🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Quan Hệ Việt Nam Với Một Số Nước Lớn Những Năm Đầu Thế Kỷ XXI Ebooks Nhóm Zalo Chịu trách nhiệm xuất bản: Q. GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PHẠM CHÍ THÀNH Chịu trách nhiệm nội dung: PHÓ GIÁM ĐỐC - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TS. ĐỖ QUANG DŨNG Biên tập nội dung: Trình bày bìa: Chế bản vi tính: Đọc sách mẫu: ThS. CÙ THỊ THÚY LAN ThS. NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH HOÀNG THU QUỲNH ThS. NGUYỄN KIỀU LOAN ĐỖ LỆ QUYÊN BÙI BỘI THU PHẠM THÚY LIỄU HOÀNG MINH TÁM PHÒNG BIÊN TẬP KỸ THUẬT VIỆT HÀ Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 4139-2020/CXBIPH/13-337/CTQG. Số quyết định xuất bản: 5364-QĐ/NXBCTQG, ngày 15/10/2020. Nộp lưu chiểu: tháng 10 năm 2020. Mã số ISBN: 978-604-57-6108-3. LỜI NHÀ XUẤT BẢN Bước vào thế kỷ XXI, tương quan lực lượng trong quan hệ quốc tế và nền kinh tế thế giới có những chuyển dịch mạnh mẽ, sự gắn kết và tùy thuộc giữa các quốc gia, khu vực ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của các tổ chức, các liên kết kinh tế quy mô lớn, đồng thời các thách thức toàn cầu ngày càng đa diện hơn và gay gắt hơn, thúc đẩy các quốc gia tăng cường quan hệ hợp tác nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo thêm thế và lực trong cục diện mới. Hiện nay, quan hệ hợp tác để phát triển là xu thế của thế giới, xuất phát từ nhu cầu hợp tác của mỗi quốc gia cho dù các nền kinh tế ở các quốc gia thuộc trình độ nào. Phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế đã trở thành mối quan tâm chung của nhân loại. Mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn vừa là nhu cầu phù hợp xu thế chung, vừa phản ánh năng lực của mình. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, làm rõ thực trạng quan hệ Việt Nam với các nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI là thực sự hữu ích và quan trọng bởi nó góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam xác định đúng trọng tâm và ưu tiên chiến lược trong định hướng hợp tác với các nước lớn, từ đó đề ra các chính sách sát hợp với thực tiễn, xử lý tốt quan hệ với các nước lớn - nhân tố chủ chốt chi phối nền kinh tế và chính trị thế giới. Với mong muốn mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích về quan hệ Việt Nam với các nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quan hệ Việt Nam với một số nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI do PGS. TS. Nguyễn Thị Quế chủ biên. Nội dung cuốn sách 5 gồm 7 chương, phác họa bức tranh toàn cảnh quan hệ hợp tác của Việt Nam với 7 quốc gia chủ chốt là Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ giai đoạn 2001-2017, có cập nhật một số thông tin nổi bật của năm 2018, trong đó thứ tự sắp xếp được xác định theo châu lục. Trong mỗi chương sách, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, đầu tư... của Việt Nam với từng nước lớn được trình bày chi tiết và cụ thể hóa bằng nhiều số liệu liên quan, qua đó làm rõ những đánh giá, nhận định và khuyến nghị chính sách về từng lĩnh vực được đề cập. Mặc dù đây là công trình nghiên cứu công phu, được tác giả thực hiện trong nhiều năm nhưng vẫn không tránh khỏi hạn chế, thiếu sót, trong lần xuất bản đầu tiên này. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau. Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc. Tháng 10 năm 2019 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6 LỜI MỞ ĐẦU Quan hệ của Việt Nam với một số nước lớn đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, phức tạp, có nước từng là đồng minh chiến lược, có nước lại là đối thủ với ký ức quá khứ nặng nề. Sau Chiến tranh lạnh, Đảng và Nhà nước ta tích cực đổi mới tư duy đối ngoại, đánh giá thực chất sự chuyển biến trong quan hệ giữa các nước lớn; trên cơ sở đó xác định lại chủ trương quan hệ với những nước lớn chủ chốt, có liên quan trực tiếp đến an ninh chiến lược và sự phát triển của nước ta. Thực tế các nước lớn như Mỹ, Liên Xô (hiện tại là Nga), Nhật Bản, Trung Quốc đều có xu hướng giảm mạnh các cam kết quốc tế, tập trung tháo gỡ những vấn đề trong nước, trước hết là vấn đề phát triển kinh tế. Xuất phát từ đây, Đảng và Nhà nước ta càng coi trọng yếu tố cân bằng quan hệ với các nước lớn trong hoạch định chính sách đối ngoại, xúc tiến quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ; cải thiện quan hệ với Nhật Bản và các nước thuộc Cộng đồng châu Âu (EC), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) hiện nay. Nếu như trước đây, do ý thức hệ chi phối, Việt Nam chỉ tập trung chú trọng quan hệ với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa thì sau này, thừa nhận vị trí, vai trò chi phối của các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị trên thế giới đối với cục diện thế giới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng quan hệ với các đối tác này; nỗ lực xây dựng khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với họ. Chủ trương, chính sách quan hệ với các nước lớn được khẳng định thống nhất và ngày càng phát triển trong các văn kiện đại hội Đảng. Cụ thể, tại Đại hội lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), “Chúng ta chủ trương thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường về mặt Nhà nước, về kinh tế, văn hóa và khoa học, kỹ thuật với 7 tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị - xã hội trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. Những quan hệ như thế đã được thiết lập giữa nước ta với nhiều nước ở Tây Âu, Bắc Âu, Nam Mỹ, và các khu vực khác; riêng với Mỹ, quan hệ chưa cải thiện được là do chính sách thù địch của Washington. Là thành viên của Liên hợp quốc1, chúng ta có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế do Liên hợp quốc bảo trợ”2; Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) xác định “Mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”3; đến Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), “Chúng ta chủ trương hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình... Mở rộng sự hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các nước Bắc Âu, Tây Âu, Nhật Bản và các nước phát triển khác. Thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ”4; Đại hội lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996) nhấn mạnh: “... hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, thông qua thương lượng giải quyết các vấn đề tồn tại và các tranh chấp... coi trọng quan hệ với các nước phát triển và các trung tâm kinh tế - chính trị trên thế giới”5. Bước sang thế kỷ mới, Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) tiếp tục nhấn mạnh tầm 1. Nguyên văn là “Liên hiệp quốc” (BT). 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.225. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.147. 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.41-42. 8 quan trọng của mối quan hệ với các nước lớn nói riêng và các nước phát triển nói chung. Văn kiện Đại hội IX chủ trương “Thúc đẩy quan hệ đa dạng với các nước phát triển và các tổ chức quốc tế”1. Tại Đại hội lần thứ XII của Đảng (tháng 10/2016), Đảng ta đã tiếp nối quan điểm của các kỳ đại hội trước về quan hệ với các nước lớn và xác định: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất”2. Các nước lớn có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Mặc dù các nước này đang chi phối quá trình toàn cầu hóa, nhưng họ cũng có nhu cầu mở rộng quan hệ hợp tác vì chính lợi ích của họ; đồng thời họ cũng có mâu thuẫn về lợi ích với nhau. Từ nhận thức này, Việt Nam cần và có thể tranh thủ phát triển quan hệ với mỗi nước lớn thông qua việc thúc đẩy quan hệ đa dạng, bao gồm cả quan hệ chính phủ và phi chính phủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ,... để thu hút các nguồn lực vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý,... cho sự phát triển đất nước, tạo môi trường hòa bình, ổn định lâu dài. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (năm 2003) xác định thúc đẩy quan hệ với các nước và trung tâm lớn trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tạo thế đan xen lợi ích giữa các nước với nước ta; tránh bị rơi vào thế đối đầu, cô lập hay lệ thuộc. Đây là bước phát triển mới trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta với các nước lớn. Theo đó, đối với Trung Quốc, Đảng ta nhấn mạnh chủ trương tăng cường đoàn kết; ra sức phát huy điểm đồng, thu hẹp bất đồng, tạo nên quan 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.121. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.35. 9 hệ tin cậy và ổn định hơn, mở rộng sự hợp tác ở mọi cấp, mọi lĩnh vực, kể cả quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đối với Mỹ, cần chủ động đối thoại, khuyến khích xu hướng mong muốn duy trì, phát triển quan hệ với Việt Nam; tranh thủ rộng rãi chính giới, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội, hạn chế sự chống phá của giới cực đoan; xác định khuôn khổ quan hệ ổn định với Mỹ. Đối với các nước công nghiệp phát triển khác, nhất là Nhật Bản và Liên minh châu Âu, chúng ta chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, đồng thời chú trọng bảo vệ chủ quyền và lợi ích của nước ta. Bên cạnh đó, chúng ta chủ trương xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Nga và hợp tác toàn diện với Ấn Độ, thúc đẩy sự hợp tác mọi mặt, kể cả an ninh - quốc phòng,... Trong quan hệ với các nước lớn, Đảng và Nhà nước ta coi trọng việc dành ưu tiên cao cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lập lợi ích đan xen với các đối tác. Nhìn chung, thực hiện cân bằng quan hệ với các nước lớn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời kỳ sau Chiến tranh lạnh. Thực tiễn triển khai hoạt động đối ngoại của nước ta với những thành tựu đạt được hơn 30 năm qua ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn của chủ trương chiến lược này. Cuốn sách Quan hệ Việt Nam với một số nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI là sự kế thừa kết quả của các công trình khoa học đã được công bố, đi sâu làm rõ thực trạng quan hệ giữa Việt Nam với một số nước lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật,... từ năm 2001 đến 2017; đồng thời dự báo về triển vọng của các mối quan hệ này đến năm 2030 và đưa ra khuyến nghị. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc. PGS. TS. NGUYỄN THỊ QUẾ 10 Chương 1 QUAN HỆ VIỆT NAM - MỸ NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI I. KHÁI QUÁT QUAN HỆ VIỆT NAM - MỸ TỪ NĂM 1995 ĐẾN TRƯỚC NĂM 2001 1. Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao Mở đầu cho quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước trong giai đoạn mới là chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ W. Christopher từ ngày 05 đến 07/8/1995. Ông đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng W. Christopher đã nhấn mạnh việc ưu tiên giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) của Mỹ, đồng thời đề nghị Việt Nam hợp tác giải quyết một số vấn đề khác như nhân quyền, chống buôn lậu ma túy, tội phạm xuyên quốc gia. Trong dịp này, Việt Nam và Mỹ đã chính thức ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ; đồng thời thỏa thuận bước đầu tiên trong quá trình thúc đẩy quan hệ hai nước là bình thường hóa quan hệ kinh tế - thương mại. Tháng 10/1995, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tới thăm chính thức Mỹ. Trong cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, phía Mỹ tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là giải quyết vấn đề MIA, đồng thời ghi nhận sự hợp tác tích cực, hiệu quả của Việt Nam trong 11 việc giải quyết vấn đề này. Phía Việt Nam nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước và coi đó là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với Mỹ. Nỗ lực thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước được thể hiện qua các chuyến thăm lẫn nhau của các đoàn quan chức. Về phía Mỹ, có các đoàn thăm Việt Nam của Trợ lý Ngoại trưởng Winston Lord (tháng 01/1996); Thứ trưởng Bộ Cựu binh Hershel Gober (tháng 3/1996); Đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ (tháng 7/1996); Ngoại trưởng M. Albright (tháng 6/1997 và tháng 9/1999); Bộ trưởng Quốc phòng W. Cohen (tháng 3/2000). Ngày 29/7/1999, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Mỹ tiến hành cuộc trao đổi chính trị đầu tiên ở cấp Thứ trưởng tại Hà Nội. Mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Mỹ là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Clinton (tháng 11/2000). Tổng thống B. Clinton đã hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao của nước ta, phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, gặp gỡ và phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tham dự và phát biểu tại địa điểm khai quật của lực lượng hỗn hợp tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ, thăm di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 17/11/2000, Tổng thống B. Clinton đã khẳng định: “Chúng tôi mong muốn tăng cường sự hợp tác của chúng tôi với các bạn về mọi phương diện,... chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, điều này sẽ tốt cho cả hai quốc gia”1. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Clinton khẳng định những bước tiến của quan hệ hai nước sau 5 năm bình thường hóa quan hệ, 1. Clinton, W.J.: “Bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 17/11/2000”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 02/12/2000, tr.7-8. 12 đồng thời hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Về phía Việt Nam, có các đoàn thăm Mỹ của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 10/1999), Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan (tháng 7/2000), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (tháng 9/2000). Đặc biệt, các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có những cuộc tiếp xúc tại một số diễn đàn khu vực và quốc tế. Bên cạnh ngoại giao nhà nước, quan hệ Việt Nam - Mỹ còn được thể hiện ở hình thức ngoại giao phi chính phủ, ngoại giao nhân dân giữa hai nước. Từ năm 1995 đến 2000, hơn 200 tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ đã đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Bên cạnh những thành công và sự đồng thuận, quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam - Mỹ vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt, bất đồng. Phía Mỹ cho rằng ở Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, tự do báo chí. Mỹ luôn thúc ép Việt Nam về vấn đề “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “kiểm soát internet”, “tự do tôn giáo”, “người Thượng”, “người theo đạo Tin lành”,... Nhiều biện pháp được phía Mỹ sử dụng để gây sức ép như: đưa nội dung nhân quyền vào các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước; dùng vấn đề dân chủ, nhân quyền làm điều kiện cho việc viện trợ và cải thiện quan hệ trên các lĩnh vực khác với Việt Nam; đề nghị được đến và thăm những cá nhân và khu vực mà Mỹ coi là “điểm nóng”;... 2. Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng Năm 1995, Mỹ cử tùy viên quân sự sang Việt Nam. Tháng 4/1997, Việt Nam cử tùy viên quân sự đầu tiên đến Mỹ. Tháng 10/1996, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Kurt Campbell thăm Việt Nam và hai bên thỏa thuận sẽ tăng cường trao đổi 13 các cuộc viếng thăm nhằm tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tháng 3/1998, Tổng Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương thăm Việt Nam. Tháng 10/1998, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Hanh dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Mỹ. Tháng 01/1999, đoàn cựu chiến binh Mỹ đến thăm Việt Nam và đã cam kết sẽ tác động mạnh mẽ hơn nữa tới Quốc hội, Chính phủ, Tổng thống và nhân dân Mỹ về trách nhiệm phải tham gia giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai nước thời gian đầu sau khi bình thường hóa còn khá dè dặt và chỉ mang tính chất thăm dò, hai nước chủ yếu tập trung hợp tác trong việc tìm kiếm cứu nạn, quân y, an ninh môi trường, vấn đề MIA, rà phá bom mìn. Từ năm 2000, quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai nước có bước phát triển mới. Từ ngày 13 đến 15/3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự “tan băng” của quan hệ quân sự giữa hai nước. 3. Trên lĩnh vực kinh tế Tháng 4/1996, Mỹ khai trương Văn phòng Thương mại tại Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng để Mỹ thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam. Các hiệp định, thỏa thuận trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước đã được ký kết như: Thỏa thuận về xử lý nợ của chính quyền Sài Gòn (ngày 07/4/1997); Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả (ngày 27/6/1997); Hiệp định cho phép cơ quan đầu tư tư nhân Hải ngoại của Mỹ (OPIC) hoạt động ở Việt Nam (ngày 26/3/1998); Hiệp định thương mại song phương (ngày 13/7/2000). Tháng 5/1996, Mỹ đã gửi cho Việt Nam bản dự thảo Hiệp định thương mại song phương. Tháng 7/1996, Việt Nam trao cho Mỹ biên bản nêu rõ năm nguyên tắc bình thường hóa quan hệ kinh tế - thương mại và chương trình đàm phán về Hiệp định thương mại giữa hai nước. Ngày 21/9/1996, hai nước bắt đầu tiến hành 14 đàm phán vòng 1 về Hiệp định thương mại song phương (BTA). Quá trình đi tới ký kết BTA phải kéo dài gần 5 năm với 11 vòng đàm phán khó khăn, căng thẳng. Ngày 13/7/2000, Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Vũ Khoan và Đại diện Thương mại thuộc Phủ Tổng thống Mỹ Charlene Barshefsky ký Hiệp định thương mại song phương tại Washington. Ngày 10/12/2001, BTA được Quốc hội hai nước phê chuẩn và chính thức có hiệu lực. BTA là hiệp ước quốc tế bao gồm toàn diện các vấn đề thương mại như thương mại hàng hóa, dịch vụ, hoạt động đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ. Thời hạn của Hiệp định là ba năm kể từ khi được phê chuẩn và có thể kéo dài 50 năm. Từ khi BTA có hiệu lực, Mỹ chính thức trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR)1. Mỹ cắt giảm mức thuế quan trung bình đối với hàng nhập khẩu Việt Nam từ 40% xuống còn 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa trao cho Việt Nam Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Hằng năm, Tổng thống và Quốc hội Mỹ xem xét, đánh giá để quyết định Việt Nam có tiếp tục được hưởng quan hệ thương mại bình thường với Mỹ hay không. Ngày 17/11/2000, trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng thống B. Clinton nhấn mạnh: “Việt Nam cùng Mỹ đã ký một hiệp định thương mại song phương có tính lịch sử, xây dựng một nền tảng cho Việt Nam cuối cùng gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới”2. Về thương mại: Ngay sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, trao đổi thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng. Ngày 10/3/1998, Tổng thống B. Clinton đã ký quyết định 1. Trước đó Việt Nam vẫn bị xếp vào một nhóm rất nhỏ cùng với các nước mà Mỹ phân biệt đối xử là Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ápganixtan và Xécbia. 2. Clinton, W.J.: “Bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 17/11/2000”, Tlđd, tr.5. 15 bãi miễn việc áp dụng Đạo luật bổ sung Jackson - Vanik (năm 1974) đối với Việt Nam. Điều này đã làm cho trao đổi thương mại Việt Nam - Mỹ tăng nhanh và cán cân thương mại giữa hai nước thay đổi. Mỹ chuyển từ thế xuất siêu sang nhập siêu. Có thể thấy, trong 5 năm khởi động (1995-2000), quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ đạt những bước tiến đáng ghi nhận với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 451,9 triệu USD năm 1995 lên hơn 1,1 tỷ USD năm 20001, nhưng chưa thực sự phát triển. Điều này phản ánh một thực tế là giữa hai nước còn nhiều trở ngại, trong đó trở ngại lớn nhất là hai nước chưa ký được Hiệp định thương mại song phương, nên Mỹ chưa trao cho Việt Nam Quy chế đối xử tối huệ quốc (MFN), mặc dù Việt Nam đã trao MFN cho Mỹ một cách không điều kiện. Về đầu tư của Mỹ tại Việt Nam: Từ khi bình thường hóa quan hệ đến trước khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết, hàng loạt công ty đa quốc gia đã đến Việt Nam đặt nhà máy sản xuất và bán sản phẩm tại Việt Nam như Pepsico, Coca - Cola, P&G,... Lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư của Mỹ là công nghiệp với 82 dự án (tương đương 63,6% các dự án Mỹ đầu tư vào Việt Nam) trị giá 620 triệu USD (tương đương 58,6% tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam). Tiếp đến là ngành dịch vụ với tổng cộng 31 dự án, trị giá gần 300 triệu USD. Cuối cùng là lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp với 16 dự án, trị giá gần 143 triệu USD2. 4. Trên các lĩnh vực khác Về lĩnh vực dầu khí: Các công ty, tập đoàn lớn của Mỹ như Opeco Natural Gas, Conoco, Esso, Mobil Oil, Caltex, Samedan 1. Nguồn: Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (US Internation Trade Commission), http://www.usitc.gov. 2. Ngô Xuân Bình (Chủ biên): Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hoa Kỳ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.194-195. 16 Vietnam,... rất chú trọng hợp tác với Việt Nam, đã ký các hợp đồng khai thác và phân chia sản phẩm dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam). Về lĩnh vực nông nghiệp: Từ ngày 30 tháng 9 đến 03/10/1995, đoàn quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Mỹ do Thứ trưởng Nông nghiệp Risac Romingo dẫn đầu đã đến Việt Nam để bàn bạc việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Hội đồng ngũ cốc Mỹ đã đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam và tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi như giới thiệu tình hình và kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, gia cầm của nông dân Mỹ cho nông dân Việt Nam; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật cho các chuyên gia nông nghiệp Việt Nam. Một số doanh nghiệp Mỹ bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam như Tập đoàn Aghta Dairy LLC, Công ty ST Lauren CF International Farms,... Các sản phẩm nông nghiệp đã được trao đổi giữa hai nước. Một số loại nông sản, thực phẩm tươi và thực phẩm đã qua chế biến của Mỹ được xuất khẩu sang Việt Nam như nho, thịt bò,... Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu một số mặt hàng nông sản từ Việt Nam sang Mỹ như cá da trơn, tôm, hạt điều, gạo, chè, cà phê, thanh long,... Ngoài cá da trơn và tôm là hai mặt hàng được Mỹ nhập khẩu với số lượng lớn, cà phê Việt Nam cũng được ưa chuộng ở Mỹ. Năm 1996, Mỹ nhập khẩu 27,3 nghìn tấn cà phê của Việt Nam. Năm 2000, số lượng cà phê Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam tăng lên 113,5 nghìn tấn, trở thành nước đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu cà phê của Việt Nam1. Về lĩnh vực giao thông - vận tải, hàng không: Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thương mại Mỹ đã phối hợp cử nhiều đoàn chuyên gia tới Việt Nam để nghiên cứu tình hình giao thông 1. Tổng cục Thống kê: Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2004, t. 2, tr.1570. 17 công cộng tại các đô thị và tìm hiểu những dự án trọng điểm từ trung hạn đến dài hạn. Các công ty và hiệp hội của Mỹ như Hiệp hội vận chuyển ứng dụng công cộng Mỹ (APTA); Hiệp hội vận chuyển ứng dụng kỹ thuật cao Mỹ, Cummins, Pasons Transportation,... đã thiết lập quan hệ đối tác với các công ty của Việt Nam. Ngày 17/7/1996, một đoàn đại biểu của Cơ quan hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đến Việt Nam để thảo luận về khả năng mở đường bay giữa hai nước. Nội dung mà hai bên thảo luận bao gồm cả việc bảo đảm an toàn bay và chương trình hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam có thể tiếp nhận các loại máy bay vận tải lớn của Mỹ. Ngày 18/3/1998, Hội nghị song phương Việt Nam - Mỹ về hàng không được tiến hành tại Hà Nội. Theo đánh giá của các chuyên gia thì thị trường hàng không giữa hai nước có rất nhiều triển vọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Clinton (tháng 11/2000), Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã ký với Đại diện Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thỏa thuận với Cơ quan Phát triển Thương mại Mỹ (TDA) về việc tài trợ 475.000 USD để giúp Việt Nam phát triển kỹ thuật thông tin. Hãng Hàng không Boeing ký Biên bản ghi nhớ về việc bán ba máy bay Boeing 777-200 ER trị giá 480 triệu USD cho Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Về lĩnh vực du lịch: Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư, kinh doanh khách sạn, lữ hành tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh, liên kết, không hạn chế phần vốn đóng góp của nước ngoài. Lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam ngày càng tăng. Năm 1995, có 57,5 nghìn lượt khách Mỹ đến Việt Nam, đến năm 2000, số khách Mỹ tăng lên 95,8 nghìn lượt người1. Mỹ trở thành nước thứ hai sau Trung Quốc về số lượng khách du lịch vào Việt Nam. 1. Tổng cục Thống kê: Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ XX, Sđd, tr.1570. 18 Tuy nhiên, nếu so với tổng số 60 triệu lượt người Mỹ đi du lịch nước ngoài hằng năm thì con số trên 250 nghìn lượt khách vào Việt Nam mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ bé (khoảng 0,6%). Một số người Việt Nam cũng bắt đầu đến Mỹ du lịch, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội làm việc và học tập ở Mỹ. Tiềm năng hợp tác du lịch Việt Nam - Mỹ còn rất lớn. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp du lịch hai nước phải có sự phối hợp tích cực, ăn ý, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch cùng với việc nâng cao chất lượng các chuyến du lịch thì sẽ thu hút được số lượng khách ngày càng tăng. Về lĩnh vực bưu chính - viễn thông: Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã hợp tác với Bộ Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) trong các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về viễn thông. Thiết bị đầu cuối viễn thông, internet của Mỹ được sử dụng khá phổ biến ở thị trường Việt Nam với các tên tuổi như Intel, Cisco, Motorola, Compaq,... Lưu lượng viễn thông hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ là lớn nhất trong các hướng với các nhà khai thác lớn như AT & T, MCI, US Print. Một số công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với các công ty của Việt Nam như IBM, Microsoft, Intel, IDG, Cisco, Equant, Unisy,... Việt Nam và Mỹ đều là thành viên của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU). Sau khi BTA được ký kết, thị trường viễn thông Việt Nam mở cửa từng bước cho các doanh nghiệp Mỹ tham gia hợp tác kinh doanh. Các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ có mặt trên thị trường Việt Nam đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ viễn thông, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Ngân hàng, bảo hiểm: Đây là lĩnh vực mà phía Mỹ cũng rất chú trọng hợp tác với Việt Nam. Các công ty, tập đoàn lớn của Mỹ như Citibank, US Exim Bank, AIA,... đã vào hoạt động ở Việt Nam. Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ (US Exim Bank) là gương 19 mặt nổi bật về việc hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực ngân hàng. Ngày 09/12/1999, US Exim Bank và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức ký Hiệp định bảo lãnh khung và Hiệp định khuyến khích dự án đầu tư. Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Trong giai đoạn 1995-2000, Mỹ chủ yếu đầu tư về giáo dục vào Việt Nam bằng cách mở một số trường đại học, hợp tác với một số trường đại học ở Việt Nam để đào tạo cán bộ, mời giảng viên sang Việt Nam đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Anh. Một số trường đại học nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Berkerley, Columbia, Georgetown, Ohio, Indiana, Fullerton, Washington,... đã cử các đoàn sang thăm, tìm hiểu và mở các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi cán bộ giảng dạy với Việt Nam. Sự hợp tác giữa các trường đại học của hai nước tập trung vào một số việc như trao đổi giảng viên ở các bộ môn tương ứng; gửi một số giảng viên trẻ của Việt Nam sang làm thực tập sinh ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ; hợp tác đào tạo sinh viên Việt Nam theo chương trình của các trường đại học Mỹ; chọn và gửi một số sinh viên Việt Nam xuất sắc đi tu nghiệp tại Mỹ để đào tạo thành những chuyên gia giỏi. Có thể khẳng định việc trao đổi, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo khá hiệu quả. Từ năm 1994, Quỹ Ford, chương trình Fulbright đã phối hợp với Viện Phát triển quốc tế của Đại học Harvard mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế tại Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh,... Trường Đại học Harvard Kennedy đã đào tạo thạc sĩ về quản trị công, tổ chức các khóa nghiên cứu chuyên sâu cho cán bộ cao cấp về các vấn đề kinh tế vĩ mô và mở các khóa đào tạo ngắn hạn. Các giáo sư Đại học Harvard và Trường Quản trị công Kennedy đã giới thiệu những nội dung mới với phương pháp giảng dạy hiện đại cho các học viên Việt Nam,... 20 Về khoa học - công nghệ: Mỹ rất có thế mạnh trong lĩnh vực này và muốn xuất khẩu sang các nước khác. Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu lớn trong việc đổi mới công nghệ và phát triển khoa học. Để thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, bà Solomon - Phó Trợ lý Ngoại trưởng đã dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ đến Việt Nam vào tháng 10/1996. Ngày 30/9/1998, Mỹ ký với Việt Nam Hiệp định hỗ trợ nghiên cứu khả thi về công nghệ thông tin. Từ đó, hướng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã mở ra cho hai nước. Trong dịp Tổng thống B. Clinton đến Việt Nam (tháng 11/2000), MeetChina.com - công ty hàng đầu về thương mại điện tử của Mỹ đã ký với Công ty Phát triển đầu tư công nghệ FPT một hợp đồng liên doanh thành lập Công ty MeetVietnam.com - liên doanh Mỹ - Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực thương mại điện tử với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 1 triệu USD. Công ty liên doanh MeetVietnam.com sẽ hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Việt Nam tham gia thị trường điện tử, giúp quảng cáo các sản phẩm của Việt Nam ra thế giới. Những tập đoàn máy tính lớn của Mỹ như IBM, Apple, Compaq, Digital,... hợp tác với một số cơ quan của Việt Nam để hỗ trợ đào tạo, phát triển và tư vấn về công nghệ thông tin. Tháng 11/2000, Mỹ đã ký với Việt Nam Hiệp định về hợp tác khoa học - công nghệ, mở ra tương lai phát triển mới cho hợp tác khoa học - công nghệ giữa hai nước. Tóm lại: Quan hệ Việt Nam - Mỹ giai đoạn trước năm 2001 có vai trò vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Xúc tiến việc bình thường hóa và đẩy mạnh quan hệ với Mỹ đã giúp Việt Nam thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập, phong tỏa, mở ra cơ hội để Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước ASEAN và các quốc gia khác, gia nhập các tổ chức khu vực và quốc tế (ASEAN, APEC, ASEM, WTO). Quan hệ với Mỹ góp phần quyết định giúp Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới, đồng thời phát triển 21 kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ. Mối quan hệ này có vai trò quan trọng đối với sự ổn định chính trị và an ninh - quốc phòng của Việt Nam, nâng cao địa vị, tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần quan trọng đem lại hòa bình, ổn định và cân bằng lực lượng ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. II. THỰC TRẠNG QUAN HỆ VIỆT NAM - MỸ NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI 1. Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao và an ninh - quốc phòng 1.1. Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11/2000 của Tổng thống Mỹ B. Clinton - sự kiện chính trị có ý nghĩa lớn về nhiều mặt, quan hệ Việt Nam - Mỹ có sự khởi sắc rõ rệt. Hai nước đã cử nhiều đoàn quan chức cấp cao của Chính phủ, Quốc hội sang thăm viếng lẫn nhau, các tập đoàn doanh nghiệp lớn tới làm việc và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong số những phái đoàn đó điển hình phải kể đến phái đoàn do Ngoại trưởng Mỹ C. Powell dẫn đầu thăm Việt Nam (tháng 7/2001); phái đoàn của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ (tháng 12/2001); phái đoàn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (tháng 9/2002); phái đoàn của Phó Thủ tướng Vũ Khoan (tháng 12/2003). Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã sang thăm Mỹ. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra “Tuyên bố chung” khẳng định: “... nét đặc trưng của quan hệ Việt Nam - Mỹ là tôn trọng lẫn nhau, gia tăng quan hệ kinh tế và thương mại, cùng chia sẻ mối quan tâm về hòa bình, sự phồn vinh và an ninh ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, gia tăng hợp tác trong hàng loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm..., hai nước có lợi ích chung 22 trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong khuôn khổ một mối quan hệ đối tác ổn định và bền vững”1. Với Tuyên bố chung tháng 6/2005, quan hệ Việt Nam - Mỹ chính thức được nâng lên thành “quan hệ đối tác”. Ngoài ra Mỹ còn cam kết ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời hai bên đã tiến hành đối thoại về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Từ ngày 17 đến 20/11/2006, Tổng thống G.W. Bush thăm chính thức Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC lần thứ 14. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận, hợp đồng kinh tế trị giá gần 2 tỷ USD và ra “Tuyên bố chung” khẳng định: “Quyết tâm bảo đảm cho quan hệ song phương ổn định, xây dựng, có nền tảng rộng lớn và được tiến hành trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền và cùng có lợi”2. Tổng thống G.W. Bush khẳng định “sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với việc Quốc hội Mỹ thông qua sớm nhất có thể Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam”3. Như vậy, cùng với Tuyên bố chung tháng 6/2005, Tuyên bố chung tháng 11/2006 là cơ sở pháp lý quan trọng định hướng cho quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển lâu dài. Ngày 20/12/2006, Tổng thống G.W. Bush đã ký và chính thức ban hành Đạo luật cả gói HR.6111, trong đó có Đạo luật thiết lập Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) S.3495 đối với Việt Nam. Đạo luật PNTR đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước bị Mỹ áp đặt hạn chế giao dịch thương mại 1. “Tuyên bố chung giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Washington ngày 21/6/2005”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 23/6/2005, tr.1-3. 2, 3. “Tuyên bố chung giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Nội ngày 17/11/2006”, Báo Nhân dân, ngày 18/11/2006, tr.1-2. 23 theo Đạo luật bổ sung Jackson-Vanick1, cho phép hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không bị phân biệt đối xử, hàng hóa trao đổi giữa Mỹ và Việt Nam được đối xử bình đẳng theo các quy định và luật lệ của WTO. Sự kiện này đánh dấu quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ về cơ bản được hoàn tất. Quan hệ hai nước chính thức bước sang giai đoạn mới. Tiếp theo là các chuyến thăm cấp cao chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (ngày 25/7/2013). Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai nước đã quyết định xác lập “quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ” nhằm xây dựng một khuôn khổ tổng thể để thúc đẩy quan hệ. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các nguyên tắc trong “quan hệ đối tác toàn diện”, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trong khuôn khổ “quan hệ đối tác toàn diện”, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao, tiếp xúc ở tất cả các cấp và ủng hộ việc tăng cường các cơ chế đối thoại và hợp tác. Tổng thống B. Obama khẳng định Mỹ ủng hộ độc lập, chủ quyền, thịnh vượng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh việc Mỹ tăng cường hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có APEC, ASEAN, ARF, EAS và ADMM+ nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 1. Đạo luật bổ sung Jackson-Vanik áp dụng với Việt Nam từ năm 1974 đến ngày 20/12/2006. 24 Ngày 10/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ, vì là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Mỹ. Chuyến thăm diễn ra sau 40 năm chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ và 2 năm thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển tích cực, ổn định trong thời gian tới, làm sâu sắc thêm “quan hệ đối tác toàn diện” giữa Việt Nam và Mỹ. Trong buổi hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ toàn diện trong mọi lĩnh vực, từ hợp tác chính trị, ngoại giao đến thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, môi trường, sức khỏe cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng, cũng như hợp tác tốt hơn tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hợp tác trong những vấn đề toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu; các vấn đề an ninh y tế toàn cầu và đối phó với nguy cơ dịch bệnh; vấn đề gìn giữ hòa bình toàn cầu, là những khía cạnh khác được hai bên đề cập tại hội đàm. Như lời Tổng thống Obama đã nói, trong tất cả các lĩnh vực này, “Việt Nam đã chứng tỏ là một đối tác rất xây dựng”1. Tiếp theo là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B. Obama vào tháng 5/2016 và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ vào ngày 31/5/2017. Sau đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Donald J. Trump, hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện Việt Nam và Mỹ. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh có nhiều cơ hội đang mở ra trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong đó quan hệ chính trị, 1. Xem http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tong-bi-thu-va-tong-thong-obama ban-ve-bien-dong-249218.html. 25 ngoại giao, kinh tế, thương mại đang ngày càng được tăng cường; hợp tác ngày càng tăng lên trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên đồng ý tiếp tục tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, bao gồm qua cả đối thoại thường kỳ giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ngoại trưởng Mỹ để thảo luận các biện pháp tăng cường “quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy các cơ chế đối thoại hiện có, trong đó có quan hệ kênh Đảng1,... Quan hệ Việt Nam - Mỹ bên cạnh hình thức ngoại giao nhà nước, đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân còn có hoạt động ngoại giao phi chính phủ. Năm 2001, có 250 tổ chức phi chính phủ (NGO) của Mỹ hoạt động ở Việt Nam. Các NGO đã giải ngân khoảng 45 triệu USD trong tổng số 85 triệu USD phải giải ngân năm 2001; 110 triệu USD trong tổng số 216 triệu USD năm 20062. Thời gian đầu, các NGO chủ yếu triển khai hoạt động tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, sau đó mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều tỉnh thành khác. Đến năm 2001, các NGO của Mỹ đã triển khai các chương trình - dự án ở tất cả các tỉnh và thành phố của Việt Nam. Hoạt động của các NGO rất phong phú và đa dạng, nhưng tập trung vào các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cấp cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục, môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội. Nguồn tài trợ của các NGO chủ yếu dành cho các địa phương nghèo, vùng sâu, 1. Xem http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tuyen-bo-chung-ve-tang cuong-doi-tac-toan-dien-viet-my-375937.html. 2. Nguyễn Mại: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hướng về phía trước, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr.232. 26 vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điển hình cho các NGO của Mỹ hoạt động tích cực, hiệu quả tại Việt Nam là Quỹ Ford, World Vision, Orbis, Quỹ Fulbright, Quỹ Clinton,... Chỉ tính từ năm 1994 đến 2002, Quỹ Ford đã tài trợ cho gần 450 chuyên viên Việt Nam đi nước ngoài khảo sát, học ngoại ngữ, học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ và khoảng 1.220 chuyên viên đối ngoại của Việt Nam tham gia vào các khóa học ngắn hạn trong nước về ngoại giao đa phương, an ninh quốc tế, toàn cầu hóa và khu vực hóa1... Quỹ Ford còn tài trợ cho “Sáng kiến tăng cường và đa đạng hóa các ngành khoa học xã hội”. Khoảng 100 cơ quan (gồm các bộ, vụ, viện nghiên cứu) ở Việt Nam đã nhận được tài trợ của Quỹ Ford2. Hoạt động của Quỹ Ford góp phần đào tạo một thế hệ mới các nhà nghiên cứu khoa học xã hội có sự hiểu biết, đồng cảm với cộng đồng địa phương và những nhóm người bị thiệt thòi. Ngoài ra, còn có hoạt động vận động hành lang (lobby) của Việt Nam ở Mỹ, qua đó Việt Nam đã vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ và nhân dân tiến bộ Mỹ, đặc biệt là các nhóm lợi ích có quyền lợi trong quan hệ với Việt Nam để tác động lên chính sách của chính quyền Mỹ. Việc Việt Nam được kết nạp vào WTO và Mỹ trao PNTR cho Việt Nam một phần cũng nhờ vào hiệu quả của hoạt động lobby. Quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam - Mỹ bên cạnh những thành công và sự đồng thuận, vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt, bất đồng. Ngày 19/7/2004, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004” mang số hiệu H.R.1587 (do Hạ nghị sĩ C. Smith đưa ra) với kết quả 323 phiếu thuận, 45 phiếu chống 1. “Quỹ Ford và chặng đường dài hiểu biết lẫn nhau”, Tạp chí Việt - Mỹ, số 09 (tháng 1-2/2006), tr.9. 2. Bộ Ngoại giao, Vụ Các tổ chức quốc tế: Các tổ chức quốc tế và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.243. 27 và 65 Hạ nghị sĩ không bỏ phiếu. Dự luật H.R.1587 cấm tăng mức viện trợ không vì mục đích nhân đạo cho Chính phủ Việt Nam (vượt các mức của năm 2003) nếu Tổng thống Mỹ không chứng nhận rằng Việt Nam đang đạt được những “tiến bộ căn bản” về nhân quyền. Nhiều người Mỹ có hiểu biết và thông tin đúng về Việt Nam đã phê phán Dự luật H.R.1587. Tháng 9/2004, Bộ Ngoại giao Mỹ, đứng đầu là Ngoại trưởng C. Powell đưa Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” (CPC). Ngay sau khi quyết định đó được đưa ra, đại diện 20 tổ chức phi chính phủ, các trường đại học và doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam đã gửi thư tới Ngoại trưởng C. Powell, phản đối việc áp dụng Quy chế “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo” đối với Việt Nam. Ngày 28/02/2005, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới”. Báo cáo tập trung vào một số nước mà Mỹ phê phán là “không thân thiện”, trong đó có Việt Nam. Ngày 30/6/2005, Hạ viện Mỹ đệ trình lên Quốc hội “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2005”. Dự luật này can thiệp trực tiếp vào tình hình nội bộ của Việt Nam. Các phiên họp của Quốc hội Mỹ thường đưa ra dự luật trừng phạt Việt Nam vì lý do vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, những dự luật như thế đều thất bại và không được thông qua để trở thành đạo luật. Với mục đích giải tỏa những bất đồng về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo, Việt Nam đã cùng với Mỹ tiến hành một số cuộc đối thoại công khai, cởi mở. Tuy nhiên, do tính phức tạp của vấn đề và sự khác nhau về quan điểm đối với vấn đề này nên việc tổ chức các cuộc đối thoại bị gián đoạn một thời gian. Tháng 3/2006, Mỹ và Việt Nam chính thức nối lại đối thoại về nhân quyền1. Tháng 8/2006, Đại sứ lưu động về tôn giáo của Mỹ John Hanford đến Việt Nam và đánh giá tình hình tôn giáo 1. Tính đến tháng 4/2007, hai nước có 11 cuộc đối thoại về vấn đề nhân quyền. 28 ở Việt Nam có những cải thiện đáng kể, khẳng định muốn thúc đẩy nhanh việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC để vấn đề tự do tôn giáo không còn là rào cản đối với việc thông qua PNTR cho Việt Nam. Tháng 11/2006, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Đây là sự tiến triển tích cực trong cách nhìn nhận, đánh giá của Mỹ đối với Việt Nam về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Hiện nay, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người. Mỹ hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền cho mọi người dân1. 1.2. Trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng Việt Nam và Mỹ đã tiến hành trao đổi tùy viên quân sự vào năm 1995 và năm 1997. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn, kể cả các đoàn cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ W. Cohen đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2000. Đáp lại, tháng 11/2003, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà đã sang thăm Mỹ. Kể từ đó, hằng năm tàu hải quân Mỹ đều đến thăm hữu nghị cảng Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương. Động thái này cho thấy quan hệ Việt Nam - Mỹ trên lĩnh vực chính trị và an ninh đã được thiết lập đầy đủ. Tiếp đó, 1. Xem http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tuyen-bo-chung-ve-tang cuong-doi-tac-toan-dien-viet-my-375937.html. 29 tháng 6/2006, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ D. Rumsfeld đã sang thăm Việt Nam. Tháng 12/2006, cùng với việc tuyên bố áp dụng PNTR cho Việt Nam, Mỹ cũng dỡ bỏ cấm vận bán một số mặt hàng quân dụng phi sát thương cho Việt Nam. Việt Nam đã và đang hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực chống khủng bố, trong đó Việt Nam yêu cầu Chính phủ Mỹ hợp tác để ngăn chặn và nghiêm trị những tổ chức và cá nhân có hành động khủng bố chống Việt Nam. Từ năm 2010, hai bên tiến hành đối thoại cấp thứ trưởng về chính sách quốc phòng. Năm 2011, hai bên ký Biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình đào tạo tiếng Anh, hợp tác quân y, duy trì đón tàu hải quân Mỹ thăm cảng Việt Nam hằng năm và cho phép Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thực hiện một số chương trình hỗ trợ nhân đạo tại các địa phương. Hai bên cũng hợp tác trong các lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn. Đến tháng 8/2012, ông Leon Panetta trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ thăm vịnh Cam Ranh kể từ khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Bộ trưởng Panetta đã đề xuất thành lập một văn phòng hợp tác quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ để tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác. Ông Panetta nhắc đến những thành tựu đạt được trong mối quan hệ song phương nói chung cũng như trên bình diện quân sự nói riêng. Việt Nam đồng ý mở rộng thêm một số địa điểm tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh. Hai bộ trưởng cũng trao đổi các kỷ vật của các binh sĩ Việt Nam và Mỹ. Trong cuộc hội đàm với ông Panetta, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh tiếp tục nhắc lại yêu cầu của Việt Nam về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với vũ khí sát thương. Cũng trong năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam đã gửi quan sát viên tham dự cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC-2012 giữa Hải quân Mỹ và các nước đồng minh. 30 Quan hệ song phương cũng như hợp tác quốc phòng giữa hai nước tiếp tục có bước phát triển mới trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013. Trong cuộc đối thoại với Tổng thống B. Obama, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Trong năm 2013, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán các vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho thương mại quốc phòng. Ngày 02/10/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ được phép mua các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải trong tương lai. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ quốc phòng Việt Nam - Mỹ, là động thái có tính lịch sử sau gần 40 năm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Quyết định này sẽ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vốn đã được áp đặt từ sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những yêu cầu của Việt Nam về bất cứ loại vũ khí cụ thể nào sẽ được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp. Mục tiêu chính của việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận lần này, với trang thiết bị quốc phòng liên quan tới an ninh hàng hải, là nhằm giúp Việt Nam tuần tra và tự vệ ở Biển Đông trong bối cảnh các thách thức ở khu vực này đang tăng lên. Trong tương lai, việc bán vũ khí có thể gồm cả hệ thống không quân cũng như tàu biển. Năm 2015 ghi nhận bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương khi lần đầu tiên Mỹ hỗ trợ trang thiết bị cho Việt Nam. Trong dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam - Mỹ, Mỹ đã cung cấp 6 tàu tuần tra cho Việt Nam, hỗ trợ toàn diện và dài hạn cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Hiện nay, đã có những chuyên gia Mỹ tới Việt Nam để bảo đảm cam kết của Mỹ trong việc hỗ trợ dài hạn trên cho Việt Nam. Hiện có một số sĩ quan Việt Nam đang học tập tại Mỹ về cách thức sử dụng các tàu này để có thể vận hành chúng một cách hiệu quả 31 khi trở về nước. Ngoài ra, phía Mỹ cũng trao cho Việt Nam các thiết bị và phụ tùng thay thế, hoặc hỗ trợ xây dựng các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng lớn. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đến Việt Nam vào tháng 5/2015, phía Mỹ cam kết viện trợ 18 triệu USD giúp mua tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam. Hai bên đã ký Thỏa thuận về tuyên bố tầm nhìn chung; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng phù hợp với quan hệ chung trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, không làm ảnh hưởng tới quan hệ của mỗi quốc gia với các nước khác, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ngày 21/5/2017, nhân dịp chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Trong tuyên bố này, hai nước nêu rõ: Tăng cường quan hệ quốc phòng song phương trên cơ sở Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng năm 2015. Hiện Mỹ đã quyết định chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, và Việt Nam đang quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng từ Mỹ, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển. Đồng thời, hai bên đang thực hiện các biện pháp mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên, như hợp tác nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh và an ninh biển, và tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước và hợp tác về an ninh và tình báo. Việt Nam và Mỹ cam kết hợp tác về chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm mạng1. 1. Xem http://vietnamembassy-usa-org/vi/tin-tuc/2017/06/tuyen-bo-chung ve-tang-cuong-doi-tac-toan-dien-giua-Viet-nam-hoa-ky. 32 2. Trên lĩnh vực kinh tế 2.1. Cơ sở pháp lý của quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ Trong lĩnh vực kinh tế, hai nước đã ký kết được nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước như Hiệp định BTA có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2001. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI. Cùng với bản hiệp định quan trọng này, từ năm 2001, Việt Nam và Mỹ tiếp tục ký kết nhiều hiệp định quan trọng khác như Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ (có hiệu lực từ ngày 26/3/2001); Hiệp định dệt may (có hiệu lực từ ngày 01/5/2003), Hiệp định hàng không (ngày 14/01/2004); Hiệp định khung Hợp tác về kinh tế và kỹ thuật (có hiệu lực từ ngày 28/7/2005); Bản ghi nhớ Hợp tác về nông nghiệp (ký tháng 6/2005),... Đây chính là tiền đề để đến ngày 31/5/2006 hai nước chính thức ký thỏa thuận kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO1. Ngày 09/12/2006, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật áp dụng Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam, ngày 29/12/2006, Tổng thống G.W. Bush đã ký ban hành luật này. Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ngày 21/6/2007), hai bên đã ký Hiệp định khung Thương mại và đầu tư (TIFA). Với TIFA, hai bên có thể cải thiện môi trường đầu tư nhiều hơn so với thương mại. Nếu đầu tư đạt quy mô đủ lớn có thể sẽ dẫn đến những bước nhảy vọt đáng kể về thương mại giữa hai nước. Từ những văn kiện đã được Việt Nam và Mỹ ký kết, có thể khẳng định quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ đã có cơ sở pháp lý 1. Đây là cơ sở để Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 11/01/2007. 33 vững chắc. Những nội dung của chính sách kinh tế - thương mại giữa hai quốc gia từng bước được hoàn thiện đã thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam - Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước. 2.2. Quan hệ về thương mại Từ năm 2001 đến 2015, quan hệ thương mại giữa hai nước trên thực tế đều có những bước phát triển, chứng tỏ được tính hiệu quả của cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng từ 1,47 tỷ USD năm 2001 lên 42,116 tỷ USD năm 20151. Đáng chú ý là cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ ngày càng thặng dư lớn hơn (Việt Nam xuất siêu). Cụ thể, năm 2001, mức xuất siêu của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Mỹ chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, nhưng một năm sau đó, khi Hiệp định BTA chính thức có hiệu lực, mức xuất siêu đã tăng lên gấp đôi, đạt xấp xỉ 2,5 tỷ USD. Đến năm 2007, khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO và được hưởng Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Mỹ, mức xuất siêu của Việt Nam đã vượt mốc 10 tỷ USD, tăng hơn 10 lần so với năm 2001. Năm 2013, sau khi hai nước thiết lập “quan hệ đối tác toàn diện”, mức xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 26 tỷ USD và năm 2014 là 32 tỷ USD. Một điểm nổi bật là xuyên suốt giai đoạn từ năm 2001 đến nay, Mỹ liên tục là thị trường mà Việt Nam đạt giá trị thặng dư thương mại lớn nhất, tăng từ 654 triệu USD năm 2001 lên hơn 26 tỷ USD năm 2014 (tăng 40 lần) và năm 2015 đạt hơn 36 tỷ USD. Năm 2016 kim ngạch thương mại song phương đạt 53 tỷ USD, 1. Nguồn số liệu của IMF. 34 trong đó Mỹ nhập siêu tới 30,9 tỷ USD... Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam ngày càng cao, tăng 5 lần trong 10 năm qua1. Những thành tích ấn tượng trong cán cân thương mại giữa hai nước chứng tỏ nỗ lực vượt bậc từ phía Việt Nam khi thâm nhập thị trường Mỹ. Có thể khẳng định, tăng cường quan hệ thương mại với Mỹ là điều hoàn toàn có lợi đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế. Có thể rút ra những nhận xét sau về quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI: Thứ nhất, quan hệ thương mại giữa hai nước đã được triển khai dựa trên nền tảng pháp lý tương đối hoàn thiện và đầy đủ, bắt đầu từ khi Hiệp định BTA được ký kết giữa hai nước vào năm 2000, có hiệu lực từ năm 2001. Tại thời điểm năm 2000, Hiệp định BTA là một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhất, phức tạp nhất, có quá trình đàm phán gay cấn nhất mà Việt Nam từng tham gia kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đối diện với cường quốc số 1 thế giới với nền kinh tế thị trường phát triển bậc cao và sở hữu hệ thống pháp luật phức tạp, toàn diện là một Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình thực hiện các cam kết theo BTA đã giúp Việt Nam sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiến tới tiệm cận với luật lệ của WTO; từ đó tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam được WTO kết nạp là thành viên thứ 150 năm 2006, Mỹ cấp Quy chế PNTR cho Việt Nam năm 2007. Những thành tích về mặt quy định pháp lý trên đã mở đường cho hoạt động thương mại giữa hai nước gặt hái được nhiều thành tựu trong thực tế. 1. Xem http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/viet-nam-xuat-khau-100- usd-phia-my-huong-loi-78-usd-375886.html#inner-article. 35 Thứ hai, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Mỹ liên tục tăng qua các năm. Trong quá trình giao dịch, trao đổi, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam (thặng dư đối với Việt Nam). Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Mỹ đạt gần 40 tỷ USD (tăng khoảng 40 lần so với năm 2001), trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Việt Nam trị giá khoảng 6 tỷ USD và nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 36 tỷ USD. Như vậy, Mỹ nhập siêu từ Việt Nam khoảng 30 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có lợi cho Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam bù đắp sự thiếu hụt trong cán cân thương mại luôn nhập siêu lớn từ Trung Quốc và các nước láng giềng. Hơn thế nữa, tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Mỹ tăng qua các năm và tăng đột biến khi Hiệp định BTA có hiệu lực, khi Việt Nam gia nhập WTO và hưởng Quy chế PNTR, chứng tỏ hiệu ứng tích cực của chính sách kinh tế thương mại hai bên dành cho nhau trong thực tiễn. Thứ ba, nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ là hàng dệt may, giày dép, nông thủy sản,... Giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng này tăng cao qua từng năm chứng tỏ chất lượng của sản phẩm tốt, đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ nổi tiếng “khó tính” với hệ thống quy định phức tạp về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Cụ thể là, theo Tổng cục Thống kê, nếu năm 2006, tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam sang Mỹ mới là 7,85 tỷ USD thì đến năm 2014, con số này đã tăng gấp hơn 4 lần, tương đương khoảng 32 tỷ USD. Ngoài ra, việc phát triển sản xuất những mặt hàng này không những đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của Mỹ, mà còn giúp Việt Nam tận dụng được lợi thế nguồn nhân lực có số lượng lớn, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Hơn nữa, cơ cấu xuất khẩu cũng đang có những chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa chủng loại mặt hàng và tăng tỷ trọng hàng 36 chế biến, chế tạo khi nhóm hàng xuất khẩu “máy móc và các linh kiện điện tử” có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong những năm gần đây, chứng tỏ Mỹ đang dần chấp nhận hàng hóa chế tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ còn tồn tại những hạn chế cụ thể như sau: Một là, cơ cấu xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Mỹ phản ánh sự chênh lệch về trình độ phát triển của hai nền kinh tế. Nếu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu thuộc ngành nông nghiệp và công nghiệp nhẹ như thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ, dệt may, da giày, thì nhóm hàng chủ yếu Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam lại thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng trí tuệ cao như linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, phụ tùng,... Một điều hạn chế là Việt Nam chưa tự chủ được nguyên phụ liệu cho các ngành xuất khẩu chủ lực trong nước, mà phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, trong đó có Mỹ (như ngành dệt may, da giày,...). Điều này có nghĩa là Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ. Về lâu dài, nếu không khắc phục được thực tế này, nền sản xuất của Việt Nam không thể phát triển đi vào chiều sâu và bền vững; Việt Nam sẽ vẫn chỉ là địa chỉ gia công của thế giới. Việt Nam xuất siêu và giá trị xuất khẩu chiếm khoảng hơn 20% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, nhưng so với thị trường Mỹ vẫn còn rất nhỏ. Xét theo dân số, Việt Nam đứng thứ 14, chiếm hơn 1% dân số của thế giới, nhưng xuất khẩu của Việt Nam so với tổng nhập khẩu của thế giới mới chỉ chiếm khoảng 0,5%1. Hai là, Việt Nam được hưởng Quy chế tối huệ quốc (MFN) nhưng chưa được hưởng Quy chế thuế quan phổ cập (GSP) của Mỹ dành cho 1. Xem http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/viet-nam-xuat-khau-100- usd-phia-my-huong-loi-78-usd-375886.html#inner-article. 37 các nước đang phát triển (tức là hàng hóa được nhập khẩu miễn thuế vào Mỹ). Hiện có khoảng 3.500 loại sản phẩm từ trên 140 nước và vùng lãnh thổ được hưởng GSP của Mỹ1. Đa số các mặt hàng được hưởng GSP thuộc nhóm nông - hải sản, thực phẩm và đồ uống, nhựa và sản phẩm nhựa, cao su và sản phẩm cao su, đồ gỗ, đồ da, mây tre lá, đồ gia dụng, đồ chơi, dụng cụ thể thao, một số mặt hàng thuộc nhóm quần áo và giày dép (trừ mặt hàng chịu điều tiết của hiệp định dệt may); trong đó có không ít mặt hàng có thuế suất MFN ở mức 10 - 35%. Những nước được hưởng GSP là những nước đang hoặc chậm phát triển và phần lớn có cơ cấu hàng xuất khẩu tương tự như Việt Nam, trong đó, nhiều nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam như Thái Lan, Philíppin, Inđônêxia. Ba là, Mỹ vẫn coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, do đó hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam thường xuyên nằm trong diện bị điều tra chống bán phá giá và trợ cấp tại nước này. Hơn nữa, các tranh chấp thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đều phải giải quyết trên cơ sở song phương và các vụ kiện bán phá giá hàng Việt Nam tại Mỹ đều giải quyết theo luật Mỹ. Do vậy, Việt Nam thường phải chịu nhiều bất lợi trong các vụ tranh chấp thương mại tại thị trường này. 2.3. Quan hệ về đầu tư, viện trợ và tín dụng ưu đãi 2.3.1. Quan hệ về đầu tư * Đầu tư của Việt Nam vào Mỹ Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là hoạt động tương đối mới ở Việt Nam, nhưng là hoạt động phổ biến và có quá trình lịch sử trong quan hệ kinh tế quốc tế. Hoạt động này giúp doanh 1. “Khái quát về Luật Thương mại Mỹ”, http://vietnamese.vietnam. usembassy.gov/doc_ej0697i.html. 38 nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, nâng vị thế của đất nước trên thị trường quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) đã chính thức xác định chủ trương: khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Nhà nước có vai trò “tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài để phát huy lợi thế so sánh của đất nước”1. Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Đại hội lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đánh dấu bước chuyển căn bản trong tư duy của Đảng ta về hội nhập quốc tế khi chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, nhằm mục tiêu “nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta nhấn mạnh rằng cần “phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài”2. Tính lũy kế đến ngày 31/12/2014, Việt Nam đã có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) của các nhà đầu tư Việt Nam là 19,78 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Mỹ là 141 dự án (chiếm khoảng 15% tổng số dự án), với tổng số vốn là 414,2 triệu USD (chiếm khoảng 2,1% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 9/28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án của các doanh nghiệp Việt Nam 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr.321. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.21. 39 đầu tư1. Mặc dù số lượng và quy mô các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Mỹ còn rất khiêm tốn, nhưng việc xuất hiện các nhà đầu tư Việt Nam tại Mỹ cho thấy quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ đã bước sang một giai đoạn mới, chuyển từ xu hướng một chiều sang xu hướng hai chiều. * Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam Giai đoạn 2001-2006, là thời điểm sau khi Hiệp định BTA chính thức có hiệu lực, quan hệ đầu tư Việt Nam - Mỹ được đẩy lên một tầm cao mới. Giai đoạn này chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ dòng vốn FDI ở các lĩnh vực mà Việt Nam có hàng xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày dép, chế biến gỗ. Giai đoạn 2007-2012, Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của WTO, đồng thời Mỹ trao cho Việt Nam Quy chế PNTR và hai nước ký Hiệp định TIFA. Trong giai đoạn này Tập đoàn công nghệ Intel của Mỹ đã đầu tư 1 tỷ USD cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chip đặt tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, đánh dấu bước chuyển biến dòng vốn đầu tư từ Mỹ tập trung cho các lĩnh vực sản xuất ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại. Giai đoạn 2013-2018, các công ty nhượng quyền thương hiệu của Mỹ bắt đầu hiện diện tại Việt Nam như KFC, Subway, Burger King, Coffee Bean & Tea Leaf, Pizza Hut, Pizza Domino, Starbucks và McDonald’s,... Kể từ khi BTA có hiệu lực vào năm 2001, vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam tăng nhanh. Trong giai đoạn 2001-2008, nguồn vốn FDI từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam không chỉ liên tục tăng về số dự án 1. Phương Linh: “Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp Hoa Kỳ: Sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, 2014”, http://www.laodongdongnai.vn/ Kinh-te/Doanh-nghiep/06940E/hoi-nghi-gap-go-doanh-nghiep-hoa-ky-som cong-nhan-viet-nam-co-nen-kinh-te-thi-truong.aspx. 40 và số vốn đầu tư, mà vốn pháp định cũng tăng từ 48,7 triệu USD năm 2001 lên 685,4 triệu USD năm 2008, đưa tổng số vốn pháp định trong cả giai đoạn đạt 1.727 triệu USD. Từ năm 2009, FDI của Mỹ vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Lũy kế đến năm 2015, Mỹ có 748 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng hơn 11,1 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ khoảng 15,35 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung là 14,3 triệu USD của một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam1. Thống kê trên đây chỉ tính các dự án được đầu tư trực tiếp từ Mỹ mà không tính đến các khoản đầu tư thông qua nước thứ ba. Tính đến đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam là 10,2 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cung cấp cơ hội việc làm cho Việt Nam, và phần lớn các doanh nghiệp này đều muốn góp phần thúc đẩy quan hệ song phương2 Việt Nam - Mỹ. Tuy nhiên, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ xếp thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ3 có đầu tư tại Việt Nam. Thứ nhất, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam phân theo ngành Hiện nay, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam giai đoạn 2001-2005, phần lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Từ năm 2006, FDI của Mỹ tập trung chủ yếu vào khu vực dịch vụ, nhất là lĩnh vực du lịch, khách sạn và ẩm thực. Mặc dù số lượng các dự án đầu tư 1. Cục Đầu tư nước ngoài: “Tình hình đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam”, http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/2989/Tinh-hinh-dau-tu-truc-tiep-cua-Hoa Ky-tai-Viet-Nam. 2, 3. Xem http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-tham-my 2-ben-da-ky-ket-hop-dong-gan-15-ti-usd-375892.html#inner-article. 41 vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ẩm thực không lớn trong tổng số các dự án đầu tư nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số vốn FDI đăng ký của Mỹ. Ví dụ, giai đoạn 2006-2008, chỉ có 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ẩm thực, chiếm khoảng 4% tổng số dự án đầu tư thời kỳ này (207 dự án), nhưng lại chiếm đến 82% tổng số vốn FDI đăng ký (xem Bảng 1.1). Bảng 1.1: Đầu tư FDI của Mỹ vào Việt Nam phân theo ngành giai đoạn 2001-2008 Đơn vị: USD Ngành đầu tư Số dự án Tổng vốn đầu tư Tổng vốn điều lệ Năm 2001 Công nghiệp chế biến, chế tạo 15 89.495.000 42.540.000 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 2 4.820.000 1.517.000 Nông, lâm nghiệp, thủy sản 1 500.000 150.000 Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa 1 5.000.000 3.000.000 Thông tin và truyền thông 5 2.670.000 1.495.000 Tổng 24 102.485.000 48.702.000 Năm 2002 Công nghiệp chế biến, chế tạo 26 60.650.440 30.201.243 Dịch vụ lưu trú và ẩm thực 1 95.600.000 28.680.000 42 Ngành đầu tư Số dự án Tổng vốn đầu tư Tổng vốn điều lệ Hành chính và dịch vụ hỗ trợ 1 635.480 200.000 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 2 460.000 155.000 Thông tin và truyền thông 4 33.231.126 11.750.000 Xây dựng 1 1.500.000 500.000 Tổng 35 192.077.046 71.486.243 Năm 2003 Công nghiệp chế biến, chế tạo 16 70.438.000 29.185.200 Giáo dục và đào tạo 1 1.250.000 880.000 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 1 1.000.000 310.000 Thông tin và truyền thông 5 570.000 216.968 Vận tải kho bãi 1 200.000 70.000 Tổng 24 73.458.000 30.662.168 Năm 2004 Công nghiệp chế biến, chế tạo 15 53.909.982 22.620.067 Dịch vụ lưu trú và ẩm thực 1 5.500.000 3.300.000 Hành chính và dịch vụ hỗ trợ 1 4.200.000 4.200.000 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 1 150.000 50.000 Nghệ thuật và giải trí 1 2.000.000 1.000.000 Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa 1 1.000.000 1.000.000 43 Ngành đầu tư Số dự án Tổng vốn đầu tư Tổng vốn điều lệ Tài chính ngân hàng, bảo hiểm 2 15.300.000 15.300.000 Thông tin và truyền thông 4 995.000 450.000 Vận tải kho bãi 1 700.000 700.000 Tổng 27 83.754.982 48.620.067 Năm 2005 Buôn bán, bán lẻ, sửa chữa 1 300.000 300.000 Công nghiệp chế biến, chế tạo 28 212.096.275 9.393.094 Giáo dục và đào tạo 2 350.000 114.000 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 2 450.000 150.000 Nông, lâm nghiệp, thủy sản 1 4.973.190 3.383.190 Tài chính ngân hàng, bảo hiểm 4 62.190.000 2.910.000 Thông tin và truyền thông 17 5.351.700 2.440.222 Tổng 55 286.431.165 148.690.506 Năm 2006 Công nghiệp chế biến, chế tạo 36 82.631.743 37.547.465 Dịch vụ lưu trú và ẩm thực 4 4.436.250.000 390.875.000 Hành chính và dịch vụ hỗ trợ 1 300.000 300.000 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 1 5.000.000 1.600.000 Khai khoáng 1 13.600.000 13.600.000 Nghệ thuật và giải trí 4.800.000 1.440.000 Nông, lâm nghiệp, thủy sản 1 2.541.000 2.358.839 Thông tin và truyền thông 9 1.460.000 899.000 44 Ngành đầu tư Số dự án Tổng vốn đầu tư Tổng vốn điều lệ Vận tải kho bãi 1 160.000.000 48.000.000 Y tế và trợ giúp xã hội 1 120.000 36.000 Tổng 56 4.705.702.743 496.656.304 Năm 2007 Buôn bán, bán lẻ, sửa chữa 2 1.000.000 550.000 Công nghiệp chế biến, chế tạo 36 212.908.750 107.548.250 Dịch vụ lưu trú và ẩm thực 3 32.650.000 9.450.000 Giáo dục và đào tạo 1 1.250.000 880.000 Hành chính và dịch vụ hỗ trợ 1 8.700.000 8.700.000 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 10 6.010.000 3.810.000 Kinh doanh bất động sản 1 112.000.000 36.000.000 Nông, lâm nghiệp, thủy sản 2 2.340.000 3.340.000 Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa 1 500.000 500.000 Thông tin và truyền thông 8 5.345.000 2.305.000 Vận tải kho bãi 1 6.000.000 3.000.000 Xây dựng 2 3.680.000 2.530.000 Y tế và trợ giúp xã hội 2 18.037.500 18.037.500 Tổng 70 410.421.250 196.650.750 Năm 2008 Buôn bán, bán lẻ, sửa chữa 4 7.685.000 2.485.000 Công nghiệp chế biến, chế tạo 37 313.175.600 102.862.833 45 Ngành đầu tư Số dự án Tổng vốn đầu tư Tổng vốn điều lệ Dịch vụ khác 3 11.100.000 11.100.000 Dịch vụ lưu trú và ẩm thực 3 1.299.275.000 466.175.000 Hành chính và dịch vụ hỗ trợ 4 3.540.500 1.270.500 Hoạt động chuyên môn, khoa học nghiên cứu 6 3.500.000 3.265.000 Kinh doanh bất động sản 3 256.141.705 82.000.000 Nông, lâm nghiệp, thủy sản 1 2.800.000 2.800.000 Thông tin và truyền thông 14 2.938.750 1.763.750 Vận tải kho bãi 5 15.162.250 11.161.250 Y tế và trợ giúp xã hội 1 800.000 800.000 Tổng 81 1.916.118.805 685.383.333 Nguồn: Nguyễn Thiết Sơn: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, vấn đề, chính sách và xu hướng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.250-253. Trên thực tế, quy mô của các dự án đầu tư vào lĩnh vực lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng) và ẩm thực thường rất lớn. Điển hình, Tập đoàn Winvest Investment LLC Mỹ quyết định đầu tư dự án xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn 5 sao, vui chơi giải trí với số vốn đăng ký lên đến 4,1 tỷ USD tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án đã được cấp phép ngày 14/4/2006. Good Choice USA cũng đầu tư gần 1,3 tỷ USD để xây dựng khách sạn cao cấp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; dự án đã được cấp phép ngày 02/01/2008. Tính đến tháng 12/2014, Mỹ đầu tư lớn nhất vào ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng) và ẩm thực, với 16 dự án có tổng vốn đầu tư là 4,67 tỷ USD (chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư 46 của Mỹ tại Việt Nam). Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 315 dự án, 2,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 20% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 13 dự án và 2,05 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 18% tổng vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam); còn lại là các lĩnh vực khác chiếm 19,2%1. Nhìn chung, FDI của Mỹ tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi nhiều vốn và tri thức, xu hướng này được dự đoán trên cơ sở các thế mạnh cạnh tranh tương đối trên thị trường Việt Nam. Thứ hai, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam phân theo địa phương và hình thức đầu tư Về địa bàn đầu tư, đến nay các nhà đầu tư Mỹ đã có mặt tại 42/63 địa phương của Việt Nam (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi), nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng. Tính đến tháng 12/2014, đứng đầu trong thu hút FDI từ Mỹ là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 18 dự án và 5,3 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 48% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Đứng thứ hai là thành phố Hải Phòng với 13 dự án và 1,2 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 11,2%). Đứng thứ ba là tỉnh Bình Dương với 97 dự án và 780,6 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7,1%). Xét về số lượng dự án, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được nhiều dự án của Mỹ nhất nhưng đa phần là các dự án quy mô vốn nhỏ (298 dự án với 771 triệu USD tổng vốn đầu tư; chiếm 41,8% tổng số dự án và 6,5% tổng vốn đầu tư 1. Nguyệt Quế: “FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam: 43% giá trị đầu tư vào khách sạn, resort và dịch vụ ăn uống”, http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/fdi-cua hoa-ky-tai-viet-nam-43-gia-tri-dau-tu-vao-khach-san-resort-va-dich-vu-an uong-2014120308392658714.chn. 47 của Mỹ tại Việt Nam). Quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh là 2,3 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với quy mô trung bình dự án FDI của Mỹ trên cả nước1. Tại tỉnh Đồng Nai, Mỹ bắt đầu đầu tư từ năm 1993. Trên địa bàn tỉnh có 24 dự án của các doanh nghiệp Mỹ với tổng vốn đầu tư là 135 triệu USD, xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong 7 tháng đầu năm 2015, lượng xuất khẩu sang thị trường này đạt mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm 2014. Về hình thức đầu tư, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư theo hình thức 100% vốn là chủ yếu, tiếp đến là hình thức liên doanh và cuối cùng là hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh; không có bất kỳ dự án nào theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao). Theo thống kê, đa số các nhà đầu tư Mỹ lựa chọn hình thức 100% vốn nước ngoài với 578 dự án và 8,13 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 81% tổng số dự án và 74% tổng số vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Hình thức liên doanh có 109 dự án với 2,5 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 15% tổng số dự án và 23% tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam). Còn lại là hai hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh2. Có thể rút ra một số nhận xét sau về hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ từ năm 2001 đến 2017: Một là, đầu tư Việt Nam - Mỹ trong giai đoạn này cũng đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Kể từ khi BTA có hiệu lực (năm 2001) và nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2006), đồng thời Mỹ trao Quy chế PNTR cho Việt Nam, Mỹ nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam cả ở khía cạnh đầu tư trực tiếp (FDI) và viện trợ phát triển chính 1, 2. Nguyệt Quế: “FDI của Hoa Kỳ tại Việt Nam: 43% giá trị đầu tư vào khách sạn, resort và dịch vụ ăn uống”, Tlđd. 48 thức (ODA). Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đã mang lại một số lợi ích to lớn: 1) FDI của Mỹ góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; 2) Đây còn là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam ở các ngành như công nghệ thông tin, hóa chất, ô tô, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may...; góp phần hình thành trong cả nước hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tương đối đồng bộ và hiệu quả; 3) FDI của Mỹ cũng có tác động lan tỏa đến sự phát triển của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế. Thông qua sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn FDI của Mỹ với các doanh nghiệp trong nước, công nghệ tiên tiến và năng lực kinh doanh cũng được chuyển giao từ doanh nghiệp có vốn FDI của Mỹ. Mặt khác, các doanh nghiệp có vốn FDI của Mỹ cũng tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay; 4) Thu hút FDI của Mỹ góp phần quan trọng trong việc cung cấp cơ hội việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp có vốn FDI của Mỹ, Việt Nam đã từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, lành nghề, từng bước tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và có tác phong công nghiệp hiện đại, kỷ luật tốt, học hỏi được các phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến; 5) Trong bối cảnh chính trị, an ninh có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam luôn có sự ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh có hiệu quả. “Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với Mỹ. Cộng đồng các doanh nghiệp Mỹ có vai trò quan trọng và đã có những đóng góp thiết thực vào 49 quá trình đổi mới hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam”1. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, về đầu tư, Việt Nam khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và Mỹ có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, tài chính ngân hàng. Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mỹ và thực tế đã có nhiều nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Mỹ”. Hai là, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quan hệ Việt Nam - Mỹ về đầu tư trực tiếp còn có những hạn chế sau: 1) FDI của Mỹ vào Việt Nam thời gian qua tuy có tăng trưởng về số dự án và tổng vốn nhưng vẫn khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai phía. Đến năm 2017, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam chỉ xếp thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ2, điều này phản ánh sự mất cân đối giữa kết quả thương mại và đầu tư song phương. Nguyên nhân của tình trạng trên là do tác động của nhân tố chính trị khi giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn nhiều khác biệt, độ tin cậy lẫn nhau giữa hai chủ thể chưa cao. Bởi lẽ, nếu như trong lĩnh vực thương mại, quan hệ diễn ra có tính “mua đứt bán đoạn” và tạm thời trước mắt, đáp ứng đòi hỏi của thị trường thì trong lĩnh vực đầu tư của Mỹ, yếu tố ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, gắn bó lâu dài trên cơ sở an ninh cho dòng vốn của Mỹ là điều kiện đi kèm với lợi nhuận; 2) Nhìn chung, FDI của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn có sự mất cân đối về ngành nghề, vùng lãnh thổ. Cụ thể, các nhà đầu tư Mỹ chỉ quan tâm tới những lĩnh vực, ngành, dự án có tỷ suất lợi nhuận cao. Đồng thời, khi lựa chọn địa điểm để triển khai dự án đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ thường tập trung vào những nơi có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuận lợi. Chỉ những thành phố 1, 2. Xem http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-tuong-tham-my 2-ben-da-ky-ket-hop-dong-gan-15-ti-usd-375892.html#inner-article. 50 lớn, những địa phương có cảng biển, cảng hàng không, các tỉnh đồng bằng mới thu hút được nhiều dự án đầu tư của Mỹ. Còn những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, những địa phương cần được đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mặc dù chính phủ và chính quyền địa phương có những ưu đãi cao hơn, nhưng vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp FDI của Mỹ. Do đó, những năm qua, tuy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhưng tình trạng phân hóa khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị vẫn chưa được giải quyết; 3) Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam sang Mỹ, tuy bắt đầu có những chuyển biến nhưng không đáng kể, điều này phản ánh quy mô nhỏ bé, tiềm lực kinh tế và khoa học - công nghệ còn hạn chế của phía Việt Nam; 4) Vấn đề chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư, tuy đã có tác dụng nhất định, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Một số nhà đầu tư Mỹ lợi dụng sự yếu kém trong quản lý kinh tế của Việt Nam để đưa vào Việt Nam một số máy móc, thiết bị có công nghệ thấp. 2.4. Về viện trợ phát triển chính thức (ODA) Trên lĩnh vực kinh tế: Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mở, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đặc biệt là lĩnh vực cải cách tư pháp theo cam kết trong BTA và theo những cam kết để Việt Nam gia nhập WTO. Đây cũng là nét đặc trưng của viện trợ ODA của Mỹ khi so sánh với viện trợ phát triển của các quốc gia khác. Mỹ không viện trợ cho việc xây cầu, đường, mà khoản viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là việc tạo ra cho đối tác khả năng tiếp cận thị trường, vì chính thị trường sẽ thúc đẩy công nghiệp phát triển, thúc đẩy xuất khẩu nông sản và hóa chất - những sản phẩm mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh. 51 Ngoài ra, ODA của Mỹ còn tập trung vào hỗ trợ quản lý bền vững môi trường công nghiệp và đô thị. Trong lĩnh vực này, ODA của Mỹ tập trung vào các nội dung như hỗ trợ phát triển khuôn khổ pháp quy bảo vệ môi trường (hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các tiêu chuẩn như chất lượng nước thải, quản lý chất lượng không khí; hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thể chế,...), hỗ trợ quản lý phát triển đô thị (phát triển quan hệ đối tác giữa các thành phố Việt Nam và Mỹ như Hải Phòng - Seattle, Huế - Honolulu,...); hỗ trợ tư nhân hóa dịch vụ thu gom và xử lý rác thải ở Thành phố Hồ Chí Minh;... Trên lĩnh vực giáo dục: Hằng năm, USAID phối hợp với Quỹ học bổng Fulbright và Quỹ Giáo dục Việt Nam tài trợ cho sinh viên Việt Nam theo học cao học tại Mỹ, đặc biệt là trong các ngành khoa học và công nghệ. Chương trình Fulbright tại Việt Nam là chương trình lớn nhất của quỹ này ở châu Á. Số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại các trường cao đẳng và đại học của Mỹ đã tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây. Theo báo cáo của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE), trong niên khóa 2016-2017, sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ là 22.438 người, đứng thứ 6 trong danh sách các nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ1. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) dự kiến thành lập trường Đại học Fulbright phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam với số vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu USD2. Và tháng 5/2016, Đại học Fulbright Việt Nam đã được chính thức thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. 1. Xem http://baomoi.com/du-hoc-sinh-viet-nam-tai-my-tang-lien-tiep-trang 16-nam/c/23942262/epi. 2. Thái Hùng: “Những mốc đáng nhớ trong 20 năm bình thường hóa Việt Nam - Hoa Kỳ”, 2015, http://www.vietnamplus.vn/nhung-moc-dang-nho trong-20-nam-binh-thuong-hoa-viet-namhoa-ky/331471.vnp. 52 Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước có sự tham gia của các NGO của Mỹ. Rất nhiều NGO của Mỹ quan tâm và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Điển hình phải kể đến các NGO như Quỹ Ford, Tổ chức tầm nhìn thế giới (World Vision), Dịch vụ cứu trợ công giáo (CRS), Viện giáo dục quốc tế (IIE), Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN), Quỹ Fulbright,... Hoạt động của các NGO tập trung vào những chương trình dự án như giáo dục cơ bản; giáo dục hòa nhập; đào tạo giáo viên; dạy nghề; dạy tiếng nước ngoài; giáo dục - đào tạo ở nước ngoài;... Quỹ Ford là một trong những NGO hoạt động nổi bật nhất trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Y tế là lĩnh vực nhận được viện trợ nhiều nhất của Mỹ. Tiêu biểu, từ năm 2005, USAID đã tài trợ chương trình phòng và kiểm soát cúm gia cầm và đại dịch cúm ở Việt Nam với tổng mức tài trợ lên đến trên 75 triệu USD1. Ngoài ra, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam là nước châu Á duy nhất nằm trong Kế hoạch khẩn cấp cứu trợ AIDS của Tổng thống Bush để chống lại căn bệnh AIDS năm 2004. Trong năm 2011, tài trợ của USAID trong lĩnh vực này đạt mức 46 triệu USD2. Cuối cùng, USAID cũng có lịch sử hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo số liệu của Đại sứ quán Mỹ, từ năm 2000 đến 2011, “USAID đã cung cấp hơn 9 triệu USD cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, giảm nhẹ và sẵn sàng ứng phó thiên tai tại Việt Nam”. Tháng 12/2013, nhân chuyến thăm Cà Mau, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã công bố Mỹ cam kết viện trợ trị giá 17 triệu USD trong Chương trình rừng và đồng bằng Việt Nam của cơ quan USAID. 1. Xem http:www.usaid.gov. 2. Hoàng Thị Lê Ngọc: “Viện trợ phát triển của Hoa Kỳ với Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hướng tới tầm cao mới, tr.227. 53 Có thể nhận xét về viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Mỹ cho Việt Nam như sau: Một là, ODA của Mỹ dành cho Việt Nam liên tục tăng qua các năm kể từ khi nối lại quan hệ với nước ta. Tổng viện trợ ODA của Mỹ cho Việt Nam giai đoạn 1993-2012 lên đến 1,1 tỷ USD. Hai là, nếu quan sát cấu trúc ODA của Mỹ dành cho Việt Nam có thể thấy phần lớn ODA thuộc các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế (phòng, chống AIDS, cúm gia cầm...), môi trường (khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu) và nhân đạo (hỗ trợ thương binh, người khuyết tật, người nhiễm chất độc màu da cam/dioxin...). Mỹ dành ít sự quan tâm đến các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế. Ba là, dù Mỹ không phải là nguồn cung cấp vốn ODA lớn nhất của Việt Nam, nhưng trong những năm qua, nguồn vốn ODA của Mỹ đã góp phần thúc đẩy quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước, cải thiện đời sống người dân, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng công tác quản lý môi trường đô thị và công nghiệp tại Việt Nam; nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam; là một nguồn vốn phát triển quý báu trong chặng đường đổi mới của nước ta. Bốn là, Mỹ đang tạm ngừng cấp ODA cho Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Mỹ và một số đối tác tài trợ hàng đầu khác như Đan Mạch, Thụy Điển,... ngừng hoặc hạn chế cấp ODA cho Việt Nam hoặc cấp ODA với các điều khoản ít ưu đãi hơn là bởi Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước nghèo kém phát triển, vươn lên nhóm các nước có thu nhập trung bình. Năm là, phía Việt Nam đang tích cực đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực tài chính và có các giải pháp mở lại kênh cho vay viện trợ phát triển chính thức và vay ưu đãi cho 54 Việt Nam, đồng thời tăng cường các chương trình viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam1. 3. Trên các lĩnh vực khác 3.1. Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo Giai đoạn 2001-2017: Du học sinh Việt Nam sang Mỹ học tập và định cư ngày càng tăng và có xu hướng phát triển hơn trong tương lai. Cụ thể là: Năm 2000, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Bill Clinton có sáng kiến thành lập Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) dành 5 triệu USD mỗi năm để cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học cao học trong những ngành khoa học và sau này mở rộng ra các lĩnh vực y tế cộng đồng và khoa học môi trường. Năm 2000, Hạ nghị viện Mỹ đã thông qua Đạo luật thành lập VEF với ngân sách 5 triệu USD/năm nhằm cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, tài trợ cho các giáo sư Mỹ sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ các trường đại học hai nước hợp tác với nhau. Hai nước đã thành lập Nhóm đặc trách hợp tác giáo dục vào năm 2008 với mục tiêu giúp cải thiện hệ thống giáo dục của Việt Nam và tăng số sinh viên Việt Nam sang học tập tại Mỹ. Sự hợp tác, liên kết đào tạo giữa các trường đại học hai nước cũng nở rộ trong những năm gần đây. Cho đến nay đã có 23 trường đại học Việt Nam ký kết hợp tác với các trường đại học của Mỹ. VEF hoạt động đến năm 2016 và tiếp tục được Hạ nghị viện Mỹ xem xét. Mười lăm năm sau khi triển khai, VEF đã tạo được một tổ hợp gồm hơn 100 trường đại học tại Mỹ cam kết đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. Hiện nay đã có hơn 300 trong số các nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp học vị tiến sĩ. Ngoài ra, VEF cũng tài trợ 1. “Đề nghị Mỹ có giải pháp mở lại kênh vốn vay ODA cho Việt Nam”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=29225 &print=true. 55 cho hơn 30 giáo sư Mỹ sang giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam, đặc biệt tại các trường đại học y khoa. Ngoài hỗ trợ học bổng, VEF còn phối hợp với các trường đại học Mỹ tiến hành đánh giá thực trạng giáo dục đại học và sau đại học tại Việt Nam để tìm hiểu những hạn chế, qua đó cùng Chính phủ Việt Nam đề ra giải pháp có thể đáp ứng tối đa nhu cầu giáo dục trong nước. Báo cáo về trao đổi giáo dục quốc tế Open Doors (báo cáo thường niên) của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) đưa ra số liệu và nhận xét về xu hướng tăng của sinh viên Việt Nam sang du học ở Mỹ như sau: Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong top 20 nước có lượng sinh viên du học Mỹ nhiều nhất kể từ năm học 2006- 2007 (năm 2006-2007 có 6.036 người) và lọt vào top 10 từ năm học 2010-2011. Tiếp theo, năm học 2011-2012 Việt Nam có 15.572 sinh viên theo học tại Mỹ, tăng 4,6% so với năm học trước và Việt Nam cũng đứng thứ 8 trong danh sách các quốc gia có số sinh viên học tại Mỹ nhiều nhất, chiếm 2% tổng số sinh viên quốc tế hiện đang du học tại cường quốc này. Trong số 15.572 sinh viên Việt Nam, có 72,2% sinh viên theo học chương trình đại học, 17% học sau đại học, 5,5% học chương trình khác và 5,2% theo chương trình thực tập tùy chọn (OPT). Số sinh viên Mỹ sang Việt Nam từ 95 người (năm học 1998-1999) tăng lên 550 người (năm học 2006-2007), đến năm học 2014-2015, số lượng này đã vươn lên đứng thứ 9, gia tăng một cách đáng kể trong vòng 8 năm. Báo cáo về trao đổi giáo dục quốc tế Open Doors công bố ngày 16/11/2015 cho biết: Những năm qua, chương trình giao lưu văn hóa - giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ không ngừng lớn mạnh. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều chương trình trao đổi giáo dục hay liên kết giữa các trường Việt Nam và Mỹ, kể cả bậc tiểu học. Năm 2013, trường Phổ thông quốc tế Việt Nam (tại Hà Nội) đã đưa những học sinh đầu tiên sang Mỹ trong 56 chương trình giao lưu học sinh với Trường Trung học George Washington. Cụ thể, trong năm học 2014-2015, có 18.722 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ, tăng 12,9% so với năm học trước đó. Đa số du học sinh Việt Nam (66,5%) học bậc đại học; 15,7% học sau đại học; 9,4% học các bậc học khác; 8,4% theo ngành nghề đào tạo tự chọn (OPT). Những bang tập trung nhiều sinh viên nước ngoài nhất nước Mỹ, trong đó có sinh viên Việt Nam là California, New York, Texas. Những trường có nhiều du học sinh là Đại học New York, Đại học Southern California, Đại học Columbia... Một số chương trình trao đổi giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay: (1) Chương trình trao đổi giáo dục với Việt Nam là một trong những chương trình lớn nhất của Chính phủ Mỹ. Tháng 12/2000, Tổng thống Bill Clinton ký Đạo luật về Quỹ Giáo dục Việt Nam. Theo Đạo luật này, hai nước sẽ thực hiện chương trình trao đổi giáo dục trong thời gian từ năm 2001 đến 2016 bằng nguồn kinh phí lấy từ khoản 145 triệu USD mà Việt Nam phải trả cho Mỹ từ khoản nợ cũ của chính quyền Sài Gòn. Kinh phí trung bình khoảng 5 triệu USD/năm1. Năm 2003, Mỹ ký với Việt Nam nguyên tắc hợp tác trong việc thực hiện đề án Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) với ngân sách hằng năm là 5 triệu USD, kéo dài trong 10 năm. VEF trao học bổng tiến sĩ các ngành khoa học cơ bản cho hơn 40 sinh viên Việt Nam mỗi năm và đưa 10 giáo sư Mỹ sang làm việc với các trường đại học Việt Nam. Mục tiêu của VEF là tăng cường quan hệ hai nước thông qua trao đổi giáo dục, khoa học và công nghệ. (2) Chương trình Fulbright mà Mỹ thực hiện ở Việt Nam từ năm 1992 là một trong những chương trình lớn nhất trên thế giới với mục đích gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc. Mỗi 1. Nguyễn Mại: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hướng về phía trước, Sđđ, tr.180. 57 năm, Chương trình Fulbright đưa 25-30 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học lấy bằng thạc sĩ trong hai năm và 10 học giả Việt Nam đến các trường đại học Mỹ nghiên cứu trong một năm. Hằng năm, chương trình cũng đưa 10 sinh viên, 10 học giả, 15 trợ giảng tiếng Anh và 5-10 chuyên gia cao cấp của Mỹ sang Việt Nam đào tạo giáo viên, xây dựng các dự án cải thiện chất lượng giảng dạy và hệ thống quản lý tại các trường đại học Việt Nam. Chi phí hằng năm của chương trình Fulbright là 2,4 triệu USD1. Tính đến năm 2018, Chương trình Fulbright đã được thực hiện rất thành công và được mở rộng gồm năm thành phần: Chương trình trao đổi học giả Mỹ; Chương trình trao đổi học giả Việt Nam; Chương trình trao đổi sinh viên Mỹ; Chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam; Chương trình giảng dạy kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thay mặt cho Ủy ban Fulbright về học bổng nước ngoài, Bộ Ngoại giao Mỹ và Phòng Thông tin - Văn hóa Mỹ tại Hà Nội điều hành toàn bộ năm thành phần của chương trình nhằm bảo đảm sự phát triển xuyên suốt và có tính hệ thống của Chương trình Fulbright Việt Nam. Ngày 17/01/2015, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) kỷ niệm 20 năm hoạt động, sự kiện được tổ chức đồng thời với hoạt động chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Cũng trong ngày này, ông Thomas Vallely, người sáng lập FETP, đã công bố về việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam - FUV). Đặc biệt, từ năm 1992, Chương trình học bổng Fulbright đã tạo điều kiện cho hơn 600 học giả và sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ, nhiều người trong số này đang nắm giữ những chức vụ quan 1. “Ngoại giao nhân dân ở Việt Nam: Các cơ hội giáo dục”, http:// photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/15ann/PASFactsheet_study_in_usa_ Vietnamese.pdf. 58 trọng tại các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội tại Việt Nam. Ngày 10/7/2015 đã trở thành dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, tại Đại học Fulbright, thành phố New York, Việt Nam đã được trao giấy chứng nhận đầu tư dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cơ sở giáo dục này sẽ hoạt động theo các nguyên tắc quản trị thiết yếu của nền giáo dục ưu tú, đó là minh bạch, tự chủ, trọng dụng nhân tài, tôn trọng lẫn nhau và giảng dạy gợi mở. (3) Chương trình khách tham quan quốc tế là chương trình hằng năm, Đại sứ quán Mỹ có thể chọn lựa và đề cử các đối tượng để tham gia các chương trình tham quan nghiên cứu theo chủ đề kéo dài bốn tuần tại Mỹ. Để tham gia chương trình này, các ứng viên phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: tuổi từ 30 đến 45; có ít nhất 5 năm làm việc chuyên môn; có trình độ chuyên môn và học thuật xuất sắc, đồng thời phải được cơ quan chủ quản cho phép tham gia một chương trình trao đổi do Chính phủ Mỹ tài trợ. Các nội dung thông thường của Chương trình khách tham quan quốc tế bao gồm kinh tế, hành chính công, luật, giáo dục, bảo vệ môi trường, y tế công cộng, các vấn đề xã hội, sáng tác văn học, các vấn đề phụ nữ, các vấn đề quốc tế và an ninh quốc gia. Chương trình thường không yêu cầu khả năng tiếng Anh. (4) Chương trình Hubert H. Humphrey là chương trình học bổng nghiên cứu học tập, không cấp bằng, kéo dài một năm trong các lĩnh vực công. Hằng năm, tối đa bảy cán bộ cấp trung của Việt Nam có thể được đề cử cho chương trình này. Những người tham gia chương trình sẽ học tập một năm tại một trường đại học của Mỹ, trong đó có thể bao gồm một kỳ thực tập chuyên môn ngoài trường đại học. Những lĩnh vực được khuyến khích tham gia bao gồm y tế công cộng, môi trường, giáo dục, luật, nhân quyền, chính sách công, chính sách và quản lý công nghệ, quy hoạch đô thị, báo chí, an ninh quốc gia, phòng, chống, chữa trị và giáo dục 59 về ma túy. Để được xem xét cấp học bổng, ứng viên tham gia chương trình phải đạt được tối thiểu 525 điểm thi TOEFL. Các ứng viên cũng phải cam kết phục vụ vì lợi ích công. (5) Chương trình diễn giả Mỹ (PAS) là chương trình mời và chi trả cho các chuyên gia và học giả Mỹ đến thuyết trình tại các cơ quan có nhu cầu của Việt Nam. Chương trình bao quát nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, văn học, văn hóa, chính trị, kinh tế, chính sách đối ngoại, chiến lược an ninh quốc tế và khu vực của Mỹ. PAS cũng xem xét khả năng chi trả các chi phí tổ chức chương trình như thuê phiên dịch và dịch các tài liệu hỗ trợ. Các cơ quan có nhu cầu của Việt Nam có thể liên lạc với Phòng Thông tin - Văn hóa để trao đổi khả năng thực hiện chương trình. Ngoài ra, các công ty Mỹ cũng tham gia đào tạo cán bộ quản lý kinh tế Việt Nam để phục vụ trước hết cho công việc của họ, đồng thời giúp Việt Nam có được đội ngũ cán bộ quản lý giỏi. Ví dụ như: Công ty Citicorp từ năm 1995 đã đào tạo trên 1.000 cán bộ, nhân viên Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE) là tổ chức trao đổi giáo dục đại học lớn nhất và kinh nghiệm nhất của Mỹ. IIE hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực giao lưu giáo dục quốc tế. IIE mở văn phòng đại diện tại Hà Nội từ đầu năm 1997 để thúc đẩy các chương trình giao lưu giáo dục Mỹ - Việt Nam. IIE hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam, góp phần xây dựng nền giáo dục sau đại học của Việt Nam ngày càng trở nên hoàn thiện hơn. Hằng năm, IIE tổ chức các cuộc triển lãm giáo dục tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích trao đổi thông tin giáo dục giữa các trường đại học của Mỹ và Việt Nam. IIE tư vấn thông tin du học miễn phí cho mọi đối tượng đang tìm kiếm cơ hội du học tại Mỹ. IIE tổ chức các kỳ thi TOEFL, SAT, GMAT, GRE. IIE,... quản lý các chương trình học bổng như Chương trình học bổng Fulbright 60 dành cho sinh viên Việt Nam, học bổng East West Center cho đối tượng là cán bộ đi làm, học bổng USIA cho các nhà chuyên môn phục vụ cộng đồng,... 3.2. Trên lĩnh vực văn hóa Việt Nam và Mỹ cũng đã tăng cường trao đổi các đoàn nghệ thuật sang biểu diễn, giao lưu tại hai nước, bao gồm hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực điện ảnh, múa, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, trao đổi các đoàn cấp cao, giao lưu nhân dân, giao lưu nghệ thuật, hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm địa điểm xây dựng Trung tâm Văn hóa tại Mỹ. Tài trợ các dự án về bảo tồn di sản văn hóa: Năm 2014, Quỹ bảo tồn văn hóa của Đại sứ quán Mỹ (AFCP) cho biết, các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam có thể nộp đề xuất xin hỗ trợ với ngân sách từ 10.000 USD trở lên, với mục đích bảo tồn các di sản văn hóa tại Việt Nam. Theo đó, các tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Việt Nam, như các tổ chức phi chính phủ, bảo tàng, cơ quan văn hóa của chính phủ, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa có khả năng chứng thực về khả năng và kinh nghiệm quản lý và thực hiện dự án bảo tồn di sản văn hóa đều có thể được hỗ trợ. Các hoạt động nằm trong chương trình được hỗ trợ như các địa điểm văn hóa; những hiện vật hoặc bộ sưu tập mang tính văn hóa; các loại hình thể hiện văn hóa truyền thống. Dự án dịch các tác phẩm văn học của Mỹ sang tiếng Việt và ngược lại: Người đầu tiên “đi trên chiếc cầu ấy” sang Mỹ là nhà văn Lê Lựu với tác phẩm Thời xa vắng. Tác phẩm đầu tiên tự nó “hữu xạ tự nhiên hương” với độc giả Mỹ là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Những người tự ý thức trách nhiệm bắc nhịp cầu giao lưu văn hóa đều nhận thấy phải nhanh chóng đưa được nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện ngắn và thơ, hai thể loại mà nhà văn Việt Nam có thế mạnh sang Mỹ. Hai nhóm tác giả của hai nước 61 đã tự phát hình thành, hợp tác ăn ý và hiệu quả. Phía Việt Nam có Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thanh Hảo, Nguyễn Nguyệt Cầm, phía Mỹ có nhà văn Wayne Karlin, nhà thơ Kevin Bowen, dịch giả Rosemary Nguyen và dịch giả Peter Zinoman. Còn nhiều, nhiều người nữa không ở khâu tổ chức nhưng đã đảm nhận một việc không kém khó khăn là chuyển ngữ một cách cẩn thận nhất có thể, bởi độc giả của họ là người Mỹ. Dự án lớn đầu tiên được đề xuất từ Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Wayne Karlin và Trương Vũ, là tập hợp 40 truyện ngắn của 40 tác giả gồm những người từng kinh qua chiến tranh ở cả ba phía: Mỹ, Việt Nam trong nước và Việt Nam ở hải ngoại. The Other Side of Heaven dày gần 500 trang in khổ lớn, thực sự là đầu sách giá trị của Nhà xuất bản Curbstone ra mắt năm 1995 và được dư luận Mỹ đánh giá rất cao. Trong tuyển tập, các nhà văn trong nước được giới thiệu gồm: Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Dạ Ngân, Hồ Anh Thái, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Ngô Tự Lập, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Bảo, Xuân Thiều. Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Việt Nam có lượng tài liệu tham khảo phong phú, bao gồm sách, sách điện tử, tạp chí, DVD, iPad và cơ sở dữ liệu điện tử cũng như những nguồn thông tin khác từ Chính phủ Mỹ. Trong số đó, nhiều tài liệu đã được dịch sang tiếng Việt. Hằng tháng, Trung tâm tổ chức những chương trình hấp dẫn và thú vị như câu lạc bộ tiếng Anh, nói chuyện chuyên đề, câu lạc bộ tranh luận, câu lạc bộ đọc sách, các buổi liên hoan,... nhằm nâng cao hiểu biết về nước Mỹ và cải thiện kỹ năng tiếng Anh cho cộng đồng người Việt Nam. Phát thanh, truyền hình, phim ảnh: Năm 2015 kỷ niệm 20 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ (12/7/1995 - 12/7/2015), Hội hữu nghị Việt - Mỹ, Tạp chí Việt - Mỹ thuộc 62 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã phối hợp tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh “Quan hệ Việt Nam - Mỹ và nước Mỹ qua ống kính các nhà nhiếp ảnh Việt Nam”. Qua đó, người Việt Nam có thể tìm hiểu nhiều hơn về nước Mỹ, mối quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng trở nên khăng khít hơn. Từ ngày 04 đến 18/7/2015, “Tuần phim Việt Nam” diễn ra tại ba thành phố lớn là Honolulu (Hawaii), Washington và New York của nước Mỹ. Sáu bộ phim được lựa chọn trình chiếu trong dịp này là Trúng số, Khát vọng Thăng Long, Những đứa con của làng, Hiệp sĩ mù, Scandal: Bí mật thảm đỏ và Scandal: Hào quang trở lại. Đây là sự kiện được phối hợp tổ chức giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh Việt Nam, Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và nhiều đơn vị điện ảnh trong nước. 3.3. Trên lĩnh vực y tế Hiệp định hợp tác y tế và khoa học y học được ký kết tháng 7/2006 tại Washington đã tạo cơ sở vững chắc để Mỹ và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác. Hiệp định với 9 điều, bao gồm từ phạm vi hợp tác, phương thức hợp tác, tới việc cùng xây dựng quy trình để đối phó nhanh với nguy cơ bùng phát dịch, những ưu tiên trong công tác đào tạo cán bộ và nghiên cứu phát triển vắcxin. Hiệp định cũng ràng buộc các hoạt động như xây dựng mối quan hệ trực tiếp; sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện, công ty tư nhân. Tháng 7/2010, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường ký Khung hợp tác đối tác giữa Chính phủ Mỹ và Việt Nam trong phòng, chống HIV/ AIDS. Văn kiện này thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa 63 hai nước trong lĩnh vực hợp tác vốn đã rất hiệu quả. Năm 2013, Bộ Y tế Việt Nam đón Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi con người Mỹ Kathleen Sebelius thăm Việt Nam và ký kết hiệp định mới về hợp tác y tế và khoa học y học giữa Việt Nam và Mỹ, mở ra một thời cơ mới để phát triển quan hệ hợp tác y tế toàn diện giữa hai nước. Năm 2014, Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã tham gia cuộc họp Chương trình an ninh y tế toàn cầu vào ngày 13 tháng 02 tại Mỹ. Việt Nam và Uganđa là hai quốc gia được chọn thí điểm triển khai Chương trình an ninh y tế toàn cầu. Chương trình an ninh y tế toàn cầu do Mỹ đề xuất nhằm tiến tới một thế giới an toàn hơn với các nguy cơ do bệnh truyền nhiễm gây ra; ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động của bệnh dịch nguy hiểm; phát hiện sớm dịch bệnh; minh bạch thông tin và chia sẻ với cộng đồng quốc tế nhằm đáp ứng có hiệu quả với các dịch bệnh trên người và động vật. Theo đó, việc tham gia Chương trình an ninh y tế toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tăng cường hơn nữa năng lực giám sát, phát hiện sớm và xử lý các dịch bệnh nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với kinh tế và sức khỏe người dân, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của nước ta với cộng đồng thế giới. Trong hai năm 2013-2014, thông qua Chương trình an ninh y tế toàn cầu, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (USCDC) đã hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam nâng cao năng lực xét nghiệm các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, hai viện đã có đầy đủ năng lực xét nghiệm phát hiện virút gây bệnh mới xuất hiện, nguy hiểm và được cả thế giới quan tâm theo dõi như cúm A (H7N9) và bệnh viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông (MERS-CoV). USCDC cũng đã hỗ trợ xây dựng và từng bước hoàn thiện Văn phòng đáp ứng phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) đặt tại Cục Y tế dự phòng. Trước mắt, 64 EOC Việt Nam tập trung vào công tác đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Về lâu dài, đây sẽ là đơn vị đầu mối chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế cùng xử lý các vấn đề y tế công cộng khác, ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại Việt Nam, như vấn đề bão lụt, thiên tai, thảm họa do con người gây ra. Nhân dịp 20 năm quan hệ hợp tác y tế Việt Nam - Mỹ, tại Đại sứ quán Mỹ, ngày 28/10/2015, Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã tổ chức lễ kỷ niệm, đề cao những thành tựu y tế mà hai bên đã đạt được nhờ mối quan hệ hợp tác y tế, đồng thời khẳng định y tế sẽ tiếp tục là lĩnh vực hợp tác quan trọng và là cầu nối giữa hai nước trong thời gian tới. Trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh (vấn đề chất độc da cam/dioxin, bom mìn và vật nổ còn sót lại), từ ngày 03 đến 06/3/2000, Việt Nam và Mỹ đã tổ chức “Hội thảo khoa học về sức khỏe con người và tác động môi trường của chất độc da cam/dioxin” tại Hà Nội. Cuối năm 2000, các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam đã gặp nhau tại Xingapo để xây dựng kế hoạch thực hiện nghiên cứu tác động lên môi trường và con người của chất độc da cam/dioxin và các chất diệt cỏ được phun trong thời kỳ chiến tranh. Đoàn cán bộ Mỹ gồm các nhà khoa học từ Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC). Cả hai bên đã đồng ý về sự cần thiết phải xác định các khu vực bị nhiễm cao được gọi là “điểm nóng”, và xây dựng, chia sẻ các biện pháp chữa trị. Với sự tham gia của hàng trăm cán bộ nghiên cứu Việt Nam và Mỹ, “Hội thảo về sức khỏe con người và tác động môi trường của chất độc da cam/dioxin” năm 2002 đã đưa đến việc ký kết Biên bản ghi nhớ xác định các ưu tiên hàng đầu. Ngày 16/12/2009, Chính phủ Mỹ và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ đặt nền móng 65 cho việc thực hiện các chương trình về môi trường và biện pháp cứu chữa, đặc biệt là những gì liên quan đến chất độc da cam/ dioxin và tác hại của nó. Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 3 triệu USD/năm cho các năm tài chính 2007, 2008, 2009 và năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Việt Nam - Mỹ đã lập nên bản kế hoạch 10 năm (2010-2019) để tiếp tục góp phần giải quyết vấn đề hậu quả chất độc da cam/ dioxin, với dự kiến kinh phí là 300 triệu USD (trung bình 1 năm là 30 triệu USD). Kế hoạch gồm ba giai đoạn với hai mục tiêu chính là làm sạch đất bị nhiễm dioxin, khắc phục hệ sinh thái đã bị tàn phá và mở rộng các dịch vụ cung cấp cho người khuyết tật có liên quan đến chất độc da cam/dioxin, những người bị các khuyết tật và cho gia đình họ. Những sự kiện này thể hiện động thái tích cực của phía Mỹ trong việc nhìn nhận, đánh giá và tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Trong năm 2011, Chính phủ Mỹ tài trợ 34 triệu USD để tẩy độc sân bay Đà Nẵng - nơi được dùng làm trung tâm phân phối chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam. Năm 2012, Mỹ viện trợ cho Việt Nam 44 triệu USD để tiếp tục xử lý điểm nóng chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng. Trong năm 2013, mặc dù kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn nhưng phía Mỹ cam kết cố gắng bảo đảm ngân sách dành cho chương trình xử lý chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam không giảm so với năm 2012,... Tuy nhiên, những khoản tài trợ trên còn quá nhỏ bé so với hậu quả hết sức to lớn mà quân đội đế quốc Mỹ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, những hỗ trợ trên mới chỉ tập trung vào việc giải quyết vấn đề môi trường, còn việc đền bù, chăm sóc sức khỏe, cuộc sống cho nạn nhân da cam vẫn còn rất hạn chế. Ngày 20/7/2006, Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác về khoa học y tế và sức khỏe để giải quyết vấn đề về sức khỏe, bao gồm cúm và các bệnh truyền nhiễm mới 66 hoặc tái xuất hiện, cũng như các thách thức trong cải tổ ngành y tế. Thỏa thuận này đã khuyến khích và tạo điều kiện phát triển quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các cơ quan chính phủ, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện và các doanh nghiệp tư nhân của hai nước. Trong suốt mùa hè năm 2000, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của CDC đã thực hiện một đánh giá về việc kiểm soát cúm tại Việt Nam. Ông đã xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa CDC và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Việt Nam để nâng cao năng lực kiểm soát sự bùng phát cúm theo mùa của Việt Nam. Việc cung cấp thiết bị và đào tạo đã giúp xác định và kiềm chế dịch SARS sau đó. Đầu năm 2004, những ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 đầu tiên được xác nhận tại Việt Nam đã khởi đầu một chiến dịch thiêu hủy hàng loạt gia cầm nhằm ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch này. Sau đó năm ngày, WHO đã khẳng định ba người tử vong do suy hô hấp là dương tính với H5N1. Vào tháng 9/2005, Chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ 2,5 triệu USD trong vòng 5 năm để tăng cường kiểm soát cúm tại Việt Nam. Đến năm 2010, tổng số tiền cam kết hỗ trợ để đối phó với cúm gia cầm tại Việt Nam là 50 triệu USD. Ngày 21/4/2010, Chương trình cúm của CDC tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đồng ý xây dựng các hoạt động hợp tác nhằm tăng cường công tác phòng ngừa và nâng cao hiểu biết khoa học về cúm, đặc biệt là những bệnh lây truyền giữa người và động vật. Những nỗ lực này thể hiện qua các hoạt động của CDC và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong việc kiểm soát cúm quốc gia và các nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe. Những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống HIV/AIDS giữa Việt Nam và Mỹ: Năm 2002, Harvard Medical School AIDS Initiative in Vietnam được thành lập dưới tên gọi Vietnam - CDC - 67 Harvard Medical School Aids Partuership (VCHAP) để hỗ trợ và đào tạo về chăm sóc HIV/AIDS cho các nhân viên y tế Việt Nam. Chương trình AIDS toàn cầu của CDC đã dành 2 triệu USD mỗi năm trong suốt 5 năm để hỗ trợ việc dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trên diện rộng, bao gồm cả giáo dục đồng đẳng, tư vấn và xét nghiệm tự nguyện, chẩn đoán cũng như điều trị lao và các đào tạo liên quan khác. Như vậy, Việt Nam và Mỹ đã và đang xây dựng quan hệ đối tác ngày càng phát triển trong khuôn khổ Chương trình an ninh y tế toàn cầu để phát hiện, ngăn chặn và đối phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh. Cùng nhau giải quyết các vấn đề y tế toàn cầu không chỉ mang lại lợi ích cho hai quốc gia, mà còn cho cả khu vực và toàn thế giới. 3.4. Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ Hợp tác về khoa học - công nghệ giữa hai nước đã bắt đầu từ năm 2000 với việc ký kết Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Mỹ, là một trong những văn bản sớm nhất thiết lập sự hợp tác chung giữa hai quốc gia. Cho đến nay, hợp tác khoa học - công nghệ Việt Nam - Mỹ đã phát triển trong hầu hết các lĩnh vực, liên quan đến rất nhiều đầu mối của các bộ, ngành, các tổ chức khoa học - công nghệ của hai nước. Tháng 12/2003, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Mỹ (IDG) Biên bản ghi nhớ về phát triển đầu tư vốn mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Tháng 3/2004, IDG thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đến năm 2010 là 100 triệu USD. Quỹ này sẽ đầu tư cho các doanh nghiệp có những sáng tạo nhằm thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ. Tháng 6/2005, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Mỹ B. Albert ký với Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam 68 Đặng Vũ Minh bản Tuyên bố về hợp tác khoa học và công nghệ. Theo tinh thần của bản tuyên bố, hai bên sẽ đẩy mạnh việc trao đổi, giao lưu giữa các nhà khoa học nhằm phối hợp thực hiện các đề án nghiên cứu. Nhằm tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Mỹ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, từ ngày 31 tháng 8 đến 03/9/2005, đoàn của Bộ Khoa học và Công nghệ nước ta do Thứ trưởng Bùi Mạnh Hải dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại Mỹ. Nội dung các cuộc làm việc của đoàn tại Mỹ tập trung tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Mỹ để có những điều chỉnh thích hợp trong thời gian 5 năm tới. Hai bên đã cơ bản nhất trí với kế hoạch sẽ tổ chức cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Mỹ và “Tuần lễ khoa học Mỹ” tại Hà Nội, diễn ra từ ngày 15 đến 18/11/2005. Năm 2011, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) đã ký thỏa thuận hợp tác với Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), bao gồm các nội dung: trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất; xác định vị trí cho hệ thống trắc địa không gian và hệ thống vệ tinh thám hiểm toàn cầu; nghiên cứu các ứng dụng của khoa học Trái đất vì lợi ích con người; vấn đề phát triển nhân lực trong viễn thám và ứng dụng ở Việt Nam. Tháng 12/2012, ông Charles Bolden - Giám đốc NASA đã dẫn đầu đoàn NASA đến làm việc với VAST, trao đổi hướng nghiên cứu cùng các cán bộ Trung tâm Vệ tinh quốc gia, Viện Vật lý địa cầu thuộc VAST. Ông C. Bolden đã giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm phát triển khoa học và công nghệ viễn thông trong hơn 50 năm qua của Mỹ. Gần bốn năm trở lại đây, các nhóm nghiên cứu của VAST vẫn tiếp tục cùng NASA triển khai thực hiện hai dự án nghiên cứu về tương tác mây và khí hậu cũng như ô nhiễm khí quyển khu vực Đông Nam Á. Quan hệ hợp tác giữa VAST và NASA đang tiến triển theo hướng thuận lợi, tiếp 69 tục cụ thể hóa các nội dung đã ký trong thỏa thuận khung năm 2011, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thông vào hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu đang diễn ra khắc nghiệt ở nước ta,... Tháng 9/2013, tại Mỹ đã diễn ra Khóa họp lần thứ 8 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Mỹ (JCM 8) với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý về khoa học, giáo dục, các trường đại học, tổ chức nghiên cứu của hai nước. Về phía Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chính triển khai Hiệp định, với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp... Năm 2014, tại Hà Nội, lãnh đạo VAST đã ký Tuyên bố hợp tác khoa học - công nghệ với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) giai đoạn 2014-2018. Ngày 19/3/2015, tại trụ sở VAST đã diễn ra Lễ ký kết Tuyên bố hợp tác về khoa học và công nghệ giữa VAST và USAID. Bản Tuyên bố chung về hợp tác đề cập tầm quan trọng của hợp tác khoa học và công nghệ cũng như mong muốn tiếp tục hợp tác của hai chính phủ. VAST và USAID đã thống nhất thiết lập khuôn khổ hợp tác trong phạm vi, chiến lược của mỗi bên. Các bên tham gia dự định gặp gỡ định kỳ nhằm xác định cơ hội hợp tác, tăng cường quan hệ song phương, ứng phó với biến đổi khí hậu, các thách thức toàn cầu khác trong khoa học và công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng tiên tiến. Các bên dự định cụ thể hóa các cơ hội mà hai bên cùng thống nhất thông qua biên bản ghi nhớ. Tuyên bố hợp tác nhằm mục đích ghi lại sự hiểu biết của hai bên về hoạt động hợp tác cụ thể, những hoạt 70 động này sẽ được thảo luận ở lần gặp gỡ tiếp theo. Hiện nay, hai nước đã có 65 dự án hợp tác trên 8 lĩnh vực: công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; tiêu chuẩn hóa và đo lường; khoa học biển; khí tượng thủy văn và môi trường; nông nghiệp; y tế; vật lý tia vũ trụ. Hơn 1/3 trong tổng số 65 dự án thuộc lĩnh vực liên kết đào tạo. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một thực tế là hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này vẫn chưa được như mong đợi và chưa đáp ứng nhu cầu hợp tác của hai bên. 1) Một số chủ đề chính là hợp tác về nghiên cứu công nghệ sinh học: Bảo tồn giống cây, con và vi sinh, các vấn đề về biến đổi khí hậu và nông nghiệp, phát triển nông lâm nghiệp, dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông - nghiệp giữa Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam và Đại học Missouri của Mỹ. Viện Di truyền nông nghiệp đã cử cán bộ nghiên cứu sang Đại học Missouri và Đại học Missouri cũng đã cử nhiều cán bộ nghiên cứu sang làm việc tại Viện Di truyền nông nghiệp. Hai bên đã thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu chung, trước mắt tập trung vào nghiên cứu cây đậu tương chịu hạn và sâu bệnh. Đại học Missouri cũng đã chuyển những thiết kế gien cho Viện Di truyền nông nghiệp. Viện Di truyền nông nghiệp cũng tổ chức hợp tác trong lĩnh vực giống cây trồng với Đại học California Riverside (UC Riverside) và Đại học Florida của Mỹ. 2) Hợp tác trong trao đổi chuyên gia, đào tạo về công nghệ, khoa học cơ bản, toán... Các chủ đề chính trong nhóm này gồm tính toán hiệu năng cao; hỗ trợ nghiên cứu cơ bản, các nghiên cứu chung về công nghệ; đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo. Ngoài các lĩnh vực trong công nghệ thông tin đã có từ trước, một số vấn đề mới đã xuất hiện như công nghệ 4G, nghiên cứu về Dữ liệu lớn (Big Data)... Việc hợp tác với Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (NSF) trong lĩnh vực này có thể được thực hiện thông qua một số chương trình của Viện Khoa học đa ngành (Science Across Virtual 71 Institutes - SAVI) và Chương trình toàn cầu các cơ hội nghiên cứu sau đại học (Graduate Research Opport); 3) Khoa học và công nghệ môi trường: Chủ đề chính trong lĩnh vực này là hợp tác về theo dõi và đánh giá hệ sinh thái (rừng, bờ biển, môi trường biển) thông qua các hoạt động như hội thảo, chương trình đào tạo, trao đổi thông tin. Các hướng hợp tác có thể gắn kết với những mạng lưới đa dạng sinh học quốc tế về bảo tồn động, thực vật và tế bào mầm. Việc tăng cường hợp tác trong trao đổi thông tin về đa dạng sinh học gien (cơ sở dữ liệu, tin sinh học) là một hướng được quan tâm. Các hoạt động bảo tồn và nhân giống các giống, loài quý và có nguy cơ bị tuyệt chủng (động vật có vú, các loài chim và lưỡng cư) cũng được các nhà khoa học chú trọng. Các hình thức hợp tác có thể thông qua các dự án bảo tồn, gắn với phát triển cộng đồng, hoặc trao đổi sinh viên, nghiên cứu viên... Các đối tác tham gia trong lĩnh vực này liên quan đến các tổ chức như Cơ quan địa chất Mỹ (USGS), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VAST... Ví dụ, USGS đã hợp tác với các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập 12 trạm quan trắc môi trường để theo dõi quá trình biến đối khí hậu và tác động tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với kế hoạch nhân rộng sang các nước khác trong khu vực. Chúng ta cũng đã phối hợp với Quỹ đất ngập nước của Mỹ (America’s Wetland Foundation) tổ chức Hội nghị châu thổ sông Mê Công năm 2013, hay còn gọi là Mekong 2013 (năm 2011 Mỹ đã tổ chức hội nghị Mississippi 2011). Đây là hội nghị quốc tế lớn thảo luận tất cả các vấn đề liên quan đến môi trường của vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Công. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã làm việc với Vườn thực vật Missouri để thực hiện dự án bảo tồn sinh học ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và xúc tiến hợp tác về bảo tồn sinh học với Đại học Missisippi. Nhiều chuyến 72 công tác của các nhà khoa học Mỹ đến nghiên cứu và khảo sát tại vùng đồng bằng châu thổ sông Mê Công đã được tổ chức. 4) Khoa học công nghệ vũ trụ và không gian: Đây là lĩnh vực hợp tác mới với sự tham gia của VAST và NASA tại Washington D.C. và Trung tâm nghiên cứu bay không gian của NASA tại Goddard, Maryland. Những bước đi đầu tiên đã được thực hiện. Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam sang thăm và làm việc với các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của NASA, tham gia vào Chương trình nghiên cứu bầu khí quyển của NASA cho khu vực Đông Nam Á (Chương trình 7SEAS gồm Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Xingapo và Philíppin). NASA và VAST đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong lĩnh vực hợp tác không gian như khoa học trái đất, hợp tác trong lĩnh vực trao đổi số liệu, dự báo thời tiết và những vấn đề có liên quan khác. Trong khuôn khổ hợp tác, Giám đốc NASA Charles Bolden đã thăm Việt Nam đầu tháng 12/2012. 5) Hợp tác khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi, khí tượng, nghiên cứu biển: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số trường đại học của Việt Nam cùng với Cơ quan Khí quyển và Đại dương của Mỹ thực hiện những hoạt động hợp tác với các chủ đề chính như thủy lợi, dự báo thời tiết, cảnh báo bão và thiên tai; quản lý bờ biển; nghiên cứu đại dương Biển Đông. Ví dụ cụ thể là dự án của Đại học Cần Thơ thông qua Mạng lưới quan sát toàn cầu và nghiên cứu đồng bằng châu thổ (Delta Research And Global Observation Network - DRAGON). Mạng lưới này đã nghiên cứu tác động của môi trường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong lĩnh vực hải dương học, một số hoạt động nghiên cứu giữa hai bên cũng đã được tổ chức thành công, như chuyến thăm của tàu nghiên cứu biển của Mỹ đến cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, đánh dấu sự khởi đầu của dự án nghiên cứu hải dương học giữa Việt Nam và Mỹ. 73 6) Hợp tác về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử: Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện nguyên tử, hợp tác với Mỹ về vấn đề này cũng đang được đẩy mạnh, trong đó Cục An toàn bức xạ và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối chính. Việc hợp tác không chỉ giới hạn trong các hoạt động nghiên cứu và đào tạo, mà còn liên quan đến việc chuyển giao công nghệ cụ thể như các kit chẩn đoán bệnh, công nghệ vi sinh nhằm biến rơm rạ của Việt Nam thành phân bón cho cây trồng, hoặc các giống cây trồng trong nông nghiệp,... Tháng 5/2014, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mỹ tại Việt Nam đã ký chính thức Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (gọi tắt là Hiệp định 123). Nội dung của Hiệp định là nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đồng thời tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác Mỹ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhất là trong phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Trong thời gian qua, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra không ít hội nghị, hội thảo giữa Việt Nam và Mỹ, đề cập các vấn đề như điện và năng lượng, vật liệu cao cấp, khoa học và công nghệ nano, phòng, chống bệnh ung thư, các bệnh dịch phức tạp mới xuất hiện, cây trồng chống chịu hạn, xây dựng năng lực quản lý phát triển nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam,... Hiện các nhà khoa học hai nước đã có những hoạt động hợp tác ở nhiều mức độ khác nhau trên nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin, viễn thông, môi trường, biến đổi khí hậu, đại dương học, công nghệ sinh học, đến hợp tác với NASA trong các chương trình nghiên cứu không gian, hợp tác về phát triển năng lượng hạt nhân. 74 III. TRIỂN VỌNG QUAN HỆ ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VIỆT NAM - MỸ ĐẾN NĂM 2030 VÀ KHUYẾN NGHỊ 1. Triển vọng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ đến năm 2030 Nhìn lại một cách khách quan sự vận động của mối quan hệ Việt Nam - Mỹ từ lịch sử đến hiện tại, có thể thấy, đây là mối quan hệ có khá nhiều nét đặc thù so với các quan hệ song phương khác của Việt Nam. Trong thời gian tới sẽ có những thuận lợi và khó khăn, thách thức sau đặt ra đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ: 1.1. Những thuận lợi chủ yếu Quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới về cơ bản sẽ thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác bởi các lý do sau: Một là, mục tiêu “cùng có lợi” xuyên suốt và chi phối quan hệ hai nước trong giai đoạn 1991-2017. Trong bối cảnh thế giới mới sau Chiến tranh lạnh, cả Việt Nam và Mỹ đều quan tâm và nhấn mạnh lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính mục tiêu “cùng có lợi” đã đưa hai nước vượt qua quá khứ lịch sử nặng nề, những khác biệt, bất đồng để bình thường hóa và bắt tay hợp tác với nhau. Mục tiêu “cùng có lợi” thể hiện trong tất cả các lĩnh vực hợp tác và trong tất cả các văn bản, hiệp định, thỏa thuận được ký kết giữa hai nước trong thời gian này. Hai là, khuôn khổ quan hệ đã định hình khá rõ và thực chất, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy các hợp tác cụ thể. Với việc ra Tuyên bố chung xác lập khuôn khổ “quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ” (tháng 7/ 2013), hai nước đã xác định 9 lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy trong giai đoạn tiếp theo. Tháng 7/2015, hai nước lại thông qua Tuyên bố về tầm nhìn chung nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ghi nhận những phát triển tích cực và thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm 75 qua và hướng tới việc tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững. Hai nước cũng đã đạt được nhiều thỏa thuận trên các lĩnh vực, tạo nền tảng cho những hợp tác trong thời gian tới. Tiếp theo là những kết quả đạt được trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngày 31/5/2017). Hai bên đã nêu rõ lộ trình cho quan hệ Việt Nam - Mỹ, dựa trên những động lực tích cực của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Do vậy, trong thời gian tới, hai nước sẽ tiếp tục giữ vững khuôn khổ quan hệ hiện nay và đi vào giai đoạn củng cố để hình thành mối quan hệ sâu rộng và toàn diện một cách thực chất. Điều này tiếp tục tạo thuận lợi cho hợp tác trên các lĩnh vực trong việc ký kết các thỏa thuận mới, làm sâu sắc thêm những quan hệ đã có và tạo dựng những hợp tác mới. Có nhiều cơ hội đang mở ra trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại đang ngày càng được tăng cường; hợp tác ngày càng tăng lên trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân, nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ba là, lòng tin giữa hai nước được củng cố, tạo điều kiện cho việc gia tăng hợp tác nhiều mặt trong những năm tới. Mặc dù khi còn tại nhiệm, Tổng thống B. Obama muốn tạo ra những “di sản chính trị” bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ việc ký kết với Iran về vấn đề hạt nhân, bình thường hóa quan hệ với Cuba, đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam,... nhưng thực tế cho thấy việc tăng cường quan hệ không chỉ chịu những ảnh hưởng của nhân tố chính trị nội bộ Mỹ mà còn dựa trên niềm tin lẫn nhau với cơ sở là quan hệ thực chất, cùng có lợi ngày càng được rộng mở. Trong Tuyên bố chung năm 2015, hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi mối quan hệ sâu sắc, lâu bền và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, hệ thống 76 chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trên tinh thần đó, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhiều hợp tác thực chất để tiếp tục tạo lợi ích đan xen trên các lĩnh vực: về kinh tế - thương mại, hai bên sẽ thúc đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư; về khoa học - công nghệ, hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, nghiên cứu không gian, chuyển giao công nghệ để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và phát triển của Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa; về giáo dục, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ truyền thống, việc thành lập Đại học Fulbright tại Việt Nam đánh dấu một bước phát triển mới về chất trong hợp tác giáo dục Việt Nam - Mỹ, đưa giáo dục thực sự trở thành một trong những trụ cột quan trọng nhất của mối quan hệ này. Hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng dự kiến tiếp tục đi vào chiều sâu và mở rộng mạnh mẽ để tranh thủ những cơ hội do không khí chính trị thuận lợi tạo ra cũng như nhằm đáp ứng các nhu cầu của nhân dân hai nước. Việc niềm tin được tăng cường và sự đan xen lợi ích được củng cố một cách mạnh mẽ cũng tạo thuận lợi cho việc tăng hợp tác Việt Nam - Mỹ. Cuộc gặp giữa Tổng thống B. Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã đặt nền móng cho sự phát triển các mối quan hệ song phương trong những năm tới. Sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama (năm 2016) và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017). Hai bên đã ra “Tuyên bố chung về tăng cường đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ”, đã tái khẳng định rằng, cả Mỹ và Việt Nam đều tôn trọng hệ thống chính trị của nhau và sẽ tích cực làm việc để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, vốn được ký kết dưới thời của Tổng thống B. Obama. Bốn là, Việt Nam có nền kinh tế mở, quy mô thương mại năm 2016 đạt trên 340 tỷ USD, gấp gần 1,6 lần GDP. Hiện Việt Nam có 23.000 dự án đầu tư nước ngoài từ 116 quốc gia, vùng lãnh thổ 77 và đối tác, với số vốn trên 300 tỷ USD, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là kinh tế. Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN với trên 600 triệu người, GDP đạt 2.500 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện nhanh chóng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ kinh doanh tại Việt Nam. Mặt khác, về kinh tế, đây là quan hệ giữa một nền kinh tế thị trường khổng lồ và rất phát triển với một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tiềm lực còn nhỏ nhưng lại giàu tiềm năng phát triển. Đặc thù này làm cho mặt hợp tác trong quan hệ Việt Nam - Mỹ nổi trội hơn mặt đấu tranh, mặt cơ hội lớn hơn mặt thách thức, vì cả hai bên đều có nhu cầu tận dụng mặt có lợi cho mình trong đối tác, đều muốn thúc đẩy mặt hợp tác vì lợi ích quốc gia của mỗi nước. Những đặc thù nêu trên làm cho quan hệ Việt Nam - Mỹ khác biệt về tính chất cũng như tầm quan trọng so với quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn khác (trước hết là các nước lớn khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Vì vậy, có thể nói, trong danh sách và thứ bậc quan hệ của Việt Nam với các nước lớn, quan hệ với Mỹ là mối quan tâm lớn nhất và quan trọng nhất xét theo cả hai mặt: thuận lợi và khó khăn, thời cơ và nguy cơ. Thời gian tới Việt Nam tiếp tục tập trung hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động vì người dân và doanh nghiệp, tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu tăng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, trước hết trong giai đoạn 2017-2020, theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, 65% dưới 35 tuổi, Việt Nam có lợi thế cung 78