🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tài liệu học tập Hướng dẫn giải quyết tình huống học phần Tư pháp quốc tế Ebooks Nhóm Zalo PHẦN I NHỮNG ĐẶC THÙ VÀ YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC HỌC TẬP HỌC PHẦN TƯ PHÁP QUỐC TẾ I. NHỮNG ĐẶC THÙ CỦA HỌC PHẦN TƯ PHÁP QUỐC TẾ Theo quan điểm đa số hiện nay, tư pháp quốc tế là một ngành luật độc lập nằm trong hệ thống pháp luật trong nước của mỗi quốc gia. Thuộc hệ thống pháp luật quốc gia nên Tư pháp quốc tế có mối quan hệ mật thiết với các ngành luật khác. Đồng thời, so với các ngành luật khác, Tư pháp quốc tế cũng có một số điểm rất đặc thù. Cụ thể: Thứ nhất, nội dung học phần Tư pháp quốc tế liên quan đến nhiều học phần khác: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao động, Luật Tố tụng dân sự... Tư pháp quốc tế cũng điều chỉnh các quan hệ do các ngành luật đó điều chỉnh, nhưng có điểm khác là trong các quan hệ của Tư pháp quốc tế luôn có yếu tố nước ngoài tham gia và trong Tư pháp quốc tế chủ yếu nghiên cứu vấn đề chọn luật (chọn luật của Việt Nam hay chọn luật của nước ngoài hữu quan) để điều chỉnh quan hệ đó. Vì vậy, có quan điểm cho rằng, Tư pháp quốc tế là tổng hợp của các ngành luật. Nên để có thể học và nghiên cứu được học phần Tư pháp quốc tế, người học phải đã có kiến thức về các học phần nêu trên. Thứ hai, trong học phần Tư pháp quốc tế, người học lần đầu tiên biết tới những khái niệm, những vấn đề mới như: Xung đột pháp luật, chọn luật, dẫn chiếu, áp dụng pháp luật nước ngoài... Đây là những vấn đề hết sức đặc thù của Tư pháp quốc tế mà các ngành luật khác không có. Thứ ba, Tư pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài nên luôn gắn với chính sách đối ngoại, vấn đề đổi mới và hội nhập quốc tế. Chính sách đối ngoại của một nhà nước trước hết là thái độ, lập trường mang tính nguyên tắc và những phương hướng của nhà nước trong quan hệ quốc tế. Các chính sách đối ngoại của Nhà nước cũng phụ 1 thuộc vào tình hình trong nước và quốc tế. Vì vậy, trong từng giai đoạn khác nhau, Nhà nước phải xác định chính sách đối ngoại phù hợp với thực tế. Trước thực tế đó, học phần Tư pháp quốc tế phải luôn gắn với chính sách đối ngoại, vấn đề đổi mới và hội nhập quốc tế. Như vậy, việc xác định các điểm đặc thù của học phần Tư pháp quốc tế, đã đưa ra được yêu cầu đối với việc xây dựng các câu hỏi và các bài tập tình huống phục vụ cho học phần là hết sức cần thiết. II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC GIẢNG DẠY, HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU HỌC PHẦN TƯ PHÁP QUỐC TẾ Các bài tập tình huống được xây dựng phải đảm bảo được các tiêu chí: Phải dựa trên đặc thù của học phần và bám sát nội dung, chương trình giảng dạy Tư pháp quốc tế; tình huống pháp luật được xây dựng phải sinh động, bám sát thực tiễn; bao quát được những vấn đề cơ bản nhất của chương, bài cần học và các tình huống đó là điển hình cho mỗi loại quan hệ được Tư pháp quốc tế điều chỉnh. Cụ thể: Thứ nhất, xây dựng tình huống pháp luật phải dựa trên đặc thù của môn học và bám sát nội dung, chương trình giảng dạy Tư pháp quốc tế. Nội dung môn học Tư pháp quốc tế được chia thành 3 phần: - Phần chung (nếu như theo đào tạo niên chế được thiết kế là học phần 1); - Phần quan hệ cụ thể (nếu như theo đào tạo niên chế được thiết kế là học phần 2); - Phần tố tụng (nếu như theo đào tạo niên chế được thiết kế là học phần 3). Còn nếu theo đào tạo tín chỉ thì 3 nội dung trên được thiết kế thành 1 modul và được giảng dạy từ 11 đến 12 tuần (một học kỳ). Do vậy, việc xây dựng các tình huống phải phù hợp với các hình thức đào tạo. Dù đào tạo theo niên chế hay tín chỉ, thì các tình huống được xây dựng sử dụng thống nhất trong các loại hình đào tạo đó. Trên cơ sở đó, các tình huống được xây dựng trong học phần Tư pháp quốc tế chia thành 3 phần: 2 Phần chung: Phần này bao gồm các kiến thức cơ bản về Tư pháp quốc tế như: Đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, nguồn luật, chủ thể của Tư pháp quốc tế và đặc biệt là đề cập đến vấn đề xung đột pháp luật - hiện tượng đặc thù của Tư pháp quốc tế. Vì thế, yêu cầu đối với việc xây dựng các tình huống trong phần này phải khái quát được những vấn đề chung nhất của Tư pháp quốc tế. Nhưng do đây là vấn đề hoàn toàn mới nên các tình huống phải đơn giản để người đọc dần làm quen với Tư pháp quốc tế. Phần quy định cụ thể: Trong chương trình Tư pháp quốc tế, chủ yếu đề cập đến các quan hệ sau: Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: Bao gồm quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hợp đồng và ngoài hợp đồng, quan hệ sở hữu trí tuệ, quan hệ hôn nhân và gia đình... Trong Tư pháp quốc tế, các quan hệ dân sự này, có quan hệ phát sinh xung đột pháp luật (quan hệ sở hữu, quan hệ thừa kế, quan hệ hợp đồng và ngoài hợp đồng), có quan hệ không phát sinh xung đột pháp luật (quan hệ sở hữu trí tuệ: Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng). Trong phần này, tình huống xây dựng có một điểm chung là yêu cầu người học bằng các vụ việc cụ thể xác định được pháp luật áp dụng để giải quyết quan hệ đó, đặc biệt phần này chú trọng tới kỹ năng chọn luật áp dụng để điều chỉnh một quan hệ cụ thể. - Phần tố tụng (tố tụng tòa án và tố tụng trọng tài): Các tình huống được xây dựng trong phần này yêu cầu người học nắm được những vấn đề cơ bản và bằng các vụ việc cụ thể xác định các vấn đề liên quan đến tố tụng và đưa ra cách giải quyết đối với từng vấn đề đó. Chẳng hạn như vấn đề xác định thẩm quyền xét xử quốc tế, địa vị pháp lý của người nước ngoài trong tố tụng, ủy thác Tư pháp quốc tế, công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án, phán quyết của trọng tài nước ngoài và các vấn đề liên quan đến việc lựa chọn pháp luật áp dụng trong tố tụng trọng tài. 3 Thứ hai, các tình huống pháp luật được xây dựng phải sinh động, bám sát thực tiễn, thể hiện được đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Học phần Tư pháp quốc tế là một học phần khó nhưng người học thực sự yêu thích vì những quan hệ mà Tư pháp quốc tế điều chỉnh rất thực tế, rất đời thường nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực của Việt Nam. Hiện nay, trong xu thế hội nhập, Nhà nước ta đã tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương điều chỉnh các vấn đề của Tư pháp quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hôn nhân gia đình. Đồng thời, pháp luật trong nước của Việt Nam cũng có nhiều chính sách rộng mở đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài như: Trong lĩnh vực sở hữu tài sản, nhất là vấn đề sở hữu nhà của người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, khi một số văn bản mới ra đời và có hiệu lực như Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Do vậy, yêu cầu của việc xây dựng các tình huống pháp luật là phải đảm bảo được tính mới, tính thời sự, bám sát thực tiễn và phải thể hiện được đường lối chính sách đổi mới của nhà nước ta đối với các vấn đề nảy sinh trên thực tế. Ngoài ra, khi xây dựng các tình huống còn yêu cầu người học đối chiếu, so sánh giữa quy định hiện hành với quy định trước đó. Thứ ba, các tình huống pháp luật được xây dựng phải bao quát được những vấn đề cơ bản nhất của chương, bài cần giảng dạy, tình huống đó là điển hình cho mỗi loại quan hệ được Tư pháp quốc tế điều chỉnh. Như phần trên đã phân tích, Tư pháp quốc tế điều chỉnh nhiều loại quan hệ: Dân sự; hôn nhân - gia đình; lao động; tố tụng dân sự; kinh doanh thương mại,... trong mỗi loại quan hệ này lại có rất nhiều vấn đề khác nhau. Cho nên, khi xây dựng các tình huống pháp luật cho từng loại quan hệ cần xác định cụ thể vấn đề nào là vấn đề cơ bản nhất để từ đó xây dựng tình huống cho phù hợp. Ngoài ra, các tình huống pháp luật được xây dựng phải là tình huống điển hình. Trong thực tế hiện nay, các vụ việc phát sinh ngày càng nhiều. Vì vậy, khi xây dựng tình huống phải tìm được những tình huống điển hình 4 cho từng loại quan hệ được Tư pháp quốc tế điều chỉnh. Khi giảng dạy học phần Tư pháp quốc tế, những tình huống được sử dụng trong các giờ thảo luận và giờ lý thuyết và các tình huống đã được xây dựng là những tình huống điển hình cho một loại quan hệ được Tư pháp quốc tế điều chỉnh. Tình huống này được xây dựng trên cơ sở những vụ việc có thực trong cuộc sống đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xét xử. Các tình huống đó đa dạng về pháp luật áp dụng: Có thể là pháp luật trong nước, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế. Việc giảng dạy theo phương pháp tình huống đã giúp người học dễ hiểu, nâng cao kỹ năng vận dụng trong cuộc sống. III. CÁCH THỨC SỬ DỤNG, PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG VÀ MỤC TIÊU CỦA HỌC PHẦN TƯ PHÁP QUỐC TẾ 1. Cách thức sử dụng các bài tập tình huống môn học Tư pháp quốc tế Sử dụng tình huống trong giảng dạy là một trong những phương pháp nâng cao sự chủ động của người học. Sự chủ động của người học chính là đặc điểm quan trọng nhất cho thấy người học mới là trung tâm của quá trình dạy - học chứ không phải là người thầy. Thực tế cho thấy, người học chỉ có thể học tốt khi họ đào sâu suy nghĩ cũng như có cơ hội trao đổi những suy nghĩ của mình với người khác bao gồm cả người thầy thông qua những cuộc thảo luận, trao đổi. Sự trao đổi, phản hồi này có thể là giữa người dạy và người học hoặc cũng có thể là giữa những người học với nhau khi giải các tình huống pháp luật. Thực tế các năm qua, khi sử dụng các tình huống pháp luật trong giảng dạy học phần Tư pháp quốc tế cho thấy, các tình huống pháp luật được sử dụng trong hai trường hợp: - Trường hợp thứ nhất: Sử dụng các tình huống pháp luật trong giảng dạy lý thuyết. Đây chính là phương pháp giảng dạy ở các lớp đông người học (trên 80 người). Việc giảng dạy ở lớp này gây trở ngại lớn và là công việc khó khăn hơn nhiều so với giảng dạy ở lớp nhỏ. Thông thường, trên thực tế hiện nay, người dạy chủ yếu độc thoại tại các lớp đông người. Cách giảng này gây nên sự thụ động của người học, "người dạy chỉ nói và người học chỉ nghe". Do vậy, để tăng sự chủ động của người học có thể sử dụng tình huống pháp luật để giảng dạy ở những lớp này. 5 Do Tư pháp quốc tế là môn học khó, cho nên khi áp dụng tình huống pháp luật trong các lớp đông người thì người dạy cần giảng lý thuyết trước để người học nắm được kiến thức cơ bản của bài học, sau đó mới đưa tình huống pháp luật đơn giản và có tính thời sự để cuốn hút tất cả những người học vào bài giảng. Ở đây cần chú ý, yêu cầu cơ bản của tình huống pháp luật trong trường hợp này là đơn giản và phải có tính thời sự mà mọi người đang quan tâm, tránh đưa tình huống pháp luật có tính giả định và chung chung. Như vậy, bằng các tình huống pháp luật cụ thể, có tính thời sự sẽ cuốn hút được tất cả người học ở lớp học đông người. Đây là lớp học đông người nên vai trò của người dạy trong trường hợp này rất quan trọng. Để tránh việc người học chỉ bàn luận về sự kiện đã xảy ra, người dạy phải có cách để hướng người học vào mục tiêu mà tình huống pháp luật đặt ra. Việc sử dụng tình huống pháp luật ở các lớp đông người này sẽ giúp người học nắm được bài ngay tại lớp và làm cho bài học sinh động hơn, bởi có sự tương tác giữa người dạy và người học. - Trường hợp thứ hai: Sử dụng các tình huống pháp luật trong giờ thảo luận trên lớp. Hiện nay, trong chương trình giảng dạy chính quy môn Tư pháp quốc tế, số giờ thảo luận chiếm 40% tổng số giờ giảng. Bám sát vào đề cương chi tiết học phần đã công bố, tất cả các giảng viên giảng dạy học phần Tư pháp phải đan xe giảng dạy lý thuyết và tình huống để làm mới cách học và giúp học viên vận dụng lý thuyết vào giải quyết tình huống. Đây là một thuận lợi khi sử dụng tình huống pháp luật. Để có thể sử dụng tình huống pháp luật một cách tốt nhất đòi hỏi phải có sự chuẩn bị từ hai phía: người dạy và người học. + Đối với người học: Người học sẽ được giao các tình huống pháp luật trong giờ lý thuyết trên lớp; đọc, nghiên cứu trước các tài liệu liên quan đến tình huống pháp luật và người học có thể tự học nhóm ở nhà theo các chủ đề đã được giao. + Đối với người dạy: Phải chuẩn bị được hệ thống tình huống pháp luật phong phú với đầy đủ các chủ đề. Trong giờ thảo luận trên lớp, người dạy chủ động phân nhóm hoặc có thể theo sự phân nhóm theo quy định của nhà trường; chỉ định các tình huống pháp luật cho từng nhóm. Có thể cho 1 tình huống pháp luật yêu cầu các nhóm cùng giải quyết hoặc có thể giao cho mỗi nhóm 1 tình huống. Sau đó, cho các nhóm 1 6 thời gian để thống nhất quan điểm và cách trả lời. Đây là những tình huống đã được giao và người học đã chuẩn bị ở nhà nên không cần nhiều thời gian để suy nghĩ. Trong giờ thảo luận, các nhóm lần lượt đưa ra cách giải tình huống của nhóm mình bằng cách đại diện của nhóm sẽ trình bày và các thành viên khác của nhóm bổ sung. Để tăng sự năng động của người học, người dạy yêu cầu các nhóm đưa ra câu hỏi phản biện cho nhau hoặc người dạy có thể đưa ra câu hỏi để phản biện lại cách mà các nhóm đã giải hoặc có thể đưa ra những câu hỏi để người học hiểu sâu hơn về nội dung vấn đề. Trong giờ thảo luận trên lớp, người dạy cần phải quan sát, quán xuyến toàn bộ lớp học; tập trung lắng nghe và định hướng những cuộc thảo luận; đảm bảo tất cả người học đều tham gia vào quá trình thảo luận, tránh trường hợp chỉ có một số ít người học tham gia quá trình thảo luận còn những người khác không tham gia gì vào quá trình đó. Trong suốt quá trình thảo luận, người dạy chủ động tham gia vào từng nhóm, đặt câu hỏi hoặc trả lời câu hỏi với các nhóm để tạo nên môi trường trao đổi giữa người dạy và người học. Khi các nhóm đã trình bày quan điểm của nhóm mình, người dạy không nên đưa ra kết luận ngay mà phải đưa ra các vấn đề liên quan đến tình huống để mổ xẻ vấn đề giúp người học hiểu sâu bài học hơn. Trước khi kết thúc buổi thảo luận, người dạy cần tổng kết lại cách giải các tình huống pháp luật đã thảo luận và đánh giá quá trình hoạt động của từng nhóm. 2. Phương pháp giải quyết một tình huống môn học Tư pháp quốc tế 2.1. Phương pháp (IRAC)1 Phương pháp IRAC là phương pháp phổ biến và quen thuộc với sinh viên luật. IRAC là từ viết tắt của Issue (vấn đề) - Rule (quy định) - Application (áp dụng) - Conclusion (kết luận). Một số người giải thích hơi khác, theo đó, IRAC sẽ là Issue - Rule - Argumentation - Conclusion. Đây là một phương pháp sắp xếp lập luận, suy nghĩ pháp lý cơ bản, giúp bạn hình thành lập luận rõ ràng, logic. IRAC cũng là một phương pháp viết và nói pháp lý dễ hiểu cho người viết và người đọc. 1 https://iuscogen.wordpress.com/2017/09/30/37/. Truy cập ngày 10/2/2018. 7 Issue (vấn đề) Bước đầu tiên của suy nghĩ và lập luận pháp lý là phát hiện ra vấn đề pháp lý (legal issues/questions of law) từ các bằng chứng, dữ kiện của vụ việc (facts). Một vụ việc có thể có một hay nhiều vấn đề pháp lý. Để có thể phát hiện ra vấn đề pháp lý nhất thiết phải có kiến thức luật rộng để có thể “nhận ra” những dấu vết pháp lý trong các bằng chứng, dữ kiện. Ít nhất chúng ta phải hình dung được ngành luật nào, chế định điều chỉnh vụ việc chúng ta đang xử lý. Nói cách khác là quan hệ pháp lý nào tồn tại trong vụ việc. Ví dụ: Nếu A (quốc tịch Việt Nam) đăng ký kết hôn với B (quốc tịch Lào), cả hai chung sống và làm việc ở Lào. Sau một thời gian chung sống phát sinh mâu thuẫn, A gửi đơn xin ly hôn với B ra Tòa án Việt Nam. Tòa án Việt Nam đã thụ lý giải quyết và đã áp dụng pháp luật Việt Nam xử cho ly hôn. Trong vụ việc này, theo nhận định sơ bộ, vấn đề pháp lý ở đây là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền không và Tòa án áp dụng luật Việt Nam là đúng hay sai? Rule (quy định) Khi đã tìm ra được vấn đề pháp lý (quan hệ pháp lý) của vụ việc, chúng ta cần rà soát, nghiên cứu quy định của ngành luật liên quan để tìm ra chính xác quy định cụ thể áp dụng, điều chỉnh vụ việc. Cần rà soát tất cả các nguồn luật của ngành luật Tư pháp quốc tế: Điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, pháp luật quốc gia và cả án lệ liên quan. Trong trường hợp nêu trên cần rà soát xem Việt Nam và Lào có Điều ước quốc tế quy định về vấn đề này hay không? Nếu có thì quy định thế nào? Xác định quan hệ trên được điều chỉnh bởi Hiệp định Tương trợ Tư pháp Việt Nam - Lào thì khi đó ta sẽ khoanh vùng được văn bản áp dụng để xác định được thẩm quyền thuộc về cơ quan nào và luật được dẫn chiếu để áp dụng giải quyết vấn đề. Application (áp dụng) Khi đã biết quy định áp dụng rồi thì cần áp dụng quy định đó vào vụ việc thực tế. Phần Application sẽ yêu cầu giải thích quy định liên quan đã được phát hiện ở trên, kết hợp với các bằng chứng, dữ kiện của vụ việc để đi đến kết luận. Kết luận này không phải là kết luận trong Conclusion phía dưới mà kết luận cho các câu hỏi kiểu như: Liệu có bằng 8 chứng, dữ kiện cho thấy tất cả các điều kiện ở quy định đó đã được thỏa mãn? Giải thích quy định trong phần Application này có thể bao gồm: (1) Giải thích theo Hiệp định Tương trợ Tư pháp, theo pháp luật trong nước hay các tập quán, án lệ; (2) Viện dẫn các quy phạm xung đột, các quy phạm thực chất hiện có, đánh giá liệu kết luận và lập luận của tòa án trong vụ việc đó. Cũng trong tình huống trên xác định được quy phạm tại Điều 27 Hiệp định Tương trợ Tư pháp Việt Nam - Lào được áp dụng. Từ đó, căn cứ vào quy phạm này để giải thích các vấn đề pháp lý đã nêu. Conclusion (kết luận) Phần kết luận thường đưa ra câu trả lời tổng kết cho các phần trên, đặc biệt là phần Application. Do đó, không đưa thêm thông tin hay lập luận mới. Với tình huống trên ta đưa ra kết luận: Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết mà là Tòa án Lào và luật áp dụng là luật của Lào. 2.2. Phương pháp tiếp cận Các bài tập được xây dựng chủ yếu liên quan đến việc vận dụng pháp luật trong nước của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để giải quyết. Do vậy, khi giải các bài tập tình huống của môn học Tư pháp quốc tế cần tiếp cận như sau: - Nếu quan hệ cần được giải quyết là quan hệ giữa Việt Nam và nước hữu quan có điều ước quốc tế thì phải vận dụng quy định trong điều ước quốc tế để giải quyết. Đây là một nguyên tắc mà bất kỳ người học nào cũng phải nắm vững. - Nếu quan hệ cần giải quyết là quan hệ giữa Việt Nam và nước hữu quan không có điều ước quốc tế thì mới được vận dụng quy định pháp luật trong nước để giải quyết. Để người học vận dụng pháp luật chính xác (pháp luật trong nước hay điều ước quốc tế) cần xem xét: Vụ việc đó xảy ra năm nào, quan hệ cần giải quyết là quan hệ giữa Việt Nam với nước nào, nước đã có điều ước quốc tế hay là nước chưa có điều ước quốc tế với Việt Nam trong lĩnh vực này. Do vậy, người học phải nắm được các điều ước quốc tế chủ 9 yếu điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, người học phải nắm được các điều ước quốc tế cơ bản mà Việt Nam là thành viên. 3. Mục tiêu của học phần Mục tiêu đào tạo chung của học phần: a. Về kiến thức Sau khi học học phần Tư pháp quốc tế, sinh viên nắm được những kiến thức cơ bản về quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài, giải quyết được những tình huống cụ thể của tư pháp quốc tế từ đơn giản đến phức tạp. b. Về kỹ năng - Hình thành và phát triển kỹ năng thu nhập, tổng hợp thông tin, kỹ năng hệ thống hóa các vấn đề trong mối quan hệ tổng thể; kỹ năng so sánh, phân tích, bình luận, đánh giá các vấn đề của Tư pháp quốc tế. - Xây dựng được hệ thống các căn cứ pháp lý, các lập luận tìm và lựa chọn luận cứ giải quyết các vấn đề pháp lý cụ thể. - Lựa chọn, vận dụng một cách phù hợp các nguồn luật áp dụng, lựa chọn cơ quan tài phán trong việc giải quyết các vụ việc dân sự quốc tế. - Thành thạo một số kỹ năng tìm các quy định của pháp luật, phán quyết của Tòa án, trọng tài. - Biết cách phân tích, bình luận được một số bản án điển hình về Tư pháp quốc tế. - Cung cấp và rèn luyện các kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết được các tình huống thực tế và các tình huống giả định của Tư pháp quốc tế. c. Về thái độ - Tích cực nâng cao trình độ nhận thức về các vấn đề của Tư pháp quốc tế trong bối cảnh hội nhập. - Chủ động vận dụng các kiến thức đã học trong phân tích và giải quyết các vấn đề của Tư pháp quốc tế Việt Nam. - Hình thành tính chủ động, tự tin cho học viên. 10 DANH MỤC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ DÂN SỰ QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN A. ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ SONG PHƯƠNG 1. Các Hiệp định Tương trợ Tư pháp: Tính đến tháng 07/2017, Việt Nam đã ký kết Hiệp định sau2: DANH MỤC HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP STT Tên nước Tên điều ước Ngày ký Ngày có hiệu lực 1 An-giê-ri (VN - FR - AR) Hiệp định Tương trợ Tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại 14/04/2010 24/06/2012 2 Ba Lan Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 22/03/1993 18/01/1995 3 Bê-la-rút (RU - VN) Hiệp định Tương trợ Tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự 14/9/2000 18/10/2001 4 Bun-ga-ri Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 3/10/1986 Đang có hiệu lực 5 Ca-dắc-xtan (EN - VN) Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự 31/10/2011 Chưa có hiệu lực 6 Cam-pu-chia Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự 21/01/2013 Chưa có hiệu lực 7 Cu Ba Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự 30/11/1984 Đang có hiệu lực 2Xemhttps://lanhsuvietnam.gov.vn/Lists/BaiViet/B%C3%A0i%20vi%E1%BA%BFt/Dis pForm.aspx?List=dc7c7d75-6a32-4215-afeb-47d4bee70eee&ID=414. 11 8 Đài Loan Trung Quốc Thỏa thuận tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại 12/4/2010 02/12/2011 9 Hung-ga-ri Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 18/01/1985 Đang có hiệu lực 10 In-đô-nê-xi-a Hiệp định Tương trợ Tư pháp về dân sự và hình sự 27/06/2013 22/01/2016 11 Lào Hiệp định Tương trợ Tư pháp về dân sự và hình sự 06/07/1998 19/02/2000 12 Liên Xô (Nga kế thừa) (RU - VN) Hiệp định Tương trợ Tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 10/12/1981 10/10/1982 13 Mông Cổ Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự 17/04/2000 13/06/2002 14 Nga (RU - VN) Hiệp định Tương trợ Tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự 25/08/1998 27/08/2012 15 Nga Nghị định thư bổ sung Hiệp định Tương trợ Tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự 23/04/2003 27/07/2012 16 Pháp Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự 24/02/1999 01/05/2001 17 Tiệp Khắc (Séc và Xlô-va ki-a kế thừa) Hiệp định Tương trợ Tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự 12/10/1982 16/04/1984 18 Triều Tiên Hiệp định về Tương trợ Tư pháp trong các vấn đề dân sự và hình sự 04/05/2002 24/02/2004 19 Trung Quốc Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự 19/10/1998 25/12/1999 20 U-crai-na Hiệp định Tương trợ Tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự 06/04/2000 19/08/2002 12 2. Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi. Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp (01/2/2000), Vương quốc Đan Mạch (26/5/2003), Cộng hòa Italia (13/6/2003), Cộng hòa Ailen (23/9/2003), Vương quốc Thụy Điển (04/02/2004), ba Cộng đồng ngôn ngữ (Pháp, Hà Lan, Đức) thuộc Vương quốc Bỉ (17/3/2005), Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (21/6/2005), Canada (27/6/2005), Quebec Canada (15/9/2005), Liên bang Thụy Sĩ (20/12/2005) và Ontario Canada (03/4/2006); British Columbia - Canada (27/3/2007); Vương quốc Tây Ban Nha (05/12/2007) và Alberta - Canada (09/6/2008). Trong số các Hiệp định này, Hiệp định giữa Việt Nam và 3 Cộng đồng ngôn ngữ Bỉ chưa có hiệu lực do phía Bỉ chưa phê chuẩn. Hiệp định với Hoa Kỳ, Thụy Điển, Ai Len đã hết hiệu lực. 3. Trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - Hiệp định bản quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký ngày 27/6/1997 và có hiệu lực ngày 23/12/1998; - Hiệp định Thương mại giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã được ký tại Washington ngày 13/7/2000 (Hiệp định có hiệu lực ngày 10/12/2001); - Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ ngày 7/7/1999 (có hiệu lực tháng 08/2000). - Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga năm 2008 (có hiệu lực 2010). B. ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ ĐA PHƯƠNG - Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật (có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26/10/2004 và Việt Nam là thành viên thứ 156 tham gia Công ước Berne). Tính đến nay, có 162 nước tham gia Công ước; - Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép trái phép (có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6/7/2005); - Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối các tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh (có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 12/1/2006); 13 - Công ước Rome (1961) về bảo hộ người biểu diễn, người sản xuất băng ghi âm và các tổ chức phát sóng (có hiệu lực tại Việt Nam ngày 01/3/2007); - Thỏa ước Madrid năm 1891 về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa (có hiệu lực tại Việt Nam năm 1981). Các nước là thành viên của Thỏa ước Madrid tính đến 15/7/2009 là 56 nước3; - Nghị định thư năm 1989 liên quan đến thỏa ước Madrid 1891 (có hiệu lực tại Việt Nam Nam từ ngày 10/7/2006). Tính đến năm 2007 có 71 nước tham gia Nghị định thư; - Công ước Paris (1883) về bảo hộ sở hữu công nghiệp (có hiệu lực tại Việt Nam năm 1981); - Hiệp định hợp tác sáng chế năm 1970 (có hiệu lực tại Việt Nam năm 1993); - Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ năm 1995 Hiệp định TRIPs (Có hiệu lực tại Việt Nam năm 2007). Hiện nay, có 161 thành viên; - Công ước về thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế năm 1967 (có hiệu lực tại Việt Nam năm 1976). Hiện nay, có 184 thành viên; - Công ước UPOV năm 1961 về bảo hộ giống cây trồng mới (có hiệu lực tại Việt Nam ngày 24/12/2006 và Việt Nam là thành viên thứ 63 của UPOV). Tính đến ngày 29/11/2008, UPOV có 66 quốc gia thành viên và khoảng 20 quốc gia đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trở thành thành viên của UPOV; - Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Ngày 07/12/2010, được ủy quyền của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan đã ký chính thức Công ước. Ngày 18/7/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ra Quyết định số 1103/2011/QĐ-CTN phê chuẩn toàn văn Công ước và Bộ Ngoại giao thực hiện thủ tục nộp văn kiện phê chuẩn của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao Vương quốc Hà Lan - cơ quan lưu chiểu Công ước. Công ước có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/02/2012. Tính đến tháng 6/2015, đã có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước; 3 http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_th%E1%BB%91ng_Madrid. 14 - Công ước New York về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài ngày 10/6/1958. Ngày 20/7/2009, có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong tổng số 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới) đã là thành viên Công ước thông qua việc ký kết, phê chuẩn, gia nhập, kế thừa. Việt Nam gia nhập Công ước ngày 12/9/1995 thông qua việc phê chuẩn Công ước. Công ước có hiệu lực tại Việt Nam ngày 11/11/1995. - Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Việt Nam gia nhập công ước từ ngày 16/3/2016. Công ước có hiệu lực tại Việt Nam ngày 01/10/2016). - Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hang hóa quốc tế (Việt Nam gia nhập ngày 18/12/2015, Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 01/01/2017). Ngoài các điều ước quốc tế trên, người học cần nắm được các nước áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam. DANH MỤC CÁC NƯỚC ÁP DỤNG NGUYÊN TẮC CÓ ĐI CÓ LẠI VỚI VIỆT NAM Theo thông báo tại Công văn số 2630/LS-VP ngày 15/11/ 2002 của Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước sau áp dụng nguyên tắc có đi có lại: 1. Cộng hòa Ả-rập Ai Cập; 2. Vương quốc Bỉ; 3. Canada; 4. Vương quốc Campuchia; 5. Cộng hòa Liên bang Đức; 6. Cộng hòa Hồi giáo I-ran; 7. Nam Phi; 8. Nhật Bản; 9. Cộng hòa Pháp; 10. Vương quốc Thụy Điển; 11. Liên bang Thụy Sĩ. 15 PHẦN II LÝ THUYẾT VÀ CÁC TÌNH HUỐNG HƯỚNG DẪN Chương 1 KHÁI NIỆM VÀ NGUỒN CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ 1. Mục tiêu Về kiến thức: Hiểu đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế (xác định được một quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài); phương pháp điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của Tư pháp quốc tế; các loại nguồn của tư pháp quốc tế, vị trí, vai trò của Tư pháp quốc tế; quan điểm của các nước về Tư pháp quốc tế trong điều kiện hiện nay. Về kỹ năng: Nhận diện được các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. 2. Lý thuyết 2.1. Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế 2.1.1. Đối tượng điều chỉnh Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài. Các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ mang tính chất “tư” giữa các chủ thể dân sự với nhau như: Các quan hệ pháp luật về sở hữu; thừa kế; hôn nhân và gia đình; kinh doanh, thương mại; lao động, tố tụng dân sự;… Các quan hệ dân sự mở rộng nêu trên còn phải đáp ứng tiêu chí là có yếu tố nước ngoài. Yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, nếu có 1 trong 3 yếu tố sau: - Về chủ thể: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; - Về sự kiện pháp lý: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, thực hiện, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở nước ngoài; 16 - Về khách thể: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ đó ở nước ngoài. Như vậy, một quan hệ dân sự mở rộng có một trong các yếu tố nước ngoài nêu trên sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. 2.1.2. Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế Khác với các ngành luật khác, phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là phương pháp thực chất và phương pháp xung đột. - Phương pháp thực chất (phương pháp điều chỉnh trực tiếp): Là phương pháp điều chỉnh bằng cách sử dụng các quy phạm pháp luật trực tiếp tác động vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, giải quyết về mặt nội dung các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài4. Như vậy, có thể hiểu phương pháp này được xây dựng trên cơ sở hệ thống các quy phạm thực chất trực tiếp giải quyết các quan hệ dân sự quốc tế. Sử dụng quy phạm thực chất là phân định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Quy phạm thực chất được chứa đựng trong pháp luật quốc gia gọi là quy phạm thực chất thông thường, quy phạm thực chất được chứa đựng trong các Điều ước quốc tế gọi là quy phạm xung đột thống nhất. - Phương pháp xung đột (phương pháp điều chỉnh gián tiếp): Là phương pháp điều chỉnh bằng cách sử dụng các quy phạm pháp luật để lựa chọn một hệ thống pháp luật áp dụng vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Quy phạm được lựa chọn sẽ giải quyết về mặt nội dung các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài5. Quy phạm xung đột là quy phạm xác định luật áp dụng là luật pháp của nước nào để giải quyết quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong một tình huống cụ thể. Vì phương pháp xung đột là phương pháp gián tiếp không trực tiếp điều chỉnh các vấn đề pháp lý như quy phạm xung đột nên khi áp dụng phương pháp xung đột thường rất phức tạp và khó khăn. 4 TS. Bành Quốc Tuấn, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017. 5 TS. Bành Quốc Tuấn, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017. 17 2.2. Nguồn của tư pháp quốc tế Nguồn của tư pháp quốc tế là các hình thức chứa đựng và thể hiện các quy phạm pháp luật. Nguồn của Tư pháp quốc tế bao gồm: Điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia, tập quán quốc tế, thực tiễn tòa án và trọng tài… Nguồn của Tư pháp quốc tế rất phong phú và đa dạng, do đó khi giải quyết một tình huống cụ thể cần xác định loại nguồn nào được áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Từ đó, dựa vào loại nguồn đó để giải quyết tình huống. - Điều ước quốc tế: Đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự mở rộng của Tư pháp quốc tế. Việt Nam đã ký kết rất nhiều các Điều ước quốc tế song phương và đa phương điều chỉnh quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài. Các Điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Công ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp; về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài. Gần đây, Việt Nam vừa gia nhập Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và Công ước La Hay 1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại… Các Điều quốc tế song phương mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực này bao gồm các Hiệp định Tương trợ Tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và các nước6; các Hiệp định thương mại song phương (87 Hiệp định); các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (48 Hiệp định); … Ngoài ra, các Điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam không phải là thành viên cũng có thể được áp dụng để giải quyết các quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài khi các bên lựa chọn làm luật áp dụng. Việc áp dụng các Điều ước quốc tế này sẽ phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quốc gia quy định đối với những trường hợp được quyền chọn luật áp dụng. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật quốc gia và Điều ước quốc tế, tại Điều 665 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “1. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân 6 Các Hiệp định này đã được liệt kê ngay trong phần phụ lục của tập bài giảng này. 18 sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng; 2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Phần này và luật khác về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng”. - Tập quán quốc tế: Là những thói quen được áp dụng trong một thời gian dài trong thực tiễn quan hệ pháp lý, tập quán đó được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần, được thừa nhận rộng rãi bởi đông đảo các quốc gia. Về nguyên tắc, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài chịu sự điều chỉnh bới các quy định được ghi nhận trong pháp luật trong nước hoặc các quy định trong các Điều ước quốc tế có liên quan. Tuy nhiên, nếu các quy phạm trong Điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia không có quy định thì tập quán quốc tế có thể được áp dụng. Tập quán quốc tế có thể được áp dụng khi các bên thỏa thuận áp dụng hoặc khi Điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia quy định áp dụng hoặc được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiến hành áp dụng. Điều 666 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”. - Thực tiễn tòa án và trọng tài (án lệ). Thực tiễn tòa án được hiểu là các bản án, quyết định của tòa án mà trong đó thể hiện quan điểm của các thẩm phán đối với các vấn đề pháp lý có tính chất quyết định trong việc giải quyết các vụ việc nhất định và mang ý nghĩa giải quyết đối với các quan hệ tương ứng trong tương lai. Hiện nay, án lệ được thừa nhận rộng rãi bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới. Án lệ được coi như một loại nguồn chính thức của pháp luật các quốc gia trong đó có Tư pháp quốc tế. - Pháp luật quốc gia. Luật pháp của mỗi quốc gia (luật quốc nội) là một trong những loại nguồn phổ biến của Tư pháp quốc tế. Đây là một hệ thống các văn bản pháp quy của một quốc gia như Hiến pháp, Luật, các văn bản dưới luật, tập quán và án lệ. 19 Một số quốc gia trên thế giới đã ban hành Bộ luật Tư pháp quốc tế riêng như Ba Lan (1965), Hung-ga-ri (1979), Đức (1986), Bỉ (2004), Nhật Bản (2006), Trung Quốc (2010). Ở Việt Nam, chưa có Bộ luật Tư pháp quốc tế riêng nên các quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật khác nhau. Hiến pháp là một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhất ghi nhận nhiều nguyên tắc và quy phạm đặt nền tảng cho lĩnh vực Tư pháp quốc tế. Tiếp đó, phải kể đến Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đây là hai văn bản chứa đựng rất nhiều các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, một số đạo luật khác cũng chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài như: Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Bộ luật lao động, Luật Trọng tài thương mại… Ngoài ra, còn rất nhiều các văn bản dưới luật là nguồn của ngành luật tư pháp quốc tế. 3. Tình huống 3.1. Tình huống 17 3.1.1. Nội dung tình huống Ngày 7/7/2015, Công ty liên doanh ôtô Việt Nam Daewoo (thành lập tại Việt Nam), đại diện là ông Chong Gi Lee (quốc tịch Hàn quốc) - Tổng giám đốc đã ký hợp đồng mua bán xe ôtô theo phương thức trả chậm cho Công ty TNHH Xây dựng giao thông thương mại Tân Á (thành lập tại Việt Nam). Tuy nhiên, sau đó phát sinh tranh chấp về chậm trả tiền và Công ty liên doanh Daewoo khởi kiện Công ty Tân Á ra tòa án. Anh (chị) hãy cho biết tranh chấp trên có thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế hay không? Vì sao? 3.1.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên, sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Công ty liên doanh ôtô Việt Nam Daewoo (thành lập tại Việt Nam), đại 7 Theo Quyết định số 03/2003/HĐTP-KT ngày 24/2/2003: Tòa án nhân dân Tối cao năm 2003 - 2004, Quyển 1, tr. 265. 20 diện là ông Chong Gi Lee (quốc tịch Hàn quốc) ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng giao thông thương mại Tân Á (thành lập tại Việt Nam); tranh chấp từ hợp đồng nên Daewoo khởi kiện Công ty Tân Á. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Đây là tranh chấp thương mại, căn cứ xác định là Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 Điều 464 và Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015 để xác định pháp luật áp dụng đối với pháp nhân. Application facts (cách thức áp dụng). Vì là tranh chấp thương mại nên muốn xác định tranh chấp trên có thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế không phải xác định tranh chấp trên có yếu tố nước ngoài hay không. Căn cứ Khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định. Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: - Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; - Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; - Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Nếu có một trong các căn cứ trên thì tranh chấp trên là tranh chấp về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Ta thấy, có hai công ty là Công ty liên doanh ôtô Việt Nam Daewoo (thành lập tại Việt Nam), đại diện là ông Chong Gi Lee (quốc tịch Hàn Quốc) và Công ty TNHH Xây dựng giao thông thương mại Tân Á (thành lập tại Việt Nam). Do đó, để xác định hai công ty này có phải là pháp nhân nước ngoài không cần căn cứ vào Điều 676 Bộ luật Dân sự 2015. Khoản 1 Điều 676 quy định: “Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập”. Theo dữ liệu trong bài thì hai pháp nhân trên đều được thành lập tại Việt Nam theo luật Việt Nam nên hai pháp nhân này không phải là pháp nhân nước ngoài. 21 Conclusion (kết luận). Tranh chấp hợp đồng giữa hai công ty thành lập tại Việt Nam (gọi là pháp nhân Việt Nam) nên tranh chấp trên không phải là tranh chấp về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Do đó, tranh chấp trên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. 3.2. Tình huống 28 3.2.1. Nội dung tình huống Nguyên đơn là ông Nguyễn Trọng Nam và ông Nguyễn Hiếu Đức (Việt Nam), bị đơn là ông Nguyễn Phú Trọng (Việt Nam), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Phan Thị Sáu, ông Nguyễn Nam Hùng (định cư tại Mỹ, gốc Việt Nam). Cụ thể như sau: Tháng 11/2011, bà Sáu xuất cảnh hợp pháp định cư tại Hoa Kỳ. Trước khi đi, bà Sáu giao lại căn nhà cho các con do ông Nguyễn Phú Trọng đại điện. Ngày 30/8/2011, các con bà Sáu thống nhất làm “Giấy ưng thuận” với nội dung: Đồng ý để mẹ là bà Phan Thị Sáu, ông Nguyễn Phú Trọng đứng tên căn nhà. Nếu căn nhà có bán hoặc sang nhượng cho ai phải có sự đồng ý của các anh em. “Giấy ưng thuận” được tất cả ký tên và được Ủy ban nhân dân phường xác nhận chữ ký. Nay phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu căn nhà trên giữa ông Nguyễn Trọng Nam và ông Nguyễn Hiếu Đức, bị đơn là ông Nguyễn Phú Trọng. Anh (chị) hãy cho biết quan hệ trên có phải là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hay không? Tại sao? Căn cứ pháp lý? 3.2.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống Xác định quan hệ trên là quan hệ dân sự, tranh chấp về quyền sở hữu nhà; Xác định yếu tố nước ngoài căn cứ quy định tại Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015; Xác định tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài căn cứ Khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; 8 Theo bản án số 1286/2006/DS-ST ngày 30/11/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. 22 Viện dẫn Khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: - Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; - Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; - Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài. Vì bà Sáu và ông Hùng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đang định cư tại Hoa Kỳ (quốc tịch Hoa Kỳ, gốc Việt Nam) nên tranh chấp trên có yếu tố nước ngoài. 3.3. Tình huống 39 3.3.1. Nội dung tình huống Công ty Nha Trang (Việt Nam) ký kết hợp đồng nhập dây chuyền và công nghệ sản xuất sứ vệ sinh cao cấp với Công ty Sei Young (Hàn Quốc) trị giá 1.250.000 USD. Theo hợp đồng, ngày 03/8/2015 ngân hàng KEB (Korea Exchange Bank) tại Manila đã phát hành hối phiếu trị giá 1.250.000 USD gửi cho ngân hàng CVB Nha Trang kèm theo bộ chứng từ theo quy định. CVB đã chuyển toàn bộ hối phiếu và chứng từ cho bên mua hàng là Công ty Nha Trang xem xét, đối chiếu. Ngày 14/8/2015, giám đốc Công ty Nha Trang đã ký nhận vào hối phiếu. Sau khi giám đốc Công ty Nha Trang ký nhận vào hối phiếu, CVB đã báo cho KEB là Công ty Nha Trang đã nhận nợ. Ngày 16/4/2016, Công ty Nha Trang tự ý trả lại hàng cho Sei Young và ngày 17/4/2016 Công ty Nha Trang hủy L/C với Công ty Sei Young và đã báo cho Phó giám đốc VCB Nha Trang. Sau khi thanh toán theo L/C, ngân hàng VCB Nha Trang yêu cầu Công ty Nha Trang thanh toán lại tiền cho ngân hàng. Công ty Nha Trang cho rằng, L/C đã bị hủy nên không có trách nhiệm thanh toán lại cho VCB Nha Trang. Ngày 20/12/2016, VCB đã khởi kiện Công ty Nha Trang ra Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Hỏi: Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng tập quán thương mại quốc tế là bản UCP để giải quyết, căn cứ nào tòa án có thể áp dụng tập quán? 9 Theo bản án số 02/2005/KT-ST ngày 22/8/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa. 23 3.3.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Công ty Nha Trang (Việt Nam) ký kết hợp đồng với Công ty Sei Young (Hàn Quốc); Ngân hàng KEB (Korea Exchange Bank) tại Manila đã phát hành hối phiếu gửi cho CVB Nha Trang; Công ty Nha Trang hủy L/C với Công ty Sei Young và đã báo cho Phó giám đốc VCB Nha Trang; Ngân hàng VCB Nha Trang thanh toán theo L/C và yêu cầu Công ty Nha Trang thanh toán lại tiền; Công ty Nha Trang không thanh toán. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Xác định luật áp dụng theo Điều 666, Điều 664, Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015. Tập quán thương mại quốc tế UCP 600 (Bộ nguyên tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ). Application facts (cách thức áp dụng). - Điều 666 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 664 của Bộ luật này. Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng. - Khoản 2 Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên. - Do đó, nếu luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên. Trong trường hợp này, quan hệ nêu trên là quan hệ hợp đồng tín dụng thương mại, điều luật cho phép chọn luật áp dụng tại Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015. Các bên sử dụng tập quán thương mại quốc tế UCP 600 (Bộ nguyên tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ) trong hợp đồng. Vì L/C phát hành sử dụng UCP 600 (thỏa thuận trong hợp đồng) nên áp dụng tập quán. Conclusion (kết luận). Tòa án đã căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng để áp dụng tập quán thương mại quốc tế. 24 Chương 2 XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ 1. Mục tiêu Về kiến thức: Người học sẽ nắm vững những kiến thức lý luận sau: - Nhận diện được các loại quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế Việt Nam. Nắm được các vấn đề pháp lý về hiệu lực của quy phạm xung đột. - Nắm được các vấn đề pháp lý phát sinh và cách giải quyết khi áp dụng pháp luật nước ngoài - Nêu được nguyên tắc, cách thức, điều kiện và các trường hợp áp dụng pháp luật nước ngoài. - Phân tích được các đặc trưng cơ bản của các loại quy phạm xung đột. - Vận dụng được các hệ thuộc luật để chọn luật áp dụng trong một số tình huống cụ thể. Về kỹ năng: - Phân tích được mối quan hệ giữa xung đột pháp luật và xung đột về thẩm quyền xét xử. - Bình luận được về 2 phương pháp giải quyết xung đột pháp luật; đánh giá được tính hiệu quả của việc áp dụng các phương pháp đó. - Vận dụng được việc lựa chọn và áp dụng các loại quy phạm xung đột trong tình huống pháp lý cụ thể, đưa ra các lập luận lý giải được việc áp dụng, giải thích quy phạm xung đột. - Bình luận được về việc áp dụng một số quy phạm xung đột trong một số bản án dân sự có yếu tố nước ngoài. - Đánh giá được tình hình áp dụng pháp luật nước ngoài tại Việt Nam hiện nay. - Bình luận được về căn cứ, cách thức áp dụng và giải thích pháp luật nước ngoài theo quan điểm của pháp luật Việt Nam. 25 2. Lý thuyết 2.1. Xung đột pháp luật (1) Khái niệm xung đột pháp luật Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài, do đó, các quan hệ này không chỉ chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật của một quốc gia nhất định mà thường liên quan và chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau. Mỗi một quốc gia lại có những quy định mâu thuẫn, đối lập với nhau dẫn đến xung đột pháp luật. Như vậy, xung đột pháp luật là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể. Các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật: - Do đặc điểm về quan hệ xã hội được tư pháp quốc tế điều chỉnh. Bởi tính chất đặc thù của Tư pháp quốc tế là luôn điều chỉnh các quan hệ dân sự mở rộng có yếu tố nước ngoài. - Do có sự quy định khác nhau trong pháp luật các nước khi điều chỉnh một quan hệ dân sự cụ thể. Xuất phát từ điều kiện kinh tế, chính trị, phong tục, tập quán,… của các nước không giống nhau nên pháp luật của các quốc gia cũng có những quy định khác nhau. (2) Phương pháp giải quyết xung đột pháp luật Hiện nay, xung đột pháp luật trong Tư pháp quốc tế thường được giải quyết theo các phương pháp sau: - Xây dựng và áp dụng quy phạm thực chất trực tiếp giải quyết xung đột pháp luật; - Xây dựng và áp dụng các quy phạm xung đột để chọn ra một hệ thống pháp luật giải quyết xung đột pháp luật; - Áp dụng tập quán và tương tự pháp luật. (3) Quy phạm xung đột Quy phạm xung đột là loại quy phạm được sử dụng để ấn định hệ thống pháp luật nước nào cần được sử dụng để giải quyết một quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài cụ thể. 26 Quy phạm xung đột có tính chất điều chỉnh gián tiếp, tức là quy phạm đó không trực tiếp giải quyết ngay vấn đề mà chỉ nêu ra luật nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Tính chất viện dẫn của quy phạm xung đột giúp cơ quan có thẩm quyền tìm được hệ thống pháp luật cụ thể giải quyết được vấn đề quan tâm. Chính vì vậy, quy phạm xung đột còn có tính chất phức tạp, trừu tượng, khó áp dụng và còn dẫn đến khả năng quy phạm này được áp dụng một cách máy móc10. (4) Một số hệ thuộc luật cơ bản - Hệ thuộc Luật Nhân thân: Đây là một trong những hệ thuộc luật cơ bản xác định luật áp dụng điều chỉnh một số quan hệ pháp luật liên quan đến cá nhân. Hệ thuộc Luật Nhân thân có hai biến dạng là Luật Quốc tịch và Luật Nơi cư trú: + Luật Quốc tịch (Lex nationalis) được hiểu là áp dụng hệ thống pháp luật quốc gia mà đương sự là công dân. + Luật Nơi cư trú (Lex dômcilii) được hiểu là luật của quốc gia mà đương sự cư trú. - Hệ thuộc Luật Quốc tịch của pháp nhân (Lex societatis) là luật của quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch. - Hệ thuộc luật do các bên thỏa thuận (Lex voluntatis) được hiểu là luật do các bên chủ thể thỏa thuận lựa chọn áp dụng. Hệ thuộc luật này được ghi nhận phổ biến trong hệ thống pháp luật các quốc gia như trong các quan hệ hợp đồng… - Hệ thuộc luật nơi có vật (Lex rei sitas): Được hiểu là luật nơi có vật (vật ở nước nào) sẽ được áp dụng pháp luật nước đó để giải quyết các quan hệ liên quan đến vật. - Hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (Lex loci actus): Được hiểu là hành vi được thực hiện ở đâu thì áp dụng pháp luật nước đó để điều chỉnh quan hệ pháp luật phát sinh. - Hệ thuộc Luật Tòa án (Lex fori): Được hiểu là tòa án của quốc gia nào có thẩm quyền giải quyết thì sẽ áp dụng pháp luật nước đó để giải 10 Bùi Thị Thu, Giáo trình Luật Tư pháp quốc tế, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010. 27 quyết quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (cả luật hình thức lẫn luật nội dung). Hiện nay, khoa học pháp lý nói chung và ở Việt Nam nói riêng thì luật tòa án thường được hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng là cả luật hình thức và luật nội dung, còn theo nghĩa hẹp thì chỉ luật hình thức. 2.2. Áp dụng pháp luật nước ngoài Do đặc thù của Tư pháp quốc tế là liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau nên việc áp dụng pháp luật nước ngoài là điều không tránh khỏi. Pháp luật các quốc gia cũng như các Điều ước quốc tế đều có những quy phạm xung đột dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc những quy phạm cho phép các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong Tư pháp quốc tế Việt Nam, vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài cũng được quy định cụ thể và ghi nhận trong nhiều văn bản khác nhau như Điều 4 Luật Đầu tư 2014, Điều 667 Bộ luật Dân sự 2015… Tư pháp quốc tế Việt Nam quy định: “1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam. 2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên. 3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó”11. Về thể thức áp dụng pháp luật nước ngoài thì trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó12. - Về phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến: 11 Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015. 12 Điều 667 Bộ luật Dân sự năm 2015. 28 + Dẫn chiếu là hiện tượng một hiện tượng đặc thù của Tư pháp quốc tế khi hệ thống pháp luật được chỉ định bởi quy phạm xung đột để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Hiện tượng dẫn chiếu bao gồm dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu đến pháp luật nước thứ ba. + Dẫn chiếu ngược là hiện tượng quy phạm xung đột trong hệ thống pháp luật nước này dẫn chiếu đến hệ thống pháp luật của một nước khác nhưng quy phạm của hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến lại dẫn chiếu ngược lại pháp luật của nước ban đầu. + Dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba là hiện tượng quy phạm xung đột pháp luật của hệ thống pháp luật nước này dẫn chiếu đến hệ thống pháp luật của một nước khác nhưng quy phạm xung đột pháp luật của nước khác đó lại dẫn chiếu đến pháp luật của một nước thứ ba. + Đối với vấn đề dẫn chiếu, pháp luật một số quốc gia không chấp nhận hiện tượng dẫn chiếu như Keebec (Canada), Hy Lạp, Hà Lan… Một số nước lại chấp nhận hiện tượng này như Anh, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Đức… + Pháp luật Việt Nam: Vấn đề dẫn chiếu được thừa nhận như quy định tại Điều 122 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 668. - Bảo lưu trật tự công: + Vấn đề bảo lưu trật tự công trong Tư pháp quốc tế được hiểu là sẽ không áp dụng pháp luật nước ngoài nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài đó trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam13. + Tại Điều 670 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định các trường hợp sẽ không áp dụng pháp luật nước ngoài khi được dẫn chiếu đến. - Lẩn tránh pháp luật: + Lẩn tránh pháp luật là hiện tượng đương sự dùng những biện pháp cùng thủ đoạn để thoát khỏi hệ thống pháp luật, thực chất phải được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ của họ và hướng tới một hệ thống pháp luật khác có lợi hơn cho mình. Các biện pháp và thủ đoạn thể hiện 13 Giáo trình Tư pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Tư pháp, 2017, tr. 93. 29 như: di chuyển trụ sở, thay đổi nơi cư trú, thay đổi quốc tịch, chuyển động sản thành bất động sản hoặc ngược lại từ nước này sang nước khác… + Hầu hết thực tiễn tư pháp của các nước trên thế giới đều coi đây là một hiện tượng không bình thường và đều tìm cách hạn chế hoặc ngăn cấm. Việc quy định hạn chế hoặc ngăn cấm ở mỗi nước là khác nhau và được thực hiện bằng các biện pháp khác nhau. Nhưng để phân biệt được giữa lẫn tránh pháp luật và đâu không phải là lẫn tránh pháp luật là rất khó. + Thực tiễn tư pháp ở Pháp cho thấy, tòa án không chấp nhận việc lẩn tránh pháp luật của Pháp và ở đó trở thành nguyên tắc pháp luật là mọi hành vi, mọi hợp đồng ký kết mà lẩn tránh pháp luật đều bị coi là bất hợp pháp (Frausomnia corrumpit). Ở các nước phương Tây đều hạn chế hoặc cấm các hành vi lẩn tránh pháp luật, song việc giải quyết hậu quả của việc lẩn tránh pháp luật lại rất khác nhau. Do đó, cũng không hiếm các trường hợp “lọt lưới” hoặc lại được công nhận14. + Ở Việt Nam, mọi hành vi lẩn tránh pháp luật là vi phạm và không được chấp nhận. Thực tiễn ở nước ta về lẩn tránh pháp luật hầu như chưa có, nhưng trong một số văn bản pháp quy lại có quy định rất rõ. Ví dụ: Tại khoản 4 Điều 6 Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài quy định: “Việc kết hôn của công dân Việt Nam với người nước ngoài được tiến hành ở nước ngoài và tuân theo pháp luật nước đó về nghi thức kết hôn thì được công nhận tại Việt Nam, trừ trường hợp việc kết hôn đó có ý định rõ ràng là để lẩn tránh các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn”. Văn bản này đến nay đã hết hiệu lực, do đó hiện nay pháp luật Việt Nam không có văn bản này quy định rõ ràng về vấn đề này. 3. Tình huống 3.1. Tình huống 1 3.1.1. Nội dung tình huống Năm 2017, Anh David (quốc tịch Anh, hiện đang thường trú ở Hà Nội) 14. Xem thêm Bành Quốc Tuấn, Hiện tượng lẩn tránh pháp luật trong tư pháp quốc tế, tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 199 ngày 20/07/2011. 30 kết hôn với chị Ngọc Ngà (quốc tịch Việt Nam) tại ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Hỏi: Luật nước nào được áp dụng để xác định điều kiện kết hôn giữa anh David và chị Ngọc Ngà (Biết rằng: Theo quy định của pháp luật Anh, điều kiện kết hôn sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước mà đương sự có nơi cư trú). 3.1.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Quan hệ kết hôn giữa công dân Anh và công dân Việt Nam đăng ký tại ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng và xác định luật áp dụng để giải quyết. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Application facts (cách thức áp dụng). Khoản 1 Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:“Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của luật này về điều kiện kết hôn”. Công dân Việt Nam tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn (cụ thể là Điều 5 và Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014); Pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến việc công dân Anh phải tuân theo luật Anh và luật Việt Nam. Tuy nhiên, Pháp luật Anh lại quy định luật áp dụng đối với công dân Anh về điều kiện kết hôn là luật nơi cư trú của công dân Anh. Do đó, điều kiện kết hôn của công dân Anh chỉ cần phù hợp với pháp luật Việt Nam (đây là trường hợp dẫn chiếu ngược). Conclusion (kết luận). Luật Việt Nam (Luật Hôn nhân và gia đình 2014) sẽ được áp dụng để xác định điều kiện kết hôn của anh David và chị Ngọc Ngà. 31 3.2. Tình huống 2 3.2.1. Nội dung tình huống Thương nhân A (quốc tịch Việt Nam, có trụ sở thương mại tại Đà Nẵng), ký hợp đồng bán cho thương nhân B (quốc tịch Pháp, có trụ sở thương mại tại Paris) 1.000MT tôm đông lạnh. Trong hợp đồng, hai bên thỏa thuận lựa chọn pháp luật Pháp để giải quyết tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên nếu tranh chấp phát sinh từ hợp đồng trên. Đến thời điểm giao hàng, thương nhân A không giao hàng cho thương nhân B nên thương nhân B khởi kiện thương nhân A ra tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Hỏi: Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) có áp dụng pháp luật Cộng hòa Pháp để giải quyết tranh chấp trên không? Nêu cơ sở pháp lý? 3.2.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Quan hệ hợp đồng giữa thương nhân A (Việt Nam) và thương nhân B (Pháp); hai bên thỏa thuận chọn luật Pháp làm luật áp dụng; thương nhân A không giao hàng; thương nhân B khởi kiện thương nhân A. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Phần thứ 7 về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được áp dụng để xác định luật áp dụng. Các Điều 664, Điều 667, Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 được áp dụng. Application facts (cách thức áp dụng). Khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép các bên chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Conclusion (kết luận). Luật của Pháp được áp dụng để giải quyết tranh chấp trên. 32 Chương 3 CHỦ THỂ CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ 1. Mục tiêu Về kiến thức: Người học sẽ phải nắm vững những kiến thức lý luận sau: - Giải thích được các chế độ pháp lý dân sự dành cho người nước ngoài. Trình bày và lấy được ví dụ về địa vị pháp lý của người Việt Nam ở nước ngoài. - Hiểu được cách thức xác định quốc tịch của pháp nhân nước ngoài. Nắm rõ được đặc điểm quy chế pháp lý dân sự của pháp nhân nước ngoài, nội dung quy chế pháp lý dân sự của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam và nội dung quy chế pháp lý dân sự của pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. - Hiểu được quốc gia là chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế và giải thích được cơ sở để quốc gia là chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế. Về kỹ năng: - Bình luận được về sự thay đổi trong cách thức giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật, năng lực hành vi của người nước ngoài trong pháp luật Việt Nam hiện hành so với trước đây. - Nhận xét được cơ sở áp dụng các chế độ pháp lý dân sự dành cho người nước ngoài trong các loại quan hệ khác nhau. - Bình luận được quan điểm cho rằng, pháp nhân có thể có nhiều quốc tịch. - Bình luận được quan điểm của Việt Nam về quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia. 2. Lý thuyết 2.1. Cá nhân Cá nhân: Công dân Việt Nam, người nước ngoài. - Khái niệm người nước ngoài. Trong sự phát triển khách quan lịch sử của cộng đồng các quốc gia trên thế giới, công dân nước này, nước kia cùng chung sống trên một lãnh 33 thổ của một quốc gia là một hiện thực khách quan do những nguyên nhân khác nhau: Chiến tranh, hậu quả của thiên tai, thay đổi chế độ chính trị - kinh tế, quá trình hợp tác kinh tế… Việc nghiên cứu quy chế pháp lý của công dân nước ngoài là không thể thiếu. Hiện nay, thuật ngữ “người nước ngoài” được sử dụng rộng rãi ở các nước cũng như ở Việt Nam và nó được hiểu rất rộng, bao hàm như sau: Người mang một quốc tịch nước ngoài; người mang nhiều quốc tịch nước ngoài; người không mang quốc tịch. Trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới, có một nét đặc trưng chung nhất là đều lấy dấu hiệu quốc tịch để định nghĩa người nước ngoài. Theo đó, người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia được xác định là người không có quốc tịch của quốc gia đó. Quốc tịch là căn cứ, dấu hiệu xác định sự phụ thuộc của một cá nhân vào một nhà nước nhất định. Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân được hưởng các quyền và nghĩa vụ do nhà nước mà họ mang quốc tịch quy định. Như vậy, người nước ngoài là người không có quốc tịch của nước nơi mà họ cư trú. Phân tích khái niệm trên, ta thấy bất kỳ một cá nhân nào cư trú trên lãnh thổ một nước nhất định mà không mang quốc tịch của quốc gia đó đều là người nước ngoài. Quốc tịch luôn là căn cứ để xác định người đó là công dân nước nào hoặc là người không thuộc công dân nước nào (người không quốc tịch). Theo pháp luật Việt Nam: Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch. - Năng lực chủ thể của người nước ngoài. + Năng lực pháp luật dân sự: Để giải quyết xung đột pháp luật về năng lực pháp luật dân sự của công dân nước ngoài, hầu hết các nước đều xác định theo nguyên tắc Luật Quốc tịch. Tuy nhiên, trong trường hợp người nước ngoài đó cư trú tại một nước sở tại (nước khác) thì năng lực của người đó sẽ được xác định theo pháp luật của nước sở tại. Điều này xuất phát từ việc thực hiện chủ quyền của quốc gia sở tại và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của các nước trên thế giới. Theo nguyên tắc, mỗi 34 quốc gia có quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ của mình. Chính vì vậy, tất cả cá nhân cư trú tại một quốc gia nhất định phải tuân theo pháp luật của quốc gia sở tại. + Hiện nay, hầu hết luật pháp các nước thường quy định người nước ngoài có năng lực pháp luật ngang hoặc tương đương với công dân nước sở tại (trừ những ngoại lệ quy định trong các hệ thống luật cụ thể của mỗi quốc gia hoặc trong các điều ước quốc tế). Điều này là phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế, đồng thời là cơ sơ để thúc đẩy sự giao lưu hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên toàn cầu. + Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, hiện nay có quy định về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân tại Điều 673, Điều 674 Bộ luật Dân sự 2015. 2.2. Pháp nhân Pháp nhân có thể được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức chính trị, kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc theo quyết định của nhà nước có thẩm quyền và tuân theo thủ tục pháp luật quy định. Theo thực tiễn, pháp nhân được thành lập theo pháp luật của một nước nhất định. Thông thường, một tổ chức được công nhận có tư cách pháp nhân ở nước đó được thành lập thì cũng được công nhận có tư cách pháp nhân ở các nước khác. Đối với Việt Nam, pháp nhân nước ngoài là tổ chức hưởng tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật nước ngoài và được công nhận là có quốc tịch nước ngoài. Bộ luật Dân sự 2015 cũng phân chia pháp nhân thành hai loại là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Theo đó: - Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. - Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. - Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan15. 15 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015. 35 Pháp nhân phi thương mại được quy định tại Điều 76 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó: Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đặc trưng chung của pháp nhân trong quan hệ Tư pháp quốc tế là phải chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau (pháp luật của quốc gia nơi pháp nhân mang quốc tịch và pháp luật của quốc gia nơi pháp nhân hoạt động). Vì vậy, việc xác định quốc tịch của pháp nhân, năng lực chủ thể của pháp nhân hay các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân là hết sức cần thiết. Quốc tịch của pháp nhân không chỉ có ý nghĩa để phân biệt pháp nhân nước này với pháp nhân nước khác, mà đây còn là cơ sở để xác định quy chế pháp lý và năng lực chủ thể của pháp nhân khi tham gia vào quan hệ pháp luật của Tư pháp quốc tế. Pháp nhân được thừa nhận có tư cách pháp nhân theo pháp luật với một Nhà nước nhất định thì phải tuân thủ một số quy định về quyền và nghĩa vụ của pháp luật nước đó. Ngoài ra, khi hoạt động ở nước ngoài, pháp nhân được nhà nước mình bảo hộ về mặt ngoại giao; việc hợp nhất, sáp nhập... Tư pháp quốc tế gọi đây là hệ thống pháp luật nơi pháp nhân thành lập. Luật của nước pháp nhân mang quốc tịch là hệ thống pháp luật quy định các vấn đề liên quan đến quy chế pháp lý của pháp nhân như điều kiện thành lập, hoạt động, hợp nhất, giải thể… Hiện nay, mỗi nước dựa trên các tiêu chí khác nhau để xác định quốc tịch của pháp nhân nhưng nhìn chung có các tiêu chí xác định như sau: - Nơi pháp nhân thành lập. 36 - Nơi pháp nhân đặt trụ sở chính. - Nơi pháp nhân tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, một số quốc gia còn xác định quốc tịch của pháp nhân dựa trên tiêu chí quốc tịch của người đứng đầu pháp nhân, hay theo pháp luật Nga và các nước Đông Âu, hai nguyên tắc nơi pháp nhân thành lập và nơi pháp nhân đặt trung tâm được lựa chọn tùy theo từng trường hợp. Pháp luật Việt Nam cũng lấy tiêu chí nơi pháp nhân thành lập để xác định quốc tịch của pháp nhân16. Đối với Việt Nam, tất cả pháp nhân không mang quốc tịch Việt Nam đều được coi là pháp nhân nước ngoài. Do quy định của pháp luật các nước về nguyên tắc xác định quốc tịch của pháp nhân không giống nhau, trong thực tiễn không tránh khỏi trường hợp một pháp nhân được hai hay nhiều nước, đồng thời coi là pháp nhân mang quốc tịch của nước mình. Để giải quyết hiện tượng này các nước phải ký kết với nhau các Điều ước quốc tế nhằm thống nhất các nguyên tắc xác định quốc tịch của pháp nhân. 2.3. Quốc gia Chủ thể của Tư pháp Quốc tế bao gồm cá nhân, pháp nhân, bởi vì quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ chủ yếu giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau ở các nước khác nhau. Nhà nước không tham gia thường xuyên quan hệ Tư pháp Quốc tế điều chỉnh mà chỉ tham gia trong một số các quan hệ xã hội nhất định: Thuê mướn, thừa kế tài sản… Tuy nhiên, khi tham gia quan hệ xã hội, Nhà nước vẫn giữ công quyền của mình, không phải bên đương sự bình đẳng với cá nhân, pháp nhân. Đây chính là quy chế pháp lý đặc biệt mà quốc gia được hưởng. Quyền miễn trừ của quốc gia được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc tôn chủ quyền quốc gia và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế. Quyền miễn trừ của quốc gia trong lĩnh vực quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được ghi nhận trong một số Điều ước quốc tế như Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự hay là Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia ngày 17/01/2005. Ở Việt Nam, quyền miễn trừ quốc gia được quy định rải rác trong một số 16. Xem Khoản 1, Điều 16, Luật Thương mại 2005. Điều 676, Bộ luật Dân sự 2015. 37 văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993. Nội dung quyền miễn trừ của quốc gia gồm: Quyền miễn trừ tư pháp (Quyền miễn trừ xét xử, Quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đơn kiện, miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định của Tòa án) và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia17. 3. Tình huống 3.1. Tình huống 118 3.1.1. Nội dung tình huống Năm 1990, ông A (công dân Hà Lan gốc Việt Nam) từ nước ngoài về Việt Nam đầu tư vào một số dự án bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, có nhà máy sản xuất thực phẩm, công ty may mặc và các dự án du lịch. Ngày 5/12/1996, ông A bị bắt giam tại Việt Nam với hai tội danh: đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Từ ngày 7/12/1996 đến ngày 11/12/1996, ông A bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2003, ông A kiện chính phủ Việt Nam dựa theo Luật Thương mại quốc tế. Trong đơn kiện, ông A yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường hơn 100 triệu đôla Mỹ cho những thiệt hại mà ông đã phải gánh chịu. Ông A cáo buộc chính phủ Việt Nam đã bắt giam và tịch thu tài sản ông đầu tư tại Việt Nam một cách trái phép. Vì vậy, ông cho rằng chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư mà họ ký kết với Hà Lan năm 1994. Ông A đã nộp đơn tại Viện Trọng tài Phòng Thương mại Stockholm (Arbitration Institute of Stockholm Chamber of Commerce), Thụy Điển, yêu cầu cơ quan này thụ lý hồ sơ và 17 Xem Điều 5, 6, 18 Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia. 18https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/vi-sao-ong-trinh-vinh-binh-kien-chinh-phu-doi 1-25-ty-usd-3635604.html. 38 giải quyết tranh chấp về tài sản đầu tư giữa ông và chính phủ Việt Nam, cũng như đòi bồi thường hơn 100 triệu đôla Mỹ (Viện Trọng tài Stockholm là một trong số những tổ chức tư nhân có tư cách sáng lập hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) và tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) để giải quyết các tranh chấp dựa trên Luật Trọng tài UNCITRAL). Hãy cho biết: Chính phủ Việt Nam có được hưởng quyền miễn trừ tư pháp trong trường hợp trên hay không? Tại sao? 3.1.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống Đây là tranh chấp giữa một bên là Chính phủ Việt Nam với một bên là nhà đầu tư nước ngoài (Hà Lan). Hà Lan và Việt Nam có ký kết một hiệp định về bảo hộ đầu tư năm 1994 (investments protection treaty) có tên gọi là Hiệp định song phương khuyến khích, tương trợ, và bảo hộ tài sản đầu tư của công dân hai nước (Agreement on Encouragement and Reciprocal Protection of Investments between the Kingdom of the Netherlands - investment treaty). Ngày 1/2/1995, hiệp định này chính thức có hiệu lực. Dựa theo Khoản 2 Điều 9 của Hiệp định, trong trường hợp công dân của một trong hai nước xảy ra tranh chấp với chính phủ nước kia liên quan đến tài sản mà họ mang đi đầu tư ở nước kia, thì những công dân này có thể nộp đơn và yêu cầu một tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết. Ngoài ra, cũng theo điều khoản nêu trên, Việt Nam và Hà Lan còn đồng ý rằng, tất cả tranh chấp giữa một trong hai chính phủ đối với tài sản đầu tư của công dân nước kia, đều sẽ được giải quyết bằng Luật Trọng tài của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế Liên Hợp Quốc (United Nations Commission on International Trade Law - UNCITRAL Arbitration Rules) - tên gọi thông thường là Luật Trọng tài UNCITRAL. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. 39 3.2. Tình huống 219 3.2.1. Nội dung tình huống Năm 1991, Tổng Công ty hàng không Việt Nam ký hợp đồng đại lý bán vé tại thị trường Italia với Công ty Italy có tên là Falcomar. Năm 1994, Luật sư Liberati kiện Công ty Falcomar, yêu cầu công ty này phải thanh toán chi phí cho các công việc mà ông thực hiện. Trong đơn kiện, ông Liberati cho biết từ tháng 9/1991 đến tháng 12/1992, ông đã được Falcomar - với tư cách đại diện của Vietnam Airlines - thuê làm một số việc, song chưa được thanh toán tiền công. Do Falcomar là đại lý của Vietnam Airlines nên tòa đã triệu tập đại diện Vietnam Airlines tham dự tòa. Dựa vào pháp luật Việt Nam hiện nay. Hãy cho biết: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (từ năm 2010 chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước) có được hưởng quyền miễn trừ tư pháp hay không? Tại sao? 3.2.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống Căn cứ quy định tại Chương V Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự bao gồm các Điều 97, Điều 98, Điều 99, Điều 100. - Điều 100 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: 1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự do mình xác lập với nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài trong trường hợp sau đây: a) Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ; b) Các bên trong quan hệ dân sự có thỏa thuận từ bỏ quyền miễn trừ; c) Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương từ bỏ quyền miễn trừ. 19 Vụ Vietnam Airlines bị kết án "oan" gần 5 triệu euro: Sẽ còn tiếp tục kéo dài? (http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Chinh-tri/74130/v7909%3B-vietnam-airlines b7883%3B-k7871%3Bt-an-quot%3Boanquot%3B-g7847%3Bn-5-tri7879%3Bu-euro s7869%3B-con-ti7871%3Bp-t7909%3Bc-keo-dai). 40 2. Trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của nhà nước, cơ quan nhà nước của nước ngoài khi tham gia quan hệ dân sự với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương, pháp nhân, cá nhân Việt Nam được áp dụng tương tự Khoản 1 Điều này. - Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ dân sự của pháp nhân do mình thành lập, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương bảo lãnh cho nghĩa vụ dân sự của pháp nhân này theo quy định của pháp luật”. Kết luận: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (từ năm 2010 chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước) không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. 41 Chương 4 XUNG ĐỘT THẨM QUYỀN 1. Mục tiêu Về kiến thức: - Hiểu và thông hiểu thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án Việt Nam; xung đột thẩm quyền trong tư pháp quốc tế và cách thức giải quyết hiện tượng xung đột thẩm quyền. - Hiểu và thông hiểu các bước và trình tự thủ tục thực hiện ủy thác tư pháp. Về kỹ năng: Từ một tình huống cụ thể xác định được thẩm quyền giải quyết của tòa án, nêu được căn cứ áp dụng. Vận dụng vào một tình huống cụ thể xác định được trường hợp cụ thể đó có được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hay không. 2. Lý thuyết 2.1. Xung đột thẩm quyền trong Tư pháp quốc tế Xung đột thẩm quyền là trường hợp trong một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, cơ quan tài phán của hai hay nhiều quốc gia đều có thể có thẩm quyền giải quyết. 2.1.1. Các quy tắc xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo pháp luật các nước Việc xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là hành vi tố tụng được thực hiện trước khi giải quyết vấn đề xung đột luật. Thông thường, thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế do các quốc gia tự quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của mình. Song, các quốc gia còn ký kết với nhau các Điều ước quốc tế để điều chỉnh các vấn đề về độc quyền xét xử, xét xử theo lựa chọn, mở rộng thẩm quyền xét xử, khước từ quyền xét xử dân sự quốc tế… Có rất nhiều quy tắc, dấu hiệu làm cơ sở để xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế của tòa án tư pháp đối với các vụ việc tư pháp quốc 42 tế nhất định. Có thể nêu lên một số quy tắc, dấu hiệu phổ biến trong thực tiễn Tư pháp quốc tế sau đây: a. Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu quốc tịch của một bên hoặc các bên đương sự trong vụ án dân sự quốc tế Theo quy tắc này, tòa án của một số quốc gia sẽ có thẩm quyền xét xử các vụ việc mang bản chất dân sự có yếu tố nước ngoài nếu một hoặc các bên đương sự là công dân nước mình. Ví dụ, theo Điều 14, Điều 15 Bộ luật Dân sự Pháp thì trong mọi trường hợp, tòa án Pháp đều có thẩm quyền xét xử vụ việc dân sự quốc tế nếu công dân pháp tham gia vào vụ án đó. Đây là một quy tắc có ý nghĩa quan trọng, có tính quyết định trong giải quyết vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế ở các nước xây dựng hệ thống luật xung đột theo nguyên tắc Luật Quốc tịch. b. Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu nơi cư trú của bị đơn Ở nhiều nước đây là quy tắc cơ bản dùng để xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế, đặc biệt đối với các vụ việc phát sinh từ quan hệ thương mại quốc tế thì quy tắc này thường được áp dụng. Quy tắc này cũng được quy định trong các Điều ước quốc tế, ví dụ Công ước Brusels được ký kết giữa các quốc gia trong khối liên minh châu Âu. c. Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo dấu hiệu nơi có tài sản cư trú của bị đơn hoặc nơi có tài sản tranh chấp Tại một số nước như Đức, quy tắc này được áp dụng triệt để đối với các tranh chấp liên quan đến bất động sản. d. Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo khả năng thực tế trao cho bị đơn lệnh gọi ra tòa án Hệ thống luật Anh - Mỹ thường áp dụng. e. Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng Quy tắc này được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong các quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế. 43 f. Xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế theo nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại. Đây là quy tắc thường được áp dụng cho các vụ kiện về đòi bồi thường thiệt hại. 2.1.2. Xác định thẩm quyền theo pháp luật Việt Nam Đối với việc xác định thẩm quyền xét xử Việt Nam đã ký kết các Điều ước quốc tế với một số quốc gia, trong đó có quy định về vấn đề này. Nếu không có Điều ước quốc tế xác định thẩm quyền xét xử thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định ba nhóm vụ việc dân sự đặt ra trước tòa án Việt Nam: Thứ nhất, những trường hợp thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam. Thẩm quyền chung được hiểu là những trường hợp tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết và tòa án nước ngoài cũng có thể có thẩm quyền giải quyết nếu đương sự nộp đơn khởi kiện. Những trường hợp thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam được quy định tại Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Thứ hai, những trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam. Thẩm quyền riêng biệt tức là theo pháp luật Việt Nam chỉ có tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền giải quyết, nếu tòa án nước ngoài giải quyết thì bán án, quyết định đó sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam được quy định tại Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Thứ ba, những trường hợp tòa án Việt Nam không có thẩm quyền giải quyết. Theo quy định tại Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đã có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài hoặc đã có Tòa án nước ngoài, Trọng tài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết hoặc đương sự được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. 44 2.2. Ủy thác Tư pháp quốc tế Khi thực hiện các hành vi tố tụng theo thẩm quyền như thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ triệu tập đến tòa án,... bên ngoài lãnh thổ quốc gia, cơ quan tư pháp có thẩm quyền phải được sự chấp thuận của nước nơi các hành vi đó sẽ được thực hiện trên cơ sở Ủy thác Tư pháp quốc tế. Khoản 1 Điều 6 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định: “Ủy thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một vài hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. (1) Nguyên tắc Ủy thác tư pháp Quốc gia có quyền tối cáo trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của mình đặc biệt thực hiên quyền tài phán với công dân và pháp nhân trên lãnh thổ của mình. Vì vậy, hoạt động ủy thác tư pháp phải thực hiện trên những nguyên tắc nhất định. Theo pháp luật Việt Nam việc thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp phải đảm bảo các nguyên tắc sau: - Nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. - Thực hiện Ủy thác tư pháp phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, phù hợp với pháp luật Việt Nam. - Nguyên tắc có đi có lại đối với chưa ký kết hoặc gia nhập Điều ước quốc tế nhưng không được trái pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế20. (2) Nội dung Ủy thác tư pháp Theo quy định tại Điều 10 của Luật Tương trợ tư pháp 2007, phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm: - Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; 20 Xem Điều 414, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004. 45 - Triệu tập người làm chứng, người giám định; - Thu thập, cung cấp chứng cứ; - Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự. (3) Trình tự thủ tục thực hiện ủy thác tư pháp - Đối với các ủy thác tư pháp do Tòa án Việt Nam yêu cầu nước ngoài thực hiện: Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải lập hồ sơ ủy thác và gửi cho Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp vào sổ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Tiếp đến cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự21. - Đối với các ủy thác tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu Việt Nam thực hiện: Bộ Tư pháp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp của cơ quan có nước thẩm quyền yêu cầu, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì Bộ Tư pháp trả lại cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu và nêu rõ lý do. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, Bộ Tư pháp chuyển văn bản đó cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu theo quy định của điều ước quốc tế, mà Việt Nam và nước yêu cầu là thành viên hoặc thông qua kênh ngoại giao. Trường hợp ủy thác tư pháp không thực hiện được hoặc quá thời hạn mà nước ngoài yêu cầu hoặc cần bổ sung thông tin, tài liệu liên quan, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do để Bộ Tư pháp thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu (Điều 15 Luật Tương trợ tư pháp 2007). 21 Xem Điều 14, Luật Tương trợ tư pháp 2007. 46 3. Tình huống 3.1. Tình huống 122 3.1.1. Nội dung tình huống Vào năm 2016, ông Daniel (quốc tịch Pháp, cư trú tại Pháp) có góp vốn cùng vợ chồng ông David (quốc tịch Pháp, cư trú tại Khánh Hòa, Việt Nam) để mở một xưởng mộc tại Nha Trang (Việt Nam) và kinh doanh nhà hàng với số tiền 400.000 Fr. Tuy nhiên, việc làm ăn bị thua lỗ nên tháng 8/2017 ông Daniel khởi kiện tại tòa án tỉnh Khánh Hòa yêu cầu vợ chồng ông David trả lại số tiền trên. Hỏi: Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với vụ án trên không? Nêu cơ sở pháp lý? 3.1.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Ông Daniel (quốc tịch Pháp, cư trú tại Pháp) có góp vốn cùng vợ chồng ông David (quốc tịch Pháp, cư trú tại Khánh Hòa, Việt Nam) để kinh doanh; ông Daniel khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông David trả lại tiền. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). - Khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố Tụng dân sự 2015; - Điểm a, Điểm c Khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; - Khoản 2 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; - Điểm a Khoản 1 Điều 37; Khoản 3 Điều 38; Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Application facts (cách thức áp dụng). - Căn cứ Điểm a, Điểm c Khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên; - Căn cứ Khoản 2 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 viện dẫn quy định tại chương 3 xác định thẩm quyền của tòa án cụ thể. - Căn cứ quy định Điểm a Khoản 1 Điều 37; Khoản 3 Điều 38 xác định Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết; 22 Theo bản án só 07/2004/Ds-ST ngày 23/7/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa. 47 - Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 xác định Tòa án nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền giải quyết. Conclusion (kết luận). Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên. 3.2. Tình huống 223 3.2.1. Nội dung tình huống Ông Hanry (quốc tịch Anh) và bà Ngọc Lan (quốc tịch Việt Nam) kết hôn năm 2010 tại Việt Nam. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng mua nhà và chung sống với nhau tại thành phố Hà Nội. Năm 2017, ông Hanry nộp đơn xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng ông tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vì “luôn bất đồng tư tưởng và thường xuyên cãi vã…”, ly thân từ tháng 12/2014. Hỏi: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có thẩm quyền đối với vụ án trên không? Nêu cơ sở pháp lý? 3.2.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Ông Hanry (quốc tịch Anh) và bà Ngọc Lan (quốc tịch Việt Nam) kết hôn tại Việt Nam, chung sống tại Việt Nam, nay nộp đơn xin ly hôn. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). - Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; - Điểm b Khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; - Khoản 2 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; - Điều 28, Điểm a Khoản 1 Điều 37; Khoản 2 Điều 38; Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Application facts (cách thức áp dụng). Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đây là vụ việc về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài vì ông Hanry có quốc tịch Anh. 23 Theo bản án số 236/LHST ngày 27/12/2000 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. 48 Điểm b Khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam” thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam; Khoản 2, Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 viện dẫn quy định tại chương 3 thẩm quyền của Tòa án; Căn cứ Điều 28; Điểm a Khoản 1 Điều 37, Khoản 2 Điều 38, Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 xác định thẩm quyền thuộc về Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của bị đơn có thẩm quyền. Conclusion (kết luận). Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn trên. 3.3. Tình huống 324 3.3.1. Nội dung tình huống Ông Hung Yen Ching (Chương Hóa - Đài Loan) kết hôn với bà Hồng Phượng ngày 28/12/2015 tại tỉnh X. Sau khi kết hôn 10 ngày, ông bà sang Đài Loan sống. Ngày 16/3/2016, bà Phượng trở về Việt Nam cho tới nay. Ông Hung Yen Ching cho rằng, bà Hồng Phượng bỏ ông trốn về Việt Nam và muốn ly hôn với ông nên ông nộp đơn khởi kiện xin ly hôn với bà Hồng Phượng và đã được tòa án địa phương Chương Hóa, Đài Loan xử cho ly hôn. Ngày 20/10/2016, ông Hung Yen Ching tiếp tục xin ly hôn tại Tòa án nhân dân tỉnh X. Sau khi xem xét hồ sơ, Tòa án nhân dân tỉnh X đã thụ lý giải quyết, mở phiên tòa xét xử và ra quyết định: Áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình 2014 xử cho ông Hung Yen Ching ly hôn với bà Hồng Phượng. Áp dụng pháp luật hiện hành, nêu quan điểm của anh chị về vụ án trên? Giải thích quan điểm? 3.3.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Ông Hung Yen Ching (Chương Hóa - Đài Loan) ly hôn với bà Hồng Phượng 24 Theo bản án số 13/DSST ngày 25/3/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh. 49 và đã có bản án của Đài Loan; ông Hung Yen Ching lại nộp đơn ra Tòa án Việt Nam xin ly hôn với bà Phượng. Câu hỏi bổ sung: Đặt 5 câu hỏi để làm rõ nội dung cần giải quyết trong vụ việc trên? Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Application facts (cách thức áp dụng). Căn cứ Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài; Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó; Ông Hung Yen Ching đã nộp đơn khởi kiện xin ly hôn với bà Hồng Phượng và đã được tòa án địa phương Chương Hóa, Đài Loan xử cho ly hôn. Do đó, vụ việc này đã được giải quyết bằng bản án của Tòa án Đài Loan. Tòa án Việt Nam chỉ được giải quyết nếu bản án này không được công nhận và cho thi hành. Tuy nhiên, trường hợp này bản án của Tòa án Đài Loan chưa hề được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam do đó Tòa án Việt Nam tạm thời chưa có thẩm quyền giải quyết (trả lại đơn khởi kiện). Conclusion (kết luận). Trường hợp nêu trên Tòa án tỉnh X đã đưa vụ án ra xét xử là chưa đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Câu hỏi bổ sung: Bản án đã có hiệu lực xử cho ly hôn ở Đài Loan có được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam ở Việt Nam hay không? Vì sao? 3.4. Tình huống 425 3.4.1. Nội dung tình huống Ngày 6/4/2011, anh Tiến Sơn và chị Hải Anh đăng ký kết hôn tại Kiên Giang. Sau khi kết hôn, chị Hải Anh đi du học tại Úc. Năm 2016, 25 Theo Quyết định Giám đốc thẩm số 13/2015/HNGĐ-GĐT ngày 07/5/2015 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. 50 phát sinh mâu thuẫn nên anh Tiến Sơn đã nộp đơn ra Tòa án Việt Nam xin ly hôn với chị Hải Anh và Tòa án nhân dân tỉnh X đã thụ lý vụ án. Ngày 19/7/2016 và ngày 20/10/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X có hai giấy báo phát gửi chị Hải Anh (BL42, 43). Ngày 12/10/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X có công văn đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện việc ủy thác tống đạt Công văn số 175/Cv-TA ngày 18/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh X cho chị Hải Anh (BL39, 41) nhưng không nhận được hồi âm của chị Hải Anh. Ngày 09/11/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (BL47). Ngày 25/11/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, phiên tòa hoãn vì vắng mặt bị đơn (BL49) đến ngày 03/12/2016, mở phiên tòa xét xử vắng mặt bị đơn và ra quyết định cho ly hôn. Hỏi: Tòa án nhân dân tỉnh X thực hiện ủy thác tống đạt công văn cho chị Hải Anh như trên có đúng trình tự, thủ tục không? Nêu căn cứ pháp lý? 3.4.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Anh Tiến Sơn (cư trú tại Việt Nam) xin ly hôn với chị Hải Anh (cư trú tại Australia). Tòa án nhân dân tỉnh X đã thụ lý giải quyết. Các ngày 19/7/2016, 20/10/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X có 02 giấy báo phát gửi cho chị Hải Anh (BL 42, 43). Ngày 12/10/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X có công văn đề nghị Bộ Tư pháp thực hiện việc ủy thác tống đạt Công văn số 175/CV-TA ngày 18/10/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh X cho chị Hải Anh (BL39,41). Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). BLTTDS 2015; Luật Tương trợ tư pháp 2008; Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao. Application facts (cách thức áp dụng). Anh Tiến Sơn cư trú tại Việt Nam, chị Hải Anh cư trú tại Australia. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Sau 6 tháng kể từ ngày 51 Bộ Tư pháp gửi hồ sơ hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật mà không phải tiếp tục ủy thác tư pháp”. Ngày 09/11/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X đã quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngày 25/11/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, phiên tòa hoãn vì bị đơn vắng mặt. Ngày 3/12/2016, Tòa án nhân dân tỉnh X xét xử sơ thẩm vắng mặt bị đơn. Như vậy, chỉ sau hơn 1 tháng kể từ ngày ủy thác tống đạt cho Bộ Tư pháp, Tòa án đã đưa vụ án ra xét xử là không phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 15 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao. Conclusion (kết luận). Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh X đã vi phạm thủ tục tố tụng. 3.5. Tình huống 526 3.5.1. Nội dung tình huống Bà Đặng Hoàng Vy (quốc tịch Việt Nam) kết hôn với ông Jimmy Dương (quốc tịch Hoa Kỳ) ngày 17/8/2007 tại Hoa Kỳ và được hợp thức hóa lãnh sự. Hai vợ chồng sống và làm việc tại bang Texas - Hoa Kỳ đến tháng 9/2010 cả hai cùng về Việt Nam và trú tại huyện A, tỉnh X. Năm 2014, hai người phát sinh mâu thuẫn do bà Vy cho rằng ông Jimmy Dương có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ khác. Bà Vy nộp đơn ra yêu cầu Tòa án nhân dân huyện A giải quyết xin ly hôn với ông Jimmy. Ngày 14/6/2014, Tòa án huyện A thụ lý vụ án đồng thời ra thông báo về việc thụ lý vụ án và gửi cho ông Jimmy Dương. Ngày 15/7/2014, bà Vy có đơn đề nghị chuyển hồ sơ vụ án trên cho Tòa án nhân dân tỉnh X giải quyết với lý do ông Jimmy đã về Mỹ và bà không liên lạc được. Ngày 16/7/2014, Tòa án nhân dân huyện A có quyết định chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh X giải quyết theo thẩm quyền. Tòa án nhân dân tỉnh X 26 Theo Quyết định Giám đốc thẩm số 925/2011/DS-GĐT ngày 19/12/2011 của Tòa dân sự, Tòa án nhân dân Tối cao. 52 đã thụ lý vụ án và tống đạt các văn bản tố tụng là (thông báo số 11/TB TA ngày 13/8/2014 và thông báo số 1376/TB-TA ngày 23/8/2014 cho ông Dương Jimmy để tham gia hòa giải với bà Vy tại Tòa án nhân dân tỉnh X và Quyết định số 17/2014/QĐ-ST ngày 20/9/2014 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vào ngày 06/10/2014) trực tiếp gửi cho Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để tống đạt cho ông Dương Jimmy. Hỏi: Trường hợp Tòa án nhân dân tỉnh X thực hiện trình tự tố tụng như trên có phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành? Giải thích? Nêu căn cứ pháp lý? 3.5.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Bà Vy nộp đơn xin ly hôn với ông Dương Jimmy tại Tòa án huyện A, sau đó chuyển lên Tòa án tỉnh X; Tòa án nhân dân tỉnh X đã thụ lý vụ án và tống đạt các văn bản tố tụng là (Thông báo số 11/TB-TA ngày 13/8/2014 và Thông báo số 1376/TB-TA ngày 23/8/2014 cho ông Dương Jimmy để tham gia hòa giải với bà Yến tại Tòa án nhân dân tỉnh X và Quyết định số 17/2014/QĐ-ST ngày 20/9/2014 đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vào ngày 06/10/2014) trực tiếp gửi cho Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để tống đạt cho ông Dương Jimmy. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Luật Tương trợ tư pháp 2008. Application facts (cách thức áp dụng). Theo quy định tại Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp thì việc tống đạt các giấy tờ, tài liệu cho người đang ở nước ngoài, Tòa án phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp và gửi cho Bộ Tư pháp. Tòa án tỉnh X lại tống đạt các văn bản tố tụng cho ông Dương Jimmy để tham gia hòa giải với bà Yến tại Tòa án nhân dân tỉnh X và Quyết định đưa vụ án ra xét xử, các quyết định này Tòa án nhân dân tỉnh X trực tiếp gửi cho tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa kỳ để tống đạt cho ông Dương Jimmy. Vì thế, việc tống đạt các giấy tờ trên chưa đúng với quy trình của Luật Tương trợ tư pháp. Conclusion (kết luận). Việc tống đạt các giấy tờ ủy thác tư pháp không đúng quy trình được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp. 53 Chương 5 CÔNG NHẬN VÀ CHO THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN NƯỚC NGOÀI, PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI 1. Mục tiêu Về kiến thức: - Hiểu và thông hiểu trình tự thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài. - Xác định được luật áp dụng để giải quyết vấn đề. Về kỹ năng: Vận dụng vào một tình huống cụ thể để xác định trường hợp đó có được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hay không. Lập luận và nêu chính xác căn cứ pháp lý. 2. Lý thuyết 2.1. Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài Về nguyên tắc, các bản án, quyết định dân sự của Tòa án chỉ có hiệu lực pháp luật trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nơi Tòa án đã đưa ra các bản án quyết định đó. Đối với những tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, bản án có thể phải thi hành ở nước ngoài, lúc này quyền lợi của các đương sự liên quan mới được đảm bảo. Vì vậy, để một bản án, quyết định dân sự của Tòa án một nước được tuyên bố có hiệu lực và được thi hành ở một quốc gia khác thì bản án, quyết định dân sự đó phải trải qua môt giai đoạn tố tụng riêng tại hệ thống tòa án nước được yêu cầu công nhận. Như vậy, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có nghĩa là thừa nhận hiệu lực pháp lý của bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài theo đúng như bản án dân sự trong nước. 54 Công nhận bản án dân sự nước ngoài là tiền đề cần thiết để thi hành cưỡng chế bản án đó, nhưng để thi hành cưỡng chế bản án nước ngoài này thì cần phải tuân theo các điều kiện riêng biệt được quy định chặt chẽ hơn nhiều so với những điều kiện cần thiết công nhận bản án đó. Hầu hết theo pháp luật các nước, bản án dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành nếu sau khi thẩm tra thấy thỏa mãn các điều kiện sau: - Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật nơi tuyên. - Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thuộc thẩm quyền của Tòa án tuyên. - Các quy tắc tố tụng dân sự bắt buộc đã được tuân thủ. - Việc công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không trái với pháp luât, trật tự công cộng của nơi được yêu cầu công nhận27. - Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. - Cơ sở pháp lý: Dựa trên các Điều ước quốc tế, pháp luật trong nước. - Phạm vi công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định rất cụ thể trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam. - Trình tự, thủ tục công nhận: + Thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài: Bước 1: Nộp đơn yêu cầu và các tài liệu, giấy tờ kèm theo đến Bộ Tư pháp (trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp bất khả kháng). Bước 2: Bộ Tư pháp chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền. Bước 3: Tòa án có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và chuẩn bị xét đơn yêu cầu. 27 Xem thêm Giáo trình Tư pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2006, Nxb Tư pháp. tr. 337-341. 55 Bước 4: Tòa án mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Bước 5: Kháng cáo, kháng nghị (nếu có). + Thủ tục xét đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Trình tự, thủ tục này giống với các bước của trường hợp xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. + Thủ tục yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam: • Bước 1: Nộp đơn yêu cầu và các tài liệu, giấy tờ kèm theo đến Bộ Tư pháp (trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp bất khả kháng); • Bước 2: Bộ Tư pháp chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền; • Bước 3: Tòa án có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và chuẩn bị xét đơn yêu cầu; • Bước 4: Tòa án mở phiên họp xét đơn yêu cầu; • Bươc 5: Kháng cáo, kháng nghị (nếu có). - Những trường hợp không công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được quy định tại Điều 439 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. 2.2. Công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài Việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở của Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Việt Nam gia nhập ngày 28/7/1995); các Điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam là thành viên; Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Luật Trọng tài thương mại 2010. Nguyên tắc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 424) về quyền được yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 425); quyền kháng cáo, kháng nghị (Điều 426); bảo đảm hiệu lực của phán quyết trọng tài (Điều 427); 56 những trường hợp tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 459). 3. Tình huống 3.1. Tình huống 128 3.1.1. Nội dung tình huống Ngày 23/4/2017, bà Ngô Veronika (quốc tịch Ukraina) gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định ly hôn vụ việc dân sự số 2 - 1958/2015 ngày 14/4/2015 của Tòa án quận Shevohenco, thành phố Kiev, Ukraina giữa bà và ông Ngô Tấn D (quốc tịch Việt Nam), kèm theo đơn là quyết định ly hôn trên. Nội dung Quyết định của Tòa án quận Shevohenco, thành phố Kiev, Ukraina nêu rõ: Năm 2003, ông Ngô Tấn D và bà Ngô Veronika đăng ký kết hôn tại Ukraina và có 1 đứa con chung sinh ngày 02/4/2004. Năm 2005, ông D về Việt Nam sinh sống và đến năm 2007 thì định cư tại Việt Nam. Hiện nay, ông đang sống tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Xét thấy tình cảm giữa hai bên không còn nên Tòa án giải quyết cho họ được ly hôn và quyết định ông Ngô Tấn D hàng tháng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà Ngô Veronika 500 rúp để bà Ngô Veronika nuôi dưỡng con chung của hai vợ chồng. Sau khi bản án ly hôn đã có hiệu lực được một năm nhưng ông Ngô Tấn D vẫn không thực hiện quyết định trên của Tòa án. Do vậy, bà Ngô Veronika đã làm đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định trên để đảm bảo quyền lợi cho con chung của hai vợ chồng. Hỏi: Bản án của tòa án Ukraina có được công nhận và thi hành tại Việt Nam hay không? Tại sao? 3.1.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống Ngày 23/4/2017, bà Ngô Veronika (quốc tịch Ukraina) gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam 28 Theo vụ việc trong đề tài nghiên cứu khoa học của Viện khoa học xét xử, Tòa án nhân dân Tối cao, tr. 54. 57 Quyết định ly hôn (vụ việc dân sự số 2 - 1958/2015 ngày 14/4/2015 của Tòa án quận Shevohenco, thành phố Kiev, Ukraina) giữa bà và ông Ngô Tấn D (quốc tịch Việt Nam), kèm theo đơn là quyết định ly hôn trên. Tòa án Ukraina giải quyết cho họ được ly hôn và quyết định ông Ngô Tấn D hàng tháng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà Ngô Veronika 500 rúp để bà Ngô Veronika nuôi dưỡng con chung của hai vợ chồng. Bà Ngô Veronika đã làm đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định trên để đảm bảo quyền lợi cho con chung của hai vợ chồng. Căn cứ Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 44 Hiệp định Tương trợ tư pháp Việt Nam - Ukraina. Căn cứ Điều 423 và 439 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án Ukraina (bản án có giá trị pháp lý như bản án mà Tòa án Việt Nam đã tuyên). 3.2. Tình huống 229 3.2.1. Nội dung tình huống Ngày 17/4/2017, Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư Pháp nhận được đơn xin công nhận và cho thi hành quyết định cho ly hôn từ Sở Sự vụ hành chính Đài Loan (Trung Quốc) của chị Nguyễn Thị Huệ cư trú tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 11/3/2014, chị Huệ đăng ký kết hôn với anh Su Chia Lin quốc tịch Đài Loan tại tỉnh Vĩnh Phúc. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của anh chị có giá trị pháp lý từ ngày 29/3/2014. Do cuộc sống vợ chồng chị Huệ không hạnh phúc, chưa có con chung và thường xuyên bất đồng ý kiến nên họ đã đồng ý cùng nhau thỏa thuận ly hôn. Ngày 16/2/2017, chị Nguyễn Thị Huệ và anh Su Chia-Lin đã tiến hành các thủ tục ly hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản thỏa thuận ly hôn này đã được người làm chứng và chủ nhiệm cơ quan hộ tịch thị trấn Bắc Cảng, huyện Văn Lâm, Đài Loan (Trung Quốc) công nhận thỏa thuận tự nguyện ly hôn, căn cứ vào Điều 1050 của Luật Dân sự Đài 29 Theo vụ việc trong đề tài nghiên cứu khoa học của Viện khoa học xét xử, Tòa án nhân dân Tối cao. 58 Loan. Bản thỏa thuận ly hôn này đã được chuyển đến Sở Sự vụ hành chính hộ tịch thị trấn Bắc Cảng, huyện Văn Lâm, Đài Loan. Ngày 3/3/2017, chị Nguyễn Thị Huệ đã được Sở Sự vụ hành chính hộ tịch cấp Giấy chứng nhận ly hôn. Chị Huệ đã nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu công nhận và được hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng, chứng thực hợp pháp. Hỏi: Tòa án Việt Nam có công nhận và cho thi hành bản thỏa thuận ly hôn của cơ quan hộ tịch Đài Loan hay không? Căn cứ pháp lý? 3.2.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Chị Huệ và anh Su Chia-Lin thỏa thuận ly hôn tại Đài Loan và được Sở Sự vụ hành chính hộ tịch thị trấn Bắc Cảng, huyện Văn Lâm, Đài Loan cấp Giấy chứng nhận ly hôn. Chị Huệ về Việt Nam xin công nhận quyết định này tại Việt Nam. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Thỏa thuận tương trợ tư pháp Việt Nam - Đài Loan; Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Application facts (cách thức áp dụng): Căn cứ Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22 Thỏa thuận tương trợ tư pháp Việt Nam - Đài Loan. Thỏa thuận quy định công nhận cả các quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền. Chị Nguyễn Thị Huệ và anh Su Chia-Lin đã cùng nhau tiến hành thỏa thuận ly hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch làm thủ tục ly hôn. Bản thỏa thuận ly hôn này đã được người làm chứng và chủ nhiệm cơ quan hộ tịch thị trấn Bắc Cảng, huyện Văn Lâm, Đài Loan (Trung Quốc) công nhận thỏa thuận tự nguyện ly hôn căn cứ vào Điều 1050 của Luật Dân sự Đài Loan. Bản thỏa thuận ly hôn này đã được chuyển đến Sở sự vụ hành chính hộ tịch thị trấn Bắc Cảng, huyện Văn Lâm, Đài Loan và chị Nguyễn Thị Huệ đã được Sở sự vụ hành chính hộ tịch cấp Giấy chứng nhận ly hôn ngày 3/3/2017. Hồ sơ yêu cầu công nhận của chị Huệ đã nộp đầy đủ và đã được hợp pháp hóa lãnh sự, công chứng, chứng thực hợp pháp. Điều 22 thỏa thuận Tương trợ Tư pháp Việt Nam - Đài Loan quy định: 59 “1. Một Bên phải áp dụng pháp luật của mình trong việc công nhận và cho thi hành quyết định do Tòa án của Bên kia tuyên. 2. Tòa án của Bên được yêu cầu phải giới hạn trong việc xem xét sự đáp ứng các điều kiện được nêu trong thỏa thuận này, và không xem xét lại nội dung của quyết định đó”. Do đó, Tòa án Việt Nam sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để xem xét công nhận quyết định của Sở Sự vụ hành chính Đài Loan. Căn cứ quy định tại Điều 423 và Điều 439 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì quyết định của Sở Sự vụ hành chính Đài Loan thuộc trường hợp được công nhận tại Việt Nam. Conclusion (kết luận). Quyết định của Sở sự vụ hành chính hộ tịch thị trấn Bắc Cảng, huyện Văn Lâm, Đài Loan công nhận thỏa thuận ly hôn giữa chị Nguyễn Thị Huệ và anh Su Chia-Lin được công nhận tại Việt Nam. 3.3. Tình huống 3 3.3.1. Nội dung tình huống Tranh chấp trong hợp đồng mua bán thép tấm giữa người mua là công ty của Việt Nam và người bán là Công ty Liechtenstein của Liên bang Nga. Ngày 17/3/2014, người mua (Việt Nam) - bị đơn ký hợp đồng mua bán với người bán (Liechtenstein) - nguyên đơn để mua thép cuộn cán mỏng có xuất xứ tại Liên bang Nga. Hợp đồng được Phó Giám đốc của bị đơn ký và đóng dấu của một xí nghiệp trực thuộc của bên bị đơn. Theo điều lệ của công ty bị đơn thì xí nghiệp là đơn vị hạch toán phụ thuộc, không có tư cách pháp nhân và được thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh theo sự phân cấp của công ty bị đơn. Theo hợp đồng, hai bên thoả thuận lựa chọn Công ước quốc tế về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) ngày 11/4/1980 làm luật áp dụng và thoả thuận chọn trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp. Sau khi ký hợp đồng, bị đơn đã không mở L/C để thực hiện hợp đồng. Lý do có thể vào thời điểm đó, giá thép tấm trên thị trường giảm đột ngột, nếu thực hiện hợp đồng, bị đơn sẽ bị lỗ nặng. 60 Ngày 13/6/2014, nguyên đơn làm đơn kiện bị đơn vi phạm hợp đồng đến trọng tài, yêu cầu bị đơn thanh toán tổn thất do việc không thực hiện hợp đồng là 47.500 USD, với lý do nguyên đơn phải bán lô hàng cho hai người mua khác của Việt Nam với giá thấp hơn giá hợp đồng đã ký với bị đơn. Do bị đơn từ chối đóng 50% phí trọng tài, nguyên đơn đã đóng toàn bộ số phí trọng tài là 14.000 USD. Bị đơn không chấp nhận thẩm quyền của Trọng tài vì cho rằng, người ký hợp đồng từ phía mình không có thẩm quyền nên hợp đồng vô hiệu. Ngày 18/10/2015, Trọng tài đã ra quyết định đối với vụ kiện, tuyên hợp đồng có hiệu lực và ràng buộc đối với các bên, buộc bị đơn phải thanh toán số tiền trên cùng phí trọng tài cho nguyên đơn. Sau khi trọng tài quốc tế ra Quyết định, tháng 1/2017, nguyên đơn gửi đơn cùng hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định trọng tài tới Bộ Tư pháp Việt Nam để chuyển tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Ngày 19/1/2017, Tòa án nhân dân thành phố X đã thụ lý để giải quyết yêu cầu trên của nguyên đơn. Ngày 14/4/2017, Tòa án nhân dân thành phố X đã mở phiên tòa xét đơn yêu cầu xin công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài quốc tế có liên quan. Tòa án nhân thành phố X đã áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, không công nhận quyết định của trọng tài về vụ kiện nêu trên. Không chấp nhận với quyết định của Tòa án nhân dân thành phố X, công ty của Liên bang Nga đã làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao. Tại phiên họp xét quyết định bị kháng cáo ngày 12/7/2017, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giữ nguyên toàn bộ quyết định của Tòa án nhân dân thành phố X. Trước vụ việc trên hãy cho biết: Tòa án nhân thành phố X đã áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để không công nhận quyết định của trọng tài về vụ kiện trên có đúng không? Tại sao? 3.3.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Công ty Việt Nam ký hợp đồng mua thép của Công ty Nga, Công ty Việt Nam không thực hiện thanh toán nên Công ty Nga khởi kiện ra 61 Trọng tài quốc tế tế. Công ty Việt Nam không chấp nhận thẩm quyền của Trọng tài vì người ký thỏa thuận của công ty không có thẩm quyền. Trọng tài quốc tế ra phán quyết, Công ty Nga yêu cầu công nhận phán quyết tại Việt Nam. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Application facts (cách thức áp dụng). Nguyên đơn gửi đơn cùng hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài quốc tế tới Bộ Tư pháp Việt Nam để chuyển tới tòa án nhân dân có thẩm quyền. Ngày 19/1/2017, Tòa án nhân dân thành phố X đã thụ lý để giải quyết yêu cầu trên của nguyên đơn. Ngày 14/4/2017, Tòa án nhân dân thành phố X đã mở phiên tòa xét đơn yêu cầu xin công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài quốc tế có liên quan. Tòa án nhân thành phố X đã áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, không công nhận quyết định của trọng tài về vụ kiện nêu trên. Không chấp nhận với quyết định của Tòa án nhân dân thành phố X, công ty của Liên bang Nga đã làm đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao. Điều 459 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định những trường hợp Tòa án Việt Nam không công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Trong đó, Điểm a Khoản 1, Điều 459 quy định trường hợp: Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên. Theo đó, xác định luật áp dụng để xác định bên Công ty Việt Nam có thẩm quyền để ký kết thỏa thuận trọng tài hay không phải căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, người ký thỏa thuận trọng tài bên Công ty Việt Nam không có thẩm quyền theo luật Việt Nam thì căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 459, Tòa án Việt Nam ra quyết định không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Conclusion (kết luận). Tòa án Việt Nam áp dụng quy định tại Khoản 1, Điều 459 Điểm a Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 để ra quyết định không công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài. 62 Chương 6 QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ 1. Mục tiêu Về kiến thức: Hiểu và thông hiểu các vấn đề xung đột pháp luật về quyền sở hữu trong Tư pháp quốc tế, cách thức giải quyết xung đột pháp luật về vấn đề này. Về kỹ năng: - Vận dụng vào một tình huống cụ thể, chọn được luật áp dụng và giải quyết được vấn đề về sở hữu trong Tư pháp quốc tế. - Vận dụng được nguyên tắc luật nơi có tài sản để giải quyết các tình huống về quyền sở hữu trong Tư pháp quốc tế. - Giải quyết được các tình huống pháp lý về quyền sở hữu có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. 2. Lý thuyết 2.1. Khái niệm và luật áp dụng về quyền sở hữu trong Tư pháp quốc tế Lý luận và thực tiễn trong hoạt động lập pháp ở tất cả các quốc gia đã chứng minh rằng, quyền sở hữu luôn là một chế định quan trọng trong Luật Dân sự của bất kỳ hệ thống pháp luật nào. Dựa trên các chế độ sở hữu khác nhau, chế độ quyền sở hữu của mỗi hệ thống pháp luật cũng có những quy định khác nhau. Vì vậy, việc hình thành các quan hệ sở hữu có yếu tố nước ngoài thường phát sinh hiện tượng xung đột pháp luật về quyền sở hữu. Do đó, có thể hiểu quyền sở hữu trong Tư pháp quốc tế là quan hệ sở hữu có yếu tố nước ngoài. Mặc dù còn có quan điểm khác nhau nhưng hầu hết pháp luật các nước đều thừa nhận áp dụng nguyên tắc “Luật nơi có tài sản” để giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu. Điều đó có nghĩa, tài sản trên lãnh thổ quốc gia nào thì sẽ chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật quốc gia đó. Như vậy, nguyên tắc “Luật nơi có tài sản” giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu. 63 “Luật nơi có tài sản” được quy định trong pháp luật các nước không những quy định nội dung của quyền sở hữu, mà còn ấn định các điều kiện phát sinh thay đổi chấm dứt quyền sở hữu. Trường hợp tài sản được xác lập hợp pháp trên cơ sở pháp luật của một nước, sau đó được dịch chuyển sang lãnh thổ của nước khác thì quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với tài sản đó được pháp luật của nước sở tại thừa nhận và nội dung của quyền sở hữu phải do pháp luật của nước sở tại quy định. Ngoài ra, “Luật nơi có tài sản” được đa số các nước áp dụng nhằm giải quyết xung đột pháp luật về định danh tài sản. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các hiệp định Tương trợ Tư pháp giữa Việt Nam với các nước như: Cuba, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri… Hầu hết pháp luật các nước đều dựa vào tính chất có thể di dời của tài sản để định danh là động sản hay bất động sản. Tuy vậy, vẫn có những khác biệt nhất định. Ví dụ: Nước Ý cho rằng thú rừng là động sản, máy móc nông nghiệp có thể xem là bất động sản. (1) Các trường hợp ngoại lệ không áp dụng nguyên tắc “Luật nơi có tài sản”. Thứ nhất, tài sản trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Luật được áp dụng là luật ở quốc gia nơi các đối tượng được bảo hộ vì quyền sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ (tài sản trí tuệ là tài sản vô hình). Ví dụ: Quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Thứ hai, quyền sở hữu trong lĩnh vực hàng không dân dụng và trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt tàu biển và máy bay: Pháp luật được áp dụng là pháp luật của nước mà tàu biển treo cờ, máy bay mang quốc tịch (quốc gia nơi đăng ký tàu bay). Ví dụ: Điều 4 Luật Hàng không dân dụng của Ba Lan năm 1962 quy định: “Các quyền sở hữu đối với tàu bay cũng như đối với tài sản trên tàu bay được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi tàu bay đăng ký”. Thứ ba, tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia ở nước ngoài: Vì tài sản của quốc gia được hưởng quyền miễn trừ cho nên về nguyên tắc, tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu của quốc gia được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Thứ tư, tài sản của pháp nhân trong trường hợp pháp nhân tổ chức lại hoạt động hay bị đình chỉ hoạt động tại nước ngoài: Đối với những 64 tài sản này, luật được áp dụng là luật của quốc gia mà pháp nhân mang quốc tịch30. (2) Xác định quyền sở hữu đối với tài sản trên đường vận chuyển Việc xác định quyền sở hữu đối với tài sản trên đường vận chuyển (tài sản quá cảnh qua nhiều lãnh thổ quốc gia) cũng là một vấn đề rất được quan tâm trong Tư pháp quốc tế của các nước hiện nay. Theo pháp luật các nước hiện nay, quyền sở hữu cũng như các quyền tài sản đối với hàng hóa trên đường vận chuyển được xác định như sau: Trường hợp 1: Tài sản đang trên đường vận chuyển, từ nơi này sang nơi khác trên lãnh thổ của 1 quốc gia thì áp dụng nguyên tắc luật nơi có tài sản để giải quyết. Trường hợp 2: Tài sản đang trên đường vận chuyển, từ nơi này sang nơi khác trên lãnh thổ của 2 quốc gia có chung đường biên giới thì luật nơi có tài sản vẫn được áp dụng. Trường hợp 3: Tài sản đang được vận chuyển trên vùng trời, vùng biển quốc tế, hay quá cảnh qua quốc gia thứ 3 (đây là trường hợp phức tạp). Vì vậy, tùy theo quan điểm mỗi nước mà có thể áp dụng 1 trong các hệ thống pháp luật sau (do trong trường hợp này, tài sản không có quan hệ gắn bó với nơi có tài sản): - Pháp luật của nước do các bên lựa chọn. - Pháp luật của nước nơi gửi tài sản đi. - Pháp luật của nơi tài sản được chuyển đến. - Pháp luật của nước mà phương tiện vận tải mang quốc tịch nếu hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển quốc tế hay đường hàng không quốc tế. Ví dụ: Điều 4 Luật Hàng không dân dụng của Ba Lan năm 1962 quy định: “Các quyền sở hữu đối với tàu bay cũng như đối với tài sản trên tàu bay được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi tàu bay đăng ký”. - Pháp luật nơi có tài sản. - Pháp luật của nước nơi có trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. 30. Xem chương Chủ thể, phần Pháp nhân nước ngoài. 65 2.2. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu của người nước ngoài Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tách việc phân loại tài sản và quyền sở hữu tài sản ra thành hai điều luật riêng là Điều 677 và Điều 678. Điều 677 quy định về việc xác định bản chất tài sản: “Việc phân loại tài sản là động sản, bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản”. Theo đó, hệ thuộc luật nơi có tài sản sẽ được áp dụng để xác định bản chất tài sản. Điều 678. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản. 1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 điều này. 2. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Với quy định tại Điều 678 này thì ngoài quyền sở hữu tài sản còn ghi nhận các quyền khác đối với tài sản (quyền hưởng dụng, quyền bề mặt và quyền đối với bất động sản liền kề). Quy phạm xung đột này tiếp tục ghi nhận hệ thuộc “Luật nơi có tài sản” được áp dụng để giải quyết xung đột về việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản. Còn đối với quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển theo hướng ưu tiên áp dụng pháp luật của nước do các bên thỏa thuận, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận mới áp dụng luật của nước nơi động sản được chuyển đến. Về nguyên tắc, quyền sở hữu của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân, có các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam. Tuy nhiên, đối với tài sản là bất động sản tại Việt Nam, người nước ngoài chỉ được hưởng một số quyền nhất định, hạn chế hơn so với công dân Việt Nam. Quan hệ sở hữu của người nước ngoài tại Việt Nam cũng được bảo hộ theo quy định trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ: Hiệp định Tương trợ Tư pháp giữa Việt Nam với Cộng hòa Cuba 66 (Điều 1), Hung-ga-ri (Điều 1), Bun-ga-ri (Điều 1) đã quy định: “Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ của nước ký kết sự bảo hộ pháp luật đối với các quyền nhân thân và tài sản nước ký kết kia dành cho công dân của nước mình”. Trong lĩnh vực đầu tư, Nhà nước Việt Nam bảo đảm đối xử công bằng và thỏa đáng đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đối với nhân viên chức ngoại giao nước ngoài và của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, quyền sở hữu của họ cũng được bảo hộ theo các Điều ước quốc tế31 và Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23/8/1993. 3. Tình huống 3.1. Tình huống 132 3.1.1. Nội dung tình huống Ông Nguyễn Văn Đức, trú tại 34, Boulevard Lucien Geslot_ 93270 Sevran, France (tạm trú tại tỉnh Lâm Đồng), mua hai ngôi nhà ở Lâm Đồng gồm: Ngôi nhà số 87 Phan Bội Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng của ông Thuận và bà Màu với giá 800.000.000đ (việc mua nhà chỉ thỏa thuận bằng miệng, chưa làm thủ tục mua bán) và ngôi nhà số 11 đường Lê Thị Pha, thành phố Bảo Lộc của bà Dung (tháng 11/2004 bà Dung thỏa thuận bán nhà cho ông Đức, giá 320.000.000đ. Ông Đức đặt cọc 40.000.000đ rồi về Pháp. Sau đó, ông Đức gửi tiền về cho anh trai mình là ông Bá để giao trả tiền cho bà Dung). Vì ông chưa đủ thủ tục đứng tên sở hữu nhà đất tại Việt Nam nên ông Đức nhờ chị Thảo (con ông Thuận) đứng tên nhà đất. Chị Thảo có ký giấy xác nhận quyền sở hữu nhà đất với nội dung: Đứng tên giúp ông Đức và sẽ trả lại khi ông Đức yêu cầu. Ngày 29/5/2002, ông Thuận và bà Màu được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với ngôi nhà số 87 Phan Bội Châu. Ngày 15/9/2007, chị Thảo được 31. Xem Công ước Viên năm 1963 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự. 32 Theo bản án phúc thẩm số 151/2011/DSPT ngày 13/6/2011 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và quyết định Giám đốc thẩm số 68/2013 ngày 13/6/2013 của Tòa án nhân dân tối cao. 67 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đối với căn nhà số 11 Lê Thị Pha. Ngày 20/11/2015, ông Đức về nước và yêu cầu ông Thuận và chị Thảo phải trả lại hai căn nhà trên cho ông nhưng ông Thuận và chị Thảo không trả. Ngày 12/1/2017, ông Đức khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu giải quyết. Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã thụ lý giải quyết. Hỏi: Ông Đức có quyền sở hữu hai căn nhà gắn liền với đất đai nêu trên hay không? Tại sao? 3.1.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Ông Đức mua hai căn nhà tại Việt Nam nên nhờ ông Thuận và bà Màu đứng tên đối với ngôi nhà số 87 Phan Bội Châu và nhờ chị Thảo đứng tên quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đối với căn nhà số 11 Lê Thị Pha; ông Đức yêu cầu ông Thuận, bà Màu và chị Thảo trả lại nhà nhưng ông Thuận, bà Màu và chị Thảo không trả; ông Đức khởi kiện yêu cầu trả nhà. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014; Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Application facts (cách thức áp dụng). - Căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều 5 Luật Đất đai 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của Luật Quốc tịch thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam) và người gốc Việt Nam (đã từng có quốc tịch Việt Nam) cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Do đó, Ông Đức thuộc trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. 68 - Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Khoản 1; Điểm b Khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và phải có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật. Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải có giấy tờ sau đây: - Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu. - Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, ông Đức được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Conclusion (kết luận). Căn cứ vào các quy định nêu trên ông Đức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất đai ở Việt Nam. 69 3.2. Tình huống 233 3.2.1. Nội dung tình huống Năm 2001, bà Hoàng Ngọc (quốc tịch Australia) và bà Lâm Ngọc thỏa thuận mua của ông Ba Lù diện tích đất 3.500m2 tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc với giá 8 lượng vàng 24k. Do phải về nước nên mọi giấy tờ bà Hoàng Ngọc giao cho bà Lâm Ngọc thay bà thực hiện việc mua bán với ông Ba Lù. Năm 1994, bà Lâm Ngọc làm thủ tục đăng ký kê khai và được Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2015, bà Hoàng Ngọc về Việt Nam đòi bà Lâm Ngọc phải trả lại diện tích đất trên cho bà nhưng bà Lâm Ngọc không trả vì bà cho rằng phần diện tích đất đó do bà mua lại của bố ông Ba Lù. Năm 2016, bà Hoàng Ngọc khởi kiện bà Lâm Ngọc ra Tòa án, yêu cầu phải trả lại phần diện tích đất đã mua của ông Ba Lù cho bà. Hỏi: Luật nước nào được áp dụng để giải quyết trường hợp nêu trên? Nếu thắng kiện bà Hoàng Ngọc có được Tòa án giao diện tích đất nêu trên hay không? Tại sao? 3.2.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Bà Hoàng Ngọc và bà Lâm Ngọc thỏa thuận mua đất của ông bà Lù. Bà Hoàng Ngọc giao mọi giấy tờ cho bà Lâm Ngọc thay bà thực hiện việc mua bán với ông Ba Lù; bà Hoàng Ngọc yêu cầu bà Lâm Ngọc trả diện tích đất cho bà nhưng bà Lâm Ngọc không trả vì cho rằng bà mua của bố ông Ba Lù; bà Hoàng Ngọc khởi kiện yêu cầu trả diện tích đất. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Điều 677, Điều 678 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 3 Luật Quốc tịch 2008; Điều 6 Luật Đất đai 2013. Application facts (cách thức áp dụng). Căn cứ quy định tại Điều 677, Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2015, xác định luật áp dụng là luật của nước nơi có tài sản (tức luật Việt Nam): Việc 33 Theo Quyết định Giám đốc thẩm số 258/2012/DS-GĐT ngày 29/5/2012 của tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao. 70 xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản. Căn cứ quy định tại Khoản 6, Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của Luật Quốc tịch thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, xác định bà Hoàng Ngọc thuộc trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Conclusion (kết luận). Do đó, luật Việt Nam được áp dụng và nếu thắng kiện bà Hoàng Ngọc sẽ được Tòa án giao diện tích đất nêu trên. 3.3. Tình huống 334 3.3.1. Nội dung tình huống Bà Trần Thị Suil (quốc tịch Pháp, gốc Việt Nam) sang định cư ở Pháp và kết hôn với ông Saint (quốc tịch Pháp). Qua những lần du lịch về thăm quê hương Việt Nam, ông bà có ý định ở lại Việt Nam. Năm 1998, ông bà đã tìm hiểu và có ý định mua một số căn hộ tại chung cư 15 Hoàng Hoa Thám. Ông bà đã nhờ ông Quang đứng tên mua 3 căn hộ A31, A32, B31 chung cư 15. Sự việc ông Quang đứng tên mua hộ nhà cho ông bà bị phát hiện nên UBND tỉnh X đã ra quyết định hủy sổ chứng nhận sở hữu 3 căn hộ nói trên và trả tiền lại cho người mua. Để hợp thức hóa tiếp theo việc mua bán, ông bà đã làm giấy cho quyền tài sản là số tiền mua 2 căn hộ A31 và B31 cho ông Quang và bà Thanh (mỗi người mua một căn), căn còn lại A32, ông bà lập hợp đồng cho quyền tài sản ông Nghiệm (con nuôi của ông bà) số tiền là 130.000.000 đồng (là số tiền ông bà nhờ ông Quang mua hộ căn A32 trước đây) để ông Nghiệm đứng tên mua căn hộ A32. Ông Nghiệm tiến hành làm thủ tục mua bán và đứng tên chủ sở hữu căn hộ trên. Sau đó, ông Nghiệm giao toàn bộ giấy tờ cho ông bà Suil và ông bà Suil đang sống trong căn hộ này. Tháng 34 Theo Quyết định Giám đốc thẩm số 146/2013/DS-GĐT ngày 16/12/2013 của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao. 71 5/2015, do mâu thuẫn trong chuyện làm ăn, ông Nghiệm đã nộp đơn ra tòa án tỉnh X yêu cầu ông bà Suil phải trả lại căn hộ A32 cho ông. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh X đã ra quyết định: Xác định căn hộ A32 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Nghiệm. Buộc ông bà Suil phải trả lại căn hộ trên cho ông Nghiệm. Không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân tỉnh X, ông bà Suil kháng cáo. Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng tuyên: Giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tháng 3/2016, ông bà Suil có đơn đề nghị Giám đốc thẩm. Hãy cho biết: Ông bà Siul có quyền sở hữu căn hộ A31, A32 và B31 hay không? Tại sao? Nêu căn cứ pháp lý? 3.3.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Vợ chồng ông bà Suil (quốc tịch Pháp) nhờ ông Nghiệm đứng tên căn hộ chung cư A32, ông bà Suil sống trong căn hộ trên và giữ giấy tờ nhà; ông Nghiệm khởi kiện yêu cầu ông bà Suil trả lại căn hộ trên. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Luật Nhà ở 2014; Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở. Application facts (cách thức áp dụng). Ông bà Suil có quốc tịch Pháp (bà Suil thuộc trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài), sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam) và người gốc Việt Nam (đã từng có quốc tịch Việt Nam) cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Do đó, Bà Suil thuộc trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, còn ông Suil là công dân nước ngoài. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Khoản 1; Điểm b Khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài 72 thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và phải có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật. Theo Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Căn cứ theo quy định của Luật Nhà ở 2014 tại các Điều 7, Điều 8, Điều 159, Điều 160 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì ông Suil thuộc trường hợp cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 160 Luật Nhà ở). Ông được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ (Khoản 2, Điều 159 Luật Nhà ở). (Cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư; trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương khu vực hành chính cấp phường nhưng có nhiều tòa chung cư thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này). Conclusion (kết luận). Ông bà Suil có quyền sở hữu ba căn hộ chung cư. A31, A32 và B31 tại Việt Nam. 73 3.4. Tình huống 435 3.4.1. Nội dung tình huống Ông Harry (quốc tịch Anh) kết hôn với bà Ngọc tại Việt Nam năm 2001. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng mua 1 căn nhà tại số 15 đường Phùng Quán, 1 căn hộ tại chung cư Vimcoland, 2 căn hộ tại chung cư Trường An. Ông bà chung sống với nhau tại căn nhà số 15, đường Phùng Quán, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong quá trình chung sống, ông bà phát sinh mâu thuẫn. Tháng 1/2017, ông Harry gửi đơn tới Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xin ly hôn với bà Ngọc, yêu cầu được chia 70% giá trị tài sản chung và xin được chia hiện vật là căn nhà số 15 đường Phùng Quán và căn hộ tại chung cư Vimcoland. Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thụ lý vụ án và đã giải quyết cho vợ chồng ông ly hôn, đồng thời chia cho ông Harry 70%, bà Ngọc 30% giá trị tài sản chung (Tòa án xác định bà Ngọc đứng tên mua nhà và hai căn hộ nhưng ông Harry là người bỏ tiền ra mua). Hỏi: Ông Harry có được chia hiện vật và đứng tên sở hữu căn nhà số 01 đường Phùng Quán và căn hộ tại chung cư Vimcoland hay không? Tại sao? 3.4.2. Hướng dẫn giải quyết tình huống (Irac) Issue (các sự kiện có ý nghĩa pháp lý). Trong tình huống trên sinh viên cần quan tâm tới các vấn đề sau: Ông Harry (quốc tịch Anh) xin ly hôn với bà Ngọc tại Việt Nam; ông Harry muốn đứng tên sở hữu căn nhà số 01 đường Phùng Quán và căn hộ tại chung cư Vimcoland. Relevant law (pháp luật liên quan, quy tắc áp dụng). Luật Nhà ở năm 2014. Application facts (cách thức áp dụng). Đây là trường hợp người nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam. 35 Được xây dựng trên cơ sở bản án số 236/LHST ngày 27/12/2000, thụ lý số 168 ngày 19/9/2000, do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết. 74 Căn cứ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 tại các Điều 7, Điều 8, Điều 159, Điều 160 thì ông Harry chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua hình thức: Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ (Khoản 2, Điều 159 Luật Nhà ở). Do đó, căn nhà số 01 đường Phùng Quán không phải là nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở nên ông Harry không thể được sở hữu căn nhà trên, ông Harry chỉ được sở hữu căn hộ tại chung cư Vimcoland. Conclusion (kết luận). Ông Harry được sở hữu căn hộ tại chung cư Vimcoland, ông Harry không được sở hữu căn nhà số 1 đường Phùng Quán. 75 Chương 7 THỪA KẾ TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ 1. Mục tiêu Về kiến thức: Hiểu và thông hiểu các vấn đề xung đột pháp luật về quyền thừa kế trong tư pháp quốc tế, cách thức giải quyết xung đột pháp luật về vấn đề này. Về kỹ năng: Vận dụng vào một tình huống cụ thể, chọn được luật áp dụng và giải quyết được vấn đề về thừa kế trong tư pháp quốc tế. 2. Lý thuyết 2.1. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài theo pháp luật các nước Thừa kế theo pháp luật đặt ra trong trường hợp di sản không được định đoạt bằng di chúc hoặc di chúc bất hợp pháp. Vấn đề đặt ra trong các vụ việc thừa kế có yếu tố nước ngoài là việc phân chia di sản này phải căn cứ theo hệ thống pháp luật nước nào. Hiện nay, để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài các quốc gia có các quan điểm chọn luật để giải quyết khác nhau như: Luật Quốc tịch, Luật Nơi cư trú, Luật Nơi có tài sản hay là Luật Tòa án. Cụ thể: - Theo pháp luật của Nhật Bản: Trong quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, theo pháp luật Nhật Bản lựa chọn nguyên tắc quốc tịch của người chết để giải quyết. Cách giải quyết trên của pháp luật Nhật Bản cũng tương tự như các nước Đức, Italia, Bồ Đào Nha và ở các nước Đông Âu. - Theo pháp luật các nước Anh, Mỹ: Để giải quyết các vấn đề thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài, pháp luật của các nước này phân di sản thừa kế làm hai loại: Bất động sản và động sản. Đối với bất động sản luật để xác định quyền thừa kế là luật nơi có tài sản, còn đối với động sản thì áp dụng nguyên tắc luật nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. 76 - Theo pháp luật của Pháp: Việc giải quyết các quan hệ thừa kế này được áp dụng trên nguyên tắc Luật Tòa án (tức là Tòa án nước nào có thẩm quyền giải quyết thì pháp luật nước đó được áp dụng). - Theo pháp luật của Liên bang Nga: Quan hệ thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài được xác định theo luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có nơi cư trú cuối cùng. Ngoài ra, đối với việc thừa kế các công trình xây dựng nằm trên lãnh thổ Nga được xác định theo luật của Nga. 2.2. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài theo pháp luật các nước Thừa kế theo di chúc là trường hợp người chết đã để lại di chúc trước khi chết. Trong trường hợp này, cần phải xác định được hiệu lực của di chúc. Thông thường, các nước căn cứ vào hai tiêu chí: Năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc; hình thức của di chúc để xác định tính hiệu lực của di chúc. - Theo pháp luật của Nhật Bản: Việc thừa kế theo di chúc quy phạm xung đột pháp luật của Nhật bản lựa chọn một trong các hệ thuộc sau: + Luật Quốc tịch của người để lại di sản thừa kế. + Luật theo địa điểm nơi di chúc được lập. + Luật của nước nơi người để lại di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người này chết. - Theo pháp luật của Anh, Mỹ: Năng lực hành vi lập di chúc cũng như hình thức của di chúc đối với di sản thừa kế là động sản đều áp dụng theo nguyên tắc luật nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản. - Theo pháp luật của Pháp: Năng lực hành vi lập di chúc cũng như hình thức của di chúc đối với di sản thừa kế là động sản chủ yếu áp dụng theo nguyên tắc luật nơi cư trú của người để lại di sản. Còn đối với di sản là bất động sản thì áp dụng nguyên tắc luật nơi có tài sản. - Đối với các nước Đông Âu: Tính hợp pháp của di chúc được xác định theo luật của nước mà người để lại di sản là công dân vào thời điểm lập di chúc36. 36. Xem Điều 35 Luật về Tư pháp quốc tế Balan, Điều 15 của Bộ luật Dân sự Anbani, Điều 18 Luật về Tư pháp quốc tế Tiệp Khắc (cũ). 77 - Theo pháp luật của Nga: Trước đây, năng lực lập và hủy bỏ di chúc, hình thức của di chúc và các văn bản hủy bỏ đi chúc xác định theo luật của nước nơi người để lại di chúc cư trú vào thời điểm lập giấy tờ. Tuy nhiên, việc lập di chúc và hủy bỏ di chúc sẽ không bị coi là vô hiệu vì không thỏa mãn đòi hỏi về mặt hình thức, nếu như hình thức cuối cùng của nó thỏa mãn các yêu cầu của luật nơi lập giấy tờ hoặc yêu cầu của luật Nga. Về năng lực lập và hủy bỏ di chúc cũng như về hình thức di chúc đối với các công trình xây dựng trên lãnh thổ Nga đều xác định theo luật của Nga. 2.3. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam 2.3.1. Theo Điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam là thành viên - Để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài, đa số các hiệp định này ghi nhận việc phân di sản thừa kế thành động sản và bất động sản. Động sản thì áp dụng Luật Quốc tịch của người để lại di sản thừa kế còn đối với bất động sản thì áp dụng luật nơi có bất động sản đó. Thừa kế theo pháp luật: Căn cứ vào Điều 45 Hiệp định giữa Việt Nam và Đức; Điều 35 Hiệp định giữa Việt Nam và Séc; Điều 34 Hiệp định giữa Việt Nam và Cuba; Điều 43 Hiệp định giữa Việt Nam và Bungari Điều 45 Hiệp định giữa Việt Nam và Hung-ga-ri, quyền thừa kế được xác định như sau: + Đối với động sản: Quyền thừa kế động sản được xác định theo pháp luật nước ký kết mà người để lại tài sản thừa kế là công dân khi chết. + Đối với bất động sản: Quyền thừa kế bất động sản xác định theo pháp luật nước ký kết nơi có bất động sản. - Để điều chỉnh các quan hệ về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài, nguyên tắc chủ yếu được ấn định trong các hiệp định này là: Luật nhân thân của người lập di chúc (cụ thể là Luật Quốc tịch của người lập di chúc). Ngoài ra, các Hiệp định còn ghi nhận các nguyên tắc khác nữa 78 như: Luật nơi người đó lập di chúc, luật nơi có bất động sản nếu di chúc về bất động sản để xác định hình thức hợp pháp của di chúc. - Thừa kế theo di chúc: Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài, theo các hiệp định Tương trợ Tư pháp thì tính hiệu lực của di chúc được thống nhất với các quốc gia như sau: + Năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của bên ký kết mà người để lại di chúc là công dân vào thời điểm lập thay đổi hay hủy bỏ di chúc. + Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của bên ký kết mà người lập di chúc là công dân vào thời điểm lập di chúc hay vào thời điểm người đó chết quy định. Tuy nhiên, di chúc cũng xem là hợp lệ nếu đáp ứng yêu cầu của pháp luật của bên ký kết nơi lập di chúc. Ví dụ: Theo Điều 38, Hiệp định Tương trợ Tư pháp Việt Nam - Lào quy định: “Di chúc của công dân nước ký kết này được coi là hợp pháp theo pháp luật của nước ký kết khi phù hợp với: Pháp luật của nước ký kết nơi thực hiện di chúc hoặc pháp luật của nước ký kết mà người để lại di sản là công dân vào thời điểm lập di chúc hoặc người đó chết…”. 2.3.2. Theo pháp luật Việt Nam Pháp luật Việt Nam quy định về giải quyết quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài như sau: a. Thừa kế theo pháp luật Đối với xung đột pháp luật về thừa kế, pháp luật Việt Nam giải quyết xung đột theo quy định tại Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2005. Điều 680 với tiêu đề là thừa kế khác với Điều 767 Bộ luật Dân sự năm 2005 là thừa kế theo pháp luật. Theo đó, quy định này được hiểu tất cả các vấn đề pháp lý về thừa kế sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015, luật áp dụng để giải quyết xung đột là Luật Quốc tịch của người để lại di sản ngay trước khi chết “thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết”. Do đó, di sản của người chết để lại nếu là bất động sản cũng áp dụng Luật Quốc tịch của người để lại di sản ngay trước khi 79 chết, chỉ có việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản mới cần tuân thủ pháp luật nơi có bất động sản37. b. Thừa kế theo di chúc Để giải quyết xung đột pháp luật về tính hiệu lực của di chúc trong các quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam áp dụng nguyên tắc Luật Quốc tịch đối với năng lực chủ thể của người lập di chúc, thay đổi hoặc hủy di chúc. Khoản 1, Điều 681 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc”. Về hình thức di chúc, luật được áp dụng là luật của nước nơi di chúc được lập. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam còn quy định nếu hình thức của di chúc phù hợp với một trong các hệ thống pháp luật sau đây thì cũng được công nhận ở Việt Nam: - Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; - Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết; - Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản38. 2.4. Giải quyết vấn đề di sản không người thừa kế trong tư pháp quốc tế 2.4.1. Giải quyết vấn đề di sản không người thừa kế theo pháp luật các nước Trong quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài, khi người chết không để lại di chúc hay di chúc vô hiệu; không có người thừa kế hay người thừa kế từ chối nhận di chúc thì tài sản sẽ thuộc về Nhà nước. Pháp luật các nước đều quy định di sản không người thừa kế thuộc về nhà nước, tuy nhiên pháp luật các nước quy định khác nhau về tư cách hưởng di sản không người thừa kế của Nhà nước. - Pháp luật của hầu hết các nước EU: Nhà nước hưởng di sản không người thừa kế với tư cách dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của người chết trước khi được hưởng tài sản. Đối với những quốc gia này, di 37 Khoản 2, Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 2015. 38 Khoản 2, Điều 681 Bộ luật Dân sự năm 2015. 80