🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Sống Không Sợ Mất, Đi Là Phải Chất
Ebooks
Nhóm Zalo
SỐNG KHÔNG SỢ MẤT, ĐI LÀ PHẢI “CHẤT”
Tác giả: ASH DYKES
Người dịch: Bùi Minh Đức
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - VĂN NGHỆ TP.HCM
Hochiminh City Culture-Literature and Arts Publishing House
88-90 Ký Con, P. Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM ĐT: (028) 38216009 - 39142419 – Fax: (028) 39142890 Email: [email protected] [email protected]
Website và bán hàng trực tuyến:
www.nxbvanhoavannghe.org.vn
Cửa hàng sách: 310 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM Gian hàng 03 Đường sách TP.HCM, đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP.HCM
Chịu trách nhiệm xuất bản
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập
BÙI ĐỨC HUY
Biên tập: Phạm Thị Thanh Phượng
Sửa bản in: An-Khánh, Quỳnh Hương
Trình bày: Cẩm Hà
Bìa: Nguyên Phúc
Đối tác liên kết:
CÔNG TY CỔ PHẦN VĂN HÓA SÁCH SÀI GÒN 473/8 Tô Hiến Thành, Phường 14, Quận 10, TP.HCM ĐT: (028) 6281.5516 – (028) 6293.8228
Website: www.saigonbooks.com.vn
In lần thứ nhất. Số lượng 5.000 cuốn, khổ 14 x 20,5 cm Tại Công ty TNHH MTV Báo Nhân dân TP.HCM Địa chỉ: D20/532P ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM
Số đăng ký KHXB: 952-2019/CXBIPH/2-44/VNTPHCM Quyết định xuất bản số: 221-QĐ/NXBVHVN ngày 24/4/2019
ISBN: 978-604-68-5501-9
In xong và nộp lưu chiểu Quý II năm 2019
Mục lục
Lời tựa - Sa mạc Gobi, 2014
PHẦN I- BẮT ĐẦU
1. Lập bản đồ tư duy và tiết kiệm tiền lên đường 2. Hành trình lang bạt từ châu Á tới châu Úc
3. Trở thành huấn luyện viên lặn và võ sĩ Muay Thái PHẦN II- BĂNG QUA MÔNG CỔ
4. Dù ai nói đó là điều bất khả thi, cứ bước đi đừng sợ! 5. Dãy núi Altai – bão tuyết, bão cát sa mạc và đàn sói hoang 6. Sống sót qua sa mạc Gobi
PHẦN III- KHÁM PHÁ MADAGASCAR
7. Mũi Sainte Marie: Sa mạc và hung tin về cuộc bạo động
8. Từ Fort-Dauphin tới Tsarasoa: Cá sấu, dịch bệnh và những tay súng
9. Từ Tsarasoa đến Fianarantsoa: Sốt rét, đỉnh núi lớn và lần say xỉn đáng nhớ
10. Từ Fianarantsoa tới Tana: 4 đỉnh núi, những người dân hoảng sợ và àn vượn cáo
11. Từ Tana đến Bealanana: Băng qua rừng sâu
12. Đến mũi D’Ambre: Những con sông, đỉa và chú gà trống Gertrude
Lời kết - Cứ cố gắng đi rồi sẽ thành công
Lời cảm ơn
Lời tựa
SA MẠC GOBI, 2014 N
hững viên đá sắc nhọn trên nền cát rắn như hàng ngàn chiếc đinh đâm vào lưng khi tôi nằm xuống. Chỉ cách mặt tôi có vài chục xen-ti-mét là chiếc xe kéo bằng thép, chất
trên đó lỉnh kỉnh lều bạt, dụng cụ. Tôi cố gắng để không phải chạm vào những phần kim loại nóng rẫy. Nằm dưới chiếc xe kéo, tôi chật vật nép mình khỏi ánh mặt trời bỏng rát, còn phần chân chìa ra bên ngoài thì như đang tan chảy. Tôi tưởng tượng ra trông mình như thế nào nếu có ai đó quanh đây nhìn thấy khung cảnh này, nhưng chẳng có lấy một bóng người trong bán kính vài dặm: Trong suy nghĩ của tôi hiện lên hình ảnh một chiếc camera bay dần lên trời cao, tầm nhìn xa đến ngút ngàn vẫn chỉ thấy sa mạc trống trải, cho đến khi tôi chỉ là một chấm nhỏ, mờ dần rồi biến mất giữa không gian.
Tôi đưa miệng chai nước lên đôi môi phồng rộp vì cái nóng. Có lẽ tôi từng thấy những ảo ảnh về chai nước mát lạnh, những dòng suối róc rách hay tiếng vòi nước rì rì – nhưng những giọt nước còn sót lại trong chai thì nóng rẫy và có vị chua. Trời mỗi lúc một nóng, lên tới hơn 40 độ C và tôi đã đi bộ từ sáng, mệt mỏi và gần như cạn sức. Mắt tôi lờ đờ, cố gắng kiếm cho ra dấu hiệu của những khu dân cư cuối đường chân trời. Tôi đã đi bộ được 43 ngày qua sa mạc Gobi, vác theo chiếc xe kéo và đống đồ đạc hơn 100 ký. Con đường gian nan ngay từ những ngày đầu tiên nhưng mỗi bước đi giờ đây lại thêm muôn phần vất vả. Chút lương thực tôi vừa ăn chẳng thấm vào đâu cả, cơ thể tôi như trống rỗng. Đầu
óc chẳng thể tập trung được, tôi lê bước chậm chạp đầy khó nhọc.
Hành trình băng qua sa mạc Gobi – sa mạc khô cằn nhất thế giới – tới sớm hơn dự định; tôi cứ liều lĩnh đi trên con đường mà không chắc liệu sẽ có đủ nước hay không. Dù đã đi được quãng khá xa, tôi vẫn phải dè sẻn nước trong suốt vài tuần, cơ thể tôi mất nhiệt nhanh chóng nhưng điều tệ hại là nó không biểu hiện thành triệu chứng ra bên ngoài. Giờ đây, khi đi qua những chặng đường khắc nghiệt nhất với thời tiết nóng đỉnh điểm, vài ngày cũng không thấy có nguồn nước, tôi cảm thấy thực sự tồi tệ và cơ thể đang phải chịu những hậu quả nặng nề. Tôi nhớ đến những cái xác khô của vài con lạc đà giữa nơi đồng không mông quạnh cách đây vài ngày. Nhỡ tôi cũng giống con lạc đà ấy thì sao? Suy nghĩ ấy len lỏi dần vào trong đầu như một tia sáng trong màn sương mù: Ngày hôm nay, tôi có thể thất bại, hành trình có thể chẳng đi tới đâu... Ngày hôm nay, tôi có thể chết.
Mọi người đều nói rằng tôi không thể băng qua Mông Cổ theo cách như vậy, đi bộ cả chặng đường dài, qua núi cao, sa mạc mênh mông và những thảo nguyên ngút ngàn. Trước đây chưa từng có ai làm được điều này. Đó là một điều không thể, ai cũng nói vậy cả. Nhưng có đúng thế không?
Không. Nếu tôi có thể đi thêm 100 mét nữa, tôi sẽ lại nghỉ ngơi, và nếu cứ tiếp tục như thế, tôi sẽ đến được nơi có con người dù mất bao lâu đi chăng nữa, rồi ai đó sẽ cho tôi nước. Tôi phải tin vào điều ấy. Tôi cần phải chứng minh rằng mọi người đã sai và tôi có thể làm được điều đó – hoặc đơn giản chỉ là tôi cần phải sống. Suy nghĩ ấy tiếp thêm động lực để tôi bước tiếp. Từng cơ bắp trên người đau âm ỉ, tôi cắn răng chịu đựng nỗi đau. Cứ đi tiếp đi, tôi tự nói với bản thân, dù khó khăn như thế nào. Đầy
quyết tâm tiến về phía trước, tôi cứ cố gắng từng bước một, từng bước một.
Tôi tin rằng, chính sự can trường và sức mạnh tinh thần đã giúp tôi vượt qua những ngày gian khó ấy, biến những thứ không thể thành có thể. Những kinh nghiệm trước đó chính là nền tảng để giúp tôi vượt qua. Tôi không biết liệu mình có thể đi bộ xuyên qua Mông Cổ được hay không nếu chưa từng làm những điều tương tự. Chính những trải nghiệm trước kia đã hun đúc, tiếp thêm sức mạnh để giúp tôi sống sót.
Băng qua Mông Cổ một mình mà không có hỗ trợ, trở thành người đầu tiên làm được điều này là trải nghiệm lớn đầu tiên của cuộc đời tôi. Đó là cột mốc không thể quên của tuổi 23. Vài năm trước đó, tôi quyết định sẽ đi đến những nơi xa lạ, quăng mình đón đầu những phong ba cuộc đời, thử thách giới hạn của bản thân và trải nghiệm nhiều nhất có thể để xem điều gì là thực sự khả thi. Với tôi, đó mới chính là cuộc sống thực sự. Sau bao năm tháng sống trong một thị trấn nhỏ tại vùng Bắc Wales, được hiện thực hóa giấc mơ lớn của cuộc đời là ý tưởng tuyệt vời nhất mà tôi từng có.
PHẦN I BẮT ĐẦU
1
LẬP BẢN ĐỒ TƯ DUY VÀ TIẾT KIỆM TIỀN LÊN ĐƯỜNG
T
rời vẫn còn tối khi chuông đồng hồ lên tiếng. Bốn giờ sáng. Tôi nhanh chóng tắt báo thức, không khỏi ước ao rằng mình có thể lờ đi tiếng tít tít khó chịu kia. Nhưng
giữa căn phòng tranh tối tranh sáng, tôi thấy tấm bản đồ thế giới và hiểu tại sao mình lại dậy sớm như thế. Lật vội tấm chăn sang bên, tôi rùng mình trước cái lạnh, nhặt lấy balo và bước thật khẽ qua hành lang. Tôi không muốn tiếng răng rắc trên sàn nhà khiến cậu em Brodey tỉnh giấc. 5 phút sau, tôi mở cánh cửa sau nhà và nhảy lên xe đạp. Những cơn gió từ biển Ireland thổi qua và làn mưa như táp vào mặt tôi. Niềm hạnh phúc của mùa đông miền biển Bắc xứ Wales là đây! Cơ mà ta không nên tận hưởng nó bằng cách đạp xe tà tà được, cóng chết mất! Chẳng còn cách nào khác, tôi phóng đi thật nhanh để làm ấm cơ thể. Mỗi buổi sáng như vậy đều khiến tôi nhớ đến toàn bộ số tiền dành dụm được nhờ không mua ô tô.
Sau quãng đường 8 dặm, tôi rẽ vào một bãi đậu xe tại khu bể bơi Llandudno. Tôi khóa xe cẩn thận, đi vào khu nhà tắm, bật đèn lên và lôi ra mọi thứ tôi cần từ trong balo. Nước nóng khiến tôi thấy thoải mái, đâu đó có tiếng người đến bơi buổi sớm. Lựa một chiếc áo polo đơn giản và quần đùi, tôi đập tay chào Mat khi lướt qua cậu ta trong hành lang, sau đó tới bên thành bể bơi, bắt đầu công việc của mình. Mùi clo và mùi cơ thể người quen thuộc
khiến tôi khụt khịt mũi. Sẽ lại là một buổi sáng tẻ nhạt, nhìn những thành viên quen thuộc bơi qua bơi lại.
Những thứ lặp đi lặp lại làm tôi phát điên và dĩ nhiên tôi phải đấu tranh rất nhiều với nó. Nhưng tôi là một chàng trai trẻ có mục tiêu. 18 tuổi tôi đã có cho mình một giấc mơ và luôn dành thời gian lên kế hoạch thực hiện sau mỗi buổi đi làm về. Đó là động lực khiến tôi chọn làm việc ở hồ bơi từ 5 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Công việc này giúp tôi tiết kiệm tiền và có thời gian lên kế hoạch trong thời gian rảnh rỗi. Tôi muốn trở thành một kẻ phiêu lưu thực thụ, nhưng ở cái thị trấn nhỏ như Old Colywyn này, người ta không coi đó là lựa chọn nghề nghiệp dành cho một học sinh trung học. Chính vì vậy, tôi phải tự tìm con đường cho bản thân mình.
Cuộc sống trung học với tôi “hơi bị” vui, đến mức đôi khi thầy cô cũng lấy làm phiền lòng. Tôi không thích học, nhưng lại trân quý đời học sinh và những mối quan hệ bạn bè khi đó. Trong lớp, tôi thuộc dạng nhỏ con nhất nhưng bị liệt vào nhóm những kẻ ồn ào, khoác lác nhất. Tôi thường nghịch ngợm, lơ là và chẳng mấy khi để tâm đến mấy môn học mình không hứng thú. Nói chung là một thiếu niên điển hình với một cuộc sống vui vẻ, chẳng bận tâm đến tương lai.
Thú thật thì tôi không nghĩ mình là một đứa trẻ nghịch ngợm, nhưng mà tôi thích mạo hiểm. Một lần khi đang đua xe đạp xuống phố, một chiếc ô tô đâm sầm khiến tôi ngã nhào. Lần khác, tôi bị ngã gãy xương cổ, chấn thương có lẽ đã nhẹ hơn nếu tôi đội mũ bảo hiểm nhưng hồi đó tôi ghét đeo mũ bảo hiểm vì trông nó cứ ngớ ngẩn thế nào. Có lần tôi cố thực hiện một pha nhào lộn nhưng kết quả là ngã dập mặt. Tôi cảm thấy răng của mình mẻ một miếng và ngồi dậy như không có gì rồi nói với thằng bạn: “Đừng kể với mẹ tao, bà ấy sẽ không biết đâu”.
Nó cười: “Mày không có lựa chọn đâu, mẹ mày sẽ nhận ra ngay, tự soi gương đi”.
Soi mình vào gương xe ô tô, tôi thấy mặt mình đầy vết thương, máu chảy be bét.
Cuối tuần và những kỳ nghỉ lễ, tôi thường dành cả ngày để chơi bóng đá, tennis, đạp xe leo núi hay đi cắm trại gần nhà: Những ngọn núi thuộc vườn quốc gia Snowdonia chỉ cách nhà tôi một quãng. Ở đó có những vạt rừng phủ kín sườn đồi và cả một bãi biển trải dài. Tôi thích chơi thể thao, môn gì cũng được, và có khi thích đến phát cuồng. Tôi từng thi đấu cho đội tuyển Wales trong đội hình chạy băng đồng. Bố từng mua một chiếc máy tập gym đa năng và máy tập chạy khi tôi mới 14 tuổi để tôi có thể nâng khối lượng tập luyện của mình. Sau một hồi mày mò nghiên cứu và đọc trên Internet, tôi nhận ra việc tập luyện sử dụng chính trọng lượng cơ thể tốt hơn là dùng dụng cụ, máy móc.
Một lần khi tham gia chương trình Giải thưởng công tước xứ Edinburgh tại trường, chúng tôi phải đi tình nguyện tại trạm cứu hỏa. Nhóm chúng tôi có khoảng 25 người và những nhân viên cứu hỏa đã đưa ra cho mọi người thử thách chống đẩy, kéo xà đơn, gập bụng ngồi, để xem ai là người có thể làm nhiều nhất trong thời gian quy định. Thú thật thì tôi không phải đứa to con nhất trong nhóm nhưng tính hiếu thắng trong người tôi bị đánh thức, adrenaline dâng trào và tôi như con bò mộng quyết tâm nỗ lực hết mình vào cuộc chơi này. Khi tiếng còi báo hiệu kết thúc vang lên, tôi thở dốc với gương mặt đỏ gắt, cúi gập người để gắng lấy từng hơi thở. Tim tôi đập thình thịch. Chúng tôi xếp thành hàng, đợi chờ kết quả được thông báo.
“Và giải nhất thuộc về... Ash Dykes!”. Haha, không ngờ một cuộc thi có thể thúc đẩy con người ta thể hiện tuyệt vời đến thế.
Niềm đam mê đối với thể thao và các hoạt động ngoài trời được khơi dậy sớm như vậy có lẽ là nhờ bố mẹ tôi cũng thích các hoạt động này. Hồi mới 11 tuổi, tôi và bố thường đi chạy bộ. Sau quãng đường chạy 5 dặm lên rồi xuống sườn đồi, trong khi bố đã quá mệt thì tôi vẫn tràn trề năng lượng, đấm đá vào đám lá và tự nói luyên thuyên một hồi. Cùng với chị gái Tash, gia đình tôi từng có vài kỳ nghỉ ở nước ngoài, những chuyến đi tới Lanzarote, tới Mỹ, Canada. Không phải kiểu khách du lịch cứ quanh quẩn mãi ở bể bơi suốt cả ngày, bố mẹ thường thuê một chiếc ô tô và đưa chúng tôi đi thăm thú, tham gia hết hoạt động này tới hoạt động khác. Cả nhà từng có kỳ nghỉ đông vui vẻ tại Lapland – trượt tuyết, lái xe trên tuyết, trượt ván, ngồi xe kéo bởi chó husky hay tuần lộc. Vì thích những thứ đầy mạo hiểm nên mấy trò ở Mỹ như tàu lượn trên cao luôn là thứ khiến tôi mê nhất.
Sau khi hoàn thành kỳ thi GCSE1, tôi không biết mình muốn làm gì tiếp theo. Bố mẹ tôi không phải mẫu người áp đặt “con phải làm thế này hay con phải làm thế kia”. Thực ra họ rất tuyệt. Tôi có được sự tự do trong khuôn khổ và những định hướng từ bố mẹ để không chọn sai con đường. Họ muốn tôi học tiếp nhưng cũng cho tôi lựa chọn: Chỉ dừng ở chứng chỉ A2 hoặc học lên đại học. Tất nhiên, tôi chọn học lên đại học và trước đó sẽ đăng ký chương trình 2 năm về giáo dục hoạt động ngoài trời tại Viện BTEC3 quốc gia – chương trình đảm bảo cho tôi có những trải nghiệm thực tế nhiều hơn thay vì chỉ cắm đầu vào sách vở.
1. Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông tại Anh (tương đương với hết cấp 2 ở Việt Nam).
2. Tương đương với tốt nghiệp cấp 3 ở Việt Nam.
3. Chương trình đào tạo tương tự như các khóa dự bị vào các bậc học cao hơn như cao đẳng, đại học,... Khóa học tập trung vào các
môn học rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thực tế.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bài kiểm tra đầu vào, tôi phát hiện ra rằng mình không đủ điểm để theo học. Trưởng khoa nói rằng ông ấy thấy tôi có khá nhiều thành tích hoạt động ngoài trời dù còn trẻ như vậy nên đã phá lệ một lần. Tôi sướng rơn người và quyết không để ông phải thất vọng. Dù có khá nhiều bài giảng lý thuyết, chương trình học cũng có đầy những buổi tập huấn ngoài trời mà tôi cực kỳ thích thú – leo núi đá, leo núi mùa đông, nhận biết dấu hiệu lở tuyết, chèo thuyền kayak và cano.
Nhiều đứa cùng khoa với tôi có những món đồ thể thao chống thấm nước cực xịn. Khi đám đó nhìn thấy tôi trong chiếc áo khoác Adidas chỉ “chống được mưa phùn”, chúng đều bảo: “Mặc cái này thì mày sẽ “thấm” dữ lắm đấy. Áo này chỉ nên mặc trên sân bóng thôi, chẳng phải thứ để leo núi và càng không phải cho mùa đông”. “Quan trọng là cái đầu cơ”, tôi nói rồi cười lớn, trong bụng thầm coi đó là một thử thách để chứng minh rằng chúng nó đã sai. Một lúc sau đó, khi cơ thể đã ngấm nước và run lên vì lạnh, tôi bấm bụng tỏ vẻ can đảm như thế mọi thứ đều ổn, ấm và khô ráo... Đám đó chắc tin thế thật. Và điều ấy đã khiến tinh thần phiêu lưu của tôi còn tăng cao hơn bao giờ hết.
Bẵng một cái đã hết hai năm, mọi người bắt đầu suy tính sẽ làm gì tiếp theo. Lại là một khoảng thời gian để đưa ra quyết định. Một số muốn tham gia lực lượng không quân hoặc quân đội, số khác thì muốn tiếp tục học đại học rồi mai sau làm công tác giảng dạy. Tôi thì chẳng biết mình muốn gì nữa, nhưng chắc chắn là tôi đã chán ngấy các lớp học và cũng chẳng có ý định nhồi cuộc đời mình vào cái khuôn của cuộc sống bình thường. Tôi không muốn một tuần năm ngày xoay vần với công việc từ sáng tới tối, chỉ thực sự sống vào cuối tuần và nhìn đời trôi cho đến khi chết. Dù chỉ mới 17 tuổi, tôi đã cảm nhận được cuộc sống
này quá thể ngắn ngủi và thực sự muốn dùng quãng thời gian quý giá đó của bản thân để trải nghiệm nhiều nhất có thể. Tôi ước mình có thể làm được một điều gì đó khác hơn. Sống không chỉ nên dừng ở tồn tại. Gia nhập quân đội thì nghe cũng thú vị nhưng tôi tin mình có thể thử thách bản thân hơn nữa – một điều gì đó hứng khởi khiến cuộc sống của tôi luôn kịch tính và đầy thách thức.
Tôi nghĩ mình là một gã mơ mộng. Mỗi tối, tôi thường miên man suy nghĩ trong những bộ phim tài liệu về thế giới hoang dã và những bộ lạc ở nơi xa xôi khuất nẻo. Có cả một thế giới rộng lớn ngoài kia đang chờ tôi khám phá mà những gì tôi biết thì quá ít ỏi. Tôi luôn mơ về một ngày có những chuyến chu du mạo hiểm nước ngoài, đơn giản là khám phá một quốc gia xa lạ nào đó, học cách sống của người bản địa, thử thách bản thân với những hành trình mới cùng vô số khó khăn và nguy hiểm. Chỉ như vậy tôi mới có thể cảm thấy bản thân phát triển. Phải quăng mình ra ngoài thế giới mới khiến con người tôi trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn được.
Tôi cũng có niềm tin lớn vào những trải nghiệm. Tôi có thể dành hàng giờ để nghe một ai đó nói về những nơi họ đã đi qua hay việc họ đã làm. Những con người đạt được vô vàn điều to lớn bất chấp mọi nghịch cảnh luôn là nguồn cảm hứng cho tôi – những người luôn giữ niềm tin và thành công trên muôn nẻo đường đời, những vận động viên hay bất cứ ai chạm tới đỉnh cao trong mọi lĩnh vực họ tham gia.
Thể thao thực sự có thể đem đến sức mạnh tinh thần lớn lao. Những giờ tập luyện vất vả luôn khiến đầu óc tôi thực sự thư thái, giúp tôi có niềm tin vào mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng, đi du lịch còn tuyệt vời hơn cả vậy. Không có giới hạn, không có huấn luyện viên bên cạnh nhắc nhở tôi phải làm gì: Tôi phải tự lo
cho cuộc đời mình. Chỉ cần nghĩ đến sự tự do, sự giải phóng khỏi những giới hạn hay những điều lặp đi lặp lại nhàm chán là tôi lại thấy hưng phấn. Khi bạn đi du lịch, mỗi con đường đều khác biệt. Sẽ có những giây phút hiểm nguy, thậm chí ngàn cân treo sợi tóc nhưng tôi đã sẵn sàng đối mặt với chúng. Mà dù cho tôi có sẵn sàng hay không đi chăng nữa, trải nghiệm và sai lầm chính là bài học tốt nhất để tôi có thể trưởng thành. Sự cố gắng để không lặp lại một sai lầm đến lần thứ hai cũng là một cách học rất tốt. Là một vận động viên, đôi khi bạn vẫn nằm trong vòng an toàn của bản thân – không phải lo nghĩ về chế độ ăn uống, có người khác đốc thúc thời gian tập luyện. Còn tôi thì luôn muốn có thể tự mình chuẩn bị mọi thứ, chịu trách nhiệm với chính mình và không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân.
Nghe thì có vẻ đầy hứng khởi và tự tin, nhưng nó cũng không thực sự khả thi lắm. Chặng đường đại học của tôi mới được một nửa, tôi mới mua một chiếc ô tô và “tút tát” chút chút, thế thôi mà cũng ngốn cả bộn tiền. Trong khi đó tôi vẫn còn đang làm bồi bàn để cố kiếm 3-4 bảng mỗi giờ. Với cái mức lương như thế thì chắc còn lâu tôi mới tích góp đủ tiền để bắt đầu biến giấc mơ thành sự thật. Có quá nhiều thứ cần thay đổi nếu tôi thực sự muốn làm. Nghe thì hay mà thực sự lại ngớ ngẩn và chẳng khả thi chút nào. Nhưng càng nghĩ về nó, tôi lại càng muốn thực hiện. Một ngày vào năm cuối đại học, trước khi đi làm, tôi nán lại nói chuyện một chút với bố về kế hoạch của mình.
Bố tôi là một người tuyệt vời. Ông giống như anh trai của tôi hơn khi chúng tôi thường xuyên nói chuyện và cười đùa vui vẻ. Sau khi nghe tôi trình bày, ông thực sự thích ý tưởng ấy. Chúng tôi ra ngoài sân, trên tay là bút và giấy. Đó là một ngày hè oi bức. Cậu em Brodey 3 tuổi đang ngồi trong bóng râm chơi với đám cỏ khi mẹ tôi đang làm vườn. Tôi và bố ngồi trên ghế, vẽ ra hàng loạt những ý tưởng, cùng ấp ủ một kế hoạch.
Tôi hiểu bố mẹ mình không phải kiểu phụ huynh nuông chiều con, thoải mái vứt cho tôi một đống tiền rồi tôi muốn làm gì thì làm. Thực ra, họ cũng không có nhiều tiền để cho tôi. Bố tôi từng làm nhiều công việc, từ chuyên viên tư vấn tài chính, tư vấn vay thế chấp nhà cho tới quản lý cửa hàng. Còn mẹ thì làm dược tá bán thời gian tại một phòng khám (nhờ vậy nên trong nhà tôi lúc nào cũng sẵn đồ cứu thương). Ngoài ra, bà còn làm tình nguyện viên cho đường dây nóng hỗ trợ trẻ em cho tổ chức chống bạo hành trẻ em quốc gia. Tôi biết họ luôn làm việc chăm chỉ, dành thời gian chăm sóc cho Brodey, trước đó là tôi và chị Tash.
Bố mẹ luôn ở đó mỗi khi tôi cần họ, nhưng cả hai người không muốn tôi quá phụ thuộc khi không thể tự mình giải quyết việc; họ đã cố nuôi dạy tôi trở thành người có thể tự giải quyết vấn đề của bản thân. Tôi biết bố mẹ luôn luôn ủng hộ, sẵn sàng lắng nghe, giúp tôi có định hướng nhưng dần dần, họ khiến tôi hiểu ra rằng nếu tôi muốn có thứ gì, tôi phải nỗ lực để có nó. Không ai bày thức ăn lên đĩa sẵn cho bạn thưởng thức cả.
Những dòng ý tưởng cứ tuôn tràn trong đầu tôi và bố, đủ để chúng tôi vẽ ra cả một bản đồ tư duy. Nó đơn giản như một cái mạng nhện bày ra trên trang giấy: Cụm từ “Du lịch thế giới” được vẽ ở giữa rồi tỏa đi các hướng những dòng chữ khác với đủ kế hoạch, như thể là những con đường giúp tôi đạt được mục tiêu. Mỗi con đường nhỏ có những ô tròn nhỏ, nơi tôi viết ra tất cả những điều tôi muốn, từ điểm đến cho đến thời gian. Và mọi thứ tôi phải lên kế hoạch, từ xin visa cho đến tiêm phòng vaccine.
Tôi chia nhỏ kinh phí ra thành các phần, từ đó tính ra tôi sẽ tiết kiệm bao tiền một tháng rồi nhẩm tính ngày mà tôi có thể bắt đầu cuộc hành trình. Tôi sẽ bắt tay viết một chuyên mục “kỹ năng cần thiết để đi nước ngoài”, có lẽ nó sẽ giúp tôi kiếm chút tiền trong khi đi du lịch.
Sau đó, tôi dán kế hoạch trên tường trong phòng ngủ, đính bên cạnh là tấm bản đồ thế giới, ở giữa là chiếc huy hiệu mà bạn tôi tặng với khẩu hiệu: “Ai dám làm là kẻ chiến thắng”.
Tôi quyết định rằng mình cần khoảng 10-12.000 bảng để đủ tiền đi du lịch trong một thời gian dài. Thay vì cứ nhìn vào khoản tiền lớn ấy, nếu tôi có thể chia nhỏ mục tiêu của mình ra và từng bước giải quyết, tôi sẽ tới được gần mục tiêu cuối cùng hơn. Trước đó, tôi đã lỡ chi tiêu quá nhiều vào ô tô, thuế, kiểm định xe, xăng, nên tôi quyết định bán nó đi, mua lấy một chiếc xe đạp và bắt đầu đạp xe nhiều hơn. Bước một: hoàn thành!
Công việc phục vụ với vài bảng một giờ xem chừng không đem tôi đi được bao xa. Chính vì thế, tôi quyết kiếm một chứng chỉ cứu hộ trong kỳ nghỉ hè trước khi năm hai bắt đầu để có thể nghĩ cách kiếm nhiều tiền hơn. Mọi người nói rằng lương lậu cho công việc này khá hậu hĩnh. Sau khi đã vượt qua bài kiểm tra, tôi có ngay một chỗ làm tại trung tâm bơi lội Llanduno chỉ trước sinh nhật 18 tuổi của tôi vài ngày. Với tôi, ca làm nào cũng được, miễn là có việc.
Tôi làm miệt mài ngày đêm, khoảng 200-250 giờ/tháng. Tôi đạp xe đến chỗ làm từ tờ mờ sáng sau khi khẽ khàng rời khỏi nhà để không đánh thức em trai dậy, mà nếu nó không bị thức giấc thì bố mẹ tôi có thể tiếp tục ngủ ngon. Ở chỗ làm, việc chỉ ngồi nhìn người ta bơi ngược bơi xuôi cả ngày khiến tôi thấy chán ớn nhưng vẫn phải dán mắt vào họ. Tôi từ chối mọi cuộc đi chơi buổi tối vì không muốn lãng phí tiền dành dụm để đi du lịch. Thực ra tôi cũng khá quy củ và nghiêm khắc với bản thân; thay vì đi đến mấy quán rượu với đám bạn, tôi thà ở nhà lên kế hoạch du lịch và tập luyện còn hơn.
Mùa hè dần qua đi, bức tường trong phòng tôi không chỉ có một tấm bản đồ tư duy mà còn tràn ngập những tấm hình về nơi mà
tôi muốn đặt chân đến hay những câu trích dẫn đầy cảm hứng. Tôi thực sự tâm đắc với những thứ như Quy luật Hấp dẫn: Nếu chúng ta tập trung vào một thứ gì, nó sẽ tìm đến cuộc đời ta; thay vì ngập trong những suy nghĩ tiêu cực, hãy hình dung ra viễn cảnh về những điều bạn thực sự muốn nó xảy đến trong cuộc đời mình và suy nghĩ tích cực lên. Tôi muốn đẩy bản thân đi xa hơn để biết rằng mọi điều đều là có thể.
Đám bạn của tôi không hiểu được những điều này. Một trong mấy đứa bạn thân nhất có treo vài tấm poster phim Gia đình Simpson hay giải đấu vật trên tường phòng ngủ của nó. Nghĩ lại thấy chúng tôi khác nhau quá thể, nhưng chắc vì thế mà chơi với nhau lâu được. Khi tôi nói với nó rằng tôi muốn bước trên Vạn Lý Trường Thành một ngày nào đó, nó làm bộ gãi đầu rồi nói: “Rồi sao nữa, rồi mày làm gì sau đó, khi mày trở về?”. Đấy không phải một mục tiêu cuộc đời trong mắt nó, vì nó muốn một cuộc đời thoải mái, sung túc. Cũng tốt thôi, chỉ là không phải thứ tôi muốn. Cảm hứng đến với cuộc đời tôi từ những thứ khác cơ.
Có lẽ tôi dành quá nhiều thời gian trong ngày ở bể bơi nên dần dà tôi cũng thấy mấy người cùng làm cứu hộ tại bể bơi khá vui vẻ, thế là tôi bắt đầu chơi với họ nhiều hơn. Họ biết tôi đang cần càng nhiều tiền càng tốt và sẵn sàng làm thêm, nên thỉnh thoảng sau ca làm buổi sáng, tôi đạp xe về nhà, họ sẽ gọi lại. Về cơ bản là tôi sẽ lại è cổ đạp xe quay lại, làm thêm một ca nữa. Kể ra cũng vui, cả đám lại cười đùa, đẩy nhau xuống bể bơi, kiếm xem có gì làm cho qua ngày.
Ngày đầu tiên tôi nói chuyện với Mat cũng kiểu như vậy. Cậu ấy làm cùng ca trực với tôi. Đó là một buổi chiều yên ả, nhiệm vụ của cả hai chỉ là để ý đến người bơi duy nhất đang lặn ngụp cùng chiếc mũ bơi của cô ấy. Tôi bắt đầu càm ràm về những quy tắc an toàn và sức khỏe mới được ban bố. Quản lý vừa mới dán một
thông báo trên bảng trong phòng nhân viên, bảo rằng chúng tôi không được phát những chiếc phao bơi cho trẻ em nữa.
“Cậu tin được không? Sao lại có thể lý luận cái kiểu: nếu đứa nhóc nào đó đặt cái phao dưới nước, nó có thể trồi lên bất ngờ và đập vào mặt tụi nhỏ. Lũ trẻ có thể bị thương chỉ vì một cái phao nhựa! Buồn cười! Nghe thì an toàn đấy nhưng nó cũng chẳng tốt...”
Mat nhìn tôi chằm chằm khi tôi phàn nàn. Chẳng nói năng gì, cậu ta lấy một cái phao thử ném nhẹ vào mũi mình rồi đảo đảo mắt, giả vờ bị ngất, cố cường điệu mọi thứ có thể. Chúng tôi cùng phá lên cười.
“Ý tớ là chẳng cần thiết phải có một tấm biển “Cẩn thận kẻo ngã” nào trên bậc cả. Ai chẳng đọc được mấy cái chữ đấy. Phải vấp ngã vài lần thì may ra mới có được bài học cho bản thân.”
Nghiêm túc mà nói, tôi chúa ghét đủ thứ nguyên tắc, đặc biệt là mấy cái quy định an toàn và sức khỏe yêu cầu chúng tôi không được phép làm quá nhiều ca, cấm cả việc cười đùa hay nghịch ngợm đẩy đám đồng nghiệp xuống bể bơi. Nhờ thời gian rảnh rỗi đó, tôi mới nói chuyện được với Mat. Cậu ấy hơn tôi một tuổi, chúng tôi từng làm hàng xóm của nhau trong năm cuối trung học. Thú thật, tôi chưa bao giờ thực sự bắt chuyện với cậu ấy vì dù sao cũng học khác khóa. Mat có vẻ rụt rè và trầm tính với cuộc sống kín đáo nhưng ẩn chứa nhiều điều thú vị. Những gì tôi biết về cậu ta chắc chỉ có vậy.
Cái tên Mat chỉ khiến mọi người chú ý nhiều hơn sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà cậu trải qua năm 18 tuổi. Sau vụ tai nạn giữa hai xe ô tô, cậu là người sống sót duy nhất khi hai người bạn cùng trên xe cùng người tài xế ở chiếc xe còn lại đều tử nạn. Người ta tìm thấy Mat trên ghế sau và phải mất một lúc lâu,
đội cứu hộ mới có thể phá cửa để đưa cậu ra ngoài. Ngoài chiếc chân bị gãy, sức khỏe của Mat hoàn toàn ổn. Cậu ấy đã phải nghỉ mất vài tuần mới hồi phục được sức khỏe. Nghe tin về vụ tai nạn, ai cũng bàng hoàng.
Lại nói về cuộc trò chuyện của chúng tôi, Mat có đề cập tới chuyên ngành hoạt động ngoài trời mà tôi đang theo học. Tôi kể cho Mat tường tận và cậu ấy hỏi:
“Vậy sao cậu không chọn con đường làm một huấn luyện viên hoạt động ngoài trời?”
Chỉ chờ câu hỏi kiểu vậy, tôi tuôn ra một tràng như con đập mở van xả nước về những ý tưởng điên rồ nhất ấp ủ bấy lâu cho chuyến du lịch. Sự nhiệt thành của tôi có lẽ đã khiến cậu ấy lung lay. Mat nói rằng mình cũng từng nghĩ tới việc nghỉ việc để đi du lịch. Cậu ấy cũng không ngại nếu được theo cùng. Thú thật thì tôi chưa nghĩ tới việc sẽ đi cùng một người bạn, lại còn là Mat, người mà tôi mới quen biết gần đây. Tôi không chắc liệu chúng tôi có hợp nhau không nữa. Thực ra thì cũng chẳng mất nhiều thời gian để chúng tôi chơi với nhau thân thiết và cái ý tưởng về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm điên rồ ấy khiến cậu ta vô cùng hứng khởi.
Vụ tai nạn cách đây không lâu đã khiến Mat thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống khi cậu ta nhận ra rằng mọi thứ có thể biến mất chỉ trong tích tắc. Điều ấy đã thôi thúc Mat quyết tâm lên đường và sống cuộc đời thực sự ý nghĩa sau khi đã được trao cơ hội sống thứ hai. Cậu nhận ra rằng cuộc sống này đáng quý biết nhường nào và điều quan trọng là ta được làm những điều khiến bản thân cảm thấy thực sự được sống, những điều ta vô cùng trân trọng.
Chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn để trao đổi ý tưởng và lên kế hoạch. Chỉ cần lật qua những trang tạp chí, nghĩ về những điểm đến trong cuộc hành trình hay vô số điều mà chúng tôi sẽ thực hiện đã khiến cả hai vô cùng hào hứng: Nhảy bungee cao nhất thế giới, học lướt sóng, tập thử môn võ nào đó hay học những kỹ năng sinh tồn từ một bộ lạc,... Ý tưởng cứ thế tuôn ra và chúng tôi chẳng bao giờ phản bác nhau theo kiểu: “Không, tớ không thích nó lắm...”. Chúng tôi thích thú với mọi ý tưởng và tôi biết chắc rằng, Mat sẽ là một người bạn đồng hành tuyệt vời.
Dần dần, những kế hoạch cho chuyến du lịch trở thành một phần cuộc sống, đến mức chúng tôi như bị ám ảnh bởi nó, bằng tất cả sự quyết tâm và nỗ lực. Đi kèm với đó là những khoảnh khắc chúng tôi thực sự thấy vui vẻ sau mỗi cuộc trò chuyện và bày ra đủ trò chơi khăm nhau. Một ngày sau khi tan ca làm, chúng tôi ngược chiều gió đạp xe về nhà. Đến một đoạn đường rẽ 2 lối, tôi nói với Mat: “Cậu đi bên trái, tớ rẽ bên phải”. Tôi nghĩ rằng cậu ấy biết thừa bị tôi lừa nhưng hóa ra không phải. Mat đồng ý và lao xuống con dốc. Đạp xe trên con đường kế bên mà tôi cười chảy cả nước mắt vì biết rằng, cuối con dốc ấy là điểm đầu của bậc cầu thang dài vô cùng. Rốt cuộc, cậu ấy phải vác cả chiếc xe đạp lên bậc thang đầy khó nhọc, vừa đi vừa gào vào mặt tôi. Cũng từ mấy vụ chơi khăm ra trò ấy mà chúng tôi ngày càng thân thiết hơn.
Mat cũng vô cùng quyết tâm với hành trình này và khi chứng kiến cường độ tập luyện của tôi – chạy, đạp xe đạp, đấm bốc, chạy leo đồi cũng như các bài tập thể hình như chống đẩy, hít xà, gập bụng, cậu ấy cũng muốn thử thách sức chịu đựng của bản thân hơn. Ban đầu, Mat có phần dè dặt với việc tập thể lực nhưng nhờ sự huấn luyện của tôi, kỹ năng của cậu ấy ngày càng được cải thiện, cả về thể chất và tinh thần. Sự thôi thúc trong chúng tôi
ngày càng mãnh liệt và cả hai tin rằng một khi đã nỗ lực hết mình thì không gì là không thể.
Ban đầu, bố mẹ Mat có phần e dè về kế hoạch du lịch tới tít bên kia bán cầu của cậu con trai – có lẽ cũng một phần nguyên nhân vì vụ tai nạn kinh hoàng mà cậu may mắn sống sót. Họ thuộc về một thế hệ khác và những điều chúng tôi vẽ ra khiến bố mẹ Mat hơi hoang mang. Mat phải thuyết phục bố mẹ, ban đầu chỉ nói đi ngắn ngày rồi dần dần mới tiết lộ kế hoạch dài hơi của hai đứa. Khi họ nhìn thấy ngọn lửa quyết tâm cháy lớn trong lòng cậu con trai, cả hai cũng đồng ý và ủng hộ kế hoạch của Mat.
Về phần bố mẹ tôi, cả hai đều đã biết về kế hoạch này cũng như cùng tôi phác họa nên những bước đầu tiên, vì thế họ hiểu rằng, tôi sẽ làm mọi thứ một cách cẩn thận. Mẹ tôi thoạt đầu cũng lo nhưng tôi và mẹ có sợi dây liên kết tinh thần vô cùng mạnh mẽ. Mẹ luôn sẵn sàng giải thích cho tôi mọi điều, giữ cho tôi có cái đầu tỉnh táo và bình tĩnh. Là một phần của cả hành trình tôi đã đi qua, mẹ cũng quá quen thuộc với mọi ý tưởng, háo hức và hào hứng lên đường như thể đó là cuộc hành trình của bà vậy. Mat và tôi đã lên kế hoạch cho bốn năm tới, du lịch và làm việc, và nếu muốn, thỉnh thoảng chúng tôi có thể trở về nhà.
Suốt một năm dài đằng đẵng, chúng tôi cố gắng làm nhiều ca nhất có thể cũng như sắp xếp để có thời gian làm cùng nhau. Trong những ca làm việc chung, cả hai lại say sưa với vô vàn ý tưởng, khuyến khích, động viên nhau. Có lẽ vì thế, chúng tôi ngày càng khăng khít hơn bao giờ hết. Tôi cũng nhận ra rằng, thay vì phải về nước khi hết tiền du lịch, tôi có thể tìm một công việc ở nước ngoài để kiếm tiền trang trải tiếp. Ngoài kia là đầy rẫy những cơ hội và mọi thứ không chỉ gói gọn trên hòn đảo nhỏ chúng tôi đã sống gần 20 năm cuộc đời. Ban đầu, Mat và tôi tính làm người hướng dẫn trượt tuyết. Tuy nhiên, chi phí đào tạo
cũng không rẻ nên cả hai đã đổi sang hướng làm người hướng dẫn lặn. Suy đi tính lại, với 75% diện tích thế giới là nước, các thành phố lớn lại tập trung nhiều ở ven biển, không khó để chúng tôi có thể kiếm được công việc ngon nghẻ tại châu Á, châu Úc hay bất cứ đâu nếu thông thạo môn lặn.
Chúng tôi tìm thấy một trung tâm dạy lặn ở Chester, nước Anh, cũng không xa nhà là bao. Hoàn thành khóa học, chúng tôi sẽ có chứng chỉ lặn cơ bản, nâng cao và thợ lặn cứu hộ. Sau đó, bạn cũng cần đến chứng chỉ lặn chuyên nghiệp để có thể trở thành một huấn luyện viên dạy lặn. Chúng tôi cần thực hiện 60 lần lặn trước khi có thể bắt đầu làm việc. May mắn thay là việc ấy có thể làm trong thời gian đi du lịch. Một khi bạn đã có đủ trình độ và bằng cấp, việc kiếm tiền khi đi du lịch cả năm trời cũng không quá khó khăn.
Dù chưa bắt đầu hành trình, chúng tôi đã phải ngốn một mớ tiền tiết kiệm cho mấy buổi học lặn tại cái hồ nước lạnh lẽo, xám xịt này. Những thợ lặn người Anh từ lâu đã có tiếng thuộc hàng giỏi nhất thế giới, một phần là vì điều kiện tập luyện khắc nghiệt mà họ phải trải qua. Nhưng kể ra, nó cũng sẽ giúp chúng tôi sẵn sàng với bất kể tình huống nào.
Môt ngày mùa đông lạnh lẽo và ảm đạm, chúng tôi có bài tập lặn sâu đầu tiên trong khóa học nâng cao tại khu hồ Dorothea, Llanllyfni. Đây từng là một mỏ đá lớn nằm trong thung lũng Nantlle, được khai thác hết công suất từ những năm 1820 đến 1970 trước khi mưa và nước lũ nhấn chìm nó. Nếu có ai nói đó là một cái hồ tự nhiên cũng được; bao quanh hồ là những vách đá xám ngắt, những bụi cây ken dày đặc và cả một khoảng rừng kéo tít tắp theo những rặng đồi. Quả thật sự lạnh lẽo, tăm tối của một ngày đông khiến không khí nơi này trở nên não nề hơn. Cái ớn rợn còn phảng phất khi tôi biết được rằng đã có vài thợ lặn bỏ
mạng tại vùng nước đen ngòm này cách đây hai tuần. Thực tế thì, suốt hơn hai thập kỷ qua, vùng hồ này đã chứng kiến hàng chục người tử nạn. Cái tên hồ Dorothea từ lâu đã gắn liền với sự tối tăm và lạnh giá nên việc đi lặn tại đây mà không có người giám sát bị phản đối dữ dội. Nhưng suy cho cùng, đây là một nơi hoàn hảo để tập luyện cho các huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Chúng tôi mặc bộ đồ lặn, khoác lên mình bình dưỡng hỗn hợp khí ô-xi và ni-tơ. Huấn luyện viên cho chúng tôi một bài kiểm tra toán viết trên tấm bảng trắng và được buộc vào thiết bị kiểm soát nổi nên chúng tôi vẫn có thể làm bài dưới đáy sâu. Rùng mình vì cái lạnh, chúng tôi lặn sâu xuống tới hơn 30 m. Không mất quá lâu để tôi hiểu “say ni-tơ” thực sự như thế nào. Đó là một cảm giác hơi chóng mặt, nôn nao khi bạn hít vào một loại khí trong điều kiện áp suất lớn, đi kèm với đó là cái lạnh thấu xương của đáy hồ khiến não và khả năng suy nghĩ của bạn bị chậm lại, như khi bạn bị tiêm thuốc gây mê vậy. Chúng tôi làm một bài kiểm tra toán thứ hai, chắc mẩm là sẽ chậm hơn lần đầu. Tôi nhìn xung quanh và phía trên đầu: Từ sâu dưới lòng hồ, mọi thứ trông thật kỳ vĩ đến ngỡ ngàng. Tôi lẩm bẩm trong bình dưỡng khí “Chết tiệt”. Ai cũng nói rằng lặn với bình dưỡng khí sẽ đem đến cho bạn cảm giác giống như ở ngoài không gian nhất và lúc đó, tôi thấy mình lơ lửng như một phi hành gia vậy.
Vậy là cũng xong khóa học nâng cao.
Thời gian rảnh, chúng tôi cũng phải chạy đôn đáo để lo các thủ tục visa cũng như tiêm vaccine, đặt vé máy bay, quản lý tài chính, liên lạc với một vài người. Tự mình lo liệu hết những việc đấy khiến tôi cảm giác mình đã trưởng thành được phần nào, dù chúng cũng cỏn con thôi. Mọi thứ xảy đến bất ngờ thật. Hơn hai năm trôi qua kể từ ngày ý tưởng đó nhen nhóm trong đầu tôi, ròng rã chuẩn bị và tiết kiệm suốt 18 tháng, Mat và tôi đã mua
khá đầy đủ những thiết bị cần thiết và sắp xếp mọi thứ. Cuối cùng cả hai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Một ngày hè oi ả, chúng tôi tổ chức một buổi tiệc chia tay nhỏ, đám bạn thân và mọi người gia đình đều đến chúc mừng. Chưa gì tôi đã thấy nhớ nhà rồi nhưng chắc chắn tôi sẽ liên lạc cho bố mẹ thường xuyên. Đã đến lúc, tôi và Mat bước ra ngoài thế giới bao la và bắt đầu hành trình lớn của đời mình.
2
HÀNH TRÌNH LANG BẠT TỪ CHÂU Á TỚI CHÂU ÚC
C
on ngõ hẹp rực rỡ trong ánh sáng lung linh của hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ, ngay hàng thẳng lối trước những gian hàng với vô vàn tấm biển quảng cáo viết bằng thứ
ngôn ngữ mà chúng tôi chẳng tài nào hiểu được. Dưới ánh đèn rực rỡ, những người bán hàng mặc tạp dề đỏ chào mời khách, tây tàu đủ cả: “Xin chào! Xin chào! Mua gì không...?”. Chúng tôi cố nhích qua con ngõ nhỏ đông đúc, ken đặc người ấy rồi thấy mình đang đứng trước một hàng bán thịt xiên nướng đầy màu sắc, cố gắng tìm món bọ cạp xiên que – một món ăn đường phố nổi tiếng mà chúng tôi chưa một lần được tận mắt nhìn thấy.
Chợ đêm Donghuamen nằm tại khu Wangfujing, thành phố Bắc Kinh, được biết đến như thiên đường của vô số những món ăn độc đáo, có phần hơi dị với du khách. “Náo nhiệt lắm đấy!” – đó là lời quảng cáo của một gã người Mỹ cùng nhà nghỉ với chúng tôi. Dĩ nhiên, chúng tôi phải tới xem thử nó ra sao rồi.
Chúng tôi cảm thấy ngỡ ngàng khi đặt chân tới một thành phố lớn và nhộn nhịp như Bắc Kinh, Trung Quốc. Địa điểm đầu tiên trong cuộc hành trình này cũng là nơi xa nhất mà tôi từng đến. Bạn cứ hình dung ra hai gã trai trẻ từ Bắc Wales dạt tới Trung Quốc, tóc cua cắt gọn gàng. Mat cao hơn tôi chút với mái tóc và mắt tiệp màu nâu, còn tôi lại có màu tóc vàng hơi xỉn với đôi mắt
xanh nước biển. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt cũng đủ cho thấy chúng tôi háo hức biết chừng nào. Rời sân bay, cảm giác như tôi đang lạc đến một thế giới khác. Ngoài cửa sảnh chờ là vô số tài xế đang réo gọi khách du lịch, mong kiếm được một cuốc nào đó vào trong thành phố. Mọi thứ y như giấc mơ mà tôi đã nuôi từ rất lâu. Ở cái tuổi 19, tôi cảm giác như mình đã làm được một kỳ tích khi tới được thành phố này.
Chúng tôi quyết định di chuyển bằng tàu lửa. Vừa bước ra ngoài, một hơi nóng ẩm xộc lên khiến trán hai đứa ướt đẫm mồ hôi chỉ sau vài phút. Người ta có thể nhận ra Bắc Kinh bằng những mùi hương cố hữu, hòa quyện trong không khí: mùi thức ăn đường phố, rác thải, mùi hoa, mùi thuốc lá của đám người ngồi chơi bài trước vô vàn cửa tiệm, mùi khói xe cộ và đủ thứ mùi chẳng ai biết gọi tên. Từ trong các con ngõ, những chiếc xe đạp phóng ra đường lớn, hòa cùng dòng người, luồn lách qua những chiếc ô tô. Họ bấm còi inh ỏi cả con đường, chẳng vì giận dữ hay vội vàng gì, mà đó chỉ là một thói quen.
Giống như đến Vạn Lý Trường Thành, thăm thú chợ đêm Donghuamen cũng là nơi mà mọi khách du lịch đều muốn đến. Mùi của những con côn trùng kỳ lạ chiên giòn trong chảo dầu đã đủ khiến chúng tôi thấy ớn rợn. Tuy nhiên, tôi đến đây không chỉ đơn thuần để được nhìn thấy chúng. Tôi muốn biết thịt rắn, bọ cạp hay những con nhện to oạch có mùi vị như thế nào. Tính tò mò luôn kích thích tôi thử những điều mới, khám phá và thử thách giới hạn của bản thân. Còn trẻ và đầy gan dạ, tôi chẳng ngại ngần gì với những thứ như vậy.
Chúng tôi dừng trước một quầy hàng, rợn tóc gáy với những thứ gì đó trông giống đám nhện đen sì. Sau một hồi nhiệt tình trả giá, người bán hàng liền đưa cho tôi một con nhện. Nó có vị giống như cá ngừ vậy. Thử hết đám nhện, tôi nếm cả bọ cạp. Chúng lại
y như mấy viên thịt gà bị nướng cháy. Rồi tôi thử cả rắn, dế, mấy con nhộng,... Vài người Mỹ hiếu kỳ dừng lại nhìn, họ cau mày và cười cợt. Có cả vài người Trung Quốc cũng tỏ thái độ tương tự khiến tôi rất ngạc nhiên. Giờ nghĩ lại, chắc tôi sẽ không ăn mấy thứ ấy nữa vì cảm thấy như vậy có phần không đúng đắn và tàn ác. Thực ra thì sau đó, khu chợ ấy cũng đã đóng cửa. Nhưng hồi đó, thú thật tôi lại thấy hứng khởi với những trải nghiệm điên rồ mà chỉ mất có vài bảng, giá chỉ bằng cốc bia ở quê hương tôi.
Đi dọc Vạn Lý Trường Thành là điều mà tôi đã ấp ủ từ nhiều năm nay. Việc nghĩ đến chiều dài của bức tường ấy, cũng như quy mô đồ sộ của công trình (chúng được xây dựng bởi hàng nghìn người đàn ông để ngăn cản quân xâm lăng Mông Cổ dưới triều nhà Minh), với chiều dài lịch sử hơn 2000 năm khiến tôi thấy rợn ngợp. Bất cứ khi nào nghĩ về Trung Quốc, hình ảnh Vạn Lý Trường Thành lại hiện lên đầu tiên. Tôi tự hỏi liệu một ngày nào đó, tôi có thể đi dọc hết chiều dài bức tường thành ấy không, một điều mà chưa có mấy ai làm được. Nghĩ vậy thôi chứ lúc này, tôi chỉ có thể đi được vài dặm. Tôi muốn khám phá đến những khu vực hoang sơ, bị cây cối phủ kín. Nhưng cứ lần nào chúng tôi mạo hiểm đi quá xa, hướng dẫn viên du lịch luôn gọi chúng tôi lại.
Tôi và Mat bắt đầu hành trình như mọi khách du lịch bình thường, nhưng như thế cũng vui, cả hai có cơ hội được gặp nhiều người khác nhau. Tôi sớm nhận ra rằng, cách tốt nhất để khơi dậy tinh thần phiêu lưu trong bạn là đi du lịch với chi phí thấp. Vì cũng muốn tìm cách tiết kiệm tiền tốt nhất, cả hai đã quyết định đi từ Bắc Kinh tới Thượng Hải bằng xe lửa – phương tiện giao thông rẻ nhất mà bạn có thể tìm thấy ở đây. Chúng tôi mua hạng vé thấp nhất có thể mà không để ý rằng, đấy còn chẳng phải vé ghế ngồi. Trên chuyến tàu xập xệ ấy, chúng tôi phải ngồi trên sàn tận cuối toa suốt 30 tiếng ròng rã, cạnh một cái nhà vệ sinh bị rò
rỉ nước tiểu và một cái chậu bốc mùi, được sử dụng như bồn cầu cho trẻ con hay hành khách buồn nôn.
Mùi toilet thật kinh khủng đến nỗi xả nước bao lần cũng không bay đi hết. Tôi chẳng chợp mắt được tí nào, ngồi nói đùa với Mat rằng biết thế cả hai đã nhảy khỏi tàu và mua ngay vài cái xe đạp. Thực ra, tôi và Mat không phải những người duy nhất “chịu trận” ở cái xó xỉnh này. Có vài người bản địa cũng túm tụm quanh đây, như một đám tù nhân bị nhốt chung phòng giam cùng chịu đựng một hình phạt. Nhưng bù lại, mọi người ai cũng thân thiện. Họ lôi ra từ trong những chiếc túi đựng đồ cơ man nào là bánh mì, bánh bao, xúc xích và mời chúng tôi. Dù chẳng hiểu nhau nói cái gì, chúng tôi vẫn khua khoắng ra hiệu và cười đùa vui vẻ suốt hành trình dài. Đến ga Thượng Hải, tôi và Mat bắt tay và vẫy chào tạm biệt họ rồi tiếp tục hành trình.
Ở Thượng Hải, chúng tôi lang thang khắp thành phố cùng một gã người Trung Quốc ở cùng nhà nghỉ tên Chris. Cả ba đã “quậy” một đêm tưng bừng trước khi chúng tôi quyết định đi xa hơn về phía nam đến Hong Kong, dù biết vùng đất ấy thực sự đắt đỏ. Một lần tình cờ đi ngang qua một trung tâm thương mại, chúng tôi nhìn thấy trên màn hình tivi lớn ngoài cửa chiếu quảng cáo về bộ môn lướt sóng, lướt ván và các trò thể thao mạo hiểm khác. “Tớ muốn thử một trong số đó”, tôi nói với Mat. Cuối cùng, chúng tôi quyết định tới Macau để thử trò chơi nhảy bungee cao nhất thế giới lúc bấy giờ.
Nhảy bungee chẳng rẻ tí nào nhưng tôi chưa chơi bao giờ nên đánh bạo thử một lần. Những trò chơi mạo hiểm luôn khiến tinh thần cạnh tranh của tôi sục sôi. Và nếu bạn có thể nhảy từ một tòa nhà cao tầng với độ cao 233 m xuống dưới, chắc chắn bạn sẽ vượt qua được nỗi sợ của bản thân. Chúng tôi đi thang máy lên tầng thứ 61. Để xem ai đi trước, hai đứa quyết định tung đồng xu.
Mat thua nên phải nhảy trước. Tuy vậy, nhìn thấy cậu ấy bị cột chặt vào dây rồi quay sang nhìn tôi với vẻ mặt cố cười che giấu sự căng thẳng tột độ, tôi tự hỏi không biết mình nhảy sau có phải là một điều sáng suốt không nữa. Ba, hai, một... không một giây phút chần chừ, Mat nhảy xuống. Tôi còn nghe rõ tiếng cậu ta hét, mỗi lúc một xa.
Đến lượt tôi, nhân viên kỹ thuật trang bị đầy đủ cho tôi với dây buộc chắc chắn vào hai chân. Tôi bước qua lan can và đứng trên phía rìa của tòa nhà, nhìn xuống bên dưới là những chiếc xe tải trông nhỏ như những món đồ chơi. Một cơn gió lạnh thổi qua. Sợi dây đung đưa bên ngoài tòa nhà cao tầng, nặng tới mức gần như kéo tôi ngược lại. Mat không chần chừ một phút nào trong lần nhảy của cậu ấy, nên tôi cũng không thể thua kém được. Ba, hai, một... Bungee! Tôi quăng mình vào trong không trung rồi lao xuống dưới, chỉ khoảng 8-10 giây sau là sợi dây đã bung ra hết cỡ và tôi bật trở lại một lần nữa. Từng giây của trải nghiệm đó đều vô cùng tuyệt. Thật sự hết sảy!
Ở Macau, chúng tôi có thử đánh bạc. Đấy là sòng bạc lớn thứ hai trên thế giới, được mệnh danh là Vegas của Trung Quốc. Chúng tôi chưa bao giờ chơi đánh bạc cả nên sau thời gian chật vật, cả hai chỉ thắng được một chip (dụng cụ đánh bạc trong sòng bài có giá trị khoảng 5 bảng). Lần đầu đi đánh bạc cũng khá thú vị nhưng rồi bàn nào cũng từ chối không cho chúng tôi chơi. Có vẻ như đây là nơi chỉ dành cho những con bạc nhiều tiền, ngất ngây trong âm nhạc, những màn nhảy của các vũ công và ánh sáng rực rỡ. Chẳng lấy lại được 5 bảng, chúng tôi quyết định mua bia để uống, nhắm cùng gói đậu phộng vậy là vui rồi. Nâng ly vì Trung Quốc! Hai tuần chúng tôi ở đất nước này, chủ yếu bên phía bờ đông, thực sự là những trải nghiệm rất đáng nhớ dù tôi biết rằng, mình chỉ mới ngấp nghé trên tấm bản đồ rộng lớn của Trung Quốc. Chắc chắn tôi sẽ còn quay trở lại.
Ngày hôm sau, chúng tôi lên máy bay tới Thái Lan, bắt đầu từ nơi mà mọi khách du lịch bụi đều đặt chân tới: đường Khao San tại thủ đô Bangkok. Bạn sẽ bắt gặp vô số những xe bán đồ ăn, vườn bia, hàng massage, tiệm xăm hình, hộp đêm, các thầy bói, nghệ sĩ, vài gã lừa đảo và vô số thứ linh tinh khác trên con phố này. Âm nhạc chát chúa hòa trong tiếng người đang hét lớn, cố gắng rao bán những món lạ lùng cho khách du lịch. Vì đã xem The Beach (Tạm dịch: Bãi biển) – một bộ phim mà tôi yêu thích với Leonardo DiCaprio thủ vai chính, khung cảnh Thái Lan trở nên vô cùng quen thuộc. Trong bộ phim, nhân vật chính đến Thái Lan với khao khát những trải nghiệm độc đáo như tôi và Mat. Sau khi tìm được một chỗ ở tạm không có chuột chạy quanh hay gián bò lổm ngổm, chúng tôi ra ngoài đường, đi theo tiếng nhạc trầm xập xình từ xa. Tôi cảm nhận được sự rung động trong cơ thể mình khi ngày càng tới gần. Hóa ra, ở đây đang tổ chức một lễ hội lớn. Tôi tò mò xem những thanh âm cao chót vót ấy phát ra từ đâu.
Đi thêm đoạn nữa, chúng tôi thấy một sàn đấu Muay Thái. Những giai điệu truyền thống vang lên khi hai võ sĩ đang xung trận trên sân. Tôi từng nghe về Muay Thái nhưng chưa bao giờ thấy tận mắt. Có lẽ, đây là trận đấu đẫm máu nhất mà tôi từng được xem. Những kỹ thuật của họ khiến tôi có phần nể sợ, và cả những pha ra đòn dũng mãnh của hai võ sĩ trông còn nhỏ con hơn tôi. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành một võ sĩ Muay Thái.
Chúng tôi đã có một đêm không ngủ với Bangkok tới tận sáng hôm sau rồi lại lên kế hoạch xem sẽ làm gì tiếp theo. Tôi và Mat quyết định tới một đại lý du lịch để hỏi về những địa điểm lặn rẻ nhất và tuyệt nhất tại Thái Lan. Cậu nhân viên ở đây rất nhiệt tình và khuyên chúng tôi có thể tới Koh Tao, trong tiếng Thái nghĩa là “đảo rùa”. Cậu ấy nói rằng đây là một địa điểm lặn tuyệt
đẹp với mức giá phải chăng. Nghe có vẻ thú vị nên chúng tôi đã quyết định đặt ngay một tour và khởi hành ngay sáng hôm sau. Thế nhưng, chúng tôi đã trễ xe bus vì đêm qua thức quá khuya và không tài nào dậy nổi. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải khởi hành vào buổi tối hôm đó, bắt xe bus tới Chumphon rồi đi tàu ra đảo. Toàn bộ hành trình kéo dài khoảng 12 tiếng.
Koh Tao quả thật là một hòn đảo hết sức xinh đẹp, nằm ở phía bắc hai hòn đảo khác cũng nổi tiếng không kém là Koh Samui và Koh Pha-Ngan. Đây là một hòn đảo điển hình của Thái Lan với những khu rừng bao phủ phần lớn diện tích, những bãi cát trắng mịn trải dài, im lìm bên làn nước biển trong xanh cùng vô số khách sạn giá rẻ và các quán rượu cho du khách thư giãn.
Khi đến đây, bạn chỉ cần mặc quần đùi hoặc một bộ đồ lặn cộc tay đơn giản. Khác hẳn với lúc ở Wales, chúng tôi phải vận cả một bộ trang phục áo liền quần dài chỉnh tề để đi lặn. Chắc đã lâu lắm rồi, tôi mới lại lặn ngụp dưới biển, đây cũng chính là sở trường của tôi. Những vạt nắng chiếu xuyên qua làn nước ấm và trong xanh, soi rõ tận đáy. Nước trong đến nỗi chúng tôi có thể quan sát rõ mọi thứ xung quanh khi lặn, tầm nhìn trong khoảng 20 m. Lặn được một lúc, tôi và Mat nằm dài trên con tàu sưởi nắng, thưởng thức một ly nước trái cây trước khi nhảy tùm xuống biển một lần nữa. Sau đó, chúng tôi có bữa tối ngon lành, làm vài ly với mấy người đi lặn khác và trò chuyện về cả ngày dài. Tôi thực sự thích bầu không khí ở nơi đây. Koh Tao được vây quanh bởi những rặng san hô và bạn có thể tha hồ lặn biển ở nhiều địa điểm khác nhau. Bạn có thể nhìn thấy cá mập, cá hề, những con cá nhồng, cá đuối và cơ man các loại cá khác. Đây quả thật là nơi lý tưởng để tôi tích lũy thêm kinh nghiệm lặn biển cho mình.
Một ngày nắng nóng với vòm trời cao xanh, chúng tôi lại cùng nhau đi lặn biển, xuống tới độ sâu 18 m. Khi muốn ngoi lên khỏi mặt nước, bạn phải xả bớt khí trong áo phao cân bằng độ nổi (BCD), đưa một tay lên trên đầu và ngước nhìn lên. Đã vài tháng trôi qua kể từ khi tôi học khóa học lặn tại Anh nên việc đi lặn như thế này là cách để tôi có thể nhớ lại những việc mình cần làm. Khi đang bơi lên, tôi nhìn thấy những thợ lặn khác trong nhóm của mình, ở một khoảng cách cũng không xa lắm. Tôi nhìn lên trên lần cuối và thấy một thứ gì đó trên đầu mình. Ban đầu, tôi không chắc thứ mình nhìn thấy là cái gì nhưng nó có vẻ nguy hiểm. Rồi tôi bàng hoàng khi nhận ra đó là một con sứa khổng lồ, bán kính chắc phải tới 30 cm với những chiếc xích tu đang đong đưa trước mặt tôi cách chừng chỉ 1 m. Thiếu chút nữa là tôi đã va trúng nó rồi.
Tôi phải cố gắng tránh xa con sứa vì không muốn nhìn thấy một kết cục tồi tệ. Những người khác ở quá xa nên không nhìn thấy, tôi bèn vỗ mạnh vào bình dưỡng khí để họ chú ý. Tất cả đều ngỡ ngàng khi nhìn thấy sinh vật kỳ dị như người ngoài hành tinh này. Tôi hay nói rằng mình thích học thông qua những trải nghiệm và cố gắng không để vướng phải sai lầm đến lần thứ hai. Vậy nên sau lần đó, mỗi lần đi lặn, tôi đều giơ tay và ngước nhìn lên khi muốn ngoi lên mặt nước. Một bài học nhớ đời!
Sau vài ngày vẫy vùng lặn biển, chúng tôi trở lại Bangkok. Một trong những điều tuyệt vời nhất khi đi du lịch là chúng tôi được gặp gỡ rất nhiều bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Tuy vậy, thỉnh thoảng chúng tôi cứ lang thang theo hết người này tới người kia, dù chẳng biết mình tới đó để làm gì. Có lần, tôi và Mat còn được dẫn đến một sở thú ở Pattaya.
Thật không may khi tôi gặp phải một thứ bệnh kỳ lạ ở Thái Lan. Tôi cứ nôn mửa suốt, tiêu chảy rồi phát ban đỏ khắp người. Tình
hình càng lúc càng tệ, dù tôi chẳng thể ăn uống gì nhưng vẫn liên tục nôn khan. Tôi chưa bao giờ bị như vậy nên cuối cùng cũng phải đến bác sĩ. Khám bệnh xong, họ chẩn đoán tôi bị mắc sốt xuất huyết dengue. Tôi được chuyển viện về Bangkok. Ở đây, các bác sĩ nói rằng tôi chẳng bị sốt xuất huyết gì cả. Đó chẳng qua là bệnh giun chỉ bạch huyết, nguyên nhân gây ra căn bệnh phù chân voi, do muỗi truyền. Trứng giun chỉ cứ thế lớn dần trong các hạch bạch huyết, cản trở việc lưu thông bạch huyết khiến cho nhiều vùng trên cơ thể sưng tấy, đặc biệt là chân.
Cũng may là tôi phát hiện sớm nên bệnh tình chưa chuyển biến xấu. Chỉ cần một mũi tiêm thật lớn vào mông, vài đơn thuốc là lũ giun sán đó sẽ bị tống khứ ra khỏi cơ thể tôi chỉ sau một lần đi toilet. Lúc rời viện, tôi nhìn thấy một người đàn ông đứng tuổi với đôi chân sưng vù, chắc chắn là cùng một căn bệnh giống như tôi. Nghe nói là do không có tiền điều trị nên người đàn ông đó cứ để mặc bệnh tật tiến triển đến mức chẳng thể chữa khỏi nữa. Thật đau lòng thay cho ông ấy!
May mắn là tôi đã khỏe trở lại. Sau vụ này, tôi cũng đề phòng mấy con muỗi đáng ghét hơn. Vượt qua biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, chúng tôi tới thành phố Siem Reap và ghé thăm Angkor Wat. Từ Siem Reap, chúng tôi đi xuống phía dưới thủ đô Phnom Penh, bên bờ sông Mekong.
Tâm trạng của cả tôi và Mat đều không tốt. Thực ra cũng chẳng thể đổ lỗi cho ai cả, chúng tôi cứ để mình trôi theo những hành trình du lịch như bao vị khách khác, vài lần còn bị lừa hay bắt chẹt. Mới tập tọe đi du lịch, chúng tôi đã có chút nhầm lẫn về tiền nong và không ngờ mình lại tiêu lố nhiều như vậy. Vui thì cũng vui thật đấy (ngoại trừ câu chuyện về mấy con giun sán), nhưng tôi thấy mình chẳng có gì khác những vị khách du lịch bình thường, từ hành trình khám phá Vạn Lý Trường Thành, đi sở thú
chơi với đám hổ hay sa vào những buổi tiệc tùng quá đà. Những câu chuyện, trải nghiệm hay kể cả ảnh chụp cũng na ná những người khác. Đáng nhẽ ra, chuyến đi của tôi phải hoang dại và mang tính phiêu lưu mạo hiểm nhiều hơn.
Việc suýt nữa bị phù chân voi đã khiến tôi thức tỉnh. Tôi nghĩ đã đến lúc mình cần phải làm một cái gì đó khác biệt thực sự. Lúc nào chúng tôi cũng ra rả nói về việc du lịch mạo hiểm mà chưa thực sự làm được gì. Chúng tôi cần một điều gì đó thực sự mới mẻ và thử thách hơn nữa.
Bất chợt, một suy nghĩ nảy ra trong đầu tôi. Thực ra chúng tôi đã từng nghĩ tới nó khi lên kế hoạch du lịch nhưng quên khuấy đi mất: đạp xe dọc một đất nước nào đó. Tôi nhắc lại ý tưởng đó với Mat và cả hai bỗng thấy hứng khởi trở lại. Đó chính là thứ tưởng chừng như đã ngủ quên: tinh thần mạo hiểm thực sự, chút căng thẳng hòa trộn với niềm say mê. Cảm giác tồi tệ dường như đã bay biến và chúng tôi quyết định sẽ đạp xe dọc Việt Nam.
“Nhưng kiếm xe đạp ở đâu bây giờ?”, Mat nói.
Cậu ấy vừa dứt lời, tôi nghe có những tiếng lạch cạch phía sau, đều đều như những vòng xoay. Khi tôi ngoái đầu lại thì thấy một người phụ nữ lớn tuổi gầy gò, nhợt nhạt đang tiến về phía chúng tôi trên một chiếc xe đạp cũ rích, han gỉ và có vẻ rẻ tiền.
“Hoàn hảo”, tôi nói. “Chúng ta sẽ kiếm một chiếc kiểu vậy”. Chỉ nghĩ đến cảnh ngồi trên một chiếc xe đạp giống vậy đã khiến cả hai lăn ra cười lớn. Sự hài hước đó khiến tâm trạng chúng tôi lạc quan trở lại và như được tiếp thêm động lực. Giờ việc cần làm chỉ đơn giản là kiếm hai chiếc xe kiểu thế.
Chúng tôi đi bộ lòng vòng quanh thành phố để kiếm cho được một chiếc xe thật rẻ, thật đơn giản. Mười bảng cho một chiếc,
thật là một cái giá quá hời. Trông cái xe còn mới nhưng cũng hết sức kỳ cục, chẳng có hệ thống số hay bộ phận giảm xóc như xe đạp địa hình. Cái chuông nhỏ và giỏ xe làm chúng tôi chết cười. Trông nó giống hệt mấy chiếc xe đạp mà những người phụ nữ Việt Nam thường đạp đi làm vào mỗi buổi sáng, nhưng chắc chưa có ai dùng nó để đạp dọc chiều dài đất nước cả. Vì chắc sẽ gắn bó với chúng một thời gian dài nên chúng tôi nghĩ cả hai chiếc xe đạp này đều cần một cái tên: “đứa con” của tôi là Elder còn của Mat là Dot.
Có xe đạp xong, chúng tôi đạp vòng quanh thành phố Phnom Penh nhộn nhịp để kiếm một cái lều. Cuối cùng cũng tìm được một chiếc với giá 5 bảng. Mặc dù nó không chống thấm nước và là cái lều xập xệ nhất mà ai đó có thể mua, tôi nghĩ nó vẫn xứng với cái giá tiền, vả lại chúng tôi cũng chỉ có thể chi trả được từng đó mà thôi. Chúng tôi cũng cần mua chút bánh mì và bơ lạc. Tìm được vài sợi dây bên đường, hai đứa quyết định chằng luôn balo vào giỏ xe đạp. Chỉ mất chưa đầy 2 phút tra Google, tôi đã có tên của một vài ngôi làng hay thị trấn mà hành trình của mình sẽ đi qua. Cẩn thận viết tên từng nơi lên giấy, chúng tôi tính sẽ hỏi người dân địa phương mỗi khi tới một điểm mới nào đó, hy vọng họ sẽ chỉ đúng đường. Và thế là xong, mọi thứ đã sẵn sàng.
Tôi và Mat quyết định sẽ thử đạp xe trước khi chính thức lên đường. Chúng tôi đạp xe tới một trại trẻ mồ côi để giúp đỡ họ vài công việc đơn giản như sơn tường hay sửa nhà, có khi còn chơi đá bóng với đám trẻ con rồi quay lại điểm ban đầu. Cả đi và về vào khoảng 70 km. Chúng tôi cũng dự trù là chiếc xe có thể hỏng hóc gì đó trong khi đạp thử nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn ổn để có thể khởi hành.
Nghe về kế hoạch đạp xe từ Phnom Penh tới Thành phố Hồ Chí Minh rồi sẽ ngược lên phía thủ đô Hà Nội, dân địa phương ai cũng
gàn đi và nói không thể hoàn thành được đâu. Họ nói rằng chúng tôi không thể đi qua biên giới Campuchia – Việt Nam vào lúc này hay đạp xe cả quãng đường xa như vậy. Ai cũng cho rằng điều đó thật ngớ ngẩn. Nhưng chúng tôi đã quyết định rồi. Đây mới thực sự chính là tinh thần mạo hiểm nên chúng tôi cứ mặc kệ mà đi thôi. Nhiều người còn cười khi thấy hai chiếc xe đạp của chúng tôi nữa nhưng tôi lại thấy thích nó. Nhiều khả năng chúng tôi sẽ bị chặn lại ở cửa khẩu nhưng cứ đến được đấy đã rồi tính tiếp. Thôi thì cứ tập trung vào hiện tại và bắt đầu cuộc hành trình. Nghĩ như vậy, chúng tôi thu xếp lên đường.
Không có bản đồ, không có bơm hay dụng cụ sửa chữa, cũng chẳng có mũ bảo hiểm, đèn xe hay đồ phản quang, chúng tôi vẫn quyết định rời đi vào nửa đêm khi không khí hơi se lạnh. Ai cũng ngoái lại và nhìn chúng tôi với vẻ đầy thán phục khi thấy hai chiếc xe đạp dò dẫm ra khỏi thành phố. Chúng tôi cũng mỉm cười lại với họ. Xe đạp là một trong những phương tiện phổ biến của người dân địa phương và trông chúng chẳng khác gì mấy chiếc thông thường ở đây cả – chiếc xe đạp không số, chẳng có đồ chuyên dụng hay hệ thống GPS. Thực ra là vì chúng tôi không có tiền cho mấy khoản này. Chúng tôi đạp băng băng trên những con đường lớn, thỉnh thoảng mệt quá thì sẽ bám vào đuôi xe tải và tận hưởng cảm giác vừa hồi hộp, vừa thư giãn khi được kéo đi mà không cần tốn sức. Nhìn thấy tình cảnh của tôi và Mat, cảnh sát cũng chẳng buồn nhắc nhở mà chỉ cười có lẽ vì trông cả hai quá ngớ ngẩn.
Vậy là chúng tôi đã đi được hai ngày từ khi kế hoạch đó nhen nhóm trong đầu. Đây mới thực sự là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, tôi thầm nghĩ. Chúng tôi có cả chặng đường dài 1.130 dặm đang chờ phía trước và không biết mình sẽ phải đối mặt với những điều gì. Tôi thấy mình thực sự được sống. Cùng với người bạn đồng hành tuyệt vời, tôi rong ruổi khắp đất nước
Campuchia đầy lạ lẫm với một hành trình chẳng giống ai. Những người nước ngoài duy nhất mà chúng tôi nhìn thấy trong khi đạp xe là một nhóm khách du lịch đang chập chờn giấc ngủ trên những chiếc ô tô giường nằm. Người thì đang ngủ, người thì nằm xem phim, chỉ chờ cơn mơ ập đến. “Đó đâu phải cách để đi du lịch”, tôi nghĩ. “Họ đã bỏ lỡ quá nhiều điều thú vị”.
Khi chúng tôi đạp xe qua một con đường mòn ở Campuchia, lũ trẻ trong làng ùa ra, chạy theo chúng tôi rồi hét lên: “Xin chào!”. Ai nấy đều thân thiện và vui vẻ là điều thực sự đặc biệt khiến tôi không thể nào quên.
Tôi tự hỏi không biết những gì người ta nói về biên giới có đúng không? Chúng tôi tới đây khá muộn nên cửa khẩu đã đóng. May mắn thay, vài người đàn ông tốt bụng đã giúp chúng tôi làm thủ tục nhanh chóng. Và thế là chúng tôi đã chính thức đặt chân đến Việt Nam.
Có những ngày, chúng tôi đạp xe không biết mệt mỏi, từ sáng cho tới đêm khuya. Sự tự do từ những trải nghiệm như một đặc ân mà tôi đang được hưởng. Chúng tôi quyết định sẽ sơn lại chiếc xe đạp, kể cả quả chuông màu hồng để làm sao cho nó trông nam tính hơn. Tuy nhiên, kết quả lại buồn cười hơn những gì tôi và Mat nghĩ. Trông chiếc xe lại càng thêm lố bịch và chẳng lớp sơn nào có thể khiến người ta thôi chú ý đến hai chiếc giỏ xe to đùng phía trước.
Những ngày lang thang, người dân địa phương ăn gì thì chúng tôi cũng ăn cái đấy, cũng chỉ đơn giản là mì với vài lon nước có ga, chủ yếu là Red Bull để tinh thần luôn tỉnh táo và có đủ sức đạp xe cả đêm. Thỉnh thoảng, chúng tôi “mạnh tay” gọi thêm quả trứng hay một cái xúc xích ăn với mì. Nhưng nếu thấy giá đắt hơn dù chỉ 10 xu thôi thì chúng tôi cũng quyết không chi tiền. Số tiền chúng tôi mang theo có hạn. Một lần, tôi mua hẳn một que kem
để thưởng cho bản thân rồi vừa đạp xe vừa ăn. Bất ngờ, que kem rơi xuống đường rồi tan chảy lênh láng. Nhìn que kem rơi mà tôi ngậm ngùi, đành đạp xe lại cả một cây số chỉ để mua lại que khác.
Mặc dù chúng tôi luôn mang theo chiếc lều giá 5 bảng ấy, số lần nó được trưng dụng chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng ở mấy quán cà phê võng, chỉ 20 xu cho một đêm. Có đêm thì chúng tôi ngủ lại tại khách sạn cho cánh lái xe tải. Mấy khách sạn kiểu này có giá rẻ bất ngờ và thường mở khá muộn.
Cả hành trình dài, chúng tôi chỉ có quần đùi với áo ba lỗ để mặc. Kể cả khi lên tới Đà Lạt – thành phố trên cao nguyên ở Việt Nam, trong khi người dân nơi đây đều thu mình trong những chiếc áo khoác và mũ len, chúng tôi cũng chỉ mặc như thế. Ai đi qua cũng nhìn chúng tôi rồi làm điệu bộ khoanh tay co ro như muốn nói: “Ở đây lạnh lắm ấy!”. Rồi từ Đà Lạt, chúng tôi đạp xe xuống thành phố biển Nha Trang khi trời vừa nhá nhem tối. Ở đây trời tối sớm, cỡ 5 hay 6 giờ là đã nhập nhoạng. Một tiếng sấm nổ rền vang, mưa trút xuống dữ dội nhưng chúng tôi vẫn thấy khá ấm. Người ngợm ướt nhẹp là vậy, chúng tôi vẫn rẽ màn mưa mà đi, rồi còn đứng hẳn lên trên bàn đạp và hét vào giữa đêm đen: “Whoooh, Yeee-haaa!”.
Tôi ngoảnh sang nói với Mat khi đang đạp xe: “Này sẽ tuyệt lắm nếu chúng ta có một tấm bản đồ vào cuối mỗi ngày, không chỉ ghi dấu những đất nước mình đã đi qua mà còn chi chít những trải nghiệm, hành trình mà chúng ta có nữa”. Tôi cứ mải mê nghĩ về những chuyến phiêu lưu sinh tồn, đầy thử thách và khó khăn mà chúng tôi sẽ có trong suốt hành trình dài: xuyên qua rừng sâu, băng qua sa mạc, đạp xe dọc đất nước hay chèo thuyền kayak trên sông.
Dù là một cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng nó lưu lại trong tâm trí tôi từ ngày này qua ngày khác. Có lẽ, đất nước Việt Nam chính là đòn bẩy cho những trải nghiệm đầy phiêu lưu mạo hiểm trong suốt hành trình dài sau này. Tôi thực sự cảm thấy được sống khi lang bạt qua biết bao vùng đất. Giống như cơ thể bạn tiết ra nhiều hormone endorphin khi tập luyện thể thao khiến bạn trở nên hưng phấn và tích cực, việc đạp xe trong đêm đen, qua màn mưa giông khi cơ thể hoàn toàn ướt sũng, hay cả khi những chiếc túi nilon dính vào chân khi đạp xe,... cũng có tác dụng tương tự. Khi cơ thể chuyển động theo những vòng xe, tôi cảm thấy tràn trề nhựa sống và bắt đầu nghĩ về những điều xa hơn mà cả hai có thể làm trong tương lai.
Đạp xe quả thực rất thú vị. Chừng nào con đường còn trải dài phía trước, bạn sẽ còn đi qua từ thành phố cho tới làng mạc, nơi mà người dân luôn nhiệt tình giúp đỡ, cho bạn cả đồ ăn, nước uống. Ở Việt Nam, bất cứ khi nào cần cũng sẽ có người sẵn lòng giúp bạn, họ là những người lao động chăm chỉ và biết tận dụng mọi thứ sẵn có. Tôi phát hiện ra rằng trong bất cứ một ngôi nhà nào, người đàn ông cũng phải có một bộ dụng cụ sửa chữa. Đêm hôm nhá nhem mà xe đạp bị thủng lốp, chúng tôi sẽ hì hục dắt xe cho đến khi nào thấy một căn nhà nhỏ sáng đèn ở ven đường.
Một lần, chúng tôi tấp vào một ngôi nhà vào lúc 2 giờ sáng nhưng cả nhà vẫn còn thức. Họ biết xe tôi bị thủng xăm. Với vài dụng cụ đơn giản trong hộp đồ nghề, ông chủ nhà nhanh chóng giúp chúng tôi sửa xe ngon lành rồi vẫy tay chào tạm biệt. Tôi luôn luôn có niềm tin lớn vào lòng tốt của con người. Dĩ nhiên đôi khi mọi thứ cũng không suôn sẻ nhưng nếu biết cách cư xử lịch sự và tôn trọng mọi người xung quanh, bạn sẽ nhận lại được chính những gì mình đã cho đi.
Nhiều khi chúng tôi nghỉ ăn trưa ở một ngôi làng nào đó, một đồn mười, mười đồn trăm rồi chỉ vài phút thôi, cả làng đã kéo tới để nhìn chúng tôi. Người dân đứng xung quanh khi tôi và Mat ăn, họ chỉ trỏ rồi cười lớn khi nhìn thấy đôi chân cháy nắng và cánh tay đầy lông của cả hai. Tôi để ý thấy đàn ông Việt Nam không nhiều người có lông chân rậm, chắc vì thế nên ai cũng ngạc nhiên. Có lúc đang ăn thì tôi bị ai đó giật lông chân – cũng khá đau điếng!
Nhiều lúc đạp xe trên đường cũng đầy rẫy nguy hiểm. Chúng tôi từng bị một chiếc xe đạp điện tông phải rồi còn bị chó rượt. Đám ruồi thì cứ vo ve, đậu khắp cơ thể khiến tôi phát điên. Những lần đạp xe ngược gió cũng quả là gian nan. Những ngày nóng bức, nhiệt độ ban ngày lên quá 40 độ nhưng đến đêm, cơn mưa giông ập đến lại khiến không khí lạnh teo. Cuối cùng thì chúng tôi cũng vượt qua tất cả. Trong suốt cuộc hành trình, hai chiếc xe đạp lọc cọc bị thủng xăm đến 17 lần. Thỉnh thoảng, tiếng còi xe tải lúc 3 giờ sáng trên đường quốc lộ khiến chúng tôi sợ hết hồn. Có lúc đang buồn ngủ mà nghe tiếng còi inh ỏi cũng phải tỉnh lại vì quá hoảng sợ.
Có một lần, tôi thực sự đã ngủ gật khi đang đạp xe. Mat cũng chìm vào giấc ngủ và kết quả là hai chiếc xe đạp đâm sầm vào nhau. Chúng tôi không dám đi nghênh ngang giữa đường nữa mà nép sang một bên. Ngay sau đó vài giây thì một chiếc xe tải vượt tốc độ lao từ xa tới, bấm còi inh ỏi. Quả là một phen hú hồn.
Chúng tôi mất tổng cộng 15 ngày cho hành trình đạp xe từ Campuchia đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi ngược lên phía bắc Việt Nam. Càng gần tới nơi, chúng tôi lại thấy nhớ cồn cào những lúc chẳng phải mất công để tìm đồ ăn ở những thành phố lớn. Chặng cuối tới Hà Nội, tôi và Mat đã đạp xe suốt 39 giờ không nghỉ. Cả hai đều thấy hào hứng khi sắp tới thủ đô, dù việc lái xe
không nghỉ quả thực rất nguy hiểm. Khi chỉ còn cách Hà Nội 12 km, dù bóng dáng thành phố đã lấp ló phía xa nhưng tôi cảm giác như đi mãi không tới. 12 km cuối cùng trong một ngày nóng nực tựa như dài vô tận. Chúng tôi đua nhau chạy đến từng cây cầu, thỉnh thoảng nghỉ chút dưới bóng cây ven đường rồi lại tăng tốc độ cho chặng nước rút. Vầng trán lấm tấm mồ hôi còn làn da tôi bị cháy nắng đến đáng sợ.
Khi tới được Hà Nội, cả hai loanh quanh 3 tiếng mà chưa tìm thấy một khách sạn hay nhà nghỉ nào. Tưởng chừng đã hết hy vọng được nằm trên một chiếc giường êm ái, chúng tôi may mắn được một người phụ nữ rủ lòng thương, cho một phòng trong nhà nghỉ của cô.
Khoảnh khắc soi mình trong gương, chúng tôi chợt nhận ra mình đã thay đổi nhiều đến nhường nào. Những con ruồi bám trên mái tóc rối bù, vài con vẫn còn sống, làn da xanh xao vì thuốc chống muỗi ban đêm trộn với màu kem chống nắng ban ngày, đôi mắt hai đứa đỏ ngầu vì bụi, thâm quầng với bọng lớn sau 45 tiếng không chợp mắt chút nào. Tôi và Mat trông vô cùng thảm hại như hai kẻ chết trôi. Sau khi tắm rửa sạch sẽ và ăn tất cả những gì có thể, chúng tôi mới thực sự “sập nguồn”.
Đến tận vài hôm sau, chúng tôi vẫn không thể ngừng kể lại về chuyến đạp xe khó quên ấy, nhất là khi bạn hoàn thành nó với chi phí cực thấp. Với một chiếc máy quay cũ loại rẻ tiền, tôi đã quay lại toàn bộ cuộc hành trình. Xem lại những những thước phim ấy, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi đã hoàn thành chặng đạp xe từ Campuchia sang tới Việt Nam, trên hai chiếc xe đạp như thế này. Tôi đã chứng tỏ được cho mọi người biết rằng, chẳng có điều gì là không thể cả. Chúng tôi dựng hai chiếc xe đạp dựa vào một hàng rào, hy vọng rằng ai đó sẽ dùng nó sau này. Kể cả lúc ngồi trên xe ô tô sang Lào, tôi cũng không
thể ngừng nghĩ về những vòng xe đạp. Đó là điều tuyệt nhất mà tôi từng làm. Tôi nhận ra rằng mình đã tìm thấy niềm đam mê thực sự; chỉ nghĩ tới những gì đã vượt qua cũng đủ khiến tôi sững sờ và ngỡ ngàng. Giờ đây, tôi đã chuẩn bị những thử thách mới để đẩy mình đi xa hơn và tôi biết mình sẽ không dừng lại.
Hành trình đầy nguy hiểm ấy như chất xúc tác khiến tôi nhớ mãi không quên.
Từ rất lâu, tôi đã ấp ủ mơ ước được khám phá những nền văn hóa khác nhau – những cuộc sống đầy lạ lẫm, khác xa so với cuộc sống phương Tây nơi quê nhà. Chịu nhiều ảnh hưởng từ những bộ phim tài liệu mà tôi từng xem hay những câu chuyện người khác kể lại, tôi muốn mở mang kiến thức của mình về những bộ lạc sống sâu trong rừng, lấy săn bắt hái lượm làm kế mưu sinh, cùng nhau vượt qua môi trường sống khắc nghiệt để tồn tại. Tôi muốn thực sự trải nghiệm cuộc sống ấy và học về nó. Và khi cơ hội đến, chúng tôi quyết định đi vào rừng già phía bắc Thái Lan để có thể học được những kỹ năng sinh tồn cần thiết.
Ngày đầu tiên với hành trình băng qua rừng già, chúng tôi được học cách săn bắn, nhặt nhạnh những thứ cần thiết, học cách giặt giũ bên bờ sông và lấy nước thác làm nước uống. Khu rừng rất ẩm ướt và khá ồn ào với những âm thanh chói tai của lũ côn trùng. Hướng dẫn viên bản địa người Thái cảnh báo chúng tôi để ý xung quanh, đề phòng những con rắn độc lẩn khuất đâu đó. Ban đêm, chúng tôi tự dựng lều, chặt tre làm khung rồi sử dụng lạt tre để buộc chặt mọi thứ lại, kết thành một cái mái. Chúng tôi cũng đi chặt lá chuối, mỗi cây một tàu lá chứ không chặt sạch cả cụm. Lá chuối xếp đầy trên mặt đất sẽ được cột lại, phủ lên mái đề phòng những cơn mưa bất chợt.
Lá chuối cũng có công dụng để lót đệm cho dễ nằm ngủ. Cách chỗ chúng tôi nằm không xa là ánh lửa bập bùng trong đêm để
giữ ấm cho cả đoàn. Đây cũng là nơi chúng tôi nấu nướng và khói bếp sẽ khiến đám ruồi và muỗi không dám lại gần. Sử dụng cành tre làm cần, chúng tôi đã có một buổi câu cá ra trò. Hướng dẫn viên của đoàn nói rằng chỉ cần có vài cây tre thôi là bạn có thể làm được đủ thứ. Chúng tôi rất quý anh và đặt luôn cho cậu con trai anh biệt danh là “Cây tre”. Không chỉ có cá, vài người trong nhóm còn đi hái nấm, hái hoa chuối cho bữa ăn thêm phần tươm tất.
Sau một giấc ngủ ngon lành, tôi tỉnh dậy vào sáng hôm sau và phát hiện cả đoàn kiến đỏ đang diễu hành cạnh chiếc giường lá chuối của mình, chỉ chút xíu nữa là chạm tới mặt. Tuy nhiên lúc ngỏm đầu dậy, tôi không thấy con kiến nào bò trên người nên yên tâm ngủ tiếp. Chẳng có vết cắn hay sưng tấy gì cả, lũ kiến không đụng gì tới tôi nên tôi cũng kệ mặc chúng. Cảm giác được hòa mình với thiên nhiên như vậy thật tuyệt.
Cả ngày hôm đó, chúng tôi đã đi bộ tới 9 giờ đồng hồ. Những quả bí hay bắp chính là nguồn năng lượng quý giá cho mọi người để có đủ sức xuyên qua những khoảng rừng rậm rạp. Anh hướng dẫn viên bảo chúng tôi thực sự rất khỏe để đi rừng. Những hiểu biết về rừng già hay khả năng thích nghi cao với môi trường của anh ấy thật đáng ngưỡng mộ. Chỉ học được một phần những kỹ năng ấy thôi, chúng tôi cũng thấy tự hào lắm rồi.
Cuối cùng, chúng tôi cũng vượt qua rừng và đi tới địa phận của Myanmar. Cả nhóm tới thăm một bộ lạc của người dân tộc thiểu số, nằm chơ vơ trên đỉnh đồi, bao quanh là cả khoảng rừng rộng bạt ngàn. Chẳng ai ở đây nói được tiếng Anh cả. Một vài người cũng giữ khoảng cách trong khi số khác lại cười thân thiện rồi vẫy tay với cả đoàn. Sau đó, chúng tôi đi hái ít quả mọng, trát lên da để ngăn muỗi đốt. Tôi và Mat còn được học cách đặt bẫy sóc. Bắt được một con, chúng tôi đem về lột da, rửa sạch rồi nấu
nguyên con với nồi canh bí. Vị của nó không tệ, giống như thịt ếch hay thịt gà nhưng dai hơn nhiều. Sau một ngày dài, tôi nghĩ có một bữa ăn như vậy thực sự đã vô cùng thỏa mãn.
Khi nhìn thấy toilet thực chất là một gian lều tối như hũ nút, bạn phải đi nặng vào một chiếc xô nhỏ, bên cạnh là một xô khác đựng nước rửa ráy, cả tôi và Mat đều phá lên cười. Đáng sợ như vậy nhưng tôi chẳng còn cách nào khác vì không thể chịu nổi nữa. Trong khi tôi đang giải quyết nỗi buồn thì Mat đứng bên ngoài cười cợt. Tôi nhún vai rồi nghĩ, thôi đằng nào cũng phải quen dần với những thứ như vậy.
Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ mình cũng muốn có thêm những trải nghiệm như thế này. Tôi bắt đầu khám phá những phần “hoang dại” hơn của bản thân mình. Chuột, gián, nhện hay mấy sinh vật bò lổm ngổm khác cũng không làm tôi thấy sợ hãi. Vài tháng trôi qua, tôi thấy mình “cứng” hơn rất nhiều, chẳng ngại ngần gì và sẵn sàng đối mặt với mọi thứ. Dù hành trình mới được vài tháng nhưng tôi thấy mình khá thoải mái với việc thay đổi môi trường và hoàn cảnh sống liên tục.
Rời châu Á, chúng tôi bay tới châu Úc. Đến lúc này, cả hai mới nhận ra rằng số tiền mang theo đã gần hết và chúng tôi cần làm việc để kiếm tiền du lịch. Chúng tôi kiếm được công việc đầu tiên ở thành phố Darwin, vùng Northern Territory. Để tìm được một công việc hái quả theo thời vụ cũng không quá khó khăn. Vì sao ư? Vì chẳng ai chịu làm công việc này lâu dài cả.
Bạn thực sự phải có thể lực tốt mới có thể chịu được công việc này dưới thời tiết nắng nóng. Mấy người chủ vườn cũng không phải dạng vừa. Nếu bạn làm rơi một quả xoài, gã chủ sẽ hét vào mặt bạn. Đám chủ vườn cứ hứa hão rằng sẽ thết đãi chúng tôi cả bữa tiệc nướng tưng bừng vào cuối ngày nếu chúng tôi làm việc chăm chỉ suốt 18 tiếng đồng hồ. Nhưng hóa ra, bữa tiệc thịnh
soạn chỉ là một vài cái xúc xích. Thật đáng thất vọng. Làm được mấy ngày là chúng tôi chán nhòe.
Mat có một công việc ở thành phố Melbourne nên chúng tôi tạm thời chia tay nhau. Tôi tiếp tục đi về phía đông nước Úc. Hồi còn làm công việc hái trái cây, tôi bắt chuyện với hai gã cũng thú vị, Dan Gardener tới từ Úc còn Manuel Huber là người Đức. Ba người chúng tôi quyết định sẽ cùng nhau băng qua những vùng khắc nghiệt nhất nước Úc với hành trình 1900 dặm từ thành phố Darwin tới Cairns. Dan nói rằng vùng Northern Territory thực sự rất khắc nghiệt, cho nên chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần cho những trường hợp xấu nhất như khi bánh xe bị xẹp ở nơi đồng không mông quạnh. Chất đầy xe với đồ ăn, nước uống và xăng; ba chúng tôi cùng chú chó nhỏ của Dan bắt đầu cuộc hành trình.
Chúng tôi đi theo một con đường đầy bụi mới được đưa vào hoạt động được chừng 6 tháng. Không mấy ai đi trên con đường này khi mà mùa đông cũng là mùa mưa đang tới gần. Phần lớn cánh lái xe đều chọn một con đường dành riêng cho mùa đông, tuy dài hơn nhưng an toàn hơn. Có vẻ như con xe cà tàng mà chúng tôi lái không thực sự phù hợp lắm với điều kiện đường sá ở đây – con đường lầy lội, có đoạn băng qua sông, càng đi tiếp càng khổ sở. Mà cứ con đường nào không có trên bản đồ thì chúng tôi lao vào, lòng khấp khởi hy vọng nó sẽ mang đến những trải nghiệm phiêu lưu thú vị. Cầu được ước thấy, nhiều lần cả chiếc xe lún sâu trong bùn, chúng tôi phải đợi cả vài tiếng đồng hồ để chờ giúp đỡ. Tuy vậy, chúng tôi đã xoay xở tốt và đi được khá xa, dù có lần ô tô đã bị thủng lốp ở nơi đồng không mông quạnh thực sự.
Cả ba đứa quay ra nhìn nhau với ánh mắt thảng thốt rồi cười lớn. Giờ chúng tôi phải tính toán thực sự cẩn thận. Một tay lái ô tô đã cảnh báo với chúng tôi rằng anh ta không thấy chiếc xe nào đi
qua đây trong suốt cả tuần trời. Chúng tôi đẩy chiếc xe chết dí vào trong bụi rậm rồi thu gom hết đồ đạc và nước uống. Số xăng còn lại được chúng tôi đặt bên đường kèm theo một tấm bìa có viết dòng chữ: “Cứ dùng đi. Xe của chúng tôi bị hỏng giữa đường nên chúng tôi đã đi bộ”.
Chúng tôi khá hào hứng khi không biết điều gì đang chờ mình phía trước. Để lại xe ô tô đằng sau, cả ba cứ đi bộ để tìm nước uống. Trời bắt đầu nóng quá sức chịu đựng, Dan và Manual nghỉ ngơi bên vệ đường, trong bóng râm ít ỏi còn tôi tiếp tục đi về phía trước. Màn đêm dần buông xuống và khi tôi định quay lại thì bắt gặp một gia đình kangaroo. Cả đám bất động, nhìn tôi chằm chằm. Tôi cũng làm y hệt lũ kangaroo: đứng trân trân rồi nhìn thẳng vào mắt chúng. Sau đó, chúng nhảy đi về hướng khác, để mặc tôi ở đó.
Khi tôi trở lại chỗ Dan và Manuel nghỉ, một tiếng sấm lớn rền vang đâu đó giữa không trung. Tuy nhiên, đó chính xác là những gì chúng tôi đang cần: nước! Sau khi tìm cách để hứng nước, tôi lôi ra chiếc lều đôi không chống nước huyền thoại mua ở Campuchia rồi cả ba chúng tôi bò vào trong đó. Dù có hơi ẩm nhưng nó khá ấm. Chúng tôi ngủ lúc nào không hay biết.
Mười ba giờ sau, một chiếc xe ô tô đi ngang qua. Người lái xe khá đề phòng khi nhìn thấy chúng tôi vẫy tay bên đường. Nhưng cuối cùng, anh cũng lái xe chầm chậm và hạ cửa kính xuống một chút. Có một con chó pitbull rất lớn ở đằng sau xe tải. Khi chúng tôi kể lại cho anh ta toàn bộ sự việc, người lái xe nói: “Thôi được, lên xe đi”.
“Tôi không thể để các cậu ở đây được”, anh ta nói. “Có một bộ lạc người thổ dân sống cách đây không xa và họ không ưa người da trắng lắm. Các cậu may mắn lắm mới gặp tôi đi ngang qua đây đấy nhé”.
Chúng tôi nhận ra dù mình có nghĩ rằng đã chuẩn bị kỹ lưỡng đến bao nhiêu, những chuyến đi cũng có thể trở thành thảm họa, đầy ngu ngốc và vô trách nhiệm. Sáu ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục xin đi nhờ xe và cắm trại. Dan nói rằng chúng tôi nên chia nhau ra, vì có lẽ người ta chẳng muốn cho cả ba gã đàn ông đi nhờ xe cùng một lúc. Cuối cùng, chỉ còn tôi và Manuel đi cùng nhau, Dan và chú chó của mình tách ra đi riêng. Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp được vài người khá là thân thiện và tử tế, một số khác thì say xỉn, trông có vẻ đáng sợ; thậm chí có vài người trông chẳng khác gì sát thủ giết người hàng loạt. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng tới được Cairns.
Tôi lại lao vào công việc hái trái cây ở Togrog và ngủ trong lều để kiếm thêm chút tiền. Mấy người chủ ở đó không thích chúng tôi lắm vì cả hai không chịu bỏ tiền ra thuê nhà. Họ nghĩ chúng tôi là những kẻ khố rách áo ôm và hai bên có cự cãi một chút. Sau khi rời châu Á, tôi thực sự sốc khi phát hiện ra nước Úc thực sự vô cùng đắt đỏ. Mat nói rằng ở Melbourne có khá nhiều công việc nên tôi quyết định sẽ gặp cậu ấy ở đó. Cuối cùng, tôi có một cuộc phỏng vấn cho vị trí nhân viên kinh doanh, chuyên tới từng nhà để tiếp thị các hợp đồng cung ứng ga và khí đốt. Hơn 200 người được phỏng vấn cho 6 vị trí trong vòng hơn một tuần nên tôi cũng không rõ vì sao mình lại được nhận. Nhưng thôi kệ, cứ có việc cái đã.
Công việc này chắc cũng là một trải nghiệm khá lạ lẫm. Trong bộ vest lịch lãm, giày đen, sơ mi trắng, tôi phải đi tới từng nhà dưới trời nóng hơn 30 độ để chào hàng. Đi cùng tôi là ông sếp béo ú và trông có vẻ nhiều bệnh tật tên là Jeremy. Ông ấy muốn chắc chắn rằng tôi có thể làm được công việc này. Sáng hôm đầu tiên, tôi và vài người khác được chỉ định tới một khu nọ. Bất ngờ, Jeremy trở nên vô cùng tức giận, gào vào mặt tay lái xe. Lẽ ra, chúng tôi phải rẽ vào chỗ cửa hàng KFC, thế mà tài xế lại quên mất. Thế là cả
đám phải quay lại để Jeremy mua đồ ăn sáng. Những trải nghiệm kiểu như thế này rất khác so với hành trình thám hiểm bộ lạc trong rừng tại Myanmar.
Có một buổi, chúng tôi dừng trước một ngôi nhà và Jeremy nói: “Mấy cậu xem mà học tập này”.
Chúng tôi đi qua lối xe đậu ô tô, ở cuối khoảng sân là một gã đang tập hít xà, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Jeremy bắt đầu cất cao giọng. Người chủ nhà đứng đó, lắng nghe một cách kiên nhẫn và lịch sự một lúc rồi giơ tay lên, ra điều dừng lại: “Nghe này, thực sự tôi rất cảm ơn nhưng hợp đồng cũ của tôi vẫn còn. Dù sao cũng cảm ơn các anh. Tôi biết làm công việc này không hề dễ dàng, phải đi từ khu này qua khu khác dưới thời tiết khắc nghiệt. Và tôi biết các anh phải dựa vào tiền hoa hồng để sống nên cần có được càng nhiều khách càng tốt”.
Jeremy ra điều không sao, coi đó như một điều bình thường rồi bắt đầu kể lể về tiền hoa hồng mà mình kiếm được với giọng điệu thiếu tôn trọng. Ông ta cọ hai ngón tay vào nhau như lúc người ta muốn nói về tiền khi đề cập tới loại xe hạng sang mà người chủ nhà sở hữu. Tôi thấy thật xấu hổ làm sao.
Người đàn ông đó đáp: “Vấn đề tiền nong không quá quan trọng phải không? Anh cũng cần một cuộc sống. Mọi thứ cũng cần được cân bằng”.
Điều anh ta nói thực sự rất đúng. Đó là thứ mà tôi đã chiêm nghiệm cả cuộc đời mình. Tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây, trong bộ vest nóng nực với một gã như Jeremy, bị xoáy vào cuộc đua kinh doanh với động lực duy nhất là tiền?
Câu nói đó khiến tôi tỉnh người. Chính vì thế, hai ngày sau đó, khi Jeremy nói rằng ông ta muốn đưa tôi tới Brisbane để làm việc
cùng, tôi nhận ra rằng mình chẳng muốn đi chút nào. Tôi nói với Mat rằng tôi sẽ nghỉ việc. Lúc đó, Mat đang có công việc dọn dẹp tại bể bơi.
“Tớ nghĩ là mình có thể về nhà và tiếp tục công việc tại bể bơi”, tôi nói. “Cậu không thích công việc của cậu, tớ cũng chẳng ưa công việc này. Chúng ta cũng không còn nhiều tiền. Hay bây giờ lại bắt đầu lại từ đầu?”
“Làm gì lại cơ?”
“Mua một chiếc xe đạp rẻ nhất mà mình có thể...”
Một lần nữa, cái máu phiêu lưu mạo hiểm lại chảy tràn trong cơ thể. Chúng tôi cùng nhau nghỉ việc, hứng khởi lên kế hoạch và hai tuần sau đó lại tiếp tục lên đường: Từ Melbourne đến Adelaide, đạp xe hơn 700 dặm trong suốt 12 ngày để thực sự đắm mình vào vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của nước Úc.
Tôi phải mua một chiếc xe khác – chiếc xe đạp leo núi loại dành cho nữ và đó là chiếc rẻ nhất mà tôi có thể chi tiền. Manuel thách tôi đội một chiếc mũ bảo hiểm màu hồng nhưng với tôi thì chẳng ngại. Một chiếc xe đạp trắng với mũ bảo hiểm hồng trông cũng không tệ. Sau khi mua thêm cả khóa và giỏ xe đằng trước, chúng tôi đã mất khoảng 70 bảng. Cũng như chuyến đạp xe ở Việt Nam, chúng tôi mang ít đồ nhất có thể và sử dụng chiếc lều cũ đã mua ở Campuchia. Chi phí khách sạn tại Úc quá đắt đỏ nên chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Hầu như lúc nào chiếc lều cũng ẩm ướt vì nó không thấm được nữa, lại thêm một vết rách to chảng sau khi bị một con mèo lao vào tấn công.
Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng “12 sứ đồ” khi đạp xe dọc con đường ven biển – đó là một bờ thềm lục địa chạy dài hút tầm mắt với những vách đá đồ sộ, những khối đá vôi kiêu hùng vươn
mình từ giữa đại dương. Khi đi sâu hơn vào trong đất liền, thiên nhiên hoang dã lại mở rộng ra trước mắt. Chúng tôi bắt gặp những con nhím, rắn, kangaroo, thú có túi, gấu koala, đà điểu emus, chó hoang dingo, vẹt và rất nhiều loài động vật khác trên đường. Một buổi sáng, tôi chạm trán một con nhện độc lưng trắng đang bò trên tay mình và phải vội hất nó ra. Tuy nhiên, tất cả những thứ trên đều không phiền bằng đám ruồi. Chúng có thể hút cạn năng lượng của bạn và cả hai phải tìm mọi cách để có thể thoát khỏi lũ côn trùng phiền phức này.
Khoảng cách giữa hai thành phố thực sự rất xa. Có những lúc, chúng tôi cảm giác cơ thể đã cạn kiệt nước. Đạp xe suốt hơn 7 tiếng dưới cái nóng 44 độ C mà chỉ có 100 ml nước dùng cho cả hai, chúng tôi tìm chỗ để uống nước trong tuyệt vọng. Chúng tôi khát nước đến mức khi phát hiện ra một chiếc bình nước bị khóa chặt, tôi và Mat đã cố liếm từng giọt nước thấm ra bên ngoài. Quá mệt mỏi với hơi thở nặng nề, chúng tôi nhìn nhau ngán ngẩm, không ngờ rằng thời tiết lại nóng nực đến cùng cực vậy. Tuy nhiên, khi thấy một con ruồi đậu trên răng Mat, cả hai lại phá lên cười.
Cũng như hành trình tại Việt Nam, chúng tôi cũng chỉ quyết định đạp xe băng qua nước Úc không lâu trước khi lên đường. Chuyến đi dường như vất vả hơn nhiều vì mấy chiếc xe đạp dùng tạm không được trang bị đầy đủ nhiều thứ. Nhưng nói vậy thôi, cả hai chuyến đi đều vô cùng đáng nhớ và chính là điểm sáng của cả hành trình. Tại Úc, ngày nào chúng tôi cũng phải đạp xe ngược gió. Điều tôi học được rằng khi bạn thử thách bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn sẽ nhận ra cơ thể và tâm trí mình có thể thực sự được đẩy xa đến nhường nào. Chúng tôi nghĩ tới việc sẽ tiếp tục đạp xe tới Perth, hoàn thành chặng xe xuyên ngang nước Úc. Tuy nhiên, Mat thực sự đã quá mệt và chiếc xe của cậu ấy cũng hỏng nặng nên Mat đã phải vẫy xe đi nhờ vào ngày cuối
cùng tới Adelaide. Hành trình đạp xe qua nước Úc đã chính thức khép lại tại đây.
Chúng tôi vẫn còn tới chín tháng với tấm thị thực nước Úc có thời hạn lên tới một năm chỉ được cấp một lần trong đời. Tuy nhiên, cả hai bắt đầu nhớ châu Á: những món ăn ngon lành, mọi thứ đều rẻ hay rất nhiều điều khác. Tôi cũng yêu những con người vô cùng hiền lành, thân thiện, hài hước mà cũng đầy thấu hiểu, những người luôn sẵn sàng dành thời gian cho người khác. Và tôi cũng luôn cố gắng giúp đỡ họ nếu có thể. Khác với châu Á, Úc có khá nhiều quy định rất nghiêm ngặt, như một phiên bản nóng nực hơn của nước Anh. Mat đã từng bị phạt sau khi cảnh sát phát hiện ra cậu đạp xe mà không đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi nhớ châu Á với cái cảm giác hoang dại, không bị bó buộc bởi những quy định “an toàn và sức khỏe”.
Vì thế, chúng tôi quyết định sẽ quay lại Ấn Độ.
3
TRỞ THÀNH HUẤN LUYỆN VIÊN LẶN VÀ VÕ SĨ MUAY THÁI
C
húng tôi có một chuyến xe kéo dài 24 tiếng từ thành phố New Delhi tới Srinagar, Kashmir, gần biên giới phía bắc của Ấn Độ với Pakistan. Chưa bao giờ tôi gặp một tay lái
xe điên như gã này. Anh ta lái xe liền một mạch 24 tiếng không nghỉ ngơi. Mặc dù trông gương mặt hằn lên vẻ mệt mỏi nhưng anh ta vẫn không chịu dừng lại. Nơi đây có những khoảng đường hẹp tới nỗi không thể quay trở lại, một bên là vách núi dựng đứng còn một bên là vực thẳm. Những chiếc xe tải thì cứ lao phăng phăng trên đường còn gã tài xế thì dường như không chịu nổi thêm cơn buồn ngủ. Gã ngủ gật một chốc, tay lái liệng sang một bên rồi suýt nữa đâm vào xe tải. Tôi nín thở.
“Tấp vào lề rồi ngủ tí đi bác tài ơi”. Tôi nói, nghĩ rằng chúng tôi có thể nghỉ ngơi một lúc.
Anh ta lắc đầu. “Bốn tiếng nữa thôi”. Nhưng lái xe suốt 20 tiếng đồng hồ thực sự đã là quá nhiều. Cuối cùng, chúng tôi cũng ép được anh ta tấp vào lề và ngủ một vài tiếng trước khi tiếp tục. Cũng may là không có tai nạn nào xảy ra.
Srinagar là một thành cổ tuyệt đẹp, ngạo nghễ trên những đỉnh núi cao, yên bình và trong lành. Chúng tôi ở trong một căn nhà thuyền bên hồ do một người đàn ông tên Ali làm chủ. Tiếng
chuông cầu nguyện vang lên lúc hoàng hôn và vây quanh chúng tôi là những đỉnh núi cao tuyết phủ của dãy Himalaya.
Trong đêm sương mù lạnh lẽo, chúng tôi thấy phấn khích khi nghĩ về việc leo núi. Tuy nhiên, Ali nói rằng chúng tôi phải được cấp phép. Tôi nhún vai, nói rằng chúng tôi chỉ muốn leo lên một đỉnh núi nào gần đây thôi vì chúng tôi cũng không đủ tiền xin giấy phép. Ali khuyên chúng tôi không nên vì quân đội Pakistan kiểm soát toàn bộ vùng biên giới và họ sẽ chẳng ngần ngại giơ súng bắn nếu phát hiện ai đó leo núi mà không có giấy phép. Nghe vậy cũng không khiến chúng tôi thay đổi quyết định, cả hai nghĩ rằng chắc không sao đâu ấy mà.
“Thật lòng”, anh ta nói. “Tôi nói thật cho các cậu biết. Nếu để họ nhìn thấy, mấy cậu phải cầu xin tha mạng. Các cậu phải quỳ gối xuống, đặt ngón tay cái đằng sau tai”. Ông ấy dạy cho chúng tôi một câu có nghĩa là “làm ơn tha cho tôi”, và bảo chúng tôi nói đi nói lại. “Nên nhớ, đừng nhìn vào mặt họ, hãy nhìn xuống đất”.
Chúng tôi cũng hơi lo lắng, nhưng ý tưởng chinh phục những ngọn núi xa xa kia thực sự quá khó để cưỡng lại. Tôi và Mat ra ngoài cùng Tess – một cô gái cũng ở cùng chỗ Ali. Khi chúng tôi lang thang qua thị trấn, người dân địa phương thỉnh thoảng dừng lại để nhìn cả ba khiến chúng tôi lo lắng. Hay là họ biết chúng tôi định leo núi?
Chúng tôi có một ngày đi bộ qua thung lũng. Trước mắt chúng tôi là những dòng sông băng khổng lồ, đàn chim săn mồi chao lượn trên bầu trời. Có thể đâu đó sâu trong những dãy núi, vài con báo tuyết quý hiếm cũng đang lởn vởn. Khi chúng tôi đi dần lên cao hơn, Tess quyết định quay lại, có thể cô ấy thấy mệt vì thay đổi độ cao hoặc quá lo lắng trước những lời nói của Ali. Một lúc sau, chúng tôi nghe tiếng máy bay trực thăng. Mat và tôi nhìn nhau tự hỏi, không hiểu đấy có phải quân đội Pakistan đang tìm
chúng tôi? Hoảng hốt nhận ra mình đang mặc một chiếc áo đỏ khá nổi bật nên tôi đã xé nó thật nhanh trước khi nhảy vào một lùm cây để trốn.
Tuy nhiên, sau khi máy bay trực thăng đã mất dạng, cả hai vẫn đi tiếp và đến được một trong những đỉnh núi. Một đỉnh núi chinh phục thành công khiến chúng tôi có thêm động lực để leo tiếp. Chính vì vậy, sau khi trở về Srinagar, chúng tôi quyết định sẽ đi sâu hơn vào dãy núi Himalaya. Hai ngày sau, chúng tôi lên xe ô tô đi thêm khoảng 4 đến 5 tiếng nữa. Càng lên cao khu vực phía bắc gần biên giới Pakistan, những con đường càng quanh co và hẹp lại. Chúng tôi ở nhờ nhà một người dân địa phương. Nghe về kế hoạch của tôi và Mat, chủ nhà – cũng là một người dẫn đường cho những đoàn leo núi, cho biết leo núi rất nguy hiểm vào thời gian cuối mùa đông như lúc này. Không có ai lên được tới đỉnh ngọn núi mà chúng tôi đang dự định leo trong mùa đông cả.
Chúng tôi lên đường vào một sớm đẹp trời. Ánh nắng mặt trời phản chiếu trên tuyết, dát vàng cả vùng thung lũng. Những ngọn đồi hiện ra như tấm thảm với từng ô màu nâu, xanh, vàng dưới bầu trời xanh trong sâu thẳm. So với thành phố Delhi chỉ vài ngày trước đây, mọi thứ ở đây thật trong lành, sạch sẽ và rộng mở. Tôi ngửi thấy mùi thông lãng đãng trong không khí, nghe được cả những âm thanh lao động của người dân trong những căn lều tít dưới núi và cả tiếng dòng sông chảy cuồn cuộn qua thung lũng. Những chú chim lích rích trong rừng và chúng tôi còn thấy cả một con gà rừng bay qua trước mặt. Người dẫn đường đưa chúng tôi lên tới độ cao 4.000-5.000 m trên mặt nước biển. Những con đường dựng đứng, những đoạn lòng vòng qua rất nhiều ngọn núi cuối cùng cũng đưa chúng tôi lên đến đỉnh. Khi chỉ còn khoảng hai tiếng nữa là tới đỉnh, hướng dẫn viên dừng lại. Anh ta nói rằng mình không thể đi tiếp nữa và khuyên chúng tôi nên quay lại. Đáng nhẽ ra chúng tôi nên nghe lời anh
ấy nhưng khi nhìn thấy đỉnh núi không còn xa, cả hai quyết định đi tiếp. Anh chàng người địa phương buộc phải ở đó chờ chúng tôi.
Băng qua những đoạn đường dày tuyết thực sự rất mệt mỏi. Có những chỗ, con đường gần như bị vùi trong tuyết hoàn toàn. Chúng tôi còn không chuẩn bị trang phục kỹ lưỡng, mặc mỗi chiếc áo khoác đơn giản để giữ ấm và đi đôi giày cũ mèm. Biết rằng chỉ còn khoảng vài tiếng nữa là tới đỉnh, chúng tôi cố gắng đi thật nhanh để có thể làm ấm cơ thể. Sau khi đi qua một khu vực dễ sạt lở tuyết, chúng tôi đã thấm mệt, cứ 10 bước ì ạch lại phải nghỉ một lần. Tuyết ở đây đến ngang đầu gối với nhiều đoạn còn sâu hơn. Chúng tôi không thể đi nhanh hơn nữa. Nhưng sau vài giờ đồng hồ nỗ lực, Mat và tôi cũng đã tới được đỉnh. Một cảm giác yên bình nhen nhóm trong lòng. Tôi đập tay với Mat rồi hai đứa cùng hét vang, nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên xung quanh kỳ vĩ. Tôi bất ngờ nhận ra rằng những đám mây dày đang ập tới rất nhanh. Trời trở nên mù mịt và đầy sương giá, chúng tôi phải nhanh chóng xuống núi. Bị kẹt giữa mênh mông tuyết phủ và không xác định được đường về quả thật rất nguy hiểm. Một tiếng sấm lớn bỗng rền vang khắp bầu trời.
“Đấy không phải sấm”, tôi nói với Mat,“chắc hẳn là một vụ lở tuyết ở núi nào đó”.
Chúng tôi nhanh chóng xuống núi. Quả thực đó là tình huống cực kỳ nguy hiểm mà mãi về sau, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã quá may mắn và chắc chắn sẽ không bao giờ làm lại như vậy nữa. Sau khi gặp người dẫn đường, chúng tôi mò mẫm tìm đường trở về căn lều. Dù đói và lạnh, cả hai đều thấy mình đã đạt được một kỳ tích mới. Dù bồng bột, dù nguy hiểm, đó vẫn là chặng đường đẹp nhất mà tôi từng qua và có ảnh hưởng lớn đến lựa chọn trong tương lai của tôi.
Sau tất cả, chúng tôi lại đắm mình trong những trải nghiệm văn hóa. Mọi thứ ở Varanasi thật điên rồ. Những con phố ngập trong vô số thứ mùi mà chúng tôi chưa từng thấy ở bất cứ đâu: mùi của gia vị, hương liệu hay mùi của bột ớt hăng tới nỗi chúng tôi có thể nếm được vị của chúng trong không khí. Mấy quầy hàng ở đây bán đồ ăn cực rẻ, cả một bữa ngon lành mà bạn chỉ tốn khoảng 50 xu. Những con bò ở đây được tôn kính và không ai dám động vào, kể cả nếu nó vô tình lạc vào trong cửa hàng của bạn. Một ngày, trong khi đang lang thang quanh những con ngõ ngoằn ngoèo, chật hẹp treo đầy quần áo mà chỉ đủ cho hai người đi song song, chúng tôi nghe thấy tiếng hét thất thanh và khi quay đầu lại thì nhìn thấy một con bò đực bị bẫy, đang hoảng sợ và lao về phía chúng tôi. Cả hai vội vàng nép sát vào tường mà vẫn cảm nhận được sức nóng của con vật khi nó nhào đến từ phía sau.
Tại thành phố thiêng Varanasi, những ngôi nhà đủ hình dáng, kích cỡ, đầy màu sắc quần tụ, nằm soi bóng bên dòng sông Hằng với những bậc thềm dẫn thẳng xuống bờ sông. Đây là nơi người dân phơi đầy quần áo, và cả những ống nước dẫn thẳng từ các nhà vệ sinh xuống sông. Những dàn hỏa thiêu được dựng dọc đôi bờ với thi thể người chết cháy rừng rực; thủ cấp hay những phần tay chân có thể rơi xuống dòng nước đục ngầu màu nâu xám, dập dềnh trên sóng nước. Xa xa, một bà mẹ đang giặt quần áo còn đám thanh niên nhảy tùm xuống sông, cười đùa vui vẻ. Đây chính là dòng sông ô nhiễm nhất thế giới, nơi mà người ta có thể thải bất cứ thứ gì xuống, từ nước cống cho tới chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, với những người theo đạo Hindu, tắm trên sông Hằng vẫn là một điều linh thiêng mà họ phải làm để tẩy trần những tội lỗi. Nghi lễ này đã có từ khi dòng sông còn xanh trong và người dân có thể uống nước sông trực tiếp. Tôi cũng muốn thử giống người dân địa phương một lần.
Có một kỹ thuật đặc biệt mà bạn cần làm: nhảy thật nhanh xuống sông, che kín mũi, tai, nhắm chặt mắt và miệng. Mat và tôi bước xuống, rẽ làn nước qua những thứ trôi nổi trên dòng sông đục ngầu. Tôi thấy có một thứ gì đó trông như sợi dây thừng. Và khi tôi cầm nó lên thử, hóa ra đó là cục phân. Quá kinh hãi, tôi quăng đi mà không buồn nghĩ gì thêm. Cậu bạn Mat nhìn tôi cười lớn. Hai đứa lại dò dẫm bước tiếp. Cái mùi mỗi lúc một đáng sợ và mọi thứ có vẻ sai sai: nước sông ấm như thể bạn đang đắm mình trong bồn tắm đục ngầu, chân tôi lún sâu vào một cái gì đó mà có trời mới biết, một thứ như bùn lầy nhầy nhụa. Tôi bắt đầu thấy quen hơn với dòng sông này, ngụp cả cơ thể mình xuống dưới nước. Tôi chỉ biết cười khi ngoi lên khỏi dòng sông ngợp ngụa. Vài thứ linh tinh bám vào cơ thể khi chúng tôi đi lên bờ. Chật vật một lúc, tôi và Mat cũng thoát khỏi dòng sông và tìm ngay một chỗ để tắm rửa thật sạch.
Tôi muốn trải nghiệm những thứ điên rồ nhất tại châu Á và chúng tôi đã có được điều mình muốn. Như những khách du lịch bụi khác, chúng tôi tiến xuống miền Nam tới thành phố Goa. Cả hai cũng có nghĩ tới việc du lịch Sri Lanka rồi từ đó bay sang châu Phi, Nam Mỹ. Tuy nhiên, tiền đang dần cạn kiệt và chúng tôi cần phải nghĩ nghiêm túc về một kế hoạch dài hơi hơn. Hoặc là trở về nhà khi trong túi vẫn còn vài nghìn bảng, rồi sau đó quay lại với công việc cứu hộ bể bơi để tiết kiệm thêm tiền và có thêm lựa chọn cho những hành trình tiếp theo. Nghĩ vậy, chúng tôi quyết định trở về nhà và quay lại với công việc cũ vào năm 2011 sau khi đi du lịch khoảng 10 tháng.
Mất một thời gian để chúng tôi có thể quay lại cuộc sống tẻ nhạt trước kia sau khi đã đi qua những tháng ngày rực rỡ dưới cái nắng của Ấn Độ. Từ vẻ đẹp hoang dại của con sông Hằng, chúng tôi tìm lại bể bơi đầy mùi thuốc tẩy và cái gì cũng bị kiểm soát. Tôi tự nhắc bản thân mình rằng mọi thứ chỉ là tạm thời. Sau
những niềm vui vội vã được gặp gia đình, bạn bè, được ăn những món mà tôi đã không đụng tới suốt gần năm trời, có gì đó khiến tôi cảm giác thật hụt hẫng. Trong tôi đầy ắp nỗi nhớ, không chỉ là những chuyến đi mà cả vô vàn trải nghiệm phiêu lưu mạo hiểm. Tôi quyết định sẽ khám phá nước Anh theo cách mà mình đã làm ở các nước khác, đạp xe từ John O’Groats tới Land’s End một mình và không cần ai giúp đỡ. Cả hành trình kéo dài gần 1000 dặm trong vòng chưa đầy 10 ngày. Để chuyến đi thêm phần ý nghĩa, tôi quyết định đạp xe và quyên tiền cho hoạt động từ thiện của NSPCC. Vẫn như thường lệ, chuyến đi với một chiếc xe đạp địa hình rẻ tiền, vài món đồ lặt vặt, một chiếc lều nhỏ và tấm bản đồ dường như đã quá lỗi thời.
Đó là một chuyến đi tuyệt vời. Tôi cắm trại trên đường, mỗi ngày đạp xe khoảng 130 dặm. Có ba lần, tôi đạp xe qua thành phố mà họ không cho phép cắm trại. Cuối cùng, tôi phải gõ cửa xin phép người dân cho cắm trại trong vườn nhà họ. Chỉ có đúng một lần người ta nhìn tôi như một gã lập dị, còn phần lớn mọi người đều vô cùng thân thiện.
Cảnh quan thiên nhiên trong suốt chuyến đi thay đổi từ những dãy núi cho tới bờ biển trải dài tươi đẹp. Ngày cuối cùng, tôi đã đạp một mạch 204 dặm. Tôi đã hoàn thành chặng xe đạp từ Bắc tới Nam nước Anh với khoảng cách 985 dặm trong 7 ngày. Trong suốt hành thời gian ấy, tôi không ngừng nghĩ về điều mình sẽ làm tiếp theo.
Khi trở về nhà, Mat và tôi ngồi trong chái nhà kính, thư thả nhâm nhi tách trà. Tôi nói: “Tớ đã có một ý tưởng cực kỳ thú vị. Và tớ nghĩ là cậu cũng sẽ muốn làm thôi”.
Mat nhận ra niềm hứng khởi bừng lên trong mắt tôi. “Gì, cậu đang nghĩ gì nào?”.
“Có nhớ lúc bọn mình ở Koh Tao, Thái Lan không?”, tôi nói. Khi đang đi lặn, chúng tôi có gặp một gã đang luyện tập để kiếm chứng chỉ lặn chuyên nghiệp. Hắn ta nói rằng Koh Tao là một nơi lý tưởng để kiếm chứng chỉ như vậy: một nơi vừa rẻ vừa thú vị với những khu vực cho phép tập luyện lặn sâu. “Tớ muốn đến Koh Tao sống một thời gian và trở thành huấn luyện viên lặn biển”.
Nếu chúng tôi có thể nâng chứng chỉ của mình lên trình độ của huấn luyện viên lặn thì việc sống và làm việc ở nước ngoài không còn quá khó khăn. Không đắn đo nhiều, Mat hoàn toàn thích ý tưởng này. Sau năm tháng làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, Mat đã tiết kiệm đủ chi phí và cậu ấy còn hoàn thành xong khóa học hướng dẫn viên dạy trượt tuyết tại Canada. Chúng tôi đã gặp nhau ở Thái Lan rồi sau đó cả hai lên đường tới Koh Tao với niềm hứng khởi cho một chương mới cuộc đời.
***
Bỏ việc rồi bay thẳng tới Thái Lan, trong đầu tôi khấp khởi với những ý tưởng phiêu lưu kỳ thú. Tuy nhiên, tôi cần tập trung để kiếm xong cái bằng đã; tìm được một công việc là điều quan trọng bây giờ. Suốt hai tháng ròng, tôi theo học khóa lặn tại trung tâm Davy Jones’ Locker và phải thực hiện 60 lần lặn. Tôi có những buổi dạy lặn đầu tiên, ở những vùng biển đẹp nhất châu Á, sống trên hòn đảo nhỏ xinh đẹp lọt thỏm giữa vùng vịnh Thái Lan và biển Andaman và được gặp gỡ những người từ khắp nơi trên thế giới, ai cũng mang trong mình lòng nhiệt thành với những trải nghiệm mới mẻ. Đại dương mênh mông chính là nơi tôi làm việc, và tôi chẳng cần gì nhiều hơn những chiếc quần đùi.
Điểm lặn yêu thích của tôi là Chumphon Pinnacle, cách đảo Koh Tao khoảng 40 phút đi tàu, được coi là một trong những nơi đẹp nhất ở đây. Chumphon Pinnacle sâu đến hơn 40 m, tại đây bạn có
thể chiêm ngưỡng thế giới sinh vật biển đầy đa dạng với những đàn cá nhám voi hay cá mập bò. Trải nghiệm lặn biển thú vị khiến ai cũng ngập trong niềm hứng khởi và hân hoan. Các thành viên đoàn lặn thường xuyên chia sẻ cho nhau những câu chuyện thú vị dưới đáy biển mà từ đó, tất cả trở nên gắn kết với nhau hơn. Sau những buổi lặn biển thường là các buổi tiệc tùng mà tôi cực kỳ thích. Ai nấy đều vui vẻ và giá cả ở trên đảo cũng rẻ nữa. Cuộc sống như thế này thực sự rất tuyệt – nắng, biển và thể thao mạo hiểm. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, chúng tôi sẽ đi leo núi hay thuê một chiếc xe địa hình. Tôi cũng học được mấy món nhào lộn khá là thú vị. Một lần, tôi gặp vài cô gái mà thấy khá thân thiết, lý do bởi vì họ cũng đi du lịch và phải trở về nhà. Tôi nghĩ có một công việc như mình là niềm mơ ước của nhiều người: có điều gì khác quan trọng hơn nữa chứ?
Điều tiếp theo cần làm là đạt đủ trình độ để trở thành huấn luyện viên. Tất nhiên là tôi đã qua được bài kiểm tra và không khó gì để tôi kiếm thêm chứng chỉ huấn luyện viên lặn biển chuyên nghiệp và huấn luyện viên đặc biệt. Giờ tôi có thể dạy học viên các bài lặn quanh những xác tàu, máy bay bị đắm, các bài lặn sâu, làm sao để lặn vào buổi đêm hay cách để lặn với những chiếc xe máy ngầm. Đó đều là những trải nghiệm vô cùng đặc biệt và yêu cầu những kỹ thuật khác nhau. Trong số đó, lặn buổi đêm là một trong những điều đặc biệt nhất. Khi cả vùng nước ngụp lặn trong bóng tối, chỉ có thể nhìn thấy trong khoảng soi của ánh đèn, người lặn rất dễ bị mất phương hướng. Điều quan trọng là phải cực kỳ tập trung. Khi đã thấy khá hơn thì đó cũng là lúc, bạn biết vì sao mình lại thích lặn đêm đến vậy. Thế giới dưới đại dương cực kỳ sống động vào ban đêm vì đó là lúc nhiều loại động vật ra ngoài đi săn, hoạt động tích cực hơn. Một lần lặn biển đêm, khi tôi quay đầu lại thì nhìn thấy một con cá nhồng (barracuda) đang bám theo mình – một loài cá ăn thịt cỡ lớn với cơ thể dài
thườn thượt cùng hàm răng chắc khỏe. Nhớ lại cũng thấy hơi đáng sợ.
Với công việc hướng dẫn viên lặn biển, tôi thấy mình ngày càng tự tin cũng như nhận thức rõ hơn về bản thân nhờ việc tiếp xúc với nhiều người và làm việc có trách nhiệm. Khi được mời tới một hòn đảo nhỏ có tên Koh Lipe, nghe nói có những vùng biển đẹp hơn để lặn, tôi đồng ý ngay lập tức, bỏ lại cuộc sống sôi động tại Koh Tao một thời gian. Đảo Koh Lipe nhỏ xíu, chẳng có lấy một cây ATM hay cửa hàng tiện lợi, đến cả một bến cảng đàng hoàng cũng không có. Tuy nhiên, đổi lại đây là một hòn đảo rất đẹp, yên bình và gần như hoang sơ. Có một lần đi lặn biển, chúng tôi tình cờ gặp hai con cá voi vô cùng lớn, có lẽ là loài cá voi Minke. Không chần chờ gì, tôi bỏ lại hết dụng cụ lặn trên thuyền, nhảy tùm xuống nước với mỗi ống thở, chân vây và mặt nạ dưỡng khí. Cả ngày hôm đó, tôi đã có những giờ phút tuyệt vời bên đàn cá voi dài tới cả 8 m.
Tôi sống ở Koh Lipe suốt ba tháng trời, kiếm được một chút tiền, tập trung vào việc tập thể hình, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chủ yếu với trái cây, ngũ cốc và sữa chua cho bữa sáng, cơm với thịt gà cho bữa tối. Rồi tôi lại đắm chìm trong những buổi lặn dưới ánh nắng rực rỡ, tập luyện chăm chỉ thêm mỗi buổi đêm để có thể tập trung hơn. Với một chế độ đều đặn như vậy, tôi cảm thấy mình thực sự khỏe mạnh hơn bao giờ hết.
Ở Koh Tao, tôi cũng luyện tập để trở thành một võ sĩ Muay Thái. Hình ảnh về trận đấu Muay Thái hôm nào ở Bangkok cứ ám ảnh trong đầu tôi mãi. Trước giờ tôi luôn cho rằng, biết vài ngón đòn tự vệ thực sự rất quan trọng. Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể hiểu được hết tiềm năng của cơ thể mình và phát huy nó một cách tối ưu nhất. Tôi từng được học đấm bốc hồi đại học và nền tảng của tôi khá vững. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nâng cao trình độ của
bản thân và sử dụng toàn sức mạnh của cơ thể. Muay Thái – môn võ đối kháng đầy bạo lực và vô cùng khốc liệt, giúp võ sĩ sử dụng toàn bộ các chi trên cơ thể và dạy bạn cách grappling đứng (trường phái chiến đấu ở khoảng cách gần với mục đích kéo đối phương xuống đất để đánh địa chiến) và đánh đứng sử dụng đầu gối, chân, khuỷu tay và cổ tay.
Tôi phải luyện tập dưới cái nóng hơn 30 độ C và thi đấu với những tay đấm địa phương ở câu lạc bộ. Tôi thích những cuộc song đấu và cả không khí của nó. Tập Muay Thái giúp tôi học được cách làm mất cảm giác đau ở cẳng chân bằng những bài tập đá chân vào cột. Kể cả những lúc không tập luyện, buổi đêm chẳng hạn, tôi cũng để sách lên chân mình để tập cẳng chân. Người ta nói Muay Thái là môn võ gây nhiều chấn thương nhất thế giới, nhưng cũng không sao cả vì tôi thích nó. Rời Koh Lipe trở về đảo Koh Tao, lần đầu tiên tôi có một trận đấu trên võ đài.
Buổi thi đấu đầu tiên của tôi diễn ra ở ngoài trời, một sàn đấu có mái che theo kiểu cũ. Mấy gã đồng nghiệp và mọi người ở trung tâm Davy Jones’ Locker đến cổ vũ cho tôi hết sức nhiệt tình. Nghe nói một trong những võ sĩ lần này đến từ đất liền và anh ta nổi tiếng vì chưa bao giờ bị hạ gục. Đáng nhẽ ra tôi không phải đấu với gã võ sĩ bất bại này nhưng đối thủ của tôi không xuất hiện nên hiển nhiên, người chiến thắng của hai trận sẽ phải đấu với nhau. Thực sự tôi rất căng thẳng. Tuy vậy, nghĩ tới việc mình luyện tập chăm chỉ 5-6 ngày/tuần thì chắc cũng không quá tệ. Tiếng loa gọi tên vang lên, tôi nhảy qua dây thừng căng bốn phía võ đài, bước vào vòng đấu. Nhạc Muay Thái truyền thống réo rắt bên tai nghe khá là thú vị, dù nó cũng có phần hơi đáng sợ. Được chơi với những dụng cụ có âm sắc chói tai và trống, nó làm tăng nhịp độ của trận đầu lên nhiều.
Tôi đi quanh vòng đấu, thể hiện sự tôn trọng của mình. Gã kia thì trông vênh váo đến khó chịu, như kiểu trận đấu này hắn chắc chắn thắng. Thấy thế, tôi càng bực mình và như được tiếp đầy năng lượng. Những người dân địa phương đứng xung quanh sàn đấu, tiền vung vẩy trên tay sẵn sàng đặt cược. Phần lớn mọi người đều đặt vào đối thủ của tôi dù cũng có vài người tin rằng chắc tôi có thể thắng được. Tiếng hét, tiếng cổ vũ rồi cả tiếng nhạc nhỏ dần khi tôi bước vào trung tâm sàn đấu. Trọng tài nói qua về luật chơi, cầm găng tay của cả tôi và đối thủ rồi yêu cầu cả hai bắt tay nhau. Sau những màn thủ tục, tôi quay lại vị trí của mình. Trận đấu bắt đầu.
Đa phần người Thái đều nghĩ rằng người phương Tây chỉ biết đấm còn đá thì chịu chết. Chính vì thế, tôi đã tập đá rất nhiều. Mở màn trận đấu, tôi lao vào với một cú đá vào phần đầu. Hắn ta đỡ được nhưng thực ra cú đá cũng trúng đầu hắn phần nào. Theo sau đó, hắn tung một cú đá thấp và tôi cũng chặn được. Tuy nhiên, vì mất cảnh giác, đối thủ phải hứng trọn một cú đấm trái thẳng vào mặt khiến anh ta ngã xuống sàn đấu. Mãi hơn 10 giây sau cậu ta mới tỉnh dậy và tất nhiên, theo luật Muay Thái thì hắn đã bị xử thua. Tôi cũng không ngạc nhiên lắm. Khi chẳng có quy định về mấy vấn đề sức khỏe và an toàn như ở bể bơi, bạn có đeo một cái găng tay bục hết chỉ và sờn rách cũng không thành vấn đề, mà như thế khéo mới khiến đối phương ăn cả nắm đấm vào mặt. Tôi đã giành chiến thắng đầu tiên của mình với đòn nốc ao kéo dài 12 giây đầy kỹ thuật. Cả đám bạn đi cổ vũ và tôi cũng không ngờ rằng mình đã kiếm được 100 bảng từ đó.
Tôi dành một năm rưỡi ở hòn đảo thiên đường tươi đẹp ấy. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mọi thứ quá thoải mái rồi dần dần cũng lại trở thành thói quen thường nhật chán chường. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ tới Thái Lan và làm công việc thợ lặn chuyên nghiệp. Nhưng giờ tôi cũng có được chứng chỉ lặn, phòng trường hợp
không kiếm được việc nào hay thấy mọi thứ trên đời đều không thỏa mãn. Tuy nhiên, nó cũng như một trở ngại lớn cho bạn tiến về phía trước. Cuối cùng, chẳng còn gì là mạo hiểm nữa cả. Tiếng gọi trong lòng lại trỗi dậy, tôi nghĩ mình cần làm gì đó mà chưa làm trước đây bao giờ. Cả tôi và Mat đều rất ăn rơ khi đi du lịch nên chúng tôi chẳng bao giờ cãi nhau cả. Dù lặn biển ở các hang động, tàu đắm trên biển,... chúng tôi luôn sát cánh bên nhau. Tuy nhiên, có lẽ đã tới lúc cần làm gì đó một mình.
Rồi kế hoạch đi tới Mông Cổ chợt hiện ra trong đầu tôi. Khi còn trẻ, tôi có xem một vài phim về đất nước này: nơi có những con đại bàng ăn thịt thú gặm nhấm, cáo và sói xuất hiện đầy rẫy. Tôi như bị mê hoặc bởi khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt nơi đây. Tôi từng nói với chú Luke của mình một lần và được chú khuyên: “Hãy tưởng tượng việc đi bộ ở vùng nội Mông Cổ một lần, chống chọi với đủ loại thời tiết khắc nghiệt, cháu cũng phải đối đầu với những con sói để giữ mạng sống”. Những thứ ấy cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Mặc dù gặp khá nhiều khách du lịch khi sống ở Thái Lan, tôi chưa gặp một ai đã thực sự tới Mông Cổ, cũng không ai đề cập gì tới hay biết gì về đất nước này. Có lẽ đó là một phần thú vị về đất nước Mông Cổ. Không có mấy khách du lịch phổ thông tới đây nên tôi thấy vô cùng phấn chấn và tò mò. Tôi không thể ngừng nghĩ về nó, mọi lúc mọi nơi. Nó như thể bạn bị ngứa mà không thể với tới gãi, một ham muốn không kiểm soát được mà chỉ có cách tốt nhất là thỏa mãn nó.
Điều duy nhất tôi biết về Mông Cổ là bạn sẽ phải nếm trải những kiểu thời tiết rất khắc nghiệt cũng như vô số địa hình khác nhau. Tuy nhiên với những người đam mê thử thách, đó chính xác là điều kiện lý tưởng cho chúng tôi. Từng đạp xe đường dài nhiều lần, tôi hiểu cảm giác tuyệt vời khi đi bộ qua những nơi vắng vẻ, học các kỹ năng sinh tồn và làm gì cũng phải tự lực cánh sinh. Cái cảm giác trèo lên ngọn Himalaya và cả sự bình yên khi sống
cùng những người dân bộ lạc Myanmar khiến tôi thấy vô cùng hứng khởi mỗi khi nghĩ về. Tuy đi bộ nghe có phần hơi theo lối mòn, nhưng tôi sẽ không phải dính vào bất cứ con đường nào cụ thể. Ban đầu, tôi dự tính sẽ đi bộ khoảng 100 dặm. Sau đó tôi nghĩ, sao không thử đi bộ từ Bắc tới Nam? Dần dần, khoảng cách của các chặng đi bộ cứ tăng dần lên và không lâu sau, ý nghĩ về một chuyến đi bộ dọc chiều dài Mông Cổ hiện lên trong đầu.
Mông Cổ trở thành một “dự án” cần thực hiện, một niềm đam mê cháy bỏng. Đó là một quốc gia chẳng có mấy đường sá, một đất nước mà mọi thứ ở đó đều vô cùng khắc nghiệt, từ thời tiết cho tới địa hình. Và thú thật, tôi chẳng biết gì mấy về đất nước Mông Cổ cả.
Bốn tháng sau đó, tôi tập trung tiến hành nghiên cứu thêm về đất nước Mông Cổ. Nếu lúc nào không có việc, tôi luôn dành thời gian rảnh đó để có thể lên kế hoạch. Lặn đã trở thành một việc hết sức thân thuộc và tất cả những gì tôi muốn từ nó là có thể kiếm thêm thật nhiều tiền. Giờ đây, khi ai đó mời đi quán rượu, tôi chỉ có cách từ chối. Tôi cần tập trung vào mục tiêu và học Muay Thái, cũng là một cách để chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân.
Qua những gì tôi được đọc, Mông Cổ là quốc gia thưa dân thứ ba trên thế giới. Đi bộ từ đông sang tây, băng qua những dãy núi và sa mạc sẽ thực sự là một điều gì đó vô cùng tuyệt vời.
Tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho giờ phút này, hành trình được khơi lên với nguồn cảm hứng bất tận từ các chuyến phiêu lưu trước. Tôi thực sự, thực sự muốn chinh phục được hành trình này và đó chính là động lực của tôi.
PHẦN II
BĂNG QUA MÔNG CỔ
Hành trình khám phá Mông Cổ của tôi
4
DÙ AI NÓI ĐÓ LÀ ĐIỀU BẤT KHẢ THI, CỨ BƯỚC ĐI ĐỪNG SỢ!
M
ục tiêu của tôi là đi bộ dọc chiều dài đất nước Mông Cổ, một mình và hoàn toàn không cần hỗ trợ, leo lên dãy núi Altai và băng qua sa mạc Gobi trước khi tiến vào
vùng thảo nguyên mênh mông. Khi mới lên kế hoạch, tôi nghĩ cách tốt nhất là hỏi ý kiến ai đó đã từng tới Mông Cổ, dự trù những nguy hiểm có thể xảy ra để chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc tìm được một ai đó khó hơn tôi tưởng nhiều và tự dưng tôi nghĩ, khéo mình sẽ là người đầu tiên cũng nên.
Tất nhiên là tôi chẳng có ý định phá kỷ lục gì cả nhưng thú thật là có tìm đủ mọi cách cũng không ra được ai đã từng đi bộ một mình, không hỗ trợ xuyên qua đất nước Mông Cổ. Tuy nhiên, tôi tìm được một người tên Ripley Davenport. Anh ta đã từng đi bộ xuyên Mông Cổ nhưng đáng tiếc đã phải dừng giữa đường vì gặp chấn thương. Hành trình của Ripley dừng lại ở 1012 dặm. Tôi thực sự ngưỡng mộ nỗ lực của Ripley nhưng đồng thời cũng lo lắng. Ripley từng là lính hải quân, là một người có kinh nghiệm chinh phục sa mạc và chắc chắn có nhiều trải nghiệm hơn tôi. Sa mạc là thứ gì đó quá xa lạ mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến, chưa nói gì tới việc đi bộ qua sa mạc. Nỗi hoài nghi cứ lớn dần theo mỗi trang viết của Ripley về những khó khăn mà anh ấy gặp phải.
Ripley còn bị một đàn sói xám theo dõi suốt 2 tuần. Để trao đổi nhiều hơn, tôi gửi mail cho Ripley, mong anh ấy có thể cho tôi chút lời khuyên. May mắn, Ripley đã trả lời hết sức tử tế nhưng lại càng khiến tôi lo lắng hơn:
“Cậu cần để ý những chiếc giếng khô cạn, vũng nước đọng, những gã du mục say xỉn, đàn sói xám, bão tuyết hay cả bão cát sa mạc...”
Ngần đấy thứ đã đủ khiến tôi hoảng hồn và phải mở bản đồ thế giới ra nhìn lại lần nữa. Hay là thôi, mình cứ thử nước nào khác dễ hơn, một quốc gia đông dân và an toàn hơn vậy... Thử thách này thực sự cam go ngoài dự tính nhưng tôi quyết tâm sẽ không từ bỏ. Ripley cũng nói thêm:
“Phi thường chính là khi bạn tiếp tục cuộc hành trình dù điều gì xảy ra đi chăng nữa.”
Lời khuyên sáng suốt ấy, tôi sẽ ghi nhớ suốt hành trình.
Bước tiếp theo, tôi nghĩ mình cần liên hệ với ai đó ở Mông Cổ. Nhờ chú Luke, tôi quen một người đàn ông tên Rob Mills hiện đang làm quản lý của The Adventurists, một công ty chuyên về du lịch mạo hiểm nổi tiếng tại Mông Cổ. Tôi liên lạc với Rob và hỏi anh ấy xem liệu đi bộ xuyên qua Mông Cổ một mình mà không có hỗ trợ liệu có khả thi không. Rob cho rằng điều đó là bất khả thi. Tuy nhiên, anh ấy sẽ nhiệt tình giúp đỡ nếu tôi cần trang thiết bị gì cho hành trình của mình.
Lúc đó tôi vẫn đang ở Thái Lan và để có thể bắt đầu hành trình ở Mông Cổ, tôi sẽ cần một khoản tiền lớn. Tôi đã gửi thư xin tài trợ khoản tiền 5.000 bảng từ National Geographic nhưng không chắc chắn sẽ được. Qua được vòng đơn, tên tôi có trong danh sách xét duyệt phỏng vấn, nhưng phải chờ tới đầu năm 2014 thì
tôi mới biết chắc chắn mình có được hay không. Sau vài lần trò chuyện qua Skype với Rob và tham khảo với nhóm của anh về hành trình, tôi và bố cũng đã liên hệ với Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness để xem đã có ai từng ghi danh tên mình với kỷ lục này chưa nhưng có vẻ như không có ai cả.
Rob nói rằng nếu tôi hoàn thành được hành trình này, tôi sẽ là người đầu tiên trên thế giới đi bộ qua Mông Cổ. Điều này thực sự đã thay đổi mọi suy nghĩ của tôi: tôi coi đây là một việc hoàn toàn nghiêm túc và muốn đạt được nó hơn bất cứ điều gì khác. Hành trình đấy không chỉ đầy rẫy những thử thách và trải nghiệm, nó còn đem đến cho tôi một vinh dự lớn khi trở thành người đầu tiên trên thế giới làm được điều này. Với tôi, nó không còn chỉ là một hành trình mạo hiểm mà có thể là cơ hội thay đổi nghề nghiệp. Được trải nghiệm những chuyến đi nghìn dặm là “công việc” trong mơ của tôi từ khi còn là một đứa trẻ, nhưng tôi chưa bao giờ tin được một ngày nào đó nó có thể thành hiện thực. Chẳng có tư vấn viên ở trường trung học nào khuyên học sinh làm công việc này sau khi ra trường cả.
Tôi quyết định sẽ từ bỏ cuộc sống mình đang có tại Thái Lan, bán đi mọi thứ rồi trở lại Anh để có thể lên kế hoạch cho chuyến du lịch Mông Cổ. Đúng kiểu quyết định “được ăn cả, ngã về không” vì nếu tôi không thể hoàn thành kế hoạch này, tôi sẽ phải mua lại tất cả những dụng cụ lặn. Nhưng tôi sẽ không thất bại, chắc chắn sẽ không để điều ấy xảy ra. Tôi phải hoàn toàn sẵn sàng.
Từ khi còn ở trên đảo Koh Tao, tôi đã lên kế hoạch kỹ lưỡng nhất có thể. Tuy nhiên, để có thể tập luyện cho hành trình lịch sử này, có lẽ về nhà sẽ hợp lý hơn. Vùng Bắc Wales nổi tiếng với những dãy núi lớn, địa hình hiểm trở và thời tiết thất thường: đây sẽ là môi trường lý tưởng để tôi luyện tập. Trở về nhà sống với bố mẹ cũng không phải điều quá dễ dàng, nhất là sau khi họ biết tôi đã
quen với lối sống của những tháng ngày rong ruổi. Được gặp lại bố mẹ, chị gái Tash và cậu em trai Brodey giờ đã 8 tuổi thực sự khiến tôi rất vui nhưng điều quan trọng mà tôi cần nhớ là không được quên mục tiêu và ước mơ của đời mình.
Tôi lên kế hoạch để trở về nhà trước dịp năm mới và gặp Rob tại thành phố London. Tại Viện Địa lý Hoàng gia, tôi có dịp nhìn những tấm bản đồ rất chi tiết về Mông Cổ. Tôi cùng Rob tham khảo lộ trình, những điểm cung cấp nước và trao đổi cực kỳ tỉ mỉ. Rob trở thành người tư vấn cho hành trình của tôi và thật may mắn khi có anh ấy giúp đỡ. Kiến thức về Mông Cổ của Rob rất vững, đặc biệt là sau 5 năm sinh sống và chu du tại quốc gia này. Anh ấy còn có trong tay cả một đội chuyên nghiệp, bao gồm cả người phiên dịch hay nhân viên kỹ thuật để giúp mọi chuyến đi được suôn sẻ hơn.
Tôi cũng được gợi ý về việc thông cáo chuyến đi của mình rộng rãi, như một cách để kêu gọi tài trợ, dù nó có nguy cơ thất bại rất lớn. Đây là một hành trình nguy hiểm thực sự. Suy nghĩ về những điều không may cứ chảy tràn trong đầu tôi. Có những đêm, tôi trằn trọc cả vài tiếng đồng hồ, nghĩ về chuyến đi và những rủi ro tôi có thể gặp phải. Vài cơn ác mộng khiến tôi hoảng hồn bật dậy. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang ngồi một mình trong lều giữa thiên nhiên hoang vu, bên ngoài kia là tiếng gió đang gào thét. Tôi bó gối chạm sát ngực mình, mồ hôi tuôn ra giữa đêm và cơ thể không ngừng run rẩy trước bầy sói đang lởn vởn, hú dưới trời đêm ngoài kia. Trải qua một giấc mơ kiểu như vậy chẳng hề dễ chịu chút nào. Tôi phải gạt ngay những lo lắng đó ra khỏi đầu. Có những lúc, tâm trí tôi tràn ngập những hoài nghi về bản thân và hành trình nhưng khi ngày mới đến, tôi lại quay mình trong kế hoạch về chuyến đi này, cực kỳ tập trung và đầy quyết tâm.
Vì thế, tôi đã quyết định sẽ thông báo chuyến đi của mình cho mọi người biết. Một người bạn mà tôi từng gặp ở Thái Lan giới thiệu cho tôi một gã làm website cực kỳ chuyên nghiệp. Người khác thì giúp tôi thiết kế logo. Ngoài ra, tôi cũng liên lạc với vài công ty tiềm năng để xin tài trợ – vài nơi từ chối thẳng thừng, số khác cũng đồng ý. Lúc tôi trở về nhà thì đã thấy một đống đồ được các nhà tài trợ gửi đến.
Chú Felix giúp tôi quyên tiền cho chuyến đi này và cho tôi mượn một chiếc camera hành trình để quay lại toàn bộ chặng đường. Trước giờ tôi luôn tự quay với dụng cụ cầm tay nên có chiếc camera như vậy tiện hơn rất nhiều. Tôi thực sự rất biết ơn vì sự giúp đỡ tận tình của chú. Tính đến lúc đó, tôi không còn phải dựa vào khoản tài trợ của National Geographic nữa. Khi trở về Anh, tôi đã có trong tay danh sách của một số nhà tài trợ, những cá nhân ủng hộ tiền cho chuyến đi. Anh Rob giúp tôi quản lý trang thiết bị, chúng tôi cùng tìm hiểu thêm về thủ tục visa, lộ trình, việc tiêm vaccine, các dụng cụ và thiết bị điện tử cần thiết.
Quan trọng hơn cả là tôi phải chuẩn bị về thể lực. Tôi có một máy tập gym đa năng ở trong gara, chú Luke cũng quăng cho tôi mấy chiếc bánh xe tải và tôi dành ra khoảng 3 tiếng mỗi ngày cật lực luyện tập, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Việc tập luyện như vậy quả thực rất vất vả nhưng tôi có thể chịu được. Ngày nào tôi cũng tập các bài lật bánh xe, luyện tập Muay Thái, các bài tập cơ thể, lên xà, chống đẩy, đứng lên ngồi xuống. Tôi cố rèn luyện thể lực nhiều nhất có thể, thêm vào các bài tập như kéo vật nặng di chuyển quãng đường dài qua núi, đạp xe và chạy bộ với balo nặng trên vai.
Tôi chẳng từ một bài tập nào và thực sự chưa bao giờ thấy cơ thể mình tràn đầy năng lượng như vậy. Không sở hữu bề ngoài quá khổ nên nếu chỉ luyện tập để giữ vóc dáng cho cơ thể, tôi sẽ
không thể duy trì được sức khỏe khi bước vào cuộc hành trình. Tôi cần duy trì trọng lượng, đặc biệt là lượng cơ bắp trên cơ thể, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt, cân bằng và sức mạnh tổng thể của cơ thể.
Tôi có gặp một vài người Anh từng đến Mông Cổ. Đa số họ đều nói rằng, việc đi bộ xuyên Mông Cổ là điều không thể, đặc biệt là đi một mình. Có người đã từng cưỡi ngựa hơn 1.000 km ở Mông Cổ, còn tôi thì chưa thử bao giờ. Những chia sẻ của mọi người khiến tôi hơi chùn bước nhưng tôi cũng rất biết ơn vì họ đã chia sẻ thật lòng. Nhưng nhìn theo một cách khác, những lời nói ấy cũng phần nào cổ vũ tôi rất nhiều. Đó chính là những điều cần thiết khi trải qua khó khăn thực sự và tôi sẽ nhớ lại những điều mọi người nói để có động lực tiến bước.
Mở tấm bản đồ, tôi hỏi Rob: Những ngày nào có thể khiến tôi dừng bước hay thất bại? Nhiều người đã làm những điều lớn lao hơn vậy và thành công nên tôi nghĩ rằng nếu mình chia mục tiêu ra làm nhiều phần thì sẽ dễ đạt được hơn. Chừng nào chân còn cứng, thức ăn và nước uống còn trên vai và lòng quyết tâm còn sắt đá, tôi vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu qua từng ngày. Những điểm tiếp nước là điều quan trọng nhất cần nhớ. Tôi phải chắc chắn rằng mình mang đủ nước giữa các chặng để có thể sống sót.
Một người bạn của gia đình tôi, Paul nói rằng anh ấy sẽ giúp lắp một chiếc xe kéo có bánh để thuận tiện cho hành trình xuyên Mông Cổ. Chiếc xe tự chế sẽ giúp tôi mang theo mọi thứ tôi cần, toàn bộ đồ đạc hành lý nặng tới 114 kg. Tôi gửi cho Paul một vài ý tưởng thiết kế nhưng thực tế thì tôi cũng không có nhiều tiền lắm. Paul dùng loại thép non siêu nhẹ để chế tạo xe kéo, lắp thêm bánh xe chống thủng tự chế. Thực sự tôi rất cảm kích khi có ai đó tin vào những điều tôi làm, sẵn sàng giúp đỡ và lắng nghe những
điều tôi cần. Paul là một người hết sức tử tế, tôi và anh ấy thường xuyên liên lạc với nhau để cập nhật hành trình.
Tôi cần phải dùng thử những thiết bị, quần áo, giày mà các nhà tài trợ gửi đến. Vì thế, cậu bạn Martyn và tôi quyết định đi dọc Wales, từ bắc tới nam trong những ngày đông rét buốt nhất. Lạnh lẽo, ẩm ướt và đầy mưa gió, tôi coi đây là điều kiện lý tưởng để luyện tập và chuyến đi thực sự rất thú vị khi cả hai đi lạc mất vài lần. Sau đó, tôi bay sang Đức để gặp Manuel Huber, nhân tiện thực hiện chuyến leo núi một mình trên dãy Alps. Mọi thứ đều tuyệt vời ngoại trừ cái lần tôi suýt nữa bị cuốn trôi trong trận sạt lở. Tôi cố gắng không nghĩ về việc liệu tôi có thể thành công với Mông Cổ hay không. Khi mọi thứ dường như đã đủ cả, tôi quyết định đi chạy thử ở Scotland, theo con đường đi bộ nổi tiếng West Highland Way với đầy đủ trang thiết bị chất trên xe kéo. Đó là những ngày mưa bão. Tôi thường xuyên thiếu ngủ, cơ thể lúc nào cũng lạnh ngắt và phải vượt qua rất nhiều con sông, lội qua những dòng nước cao đến tận eo. Chẳng còn cách nào khác, tôi phải chia nhỏ đồ đạc trên xe kéo, mang từng món qua một. Những cơn gió vẫn thổi mạnh, đi kèm cùng làn mưa tuôn rào rào. Đến ngày hôm sau, một phần đồ đạc của tôi bị trôi xuống hồ và ướt nhoẹt. Tôi đành phải dừng lại hành trình này, nhặt đồ đạc và trở về nhà. Mọi thứ thật sự thảm hại và sau lần đó, tôi đã rút ra bài học cho bản thân và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho chuyến đi thực sự.
Thời gian trôi đi thật nhanh với đầy biến cố nhưng cuối cùng mọi thứ đều ổn thỏa. Nỗi lo lớn nhất của tôi là liệu với visa 90 ngày, tôi có thể hoàn thành chặng đi bộ dài 1.500 dặm, mang theo 120 kg hành lý qua núi cao và sa mạc được hay không. Nghe có vẻ không thực tế cho lắm. Tôi tưởng tượng đến lúc chỉ còn cách điểm cuối hành trình khoảng một tuần đi bộ nữa thôi thì visa hết hạn và bị bắt phải trở về. Có lẽ, tôi nên tắt điện thoại có gắn
thiết bị định vị đi để họ không tìm ra tôi. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi không thể làm thế được vì nếu làm như vậy, những người giúp tôi hoàn thành thủ tục visa sẽ gặp rắc rối lớn. Chỉ hy vọng là tôi có thể kiếm được một chiếc visa dài ngày hơn khi tới Mông Cổ.
14 tháng trôi qua kể từ ngày ý tưởng đó xuất hiện trong đầu. Tuần cuối cùng trước khi bay tới Mông Cổ, mọi thứ thật lạ. Trong đầu tôi là vô vàn cảm xúc hỗn độn; dù đã sẵn sàng lên đường, tôi vẫn không ngừng hoài nghi bản thân. Tự nhủ với mình rằng mọi thứ cũng bình thường thôi, tôi phải cố gắng vượt qua thử thách này để chinh phục những thử thách cao hơn.
Hơi lo lắng vì những tình huống xấu, tôi quyết định thu âm một lời nhắn tự gửi cho bản thân, đầy những lời động viên mà tôi có thể cần tới sau này. Tôi nói với chính mình: “Giờ cậu đang lang thang trên sa mạc Gobi và phải đối diện những khó khăn thực sự nhưng cứ cố gắng nhé. Cậu sẽ chẳng còn gì nếu thất bại và quay trở lại nên hãy tiến về phía trước...”. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, tôi sẽ nghe lại đoạn ghi âm của mình với hy vọng có thể vực bản thân dậy. Trong đầu tôi tràn đầy niềm tin. Dù có chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ có đủ nghị lực để tiếp bước về phía trước.
Mọi thứ đều được gửi đi từ vài tuần trước khi tôi lên đường: chiếc xe kéo, đống đồ đạc chuẩn bị suốt 5 tuần, bếp, túi ngủ và quần áo, tất cả mọi thứ ngoại trừ một chiếc balo mà tôi sẽ mang theo. Một người đàn ông Mông Cổ tên Jenya đồng ý giúp tôi nhận đồ đạc từ sân bay khi chúng được gửi đến.
Tôi chào tạm biệt gia đình và bạn bè, đăng tải một đoạn video lên mạng xã hội cho những người đã, đang và sẽ theo dõi hành trình của mình, chuẩn bị nốt vài thứ cuối cùng trước khi lên đường vào sáng sớm hôm sau. Cha mẹ vừa lo lắng vừa mừng vui cho tôi.
Buổi sớm ngày 14/5/2014, tôi dậy sớm để ra sân bay. Mẹ chuẩn bị cho tôi một chiếc bánh sandwich với thịt xông khói rồi hôn tôi tạm biệt. Trông bà có vẻ buồn nhưng vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ. Mẹ biết rằng đây không phải là lúc để tôi mềm yếu. Về phần cha, ông biết tôi thực sự tâm huyết cho chuyến đi này tới nhường nào. Cha động viên tôi rất nhiều với cái nhìn đầy tích cực. Lúc đưa tôi ra sân bay, ông lại nhắc nhở tôi mọi thứ từng tí một. Nhìn cha cũng đang cố tỏ ra mạnh mẽ, tôi thì thầm vào tai cha “Con sẽ làm được” lúc ôm nhau tạm biệt. Tôi ngoái đầu lại nhìn mọi người lần cuối, vẫy tay chào và mỉm cười trước khi bước qua cửa khởi hành.
***
Mông Cổ nằm giữa Nga về phía bắc và Trung Quốc về phía nam; được coi như trái tim của châu Á. Đây là quốc gia không giáp biển lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Kazakhstan, người hàng xóm ở phía tây. Năm 2014, Mông Cổ có tổng số dân vào khoảng gần 3 triệu người, phần lớn đều sống tại thủ đô Ulaanbaatar. Nhìn từ trên cao, Mông Cổ chẳng giống bất cứ đâu mà tôi từng đi qua. Dù là đất nước có bề dày lịch sử, những tòa nhà hiện đại vẫn mọc vượt cả khoảng không đô thị. Những ngọn đồi thấp trải dài khuất tầm mắt với vô vàn căn lều ger hình tròn – kiểu nhà truyền thống của dân du mục, rải rác sắc trắng lấm tấm trên thảo nguyên xanh tươi.
Mọi thứ thật vô cùng tươi đẹp khiến tôi nhớ tới bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn. Tôi đến Mông Cổ vào một ngày nắng vàng rực rỡ. Thủ đô Ulaanbaatar đông đúc nhưng nhỏ hơn tôi tưởng tượng. Nó không ồn ào như nhiều thành phố khác mà tôi từng đến, dù giao thông cũng cực kỳ kinh dị. Giữa những thứ mùi kinh dị của nước thải và ô nhiễm là làn gió mát lành, thổi từ vùng đồng cỏ xung quanh tới thành phố.
Gặp được Jenya thực sự khiến tôi rất mừng. Anh ấy xuất hiện với nụ cười rạng rỡ và một cái bắt tay thật chặt. “Chào Ash”. Jenya có nước da hơi rám nắng, vóc dáng nhỏ và thấp hơn tôi vài phân với mái tóc và đôi mắt đen tuyền. Chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc và Jenya khiến tôi cảm giác vô cùng thoải mái. Anh ấy dẫn tôi đi quanh thành phố và chỉ cho tôi rất nhiều thứ thú vị. Cũng như tôi, Jenya rất hào hứng với hành trình xuyên Mông Cổ. Anh ấy bảo tôi thực sự rất “điên rồ” rồi cười lớn trong khi đang lái xe đưa tôi thăm thú mọi nơi. Tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ, trông xa xa về phía những ngọn đồi và nghĩ chắc hẳn chuyến đi sẽ đáng nhớ lắm.
Jenya đã đặt trước cho tôi một chỗ ở nhà nghỉ nhưng trước khi tới đó, tôi cần kiểm tra đồ đạc của mình trước. Bởi vì Mông Cổ là một đất nước khá trống trải, tôi cần phải mang đầy đủ quần áo để giữ ấm trong những điều kiện khắc nghiệt. Ngoài ra còn có máy ảnh, nước, dụng cụ nấu ăn, túi ngủ và vô số thứ đồ lỉnh kỉnh khác. Tất cả đống đồ này đã được một chiếc xe bus cũ kỹ chuyển tới thành phố Olgii trước. Tôi ký một vài giấy tờ, trả tiền và hy vọng mọi thứ sẽ ổn.
Nhà nghỉ tôi ở thực sự hoàn hảo với một gian bếp nhỏ, một phòng sinh hoạt chung và phòng tắm. Phòng ngủ khá nhỏ nhưng có đủ mọi thứ tôi cần. Nhận phòng xong, tôi đi ra ngoài với Jenya để gặp vợ anh ấy, chị Ogi – người cũng đã giúp tôi chuẩn bị rất nhiều. Mới gặp chấn thương sau vụ tai nạn ô tô, mà chiếc xe lại mới mua nên trông chị ấy có vẻ cáu kỉnh. Tuy nhiên tôi cũng hiểu được cảm giác ấy khi lỗi là của người tài xế kia. Chị Ogi lịch sự chào tôi rồi quay lại cuộc cãi vã với người lái xe, xung quanh là đám người hiếu kỳ. Mọi người ở đây nhìn chung đều thân thiện. Jenya giới thiệu tôi với vài người và đa phần nhìn ai tôi cũng có thiện cảm.
Sau khi nghe tôi trình bày nỗi lo về vấn đề visa, buổi sáng hôm sau, Ogi đón tôi từ nhà nghỉ rồi chở tôi đến cơ quan quản lý visa. Xoay xở một lúc, chị Ogi đã giúp tôi gia hạn visa thêm 30 ngày nữa. Tôi như trút đi được một gánh nặng lớn trên vai và giờ chẳng còn lý do gì nữa để thất bại. Sau đó, chị Ogi đưa tôi tới Gandantegchinlen, một tu viện Tây Tạng với kiến trúc kiểu Trung Quốc. Tên của nó có nghĩa là “Nơi ngập tràn niềm vui” trong tiếng Mông Cổ. Ogi và tôi đi một vòng quanh tu viện. Tôi nghe thấy chị lầm rầm cầu nguyện trước kinh luân, có lẽ là cầu cho sự an toàn của tôi. Ogi biết rõ mảnh đất này và sự khốc liệt không ai ngờ tới của nó.
Jenya và Ogi chở tôi ra ngoài thành phố khoảng 50 km đến một thung lũng xanh tươi xinh đẹp, phủ đầy những hàng thông. Tôi phải học cách bước vào những túp lều của dân du mục Mông Cổ một cách đầy tôn trọng. Đây sẽ là điều tôi cần làm trong suốt hành trình và luôn ghi nhớ không được xúc phạm tới bất cứ ai. Cũng giống như những túp lều ở vùng Trung Á (với tên gọi là yurt), ger là kiểu nhà truyền thống của người Mông Cổ được dựng lên từ khung hình tròn đơn giản, ở giữa nhồi lớp nỉ dày, thiết kế chủ yếu cho dân du mục. Nó phải đảm bảo vừa kiên cố để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt nhưng cũng có thể tháo dỡ để di chuyển tới nơi khác dễ dàng.
Khi bước vào nhà, bạn sẽ thấy một bậc cửa nhưng không được phép dẫm lên mà phải bước qua nó. Trước cửa nhà có treo một cuộn da nhím để ngăn những linh hồn ma quỷ chui vào trong nhà, bạn phải để ý để không đụng phải nó. Ngoài ra, giữa nhà sẽ có hai chiếc cột mà bạn phải đi vòng qua chứ không được đi giữa hai cột. Khu vực của phụ nữ ở bên phải với nhà bếp còn của nam giới ở bên trái. Tuy nhiên, việc đi lại giữa hai bên cũng được chấp nhận. Khi ngồi, bạn phải để ý không được duỗi thẳng chân. Hành động như vậy được coi là bất lịch sự, chiếm nhiều diện tích trong
lều. Chính vì thế, bạn nên ngồi khoanh chân gọn gàng. Nếu ai đó đưa đồ ăn và nước uống cho bạn, bạn phải dùng cả hai tay để đỡ hoặc dùng một tay, tay còn lại chạm vào khuỷu tay mà bạn đưa ra đỡ.
Ngoài bài học về nghi lễ trong nhà, tôi cũng được dạy cưỡi ngựa lùn Mông Cổ. Biết tôi mới nhập môn, con ngựa có vẻ như bất kham hơn. Tôi chỉ cưỡi ngựa khoảng 5 phút rồi dừng lại trước khi mọi thứ trở nên quá nguy hiểm. Tôi không muốn gặp chấn thương gì trước khi khởi hành. Khi tham quan bảo tàng Chinggis Khan, tôi học được một điều rằng người dân địa phương rất không thích nếu bạn gọi ông ấy là Genghis Khan vì đó là cách người Nga gọi tên ông. Tên khai sinh của ông là Thiết Mộc Chân (Temujin). Ông sinh vào năm 1162 tại vùng đất đầy loạn lạc, nơi bắt cóc, cướp bóc, tranh giành đánh nhau giữa các bộ lạc xảy ra liên miên. Đến năm 1205, ông đã chinh phạt hầu hết các bộ lạc, tổ chức quân đội và xưng vương với hiệu Thành Cát Tư Hãn (Chinggis Khan), trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “Người nắm quyền tất cả”. Đến khi ông qua đời vào khoảng năm 1227, đế chế của Chinggis Khan có diện tích bằng cả châu Phi.
Khi lên kế hoạch hành trình, tôi dự định sẽ vượt qua dãy Altai, sa mạc Gobi và vùng thảo nguyên mênh mông. Tuy nhiên, Rob nói rằng tôi không thể tới quá gần biên giới vì khu vực đó khá nhạy cảm – biên giới phía tây giữa Kazakhstan, Nga và Trung Quốc. Chính vì thế, tôi đã quyết định chọn 2 thành phố cực đông và cực tây của Mông Cổ làm trạm đầu và điểm kết thúc. Sau đó, chúng tôi phải xác định các điểm có nước trên đường đi vì nếu không có được nước và thức ăn, tôi không thể tiếp tục cả cuộc hành trình dài. Ở trên núi Altai, nhiệt độ sẽ giảm xuống đáng kể nhưng khi băng qua sa mạc Gobi thì thời tiết lại trở nên vô cùng nóng nực vào mùa hè, có khi tới hơn 40 độ C. Tôi ước tính toàn bộ chuyến hành trình sẽ mất khoảng 100 ngày.