dụ: chuẩn bị các bức ảnh về gia đình; chuẩn bị các bức vẽ, ảnh về trường học của mình; mang đến lớp một cây nhỏ để quan sát,...). Việc tổ chức cho 25 học sinh trải nghiệm và tham gia các hoạt động làm việc cá nhân sẽ giúp các em có cơ hội nhận biết cảm xúc, khả năng của bản thân và có kế hoạch tự điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của bản thân một cách phù hợp (ví dụ: học sinh tự chọn một việc làm và thực hành vệ sinh lớp học; thực hành sắp xếp đồ dùng cá nhân gọn gàng trên lớp,…). Những phương pháp có thể góp phần phát triển ở học sinh năng lực này thông qua dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1: phương pháp đàm thoại, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp điều tra, phương pháp làm việc cá nhân,… − Năng lực giao tiếp và hợp tác: Tăng cường cơ hội cho học sinh được nói, trao đổi với bạn qua các hoạt động làm việc nhóm. Tất cả các bài trong sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội 1 đều có thể khai thác và sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, tổ chức trò chơi để góp phần hình thành và phát triển năng lực này cho học sinh. Ngoài ra, trong một số bài học, năng lực này còn được tăng cường và nâng cao hơn khi giáo viên sử dụng kết hợp thảo luận nhóm với điều tra, dự án,… − Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Năng lực này được phát triển qua các hoạt động xây dựng kiến thức mới; luyện tập, thực hành; vận dụng vào các tình huống thực tiễn. Để hình thành và phát triển năng lực này, khi sử dụng sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội 1, giáo viên có thể khai thác các phương pháp: thí nghiệm, dự án, tổ chức trò chơi, đóng vai, dạy học nêu vấn đề,… Đối với các nhóm năng lực khoa học: − Năng lực nhận thức khoa học và tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội: Giáo viên sử dụng phương pháp quan sát, gợi mở – vấn đáp, kể chuyện, thảo luận nhóm, thực hành, điều tra đơn giản nhằm huy động hiểu biết và kinh nghiệm đã biết của học sinh; quan sát và so sánh, phân loại các sự vật, hiện tượng, các mối quan hệ của chúng trong tự nhiên và xã hội,… Từ đó khái quát, hệ thống hoá kiến thức, kết nối những điều đã học, đã biết để rút ra những tri thức khoa học mới và những giá trị nhân văn sâu sắc. − Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn và ứng xử phù hợp với tự nhiên, con người, xã hội trong môn học: Giáo viên có thể sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, đàm thoại, tổ chức trò chơi, đóng vai,… Những phương pháp này tạo cơ hội cho học sinh được vận dụng những điều đã học để giải quyết các nhiệm vụ học tập trong bối cảnh tình huống thực tế đời sống, vừa sức với học sinh. 26 Như vậy, khi dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1, giáo viên có thể sử dụng kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau như: Phương pháp quan sát Phương pháp đàm thoại (hỏi – đáp hay gợi mở – vấn đáp) Phương pháp kể chuyện Phương pháp thảo luận nhóm Phương pháp tổ chức trò chơi Phương pháp đóng vai 3.2. Hình thức tổ chức dạy học Cũng như các môn học khác, bài lên lớp được coi là hình thức tổ chức dạy học cơ bản của môn Tự nhiên và Xã hội nói chung và môn Tự nhiên và Xã hội 1 nói riêng. Bên cạnh hình thức tổ chức dạy học này, việc dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1 còn có các hình thức tổ chức dạy học khác: dạy học ngoài hiện trường, tham quan. a. Bài lên lớp Mỗi bài học trong sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1 được gợi ý dạy trong 2 tiết. Mục tiêu và cấu trúc bài lên lớp của tiết 1 và tiết 2 trong phần lớn các bài học về cơ bản là giống nhau, cụ thể như sau: Mục tiêu chủ yếu của bài lên lớp ở tiết 1 và tiết 2 là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh, vận dụng kiến thức kĩ năng đã học để liên hệ, giải thích và đưa ra cách giải quyết vấn đề phù hợp trong những tình huống thực tiễn có liên quan đến bài học. Để đạt được mục đích trên, bài lên lớp của tiết 1 và tiết 2 có cấu trúc chung gồm các phần như sau: − Hoạt động khởi động và khám phá; − Hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức, tìm hiểu; − Hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; − Em cần biết. Ngoài ra, trong tiết 1 còn có thêm Yêu cầu cần đạt để định hướng giáo viên và học sinh về một số phẩm chất và năng lực chủ yếu cần đạt được trong bài. 27 Trong một số bài học, tiết 2 có cấu trúc linh hoạt hơn, có bài tiết 2 có đầy đủ các hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức, tìm hiểu; hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, có bài chỉ có các hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Đặc biệt, cuối tiết 2, sau khi rút ra được nội dung Em cần biết, còn có hoạt động chỉ dẫn học sinh đọc các từ khoá, nhằm bổ sung và tăng vốn từ vựng và thuật ngữ khoa học cho học sinh. Giữa bài lên lớp ở tiết 1 và tiết 2 có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau: tiết 1 là cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động học tập ở tiết 2 và tiết 2 bổ sung, củng cố và phát triển nội dung học tập ở tiết 1. Do đó, cuối tiết 1 thường có các hoạt động tiếp nối sau bài học, các hoạt động này thường có mối quan hệ gắn bó và tạo tiền đề để tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh ở tiết 2. Trong quá trình dạy học bài lên lớp, giáo viên có thể kết hợp sử dụng các hình thức học tập toàn lớp (khi cần định hướng về yêu cầu cần đạt của bài học, những kết luận chính, giải thích những nội dung kiến thức khó, trừu tượng,…); học tập theo nhóm (khuyến khích sử dụng trong phần lớn các hoạt động dạy học, tạo cơ hội cho học sinh được tương tác, nhằm hình thành và phát triển năng lực nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên, xã hội và vận dụng kiến thức, kĩ năng bài học trong một số trò chơi, đóng vai,…); học tập cá nhân (khi quan sát, trả lời câu hỏi của giáo viên và bạn học, thực hành các nhiệm vụ học tập và rèn luyện bản thân,…). b. Dạy học tại hiện trường (dạy học ngoài lớp) Dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1 không chỉ được tiến hành ở trong khuôn khổ của lớp học, mà cần được tổ chức tại hiện trường. Hiện trường ở đây là những không gian liên quan đến bài học. Tuỳ theo điều kiện môi trường học tập và khả năng thực tế của từng trường và địa phương, những hiện trường có thể được khai thác, sử dụng trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1 là: sân trường, vườn trường, khu vực xung quanh trường học, một số công trình công cộng gần trường,… Bài học được tổ chức theo hình thức dạy học tại hiện trường sẽ tạo cơ hội cho học sinh được tiếp xúc, quan sát trực tiếp những sự vật, hiện tượng có trong thực tiễn ở xung quanh học sinh mà không phải qua sách vở, tranh ảnh. Đây là hình thức tổ chức dạy học thu hút được học sinh tham gia, kiến thức, kĩ năng của bài học trở nên sống động, thực tế, bền vững hơn. 28 Tuỳ theo đối tượng và nội dung bài học của môn Tự nhiên và Xã hội 1 mà giáo viên có thể lựa chọn để tổ chức hình thức dạy học này cho học sinh. Một số bài của môn Tự nhiên và Xã hội 1 có thể được tiến hành dạy học tại hiện trường như: Trường học của em, Hoạt động ở trường em, Lớp học của em, Hoạt động của lớp em, Đi đường an toàn, Cây xung quanh em, Em chăm sóc và bảo vệ cây trồng, Ánh sáng mặt trời, Hiện tượng thời tiết. Khi sử dụng hình thức dạy học ngoài hiện trường cho môn Tự nhiên và Xã hội 1, giáo viên cần lưu ý một số yêu cầu như: đối tượng, sự vật khai thác tại hiện trường phải phù hợp với nội dung bài học; hiện trường tổ chức dạy học gần trường và an toàn cho học sinh; cần giúp học sinh hiểu rõ mục đích, duy trì kỉ luật, an toàn trong suốt quá trình hoạt động học tập được diễn ra để không ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh ở các lớp học khác. c. Tham quan Hình thức tổ chức dạy học này giúp học sinh có điều kiện trực tiếp quan sát các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội một cách tổng quát, gắn kết, tổng hợp các kiến thức, kĩ năng được học của nhiều bài học trong mối quan hệ logic, gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh được tham quan một số nơi như: − Trường tiểu học khác ở trong vùng hoặc ở địa phương khác để học sinh có sự mở rộng, so sánh các khu vực và hoạt động diễn ra tại các lớp học, trường học khác nhau. − Một số khu vực công cộng: công viên, siêu thị, nhà máy,… để học sinh quan sát và hiểu hơn về công việc và hoạt động của mọi người xung quanh. − Vườn bách thú, công viên, khu du lịch sinh thái, rừng quốc gia,… để học sinh quan sát và thấy được sự đa dạng, phong phú của thế giới tự nhiên, thực vật và động vật xung quanh. 4. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội 1 4.1. Kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất Kiểm tra là quá trình tìm kiếm, thu thập thông tin về quá trình học sinh thực hiện bài học môn Tự nhiên và Xã hội 1 trên cơ sở đối chiếu mục tiêu và yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của bài học, môn học với quá trình và 29 kết quả đạt được. Đánh giá là quá trình xử lí thông tin qua kiểm tra được thể hiện qua thái độ và nhận xét của giáo viên về kết quả học tập môn Tự nhiên và Xã hội 1 của học sinh. Mục đích cơ bản của đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình môn Tự nhiên và Xã hội 1 và sự tiến bộ của học sinh để tạo động lực học và điều chỉnh hoạt động dạy của giáo viên và nhà trường. Một số đặc trưng của đánh giá phẩm chất, năng lực trong dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1: − Quan tâm đánh giá phẩm chất của học sinh, chú trọng đến năng lực cá nhân, khuyến khích học sinh thể hiện cá tính và năng lực bản thân. Các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm của học sinh được đánh giá chủ yếu là bằng định tính, thông qua quan sát, ghi chép, nhận xét về hành vi, cách ứng xử, các biểu hiện về thái độ, tình cảm của học sinh khi tham gia các hoạt động học tập của bài học. − Đa dạng hoá các hình thức và công cụ đánh giá học sinh: Đánh giá qua lời nói, trả lời câu hỏi; Đánh giá qua phiếu bài tập, bài tự luận, trắc nghiệm,…; Đánh giá các sản phẩm quan sát, thực hành của nhóm, cá nhân; Đánh giá qua việc quan sát học sinh tham gia các hoạt động; Đánh giá qua sự phản hồi của các lực lượng giáo dục,… − Kết hợp đánh giá quá trình làm việc cá nhân với đánh giá sự hợp tác và làm việc nhóm, tập thể của học sinh. − Không chỉ quan tâm đến kết quả của hoạt động mà còn chú trọng đến quá trình tạo ra sản phẩm của hoạt động, coi trọng ý tưởng sáng tạo, tinh thần làm việc để tạo ra sản phẩm trong quá trình học tập. Kết hợp giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kì sau từng chủ đề nhằm điều chỉnh quá trình dạy học. − Trọng tâm đánh giá môn học nhấn mạnh đến đánh giá năng lực của người học. − Khuyến khích tự đánh giá và đánh giá chéo của cá nhân và các nhóm học sinh ở những thời điểm khác nhau trong quá trình dạy học. Đặc biệt là đánh giá cuối hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên, xã hội và cuối hoạt động hình thành, phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. 30 4.2. Một số gợi ý về hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh trong môn Tự nhiên và Xã hội 1 a. Đánh giá các nhóm năng lực chung − Năng lực tự chủ và tự học: Được đánh giá chủ yếu thông qua việc quan sát hành động, những việc làm của học sinh trong quá trình học tập như: quá trình học sinh tự tìm kiếm, chuẩn bị và lựa chọn tài liệu, phương tiện học tập trước giờ học môn Tự nhiên và Xã hội ở trên lớp; quá trình tự giác tham gia và thực hiện các hoạt động học tập cá nhân trong giờ học ở trên lớp,… − Năng lực giao tiếp và hợp tác: Đánh giá thông qua quan sát hoạt động học tập nhóm của người học, khả năng phân công và phối hợp giữa các học sinh để hoàn thành nhiệm vụ học tập của môn Tự nhiên và Xã hội được tổ chức ở trong và ngoài lớp học. − Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Đánh giá thông qua việc học sinh đề xuất và đưa ra các phương án trả lời cho các câu hỏi, bài tập xử lí tình huống, vận dụng kiến thức, kĩ năng của bài học môn Tự nhiên và Xã hội để giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. b. Đánh giá năng lực khoa học trong môn Tự nhiên và Xã hội 1 Căn cứ vào những biểu hiện cụ thể của năng lực khoa học trong môn Tự nhiên và Xã hội, giáo viên có thể thiết kế các câu hỏi, các bài tập để đánh giá năng lực khoa học của học sinh. − Năng lực nhận thức khoa học: Có thể đánh giá thông qua việc yêu cầu học sinh nêu, mô tả, trình bày được một số sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh; so sánh, lựa chọn và phân loại được các sự vật, hiện tượng đơn giản trong tự nhiên và xã hội theo một số tiêu chí. − Năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh: Có thể đánh giá thông qua việc học sinh đặt được câu hỏi, nêu thắc mắc về một số sự vật, hiện tượng; quan sát và tiến hành được các thao tác thực hành để nhận xét về đặc điểm của các sự vật, hiện tượng và mối quan hệ giữa chúng trong tự nhiên và xã hội. − Năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: Có thể đánh giá thông qua việc học sinh giải thích, phân tích một số tình huống có liên quan đến bài học; nhận xét, đánh giá cách ứng xử của mọi người xung quanh; nêu và thực hiện được cách ứng xử phù hợp trong một số tình huống và chia sẻ với mọi người xung quanh cùng thực hiện. 31 Dưới đây là đề đánh giá minh hoạ mạch nội dung: Đi đường an toàn thuộc chủ đề Cộng đồng địa phương (môn Tự nhiên và Xã hội 1). Câu 1: Tên gọi của biển báo sau là gì? a. Biển báo Cấm người đi bộ. b. Biển báo Giao nhau với đường sắt không có rào chắn. c. Biển báo Đường dành cho người đi bộ. Câu 2: Nối các hình ảnh với ô chữ “Nên làm” hoặc “Không nên làm” để đảm bảo an toàn khi đi trên đường. Nên làm Không nên làm (Trang 65 sách giáo khoa) 32 Câu 3: Điều gì có thể xảy ra với các bạn nhỏ trong tranh sau? Tại sao? Câu 4: Bạn An muốn đi bộ đến trường. Em hãy vẽ đường đi từ nhà đến trường giúp An để bạn đến trường được an toàn. 33 Thông qua đề đánh giá minh hoạ trên, giáo viên có thể đánh giá các thành phần năng lực khoa học trong mạch nội dung Đi đường an toàn (chủ đề Cộng đồng địa phương, môn Tự nhiên và Xã hội 1) như sau: Thành phần năng lực Câu hỏi đánh giá Nhận thức khoa học Câu 1, câu 2 Tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh Câu 3 Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học Câu 4 5. Hướng dẫn khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên sách và học liệu điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) Việc tổ chức dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1 được hướng dẫn triển khai thông qua các tài liệu sau: – Hướng dẫn tổ chức dạy học sách giáo khoa mới môn Tự nhiên và Xã hội 1. – Video một số bài dạy đặc trưng trong môn học. – Sách giáo khoa, sách giáo viên và vở bài tập môn Tự nhiên và Xã hội 1. Việc khai thác, sử dụng các tài liệu trên được các tác giả và NXBGDVN hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục một cách cụ thể, theo kế hoạch, quy trình tập huấn khoa học được chuẩn bị và xây dựng trước. 34 PHẦN HAI GỢI Ý, HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC DẠY HỌC MỘT SỐ DẠNG BÀI 1. Hướng dẫn dạy học bài mới Bài mới có cấu trúc gồm các phần: Yêu cầu cần đạt; Hoạt động khởi động; Hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức và tìm hiểu; Hoạt động hình thành, phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng; Em cần biết; Từ khoá. Mỗi phần có mục tiêu, nội dung và cách tổ chức dạy học khác nhau. 1.1. Yêu cầu cần đạt Phần này của bài học giúp giáo viên và học sinh định hướng về mục tiêu và nội dung bài học cần hướng đến. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1, do khả năng đọc còn hạn chế, nên giáo viên có thể dựa vào yêu cầu cần đạt để định hướng, giúp học sinh có cái nhìn tổng quát nhất về nội dung bài sẽ học. 1.2. Hoạt động khởi động và khám phá Đây là hoạt động tạo hứng thú, khơi gợi và kết nối những hiểu biết đã có của học sinh vào quá trình học bài mới thông qua bài hát, trò chơi, câu lệnh thực hiện hoạt động hoặc đàm thoại ngắn gọn giữa giáo viên và học sinh. Sản phẩm của hoạt động này là các câu hỏi và ý kiến dự đoán, trả lời, giả thuyết liên quan đến bài học mới của học sinh. − Tổ chức hoạt động khởi động thông qua một bài hát: tuỳ theo đặc điểm học sinh và tình hình thực tế của từng trường mà giáo viên lựa chọn bài hát được gợi ý theo chủ đề phù hợp với nội dung bài, tổ chức cho học sinh hát tập thể hoặc múa hát theo nhạc, video nhằm tạo tâm thế hào hứng bắt đầu bài học mới. Sau đó, đưa ra hệ thống các câu hỏi để học sinh dự đoán, huy động và bộc lộ những hiểu biết đã có vào bài học mới. Ví dụ: Bài 6: “Trường học của em”, sách giáo khoa gợi ý “Cùng hát một bài hát về trường học”, giáo viên có thể lựa chọn và tổ chức cho học sinh hát bài hát Em yêu trường em, sáng tác Hoàng Vân,… Sau khi học sinh cùng hát 35 xong, giáo viên tổ chức cho học sinh trả lời nhanh câu hỏi: Bạn nhỏ trong lời bài hát có yêu trường học của mình không? Trường học của bạn có những ai? Tình cảm của mọi người đối với nhau như thế nào?... Sau khi học sinh trả lời, giáo viên dẫn dắt để giới thiệu về bài học “Trường học của em”. − Tổ chức hoạt động khởi động thông qua một trò chơi: Đây là cách thức phù hợp và hấp dẫn với học sinh lớp 1. Khi tổ chức trò chơi, giáo viên nên cân nhắc, lựa chọn những trò chơi không chỉ phù hợp với học sinh, mà còn phải liên quan và phục vụ đắc lực cho việc khơi gợi những kiến thức, kĩ năng tiền đề để kết nối với bài học mới. Ví dụ: Bài 2: “Sinh hoạt trong gia đình”, sách giáo khoa đưa ra gợi ý: “Kể những việc nhà mà em có thể làm.”, thay vì cho học sinh đứng lên kể theo chỉ định, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh chơi trò chơi “Truyền điện” hoặc “Tặng hoa”, bạn nhận được bông hoa hay một tín hiệu phát ra từ quản trò sẽ nhanh chóng nêu ra một việc nhà, sau đó lại chuyền hoa hoặc phát tín hiệu cho bạn tiếp theo,… Trò chơi này có thể được tổ chức trong thời gian 3 – 5 phút, sau đó, giáo viên đưa ra hệ thống câu hỏi gợi mở để dẫn dắt vào bài: Trong trò chơi vừa rồi, chúng mình đã kể được những việc nhà nào? Những công việc này chúng mình đã từng tham gia làm ở nhà chưa? Ở gia đình em, ai là người thường xuyên làm những việc nhà này nhất?... − Tổ chức hoạt động khởi động thông qua đàm thoại: Cách thức tổ chức hoạt động này thường yêu cầu học sinh trả lời và lí giải đơn giản cho câu trả lời bằng những kiến thức hoặc kinh nghiệm mà bản thân đã có. Ví dụ: Bài 3: “Nhà ở của em”, sách giáo khoa đưa ra câu hỏi gợi ý: “Em có yêu ngôi nhà của mình không? Vì sao?”, giáo viên có thể tổ chức cho một vài học sinh đứng lên chia sẻ và giải thích cho câu trả lời của mình. Tuỳ theo câu trả lời của học sinh, giáo viên nhận xét và dẫn dắt, nhấn mạnh đến tình cảm gắn gó với ngôi nhà của mình, đặt ra các câu hỏi để kết nối với bài học mới: Trong mỗi ngôi nhà thường có những gì? Nhà ở các khu vực khác nhau thì khác nhau như thế nào?... 1.3. Hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức, tìm hiểu Đây là hoạt động giúp học sinh xây dựng kiến thức khoa học mới, thay đổi những quan niệm chưa đúng, bổ sung những quan niệm chưa đầy đủ thông qua các hoạt động quan sát, kể chuyện, đàm thoại, thảo luận nhóm,… trên các tranh ảnh, mô hình, tài liệu,… 36 Sản phẩm của hoạt động này là học sinh nêu được những nhận xét, trả lời được câu hỏi, tự nêu được các giá trị đạo đức, nhân văn được rút ra từ bài học hoặc những tri thức khoa học của bài. Khi tổ chức dạy học hoạt động này, giáo viên có thể khai thác và sử dụng tranh ảnh, ngữ liệu đã có trong sách giáo khoa hoặc có thể sử dụng các tài liệu, phương tiện dạy học sẵn có của trường, lớp, địa phương, huy động tối đa sự chuẩn bị và tham gia của học sinh để tổ chức hoạt động. Các phương pháp dạy học được vận dụng để tổ chức hoạt động này khá đa dạng và phong phú, giáo viên có thể sử dụng phương pháp quan sát, kể chuyện kết hợp đàm thoại, thảo luận nhóm, dạy học nêu vấn đề,… Do đặc điểm của học sinh giai đoạn đầu cấp tiểu học chủ yếu dựa trên tư duy trực quan cụ thể, thông qua quan sát, so sánh, nêu thắc mắc,… để hình thành và phát triển năng lực nhận thức khoa học; qua đó hình thành năng lực tìm hiểu, khám phá môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh. Ví dụ: Bài 4: “Đồ dùng trong nhà”, trong bài này có 3 hoạt động chính để hình thành và phát triển năng lực nhận thức cho học sinh: − Hoạt động 1: Cùng hỏi và trả lời về một số đồ dùng, thiết bị trong nhà của bạn An. An ơi, cái điều khiển tivi này sử dụng như thế nào? 37 Với yêu cầu của hoạt động này, giáo viên tổ chức cho học sinh quan sát kết hợp làm việc cặp đôi. Quá trình tổ chức hoạt động có thể được tiến hành theo 3 bước: (1) Làm việc cá nhân: Từng học sinh quan sát hình trong sách giáo khoa và xác định tên của các đồ dùng, thiết bị có trong nhà của bạn An; (2) Làm việc cặp đôi: học sinh quay sang bạn cùng bàn để nhìn vào bức tranh trong sách giáo khoa và đặt câu hỏi về tên, cách sử dụng, vai trò của một số đồ dùng, thiết bị mà học sinh nhìn thấy; (3) Làm việc cả lớp: Giáo viên có thể trình chiếu tranh trong sách giáo khoa lên bảng, học sinh từng cặp lên trước lớp, chỉ, đặt câu hỏi và trả lời về một số đồ dùng, thiết bị trong nhà của An. − Hoạt động 2: Kể tên các đồ dùng nguy hiểm trong tranh dưới đây. Để an toàn, chúng ta cần lưu ý gì khi sử dụng các đồ dùng đó? Với yêu cầu này, giáo viên có thể linh hoạt tổ chức hoạt động với nhiều cách thức khác nhau: (1) Sử dụng phương pháp đàm thoại trực tiếp: giáo viên đặt câu hỏi theo gợi ý trong sách giáo khoa, học sinh trả lời theo các câu hỏi đó; nếu học sinh không trả lời được, giáo viên có thể đưa ra gợi ý để học sinh trả lời; (2) Sử dụng phương pháp thảo luận cặp đôi: 2 bạn ngồi cùng bàn sẽ 38 cùng quan sát và nói với nhau nghe về các đồ dùng nguy hiểm có thể gây bị thương, bị bỏng; những lưu ý để sử dụng đồ dùng đó an toàn. − Hoạt động 3: Chuyện gì có thể xảy ra với các bạn trong tranh? Em sẽ khuyên bạn điều gì trong tình huống đó? 1 2 Em đưa giúp chị cái kéo! 3 4 Cùng là hoạt động quan sát tranh để hình thành, phát triển năng lực nhận thức và tìm hiểu, tuy nhiên hoạt động này đòi hỏi kĩ năng quan sát của học sinh cao hơn các hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức, tìm hiểu 1 và 2 trong bài. Do đó, khi tổ chức dạy học ở hoạt động này, giáo viên nên sử dụng kết hợp phương pháp quan sát và thảo luận cặp đôi theo từng tranh riêng. Nội dung câu hỏi có thể chia nhỏ hơn để học sinh dễ trả lời: Bạn nhỏ dùng tay trần để bê tô canh nóng có thể bị làm sao? Tay ướt sờ vào ổ cắm điện có 39 thể dẫn đến điều gì? Vừa bê cốc thuỷ tinh đựng nước vừa chạy có thể bị ngã không? Vì sao? Khi đưa những vật sắc nhọn cho người khác mà không nhìn vào họ thì có thể dẫn đến điều gì? … Sau đó, một số cặp học sinh sẽ lên chỉ vào từng tranh và chia sẻ câu trả lời và lời khuyên của mình trước lớp. Trong bài này, ở hoạt động nhận thức, tìm hiểu 3, giáo viên có thể lồng ghép, đặt thêm các câu hỏi để học sinh liên hệ với cuộc sống hằng ngày của mình giúp phát triển và nâng cao năng lực nhận thức khoa học của bản thân. Ví dụ: Em đã từng làm những việc giống các bạn trong tranh chưa? Sau bài học hôm nay, em sẽ làm gì để đảm bảo an toàn khi sử dụng các đồ dùng, thiết bị ở nhà?... Trong một số bài học, năng lực nhận thức khoa học của bài được tiếp cận qua những câu chuyện kể gần gũi với học sinh. Các tình tiết của truyện được mô tả đơn giản thông qua tranh ảnh và lời thoại trong bóng nói, bóng nghĩ phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1. Do đó, khi tổ chức dạy học các bài học đó, giáo viên có thể sử dụng phương pháp kể chuyện để huy động kiến thức, kinh nghiệm đã có của học sinh; dự đoán, dẫn dắt thông qua hệ thống câu hỏi để rút ra được kiến thức khoa học trong bài. Đặc biệt chú ý khai thác nội dung câu chuyện dựa theo sự thay đổi bối cảnh và diễn biến hành vi của nhân vật được thể hiện theo thứ tự từng tranh trong truyện, từ đó rút ra kiến thức, kĩ năng khoa học và giá trị sống của bài học. Ví dụ: Bài 19: “Chăm sóc và bảo vệ vật nuôi” Trong bài học này, để phát triển năng lực nhận thức khoa học, tìm hiểu môi trường tự nhiên, xã hội xung quanh, mở đầu bài học là hai hoạt động xoay quanh câu chuyện về bạn Nam và chó Lu. Hoạt động 1: Giáo viên có thể đưa ra bức tranh thể hiện tình cảm của bạn Nam và cho Lu để học sinh quan sát và tổ chức gợi mở – vấn đáp để học sinh nêu được nhận xét về tình cảm và mối quan hệ giữa bạn Nam và chó Lu. 40 Hoạt động 2: Sau khi hình thành biểu tượng ban đầu về mối quan hệ giữa bạn Nam và chó Lu, thì ở hoạt động 2 này, giáo viên có thể yêu cầu học sinh sử dụng kĩ năng quan sát, kết nối câu chuyện giữa bạn Nam và chó Lu để thảo luận nhóm và nêu lên những hành động quan tâm, chăm sóc của Nam khi chó Lu bị ốm: Tuy nhiên, khi tổ chức hai hoạt động dạy học này, giáo viên tuỳ theo trình độ, hiểu biết của học sinh mà có thể linh hoạt tách riêng thành hai hoạt động dạy học như đã hướng dẫn hoặc gộp cả hai hoạt động thành một: yêu cầu học sinh quan sát tranh, thảo luận nhóm và sử dụng ngôn ngữ của bản thân để kể lại câu chuyện giữa Nam và chó Lu theo tranh. Sau đó, học sinh trả lời câu hỏi: Bạn Nam đã có những hành động nào thể hiện sự quan tâm, chăm sóc chó Lu? Em có nhận xét gì về tình cảm của Nam với chó Lu? Để chăm sóc vật nuôi, em nên làm gì?... 1.4. Hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học Hoạt động này nhằm giúp học sinh huy động, hệ thống hoá các kiến thức, kĩ năng của môn Tự nhiên và Xã hội để giải quyết các vấn đề cụ thể của cuộc sống hằng ngày một cách có hiệu quả. Thông qua việc trao đổi với bạn học; thực hành phân loại các sự vật, hiện tượng; tham gia các trò chơi; xử lí các tình huống, học sinh củng cố kiến thức, nhìn nhận, đánh giá lại kiến thức, kĩ năng vừa hình thành; đưa kiến thức, kĩ năng mới học vào hệ thống kiến thức, kĩ năng của bản thân; vận dụng tri thức, kĩ năng của bản thân vào giải quyết các tình huống tương tự trong học tập, trong cuộc sống. Sản phẩm của hoạt động này là học sinh liên hệ được bản thân; lựa chọn, giải thích và đưa ra cách ứng xử, giải quyết vấn đề phù hợp; thực hành làm một số việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày có liên quan đến nội dung bài học. 41 Khi tổ chức dạy học hoạt động này, giáo viên có thể tăng cường sử dụng các nhóm phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng trải nghiệm cho học sinh như: phương pháp tổ chức trò chơi, thảo luận nhóm, đóng vai, điều tra,… Ví dụ: Bài 19: “Chăm sóc và bảo vệ vật nuôi”, sách giáo khoa đưa ra một tình huống được thể hiện bằng tranh, yêu cầu học sinh quan sát và đưa ra cách ứng xử phù hợp: Em sẽ làm gì trong tình huống sau? Khi tổ chức hoạt động dạy học này, tuỳ theo đối tượng học sinh mà giáo viên có thể linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên nên ưu tiên sử dụng các phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tương tác và trải nghiệm cho học sinh, ví dụ: trao đổi, thảo luận trong nhóm nhỏ để đưa ra cách xử lí tình huống; hoặc đóng vai thể hiện thái độ và cách ứng xử trước lớp,… Đối với học sinh lớp 1, kĩ năng phân tích vấn đề để đưa ra cách ứng xử phù hợp còn hạn chế, chính vì thế với những hoạt động như thế này, giáo viên nên đưa ra hệ thống các câu hỏi gợi ý để học sinh làm quen, tiếp cận các bước của kĩ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề như: Hai bạn trai trong tranh đang làm gì? Con mèo đang phản ứng lại như thế nào? Thái độ của hai bạn trai ra sao? Việc làm của hai bạn trai có đúng không? Nếu em là bạn gái trong tranh, nhìn thấy việc làm của hai bạn trai thì em sẽ làm gì?... 42 Bên cạnh một số hoạt động xử lí tình huống, sắm vai, một số bài học trong sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1 còn định hướng cho học sinh tham gia trò chơi để hình thành, phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Ví dụ: Bài 22 “Cơ thể của em”, sách giáo khoa đưa ra trò chơi: Làm theo hiệu lệnh và đưa ra hình ảnh gợi ý giáo viên về cách thức tổ chức hoạt động: Khi tổ chức hoạt động dạy học này, giáo viên tổ chức theo 2 bước: (1) Tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi theo gợi ý của tranh trong sách giáo khoa; (2) Tổ chức cho học sinh đàm thoại để củng cố kiến thức, kĩ năng vừa được học và bày tỏ cảm xúc bản thân, rút ra những bài học về vận động, tập thể dục để nâng cao sức khoẻ cho bản thân như: Những bộ phận nào của cơ thể được hoạt động trong trò chơi trên? Sau khi tham gia trò chơi này, em cảm thấy như thế nào? Em sẽ làm gì để cơ thể luôn khoẻ mạnh, vui vẻ?… Trong một số bài học, hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học được thể hiện dưới hình thức thực hành, rèn luyện. Đây là hoạt động trải nghiệm hành vi thực hành, vận dụng những điều đã học để giải quyết các tình huống thật của cuộc sống. Với hoạt động này, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh linh hoạt thực hành theo cá nhân hoặc nhóm; có thể tổ chức dưới các cuộc thi để tăng thêm sự thu hút đối với học sinh, và sau khi thực hành, giáo viên đưa ra các câu hỏi để học sinh tự rút ra những bài học hoặc lưu ý, rút ra 43 kinh nghiệm cho bản thân,… Ví dụ: Bài 24 “Em giữ vệ sinh cơ thể”, yêu cầu học sinh thực hành rửa tay đúng cách theo các bước: Khi tổ chức hoạt động dạy học này, giáo viên có thể tổ chức theo các bước: (1) Học sinh quan sát và nêu các bước rửa tay đúng cách; (2) Thực hành các bước rửa tay mô phỏng trong nhóm nhỏ; (3) Thi rửa tay đúng cách giữa các nhóm; (4) Đàm thoại để rút ra những lưu ý khi rửa tay; (5) So sánh và liên hệ với việc rửa tay hằng ngày của bản thân. Ngoài các hoạt động vận dụng trên, nhiều bài học trong sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1 yêu cầu học sinh tự liên hệ, đánh giá được những điều bản thân đã được học, đã trải qua trong thực tiễn có liên quan đến bài học. Với những hoạt động vận dụng này, giáo viên nên linh hoạt tổ chức các hình thức học tập cá nhân, nhóm, toàn lớp kết hợp với nhau. Ví dụ: Hằng ngày, em đã làm gì để giữ vệ sinh cơ thể (bài Em giữ vệ sinh cơ thể); Em thích môn thể thao nào? Vì sao? (bài Em vận động và nghỉ ngơi); Thời tiết hôm nay như thế nào? Trang phục em đang mặc có phù hợp không? Vì sao? (bài Hiện tượng thời tiết)… 1.5. Em cần biết Hệ thống lại nội dung và giá trị trọng tâm của bài học bằng những câu văn ngắn hoặc câu thơ, câu tục ngữ dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Sản phẩm của hoạt động này là học sinh nói, hiểu và có khả năng nhớ được những nội dung và giá trị trọng tâm được nhấn mạnh ở mỗi tiết học. 44 Những nội dung trong mục Em cần biết không nhất thiết phải đưa vào cuối tiết học. Nếu nội dung trong phần Em cần biết là nội dung chính cần nhấn mạnh trong tiết học thì giáo viên có thể linh hoạt yêu cầu học sinh tự rút ra và nhắc lại khi kết thúc một hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức, tìm hiểu có liên quan. Nếu nội dung Em cần biết là một giá trị sống, một phẩm chất cần được nhấn mạnh thì giáo viên có thể dẫn dắt học sinh nêu ra và nhấn mạnh sau khi tổ chức hoạt động vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học. Ví dụ: Bài 31: “Hiện tượng thời tiết”, nội dung Em cần biết là: “Các hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, gió, nóng, lạnh”. Đây là nội dung kiến thức khoa học chính của tiết học. Với nội dung này, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tự rút ra sau khi thực hiện hoạt động quan sát và mô tả hiện tượng thời tiết trong các tranh ở đầu bài học, sau đó mới tổ chức cho học sinh được thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng bài học để nhận xét, đánh giá hành vi và xử lí tình huống có liên quan. Bài 19: “Chăm sóc và bảo vệ vật nuôi”, nội dung Em cần biết là “Em yêu thương, chăm sóc vật nuôi”. Nội dung này nhấn mạnh đến giá trị sống yêu thương và phẩm chất nhân ái. Do đó, để học sinh nhận ra và nói được điều này, giáo viên cần tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động nhận thức, tìm hiểu và hoạt động vận dụng trước, vào cuối tiết học giáo viên củng cố và nhấn mạnh hơn đến giá trị này cho học sinh. 1.6. Từ khoá Là những từ trọng tâm của bài học, giúp học sinh bổ sung và làm giàu thêm vốn từ của mình. Việc rút ra và ghi nhớ các từ khoá nên được thực hiện vào cuối bài học, sau khi học sinh đã được tham gia tất cả các hoạt động học tập trong bài. 2. Hướng dẫn dạy học bài ôn tập 2.1. Mục tiêu, cấu trúc bài ôn tập Bài ôn tập nhằm giúp học sinh có cái nhìn tổng quát, củng cố lại năng lực nhận thức khoa học, năng lực tìm hiểu môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh; nâng cao năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; tự đánh giá năng lực khoa học của bản thân. 45 Mỗi bài ôn tập có 5 đến 6 bài tập, được trình bày trong 3 trang và gợi ý giáo viên tổ chức dạy trong 2 tiết. Hệ thống các bài tập xoay quanh nhiệm vụ yêu cầu học sinh nói, kể về nội dung kiến thức đã học trong chủ đề theo sơ đồ hoặc gợi ý; chia sẻ với các bạn về những điều đã học hoặc đã thực hiện liên quan đến nội dung chủ đề; nhận xét, đánh giá và bày tỏ thái độ về những hành vi, cách ứng xử; xử lí một số tình huống có liên quan đến chủ đề; thực hành quan sát, điều tra ở mức độ đơn giản các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội xung quanh. 2.2. Gợi ý phương pháp và cách thức tổ chức dạy học Mục đích của bài ôn tập là giúp học sinh củng cố các nội dung được học trong chủ đề; nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào các hoạt động trải nghiệm, thực hành; đánh giá được kết quả học tập toàn chủ đề của học sinh. Do đó, khi tổ chức hoạt động dạy học của bài ôn tập, giáo viên ưu tiên tổ chức cho học sinh được thảo luận theo cặp đôi, theo nhóm, thực hành các trò chơi, đóng vai xử lí tình huống,… Ví dụ: Bài 5: “Ôn tập chủ đề Gia đình”, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh được tham gia các hoạt động học tập như: − Sưu tầm, chuẩn bị mang đến lớp các tranh ảnh của gia đình; thực hành giới thiệu về bản thân và gia đình của mình thông qua các bức ảnh minh hoạ, các bức tranh tự vẽ,… − Suy nghĩ và thảo luận nhóm về một hoạt động sinh hoạt trong gia đình: cùng ăn cơm, cùng đi chơi, cùng làm việc nhà,… để cùng nhau đóng vai. − Trò chơi: Thực hành sắp xếp đồ dùng cá nhân vào vị trí hợp lí. − Đóng vai phân công việc nhà cho các thành viên trong gia đình. − Thảo luận cặp đôi để liên hệ và bày tỏ thái độ của bản thân về ngôi nhà của mình. − Quan sát và thực hành để nêu và giải thích về cách xử lí tình huống trong các tranh. 46 PHẦN BA CÁC NỘI DUNG KHÁC 1. Hướng dẫn sử dụng sách giáo viên môn Tự nhiên và Xã hội 1 1.1. Cấu trúc sách giáo viên Sách giáo viên được biên soạn nhằm giúp giáo viên có những hiểu biết cần thiết liên quan đến dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1, hỗ trợ giáo viên thiết kế kế hoạch dạy học trên cơ sở tham khảo những gợi ý trong tài liệu. Qua đó, giáo viên sẽ hiểu rõ và thực hiện được chương trình môn Tự nhiên và Xã hội 1, nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1. Sách giáo viên được cấu trúc gồm 2 phần: a. Một số vấn đề chung về dạy học môn Tự nhiên và Xã hội 1 Phần này giới thiệu khái quát về đặc điểm, quan điểm, mục tiêu xây dựng chương trình môn Tự nhiên và Xã hội, ma trận nội dung môn Tự nhiên và Xã hội 1 và những yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học. b. Gợi ý dạy học các bài trong môn Tự nhiên và Xã hội 1 Đây là nội dung chính, cơ bản của sách giáo viên. Nội dung này chiếm phần lớn số lượng các trang trong cuốn sách. Cụ thể phần này trình bày, hướng dẫn gợi ý cho 32 bài học trong sách giáo khoa môn Tự nhiên và Xã hội 1 của bộ sách Chân trời sáng tạo, nội dung các bài học bám sát chương trình môn học và đáp ứng tất cả các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học. Mỗi kế hoạch dạy học trong sách giáo viên gồm 3 phần: – Mục tiêu: là kết quả học sinh cần đạt được khi học xong bài học. Mục tiêu này được cụ thể hoá và bám sát chương trình môn Tự nhiên và Xã hội 1. – Thiết bị dạy học: Gợi ý và đưa ra những thiết bị dạy học cho cả giáo viên và học sinh cần chuẩn bị trong bài. Những thiết bị dạy học này có thể gồm: tranh ảnh, video, đồ dùng, vật thật để học sinh thực hành, sắm vai; sách giáo khoa, vở bài tập,... 47 – Các hoạt động dạy học: Trình bày rõ những hoạt động được tổ chức ở tiết 1 và tiết 2 nhằm đạt được mục tiêu đã xác định. Trong từng tiết, các hoạt động được gợi ý tổ chức gồm: Hoạt động khởi động, khám phá; Hoạt động hình thành, phát triển năng lực nhận thức, tìm hiểu; Hoạt động vận dụng kiến thức kĩ năng đã học; Hoạt động tiếp nối sau bài học. Trong từng hoạt động, có 4 yếu tố được trình bày: + Tên hoạt động: Có thể được đặt tên theo mục tiêu, nội dung hoặc phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động. + Mục tiêu của hoạt động: Là những mục tiêu chi tiết phù hợp với mục tiêu đã được xác định ở phần mục tiêu chung của bài ở phía trên. + Cách tiến hành hoạt động: Trình bày cụ thể các bước tiến hành, gợi ý những cách tổ chức khác hoặc những lưu ý, chỉ dẫn thêm cho giáo viên khi tổ chức hoạt động dạy học. + Kết luận của hoạt động: Phù hợp với mục tiêu của hoạt động và thống nhất, cụ thể hoá với mục tiêu mà hoạt động đặt ra. 1.2. Sử dụng sách giáo viên hiệu quả Đối với giáo viên tiểu học, sách giáo viên là tài liệu bổ trợ quan trọng, giúp định hướng cho giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học nhằm đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình môn Tự nhiên và Xã hội 1. Tuy nhiên, dạy học là một quá trình sáng tạo và chương trình môn Tự nhiên và Xã hội là chương trình mở. Trong quá trình soạn sách giáo viên, các tác giả không thể dự đoán được tất cả các câu trả lời, các cách xử lí tình huống của học sinh, các điều kiện, cơ sở vật chất của tất cả các trường,… Do đó, để sử dụng sách giáo viên môn Tự nhiên và Xã hội 1 hiệu quả, các cán bộ quản lí và giáo viên đứng lớp cần chú ý một số điều cơ bản sau: – Nội dung các bài soạn trong sách giáo viên chỉ là những gợi ý, không bắt buộc tất cả các giáo viên phải làm theo. Giáo viên không nên vận dụng một cách máy móc vì có những hoạt động dạy học có thể không phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất của trường mình. – Vận dụng sáng tạo và phát triển những ý tưởng, gợi ý được đưa ra trong sách giáo viên. Dựa trên những gợi ý này, giáo viên có thể thiết kế lại kế hoạch bài học sao cho phù hợp với tính chất của bài; khả năng của học sinh; điều kiện cơ sở vật chất thực tế của trường, của địa phương. Cụ thể là: có thể 48 xác định lại các mục tiêu của bài học; lựa chọn và thiết kế lại các hoạt động dạy học; vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo cách khác,… – Sự sáng tạo và phát triển kế hoạch dạy học của giáo viên phải đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình môn Tự nhiên và Xã hội 1. 2. Giới thiệu, hướng dẫn sử dụng sách bổ trợ, sách tham khảo Sách bổ trợ dành cho học sinh khi học môn Tự nhiên và Xã hội 1 là vở bài tập. Tài liệu này được xem là phương tiện giúp học sinh củng cố và thực hiện các hoạt động học tập ở trên lớp thông qua các dạng bài tập đa dạng. Vở bài tập chỉ là tài liệu tham khảo, gợi ý cho giáo viên cách tổ chức các hoạt động tự học. Do đó, giáo viên không nên coi vở bài tập là phương tiện duy nhất, cách tốt nhất để tổ chức hoạt động cho học sinh. Tuỳ theo điều kiện thực tế của từng trường, từng địa phương, giáo viên có thể thiết kế các mẫu phiếu cho học sinh sử dụng,… Cấu trúc mỗi bài trong vở bài tập gồm từ 4 đến 5 bài luyện tập. Nội dung các bài luyện tập được trình bày đa dạng với nhiều yêu cầu khác nhau: Điền chữ phù hợp vào chỗ chấm; Nối theo mẫu phù hợp; Liên hệ và đánh giá bản thân; Nhận xét, đánh giá nhân vật; Vẽ tranh liên quan đến nội dung chủ đề; Nhận xét, xử lí các tình huống,… Các bài tập này có nội dung bám sát sách giáo khoa Tự nhiên và Xã hội 1, và được thể hiện sáng tạo dưới các hình thức trải nghiệm, vui chơi, nhằm tạo tâm thế thoải mái và thu hút học sinh tự học để mang lại hiệu quả cao cho kết quả học tập của môn học. 49