🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Rèn Luyện Kỹ Năng Phát Triển Bản Thân
Ebooks
Nhóm Zalo
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG THƯƠNG
Trụ sở: Số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội Điện thoại: 024 3934 1562 - Fax: 024 3938 7164 Website: http://nhaxuatbancongthuong.com.vn Email: [email protected]
RÈN LUYỆN KĨ NĂNG PHÁT TRIỂN BẢN THÂN
SCOTT H. YOUNG
Thu Ánh dịch
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc - Tổng Biên tập
NGUYỄN MINH HUỆ
Biên tập: Đồng Thị Thu Thủy
Vẽ bìa: Mộc Trà
Trình bày: Lam Hạ
Sửa bản in: Dương Thị Thu Hương
In 2000 bản, khổ 13x20,5 cm tại Công ty TNHH In - Thương mại Thuận Phát. Địa chỉ: Tổ dân phố Văn Trì, phường Minh Khai, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số xác
nhận ĐKXB: 2321-2020/CXBIPH/01-98/CT. Quyết định xuất bản số 139/QĐ-NXBCT cấp ngày 29 tháng 06 năm 2020. Mã ISBN: 978-604-996355-1.In xong và nộp lưu chiểu Quý III năm 2020.
ĐỐI TÁC LIÊN KẾT:
CÔNG TY TNHH VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THÔNG 1980 BOOKS
Trụ sở chính tại Hà Nội:
20-H2, ngõ 6 Trần Kim Xuyến, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Tel: 0243.7880225 / Fax: 0243.7880225
Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh:
Số 58/79 Nguyễn Minh Hoàng, Phường 12, Quận Tân Bình, TP HCM
Tel: 0283.933.3216
Website/link đặt sách: www.1980edu.vn
Email: [email protected]
Mục lục
Lời nói đầu
Chương 1 - Liệu bạn có thể thụ hưởng nền giáo dục của MIT từ xa?
Chương 2 - Tầm quan trọng của chiến lược siêu học Chương 3 - Cách trở thành một tín đồ của siêu học Chương 4 - Nguyên tắc số 1: Làm chủ việc học Chương 5 - Nguyên tắc số 2: TẬP TRUNG
Chương 6 - Nguyên tắc số 3: TRỰC TIẾP THỰC HÀNH Chương 7 - Nguyên tắc số 4: ĐÀO SÂU
Chương 8 - Nguyên tắc số 5: ÔN TẬP
Chương 9 - Nguyên tắc số 6: LẮNG NGHE NHẬN XÉT Chương 10 - Nguyên tắc số 7: DUY TRÌ
Chương 11 - Nguyên tắc số 8: TRỰC GIÁC
Chương 12 - Nguyên tắc số 9: THỬ NGHIỆM
Chương 13 - Dự án siêu học đầu tiên của bạn
Chương 14 - Một nền giáo dục phi truyền thống Kết luận
Lời cảm ơn
Phụ lục - Một vài ghi chú về dự án siêu học của tôi Về tác giả
LỜI NÓI ĐẦU
T
ôi quen Scott Young từ giữa năm 2013. Vào ngày 10 tháng 7, tôi gửi mail cho anh ấy đề nghị lên lịch một cuộc gọi vào tháng tới. Chúng tôi đã gặp nhau tại một cuộc hội
thảo vài ngày trước đó và tôi hy vọng anh ấy sẽ sẵn sàng tiếp tục cuộc trò chuyện.
“Có thể”, anh ấy trả lời. “Sau đó, tôi sẽ đến Tây Ban Nha và ưu tiên việc học ngôn ngữ lên hàng đầu trong dự án sắp tới của tôi.”
Đó không phải là câu trả lời mà tôi hy vọng, nhưng nó có vẻ hợp lý. Việc lên lịch các cuộc gọi trong khi đi công tác nước ngoài có thể khó khăn và tôi hiểu rằng anh ấy muốn tôi đợi đến khi anh ấy quay về. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra rằng anh ấy sẽ không quay về sớm, và múi giờ thay đổi hay kết nối mạng đứt quãng không phải là lý do duy nhất trì hoãn cuộc trò chuyện của chúng tôi.
Lý do khiến việc liên lạc với Scott gặp khó khăn còn là vì anh ấy dự định không nói tiếng Anh trong vòng một năm.
Vì vậy, tôi bắt đầu làm quen với Scott Young và tiếp xúc với tâm huyết của anh ấy đối với siêu học thông qua email. Trong vòng một năm tiếp theo, tôi sẽ trao đổi những bức email lẻ tẻ với Scott khi anh ấy đến Tây Ban Nha, Bra-xin, Trung Quốc, Hàn Quốc và từng bước thông thạo ngôn ngữ giao tiếp của từng nước. Phải đến mùa hè năm 2014, chúng tôi mới có thời gian để thường xuyên trao đổi thông tin với nhau vài tháng một lần.
Tôi luôn hào hứng gọi điện cho Scott chủ yếu vì những lý do cá nhân. Một trong những mối quan tâm chính của tôi với tư cách nhà văn đồng thời là nhà khoa học là về cách xây dựng thói quen tốt và phá vỡ thói quen xấu. Người như Scott, đã hoàn toàn làm chủ được thói quen của mình, chính là mẫu người có thể dạy cho tôi nhiều thứ. Và thực tế diễn ra đúng như thế. Trong trí nhớ của tôi, hiếm khi nào tôi không học được gì sau khi gọi điện cho Scott.
Chưa kể đến cái nhìn sâu sắc của anh ấy làm tôi ngạc nhiên. Tôi đã chú ý đến Scott ngay vào thời điểm chúng tôi gặp nhau tại một hội nghị vào năm 2013. Một năm trước, anh ấy đã có được danh tiếng trên mạng internet nhờ việc hoàn thành toàn bộ chương trình đại học ngành Khoa học máy tính của trường Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và thi qua tất cả các bài thi, kết thúc học phần trong chưa đầy một năm – tương đương bốn năm học trong chưa đầy 12 tháng. Tôi đã xem chương trình TEDx Talk nói về kinh nghiệm của anh ấy, cũng đã đọc một vài bài viết của anh ấy về việc học hỏi và tự cải thiện bản thân trước khi quan sát Scott tại hội nghị.
Ý tưởng tiến hành một dự án đầy tham vọng, giống như việc hoàn thành chương trình đào tạo đại học của MIT trong một năm hoặc việc cứ sau ba tháng lại học một ngôn ngữ là nguồn cảm hứng cho nhiều người. Tôi chắc chắn sẽ tìm ra được điểm thu hút của những dự án táo bạo này. Nhưng các dự án của Scott có chung một điểm đặc biệt khiến tôi có ấn tượng sâu sắc hơn nữa: Anh ấy theo khuynh hướng học đi đôi với hành.
Đây là điều mà tôi luôn đánh giá cao về phương pháp của Scott cũng như tin rằng các bạn cũng có quan điểm như vậy trên cương vị là độc giả. Anh ấy không chỉ tập trung vào việc tiếp thu kiến thức mà cố gắng ứng dụng kiến thức đó vào thực tế. Tiếp
cận sự học với sự chuyên sâu và cam kết hành động như vậy là một dấu ấn trong quá trình tiến bộ của Scott. Hướng đi này có tác động mạnh mẽ với tôi, một phần bởi vì tôi nhận thấy những điểm tương đồng với cuộc sống và sự nghiệp của bản thân. Một số trải nghiệm ý nghĩa nhất của tôi là kết quả của việc tự học chuyên sâu.
Mặc dù lúc đó tôi không biết đến thuật ngữ siêu học, nhưng một trong những dự án siêu học đầu tiên của tôi liên quan đến nhiếp ảnh. Vào cuối năm 2009, tôi chuyển đến Scotland sinh sống trong một vài tháng. Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. Trước khung cảnh tuyệt đẹp của Cao nguyên Scotland, tôi nhận thấy mình nên mua một chiếc máy ảnh đàng hoàng. Tuy nhiên, điều tôi không ngờ tới là sau đó, tôi đã bị mê đắm với việc chụp các bức ảnh. Đây có thể coi là một trong những thời kỳ sáng tạo nhất trong cuộc đời tôi.
Tôi học nhiếp ảnh thông qua nhiều phương pháp. Tôi đã nghiên cứu bộ sưu tập của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, cũng đã tìm kiếm các địa điểm và góc chụp lôi cuốn. Tuy nhiên, chủ yếu tôi đã học bằng một phương pháp đơn giản: tôi đã chụp hơn 100.000 bức ảnh trong năm đầu tiên. Tôi chưa bao giờ đăng ký vào một lớp học nhiếp ảnh, cũng chưa từng đọc sách hướng dẫn trở thành một nhiếp ảnh gia xuất chúng. Tôi chỉ cố gắng thực hành không ngừng. Phương pháp “học đi đôi với hành” này phản ánh một trong những chương yêu thích của tôi trong cuốn sách này và nguyên tắc thứ ba của Scott về siêu học: trực tiếp thực hành.
Trực tiếp thực hành có thể hiểu là học bằng cách trực tiếp làm điều bạn muốn học. Về cơ bản, nó là sự cải thiện bằng chủ động tiến hành học thay vì thụ động. Các cụm từ “học một cái gì đó mới” và “thực hành một cái gì đó mới” có vẻ tương tự nhau, nhưng hai phương pháp này có thể tạo ra kết quả rất khác nhau.
Học một cách thụ động tạo ra kiến thức, còn học một cách chủ động tạo ra kỹ năng.
Điểm này đã được Scott làm rõ và hoàn thiện hơn trong Chương 6: Trực tiếp thực hành dẫn đến phát triển kỹ năng.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, tôi không mất quá nhiều thời gian để nhận được thành quả nhờ việc đầu tư vào phương pháp thực hành trực tiếp. Vài tháng sau khi mua máy ảnh, tôi đến Na Uy và mạo hiểm đến vòng Bắc Cực để chụp lại hình ảnh cực quang Borealis. Không lâu sau đó, tôi được lựa chọn để tham dự vòng chung kết cuộc thi Nhiếp ảnh gia du lịch của năm nhờ bức ảnh Ánh sáng phương Bắc. Đó là một kết quả bất ngờ, nhưng cũng là một bằng chứng cho thấy bạn có thể tiến bộ rất nhiều trong một khoảng thời gian học tập ngắn ngủi nhưng có đầu tư thực sự.
Tôi chưa từng theo đuổi nghề nhiếp ảnh. Đó là một dự án siêu học mà tôi thực hiện để thỏa mãn bản thân và tìm kiếm niềm vui. Nhưng vài năm sau, ngay khi gặp Scott lần đầu tiên, tôi đã đầu tư học nghiêm túc với mục tiêu thực tế hơn: Tôi muốn trở thành một doanh nhân và tôi nhận thấy viết lách sẽ là một hướng đi giúp tôi đạt được mục tiêu đó.
Một lần nữa, tôi đã lựa chọn một lĩnh vực mà bản thân có rất ít kinh nghiệm. Gia đình tôi không có ai là doanh nhân, và tôi chỉ tham gia một khóa học bằng tiếng Anh ở trường đại học.
Tuy nhiên, khi đọc Rèn luyện kỹ năng phát triển bản thân, tôi giật mình khi thấy Scott có giải thích cặn kẽ từng bước của quá trình tôi đi từ một doanh nhân không tên tuổi trở thành tác giả có sách bán chạy nhất.
Nguyên tắc số 1: Học cách học — Tôi bắt đầu bằng việc tiến hành khảo sát những người viết blog và tác giả nổi tiếng. Phương pháp
của họ đã giúp tôi lên định hướng những việc cần làm để trở thành một nhà văn thành công.
Nguyên tắc số 2: Tập trung — Tôi bắt đầu công việc viết văn toàn thời gian. Ngoài một vài dự án tự tôi thực hiện để kiếm tiền chi trả sinh hoạt phí, tôi dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu và sáng tác.
Nguyên tắc số 3: Trực tiếp thực hành — Tôi học viết bằng cách viết thật nhiều. Tôi lên kế hoạch viết một bài báo mới vào mỗi ngày thứ Hai và thứ Năm. Trong vòng hai năm đầu tiên, tôi đã viết được hơn 150 bài tiểu luận.
Nguyên tắc số 4: Đào sâu — Tôi phân tích từng khía cạnh của các bài báo một cách có hệ thống từ tiêu đề, câu mở đầu, cách dẫn dắt đến cách kể chuyện… và sắp xếp lại thành bảng biểu với ví dụ về từng phần. Sau đó, tôi bắt đầu thử nghiệm và hoàn thiện khả năng trình bày mỗi phần nhỏ của một tác phẩm lớn.
Nguyên tắc số 6: Lắng nghe nhận xét — Cá nhân tôi tự gửi email cho tất cả 10.000 người đăng ký trang để chào hỏi và xin phản hồi về bài viết của mình. Mặc dù quy mô chưa lớn nhưng tôi đã học được nhiều điều từ việc làm này.
… và còn nữa.
Theo tôi, phương pháp của Scott có hiệu quả. Sau khi áp dụng các kỹ thuật mà anh ấy trình bày trong cuốn sách này, tôi đã có thể theo đuổi nghề viết văn, kinh doanh thành công, và hơn hết, sáng tác một cuốn sách bán chạy nhất do tờ New York Times bình chọn. Cuốn Atomic Habits (tạm dịch: Các thói quen hạt nhân) được phát hành chính là kết quả của nhiều năm nỗ lực đầu tư cho chiến lược siêu học.
Có nhiều lý do chính đáng để theo đuổi chiến lược siêu học – cho dù bạn đang thực hiện một dự án vì lợi ích cá nhân hay công việc.
Đầu tiên, học chuyên sâu cung cấp ý niệm về một cuộc sống có mục đích. Phát triển kỹ năng là điều có ý nghĩa. Thật tốt khi giỏi ở lĩnh vực nào đó. Siêu học là một cách giúp bạn chứng tỏ với bản thân rằng bạn có khả năng cải thiện và tận dụng cuộc sống của bạn hết mức. Nó cho bạn sự tự tin sẽ theo đuổi được hoài bão.
Thứ hai, học chuyên sâu là cách giúp bạn gặt hái được thành quả vượt trội. Sự thật là hầu hết mọi người sẽ không bao giờ nghiên cứu sâu về lĩnh vực mà bạn đang quan tâm. Làm như vậy, ngay cả khi chỉ trong vòng vài tháng, sẽ giúp bạn nổi bật. Một khi nổi bật, bạn có thể có một công việc tốt hơn, thương lượng để có mức lương cao hơn hoặc nhiều thời gian rảnh hơn, kết giao với những người thú vị hơn, hoặc đơn giản là cải thiện được cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Siêu học giúp bạn nâng cao tầm ảnh hưởng mà bạn sẽ thấy có ích trong những lĩnh vực khác.
Cuối cùng, học chuyên sâu là một chiến lược cực kỳ khả thi. Doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng Paul Graham đã từng ghi lại, “Trong nhiều lĩnh vực, bạn chỉ cần một năm làm việc tập trung cộng với đầu tư sức lực là đủ.”1 Tương tự, tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên về những gì họ có thể đạt được trong một năm (hoặc một vài tháng) khi tập trung học tập. Quá trình tự học chuyên sâu có thể khiến hình thành các kỹ năng mà bạn không bao giờ nghĩ mình có thể phát triển. Siêu học sẽ giúp bạn phát triển tiềm năng, và đây có lẽ là lý do thuyết phục nhất để theo đuổi nó.
1 Paul Graham, How to be an expert in a changing world (tạm dịch: Cách trở thành chuyên gia trong một thế giới đang chuyển dịch”, 12/2014 http:// www.paulgraham.com/ecw.html?viewfullsite=1.
Rèn luyện kỹ năng phát triển bản thân là một cuốn sách hấp dẫn và có sức truyền cảm. Scott đã tích lũy được một mỏ vàng các chiến thuật khả thi giúp đẩy nhanh tiến độ học. Nỗ lực của anh ấy bây giờ chính là thành quả của bạn. Tôi hy vọng bạn cũng thích cuốn sách này như tôi, và quan trọng nhất, bạn có thể áp dụng những ý tưởng này để hiện thực hóa tham vọng của bản thân. Thông qua những câu chuyện và chiến thuật Scott chia sẻ trong cuốn sách này, bạn sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức. Tất cả những gì bạn cần làm chính là hành động.
— James Clear
Chương 1
LIỆU BẠN CÓ THỂ THỤ
HƯỞNG NỀN GIÁO DỤC CỦA MIT TỪ XA?
C
hỉ còn vài giờ nữa. Tôi đang hướng ánh mắt ra ngoài cửa sổ khi những tia nắng sớm của ngày mới chiếu lấp lánh lên các tòa nhà trước mặt. Đó là một ngày giữa mùa thu
hanh khô và tràn ngập ánh nắng, một điều không ngờ với một thành phố nổi tiếng mưa nhiều. Từ tầng 11, tôi có thể quan sát được những người đàn ông ăn vận bảnh bao mang theo cặp sách và những người phụ nữ ăn vận thời trang dắt những chú chó nhỏ. Những chuyến xe buýt nặng nề đưa những người công nhân không mấy hứng khởi vào thị trấn làm việc nốt ngày cuối cùng trong tuần. Thành phố có lẽ đang bừng tỉnh từ màn đêm, nhưng tôi đã thức dậy từ trước khi trời sáng.
Bây giờ không phải là lúc nằm mơ giữa ban ngày, tôi nhắc nhở bản thân và quay lại tập trung vào bài toán đang làm dở với nét chữ viết nghuệch ngoạc trên cuốn vở trước mặt. “Chứng minh ∫∫RcurlF • ^n dS = 0 với bất kỳ phần hữu hạn của khối cầu...” Đây là bài tập của tiết Phép tính đa biến của Khoa Công nghệ trường MIT. Sắp đến kỳ thi kết thúc học phần, và tôi còn lại rất ít thời gian để ôn thi. Thế nào được gọi là curl...? Tôi nhắm mắt lại và cố gắng hình dung bài toán trong đầu.
Đây không phải là điều lạ thường đối với một sinh viên trường MIT. Các phương trình khó nhằn, các khái niệm trừu tượng và chứng minh rắc rối đều là một phần tất yếu của một trong những nền giáo dục uy tín nhất về toán học và khoa học trên thế giới. Ngoại trừ việc tôi không phải là sinh viên của MIT. Trên thực tế, tôi thậm chí chưa bao giờ đến bang Massachusetts. Tất cả việc này đang diễn ra tại phòng ngủ của tôi ở Vancouver, Canada cách Massachusetts 2.500 dặm. Và mặc dù một sinh viên MIT thông thường đã học về phép tính đa biến trong một học kỳ, nhưng tôi chỉ vừa mới bắt đầu năm ngày trước đó.
THỬ THÁCH MIT
Tôi chưa bao giờ học tại MIT. Thay vào đó, tôi học kinh doanh tại Đại học Manitoba, một trường xếp hạng tầm trung ở Canada mà tôi có khả năng chi trả học phí. Sau khi tốt nghiệp cử nhân thương mại, tôi nhận thấy dường như mình đã chọn sai chuyên ngành. Tôi muốn trở thành một doanh nhân và vì thế tôi đã học kinh doanh với ý nghĩ rằng đây là con đường tốt nhất để trở thành ông chủ của chính mình. Bốn năm sau, tôi phát hiện ra chuyên ngành kinh doanh phần lớn tạo môi trường giúp sinh viên làm quen với thế giới của các tập đoàn lớn, những bộ đồ vest lịch lãm và các quy trình vận hành theo tiêu chuẩn. Ngược lại, chuyên ngành khoa học máy tính cho bạn cơ hội học cách chế tạo mọi thứ. Các chương trình, trang web, thuật toán và trí tuệ nhân tạo là những gì thu hút tôi trong lĩnh vực kinh doanh ngay từ ban đầu, tôi đang phải tranh đấu nội tâm để quyết định mình cần hành động ra sao.
Tôi nghĩ mình có thể quay lại trường học. Đăng ký lại. Tiếp tục bỏ ra bốn năm nữa để hoàn thiện chiếc bằng thứ hai. Nhưng việc xin các khoản vay của sinh viên và dành một nửa thập kỷ của cuộc đời tôi để tiếp tục đối mặt với sự quan liêu và các quy định
của trường đại học không có gì hấp dẫn đối với tôi. Phải có một cách tốt hơn để tôi học được những gì mình muốn.
Trong khoảng thời gian đó, tôi tình cờ thấy một lớp học ở trường MIT được đăng lên mạng. Trong đó có đầy đủ các video bài giảng, bài tập và câu hỏi; ngay cả các bài kiểm tra thật cùng đáp án cũng được cung cấp. Tôi quyết định thử đăng ký tham gia lớp học. Thật bất ngờ, lớp học này chất lượng hơn nhiều so với hầu hết các lớp mà tôi đã chi trả hàng ngàn đô la để tham gia ở trường đại học. Các bài giảng đã được trau chuốt với sự xuất hiện của các vị giáo sư cùng những tài liệu hấp dẫn. Đi sâu hơn nữa, tôi có thể thấy rằng đây không phải là lớp học duy nhất mà trường MIT cung cấp miễn phí. Trường MIT đã đăng tải tài liệu của hàng trăm lớp học khác nhau. Tôi băn khoăn liệu đây có phải là giải pháp mà tôi đang kiếm tìm. Nếu bất cứ ai cũng có thể học miễn phí toàn bộ nội dung của một tiết học ở MIT thì liệu việc hoàn thành toàn bộ chương trình học đại học mà không cần đến trường có khả thi hay không?
Do đó, tôi bắt đầu một dự án nghiên cứu kéo dài gần sáu tháng mà tôi đặt tên là Thử thách MIT. Tôi đã tra cứu chương trình giảng dạy thực tế của MIT cho sinh viên ngành khoa học máy tính, sau đó so sánh và đối chiếu danh sách này với các tài liệu do MIT cung cấp trực tuyến. Nhưng thật không may, nói dễ hơn làm. Nền tảng phục vụ đăng tải tài liệu lớp học OpenCourseWave của MIT chưa bao giờ có khả năng thay thế việc theo học trực tiếp tại trường. Một số tiết học đơn giản không được cung cấp. Những tiết còn lại có tài liệu ít ỏi đến nỗi tôi tự hỏi liệu sinh viên có thể hoàn thành được hay không. Cấu trúc Tính toán, một trong những khóa học bắt buộc hướng dẫn cách lắp ráp máy tính từ đầu bằng cách sử dụng các mạch và linh kiện bán dẫn chủ động, không có video bài giảng hoặc sách giáo khoa. Để tìm hiểu nội dung lớp học, tôi sẽ phải giải mã các ký hiệu trừu tượng trên
bản trình chiếu đi kèm với bài giảng. Tài liệu không đủ và các tiêu chí đánh giá mơ hồ khiến mong muốn tham gia các lớp học y như một sinh viên MIT trở nên không khả thi. Tuy nhiên, một phương pháp đơn giản hơn mà có thể mang lại hiệu quả: chỉ cần cố gắng để thi đỗ các bài kiểm tra cuối kỳ.
Sự tập trung vào các bài kiểm tra cuối kỳ sau đó mở rộng sang cả các dự án lập trình phục vụ các tiết học. Hai tiêu chí này tạo thành bộ khung của một văn bằng MIT, bao gồm hầu hết các kiến thức và kỹ năng tôi muốn học, không có gì thừa thãi. Không có chính sách bắt buộc lên lớp. Không có hạn chót đối với bài tập. Tôi có thể làm các bài kiểm tra cuối kỳ bất cứ khi nào tôi sẵn sàng và thi lại nếu tôi trượt. Đột nhiên, những gì trông có vẻ là bất lợi từ đầu như không được đến trường đã trở thành lợi thế. Tôi có thể tận hưởng nền giáo dục của MIT chỉ với một phần chi phí, thời gian cũng như áp lực.
Khi càng đi sâu khám phá tiềm năng này, tôi thậm chí đã tham gia một lớp học thử nghiệm theo phương pháp tiếp cận mới. Thay vì đến lớp học theo thời khóa biểu, tôi tải xuống và xem các video bài giảng với tốc độ gấp đôi bình thường. Thay vì cẩn thận hoàn thành từng bài tập và chờ đợi kết quả trong hàng tuần, tôi có thể tự kiểm tra mức độ hiểu bài bằng cách trả lời từng câu hỏi một, nhanh chóng rút kinh nghiệm sau những lần mắc lỗi. Từ đó, tôi nhận thấy mình có thể hoàn thành một môn học chỉ trong một tuần. Làm một vài phép tính nhanh và chừa chỗ cho sai sót, tôi xác định có thể hoàn thành 32 môn học còn lại trong vòng một năm.
TRÔI CHẢY TRONG VÒNG BA THÁNG?
Tại một nhà hàng Ý ngay giữa trung tâm thủ đô Paris, Benny Lewis phàn nàn với tôi rằng,“Vấn đề của tôi không phải với người Pháp mà chỉ với người dân Paris”. Lewis là người ăn chay
nên không phải lúc nào cũng dễ dàng thích nghi được ở một đất nước nổi tiếng với bít tết thịt bò sống và gan ngỗng béo ngậy.
Ăn một đĩa mỳ ống sốt cay của Ý, món ưa thích của anh ấy từ khi làm việc tại một khách sạn dành cho những người trẻ tuổi ở Ý, Lewis nói tiếng Pháp trôi chảy, và không để ý xem liệu xung quanh có người bản địa nào đang nghe lén lời phàn nàn của anh ấy hay không. Sự bất mãn của anh ấy bắt nguồn từ một năm đặc biệt ảm đạm khi tập sự tại một công ty kỹ thuật ở Paris. Lewis gặp khó khăn trong việc thích nghi với yêu cầu của công việc và đời sống xã hội ở thành phố lớn nhất nước Pháp. Tuy nhiên, anh ấy nhận thấy mình không nên quá khắt khe với bản thân vì rốt cuộc, chính trải nghiệm đó đã thúc đẩy anh bỏ nghề kỹ sư và chu du khắp thế giới để học ngoại ngữ.
Tôi làm quen với Lewis trong lúc đang thất vọng tràn trề về bản thân. Tôi tham gia chương trình trao đổi sinh viên ở Pháp, tạm rời xa gia đình với hy vọng sẽ nói tiếng Pháp trôi chảy sau một năm, nhưng mọi thứ dường như không theo ý muốn. Hầu hết bạn bè, kể cả người Pháp, đều nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh, và kể từ đó, tôi cảm thấy khoảng thời gian một năm sẽ không đủ.
Khi nghe tôi phàn nàn về tình trạng đó, một người bạn ở quê đã kể câu chuyện về một gã đi du lịch khắp các nước và thử thách bản thân học một ngôn ngữ mới trong ba tháng. “Nhảm nhí”, tôi đáp với một chút ghen tỵ. Ở nơi đây, tôi đang phải nỗ lực để trò chuyện với mọi người sau hàng tháng mải mê với công việc, và gã đó đã làm được chuyện này chỉ sau ba tháng. Bất chấp hoài nghi, tôi nghĩ cần phải đích thân gặp Lewis để xem liệu anh ta hiểu gì về việc học ngôn ngữ mà tôi không biết. Sau một email và một chuyến tàu, tôi và Lewis đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên.
“Luôn luôn phải đặt ra thử thách”, Lewis nói với tôi khi tiếp tục trình bày về kinh nghiệm sống, bây giờ anh ấy đang làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi khi tôi đến trung tâm của Paris: Những cảm nhận trước đây của Lewis về Paris bắt đầu dịu xuống, và khi chúng tôi đi bộ từ Nhà thờ Đức Bà đến Bảo tàng Louvre, anh ấy đã hoài niệm về những ngày còn ở thành phố.
Sau này tôi biết được rằng, quan điểm và khát khao mạnh mẽ ấy không chỉ thôi thúc niềm đam mê theo đuổi các thử thách mà còn mang lại rắc rối cho anh. Anh ấy đã từng bị cảnh sát nước Cộng hòa liên bang Bra-xin bắt giữ sau khi một cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tình cờ nghe thấy anh chửi rủa mình bằng tiếng Bồ Đào Nha với bạn bè bên ngoài khi cô ấy từ chối cho anh ta gia hạn thị thực. Điều trớ trêu là thị thực của Lewis bị từ chối vì cô ấy không thể tin rằng anh có thể nói tiếng Bồ Đào Nha tốt như vậy chỉ sau một kỳ nghỉ ngắn, đồng thời nghi ngại Lewis đang cố gắng bí mật di cư đến Bra-xin trái với các điều khoản của thị thực du lịch.
Khi chúng tôi tiếp tục đi dạo đến Tháp Eiel, Lewis giải thích phương pháp của mình: Tập nói ngay từ ngày đầu tiên. Đừng sợ nói chuyện với người lạ. Hãy bắt đầu với cuốn cẩm nang từ vựng; ghi lại để học sau này. Sử dụng các thuật nhớ bằng hình ảnh để học thuộc lòng từ vựng. Điều gây ấn tượng với tôi không phải là phương pháp học mà là sự táo bạo của anh ấy. Trong khi tôi rụt rè cố gắng học một chút tiếng Pháp, lo lắng về việc nói sai và bối rối với vốn từ vựng ít ỏi của mình, Lewis không hề sợ hãi, đi thẳng vào đối thoại và đặt ra những thử thách có vẻ bất khả thi.
Cách tiếp cận đó thực sự có hiệu quả. Anh ấy đã thông thạo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Ireland, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Esperanto, tiếng Anh và gần đây đã đạt đến cấp độ đàm thoại khi lưu lại Cộng hòa Séc trong ba tháng. Nhưng điều khiến
tôi hứng thú nhất chính là thử thách mới nhất mà anh đang lên kế hoạch: thông thạo tiếng Đức chỉ sau ba tháng.
Nói đúng ra, đây không phải là lần đầu tiên Lewis tiếp xúc với tiếng Đức. Anh đã tham gia các lớp học tiếng Đức trong 5 năm học trung học và đến thăm nước Đức trong hai lần trước đó. Tuy nhiên, giống như nhiều học sinh học ngoại ngữ ở trường, anh ấy vẫn không thể nói được.
Anh ấy thừa nhận, có chút xấu hổ,“Tôi thậm chí không thể gọi đồ ăn sáng mình muốn bằng tiếng Đức”. Tuy nhiên, nhờ những kiến thức chưa được vận dụng đã tích lũy được trên lớp từ hơn 10 năm trước, thử thách của anh ấy trở nên dễ dàng hơn là bắt đầu lại từ đầu. Đổi lại, Lewis quyết định tăng thách thức lên.
Thông thường, anh ấy thử thách bản thân đạt trình độ tương đương B2 của một ngôn ngữ sau ba tháng.
Theo Khung Tham chiếu Ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR), trình độ B2, cấp độ thứ tư trong số sáu cấp độ bắt đầu từ A1, A2, B1..., được mô tả là “trên trung cấp”, cho phép người nói “có thể giao tiếp với mức độ lưu loát và tự nhiên khiến cho việc trao đổi thường xuyên với người bản ngữ dễ dàng mà không gây căng thẳng cho cả hai bên.” Tuy nhiên, đối với tiếng Đức, Lewis quyết định đạt trình độ cao nhất: C2. Trình độ này cho thấy khả năng làm chủ một ngôn ngữ hoàn toàn. Để đạt đến cấp độ C2, người học phải “hiểu được gần như tất cả mọi thứ đã nghe hoặc đọc” và “bộc lộ bản thân một cách tự nhiên, lưu loát và chính xác, phân biệt những sắc thái ý nghĩa tinh tế ngay cả trong những tình huống phức tạp nhất”. Viện Goethe, đơn vị tổ chức kỳ thi, khuyến nghị thời gian cần thiết để đạt trình độ này là ít nhất 750 giờ, không bao gồm hoạt động thực hành ngoài giờ.
Vài tháng sau, Lewis thông tin lại cho tôi về dự án của anh ấy. Anh ấy thiếu chút nữa đã thi đỗ C2 khi hoàn thành bốn trong năm tiêu chí của kỳ thi nhưng không đạt phần thi nghe hiểu. Anh ấy tự trách bản thân,“Tôi đã dành quá nhiều thời gian để nghe đài. Đáng lẽ tôi nên tích cực luyện nghe nhiều hơn.” Sau ba tháng dày công luyện tập, anh ấy không thành thạo được tiếng Đức mặc dù đã gần được một cách đầy bất ngờ. Bảy năm sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với người Ai-len nói đa ngôn ngữ, anh ấy đã cố gắng thực hiện tiếp thử thách ba tháng ở sáu quốc gia khác, bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ của mình một ít tiếng Ả Rập, tiếng Hungary, Quan thoại, tiếng Thái, ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ và thậm chí tiếng Klingon (ngôn ngữ được phát minh trong vũ trụ Star Trek).
Điều mà tôi đã không nhận ra lúc bấy giờ nhưng giờ đã hiểu rõ chính là những thành tích như của Lewis không phải là hiếm. Trong lĩnh vực ngôn ngữ, tôi đã bắt gặp những người biết hơn 40 ngôn ngữ, nhà thám hiểm – nhân chủng học có thể bắt đầu nói thứ ngôn ngữ bí ẩn sau vài giờ tiếp xúc cùng nhiều khách du lịch khác, như Lewis, người đi du lịch từ nước này sang nước khác và thông thạo những ngoại ngữ mới. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy hiện tượng tự học tích cực này có thể mang lại kết quả đầy bất ngờ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngôn ngữ.
CÁCH ROGER CRAIG CHINH PHỤC JEOPARDY!
The Bridge on the River Kwai (tạm dịch: Cây cầu trên sông Kwai) là gì?” Roger Craig vội vàng viết câu trả lời lên màn hình với nét chữ nguệch ngoạc và Craig đã làm được. Anh đã thu về 77.000 đô la, phần thưởng cao nhất trong một ngày của Jeopardy! Craig đã ghi tên mình vào lịch sử hồi đó. Chiến thắng của anh không phải là một điều may mắn. Anh lại một lần nữa phá vỡ kỷ lục khi chiến thắng gần 200.000 đô la, chuỗi chiến thắng cao nhất từng
có trong lịch sử của chương trình này. Một chiến công như vậy mang nhiều ý nghĩa nhưng điều giá trị hơn nằm ở cách anh ấy thực hiện. Suy ngẫm về khoảnh khắc này, Craig nói,“Ý nghĩ đầu tiên của tôi không phải là ‘Ồ, tôi mới kiếm được 77.000 đô la’ mà là ‘Woa, trang web của tôi đã hoạt động hiệu quả’.”
Bạn ôn tập thế nào cho một bài thi mà bất kỳ câu hỏi nào cũng có thể xuất hiện? Đó chính là vấn đề cốt lõi mà Craig phải đối mặt trong khi chuẩn bị tham gia chương trình.
Jeopardy! vốn nổi tiếng với những câu hỏi vặt vãnh về bất cứ điều gì từ các vị vua Đan Mạch đến Damocles. Do đó, người chiến thắng vĩ đại của Jeopardy! thường là những người hết sức thông thái, dành cả đời để tích lũy kho tàng kiến thức thực tế khổng lồ đủ để trả lời được bất kỳ chủ đề nào. Ôn luyện cho Jeopardy! giống như một nhiệm vụ bất khả thi bởi lẽ bạn sẽ cần nghiên cứu hầu hết các chủ đề có thể tưởng tượng ra được. Tuy nhiên, giải pháp của Craig chính là hồi tưởng lại về quá trình tích lũy chính kiến thức. Để làm được điều này, anh ấy đã xây dựng một trang web.
Theo Craig,“Tất cả mọi người nếu muốn thành công trong một trò chơi sẽ phải tập chơi. Bạn có thể tập chơi một cách vô tổ chức hoặc một cách có hiệu quả.” Để nắm được những kiến thức nhỏ nhặt cần thiết nhằm phá vỡ kỷ lục, anh ấy quyết tâm tích lũy kiến thức một cách tỉ mỉ. Vốn là một nhà khoa học máy tính, anh ấy lựa chọn bắt đầu bằng cách tải xuống hàng chục ngàn câu hỏi và câu trả lời từ mọi tập của chương trình Jeopardy! từng được phát sóng, sau đó tự kiểm tra bộ câu hỏi đó mỗi khi rảnh trong nhiều tháng. Khi chuẩn bị lên truyền hình, anh ta dành toàn bộ thời gian để tích cực tự kiểm tra lại các câu hỏi. Tiếp theo, anh ta sử dụng phần mềm khai thác văn bản để phân loại các câu hỏi thành các chủ đề khác nhau, như lịch sử nghệ thuật, thời trang
và khoa học; áp dụng trực quan hóa dữ liệu để vạch ra điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Phần mềm khai thác văn bản tách thành các chủ đề khác nhau mà theo cách anh ta liên tưởng là các vòng tròn khác nhau. Vị trí của vòng tròn trên biểu đồ thể hiện khả năng hiểu biết của anh ấy đối với một chủ đề bất kỳ. Vị trí cao hơn đồng nghĩa với việc anh ấy biết nhiều hơn về chủ đề đó. Kích thước của vòng tròn cho biết mức độ thường xuyên xuất hiện của một chủ đề. Vòng tròn càng lớn thì chủ đề đó càng phổ biến, do đó cần ôn tập thêm. Đằng sau tính đa dạng và ngẫu nhiên của chương trình, anh ấy bắt đầu phát hiện ra những mô hình ẩn giấu. Một số câu đố bí mật trong chương trình là “Daily Doubles” (Nhân đôi), trong đó thí sinh được quyền nhân đôi số điểm của mình hoặc mất hết điểm. Những câu đố cực kỳ giá trị này có vẻ được sắp xếp ngẫu nhiên, nhưng với toàn bộ tài liệu của chương trình Jeopardy! trong tay, Craig thấy rằng vị trí của chúng tuân theo một quy luật. Người chơi có thể tìm ra các câu đố nhân đôi có giá trị bằng cách tập trung vào các câu đố điểm cao trong các chủ đề thay cho phương pháp truyền thống là chăm chăm ôn xong một chủ đề.
Craig cũng phát hiện ra quy luật của loại câu hỏi xuất hiện trong chương trình. Mặc dù trong Jeopardy!, câu hỏi có thể liên quan đến bất cứ chủ đề nào, cấu trúc của trò chơi được thiết kế nhằm phục vụ mục đích giải trí cho khán giả, không phải để thách thức thí sinh. Theo đó, Craig nhận thấy mình cần nghiên cứu những câu đố nổi tiếng nhất trong một chủ đề thay vì ôn kĩ tất cả các câu hỏi. Đối với một chủ đề chuyên ngành, anh ấy biết rằng các câu trả lời sẽ hướng đến các ví dụ nổi tiếng nhất. Bằng cách phân tích điểm yếu của mình trong kho tàng câu hỏi, Craig biết cần nghiên cứu những chủ đề nào nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, anh ấy có kiến thức hạn hẹp về thời trang, do đó sẽ tập trung nghiên cứu sâu hơn về chủ đề đó.
Sử dụng công cụ phân tích nhằm tìm ra nội dung nghiên cứu chỉ là bước đầu. Từ đó, Craig sử dụng phần mềm áp dụng kỹ thuật lặp lại ngắt quãng để tối đa hóa tính hiệu quả. Phần mềm này là một thuật toán tiên tiến sử dụng ashcards (thẻ thông tin để lưu trữ các kiến thức cần học hay câu trả lời chính xác) do nhà nghiên cứu người Ba Lan Piotr Woźniak phát triển vào những năm 1980. Thuật toán của Woźniak được thiết kế để lên lịch chính xác giúp người dùng ôn lại tài liệu để ghi nhớ nó. Đối với một cơ sở dữ liệu lớn, hầu hết mọi người sẽ quên những gì đã học từ lần đầu, do đó cần phải được nhắc nhở ôn tập nhiều lần để ghi nhớ. Thuật toán trên đã khắc phục vấn đề này bằng cách tính thời gian tối ưu để ôn lại từng kiến thức, từ đó bạn không phải lãng phí công sức cho cùng một nội dung cũng như không quên những gì đã học. Công cụ đó cho phép Craig ghi nhớ một cách hiệu quả hàng ngàn thông tin dẫn đến chiến thắng sau này.
Mặc dù chương trình Jeopardy! chỉ phát sóng một tập mỗi ngày nhưng chương trình này được quay năm tập một lần. Craig trở về phòng khách sạn sau khi thắng 5 số liên tiếp và không thể ngủ được. Anh ấy nói,“Bạn có thể hình dung được trò chơi nhưng không thể hình dung được việc chiến thắng 200.000 đô la trong năm giờ và lập kỷ lục tiền thưởng một ngày trên chương trình truyền hình mà bạn luôn muốn tham gia kể từ năm 12 tuổi.” Kết hợp các chiến thuật khác thường với phân tích chuyên sâu, anh đã chinh phục được chương trình và giành chiến thắng.
Roger Craig không phải là trường hợp duy nhất tôi biết đã thay đổi vận may của mình nhờ quá trình tích cực tự học. Lúc đó, tôi đã không biết điều này, nhưng nỗi ám ảnh của Eric Barone cũng bắt đầu vào năm 2011, cùng năm tôi bắt đầu Thử thách MIT. Tuy nhiên, không giống tôi, anh ấy đã phải nỗ lực gần 5 năm và thành thục nhiều kỹ năng khác nhau.
TỪ MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU ĐẾN TRIỆU PHÚ
Sau khi tốt nghiệp Đại học Washington Tacoma với tấm bằng khoa học máy tính, Eric Barone nghĩ rằng, Bây giờ chính là cơ hội của mình. Anh ấy có mong muốn thiết kế một trò chơi điện tử của riêng mình và giờ đây là cơ hội để thực hiện điều đó, trước khi anh ấy cảm thấy thoải mái với công việc lập trình có mức lương ổn định. Anh ấy đã có nguồn cảm hứng riêng. Anh ta muốn thiết kế trò chơi dựa theo trò chơi nông trại Harvest Moon, một loạt trò chơi hấp dẫn của Nhật Bản, trong đó người chơi phải xây dựng một trang trại: trồng trọt, nuôi động vật, khám phá vùng nông thôn và thiết lập quan hệ với những người dân làng khác. Nói về trải nghiệm thời thơ ấu, Barone cho hay “Tôi yêu thích trò chơi đó, nhưng nó còn nhiều điểm có thể cải thiện được tốt hơn rất nhiều.” Anh ấy biết rằng nếu không theo đuổi lý tưởng của chính mình thì phiên bản cải tiến của trò chơi sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Phát triển một trò chơi điện tử thành công về mặt thương mại là điều không hề dễ dàng. Công ty trò chơi AAA đã tốn ngân sách lên đến hàng trăm triệu đô la, thuê hàng ngàn chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này cũng như cần phải có yêu cầu cao về kỹ năng chuyên môn. Phát triển trò chơi đòi hỏi phải có kỹ năng lập trình, nghệ thuật thị giác, sáng tác âm nhạc, viết truyện, thiết kế trò chơi và hàng chục kỹ năng khác, tùy thuộc vào thể loại và phong cách phát triển trò chơi. Phạm vi của các kỹ năng chuyên môn khiến việc phát triển trò chơi trở nên khó khăn hơn nhiều so với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, văn thơ hoặc nghệ thuật thị giác. Ngay cả các nhà phát triển trò chơi độc lập rất tài năng cũng phải hợp tác với một vài người để mở rộng tất cả các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, Eric Barone đã hoàn toàn tự mình thiết kế trò chơi.
Nghệ thuật Pixel là điểm yếu lớn nhất của Barone. Phong cách nghệ thuật này gợi lại thời kỳ trước của trò chơi điện tử khi việc thiết kế đồ họa trên các máy tính có cấu hình chậm là rất khó khăn. Nghệ thuật pixel không áp dụng với các đường thẳng liên tục hoặc kết cấu giống ảnh. Thay vào đó, một tấm ảnh thu hút phải được tạo nên bằng cách lần lượt sắp xếp các pixel và các chấm màu của đồ họa máy tính – một công việc khó khăn và vất vả. Một nghệ sĩ về pixel phải truyền đạt được chuyển động, cảm xúc và sự sống từ một lưới các ô vuông màu. Dù Barone thích phác họa và vẽ, nhưng điều đó không giúp anh ấy tránh khỏi khó khăn. Anh ấy phải học kỹ năng này “hoàn toàn từ đầu”. Và việc rèn luyện kỹ thuật vẽ đạt trình độ thương mại là không dễ dàng gì. Barone tâm sự,“Tôi đã phải làm đi làm lại các bức vẽ từ 3 đến 5 lần. Với các bức tranh chân dung, tôi đã phải vẽ ít nhất 10 lần.”
Chiến lược của Barone tuy đơn giản nhưng hiệu quả. Anh ấy đã luyện tập thực hành trực tiếp với đồ họa mà anh ấy muốn sử dụng trong trò chơi. Anh ấy phê bình tác phẩm của chính mình và so sánh nó với bức vẽ mà mình ngưỡng mộ. “Tôi đã cố gắng phân tích một cách khoa học”, anh ấy giải thích. “Tôi sẽ tự hỏi bản thân,‘Tại sao tôi lại thích điểm này? Tại sao tôi không thích điểm đó?’ khi thưởng thức tác phẩm của các nghệ sĩ khác. Ngoài ra, Barone cũng đọc thêm về nghệ thuật pixel và tìm tòi các hướng dẫn nhằm lấp đầy lỗ hổng kiến thức của bản thân. Mỗi khi gặp khó khăn, anh ấy đều phân tích: “Tôi tự hỏi,‘Mục tiêu của tôi là gì?’ và rồi ‘Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?’. Có vài thời điểm, anh ấy cảm thấy màu sắc trong trò chơi quá buồn tẻ và nhàm chán. “Tôi muốn làm nổi bật màu sắc”, vì vậy anh ấy đã nghiên cứu kỹ lý thuyết về màu sắc trong tác phẩm các nghệ sĩ khác nhằm xem cách họ sử dụng màu sắc để làm cho mọi thứ trông thật thú vị.
Nghệ thuật pixel chỉ là một khía cạnh mà Barone phải học. Anh ấy cũng tự sáng tác tất cả âm nhạc cho trò chơi của mình, làm lại ít nhất hai lần để đảm bảo nó đáp ứng được kỳ vọng cao của anh ấy. Toàn bộ cách chơi trò chơi đã được phát triển và loại bỏ khi không đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe mà Barone đặt ra. Quá trình thực hành trực tiếp và làm lại mọi thứ cho anh ấy cơ hội dần dần hoàn thiện các công đoạn của việc thiết kế trò chơi. Mặc dù thời gian hoàn thành trò chơi bị kéo dài nhưng đây cũng chính là cơ hội để sản phẩm hoàn chỉnh của anh ấy có thể cạnh tranh với các trò chơi do một đội ngũ bao gồm nghệ sĩ, lập trình viên và nhà soạn nhạc chuyên nghiệp cùng tạo nên.
Trong suốt 5 năm đó, Barone tránh tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực lập trình máy tính. Anh ấy cho biết,“Tôi không muốn liên quan đến một cái gì đó thực sự nghiêm túc. Tôi không có đủ thời gian và tôi muốn đầu tư toàn bộ công sức vào việc phát triển trò chơi.” Thay vào đó, anh ấy lựa chọn làm người chỉ dẫn chỗ trong rạp hát và nhận mức lương tối thiểu để tránh bị phân tâm. Thu nhập ít ỏi cộng với sự hỗ trợ từ bạn gái đủ cho Barone xoay xở trong khi tập trung theo đuổi đam mê.
Niềm đam mê và nhiệt huyết hướng đến sự thành thục đã được đền đáp xứng đáng. Vào tháng 2/2016, Barone đã cho ra mắt Stardew Valley. Trò chơi nhanh chóng trở thành một cú hit khi bất ngờ vượt lên trước nhiều trò chơi của các hãng sản xuất lớn hoạt động trên nền tảng trò chơi máy tính Steam. Theo ước tính của Barone, chỉ trong năm đầu tiên phát hành, Stardew Valley đã bán được hơn 3 triệu bản trên nhiều nền tảng game. Trong nhiều tháng, từ một nhà thiết kế vô danh kiếm được mức lương tối thiểu, anh ấy đã trở thành triệu phú góp mặt trong danh sách “30 người nổi tiếng dưới 30 tuổi” do Tạp chí Forbes bình chọn trong lĩnh vực thiết kế trò chơi. Sự tập trung hoàn thiện các kỹ năng liên quan đã đóng một phần không nhỏ vào thành công
của anh ấy. Trong bài đánh giá về Stardew Valley, Destructoid đã dùng từ “vô cùng thu hút và đẹp đẽ” để mô tả về sản phẩm. Quyết tâm theo đuổi lý tưởng và tinh thần tự học nghiêm túc của Barone đã được đền đáp xứng đáng.
KHÔNG CHỈ DỪNG LẠI Ở THỬ THÁCH MIT
Quay trở lại căn hộ chật chội, tôi đang chấm điểm bài kiểm tra giải tích của mình. Thật khó, nhưng có vẻ tôi đã thi đỗ. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng đây chưa phải là lúc để thư giãn. Vào thứ Hai tới, tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu với một khóa học mới kéo dài trong gần một năm nữa.
Lịch trình thay đổi kéo theo chiến lược của tôi cũng thay đổi. Tôi đã chuyển từ việc cố gắng hoàn thành một môn học trong một vài ngày sang dành một tháng để học ba đến bốn môn song song. Tôi hy vọng sẽ phân chia việc học trong một khoảng thời gian dài hơn và giảm thiểu tác động tiêu cực của việc nhồi nhét. Khi tôi tiến bộ hơn cũng là lúc tôi điều chỉnh tốc độ học chậm lại. Tôi học một vài môn đầu một cách vội vàng và tích cực để có thể theo đúng lịch trình tôi tự đề ra. Sau khi nhận thấy mình có khả năng hoàn thành, tôi đã chuyển từ học 60 giờ mỗi tuần sang 35 đến 40 giờ. Cuối cùng, vào tháng 9/2012, chưa đầy 12 tháng kể từ khi bắt đầu, tôi đã hoàn thành môn học cuối cùng.
Dự án hoàn thành khiến tôi vỡ lẽ ra nhiều điều. Trong nhiều năm qua, tôi đã nghĩ cách duy nhất để học chuyên sâu chính là đến trường. Kết thúc dự án này không chỉ cho tôi biết giả định trên là sai mà còn cho tôi thấy một con đường khác vui vẻ và thú vị hơn. Ở trường đại học, tôi thường cảm thấy ngột ngạt, cố gắng tỉnh táo trong các giờ giảng nhàm chán, nghiền ngẫm các bài tập cho có hay ép buộc bản thân phải học những thứ mà tôi không có hứng thú chỉ để ghi điểm. Bởi vì dự án này là lý tưởng và thiết kế của riêng tôi nên tôi hiếm khi cảm thấy khổ sở ngay cả khi
thường xuyên gặp phải thách thức. Các môn học rất sống động và thú vị, không phải là những nhiệm vụ nhàm chán cần phải hoàn thành. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình có thể học bất cứ điều gì tôi muốn với một kế hoạch và nỗ lực đúng đắn. Tiềm năng là vô tận, và tâm trí tôi đã hướng về việc tiếp thu một cái gì đó mới mẻ.
Sau đó, tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn: “Tên bạn xuất hiện trên trang nhất của Reddit đấy.” Dự án của tôi được đăng tải lên mạng Internet và tạo ra một cuộc bàn tán sôi nổi. Có một vài người thích ý tưởng của tôi nhưng nghi ngờ tính hữu dụng của nó: “Thật đáng buồn khi các nhà tuyển dụng sẽ không xem điều này như một tấm bằng thậm chí nếu anh ta có tầm hiểu biết ngang bằng (hoặc nhiều hơn) sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy.” Một người dùng tự xưng là trưởng bộ phận Nghiên cứu & Phát triển của một công ty phần mềm phản bác: “Đây là kiểu người mà tôi muốn. Tôi thực sự không quan tâm chuyện bằng cấp”. Một cuộc tranh luận đã nổ ra. Tôi đã thực sự thành công hay chưa? Sau này liệu tôi có thể làm lập trình viên không? Tại sao tôi phải cố gắng làm điều này trong một năm? Tôi có bị điên không?
Việc được chú ý hơn mang đến cho tôi nhiều lời đề nghị hợp tác. Một nhân viên tại Microsoft muốn đặt lịch phỏng vấn việc làm với tôi. Một công ty mới khởi nghiệp đề nghị tôi tham gia nhóm của họ. Một nhà xuất bản ở Trung Quốc gửi tôi một hợp đồng sách để chia sẻ kinh nghiệm học tập với các sinh viên yếu kém tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đây không phải là lý do khiến tôi bắt tay vào thực hiện dự án này. Tôi đã rất vui khi công việc viết lách trên mạng mang lại nguồn thu nhập đủ để tôi trang trải dự án. Tôi cũng dự định tiếp tục công việc đó về sau. Mục tiêu của tôi khi tiến hành dự án không phải kiếm việc làm mà là để xem khả năng của tôi đến đâu. Chỉ sau vài tháng hoàn thành dự án lớn
đầu tiên, trong đầu tôi đã nảy ra ý tưởng cho những dự án tiếp theo.
May mắn thay, trong khoảng thời gian đó, bạn cùng phòng tôi đang lên kế hoạch quay lại trường học và trước đó, muốn có thời gian nghỉ ngơi để đi du lịch. Cả hai chúng tôi đều tiết kiệm được một khoản tiền. Nếu tính tổng các nguồn lại và chi tiêu tiết kiệm trong toàn bộ chuyến đi, chúng tôi nghĩ rằng có thể làm được điều gì đó thú vị. Tôi kể với anh ấy về chuyến đi Pháp, cả việc học tiếng Pháp và niềm tin thầm kín rằng mình có thể làm được nhiều hơn nữa. Tôi nói với anh ấy về sự hình thành rào cản xã hội khi tôi đến mà không nói được tiếng và việc thoát ra khỏi nó sau này sẽ khó khăn như thế nào. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không cho mình một đường lui? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tuân thủ chỉ nói thứ tiếng mà bạn đang cố gắng học từ giây phút đầu tiên bạn bước xuống từ máy bay? Vẻ mặt của bạn tôi đầy sự nghi hoặc. Anh ấy đã chứng kiến tôi học các lớp MIT trong một năm tại căn hộ của chúng tôi. Nhưng anh ấy không tự tin vào khả năng của mình. Anh ấy không chắc chắn mình có thể làm được, mặc dù anh ấy sẵn sàng thử, miễn là tôi không đặt ra bất cứ kỳ vọng nào ở anh ấy.
Dự án “Một năm không tiếng Anh”, tên do hai chúng tôi đặt, rất đơn giản. Chúng tôi đi đến bốn quốc gia, mỗi quốc gia kéo dài ba tháng. Kế hoạch ở mỗi quốc gia rất dễ hiểu: không nói tiếng Anh với nhau hoặc với bất kỳ ai chúng tôi gặp từ ngày đầu tiên. Từ đó, chúng tôi sẽ xem mình có thể học được bao nhiêu trước khi thị thực du lịch hết hạn và chúng tôi bị đẩy đến một địa điểm mới.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Valencia, Tây Ban Nha. Chúng tôi vừa hạ cánh xuống sân bay thì gặp ngay chướng ngại vật đầu tiên. Hai cô gái người Anh hấp dẫn đã đến chỗ chúng tôi để hỏi đường. Chúng tôi nhìn nhau, lúng túng thốt ra một chút
tiếng Tây Ban Nha và vờ như không biết tiếng Anh. Họ không hiểu và hỏi lại chúng tôi với giọng điệu khó chịu. Chúng tôi bập bẹ nói thêm một số từ Tây Ban Nha, họ tin rằng chúng tôi không thể nói tiếng Anh và bỏ đi trong thất vọng. Việc không nói tiếng Anh dường như đã gây ra hậu quả khôn lường. Mặc dù có khởi đầu không thuận lợi nhưng trình độ tiếng Tây Ban Nha của chúng tôi thậm chí còn tiến bộ nhanh hơn dự đoán. Sau hai tháng ở Tây Ban Nha, chúng tôi đã trò chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha vượt xa thành tích của tôi trong suốt một năm hòa mình ở đất Pháp. Chúng tôi sẽ đến gặp gia sư vào buổi sáng, học một chút ở nhà và dành thời gian còn lại trong ngày để đi chơi với bạn bè, tán ngẫu tại nhà hàng và tắm nắng trên bờ biển Tây Ban Nha. Mặc cho những nghi ngờ trước đó, bạn tôi cũng chuyển sang áp dụng phương pháp mới này để học. Tuy không quan tâm nhiều đến việc học ngữ pháp và từ vựng như tôi nhưng đến cuối chuyến đi, anh ấy cũng bắt đầu hòa nhập với cuộc sống ở đó. Phương pháp này có hiệu quả hơn nhiều so với mong đợi của chúng tôi và giờ chúng tôi đã trở thành các tín đồ của nó.
Chúng tôi tiếp tục hành trình đến Bra-xin để học tiếng Bồ Đào Nha, Trung Quốc để học tiếng Quan Thoại và Hàn Quốc để học tiếng Hàn. Học ngôn ngữ ở khu vực châu Á là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với ở Tây Ban Nha hay Bra-xin. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi cho rằng những thứ tiếng đó chỉ khó hơn một chút so với ngôn ngữ châu Âu, vậy mà trên thực tế chúng khó hơn rất nhiều.
Sau khi quan sát phương pháp tương tự có hiệu quả với lĩnh vực khoa học máy tính và những cuộc phiêu lưu học ngôn ngữ, tôi dần dần tin chắc rằng nó có thể được áp dụng rộng rãi hơn nữa. Khi còn bé, tôi thích vẽ nhưng giống như hầu hết mọi người, bất kỳ khuôn mặt nào tôi vẽ cũng đều trông ngượng nghịu và giả tạo. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ những ai có thể nhanh chóng phác
họa lại y nguyên sự vật, từ người vẽ tranh biếm họa bên đường đến họa sĩ vẽ chân dung chuyên nghiệp. Tôi tự hỏi nếu có thể áp dụng phương pháp học chương trình của MIT và ngoại ngữ vào nghệ thuật.
Tôi quyết định dành một tháng để cải thiện khả năng vẽ mặt. Tôi nhận thấy mình chủ yếu gặp khó khăn trong việc sắp xếp các đặc điểm trên khuôn mặt đúng vị trí. Ví dụ, một lỗi phổ biến khi vẽ khuôn mặt là đặt mắt quá cao trên đầu. Hầu hết mọi người nghĩ rằng mắt họ ở vị trí trên cùng hai phần ba đầu. Sự thực là mắt thường ở giữa đỉnh đầu và cằm. Để khắc phục điều này và những thành kiến khác, tôi đã tập phác thảo dựa trên hình ảnh có sẵn. Sau đó, tôi sẽ dùng điện thoại chụp lại bản phác thảo và phủ hình ảnh gốc lên trên bản vẽ của tôi. Bằng cách này, tôi có thể ngay lập tức phát hiện ra liệu đầu có quá hẹp hay rộng, môi quá thấp hay quá cao hoặc tôi có đặt mắt đúng chỗ hay không. Tôi đã làm điều này hàng trăm lần và sử dụng các chiến lược phản hồi nhanh tương tự như trong Thử thách MIT. Qua việc áp dụng chiến lược này và các chiến lược khác, tôi đã có thể cải thiện đáng kể khả năng vẽ chân dung chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (bạn có thể xem bên dưới).
KHÁM PHÁ CÁC TÍN ĐỒ CỦA SIÊU HỌC
Nhìn bề ngoài, các dự án như trải nghiệm ngôn ngữ của Benny Lewis, thành thục câu đố của Roger Craig và thiết kế trò chơi của Eric Barone khá khác nhau. Tuy nhiên, đây là những ví dụ tiêu biểu cho một hiện tượng tổng quát hơn mà tôi gọi là siêu học1. Khi đi sâu tìm hiểu, tôi biết đến nhiều câu chuyện hơn. Mặc dù khác nhau về chi tiết nội dung và mục đích học nhưng chúng đều có một điểm chung là các dự án tự học chuyên sâu và sử dụng các chiến thuật tương tự để hoàn thành một cách xuất sắc.
1 Về mặt kỹ thuật, thuật ngữ siêu học được sử dụng lần đầu tiên bởi Cal Newport, trong tiêu đề của một bài báo tôi đã viết để nói về thử thách MIT của mình tôi cũng đã sử dụng thuật ngữ này “Mastering Linear Algebra in 10 Days: Astounding Experiments in Ultra Learning” (tạm dịch: Nắm vững Đại số tuyến tính chỉ trong 10 ngày: Những thử nghiệm đáng kinh ngạc trong siêu học).
Nhờ có các cộng đồng trực tuyến, chúng ta có thể thấy được có rất nhiều các tín đồ siêu học đang hoạt động giấu mặt, những nỗ lực của họ chỉ có thể biết đến qua các bài đăng không thể xác minh trên diễn đàn. Một tài khoản có tên Tamu đã đăng trên Chinese- forums.com nội dung chi tiết của quá trình học tiếng Trung từ đầu. Dành trọn “từ 70 đến hơn 80 giờ mỗi tuần” trong vòng hơn bốn tháng, anh ấy đã thử thách bản thân thi đỗ HSK 5, kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Trung cao thứ hai của Trung Quốc.
Những tín đồ của siêu học khác đã đồng loạt gạt bỏ cấu trúc thông thường của các kỳ thi và bằng cấp. Trong một năm kể từ đầu năm 2016, Trent Fowler đã nỗ lực hoàn thiện kiến thức kỹ thuật và toán học. Anh ấy đặt tên cho dự án đó là Dự án STEMpunk, liên quan đến các lĩnh vực STEM từ khoa học, công nghệ, kỹ thuật đến toán học mà anh ấy muốn nghiên cứu và mỹ
thuật steampunk của trường phái hình dung tương lai theo cái nhìn từ quá khứ. Fowler chia nhỏ dự án thành các mô-đun. Mỗi mô-đun tương ứng với một chủ đề cụ thể, bao gồm tính toán, robot, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật; mỗi chủ đề này lại được tiến hành dựa trên các dự án thực tế thay vì sao chép lại nội dung các môn học.
Những tín đồ của siêu học mang rất nhiều đặc điểm chung bên cạnh cá tính riêng của họ. Họ thường làm việc độc lập và vất vả trong hàng tháng hoặc hàng năm. Họ rất tích cực tối ưu hóa các chiến lược, tranh luận quyết liệt về giá trị của các khái niệm như kỹ thuật học xen kẽ, số lượng từ khóa tối đa có thể ghi nhớ được. Trên hết, họ quan tâm đến việc học. Động lực học hỏi đã thúc đẩy họ giải quyết các dự án lớn ngay cả khi điều đó thường đòi hỏi phải hy sinh các phẩm chất hay chuẩn mực khác.
Chiến lược siêu học không hề dễ dàng. Đây là một quá trình khó khăn, căng thẳng và đòi hỏi bạn phải phá vỡ giới hạn dễ chịu của bản thân. Tuy nhiên, kết quả thu được thực sự xứng đáng với nỗ lực đó. Hãy dành một chút thời gian cố gắng tìm hiểu chính xác khái niệm của siêu học và điểm khác biệt giữa nó với các phương pháp giáo dục phổ biến. Sau đó, chúng ta có thể phân tích các nguyên tắc đứng đằng sau phương pháp này để xem cách người học vận dụng chúng nhằm đẩy nhanh tiến độ học.
Chương 2
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHIẾN LƯỢC SIÊU HỌC
S
iêu học chính xác là gì? Trong khi phần giới thiệu của tôi về nhóm người tự học tích cực theo Chủ nghĩa chiết trung bắt đầu với các ví dụ về phương pháp học tập khác
thường, và để tiếp tục chủ đề này, chúng ta cần một nội dung súc tích hơn. Dưới đây là một định nghĩa chưa hoàn chỉnh:
SIÊU HỌC:
Một chiến lược vừa mang tính độc lập vừa mang tính chuyên sâu để tích lũy kiến thức và kỹ năng.
Thứ nhất, siêu học là một chiến lược. Chiến lược không phải là giải pháp duy nhất cho một vấn đề nhất định, nhưng nó có thể là một giải pháp tốt. Các chiến lược thường phù hợp với một số tình huống nhất định và không phải với các tình huống khác, vì vậy sử dụng chúng là một sự lựa chọn, không phải là một điều bắt buộc.
Thứ hai, chiến lược siêu học mang tính độc lập, thể hiện cách bạn đưa ra quyết định về những gì cần học và tại sao. Một người hoàn toàn độc lập trong việc học vẫn có thể quyết định rằng đến trường học là cách tốt nhất để học một cái gì đó. Tương tự như vậy, bạn có thể “tự học” bằng cách vô thức làm theo các bước được nêu trong sách giáo khoa. Sự độc lập liên quan đến ai là
người chèo đò con thuyền dự án chứ không phải là địa điểm diễn ra dự án đó.
Cuối cùng, siêu học mang tính chuyên sâu. Tất cả những tín đồ của siêu học mà tôi đã gặp đều áp dụng các phương pháp khác thường để tối đa hóa hiệu quả của việc học. Không ngại cố gắng tập nói thứ tiếng mới học, ôn tập một cách có hệ thống hàng chục ngàn câu hỏi nhỏ, và lặp đi lặp lại kỹ năng này cho đến khi thuần thục là một công việc trí óc nặng nhọc. Bạn có thể cảm nhận trí óc mình đạt đến giới hạn tối đa của nó. Ngược lại, tối ưu hóa việc học phục vụ mục đích giải trí hoặc thuận tiện: lựa chọn một ứng dụng học ngôn ngữ vì nó có tính giải trí, thụ động xem các chương trình truyền hình giải đố chiếu lại trên sóng truyền hình để bạn không cảm thấy ngu ngốc, học hỏi thay vì nghiêm túc luyện tập. Một phương pháp chuyên sâu cũng có thể mang lại trạng thái tâm lý dễ chịu, trong đó việc trải nghiệm thử thách thu hút sự tập trung, khiến bạn mất đi ý niệm về thời gian. Tuy nhiên, với siêu học, việc học chuyên sâu và hiệu quả luôn là ưu tiên hàng đầu.
HIỂU RÕ HƠN VỀ SIÊU HỌC
Chiến lược siêu học rõ ràng không dễ dàng. Bạn sẽ phải trích thời gian từ lịch trình bận rộn để theo đuổi một thứ sẽ làm bạn căng thẳng về tinh thần, cảm xúc và thậm chí cả về thể xác. Bạn sẽ bị buộc phải đối mặt trực tiếp với sự thất vọng mà không thể lùi bước với các lựa chọn thoải mái hơn. Về sự khó khăn này, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải nói rõ lý do tại sao bạn cần nghiêm túc xem xét chiến lược siêu học.
Lý do đầu tiên là phục vụ công việc của bạn. Bạn đã dành phần lớn sức lực làm việc để kiếm sống. So với siêu học, bạn chỉ cần bỏ ra một khoản nhỏ ngay cả khi bạn đã đi xa đến mức tạm thời dành toàn bộ tâm trí cho chiến lược này. Tuy nhiên, việc nhanh
chóng tiếp thu các kỹ năng khó có thể có tác động lớn hơn nhiều năm phấn đấu bình bình trong công việc. Cho dù bạn muốn thay đổi nghề nghiệp, đón nhận những thách thức mới hay đẩy nhanh tiến độ, thì siêu học vẫn là một công cụ tối ưu.
Lý do thứ hai là phục vụ cuộc sống cá nhân của bạn. Có bao nhiêu người trong chúng ta mơ ước chơi một nhạc cụ, nói một thứ tiếng mới, trở thành một đầu bếp, nhà văn hoặc nhiếp ảnh gia? Khoảnh khắc hạnh phúc nhất không đến từ những điều dễ dàng; chúng đến từ việc nhận ra tiềm năng và chiến thắng giới hạn niềm tin của chính bạn về bản thân mình. Chiến lược siêu học sẽ mang lại một con đường giúp bạn làm chủ những điều đó để có được sự hài lòng và tự tin vô cùng.
Mặc dù động lực đằng sau siêu học là bất tận nhưng hãy bắt đầu bằng cách xem xét tại sao việc đầu tư để thành thục nghệ thuật học kỹ năng khó một cách nhanh chóng sẽ trở nên quan trọng hơn với bạn trong tương lai.
KINH TẾ HỌC: CHỦ NGHĨA TRUNG BÌNH SẮP KẾT THÚC
Theo lời của kinh tế gia Tyler Cowen,“Chủ nghĩa trung bình sắp kết thúc”. Trong cuốn sách cùng tên, Cowen lập luận rằng trước sự gia tăng của vi tính hóa, tự động hóa, gia công và khu vực hóa, chúng ta đang dần dần sống trong một thế giới mà các nhân tố hàng đầu làm tốt hơn rất nhiều so với phần còn lại.
Đứng đằng sau hiệu ứng này là “hiện tượng phân cực kỹ năng”. Sự bất bình đẳng thu nhập rõ ràng đang gia tăng ở Hoa Kỳ trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, lời mô tả này đã bỏ qua bức tranh sâu sắc hơn. Kinh tế gia David Autor của MIT đã chỉ ra rằng thay vì hiện tượng bất bình đẳng đang gia tăng trên diện rộng, trên thực tế có hai tác động khác nhau: bất bình đẳng gia tăng ở tầng lớp trên và giảm ở tầng lớp dưới. Điều này phù hợp với luận điểm
của Cowen về sự kết thúc của Chủ nghĩa trung bình. Autor cũng xác định vai trò của công nghệ trong việc tạo ra hiệu ứng này. Sự tiến bộ của công nghệ vi tính hóa và tự động hóa đồng nghĩa với việc nhiều công việc yêu cầu tay nghề trung bình như nhân viên văn phòng, đại lý du lịch, kế toán và công nhân nhà máy đã được thay thế bằng các công nghệ mới. Những công việc thay thế đã xuất hiện, thuộc một trong hai loại: một là những công việc trình độ cao như kỹ sư, lập trình viên, quản lý và nhà thiết kế; hai là những công việc trình độ thấp hơn như nhân viên bán lẻ, lao công hay nhân viên tư vấn khách hàng.
Hiện tượng toàn cầu hóa và khu vực hóa khiến các xu hướng tạo ra từ máy tính và người máy trở nên trầm trọng thêm. Các công việc yêu cầu trình độ trung bình sẽ được thay thế bằng người máy hoặc tận dụng nguồn lao động giá rẻ từ các nước đang phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc công việc đó đang dần biến mất tại các nước phát triển. Chỉ có những công việc yêu cầu trình độ thấp mà đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp hoặc những việc yêu cầu kiến thức xã hội, trình độ hoặc ngôn ngữ riêng biệt thì có khả năng vẫn còn. Và những công việc yêu cầu trình độ cao khó bị chuyển giao ra nước ngoài vì lợi ích của việc điều phối giữa quản lý và thị trường sẽ ngày càng tăng. Hãy suy nghĩ về khẩu hiệu của Apple trên tất cả các sản phẩm điện thoại iPhone của hãng: “Thiết kế tại California. Sản xuất tại Trung Quốc”. Trong khi quy trình thiết kế và quản lý được giữ lại thì quá trình sản xuất được gia công. Khu vực hóa là một tác động ngoài lề của hiện tượng trên khi các công ty và thành phố phát triển đang mang lại ảnh hưởng lớn lao đối với nền kinh tế. Các thành phố phồn hoa như Hồng Kông, New York và San Francisco có vai trò thống trị nền kinh tế khi các công ty và nhóm nhân tài cùng nhau tận dụng lợi thế của khoảng cách gần gũi.
Điều này mở ra một viễn cảnh ảm đạm hay tràn đầy hy vọng tùy thuộc vào phản ứng của bạn. Ảm đạm bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc nhiều quan niệm trong nền văn hóa của chúng ta về các yếu tố đảm bảo cuộc sống trung lưu thành công đang nhanh chóng bị lung lay. Khi các công việc yêu cầu trình độ trung bình biến mất, một nền giáo dục cơ bản và thái độ làm việc chăm chỉ mỗi ngày không đủ để tạo nên thành công. Thay vào đó, bạn cần chuyển sang các công việc có trình độ cao hơn đòi hỏi bạn thường xuyên học tập hoặc bạn sẽ bị đẩy xuống làm các công việc có trình độ thấp. Tuy nhiên, bên dưới viễn cảnh đáng lo ngại này cũng có hy vọng. Bởi lẽ, nếu bạn có thể sử dụng thành thạo các công cụ cá nhân để học các kỹ năng mới một cách nhanh chóng và hiệu quả, bạn có thể cạnh tranh thành công hơn trong môi trường mới này. Bối cảnh kinh tế đang thay đổi có thể không phải là một lựa chọn mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng kiểm soát được nhưng chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng của bản thân bằng cách tích cực học các kỹ năng cần thiết để thành công.
GIÁO DỤC: HỌC PHÍ QUÁ CAO
Nhu cầu tăng đối với các công việc có tay nghề cao đã làm tăng nhu cầu với giáo dục đại học. Thay vì mở rộng giáo dục cho tất cả mọi người, học đại học đã trở thành một gánh nặng khủng khiếp với học phí tăng vọt khiến hàng thập kỷ nợ nần trở thành một điều bình thường đối với sinh viên tốt nghiệp. Học phí đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát, tức là việc đầu tư học đại học sẽ không xứng đáng trừ phi bạn nhận được một công việc lương cao sau đó.
Nhiều trường và viện hàng đầu không đào tạo được tay nghề cốt lõi đáp ứng yêu cầu của các công việc có trình độ cao mới nổi. Mặc dù đại học vốn là nơi hình thành trí tuệ và phát triển tính cách nhưng những mục tiêu lớn lao đó dường như tách rời với
thực tế tài chính mà sinh viên mới tốt nghiệp đang phải đối mặt. Do đó, trong thực tế thường tồn tại cách biệt về kỹ năng giữa những gì được học ở trường và những gì cần thiết để thành công, ngay cả trong khối sinh viên đại học. Chiến lược siêu học có thể phần nào lấp đầy khoảng trống đó khi bạn không thể trang trải học phí.
Các lĩnh vực thay đổi nhanh chóng cũng đòi hỏi các chuyên gia phải liên tục phát triển các kỹ năng và năng lực mới để tồn tại. Mặc dù có một số người lựa chọn đi học nhưng đây không phải là lựa chọn trong tầm với của nhiều người. Ai lại có thể chấp nhận ngưng trệ cuộc sống của họ trong nhiều năm để vất vả thi đỗ các môn học mà không biết có giúp gì cho các tình huống thực tế mà họ phải đối mặt sau này? Với tính độc lập, chiến lược siêu học có thể đáp ứng nhiều lịch trình, tình huống khác nhau và hướng đến chính xác những gì bạn cần học mà không gây ra sự lãng phí.
CÔNG NGHỆ: MỞ RA MỘT CHÂN TRỜI MỚI CHO VIỆC HỌC
Công nghệ thổi phồng tật xấu và đức tính của nhân loại. Những tật xấu của chúng ta trở nên tồi tệ hơn bởi vì bây giờ chúng có thể được tải xuống, di chuyển và lan truyền trong xã hội. Khả năng đánh lạc hướng hoặc ảo tưởng về bản thân lớn hơn bao giờ hết, do đó chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng về quyền riêng tư và tư tưởng chính trị. Mặc dù mối nguy hiểm đó là có thật nhưng tiềm ẩn trong đó lại là những cơ hội. Đối với những người sử dụng công nghệ khôn ngoan, đây là thời điểm dễ nhất trong lịch sử để học được điều gì đó mới mẻ. Bất kỳ ai có thiết bị và kết nối internet cũng có thể tiếp cận miễn phí kho tàng kiến thức của thư viện Alexandria. Các trường đại học hàng đầu như Harvard, MIT và Yale đang cho đăng tải các khóa học tốt nhất hoàn toàn miễn phí lên mạng. Nhờ tham gia các diễn đàn, bạn có thể học theo nhóm mà không cần rời khỏi nhà.
Tuy nhiên, chiến lược siêu học không yêu cầu công nghệ mới. Như tôi sẽ thảo luận trong các chương sắp tới, có nhiều nhân tài đã thực hành phương pháp này bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, công nghệ mang lại cơ hội đáng kinh ngạc cho đổi mới. Vẫn còn nhiều phương pháp học mà chúng ta chưa khám phá đầy đủ. Có lẽ sự đổi mới kỹ thuật phù hợp có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi hoặc xóa bỏ việc học. Những tín đồ tích cực và năng suất của siêu học sẽ là những người đầu tiên làm chủ được chúng.
ĐẨY MẠNH, CHUYỂN ĐỔI VÀ GIẢI CỨU NGHỀ NGHIỆP NHỜ SIÊU HỌC
Các xu hướng phân cực kỹ năng trong nền kinh tế, học phí tăng vụt và công nghệ mới đều mang tính toàn cầu. Nhưng điều gì khiến chiến lược siêu học mang tính cá nhân? Tôi tin rằng có ba trường hợp chính có thể áp dụng chiến lược này để phát triển các kỹ năng cứng, bao gồm: đẩy mạnh sự nghiệp hiện tại, chuyển sang một nghề nghiệp mới và tu dưỡng một lợi thế tiềm ẩn trong một thế giới cạnh tranh.
Để thấy được chiến lược siêu học có thể giúp đẩy mạnh sự nghiệp hiện có như thế nào, hãy xem xét trường hợp của Colby Durant. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ấy bắt đầu làm việc tại một công ty phát triển trang web. Vì muốn tiến bộ nhanh hơn, cô ấy đã tham gia một dự án siêu học để học viết quảng cáo. Sau khi chủ động thực hiện và cho sếp thấy khả năng của mình, cô ấy đã được thăng chức. Bằng cách lựa chọn và tập trung luyện tập để thành thục một kỹ năng có giá trị, bạn có thể đẩy nhanh quá trình phát triển sự nghiệp của mình.
Học tập thường là trở ngại lớn đối với việc đổi nghề. Lấy trường hợp của Vishal Maini làm ví dụ. Anh ấy đã có thể hài lòng với vai trò tiếp thị trong thế giới công nghệ nhưng lại mơ ước đi sâu vào
nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Thật không may, công việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên sâu mà anh ấy chưa có. Sau một dự án siêu học kỹ lưỡng kéo dài trong sáu tháng, anh ấy đã có thể phát triển các kỹ năng đủ để chuyển lĩnh vực và có được một công việc trong lĩnh vực như mong muốn.
Cuối cùng, một dự án siêu học có thể giúp cải thiện các kỹ năng cũng như tài sản khác mà bạn đã trau dồi trong công việc. Diana Fehsenfeld đã làm thủ thư nhiều năm tại New Zealand. Trước chính sách tinh giản của chính phủ và công nghệ hóa nhanh chóng trong lĩnh vực của mình, cô ấy lo lắng rằng kinh nghiệm chuyên môn của mình không đủ để theo kịp. Do đó, Fehsenfeld đã tiến hành hai dự án siêu học, một để học thống kê cùng ngôn ngữ lập trình R và một dự án về trực quan hóa dữ liệu. Ngành của cô ấy đang thiếu những kỹ năng đó trầm trọng, và bổ sung chúng vào hồ sơ của một thủ thư đã trang bị cho cô ấy các công cụ cần thiết để biến một tương lai ảm đạm thành một triển vọng tất yếu.
NGOÀI KINH DOANH: SIÊU HỌC VẪN LÀ MỘT KỸ NĂNG CẦN THIẾT
Siêu học là một kỹ năng hữu ích để ứng phó với một thế giới đang đổi thay. Khả năng tiếp thu các kỹ năng cứng một cách nhanh chóng sẽ ngày càng trở nên quý giá và do đó, nó đáng để phát triển tối đa tiềm năng của bạn ngay cả khi một khoản đầu tư trước là bắt buộc.
Tuy nhiên, thành công về chuyên môn hiếm khi tạo thành động lực cho những tín đồ siêu học mà tôi quen, kể cả những người kiếm được nhiều tiền nhất từ các kỹ năng mới. Thay vào đó, động lực của họ xuất phát từ một tầm nhìn hấp dẫn về những gì họ muốn làm, sự tò mò sâu sắc, hoặc thậm chí từ chính thử thách. Eric Barone đã không đơn độc theo đuổi đam mê trong 5
năm chỉ để trở thành triệu phú mà vì khao khát cảm giác hài lòng khi tạo ra điều gì đó phù hợp với lý tưởng của bản thân. Roger Craig không tham gia chương trình Jeopardy! chỉ vì giành tiền thưởng mà để được thi đấu trong chương trình mà anh yêu thích từ khi còn nhỏ. Những tín đồ giỏi nhất của siêu học là những người biết kết hợp mục đích thực tế để học một kỹ năng với nguồn hứng khởi.
Siêu học mang đến tác dụng lớn hơn cả những kỹ năng mà người học có thể tiếp thu. Làm những việc khó, đặc biệt là những việc liên quan đến học một cái mới, sẽ khai thác triệt để sự nhận thức của bạn về bản thân, khiến bạn tự tin rằng mình có thể làm những việc mà trước đây không thể làm được.
THẾ CÒN TÀI NĂNG? VẤN ĐỀ CỦA TERENCE TAO
Terence Tao rất thông minh: năm 2 tuổi tự học đọc, năm 7 tuổi học hết chương trình toán cấp ba, năm 17 tuổi hoàn thành luận văn thạc sĩ với đề tài “Convolution Operators Generated by Right-Monogenic and Harmonic Kernels” (tạm dịch: Toán tử xoắn do hạt nhân tích điện dương và trung hòa về điện tạo ra). Sau đó, Tao đã nhận bằng Tiến sĩ của trường Đại học Princeton và Huy chương Fields danh giá (thường được coi là “Giải Nobel dành cho Toán học”), và được vinh danh là một trong những bộ óc toán học xuất sắc nhất thời nay. Khác biệt với nhiều nhà toán học là các chuyên gia cực đoan cho rằng “loài lan quý chỉ sinh trưởng trên một cành nhất định của cây toán học”, Tao thường xuyên cộng tác với các nhà toán học khác và có những đóng góp quan trọng cho các lĩnh vực. Tài năng lỗi lạc này đã khiến một đồng nghiệp ví anh ấy như “một tiểu thuyết gia hàng đầu chuyên viết tiếng Anh đột nhiên xuất bản cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Nga xuất chúng”.
Ngoài ra, dường như không có một lời lý giải rõ ràng về chiến công của Tao. Anh ấy chắc chắn phát triển tài năng từ sớm nhưng thành công trong toán học không đến từ áp lực của cha mẹ ép buộc anh ấy học. Thời thơ ấu của Tao là những chuỗi ngày nô đùa với hai người em trai, phát minh ra các trò ghép từ và mạt chược của gia đình hay vẽ bản đồ địa hình của những miền đất trong tưởng tượng. Đều là những trò trẻ con thông thường. Anh ấy cũng không có một phương pháp học tập đặc biệt sáng tạo nào. Trong mục tiểu sử đăng trên tờ New York Times, anh ấy nhấn mạnh rằng mình đã phát huy trí thông minh cho đến khi nhận bằng tiến sĩ, rồi quay lại với “chiến lược ôn thi thông thường của mình: nhồi nhét vào phút cuối”. Mặc dù phương pháp này đã dần mất đi tác dụng khi anh đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình, nhưng thực tế việc anh ấy dễ dàng thi qua các lớp cho thấy anh ấy có một trí óc phi thường hơn là một chiến lược độc đáo. Thiên tài là một từ hiếm khi được sử dụng nhưng trong trường hợp của Tao, danh hiệu này chắc chắn đúng.
Những người giỏi bẩm sinh như Terence Tao đặt ra một thách thức lớn với tính phổ thông của siêu học. Nếu những người như Tao có thể gặt hái được rất nhiều mà không cần có phương pháp học tích cực hoặc chuyên sâu, tại sao chúng ta phải bận tâm nghiên cứu thói quen và phương pháp của những người học ấn tượng khác? Ngay cả khi Lewis, Barone hay Craig không sánh được với mức độ thông tuệ của Tao, thành tựu của họ có lẽ là do sở hữu một số khả năng trí tuệ tiềm ẩn mà người bình thường không có. Nếu đúng như vậy thì chiến lược siêu học chỉ thú vị để nghiên cứu chứ không phải là phương pháp cho bạn để học theo.
ĐẶT TÀI NĂNG SANG MỘT BÊN
Tài năng thiên bẩm đóng vai trò gì? Làm thế nào chúng ta có thể nghiên cứu nguyên nhân thành công của một người khi hình
bóng của trí thông minh và tài năng bẩm sinh đã xâm chiếm tâm trí của chúng ta? Những câu chuyện như của Tao có ý nghĩa gì đối với những người bình thường chỉ muốn cải thiện khả năng học hỏi?
Nhà Tâm lý học K. Anders Ericsson lập luận rằng tùy theo cách thực hành khác nhau, các thuộc tính cần thiết để trở thành các chuyên gia có thể thay đổi ngoại trừ các đặc tính bẩm sinh về chiều cao và kích thước cơ thể. Các nhà nghiên cứu khác bày tỏ thái độ ít lạc quan hơn về tính linh hoạt của bản chất con người. Nhiều ý kiến cho rằng hầu hết trí thông minh của chúng ta có tính di truyền. Nếu trí thông minh có nguồn gốc chủ yếu từ gen thì tại sao không sử dụng điều này để giải thích về chiến lược siêu học thay vì việc sử dụng phương pháp các tín đồ siêu học áp dụng để giải thích cho những thành công của họ? Thành công của Tao trong lĩnh vực toán học có lẽ không xuất phát từ thứ dễ được nhân rộng giữa những người bình thường, vậy tại sao lại cho rằng tín đồ siêu học nào cũng khác nhau?
Cá nhân tôi có quan điểm trung lập với hai thái cực đó. Theo tôi, tài năng bẩm sinh có tồn tại và chúng chắc chắn có ảnh hưởng đến kết quả mà chúng ta nhìn thấy (như trong trường hợp của Tao). Tôi tin rằng chiến lược và phương pháp cũng có vai trò tương tự. Trong cuốn sách này, tôi sẽ trình bày về nội dung khoa học cho thấy việc thay đổi phương pháp học sẽ tác động đến hiệu quả của bạn như thế nào. Mỗi một nguyên tắc nếu được áp dụng đúng cách sẽ giúp bạn học hành tiến bộ cho dù xuất phát điểm của bạn có xuất chúng hay kém cỏi.
DÀNH THỜI GIAN CHO SIÊU HỌC
Khi đọc đến đây, có thể bạn đang nghi ngờ rằng làm cách nào phân bổ thời gian để tiến hành các dự án học tập chuyên sâu này. Bạn lo lắng không thể áp dụng được lời khuyên này vì bạn đang
bị ràng buộc về trường lớp, công việc hoặc gia đình khiến việc đầu tư toàn thời gian để học trở nên không thể.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là vấn đề. Bạn có thể ứng dụng chiến lược siêu học chủ yếu theo ba cách ngay cả khi phải xử lý các ràng buộc cũng như thách thức khác trong cuộc sống: bắt đầu các dự án bán thời gian, tận dụng thời gian nghỉ phép và đổi mới phương pháp học hiện tại.
Cách đầu tiên là áp dụng chiến lược siêu học ngoài giờ. Các ví dụ ấn tượng nhất về học tập thành công thường là người học đầu tư phần lớn thời gian vào dự án. Dành 50 tiếng/tuần sẽ có hiệu quả hơn 5 tiếng/ tuần thậm chí nếu năng suất như nhau, do đó câu chuyện hấp dẫn nhất thường liên quan đến các lịch trình phi thường. Mặc dù điều này khiến mạch chuyện thêm thu hút nhưng nó thực sự không cần thiết đối với các dự án siêu học. Nội dung cốt lõi của chiến lược siêu học là tính tích cực và tinh thần sẵn sàng dành ưu tiên cho hiệu quả. Liệu điều này có xảy ra nếu bạn dành toàn bộ thời gian hay chỉ một vài tiếng mỗi tuần hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Như tôi thảo luận trong Chương 10, một lịch trình dàn trải mang lại hiệu quả hơn về mặt trí nhớ dài hạn. Bất cứ khi nào đọc về một lịch trình căng thẳng trong cuốn sách này, bạn hãy thoải mái vận dụng vào hoàn cảnh bản thân nhưng giãn cường độ ra để đạt được hiệu quả tương tự.
Cách thứ hai là tiến hành siêu học trong lúc nghỉ học hoặc nghỉ làm. Nhiều người tôi phỏng vấn đã thực hiện các dự án trong thời gian thất nghiệp tạm thời, chuyển đổi nghề nghiệp, nghỉ học kỳ hoặc nghỉ phép. Mặc dù đây không phải là những lý do đáng tin cậy để lập kế hoạch nhưng nếu bạn dự tính sắp có thời gian rảnh, sẽ hoàn hảo để đầu tư vào việc học. Đó là một trong những động lực khiến tôi theo đuổi Thử thách MIT khi: tôi vừa tốt nghiệp, vì vậy kéo dài thời sinh viên thêm 1 năm nữa dễ dàng
hơn so với 4 năm. Nếu tôi phải thực hiện một dự án tương tự vào thời điểm hiện tại, tôi sẽ tiến hành trong khoảng thời gian dài hơn vào một số buổi tối và cuối tuần vì công việc của tôi hiện kém linh hoạt hơn so với thời điểm chuyển giao từ đại học sang đi làm.
Cách thứ ba là kết hợp các nguyên tắc siêu học vào thời gian và sức lực mà bạn dành cho việc học. Hãy suy nghĩ về cuốn sách kinh doanh gần nhất bạn đọc hoặc thời gian bạn cố gắng học tiếng Tây Ban Nha, tìm hiểu về đồ gốm hoặc lập trình. Thế còn phần mềm mới bạn cần học để phục vụ công việc? Thời gian dành để phát triển chuyên môn giúp duy trì khả năng của bạn? Siêu học không phải là một hoạt động ngoài giờ nên không thể cho bạn biết bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho việc học. Làm thế nào bạn có thể sắp xếp việc học và nghiên cứu hiện tại với việc thực hiện các nguyên tắc tối đa hóa hiệu quả?
Như trong phần về tài năng, bạn đừng để các ví dụ cực đoan ngăn cản mình áp dụng những nguyên tắc tương tự. Bạn có thể tự điều chỉnh hoặc kết hợp mọi thứ tôi chia sẻ với tình hình hiện tại. Điều quan trọng nằm ở cường độ, sáng kiến và cam kết học tập hiệu quả chứ không phải nội dung thời gian biểu.
GIÁ TRỊ CỦA SIÊU HỌC
Khả năng tiếp thu các kỹ năng cứng một cách hiệu quả, năng suất và vô cùng có giá trị. Ngoài ra, các xu hướng hiện nay trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và công nghệ ngày càng làm gia tăng sự cách biệt giữa những người có kỹ năng và những người không có kỹ năng. Tuy nhiên, khi thảo luận, tôi có thể đã bỏ qua câu hỏi quan trọng nhất: Chiến lược siêu học có thể có giá trị nhưng liệu nó có thể áp dụng được? Liệu chiến lược siêu học chỉ là sự mô tả về các cá nhân có tính cách khác thường hay chỉ ra rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành tín đồ của siêu học?
Chương 3
CÁCH TRỞ THÀNH MỘT TÍN ĐỒ CỦA SIÊU HỌC
"T
ôi muốn làm chuột bạch”, trích từ một email của Tristan De Montebello. Vào 7 năm trước, lần đầu tiên, tôi gặp
người nhạc sĩ và doanh nhân quyến rũ mang trong mình hai dòng máu Pháp và Mỹ, khoảng thời gian đó gần như cùng lúc với cuộc gặp gỡ định mệnh với Benny Lewis. Với mái tóc vàng bù xù và bộ râu cắt sát, anh ta trông như đang ở trên một chiếc ván lướt sóng ngoài bờ biển California. De Montebello là kiểu chàng trai có thể khiến bạn thích ngay từ lần gặp đầu tiên: tự tin, thực tế, nói tiếng Anh trôi chảy với loáng thoáng giọng Pháp. Trong những năm qua, chúng tôi đã giữ liên lạc với nhau: tôi cùng những thí nghiệm học tập kỳ lạ; còn anh ấy ngao du khắp thế giới, từ tham gia một công ty khởi nghiệp ở Paris sản xuất áo len thiết kế cashmere thành tay chơi guitar, người lang thang, và cuối cùng là cố vấn website ở Los Angeles, gần với bãi biển ưa thích của anh. Khi nghe nói tôi đang viết một cuốn sách về học tập, anh ấy tỏ ra quan tâm.
Anh ấy gửi email cho tôi trong bối cảnh tôi đã gặp và ghi nhận hàng chục người nắm giữ các thành tích học tập kỳ lạ và thú vị nhưng các cuộc gặp chủ yếu diễn ra sau khi họ thành công. Họ là những người tôi đã gặp hoặc nghe kể về thành công của họ mà không phải từ trước; quan sát thành công chứ không phải quá trình đến thành công. Do đó, thật khó để nói chính xác mức độ
dễ tiếp cận của chiến lược siêu học này. Nếu bạn cố gắng lọc đủ số viên sỏi thì chắc chắn sẽ tìm thấy một chút vàng. Liệu có phải tôi đang làm điều tương tự, lùng sục để kiếm tìm các dự án học tập khác thường? Khi tìm hiểu đủ người, bạn có thể tìm thấy một số cá nhân tuyệt vời. Nhưng nếu chiến lược siêu học có tiềm năng như trong tưởng tượng của tôi thì thật tuyệt khi tìm được ai đó trước khi họ tiến hành dự án và quan sát kết quả. Để kiểm tra điều này, tôi đã tập hợp một nhóm nhỏ khoảng chục người (chủ yếu là độc giả blog của tôi) mà có hứng thú thử áp dụng chiến lược siêu học. De Montebello là một trong số đó.
TRỞ THÀNH TÍN ĐỒ CỦA SIÊU HỌC
“Hay là chơi piano?” De Montebello đề xuất. Mặc dù quan tâm đến chiến lược siêu học nhưng anh ấy không biết bản thân muốn học kỹ năng nào. Anh ấy đã từng chơi guitar và là ca sĩ hát chính cho một ban nhạc. Với nền tảng âm nhạc đó, học chơi piano dường như là một lựa chọn tương đối an toàn. Anh ấy thậm chí đã xây dựng một khóa học trực tuyến hướng dẫn chơi guitar, vì vậy học một nhạc cụ khác có tiềm năng giúp mở rộng kinh doanh của anh ấy. Tôi đã ích kỷ khi khuyến khích anh ấy thử học một cái gì đó khác biệt. Một nhạc sĩ chọn tập một nhạc cụ khác dường như không phải là trường hợp lý tưởng để nghiên cứu xem liệu có thể áp dụng chiến lược siêu học rộng rãi. Chúng tôi thảo luận thêm một vài ý tưởng nữa. Một hai tuần sau, anh ấy lựa chọn diễn thuyết. Nền tảng là một nhạc sĩ đã cho anh ấy kinh nghiệm đứng trên sân khấu, nhưng mặt khác kinh nghiệm diễn thuyết của anh ấy còn ít. Diễn thuyết trước công chúng cũng là một kỹ năng hữu ích, vì vậy vẫn đáng để cải thiện ngay cả khi nỗ lực này không tạo ra điều gì đáng chú ý.
NHỮNG BƯỚC ĐẦU LÀM QUEN VỚI SIÊU HỌC
De Montebello dù đã chọn được chủ đề nhưng vẫn chưa chắc chắn về phương pháp thực hiện chính xác. Anh ấy quyết định tham dự một cuộc họp của tổ chức phi lợi nhuận giúp nâng cao khả năng phát biểu trước đám đông Toastmasters International. Tại thời điểm đó, anh ấy gặp may hai lần. Thứ nhất là Michael Gendler cũng tham dự cuộc họp đầu tiên cho dự án diễn thuyết trước công chúng của De Montebello. Gendler là một thành viên kỳ cựu của Toastmaster và nét thu hút cùng sự đam mê cháy bỏng của De Montebello để diễn thuyết trôi chảy trước công chúng đã khiến Gendler đồng ý hướng dẫn anh ta trong suốt dự án. Thứ hai là điều mà De Montebello đã không đánh giá đúng vào thời điểm đó: xuất hiện chỉ 10 ngày trước hạn chót để đủ điều kiện để tham gia Giải diễn giả vô địch thế giới.
Giải diễn giả vô địch thế giới là một cuộc thi do Toastmasters tổ chức hằng năm, trong đó các thí sinh tranh đấu, loại bỏ, bắt đầu với các câu lạc bộ cá nhân đến các tổ chức lớn hơn để được chọn vào vòng chung kết. De Montebello có khoảng một tuần để chuẩn bị.
Tuy nhiên, cuộc thi đã cung cấp một cấu trúc tiềm năng cho dự án siêu học của anh ấy, vì vậy anh ấy đã thực hiện nó, thiết kế sáu bài phát biểu trong một tuần và hoàn thành nó vào phút chót.
De Montebello luyện tập hăng say, đôi khi diễn thuyết đến hai lần trong một ngày. Anh đã ghi hình lại mọi bài phát biểu, phân tích chi tiết các lỗi sai mình mắc phải, yêu cầu mọi người phản hồi mỗi khi anh ấy phát biểu, và anh ấy đã nhận được rất nhiều ý kiến giá trị. Người hướng dẫn Gendler đã đưa anh ấy ra xa khỏi vùng an toàn. Một lần, khi phải lựa chọn giữa việc hoàn thiện một bài phát biểu có sẵn và thiết kế một bài hoàn toàn mới từ đầu, De Montebello đã hỏi xin tư vấn từ người hướng dẫn. Gendler trả lời rằng hãy làm điều gì anh ấy cho là đáng sợ nhất.
Động lực không ngừng đó đã khuyến khích De Montebello làm những điều phi thường. Anh ấy tham gia các lớp học ngẫu hứng để học cách phát biểu tự phát. Ở đó, anh học cách tin tưởng bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu và không do dự nói ra. Điều này giúp anh ấy tránh việc lắp bắp hay sợ cứng người trên sân khấu. Anh ấy đã xin nhận xét về cách phát biểu từ một người bạn làm đạo diễn Hollywood. Người đạo diễn khuyên De Montebello phát biểu hàng chục lần theo các phong cách khác nhau từ tức giận, đơn điệu, la hét, thậm chí rap rồi xem có gì khác so với giọng nói bình thường của anh ấy. Theo De Montebello, điều đó đã giúp anh ấy thoát khỏi “thung lũng huyền bí” xuất hiện khi bài phát biểu bình thường của anh ấy có vẻ thiếu tự nhiên.
Một người bạn khác có chuyên môn về kịch đã cho anh ta lời khuyên về việc đứng trên sân khấu. Anh ấy chỉ cho De Montebello xem bài phát biểu và cách mỗi từ và câu ám chỉ chuyển động có thể được tương ứng với di chuyển của anh ấy trên sân khấu. Thay vì đứng một cách gò bó dưới ánh đèn sân khấu, De Montebello giờ đây có thể đi lại uyển chuyển và dùng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt thông điệp bên ngoài lời nói. Anh ấy thậm chí từng phát biểu tại một trường trung học dù biết rằng các học sinh lớp 7 sẽ cho những phản ứng phũ phàng nhất. Sau khi lăn xả mà không có sự thoải mái như ở Toastmasters, anh ấy đã học cách giao tiếp với khán giả trước khi bước lên sân khấu: học ngôn ngữ, cảm xúc và kết nối với họ. Bằng cách áp dụng tất cả những gì đã học được cho đến nay, anh ta có thể nhanh chóng thay đổi bài phát biểu để đảm bảo phù hợp với một đối tượng mới. Trên hết, Gendler đã không ngừng thúc đẩy De Montebello. “Hãy khiến tôi chú ý”, Gendler nói với anh ấy sau khi lắng nghe một bài phát biểu của De Montebello. “Tôi hiểu tầm quan trọng của điều này đối với bạn nhưng khán giả không quan tâm bạn. Bạn phải khiến tôi chú ý.” Lời khuyên phong phú và thực hành thường xuyên sẽ giúp những bài học đó trở nên sâu sắc hơn, giúp
De Montebello nhanh chóng vượt qua sự e ngại khi lần đầu đứng trên sân khấu.
Sau một tháng, De Montebello đã giành chiến thắng trong cuộc thi khu vực khi đánh bại đối thủ đã có 20 năm kinh nghiệm ở Toastmasters. Sau đó, anh ấy cũng giành chiến thắng trong cuộc thi cấp quận và cấp phòng. Trong vòng chưa đầy 7 tháng sau lần đầu tiên phát biểu trước đám đông, anh ấy đã chuẩn bị tham gia cuộc thi vô địch thế giới. “Mỗi năm có khoảng 30.000 thí sinh. Tôi khá tự tin là thí sinh nhanh nhất trong lịch sử đã đi đến vòng này bởi vì nếu tôi bắt đầu muộn hơn 10 ngày thì tôi đã không thể tham gia cuộc thi.” Cuối cùng, anh ấy đã lọt vào top 10.
TỪ VÒNG BÁN KẾT ĐẾN BƯỚC NGOẶT TRONG LỊCH SỬ
“Ngay từ lúc bắt đầu tôi đã hiểu rằng dự án này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tôi”, De Montebello tâm sự vào nhiều tháng sau khi giành được vị trí trong top 10 tại một cuộc thi quốc tế. “Nhưng đúng là nó đã thay đổi cuộc sống của tôi ngoài mong đợi.” Vào vòng chung kết của Giải vô địch thế giới là một hành trình dài nhưng chỉ sau đó, anh ấy mới bắt đầu nhận ra mình đã học được bao điều. “Những điều tôi đang học chỉ là một phần rất nhỏ trong diễn thuyết. Nhờ đi sâu vào học hỏi tôi mới nhận ra chiều sâu của tất cả những kỹ năng mà tôi đã nỗ lực rất nhiều: kể chuyện, tự tin, giao tiếp.”
Những người bạn nghe về thành công của De Montebello đều tự hỏi liệu anh có thể giúp gì cho các bài thuyết trình của họ. Anh ấy và Gendler cùng phát hiện một cơ hội để hỗ trợ mọi người cải thiện kỹ năng nói trước đám đông. Nhu cầu về việc này rất cao. Các diễn giả được trả công bằng năm con số bắt đầu liên lạc bộ đôi này để xem liệu họ có thể học cải thiện kỹ năng nói trước đám đông theo phương pháp siêu học hay không. Chẳng mấy chốc họ đã đào tạo được khách hàng đầu tiên lên mức giá 20.000
đô la. Gendler và De Montebello không hề có mục đích vụ lợi; họ chỉ tập trung vào những diễn giả có thông điệp đáng tin cậy. Nhưng trên thực tế, số lượng khách hàng có địa vị cao tìm đến họ ngày càng tăng đã khuyến khích họ chuyển sang làm cố vấn diễn thuyết toàn thời gian. Gendler và De Montebello thậm chí đã quyết định đặt tên cho công ty tư vấn của họ là UltraSpeaking như một sự ghi nhận vai trò của chiến lược siêu học.
Điểm riêng biệt ở De Montebello không phải là việc anh ấy nghĩ có thể lọt vào vòng chung kết Giải vô địch thế giới trong sáu tháng từ kinh nghiệm gần như bằng không, mà là thái độ làm việc tận tụy. Anh ấy không đặt ra mục tiêu tiến tới các giới hạn đã định mà là để biết được mình có thể phát triển đến đâu. Đôi khi bạn sẽ gặp may mắn và lựa chọn được con đường đưa bạn đi được khá xa. Nhưng ngay cả khi thất bại bạn cũng sẽ học được một kỹ năng khá tốt.
CÁC NGUYÊN TẮC CỦA CHIẾN LƯỢC SIÊU HỌC
Câu chuyện của De Montebello minh họa rằng trở thành tín đồ của siêu học hoàn toàn khả thi nhưng đây không phải là phương pháp thông thường. Mỗi dự án là độc nhất và các phương pháp cần thiết phục vụ các dự án đó cũng vậy. Sự độc đáo của các dự án siêu học là một trong những yếu tố gắn kết tất cả lại với nhau. Nếu siêu học được chuẩn hóa thì nó đơn giản là một hình thức tích cực của nền giáo dục có cấu trúc. Điều khiến siêu học thú vị cũng là điều khiến bạn khó có thể phân tách chiến lược này thành từng bước cụ thể.
Phần thứ hai của cuốn sách này sẽ tập trung vào các nguyên tắc của siêu học. Trong mỗi chương, tôi sẽ giới thiệu một nguyên tắc mới với bằng chứng minh họa từ các tấm gương siêu học và nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, tôi sẽ chia sẻ cách biến một nguyên tắc thành các chiến thuật cụ thể. Dù chỉ là những gợi ý
đơn giản nhưng các chiến thuật này sẽ là bước khởi đầu giúp bạn xây dựng suy nghĩ sáng tạo về thách thức trong siêu học. Có chín nguyên tắc phổ quát đằng sau các dự án học tập được mô tả từ trước đến giờ. Mỗi nguyên tắc thể hiện một khía cạnh cụ thể của việc học thành công và tôi sẽ trình bày cách tín đồ của siêu học tối đa hóa hiệu quả của các nguyên tắc thông qua các lựa chọn của họ, bao gồm:
1. Học cách học: Đầu tiên xây dựng một lộ trình. Bắt đầu bằng tìm hiểu phương pháp học một kỹ năng hay môn học mới. Tìm ra phương pháp tiến hành nghiên cứu và phát huy năng lực sẵn có để học các kỹ năng mới dễ dàng hơn.
2. Tập trung: Có công mài sắt, có ngày nên kim. Tu dưỡng khả năng tập trung. Dành thời gian tập trung vào việc học và tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành học.
3. Thực hành trực tiếp: Tiến thẳng về phía trước. Học bằng cách làm điều bạn muốn thành thạo. Đừng đánh đổi bằng các công việc khác chỉ vì thuận tiện hoặc thoải mái hơn.
4. Đào sâu: Quyết tâm khắc phục điểm yếu nhất của bạn. Phân chia kỹ năng phức tạp thành các phần nhỏ rồi hoàn thiện những phần này và ghép chúng lại với nhau.
5. Ôn tập: Kiểm tra để học. Kiểm tra không đơn giản là một cách đánh giá kiến thức mà là một cách tạo ra kiến thức. Tự kiểm tra trước khi bạn cảm thấy tự tin, và khuyến khích bản thân tích cực nhớ lại thông tin thay vì thụ động xem lại thông tin đó.
6. Lắng nghe nhận xét: Đừng né tránh những lời chỉ trích. Dù các phản hồi có khắc nghiệt và khó chịu đến mức nào. Bạn hãy học cách tiếp thu những lời phản hồi đó mà không để cái tôi của bạn
cản trở. Tách tín hiệu từ những lời nhiễu để biết những gì cần chú ý và những gì cần bỏ qua.
7. Duy trì: Đừng cố gắng lấp đầy lỗ hổng. Hiểu những gì bạn quên và tại sao. Học cách nhớ mọi thứ vĩnh viễn chứ không phải tạm thời.
8. Trực giác: Đào móng trước khi xây nhà. Phát triển trực giác của bạn thông qua trò chơi và tìm hiểu các khái niệm cùng kỹ năng. Hiểu cách thức hoạt động của sự hiểu biết sâu sắc, không nên trông cậy vào các thủ thuật ghi nhớ kém hiệu quả.
9. Thử nghiệm: Thoát khỏi vùng an toàn. Tất cả những nguyên tắc này chỉ là điểm khởi đầu. Bạn thực sự trở nên thành thạo khi không chỉ làm theo những người đi trước mà còn khám phá những khả năng ngoài sức tưởng tượng của mình.
Tôi đã xây dựng chín nguyên tắc này dựa trên quan sát về các dự án siêu học cũng như kinh nghiệm cá nhân, tham khảo tài liệu khoa học khác khi có thời gian.
Ngoài các nguyên tắc và chiến thuật thì rộng lớn hơn là tác phong học tập. Đó là chịu trách nhiệm cho việc học của bạn: quyết định thứ muốn học, phương pháp học và xây dựng kế hoạch học tập.
Chương 4
NGUYÊN TẮC SỐ 1: LÀM CHỦ VIỆC HỌC
ĐẦU TIÊN, PHÁC THẢO MỘT LỘ TRÌNH
Nếu tôi nhìn được xa hơn thì đó là bằng cách đứng trên vai những người khổng lồ.
- ISAAC NEWTON
D
an Everett đứng trước một khán phòng chật cứng. Một người đàn ông trạc 60 với thân hình rắn chắc nói một cách chậm rãi và đầy tự tin, khuôn mặt tươi cười được tô
điểm bởi mái tóc vàng mỏng và bộ râu. Bên cạnh là một chiếc bàn với đầy các loại đồ vật từ gậy, đá, lá, hộp đựng, trái cây đến bình đựng nước. Anh ấy ra hiệu sắp bắt đầu bài thuyết trình.
Một người phụ nữ trung niên lực điền với mái tóc nâu sẫm và nước da màu ô liu tiến đến sân khấu từ bên phải cánh gà. Everett lại gần cô ấy và nói điều gì đó bằng thứ tiếng mà cô ấy không hiểu. Cô ấy nhìn xung quanh, vẻ mặt bối rối rồi ngần ngại trả lời “Kuti paoka djalou”. Everett cố gắng lặp lại câu trả lời của cô ấy. Dù ban đầu hơi vấp nhưng sau khi cố gắng thêm lần nữa, người phụ nữ có vẻ hài lòng với sự bắt chước của anh ấy. Anh ấy đi đến bảng đen và viết,“Kuti paoka djalou ➱ ‘Greeting (?)’ (lời chào)”. Sau đó, anh ấy cầm một cây gậy nhỏ và chỉ vào đó. Người phụ nữ
đoán chính xác rằng anh ta muốn biết tên cây gậy và trả lời “ŋkindo”.
Một lần nữa, Everett viết lên bảng “ŋkindo ➱ stick (cây gậy)”. Sau đó, anh ấy thử với hai cây gậy và nhận được phản hồi tương tự, “ŋkindo”. Anh ấy làm rơi cây gậy mà người phụ nữ nói,“ŋkindo paula”. Bài thuyết trình tiếp tục khi Everett nhặt đồ vật, thực hiện hành động, lắng nghe phản ứng của người phụ nữ và ghi lại kết quả trên bảng đen. Chẳng mấy chốc, anh ta đã hoàn thành nhiệm vụ đặt tên đơn giản và chuyển sang đặt các câu hỏi phức tạp hơn: “Cô ấy uống nước”,“Bạn ăn chuối”, và “Đặt đá vào thùng chứa”. Với mỗi gợi ý, anh ấy thử đặt câu mới và xem phản ứng của người phụ nữ để kiểm tra liệu mình có đúng không. Trong vòng nửa giờ, đủ các danh từ, động từ, đại từ và phiên âm được viết chật cứng trên hai tấm bảng đen.
Học hàng chục từ và cụm từ mới là một khởi đầu tốt trong 30 phút đầu tiên bắt đầu học ngoại ngữ mới. Điều khiến thành tích này trở nên đặc biệt ấn tượng là Everett không được phép nói cùng một ngôn ngữ với người phụ nữ. Anh ấy chỉ có thể cố gắng khuyến khích cô nói các từ và cụm từ rồi lặp lại chúng để học ngữ pháp, phát âm và tự vựng của ngôn ngữ đó. Anh ấy thậm chí không biết mình đang học ngôn ngữ nào.1
1 Ngôn ngữ của người nói, hóa ra, là một phương ngữ của tiếng H'mông, được nói ở một số vùng của Trung Quốc, Việt Nam và Lào.
Làm thế nào Everett có thể bắt đầu học ngoại ngữ từ đầu mà không cần giáo viên hoặc phiên dịch hoặc thậm chí không biết đó là ngôn ngữ nào trong nửa tiếng đồng hồ khi hầu hết chúng ta đều nỗ lực để làm điều tương tự sau nhiều năm học tiếng Tây Ban Nha tại trường trung học? Điều gì giúp Everett tiếp thu từ vựng, giải mã ngữ pháp và phát âm nhanh hơn nhiều so với bạn hoặc
tôi? Anh ta là một thiên tài ngôn ngữ hay có điều gì khác đang xảy ra?
Câu trả lời chính là nguyên tắc đầu tiên của chúng tôi về chiến lược siêu học: làm chủ việc học.
THẾ NÀO LÀ METALEARNING (HỌC CÁCH HỌC)?
Tiền tố meta có nguồn gốc từ thuật ngữ Hy Lạp μετα , có nghĩa là “ngoài”. Nó thường biểu thị một cái gì đó khi nói “về chính nó” hoặc liên quan đến một trường nghĩa trừu tượng hơn. Trong trường hợp này, metalearning có nghĩa là học cách học. Ví dụ, nếu bạn học tiếng Trung Quốc, bạn sẽ biết được 火 có nghĩa là “lửa.” Đó là cách học thông thường. Bạn cũng có thể biết rằng các kí tự tiếng Trung được tạo nên từ gốc tự do, tức là chủng loại vật mà kí tự đó mô tả. Ví dụ, ký tự 灶 có nghĩa là “bếp lò”, có một chữ 火 ở bên trái để chỉ ra rằng nó có quan hệ với lửa. Hiểu đặc tính này của các ký tự Trung Quốc chính là “metalearning” - không phải học về bản thân đối tượng cần học, trong trường hợp này là từ và cụm từ, nhưng học về cách cấu tạo và tích lũy kiến thức trong môn học này; nói cách khác, học cách học nó.
Trong trường hợp của Everett, chúng ta có thể thoáng thấy sự phong phú của học cách học ẩn sau đó. “Vâng, chúng ta có thể nhận thấy điều gì?” Everett hỏi khán giả sau khi kết thúc bài thuyết trình ngắn ngủi “Đây là ngôn ngữ có cấu trúc SVO, chủ ngữ – động từ – tân ngữ, điều này không quá sốc”. Anh ấy tiếp tục,“Không có hình thức đánh dấu danh từ số nhiều trừ khi qua ngữ điệu và tôi đã bỏ lỡ nó… Rõ ràng có lên giọng ở đây, cần phân tích thêm về ngữ điệu.” Qua thuật ngữ này, chúng ta có thể thấy khi Everett khơi gợi một từ hay cụm từ ở người phụ nữ, anh ấy không chỉ bắt chước âm thanh mà đang vẽ lại một bản đồ về lý thuyết và giả thuyết về cách thức hoạt động của ngôn ngữ dựa trên nhiều năm kinh nghiệm học ngôn ngữ.
Ngoài khối lượng kiến thức khổng lồ với tư cách là một nhà ngôn ngữ học, Everett còn có một bí quyết khác mang lại cho anh ta một lợi thế to lớn. Các bài thuyết trình mà anh ấy đã trình bày không phải do anh ấy tự sáng tác. Bài thuyết trình mang tên “thực địa đơn ngữ”, phương pháp này do giáo viên của Everett, Kenneth Pike phát triển đầu tiên như một phương tiện giúp học ngôn ngữ bản địa. Phương pháp đưa ra một chuỗi các đối tượng và hành động mà người học sử dụng để ghép lại thành ngôn ngữ. Phương pháp này thậm chí đã hiện diện trong giới Hollywood sau khi Louise Banks, một nhà ngôn ngữ học hư cấu, sử dụng nó để giải mã một thứ ngôn ngữ ngoài hành tinh trong bộ phim khoa học viễn tưởng 2016 mang tên Arrival (tựa Việt: Cuộc đổ bộ bí ẩn).
Hai mảnh ghép trong kho tàng ngôn ngữ của Everett – một sơ đồ chi tiết về cách thức hoạt động của các ngôn ngữ và một phương pháp hướng dẫn người nói ngôn ngữ trôi chảy, đã cho Everett đạt được nhiều hơn ngoài một số câu nói đơn giản. Trong 30 năm qua, anh ấy đã trở thành một trong số ít người nước ngoài thành thạo tiếng Pirahã, một trong những ngôn ngữ khác thường và khó hiểu nhất trên hành tinh của một bộ lạc xa xôi trong rừng rậm Amazon.
SỨC MẠNH CỦA SƠ ĐỒ VỀ HỌC CÁCH HỌC
Trường hợp của Everett là một minh họa sống động về sức mạnh của việc áp dụng nguyên tắc học cách học để học những điều mới nhanh hơn và hiệu quả hơn. Có thể thấy quá trình học một môn học tiến triển như thế nào, những kỹ năng và thông tin phải thành thạo, phương pháp nào có sẵn để tăng hiệu quả của việc học chính là nội dung cốt lõi trong bí quyết thành công của tất cả các dự án siêu học. Do đó, nguyên tắc học cách học hình thành sơ đồ và chỉ bạn cách đến đích mà không bị lạc.
Ý niệm về học cách học cũng không bị giới hạn trong lĩnh vực ngôn ngữ. Các ví dụ ngôn ngữ thường dễ nghiên cứu hơn vì có sự tách biệt rõ ràng giữa học cách học và học thông thường. Điều này là bởi nội dung của các ngôn ngữ không liên quan như từ vựng và ngữ pháp, thường khá khác nhau, ngay cả khi mô hình học cách học là như nhau. Học từ vựng tiếng Pháp không giúp bạn học từ vựng tiếng Trung, nhưng hiểu cách tiếp thu từ vựng tiếng Pháp sẽ giúp việc học tiếng Trung. Vào thời điểm bạn tôi và tôi đến đất nước cuối cùng trong một năm chu du học ngôn ngữ, quá trình hòa nhập và học một ngôn ngữ mới từ đầu đã thành một thói quen. Từ vựng và ngữ pháp của tiếng Hàn có thể hoàn toàn mới nhưng quá trình học đã được rèn luyện thường xuyên. Nguyên tắc học cách học hiện diện trong tất cả các môn học nhưng thường khó khảo sát độc lập hoàn toàn với việc học thông thường.
CÁCH XÂY DỰNG LỘ TRÌNH CỦA BẠN
Bây giờ bạn đã hình dung được về nguyên tắc học cách học và tầm quan trọng của nó trong đẩy nhanh việc học, vậy làm thế nào để áp dụng nguyên tắc này phục vụ việc học của chính bạn? Có hai cách chính: ngắn hạn và dài hạn.
Trong thời gian ngắn, bạn có thể tiến hành nghiên cứu để tập trung cải thiện việc học cách học trước và trong suốt một dự án học tập. Nhờ bản chất tích cực và tự định hướng, chiến lược siêu học có khả năng tạo ra khác biệt cao hơn rất nhiều so với những nỗ lực học bình thường. Một dự án siêu học chỉn chu với tài liệu hay và nhận thức sâu sắc về những gì cần học, sẽ được hoàn thành nhanh hơn so với học chính quy.
Về lâu dài, bạn càng thực hiện nhiều dự án siêu học thì bạn càng mở rộng được kỹ năng học cách học. Bạn sẽ biết được năng lực học của mình ở đâu, làm thế nào để sắp xếp thời gian tốt nhất,
quản lý động lực, và có những chiến lược đã được kiểm chứng để xử lý các vấn đề phổ biến. Khi bạn học được nhiều hơn, bạn sẽ trở nên tự tin hơn, cho phép bạn tận hưởng quá trình học hỏi với ít sự thất vọng hơn.
Trong chương này, tôi sẽ dành phần lớn trang viết cho các chiến lược nghiên cứu ngắn hạn vì chúng sẽ có lợi cho bạn nhất. Tuy nhiên, việc này không nhằm hạ thấp tầm quan trọng của lợi ích dài hạn mà chiến lược siêu học mang lại. Siêu học là một kỹ năng, cũng giống như đi xe đạp. Bạn càng luyện tập nhiều thì bạn càng học được nhiều kỹ năng và kiến thức hơn. Lợi thế về lâu về dài này có thể vượt xa các lợi ích ngắn hạn và là điều dễ nhầm lẫn nhất với trí tuệ hay tài năng khi chứng kiến ở các đối tượng khác. Tôi hy vọng khi bạn thực hành nhiều hơn, bạn sẽ tự động áp dụng nhiều kỹ năng trong số đó để học nhanh hơn và hiệu quả hơn.
XÁC ĐỊNH TẠI SAO, CÁI GÌ VÀ BẰNG CÁCH NÀO
Tôi thấy hữu ích khi phân chia nghiên cứu học cách học trước khi tiến hành một dự án cụ thể thành ba câu hỏi: “Tại sao?”,“Cái gì?”, và “Bằng cách nào?”. “Tại sao?” tức là tìm hiểu động lực học của bạn. Nếu bạn biết chính xác lý do tại sao bạn muốn học một kỹ năng hoặc môn học, bạn có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian bằng cách tập trung dự án của bạn vào chính những gì quan trọng nhất. “Cái gì?” chỉ kiến thức và khả năng cần thiết để thành công. Chia nhỏ vấn đề thành các khái niệm, sự kiện và quy trình sẽ giúp bạn vạch ra những trở ngại sẽ gặp phải và cách tốt nhất để vượt qua chúng. “Bằng cách nào?” nói về các nguồn tham khảo, môi trường và phương pháp bạn sử dụng khi học. Lựa chọn cẩn thận có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong thành tích cuối cùng.
Hãy xem xét từng câu hỏi và cách bạn xây dựng lộ trình cho riêng mình.
TRẢ LỜI CÂU HỎI “TẠI SAO?”
Câu hỏi đầu tiên cần trả lời là tại sao bạn học và điều đó có ý nghĩa gì với phương pháp học của bạn. Trên thực tế, động lực tiến hành dự án của bạn xuất phát từ một trong hai yếu tố lớn: công cụ và bản chất.
Các dự án học tập mang công cụ hiện tại là những dự án mà bạn học nhằm có được một kết quả khác không mang tính học tập. Hãy xem xét trường hợp đã nói phía trên của Diana Fehsenfeld. Sau vài chục năm làm thủ thư, Fehsenfeld nhận thấy rằng công việc của cô đang dần lỗi thời. Hệ thống tập tin được vi tính hóa và cắt giảm ngân sách đồng nghĩa với việc cô ấy cần học các kỹ năng mới để thích ứng. Cô ấy đã tiến hành một số nghiên cứu và quyết định rằng cách tốt nhất để thực hiện là nắm vững kiến thức về thống kê và trực quan hóa dữ liệu. Trong trường hợp này, cô ấy không học vì đam mê với thống kê hay trực quan hóa dữ liệu mà vì tin rằng làm như vậy sẽ giúp ích cho sự nghiệp của cô ấy.
Mặt khác, các dự án mang tính bản chất là những dự án mà bạn theo đuổi vì lợi ích thu được từ chính những dự án đó. Nếu bạn luôn muốn nói tiếng Pháp thì mặc dù bạn không chắc sẽ dùng tiếng Pháp như thế nào, đó vẫn là một dự án mang tính bản chất. Bản chất không đồng nghĩa với vô ích. Học tiếng Pháp có thể có ích về sau này khi bạn quyết định đi du lịch hoặc cần trao đổi công việc với một khách hàng từ Pháp. Điểm khác biệt ở chỗ bạn học môn này vì chính những gì nó mang lại chứ không để phục vụ những mục đích khác.
Chiến thuật: Phương pháp phỏng vấn chuyên gia
Phương pháp chính mà bạn có thể tiến hành nghiên cứu là nói chuyện với những người đã có thành tích như bạn mong muốn. Hãy nói rằng bạn muốn trở thành một kiến trúc sư thành công và thành thạo các kỹ năng thiết kế là cách tốt nhất để thực hiện. Trước khi bắt đầu, bạn nên trò chuyện với một số kiến trúc sư thành công để hiểu được liệu họ có nghĩ rằng dự án đó sẽ thực sự phục vụ mục tiêu đã đề ra của bạn hay không. Mặc dù phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều giai đoạn của quá trình nghiên cứu nhưng tôi đã thấy nó thực sự có giá trị trong kiểm tra các dự án mang tính công cụ. Nếu ai đó đã hoàn thành mục tiêu mà bạn muốn thì đừng nghĩ rằng dự án học tập của bạn sẽ giúp đạt được điều đó hay thành thạo một số kỹ năng khác quan trọng hơn. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy động lực và dự án của bạn không trùng nhau.
Tìm những người như vậy không khó như tưởng tượng. Nếu mục tiêu của bạn liên quan đến nghề nghiệp thì hãy tìm những người đang làm nghề bạn muốn và gửi email cho họ. Bạn có thể tìm thấy họ tại nơi làm việc, hội nghị, hội thảo hoặc thậm chí trên các trang mạng xã hội như Twitter hay LinkedIn. Nếu mục tiêu của bạn liên quan đến thứ khác thì bạn có thể tìm kiếm trên các diễn đàn trực tuyến thảo luận chủ đề mà bạn muốn tìm hiểu. Ví dụ, nếu bạn muốn học lập trình thì để thiết kế ứng dụng, bạn có thể lên các diễn đàn trực tuyến về lập trình hoặc phát triển ứng dụng. Sau đó, bạn chỉ cần tìm những người thường xuyên đăng tải những kiến thức bạn đang tìm kiếm rồi gửi email cho họ.
Ngay cả khi dự án của bạn xuất phát từ mục đích bản chất, thì vẫn có ích khi đặt câu hỏi “Tại sao?”. Hầu hết các kế hoạch học tập bạn thực hiện sẽ dựa trên ý tưởng của người thiết kế giáo trình về những gì quan trọng cần học. Nếu chúng không phù hợp với mục tiêu của bạn hoàn toàn thì cuối cùng bạn sẽ phải
dành nhiều thời gian để tìm hiểu những điều không quan trọng hoặc đánh giá thấp những điều quan trọng. Đối với những loại dự án này, bạn nên tự hỏi bản thân đang cố gắng học cái gì vì nó sẽ giúp bạn đánh giá các kế hoạch học tập khác nhau phù hợp với mục tiêu của bạn đến đâu.
TRẢ LỜI CÂU HỎI “CÁI GÌ?”
Khi bạn đã hiểu được lý do tại sao bạn học, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu cấu trúc kiến thức của môn học. Một phương pháp khả thi là kẻ ba cột “Khái niệm”,“Định lý” và “Quy trình” lên một tờ giấy. Sau đó, hãy suy nghĩ về tất cả những điều bạn cần học. Ở giai đoạn này, danh sách đầy đủ hay chính xác không quan trọng. Bạn luôn có thể sửa đổi hoặc bổ sung sau. Mục tiêu ở đây là có hình dung ban đầu về những việc cần làm trước. Một khi bạn bắt đầu học thì bạn có thể điều chỉnh danh sách nếu thấy nội dung không hoàn toàn đúng.
Khái niệm
Trong cột đầu tiên, hãy viết ra bất cứ điều gì bạn nghĩ cần phải hiểu. Khái niệm là ý tưởng cần được hiểu linh hoạt để trở nên có ích. Chẳng hạn, hai môn toán học và vật lý đều nghiêng về các khái niệm. Một số môn phân tách sự khác biệt giữa khái niệm và định lý, như luật gồm các nguyên tắc pháp lý cần phải hiểu và các chi tiết cần phải ghi nhớ. Nói chung, với một nội dung không chỉ phải nhớ mà cần phải hiểu, tôi đặt vào cột này thay vì cột thứ hai dành cho các định lý.
Định lý
Trong cột thứ hai, viết ra bất cứ điều gì cần ghi nhớ. Định lý là bất cứ điều gì có lợi nếu bạn có thể ghi nhớ. Bạn không cần phải hiểu chúng quá sâu sắc miễn là có thể nhớ lại trong trường hợp cần
thiết. Ví dụ, các ngôn ngữ bao gồm tất cả thông tin về từ vựng, phát âm và ngữ pháp. Ngay cả các môn học nặng về khái niệm cũng thường có chứa định lý. Nếu bạn đang học tính toán thì bạn sẽ cần hiểu sâu về đạo hàm nhưng sẽ đầy đủ hơn nếu ghi nhớ một số đẳng thức lượng giác.
Quy trình
Trong cột thứ ba, hãy viết ra bất cứ điều gì cần phải thực hành. Quy trình là những hành động cần được thực hiện và không liên quan nhiều đến nhận thức. Chẳng hạn như tập đi xe đạp về cơ bản hoàn toàn mang tính quy trình và không bao gồm các định lý hay khái niệm. Nhiều kỹ năng khác cũng chủ yếu mang tính quy trình trong khi có những kỹ năng bao gồm một phần mang tính quy trình nhưng vẫn có các định lý và khái niệm nhất định. Học từ mới của một ngôn ngữ đòi hỏi phải ghi nhớ các định lý nhưng phát âm đòi hỏi phải thực hành, do đó thuộc về cột này.
SỬ DỤNG PHÂN TÍCH TRÊN ĐỂ PHÁC THẢO LỘ TRÌNH CỦA BẠN
Một khi bạn đã suy nghĩ xong, hãy gạch chân các khái niệm, định lý và quy trình khó nhất. Điều này sẽ cho bạn biết trở ngại chính trong việc học và bạn sẽ phải bắt đầu tìm kiếm các phương pháp và tài liệu để vượt qua những khó khăn đó. Bạn có thể nhận ra rằng ngành y đòi hỏi người học phải ghi nhớ rất nhiều, vì vậy bạn có thể đầu tư vào một hệ thống như phần mềm lặp lại cách quãng. Nếu bạn học toán, bạn có thể nhận ra rằng sẽ rất khó để hiểu biết sâu sắc về một số khái niệm nhất định và phải cân nhắc dành thời gian giải thích các khái niệm đó cho người khác để bạn thực sự hiểu chúng. Biết được những vướng mắc sẽ giúp bạn nghĩ cách tận dụng hiệu quả thời gian học, cũng như tránh sử dụng các công cụ không giúp ích quá nhiều cho mục tiêu của bạn.
Thông thường, sự phân tích sơ qua này đủ để chuyển sang giai đoạn nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên, bạn có thể khai thác sâu hơn với nhiều kinh nghiệm hơn. Bạn có thể xem xét một số đặc tính cụ thể của các khái niệm, định lý và quy trình mà bạn đang cố gắng học để tìm ra phương pháp nắm bắt chúng tốt hơn. Chẳng hạn, khi tôi bắt đầu tập vẽ chân dung, tôi biết rằng sự thành công sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ chính xác mà tôi có thể định cỡ và sắp đặt các điểm trên khuôn mặt. Hầu hết mọi người không thể vẽ lại khuôn mặt y thật bởi vì các đặc điểm bị lệch đi một chút (ví dụ như làm cho khuôn mặt quá rộng hoặc mắt quá cao), thành ra không đúng theo tỷ lệ khuôn mặt của chúng ta. Vì vậy, tôi lên ý tưởng phác thảo nhiều lần và so sánh chúng bằng cách đặt lên các bức tham khảo. Bằng cách đó tôi có thể nhanh chóng phát hiện mình đang mắc phải lỗi gì mà không phải đoán. Nếu bạn không thể dự đoán như vậy hay phát triển những chiến lược như vậy thì đừng lo lắng. Đây là lợi ích về lâu dài của nguyên tắc học cách học đến từ việc tiến hành nhiều dự án hơn.
TRẢ LỜI CÂU HỎI “BẰNG CÁCH NÀO?”
Đến giờ bạn đã trả lời được hai câu hỏi – tại sao bạn học và bạn đang học cái gì – giờ là lúc trả lời câu hỏi cuối cùng: Bạn sẽ học như thế nào?
Tôi xin gợi ý hai phương pháp học: Định chuẩn và Nhấn mạnh/Loại trừ.
Phương pháp Định chuẩn
Cách bắt đầu bất kỳ dự án học tập nào là tìm ra điểm chung giữa những người học cùng một kỹ năng hay môn học. Điều này có thể giúp bạn xây dựng một chiến lược mặc định làm điểm khởi đầu.
Nếu tôi cố gắng học thứ gì đó được dạy ở trường như khoa học máy tính, thần kinh học hoặc lịch sử, tôi sẽ xem giáo trình của môn học đó. Đây có thể là thời khóa biểu của một lớp hoặc danh sách cả khóa học như trong Thử thách MIT. Khi tìm hiểu thêm về khoa học nhận thức, tôi đã phát hiện một danh sách gồm các đầu sách giáo khoa mà chương trình Tiến sĩ Khoa học nhận thức của Đại học San Diego khuyên các sinh viên mới đến mà không có kiến thức nền về khoa học nhận thức nên sử dụng để làm tài liệu tham khảo. Các nguồn đáng tin cậy là từ trường đại học (MIT, Harvard, Yale và Stanford là những cái tên tiêu biểu nhưng không phải là duy nhất). Nói chung, danh sách khóa học và giáo trình đều có sẵn trên trang web của trường dành cho sinh viên.
Nếu tôi đang cố gắng học một môn không mang tính học thuật hay một kỹ năng chuyên nghiệp thì tôi sẽ lên mạng tìm kiếm những người đã học được hay áp dụng kỹ năng đó hoặc phương pháp phỏng vấn chuyên gia để khoanh vùng các tài liệu có sẵn phục vụ việc học. Sau một giờ đồng hồ tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ bắt gặp các khóa học, bài báo hoặc gợi ý để học kỹ năng đó. Đầu tư thời gian vào việc này sẽ mang lại những lợi ích đáng kinh ngạc bởi vì chất lượng của các tài liệu bạn sử dụng có thể tạo ra hiệu quả rất khác biệt. Ngay cả khi bạn háo hức muốn bắt tay vào học ngay lập tức, bỏ ra một vài giờ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm được hàng trăm giờ đồng hồ về sau.
Phương pháp Nhấn mạnh/Loại trừ
Khi bạn đã tìm thấy một chương trình giảng dạy mặc định, bạn có thể xem xét sửa đổi cho phù hợp. Tôi thấy điều này dễ thực hiện hơn với các kỹ năng đã có tiêu chí đánh giá rõ ràng (như hội họa, ngôn ngữ hoặc âm nhạc) và bạn thường có thể đoán được tầm quan trọng của chúng với các chủ đề của môn học trước khi bắt đầu. Đối với các môn học hay chủ đề liên quan đến nhận
thức, bạn có thể không hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ trong giáo trình, tốt hơn bạn nên bám sát các tiêu chuẩn đến khi bạn học được thêm chút.
Phương pháp Nhấn mạnh/Loại trừ bao gồm tìm kiếm các lĩnh vực nghiên cứu trước mà phù hợp với các mục tiêu bạn đã xác định trong phần đầu nghiên cứu. Nếu bạn học tiếng Pháp với ý định đến Paris trong hai tuần và giao tiếp trong các cửa hàng và nhà hàng thì sẽ cần tập trung nhiều vào phát âm hơn thay vì đánh vần chính xác. Nếu bạn chỉ học mỗi lập trình để thiết kế ứng dụng thì sẽ cần tập trung vào nội dung bên trong của phát triển ứng dụng hơn là lý thuyết về vi tính.
Phần thứ hai của phương pháp Nhấn mạnh/Loại trừ là loại bỏ hoặc trì hoãn các yếu tố trong giáo trình chuẩn không phù hợp với mục tiêu của bạn. Ví dụ, một khuyến nghị phổ biến cho việc học tiếng Trung phổ thông được nhiều người, trong đó có nhà ngôn ngữ học và nhà tội phạm học nổi tiếng Victor Mair là tập trung vào việc học nói trước khi học viết. Đây không phải là phương pháp duy nhất sẵn có, nhưng nếu bạn đặt mục tiêu chính là nói thì phương hướng đến sự trôi chảy này có thể hiệu quả hơn.
BẠN NÊN LẬP KẾ HOẠCH NHỮNG GÌ?
Một câu hỏi mà bạn dễ phải đối mặt là khi nào nên ngừng nghiên cứu và bắt tay vào tiến hành thực tế. Các tài liệu phổ biến về tự học cho thấy hầu hết mọi người không tiến hành điều tra kỹ lưỡng về các mục tiêu, phương pháp và tài nguyên học tập khả thi. Thay vào đó, họ chọn bất cứ phương pháp nào có sẵn xung quanh họ. Điều này rõ ràng tạo ra một khoảng trống giữa những gì được thực hành và hiệu quả nếu sử dụng phương pháp tốt nhất có thể. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có thể là một cách trì hoãn, đặc biệt nếu phương pháp học tập không thoải mái. Hãy
tiến hành nghiên cứu thêm, sau đó biến thành một chiến lược để tránh việc học. Trong cách tiếp cận của bạn luôn luôn tồn tại sự không chắc chắn, vì vậy điều quan trọng là phải tìm ra điểm lý tưởng giữa nghiên cứu không đủ và không có khả năng phân tích. Bạn biết khi nào bạn đang chần chừ, vì vậy hãy bắt đầu.
Quy tắc 10%
Một nguyên tắc hay là bạn nên dành khoảng 10% tổng thời gian học dự kiến để nghiên cứu trước. Nếu bạn dự định dành 6 tháng để học, khoảng 4 giờ mỗi tuần thì tổng số thời gian học tương đương khoảng 100 giờ đồng hồ, trong đó bạn nên dành khoảng 10 giờ hoặc 2 tuần để nghiên cứu. Tỷ lệ phần trăm này sẽ giảm đi một chút khi bạn tăng quy mô dự án, vì vậy nếu bạn lên kế hoạch học trong 500 hay 1000 giờ đồng hồ, tôi không nghĩ phải nghiên cứu 50 hay 100 giờ nhưng tầm 5% tổng thời gian. Mục tiêu ở đây không phải là tận dụng hết sức mọi cơ hội học tập mà chỉ đơn giản là đảm bảo bạn không chỉ bám sát duy nhất vào nguồn tài liệu hoặc phương pháp khả thi đầu tiên mà còn xem xét các phương án thay thế.
Tính toán hiệu suất giảm dần và lợi ích cận biên
Nghiên cứu học cách học không phải là hoạt động thực hiện một lần trước khi bạn bắt đầu dự án. Bạn nên tiếp tục nghiên cứu khi học thêm. Thường thì trở ngại và cơ hội không rõ ràng trước lúc bắt đầu, vì vậy đánh giá lại là một bước cần thiết trong quá trình học. Ví dụ, trong khi thực hiện thử thách vẽ chân dung, tôi đã phát hiện rằng phương pháp phác thảo-và-so sánh đang mất dần hiệu quả. Tôi cần một kỹ thuật vẽ tốt hơn và có độ chính xác cao hơn. Điều đó đưa tôi đến một vòng nghiên cứu thứ hai, chính là khóa học do Vitruvian Studio giảng dạy về một phương pháp có hệ thống hơn giúp cải thiện độ chính xác trong các bức vẽ của tôi. Tôi đã không phát hiện ra khóa học này ngay từ ban đầu khi
tiến hành nghiên cứu vì tôi không ý thức được hạn chế của kỹ thuật mà tôi tự phát triển.
Một câu trả lời phức tạp hơn cho câu hỏi khi nào và làm thế nào để nghiên cứu sẽ là so sánh lợi ích cận biên của phương pháp học cách học với phương pháp học thông thường. Để làm điều này, bạn có thể nghiên cứu thêm trong vài giờ – phỏng vấn thêm chuyên gia, lên mạng tìm kiếm tài liệu, tìm kiếm các kỹ thuật mới khả thi – và sau đó dành vài giờ để học hỏi thêm song song với con đường bạn đã chọn. Tiếp theo, hãy đánh giá nhanh về giá trị tương đối của hai phương pháp. Nếu bạn cảm thấy phương pháp học cách học có đóng góp nhiều hơn so với hàng giờ dành để học thì có khả năng nghiên cứu vẫn có lợi với bạn. Nếu bạn cảm thấy nghiên cứu thêm không còn quá hữu ích thì bạn tốt hơn hết nên bám sát kế hoạch đã định. Cách phân tích này phụ thuộc vào cái được biết đến là quy luật Hiệu suất giảm dần. Theo đó, bạn càng dành nhiều thời gian cho một hoạt động (chẳng hạn như nghiên cứu nhiều hơn) thì lợi ích sẽ ít đi khi bạn ngày một tiến lại gần hơn phương pháp tối ưu. Nếu bạn tiếp tục nghiên cứu thì nó thậm chí sẽ ít có giá trị hơn so với học nhiều hơn, vì vậy tại thời điểm đó bạn hoàn toàn có thể tập trung vào việc học.
TRIỂN VỌNG LÂU DÀI CỦA NGUYÊN TẮC HỌC CÁCH HỌC
Cho đến nay, chúng ta chỉ nói về những lợi ích ngắn hạn. Tuy nhiên, lợi ích thực sự của học cách học không phải trước mắt mà là lâu dài. Chúng không dồn lại vào một dự án cụ thể mà tác động đến toàn bộ thế mạnh của bạn với tư cách là người học.
Những lợi ích của siêu học luôn không hiện rõ ràng ngay từ dự án đầu tiên bởi vì khi ấy năng lực siêu học của bạn đang ở cấp độ thấp nhất. Mỗi dự án hoàn thành sẽ cho bạn các công cụ mới để giải quyết công việc tiếp theo, lại bắt đầu một vòng tuần hoàn.
Chương 5
NGUYÊN TẮC SỐ 2: TẬP TRUNG
CÓ CÔNG MÀI SẮT, CÓ NGÀY NÊN KIM
Từ giờ, tôi sẽ bớt xao lãng hơn.
- Nhà toán học LEONHARD EULER, khi thấy mắt phải mình bị mất dần thị lực
N
ếu trong lịch sử từng có một ứng cử viên khác thường cho sự vĩ đại về khoa học thì đó sẽ là Mary Somerville. Cô ấy sinh ra trong một gia đình nghèo ở Scotland vào thế kỷ
thứ 18 khi một phụ nữ không được tiếp cận với nền giáo dục đại học. Người mẹ không ngăn cản cô đọc sách nhưng phần lớn xã hội không chấp nhận điều đó. Một người dì khi nhìn thấy hành vi đó đã nói với mẹ cô ấy rằng,“Em tự hỏi sao chị có thể để Mary lãng phí thời gian vào đọc sách, cháu ấy có lẽ không thể may vá nhiều hơn một người đàn ông.” Khi cô ấy có cơ hội đến trường trong một thời gian ngắn, mẹ cô thấy tiếc học phí. Somerville giải thích,“bà ấy sẽ hài lòng nếu tôi chỉ học viết và tính toán giỏi, cái mà tất cả những người phụ nữ cần biết.” Là một người phụ nữ, cô ấy phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn đến từ trách nhiệm làm việc nhà và những kỳ vọng được ưu tiên hơn bất kỳ loại hình tự học nào. “Một người đàn ông luôn có thể tự quản lý với cớ làm kinh doanh nhưng một người phụ nữ thì không được như vậy”, cô ấy than thở. Người chồng đầu tiên của cô, Samuel Greig, kịch liệt phản đối việc phụ nữ đi học.
Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại đó, Somerville đã đạt được những thành tích vĩ đại. Cô ấy đã giành các giải thưởng về toán học, thành thạo một vài ngoại ngữ, biết vẽ và chơi đàn piano. Năm 1835, cô cùng với nhà thiên văn học người Đức Caroline Herschel là những người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Hội Thiên văn Hoàng gia Anh. Thành tựu nổi bật đã mang lại danh tiếng cho cô là bản dịch hai tập đầu tiên trong Traité de mécanique céleste của Pierre-Simon Laplace, một công trình đồ sộ gồm năm tập về lý thuyết lực hấp dẫn và toán cao cấp, được ca ngợi là thành tựu trí tuệ vĩ đại nhất kể từ khi Isaac Newton viết cuốn Principia Mathicala (tạm dịch: Các nguyên lý toán học của triết học tự nhiên). Bản thân Laplace cũng đã thừa nhận rằng Somerville là người phụ nữ duy nhất trên thế giới có thể hiểu được công trình của ông ấy.
Thiên bẩm chính là lời giải thích dễ nhất cho sự khác biệt lớn trong trường hợp của Somerville và thành tựu của cô ấy. Cô ấy chắc chắn sở hữu một bộ óc sắc bén đến khó tin. Con gái cô đã từng tiết lộ mẹ mình khá thiếu kiên nhẫn trong khi kèm cô ấy học. “Tôi nhớ rất rõ bàn tay trắng thon của mẹ đang sốt ruột chỉ vào cuốn sách hay tấm bảng đá – Con không hiểu à? Có gì khó khăn đâu, nó khá rõ ràng mà.” Tuy nhiên, khi đọc về tiểu sử của Somerville, nhà thiên tài này nặng trĩu sự bất an. Cô ấy cho rằng bản thân có “trí nhớ kém”, kể lại bao vất vả khi học hồi còn nhỏ, và thậm chí có lúc,“nghĩ [mình] quá nhiều tuổi để học ngoại ngữ.”
Cho dù đó là biểu hiện của lòng khiêm tốn hay cảm xúc thật, chúng ta đều không thể biết, nhưng ít nhất nó cũng đặt ra nghi vấn với giả định rằng Somerville bắt đầu học với sự tự tin mãnh liệt vào tài năng cá nhân.
Khi tìm hiểu sâu hơn, chúng ta sẽ phát hiện ra một hình ảnh khác của Somerville. Đúng là cô ấy có một trí tuệ sắc sảo nhưng cô ấy còn sở hữu khả năng tập trung đặc biệt. Khi còn ở độ tuổi thanh thiếu niên, mỗi lần lên giường đi ngủ và không được thắp nến để đọc sách, cô ấy sẽ đọc nhẩm các công trình toán học của Euclid. Khi vẫn đang cho con bú, một người quen đã khuyến khích cô ấy học thực vật học, vì vậy cô ấy đã dành “một tiếng đồng hồ nghiên cứu môn đó” vào mỗi buổi sáng. Ngay cả khi đang thực hiện thành tựu lớn nhất đời – dịch và phát triển công trình Traité de mécanique céleste của Laplace, cô ấy vẫn phải làm tất cả việc nhà từ nuôi con, nấu ăn đến dọn dẹp. Theo cô ấy,“tôi luôn luôn phải ở nhà, vì vậy, sẽ thật bất lịch sự và không hiếu khách khi không đón tiếp bạn bè và người quen lặn lội từ phương xa đến thăm tôi. Cho dù đôi khi tôi cảm thấy khó chịu khi đang suy nghĩ một vấn đề học búa thì có một người bước vào và nói ‘Tôi đến để dành một vài giờ bên bạn’. Tuy nhiên, tôi đã luyện được thói quen tạm ngưng và quay lại nghiên cứu một vấn đề bằng việc đánh dấu vào trang sách.”
Trong thế giới của những thành tựu trí tuệ vĩ đại, khả năng tập trung nhanh chóng và sâu là gần như phổ biến. Albert Einstein tập trung cao độ vào xây dựng thuyết tương đối đến nỗi phát bệnh đau dạ dày. Nhà toán học Paul Erdős là một người sử dụng amphetamines1 hạng nặng để tăng khả năng tập trung. Khi một người bạn đặt cược rằng anh ấy không thể từ bỏ thuốc, ngay cả trong một thời gian ngắn thì anh ấy đã làm được. Tuy nhiên, sau đó, Erdős phàn nàn hệ quả là toàn bộ công trình toán học đã bị đình trệ trong suốt một tháng vì anh ấy không tập trung được hoàn toàn. Trong những ghi chép về khả năng tập trung này, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh của những thiên tài đơn độc đang làm việc hăng say mà không bị phân tâm và tránh xa những mối bận tâm trần tục. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tôi đã quan tâm nhiều hơn đến khả năng tập trung mà Somerville sở
hữu. Làm thế nào một người sống trong một môi trường như của cô ấy, với đầy rẫy sự phân tâm, ít được ủng hộ từ xã hội và luôn có nghĩa vụ trách nhiệm phải làm, có thể tập trung đủ lâu để học không chỉ một khía cạnh nổi bật của các môn học, mà còn đạt đến độ sâu sắc mà nhà toán học người Pháp Siméon Poisson đã từng nhận xét rằng “không có đủ 20 người đàn ông ở Pháp có thể đọc sách của cô ấy”?
1 Amphetamin: là loại chất kích thích làm tăng tỉnh táo và tập trung, đồng thời làm giảm mệt mỏi và thèm ăn.
Làm cách nào mà Somerville trở nên rất giỏi tập trung như vậy? Chúng ta có thể lượm lặt những gì từ các chiến lược của cô ấy để hoàn thành công việc trí óc khó nhằn trong một điều kiện không hề lý tưởng? Mọi người thường vật lộn để tập trung theo ba giai đoạn: bắt đầu, duy trì và tối ưu hóa chất lượng của sự tập trung. Những tín đồ của siêu học không ngừng đưa ra các giải pháp để xử lý ba vấn đề này, tạo nền tảng phát triển khả năng tập trung tốt và học sâu.
VẤN ĐỀ THỨ 1: KHÔNG THỂ BẮT ĐẦU TẬP TRUNG (HAY CÒN GỌI LÀ CHẦN CHỪ)
Đây là vấn đề đầu tiên mà nhiều người gặp phải khi bắt đầu tập trung. Biểu hiện rõ nhất là lúc bạn chần chừ: thay vì làm việc phải làm thì bạn làm việc khác hoặc làm nửa vời. Đối với một số người, sự chần chừ là tình trạng thường xuyên trong cuộc sống của họ, chạy trốn hết nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác cho đến khi hạn chót buộc họ phải tập trung và gắng sức hoàn thành công việc để có thể xong đúng hạn. Những người khác thì phải vật lộn với tình trạng chần chừ trầm trọng hơn thể hiện trong một số loại nhiệm vụ cụ thể. Tôi thuộc kiểu người thứ hai, dành cả ngày trì hoãn làm những việc nhất định. Mặc dù tôi không gặp vấn đề gì khi viết bài đăng lên trang blog cá nhân nhưng khi phải
nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi đã không ngừng trì hoãn. Cũng giống như vậy, tôi không gặp vấn đề gì khi ngồi và xem video của các lớp MIT nhưng tôi luôn giải quyết các bài toán đầu tiên với tâm trạng hết sức lo lắng. Nếu không phải vì lịch trình căng thẳng thì tôi có thể đã tìm ra cớ để tránh kéo dài những công việc đó. Trên thực tế, viết chương này là một trong những công việc mà tôi trì hoãn rất nhiều.
Tại sao chúng ta chần chừ? Đơn giản đó là vì ở một mức độ nào đó, có một động lực khiến bạn làm việc khác hoặc có một sự ác cảm ngăn cản bạn làm việc cần làm hoặc cả hai. Trong trường hợp của tôi, tôi trì hoãn viết chương này vì tôi có nhiều ý tưởng đến nỗi không chắc phải bắt đầu viết từ đâu. Tôi lo lắng một khi viết một ý tưởng lên giấy thì tôi sẽ không hoàn thành được một cách tốt nhất. Thật là ngớ ngẩn, tôi biết. Tuy nhiên, hầu hết các động cơ để trì hoãn đều trở nên ngớ ngẩn khi bạn diễn đạt bằng lời nói nhưng điều đó không ngăn cản chúng làm chủ cuộc sống của bạn. Điều này khiến tôi phải hành động ngay để khắc phục thái độ chần chừ: tự nhận ra khi bạn đang trì hoãn.
Tạo thói quen tinh thần mỗi khi bạn chần chừ; cố gắng nhận ra rằng trong bạn đang có điều gì đó thôi thúc bản thân không thực hiện công việc hoặc có khao khát làm việc khác mãnh liệt hơn. Thậm chí, bạn có thể muốn tự hỏi bản thân rằng cảm giác nào mạnh mẽ hơn vào thời điểm đó. Vấn đề xuất hiện khi bạn có một sự thôi thúc mạnh mẽ để thực hiện một hoạt động khác (ví dụ: ăn uống, kiểm tra điện thoại, ngủ trưa) hay tránh những điều nên làm vì lo sợ sẽ không thoải mái, đau đớn hoặc bực bội? Thật cần thiết phải nhận ra điều đó, vì vậy nếu bạn cảm thấy sự chần chừ là một hạn chế, hãy ưu tiên việc bồi đắp nhận thức này trước khi cố gắng khắc phục vấn đề.
Một khi bạn đã dễ dàng và chủ động nhận thấy xu hướng trì hoãn của mình thì khi thực sự chần chừ, bạn có thể hành động để chống lại thôi thúc đó. Ví dụ, hãy suy nghĩ về một loạt chiếc “nạng” hay công cụ tinh thần giúp bạn vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của xu hướng trì hoãn. Khi bạn thực hiện dự án có tiến bộ, những chiếc nạng này có thể được thay đổi hoặc loại bỏ khi sự trì hoãn không còn là vấn đề nữa.
Khi bạn bắt đầu có tiến bộ, chiếc nạng đầu tiên sẽ có xu hướng cản trở bạn. Bạn có thể nhận thấy mình đang làm việc nhưng khi ấy, nhiệm vụ trở nên khó chịu và không dễ để tập trung, lạm dụng quy tắc 5 phút không còn tính hiệu quả nữa. Nếu vấn đề của bạn đã chuyển từ không thể bắt đầu làm việc sang không thể nghỉ tay thì bạn có thể áp dụng một kỹ thuật khó hơn một chút mang tên Pomodoro: cứ sau 25 phút tập trung thì nghỉ 5 phút.1 Hãy nhớ rằng không nhất thiết phải chuyển sang mục tiêu khó hơn khi bạn vẫn đang bị cản trở bởi vấn đề trước đó. Nếu bạn vẫn không thể bắt đầu làm việc ngay cả với quy tắc 5 phút thì việc chuyển sang những kỹ thuật khó hơn và có yêu cầu cao hơn dễ phản tác dụng.
1 Phương pháp quản lý thời gian này đến từ một nhà tư vấn quản lý người Ý, Francesco Cirillo. Nó được đặt tên như vậy bởi vì pomodoro trong tiếng Ý có nghĩa là cà chua, và chiếc đồng hồ bấm giờ anh sử dụng có hình dạng như quả cà chua.
Cuối cùng, nếu bạn không bị ảnh hưởng bởi tính chần chừ khi thực hiện dự án thì bạn có thể muốn chuyển sang sử dụng cuốn lịch công tác để ghi lại thời gian cụ thể làm việc. Phương pháp này cho bạn tận dụng một cách tối đa quỹ thời gian hữu hạn của bản thân. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự có hiệu quả nếu bạn thực sự làm theo. Nếu bạn lên lịch hằng ngày với từng khung giờ cụ thể
rồi bỏ qua để làm việc khác thì hãy bắt đầu lại và xây dựng lịch trình với quy tắc 5 phút rồi đến kỹ thuật Pomodoro.
Đừng cảm thấy tồi tệ nếu bạn phải bắt đầu lại một giai đoạn; bạn không thể kiểm soát sự cản trở hay xu hướng mất tập trung nhưng luyện tập sẽ giúp bản giảm bớt tác động của chúng.
VẤN ĐỀ THỨ 2: KHÔNG THỂ DUY TRÌ SỰ TẬP TRUNG (HAY CÒN GỌI LÀ BỊ XAO LÃNG)
Vấn đề thứ hai mọi người thường mắc phải là không thể duy trì sự tập trung. Điều này có thể xảy ra khi bạn đã ngồi xuống để học hay làm gì đó nhưng sau đó điện thoại của bạn rung rồi bạn nhìn đi chỗ khác, một người bạn gõ cửa nhà bạn, hoặc bạn đang mơ mộng rồi nhận ra mình đã nhìn vào một đoạn trong suốt 15 phút vừa qua. Giống như thử thách bắt đầu tập trung, duy trì sự tập trung đóng vai trò quan trọng nếu bạn muốn tiến bộ trong học các kỹ năng khó khằn. Tuy nhiên, trước khi bàn về cách duy trì sự tập trung, tôi muốn đặt câu hỏi: Cần duy trì loại tập trung nào nhất?
Dòng chảy, một khái niệm do nhà tâm lý học Mihály Csíkszentmihályi khởi xướng, thường được sử dụng làm hình mẫu cho sự tập trung lý tưởng. Đây là một trạng thái “phấn khích khi làm được một công việc nào đó”. Bạn không bị phân tâm bởi những suy nghĩ lung tung và tâm trí của bạn hoàn toàn bị cuốn vào công việc. Dòng chảy là trạng thái thú vị ở giữa nhàm chán và nản chí khi nhiệm vụ không quá khó cũng không quá dễ dàng. Tuy nhiên, bức tranh màu hồng này vẫn có một số điểm hạn chế. Nhà Tâm lý học K. Anders Ericsson, nhà nghiên cứu về thực hành có chủ đích, lập luận rằng dòng chảy có những đặc điểm “không phù hợp với yêu cầu của thực hành có chủ đích để quản lý các mục tiêu rõ ràng và phản hồi cũng như cơ hội sửa sai. Do đó, người chuyên nghiệp sẽ thích và tìm kiếm trải nghiệm
dòng chảy như một phần hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu của họ, nhưng trong thực hành có chủ đích không có những trải nghiệm đó.” Siêu học, tương tự tập trung vào việc học để nâng cao hiệu suất, cũng có vẻ không phù hợp với khái niệm dòng chảy như Ericsson đã nói về thực hành có chủ đích.
Riêng tôi nghĩ rằng trạng thái dòng chảy không phải không thể xảy ra trong siêu học. Nhiều hoạt động nhận thức liên quan đến học tập thuộc mức độ khó khiến trạng thái dòng chảy dễ xảy ra. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý với Ericsson rằng việc học thường bao gồm các tình huống mà độ khó của chúng ngăn cản trạng thái dòng chảy. Ngoài ra, sự tự ý thức cần có trong cả siêu học và thực hành có chủ đích thì không hiện hữu trong dòng chảy vì bạn cần phải tự điều chỉnh phương pháp học. Giải quyết một bài toán lập trình ở ngưỡng giới hạn khả năng của bạn, tự khuyến khích bản thân viết theo phong cách khác lạ, hoặc cố gắng hạn chế giọng địa phương khi học nói ngoại ngữ là những ví dụ trái ngược với xu hướng tự nhiên mà bạn đã tích lũy. Đi ngược lại với tự nhiên sẽ khiến bạn khó rơi vào trạng thái dòng chảy cho dù nó cực kỳ có lợi cho mục tiêu học tập của bạn.
Vậy lời khuyên của tôi là? Đừng lo lắng về trạng thái dòng chảy, bạn sẽ dễ dàng có được nó khi thực hiện một số công việc học. Tôi đã thường cảm thấy như thể tôi đang ở trong trạng thái dòng chảy khi giải quyết vấn đề liên quan đến Thử thách MIT, ôn tập từ vựng trong khi học ngoại ngữ hoặc vẽ. Đồng thời, đừng cảm thấy tội lỗi nếu trạng thái dòng chảy không tự nhiên xuất hiện. Mục tiêu của bạn là nâng cao trình độ học vấn, và quá trình này có những giai đoạn khó khăn cần vượt qua mà không phù hợp với trạng thái dòng chảy. Hãy nhớ rằng, ngay cả khi việc học của bạn rất căng thẳng nhưng việc sử dụng kỹ năng sau này sẽ không còn căng thẳng nữa. Đầu tư vào việc học sẽ giúp việc thực hành kỹ năng trở nên thú vị hơn về lâu dài.
Sau khi xem xét bạn nên tập trung như thế nào, hãy nghiên cứu thời lượng. Bạn nên học bao lâu? Mặc dù có giả định rằng bạn đang bị phân tâm và từ bỏ việc tập trung sớm hơn dự kiến nhưng các tài liệu nghiên cứu về trọng tâm không cho rằng tập trung một thời gian dài là tối ưu từ góc độ học vấn. Các nhà nghiên cứu thường phát hiện rằng mọi người sẽ nhớ được nhiều hơn khi thực hành đan xen trong quá trình học thay vì thực hành một lần duy nhất. Hiện tượng xen kẽ chỉ ra rằng ngay cả trong khi hoàn toàn tập trung thì cũng cần xen kẽ các khía cạnh khác nhau của kiến thức hay kỹ năng. Do đó, nếu bạn có vài giờ để nghiên cứu thì tốt hơn hết bạn nên học một vài chủ đề thay vì chỉ nghiên cứu một chủ đề. Tuy nhiên, để làm được như vậy thì bạn cần phải đánh đổi, do đó, việc học sẽ trở nên rất khó khăn nếu bạn không thể học trong khoảng thời gian liền mạch.
Bạn cho rằng mình vừa tìm được một quãng thời gian tối ưu để học, vậy làm cách nào để bạn duy trì sự tập trung trong suốt thời gian đó? Tôi đã phát hiện có 3 nguồn gây phân tán tư tưởng khác nhau. Nếu bạn đang cố gắng tập trung thì trước hết, hãy xem xét lần lượt từng nguồn một.
Nguồn gây phân tán tư tưởng 1: Môi trường làm việc
Nguồn gây phân tán tư tưởng thứ nhất chính là môi trường xung quanh bạn. Bạn đã tắt điện thoại chưa? Bạn có đang truy cập mạng Internet, xem tivi hoặc chơi game? Có tiếng ồn và âm thanh nào gây mất tập trung không? Liệu bạn đã chuẩn bị sẵn sàng làm việc, hay bạn phải tìm bút, sách hoặc đèn học trước? Đây là vấn đề gây khó khăn trong duy trì sự tập trung nhưng cũng là một khía cạnh mà mọi người thường phớt lờ với lý do tương tự như khi họ bỏ qua thực tế rằng họ đang chần chừ. Nhiều người tự nói với bản thân rằng họ tập trung tốt hơn trong khi nghe nhạc, nhưng thực ra lúc đó họ không muốn làm việc, vì
vậy âm nhạc dù có tính tiêu khiển nhưng sẽ khiến họ phân tâm đôi chút.
Nguồn gây phân tán tư tưởng 2: Công việc của bạn
Nguồn gây phân tán tư tưởng thứ hai xuất phát từ công việc mà bạn đang cố gắng thực hiện. Một số hoạt động nhất định về bản chất khó tập trung để làm hơn những thứ khác. Tôi thấy khó tập trung đọc hơn xem video ngay cả khi nội dung giống nhau. Bất cứ khi nào lựa chọn công cụ để học, bạn sẽ muốn cân nhắc những công cụ dễ tập trung hơn. Việc lựa chọn tài liệu này không nên thay thế cho những tiêu chí khác. Tôi sẽ không chọn một công cụ ít mang tính trực tiếp hơn (Nguyên tắc 3) hoặc không đưa ra phản hồi (Nguyên tắc 6) chỉ để có thể tập trung hơn. Thật may, các nguyên tắc này thường khá đồng bộ, và các phương pháp ít hiệu quả hơn thường đòi hỏi tư duy ít hơn, do đó khó duy trì sự tập trung hơn.
Nguồn gây phân tán tư tưởng 3: Tâm trí bạn
Nguồn thứ ba chính là tâm trí của bạn. Cảm xúc tiêu cực, bồn chồn và mơ mộng có thể là một trong những trở ngại lớn nhất để tập trung. Vấn đề này có hai mặt. Đầu tiên, một tâm trí bình tĩnh và thông thoáng hiển nhiên tạo điều kiện tốt nhất để tập trung vào hầu hết các vấn đề học tập. Bạn khó có thể tập trung học với một tâm trí đầy giận dữ, lo lắng, thất vọng hoặc buồn bã. Hiểu theo cách khác, nếu bạn đang phải đấu tranh với các vấn đề trong cuộc sống thì bạn sẽ khó học tốt hơn, do đó bạn cần xem xét giải quyết những vấn đề đó trước.
VẤN ĐỀ THỨ 3: KHÔNG THỂ TẬP TRUNG ĐÚNG HƯỚNG
Vấn đề thứ ba khó nhận thấy hơn hai vấn đề còn lại vì nó có liên quan đến chất lượng và hướng chú ý của bạn. Giả sử bạn đang
xoay sở giải quyết các vấn đề liên quan đến sự chần chừ và xao lãng để tập trung vào nhiệm vụ của mình, bạn nên làm thế nào? Mức độ tỉnh táo tối đa để học tập hết công suất là gì?
Ở đây có một số nghiên cứu thú vị liên kết hai biến khác nhau, độ phức tạp của nhiệm vụ và sự hưng phấn để trả lời câu hỏi bạn nên chú ý như thế nào. Sự hưng phấn (nói chung, không phải tình dục) là cảm giác chung về năng lượng hoặc sự tỉnh táo của bạn. Khi buồn ngủ, bạn đạt độ hưng phấn thấp; khi tập thể dục, bạn đạt độ hứng thú cao. Hiện tượng cơ thể này xảy ra xuất phát từ sự kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm và bao gồm một loạt các tác động xảy ra đồng thời trong cơ thể như tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng, đồng tử giãn và đổ mồ hôi. Về mặt tinh thần, sự hưng phấn cũng ảnh hưởng đến khả năng chú ý. Sự hưng phấn cao tạo ra cảm giác hết sức tỉnh táo, thường được đặc trưng bởi phạm vi tập trung khá hẹp hay thoáng qua. Điều này tạo điều kiện tập trung vào các nhiệm vụ tương đối đơn giản hoặc những nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung cao độ nhắm vào một mục tiêu nhỏ. Các vận động viên cần khả năng tập trung này để ném phi tiêu vào mục tiêu, ném bóng vào rổ chính xác và những nhiệm vụ đơn giản nhưng yêu cầu tập trung khác. Tuy nhiên, sự hưng phấn quá độ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung. Bạn dễ bị phân tâm và khó có thể tập trung vào một điểm cụ thể. Bất cứ ai uống quá nhiều cafe và cảm thấy bồn chồn sẽ hiểu điều này có thể ảnh hưởng đến công việc của bạn như thế nào.
Mối liên hệ giữa độ phức tạp của nhiệm vụ và sự hưng phấn rất thú vị vì sự hưng phấn có thể điều chỉnh được. Trong một thí nghiệm, các đối tượng thiếu ngủ và ngủ đủ giấc cùng tiến hành một nhiệm vụ về nhận thức. Không có gì đáng ngạc nhiên, các đối tượng buồn ngủ đã làm không tốt. Tuy nhiên, điều thú vị hơn là các đối tượng buồn ngủ làm tốt hơn các đối tượng ngủ đủ giấc trong môi trường ồn ào. Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng