"Nước Ý, Câu Chuyện Tình Của Tôi PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nước Ý, Câu Chuyện Tình Của Tôi PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Nước Ý, câu chuyện tình của tôi *** Tác giả: Trương Anh Ngọc Phát hành: Nhã Nam Xuất bản: 2012 Tái bản: 2014 Nguồn pdf: kangta112 Soát chính tả: Zerging Tạo e-book: Calibre TVE-4U Giới thiệu ©Gianni Antonioni Là nhà báo thể thao từng tham gia nhiều giải bóng đá lớn của khu vực và thế giới kiêm bình luận viên truyền hình hàng đầu về bóng đá quốc tế, đặc biệt là bóng đá Ý, Trương Anh Ngọc hiện đang công tác tại báo Thể thao & Văn hóa trực thuộc Thông Tấn xã Việt Nam. Anh là phóng viên Việt Nam đầu tiên được tạp chí France Football mời tham gia bầu chọn danh hiệu Quả bóng vàng FIFA. Ngoài viết báo, anh còn tham gia nhiều chương trình bình luận bóng đá trên các kênh VTV3, VCTV, VTC và K+ Cuốn sách này tập hợp một số bài viết và ảnh của Trương Anh Ngọc sau thời gian anh công tác nhiệm kỳ ba năm với tư cách Trưởng phân xã Thông Tấn xã Việt Nam tại Ý. Viết cho những ai đã, đang và sẽ yêu nước Ý Hoan hô Ngọc! Và hãy nhớ rằng, nước Ý không phải là vấn đề về hộ chiếu, mà trái tim! Beppe Severgnini Ý tác giả của Đầu óc người Ý * Tặng gia đình và bạn bè tôi. Italia Mia Tôi làm quen với nước Ý từ năm lên bảy. Espana 82. Tiếng nhạc Tây Ban cầm và điệu gõ gót chân Flamenco. Những bàn thắng trên sân cỏ Tây Ban Nha. Và những hình ảnh không bao giờ có thể xóa mờ cho đến lúc chết về đôi mắt sáng rực của Tardelli sau bàn thắng thứ hai vào lưới đội tuyển Đức trong trận chung kết. Đôi mắt Ý ấy cứ ám ảnh tôi mãi, vì sau ánh mắt hạnh phúc và xúc động tột cùng dường như không thể tin nổi vào chiến thắng ấy là rất nhiều những ánh mắt khác nữa, ánh mắt hân hoan tột độ, lóe lên rồi tắt ngấm của Schillaci ở Italia 90, ánh mắt buồn bã nhưng không đau khổ đến mức tuyệt vọng của Roberto Baggio sau những loạt penalty thất bại ở World Cup 94, và ánh mắt như say trong cơn mê của Grosso trong trận chung kết World Cup 2006. Bóng đá Ý là vậy ư, tràn ngập những cảm xúc về cuộc sống, về con người, về những bon chen và thủ đoạn, là tấm gương phản ánh tất cả những nét đẹp đẽ và xấu xa của cuộc đời? Những đôi mắt Ý là vậy ư, sâu thẳm, đầy tình cảm, lãng mạn, nhưng cũng rất thực tế mà mỗi thành công trong cuộc sống phải trả những cái giá rất đắt, để đến khi những niềm vui biểu lộ ra bao giờ cũng xúc động như chan chứa những giọt lệ rơi? Và cũng có một âm hưởng chung như thế với những bài dân ca Napoli trong tiếng đệm mandolin, những bài hát lãng mạn mà mỗi câu lại được viết bằng thứ tiếng Ý trong trẻo và vang lên trên đầu lưỡi mỗi người, bản thân nó, khi không đệm nhạc cũng đã đầy chất nhạc và thơ? Phải, và có lẽ vì thế, những ai đã đến đất nước lãng mạn và xinh đẹp hình chiếc ủng bên bờ Địa Trung Hải và Adriatico ấy đều mong ngày trở lại. Chẳng cần phải đến cho bàn tay vào La Bocca della Verita1để kiểm tra xem tình cảm ấy có đúng không, chẳng cần phải ném những đồng xu may mắn xuống đài phun nước Trevi ở Roma, hay ngồi trên những Bậc thang Tây Ban Nha để mơ mộng một cách mê đắm như Audrey Hepburn trong Kỳ nghỉ ở Roma để thể hiện tình yêu ấy là thật. Chỉ cần bạn nói bạn yêu nước Ý, thế là đủ. Italia Mia2! Nước Ý sẽ ở trong tim bạn ngay cái nhìn đầu tiên, như một tình yêu sét đánh mà người Ý, vốn hoa tình và quá lãng mạn trong đời sống tình cảm, luôn vướng vào như mắc phải tơ nhện (có phải vì thế mà người ta đã nói từ thời Trung cổ: “Không hiệp sĩ Ý nào lại không giắt dao găm dưới áo giáp, không có người phụ nữ Ý nào lại không có bồ”?). Tình yêu ấy với nước Ý đôi khi không chỉ bắt nguồn từ âm nhạc, ngôn ngữ, bóng đá, ẩm thực và đàn bà mà có thể qua cả mafia và cuộc chiến chống mafia nữa. Ai đã sống ẳ ẳ cùng tôi những năm 1980 hẳn sẽ chẳng bao giờ quên những thước phim Bạch tuộc, những thước phim về cuộc chiến của thanh tra Cattani, về cái chết bi thảm của ông như một bản sao từ cái chết của viên tướng Dalla Chiesa ở Palermo năm 1982, báo hiệu cho những cái chết tiếp theo của các thẩm phán Falcone và Borsellino. Trên đất nước của những điều kỳ diệu của con người, thiên nhiên, của các tác phẩm nghệ thuật, của lịch sử và văn minh, có quá nhiều điều bất công, có biết bao tội ác và những điều nghịch lý. Nhưng những ai đã có nước Ý trong tim rồi sẽ chẳng bao giờ từ bỏ tình yêu ấy vì điều đó. Tôi đã luôn mơ đến việc đắm mình trong cuộc sống ở đó, đi dạo trên những quảng trường và ngắm những đài phun nước ở Roma, lái một chiếc xe du lịch dọc bờ biển gần Napoli để đến Positano và Sorrento, ra bờ biển Capri và nghe những bài dân ca bằng thổ ngữ Napoli, đọc những vần thơ của Dante và ngắm hoàng hôn trên sông Arno ở Firenze, thăm quảng trường San Marco, lướt nhè nhẹ trên dòng Kênh Lớn3ở Venezia bằng những chiếc gondola, thăm những bức tường cổ với những nét văn hóa từ thời Hy-La, Phoenici và Byzantine ở Palermo, đi trên những cánh đồng hướng dương vàng đến tận chân trời xứ Toscana, uống rượu Chianti được làm bằng thứ nho hảo hạng nhất, dự một lễ hội Palio ở Siena và dự khán một trận derby Milano, đã nghĩ tới một ngày nắng đẹp đặt chân đến Roma, ngửa đầu nhìn bầu trời xanh Địa Trung Hải cao lồng lộng, hít một hơi của một bầu không khí mới mẻ và nói tiếng Ý với những người Ý thực thụ... Tất cả như một giấc mơ lớn cần được hoàn thành trong đời, rồi sau đó, chẳng cần biết ra sao nữa. Giờ đây, khi đã trở về sau một hành trình dài trong lòng nước Ý, sống với những người Ý cả gần gũi lẫn xa lạ, được chia sẻ tất cả những gì có thể với những người có chữ cuối ở tên thường là “a”, “o” hay “i”, tôi cảm thấy mình như một phần của họ, và bản thân họ sống trong tôi. Cuốn sách này là câu chuyện tình của tôi với nước Ý. Tôi không có tham vọng đây sẽ là cuốn sách hướng dẫn du lịch cho các độc giả muốn hiểu biết thêm về nước Ý, mà đơn giản là một tập hợp những ghi chép từ trái tim của một nhà báo đã không chỉ sống ở đó hơn ba năm, mà còn thực sự yêu đất nước ấy từ trước khi đặt chân lên đó. Nước Ý ấy hiện ra một cách lãng mạn qua những tấm ảnh tôi chụp trong những năm sống tại Ý và được chọn riêng cho cuốn sách này. Nước Ý ấy cũng hiện lên đầy sinh động, bắt đầu từ những trang viết về thủ đô Roma, nơi tôi đã sống và làm việc phần lớn thời gian, về nước Ý tôn giáo và sùng đạo với hình ảnh nhà thờ Thánh Pietro, về nước Ý của tình yêu qua những ổ khóa trên cầu Milvio và ban công nhà nàng Juliet ở Verona; qua nước Ý của La dolce vita4với rượu vang Chianti; tới nước Ý đẹp đẽ như một thiên đường ở miền Nam. Nước Ý sẽ sống trong bóng đá một cách sinh động và thậm chí điên rồ ở phần hai và những trăn trở trong bộn bề cuộc sống ở phần cuối cuốn sách. Hãy đọc cuốn sách này với sự đam mê, và nếu có thể được, hãy đọc trong tiếng nhạc nhè nhẹ của Andrea Bocelli, Claudio Baglioni hay Francesco de Gregori. Italia Mia! TRƯƠNG ANH NGỌC Nếu đã yêu nước Ý, đừng hỏi tại sao... Mở cửa trái tim tôi, bạn sẽ thấy khắc sâu trong lòng hai tiếng nước Ý Robert Browning, thi sĩ Mỹ Roma bất chợt Cuối thu, Roma hay mưa vào buổi chiều. Bầu trời xanh ngắt không một gợn mây trong chốc lát bị phủ đầy một màu đen nhạt sũng nước, để rồi cơn mưa ào xuống làm ướt lướt thướt những người khách bộ hành đang hối hả chạy trên hè. Đấu trường cổ Colosseo chìm trong màn mưa trông như một con thuyền rách nát giữa những làn sóng dường như chỉ muốn cuốn phăng đi tất cả. Nhưng tiếng đàn guitar của một người nghệ sĩ hát rong hôm nào cũng đứng tựa ở lan can bên ngoài khu phế tích La Mã đổ nát Foro Romano vẫn cất lên. Và trong cái quán cà phê tôi hay ngồi, trên radio, Antonello Venditti hát “Roma, em đẹp lắm trong cơn mưa”... ... Rồi cơn mưa cũng tạnh và nắng lại lên, vàng rực trên những con đường còn ướt nước. Bầu trời nhanh chóng quay lại với dáng xanh vốn có, sâu thăm thẳm và vô tội không ngờ, với những vệt khói trắng máy bay đi qua mãi không tan, như một nhát cắt màu trắng ngang trời. Mùa thu kiểu Roma không khác một cô gái đỏng đảnh sớm nắng chiều mưa. Lá cây đã đổi màu sang đỏ, những con phố đã lác đác lá rơi, nhà thờ Thánh Pietro ở Vatican vươn cao mái vòm trứ danh của mình trên nền trời xanh thẫm. Cuộc đời vẫn chảy trôi một cách bình lặng theo những bánh xe tấp nập chạy trên hai bờ sông Tevere rợp bóng cây đã đổ vàng, mà những cây cầu bắc qua con sông ấy in hình trên dòng nước làm cho phần cổ kính của thành phố thêm mềm mại. Nhịp sống có vẻ chậm chạp và đủng đỉnh của Roma dường như không hề ăn nhập với cảnh giao thông lộn xộn, tắc đường liên miên vốn là căn bệnh kinh niên và đôi khi đi lại trong thành phố trở thành cơn ác mộng thực sự đối với những ai đến đây chỉ để kiếm tìm sự bình yên, lãng mạn và tình yêu kiểu cổ điển, vẻ đẹp của những công trình kiến trúc dường như không có tuổi xen lẫn với những góc nhếch nhác và hỗn độn của các khu phố, mà những con đường nhỏ khấp khểnh chạy dọc những bức tường cũ kỹ rêu phong chia thành phố thành rất nhiều ô vuông nhỏ, lộn xộn, nhưng vẫn gợi nên một nét đáng yêu nào đó mà có khi phải mất hàng năm trời qua lại và để lòng mình lắng đọng trong những tình cảm chợt đến mới có thể nhận ra. Đấy là Roma khi nhìn dưới mặt đất. Cánh máy bay tôi đi đã vài lần lượn trên bầu trời của thành phố Vĩnh Cửu. Dưới ánh mặt trời mạnh mẽ của một buổi sáng sớm mùa thu, trong một chuyến trở về Roma, tôi đã sững người chiêm ngưỡng khu trung tâm của cái thành phố tôi từng sống trong đó. Con sông Tevere uốn lượn qua thành phố, những chóp nhà thờ nhô lên xen giữa một biển ăng ten ti vi cái cao cái thấp, những mái nhà trồng hoa đỏ rực, những ban công phơi quần áo phấp phới trong khu phố cổ, những khu rừng xanh ngắt làm lá phổi cho thủ đô, những khu chợ trời tấp nập người lại qua và những con phố nhỏ đông chật những xe. Roma là cơn ác mộng khủng khiếp đối với những ai đến đây để tham quan và chỉ có thể dành cho nó ít ngày: có quá nhiều thứ để xem và quá ít thời gian để dừng chân ở tất cả những điểm nổi tiếng có sức hấp dẫn với mọi người. Ngay cả khi đã sống ở đây nhiều năm cũng không khám phá hết được những cái hay của thành phố, để rồi đến ngày sắp rời xa Roma một khoảng thời gian không thể định trước được, bỗng thấy lắng đọng một cách êm dịu và da diết những tình cảm về nơi đã gắn bó trong mấy năm ấy, từ những chi tiết nhỏ nhất đôi khi tưởng như vụn vặt, mà trên thực tế lại là những nét chấm phá đáng yêu nhất của cuộc sống nơi này. Mỗi một góc phố Roma đều cần một cuốn sách để viết về nó. Mỗi một viên đá lát đường đều có thể kể một câu chuyện. Mỗi vòi nước mát chảy ngày đêm trong những khu phố cổ cũng có thể chứa đựng vài ba giai thoại. Cả những đám rước tượng thánh kéo theo biết bao là người rồng rắn đi qua các phố cũng gợi nên không chỉ sự tò mò về những phong tục của một vùng đất mà Thiên Chúa đã chọn làm trái tim mình. Những bức ảnh về Roma mà tôi đã chụp ròng rã trong nhiều năm bỗng trở nên khô khan vì không thể nào diễn tả hết vẻ đẹp của nó. Vì Roma, bên trong cái vẻ dường như lúc nào cũng chậm rãi, có những chuyển động không ngừng và sống động. Người Roma chính gốc hoặc sống ở đây nhiều năm đôi khi cũng không hiểu được chính thành phố mà mình đang sống. Nó rộng quá, nhiều khu quá. Nhưng chính cuộc sống cũng cuốn họ đi không bao giờ ngưng nghỉ. Họ chỉ nhìn thấy trong cuộc sống thường nhật của họ sự mưu sinh để tồn tại. Nghệ thuật, bảo tàng, những buổi tối lãng mạn là một điều gì đó chỉ xuất hiện vào những ngày nghỉ hoặc lễ thánh. Có những người Roma không hề biết thế giới bên ngoài vì cuộc sống của họ chỉ gói gọn trong khu phố của mình. Đôi lúc, Roma tạo ra một cảm giác, rằng ngay cả khi đã rất yêu nó nhưng vẫn không hiểu được nó. Roma đôi lúc xa lạ và lạnh lẽo với những ai hăm hở đến với nó dăm ba ngày, nhưng lại đằm thắm và êm dịu khi họ chuẩn bị rời xa. Suốt bốn mùa Roma, tôi đã sống giữa những người Ý quen và không quen, và cảm thấy mình yêu thành phố từ lúc nào không biết. Chắc chắn tôi không yêu Roma sau ba năm sống ở đây, mà đã yêu nó từ trước khi đặt chân lên đất Ý để bắt đầu một hành trình mới cho công việc và cuộc đời. Những góc quay thoảng qua của những bộ phim đã xem, những bức ảnh đã ngắm, những dòng thông tin đã được đọc đều gây cảm giác choáng ngợp, để rồi một buổi chiều mùa thu khi lần đầu tiên đặt chân đến đây, đi qua cây cầu Conciliazione để qua dòng Tevere, ngắm nhìn pháo đài Castel Sant’Angelo vào một buổi hoàng hôn mà vẫn cứ phải dụi mắt mình. Roma còn đẹp hơn trong những cuốn phim ta đã xem. Vì ta nhìn thấy, ngửi thấy và sờ mó được nó. Ừ, mà hình như tất cả vẫn như một giấc mơ, tất cả là một bộ phim, cả chuyến đi này, cả cuộc đời ta và những cảm nhận ban đầu nữa. Thế rồi, ngay sau đấy, khi giật mình bởi tiếng còi xe vang lên xung quanh từ những người Ý chẳng bao giờ có đức tính kiên nhẫn, mới nhận ra đấy không phải là một bộ phim, mà là giấc mơ thành sự thật. Mà Roma luôn khiến cho tất cả những ai đến đây đều hiểu rằng họ không mơ. Những con đường lát đá khiến tiếng lốp xe vang lên như những tiếng reo vui trong trẻo, tiếng còi xe, tiếng những người Ý nói nhanh như máy và dường như cảm thấy thế là chưa đủ, họ phải dùng đến cả các động tác chân tay và cử chỉ gương mặt. Bốn mùa Roma luôn quay vòng trong một nhịp sống như thế mà những du khách đi qua đây dăm ba ngày không thể nhìn thấy và cảm nhận được, vì chắc chắn là phải ở lâu hơn, để lắng nghe trái tim họ phải lòng Roma. Lá xanh, rồi lá đỏ, lá vàng và lá rụng đầy đường, để rồi một ngày nào đó chồi cây mọc lên và mùa xuân chuyển Roma thành một màu tím ngai ngái của những cây Judas trên khắp các con đường của thành phố, nhiều đến ngỡ ngàng ở gần nhà tắm cổ của Hoàng đế La Mã Caracala và khu Pincio. Bốn mùa đi qua, nhịp sống ấy vẫn không hề thay đổi, và lâu dần lắng đọng thành một nét tính cách đậm chất Roma trong những người đã sống ở đây không dài, nhưng cũng không quá ngắn như tôi: lúc đủng đỉnh, lúc vội vã và cẩu thả, lúc nói nhiều và dai dẳng, lúc lại trầm ngâm sâu lắng như một thi sĩ. Thành phố như đang ngủ ngay cả khi nó thức mạnh mẽ nhất vào những lúc ban sáng, và không ngủ kể cả khi đêm về, khi ánh đèn vàng vọt chiếu trên những con đường lát đá chẳng mấy khi bằng phẳng ở khu trung tâm. Đến bây giờ, vẫn khó giải thích được tại sao tôi yêu thành phố này đến thế. Mà thật ra, khi ta yêu và đam mê một điều gì đó, có bao giờ ta hỏi vì sao và cũng không đời nào muốn biết tình cảm ấy sẽ kéo dài bao lâu. Roma cổ kính và lãng mạn, và tình yêu dành cho nó là một lẽ đương nhiên, một khi ta thấy bóng dáng tâm hồn của chính mình trong cuộc sống thành phố. Nhưng tình cảm dành cho một Roma khác đời thường hơn cũng không vì thế mà mất đi. Ngay cả sự nhếch nhác và hỗn loạn của nó cũng có những nét đáng yêu, vì chất sống Ý thấm đượm trong đó hơn bao giờ hết: mỗi đồng hồ công cộng ở các góc phố thông báo một giờ khác nhau cho thấy một phần tính cách của người Ý, những anh cảnh sát lúc nào cũng đẹp trai với nụ cười luôn phảng phất trên miệng không lúc nào thiếu một chiếc điện thoại di động để tán phét với một ai đó, những thùng rác để ngay bên hè phố, những chiếc xe đỗ lộn xộn và cẩu thả tranh giành từng gang tay với người khác ở một thành phố mà chỗ đỗ xe đôi khi có thể dẫn đến những cuộc cãi vã nảy lửa, những cây cầu bắc qua dòng Tevere trĩu trịt những khóa của các đôi uyên ương thề non hẹn biển, những bức tường chằng chịt các hình vẽ nguệch ngoạc và những lời tỏ tình cháy bỏng không phai mờ theo tháng năm... Rồi sẽ phải quen với cảm giác hụt hẫng khi xa thành phố. Những bức ảnh chỉ để lưu lại một khoảnh khắc nào đó và không gì hơn nữa. Chợt dậy lên một nỗi hoài nhớ lớn lao khi xem lại hàng nghìn tấm ảnh tôi đã chụp Roma trong mấy năm. Muốn những hình ảnh ấy không tĩnh, mà luôn động, và muốn những bức ảnh không bị bó hẹp trong bốn góc cạnh. Ngoài cái ranh giới thực của anh ấy là gì, ai đã đi qua, những đường phố trải dài đến đâu, điều gì đã xảy ra trong ngày hôm ấy và Roma nắng hay mưa? Tôi đã từng hỏi mình điều ấy khi nhìn Roma qua những bưu ảnh mẹ tôi mang về hồi tôi còn bé. Những tấm ảnh ấy tôi vẫn còn giữ và giờ đã ố vàng. Bây giờ, tôi đã sống ở đó một thời gian, và khi rời thành phố ra đi, nhìn lại chính những tấm ảnh mình chụp, tôi thấy mình cũng tự hỏi hệt như thế. Một phần ký ức sống động còn tươi mới sẽ trả lời. Tôi hay uống capuccino trong một tiệm cà phê nhỏ trên phố thời trang Condotti. Greco, tên của quán ấy, là một trong những quán cà phê nổi tiếng và lâu đời nhất thành phố5. Thật khó có thể tìm thấy sự yên bình trong cái góc nhỏ của Roma ấy. Phố Condotti dẫn đến quảng trường Tây Ban Nha và những Bậc thang Tây Ban Nha bất hủ, những cảnh lãng mạn trong bộ phim Kỳ nghỉ ở Roma đã khiến nơi ấy trở thành một huyền thoại. Lúc nào con phố cũng đầy ắp người và tiếng cười nói râm ran ở đó luôn át đi bầu không khí lẽ ra phải rất yên bình đối với một quán cà phê cổ vốn dĩ phải là nơi thưởng thức thứ cà phê ngon tuyệt của Greco. Nhưng tôi đến đây cũng vì Giordano. Anh bạn đẹp trai ấy pha capuccino ngon tuyệt, và cảm giác mùi cà phê còn đượm trên môi khi rời Greco ấy sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp mang tên nước Ý, đẹp như những lúc ngắm hoàng hôn đỏ rực từ đồi Aventino nơi những đôi uyên ương luôn đến chụp ảnh cưới, đẹp như những lúc ngồi lặng đi bên một ly cà phê sáng nghe tiếng ciao6râm ran như một bản nhạc vui tươi ở khắp nơi khi những người bạn gặp nhau và đẹp như những lúc ngồi trong một quán nhỏ trên một ngõ ngoắt ngoéo ở trung tâm thành phố, thưởng thức những hương vị tuyệt hảo của những món ăn nấu theo kiểu Roma. Có những khi Chủ nhật đón chào tôi mở mắt với tiếng chuông nhà thờ vang lên như thôi thúc vào buổi sáng, tiếng trẻ con nô đùa ở con đường đến trường ngay cạnh nhà và ánh nắng như mời gọi trên khung cửa sổ. Cái vị thơm đượm của capuccino như lẩn khuất đâu đó trong nắng. Cả mùi pizza nữa. chợt nhớ những năm tháng mê nước Ý ăn pizza trong mấy quán quen ở Hà Nội cứ thấy thiếu một điều gì đó dù pizza ở đây cũng không tồi. Sang đến đây mới hiểu, mình thiếu chính nước Ý, thiếu Roma, thiếu một tâm hồn Ý và đã yêu pizza cũng như spaghetti trên đất Ý, do chính người Ý làm, mới thấy khó có thể ăn chúng ở một nơi nào đó khác. Pizza kiểu Roma đế mỏng. Pizza ở Napoli đế dày. Ở mỗi vùng của đất nước, pizza lại mang những nét khác nhau. Nhưng dù là pizza nào đi chăng nữa, ăn ở Roma hay Napoli, đây vẫn là nước Ý. Rời khỏi nước Ý, lại nhớ pizza. Nhưng không thể vì thế mà tìm đến một quán Ý nào đó trong những nơi ta đã đi qua để nhớ hương vị ấy. Xa nước Ý rồi, đi đến đâu ăn pizza hay spaghetti cũng không thấy ngon. Bốn mùa Roma với tôi trôi qua như thế trong những buổi chiều kẹt xe trên xa lộ, trong những cơn mưa chợt ào đến vào những đêm mát lạnh và cả những buổi tối không thể nào quên ngồi tán gẫu với những người bạn điên cuồng vì bóng đá, rồi những khi kết thúc bữa ăn, lại chào nhau bằng những cái cọ má thân thương, lại thấy muốn ở thêm chút nữa và ước thời gian dừng lại. Cái ồn ào của những con phố đầy chật khách du lịch khác với sự ồn ào giữa những người bạn Ý. Đôi khi, trong những buổi gặp mặt, khi nĩa và thìa thôi chuyển động, khi bỗng nhiên có một khoảng lặng nào đó, sự yên tĩnh của buổi đêm ùa vào gian phòng. Chỉ nghe thấy tiếng gió xào xạc trên những dây trường xuân cuốn đầy cửa sổ căn nhà của một người bạn Việt kiều, tiếng chảy róc rách từ một vòi nước đã tồn tại hàng thế kỷ trên đường Borgo Pio ngay cạnh Vatican nơi tôi vẫn luôn mang chai đến để lấy về uống, vì người ta nói rằng đấy là nước Thánh, và thậm chí có thể cảm nhận được tiếng hôn rất nhẹ như gió thoảng của một đôi trai gái đang ôm nhau ngay dưới ánh vàng vọt của ngọn đèn đường. Trong tình yêu dành cho Roma, có sự ồn ã của những khu phố trung tâm, sự tĩnh lặng của những đêm mùa thu mát rượi, thứ capuccino pha rất khéo từ đôi tay của Giordano, người bảo rằng cà phê ở Roma là ngon nhất đất Ý, bởi nước để pha cà phê ở đây là nước nguồn tinh khiết nhất. Có cả những câu chuyện ly kỳ gắn liền với những con ngõ dích dắc đầy dây leo và dây phơi quần áo ngổn ngang, những quán kem và những nhà thờ lớn nhỏ mà ở thánh đường không chỉ thể hiện tình yêu với Thiên Chúa, mà cả những tinh túy của nghệ thuật hội họa và điêu khắc bậc thầy. Đôi khi cứ như mê đi giữa các tác phẩm của Caravaggio, Raphael, Michelangelo hay Bernini, những người đã ca ngợi vẻ đẹp thể xác và tâm hồn con người bằng những nét vẽ và khắc chạm của họ. Bỗng nhiên thấy mình trở thành người ham sống và thiếu thời gian một cách kỳ lạ, vì lúc nào cũng muốn đến một nhà thờ, một bảo tàng nào đó và ngắm không biết chán một bức tượng hay một bức tranh. Cả Roma và nước Ý là một bảo tàng vĩ đại. May mắn thay, tôi không bị hội chứng Stendahl - hội chứng của những người cứ nhìn thấy quá nhiều công trình nghệ thuật là ngất, tim đập nhanh, hay đau bụng. Nhà văn người Pháp nổi tiếng thế kỷ 19 ấy đã từng có những cảm giác tương tự khi chứng kiến sự tráng lệ của Firenze7, và người ta đã đặt tên hội chứng đó theo tên ông. Tôi không ngất hay ảo giác trước sự tráng lệ của Roma, vì trên thực tế, sự tráng lệ ấy không tồn tại. Paris tráng lệ. Roma thì không. Đấy là tập hợp của những gì đổ nát, cổ kính và hiện đại hòa quyện hữu cơ bên nhau một cách chặt chẽ, nhưng đôi khi rối rắm một cách kỳ lạ hệt như chính tình cảm của con người sống trong thành phố này vào những lúc giao mùa. Nhưng hầu hết tất cả những ai đã từng đến và sống ở đây một thời gian đều nhận ra vẻ đẹp của nó không phải ở tầm vóc của các công trình nghệ thuật và kiến trúc, mà là cái hồn ẩn chứa trong đó, trong cả đống đổ nát của những thành quách La Mã cổ xưa. Đôi khi những cơn mưa dông bao phủ lên bầu trời phía trên chúng ở khu Foro Romano tạo ra một bức ảnh đen trắng hoàn hảo có thể nhìn thấy trong đó quá khứ và hiện tại hòa làm một. Ở Roma, những hình ảnh như thế nhiều lắm, ẩn sâu trong ký ức, hiện lên từ những bức tranh của các danh họa, hoặc những cảnh bất hủ của bao bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh. Ngày trước khi rời Roma, tôi trở lại đài phun nước Trevi, nơi đã trở thành một huyền thoại của điện ảnh thế giới với cảnh Anita Ekberg ưỡn ngực vầy dòng nước mát lạnh trong phim La dolce vita. Ở cái thành phố có hàng trăm đài phun nước nằm rải rác khắp nơi, mỗi đài phun nước là một câu chuyện lịch sử về cách mà người Roma của hàng thế kỷ trước đã sống, đã yêu và thù hận, và là nơi người ta đến để lấy nước, để hẹn hò và để trả thù, Trevi giống như một tuyên ngôn về tình yêu đối với thành phố Vĩnh Cửu. Người ta bảo cứ đến đấy, quay lưng và ném xu xuống dưới đài phun nước ấy là sẽ trở lại Roma. Mỗi đồng xu như thế sẽ là một sự đầu tư hời nhất trên đời. Nhưng tôi không ném một đồng xu nào xuống đài phun nước Trevi để được quay lại nơi tôi đã từng sống. Vì tôi tin, thực sự tin, tôi sẽ trở lại. Chắc chắn vậy, một ngày không xa. Roma chợt nắng, chợt mưa, nhưng những tình cảm dành cho nó không chợt đến và chợt đi như một cơn gió thoảng qua, vì ít ra, vẫn có không ít người đã đến nơi đây, phải lòng nó, khi Roma trở thành một chặng quan trọng trong cuộc đời họ, nhất là với những ai còn trẻ, đầy ắp hoài bão và ước mơ như tôi. Nhạc sĩ Antonello Venditti có những bài hát rất được người Roma yêu thích, bởi ông, một người con của Roma đích thực, từng hát: “Cám ơn Roma vì đã cho chúng ta sống và cảm thấy mình là một con người mới”. Ông lại hát trong một bản tình ca khác: “Có một trái tim đập trong trái tim Roma”. Trong hàng triệu trái tim yêu Roma ấy, có trái tim tôi... Yêu lắm những con phố nhỏ Roma Không dễ viết về một thành phố mà ta đang sống trong đó, và khó hơn nữa nếu đấy là thành phố ta yêu. Tôi đã sống và làm việc vài năm ở Roma, nhưng phải rời nó ra đi mới bắt đầu viết được những gì thực sự đáng đọc về nó, vì không đơn giản nắm bắt được cái hồn của một thành phố mà chỉ khi đã xa nó rồi, mới thấy không muốn bước chân đi. Đấy là một điều không dễ giải thích. Người ta có thể yêu một ai đó, thậm chí say đắm là khác, nhưng trong sâu kín tâm hồn, người ta không hiểu được nhau. Roma với tôi là một thành phố khác biệt hơn tất cả những nơi khác tôi đã đi qua, đã sống và đã yêu: có những thành phố phải đi xa mới nhớ, nhưng có những nơi vẫn đang sống ở đó mà đã nhớ nó rồi. Nhớ rất nhiều những tháp chuông nhà thờ in lên nền trời Roma lúc hoàng hôn, nhớ khu trung tâm phố cổ với những di tích hàng nghìn năm tuổi, nhớ con sông Tevere vắt ngang thành phố mà những đêm hè náo nức tiếng nhạc và tiếng cười nói trên đảo Tiberina... Nhưng sẽ nhớ nhất chính là những ngõ nhỏ, phố nhỏ của thành phố, trải dọc các khu phố mà tên tuổi của chúng đã đi vào lịch sử, với những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại, những bài hát và thơ ca qua biết bao thế kỷ. Một lần ngồi chờ phục vụ những đồ ăn nấu theo kiểu Roma trong con phố nhỏ có tên Spagnoli rất ít người lại qua và để ý ở gần Pantheon, trung tâm thành phố, trong cái tịch mịch của đêm tối và ánh đèn vàng vọt tỏa xuống từ những ngọn đèn đường treo trên những bức tường phủ đầy dây leo chằng chịt, ngửi mùi thơm nức của các món ăn từ quảng trường Coppelle cạnh đó ùa tới, mới chợt nhận ra những gì ẩn giấu sâu kín trong tâm hồn của một thành phố mà trước nay tôi chưa hiểu. Những con phố nhỏ của Roma luôn đem đến những cảm giác rất lạ lúc đêm xuống. Đi trên con đường gập ghềnh lát đá, mà đôi khi kẽ của những viên đá có thể nuốt gọn một phần giày cao gót của một cô gái đáng yêu nào đó, và nghe tiếng chân mình dội vào những bức tường dày hai bên được chiếu bằng một thứ ánh sáng lờ nhờ của những ngọn đèn hầu hết là theo kiểu cổ ở trên cao, dễ gợi nên những ấn tượng mà đôi khi những dòng chữ này không diễn tả nổi. Càng khó diễn tả hơn, một khi ta biết những câu chuyện và bí mật lịch sử liên quan đến những góc phố ấy, những con người đã gắn liền với nó, đã sống ở đấy biết bao thế kỷ trước, đã nện gót trên những con đường hẹp lát đá không bằng phẳng mà lồi lõm, tiếng vó ngựa một thời rền rĩ, tiếng chuông nhà thờ vang lên từ đâu đó, tiếng những người đứng trên tháp cao gióng chuông báo hiệu 12 giờ đêm. Có hàng nghìn con phố nhỏ trong những khu phố trung tâm của Roma, chia thành ằ ằ phố thành từng ô vuông ngoằn ngoèo được phân định các khu bằng những đại lộ với hàng dãy những nhà thờ lớn chen chúc nhau, những palazzo8 của nhà giàu xây từ hàng thế kỷ trước. Những con phố nhỏ ấy, dù ở khu nào cũng có những đặc điểm chung: hẹp, ngắn, thường lát đá, thỉnh thoảng có những vũng nước, được chiếu sáng bởi những ngọn đèn vàng vọt, những góc phố ở ngã tư thường có một ảnh thờ Đức Mẹ Maria, đôi khi xuất hiện một họng nước chảy suốt ngày đêm lấy lên từ biết bao mạch nước ngầm phía dưới Roma và cuối cùng thường dẫn đến một quảng trường nào đó. Cuộc sống của người Roma nói riêng và người Ý nói chung từ bao đời nay gắn liền với những quảng trường ấy, một hình thức dân chủ sơ khai từ hàng nghìn năm trước, khi quảng trường là nơi nhà nước và dân chúng gặp gỡ qua những bố cáo, nơi họp chợ, nơi truyền giáo, thậm chí là nơi xử trảm những tội nhân đại hình. Những con phố cứ chạy mãi, thế rồi bỗng mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn: quảng trường Navona, Campo de Fiori, quảng trường San Pietro, quảng trường Popolo... Nhiều lắm, những cái tên. Tôi yêu một con đường nhỏ gần Circo Massimo dẫn lên đồi Aventino9. Con đường dốc chạy giữa những hàng cây dẫn đến một thế giới khác của Roma, luôn ngả vàng với lá cây vào mùa thu in trên những bức tường cũ kỹ đã ố vàng pha đỏ tróc lở khắp nơi, luôn đầy ắp màu trắng của hoa cưới trên hai lối đi lên ban thờ chính của nhà thờ cổ Santa Sabina có từ thế kỷ thứ 13 và màu trắng của những chiếc váy cưới. Khu đồi có những cây cam trĩu trịt quả mà tương truyền được Thánh Domenico trồng lên cũng ở thế kỷ 13 ấy được coi là một trong những nơi ngắm thành phố từ trên cao lãng mạn nhất. Người ta hôn nhau ở đó, chụp ảnh cưới tại đó, trẻ con nô đùa và đuổi chim bồ câu ở đó, các gia đình gặp gỡ cũng tại đó trong những cuộc picnic chiều Chủ nhật... Cuộc sống của Roma trên những ngọn đồi nhìn xuống thành phố với mái vòm nhà thờ San Pietro của Vatican phía xa xa, những tháp nhà thờ nhấp nhô, những hàng cây và dãy phố cổ kính dọc con sông Tevere uốn khúc ở dưới lãng mạn và đáng yêu không ngờ. Cũng ở Aventino, cách nhà thờ Santa Sabina không xa, là một lỗ khóa trổ trên cánh cửa dẫn vào một khu vườn tuyệt đẹp của dòng tu Malta. Tôi đã đứng xếp hàng ở đó không biết bao lần chỉ để nheo mắt ngắm nhìn nhà thờ San Pietro qua lỗ khóa ấy. Chỉ vài giây thôi, và cứ thế lặng người đi cứ như vừa được chứng kiến một phần thiêng liêng của thế giới sau một cái nhíu mày. Ta thấy gì qua lỗ khóa ấy? Con đường thẳng tắp giữa hai hàng cây hướng đến cái đích cuối cùng: mái vòm trứ danh mà Michelangelo và Della Porta đã mất mấy thập kỷ để dựng lên trên ngôi nhà mà vị tông đồ của Chúa Jesus đang yên nghỉ phía dưới. Chúa và tình yêu của Người đôi khi dường như có thể nhìn thấy được, vì ở gần quá, khi ghé mắt vào lỗ khóa và lắng tai nghe tiếng chuông của nhà thờ Sant’Alessio cạnh đó. Roma là một sự hòa trộn không thể nào hoàn hảo hơn nữa của thế giới những người đang sống với thế giới của những vị thánh và của Chúa, tồn tại một cách mạnh mẽ qua tiếng chuông cầu nguyện, qua hình ảnh những nhà thờ lớn nhỏ xuất hiện dày đặc trong thành phố, và qua sự gắn bó của thể xác con người với cuộc sống tinh thần của chính họ. Bỗng nghẹn ngào khi rời Aventino đã quá quen thuộc đến từng viên đá lát đường, khi mùa thu Roma lại về, và trên con đường trở lại những phố đông đúc của thành phố, bắt gặp trên một bức tường cũ kỹ lời tỏ tình cháy bỏng của một chàng trai nào đó với người mà anh yêu. Tôi đặc biệt thích Trastevere. Khu phố cổ có hơn hai nghìn năm tồn tại nằm bên sông Tevere ấy chính là nơi ẩn chứa chất Roma nhiều nhất. Không có gì ngạc nhiên khi Trilussa10 hay Gioacchino Belli11, những nhà thơ nổi tiếng nhất và gắn liền với lịch sử cũng như ngôn ngữ của thành phố đều đã từng hoặc sống ở đấy, hoặc viết về nó, thường là bằng thổ ngữ Roma, thứ tiếng bây giờ vẫn còn được nói bởi không ít người thủ đô, trong đó có nhiều người sống ở Trastevere. Những con phố nhỏ chạy cắt nhau liên tiếp chỉ thích hợp cho việc đi bộ, những bức tường rêu phong phủ dây leo và chằng chịt dây điện, những dây phơi vắt vẻo quần áo còn sũng nước, hàng loạt tiệm ăn nhỏ chen lẫn nhau trong mùi spaghetti hay thịt nướng bisteak thơm nức mũi, những biển báo giao thông xiêu vẹo, những bức tường được vẽ nguệch ngoạc và tự do, những góc phố tối tăm hệt như cách đây vài thế kỷ, những công tơ điện treo lủng lẳng trên các bức tường bong vôi. Cột điện đôi khi trở thành nơi các bạn trẻ tự hào thông báo cho cả thế giới biết về sự sinh ra hoặc chết đi của một mối tình, hoặc một cuộc hôn nhân, như có lần cô Veronica nào đấy dán lên đó một tờ giấy tuyên bố sẽ lấy Pipo của cô. Con ngõ nhỏ nào hầu như cũng có một chiếc xe máy hay xe đạp dựng ở đấy, có khi xịt hết lốp, có những chiếc Vespa cũ rích bám đầy mạng nhện và sơn bạc phếch không biết chủ nó đã bỏ đó bao năm trời khiến chợt nhớ mỗi năm có một ngày tháng Ba, dân đi xe máy ở Roma tụ tập trên con đường chính Fori Imperiali, để cầu xin Thánh Colombano, người được coi là thánh bảo trợ cho những người đi xe máy, phù hộ họ không gặp tai nạn trong năm. Ở Trastevere, các thánh, Chúa và Đức Mẹ Maria hiện diện khắp nơi. Bốn mươi nhà thờ, tức là 1/10 số nhà thờ ở Roma, tập trung ở khu phố không lớn ấy. Nhưng hình như bây giờ tiếng chuông ngân ít hơn, những hoài niệm về khu phố mà nàng Fomarina, người tình và là nguồn cảm hứng của danh họa vĩ đại thời Phục hưng Raphael12, từng sống, không còn được nhắc tới nữa. Tất cả bị át đi nhiều bởi tiếng người đi lại, tiếng cười nói của đám thanh niên đi chơi qua đêm, tiếng những người đứng hút thuốc xôn xao trước các quán bar và tiếng xe scooter vè vè của đám thanh niên lượn lách trong các ngõ. Lần nào đến đó tôi cũng rẽ qua quán La Rennella để ăn pizza và chui vào khu làm bánh mì vãi đầy bột trắng của nó. Bánh mì vỏ cứng ở đó ngon nhất nhì Roma, pizza cũng thế. Người đến ăn ở quán có thể vừa gặm pizza, vừa nhìn các tay đầu bếp nhào bột pizza qua cái ô cửa kính đã vỡ xiêu vẹo, vừa ngắm cuộc sống lặng lờ trôi qua trước khuôn cửa thấp hướng đến một góc phố bừa bộn và đọc trên bức tường của quán có khắc những vần thơ bất hủ của Trilussa về thành phố mà ông đã sống, đã yêu và đưa vào thơ ca. Ở bên kia sông Tevere, từ Trastevere nhìn sang, là Lungotevere. Vẫn những con phố nhỏ, hẹp và khấp khểnh ấy, những nhà thờ bỗng đâu hiện ra ở quảng trường cuối những con đường, nhưng Lungotevere nổi tiếng vì là nơi gắn bó với những nụ hôn. Cả một thời kéo dài hàng thế kỷ, khi cầu Milvio chưa trở thành nơi các đôi trai gái đem khóa lên để khóa vào những cột đèn, ném chìa xuống sông Tevere và thề thốt yêu đương trọn đời trọn kiếp, khi những sự cấm đoán thể hiện tình cảm cá nhân công khai còn thịnh hành, buộc người ta phải yêu nhau một cách kín đáo chứ không dám công khai như bây giờ, thì những con phố nhỏ chạy dọc sông Tevere ở khu ấy là nơi lý tưởng để trao những nụ hôn đầu. Biết bao đôi trai gái đã từng hôn nhau dưới những tán cây sát mép nước che chở cho mối tình của họ. Biết bao lời hẹn ước trong những mối duyên đầu được trao nhau nơi đây. Bây giờ, người Ý hôn nhau ở khắp nơi, nhưng những người lãng mạn vẫn tìm đến nơi ấy và cố lắng nghe trong tiếng xào xạc của lá cây mỗi khi gió về giọng hát của cố ca sĩ Claudio Villa trong một bài hát cổ như những viên gạch lát đường ở Trastevere có tên Vecchia Roma13, “Roma đã lớn lên nhiều Nhưng thành phố vẫn như ta đã sống những năm qua Anh yêu em ở khu Lungotevere Hôn nhau dưới những tán lá cây”, hay trong một bài hát khác có tên Chitarra Romana14, “Lungotevere đã ngủ nhưng con sông vẫn chảy”. Hàng triệu người Ý thuộc bản ballad Questo piccolo grande amore15 hay Con tutto l’amore che posso16 của Claudio Baglioni đều yêu Lungotevere và những con phố của nó, vì giờ người ta đến đấy không chỉ để hôn, để hẹn hò và ca hát, mà còn để cảm thấy mình được sống một cách lãng mạn, bồi hồi nhất nhưng cũng có đôi khi là cô đơn nhất giữa trái tim Roma. Xuôi xuống phía dưới nữa của Tevere, gần khu Do Thái, là một thế giới khác. Có một con đường nhỏ lát đá dẫn tôi đến nhà hát Marcello một buổi tối mùa hạ. Nhà hát cổ mà thời La Mã có thể chứa được hơn hai vạn khán giả ấy giờ chỉ còn là một đống đổ nát, nhưng bức tường phía bên ngoài với những hàng cột vẫn được giữ gần như nguyên vẹn, bởi khu kiến trúc có hơn hai nghìn năm tuổi ấy giờ được gắn liền với một nhà thờ. Ở đấy, ánh đèn thành phố ít chiếu tới. Trong một đêm mà ánh trăng bàng bạc phủ lên thành phố Vĩnh Cửu, đem đến cho nó cái vẻ thanh bình nhưng bí hiểm, con phố tôi đi như được dát vàng khiến bỗng ngỡ như mình đang đi trong giấc mơ, với tiếng piano sâu lắng và buồn một bản dạ khúc của Chopin mà người nghệ sĩ đang chơi giữa những cây cột đá cẩm thạch sứt sẹo và đổ nát của nhà hát Marcello. Chợt nhớ những bộ phim tình cảm lãng mạn lấy Roma làm bối cảnh, bao giờ cũng có những đoạn phim lướt qua những dãy phố trong đêm tối, nơi chàng trai chạy đi tìm cô gái mà anh yêu, trong tiếng nhạc trữ tình rớt nước mắt. Những năm trước, tôi cứ ngỡ đấy chỉ là cảnh phim, dù biết chắc rằng, mình đã yêu Roma và nước Ý chính từ những bộ phim ấy. Nhưng bây giờ, sống ở đó, thậm chí không cần phải ghé qua xem những tấm bảng gắn trên những góc phố, chỉ rõ những bộ phim được quay ở nơi ấy đã từng một thời làm Roma trở nên bất hủ trên phim ảnh, tôi vẫn tin rằng cái đẹp ấy không phải là phim, mà là sự thật không hề tô vẽ. Roma đẹp, và đáng sống trong đó. Tôi đã yêu Roma theo cách ấy, và cảm nhận vẻ đẹp của nó theo những bước chân đi trên những con phố nhỏ. Đôi khi tự cảm thấy nhịp chân nhẹ hơn chút nữa, hơi hẫng đi, vì phảng phất men rượu vang Chianti Classico mình vừa uống trong một quán ăn nằm khuất nẻo ở một khu phố cổ mà chỉ có người Ý hay lui tới ăn (tôi tin là những quán ăn nào đông khách du lịch thường không phản ánh đúng chất ẩm thực Ý. Người Ý sành ăn và những quán nào nhiều người Ý đến ăn, chắc chắn quán đó rất ngon). Có những cầu thang tối dẫn đến nhà thờ San Pietro in Vincoli được chiếu bằng những cây đèn hơn hai trăm năm tuổi nhưng không đủ sáng và khiến ai đó rùng mình khi tưởng tượng ra bóng ma của nàng Lucrezia Borgia17, có những lối đi nhỏ dẫn đến quảng trường Maddalena, nơi có một quán kem nổi tiếng chưa lúc nào vắng khách, có những phố đưa ta đến đài phun nước Trevi, có những con đường nhỏ dẫn đến những quán ăn trên gác thượng của các palazzo mà từ đó ta có thể nhìn thấy Roma lung linh huyền ảo trong bóng đêm mát rượi và tịch mịch. Ở đấy, trong bập bùng ánh nến, trong tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra trên loa và tiếng rượu vang chảy róc rách vào ly, là một thế giới khác của Roma lãng mạn, đầy sức sống, và những nỗi đam mê, Roma của đêm, của những bài hát, bộ phim và bài thơ bất hủ đã làm say đắm biết bao người, như nhạc sĩ lừng danh Antonello Venditti đã từng ca, “Roma, em đẹp biết bao mỗi buổi chiều/Khi ánh trăng lung linh chiếu trên đài phun nước/Những đôi tình nhân đi qua...” Chuyện tình Navona Tôi biết người đàn ông ấy và mối tình kỳ lạ nhưng đúng chất Ý của ông qua những câu chuyện truyền khẩu ở Roma trong suốt mấy năm tôi sống ở đó. Marcel sống bằng ký ức, nỗi đam mê và niềm hy vọng vào một tình yêu gần như vô vọng. Tóc bạc trắng, dài đến tận vai, nụ cười hiền hậu và dễ thương nhưng đôi mắt buồn thì dường như luôn hướng về một nơi bất định. Ông đứng đó, ở cái sân khấu nhỏ là mặt của một thùng gỗ, với đám khán giả luôn thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, trước đài phun nước Moro ở một góc của quảng trường rộng nhất Roma, Navona. Có một khán giả duy nhất không đổi trong ba năm qua, là tôi, khán giả trung thành nhất của ông, người đến xem những buổi diễn kéo dài đôi khi chỉ năm phút lặp đi lặp lại từ tối đến gần đêm của ông, không phải để chiêm ngưỡng những gì ông làm, mà là để tìm kiếm những cảm xúc toát lên từ nụ cười thi thoảng vô hồn của ông, từ đôi tay đeo găng thoăn thoắt điều khiển những con rối vải. Tôi từng không biết điều gì đã thúc đẩy ông đến đây và thực hiện những buổi biểu diễn mà đôi khi không khiến ông cảm thấy hạnh phúc. Có những người thất nghiệp nhưng có tài lẻ nào đó đem sức sáng tạo của mình ra mua vui cho thiên hạ để đổi lấy dăm ba chục euro cho cuộc sống. Có rất nhiều những người như thế trên những quảng trường Roma, thành phố của hàng trăm quảng trường và đài phun nước. Nhưng Marcel là một người rất khác với họ. Người đàn ông gốc Palermo này không phải là một nghệ sĩ đường phố như rất nhiều những người khác kiếm sống ở đây. Ông cần tiền, không ít, nhưng ông duy trì cuộc sống của mình bằng cách biến cái công việc tưởng như nhàm chán vì lặp đi lặp lại ấy thành một bài thơ nho nhỏ và ông tồn tại có thể chính vì ông rất vui vẻ đối thoại với những khán giả luôn luôn biến động của mình. Nhiều năm như thế rồi, sáng cũng như tối, mùa hè cũng như mùa đông, những buổi biểu diễn ngắn ngủi của ông bắt đầu sau một vài điệu nhạc từ cái loa điện cũ mà ông mang theo như một cách thu hút sự chú ý của những du khách đi vãn cảnh ở Navona. Sân khấu nhỏ bằng gỗ chật hẹp, còn bóng tối như một tấm màn nhung đặc biệt phủ lên người nghệ sĩ già và không gian xung quanh đôi tay điều khiển những con rối không có dây của ông. Ánh đèn sân khấu được tạo ra bởi hai chiếc đèn bàn ở hai phía cánh gà - bục gỗ. Buổi biểu diễn bắt đầu, tiếng nhạc vang lên, đôi tay người nghệ sĩ xỏ vào lưng hai con rối đưa đi trên sân khấu nhỏ ấy theo từng thể loại nhạc và điệu nhảy khác nhau, từ tango cho đến valse và samba. Có cả một trích đoạn nổi tiếng với Charlie Chaplin Á trong Ánh đèn sân khấu, bản Forever Love của Take That, Sexed up của Robbie Williams và thậm chí cả điệu moonwalk của Michael Jackson với con rối mang dáng hình, trang phục màu đen và cả chiếc mũ phớt của người nghệ sĩ xấu số. Đám khán giả, chủ yếu là khách du lịch ngoại quốc, ồ lên thích thú sau mỗi điệu nhảy trên ngón tay rối của Marcel. Họ chỉ là một nhóm rất nhỏ những kẻ tò mò nếu so với biết bao khán giả từng xem ông trình diễn trong một vài tour vòng quanh thế giới trước kia mà đến bây giờ ông vẫn luôn tự hào nhắc lại với tôi trong những lần gặp mặt. Nhưng nhân vật chính trên cái sân khấu nhỏ và ít ỏi khán giả ngoài trời dưới ánh đèn vàng vọt của quảng trường ấy không phải là những con rối, mà chính là ông, Marcel. Ông là con rối vải trên sân khấu đời lớn hơn và bi kịch hơn, nhưng không kém phần lãng mạn. Khi cuộc hôn nhân của ông tan vỡ, người đã từng làm rất nhiều nghề và có cả một bộ sưu tập các xe FIAT cũ rích ấy đã yêu một cô gái trẻ, người mà ông bất chợt gặp và ngay từ cái nhìn đầu tiên đã chết chìm trong ly rượu của thần ái tình. Ông bảo, đấy là một mối tình đẹp như thơ, như chuyện cổ tích, mối tình đã đưa ông lên khỏi miệng hố khủng hoảng tâm lý sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ và đã làm ông sống lại. Nhưng câu chuyện cổ tích ấy kết thúc không có hậu. Một ngày nọ, ly rượu tình của Marcel đắng chát khi nàng bỏ đi, nhưng người công nhân Marcel đã quyết tâm trở thành một nghệ sĩ chỉ vì ông không muốn chấp nhận sự thật. Như trong một bộ phim, ông nói với nàng rằng: “Anh sẽ mãi mãi ở đây, chờ em, cho đến khi nào anh biết chắc chắn, là em không còn quay lại nữa.” Ở đây, là quảng trường Navona, nơi ông gặp nàng lần đầu tiên. Và thế là mười năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm qua năm, Marcel chờ đợi trong hy vọng mà gần như tuyệt vọng. Ông chờ nàng trong những buổi biểu diễn mà chỉ có cái lạnh giá hoặc mưa gió làm cho gián đoạn, khi những con rối trong tay ông không chịu nổi sự nghiệt ngã của thời gian và số phận trở nên mệt mỏi. Những con rối ấy ông đã tạo nên. Những màn diễn ngắn ngủi ông đã nghĩ ra. Những bản nhạc từ cái loa cũ kỹ hơi rè rè là do chính ông chọn. Cả những tấm danh thiếp và postcard ông bày phía trước khán giả cũng chính ông in. Ông muốn họ mang những tấm ảnh của ông đi khắp nơi để tìm nàng. Ông kể cho họ nghe về nàng. Ông không bao giờ quên nàng và chỉ có những ai biết được câu chuyện tình của Marcel mới hiểu được rằng, trong show diễn ngắn ngủi trên cái sân khấu bé nhỏ của ông, có điệu nhảy như trong mơ của ông và nàng dưới ngọn đèn đường từ hai con rối vải mà ông tạo nên. Đấy là con rối từ hình mẫu của chính ông và nàng. Có một tối, ông nhận ra trong đám khán giả kia có đôi mắt của nàng. Nàng đến đó để xem ông sống ra sao. Chỉ một lát rồi bỏ đi. Hôm ấy, Marcel diễn show hay nhất đời mình. Những ngón tay xỏ rối vải như nhảy ballet trên sân khấu nhỏ. Thế rồi khi nàng rời đám đông đi mất hút, ông tuyên bố từ bỏ sân khấu để đi tìm nàng. Marcel không thấy nàng, và từ đó nàng không quay lại. Nhưng rồi ông vẫn trở lại sân khấu. Để chờ nàng trở lại. Ông vẫn phải sống và hy vọng, dù nụ cười trên môi ông giờ đã ít ánh nắng hơn... Chuyện tình của Marcel dường như đã trở thành huyền thoại ở Roma, được đưa vào những cuốn sách hướng dẫn du lịch về thành phố Vĩnh Cửu, đã lan ra khỏi biên giới nước Ý, thậm chí màn trình diễn rối bằng ngón tay nhảy nhót của ông còn trở nên bất tử với một trường đoạn trong phim Double team với sự tham gia của các tài tử Jean Claude Van Damme và Mickey Rourke. Có thể, nàng cũng đã xem bộ phim đó. Nhưng đến giờ, nàng vẫn không trở lại, và Marcel chỉ là một ông vua cô đơn trên sân khấu của chính đời mình ở quảng trường Navona. Có lẽ Marcel và cô gái nọ đã chịu một lời nguyền nào đó từ chính quảng trường Navona, nơi mà ở trung tâm của nó ngự trị đài phun nước Bốn Dòng Sông của Gian Lorenzo Bemini18. Người Roma bảo rằng, những đôi tình nhân nào vô tình đi quanh nó ngược chiều kim đồng hồ sẽ chia tay nhau trong vòng sáu ngày. Chuyện đó kể cũng khó tin như những truyền thuyết khác ở Roma. Tôi không hoàn toàn tin vào những câu chuyện như thế, bởi người ta không thể chiêm ngưỡng kiệt tác điêu khắc của Bernini nếu không đi một vòng quanh đài phun nước Bốn Dòng Sông, dù là theo chiều nào. Nhưng tôi vẫn lặng người khi nghe câu chuyện của Marcel và cầu chúc hạnh phúc cho ông, dù đời không bao giờ quá lãng mạn như phim, kiểu Cinema Paradiso19 của đạo diễn nổi tiếng Giuseppe Tornatore. Trong bộ phim ấy, khi chàng trai có tên Toto bỏ về trong đau khổ vào đêm thứ 100 sau 99 đêm chờ đợi dưới cửa sổ nhà nàng Elena một cách vô vọng, bất chấp mưa gió lạnh lẽo, thì nàng tìm đến chàng, và trao cho chàng những cái hôn cháy bỏng. Ngày Marcel nhìn thấy người ông yêu trong đám khán giả đã qua năm năm. Từ đó đến giờ, nàng chưa trở lại... Marcel yêu và vì thế ông chờ đợi. Những cuộc chờ đợi ấy đã kéo dài bao nghìn ngày không ngơi nghỉ. Chờ đợi và ông tồn tại, sự tồn tại in hình trên những ngón tay lướt qua cái sân khấu bé nhỏ và buồn dìu dịu như nụ cười của ông. Cố nhạc sĩ huyền thoại Lucio Dalla từng hát rằng: “Sự thật là không ai chết vì tình yêu”. Nhưng trên thực tế, người ta có thể nhảy vì nó. Kể cả nhảy bằng những ngón tay. Câu chuyện của không chỉ một chiếc cầu “Gin chạy về phía giữa cầu và đứng lại trước cột đèn thứ ba. Nàng nói: ‘Nó đây, chính nó đây.’ Tôi hỏi lại: ‘Gì cơ?’ Gin: ‘Chiếc cột đèn thứ ba. Có một huyền thoại về cây cầu này...’ ‘Nhưng trước hết anh muốn được hôn đã.’ ‘Nghe này, đấy là một câu chuyện tuyệt vời.’ ‘Kể anh nghe đi.’ ‘Đây là cột đèn thứ ba thẳng hướng đến một cây cầu khác... Anh có nhìn thấy ở đằng kia không? Nó có tên là dây xích cho những người đang yêu. Chỉ cần khóa một cái khóa lên dây xích đó và vứt chìa xuống dưới sông Tevere.’ ‘Thế rồi sau đó?’ ‘Chúng ta sẽ không bao giờ rời xa nhau nữa.’ ‘Nhưng tại sao lại có câu chuyện này?’ ‘Em không biết, nhưng câu chuyện này có từ lâu rồi, thậm chí có từ thời Trilussa...’ Tôi khóa chiếc khóa lên dây xích và cầm lấy chìa khóa. Tôi kẹp chiếc chìa giữa những ngón tay trong khi đắm đuối nhìn Gin. Nàng nhìn lại tôi, cười và nhướn lông mày lên, hỏi: ‘Giờ thì sao?’ Tôi kẹp chiếc chìa giữa ngón trỏ và ngón cái. Tôi đung đưa chiếc chìa trên tay trong không trung, bất thần thả xuống phía dưới và làn nước sông Tevere nuốt lấy nó... Chúng tôi hôn nhau...” Đây là đoạn truyện nổi tiếng của Federico Moccia, nhà văn người Ý chuyên viết cho tuổi “ô mai mơ” (và lớn hơn một chút), trong cuốn tiểu thuyết Ho voglia di te20 (2006), vốn đã gây ra cả một làn sóng cuồng si của những người Ý đang yêu khi muốn biến một phần lãng mạn nhất trong mối tình của Step và Gin thành một phần đẹp đẽ trong mối tình của chính mình. Tôi không rõ làm cách nào mà câu chuyện tình đẹp đẽ nhưng đau khổ (và cuối cùng, luôn kết thúc có hậu) của đôi bạn trẻ người Ý ấy lại có thể truyền cảm hứng cho những đôi uyên ương Việt Nam khi họ đem khóa lên cầu Long Biên và làm như Step và Gin, nhưng xin khẳng định rằng, cơn nghiện khóa tình yêu ấy đã dẫn đến những cuộc tranh cãi liên miên trong giới chính trị, những màn đấu khẩu trong hội đồng thành phố và cả sự ngạc nhiên của rất nhiều nhà xã hội học cũng như các bậc cha mẹ, những người từng cho rằng, trong thời buổi mà thực dụng và tiền bạc lên ngôi, khi các giá trị của tình yêu và gia đình bị phai nhạt, lớp trẻ Ý hiện tại đã quên mất cách yêu theo đúng nghĩa từ trái tim. Trong một thời gian ngắn sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, được dịch ra mười ba thứ tiếng và bán được ba triệu bản, cũng như bộ phim cùng tên dựa theo truyện được chiếu, Milvio, cây cầu nổi tiếng được dựng lên ở nơi vào năm 312 sau Công nguyên diễn ra trận đánh nổi tiếng giữa Maxentius với Constantine, người sau này là hoàng đế La Mã, đã trở thành cây cầu Tình. Cây cột đèn thứ ba với vòng xích trên đó trở thành mục tiêu tấn công của hàng nghìn chiếc khóa viết tên của những người yêu nhau. Những cây cột đèn khác bên cạnh cũng kĩu kịt những khóa và trước sự ngạc nhiên của chính nhà văn Moccia, số khóa tiếp tục đầy lên, cho đến khi một cây cột đèn không chịu nổi sức nặng đổ gục xuống. Khóa vẫn tiếp tục đổ tới, những dòng chữ “Ho voglia di te” như ở cuối phim xuất hiện khắp trên thành cầu, mà mỗi buổi hoàng hôn xuống lại đẹp và thơ mộng một cách lạ kỳ. Chính quyền thành phố hoảng hồn vì sợ một công trình kiến trúc cổ hàng trăm năm tuổi đổ sụp xuống dòng sông Tevere. Trong khi chính Moccia phải lên ti vi để khuyên các bạn trẻ ngừng tấn công cây cầu, các quan chức ngành văn hóa và lịch sử thành phố đề nghị tất cả tôn trọng một di tích lịch sử đẹp đẽ và lãng mạn trên dòng sông thì người ta buộc phải lập ra một trang web lấy tên “Cây cầu tình Milvio” để các đôi bạn trẻ lên đó thề thốt yêu đương và khóa ảo vào cột đèn ảo, rồi vứt chìa xuống dòng sông ảo. Dự án ấy không thành công như mong đợi, giống như sự thất bại của một trang web tình yêu ở Verona, thành phố của huyền thoại tình yêu Romeo và Juliet, khi các đôi yêu nhau thích viết những dòng lâm li mùi mẫn cho nhau trên tường nhà của nàng Juliet hơn là lên mạng Internet thề thốt yêu đương. Thị trưởng Roma lúc đó là Walter Veltroni thậm chí đã gây ra cả một làn sóng chống đối ông khi tuyên bố muốn để những chiếc khóa như thế trên cầu, coi đó là một cách thu hút khách du lịch bốn phương đổ về thủ đô. Các đảng phái đối lập không muốn tạo ra một tiền lệ xấu đối với các công trình lịch sử đầy rẫy ở Roma, vốn đã luôn bị những kẻ mắc chứng cuồng yêu hoặc cuồng chính trị viết vẽ nguệch ngoạc lên tường, nhưng đội ngũ bán khóa (Trung Quốc) người gốc Phi ở hai đầu cầu thì vô cùng hoan nghênh. Nhưng đã bao giờ “người lớn” hỏi con trẻ tại sao chúng thích làm như Step và Gin trong câu chuyện của Moccia? Một anh bạn trẻ người Ý tôi quen đã trả lời: “Vì hai lẽ, làm như thế lãng mạn và chúng tôi muốn tất cả mọi người chứng kiến tình yêu của mình.” Nhưng trong trường hợp họ chia tay nhau sau khi đã ném chìa xuống dòng sông? Anh trả lời: “Lúc khóa trên dây xích, có ai nghĩ đến chuyện chia tay. Nhưng chia tay rồi, cũng chẳng ai nhớ họ đã từng có chiếc khóa trên cầu.” Những gì anh nói có lẽ chỉ là một trong những cách giải thích quá lý trí của một người đã từng yêu, đã chia tay và rồi lại yêu những người khác nữa trong cả một quãng thời gian tuổi thanh niên và có lẽ sẽ còn như thế mãi khi đã toan về già. Tôi chỉ hiểu một điều duy nhất sau khi đã chứng kiến quá nhiều những lời tỏ tình ở khắp mọi nơi trên đất Ý: ở mảnh đất này, yêu giống như một lẽ ằ sống. Thời thế có đổi thay thế nào chăng nữa, từ tỏ tình bằng lời cho đến bằng chữ, từ những email và bộ sưu tập các tin nhắn mà mỗi năm các hãng dịch vụ điện thoại hốt bạc nhờ thuê các nhà văn “sến” nhất sáng tác cho họ những câu tỏ tình khiến mê mẩn nhất, sự lãng mạn không bao giờ chết đi. Ở nơi đây, khi yêu nhau, sức hấp dẫn về mặt tình dục luôn là một điều kiện không thể thiếu, nhưng sự lãng mạn bao giờ cũng được coi là ưu tiên hàng đầu. Làn sóng khóa tình yêu đã tồn tại được nhiều năm, bây giờ không còn nóng bỏng như trước nữa. Nhưng nó vẫn kịp chạy từ cầu Milvio đến cả hàng rào sắt của một nhà thờ trước đài phun nước nổi tiếng Trevi ở Roma, khiến các vị mặc áo chùng tỏ ra vô cùng giận dữ, và sau đó lan đến cả cây cầu Vecchio bắc qua dòng Arno ở Firenze. Những “người lớn” ở Ý - vốn lãng mạn không kém - không muốn phá nát tình cảm của con trẻ, dù không thích chúng làm hỏng những công trình kiến trúc lịch sử, cũng chỉ đưa ra mức phạt 50 euro cho những ai bị bắt quả tang đang viết vẽ lên cầu. Những chiếc khóa khiến cây cầu quá tải bị đưa đi chỗ khác, và phần lớn số khóa ban đầu, giờ đang bắt đầu gỉ sét, vẫn còn được giữ lại, trong một nỗ lực nhằm đưa khách du lịch đến Roma, nhiều người trong số họ đến thăm Milvio - giờ đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới - và không cưỡng được cái cảm giác cần phải bắt chước đám trẻ Ý bằng cách làm giàu cho đám bán khóa ở hai đầu cầu. Tôi nghĩ đấy là một điều đúng đắn mà vẫn không mất lòng con trẻ và không làm cho mọi chuyện trở nên quá ầm ĩ, khi “người lớn” biết rằng cái gì đến nhanh rồi cũng qua nhanh như gió thoảng, chỉ có tình yêu thực sự bền vững thì ở lại. Cách làm ấy không được các nhà lịch sử hay di tích học gì đó ưa thích, nhưng được dư luận ủng hộ nhiệt liệt. Dĩ nhiên, vẫn có những ngoại lệ nho nhỏ, khi tình yêu đã lên đến quá mức trở thành một cái gì đó chướng mắt kinh khủng, buộc chính quyền phải đưa ra những biện pháp vô cùng mạnh tay. Ở Palermo, thủ phủ đảo Sicilia chẳng hạn, sau quá nhiều lời xì xào của dân chúng ở một khu phố trung tâm về việc các đôi bạn trẻ cứ ngồi đó hôn nhau suốt ngày từ sáng đến tối, chính quyền đã buộc phải dỡ hết tất cả ghế đá trên phố! Yêu kiểu Ý và “chống yêu” cũng theo kiểu Ý. Không đề cho San Pietro Tôi sẽ không bao giờ quên những ấn tượng đầu tiên khi chứng kiến sự tráng lệ và uy nghi của ngôi nhà thờ ấy. Đấy là những ngày đầu của tôi trên đất Ý. Xe đi qua sông Tevere, với pháo đài Sant’Angelo sừng sững soi bóng. Hồi hộp nhắm mắt lại trong chốc lát, tôi chỉ mở mắt ra khi chiếc xe đi vào con đường Conciliazione huyền thoại. Nhà thờ San Pietro21 sừng sững ở đó, phía cuối con đường, trong lãnh thổ Vatican22. Mái vòm vĩ đại của nhà thờ in lên nền trời xanh thẳm, với hai hàng cột đá do Bernini thiết kế như hai vòng tay ôm lấy thế giới Thiên Chúa. Trong gần năm thế kỷ, nhà thờ San Pietro và mái vòm trứ danh của nó đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu của Roma. Hình bóng nó in lên nền trời thành phố và từ bất cứ nơi nào ở Roma, nếu đứng trên một điểm cao, người ta đều có thể nhìn thấy nó, từ đồi Aventino là điểm lý tưởng cho các đôi tình nhân chụp ảnh cưới, hay từ khu Pincio bây giờ đã mọc lên tua tủa những ăng ten và chảo ti vi thay vì chỉ những cây thông Địa Trung Hải, dù là một buổi sớm ban mai lạnh lẽo đầy sương mờ hay một buổi hoàng hôn mà mặt trời lơ lửng đỏ rực phía chân trời xa. Có một đạo luật từ bao đời nay, kể từ khi San Pietro ra đời, và vẫn được tôn trọng ở mức cao nhất, điều có vẻ hơi lạ lùng trên một đất nước không có thói quen tôn trọng luật lệ: không một tòa nhà nào được xây cao hơn điểm cao nhất của nhà thờ San Pietro, ở độ cao hơn 150 mét. Vị tông đồ của Chúa, người giữ chìa khóa cánh cửa thiên đường, chắc chắn phải cao hơn tất thảy thế gian và tiếng chuông của nhà thờ mang tên ngài, ở nơi mà ngài đã bị chết thiêu trên thập giá câu rút ngược, phải vang vọng hơn bất cứ tiếng chuông nhà thờ nào khác mỗi dịp đại lễ. Sự vĩ đại của hình ảnh Thiên Chúa không chỉ thể hiện trong vóc dáng to lớn của nhà thờ, mà còn ở tư tưởng của những người đã xây nên San Pietro, thời đại đã chứng minh rằng những gì gần như không tưởng đều có thể thực hiện được bằng ý chí và nghị lực của con người, kể cả khi những công trình kiến trúc lớn lao ấy kéo dài gần hai thế kỷ, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, đổ biết bao nhiêu máu và mồ hôi của hàng chục vạn người. Roma sống với nhà thờ ấy và tự hào về nó, về những ai đã xây nên nó và kể cả những thời kỳ lịch sử sóng gió mà vì chúng, thế giới đã đổi thay. Những đô thị lớn trên thế giới đều gắn bó với những tên người và những công trình kiến trúc đã làm cho chúng trở nên bất hủ: London có Windsor và Buckingham, New York có Rockefeller, Chrysler và Carnegie, Roma có những gia đình Giáo hoàng như Farnese, Borghese, Chigi hay Barberini đã xây nên San Pietro và tái thiết thành phố trên những đống đổ nát của nước Ý bị chia cắt, bị tàn phá và khinh rẻ kể từ sau sự sụp đổ của đế chế La Mã. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển của thành phố và giáo hội Công giáo, nói một cách văn chương hơn, giữa Roma với tông đồ của Chúa, Thánh Pietro, người đã từng bỏ chạy khỏi Roma khi hoàng đế Nero bức hại các con dân của Chúa vào năm 64 sau Công nguyên, nhưng sau đó, khi Chúa hiển trên đường chạy trốn của ngài và hỏi “Quo vadis, domine23?”, ngài đã tỉnh ngộ và trở lại để chịu chết thiêu ở đúng cái nơi mà mười lăm thế kỷ sau, nhà thờ mang tên ngài mọc lên. Những giáo hoàng đã xây nên nhà thờ Thánh Pietro và biến nó thành biểu tượng của Thiên Chúa trên mặt đất cũng là những người đã xây nên Roma của thời Phục hưng, xương sống của thành phố cho đến tận ngày hôm nay. Họ cho xây dựng những đài phun nước, tạo nên những con đường, thiết kế những khu vườn lớn đến bây giờ cây cối vẫn xanh mát và giữ được quy mô lớn lao của chúng, xây những dinh thự và làm ra biết bao quảng trường. Họ đã biến Roma từ đống đổ nát của một đế chế sụp đổ thành một đô thị lớn xứng đáng là trái tim Công giáo. Nhà thờ Thánh Pietro nằm trong tâm điểm của một quá trình đô thị hóa mà đến bây giờ, sau hơn năm trăm năm, người ta vẫn phải kinh ngạc về tư tưởng của những người thực hiện nó. Khi San Pietro mọc lên, Roma cũng dần định hình. Khi công trình San Pietro ngưng lại hàng thập kỷ vì những biến động chính trị và tôn giáo vào giữa thế kỷ 16, Roma đình trệ. Nhưng qua năm tháng, nhà thờ mỗi lúc một cao lên, các nhà nguyện được hoàn thành, mái vòm thành hình, mặt tiền được hoàn thiện, trang trí nội thất được tiến hành và nghĩa vụ đem phát tán Phúc âm Thiên Chúa được thực hiện dễ dàng hơn. Chẳng có gì diễn ra một cách chóng vánh ở Roma. Việc đưa ra ý tưởng xây một nhà thờ Thánh Pietro mới trên nền ngôi nhà thờ Thánh Pietro cũ ở chính nơi vị tông đồ này bị chết thiêu và hoàn thiện nhà thờ ấy thành hình như hôm nay chúng ta đã thấy trải qua ba mươi đời Giáo hoàng, từ thời Nicholas V vào năm 1475 cho đến Alexander VII vào năm 1667. Hai thế kỷ đằng đẵng và biết bao biến cố không làm sờn lòng những người muốn xây cho Chúa một ngôi nhà lớn trên thế gian để ánh sáng của ngài lan tỏa khắp bốn phương trời. Sự chấm dứt của những đêm trường Trung cổ mở đường cho sự phát triển của nghệ thuật nhân bản, lấy con người làm trung tâm của vũ trụ và tạo đà cho sự nảy sinh của những tư tưởng vĩ đại về con người thông qua nghệ thuật. Chính sự bùng nổ của tư tưởng và nghệ thuật Phục hưng vào thế kỷ 15 và đỉnh cao của nghệ thuật Baroque thế kỷ 17 cùng với một thời kỳ tập trung nhiều chưa từng có những nghệ sĩ lớn, từ Bramante (kiến trúc sư), Raphael (họa sĩ, kiến trúc sư), Michelangelo (họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc, tổng công trình sư), Della Porta (kiến trúc sư) cho đến Bernini (kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc) đã giúp những Giáo hoàng đầy quyết đoán và mạnh mẽ biến những ý tưởng về việc xây San Pietro thành hiện thực. Trong 120 năm, kể từ ngày viên đá đầu tiên được đích thân Giáo hoàng Julius II đặt xuống móng của nhà thờ vào năm 1506 cho đến khi phần thô của nó được hoàn thành vào năm 1626, năm mà Urban VIII ban phước cho nhà thờ San Pietro mới, thế giới tôn giáo và nền chính trị châu Âu đã xoay quanh ngôi nhà thờ ấy, bị nó tác động và không ít sự kiện vì nó mà nảy sinh. Sự suy đồi về đạo đức của giáo triều La Mã đầu thế kỷ 16, việc các Giáo hoàng chủ trương phá đi nhà thờ Thánh Pietro cũ do Hoàng đế La Mã Constantine xây 1.300 năm trước để lấy chỗ xây nên nhà thờ mới, điều được coi như một sự báng bổ đối với những bậc tiền bối và với đức Chúa, việc các Giáo hoàng sử dụng đủ mọi hình thức nhằm có vốn xây dựng nhà thờ mới (từ tăng thuế đối với các con chiên cho đến việc rao giảng và bán phép rửa tội) đã làm bùng lên phong trào Cải cách ở một số nước Bắc Âu. Chủ nghĩa dân tộc và các cuộc chiến tranh tôn giáo bùng nổ trên đống đổ nát của nhà thờ cũ. Thành Roma chịu cuộc cướp bóc nổi tiếng vào năm 1527, phong trào Kháng cách chống lại những chỉ trích của Martin Luther và Tòa án dị giáo ra đời cũng là những sự kiện nảy sinh từ những biến cố chính trị lớn lao của Giáo hội trong những năm tháng nhà thờ Thánh Pietro ngày một cao lên trên nền trời Roma. Ngay cả thành ngữ “la fabbrica di Pietro” - kiểu như ban quản lý dự án xây dựng nhà thờ Thánh Pietro - cũng đã đi vào từ điển tiếng Ý để chỉ những công trình xây mãi không biết đến bao giờ mới kết thúc. Chính trị có tiếng nói của riêng nó. Tôn giáo cũng là một phạm trù chính trị. Nghệ thuật mà tôn giáo và chính trị đã sử dụng để chuyển tải những tư tưởng mà các chủ chiên muốn thể hiện lại là một sự kết tinh hài hòa giữa đức tin và tài năng. Nhà thờ San Pietro trở thành sản phẩm tập thể của một loạt những thiên tài mà nước Ý đã sản sinh nhiều chưa từng có trong một giai đoạn ngắn ngủi của lịch sử. Mỗi người đóng góp một ít. Bramante trở thành kiến trúc sư đầu tiên cho ngôi nhà thờ có quy mô thuộc loại lớn nhất thế giới bằng những ý tưởng thiết kế của ông từ đầu thế kỷ 16 và ông không ngần ngại cho kéo sập tòa nhà thờ cũ của Constantine. Michelangelo đem đến cho nhà thờ mái vòm trứ danh, những bức tranh bất hủ trên trần của nhà nguyện Sistine hay bức tượng Đức Mẹ sầu bi (Pieta) thể hiện Mẹ Maria đang ôm thân xác Chúa sau khi Người được đưa xuống từ cây thập giá đóng đinh. Khuôn mặt Đức Mẹ cho thấy, dường như bà không chịu nỗi đau khổ vì mất con, mà rất nhẹ nhàng, thanh thản, khi chứng kiến sự giải thoát khỏi nỗi đau trần thế của Jesus. Bernini không đem đến cho nghệ thuật những nét cơ bắp kiểu Phục hưng của Michelangelo mà thông qua sự biến ảo của nghệ thuật Baroque, đem đến cho những tác phẩm của mình chiều sâu của tâm hồn và sự mềm mại của suy tưởng... Mỗi nghệ sĩ đóng góp theo cách của riêng mình và nhân loại có một di sản là kết tinh của khối óc, ý chí và tâm hồn của biết bao người. Các nhà nghiên cứu có uy tín trên thế giới đã gọi nhà thờ San Pietro là “sức mạnh của một ý tưởng” và là “nguồn cảm hứng thần thánh”. Những tảng đá khối lạnh lẽo và đồ sộ mọc lên trên đồi Vatican đã trở thành một biểu tượng của không chỉ Thiên Chúa giáo mà còn là sản phẩm vĩ đại của kiến trúc và nghệ thuật. Nhà thờ ấy đã đưa Roma lên tầm của một đô thị thế giới, từ đống đổ nát của những thế kỷ huy hoàng dưới thời Đế chế La Mã, từ sự lãng quên ở thời Trung cổ. Thi hào Byron đã gọi nhà thờ ấy là “linh hồn của thành phố”. Hai thế kỷ sau ngày ông viết câu ấy, Roma không còn trên đỉnh thế giới như những năm xưa nữa. Thành phố đã mất đi nhiều những nét hào nhoáng của quá khứ. Những thiên tài của ngày xưa không còn tái sinh. Nhưng nó vẫn là thành phố Vĩnh Cửu như biệt danh người ta đã gọi, và nhà thờ San Pietro, từ hơn tám mươi năm nay vẫn là trái tim của lãnh thổ Vatican, quốc gia nhỏ nhất thế giới, vẫn in trên nền trời Roma như một biểu tượng trường tồn của cái đẹp thông qua nghệ thuật, và sức mạnh của đức tin. Tôi đã thăm nhà thờ ấy nhiều lần trong những năm sống ở Ý. Mỗi lần vào thăm ngôi nhà của Thánh Pietro là thêm một lần chiêm nghiệm về cái đẹp của nghệ thuật, từ những nét chạm khắc tinh xảo khiến tà áo của những bức tượng mềm mại như vải thật, từ những gương mặt phúc hậu đầy nét người trên đá cẩm thạch cho đến những bức tranh lớn và mộ của các Giáo hoàng có công lớn với Giáo hội. Ở chính tâm của nhà thờ được xây hình cây thánh giá ấy, là hầm mộ của Thánh Pietro. Đèn và nến không bao giờ tắt trên ngôi mộ của ngài, người được nhắc đến theo lời của Chúa trên dòng chữ mạ vàng cao đến hai mét ở trần của nhà thờ: “Ngươi là Pietro. Trên tảng đá này, ta sẽ xây dựng nhà thờ của ta và ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa của vương quốc thiên đường”. Pietro (tiếng Latin là “Petrus”) chính là “đá”. Mỗi tín hữu trên thế giới này cũng là một viên đá xây nên Giáo hội. Hơn hai triệu tấn đá và công sức của hàng vạn người qua bao thế hệ đã xây nên nhà thờ của Chúa trên thế gian, nhưng cũng là một khu nhà mồ khổng lồ cho những cái tên đã đi vào lịch sử Thiên Chúa như những người có công lớn nhất trong việc truyền bá Phúc âm. Thánh Pietro không có được cuộc sống sung túc như những người thế hệ sau ông. Rất nhiều vị tử đạo khác cũng thế. Vị tông đồ từng chối Chúa ba lần lại được chính Jesus giao phó trách nhiệm đưa hình ảnh và tiếng nói của Người ra khắp thế giới. Pietro đã chọn một cái chết khác người: Ngài chết thiêu dưới tay Nero bạo chúa và chết trong tư thế đóng đinh câu rút ngược, chân lên trên, đầu xuống dưới. Nhà thờ mang tên ngài do đó ca ngợi cuộc sống, nhưng cũng tôn vinh cái chết như một sự cứu chuộc, cái chết đau đớn về thân thể, nhưng thanh thản và cao quý về tâm hồn và đức tin. Chết như một sự giải thoát, nhưng chỉ là về thể xác. Bởi tinh thần và ý niệm về sự hy sinh sẽ không bao giờ chết đi. Lạc lối ở Venezia Tôi không muốn gọi thành phố trên mặt nước ấy là Venice hay Venise như nhiều người vẫn gọi nó bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Một thành phố của Ý phải gọi bằng một cái tên Ý, không chỉ như một sự tôn trọng đối với đất nước và ngôn ngữ đã mang hình hài của nó, mà cái tên nghe như một bản nhạc lãng mạn ấy còn ẩn chứa một tâm hồn sâu kín không dễ tìm ra trong hành trình hơn một nghìn ngày tôi đã trải qua trên mảnh đất của Dante Alighieri24. “Stefano (những người bạn Ý thường gọi tôi bằng cái tên này), nếu muốn hiểu được tâm hồn của Venezia, hãy đến đây vào một buổi đêm, và lặng lẽ nghe tiếng sóng đập vào những bờ đá, dưới những cây cầu, trong màn sương mờ.” Một lần Rossana đã nói thế, khi tôi hỏi cảm nhận của bà về thành phố mà bà đã và đang gắn bó hơn ba mươi năm cuộc đời mình. Tôi đã ghé qua Venezia nhiều lần trong những năm ngắn ngủi sống trên đất Ý, đã từng vài lần thử làm theo cách của người bạn cao tuổi nọ, nhưng vẫn chưa tìm ra được trái tim và tâm hồn của thành phố. Không dễ làm điều ấy. Đi không đủ. Phải cảm được nó. Những du khách thông thường chỉ qua Venezia dăm ba ngày, theo những lộ trình quen thuộc, chụp ảnh ở những nơi nổi tiếng nhất có ghi trong các sách hướng dẫn du lịch. Khi nói về Venezia, dường như ai cũng có thể lặp lại những điều cũ rích không có gì mới mẻ nữa. Tất cả dường như giống với một cuốn phim đã xem nhiều lần: quảng trường San Marco, tòa nhà của các vị thủ tướng Venezia (Palazzo Ducale), cầu Than Thở, cầu Rialto, những chiếc thuyền gondola có mũi cong lướt trên mặt nước huyền ảo, vịnh Venezia mờ xa, đảo thổi thủy tinh Murano và những buổi hoàng hôn trên biển Adriatico. Những chuyến du lịch ấy gói gọn trong những tấm bưu thiếp, những tấm ảnh chụp các nơi không còn gì lạ lẫm nữa, ở những góc máy không có gì sáng tạo và những cảm nhận giống nhau. Những bộ phim quay ở Venezia và lấy mặt nước bồng bềnh trên những dòng kênh hay những dinh thự cổ kính của nó làm bối cảnh, từ Nước Nga với tình yêu, Chết ở Venezia, Italian Job hay mới đây nhất, The Tourist, đều chỉ chọn những nơi nào đẹp lung linh nhất mà chỉ cần liếc nhìn là người xem đủ biết đến Venezia. Đấy không bao giờ là Venezia của tôi, cũng không phải của Rossana, người đã sống ở đó và hiểu từng kênh rạch và các quảng trường của Venezia cũng như chính các con các cháu của bà. Trong mắt tôi, Venezia không phải là một thành phố. Nó là một con người. ằ Tôi đi tìm tâm hồn của Venezia không phải bằng những tấm bản đồ, và cũng không bao giờ muốn giở ra xem mình đang ở đâu giữa những khoảng trống nhỏ hẹp của những ngõ, những con đường, những bờ tường và dòng kênh. Tôi để mình lạc lối giữa bộn bề của một thành phố mọc lên trên gần một trăm hai mươi hòn đảo, mà câu hỏi muôn thuở từ ngày những người dân vùng Veneto chạy loạn ra đây xây nên cách nay đã mười ba thế kỷ là: liệu cái công trình mong manh trên nước ấy, một ý tưởng táo bạo và trái ngược hẳn với những suy nghĩ thông thường về một cuộc sống trên mặt đất, có tồn tại vĩnh viễn, hay một ngày nào đó sẽ chìm xuống đáy biển? Venezia, theo nghĩa nào đó, là một sự thách thức kỳ lạ với tự nhiên và nó luôn đặt ra những câu hỏi lý thú về phạm trù “tồn tại” theo đúng nghĩa đen. Có lần tôi tự hỏi mình, khi ngồi trên ghế đá của một campo25 hầu như không có khách du lịch nào đặt chân tới, vì nó ở tít rìa kia của quận Dorsoduro, rất xa quảng trường chính San Marco lúc nào cũng đông nghẹt người đi lại và chim bồ câu bay ríu rít trên đầu: làm thế nào mà trên một vùng vịnh đã mọc lên một thành phố như thế, quyến rũ một cách cổ điển mà không cần tô vẽ, và trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca, điện ảnh và chưa bao giờ thôi lôi cuốn lòng người? Tại sao người ta tìm đến đây không phải chỉ vì tò mò với những câu hỏi về sự tồn tại và không tồn tại của Venezia và của chính họ, mà còn đến đây để yêu? Liệu có một lúc nào đó, bỗng nhiên Venezia trôi về đâu? Cái campo ấy là một trong số rất nhiều những campo của thành phố. Người Venezia không gọi đấy là piazza, quảng trường, mà là campo. ở Venezia chỉ có quảng trường chính San Marco mà Napoleon từng bị choáng ngợp mà gọi nó là “phòng khách của châu Âu” được gọi là piazza. Campo có nghĩa gốc từ “cánh đồng”, vì cả nghìn năm trước, nơi ấy người ta trồng cấy và nuôi gia súc. Nhưng campo cũng có chức năng là nơi thu giữ nước mưa để người dân ngày ấy sử dụng. Cuộc sống chảy trôi trên đó, sinh sôi nảy nở trên những thửa ruộng bồng bềnh sát mặt nước của một thời đã qua biết bao nhiêu thế kỷ và sự lãng mạn cũng in hình trên những kiến trúc sau đó mọc lên. Bây giờ, các campo là nơi du khách nghỉ chân, ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, các kiểu kiến trúc từ Byzantine, Roman đến Phục hưng, chiêm ngưỡng những thiên thần có cánh chạm trổ trên những nhà thờ, nhìn những hàng đá lát thẳng tắp dưới chân mình, quan sát những con chim bồ câu đậu trên các cửa sổ trồng đầy hoa và lặng lẽ đắm mình trong một bầu không khí tưởng như không thể yên bình hơn được nữa, trong tiếng sóng nhè nhẹ mà mái chèo của những chiếc gondola đi qua tạo nên. Họ cũng lắng nghe tiếng hát của các gondoliere26. Có một thời những người chèo ằ thuyền hát các bài dân ca bằng thổ ngữ Veneto khi đi trên những dòng kênh. Những chiếc gondola lướt đi nhẹ nhàng trong đêm tối và soi sáng xuyên màn sương bằng những ngọn đèn dầu hoặc đuốc treo ở mũi. Người chèo thuyền chính là những người nắm giữ bí mật và thở hơi thở của một thành phố mà cuộc sống và cái chết đều hiện hình trên mặt nước. Đám tang trên mặt nước. Đám cưới cũng ở đó. Những đứa trẻ sinh ra trên gondola. Các cuộc giết người và cả những nụ hôn đầu. Quá khứ là thế. Bây giờ, Venezia, hơn bao giờ hết, là cuộc sống, và tình yêu. Hình dáng của chiếc gondola và màu sẫm của nó dễ gợi lên hình dáng của một chiếc quan tài, như Thomas Mann27 đã từng liên tưởng đến trong tác phẩm Chết ở Venice. Nhưng các gondoliere không giống như người chèo thuyền Charonx trên sông Styx trong thần thoại Hy Lạp. Những con thuyền ấy chuyên chở cuộc sống và sự tồn tại hằng ngày trên mặt nước, mà mỗi năm tràn vào làm ngập sũng các quảng trường vài lần, như một lời nhắn nhủ, rằng cái chết vẫn đe dọa đâu đây và không phải là một nguy cơ hão huyền. Nhưng dù có ngập đi chăng nữa, thì Venezia vẫn đẹp và đầy những bí ẩn. Cái chết ở Venezia chỉ là một khoảng thời gian ngưng đọng lại trên bia mộ của những người đã nằm xuống trên hòn đảo nghĩa trang San Michele. Tôi đã đi qua hòn đảo ấy một buổi hoàng hôn. Mặt nước xanh ngắt rung rinh trên bờ tường của nhà thờ, bên cái nghĩa trang có mộ của nhà soạn nhạc người Nga Igor Stravinski và huấn luyện viên bóng đá huyền thoại Helenio Herrera. Chiều tà như phủ một tấm chăn màu xanh lên tất thảy. Và rồi mặt trời bắt đầu lặn ở phía thành phố, trên những tháp chuông, những nhà thờ. Màu đỏ như máu, thôi thúc và day dứt. Không dễ để có một cuộc sống bồng bềnh trên nước, và khi chết cũng rập rình theo nhịp sóng trên vịnh Venezia rộng lớn. Tôi để lạc cảm xúc của mình trên những chiếc vaporetto28 chạy trên những dòng kênh, xúc động khi vịn tay vào những lan can sắt được trang trí cầu kỳ để đi lên các bậc thang dẫn lên những cây cầu nhỏ nối giữa hai bờ kênh, khi đi trên những ngõ nhỏ dài tít tắp thường là dẫn đến những campo nhưng đôi khi lại đưa ta đến những ngõ cụt, tới một cánh cửa bằng gỗ có lẽ phải hàng trăm năm tuổi, một ngôi nhà đổ nát, một xưởng làm gondola cũ kỹ bỏ hoang trên nước, một vòi nước cổ chảy suốt đêm ngày trong một góc campo, hoặc một bờ nước xanh trông ra vịnh Venezia. Không có khái niệm thời gian ở Venezia, cũng như ở Roma, nơi mà mỗi chiếc đồng hồ công cộng chỉ một giờ khác nhau. Thời gian và tình yêu dành cho những nơi ấy không có tuổi và không cân đong đo đếm được. Venezia đẹp vì sao? Một câu trả lời tôi đã có: vì đấy là biểu tượng của sự tồn tại, sự chống chọi với ẳ cái chết theo cách xây cả một thành phố trên một vịnh ngập nước, chẳng khác gì khi Chúa Jesus bảo Thánh Pietro, rằng “Trên tảng đá này, ta sẽ xây dựng Giáo hội của ta”. Tồn tại, vì biết yêu, thậm chí, quá nhiều tình yêu. Venezia là một mảnh đất tràn ngập tình yêu mà phải đặt chân đến đây mới hiểu nổi. “Venezia là một giấc mơ”. Các nhà thơ đã từng ngợi ca như thế. Venezia lãng mạn, buồn, nhạy cảm, mong manh... Đấy có lẽ là thành phố có tỷ lệ người yêu nhau (và sau đó, có thể, thù hận nhau) trên cây số vuông cao nhất thế giới. Người ta bảo rằng cứ ba đôi mà ta gặp đi trên những con đường Venezia thì hai đôi đang yêu nhau. Sự hấp dẫn kỳ lạ của một thành phố trên mặt nước, đã từng lên đến đỉnh cao của vinh quang, quyền lực và tiền bạc từ thời Trung cổ cho đến thế kỷ 17 là ở đâu? Ở những con ngõ nhỏ hẹp, dài và khấp khểnh bao giờ cũng dẫn đến một đích cuối cùng là một con kênh, những dinh thự cổ kính soi bóng bên dòng nước mỗi năm dâng lên vài lần khiến những quảng trường lấp xấp nước, hay những cây cầu nhỏ nối giữa hai bờ? Điều gì đã khiến tình yêu công khai (hoặc vụng trộm) của họ trở nên đằm thắm, say mê và mạnh mẽ đến thế? Những con sóng vỗ ì oạp vào tường nhà mỗi khi một chiếc gondola đi qua, những đám mây trên bầu trời xanh thẳm soi xuống mặt nước, hay đơn giản chỉ là vì họ yêu? Venezia là chất xúc tác thế nào đối với phạm trù “tình cảm”? Câu hỏi ấy chỉ có những người đến đây không phải để chỉ có những tấm ảnh kỷ niệm nhằm chứng minh cho sự tồn tại của một chuyến đi, những người tới Venezia để tìm kiếm trong sâu thẳm tâm hồn họ và tâm hồn thành phố một sự đồng cảm, là trả lời được. Venezia không chỉ là tình yêu, mà là sự cám dỗ. Cám dỗ và bị cám dỗ. Tình yêu chuyển từ thái cực đi tìm những triết lý sống để cuộc đời của mình không chỉ có ý nghĩa của sự tồn tại, mà đã biến thành chủ nghĩa khoái lạc của xác thịt. Có cả một thời những năm 1950 và 1960, những dinh thự kiểu Gothic và Phục hưng bên dòng Kênh Lớn của Venezia từng là món quà mà một nhà quý tộc nào đó tặng một cô nương hoặc kỹ nữ đã trở thành nơi lý tưởng cho những đôi đi tuần trăng mật, và dĩ nhiên, cả những đôi ngoại tình. Có lẽ họ biết được đôi chút về những câu chuyện tình và biết bao giai thoại về những ngôi nhà ấy, về những cô gái từng phơi ngực trần trên những ban công mỗi khi trăng độ tròn nhất, những cô kỹ nữ là người tình và người mẫu khỏa thân cho các họa sĩ làm dáng bên cửa sổ và những cuộc tình phô bày cho công chúng mà không cần che giấu qua những ô cửa không thèm treo rèm. Venezia của những thế kỷ 15 và 16 là một thế giới tự do và hoa tình, nơi tình yêu, thơ ca và đĩ điếm nảy nở trên sóng nước. Thành phố có mười một nghìn kỹ nữ và gái làng chơi trong tổng số một trăm hai mươi nghìn dân thuở ấy. Tiếng chèo gondola, tiếng cười nói lao xao của những phiên chợ trên sóng cùng tiếng hát hay tiếng ngâm thơ của các nàng kỹ nữ, tiếng tán tỉnh của các chàng trai và tiếng chuông nhà thờ đôi khi hòa làm một. Có một đêm tôi đi dọc bờ Kênh Lớn, trong tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ đá và ánh đèn nhờ nhờ chiếu xuống con đường lát đá gồ ghề mà nếu nhìn không kỹ có thể vấp ngã, chợt nhớ đến những câu chuyện về nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử thành phố có tên Veronica Franco, người không chỉ mua vui cho cánh đàn ông giàu có của Venezia cuối thế kỷ 16 bằng thể xác mà còn chinh phục họ bằng tâm hồn của nàng, qua những vần thơ và cả việc nàng đã qua một đêm với vua Henri III của nước Pháp để cứu lấy Venezia khỏi bị xâm lược. Nàng trở thành kẻ thù của các bà vợ và những người tình của cánh đàn ông trong thành phố. Một phiên tòa đã được mở ra dưới sức ép của giới nữ và cả lớp tăng lữ của thành phố nhằm kết tội nàng để cứu vớt đạo đức cho Venezia. Nhưng họ thất bại, vì hầu hết những người đàn ông quý tộc, giới tinh hoa của thành phố, những người có mặt trong phiên tòa ấy, đều không dám kết án nàng khi đứng dậy thừa nhận đã từng qua đêm với nàng. Những du khách đổ đến Venezia bây giờ có lẽ cũng không hề hay biết, rằng nơi này đã từng sinh ra một con người hoa tình bậc nhất có tên Giacomo Casanova. Đấy là con người mà tương truyền rằng chỉ đứng ba phút trước gương là bắt đầu ve vãn chính mình, người đã chinh phục không biết bao nhiêu nàng tiểu thư trẻ đẹp và cả các quý cô tuổi sồn sồn, người đã đi, đã yêu, đã sống với sự hào nhoáng quyến rũ chết người của mình đến mức chán nản với ái tình một chiều và xác thịt. Thế rồi một ngày kia, khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời và sắp chết trên đất Czech sau bao năm lang bạt với rất nhiều “chiến công” ái tình, đã làm tan vỡ trái tim của vô số phụ nữ, trong đó có cả Nữ hoàng Nga Catherine, Casanova trở thành một ông già thủ thư lụ khụ và nhăn nhó. Ông đã ngay lập tức thổ lộ lời yêu với một bà già. Nhưng chính bà lại là người đầu tiên khẳng định ông quá xấu xí, câu nói thật đầu tiên mà đàn bà dành cho Casanova. Người đàn bà này dám khước từ cả lời tỏ tình của Casanova trứ danh! Rossana cười khi tôi hỏi bà về Casanova. Tìm đến những sự thật và huyền thoại về ái tình của Casanova và kỹ nữ Franco giống như việc đạt đến điểm tận cùng của một quá trình đi tìm bản chất của tình yêu. Venezia tồn tại bởi có tình yêu. Yêu cuộc sống, yêu mọi người, yêu tất thảy, yêu tâm hồn và yêu thể xác. Venezia bây giờ cũng giống Casanova ngày ấy, quyến rũ chính nó trong vòng cương tỏa của thời gian và khiến những người đến đây say lòng trên bồng bềnh sóng nước. Họ, trong đó có tôi, say mê đến mức ngỡ ngàng kể cả khi đã đặt chân đến đây vài lần, và thậm chí bị mê hoặc khi lặng nhìn từ xa đảo Burano trên vịnh cách đó một giờ phà chạy, hòn đảo với những ngôi nhà đặc biệt, vì mỗi nhà là một màu sắc riêng biệt và sặc sỡ, biến Burano thành một tấm bảng pha màu của người họa sĩ. Say mê trong từng nét thổi ngẫu hứng của người thợ khi đang tạo hình cho tác phẩm của mình ở xưởng thủy tinh trên những hòn đảo của Murano. Say mê trong cả những bước chân đi dọc dài con đường chạy trên đảo Lido. Chỉ có những ai không hiểu và chỉ nhìn thấy vẻ đẹp thể xác của Venezia mới đến đây một lát rồi đi. Venezia quyến rũ với những ai nhìn nó bằng mắt như ta nhìn một nàng thiếu nữ, nhưng lại là một thiếu phụ đầy quyến rũ chỉ vì một đôi mắt đen láy đang nhìn mình với những ai cảm nhận bằng trái tim thổn thức muốn đi đến tận cùng để khám phá điều gì ẩn chứa trong ánh mắt kia. Một ngày nọ, đứng trước cây cầu Than Thở, tôi bỗng thở dài: biết bao giờ mới trở lại đây nhỉ? Cây cầu gắn liền với những câu chuyện chết chóc của những người tù đi qua và nhìn đời một lần cuối trước khi chết ấy lại có thể trở thành điểm bắt đầu của những hành trình mới với Venezia mà tôi muốn thực hiện. Nhưng tôi biết là Venezia vẫn sẽ chờ. Ở đó, giữa cái nơi tôi đã đến bao lần, đã từng có một đêm ngồi cùng với những người bạn Ý thân quen của mình ở campo Santa Margherita ăn một thứ pizza đặc biệt mang số 1907 để tưởng niệm đội bóng mang tên A.C Venezia của thành phố này đã phá sản, tôi biết là tôi không bao giờ lạc đường ở nơi này, dù không cần đến bản đồ. Tôi đi bằng cảm xúc hơn là đôi chân, đi bằng trái tim hơn là ánh mắt và lắng tai nghe cũng như mũi ngửi mùi pasta và đậu, đặc sản của Venezia, hòa trong mùi nước bốc lên từ những dòng kênh. Và Venezia trong tôi là thế. Tôi không viết về thành phố ấy như những ghi chép của một người hướng dẫn du lịch. Cảm nhận Venezia không phải dễ có được, không đơn giản xuất hiện chỉ sau dăm ba ngày viếng thăm nơi ấy, mà từ trái tim. Còn có điều gì bị bỏ quên trong chuyến đi bằng chữ này nhỉ, khi tâm hồn của một thành phố đã được tìm thấy bằng một tâm hồn khác? Phải, những chiếc mặt nạ đủ sắc màu trong các lễ Carnevale vào khoảng thời gian hơn tháng trước Phục sinh. Đằng sau mỗi chiếc mặt nạ ấy, là một gương mặt, một tâm hồn, một sự bí ẩn thúc giục ta đến và khám phá, một nét đồng điệu rất Venezia, thành phố trên mặt nước trông như lúc nào cũng mơ màng và bồng bềnh trong những giấc mơ... Những cây cầu trên sóng nước Venezia Thành phố trên mặt nước có cái tên dễ thương Venezia ấy là thành phố của dòng Kênh Lớn, của quảng trường San Marco mà một thời Napoleon gọi là “phòng khách của châu Âu” của những dinh thự cổ kính và lãng mạn. Nhưng trước hết, đấy là thành phố được xây dựng trên hơn một trăm hòn đảo. Và nối chúng với nhau là những cây cầu. Chính những cây cầu là biểu tượng trường tồn của Venezia. Người Venezia hình như không có thói quen đo đếm một cách chính xác. Có bao nhiêu cây cầu bắc qua những dòng kênh và hòn đảo của thành phố này? Bốn trăm, bốn trăm năm mươi hay năm trăm cây cầu trên gần hai trăm dòng kênh? Không ai biết rõ mà có lẽ họ cũng không cần đếm, vì số lượng đôi khi phụ thuộc vào sự chăm chỉ của chính quyền, sự hài hước của những người Venezia sống trong những khu phố dài, hẹp và cũ kỹ, cũng như sự ưu ái của thời gian. Có những cây cầu đã tồn tại hàng thế kỷ, những cây cầu đã biến mất hoặc đã bị đổi tên rồi sau đó trở lại trên mặt nước sau ít năm để tiếp tục tồn tại như một cách thách thức kiêu hãnh với gió lúc nào cũng mặn mòi vị biển và lạnh toát, độ ẩm cao và nước triều cường. Thách thức thiên nhiên, và có lẽ thách thức cả con người, bởi hầu hết những cây cầu đã được xây dựng từ đầu thế kỷ 16 ấy đều không có lan can, và mãi đến thế kỷ 19, vì lý do an toàn, người ta mới xây lên những tay vịn, đẽo những hàng cột nhỏ ở hai bên. Bây giờ, ở thành phố này vẫn còn hai cây cầu không có lan can như bằng chứng về một thuở Venezia xa xưa. Đấy là cầu Chiodo29 ở khu Cannareggio và cầu Diavolo30 trên đảo Torcello, nơi người ta hay bảo rằng, cứ vào nửa đêm Giáng sinh, ma quỷ, dưới dạng của một con mèo đen, hiện hình. Tôi không biết bao thế kỷ qua đã có bao nhiêu đôi vì mải đứng trên cầu hôn nhau mà ngã xuống nước, nhưng tôi hiểu cái cảm giác kỳ bí mà rất phiêu lưu khi đêm xuống, nhìn những cây cầu chìm trong một biển sương mù và hơi nước bốc từ dưới lên, với ánh vàng lan tỏa của những ngọn đèn đường, Venezia lúc ấy như đang trong một giấc mơ ở ranh giới giữa địa ngục và thiên đường. Những cây cầu kể bao câu chuyện về lịch sử và tâm hồn của thành phố, bởi thiếu chúng, Venezia sẽ không thể tồn tại và kết nối với nhau qua hàng trăm hòn đảo, nhưng chính những cây cầu là một phần tâm hồn của thành phố trên mặt nước. Thành phố mọc lên trên những hòn đảo, vượt trên sóng nước, qua năm tháng, và lớn lên cùng nó, là những cây cầu. Không thể không xúc động khi lênh đênh trên dòng Kênh Lớn trên những chiếc vaporetto và bồng bềnh trôi qua gầm cầu Rialto, cây cầu lớn nhất và đẹp nhất của thành phố, với cả một khu chợ đồ mỹ nghệ phía bên trên, soi mình xuống dòng nước trong suốt năm thế kỷ đã qua. Cây cầu nối hai khu đảo San Polo và San Marco ấy gắn liền với biết bao giai thoại về thành phố, trong đó có chuyện về những linh hồn đã ám ảnh lên cầu, về một con quỷ đã cản trở quá trình xây dựng cầu, về những cái chết đã xảy ra trong những năm tháng cây cầu mọc lên và cong như cầu vồng trên mặt nước. Những cây cầu như một huyền thoại đẹp và lãng mạn đến thế, lẽ ra phải dành cho những đôi uyên ương hôn nhau in bóng dưới long lanh sóng nước hoặc ôm nhau chụp ảnh nhìn những chiếc thuyền mũi cong đậm chất Venezia chầm chậm đi qua phía dưới gầm cầu, hóa ra lại gắn liền với cái chết và sự kết thúc của một điều gì đó, một hoặc nhiều con người mà tên tuổi của họ đã trôi theo con nước. Cái chết và những tiếng thở dài trở thành nỗi ám ảnh thực sự, bởi ở đây, trong một thành phố mênh mông những nước, đường phố là những con kênh và cảm giác cô đơn vì bị bao vây giữa biển cả, với bóng đêm như một sự đe dọa, thì những cây cầu dường như là sự hiện thực hóa của những nỗi sợ hãi rất con người ấy. Tôi đã vài lần đứng lặng trước cây cầu Than Thở31 nổi tiếng. Nối giữa Palazzo Ducale32 và Prigioni Nuove33, cây cầu nhỏ treo mình trên một dòng kênh hẹp đã trở thành biểu tượng hòa trộn giữa sự sống và nỗi tuyệt vọng trước cái chết. Những câu chuyện cũ về Venezia kể rằng những tội nhân bị xử trong tòa án dị giáo ở Palazzo Ducale, trước khi bị đưa vào nhà tù ở dinh bên kia con kênh sẽ phải đi qua cây cầu này. Vào nhà tù ấy coi như cầm chắc cái chết, vì hoặc anh ta sẽ bị xử tử, hoặc sẽ nằm trong ngục và không bao giờ còn cơ hội trở lại với đời. Đặc ân cuối cùng của người xấu số ấy, là được dừng lại ít phút trên cây cầu và nhìn đời lần cuối. Và họ thở dài. Thi hào người Anh Byron đã gọi cây cầu này như thế khi đến thăm thành phố vào đầu thế kỷ 19. Chẳng ai còn nhớ cái tên trước đó của cầu là gì, chỉ biết, còn tồn tại một huyền thoại khác, nhưng không phải về cái chết, mà là sự sống: những đôi tình nhân nào hôn nhau trên chiếc gondola đi dưới cây cầu ấy trong ánh hoàng hôn rực màu hồng từ phía vịnh Venezia chiếu qua đảo Giudecca sẽ yêu nhau mãnh liệt hơn và sau đó sẽ cưới nhau, rồi sống bên nhau đến trọn đời. Tôi không biết các đôi tình nhân vào thời buổi thực dụng và mọi thứ thay đổi nhanh như chong chóng bây giờ có làm như huyền thoại trên mách bảo không, chỉ biết rằng, cái chết và sự sống ẩn hiện trong linh hồn của những cây cầu bằng đá bắc qua những con kênh ấy. Những cây cầu luôn là điểm kết thúc của một hành trình trong vòng vèo biết bao nhiêu là ngõ phố nhỏ, với biết bao bức tường xanh rì những vôi và sứt sẹo vì thời gian, những viên đá lát đường gập ghềnh, và cũng là điểm mở đầu cho một hành trình khác, đến với những khu phố nhỏ có khi còn ngoằn ngoèo và gập ghềnh hơn. Những cây cầu tiếp nối nhau trên các dòng kênh dài, trở thành những phím đen trên một bàn phím trắng của cây đàn piano Venezia. Xúc động biết bao khi ngắm những chiếc gondola chạy chầm chậm qua chúng, và tiếng chèo khua sóng trở thành nhạc đệm cho những bản tình ca mà những người chèo đò hát lên. Chân tôi đã đi qua những đâu, qua những cây cầu đá lúc nào cũng cong mình lên vắt sang bờ bên kia? Nhiều lắm, không nhớ hết được. Nhưng sẽ không quên cầu Dài34 nối giữa đảo chính của thành phố với đảo Giudecca, được xây gần nơi trước kia là xưởng đóng gondola của Venezia; sẽ nhớ mãi cầu Tuyệt Diệu35, tuyệt diệu không chỉ bởi cái tên rất kêu của nó mà còn vì dáng vẻ đầy quyến rũ trên làn nước; sẽ còn lưu vĩnh cửu trong trí nhớ những cây cầu nhỏ ở các đảo Murano hay Burano mà mỗi ngôi nhà có một màu sơn khác nhau; và sẽ nhớ không quên ở khu San Felice, có cây cầu mang tên Tha Thứ36, một cái tên gợi nhớ đến những cuộc tình bị phản bội được tha thứ. Cũng sẽ chẳng khi nào quên cây cầu có tên Nụ Hôn37, nơi các đôi trai gái hò hẹn. Có những cây cầu dẫn ta ra đứng trước cả vịnh Venezia xanh ngắt, những cây cầu khác nối từ quảng trường này đến những quảng trường khác ở đảo phía bên kia, nơi chim bồ câu bay xuống thành từng bầy, bên cạnh những nhà thờ cổ kính xây từ thời Phục hưng... Những cây cầu nối liền thành phố, kết nối những cảm xúc và gắn bó một cách hữu cơ với tình yêu và cái chết của biết bao người. Giờ ta bỗng thấy nhớ da diết cái dáng cong cong của chúng và đôi khi cả cái cảm giác rùng mình rất lạ cứ như vừa tỉnh một giấc mơ khi thấy một chiếc gondola chui qua dưới gầm cầu, hàng trăm chiếc như thế trong một thành phố sống và chết đều trên mặt nước, hàng thế kỷ đã qua và còn biết bao năm sẽ tới. Venezia, trong tiếng Latin, được viết là “Veni etiam”, nghĩa là “hãy trở lại”. Phải, sẽ có ngày tôi trở lại. Dưới bầu trời Toscana Thật tuyệt vời khi là một du khách đắm mình trong không gian rộng lớn, thanh bình và lãng mạn đến thế của những núi đồi xứ Toscana. Sách du lịch trong tay, nước uống chất trong xe, bản đồ trải ra trên đầu gối và máy ảnh lúc nào cũng sẵn sàng được bấm ở mỗi nơi xe dừng lại, còn gì tuyệt hơn thế nữa trên mảnh đất này. May mắn thay, hoa hướng dương vẫn còn vàng rực cả một góc trời chứ chưa rũ xuống và héo mòn để rồi bắt đầu được lấy hạt và làm dầu thực vật. May mắn thay, những cây thông Ý đứng thẳng tắp vẫn vươn mình lên bầu trời xanh ngắt với những đám mây trắng bồng bềnh trong một buổi chiều không thể nào lãng mạn hơn. May mắn thay, những thành phố nhỏ với những chóp nhà thờ cao hơn tất thảy, bao mái nhà lô xô trên những ngọn đồi nằm bên các con đường ngoằn ngoèo lên xuống qua những thung lũng, vẫn đứng đó dãi dầu qua bao thế kỷ. Và nữa, may mắn thay, tôi không phải là một du khách chỉ biết đi theo những lộ trình đã định, mà là một người đã có mấy năm sống trên đất Ý, đi lại nhiều lần qua vùng đất đồi núi trùng điệp với thông, rượu và những “paesagio”38, mà ngay từ khi chưa đặt chân đến đây, qua những bộ phim mà bối cảnh chính được quay ở xứ Toscana, đã thấy yêu và khát khao đến, để ngắm, để đi và để sống vô cùng. Ba năm sống trên đất Ý, tôi đã qua Toscana bao lần, từ mùa xuân đến mùa hạ, ở lại bao đêm, đến bao thành phố, đi qua bao cây số đường đồi đất đỏ và chụp bao tấm ảnh, thật khó nhớ nổi, chỉ biết là đã luôn rất nhớ nơi đây khi đã xa nước Ý. Vùng đất miền Trung nước Ý này dường như đã là một phần của trái tim tôi, một cái gì đó gần như là kỷ niệm cần nâng niu trong cả đời mình, bởi chính ở đấy, tôi cảm thấy mình sống và hưởng thụ cuộc sống gần gũi với chất Ý nhiều nhất. Gọi là kỷ niệm, nhưng cũng thật kỳ lạ, bởi sức hấp dẫn đến kinh ngạc của mảnh đất này: cứ mỗi lần xách máy ảnh đến một nơi nào đó của Toscana, là lại dậy lên một cảm giác nhớ nhung và tiếc nuối khi chuyến đi kết thúc, phải trở về nhà ở Roma, Roma náo nhiệt và ồn ã, không có cái vẻ thanh bình và mê hoặc như ở đây. “Gita”39 là điều khiến tôi cảm thấy thích thứ nhất. Chỉ cần một chiếc xe hơi đổ đầy xăng, máy ảnh sẵn sàng ở tư thế chụp, một cuốn sách nói về những nơi ta sắp đến và một bản đồ chi tiết những “paesaggio” ta sẽ qua cùng những hiểu biết cơ bản về Toscana là sẽ có một chuyến đi tuyệt diệu. Tôi yêu những con đường chạy qua những cánh đồng lúa mạch đã gặt hết còn trơ gốc rạ vàng sậm lúc mùa hè, những cánh đồng nở đầy hoa cải vàng khi xuân tới, những giàn nho trải dài đến tít tắp chân trời, những cánh đồng ô liu xanh ngắt và những con đường hai hàng thông chạy đến các ngôi nhà trên đỉnh đồi. Giữa mùa hè, hướng dương nở vàng ruộm. Cuối hạ, hướng dương héo đi, rũ xuống, chuyển sang màu nâu sậm, nhưng cuộc đời của chúng chưa kết thúc, bởi đấy là khi người ta thu hoạch hạt hướng dương để ép lấy dầu. Mùa thu đến, cả một khu rừng ngả màu vàng đỏ sậm và hương cỏ ngai ngái lan xa khắp nơi trong gió. Cảnh tượng đẹp đẽ ấy không hề phai nhạt đi trong những tháng mùa đông, khi sương xuống nhiều hơn, tuyết rơi ở một số nơi và gió lạnh tràn về. Mỗi buổi sáng mùa thu thức dậy là một thiên đường chờ đợi tôi ở khung cửa của một nhà nghỉ tôi đã qua đêm. Sương sớm còn giăng đầy khắp nẻo. Những nóc nhà trên các ngọn đồi nhô lên như những hòn đảo giữa một biển sương trắng xóa. Những borgo40 lấp ló ở phía xa mờ bên những ngọn núi. Không khí mát rượi và yên ắng tràn ngập một niềm lạc quan và vui sống trong trẻo. Lúc ấy, có đôi khi tôi thầm nhủ, như tự trách mình: ta đã sống bao nhiêu năm trên đời, tại sao bây giờ mới được biết đến nơi này? Nước Ý trong chúng ta khi chưa đến Toscana là Vespa, Armani, Gucci, La Mã, tháp nghiêng, calcio, mafia, là thiên thần và quỷ dữ, là những điểm du lịch quen thuộc gần như đã trở thành những định danh mang ý nghĩa biểu tượng cho nước Ý trong mắt những người nước ngoài. Họ không biết và không thể tưởng tượng được rằng, tồn tại trên đời có một xứ sở mang tên Toscana. Tôi mê Toscana ngay từ cái nhìn đầu tiên, qua một cuốn phim. Cảnh đầu trong trailer giới thiệu phim Dưới mặt trời Toscana41 đã mở ra tình yêu mới trong tôi: chiếc xe bus chạy trên con đường ngoằn ngoèo giữa một cánh đồng mênh mông toàn hoa hướng dương. Một biển màu vàng rực bao phủ lên tất cả dưới mặt đất, và trên trời, màu xanh thăm thẳm không một gợn mây. Có một nhà thờ nhỏ đứng lẻ loi trên ngọn đồi phía cuối trời. Xem phim ấy, thấy tất cả như là một giấc mơ không có thật. Đến đây rồi, đứng giữa những cánh đồng hướng dương vàng ruộm, ngửi mùi của cánh đồng lúa mạch đã gặt xong, ngơ ngẩn đứng giữa những con đường đồi ngập nắng giữa những hàng thông dưới bầu trời mây trắng lững lờ trôi... lại ngỡ mình như đang xem một bộ phim lãng mạn nào đó, với những cảnh đã thuộc lòng trong những cuốn phim bất hủ tôi đã xem lấy bối cảnh nước Ý. Những ngày đầu tiên đến Ý, niềm khao khát đi tìm cánh đồng hướng dương ấy đã thôi thúc tôi đến Toscana. Cánh đồng có thật. Ở Toscana, những cánh đồng hướng dương hiện diện khắp nơi, nhưng ba năm với nhiều chuyến đi tới đó, sau rất nhiều cây số đường cuộn bụi đỏ, sau những cung đường ngoằn ngoèo qua những ngọn đồi, tôi vẫn chưa tìm ra nơi từng được thu hình trong bộ phim. Nhưng trên hành trình dặm dài khám phá Toscana và để cho cuộc sống của mình lắng đọng trong cuộc sống nơi ấy, tôi đã nhiều lần đến Cortona, thành phố nhỏ trên núi được bộ phim nhắc đến, với tiếng chuông nhà thờ văng vẳng vào một buổi sáng Chủ nhật, với những con phố nhỏ hẹp dẫn đến các thung lũng, với các khoảng sân nhỏ đầy hoa, những con hẻm chạy dưới những căn nhà bằng đá thông ra một khoảng không gian xanh thẳm mờ xa, với những chợ trời họp vào các buổi sáng cuối tuần. Chắc sẽ chẳng bao giờ quên được mùi thịt bò thơm nức bốc lên từ cái lò nướng rộng đến hai mươi mét vuông lúc nào cũng đỏ lửa từ những “sagra”42 của thành phố này trong kỳ nghỉ Ferragosto43. Cánh đồng hướng dương ấy ở đâu đến bây giờ vẫn là nỗi ám ảnh lớn với tôi và tôi muốn tìm thấy nó. Nhưng trước đó, tôi đã tìm thấy ở Toscana sự bình yên, thấy Arezzo đẹp như mơ nơi quảng trường mà Roberto Benigni đã dựng những cảnh lãng mạn nhất của bộ phim Cuộc sống tươi đẹp44, đã phải lòng Firenze với những quần thể kiến trúc thời Phục hưng, với bảo tàng Uffizi, quảng trường Signoria, nhà thờ Duomo ở trung tâm, cầu Ponte Vecchio và cảnh hoàng hôn đẹp mê mẩn trên sông Arno nhìn từ trên quảng trường Michelangelo. Tôi yêu Siena với quảng trường Campo hình rẻ quạt với những cuộc đua ngựa có từ thời Trung cổ vào mỗi tháng Bảy. Yêu lắm những cánh đồng tít tắp chân trời dưới những đám mây trắng lười biếng trôi ở vùng Chianti, nơi nuôi dưỡng thứ nho tuyệt hảo Sangiovese (giống nho nổi tiếng của xứ này, là tên ghép của chữ “sanguis”, tiếng Latin, “máu” và Jove, thần Jupiter trong thần thoại Hy Lạp) để sản sinh dòng rượu vang nổi tiếng thế giới mang tên Chianti; yêu Montalcino bởi thứ rượu Brunello hảo hạng mà tôi mang về cả năm không dám uống vì chỉ để ngắm đã thấy say; yêu Pienza với những con phố nhỏ mang những cái tên đầy ý nghĩa, từ phố Tình yêu đến phố Nụ hôn. Tôi yêu thiết tha cái vị thơm, đượm và mềm mại như da phụ nữ của rượu vang đỏ Chianti Classico cùng những miếng fiorentina45chính hiệu trong các lễ hội ẩm thực truyền thống của vùng, yêu cái tháp mà nếu không nghiêng thì có lẽ chẳng ai trên trái đất này biết là nó nằm ở Pisa, và yêu những rặng núi trùng điệp mờ xa chạy tít tắp về phía mặt trời. Toscana là “la dolce vita” với những ai hiểu về nó, yêu nó và đam mê nó. Yêu Toscana, bởi ở đấy có những người bạn Ý yêu Việt Nam như máu mủ ruột rà, có những người đã từng gặp chủ tịch Hồ Chí Minh như các cựu thị trưởng Firenze La Pira và Primicerio và có những nhà sinh hoạt văn hóa mang tên Hồ Chí Minh như ở Pistoia. Toscana giống như một thiên đường mà trên đường đời ta đã qua, đến một phút nào đó mỏi mệt muốn dừng lại, bỗng nhiên xuất hiện trước mắt như mời gọi hãy ở lại để yêu cuộc sống theo đúng nghĩa đen của nó. Trên thiên đường ấy, ngày ngày ta đi dạo trên những con đường đất đỏ dưới những bóng thông Ý và làm cho cái lưỡi và dạ dày của mình cảm thấy hạnh phúc tột đỉnh với rượu và những thứ đặc sản từ pho mát, dầu ô liu và thịt hun khói của vùng này. Dưới mặt trời Toscana đã đưa tôi đến Toscana, để có lúc cảm thấy mình là một phần của vùng đất ấy, ăn và uống như những người dân của vùng này, dù thật khó mà bắt chước được cách nói ngọng tiếng Ý chữ “c” và “ch” thành “h” như họ. Tôi vẫn ước mua được một căn nhà nhỏ trên một ngọn đồi ở xứ Toscana, trồng nho và làm rượu lúc về già. Frances Mayes, tác giả của cuốn tự truyện được chuyển thể thành bộ phim lãng mạn này đã làm như thế sau một chuyến đi đến gần Cortona và bị nơi này quyến rũ đến mức không thể rời bỏ nó được. Và từ đó, tình yêu với nước Ý và xứ Toscana đã chắp bút cho bà viết bốn cuốn sách về mảnh đất này. Ngôi nhà mang tên Bramasole của bà ở ngoại ô Cortona trở nên nổi tiếng và chính thành phố trên núi ấy trở thành nơi mà khách du lịch lũ lượt kéo đến để ngắm nhìn cả một thung lũng trải dài phía trước, có hồ Trasimeno lộng gió nằm ở ranh giới giữa xứ Toscana với xứ Umbria ở phía xa và ăn bít tết thịt bò Fiorentina miếng nào cũng nửa cân trên lưng chừng núi vào những buổi chiều tà tháng Tám. Tôi ao ước có một căn nhà như Bramasole, để luôn đắm mình trong cảm giác thanh bình của một vùng đất lãng mạn đến mức ai cũng có thể trở thành thi nhân trước cảnh vật, để được sống trong một xứ sở của nghệ thuật đã sinh ra những tên tuổi bất hủ như Michelangelo hay Leonardo da Vinci và hưởng thụ cuộc sống ngọt ngào trong những ly rượu Chianti. Nhà bác học Galileo Galilei bảo “Rượu là ánh sáng và nước hòa quyện làm một”. Và Toscana là cảnh và tình trong một không gian tuyệt hảo làm nao lòng người. Tôi mơ đến một căn nhà, dưới mặt trời Toscana... Cuộc sống ngọt ngào ở Chianti Classico Con đường nhựa dài hơn bảy mươi cây số nối giữa hai thành phố lớn nhất xứ Toscana, Firenze và Siena, như một dải lụa mỏng mảnh cắt dọc mảnh đất nhỏ nhưng đẹp lãng mạn đến mê hồn của vùng đất được mệnh danh là đẹp nhất nước Ý, nơi sinh ra nghệ thuật Phục hưng và các dòng rượu vang nổi tiếng nhất thế giới. Tôi không hiểu Hannibal Lecter có cảm giác thế nào sau khi uống xong ly Chianti và bình thản nói với một nạn nhân của hắn: “Tôi đã ăn gan của ngài cùng với đậu và uống một ly Chianti ngon tuyệt.” Nhưng nếu kẻ ăn thịt người trong bộ phim Sự im lặng của bầy cừu nói thế, và sau đó, số lượng vang đỏ mang nhãn hiệu vùng này bán ra ở Mỹ tăng đột biến trong năm 1991 ấy, và cho đến tận bây giờ đấy vẫn là một trong những dòng rượu được ưa chuộng nhất tại đó, thì chắc chắn phải có một lý do. Đúng là người ta không dùng Chianti để nhắm rượu “một ai đó”, mà để thưởng thức cái vị hơi gắt và thơm tho kết tinh của nắng, gió và đất vùng Chianti, uống để yêu nơi này. Uống để yêu cuộc sống đã cho ta một cơ hội để đến nơi đây và thấy cuộc đời này đáng sống biết bao. Một (hoặc nhiều) ly vang có thể làm cho tảng thịt bò nướng fiorentina trở nên tuyệt hảo trong buổi tối không thể nào đẹp hơn ở một quán ăn nhỏ nhưng sang trọng tại quảng trường trung tâm của Greve in Chianti, trái tim vùng Chianti Classico. Miếng thịt dày có xương hình chữ T, còn tái, thơm phức và bốc khói được đặt ngay ngắn trên một chiếc đĩa sứ trắng. Một ly vang đỏ được nâng lên môi. Bên tai tôi, dường như vẳng tiếng một câu chuyện cười về Thánh Lorenzo, vị thánh của bếp ở Ý, người cũng giống như miếng thịt bò nằm trên bếp lửa hồng ở ngay phía trong quán mà thực khách nào cũng thấy và bảo đầu bếp rằng, “hãy lật mặt tôi đi, mặt bên này chín rồi...” Trên loa, Diana Krall hát một ca khúc bằng chất giọng khàn nhưng gợi cảm. Và phía ngoài kia, trên quảng trường Matteoti, trung tâm thành phố, vũ khúc dao nĩa vang lên một cách long trọng ở những nhà hàng khác. Ở xứ Toscana này, không gì hạnh phúc bằng những buổi tối ngồi nghe nhạc, ăn thịt bò fiorentina, và thưởng thức rượu vang. Chỉ vài ly thôi, cho một giấc ngủ yên bình, một giấc mơ không thể đẹp hơn. Nhưng khi mới đến Chianti và thưởng thức những ly vang đầu tiên, tôi hầu như không ngủ được và vì thế không thể mơ. Có những nỗi tò mò đang lấn át tất cả. Bởi cách đấy một đêm, người bồi bàn ở quán Giovannino của thành phố nhỏ Radda in Chianti đã trợn mắt nhìn tôi khi ằ được hỏi (một cách rất lễ độ và lịch sự), rằng có phải sống ở vùng rượu nho nổi tiếng và uống quá nhiều rượu mà người dân ở vùng đất này nói tiếng Ý hơi bị ngọng không, cụ thể là không nói được chữ “c” hay “ch” mà cứ nói thành chữ “h”. Tôi không có ý trêu anh ta, mà hoàn toàn nghiêm túc, bởi lúc nào tôi cũng có trong đầu câu hỏi: tại sao người Toscana luôn cho mình là những người nói tiếng Ý hay nhất nước Ý, lại bị ngọng những chữ ấy? Có sự liên hệ nào giữa những thứ rượu vang ngon kinh khủng mà xuất xưởng từ đây suốt nhiều thế kỷ với chất ngôn ngữ ấy không? Ở Impruneta cách đấy hơn ba mươi cây số, ông chủ của cái quán ăn rất thanh lịch và ngon miệng đến ngạc nhiên trong một thành phố nhỏ và ít người biết đến này, trịnh trọng bảo, rượu là rượu và tiếng Ý là tiếng Ý, và cũng như rượu ngon số 1 với thương hiệu vang danh một vùng đất trồng nho và làm rượu nổi tiếng thế giới mang tên Chianti Classico, không có nơi nào trên đất Ý nói tiếng Ý hay hơn ở đây. Thế là chấm hết những ý tưởng về cuộc đi tìm “sự thật” liên quan đến rượu và tiếng Ý, vì sự thật đã hiển hiện ngay trước mắt, khi bắt đầu hòa vào cuộc sống của những người trồng rượu và để lưỡi mình lướt đi trong thứ nước hảo hạng bậc nhất kia. Tôi đã nghe và thưởng thức tiếng Ý ở vùng Chianti, đã uống một cách say mê những loại vang ngon nhất của Chianti Classico tại nơi đây. Uống không phải để say. Uống như một cách để sống và hiểu về cuộc sống Ý. Người La Mã từng bảo: “Tồn tại bốn lý do để uống rượu: một người bạn đến chơi, khát, rượu ngon và tất cả những lý do khác”. Một câu ngạn ngữ thời Trung cổ ở Toscana lại nói rằng: “Hãy uống để ngủ ngon. Nếu ngủ ngon sẽ không gây ra tội lỗi. Nếu bạn không gây tội lỗi, bạn sẽ được cứu vớt linh hồn. Tóm lại, hãy uống rượu và bạn sẽ sống sót”. Câu đó có vẻ đúng, và thực ra hoàn toàn đúng đối với Chianti Classico, nơi sản xuất thứ vang ngon nhất của nước Ý. Ở đó tập trung hơn sáu trăm nhà sản xuất rượu, với sáu loại rượu vang được cấp chứng chỉ DOCG (hảo hạng) và ba mươi lăm loại được cấp DOC (loại 1). Con đường quốc lộ SS 222 đã đưa tôi đến nơi cách Roma hơn ba trăm cây số này vào một ngày giữa hạ. Cái nắng hơi gắt của buổi chiều khi lái xe đến Chianti không làm bớt đi chút nào chất lãng mạn và nên thơ của những vùng đồi nhấp nhô chạy hết chân trời. Những cánh đồng nho hoặc ô liu xanh mướt trải dài vắt ngang qua những thung lũng, những ngôi nhà nhỏ nằm cô độc trên các đỉnh đồi, với những ô cửa sổ được trang trí hoa tím và đỏ, những thửa ruộng lúa mạch đã gặt hết chỉ còn trơ những gốc rạ chạy thành từng vệt dài in hình những bóng mây mới rong chơi lướt qua, rải rác trên các cung đường là những bệ thờ Đức Mẹ. Dưới xa kia, những con ằ đường đất nhỏ ngoằn ngoèo chạy mất hút trên những đỉnh đồi, giữa hai hàng thông chỉ có ở Toscana cao vút đứng lặng. Bao trùm lên tất cả là một sự yên tĩnh đến lặng người, dưới bầu trời xanh thẳm và những đám mây bông xốp lững lờ trôi. Tôi không biết những người luôn cảm thấy cô độc trong cuộc đời này có thể tìm thấy điều gì đó có ý nghĩa với họ trong những đám mây lười biếng dưới gầm trời mênh mông xa thẳm kia, nhưng thật khó tin mảnh đất này lại gợi nên những cảm giác cô độc. Người ta không thể lặng yên đứng ngắm những gì trước mắt, hít thở bầu không khí trong lành ở đó và lạc vào những hầm rượu mát lạnh mà không cảm thấy cuộc đời này đáng sống biết bao. Im lặng đến không ngờ, có thể nghe thấy tiếng gió, mà bên tai dường như cứ thấy tiếng nhạc jazz. Gọi Chianti Classico là để phân biệt với những dòng Chianti khác ngoài vùng đất, bởi những quy định gắt gao hơn về cách làm rượu và phân loại rượu, bởi dòng nho Ý Sangiovese luôn phải đảm bảo hiện hữu ít nhất 80% trong thành phần nho làm rượu, bởi truyền thống làm vang ở đây sâu sắc và có bề dày hơn những nơi khác. Và cái chất nông thôn điền viên của vùng đất này cũng đậm chất Toscana hơn những vùng khác của xứ sở miền Trung nước Ý, như Maremma, Montepulciano hay Montalcino, khiến rượu đã dán mác hảo hạng Chianti Classico với biểu tượng ở trên cổ chai là một con gà đen (biểu tượng chiến thắng của Firenze trong cuộc tranh chấp đất đai đẫm máu diễn ra giữa họ với người Siena vào thế kỷ 13 và 14) cũng khác các thứ rượu còn lại của Toscana, khác với vang làm bằng các thứ nho khác và đặc biệt không giống dòng vang Pháp hay California. Cái khác ấy phải kiên nhẫn và tinh tế lắm mới cảm nhận được, không hẳn chỉ là một vị ngọt hoặc chát thấm âm thầm qua đầu lưỡi, cần một khoảng thời gian đi lại qua những vùng đất Toscana, ăn và ngủ ở đó, nói chuyện với những người nông dân đi xe lam hiệu Ape 50 phân khối chở nho về xưởng, ngắm nhìn những cánh đồng nho giữa vụ lúc hoàng hôn. Bởi rượu ở đây đi cùng với đất, và câu nói quen thuộc của người Ý “sống ở Chianti” đã nói lên tất cả về sự gắn bó của mọi thành tố trong cuộc sống ở đây, mà rượu chỉ là một phần tích cực. Nó không làm cho ta quá say, mà làm ta yêu. Yêu cuộc sống nơi này. Rượu làm ta mơ, mơ có một căn nhà trên ngọn đồi cao thông đứng, để mà sống và yêu, chứ không phải âu lo. Bảy mươi nghìn hecta đất đồi trồng nho và ô liu là bảy mươi nghìn cảm hứng cho những giấc mơ. Một tối, con đường tôi đi lạc vào San Polo in Chianti, thành phố nhỏ bên lề vùng đất. Mọi người đã đi ngủ. Đèn đường hiu hắt. Chỉ còn một quán ăn mở cửa. Rượu lại rót ra. Mùi pasta và spaghetti dậy lên. Dao nĩa lại bắt đầu nhảy múa. Buổi sáng sau, tôi tỉnh dậy trong nhà trọ. Những con mèo vàng ruộm và đáng yêu đang ngồi bậu cửa. Bà chủ nhà nói một thứ tiếng Ý hơi xa lạ với những người đã quen với âm điệu Roma nơi tôi sống. Chuông nhà thờ ngân khẽ. Xe lại đi. Rồi một sáng khác, tôi tỉnh dậy trong một nhà nghỉ ở Greve in Chianti, nơi đứng giữa quốc lộ SS 222, và mơ màng nhìn ra cửa sổ thấy một thung lũng xanh ngắt xa xôi. Hoa nở đỏ trên những ban công trước nhà. Dăm bước đi xuống những con phố nhỏ xíu, nhà cửa nhấp nhô và ăng ten ti vi chĩa lên trời tua tủa, là nhà hàng, là những hầm rượu vang chất đầy những chai từ nền đất lên đến trần nhà nhìn mỏi mắt, những cửa hàng bán chân giò muối và thịt lợn rừng đặc trưng của vùng Chianti mà khách đến mua làm quà mang về nhà chẳng mấy khi mua dưới nửa cân, để rồi cuối cùng loay hoay không biết làm thế nào để nhét vừa vào va li. Không ở đâu trên nước Ý này, mật độ hầm rượu và quán bán thịt hun khói trên số nhà lại nhiều như ở Greve in Chianti. Ở đấy, người ta biến rượu thành một thứ không chỉ để uống, mà còn để sưu tầm, và để ngắm. Ngay ở trung tâm thành phố, có một bảo tàng nghề rượu, với tất cả những gì liên quan đến rượu Chianti, từ những bộ sưu tập nút chai cho đến những chậu ủ nho, có một hầm rượu khổng lồ với hàng nghìn loại rượu hảo hạng nhất mà trong một buổi sáng, mới chỉ thử đến loại rượu thứ ba tôi đã bắt đầu ngất ngây, vì loại nào cũng có trên năm năm tuổi và đạt mười bốn độ. Những bàn ăn của các quán ăn sang trọng của Greve in Chianti dường như cũng bị bao vây bởi rất nhiều loại rượu, bởi đã đến đây, đã ăn đồ đặc trưng của xứ sở này thì không thể uống bất cứ thứ nước có cồn nào khác ngoài vang Chianti. Ở Radda in Chianti, một trong những nơi làm ra nhiều rượu Chianti ngon nhất, những tủ rượu với hàng nghìn loại có thể làm những ai mới ghé qua ngắm nhìn chóng mặt dù chưa hề uống một giọt nào. Tôi hiểu cái cảm giác say rượu ảo ấy bởi chính mình đã từng gặp phải một năm trước đó khi chui vào một hầm rượu nho ở Montepulciano, không thuộc Chianti Classico, nhưng cũng làm ra dòng rượu Vino Nobile Montepulciano nổi tiếng. Khó mà quên được cảm giác ấy: những thùng rượu xếp trong một căn hầm khổng lồ khiến người ta thích thú đến nỗi chỉ muốn được nằm dài dưới van bình, nhắm mắt lại, mở vòi ra, và để rượu chảy ào ạt xuống miệng. Cảm giác ấy cũng khiến người ta thích thú không kém gì được ngồi trong một quán ăn phục vụ đồ truyền thống xứ Toscana, ngắm người bồi bàn rót rượu cho mình một cách lịch thiệp và rồi mình từ từ đưa cái ly ấy lên miệng, đầu tiên là thử bằng lưỡi và mũi. Ở Ý, rượu không chỉ là thứ thức uống không thể thiếu, mà còn là văn hóa và lối sống. Mỗi buổi đi ăn tối ở nhà một người bạn Ý nào đó, tôi lại trầm trồ về thứ rượu mà mình được uống lúc khai vị cũng như các loại khác trong món ăn, với những bữa ăn kéo dài từ chín giờ tối đến một giờ sáng, ở đấy, có lần tôi nghe một người bạn già bảo rằng, trên đất Ý, đàn ông có khi còn yêu rượu vang, bóng đá và xe hơi loại sang hơn cả yêu đàn bà. Điều đó có thể đúng một phần, nhưng nghe có vẻ hơi tàn nhẫn chút đỉnh. Tôi không ủng hộ triết lý ấy. Với phụ nữ và rượu, luôn phải có hai cách yêu khác nhau. Cũng không được phép so bì phụ nữ và rượu. Đấy là hai phạm trù khác nhau, với hai nỗi đam mê khác nhau. Ở Chianti Classico, rượu rất ngon và phụ nữ rất đẹp. Có lẽ vì thế mà trong mấy thập kỷ qua, hàng triệu lượt khách du lịch đã đổ đến đây để uống, để cảm nhận hương vị cuộc sống qua những ly Chianti và ngắm phụ nữ, ngắm cả cái thung lũng ở gần nhà nàng Monna Lisa cách Greve in Chianti mấy cây số, để rồi trầm ngâm cố gắng tìm câu hỏi tại sao nàng lại có nụ cười bí ẩn như thế. Người Anh trìu mến gọi nơi đây là Chiantishire. Sau Thế chiến II, người Mỹ và Đức đến đây mua đất và trồng nho, làm rượu và dầu ô liu. Còn tôi đến đây không phải để ghi thêm những cái tên như San Donato in Poggio, Fonterutoli, Impruneta hay Radda in Chianti cùng những cái tên đã kể trên vào nhật ký hành trình những điểm đã dừng chân trên đất Ý trong một hành trình dài hơn nghìn ngày, mà là để hưởng thụ “la dolce vita” theo định nghĩa của người Ý. Ngọt ngào và đôi khi chát. Như vang. Palermo, như đã sống Gallo có lý khi bảo rằng căn hộ anh cho chúng tôi thuê trong một khu mà nhìn bề ngoài hết sức cũ kỹ, rách nát và có vẻ đầy hăm dọa lại là một trong những nơi đáng yêu nhất của Palermo. Phải rồi, rời khỏi cái phố Materassai của anh, đi dưới những ban công mốc meo cái chìa ra cái thụt vào phơi phấp phới những quần với áo mà nước rỏ lướt thướt xuống người đi đường, những đống xà bần chẳng có ai chịu dọn ở những góc đường, là một thế giới khác, dù bề ngoài, nó cũng chỉ là phần mở rộng của cái thế giới mà căn nhà của Gallo đang ở đó. Palermo chẳng thiếu nắng, nhưng hình như rất thiếu chỗ phơi phóng, nên quần áo phấp phới trước gió trên những ban công ở mọi con phố, kể cả những con đường rất đẹp ở trung tâm thành phố. Có lẽ người ta đã quen với cảnh ấy và coi đấy như một phần của cuộc sống ồn ã, huyên náo và vô cùng lộn xộn ở cái đô thị lớn mang đủ mọi nét đặc trưng của một thành phố miền Nam nước Ý này, nên cũng chẳng có ai phàn nàn. Quen với quần áo phơi tứ tung hệt như cách người ta đã sống chung với tiếng còi xe vang lên khắp nơi trên những con phố, thể hiện những người cầm lái ở nơi đây cần phải được xếp vào hàng ít kiên nhẫn nhất thế giới; quen với cảnh phóng xe đến chóng mặt không thành làn thành lối trên đường mà dường như chỉ cần một ai đó phanh lại là tất cả sẽ đâm vào nhau mà chết (may thay, không ai phanh lại, mà thỉnh thoảng đèn đỏ họ cũng tìm cách vượt qua). Cũng phải quen với cảm giác ban đầu khi xe bus hoặc tàu hỏa đưa ta từ sân bay về thành phố: Palermo như một khu rừng mà cây cối mọc lên vô cùng lộn xộn và đầy ngẫu hứng. Những câu chuyện không dứt về quy hoạch đô thị của Palermo trong mấy thập kỷ sau khi kết thúc Thế chiến II cho bạn biết một cách rõ ràng, rằng ở nơi đây, có một thời kỳ gần như chẳng ai kiểm soát việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Thành phố nhìn từ trên trời dưới cánh máy bay cho người ta cảm giác choáng ngợp khi chứng kiến sự hỗn độn ấy. Nhưng khi đã đến đây rồi, đi dưới những giàn giáo xây dựng chỉ sợ gạch vữa rơi vào đầu, thỉnh thoảng giật mình bởi tiếng còi ô tô hay xe máy vang lên như gắt gỏng ai đó, và lại thấy cái thành phố có rất ít đồng hồ công cộng mà mỗi chiếc lại chỉ một giờ khác nhau cứ như là mỗi chiếc đại diện cho một châu lục nào đó, thì rõ ràng người ta buộc phải hiểu rằng, Palermo là thế, và có lẽ xứ đảo Sicilia này cũng thế. Chính những điều ấy tạo nên một phần đáng yêu cho mảnh đất này. Mà đúng là ở nơi đây, người ta không thích đồng hồ, thậm chí cả lịch. Bởi cuộc sống Palermo diễn ra theo một trật tự hỗn độn. Trong những khu vườn ở Mondello, ngoại ô thành phố, hoa hồng nở đỏ rực vào tháng Ba thay vì theo đúng mùa vào tháng Năm. Những cây jakaranda thỉnh thoảng vẫn nở hoa tím vào tháng Năm trong khi lẽ ra phải vào tháng Sáu. Và vào tháng Sáu, những cây cẩm quỳ biến Palermo thành một nơi gần giống như một đô thị kiểu Maroc ở tận Bắc Phi xa xôi. Palermo là một thành phố kỳ lạ như thế, và nó khiến tất cả những ai đến đây, nếu không có đam mê khám phá tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của vùng đất này, chắc chắn sẽ cảm thấy nhàm chán và hối tiếc vì đã tới một thành phố có hơn ba nghìn năm lịch sử sôi động và đầy biến cố không hề dành cho họ: Palermo cũng như vùng đất đã nuôi dưỡng nó hàng nghìn năm nay là một nồi lẩu của tất cả những nền văn hóa lớn nhất Địa Trung Hải. Người Phenici Bắc Phi đã đến đây, người Hy Lạp cổ đại, người La Mã, người Normand nói tiếng Pháp, người Arab, người Đức, người Tây Ban Nha và người Pháp cũng đã đến đây. Những câu chuyện trong Thần thoại Hy Lạp, như chuyện về thần Zeus hay Hera, cũng được viết ra một phần chính trên mảnh đất này, chứ không phải ở Hy Lạp như nhiều người lầm tưởng. Nhiều vĩ nhân của thời đại ấy cũng sinh ra ở hòn đảo này. Sự hòa quyện một cách không đơn giản tất cả những nền văn hóa và ảnh hưởng ấy, từ những quyền lực ngoại bang giống như những gã đàn ông thay nhau dùng vũ lực để cưỡng đoạt một cô gái trẻ đẹp, được thể hiện một cách rõ nhất ở nhà thờ lớn Palermo, với mái vòm theo kiểu Baroque, những tháp chuông được xây từ thời Normand pha lẫn những đặc điểm kiến trúc của người Arab. Quá trình thẩm thấu và thể hiện những nét hòa quyện ấy đã diễn ra hơn một nghìn năm có lẻ. Đền thờ Hồi giáo lớn nhất của thành phố trên đường Celso được xây lên trên nền của một nhà thờ Thiên Chúa giáo và một số khu vực thuộc cộng đồng theo đạo Hồi của Palermo giờ vẫn có những nét không khác Baghdad của thời Nghìn lẻ một đêm. Nhưng bao trùm lên tất cả là không khí Kitô giáo mạnh mẽ. Palermo chỉ đứng sau Roma trên đất Ý về số lượng các nhà thờ theo kiểu Baroque. Có những bức tường ở khu trung tâm cổ của thành phố thể hiện một cách rõ ràng đến bốn nền kiến trúc khác nhau theo một chiều dài không dưới bốn thế kỷ. Khu Quattro Mandamenti trở thành nơi lưu giữ ký ức của những năm tháng đã qua không bao giờ trở lại. Nhưng những ký ức của Palermo không thể làm cuộc sống ngừng lại. Chẳng có gì lạ lẫm nữa tiếng chuông lảnh lót của nhà thờ San Domenico vang lên hòa trong những tiếng ồn ã của khu chợ nổi tiếng Vucciria. Căn hộ mà chúng tôi thuê trong những ngày ở Palermo chỉ cách Vucciria vài trăm mét. Cái chợ ấy là một phần những gì đáng nói và đáng yêu nhất của thành phố. Rực rỡ khi đêm xuống với những ngọn đèn thắp sáng và ồn ã tiếng nói cười, tiếng rao của những người bán hàng lúc ban sáng, Vucciria ẳ là tâm hồn của một thành phố sợ sự im lặng. Đấy không hẳn là một khu chợ Ý bán những gì thiết yếu nhất mà cuộc sống cần phải có, mà thực sự là một “suq” (chợ kiểu Bắc Phi) của khu vực Địa Trung Hải. Chỉ vài trăm mét trên con phố lát đá khấp khểnh và thường ướt lép nhép nước với mùi tanh của các loại thủy hải sản, Vucciria nằm ở ngay trung tâm Palermo, cạnh nhà thờ nổi tiếng San Domenico và đại lộ chính Roma. Người ta bảo, cuộc khủng hoảng kinh tế những năm qua và sự phát triển mạnh mẽ của các siêu thị đã khiến khu chợ trời ấy không còn giữ những nét đặc trưng Palermo như trước nữa. Những tiếng rao bằng thổ ngữ Palermo (abbanniata) của người bán hàng bây giờ cũng đã ít đi, nhưng một buổi sáng đi ngang khu chợ ấy, chứng kiến cảnh người bán mua tấp nập, tiếng rao hàng thỉnh thoảng lại vang lên đây đó, và cái mùi tanh nồng của cá, mùi thơm của đồ nướng trong các quán nhậu rẻ tiền, mùi thịt thơm phức ở các tiệm bán kebab hòa vào nhau thành một thứ mùi hỗn độn đúng kiểu chợ bình dân, mới hiểu rằng, dù thế nào đi chăng nữa, thì tâm hồn của Palermo vẫn tồn tại một cách mãnh liệt nhất. Sự tồn tại của những khu chợ như Vucciria, Ballaro hay Capo bên cạnh những tòa nhà cũ rách nát đã đổ nhiều phần bị bỏ hoang, những thùng đựng rác đã đầy ứ tràn cả ra ngoài, những chiếc xe đỗ linh tinh không theo bất cứ quy định nào về trật tự an ninh đô thị và những đám khói trắng mù mịt từ những người nhập cư bán hạt dẻ nướng bên hè phố khiến ai đó có thể tưởng rằng sương mù đang bắt đầu xuống dù trời mới chỉ bắt đầu tối, đã vẽ nên một bức tranh sinh động hơn nữa về cuộc sống ở nơi này. Ở đấy, cũng như những thành phố lớn khác của Sicilia, những nhà thờ Baroque đẹp đẽ với mặt tiền đôi khi đã tróc lở phải sống cạnh những tòa nhà trông như sắp sập đến nơi, những cột ăng ten truyền hình giữa hàng búi dây điện và ống nước chằng chịt đôi khi vươn lên thách thức cả những cây thập giá trên các mái vòm. Những ảnh thờ Đức Mẹ và Chúa được gắn trên những bức tường cũ kỹ hoặc ở những nơi chưa bao giờ thiếu hoa tươi mỗi sáng của các con chiên ngoan đạo đến xin ban phước. Nhưng những đôi mắt thánh thần ấy cũng chỉ biết im lặng nhìn đời trôi qua. Palermo sặc sỡ và đầy ánh sáng ở khu trung tâm, với những đại lộ thẳng tắp chạy ra tít bờ biển. Nhưng chỉ cần rẽ vào một con ngõ nhỏ, đi xuống những bậc thang đá vào các khu dân cư cách đó vài chục mét, là gặp ngay một thế giới khác, rất khác. Ít nhất có hai thế giới. Thế giới thứ nhất là của những khu biệt thự nằm khuất trong các hẻm. Đấy là những tòa nhà đã cũ, xuống cấp và thường trong các khoảng sân có những cây dừa, dấu hiệu còn sót lại từ một thời huy hoàng của thành phố hơn nghìn năm về trước, dưới sự kiểm soát của người Hồi giáo. Những người Arab ngày ấy, để không quên nguồn cội của mình, luôn trồng những cây dừa trong sân nhà. Thế giới thứ hai là của những khu dân cư náo nhiệt nhưng cũ kỹ và hơi bẩn thỉu như cái phố Materassai tôi đã từng ở mấy đêm. Buổi sáng Chủ nhật ở Palermo, đi qua những con phố trung tâm mà cứ ngỡ lạc vào một ngôi làng nào đó ở nông thôn: vẫn có tiếng gà gáy văng vẳng từ một căn hộ cũ kỹ trên tầng hai, tiếng những bà mẹ mắng con ầm ĩ, tiếng hát karaoke léo nhéo vang lên từ phía hàng xóm, tiếng các bà già ăn mặc hơi luộm thuộm thò mặt qua ban công tán gẫu không dứt với những người bạn đồng niên. Phố nhỏ, hẹp và gập ghềnh, lại ngoằn ngoèo như những con hẻm tôi đã thấy ở Napoli, phơi đầy ga trải giường, chăn và quần áo (nhưng vẫn rất lịch sự, ở chỗ, người ta không phơi quần áo lót phụ nữ!), nhiều khi chỉ cần giơ tay là chạm vào người phía nhà có ban công đối diện. Nhiều câu chuyện Palermo nói rằng biết bao mối tình đã nảy nở từ những ban công sát nhau đến thế. Người ta yêu nhau có khi chỉ vì gặp nhau trong một lần cùng phơi quần áo! Phố hẹp, và hình như ai cũng lười chạy lên chạy xuống, nên thỉnh thoảng, người ta vẫn chuyển những đồ nhẹ tay xuống cho người ở dưới bằng những cái rổ có kéo dây thừng. Buổi tối ở Palermo không yên tĩnh. Thành phố biển này yêu sự náo nhiệt, và tiếng ầm ĩ thậm chí vẫn còn vang vọng trong đêm khuya. Phòng trọ nơi tôi ở nằm trong một khu phố đầy tiếng động. Tiếng các bà già tán gẫu với nhau qua các ô cửa sổ, tiếng cười nói lao xao của lũ thanh niên vô công rồi nghề đứng trước hiên những ngôi nhà cũ kỹ mà tầng trệt bao giờ cũng là garage để xe hoặc nhà kho để đủ mọi thứ linh tinh, tiếng trẻ con khóc hay các đôi vợ chồng cãi nhau bằng thổ ngữ Palermo với những chữ “u” ở cuối câu nghe không sao hiểu nổi họ nói gì. Ánh đèn vàng vọt chiếu trên lối đi bẩn thỉu đầy xà bần và vũng nước đọng. Chợt ùa ra một quảng trường nhỏ nơi người ta bán đồ ăn ngay ngoài trời, mà mùi thơm của các loại đồ nướng hòa cùng mùi bia tra tấn dạ dày tôi một cách tệ hại. Bàn ghế kê ra và tất cả cùng ngồi nhậu vui vẻ đến đêm khuya. Có một cái gì đó rất gần gũi và thân quen trong phong cách sống ấy, mà có lẽ, chỉ cần thay những tấm biển quán xiêu vẹo và cũ nát kia từ tiếng Ý sang tiếng Việt, là nơi ấy sẽ biến thành chỗ ăn đêm nào đó ở một thành phố quê mình. Bỗng nhớ lại cảm giác thích thú vô cùng khi cắn ngập răng thứ fast-food kiểu Palermo có tên “meusa”, một thứ bánh mì nhỏ kẹp nhân bằng lá lách và phổi bê, cùng với một chút dừa. Buổi tối lạnh và sương xuống, nhưng cửa hàng meusa có tên San Francesco ở gần quảng trường Marina bán đồ cổ mỗi sáng Chủ nhật vẫn có không ít người xếp hàng đợi đến lượt mình để được tận hưởng niềm sung sướng một cách bình dân nhất có thể khi đưa lên miệng thứ bánh mì có sức quyến rũ mê hoặc ấy, mê hoặc kể cả khi mỡ có pha chút cốt dừa từ thịt chảy cả ra tay người ăn vì ông bán hàng hình như quá hà tiện giấy ăn. Người Palermo bảo, meusa đã xuất hiện ở đây từ thời Trung cổ, nay đã trở thành một phần của tâm hồn thành phố nhờ đi qua dạ dày. Còn quán San Francesco thì đã ròng rã phục vụ cho người Palermo và không ít thực khách từ xa đến như tôi không biết bao nhiêu chiếc meusa kể từ hơn một thế kỷ rưỡi nay. Nó là một phần lịch sử Palermo. Kiếm một cái bàn trên tầng sát cửa sổ, cắn một miếng meusa và ngắm Palermo vào buổi tối là một thú vui tao nhã của người bản địa. Ở đấy, trong tiếng gió Địa Trung Hải, người ta có thể nhìn thấy những mái nhà xiêu vẹo ở phía biển, những bức tường rêu phong cũ kỹ của bao căn nhà xây bằng gạch dày để mỗi năm chống lại đôi ba lần gió nóng thổi đến từ sa mạc Sahara. Nhưng cái quán mà có hôm tôi cũng đứng lóng ngóng xếp hàng để được ông phục vụ béo tốt có nụ cười đôn hậu bán cho mình hai cái meusa ấy cũng được nhắc tới không ít lần trên báo chí như một điển hình tốt: ông chủ của San Francesco đã từng lên tiếng vạch mặt mafia tống tiền quán của ông. Đi trên những con phố Palermo, ngắm xe cộ chạy qua mà còi xe inh ỏi và tiếng cười nói láo nháo xôn xao, mới thấy rằng hình như cái định kiến về một thành phố có những gắn bó mật thiết với những câu chuyện về mafia có điều gì đó hơi phóng đại. Đúng là mafia tồn tại, và trên thực tế, bất chấp những cuộc tấn công không ngưng nghỉ của các lực lượng chống tội phạm, chúng không hề bị đánh bại. Nhưng với tôi, chúng không hiển hiện. Không ai thấy chúng. Cũng không ai nhắc đến chúng. Người ta chấp nhận đấy là một phần của cuộc sống. Một ông già bán cà phê bảo, trong cái mớ hỗn độn mà người Palermo phải đối mặt hàng ngày được gọi là “cuộc sống” ấy, thì bình yên là một điều xa xỉ. Nhưng sẽ bình yên nhất là khi những ai từ nơi xa đến đây không nhắc tới chữ “mafia”. Ông có lý, và tôi tin, rằng những nỗi lo sợ đến mức ám ảnh về chúng qua những bộ phim hình sự và những tác phẩm của Mario Puzo đã khiến tất cả có một cái nhìn ác cảm về Palermo và Sicilia. Sự thật là những khu phố cổ từng là trái tim của thành phố, và mafia từng ngự trị ở đấy. Bây giờ, nhịp đập trái tim của Palermo đã ở những khu phố mới dựng lên sau Thế chiến II, với những cao ốc và ngân hàng. Khu phố cổ giờ vẫn đôi khi gợi nên những ấn tượng đau xót về cái chết của rất nhiều nạn nhân mafia trong những năm 1970 đến 1992, và tiếng còi cảnh sát thỉnh thoảng cất lên với những chiếc xe cửa kính đen sì lao vút qua khẳng định rằng cuộc chiến chưa hề kết thúc. Đài tưởng niệm công tố viên Giovanni Falcone ở Capaci, ngoại ô Palermo, nơi ông bị giết chết bởi một quả bom của mafia vào năm 1992 và một cột đá ghi giản đơn “Tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống mafia” ở đại lộ dọc bờ biển chính là một sự nhắc nhở về hiểm họa mafia và trách nhiệm của những người đang sống. Tất cả chỉ có thế. Những gì mà Mario Puzo từng viết ra trong những cuốn tiểu thuyết về Sicilia đã nâng ông thành một huyền thoại của văn học có thể đúng phần nào với thực tế ở Palermo và các thành phố khác trên đảo cách đây nửa thế kỷ. Palermo từng là Beirut của nước Ý cách đây hai mươi năm. Không phải bây giờ. Đối với tôi, Palermo không phải là địa ngục. Người ta không bao giờ háo hức khám phá những khu phố, những nhà thờ và quán ăn của thành phố, không cảm thấy tiếc nuối vì thời gian ở đây quá ít và không thể đi những nơi đẹp đẽ ở xa hơn, như khu đền Hy Lạp cổ đại Segesta và thành phố nhỏ Bagheria, nếu như không coi nơi đây là một dạng thiên đường. Nữ văn sĩ nổi tiếng Dacia Maraini đã từng tự hỏi: “Thế nào là địa ngục?” Rồi bà tự trả lời: “Là Palermo không có các hiệu bánh ngọt.” Maraini không nhắc đến mafia. Phải, ở Palermo, người ta có thể chết vì buồn chán nếu một sớm mai kia không còn được nghe tiếng còi inh ỏi trên các đường phố và chết vì thèm nhớ vị ngọt của những chiếc bánh ngọt truyền thống có tên cannoli hay cassata. Gallo chỉ cho tôi một quán nổi tiếng trên phố Roma bán những thức ấy. Quán có tên Touring với những người phục vụ bàn nói một thứ tiếng Ý hết sức dễ chịu ấy nằm ngay gần khu quảng trường nhà thờ San Domenico, một kiệt tác nghệ thuật Baroque của thế kỷ 17, kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật rối rắm của đô thị Palermo hiện đại thế kỷ 21, khi dây điện chằng chịt phía trước nhà thờ khiến mọi tấm ảnh chụp nó như bị lấy dao gạch chéo tứ tung, xe cộ đỗ lộn xộn ngay phía dưới đài phun nước trước cửa và tiếng còi ô tô gắt gỏng át cả tiếng chuông gọi Chúa. Những tủ kính bày đủ các loại cannoli, cassata, kem, cùng những chiếc bánh ngọt đủ các màu sắc khác nhau có thể làm mê hoặc cả những người không hảo ngọt. Mê hoặc như rượu đối với những người yêu thứ nước làm quên đi sự đời trong chốc lát. Mê hoặc như một thứ hương thơm quyến rũ khiến những ai đã ngửi thấy đều không thể nào quên. Người Palermo yêu đồ ngọt và vị ngọt trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ, vì một lẽ đơn giản: cuộc sống nơi đây quá khắc nghiệt và không kém phần đắng cay. Cái ồn ã của cuộc sống xung quanh tiếng còi xe, sự lộn xộn và nhếch nhác trong đi lại và tổ chức đô thị, tình yêu với cái ngọt dường như để che giấu những ước mơ giản dị về một cuộc sống bình thường và êm dịu không thể có được. Người Palermo chỉ ầm ĩ ở nơi mà họ sống và những nơi họ tới trong hành trình di cư hàng thế kỷ trước. Nhưng họ im lặng và che giấu nguồn gốc của mình khi sống ở những nơi khác trên đất Ý. Họ không thích bị kỳ thị. Đối với nhiều người Ý, là người Palermo, Napoli hay Calabria không khác gì tội lỗi. Nghèo hơn miền Bắc chắc chắn là một tội lớn ở đất nước này. Nhưng không thể mô tả Palermo như một thành phố tội lỗi như Gomorah hay Sodoma trong Kinh Thánh. Càng không thể hình dung những người dân tôi đã gặp ở đấy trong bóng dáng của những “mafioso”46, hay nghĩ một gã đàn ông nào đó uống cà phê cạnh mình trong một quán trung tâm là một “boss”47. Phim ảnh và những câu chuyện nhuốm máu không dứt về Palermo và đảo Sicilia đã khiến nơi ấy trở thành một dạng địa ngục trong suy nghĩ của nhiều người. Địa ngục ư? Một câu chuyện có thật về một người lính Mỹ trên tàu quân Đồng minh đổ bộ vào Sicilia trong Thế chiến II cho thấy điều ngược lại. Người lính ấy là một trong số rất ít người sống sót trên chiếc tàu bị quân Đức ném bom. Anh bơi vào bờ và được cứu sống ở đó, được người Palermo cưu mang. Nhiều năm sau, một tối, anh đi xem một buổi opera Ý ở nhà hát. Khi vở diễn kết thúc, anh quá xúc động và bật khóc rưng rức. Những ký ức kinh hoàng của cuộc chiến dường như tái hiện trong anh. Anh cứ đứng đó khóc nức nở khi khán giả vỗ tay nhiệt liệt lúc hạ màn. Khán giả bắt đầu đi ra. Thế rồi một người đàn ông dừng lại trước mặt anh và chạm tay vào đầu anh, như là động tác ban phước của Giáo hoàng với một tín đồ. Tất cả những khán giả khác cũng làm điều tương tự... Sự hiện diện về tinh thần của Chúa và tình yêu đời đã in đậm như thế trong mọi nét cuộc sống nơi này. Thế đấy, bạn chỉ cần đặt chân đến đây, hít căng lồng ngực bầu không khí mặn mòi vị biển ngay khi đặt chân xuống sân bay giờ mang tên hai viên công tố bị mafia giết hại hai mươi năm về trước Falcone và Borsellino, lắng nghe tiếng gió hòa trong tiếng sóng Địa Trung Hải, ngắm nhìn hoàng hôn đổ xuống Palermo từ thành phố nhỏ Monreale cách đó mười cây số với một nhà thờ đẹp mê hồn có từ thế kỷ 13, mới thấy điều đáng yêu nhất ở nơi đây là cuộc sống và chính nó đẩy lùi cái chết luôn rình rập khắp nơi. Tất cả dám sống, dám đấu tranh tột cùng để được sống và đã, đang và sẽ sống như họ muốn vậy. Trên đời này, có điều gì đáng yêu hơn chính bản thân cuộc sống đâu? Thế nên, hẳn rằng ước mơ cháy bỏng trong tôi là được trở lại Sicilia một vài lần nữa, để thêm yêu cuộc sống của chính mình khi đã nhìn thấy người ta yêu cuộc sống và sự tồn tại của họ trên đời này đến mức nào. Chẳng có gì ngạc nhiên khi ở mảnh đất này, người ta không có khái niệm thời gian. Đồng hồ và lịch treo tường chỉ có ý nghĩa một cách tượng trưng và tương đối ở các nhiệm sở. Nó chẳng có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của cuộc sống thường nhật. Lần sau quay lại, thể nào tôi cũng để đồng hồ ở nhà. Hẳn rồi. Thấy Napoli, và sống Không thể cầm lòng được khi chứng kiến những hình ảnh ấy: các tifosi Napoli chào đón đội bóng của mình trở về nhà sau những chiến thắng. Đấy là mùa xuân 2011. Những gương mặt đầy hạnh phúc, những giọng hát cất lên bài Napoli Napoli đến khản cổ, những lá cờ được các tay thanh niên đi xe Vespa cũ rích đầu không đội mũ bảo hiểm rước đi khắp các khu phố bẩn thỉu đầy rác rưởi và hôi thối, những người trung niên nói trên ti vi về những năm tháng có Maradona. Họ không dám nói đến Scudetto. Người Napoli mê tín, sợ nói trước bước không qua, nhưng sự thật là họ thèm khát Scudetto. Chiến thắng trong cuộc đua với Milan như chính năm 1990 sẽ đem đến vinh quang ấy. Tôi nhắm mắt lại, và tôi ước mình cũng ở đó ngay bây giờ để vui cùng họ, giữa những con phố Napoli, như tôi đã từng vài lần lang thang trong những chuyến đi mạo hiểm nhất, bởi ở Napoli, chẳng ai biết được điều gì sẽ xảy đến với mình. Cái thành phố to lớn dưới chân núi Vesuvio nhìn vịnh Napoli trông như một nửa vầng trăng, tròn như hình pizza Margherita mà màu xanh-trắng-đỏ của nó cũng chính là màu cờ nước Ý (màu xanh từ lá basilico, màu trắng từ pho mát trâu mozzarella, màu đỏ từ cà chua), có một sức thu hút kỳ lạ. Không phải chỉ vì những bài hát đã cả thế kỷ rồi mê hoặc thế giới và đưa hàng triệu người từ khắp nơi đến đây thăm viếng, như bản Santa Lucia về một khu phố cũ phía bên ngoài cảng Napoli, hay như một hài hát ca ngợi pizza trong tiếng mandolin (“mặt em tròn như pizza, ngực em tròn như pizza”). Cũng không phải chỉ vì Napoli rất đẹp, mà vì cuộc sống đầy trăn trở, lộn xộn và ầm ĩ của nó dạy cho ta quá nhiều điều. Xe tôi đã qua những khu lụp xụp tường tróc lở loét ở Tore del Greco, ngoại ô Napoli, qua những khu phố xù xì và cửa nhà nhìn từ cao xuống trông như một khu rừng. Chân tôi đã đi qua những khu quần áo phơi ngang giữa các ban công mà nước nhỏ xuống lướt thướt ở Spaccanapoli hay Spagnoli, những con phố dài và hẹp chạy tít tắp chia ngang thành phố với những đứa trẻ nhảy lò cò trên mặt đất, những vòi nước chảy ngày đêm với một cái xô mà người dân mất nước mang ra hứng. Mắt tôi đã nhìn Napoli từ trên một ngọn núi, nơi ngự trị một ngôi nhà của Chúa, đã thấy ở phố San Gregorio Armeno những bức tượng người nổi tiếng và tượng thánh bằng thạch cao mà ở đó biết bao thế hệ người Napoli đã sống và truyền nghề từ đời này sang đời khác, đã thấy trong khu trung tâm cổ một chiếc ghế có hàng trăm năm tuổi mà những người phụ nữ hiếm muộn vẫn hay ngồi vào với ước nguyện có con. Mũi tôi cũng đã ngửi thấy phảng phất trong không khí mùi pizza đế dày thơm ngậy lẫn thứ mùi cháy đặc quánh chất rác thải công nghiệp ở Castel Volturno, ngoại ô thành phố, nơi có trại tập của đội bóng Napoli. Camorra đang đốt rác trong những khu rác thải trái phép ngày càng trở nên rộng lớn hơn, rác vương vãi trong những khu phố, vương vãi cả bên cạnh “miếu thờ” Maradona, trong đó có lưu một lọ nhỏ đựng những giọt nước mắt của các tifosi ngày anh ra đi tháng Ba năm 1991. Không ở đâu trên đất Ý, người ta chết vì ung thư, ô nhiễm và mafia nhiều như ở nơi này. Trời Địa Trung Hải chỉ xanh trong vắt ở phía biển, còn ở đất liền là một màu khác. Napoli, do đó, là một thành phố tập hợp tất cả những điều trái ngược: pizza và rác rưởi, những người dám lên tiếng chống lại mafia và luật im lặng, tình yêu và lòng căm thù, và cuộc sống cùng cái chết. Camorra ở khắp mọi nơi. Quê hương của pizza (bánh pizza) cũng là thánh địa của pizzo (tiền bảo kê), khi chúng trở thành một doanh nghiệp kiếm lãi xấp xỉ mười tỷ euro một năm. Ở Napoli, hoặc làm người hùng, hoặc làm cướp, hoặc làm bà hoàng, hoặc làm đĩ. Garibaldi, Caruso, Napolitano, Sophia Loren, Cannavaro ở nơi có ánh sáng. Fra Diavolo (tướng cướp) và Antonio La Torres (camorra) ở nơi đầy rẫy bóng tối. Nhưng người Napoli lại có câu: Trong mỗi kẻ cướp đều có gương mặt của một thiên thần. Ở đó, người ta luôn sống trong hình bóng Maradona, sống như chính Maradona, một cuộc sống hỗn độn. Họ cũng chết đi sống lại nhiều lần như anh, vì lỗi của họ, và vì chính sự nghiệt ngã của cuộc sống miền Nam nước Ý. Các tifosi đã từng căm thù Maradona, nhưng khi vết thương từ Italia 90 được thời gian làm liền lại, họ lại yêu anh, say đắm và cuồng điên hơn trước, bởi đấy là một tình yêu xa cách, khi cảm thấy đã mất anh mãi mãi. Có lẽ vì sự mất mát ấy, Napoli căm thù nước Ý như đã từng trong những năm quá khứ, căm thù vì cái ý nghĩ, rằng ai đó đã ra sức ngăn cản Napoli được ăn mừng thêm vài lần nữa, chẳng hạn như đã làm tan nát cái ước nguyện được nhìn thấy Maradona và những đồng đội của Scudetto 1987 bay nhảy trên sân San Paolo trong một trận đấu kỷ niệm. Thánh Diego luôn tồn tại và chắc chắn sẽ còn ở lại rất lâu, trong cuộc đời của những người Napoli, trong những câu chuyện kể lại, những gì anh đã làm được đã hòa tan và chảy trong máu của họ, những tifosi. Anh đã có những sai lầm, nhưng anh lại chính là đứa con yêu quý nhất mà thành phố luôn sẵn sàng tha thứ, kể cả khi anh dẫn dắt đội Argentina loại đội tuyển Ý khỏi bán kết Italia 90 ngay tại Napoli, như một trò đùa của số phận. Thật kỳ lạ, Maradona đã đánh bại chính nước Ý tại “nhà mình”, không phải là nhà của đội Ý dù đấy là đất nước của họ, mà là nhà của Maradona, bởi Napoli chính là nhà của anh. Ý Thế nên, nước Ý chưa bao giờ quên Maradona, theo cách của riêng họ. Trong khi đồng hồ của người Napoli đã ngưng chạy kể từ những ngày mơ mộng với Maradona, thì đồng hồ của sở thuế vẫn chạy. Con người mà những năm 1980 có lẽ nổi tiếng chỉ sau Giáo hoàng ấy vào năm 2007 đã bị Tòa án tối cao Ý tuyên “trốn thuế”, số tiền lãi truy thu thuế của anh tăng mỗi phút 2,03 euro, tương đương 3.068 euro mỗi buổi sáng khi Maradona thức dậy. Vào ngày Thánh Diego kỷ niệm sinh nhật lần thứ năm mươi mới rồi, số nợ thuế anh phải trả đã đạt 34 triệu euro. Dĩ nhiên Maradona không trả, và vì thế, anh không dám đặt chân lên nước Ý nữa. Napoli yêu anh trong câm lặng của mối tình xa. Và cuộc sống vẫn cứ chảy trôi như nó phải vậy trên bến cảng, trong những khu phố dù là cao cấp hay cặn bã. Những đứa trẻ vẫn đá bóng trong những khu phố bẩn thỉu và nhếch nhác mà trên đầu chúng là một mảng tường lớn vẫn còn nguyên bức vẽ Maradona đang vờn quả bóng. Những đứa lớn hơn thì vẫn yêu thương Napoli trong trái tim, nhưng buộc phải ra đi để kiếm việc làm, và tránh những cái chết treo lơ lửng trên đầu, dù ở Napoli, người ta dửng dưng với cái chết. Chết chóc là chuyện xảy ra gần như hằng ngày, và không ai biết được lúc nào lại có người ngã xuống trong những khu phố mà tiếng súng luôn vang lên như những thông điệp. Đe dọa, tàn khốc và chết chóc. Một đoạn băng video được ghi lại từ máy quay an ninh khiến chính nước Ý bị sốc mấy năm trước: người ta điềm nhiên bước qua xác một người vừa bị camorra giết chết, không ai thể hiện một điều gì trên gương mặt. Họ đã quen điều đó. Cái chết là một phần của cuộc sống hiện tại ở Napoli và vùng Campania, hệt như ở Palermo, Trapani hay Corleone tại Sicilia hơn hai mươi năm về trước. Dửng dưng với cái chết, nhưng không ai quay mặt lại với những niềm vui. Và đã vui là phải ầm ĩ. Bởi thế, năm mới nào ở Napoli cũng có người chết vì pháo, vì dùng súng bắn lung tung thay cho pháo, và mỗi chiến thắng của đội bóng màu xanh bầu trời Địa Trung Hải đều được đón mừng một cách điên rồ nhất. Bóng đá đã làm cuộc sống nơi đây đẹp lên nhiều lần, đẹp như những bài dân ca da diết. Cuộc sống càng phức tạp và rủi ro càng nhiều, người ta càng yêu cuộc sống và gắng sống biết bao. Những ngày rung chuyển núi lửa Vesuvio và cả vùng Napoli đã qua hơn hai mươi thế kỷ. Maradona không trở lại. Nhưng những giấc mơ Scudetto chưa bao giờ chết đi. Mơ để sống. Có một câu nói kinh điển về Napoli, rằng “Thấy Napoli rồi chết”. Tôi không tin là thế. Phải sống để thấy hết vẻ đẹp của thành phố, của con người và thiên nhiên đất trời, sống để thấy họ yêu cuộc sống qua bóng đá và qua cuộc chiến sinh tồn vì công lý đến nhường nào. Như Roberto Saviano, người đã tố cáo camorra bằng ngòi bút và giờ đã bị chúng tuyên án tử hình, phải sống trong sự bảo vệ 24/24 của cảnh sát, đã muốn hét lên đến vỡ cả lồng ngực: “Lũ khốn, ta vẫn sống”... Không đề cho Positano Tôi biết đến Positano và Bờ biển Amalfi (Costiera Amalfitana) theo một cách khác: một bộ phim lãng mạn với một trường đoạn tình yêu đẹp đúng kiểu Ý với kết cục buồn. Nhưng Positano cũng như những thành phố chạy dọc bờ biển miền Nam nước Ý, từ Salerno, qua Positano đến Sorrento, chẳng bao giờ đem lại nỗi buồn và sự cô đơn cho bất cứ ai. Thành phố nhỏ bé với vài trăm nóc nhà lô xô ven biển ấy chỉ có hơn ba nghìn dân, nhưng những trang sách du lịch viết về nước Ý bảo rằng đấy là thành phố biển được chụp ảnh nhiều nhất trên thế giới. Khách sạn cũ kỹ mà tôi ở nằm trên một vách núi đá ngay sát bờ biển. Ban công chìa ra như một cánh tay mời gọi và chỉ cần mở ri đô và hai cửa gỗ sơn trắng là biển tràn vào một cách dữ dội trong phòng. Đấy là một đêm trăng tròn tháng Sáu trên vịnh Salemo. Ánh trăng lung linh trải dài trên mặt nước trước mặt. Tiếng sóng ầm ì trong tiếng gió đập vào những vách núi đá cao vút phía sau. Những ánh sáng đèn rạo rực từ Praiano gần đó trông như ánh đèn pha của một con tàu khổng lồ vừa nhô mũi ra khỏi cửa biển. Tiếng gió rì rào rung những cành lá và bật tung những tấm che cửa sổ màu trắng mà chắc là ở trong đó nhìn ra, biết bao con mắt đang ngắm biển đêm. Một con tàu vẽ ra một vạch nước dài trắng lấp lánh cắt ngang mặt biển. Con đường ngoằn ngoèo chạy phía dưới những hàng cây dọc bờ biển như một sợi dây nối liền giữa những thế giới: thế giới của biển và trời mà màu xanh ngát không một chút gợn mây của Địa Trung Hải hòa vào làm một khiến đôi khi không thể phát hiện được đâu là đường chân trời, thế giới của núi mà vách đá dựng đứng và thế giới của những thành phố nhỏ trên triền núi chạy sát ra phía biển trên một chiều dài hơn năm mươi cây số của bán đảo Sorrento, vốn được gọi là Bờ biển Amalfi. Đấy là bờ biển không bao giờ ngủ như những bãi cát ngàn năm sóng vỗ, mà những buổi bình minh và hoàng hôn làm cho nó giống như thiên đường. Không có gì ngạc nhiên khi người ta gọi đó là bờ biển đẹp nhất của nước Ý. Cái nhất ấy không phải qua bất cứ cuộc bình chọn nào hết, mà vì thơ ca và âm nhạc đã đưa bờ biển Amalfi vào thế giới của sự lãng mạn. Nhưng cũng không cần đến thơ ca nhạc họa nào để thể hiện điều ấy: bất cứ ai đứng trước biển và ngắm nhìn một màu xanh mát mắt đến tận chân trời, những mái nhà chạy từ trên núi ra biển, những ban công rực một màu hoa giấy, đều có thể trở thành thi ca. Màu xanh trở thành một ấn tượng rõ rệt không bao giờ có thể phai mờ trong tâm trí những ai đã đi qua chặng đường ngoằn ngoèo và hẹp chỉ đủ hai làn xe uốn theo những triền núi dọc bờ biển với hàng trăm khúc cua gấp, đã dừng lại ở những thành phố nhỏ trên con đường ấy, hoặc đã tắm trong làn nước mát ở những bãi tắm được cho là đẹp nhất nước Ý. Sorrento là thành phố lớn nhất của bán đảo mang tên nó. Bài hát bất hủ mà anh em De Curtis viết ra mang tựa đề Trở về Sorrento đã nhắc đến biển như một điều gợi cảm hứng ngọt ngào yêu đương “Vide mare quant’ è bello, sprira tanto sentimento”48. Bài hát ấy ra đời cách đây hơn một thế kỷ. Ngày ấy, Sorrento cũng như Positano vẫn còn nguyên sơ, nghèo nàn và có lẽ, không giống như một bảng màu sắc rực rỡ và đầy thơ mộng như bây giờ. Nhưng Sorrento khó gợi nên những cảm xúc choáng ngợp trước vẻ đẹp của trời, biển và những ngôi nhà trông cứ như những đồ chơi xếp hình chạy lô xô ở chân núi tít lên phía trên những vách đá, những con phố nhỏ xíu và dốc chạy một chiều uốn quanh những ngôi nhà sơn trắng như ở Positano. Positano có màu vàng của chanh, thứ đặc sản nổi tiếng mà chỉ bán đảo Sorrento mới có cùng những sản phẩm từ chanh như nước hoa, nước chanh lên men (limoncello) và nến; màu đỏ và tím của những giàn hoa giấy được uốn công phu trên những bức tường, những cổng nhà hay ban công; màu trắng của biệt thự và khách sạn mà một thời những nhân vật nổi tiếng như Jacqueline Kennedy, Rudolf Nureyev, Frank Sinatra, Gore Vidal, The Platters hay ban Rolling Stones đã ghé qua (Mick Jagger và Keith Richards đã viết Midnight Ramblers vào năm 1969 trong một quán cà phê ở Positano) ; và bao trùm lên tất cả, màu xanh thăm thẳm. Không thể không cảm thấy xúc động sâu lắng khi nghe một đôi uyên ương đi ngang qua trên con phố hẹp Positano, chàng trai ngân lên bài Azzurro49 của Adriano Celentano, về một chàng trai hối hả lên tàu để đuổi kịp người yêu đã đi nghỉ mát: “Màu xanh, buổi trưa quá xanh đối với anh Anh nhận ra mình không còn chút sức sống khi không có em ở bên Anh nhảy lên tàu và hướng về phía em”. Sức hấp dẫn của thành phố nhỏ bé ấy lớn một cách kỳ lạ. Và nếu Celentano đã hát như thế những năm 1960, thì đó là vì tâm hồn người nghệ sĩ đã nhận ra vẻ đẹp của thành phố có lẽ chỉ sau một cái nhìn. Hàng trăm nghìn du khách đến đây mỗi năm chỉ vì cái nhìn ấy, và họ không bao giờ thất vọng, vì chỉ những chi tiết nhỏ của thành phố cũng đủ để nó đi vào thơ ca, chẳng hạn một nóc nhà thờ, một tháp canh nhỏ bên bờ biển có từ sáu thế kỷ trước, hay những biển số nhà bằng gốm hết sức độc đáo. Positano từng là một làng chài nghèo khó đầu thế kỷ 20 và chỉ đến những năm 1950, khi nhà văn Mỹ John Steinbeck viết một bài báo về nó trong tạp chí Harper’s Bazaar vào năm 1953, Positano (và sau đó, Sorrento cũng như đảo Capri) mới được cả thế giới biết đến. Ông viết: “Positano là một giấc mơ không có thật ngay cả khi bạn đang có mặt ở đó và nó bỗng nhiên trở nên có thật ngay khi bạn vừa mới bước chân đi.” Những người già của thành phố có thể kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về các nàng tiên cá vẫn hay hiện lên ở ngoài khơi Positano, giữa làn nước xanh biếc trong những đêm trăng sáng để quyến rũ các thủy thủ trên con tàu của chàng Ulysse trong tác phẩm Odyssey. Còn nếu thần thoại Hy Lạp có nhắc đến những cô gái nửa người nửa cá thì vùng biển ấy chắc chắn là Positano. Những câu chuyện cổ tích chỉ để làm tăng thêm sự hấp dẫn của một vùng đất kỳ lạ, mà cách đó hơn sáu mươi cây số là Napoli, một thế giới khác, nhếch nhác, hỗn loạn, trộm cướp và camorra. Positano không biết đến những điều ấy. Những hình ảnh đẹp đẽ của nó phát đi khắp nơi trên thế giới vẫn ngày ngày thu hút rất nhiều du khách ghé qua và thể hiện tình yêu của họ đối với trời và biển. Nhưng những bộ phim lãng mạn Hollywood lại chỉ tìm kiếm ở nơi đây khung cảnh trữ tình để làm nổi bật những góc khuất của tình yêu. Trong Only You (1994), cô Faith mơ mộng (Marisa Tomei) đi tìm người tình trong mộng có tên Damon Bradley trên đất Ý, chạy theo hình bóng của anh ta khắp nơi, từ xứ Umbria, qua Roma, cuối cùng tìm thấy anh ta trong khách sạn nổi tiếng Le Sirenuse ở Positano và vỡ mộng khi biết đấy chỉ là một gã trai lơ lừa tình. Trong Under the Tuscan Sun (2003), Frances (Diane Lane) được Marcello (Raoul Bova) đưa đến Positano, trên con đường dọc bờ biển, bằng chiếc xe mui trần của anh. Người phụ nữ Mỹ nghĩ rằng, đấy là sự khởi đầu mới trên đất Ý sau cuộc ly dị. Ngày trở lại Positano, cô đứng dưới ban công nhà anh trong ánh hoàng hôn, xa xa là cảnh thành phố thanh bình và yên ả chứng kiến một câu chuyện tình. Cô háo hức gọi và sụp đổ khi thấy anh chàng điển trai người Ý đã có một cô gái khác đang đứng trên ban công chờ chàng... Người ta nói rằng, người Ý không tồn tại, và những ai nghĩ mình là người Ý thì bao giờ cũng lồng vào đó nơi sinh ra. Không có người Ý, chỉ có những người sinh ra ở miền Bắc giàu có hay miền Nam nghèo khó. Sinh ra ở Torino hay Palermo tự thân nó đã nói lên quá nhiều điều. Nhưng còn những người Positano nghĩ gì khi ai đó gán cho thành phố của họ biệt danh “tim vỡ”, vì dường như vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời ấy không nhanh biến đổi như lòng người? Đêm Positano chỉ còn tiếng sóng. Những ánh đèn từ các quán cà phê bên lan can nhìn xuống phía biển hắt ra sáng lấp lánh. Những con đường dốc dẫn đến nhà thờ Santa Maria Assunta ở trung tâm thành phố chìm trong Á những mảng sáng tối. Ánh trăng rọi qua những kẽ lá hoa giấy đỏ rực của một khoảnh sân thượng khách sạn. Biển vẫn ì oạp ở phía dưới, những chiếc xe đi chơi đêm vẫn loang loáng chạy qua trên con đường, và xa kia, Positano rực rỡ ánh đèn như một viên ngọc. Tôi biết, thể nào cũng có ngày tôi trở lại.... Ravello, trong giấc mơ... Tôi đã nhìn thấy biển xanh thăm thẳm từ trên núi có những rặng thông Ý như thế qua một giấc mơ tuổi thơ, sau khi xem một bộ phim về thần thoại Hy Lạp. Hình ảnh mê hồn ấy và những ấn tượng thơ ấu vẫn còn lưu giữ cho đến một ngày được đến Ravello, đứng trước Địa Trung Hải, và choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên thần của một vùng bờ biển Amalfi. Khi những cơn gió thổi tung mái tóc và tai nghe tiếng rì rào của biển dưới chân, mắt nhìn tới nơi xa thẳm của một vùng Địa Trung Hải trong một buổi chiều không thể đẹp hơn được, mà trời và biển gần như cùng một màu, sẽ không ai cảm thấy cô đơn và nhỏ bé như cảm giác thường gặp mỗi lần đứng trước biển. Ravello không làm cho bất cứ ai cảm thấy mình có một trái tim vỡ, bởi trước biển, trời, mây, gió lộng và cảnh vật đẹp mê hồn đến thế, người ta chỉ có thể thấy yêu cuộc đời hơn rất nhiều. Tôi đã đứng lặng đi không biết bao lâu trước khung cảnh ấy, khi từ Villa Ruiolo có từ thế kỷ 13, nhìn xuống cả một vùng biển xanh ngắt phía dưới và trời lồng lộng phía trên. Nhắm mắt lại và nghe gió vi vu, hít căng lồng ngực bầu không khí mát lạnh nhất của cuộc sống và cảm thấy không còn lời nào để mô tả cảnh vật nơi đây, khi nó đã từng in đậm trong một giấc mơ. Giấc mơ tuổi thơ ấy đã trở thành nỗi ám ảnh lớn lao đến mức cứ phải ấp ủ mãi ý định tìm đến một nơi như thế, và rồi sững sờ và xúc động đến mức câm lặng khi biết được nơi ấy có thật, qua một tấm bưu thiếp có đề tên Ravello. Phải, giấc mơ thành sự thật, một khi người biết ước mơ luôn muốn biến những giấc mơ thành hiện thực. Thành phố nhỏ bé nằm chơi vơi trên rặng núi lọt sâu trong một vịnh biển với con đường ven bờ Amalfi huyền thoại và góc nhìn từ Villa Rufolo ấy có một sức quyến rũ không thể nào cưỡng nổi với những ai đã đến đây, dù con đường đi lên Ravello không dễ dàng chút nào. Với tôi, Ravello còn đẹp hơn những gì tôi đã thấy trong mơ. Con đường SS 163 dài hơn năm mươi cây số từ Salerno đến Sorrento chênh vênh một bên là vách đá, một bên là biển gầm gào mát rượi. Con đường từ đó lên núi, nơi có Ravello, còn khó khăn hơn, với những vách núi dựng đứng, những đoạn đường chỉ vừa một làn xe qua, những khúc cua gấp chỉ có lái xe thiện chiến mới xử lý nổi. Nhưng khi dừng xe lại bên một rặng cây lấy bóng mát bên vách núi, bỏ xe đó để bắt đầu một cuộc đi bộ trên những con đường nhỏ và khúc khuỷu của thành phố mà những quảng trường trở thành xa xỉ và những ngôi biệt thự nhỏ cổ kính đầy dây leo rải rác khắp nơi, là thấy một thế giới khác với những gì ta đã thấy dọc con đường Amalfi, rực rỡ màu vàng của chanh, màu đỏ tím của những cây hoa giấy, màu xanh của trời và biển. Chanh Ravello có vẻ vàng hơn, hoa giấy hình như tươi thắm hơn và trời xanh sâu thẳm hơn. Những người Ravello hiếu khách hình như cũng nói một thứ tiếng Ý đậm sắc Napoli hơn. Những khu vườn có lẽ cũng rậm rạp và hoa nở tươi thắm hơn. Nhưng đẹp hơn và yêu đời hơn tất thảy là cảm giác được sống để ngắm biển từ Villa Rufolo, Villa Cimbrone - những viên ngọc của Ravello, từ nhà thờ Thánh Cosma và Damian, từ tất cả những nơi có thể hướng mắt mình ra những màu xanh đáng yêu nhất của cuộc đời. Không nơi nào trên con đường Amalfi ngắm biển đẹp như ở nơi này, nhất là khi hoàng hôn xuống và bình minh lên. Biển hiện lên quá đỗi thân thương mà cũng có phần xa cách từ những ban công nhà ở Ravello. Ở Amalfi, biển ùa vào tận giường một cách dịu êm nhưng cũng thật dữ dội. Ở Positano cách đó không xa nơi tôi từng ở mấy đêm, biển theo ánh trăng vào tận những căn phòng khách sạn có bao lơn chìa ngoài, làm tung những tấm ri đô cửa sổ. Ở Ravello, biển không phải là một người bạn gần gũi như ở những thành phố đẹp mê hồn đã nêu tên kia, mà biển xanh thẳm như một người tình xa để yêu và để ngắm, yêu mà không thể đến gần được hơn nữa. Cả một vịnh màu xanh uốn lượn đến phía trước khi tôi đang đắm mình trong một biển hoa đỏ ở Villa Rufolo. Tiếng sóng biển rì rào nhẹ nhẹ phía dưới như những nụ hôn gió, và những vệt trắng xóa dài trên mặt biển của những chiếc ca nô đang lướt đi như những vệt xước của trái tim. Xa mà gần, gần mà xa. Cuộc đời này vẫn đáng sống biết bao... Một người bán bar ở gần Villa Cimbrone nói, có một huyền thoại kể lại rằng, chính ở Ravello, quỷ Satan đã đưa Chúa Jesus qua để cho Ngài thấy vẻ đẹp của thế giới trong “Cám dỗ thứ hai của Chúa” (Phúc âm Luke 4: 5- 8). Vậy, Chúa Jesus đã nghĩ gì khi ngắm nhìn biển từ đây nhỉ? Và những văn hào như Boccaccio (đã nhắc tới Villa Rufolo trong tác phẩm nổi tiếng Decameron), Andre Gide, David Herbert Lawrence, Truman Capote, Graham Greene và Virginia Woolf, những nhạc sĩ như Edvarg Grieg, Richard Wagner, Tennessee Williams, Leonard Bernstein, những thi sĩ như Sara Teasdale và tài tử như Greta Garbo... cũng đã nghĩ gì khi đặt chân đến Ravello sau một chặng đường núi gian nan và sau đó, ở lại đây một thời gian dài, cảm thấy yêu mến Ravello và tên tuổi của họ trở thành bất tử cùng với thành phố? Không ai biết, nhưng điều chắc chắn, là nếu như họ không tìm thấy ở đây một trái tim nào đó khiến họ phải đi nửa vòng thế giới để kiếm tìm, thì họ cũng đã gặp được những cảm hứng cho nghệ thuật. Năm 1880, khi đến Villa Rufolo, sững sờ trước vẻ đẹp của biển và khu vườn đẹp như Địa đàng ở đó, Richard Wagner đã thốt lên, “Khu vườn Klingsor huyền bí chính là đây.” Chính đây là nơi đã tạo cảm hứng để ông viết chương 2 của vở opera Parsifal. Nữ thi sĩ Teasdale đã từng nhắc tới Ravello trong tập Love Songs. Frank Senior cũng ca ngợi Ravello với bài hát cùng tên trong album Paris Deluxe. Trong một ngôi nhà nhìn ra biển, Lawrence viết nhiều chương của cuốn Người tình của quý bà Chatterley, Gide viết một phần của Kẻ vô luân (1954). Nhưng Ravello, trên hết là âm nhạc. Có lẽ vì nhìn thấy tâm hồn mình và cảm giác được giao hòa với màu xanh bất tử và bất biến ấy, mà nơi đây biến mình thành một thành phố của âm nhạc, từ những cảm hứng của Richard Wagner. Âm nhạc trên cái bao lơn rộng lớn đủ chỗ cho một dàn nhạc giao hưởng và vài trăm khán giả thưởng thức hằng đêm. Liên hoan âm nhạc Ravello đã diễn ra ở đó vào các mùa hè từ hơn nửa thế kỷ qua, liên tục, không ngưng nghỉ, hằng đêm, cho đến năm giờ sáng, khi bình minh lên. Không thể tưởng tượng nổi Ravello không có âm nhạc, nhất là vào những đêm trăng. Trong bóng đêm tịch mịch hoặc khi đất trời chuyển mình vào một buổi sớm mai, ở sân khấu ấy, âm nhạc vang lên theo những cung bậc đẹp đẽ nhất của nó, trong tiếng sóng rì rào dưới vịnh biển, tiếng gió nhẹ làm rung cây thông Ý phía trên hai chóp của nhà thờ Santissima Annunziata in Campidoglio. Nếu cuộc đời này là âm nhạc hòa trong gió biển, thì giấc mơ tiếp theo của tôi là một đêm Ravello như thế, ở độ cao bốn trăm mét so với mực nước biển, nghe gió vi vu ở một tầm nhìn gần như vô tận về phía biển. Xa tít phía dưới là con đường Amalfi chạy dọc bờ đá, xa phía biển trong sương mờ là đảo Capri và xa nữa, bên tay phải, Sorrento. Sorrento cho một cuộc trở về... Sorrento, ra đi là để trở về Tôi đến đây cũng chỉ vì bài hát ấy, không phải khi nó được hát bằng tiếng Anh theo đúng kiểu phát âm ngàn ngạt giọng mũi của Elvis Presley, mà bằng chất thổ ngữ Napoli kinh điển của Beniamino Gigli. Sorrento khi ấy được phát âm thành Surriento, da diết và man mác buồn như tiếng sóng biển đập vào bờ đá phía dưới chân thành phố. Hầu như bao giờ đây cũng là điểm cuối cùng trong những chuyến đi xuống miền Nam nước Ý của tôi. Để đến được nơi ấy trên một hành trình dài cố ý ngắm càng nhiều càng tốt dọc bờ biển, con đường AI tới Napoli bao giờ cũng được đổi hướng ở Salerno, ngoặt xuống đường SP 163 dọc bờ Amalfi lãng mạn và mê say hơn tất thảy, qua những Atrani, Amalfi, Conca dei Marini, Positano, Ravello, Nerano và Massa Lubrense, những viên ngọc nhỏ lóng lánh dưới ánh mặt trời, uốn mình trên con đường ngoằn ngoèo với một bên là núi đá, một bên là biển xanh thẳm dưới bầu trời Địa Trung Hải lồng lộng. Thế rồi con đường bỗng nhô ra ở điểm xa nhất của bán đảo Sorrento chìa ra biển như một mũi tàu thủy, và hạ xuống thấp, để thấy thành phố mang tên bán đảo ấy trải ra trước mắt trong một biển màu vàng: màu vàng ruộm của những vườn chanh cho ra thứ rượu limoncello hảo hạng nhất, màu vàng sậm của gốm, và màu vàng hơi đỏ của những bức tường các ngôi nhà cổ. Sorrento không mộng mơ như những thành phố dọc bờ biển Amalfi tôi đã đi qua và lặng người ngắm hoàng hôn lặn dần ở chân trời xa, không gợi nên những cảm giác xa vắng và thậm chí cô đơn như khi ở Ravello, nhưng phải có một sức thu hút nào đó với những vĩ nhân của mọi thời đại thì mới đáng để ca ngợi đến như thế, và từ đó mà một bài hát đã ra đời, trở thành một trong những bản ballad mà chỉ cần nhạc cất lên là tâm hồn những ai nghe nó đã muốn lơ lửng đến nơi này. Hai thế kỷ sau khi những trang viết đầu tiên mô tả vẻ đẹp cổ điển và ấm áp của Sorrento được viết ra và đi khắp châu Âu, thành phố vẫn sống trong không khí của thế kỷ 19. Cái gọi là “Grand Tour” mà vào cái thế kỷ lãng mạn nhưng đầy biến cố ấy đã đưa đến đây những Goethe và Lord Byron, những ông hoàng và bà hoàng, những nhà khoa học và biết bao nhạc sĩ, đã trở thành một dạng “gran turismo” theo đúng chất Ý. “Gran Turismo”, bởi ở cái thành phố mà quảng trường trung tâm mang tên nhà thơ Torquato Tasso, người đã sinh ra ở đây, bị bao vây bởi các con phố nhỏ bán đồ lưu niệm và những sản phẩm đặc trưng của Sorrento, từ dép sandal, với những người thợ có thể đóng dép ngay cho bạn, từ các mặt hàng liên quan đến chanh và ớt, các du khách đến thăm vẫn tự hỏi, điều gì đã khiến các nhà văn viết nhiều đến thế về Sorrento và tại sao anh em nhà De Curtis lại sáng tác bản Trở về Sorrento vào năm 1902. Phải chăng đó chỉ là một sáng tác theo đơn đặt hàng của thị trưởng Sorrento lúc ấy là Guglielmo Tramontano, để tặng thủ tướng nước Ý Giuseppe Zanardini đến thăm thành phố, với một ý nhắn nhủ nào đó, hay là còn bao hàm một ý nghĩa lớn hơn thế, như là một thông điệp về tình yêu cho những người rời khỏi Sorrento ra đi? Có lẽ là cả hai, nhưng những người yêu nước Ý luôn cố gắng hiểu theo nghĩa thứ hai hơn, khi tình yêu với họ là lẽ sống. Và nhờ thế mà bản nhạc đã đưa biết bao người biết nó trước khi nghe đến tên thành phố tới nơi đây và làm sống lại cảm giác ban đầu, khi họ thấy lòng xao động trong những nét nhạc của Trở về Sorrento. Khi nhạc dạo bắt đầu cất lên, và giọng của Gigli ngân vang, ấy là lúc những tình cảm mạnh mẽ nhất tràn về. Khi đứng trước biển từ một lan can nhô ra bờ đá mà xa xa vịnh Napoli cong vút như một nửa vầng trăng, tự nhiên văng vẳng trong đầu bản ballad ấy, chợt nhận thấy dù ta có đi đến bất cứ nơi đâu, thậm chí có đi xa nơi đây nửa vòng trái đất, vẫn sẽ có lúc phải nhớ đến Sorrento, và những cảm xúc có được ở cuối hành trình dọc bờ biển Amalfi. Gigli (và về sau, Robertino, Mario Lanza, Franco Corelli và Luciano Pavarotti cũng như nhiều người khác) ca lên: “Em đã đi xa khỏi trái tim anh/Xa khỏi vùng đất tình yêu này/Em không nguyện ước trở lại/ Đừng đi, đừng làm anh đau/Hãy trở lại Sorrento/Hãy để anh sống”. Bài hát của đầu thế kỷ trước đã nhắc đến tất cả những gì đẹp nhất mà Sorrento có thể quyến rũ những ai chưa đến với nó: “Hãy nhìn biển, biển đẹp biết bao/Biển dâng lên trong lòng bao tình cảm/Như tình cảm của em với bao người khác/Em khiến họ mơ trong khi họ vẫn đang còn thức/Hãy nhìn khu vườn này /Và hương chanh, nước hoa thơm/Bốc vào tận trái tim em/Và em nói: ‘Em đi đây, tạm biệt’”, và “Hãy ngắm biển Sorrento/Đấy là một điều kỳ diệu/ Cả những ai đã đi khắp thế giới/Cũng chưa hề thấy biển đẹp ngần này/Hãy nhìn những nàng tiên cá kia/Đang ngắm nhìn em/Và yêu em vô chừng/Thế mà em lại nói: ‘Tôi đi đây, tạm biệt’”. Một lời nhắn nhủ: Sorrento tuyệt đẹp, tại sao em phải đi? Thành phố của những con ngõ hẹp đầy hoa và chanh, của những ông bà già chiều chiều ngồi chơi bài ở dinh thự Sedile Dominova và của cái tiệm kem nổi tiếng mang tên Primavera ấy đã biến đổi qua bao thế kỷ từ một làng chài đánh cá thành một trong những nơi đáng sống nhất ở Ý. Sự thật, là người ta không đến Sorrento để chia tay. Sự ra đi của một ai đó trong đời chỉ có trong bài hát của De Curtis và nếu biết bao bộ phim và bài thơ của những Wolfgang Goethe, John Hay hay Samuel Rogers đã ra đời để ca ngợi nơi này. Sức hấp dẫn ấy, phải chăng chính từ cái tên Sorrento, bắt nguồn từ chữ “surrentum” trong thần thoại, chỉ những nàng tiên cá luôn nhô nửa người trên mặt biển những đêm có trăng, hát lên những bản tình ca du dương quyến rũ tất thảy thủy thủ của những con tàu đi qua vịnh Napoli? Sức hấp dẫn ấy, phải chăng từ những thứ pizza hay spaghetti hải sản đẫm hương vị biển ta đã ăn trong những quán nổi tiếng ở Sorrento như Il Buco hay Tasso, những nơi thể hiện phong cách nấu kiểu bán đảo Sorrento với những thành phần cơ bản là dầu ô liu, cà chua, mozzarella (pho mát sữa trâu) và các gia vị hảo hạng nhất? Và sức hấp dẫn ấy, phải chăng từ những chuyến đi đến và trở về Sorrento từ Capri hay Ischia, những hòn đảo đẹp mê hồn cách đó không xa? Sức hấp dẫn ấy, có khi chỉ đơn giản là từ một cửa hàng vàng rực sắc của chanh trên con phố nổi tiếng San Cesareo. Thứ đặc sản rượu làm từ vỏ chanh được ghi lần đầu trong sử sách ở đây từ thế kỷ thứ 10 và những sản phẩm khác từ chanh, thứ được coi trọng như vàng ở nơi này, từ nước hoa, xà phòng cho đến nến thơm dịu mát, là một phần của thế giới Sorrento. Cả một vùng trời biển mênh mông núi non nhấp nhô với những con đường men vách núi dài hơn bảy mươi cây số ấy từ Salemo đến Sorrento, xa thêm chút nữa đến Pompei, thành phố bị núi lửa chôn vùi cách đây hai mươi thế kỷ và Napoli rộng lớn, lộn xộn và huyên náo, tôi đã đi qua biết bao lần, mà lần nào cũng như mê đi giữa bao cảm xúc choáng ngợp vì vẻ đẹp ấy xóa đi hết mọi buồn phiền và những cơn đau đời đã từng ập đến và để lại dư âm trong tim. Tôi đã đến Sorrento với Trở về Sorrento, và rời nơi ấy ra đi với Goethe: “Em có biết vùng đất nào hoa chanh đang nở rộ/Trong những tán lá xanh cam đã vàng/Một ngọn gió đùa từ trời xanh/Rặng mía đứng im, cành nguyệt quế trầm ngâm/Em có biết nơi ấy/Anh muốn em, tình yêu của anh, tới nơi này... ” Những nẻo đường Calcio "Bóng đá là điều quý giá cuối cùng của thời đại chúng ta” Pierpaolo Pasolini, cố đạo diễn lừng danh Trên mảnh đất calcio Calcio đối với tôi như một bản trường ca về cuộc sống, tình yêu và cái chết. Calcio là những sân bóng cũ kỹ, những khán đài trống vắng có chỗ mọc lên đầy những cỏ, những đám ultra náo loạn những góc “curva”50, những tifosi ngã xuống trong những cái chết vô nghĩa nhất không vì điều gì hết, những giọt nước mắt cho chiến thắng và thất bại, những đêm dài tủi nhục vì bê bối và rực rỡ vì vinh quang. Calcio có sức cuốn hút lạ lùng mà những ai đã yêu nó không bao giờ từ bỏ được, chưa nói gì đến việc giải thích tại sao họ yêu nó. Vì một điều đơn giản, tình yêu ấy là không thể lý giải. Những người không yêu calcio luôn dành cho nó một cái nhìn khinh thị và đầy phiến diện, khi họ chỉ nhìn thấy ở đó những điều tiêu cực và nghiêm trọng. Ánh sáng rực rỡ trên đất Anh, với những trận đấu đông nghẹt khán giả trên những sân bóng đẹp, thứ bóng đá nghệ sĩ bay nhảy flamenco trong điệu guitar thùng trên đất Tây Ban Nha được cho là những gì tiêu biểu nhất của bóng đá thế giới. Họ không hiểu rằng, họ đang bất công với một thứ bóng đá gần gũi nhất với cuộc sống, mà giống như một cây đời từ đó mọc lên, nó mang hết trên mình những dấu vết sần sùi, những vết sẹo lồi lõm và cả những bông hoa đẹp đẽ nhất. Nó sinh ra một đội tuyển chiến thắng rực rỡ trên tầm thế giới ở World Cup, nó tự hào vì có một câu lạc bộ đoạt nhiều danh hiệu nhất thế giới, nhưng bản thân nó cũng chưa bao giờ giấu giếm những khiếm khuyết, bê bối và những ung nhọt trong cơ thể mình. Calcio luôn là một thực thể hai mặt của tốt và xấu, của thiên thần và quỷ dữ, của thiên đường và địa ngục, và những đối cực ấy ngang nhau. Người ta đã tạo ra một ấn tượng, rằng những nền bóng đá đối địch khác, như Anh và Tây Ban Nha, chỉ tồn tại cái đẹp và sự hoàn mỹ. Điều đó thực ra chỉ là những ảo tưởng sai lầm về một cái đẹp không tì vết không bao giờ tồn tại trong đời thực. Calcio có những người hùng đã sống suốt bao năm trong nền bóng đá ấy và trở thành tượng đài của calcio, của lòng chung thủy và tình yêu nghề nghiệp. Có những người đã chi phối nền bóng đá ấy bằng những thủ đoạn, âm mưu hãm hại, gây bè lập cánh và thao túng tất cả. Không có một nền bóng đá nào có sức sống mãnh liệt đến như thế. Trong cái năm nó chìm vào cuộc bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử, đội tuyển Ý đã vô địch thế giới. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính và hỗn loạn về tổ chức, những câu lạc bộ của nó vẫn ngẩng cao đầu trước thế giới và làm câm bặt tất cả những kẻ chuyên chỉ trích, phán xét và rỉa rói nó hệt như những con kền kền. Càng bị đẩy vào khó khăn, định kiến của người đời và trong bê bối, nền bóng đá ấy càng vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, sống động và đầy nghị lực. Nhưng điều đó cũng không có gì khó hiểu nếu nhìn vào lịch sử nước Ý. Chẳng ở đâu trên trái đất này, có một đất nước hơn nghìn năm bị chi phối và đè nén bởi thần quyền (Tòa thánh Vatican) và cường quyền ngoại bang lại tồn tại một phong trào Phục hưng về nghệ thuật và tư tưởng vượt lên những đêm dài Trung cổ. Phải sống và sống lâu ở đó mới hiểu, tại sao, giữa một cuộc sống bề bộn, ngày càng khó khăn hơn vì suy thoái kinh tế, vì sự tụt hậu của đất nước, sự bất ổn của nền chính trị cũng như sự già cỗi và lười biếng trong suy nghĩ của nhiều người, calcio vẫn tồn tại ở ranh giới giữa sống và chết. Tôi đã hiểu ra điều ấy trong những tháng ngày rong ruổi trên đất Ý, từ Bắc chí Nam, trên những con đường dọc dài đất nước, trên những xa lộ dọc ngang nối liền Adriatico và Địa Trung Hải, trên những chuyến tàu chạy xuyên màn đêm lạnh, trong những cuộc tranh luận thâu đêm về bóng đá và cuộc đời với những người bạn mới quen. Trước khi sang Ý, tôi đã nghĩ, bóng đá ở đây là tất cả những gì tồn tại trong cuộc sống của người Ý. Nhưng trên thực tế, sau những gì đã chứng kiến, nó còn hơn thế nữa. Một chiếc khăn Milan tôi đeo có thể khiến những người khác cảm thấy bị khiêu khích bởi Milan gắn liền với Berlusconi, cái tên bao hàm cả nghĩa tốt và xấu (xấu nhiều hơn) đã ám ảnh nước Ý gần hai mươi năm qua. Một cái nhìn hơi lâu vào một cổ động viên đối địch có thể kích động một vụ ẩu đả. Cái chết của một cổ động viên có thể làm gián đoạn cả một nền bóng đá, một gia đình có thể tan nát vì sự đối lập trong tình yêu bóng đá của lứa đôi, những người con có thể từ mặt bố hay mẹ chỉ vì họ ở phía khác. Nhưng có một quy luật không thế đảo ngược: trên cái đất nước lãng mạn và là điểm đến lý tưởng cho các lứa đôi, cũng là nơi mà tỷ lệ ly dị và ly thân đang tăng lên chóng mặt, người ta có thể từ bỏ người tình hoặc vợ, sẵn sàng chia tay những người bạn và tạo thêm cho mình những kẻ thù, nhưng họ không bao giờ phản bội đội bóng mà họ nguyện yêu và đi theo suốt cả cuộc đời. Có gì ngạc nhiên nữa đâu, nếu bạn được nghe một người bạn Ý của tôi giải thích, trong từ nguyên của chữ “tifosi”, ám chỉ cổ động viên bóng đá ở Ý, từ “tifo” thực ra là để chỉ một căn bệnh nguy hiểm truyền nhiễm! Tôi đã nhiễm rồi. Còn bạn? Trên những nẻo đường calcio tôi đi, những cảm giác về đất nước ấy, con người ấy và nền bóng đá ấy luôn sống động trong từng thớ thịt. Một cảm giác xúc động trào lên khi nghe trên loa những bài hát của Roma trên sân Olimpico, gợi nhớ lại Scudetto lãng mạn của họ vào năm 2001. Một sự run rẩy toàn thân khi lọt thỏm giữa hàng vạn người ngồi trên sân San Siro dốc đứng một đêm tháng Mười Hai cho trận Milan- Juve, mà mưa, khói pháo và những tiếng ầm ào không dứt từ khán đài vẫn còn là nỗi ám ảnh. Một sự sợ hãi thực sự khi đứng giữa những cổ động viên quá khích và điên cuồng trong đám tang của một người hâm mộ đội Lazio bị cảnh sát bắn chết cuối năm 2007 (Gabriele Sandri). Một nỗi đau khi đến Como và chứng kiến đội bóng cách đây bốn năm còn chơi ở Serie A nay đã tụt xuống nghiệp dư và không biết đến bao giờ mới trở lại. Một cảm giác hạnh phúc vô bờ khi được nhìn thấy những thần tượng bằng xương bằng thịt. Một cảm giác buồn khó tả khi nhìn thấy những vòng hoa, ảnh, bưu thiếp và cờ đội bóng ở những cột điện, hay cung đường mà có lẽ, một người là cổ động viên đã không bao giờ trở dậy sau một cái chết vì tai nạn. Và một cảm giác háo hức chờ đón những lần nói chuyện trực tiếp đầu tiên với những ngôi sao mà tôi từng sống chung trong một đất nước, thở chung một bầu không khí và nói chung một ngôn ngữ. Bóng đá làm thay đổi phần nào xã hội, và thay đổi bản thân những cá thể sống trong đó. Nó khiến cho người ta hoặc hung hăng và điên cuồng vì say mê hơn, hoặc căm ghét và yêu thương hơn. Trên những nẻo đường calcio tôi đi, nước Ý cũng như nền bóng đá của nó đang ngổn ngang giữa biết bao trăn trở bộn bề, với niềm kiêu hãnh bị tổn thương của một đất nước đang tụt hậu so với thế giới và nay đang gặm nhấm niềm tự hào quá khứ. Hai mươi năm trước, nước Ý giàu không kém Anh quốc. Nhưng bây giờ, nước Ý đã bị bỏ xa hàng nghìn dặm, đã bị Tây Ban Nha vượt qua về phát triển kinh tế và sắp bị một nước nghèo hơn là Hy Lạp đuổi kịp. Chính phủ bất lực và chia rẽ. Lòng dân xao động và bất mãn. Có bao giờ, họ nghĩ rằng đất nước ấy cũng cần một người cầm quân xuất sắc, kiên định và quả cảm như Marcello Lippi, người đã đưa đội tuyển Ý lên đỉnh thế giới trong cái năm mà calcio tụt xuống dưới đáy sâu của những bê bối? Roma Roma e basta51 Suỵt, đừng nhắc đến Scudetto và nếu có nói, thì cũng chỉ nên thì thầm thôi. Những người Roma chính gốc và yêu đội bóng thủ đô bước vào trận derby của năm 2010 với sự hồi hộp của một đứa trẻ ngày đầu đến lớp chưa biết cô giáo mặt mũi thế nào và khắc khoải mong chờ thắng lợi như háo hức chờ bài học đầu tiên. Cụ bà Maria nhất định không cho tôi chụp ảnh bà với chiếc áo in hình cờ đỏ-vàng của đội bóng thủ đô chừng nào tôi chưa nói ra mình là tifoso của đội bóng nào. Không thể nói Lazio, bởi tất cả những ai đến khu Testaccio thần thánh của Roma này đều hứng chịu những cái nhìn giận dữ hoặc chế giễu. Không thể nói Milan, Juve hay Inter, bởi sự phẫn nộ có khi còn lớn hơn thế. Và khi tôi nói tôi ủng hộ đội bóng của con gái tôi (18/22 học sinh lớp hai của con bé là Romanista!52), Maria nở một nụ cười vô cùng mãn nguyện. Một bài diễn văn dài lê thê về tình yêu với Roma bắt đầu. Một nụ cười kiêu hãnh khi kể lại mùa hè rực lửa 1983 mà Roma đoạt Scudetto và khu Testaccio đã điên loạn đến thế nào vào năm 2001, cho Scudetto thứ ba. Nụ cười hài lòng nở trên môi ông lão Riccardo, chồng bà, khi giơ ra một cuốn lịch in hình Totti. Ở nơi trang trọng nhất trong tiệm may nhỏ của họ, bên cạnh cây thánh giá là biểu tượng của Roma. Quy luật được rút ra: đã đến Testaccio, phải nói bạn là Romanista. Thế nên, nếu bạn nói về bóng đá, về Roma và Lazio (đừng bao giờ nhắc đến Juve hay Inter), cụ thể hơn nữa, về trận derby, bạn đã đụng vào một tổ ong. Họ không để cho bạn yên chừng nào chưa thuyết phục được rằng, không gì trên đời này đáng yêu như đội bóng của họ! Tiệm may nhỏ của Maria là một trong số rất ít những cửa hàng ở khu Testaccio, nơi có truyền thống Romanista nhất Roma, treo cờ của đội hoặc nói đến Scudetto. Không phải vì không còn yêu Roma nữa, mà vì mê tín. Những quán pizza, những bar cà phê, quầy bán báo và cả những cửa hàng bán thịt cá có dán logo của Roma đều không có ai nhắc đến Scudetto. Họ đếm từng ngày một cho đến trận derby. Câu lạc bộ của những Romanista (Roma Club Testaccio) mới mở trên đường Lorenzo Ghiberti trang trí đầy những tấm ảnh chiến thắng trong quá khứ của đội và một màn hình lớn để xem trực tiếp các trận đấu của Roma. Hôm nay, câu lạc bộ chưa mở cửa. Nhưng tối mai chắc nơi đây sẽ trở thành chỗ ầm ĩ nhất thành phố. Một người đứng thu tiền ở một quầy bar gần đó thì thầm và ngó quanh khi nói đến chữ Scudetto cứ như sợ quỷ Satan sẽ nghe thấy và hại chết Roma: “Chúng tôi đã chờ đợi cơ hội này suốt chín năm nay. Chủ nhật tới, tất cả những ai đến quán này xem trận đấu đều phải ủng hộ Roma. Ai không ăn mừng, người đó là Laziale53.” Câu tương tự có thể được nói ra ở Tòa thị chính thành phố, nhưng theo hướng ngược lại, vì thị trưởng Alemanno là một Laziale. Trên đài Radio Sport phát sóng ở Roma, một trong ba đài phát thanh ngày nào cũng ra rả Roma và Lazio, người ta tiết lộ rằng một màn cá cược lớn đã diễn ra giữa mấy nhân viên hành chính ủng hộ Roma và Lazio. Tifosi đội nào thua sẽ phải lao động công ích ở sảnh chính của tòa nhà vào sáng thứ Hai! Trên cây cầu tình nổi tiếng Milvio vào ngày derby, còn có “trận đấu” của các cặp đôi. Luca yêu Roma, Silva yêu Lazio (còn hơn một trận derby!). Họ đã khóa những cái khóa của mình trên các cột đèn ở nơi đây đến lần thứ ba. Lần đầu tiên họ làm thế cách đây bốn năm, khi Lazio hạ Roma 3-1. Cái khóa bị ai đó lấy mất. Lần thứ hai họ khóa trên cầu trước một trận derby khác vào năm 2008. Cái khóa cũng bị đưa đi chỗ khác, vì một cột đèn bị quá nhiều đôi yêu nhau khóa lên những dây xích loằng ngoằng trên đó bị đổ. Bây giờ, họ khóa lên cái thứ ba trước trận derby đêm mai, như một bằng chứng cho thấy nam châm Roma và Lazio càng trái cực càng hút nhau. Mối tình “ngang trái” của hai người yêu hai đội bóng thù địch của thủ đô đã kéo dài hơn bốn năm theo cách ấy. Federico Moccia, cây bút nổi tiếng đã viết cuốn Ba mét trên trời làm bùng nổ cái mốt khóa tình yêu trên cầu Milvio, chẳng phải đã từng để một nhân vật của ông thốt lên: “Chẳng ai là hoàn hảo” sao? Vì sự thiếu hoàn hảo ấy, mà Luca sẽ đến Olimpico xem trận derby, Silvia ở nhà. Ai thua, người đó trả tiền ăn đêm! Tôi bỗng nhiên bắt gặp một dòng chữ trên cầu, giữa hàng nghìn những dòng tỏ tình, “Manu e derby”54. Một cô gái nào đó đã gặp và yêu một chàng trai có tên Manuele trong một trận derby? Chẳng ai biết, chỉ biết rằng ở khu quảng trường Ponte Milvio, có một ông chủ trẻ sẵn sàng đổi tên quán bar của mình thành Amo Lazio55, nếu Lazio chiến thắng, một chủ cửa hàng bánh ngọt nhân dịp derby đã chế ra các thứ bánh có tên Totti (bánh mì cứng, với rau rucola đắng và bơ), Vucinic (bánh mì mềm, với khoai tây rán, cà chua và xa lát), Riise (bít tết, cà chua xa lát)... Cả Cassetti, tác giả của bàn thắng vào lưới Lazio lượt đi và bàn hạ Atalanta đưa Roma lên đầu bảng, cũng có tên trong thực đơn (anh là thịt rán, cà chua, mozzarella - pho mát sữa trâu). Roma là pane và pallone56. Một chiếc bánh ngọt có biểu tượng Roma là món quà quý giá nhất cho sinh nhật trước trận derby? Chắc chắn thế, ít nhất là với Ersilia, người bán ằ hàng kiêu hãnh trên đường Tor de Schiavi nói rằng bà là một tifosa của Juve và tên bà cũng là tên vợ cả của Romolo, một trong hai anh em sinh đôi đã lập nên thành phố Roma (thủ đô nước Ý sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2.763 của thành phố sau trận derby ba ngày). Bà ủng hộ Roma vì không thích Inter, và chồng con bà là Romanista. Vậy một Juventina sẽ nói gì cho trận derby vì Scudetto? Ersilia cười: “Roma Roma e basta.” Là Laziale.... ... “là yêu thương hết mực, là ‘non mollare mai’57, là luôn vươn lên chống chọi những bất công, là buồn và đau khổ nhiều hơn niềm vui và nỗi đam mê, nhưng nếu có thể thì hạnh phúc và mê say đến tận cùng”... Những Laziale mà tôi gặp ở Roma mỗi người có một định nghĩa riêng về tình yêu của họ, về cái tên “Laziale” họ mang trên mình. Với Marco Piervenanzi, anh trở thành Laziale là vì cha anh. “Tôi trở thành một cổ động viên Lazio là vì tình yêu mà cha tôi truyền lại cho tôi. Đội Lazio với những laziali còn có ý nghĩa hơn nhiều bóng đá. Ngoài việc là một câu lạc bộ thể thao đa môn, có cả bóng rổ, bóng nước, khúc côn cầu trên cỏ, Lazio còn là cuộc sống của chúng tôi.” Tay nhà báo có vẻ ngoài bệ vệ này là người tôi luôn gặp ở một sạp báo của “người quen” trên đường Prenestina cách nhà tôi ở chỉ độ hai cây số. Lúc nào cũng nở những nụ cười tươi tỉnh, và dường như càng ngày càng tươi tỉnh hơn theo đồ thị đi lên trên bảng xếp hạng Serie A của đội bóng anh yêu mến vào cuối năm 2008, câu đầu tiên mà Marco luôn hỏi tôi mỗi sáng gặp mặt là: “Cậu thấy Zarate thế nào? Tuyệt vời đúng không? Báu vật của Lazio đấy.” Anh hỏi thế, có lẽ là để thuyết phục tôi quan tâm đến đội bóng của mình, và một ngôi sao sáng đang lên của calcio mà vì Trời đã định nên Lazio mới có, nhưng lúc nào cũng bị tôi chê là “xấu trai”. Tôi không dành nhiều tình cảm của mình cho Lazio, đội bóng rất kén người xem và có lẽ có rất ít tifosi ở Việt Nam, nhưng tôi từng gặp những người yêu họ hết mình vì một lý do nào đó, chẳng hạn từng mê Lazio như điếu đổ mùa bóng mà họ đoạt Scudetto 2000, vì Lazio hồi ấy đậm sắc Argentina, với những cái tên như Almeyda, Veron, Simeone... Lazio bây giờ có Carrizo, Ledesma và Zarate, những tên tuổi ít chói sáng hơn ngày ấy, nhưng chất tango chưa bao giờ mất đi, và nếu những ngôi sao Roma không sa sút như hiện tại, đấy sẽ là một trận derby Nam Mỹ Argentina Brazil tuyệt vời, dù chỉ là một bản sao của những trận derby nóng bỏng những năm cuối 1990, đầu 2000, thời bóng đá thủ đô trên đỉnh calcio. “Những năm 2000, sức mạnh kinh tế của Lazio và Roma là không thể bàn cãi, nhưng cái giá phải trả cho những Scudetto 2000 và 2001 quá đắt. Lazio và Roma đứng trước nguy cơ phá sản, những trận derby cũng mất đi sức nóng của nó, khi những ngôi sao ra đi.” Zarate và thế hệ những người mới đến Lazio là sự mở đầu cho một làn sóng mới những ngôi sao sẽ làm cho niềm tự hào của Lazio thêm mãnh liệt. Roma đã sai lầm trong chuyển nhượng và phải trả giá. Lazio làm tốt hơn thế, và đang trở thành một thế lực thực sự của calcio. Nó cũng thể hiện một xu hướng mới trong cuộc sống thủ đô: sự vươn lên của những doanh nghiệp trẻ và mới mẻ, hầu như không phải người Roma chính gốc, mà đến từ những vùng khác của đất nước. Nhưng vì lẽ gì Lazio và Roma phải khác nhau đến thế, như Chúa đã quy định rằng họ sinh ra là để chống lại nhau? Marco có cách giải thích của riêng anh, từ cái nhìn của một người đã có Lazio trong máu thịt: “Lazio ra đời năm 1900, Roma sinh sau chúng tôi hai mươi bảy năm và do đó ít tuổi hơn Lazio về lịch sử. Đội bóng mặc áo xanh mang tên Lazio có một lý lịch quý tộc, được sinh ra ở trung tâm thành phố, tại quảng trường Tự Do. Nó có một lịch sử lâu đời gắn bó với những khu trung lưu và giàu có của thành phố. Roma do đó bình dân hơn và nhiều cổ động viên hơn như một lẽ đương nhiên.” Chưa có con số thống kê nào đưa ra về số lượng Laziale và Romanista ở thủ đô, nhưng Marco cho rằng tỷ lệ này là 1/4. Roma chỉ đơn thuần là đội bóng của thủ đô, có nhiều tifosi trong lòng thành phố, vì “nhiều người chọn Roma chỉ bởi tên của đội bóng cũng chính là tên của thành phố. Lazio có một bản sắc rõ rệt hơn nhiều và đó là điều luôn giúp người ta phân biệt đội bóng nào được yêu thích hơn trong một thành phố. Ở Milano, Milan có đông tifosi hơn Inter. Tại thành phố Torino, đội Torino có nhiều tifosi hơn Juve. Juventus không có lịch sử truyền thống cho các tifosi. Số người yêu Juve có mặt trên khắp đất nước. Người ta yêu Juve, bởi họ chiến thắng.” Tương tự như thế, người ta yêu Lazio bởi sự gắn bó với cả một vùng rộng lớn mang tên Lazio với năm triệu dân, bao gồm thủ đô Roma và các vùng phụ cận. Sự bao hàm ấy dẫn đến những rắc rối lớn đối với nhiều gia đình ở thủ đô nước Ý, khi tính cha truyền con nối tình yêu với đội bóng không có ý nghĩa gì với sự lựa chọn riêng biệt của từng trái tim. Như nhà bà Maddalena, chủ một tiệm giặt khô là hơi gần phố Prenestina. Bức tường của tiệm giặt là dán đầy những tấm ảnh Lazio chụp đội hình đoạt Scudetto năm 2000, chiến thắng mới nhất của Lazio trong trận derby tháng Ba năm 2008. Bà là một Laziale, nhưng con gái bà không giấu giếm mình là một Romanista và không bao giờ hai mẹ con cùng ngồi trước ti vi xem những trận derby với nhau. Chồng bà là một người trung lập trong trận derby, đơn giản vì ông là một Milanista. Tôi hình dung ra dường như bất cứ người Ý nào cũng phải yêu một ai đó, thần tượng một đội bóng nào đó. Nhưng ở Roma, thật khó có thể thể hiện được một cách công khai tình yêu ấy, trừ """