"
Quản Lý Nhà Nước Đối Với Doanh Nghiệp Thuộc Khu Vực Kinh Tế Tư Nhân Ở Việt Nam Hiện Nay
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quản Lý Nhà Nước Đối Với Doanh Nghiệp Thuộc Khu Vực Kinh Tế Tư Nhân Ở Việt Nam Hiện Nay
Ebooks
Nhóm Zalo
Chịu trách nhiệm xuất bản
GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP
PGS.TS. PHẠM MINH TUẤN
Chịu trách nhiệm nội dung
PHÓ GIÁM ĐỐC - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP
TS. ĐỖ QUANG DŨNG
Biên tập nội dung: ThS. PHẠM THỊ KIM HUẾ
TS. HOÀNG MẠNH THẮNG
TRẦN THỊ THANH PHIỆT
ThS. NGUYỄN VIỆT HÀ
Trình bày bìa: PHẠM DUY THÁI
Chế bản vi tính: NGUYỄN THỊ HẰNG
Đọc sách mẫu: TRẦN THỊ THANH PHIỆT
BÍCH LIỄU
Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 1459-2021/CXBIPH/6-12/CTQG. Số quyết định xuất bản: 302-QĐ/NXBCTQG, ngày 11/5/2021. Nộp lưu chiểu: tháng 5 năm 2021.
Mã ISBN: 978-604-57-6779-5.
TẬP THỂ TÁC GIẢ
TS. NINH THỊ MINH TÂM (Chủ biên) TS. HỒ SỸ NGỌC
TS. VŨ ĐỨC OAI
TS. NGUYỄN THỊ THANH CHI ThS. NGUYỄN THÀNH TUÂN ThS. NINH HIẾU NGỌC
CN. NGUYỄN VIẾT VỊNH
5
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Trước năm 1986, kinh tế tư nhân được coi là kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, không có vai trò, động lực thúc đẩy nền kinh tế, là đối tượng bị cải tạo và xóa bỏ, không được khuyến khích phát triển. Nhưng từ tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhận thức về kinh tế tư
nhân đã dần được thay đổi. Đảng ta đã khởi xướng công cuộc Đổi mới, bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy kinh tế và luôn kiên định, nhất quán đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng định: kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Tiếp sau đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII tiếp tục khẳng định: phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, để thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Với chủ trương này của Đảng, kinh tế tư nhân đã phục hồi và không ngừng phát triển và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhằm cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất
6 LỜI NHÀ XUẤT BẢN
bản cuốn sách Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay. Nội dung cuốn sách đề cập khái quát về tình hình kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân; lý luận cơ bản và thực tiễn, thực trạng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân; cuối cùng đưa ra mục tiêu, phương hướng và giải pháp tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
Chủ đề cuốn sách có nội dung rộng và luôn có xu hướng vận động, hoàn thiện, nên trong phạm vi cuốn sách này khó có thể bao quát và cập nhật đầy đủ. Nhà xuất bản và các tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 9 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
7
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP
I. KHÁI NIỆM DOANH NGHIỆP
Trên phương diện lý thuyết có khá nhiều cách hiểu về doanh nghiệp, tùy theo cách tiếp cận doanh nghiệp ở góc độ nào thì sẽ có khái niệm doanh nghiệp ở góc độ tương ứng bởi vì khái niệm doanh nghiệp, cũng như các khái niệm khác, được nghiên cứu và xem xét dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Có quan điểm cho rằng, doanh nghiệp là một đơn vị tổ chức sản xuất mà tại đó người ta kết hợp các yếu tố sản xuất (có sự quan tâm giá cả của các yếu tố) khác nhau do các nhân viên của tổ chức thực hiện nhằm bán ra trên thị trường những sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ để nhận được khoản tiền chênh lệch giữa giá bán sản phẩm với giá thành của sản phẩm ấy. Quan điểm khác lại cho rằng, doanh nghiệp là một cộng đồng người sản xuất ra những của cải. Nó sinh ra, phát triển, có những thất bại, có những thành công, và thậm chí có lúc phải ngừng sản xuất, đôi khi tiêu vong do gặp phải những khó khăn không vượt qua được.
Có quan điểm tiếp cận doanh nghiệp dưới góc độ phạm trù xí nghiệp. Theo đó, xí nghiệp là một đơn vị kinh tế được tổ chức một cách có kế hoạch để sản xuất và tiêu thụ sản
8 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
phẩm (dịch vụ). Xí nghiệp được coi là một hệ thống có các đặc trưng cơ bản vừa phụ thuộc, lại vừa không phụ thuộc vào cơ chế kinh tế. Với tư cách là hệ thống không phụ thuộc vào cơ chế kinh tế cụ thể, xí nghiệp mang các đặc trưng cơ bản là: (i) Sự kết hợp các yếu tố sản xuất để tạo ra các hàng hóa, dịch vụ; (ii) Tuân thủ nguyên tắc cân bằng tài chính; và (iii) Tuân thủ nguyên tắc hiệu quả. Với tư cách là hệ thống phụ thuộc vào cơ chế kinh tế cụ thể sẽ có xí nghiệp hoạt động trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung và có xí nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường, theo đó doanh nghiệp là một xí nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường. Mỗi doanh nghiệp đều là xí nghiệp nhưng không phải mọi xí nghiệp đều là doanh nghiệp1.
Cách tiếp cận khác xuất phát từ định nghĩa tổ chức, đó là một nhóm có tối thiểu hai người, cùng hoạt động với nhau theo những nguyên tắc, thể chế và các tiêu chuẩn (văn hóa) nhất định nhằm đặt ra và thực hiện các mục tiêu chung. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp được hiểu là một tổ chức kinh tế hoạt động trong cơ chế thị trường nhằm mục tiêu sinh lợi.
Thực chất thì doanh nghiệp là khái niệm chung nhất để chỉ các loại hình doanh nghiệp, trong đó công ty là một loại hình doanh nghiệp và nó rất phổ biến. Trên thế giới, so với các loại hình doanh nghiệp khác, thì công ty xuất hiện muộn hơn, vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Trước đó, các hoạt động kinh doanh thực hiện dưới hình thức hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Cũng kể từ thế kỷ XIX và đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ XX, công ty là loại hình kinh doanh phát triển mạnh mẽ nhất. Nhiều nước trên thế giới hiện nay, thay vì
__________
1. Nguyễn Thành Độ, Nguyễn Ngọc Huyền: Giáo trình Quản trị kinh doanh, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2012, tr.7-8.
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 9
thiết lập luật doanh nghiệp, đã thiên về quy định tổ chức và hoạt động của các loại hình công ty. Theo quan điểm của các nước tư bản, công ty là một tổ chức kinh tế được thành lập theo vốn, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về kết quả
hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn mà thành viên đó góp vào công ty. Công ty được thành lập dựa trên một thỏa thuận về quản lý điều hành, thường gọi là điều lệ, có thể phát hành các loại chứng khoán để huy động vốn và được thừa nhận là pháp nhân ở hầu hết các nước.
Như vậy, dù định nghĩa ở góc độ mở rộng là doanh nghiệp hoặc xem xét ở góc độ hẹp là công ty, thì hình thức thể hiện phổ biến nhất của doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế và mục đích chủ yếu nhất của nó là sản xuất kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp là các tổ chức kinh tế độc lập, hoạt động sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ
với mục tiêu lợi nhuận.
Ở Việt Nam, doanh nghiệp là một khái niệm rộng, tùy theo góc độ tiếp cận mà có những giới hạn và cách hiểu rộng, hẹp khác nhau.
Theo nghĩa hẹp, tại Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2014 xác định: doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Cũng tại Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021), doanh nghiệp được hiểu là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Như vậy, theo nghĩa này, khái niệm doanh nghiệp chỉ bao gồm các doanh nghiệp chính thức thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
10 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
Theo nghĩa rộng, doanh nghiệp là các tổ chức, hộ gia đình kinh doanh, có chức năng sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ một cách hợp pháp nhằm đạt lợi nhuận hoặc mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội tối đa. Như vậy, theo nghĩa rộng, khái niệm doanh nghiệp bao hàm cả các tổ chức kinh tế như hợp tác xã, các tổ chức sự nghiệp có hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp công ích hoạt động không phải kinh doanh, các hộ gia đình kinh doanh chưa đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp theo luật.
Từ các cách tiếp cận trên, có thể hiểu: doanh nghiệp là một tổ chức có chức năng sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; có tư cách pháp lý trong giao dịch - được pháp luật thừa nhận về sự tồn tại hợp pháp trong nền kinh tế trên cơ sở thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký thành lập theo quy định; và hoạt động nhằm mục tiêu sinh lợi.
Để nhận diện doanh nghiệp, phân biệt với các loại hình tổ chức khác, thông thường có thể căn cứ theo các tiêu chí sau: Thứ nhất, tính độc lập: Doanh nghiệp phải là đơn vị kinh tế cơ sở, phải là một thể nhân hoặc pháp nhân có tư cách pháp lý độc lập, có các quyền và nghĩa vụ độc lập, có năng lực pháp lý và năng lực hành vi tham gia các hoạt động kinh tế và pháp lý liên quan. Tiêu chí này giúp phân biệt doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức sự nghiệp, các đơn vị kinh tế phụ thuộc của bản thân doanh nghiệp.
Thứ hai, tính hợp pháp: Doanh nghiệp phải được đăng ký kinh doanh chính thức, được phép hoạt động và tiến hành các hoạt động theo thể chế và thủ tục pháp lý của một quốc gia cụ thể. Tiêu chí này giúp phân biệt doanh nghiệp với các tổ chức hoạt động bất hợp pháp trong xã hội.
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 11
Thứ ba, tính vị lợi: Hoạt động của doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính mục đích của doanh nghiệp là thu lợi nhuận (đối với các doanh nghiệp kinh doanh) hoặc đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất (đối với một số doanh nghiệp đặc biệt dạng công ích hoặc dạng đặc thù do chính phủ chỉ định), hoặc là doanh nghiệp phi lợi nhuận (doanh nghiệp xã hội). Tiêu chí này giúp phân biệt doanh nghiệp với các tổ chức xã hội phi lợi nhuận, các cơ quan hành chính công quyền, các tổ chức tôn giáo...
II. PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP
Các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân rất đa dạng về hình thức, quy mô, tính chất, ngành nghề hoạt động... Do vậy, cần có sự phân loại làm cơ sở để xác định và giải quyết các vấn đề tổ chức, quản lý cả trên giác độ quản trị doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Tùy theo từng góc độ nghiên cứu, có thể có các cách phân loại doanh nghiệp theo các tiêu thức khác nhau.
1. Căn cứ vào hình thức pháp lý của doanh nghiệp
Doanh nghiệp không tồn tại chung chung mà luôn tồn tại dưới hình thức pháp lý cụ thể. Ở mỗi giai đoạn phát triển, mỗi quốc gia đều xác định các hình thức pháp lý cụ thể của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành (Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13, Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp quy kèm theo) có các hình thức pháp lý của doanh nghiệp như sau: hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty
12 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhóm công ty.
Hợp tác xã: Hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, thành lập, tổ chức theo Luật Hợp tác xã, theo đó, tại Điều 3 quy định: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã. Hợp tác xã có thể liên minh với nhau thành liên minh hợp tác xã và có quyền thành lập doanh nghiệp trực thuộc hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Như vậy, hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, thích hợp với một số ngành và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh như sản xuất nông nghiệp, vận tải, dịch vụ bán hàng... Các hợp tác xã ở nước ta hiện nay đang phát triển rất đa dạng về quy mô và tính chất, thường đảm nhận một số khâu dịch vụ sản xuất trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ của các hộ gia đình xã viên. Loại hình này đang được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (theo giới hạn của Luật Doanh nghiệp năm 2014) hoặc sở hữu cổ phần, vốn góp chi phối từ 51% trở lên (theo các văn bản pháp quy hiện hành), được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước. Theo khoản 11, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 13
có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88. Về nguyên tắc, doanh nghiệp nhà nước là một loại hình doanh nghiệp đặc thù nhưng hoạt động bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, vì chủ sở hữu là nhà nước nên trên thực tế doanh nghiệp nhà nước thường được nhà nước có những biện pháp quản lý, đặc biệt là về chính sách, khác biệt gây tranh luận. Trước năm 2005 các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo một luật riêng (Luật Doanh nghiệp nhà nước). Từ năm 2005 đến nay, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp thống nhất. Trong điều kiện phát triển các hình thức đa sở hữu hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không biệt lập mà ở những lĩnh vực cần thiết, chủ động đảm nhận những vị trí trọng yếu, độc quyền, hợp tác và liên kết với các loại hình doanh nghiệp khác, do vậy có rất nhiều doanh nghiệp có sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước và tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2020). Chủ doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp. Hiện nay, ở nước ta, doanh nghiệp tư nhân được kinh doanh không hạn chế về quy mô, địa bàn và hoạt động trong các ngành mà pháp luật không cấm. Nhà nước công nhận vai trò và tác động tích cực của doanh nghiệp tư nhân cũng như những loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân, bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật, bảo hộ sự làm ăn chính đáng
14 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
và thu nhập hợp pháp cũng như các quyền lợi khác của các chủ doanh nghiệp tư nhân.
Công ty trách nhiệm hữu hạn (hai thành viên trở lên) là doanh nghiệp gồm ít nhất hai thành viên, nhiều nhất không quá 50 thành viên là thể nhân hoặc pháp nhân góp vốn thành lập và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp (theo khoản 1, Điều 46, Luật Doanh nghiệp năm 2014). Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Trong điều kiện cơ chế thị trường, công ty trách nhiệm hữu hạn là một hình thức kinh doanh rất thích hợp, được ưa thích của các doanh nhân.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một thành viên (là cá nhân hoặc tổ chức) làm chủ sở hữu và chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (theo Luật Doanh nghiệp năm 2014). Theo Điều 74, Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Đây cũng là loại hình mới áp dụng ở Việt Nam. Loại hình này được áp dụng rộng rãi đối với các doanh nghiệp “đoàn thể” và doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa.
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 15
Công ty cổ phần là doanh nghiệp có các đặc điểm giống với công ty trách nhiệm hữu hạn nhưng có một số đặc thù riêng: số lượng thành viên (gọi là cổ đông) tối thiểu phải đủ lớn (Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam quy định là phải từ 3 người trở lên, không có mức tối đa); vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần và chủ sở hữu các cổ phần được gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo quy định. Với những điều kiện nhất định, công ty cổ phần được phép phát hành cổ phiếu, trái phiếu (được gọi chung là chứng khoán) bán rộng rãi cho dân chúng để huy động vốn đầu tư kinh doanh, trở thành công ty cổ phần đại chúng. Theo khoản 1, Điều 111, Luật Doanh nghiệp năm 2020: Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Cổ
đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này. Nhà nước ta khuyến khích phát triển loại hình công ty cổ phần, cổ phần đại chúng, đã và đang cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần, đồng thời xúc tiến tạo lập những điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản cho công ty cổ phần hoạt động như phát triển thị trường chứng khoán,
16 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
triển khai các nghiệp vụ quản lý nhà nước đối với công ty cổ phần và thị trường chứng khoán...
Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, trong đó: phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (theo Luật Doanh nghiệp năm 2014). Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020, khái niệm này cơ bản giữ nguyên, chỉ bổ sung thêm về thành viên góp vốn như sau: Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Đây là loại hình mới áp dụng từ khi thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005 và tiếp tục khẳng định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020. Loại hình này thích hợp cho các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh cần có sự bảo đảm về trách nhiệm và uy tín của chủ doanh nghiệp như y tế, giáo dục, tư vấn...
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Về mặt quản lý, những doanh nghiệp có vốn góp của bên đầu tư nước ngoài với tỷ lệ vốn góp không thấp hơn 30% vốn pháp định (vốn điều lệ) của doanh nghiệp được gọi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp chung, thống nhất của Việt Nam, hiện nay đó là Luật Doanh nghiệp năm 2014 và từ tháng 01/2021 là Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020,
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 17
nhưng về quản lý của Nhà nước cũng như trong quản trị doanh nghiệp có những quy định đặc thù và được hưởng một số chính sách riêng, nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao hoặc hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước đang đặc biệt khuyến khích đầu tư. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta có hình thức là những công ty trách nhiệm hữu hạn, thể hiện dưới 3 dạng: (1) Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp có sự góp vốn của cả bên Việt Nam và bên nước ngoài, trong đó phần vốn góp của mỗi bên thường không thấp hơn 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp; (2) Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn tại Việt Nam; (3) Doanh nghiệp PPP (hợp tác công tư) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và các biến thể
khác như BTO, BT. Đây là các loại hình doanh nghiệp đặc biệt hình thành trên cơ sở “hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao” ký kết giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhóm công ty là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Nhóm công ty thường bao gồm các hình thức như: tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ - công ty con). Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và sắp tới là Luật Doanh nghiệp năm 2020 (được thi hành từ
ngày 01/01/2021), cùng hệ thống luật pháp hiện hành của Việt Nam, tập đoàn kinh tế và tổng công ty có thể hình thành ở các thành phần kinh tế, không được coi là một loại hình doanh nghiệp mà là các hình thức phái sinh được gọi là “nhóm công ty”, có mối liên kết với nhau thông qua sở hữu cổ
phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Các nhóm công ty
18 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
(tập đoàn kinh tế, tổng công ty) thường có cấu trúc công ty mẹ (là chủ sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc có quyền quyết định các vấn đề quan trọng đối với các công ty con) và các công ty con (do công ty mẹ sở hữu). Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty có quy mô lớn. Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Hình thức tổng công ty chủ yếu phát triển ở các doanh nghiệp nhà nước quy mô toàn ngành hoặc theo lãnh thổ, thường có quy mô lớn với cấu trúc công ty mẹ - công ty con. Với công ty mẹ - công ty con, quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con; hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng.
2. Căn cứ vào mục tiêu hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp
Xét theo mục tiêu lâu dài, ổn định mà các doanh nghiệp phải theo đuổi, thường có các loại hình doanh nghiệp sau: Doanh nghiệp kinh doanh: Là doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhằm mục tiêu bao trùm, lâu dài là tối đa hóa lợi nhuận ròng. Chỉ trên cơ sở tối đa hóa lợi nhuận ròng thu được thì doanh nghiệp mới có thể đứng vững trong cạnh tranh, có điều kiện để thực hiện tái sản xuất với quy mô ngày càng lớn, áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp và thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với xã hội. Đối với doanh nghiệp kinh doanh, mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận ròng chi phối hoạt động của doanh nghiệp và từng bộ
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 19
phận, cá nhân bên trong doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi hoạt động quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp đều phải hướng doanh nghiệp kinh doanh vào mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp công ích: Là loại hình doanh nghiệp được hình thành và tồn tại trong nền kinh tế với mục tiêu là nhằm tối đa hóa lợi ích xã hội, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội do Nhà nước giao. Trong nền kinh tế thị trường ở
Việt Nam hiện nay, mục tiêu này càng cần được chú trọng. Mục tiêu tối đa hóa lợi ích xã hội chi phối hoạt động của doanh nghiệp công ích và từng bộ phận, cá nhân của doanh nghiệp. Vì vậy, hoạt động quản lý nhà nước và quản trị
doanh nghiệp cũng đều phải hướng các doanh nghiệp công ích vào mục tiêu tối đa hóa lợi ích xã hội của loại hình doanh nghiệp này.
3. Căn cứ vào hình thức sở hữu của doanh nghiệp
Căn cứ vào hình thức sở hữu, có các loại hình doanh nghiệp như: doanh nghiệp một chủ sở hữu (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; doanh nghiệp tư nhân; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) và doanh nghiệp nhiều chủ sở hữu (hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn từ 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp liên doanh); doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (doanh nghiệp nhà nước), doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân (doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài) và doanh nghiệp hỗn hợp (công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh).
20 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
4. Căn cứ vào ngành và ngành kinh tế - kỹ thuật của doanh nghiệp
Việc phân loại doanh nghiệp theo ngành và ngành kinh tế - kỹ thuật là để nghiên cứu tính đặc thù của hoạt động và các kỹ năng quản trị của từng loại doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng chuyên môn hóa kết hợp với đa dạng hóa hoạt động kinh doanh đang là xu thế phổ biến của thời đại.
Theo tiêu thức ngành kinh tế, có thể phân thành các doanh nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thương mại, ngân hàng,... Sâu hơn, căn cứ vào các ngành kinh tế - kỹ thuật, có thể phân các doanh nghiệp chuyên môn hóa hẹp hơn. Ví dụ như các doanh nghiệp công nghiệp lại được phân thành các doanh nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, dệt may, chế biến thực phẩm... Tương tự như vậy, có thể phân các doanh nghiệp ngân hàng thành ngân hàng công thương, ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng đầu tư,...
Ở Việt Nam, theo tiêu chí phân ngành cấp I của hệ thống kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp được chia thành ba nhóm chính: công nghiệp và xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại và dịch vụ. Trong mỗi nhóm trên, người ta lại phân thành các ngành và phân ngành nhỏ hơn. Ví dụ: nhóm ngành nông, lâm, nghiệp và thủy sản được phân thành ngành nông nhiệp, ngành lâm nghiệp và ngành thủy sản. Trong ngành nông nghiệp lại phân thành các phân ngành trồng trọt và chăn nuôi,... Mặc dù trong điều kiện cơ chế thị trường hiện đại, nhà nước không hạn chế ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp tự lựa chọn lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, có thể đơn ngành, có thể đa ngành, nhưng trong quá trình
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 21
phát triển, do đòi hỏi của quá trình chuyên môn hóa và hợp tác hóa, các doanh nghiệp thường phát triển theo hướng chuyên môn hóa, tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chủ yếu và lựa chọn một hoặc một số lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chuyên môn hóa sâu. Mỗi một loại doanh nghiệp theo ngành đều có đặc điểm riêng về công nghệ, thị trường, nhân sự gắn với ngành kinh doanh của mình và Nhà nước có thể có những chính sách, cơ chế riêng đối với từng ngành, nghề kinh doanh tùy theo quan điểm, chính sách của Nhà nước.
5. Căn cứ vào quy mô của doanh nghiệp
Có thể có nhiều quan điểm về tiêu thức phân loại theo quy mô. Quan điểm kỹ thuật phân loại quy mô dựa vào năng lực sản xuất phản ánh ở số lượng sản phẩm dịch vụ theo đơn vị đo thích hợp mà doanh nghiệp có thể đáp ứng như sản phẩm, giường bệnh, số phòng phục vụ, số hành khách,... Tuy nhiên, hầu như người ta không quy ước số lượng bao nhiêu là lớn, vừa hay nhỏ.
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có sự thống nhất trong việc lựa chọn các tiêu chí đánh giá loại hình doanh nghiệp theo quy mô và lượng hóa các tiêu chí thông qua các chỉ tiêu cụ thể. Điểm khác biệt cơ bản trong phân loại doanh nghiệp theo quy mô giữa các quốc gia trên thế giới chủ yếu là việc lựa chọn các tiêu chí đánh giá quy mô doanh nghiệp và việc lượng hóa các tiêu chí đó thông qua các chỉ tiêu cụ thể. Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều phân loại doanh nghiệp thành doanh nghiệp quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ. Tùy thuộc vào điều kiện
22 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
cụ thể của mỗi nước và tùy thuộc vào đặc điểm ngành nghề kinh doanh, trình độ phát triển trong từng thời kỳ mà mỗi nước có thể sử dụng các tiêu chí cụ thể hoặc kết hợp các tiêu chí khác nhau như: vốn điều lệ, vốn kinh doanh hoặc giá trị tài sản, giá trị doanh nghiệp, doanh thu, số lượng lao động sử dụng, và lãi kinh doanh.
Ở Việt Nam, theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa) thì việc xác định quy mô doanh nghiệp căn cứ vào số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm và tổng doanh thu hoặc tổng nguồn vốn, cụ thể: Theo Điều 6, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 23
hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ đã xác định ở trên. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ đã nêu trên.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ đã nêu ở
trên. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ đã nêu ở trên.
Như vậy, theo quy định, các doanh nghiệp có mức sử dụng dưới 200 lao động, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng trở xuống và mức doanh thu từ 200 tỷ đồng trở xuống được coi là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; các doanh nghiệp có mức sử dụng dưới 100 lao động, có tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng và mức doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng trở xuống được coi là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Các doanh nghiệp trên mức đã nêu tương ứng được coi là doanh
24 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
nghiệp quy mô lớn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng có những biện pháp, chính sách ưu đãi với những doanh nghiệp lớn có vị trí, vai trò chiến lược trong những ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước cần phát triển. Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp được phân loại theo quy mô thành 4 loại: hạng đặc biệt, hạng A, hạng B và hạng C.
6. Các căn cứ phân loại khác
Phân loại theo trách nhiệm pháp lý và đặc điểm quản trị của doanh nghiệp. Dưới góc độ này, doanh nghiệp được phân thành hai loại: doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và trách nhiệm tài sản khác của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn bao gồm các hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh. Các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp nhà nước, về nguyên tắc đều thuộc loại doanh nghiệp chịu trách nhiệm hữu hạn.
Phân loại theo chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo cách phân loại này, có thể chia các doanh nghiệp thành 3 khu vực sở hữu chính: sở hữu nhà nước (doanh nghiệp nhà nước), sở hữu tư nhân (thuộc khu vực kinh tế tư nhân), sở hữu nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển các hình thức đa sở hữu hiện nay, nhiều doanh nghiệp có sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước và tư nhân, giữa trong nước và nước ngoài. Mặc dù vậy, cách phân loại này vẫn rất cần thiết để phục vụ cho việc đánh giá vai trò, sự đóng góp đối với nền kinh tế của 3 khu vực sở hữu, từ
Chương I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ DOANH NGHIỆP 25
đó có thể ban hành những chính sách đối với các khu vực sở hữu khác nhau. Về nguyên tắc, Nhà nước ta thực hiện sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp theo sở hữu, nhưng trong các quy định về điều kiện kinh doanh và thể chế quản lý vẫn có sự khác biệt nhất định về quyền kinh doanh và điều kiện tiếp cận các nguồn lực trong một số ngành nghề, lĩnh vực.
Phân loại căn cứ vào chức năng hoạt động. Theo cách phân loại này, có thể chia các doanh nghiệp thành doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ.
Doanh nghiệp sản xuất thực hiện sự kết hợp các nguồn lực sản xuất (vốn, công nghệ, lao động, đất đai, nguyên vật liệu,...) để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm là các vật phẩm thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Do quá trình sản xuất thường tách rời quá trình tiêu dùng sản phẩm nên cơ cấu sản xuất của mọi doanh nghiệp sản xuất thường là cơ cấu khép kín, quá trình sản xuất không có sự hiện diện của khách hàng. Chức năng chủ yếu của doanh nghiệp sản xuất là sản xuất sản phẩm.
Doanh nghiệp dịch vụ là doanh nghiệp thực hiện sự kết hợp các nguồn lực để tạo ra dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Dịch vụ là một hoạt động hay một lợi ích thường không cụ thể có thể phục vụ trực tiếp khách hàng hay bán kèm theo sản phẩm. Đa số dịch vụ có đặc điểm cơ bản là phi vật chất, không dự trữ được nên quá trình hình thành và cung cấp dịch vụ thường diễn ra đồng thời. Quá trình tạo ra và cung cấp dịch vụ thường gắn với sự hiện diện của khách hàng. Xã hội càng phát triển thì con người càng có nhu cầu đa dạng về
26 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
dịch vụ. Do đó, giá trị cung cấp dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia. Doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ là những doanh nghiệp vừa thực hiện chức năng sản xuất, vừa thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ. Các doanh nghiệp này thường là các doanh nghiệp sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất gắn liền với dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng,... Trong xu hướng hiện nay, một số doanh nghiệp lớn có thể phát triển theo hướng đa dạng hóa cả các sản phẩm và dịch vụ. Căn cứ vào loại hình sản xuất. Loại hình sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn công nghệ và phương pháp tổ chức sản xuất nên ảnh hưởng đặc biệt đến hoạt động tổ chức sản xuất, cạnh tranh,... của các doanh nghiệp. Nếu căn cứ vào loại hình sản xuất sẽ có doanh nghiệp sản xuất với khối lượng lớn, doanh nghiệp sản xuất hàng loạt và doanh nghiệp sản xuất đơn chiếc. Doanh nghiệp sản xuất với khối lượng lớn là doanh nghiệp chỉ sản xuất một loại sản phẩm với số lượng rất lớn, chẳng hạn như các doanh nghiệp sản xuất điện, nước, một số doanh nghiệp khai thác. Doanh nghiệp sản xuất đơn chiếc là những doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau và tính lặp lại không theo quy luật, ví dụ như các doanh nghiệp gia công, sửa chữa,...
27
Chương 2
KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN Ở VIỆT NAM
I. TỔNG QUAN CHUNG VỀ KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN
1. Khái niệm kinh tế tư nhân và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Có quan điểm cho rằng kinh tế tư nhân là một loại hình kinh tế phát triển dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do cá nhân làm chủ, hoàn toàn chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, bao gồm những đơn vị được tổ chức dựa trên sở hữu tư nhân, những hoạt động kinh tế không thuộc khu vực kinh tế nhà nước. Quan điểm khác lại cho rằng, kinh tế tư nhân chỉ là loại hình kinh tế thuộc sở hữu tư nhân trong nước, là một trong ba khu vực kinh tế của nền kinh tế quốc dân (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).
Hiểu một cách chung nhất, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế nằm ngoài quốc doanh (ngoài khu vực kinh tế nhà nước), bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong
28 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
đó tư nhân nắm từ 50% vốn đầu tư trở lên. Kinh tế tư nhân là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất; hiểu ở cấp độ hẹp, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể1.
Ở Việt Nam, khái niệm kinh tế tư nhân được sử dụng chính thức từ Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI tháng 3 năm 1989, trong đó có kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân (các loại hình kinh tế này được coi là các hình thức của kinh tế tư nhân). Đến Đại hội Đảng VII, kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân được coi là hai thành phần kinh tế hợp thành của kinh tế tư nhân. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX tháng 3 năm 2002, Bộ Chính trị nêu rõ: “Xét về mặt quan hệ sở hữu, kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân đều thuộc cùng loại hình sở hữu tư nhân, khác với sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể”2. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã xác định bốn thành phần kinh tế của nền kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, __________
1. Tạp chí Cộng sản, http://www.tapchicongsan.org.vn. Bài viết “Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam”, đăng tải ngày 9/6/2017.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.41.
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 29
kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân được gọi chung là thành phần kinh tế tư nhân.
Quan điểm khác cho rằng khu vực kinh tế tư nhân gồm khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước là khu vực gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước mà nguồn vốn thuộc sở hữu tập thể hoặc sở hữu tư nhân của một người hoặc một nhóm người hoặc có sở hữu nhà nước nhưng chiếm từ 50% vốn điều lệ trở xuống, kinh tế cá thể. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là khu vực gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn bên nước ngoài đóng góp là bao nhiêu (bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh giữa nước ngoài với các đối tác trong nước)1.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước được tiếp cận khác với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ tính đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thuộc sở hữu tư nhân của một người hoặc nhóm người hoặc có sở hữu nhà nước nhưng chiếm từ 50% vốn điều lệ trở xuống2.
Như vậy, có thể hiểu, khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận trong nền kinh tế thị trường, được hình thành dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và lợi ích cá nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân; có
__________
1. Vũ Hùng Cường (Chủ biên): Kinh tế tư nhân và vai trò động lực tăng trưởng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.
2. Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê năm 2017, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2018, tr.273.
30 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
nhiều loại hình tổ chức sản xuất như hộ cá thể kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh... Trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng khái niệm doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân dưới góc độ tiếp cận khu vực kinh tế tư nhân là một trong ba khu vực kinh tế (gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) và theo cách tiếp cận của Tổng cục Thống kê, đó là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Theo đó, có thể hiểu doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thuộc sở hữu tư nhân của một hoặc một nhóm người hoặc có sở hữu nhà nước nhưng chiếm từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Như vậy, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong cuốn sách này sẽ bao gồm: hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã; các doanh nghiệp tư nhân; các công ty hợp danh; các công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân; các công ty cổ phần không có vốn nhà nước; các công ty cổ phần có tỷ lệ vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống.
2. Đặc điểm của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Thứ nhất, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và gắn liền với lợi ích cá nhân. Nếu kinh doanh có lãi thì doanh nghiệp được hưởng lợi; ngược lại nếu kinh doanh thua lỗ thì doanh nghiệp chịu thiệt hại. Mục đích hoạt động của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trước hết là vì lợi nhuận (nhưng lợi nhuận không phải là mục đích duy nhất), do đó các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân rất linh hoạt và năng động để có lợi nhuận cao nhất.
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 31
Chính vì vậy, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận ròng thu được của các doanh nghiệp này thường được chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, nguyên tắc phân phối dựa trên quan hệ sở hữu tư nhân quyết định, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tùy theo loại hình hoạt động mà có quan hệ phân phối khác nhau, tuy nhiên cùng dựa trên nguyên tắc: chủ sở
hữu tư liệu sản xuất có quyền chiếm giữ phần sản phẩm “thặng dư”, còn người lao động được hưởng phần sản phẩm tất yếu.
Thứ ba, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân phát triển rộng khắp ở tất cả các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế và chủ yếu là quy mô nhỏ. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2018 tỷ trọng các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng từ 95% đến trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12 hàng năm; năm 2018 có tới 96,28% số doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, trong đó số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 90,42%1. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có một số đặc điểm giống như các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là:
Dễ khởi nghiệp: Hầu hết các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đều có thể bắt đầu kinh doanh ngay khi có ý __________
1. Tính toán từ số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê các năm 2016-2019 và căn cứ theo tiêu chí doanh nghiệp được xác định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
32 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
tưởng kinh doanh với những điều kiện giản đơn như vốn ít, số lao động không nhiều, diện tích mặt bằng kinh doanh không lớn và các điều kiện, phương tiện làm việc đơn giản. Các doanh nghiệp này hầu như không đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn ngay trong giai đoạn đầu mới thành lập và hoạt động, và thường phát triển từ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tiến dần lên quy mô lớn hơn, thể hiện qua thực tiễn phát triển của các nước trên thế giới và ở Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp lớn và công ty đa quốc gia có xuất phát điểm ban đầu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Wal-Mart, Tập đoàn Intel, Tập đoàn ôtô Trường Hải, Tập đoàn FLC;...).
Có tính linh hoạt, năng động cao, dễ thích ứng với các biến động của thị trường: Do quy mô không lớn, cơ cấu tổ chức và sản xuất không phức tạp nên đa số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân dễ thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, những dao động và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, những biến động về cơ chế, chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước. Trong hoạt động thương mại, nhờ tính linh hoạt, dễ tham gia thị trường cũng như dễ rút lui khỏi thị trường khi điều kiện kinh doanh không thuận lợi nên các doanh nghiệp này có thể dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận từ những “ngách” của thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi của nền kinh tế.
Có lợi thế hơn trong việc theo sát nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó có thể sản xuất kinh doanh nhiều loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tiêu dùng: Về khía cạnh này, có thể nói các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có một số lợi thế trong việc định hướng và làm xuất hiện nhiều nhu cầu mới từ
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 33
người tiêu dùng, sự phát triển của các doanh nghiệp này đã góp phần tạo ra nhiều loại sản phẩm và dịch vụ mới, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Có nhiều lợi thế trong sử dụng lao động: Do quy mô không lớn nên quan hệ lao động trong các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thường có tính chất thân thiện, gần gũi hơn so với các doanh nghiệp lớn, do vậy các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có thể nắm bắt đặc điểm tâm lý, năng lực, trình độ của người lao động để có thể bố trí sử dụng hoặc kèm cặp, bồi dưỡng kịp thời, phù hợp với yêu cầu công việc. Mặt khác, trong môi trường nội bộ
doanh nghiệp, người lao động dễ dàng được quan tâm, động viên, và khuyến khích làm việc - điều này rất phù hợp với đặc điểm tâm lý và văn hóa người lao động, đặc biệt là ở các nước châu Á.
Hầu hết các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, hoạt động phân tán, thiếu nguồn lực để tiến hành các ý tưởng kinh doanh lớn, các dự án đầu tư lớn, các dự án đầu tư công cộng; không đủ kỹ năng để tham gia cạnh tranh hiệu quả trong các thị trường với mức tự do hóa ngày càng tăng. Quản lý nội bộ của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém, thiếu tính chiến lược và kế hoạch dài hạn; năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ
nghiệp vụ, cán bộ quản lý còn yếu; quản lý tài chính trong các doanh nghiệp này thường thiếu minh bạch. Do không có lợi thế kinh tế theo quy mô nên các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thường bị yếu thế trong các mối quan hệ với ngân hàng, với chính phủ và giới báo chí cũng như thiếu sự ủng hộ của đông đảo công chúng;
34 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
thường bị phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn trong quá trình phát triển, đặc biệt là phụ thuộc về thương hiệu hàng hóa, thị trường, công nghệ, tài chính,... do vậy, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp này thường dễ dàng bị các doanh nghiệp lớn thâu tóm hoặc chịu sự cạnh tranh mạnh, dễ thua thiệt dẫn đến phá sản. Trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân gặp những điều kiện không thuận lợi sẽ không tránh khỏi những tổn thất nhất định, thậm chí, có thể phá sản nhanh chóng.
Các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực nhưng tập trung vào một số ngành đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu thấp, thị trường tiêu thụ rộng khắp và ít chịu sự cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp lớn như các ngành: chế biến nông, lâm, hải sản xuất khẩu; gia công may mặc, đồ da, đồ trang sức; xây dựng cơ bản với các mặt hàng vật liệu xây dựng như: gạch, ngói; gốm sứ, đồ mỹ nghệ xuất khẩu; giao thông vận tải, thông tin và mới có thêm kinh doanh máy tính và sản xuất phần mềm. Cùng với xu hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thực hiện chủ trương phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ngày càng gia tăng về số lượng và phát triển từ quy mô hộ gia đình, kinh tế cá thể để trở thành doanh nghiệp với mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn.
Thứ tư, trong số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, số lượng loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm tỷ trọng cao nhất và có xu
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 35
hướng tăng dần, trong khi đó, số lượng công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng thấp nhất và có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2015-2018 (Bảng 2.1).
Bảng 2.1: Số lượng và cơ cấu các loại hình doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam giai đoạn 2015-2018
Đơn vị tính: Doanh nghiệp
Số lượng doanh nghiệp
2015
2016
2017
2018
Tổng số
440.581
501.175
575.138
603.993
1. Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã
12.864
13.008
13.174
13.390
2. Doanh nghiệp tư nhân
47.880
48.371
45.430
42.019
3. Công ty cổ phần có vốn nhà nước
1.407
1.290
1.152
1.117
4. Công ty cổ phần không có vốn nhà nước
90.154
100.892
113.506
118.477
5. Công ty trách nhiệm hữu hạn
287.683
336.756
401.122
428.179
6. Công ty hợp danh
593
858
754
811
Nguồn: Tổng cục Thống kê, số liệu điều tra doanh nghiệp giai đoạn 2015-2018.
Số liệu ở Bảng 2.1 cho thấy, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm tỷ lệ cao nhất, năm 2015 có 287.683 công ty, chiếm 65% tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và tăng dần qua các năm, đến năm 2018 con số này tăng lên 428.179 công ty, chiếm 70,89% tổng số; số lượng các công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ nhỏ và giảm dần qua các năm, cụ thể năm 2015 có 1.407 công ty, chiếm 0,32% tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, thì đến năm 2018 con số này giảm xuống còn 1.117 công ty,
36 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
chiếm 0,18% trong tổng số. Loại hình công ty cổ phần không có vốn nhà nước có số lượng lớn thứ hai sau loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và có xu hướng tăng dần qua các năm: năm 2015, cả nước có 90.154 công ty, chiếm 20,45% tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 118.477 công ty (tăng 28.323 công ty, tương ứng tăng 31,42% so với năm 2015).
Loại hình doanh nghiệp tư nhân cũng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân song lại có xu hướng giảm dần qua các năm trong khi loại hình hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã lại có xu hướng tăng dần qua các năm cả về số lượng và tốc độ, tuy nhiên với tốc độ tăng chậm (năm 2016 tăng 1,12% so với năm 2015; năm 2017 tăng 1,28% so với năm 2016 và năm 2018 tăng 1,64% so với năm 2017. Trung bình giai đoạn 2015-2018 tăng 1,35%/năm). Số lượng các công ty hợp danh cũng chưa nhiều và có xu hướng tăng, giảm không đều qua các năm: năm 2016, cả nước có 858 công ty hợp danh, tăng 265 công ty (tương ứng tăng 44,69%) so với năm 2015, tuy nhiên đến năm 2017, số công ty hợp danh lại giảm xuống còn 754 công ty, tương ứng giảm 104 công ty (giảm 12,12%) so với năm 2016. Đến năm 2018, số lượng các công ty hợp danh trong cả nước lại tăng trở lại, đạt 811 công ty, tương ứng tăng 57 công ty (tăng 7,56%) so với năm 2017.
Thứ năm, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, với tỷ trọng từ 93,83% đến 99,76% trong tổng số; số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tuy chiếm tỷ trọng nhỏ xong có xu
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 37
hướng tăng nhanh qua các năm cả về số lượng và tỷ trọng (Bảng 2.2).
Số liệu ở Bảng 2.2 cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và số lượng tăng nhanh trong giai đoạn 2015-2018. Năm 2015, số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ đạt 302.291 doanh nghiệp, chiếm 68,61% tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân của cả nước, đến năm 2018 đã tăng lên đạt 413.791 doanh nghiệp, chiếm 68,51%. Trong giai đoạn 2015-2018, số lượng các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng trung bình 11,2%/năm, tuy nhiên, tốc độ tăng hàng năm lại có xu hướng giảm, đặc biệt trong năm 2018, tốc độ tăng chỉ là 2,79% so với năm 2017.
Bảng 2.2: Số lượng và cơ cấu các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân chia theo ngành kinh tế giai đoạn 2015-2018
Đơn vị tính: Doanh nghiệp
Chia theo ngành
2015
2016
2017
2018
Tổng số
440.581
501.175
575.138
603.993
1. Nông - lâm nghiệp và thủy sản
10.336
10.579
11.958
13.083
- Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã
6.973
6.609
6.686
6.561
- Doanh nghiệp tư nhân
998
1.002
1.008
972
- Công ty cổ phần có vốn nhà nước
23
16
15
15
38 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
Chia theo ngành
2015
2016
2017
2018
- Công ty cổ phần không có vốn nhà nước
698
842
1.160
1.365
- Công ty trách nhiệm hữu hạn
1.644
2.110
3.087
4.170
- Công ty hợp danh
0
0
2
0
2. Công nghiệp - xây dựng
127.953
139.422
160.612
177.119
- Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã
2.540
2.542
2.504
2.567
- Doanh nghiệp tư nhân
10.814
10.479
9.295
8.285
- Công ty cổ phần có vốn nhà nước
798
722
649
611
- Công ty cổ phần không có vốn nhà nước
30.303
32.398
36.767
39.345
- Công ty trách nhiệm hữu hạn
83.487
93.276
111.393
126.302
- Công ty hợp danh
11
5
4
9
3. Thương mại - dịch vụ
302.291
351.174
402.568
413.791
- Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã
3.350
3.857
3.984
4.262
- Doanh nghiệp tư nhân
36.068
36.890
35.127
32.762
- Công ty cổ phần có vốn nhà nước
586
552
488
491
- Công ty cổ phần không có vốn nhà nước
59.153
67.652
75.579
77.767
- Công ty trách nhiệm hữu hạn
202.552
241.370
286.642
297.707
- Công ty hợp danh
582
853
748
802
Nguồn: Tổng cục Thống kê, số liệu điều tra doanh nghiệp các năm 2015-2018.
Số lượng và tỷ trọng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cũng tương đối lớn trong tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 39
có xu hướng tăng nhanh qua các năm: năm 2015, cả nước có 127.953 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chiếm 29,04% tổng số doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thì đến năm 2018 con số này tăng lên đạt 177.119 doanh nghiệp (chiếm 29,32% tổng số), tăng hơn 49 nghìn doanh nghiệp (tương ứng tăng 38,43%) so với năm 2015. Trong giai đoạn 2015-2018, số lượng doanh nghiệp công nghiệp - xây dựng tăng trung bình 11,48%/năm. Cũng trong giai đoạn này các doanh nghiệp nông - lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, song tăng nhanh qua các năm với tốc độ tăng trung bình là 8,33%/năm.
Xét riêng từng nhóm ngành kinh tế, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất ở 2 nhóm ngành là thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và có xu hướng tăng dần qua các năm. Trong nhóm ngành thương mại - dịch vụ, tỷ trọng công ty trách nhiệm hữu hạn trong tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân năm 2015 là 67% và đến năm 2018 là 71,95%. Số lượng công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trong lĩnh vực này năm 2015 là 202.552 công ty thì đến năm 2018 tăng lên đạt 297.707 công ty, tăng 95.155 công ty (tương ứng tăng 46,98%) so với năm 2015, trong giai đoạn 2015-2018, tốc độ tăng loại hình doanh nghiệp này trung bình đạt 13,93%/năm, tuy nhiên tốc độ tăng đã giảm dần năm 2016 tăng 19,6%, năm 2017 còn tăng 18,76% và đến năm 2018 chỉ còn tăng 3,86%. Trong nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, tỷ trọng công ty trách nhiệm hữu hạn năm 2015 là 65,25%, năm 2016 tăng lên 66,9%, năm 2017 tăng lên 69,36% và đến năm 2018 tăng tới 71,31% trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
40 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
Trong số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, loại hình hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã chiếm tỷ trọng cao nhất ở tất cả các năm tuy nhiên tỷ trọng lại có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2015 chiếm tỷ trọng 67,46%, đến năm 2016 giảm xuống còn 62,47%, năm 2017 tiếp tục giảm còn 55,91% và năm 2018 giảm còn 50,15%. Số lượng các hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã cũng tăng, giảm không đều qua các năm, năm 2015 có 6.973 hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã thì đến năm 2016 giảm còn 6.609 hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, tuy nhiên đến năm 2017 lại tăng lên 6.686 hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, và đến năm 2018 lại giảm xuống còn 6.561 hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã. Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp hơn so với loại hình hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã, song loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn lại tăng nhanh cả về số lượng và tỷ trọng trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, năm 2015 chỉ là 15,9% trong tổng số thì đến năm 2018 đã là 31,87% tổng số, tốc độ tăng bình quân trong giai đoạn 2015-2018 của loại hình này đạt 36,57%/năm.
Thứ sáu, xét theo quy mô lao động và quy mô nguồn vốn trong doanh nghiệp thì tỷ trọng các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ là rất lớn, và có xu hướng tăng dần tỷ trọng qua các năm 2015-2018. Trong khi đó, tỷ trọng các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn là rất thấp và có xu hướng giảm dần tỷ trọng (Bảng 2.3).
Tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam năm 2015 là từ 87,96%, đến năm 2018 đã tăng lên trên 90%. Xét riêng từng loại quy mô, tỷ trọng các doanh
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 41
nghiệp quy mô siêu nhỏ có xu hướng tăng nhanh, năm 2015 khoảng 29,77% tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân thì đến năm 2016 tăng lên 50,45% và đến năm 2018 tăng lên khoảng 47,74%. Trong nhóm ngành thương mại - dịch vụ thì các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng nhanh qua các năm. Cụ thể, năm 2015, cả nước có 95.881 doanh nghiệp trong tổng số 128.107 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có quy mô siêu nhỏ (tương ứng chiếm 74,84% tổng số) và đến năm 2018, số lượng này tăng lên đạt 213.700 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 74,11% tổng số.
Bảng 2.3: Số lượng và cơ cấu loại hình doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân theo quy mô vốn, quy mô lao động và theo ngành kinh tế
giai đoạn 2015-2018
Đơn vị tính: Doanh nghiệp
Quy mô doanh nghiệp
2015
2016
2017
2018
TỔNG SỐ
440.580
501.175
575.138
603.993
1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
10.336
10.579
11.958
13.083
Doanh nghiệp siêu nhỏ
5.008
5.189
5.664
5.491
Doanh nghiệp nhỏ
4.826
4.783
5.330
5.690
Doanh nghiệp vừa
380
474
71.700
1.590
Doanh nghiệp lớn
122
133
247
312
2. Công nghiệp - xây dựng
127.953
139.422
160.616
177.119
Doanh nghiệp siêu nhỏ
27.218
52.766
60.350
69.171
Doanh nghiệp nhỏ
67.379
62.385
72.287
77.713
Doanh nghiệp vừa
26.231
17.037
19.797
21.551
42 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
Quy mô doanh nghiệp
2015
2016
2017
2018
Doanh nghiệp lớn
7.125
7.234
8.182
8.684
3. Thương mại - dịch vụ
302.291
351.174
402.571
413.791
Doanh nghiệp siêu nhỏ
95.881
194.909
217.553
213.700
Doanh nghiệp nhỏ
184.187
135.881
161.503
174.354
Doanh nghiệp vừa
11.339
10.172
11.388
12.259
Doanh nghiệp lớn
10.884
10.212
12.127
13.478
Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra doanh nghiệp các năm 2015- 2018 của Tổng cục Thống kê và căn cứ theo tiêu chí doanh nghiệp được xác định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Các doanh nghiệp quy mô nhỏ có xu hướng giảm dần về tỷ trọng trong tổng số các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể: năm 2015 có tỷ trọng là 58,19%, năm 2018 giảm xuống còn 42,68%. Tổng số các doanh nghiệp quy mô nhỏ của cả nước trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ có số doanh nghiệp đông nhất, với tỷ trọng từ 66,51-71,84%, tuy nhiên số lượng tăng, giảm không đều qua các năm và tỷ trọng giảm từ 71,84% năm 2015 xuống còn 67,64% năm 2018.
Số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số, tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì có xu hướng tăng dần qua các năm ở cả 3 nhóm ngành. Các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm khoảng từ 3,51-4,12% tổng số các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Trong số các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, từ 58,09-59,97% và cơ bản tăng dần qua các năm (ngoại trừ năm 2016). Năm 2018, số doanh nghiệp quy mô lớn ngành thương mại - dịch vụ đạt 13.478 doanh nghiệp, tăng 2.594 doanh nghiệp (tương ứng tăng 23,83%) so với năm 2015.
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 43
Số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng dần qua các năm, đặc biệt tăng nhanh ở các năm 2017-2018. Từ chỗ cả nước có 7.125 doanh nghiệp năm 2015 thì đến năm 2016 tăng lên 7.234 doanh nghiệp, đến năm 2017 tăng lên 8.182 doanh nghiệp và đến năm 2018 đạt 8.684 doanh nghiệp (tương ứng tăng 1.559 doanh nghiệp so với năm 2015). Số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 là 122 doanh nghiệp, năm 2016 tăng lên 133 doanh nghiệp, đến năm 2017 đã tăng nhanh hơn, đạt 247 doanh nghiệp và đến năm 2018 đạt 312 doanh nghiệp. Như vậy, đến năm 2018, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đã tăng lên hơn 2,5 lần so với năm 2015.
3. Nguyên tắc hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nói riêng ở Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc nhất định, trên cơ sở khuôn khổ pháp luật và cơ chế quản lý kinh tế hoàn toàn khác so với hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý kinh tế trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Do đó, việc thấu hiểu các nguyên tắc hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với cán bộ lãnh đạo quản lý ở các doanh nghiệp mà còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong hoạch định và thực thi các chính sách phát triển kinh tế nói chung, phát triển hệ thống các doanh nghiệp nói riêng và đặc biệt là trong thực hiện quản lý
44 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
nhà nước đối với doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân được quyền quyết định hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm: Nguyên tắc này phản ánh quan hệ cơ bản về quản lý giữa doanh nghiệp và nhà nước: Nhà nước quản lý các doanh nghiệp trên cơ sở hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách còn doanh nghiệp được phép chủ động quyết định hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo hướng doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh ở bất cứ ngành nghề nào mà Nhà nước không cấm (không thuộc Danh mục ngành nghề mà Nhà nước cấm/không cho phép). Như vậy, khác với trước đây, doanh nghiệp chỉ được phép làm những gì Nhà nước cho phép thì hiện nay doanh nghiệp có thể làm những gì mà Nhà nước không cấm - điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong lựa chọn và quyết định lĩnh vực sản xuất kinh doanh phù hợp cũng như tận dụng cơ hội thị trường. Có thể coi đây là nguyên tắc cơ bản hàng đầu bảo đảm cho doanh nghiệp có quyền tự do, tự chủ thực sự trong các quyết định kinh doanh. Thực hiện nguyên tắc này đã làm thay đổi cơ bản quan hệ quản lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong nền kinh tế: Nhà nước từ chỗ là cơ quan ban phát, ra lệnh trở thành cơ quan định hướng, hỗ trợ, tạo lập môi trường cho doanh nghiệp hoạt động; doanh nghiệp từ chỗ không có hoặc có hạn chế quyền tự chủ, chủ yếu dựa trên nền tảng cơ chế xin - cho, thì nay trở thành
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 45
đơn vị kinh tế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các quyết định kinh doanh của mình.
Thứ hai, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hạch toán độc lập và đầy đủ: Nguyên tắc phản ánh quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường kinh tế trên cơ sở doanh nghiệp phải tự chủ về tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, thực hiện hạch toán theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ theo quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về các kết quả sản xuất kinh doanh, lời ăn lỗ chịu. Nguyên tắc này đòi hỏi các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân phải luôn nỗ lực để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và thu được lợi nhuận ngày càng cao - đây là điều kiện để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không nỗ lực vươn lên thì dễ rơi vào trạng thái lỗ vốn triền miên hoặc “lãi giả, lỗ thật”, và điều này tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn tới phá sản.
Thứ ba, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu, dự báo và phân tích nhu cầu thị trường: Nguyên tắc này phản ánh quan hệ giữa doanh nghiệp và thị trường: Doanh nghiệp phải tìm hiểu, thu thập và phân tích các thông tin về
nhu cầu thị trường (cả trong và ngoài nước) về sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ làm căn cứ để xây dựng và thực thi các chiến lược kinh doanh của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường vai trò trong tạo nhu cầu thị
trường trên cơ sở tổ chức hiệu quả các hoạt động quảng bá hình ảnh, marketing,... Thị trường sẽ cung cấp thông tin về cung - cầu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để các doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt cơ hội, chuẩn bị nguồn lực để sản
46 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường về chủng loại sản phẩm, chất lượng, giá cả,... một cách tốt nhất. Thứ tư, nguyên tắc cạnh tranh: Nguyên tắc này phản ánh quy luật cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong điều kiện nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ là cơ quan định hướng và tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần phải nỗ lực ở tất cả các khâu của quá trình tổ chức sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm để có thể tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, đảm bảo tuân thủ các điều kiện kinh tế kỹ thuật, giá cả hợp lý,... nhằm tạo thế cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong chiếm lĩnh ngày càng nhiều thị phần về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình. Thực hiện tốt nguyên tắc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, tăng cường nghiên cứu cải tiến sản phẩm và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và người lao động trong doanh nghiệp.
4. Vai trò của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Trong những năm qua, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện trên các nội dung sau:
Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân đang từng bước phát triển, dần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế: Tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 47
tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn đạt mức cao nhất và có xu hướng gia tăng trong các năm từ 2015-2018, năm 2015 là 38,7%, năm 2016 là 38,9%, năm 2017 tăng lên 40,6% và đến năm 2018 tăng lên 43,3%, trong khi đó, tỷ trọng của đầu tư nhà nước có xu hướng giảm dần năm 2015 là 38%, năm 2016 giảm xuống còn 37,5%, đến năm 2017 tiếp tục giảm còn 35,7% và đến năm 2018 chỉ còn ở mức 33,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có sự thay đổi tăng, giảm không đáng kể, năm 2015 là 23,3%, năm 2016, 2017 tương ứng là 23,6% và 23,7%, đến năm 2018 lại giảm xuống còn 23,4% (Bảng 2.4).
Bảng 2.4: Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội
giai đoạn 2015-2018
Đơn vị tính: %
Khu vực kinh tế
2015
2016
2017
2018
Tổng số
100
100
100
100
Kinh tế nhà nước
38
37,5
35,7
33,3
Kinh tế ngoài nhà nước
38,7
38,9
40,6
43,3
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
23,3
23,6
23,7
23,4
Nguồn: Niên giám Thống kê năm 2018 của Tổng cục Thống kê.
Khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, với tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giai đoạn 2015-2018 đạt từ 46-48% (Bảng 2.5).
48 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
Bảng 2.5: Đóng góp của các khu vực kinh tế vào GDP giai đoạn 2015-2018
Đơn vị tính: %
Khu vực kinh tế
2015
2016
2017
2018
Tổng số
100
100
100
100
Khu vực nhà nước
31,88
32,03
31,81
30,73
Khu vực ngoài nhà nước
48,04
47,31
46,38
46,74
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
20,08
20,66
21,81
22,53
Nguồn: Niên giám thống kê các năm 2014-2018 của Tổng cục Thống kê.
Số liệu ở Bảng 2.5 cho thấy, khu vực ngoài nhà nước có tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP luôn đạt mức cao nhất ở tất cả các năm trong giai đoạn 2015-2018, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong tổng GDP có xu hướng giảm dần qua các năm, từ đóng góp năm 2015 là 48,04% tổng GDP cả nước giảm dần và năm 2017 còn là 46,38% GDP cả nước, đến năm 2018 chỉ tăng nhẹ lên 46,74%. Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong cơ cấu GDP của cả nước tuy đạt mức thấp nhất ở tất cả các năm, song lại có xu hướng tăng dần, năm 2015 là 20,08%, các năm 2016 và 2017 tăng lên đạt lần lượt 20,66% và 21,81%, đến năm 2018 tiếp tục tăng lên mức 22,53%. Mức độ đóng góp của khu vực nhà nước trong GDP có sự tăng, giảm không đều qua các năm và hầu như không có sự thay đổi nhiều, gần như tỷ trọng trong GDP đạt ở mức 31,8-32%/năm trong giai đoạn 2015-2017 và đến năm 2018 giảm xuống còn 30,73%.
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 49
Thứ hai, sự lớn mạnh về quy mô, số lượng doanh nghiệp và từng bước tham gia vào các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế: Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, đặc biệt trong 2 năm 2017-2018 có thêm 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh đã có những cải thiện rõ rệt, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ôtô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng... góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động; hiện có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã thành công.
Thứ ba, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước: Thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục tăng trên 16%/năm trong giai đoạn 2015-
2018, tỷ trọng đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân luôn đạt ở mức gần 33-34,5% ở tất
50 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
cả các năm trong giai đoạn 2015-2018 và cao hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân (Bảng 2.6). Đóng góp vào tăng thu ngân sách nhà nước cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia.
Bảng 2.6: Đóng góp của các khu vực kinh tế vào thu ngân sách nhà nước
giai đoạn 2015-2018
Đơn vị tính: %
Khu vực kinh tế
2015
2016
2017
2018
Tổng số
100
100
100
100
Khu vực nhà nước
37,15
32,34
29,54
27,87
Khu vực ngoài nhà nước
32,75
34,45
34,35
33,94
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
30,10
33,21
36,11
38,19
Nguồn: Niên giám Thống kê các năm 2014-2018 của Tổng cục Thống kê.
Thứ tư, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là nguồn chủ yếu tạo việc làm và việc làm mới cho người lao động ở tất cả các lĩnh vực: Theo Niên giám Thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2018, số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm đa số lực lượng lao động của cả nước (Bảng 2.7).
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 51
Bảng 2.7: Đóng góp của các khu vực kinh tế vào việc làm giai đoạn 2015-2018
Đơn vị tính: %
Khu vực kinh tế
2015
2016
2017
2018
Tổng số
100
100
100
100
1. Kinh tế nhà nước
9
8,8
8,6
8,3
2. Kinh tế ngoài nhà nước
85
84,5
83,6
83,3
3. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
6
6,7
7,8
8,4
Nguồn: Niên giám Thống kê các năm 2015-2018 của Tổng cục Thống kê.
Bảng 2.7 cho thấy, giai đoạn 2015-2018, số việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, từ trên 83-85% tổng lực lượng lao động của cả nước. Tuy tỷ trọng việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm dần, năm 2015 là 85% tổng lực lượng lao động cả nước thì các năm 2016 và năm 2017 tương ứng giảm xuống còn 84,5% và 83,6%, đến năm 2018 tiếp tục giảm còn 83,3% song số lao động đang làm việc tại khu vực kinh tế tư nhân vẫn ngày càng nhiều, năm 2018 có gần 45,2 triệu lao động so với năm 2017 có gần 44,9 triệu lao động đang làm việc tại khu vực này. Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới đã tạo gần 2,3 triệu việc làm mới.
Thứ năm, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước: Trong quá trình phát triển của đất nước, đặc
52 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
biệt là những năm vừa qua, một số doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã trở thành những tập đoàn kinh tế lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và tham gia vào các hợp đồng kinh doanh với nhiều đối tác lớn của các nước phát triển (chẳng hạn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC,...). Thông qua hình thức liên doanh, liên kết, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của nền kinh tế, nhất là trong việc nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam cũng như mở rộng thị trường, đặc biệt là đối với một số sản phẩm có ưu thế, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam ra thị trường thế giới. Với sự năng động của mình, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam những năm qua đang dần khẳng định sự vượt trội so với khu vực doanh nghiệp nhà nước ở khía cạnh này.
Thứ sáu, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam: Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng từ 25,3-26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng từ 34,7-34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và lớn gấp gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô). Ngoài ra, các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam còn góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề thông qua tạo việc làm, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp, tham gia đầu tư vào các thị trường ngách, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 53
Trong những năm gần đây, tỷ trọng số doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đăng ký thành lập mới trong các ngành nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản trong tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng giảm dần. Từ
năm 2005 đến nay, số doanh nghiệp trong ngành khai thác khoáng sản chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp. Riêng năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong ngành khai thác khoáng sản giảm 0,9% về số lượng và giảm 8% về số vốn đăng ký so với năm 2015 trong khi các ngành khác đều tăng (trừ nghệ thuật, vui chơi, giải trí và dịch vụ
lưu trú, ăn uống). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa.
II. QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG, CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC VỀ KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ PHÁT TRIỂN CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC
KINH TẾ TƯ NHÂN
Ở Việt Nam, trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp (trước giai đoạn “Đổi mới” năm 1986), kinh tế tư nhân được coi là kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, không có vai trò, động lực thúc đẩy nền kinh tế, là đối tượng bị cải tạo và xóa bỏ, không được khuyến khích phát triển. Quan điểm của Đảng trong giai đoạn này là không thừa nhận sự tồn tại và vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Chính vì vậy, kinh tế tư nhân chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế, còn kinh tế tư nhân tư bản thì không tồn tại. Sau cải tạo
54 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
công thương nghiệp (1957-1958) đến trước thời kỳ “Đổi mới”, kinh tế tư nhân ở nước ta gần như bị xóa bỏ hoàn toàn. Nhà nước chỉ tập trung phát triển khu vực kinh tế nhà nước (trước đây gọi là khu vực kinh tế quốc doanh) và kinh tế tập thể (kinh tế hợp tác xã) mà đã bỏ qua việc phát triển kinh tế tư nhân - một động lực lớn cho tiến trình phát triển của đất nước.
Chỉ từ năm 1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), nhận thức về kinh tế tư nhân đã dần được thay đổi. Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc “Đổi mới”, được bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy kinh tế, trong đó Đảng ta luôn kiên định và nhất quán đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Với chủ trương này kinh tế tư nhân đã phục hồi và không ngừng phát triển. Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị khóa VI (ngày 15/7/1988) và Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI (tháng 3/1989) tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới, nhất quán thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, khẳng định kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Cụm từ “kinh tế tư nhân” được chính thức sử dụng từ Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI với các nội dung đã được chỉ rõ: “Trong điều kiện của nước ta, các hình thức kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu của nền kinh tế hàng hóa đi lên chủ nghĩa xã hội”. Cũng trong năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó đổi mới cơ bản cách thức
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 55
quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã tạo động lực cho kinh tế tư nhân trong nông nghiệp hồi phục và phát triển năng động, bước đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa. Đó là bước khởi đầu đáng quý đối với kinh tế tư nhân nước ta, mở đường cho những bước đột phá mạnh hơn sau này. Về mặt pháp lý, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (năm 1990) được ban hành và tổ chức thực hiện đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân với các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và doanh nghiệp tư nhân.
Từ Đại hội VII và đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (năm 1992) kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) đã nêu rõ: “Kinh tế tư nhân
được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước, trong đó, kinh tế cá thể và tiểu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức”. Tại Hội nghị Trung ương 2 khóa VII, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Bổ sung, sửa đổi các thể chế nhằm bảo đảm cho kinh tế tập thể, cá nhân và tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh, kể cả liên doanh với nước ngoài theo những điều kiện do luật định”1.
__________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.75.
56 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), Đảng ta đã xác định: “Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế hợp tác xã dần dần trở thành nền tảng. Tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) đã khẳng định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc” và “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động”.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002), tư duy đổi mới kinh tế tư nhân của Đảng đã có những bước chuyển biến mới với những nội dung đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa”1.
__________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Sđd, tr.57.
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 57
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006), kinh tế tư nhân đã chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, mặc dù không phải là thành phần kinh tế chủ đạo nhưng đã được thừa nhận là một trong những động lực của nền kinh tế. Vai trò, động lực đó lần đầu tiên được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”.
Trên cơ sở ba chế độ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế được hình thành, gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư
bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, tại Đại hội X, lần đầu tiên Đảng ta đã khẳng định kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế và tại Đại hội X, Đảng ta cũng khẳng định: “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh...”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã đề ra những chủ trương, chính sách nhằm hoàn thiện cơ chế để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Các chính sách được điều chỉnh, bổ sung theo hướng phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào kinh tế nhà nước... khuyến khích phát
58 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
triển các loại hình doanh nghiệp với nhiều hình thức sở hữu hỗn hợp như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”1;... Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”2.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế: “Thống nhất nhận thức nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước... nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở
__________
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.210, 281-282.
Chương 2: KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ CÁC DOANH NGHIỆP... 59
hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị
trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”1. Với chủ trương nói trên, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển.
Đại hội XII của Đảng (tháng 01/2016) cũng đã nêu rõ “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”2. Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đã thể hiện bước ngoặt quan trọng trong kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định chỗ đứng, vai trò của mình. Đảng đã thay đổi tư duy về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đã được đưa ra thảo luận trong một chuyên đề riêng và ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một bước tiến đáng kể về tư duy lý luận và quan điểm, đường lối kinh tế của Đảng ta, thể hiện tính nhất quán của đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đã tạo nên động lực và sự yên tâm cho các doanh nhân và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật. Nghị quyết
__________
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.25-26, 103.
60 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
Trung ương 5 khóa XII (tháng 6/2017), đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
61
Chương 3
LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN
VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN Ở VIỆT NAM
I. LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN Ở VIỆT NAM
1. Khái niệm, đặc điểm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Theo quan niệm chung nhất, quản lý được hiểu là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý lên đối tượng và khách thể quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các tiềm năng, các cơ hội của tổ chức để đạt mục tiêu đã đề ra trong điều kiện biến động của môi trường1.
Quản lý nhà nước về kinh tế là sự tác động có tổ chức và bằng pháp quyền của Nhà nước lên nền kinh tế quốc dân nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước, các cơ hội có thể có, để đạt được các mục tiêu
__________
1. Học viện Chính trị khu vực I: Tập bài giảng Khoa học quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2015.
62 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
phát triển kinh tế đất nước đã đặt ra, trong điều kiện hội nhập và mở rộng giao lưu quốc tế1.
Như vậy, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là sự tác động có tổ chức và bằng pháp quyền của Nhà nước tới các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nhằm đạt được các mục tiêu của Nhà nước đã đặt ra trong mỗi giai đoạn nhất định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có những đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất, chủ thể quản lý các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là Nhà nước, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thực hiện những chức năng, nhiệm vụ và có thẩm quyền nhất định trong quản lý các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Tùy theo sự phân công, phân cấp quản lý và yêu cầu quản lý của đất nước trong mỗi giai đoạn nhất định mà các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có thể được bố trí, sắp xếp phù hợp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ nhất định trong quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành tại Điều 208 - Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, cụ thể là:
(i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp;
__________
1. Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Giáo trình Quản lý nhà nước về kinh tế, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2008.
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 63
(ii) Các bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp;
(iii) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn định kỳ gửi cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính các thông tin sau đây: thông tin về
giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận hoặc văn bản chấp thuận về điều kiện kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp và quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; thông tin về tình hình hoạt động và nộp thuế của doanh nghiệp từ báo cáo thuế của doanh nghiệp; phối hợp, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước;
(iv) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp huyện định kỳ gửi cho Cơ
quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính các thông tin theo quy định;
(v) Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Trong thời gian từ tháng 01/2012, thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2020 với các quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp tại Điều 215 như sau:
(i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp;
64 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
(ii) Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp;
(iii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương.
(iv) Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, chịu trách nhiệm thiết lập kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp các thông tin sau đây: thông tin về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận hoặc văn bản chấp thuận về điều kiện kinh doanh đã cấp cho doanh nghiệp và quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp; thông tin về tình hình hoạt động và nộp thuế của doanh nghiệp từ báo cáo thuế, báo cáo tài chính của doanh nghiệp; phối hợp, chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước;
(v) Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Theo Điều 209 - Luật Doanh nghiệp năm 2014 (và từ ngày 01/01/2021, theo Điều 216 - Luật Doanh nghiệp năm 2020) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh cụ thể như sau:
(1) Giải quyết việc đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
(2) Phối hợp xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 65
(3) Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp;
(4) Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra doanh nghiệp theo những nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
(5) Chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, không chịu trách nhiệm về những vi phạm của doanh nghiệp xảy ra trước và sau đăng ký doanh nghiệp;
(6) Xử lý vi phạm các quy định về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp làm thủ tục giải thể theo quy định của Luật này;
(7) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thứ hai, đối tượng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là các loại hình doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Các loại hình doanh nghiệp này hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực với nhiều loại hình tổ chức khác nhau với các đặc điểm, quy mô, mục tiêu và hiệu quả hoạt động khác nhau.
Thứ ba, mục tiêu quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là sự mong đợi, là những mong muốn của Nhà nước đặt ra trong mỗi giai đoạn nhất định đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, phù hợp với yêu cầu, định hướng và tình hình phát triển nền kinh tế đất nước.
66 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
2. Mục tiêu và nguyên tắc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
2.1. Mục tiêu quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Xét về bản chất, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân là nhằm hướng sự phát triển của các doanh nghiệp này theo định hướng chiến lược và phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, với nghĩa chung nhất, nhằm đạt các mục tiêu: hỗ trợ, giúp đỡ và tạo các điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân phát triển, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng và phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phát huy các vai trò to lớn của doanh nghiệp trong nền kinh tế; mặt khác, hạn chế và ngăn ngừa, thậm chí dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp có các hành vi vi phạm, không tuân thủ luật pháp và cơ chế quản lý hiện hành, vi phạm hoặc làm tổn hại đến các lợi ích xã hội.
Hiện nay, quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là nhằm đạt được mục tiêu tổng quát, đó là: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 67
phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các mục tiêu cụ thể là: (i) Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. (ii) Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư
nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60-65%. (iii) Bình quân giai đoạn 2016-2025, năng suất lao động tăng khoảng 4- 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. (iv) Hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân; giảm tình trạng sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; gian lận thương mại...; giảm số lượng các doanh nghiệp không bảo đảm lợi ích của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, báo cáo tài chính không trung thực, nợ quá hạn ngân hàng, trốn thuế và nợ thuế kéo dài; giảm các quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân.
68 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
2.2. Nguyên tắc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Theo Điều 17 của Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 (Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2010/ NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/12/2015) về nguyên tắc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, cán bộ, công chức không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm các giấy tờ, đặt ra thêm các thủ tục, điều kiện ngoài quy định và có hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước về tình hình hoạt động của doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có liên quan trong tiếp cận các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp được lưu trữ tại cơ quan, đơn vị, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật theo quy định pháp luật.
Thứ tư, mỗi cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao. Hoạt động theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu không được gây ảnh hưởng bất lợi hoặc cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 69
Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân còn bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc: Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển hiệu quả, tuân thủ luật pháp.
3. Nội dung quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung và đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân có nội dung rất rộng, gần như là toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế nói chung. Xuất phát từ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không chỉ duy trì khung khổ pháp luật công bằng và khích lệ đối với doanh nghiệp mà còn có những biện pháp định hướng, hỗ trợ rõ rệt đối với doanh nghiệp nói chung và từng loại hình doanh nghiệp nói riêng theo tinh thần “Chính phủ kiến tạo, phục vụ” song các biện pháp quản lý của Nhà nước không được lấn sân đối với doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân bao gồm các nội dung cơ bản:
Thứ nhất, ban hành khung khổ pháp lý để doanh nghiệp hoạt động: Nhà nước ban hành, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp lý về doanh nghiệp và văn bản pháp luật có liên quan nhằm tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Hệ thống khung khổ pháp luật tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, gồm: (1) Luật pháp điều chỉnh quá trình thành lập, hoạt động, giải thể -
70 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
phá sản doanh nghiệp bao gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản...; (2) Các luật chung quy định về quyền kinh doanh và môi trường kinh doanh nói chung như: Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Phá sản, Luật Đất đai, Luật Lao động...; (3) Các luật riêng điều chỉnh quá trình thành lập, hoạt động của các doanh nghiệp ở các ngành và lĩnh vực đặc thù như kinh doanh ngân hàng, tài chính, dầu khí, khai thác tài nguyên, xuất khẩu lao động; (4) Các luật điều chỉnh quan hệ tài chính với Nhà nước bao gồm các luật thuế liên quan đến doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất - nhập khẩu hàng hóa, thuế tài nguyên môi trường,...
Thứ hai, ban hành và thực hiện các chính sách đối với doanh nghiệp: Tùy theo mục tiêu và định hướng chiến lược của mình, Nhà nước ban hành các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm các chính sách ưu đãi, các chính sách hạn chế và chính sách hỗ trợ theo tiêu chí ngành, lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần thiết phải áp dụng chính sách. Các chính sách này phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước không có chính sách riêng nhưng có thể có chủ trương và biện pháp điều hành dành riêng cho các doanh nghiệp này trong đầu tư ban đầu, thoái vốn và bổ sung vốn kinh doanh, ưu tiên một số đơn hàng đặc biệt của Nhà nước liên quan đến an ninh - quốc phòng hoặc chính sách xã hội...
Thứ ba, tổ chức bộ máy thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp: Một là, giải quyết
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 71
thủ tục đăng ký kinh doanh, chuyển đổi từ cơ chế xin - cho trước đây sang cơ chế đăng ký hiện nay. Ngoài ra, yêu cầu các cơ quan nhà nước phải chuyển sang cơ chế một cửa. Về thời hạn, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuống còn 7 ngày. Nghị
định số 108/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 23/8/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp đã góp phần giải quyết nhiều vướng mắc trong các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh, Nhà nước còn phải thực hiện các thủ tục khác cho doanh nghiệp như giải quyết thủ tục đầu tư và xây dựng, cấp các chứng chỉ quản lý nhà nước về quyền sở hữu, bản quyền, sở
hữu trí tuệ, tranh chấp, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản... Hai là, trong tổ chức bộ máy, Nhà nước thực hiện các hoạt động đào tạo phục vụ cho doanh nghiệp. Các hoạt động đào tạo bao gồm đào tạo về nghiệp vụ và kỹ năng cho bộ máy của Nhà nước về quản lý các doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đúng luật pháp và các định hướng phát triển của đất nước; các hoạt động đào tạo hỗ trợ các doanh nghiệp về kiến thức luật pháp, phát triển các kỹ năng kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp, phát triển tay nghề cho công nhân lành nghề...
Thứ tư, kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp: Việc kiểm tra, thanh tra hoạt động của doanh nghiệp phải được tiến hành thường xuyên nhưng không được chồng chéo, gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mục đích của kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp là kiểm tra sự tuân thủ pháp luật, tuân thủ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm tra các vụ việc đột xuất. Việc kiểm tra, thanh tra thường được tiến hành theo các chuyên ngành chức năng
72 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
của quản lý nhà nước như tài chính, lao động, tiền lương, an toàn lao động, an ninh trật tự,... Để tránh chồng chéo trong kiểm tra, các cuộc kiểm tra, thanh tra phải có kế hoạch rõ ràng, thông báo trước cho doanh nghiệp, tiến hành nhanh chóng, chuyên nghiệp và hiệu quả. Các cuộc kiểm tra phải được kết luận với những đánh giá rõ ràng, minh bạch, bảo đảm mục tiêu của kiểm tra và công bằng, dân chủ đối với doanh nghiệp.
4. Các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
Thứ nhất, quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nói riêng: Quan điểm của Đảng, Nhà nước có ảnh hưởng mang tính định hướng tới quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân theo hướng khuyến khích hay hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp này, theo đó, các cơ chế, chính sách có liên quan đến quản lý các doanh nghiệp này và mục tiêu của quản lý nhà nước cũng thay đổi theo hướng tạo điều kiện hay không tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII nêu rõ: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế... Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP”. Như vậy, trong thời gian tới, hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng ngày càng cạnh tranh bình
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 73
đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Điều này đòi hỏi nhiều sự thay đổi trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Thứ hai, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sẽ là cơ sở để định hướng cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, do đó, có ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp. Nếu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có mục tiêu rõ ràng, thể hiện rõ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì sẽ tạo cơ sở cho sự phát triển hay không phát triển các doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến các doanh nghiệp.
Thứ ba, các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp: Nhà nước quản lý các doanh nghiệp thông qua việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý nhằm quản lý và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế là nhân tố có tác động ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Thứ tư, các yếu tố nội tại của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân: Trình độ phát triển của các doanh nghiệp này thể hiện ở năng lực sử dụng các nguồn lực (lao động, tài chính, công nghệ...), văn hóa doanh nghiệp, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường và khả năng thích ứng với biến động của thị trường, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ trong doanh nghiệp,... Nếu trình độ phát triển cao, tiềm lực doanh nghiệp tốt thì công tác quản lý nhà nước đối với
74 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
doanh nghiệp sẽ dễ dàng điều tiết và đạt kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp là những người am hiểu pháp luật, các chính sách của Nhà nước, tuân thủ luật pháp và tuân thủ các quy luật của thị trường thì công tác quản lý nhà nước sẽ thuận lợi hơn; ngược lại, sẽ khó khăn hơn.
Thứ năm, bộ máy tổ chức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân: Muốn quản lý tốt phải có mô hình tổ chức quản lý hiệu quả, do đó quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân cũng cần phải có bộ máy tổ chức quản lý phù hợp và hoạt động hiệu quả. Thực tiễn quản lý nhà nước tại nhiều quốc gia cho thấy, các quốc gia thành công trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp đều phải xây dựng được bộ máy tổ chức hợp lý, khoa học - bộ máy đáp ứng yêu cầu của các nguyên tắc trong quá trình xây dựng và vận hành, chẳng hạn như các nguyên tắc: chuyên môn hóa, thống nhất, tối ưu, tương hợp, tiết kiệm và hiệu quả,...
Thứ sáu, năng lực và sự trong sạch của bộ máy nhà nước: Đây là nhân tố quyết định hiệu lực, hiệu quả và tác động của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Sự trong sạch của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng sẽ giúp minh bạch hệ thống pháp lý, đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đối với các nước đang phát triển, nhân tố này hiện rất được quan tâm, vì nó sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Nếu nạn “tham nhũng” xảy ra trong bộ máy nhà nước sẽ hình thành nhiều chi phí phát sinh cho doanh nghiệp, bất bình đẳng
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 75
thông tin và giảm tính kiểm soát của cơ quan nhà nước. Như vậy, năng lực, trình độ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng góp phần thành công vào công tác quản lý nhà nước, do vậy, việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nói chung hay đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với
doanh nghiệp nói riêng cần phải được quan tâm chú trọng. Thứ bảy, hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện quản lý và khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý: Các nhân tố này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Nếu cơ sở vật chất đầy đủ; các phương tiện quản lý hiện đại, đầy đủ và đồng bộ; các cán bộ quản lý có khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như cắt giảm các thủ tục hành chính trong quá trình quản lý. Ngược lại, sẽ có thể làm gia tăng chi phí quản lý cũng như các thủ tục hành chính, và do đó, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Thứ tám, yếu tố hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế là quy luật phát triển tất yếu khách quan khi mà lực lượng sản xuất phát triển đến một trình độ nhất định, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0 đưa đến sự thay đổi về phương thức sản xuất, phương thức liên kết. Các quan hệ thương mại, quan hệ đối tác và quan hệ sản xuất phải thay đổi dựa trên nền tảng cơ sở pháp lý phải được xác lập giữa hai hay nhiều thành viên thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương nhằm tạo ra các ràng buộc trong quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. Khi quan hệ đối tác và luật chơi chung thay đổi sẽ tác động đến luật chơi của các thành viên,
76 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
do đó phải có sự nhất quán, thống nhất và đổi mới trên những phương diện gây ra rào cản trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.
II. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM
1. Kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân
1.1. Kinh nghiệm của các nước châu Á
(1) Hàn Quốc
Hàn Quốc là một quốc gia thuộc khu vực Đông Á với nền kinh tế phát triển, đứng thứ tư ở châu Á và xếp hạng 11 trên thế giới theo GDP năm 2018. Do có tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong vòng 50 năm từ những năm 1960 đến năm 2010 của thế kỷ XXI nên nền kinh tế Hàn Quốc được cả thế giới khâm phục gọi đó là “Kỳ tích sông Hàn”. Để có được những kỳ tích đáng ngưỡng mộ đó, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách để quản lý và phát triển doanh nghiệp. Chính phủ ưu tiên phát triển các ngành sản xuất để làm động lực kích thích xuất khẩu. Chỉ sau một thế hệ, từ một quốc gia chuyên quyền, thu mình, có nền kinh tế tập trung, Hàn Quốc đã chuyển mình thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp tiềm năng nhất với nền kinh tế thị trường tự điều tiết, sánh vai cùng các cường quốc tư bản
Chương 3: LÝ LUẬN CƠ BẢN VÀ THỰC TIỄN... 77
chủ nghĩa1. Quá trình hình thành và phát triển điều tiết nhà nước đối với nền kinh tế Hàn Quốc nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng được thực hiện qua 5 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất là vào nhiệm kỳ của Tổng thống Lee Seung Man (1948-1960) khi chính quyền bắt đầu thiết lập nền tảng pháp lý cho việc điều tiết của Nhà nước2. Nhà nước ban hành các kế hoạch, chương trình chiến lược đi đôi với tiến hành cải cách, trong số đó có các cuộc cải cách đã ghi dấu ấn xác định đường lối phát triển đất nước. Chính ở giai đoạn này, Nhà nước ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn với các ưu đãi hấp dẫn, đồng thời hướng chính sách nội địa hóa thay thế nhập khẩu và từ đó hình thành nên các “đế chế kinh tế” - các tập đoàn kinh tế tư nhân khổng lồ như Samsung, Lucky Goldstar (LG), Daewoo, Hyundai, Ssangyong... Cũng trong quá trình này, Hàn Quốc đã ban hành các công cụ mới nhằm điều tiết nền kinh tế, trong đó đáng kể là các công cụ tài chính như trợ giá, ưu đãi thuế và các hình thức khuyến khích doanh nghiệp trong các lĩnh vực triển vọng và tập đoàn tư nhân lớn, mặt khác hạn chế cho vay và gia tăng thuế khoá đối với các lĩnh vực khác không nằm trong chiến lược phát triển của Nhà nước.
Giai đoạn thứ hai là thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Park Chung-hee (1961-1979): Hàn Quốc đã hoàn thành mục tiêu làm hưng thịnh nền kinh tế trong thời gian ngắn kỷ lục
__________
1. PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến: “Quản lý và cải cách doanh nghiệp tại Hàn Quốc: Những hàm ý chính sách đối với Việt Nam”. 2. Л. Руденко, М. Морозова, Государственная поддержка малого и среднего предпринимательства в зарубежных странах, Экономика и управление, Глобалистика, №1, Москва, 2016.
78 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THUỘC KHU VỰC...
thông qua đường lối áp dụng mô hình phát triển ưu tiên xuất khẩu. Đây là mô hình phát triển dựa trên ưu thế nội tại về công nghiệp chế biến một số mặt hàng với mục tiêu xuất khẩu. Mọi chức năng công quyền đều xoay quanh đường lối chủ đạo này, từ các chức năng quản lý kinh tế, tài chính đến các công cụ hành chính, ngoại giao1. Trong thời kỳ này, cơ chế điều tiết của Nhà nước được phát triển một cách toàn diện, chính sách kế hoạch hoá nền kinh tế nhận được sự ủng hộ to lớn từ nhiều phía. Trong quá trình hoạch định đường lối phát triển cơ bản, các bộ, ngành Hàn Quốc đã thống nhất cách tiếp cận cũng như kế hoạch hành động mang tính bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp, bất kể là quốc doanh hay tư nhân. Vào thập niên 1970, Hàn Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc trong phát triển đất nước, vị thế quốc tế được tăng cường, mở rộng ra các thị trường nước ngoài, nền kinh tế Hàn Quốc mở hơn và tiếp tục duy trì đường lối phát triển định hướng xuất khẩu. Khối tư nhân trở nên mạnh hơn, năng động hơn, cho ra đời những tập đoàn lớn có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mặt khác, sự phụ thuộc gần như tuyệt đối của doanh nghiệp Hàn Quốc vào chính quyền có tác động không nhỏ đến hiệu quả và tính cơ động của nền kinh tế. Chính quyền muốn kiểm soát toàn bộ nền kinh tế làm dấy lên làn sóng không hài lòng từ các doanh nghiệp tư nhân.
Giai đoạn thứ ba (1980-1987) là thời kỳ Tổng thống Chun Doo-hwan, khi chính quyền Hàn Quốc có một số biện pháp cải cách “nửa vời” giảm bớt sự quản lý của Nhà nước đối với
__________
1. Ревенков А. Планирование в системе государственного регулирования экономики.- М. 2001 г, с. 201.
"""