🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Tài liệu học tập Hướng dẫn giải quyết tình huống học phần Luật hành chính
Ebooks
Nhóm Zalo
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT
ThS. Bùi Thị Thuận Ánh (Chủ biên)
PGS. TS. Nguyễn Duy Phương
ThS. Nguyễn Khắc Hùng
TÀI LIỆU HỌC TẬP
HƯỚNG DẪN TÌNH HUỐNG
HỌC PHẦN LUẬT HÀNH CHÍNH
Thừa Thiên Huế, năm 2019
1. Ths. Bùi Thị Thuận Ánh: Biên soạn Phần I, Phần II (Chương 1, 2, 3, 4,). 2. TS. Nguyễn Duy Phương: Biên soạn Phần II (Chương 5, 6,9). 3. ThS. Nguyễn Khắc Hùng: Biên soạn Phần II (Chương 7, 8).
TÀI LIỆU DỰA TRÊN CƠ SỞ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG MÃ SỐ: ĐHL2017-CB-02
MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU ................................................................................................. 1 PHẦN I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN CÁC TÌNH HUỐNG TRONG HỌC PHẦN LUẬT HÀNH CHÍNH .............. 2 1. HỌC PHẦN LUẬT HÀNH CHÍNH VÀ VAI TRÒ CỦA VIỆC SỬ DỤNG TÌNH HUỐNG TRONG HỌC PHẦN.............................................................. 2 1. 1. Mục tiêu của môn học Luật Hành chính ................................................... 2 1.2. Đặc trưng của học phần Luật Hành chính .................................................. 3 1.3. Mục tiêu của tài liệu ................................................................................... 4 2. YÊU CẦU ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN VÀ SINH VIÊN TRONG VIỆC SỬ DỤNG TÌNH HUỐNG LUẬT HÀNH CHÍNH ............................................... 5 2.1. Yêu cầu đối với giảng viên ........................................................................ 5 2.2. Yêu cầu đối với sinh viên: ......................................................................... 5 3. CÁC KỸ NĂNG ĐƯỢC VẬN DỤNG TRONG HỌC PHẦN LUẬT HÀNH CHÍNH .................................................................................................. 6 3.1. Kỹ năng phát hiện vấn đề cần giải quyết ................................................... 6 3.2. Kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật và áp dụng văn bản pháp luật ............ 6 3.3. Kỹ năng lập luận (IRAC) ........................................................................... 7 3.4. Kỹ năng đặt câu hỏi .................................................................................... 9 3.5. Kỹ năng tư duy phản biện .......................................................................... 9 3.6. Kỹ năng soạn thảo văn bản pháp luật ........................................................ 9 4. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TÍNH ĐIỂN HÌNH, CƠ CẤU CỦA TÌNH HUỐNG VÀ CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT ................................................... 10 4.1. Nguyên tắc xác định tình huống điển hình .............................................. 10 4.2. Cơ cấu tình huống huống điển hình và hướng dẫn giải quyết ................. 12 5. PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN VÀ CÁCH THỨC SỬ DỤNG TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG .............................................. 13
5.1. Phương pháp tiếp cận ............................................................................... 13 5.2. Cách thức sử dụng tài liệu hướng dẫn tình huống ................................... 14 5.2.1. Phân bổ thời gian ................................................................................... 15 5.2.2. Hình thức sử dụng ................................................................................. 15 PHẦN II. CÁC TÌNH HUỐNG VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT ......... 17 Chương 1. TÌNH HUỐNG VỀ NGHÀNH LUẬT HÀNH CHÍNH, QUI
PHẠM VÀ QUAN HỆ PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH .............................. 17 1.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 17 1.1.1. Yêu cầu về kiến thức ............................................................................. 17 1.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật ................................................ 17 1.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng .................................................................... 18 1.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 18 Chương 2. CÁC TÌNH HUỐNG VỀ CÁC NGUYÊN TẮC, HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP CƠ BẢN TRONG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
NHÀ NƯỚC ................................................................................................... 30 2.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 30 2.1.1. Yêu cầu về kiến thức ............................................................................. 30 2.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật ................................................ 31 2.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng .................................................................... 31 2.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 31 Chương 3. CÁC TÌNH HUỐNG VỀ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ
TRÁCH NHIỆM HÀNH CHÍNH ................................................................ 39 3.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 39 3.1.1. Yêu cầu về kiến thức ............................................................................. 39 3.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật ................................................ 39 3.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng .................................................................... 40 3.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 41
3.2.1. Tình huống về vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính ........ 41 3.2.2. Tình huống về các biện pháp xử lý hành chính .................................... 54 Chương 4. CÁC TÌNH HUỐNG VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ............ 60 4.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 60 4.1.1. Về kiến thức: ......................................................................................... 60 4.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật ................................................ 60 4.1.3. Về kỹ năng: ........................................................................................... 61 4.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 61 Chương 5. CÁC TÌNH HUỐNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH ..... 70 5.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 70 5.1.1. Về kiến thức: ......................................................................................... 70 5.1.2. Về tiếp cận văn bản pháp luật ............................................................... 70 5.1.3. Về kỹ năng: ........................................................................................... 71 5.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 71 Chương 6. CÁC TÌNH HUỐNG VỀ QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH
CHÍNH CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC ........................... 77 6.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 77 6.1.1. Về kiến thức: ......................................................................................... 77 6.1.2. Về yêu cầu tiếp cận văn bản .................................................................. 77 6.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 78 Chương 7. QUI CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC, VIÊN CHỨC .................................................................................... 82 7.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 82 7.1.1. Yêu cầu về kiến thức ............................................................................. 82 7.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật ................................................ 82 7.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng .................................................................... 83 7.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 84
Chương 8. TÌNH HUỐNG VỀ QUI CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI ................................................................... 92 8.1. Yêu cầu của chương ................................................................................. 92 8.1.1. Yêu cầu về kiến thức ............................................................................. 92 8.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật ................................................ 92 8.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng .................................................................... 93 8.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................... 93 Chương 9. CÁC TÌNH HUỐNG VỀ QUY CHẾ PHÁP LÝ HÀNH CHÍNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM, NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ........ 100 9.1. Yêu cầu của chương ............................................................................... 100 9.1.1. Yêu cầu về kiến thức ........................................................................... 100 9.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật .............................................. 100 9.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng .................................................................. 101 9.2. Các tình huống cụ thể ............................................................................. 101 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................... 107
LỜI NÓI ĐẦU
Mỗi môn học trong chương trình đào tạo cử nhân Luật đều có vai trò quan trọng trong việc học tập, nghiên cứu của sinh viên, góp phần trang bị kiến thức và rèn luyện các kỹ năng cơ bản thông qua học tập môn học. Luật Hành chính là một học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo cử nhân Luật và một số ngành đào tạo khác có liên quan đến pháp luật. Nội dung của học phần bao gồm những kiến thức lý thuyết và ứng dụng trong thực tiễn bao gồm việc tìm hiểu, phân tích tổng thể các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước. Nhằm bảo đảm được các mục tiêu của dạy học pháp luật đặc biệt là đáp ứng chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo “Kỹ năng của cử nhân luật”, thì việc nghiên cứu các tình huống có vai trò quan trọng nhất định đối với cả giảng viên và sinh viên trong giáo dục theo chuẩn đầu ra.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường “Xây dựng Bộ tình huống điển hình và áp dụng giảng dạy thử nghiệm học phần Luật Hành chính tại trường Đại học Luật - Đại học Huế”, chúng tôi biên soạn thành cuốn tài liệu Hướng dẫn tình huống học phần Luật Hành chính.
Tài liệu gồm hai phần, ở phần I, chúng tôi giới thiệu những vấn đề cơ bản về Luật Hành chính như mục tiêu, đặc trưng của học phần Luật Hành chính, các kỹ năng được vận dụng, yêu cầu và cách thức tiếp cận, sử dụng tài liệu. Ở phần II, tài liệu này chia thành 09 chương gồm các tình huống tương ứng với nội dung đề cương môn học trong khung chương trình đào tạo của Nhà trường và hướng dẫn giải quyết các tình huống đó.
Mặc dù đã cố gắng trong việc biên soạn nhưng chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Chúng tôi mong nhận được sự góp ý của nhà chuyên môn, của đồng nghiêp, người học và độc giả khác để tài liệu được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.
Nhóm tác giả
1
PHẦN I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN CÁC TÌNH HUỐNG TRONG HỌC PHẦN LUẬT HÀNH CHÍNH
1. HỌC PHẦN LUẬT HÀNH CHÍNH VÀ VAI TRÒ CỦA VIỆC SỬ DỤNG TÌNH HUỐNG TRONG HỌC PHẦN
1. 1. Mục tiêu của môn học Luật Hành chính
- Về kiến thức:
Môn học Luật Hành chính giúp người học nắm được những kiến thức cơ bản về lí luận và thực tiễn quản lí hành chính nhà nước và pháp luật về quản lí hành chính nhà nước như địa vị pháp lí của các chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính; thủ tục hành chính, quyết định hành chính; vi phạm hành chính và xử lí vi phạm hành chính; các biện pháp đảm bảo thực hiện pháp luật trong quản lí hành chính nhà nước; hiểu được mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Đây là những kiến thức cơ bản cần thiết và quan trọng cho việc xây dựng, thực hiện và hoàn thiện pháp luật về quản lí hành chính nhà nước nhằm bảo đảm tính hiệu quả cho hoạt động quản lí hành chính nhà nước, bảo đảm tích cực quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong quản lí hành chính nhà nước.
- Về kỹ năng:
Có khả năng đọc, hiểu, phát hiện vấn đề mẫu chốt cần giải quyết và biết cách đặt câu hỏi, tra cứu và áp dụng những văn bản pháp luật về quản lí hành chính nhà nước, kỹ năng tư duy phản biện, phân tích, bình luận và lập luận một số vấn đề, kỹ năng thuyết trình. Sinh viên có khả năng vận dụng pháp luật vào thực tiễn quản lí hành chính nhà nước. Mặt khác sinh viên có khả năng đưa ra chính kiến, nhận xét của cá nhân về các hoạt động quản lí hành chính nhà nước đang diễn ra trên thực tế và những ý kiến đề xuất để khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại.
- Về thái độ:
2
Sinh viên có ý thức tôn trọng pháp luật, có quan điểm đúng về nền hành chính ở Việt Nam hiện nay, tích cực đấu tranh bảo vệ công lí. Nghiêm túc, khách quan trong nghiên cứu khoa học và đánh giá các vấn đề lí luận, thực tiễn quản lí hành chính nhà nước. Sinh viên có ý thức vận dụng các kiến thức và pháp luật đã học trong cuộc sống và công tác.
1.2. Đặc trưng của học phần Luật Hành chính
- Luật Hành chính Việt Nam là môn khoa học pháp lí chuyên ngành, cung cấp những kiến thức cơ bản về ngành luật hành chính; quản lí hành chính nhà nước; vi phạm hành chính, xử lí vi phạm hành chính và các biện pháp kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Những kiến thức này cần thiết cho việc xây dựng, tổ chức thực hiện và hoàn thiện pháp luật trong quản lí hành chính nhà nước; bảo đảm quản lí có hiệu quả và bảo hộ tích cực các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quản lí hành chính nhà nước.
Luật hành chính Việt Nam còn cung cấp những kiến thức nền tảng cho việc nghiên cứu các khoa học pháp lí chuyên ngành khác như: Thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; luật tố tụng hành chính; xây dựng văn bản pháp luật; luật đất đai; luật tài chính; luật lao động; luật môi trường; luật hôn nhân và gia đình.
Môn học gồm có 03 nội dung chính: Những vấn đề lí luận chung về quản lí hành chính nhà nước; Những nội dung cơ bản của ngành luật hành chính; Những nội dung cơ bản của việc bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước.
- Môn học tập trung vào 15 vấn đề cơ bản được đề cập trong Đề cương chi tiết học phần Luật Hành chính tại Trường Đại học Luật – Đại học Huế gồm các vấn đề sau:
Vấn đề 1. Quản lí và quản lí nhà nước
Vấn đề 2. Ngành luật hành chính Việt Nam, khoa học luật hành chính, môn học luật hành chính
3
Vấn đề 3. Quy phạm và quan hệ pháp luật hành chính
Vấn đề 4. Các nguyên tắc cơ bản trong quản lí hành chính nhà nước Vấn đề 5. Hình thức và phương pháp quản lí hành chính nhà nước Vấn đề 6. Thủ tục hành chính
Vấn đề 7. Quyết định hành chính
Vấn đề 8. Quy chế pháp lí hành chính của cơ quan hành chính nhà nước Vấn đề 9. Quy chế pháp lí hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Vấn đề 10. Quy chế pháp lí hành chính của các tổ chức xã hội Vấn đề 11. Quy chế pháp lí hành chính của công dân, người nước ngoài Vấn đề 12. Vi phạm hành chính
Vấn đề 13. Trách nhiệm hành chính
Vấn đề 14. Các biện pháp cưỡng chế hành chính
Vấn đề 15. Những biện pháp pháp lí bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước
Môn học được thiết kế giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành luật, sau khi sinh viên đã hoàn thành xong các môn học tiên quyết: Lí luận về Nhà nước và Pháp luật.
- Do đặc trưng của học phần Luật Hành chính có phạm vi nghiên cứu rộng, có tính chất liên ngành, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau, các vấn đề thực tiễn đa dạng, có nhiều quan điểm khác nhau đòi hỏi người học phải nghiên cứu nhiều về cả lý luận và thực tiễn mới có thể giải quyết được các vấn đề mà học phần yêu cầu.
1.3. Mục tiêu của tài liệu
- Về kiến thức
Việc sử dụng tình huống học phần Luật Hành chính giúp người học trau dồi các kiến thức đã học và nắm bắt các nội dung kiến thức gắn với tình huống cụ thể. Người học biết cách khai thác các kiến thức đã học, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cử nhân luật của nhà trường.
4
- Về kỹ năng
Giúp cho người học biết vận dụng các kỹ năng thông qua tình huống thực tế, việc vận dụng tình huống từ đơn giản đến phức tạp để có thể giải quyết các vấn đề thuộc học phần Luật Hành chính. Rèn luyện các kỹ năng như: Kỹ năng lập luận (IRAC) trong xây dựng các quyết định hành chính, rèn luyện kỹ năng phát hiện vấn đề thực tiễn, kỹ năng phản biện, kỹ năng bình luận một số bản án hành chính.
2. YÊU CẦU ĐỐI VỚI GIẢNG VIÊN VÀ SINH VIÊN TRONG VIỆC SỬ DỤNG TÌNH HUỐNG LUẬT HÀNH CHÍNH
2.1. Yêu cầu đối với giảng viên
Một là giảng viên cần theo sát đề cương chi tiết học phần Luật Hành chính.
Hai là, giảng viên sử dụng tình huống trong giảng dạy thông qua thảo luận nhóm, bài kiểm tra, thuyết trình
Ba là, giảng viên yêu cầu tình huống và hướng dẫn cho sinh viên trước khi sử dụng, cần tập trung vào các nội dung và hướng dẫn các kỹ năng được vận dụng.
Ngoài ra giảng viên trước khi đến lớp cần xác định nội dung cần truyền đạt cho sinh viên trong buổi học để lựa chọn các tình huống trong tài liệu nhằm đáp ứng mục tiêu “học đi đôi với hành”. Trường hợp giảng viên giảng dạy nhiều lớp khác nhau, giảng viên có thể cho sinh viên giải quyết các tình huống khác nhau nhằm kích thích khả năng tư duy và tự học của sinh viên. Một số tình huống mà giảng viên đưa ra có thể không phải là tình huống có trong tài liệu, nhưng phải đảm bảo các tiêu chí của tình huống điển hình nhằm đảm bảo thống nhất mục tiêu truyền đạt kiến thức cho sinh viên giữa các giảng viên giảng dạy học phần Luật Hành chính.
2.2. Yêu cầu đối với sinh viên:
Sinh viên cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của giảng viên, sinh viên
5
trước khi đến lớp phải đọc trước nội dung bài học và nghiên cứu trước các tình huống liên quan trong tài liệu.
Sinh viên tham khảo thêm các nội dung trong quá trình học tập học phần này. Trường hợp bài học có liên quan đến các văn bản luật khác, sinh viên cần nghiên cứu văn bản luật đó trước khi đến lớp.
Sinh viên đọc tình huống cần xác định các sự kiện pháp lý mẫu chốt trong tình huống để tìm quy phạm pháp luật phù hợp nhằm giải quyết tình huống.
3. CÁC KỸ NĂNG ĐƯỢC VẬN DỤNG TRONG HỌC PHẦN LUẬT HÀNH CHÍNH
Việc giải quyết tình huống theo một cơ cấu hoàn chỉnh giúp sinh viên đạt được các kỹ năng như: Kỹ năng phát hiện vấn đề cần giải quyết, kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật và áp dụng văn bản pháp luật, kỹ năng lập luận (IRAC), kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng soạn thảo văn bản pháp luật.
3.1. Kỹ năng phát hiện vấn đề cần giải quyết
Yêu cầu: Sinh viên tóm tắt được các điểm chính của tình huống, tìm ra được vấn đề cần giải quyết (quan hệ pháp luật phát sinh cần giải quyết). Đây là kỹ năng quan trọng để định hướng được vấn đề cần giải quyết.
Phương pháp tiếp cận: Tiếp cận từ các chế định của học phần Luật Hành chính.
3.2. Kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật và áp dụng văn bản pháp luật Yêu cầu: Sinh viên khi xác định được vấn đề tra cứu các văn bản luật điều chỉnh quan hệ đó. Sau khi xác định được văn bản luật điều chỉnh thì sinh viên nghiên cứu để áp dụng điều khoản nào, qui định nào cho quan hệ phát sinh.
6
3.3. Kỹ năng lập luận (IRAC)
Yêu cầu: Sinh viên cần nắm rõ vấn đề đặt ra trong tình huống, vấn đề pháp lý liên quan, cần phải tìm được những điểm mấu chốt trong vấn đề pháp lý và tìm được những quy định pháp luật sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Từ đó sinh viên có thể ứng dụng những gì tìm được vào tình huống để tìm ra được giải pháp cho vấn đề pháp lý đặt ra, quan hệ phát sinh tranh chấp cần giải quyết…
Phương pháp này tiếp cận lần lượt theo 4 bước như sau
I: Issue – Vấn đề
R: Relevant Law – Quy định pháp luật liên quan
A: Application Facts – Vận dụng luật vào tình huống
C: Conclusion – Kết luận
Bước 1 : Xác định vấn đề pháp lý liên quan
Trước khi giải quyết tình huống, người học cần phải đọc kỹ tình huống và xác định các sự kiện mấu chốt hay còn gọi là các từ khóa. Để đưa ra được quan điểm, người học phải dùng tư duy pháp lý để khoanh vùng phạm vi tra cứu văn bản. Quan điểm về tình huống phải dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, các kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước. Trước hết, người học phải tra cứu quy định của pháp luật trực tiếp điều chỉnh về quan hệ pháp luật mà người học đã xác định bằng cách tìm sự kiện mấu chốt trong tình huống. Quy phạm pháp luật này có thể dẫn chiếu đến các quy phạm pháp luật khác trong cùng văn bản đó hoặc trong văn bản khác vì vậy đòi hỏi người học phải đọc tài liệu, văn bản có liên quan thật kỹ mới có thể đưa ra quan điểm về tình huống.
Bước 2: Căn cứ để giải quyết tình huống (xác định căn cứ pháp lý) Đặc thù của ngành Luật Hành chỉnh là ngành luật điều chỉnh về các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực về quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy trong quá trình xây dựng tình huống nhóm biên soạn thu thập các căn cứ pháp
7
lí để xây dựng và giải quyết tình huống. Hầu hết tất cả các vấn đề thuộc nội dung của môn Luật Hành chính đều cần thiết phải thu thập các căn cứ pháp lý khi xây dựng tình huống. Đó chính là Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư và các văn bản liên quan khác. Ví dụ: Tình huống nhằm kiểm tra người học kiến thức về vấn đề xử lí kỉ luật công chức thì những căn cứ pháp lí để xây dựng và giải quyết tình huống sẽ là: Luật Cán bộ, Công chức hiện hành, Nghị định của Chính Phủ quy định về xử lí kỉ luật Công chức hiện hành; Thông tư của Bộ nội vụ hướng dẫn thi hành nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Bước 3: Lập luận giải quyết tình huống
Lập luận là kỹ năng không thể thiếu của sinh viên chuyên ngành luật, lập luận là đưa ra các lý lẽ sắc bén, đây là phần quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề pháp lý, sau khi đưa ra cơ sở pháp lý, bước quan trọng tiếp theo là lập luận như thế nào để giải quyết tình huống. Trong giải quyết tình huống, bước thứ hai (trình bày căn cứ pháp lý) và bước thứ ba (lập luận giải quyết tình huống) có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Mặt khác trong quá trình lập luận cũng có thể xuất hiện nhiều căn cứ pháp lý khác nhau được qui định trong nhiều văn bản qui phạm. Vì vậy khi giải quyết tình huống phải lựa chọn những căn cứ xác đáng, rõ ràng. Bước 4: Kết luận về giải quyết tình huống
Sau khi đã trình bày lập luận thì người giải quyết tình huống cần chốt lại vấn đề một cách chắc chắn trên cơ sở quy định của luật. Đó chính là kết luận về việc giải quyết tình huống. Kết luận là khẳng định của người giải quyết tình huống, do vậy kết luận phải được đưa ra sau khi người giải quyết tình huống đã phân tích các tình tiết được đề cập trong tình huống trên cơ sở quy định của pháp luật. Để thuyết phục người nghe, người đọc thì kết luận phải cho họ thấy cơ sở pháp lý để tin vào. Do đó, không được vội vàng kết luận khi chưa phân tích sự việc trên cơ sở pháp lý vững chắc.
8
Tuy nhiên một số tình huống tiếp cận dưới góc độ lý luận, sử dụng một mảng kiến nhỏ nào đó của hạt động quản lý có thể không đi theo trình tự đủ 4 bước như trên mà chỉ phân tích và kết luận vấn đề.
3.4. Kỹ năng đặt câu hỏi
Yêu cầu: Việc đặt câu hỏi phải đảm bảo tính khoa học, các câu hỏi phải nêu rõ được vấn đề cần giải quyết. Cách đặt câu hỏi có thể theo hình thức câu hỏi đóng, câu hỏi mở và có ý nghĩa quan trọng trong các tình huống của học phần Luật Hành chính.
Phương pháp tiếp cận: Xác định các vấn đề cần giải quyết, trong đó vấn đề nào chưa rõ và cần bổ sung thêm hoặc khẳng định thêm. 3.5. Kỹ năng tư duy phản biện
Yêu cầu: Sinh viên có thể sử dụng kiến thức để phản biện lại các quan điểm, các nhận định trên cơ sở khoa học.
Phương pháp tiếp cận: Sinh viên xem xét các qui định của pháp luật, tính lôgic của vấn đề .
3.6. Kỹ năng soạn thảo văn bản pháp luật
Yêu cầu: Sinh viên nắm được các yêu cầu về thể thức và nội dung của các loại văn bản qui phạm pháp luật hiện hành và các văn bản áp dụng pháp luật, văn bản hành chính thông thường. Dựa vào kiến thức của học phần và tình huống đưa ra sinh viên có thể soạn thảo được một số văn bản trong quản lý nhà nước như Quyết định hành chính qui phạm, quyết định áp dụng pháp luật (ví dụ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế.., văn bản hành chính thông thường (biên bản vi phạm hành chính, tờ trình, công văn..).
Phương pháp tiếp cận: Xác định văn bản nào cần soạn thảo, qui định về nội dung và thể thức của văn bản đó và áp dụng vào tình huống cụ thể.
9
4. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH TÍNH ĐIỂN HÌNH, CƠ CẤU CỦA TÌNH HUỐNG VÀ CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT
4.1. Nguyên tắc xác định tình huống điển hình
Tình huống điển hình được sử dụng trong tài liệu là tình huống có thật trên cơ sở các dữ kiện có thể bổ sung thêm các giả thuyết để tiếp cận các nội dung, kiến thức và kỹ năng khác. Tình huống trong tài liệu là tình huống chứa đựng các sự kiện pháp lý nhằm minh họa một hoặc một số vấn đề thực tiễn mà bài học đang đề cập. Ví dụ, khi học về thời hiệu xử lý kỷ luật công chức trong bài giảng phần trách nhiệm kỷ luật của Cán bộ, Công chức thì tình huống phải chứa đựng các sự kiện pháp lý nhằm minh họa về thời hiệu trong thực tiễn và thông qua tình huống để rèn luyện cho sinh viên các kỹ năng tra cứu văn bản để xác định thời hiệu. Tình huống phải gắn liền với thực tiễn quản lí hành chính nhà nước về nội dung đồng thời phải mang tính điển hình trong thực tiễn quản lí hành chính nhà nước.
Tùy vấn đề mà giảng viên có thể xây dựng và lựa chọn tình huống có liên quan đến kiến thức lí luận của môt vấn đề hay nhiều vấn đề khác nhau. Nhiều vấn đề của môn luật hành chính có mối liên hệ với nhau khá chặt chẽ, vì thế tình huống đưa vào giảng dạy phải đảm bảo bám sát nội dung của những vấn đề đó. Cách xây dựng tình huống thỏa mãn theo nguyên tắc này chắc chắn sẽ tạo ra sự sinh động, hứng khởi cho người học.
Tình huống phải đảm bảo có các tình tiết rõ ràng và logic, văn phong trong sáng, dễ hiểu. Tình huống được xây dựng để giảng dạy cho môn Luật Hành chính có nhiều tình tiết khác nhau như thời gian, chủ thể có thẩm quyền đối tượng (cá nhân, tổ chức), số hiệu quyết định hành chính, tên hành vi hành chính. .. Tất cả các tình tiết này phải tuân thủ nguyên tắc rõ ràng và logic với nhau1.
1.Nguyễn Thị Thủy (2012), “Xây dựng và gợi ý sử dụng tình huống trong giảng dạy Luật hành chính”, Luật học (4), tr.66-72.
10
Để phát huy tính chủ động và sáng tạo của người học thì tình huống phải đảm bảo nhằm kiểm tra cả kiến thức về quản lí hành chính nhà nước mà người học đã biết và những kiến thức mà người học chưa từng biết đến. Đây là nguyên tắc xây dựng tình huống hướng tới sự phát triển tính sáng tạo, chủ động của người học. Bởi với tình huống về quản lí hành chính cụ thể, người học có thể thể hiện tính sáng tạo của mình ở việc khái quát kiến thức lí luận thông qua tinh huống đó, người học cũng có thể thể hiện tính sáng tạo bằng việc đưa ra hướng giải quyết tình huống đúng pháp luật, hiệu quả, khoa học và hợp lí.
Trong tài liệu này tình huống điển hình được phân thành 2 loại tình huống sau: - Một là, tình huống mẫu có lập luận giải quyết vấn đề
Đối với loại tình huống này phải chỉ rõ hướng giải quyết rõ ràng, đây là nguyên tắc không cho phép xây dựng tình huống chung chung, không có đáp án đúng hay sai. Nghĩa là ở tình huống không thỏa mãn theo nguyên tắc này người học sẽ có nhiều đáp án giải quyết khác nhau, thậm chí còn có thể đổi ngược nhau về quan điểm. Điều này, ảnh hưởng không ít đến nhận thức của người học về những nội dụng cụ thể của học phần Luật Hành chính2. Như vậy, để thỏa mãn nguyên tắc này giảng viên tránh xây dựng những tình huống mà khi giải quyết nó pháp luật hành chính chưa quy định hoặc đã quy định nhưng chưa rõ. Dĩ nhiên cũng tránh đưa ra tình huống chưa có sự thống nhất về quan điểm giải quyết vụ việc đó. Bởi lẽ việc không thống nhất về quan điểm giải quyết vụ việc sẽ khiến người học mất niềm tin đối với kiến thức lí luận mà họ đã thu nạp được.
- Hai là, loại tình huống mở
Tình huống này có các tình tiết, giả thuyết, người học tự tìm cách giải quyết tạo nên sự sáng tạo trong sử dụng tình huống cho trường hợp này. Tình huống mở bổ
2.Nguyễn Thị Thủy (2012), “Xây dựng và gợi ý sử dụng tình huống trong giảng dạy Luật hành chính”, Luật học (4), tr.66-72.
11
sung thêm các giả thuyết để tiếp cận vấn đề cho phù hợp, cho phép giảng viên có thể nghiên cứu để tự xây dựng tình huống nhằm rèn luyện cho người học khả năng ứng dụng vào thực tế.
Phạm vi tình huống điển hình:
Các tình huống được đề cập trong tài liệu trong phạm vi các nội dung vấn đề sau đây:
Vấn đề thực hiện qui phạm pháp luật hành chính.
Vấn đề các nguyên tắc, hình thức và phương pháp cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước.
Vi phạm pháp luật hành chính và trách nhiệm hành chính.
Vấn đề thực hiện thủ tục hành chính.
Quyết định hành chính, địa vị pháp lý của quan hành chính nhà nước. Quy chế pháp lí hành chính của cán bộ, công chức.
Quy chế pháp lí hành chính của các tổ chức xã hội.
Quy chế pháp lí hành chính của công dân, người nước ngoài.
4.2. Cơ cấu tình huống huống điển hình và hướng dẫn giải quyết - Cơ cấu tình huống gồm phần mô tả tình huống và câu hỏi đặt ra (tức yêu cầu của tình huống hay vấn đề đặt ra).
Việc mô tả tình huống phải ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ các dữ liệu cần thiết như nguyên tắc xác định tính điển hình đã chỉ ra ở mục trên. Sau phần mô tả là phần đặt câu hỏi cho tình huống huống, việc đặt câu hỏi cần nêu được trọng tâm vấn đề cần giải quyết. Tùy vào mỗi loại tình huống khác nhau có thể là: Dùng quy phạm pháp luật để giải quyết tình huống: Cách hỏi cho dạng tình huống này sẽ là bằng những kiến thức đã học anh, chị hãy xác định .….? Hoặc nêu căn cứ pháp luật để.....? Hoặc: Nếu anh, chị là người có thẩm quyền sẽ giải quyết như thế nào, căn cứ pháp lý? ... Hay cách giải quyết sau đây đúng hay sai, nêu căn cứ pháp luật? ...Người có thẩm quyền có thể hay không thể giải quyết theo các cách sau, tại sao?..... Những yêu cầu này rèn cho người học kĩ năng
12
áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các vụ việc cụ thể xảy ra trong thực tiễn. Mặt khác, sử dụng kiến thức nói chung về pháp luật hành chính và quản lí hành chính để bình luận, phân tích, chứng minh quan điểm, thực trạng cụ thể trong quản lí hành chính, nhà nước. Yêu cầu này rèn cho người học kĩ năng đánh giá vấn đề, giúp họ có cơ hội thể hiện quan điểm cá nhân hoặc đưa ra các giải pháp hữu ích. Cũng có thể sử dụng mảng kiến thức nhỏ để giải quyết vấn đề cụ thể, đánh giá sự kiện thực tế, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành hoặc đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đó. Với yêu cầu này, người học tương đối sáng tạo và chủ động để giải quyết tình huống mà giảng viên đưa ra.
- Phần hướng dẫn giải quyết tình huống
Ở phần này có một số tình huống được giải quyết mẫu như phân tích ở mục 4.1, một số tình huống được thiết kế dưới dạng mở hoặc nêu một số gợi ý để sinh viên tự nghiên cứu.
Để giải quyết tình huống, sinh viên cần nắm rõ yêu cầu của tình huống, có những tình huống có thể sử dụng theo phương pháp Irac như phân tích ở trên, nghĩa là sinh viên cần đọc thật kỹ tình huống và xác định được vấn đề mẫu chốt của tình huống. Sau đó cần tra cứu văn bản để xác định cơ sở pháp lý, phân tích và lập luận để giải quyết vấn đề đặt ra của tình huống. Cuối cùng thì cần kết luận về tình huống, phần này sinh viên chốt lại vấn đề một cách chắc chắn dựa trên các căn cứ pháp lý đã lập luận.
Ngoài ra có một số tình huống mở, chỉ gợi ý và sinh viên nắm yêu cầu của tình huống, tự nghiên cứu và đưa ra quan điểm của cá nhân về cách giải quyết các yêu cầu đặt ra.
5. PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN VÀ CÁCH THỨC SỬ DỤNG TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
5.1. Phương pháp tiếp cận
- Các tình huống trong tài liệu này được xây dựng theo dạng tình huống
13
mẫu và tình huống mở như đã nêu ở trên, để giải quyết được các tình huống này người học phải đọc kỹ tình huống, phát hiện vấn đề cần giải quyết – xác định được điểm mẫu chốt của vấn đề.
- Tình huống được mô tả trong tài liệu có thể là một vụ việc thực tế trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, một quyết định hành chính bị khiếu nại, một quyết định kỷ luật công chức, một thủ tục hành chính, một hành vi vi phạm hành chính, một quyết định của Tòa án, một bản án hành chính đã được Tòa án giải quyết hoặc các khúc mắc phát sinh trong thực tiễn mang tính thời sự, đã được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để rõ hơn các căn cứ pháp lý. Do đó
Việc nghiên cứu tình huống trong tài liệu hướng dẫn này cần được tiếp cận đầu tiên bằng phương pháp đọc hiểu để áp dụng pháp luật. Sau khi nghiên cứu lý luận, sinh viên đọc tình huống và phân tích để hiểu tình huống, sau đó mô tả lại tình huống, tìm ra các điều luật điều chỉnh về các sự kiện mẫu chốt đã được xác định. Do Luật Hành chính là ngành luật về quản lý nhà nước, quan quan hệ pháp luật hành chính phát sinh trong nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau nên không chỉ có một luật cụ thể điều chỉnh mà liên quan đến nhiều luật khác nhau, do đó sinh viên cần khoanh vùng tra cứu các luật cần thiết để giải quyết các sự kiện mẫu chốt đã nêu ra, sau đó áp dụng điều khoản nào cho quan hệ phát sinh. Cuối cùng người học cần chốt lại vấn đề và kết luận về việc giải quyết tình huống.
5.2. Cách thức sử dụng tài liệu hướng dẫn tình huống
Cuốn tài liệu này được thực hiện song song với quá trình nghiên cứu về mặt lý thuyết. Sau mỗi bài/ chương, giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên nghiên cứu tình huống có liên quan nhằm đảm bảo “học đi đôi với hành”. Việc thực hiện như trên có tác dụng củng cố kiến thức đã học của sinh viên, đồng thời giúp giảng viên đánh giá được khả năng tiếp thu bài của sinh viên nhằm có cách điều chỉnh hợp lý trong quá trình giảng dạy. Để đạt được hiệu quả cao sinh viên cần đọc kỹ phần lý luận về cơ cấu giải quyết tình huống, đọc các
14
tình huống mẫu có lời giải sẵn để hiểu, tự nghiên cứu tình huống có gợi ý sẵn để giải quyết và tự nghiên cứu, giải quyết các tình huống không có gợi ý và lời giải để rèn luyện.
5.2.1. Phân bổ thời gian
Để sử dụng hiệu quả tài liệu Hướng dẫn tình huống học phần Luật Hành chính cần sử dụng kết hợp đối chiếu “Đề cương chi tiết học phần Luật Hành chính ” cho từng ngành Luật học hay Luật Kinh tế đã được nhà trường phản biện và thông qua (Đề cương chi tiết học phần Luật Hành chính được công bố trên website của nhà trường). Theo đó, thời lượng phân bổ chi tiết cho từng chủ đề của mỗi vấn đề tiếp cận có thể có sự khác nhau, tùy thuộc vào đặc trưng của mỗi ngành học. Chẳng hạn, đối với ngành Luật học, các tình huống điển hình trong mỗi nội dung ở mỗi chương được phân bổ thời gian tương đối có sự đồng đều. Trong đó, nhấn mạnh ở một số chương về quan hệ pháp luật hành chính, các hình thức và phương pháp cơ bản trong quản lý hành chính nhà, thủ tục hành chính, địa vị pháp lý của cơ quan hành chính, cán bộ công chức, vi phạm hành chính. Trong khi đó, đối với ngành luật kinh tế có thể đặt yêu cầu người học tiếp cận nhiều ở góc độ giải quyết các tình huống cụ thể về các thủ tục hành chính trong , xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực cụ thể….
5.2.2. Hình thức sử dụng
Tài liệu Hướng dẫn tình huống Luật Hành chính chủ yếu được sử dụng trong quá trình nghiên cứu các quy phạm pháp luật tại lớp học. Tài liệu này mang tính chất bổ trợ cho quá trình dạy và học cũng như nghiên cứu về lĩnh vực Luật Hành chính. Do đó, phần lớn các tình huống trong tài liệu này được giảng viên định hướng và gợi mở cho sinh viên tiếp cận kết hợp với việc sử dụng các tài liệu học tập khác để qua đó có thể làm sáng tỏ vấn đề theo chủ điểm nghiên cứu. Do vậy, tình huống luật hành chính có thể được sử dụng cho giờ giảng lí thuyết hoặc thảo luận.
15
- Sử dụng tình huống cho việc học lí thuyết.
Khi giảng lí thuyết, giảng viên có thể dùng tình huống để minh chứng lí thuyết mà giảng viên trình bày, giúp người học hiểu sâu về các vấn đề thuần túy lí thuyết. Mặt khác, việc sử dụng tình huống cho giảng lí thuyết cũng tạo sự sinh động cho giờ giảng, người học có cơ hội tương tác với giảng viên và trình bày chính kiến của mình. Hơn nữa, tình huống minh chứng trong giờ giảng lí thuyết sẽ tạo ra độ tin cậy cao ở những vấn đề lí luận mà người học tiếp thu được. Có hai cách thức sử dụng tình huống cho giờ giảng lí thuyết một là sử dụng tình huống để diễn giải vấn đề lí thuyết, hai là sử dụng tình huống để khai quật vấn đề lí thuyết. Cả hai cách này đều có kết quả ngang nhau trong việc đạt đến các mục tiêu nhận thức của người học ở mỗi bài giảng.
- Sử dụng tình huống cho giờ thảo luận
+ Giảng viên cần cung cấp tình huống trước cho người học và người học phải chuẩn bị các yêu cầu mà giảng viên đặt ra trong tình huống khi tự nghiên cứu ở nhà.
+ Tại lớp, người học làm việc nhóm để thảo luận các phương án giải quyết theo yêu cầu của giảng viên, giảng viên và người học phân biệt quan điểm của các nhóm.
+ Giảng viên kết luận với những lập luận và chứng cứ pháp lí thuyết phục theo yêu cầu đặt ra.
- Sử dụng tình huống cho giờ làm việc nhóm
- Mỗi cá nhân trong nhóm nhận tình huống và đưa ra quan điểm cá nhân với những lập luận thuyết phục.
- Mỗi cá nhân trình bày quan điểm của mình trước nhóm và phản biện quan điểm của nhau, nhóm trưởng biểu quyết theo đa số và kết luận.
16
PHẦN II
CÁC TÌNH HUỐNG VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT
Chương 1. TÌNH HUỐNG VỀ NGHÀNH LUẬT HÀNH CHÍNH, QUI PHẠM VÀ QUAN HỆ PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH
1.1. Yêu cầu của chương
1.1.1. Yêu cầu về kiến thức
Để giải quyết các tình huống trong phần này sinh viên phải năm được các kiến thức sau đây:
- Nắm được các khái niệm về quản lý, quản lý nhà nước, quản lý hành chính nhà nước và khái niệm Luật hành chính. Hiểu được đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật hành chính
- Nắm được khái niệm và đặc điểm của qui phạm pháp luật hành chính: Là qui tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, được ban hành bởi những cơ quan nhà nước và cán bộ nhà nước có thẩm quyền ở các cấp khác nhau, tính thống nhất, được ban hành chủ yếu điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hành chính nhà nước, được đặt ra, sửa đổi hay bãi bỏ trên cơ sở những quy luật phát triển khách quan của xã hội và những đặc điểm cụ thể trong từng giai đoạn.
- Nắm được nội dung của quy phạm pháp luật hành chính, vấn đề thực hiện qui phạm pháp luật hành chính.
- Hiểu được khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính, cấu thành của quan hệ pháp luật hành chính, cơ sở của sự phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính, sự phân loại quan hệ pháp luật hành chính
1.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật
Tùy từng tình huống trong nội dung này, sinh viên cần tiếp cận các văn bản sau:
17
- Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (Phần về nhiệm vụ quyền hạn của UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện (Điều 28, Điều 29); - Luật khiếu nại (về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện, Điều 18)
- Luật Đất đai 2013 về thẩm quyền thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất (Điều 6, Điều 79).
- Luật Hôn nhân gia đình 2014
- Luật Hộ tịch 2014
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
- Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
1.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng
Trong chương này sinh viên cần vận dụng kỹ năng sau:
Kỹ năng đọc hiểu, (các nội dung lý luận về ngành luật hành chính đã học tại lớp và nghiên cứu ở giáo trình Luật Hành chính)
Kỹ năng phân tích tình huống để xác định vấn đề cần giải quyết Kỹ năng lập luận, tra cứu và áp dụng văn bản pháp luật (để giải quyết yêu cầu của các tình huống).
1.2. Các tình huống cụ thể
Tình huống 1
- Mô tả tình huống
Năm 2015, để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18A đoạn UB - HL và thực hiện dự án Trung tâm thể thao vùng ĐB mở rộng, UBND thành phố H đã ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND ngày 07/12/2015 và Quyết định số 3007/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của 32 hộ gia đình, trong đó có hộ ông Nguyễn Đức V. Tại các quyết định 3138/QĐ-UBND, 3139/QĐ
UBND ngày 19/12/2015, Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 30/01/2016,
18
Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 06/02/2016, Quyết định số 2003/QĐ UBND ngày 20/8/2016 của UBND thành phố H đã phê duyệt phương án bồi thường, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Đức V với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ được phê duyệt là 403.824.000đ (Bốn trăm linh
ba triệu tám trăm hai mươi bốn nghìn đồng) đối với 200m2 đất bị thu hồi. Không đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ nêu trên, ông V đã làm đơn khiếu nại đến UBND thành phố H. Ngày 10/9/2018 Chủ tịch UBND thành phố H đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại không chấp nhận nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Đức V, giữ nguyên các quyết định đã ban hành nói trên về việc phê duyệt phương án bồi thường, bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Nguyễn Đức V. Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thành phố H, ngày 06/10/2018 ông Nguyễn Đức V đã làm đơn khởi kiện vụ án hành chính đối với UBND thành phố H đến TAND tỉnh T yêu cầu: Hủy toàn bộ Quyết định hành chính số 2261/QĐ UBND ngày 10/9/2018 của Chủ tịch UBND thành phố H.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Hãy xác định trong tình huống trên các quan hệ pháp luật thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính và giải thích?
Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu của tình huống:
Để trả lời cho câu hỏi đặt ra trong tình huống trên sinh viên cần vận dụng các kỹ năng sau:
Đọc hiểu và phân tích: Trong việc làm rõ câu hỏi đặt ra là nghiên cứu để xác định các quan hệ cụ thể nào thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính, quan hệ nào không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính và giải thích.
2. Giải quyết tình huống
19
Căn cứ vào nội dung kiến thức đã học trên lớp sinh viên cần hiểu: Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là những quan hệ xã hội chủ yếu và cơ bản hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, hay nói khác hơn đối tượng điều chỉnh của luật hành chính là những quan hệ xã hội hầu hết phát sinh trong hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước.
Nhóm 1: Các quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan HCNN thực hiện hoạt động chấp hành, điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Nhóm 2: Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố chế độ công tác nội bộ của cơ quan nhằm ổn định về tổ chức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình.
Nhóm 3: Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cá nhân và tổ chức được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật qui định.
- Quan hệ giữa hộ ông Nguyễn Đức V với UBND thành phố H (Cơ quan HCNN - công dân). Quan hệ giữa hộ ông Nguyễn Đức V và chủ tịch UBND thành phố H (Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại – Công dân). Là những quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính, cụ thể là các quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan HCNN thực hiện hoạt động chấp hành, điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội (nhóm 1).
- Quan hệ giữa hộ ông Nguyễn Đức V và Chủ tịch UBND thành phố H với TAND tỉnh T trong việc ông V khởi kiện yêu cầu hủy toàn bộ Quyết định hành chính số 2261/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 của Chủ tịch UBND thành phố H là quan hệ giữa các đương sự với nhau trong vụ án hành chính (thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Tố tụng hành chính), giữa người khởi kiện (Ông V), người bị kiện (Chủ tịch UBND thành phố H) với TAND tỉnh T.
20
3. Kết luận:
- Quan hệ giữa ông Nguyễn Đức V với UBND thành phố H và chủ tịch UBND thành phố H thuộc tượng điều chỉnh của Luật Hành chính (nhóm 1). Quan hệ giữa hộ ông Nguyễn Đức V và Chủ tịch UBND thành phố H với TAND tỉnh T không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính.
Tình huống 2
- Mô tả tình huống
Ngày 15/6/2014 tại trụ sở TAND huyện X, tỉnh Y mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về tranh chấp đất đai. Tại phiên tòa ông Nguyễn Văn M là em ruột của ông Nguyễn Văn H đương sự trong vụ án (người khởi kiện) đã có hành vi vi phạm trật tự tại phiên tòa, cụ thể: ông M đã có lời lẽ xúc phạm những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa. Thẩm phán Lê Văn T chủ tọa phiên tòa đã quyết định xử phạt đối với Nguyễn Văn M, hình thức xử phạt là: phạt tiền, mức phạt: 250.000 đồng và buộc ông M phải rời khỏi phòng xử án.
- Câu hỏi đặt ra: Chỉ ra các quan hệ pháp luật thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính và phương pháp điều chỉnh của quan hệ pháp luật đó. Thẩm phán T có quyền quyết định xử phạt ông M hay không? Căn cứ pháp lý?
Hướng dẫn giải quyết
1. Yêu cầu của tình huống
Đọc hiểu và tra cứu văn bản pháp luật để giải thích vấn đề đặt ra sau: - Xem xét quan hệ giữa ông Nguyễn Văn M (người gây rối tại phiên tòa) và Thẩm phán Lê Văn T chủ tọa phiên tòa là một quan hệ pháp luật – quan hệ pháp luật hành chính.
- Thẩm phán Lê Văn T có quyền quyết định xử phạt đối với ông M hay không, văn bản nào qui định.
2. Giải quyết tình huống
21
- Luật Hành chính điều chỉnh những quan hệ xã hội chủ yếu và cơ bản hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, hầu hết phát sinh trong hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước. Trong thực tiễn quản lý hành chính nhà nước, pháp luật có thể trao quyền thực hiện hoạt động chấp hành điều hành cho các cơ quan nhà nước khác không phải là cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức hoặc cá nhân. Hoạt động trao quyền được tiến hành trên cơ sở những lý do nhất định nhằm thực hiện quyền lực nhà nước trong quản lý.
Trong trường hợp trên Thẩm phán Lê Văn T chủ tọa phiên tòa là người được trao quyền xử phạt hành chính (hoạt động quản lý hành chính nhà nước) đối với người có hành vi gây rối.
Căn cứ pháp lý: Được qui định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố Tụng hành chính hiện hành như sau:
- Khoản 1, Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
“ 1. Thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này……” - Khoản 1, khoản 2 Điều 316 Luật Tố tụng hành chính 2015 qui định: “1. Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa quy định tại Điều 153 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị Chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. 2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này rời khỏi phòng xử án. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa…..”
22
Quan hệ pháp luật giữa ông Nguyễn Văn M và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Lê Văn T là quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cá nhân và tổ chức được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật qui định (nhóm 3).
- Phương pháp điều chỉnh: Mệnh lệnh hành chính (Việc chủ thể có thẩm quyền đơn phương ra quyết định hành chính và buộc ông Nguyễn Văn M rời khỏi phòng xử án).
3. Kết luận:
Quan hệ pháp luật giữa ông Nguyễn Văn M và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Lê Văn T là quan hệ pháp luật thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính. Phương pháp điều chỉnh: Mệnh lệnh hành chính
Tình huống 33
- Mô tả tình huống
Vào lúc 16h30 phút ngày 30 tháng 10 năm 2017, Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh T .T. H đã lập biên bản đối với hành vi của ông Đ, sinh năm 1980, hành nghề lái xe, hiện trú tại số nhà 1001/3 đường NT, phường TL, thành phố H, tỉnh T.T.H. Ông Đ đã thực hiện hành vi vận chuyển lâm sản trái phép cụ thể là Gỗ thuộc loại nguy cấp, quí, hiếm từ trên 06m3 đến 10m3. Hành vi của ông Đ vi phạm qui định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 22, Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ngày 24/11/2017, hành vi của ông Đ bị Chủ tịch UBND tỉnh T.T.H xử phạt tiền 40 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm gồm: 28 phách gỗ Kiến (nhóm II), khối lượng 4, 023m3, phương tiện vi phạm 01 chiếc ô tô mang biển 75C-01234 và các loại giấy tờ xe khác. Quyết định xử phạt được giao cho ông Đ một bản và giao cho các cơ quan liên quan
3 Nguồn: : Quyết định số: 2759/QĐ-UBND ngày 24/11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xử phạt vi phạm hành chính.
23
khác, ông Đ phải nộp tiền cho kho bạc nhà nước tỉnh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
- Câu hỏi đặt ra: Hãy làm rõ các yêu cầu của việc áp dụng qui phạm pháp luật hành chính trong tình huống trên và nêu nhận xét? Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu của tình huống
Để giải quyết tình huống này cần nắm rõ về kiến thức về hai hình thức thực hiện qui phạm pháp luật hành chính là chấp hành qui phạm pháp luật hành chính và áp dụng qui phạm pháp luật hành chính và vận dụng kỹ năng sau:
- Phân tích và phát hiện vấn đề để xác định các yêu cầu của việc áp dụng qui phạm pháp luật hành chính của chủ thể có thẩm quyền trong tình huống trên, cụ thể: Việc áp dụng pháp luật trong trường hợp trên của chủ thể có thẩm quyền có đúng mục đích, nội dung không? Có được thực hiện bởi chủ thể có thẩm quyền theo qui định của pháp luật hay không?
- Tra cứu và áp dụng văn bản pháp luật và giải thích để làm rõ việc áp dụng pháp luật trong trường hợp trên có đúng thủ tục hay không? Có được thực hiện trong thời hạn, thời hiệu qui định hay không? Kết quả của hoạt động áp dụng pháp luật có được công khai, chính thức bằng văn bản hay không?
2. Giải quyết tình huống
- Hành vi vi phạm của ông Đ là hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản do Chính Phủ qui định. Cụ thể hành vi này được qui định tại Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Điểm d, Khoản 5, Điều 22). Vì vậy việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trên là có căn cứ pháp luật, đúng mục đích và nội dung của hoạt động quản lý.
- Việc Chủ tịch UBND tỉnh T.T.H ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi
24
phạm của ông Đ là đúng thẩm quyền theo qui định tại Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
- Việc xử phạt hành vi vi phạm của ông Đ còn trong thời hiệu theo qui định tại Điều 6, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (hành vi vi phạm nêu trên của ông Đ có thời hiệu xử phạt là 2 năm).
- Thời hạn thi hành quyết định xử phạt đối với ông Đ đúng theo qui định tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
- Kết quả của hoạt động áp dụng pháp luật (hoạt động xử phạt) được công khai, chính thức bằng văn bản, thể hiện bằng quyết định xử phạt tiền, mức phạt 40 triệu đồng.
3. Kết luận
Việc áp dụng qui phạm pháp luật hành chính của chủ thể có thẩm quyền (Chủ tịch UBND tỉnh T.T.H) trong tình huống trên là đúng theo qui định của pháp luật.
Tình huống 4
- Mô tả tình huống
Ngày 20/10/2017 chị H điều khiển xe máy trên đoạn đường từ huyện Q đến thành phố H, khi tham gia giao thông chị H mang theo đầy đủ giấy tờ xe và chấp hành các biển báo giao thông. Tuy nhiên, đến đoạn đường A thuộc địa phận thành phố H do trễ giờ công chuyện nên chị đã chạy xe vượt quá tốc độ qui định cho phép 8km2/h. Chiến sĩ cảnh sát giao thông K đang làm nhiệm vụ lập biên bản và xử phạt hành chính với mức phạt tiền là 900.000 đồng. Chị H không đồng ý với quyết định xử phạt vì cho rằng mức phạt quá cao và không thuộc thẩm quyền của chiến sĩ cảnh sát nên đã khiếu nại đến Trưởng phòng cảnh sát giao thông thành phố H.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Hãy phân tích tình huống để làm rõ các hình thức thực hiện qui phạm pháp luật hành chính của chị H và chiến sĩ cảnh sát K?
25
2. Nhận xét của anh/chị về việc áp dụng pháp luật của Chiến sĩ cảnh sát giao thông K?
Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu của tình huống
Dựa vào lý thuyết đã học về các hình thức thực hiện qui phạm pháp luật hành chính để xác định các hình thức thực hiện qui phạm pháp luật hành chính bao gồm những hình thức nào trong tình huống trên. Sau khi xác định cụ thể các hình thức thực hiện qui phạm pháp luật hành chính xem xét xem việc áp dụng qui phạm pháp luật hành chính của chiến sĩ cảnh sát K có đúng qui định của pháp luật hay không, căn cứ pháp lý nào?.
2. Giải quyết tình huống
- Việc chị H khi tham gia điều khiển phương tiện xe máy có đầy đủ giấy tờ xe, chấp hành qui định các biển báo giao thông là thể hiện sự tuân thủ pháp luật. - Việc chị H khiếu nại Quyết định xử phạt hành chính có đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình là nội dung của việc sử dụng qui phạm pháp luật hành chính (sử dụng pháp luật). - Việc chiến sĩ cảnh sát lập biên bản và xử phạt hành vi vi phạm đối với chị H là một nội dung của việc áp dụng qui phạm pháp luật hành chính, tuy nhiên việc áp dụng qui phạm pháp luật hành chính của chiễn sĩ cảnh sát K (chủ thể có thẩm quyền trong tình huống) là không đúng thẩm quyền và thủ tục. Đối chiếu với qui định Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (Xem Điều 39), Nghị định 46/2016/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Xem Điều 6). - Bởi vì theo qui định tại Khoản 1, Điều 39; Khoản 1, Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 3, Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì mức phạt tiền trên là vượt quá thẩm quyền của chiến sĩ cảnh sát K, và thủ tục xử phạt đối với hành vi vi phạm của chị H là thủ tục không lập biên bản).
26
3. Kết luận
Có hai hình thức thực hiện qui phạm pháp luật hành chính trong tình huống nêu trên:
- Một là chấp hành qui phạm pháp luật hành chính chính gồm tuân thủ và sử dụng QPPLHC (chủ thể thực hiện là chị H) và áp dụng qui phạm pháp luật hành chính
- Hai là áp dụng QPPLHC, chủ thể thực hiện là chiến sĩ cản sát K. - Việc áp dụng QPPLHC của chủ thể K là vượt quá thẩm quyền và không đúng thủ tục.
Tình huống 5
- Mô tả tình huống
Anh Nguyễn Văn Mộng (sinh năm 1985) và chị Trần Thị Mơ (sinh năm 1987) sau một thời gian tìm hiểu đã quyết định tiến tới hôn nhân. Ngày 20/6/2017 anh, chị đến UBND xã H nơi chị Mơ có hộ khẩu thường trú để tiến hành các thủ tục đăng ký kết hôn. Ngày 25/6/2017 anh Mộng và chị Mơ đã đến UBND xã H để nhận giấy chứng nhận kết hôn.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Cho biết quan hệ pháp luật hành chính nào phát sinh? Xác định nội dung và các sự kiện pháp lý làm quan hệ quan hệ pháp luật đó. Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu về tình huống
Sinh viên cần Phân tích và tra cứu văn bản pháp luật để làm rõ các yêu cầu sau đây:
- Xem xét để xác định quan hệ giữa anh Mộng, chị Mơ và UBND xã H là một quan hệ pháp luật phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước và sự kiện pháp lý nào làm phát sinh quan hệ đó.
2. Giải quyết tình huống
Quan hệ pháp luật hành chính là những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chấp hành và điều hành của nhà nước được điều chỉnh bởi quy phạm
27
pháp luật hành chính giữa những chủ thể mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
Trong tình huống trên phát sinh quan hệ pháp luật sau:
- Quan hệ giữa UBND xã H và anh Mộng, chị Mơ: Là quan hệ pháp luật hành chính (phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về hôn nhân, gia đình).
+ Chủ thể tham gia quan hệ: UBND xã H (thông qua Chủ tịch Xã) và anh Mộng, chị Mơ.
+ Khách thể của quan hệ pháp luật: Trật tự quản lý nhà nước về hôn nhân gia đình.
- Nội dung của quan hệ pháp luật: UBND cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động đăng ký kết hôn. Hơn nữa UBND cũng có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu hợp pháp của công dân (anh Mộng, chị Mơ) vì quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh do đề nghị hợp pháp của bất kỳ bên nào sự thảo với với chủ thể phía bên kia không phải là điều kiện bắt buộc cho sự hình thành quan hệ. (Theo qui định về nhiệm vụ quyền hạn của UBND các cấp được qui định tại tại Điều 35, 36 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015; Điều 17, 18 Luật Hộ tịch 2014, Điều 8, 9 Luật Hôn nhân gia đình 2014).
+ Anh Mộng và chị Mơ là công dân có quyền kết hôn theo qui định của pháp luật, việc đăng ký kết hôn phải được tiến hành đúng trình tự, thủ tục luật định. + Sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật hành chính nêu trên: Là yêu cầu hợp pháp của công dân Mộng và Mơ, thể hiện bằng đơn đề nghị công nhận việc kết hôn
- Còn quan hệ giữa anh Mộng và chị Mơ do pháp luật hôn nhân và gia qui định và Giấy chứng nhận kết hôn do UBND xã H cấp là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ này.
28
3. Kết luận
Quan hệ pháp luật giữa anh Mộng, chị Mơ là quan hệ pháp luật hành chính Sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ: Đề nghị hợp pháp của công dân (anh Mộng, chị Mơ) về việc công nhận việc kết hôn.
Tình huống 6
- Mô tả tình huống
Ngày 07 tháng 6 năm 2016, Bà Nguyễn Thị N sinh năm 1984, trú tại số 21/8 đường C.L thuộc tổ 2, khu vực 4, phường P.H, thành phố H, có hành vi xây dựng công trình không che chắn làm ảnh hưởng đến việc đi lại của và sinh hoạt của các hộ dân xung quanh địa chỉ trên. Hành vi của bà Nguyễn Thị N đã bị cán bộ địa chính, cán bộ quản lý đô thị phát hiện và lập biên bản cùng ngày, yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm và tự phá dỡ phần công trình vi phạm. Ngày 11 tháng 6 năm 2016 Chủ tịch UBND phường P.H đã ra quyết định xử phạt về hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị N.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Cho biết nội dung và các sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật trong trường hợp trên?
Gợi ý giải quyết tình huống :
Sinh viên cần nắm rõ nội dung đã học về nội dung của quan hệ pháp luật hành chính bao gồm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật hành chính. Vận dụng kiến thức đã học để phát hiện vấn đề và phân tích để:
- Xác định trong tình huống phát sinh quan hệ pháp luật hành chính giữa bà Nguyễn Thị N và chủ tịch UBND phường P.H vì vậy cần làm rõ các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật này.
- Xác định sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật. (Hành vi của bà N “Xây dựng công trình không che chắn” được qui định tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng, kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở).
29
Chương 2
CÁC TÌNH HUỐNG VỀ
CÁC NGUYÊN TẮC, HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP CƠ BẢN TRONG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
2.1. Yêu cầu của chương
2.1.1. Yêu cầu về kiến thức
Để giải quyết các tình huống trong chủ đề này sinh viên cần: - Hiểu được khái niệm, đặc điểm và hệ thống các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của nhà nước trong đó có hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Xác định được hai nhóm nguyên tắc cơ bản sau: Một là, nhóm những nguyên tắc chính trị - xã hội, bao gồm: Nguyên tắc Ðảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước, nguyên tắc nhân dân tham gia quản lý hành chính nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hai là, các nguyên tắc tổ chức - kỹ thuật bao gồm: Nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính và nguyên tắc quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo chức năng
- Nắm được những hình thức cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước là những biểu hiện bên ngoài của hoạt động chấp hành do các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện, bao gồm các hình thức cơ bản sau đây:
Hoạt động ban hành văn bản qui phạm pháp luật, hoạt động ban hành văn bản áp dụng qui phạm pháp luật hành chính, áp dụng các biện pháp tổ chức trực tiếp, những hoạt động mang tính chất pháp lý khác và những tác động nghiệp vụ kỹ thuật
- Các phương pháp cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước là cách thức tác động của chủ thể quản lý và luôn mang tính quyền lực nhà nước lên các đối tượng quản lý nhằm đạt được mục đích đã đặt ra theo một kế hoạch
30
định trước, được giới hạn trong phạm vi hoạt động chấp hành – điều hành. Bao gồm các phương pháp cơ bản sau: Phương pháp, giáo dục thuyết phục, phương pháp cưỡng chế nhà nước, phương pháp hành chính và phương pháp kinh tế.
2.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật
Để giải quyết các tình huống trong chương này, sinh viên cần tra cứu trước các văn bản sau đây
- Luật Cư trú 2006 sửa đổi 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành - Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015,
- Luật Ban hành văn bản qui phạm pháp luật năm 2015.
- Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (Điều 38, Điều 52, Điều 73) - Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
2.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng
- Rèn luyện kỹ năng phân tích, phát hiện vấn đề và hiểu vấn đề - Khả năng vận dụng lựa chọn các hình thức và phương pháp cơ bản trong một hoạt động quản lý hành chính nhà nước cụ thể.
- Kỹ năng lập luận, tra cứu và áp dụng văn bản pháp luật để giải quyết yêu cầu của các tình huống đặt ra.
2.2. Các tình huống cụ thể
Tình huống 7
- Mô tả tình huống
Ngày 23 tháng 12 năm 2016 HĐND thành phố ĐH (thành phố trực thuộc trưng ương) Khóa VIII, Nhiệm kỳ 2016-2021, tại kỳ họp thứ 3 đã ban hành Nghị quyết số 23 về nhiệm vụ năm 2017, trong Nghị quyết này có nhiều nội dung không phù hợp và trái luật trong đó có việc " Tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự” (
31
tại mục 9, đoạn III). Xung quanh qui định này trong Nghị Quyết số 23/2016/NQ-HĐND thành phố ĐH còn có nhiều ý kiến trái chiều. - Câu hỏi đặt ra:
Từ góc nhìn của nguyên tắc "Quản lí ngành kết hợp với quản lí theo địa phương" hãy phân tích các yếu tố pháp lý liên quan đến qui định trên và nêu nhận xét của anh/chị?.
Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu của tình huống
Hiểu rõ cơ sở pháp lý và nội dung của nguyên tắc "Quản lí ngành kết hợp với quản lí theo địa phương".
- Vận dụng kỹ năng phân tích, bình luận và kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật để xem xét sự việc HĐND thành phố ĐH ban hành Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND về nhiệm vụ 2017 với nội dung trên có phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành hay không và có trái với nguyên tắc “quản lý ngành kết hợp với quản lý theo địa phương” hay không, chỉ ra các căn cứ pháp lý.
2. Giải quyết tình huống
Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, quản lý theo ngành luôn được kết hợp chặt chẽ với quản lý theo địa giới hành chính. Ðây chính là sự phối hợp giữa quản lý theo chiều dọc của các Bộ với quản lý theo chiều ngang của chính quyền địa phương theo sự phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý giữa các ngành, các cấp. Sự kết hợp này là một nguyên tắc cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước, mang tính cần thiết, khách quan.
Xây dựng qui hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên lãnh thổ, nhằm xây dựng cơ cấu kinh tế có hiệu quả từ trung ương tới địa phương và tổ chức, chăm lo đời sống nhân dân trên một địa bàn lãnh thổ, bảo đảm sự chấp hành pháp luật chính sách của địa phương, không trái với Trung ương.
32
Xem xét nội dung nêu trên trong Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND về nhiệm vụ 2017 của HĐND thành phố ĐH ta thấy:
- Qui định tại Luật cư trú đối với công dân có đủ các điều kiện: “Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản” (Khoản 1, Điều 20) thì đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
- Trong khi đó, Nghị quyết số 23/2016/NQ-HĐND lại quy định “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự”.
- Xem xét, xác định các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản QPPL, Luật Cư trú các Luật khác không có quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền “tạm dừng” (ngưng) hiệu lực của Luật Cư trú. Mặt khác, mặc dù pháp luật có qui định thẩm quyền của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc “phân bổ dân cư” và “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị” là hoàn toàn phù hợp,nhưng để tạm dừng đăng ký thường trú với một số đối tượng là chưa phù hợp, vì thực tế có thể sử dụng nhiều biện pháp để phân bổ dân cư, tuy nhiên các biện pháp nào đặt ra cũng không được trái qui định của Luật cư trú, không được trái với Hiến pháp.
3. Kết luận
Sự việc HĐND thành phố ĐH ban hành Nghị quyết số 23/2016/NQ HĐND về nhiệm vụ 2017 với dung trên là không phù hợp với qui định của pháp luật và nguyên tắc đặc thù trong quản lý hành chính nhà nước. Hội đồng nhân dân thành phố ĐH có thể sử dụng nhiều biện pháp để phân bổ dân cư, quyết định biện pháp quản lý dân cư nhưng phải tuân thủ Luật cư trú và đảm bảo quyền tự do cư trú theo Hiến pháp hiện hành.
33
Tình huống 84
- Mô tả tình huống
Năm 2005, ông Đ nhận chuyển nhượng của ông KT diện tích đất khoảng 05 ha tại tiểu khu 1790, nay thuộc bon P, xã Q, huyện Đ, tỉnh ĐK. Nguồn gốc đất do ông KT được lâm trường Q và UBND xã Q đồng ý cho sử dụng để trồng cây công nghiệp theo Giấy xin cấp đất ngày 10/6/2005. Sau khi nhận chuyển nhượng ông Đ đã làm nhà, đào ao, trồng cây trên đất.
Ngày 25/3/2016, ông Đ bị UBND xã Q lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất chuyên dùng của Công ty xây dựng TM tại vị trí đất đã nói ở trên (trong biên bản không nói rõ là hành vi lấn hay chiếm, diện tích bao nhiêu, vị trí như thế nào). Công ty xây dựng TM được UBND tỉnh ĐK giao đất và thuê đất để thi công dự án thủy điện M, trong quá trình thi công bị ông Đ cản trở nên đã nhờ UBND xã Q hỗ trợ can thiệp. Ủy ban nhân dân xã Q đã giải thích và thuyết phục ông Đ chấm dứt hành vi của mình nhưng ông Đ vẫn tiếp tục cản trở việc thi công của Công ty xây dựng TM . Đến ngày 28/3/2016, Chủ tịch UBND xã Q ra Quyết định số 47/QĐ-XPVPHC (QĐ số 47) xử phạt ông Đ về hành vi lấn chiếm đất với hình phạt chính là 4.000.000 đồng. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với nội dung “yêu cầu buộc ông Đ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại diện tích đất lấn chiếm”. Ngày 04/4/2016 Chủ tịch UBND xã Q ra Quyết định số 81/QĐ-CC (QĐ số 81) cưỡng chế thi hành Quyết định số 47.
- Câu hỏi đặt ra
Bằng kiến thức đã học anh/chị hãy cho biết :
1. Trong tình huống trên UBND xã Q và Chủ tịch UBND xã Q đã sử dụng các hình thức và phương pháp nào trong hoạt động quản lý hành chính? Nêu nhận xét về các hình thức quản lý hành chính mà UBND xã Q, Chủ tịch UBND xã Q đã áp dụng.
4. Nguồn Bản án số: 03/2017 ngày 22 /8/2017 của Tòa án nhân tỉnh Đắk Nông
34
Hướng dẫn giải quyết tình huống
(Hướng dẫn tự nghiên cứu)
Để giải quyết tình huống này sinh viên cần:
- Phân tích hành vi của chủ thể có thẩm quyền như việc lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất của UBND xã Q và việc ra Quyết định định số 47/QĐ-XPVPHC xử phạt ông Đ về hành vi lấn chiếm đất với hình phạt chính là 4.000.000, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, việc ra Quyết định cưỡng chế số 81/QĐ-CC có phải là các hình thức trong quản lý hành chính nhà nước hay không? Là hình thức nào?
- Xác định và phân tích các căn pháp lý về việc Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với nội dung “yêu cầu buộc và ông Đ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại diện tích đất lấn chiếm” có đúng thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã Q không?
- Việc UBND xã Q thuyết phục ông Đ dừng hành vi cản trở thi công công trình của công ty T và việc ra Quyết định số 81/QĐ-CC có phải là phương pháp trong quản lý HCNN hay không? Quyết định cưỡng chế nêu trên có đúng qui định của pháp luật về thời hạn qui định không?
Tình huống 95
Theo chủ trương của cấp trên, năm 2016 xã Thắng Lợi huy động các hộ gia đình đóng góp quỹ hỗ trợ người nghèo và tiền lao động công ích. Khi cán bộ xã đến thu tiền gia đình ông K thì ông kiên quyết không nộp tiền với lý do: Vào năm 2003 vợ ông K bị bệnh nặng phải điều trị thường xuyên tại bệnh viện tỉnh. Gia đình lúc đó rất nghèo đói, khi không có tiền để chữa trị cho vợ, ông K đã làm đơn đề nghị UBND xã xác nhận gia đình ông thuộc hộ đói nghèo để được chính sách khám chữa bệnh của nhà nước nhưng UBND xã kiên quyết không xác nhận vì cho rằng gia đình ông thuộc diện đói nghèo vì có một người con đã trưởng làm công nhân tại một nhà máy nước trên địa bàn.
5 Nguồn: Tình huống nghiệp vụ chính quyền cơ sở
35
Trước sự việc đó, Chủ tịch UBND xã Thắng lợi đã chỉ đạo các ban, ngành trong xã và Trưởng thôn thực hiện các biện pháp cưỡng chế, nếu không nộp tiền sẽ thu các hiện vật trong nhà cho đủ tương đương với số tiền phải nộp. - Câu hỏi đặt ra
1. Hãy bình luận về cách giải quyết của người đứng đầu UBND cấp xã trong tình huống trên.
2. Lựa chọn hình thức và phương pháp phù hợp nhất để giải quyết trong tình huống trên.
Gợi ý giải quyết tình huống
Để giải quyết tình huống này sinh viên cần :
- Đọc hiểu, phát hiện vấn đề như: Việc thực hiện biện pháp cưỡng chế của Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi có phải là một phương pháp trong quản lý hành chính nhà nước hay không và nêu ý kiến về việc làm của Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi.
- Phân tích, bình luận để chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình huống.
- Giả sử với tư cách là người đứng đầu UBND cấp xã trong quá trình quản lý nếu gặp tình huống trên anh/chị sẽ giải quyết như thế nào (trong đó cần nêu ra cơ sở pháp lý và cơ sở tâm lý để áp dụng, lựa chọn hình thức và phương pháp phù hợp nhất).
Tình huống 10
- Mô tả tình huống
Ông A có tạo lập một thửa đất để trồng trọt hoa màu, được cấp “Quyết định cấp quyền sở hữu đất chiếm canh” vào năm 1970, mục đích sử dụng đất; trồng màu. Gia đình ông A đã quản lý sử dụng thửa đất liên tục để trồng trọt từ đó cho đến nay. Năm 2002, ông A được UBND huyện P cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có một hạn mức đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Năm 2015, ông A xây nhà để ở trên thửa đất vượt quá hạn mức đất
36
cho phép, UBND xã V đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng nhà trái phép đối với ông A. Năm 2016, UBND huyện P ra quyết định số 80/QĐ-UBND thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông A. Ông A không thực hiện quyết định số 80/QĐ-UBND về thu hồi đất nên UBND huyện P đã ra quyết định cưỡng chế và tổ chức lực lượng cưỡng chế thi hành.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Trong tình huống trên UBND huyện P đã sử dụng những hình thức và phương pháp cơ bản nào trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước tại địa phương mình quản lý?
Gợi ý giải quyết quyết tình huống :
- Phân tích làm rõ hành vi của chủ thể như: Việc UBND huyện P cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông A, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng nhà trái phép và ra Quyết định số 80/QĐ-UBND thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông A có phải là hình thức quản lý hành chính nhà nước hay không? Đó là hình thức nào?
- Xác định việc UBND huyện P đã cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất số 80/QĐ-UBND có phải là một phương pháp trong quản lý hành chính nhà nước hay không?
Tình huống 11
- Mô tả tình huống
Cho rằng, bà Nguyễn Thu Minh cư trú tại số 24 Nguyễn Huệ, Phường A, thành phố H, tỉnh T, xây dựng căn nhà 3 tầng sai nội dung giấy phép xây dựng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình mình, ngày 1/4/2015, ông Trần Văn Tú cư trú tại số 26 Nguyễn Huệ, Phường A, thành phố H, tỉnh T gửi đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân phường A giải quyết.
Ngày 9/4/2015, tổ quản lý trật tự đô thị của UBND phường A, tiến hành kiểm tra và đã xác định gia đình bà Nguyễn Thu Minh xây dựng sai nội dung
37
giấy phép xây dựng số 567/GPXD do UBND thành phố H cấp ngày 26/3/2015, nên đã nên đã lập biên bản vi phạm và yêu cầu ngừng thi công công trình xây dựng. Ngày 9/9/2016 Chủ tịch UBND phường A ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thu Minh với hình thức xử phạt tiền, mức phạt 6 triệu đồng, đồng thời tổ chức lực lượng cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Xác định quan hệ pháp luật hành chính đã phát sinh?
2. Việc tổ quản lý trật tự đô thị của UBND phường A tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thu Minh có phải là sự thể hiện của hình thức quản lý hành chính nhà nước hay không? Giải thích vì sao?
3. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND phường A có vi phạm các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 hay không?
38
Chương 3
CÁC TÌNH HUỐNG VỀ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ TRÁCH NHIỆM HÀNH CHÍNH
3.1. Yêu cầu của chương
3.1.1. Yêu cầu về kiến thức
- Hiểu được các đặc điểm cơ bản của vi phạm hành chính, cấu thành vi phạm hành chính.
- Hiểu được điểm của trách nhiệm hành chính, các nguyên tắc và hình thức xử phạt vi phạm hành chính, thời hiệu, thời hạn xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế hành chính.
- Xác định thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả, các biện pháp xử lí hành chính, các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính,
3.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật
Trong tình huống này sinh viên cần tiếp cận các văn bản sau - Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 7 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2017). - Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018
- Luật Tố tụng hành chính 2015 (Điều 3, Điều 30)
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007
39
- Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20 tháng 01 năm 2014 Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Trình tự thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lí hành chính tại tòa án nhân dân (điều 19, điều 30, điều 31 và điều 32)
- Một số nghị định của Chính phủ qui định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác nhau, liên quan đến việc giải quyết các tình huống trong tài liệu có các nghị sau:
+ Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
+ Nghị định số 185/2013 /NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dung (xem Điều 25) và Nghị số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
+ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
3.1.3. Yêu cầu vận dụng kỹ năng
Trong chương này để giải quyết được tình huống sinh viên cần có các kỹ năng sau”
- Kỹ năng phân tích tình huống để xác định vấn đề cần giải quyết. - Kỹ năng đặt câu hỏi để tìm ra căn cứ pháp lý
- Kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật và áp dụng qui phạm pháp luật để giải quyết yêu cầu của tình huống.
- Kỹ năng soạn thảo một số văn bản áp dụng pháp luật như: Quyết định xử phạt hành chính, Biên bản vi phạm hành chính (văn bản hành chính thông thường).
40
3.2. Các tình huống cụ thể
3.2.1. Tình huống về vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính Tình huống 12:
- Mô tả tình huống
Anh Nguyễn Văn Tô (30 tuổi) làm nghề thợ xây tại thành phố H, ngày 3/08/2016 trong một lần cãi cọ ở nhà, anh Tô đã đánh chị Ca là vợ anh phải nhập viện. Trong thời gian chị Ca nhập viện, tuy chị có nhu cầu cần người chăm sóc nhưng anh Tô đã không tới. Quá bức xúc, người nhà chị Ca đã tố cáo hành vi của anh Tô tới cơ quan công an, vì thương tích của chị Ca chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với anh Tô, ngày 8/08/2016 anh Tô bị xử phạt hành chính theo qui định của pháp luật.
- Câu hỏi đặt ra
1. Hãy xác định các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật hành chính nêu trên?
2. Hành vi của anh Tô sẽ bị xử phạt như thế nào theo qui định của pháp luật hiện hành.
Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu của tình huống
- Phân tích tình huống để làm rõ các hành vi vi phạm của anh Tô và xác định các yếu tố cấu thành vi phạm hành chính.
Cụ thể xác định anh Tô thực hiện 2 hành vi vi phạm sau:
+ Hành vi đánh chị Ca (vợ - người thân trong gia đình)
+ Hành vi bỏ mặc chị Ca trong thời gian điều trị tại bệnh viện do hành vi của mình gây ra.
- Tra cứu văn bản để biết hành vi vi phạm của anh Tô sẽ bị xử lý như thế nào theo qui định của pháp luật hiện hành. Đây đều là hành vi vi phạm hành chính liên quan đến trật tự quản lý nhà nước về phòng chống báo lực gia đình nên cần xác định các văn bản liên quan như: Luật Phòng, chống bạo lực gia
41
đình; Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
2. Giải quyết tình huống
Cấu thành của vi phạm pháp luật hành chính dựa vào 4 yếu tố sau đây: Mặt khách quan, mặt chủ quan, khách thể, chủ thể của vi phạm pháp luật. - Cấu thành vi phạm pháp luật hành chính được nêu ra trong tình huống nêu trên:
+ Mặt khách quan:
Hành vi vi phạm: Hành vi đánh chị Ca và hành vi bỏ mặc không chăm sóc chị Ca khi chị có nhu cầu chăm sóc, hai hành vi trên được qui định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Thời gian ngày 3/8/2016, địa điểm tại nhà của vợ chồng anh Tô, chị ca.
+ Mặt chủ quan: Lỗi của anh Tô là lỗi cố ý
+ Khách thể: Hành vi trên xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình (được qui định trong Luật phòng chống bạo lực gia đình và Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ).
+ Chủ thể thực hiện hành vi: là cá nhân anh Nguyễn Văn Tô, 30 tuổi, có năng lực hành vi hành chính đầy đủ.
- Xem xét hành vi của anh Tô và căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính
Thứ nhất, hành vi đánh chị Ca (vợ - người thân trong gia đình), Khoản 1, Điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Thứ hai, hành vi bỏ mặc chị Ca trong thời gian điều trị tại bệnh viện do hành vi của mình gây ra là vi phạm qui định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. (Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:
42
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối).
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này).
Như vậy anh Tô phải chịu trách nhiệm hành chính, hình thức xử phạt tiền, tổng số tiền cho 2 hành vi phạm là 3.000.000 đồng và xin lỗi công khai nếu chị Ca yêu cầu.
3. Kết luận
Hành vi vi phạm của anh Nguyễn Văn Tô là hành vi vi phạm hành chính, xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình. Tình huống 13
- Mô tả tình huống
Ngày 20/10/2014, ông Lê Văn Hải có hành vi lấn chiếm đất công để xây dựng nhà ở, ngày 25/10/2014, UBND huyện X lập biên bản vi phạm và yêu cầu ông Hải đình chỉ việc xây dựng, sau một thời gian thấy UBND huyện không cưỡng chế tháo dỡ nhà, ngày 05/11/2016, ông Hải tiếp tục xây dựng thêm nhà bếp và công trình phụ, ngày 10/11/2016, UBND huyện X lại lập biên bản vi phạm đối với ông Hải, đến ngày 15/11/2016, Chủ tịch UBND huyện X ra quyết định xử phạt 1,5 triệu đồng đối với hai hành vi vi phạm trên và áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép. Ông Hải không đồng ý với quyết định trên nên ngày 16/11/2016 đã có đơn
43
khiếu nại gửi UBND huyện X, nhưng UBND huyện X không giải quyết đơn của ông, ngày 22/11/2016 do ông Hải không tự nguyện thi hành quyết định, UBND huyện X đã ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép của ông Hải.
- Câu hỏi đặt ra
1. Việc giải quyết của UBND huyện X có đúng qui định của pháp luật hay không?
Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu về tình huống
Sinh viên cần phân tích tình huống để phát hiện vấn đề mẫu chốt của tình huống.
Vận dụng kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật và áp dụng văn bản pháp luật đặc biệt là các qui định liên quan trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 để làm rõ các vấn đề sau:
- Xác định các hành vi phạm của ông Lê Văn Hải, thời điểm thực hiện hành vi.
- Hành vi nào còn thời hiệu xử phạt hành chính, hành vi nào đã hết thời hiệu xử phạt.
- Việc UBND huyện X ra Quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên là đúng hay sai.
- Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra nhưng đã hết thời hiệu xử phạt có đúng theo qui định của pháp luật hay không.
- Thời hạn thi hành quyết định xử phạt là bao nhiêu ngày và việc cưỡng chế của UBND huyện X là đúng hay sai.
- Khi công dân khiếu nại quyết định xử phạt hành chính vì cho rằng nó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà người có thẩm quyền không giải quyết có đúng qui định không.
2. Giải quyết tình huống
44
- Xác định các hành vi vi phạm của ông Hải và thời điểm thực hiện: + Hành vi thứ nhất: Ngày 20/10/2014 ông Hải có hành vi lấn chiếm đất công để xây dựng nhà ở.
+ Hành vi thứ 2: Ngày 05/11/2016, ông Hải tiếp tục vi phạm xây thêm nhà bếp và công trình phụ
- Xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hành vi trên: + Thời hiệu xử phạt đối với cả hai hành vi vi phạm nêu trên là 2 năm (lĩnh vực đất đai, xây dựng) theo qui định tại điểm a, Khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Tuy nhiên đối với hành vi lấn chiếm đất công để xây dựng nhà ở thực hiện vào ngày 20/10/2014 nhưng đến ngày 15/11/2016 UBND ra quyết định xử phạt tiền đới với hành vi này là sai qui định vì thời hiệu đã hết.
- Khi UBND huyện X ra quyết định xử phạt chỉ được xử phạt tiền về hành vi vi phạm xây dựng nhà bếp và công trình phụ thực hiện vào ngày 5/11/2016 còn hành vi vi phạm lần thứ nhất đã hết thời hiệu nên không ra quyết định xử phạt tiền nữa nhưng được phép áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy đinh tại Điểm b, Khoản 1, Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính (buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép), biện pháp khắc phục hậu quả này được áp dụng độc lập.
- Việc UBND huyện ra quyết định xử phạt vào ngày 15/11/2014 và đến ngày 22/11/2014 (chưa hết thời hạn 10 ngày) đã quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình của ông Hải là vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012,
(Khoản 1, Điều 73 qui định: (“1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó…………..” )
45
- Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, Ông Hải đã thực hiện quyền khiếu nại bằng việc việc gửi đơn trực tiếp vào ngày 16/11/20116 đến UBND huyện X, nhưng UBND huyện X không giải quyết đơn khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính là vi phạm pháp luật về khiếu nại. Bởi khi công dân nhận được quyết định hành chính tác động trực tiếp đến mình và họ cho rằng quyết định đó là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì công dân có quyền khiếu nại và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là giải quyết khiếu nại cho công dân.
3. Kết luận
Việc giải quyết của UBND huyện X là trái qui định của pháp luật. Tình huống 14
- Mô tả tình huống
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TM được thành lập năm 2014, có trụ sở đóng tại huyện X, tỉnh H, công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến lâm sản. Ngày 22/9/2016, Công ty TM đã có hành vi khai thác gỗ trái phép trên địa bàn huyện X và bị các chiến sĩ Bộ đội biên phòng thuộc Đồn biên phòng K, đóng trên địa bàn huyện X phát hiện và lập biên bản.
Ngày 26/9/2016, Đồn trưởng Đồn biên phòng K đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với công ty TM: Hình thức xử phạt là : Phạt cảnh cáo và Phạt tiền, trong đó mức phạt tiền là 70.000.000 đồng đối với hành vi khai thác gỗ trái phép đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Không đồng ý với quyết định xử phạt, công ty TM đã làm đơn khiếu nại vì cho rằng mức phạt tiền quá cao và vụ việc không thuộc thẩm quyền xử lý của Đồn biên phòng K. (Biết rằng tổng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm của công ty TM bị thu giữ có giá trị là 165.000.000 đồng).
- Câu hỏi đặt ra
1. Trong trường hợp trên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 người nào có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của công ty TM?
46
2. Hãy xác định các hình thức và phương pháp quản lý được áp dụng trong tình huống nêu trên?
3. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Đồn trưởng Đồn biên phòng K có vi phạm các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 hay không?
Gợi ý giải quyết tình huống
Để trả lơi các câu hỏi đặt ra trong tình huống nêu trên sinh viên cần: - Đọc hiểu và nắm rõ các qui định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, các qui định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, hiểu được các hình thức và phương pháp cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước đã học ở bài trước.
- Tra cứu văn bản pháp luật liên quan và vận dụng vào tình huống để giải quyết các yêu cầu đặt ra. Cụ thể các qui định về nguyên tắc xử phạt VPHC, thẩm quyền xử phạt VPHC được qui định từ Điều 38 đến Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
1. Thẩm quyền xử phạt trong trường hợp trên có thuộc về Đồn trưởng Đồn biên phòng K hay không. Điều này cần căn cứ vào giá trị tang vật và mức tiền phạt. ( Trường hợp trên đã vượt quá thẩm quyền căn cứ pháp lý: Điều 52 và Điều 40 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
2. Hình thức quản lý áp dụng trong trường hợp trên là hình thức nào (thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lý, hoạt động ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật hành chính; Phương pháp quản lý là phương pháp cưỡng chế hành chính).
3. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Đồn trưởng Đồn biên phòng K vi phạm về thẩm quyền xử phạt (Khoản 3, Điều 40 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012); Vi phạm về hình thức và nguyên tắc áp dụng (quy định tại Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012).
47
Tình huống 15 6
- Mô tả tình huống
Ngày 16/10/2017, ông Võ Văn Đ trú tại thôn B.A, xã L.B, huyện P.L, tỉnh Thừa Thiên Huế có hành vi kinh doanh hàng hóa (gỗ) nhập lậu, qua kiểm tra lượng hàng hóa nhập lậu có giá trị 90 triệu đồng. Hành vi đã bị lập biên bản và xử lý theo qui định của pháp luật.
- Câu hỏi đặt ra
1. Hành vi vi phạm của ông Võ Văn Đ được qui định trong văn bản nào đang có hiệu lực hiện nay?
2. Ai có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm của ông Võ Văn Đ 3. Hình thức xử phat? Biện pháp khắc phục hậu quả?
4. Thời hiệu xử phạt? Thời hạn ra quyết định xử phạt? Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt?
5. Giả sử, ông Đ nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà ông không đồng ý thì ông có quyền khiếu nại hay khởi kiện vụ án ra tòa không? Căn cứ pháp lý?
Gợi ý giải quyết tình huống
Để giải quyết tình huống sinh viên cần vận dụng các kỹ năng sau: - Phân tích tình huống để làm rõ hành vi vi phạm của ông Võ Văn Đ và xác định các vấn đề nghiên cứu.
- Tra cứu văn bản có liên quan và xác định các căn cứ pháp lý để giải quyết yêu cầu của tình huống đặt ra. Xác định đây là hành vi phạm hành chính trong trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. (gỗ nhập lậu: hàng cấm)
- Các căn cứ pháp lý cụ thể: Điều 6, Điều 28, Điều 57, Điều 66, Điều 68, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Điều 3, Điều 30 Luật Tố tụng hành
chính (liên quan đến quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định
6 Nguồn: Quyết định số: 2397/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
48
hành chính); Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả,hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
- Vận dụng, đối chiếu với các qui định của pháp luật để xác định hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm của ông Đ, thời hiệu xử phạt tính từ ngày nào, thời hạn ra quyết định xử phạt, có hay không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Tình huống 16
- Mô tả tình huống
Ngày 15/8/2017 cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh T.T.H đã lập biên bản về hành vi vi phạm của bà Lê Thị M, sinh năm 1970, trú tại phường T. L, thành phố H, tỉnh T.T.H. Cụ thể bà Lê Thị M có hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, tang vật thu được là 420 bao thuốc lá điếu nhãn hiệu JET (01 bao = 20 điếu).
Người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt với hình thức xử phạt tiền: 90 triệu đồng. Bà Lê Thị M cho rằng mức phạt tiền trên là quá mức qui định nên đã khiếu nại đến người có thẩm quyền.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Xác định chủ thể có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm của bà Lê Thị M?
2. Quyết định xử phạt số tiền 90 triệu đồng có đúng qui định của pháp luật hay không? Nếu bà Lê Thị M không đồng ý với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền thì bà M có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án không?
3. Soạn thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của bà M.
Gợi ý giải quyết tình huống
Vận dụng các kỹ năng sau để giải quyết tình huống này:
49
- Kỹ năng phân tích trong việc làm rõ hành vi của bà Lê Thị M là vi phạm pháp luật, cụ thể là hành vi buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu), hành vi này xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước về trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dung.
- Kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật và áp dụng văn bản: Cần xác định hành vi này được qui định cụ thể trong văn bản nào và tra cứu văn bản đó (Xem Nghị định số 185/2013 /NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dung (xem Điều 25) và Nghị số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP).
- Tra cứu các qui định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (xem Điều 38, Điều 15); Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018; Luật Tố tụng hành chính 2015 (Điều 3, Điều 30) để làm rõ các vấn đề sau:
+ Xác định giá trị tang vật vi phạm, xác định ai là người có thẩm quyền xử phạt, hình thức xử phạt. Nếu phạt tiền thì bà M phải chịu mức tiền phạt bao nhiêu là đúng qui định
+ Thời hiệu, thời hạn ra quyết định xử phạt (Điều 6, Điều 66, 67, 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
+ Bà M có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử phạt hành chính áp dụng đối với bà không và nêu căn cứ pháp lý. ( Xem Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính, Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015). Tình huống 17
- Mô tả tình huống
Vào 09 giờ ngày 26 tháng 9 năm 2018, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh K đã lập biên bản đối với hành vi khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ của
50
Hợp tác xã Chiến Thắng. Qua kiểm tra được biết hành vi khai thác này không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, với khối lượng khai thác là 48.5m3/ ngày, địa điểm khai thác tại xóm 12, xã H, huyện G, tỉnh K, đây là lần thứ 2 trong năm 2018 HTX Chiến Thắng bị xử lý về hành hi vi phạm này.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Xác định hành vi vi phạm của Hợp tác xã Chiến Thắng? 2. Thẩm quyền ra Quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm của HTX Chiến Thắng?
3. Soạn thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Gợi ý giải quyết tình huống
- Xác định hành vi khai thác cát, sỏi trái phép là hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
- Vận dụng kỹ năng tra cứu văn bản để tra cứu văn bản qui định về vấn đề nêu trên (cụ thể: Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản).
- Tra cứu văn bản và xác định hành vi này vi phạm qui định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Thẩm quyền theo qui định tại Khoản 3, Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Khoản 3, Điều 60 Nghị định 33/2017/NĐ-CP (thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh K), Hình thức xử phạt: Phạt tiền, mức phạt: “Phạt tiến từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi khối lượng khoáng sản đã khai thác từ 40 m3 đến dưới 50 m3”. Tình tiết tăng nặng: Tái phạm; Chủ thể vi phạm: Tổ chức.
51
- Hướng dẫn soạn thảo Quyết định xử phạt:
UỶ BAN NHÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TỈNH K Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Số: …/QĐ-UBND Thừa Thiên Huế, ngày.. tháng .. năm…
QUYẾT ĐỊNH
Xử phạt vi phạm hành chính
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Căn cứ Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản;
Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số.... do Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh K lập ngày…tháng..năm 2018; Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh K tại văn bản số …./BC-CAT-PC49 ngày..tháng.. năm 2018;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với:
Tổ chức: Hợp tác xã Chiến Thắng
Nghề nghiệp/lĩnh vực hoạt động: Khai thác khoáng sản
Địa chỉ: Xóm 12, xã H, huyện G, tỉnh K
Đăng kí kinh doanh số: ….., cấp ngày...tháng.. năm…; Nơi cấp: …………… - Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi) không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và không có giấy phép khai thác khoáng sản với khối lượng 48.5m3/ ngày vào 26/9/2018 tại xóm 12, xã H, huyện G, tỉnh K; Hành vi này vi phạm qui định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03
52
tháng 4 năm 2017 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Tình tiết tăng nặng: Tái phạm
* Bị áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả: - Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền; Mức phạt: 80 triệu đồng - Hình thức xử phạt bổ sung: Không
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Không
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
Điều 3. Tổ chức thực hiện:
1. Quyết định này gửi cho HTX Chiến Thắng để chấp hành Quyết định xử phạt. Nếu không nghiêm chỉnh chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành . HTX Chiến Thắng phải nộp tiền phạt tại Điều 1 tại Kho bạc nhà nước tỉnh K trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. HTX Chiến Thắng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính theo qui định của pháp luật.
2. Gửi Kho bạc nhà nước tỉnh K để thu tiền phạt.
3. Gửi Công an tỉnh để chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường. - Giao Quyết định xử phạt cho HTX Chiến Thắng; Đôn đốc kiểm tra việc thực hiện quyết định xử phạt.
- Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND huyện G; Chủ tịch UBND xã H; HTX Chiến Thắng và thủ trưởng cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận CHỦ TỊCH Như Điều 3, Điều 4
Các sở: TNMT, TC
VP: CVP và PCVP NGUYỄN HOÀNG M Lưu: VT
53
3.2.2. Tình huống về các biện pháp xử lý hành chính
Tình huống 187
- Mô tả tình huống
Ngày 09/11/2016, Quàng Văn L (30 tuổi) cư trú tại Bản L, xã M1, huyện M, tỉnh Điện Biên đã thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Ngày 19/11/2016, L bị Chủ tịch UBND xã M1, huyện M, tỉnh Điện Biên áp dụng biện pháp hành chính giáo dục tại xã với thời hạn là 03 tháng. Sau khi chấp hành xong thời hạn giáo dục tại xã, L tiếp tục vi phạm pháp luật, cụ thể: Vào ngày 15/3/2017, L đã thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm chị Lò Thị T, sinh năm 1987, trú tại bản L, xã M1, huyện M, tỉnh Điện Biên. Đến ngày 25/3/2017, L đã thực hiện hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình đối với bà Quàng Thị M, sinh năm 1945 trú tại bản L, xã M1, huyện M, tỉnh Điện Biên. Ngày 27/3/2017, Chủ tịch UBND xã M1 đã quyết định lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo qui định tại Điều 101 Luật xử lý VPHC đối với Quàng Văn L.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Hãy lập luận để xác định việc Chủ tịch UBND xã M1 quyết định lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý: “Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc” đối với Quàng Văn L là có căn cứ pháp luật.
Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu của tình huống
- Để lập luận cho vấn đề trong tình huống nêu trên sinh viên cần đọc và nghiên cứu nội dung các qui định của pháp luật về đối tượng áp dụng và thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính “Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc”.
7 Nguồn: Quyết định số 16/2017/QĐ – TA của Tòa án nhân dân huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên về Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
54
- Phát hiện điểm mẫu chốt của tình huống và phân tích làm rõ nội dung, trong đó cần xác định các hành vi của đối tượng Quàng Văn L gồm: Nghiện ma túy, không có nơi cư trú ổn định, có hành vi liên hoạt đến bạo lực gia đình.
- Tra cứu văn bản pháp luật liên quan đến các hành vi nêu trên và lập luận để khẳng định việc áp dụng pháp luật của chủ thể có thẩm quyền là có căn cứ pháp luật. Cụ thể cần tiếp cận và tra cứu các văn bản sau đây để xác định căn cứ pháp lý:
+ Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (Điều 93; khoản 1 Điều 94; khoản 2 Điều 105, điều 101, điều 110)
+ Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20 tháng 01 năm 2014 Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Trình tự thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lí hành chính tại tòa án nhân dân (điều 19, điều 30, điều 31 và điều 32)
+ Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ qui định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. 2. Giải quyết tình huống
Lập luận:
Trong tình huống trên thì Quàng Văn L đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
- Ngày 09/11/2016, Quàng Văn L đã thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ.
- Ngày 19/11/2016, L bị Chủ tịch UBND xã M1, áp dụng biện pháp hành chính giáo dục tại xã với thời hạn là 03 tháng. Sau khi chấp hành xong thời hạn giáo dục tại xã, L vẫn không tiến bộ mà tiếp tục vi phạm pháp luật, cụ thể: vào ngày 15/3/2017, L đã thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân
55
phẩm chị Lò Thị T, sinh năm 1987, trú tại bản L, xã M1, huyện M, tỉnh Điện Biên nên đã vi phạm vào quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định số 167/2013/NĐ - CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ.
- Ngày 25/3/2017, L đã thực hiện hành xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình đối với bà Quàng Thị M, sinh năm 1922 trú tại bản L, xã M1, huyện M, tỉnh Điện Biên nên đã phạm vào quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 3 năm 2017, L đã 01 lần bị xử phạt hành chính, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn không tiến bộ mà còn tiếp tục vi phạm pháp luật 02 lần nên đủ điều kiện áp dụng biện pháp: Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định tại khoản 1 điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính: Cụ thể tại Khoản 1, Điều 94 qui định: “1. Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định…”.
3. Kết luận
Việc Chủ tịch UBND xã M1 đã quyết định lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Quàng Văn L là đúng đối tượng và thẩm quyền theo qui định của pháp luật. Tình huống 198
- Mô tả tình huống
Ngày 16/11/2017, Tổ công tác Công an thành phố TN làm nhiệm vụ tại phường Quang Trung, thành phố TN, phát hiện một người nam giới có biểu
8 Nguồn : Quyết định số 172 ngày 13/12/2017 của TAND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về Quyết định – Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
56
hiện nghi vấn, tổ công tác đã yêu cầu làm việc đối với người nam giới này, sau đó người nam giới này tự khai là Nguyễn Đức N, sinh năm 1967 có hộ khẩu thường trú tại tổ 4, phường Đ, thành phố TN, đối tượng đã có vợ và hai con thành niên. Quá trình làm việc N khai nhận bản thân là người nghiện ma túy, hình thức sử dụng là tiêm chích trực tiếp vào cơ thể, sống lang thang, hôm nay N tới khu vực trên tìm mua ma túy để sử dụng cho bản thân nhưng chưa kịp mua thì bị phát hiện. Tổ công tác tiến hành kiểm tra người N không phát hiện thu giữ gì. Tại cơ quan Công an N khai nhận lần gần đây nhất N sử dụng ma túy hêrôin là vào ngày 14/11/2017. Tại phiếu trả lời kết quả ngày 16/11/2017, về việc xác định tình trạng nghiện ma túy cho thấy anh Nguyễn Đức N dương tính ma túy loại hêrôine. Cùng ngày, Công an thành phố TN đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng ma túy trái phép của anh Nguyễn Đức N. Biên bản xác minh về việc xác định nơi cư trú của anh Nguyễn Đức N thể hiện anh Nguyễn Đức N thường xuyên không sinh sống tại địa phương. Hiện tại không rõ anh N đi đâu, làm gì và không báo chính quyền địa phương.
- Câu hỏi đặt ra
1. Hãy xác định đối tượng Nguyễn Đức N có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hay không?
2. Cho biết thẩm quyền, thời hiệu và yêu cầu về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Đức N. Hưỡng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu về tình huống
Sinh viên cần nắm rõ các qui định của pháp luật về biện pháp xử lý hành chính: Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và vận dụng các năng sau để giải quyết tình huống:
- Phân tích tình huống để xác định vấn đề cần làm rõ mà tình huống yêu cầu: căn cứ để áp dụng đối tượng Nguyễn Đức N vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
57
- Lập luận để xác định việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là đúng qui định.
- Tra cứu văn bản pháp luật liên quan để tìm ra căn cứ pháp lý phù hợp và xác định thẩm quyền quyết định áp dụng thuộc về ai, thời hiệu và yêu cầu về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Đức N. Gồm các văn bản sau đây:
+ Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (Điều 95, Điều 96, Điều 103, Điều 104, Điều 105, Điều 106)
+ Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20 tháng 01 năm 2014 Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Trình tự thủ tục, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lí hành chính tại tòa án nhân dân (Điều 3)
+ Nghị định 221/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 4).
2. Giải quyết tình huống
- Phân tích và lập luận:
Nguyễn Đức N là đối tượng nghiện ma túy, lần sử dụng gần đây nhất là vào ngày 14/11/2017. Tại phiếu trả lời kết quả ngày 16/11/2017, về việc xác định tình trạng nghiện ma túy cho thấy anh Nguyễn Đức N dương tính ma túy loại hêrôin. Cùng ngày, Công an thành phố TN đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng ma túy trái phép của anh Nguyễn Đức N. Biên bản xác minh về việc xác định nơi cư trú của anh Nguyễn Đức N thể hiện anh Nguyễn Đức N thường xuyên vắng mặt tại địa phương. Hiện tại địa phương không rõ anh N đi đâu, làm gì và không báo chính quyền địa phương. Nguyễn Đức N nghiện ma túy từ năm 2011, hình thức sử dụng sử dụng là tiêm chích trực tiếp vào cơ thể, như vậy đã có đủ căn cứ để xác định Nguyễn Đức N là : ”Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định” (Khoản 1, Điều 96). Phòng Lao động, thương binh và xã hội thành phố TN
58
đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với anh Nguyễn Đức N theo qui định tại khoản 2 Điều 95 và khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Thẩm quyền, thời hiệu, hồ sơ đề nghị:
+ Về thẩm quyền: Căn cứ khoản 2 Điều 105 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012, Điều 3 Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân thì việc đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với anh Nguyễn Đức N thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố TN.
+ Về thời hiệu: Thực hiện đúng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 Nghị định 221/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
+ Về hồ sơ đề nghị áp dụng: Cần có đầy đủ các tài liệu theo quy định tại Điều 103, khoản 2 Điều 104 Luật xử lý vi phạm hành chính, Điều 9 Nghị định 221/NĐCP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính và cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định 136/2016/NĐ
CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013 ngày 30/12/2013 của Chính phủ.
3. Kết luận
Việc đề nghị áp dụng Biện pháp xử lý hành chính : Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Đức N là có căn cứ pháp luật.
59
Chương 4
CÁC TÌNH HUỐNG VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
4.1. Yêu cầu của chương
4.1.1. Về kiến thức:
- Hiểu được khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa và các nguyên tắc của thủ tục hành chính
- Xác định được các chủ thể của thủ tục hành chính bao gồm: + Cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp. + Tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế
+ Cá nhân (Công dân Việt nam, người nước ngoài, người không quốc tịch sẽ trở thành chủ thể của thủ tục hành chính khi họ tham gia vào các quan hệ thủ tục hành chính).
- Phân loại được các loại thủ tục hành chính gồm: Thủ tục hành chính nội bộ, thủ tục hành chính liên hệ và thủ tục văn thư.
- Xác định được các giai đoạn của thủ tục hành chính và nội dung thực hiện gồm các giai đoạn sau: Khởi xướng sự việc - Xem xét ra quyết định giải quyết vụ việc - Thi hành quyết định hành chính - Khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính (nếu có)
4.1.2. Yêu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật
Vì trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước vốn phong phú, đa dạng, không có một thủ tục hành chính duy nhất cho toàn bộ hoạt động. Thủ tục hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực khác vì vậy có rất nhiều văn bản liên quan qui định về thủ tục hành chính cho các hoạt động quản lý từ các luật cho tới các văn bản dưới luật. Vì vậy tùy tình huống cụ thể và nội dung liên quan mà sinh viên tiếp cận văn bản.
Trong phạm vi nội dung các tình huống của chương này sinh viên cần tiếp cận các văn bản sau:
60
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành - Luật Đất đai 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Khiếu nại 2011, Luật Tố cáo 2018 và văn bản hướng dẫn thi hành. - Luật Cán bộ, Công chức 2008 và văn bản hướng dẫn thi hành - Nghị Định số 34/2011/NĐ-CP ngày ngày 17 tháng 5 năm 2011 của
Chính phủ qui định về xử lý kỷ luật công chức (Điều 2 đến Điều 20). - Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
4.1.3. Về kỹ năng:
Để giải quyết các tình huống trong nội dung này người học cần có các kỹ năng sau:
- Kỹ năng phân tích và kỹ năng tra cứu văn bản pháp luật
- Kỹ năng áp dụng văn bản pháp luật để xây dựng và thực hiện một thủ tục hành chính cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. 4.2. Các tình huống cụ thể
Tình huống 20
- Mô tả tình huống
Ngày 24/10/2017, anh Nguyễn Văn Bá 30 tuổi, trên đoạn đường từ thành phố A đi huyện X, đã điều khiển xe mô tô vượt quá tốc độ qui định, với tốc độ thực tế là trên 85km/h (trên đoạn đường chỉ cho phép tốc độ tối đa 60km/h thuộc địa phận thành phố A). Hành vi của anh Bá bị chiến sỹ cảnh sát giao thông Hoàng Q đang làm nhiệm vụ lập biên bản và tiến hành xử lý theo qui định của pháp luật. Được biết khi lập biên bản anh Nguyễn Văn Bá không mang theo giấy phép lái xe.
- Câu hỏi đặt ra
1. Xác định hành vi vi phạm của anh Nguyễn Văn Bá sẽ bị xử lý như thế nào theo qui định của pháp luật? Trình tự thủ tục xử phạt đối với hành vi vi phạm của anh Bá được thực hiện như thế nào? Căn cứ pháp lý?
61
2. Hãy soạn thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của anh Bá?
Hướng dẫn giải quyết tình huống
1. Yêu cầu của tình huống
- Sinh viên cần sử dụng kỹ năng phân tích để làm rõ hành vi vi phạm của anh Bá (điều khiển xe quá tốc độ, không mang giấy phép lái xe). - Tra cứu văn văn bản pháp luật: Xem xét đây là hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường, xâm phạm đến các qui tắc điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Vấn đề này được qui định trong các văn bản sau đây:
+ Luật Xử lí vi phạm hành chính 2012 (Điều 6, Điều 66, Điều 73) + Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.( Tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP qui định: - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô thực hiện một trong các hành vi “Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h”( Điểm a, Khoản 8, Điều 6); - Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với “Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe”( Điểm c, Khoản 2, Điều 21); - Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với trường hợp vi phạm Điểm a, khoản 8, Điều 6).
2. Giải quyết tình huống
Làm rõ các giai đoạn thực hiện thủ tục xử phạt hành vi vi phạm của anh Bá, và xác định đây là loại thủ tục hành chính liên hệ vì nó liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Căn cứ vào qui định hiện hành nêu trên xác định hình thức xử phạt áp dụng đối với anh Bá.
Các bước thực hiện thủ tục xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của anh Bá
Bước 1: Khởi xướng sự việc:
62
Sự kiện pháp lý thực tế làm phát sinh sự việc là: Hành vi vi phạm của anh Nguyễn Văn Bá (chạy xe máy vượt quá tốc độ qui định). Chiến sĩ cảnh sát buộc anh Bá phải chấm dứt hành vi vi phạm có thể bằng còi hoặc hiệu lệnh.
Bước 2: Xem xét và giải quyết nội dung sự việc:
Đây là bước trọng tâm, chủ thể có thẩm quyền cần xem xét cụ thể nội dung vụ việc cần giải quyết cũng như các qui phạm pháp luật áp dụng, cụ thể: - Chiến sĩ cánh sát giao thông Q đang làm nhiệm vụ có lập biên bản (vì hành vi phạm này sẽ xử phạt theo thủ tục có lập biên bản). Trong biên bản phải ghi rõ, ngày, tháng, năm địa điểm lập biên bản, họ tên, chức vụ của người lập biên bản (chiến sĩ Q), họ tên , địa chị, nghề nghiệp của người vi phạm (anh Bá) và các yêu cầu khác theo qui định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Biên bản được lập thành 2 bản được người lập biên bản (chiến sĩ Q) và người vi phạm (anh Bá) ký vào.
- Xác minh tình tiết vi phạm
+ Xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vưc quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, hành vi của anh Nguyễn Văn Bá vi phạm các qui tắc khi tham gia điều khiển phương tiện xe mô tô được qui định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Cụ thể:
+ Điều khiển xe mô tô vượt quá tốc độ trên 20km/h (anh Bá đi tốc độ 85km/h trong khi đoạn đường chỉ cho phép 60km/h là vi phạm qui định tại Điểm a, Khoản 8, Điều 6, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và không mang theo giấy phép lái xe vi phạm qui định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 21, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
- Quyết định giải quyết sự việc
Trong tình huống này, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Nguyễn Văn Bá.
63
+ Hình thức xử phạt, mức phạt được áp dụng theo qui định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 hiện hành và Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Cụ thể:
- Phạt tiền đối với hai hành vi vi phạm sau:
+ Điều khiển xe mô tô vượt quá tốc độ trên20km/h: 3.500.000 ngàn đồng (Điểm a, Khoản 8, Điều 6, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP)
+ Không mang theo giấy phép lái xe: 100.000 ngàn đồng
( Điểm c, Khoản 2, Điều 21, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) - Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu giấy phép lái xe mô tô 2 tháng Sau khi xem xét hành vi phạm và các căn cứ pháp lý thì xác định hành vi
vi phạm này không thuộc thẩm quyền xử phạt của chiến sĩ cảnh sát Q mà thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng phòng CSGT đường bộ, thành phố A. + Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: 01 năm kể từ ngày 24/10/2014 (Điều 6 luật Xử lí vi phạm hành chính 2012).
+ Thời hạn ra quyết định xử phạt: 07 ngày kể từ ngày lập biên bản (Điều 66 luật xử lí vi phạm hành chính 2012).
Bước 3: Thi hành quyết định giải quyết sự việc:
Trong trường hợp này là thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Văn Bá. Sau khi nhận được quyết định xử phạt anh Bá có trách nhiệm thi hành quyết định.
- Thời hạn thi hành quyết định xử phạt: 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt (Khoản 1, Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012) Bước 4: Khiếu nại và giải quyết khiếu nại (nếu có):
Nếu anh Bá không đồng ý với quyết định xử phạt thì anh có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
* Hướng dẫn soạn thảo Quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm của anh Nguyễn Văn Bá:
64
CÔNG AN TỈNH
CÔNG AN THÀNH PHỐ A Số: … /QĐ-VPHC •
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc K, ngày …. tháng … năm 2018
QUYẾT ĐỊNH
V/v xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Căn cứ Điều 57, Điều 68, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 05 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số: ……. /BB-VPHC do Thiếu úy Hoàng Q lập hồi …. giờ …. ngày …… tháng …. năm …
Căn cứ kết quả xác minh và các tài liệu có trong hồ sơ;
Tôi Trung tá: Lê M Cấp bậc/chức vụ: Trưởng phòng
Đơn vị: CSGT đường bộ, đường sắt - Công an thành phố A QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với:
Ông (Bà)/: Nguyễn Văn Bá
Ngày, tháng, năm sinh: ………., Quốc tịch: Việt Nam
Nghề nghiệp/lĩnh vực hoạt động: ………………………..
Địa chỉ: ……………………………………………………
Giấy CMND : …………………….……………………….
Cấp ngày:..……………..Nơi cấp: ……………………….... Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Điều khiển xe mô tô vượt quá tốc độ trên 20km/h được qui định tại Điểm a, Khoản 8, Điều 6 và Không mang theo giấy phép lái xe qui định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 05 của Chính phủ.
65
Tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ: không
*Bị áp dụng hình thức xử phạt như sau:
- Hình thức xử phạt chính: phạt tiền, mức phạt:…………………. - Hình thức phạt bổ sung : tước giấy phép đăng ký lái xe trong vòng 2 tháng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ..tháng ..năm.. Điều 3. Quyết định này được:
1. Giao/Gửi cho ông Nguyễn Văn Bá để chấp hành Quyết định xử phạt.
Ông Nguyễn Văn Bá phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ông Nguyễn Văn Bá có trách nhiệm đến kho bạc nhà nước để nộp phạt. Trường hợp không nộp tiền phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính, ông Nguyễn Văn Bá phải nộp tiền phạt tại Kho bạc nhà nước thành phố A trong thời hạn nêu trên kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.
Ông Nguyễn Văn Bá có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.
2. Gửi Kho bạc nhà nước thành phố A để thu tiền phạt.
3. Trưởng phòng CSGT thành phố A để tổ chức thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3; Lưu: Hồ sơ.
NGƯỜI RA QUYẾT ĐỊNH (Ký tên, đóng dấu)
(Ghi rõ chức vụ, họ tên)
66
Tình huống 21
- Mô tả tình huống
Chị Hà Thị Hoa là công chức phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân huyện MR, tỉnh ĐK, đã có hành vi vi phạm pháp luật sau: “Tự ý nghỉ việc 5 ngày trong một tháng và sử dụng thông tin tài liệu của cơ quan để trục lợi”. - Câu hỏi đặt ra:
1. Cho biết hủ tục xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm của chị Hà Thị Hoa thuộc loại thủ tục gì? Trình tự thủ tục xử lý kỷ luật theo qui định của pháp luật hiện hành như thế nào?
Gợi ý giải quyết tình huống
Để giải quyết tình huống này sinh viên cần nắm vững các nội dung lý xác định nội nội dung cần giải quyết và vận dụng các kỹ năng sau: - Kỹ năng phân tích trong việc làm rõ hành vi vi phạm của chủ thể: Hành vi tự ý nghỉ việc 05 ngày trong một tháng và sử dụng tài liệu thông tin của cơ quan để trục lợi, đây được xác định là hành vi vi phạm kỷ luật. - Tra cứu và áp dụng các văn pháp pháp luật liên quan như: Luật cán bộ, Công chức 2008 (Điều 78, Điều 79, Điều 80), Nghị Định số 34/2011/NĐ-CP ngày ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ qui định về xử lý kỷ luật công chức (Điều 2 đến Điều 20), cụ thể:
+ Căn cứ vào Khoản 2, Điều 2, Nghị định 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định: “ Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu công chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi và chịu mức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc”. Như vậy trong trường hợp trên chị Hoa sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nào.
- Thủ tục xử lý kỷ luật đối với chị Hoa thuộc loại thủ tục hành chính nội bộ vì nó được thưc hiện trong nội bộ cơ quan tổ chức và gắn bó chặt chẽ với vấn đề tổ chức
67
- Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 19; Điều 20 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Tình huống 22
- Mô tả tình huống
Công ty Sao La là doanh nghiệp chế xuất chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí, có trụ sở nằm trong khu chế xuất TK, quận M, Thành H. Hiện tại công ty muốn bán sản phẩm của mình cho công ty Sao Hôm nằm ngoài khu chế xuất ở tỉnh TG.
- Câu hỏi đặt ra
1. Công ty Sao La phải thực hiện thủ tục gì để bán sản phẩm của mình cho công ty Sao Hôm? Pháp luật qui định như thế nào về việc thực hiện thủ tục đó?
Gợi ý giải quyết tình huống
- Cần phân tích tình huống và tìm hiểu các qui định của pháp luật về hoạt động buôn bán hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.
- Tra cứu văn bản pháp luật và áp dụng để giải quyết tình huống, cụ thể nội dung này được đề cập trong Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ ( Xem Điều 86).
- Điều 86, Thông tư 38/2015/TT-BTC qui định cụ thể về trình tự thủ tục hải quan cho hoạt động xuất, nhập khẩu tại chỗ. Công ty Sao La phải làm thủ tục hải quan cho việc bán sản phẩm cho công ty Sao Hôm có sở tại tỉnh AG theo hình thức xuất khẩu tại chỗ. Công ty AG làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng trên theo hình thức nhập khẩu tại chỗ. Đây đều là các thủ tục hành chính cần thiết cho 2 hoạt động trên của 2 công ty.
68
Tình huống 23
- Mô tả tình huống
Ngày 15/8/2016 ông Nguyễn Văn H bị Trưởng công an xã K ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm. Ông K không đồng ý với quyết định của Trưởng công an xã K nên đã làm đơn khiếu nại.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Theo qui định của pháp luật, ai có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với yêu cầu của ông H?
2. Thủ tục giải quyết khiếu nại đối với yêu cầu của ông H thuộc loại thủ tục nào, trình tự, thủ tục giải quyết?
Gợi ý giải quyết tình huống
- Về kiến thức: Hiểu được các loại thủ tục hành chính hiện hành và nguyên tắc của thủ tục hành chính.
- Về kỹ năng: Phân tích, lập luận và tra cứu văn bản liên quan đến trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại. (Luật khiếu nại và văn bản hướng dẫn thi hành).
69
Chương 5
CÁC TÌNH HUỐNG VỀ QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH
5.1. Yêu cầu của chương
5.1.1. Về kiến thức:
- Hiểu được Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, nó là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước.
- Nắm được các đặc điểm của quyết định hành chính, phân loại quyết định hành chính.
- Phân biệt được quyết định hành chính với các loại quyết định pháp luật khác. - Hiểu được các yêu cầu về tính hợp pháp và hợp lý của Quyết định hành chính, cụ thể:
+ Yêu cầu về tính hợp pháp: Quyết định hành chính được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền; Quyết định hành chính không trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; Quyết định hành chính phải được ban hành đúng hình thức do pháp luật quy định: Đúng yêu cầu về tên loại, thể thức, bố cục của quyết định hành chính; Quyết định hành chính cần được ban hành đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định
+ Yêu cầu về tính hợp lý: Quyết định hành chính phải bảo đảm giữa lợi ích của nhà nước và nguyện vọng của nhân dân; Quyết định hành chính phải bảo đảm tính hệ thống toàn diện; Yêu cầu về ngôn ngữ quyết định hành chính; Yêu cầu về tính khả thi và tính kịp thời của quyết định hành chính.
5.1.2. Về tiếp cận văn bản pháp luật
Để giải quyết các tình huống liên quan đến nội dung này sinh viên cần tiếp cận nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, tiếp cận và nghiên cứu một số quyết định hành chính cụ thể đã ban hành gồm cả quyết định qui phạm và quyết định cá biệt để đối chiếu và nghiên cứu.
70
Các Luật cần tiếp cận như: Luật Ban hành văn bản pháp luật 2015; Luật Tổ chức Chính phủ 2015; Luật Tổ chức Chính quyền địa phương 2015; Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Luật Tố tụng hành chính 2015....
Ngoài ra cần tra cứu và tiếp cận các văn bản dưới luật khác. 5.1.3. Về kỹ năng:
Để giải quyết các yêu cầu của tình huống đặt ra sinh viên cần vận dụng các kỹ năng sau:
- Phân tích và lập luận về tính hợp pháp, tính hợp lý của một quyết định hành chính.
- Tư duy, phản biện để khái quát được những yếu tố tạo nên sự khiếm khuyết của quyết định hành chính mà các chủ thể quản lí hành chính thường mắc phải.
- Khả năng soạn thảo được một quyết định hành chính
5.2. Các tình huống cụ thể
Tình huống 249
- Mô tả tình huống
Vào lúc 6h sáng ngày 21/7/2018, tại chợ Đầu Mối, Phường X, thành phố K, ông Nguyễn Văn D đang đậu xe mô tô vào cổng chợ cá thì ông Trần Văn T đang giữ xe đạp ở đó yêu cầu ông D đi nơi khác nhưng ông D không đồng ý. Lúc này ông Nguyễn Văn H là cậu ruột của ông T đi đến và có hành vi đánh đập ông D. Thấy ông T chạy tới nên ông D sợ bỏ chạy qua bên kia đường, ông T và ông H đuổi theo, khi đến quầy bán thịt, ông D nhặt cục đá mài dao của chị M thì bị ông T chụp giao chém 3 nhát liên tiếp vào tay khiến ông D bị thương và bỏ chạy về đồng công an phường để trình báo. Ông D yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với ông T và ông H vì cho rằng mình là người bị hại. Ngày 22/10/2018, cán bộ điều tra công an thành phố K lập biên bản vi phạm hành chính về việc ông D có hành vi “Đậu xe gây mất trật tự tại chợ
9 Nguồn: Bản án số 12/2013/HC-PT ngày 18/12/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
71
Đầu Mối phường X” và ngày 12/11/2018 ra Quyết định số 032/QĐ-XPHC xử phạt cảnh cáo ông D. Không đồng ý với quyết định xử phạt nói trên ông D đã khiếu nại đến công an thành phố K và nhiều cơ quan khác nhưng không được giải quyết nên đã khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa án tuyên hủy Quyết định số 032 ngày 12/11/2018 của Trưởng công an thành phố K.
- Câu hỏi đặt ra:
1. Hãy nhận xét về tính hợp pháp của Quyết định số 032/QĐ-XPHC ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Trưởng công an thành phố K. Gợi ý giải quyết tình huống
- Phân tích tình huống để phát hiện vấn đề mẫu chốt
- Tra cứu văn bản pháp luật và lập luận để xác định việc chủ thể có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 032/QĐ-XPHC đối với hành vi của ông D có đúng qui định của pháp luật không.
- Khi xem xét về tính hợp pháp của quyết định xử phạt hành chính trên cần xem xét cả hình thức và nội dung của quyết định:
+ Về hình thức: Trình tự, thủ tục ban hành, thẩm quyền ban hành, hình thức văn bản. (Xem xét thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt trong trường hợp trên như thế nào). Xem xét qui định của pháp luật về thủ tục xử phạt đơn giản và thủ tục có lập biên bản để xác định trong tình huống trên hành vi của ông D xử phạt theo thủ tục nào. Việc lập biên bản có đúng qui định không, biên bản có dấu hiệu tẩy xóa có được chấp nhận không.
+ Về nội dung: Chủ thể có thẩm quyền có áp dụng đúng nguyên tắc xử phạt không, áp dụng đúng văn bản và điều luật không, nội dung có phù hợp với chứng cứ không.
Tình huống 25
- Mô tả tình huống
Ngày 5/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ TTg về việc chuyển Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới trực
72
thuộc Bộ Y tế. Theo đó, mọi quyết định liên quan đến bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ … sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Ngày 13/9/2007 văn bản này mới đến UBND tỉnh Quảng Bình và ngày 17/9/2007 mới đến Sở Y tế tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, trong thời gian này, UBND tỉnh và Sở Y tế đã ban hành quyết định điều chuyển và bổ nhiệm cán bộ liên quan đến bệnh viện. Như điều chuyển một bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Cu Ba đi bệnh viện khác và 01 bác sĩ bệnh viện khác về bệnh viện Việt Nam – Cu Ba. - Câu hỏi đặt ra:
1. Hãy bình luận về tính hợp pháp và tính hợp lý của các quyết định hành chính trong tình huống nêu trên?
Gợi ý giải quyết tình huống
Để giải quyết yêu cầu của tình huống sinh viên cần hiểu về các đặc điểm của quyết định hành chính, các yêu cầu về tính hợp pháp và tính hợp lý của một quyết định hành chính. Và vận dụng các kỹ năng phân tích, kỹ năng lập luận và tra cứu văn bản để làm rõ mẫu chốt của vấn đề:
- Quyết định số 1163/QĐ-TTg về việc chuyển Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới trực thuộc Bộ Y tế có vi phạm thẩm quyền về thời gian hay không.
- Các Quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình như quyết định điều chuyển một bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Cu Ba đi bệnh viện khác và 01 bác sĩ bệnh viện khác về bệnh viện Việt Nam – Cu Ba có đúng thẩm quyền hay không. Tình huống 2610
- Mô tả tình huống
Từ ngày 11/10/1999, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra Quyết định số 2327/QĐ-UBND quy hoạch quần thể lăng tẩm, điện, đàn thời phong kiến, di tích lịch sử cách mạng và danh thắng nổi tiếng ở phía Tây - Nam TP.Huế
10 Nguồn: Quyết định số 2327/QĐ-UBND ngày 11/9/1999 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
73
(trong đó có đồi Vọng Cảnh) nằm trong khu đất có diện tích 2.400ha nhằm bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hóa hiện có của nó. Tuy nhiên, ngày 8/11/2004, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lại ra Quyết định số 18/GP-TTH cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng Dự án khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh nằm trong khu vực kể trên. Điều này đi ngược lại Quyết định số 2327/QĐ-UBND do chính cơ quan này ban hành! Đặc biệt, UBND tỉnh cũng chưa tiến hành làm thủ tục trình cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa đã cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh. Trong bản vẽ thiết kế, dự án có xây dựng khách sạn 5 tầng, ở tầng trên cùng cắm cọc cao 12m, tương đương với 3 tầng nhà, cùng một số công trình phụ trợ khác có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến khu di tích. Các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, Dự án trái với Quyết định phê duyệt quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa và môi trường cảnh quan của chính UBND tỉnh. Người dân thì phản đối bởi nếu Dự án thành hiện thực sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên của tỉnh, che khuất tầm nhìn khi khách sạn mọc lên. Vì vậy, mặc dù Dự án với tổng vốn đầu tư 4,9 triệu USD đã được động thổ ngày 29/1/2005 song không trở thành hiện thực.
- Câu hỏi đặt ra
1. Hãy nêu nhận xét của anh/chị về sự việc ngày 8/11/2004, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 18/GP-TTH cho phép Công ty liên doanh Vọng Cảnh xây dựng Dự án khu du lịch ở đồi Vọng Cảnh nằm trong khu vực kể trên, dự án có xây dựng khách sạn 5 tầng, ở tầng trên cùng cắm cọc cao 12m…. có hợp lý hay không? Tại sao?
Tình huống 27
Nhìn lại vụ cưỡng chế đất đai ngày 5/1/2012 ở huyện Tiên Lãng, Hải phòng Ông Đoàn Văn Vươn trú tại Bắc Hưng, Tiên Lãng được Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao sử dụng 21 ha đất bãi bồi ngoài đê quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang, tại Quyết định số 447/ QĐ- UB ngày 4/10/1993 để sử
74