🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook PEAK - Những Ảo Tưởng Về Thiên Tài
Ebooks
Nhóm Zalo
Lời tác giả
Năng khiếu
Chương 1: Sức mạnh của tập luyện có mục đích
Chương 2: Khai thác khả năng thích nghi
Chương 3: Hình dung trong đầu
Chương 4: Tiêu chuẩn vàng
Chương 5: Các nguyên tắc của tập luyện có chủ ý trong công việc
Chương 6: Những nguyên tắc của tập luyện có chủ ý trong cuộc sống hằng ngày
Chương 7: Con đường dẫn đến sự lão luyện
Chương 8: Thế còn tài năng tự nhiên thì sao?
Chương 9: Chúng ta sẽ tiếp tục như thế nào từ đây?
Lời tác giả
Cuốn sách này chính là sản phẩm hợp tác giữa một nhà nghiên cứu tâm lý học và một nhà văn trong lĩnh vực khoa học. Chúng tôi bắt đầu thảo luận về chủ đề này – những cá nhân luôn thể hiện xuất sắc và phương thức “tập luyện có chủ ý” – từ hơn một thập kỷ trước và thực sự bắt tay vào viết cuốn sách cách đây 5 năm. Trong quá trình đó, mỗi người đều liên tục đưa ra những đóng góp của mình, đến nỗi giờ đây, ngay cả chúng tôi cũng khó nói được ai đã viết phần nào. Điều mà chúng tôi có thể nói đó là nhờ vậy mà cuốn sách đã trở nên hay hơn và khác biệt hơn nhiều so với khi nó chỉ được viết bởi một người.
Tuy nhiên, dù cuốn sách này là một sản phẩm hợp tác, nhưng câu chuyện được kể trong đây lại chỉ thuộc về một người trong chúng tôi (Ericsson), người đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về bí mật của những cá nhân thể hiện xuất sắc. Do đó, chúng tôi đã chọn viết cuốn sách từ góc nhìn của Ericsson, và nhân vật “Tôi” ở đây chính là anh ấy. Dù vậy, cuốn sách vẫn là tập hợp những nỗ lực chung của chúng tôi nhằm mô tả về chủ đề vô cùng quan trọng này và những điều liên quan mật thiết với nó.
Anders Ericsson & Robert Pool
Tháng 10/2015
Năng khiếu
Do đâu mà một số người có thể giỏi một cách kỳ diệu đến vậy trong công việc của họ? Ở bất cứ lĩnh vực nào, từ các môn thể thao, trình diễn âm nhạc, khoa học, y khoa cho đến kinh doanh, dường như luôn có các nhân vật xuất chúng khiến chúng ta phải kinh ngạc vì những gì họ có thể làm, cũng như họ có thể làm tốt như thế nào. Và khi đối mặt với một người đặc biệt như vậy, một cách tự nhiên, chúng ta có xu hướng kết luận rằng họ được sinh ra với một năng lực trời phú. “Anh ta thật có năng khiếu” hoặc “Cô ấy thực sự là một tài năng thiên bẩm.”
Nhưng liệu đó có phải là sự thực? Trong suốt 30 năm, tôi đã nghiên cứu về họ, những người đặc biệt nổi bật và là chuyên gia trong lĩnh vực của mình – vận động viên, nhạc sĩ, kiện tướng cờ vua, bác sĩ, nhân viên bán hàng, giáo viên, v.v… Tôi đã tìm hiểu tường tận về những gì họ làm và cách họ làm. Tôi đã quan sát, phỏng vấn và kiểm tra họ. Tôi đã nghiên cứu về khía cạnh tâm lý học, sinh lý học và thần kinh học của những cá nhân phi thường này. Và theo thời gian tôi đã hiểu rằng, đúng là những người này có một năng khiếu đặc biệt, và đó là nơi bắt nguồn cho tài năng của họ. Nhưng điều cốt yếu ở đây không phải là năng khiếu như mọi người thường giả định, và nó thậm chí còn mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng tượng. Quan trọng hơn, đó là một năng khiếu bẩm sinh mà mỗi người chúng ta đều có, và hoàn toàn có thể tận dụng nếu tiếp cận đúng phương pháp.
BÀI HỌC VỀ THÍNH GIÁC HOÀN HẢO
Đó là năm 1763, và cậu bé Wolfgang Amadeus Mozart đang chuẩn bị bước vào chuyến lưu diễn vòng quanh châu Âu. Mới bảy tuổi và thậm chí còn thấp hơn cả cây đàn clavico, cậu đã làm nức lòng khán giả tại quê nhà Salzburg bằng khả năng chơi violin và nhiều loại nhạc cụ bàn phím khác. Cậu chơi với một sự dễ dàng, ngẫu hứng đến mức khó tin ở lứa tuổi như vậy. Nhưng Mozart còn có một ngón nghề khác mà thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn trong thời đại đó. Chúng tôi biết về tài năng này vì nó được mô tả trong một bức thư viết vội về Mozart của một khán giả giấu tên, được đăng trên một tờ báo ở Augsburg, quê nhà của cha Mozart, không lâu trước khi Mozart và gia đình rời Salzburg bước vào chuyến lưu diễn.
Người viết thư kể rằng khi nghe thấy một nốt nhạc được chơi trên một nhạc cụ bất kỳ, Mozart có thể ngay lập tức xác định chính xác đó là nốt nào: ví dụ, La thăng trong quãng tám thứ hai ở trên nốt Đô, hoặc Mi giáng ở dưới nốt Đô. Mozart có thể làm điều này ngay cả khi đang ở trong một phòng khác và không nhìn thấy nhạc cụ đang được chơi, thậm chí cậu có thể làm điều đó không chỉ với violin và piano mà với mọi loại nhạc cụ – và cha của Mozart, một giáo viên kiêm nhạc sĩ, có gần như mọi loại nhạc cụ trong nhà. Mà cũng không chỉ với các nhạc cụ, cậu bé có thể nhận ra những nốt nhạc được tạo ra từ bất cứ thứ gì – tiếng chuông đồng hồ, tiếng đổ chuông, tiếng hắt hơi… Đó là khả năng mà hầu hết những người chơi nhạc thời đó, ngay cả những người có kinh nghiệm nhất cũng không thể sánh kịp, và dường như là một ví dụ về năng khiếu bí ẩn mà thần đồng trẻ tuổi này được trời phú, thậm chí còn hơn cả kỹ năng trên những chiếc violin hay violin.
Dĩ nhiên, khả năng đó không còn là điều bí ẩn đối với chúng ta ngày nay. So với 250 năm trước, giờ đây chúng ta đã biết nhiều hơn về nó, và hầu hết mọi người đã nghe nói về nó ít nhất một lần. Thuật ngữ mô tả khả năng kỳ diệu của Mozart là “thính giác tuyệt đối”, hay phổ biến hơn là “thính giác
hoàn hảo”, và nó cực kỳ hiếm hoi – chỉ khoảng 1/10.000 người sở hữu. Trong số các nghệ sĩ tầm cỡ thế giới thì khả năng này không quá hiếm so với phần còn lại trong chúng ta, nhưng ngay cả trong các nhạc sĩ bậc thầy thì khả năng này không hề bình thường: Beethoven được cho là có; Brahms thì không. Vladimir Horowitz có nó; Igor Stravinsky thì không. Frank Sinatra có nó; Miles Davis lại không.
Nói tóm lại, đây dường như là ví dụ hoàn hảo về một tài năng bẩm sinh mà một vài người may mắn có được. Thật vậy, đây là điều đã được tin tưởng rộng rãi trong ít nhất 200 năm. Nhưng trong vài thập kỷ qua, một sự hiểu biết rất khác về thính giác hoàn hảo đã xuất hiện và chỉ ra một tầm nhìn khác về các loại năng khiếu mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta.
Manh mối đầu tiên xuất hiện cùng với sự quan sát cho thấy những người có “năng khiếu” này đều được đào tạo về âm nhạc từ thuở ấu thơ. Đặc biệt, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết những người sở hữu thính giác tuyệt vời đều bắt đầu luyện tập âm nhạc ở độ tuổi còn rất trẻ – thường khoảng 3-5 tuổi. Nhưng nếu thính giác hoàn hảo là một khả năng bẩm sinh – thứ mà bạn từ khi sinh ra đã có hoặc không, thì đúng ra sẽ không có bất kỳ sự khác biệt nào bất kể lúc nhỏ bạn được đào tạo về âm nhạc hay không. Điều quan trọng duy nhất là bạn cần được luyện tập đầy đủ về âm nhạc – bất cứ lúc nào trong đời – để học được tên của các nốt.
Gợi ý tiếp theo xuất hiện khi các nhà nghiên cứu nhận thấy thính giác hoàn hảo phổ biến hơn nhiều ở những vùng ngôn ngữ nặng về âm tiết như tiếng Quảng Đông, tiếng Việt, và một số ngôn ngữ châu Á khác, trong đó ý nghĩa của các từ phụ thuộc vào độ cao thấp của chúng. Nếu thính giác hoàn hảo thực sự là một năng khiếu di truyền thì cách duy nhất mà mối liên hệ về ngôn ngữ âm tiết trở nên hợp lý là trong trường hợp những người gốc Á nhiều khả năng có sẵn gen thính giác hoàn hảo hơn so với những người có nguồn gốc từ các
nơi khác, như châu Âu hoặc châu Phi. Nhưng đó là điều khá dễ để kiểm tra. Bạn chỉ cần tuyển dụng một số người gốc Á lớn lên trong môi trường nói tiếng Anh hoặc một số ngôn ngữ không âm tiết khác, sau đó xem liệu họ có nhiều khả năng sở hữu thính giác hoàn hảo hơn hay không. Nghiên cứu này đã được thực hiện, và kết quả là những người gốc Á không lớn lên trong môi trường ngôn ngữ nặng về âm tiết không sở hữu thính giác hoàn hảo hơn so với người của các chủng tộc khác. Vì vậy, yếu tố quyết định không phải là gốc gác châu Á, mà đúng hơn là việc nói một ngôn ngữ âm tiết sẽ khiến cho khả năng sở hữu thính giác hoàn hảo được cao hơn.
Cho đến một vài năm trước, đây là tất cả những gì chúng tôi biết: việc học nhạc từ khi còn nhỏ được cho là cần thiết để có thính giác hoàn hảo, và lớn lên trong môi trường ngôn ngữ âm tiết sẽ làm tăng tỷ lệ sở hữu thính giác hoàn hảo. Các nhà khoa học không thể chắc chắn liệu thính giác hoàn hảo có phải là tài năng bẩm sinh không, nhưng họ biết rằng nếu đó là một năng khiếu, thì nó chỉ xuất hiện ở những người đã được đào tạo về cao độ âm nhạc từ khi còn bé. Nói cách khác, đó phải là loại năng khiếu mà bạn “sử dụng hoặc đánh mất nó”. Ngay cả số ít những người may mắn được sinh ra với năng khiếu về thính giác hoàn hảo sẽ phải làm điều gì đó – cụ thể là luyện tập âm nhạc từ khi còn nhỏ – để phát triển nó. Giờ đây, chúng ta biết rằng vấn đề không phải như vậy. Đặc điểm thực sự của thính giác hoàn hảo đã được tiết lộ vào năm 2014, nhờ một thí nghiệm tuyệt vời được thực hiện tại trường Âm nhạc Ichionkai ở Tokyo và được báo cáo lại trong tạp chí Tâm lý học của âm nhạc. Nhà tâm lý học người Nhật Bản Ayako Sakakibara đã chọn 24 trẻ từ 2 đến 6 tuổi và cho chúng trải qua một khóa đào tạo kéo dài một tháng nhằm giúp chúng nhận định (chỉ bằng âm thanh) các hợp âm khác nhau trên đàn piano. Các hợp âm đều là những hợp âm chính với ba nốt nhạc, chẳng hạn như một hợp âm Đô trưởng với các nốt Đô và Mi, Son ngay trên nốt Đô. Bọn trẻ có 4-
5 buổi tập ngắn mỗi ngày, mỗi buổi chỉ kéo dài vài phút, và từng đứa trẻ tiếp tục tập luyện cho đến khi có thể xác định được tất cả 14 hợp âm mục tiêu mà Sakakibara đã chọn. Một số trẻ đã hoàn thành chương trình đào tạo trong vòng chưa đầy một năm, trong khi một số trẻ khác mất một năm rưỡi. Sau khi đứa trẻ đã học được cách xác định 14 hợp âm, Sakakibara sẽ kiểm tra xem đứa trẻ đó có thể gọi tên chính xác từng nốt một hay không. Khi hoàn thành khóa học, tất cả những đứa trẻ trong thí nghiệm đã phát triển được thính giác hoàn hảo và có thể xác định từng nốt được chơi trên đàn piano.
Đây là một kết quả đáng kinh ngạc. Trong điều kiện bình thường chỉ có 1/10.000 người phát triển được thính giác hoàn hảo, nhưng ở đây, tất cả các học sinh của Sakakibara đều làm được. Hàm ý của cuộc thí nghiệm rõ ràng là thính giác hoàn hảo – hoàn toàn không phải là năng khiếu mà chỉ một vài người may mắn được ban cho – là một khả năng mà gần như bất cứ ai cũng có thể phát triển nếu được tiếp xúc và đào tạo hợp lý. Thí nghiệm trên đã viết lại sự hiểu biết của chúng ta về thính giác hoàn hảo.
Vậy thính giác hoàn hảo của Mozart thì sao? Một cuộc khảo sát nhỏ về cuộc sống của ông khi đó đã cho chúng ta một hình dung khá rõ về những gì đã xảy ra. Cha của Mozart, Leopold Mozart, là một nghệ sĩ violin và nhạc sĩ không quá tài năng, người chưa bao giờ đạt được thành công như mong muốn, vì vậy, ông quyết tâm biến các con mình thành những nghệ sĩ nổi tiếng. Ông bắt đầu với chị gái của Mozart, Maria Anna, người mà mới 11 tuổi đã được mô tả là “chơi đàn piano và clavico không kém gì các nghệ sĩ chuyên nghiệp”. Còn với con trai mình thì Leopold – người đã viết cuốn sách đào tạo âm nhạc dành cho trẻ đầu tiên – yêu cầu tập luyện ở độ tuổi còn nhỏ hơn so với Maria Anna. Khi Mozart lên 4 tuổi, cha ông đã bắt ông tập luyện mọi lúc – với violin, piano và nhiều nhạc cụ khác. Mặc dù không biết chính xác Leopold đã áp dụng các bài tập nào để huấn luyện con trai mình, nhưng chúng
tôi biết rằng vào thời điểm Mozart được 6 hoặc 7 tuổi, ông đã tập luyện quyết liệt và nhiều hơn so với tất cả 24 đứa trẻ đã phát triển thính giác hoàn hảo thông qua các buổi tập của Sakakibara. Quả là không có gì đáng ngạc nhiên về sự phát triển thính giác hoàn hảo của Mozart.
Vậy cậu bé Mozart bảy tuổi ngày đó có thực sự sở hữu năng khiếu về thính giác hoàn hảo? Có và không. Có phải cậu được sinh ra với một tài năng di truyền hiếm hoi giúp cậu nhận định được cao độ chính xác của một nốt nhạc piano hay tiếng kêu của ấm nước sôi? Câu trả lời của các nhà khoa học đã tìm hiểu về thính giác hoàn hảo là “không”. Thật vậy, nếu Mozart lớn lên trong một gia đình khác mà không hề được tiếp xúc với âm nhạc – hoặc không được tiếp xúc một cách đúng đắn – chắc chắn cậu sẽ không bao giờ phát triển khả năng đó. Tuy nhiên, Mozart thực sự đã được sinh ra với một năng khiếu, và đó cũng là năng khiếu mà những đứa trẻ trong thí nghiệm của Sakakibara đều có. Tất cả họ đều có một bộ não linh hoạt và dễ thích nghi đến nỗi – với điều kiện được đào tạo đúng cách – có thể phát triển những loại khả năng mà đối với những người không có chúng thì dường như là một điều rất kỳ diệu.
Tóm lại, thính giác hoàn hảo không phải là năng khiếu, mà đúng hơn khả năng phát triển thính giác hoàn hảo mới là năng khiếu – và hầu như mọi người đều được sinh ra với năng khiếu đó.
Đây là một thực tế tuyệt vời và đáng ngạc nhiên. Trong hàng triệu năm tiến hóa dẫn đến sự xuất hiện của con người hiện đại, gần như không có áp lực chọn lọc tự nhiên nào có lợi cho những người có thể nhận định chính xác các nốt nhạc mà một con chim đang hót. Vậy mà ngày nay, chúng ta có thể phát triển thính giác hoàn hảo với một chế độ tập luyện tương đối đơn giản.
Chỉ mới gần đây, các nhà thần kinh học mới hiểu được tại sao một năng khiếu như vậy tồn tại. Trong nhiều thập niên, họ đã tin rằng từ khi sinh ra, các mạch não của chúng ta ít nhiều đã được cố định và đây chính là thứ quyết
định những khả năng của chúng ta. Hoặc bộ não của bạn đã được cài đặt sẵn cho một thính giác hoàn hảo, hoặc không, và bạn chẳng thể làm gì để thay đổi điều đó. Bạn có thể cần một chế độ tập luyện nhất định để giúp tài năng bẩm sinh đó có thể nở rộ, và nếu không, thính giác hoàn hảo của bạn sẽ không bao giờ phát triển đầy đủ, nhưng niềm tin chung là nếu bạn không sở hữu loại gen thích hợp thì dù có tập luyện bao nhiêu cũng vậy.
Tuy nhiên kể từ những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã nhận ra bộ não (ngay cả não người lớn) cũng có thể thích nghi tốt hơn so với tưởng tượng của chúng ta, và điều này trao cho chúng ta sự kiểm soát không hề nhỏ về những gì bộ não của chúng ta có thể làm được. Cụ thể, bộ não phản ứng trước những loại kích hoạt bằng cách tự cài đặt lại theo nhiều cách khác nhau. Những kết nối mới được thực hiện giữa các nơ-ron, trong khi các kết nối sẵn có có thể được tăng cường hoặc bị suy yếu, và ở một số vùng của não, thậm chí nơ-ron mới có thể phát triển. Khả năng thích ứng này giải thích cho sự phát triển của thính giác hoàn hảo ở các đối tượng nghiên cứu của Sakakibara cũng như ở Mozart: bộ não của họ phản ứng trước việc được đào tạo âm nhạc bằng cách phát triển một số loại mạch não nhất định, tạo điều kiện cho thính giác hoàn hảo xuất hiện. Chúng ta không thể xác định chính xác đó là những mạch não nào, chúng trông như thế nào hay chính xác chúng làm những gì, nhưng chúng ta biết rằng chúng ở đó – và chúng ta biết rằng chúng là sản phẩm của quá trình tập luyện, chứ không phải di truyền bẩm sinh.
Trong trường hợp thính giác hoàn hảo, có vẻ như khả năng thích nghi cần thiết trong não sẽ biến mất vào thời điểm đứa trẻ vượt quá sáu tuổi, do đó nếu việc cài đặt lại (cần thiết cho thính giác hoàn hảo) đến lúc đó vẫn chưa xảy ra thì nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa. (Mặc dù như chúng ta sẽ thấy trong Chương 8, có những trường hợp ngoại lệ sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều về cách mọi người tận dụng khả năng thích ứng của não). Sự mất mát này là một
phần của một hiện tượng rộng lớn hơn – nghĩa là cả não bộ lẫn cơ thể của trẻ nhỏ đều có thể thích nghi tốt hơn so với ở người lớn, vì thế có những khả năng nhất định chỉ có thể được phát triển hoặc được phát triển dễ dàng hơn trước tuổi thứ 6, 12 hoặc 18. Tuy nhiên, cả não bộ lẫn cơ thể đều có khả năng thích ứng trong suốt tuổi trưởng thành, và khả năng thích nghi này giúp người lớn (thậm chí cả người lớn tuổi) có thể phát triển nhiều khả năng mới nếu được tập luyện đúng cách.
Với sự thật này, chúng ta hãy trở lại câu hỏi mà tôi đã hỏi ngay từ đầu: Do đâu mà một số người lại có thể giỏi một cách kỳ diệu đến vậy trong công việc của họ? Sau nhiều năm nghiên cứu về các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tôi đã phát hiện ra rằng tất cả họ đều phát triển khả năng theo cách mà các học sinh của Sakakibara đã làm – thông qua quá trình tập luyện chuyên tâm giúp tạo ra sự thay đổi trong não bộ (và đôi khi là cả trong cơ thể), qua đó khiến cho họ có thể làm những điều mà theo lẽ thường là bất khả thi. Đúng là trong một số trường hợp, tài năng nhờ di truyền sẽ tạo ra sự khác biệt, đặc biệt ở các lĩnh vực mà chiều cao hoặc các yếu tố thể chất đóng vai trò quan trọng. Một người đàn ông cao 1m65 sẽ rất khó khăn để trở thành một cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp, cũng giống như một phụ nữ cao 1m8 gần như sẽ không thể trở thành một vận động viên thể dục dụng cụ đẳng cấp quốc tế. Và có những cách khác mà gen sẽ ảnh hưởng đến thành tích của một người, đặc biệt là những gen ảnh hưởng đến khả năng tập luyện siêng năng và chính xác của một người. Tuy nhiên, thông điệp rõ ràng từ các nghiên cứu suốt bao thập kỷ qua cho thấy rằng, bất kể tài năng bẩm sinh đóng vai trò như thế nào trong thành tựu của những “thần đồng”, năng khiếu chủ chốt mà những người này sở hữu cũng giống hệt như tất cả chúng ta – khả năng thích nghi của não bộ và cơ thể, đó là điều mà họ đã tận dụng tốt hơn chúng ta.
Nếu nói chuyện với những nhân vật phi thường ấy, bạn sẽ thấy rằng tất cả họ đều hiểu điều này ở một mức độ này hay mức độ khác. Họ có thể không quen thuộc với khái niệm khả năng thích ứng về mặt nhận thức, nhưng họ ít khi tin rằng họ đã đạt đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình chỉ vì họ may mắn sở hữu những năng khiếu di truyền. Họ biết điều gì là cần thiết để phát triển các kỹ năng phi thường mà mình có, bởi vì họ đã trực tiếp trải nghiệm nó.
Một trong những bằng chứng yêu thích của tôi về chủ đề này đến từ Ray Allen, cầu thủ 10 lần được bầu chọn vào đội hình xuất sắc nhất của Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) và là cầu thủ ném ba điểm vĩ đại nhất trong lịch sử NBA. Vài năm trước, bình luận viên của đài ESPN, Jackie MacMullan, đã viết một bài báo về Allen khi anh đang tiến gần tới kỷ lục cầu thủ ném ba điểm xuất sắc nhất. Khi nói chuyện với Allen về điều đó, MacMullan đã kể rằng một bình luận viên khác từng nói Allen được sinh ra với sự nhạy cảm với trái bóng – nói cách khác: khả năng ném ba điểm là một năng khiếu bẩm sinh. Allen không đồng ý.
“Tôi đã tranh luận với rất nhiều người,” anh nói với MacMullan. “Khi mọi người nói Chúa đã ban phước cho tôi với những cú nhảy ném tuyệt đẹp, điều đó thực sự làm tôi bực mình. Tôi nói với những người đó: ‘Đừng làm giảm giá trị công sức tôi đã bỏ ra hằng ngày.’ Không phải vài ngày, mà là từng ngày. Hãy hỏi bất cứ người nào ở cùng đội với tôi xem ai là người tập ném nhiều nhất. Hãy tới hỏi các câu lạc bộ cũ của tôi. Câu trả lời là sự nỗ lực của tôi.” Và đúng thật, như MacMullan lưu ý, nếu bạn nói chuyện với huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học của Allen, bạn sẽ thấy rằng những cú ném của Allen không hề tốt hơn so với các đồng đội thời trung học; trên thực tế, nó thậm chí còn khá tệ. Nhưng Allen đã tự nắm quyền kiểm soát, và theo thời gian, với nỗ lực và cống hiến, anh đã biến cú ném của mình trở nên nhẹ
nhàng và tự nhiên đến nỗi mọi người nghĩ rằng anh sở hữu nó ngay từ khi sinh ra. Anh đã tận dụng năng khiếu của mình – năng khiếu thực sự của mình.
VỀ CUỐN SÁCH NÀY
Đây là cuốn sách về chủ đề năng khiếu mà Wolfgang Amadeus Mozart, các học sinh của Sakakibara và Ray Allen đều có – đó là khả năng tạo ra những kỹ năng mà bình thường họ sẽ không bao giờ có được thông qua việc tập luyện đúng đắn, thông qua cách tận dụng khả năng thích nghi tuyệt vời của não bộ và cơ thể. Ngoài ra, cuốn sách còn nói về cách mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng năng khiếu này để cải thiện trong một lĩnh vực mà mình chọn. Và cuối cùng, theo nghĩa rộng nhất, đây là cuốn sách với góc nhìn hoàn toàn mới về tiềm năng của con người, cụ thể là chúng ta có nhiều quyền năng hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng trong việc kiểm soát cuộc sống của chính mình.
Từ thời cổ đại, người ta thường giả định rằng tiềm năng của một người trong bất kỳ lĩnh vực nào đều chắc chắn bị hạn chế bởi tài năng vốn có của người đó. Rất nhiều người học piano, nhưng chỉ có một số ít người với năng khiếu đặc biệt mới trở thành những nghệ sĩ piano hay nhà soạn nhạc thực sự vĩ đại. Mỗi đứa trẻ đều tiếp xúc với toán học ở trường, nhưng chỉ có một số ít sở hữu những gì cần thiết để trở thành nhà toán học, nhà vật lý hoặc kỹ sư nổi tiếng. Theo quan điểm này, mỗi người chúng ta đều được sinh ra với một bộ tiềm năng cố định – tiềm năng về âm nhạc, tiềm năng về toán học, tiềm năng về thể thao, tiềm năng về kinh doanh – và chúng ta có thể lựa chọn phát triển (hoặc không) bất kỳ tiềm năng nào trong số đó, nhưng chúng ta không thể đổ đầy những chiếc “cốc” đặc biệt đó vượt quá giới hạn của nó. Vì vậy, mục đích của việc huấn luyện hoặc đào tạo đã chuyển thành giúp cho một người đạt được tiềm năng của mình – để đổ chiếc cốc đầy nhất có thể. Điều này có
nghĩa là một cách tiếp cận nhất định với việc học hỏi, với điều kiện là đặt trước các giới hạn.
Nhưng bây giờ chúng ta hiểu rằng không có thứ gọi là một “kỹ năng được xác định trước”. Bộ não có thể thích ứng, và tập luyện có thể tạo ra các kỹ năng – chẳng hạn như thính giác hoàn hảo – vốn chưa hề tồn tại trước đó. Điều này hoàn toàn thay đổi cuộc chơi, bởi việc học bây giờ đã trở thành một cách tạo ra những khả năng mới, chứ không còn là yếu tố giúp mọi người tận dụng những khả năng bẩm sinh của mình. Trong thế giới mới này, sẽ là sai lầm lớn nếu bạn nghĩ mọi người sinh ra với tiềm năng đã được cố định; thay vào đó, tiềm năng như một chiếc bình có thể mở rộng, hình thành bởi nhiều việc mà chúng ta làm trong suốt cuộc đời. Học tập không phải là cách để đạt được tiềm năng của một người, mà đúng hơn là cách để phát triển nó. Chúng ta có thể tạo ra tiềm năng của riêng mình, và điều này luôn đúng bất kể mục tiêu của chúng ta là trở thành nghệ sĩ piano thực thụ hay chỉ cần đủ để chơi được đàn piano, tham gia thi đấu golf chuyên nghiệp hay chỉ để vung gậy thư giãn.
Câu hỏi sau đó trở thành: Làm thế nào để chúng ta thực hiện điều đó? Làm thế nào để chúng ta tận dụng năng khiếu này và bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực mà mình lựa chọn? Những nghiên cứu của tôi trong suốt vài thập kỷ qua là để trả lời câu hỏi này – để xác định và hiểu chi tiết những cách tốt nhất để cải thiện hiệu suất trong một hoạt động cụ thể. Tóm lại, tôi đã đặt câu hỏi “Điều gì thì hiệu quả, điều gì thì không và tại sao?”
Đáng ngạc nhiên là, câu hỏi này ít được những người đã viết về chủ đề chung này quan tâm. Trong vài năm qua, một số cuốn sách lập luận rằng mọi người đã đánh giá quá cao giá trị của tài năng bẩm sinh và đánh giá thấp giá trị của những yếu tố khác như cơ hội, động lực và nỗ lực. Tôi không thể không đồng ý với điều này, và rõ ràng là chúng ta cần để mọi người biết rằng họ có thể cải thiện (thậm chí là rất nhiều) nhờ tập luyện, nếu không họ sẽ không có
động lực để thử. Nhưng đôi khi những cuốn sách này để lại ấn tượng rằng: chỉ cần có mong muốn và nỗ lực là chúng ta sẽ cải thiện được hiệu suất, kiểu như “Hãy cứ cố gắng, và bạn sẽ thành công” – điều này là sai. Tập luyện đúng cách trong một khoảng thời gian đủ dài mới dẫn đến sự cải thiện. Ngoài ra không có gì khác.
Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay sẽ mô tả chi tiết “tập luyện đúng cách” là gì và có thể ứng dụng nó như thế nào.
Những chi tiết về loại hình tập luyện này được rút ra từ một lĩnh vực tâm lý tương đối mới mẻ, được mô tả ngắn gọn là “khoa học về sự thể hiện lão luyện”. Lĩnh vực mới này tìm hiểu về khả năng của “những người thể hiện lão luyện”, những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ, những người đã đạt được hiệu suất cao nhất, và tôi đã xuất bản một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm Toward a General Theory of Expertise: Prospects and Limits (tạm dịch: Hướng đến lý thuyết chung về chuyên môn: triển vọng và giới hạn) vào năm 1991, The Road to Excellence (tạm dịch: Con đường đến với sự xuất sắc) vào năm 1996 và The Cambridge Handbook of Expertise and Expert Performance (tạm dịch: Cẩm nang của trường Cambridge về tài năng chuyên môn và sự thể hiện lão luyện) vào năm 2006. Chúng tôi nghiên cứu để tìm ra điều gì phân biệt những người đặc biệt này với tất cả những người khác. Chúng tôi cũng cố gắng diễn giải theo từng bước cách mà những người thể hiện lão luyện này đã cải thiện hiệu suất của họ theo thời gian, và khi họ cải thiện như vậy thì những khả năng về tinh thần và thể chất của họ đã thay đổi ra sao. Hơn hai thập kỷ trước, sau khi nghiên cứu về những người thể hiện lão luyện từ nhiều lĩnh vực khác nhau, các đồng nghiệp và tôi nhận ra rằng dù là lĩnh vực nào, cách tiếp cận hiệu quả nhất để cải thiện hiệu suất đều tuân theo một bộ nguyên tắc chung. Chúng tôi gọi cách tiếp cận đa năng này là “tập luyện có chủ ý”. Ngày nay, tập luyện có chủ ý vẫn là tiêu chuẩn vàng cho bất
cứ ai muốn tận dụng năng khiếu về sự thích nghi để xây dựng những kỹ năng mới cho bản thân, và đó là trọng tâm chính của cuốn sách này. Nửa đầu cuốn sách mô tả tập luyện có chủ ý là gì, tại sao nó hiệu quả như vậy, và các chuyên gia áp dụng nó để có được những khả năng vượt trội như thế nào. Để làm được điều đó, chúng ta sẽ phải xem xét nhiều loại hình tập luyện khác nhau, từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, và thảo luận về điểm khác biệt giữa chúng. Bởi vì một trong những khác biệt chính giữa các loại hình tập luyện là mức độ mà chúng khai phá khả năng thích nghi của não bộ và cơ thể, chúng ta sẽ dành chút thời gian để bàn về khả năng thích nghi đó và tác nhân kích hoạt nó. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu cụ thể những thay đổi nào diễn ra trong não liên quan đến phản ứng trước tập luyện có chủ ý. Bởi vì đạt được sự lão luyện chủ yếu là vấn đề liên quan đến sự cải thiện các hoạt động tinh thần của một người (bao gồm cả các hoạt động tinh thần kiểm soát vận động cơ thể) và những thay đổi thể chất như tăng cường sức mạnh, linh hoạt và độ bền đều đã được hiểu rõ, nên cuốn sách này sẽ tập trung chủ yếu ở khía cạnh tinh thần của sự thể hiện lão luyện, mặc dù chắc chắn yếu tố thể chất có đóng góp đáng kể trong thể thao và các môn về thể chất khác. Sau những tìm hiểu này, chúng ta sẽ xem xét làm sao để kết hợp tất cả các yếu tố với nhau nhằm tạo ra một người thể hiện lão luyện – một quá trình dài hạn thường mất đến cả thập kỷ hoặc lâu hơn.
Tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn vấn đề tài năng bẩm sinh và vai trò của nó trong việc cản trở một số người đạt đến độ xuất sắc. Có một số đặc điểm di truyền về thể chất (chẳng hạn như chiều cao và kích thước cơ thể) mà có thể ảnh hưởng đến hiệu suất trong các môn thể thao và những hoạt động thể chất mà không thể thay đổi nhờ tập luyện. Tuy nhiên, hầu hết các yếu tố đóng vai trò lớn trong việc đạt đến trình độ xuất sắc đều có thể được điều chỉnh bằng cách tập luyện đúng đắn, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định
của cuộc đời mỗi người. Nói chung, có một sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và các hoạt động tập luyện mà chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu. Một số yếu tố di truyền sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập luyện có chủ ý của một người – ví dụ như bằng cách hạn chế khả năng tập trung của người đó trong các khoảng thời gian dài mỗi ngày. Ngược lại, thực hiện quá trình tập luyện kéo dài có thể ảnh hưởng đến cách các gen được kích hoạt và ngắt trong cơ thể.
Phần cuối cùng của cuốn sách đề cập đến tất cả những gì chúng ta đã học về tập luyện có chủ ý và giải thích ý nghĩa của nó đối với chúng ta. Tôi sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể về việc áp dụng tập luyện có chủ ý trong các tổ chức chuyên nghiệp để nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, về cách các cá nhân có thể áp dụng tập luyện có chủ ý để làm tốt hơn trong các lĩnh vực mà họ quan tâm, và thậm chí về cách trường học có thể đưa tập luyện có chủ ý vào các bài giảng.
Dù các nguyên tắc về tập luyện có chủ ý được phát hiện bằng cách nghiên cứu những người thể hiện lão luyện, nhưng bản thân các nguyên tắc này có thể được áp dụng cho bất cứ ai muốn cải thiện ở bất cứ mặt nào, dù chỉ một chút. Bạn muốn cải thiện kỹ năng chơi tennis? Hãy tập luyện có chủ ý. Khả năng viết lách? Hãy tập luyện có chủ ý. Kỹ năng bán hàng? Hãy tập luyện có chủ ý. Vì tập luyện có chủ ý được phát triển đặc biệt để giúp chúng ta trở thành những người giỏi nhất trong công việc của mình, chứ không chỉ đơn thuần là “giỏi vừa đủ”, nên nó là phương pháp học tập mạnh mẽ nhất từng được nghiên cứu và phát hiện.
Một cách hay để suy nghĩ về điều đó là: Bạn muốn leo một ngọn núi. Bạn không chắc rằng mình muốn leo cao chừng nào – bởi đường lên đỉnh trông có vẻ rất xa – nhưng bạn biết mình muốn leo cao hơn điểm hiện tại. Bạn có thể chọn con đường nào có vẻ dễ đi và hy vọng gặp may mắn, nhưng khả năng là
bạn sẽ không đi xa được. Hoặc bạn có thể nhờ cậy một người hướng dẫn đã từng lên đỉnh và nắm rõ đường đi. Điều đó sẽ đảm bảo rằng không cần biết bạn quyết định leo cao đến đâu, bạn đang làm việc đó một cách hiệu quả nhất. Phương pháp tốt nhất chính là tập luyện có chủ ý, và cuốn sách này sẽ hướng dẫn cho bạn. Nó sẽ chỉ cho bạn con đường lên đến đỉnh; còn đi xa đến đâu trên con đường đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.
Chương 1
Sức mạnh của tập luyện có mục đích
Chỉ sau bốn buổi gặp, Steve đã bắt đầu thấy nản chí. Đó là ngày thứ năm trong thử nghiệm mà tôi dự kiến sẽ kéo dài trong 2-3 tháng, nhưng sau những gì Steve đã nói với tôi, có lẽ không cần thiết phải tiếp tục. “Dường như em đã đạt ngưỡng giới hạn khi lên đến tám hoặc chín chữ số,” từng lời của cậu được ghi lại bởi chiếc máy ghi âm chạy suốt mỗi buổi làm việc của chúng tôi. “Đặc biệt là với chín chữ số, thực sự là dù sử dụng cách gì, em vẫn rất khó để nhớ được.”
Steve, một sinh viên của Đại học Carnegie Mellon nơi tôi giảng dạy đã được thuê để thực hiện một công việc đơn giản nhiều lần trong một tuần: ghi nhớ các chuỗi số. Tôi sẽ đọc cho cậu ấy một loạt các chữ số với tốc độ khoảng 1 số/giây – “7... 4... 0... 1... 1... 9...” – Steve sẽ cố nhớ tất cả và đọc lại cho tôi. Mục đích đơn giản là xem Steve có thể cải thiện khả năng ghi nhớ được bao nhiêu nhờ tập luyện. Giờ đây, sau bốn buổi làm việc, cậu ấy đã có thể nhớ chính xác những dãy bảy chữ số – tương ứng với độ dài của số điện thoại địa phương – và cậu ấy thường nhớ đúng cả các dãy tám chữ số, nhưng khi lên đến 9 chữ số thì độ chính xác giảm hẳn, còn với chuỗi 10 chữ số thì Steve chưa bao giờ nhớ nổi. Và tại thời điểm đó, với trải nghiệm chán nản của những buổi đầu tiên, Steve đã chắc chắn rằng cậu sẽ không thể tiến xa hơn được nữa.
Điều mà Steve không biết – nhưng tôi thì biết – đó là tất cả các tài liệu tâm lý học ở thời điểm đó đều chỉ ra rằng cậu ta nói đúng. Những nghiên cứu
suốt bao năm đã cho thấy có một giới hạn nghiêm ngặt về số lượng những thứ mà một người có thể lưu lại trong bộ nhớ ngắn hạn, vốn là loại bộ nhớ mà não bộ sử dụng để lưu giữ lượng nhỏ thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu một người đưa cho bạn địa chỉ của anh ta, chính bộ nhớ ngắn hạn của bạn là thứ giữ thông tin đó chỉ cần đủ lâu để bạn ghi nó lại. Hoặc nếu bạn làm phép nhân có hai chữ số trong đầu, bộ nhớ ngắn hạn là nơi giúp bạn theo dõi tất cả các phép tính: “Hãy xem nào: 14 lần 27... Đầu tiên, 4 lần 7 là 28, viết 8 và nhớ 2, sau đó 4 lần 2 là 8... “ v.v.. Có một lý do khiến nó được gọi là “ngắn hạn”: bạn sẽ không nhớ được địa chỉ đó hoặc những phép tính đó sau năm phút, trừ khi bạn dành thời gian để lặp đi lặp lại chúng nhiều lần – vốn là cách để chuyển chúng qua bộ nhớ dài hạn.
Vấn đề với bộ nhớ ngắn hạn – và vấn đề mà Steve đang phải đối mặt – đó là bộ não có giới hạn nghiêm ngặt về số lượng thông tin nó có thể giữ trong bộ nhớ ngắn hạn ở cùng một thời điểm. Đối với một số người thì đó là sáu số, với những người khác thì có thể là 7 hoặc 8, nhưng giới hạn chung là khoảng 7 số – đủ để lưu giữ một số điện thoại nhưng không đủ cho một mã số thuế. Bộ nhớ dài hạn thì không có những hạn chế như vậy – trên thực tế, chưa ai có thể tìm ra giới hạn của bộ nhớ dài hạn – nhưng nó mất nhiều thời gian hơn để triển khai. Nếu có đủ thời gian tập luyện, bạn có thể ghi nhớ hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm số điện thoại, nhưng bài kiểm tra mà tôi đặt ra cho Steve được thiết kế để đưa ra các chữ số nhanh đến nỗi cậu ta bị buộc phải sử dụng bộ nhớ ngắn hạn của mình. Tôi đã đọc các chữ số với tốc độ 1 số/giây – quá nhanh để cậu ta có thể chuyển các chữ số đó vào bộ nhớ dài hạn, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi cậu ta cảm thấy như đang húc đầu vào một bức tường toàn những dãy 8 hoặc 9 chữ số.
Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng cậu ấy có thể làm tốt hơn một chút. Ý tưởng cho nghiên cứu này đến từ một bài báo mơ hồ mà tôi đã đọc được khi tìm
kiếm các nghiên cứu khoa học cũ, bài báo đăng trên tạp chí American journal of Psychology xuất bản năm 1929 của Pauline Martin và Samuel Fernberger, hai nhà tâm lý học tại Đại học Bang Pennsylvania. Martin và Fernberger báo cáo rằng sau bốn tháng tập luyện, hai đối tượng là sinh viên đã có thể tăng lượng chữ số mà họ có thể nhớ khi được nghe con số với tốc độ khoảng 1 số/giây. Một người đã cải thiện từ trung bình là 9 số lên đến 13 chữ số, trong khi người kia thậm chí lên từ 11 đến 15 chữ số.
Kết quả này đã bị cộng đồng nghiên cứu tâm lý học bỏ qua hoặc lãng quên, nhưng nó ngay lập tức khiến tôi chú ý. Liệu một sự cải thiện như vậy là có thực? Và nếu có thì bằng cách nào? Martin và Fernberger đã không cung cấp chi tiết về cách mà hai sinh viên đó cải thiện bộ nhớ ngắn hạn của họ, nhưng đó chính xác là loại câu hỏi khiến tôi hào hứng nhất. Thời điểm đó, tôi vừa mới ra trường, và lĩnh vực quan tâm chính của tôi là những diễn biến tinh thần xảy ra khi ai đó đang học hoặc phát triển một kỹ năng nào đó. Trong luận văn của mình, tôi đã xây dựng một công cụ nghiên cứu tâm lý được gọi là “giao thức suy nghĩ lớn tiếng”, được thiết kế để nghiên cứu các diễn biến tinh thần như vậy. Sau đó, với sự hợp tác cùng Bill Chase, giáo sư tâm lý học nổi tiếng của trường Carnegie, tôi đã quyết tâm thực hiện lại nghiên cứu của Martin và Fernberger, và lần này tôi sẽ quan sát chính xác cách mà đối tượng thí nghiệm cải thiện bộ nhớ ngắn hạn của mình – nếu cậu ta cải thiện được.
Đối tượng mà chúng tôi tuyển dụng là Steve Faloon, người không thể điển hình hơn cho một sinh viên tại Đại học Carnegie Mellon. Cậu ấy là sinh viên ngành tâm lý học và dành quan tâm cho chủ đề sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ. Steve vừa hoàn thành năm học đầu tiên. Điểm số của cậu ấy ở các bài kiểm tra cũng tương tự những sinh viên khác, trong khi điểm cuối năm thì cao hơn mức trung bình. Trong thân hình cao gầy với mái tóc vàng đậm, Steve rất thân thiện, thoải mái và nhiệt tình. Và cậu là một vận động viên marathon rất
nghiêm túc – một dữ liệu dường như không có ý nghĩa đối với chúng tôi vào thời điểm đó, nhưng sau này lại trở nên rất quan trọng cho nghiên cứu. Vào ngày đầu tiên Steve xuất hiện trong buổi thí nghiệm, hiệu suất của cậu ấy là cực kỳ trung bình. Steve thường nhớ được các dãy bảy chữ số và đôi khi là 8, nhưng không hơn. Đó là hiệu suất có thể thấy ở bất kỳ người nào mà bạn gặp trên đường. Vào ngày thứ ba, thứ tư và thứ năm, cậu ấy đã khá hơn một chút – trung bình là dưới 9 chữ số – nhưng vẫn không khá hơn bình thường. Steve nói rằng có lẽ sự khác biệt chính so với ngày đầu tiên là cậu đã biết sẽ gặp phải những gì trong bài kiểm tra bộ nhớ, do đó cảm thấy thoải mái hơn. Đến cuối buổi làm việc thứ năm, Steve giải thích cho tôi lý do tại sao cậu nghĩ rằng mình khó có khả năng làm tốt hơn.
Và rồi vào ngày thứ sáu, có một bước ngoặt làm thay đổi mọi thứ: Steve đã tìm ra cách đột phá. Các buổi gặp trước đó thường là như sau: tôi sẽ bắt đầu với một chuỗi năm chữ số ngẫu nhiên, và nếu Steve nhớ đúng (mà cậu ấy luôn đúng với chuỗi năm số), tôi sẽ tiếp tục với chuỗi sáu chữ số. Nếu cậu ta cũng nhớ đúng, tôi sẽ tăng lên bảy chữ số, và cứ như vậy, tăng chiều dài của chuỗi số lên một số mỗi lần nếu Steve nhớ đúng. Nếu cậu ấy nhớ sai, ở lần sau tôi sẽ bớt đi hai chữ số và tiếp tục. Bằng cách này, Steve liên tục bị thách thức nhưng không quá nhiều. Cậu ấy luôn nhận được chuỗi chữ số nằm ngay ở ranh giới giữa những gì cậu có thể và không thể làm được.
Vào ngày thứ sáu đó, Steve đã vượt qua ranh giới. Cho đến thời điểm đó, cậu ấy chỉ nhớ chính xác các chuỗi chín chữ số được vài lần, và chưa từng nhớ được một chuỗi 10 chữ số, vì vậy cậu ấy thậm chí chưa bao giờ có cơ hội thử với chuỗi 11 chữ số hoặc dài hơn. Nhưng Steve bắt đầu buổi làm việc thứ năm một cách thần tốc. Cậu nhớ đúng ba lần thử đầu tiên – năm, sáu và bảy chữ số, sai ở lần thứ tư, và ngay sau đó lại chính xác trở lại: sáu chữ số, đúng; bảy chữ số, đúng; tám chữ số, đúng; chín chữ số, đúng. Sau đó, tôi đọc
một con số gồm 10 chữ số – 5718866610 – và cậu ta cũng đúng tiếp. Cậu ta bị sai ở chuỗi 11 chữ số sau đó, nhưng sau khi nhớ đúng một chuỗi chín chữ số và một chuỗi 10 chữ số khác, tôi lại đọc cho cậu ta chuỗi 11 chữ số thứ hai – 90756629867 – và lần này, cậu ta lặp lại toàn bộ một cách trơn tru. Như vậy, đồng nghĩa với việc nhiều hơn hai chữ số so với khả năng ghi nhớ của cậu ta trước đó, và mặc dù hai chữ số nghe thì có vẻ không quá ấn tượng, nhưng đó thực sự là một thành tựu lớn vì vài ngày làm việc trước đó đã xác định rằng Steve đã chạm đến ngưỡng “giới hạn” – số lượng chữ số mà cậu có thể lưu giữ dễ dàng trong bộ nhớ ngắn hạn chỉ là 8-9 số. Cậu ấy đã tìm ra cách để vượt qua ngưỡng đó.
Đó là khởi đầu của hai năm đáng ngạc nhiên nhất trong sự nghiệp của tôi. Từ thời điểm đó, theo phương thức “chậm nhưng chắc”, Steve đã dần cải thiện khả năng nhớ chuỗi chữ số của mình. Ở buổi làm việc thứ 60, cậu đã có thể nhớ 20 chữ số – hơn rất nhiều so với tưởng tượng của Bill và tôi. Sau hơn 100 buổi, thành tích của cậu đã lên đến 40, nhiều hơn bất cứ ai – thậm chí cả những chuyên gia về trí nhớ, và cậu vẫn tiếp tục tiến xa hơn nữa. Steve đã làm việc với tôi trong hơn 200 buổi tập luyện, và cuối cùng cậu đã đạt tới 82 chữ số – 82! Nếu dành chút thời gian nghĩ về điều đó, bạn sẽ nhận ra khả năng của bộ nhớ đáng kinh ngạc đến mức nào. Đây là 82 con số ngẫu nhiên:
032644344960222132820930102039183237392778891726765324503 7746120179094345510355530
Hãy tưởng tượng bạn nghe tất cả những chữ số đó với tốc độ 1 số/giây và nhớ tất cả chúng. Đây là điều mà Steve Faloon đã tự dạy chính mình trong suốt hai năm thí nghiệm của chúng tôi – mà không hề biết điều đó là có thể, chỉ bằng cách tiếp tục nỗ lực tuần này qua tuần khác.
SỰ TRỖI DẬY CỦA NHỮNG NGƯỜI THỂ HIỆN XUẤT SẮC
Vào năm 1908, Johnny Hayes đã giành huy chương vàng marathon tại Thế vận hội Olympic trong cuộc đua mà báo chí ngày ấy miêu tả là “vĩ đại nhất thế kỷ”. Thời gian chiến thắng của Hayes (cũng là kỷ lục thế giới ở môn marathon khi đó) là 2 giờ 55 phút và 18 giây.
Ngày nay, chỉ sau hơn một thế kỷ, kỷ lục thế giới cho marathon là 2 giờ 2 phút và 57 giây – nhanh hơn gần 30% so với kỷ lục của Hayes – và nếu bạn là nam giới, từ 18 đến 34 tuổi, bạn thậm chí không được phép tham gia giải marathon nổi tiếng ở Boston trừ khi bạn đã tham gia một giải marathon khác với thời gian dưới 3 giờ và 5 phút. Tóm lại, kỷ lục thế giới của Hayes vào năm 1908 sẽ đủ cho ông dự giải Boston Marathon ngày nay (có khoảng 30.000 vận động viên), nhưng cũng chỉ là “vừa đủ”.
Thế vận hội Olympic mùa hè năm 1908 đó cũng đã chứng kiến một sự cố gần như là thảm họa ở bộ môn nhảy cầu của nam. Một trong số các vận động viên suýt gặp phải một chấn thương nghiêm trọng trong khi cố gắng thực hiện cú nhảy lộn hai vòng, và một báo cáo chính thức được đưa ra vài tháng sau kết luận rằng cú nhảy đó quá nguy hiểm và khuyến cáo rằng nó cần bị cấm ở các kỳ Thế vận hội sau. Ngày nay, nhảy lộn nhào hai vòng chỉ được coi là cú nhảy ở trình độ nhập môn. Những đứa trẻ 10 tuổi thực hiện nó một cách chuẩn xác tại các cuộc thi, và lên đến cấp trung học thì những vận động viên giỏi nhất đã có thể nhảy lộn bốn vòng rưỡi. Các vận động viên đẳng cấp thế giới thậm chí còn thực hiện những cú nhảy như “twister” – nhảy lộn ngược hai vòng rưỡi kèm thêm xoắn người hai vòng rưỡi nữa. Thật khó mà tưởng tượng các chuyên gia của những năm đầu thế kỷ XX kia – những người đã coi cú lộn nhào hai vòng là nguy hiểm, sẽ nghĩ gì về cú twister, nhưng tôi đoán là họ sẽ coi nó như là điều bất khả thi đến nực cười – dĩ nhiên, với điều kiện là ai đó phải có trí tưởng tượng và sự táo bạo để đề xuất nó trước đã.
Vào đầu những năm 1930, Alfred Cortot là một trong những nghệ sĩ nhạc cổ điển nổi tiếng nhất trên thế giới, và các bản thu của ông về 24 bản Etudes của Chopin được coi là phiên bản thể hiện chính thức. Vậy mà ngày nay, các giáo viên lại đem chính những bản thu đó – cẩu thả và bị phá hỏng bởi các nốt sai – ra làm ví dụ cho những cách chơi tệ hại khi trình diễn nhạc Chopin. Bất kỳ nghệ sĩ piano chuyên nghiệp nào đều được chờ đợi có khả năng thể hiện các bản Etudes với kỹ năng và sự mạnh mẽ hơn hẳn Cortot. Thật vậy, Anthony Tommasini, nhà phê bình âm nhạc của tờ New York Times, đã từng nói rằng mặt bằng trình độ trong âm nhạc đã tăng lên rất nhiều kể từ thời Cortot, đến nỗi Cortot ngày nay có lẽ sẽ không được nhận vào Học viện Âm nhạc Juilliard.
Năm 1973, David Richard Spencer, một anh chàng người Canada đã nhớ được nhiều chữ số pi hơn bất kỳ ai trước đó: 511. Nhưng chỉ năm năm sau, sau một chuỗi kỷ lục mới được thiết lập bởi các đối thủ cạnh tranh nhằm chiếm lấy danh hiệu về khả năng ghi nhớ, kỷ lục đã thuộc một người Mỹ, David Sanker – người đã nhớ được tất thảy 10.000 chữ số pi. Vào năm 2015, sau hơn 30 năm kỷ lục liên tục được phá, người nắm giữ danh hiệu được công nhận là Rajveer Meena của Ấn Độ, người đã ghi nhớ được 70.000 chữ số của pi – và anh đã mất 24 giờ và 4 phút để đọc lại – mặc dù Akira Haraguchi của Nhật Bản tuyên bố rằng mình đã ghi nhớ được tới 100.000 chữ số, nói cách khác là gấp gần 200 lần so với kỷ lục của 42 năm trước.
Đây không phải là những ví dụ riêng lẻ. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những người có khả năng phi thường – những khả năng mà ở hầu hết các thời điểm khác trong quá khứ được coi là bất khả thi. Hãy nhìn vào phép thuật của Roger Federer với trái bóng tennis hoặc cú nhảy kinh ngạc mà McKayla Maroney đã thể hiện trong Thế vận hội Mùa hè năm 2012: một cú nhảy liên hoàn lên ván nhún, một cú nhảy ngược lên bàn nhảy và sau đó là
một pha bay người đẹp mắt, McKayla hoàn tất cú nhảy xoắn hai vòng rưỡi trước khi tiếp đất một cách đầy kiểm soát và chắc chắn. Có những kỳ thủ có thể chơi cùng lúc hàng chục ván khác nhau – trong khi bị bịt mắt – và dường như có vô số thần đồng âm nhạc trẻ tuổi có thể làm kinh ngạc người hâm mộ của thế kỷ trước.
Trong khi những khả năng này thực sự phi thường, cách họ phát triển chúng lại không có gì là bí ẩn. Họ đã phải tập luyện rất nhiều. Kỷ lục thế giới ở môn chạy marathon được rút ngắn tới 30% trong vòng một thế kỷ không phải vì chúng ta được sinh ra với nhiều năng khiếu hơn đối với việc chạy đường dài. Cũng như không phải nửa sau của thế kỷ XX chứng kiến sự gia tăng đột biến của những người có năng khiếu chơi nhạc của Chopin, Rachmaninoff1 hoặc ghi nhớ hàng chục nghìn con số ngẫu nhiên.
Thứ mà nửa sau của thế kỷ XX thực sự đã chứng kiến là sự gia tăng về lượng thời gian mà mọi người dành cho việc tập luyện trong các lĩnh vực khác nhau, kết hợp với các kỹ thuật huấn luyện ngày càng phát triển. Điều này là đúng trong rất nhiều các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như trình diễn âm nhạc và khiêu vũ, thể thao cá nhân và đồng đội, cờ vua và các môn thi đấu khác. Sự gia tăng về lượng và mức độ tinh vi trong tập luyện này dẫn đến sự cải thiện vững vàng về khả năng của những người thể hiện trong các lĩnh vực trên – một sự cải thiện không phải lúc nào cũng rõ ràng nếu xét theo từng năm, nhưng lại rất mạnh mẽ khi được nhìn nhận qua nhiều thập niên.
Một trong những chỗ tốt nhất (dù đôi khi hơi khác thường) để xem kết quả của loại hình tập luyện này là cuốn sách Kỷ lục thế giới Guinness. Hãy lướt qua các trang của cuốn sách hoặc truy cập vào phiên bản online và bạn sẽ thấy những người như giáo viên người Mỹ Barbara Blackburn có thể gõ đến 212 từ mỗi phút; Marko Baloh của Slovenia từng đạp xe 562 dặm trong suốt
24 tiếng đồng hồ; và Vikas Sharma của Ấn Độ, người chỉ trong một phút có thể tính được căn từ bậc 15 đến 50 của 12 số lớn, mỗi số có từ 20-51 chữ số. Sharma có lẽ là ấn tượng nhất vì anh có thể tính nhẩm 12 phép tính cực kỳ khó chỉ trong 60 giây – nhanh hơn tốc độ mà nhiều người cần để gõ số vào máy tính và đọc câu trả lời.
Tôi đã nhận được e-mail từ một kỷ lục gia Guinness, Bob J. Fisher, người từng nắm giữ 12 kỷ lục thế giới khác nhau về ném tự do trong môn bóng rổ. Các kỷ lục của anh bao gồm số điểm ném tự do cao nhất trong 30 giây (33 điểm), cao nhất trong 10 phút (448 điểm) và cao nhất trong một giờ (2.371 điểm). Bob kể với tôi rằng anh tìm đọc các nghiên cứu của tôi về những tác động của tập luyện và đã tích cực áp dụng vào việc phát triển khả năng ném rổ nhanh hơn bất cứ ai khác.
Những nghiên cứu này đều bắt nguồn từ thử nghiệm mà tôi đã thực hiện với Steve Faloon vào cuối những năm 1970. Kể từ đó, tôi đã cống hiến sự nghiệp của mình cho việc hiểu rõ cách mà sự tập luyện tác động để tạo ra các khả năng mới và sâu rộng cho con người, với sự tập trung đặc biệt vào những người nhờ tập luyện mà dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực của họ. Và sau vài thập kỷ nghiên cứu về những người tốt nhất trong những người tốt nhất này (thuật ngữ chuyên môn gọi là những “người thể hiện lão luyện”), tôi đã phát hiện ra rằng dù bạn học về lĩnh vực nào, âm nhạc hay thể thao, cờ vua hay bất cứ gì khác, các loại hình tập luyện hiệu quả nhất đều tuân theo một tập hợp các nguyên tắc chung.
Không có lý do rõ ràng cho điều này. Tại sao những kỹ thuật huấn luyện để biến các nghệ sĩ nhiều tham vọng trở thành những người chơi piano chuyên nghiệp lại liên quan đến kỹ thuật huấn luyện để những người bình thường có thể trở thành một nữ diễn viên múa ballet thực thụ hay một kỳ thủ bậc thầy? Câu trả lời là các loại hình tập luyện hiệu quả và có tác động mạnh mẽ nhất
trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng hoạt động bằng cách khai thác khả năng thích nghi của cơ thể và bộ não con người để từng bước tạo ra khả năng làm những điều mà trước đó là không thể. Nếu bạn muốn phát triển một phương pháp huấn luyện thực sự hiệu quả cho bất cứ việc gì – ví dụ như đào tạo các vận động viên thể dục dụng cụ đẳng cấp thế giới, hoặc thậm chí là dạy cho các bác sĩ cách tiến hành phẫu thuật nội soi – thì cũng đều cần tính đến yếu tố nào thì hiệu quả và yếu tố nào thì không hiệu quả trong việc thúc đẩy sự thay đổi trong cơ thể và bộ não. Vì vậy về cơ bản, tất cả các kỹ thuật tập luyện hiệu quả sẽ hoạt động theo cùng một cách.
Tất cả những hiểu biết này là tương đối mới mẻ và không hề được các thế hệ giáo viên, huấn luyện viên và vận động viên biết tới, mặc dù họ chính là những người đã tạo ra sự cải thiện đáng kinh ngạc về hiệu suất trong thế kỷ qua. Thay vào đó, những cải thiện này đã được thực hiện thông qua phương pháp “thử và sai”, những người có liên quan không hề biết do đâu mà một phương pháp huấn luyện có thể đạt hiệu quả. Hơn nữa, những người trong các lĩnh vực khác nhau đã xây dựng khối kiến thức của họ một cách độc lập, mà không biết rằng tất cả những điều này đều liên quan với nhau – rằng vận động viên trượt băng đang tập cú nhảy ba vòng cũng đang tuân thủ cùng một bộ nguyên tắc chung giống như một nghệ sĩ piano đang cố hoàn thiện bản sonat của Mozart. Vì vậy, hãy tưởng tượng các khả năng có được nhờ những nỗ lực được dẫn đường bởi sự hiểu biết khoa học về những cách tốt nhất để vươn tới sự lão luyện. Và hãy tưởng tượng những khả năng có được nếu chúng ta áp dụng những kỹ thuật đã chứng minh tính hiệu quả trong thể thao, âm nhạc và cờ vua cho tất cả các loại hình học tập khác, từ việc giảng dạy ở trường cho đến đào tạo bác sĩ, kỹ sư, phi công, doanh nhân và mọi loại nhân công. Tôi tin rằng những cải tiến mạnh mẽ ở số ít những lĩnh vực trong 100 năm qua hoàn toàn có thể đạt được trong hầu hết mọi lĩnh vực khác, nếu chúng ta áp
dụng những bài học từ việc nghiên cứu các nguyên tắc của việc tập luyện hiệu quả.
Những loại hình tập luyện khác nhau sẽ phát huy hiệu quả ở mức độ này hoặc mức độ kia, nhưng một loại hình đặc biệt – mà tôi đã gọi là “tập luyện có chủ ý” từ đầu những năm 90 – được coi là tiêu chuẩn vàng. Đây là hình thức tập luyện hiệu quả và mạnh mẽ nhất mà chúng ta từng biết, và việc áp dụng các nguyên tắc của tập luyện có chủ ý là cách tốt nhất để thiết kế các phương pháp tập luyện ở bất kỳ lĩnh vực nào. Chúng tôi sẽ dành hầu hết phần còn lại của cuốn sách này để giải thích tập luyện có chủ ý là gì, tại sao nó hiệu quả đến vậy và cách áp dụng tốt nhất trong các tình huống khác nhau. Nhưng trước khi nghiên cứu về tập luyện có chủ ý, sẽ tốt hơn nếu chúng ta dành chút thời gian để tìm hiểu qua về một số loại hình tập luyện cơ bản mà hầu hết mọi người đã trải nghiệm.
CÁCH TIẾP CẬN THÔNG THƯỜNG
Hãy thử nhìn vào cách mọi người học một kỹ năng mới – lái xe, chơi piano, làm phép chia trên giấy, vẽ một hình người, lập trình tin học hoặc bất cứ điều gì. Để có một ví dụ cụ thể, tôi giả sử bạn đang học chơi tennis.
Bạn đã xem các trận đấu tennis trên truyền hình và thấy khá thú vị, hoặc bạn có một số người bạn chơi tennis và muốn tham gia cùng họ. Vì vậy, bạn mua một vài bộ quần áo tennis, giày, một băng cuốn cổ tay, một cây vợt và vài quả bóng. Bây giờ dù đã khá quyết tâm, nhưng bạn lại không biết gì về cách chơi tennis – bạn thậm chí không biết phải cầm vợt như thế nào – nên bạn sẽ phải thuê huấn luyện viên hoặc nhờ bạn bè chỉ cho các kỹ thuật cơ bản. Sau vài bài học ban đầu, bạn đã có thể tự mình chơi và tập luyện. Có thể bạn sẽ dành chút thời gian luyện cú giao bóng, và bạn tập đánh bóng vào tường liên
tục cho đến khi chắc chắn rằng mình đủ khả năng đỡ bóng bật ra từ bức tường. Sau đó, bạn quay lại học tiếp với huấn luyện viên hoặc bạn bè của mình, và sau đó bạn lại luyện tập thêm, cứ lặp lại như vậy và sau một thời gian bạn đã đủ khả năng để bắt đầu thi đấu với người khác. Dù bạn đánh vẫn chưa tốt lắm, nhưng huấn luyện viên và bạn bè của bạn tỏ ra rất kiên nhẫn, và mọi người đều vui. Bạn tiếp tục tự tập luyện và thỉnh thoảng học thêm các kỹ thuật mới, dần dần những lỗi đáng xấu hổ – như phát bóng hụt hoặc đánh bóng thẳng vào lưng đồng đội – ngày càng ít hơn. Bạn cải thiện hẳn ở nhiều cú đánh khác nhau, thậm chí cả cú trái tay, và thi thoảng khi đang vào guồng, bạn thậm chí trả giao bóng như một tay vợt chuyên nghiệp (hoặc bạn tự động viên bản thân như vậy). Bạn đã thoải mái đến mức có thể bước ra sân và tận hưởng cảm giác chơi bóng. Bạn biết rõ mình đang làm gì, và cơ thể bạn phản ứng một cách tự động. Bạn không phải suy nghĩ quá nhiều khi chơi. Vì vậy, giờ bạn luôn chơi vào mỗi cuối tuần với bạn bè, tận hưởng cuộc chơi cũng như việc tập luyện. Bạn đã là một tay vợt thực thụ. Nghĩa là bạn đã “học” chơi tennis theo nghĩa truyền thống, với mục đích là đạt tới trình độ mà mọi động tác trở nên tự động và đủ khả năng thể hiện một màn trình diễn chấp nhận được mà không phải suy nghĩ quá nhiều, đến mức bạn có thể thư giãn và tận hưởng trò chơi.
Tuy nhiên, bạn sẽ nhanh chóng nhận mình bạn vẫn có những điểm yếu không chịu biến mất cho dù có chơi thường xuyên đến đâu. Ví dụ, mỗi khi phải đỡ một cú bóng cao ngang ngực với một chút xoáy là bạn lại đánh hỏng. Bạn biết điều này, và các đối thủ của bạn cũng nhận ra, vì vậy bạn khá là nản. Tuy nhiên, vì nó không xảy ra thường xuyên và khó lường trước, bạn chưa có cơ hội để chủ ý luyện tập cú đánh đó, do vậy bạn cứ liên tục đánh hỏng trong tình huống đó, hệt như cách bạn đánh tốt những cú khác – một cách tự động.
Chúng ta đều làm theo một khuôn mẫu với bất kỳ kỹ năng nào mà chúng ta học được, từ việc nướng một chiếc bánh cho đến viết một đoạn văn miêu tả. Chúng ta bắt đầu với một ý tưởng chung về những gì chúng ta muốn làm, được hướng dẫn một chút từ một giáo viên, huấn luyện viên, một cuốn sách hoặc một trang web, tập luyện cho đến khi đạt đến một trình độ chấp nhận được, và sau đó để cho mọi thứ trở nên tự động. Và điều này không có gì là sai cả. Đối với phần lớn những gì chúng ta làm trong cuộc sống, sẽ là điều hết sức bình thường khi chúng ta chỉ đạt tới một trình độ trung bình và cứ duy trì như vậy. Nếu tất cả những gì bạn cần là lái xe một cách an toàn từ điểm A đến điểm B, hoặc chơi piano đủ giỏi để đánh được bản Für Elise thì cách tiếp cận này là tất cả những gì bạn cần.
Nhưng có một điều rất quan trọng cần hiểu ở đây: một khi bạn đã đạt đến trình độ vừa phải và sự thể hiện của bạn trở nên tự động – lái xe, chơi quần vợt, nướng bán – bạn sẽ có xu hướng ngừng cải thiện. Mọi người thường hiểu nhầm điều này bởi vì họ cho rằng việc tiếp tục lái xe, chơi tennis hay nướng bánh là một hình thức tập luyện, và nếu họ cứ tiếp tục duy trì thì sớm muộn gì họ cũng sẽ giỏi hơn (có thể là từ từ nhưng dù sao cũng sẽ giỏi hơn). Họ cho rằng một người lái xe trong 20 năm chắc chắn phải lái tốt hơn một người mới lái được năm năm, một bác sĩ đã hành nghề trong 20 năm phải giỏi hơn một bác sĩ mới làm việc được năm năm, một giáo viên đã giảng dạy trong 20 năm phải giỏi hơn người mới dạy được năm năm.
Nhưng không. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhìn chung, một khi chúng ta đạt đến trình độ “chấp nhận được” và hoàn toàn tự động, thì có “tập luyện” bổ sung thêm nhiều năm cũng chẳng thể cải thiện. Nếu có thì nhiều khả năng vị bác sĩ, giáo viên hoặc người lái xe đã làm việc trong 20 năm còn kém hơn người mới làm được năm năm, và lý do là những khả năng tự động này sẽ dần dần kém đi khi chúng ta không nỗ lực để cải thiện.
Vậy bạn sẽ làm gì nếu không hài lòng với trình độ tự động này? Nếu bạn là một giáo viên với 10 năm kinh nghiệm đang muốn làm điều gì đó để thu hút học sinh và truyền đạt được kiến thức một cách hiệu quả hơn, bạn sẽ làm gì? Nếu bạn là một tay golf nghiệp dư muốn cải thiện khả năng chơi 18 hố? Nếu bạn là một chuyên gia quảng cáo muốn các lời quảng cáo của mình có thêm sức hút?
Đây chính là tình huống mà Steve Faloon đã gặp phải chỉ sau một vài buổi làm việc. Vào thời điểm đó, cậu ấy đã trở nên thoải mái với nhiệm vụ nghe một chuỗi chữ số, giữ chúng trong bộ nhớ ngắn hạn, lặp lại chúng với tôi, và có thể nói cậu ấy đã thực hiện nó tốt hơn mong đợi, xét theo những gì chúng ta được biết về các hạn chế của bộ nhớ ngắn hạn. Cậu ấy có thể tiếp tục như vậy và đạt đến giới hạn tối đa là 8-9 chữ số. Nhưng không, vì Steve đang tham gia vào một cuộc thử nghiệm, trong đó cậu ấy liên tục bị thách thức phải nhớ thêm một con số so với lần trước đó, và vốn là một người thích kiểu thách thức này nên Steve đã tự thúc đẩy để cải thiện bản thân.
Cách tiếp cận mà Steve đã thực hiện (mà chúng ta gọi là “tập luyện có chủ ý”) đã vô cùng thành công đối với cậu ấy. Nó không phải lúc nào cũng thành công (như chúng ta sẽ thấy), nhưng nó hiệu quả hơn hẳn phương pháp “chỉ cần đủ” thông thường – và đó là một bước tiến tới “tập luyện có chủ ý”, cũng là mục tiêu cuối cùng của chúng ta.
TẬP LUYỆN CÓ MỤC ĐÍCH
Tập luyện có mục đích mang một số đặc điểm khác biệt so với khái niệm mà chúng ta gọi là “tập luyện ngây thơ” – cơ bản chỉ là làm một điều gì đó lặp đi lặp lại, và hy vọng rằng sự lặp đi lặp lại đó sẽ cải thiện hiệu năng của bản thân.
Steve Oare, chuyên gia âm nhạc tại Đại học Bang Wichita, đã từng đưa ra một cuộc trò chuyện tưởng tượng sau đây giữa một giáo viên hướng dẫn và một sinh viên âm nhạc trẻ tuổi. Đó là loại hội thoại về tập luyện mà các giáo viên dạy nhạc luôn gặp phải. Trong trường hợp này, giáo viên đang cố gắng tìm hiểu lý do vì sao sinh viên kia mãi không cải thiện được thành tích:
Giáo viên: Tờ giấy thực hành ghi rằng em luyện tập một giờ mỗi ngày, nhưng bài thi của em chỉ được điểm C. Em có thể giải thích tại sao không? Sinh viên: Em cũng không biết chuyện gì xảy ra! Tối qua em có thể chơi tốt bài thi đó!
Giáo viên: Em đã chơi bao nhiêu lần?
Sinh viên: 12 hay 20 gì đó.
Giáo viên: Em đã chơi đúng được bao nhiêu lần?
Sinh viên: Dạ, em cũng không biết... Một hoặc hai lần.
Thầy: Hmm... Em đã tập như thế nào?
Sinh viên: Em không biết. Em cứ thế mà chơi thôi.
Đây là một thực tế ngây thơ: Tôi cứ chơi thôi. Tôi chỉ vung gậy và cố gắng đánh trúng bóng thôi. Tôi chỉ nghe những con số và cố gắng nhớ chúng thôi. Tôi chỉ đọc các bài toán và cố gắng giải chúng thôi... Tập luyện có mục đích, như bản thân nó đã ngụ ý, là có chủ đích, thấu đáo và tập trung hơn nhiều so với loại tập luyện ngây thơ này. Đặc biệt, nó có những đặc điểm sau:
Việc tập luyện có mục đích có những mục tiêu được xác định rõ ràng, cụ thể. Sinh viên trong ví dụ trên sẽ thành công hơn với một mục tiêu tập luyện như sau: “Hãy chơi bài này từ đầu đến cuối ba lần liên tiếp với tốc độ thích hợp mà không mắc lỗi.” Nếu không có mục đích như vậy, sẽ chẳng có cách nào để đánh giá buổi tập có thành công hay không.
Trong trường hợp của Steve, cậu ấy không có mục đích dài hạn vì không ai trong chúng tôi biết một người có khả năng ghi nhớ bao nhiêu chữ số,
nhưng cậu ấy đã có một mục tiêu ngắn hạn rất cụ thể: nhớ nhiều chữ số hơn so với buổi trước. Vốn là một vận động viên chạy đường dài, Steve rất có tinh thần cầu tiến, ngay cả khi chỉ cạnh tranh với chính mình, và cậu ấy đã mang tinh thần đó đến với cuộc thử nghiệm. Ngay từ đầu, Steve đã nỗ lực mỗi ngày để tăng lượng chữ số mà mình có thể nhớ.
Tập luyện có mục đích tức là đặt ra một loạt các bước nhỏ để đạt được một mục tiêu dài hạn. Nếu bạn là tay golf nghiệp dư và muốn giảm số lần đánh sao cho ít hơn năm gậy, đó là một mục tiêu chung, nhưng đó không phải là một mục tiêu cụ thể có thể được sử dụng hiệu quả cho việc tập luyện của bạn. Hãy chia mục tiêu làm nhiều bước và lên kế hoạch: chính xác bạn cần phải làm gì để giảm được năm gậy? Một mục tiêu có thể là tăng số lần đánh bóng vào khu vực Fairway2 – đây là một mục tiêu cụ thể khá hợp lý, nhưng bạn cần phải chia nhỏ hơn nữa: chính xác bạn sẽ làm gì để tăng số lượng các cú đánh thành công? Bạn sẽ phải tìm ra nguyên nhân tại sao rất nhiều cú đánh của bạn không rơi xuống khu vực fairway và xử lý vấn đề đó bằng những cách như: tập luyện để giảm tỷ lệ đánh bóng bị lượn quá xa. Bạn làm vậy bằng cách nào? Một huấn luyện viên có thể cho bạn lời khuyên về cách thay đổi tư thế xoay người cụ thể. Và tương tự như vậy. Điều quan trọng là dùng mục tiêu tổng quát đó (trở nên giỏi hơn) và biến nó thành một điều gì đó cụ thể để bạn tập luyện với một dự kiến cải thiện thực tế.
Tập luyện có mục đích nghĩa là tập trung. Không giống như cậu sinh viên âm nhạc mà Oare mô tả ở trên, Steve Faloon đã tập trung vào nhiệm vụ của mình ngay từ khi bắt đầu, và sự tập trung ấy ngày càng tăng lên theo thời gian và cậu ấy ghi nhớ được những chữ số dài hơn. Bạn có thể cảm nhận về sự tập trung này bằng cách lắng nghe đoạn băng của buổi làm việc thứ 115, tương đương với khoảng giữa của cuộc thử nghiệm. Steve khi đó có thể thường xuyên nhớ được những chuỗi gần 40 chữ số, nhưng lên đến 40 thì cậu ấy vẫn
chưa thể nhớ được một cách ổn định, và ngày hôm đó cậu ấy thực sự muốn đạt đến con số 40 một cách thường xuyên. Chúng tôi bắt đầu với 35 chữ số – vốn đã dễ dàng với Steve, và cậu ấy dần trở nên phấn chấn hơn sau mỗi chuỗi chữ số. Trước khi tôi đọc chuỗi 39 chữ số, Steve tự dành cho mình một bài động viên bản thân, dường như không ý thức gì khác ngoài nhiệm vụ trước mắt: “Hôm nay tôi đang có một ngày trọng đại! Tôi chưa sai một số nào, phải không? Chắc chắn là như vậy!
Đây sẽ là một ngày tuyệt vời!” Steve im lặng trong suốt 40 giây khi tôi đọc to các chữ số, nhưng sau đó, khi cậu ấy cẩn thận nhẩm lại các chữ số trong đầu, nhớ lại các nhóm số khác nhau và thứ tự xuất hiện của chúng. Cậu ấy gần như không thể kiềm chế bản thân. Steve đập mạnh lên bàn và vỗ tay vài lần như thể vui mừng mỗi khi nhớ được một nhóm số hoặc vị trí của chúng ở trong chuỗi. Có lúc cậu ấy buột miệng thốt lên: “Hoàn toàn đúng! Chắc chắn rồi!” Và cuối cùng, khi lặp lại các chữ số với tôi, Steve quả thực đã đúng, vì vậy chúng tôi chuyển lên 40 số. Một lần nữa, cậu ấy lại tự động viên tinh thần: “Thử thách lớn là đây! Nếu mình vượt qua được nó, tất cả sẽ kết thúc! Mình phải vượt qua thử thách này!” Tiếp theo lại là sự im lặng khi tôi đọc các chữ số, và sau đó là những tiếng hô kích động khi cậu ta suy nghĩ: “Wow! Cố lên nào… Được rồi!… Nào!” Steve đúng cả chuỗi chữ số ấy, và rốt cuộc trong buổi làm việc hôm đó, cậu ấy đã thường xuyên nhớ đúng 40 chữ số, mặc dù không hơn.
Cần phải nói rằng không phải ai cũng tập trung bằng cách gào to hay đập mạnh lên bàn, nhưng màn thể hiện của Steve đã cho thấy một hiểu biết quan trọng về sự tập luyện hiệu quả: bạn ít khi cải thiện được nhiều nếu như không dành toàn bộ sự chú ý vào nhiệm vụ.
Tập luyện có mục đích bao gồm sự phản hồi. Bạn phải biết mình đang làm điều gì đó đúng cách hay không, và nếu không thì bạn đang sai lầm như
thế nào. Trong ví dụ về Oare, cậu sinh viên âm nhạc nhận được phản hồi muộn màng với điểm C ở bài kiểm tra, nhưng trong suốt quá trình tập luyện, có vẻ cậu ấy không nhận được sự phản hồi nào – không ai lắng nghe và chỉ ra những sai sót, khi cậu ấy không biết rằng mình có mắc lỗi hay không. (“Em đã chơi đúng được bao nhiêu lần?” “Dạ, em cũng không biết… Một hoặc hai lần?).
Trong nghiên cứu về trí nhớ của chúng tôi, Steve đã luôn nhận được những phản hồi đơn giản, trực tiếp sau mỗi lần thử – dù đúng hay sai, thành công hay thất bại. Cậu ấy luôn biết mình đang ở đâu. Nhưng có lẽ phản hồi quan trọng hơn cả là phản hồi mà cậu ấy tự đưa ra cho bản thân. Steve chú ý rất kỹ đến những yếu tố nào của một chuỗi chữ số khiến mình gặp vấn đề. Mỗi lần bị sai với một chuỗi số, Steve thường biết chính xác lý do và mình đã sai ở những số nào. Hoặc ngay cả khi nhớ chính xác một chuỗi số, sau đó cậu ấy cũng có thể cho tôi biết những số đã gây khó khăn và những số nào thì dễ dàng. Bằng cách nhận ra điểm yếu của mình, Steve có thể chuyển đổi sự tập trung một cách hợp lý và đưa ra các kỹ thuật ghi nhớ mới giúp giải quyết những điểm yếu đó.
Nói chung, bất kể bạn đang cố gắng làm gì, bạn cần nhận được phản hồi để xác định chính xác mình đang ở đâu và còn thiếu điều gì. Nếu không có thông tin phản hồi – từ chính bạn hoặc từ người khác – bạn sẽ không thể nhận ra mình phải cải thiện điều gì hoặc đang tiến gần tới mục tiêu đến đâu.
Tập luyện có mục đích đòi hỏi mỗi người phải thoát ra khỏi khu vực thoải mái của mình. Đây có lẽ là yêu cầu quan trọng nhất của tập luyện có mục đích. Cậu sinh viên của Oare không cho thấy dấu hiệu của việc tự thúc đẩy bản thân vượt qua khỏi những điều quen thuộc và thoải mái. Thay vào đó, những lời của cậu ấy dường như nói lên một nỗ lực tập luyện khá nửa vời,
không cố gắng làm nhiều hơn những gì vốn đã dễ dàng đối với cậu. Cách tiếp cận đó chỉ đơn giản là không mang lại hiệu quả.
Thử nghiệm về trí nhớ của chúng tôi được thiết lập để khiến cho Steve không cảm thấy quá thoải mái. Mỗi khi Steve tăng thêm khả năng nhớ, tôi sẽ thử thách cậu ấy với những chuỗi số khó hơn và dài hơn để cậu ấy luôn bị đẩy sát tới vạch giới hạn của mình. Cụ thể, bằng cách tăng lượng chữ số mỗi lần Steve nhớ đúng, và giảm lượng chữ số mỗi khi cậu ấy nhớ sai, tôi giữ cho lượng chữ số luôn tương đương với khả năng của cậu ấy, trong khi cũng luôn thúc đẩy cậu ấy phải nhớ thêm dù chỉ một chữ số.
Đây là một sự thật cơ bản về bất kỳ loại tập luyện nào: nếu bạn không đẩy mình vượt ra ngoài vùng thoải mái, bạn sẽ không bao giờ cải thiện. Một nghệ sĩ piano nghiệp dư từng trải qua sáu năm học đàn khi ở tuổi thiếu niên, nhưng suốt 30 năm chỉ luôn chơi đúng một bộ tác phẩm theo cùng một cách lặp đi lặp lại có thể đã tích lũy được hàng chục nghìn giờ “tập luyện” trong 30 năm đó, nhưng anh ta chơi không hề tốt hơn so với chính mình của 30 năm trước. Thật vậy, có khi anh ta còn trở nên kém hơn.
Chúng tôi có bằng chứng hết sức rõ ràng về hiện tượng này: nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa cho thấy, xét theo một vài chỉ số đánh giá khách quan, các bác sĩ đã hành nghề 20-30 năm thể hiện kém hơn so với những người chỉ mới ra trường được 2-3 năm. Hóa ra hầu hết những điều mà các bác sĩ làm
trong thực tiễn hằng ngày không góp phần cải thiện hoặc thậm chí duy trì khả năng của họ; họ gần như không bị thử thách hoặc đòi hỏi phải vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Vì lý do đó, tôi đã tham gia một hội nghị vào năm 2015 để xác định những loại hình mới về giáo dục y khoa có thể thách thức đội ngũ bác sĩ và giúp họ duy trì và nâng cao kỹ năng của bản thân. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về vấn đề này trong Chương 5.
Có lẽ ví dụ yêu thích của tôi về bài học này là trường hợp về kỹ năng cờ vua của Ben Franklin. Franklin là thiên tài nổi tiếng của nước Mỹ. Ông là một nhà khoa học đã tạo dựng danh tiếng với quá trình nghiên cứu về điện, đồng thời là một nhà văn nổi tiếng với tác phẩm Poor Richard Almanac (tạm dịch: Cuốn niên giám của Poor Richard), người sáng lập thư viện công cộng đầu tiên ở Mỹ, nhà ngoại giao tài năng và là người phát minh ra kính hai tròng, cột thu lôi, lò Franklin và nhiều thứ khác nữa. Nhưng niềm đam mê lớn nhất của ông là cờ vua. Franklin là một trong những người chơi cờ vua đầu tiên ở Mỹ và từng tham gia vào trận đấu cờ vua đầu tiên được biết đến tại Mỹ. Ông chơi cờ vua suốt hơn 50 năm, và khi về già ông còn dành nhiều thời gian hơn cho nó. Khi ở châu Âu, ông từng chơi với François-André Danican Philidor, kỳ thủ giỏi nhất khi đó. Và bất chấp lời khuyên của chính mình về việc cần ngủ sớm và thức dậy sớm, Franklin thường xuyên chơi cờ từ khoảng 6 giờ chiều cho đến khi mặt trời mọc.
Tóm lại, Ben Franklin là một người xuất sắc, và ông đã dành hàng ngàn giờ để chơi cờ vua, đôi khi là thi đấu với những kỳ thủ giỏi nhất khi đó. Liệu điều đó có khiến cho ông trở thành một kỳ thủ vĩ đại? Không. Ông ở mức trên trung bình, nhưng chưa bao giờ đủ xuất sắc để so sánh với các kỳ thủ khá của châu Âu, chứ đừng nói đến những người giỏi nhất. Sự thực này khiến Franklin vô cùng chán nản, nhưng ông không hiểu nổi tại sao mình không thể giỏi hơn. Ngày nay chúng ta đã hiểu rằng: Franklin đã không bao giờ tự thúc đẩy bản thân, không bao giờ rời khỏi vùng thoải mái của mình, không bao giờ thực hiện tập luyện có mục đích để cải thiện kỹ năng. Ông giống như người nghệ sĩ piano chỉ chơi một số bài hát trong 30 năm. Đó là một công thức cho sự trì trệ chứ không phải cải thiện.
Ra khỏi vùng thoải mái nghĩa là cố gắng làm một điều gì đó mà bạn chưa từng làm được. Đôi khi bạn thấy tương đối dễ dàng để hoàn thành điều đó, và
sau đó bạn sẽ tiếp tục tiến tới. Nhưng đôi khi bạn như bị chặn đứng bởi một bức tường, và có vẻ sẽ không bao giờ vượt qua được. Việc tìm ra cách để gỡ bỏ các rào cản đó là một trong những chìa khóa ẩn mở ra tập luyện có mục đích.
Nói chung, giải pháp không phải là “cố gắng nhiều hơn” mà là “cố gắng khác đi”. Đó là một vấn đề về kỹ thuật. Trong trường hợp của Steve, cậu ấy từng gặp phải rào cản khi lên đến 22 chữ số. Cậu nhóm chúng thành bốn nhóm bốn chữ số, sử dụng nhiều cách để ghi nhớ lại, sau đó cộng với một nhóm sáu chữ số ở cuối cùng mà cậu sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi có thể nhớ nó bằng âm thanh của các con số. Nhưng Steve không thể tìm ra cách vượt qua 22 chữ số, bởi khi cố giữ trong đầu bốn nhóm bốn chữ số, cậu bắt đầu bối rối về thứ tự của chúng. Cuối cùng, Steve nảy ra ý tưởng sử dụng cả các nhóm ba chữ số và nhóm bốn chữ số – một cú đột phá cho phép Steve tiến tới với việc sử dụng bốn nhóm bốn chữ số, bốn nhóm ba chữ số, và một nhóm sáu chữ số ở cuối cùng, với tổng tối đa là 34 chữ số. Sau khi đạt đến giới hạn đó, Steve lại phải phát triển một kỹ thuật khác. Đó là khuôn mẫu quen thuộc xuyên suốt quá trình thử nghiệm về trí nhớ: Steve sẽ cải thiện đến một điểm, bị mắc kẹt, cố gắng tìm cách tiếp cận khác để vượt qua rào cản, tìm ra nó và sau đó tiếp tục cải thiện cho đến khi một rào cản mới xuất hiện.
Cách tốt nhất để vượt qua mọi rào cản là tiếp cận nó từ một hướng khác, đó cũng là lý do bạn nên làm việc với một giáo viên hoặc huấn luyện viên. Một người đã quen thuộc với các loại chướng ngại mà bạn có thể gặp phải có thể gợi ý cho bạn cách khắc phục chúng.
Và đôi khi, một rào cản lại là vấn đề về tâm lý chứ không phải nguyên nhân nào khác. Giáo viên violin nổi tiếng Dorothy DeLay từng kể rằng, có lần một sinh viên đến nhờ bà giúp tăng tốc độ chơi ở một bản nhạc cụ thể để biểu diễn tại một liên hoan âm nhạc. “Em không thể chơi đủ nhanh,” cậu ta nói với
bà. “Vậy em cần chơi nhanh như thế nào?” Bà hỏi. Cậu sinh viên trả lời rằng mình muốn chơi nhanh như Itzhak Perlman, nghệ sĩ violin nổi tiếng thế giới. Việc đầu tiên DeLay làm là mở bản thu của Perlman và đo thời gian. Sau đó, bà đặt máy nhịp theo tốc độ chậm và yêu cầu cậu sinh viên chơi bản nhạc theo tốc độ đó – điều hoàn toàn trong khả năng của cậu. Bà tiếp tục cho cậu chơi đi chơi lại nhiều lần, mỗi lần lại tăng tốc máy nhịp thêm một chút. Và mỗi lần cậu đều thực hiện chính xác. Cuối cùng, bà đã cho cậu thấy sự điều chỉnh trên máy nhịp: cậu thực sự đã chơi nhanh hơn Perlman.
Bill Chase và tôi đã sử dụng một kỹ thuật tương tự với Steve một vài lần khi cậu ấy gặp phải một rào cản và nghĩ rằng mình sẽ không thể tiến xa hơn. Có lần, tôi đã giảm tốc độ đọc một chút, và điều đó đó đã giúp Steve có thể nhớ hơn được khá nhiều số. Điều này đã thuyết phục Steve rằng vấn đề không phải là lượng chữ số, mà là cậu ấy mã hóa các chữ số nhanh đến đâu – nghĩa là đưa ra cách ghi nhớ cho các nhóm chữ số để từ đó tạo nên toàn bộ chuỗi chữ số – và cậu ấy có thể cải thiện hiệu suất của mình nếu có thể tăng tốc thời gian đưa các chữ số vào bộ nhớ dài hạn.
Một lần khác, tôi đã đọc cho Steve chuỗi dài hơn đến 10 chữ số so với bất kỳ một chuỗi nào mà cậu ấy có thể nhớ trước đó.
Steve đã tự khiến bản thân ngạc nhiên khi nhớ được hầu hết các chữ số trong chuỗi đó, và đặc biệt là nhớ được tổng lượng chữ số nhiều hơn so với tất cả thành tích trước đó, mặc dù vẫn có sai sót. Điều này đã khiến Steve tin rằng mình có thể nhớ được các chuỗi dài hơn. Steve nhận ra vấn đề không phải là cậu ấy đã đạt đến giới hạn của bộ nhớ, mà là cậu ấy đã sai lầm với một hoặc hai nhóm chữ số trong toàn bộ chuỗi. Steve quyết định rằng chìa khóa để tiếp tục là mã hóa các nhóm nhỏ một cách cẩn thận hơn, và cậu ấy đã cải thiện trở lại.
Bất cứ khi nào cố gắng cải thiện một điều gì đó, bạn sẽ gặp phải những trở ngại như vậy – những điểm mà có vẻ như bạn không thể tiến bộ hơn được nữa, hoặc chí ít là chẳng biết nên làm gì để cải thiện. Điều này là hoàn toàn tự nhiên. Thứ không tự nhiên là một trở ngại chặn đứng thực sự, một trở ngại không thể đi vòng qua, vượt qua hoặc xuyên qua. Trong quá trình nghiên cứu của mình, tôi đã phát hiện ra rằng rất hiếm khi có được bằng chứng rõ ràng cho thấy một người đã đạt đến một giới hạn bất biến về hiệu suất trong một lĩnh vực bất kỳ. Thay vào đó, đúng hơn là mọi người thường bỏ cuộc và ngừng cố gắng cải thiện.
Một lưu ý ở đây là dù việc tiếp tục tiến tới và cải thiện luôn khả thi, nhưng nó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Duy trì sự tập trung và nỗ lực tập luyện có mục đích là công việc rất khó khăn, và nhìn chung là không hề vui vẻ. Vì vậy, vấn đề động lực là điều cực kỳ thiết yếu: tại sao một số người tham gia vào hình thức tập luyện này? Điều gì khiến họ tiếp tục? Chúng ta sẽ còn trở lại với những câu hỏi quan trọng này nhiều lần trong cuốn sách.
Trong trường hợp của Steve, có một số yếu tố tác động. Trước tiên, cậu ấy nhận được thù lao cho cuộc thử nghiệm. Nhưng cậu ấy hoàn toàn có thể chỉ xuất hiện tại các buổi làm việc và không cần cố gắng quá nhiều mà vẫn được trả công, vì vậy mặc dù tiền có thể là một phần động lực, nhưng chắc chắn đó không phải là tất cả. Tại sao Steve tự thúc đẩy bản thân nhiều đến vậy để cải thiện? Qua những cuộc nói chuyện với Steve, tôi tin rằng một phần lớn nguyên do là sau khi bắt đầu thấy được sự cải thiện, cậu ấy thực sự thích thú khi chứng kiến khả năng ghi nhớ của mình gia tăng. Đó là cảm giác rất dễ chịu, và cậu ấy muốn tiếp tục cảm thấy như vậy. Ngoài ra, sau khi đạt đến một trình độ nhất định về khả năng ghi nhớ, Steve đã ít nhiều trở thành một nhân vật nổi tiếng; những câu chuyện về cậu ấy xuất hiện trên các trang báo và tạp chí, và cậu ấy được mời xuất hiện trên truyền hình, bao gồm cả chương trình Today
Show. Điều này đem lại một dạng phản hồi tích cực khác. Nói chung, phản hồi tích cực và có ý nghĩa là một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì động lực. Đó có thể là phản hồi nội tại, chẳng hạn như sự hài lòng khi nhìn thấy bản thân cải thiện ở một điều gì đó, hoặc phản hồi ngoại tại từ những người khác, nhưng nó tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc liệu một người có thể duy trì được sự nỗ lực và kiên trì cần thiết để cải thiện thông qua tập luyện có mục đích hay không.
Một yếu tố khác là Steve thích thử thách bản thân. Có thể thấy điều này thông qua hồ sơ của cậu ấy: một vận động viên marathon. Tất cả những người biết Steve đều nói rằng cậu ấy luyện tập chăm chỉ không thua kém ai, nhưng động lực của Steve chỉ đơn giản là để cải thiện thành tích của bản thân chứ không nhất thiết để chiến thắng các cuộc đua. Hơn nữa, từ kinh nghiệm chạy nhiều năm, Steve hiểu rõ ý nghĩa của việc tập luyện thường xuyên, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, và nhiệm vụ tập luyện trí nhớ ba lần mỗi tuần, mỗi lần một giờ khó có thể khiến cậu ấy nản chí, nhất là khi cậu ấy thường xuyên có những buổi tập chạy kéo dài đến ba tiếng đồng hồ. Sau khi hoàn tất cuộc thử nghiệm về trí nhớ với Steve và một vài sinh viên khác, tôi chỉ tuyển chọn những đối tượng đã có kinh nghiệm tập luyện một cách tổng quát như các vận động viên, vũ công, nghệ sĩ hoặc ca sĩ. Không ai trong số họ bỏ cuộc. Và chúng ta có thể tóm tắt tập luyện có mục đích như sau: Hãy bước ra ngoài vùng thoải mái của bạn nhưng làm điều đó một cách tập trung, với mục tiêu rõ ràng, một kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó và một phương thức để theo sát sự tiến bộ của bản thân. À, và hãy tìm ra một cách để duy trì động lực nữa.
Công thức này là sự khởi đầu tuyệt vời cho bất cứ ai muốn cải thiện – nhưng nó mới chỉ là sự khởi đầu.
NHỮNG GIỚI HẠN CỦA TẬP LUYỆN CÓ MỤC ĐÍCH
Trong khi Bill Chase và tôi thực hiện quá trình nghiên cứu về trí nhớ kéo dài hai năm với Steve Faloon – nhưng sau khi Steve đã bắt đầu lập kỷ lục với khả năng ghi nhớ – chúng tôi đã quyết định tìm thêm một đối tượng khác sẵn sàng đối mặt với thử thách tương tự. Không ai trong chúng tôi tin rằng Steve được sinh ra với một năng khiếu đặc biệt để ghi nhớ chữ số, đúng hơn là chúng tôi cho rằng những kỹ năng mà cậu ấy phát triển hoàn toàn là nhờ quá trình luyện tập, và cách tốt nhất để chứng minh điều đó là thực hiện một nghiên cứu tương tự với một đối tượng khác và xem liệu chúng tôi có thu được kết quả tương tự hay không.
Tình nguyện viên đầu tiên là một sinh viên cao học, Renée Elio. Trước khi bắt đầu, cô ấy được thông báo rằng người đi trước cô đã tăng đáng kể lượng chữ số mà cậu ấy có thể ghi nhớ, vì vậy Renée biết rằng sự cải thiện là hoàn toàn có thể – điều mà Steve đã không biết khi cậu bắt đầu – nhưng chúng tôi đã không nói với Renée về việc Steve đã thể hiện như thế nào. Cô ấy sẽ phải tự tìm ra cách tiếp cận của riêng mình.
Khi bắt đầu, Renée đã cải thiện với tốc độ tương tự như Steve, và sau khoảng 50 giờ tập luyện, cô ấy đã có thể tăng bộ nhớ của mình lên gần 20 chữ số. Tuy nhiên không giống như Steve, đó cũng là lúc Renée va phải một bức tường mà cô ấy không thể vượt qua được. Sau khi mất thêm khoảng 50 giờ nữa mà không tiến thêm được, cô ấy đã quyết định bỏ cuộc. Renée đã cải thiện bộ nhớ ngắn hạn của mình đến trình độ cao hơn bất kỳ một người không được tập luyện nào khác – và có thể so sánh được với một số chuyên gia trí nhớ – nhưng cô lại thua xa những gì Steve đã đạt được.
Khác biệt là gì? Steve đã thành công bằng cách phát triển một bộ sưu tập các “cấu trúc tinh thần” – những cách nhớ khác nhau, rất nhiều trong số đó
dựa vào thời gian, cộng với một hệ thống để theo dõi thứ tự của các cách nhớ – cho phép cậu ấy sử dụng bộ nhớ dài hạn để lách qua những hạn chế của bộ nhớ ngắn hạn và nhớ được các chuỗi chữ số dài. Ví dụ, khi nghe số 907, cậu ấy đã khái niệm hóa chúng như là khoảng thời gian cho một quãng chạy hai dặm – 9:07, hoặc 9 phút 7 giây – và như vậy chúng không còn là những chữ số ngẫu nhiên mà cậu ấy phải cho vào bộ nhớ ngắn hạn, mà là một khái niệm gì đó đã quen thuộc. Như chúng ta sẽ thấy, chìa khóa hướng tới bất kỳ sự cải thiện nào về hiệu suất tinh thần là các cấu trúc nhận thức giúp chúng ta tránh được những hạn chế của bộ nhớ ngắn hạn và xử lý hiệu quả với lượng lớn thông tin cùng một lúc. Steve đã làm được điều đó.
Renée (vốn không biết Steve đã làm như thế nào) đã phát triển một cách tiếp cận hoàn toàn khác để ghi nhớ các chữ số. Trong khi Steve ghi nhớ các nhóm ba và bốn chữ số chủ yếu dựa theo thời gian chạy, Renée lại sử dụng một bộ các cách ghi nhớ tinh vi dựa vào những thứ như ngày, tháng và thời gian trong ngày. Một sự khác biệt quan trọng giữa Steve và Renée, đó là Steve luôn quyết định từ trước rằng mình sẽ sử dụng khuôn mẫu nào để ghi nhớ các chữ số, cậu ấy chia các chuỗi số thành các bộ ba và bốn chữ số cùng một nhóm 4-6 chữ số ở cuối, sau đó lặp đi lặp lại trong đầu cho đến khi lưu âm thanh của nó trong bộ nhớ ngắn hạn của mình. Chẳng hạn, với 27 chữ số, Steve sẽ chia thành ba bộ bốn chữ số, ba bộ ba chữ số, và một nhóm sáu chữ số ở cuối. Chúng tôi gọi khuôn mẫu này là một “cấu trúc phục hồi”, và nó giúp Steve tập trung vào việc ghi nhớ các bộ ba và bốn chữ số một cách riêng lẻ, sau đó ghi nhớ từng bộ riêng lẻ này phù hợp ở đâu trong cấu trúc phục hồi. Cách này đã chứng tỏ là một phương pháp tiếp cận rất hiệu quả, vì nó cho phép Steve mã hóa từng bộ ba hoặc bốn chữ số như là một thời gian chạy hoặc một số mẹo ghi nhớ khác, đưa nó vào trong bộ nhớ dài hạn, và sau đó
không phải suy nghĩ thêm về nó cho đến khi cậu ấy đọc lại tất cả các chữ số với tôi.
Ngược lại, Renée đã nghĩ ra những cách ghi nhớ một cách tùy hứng, dựa theo những chữ số mà cô nghe thấy. Đối với một chuỗi như 4778245, cô ấy có thể nhớ nó như là ngày 7 tháng 4 năm 1978 lúc 2:45, nhưng nếu chuỗi là 4778295, cô ấy sẽ phải sử dụng ngày 7 tháng 4 năm 1978 và bắt đầu với một ngày mới: ngày 9 tháng 2... Nếu không có sự nhất quán như cách tiếp cận của Steve, cô ấy sẽ không thể ghi nhớ quá 20 chữ số. Sau trải nghiệm đó, Bill và tôi đã quyết định tìm một đối tượng khác, một người có thể ghi nhớ các chuỗi chữ số giống Steve hết mức có thể. Do đó, chúng tôi đã tuyển một vận động viên marathon khác, Dario Donatelli, thành viên trong đội tuyển marathon của trường Carnegie Mellon và là một trong những đồng đội của Steve. Steve đã kể với Dario rằng chúng tôi đang tìm kiếm một người sẵn sàng tham gia lâu dài trong nghiên cứu về trí nhớ, và Dario đồng ý.
Lần này, thay vì mặc cho Dario tự tìm cách ghi nhớ, chúng tôi đã để Steve dạy cho Dario phương pháp mã hóa các dãy số của cậu ấy. Với sự khởi đầu thuận lợi này, Dario đã cải thiện nhanh hơn nhiều so với Steve, ít nhất là thời gian đầu. Cậu ấy đạt tới mức 20 chữ số sau số buổi tập ít hơn rất nhiều, nhưng kể từ đó, Dario bắt đầu chững lại, và sau khi lên đến 30 số thì có vẻ phương pháp của Steve đã không còn giúp gì được cho Dario, và sự tiến bộ của cậu chậm hẳn lại. Khi đó, Dario bắt đầu phát triển phương pháp của Steve nhưng theo phiên bản của riêng mình. Cậu ấy đã nghĩ ra một số cách khác biệt đôi chút trong việc mã hóa các chuỗi ba và bốn chữ số, và quan trọng hơn, cậu ấy đã thiết kế một cấu trúc phục hồi khác biệt và hiệu quả hơn cho mình. Tuy nhiên, khi kiểm tra cách ghi nhớ các con số của Dario, chúng tôi nhận thấy rằng cậu ấy dựa vào những hoạt động trí óc rất giống với những gì mà Steve đã phát triển: sử dụng bộ nhớ dài hạn để tránh những hạn chế của bộ nhớ ngắn
hạn. Sau vài năm tập luyện, cuối cùng Dario đã có thể nhớ được tới hơn 100 chữ số, hay nói cách khác là nhiều hơn khoảng 20 chữ số so với Steve. Đến lúc này, cũng giống như Steve trước đó, Dario đã trở thành người giỏi nhất ở kỹ năng này mà thế giới từng biết.
Có một bài học quan trọng ở đây: mặc dù việc cải thiện đến một mức độ nhất định là có thể, với việc rèn luyện một cách tập trung và vươn ra khỏi vùng thoải mái của bạn, nhưng đó không phải là tất cả. Chỉ cố gắng thôi là chưa đủ. Tự đẩy mình lên đến giới hạn là chưa đủ. Có những khía cạnh khác quan trọng không kém của việc tập luyện mà chúng ta thường bỏ qua. Có một cách tiếp cận cụ thể với tập luyện đã được chứng minh là hiệu quả nhất để nâng cao khả năng của chúng ta trong mọi lĩnh vực, phương pháp này là tập luyện có chủ ý, và chúng tôi sẽ mô tả nó một cách cụ thể ngay sau đây. Nhưng trước tiên, chúng ta cần xem xét kỹ hơn về điều gì ẩn đằng sau những cải thiện đáng kinh ngạc mà với loại hình tập luyện này đem lại.
Chương 2
Khai thác khả năng thích nghi
Nếu bạn là một vận động viên thể hình chuyên nghiệp, hoặc đơn giản là tập tạ để có thêm cơ bắp, sẽ rất dễ dàng để theo dõi kết quả vì bạn đang tập cơ tay, bắp tay, cơ đùi, cơ ngực, cơ vai, cơ lưng, cơ cầu vai, cơ bụng, cơ mông, bắp chân và gân kheo. Bạn chỉ cần một cái thước dây, hoặc đơn giản là nhìn vào gương để kiểm tra mức độ cải thiện của mình. Nếu đang tập chạy, đạp xe hoặc bơi lội để tăng sức bền, bạn có thể theo dõi sự tiến bộ của mình dựa trên nhịp tim, nhịp thở, và bạn có thể duy trì trong bao lâu trước khi các cơ mỏi dần do tích tụ axit lactic.
Nhưng nếu thử thách của bạn thuộc về khía cạnh tinh thần – ví dụ, trở nên thành thạo trong việc tính toán, học cách chơi một nhạc cụ hoặc ngôn ngữ mới – thì lại khác. Không có cách nào dễ dàng để quan sát thấy những thay đổi trong não bộ của bạn khi nó thích nghi với các yêu cầu tăng dần đang được đặt ra. Không có sự đau nhức ở vỏ não sau một buổi tập luyện đặc biệt căng thẳng. Bạn không phải đi mua mũ mới vì đầu bạn đã trở nên quá lớn. Bạn không phát triển cơ sáu múi ở trên trán. Và bởi không thể nhìn thấy những thay đổi trong não, nên bạn sẽ rất dễ giả định rằng chẳng có gì xảy ra trong đó cả.
Tuy nhiên, đó là một sai lầm. Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng cả cấu trúc và chức năng của bộ não đều thay đổi như là một cách phản ứng trước nhiều loại hình luyện tập tinh thần khác nhau, tương tự như cách các cơ và hệ thống tim mạch của bạn phản ứng với việc tập thể dục. Với sự hỗ trợ của các kỹ thuật chụp hình ảnh não như chụp cộng hưởng từ (MRI), các nhà
thần kinh học đã bắt đầu nghiên cứu sự khác biệt giữa bộ não của những người có kỹ năng đặc biệt và bộ não của những người không có những kỹ năng đó, sau đó tìm hiểu xem những loại hình tập luyện nào thì tạo ra những loại thay đổi nào. Mặc dù vẫn còn một lượng lớn những điều chưa biết trong lĩnh vực này, nhưng chúng tôi đã đủ hiểu biết để có một hình dung rõ ràng về cách mà tập luyện có mục đích và có chủ ý hoạt động nhằm tăng các khả năng cả về thể chất lẫn tinh thần và giúp chúng ta làm được những điều mà trước đây không thể.
Rất nhiều điều chúng ta biết về cách mà cơ thể thích nghi với việc luyện tập đến từ quá trình nghiên cứu về các vận động viên chạy, tập tạ và các bộ môn khác. Tuy nhiên, điều thú vị là một số nghiên cứu tốt nhất về việc não bộ thay đổi như thế nào trước quá trình tập luyện kéo dài lại được thực hiện không phải với các nghệ sĩ nhạc, kỳ thủ hay nhà toán học – vốn là những lĩnh vực truyền thống trong các nghiên cứu về tác động của tập luyện – mà là với tài xế taxi.
BỘ NÃO CỦA CÁC TÀI XẾ TAXI Ở LONDON
Rất hiếm thành phố nào trên thế giới có thể làm khó hệ thống GPS giống như London. Đầu tiên là nơi đây không có mạng lưới giao thông có thể được sử dụng để định hướng và định vị như bạn thường thấy ở Manhattan, Paris hay Tokyo. Thay vào đó, các đường phố chính của thành phố kết nối với nhau theo những góc độ khác thường. Chúng uốn cong và vòng vèo. Đường một chiều thì đầy rẫy, nơi nào cũng có những vòng xuyến và ngõ cụt, và đâm xuyên qua mọi thứ là dòng sông Thames, với cả tá cây cầu bắc qua ở trung tâm London mà trong bất kỳ chuyến du ngoạn nào qua thành phố người ta cũng phải đi qua một trong các cây cầu đó. Và cách đánh số nhà khó lường không
phải lúc nào cũng cho bạn biết chính xác địa chỉ cần tìm ở đâu, ngay cả khi bạn đã tìm đúng đường.
Vì vậy, lời khuyên tốt nhất cho du khách là đừng thuê xe với hệ thống dẫn đường, thay vào đó hãy dựa vào các tài xế taxi. Họ ở khắp mọi nơi – khoảng 25.000 tài xế trong những chiếc ô tô lớn, hình chữ nhật và màu đen, giống như phiên bản ô tô của giày tiện dụng – và họ giỏi đến đáng kinh ngạc trong việc đưa bạn từ điểm A đến điểm B bằng cách hiệu quả nhất có thể, không chỉ tính đến độ dài của các lộ trình khác nhau, mà cả thời gian trong ngày, tình hình giao thông dự kiến, các công trình sửa đường, cấm đường và bất kỳ chi tiết nào có thể có liên quan đến chuyến đi. Thậm chí, điểm A và B cũng không nhất thiết phải là địa chỉ đường phố truyền thống. Giả sử bạn muốn ghé lại cửa hàng bán mũ nhỏ ở Charing Cross mà bạn không nhớ tên – Lord’s, Lear hay một cái tên tương tự như vậy – nhưng bạn nhớ rằng cạnh cửa hàng đó là một tiệm bán bánh cupcake. Vâng, thế là đủ. Hãy nói những thông tin đó với tài xế taxi của bạn, và một cách nhanh nhất có thể với tốc độ của một chiếc ô tô, chẳng mấy chốc bạn sẽ đứng trước cửa hàng Laird London, 23A New Row.
Như bạn có thể tưởng tượng, với những thách thức trong việc tìm đường ở London, không phải ai cũng có thể trở thành tài xế taxi. Thật vậy, để trở thành một tài xế taxi được cấp phép ở London, người ta phải vượt qua một loạt các kỳ thi được mô tả là khó khăn nhất thế giới. Bài kiểm tra được thực hiện bởi Cục Giao thông Vận tải London, và cơ quan đó mô tả “kiến thức” (những điều mà một tài xế taxi tương lai cần phải học) như sau:
Để được cấp phép làm tài xế taxi ở London, bạn sẽ cần một kiến thức sâu rộng, chủ yếu là về khu vực nằm trong bán kính sáu dặm của Charing Cross. Bạn sẽ phải biết: tất cả các đường phố; khu nhà ở; công viên và không gian mở; những văn phòng chính phủ và các ban ngành; những trung tâm tài chính
và thương mại; các cơ sở ngoại giao; tòa thị sảnh; cơ quan đăng ký; bệnh viện; những nơi thờ tự; sân vận động thể thao và trung tâm giải trí; văn phòng hàng không; ga tàu; khách sạn; vũ trường; nhà hát; rạp chiếu phim; bảo tàng; phòng trưng bày nghệ thuật; trường học; cao đẳng và đại học; đồn cảnh sát và các tòa nhà trụ sở; tòa án dân sự, hình sự; nhà tù; và các điểm tham quan cho khách du lịch. Nói cách khác là bất cứ nơi nào hành khách có thể yêu cầu.
Khu vực nằm trong bán kính sáu dặm của Charing Cross gồm xấp xỉ 25.000 đường phố. Nhưng một tài xế taxi tương lai phải nhớ rõ không chỉ đường phố và các tòa nhà, mà cả bất kỳ điểm mốc nào. Theo một câu chuyện năm 2014 về tài xế taxi London đăng trên tạp chí New York Times, một tài xế tương lai đã được hỏi về vị trí của một bức tượng hình hai con chuột với một miếng phô mai; bức tượng đó chỉ có chiều cao 0,3m và nằm trên mặt tiền của một tòa nhà.
Quan trọng hơn, các lái xe taxi tương lai phải chứng tỏ rằng họ có thể di chuyển từ một điểm trong thành phố đến một điểm khác một cách hiệu quả nhất có thể. Các bài kiểm tra bao gồm một loạt “hành trình”, trong đó mỗi lần giám khảo đưa ra hai điểm ở London và người thi phải cung cấp vị trí chính xác của từng điểm và sau đó mô tả tuyến đường tốt nhất giữa hai điểm đó, từng chỗ rẽ, nêu được tên từng con phố theo thứ tự. Mỗi hành trình sẽ đem lại một điểm số dựa trên độ chính xác, và khi người thi càng tích lũy nhiều điểm thì bài kiểm tra càng trở nên khó hơn, với những điểm cuối càng trở nên mơ hồ và các tuyến đường dài hơn, phức tạp hơn. Hơn một nửa các tài xế tương lai đã bị loại, nhưng những người trụ lại được và nhận được giấy phép hành nghề đã hiểu rõ London tới mức Google Maps – với tất cả hình ảnh vệ tinh, camera, bộ nhớ và khả năng xử lý vô tận – chỉ mấp mé chạm tới.
Để làm chủ khối kiến thức này, các tài xế tương lai – được mệnh danh là những “chàng trai tri thức”, hay đôi khi là những “cô gái tri thức” – đã phải
mất nhiều năm lái xe từ nơi này đến nơi khác tại London, ghi lại tất cả về đặc điểm của từng nơi và làm sao để đi từ chỗ này đến chỗ kia. Bước đầu tiên là thông thạo một danh sách gồm 320 hành trình trong cuốn sách hướng dẫn được cung cấp cho ứng viên tài xế taxi. Đối với một hành trình nhất định, ứng viên thường phải tìm ra tuyến đường ngắn nhất bằng cách trực tiếp đi thử tất cả các tuyến đường khác nhau, thông thường là bằng xe máy, sau đó tìm hiểu các khu vực xung quanh điểm đầu và điểm cuối của hành trình. Điều này có nghĩa là cứ đi vòng quanh trong phạm vi 1/4 dặm của từng địa điểm đó, ghi chép về tất cả các tòa nhà và điểm mốc trong vùng lân cận. Sau khi lặp đi lặp lại quá trình này 320 lần, tài xế taxi tương lai đã tích lũy được một bộ kiến thức nền tảng gồm 320 tuyến đường nhanh nhất xung quanh London. Họ cũng đã tìm hiểu và ghi chép gần như từng li từng tý về khu vực trung tâm trong phạm vi 6 dặm của Charing Cross. Đó là một khởi đầu, nhưng các ứng viên thành công vẫn tiếp tục thử thách bản thân nhằm xác định các tuyến đường tốt nhất cho những hành trình khác không có trong danh sách, ghi chép về các tòa nhà và những điểm mốc mà họ đã bỏ lỡ trước đó hoặc gần đây mới xuất hiện. Thật vậy, ngay cả khi đã vượt qua tất cả những bài kiểm tra và được cấp phép, các tài xế taxi ở London vẫn tiếp tục tăng cường và trau dồi kiến thức về đường phố London.
Các kỹ năng về trí nhớ và tìm đường nhờ đó mà trở nên vô cùng đáng kinh ngạc, và vì vậy, các tài xế taxi ở London chính là đối tượng cực kỳ hấp dẫn đối với những nhà tâm lý học đang muốn nghiên cứu về kỹ năng tìm đường. Các nghiên cứu chuyên sâu nhất về tài xế taxi – cũng như những đối tượng có thể cho chúng tôi biết nhiều nhất về việc tập luyện ảnh hưởng đến não bộ như thế nào – đã được tiến hành bởi Eleanor Maguire, một nhà thần kinh học tại Đại học College London.
Trong nghiên cứu đầu tiên của mình về tài xế taxi xuất bản năm 2000, Maguire đã sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ để soi bộ não của 16 tài xế taxi nam và so sánh chúng với bộ não của 50 người đàn ông khác cùng lứa tuổi nhưng không phải là tài xế taxi. Bà đặc biệt chú ý đến vùng hải mã, phần não có hình dáng giống như loài hải mã liên quan đến sự phát triển của ký ức. Vùng hải mã đặc biệt có liên quan với hệ thống định vị không gian và việc ghi nhớ vị trí của mọi vật trong không gian. (Thật ra, mỗi người có hai vùng hải mã, mỗi vùng ở một bên bán cầu não). Ví dụ, một số loài chim thường trữ thức ăn ở nhiều nơi khác nhau, chúng cần phải nhớ được vị trí của các nơi giấu đó, thế nên chúng có vùng hải mã lớn hơn rõ rệt so với các loài chim họ gần nhưng không có thói quen giấu thức ăn ở nhiều nơi khác nhau. Quan trọng hơn, kích thước của vùng hải mã khá linh hoạt, một số con chim có thể tăng đến 30% tùy theo kinh nghiệm lưu trữ thức ăn của nó.
Maguire phát hiện ra rằng một phần đặc biệt của vùng hải mã – phần phía sau – của tài xế taxi lớn hơn so với các đối tượng khác. Ngoài ra, một người lái xe taxi càng lâu thì vùng hải mã phía sau sẽ càng lớn hơn. Trong một nghiên cứu khác được Maguire thực hiện vài năm sau đó, bà đã so sánh bộ não của các tài xế taxi London với các tài xế xe buýt ở London. Giống như tài xế taxi, tài xế xe buýt cũng ngày ngày lái xe quanh London; sự khác biệt giữa họ là các tài xế xe buýt luôn lặp đi lặp lại các tuyến đường, do đó không bao giờ phải tìm cách tốt nhất để đi từ điểm A đến điểm B. Maguire nhận thấy rằng vùng hải mã phía sau của tài xế taxi lớn hơn đáng kể so với của tài xế xe buýt. Điều này nói lên rằng: cho dù nguyên do nào dẫn đến sự khác nhau về kích thước của vùng hải mã phía sau thì cũng không liên quan đến việc lái xe, mà liên quan đến các kỹ năng tìm đường mà công việc lái xe đòi hỏi.
Tuy nhiên, điều đó vẫn bỏ ngỏ một vấn đề: có lẽ các tài xế taxi trong nghiên cứu trên đã sở hữu sẵn vùng hải mã phía sau lớn hơn, tạo cho họ lợi
thế trong việc tìm đường ở London, và những bài kiểm tra mà họ trải qua chỉ là một quá trình sàng lọc tập trung vào những tài xế tiềm năng – những người bẩm sinh đã được trang bị các phẩm chất tốt hơn để có thể tìm đường trong mê cung London.
Maguire giải quyết vấn đề này một cách rất đơn giản và hiệu quả: bà đã theo dõi một nhóm các tài xế taxi tương lai từ khi họ bắt đầu huấn luyện để được cấp phép cho đến khi tất cả họ hoặc đã vượt qua các bài kiểm tra và trở thành những tài xế taxi chính thức, hoặc đã từ bỏ chương trình huấn luyện và chuyển qua làm việc khác. Cụ thể, bà đã tuyển 79 tài xế taxi tiềm năng (tất cả đều là nam giới) vừa mới bắt đầu quá trình đào tạo, cũng như 31 nam giới khác có độ tuổi tương tự đóng vai trò kiểm soát. Khi quét toàn bộ não của họ, bà thấy không có sự khác biệt về kích thước của vùng hải mã phía sau giữa các tài xế taxi tiềm năng và những người có vai trò kiểm soát.
Bốn năm sau, bà quay lại với hai nhóm đối tượng. Đến lúc này, 41 trong số các ứng viên đã trở thành tài xế taxi chính thức, trong khi 38 người đã ngừng chương trình huấn luyện hoặc thất bại trong các bài kiểm tra. Vì vậy, tại thời điểm đó có ba nhóm để so sánh: những tài xế taxi mới (đã tìm hiểu về đường phố London đủ để vượt qua loạt bài kiểm tra), các học viên không đủ tiêu chuẩn vượt qua loạt bài kiểm tra, và nhóm người mà không hề tập luyện chút nào. Một lần nữa, Maguire cho chụp não của tất cả họ và tính toán kích thước của vùng hải mã phía sau bên trong não bộ từng người.
Những gì Maguire tìm thấy sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu thứ bà đang đo là bắp tay của các vận động thể hình, nhưng không – bà đang đo kích thước các bộ phận khác nhau của não – và vì thế kết quả đã gây sửng sốt. Đối với nhóm học viên tiếp tục tập luyện và sau đó trở thành lái xe taxi được cấp phép, thể tích vùng hải mã phía sau đã tăng lên đáng kể. Ngược lại, không có sự thay đổi về kích thước của vùng hải mã phía sau ở những tài xế taxi tiềm
năng nhưng không được cấp phép (vì họ bỏ ngang hoặc không thể vượt qua được bài kiểm tra) hoặc ở những người không có chút liên quan nào đến chương trình đào tạo tài xế taxi. Những năm tháng dành cho việc học hỏi và làm chủ kiến thức đã làm nở to phần não chính chịu trách nhiệm cho việc tìm đường từ nơi này đến nơi khác.
Nghiên cứu của Maguire (được công bố vào năm 2011) có lẽ là bằng chứng đáng kinh ngạc nhất mà chúng ta có được, chỉ ra rằng bộ não con người thực sự phát triển và thay đổi để thích nghi với việc tập luyện cường độ cao. Ngoài ra, ý nghĩa rõ ràng trong nghiên cứu của Maguire là những nơ-ron bổ sung và các mô khác ở vùng hải mã phía sau của các tài xế taxi được cấp phép là nền tảng cho khả năng tìm đường được cải thiện của họ. Bạn có thể coi vùng hải mã phía sau của một tài xế taxi London như là sự tương đồng – về mặt thần kinh não bộ – với cơ bắp đã phát triển lực lưỡng của một vận động viên thể dục dụng cụ. Hằng năm trời tập luyện trên vòng, ngựa tay quay, xà kép và các bài tập trên sàn đã tạo nên những cơ bắp phù hợp với loại hình vận động mà họ thực hiện trên những dụng cụ khác nhau đó – thật vậy, những cơ bắp đó sẽ giúp họ thực hiện được tất cả các động tác mà họ không thể thực hiện khi mới bắt đầu tập. Vùng hải mã phía sau của các tài xế taxi cũng trở nên “lực lưỡng” hệt như vậy, nhưng với mô não chứ không phải các sợi cơ bắp.
KHẢ NĂNG THÍCH NGHI
Cho đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, hầu hết các nhà khoa học đều sẽ phủ nhận phát hiện của Maguire về não bộ của những tài xế taxi London. Quan niệm chung là sau khi đạt đến tuổi trưởng thành, hệ thống thần kinh não bộ của con người sẽ được cố định. Dĩ nhiên, mọi người đều hiểu rằng sẽ phải
có ít nhiều thay đổi ở phần này phần kia khi bạn học điều gì đó mới, nhưng những thay đổi đó chỉ được cho là một chút tăng cường của một số kết nối thần kinh và sự suy yếu của một số khác, bởi vì cấu trúc tổng thể của bộ não và các mạng thần kinh đã được cố định. Ý nghĩ này đi kèm với niềm tin rằng, những khác biệt về khả năng là xuất phát từ sự khác biệt về mặt di truyền trong hệ thống thần kinh, và học tập chỉ là một cách để đáp ứng tiềm năng di truyền của một người. Một phép ẩn dụ thông thường mô tả bộ não như một chiếc máy tính: việc học giống như tải dữ liệu hoặc cài đặt phần mềm mới – nó cho phép bạn thực hiện những việc mà trước đây bạn không thể làm, nhưng hiệu suất cuối cùng của bạn sẽ luôn bị giới hạn bởi những thứ như số byte trong bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) và sức mạnh của bộ xử lý trung tâm (CPU).
Ngược lại, khả năng thích ứng của cơ thể thì luôn dễ dàng nhận biết hơn, như tôi đã lưu ý. Một trong những ví dụ yêu thích của tôi về khả năng thích nghi thể chất là các bài tập hít đất. Nếu bạn là nam, tương đối sung sức và đang ở độ tuổi 20, bạn có thể hít đất 40-50 lần; nếu có thể hít đất 100 lần là bạn đã gây ấn tượng với bạn bè và thắng một vài kèo cược. Vậy bạn thử đoán xem kỷ lục thế giới về hít đất là bao nhiêu – 500 hay 1.000? Vào năm 1980, Minoru Yoshida của Nhật Bản đã thực hiện 10.507 lần hít đất không nghỉ. Sau đó, kỷ lục Guinness đã ngừng ghi nhận các đơn đăng ký cho số lần hít đất nhiều nhất mà không có thời gian nghỉ và chuyển sang số lần hít đất nhiều nhất được thực hiện trong 24 giờ và được phép nghỉ. Năm 1993, Charles Servizio đến từ Mỹ đã lập kỷ lục thế giới trong hạng mục này và giữ nguyên đến ngày nay, với 46.001 lần trong 21 giờ và 21 phút.
Hoặc hãy xem xét các động tác lên xà đơn. Ngay cả những anh chàng tương đối khỏe cũng chỉ có thể lên được 10-15 lần, còn nếu đã tập thể lực
được một thời gian, bạn có thể lên được 40 hoặc 50 lần. Trong năm 2014, anh chàng Jan Kareš của Cộng hòa Séc đã lên được 4.654 lần trong 12 giờ. Tóm lại, cơ thể con người có khả năng thích nghi đến mức khó tin. Không chỉ là cơ xương, mà cả trái tim, phổi, hệ thống tuần hoàn, các bộ phận dự trữ năng lượng của cơ thể và hơn thế – tất cả những gì có liên quan đến sức mạnh thể chất và sức bền. Có thể sẽ có những giới hạn, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy chúng ta đã chạm đến đó.
Thông qua nghiên cứu của Maguire cũng như của những người khác, giờ đây chúng ta đã biết rằng bộ não cũng có khả năng thích ứng với mức độ và sự đa dạng tương tự.
Một số những quan sát đầu tiên về khả năng thích nghi này (hay “sự dẻo dai” – như cách nói của các nhà thần kinh học) xuất hiện trong các nghiên cứu về cách não bộ của những người khiếm thị hoặc khiếm thính “tự điều chỉnh lại” để tìm ra những ứng dụng mới cho các phần của não vốn dành riêng cho việc xử lý nghe nhìn nhưng ở những người này thì lại không được dùng đến. Đa phần những người khiếm thị không thể nhìn thấy vì gặp vấn đề với mắt hoặc thần kinh thị giác, nhưng vỏ não thị giác và các bộ phận khác của não bộ vẫn hoạt động hoàn toàn bình thường; chúng chỉ không nhận được tín hiệu vào từ mắt. Nếu bộ não thực sự được kết nối như một máy tính, những vùng thị giác này sẽ mãi mãi không có nhiệm vụ gì để làm. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta biết rằng bộ não sẽ chuyển đổi một số nơ-ron để đưa những vùng vốn không được sử dụng này vào làm những nhiệm vụ khác, đặc biệt là những nhiệm vụ liên quan đến các giác quan còn lại, mà người khiếm thị phải dựa vào để có được thông tin về môi trường xung quanh.
Ví dụ như để đọc, người khiếm thị lướt ngón tay trên các chấm nổi tạo nên bảng chữ cái nổi. Khi các nhà nghiên cứu sử dụng máy cộng hưởng từ để xem bộ não của những người khiếm thị khi họ đọc chữ nổi, một trong những
bộ phận của não sáng lên là vỏ não thị giác. Ở những người bình thường, vỏ não thị giác sẽ sáng lên khi phản ứng với tín hiệu từ mắt, nhưng ở người khiếm thị, vỏ não thị giác vẫn giúp họ giải nghĩa các cảm giác từ ngón tay thông qua việc lướt tay trên bảng chữ nổi.
Điều thú vị là việc tái điều chỉnh này không chỉ xảy ra ở những khu vực vốn không được sử dụng của não. Nếu bạn tập luyện một thứ gì đó đến mức độ nhất định, não bộ sẽ thay đổi mục đích sử dụng của các tế bào thần kinh nhằm hỗ trợ cho nhiệm vụ đó, ngay cả khi chúng đã có một nhiệm vụ cố định. Có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất về điều này đến từ một thí nghiệm vào cuối những năm 1990, khi các nhà nghiên cứu xem xét những bộ phận của não kiểm soát các ngón tay của một nhóm những người khiếm thị đọc chữ nổi xuất sắc.
Những người này đọc chữ nổi với ba ngón tay – nghĩa là họ sử dụng ngón trỏ để đọc các mẫu hình dấu chấm tạo thành các chữ cái riêng biệt, ngón giữa để nhận biết khoảng cách giữa các chữ cái, và ngón trỏ để theo dõi dòng chữ mà họ đang đọc. Hệ thống thần kinh trong phần não bộ điều khiển bàn tay thường được thiết lập sao cho từng ngón tay đều được điều khiển bởi một phần riêng biệt của não. Đây chính là điều giúp cho chúng ta có thể biết được đầu ngón tay nào đang bị bút chì hoặc đinh bấm chạm vào mà không cần nhìn vào ngón tay. Đối tượng trong nghiên cứu này là những giáo viên dạy đọc chữ nổi, họ phải dùng ngón tay để đọc chữ nổi nhiều giờ mỗi ngày. Điều mà các nhà nghiên cứu phát hiện ra là việc sử dụng ba ngón tay một cách thường xuyên đã khiến cho các vùng não phụ trách điều khiển ngón tay phát triển đến mức những vùng đó bị chồng chéo lên nhau. Kết quả là, họ đặc biệt nhạy cảm khi tiếp xúc bằng những ngón tay này – họ có thể phát hiện ra một va chạm nhẹ hơn hẳn so với những người tinh mắt – nhưng họ thường không thể biết được trong số ba ngón thì ngón nào bị chạm.
Những nghiên cứu này (về “sự dẻo dai” của bộ não ở những đối tượng khiếm thị) và các nghiên cứu tương tự với những người bị khiếm thính – cho chúng ta thấy rằng cấu trúc và chức năng của não không cố định. Chúng sẽ thay đổi để thích nghi với cách sử dụng. Chúng ta có thể định hình não – não của bạn, của tôi, hay của bất kỳ ai – theo những cách mà chúng ta mong muốn thông qua việc tập luyện có ý thức và có chủ ý.
Các nhà nghiên cứu mới chỉ bắt đầu khám phá những cách khác nhau mà sự dẻo dai này có thể được đưa vào áp dụng. Một trong những kết quả đáng chú ý nhất cho đến nay có thể có ý nghĩa đối với những người bị mắc chứng lão thị liên quan đến tuổi tác – nghĩa là gần như tất cả những người trên 50 tuổi. Nghiên cứu này được thực hiện vào năm 2012, bởi các nhà khoa học thần kinh và nghiên cứu thị giác của Mỹ và Israel. Các nhà khoa học này đã tập hợp một nhóm tình nguyện viên trung niên, tất cả đều gặp khó khăn khi tập trung nhìn vào các vật thể gần. Tên chính thức của triệu chứng này là “lão thị”, và nó xuất phát từ một vấn đề của mắt, cụ thể là tròng mắt bị mất độ đàn hồi, khiến cho việc tập trung nhìn vào các chi tiết nhỏ trở nên khó khăn. Ngoài ra, một khó khăn khác nữa là khi cảm nhận sự tương phản giữa các vùng sáng và tối, và điều này làm trầm trọng thêm sự khó khăn trong việc tập trung. Hầu hết những người ngoài 50 tuổi đều cần kính để đọc hoặc thực hiện những công việc cần nhìn sát.
Những nhà khoa học đã yêu cầu các đối tượng nghiên cứu tới phòng thí nghiệm khoảng ba lần một tuần trong ba tháng và mỗi lần dành 30 phút cho việc huấn luyện thị giác. Các đối tượng phải phát hiện một hình ảnh rất nhỏ trên một nền có tông màu gần y hệt; nghĩa là có rất ít sự tương phản giữa hình ảnh đó và nền. Việc nhìn ra hình ảnh này đòi hỏi sự tập trung và nỗ lực cao độ. Theo thời gian, các đối tượng đã học cách xác định những hình ảnh này một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Vào giai đoạn cuối của nghiên cứu,
các đối tượng đã được kiểm tra để xem họ có thể đọc được loại kích thước nào. Trung bình, họ có thể đọc được cỡ chữ nhỏ hơn 60% so với cỡ chữ mà họ có thể đọc khi bắt đầu khóa học, và tất cả các đối tượng đều cải thiện. Ngoài ra sau khóa huấn luyện, tất cả mọi người đều có thể đọc báo mà không cần kính – điều mà đa số họ không thể làm trước đó. Họ cũng có thể đọc nhanh hơn trước.
Đáng ngạc nhiên là tất cả những cải thiện này đều không đi kèm với bất kỳ thay đổi nào về mắt, thậm chí mắt vẫn bị cứng và khó tập trung như trước. Thay vào đó, sự cải thiện này là do những thay đổi trong phần não có nhiệm vụ giải nghĩa các tín hiệu thị giác từ mắt. Mặc dù các nhà khoa học không thể chỉ ra một cách chính xác những thay đổi này là gì, nhưng họ tin rằng bộ não đã học cách “làm đỡ mờ” hình ảnh. Các hình ảnh mờ là kết quả của sự kết hợp của hai điểm yếu khác nhau về thị giác – việc không có khả năng nhìn thấy những chi tiết nhỏ, và khó khăn trong việc phát hiện ra khác biệt về tương phản – và cả hai vấn đề này đều có thể được trợ giúp bởi quá trình xử lý hình ảnh được thực hiện trong não, cũng giống như cách phần mềm xử lý hình ảnh trong máy tính có thể làm sắc nét một hình ảnh bằng các kỹ thuật như điều khiển sự tương phản. Những người đã thực hiện nghiên cứu này tin rằng các bài huấn luyện của họ đã dạy cho bộ não của các đối tượng cách xử lý hình ảnh tốt hơn – điều cho phép họ phân biệt những chi tiết nhỏ mà không cần bất kỳ sự cải thiện nào về tín hiệu từ mắt.
THÁCH THỨC SỰ CÂN BẰNG NỘI MÔI
Tại sao cơ thể và bộ não con người lại cần có khả năng thích nghi? Trớ trêu thay, tất cả đều bắt nguồn từ thực tế rằng các tế bào và mô riêng lẻ đều cố gắng giữ cho mọi thứ càng giống như cũ càng tốt.
Cơ thể con người ưu tiên sự ổn định. Nó duy trì một nhiệt độ ổn định bên trong. Nó giữ cho huyết áp và nhịp tim ổn định. Nó giữ mức đường trong máu và độ cân bằng pH (độ acid/alkaline) ổn định. Nó duy trì một trọng lượng ổn định ngày này qua ngày khác. Dĩ nhiên, tất cả những thứ trên không hề là vĩnh viễn – ví dụ, nhịp tim sẽ tăng khi bạn tập thể dục, và trọng lượng cơ thể sẽ tăng hoặc giảm tùy vào việc bạn ăn quá nhiều hoặc ăn kiêng – nhưng những thay đổi này thường là tạm thời, và cuối cùng cơ thể sẽ trở lại như cũ. Thuật ngữ kỹ thuật cho điều này là “sự cân bằng nội môi”, khái niệm đơn giản là ám chỉ khuynh hướng một hệ thống (bất kỳ loại hệ thống nào, nhưng thường là một sinh vật sống hoặc một phần của sinh vật sống) hành động theo một cách giúp duy trì cho sự ổn định của nó.
Các tế bào riêng lẻ luôn thích tính ổn định. Chúng duy trì một mức độ nước nhất định và cũng điều chỉnh sự cân bằng của ion dương và âm (đặc biệt là ion muối và kali), và các phân tử nhỏ khác nhau bằng cách kiểm soát những ion/phân tử nào thì ở lại và những ion/phân tử nào thì thoát ra qua màng tế bào. Điều quan trọng hơn đối với chúng tôi là thực tế rằng, các tế bào đòi hỏi một môi trường ổn định để hoạt động hiệu quả. Nếu các mô xung quanh trở nên quá nóng hoặc quá lạnh, nếu mực chất lỏng của chúng vượt quá xa khỏi phạm vi chấp nhận được, nếu mức oxy giảm quá nhiều, hoặc nếu nguồn cung cấp năng lượng quá thấp, thì chức năng của các tế bào sẽ bị phá hủy. Và nếu những thay đổi này quá lớn và kéo dài quá lâu, các tế bào sẽ chết.
Vì vậy, cơ thể con người được trang bị các cơ chế phản hồi khác nhau với nhiệm vụ duy trì hiện trạng. Hãy thử nghĩ điều gì xảy ra khi bạn tham gia vào một hoạt động thể chất với tần suất cao. Sự co lại của các sợi cơ khiến cho từng tế bào cơ riêng lẻ tiêu tốn hết nguồn năng lượng và oxy, vốn được bổ sung từ các mạch máu gần đó. Nhưng giờ mức oxy và nguồn cung cấp năng lượng trong máu hạ thấp, dẫn đến cơ thể có những biện pháp phản ứng khác
nhau. Nhịp thở tăng lên để nâng mức oxy trong máu và để giải phóng nhiều CO2 hơn. Các nơi dự trữ năng lượng được chuyển thành một nguồn cung năng lượng mà các cơ có thể sử dụng và đưa vào dòng máu. Trong khi đó, lưu thông máu tăng lên để phân phối oxy và các nguồn cung năng lượng tốt hơn tới những bộ phận cơ thể cần đến chúng.
Nếu bài tập thể dục không vất vả đến nỗi khiến cho cơ chế nội môi của cơ thể trở nên căng thẳng, thì bài tập đó sẽ gần như không tạo ra thay đổi thể chất nào trong cơ thể. Từ phía cơ thể, chẳng có lý do gì để thay đổi; mọi thứ đang hoạt động bình thường.
Nhưng sẽ là một vấn đề khác khi bạn tham gia vào một hoạt động thể lực quyết liệt, kéo dài, đẩy cơ thể vượt quá giới hạn mà các cơ chế nội môi có thể bù đắp. Hệ thống và các tế bào của cơ thể bị đặt trong trạng thái bất thường, với nồng độ oxy và các hợp chất năng lượng khác như glucose, adenosine diphosphate (ADP) và adenosine triphosphate (ATP) sụt giảm bất thường. Sự trao đổi chất của các tế bào không còn được tiến hành như bình thường, vì vậy sẽ có những phản ứng sinh hóa khác nhau xảy ra trong các tế bào, tạo ra một bộ các sản phẩm sinh hóa hoàn toàn khác so với những gì mà tế bào thường tạo ra. Các tế bào không hài lòng với tình trạng bị thay đổi này và chúng phản ứng bằng cách gọi một số gen khác từ DNA của tế bào (phần lớn các gen trong DNA của một tế bào thường không hoạt động vào mọi lúc, và tế bào đó sẽ “bật” và “tắt” các gen khác nhau, tùy vào việc nó đang cần gì vào thời điểm đó.) Những gen mới được kích hoạt này sẽ bật sang hoặc tăng cường các hệ thống sinh hóa trong tế bào, và qua đó tế bào sẽ thay đổi hành vi của nó theo những cách nhằm mục đích phản ứng trước thực tế rằng các tế bào và hệ thống xung quanh đã được đẩy ra khỏi vùng thoải mái của chúng.
Chi tiết chính xác về những gì xảy ra bên trong tế bào khi phản ứng trước những sức ép là vô cùng phức tạp, và các nhà nghiên cứu mới chỉ bắt đầu làm
sáng tỏ chúng. Ví dụ, trong một nghiên cứu ở chuột, các nhà khoa học đếm được 112 gen khác nhau sẽ được kích hoạt khi khối lượng công việc trên một cơ cụ thể ở chân sau của chuột tăng mạnh. Xét theo những gen đã được kích hoạt đó, phản ứng bao gồm thay đổi trong chuyển hóa tế bào cơ, thay đổi về cấu trúc và thay đổi về tốc độ mà các tế bào cơ mới được hình thành. Tất cả những thay đổi này sẽ dẫn đến sự tăng cường các cơ bắp của chuột, để chúng có thể xử lý khối lượng công việc gia tăng. Chúng đã được đẩy ra khỏi vùng thoải mái, và các cơ phản ứng bằng cách trở nên đủ mạnh mẽ để tạo ra một vùng thoải mái mới. Sự cân bằng nội môi đã được tái lập.
Đây là khuôn mẫu chung cho cách mà hoạt động thể chất tạo ra những thay đổi trong cơ thể: khi hệ thống cơ thể (một số cơ nhất định, hệ thống tim mạch hoặc một bộ phận nào khác) bị căng thẳng đến mức sự cân bằng nội môi không thể duy trì được nữa, cơ thể sẽ phản ứng với những thay đổi nhằm tái lập cân bằng nội môi. Giả dụ, bạn bắt đầu chạy bộ ba lần một tuần, mỗi lần nửa giờ, giữ cho nhịp tim ở mức khuyến cáo là 70% của nhịp tim tối đa (nghĩa là vào khoảng trên 140 lần/phút đối với người trưởng thành). Hoạt động như vậy trong thời gian dài sẽ dẫn đến nồng độ oxy thấp trong các mao mạch cung cấp máu cho cơ bắp chân. Cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng việc phát triển thêm mao mạch mới để cung cấp thêm oxy cho các tế bào cơ ở chân, từ đó đưa chúng tới một vùng thoải mái mới.
Bạn có thể khai thác mong muốn đạt được cân bằng nội môi của cơ thể để thúc đẩy sự thay đổi thông qua cách thức sau: hãy gắng sức một cách đủ quyết liệt và đủ lâu, và cơ thể sẽ phản ứng bằng cách thay đổi theo những cách khiến cho những nỗ lực đó trở nên dễ dàng hơn. Bạn sẽ khỏe hơn một chút, bền bỉ hơn một chút, khả năng phối hợp tốt hơn một chút. Nhưng có một vấn đề: sau khi những thay đổi bù đắp xảy ra – các sợi cơ mới đã phát triển và trở nên hiệu quả hơn, các mao mạch mới đã tăng lên – cơ thể giờ có thể xử lý
những hoạt động thể chất đã khiến nó căng thẳng trước đó. Nó trở nên thoải mái trở lại. Các thay đổi bắt đầu ngừng lại. Vì vậy, để giữ cho những thay đổi tiếp tục xảy đến, bạn phải không được ngơi nghỉ: chạy xa hơn, chạy nhanh hơn, chạy ngược dốc… Nếu bạn không tiếp tục thúc đẩy và thúc đẩy nhiều hơn nữa, cơ thể sẽ ổn định trong trạng thái cân bằng nội môi (mặc dù ở một mức độ khác so với trước) và bạn sẽ ngừng cải thiện.
Điều này giải thích tầm quan trọng của việc ở ngay bên ngoài vùng thoải mái: bạn cần liên tục thúc đẩy bản thân để các thay đổi bù đắp của cơ thể tiếp diễn, nhưng nếu làm quá sức, hay nói cách khác là vượt quá xa vùng thoải mái của bản thân, có thể bạn sẽ tự gây chấn thương và khiến mình thụt lùi.
Chí ít, đây là cách cơ thể phản ứng trước những hoạt động thể chất. Các nhà khoa học biết rất ít về những thay đổi của não bộ khi phản ứng với các thách thức về mặt tinh thần. Một sự khác biệt lớn giữa cơ thể và não bộ là các tế bào trong não người trưởng thành thường không tách ra và tạo nên các tế bào mới. Có một vài trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như ở vùng hải mã, nơi những tế bào thần kinh mới có thể phát triển, nhưng ở hầu hết các phần của não bộ, những thay đổi xảy ra khi phản ứng trước một thách thức về tinh thần – chẳng hạn như huấn luyện để nhìn sự tương phản được sử dụng nhằm cải thiện thị giác – sẽ không bao gồm sự phát triển của các tế bào thần kinh mới. Thay vào đó, não sẽ kết nối lại những mạng lưới này theo nhiều cách khác nhau – bằng cách tăng cường hoặc làm suy yếu những kết nối giữa các nơ-ron, và cũng bằng cách bổ sung thêm kết nối mới hoặc loại bỏ những kết nối cũ. Ngoài ra, có thể có sự gia tăng lượng myelin, vỏ bọc cách điện xung quanh các tế bào thần kinh và giúp cho các tín hiệu thần kinh di chuyển nhanh hơn; sự myelin hóa có thể làm tăng tốc độ của xung thần kinh lên gấp 10 lần. Vì những mạng lưới tế bào thần kinh này chịu trách nhiệm về suy nghĩ, ký ức, kiểm soát vận động, giải nghĩa các tín hiệu cảm giác và tất cả các chức năng
khác của não, nên việc nối lại và đẩy nhanh các mạng lưới này có thể giúp chúng ta làm được nhiều thứ – đọc báo mà không cần kính, hoặc nhanh chóng xác định con đường ngắn nhất từ điểm A đến điểm B – điều mà trước đây chúng ta không thể làm được.
Trong não bộ, thường thách thức càng lớn thì thay đổi cũng càng nhiều – đến một mức độ nhất định. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, so với chỉ tập luyện một kỹ năng đã biết, thì việc học một kỹ năng mới có hiệu quả hơn nhiều trong việc tạo ra những thay đổi về mặt cấu trúc não bộ. Mặt khác, việc cố gắng quá nhiều và quá lâu có thể dẫn đến kiệt sức và học không hiệu quả. Giống như cơ thể, bộ não thay đổi nhanh nhất khi bị đẩy ra ngoài vùng thoải mái của nó – nhưng không nên ở quá xa bên ngoài.
ĐỊNH HÌNH BỘ NÃO
Thực tế rằng bộ não và cơ thể phản ứng trước những thách thức bằng cách phát triển các khả năng mới là nền tảng cho hiệu quả của việc tập luyện có mục đích và có chủ ý. Sự huấn luyện hoặc tập luyện của một tài xế taxi London, một vận động viên thể dục dụng cụ Olympic hay một nghệ sĩ violin tại một học viện âm nhạc thực chất là một phương pháp khai thác khả năng thích nghi của não bộ và cơ thể để phát triển những khả năng mà dưới điều kiện thông thường, những người đó sẽ không thể đạt tới.
Cách tốt nhất để kiểm chứng điều này là nhìn vào việc phát triển khả năng âm nhạc. Trong hai thập niên vừa qua, các nhà nghiên cứu não bộ đã nghiên cứu chi tiết về cách mà việc luyện tập âm nhạc ảnh hưởng đến não bộ và những tác động đó đã giúp tạo ra màn trình diễn xuất sắc như thế nào. Nghiên cứu nổi tiếng nhất được công bố vào năm 1995 trên tạp chí Science. Hợp tác cùng bốn nhà khoa học người Đức, nhà tâm lý học Edward Taub thuộc Đại
học Alabama đã tuyển sáu nghệ sĩ violin, hai nghệ sĩ cello và một tay guitar, tất cả đều thuận tay phải, và cho quét não của họ. Họ cũng tuyển sáu người không phải nghệ sĩ âm nhạc với vai trò kiểm soát và là đối tượng so sánh của nhóm nghệ sĩ âm nhạc. Taub muốn xem liệu có sự khác biệt nào giữa hai nhóm trong những khu vực não phụ trách điều khiển các ngón tay của họ.
Taub quan tâm nhất đến những ngón tay trái của các nghệ sĩ nhạc. Chơi violin, cello hoặc guitar đòi hỏi khả năng kiểm soát ngón tay một cách xuất sắc. Các ngón tay di chuyển lên và xuống dọc theo nhạc cụ, từ dây này đến dây kia, đôi khi với tốc độ không thể tin được và có độ chính xác cực cao. Hơn nữa, nhiều âm thanh bắt nguồn từ nhạc cụ (chẳng hạn như tiếng rung liên quan đến một số chuyển động trượt hoặc rung tại chỗ của một ngón tay) thường đòi hỏi phải tập luyện rất nhiều mới có thể thành thạo. Ngón tay cái bên trái có ít trách nhiệm hơn, chủ yếu chỉ giữ ở mặt sau của nhạc cụ, và tay phải thường có ít nhiệm vụ hơn tay trái – chủ yếu chỉ là giữ cây vĩ đối với các nghệ sĩ violin và cello, và gảy hoặc búng đàn đối với nghệ sĩ guitar. Nói tóm lại, phần lớn việc luyện tập của một người chơi đàn dây là nhằm mục đích nâng cao khả năng kiểm soát các ngón tay trái. Câu hỏi Taub đặt ra là: điều này sẽ có tác động gì đến não?
Nhóm nghiên cứu của Taub sử dụng một từ não đồ3 để xác định phần nào trong não điều khiển những ngón tay nào. Cụ thể, họ sẽ chạm vào từng ngón tay của đối tượng và quan sát xem những phần nào của não phản ứng với mỗi lần chạm. Họ nhận thấy rằng phần não kiểm soát bàn tay trái của các nghệ sĩ nhạc lớn hơn đáng kể so với nhóm kia, và đặc biệt là vùng não kiểm soát ngón tay đã “tiếp quản” một phần của vùng não thường dành cho lòng bàn tay. Hơn nữa nếu nghệ sĩ bắt đầu chơi nhạc cụ càng sớm, sự mở rộng đó cũng càng lớn. Ngược lại, các nhà nghiên cứu không thấy có sự khác biệt giữa các
nghệ sĩ nhạc và nhóm còn lại về kích thước của khu vực kiểm soát các ngón tay phải.
Điều này đã rất rõ ràng: hàng năm trời tập luyện với nhạc cụ đàn dây đã khiến khu vực não kiểm soát ngón tay trái dần dần mở rộng, và làm tốt hơn công việc của mình.
20 năm sau nghiên cứu đó, các nhà nghiên cứu khác đã mở rộng thêm các kết quả và mô tả rất nhiều cách mà việc tập luyện âm nhạc ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng não bộ. Ví dụ, tiểu não (một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển các chuyển động cơ thể) ở các nghệ sĩ nhạc lớn hơn so với những người khác, và càng tập luyện nhiều thì tiểu não của họ càng lớn. Các nghệ sĩ nhạc có nhiều chất xám (mô não chứa các tế bào thần kinh) hơn so với những người khác ở nhiều phần của vỏ não, bao gồm cả vùng cảm giác cơ thể (xúc giác và các giác quan khác), vùng thùy đỉnh trên (tín hiệu nhận từ bàn tay) và vỏ não tiền vận động (lên kế hoạch cho các chuyển động và hướng dẫn chuyển động trong không gian).
Chi tiết về những gì xảy ra ở vùng nào của não có thể gây nản lòng cho bất cứ ai không có chuyên môn về thần kinh học, nhưng bức tranh tổng thể rất rõ ràng: việc tập luyện âm nhạc sẽ làm thay đổi cấu trúc và chức năng của não theo nhiều cách khác nhau dẫn đến sự cải thiện khả năng chơi nhạc. Nói cách khác, những loại hình tập luyện có hiệu quả nhất không chỉ giúp bạn học chơi nhạc cụ; chúng đang thực sự làm tăng khả năng chơi nhạc của bạn. Với cách luyện tập như vậy, bạn đang biến đổi các phần của não mà bạn sử dụng khi chơi nhạc, và theo một nghĩa nhất định, bạn đang cải thiện “tài năng” âm nhạc của mình.
Mặc dù nghiên cứu này không được thực hiện nhiều ở các lĩnh vực ngoài âm nhạc, nhưng ở mọi lĩnh vực mà các nhà khoa học đã nghiên cứu, các kết
quả đều giống nhau: tập luyện lâu dài sẽ dẫn đến sự thay đổi ở các phần não liên quan đến kỹ năng đang được phát triển.
Một số nghiên cứu chỉ tập trung riêng vào những kỹ năng trí tuệ, chẳng hạn như khả năng toán học. Ví dụ, vùng thùy đỉnh dưới của các nhà toán học có lượng chất xám nhiều hơn đáng kể so với những người không nghiên cứu về toán học. Phần não này liên quan đến khả năng tính toán và hình dung các vật thể trong không gian – điều rất quan trọng trong lĩnh vực toán học. Nó cũng là phần não khơi gợi sự chú ý của các nhà thần kinh học đã nghiên cứu về não của Albert Einstein. Họ phát hiện ra rằng, vùng thùy đỉnh dưới của Einstein lớn hơn nhiều so với mức bình thường và hình dạng của nó đặc biệt khác thường, điều đã khiến họ suy đoán rằng vùng thùy đỉnh dưới của ông có thể đóng một vai trò quan trọng trong khả năng tư duy toán học trừu tượng của ông. Liệu có phải những người như Einstein đơn giản là được sinh ra với vùng thùy đỉnh dưới “khủng” hơn bình thường, và do đó có những năng lực bẩm sinh để trở nên vượt trội trong tư duy toán học? Bạn có thể nghĩ như vậy, nhưng các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu về kích thước của bộ não giữa nhóm các nhà toán học và những người không chuyên về toán học đã phát hiện ra rằng, một người làm việc trong lĩnh vực toán học càng lâu, thì anh/cô ta sẽ càng có nhiều chất xám hơn ở vùng thùy đỉnh dưới bên phải – điều gợi ý với chúng ta rằng việc tăng kích thước bộ não là một sản phẩm của tư duy toán học mở rộng, chứ không phải do bẩm sinh.
Một số nghiên cứu đã xem xét những kỹ năng bao gồm cả tinh thần và thể chất, chẳng hạn như chơi nhạc. Một nghiên cứu mới đây đã so sánh bộ não của các phi công máy bay với những người khác và nhận thấy rằng bộ não của các phi công có nhiều chất xám hơn ở một số khu vực khác nhau, bao gồm vỏ não tiền vận động bụng trái, vòng cung vỏ não trước và phần não điều khiển thị giác. Các khu vực này dường như có liên quan đến những thứ như học
cách kiểm soát cần lái máy bay, so sánh các tín hiệu thị giác mà người ta nhận được khi bay với các tín hiệu cân bằng cơ thể cho biết hướng lượn của máy bay, cũng như kiểm soát những chuyển động của mắt.
Ngay cả trong trường hợp mà chúng ta thường coi là “kỹ năng thể chất”, chẳng hạn như bơi lội hoặc thể dục dụng cụ, não vẫn đóng vai trò quan trọng vì những hoạt động này đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ giữa các cử động của cơ thể, và nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tập luyện sẽ tạo ra những thay đổi ở não. Chẳng hạn, độ dày vỏ não (một cách để đo lượng chất xám trong một vùng não) ở ba vùng cụ thể của những thợ lặn lớn hơn so với những người không phải là thợ lặn, mà cả ba vùng đó đều đóng vai trò hình dung và kiểm soát các vận động của cơ thể.
Mặc dù các chi tiết cụ thể khác nhau tùy theo kỹ năng, nhưng khuôn mẫu chung thì nhất quán: tập luyện thường xuyên sẽ dẫn đến những thay đổi trong các vùng não vốn bị thử thách bởi quá trình tập luyện. Bộ não thích nghi với những thách thức này bằng cách tự sắp đặt lại theo những cách làm tăng khả năng thực hiện các thách thức đó. Đây là thông điệp cơ bản cần được rút ra từ nghiên cứu về tác động của việc tập luyện não, nhưng có một số chi tiết bổ sung đáng lưu ý. Thứ nhất, tác động của việc tập luyện não có thể thay đổi theo nhiều cách khác nhau tùy theo độ tuổi. Cách quan trọng nhất là những bộ não trẻ hơn – ở trẻ em và thanh thiếu niên – thích nghi tốt hơn não người lớn, vì vậy việc tập luyện có thể mang lại tác động lớn hơn ở những người trẻ. Bởi vì bộ não trẻ còn đang phát triển theo nhiều cách, nên tập luyện ở độ tuổi sớm có thể định hình quá trình phát triển sau này, dẫn đến những thay đổi đáng kể. Đây còn gọi là “hiệu ứng bẻ cành”. Nếu bạn bẻ một cái cành nhỏ lệch nhẹ khỏi khuôn mẫu phát triển thông thường của nó, bạn có thể gây ra sự thay đổi lớn về vị trí cuối cùng của cành cây đó; trong khi đó, việc bẻ một cành cây đã phát triển sẽ có ít tác động hơn nhiều.
Một ví dụ về hiệu ứng này là các nghệ sĩ dương cầm trưởng thành nói chung có nhiều chất trắng hơn ở những vùng nhất định của não so với những người không phải là nghệ sĩ, với sự khác biệt hoàn toàn là do lượng thời gian dành cho tập luyện khi còn nhỏ. Một đứa trẻ bắt đầu chơi piano càng sớm thì khi lớn lên, nó sẽ càng có nhiều chất trắng. Vì vậy, dù có thể học chơi piano khi đã lớn, những bạn sẽ không thể có được lượng chất trắng tương tự như nếu học chơi khi còn nhỏ. Hiện nay, không ai biết được điều này mang những ý nghĩa thực tiễn gì, nhưng nói chung, nhiều chất trắng hơn sẽ dẫn đến các tín hiệu thần kinh được truyền đi nhanh hơn, do đó nhiều khả năng là việc tập piano từ khi còn nhỏ sẽ dẫn đến những lợi thế nhất định về thần kinh vượt trội hơn hẳn so với nếu tập khi đã trưởng thành.
Một chi tiết thứ hai đáng lưu ý là việc phát triển một số phần nhất định của não nhờ tập luyện kéo dài có thể đi kèm với một cái giá: trong nhiều trường hợp, những người đã phát triển một kỹ năng hoặc khả năng đến mức độ phi thường dường như sẽ thụt lùi ở một lĩnh vực khác. Nghiên cứu của Maguire về các tài xế taxi ở London có lẽ là ví dụ tốt nhất. Đến cuối khoảng thời gian bốn năm, khi các học viên đã hoàn thành khóa huấn luyện và trở thành tài xế được cấp phép hoặc đã bỏ cuộc, bà đã kiểm tra trí nhớ của các đối tượng theo hai cách: một là biết được vị trí của các điểm mốc khác nhau ở London, và ở thử thách này các đối tượng đã trở thành tài xế chính thức làm tốt hơn nhiều so với phần còn lại; thứ hai là một bài kiểm tra tiêu chuẩn về trí nhớ không gian (ghi nhớ một con số phức tạp sau 30 phút), kết quả là các tài xế chính thức đã tỏ ra tệ hơn hẳn so với nhóm còn lại. Ngược lại, những học viên đã bỏ cuộc lại đạt điểm ngang với những đối tượng chưa bao giờ được huấn luyện. Bởi vì cả ba nhóm đều từng đạt được kết quả như nhau ở bài kiểm tra trí nhớ này vào đầu khóa học, thế nên lời giải thích duy nhất là bằng cách phát triển khả năng ghi nhớ về đường phố London, những tài xế được cấp
phép đã làm điều gì đó gây ra sự sụt giảm ở bộ nhớ khác. Mặc dù chúng tôi không biết chắc điều gì đã gây ra tình trạng đó, khả năng là việc tập luyện với cường độ cao khiến cho não của các học viên phải dành một phần ngày càng lớn cho loại bộ nhớ này, qua đó để lại ít chất xám hơn cho các loại bộ nhớ khác.
Cuối cùng, những thay đổi về nhận thức và thể chất nhờ tập luyện cần phải được giữ gìn. Nếu bạn ngừng tập luyện, chúng sẽ dần biến mất. Các phi hành gia đã trải qua hàng tháng trời ngoài không gian thì khi trở về trái đất sẽ gặp khó khăn trong việc đi bộ. Những vận động viên phải ngừng tập luyện vì bị gãy xương hoặc chấn thương dây chằng sẽ bị mất đi sức mạnh và sự bền bỉ ở bộ phận bị chấn thương đó. Điều tương tự đã xảy ra với các vận động viên tình nguyện tham gia nghiên cứu phải nằm trên giường suốt cả tháng trời: sức mạnh mất dần, tốc độ giảm hẳn, độ bền sa sút.
Với bộ não cũng tương tự. Khi Maguire nghiên cứu một nhóm những tài xế taxi London đã nghỉ hưu, bà phát hiện ra rằng họ có ít chất xám ở vùng hải mã phía sau hơn so với những tài xế đang làm việc, mặc dù họ vẫn có nhiều chất xám hơn những người về hưu nhưng chưa bao giờ lái xe taxi. Một khi những tài xế taxi này ngừng sử dụng bộ nhớ tìm đường trong công việc hằng ngày, những thay đổi ở não vốn là kết quả của công việc đó cũng bắt đầu thoái hóa.
TẠO DỰNG TIỀM NĂNG CỦA RIÊNG BẠN
Sau khi hiểu được khả năng thích nghi của não bộ và cơ thể theo cách này, chúng ta bắt đầu suy nghĩ về tiềm năng của con người với một cái nhìn hoàn toàn khác, và nó cũng chỉ cho chúng ta cách tiếp cận hoàn toàn khác với việc học.
Hãy cân nhắc điều này: đa phần mọi người trải qua cuộc sống mà không gặp thử thách đặc biệt nào về thể chất. Họ chỉ ngồi ở bàn làm việc, hoặc nếu có di chuyển đi đâu thì cũng không nhiều. Họ không chạy hay nhảy, họ không nhấc nặng hoặc ném xa, và họ không thực hiện những động tác đòi hỏi sự cân bằng và phối hợp tuyệt vời. Vì vậy, họ quen với một mức năng lực thể chất thấp – đủ cho các hoạt động hằng ngày, đi bộ đường dài, đạp xe, chơi golf hay tennis trong những ngày cuối tuần, nhưng còn xa mới tới mức năng lực thể chất mà một vận động viên chuyên nghiệp sở hữu. Những người “bình thường” này không thể chạy 1 dặm trong thời gian dưới 5 phút, hoặc 10 dặm trong dưới 1 giờ; họ không thể ném quả bóng chày xa 90m hoặc đánh một quả bóng golf bay xa 275m; họ không thể nhảy lộn ngược ba vòng từ ván nhảy xuống nước, nhảy xoắn ba vòng trên băng hoặc lộn ngược ba vòng trên sàn thể dục dụng cụ. Đó là những điều đòi hỏi nỗ lực tập luyện hơn rất nhiều so với mức bình thường, nhưng (và điều này rất quan trọng) chúng cũng là những kỹ năng hoàn toàn có thể được phát triển, bởi vì cơ thể con người rất thích nghi và nhạy bén với việc tập luyện. Lý do mà hầu hết mọi người không có những năng lực thể chất phi thường này không phải vì họ không có đủ khả năng, mà đúng hơn là vì họ hài lòng khi sống trong lối mòn dễ chịu của sự cân bằng nội môi và không bao giờ bỏ công sức cần thiết để thoát khỏi nó. Họ sống trong thế giới của sự “vừa đủ”.
Điều tương tự cũng đúng đối với tất cả các hoạt động trí óc mà chúng ta thực hiện, từ viết báo cáo đến lái xe, từ dạy một lớp học đến điều hành một tổ chức, từ bán nhà đến thực hiện phẫu thuật não. Chúng ta học vừa đủ để tồn tại được trong cuộc sống hằng ngày, nhưng sau khi đạt đến mức vừa đủ, chúng ta ít khi cố gắng thêm nữa. Chúng ta không làm nhiều để thách thức bộ não phát triển thêm chất xám hoặc chất trắng mới, hoặc để tái kết nối toàn bộ những khu vực não theo cách mà một tài xế taxi London hay một học sinh violin đầy
tham vọng sẽ làm. Và thường thì như vậy cũng không sao cả. “Vừa đủ” nói chung đúng là vừa đủ. Nhưng bạn hãy nhớ lựa chọn vẫn luôn tồn tại. Nếu muốn trở nên giỏi hơn hẳn ở một lĩnh vực nào đó, bạn hoàn toàn có thể.
Và đây là điểm khác biệt chính giữa cách tiếp cận truyền thống với học tập và phương pháp tiếp cận dựa theo tập luyện có mục đích hoặc tập luyện có chủ ý: cách tiếp cận truyền thống không được thiết kế để thách thức sự cân bằng nội môi. Nó giả định rằng cho dù bạn có ý thức hay không, học tập sẽ phát huy tiềm năng bẩm sinh của bạn và bạn có thể phát triển một kỹ năng hoặc khả năng cụ thể mà không cần vượt quá xa ra khỏi vùng an toàn của mình. Theo quan điểm này, tất cả những gì bạn đang làm với việc tập luyện – thực sự là tất cả những gì bạn có thể làm – là đạt đến một tiềm năng cố định.
Tuy nhiên, với tập luyện có chủ ý, mục đích không chỉ là để đạt được tiềm năng mà còn là xây dựng nó, để những điều không thể trước đây trở thành có thể. Điều này đòi hỏi phải thách thức sự cân bằng nội môi – thoát ra khỏi vùng thoải mái của bạn – và buộc bộ não hoặc cơ thể phải thích ứng. Nhưng một khi bạn làm vậy, học tập không còn là một cách để phát huy một khả năng di truyền; nó đã trở thành một cách để kiểm soát số phận và định hình tiềm năng của bạn theo những cách do chính bạn lựa chọn.
Câu hỏi rõ ràng kế tiếp là: cách tốt nhất để thách thức sự cân bằng nội môi và phát triển tiềm năng là gì? Chúng ta sẽ dành phần còn lại của cuốn sách để trả lời câu hỏi đó, nhưng trước khi làm vậy, hãy giải quyết một vấn đề mà chúng ta đã đề cập đến trong chương này: thật ra chúng ta đang cố gắng để cải thiện điều gì ở bộ não? Nếu nói về nguồn gốc dẫn đến sự cải thiện khả năng thể chất thì mọi thứ khá rõ ràng. Nếu tập được nhiều cơ bắp hơn, bạn sẽ khỏe hơn. Nếu cải thiện được nguồn năng lượng dự trữ của cơ, dung tích phổi, khả năng bơm máu của tim và khả năng của hệ tuần hoàn, bạn sẽ bền bỉ, dai sức hơn. Nhưng bạn đang thực hiện những thay đổi gì trong bộ não khi tập
luyện để trở thành nghệ sĩ nhạc, nhà toán học, tài xế taxi hoặc bác sĩ phẫu thuật? Đáng ngạc nhiên là có một chủ đề chung cho những thay đổi trong tất cả các lĩnh vực này, và việc nắm rõ điều đó chính là chìa khóa để hiểu cách mà con người phát triển những năng lực phi thường ở bất cứ lĩnh vực nào có yếu tố trí tuệ trong đó – nếu suy nghĩ kỹ thì điều đó nghĩa là bao gồm mọi lĩnh vực. Chúng ta sẽ thảo luận về điều này ngay sau đây.
Chương 3
Hình dung trong đầu
Khoảng 2 giờ chiều ngày 27 tháng 4 năm 1924, huyền thoại cờ vua người Nga Alexander Alekhine ngồi xuống chiếc ghế da thoải mái ngay phía trước một căn phòng lớn tại khách sạn Alamac, New York và chuẩn bị bước vào thi đấu với 26 kỳ thủ đáng gờm nhất trong khu vực. Những người thách đấu ngồi ở hai bàn dài phía sau Alekhine. Trước mặt mỗi người thách đấu là một bàn cờ, là nơi ván đấu của người đó với Alekhine sẽ diễn ra. Alekhine không được nhìn thấy bất cứ bàn cờ nào. Mỗi khi một người chơi đi một nước, người thông báo sẽ hô to số của bàn cờ và nước đi đó sao cho Alekhine có thể nghe được, và sau đó Alekhine sẽ thông báo nước cờ đáp trả của mình, người thông báo sẽ đi nước cờ hộ cho Alekhine trên bàn cờ tương ứng.
26 bàn cờ, 832 quân cờ, và 1.664 ô vuông cần phải ghi nhớ – tất cả đều không cần ghi chép hay có bất cứ sự trợ giúp nào cho trí nhớ – vậy mà Alekhine không hề ngần ngại, lưỡng lự. Cuộc thi đấu diễn ra suốt hơn 12 tiếng đồng hồ, với một khoảng nghỉ ngắn cho bữa tối, và khi ván đấu cuối cùng kết thúc lúc hơn 2 giờ sáng, Alekhine đã thắng 16 ván, thua 5 và hòa 5.
Loại cờ vua mà trong đó một người chơi (và đôi khi cả hai) không thể nhìn thấy bàn cờ và phải chơi theo trí nhớ, được gọi là “cờ vua bịt mắt”, hoặc “cờ tưởng”, ngay cả khi không bị bịt mắt theo nghĩa đen. Các bậc thầy cờ vua đã chơi cờ bịt mắt trong suốt hơn 1.000 năm, phần lớn chỉ đơn thuần là để khoe tài, mặc dù đôi khi cũng còn là một cách để tự làm khó mình khi đấu với đối thủ kém hơn. Một số bậc thầy cờ vua thậm chí có thể chơi bịt mắt với 2, 3
hoặc 4 đối thủ cùng lúc, nhưng phải tới cuối thế kỷ XIX, một số ít đại kiện tướng mới bắt đầu thực sự nghiêm túc với loại cờ này, khi đấu với cả tá đối thủ một lúc. Kỷ lục hiện tại là 46 ván, được thiết lập vào năm 2011 bởi Marc Lang của Đức, với 25 chiến thắng, 2 thua, và 19 ván hòa. Tuy nhiên, màn thể hiện của Alekhine năm 1924 vẫn được coi là trận thi đấu bịt mắt cùng lúc ấn tượng nhất trong lịch sử vì chất lượng của những người thách đấu và số lần chiến thắng của ông trước các đối thủ mạnh như vậy.
Cờ vua bịt mắt cung cấp một trong những ví dụ ấn tượng nhất về những gì con người có thể thực hiện được khi tập luyện có mục đích. Và học hỏi một chút về cờ vua bịt mắt có thể cho chúng ta một khái niệm rõ ràng về những sự thay đổi thần kinh xuất phát từ cách tập luyện như vậy.
BẬC THẦY CỜ BỊT MẮT BẤT ĐẮC DĨ
Mặc dù Alekhine quan tâm đến cờ vua bịt mắt từ khi còn rất nhỏ và đã chơi trận đấu bịt mắt đầu tiên khi mới 12 tuổi, nhưng phần lớn thời gian luyện tập suốt cuộc đời ông không dành cho cờ vua bịt mắt mà là cờ vua thông thường.
Alekhine sinh ra vào tháng 10 năm 1892, bắt đầu chơi cờ vua khi lên 7 tuổi. Đến năm 10 tuổi, ông bắt đầu tham dự các giải đấu, và thường dành hầu hết thời gian trong ngày để phân tích chi tiết các vị trí cờ, ngay cả khi lên lớp. Do không thể mang theo bàn cờ đến lớp, nên Alekhine đã viết ra một tờ giấy vị trí cờ mà mình đang nghiên cứu và suy nghĩ nát óc về nó trong giờ học. Một lần trong tiết đại số, Alekhine đột nhiên đứng bật dậy với một nụ cười toe toét. “À, em đã giải được chưa?”, giáo viên hỏi, ám chỉ bài tập đại số mà lớp đang làm. “Rồi ạ,” Alekhine trả lời, “em thí quân Mã, đi quân Tượng… và quân trắng thắng!”
Alekhine bắt đầu quan tâm đến cờ vua bịt mắt khi chơi tại các giải đấu. Nguyên do khiến Alekhine trở nên hứng thú với cờ vua bịt mắt là một sự kiện biểu diễn vào năm 1902 tại Moscow bởi nhà vô địch cờ vua người Mỹ, Harry Nelson Pillsbury, người đã lập kỷ lục thế giới khi chơi 22 ván đấu cùng lúc. Theo lời Alekhine nói, anh trai Alexei của ông là một trong những đối thủ của Pillsbury ngày hôm đó, mặc dù thông tin về trận đấu mà chúng tôi tìm thấy không có chi tiết nào cho thấy Alexei thực sự đã tham gia. Dù sao, màn trình diễn đó đã gây ấn tượng mạnh đối với chàng trai trẻ Alekhine, và ít năm sau, ông bắt đầu thử chơi cờ vua bịt mắt. Về sau, ông nói đó là một sự phát triển tự nhiên từ thói quen suy nghĩ về các vị trí cờ vua từ thời còn đi học. Đầu tiên, Alekhine sẽ phác họa các vị trí và sử dụng phác thảo để nghĩ ra các nước đi tốt nhất, nhưng dần dần ông thấy rằng mình có thể nghiên cứu các vị trí mà không cần đến hình vẽ biểu đồ – rằng ông có thể lưu toàn bộ bàn cờ trong bộ nhớ và đưa ra các nước cờ trong đầu, thử chơi các cách khác nhau.
Theo thời gian, Alekhine đã đạt tới trình độ có thể chơi toàn bộ ván cờ trong đầu mà không cần nhìn vào bàn cờ, và khi lớn lên, Alekhine đã bắt đầu chơi nhiều ván cờ bịt mắt cùng lúc, theo tinh thần của Pillsbury ở màn thể hiện ngày nào. Ở tuổi 16, ông đã có thể chơi 4-5 ván đấu bịt mắt cùng một lúc, nhưng ông không theo đuổi cờ vua bịt mắt thêm nữa, mà chọn tập trung vào việc cải thiện trình độ ở cờ vua thông thường. Đến lúc này, Alexei đã hiểu rõ rằng chỉ cần nỗ lực, ông có thể trở thành một trong những kỳ thủ giỏi nhất thế giới. Và Alekhine – người chưa bao giờ thiếu tự tin về khả năng cờ vua của mình, không thấy lý do gì để dừng lại ở cái mốc “một trong những”. Mục tiêu của ông là trở thành người giỏi nhất – nhà vô địch cờ vua thế giới.
Alekhine đang băng băng tới mục tiêu đó cho đến khi Thế chiến I bùng nổ, sự gián đoạn này đã thắp lại mối quan tâm của ông dành cho cờ vua bịt
mắt. Đầu tháng 8 năm 1914, Alekhine và nhiều bậc thầy cờ vua khác đang chơi tại một giải đấu lớn ở Berlin khi Đức tuyên chiến với cả Nga và Pháp. Nhiều kỳ thủ nước ngoài đã bị bắt giữ, và Alekhine cũng bị bỏ tù cùng với những kỳ thủ giỏi nhất của Nga – nhưng không có bàn cờ. Do đó, cho đến khi họ được trả về Nga (riêng đối với Alekhine là khoảng hơn một tháng), những bậc thầy cờ vua đã tự giải trí bằng cách đấu với nhau trong các trận đấu cờ tưởng.
Sau khi trở lại Nga, Alekhine gia nhập một đơn vị chữ thập đỏ tại mặt trận Áo, nơi mà vào năm 1916, ông bị thương tích nghiêm trọng ở cột sống và bị quân Áo bắt làm tù binh. Họ xích ông vào một chiếc giường bệnh viện vài tháng cho đến khi vết thương của ông lành. Một lần nữa, ông lại không có gì khác để giải trí ngoài cờ vua, và ông sắp xếp cho một số kỳ thủ địa phương đến thăm và thi đấu cùng mình. Trong thời gian đó, ông thường xuyên chơi cờ vua bịt mắt, có lẽ để tự làm khó mình trước các đối thủ dưới trình độ. Sau khi trở về Nga, Alekhine một lần nữa lại từ bỏ cờ vua bịt mắt cho đến khi ông di cư đến Paris vào năm 1921.
Lúc này, Alekhine đang chủ động kiếm tìm ngôi vô địch giải Cờ vua Thế giới, và ông cần một số cách để hỗ trợ bản thân trong nhiệm vụ đó. Một trong số ít lựa chọn của Alekhine là chơi tại các sự kiện biểu diễn, và vì vậy ông đã bắt đầu chơi nhiều ván đấu bịt mắt cùng lúc. Lần đầu tiên, ông đấu cùng lúc với 12 đối thủ tại Paris, tức là nhiều hơn 3-4 người so với số đối thủ ông từng đấu trước đó. Vào cuối năm 1923, ông có mặt ở Montreal, và quyết định phá vỡ kỷ lục Bắc Mỹ về số trận cờ vua bịt mắt tiến hành đồng thời. Kỷ lục Bắc Mỹ vào thời đó là 20 ván, được lập bởi Pillsbury, vì thế Alekhine đã chơi 21 ván. Sau khi thành công, ông lại quyết định phá kỷ lục thế giới, ở thời điểm đó là 25 ván. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự kiện biểu diễn tại khách sạn Alamac. Trong những năm tiếp theo, Alekhine lập kỷ lục thế giới thêm hai lần
nữa – với 28 ván vào năm 1925 và 32 ván vào năm 1933 – nhưng ông luôn cho rằng cờ vua bịt mắt chỉ là một cách để gây chú ý cho môn cờ vua, và tất nhiên là cho chính ông. Alekhine chưa bao giờ phải nỗ lực đặc biệt để phát triển nó, mà đúng hơn là tự động có được từ những nỗ lực không ngừng trong việc làm chủ môn cờ vua và trở thành người giỏi nhất thế giới.
Alekhine cuối cùng đã đạt được mục tiêu của mình, đánh bại José Raúl Capa-blanca vào năm 1927 để giành ngôi vô địch thế giới. Ông đã nắm giữ danh hiệu này cho đến năm 1935, và sau đó một lần nữa trong giai đoạn 1937-1946, nhiều bảng xếp hạng đã xếp Alekhine vào danh sách 10 kỳ thủ giỏi nhất mọi thời đại. Nhưng khi mọi người xếp hạng những kỳ thủ bịt mắt hay nhất mọi thời đại, tên của Alekhine thường nằm ở vị trí cao nhất trong danh sách – mặc dù cờ vua bịt mắt chưa bao giờ là trọng tâm của ông.
Nếu nhìn vào lịch sử toàn cảnh của cờ vua bịt mắt, chúng ta thấy rằng điều tương tự này cũng đúng đối với hầu hết các kỳ thủ bịt mắt xuyên suốt lịch sử. Họ đã nỗ lực để trở thành những bậc thầy cờ vua, và sau đó họ thấy mình cũng có thể chơi cờ bịt mắt mà không cần phải cố gắng quá nhiều. Thoạt nhìn, cách mà rất nhiều bậc thầy cờ vua phát triển khả năng chơi cờ vua bịt mắt có vẻ như không phải gì khác ngoài một chú thích thú vị cho lịch sử cờ vua. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng mối liên hệ này thực sự là một đầu mối chỉ ra những hoạt động trí óc đặc biệt, phân biệt những bậc thầy cờ vua với những người mới bắt đầu chơi cờ, và biến khả năng khó tin của họ trong việc phân tích các vị trí cờ và tập trung vào những nước đi tốt nhất thành điều khả dĩ. Ngoài ra, các hoạt động trí óc được phát triển cao như vậy cũng được phát hiện ở những người thể hiện lão luyện trong mọi lĩnh vực, và chúng nắm giữ chìa khóa để giúp chúng ta hiểu thấu những khả năng phi thường của họ.
Tuy nhiên, trước khi nghiên cứu sâu về vấn đề này, chúng ta hãy rẽ ngang một chút để xem xét cụ thể về loại bộ nhớ mà các chuyên gia cờ vua sở hữu
dành cho việc sắp xếp quân cờ trên bàn cờ.
BÍ MẬT CỦA VIỆC GIÀNH CHIẾN THẮNG TRÊN BÀN CỜ
Bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 1970, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu lý do vì sao các đại kiện tướng nhớ rõ vị trí quân cờ với độ chính xác cao như vậy. Những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện bởi người thầy của tôi, Herb Simon, cùng với Bill Chase, người sau này là cộng sự của tôi trong các nghiên cứu về bộ nhớ số của Steve Faloon.
Chúng ta đã biết rằng với chỉ vài giây để nghiên cứu một bàn cờ đang ở giữa ván, các bậc đại kiện tướng có thể nhớ chính xác vị trí của hầu hết các quân cờ và có thể mô phỏng lại những khu vực quan trọng nhất của bàn cờ một cách gần như hoàn hảo. Khả năng này dường như thách thức những giới hạn quen thuộc của trí nhớ ngắn hạn. Ngược lại, một người mới bắt đầu chơi cờ vua chỉ có thể nhớ được vị trí của một số ít quân cờ và còn lâu mới có thể tái dựng lại bàn cờ.
Herb và Bill đã đưa ra một câu hỏi đơn giản: liệu các chuyên gia cờ vua nhớ được vị trí của từng quân, hay họ thực tế là ghi nhớ các khuôn mẫu, với mỗi quân cờ được coi là một phần của một tổng thể lớn hơn? Để trả lời câu hỏi đó, Herb và Bill thực hiện một thí nghiệm đơn giản nhưng hiệu quả. Họ đã thử nghiệm một người chơi cờ vua ở cấp độ quốc gia (một kiện tướng), một người chơi cờ vua tầm trung, và một người mới chơi cờ trên hai loại bàn cờ, một bàn cờ có các quân được sắp xếp theo khuôn mẫu từ một ván cờ vua thực sự, còn trên bàn kia thì các quân cờ được xếp một cách ngẫu nhiên và không có ý nghĩa gì cả.
Khi được xem các bàn cờ với hàng tá quân cờ được sắp xếp theo khuôn mẫu như đang ở giữa hoặc cuối một ván cờ, kiện tướng có thể nhớ được vị trí
của khoảng 2/3 các quân cờ sau 5 giây quan sát, người mới học chơi cờ chỉ có thể nhớ khoảng 4 quân, và người chơi tầm trung nhớ được số quân khoảng ở giữa đó. Khi được xem những bàn cờ với các quân cờ sắp xếp ngẫu nhiên, người mới chơi có kết quả còn tệ hơn – chỉ nhớ chính xác khoảng 2 quân cờ. Không có gì ngạc nhiên cả. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là cả người chơi tầm trung lẫn người kiện tướng đều cũng chẳng khá hơn người mới chơi là bao trong việc ghi nhớ vị trí của các quân cờ xếp ngẫu nhiên. Họ cũng chỉ nhớ đúng được khoảng 2-3 quân cờ. Lợi thế của kinh nghiệm đã biến mất. Những nghiên cứu gần đây với các nhóm lớn kỳ thủ cũng lặp lại kết quả này.
Một hiện tượng tương tự cũng xảy ra với bộ nhớ ngôn ngữ. Nếu bạn yêu cầu ai đó nhớ lại một cách ngẫu nhiên các từ theo nguyên văn, bắt đầu với từ đầu tiên – “có mùi trước đến đậu phộng anh ấy thơm cơn đói đang ăn không thể người phụ nữ mặt nỗi kìm được” – một người bình thường sẽ chỉ nhớ được 6 chữ đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn đọc cũng những từ đó nhưng được sắp xếp lại thành một câu có ý nghĩa rõ ràng – “Người phụ nữ trước mặt đang ăn đậu phộng có mùi thơm đến nỗi anh ấy không thể kìm được cơn đói” – một số người lớn sẽ nhớ được tất cả các từ theo trình tự hoàn hảo, và hầu hết mọi người sẽ nhớ được phần lớn câu. Khác biệt là gì? Cách sắp xếp thứ hai mang ý nghĩa cho phép chúng ta hiểu được những từ đó thông qua sử dụng những “thể hiện về tinh thần” sẵn có từ trước. Chúng không phải ngẫu nhiên; chúng có ý nghĩa, và việc có ý nghĩa sẽ hỗ trợ cho bộ nhớ. Tương tự như vậy, việc các kiện tướng cờ vua nhớ được vị trí của từng quân cờ không phải do họ phát triển được một khả năng ghi nhớ đáng kinh ngạc. Thay vào đó, bộ nhớ của họ rất phụ thuộc vào ngữ cảnh: chỉ dành cho những khuôn mẫu xuất hiện trong một ván cờ bình thường.
Khả năng nhận biết và ghi nhớ các khuôn mẫu có ý nghĩa phát sinh từ cách thức mà các kỳ thủ phát triển khả năng của họ. Bất cứ ai nghiêm túc về