🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nữ Thám Tử Nancy Drew: Chạy Chạy Đua Với Thời Gian Ebooks Nhóm Zalo Thông tin sách Tên sách: Nữ thám tử Nancy Drew - Chạy đua với thời gian Nguyên tác: Race Against Time (Nancy Drew #66) Tác giả: Carolyn Keene Người dịch: Nguyễn Thị Bích Huyền Nhà phát hành: Phương Nam Nhà xuất bản: NXB Trẻ Khối lượng: 210g Kích thước: 13 x 21 cm Ngày phát hành: 11/08/2009 Số trang: 192 Giá bìa : 28.000đ Thể loại: Tiểu thuyết Trinh thám - Thiếu nhi Thông tin ebook Nguồn: http://diendanlequydon.com Type+Làm ebook: thanhbt Ngày hoàn thành: 13/11/2013 Dự án ebook #91 thuộc Tủ sách BOOKBT Giới thiệu Tất cả quyền quyên góp cho giải đua xe đạp loáng cái đã mất sạch không dấu vết! Một kẻ khả nghi với một đam mê ghê người lảng vảng quanh thị trấn! Cảnh sát vào cuộc, toàn bộ thị trấn bị phong tỏa mà vẫn chẳng tìm ra manh mối nào! Cùng lúc đó, Nancy và đội của mình liên tục bị phá hoại! Quá nhiều rắc rối, mà lại không còn nhiều thời gian... chuyện này có phải đã bất khả thi với Nancy Drew? ĐỂ TÔI TỰ GIỚI THIỆU. TÔI LÀ NANCY DREW Bạn bè gọi tôi là Nancy. Kẻ thù gọi tôi bằng nhiều kiểu, đại loại như “con nhỏ phá bĩnh phi vụ của tao”. Đôi khi chúng nói cái kiểu thế thật đấy, nhưng còn có thể mong gì hơn từ bọn tội phạm cơ chứ? Bạn thấy đó, tôi là một thám tử. À thì, thật ra cũng không hẳn vậy. Tôi không có giấy phép hành nghề, không đeo huy hiệu mà cũng chẳng mang súng, một phần là do tôi sẽ không đời nào đụng đến súng ngay cả khi có thể, phần cũng vì tôi chưa đủ tuổi. Thế nhưng tôi đã đủ tuổi để nhận biết khi có điều gì đó không đúng, có người làm điều gì sai trái, hay điều không nên làm. Và tôi biết làm thế nào để ngăn chặn những người ấy, bắt họ, và chuyển cho pháp luật xử lý. Tôi làm những chuyện này rất nghiêm túc, và hầu như tôi chưa bao giờ sai. Các bạn thân của tôi, Bess và George, có thể không hoàn toàn đồng ý. Bọn nó nói tôi sai khá nhiều ấy chứ, và rằng bọn nó đã phải che chở cho tôi suốt chỉ để tôi trông được được một tí. Bess có thể sẽ nói tôi ăn mặc chẳng ra làm sao. Nhưng tôi lại thấy chẳng có vấn đề gì. George có thể sẽ nói tôi không tập trung. Như vậy có nghĩa tôi lại quên đổ xăng hoặc không đem đủ tiền ăn trưa. Tuy nhiên, cả hai đứa chắc chắn đều biết là tôi luôn tập trung mỗi khi liên quan đến bọn tội phạm. Luôn luôn như vậy. NANCY DREW MẤT SẠCH “Chuyện này lớn đó, Nancy, lớn ghê gớm lắm. Người kể cho tớ nghe chuyện này biết cả những chuyện chẳng mấy ai biết được đâu.” Trời ạ, tôi chỉ muốn thò cả hai tay vào trong mồm Charlie để cái lôi tin ấy ra ngay lập tức. Nhưng tôi vẫn cố giữ bình tĩnh. Đôi khi việc thuyết phục Charlie chịu nói cho nghe chuyện gì đó cũng hệt như việc lôi một con mèo ra khỏi gầm giường để đưa nó đến bác sĩ thú y vậy. “Tớ biết rồi mà,” tôi nói khẽ. “Nhưng là chuyện gì thế?” Tôi nín thở chờ nghe Charlie nói ra điều đó lâu đến mức tôi cảm thấy hai gò má mình nóng bừng lên. “Là chuyện tiền,” rốt cuộc cậu cũng nói. “Tiền ủng hộ cho giải đua xe đạp ấy.” Cậu lắc lắc đầu, hai mắt mở to gần như thành hình tròn luôn. “Tiền làm sao?” tôi giục, mặc dù đã có cảm giác biết Charlie sắp sửa nói gì rồi. “Mấtrồi,”Charlienói. “Mấtsạch.” 1. Mắc kẹt dưới nhánh sông TÊN TÔI LÀ NANCY DREW, và tôi luôn luôn theo một nguyên tắc: nếu đã tham gia một trò chơi thì nhất định tôi chơi là để thắng. Thế không có nghĩa là tôi thích ganh đua khốc liệt. Nhưng tính tôi vậy đấy, đã cam kết làm điều gì rồi thì phải làm cho đến kỳ cùng. Rủi thay, việc này đâu phải lúc nào cũng dễ dàng. Tôi đã vỡ lẽ ra rằng đôi khi một nguyên tắc này sẽ bị hủy mất bởi một nguyên tắc khác của chính mình. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra hồi cuối tuần trước, tại giải đua xe đạp từ thiện River Heights. Tôi là một thám tử nghiệp dư, cho nên tôi còn có một trong những nguyên tắc khác nữa là: phá án. Tôi cũng là một chân nước rút trong đội đua xe đạp, vì vậy, nhiệm vụ của tôi là phải đưa đội mình về đích đầu tiên... Mà thôi, tôi lan man quá rồi, cứ mỗi khi phấn khích lên là như thế đấy. Tôi sẽ quay lại điểm xuất phát của những rắc rối đó ngay. Tôi sống ở River Heights, một thị trấn nhỏ vùng Trung Tây, bên sông Muskoka. Thoạt nhìn nơi này có vẻ như một thị trấn im lìm, ngái ngủ, nơi mọi người ườn ã trên những chiếc xích đu bên hiên nhà vào mùa hè, uống nước chanh và vỗ về mấy con chó. Nhưng thật ra đây là một nơi khá hay ho, đầy nhóc những con người thú vị. Năm nào cũng thế, giải đua xe đạp luôn vận động được rất nhiều tiền quyên góp cho Quỹ Mở rộng Trái tim để giúp đỡ những người dân trong thị trấn đang gặp phải khó khăn. Tất cả mọi người trong trấn đều tham gia theo nhiều cách khác nhau, và giải đua xe đã trở thành ngày hội lớn kéo dài suốt hai ngày. Năm nay, đội tôi gồm có hai đứa bạn thân nhất của tôi - Bess Marvin và George Fayne - cùng bạn trai tôi, Ned Nickerson. Vào buổi tối trước cuộc đua, cả đội tôi đến họp mặt cùng năm đội khác ở CarboCram, trong trung tâm hội nghị dưới phố. Tôi mặc cái áo len may mắn của mình. Nó vốn có màu xanh da trời, cái màu tôi luôn luôn thích. Chính Bess đã giúp tôi chọn nó từ hồi mấy năm trước cơ. Con bé ấy bảo cái áo này hợp với màu mắt tôi và trông cũng khá okie với màu tóc - là cái màu khá khác thường mà một số người vẫn hay gọi là vàng dâu[1] ấy. Bess cực quan tâm đến những thứ như thế chứ tôi thì chẳng bao giờ, tôi khoái cái áo len ấy cái chính là vì nó giống hệt một chiếc quần bò yêu thích vậy - càng mặc càng mềm. Kiểu dáng cũng được, dĩ nhiên rồi, nhưng mặc vào cảm thấy rất thoải mái mới là điểm tuyệt nhất. Dù gì thì, đã nhiều năm rồi, lần nào trước khi bước vào cuộc đua tôi cũng mang cái áo ấy ra mặc, và hình như điều đó luôn đem lại may mắn cho tôi. Thế là, mượn cớ truyền thống - hay bảo tôi mê tín cũng được - tối nay, tôi lại mặc nó đến CarboCram, dù nó đã hơi sờn và bạc màu. Bọn tôi đến CarboCram chẳng phải chỉ vì món mỳ, rau củ với trái cây miễn phí, mà còn đến để thu thập thông tin, rồi tuyên thệ, rồi đóng tiền quyên góp, và kiểm tra lại mọi thứ liên quan đến cuộc đua nữa. Tất cả các đội đều nhờ bạn bè, gia đình, xóm giềng và thậm chí nhờ cả người lạ cùng quyên tiền để khích lệ tinh thần tranh đua. Những người ủng hộ hứa hẹn sẽ tặng thưởng theo mỗi dặm mà đội hoàn thành, rồi sẽ còn thưởng thêm cho đội nào về nhất, nhì hoặc ba. Tôi đến cùng Bess và George. Cả ba đang ngồi ăn mỳ ở một cái bàn dài. Ned đến muộn. “Năm nay em vận động được nhiều hơn năm ngoái những mấy trăm đô cơ đấy,” Bess vừa nói vừa giở cho George và tôi xem bên trong cái phong bì. Bess đi vận động thì quá dễ rồi. Nó có mái tóc vàng dợn sóng, cặp mắt xanh to với hàng mi siêu dài, hàm răng hoàn hảo, cả cái mũi cũng hoàn hảo nốt. Bess là một trong số hiếm hoi những người có được vẻ đẹp tự nhiên làm cho khối kẻ khác phải nổi cơn ghen tị - ngoại trừ vấn đề là nó quá tử tế và quá thực tế, khiến cho gần như ai cũng phải phát điên lên. Và những người nào không như vậy thì chỉ vì họ chưa hiểu nó đủ rõ mà thôi. “Biết chị nghe ngóng được gì không,” George nói, “có vẻ năm nay mọi người khá là hào phóng đấy,” George nói. “Giải đua xe kỳ này dám lập kỷ lục mới về số tiền quyên góp được lắm.” George tên thật là Georgia, nhưng nó thích dùng biệt danh hơn. George với Bess là chị em họ, nhưng nếu chỉ nhìn không thôi thì chả đoán được đâu. Cả hai chẳng có điểm chung nào... ngoại trừ có chung một đứa bạn là tôi, dĩ nhiên rồi! George có mái tóc và đôi mắt cùng màu nâu thẫm; cao và gầy hơn Bess. George thuộc dạng vận động viên, còn Bess thuộc dạng cổ động viên. Đó là lý do vì sao George sẽ là cua-rơ tiên phong cho đội trong cuộc đua lần này, còn Bess thì lái theo sau hỗ trợ. “Ned đâu?” Bess hỏi, nhìn đồng hồ. “Vẫn còn kẹt ở trường hả?” “Anh ấy có một buổi hội thảo đặc biệt ở trường đại học,” tôi đáp, “nhưng đã hẹn giờ này sẽ có mặt rồi mà! Trước sau gì anh ấy cũng đến thôi. Ned đời nào chịu bỏ qua món mỳ miễn phí này chứ!” “Chắc không đó?” George nói. “Nghe có vẻ điên điên, chứ nhiều khi tao nghĩ cu cậu mê sách còn hơn cả ăn uống ấy! Làm như mỗi lần chúi mũi vào một quyển sách là lại lạc sang một thế giới khác không bằng.” George nói đúng, và thật ra tôi cũng hơi bực mình. Tôi đã nhắc Ned những hai lần để chắc chắn là anh sẽ từ trường về CarboCram đúng giờ. Các thành viên họp mặt với nhau vào đêm trước cuộc đua, điểm lại các chiến thuật một lần cuối là việc quan trọng lắm chứ có phải đùa đâu. “Nè Nancy, tôi đã kể cho bà nghe là cả nhà tôi sẽ đến xem xuất phát cuộc đua sáng mai chưa?” Bess hỏi. “Bố bà thì sao? Bác ấy về kịp không?” “Không kịp dự buổi xuất phát đâu,” tôi đáp. “Tối mai bố mới về tới thị trấn. Nhưng dĩ nhiên, bố sẽ có mặt ở vòng cuối.” Bố tôi là Carson Drew, luật sư giỏi nhất River Heights, điều ấy khỏi phải bàn cãi. Mẹ mất khi tôi mới lên ba, và điều đó làm cho cuộc sống của tôi đôi lúc thật khó khăn. Nhưng bố lúc nào cũng ở bên tôi và tôi hoàn toàn tin cậy nơi ông. Hồi tuần rồi bố phải đến thủ phủ của bang để giải quyết một vụ án lớn. Tuy vậy, bố đã nói là sẽ có mặt để chứng kiến tôi về đích, cho nên tôi biết chắc bố sẽ có mặt mà. “Chuyển đồ lên xe tải hết chưa?” George vừa hỏi Bess vừa xoay nĩa quanh một nhúm mỳ. “Hết rồi,” Bess trả lời, nhấp một ngụm nước trái cây. “Em đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng cắm trại cho cả bọn rồi - nào thức ăn, dụng cụ bảo dưỡng và sửa xe đạp, nói chung là tất tần tật những gì bọn mình sẽ phải cần đến. George, em còn đem theo cả xe dự phòng cho chị nữa đấy, vài cái quần soóc, áo phông theo màu của đội nữa. Có sẵn mọi thứ để phòng xa cũng chẳng chết ai.” “Tao khoái cái hệ thống GPS[2] đó quá đi,” George vừa nói vừa đọc tờ chương trình của cuộc đua, “thích mê tời tơi. Trong này nói là ban tổ chức đã khóa mấy cái bộ định vị đó lại để chúng không bị đứa nào đó tháo đi hoặc chỉnh chuyển lung tung cho tới khi cuộc đua kết thúc. Mà cũng chẳng chỉnh được gì đâu. Có đứa bạn đã chỉ cho tao xem một cái rồi - đến tao cũng không thể xâm nhập vào được nữa là - ít nhất là cho đến lúc này.” George là thiên tài về điện tử của cả nhóm. Nó chẳng những là một chuyên viên máy tính, một siêu sao giúp tôi tìm kiếm thông tin trên mạng, mà còn là một chuyên gia biến các thiết bị điện tử thành những thứ hữu dụng đến không ngờ. “Hệ thống GPS là để bảo đảm các đội phải chơi đúng luật, hả?” Bess hỏi. “Chính xác,” tôi đáp. “Mỗi đội phải chạy theo cùng một lộ trình. Mọi người phải dừng lại, ăn, cắm trại qua đêm cùng lúc. Hệ thống GPS sẽ bảo đảm không một ai có thể ăn gian đâu.” “Ê, nhân nói đến ăn gian,” George nói khẽ, “có một ví dụ tiêu biểu đang ở hướng mười giờ kia kìa.” “Chà, xem ai đây... Nancy Drew nổi tiếng đây mà!” Không cần nhìn cũng biết là ai đang nói. Tôi đã phải nghe cái giọng nhão nhoét đó từ hồi lớp Một đến giờ. “Deirdre,” tôi nói, rốt cuộc cũng ngước nhìn lên. “Tôi thấy tên cậu trong danh sách. Đội có những ai thế?” “Evan và Thad Jensen,” Deirdre đáp. “Malcolm Price lái xe tải.” Tôi nghe những cái tên ấy quen quen, nhưng không thực sự nhớ ra được là ai. Đúng kiểu của cô nàng này, lúc nào cũng phải ở giữa cả đám con trai. “Có vẻ như đội này bị thiếu mất một tay đua nhỉ,” cô nàng nói thêm, liếc sượt qua Bess, George và tôi mà chẳng thèm nhìn vào mắt đứa nào cả. “Ned đâu rồi?” cô nàng tiếp tục. “Chứ không phải giờ này Ned phải có mặt ở đây với mấy người sao? Đừng có nói là anh ấy cho mấy người leo cây nhé! Chiều nay chắc lại có giờ học chứ gì? Thế thì kẹt ở trường luôn rồi!” Deirdre đúng kiểu con gái không ai ưa nổi vì cái thói ăn nói độc địa của nó. Trông con nhỏ rất nổi, nhưng là nổi theo kiểu Cruella[3]- tóc đen, mắt xanh lá cây, nước da tái mét. Ấy thế mà lại cực kỳ tự cao tự đại nhé. Có vẻ như Deirdre cho rằng cả thế giới này đều quay quanh mình vậy - hay ít nhất cũng phải như thế. Tôi phớt lờ câu châm chọc của Deirdre về Ned. Cô nàng này vẫn hay để ý đến Ned mà, chuyện đấy ai chả biết. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không xem Deirdre là đối thủ thực sự của mình. Như bố tôi vẫn hay nói: “Nhà Drew lúc nào cũng ăn đứt nhà Shannon.” Bố của Deirdre cũng là một luật sư thành công, nhưng cứ hễ ông ấy và bố tôi đối đầu trước tòa là y như rằng bố tôi lại thắng. Tôi dự định sẽ nối tiếp truyền thống đó của gia đình mình. “Ned không sao,” tôi nói với Deirdre. “Nhưng cậu thật tử tế vì đã hỏi thăm.” Tôi khoe nụ cười ngọt ngào nhất của mình. Tôi đã nghiệm ra cách xử trí tốt nhất đối với Deirdre là làm cho cô nàng mất đi tự chủ. Và cách tốt nhất để thực hiện điều đó là không làm những gì nó nghĩ rằng tôi sẽ làm. Mỉm cười là một sự đáp trả hoàn hảo khi cô nàng đang cố châm chích tôi. “Bố đây đã mua cho đây một chiếc xe đua mới cực đỉnh đấy nhé,” Deirdre nói. Deirdre cứ đột nhiên đổi đề tài là tôi biết mình đã thắng. “Vậy hả?” tôi nói, vẫn mỉm cười. “Có đủ hết nhé,” con nhỏ bắt đầu huyên thuyên. “Hàng Ý, chế tạo bằng hợp kim dùng cho máy bay chiến đấu. Bộ khung được thiết kế riêng, bánh răng bốn mươi lăm, bàn đạp gắn giày, ghi đông phi cơ[4], nan titan. Hơn năm ngàn đô cả thảy.” “Nghe xịn quá ta, DeeDee ha,” George vừa nói vừa đứng dậy. “Hẹn gặp ở vạch đích nhé... bọn này sẽ đợi ở đó.” Nói rồi nó rời bàn, đi lại chỗ xếp hàng lấy thức ăn. Gò má trắng bệch của Deirdre nổi lốm đốm hồng phải đến một hay hai phút khi bị George gọi bằng biệt danh hồi cấp Một. “Vậy hả? Ờ, để coi ai tới đích trước nhá, Georgia.” Câu trả đũa của Deirdre nghe có vẻ khập khiễng, nhưng tôi biết cô nàng đã chọc tức được George, vì nó ghét bị gọi bằng tên thật lắm. “Còn đấy thì chắc là không đạp xe đâu ha, Bess,” Deirdre nói, chĩa mũi dùi qua một nạn nhân khác, “chắc là chỉ lái xe t...” Bụp...è...ee... Âm thanh khó chịu của chiếc micro bỗng vang lên, át luôn giọng nói khó nghe của Deirdre. “Thưa các quý ông, quý bà... quý ông, quý bà... xin ổn định chỗ ngồi.” Ralph Holman, một thành viên trong ban tổ chức, cất tiếng chào từ phía sân khấu lớn ở góc hội trường. Deirdre lỉnh về ngồi chung với đội của cô nàng ở cái bàn phía trước. “Rất vui được gặp tất cả quý vị,” ông Holman nói. “Chúng tôi đã xếp lịch thời tiết cho ngày mai và Chủ nhật ở mức hoàn hảo, vì vậy mọi người hãy tận hưởng một mùa giải vui vẻ và phá vài kỷ lục nhé. Như quý vị đã biết, cuộc đua của chúng ta được Quỹ Mahoney tài trợ, và số tiền thu được sẽ đóng góp cho Quỹ Mở rộng Trái tim. Chiếc cúp chiến thắng của giải sẽ do bà Cornelius Mahoney trao tặng.” Một tràng reo hò ầm ĩ vang lên và gần như mọi người đều đứng dậy để tỏ lòng kính trọng bà Mahoney. Chồng bà Cornelius Mahoney là hậu duệ duy nhất của Ethan Mahoney, người đã khởi đầu lập nghiệp tại đây vào thế kỷ mười chín. Khi Ethan phát hiện mình đang ngồi trên một quặng sắt khổng lồ, ông bèn sáng lập ra Tập đoàn Đe Búa Mahoney. Một quyết định rất sáng suốt. Giờ đây, một thế kỷ sau, bà Mahoney là người quản lý Quỹ Mahoney có giá trị cả tỉ đô la. Chúng tôi ngừng vỗ tay reo hò và ngồi xuống, đúng lúc George quay lại với một dĩa chất ngất đồ ăn. “Ê, Ned vẫn chưa tới hả?” Nó nhìn quanh hội trường, thì thầm. “Chắc phải thử liên lạc xem thế nào nhỉ?” George đọc đúng suy nghĩ của tôi. Tay tôi hiện đang bấm điện thoại rồi. Giờ tôi không còn thấy bực nữa... mà thấy lo. Quả thực đôi khi Ned không được tập trung cho lắm, nhưng anh ấy không đời nào cố ý bỏ lỡ một sự kiện quan trọng như thế này mà chẳng thèm báo với tôi. Điện thoại reo thật lâu, rồi tôi nghe giọng nói trong hộp thư trả lời tự động của Ned. “Ned,” tôi nói nhỏ vào điện thoại, “bọn em đều ở đây hết rồi, còn thiếu mỗi anh thôi. Gọi di động cho em ngay nha!” Tôi chỉnh điện thoại sang chế độ rung, và nắm chặt nó trong tay khi bà Mahoney cầm lấy micro. “Xin chào mọi người,” bà Mahoney nói. Giọng khàn khàn, nhưng kiêu hãnh. Tóc bà lúc nào cũng mượt và bóng, và thậm chí ngay cả những lúc bà chỉ mặc đơn giản một chiếc áo khoác nhẹ với quần tây bình thường, như lúc này chẳng hạn, thì trông bà vẫn có vẻ như vừa bước ra từ một tạp chí thời trang. “Cám ơn sự tham gia của các bạn vào cuộc đua hào hứng cuối tuần này,” bà Mahoney tiếp tục. “Sự góp mặt của các bạn khiến tôi cảm thấy thật ấm lòng, và chắc chắn cũng làm cho người chồng yêu dấu của tôi rất vui.” Gọi ông Cornelius Mahoney là “yêu dấu” thì bà Mahoney đúng là có hơi bị mù mắt vì tình yêu đấy. Theo như tất cả những ai biết ông Cornelius - kể cả bố tôi - thì ông ta chẳng có gì là “yêu dấu” cả. Hầu hết mọi người đều chỉ nhớ đến ông ta như một kẻ rất khó ưa, chuyên mánh mung và vận động cổ phiếu. Tuy vậy, bà Mahoney lúc nào cũng nhắc đến chồng mình như một người hào phóng nhất. Và bởi vì mọi người đều quý mến bà hơn nhiều so với việc ghét ông Cornelius, nên cũng chẳng ai thắc mắc gì để cho ký ức của bà phải bị lăn tăn. Tôi rõ là đang nghe bà nói đấy, nhưng đầu óc rỗng không. Sự tập trung duy nhất của tôi để cả vào chiếc điện thoại nắm trong tay. Tôi không cách gì rũ bỏ được cảm giác bồn chồn khó chịu khi nghĩ về Ned. “Hãy nhớ,” bà Mahoney nói, “các bạn không chỉ thi đấu vì thứ này,” bà trịnh trọng khoát tay về phía cái bục bên cạnh. Đặt ngay ngắn trên bục là một bức tượng lớn hình cái đe sơn vàng. “Dĩ nhiên, thắng được chiếc đe sẽ là một vinh dự lớn,” bà tiếp tục, “nhưng quyền lợi thực sự của các bạn chính là việc có thể làm điều gì đó cho những người kém may mắn hơn mình. Xin đặc biệt cám ơn các bạn đã tham gia cuộc đua để giúp đỡ những người khác.” Đúng trong lần reo hò thứ hai tôi nhận thấy điện thoại rung rung. Tim tôi như ngừng đập trong tích tắc, rồi bắt đầu chạy đua. Tôi ra hiệu cho Bess và George là tôi sẽ rời khỏi bàn, ra ngoài sảnh để nghe cho dễ. “Alô,” tôi trả lời, tim vẫn đập mạnh. “Rốt cuộc anh cũng gọi làm em mừng quá.” “Chào cháu, Nancy. Bác James Nickerson đây.” Cái giọng trầm trầm của bố Ned vang lên trong tai nghe. Thế mà tôi cứ đinh ninh đó là con trai của bác ấy! Tâm trí tôi rối bời với những câu hỏi về Ned, về chuyện anh đang ở đâu. Đầu óc tôi thật sự bận bịu với những ý nghĩ của chính mình, nên mất cả phút tôi mới hướng được sự chú ý vào giọng nói đang vang vang bên tai mình. “Ôi, cháu xin lỗi, bác Nickerson! Bác nói sao ạ?” “À, bác nói là bác biết các cháu đang bận việc nên sẽ không làm phiền lâu đâu,” bác Nickerson lặp lại. “Cho bác nói chuyện với Ned được không? Nó không mở điện thoại.” “Ned không có ở đây ạ,” tôi nói. “Thật ra, cháu cũng vừa mới gởi cho anh ấy một tin nhắn cách đây vài phút thôi. Chắc anh Ned còn ở trường đó bác.” “Không, không có. Thế nên bác mới gọi cháu.” Tôi nghe ra vẻ bực bội trong giọng nói của bác Nickerson. “Bác mới nói chuyện với giáo sư Herman xong. Ông ấy nói Ned đã ra về khoảng hai tiếng trước. Nancy này, khi nào Ned đến thì nhắn nó gọi cho bác nhé!” “Nhất định rồi ạ,” tôi trả lời rồi tắt điện thoại, quay lại CarboCram, được nửa đường thì gặp Bess. “Charlie Adams đang ở đây,” Bess nói. “Cậu ấy muốn nói chuyện với bà đó. Ned sao rồi? Anh ấy đâu? Khi nào mới tới?” “Tao chẳng có tí manh mối nào cả,” tôi đáp, và kể nhanh cho Bess nghe về chuyện mới nói với bác Nickerson. Vừa kể xong thì George và Charlie tới. Charlie đại để như là một người hùng của địa phương ấy. Cậu lái xe cứu hộ cho tiệm sửa xe tốt nhất trong thị trấn. Thường thì bao giờ gặp Charlie tôi cũng phải tranh thủ cảm ơn cậu vì hoặc là đã kéo tôi ra khỏi một vụ lọt mương, hoặc là đã đem giúp lốp xe mới đến thay cho cả cái lốp bể lẫn lốp dự phòng xẹp lép, hoặc là giúp tôi khởi động lại cái bình ắc quy bị hư. Nhưng lần này thì không. “Chào cậu, Charlie, chào,” tôi nói. “Tớ có giúp được gì cho cậu không?” “Chào Nancy,” Charlie nói. “Trông cậu tuyệt lắm. Tớ thật sự mong đội cậu sẽ thắng đấy.” “Cảm ơn, Charlie. Xe tớ bị hỏng chỗ nào mà tớ không biết hả?” “Không,” Charlie đáp. “Mà xe Ned cũng không hỏng hóc gì nữa đâu. Tớ đã sửa hết rồi, chỉ chờ cậu ấy đến lấy về thôi.” “Ý cậu là sao?” Tôi hỏi. “Xe Ned bị làm sao?” Bess tiếp. “Chỉ cần một sợi dây với vài nhát búa là xong ngay ấy mà. Ned chỉ bị lọt xuống một nhánh sông cạn thôi. Nhưng mũi xe lại đâm vào một tảng đá to. Ồ mà không sao, tớ gò lại thì vết lõm cũng đâu vào đấy rồi.” “Nhánh sông nào? Tảng đá nào? Kể lại từ đầu đi, Charlie,” tôi khẩn khoản. Nhiều khi nói chuyện với Charlie làm tôi muốn phát điên lên. Cậu ấy nói chuyện cứ như là đánh đố vậy, và tôi lúc nào cũng cảm thấy như mình đang bước giật lùi trong cuộc đối thoại. “Ơ, thế cậu không biết gì à?” cuối cùng Charlie cũng nhận ra. “Thế này... Tớ nhận được điện thoại của khách hàng gọi đi sửa xe. Trên đường về, tớ thấy cái đuôi xe của Ned nhô ra ở nhánh sông.” “Ở đâu?” tôi hỏi. “Cậu biết cây sung dâu to tướng trên đường Shady không?” Charlie hỏi. “Ở ngay trước khúc quẹo ấy! Nhưng chẳng có gì nghiêm trọng đâu, tớ đã kéo cái xe lên và lôi luôn về garage sửa rồi.” “Nhưng bây giờ Ned đâu?” tôi nôn nóng. “Gì? Tớ có biết gì về cậu ấy đâu,” Charlie đáp. “Tớ chỉ thấy chiếc xe thôi. Lúc ấy nó trống không. Bị bỏ không.” 2. Ned ở đâu? “BỊ BỎ KHÔNG?” TÔI LẶP LẠI. “Ned không có trong xe sao?” “Anh ấy không đời nào bỏ xe như vậy đâu!” George kêu lên. “Có thể lắm chứ,” Bess phán đoán. “Nancy nói là điện thoại của Ned không mở. Biết đâu nó bị hết pin, anh ấy không thể gọi điện nhờ ai giúp được, thế là đành phải đi bộ trở lại thị trấn, và... rồi... Nhưng lẽ ra giờ này Ned phải ở đây rồi chứ, đúng không Nancy? Vậy anh ấy đâu?” Bess đã thắc mắc đúng cái câu nãy giờ cứ lởn vởn trong đầu tôi. Ned, anh đang ở đâu? “Charlie, cậu tìm thấy xe của Ned lúc mấy giờ vậy?” tôi hỏi. “Khoảng vài giờ trước, hình như thế. Tớ ra ngoài để sửa một chiếc xe khác, nhưng không phải lôi chiếc đó về vì tớ đã sửa ngay tại chỗ rồi. Charlie-chữa-tại-chỗ là tên tớ mà!” “Dịch vụ ngon lành ghê ta,” tôi nói, cố gượng cười. “Thế cậu có thấy bất cứ gì quanh chiếc xe có thể chỉ ra là Ned đã đi đâu không? Có dấu chân nào không? Hay một dấu vết nào đó do Ned để lại?” “Nói thật là tớ chả để ý tìm thứ gì như vậy hết, Nancy à,” Charlie nói. “Lúc ấy tớ nghĩ là... như Bess nói ấy... Ned đã đi bộ về thị trấn, và tớ chỉ việc lái chiếc xe về gặp cậu ấy ở đó thôi. Nhưng từ đó tới giờ tớ vẫn chưa gặp Ned.” “Cậu đã kiểm tra dưới capo xe chưa?” tôi hỏi. “Có thấy thứ gì rõ ràng có thể khiến anh ấy lạc tay lái không? Thắng xe bị sao chẳng hạn? Hoặc là tay lái ấy?” “Tớ quan sát hết một lượt rồi,” Charlie đáp. “Cả thắng xe lẫn tay lái đều không sao. Giảm sốc vẫn tốt. Không bánh nào bị xẹp. Cậu biết đó... thậm chí cũng không có vết trượt nào trên đường. Chẳng có gì chứng tỏ cậu ấy đã bị lạc tay lái hết. Đến tận nơi mà xem, cậu sẽ thấy chẳng có gì làm cho Ned bị trượt khỏi đường cả. Trông có vẻ như cậu ấy cố tình đâm xe vào đó thì đúng hơn.” “Được rồi, cám ơn cậu nhé, Charlie,” tôi nói, cố nở một nụ cười biết ơn nhưng chẳng dễ chút nào, rốt cuộc tôi đành chịu thua và quay đi để có thể suy nghĩ trong yên lặng. Làm sao giữ được bình tĩnh cơ chứ, khi có người đến báo là có vẻ như bạn trai mình đã đâm xe xuống một nhánh sông! “Tao đến gara đây, phải xem qua cái xe của Ned một chút,” tôi nói với Bess và George. “Tụi mày ở lại đây và nhớ lấy cho đủ thông tin về cuộc đua nhé, khi nào xong tao sẽ quay lại ngay.” Tôi xin Charlie cho quá giang chiếc xe cứu hộ trên đường của cậu ấy để đến gara. Charlie quả thật đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình, cái xe của Ned giờ trông còn bảnh hơn cả lần gần nhất tôi nhìn thấy nó nữa. Chẳng có vẻ gì là đã bị tai nạn hết. Đầu tiên tôi kiểm tra bánh xe để xem có vật gì đáng ngờ bám trên đó không. Chẳng tìm thấy gì, ngoại trừ mấy viên sỏi và vài cành cây - những thứ mà phàm là đã chạy xe thì không thể không bị vướng vào. Trong lúc Charlie trả lời điện thoại trong văn phòng, tôi mò mẫm sau cốp, rồi leo vào trong xe Ned. Trong này có hai điều khiến tôi ngạc nhiên. Đầu tiên, tôi tìm thấy điện thoại của Ned trong ngăn đựng găng tay. Anh ấy đâu có hay để quên điện thoại, thường thường anh ấy bỏ nó trong túi đeo hoặc mang ở thắt lưng. Tôi đút điện thoại vào ba lô, rồi chui ra ghế sau. Điều ngạc nhiên thứ hai chính là mớ đồ vật dưới ghế ngồi của Ned. Với những thứ linh tinh đó thì có thể mở hẳn một gian hàng tạp hóa ấy chứ! Dùng một cây dù tìm được ở băng sau, tôi quơ qua khoảng tối dưới gầm ghế dành cho tài xế. Lập tức, đủ các thứ lạ lùng lăn ra - danh thiếp, thiệp sinh nhật, một đĩa CD, loảng xoảng tiền xu, hai cây bút, một cái huy hiệu bằng đồng nhỏ, một bản đồ in ra từ máy tính, một cái cờ-lê, một cái móc nhựa gãy. Mà đó là mới chỉ quơ có một lượt thôi đấy. Tôi cho tất cả lên ghế để xem xét kĩ hơn. Mấy thứ giấy tờ cũng bình thường thôi, mấy đồng xu, bút bi, và cái cờ-lê cũng vậy. Tôi nhận ra cái CD, chính tôi đã tặng Ned nhân dịp sinh nhật anh. Thật ra, thứ duy nhất lạ ở đây là cái huy hiệu bằng đồng. Tôi chưa thấy nó bao giờ. Tôi gói nó vào một tờ khăn giấy và bỏ vào túi. Đến khi chẳng tìm được thêm thứ gì đáng lưu ý dưới ghế sau nữa, tôi vẫy tay chào Charlie và quay lại trung tâm hội nghị. Trong bãi đậu xe, tôi lôi điện thoại của Ned ra và nghe những tin nhắn trong thoại của anh, nhân danh công việc thám tử, dĩ nhiên rồi. Chỉ có ba tin, hai của bố Ned, và một của tôi. Bess và George đang đợi ở tiền sảnh trung tâm. “Canh giờ hay ghê!” Bess kêu lên. “Tụi này vừa mới ra tức thì.” “Ned vẫn chưa tới,” George thêm vào. “Kiểm tra xe của anh ấy có phát hiện được gì không?” “Cũng có một chút nhưng đợi một lát đã. Tao muốn hỏi thử xem Ned có để lại tin nhắn cho mấy người ở CarboCram không.” Tôi chạy đi tìm một phụ nữ trong ban tổ chức. Bà giúp tôi hỏi thăm nhiều người nhưng ai cũng nói Ned không hề gọi đến hay để lại tin nhắn cho họ. Vậy nên tôi quay trở lại với hai nhỏ bạn của mình. “Chẳng có gì hết,” tôi nói với hai đứa. “Ned không gọi đến đây.” “Thế kể tụi tao nghe mày tìm được gì trong xe của Ned rồi” Geogre nói . “Điện thoại là một,” tôi kể. “Mà lạ lắm nhé, nó vẫn hoạt động như thường.” “Vậy giả thuyết của tôi là máy hết pin sai bét rồi,” Bess nói. “Nhưng thế thì sao Ned lại bỏ nó trong xe chứ?” “Ned không bao giờ làm vậy. Mà xem, tao còn tìm được cái gì nữa đây này,” tôi lấy cái huy hiệu ra và đưa cho bạn mình xem. Cái huy hiệu hình bầu dục, đục lỗ ở một đầu, trên bề mặt có khắc hai hình trông giống hai cái móc, một hướng về bên trái và một về bên phải. “Trông như kiểu biểu tượng gì ấy nhỉ,” George nói. “Hình chiêm tinh,” Bess tuyên bố. “Đúng đó, Bess!” tôi đồng ý. “Chính là Gemini, cung Song Sinh.” “Có lẽ đây là đồ trang sức,” Bess đoán. “Có thể xỏ một sợi ruy-băng hoặc một sợi dây qua cái lỗ này và đeo như dây chuyền ấy.” “Cũng có khi là một phần của cái móc chìa khóa cũng nên,” George gợi ý. “Song Sinh,” tôi lặp lại. Có điều gì đó lấn cấn trong đầu, nhưng tôi không biết chắc đó là gì. Đột nhiên tôi cảm thấy rất bồn chồn, như cần phải hành động ngay, phải làm gì đó ngay lập tức. “Tao đi tìm Ned đây,” tôi bảo, rồi tiến ra tiền sảnh. “Tụi mình đến chỗ Charlie đã kéo xe Ned lên đi.” Các bạn tôi không nói gì. Chẳng cần nói gì hết. Cả bọn chỉ vội vã ra bãi đậu và chui vào xe tôi. Chúng tôi hoàn toàn im lặng trong lúc lái xe đến đường Shady. Sau hơn tám dặm, tôi dừng xe ngay góc có cây sung dâu cổ thụ bên khúc quẹo. Cái cây này nổi tiếng lắm. Mỗi khi có ai đó viết về những cây cổ thụ lớn nhất tiểu bang, hoặc về những cây đẹp nhất thì cây sung dâu xám trắng này luôn luôn đứng đầu bảng. Nó chẳng những có thân to mà cành cũng lớn, đường kính phải gần một mét, mọc thẳng ra trước khi hướng xiên lên trời. Ba bốn người lớn có thể đứng bá vai nhau trên một cành như thế mà cái cành không hề rung rinh tẹo nào. “Kia rồi,” George nói, nhảy vọt ra khỏi xe. “Cây sung dâu. Đó là chỗ Ned đã lạc tay lái.” Mạch thái dương tôi đập mạnh. Bụp, bụp, bụp, bụp. Tôi chụp ba lô, vội vã chạy theo George. Bess bám sát sau lưng tôi. Những vết lốp xấu xí hằn rõ ngang đường, cắt ngang đám cỏ và cây bụi, rồi kết thúc ở một bụi lau tại rìa nhánh sông cạn. Một bộ vết lốp to hơn hẳn bộ kia, và là vết lốp đôi. Tôi nghĩ bộ vết lốp này là từ bánh xe cứu hộ của Charlie. “Nancy à, ở đây có rắn không nhỉ?” Bess nhìn bụi cây, thì thào nhỏ rí. “Nếu có thì cũng bị tiếng tụi mình làm cho sợ quá mà bỏ đi rồi,” George nói trước khi tôi kịp trả lời. Giọng George nghe có vẻ như đã mất kiên nhẫn với cô em họ rồi. Chuyện này vẫn diễn ra luôn. Cả hai tuy rất thân thiết, nhưng nhiều khi ban đầu chỉ là tẹo teo khác nhau về ý kiến, thế mà rồi có thể leo thang thành một trận cãi vã dữ dội. Bị kẹt giữa hai đứa nó chẳng phải là việc gì thích thú đâu. Tôi đứng ngay chỗ chiếc xe của Ned đã đậu trước đó, là nơi nó đã ủi rạp một mớ cây cỏ dại. Tôi nhìn quanh vùng cây bụi rộng lớn đã bị chiếc xe san bằng. Trời vẫn còn đủ sáng để thấy các dấu vết trên nền đất bùn gần nhánh sông nhỏ. Khá nhiều, ba dấu giày khác nhau cả thảy. Tôi bước dọc theo những dấu giày. Đầu tiên chúng lõm trong bùn. Rồi tạo thành những vết đọng lại trên cỏ. Tất cả đều hướng lên phía đường lớn. Chỉ có một dấu giày để lại vết bùn theo hướng dẫn về River Heights. “Bà làm gì vậy?” Bess hỏi tôi. “Tôi đang kiểm tra mấy dấu chân này,” tôi đáp. “Trông còn mới lắm - hình như mới có hôm nay thôi.” “Nhưng Charlie có nói gì đến dấu chân đâu,” George nhắc. “Thì cậu ấy bảo là không để ý mà,” tôi nhắc lại. “Có lẽ Charlie chỉ tập trung giải quyết phần việc của cậu ấy thôi. Còn bây giờ đến lượt tao tập trung giải quyết phần việc của mình.” Tôi lần theo một chuỗi các dấu chân từ vị trí cửa xe người lái đến mép nước, và đi ngược về phía con đường. Những dấu chân này kết thúc ở đám bùn cách xe Ned vài mét. “Đây có thể là dấu giày của Charlie,” tôi vừa chỉ vừa nói với bạn mình. “Nhìn kìa. Charlie đã kiểm tra chỗ này để biết chắc là Ned không bị kẹt trong xe, và có thể là để tìm thử xem còn chìa khóa trong ấy không. Rồi cậu ấy đi bộ về phía đầu xe, có thể là để kiểm tra nước nông sâu thế nào,” tôi vừa lập luận vừa đi dọc theo những dấu giày. “Rồi hình như cậu ấy đi bộ trở lại xe Ned và móc dây kéo vào.” “Những vết lốp này giống như của xe tải cứu hộ ấy,” George nói. “Đúng rồi,” tôi tán thành. “Và đây là nơi Charlie đã bắt đầu đi trở lại chỗ xe tải để kéo xe Ned ra khỏi sông.” “Còn những dấu kia thì sao?” Bess hỏi. “Chà, có hai bộ dấu giày khác nhau ở đây,” tôi chỉ, “nơi từng là vị trí ngay dưới cửa xe Ned. Như vậy chúng ta có tới ba bộ dấu giày - một trong số đó chắc chắn là của Ned rồi. Một nữa là của Charlie. Vậy còn lại của ai ta?” Tôi cảm thấy hơi lo. Còn ai nữa đã đứng ở đây, tôi thắc mắc. Người đó có làm gì Ned không? Anh ấy đâu mất rồi? Ba đứa đi dọc theo các dấu chân. “Chúng dẫn ra lại đường lớn,” Bess nói. “Rồi biến mất.” “Dù là dấu chân của ai thì người đó hẳn đã vào xe hơi hoặc một loại xe nào khác ở ngay tại điểm này,” tôi nói. “Nè Nancy, mặt mày trông kỳ cục quá,” George để ý. “Đang nghĩ gì vậy?” “Tao chỉ thắc mắc,” tôi đáp. “Là tại sao từ chiều tới giờ Ned không xuất hiện ở những nơi lẽ ra anh ấy phải có mặt, mà cũng không gọi cho ai để giải thích chứ? Không giống Ned tí nào. Xe anh ấy thì bị bỏ lại cùng với điện thoại. Có lẽ anh ấy cũng bị kẹt ở đây rồi.” Tôi nhìn quanh. Vùng đồng quê giờ đã mờ dần trong ánh chạng vạng màu xám nhạt. “Ned!” tôi hét to. “Ned, anh có ở đây không?” 3. Kết nối các manh mối “NED!” TÔI LẠI HÉT LÊN. Không có gì. Không một tiếng động. “Ned, anh có ở đây không?” Giọng tôi khàn đi, tôi nhận ra mình đang run. Tôi thường không sợ hãi như thế này và luôn cảm thấy vui khi cứu người khác. Nhưng một người bạn thân đang gặp rắc rối thì lại khác. Đôi khi thật khó để cố không quá xúc động và đánh mất sự tập trung. Tôi hít sâu, đằng hắng. Lần này giọng tôi to và rõ hơn. “Ned!” Tôi gọi lần cuối. Rồi nhìn quanh. Không có ai, không nhà cửa, không nơi ẩn nấp. Ned hoàn toàn không có ở đó. “Đi thôi,” tôi nói, chạy vào xe. “Tụi mình sẽ quay lại thị trấn.” Một lần nữa hai đứa bạn chẳng nói gì khi cả bọn chui vào xe và tôi lái ra đường Shady. Cả bọn nhìn chằm chằm qua cửa kính, mỗi đứa đắm chìm trong những suy nghĩ riêng của mình. Tôi có cảm giác chúng cũng lo lắng như mình vậy. Bọn tôi vẫn im lặng khi lái xe trở lại River Heights - chiếc xe duy nhất trên đường ở cả hai chiều. Những tia sáng cuối cùng của buổi chiều hôm tàn dần, bầu trời chuyển màu xám đậm. Tôi căng mắt, lướt nhìn hai bên đường và cảnh vật xung quanh. Vừa thấy một tia sáng phía trước, tôi chớp mắt hai lần cho chắc ăn. Tia sáng mỏng manh đó càng lại gần càng rõ hơn, và cuối cùng tôi reo lên. “Anh ấy kìa!” Tôi la lên. “Chính là anh ấy! Chắc chắn luôn!” Tôi thấy những cái gương phản xạ của chiếc xe đạp mà Ned đang dắt bộ trên đường. Từ đằng xa tôi đã nhận ra anh ngay, vì anh đang mặc một cái áo gió màu đỏ có tia chớp bạc phản quang ở sau lưng. Tôi bóp còi. Ned quay lại. Khi thấy xe tôi, anh huơ cao nắm đấm lên không và nở nụ cười đầy vẻ ngạc nhiên. Tôi lập tức phanh lại và nhảy ra khỏi xe. Bess cùng George theo sát phía sau. “Lúc nào gặp em cũng thật tuyệt,” Ned nói với tôi, cẩn thận thả cái xe đạp xuống bãi cỏ bên đường. “Nhưng lần này mới đúng là đặc biệt tuyệt vời. Anh có tin xấu đây. Anh bị mất xe rồi. Anh luôn đậu nó ở dưới...” “Xe của anh không bị mất,” tôi ngắt lời. “Nó đang ở chỗ Charlie đấy.” “Chỗ Charlie Adams ấy hả? Sao nó lại ở đó?” “Lúc nãy cậu ấy đã kéo nó ra khỏi nước,” Bess chen vào. “Nước! Chà... đợi đã. Kể lại từ đầu xem nào.” Tôi kể Ned nghe việc Charlie đã tìm thấy xe của anh thế nào. “Dưới nhánh sông hả?” Ned hỏi. “Nó thật sự ở dưới nhánh sông ấy sao? Trời đất, anh rất mừng vì Charlie đã thấy chiếc xe ở đó.” “Còn em thì mừng vì tụi em đã biết chuyện đó,” Bess nói, “và điều đó đã gợi ý cho Nancy chạy ra bờ sông tìm anh đấy.” “Lúc nãy em có nói chuyện với bố anh,” tôi bảo Ned. “Bác đã gọi điện cho giáo sư Herman và biết rằng anh đã rời trường mấy tiếng rồi, cho nên em thật sự rất lo lắng.” Ned vòng tay ôm tôi đầy ấm áp, một cảm giác dễ chịu vô cùng. “Vậy anh đã ở đâu suốt thời gian đó?” George hỏi. “Anh đi bộ,” Ned đáp. Ned dừng lại và chồm người chống tay lên đầu gối. Rồi anh duỗi người, vặn vẹo xương sống và lúc lắc đầu. Đúng lúc đó, tôi để ý thấy ống quần Ned có một vết rách lớn. Vết rách chạy dài từ đầu gối xuống tới tận mắt cá chân. Khi anh di chuyển, tôi có thể thoáng thấy một vết xước ghê gớm chạy ngoằn ngoèo ở bắp chân anh. “Nè, đừng có nói là anh đi bộ từ trường về đây nha!” Bess nói. “Được rồi,” Ned với tay lấy xe đạp, “Anh sẽ không nói,” rồi bỏ nó lên mui xe tôi, “nhưng đó chính xác là những gì anh đã làm.” “Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra vậy anh?” tôi giục. Tôi không muốn hối thúc, nhưng quả thật tôi rất nóng lòng muốn biết làm thế nào mà xe của anh ấy lại ở dưới nhánh sông được. “Anh luôn tận dụng mọi lúc để luyện tập cho cuộc đua,” Ned đáp khi cả bọn chui vào xe. Bess và George ngồi ở ghế sau, còn Ned ngồi đằng trước. Bess đưa Ned một chai nước, anh tu ừng ực. Tôi khởi động xe để quay về River Heights. “Trên đường đến trường đại học,” Ned kể tiếp, “anh luôn lái xe xuống bãi cỏ dưới gốc cây sung dâu, đậu ở đó, rồi đạp xe hết mười dặm còn lại đến lớp.” “Hồi chiều anh có tập như thế không?” George hỏi. “Có,” Ned trả lời. “Anh khóa xe đạp ở cái giá bên ngoài lớp, ngó qua cửa sổ là thấy nó ngay. Khi học xong anh đạp trở lại chỗ xe hơi, mới được một quãng thì xòe.” Ned cúi xuống kiểm tra vết xước dưới chân. “Anh vấp phải đá hay sao?” Bess hỏi. “Không. Dây xích bị đứt và anh trượt ngã.” Ned quay lại, nở nụ cười cầu hòa với Bess. “Lẽ ra anh phải nghe theo lời khuyên của em về sợi dây xích đó, Bess ạ,” anh nói. “Và sử dụng một trong mấy cái mắc nối nối thêm mà em luôn có sẵn.” “Dù sao thì,” Ned nói tiếp, rồi quay lại nhìn tôi. “Điều tệ hại nhất là anh đã để quên điện thoại trong ngăn đựng găng tay của xe hơi. Anh bị kẹt ở một nơi khỉ ho cò gáy và thậm chí không thể gọi điện nhờ ai giúp.” “Vậy là anh đi bộ,” tôi nói. “Ừ, cuốc bộ lại nơi anh nghĩ có xe mình đang ở đó - đậu an toàn dưới gốc cây.” “Chỉ có điều Charlie đã thấy nó nằm ở dưới nhánh sông và kéo nó về,” tôi nhận định. “Vậy là anh cứ thế mà đi bộ à,” Bess nói. “Chà.” “Cho tới khi anh nhìn thấy một thiên thần lái chiếc xe hơi màu xanh tiết kiệm nhiên liệu đến cứu mình.” Ned nghiêng người qua siết chặt vai tôi. “Em cá là anh sẽ không bao giờ để quên điện thoại trong ngăn đựng găng tay nữa đâu,” Bess nói. “Cũng không còn dám đậu xe ở chỗ dốc mà quên cài thắng,” George phụ họa. “Nhưng anh có cài thắng mà,” Ned quay lại phía sau lần nữa. “Thật đấy! Anh luôn dùng thắng khẩn cấp khi đậu xe dưới gốc cây đó.” Ned nhíu mày suy nghĩ trong giây lát, rồi gật đầu khẳng định. “Anh chắc chắn hồi chiều anh đã kéo cần thắng mà.” Đầu óc tôi phân tích thông tin đó, cùng với những thông tin khác mà Ned vừa cung cấp. Câu chuyện đầy đủ ở đây là gì chứ, tôi thắc mắc. “Để coi, đi bộ cũng khá vất vả ha,” George nhận xét. “Đã thế còn phải kéo theo cái xe đạp đó nữa.” “À, anh đi đường tắt băng qua đồng Fern,” Ned nói. “Cũng đỡ hơn một chút.” “Vì vậy mà tụi em đã không thấy anh khi trên đường đến chỗ cây sung dâu,” tôi nhận ra chi tiết đó. Bất chợt tôi nhớ một điều. Tôi thò tay vào túi và lấy ra cái huy hiệu bằng đồng với biểu tượng cung Song Sinh mà tôi đã nhặt được dưới gầm ghế trong xe Ned. “Cái này có phải của anh không?” tôi hỏi. “Không,” Ned đáp. “Sao vậy?” “Em tìm thấy trong xe anh đấy,” tôi trả lời. “Em cũng nghĩ nó không phải của anh. Vậy anh đã thấy nó bao giờ chưa?” “Chưa,” Ned lắc đầu đáp. Anh nheo nheo mắt như thể đang cố nhớ ra gì đó. Rồi lại lắc đầu. “Không... anh thật sự chẳng có khái niệm gì về nó cả,” Ned nói. “Chắc là một cái mề đay hay gì đó. Thật sự anh cũng không biết tại sao nó lại ở dưới ghế xe của mình nữa.” “Vì anh chắc chắn rằng mình đã kéo cần thắng khẩn cấp,” tôi nhắc lại. “Cho nên cái này có thể do một ai đó làm rớt lại trong khi mở cửa xe anh và mở luôn cái cần thắng. Ai đó đã tháo thắng cho chiếc xe trượt xuống sông.” “Nè Nancy, mày muốn nói đó không phải là một tai nạn hả?” George hỏi. “Cũng có thể như vậy lắm,” tôi khẳng định. “Deirdre,” George thì thầm nho nhỏ. Rồi nó nói to lên. “Thế còn cuộc đua ngày mai?” Nó hỏi Ned. “Anh đã sẵn sàng cho cuộc đua ngày mai chưa?” “Dĩ nhiên,” Ned trả lời. “Tắm kĩ, ăn no, ngủ một giấc ngon lành, và anh sẽ sẵn sàng để đua.” “Lo gì, em sẽ đua vòng đầu tiên mà,” George nhắc. “Cho nên sáng mai anh sẽ được nghỉ thêm một chút trong xe tải.” “Tuyệt,” Ned nói. “Đó là tất cả những gì anh cần.” “Anh chắc chứ?” tôi hỏi. “Em không bận tâm nhiều về cuộc đua bằng anh đâu.” “Chắc mà,” Ned hứa. Nhìn vẻ mặt Ned là tôi biết anh thật sự có ý như vậy. “Bây giờ anh tốt rồi, thậm chí ngày mai anh sẽ còn khỏe hơn nữa.” “Hay mình ghé qua phòng cấp cứu một chút đi,” tôi đề nghị, “khám xem chân anh thế nào. Em thấy vết xước cũng khá nặng đó.” “Không cần đâu,” Ned nói. “Thật mà. Anh sẽ đi khám ngay nếu cảm thấy cần thiết.” “Thôi được rồi.” Tôi đưa điện thoại cho Ned. “Anh nên gọi cho bố đi.” Trong khi Ned nói chuyện với bố, tôi rà soát lại câu chuyện của anh trong đầu mình. Ai muốn cản trở Ned? Nhưng tại sao chứ? Có liên quan đến cuộc đua không? Hay chỉ liên quan đến cá nhân Ned thôi? “Anh không nói với bố về những gì đã xảy ra,” Ned nói sau khi đã tắt máy. “Ở nhà đang có khách ghé chơi đột xuất, mấy ông bạn học của bố từ thời sinh viên ở Washington đến ấy mà. Để khi nào họ đi rồi anh sẽ kể toàn bộ câu chuyện cho các cụ nghe.” “Có thể lúc đó chúng ta biết được chính xác điều gì đã xảy ra rồi,” tôi nói. Khi quay lại River Heights, tôi đặt ra câu hỏi khó khăn nhất. “Ned, có ai đó muốn hại anh vì lý do nào đó không? Gần đây anh có kẻ thù nào không?” “Anh chẳng nghĩ ra ai cả,” Ned đáp. “Vậy thì, chúng ta sẽ chỉ xem xét những gì mình đã có và thử xem có phát hiện được gì không nhé,” tôi trấn an Ned. Giờ đây ước gì tôi có thể tự trấn an mình, để thoát khỏi suy nghĩ hết sức bi quan rằng chúng tôi gặp chuyện rắc rối rồi. Tôi chở Ned về nhà trước - anh đang rất đói và cần rửa sạch vết thương. Hơn nữa, tôi biết tắm nước nóng sẽ giúp anh khỏe hơn nhiều. Khi chúng tôi đến nhà Ned, Bess nói anh cứ để xe đạp trên mui đi. “Tối nay em sẽ sửa lại sợi xích,” nó nói, “và chắc chắn chiếc xe sẽ sẵn sàng cho cuộc đua ngày mai.” “Với tư cách là đội trưởng, em ra lệnh cho anh phải ăn thật no và ngủ thật ngon,” tôi nói, rồi hôn Ned. “Sáng mai Bess sẽ đến đón anh.” “Đội tiến lên,” Ned gọi với theo khi bước vào nhà. Trông anh có vẻ mệt mỏi, nhưng tôi biết mai là anh sẽ lấy lại phong độ ngay thôi. “Rồi, cho tụi này biết đi Nancy,” Bess hỏi khi tôi de xe ra khỏi đường nhà Ned. “Bà nghĩ thật sự đã có chuyện gì rồi, đúng không? Ai đã làm điều đó với Ned? Và tại sao lại làm thế?” “Tao không biết,” tôi đáp. “Tao tin chuyện Ned nói là gần đây anh ấy chẳng có kẻ thù nào hết.” “Mày có chắc anh ấy sẽ nói nếu thật sự có kẻ thù không?” George hỏi. “Nhỡ có kẻ nào đó rất kinh khủng, mà anh ấy không muốn nói để mày khỏi bị liên lụy? Nếu anh ấy chỉ muốn bảo vệ mày thôi thì sao?” George có lý. Ned không nói dối, nhưng đôi khi anh ấy che giấu sự thật vì tôi. Đây không phải lần đầu tiên Ned đặt sự an toàn của tôi trên cả việc theo đuổi vụ án. Nhưng lần này tôi tin Ned. Điều gì đó trong lòng mách bảo tôi rằng Ned hoàn toàn thẳng thắn. Tôi lắc đầu. “Mày nghĩ con nhỏ Deirdre thế nào?” George nói. “Nó dám liên quan đến những chuyện như vầy lắm, muốn làm tụi mình rối lên trước cuộc đua.” “Tao cũng đã nghĩ về điều đó,” tôi nói. “Và... cũng chưa loại trừ khả năng này.” Tiếp theo tôi thả George xuống, rồi lái xe về nhà Bess, ở cách đại lộ Vernon vài dãy nhà. Bess và tôi khiêng xe đạp của Ned xuống. Hai đứa cùng xem xét sợi dây xích bị đứt. Có thể dễ dàng phát hiện chỗ móc xích đứt trước đó đã bị tháo ra. Và cũng thật dễ dàng để nhận ra chỗ đứt đã bị gọt bớt một phần trước khi được ráp lại như cũ. Cuối cùng, tôi lái xe về nhà. Bà Hannah Gruen, quản gia của gia đình tôi, đã đi ngủ. Khi mẹ mất, bố tôi thuê bà Hannah trông nom ngôi nhà, nấu ăn, và chăm sóc tôi. Nhưng bà còn làm nhiều hơn thế nữa. Bà thật sự đã trở thành một thành viên quý giá trong gia đình nhỏ của chúng tôi. Không phí thời giờ, tôi tắm ngay rồi nhảy lên giường. Ngày hôm nay thật dài và phải mất một lúc lâu tôi mới trấn tĩnh lại được. Hai dòng suy nghĩ cùng lúc bay vèo vèo trong tâm trí tôi: Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra với Ned chứ? và dội tôi đã sẵn sàng cho cuộc đua chưa? Chẳng tìm được câu trả lời nào cả, thế là tôi đành đầu hàng và ngủ thiếp đi. 4. Vào cuộc đua TIẾT TRỜI SÁNG THỨ BẢY đúng như dự báo thời tiết địa phương đã mong đợi: Trời nắng nhưng không nóng, mát nhưng không lộng gió, khô ráo và tuyệt vời. Vừa thức dậy tôi đã gọi ngay cho Ned, và thật nhẹ người khi nghe anh nói đã cảm thấy rất khỏe hơn nhiều và sẵn sàng thi đấu ngay. Tôi tắm, rồi mặc đồ đua vào. Bess đã chọn mấy chiếc quần soóc và áo thun tím sọc xanh lá cây làm đồng phục cho cả bọn. Không phải đội nào cũng chuẩn bị đến mức đó, nhưng có Bess trong đội thì đấy là điều không thể tránh khỏi. Tôi nhét vào ba lô thể thao của mình nào kem chống nắng, nào son dưỡng môi, nào một con dao bỏ túi, lại thêm một cây đèn pin nhỏ, vài cái cặp tóc, điện thoại di động, pin, thuốc xịt côn trùng, và nhiều thứ linh tinh khác. Có điều gì đó mách bảo tôi cầm theo cái huy hiệu Song Sinh tìm thấy trong xe Ned, thế là tôi bỏ luôn nó vào ba lô. Rồi tôi xuống nhà, đi vào bếp. Bà Hannah đính một tờ ghi chú lên cửa tủ lạnh báo tôi biết là bà đã xuống phố. Chẳng là bà đã xung phong nấu phục vụ điểm tâm cho ban tổ chức cuộc đua mà. Mùi thơm của món bánh mỳ chuối bà làm vẫn còn thoang thoảng quanh phòng... trúng phóc, một ổ đang đợi tôi trên bàn bếp kia kìa. Mặc dù tôi không được xếp lịch đua trước ba giờ, nhưng vẫn cảm thấy bồn chồn và phấn khích. Thế nên tôi quyết định xơi một cốc sinh tố đào cùng với một miếng bánh-mỳ-tan-ngay-trong-miệng đặc sản của bà Hannah. Bess đến đón tôi bằng chiếc xe tải nhỏ mà nó đã trang bị đầy đủ cho sự kiện kéo dài hai ngày này. George và Ned đã có mặt trên xe. “Nhanh lên,” Bess gọi tôi. “Tụi mình không muốn lỡ mấy màn chuẩn bị trước cuộc đua đâu.” Tôi nhảy vào ghế sau, rồi cả bọn phóng đi. “Ê, tụi mình có hào hứng quá hay gì gì đó không ta?” George hỏi mọi người. “Tao sẵn sàng bắt đầu cuộc đua này lắm rồi đấy! Tụi mình sẽ cho đội của Deirdre hít bụi.” “Anh sẵn sàng rồi,” Ned nói. “Em cũng vậy,” tôi phụ họa . Chẳng mấy chốc chúng tôi đã vào đến bãi đậu xe ở ngân hàng trung tâm. Vạch xuất phát nằm ở đường Main và đại lộ Highland, ngay phía trước ngân hàng, trên một trong những góc phố nhộn nhịp nhất thị trấn. Tất cả các đường phố trong khu vực đã được giăng dây phong tỏa để tạo lộ trình cho cuộc đua. Những khán đài tạm được dựng ở hai bên vỉa hè cho người hâm mộ cùng những người ủng hộ xem cuộc đua, còn có một sân khấu nhỏ dựng gần vạch xuất phát. Băng rôn vàng và đỏ giăng khắp các cột đèn, đủ kiểu áp phích tự làm với những lời cổ vũ treo đầy trước cửa sổ của các cửa hiệu và quán xá dành cho đội mà họ hâm mộ. Những thành viên trong đội cổ vũ của trường trung học đã chiếm một chỗ trong công viên nhỏ đối diện ngân hàng, không gian tràn ngập thứ âm nhạc sôi động. George, Ned, và tôi dỡ xe đạp xuống bãi đỗ, rồi chạy vài vòng khởi động. Tôi ghét thi đấu trong trang phục mới toanh nên mấy ngày trước đã lôi quần áo thi đấu ra tập vài vòng rồi. Đến sáng thứ bảy này khởi động thì đồ của tôi đã thoải mái tuyệt vời vô cùng. “Ố ồ, xem ai kìa,” tất cả chúng tôi cùng ngước lên khi nghe Bess báo động. Deirdre đang lướt qua bãi đậu xe với vài anh chàng nối gót theo sau. “Có vẻ như đội của cô nàng cũng có đồng phục đấy,” Ned để ý. “Đen sọc xanh da trời.” “Hừm,” George nói, “Đen và xanh. Em thấy thứ đó có vẻ như là điềm báo... là... kiểu kiểu như con DeeDee sẽ phá tanh bành quả xe chiến mới cáu của nó, như nó luôn làm với cái cũ ấy.” “Được rồi, các tay đua, vui lòng tập trung lại đây một lát nào?” giọng ông Ralph Holman dội đến bãi đậu xe. Nghe giọng ông qua loa tay còn rõ hơn cả qua cái micro tại CarboCram hồi đêm qua nữa. “Cứ để xe đạp ở đó và lại gần đây nào,” ông giục chúng tôi. Ông Holman đang đứng trên sân khấu nhỏ dựng tạm. Bên cạnh ông là một cái két sắt ấn tượng, kiểu cổ. Cái két được làm bằng gang đen, với hoa văn trang trí hình xoắn và có hình lá bằng đồng sáng loáng ở các góc. Một người đàn ông mặc đồng phục màu xám đứng phía bên kia cái két sắt. Tất cả các tay đua, cổ động viên và người hâm mộ đến tham dự đều chen chúc nhau để nhìn sân khấu cho rõ hơn. Tôi nhìn các tay đua xung quanh mình, chủ yếu là để xem qua một lượt các đội tranh giải lần này. Tôi biết hầu hết trong số đó, nhưng cũng có vài người chưa từng gặp bao giờ. Hai trong số những gã trai trong đội của Deirdre đang xúm xít cạnh cô nàng, nhưng anh chàng còn lại đã biến đi đâu mất. Tôi nhận ra Malcolm, người lái xe tải của nhóm đó, học cùng trường với tôi. Cậu ta rất cao, mái tóc nâu dài cột đuôi ngựa. Cậu kia thì tôi chưa từng gặp, nhưng hẳn là một trong mấy anh em nhà Jensen. Tóc cậu ta bị mặt trời tẩy cho gần như trắng toát - hay ít nhất tôi cho là như thế. Có vài người mặc áo quần đua đứng ở rìa đám đông mà tôi không biết là ai. Một trong số đó dường như hoàn toàn lạc lõng, cậu ta đang đứng tựa vào một gốc cây và vịn một chiếc xe đạp với những bánh xe to gồ ghề, phanh kiểu tay đòn, ghi đông thẳng, và ba vòng xích. Cậu này hẳn chưa được thấy lộ trình đua bởi vì cậu ta đem theo một chiếc xe đạp leo núi, chứ không phải là xe đạp đua đường trường! “Tôi chắc các bạn đã biết, tiền ủng hộ và tiền quyên góp cho giải đua xe đạp gây quỹ năm nay đã lập một mức kỉ lục.” Giọng ông Holman kéo sự chú ý của tôi trở lại sân khấu. “Chúng tôi nghĩ các bạn sẽ muốn nhìn thấy mình đua vì cái gì.” Nói rồi ông với tay xoay một thanh dài nối với phần giữa của cánh cửa két sắt cổ. Đám đông trở nên yên lặng. Cửa két sắt bật mở nhẹ nhàng. Ông kéo rộng cánh cửa đầy vẻ kịch tính. Mọi người há hốc miệng. Có hàng chồng tiền trong đó - rất nhiều tiền. “Tất cả số tiền mà các bạn thấy ở đây đã được ủng hộ cho Quỹ Mở rộng Trái tim,” ông Holman nói. “Và đặc biệt là, nó sẽ được ủng hộ dưới tên của các bạn.” Ông khoát tay một vòng trước mặt mình, như thể đang cúi chào chúng tôi vậy. “Xin gửi lời chúc mừng đến tất cả những gì các bạn đã làm cho sự kiện tuyệt vời này,” ông nói, “và đến tất cả những gì các bạn sẽ làm trong suốt cuộc đua.” Những lời nói của ông làm tôi thấy rất vui. Đội tôi ôm chầm lấy nhau; rồi cả bọn vung tay lên với một tiếng hô đầy quyết tâm. Tôi dẫn đội mình len qua đám đông để đến chúc năm đội kia thi đấu tốt đẹp. Vài người trong số đó đứng rải rác khắp nơi nên chúng tôi không nói chuyện được hết với tất cả các đối thủ của mình. Deirdre bước tới, cùng với bộ sậu của cô nàng. Tôi nhận ra một trong những cậu chàng đó ngay. “Cậu là Malcolm Price, đúng không?” tôi nói với tay tài xế xe tải bên đó. “Tôi là Nancy Drew.” “Tôi nhớ cậu cũng cùng học ở trường,” Malcolm nói. “Đây là Thad Jensen.” “Đúng rồi,” Deirdre nói. “Tất cả các người đều không biết anh em nhà Jensen chứ gì? Thật ra họ là những tay đua chuyên nghiệp đấy. Họ đã thắng rất nhiều giải thưởng - dĩ nhiên, đối với họ thì cuộc đua này chỉ là vòng khởi động thôi.” Không thèm nói thêm lời nào, Deirdre quay lưng bước đi. Malcolm và Thad mỉm cười, gật đầu chào, nhưng rồi cũng quay gót, lót tót theo sau nữ hoàng của mình. “Nè, bà có cho rằng con nhỏ đó đã đem tới một đối thủ nặng ký không?” Bess hỏi. “Ý tôi là một tay chuyên nghiệp hẳn hoi... một kẻ mà bọn mình thật sự phải gờm ấy.” “Vậy thì đã sao?” George nói. “Tụi mình chọi được tất. Hôm nay tụi mình có thể đấu lại bất kỳ ai!” Nhỏ ôm vai Bess, siết chặt. “Mày chỉ việc lái xe tải thôi. Phần còn lại cứ để tụi chị lo.” “Mọi người có thấy một anh chàng mặc quần soóc đỏ không?” tôi hỏi. “Cậu ta có một chiếc xe đạp leo núi và đứng lẩn quẩn ở phía sau đám đông, dựa vào một gốc cây bên ngân hàng ấy.” “Anh có thấy,” Ned nói. “Ai đó nên báo cho cậu ta biết đây là một cuộc đua đường trường. Cậu bạn đó sẽ thật sự gặp khó khăn khi đua với những chiếc xe đạp chạy đường trường có tốc độ nhanh hơn. Làm gì có chặng leo núi nào trong cuộc đua này chứ.” “Không biết cả đội cậu ta có đua bằng xe đạp leo núi hết không ta,” George nói. Tôi nhìn về phía gốc cây nơi anh chàng quần soóc đỏ đã đứng. Chiếc xe đạp vẫn ở đó, còn cậu ta thì đang hướng về phía sân khấu. Ông Holman đã bước xuống đám đông và đang nói chuyện với vài cổ động viên. Có điều gì đó về chiếc xe đạp leo núi khiến tôi phải suy nghĩ. Anh chàng này nhìn không có vẻ gì là một tay đua đăng ký tham gia một cuộc đua từ thiện cả. Có vẻ như hắn chỉ thui thủi một mình thôi. Vậy các thành viên khác trong đội hắn đâu? Tôi quan sát hắn đi quanh sân khấu vài phút. Ông Holman đã đi khá xa, gặp gỡ và chào mừng mọi người trong đám đông. Anh nhân viên an ninh vẫn còn trên sân khấu, nhưng lại cứ nhìn đâu đâu ấy và hình như chẳng để ý gì đến cái gã quần đỏ đang lởn vởn gần đó. Trong khi tôi quan sát, gã Quần Đỏ đã nhanh nhẹn nhảy lên sân khấu, rồi bước ngay đến cái két sắt. Hắn cúi xuống phía trước cánh cửa để ngỏ, như thể muốn nhìn gần hơn số tiền bên trong két. Tôi bước lại gần để quan sát hành động đó rõ hơn, và đến sân khấu vừa đúng lúc anh nhân viên an ninh mặc đồng phục xám bắt gã Quần Đỏ lùi ra khỏi két sắt với một nụ cười thân thiện. Quần Đỏ nhảy lùi khỏi sân khấu, không nói một lời và đâm sầm vào tôi trong lúc hắn chạy vội đi. Tôi quay lại vừa kịp thấy hắn chộp lấy chiếc xe đạp leo núi và đẩy vội nó đến bãi đậu xe. “Cả cô cũng vậy, thưa cô,” tôi nghe có tiếng nói sau lưng mình. “Đã đến lúc sẵn sàng cho cuộc đua rồi đấy. Tôi đóng két bây giờ đây.” Tôi quay lại phía sân khấu và nhận ra anh nhân viên an ninh đang nói với mình. “Ơ, vâng, anh nói đúng, sĩ quan... ừm... Rainey,” tôi nói, mắt liếc nhìn vào bảng tên của anh ta. “Chắc là anh bận rộn lắm nhỉ, phải bảo vệ tất cả số tiền mặt đó cơ mà.” Sĩ quan Rainey mỉm cười thật ấm áp, nhanh nhẹn gật đầu một cách rất chuyên nghiệp. “A, xin chào,” ông Holman chào tôi khi quay trở lại sân khấu. “Con gái của Carson Drew phải không? Là Nancy, đúng không nào?” “Dạ đúng ạ,” tôi đáp. “Chú thấy cháu cũng là một trong những tay đua hôm nay tranh tài hả,” miệng ông nói, còn tay thì đóng sầm két sắt lại. “Chúc cháu may mắn! Tốt hơn là cháu nên chuẩn bị đi thôi.” Trong khi ông Holman nói, gã Quần Đỏ di chuyển ra khỏi tầm mắt tôi và biến mất. Tôi liếc về phía vạch xuất phát. Những gì trông thấy giật tôi quay về thực tại. Hầu hết những tay đua ở chặng xuất phát của các đội khác đều đã đẩy xe vào vị trí. Tôi nhìn đồng hồ. Tôi đã bị gã Quần Đỏ kia làm cho sao nhãng đến nỗi chẳng nghe thấy tiếng loa gọi tập trung. Cuộc đua sẽ bắt đầu trong mười hai phút nữa. Khi tôi nhìn về phía sân khấu, sĩ quan Rainey và ông Holman đang đẩy két sắt đi. Tôi gấp rút chạy về bãi đậu xe. “George đâu rồi ta?” tôi lẩm bẩm. Nó không có mặt ở vạch xuất phát. Thật ra, tôi chẳng thấy bất cứ ai trong đội mình đứng gần vạch cả, trong khi đó người ra lệnh xuất phát đã cầm súng hiệu sẵn sàng trong tay. Thế rồi tôi thấy đội mình vẫn đang còn ở bãi đậu xe. Mọi người đang tích cực làm việc, dỡ ruột và lốp dự phòng từ xe tải xuống. “Là con Deirdre, tao biết ngay mà,” George cằn nhằn khi tôi chạy đến. “Tất cả các bánh xe đều xẹp lép!” 5. Chuẩn bị, sẵn sàng... dừng lại “CỨ THÁO RUỘT BÁNH SAU RA ĐÃ,” Bess ra lệnh. “Phải đưa chị xuất phát ngay.” “Cả hai bánh xe của George đều bị xì hả?” tôi hỏi, lấy bừa một trong số những ống bơm để bơm bánh xe dự phòng lên. “Ừ,” Ned gật đầu. “Bánh của tất cả mấy chiếc còn lại cũng vậy nốt. Nhưng em biết Bess mà - cô bé có cả đống để dự phòng.” “Đừng nói nữa, bơm đi,” Bess nói. “Bây giờ phải giúp George ra ngoài đó đã! Mấy cái kia tính sau.” “Nancy, tay Evan Jensen gì đó không có mặt lúc mở két sắt đâu,” George nói. “Dám cá thằng khỉ đó đã xì bánh xe tao. Nhưng tụi mình đều biết chính con nhỏ Deirdre mới là đứa giật dây. Phải làm gì đi chứ.” “Tụi mình không thật sự biết chính xác mà, George,” tôi nhắc, “giờ chỉ mới nghi ngờ thôi chứ đã có bằng chứng gì đâu! Tất nhiên tao cũng nghĩ đội của Deirdre muốn đối đầu với tụi mình. Con nhỏ đó luôn luôn đối đầu với tụi mình! Nhưng mình chỉ có thể cảnh giác thôi, và xem xem nó còn định giở trò gì tiếp theo. Bây giờ toàn bộ sự tập trung của mày là phải ở trên đường đua kia.” George đang thật sự rất giận - điều này vừa hay lại vừa dở. Một lượng nhiệt vừa đủ để chống lại đội của Deirdre sẽ khiến George thi đấu quyết tâm hơn. Nhưng tôi không muốn nó quá giận đến nỗi quên mất mục tiêu thực sự: mang về nhà số tiền ủng hộ cho Quỹ Mở rộng Trái tim. “Cứ tập trung vào việc sáng nay đã,” Ned bảo George. “Và đừng phí năng lượng vào việc nghĩ cách bắt Deirdre phải trả giá làm gì.” “Đúng vậy,” tôi đồng ý. “Thế nào Deirdre cũng sơ xuất thôi. Nhỏ đó luôn luôn có sơ xuất. Lúc đó tụi mình sẽ tóm nó ngay. Còn giờ thì cứ cảnh giác thôi.” Có Bess là thợ máy chính của đội nên chỉ sáu phút sau chúng tôi đã sẵn sàng bước vào cuộc đua. Bess, Ned, và tôi phụ lắp giỏ xe - những cái giỏ bằng nhựa tái chế - vào giá ở bánh sau xe của George. Rồi ba đứa cùng hộ tống nó dắt xe đạp đến vạch xuất phát. “Để duyệt lại một lần nữa ha,” tôi đề nghị trong lúc chờ đợi hiệu lệnh bắt đầu. “Đây là cuộc đua tiếp sức, cho nên mỗi đứa bọn mình sẽ đảm nhận một ca trong hôm nay và trong ngày mai. George, mày sẽ đua từ mười giờ đến giữa trưa hôm nay. Bess, Ned, và tao sẽ lái xe tải theo sau bà, cần gì thì cứ báo tụi này hay.” Tôi kiểm tra lại di động của George trong cái giỏ nhựa nó gắn đằng sau yên xe. George gõ gõ màn hình vi tính trên xe đạp của mình - giống như những cái mà nó đã gài vào tay lái của tất cả chúng tôi. Ngay lập tức bản đồ lộ trình đường đua hiện trên màn hình. “Em đúng là thiên tài đấy,” Ned cười toe toét. “Có vẻ như tao đã có đủ mọi thứ mình cần cho hai tiếng đồng hồ tranh đua rồi,” nó nói. “Còn tụi này luôn sẵn sàng trực chiến,” Bess nói với cô chị họ của mình. “Được rồi.” Tôi tiếp tục. “Đúng giữa trưa tụi tao sẽ ra hiệu cho mày ngừng lại. Nhớ là có hệ thống GPS cho nên sẽ phải rất chính xác về giờ giấc đấy. Bọn mình chỉ có một tiếng để ăn trưa thôi.” “Thức ăn đã chuẩn bị đâu vào đấy rồi, và món nào cũng ngon hết,” Bess hứa hẹn. “Anh Ned sẽ đảm nhận ca thứ hai từ một giờ trưa đến ba giờ chiều. Rồi đến lượt tao từ ba giờ đến năm giờ. Đúng năm giờ bọn mình sẽ nghỉ tối. Tao sẽ cố hết sức để bọn mình được dựng trại ở một nơi lí tưởng,” tôi nói kèm theo một nụ cười. “Nhớ nhé, hôm nay sẽ là một ngày rất vất vả - đến mai mỗi đứa chỉ phải chạy một tiếng thôi và cuộc đua sẽ kết thúc vào khoảng trưa.” Tôi nhìn bản đồ. Lộ trình nằm dọc theo một vài con đường ở bên trong và xung quanh River Hights, có cả một số con đường của những thị trấn lân cận nữa. “Có lẽ tụi mình sẽ cắm trại dọc theo hồ Thiên Nga,” tôi đề nghị. “Tuyệt vời,” Ned nói, nhìn vào bản đồ của mình. “Tụi mình có thể làm được đấy.” “Được rồi, mọi người, bắt đầu thôi,” tôi nói. “George, tao biết mày sẽ khởi đầu thật tuyệt vời cho coi.” Bọn tôi đưa nó ra vạch xuất phát với một tràng hò reo cổ vũ, rồi nó vào vị trí của mình cùng với năm tay đua khác. “Deirdre cử Thad đua đầu tiên,” Bess lưu ý trong khi chúng tôi quay lại chỗ xe tải. “Tôi thậm chí còn chưa gặp em trai của cậu ta nữa - cái cậu chàng Evan Jensen hay lảng tránh đó,” tôi nói. “Xe tải của đội Deirdre sẵn sàng lăn bánh rồi kìa,” Ned nói, “vậy chắc cậu ta đã có mặt trong xe rồi. Anh tự hỏi không biết con bé đó sẽ cử ai đua vòng kế tiếp.” “Deirdre chẳng phải là tay đua chạy nước rút thực sự đâu,” tôi đáp, “cho nên rất có thể nó sẽ đấu với anh. Rồi Even sẽ chạy nước rút hai giờ cuối.” “Bà có thể chọi với Evan, Nancy à,” Bess nói. “Bà là người giỏi nhất. Đi nào - lên xe thôi. Từ đó tụi mình vẫn có thể thấy vạch xuất phát đấy.” Tôi đạp xe khá tốt, nhưng tôi biết mình sẽ tự tin hơn về khả năng giành lấy thành công trong cuộc đua này khi tôi thực sự được thấy đối thủ. Tiếng súng của người ra lệnh xuất phát nổ giòn, và sáu tay đua lập tức vọt khỏi vạch xuất phát. Thad Jensen lao lên trước hết, đôi bàn chân cậu ta nhấn bàn đạp liên hồi. Sáu chiếc xe tải cùng nổ máy và chạy theo sáu tay đua. Thời tiết vẫn rất tuyệt vời, chỉ khoảng hai mươi độ. Mặt trời gần như luôn được giăng phủ bởi những cụm mây trắng như bông, còn không khí thì khô ráo, ít ẩm. Hầu hết lộ trình đã được phong tỏa để phục vụ cuộc đua nên chúng tôi chẳng phải lo gặp trở ngại gì với các phương tiện giao thông khác. Bess điều chỉnh xe ở tốc độ tiết kiệm xăng, và chúng tôi dựa lưng vào ghế ngồi nhằm nghỉ chân hai tiếng đồng hồ. “Anh có nhớ thêm gì về những chuyện đã xảy ra với anh hôm qua không?” tôi hỏi Ned. “Bất cứ điều gì, chẳng hạn như có ai đó lởn vởn quanh chỗ anh đậu xe đạp trong bãi xe trường đại học ấy?” “Anh biết ngay là em sẽ hỏi câu đó mà, Nancy,” Ned nói, và choàng nhẹ tay qua vai tôi. Chúng tôi có một trong những chiếc xe tải rộng rãi dễ chịu nên cả ba có thể cùng ngồi ở băng trước với nhau. “Tối qua, lúc đi ngủ, anh đã điểm lại mọi thứ trong đầu mình,” Ned tiếp tục, “và anh chẳng hiểu gì hết. Điều duy nhất anh có thể đảm bảo là đã kéo cần thắng khẩn cấp rồi.” “Bess và em đã kiểm tra lại xích xe đạp cho anh, hình như có một vài mắt nối của sợi xích đã bị mài mòn rất đáng ngờ. Cộng thêm chuyện cái ô tô bị đẩy xuống sông một cách bí ẩn... chà, không hay chút nào đâu.” “Nè, phải tính thêm vụ mấy cái bánh xe xẹp sáng nay nữa chứ,” Bess nói. “Chính xác,” tôi tán thành. “Tụi mình cần phải cảnh giác trong suốt cuộc đua này mới được.” Bọn tôi nói thêm một chút về vụ có kẻ nào đó đã phá mấy cái ruột xe đạp của đội tôi sáng nay. Thế nhưng, lại một lần nữa, dường như chẳng có ai thật sự chứng kiến bất cứ hành động khả nghi nào. “George nói đúng,” Bess nói. “Chắc chắn là Evan Jensen. Chắc chắn là do con nhỏ Deirdre giật dây, vì lúc đó chẳng thấy tăm hơi thằng Evan đâu cả.” Tôi đồng ý với Bess, nhưng không nói gì thêm. Bọn tôi có thể dự đoán bao nhiêu tùy ý, nhưng đã không có chứng cứ thì cũng chẳng làm gì được ai. George đạp xe với phong độ tài tình như thường lệ, và đến mười một giờ ba mươi thì nó và Thad đã ở sát nách nhau. Hai người thay phiên dẫn đầu, nhưng trong vài phút cuối cùng thì George đã bứt lên trước. Khi tất cả các đội dừng lại ăn trưa, đội tôi đã vượt lên được khoảng sáu trăm mét. Ned, Bess, và tôi ùa ra khỏi xe, lao tới chúc mừng George. Con bé đang nằm trên một khoảng đất dốc nhiều cỏ, gần một khu vực cây cối um tùm. Xe đạp của nó nằm kế bên, nan xe vẫn còn quay nhè nhẹ. “Chị thành công rồi!” Bess sà tới bên George, vui sướng kêu to. “Bọn mình là Số Một!” George gật đầu, rồi nhỏm dậy. Trông nó tràn trề sinh lực, nhưng đã sẵn sàng nghỉ giải lao. Trong khi George kiểm tra lại xe đạp, Ned duỗi người khởi động, còn tôi giúp Bess sửa soạn thức ăn trưa. Bess đã chuẩn bị một bữa thịnh soạn cho chặng đua đầu tiên. Sau bữa ăn trưa với mỳ trộn, sandwich rau, cùng vài thanh ngũ cốc, chúng tôi điểm lại chiến thuật thi đấu. Xe tải của Deirdre đậu đằng sau, cách một khoảng bằng nửa sân bóng. Chúng tôi có thể thấy cả bốn thành viên trong đội ấy ngồi dưới một cây to, ăn uống trong bộ đồng phục đen-xanh. Cả đám nằm soài trên một tấm bạt lớn màu xanh. “Vậy là Thad làm em phải vất vả đấy nhỉ,” Ned nói, “nhưng đến lúc quan trọng em cũng bứt lên được.” “Thằng ấy nhìn vậy mà cũng khá ra phết đấy,” George nói. “Chắc Deirdre sẽ đua vòng tiếp theo. Nhưng anh xử lý được nó thôi. Chỉ cần nhớ là đừng cho nó núp gió quá nhiều. Con nhỏ đó chắc chắn biết quy tắc đua, nhưng em đảm bảo với anh là nó sẽ chẳng làm theo đâu. Và thế có nghĩa là nó sẽ chẳng có đủ tự trọng để tách ra mà cứ để anh chắn gió cho nó đấy. Anh cũng biết Deirdre là một đứa cơ hội mà, phải coi chừng nó đấy.” “Cám ơn em,” Ned nói, đưa bánh cho George. “Anh sẽ cố bảo toàn phần khởi đầu đáng nể của em mà.” Rồi anh ăn vội, xong lấy xe đạp chạy vài vòng khởi động. “Ước gì tao có chút manh mối về Evan Con ma Xe đạp thì hay quá,” tôi nói với George và Bess. Tôi cắn một miếng bánh và thình lình thấy Deirdre cùng đội quân của con nhỏ đang tiến về phía chúng tôi. Vì bị chói mắt nên lúc đầu tôi không nhìn được rõ tất cả. Dĩ nhiên là Deirdre dẫn đầu đoàn diễu hành - và Thad đi ngay sau con nhỏ. “Chào, Deirdre,” tôi nói, nuốt vội nắm rau mầm chưa kịp nhai. “Này, Thad, cậu làm George của bọn này chạy khá vất vả đấy!” “Tôi không phải Thad,” cậu thanh niên trả lời. “Đây là Evan Jensen,” Deirdre nói, “anh em sinh đôi với Thad.” “Sinh đôi hả? Vậy cậu có giỏi như ông anh không?” tôi hỏi. Thật ra tôi chỉ hỏi cho có lệ trong khi trí óc đang cố suy nghĩ về một vấn đề khác. Tôi nghĩ đến cái huy hiệu nho nhỏ đã tìm thấy dưới ghế xe Ned. Tôi thậm chí không nghe câu trả lời của Evan, vì còn đang cố nghĩ ra câu chất vấn tiếp theo. “Tôi có một đứa bạn cực thích tử vi,” tôi lên tiếng ngay khi Evan ngưng nói. “Cậu ấy nói rằng trong cung Song Sinh có nhiều cặp sinh đôi hơn bất kỳ cung nào khác. Còn anh em cậu thì sao?” “Ừ, bọn tôi cũng vậy,” Thad nói, bước tới nhập hội với đội mình. “Bọn tôi cũng thuộc cung Song Sinh.” “Đây đã vận động được hàng tấn tiền ủng hộ,” Deirdre nói, dẫn cuộc đối thoại trở lại đề tài yêu thích của mình: bản thân nó. “Đây và đội của đây sẽ phá tất cả các kỷ lục trong cuộc đua này. Không những sẽ phá kỷ lục về thời gian mà còn thiết lập một kỷ lục mới về số tiền quyên góp và tiền ủng hộ.” “Ông Holman đã nói là tất cả các khoản tiền ủng hộ đều nhiều hơn mọi năm rồi,” Bess nói. George đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt Deirdre. “Nè, một mình Bess không thôi đã thu được...” “Rồi, rồi, rồi, chắc là tất cả các người đã thu được rất nhiều,” Deirdre ngắt lời. “Nhưng không ai có được một cổ động viên hào phóng như bố đây đâu. Ông đã đồng ý tặng thêm một ngàn đô vào tổng số thưởng nếu bọn đây thắng.” “Và tụi này chắc chắn sẽ thắng,” Malcolm nói, tiến lên phía trước vài bước. “Ngày mai tôi sẽ tăng tốc chiếc xe tải chỉ để bám sát Deirdre. Cậu ấy sẽ đưa cả đội qua vạch đích trong khi các người chỉ mới chạy đến rìa thị trấn thôi!” “Deirdre đua nước rút ấy hả?” George nói. “Kinh ngạc nha.” Geogre ngồi phịch xuống bãi cỏ. “Chính thế,” Deirdre nói. “Đây đã tập với một huấn luyện viên riêng trong sáu tháng. Nancy à, có vẻ như cậu sẽ gặp phải đối thủ cạnh tranh thực sự ở vòng cuối rồi đấy.” Như thường lệ, con nhỏ này cứ thế bỏ đi mà không thèm đợi nghe câu trả lời của người khác. Tôi không dám nhìn đội mình. Tôi đang vận dụng toàn bộ sức mạnh ý chí của mình để nín cười. Và biết rằng nếu nhìn Bess và George lúc này, tôi sẽ thấy cùng một sự khổ sở y như nhau trên mặt họ. Cuối cùng tôi nghe tiếng Bess cười khúc khích vào khăn ăn, thế là cả bọn cùng phá lên cười. “Deirdre, chạy nước rút!” George nói, đứng dậy và bắt đầu đi tới đi lui. “Không đời nào.” “Tôi không cần biết anh em nhà Jensen giỏi cỡ nào,” Bess nói. “Họ sẽ không đời nào có cơ đánh bại được tụi mình đâu.” “Nhân nói về anh em nhà Jensen,” tôi nói, “tụi mày có ai thấy hai anh em nhà đó có gì thú vị không?” “Ý bà là sao?” Bess hỏi. “Khoan đã... bọn họ là anh em sinh đôi!” “Và?” George hỏi. Rồi ngừng hẳn việc đi lui đi tới. “Cung Song Sinh!” Bess kêu lên. “Nhớ cái huy hiệu tao tìm thấy dưới ghế ngồi trong xe Ned không?” tôi nhắc George. “Bằng chứng!” George nói. “Nếu tụi mình có thể kết nối một trong hai anh em nhà Jensen với cái huy hiệu đó thì, phải, đó có thể là bằng chứng của việc một trong hai thằng này đã vào xe Ned,” tôi đồng ý. “Nhưng ưu tiên nhất của tụi mình bây giờ là cuộc đua. Giờ hãy tập trung vào nó đã. Điều tốt nhất có thể làm để cho đội Deirdre thấy rằng nỗ lực loại tụi mình ra khỏi cuộc đua của bọn nó sẽ là...” “Phải hạ gục bọn nó ở vạch đích!” Bess tuyên bố. “Có vẻ như ông Shannon đã đặt một ván an toàn đây,” George nói thêm, trong lúc thu gom thức ăn thừa. “Một ngàn đô góp thêm của ông ấy chẳng mất đi đâu cả.” Chúng tôi có mười ba phút để dọn dẹp khu cắm trại và chuẩn bị quay lại đường đua. Điều quan trọng là chúng tôi không được bỏ phí giây phút nào mà ban tổ chức đã quy định cho phần đạp xe. Chúng tôi phụ Ned chuẩn bị xe đua sẵn sàng, và anh bước vào vị trí của mình trên mép đường. Trong khi chất đồ lên xe tải, chúng tôi thấy Evan Jensen bước vào vị trí phía sau chúng tôi. Cuối cùng George, Bess , và tôi vào xe tải. George duỗi người trên ghế sau tranh thủ chợp mắt một chút, Bess với tôi có cả dãy ghế trước rộng rãi. “Đi nào,” tôi nói. “Tao muốn bọn mình lên đường trước xe Deirdre.” “Nghe rồi,” Bess nói, xoay chìa khóa khởi động. Không có gì cả ngoài tiếng cách của chìa khóa xoay trong ổ. Tôi nhìn Bess xoay chìa khóa một lần nữa. Không có gì cả. “Ê, chuyện gì vậy?” George uể oải lầm bầm từ ghế sau. “Lên đường thôi.” “Không hay rồi,” Bess nói, rút chìa khóa ra khỏi ổ. Nó ngả người phịch xuống ghế. “Máy không nổ.” 6. Charlie biết điều bí mật “SAO VẬY, BESS?” TÔI HỎI. “To chuyện rồi,” Bess trả lời, rồi vọt ra ngoài, chạy tới trước đầu xe, dựng capo lên. George và tôi cùng xuống phụ một tay. Tôi cũng săm soi phía trong, mặc dù thật tình làm như vậy cũng chẳng giúp tôi biết được gì hơn. Bess mới là thợ máy của đội. “Biết ngay mà,” Bess nói ngay. “Mất tiêu cái nắp đậy bộ chia điện rồi.” Bess luôn khiến người ta khâm phục mỗi khi đụng tới xe cộ - hay bất cứ thứ gì liên quan tới máy móc. Nó trông như mấy đứa con gái mà ngay cả cái nắp đậy bộ chia điện với cái nắp trục bánh xe khác nhau thế nào cũng chẳng phân biệt được. Ấy vậy mà nó lại biết rất rõ. Nếu nó đã nói là mất nắp đậy bộ chia điện thì bạn cứ tin chắc đúng là vậy như thật. “Tao cá là mấy thứ đó không thể dự phòng được, đúng không,” tôi nói, rồi lôi điện thoại ra nhấn số năm. Ai cũng cười khi biết tôi cài số điện thoại của Charlie ở chế độ gọi nhanh. Nhưng đó luôn là một ý hay. Và hôm nay thì đó quả là một ý rất tuyệt vời. “May quá, Charlie đang ở tiệm. Cậu ấy sẽ đến ngay.” Tôi nhìn đồng hồ. “Được rồi, ba mươi giây nữa là một giờ. Đến lúc tụi mình đếm ngược thời gian cho Ned rồi đấy. Chớ để anh ấy biết chuyện xe cộ nhé.” “Chẳng phải anh ấy nên được biết là đang có chuyện gì sao?” Bess hỏi. “Không. Chưa cần đâu,” tôi trả lời. “Không phải vào lúc bắt đầu chặng đua này. Anh ấy cần tập trung hoàn toàn vào việc đánh bại Evan Jensen. Tôi không muốn anh ấy sao nhãng khỏi việc đó.” “Mà biết chuyện cái nắp bị mất thì Ned cũng có làm gì được đâu,” George nói thêm. “Chính xác,” tôi tán thành. “Nếu Charlie đến nhanh, tụi mình có thể tiếp tục lên đường ngay, và Ned thậm chí còn không biết đã có chuyện rắc rối gì. Còn nếu chẳng may bị kẹt ở đây lâu thì gọi báo sau cũng được mà.” Chúng tôi chạy đến mép đường chỗ Ned đang ngồi trên xe đạp, giữ thăng bằng bằng cách chống chân trái xuống đường. “Mười chín... mười tám... mười bảy...” tôi đếm. Hai bên thái dương tôi rộn lên liên hồi khi anh chúi người về phía trước. Đột nhiên có gì đó hiện lên trong đầu tôi. Cái nắp đậy bộ chia điện phải chăng cũng là trò chơi khăm của đội Deirdre? Nếu bọn ấy có thể làm trò đó ngay trước mắt tụi tôi thì liệu chúng có làm gì với cả xe đạp của Ned không? Còn sợi xích gãy hôm trước, rồi vụ xe hơi nằm ở mép sông nữa? Chơi khăm hay tội ác? Chơi xấu hay tấn công? Nếu đã làm được mấy thứ đó, liệu bọn nó còn có thể nghĩ ra chuyện gì nữa đây? “Mười... chín... tám...” Tôi lắc đầu, xua đi nỗi lo lắng. Ned đã kiểm tra xe từ đầu tới cuối rồi, không có vấn đề gì. Bess thậm chí cũng đã kiểm tra rồi mà. Bấy nhiêu là đủ. Như thể đọc được suy nghĩ của tôi, Ned liếc sang cùng với một nụ cười chiến thắng và giơ ngón cái lên. “Ba... hai... một!” Anh đạp đi ngay lập tức, không hề ngoái lại nhìn. Bess, George và tôi chạy ra lòng đường cổ vũ với một tràng hò reo hồ hởi. Chúng tôi nghe một tiếng la vang dội sau lưng mình. Tôi quay lại nhìn đúng lúc Evan Jensen lao về phía trước. Tôi đẩy Bess và George lên bãi cỏ, rồi nhảy theo sau hai đứa. Sau đó khoảng sáu trăm mét, Deirdre, Malcolm, và Thad vẫn đang vừa reo hò vừa chạy về xe tải. “Thằng ngốc đó thậm chí còn không thèm lách qua tránh tụi mình nữa!” George nói. Với một tiếng gầm, xe tải của Deirdre lao đi. Deirdre, Malcolm, và Thad vẫy tay cười khi bọn nó chạy ngang qua chúng tôi. “Bọn khỉ đó biết xe tụi mình không chạy được,” George lầm bầm. “Bởi vì chính bọn nó giở trò mà!” “Ít nhất mười lăm phút nữa Charlie mới đến đây,” tôi nói. “Thật không thể chịu nổi nếu cứ phải đứng đợi thế này. Tôi đi kiểm tra xe đạp đây.” “Đúng đấy,” George nói. “Nếu bọn nó quậy xe tải được thì xe đạp chắc cũng dính lắm - mà hồi sáng bọn khỉ đó